Ngày 21-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
“Hãy Chiến Đấu Để Qua Được Cửa Hẹp Mà Vào”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:47 21/08/2019
Chúa Nhật 21 Thường Niên C

Tin Mừng hôm nay nói đến hình ảnh cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước Trời.

Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nỗ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.

Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay nói về cửa vào Nước Trời tuy hẹp nhưng không chật mà vẫn rộng thênh thang.

1. Cửa hẹp mà không chật

Trong bài đọc 1, Tiên tri Isaia trình bày ý định của Thiên Chúa là muốn qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia thành một dân duy nhất tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài. Điều kiện phải có là lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.

Tác giả thư Do thái trong bài đọc 2 viết rằng: vì những ai được Chúa thương thì Ngài sẽ nhận làm con. Chúa thương ai thì mới sữa dạy người ấy và có nhận ai làm con mới cho roi cho vọt. Điều kiện là vâng nghe Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Ngài khiển trách.

Bài Tin Mừng nói đến sự nỗ lực suốt hành trình đức tin. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi vào nhà Chúa Cha và được tham dự Bàn tiệc Thiên quốc. Không phải ai muốn vào cũng được. Cửa hẹp, muốn vào cần phải nỗ lực. Nỗ lực sống thực thi ý Chúa, nỗ lực trung thành với niềm tin của mình, nỗ lực sống tình bác ái yêu thương.

Bất luận là ai cũng có thể được vào Nước Trời, miễn là phải cố gắng. Người ta sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả là do nỗ lực và thành tâm thiện chí của mỗi cá nhân; không do định mệnh, không do đặc quyền đặc lợi, cũng không có chế độ ưu tiên nào, chỉ có sự tự do và quyết tâm đi vào của mỗi người trong đức tin mà thôi.

2. Nước Trời rộng, muốn vào phải có điều kiện

“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời” (Mt 7,14). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, cái tôi nặng nề vì những thu tích cá nhân, cái tôi phình to vì tự hào và kiêu căng đầy tham vọng.

Thật ra cửa vào Nước Trời rộng thênh thang, không phải là cửa hẹp, nhưng hẹp vì “cái tôi” của ta quá to lớn cồng kềnh. Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người có thể vào được, vì vào Nước Trời cần phải có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu. Cần nỗ lực liên tục để cắt xén “cái tôi” của mình, để giữ cho “cái tôi” của mình trở nên bé nhỏ, khiêm hạ trước Thiên Chúa và cởi mở trước anh em.

Cái tôi của ta luôn có khuynh hướng phình to vì những thu tích cho chính mình: tri thức, tiền bạc, khả năng... Cả những kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ… cũng có thể làm cho “cái tôi” của ta trở nên xơ cứng và phình to.

Phải trở nên nhỏ bé như trẻ thơ thì mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). Cần phải biến đổi và tự hạ để có thể vào được Nước Thiên Chúa (Mt 18,3-4). Quả thật, đời sống người Kitô là một cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ, một cuộc chiến đấu liên lỉ với chính mình. Khi ta cắt xén “cái tôi” của mình, khi ta tự hủy thân phận của mình, ta sẽ dễ dàng đi qua cửa hẹp, để bước vào cuộc sống hạnh phúc đời đời trong Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng chính là “Cửa” để ta bước vào Nước Trời.

Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu:
Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình sâu thẳm: Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã tự nguyện để bị đối xử như một tội nhân.

Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ: Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Trong cuộc tử nạn, Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Chúa Giêsu đã khai mở con đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã bước qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người, phải phấn đấu để khiêm tốn hạ mình, phải từ bỏ cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa (theo Radio Veritas).

3. Cửa hẹp dẫn vào Nước Trời mênh mông

Thiên Chúa đến với con người qua khung cửa hẹp.Thiên Chúa sai Con Một xuống thế làm người hiến thân chịu chết khổ đau trên thập giá vì loài người và để cứu rỗi muôn người. Thiên Chúa chọn con đường hẹp để mở lối vào khung trời bao la của tình thương. Tình thương cao cả cúi xuống với thân phận thấp hèn của con người. Sau cửa hẹp là tình thương rộng lớn của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Đức Giêsu đã qua. Con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua khung cửa hẹp. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Đức Giêsu hạ mình xuống và bé nhỏ đi. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Vấn đề không phải là khung cửa hẹp mà chính là bản thân mình quá cồng kềnh với những thứ danh vọng chức quyền tiền bạc. Chấp nhận thanh tẩy cần thiết, trút bỏ vướng víu để nhẹ nhàng qua khung cửa hẹp mà đến với sự sống đời đời. Sau khung cửa hẹp là tình thương đẹp ngời Thiên Chúa mở ra cho vận mệnh con người.

Cửa Nước Trời không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh. Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa mang tính thần thiêng. Sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật.Vào cửa hẹp phải đi qua một mình, từng người một.Bước qua cửa hẹp là giữ và sống lời Đức Giêsu và giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian.Cửa hẹp nên để qua phải hy sinh, vất vả. Đứng trước cửa hẹp, ai lại không ngần ngại, ai dám khẳng định con đường cứu độ thật dễ dàng, ai dám tự hào về thành công bản thân?

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Lối vào dẫn tới nguồn vui vẻ và hạnh phúc đời đời.

“Cửa” dẫn đến hạnh phúc thì “hẹp” vì để đi tới đó chỉ có một Con Đường là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất (x. Cv 4,12) và vì con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại chính là con đường thập giá. Đi con đường thập giá với Chúa Kitô chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đến giọt máu cuối cùng.

Đường vào Nước Trời không rộng thênh thang để người ta tha hồ thoả mãn những đam mê tội lỗi. Trái lại đó là cả một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam. Để đạt chiến thắng cuối cùng trong ngày cánh chung, phải chiến đấu từ bây giờ trong cuộc sống hiện sinh này.

Hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu chống lại ma quỷ: “…binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,… lưng thắt đai là chân lý,… mang áo giáp là sự công chính,.. chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng,… cầm khiên mộc là đức tin,… đội mũ chiến là ơn cứu độ,… tay cầm gươm của Thần Khi, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,10 17).

Lạy Chúa, xin cho con biết nỗ lực chiến đấu không ngừng để quyết đi qua cửa hẹp là hy sinh, thương xót, phục vụ và sẻ chia hầu đem lại cho con hạnh phúc, bình an và Nước Chúa ngay đời này và đời sau. Amen.

 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 21C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:51 21/08/2019
Chúa Nhật 21 THƯỜNG NIÊN. C
(Lc 13: 22-30)
CỬA HẸP


Nước Trời cửa hẹp bước vào,
Lãnh ơn cứu độ, thiên cao rạng ngời.
Bao người mong ước lên trời,
Thực hành sống đạo, vâng lời dậy khôn.
Thênh thang thỏa chí dập dồn,
Ngang qua cửa rộng, dủ hồn về đâu.
Cửa trời đóng lại đêm thâu,
Đứng ngoài mà gõ, biết đâu thăm dò.
Thưa rằng ăn uống đầy no,
Trước thềm nhảy múa, hát hò có hay.
Công trường giảng dạy hằng ngày,
Nào Ta có biết, dân này là ai?
Hỡi người gian ác ngoại lai,
Lui ra tránh mặt, họa tai tới gần.
Sầu đau khóc lóc cơ bần,
Nghiến răng nghiến lợi, tinh thần xót xa.
Những người khách lạ phương xa,
Đông Tây Nam Bắc, thật là thần dân.
Được mời dự tiệc ân cần,
Cửa Trời rộng mở, dự phần phúc ân.

Chúa Giêsu nói cùng dân chúng rằng: Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp. Muốn vào bất cứ nơi nào, chúng ta phải đi qua cửa. Cửa dẫn lối chúng ta vào nơi chúng ta ưa thích. Có cửa dẫn đến sự sống và có cửa dẫn vào sự chết. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy vào cửa hẹp, có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận đi vào cửa với nhiều cố gắng hy sinh. Vì qua cửa hẹp, nên chúng ta phải vứt bỏ lại những lỉnh kỉnh và rườm rà của cuộc sống.

Nơi đâu cũng có cửa để đi qua và bước vào. Muốn vào một quốc gia hay một nước nào, chúng ta phải đi qua cửa khẩu. Vào trong một tòa nhà chúng ta cũng phải qua cổng và rồi qua cửa. Nhà của chúng ta cũng có cửa ra vào. Muốn gia nhập vào một tôn giáo nào, chúng ta cũng phải qua nghi thức nhập đạo, gọi là qua cửa. Vào cửa chúng ta phải chấp nhận những thủ tục, luật lệ và đường lối của nơi đó. Người ta nói nhập gia tùy tục là thế.

Gia nhập vào đoàn chiên của Chúa, chúng ta phải qua cổng chuồng chiên. Chúa Giêsu chính là cửa. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào đoàn chiên của Chúa. Chúng ta được dìm xuống nước, chết đi cho tội và được sống lại cùng với Chúa Kitô. Theo Chúa Kitô, chúng ta đang đi vào cửa hẹp. Vào cửa hẹp là chấp nhận đau khổ và thập giá. Cửa hẹp khó đi và có giới hạn, nhưng sẽ dẫn chúng ta tới nguồn ban sự sống.

Cửa rộng thênh thang sẽ đưa dẫn chúng ta dần xa Chúa. Cửa rộng mở cho chúng ta tới mọi thứ hưởng lạc và thú vui trần thế. Cửa rộng sẽ đưa chúng ta đi quanh quẩn không có cùng đích. Đó là nơi của sự dữ và bóng đêm của ma qủy. Cửa rộng rãi là nơi làm việc và hưởng lạc của qủy dữ.

Truyện kể: Có ba anh qủy thực tập xuống trần gian để cám dỗ con người. Qủy cả hỏi: Có kỹ thuật nào các anh dùng để đưa con người vào đường tội lỗi. Anh thứ nhất nói: Tôi dùng phương pháp cổ điển. Tôi sẽ nói với họ: Không có Thiên Chúa và cứ việc phạm tội như họ muốn. Anh qủy thứ hai nói: Tôi muốn dùng sự ảnh hưởng của trí khôn suy nghĩ. Tôi sẽ nói với người ta: Không có hỏa ngục đâu. Cứ phạm tội đi, không sao cả. Anh qủy thứ ba nói: Tôi muốn dùng cách đơn giản hơn và tế nhị. Tôi sẽ nói rằng: Đừng vội chi cả, cứ phạm tội đi. Bạn có thể sám hối và trở nên tốt sau này, bạn còn nhiều thời gian mà.

Theo Chúa là bước vào cửa hẹp. Chúng ta có Chúa dẫn đường, chúng ta không sợ bị lầm lạc. Chúa nói rằng: Hãy gõ thì sẽ mở cho. Gõ cửa nhà Chúa, Chúa sẽ mở cho chúng ta, nơi đó chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui hoan lạc muôn đời.

THỨ HAI, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(Mt 23, 13-22).
LỜI THỀ


Giả hình trống rỗng nội tâm,
Nước Trời đóng cửa, dẫn lầm lối đi.
Mấy thầy Luật Sĩ thực thi,
Đọc kinh ngoài miệng, thầm thì bên trong.
Nhóm người Biệt Phái suy vong,
Thu gom tài sản, trong lòng tham lam.
Nặng lời chê trách việc làm,
Dẫn đường mù quáng, xác phàm bê tha.
Rao truyền lạc giáo tà ma,
Thi hành phán đoán, chìm sa lỗi lầm.
Lời thề sai lạc tự tâm,
Đền thờ, vàng bạc, trổ mầm dối gian.
Chúa thường răn dậy khuyên can,
Chữ tâm trọng đạo, thiên nhan sáng ngời.
Tin mừng loan báo trong đời,
Tà tâm giả dối, mọi người tránh xa.

THỨ BA, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(Mt 23, 23-26).
CÔNG BÌNH


Thập phân nộp thuế cho Đền,
Giả nhân giả nghĩa, dựa trên thuế phần.
Bạc hà đáng giá bao lần,
Công bình chính trực, điều cần thực thi.
Nhân từ rộng lượng từ bi,
Lòng tin thiết yếu, phát huy trong đời.
Các Thầy Luật Sĩ theo thời,
Giả hình Biệt Phái, dụ khơi lỗi lầm.
Dẫn đường lầm lạc tà tâm,
Lạc đà nuốt trửng, lặng câm đui mù.
Bên ngoài rửa sạch trùng tu,
Gian tham nhơ bẩn, giao du tội tình.
Bên trong tâm trí lòng mình,
Tâm hồn tinh sạch, an bình phúc ân.
Chu toàn trách nhiệm nhân trần,
Nội tâm thanh khiết, canh tân lòng người.

