Ngày 14-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vô vàn Ân Sủng
Lm. Minh Anh
00:26 14/08/2021

VÔ VÀN ÂN SỦNG
“Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, và đừng ngăn cấm chúng!”; “Sau khi đặt tay trên chúng, Ngài rời khỏi đó”.

Chuyện kể về một cậu bé Ba Lan. Từ khi được rửa tội, Raimund đã ước ao đến với Chúa Giêsu và nên giống Ngài. Mới 12 tuổi, trong một khải tượng, Mẹ Maria hiện ra với cậu, trên tay Mẹ là hai vương miện để Raimund chọn; chiếc màu trắng tượng trưng đức trong sạch, màu đỏ cho tử đạo. Raimund trả lời, “Con chọn cả hai!”. Raimund chính là linh mục Maximilien Maria Kolbê, mệnh danh là “Người Con Điên của Đức Mẹ” hôm nay Giáo Hội mừng kính. Kolbê tử đạo vì đã chết thay cho một bạn tù. Sau hai tuần bị bỏ đói, Kolbê qua đời ngày 14/8/1941 vì mũi tiêm axit carbolic; hôm sau được hoả táng. Từ trại Auschwitz, làn khói bay lên như hương trầm nghi ngút đúng vào lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Người được Kolbê cứu sống, Francis Gajowniczek, có mặt tại Rôma, khi Gioan Phaolô II phong thánh cho Kolbê, vị linh mục đàn anh đồng hương, năm 1982. Thật thú vị, Karol Wojtyła, vị Giáo hoàng lúc ấy mới 20 tuổi, đang có mặt, cách Auschwitz chỉ một giờ lái xe!

Kính thưa Anh Chị em,

Cha Kolbê đã đến với Chúa Giêsu rất sớm! Thánh nhân đã “chọn cả hai” và Chúa đã ban cho ngài “vô vàn ân sủng” để đạt được hai điều cha hằng ước mong. Trong Tin Mừng hôm nay, các trẻ em cũng đến với Chúa Giêsu, các môn đệ ngăn cản; Ngài không bằng lòng. Một chi tiết nhỏ thường bị bỏ quên là, Chúa Giêsu đặt tay trên các em và cầu nguyện cho các trẻ. Thật may mắn!

Một câu hỏi thú vị cần suy gẫm là, việc đặt tay của Chúa Giêsu cùng với lời cầu nguyện của Ngài có tác dụng gì đối với những trẻ này? Có chứ! Những hành động này sẽ ban cho những tâm hồn thơ bé đó ‘vô vàn ân sủng!’. Có lẽ các em không nhận ra điều gì đang xảy ra, nhưng dẫu sao, các em vẫn nhận được rất nhiều ân sủng.

Điều này cũng đúng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không gặp Chúa Giêsu về mặt thể chất cách tương tự để được Ngài đặt tay và cầu nguyện cho, nhưng chúng ta có một cái gì đó lớn hơn nhiều! Chúng ta có Đấng Cứu Rỗi của Thế Giới hạ cố khi chúng ta Rước Lễ; Ngài đi vào linh hồn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta theo những cách thức vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Quyền năng của sự hiện diện thiêng liêng của Chúa Giêsu đến với chúng ta khi chúng ta Rước Lễ, đủ để biến đổi cuộc sống của chúng ta theo những cách thức mạnh mẽ với ‘vô vàn ân sủng’ của Ngài. Vấn đề là chúng ta thường tiếp nhận Ngài mà không hoàn toàn cởi mở với ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta dễ dàng tiến đến để lãnh nhận Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu, nhưng xem ra chúng ta chưa mở lòng hoàn toàn vào chiều sâu vô tận của ân sủng và lòng thương xót dịu ngọt của Ngài.

Nếu chúng ta thật sự cảm nhận được sự chạm đến của ân sủng, chúng ta cũng sẽ có những chọn lựa như cha Maximilien Kolbê đã chọn hoặc như Giosuê và dân Chúa đã chọn trong bài đọc thứ nhất hôm nay, “Giờ đây, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai!”; “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa!”. Đó là những con người đã chọn Thiên Chúa, chọn Nước Trời làm gia như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác tín, “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng!”.

Anh Chị em,

Chúng ta có được gì mà không nhờ ơn Chúa. Tự nguồn sung mãn của Đức Kitô, tất cả chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác; qua cái chết của Ngài trên thập giá, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta “vô vàn ân sủng”. Nhưng vấn đề là làm sao tâm hồn chúng ta, như hoa hướng dương luôn quy chiếu về mặt trời, như con chíp luôn hướng về máy chủ. Thời gian đại dịch là lúc chúng ta sống niềm xác tín: chỉ nơi Ngài, và trong Ngài, mỗi chúng ta mới có thể kín múc được nguồn sức sống vô biên để vượt qua biển đời nhiễu nhương này. Lời Chúa mời gọi chúng ta trở nên thơ bé, ước ao chạy đến với Chúa Giêsu, nhất là trong những ngày này, khi không biết chạy đến cùng ai; và muốn chạy, cũng không được! Đừng quên, từ ngày học vỡ lòng, chúng ta có thể Rước Chúa thiêng liêng; và Chúa Giêsu có trăm ngàn cách để chạm đến linh hồn chúng ta. Và một khi Ngài chạm đến, ‘vô vàn ân sủng’ của Ngài cũng được tuôn đổ cho chúng ta. Để từ đó, chúng ta cũng có những chọn lựa tuyệt vời như cha Kolbê đã chọn; như những anh chị em tình nguyện chọn lên xe đi đến các bệnh viện dã chiến để chăm sóc bệnh nhân. Với ân sủng Chúa, nào ai biết, những chọn lựa của chúng ta có khi còn bất ngờ và đáng ngạc nhiên hơn! Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng đón nhận ‘vô vàn ân sủng’ Chúa muốn trào tràn trên con. Xin biến đổi con, để con có thể lựa chọn những gì Chúa đang sốt ruột chờ đợi nhất ở nơi con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/08/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:27 14/08/2021


BÀI ĐỌC I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Đền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Đuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Đấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Đức Kitô của Người đã được thực hiện”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Đáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng (c. 10b).

1) Hoàng Hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy.

2) Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ.

3) Để Đức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người.

4) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Đức Vua.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 20-26

“Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Đức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 39-56

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:28 14/08/2021

3. Nếu không có thánh ý của Thiên Chúa, thì trên trời dưới đất tìm không ra một việc gì đáng yêu; nhược bằng có thánh ý của Thiên Chúa thì giữa trời và đất, tuy là rất hèn mọn, rất khổ, thì cũng trở thành bảo vật vô giá.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:31 14/08/2021
27. VỢ GỌI CHỒNG LÀ “KHANH”

Vợ của Vương An Phong cứ dùng chữ “khanh” để gọi chồng, Vương An Phong không vui, nói:

- “Đàn bà mà kêu chồng bằng “khanh”, về lịch sự mà nói thì rất là bất kính, từ nay đừng kêu như thế nữa”.

