Ngày 16-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/8: Con lạc đà chui vào lỗ kim - Suy Niệm của Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Dũng SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:35 16/08/2021

PHÚC ÂM: Mt 19, 23-30

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.

Đó là lời Chúa.
 
Ơn gọi bên trong
Lm. Minh Anh
04:22 16/08/2021
ƠN GỌI BÊN TRONG

“Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo; anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Tôi!”.

Một thanh niên kể, “Chiều ấy, tôi xuống tàu như một gã lang thang. Suốt một năm, tôi ăn xin trên các nẻo đường. Ngày kia, rất đói, tôi chạm vào vai một ông lão, “Ông ơi, cho tôi xin 10 xu!”. Nhìn mặt ông, tôi bỗng nhận ra cha già của mình! “Ông không biết tôi sao?”, tôi hỏi. Vòng tay qua người tôi, ông khóc, “Ôi, con tôi! Cuối cùng, cha cũng tìm thấy con! Tất cả những gì của cha là của con!”. Bạn nghĩ coi, tôi là một kẻ lang thang đã cầu xin 10 xu từ một người đàn ông mà tôi không biết là cha mình, đang khi ông ấy đã tìm kiếm tôi suốt 18 năm, để cho tôi tất cả những gì ông sở hữu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một thanh niên khác; người này không xin 10 xu, nhưng xin sự sống đời đời. Chúa Giêsu cho anh một cái gì đó, có tên là một ‘ơn gọi bên trong’, “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo… rồi đến mà theo Tôi!”. Nghe thế, anh buồn rầu bỏ đi, vì anh ta giàu!

Ơn trời! Chúa Giêsu đã không nói điều này với ai trong chúng ta! Đúng không? Hay là Ngài đã nói? Và điều này có áp dụng được gì không nếu chúng ta muốn nên trọn lành? Câu trả lời sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên! Đúng thế! Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người bán hết gia sản của họ và cho đi, đúng theo nghĩa đen. Với những ai đáp trả lời mời gọi này, thật tuyệt vời, họ đã khám phá ra sự tự do trong việc dứt bỏ những gì thuộc về họ. Ơn gọi của họ là một dấu chỉ cho tất cả chúng ta về ‘ơn gọi bên trong’ mà mỗi người đã được ban. Nhưng, ‘ơn gọi bên trong’ Thiên Chúa ban cho mỗi người là gì? Đó là một lời mời gọi sống sự khó nghèo thiêng liêng. “Khó nghèo thiêng liêng”, nghĩa là mỗi người được kêu gọi dứt bỏ mọi của cải thế gian ở ‘mức độ tương tự’ như những người được gọi khó nghèo theo nghĩa đen. Sự khác biệt duy nhất là, họ được gọi cả bên trong lẫn bên ngoài; còn chúng ta, ‘xem ra’ chỉ bên trong. Nhưng nó cũng phải triệt để!

Nghèo khó bên trong trông như thế nào? Đó là một Mối Phúc! “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó!”, như Matthêu nói; và “Phúc cho người nghèo!”, nói như Luca. Nghèo khó tinh thần giúp chúng ta khám phá bao phúc lành của sự giàu có thiêng liêng từ việc dứt mình khỏi những ràng buộc vật chất của thời đại này. Không, ‘những thứ’ vật chất không phải là xấu; đó là lý do tại sao việc có một ít tài sản cá nhân là tốt. Nhưng cho rằng, sẽ là bình thường, khi gắn kết mạnh mẽ với ‘những thứ’ đời tạm này; và chúng ta thường muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa, đến nỗi rơi vào bẫy khi nghĩ rằng, có nhiều ‘thứ’ hơn, sẽ hạnh phúc hơn. Điều đó không đúng! Tự thâm tâm, chúng ta biết điều này, nhưng vẫn liều mình rơi vào vực thẳm khi phải làm sao có nhiều tiền và tài sản hơn; và cho rằng, như vậy sẽ thoả mãn. Giáo lý Rôma cổ viết, “Ai có tiền thì không bao giờ có đủ tiền!”.

Thật thú vị! Sách Thủ Lãnh hôm nay cũng nói đến ‘chân lý’ ‘không bao giờ đủ’ của dân Chúa, ngay cả khi cái họ muốn không thuộc về vật chất; đó là các vị thần. Thiên Chúa của họ là Thần các thần; ấy thế, họ không lấy làm đủ! Họ chạy theo các Baal; có Baal, họ chạy theo Astaroth… khiến Thiên Chúa thịnh nộ, đến nỗi, “Dù chúng đi nơi nào, tay Ta vẫn đè trên chúng!”. Nhưng Thiên Chúa lại xót thương, Ngài sai các Thủ Lãnh đến giải thoát họ; và khi các Thủ Lãnh chết, họ lại chứng nào tật đó, vì “Chúng không từ bỏ đường lối quá ương ngạnh chúng quen đi”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là lời van vỉ của các Thủ Lãnh, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài!”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu nói, “Ở trong thế gian, nhưng các con không thuộc về thế gian!”. Ai trong chúng ta cũng có một ‘ơn gọi bên trong’, sống trong thế giới nhưng không dính mắc vào ‘các thứ’ của thế giới. Những gì sở hữu chỉ là phương tiện để hoàn tất cuộc sống thánh thiện và mục đích của nó. Chúa ban những gì cần; Ngài không muốn chúng ta dư thừa và đặc biệt, bị ràng buộc bên trong bởi những của đời tạm này. Chúng ta hãy cầu xin cho biết mình thiếu gì, điều chúng ta luôn luôn thiếu là Giêsu. Nghèo khó bên trong là nhận biết Chúa Giêsu, kho tàng đích thực và là lẽ sống của mình; để bằng mọi giá, ôm lấy Ngài, chọn Ngài làm nguồn phúc lộc và là nguồn sống, vốn đưa chúng ta đạt đến sự sống đời đời. Một khi lòng trí chúng ta đã ôm chặt Giêsu, thì tự động, tất cả sẽ rơi rụng; đó là những gì thuộc về trần tục đang bám riết tâm hồn và mơ tưởng của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin nhận tất cả những gì con sở hữu và giúp con chỉ sử dụng nó theo cách Chúa muốn. Nhờ sự dứt bỏ này, may ra, con có thể khám phá được sự giàu có thực sự của ‘ơn gọi bên trong’ Chúa dành cho con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sống là lựa chọn
Lm. Thái Nguyên
14:03 16/08/2021
SUY NIỆM VÀ CẤU NGUYỆN CHÚA NHẬT 21 TN B



SỐNG LÀ LỰA CHỌN

Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B. Ga 6,54a.60-69

Suy niệm

Sống là phải lựa chọn, và cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn. Mỗi lựa chọn nói lên tầm nhìn và giá trị nhân cách của một con người, nhất là những lựa chọn quan trọng có tính quyết định về vận mệnh của đời mình, của cộng đoàn hay của dân tộc mình. Cũng như xưa khi Israel đã vào Đất Hứa, Giôsuê triệu tập tất cả 12 chi tộc tại Sikhem. Ông nhắc lại tất cả những điều mà Thiên Chúa đã làm cho họ, và kêu gọi họ hãy lựa chọn dứt khoát: một là trung thành thờ Chúa; hai là thờ các thần tượng khác, chứ không thể làm tôi hai chủ, thờ hai Chúa.

Trong bài Tin Mừng này, các môn đệ cũng phải làm một sự lựa chọn dứt khoát trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu về bản thân Ngài: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nhiều môn đệ phản ứng ngay: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. Quả thật, đây là điều vượt lên lý trí của con người. Họ không hiểu nổi thì làm sao nghe nổi? Trong Tin Mừng có những trường hợp tương tự như thế, nên Chúa Giêsu cũng từng nói: “Ai có tai nghe thì nghe”, nghĩa là ai hiểu được thì hiểu. Vì là chân lý cao siêu nên không phải ai cũng hiểu và sẵn sàng đón nhận. Nhưng trước tiên vấn đề không phải trí hiểu mà là lòng tin. Tuy đức tin không loại trừ lý trí, nhưng lý trí không phải là tiêu chuẩn tối cao để có thể quyết định tất cả. Điều sâu xa hơn là sự cảm nhận của con tim. Người ta không hiểu bằng lý trí nhưng có thể hiểu bằng sự yêu mến chân lý. Việc đón nhận chân lý bằng đức tin càng khó hơn,“vì lòng dân này đã ra chai đá.” (Mt 13,14).

Một hình thức chai đá của cả tâm và trí là “chấp ngữ”, chỉ nhắm vào từ ngữ mà không tìm hiểu ý nghĩa. “Ý tại ngôn ngoại”: ý ở ngoài lời, nhất là khi lời đó diễn tả những chân lý thâm sâu. Ngoài nghĩa đen, nghĩa vật chất, còn ý nghĩa tinh thần, nghĩa tâm linh. Biết các môn đệ bị sốc vì không nắm được ý nghĩa, nên sau đó Chúa Giêsu đã soi sáng thêm: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Sau này thánh Phaolô cũng cho biết:“Giao ước mới không phải là Giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cr 3,6).

Khi tỏ lộ về mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu biết có những kẻ không tin, nên Ngài cũng đã nói:“Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa. Thấy vậy, Chúa Giêsu cất tiếng hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ðại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô đáp lại ngay: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Xác định như thế không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy, nhưng vì họ tin vào con người của Thầy. Đó là con người có đầy những cái đáng tin, từ lời nói đến hành động, từ giáo huấn uy quyền đến những dấu lạ cả thể. Lòng tin này khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai. Thế nhưng ngay trong nhóm ở lại cũng có kẻ phản bội, không theo tới cùng.

Thật ra, biến cố Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Con Thiên Chúa, cũng như các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, vẫn là những mầu nhiệm khôn dò. Theo Đức Kitô là bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm, để ta có thể khám phá ra một Đức Kitô luôn luôn mới, và để Ngài dẫn bước ta dần dần đi sâu vào mầu nhiệm. Dù sao, khủng hoảng đức tin nơi các môn đệ xưa cũng thật gần gũi với con người chúng ta hôm nay. Vẫn có những Lời Chúa không dễ nghe và cũng khó mà hiểu thấu. Đã tới lúc mà cái đầu phải nhường bước cho con tim. Phải có tình yêu mến ta mới hiểu và chấp nhận được. Hơn nữa, Lời Chúa luôn sinh động và khơi sâu nới rộng, đòi ta phải mở rộng tầm nhìn, đồng thời điều chỉnh lại cách suy nghĩ và tương quan của mình với Chúa.

Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những lúc thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ làm ta bỏ cuộc. Hãy đưa mắt hướng nhìn lên Chúa, và xác định lại niềm tin của mình như Thánh Phêrô: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời… chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Con đường theo Chúa không phải dễ,

vì cuộc đời đầy dẫy những đam mê,

bản thân con lại yếu đuối nặng nề,

thêm sóng gió trên bước đường dương thế.

Theo Chúa như đi vào cuộc phiêu lưu,

có những cam go và rủi ro hoạn nạn,

nhiều môn đệ theo Chúa một thời gian,

gặp thử thách đã hoang mang bỏ cuộc.

Có những gian nan làm con chao đảo,

những cám dỗ làm con phải lao đao,

để khỏi bỏ cuộc con phải bỏ mình,

không bỏ mình thế nào cũng bỏ Chúa.

Xin cho con đừng tính toán hơn thua,

đừng màng tới những tranh đua cao thấp,

nhưng biết sống âm thầm và vô chấp,

để tâm thanh tịnh và phân định rõ ràng.

Cho dù có nhiều điều con không hiểu,

nhưng luôn tin vào tình Chúa thương yêu,

để con bước đi trong ánh sáng nhiệm mầu,

với con tim con mới dần cảm thấu.

Có nhiều bạn trẻ vẫn âu sầu,

giữa ngả ba đời không biết hướng về đâu?

Xin cho họ nhận ra Chân Thiện Mỹ,

là chính Chúa ẩn mình trong tâm trí,

Đấng làm cho con người nên cao quí,

khi dám sống đời mình theo Thiên ý.

Xin cho con chọn Chúa là tất cả,

dám bước đi trên con đường thập giá,

chẳng ngại chi để buông xả mọi điều,

hiến đời mình với tất cả tình yêu. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 16/08/2021

6. Khi chúng ta thực thi thánh ý của Thiên Chúa, thì không cảm thấy chán chường.

(Thánh nữ Jane de Chantal)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 16/08/2021
30. VỊT ĂN NGỰA

Ở thôn Thạch Môn có một công tử giàu có, nhìn thấy chỗ nào có người chơi đá dế, thì lấy một con ngựa đổi một con dế.

Một hôm, con dế nhảy vào bờ đá, công tử bèn sai người đập tan bờ đá để tìm con dế.

Con dế hết đường chạy nên nhảy xuống hồ nước, kết cuộc bị con vịt của hàng xóm ăn mất tiêu, công tử giận dữ đánh chết con vịt.

Người hàng xóm giận dữ hỏi sao đánh chết vịt và đòi công tử bồi thường tiền bạc mới bãi nại. Lúc ấy mọi người cười nói:

- “Vịt ăn ngựa”.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 30:

Ở Việt Nam có công tử Bạc Liêu đốt tiền để người yêu tìm đồ đạc bị mất, ở bên Tàu thì có công tử lấy con ngựa đổi con dế, đốt tiền và đổi dế thì giống nhau ở một điểm: ngu.

Tất cả những người Ki-tô hữu đều biết rất rõ ràng, trên trần gian này không có gì quý hơn ân sủng của Thiên Chúa, chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà họ nhận biết đâu là đời sống vĩnh cửu ở đời sau, và đâu là đời sống tạm bợ ở đời này; chính nhờ ân sủng này mà đức tin của họ ngày càng được gia tăng khi đối diện với những đau khổ và thử thách…

Đem cái giá trị to lớn để đổi lấy cái không có giá thì không phải là ngu hay sao, vậy mà trong cuộc sống có những người Ki-tô hữu lại làm như thế: đem ân sủng của Thiên Chúa ban cho để đổi lấy cái chết đời đời cho mình…

Con vịt ăn con ngựa thì nhất định là không có, nhưng những người giàu có ngu dần, chơi ngông mất cả lương tâm thì đầy cả thế gian này, tại sao vậy? Thưa vì họ coi những thú vui ấy là mục đích sống ở đời này của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người đàn bà điên cuồng phá tượng tái xuất hiện đốt tượng Đức Mẹ ngay giữa ban ngày
Đặng Tự Do
03:08 16/08/2021


Camera an ninh của nhà thờ Immaculate Conception of the Blessed Virgin Mary, tức là Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, của khu phố Bronx đã ghi lại được hình ảnh của một người đàn bà đang đốt tượng Đức Mẹ vào lúc 6g chiều Chúa Nhật 8 tháng Tám vừa qua.