THỨ TƯ, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(Mt 23, 27-32).
HÌNH THỨC


Tô vôi mồ mả bên ngoài,
Thoáng nhìn tốt đẹp, phôi phai lòng người.
Giả hình Luật Sĩ ở đời,
Khốn thay Biệt Phái, đầy vơi khó lường.
Bên trong gian ác vấn vương,
Xây mồ đắp mả, hoa hương cúng đàn.
Trang hoàng sơn phết than van,
Cha ông lỗi phạm, xóa tan lỗi lầm.
Một thời đổ máu ác tâm,
Những người công chính, âm thầm chết oan.
Các người chứng thực đa đoan,
Là con là cháu, kết đoàn phục hưng.
Tiên tri bị giết tự xưng,
Xưa nay thù oán, không ngừng rút tay.
Sống đời gian dối mê say,
Cha truyền con nối, đong đầy gian tham.

THỨ NĂM, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(Mt 24, 42-51).
TỈNH THỨC


Sẵn sàng tỉnh thức đợi chờ,
Các con không biết, ngày giờ trước sau.
Đón chờ Chúa đến lâu mau,
Không ai biết được, nỗi đau khó lường.
Giờ nào kẻ trộm khoét tường?
Canh phòng cẩn mật, biết đường lo toan.
Không ai dự đoán hoàn toàn,
Quản gia trung tín, khôn ngoan dự phòng.
Phân chia lương thực chờ mong,
Phúc cho đầy tớ, một lòng vị tha.
Chủ nhân tin tưởng nết na,
Trông coi gia sản, cả nhà chăm lo.
Khốn thay đầy tớ hét hò,
Say xưa chè chén, ăn no lại nằm.
Không ngờ ông chủ ghé thăm.
Thảm thương số phận, hờn căm đọa đầy.

THỨ SÁU, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(Mt 25, 1-13).
THỨC TỈNH


Mười cô trinh nữ cầm đèn,
Đón xem chàng rể, bon chen ngóng chờ.
Năm cô khờ dại hững hờ,
Mang đèn cháy sáng, nhưng khờ chăm lo.
Thiếu dầu, đèn tắt tối mò,
Tìm nơi nương tựa, không lo sẵn sàng.
Khôn ngoan thiếu nữ lẹ làng,
Dầu đèn đầy đủ, dễ dàng thích nghi.
Trễ giờ chàng rể ra đi,
Các cô thức tỉnh, phòng khi tới giờ.
Chị em mong ngóng đợi chờ,
Nửa đêm tiếng gọi, ai ngờ đón đưa.
Sẵn sàng tiệc cưới là vừa,
Này đây trinh nữ, dạ thưa mời vào.
Chủ gia xếp chỗ bàn giao,
Ai mà tỉnh thức, bước vào tiệc vui.

THỨ BẢY, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(Mt 25, 14-30).
TÀI ĐỨC


Dụ ngôn nén bạc trao ban,
Mỗi người số vốn, sẻ san trong đời.
Chủ ông sắp sửa xa rời,
Phân chia tài sản, gọi mời dấn thân.
Chủ trao đầy tớ tùy phần,
Người này năm nén, tảo tần dẵm chăm.
Ra công chịu khó lời năm,
Kẻ trao hai nén, tiếng tăm giữ tròn.
Sinh lời hai nén vàng son,
Còn người một nén, thu bòn chôn đi.
Không thèm của ít khinh khi,
Vàng ròng chôn dấu, cũng vì hư thân.
Hai người chăm chỉ đỡ đần,
Thật lòng trung tín, góp phần dựng xây.
Chủ khen đầy tớ này đây,
Ban thêm dư dật, đong đầy tin yêu.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:55 21/08/2019

14. Khi Đức Chúa Giê-su còn ở thế gian thì suốt đời thực hành sự thật, để lại cho người thế một gương tốt, nhưng Ngài càng muốn người thế lưu tâm bắt chước Ngài, điều thứ nhất là học sự khiêm tốn của Ngài.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://jmtaiby.blogspot.com
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:07 21/08/2019
93. CON NGU BÁN THUỐC

Có một người lần đầu tiên làm nghề thuốc bắc, một hôm có việc phải đi khỏi nhà nên dặn con trai coi tiệm thuốc.

Có một khách quen đến mua ngưu tất và kê trảo hoàng liên, đứa con trai ngu đần ấy không biết tên thuốc, tìm khắp các thẻ tre đựng thuốc mà cũng tìm không thấy, nên chặt một cái chân của con trâu cày và hai chân gà của nhà đang nuôi gói lại đưa cho người khách ấy.

Ông bố trở về và sau khi biết chuyện này thì cười lớn nói:

- “Nếu khách cần mua trí mẫu cụ mẫu, chẳng lẽ ngay cả mẫu thân mày cũng khiêng ra bán nữa hay sao ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 93:

Con ngu thì có nhiều lý do: bẩm chất không sáng dạ, ham chơi giỡn không lo học hành, cha mẹ không biết dạy con, cả ba điều trên đây đã làm cho con cái trở nên ngu đần.

Không sáng dạ là người tự mình không chịu cố gắng học hành, là người không có “tự ái” khi thấy bạn bè giỏi giang hơn mình để cố gắng vươn lên, hơn nữa nếu nhà trường không có những chương trình học hành vui chơi lành mạnh thì trẻ em sẽ ra tìm những thứ vui chơi ngoài xã hội...

Ham chơi không lo học hành là dấu hiệu của xã hội ngày càng có quá nhiều điều “tự do”, mà các nhà có trách nhiệm không chịu lo điều chỉnh: phim sex bán đầy ngoài đường, karaokê thì tự do cho mọi hạng tuổi, cà phê đèn mờ thì không lành mạnh.v.v.v... tất cả những yếu tố ấy kết lại làm cho thanh thiếu niên (cả thiếu nhi) trở thành những kẻ chỉ biết ham chơi đua đòi...

Nếu cha mẹ không biết dạy con mình thì không ai biết dạy cả, cha mẹ chỉ biết lo chạy ngược xuôi kiếm tiền, lo sợ mất chức quyền, lo mánh mung mà quên mất dạy con trở nên người tốt, quen nhắc nhở chúng nó cố gắng học hành sống cho có lễ phép với mọi người...

Các em trở nên sáng dạ thông minh, sống có ích cho mọi người, là nhờ các em được đứng trên cái nền tảng vững chắc được xã hội loài người công nhận là: gia đình, nhà trường và xã hội.

Có cha mẹ nào biết được điều ấy không nhỉ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://jmtaiby.blogspot.com
 
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 21 Mùa Quanh Năm C 25.8.2019
Lm Francis Lý văn Ca
15:05 21/08/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Sau một tuần lễ đi vào giữa xã hội trần thế, với bao công ăn việc làm mưu sinh cho cá nhân cũng như gia đình, giờ đây,cùng gặp gỡ nhau trong ngôi Nhà Cha của chúng ta. Cùng với thân bằng quyến thuộc, những người đồng hương dâng lên Thiên Chúa những câu kinh, tiếng hát để cảm tạ Ngài vì những ơn lành Ngài đã ban xuống cho chúng ta. Đồng thời, cũng chuẩn bị hành trang tinh thần để bước vào một tuần mới.

Đời sống của ngưòi tín hữu phải luôn đươc dưỡng nuôi bằng đời sống siêu nhiên và tự nhiên. Đặc biệt đối với đời sống siêu nhiên. Con đường chúng ta đi là con đường hẹp. Con đường nầy có nhiều chông gai, khó đi, nó đòi hỏi nơi chúng ta một sự lựa chọn. Dĩ nhiên khi lựa chọn thì phải từ bỏ. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta ơn khôn ngoan để lựa chọn con đường phải đi và con đường dẫn chúng ta vào Nước Trời.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Khi Đức Kitô xuất hiện, Ngài sẽ quy tụ mọi dân nước trong ngày quang lâm, đó là hình ảnh nghĩa bóng mà Isaia trình bày trong bài đọc thứ I hôm nay.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô khuyên nhủ dân Dothái sống nhẫn nại, chịu đựng những gian nan. Cho dù những lúc Thiên Chúa sửa phạt con cái của Ngài.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa Giêsu dùng hình ảnh cửa hẹp để nhấn mạnh cho các tông đồ sự cố gắng mà Ngài đòi hỏi họ trên con đường theo Ngài. Cuối chặng đường đó là chính Ngài chờ đón họ.



Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến, Chúng ta luôn cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta. Giờ đây với tình con thảo hiếu, chúng ta van lơn Ngài những ơn cần thiết sau đây:

1. Xin sai Thần Linh Chúa đến, hướng dẫn Giáo Hội khắp nơi tiến vào cửa hẹp dẫn vào Nước Trời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin sai Thần Linh Chúa đến, hướng dẫn cộng đoàn xứ đạo nhỏ bé của chúng ta nơi đây, khi cùng họp nhau cử hành Bí Tích tình yêu, sẽ giúp chúng ta sống gần nhau hơn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin sai Thần Linh Chúa đến, hướng dẫn mọi gia đình trong cộng đoàn xứ đạo, để chúng ta sống yêu thương, luôn trên thuận dưới hoà. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin sai Thần Linh Chúa đến, dạy dỗ mỗi ngươi trong chúng ta, sống quên mình, chia sẻ để cùng giúp nhau sống vượt thoát những khó khăn của cuộc đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa là Cha đầy tình thương và giàu ơn tha thứ, xin Chúa ban cho chúng con ơn thánh, để khôn ngoan lựa chọn con đường phải đi để gặp được Chúa là nguồn hạnh phúc thật trong ngày sau hết. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày bi thảm trong lịch sử Australia – Công lý mù lòa!
Đặng Tự Do
17:44 21/08/2019
Lúc 9h30 sáng thứ Tư 21 tháng Tám, ba thẩm phán là bà Anne Ferguson, Ông Chris Maxwell và Ông Mark Weinberg đã công bố kết luận của họ.

Bài trích Phúc Âm Thánh Gioan

“Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

Quý vị và anh chị em thân mến,

Lời Chúa ứng nghiệm đã ứng nghiệm vào ngày hôm nay. Một ngày bi thảm trong lịch sử của Úc Đại Lợi. Ba thẩm phán vừa nêu đã bác bỏ đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell với tỷ số 2-1. Một người nói vô tội, hai người kia không đồng ý. Tình hình chưa phải là hết hy vọng. Ngài vẫn còn có thể kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao.

Chúng ta đừng nản chí nhưng hãy kiên tâm tiếp tục cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell, cho công lý được hiển trị, cho sự thất bại của những mưu toan biến các giáo sĩ vô tội và các nhân viên mục vụ khác trở thành nạn nhân của các vụ bôi nhọ danh dự thông qua các cáo buộc sai trái - hoặc tệ hơn, trở thành các tội phạm bị kết án và giam cầm vì các tội ác thật tồi tệ, mà họ không bao giờ phạm.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cho đến nay, Đức Hồng Y Pell là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican.

Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận - với sự cứng rắn của một cựu cầu thủ bóng đá theo luật Úc – trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác (và ngài thậm chí còn tham gia vào các cuộc tranh luận khoa học về các vấn đề như biến đổi khí hậu). Vì thế, ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Từ một hiện tượng bất thường, trào lưu đồng tính trên thế giới ngày nay không chỉ dừng lại ở việc buộc xã hội phải chấp nhận đó là một chuyện bình thường mà các nhà hoạt động đồng tính còn muốn tiến xa hơn trong việc coi đó là một “chuẩn mực” của xã hội. Cáo gian hàng giáo sĩ, thay đổi sách giáo khoa, sa thải những người không chấp nhận “chuẩn mực” mới, tấn công các nhà thờ là các biểu hiện tiêu biểu của một ý thức độc tài muốn thay đổi tận gốc xã hội.

Hôm 17 tháng 11, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác rằng:

“Cuộc nổi loạn về phong tục và đạo đức này – như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh - thường vẫy những ‘lá cờ tự do’, nhưng thực tế, nó đã mang đến sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số con người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh cáo ý thức hệ độc tài về đồng tính này trong lá thư ngày 8 tháng 8, 2019. Nó không chấp nhận một cuộc đối thoại thẳng thắn dựa trên sự thật nhưng tìm cách triệt hạ những người có suy nghĩ khác mình.