Vợ trả lời:

- “Thân khanh yêu khanh, đó gọi là khanh khanh, nếu tôi không khanh khanh thì ai kêu đây?”

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 27:

Vợ gọi chồng là “khanh”, hay gọi là vua hoặc gọi là cục cưng chăng nữa, thì cũng chẳng có gì là ghê gớm, nếu vợ chồng luôn yêu thương nhau…

Có những ông chồng khi vợ gọi bằng “mình” thì lấy làm khó chịu, nhưng các em “mắt xanh mắt đỏ” gọi bằng anh thì sung sướng vô cùng, và thế là tan vỡ hạnh phúc gia đình; có những bà vợ gọi chồng như gọi thằng đầy tớ, cộc cằn thô lỗ, giọng nói ngang như cua, làm cho chồng chán nản mất vui, thế là ông chồng bèn thích nghe những lời nói ngọt ngào của các đồng sự nữ ở công ty hơn, và hạnh phúc gia đình từ từ bay khỏi gia đình…

Đành rằng yêu thương nhau là đủ rồi, nhưng tình yêu chỉ được nồng ấm, gia tăng, khi có tác động bởi hình thức bên ngoài.

Gọi một tiếng “anh”, kêu một tiếng “em” thì có gì là khó chịu, bởi vì khi cảm thấy khó chịu thì là “điềm” báo trước lòng mình không còn mặn nồng với chồng (vợ) nữa.

Hãy coi chừng !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 20 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:33 14/08/2021
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 51-58.

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.”


Bạn thân mến,

Tiếp tục Tin Mừng tuần trước, hôm nay Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh đến tính cách bất tử của bánh trường sinh: Mình và Máu Thánh của Ngài chính là lương thực thần thiêng cho những kẻ tin vào Ngài để họ được sống đời đời.

Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su là lương thực hằng sống.

Bánh hằng sống bởi trời xuống chính là Đức Chúa Giê-su, đây là điều mà không một người công giáo nào lại không biết, nhưng có nhiều lúc bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác viện lí do này hay lí do nọ, mà chối bỏ tính thực tại thần thiêng nơi bánh sự sống này, bởi vì con người tự đem cái thông minh của mình đặt trên sự thông hiểu của Thiên Chúa, và vì con người đem cái kiêu ngạo cố hữu của mình, để so sánh với mầu nhiệm tình yêu khiêm nhường sâu thẳm của Thiên Chúa, nên con người không thể nào hiểu thấu được bánh hằng sống ấy chính là Mình và Máu thật của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Con người thời nay -trong đó có bạn và tôi- cũng giống như những người Do Thái vào thời của Đức Chúa Giê-su, cũng đã ngạc nhiên đến sững sờ rồi từ bỏ Đức Chúa Giê-su khi Ngài tuyên bố một thông điệp của tình yêu, một phương thuốc nhiệm mầu để chữa lành mọi tật bệnh tâm hồn: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình...”

Con người thời nay không nhận ra được Đức Chúa Giê-su là Đấng cứu chuộc nhân loại, thì lại càng không thể chấp nhận việc ăn thịt một con người mà được sống đời đời. Nhưng bạn và tôi là những người có đức tin, những người đã được diễm phúc ăn và uống Thịt Máu thánh của Đức Chúa Giê-su trong thánh lễ tạ ơn, chúng ta càng cảm nghiệm ra được rằng: đây là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hơn những người khác, hồng ân bởi vì đây chính là Bánh Thiên Thần mà lại đem tặng cho những con người tội lỗi và bất xứng là chúng ta ăn.

Làm theo ý Chúa cũng là lương thực hằng sống.

Lương thực hằng sống cũng chính là làm theo ý của Cha trên trời, con cái biết nghe lời cha mẹ là con cái ngoan, biết nghe lời cha mẹ thì tránh được nhiều điều không tốt sẽ xảy đến cho đứa trẻ. Làm theo ý của Cha trên trời cũng chính là nghe và làm theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su, đó là thực hành đức ái ngay trong cuộc sống của chúng ta. Bánh hằng sống được trao ban cho nhân loại cũng bởi vì yêu thương, Lời được trao tặng cũng là vì yêu thương mà có, đây cũng chính là tâm điểm của người Ki-tô hữu chúng ta.

Ai ăn thịt và uống máu Đức Chúa Giê-su nhưng không thực hành lời của Ngài, thì cũng giống như người vô ơn bội nghĩa, chỉ biết ăn mà không biết làm; ai thực hành Lời Chúa mà không thiết tha gì đến, hoặc coi thường việc rước lễ thì chẳng khác chi xây nhà cao tầng đẹp đẽ trên bờ đê bị nước xói mòn bên dưới nền, không biết lúc nào sẽ bị lún ngập chìm sâu trong lòng nước xoáy đời đời...

Cho nên Lời Chúa cũng chính là lương thực hằng sống nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, nếu bạn và tôi không biết hoặc không thích nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống, thì chúng ta sẽ không nhận ra được bí tích Thánh Thể là cao trọng đến mức nào cho phần rỗi linh hồn của chúng ta.

Bạn thân mến,

Chúng ta sống ở đời này, dù là đời tạm, nhưng không phải vì thế mà chúng ta phớt lờ những sự việc xảy ra chung quanh chúng ta, những sự việc ấy chính là người anh em bên cạnh chúng ta đang đói ăn phần xác và bệnh hoạn phần hồn, chúng ta không thể an vui tự tại ngồi rung đùi hưởng thụ sự no ấm phần xác cũng như phần hồn, nhưng như Đức Chúa Giê-su đã làm là đem thân xác của mình để nuôi sống chúng ta, thì chúng ta cũng đem hết sức lực, tri óc của mình ra để kiến tạo một xã hội vui tươi lành mạnh, đem lại niềm an ủi cho người bất hạnh bằng chính cuộc sống dấn thân phục vụ của mình.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 14/08/2021
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ trọng)

Tin mừng : Lc 1, 39-56.

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để bạn và tôi suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Ma-ri-a, là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

Người giáo hữu ưu việt.

Đức Mẹ Ma-ri-a là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng những lời của Thiên Chúa.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ, và Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản của người Ki-tô hữu phải có, để được trở thành người giáo hữu noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

Đấng cầu bàu.

Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian, Đức Mẹ Maria cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác chính là một cách tôn vinh của Thiên Chúa, dành cho những ai khi còn sống ở trần gian mà đã yêu mến và thực hành lời của Ngài…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và xứng đáng, và càng chính đáng xứng đáng hơn nữa, khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Ma-ri-a, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4)

Bạn thân mến,

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi con người của Mẹ, nhưng chúng ta cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của mình, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân, là để chúng ta đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, mà không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cầu bàu cho bạn và tôi khi còn ở đời này, biết yêu mến những sự trên trời và để sống như đang sống với Mẹ ở trên trời vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:12 14/08/2021

4. Nếu như có người nhờ tôi cầu nguyện với Chúa, thì trước hết nhất định tôi nhìn mắt của Ngài, coi tôi cầu xin có tương phản với thánh ý của Chúa hay không?