Nhà thờ Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội được thành lập vào năm 1853 để phục vụ những người Công Giáo Đức trong khu phố Melrose của South Bronx. Linh mục Caspar Metzler được bổ nhiệm làm Cha sở tiên khởi, và dưới sự lãnh đạo của ngài, một ngôi nhà thờ bằng gỗ hai tầng đã được dựng lên trên khu vực mà ngày nay là 150 East trên Đại lộ Melrose. Nhà thờ được cung hiến vào ngày 29 tháng 5 năm 1853.

Năm 1886, giáo xứ bắt đầu được giao cho các Cha Dòng Chúa Cứu Thế cho đến ngày nay. Các ngài đã xây một nhà thờ lớn hơn ngay phía sau tòa nhà ban đầu được khánh thành vào năm 1887. Nhà thờ có một ngọn tháp được coi là cảnh quan tiêu biểu của thành phố New York. Chẳng may, theo thời gian ngọn tháp này bị hư hại nên ngày nay không còn nữa.

Theo Cha Sean McGillicuddy, là cha sở của nhà thờ, người đàn bà được nhìn thấy đốt tượng Đức Mẹ dường như cũng chính là người đàn bà đã đập vỡ tượng Đức Mẹ và tượng thánh Têrêxa hôm 17 tháng 7 tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Thương xót ở Queens.

Người phụ nữ đã phóng một mảnh vải tẩm đầy xăng vào bức tượng Đức Mẹ bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội vào khoảng 6 giờ chiều Chúa Nhật trước khi châm lửa đốt.

Lực lượng cứu hỏa đã đến hiện trường trong vòng vài phút, và dập tắt được ngọn lửa trước khi ngọn lửa có thể lan rộng.

Bức tượng không bị hư hại nặng.

Cảnh sát vẫn đang tìm kiếm nghi phạm. Vụ phá hoại đang được điều tra bởi Đơn vị Tội phạm vì Thù Hận của Sở Cảnh sát Thành phố New York và Khu 112. Những ai biết thông tin gì về người đàn bà điên cuồng này xin liên hệ với cảnh sát theo số 1800-577-8477.
Source:ABC New York
 
Người Công Giáo New York đặt vấn đề về sự im lặng của Thị trưởng de Blasio trước các tội ác căm thù nhắm vào người Công Giáo
Đặng Tự Do
03:09 16/08/2021


Tổ chức Bảo Vệ Di Sản Người Ái Nhĩ Lan tại tiểu bang New York, tiếng Anh gọi là The New York State Ancient Order of Hibernians, gọi tắt là AOH, đã lên tiếng bày tỏ sự bất mãn đối với sự im lặng khó hiểu của Thị trưởng Bill de Blasiso trước sự “gia tăng tội ác căm thù” nhắm mục tiêu người Công Giáo.

Trong tuyên bố hôm 11 tháng 8, James Russell, Chủ tịch Ủy ban Công Giáo Tiến hành của AOH, viết: “Tổ chức Bảo Vệ Di Sản Người Ái Nhĩ Lan tại tiểu bang New York kêu gọi Thị trưởng de Blasio phải công khai lên án các hành vi bạo lực ngày càng gia tăng đối với Giáo Hội Công Giáo ở Thành phố New York được minh chứng bởi vụ phá hoại vào cuối tuần qua tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở The Bronx. Các mảnh vải thấm đầy xăng đã được đặt trước tượng Đức Mẹ và châm lửa đốt”.

“Vụ tấn công vào Tượng Đức Mẹ chỉ là vụ mới nhất trong một sự gia tăng đáng lo ngại về tội ác thù hận nhắm vào các Nhà thờ Công Giáo ở Thành phố New York.”

“Vào ngày 17 tháng 7, một bức tượng của Đức Mẹ và một bức tượng khác của Thánh Têrêxa Hài Đồng tại Nhà thờ Đức Mẹ Thương xót ở Forest Hills, Queens đã bị phá hủy. Đây là cuộc tấn công thứ hai vào các bức tượng trong một tuần”.

“Trước đó, vào ngày 28 tháng 5, tượng Đức Mẹ tại nhà thờ Thánh Adalbert ở Queens đã bị vỡ thành nhiều mảnh”.

“Vào ngày 17 tháng 5, một cây Thánh giá đã bị phá hoại tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Athanasius ở Bensonhurst”.

“Vào ngày 15 tháng 5, một kẻ phá hoại đã phá hủy bức tượng Đức Mẹ Núi Carmêlô và bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu bên ngoài Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmelô ở Đảo Staten”.

Theo ông James Russell, sau hàng loạt các vụ tấn công như thế điều thật khó hiểu là NYPD, tức là sở Cảnh Sát New York, danh bất hư truyền, từng phá được bao nhiêu vụ án phức tạp lại không thể tìm ra được bất cứ một thủ phạm nào.

James Russell nhấn mạnh rằng:

“Thị trưởng đã rất nhanh chóng lên án công khai và đúng đắn các hành vi thù hận đức tin nhắm vào các tín ngưỡng khác. Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhận thấy sự im lặng đáng lo ngại, từ Thị trưởng liên quan đến những hành động thù hận ghê tởm nhắm vào người Công Giáo”.

Bill de Blasiso, tên khai sinh là Warren Wilhelm Jr, sinh ngày 8 tháng 5, 1961 là con của bà Maria de Blasio và ông Warren Wilhelm. Năm 1983, ông ta đổi tên là Warren de Blasio-Wilhelm. Đến năm 2001, ông ta lại đổi tên một lần nữa thành Bill de Blasiso để đoạn tuyệt với người cha mình, mặc dù thân phụ ông đã chết vào năm 1979. Bà Maria de Blasio là một người Ý, theo đạo Công Giáo và là một nhà văn. Sau khi chồng chết bà ta tuyên bố bỏ đạo và nhiều lần công khai chống báng Giáo Hội. Bill de Blasiso, ảnh hưởng nặng bởi bà mẹ, cũng là người nhiều lần công khai chống báng đạo thánh Chúa.
Source:Irish Catholic
 
Giám mục El Paso yêu cầu cho các nhân viên nhà thờ, và các thừa tác viên tiêm phòng
Đặng Tự Do
03:09 16/08/2021


Viện dẫn sự cần thiết của Giáo Hội Công Giáo phải “đi đầu bằng gương sáng” và phải hành động có trách nhiệm để bảo vệ những người khác trong đại dịch coronavirus, Đức Cha Mark Seitz của El Paso nói rằng tất cả các nhân viên của Giáo hội và các tình nguyện viên cho các thừa tác vụ phải được tiêm chủng.

“Những người phục vụ cộng đồng Công Giáo, theo bản chất của công việc của họ, có sự tương tác chặt chẽ với nhiều người khác”, Đức Cha Seitz nói trong một thông điệp ngày 6 tháng 8 gởi cho những người Công Giáo trong giáo phận của mình. “Giáo hội có trách nhiệm làm tất cả trong khả năng của mình để giữ an toàn cho những người khác. Tôi không thể sống với chính mình nếu tôi không làm hết khả năng của mình để bảo đảm rằng sứ vụ của Giáo hội không khiến người khác gặp rủi ro”.

“Vì lợi ích của các anh chị em của chúng ta, tôi yêu cầu tất cả những người được Giáo hội tuyển dụng và tất cả những người thực hiện các thừa tác vụ của Giáo hội, bao gồm, nhưng không giới hạn, các giáo lý viên và thừa tác viên Thánh Thể phải được tiêm chủng”, Đức Cha viết.

Ngài nói, những người không thể tiêm chủng do “các vấn đề sức khỏe cụ thể” có thể xin miễn trừ.

Trích dẫn các báo cáo rằng hơn 90% những người nhập viện với COVID-19 và biến thể Delta là những người chưa được chủng ngừa, ngài nói: “Những người đã chọn không tiêm chủng do lo sợ các tác dụng phụ giờ đây phải nhận ra rằng nguy cơ tác dụng phụ đang giảm dần so với nguy cơ tử vong do biến thể Delta”.

Tính đến ngày 13 tháng 8, 44.8% người dân Texas đã được tiêm chủng đầy đủ, tổng cộng là 13 triệu người.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit ca ngợi tấm gương của các tình nguyện viên Công Giáo trên tuyến đầu
Đặng Tự Do
03:10 16/08/2021


Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ sáng Chúa Nhật ngày 15 tháng 8 tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thủ đô Bangkok. Trong thánh lễ này, Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit đã lên tiếng ca ngợi các tình nguyện viên Công Giáo trên tuyến đầu giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật do đại dịch gây ra.

Họ cung cấp lương thực cho những người dân kiệt quệ vì kinh tế khó khăn. Là một quốc gia sống chủ yếu vào ngành du lịch, Thái Lan trong những ngày này rất thê thảm khi bóng dáng khách du lịch đã nhanh chóng mất dạng từ tháng Hai năm ngoái sau khi đại dịch coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Tuy nhiên, công tác khó khăn nhất, hiểm nghèo nhất là đưa các bệnh nhân đến nhà thương. Trường hợp của cựu phi công Chayaphon Satondee là một ví dụ.

Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit tường thuật câu chuyện cảm động sau được tờ Bangkok Post đăng tải một ngày trước đó.

Trang bị bảo hộ cá nhân, Chayaphon Satondee phóng tới ngôi nhà ở Bangkok của một bệnh nhân coronavirus lớn tuổi cần được chăm sóc khẩn cấp tại bệnh viện.

Chayaphon cho bà cụ 86 tuổi thở oxy trước khi đặt bà lên cáng và đưa bà đến bệnh viện trên một chiếc xe bán tải.

Anh ấy làm điều này suốt mỗi ngày với tư cách là thành viên một nhóm tình nguyện của tổng giáo phận Bangkok có tên Zendai, nghĩa là “kết nối”, được thành lập cách đây 4 tháng để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, những người bị cô lập do đại dịch.

Nhóm có hơn 100 tình nguyện viên giúp giải quyết các cuộc gọi đến đường dây nóng, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và thực hiện hơn 10,000 test mỗi ngày. Hầu hết họ là những người trẻ tuổi không được đào tạo về y tế nhưng được dạy cách ứng phó cấp cứu cơ bản.

Các bệnh viện của Thái Lan đang ngập trong làn sóng nhiễm bệnh lớn nhất của đất nước cho đến nay. Tính đến thứ Bẩy 14 tháng 8, Tử vong tại Thái Lan đã lên đến 7,343 người, trong số 885,275 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó, có 23, 418 trường hợp nhiễm bệnh mới và 184 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các nhà thờ vẫn tiếp tục được mở cửa với các thánh lễ có giáo dân tham dự.
Source:Licas News
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Afghanistan và kêu gọi chung tay giúp đỡ Haiti
Thanh Quảng sdb
05:24 16/08/2021
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Afghanistan và kêu gọi chung tay giúp đỡ Haiti

Khi kết thúc buổi đọc kinh “Tuyền Tin” trong ngày Lễ trọng Kính Đức Mẹ Hồn xác lên Trời (15/8/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho sự đối thoại hòa bình ở Afghanistan và cho các nạn nhân của trận động đất ở Haiti, ĐTC kêu gọi thế giới hãy đoàn kết để giúp đỡ...

(Tin Vatican)

Sau khi đọc kinh “Truyền Tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên những quan ngại về tình hình ở Afghanistan. ĐTC tha thiết xin mọi người hiệp lòng cầu xin "Chúa của hòa bình giúp các phe phái hãy hạ khí giới, và qua việc đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình cho đất nước! ĐTC nói chỉ bằng cách này, "những người dân nghèo khổ, nam nữ, những người già và trẻ em" mới có thể "trở về nhà họ, và sống trong an bình, với sự tôn trọng lẫn nhau".

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới trận động đất cực mạnh hủy hoại đất nước Haiti trong đêm qua (14/8/2021), khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người bị thương và tổn hại lớn. ĐTC bày tỏ "sự gần gũi với những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất này", ĐTC dâng lời cầu xin lên Chúa cho các nạn nhân. ĐTC cũng đề cập tới những người sống sót, đang cầu xin sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế hầu họ có thể vượt qua được thảm họa này. ĐTC đã mời mọi người hiện diện ở Quảng trường đọc một kinh Kính mừng cầu nguyện cho Haiti.
 
Người di cư tập trung tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ đang ở mức cao nhất trong suốt 21 năm qua
Đặng Tự Do
15:58 16/08/2021


Cơ quan Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ báo cáo gần 200,000 người di cư đang tập trung dọc biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ trong tháng Bảy, là con số cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Số lượng người di cư hàng tháng đã giảm xuống còn 16,182 vào tháng 4 năm 2020, ngay sau khi dịch coronavirus bùng phát khiến chính quyền Mỹ đóng cửa biên giới phía tây nam và làm chậm tiến trình di cư từ nhiều nơi trên thế giới. Nhưng số lượt người di cư đã tăng mạnh kể từ đó, đạt 199,777 người vào tháng 7, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.

Con số tháng 7 là con số người di cư hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2000 và vượt xa mức cao nhất trong làn sóng di cư lớn cuối cùng tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ, xảy ra vào tháng 5 năm 2019.

Những người di dân từ Trung Mỹ ở biên giới Mỹ đang được lưu trú tại tỉnh Tijuana của Mễ Tây Cơ. Một số đông đang tạm trú tại Trung tâm Tỵ nạn của các cha dòng Scalabrinian.

Trong suốt 31 năm qua nhà dòng Scalabrinian đã cung cấp nơi trú ẩn và nhiều dịch vụ cho những người di dân bị trục xuất cũng như đang chờ đợi tại Tijuana, Mễ Tây Cơ. Kể từ ngày xuất hiện đoàn di dân từ Trung Mỹ, phần lớn những người di dân này đang được cư trú tại Trung tâm Di dân với hy vọng được nhận vào tị nạn tại Hoa Kỳ.
Source:Pew Research
 
Ghi danh hành hương kính Đức Mẹ lại bị buộc phải hành hương các di tích của cộng sản
Đặng Tự Do
15:59 16/08/2021


Các giáo phận Công Giáo trên khắp Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay, và phải đưa ra các chỉ thị cấm các cuộc hành hương kính Đức Mẹ nhân dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Cha Bernardo Cervellera, một linh mục truyền giáo và là một nhà báo, người đã bảo vệ Giáo hội ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua với tư cách là tổng biên tập của AsiaNews, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng:

“Mọi cộng đoàn, mọi giáo phận đều phải tổ chức đại hội, các cuộc hội diễn văn nghệ, và cả những cuộc hành hương đến những địa danh lịch sử của Đảng Cộng sản”.