Trường hợp của Đức Hồng Y George Pell là một ví dụ điển hình. Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada viết:

“Đức Hồng Y George Pell, một người quyết liệt chống đồng tính. Vì thế, người ta gán cho ngài vào chính cái tội khốn nạn mà ngài lên án gay gắt nhất.”

Nhận định về các diễn biến gần đây trên thế giới, Ông Jaroslaw Kaczynski, Chủ tịch Đảng Pháp luật và Công lý là đảng cầm quyền tại Ba Lan, nói rằng sau trào lưu cộng sản, trào lưu đồng tính là thách đố lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo hiện nay. “Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo Hội vì sức quyến rũ của các thông điệp đồng tính. Điều này đặt tương lai của xã hội chúng ta vào một tình thế rất nguy hiểm,” ông nói.

Chúng tôi là những người cư ngụ tại Melbourne, là những người thường xuyên đến nhà thờ St. Patrick. Theo ý kiến của chúng tôi, bất cứ ai từng đến ngôi nhà thờ này và có thiện chí muốn nghiên cứu sự thật trong vụ án Đức Hồng Y Pell với một lòng trí công bằng sẽ /không chỉ nghi ngờ hợp lý rằng/ ngài đã không làm những gì người ta buộc tội cho ngài/, mà còn có thể chắc chắn về mặt đạo đức rằng ngài thực tế không thể làm như vậy.

Cáo buộc được đưa ra là vào ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996, sau một trong hai Thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ St. Patrick của Melbourne mới được trùng tu, Đức Tổng Giám Mục Pell cao 6 feet 3 inches (190.5 cm) đã bỏ rơi vị trưởng ban nghi lễ, người mang mũ mão, người mang quyền trượng và tất những người khác, để rời khỏi đám rước kết lễ rất trang trọng và theo hai cậu bé 13 tuổi trong hợp xướng - là những người phải đi thẳng đến buổi diễn tập cho lễ Giáng sinh - vào phòng áo phía sau bàn thờ. Ở đó, sau khi la rầy các ca viên dám uống rượu lễ, ngài đã lạm dụng cả hai chàng trai này trong suốt sáu phút trong khi cánh cửa phòng áo vẫn mở toang.

Một trong những người được cho là nạn nhân đã chết vào năm 2014 trước khi ra tòa làm chứng, đã nói với mẹ anh ta trong hai dịp khác nhau rằng anh ta chưa bao giờ bị ai lạm dụng. Còn người tự xưng là nạn nhân kia nói rằng Đức Hồng Y Pell đã buộc anh ta thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong khi vị tổng giám mục vẫn mặc áo quần đầy đủ, một chiếc áo chùng dài đến chân, một chiếc áo alba cũng dài đến chân, một giây các phép quấn chặt như một chiếc thắt lưng, một dây stola và một áo lễ (mặc dù bất kỳ linh mục nào cũng sẽ nói với bạn rằng nó cực kỳ khó khăn ngay cả khi phải đi vào nhà vệ sinh với các phẩm phục đầy đủ như vậy).

Tất cả những điều này xảy ra mà không có ai phát hiện, trong một giáo đường mà vào bất kỳ Chúa Nhật nào cũng rất bận rộn như Nhà Ga Trung ương. Nhưng theo lời khai, vào Chúa Nhật này, nó đặc biệt vắng vẻ như một thị trấn ma quái. Ông từ nhà thờ đột ngột biến mất. Những người đọc sách biến mất. Những linh mục đồng tế cũng biến mất. Những người phụ giúp trên bàn thờ cũng hô biến luôn.

Sau khi cái biến cố lạm dụng ấy xảy ra, hai chú bé trong dàn hợp xướng được cho là đã trở lại buổi tập hát mà không có ai từ ca trưởng của họ cho đến bất cứ ai trong vài chục ca viên đồng nghiệp của họ nhận ra rằng họ (hay giọng hát của họ) đã biến mất trong một khoảng thời gian - thực tế, người ca trưởng nói rằng họ đã không hề mất tích - và Đức Tổng Giám Mục thực ra với áo mão đầy đủ vẫn đứng trước lối vào Nhà thờ để chào đón những người đi lễ đang vui mừng được gặp gỡ vị tổng giám mục mới của họ và chắc là đã phải kiên nhẫn chờ đợi suốt thời gian để có thể bắt tay ngài.

Trong suốt phiên tòa, không có bất cứ ai về hùa với người tố cáo hết cả, kể cả các nhân chứng được công tố viện triệu tập, trong khi có đến 20 người xác nhận tình trạng ngoại phạm của Đức Hồng Y Pell. Hơn nữa, người tự xưng là nạn nhân không bao giờ nói với ai về vụ lạm dụng giả định này trong suốt hơn 20 năm. Nạn nhân cho rằng Đức Hồng Y Pell đã tách quần áo giám mục của mình xuống giữa để tạo điều kiện cho việc lạm dụng, mặc dù có một vài sự thật nổi bật: 1) Áo Alba không được thiết kế để có thể tách ra theo cách này, 2) chiếc áo chùng phải được mở từng nút một khi nằm bên dưới áo alba, và 3) quần và thắt lưng mà tổng giám mục đang mặc bên dưới những lớp quần áo cồng kềnh này làm sao mà có thể cởi ra (chỉ có Chúa mới biết). Mỗi bước này đều tốn nhiều thời gian, làm hết những công đoạn như thế chắc chắn sẽ mất nhiều hơn sáu phút được cho là thời gian xảy ra tội ác.

Hơn nữa, các nhân viên làm việc tại nhà thờ chính tòa St. Patrick đã làm chứng rằng những người trong phòng áo không thể nào lấy rượu lễ ra uống- tất cả rượu lễ bị khóa trong một hầm rượu - và rượu được sử dụng luôn có màu trắng, không phải màu đỏ như đã được báo cáo trong phiên tòa. Mô tả từ ký ức của nạn nhân trong những lời buộc tội được đưa ra về cách bài trí trong phòng áo cũng không đúng sự thật.

Ngoài ra, vào năm 1996, khi trở thành tổng giám mục của Melbourne, Đức Hồng Y Pell đã đưa Giáo Hội tại Úc lên vị trí tiên phong trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, bằng cách nhấn mạnh vào các yêu cầu môi trường an toàn là những điều chỉ được đặt ra ở Hoa Kỳ sáu năm sau đó.

Đức Hồng Y Pell hẳn đã biết một cách thấu đáo những tai tiếng nào có thể xảy ra khi ngang nhiên bỏ đám rước để đi theo các thiếu niên vào phòng áo một mình. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Chúng tôi xin kết thúc bài tường thuật này ở đây với ước nguyện rằng chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và làm tất cả những gì có thể làm được để hàng giáo sĩ và những người tìm kiếm công lý dám lên tiếng mạnh mẽ như tiên tri trẻ Daniel khi bà Susanna bị hai tên thẩm phán băng hoại buộc tội vì bà đã dám từ chối những lời dụ dỗ của chúng (Daniel 13).
 
Phản ứng của Tòa Thánh và Hàng Giáo Phẩm Úc về việc Đức Hồng Y Pell không thắng kháng án
Vũ Văn An
04:45 21/08/2019
Giáo hội địa phương ở Úc và Tòa thánh phản ứng trước phán quyết của Tòa án tối cao Victoria, Australia, về việc bác bỏ kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell.

Ngay sau khi quyết định 2-1 được Tòa án tối cao Victoria, Australia công bố, bác bỏ kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell, cả Giáo hội địa phương ở Úc lẫn Tòa thánh đều đưa ra các tuyên bố cho thấy phản ứng của họ đối với quyết định này.

Phản ứng của Đức Hồng Y Pell

Một tuyên bố được đưa ra bởi người phát ngôn của Đức Hồng Y Pell, cho biết, “Đức Hồng Y Pell hiển nhiên thất vọng với quyết định này”.

Sau đó, lưu ý rằng nhóm pháp lý của ngài sẽ khảo sát bản án để “xác định việc nạp đơn đặc biệt lên Tòa án Tối cao Úc. Tuyên bố kết thúc bằng cách một lần nữa tuyên bố rằng bất chấp 'quyết định chia rẽ 2-1', Đức Hồng Y Pell vẫn duy trì sự vô tội của mình".

Phản ứng của Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, đã đưa ra một tuyên bố ngay sau khi quyết định được công bố.

Trong đó, ngài tuyên bố, “các Giám mục Công Giáo Úc tin rằng mọi người Úc phải bình đẳng trước pháp luật và do đó, chấp nhận phán quyết hôm nay. Trong khi thừa nhận rằng “diễn trình xét xử và kháng cáo của Đức Hồng Y Pell” là một khoảnh khắc khó khăn đối với những người sống sót việc bị giáo sĩ lạm dụng tình dục, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge cũng thừa nhận rằng phán quyết ngày Thứ Tư “sẽ gây đau buồn cho nhiều người”.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Melbourne

Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Peter Comensoli, nói trong tuyên bố của ngài rằng ngài “tôn trọng” tiếp nhận quyết định này và khuyến khích những người khác cũng làm như vậy. Ngài thừa nhận “sự phức tạp của việc tìm kiếm sự thật” trong vụ án của Đức Hồng Y Pell, và nói rằng “ngài nghĩ đến và cầu nguyện cho người đàn ông đã đưa vấn đề này ra trước tòa án”.

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ sự sẵn sàng của ngài trong việc “cung cấp sự giúp đỡ về tinh thần và mục vụ cho người khiếu nại, nếu ông ta muốn”, cũng như đảm bảo rằng Đức Hồng Y Pell “sẽ được hỗ trợ về mục vụ và tinh thần trong khi ngài phục vụ phần còn lại của bản án”.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Sydney

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher nhận định, trong tuyên bố của ngài, rằng quyết định chia rẽ 2-1 của Thẩm phán “nhất quán với các quan điểm khác nhau của các bồi thẩm đoàn trong các phiên xử thứ nhất và thứ hai, cũng như ý kiến chia rẽ giữa các nhà bình luận pháp lý và công chúng nói chung”.

Rồi, ngài khuyến khích “mọi người giữ bình tĩnh và lịch thiệp”, cũng như cam kết chính ngài và Tổng giáo phận Sydney sẽ làm mọi điều có thể làm để bảo đảm rằng những tội ác trong quá khứ không bao giờ được lặp lại nữa và các môi trường của Giáo hội là an toàn nhất cho trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương”.

Phản ứng của Tòa Thánh

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã đưa ra một tuyên bố cho biết đã nhận “quyết định của tòa án về việc bác bỏ kháng án của Đức Hồng Y Pell”. Tuyên bố nhắc lại sự kiện: Đức Hồng Y Pell “trước nay vẫn duy trì sự vô tội của mình trong suốt diễn trình xét xử”.

Tuyên bố kết luận bằng cách xác nhận “sự gần gũi của Tòa Thánh với các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục và cam kết theo dõi, qua các thẩm quyền giáo hội có thẩm quyền, các thành viên của hàng giáo sĩ phạm các lạm dụng đó”.
 
Sự ô nhục của nước Úc – Nhận định của Tiến Sĩ George Weigel về phán quyết phúc thẩm
J.B. Đặng Minh An dịch
05:43 21/08/2019
Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, vừa có một bài viết đăng trên First Things ngày 21 tháng Tám, 2019 liên quan đến phán quyết phúc thẩm của Tòa Kháng Án Melbourne.

Nguyên bản tiếng Anh: The Australian Disgrace - Sự ô nhục của nước Úc, có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The Australian Disgrace - Sự ô nhục của nước Úc
by George Weigel
8. 21. 19


Trong những tuần và những tháng tới sẽ có nhiều điều để nói hơn nữa về việc Tòa Kháng Án bác bỏ đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell đối với phán quyết “lạm dụng tình dục trong quá khứ” bởi tỷ số 2-1 từ một hội thẩm đoàn gồm ba thẩm phán của Tòa Kháng Án Victoria. Trong lúc này đây, quyết định đáng kinh ngạc, và thực sự là không thể hiểu được này, khiến người ta nghi ngờ nghiêm trọng về phẩm chất công lý ở Úc và khả năng các giáo sĩ Công Giáo bị buộc tội lạm dụng tình dục có thể nhận được một phiên tòa công bằng hoặc một sự xem xét công minh khi bị xét xử.