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 14/08/2021
28. HÁO SẮC NHƯ THẦY CHÙA

Lý Bình Sơn và Tuyết Hy Nghiêm cùng dự tiệc, du ngoạn với Trương Bá Ngọc.

Lý Bình Sơn thích uống rượu xướng ca, Tuyết Hy Nhan lại thích ăn đồ nhắm, thế là cùng nhau nói đùa:

- “Bình Sơn thích rượu như ruồi nhặng, Hy Nghiêm thấy thịt như chim ưng, Bá Ngọc háo sắc như thầy chùa”.

Nói xong thì cùng nhau cười ha ha.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 28:

Rượu, thịt và sắc là ba cái thích của mỗi con người, nhưng có người thích uống rượu hơn ăn thịt, có người thích ăn thịt hơn uống rượu, và có người háo sắc hơn cả ăn thịt và uống rượu, cho nên khi nói đùa thầy chùa háo sắc là vì dựa trên “lý luận” ông ta không ăn nhậu thì đương nhiên là phải háo sắc !

Nhưng thường sau khi ăn nhậu xong thì phải có sắc, nên mới gọi là tửu sắc, điều này các nhà tu đức học đều biết và khuyên những người dâng mình làm tôi Chúa phải tránh xa “chúng nó”, và ngăn ngừa bằng những cuộc chay tịnh và liên lĩ cầu nguyện…

Có những thầy chùa ăn mặn vì cầu nguyện nửa vời, có vài thầy tu háo sắc vì chay tịnh không đủ, cái “nửa vời” và cái “không đủ” sẽ dâng lên cuồn cuộn như thủy triều khi gặp cám dỗ, và thế là họ bị chìm luôn dưới đáy bùn tội lỗi, ghê gớm thật.

“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” thì ngăn chặn được cơn phong ba của rượu, thịt và sắc…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Maximilian Kolbe: vị tử đạo can cường đã thế mạng cho một người bạn tù.
Thanh Quảng sdb
17:18 14/08/2021
Maximilian Kolbe: vị tử đạo can cường đã thế mạng cho một người bạn tù.

Một trong những điểm chúng tôi đã đến hành hương cầu nguyện là trại Đức Quốc xã Auschwitz ở Ba Lan, nơi cách đây 80 năm, một vị linh mục người Ba Lan đã bị Đức quốc xã kết liễu cuộc đời cha bằng một mũi tiêm vào ngày 14 tháng 8 năm 1941. Giáo Hội Công Giáo đã tuyên dương cha Kolbe lên bậc Chân phước vào năm 1971 và hiển thánh vào năm 1982.

Giáo Hội Công Giáo dành ngày 14/8 hằng năm để tưởng nhớ tới cha thánh Maximilian Kolbe, tử đạo người Ba Lan. Vị linh mục 47 tuổi thuộc Dòng Phanxicô đã tình nguyện chết thay cho một người bạn tù không quen biết vào ngày 14/8/1941, tại trại tập trung tử thần của Đức Quốc xã Auschwitz ở Ba Lan.

Thánh Kolbe, người sáng lập “Phong trào Truyền bá Phúc âm hóa Toàn thế giới” (Militia Immaculatae), và là nhà truyền giáo ở Nhật Bản vào những năm 1930, đã trung thành đi theo con đường hy sinh của Chúa Kitô và những lời của Ngài trong Tin Mừng Gioan: “Không ai có tình yêu lớn hơn người đã hiến mạng sống vì bạn hữu mình”.

Cha Kolbe bị bắt vào tháng 2 năm 1941 với tội danh trợ giúp người Do Thái và lực lượng ngầm Ba Lan, bị giam ở Warsaw và được gán cho tù nhân số 16670. Cha bị buộc phải làm những công việc nhục nhã nhất, chẳng hạn như mang xác chết đến lò hỏa táng. Tuy nhiên, cha vẫn âm thầm làm việc bác ái và thừa hành chức vụ linh mục của mình một cách âm thầm.

Một cuộc sống hiến dâng

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào cuối tháng 7 năm 1941, khi một tù nhân trốn thoát khỏi trại Auschwitz. Để trả thù, phó chỉ huy trại đã chỉ 10 người đàn ông khác phải chết thay trong một phòng dưới lòng đất để làm gương cho những ai muốn trốn thoát! Khi một trong những người được chọn, là Franciszek Gajowniczek, kêu lên: "Vợ tôi! Các con tôi!", cha Kolbe đã tình nguyện giơ tay xin chết thay, vì ngài là một linh mục Công Giáo và lớn tuổi hơn Gajowniczek. Tên phó chỉ huy trại đã chấp nhận lời đề nghị.

Thánh Giáo hoàng Paul VI, người đã mô tả Kolbe là một "vị tử đạo của tình yêu", cho biết vị linh mục đã hiến mạng sống mình chết thay cho mạng sống của một người chồng và người cha của 2 đứa con, người mà sau này đã kể lại những khoảnh khắc đầy ấn tượng này. Người bạn tù may mắn này là ông Gajowniczek nói: “Cha Kolbe rời khỏi hàng ngũ, dù có nguy cơ bị giết ngay tại chỗ, để yêu cầu lãnh đạo trại chết thay cho tôi”.

"Căn hầm bỏ đói"

Cha Kolbe và 9 người tù khác bị nhốt trong "căn hầm bỏ đói", không có thức ăn và nước uống. Theo lời kể của một nhân chứng, lúc đó Kolbe đã dẫn đầu các tù nhân cùng nhau cầu nguyện. Các cai ngục thấy cha và các tù nhân khác đứng hoặc quỳ trong phòng và cầu nguyện... Dần dần từng người gục chết, sau hai tuần nhịn đói khát, chỉ còn mình cha Kolbe sống sót...

Những người coi tù muốn dọn sạch căn hầm tử thần này vào ngày 14 tháng 8 năm 1941, nên đã tiêm axit carbolic cho cha Kolbe, cha đã giơ cánh tay trái lên và bình tĩnh chờ tiêm. Trước khi chết, cha thầm thĩ kêu “Ave Maria”, phó dâng linh hồn cho Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thi hài của cha được hỏa táng vào ngày 15 tháng 8, ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Vị Thánh tử đạo

Trong bài giảng Thánh lễ phong thánh cho cha Kolbe ngày 10 tháng 10 năm 1982, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Cái chết thảm thiết vì tình yêu, chết thay cho một người bạn tù là một hành động anh hùng của vị Thánh mới, chúng ta tôn vinh Chúa.”