Hăng hái nhất trong các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc là Giám Mục Giuse Lý Sơn (Li Shan, 李山) của Bắc Kinh. Trong khi tại Vatican nhiều người coi Lý Sơn là một lựa chọn tốt, Cha Bernardo Cervellera, người từng là Giáo sư tại Hoa Lục đã gọi Lý Sơn là một “tai ương của Giáo Hội tại Trung Quốc.” Thực tế đã cho thấy nhận xét của Cha Cervellera là đúng.

Lý Sơn đã tổ chức một bữa tiệc tại Tòa Giám Mục của mình để các thực khách được mời theo dõi cho bài phát biểu ngày 1 tháng 7 của Đại Đế Tập Cận Bình đánh dấu một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo trang web của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, tại tỉnh Giang Tây, 40 linh mục và tín hữu đã tham dự một hội nghị chuyên đề để nghiên cứu làm thế nào để “thực hiện theo tinh thần” của bài phát biểu do Tập Cận Bình đưa ra. Và những người Công Giáo ở Hồ Bắc đã tổ chức lễ chào cờ và mừng Đảng.

“Nhưng họ bị cấm không được hành hương đến Đức Mẹ Xà Sơn, là thánh địa quốc gia dành cho Đức Mẹ ở Trung Quốc,” Cha Cervellera nói.

Trong một trường hợp thật đau lòng, các tín hữu ở Hồ Bắc đóng tiền tham dự hành hương Đức Mẹ Xà Sơn để tạ ơn sống sót sau đại dịch lại bị chở đi thăm con đường vạn lý trường chinh một cộng sản.

Theo Cha Cervellera, tình hình này cho thấy những thách thức hiện các tín hữu Công Giáo đang phải đối mặt tại Hoa Lục: bọn cầm quyền ra sức o ép dưới sự tiếp tay của nhiều mục tử đang hoạt động không khác gì chó sói.

Trong gần ba năm kể từ khi Tòa thánh ký thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018, tình hình của những người Công Giáo thầm lặng càng ngày càng trở nên khó khăn.

Cuộc sống “rất khắc nghiệt” đối với họ, Cha Cervellera giải thích.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số hội dòng của các nữ tu bị giải thể, các nhà thờ bị đóng cửa. Chúng tôi đã thấy các linh mục bị đuổi khỏi giáo xứ của các ngài và một số chủng sinh bị cấm học thần học. Các giám mục bị bắt hoặc bị quản thúc tại gia, 24 giờ một ngày”.

Các linh mục Công Giáo tham gia vào Giáo Hội quốc doanh ở Trung Quốc bị yêu cầu ký vào một tờ giấy, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi những nơi thờ tự được công nhận, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

“Và trên hết, họ phải ca ngợi vinh quang của Đảng Cộng sản”, Cha Cervellera chua chát nói.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Giáo chủ bị hăm dọa lấy mạng vì kêu gọi hòa bình
Đặng Tự Do
16:00 16/08/2021


Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Giáo chủ Công Giáo Maronite đã bị những người ủng hộ Hezbollah đe dọa lấy mạng sau khi kêu gọi người Li Băng nên theo đuổi một chính sách trung lập trong khu vực.

Vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Maronite đã nhận được những lời đe dọa từ những người ủng hộ Hezbollah trong tuần này sau khi kêu gọi chấm dứt các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Li Băng.

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai đã kêu gọi hòa bình, nói rằng Li Băng nên giữ thái độ trung lập trong các cuộc xung đột khu vực trong bài giảng ngày Chúa Nhật 8 tháng 8 của ngài, hai ngày sau khi Hezbollah bắn 19 quả hỏa tiễn vào Israel từ miền nam Li Băng.

Không nhắc tên Hezbollah, Thượng phụ Maronite của Antiôkia nói rằng không thể chấp nhận được tình trạng “một bên đơn phương đưa ra quyết định về chiến tranh” mà không có đủ số lượng 2/3 theo quy định của hiến pháp đất nước.

“Chúng tôi kêu gọi quân đội Li Băng ngăn chặn việc phóng tên lửa từ lãnh thổ Li Băng, không phải vì sự an toàn của Israel, mà là vì sự an toàn của người Li Băng”, Đức Hồng Y Rai nói.

Những người ủng hộ Hezbollah đã đáp trả bằng cách đe dọa lấy mạng của vị Hồng Y với các bài đăng trên mạng xã hội có hình Đức Hồng Y Rai với một chiếc thòng lọng quanh cổ.

Trong một bài đăng trên Facebook, một người sống ở vùng ngoại ô phía nam của Beirut đã viết bằng tiếng Ả Rập như sau: “Ông nghĩ rằng chúng tôi không biết cách treo cổ hay sao?” Và “Mắt đền mắt, răng đền răng. Giáo chủ sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Một tổ chức nhân quyền ở Lebanon, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng đã có những cuộc biểu tình trên các đường phố trong những khu vực chủ yếu là người Shiite chống lại Đức Hồng Y Rai, gọi ngài là kẻ phản quốc và cộng tác viên của Do Thái.

Hezbollah là một nhóm chiến binh và chính trị Hồi giáo dòng Shiite được chính phủ Hoa Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Các nhà lãnh đạo chính trị ở Li Băng và nước ngoài đã gửi thông điệp đoàn kết tới Đức Hồng Y Giáo Chủ Maronite sau những lời đe dọa công khai.

Tổng thống Michel Aoun đã gặp Đức Hồng Y Rai vào ngày 13 tháng 8 sau khi lên án những lời đe dọa nhắm vào Đức Hồng Y vì sự khác biệt về quan điểm. Nghị sĩ Li Băng Simon Abi Ramia cũng bày tỏ sự đoàn kết với ngài, cũng như các nghị sĩ Hoa Kỳ Brad Sherman và Tim Burchett.
Source:Catholic News Agency
 
Phi Luật Tân tổ chức Đại Hội Thánh Thể trực tuyến vì đại dịch ngăn cản việc đi đến Budapest
Đặng Tự Do
16:00 16/08/2021


Các hạn chế liên quan đến đại dịch sẽ ngăn cản người Công Giáo ở Phi Luật Tân đến Budapest tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 vào tháng tới. Vì thế, các giám mục Phi Luật Tân đã quyết định tổ chức Đại Hội Thánh Thể trực tuyến của riêng mình.

Các giám mục Phi Luật Tân đã có ý định cử một phái đoàn gồm 500 người Công Giáo đến đại hội từ ngày 5-12 tháng 9 tại Hung Gia Lợi, như một phần trong các cử hành đánh dấu 500 năm Kitô giáo ở Phi Luật Tân.

Các giám mục của quốc gia Đông Nam Á này đã phải hủy bỏ kế hoạch đó do đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Đầu tháng này, các ngài đã thông báo rằng thay vào đó, các ngài sẽ tổ chức một đại hội Thánh Thể toàn quốc trực tuyến trong tình đoàn kết với cuộc họp Budapest.

Sự kiện quốc gia sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Santa Cruz, ở Manila vào ngày 11 tháng 9. Nhà thờ là Đền thờ Thánh Thể của Tổng Giáo phận Manila.

“Nhà thờ Santa Cruz sẽ là trung tâm của hoạt động nhưng tất cả các cuộc nói chuyện sẽ được ghi âm trước và sẽ được phát trực tuyến”, thư ký điều hành của ủy ban giám mục về các đại hội Thánh Thể quốc tế nói với CBCP News.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hung Gia Lợi để cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest vào ngày 12 tháng 9.

Đại hội kéo dài một tuần đã bị hoãn so với dự kiến ban đầu là vào tháng 9 năm 2020 do đại dịch coronavirus.

Đức Tổng Giám Mục Jose Palma của Cebu, Phi Luật Tân, đang có kế hoạch tham dự sự kiện Thánh Thể toàn cầu ở Budapest. Theo truyền thống, một giám mục từ nước chủ nhà trước đó của đại hội sẽ cử hành một thánh lễ trong tuần tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế tiếp theo.
Source:Catholic News Agency
 
Mối đe dọa của trí khôn nhân tạo
Vũ Văn An
19:37 16/08/2021

Các kỹ thuật được gọi là “trí tuệ nhân tạo” hoặc “AI” quan trọng hơn hầu hết mọi người có thể nhận ra. Tác động của chúng ít nhất sẽ bằng, và có thể cao hơn tác động của điện, máy tính và liên mạng. Hơn nữa, tác động của chúng sẽ ồ ạt và nhanh chóng, nhanh hơn so với những gì mà liên mạng đã mang lại trong ba mươi năm qua. Chẳng hạn, phần lớn nó sẽ rất kỳ diệu, như giúp người mù nhìn thấy và cho phép các xe cộ tự lái, nhưng kỹ thuật do AI tạo ra cũng có thể phá hoại công ăn việc làm, tăng khả năng cho việc giám sát toàn diện của nhà nước và gây ra những biến động xã hội chưa lường trước được. Chúng ta có ít thời gian cần để hiểu về kỹ thuật phát triển nhanh chóng này và thiết lập các nguyên tắc quản trị nó.

Thuật ngữ “AI” được đặt ra bởi một nhà khoa học máy tính vào năm 1956. Đơn giản nhất, AI đề cập đến các kỹ thuật kết hợp dữ kiện và thuật toán để tạo ra một kết quả. Những kỹ thuật này có thể đơn giản như Bản đồ Google phân tích dữ kiện giao thông để cung cấp tuyến đường nhanh nhất, máy Alexa của Amazon “hiểu” câu hỏi “Mấy giờ rồi?” Và iPhone “nhận diện ” khuôn mặt của bạn làm mật khẩu cuối cùng.



Trên thế mạnh của AI là các ứng dụng như taxi tự lái của Waymo, hiện đang hoạt động ở Phoenix. Hệ thống máy tính tích hợp của Waymo sắp xếp dữ kiện cập nhật đến từng giây từ 29 camera cũng như cảm biến radar và LIDAR để đưa ra các quyết định có tiềm năng sinh tử, chưa kể đến việc giữ cho xe cộ đi đến đích. Vào tháng 10, Apple thông báo rằng iPhone 12 mới của họ có thể "nhìn" một cảnh tượng qua camera gắn trên xe (onboard camera) của họ và mô tả nó "nhìn thấy" thấy gì bằng ngôn ngữ tự nhiên – như, "Đây là một căn phòng với một chiếc ghế sofa và hai chiếc ghế".

Thí dụ về những đột phá bất ngờ, đáng chú ý của AI xuất hiện ít nhất hàng tháng. Vào tháng 12, Không quân Hoa Kỳ đã công bố chuyến bay thành công đầu tiên của U-2 với phi công phụ dựa trên AI, một phát triển có ý nghĩa sâu rộng đối với tương lai của không chiến. Vào tháng 11, dự án DeepMind AI của Google đã làm kinh ngạc thế giới y tế với AlphaFold, một công cụ dựa trên AI cung cấp các cách nhanh hơn nhiều để dự đoán các nếp gấp trong cấu trúc protein, một yếu tố chủ chốt trong nghiên cứu vắc-xin.

Nền tảng cho nhiều nếu không muốn nói tất cả những đột phá này là một loại AI được gọi là “học sâu” [deep learning] hoặc “mạng thần kinh” [neural networks], mà Geoffrey Hinton, một nhà khoa học nghiên cứu tại Google, đã nghiên cứu ra vào giữa thập niên 2000. Được kích hoạt bởi bộ xử lý máy vi tính cực kỳ mạnh mẽ và lưu trữ dữ kiện “cloud” hầu như không giới hạn, phương pháp "mạng thần kinh" này giúp AI có thể giải quyết các vấn đề trong thế giới thực theo những cách hợp túi tiền. Kai-Fu Lee, một trong những chuyên gia AI hàng đầu thế giới và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất AI Superpowers (Siêu cường AI) viết, “Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến việc áp dụng một bước đột phá căn bản — học sâu và các kỹ thuật liên quan — cho nhiều vấn đề khác nhau”.

Lee làm nổi bật sự phân biệt giữa AI ngày nay và thứ được gọi là “trí thông minh nhân tạo tổng quát” (AGI), vì AI ngày nay là một AI hoàn toàn tiên tiến có thể làm bất cứ điều gì con người có thể làm, chỉ tốt hơn mà thôi — có lẽ tốt hơn rất nhiều. AI của ngày nay hầu như đều được thiết kế để làm tốt một việc, bất kể đó là việc nhận diện và hái một quả dâu chín hay đánh bại đội vô địch thế giới ở Dota 2. Cả hai hệ thống AI đều không có khả năng làm bất cứ điều gì khác ngoài những gì nó được xây dựng để làm.

Ngược lại, một AGI siêu mạnh như HAL năm 2001: A Space Odyssey (cuộc phiêu lưu không gian) hay Samaritan trong loạt phim truyền hình CBS, Person of Interest, về lý thuyết có khả năng học hỏi và hành động theo những cách tránh thoát các giới hạn của AI ngày nay khi nó theo đuổi mục tiêu được lập trình và thậm chí bảo vệ chính nó. Cho đến nay, AGI là khoa học viễn tưởng [fiction]. Các chuyên gia hiện đang rất mơ hồ về thời điểm AGI có thể trở thành hiện thực [real] - trong một thập niên hoặc một thế kỷ nữa - và việc xuất hiện của AGI có thể có ý nghĩa gì: đỉnh cao văn minh hay sự kết thúc của nhân loại.

Suy đoán về tất cả những điều đó là điều hết sức đáng lưu ý, nhưng nó làm xao lãng một thách thức xã hội to lớn hiện có trước mắt chúng ta, đó là hiểu được những mối nguy hiểm mà AI ngày nay gây ra cho xã hội và cá nhân.

Vì AI sử dụng các thuật toán vừa không thấy vừa phổ biến, nó hoàn toàn khác với nhiều kỹ thuật khác — từ năng lượng hạt nhân tới chuyến bay thương mại, tới xe hơi hiện đại — với các mặt trái nguy hiểm của chúng được mọi người nhìn thấy trong thế giới vật lý. Các ứng dụng AI không những khó nhận biết về diễn trình thực thi và tác động của chúng; chúng dễ dàng thoát khỏi khuôn khổ pháp lý và đạo đức được chúng ta áp dụng cho phần lớn các mối nguy hiểm trong thế giới của chúng ta. Yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi cài đặt dây an toàn và túi khí [airbags] như một phương tiện cứu mạng trực tiếp và rõ ràng là một chuyện; mà chuyện khác là xác định tác động hiện sinh của các hệ thống AI mà bạn vốn không thể quan sát trong lúc chúng hành động.