Trong tiến trình tố tụng của tòa án phúc thẩm được phát trực tiếp vào sáng ngày 21 tháng 8 (theo giờ Melbourne), chánh án của Tòa Kháng Án Victoria, là bà Anne Ferguson, khi đọc quyết định, cứ khăng khăng nhắc liên tục đến “toàn bộ chứng cứ”. Nhưng, thực tế là chưa bao giờ có bất kỳ ‘bằng chứng’ nào là Đức Hồng Y Pell đã làm những gì ngài bị cáo buộc. Chỉ có lời phiến diện của người khiếu nại, và tuyệt đối không có chứng cớ nào ủng hộ cho những cáo buộc của anh ta. Đó là những cáo buộc mà trong những tháng sau phiên tòa xét xử Đức Hồng Y, đã được chứng minh là tương tự một cách đáng báo động với một loạt các cáo buộc giả tưởng nhắm vào một linh mục trong một câu chuyện được xuất bản vài năm trước đây trên tờ Rolling Stone.

Bà thẩm phán Ferguson cũng nhắc đến “ký ức không chắc chắn” của các “nhân chứng tình cờ”, là những người làm chứng bênh vực cho Đức Hồng Y, trong đó nêu rõ rằng các hành vi lạm dụng tình dục bị cáo buộc đơn giản là không thể nào xảy ra được trong hoàn cảnh của một nhà thờ đầy chật người, trong một khung thời gian ngắn ngủi của các hành vi bị cáo buộc, và với phẩm phục của Đức Hồng Y. Nhưng, người ta phải tự hỏi, tại sao bà lại không nêu lên khả năng “không chắc chắn” trong ký ức của người khiếu nại? Tại sao lại đơn giản là giả định, trên cơ sở lời khai được thu băng của người khiếu nại, là anh ta có một trí nhớ rõ ràng về những gì anh ta cho rằng đã xảy ra, nhất là khi toàn bộ kịch bản của cáo buộc lạm dụng này hết sức hi hữu như thế?

Nhằm biện minh cho phán đoán của mình và người đồng nghiệp đã về phe với bà trong việc bác bỏ kháng cáo của Đức Hồng Y, bà thẩm phán Ferguson nói rằng “hai chúng tôi”, nghĩa là bà ta và thẩm phán Chris Maxwell – đã chọn “một quan điểm về các sự kiện” khác với thẩm phán Mark Weinberg, là người bất đồng ý kiến với họ. Nhưng các sự kiện là sự kiện nào? Liệu bất cứ một khẳng định đơn thuần vô bằng vô cớ nào về lạm dụng tình dục, bất kể nó vô lý đến đâu về bản chất của hành động hoặc tình huống được cho là đã xảy ra, có thể cấu thành một “sự kiện” pháp lý có khả năng phá hủy cuộc đời và uy tín của một trong những công dân nổi tiếng nhất của nước Úc không? Nếu vậy, thì có một điều gì đó sai lầm nghiêm trọng trong luật hình sự ở tiểu bang Victoria, nơi quy trình pháp lý hiện nay có một sự tương đồng rõ rệt với những gì đã từng thịnh hành ở Liên Sô dưới thời Stalin. Ở đó, cũng vậy, các cáo buộc được xem là hữu lý ngay cả khi nó chỉ dựa thuần tuý trên các khẳng định không thể chứng thực được.

Kháng cáo của Đức Hồng Y đã không thuyết phục được các thẩm phán Ferguson và Maxwell rằng bồi thẩm đoàn khi kết án đã đi quá xa sự nghi ngờ hợp lý trong các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell, trong một trường hợp đầy áp lực mà các luật sư biện hộ đã nêu lên để phản bác công tố viện trong cả hai phiên tòa của Đức Hồng Y. Nhưng tại sao đây là tiêu chuẩn thích hợp hoặc có liên quan? Một bồi thẩm đoàn bế tắc trong phiên tòa đầu tiên đã bỏ phiếu áp đảo để bác bỏ các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y; sau đó, bồi thẩm đoàn trong phiên tái thẩm đã xoay gần 180 độ và đưa ra một bản án nhất trí là có tội, sau khi cũng chỉ xem xét các bằng chứng tương tự, mà đa số những người đi trước sau khi xem xét đã bỏ phiếu tha bổng. Chẳng phải điều đó cho thấy rõ khả năng thiên vị sâu sắc của bồi thẩm đoàn thứ hai, đặc biệt là trong bối cảnh bên biện hộ không được có cơ hội trình bày trước bồi thẩm đoàn ở bang Victoria sao? Và chẳng phải điều đó đặt câu hỏi về tính xác thực của bản án có tội sao?

Hai tháng rưỡi trước, tại phiên xử phúc thẩm Đức Hồng Y Pell, các thẩm phán Ferguson, Maxwell và Weinberg đã truy vấn gay gắt đại diện công tố viện khi bên công tố cố bảo vệ phán quyết có tội, một cách rất yếu kém, theo bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào. Ngược lại, trong phiên tòa ấy, hội thẩm đoàn phúc thẩm cho thấy rõ trong suốt buổi điều trần sự chú ý lắng nghe một cách nghiêm túc ý kiến của bên biện hộ rằng phán quyết có tội chống lại Đức Hồng Y Pell là “không an toàn” ở chỗ nó không thể đạt đến một cách hợp lý trên cơ sở những bằng chứng có trong tay (mà trong trường hợp này là chẳng có gì hết). Điều gì đã xảy ra trong hai tháng sau đó? Điều đó chắc chắn đáng để khám phá trong những tuần tới.

Kể từ khi phán quyết kết án Đức Hồng Y Pell được đưa ra, những người bạn có mối quan hệ tốt trong giới luật pháp Úc đã nói rằng cộng đồng pháp lý nghiêm túc ở Úc, chứ không phải những kẻ chạy theo ý thức hệ, đang trở nên quan ngại sâu sắc về danh tiếng của công lý Úc; do đó, người ta nói rằng nhiều nhân vật pháp lý cao cấp đã hy vọng đơn kháng cáo của Đức Hồng Y sẽ thành công. Mối quan tâm của họ giờ đây được lũy thừa lên gấp bội. Trước những chứng cớ hiển nhiên trong trường hợp tồi tệ này, trước một quyết định phúc thẩm thật khủng khiếp và hoàn toàn không thể thuyết phục được này, những người có lý trí sẽ tự hỏi “pháp quyền” có nghĩa là gì ở Úc, và đặc biệt là ở tiểu bang Victoria? Những người có lý trí sẽ tự hỏi liệu có an toàn không khi đi du lịch hay kinh doanh, trong môi trường chính trị và xã hội mà trong đó đám đông cuồng loạn tương tự như những kẻ đã đưa Alfred Dreyfus đến Đảo Quỷ có thể gây những ảnh hưởng rõ ràng như thế trên các bồi thẩm.

Đức Hồng Y Pell đã nói với bạn bè trong những tháng gần đây rằng ngài biết ngài vô tội và rằng “bản án duy nhất mà tôi lo sợ là sự phán xét sau cùng”. Các thẩm phán đồng tình trong quyết định phúc thẩm lố bịch này đã xác nhận kết quả của một trò hề tư pháp độc địa có thể tin hay không thể tin vào sự phán xét sau cùng. Nhưng họ chắc chắn có những phán xét khác đáng phải lo lắng. Vì họ đã xác nhận rằng một phần đáng ngưỡng mộ của thế giới Anglo Saxon từng được biết đến với tư duy độc lập của mình đã trở thành một thứ gì đó khá ngớ ngẩn, thậm chí là nham hiểm.


Source:The First Things

 
Tuyên bố của ông Matteu Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh ngày về vụ Hồng Y Pell
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:17 21/08/2019
Nhắc lại sự tôn trọng đối với hệ thống tư pháp Úc, như tuyên bố vào ngày 26 tháng 2 dịp bản án sơ thẩm được tuyên bố, Tòa Thánh thừa nhận quyết định từ chối kháng cáo của Đức Hồng Y Pell.

Trong khi chờ đợi để tìm hiểu về những phát triển hơn nữa của thủ tục tư pháp, ông nhớ lại rằng Đức Hồng Y luôn khẳng định lại sự vô tội của mình và quyền kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Nhân dịp này, cùng với Giáo hội tại Úc, Tòa Thánh xác nhận sự gần gũi với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và cam kết theo đuổi, thông qua các cơ quan giáo hội có thẩm quyền, để truy tố các thành viên hàng giáo sĩ chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng.

Nguồn: Vatican News
 
Đức Hồng Y Pell, Dê tế thần - Nhận định của Matthew Schmitz
J.B. Đặng Minh An dịch
09:12 21/08/2019
Matthew Schmitz, phó tổng biên tập của tạp chí First Things, có bài nhận định sau về quyết định của Tòa Kháng Án Melbourne hôm thứ Tư 21 tháng Tám, 2019.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Cardinal Pell, Scapegoat. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Cardinal Pell, Scapegoat - Đức Hồng Y Pell, Dê tế thần
Matthew Schmitz,


Sáng sớm hôm nay, tại Úc, một hội thẩm đoàn ba thẩm phán đã từ chối bác bỏ bản án của Đức Hồng Y George Pell gồm 5 tội danh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Tỷ số là 2-1. Đức Hồng Y Pell đã bị kết án vào tháng 12 năm ngoái, sau một phiên tòa bế tắc trước đó, khi mười trong số mười hai bồi thẩm đã bỏ phiếu trắng án cho ngài.

Đây là một ngày thật nhục nhã. Việc kết án Đức Hồng Y Pell gây phẫn nộ, không phải vì ngài là Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo, mà vì vụ kiện chống lại ngài không được chứng minh, không thể được chứng minh, và vượt quá sự nghi ngờ hợp lý.

Đức Hồng Y Pell bị buộc tội lạm dụng tình dục hai ca viên mười ba tuổi trong dàn hợp xướng vào năm 1996. Chỉ có một trong hai cậu bé đó vẫn còn sống. Cậu bé kia khi được mẹ mình hỏi vào năm 2001 là cậu ta đã “từng bị ai sách nhiễu hay sờ mó hay không” đã trả lời không.

Còn người vẫn còn sống cho rằng Đức Hồng Y Pell đã tìm thấy hai cậu bé uống rượu lễ trong nhà thờ chính tòa Melbourne ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật và buộc họ phải khẩu dâm ngài. Cáo buộc này không được chứng thực và không thể tin được. Đức Hồng Y Pell luôn chào đón giáo dân ngay sau Thánh lễ. Ngài luôn được bao quanh bởi những người phụ tá trong nhà thờ. Phẩm phục ngài đang mặc khiến cho một hành động như vậy là không thể được. Rượu lễ được giữ trong một két sắt. Các ca viên luôn được giám sát. Phòng thánh lại rất nhộn nhịp sau thánh lễ.

Nói tóm lại, cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell chỉ có vẻ hợp lý đối với một người vừa không hiểu gì về hoạt động của một nhà thờ vừa có khuynh hướng dễ chấp nhận những câu chuyện giật gân về tội ác của người Công Giáo. Thật không may, cả hai điều này đều đúng trong bầu khí của công luận tại Úc và khắp cả phương Tây.

Lạm dụng tình dục thực sự là một vấn đề trong Giáo Hội Công Giáo, mặc dù ít hơn so với một số định chế khác, bao gồm các trường công lập và các gia đình. Những giáo sĩ lạm dụng thường theo mô hình gần gũi, ban ơn cho các mục tiêu của họ và tạo cơ hội thuận lợi để tấn công họ. Các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell, không giống như nhiều cáo buộc được chứng thực kỹ lưỡng trong trường hợp cựu Hồng Y Theodore McCarrick, và hoàn toàn không phù hợp với mô hình này. Thật là trớ trêu khi thấy rằng Đức Hồng Y Pell phải ngồi tù trong khi McCarrick đi lại tự do bên ngoài.

Trong phát biểu khai mạc của bà, chánh án Ann Ferguson nói rằng “đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ và đôi khi đầy cảm xúc chống lại vị Hồng Y và ông đã bị công khai phỉ báng trong một số bộ phận của cộng đồng.” Đó là một tuyên bố không đúng sự thật. Đức Hồng Y Pell đã bị kết án giữa một cơn cuồng loạn chống Công Giáo, được truyền thông Úc thổi phồng và được khuyến khích bởi các cơ quan thực thi pháp luật.