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 8 năm 2008, Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã nhắc lại những lời của cha Kolbe khi đối diện với sự giận dữ và căm thù của các cai tù Đức Quốc xã: "Sự thù hận không có sức mạnh sáng tạo: chỉ có tình yêu". Đức Giáo Hoàng giải thích tình yêu chính là đặc điểm riêng biệt, là di sản không thể quên lãng của vị thánh mà Giáo hội tưởng nhớ ngày 14 tháng 8 hàng năm, trước lễ trọng kính Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Trong chuyến tông du Ba Lan năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29 tháng 7 đã đến thăm “căn phòng tử địa này”, nơi mà cha Kolbe trút hơi thở cuối cùng tại trại Auschwitz. Sau một lúc im lặng và trầm ngâm, ĐTC lặng lẽ bước ra và ký vào cuốn sách của khách hành hương với lời cầu nguyện ngắn gọn: “Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những sự tàn ác này”.
 
Haiti: Đức Hồng Y bị thương nặng, tổn thất nhân mạng trong Tòa Giám Mục rất cao.
Đặng Tự Do
21:35 14/08/2021


Sáng sớm ngày thứ Bẩy, 14 tháng 8, theo giờ địa phương, tức là khuya thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật giờ Việt Nam, một trận động đất cường độ lên đến 7.2 độ Richter đã làm rung chuyển Haiti. Tòa Giám Mục Les Cayes nằm gần tâm chấn của trận động đất này.

Đức Hồng Y Chibly Langlois, Giám mục Les Cayes và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti, đã bị thương, trong khi những người khác trong Tòa Giám Mục bị thiệt mạng bao gồm một linh mục và 2 nhân viên.

Nói với ACI Prensa, hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Akim Kikonda, Giám đốc Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo (CRS) ở Haiti, nói rằng Đức Hồng Y Langlois “bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.”

Đức Hồng Y Langlois, 62 tuổi, được Đức Thánh Cha Phanxicô phong làm Hồng Y tiên khởi của Haiti vào ngày 22 tháng 2 năm 2014.

“CRS đã nói chuyện được với nơi ở của các linh mục ở Les Cayes và chúng tôi có báo cáo rằng Tòa Giám Mục đã bị hư hại nghiêm trọng. Thật không may, chúng tôi đã được thông báo về ba người tử vong, một linh mục và hai nhân viên”, Kikonda nói.

Kikonda cũng báo cáo với ACI Prensa rằng “tất cả nhân viên CRS đều bình an vô sự, nhưng thật không may, một trong những người vợ của nhân viên của chúng tôi đã chết và con của anh ấy bị thương nặng”.

Trận động đất xảy ra lúc 8 giờ 30 sáng theo giờ địa phương, ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước, nhưng đặc biệt là khu vực Les Cayes, thuộc khu vực tây nam của Haiti.

Kikonda cũng nói rằng bệnh viện công địa phương đã quá tải vì số lượng ca cấp cứu, và từ chối phần lớn những người bị thương.

“Chúng tôi hiện đang đánh giá mức độ thiệt hại... Khi chúng tôi đã đánh giá đầy đủ về những người bị thương, người chết và bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ tiến hành cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, đặc biệt là cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”.
Source:Catholic News Agency
 
Tin vui từ Pakistan: Gia đình người Công Giáo bị cáo gian được bí mật đưa ra nước ngoài
Đặng Tự Do
21:36 14/08/2021


Một cặp vợ chồng Công Giáo đã phải ngồi tù bảy năm trong khu biệt giam dành cho các tử tù ở Pakistan vì tội báng bổ tiên tri Muhammad đã được tị nạn tại một quốc gia Âu Châu.

Theo tổ chức nhân quyền ADF International, hai vợ chồng anh Shagufta Kausar và chị Shafqat Emmanuel đã đến Âu Châu trong tuần này sau khi bản án tử hình của họ bị Tòa án Tối cao Lahore lật lại vào đầu tháng Sáu.

Cha mẹ của bốn đứa trẻ cho biết họ “rất nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng được tự do” và hạnh phúc khi được đoàn tụ với các con sau tám năm rất khó khăn.

Hai vợ chồng người Công Giáo này đã được ra tù vào ngày 1 tháng 7. Quốc gia nơi họ được tị nạn vẫn chưa được xác định do lo ngại về an ninh.

“Mặc dù chúng tôi sẽ rất nhớ đất nước của mình, nhưng chúng tôi rất vui vì cuối cùng đã đến một nơi nào đó an toàn. Hy vọng rằng những điều luật báng bổ ở Pakistan sẽ sớm bị bãi bỏ, để những người khác không phải chịu chung số phận như tôi và Shagufta”, anh Shafqat Emmanuel nói.

Hai vợ chồng đã phải đối mặt với những lời đe dọa lấy mạng sau khi có tin tức về việc họ được tha bổng và được thả.

Emmanuel cho biết anh và vợ rất biết ơn ADF International và Jubilee Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo cho người thiểu số, đã giúp đỡ họ và đưa họ đến nơi an toàn.

“Chúng tôi rất vui mừng rằng sau cùng Shagufta và Shafqat cũng được trả tự do và đã đến nơi an toàn”, Tehmina Arora, Giám đốc vận động cho ADF quốc tế ở Á châu nói.

“Đáng buồn thay, trường hợp của họ không phải là một trường hợp riêng lẻ, nó khẳng định hoàn cảnh khó khăn mà nhiều Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác đang phải trải qua ở Pakistan ngày nay”.

Vào năm 2013, hai vợ chồng nghèo đang sống với các con của họ trong một khu nhà truyền giáo của Nhà thờ Gojra ở Punjab, Pakistan, thì những tin nhắn bị cho là báng bổ được gửi đến một giáo sĩ và một luật sư từ một chiếc điện thoại được cho là do Shagufta Kausar đứng tên.

Kausar khai rằng điện thoại của cô đã bị mất cả tháng trước đó vào thời điểm tin nhắn được gửi đi.

Sau khi bị đánh đập và đe dọa rằng vợ mình sẽ bị lột sạch quần áo và buộc phải khỏa thân đi bộ qua thị trấn, Emmanuel đã phải chấp nhận lời vu cáo.

Mặc dù không biết đọc hoặc viết, và do đó không có khả năng gửi tin nhắn, Kausar và chồng cô đã bị bắt và bị buộc tội báng bổ vào ngày 21 tháng 7 năm 2013.

Một phiên tòa đã kết án họ tử hình bằng cách treo cổ. Họ đã phải ngồi tù hơn bảy năm trong khi chờ đợi kết quả kháng cáo lên Tòa án Tối cao Lahore, nơi đã tuyên trắng án cho họ vào đầu tháng Sáu.

Bộ luật hình sự của Pakistan coi là tội hình sự những lời nói xúc phạm hoặc bôi nhọ đạo Hồi, nhưng luật này thường được sử dụng để chống lại các tôn giáo thiểu số và nhiều cáo buộc hoàn toàn sai sự thật. Pakistan có luật báng bổ nghiêm ngặt nhất trên thế giới, là một trong bốn quốc gia duy nhất có án tử hình vì tội báng bổ.