Như thường lệ trong Kỷ nguyên kỹ thuật số, các ứng dụng AI của khu vực công và tư đang đi trước khả năng xác định các hậu quả của chúng. Nhà khoa học máy tính Stuart Russell của Đại Học Berkeley, tác giả cuốn Human Compatible: Artificial Intelligence and the Problem of Control (Tương thích với Con người: Trí khôn Nhân tạo và Vấn đề Kiểm soát), nói rằng các kết quả của một hệ thống như vậy, các thuật toán tương tác với mạng xã hội, đã tạo ra một thảm họa AI trên bình diện văn minh mà không ai ngờ tới: sự phân cực gây hại cho xã hội. Trọng điểm của các thuật toán này là duy trì sự chú ý của người dùng, đặc biệt là để cổ vũ “các việc nhấp chuột qua các siêu nối kết với các trang mạng mình muốn” [click-throughs]. Điều này nghe có vẻ giống như một tình huống thông thường trong đó một nhà cung cấp hàng hóa thích ứng đối với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Nhưng đó không phải là những gì thực sự xảy ra, Russell giải thích:

"Giải pháp đơn giản là trình bày các mục mà người dùng thích nhấp vào, phải không? Sai. Giải pháp là thay đổi ý thích của người dùng để chúng trở nên dễ đoán hơn. Một người dùng dễ đoán hơn có thể được cung cấp các mục mà họ có khả năng sẽ nhấp vào, do đó tạo ra nhiều doanh thu hơn. Những người có quan điểm chính trị cực đoan hơn có xu hướng dễ đoán họ sẽ nhấp vào mục nào hơn.... Giống như bất cứ thực thể hữu lý nào, thuật toán học cách sửa đổi trạng thái của môi trường của nó — trong trường hợp này là tâm trí của người dùng — để tối đa hóa phần thưởng của chính nó".

Nói cách khác, thay vì định hình sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, các thuật toán truyền thông xã hội thao túng đối tượng của họ. Khi diễn trình này tiếp diễn, những khuyến khích nhỏ có tác động lớn, làm thay đổi thị hiếu và sở thích trong việc tẩy não chậm chạp và xảo quyệt nhằm củng cố các thiên hướng “cực đoan”.

Russell cảnh cáo, “Hậu quả bao gồm... sự giải thể khế ước xã hội”. Nếu con người có thể bị thay đổi một cách ranh mãnh như vậy, nếu một hệ thống máy tính có thể thay đổi hành vi của họ mà họ không hề nhận ra, thì những giả định về sự lựa chọn hợp lý sẽ là cơ sở cho sự sụp đổ trật tự xã hội hiện đại. Ý tưởng cho rằng chúng ta tự ý thức được bản thân, là những người thủ diễn hợp lý đang tham gia vào một hệ thống dân chủ, phải bị nghi vấn, và với nó là những nguyên lý căn bản của trật tự chính trị cấp tiến.

Cho đến nay, hầu hết các thách thức chính trị đối với AI đều nằm trong đề mục “thiên kiến đối với AI”. Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy một số hệ thống AI nhằm đánh giá các cá nhân đang cho thấy cùng những thành kiến y hệt, được nuôi dưỡng bởi những người có thành kiến. Nhiều điển hình đã liên tiếp xuất hiện trong việc tuyển dụng phần mềm, hệ thống dự đoán chính sách, dịch vụ giáo dục và tài chính, nhận diện khuôn mặt, v.v. Vấn đề thường phát xuất từ một tập dữ kiện không thỏa đáng, chẳng hạn như phần mềm cho điểm thấp cho một ứng viên xin việc có sự chú ý bị lên xuống trên màn hình trong lúc phỏng vấn — một tác phong bất ngờ của một người mù hoặc một người bị bất cứ khuyết tật nào khác.

Liên hiệp châu Âu đã giải quyết vấn đề này trong Quy định chung về bảo vệ dữ kiện (GDPR) năm 2016 khá mạnh mẽ của họ. GDPR được tiếng nhất về việc có những biện pháp bảo vệ dữ kiện nghiêm ngặt, nhưng nó cũng có một số dự liệu để bảo vệ công dân Liên hiệp châu Âu chống lại các quyết định do máy móc điều khiển. Điều 22 của Quy định này nói rằng người ta có thể từ chối các quyết định hoặc nhận xét mà AI có thể đưa ra về họ:

"Chủ thể dữ kiện [một người] có quyền không phải chịu một quyết định chỉ dựa trên diễn trình xử lý tự động, bao gồm cả việc lập hồ sơ, tạo ra các hậu quả pháp lý liên quan đến họ hoặc ảnh hưởng cũng đáng kể như thế đến họ".

Ngoài ra, Qui định này cũng thiết lập một điều giống như “quyền được giải thích”, điều mà nó mô tả như là “thông tin có ý nghĩa về luận lý liên hệ, cũng như tầm quan trọng và các hậu quả được dự kiến của diễn trình xử lý như vậy đối với chủ thể dữ kiện". Nói cách khác, nếu AI xác định rằng một người không phù hợp với công việc hoặc khoản vay, người đó có thể yêu cầu một lời giải thích. Có lẽ còn quá sớm để cho biết những biện pháp bảo vệ này sẽ diễn ra như thế nào trong thực tế ở Liên hiệp Châu Âu, nhưng việc được thấy chúng trong một văn bản pháp lý quan trọng nhằm quản lý thế giới kỹ thuật số là điều đáng khích lệ.

Tất nhiên, sẽ có sự phản đối mạnh mẽ đối với loại quy định đó ở Hoa Kỳ. Các nhà biện hộ sẽ lập luận rằng dữ kiện tốt hơn sẽ chữa được sự thiên vị, trong khi một AI “có thể giải thích được” hoặc “có thể thanh lý được” hơn sẽ loại bỏ hiệu quả “hộp đen”. (Tuy nhiên, đáng chú ý là việc rất khó có thể rút ra được lời giải thích về các quyết định của các AI sử dụng các kỹ thuật học sâu). Các nhà biện hộ ít nhất cũng đúng một phần, nếu chỉ vì thị trường đòi hỏi AI mỗi ngày một đáng tin cậy hơn, chứ không phải các phương thức khiến khách hàng chỉ biết cam chịu các vi phạm dân quyền và các hậu quả không thể nào giải thích nổi.

Trên thực tế, các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã ý thức sâu sắc rằng các hệ thống chuyên gia AI, chẳng hạn như phần mềm giao dịch tài chính, máy đọc nội soi cắt lớp y khoa (medical scan) và thậm chí cả vũ khí bay không người lái của quân đội, sẽ không thành công nếu chuyên gia thực sự - tức nhà kinh doanh, bác sĩ hoặc phi công máy bay không người lái —Không thể yêu cầu được giải thích về những gì một hệ thống dựa trên AI đã đề nghị hoặc quyết định. Một số công ty khởi nghiệp hiện nay chuyên trích xuất các giải thích từ các hệ thống không rõ ràng. Chủ đề này cũng là một chủ đề quan trọng trong học thuật và nghiên cứu quốc phòng.

Tuy nhiên, phương thức phó mặc tự do sẽ không tạo ra các biện pháp kiểm soát thoả đáng đối với AI. Dù sao, bất cứ điều gì được Facebook xây dựng đều đã được kích hoạt bởi các lực lượng thị trường và không ai thực sự biết cách loại bỏ hoặc hãm đà các thiệt hại gây ra. Chính phủ cũng không đáng tin trong việc đưa ra phương thức đúng đắn, khi không có các khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã sử dụng AI để thiết lập một nhà nước giám sát hết sức toàn diện, và, ngược lại, còn cung cấp kỹ thuật này cho các chế độ nước ngoài liên minh với Trung Quốc và những mong thắt chặt quyền kiểm soát chính trị của chính họ.

Một lần nữa, với khả năng tàng hình của những công cụ này, không có gì là xa vời khi dự đoán chúng sẽ, chỗ này chỗ nọ, trườn vào các xã hội dân chủ. Thí dụ, chúng ta nên thực hiện các biện pháp ngay từ bây giờ bằng cách vạch ra một số đường lối pháp lý xung quanh kỹ thuật giám sát gây tranh cãi như Clearview, vốn là một trong những kỹ thuật nhận diện khuôn mặt hàng đầu được cảnh sát sử dụng để nhận diện thủ phạm. Ở một số khu vực tài phán của Hoa Kỳ, kỹ thuật nhận diện khuôn mặt đã bị cấm và một số công ty kỹ thuật, đặc biệt là Microsoft và Amazon, đã bị sở cảnh sát cấm sử dụng các công cụ giống Clearview của họ. Tuy nhiên, việc nhận diện khuôn mặt chỉ là một trong nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về sự đánh đổi giữa quyền riêng tư của công dân và việc chấp hành pháp luật hữu hiệu hơn. Không phải tất cả những sự đánh đổi như vậy đều liên quan đến AI, nhưng nhiều đánh đổi có liên quan, và số lượng của chúng sẽ tăng lên cách nhanh chóng trong những năm tới.

Trên thực tế, sự thiên vị AI và các vấn đề chấp pháp có thể không đáng kể so với tác động của AI đối với việc làm. Có một sự đồng ý rộng rãi rằng nhiều việc làm dành cho nhân viên cổ xanh và cổ trắng sẽ biến mất nhờ các hệ thống dựa trên AI trong những năm tới. Câu hỏi duy nhất là có bao nhiêu và công việc “mới” nào sẽ phát sinh để thay thế chúng. Trong cuốn AI Superpowers, Kai-Fu Lee ước tính rằng AI sẽ tự động hóa từ 40 đến 50% tất cả các việc làm của Hoa Kỳ, từ tài xế xe tải đến kế toán viên, trong những năm tới. Các ước tính của Lee cao hơn các nghiên cứu khác, chẳng hạn như các nghiên cứu được thực hiện bởi PwC và MIT, nhưng Lee cho biết nhiều nghiên cứu không nắm bắt được tốc độ mà với nó, AI đang trở nên có khả năng hơn. Thật vậy, ông tin rằng chúng ta đang hướng tới một biến động xã hội rất lớn, trong đó việc làm có ý nghĩa ngày càng khan hiếm và các chênh lệch kinh tế thậm chí còn gia tăng nhiều hơn nữa.

Một phản lập luận đối với dự phóng đen tối của Lee gần đây đã đứng đầu danh sách bán chạy nhất của tạp chí Wall Street. Cuốn -Reprogramming the American Dream (Lập trình lại Giấc mơ Mỹ) của Kevin Scott, Tổng giám đốc Kỹ thuật của Microsoft, đưa ra nhiều hy vọng hơn và lập luận rằng với nhiều đầu tư hơn vào giáo dục và cơ sở hạ tầng, AI có thể mang lại lợi ích cho người Mỹ, đặc biệt là những người sống ở những khu vực đình trệ bên ngoài các thành phố, một thế giới mà Scott biết rõ vì được nuôi dưỡng ở nông thôn Virginia. Không phải do ngẫu nhiên mà J. D. Vance đã viết lời tựa cho cuốn sách. Việc Scott tin tưởng cho rằng AI có thể lên sinh lực cho các nền kinh tế nông thôn đã được chứng minh bằng các điển hình về việc các trang trại nhỏ đã có thể phát triển rực rỡ ra sao, chẳng hạn bằng cách áp dụng các bộ cảm biến [sensors] rẻ tiền, các thuật toán thông minh, các đám mây [clouds] dữ kiện và điện toán “sát nguồn” [edge computing] để trồng trọt hoặc quản lý đàn gia súc hữu hiệu hơn. Chắc chắn cuốn sách rất đáng khích lệ và Scott là một nhà kỹ thuật xuất sắc mà vai trò của ông tại Microsoft mang lại cho ông khả năng tiếp cận đáng kể cũng như những hiểu biết sâu sắc về những gì đang diễn ra. Điều ít rõ ràng hơn là làm sao để bất cứ sự kết hợp nào giữa thị trường hoặc lực lượng công, hai thực thể mà Scott thừa nhận đều cần thiết, có thể đưa viễn kiến của Scott thành hiện thực trên một quy mô hữu ích.

Những hệ luận có tính cách mạng của kỹ thuật AI như xe hơi không người lái chỉ là dấu hiệu báo trước cho những phát triển cấp tiến hơn khi AI biến triển thành AGI, vốn là mục tiêu theo đuổi hiện nay của Google’s DeepMind và OpenAI. Elon Musk coi AI không được qui định là “rủi ro lớn nhất mà chúng ta phải đối phó trong tư cách một nền văn minh”, và giữa những người trong phái của ông có Stephen Hawking quá cố và Stuart Russell của Đại Học Berkeley. Điều đáng chú ý là các nỗ lực khoa học viễn tưởng để dự phóng AGI hầu như luôn luôn đều lạc chỗ: thí dụ: loạt phim Person of Interest (Người quan tâm) của CBS. Trong đó, một AI được huấn luyện để trân qúi mọi sự sống của con người đuợc đặt đọ sức với một AI mệnh danh là “Samaritan”, có khả năng lớn hơn để làm sạch xã hội một cách dữ dội không ngừng và không quan tâm chi đến sự sống, tự do hoặc diễn trình hợp pháp, bằng cách làm việc qua những con người có trí khôn và không có trí khôn.

Chúng ta chưa đến chỗ đó, nhưng đã qua thời gian để bắt đầu suy nghĩ về việc phải bảo đảm không bao giờ có một AI mạnh như Samaritan trong thế giới của chúng ta. Quan trọng hơn, chúng ta phải bảo đảm để những AI mà chúng ta cùng chung sống hiện nay được hiểu rõ và chịu sự kiểm soát của con người và những người tạo ra chúng phải chịu trách nhiệm giải trình. Nơi để bắt đầu là với những AI mà chúng ta đã có sẵn trong xã hội. Quá khứ đề ra một con đường phía trước.