Louise Milligan, một nhà báo của đài ABC Australia, đã viết một cuốn sách buộc tội Đức Hồng Y Pell với một loạt các tội ác quái đản. Nó đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất mặc dù được viết rất tồi với những tuyên bố đáng nực cười chứ không giống như một cuốn trước đó, The Awful Disclosures of Maria Monk. Nó còn giành được cả một giải thưởng. Trong khi đó, các công tố viên đã tham gia một cuộc hành quân, tìm kiếm các tuyên bố lạm dụng tình dục đặc biệt chống lại Đức Hồng Y Pell. Phải chăng đây là cách thực hiện công lý?

Khi Đức Hồng Y Pell cuối cùng bị kết tội, Milligan làm rõ cơ sở của lòng căm thù của mình đối với ngài: “Ông ta đã dành đời mình để nói với phần còn lại của chúng ta là chúng ta phải sống cuộc sống của chúng ta như thế nào, và bây giờ, ở đây ông ta ký tên nhận tội xâm phạm tình dục.” Trong mắt cô ta, và không chỉ trong mắt cô ta, đã có một thứ công lý thú vị trong bản án xâm phạm tình dục dành cho một người đã từng nói rằng đồng tính, tránh thai, và tất cả các thứ như thế là tội lỗi.

Phản ứng của cô thể hiện niềm tin chống Công Giáo theo đó giáo lý tình dục của Giáo hội là giáo điều, đáng ghét và áp chế chứ không giống như quan điểm tiến bộ về tình dục, thật là tuyệt vời tự do và mặn mà. Việc một số người Công Giáo đồng ý với quan điểm của Milligan và chia sẻ niềm vui của cô ta không gây ngạc nhiên cho chúng ta. Chính một môn đệ của Chúa Kitô đã từng nộp Ngài cho kẻ thù.

Trong môi trường nóng bỏng này, không có gì ngạc nhiên khi hai thẩm phán thấy người tố cáo là đáng tin cậy. Họ tin người cho rằng mình là nạn nhân. Người bất đồng duy nhất, thẩm phán Mark Weinberg, phát hiện ra rằng “lúc này lúc khác, người khiếu nại đã có khuynh hướng thổi phồng các khía cạnh trong câu chuyện của mình,” và rằng “bằng chứng anh ta đưa ra chứa đựng những mâu thuẫn, những bất cập hiển nhiên, và thiếu giá trị thuyết phục.” Weinberg cũng “không thể loại trừ một khả năng hợp lý rằng một số trong những điều mà người khiếu nại nói ra chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.”

Nếu trước đây chưa rõ thì bây giờ người Công Giáo phải rõ ràng rằng chúng ta không thể mong đợi một sự đối xử công bằng và bình đẳng dưới bàn tay của giới cấp tiến. Những bảo đảm trên giấy về một tiến trình tư pháp công minh và bình đẳng có rất ít giá trị khi đối mặt với các định kiến áp đảo. Đáng tiếc, loại định kiến đã đưa Đức Hồng Y Pell vào tù đã được tạo ra bởi các thành phần cấp tiến với một dáng vẻ bề ngoài đáng tin cậy đến nỗi nhiều người Công Giáo rất muốn bảo vệ cho nó.

Bản án dành cho Đức Hồng Y Pell là một bản án khốn nạn không phải đối với ngài, nhưng đối với những người đã đưa ra cái bản án ấy. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một bản án bất công đã cho thấy sự trống rỗng của cả một trật tự xã hội. Và người Công Giáo không phải lúc nào cũng đứng về phía chính nghĩa trong những trường hợp như vậy. Việc Đức Hồng Y Pell bị làm dê tế thần cần phải tăng gấp đôi mong muốn của chúng ta là đứng lên vì sự thật hơn là đứng lên vì đám đông, đứng về phía sự thật chứ không phải vì văn hóa chính trị.

Trên tất cả, sự bất công mà Đức Hồng Y Pell phải chịu nên thúc bách chúng ta đồng hóa mình với tất cả những người bị từ chối công lý, bất kể họ là ai, bất kể họ khác biệt với người Công Giáo chúng ta đến đâu trong thực hành và niềm tin. Người Công Giáo phải coi những đau khổ của họ là một cơ hội để đồng cảm với Chúa Kitô. Ngài hiện diện không chỉ trong Bí tích Thánh Thể, mà còn trong những người nghèo, trẻ mồ côi, góa phụ và tù nhân. Những nỗ lực của chúng ta dành cho Đức Hồng Y Pell cũng phải là nỗ lực cho tất cả những người như thế.


Source:The First Things
 
The Age: Tại sao Thẩm phán Mark Weinberg tin rằng George Pell nên được trắng án
J.B. Đặng Minh An dịch
15:22 21/08/2019
Vụ án Đức Hồng Y George Pell là một vụ án hết sức quái đản. Trong hội thẩm đoàn gồm ba người là Chánh án Anne Ferguson, Thẩm phán Chris Maxwell và Thẩm phán Mark Weinberg. Hai người đầu tiên tin rằng Đức Hồng Y George Pell có tội mặc dù chẳng có bất cứ một chứng cứ nào cả ngoài lời khai vô bằng vô chứng của người khiếu nại. Trong khi đó, Thẩm phán Mark Weinberg lại tuyệt đối tin rằng Đức Hồng Y George Pell vô tội. Với phán quyết này nền công lý Úc sẽ phải chịu một đòn tàn phá mất nhiều thời gian để phục hồi. Và những người suy nghĩ có tình có lý sẽ tự hỏi liệu có an toàn không khi kinh doanh hay đi du lịch ở một quốc gia nơi các phương tiện truyền thông gây sốt và những gã khổng lồ của chủ nghĩa thế tục có khả năng khuynh đảo tiến trình pháp lý, biến nó thành một bức hí họa chế giễu một nền dân chủ trưởng thành.

Tờ The Age, thường không có cảm tình với Công Giáo, thậm chí trong các phiên tòa trước cũng tấn công Đức Hồng Y Pell không kém phần ác liệt, giờ đây cũng nhận thấy bản án này thiếu thuyết phục.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: Why Justice Mark Weinberg believed George Pell should go free. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Why Justice Mark Weinberg believed George Pell should go free

By Adam Cooper – The Age

Tại sao Thẩm phán Mark Weinberg tin rằng George Pell nên được trắng án


Một trong ba Thẩm phán Tòa phúc thẩm đã nghe kháng cáo của Hồng Y George Pell tin rằng có một “khả năng đáng kể” là vị Hồng Y không hề phạm vào tội lạm dụng tính dục mà ngài đang ngồi tù và lẽ ra ngài phải được trả tự do.

Thẩm phán Mark Weinberg nói rằng ông không cảm thấy thuyết phục trước các chứng cứ của nạn nhân và không thể loại trừ khả năng một số phần trong lời khai của người cựu ca viên trong dàn hợp xướng là “bịa đặt”.

Thẩm phán Weinberg, cựu Thẩm phán Tòa án Liên bang, là người đã chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án James Gargasoulas giết người trên đường Bourke của Melbourne, hồi năm ngoái, cho biết có cả một lô chứng cứ khiến ông “không thể chấp nhận” lời khai của người khiếu nại.

“Từ.. . lý chứng của người khiếu nại, có thể thấy rằng có nhiều yếu tố trong lời khai của anh ta có thể bị chỉ trích một cách hợp pháp. Có những mâu thuẫn, bất nhất, và một số câu trả lời của anh ta đơn giản là vô nghĩa”, Thẩm phán Weinberg đã viết như trên trong bản án được đưa ra vào hôm thứ Tư.

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Sau khi đánh giá các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa xét xử Hồng Y Pell vào năm ngoái, Thẩm phán Weinberg nói rằng theo ông tòa án nên hủy bỏ năm bản án về tội phạm tình dục trẻ em gán cho Đức Hồng Y.

Nhưng Thẩm phán Weinberg chỉ là thiểu số. Hai đồng nghiệp của ông trong hội thẩm đoàn phúc thẩm - là Chánh án Anne Ferguson và Thẩm phán Chris Maxwell – cho rằng nạn nhân nói sự thật và đơn kháng cáo của Hồng Y Pell nên bị bác bỏ.

Phán quyết chiếm đa số 2-1 có nghĩa là Hồng Y Pell sẽ tiếp tục chấp hành án tù 6 năm vì tội tấn công tình dục hai ca viên trong dàn hợp xướng tại nhà thờ chính tòa St Patrick ở Đông Melbourne vào thập niên 1990, khi ngài còn là tổng giám mục Melbourne.

Người được cho là nạn nhân, hiện là một người cha ở độ tuổi 30, nói với bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử Hồng Y Pell rằng ngài đã tấn công anh ta và một ca viên khác trong nhà thờ St. Patrick vào cuối năm 1996, và cũng tấn công riêng anh ta trong một hành lang vào đầu năm sau.

Ca viên khác đã chết sau khi dùng heroin quá liều vào năm 2014, chưa bao giờ tiết lộ việc lạm dụng.

Thẩm phán Weinberg không cảm thấy thuyết phục bởi bằng chứng của nạn nhân còn sống sót, là người đã có lúc thừa nhận tại phiên tòa rằng anh ta không thể “nói dứt khoát năm nào” mà anh ta bị lạm dụng.

Thẩm phán Weinberg coi trọng lời khai của các quan chức Giáo Hội, những người tuyên bố Hồng Y Pell chưa bao giờ bị bỏ lại một mình tại Nhà thờ St Patrick và thường chào đón giáo dân ở lối ra vào khi vụ lạm dụng được cho là đã xảy ra.

“Tất cả những nhân chứng này đều quan trọng, nhưng có một số người mà lời chứng của họ rất quan yếu”, ông viết.

“Hoàn toàn có thể nói rằng lời chứng của họ, nếu được chấp nhận, chắc chắn sẽ dẫn đến sự tha bổng tức khắc.”

“Kết quả tương tự sẽ xảy ra, thậm chí khi kết luận duy nhất có thể được đưa ra là các bằng chứng của họ, liên quan đến các sự kiện được đề cập, là một lời khai 'có thể là hợp lý' về những gì đã xảy ra.”

Trong bản án dài 325 trang do Tòa phúc thẩm đưa ra, lý luận của Thẩm phán Weinberg chiếm tới 200 trang.

“Tôi thấy khó khăn trước thực tế là tôi phải bảo lưu một ý kiến khác biệt với hai đồng nghiệp của mình, là những người mà tôi luôn rất tôn trọng”, ông viết.

“Điều đó đã khiến tôi suy tư thậm chí còn cẩn thận hơn về kết quả đúng đắn của đơn kháng cáo này. Tuy nhiên, sau khi đã làm như vậy, tôi không thể, với lương tâm ngay lành của mình, có thể làm khác hơn là duy trì sự bất đồng quan điểm của tôi.”

Chánh án Tòa án phúc thẩm, Ferguson, trong bản tóm tắt phán quyết của Tòa phúc thẩm, cho biết Thẩm phán Weinberg nhận thấy rằng đôi khi nạn nhân có khuynh hướng thổi phồng các lý chứng của mình, và lời khai của anh ta có những điểm thiếu nhất quán và “những bất cập hiển nhiên”.

“Theo quan điểm của Thẩm phán Weinberg, có một khối lượng đáng kể và, trong một số trường hợp, là các bằng chứng đầy ấn tượng cho thấy rằng lời khai của người khiếu nại, theo nghĩa thực tế, là không thể chấp nhận được”.

“Theo suy nghĩ của ông ấy, có một khả năng rất lớn là vị Hồng Y không hề phạm tội.”

“Trong những trường hợp như thế, Thẩm phán Weinberg tuyên bố rằng theo quan điểm của ông, các bản án không thể đứng vững được.”

Nhưng Chánh án Ferguson và Thẩm phán Maxwell đã chấp nhận yêu cầu của công tố rằng nạn nhân còn sống sót là một nhân chứng thuyết phục, “rõ ràng không phải là kẻ dối trá”, “không phải là một kẻ giả tưởng” và là nhân chứng của sự thật.

“Trong suốt các bằng chứng của mình, người khiếu nại tỏ ra là một người đang nói sự thật”, bà Ferguson nói.


Source:The Age
 
Câu chuyện ấm lòng về một cựu chiến binh đơn độc 91 tuổi và anh hầu bàn trẻ.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:25 21/08/2019


Rất nhiều người cảm động về câu chuyện đầy tình nhân ái này đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội chúng ta.