Kausar và Emmanuel đã được bào chữa bởi luật sư Saiful Malook, cùng một luật sư làm việc cho Asia Bibi, một người vợ và người mẹ Công Giáo khác bị buộc tội báng bổ ở Pakistan.

Bibi đã trải qua 8 năm tù tội trước khi được Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố trắng án vào năm 2018. Cô đã được cấp quy chế tị nạn tại Canada, nơi cô đã sống cùng gia đình kể từ tháng 5 năm 2019.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
BGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại diện Tòa TGM thăm các Tu sĩ phục vụ bệnh nhân Covid
tgpsaigon.net
09:21 14/08/2021
BGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại diện Tòa TGM thăm các Tu sĩ phục vụ bệnh nhân Covid

WGPSG (14.8.2021) - “1 bác sĩ khám 5 bệnh nhân, có thể gánh thêm 10 bệnh nhân cũng được, nhưng nếu thiếu lực lượng Tình Nguyện Viên (TNV) này là thua, bệnh viện không hoạt động được”.

Tiến sĩ Bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - đã chia sẻ như trên trong buổi gặp gỡ các TNV Tu sĩ vào lúc 15g30 ngày 13-8-2021. Sau 3 tuần các Tu sĩ và các TNV lên đường phục vụ bệnh nhân covid-19 tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức), Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại diện Tòa Tổng Giám mục đã đến thăm hỏi và động viên tinh thần các tu sĩ đang phục vụ tại đây.

Xem Hình

Mở đầu cuộc gặp gỡ, TS. BS Nguyễn Tri Thức cho biết tuần trước đã có một buổi gặp gỡ các TNV, sau thời gian các TNV công tác ở bệnh viện. Tất cả lực lượng cộng tác tại đây đều quan trọng, tất cả như một đội bóng, riêng bác sĩ đóng vai trò tiền đạo, khi ghi bàn thì người ta chỉ nhớ đến tiền đạo, nhưng muốn có bàn thắng cần phải có tiền vệ, hậu vệ và tất cả mọi lực lượng.

TS.BS Tri Thức khẳng định: “Nếu như không có lực lượng TNV, cụ thể là các tu sĩ, thì ngay cả đại giáo sư hay máy móc hiện đại thế nào cũng không thể hoạt động được”. TS.BS đã đưa ra ví dụ cụ thể: “Nếu bệnh nhân đi vệ sinh thì bác sĩ không thể làm gì được, vì có nguy cơ nhiễm trùng, vì thế tầm quan trọng của TNV cực kỳ quan trọng”.

TS. BS cũng nói lên niềm ưu tư lo lắng khi biết một nửa TNV sẽ rút về sau 1 tháng tham gia. Lý do mà TS. BS lo lắng là: “1 bác sĩ khám 5 bệnh nhân, có thể gánh thêm 10 bệnh nhân cũng được, nhưng thiếu lực lượng TNV này là thua, bệnh viện không hoạt động được”.

Sau khi cảm ơn linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, TS.BS Tri Thức đã đánh giá rất tốt về hoạt động của các TNV Tu sĩ. Những hoạt động ấy không chỉ giúp ích nhiều cho bệnh nhân, mà còn đóng góp vai trò cực kỳ to lớn cho chủ trương chung của nhà nước, cùng với ngành y tế chăm sóc các bệnh nhân cách tốt nhất để giúp giảm tốt đa tỉ lệ tử vong. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến của các khoa, TS. BS cũng cho biết các khoa đánh giá rất cao. Có bệnh nhân đã nói: “Tình Nguyện Viên” là “Phao cứu sinh”.

Tiếp sau những chia sẻ của TS.BS Tri Thức, Lm Giuse đã cảm ơn bệnh viện, cảm ơn từng bác sĩ, từng điều dưỡng, cảm ơn các bệnh nhân, vì qua những chia sẻ của các tu sĩ, chúng tôi học được rất nhiều; học biết và chứng kiến được những khổ đau mà trước đây chỉ nghe nói, bây giờ đã được chạm đến. Chúng tôi cũng có cơ hội được trở thành 1 chuỗi mắt xích trong cả một quy trình chữa lành. Chắc chắn các tu sĩ sẽ không bao giờ quên chuyến phục vụ này. Chúng tôi biết ơn chính quyền, các y bác sĩ, sở y tế và các ban ngành đã tạo điều kiện để các Tu sĩ được phục vụ. Đây chỉ là bước khởi đầu, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hướng phục vụ mà các tu sĩ có thể dấn thân trong nhiều lãnh vực để phục vụ con người. Chúng tôi ở trong Giáo hội dù thuộc cấp bậc nào đi nữa thì niềm vui và hạnh phúc vẫn là "có được cơ hội phục vụ". Sau gần một tháng làm việc mà thấy các tu sĩ vẫn hăng hái, đam mê phục vụ là an tâm rồi.

Lm Giuse cũng thay lời Đức Tổng Giuse cảm ơn các anh chị em tu sĩ đã làm cho khuôn mặt đầy yêu thương của Chúa luôn hiện diện khắp nơi. Ngài cũng khuyến khích các tu sĩ: Nếu có thể tiếp tục thì hãy tiếp tục vì đây là cơ hội tốt để chúng ta trao tặng, dấn thân và dâng hiến. Chúng ta đã thấy sự hiện diện của chúng ta mang lại rất nhiều ích lợi cho chính bản thân mình, đó là cảm nghiệm được tình yêu dâng hiến qua chính việc phục vụ các bệnh nhân Covid.

ThS. BS Phạm Thanh Việt - Phó Giám đốc - đã báo cáo chi tiết hơn về tình hình chữa trị bệnh nhân covid trong bệnh viện để mong nhận được thêm sự hỗ trợ từ các TNV cho thời gian tới: “Tới đây, bệnh viện hoạt động 700 giường để phục vụ bệnh nhân trong giai đoạn hồi sức cấp cứu. Chúng ta phục vụ từ "thời kỳ sơ khai" đến nay, nguồn hoạt động đã chạy tốt. Theo bác sĩ Thanh Việt các tu sĩ đang phục vụ rất cực, bởi vì dự kiến 700 giường cần phải có 300 tu sĩ nhưng hiện nay chỉ có 160 tu sĩ, nên công việc của các tu sĩ hiện rất căng thẳng, vì số lượng người chưa đủ theo cơ chế. Nhân lực hồi sức nặng gấp ba nhân lực bình thường, một ngày ba ca, phục vụ bệnh nhân nhiễm covid nặng hơn bệnh nhân thường. ThS. BS Phạm Thanh Việt cũng trình bày nhu cầu thực tế để mong Tòa TGM/TGPSG tiếp tục hỗ trợ nhân sự, giúp cho bệnh nhân ở đây được hồi phục nhanh để về với gia đình. Ước mong các tu sĩ đang phục vụ hãy tiếp tục ở lại, chính các tu sĩ đã tạo ra “lối đi”, mọi việc đã quen.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Oanh là người trực tiếp làm việc với các TNV chia sẻ: “Ngày đầu chưa có các Tu sĩ, bước chân vô bệnh viên thật là kinh hoàng, nhưng từ khi có các Tu sĩ mọi thứ đã vào trật tự, đem đến một bộ mặt khác hẳn cho các khoa. Không chỉ các khoa phòng được thay đổi mà các bệnh nhân cũng được hưởng rất nhiều "lợi ích" từ sự chăm sóc của các Tu sĩ".