Thế kỷ trước đáng chú ý với sự gia tăng các cơ quan chính phủ được lập ra để bảo vệ các công dân khỏi các kỹ thuật mới xuất hiện qua việc xét nghiệm và ra qui định. Về phương diện lịch sử, các cử tri có ý thức đã thúc đẩy ngành lập pháp hành động. Mô tả của Upton Sinclair trong The Jungle (Rừng hoang) về các điều kiện mất vệ sinh trong các kho trữ hàng ở Chicago đã dẫn đến Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm tinh khiết năm 1906, một đạo luật, ngược lại, đã dẫn đến việc thành lập ra FDA (Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Thuốc thang). Các vụ đụng máy bay trên không trung trong những năm 1950 đã thúc đẩy sự ra đời của FAA (Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang). Cuốn sách gây tranh cãi của Ralph Nader, Unsafe at Any Speed (Không An toàn ở Bất cứ Tốc độ nào), và một bài báo của Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia đã dẫn đến NHTSA (Cơ quan Quản trị An tòa Lưu thông Xa lộ Quốc gia) vào thập niên 1960. Những cơ quan này và những cơ quan khác đã cứu vô số mạng sống bằng cách thiết lập các xét nghiệm, xếp hạng và các chế độ quản lý nhằm định nghĩa “an toàn” là gì và buộc người thủ diễn phải chịu trách nhiệm giải trình.

Liệu một phương thức tương tự có thể hoạt động để ngăn chặn AI được không? Câu trả lời tốt nhất là chúng ta phải thử một điều gì đó, và khuôn khổ của cơ quan qui định phải là khuôn khổ được chứng minh. Tuy nhiên, AI khó xác định và kiềm chế hơn nhiều so với xe hơi và an toàn thực phẩm. Các hậu quả nguy hiểm tiềm tàng bao gồm từ thất nghiệp hàng loạt và việc truyền thông thao túng gây bất ổn về mặt xã hội ở đầu này của phổ hệ tới việc duy trì mãi mãi các tiên mẫu có sẵn về chủng tộc và nhiều điều khác trong diễn trình ra quyết định tự động ở đầu kia của phổ hệ. So sánh ra, việc giải quyết vấn đề an toàn xe hơi giống như trò chơi trẻ em. Tuy nhiên, việc kiềm chế AI tỏ ra quan trọng hơn nhiều so với công việc tuyệt vời mà các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đã thực hiện. Nền dân chủ và xã hội của chúng ta phụ thuộc vào điều này.

Giáo sư Russell và các đồng nghiệp đã bênh vực lập luận trên trong một bài báo đăng trên tạp chí Wired năm 2019:

"Chúng ta có thể sẽ phải chịu đựng thêm sự gián đoạn xã hội trong thời gian chờ đợi, vì các khuyến khích thương mại và chính trị tiếp tục khiến khu vực tư chưa được hưởng các hình thức bảo vệ chủ động mà chúng ta cần. Chúng ta sẽ bị đẩy xa hơn về phía cực đoan, và các niềm hy vọng về một ngôn từ cởi mở, hữu hiệu và đa dạng trong quảng trường thị trấn kỹ thuật số sẽ tàn lụi.

"Chúng ta có một thời gian ngắn để giữ thần đèn AI trong chiếc chai do chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta không hiểu mối đe dọa và ra luật lệ cho phù hợp, sẽ đến ngày AI đưa ra các quyết định cho chúng ta, không cần phải giải trình cho chúng ta, không cần chúng ta biết hoặc đồng ý".

Viết theo Ned Desmond, First Things, tháng 8 năm 2021
 
Trước sự tiếp quản, lo âu và hoảng sợ của quân Taliban, một Linh mục Công Giáo ở Kabul cầu xin…
Thanh Quảng sdb
21:17 16/08/2021
Trước sự tiếp quản, lo âu và hoảng sợ của quân Taliban, một Linh mục Công Giáo ở Kabul cầu xin…

Aleteia - Wakil Kohsar / AFP

Cha Giovanni Scalese, dòng thánh Barnaba nói: “Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng hoang mang lo lắng chờ đợi điều sẽ xảy ra!..”

Vị linh mục chịu trách nhiệm về Giáo điểm Truyền giáo ở Afghanistan đã mời gọi tất cả cầu nguyện cho xứ sở này trước khi quân Taliban tiến chiếm thủ đô Kabul.

Cha Giovanni Scalese, thuộc Dòng Thánh Barnaba, người đứng đầu Giáo điểm Truyền giáo (Missiosui iuris) ở Afghanistan, nói với Đài phát thanh Vatican hôm thứ Bảy xin hãy “cầu nguyện... cầu nguyện, cầu nguyện, cho Afghanistan!"

Sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo ở Afghanistan gắn liền với Giáo hội Phương Đông, nhưng ngày nay còn rất ít tín hữu. Người Công Giáo có vài trăm ở một quốc gia Hồi giáo này. Một nhà thờ Công Giáo duy nhất, được thành lập vào những năm 1930, là nhà nguyện tại đại sứ quán Ý ở Kabul. Các Giáo sĩ Thường xuyên ở trung tâm thánh Phaolô – là các tu sĩ thuộc Dòng thánh Barnaba – được thành lập vào năm 1922.

Năm 2002, Thánh Giáo hoàng John Paul II đã nâng lên là một địa điểm Truyền giáo tự trị ở Afghanistan, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ mở cuộc xâm lược nước này sau vụ 11/9 Tòa Tháp Đôi bị máy bay Taliban đâm vào và lật đổ thể chế Taliban. Cơ quan truyền giáo độc lập này được coi như là một giáo phận truyền giáo, tương tự như một giáo phận tông tòa và một đại diện tông tòa, trong một khu vực có ít tín hữu.

Chế độ Taliban, kẻ đã dung dưỡng những tên khủng bố al Qaeda tấn công vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, nên đã bị quân dội Hoa kỳ tiến công đánh bật ra khỏi chính quyền Afghanistan và giúp người Afghasintan trị vì cho tới khi Tổng thống Joe Biden quyết định rút các lực lượng Hoa Kỳ về nước và các lực lượng địa phương của Afghanistan bị tan rã...

Hội Caritas Ý, làm việc tại Afghanistan từ năm 1990, cho biết một số ít linh mục, tu sĩ nam và nữ ở Kabul đang chuẩn bị di tản. Caritas cho biết cộng đồng Công Giáo trong những năm gần đây đã phục vụ những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Afghanistan.

Vào đầu những năm 2000, Caritas đã hỗ trợ một chương trình lớn trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển, xây dựng 4 trường học ở thung lũng Ghor, đưa 483 gia đình tị nạn trở về thung lũng Panshir cùng với việc xây dựng 100 ngôi nhà truyền thống cho những gia đình nghèo và hỗ trợ những người tàn tật.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại giáo xứ St. Maria Goretti, San Jose
Thái Phạm
11:33 16/08/2021
 
Thánh Lễ Cung Hiến Tân Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley, Oregon Hoa Kỳ.
Lê Quang Uyên
21:54 16/08/2021

Hằng năm, vào ngày 15 tháng 8 Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang “Portland củ” nay là “Happy Valley” thuộc Tiểu Ban Oregon đều tổ chức Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng của Giáo Xứ.

Đặc biệt năm nay giáo xứ có Nghi Lễ Thánh Hiến Tân Thánh Đường do Đức Tổng Giám Mục Alexander K Sample Tổng Giáo Phận Portland, Oregon chủ sự vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 15 tháng 8 năm 2021 tại 11731 SE Stevens Rd. Happy Valley, Oregon.

Xem Hình

Hiện diện trong Thánh Lễ Đồng Tế còn có Đức Cha Peter Smith Phụ Tá Tổng Giáo Phận Portland, Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley Đaminh Phạm Tĩnh, SDD, và Cha Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD cựu chánh xứ, đồng thời cũng là Phó Bề Trên Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Hải Ngoại, quý Cha thuộc Tu Đoàn Nhà Chúa đã từng phục vụ tại giáo xứ và khá đông quý Cha khách, quý Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn. Ngoài ra, còn có quý Sơ của các Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt / Miền Portland OR, Thủ Thiêm / Beaverton và Gò Vấp / Oregon cùng qúy ân nhân của giáo xứ từ các tiểu ban khác, cũng như toàn thể giáo dân của giáo xứ tham dự, ước chừng khoảng gần 3000 người.

Sau lời chào mừng của ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ Phanxicô Xavie Đỗ Văn Hải là Nghi thức Thánh Hiến lần lược được diễn tiến như sau:

1- Sau bài ca Nhập Lễ, Đức Tổng cử hành nghi thức Rãy Nước Thánh lên cộng đoàn như dấu chỉ thống hối và nhắc lại bí tích rữa tội, cùng thánh tẩy các bức tường và bàn thờ của Tân Thánh Đường.
2- Sau khi cộng đoàn hát Kinh Vinh Danh thì bắt đầu bằng Lời Nguyện Đầu Lễ với Phụng Vụ Lời Chúa. Vì hôm nay là Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng là Lễ Bổn Mạng của Giáo Xứ nên các bài đọc 1 trích sách Khải Huyền (11:19a; 12: 1-6a, 10ab) bài đọc 2 Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolo Tông Đồ gởi tín hữu Co-rin-tô (15:20-27), và công bố Tin Mừng của Thánh Luca (1:39 - 56).
3- Sau khi công bố Tin Mừng Đức Tổng Giám Mục dẫn giải các đọan Kinh Thánh và ý nghĩa của các nghi thức thánh hiến. Trước khi chia sẻ; Đức Tổng có lời chúc mừng giáo xứ đã tậu mãi được cơ sở mới nầy thật rộng rãi khang trang so với cơ sở củ nhiều. Để đạt được thành tích nầy phải nói đến sự cám ơn công lao của Cha Chánh Xứ Phạm Tĩnh, đồng thời Ngài cũng tỏ bày vui mừng vì hôm nay có sự hiện diện của Cha cựu chánh xứ Phạm H Đạt mà đã có thời gian cùng phục vụ với Ngài. với bao nhiêu khó khăn nay đã trở thành sự thật, với tính cách là chủ chăn một lần nữa, Ngài và Đức Cha Phụ Tá cũng như Tổng Giáo Phận xin chúc mừng.
4- Kế đến là nghi thức Lời Nguyện Thánh Hiến và Xức Dầu Thánh.
5- Thay thế Lời Nguyện Chung bằng Kinh Cầu Các Thánh do Ca Đoàn xướng ca cùng cộng đoàn.
6- Sau Kinh Cầu Các Thánh là nghi thức Xức Dâu Bàn Thờ rồi Tường Thánh Đường, và Xông Hương Bàn Thờ cũng như Thánh Đường
7- Chuẩn bị vào phần Phụng Vụ Thánh Thể là nghi thức Thắp Sáng Bàn Thờ và Nhà Thờ

Trước khi Đức Tổng Ban Phép Lành Kết Lễ là lời cám ơn của Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh, SDD đến Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, Cha cựu chánh xứ quý Cha đã từng phục vụ tại giáo xứ cũng như quý Cha Khách đa phần là quý Cha con cái của giáo xứ khắp mọi nơi, quý Thầy Sáu Vĩnh Viễn, quý Sơ của các Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Thủ Thiêm, Gò Vấp tại Oregon. cũng như quý ân nhân quỹ New Hope xa gần và tất cả cộng đoàn dân Chúa giáo xứ đã đến tham dự ngày lễ trọng đại nầy. Cha Chánh Xứ cũng không quên cám ơn quý Cha tiền nhiệm và quý vị ân nhân giáo dân qua các thời kỳ xây dựng một cộng đoàn lớn mạnh hôm nay, cám ơn tất cả các anh chị em thiện nguyện viên đã hăng say phục vụ không mệt mõi trong hơn một năm qua để xây dựng và bảo trì lại cơ sở mới nầy, cũng không quên cám ơn Ban Tổ Chức ngày lễ hôm nay cùng quý ban ngành đoàn thể đã chung tay cùng giáo xứ qua bao nhiêu công tác.

Cuối cùng là tiệc mừng do giáo xứ khoãn đãi ngoài trời, mặc dù thời tiết ở Oregon trong mấy ngày nay đều ở 100 độ F, nhưng toàn thể giáo dân đều vui mừng đội nắng chịu nóng ở lại để chung vui,

Qua những thành qủa của cơ sở mới nầy, thiết nghỉ cũng nên giới thiệu đôi nét sơ lược về sự hình thành:

Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley Oregon là tên gọi “mới” của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon “củ” đã hình thành từ 43 năm qua tọa lạc tại số 5404 NE Alameda St Portland, Oregon và ở đó cho đến năm 2020. Vì sự phát triển lớn mạnh trong suốt 4 thập niên xây dựng, nên nhu cầu của giáo xứ cần có một cơ sở rộng rãi hơn để sinh hoạt cho hơn 6000 giáo dân với gần 1700 gia đình của giáo xứ, cũng như nhiều khó khăn khách quan khác mà giáo xứ gặp phải. Đồng thời, đó cũng là những lo lắng và ưu tư của Cha Chánh Xứ cũng như Hội Đồng Giáo Xứ cùng toàn thể giáo dân, với một cơ sở mà tuổi thọ đã trên 100 năm và xuống cấp trầm trọng, ngoại trừ ngôi Thánh Đường được xây dựng lại mới khỏang 20 năm nay, đồng thời diện tích tổng thể thì qúa chật hẹp. Nên qua những chương trình cầu nguyên do Cha Chánh Xứ phát động cùng nhiều tháng năm tìm kiếm nay tạ ơn Chúa, “Chúa đã nhận lời” như là một hồng ân Chúa ban cho giáo xứ, được Tòa Giám Mục Tổng Giáo Phận Portland giới thiệu và đứng ra lo lắng mọi điều kiện cần thiết để giáo xứ được mua lại cơ sở mới nầy của một Hội Thánh Tin Lành thuộc hệ phái New Hope tọa lạc tại 11731 SE Stevens Rd Thành phố Happy Valley, Oregon với gía khiêm nhường $13.25 Million, tổng diện tích gồm 11-acre ( bằng 4.45 hectare) và diện tích các cơ sở xữ dụng đã có sẵn gồm 123,866 square feet trong lúc đó cơ sở củ chỉ có 60,000 square feet, trong Thánh Đường cơ sở mới có sức chứa 2270 ghế ngồi còn Thánh Đường củ chỉ có 575 ghế ngồi, cũng như cơ sở mới có 934 parking đậu xe, nhưng cớ sở củ chỉ có 154 parking, cho nên giáo dân phải đâu xe quanh các đường phố và trước nhà hàng xóm xung quanh nhà thờ trong các Thánh Lễ, từ đó đã gây ra không biết bao nhiêu sự phiền phức cho giáo xứ đối với hàng xóm và ngược lại trong suốt mấy chục năm qua.