Khi về già người ta có thể trải qua kinh nghiệm cô đơn và sợ hãi, nhất là khi không có người thân nào ở bên cạnh. Đây là một câu chuyện đau lòng, nhưng cũng rất ấm lòng do một phụ nữ mới đây đã được chứng kiến và đưa lên mạng xã hội.

Cô Lisa Meilander ở tiểu bang Pennsylvania đang cùng với gia đình dùng bữa trong một nhà hàng địa phương có tên là Eat’n Park thì cô chợt bắt gặp một khách hàng khác đang cố gắng để gọi thức ăn. Theo tường trình của Kake.com, thì cụ ông cựu chiến binh Chiến Tranh Thế Giới II đang ngồi một mình và nài xin anh hầu bàn tên là Dylan Tetil, giúp cụ kêu thức ăn bởi vì cụ bị điếc mà lại để quên máy trợ giúp nghe của mình ở nhà. Những gì xảy ra tiếp đó quả là hành động đấy ắp yêu thương thực sự…

Tetil đã ngồi xổm xuống bàn để có thể giúp ông cụ Frank kêu thức ăn. Anh kiên nhẫn để nghe người khách hàng lớn tuổi này giải thích vì sao ông bi điếc trong thời chiến và tiếp tục nói về những kinh nghiệm ông đã trải qua. Tetil chăm chú lắng nghe. Anh không hối thúc ông cụ, cũng chẳng cắt ngang câu chuyện, chỉ thực sự lắng nghe ông cụ Frank nói.

Trong bài đăng trên mạng, Meilander tiếp tục giải thích vì sao cụ Frank lại chia sẻ với người hầu bàn nỗi lòng của mình: “Bây giờ tôi đơn độc lắm và tôi chẳng có ai để tâm sự cả.” Cô Meilander muốn được trả tiền bữa ăn cho cụ Frank, nhưng người hầu bàn với trái tim nhân hậu này đã trả cho cụ rồi. Và hơn nữa, vì đúng là vào lúc được nghỉ một lát, nên anh đã đến ngồi cùng bàn để tiếp tục nghe nữa tâm sự của cụ Frank.

Tetil nói với đài WTAE rằng cụ Frank “đã thực sự khóc khi cụ nói về cuộc chiến tranh với tôi. Nó quả đã đụng chạm đến trái tim của tôi, thực tình mà nói, tôi cũng sắp khóc nhưng đã kìm lại được vì tôi không phải là người hay khóc.”

Cô Meilander đã lên tiếng ca ngợi Tetil trên bài đăng của cô trên mạng. “Trong khi ngày nay có bao nhiêu chuyện tiêu cực về giới trẻ của chúng ta, thì đây là một làn gió tinh khiết mới. Tôi tự hỏi không biết là tôi có được tử tế và chu đáo như thế nếu tôi là một người hầu bàn tại đó.”

Việc làm của Tetil quả thực nói lên tất cả những gì là tuyệt vời nơi giới trẻ của chúng ta. Anh cũng chứng tỏ một lòng trắc ẩn sâu xa mà tất cả chúng ta đang cố gắng bắt chước, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương hơn trong chúng ta.


Source: aleteia.org This heartwarming story of a lonely 91-year-old vet and a young waiter has gone viral
 
Đại đa số người Công Giáo Thế giới tin rằng Đức Hồng Y Pell vô tội, và sẽ vẫn còn như thế cho đến hôm nay
Vũ Văn An
18:15 21/08/2019
Ngày 21 tháng 8, phóng viên của Đài số 7 Úc, tường trình từ Vatican, cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn im lặng về vụ tiếp tục kết án Đức Hồng Y Pell của hệ thống tư pháp Úc, nhưng cô thêm rằng đa số các giới chức Vatican vẫn tin Đức Hồng Y Pell vô tội. Đây cũng là nhận định của Ký Giả John Allen, chủ bút tập san Crux Now ( https://cruxnow.com/news-analysis/2019/08/21/ruling-cements-pells-profile-as-the-alfred-dreyfus-of-the-catholic-abuse-crisis). Ông so sánh vụ án Đức Hồng Y Pell và hai vụ án hoài thai công lý nổi danh trong lịch sử thế giới: vụ Dreyfus ở Pháp, thế kỷ 19, và vụ Hiss ở Hoa Kỳ, thế kỷ 20 để đi đến kết luận: đại đa số dư luận Công Giáo vẫn tin Đức Hồng Y Pell vô tội dù là sau phán quyết của Tòa phúc thẩm Victoria. Xin mời độc giả cùng đọc:



Mặc dù hôm thứ Tư, kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell, về việc bị kết án lạm dụng tình dục trẻ em, đã bị bác bỏ, phán quyết đó có thể không phải là kết thúc con đường pháp lý. Lúc viết bài này, các luật sư của Đức Hồng Y Pell vẫn đang cân nhắc xem có nên nộp đơn kháng cáo cuối cùng lên Tòa án Tối cao Úc hay không.

Các luật sư trên nói với các phóng viên rằng Đức Hồng Y Pell tiếp tục duy trì sự vô tội của mình, như ngài vốn nói kể từ khi các cáo buộc lần đầu tiên được công khai vào tháng 6 năm 2017.

Mặc dù cuộc hành trình tư pháp gian khổ của Đức Hồng Y Pell có thể chưa kết thúc, nhưng phán quyết hôm thứ Tư có thể đại diện cho lời cuối cùng về một khía cạnh khác của vụ án: George Pell hiện nay chính thức là Alfred Dreyfus của cuộc khủng hoảng lạm dụng Công Giáo, nghĩa là các ý kiến về tội lỗi hoặc sự vô tội của ngài ít nhất phản ảnh khá rõ các xác tín ý thức hệ của người ta về các bằng chứng thực sự trong vụ án.

Dreyfus, tất nhiên, là sĩ quan pháo binh người Pháp gốc Do Thái bị buộc tội phản quốc năm 1894 vì bị cáo buộc truyền bí mật quân sự cho người Đức, đã ngồi tù năm năm trên đảo Devil. Dreyfus cuối cùng đã được tha bổng và phục hồi địa vị trong quân đội của mình, nhưng trong hơn một thập niên, các ý kiến về tội lỗi hoặc vô tội của anh có chức năng như một tiếng nói dìu dắt mù quáng gây ra các căng thẳng chính trị và văn hóa rộng lớn hơn, đặt những người Công Giáo và duy truyền thống chống Cộng hòa và “chống Dreyfus” và những người cấp tiến chống giáo sĩ chống chọi nhau.

Nhân tiện, người ta cũng có thể dễ dàng so sánh Đức Hồng Y Pell với Alger Hiss, nhà ngoại giao tao nhã người Mỹ bị buộc tội năm 1948 làm điệp viên cho Liên Xô. Giống như Đức Hồng Y Pell, Hiss đã bị xét xử hai lần, với lần đầu kết thúc ở một bồi thẩm đoàn không ngã ngũ và lần thứ hai dẫn đến việc kết án. Trong trường hợp này cũng vậy, các ý kiến trong một thời gian dài đã nói nhiều về cuộc đụng độ giữa phái diều hâu và phái bồ câu trong Chiến tranh Lạnh hơn là về các sự kiện.

Tương tự như vậy, các ý kiến về Đức Hồng Y Pell ngày nay thường tiết lộ nhiều về các định kiến của người quan sát hơn là về thực tại thực sự của những gì đã xảy ra.

Những người bị xúc phạm nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ, nói chung, tin rằng Giáo hội thối nát và mong muốn thấy các quan chức cấp cao như Đức Hồng Y Pell phải chịu trách nhiệm, đã giả thiết tội lỗi của Đức Hồng Y Pell ngay từ đầu và đang ăn mừng kết quả vào hôm Thứ Tư.

Anne Barrett Doyle của nhóm hoạt động BishopAccountability.org nói: “Quyết định hôm nay của Tòa án phúc thẩm Victoria là một biến cố đánh dấu một bước ngoặc, một dấu hiệu của sự tiến bộ sẽ mang lại hy vọng cho tất cả các nạn nhân”.

Barrett Doyle nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô “ngay bây giờ nên nhanh chóng hành động để lên án và trừng phạt Pell, loại ông ta ra khỏi Hồng Y đoàn và hồi tục ông ta”.

Tuy nhiên, có một phần đáng kể trong quan điểm Công Giáo, không chỉ giới hạn ở Vatican hay các giám mục Úc, nhưng hiện diện đáng kể ở cấp cơ sở trên toàn thế giới, họ xác tín như nhau ngay từ đầu rằng Đức Hồng Y Pell vô tội, và sẽ vẫn còn như thế cho đến ngày hôm nay.

Nhóm này tin rằng bằng chứng trong vụ án Đức Hồng Y Pell, về cơ bản, là không thể tin được. Họ thấy ý tưởng cho rằng một tổng giám mục trong Thánh lễ trọng thể Chúa Nhật trong nhà thờ chính tòa của chính mình lại có thể tách ra khỏi đám rước, đi vào một phòng áo có rất nhiều người ra vào và lạm dụng hai thành viên thiếu niên của ca đoàn mà không bị ai nhìn thấy và mặc dù còn mặc nguyên lễ phục phụng vụ, một điều làm cho hành vi thể xác được đề cập gần như không thể có được, sau đó, tái xuất hiện và chào đón các người thờ phượng ở bên ngoài như thể không có gì xảy ra, thật khó tin đến mức gần như siêu thực.

Đối với nhóm đó, sự kiện Đức Hồng Y Pell bị cáo buộc, huống hồ là bị xét xử và bị kết án, nói nhiều với ta về thái độ bề hội đồng (lynch-mob) ở Úc hơn là về độ tin cậy của lời cáo buộc.

Mới đây, một nghệ sĩ người Úc đã vẽ một bức tranh tường về Đức Hồng Y Pell bị còng tay với Satan ở đằng sau trên cầu vượt tại một con phố La Mã sầm uất gần Vatican. Khi nó xảy ra, bức tranh tường được đặt ngay bên kia đường với giáo xứ mà John Allen thỉnh thoảng tham dự thánh lễ Chúa Nhật, vì vậy ông đã hỏi một trong những linh mục ở đó xem ngài nghĩ gì về nó.

Vị tu sĩ Dòng Phanxicô nói với Allen “Thật đáng kinh tởm. Không thể tin được rằng hệ thống tư pháp Úc lại để sự việc đi quá xa như thế này... những cáo buộc này thậm chí không thể đưa ra xét xử ở bất cứ nơi nào khác, vì chúng hết sức lố bịch”.

Nhân tiện, vị linh mục này không có liên hệ gì với Vatican và chưa bao giờ gặp Đức Hồng Y George Pell. Ngài chỉ đơn giản là một linh mục giáo xứ, người biết rõ sự việc hoạt động ra sao trong một nhà thờ chính toà vào Chúa Nhật; ngài cho rằng các cáo buộc này đã không thể ngửi được.

Khó có thể biết được liệu một khai triển mới, hoặc một chút bằng chứng mới có thể lấp đầy được hố phân cách kia hay không. Từ đây trở đi, đối với một số người, Đức Hồng Y George Pell có lẽ là một biểu tượng của sự cao ngạo và tội lỗi giáo sĩ, và đối với một số người khác, ngài là một câu chuyện cảnh báo về sự cuồng loạn và các cáo buộc sai lầm.

Còn về số phận của Đức Hồng Y Pell với Giáo hội, điều chắc là sẽ không có quyết định cuối cùng nào về việc lấy đi chiếc mũ đỏ của Đức Hồng Y Pell, hoặc trục xuất ngài khỏi chức linh mục cho đến khi chúng ta biết liệu ngài có lên kế hoạch kháng cáo lên Tòa án Tối cao hay không. Nhân tiện, đó là những gì phân biệt trường hợp của Đức Hồng Y Pell, với trường hợp của cựu Hồng Y và cựu linh mục Theodore McCarrick, vì ít người Công Giáo lên tiếng nghi ngờ nhiều về tính chân thật trong các báo cáo về hành vi sai trái của McCarrick.

Sáng thứ Tư, người phát ngôn của Vatican, Matteo Bruni, đã lặp lại sự tôn trọng của Tòa Thánh đối với hệ thống tư pháp Úc, đồng thời nói thêm rằng Đức Hồng Y Pell đã luôn duy trì sự vô tội của mình trong suốt diễn trình xét xử và ngài có quyền kháng cáo lên Tòa án Tối cao”.