Sau khi nghe Ban Giám đốc và vị đại diện TTGM trao đổi, nữ tu Loan Anh đại diện những tu sĩ trình bày lí do không thể tiếp tục ở lại để phục vụ: “Thực sự, các sơ không muốn về khi bệnh nhân nhiễm covid còn trong bệnh viện, nhưng vì các trường học đã có lịch khai giảng khóa học online nên một số sơ phải về. Có những sơ thấy thời gian sắp “bị” về đang đến gần đã thốt lên: “Buồn quá!”.

Tiếp lời người chị em, nữ tu Maria Thu Nguyệt chia sẻ: Sau buổi họp với Ban Giám đốc về, anh chị em TNV đã ngồi lại với nhau xem nên tiếp tục ở lại hay về thì tất cả đều ước mong được ở lại. Riêng nhóm chị (11 nữ tu Bác Ái Vinh Sơn) đã gọi điện thoại xin bề trên để được tiếp tục. Bề trên đã cho phép và viết đơn gửi Tòa Giám mục xin cho các chị được phục vụ thêm 1 tháng nữa. Khi nhận được tin từ văn phòng Tu sĩ chấp thuận, các chị mừng ơi là mừng”.

Buổi gặp gỡ trao đổi diễn ra trong bầu khí chân tình, tất cả mọi người đều mong sao cho các bệnh nhân nhiễm Covid được chữa trị các tốt nhất. Kết thúc buổi gặp gỡ, Linh mục Giuse đã đến thăm nơi lưu trú của TNV các Tôn giáo tại nhà thiếu nhi Q.9, TP Thủ Đức.

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ – Đại diện Tòa TGM thăm các TNV

Các Tu sĩ, một số vừa xong ca trực, một số chuẩn bị vào ca đón Lm. Giuse trong niềm vui

“Ở đâu có Tu sĩ ở đó có niềm vui”, lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đang được thể hiện tại nơi đây. Được phục vụ, được chia sẻ và được dâng hiến cho Đức Kitô qua từng bệnh nhân là sứ mạng mà chính từng tu sĩ đã và đang cảm nhận.

Nguồn: tgpsaigon.net
 
Văn Hóa
Kể Từ Lúc Mẹ Đi !
Sơn Ca Linh
08:42 14/08/2021
Kể Từ Lúc “Mẹ Đi” !

Kể từ lúc “Mẹ đi”, chuyện của hai ngàn năm trước,
“Mẹ qua đời” kết thúc cuộc hành lữ trần gian.
“Mẹ Về Trời”, vĩnh viễn xa kiếp phận lầm than,
“Mẹ về đích”, kẻ đầu tiên, trên “đường đua vĩnh cửu” !

Kể từ lúc “Mẹ đi”, trên khắp nẻo đường thế giới,
Dẫu chông gai, sỏi đá, vẫn nhộn nhịp bước chân.
Những đứa “con của Mẹ” từ “lời trối ân cần”,
“Chèo ra chỗ nước sâu”, mang Tin Mừng “buông lưới” !

Kể từ lúc “Mẹ đi”, bão táp, phong ba dâng vời vợi,
“Căn nhà Con Mẹ” vẫn tèm hem thiếu trước hụt sau.
Biết bao lần anh em nổi khùng đâm chém giết nhau,
Từ “một giọt máu đào” giờ bỗng thành “ao nước lã” !

Kể từ lúc “Mẹ đi” đàn con luôn nhọc nhằn vất vả,
Hết bách hại, đoạ đày, đến hận thù, bạo lực, chiến tranh...
Vắng Mẹ nên cuộc đời luôn vắng khoảng trời xanh,
Không Mẹ nên chắng có dòng sông xanh suối mát…

Kể từ lúc “Mẹ đi” nên loài người bỗng trở nên côi cút,
Bao nhiêu cuộc đời chẳng ai buồn ghé mắt viếng thăm.
Fatima, Trà Kiệu, Lộ Đức, La Vang…
Nếu Mẹ không về, mãi hoang vu khỉ ho cò gáy !

Kể từ lúc “Mẹ đi”, vẫn còn những con đường xưa đấy,
Đường Bêlem, Ai Cập, đường Mẹ viếng thăm…
Đường Truyền Tin Nadarét, Đường Phép rửa Giođan…
Đường lên núi Tabo hay đường về Núi Sọ…

Nên xin Mẹ hãy trở về, từ trên cao rạng rỡ,
Bước chân Mẹ một lần nữa viếng thăm !
Thế giới mãi cần, ánh sáng Mẹ soi những nẻo tối tăm,
Kẻ đau thương luôn cần, bàn tay Mẹ dịu dàng chăm sóc.

Xin Mẹ hãy trở về để thế gian nụ cười thay tiếng khóc,
Để chiến tranh này, đại dịch này, tang tóc lùi xa !
Để những người con của Mẹ bình yên, mạnh mẽ xông pha,
Và để khắp nơi hân hoan tụng bài Magnificat !

Sơn Ca Linh (Mẹ Về Trời 2021)
 
Romano Guardini: Giáo Hội và Người Công Giáo
Vũ Văn An
20:10 14/08/2021

Giới thiệu

Một trong những mục tiêu của Guardini là cảm thức cộng đồng, chống phá chủ nghĩa cá nhân đang không những lan tràn trong xã hội hậu thế chiến II mà cả trong phụng vụ Giáo Hội với việc càng ngày người tín hữu càng thiếu sót trong việc tham dự tích cực như một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Chính vì thế, một trong các công trình đầu tiên của Cha Guardini là cuốn Giáo Hội và Người Công Giáo, xuất bản năm 1922, trong đó, ngài khai triển tối đa chủ đề cộng đồng này. Đây là một loạt diễn từ của ngài đọc tại Hiệp Hội Học Thuật Công Giáo, đề cập tới một vấn đề mà thế giới Phương Tây đang phải đối đầu: thiếu cảm thức cộng đồng. Thời hiện đại đã phá hủy các dây liên kết của xã hội truyền thống và đẩy Giáo Hội ra bên lề, không còn là nguồn tạo hợp nhất xã hội, để lại đàng sau chủ nghĩa duy cá nhân vô chính phủ của tư bản tự do. Chủ nghĩa cộng sản đề nghị phương thức thay thế cho thứ vô chính phủ này, nhưng lại tiêu diệt tự do cá nhân. Chống các cực đoan cộng sản và duy cá nhân chủ nghĩa này, Guardini đề cao ý niệm Giáo Hội như Thân Thể Chúa Kitô, một kết hợp hữu cơ gồm những bản vị làm cho việc nở rộ trọn vẹn của “nhân cách tự do” trở thành khả hữu, việc nở rộ này vốn là điều kiện tiên quyết của mọi cộng đồng đích thực.