Cơ sở mới nầy nằm về hướng South cách nhà thờ củ Giáo Xứ Đức Vẹ La Vang Portland khoảng 9 miles, giáo xứ đã tiếp nhận nhà thờ mới nầy từ tháng 5 năm 2020 để sửa chửa lại những nhu cầu cần thiết và tháng 8 năm 2020 đã chính thức di chuyển về sinh hoạt tại đây, nhưng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 mãi đến hôm nay là ngày Mừng Bổn Mạng hằng năm của Giáo Xứ, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 8 năm 2021, gíáo xứ mới tổ chức Lễ Thánh Hiến ngôi Thánh Đường mới nầy cùng với Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng của giáo xứ./.

Lê Quang Uyên
Portland, Oregon
 
Văn Hóa
Mẹ Xưa . . . Con Nay
Sơn Ca Linh
09:00 16/08/2021
Mẹ Xưa… Con Nay

“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường…” (Lc 1,39)
Mến tặng các linh mục, tu sĩ, giáo dân… đang dấn thân cho chương trình “mục vụ Covid”

Mẹ xưa hối hả lên đường,
“Tin vui Chúa đến” hành hương dặm dài.
Con nay tất tả miệt mài,
Giữa mùa Co-vid đong đầy hi sinh !

Mẹ xưa mang Chúa trong mình,
Đường xa đâu quản đăng trình sẻ chia.
Con nay dẫu có đầm đìa,
Mồ hôi nước mắt…, ngoài kia đang chờ !

Mẹ xưa dệt khúc tình thơ,
Ma-gni-fi-cat bên bờ trần gian.
Con nay tấu điệu bình an,
Yêu thương phục vụ gian nan chẳng nề !

Mẹ xưa đón nhận trăm bề,
Thương đau khổ luỵ chẳng hề than van.
Con nay dầu mấy gian nan,
Nẻo đường thập giá hiên ngang ngại gì !

Mẹ xưa Lời Chúa khắc ghi,
Một đời khiêm hạ “Nữ Tỳ Xin Vâng”.
Con nay xin quyết vạn lần,
“Nầy con xin đến” xây vần yêu thương !

Sơn Ca Linh (Mẹ Về Trời 2021)
 
VietCatholic TV
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:43 16/08/2021


Chúa Nhật 15 tháng Tám Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Bài Tin Mừng vang vọng lần nữa bài Magnificat

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, chúc mừng ngày lễ!

Hôm nay, Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, kinh Magnificat lại vang lên trong phụng vụ. Bài thánh ca ngợi khen này giống như một “bức ảnh” của Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria “vui mừng trong Chúa”, tại sao? Thưa: “vì Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn” (xem Lc 1: 47-48).

Bí quyết của Đức Maria là sự khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường của Mẹ đã thu hút ánh nhìn của Chúa. Mắt người phàm luôn tìm kiếm sự hùng vĩ và tự cho phép mình bị lóa mắt bởi những gì hào nhoáng. Trái lại, Thiên Chúa không nhìn vẻ bề ngoài, Thiên Chúa nhìn vào tấm lòng (xem 1 Sam 16: 7) và bị mê hoặc bởi sự khiêm nhường. Lòng khiêm nhường làm đẹp lòng Chúa. Ngày hôm nay, khi nhìn Đức Maria được lên trời, chúng ta có thể nói rằng sự khiêm nhường là con đường dẫn đến Thiên đàng. Từ “khiêm nhường”, như chúng ta biết, bắt nguồn từ thuật ngữ humus trong tiếng Latinh, có nghĩa là “đất”. Thật là nghịch lý: để vươn lên cao đến Thiên đường, điều cần thiết là phải hạ mình xuống dưới đất! Chúa Giêsu dạy điều này: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Thiên Chúa không tôn vinh chúng ta vì những tài năng của chúng ta, vì sự giàu có của chúng ta hay vì chúng ta giỏi giang, nhưng vì sự khiêm nhường. Chúa yêu thích sự khiêm hạ. Thiên Chúa nâng dậy kẻ hạ mình xuống; Ngài nâng người tôi tớ lên. Thật vậy, Đức Maria không gán cho mình một “tước vị” nào khác, ngoại trừ là người tôi tớ, người phục vụ: Mẹ là “tôi tớ Chúa” (Lc 1:38). Mẹ không nói gì khác về bản thân, Mẹ không tìm kiếm điều gì khác cho chính mình. Chỉ muốn được làm tôi tớ của Chúa.

Vậy thì hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi chính mình, mỗi người trong trái tim chúng ta: tôi đang định làm thế nào với sự khiêm nhường? Tôi muốn được người khác công nhận, khẳng định bản thân và được khen ngợi, hay tôi nghĩ về việc phục vụ? Tôi có biết cách lắng nghe, giống như Đức Maria, hay tôi chỉ muốn nói và nhận được sự chú ý? Tôi có biết cách giữ im lặng, giống như Đức Maria hay không, hay tôi luôn huyên thuyên? Tôi có biết cách lùi lại một bước, xoa dịu những cuộc cãi vã và tranh luận, hay tôi luôn muốn trở nên nổi hơn, trội hơn người khác? Mỗi người chúng ta hãy nghĩ về những câu hỏi này: tôi đang làm như thế nào với sự khiêm tốn?

Trong sự nhỏ bé của mình, Đức Maria đã giành được Thiên đàng trước tiên. Bí quyết thành công của Mẹ chính là Mẹ nhận ra sự thấp hèn của mình, rằng Mẹ nhận ra nhu cầu của mình. Với Chúa, chỉ những ai tự nhận mình là không có gì mới có thể nhận được tất cả. Chỉ ai làm cho mình ra trống rỗng mới có thể được lấp đầy bởi Ngài. Và Đức Maria là Đấng “đầy ân phúc” (câu 28) chính là nhờ sự khiêm nhường của Mẻ. Đối với chúng ta cũng thế, khiêm nhường luôn phải là điểm xuất phát, đó là khởi đầu để chúng ta có niềm tin. Điều cơ bản là phải có tinh thần khiêm hạ, nghĩa là cho rằng mình cần đến Chúa. Những người tự lấp đầy mình thì không còn có chỗ cho Chúa. Và nhiều khi, chúng ta lấp đầy chúng ta với chính mình, và người quá đầy như thế thì không còn chỗ trống nào cho Chúa, trái lại những ai luôn khiêm nhường thì có chỗ để cho Chúa hoàn thành những việc lớn lao (xem c.49).

Nhà thơ, Dante, gọi Đức Mẹ Đồng Trinh là “khiêm nhường và cao cả hơn bất kỳ sinh vật nào” (Paradise, XXXIII, 2). Thật tuyệt khi nghĩ rằng sinh vật khiêm tốn nhất và cao cả nhất trong lịch sử, người đầu tiên giành được thiên đường với toàn bộ con người của mình, cả linh hồn và thể xác, đã sống phần lớn cuộc sống của mình trong các bức tường trong nhà, Mẹ đã sống cuộc sống bình thường của mình, trong sự khiêm tốn. Những ngày đầy ân phúc không phải là tất cả những ngày nổi bật. Những ngày ấy nối tiếp nhau, thường giống hệt nhau, trong im lặng: không có gì khác thường ở bên ngoài. Nhưng ánh mắt của Thiên Chúa luôn hướng về Mẹ, đẹp lòng đẹp dạ trước sự khiêm nhường của Mẹ, thái độ sẵn sàng của Mẹ, và vẻ đẹp của trái tim Mẹ không bao giờ bị vấy bẩn bởi tội lỗi.

Đó là một thông điệp hy vọng rất lớn cho chúng ta, cho anh chị em, cho mỗi người trong chúng ta, cho anh chị em là những người trải qua ngày này sang ngày khác giống hệt nhau, mệt mỏi và thường khó khăn. Hôm nay, Đức Maria nhắc nhở anh chị em rằng Thiên Chúa cũng kêu gọi anh chị em đến với phần phúc vinh quang này. Đây không phải là những lời hoa mỹ: đó là sự thật. Đó không phải là một kết thúc đẹp đẽ được trau chuốt kỹ lưỡng, một ảo tưởng ngoan đạo hay một sự an ủi sai lầm. Không, nó là sự thật, nó là thực tế thuần khiết, nó có thật, sống động và chân thật như Đức Mẹ đã hồn xác lên trời. Chúng ta hãy mừng lễ hôm nay với tình yêu thương của trẻ thơ, chúng ta hãy cử mừng Mẹ chúng ta vui tươi nhưng khiêm nhường, và trở nên sống động bởi hy vọng một ngày nào đó được ở với Mẹ trên Thiên đàng!

Và chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ bây giờ để xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành từ Trái đất đến Thiên đường. Cầu xin Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng bí mật của cuộc hành trình được chứa đựng trong cụm từ khiêm nhường. Chúng ta đừng quên lời này mà Đức Mẹ luôn nhắc nhở chúng ta. Sự khiêm hạ và phục vụ chính là bí quyết để đạt được mục tiêu, để đạt tới thiên đàng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi hiệp với những ai đang quan tâm đối với tình hình ở Afghanistan. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em cầu nguyện cùng tôi với Chúa hòa bình để tiếng ồn ào của vũ khí có thể chấm dứt và giải pháp có thể được tìm thấy trên bàn đối thoại. Chỉ như vậy, những người dân bị tàn phá của đất nước đó - đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em - mới có thể trở về nhà của họ, và sống trong hòa bình và an ninh, trong niềm tôn trọng lẫn nhau.

Trong vài giờ qua, một trận động đất mạnh đã xảy ra ở Haiti, khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người bị thương và nhiều thiệt hại rất lớn về vật chất. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của mình với những người thân yêu bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất. Trong khi cất lên lời cầu nguyện với Chúa cho các nạn nhân, tôi gửi lời khích lệ tới những người sống sót, hy vọng rằng sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng quốc tế có thể hướng tới họ. Cầu mong sự đoàn kết của tất cả mọi người giúp giảm bớt hậu quả của thảm kịch! Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cùng Đức Mẹ cho Haiti. Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau: các gia đình, hiệp hội và cá nhân các tín hữu. Đặc biệt, tôi chào đón nhóm từ Santa Giustina ở Colle, những người trẻ tuổi từ Carugate, và những người từ Sabbio Bergamasco và từ Verona.

Ngoài ra, tôi muốn gửi gắm một suy nghĩ đến những ai đang trải qua những ngày này ở các khu du lịch khác nhau ở Ferragostoin: Tôi cầu chúc cho họ được thanh thản và bình an. Tuy nhiên, tôi không thể quên những người không thể đi nghỉ, những người vẫn phục vụ cộng đồng và những người thấy mình trong điều kiện không thoải mái, trầm trọng hơn bởi cái nóng mạnh và thiếu một số dịch vụ do kỳ nghỉ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ốm yếu, người già, người bị giam giữ, người thất nghiệp, người tị nạn và tất cả những người cô đơn hoặc gặp khó khăn. Cầu xin Mẹ Maria mở rộng vòng tay bảo vệ từ mẫu đối với mỗi người trong anh chị em.

Hôm nay tôi mời anh chị em thực hiện một nghĩa cử cao đẹp: là hãy đi đến Đền thờ Đức Mẹ để tôn kính Đức Mẹ. Những người ở Rôma có thể đến cầu nguyện trước biểu tượng Salus Populi Romani, nghĩa là Đức Mẹ Là Phần Rỗi của dân Rôma trong Đền Thờ Đức Bà Cả.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành và một ngày lễ vui vẻ! Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đau buồn: Người đàn bà điên cuồng phá tượng tái xuất hiện đốt tượng Đức Mẹ ngay giữa ban ngày
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:07 16/08/2021


1. Người đàn bà điên cuồng phá tượng tái xuất hiện đốt tượng Đức Mẹ ngay giữa ban ngày

Camera an ninh của nhà thờ Immaculate Conception of the Blessed Virgin Mary, tức là Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, của khu phố Bronx đã ghi lại được hình ảnh của một người đàn bà đang đốt tượng Đức Mẹ vào lúc 6g chiều Chúa Nhật 8 tháng Tám vừa qua.

Nhà thờ Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội được thành lập vào năm 1853 để phục vụ những người Công Giáo Đức trong khu phố Melrose của South Bronx. Linh mục Caspar Metzler được bổ nhiệm làm Cha sở tiên khởi, và dưới sự lãnh đạo của ngài, một ngôi nhà thờ bằng gỗ hai tầng đã được dựng lên trên khu vực mà ngày nay là 150 East trên Đại lộ Melrose. Nhà thờ được cung hiến vào ngày 29 tháng 5 năm 1853.

Năm 1886, giáo xứ bắt đầu được giao cho các Cha Dòng Chúa Cứu Thế cho đến ngày nay. Các ngài đã xây một nhà thờ lớn hơn ngay phía sau tòa nhà ban đầu được khánh thành vào năm 1887. Nhà thờ có một ngọn tháp được coi là cảnh quan tiêu biểu của thành phố New York. Chẳng may, theo thời gian ngọn tháp này bị hư hại nên ngày nay không còn nữa.

Theo Cha Sean McGillicuddy, là cha sở của nhà thờ, người đàn bà được nhìn thấy đốt tượng Đức Mẹ dường như cũng chính là người đàn bà đã đập vỡ tượng Đức Mẹ và tượng thánh Têrêxa hôm 17 tháng 7 tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Thương xót ở Queens.

Người phụ nữ đã phóng một mảnh vải tẩm đầy xăng vào bức tượng Đức Mẹ bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội vào khoảng 6 giờ chiều Chúa Nhật trước khi châm lửa đốt.

Lực lượng cứu hỏa đã đến hiện trường trong vòng vài phút, và dập tắt được ngọn lửa trước khi ngọn lửa có thể lan rộng.

Bức tượng không bị hư hại nặng.

Cảnh sát vẫn đang tìm kiếm nghi phạm. Vụ phá hoại đang được điều tra bởi Đơn vị Tội phạm vì Thù Hận của Sở Cảnh sát Thành phố New York và Khu 112. Những ai biết thông tin gì về người đàn bà điên cuồng này xin liên hệ với cảnh sát theo số 1800-577-8477.
Source:ABC New York

2. Người Công Giáo New York đặt vấn đề về sự im lặng của Thị trưởng de Blasio trước các “tội ác căm thù” nhắm vào người Công Giáo

Tổ chức Bảo Vệ Di Sản Người Ái Nhĩ Lan tại tiểu bang New York, tiếng Anh gọi là The New York State Ancient Order of Hibernians, gọi tắt là AOH, đã lên tiếng bày tỏ sự bất mãn đối với sự im lặng khó hiểu của Thị trưởng Bill de Blasiso trước sự “gia tăng tội ác căm thù” nhắm mục tiêu người Công Giáo.