Điều mà tuyên bố trên không nói tới, nhưng là một phần rất lớn nội dung của bản văn phụ (subtext), là có những người quan trọng trong đội ngũ của Đức Giáo Hoàng, những người tuy có thể ít ủng hộ Đức Hồng Y George Pell về mặt chính trị hoặc bản thân, nhưng họ vẫn không tin rằng ngài có tội đối với những cáo buộc này.
 
Hàng chục ngàn người Úc phản đối dự luật hợp pháp hóa việc phá thai ở bang New South Wales.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
19:32 21/08/2019
Dự luật cải cách chăm sóc sức khỏe sinh sản hợp pháp hóa phá thai theo yêu cầu đến 22 tuần tuổi thai và phá thai với sự chấp thuận của các bác sĩ cho đến khi sinh. Dự luật hợp pháp hóa việc phá thai được Hội đồng Lập pháp - Hạ viện thông qua với 59 phiếu thuận và 31 phiếu chống, sau cuộc tranh luận kéo dài 3 ngày.

Vào đêm thứ ba 20 tháng 8, hàng ngàn người Úc phò sự sống biểu tình chống lại luật phò phá thai bên ngoài tòa nhà Quốc hội New South Wales. Trong cùng ngày, Hội đồng Lập pháp - Thượng viện - đã quyết định trì hoãn bỏ phiếu về biện pháp này cho đến ngày 17 tháng 9.

Video về cuộc biểu tình ủng hộ cuộc sống, được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội của nhóm New South Wales Right to Life - Quyền Sống, cho thấy hàng ngàn người đồng thánh ủng hộ sự sống vào đêm thứ ba. Nhiều người biểu tình ủng hộ sự sống mang những biểu hiệu cùng với các khẩu hiệu như "Love Them Both - Yêu cả hai", "Stand for Life - Đứng lên vì sự sống" và "Pro-Life, Pro-Woman, Pro-Child - Phò sự sống, Phò Phụ nữ, Phò Trẻ em” Thánh giá và hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô có thể được nhìn thấy trong các video về cuộc biểu tình, cũng có một lá cờ của Vatican. Nhóm New South Wales Right to Life đã tuyên bố rằng khoảng 10.000 người đã tham gia biểu tình.

Video khác nhau cho thấy một diễn giả nói chuyện với đám đông bằng micro. Ông lưu ý rằng cuộc bỏ phiếu ở thượng viện đã "bị trì hoãn thêm ba tuần nữa", sau đó ông tuyên bố: "Chúng tôi phải làm cho họ biết rằng trong ba tuần nữa chúng tôi có thể trở lại!" Đám đông nổ ra câu hô vang dội "chúng tôi sẽ trở lại, chúng tôi sẽ trở lại." Cuộc biểu tình đêm thứ ba kết thúc với phép lành của Tổng Giám mục Anthony Fisher của tổng giáo phận Sydney.

Khi dự luật phá thai đã được tranh luận ở hạ viện hồi đầu tháng này, hơn một chục sửa đổi trong dự luật đã được đưa ra để xem xét. Một số sửa đổi đã được thông qua, một số khác thì không. Chúng tôi phải làm cho họ biết rằng trong ba tuần nữa chúng tôi có thể quay lại!

Khi tin tức về dự luật phá thai được đưa ra vào tháng 7, các nhà lãnh đạo Công Giáo, Chính thống và Anh giáo đã nỗ lực chung để lên tiếng chống lại việc hợp pháp hóa rộng lớn của dự luật phá thai. Đức Tổng Giám Mục Fisher nói trong một tuyên bố chung ngày 5 tháng 8 với Đức Tổng Giám Mục Anh giáo địa phương: “Chúng tôi là những vị lãnh đạo về đức tin, nhìn nhận Thiên Chúa là đấng tạo dựng sự sống, và chúng tôi chào đón tất cả những sự sống mới sẽ sống, yêu và cười trên đất nước này lâu dài sau khi chúng tôi qua đời… Dự luật không chỉ cho phép phá thai cho đến 22 tuần vì bất kỳ lý do nào và không có yêu cầu nào, nó cũng cho phép phá thai vì bất kỳ lý do nào cho đến khi sinh, với điều kiện hai bác sĩ đồng ý "trong mọi trường hợp" rằng phá thai nên diễn ra, như thể đây là sự lựa chọn duy nhất - và tốt nhất - cho phụ nữ. Xã hội dân sự nào quy định việc phá thai em bé một tuần hay một ngày trước khi cô ấy chào đời?”

Ngài tiếp tục tuyên bố: "Đừng nhầm lẫn, điều này thay đổi luật phá thai theo cách sẽ tước đi nhân tính của chúng ta." Sau khi Hạ viện bỏ phiếu tán thành dự luật ủng hộ phá thai, TGM Fisher đã bình luận trong một tuyên bố ngày 8 tháng 8: "Nếu một nền văn minh được đánh giá bằng cách đối xử với các thành viên yếu nhất của mình, New South Wales đã thất bại một cách ngoạn mục ngày hôm nay." Ngài kết luận: ““Thông điệp Kitô giáo là một thông điệp tình yêu: dành cho trẻ em chưa sinh, cho các bà mẹ và các gia đình, và cho tiểu bang NSW yêu dấu của chúng ta, điều này tốt hơn nhiều so với dự luật này.”

Những người phản đối dự luật đã lập luận rằng về mặt kỹ thuật nó cho phép phá thai theo chọn lọc giới tính. Hiện nay, phá thai là bất hợp pháp ở New South Wales trong hầu hết các trường hợp. Có những trường hợp ngoại lệ vì các mối đe dọa đối với sự sống của người mẹ và sức khỏe thể lý hoặc tâm lý của người mẹ. Năm 1995, một phán quyết của tòa án đã mở rộng về điều này, thêm một ngoại lệ cho người mẹ trong các trường hợp khó khăn về kinh tế và xã hội.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Những Phản ứng khác nhau trước việc Tòa án Tiểu bang Victoria kết liễu tiến trình kháng cáo của ĐHY Pell
Thanh Quảng sdb
19:35 21/08/2019
Những Phản ứng khác nhau trước việc Tòa án Tiểu bang Victoria kết liễu tiến trình kháng cáo của ĐHY Pell
Ba thẩm phán trong phiên tòa kháng cáo

Ngay sau khi quyết định 2-1 được Tòa án tiểu bang Victoria, Australia công bố, bác bỏ việc kháng cáo của Hồng Y George Pell, cả Giáo hội địa phương ở Úc và Tòa thánh đều đưa ra các tuyên cáo nói lên những phản ứng khác nhau đối với quyết định này.

Phản ứng của Hồng Y Pell
Người phát ngôn của Hồng Y Pell đưa ra một tuyên bố cho biết ĐHY Pell rất thất vọng trước quyết định này.
Sau đó, ngài bày tỏ rằng luật sư đoàn biện hộ cho ngài sẽ xét lại bản án xem có thể đệ đơn kháng cáo lên Tòa Tối cao của Úc hay không. Tuyên án của phiên tòa kháng cáo hôm nay lại một lần nữa được kết thúc 2-1 giữa ba vị thẩm phán! Đức Hồng Y Pell vẫn xác quyết sự vô tội của mình.

Phản ứng của Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge đã đưa ra một tuyên bố ngay sau khi quyết định tòa kháng cáo được công bố.
Trong đó ĐTGM nhìn nhận rằng: Tất cả các Giám mục Công Giáo Úc tin rằng mọi người Úc phải được bình đẳng theo luật pháp và chấp nhận phán quyết của phiên tòa hôm nay. Trong khi nhìn nhận rằng quá trình xét xử và kháng cáo của Hồng Y Pell là một thời gian khó khăn đối với những người sống sót sau những sự lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Đức Tổng Giám Mục Comensoli của Melbourne cũng thừa nhận rằng phán quyết của Tòa kháng cáo thứ Tư vừa qua đã gây ra những thao thức buồn đau cho nhiều người.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Melbourne
Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Peter Comensoli nói trong tuyên cáo của mình rằng ngài tôn trọng phán quyết của tòa và ngài cũng khuyến khích người khác cũng đón nhận như vậy. Ngài thừa nhận sự phức tạp của tiến trình tìm kiếm sự thật trong vụ án của Đức Hồng Y Pell. Ngài cũng cho biết ngài nhớ tới các nạn nhân và cầu nguyện cho người đã đưa vụ này ra tòa.
Đức Tổng Giám Mục bày tỏ ngài sẵn sàng cung cấp những nâng đỡ tinh thần và mục vụ cho người tố giác cũng như cho Đức Hồng Y Pell trong thời gian ngồi tù thụ án thời gian còn lại của bản án.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Sydney
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney nêu lên trong tuyên cáo của ngài về quyết định 2-1 của ba Thẩm phán, đồng thuận với quan điểm khác của các phiên tòa thứ nhất và thứ hai, cũng như những ý kiến trái chiều của các nhà bình luận pháp lý và công chúng nói chung.
Sau đó, ngài trấn an mọi người hãy bình tĩnh và hành xử nhã nhặn với nhau; ngài cũng cam kết rằng Tổng giáo phận Sydney sẽ làm mọi sự có thể để ngăn ngừa những tội ác này sẽ không tái diễn để xây dựng một Giáo hội là nơi chốn an toàn nhất cho trẻ em và cho những người dễ bị tổn thương.

Phản ứng của Tòa thánh
Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã đưa ra một tuyên cáo thừa nhận quyết định của tòa án Melbourne về việc bác bỏ việc kháng cáo của Đức Hồng Y Pell. Nhưng Tuyên cáo cũng nhắc lại là Đức Hồng Y Pell vẫn xác quyết là ngài vô tội...
Bản thông cáo kết thúc với lời cam kết gần gũi của Tòa thánh với các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục và cam đoan sẽ xét xử các giáo sĩ phạm tội lạm dụng này thông qua các cơ quan có thẩm quyền trong giáo hội.
(Nguồn Vatican News)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Giáo xứ Phú Hòa : Hành Hương Đức Mẹ La Vang và chia sẻ bác ái
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:40 21/08/2019
Từ tối thứ năm 15.8.2019,lúc 20g chuyến xe của ban Caritas Giáo xứ Phú Hòa gồm các thân hữu và các khách mời đã xuất phát từ giáo xứ Phú Hòa.Chuyến hành hương trong 5 ngày đi qua các tỉnh thành của miền Trung,thăm các nhà thờ,Nhà thờ chánh tòa Nha Trang,Giáo xứ Mằng Lăng quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên,nhà thờ chánh tòa Phủ Cam-Huế,nhà lưu niệm Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cầu nguyện với Đức Mẹ Tà Pao, Đức Mẹ Trà Kiệu,Đức Mẹ Sao Biển.

Thật là ý nghĩa biết bao vì ngoài cuộc hành hương đến các Trung Tâm Thánh Mẫu đoàn đã thực thi bác ái chia sẻ.Mục đích của chuyến hành hương để gặp gỡ Chúa,đến với Đức Mẹ và cố gắng noi gương Mẹ Maria học sống yêu thương và phục vụ tha thân.

Xem Hình

Giữa tháng 8 mùa hè,miền Trung đang trong những đợt nắng nóng cực độ,đoàn đã được thư giãn tinh thần bằng những cuộc dạo chơi tắm biển đùa vui với những làn nước biển và bãi cát trắng mịn.

Quả là trùng hợp trong các ngày hành hương,Phụng vụ Lời Chúa tuần 20 Thường niên qua các bài Tin Mừng theo Thánh Mát–thêu chương 19 nhắc nhở chúng ta về tinh thần từ bỏ,không bám víu của cải vật chất,tìm kiếm hạnh phúc trong Thiên Chúa,sống chia sẻ cho người khác về vật chất lẫn tinh thần.Chúa Giêsu cũng dùng cách nói quá, hình ảnh người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn con lạc đà chiu qua lỗ kim.Sự giàu có của chúng ta không bị Thiên Chúa từ chối đóng cửa Nước Trời lại,nhưng do con người không biết chia sẻ với người khác, sống dửng dưng vô tâm theo chủ nghĩa “ mặc-kê-nô” không việc gì đến mình.Chúa đã ban dư dật của cải vật chất để chúng ta chia sẻ cho người tùng thiếu,sống tình liên đới với tha nhân.