Sau đây, chúng tôi dựa vào bản tiếng Anh của Ada Lane, do Nhà Sheed & Ward Inc. New York xuất bản, để chuyển ngữ sang tiếng Việt tác phẩm trên của ngài.

GIÁO HỘI VÀ NGƯỜI Công Giáo


(Bản tiếng Anh của Ada Lane, do Nhà Sheed & Ward Inc. New York xuất bản)

Nội dung:

1. Ý thức Giáo Hội sống dậy trong linh hồn

2. Giáo Hội và Nhân cách

3. Con đường trở thành nhân bản

4. Con đường dẫn tới tự do

5. Cộng đồng

Lời bạt

I. Giáo Hội sống dậy trong linh hồn

Diễn trình TÔN GIÁO với tầm quan trọng khôn lường đã bắt đầu–Giáo Hội đang sống dậy trong linh hồn người ta.

Điều này phải được hiểu một cách chính xác. Tất nhiên Giáo hội vẫn liên tục sống động trong chính mình, và lúc nào cũng có tầm quan trọng quyết định đối với các chi thể của mình. Họ luôn chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội, tuân theo mệnh lệnh của Giáo Hội; sức sống bất chiến bại của Giáo Hội luôn là chỗ dựa vững chắc và là nền tảng cho lòng tín thác của họ.



Nhưng, với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân kể từ cuối thời Trung cổ, Giáo Hội bị coi như một phương tiện dẫn tới đời sống tôn giáo đích thực – như thể nó là một khuôn khổ do Thiên Chúa thiết kế hoặc như bình chứa sự sống – như một đường ống dẫn sự sống nhưng không phải như chính sự sống [1]. Nói cách khác, nó bị coi như một thứ ở bên ngoài mà từ đó con người có thể nhận được sự sống, không phải là một thứ mà con người phải được tháp nhập vào để có thể sống bằng sự sống của nó. Đời sống tôn giáo có xu hướng ngày càng xa rời cộng đồng và hướng tới phạm vi cá nhân. Do đó, Giáo hội đã trở thành bị coi như ranh giới của phạm vi này, và thậm chí còn như đối thủ của nó nữa. Dù sao, Giáo hội bị cảm nhận như một thứ quyền lực cùm chân nhân cách và do đó hạn chế đời sống tôn giáo. Và việc quy định bên ngoài này có dáng dấp phúc lợi, hay không thể tránh, hay áp chế tùy theo tính khí cá nhân.

Đó chắc chắn là cách trình bày phiến diện. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp ngoại lệ; diễn trình chuyển tiếp và phát triển đã làm cho bức tranh phức tạp hơn nhiều. Thái độ này cũng không có đối với Giáo hội mà không có sự vĩ đại của nó. Ngày nay, mọi khẩu hiệu của thời đại đều chống lại nó: nhưng chúng ta nên hỏi nó đã có những đóng góp giá trị nào cho đời sống tôn giáo nói chung. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để làm như vậy, chỉ vì trong nội tâm, chúng ta đứng ngoài nó và do đó có thể nhìn nó một cách khách quan.

Đâu là cơ sở của thái độ này? Câu trả lời đã được chỉ rõ – chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa cá nhân của thời cận đại.

Tôn giáo bị coi là một điều gì đó thuộc lĩnh vực chủ quan – nó đơn giản là một điều gì đó ở bên trong một con người, một tình trạng của linh hồn họ. Chúng ta không nói về các lý thuyết khoa học hữu thức, nhưng nói về các khuynh hướng tâm linh của thời đại. Tôn giáo khách quan được Giáo hội đại diện, đối với cá nhân, chủ yếu là quy định của tôn giáo cá nhân và chủ quan này; một sự bảo vệ chống lại các bất cập của nó. Điều còn lại, tức tôn giáo khách quan trong sự cao quí bất vụ lợi của nó, và cộng đồng như một giá trị trong chính nó thường khiến cá nhân lạnh lùng và không khơi dậy một phản ứng nào trong trái tim họ. Ngay cả sự tán thành và hào hứng mà Giáo hội từng gợi lên phần lớn chỉ ở bên ngoài và có tính cá nhân chủ nghĩa, và về phương diện tâm lý, có một mối quan hệ mạnh mẽ với "chủ nghĩa yêu nước" trước đó. Khi nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy thường xuyên không hề có niềm tin chân chính vào sự hiện hữu của các thực tại tôn giáo khách quan. Chủ nghĩa chủ quan này đã thống trị đời sống tôn giáo suốt hậu bán thế kỷ XIX và suốt tiền bán thế kỷ XX. Con người cảm thấy bị giam cầm trong chính bản thân họ. Đó là lý do tại sao từ Kant trở đi, và đặc biệt là trong chủ nghĩa duy tâm gần đây hơn, vấn đề nhận thức trở nên hết sức khẩn cấp – thực sự đối với nhiều người, nó cấu thành toàn bộ nền triết lý! Con người ở thời đại này coi sự hiện hữu của một đối tượng là đáng nghi ngờ. Họ không ý thức được một cách trực tiếp và mạnh mẽ thực tại của mọi sự, và cuối cùng chính thực tại riêng của họ. Các hệ thống tri thức như thuyết duy ngã nhất quán không dựa trên các kết luận hợp luận lý, nhưng là những diễn giải có tính thăm dò về kinh nghiệm bản thân này. Không thể giải thích dựa trên các cơ sở hoàn toàn có tính tri thức các nền triết lý như chủ nghĩa duy tâm mới mà đối với họ, chủ thể chỉ là một thực thể luận lý đơn thuần. Các nền triết lý này nảy sinh từ mưu toan muốn thay thế thực tại khách quan của sự vật, một điều đã trở nên đáng ngờ, bằng một thực tại luận lý. Đó là khởi nguồn của quan niệm coi tiên nghiệm (a priori) như là có giá trị khách quan về phương diện luận lý, mặc dù giá trị chủ quan của nó chỉ mang tính thực nghiệm [empirical]; và học thuyết cho rằng kinh nghiệm dựa trên chủ thể chứ không dựa trên sự vật, và các hình thức tương tự của chủ nghĩa chủ quan triết học. Không có trải nghiệm hàng đầu về thực tại. Đôi khi sự kiện này bất ngờ chớm nở đối với một người nghiên cứu triết học khi một người đại diện hàng đầu của chủ nghĩa duy tâm mới tuyên bố, tại một trường Đại học, chẳng hạn, rằng “Hữu thể” là một “giá trị”!