Trong tuyên bố hôm 11 tháng 8, James Russell, Chủ tịch Ủy ban Công Giáo Tiến hành của AOH, viết: “Tổ chức Bảo Vệ Di Sản Người Ái Nhĩ Lan tại tiểu bang New York kêu gọi Thị trưởng de Blasio phải công khai lên án các hành vi bạo lực ngày càng gia tăng đối với Giáo Hội Công Giáo ở Thành phố New York được minh chứng bởi vụ phá hoại vào cuối tuần qua tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở The Bronx. Các mảnh vải thấm đầy xăng đã được đặt trước tượng Đức Mẹ và châm lửa đốt”.

“Vụ tấn công vào Tượng Đức Mẹ chỉ là vụ mới nhất trong một sự gia tăng đáng lo ngại về tội ác thù hận nhắm vào các Nhà thờ Công Giáo ở Thành phố New York.”

“Vào ngày 17 tháng 7, một bức tượng của Đức Mẹ và một bức tượng khác của Thánh Têrêxa Hài Đồng tại Nhà thờ Đức Mẹ Thương xót ở Forest Hills, Queens đã bị phá hủy. Đây là cuộc tấn công thứ hai vào các bức tượng trong một tuần”.

“Trước đó, vào ngày 28 tháng 5, tượng Đức Mẹ tại nhà thờ Thánh Adalbert ở Queens đã bị vỡ thành nhiều mảnh”.

“Vào ngày 17 tháng 5, một cây Thánh giá đã bị phá hoại tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Athanasius ở Bensonhurst”.

“Vào ngày 15 tháng 5, một kẻ phá hoại đã phá hủy bức tượng Đức Mẹ Núi Carmêlô và bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu bên ngoài Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmelô ở Đảo Staten”.

Theo ông James Russell, sau hàng loạt các vụ tấn công như thế điều thật khó hiểu là NYPD, tức là sở Cảnh Sát New York, danh bất hư truyền, từng phá được bao nhiêu vụ án phức tạp lại không thể tìm ra được bất cứ một thủ phạm nào.

James Russell nhấn mạnh rằng:

“Thị trưởng đã rất nhanh chóng lên án công khai và đúng đắn các hành vi thù hận đức tin nhắm vào các tín ngưỡng khác. Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhận thấy sự im lặng đáng lo ngại, từ Thị trưởng liên quan đến những hành động thù hận ghê tởm nhắm vào người Công Giáo”.

Bill de Blasiso, tên khai sinh là Warren Wilhelm Jr, sinh ngày 8 tháng 5, 1961 là con của bà Maria de Blasio và ông Warren Wilhelm. Năm 1983, ông ta đổi tên là Warren de Blasio-Wilhelm. Đến năm 2001, ông ta lại đổi tên một lần nữa thành Bill de Blasiso để đoạn tuyệt với người cha mình, mặc dù thân phụ ông đã chết vào năm 1979. Bà Maria de Blasio là một người Ý, theo đạo Công Giáo và là một nhà văn. Sau khi chồng chết bà ta tuyên bố bỏ đạo và nhiều lần công khai chống báng Giáo Hội. Bill de Blasiso, ảnh hưởng nặng bởi bà mẹ, cũng là người nhiều lần công khai chống báng đạo thánh Chúa.
Source:Irish Catholic

3. Giám mục El Paso yêu cầu cho các nhân viên nhà thờ, và các thừa tác viên tiêm phòng

Viện dẫn sự cần thiết của Giáo Hội Công Giáo phải “đi đầu bằng gương sáng” và phải hành động có trách nhiệm để bảo vệ những người khác trong đại dịch coronavirus, Đức Cha Mark Seitz của El Paso nói rằng tất cả các nhân viên của Giáo hội và các tình nguyện viên cho các thừa tác vụ phải được tiêm chủng.

“Những người phục vụ cộng đồng Công Giáo, theo bản chất của công việc của họ, có sự tương tác chặt chẽ với nhiều người khác”, Đức Cha Seitz nói trong một thông điệp ngày 6 tháng 8 gởi cho những người Công Giáo trong giáo phận của mình. “Giáo hội có trách nhiệm làm tất cả trong khả năng của mình để giữ an toàn cho những người khác. Tôi không thể sống với chính mình nếu tôi không làm hết khả năng của mình để bảo đảm rằng sứ vụ của Giáo hội không khiến người khác gặp rủi ro”.

“Vì lợi ích của các anh chị em của chúng ta, tôi yêu cầu tất cả những người được Giáo hội tuyển dụng và tất cả những người thực hiện các thừa tác vụ của Giáo hội, bao gồm, nhưng không giới hạn, các giáo lý viên và thừa tác viên Thánh Thể phải được tiêm chủng”, Đức Cha viết.

Ngài nói, những người không thể tiêm chủng do “các vấn đề sức khỏe cụ thể” có thể xin miễn trừ.

Trích dẫn các báo cáo rằng hơn 90% những người nhập viện với COVID-19 và biến thể Delta là những người chưa được chủng ngừa, ngài nói: “Những người đã chọn không tiêm chủng do lo sợ các tác dụng phụ giờ đây phải nhận ra rằng nguy cơ tác dụng phụ đang giảm dần so với nguy cơ tử vong do biến thể Delta”.

Tính đến ngày 13 tháng 8, 44.8% người dân Texas đã được tiêm chủng đầy đủ, tổng cộng là 13 triệu người.
Source:Catholic News Agency

4. Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit ca ngợi tấm gương của các tình nguyện viên Công Giáo trên tuyến đầu

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ sáng Chúa Nhật ngày 15 tháng 8 tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thủ đô Bangkok. Trong thánh lễ này, Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit đã lên tiếng ca ngợi các tình nguyện viên Công Giáo trên tuyến đầu giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật do đại dịch gây ra.

Họ cung cấp lương thực cho những người dân kiệt quệ vì kinh tế khó khăn. Là một quốc gia sống chủ yếu vào ngành du lịch, Thái Lan trong những ngày này rất thê thảm khi bóng dáng khách du lịch đã nhanh chóng mất dạng từ tháng Hai năm ngoái sau khi đại dịch coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Tuy nhiên, công tác khó khăn nhất, hiểm nghèo nhất là đưa các bệnh nhân đến nhà thương. Trường hợp của cựu phi công Chayaphon Satondee là một ví dụ.

Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit tường thuật câu chuyện cảm động sau được tờ Bangkok Post đăng tải một ngày trước đó.

Trang bị bảo hộ cá nhân, Chayaphon Satondee phóng tới ngôi nhà ở Bangkok của một bệnh nhân coronavirus lớn tuổi cần được chăm sóc khẩn cấp tại bệnh viện.

Chayaphon cho bà cụ 86 tuổi thở oxy trước khi đặt bà lên cáng và đưa bà đến bệnh viện trên một chiếc xe bán tải.

Anh ấy làm điều này suốt mỗi ngày với tư cách là thành viên một nhóm tình nguyện của tổng giáo phận Bangkok có tên Zendai, nghĩa là “kết nối”, được thành lập cách đây 4 tháng để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, những người bị cô lập do đại dịch.

Nhóm có hơn 100 tình nguyện viên giúp giải quyết các cuộc gọi đến đường dây nóng, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và thực hiện hơn 10,000 test mỗi ngày. Hầu hết họ là những người trẻ tuổi không được đào tạo về y tế nhưng được dạy cách ứng phó cấp cứu cơ bản.

Các bệnh viện của Thái Lan đang ngập trong làn sóng nhiễm bệnh lớn nhất của đất nước cho đến nay. Tính đến thứ Bẩy 14 tháng 8, Tử vong tại Thái Lan đã lên đến 7,343 người, trong số 885,275 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó, có 23, 418 trường hợp nhiễm bệnh mới và 184 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các nhà thờ vẫn tiếp tục được mở cửa với các thánh lễ có giáo dân tham dự.
Source:Licas News
 
Quá ác: Ghi danh hành hương Đức Mẹ, bị bắt thăm di tích cộng sản. HY hô hào hòa bình bị hăm lấy mạng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:56 16/08/2021


1. Người di cư tập trung tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ đang ở mức cao nhất trong suốt 21 năm qua

Cơ quan Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ báo cáo gần 200,000 người di cư đang tập trung dọc biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ trong tháng Bảy, là con số cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Số lượng người di cư hàng tháng đã giảm xuống còn 16,182 vào tháng 4 năm 2020, ngay sau khi dịch coronavirus bùng phát khiến chính quyền Mỹ đóng cửa biên giới phía tây nam và làm chậm tiến trình di cư từ nhiều nơi trên thế giới. Nhưng số lượt người di cư đã tăng mạnh kể từ đó, đạt 199,777 người vào tháng 7, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.

Con số tháng 7 là con số người di cư hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2000 và vượt xa mức cao nhất trong làn sóng di cư lớn cuối cùng tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ, xảy ra vào tháng 5 năm 2019.

Những người di dân từ Trung Mỹ ở biên giới Mỹ đang được lưu trú tại tỉnh Tijuana của Mễ Tây Cơ. Một số đông đang tạm trú tại Trung tâm Tỵ nạn của các cha dòng Scalabrinian.

Trong suốt 31 năm qua nhà dòng Scalabrinian đã cung cấp nơi trú ẩn và nhiều dịch vụ cho những người di dân bị trục xuất cũng như đang chờ đợi tại Tijuana, Mễ Tây Cơ. Kể từ ngày xuất hiện đoàn di dân từ Trung Mỹ, phần lớn những người di dân này đang được cư trú tại Trung tâm Di dân với hy vọng được nhận vào tị nạn tại Hoa Kỳ.
Source:Pew Research

2. Ghi danh hành hương kính Đức Mẹ lại bị buộc phải hành hương các di tích của cộng sản

Các giáo phận Công Giáo trên khắp Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay, và phải đưa ra các chỉ thị cấm các cuộc hành hương kính Đức Mẹ nhân dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Cha Bernardo Cervellera, một linh mục truyền giáo và là một nhà báo, người đã bảo vệ Giáo hội ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua với tư cách là tổng biên tập của AsiaNews, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng:

“Mọi cộng đoàn, mọi giáo phận đều phải tổ chức đại hội, các cuộc hội diễn văn nghệ, và cả những cuộc hành hương đến những địa danh lịch sử của Đảng Cộng sản”.

Hăng hái nhất trong các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc là Giám Mục Giuse Lý Sơn (Li Shan, 李山) của Bắc Kinh. Trong khi tại Vatican nhiều người coi Lý Sơn là một lựa chọn tốt, Cha Bernardo Cervellera, người từng là Giáo sư tại Hoa Lục đã gọi Lý Sơn là một “tai ương của Giáo Hội tại Trung Quốc.” Thực tế đã cho thấy nhận xét của Cha Cervellera là đúng.

Lý Sơn đã tổ chức một bữa tiệc tại Tòa Giám Mục của mình để các thực khách được mời theo dõi cho bài phát biểu ngày 1 tháng 7 của Đại Đế Tập Cận Bình đánh dấu một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo trang web của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, tại tỉnh Giang Tây, 40 linh mục và tín hữu đã tham dự một hội nghị chuyên đề để nghiên cứu làm thế nào để “thực hiện theo tinh thần” của bài phát biểu do Tập Cận Bình đưa ra. Và những người Công Giáo ở Hồ Bắc đã tổ chức lễ chào cờ và mừng Đảng.

“Nhưng họ bị cấm không được hành hương đến Đức Mẹ Xà Sơn, là thánh địa quốc gia dành cho Đức Mẹ ở Trung Quốc,” Cha Cervellera nói.

Trong một trường hợp thật đau lòng, các tín hữu ở Hồ Bắc đóng tiền tham dự hành hương Đức Mẹ Xà Sơn để tạ ơn sống sót sau đại dịch lại bị chở đi thăm con đường vạn lý trường chinh một cộng sản.

Theo Cha Cervellera, tình hình này cho thấy những thách thức hiện các tín hữu Công Giáo đang phải đối mặt tại Hoa Lục: bọn cầm quyền ra sức o ép dưới sự tiếp tay của nhiều mục tử đang hoạt động không khác gì chó sói.

Trong gần ba năm kể từ khi Tòa thánh ký thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018, tình hình của những người Công Giáo thầm lặng càng ngày càng trở nên khó khăn.

Cuộc sống “rất khắc nghiệt” đối với họ, Cha Cervellera giải thích.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số hội dòng của các nữ tu bị giải thể, các nhà thờ bị đóng cửa. Chúng tôi đã thấy các linh mục bị đuổi khỏi giáo xứ của các ngài và một số chủng sinh bị cấm học thần học. Các giám mục bị bắt hoặc bị quản thúc tại gia, 24 giờ một ngày”.

Các linh mục Công Giáo tham gia vào Giáo Hội quốc doanh ở Trung Quốc bị yêu cầu ký vào một tờ giấy, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi những nơi thờ tự được công nhận, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

“Và trên hết, họ phải ca ngợi vinh quang của Đảng Cộng sản”, Cha Cervellera chua chát nói.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Giáo chủ bị hăm dọa lấy mạng vì kêu gọi hòa bình

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Giáo chủ Công Giáo Maronite đã bị những người ủng hộ Hezbollah đe dọa lấy mạng sau khi kêu gọi người Li Băng nên theo đuổi một chính sách trung lập trong khu vực.

Vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Maronite đã nhận được những lời đe dọa từ những người ủng hộ Hezbollah trong tuần này sau khi kêu gọi chấm dứt các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Li Băng.

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai đã kêu gọi hòa bình, nói rằng Li Băng nên giữ thái độ trung lập trong các cuộc xung đột khu vực trong bài giảng ngày Chúa Nhật 8 tháng 8 của ngài, hai ngày sau khi Hezbollah bắn 19 quả hỏa tiễn vào Israel từ miền nam Li Băng.

Không nhắc tên Hezbollah, Thượng phụ Maronite của Antiôkia nói rằng không thể chấp nhận được tình trạng “một bên đơn phương đưa ra quyết định về chiến tranh” mà không có đủ số lượng 2/3 theo quy định của hiến pháp đất nước.

“Chúng tôi kêu gọi quân đội Li Băng ngăn chặn việc phóng tên lửa từ lãnh thổ Li Băng, không phải vì sự an toàn của Israel, mà là vì sự an toàn của người Li Băng”, Đức Hồng Y Rai nói.

Những người ủng hộ Hezbollah đã đáp trả bằng cách đe dọa lấy mạng của vị Hồng Y với các bài đăng trên mạng xã hội có hình Đức Hồng Y Rai với một chiếc thòng lọng quanh cổ.