Điểm nhấn của chuyến hành hương có lẽ là cuộc giao lưu gặp gỡ với Linh mục Phanxicô Xavie Trần An, tại Trung Tâm Hướng Thiện La vang.Ai cũng cảm thấy bồi hồi xúc động trước tấm lòng của vị mục tử yêu thương những con chiên lạc,những bạn trẻ nghiện hút mê game,tạo cho các bạn cơ hội trở về, từ bỏ những thói tật xấu của mình.Các bạn trẻ đến với Trung Tâm Hướng Thiện tìm được một sức mạnh vô song chính là Chúa, để chống trả cám dỗ tăm tối, nói như bài hát cha Trần An sáng tác : Chúng tôi là chiến sĩ của Đức Mẹ La Vang”.Xin Mẹ nâng đỡ và phù hộ những con cái của Mẹ lên đường , chúng con sẽ có một tương lai sáng lạn.

Chia sẻ với Trung Tâm Hướng Thiện La Vang những món quà vật chất,đoàn hành hương Caritas cảm thấy vui hơn,điều cho đi ở đây không chỉ là vật chất nhưng là tình thương, sự đồng cảm với những bạn trẻ lạc lối,giúp cho các bạn thấy rằng,đối với Thiên Chúa ai cũng được yêu thương và đón nhận,từ đó các bạn bỏ đi “mặc cảm” lầm lỗi của mình,cùng hát hò cạ tụng cảm tạ Chúa.Sau đó, đoàn ra về không quên mua những tràng chuỗi của các bạn ở Trung tâm làm ra.

Ngoài ra trong chuyến đi, mọi người còn được nghe kể về những chứng nhân đức tin theo Chúa.Trong bữa cơm tối tại giáo xứ Kẻ Văn,cha quản xứ Anrê Nguyễn văn Trường chia sẻ về truyền thống trung kiên giữ vững đức tin của bà con giáo dân trong giáo xứ.

Giáo xứ Kẻ Văn được thành lập cách đây đã hơn 300 năm.Trong vụ tấn công Văn Thân (1885) vào họ Kẻ Văn,nhà thờ bị đốt, cùng với 264 tín hữu Kẻ Văn được phúc tử đạo.

Trải qua bao thăng trầm theo dòng lịch sử,giáo dân Kẻ Văn bao đời vẫn giữ vững đức tin,chứng tỏ một niềm tin kiêu hùng vào Thiên Chúa, đã chấp nhận đổ máu để bảo vệ và lưu truyền hạt giống đức tin trên mãnh đất này.Giáo Xứ Kẻ Văn đã đóng góp cho Giáo Hội toàn cầu một vị thánh tử vì đạo,Thánh Giuse Lê Đăng Thị (sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị. Làm Cai Đội dưới thời vua Tự Đức,bị xử giảo ngày 24-10-1860 tại An Hòa, được phong Chân Phước ngày 02-5-1909 do Đức Piô X, phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 do Đức GH Gioan Phaolô II, và 264 Vị Thánh Tử Vì Đạo vô danh khác mà bia mộ các Ngài vẫn đang còn tọa lạc trước sân Nhà Thờ.

Đó là những khó khăn trong lịch sử, giáo xứ Kẻ Văn ngày nay đang đối diện với khó khăn về mưu sinh kinh tế,những tàn phá khốc liệt của bão lũ thiên tai.

Đoàn trở về giáo xứ Phú Hòa lúc 20 g ngày 20.8.2019.Được biết Caritas Giáo xứ Phú Hòa thường tổ chức những chuyến hành hương để gây quỹ cho ban.

Tạ ơn Chúa đã cho đoàn hành hương Caritas Giáo xứ Phú Hòa ra đi cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa,tình mẫu tử che chở của Mẹ Lavang,và qua chuyến đi nàychúng con biết học nơi Mẹ, biết quan tâm chia sẻ đến với những mảnh đời khó khăn túng thiếu, những người lầm lạc tội lỗi,vì có Chúa là chúng con có tất cả.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngọc Ngà Sen Trắng Nắng Hè
Lê Trị
08:29 21/08/2019
NGỌC NGÀ SEN TRẮNG NẮNG HÈ
Ảnh của Lê Trị

Ngập trong bùn chẳng vấy hôi tanh
Ưu tư cởi dâng nhành hoa trắng
Thân dù cong, tâm vẫn phẳng
Sương gió dầm mình mãi lặng lẽ vươn.
(Trích thơ của Phạm Hùng)
 
VietCatholic TV
Ngoại thường - Từng đàn rắn bò lên tôn kính Đức Mẹ nhân lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:51 21/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời là một ngày lễ lớn của Kitô giáo tại các quốc gia phương Tây. Đó là ngày lễ nghỉ quốc gia ở các nước Âu châu như Áo, Bỉ, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Đức là một ngoại lệ vì ngày lễ chỉ được tổ chức ở Saarland và một số vùng ở Bavaria.

Ngày lễ này luôn rơi vào ngày 15 tháng 8, bất kể đó ngày nào trong tuần. Trong năm nay, lễ này rơi vào ngày thứ Năm nên nhịp độ cuộc sống tại Âu châu chậm hẳn lại vì nhiều người xin nghỉ luôn ngày thứ Sáu, và như thế, họ có cả 4 ngày liên tục để đi chơi xa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bên cạnh đó, năm ngoái, một vụ cháy rừng kinh hoàng đã xảy ra tại Hy Lạp kéo dài đến 4 ngày từ 23 tháng 7 đến 26 tháng 7 làm 91 người chết. Bên cạnh đó còn có 164 người lớn và 23 trẻ em bị thương phải nằm bệnh viện. Sau biến cố này, nhiều tín hữu Chính Thống Giáo tin rằng họ cần phải ăn năn sám hối để tránh những chuyện kinh hoàng như thế.

Trong những bối cảnh như thế, Đài truyền hình Hy Lạp cho biết con số người hành hương tu viện Chính Thống Giáo trên đảo Kefalonia năm nay để tận mắt chứng kiến phép lạ Serpii Maicii Domnului đông hơn rất nhiều so với những năm trước.

Hàng năm từ mùng 5 tháng 8 đến 15 tháng 8, các tín hữu Chính Thống Giáo mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời tại tu viện Dormition of the Theotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa an nghỉ. Đó là một tu viện nổi tiếng trên hòn đảo Kefalonia của Hy Lạp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một hiện tượng rất siêu tự nhiên. Trong thời gian 10 ngày mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời từng đàn rắn từ biển bò lên và tụ tập chung quanh một ảnh tượng Đức Mẹ. Những con rắn này được gọi là Serpii Maicii Domnului, nghĩa là rắn của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Chúng rất hiền lành, không cắn ai. Các tín hữu có thể để chúng bò trên mặt mình. Các tín hữu Chính Thống Giáo tin rằng đây là một phép lạ diễn ra hàng năm. Năm nào không xảy ra hiện tượng này thì đó là một điềm xấu.

Những năm loài rắn đã không xuất hiện trên đảo là vào Thế chiến thứ Hai, và vào năm 1953, khi hòn đảo này xảy ra một trận động đất lớn.

Theo truyền thống, phép lạ này bắt đầu diễn ra vào năm 1705, khi các nữ tu của tu viện sắp bị những tên cướp biển tấn công.

Truyền thuyết kể rằng các nữ tu đã cầu nguyện nhiệt thành với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ biến các chị thành rắn để tránh bị bắt hay làm sao cho tu viện có đầy rắn để xua đuổi những tên cướp biển. Cuối cùng họ đã được cứu.

Kể từ đó, mỗi năm ngay trước dịp lễ, một đàn rắn lại bò từ biển vào tu viện như thể để tôn vinh Đức Mẹ. Sau lễ chúng rút hoàn toàn ra biển không còn con nào sót lại trên đảo.
 
Ba Lan bừng tỉnh: Nhà thờ đầy chật người, đặc biệt Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:26 21/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám tại Ba Lan cho thấy người Công Giáo tại quốc gia này đang bừng tỉnh.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám là một trong 13 ngày quốc lễ trong một năm của Ba Lan. Ngay cả trong thời kỳ cộng sản, ngày 15 tháng Tám vẫn là một ngày quốc lễ, mặc dù bọn cầm quyền cộng sản lúc đó gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan để kỷ niệm cuộc chiến tại Warsaw vào năm 1920.

Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan cho rằng giải thích của bọn cầm quyền cộng sản chỉ là một lối giải thích miễn cưỡng. Cộng sản không muốn gọi ngày 15 tháng Tám là ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng cũng không dám mừng ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan một cách trọng thể vì sợ mất lòng Liên Sô. Cho nên, trong suốt thời cộng sản, ngày 15 tháng Tám, dân chúng được nghỉ ngơi đi nhà thờ, không phải tham gia các cuộc mít-tinh hay các cuộc diễn binh, diễn hành trên đường phố.

Năm 1920, hồng quân Liên Sô tấn công Ba Lan. Quân Ba Lan liên tục rút chạy tán loạn trước sức tấn công vũ bão của đối phương. Trước đại họa đất nước bị chìm trong họa vô thần, hàng giáo sĩ Ba Lan kêu gọi anh chị em cầu nguyện đặc biệt với Đức Mẹ nhất là khi gần đến ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngày 12 tháng Tám, 1920, hồng quân Liên Sô do Nguyên Soái Mikhail Tukhachevsky lãnh đạo tạo thành 2 gọng kềm tiến đánh thủ đô Warsaw và thành phố Modlin Fortress. Tình thế gần như tuyệt vọng đối với người Ba Lan.

Tuy nhiên, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là ngày 16 tháng Tám, 1920, tướng Józef Piłsudski của Ba Lan mở cuộc phản công từ phía Nam thủ đô Warsaw. Hồng quân Liên Sô đại bại, rút chạy tán loạn về phía Đông liều lĩnh bơi qua sông Neman để thoát thân. Trong một ngày duy nhất, hơn 10,000 quân Liên Sô tử trận, 500 bị mất tích dưới dòng sông Neman đang chảy như thác lũ, 30,000 quân nhân bị thương và trầm trọng nhất là 66,000 quân nhân bị bắt sống tại mặt trận. Tướng Józef Piłsudski, một quân nhân chuyên nghiệp, đã tạo ra một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Nhưng ông là một người khiêm nhường, và đầy đức tin. Ông cho rằng chính nhờ Đức Mẹ và niềm tin vào Đức Mẹ mà quân Ba Lan từ tình trạng đang xuống tinh thần trầm trọng đã có thể đánh một trận oai hùng như vậy.

Thừa thắng xông lên, quân Ba Lan lần lượt thắng hết trận này sang trận khác, quét sạch quân Liên Sô ra khỏi bờ cõi đất nước. Cuối năm đó, Lênin đã phải nuốt nhục ký hiệp ước với Ba Lan.

Đại sứ Anh quốc tại Ba Lan là ông Edgar Vincent nhận xét rằng cuộc chiến ngày 16 tháng Tám, 1920 là cột mốc lịch sử. Nhờ cuộc chiến đó, phần còn lại của Âu Châu đã thoát khỏi mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Lênin.

Trong suốt mấy tuần qua, lần đầu tiên, sau khi cộng sản sụp đổ trên toàn cõi Âu châu, các tín hữu Ba Lan lại thấy niềm tin Kitô của mình bị công khai xúc phạm trên các đường phố. Liên tiếp trong nhiều tuần lễ bắt đầu từ giữa tháng Sáu, các cuộc diễn hành đồng tính nổ ra trên hầu hết các thành phố lớn của Ba Lan. Có nơi chỉ một vài trăm người, nhưng cũng không thiếu các trường hợp quy tụ được cả chục ngàn người, đặc biệt là người trẻ.

Các nhà hoạt động đồng tính diễn các vở kịch giễu cợt Phụng Vụ Công Giáo, công kích giáo lý Công Giáo, bỉ báng Đức Mẹ, nói những lời lộng ngôn, coi tôn giáo như một rào cản ngăn không cho con người được hưởng tự do.

Chứng kiến các nhà thờ chật ních người Công Giáo trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cùng với các cuộc tuần hành ủng hộ hàng giáo phẩm Ba Lan, tờ Gazeta Wyborcza, số ra ngày 16 tháng Tám, nói người Công Giáo đang bừng tỉnh như tâm trạng của người Ba Lan hồi tháng Tám, 1920 trước bờ vực của thảm họa mất nước vào tay cộng sản Liên Sô.