Trong một bài đăng trên Facebook, một người sống ở vùng ngoại ô phía nam của Beirut đã viết bằng tiếng Ả Rập như sau: “Ông nghĩ rằng chúng tôi không biết cách treo cổ hay sao?” Và “Mắt đền mắt, răng đền răng. Giáo chủ sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Một tổ chức nhân quyền ở Lebanon, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng đã có những cuộc biểu tình trên các đường phố trong những khu vực chủ yếu là người Shiite chống lại Đức Hồng Y Rai, gọi ngài là kẻ phản quốc và cộng tác viên của Do Thái.

Hezbollah là một nhóm chiến binh và chính trị Hồi giáo dòng Shiite được chính phủ Hoa Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Các nhà lãnh đạo chính trị ở Li Băng và nước ngoài đã gửi thông điệp đoàn kết tới Đức Hồng Y Giáo Chủ Maronite sau những lời đe dọa công khai.

Tổng thống Michel Aoun đã gặp Đức Hồng Y Rai vào ngày 13 tháng 8 sau khi lên án những lời đe dọa nhắm vào Đức Hồng Y vì sự khác biệt về quan điểm. Nghị sĩ Li Băng Simon Abi Ramia cũng bày tỏ sự đoàn kết với ngài, cũng như các nghị sĩ Hoa Kỳ Brad Sherman và Tim Burchett.
Source:Catholic News Agency

4. Phi Luật Tân tổ chức Đại Hội Thánh Thể trực tuyến vì đại dịch ngăn cản việc đi đến Budapest

Các hạn chế liên quan đến đại dịch sẽ ngăn cản người Công Giáo ở Phi Luật Tân đến Budapest tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 vào tháng tới. Vì thế, các giám mục Phi Luật Tân đã quyết định tổ chức Đại Hội Thánh Thể trực tuyến của riêng mình.

Các giám mục Phi Luật Tân đã có ý định cử một phái đoàn gồm 500 người Công Giáo đến đại hội từ ngày 5-12 tháng 9 tại Hung Gia Lợi, như một phần trong các cử hành đánh dấu 500 năm Kitô giáo ở Phi Luật Tân.

Các giám mục của quốc gia Đông Nam Á này đã phải hủy bỏ kế hoạch đó do đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Đầu tháng này, các ngài đã thông báo rằng thay vào đó, các ngài sẽ tổ chức một đại hội Thánh Thể toàn quốc trực tuyến trong tình đoàn kết với cuộc họp Budapest.

Sự kiện quốc gia sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Santa Cruz, ở Manila vào ngày 11 tháng 9. Nhà thờ là Đền thờ Thánh Thể của Tổng Giáo phận Manila.

“Nhà thờ Santa Cruz sẽ là trung tâm của hoạt động nhưng tất cả các cuộc nói chuyện sẽ được ghi âm trước và sẽ được phát trực tuyến”, thư ký điều hành của ủy ban giám mục về các đại hội Thánh Thể quốc tế nói với CBCP News.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hung Gia Lợi để cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest vào ngày 12 tháng 9.

Đại hội kéo dài một tuần đã bị hoãn so với dự kiến ban đầu là vào tháng 9 năm 2020 do đại dịch coronavirus.

Đức Tổng Giám Mục Jose Palma của Cebu, Phi Luật Tân, đang có kế hoạch tham dự sự kiện Thánh Thể toàn cầu ở Budapest. Theo truyền thống, một giám mục từ nước chủ nhà trước đó của đại hội sẽ cử hành một thánh lễ trong tuần tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế tiếp theo.
Source:Catholic News Agency
 
Tình thế cấp bách: 7g tối 18/8: Hiệp thông cùng Đền Thánh Đức Mẹ Li Băng cầu cho Sài Gòn và Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:35 16/08/2021


1. Đền Thánh Đức Mẹ Li Băng tại Harissa

Diễn biến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn còn phức tạp, xin anh chị em đừng nản chí nhưng hãy cùng chúng tôi hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ Li Băng, quê hương của những cây bách lý hương, khẩn cầu Đức Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam.

Đền thánh Đức Mẹ Li Băng nằm tại làng Harissa, cách thủ đô Beirut 20 km về phía bắc. Ngôi đền thuộc về Tòa Thượng Phụ Công Giáo Maronite, do Phái Bộ Truyền giáo Maronite Li Băng trực tiếp quản lý kể từ khi thành lập vào năm 1904. Đây là một trong những đền thờ quan trọng nhất trên thế giới để tôn vinh Đức Maria.

Khu đất này đã được tặng cho Giáo Hội bởi Yousef Khazen, một vị mạnh thường quân đã được Vua Lu-y thứ 14 của Pháp tặn danh hiệu Hoàng Tử Maronite.

Phái Bộ Truyền giáo Maronite Li Băng, chịu trách nhiệm quản lý ngôi thánh đường, trong tinh thần củng cố mối quan hệ giữa tất cả các Giáo hội địa phương, các cộng đồng Kitô Giáo và các phong trào tông đồ.

Ngôi đền nổi bật bởi bức tượng đồng khổng lồ nặng 13 tấn do Pháp làm bằng đồng và sơn màu trắng. Tượng Đức Trinh nữ Maria, dang tay về phía Beirut, được dựng lên vào năm 1907 trên đỉnh đồi cao 650m so với mực nước biển để tôn vinh Đức Mẹ Li Băng.

Tượng được tạo thành từ bảy phần được ghép trên một bệ đá, có chu vi đáy là 64m, với chiều cao tổng thể là 20m. Chiều cao của bức tượng là 8.50 m. Bề ngang là 5.50m. Bức tượng và điện thờ được khánh thành vào năm 1908, và đã trở thành một điểm hành hương rất lớn trong vùng Trung Đông.

Sau khi được khánh thành, Đền thờ Đức Mẹ Li Băng đã nhanh chóng thu hút hàng triệu tín hữu Kitô giáo và cả những người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. Năm Thánh thứ 50 diễn ra vào năm 1954 cũng là năm kỷ niệm một trăm năm thiết lập tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Dịp này Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã cử đặc sứ của ngài là Đức Hồng Y Angelo Roncalli, sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đến Li Băng đến mừng 50 năm khánh thành ngôi thánh đường này.

Tại Li Băng, các tín hữu Kitô cũng như người Druze và người Hồi giáo có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Giáo chủ Công Giáo Maronite thành Antiôkia đã gọi Đức Mẹ là “Nữ vương Li Băng” vào năm 1908 sau khi hoàn thành điện thờ của ngôi đền.

Nhìn ra vịnh Jounieh, ngôi đền đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn của Li Băng.

Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng cũng như tư dinh của bốn vị giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Đông phương đều cư trú trong vùng lân cận đền thờ Đức Mẹ Li Băng.

2. Các chuyến viếng thăm của các vị Giáo hoàng

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đền thánh Đức Mẹ này khi ngài thăm chính thức Li Băng vào ngày 10 tháng 5 năm 1997. Ngài đã cử hành một thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ hiện đại này. Vào ngày 8 tháng 12 năm 1998, Vatican thông báo rằng Ngày Thế giới Bệnh Nhân được cử hành vào ngày 11 tháng 2 năm 1999 tại đền thánh Đức Mẹ Li Băng ở Harissa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cầu nguyện xin Đức Mẹ, Đấng đã theo dõi nỗi thống khổ tột cùng của người dân Li Băng phù hộ tất cả những ai đang đau khổ trên thế giới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phát động lời kêu gọi hòa bình ở Li Băng và Gaza bằng cách kêu cầu sự bảo vệ của Đức Mẹ Li Băng vào ngày 28 tháng Giêng năm 2007. Ngài nói, “Đối với các Kitô hữu ở Li Băng, tôi lặp lại lời kêu gọi hãy là người thúc đẩy đối thoại thực sự giữa các cộng đồng khác nhau, và tôi cầu xin sự bảo vệ của Đức Mẹ Li Băng cho tất cả mọi người Li Băng”.

3. Người Công Giáo và Hồi Giáo Li Băng tin là đất trên mộ thánh Charbel có thể chữa được coronavirus

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết hàng dài các Kitô hữu và cả người Hồi giáo đang nườm nượp kéo nhau tới xếp hàng để viếng mộ thánh Charbel, là vị thánh quan thầy của nước Li Băng, mục đích là múc lấy một muỗng đất để mang về làm thuốc chữa và phòng coronavirus.

Cha Louis Matar, thủ quỹ của Tu viện Saint-Maron ở thành phố Annaya, và cũng là người trông coi ngôi mộ thánh Charbel ở ngay cổng tu viện than thở: “Cứ đà này thì trước ngày 22 tháng này, ngôi mộ sẽ không còn đất nữa!”

Ngày 22 mỗi tháng là ngày có một cuộc rước lớn thường có đến ngàn người tham dự để vinh danh vị thánh của Li Băng.

Đài truyền hình OTV của Li Băng cho biết câu chuyện đã bắt đầu từ tuần trước sau khi một phụ nữ 25 tuổi có lòng sùng kính thánh Charbel cho biết cô được vị thánh báo mộng là hãy lấy đất ở ngôi mộ bỏ vào nước, đun sôi lên, lọc cho sạch và đem đến cho các bác sĩ chữa bệnh coronavirus.

Cô đã làm y như vậy nhưng ban đầu Bệnh viện Đại học Rafic Hariri không cho cô vào khu cách ly. Họ yêu cầu cô để lại cái chai nhưng cô đã từ chối vì sợ người ta vất đi.

Một số bệnh nhân đã nghe được câu chuyện và lập tức cả khu cách ly đã biểu tình yêu cầu các bác sĩ phải “cho thiên đàng một cơ hội”.

Bệnh viện Đại học Rafic Hariri đã phải dành riêng một tầng với khoảng 100 giường để chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất. Vào thời điểm xảy câu chuyện, bệnh viện có 41 bệnh nhân đang được cách ly.

Trước yêu cầu của các bệnh nhân, hôm thứ Hai 9 tháng Ba, bác sĩ giám đốc bệnh viện Firas el-Abiad đã đồng ý mời cô đến bệnh viện. Đi cùng với phóng viên của đài OTV, người phụ nữ trẻ đã gặp bác sĩ Firas và bác sĩ Mahmoud Hassoun, trưởng khoa dịch tễ học, là người đang phụ trách phân khoa coronavirus của bệnh viện.

Đến nay, người phụ nữ trẻ vẫn từ chối không cho đài truyền hình nêu tên, và buộc đài truyền hình phải làm mờ mặt cô đi vì cô nói mình chỉ làm theo lời thánh Charbel, không cốt ý muốn nổi tiếng. Khi trao bình thuốc đặc biệt này cho bác sĩ Hassoun, một người Hồi Giáo, cô nói cô yên tâm là vị bác sĩ này sẽ không cho chuyện này là nhảm nhí và đổ đi.

Câu chuyện đã diễn ra như thế. Bác sĩ Hassoun cùng với bác sĩ Pierre Abi Hanna đã phân tích chất dung dịch do người phụ nữ trẻ mang đến và quyết định cho các bệnh nhân uống, nếu họ muốn.

Sau khi tin này được công bố trên đài OTV, người ta ùn ùn kéo tới thi nhau đào bới trước cổng tu viện.

Tưởng cũng nên biết thêm là thánh Charbel qua đời vào năm 1898 và xác của ngài được chôn ở ngay lối vào của Tu viện. Ngay sau đó, nhiều người thấy có những luồng ánh sáng không giải thích được xuất hiện ròng rã bốn tháng sau khi ngài qua đời. Vì thế, người ta khai quật ngôi mộ lên, và khám phá ra rằng thi thể của ngài vẫn còn nguyên, không bị thối rữa theo định luật tự nhiên. Vị Tu viện trưởng đã quyết định di quan vào bên trong tu viện.

Ngày nay ngôi mộ nguyên thủy ở cửa tu viện chỉ là một gò đất và chiếc tường bên cạnh có treo một bức chân dung lớn của thánh Charbel.

Cha Matar cho biết “vẫn có người nhìn thấy ánh sáng lạ xuất hiện trên ngôi mộ cũ”, và nhiều người đã được chữa lành một cách kỳ diệu nhờ sự can thiệp của vị thánh.

Với một đám đông càng ngày càng lớn hơn tụ tập ở cổng tu viện, trong đó không chỉ có người Công Giáo mà còn rất nhiều người Hồi Giáo và các giáo phái khác, một câu hỏi được đặt ra là tu viện sẽ làm gì với chiếc mộ bây giờ đang trở thành một cái hầm, cha Matar cho biết “Chúng tôi sẽ mang đất mới đến và phủ cỏ lên.”

Cha Fadi Bassil, từng phụ trách một giáo xứ ở vùng này, bây giờ đang phục vụ tại ngôi đền Miraculous Medal ở rue du Bac, Paris, cho biết ngài rất mừng khi thấy “Thánh Charbel đang mang các Kitô hữu và Hồi giáo đến với nhau, và người Hồi giáo đã coi Ngài là một 'wali', tức là một vị thánh có sự khôn ngoan và sức mạnh chữa lành.

“Đức tin là điều mà Chúa tỏ ra trên đôi môi của những người chất phát”, Cha Bassil nói. Điều này “không mâu thuẫn với khoa học, nhưng đôi khi đặt ra những câu hỏi khó”. Chẳng hạn, trong Kinh thánh, người ta có thể đọc câu chuyện về một vị tướng quân mắc bệnh phong, đã đến với tiên tri Elisha để chữa bệnh. Và vị tiên tri chỉ khuyên ông ta tắm bảy lần trong nước sông Giođan rời bỏ đi. Tướng quân cảm thấy bị xúc phạm, muốn bỏ về nhà. Nhưng một người hầu đã can gián: “Nếu nhà tiên tri này đòi hỏi ông một điều gì khó khăn hơn, thì ông chắc sẽ làm chứ? Vậy thì có gì dễ dàng hơn là đi tắm.” Vị tướng nghe lời và làn da của ông đã trở nên sạch sẽ như của một đứa trẻ.

Cho dù người phụ nữ trẻ này có được mặc khải thực sự hay không, cuối cùng thì ở đây vấn đề niềm tin mới là quan trọng, đó là niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa hiện diện trong ngụm nước lọc mà chúng ta nhận được. Một số người sẽ cười trước chuyện này; những người khác sẽ thách thức Thiên Chúa và nói, “hãy chờ xem”; và một ít người sẽ đón nhận câu chuyện này trong đức tin và được chữa lành. Họ là những người chiến thắng.
Source:Asia News