Không thể diễn đạt ngắn gọn hơn hoặc thẳng thắn hơn việc thái độ này bất khả như thế nào, và nó chỉ có thể bắt nguồn từ một sự bất lực tâm linh sâu xa. Thực tại như được trải nghiệm không còn bất cứ sự vững chắc hoặc sức mạnh nào nữa. Nó là một cái bóng vô hồn. Và trong nền triết lý này, chỉ còn việc diễn dịch điều mọi người cảm nhận cách này hay cách khác thành các công thức và thành ngữ của nó mà thôi. Bất chấp “chủ nghĩa hiện thực” được ca ngợi nhiều, bất chấp khoa học tự nhiên, thành tựu kỹ thuật và nền chính trị hiện thực, con người vẫn không nhìn thấy đối tượng thực, một món gì hoàn tất, thậm chí cả bản thân họ. Họ sống trong một lĩnh vực trung gian giữa hữu thể và hư vô, giữa các khái niệm và cơ chế, giữa các công thức và hệ thống, vốn tìm cách đại diện và điều khiển các đối tượng, nhưng thậm chí không mạch lạc nhất quán. Họ sống trong một thế giới của những hình thức và biểu tượng trừu tượng, một thế giới không được liên kết với thực tại mà các biểu tượng muốn nói đến. Chúng ta không quên nhà sản xuất hàng loạt, người biết chính xác công nhân, viên chức, người mua và nhà thầu nào ông ta sử dụng và có thông tin chi tiết về mọi sự trong sổ đăng ký của ông, bao gồm cả mô tả về mọi nguyên liệu và hàng hóa, được dán nhãn hiệu bằng các phương pháp nghiên cứu hóa lý chính xác nhất – nhưng lại không biết chút gì về các nhân viên của mình như những con người và không có cảm quan bẩm sinh nào đối với chất liệu tốt hoặc việc làm tốt.

Thái độ trên cũng làm cho ảnh hưởng của nó được cảm nhận trong lĩnh vực tôn giáo. Không điều gì không phải là trải nghiệm tức khắc hoặc một dữ kiện hợp luận lý có sức thuyết phục, mà được chấp nhận không cần hỏi han thêm. Cá nhân chỉ chắc chắn về điều họ tự mình trải nghiệm, tri nhận và khao khát, và mặt khác của các khái niệm, ý tưởng, và định đề trong suy nghĩ của riêng mình. Do đó, Giáo hội là điều cần thiết được trải nghiệm không phải như một thực tại tôn giáo tự biện minh, mà như giá trị giới hạn chủ quan; không như một cơ thể sống, mà như một định chế chính thức [2].

Do đó, đời sống tôn giáo mang tính cá nhân chủ nghĩa, rời rạc, và phi xã hội. Cá nhân sống cho chính mình. Đối với nhiều người, “bản thân tôi và Đấng dựng nên tôi” là công thức chuyên nhất. Cộng đồng không đứng hàng đầu; nó chiếm vị trí thứ hai. Nó không còn là một thực tại tự nhiên tự nó tồn tại trước. Nó hẳn được người ta nghĩ ra, được mong muốn, được cố ý lập ra. Người ta tin rằng một cá nhân nào đó đã tiếp cận một cá nhân khác, và hùn hạp với người này. Nhưng ngay từ đầu, anh ta không liên kết với một nhóm bằng hữu nào cả, không là thành viên của một cộng đồng hữu cơ, chia sẻ cuộc sống chung của nó. Quả thực, không có cộng đồng, chỉ đơn thuần là một tổ chức máy móc, và điều này, trong lĩnh vực tôn giáo cũng như trong mọi lĩnh vực khác. Trong việc thờ phượng Thiên Chúa, các tín hữu ý thức được một cách ít ỏi xiết bao bản thân họ như một cộng đồng! Cộng đồng đã tan rã xiết bao ngay trong lòng nó! Cá nhân giáo dân ý thức ít ỏi xiết bao về giáo xứ của họ, và chính Bí tích cộng đồng – tức việc Rước lễ – bị quan niệm trong một tinh thần cá nhân chủ nghĩa biết dường nào!

Thái độ trên được tăng cường bởi một nhân tố khác - tính khí duy lý của thời đại. Chỉ riêng điều đó được thừa nhận, nó vốn là điều có thể “nắm được” (comprehended) và “tính toán được”. Người ta đã có mưu toan thay thế các phẩm tính của mọi vật, như đã được ban cho trong tính thống nhất không thể hủy tiêu của đối tượng cụ thể, bằng các nhóm liên hệ được xác định một cách toán học; thay thế sự sống bằng các công thức hóa học. Thay vì linh hồn, người ta nói tới các diễn trình tâm linh [psychic]. Sự thống nhất sống động của nhân cách bị xem như một mớ sự kiện và hoạt động. Thời đại chỉ liên hệ trực tiếp với điều có thể chứng minh được bằng thử nghiệm. Điều gì nằm phía sau những điều có thể được các giác quan tri nhận, trước hết phải được làm cho đáng tin cậy bởi một diễn trình suy tư khác biệt. Các tầng sâu đầy mầu nhiệm của nhân cách cá nhân, bất cứ điều gì di chuyển và sống trong linh hồn, đều bị nghi vấn. Và sự thống nhất siêu ngã [supra-personal] của cộng đồng đã không còn được ai nhìn thấy nữa. Cộng đồng bị coi như một tập hợp đơn thuần các cá nhân, như một tổ chức mục đích và phương tiện. Bản thể mầu nhiệm của nó, sức mạnh sáng tạo của nó và các quy luật hữu cơ điều khiển sự tăng trưởng và phát triển cộng đồng, vẫn không thể nào tiếp cận được.

Tất cả các điều trên tự nhiên tạo ảnh hưởng của nó đối với quan niệm của người ta về Giáo hội. Trước hết, Giáo Hội xuất hiện như một định chế hợp pháp nhằm các mục đích tôn giáo. Không có tri nhận giới hạn nào đối với yếu tố mầu nhiệm trong Giáo Hội, thực thế, mọi sự đều nằm sau những mục tiêu có thể sờ thấy và trong các định chế hữu hình của Giáo Hội, và được diễn tả bằng khái niệm vương quốc của Thiên Chúa, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.

* * * * *

Tuy nhiên, toàn bộ thái độ trên đang trải qua một thay đổi sâu xa. Nhiều sức mạnh mới mẻ đang hoạt động rộn ràng trong những tầng sâu thẳm đầy mầu nhiệm của bản chất con người trong đó các phong trào trí thức và tâm linh, hiện đang lên khuôn cho đời sống văn hóa nhân loại, nhận được gốc rễ và hướng đi của chúng. Chúng ta ý thức thực tại như một sự kiện hàng đầu. Nó không còn là một điều gì đó đáng ngờ nữa khiến ta được khuyến khích rút lui khỏi nó vì tính hợp lý luận lý xem ra còn vững chắc hơn và an toàn hơn. Thực tại trở nên vững chắc, thực sự vững chắc hơn, bởi vì có đó, phong phú hơn và toàn diện nhiều hơn. Bằng chứng đang tích lũy cho thấy người ta hiện sẵn lòng chấp nhận thực tại cụ thể như một sự kiện hiển nhiên, và dựa sự thật trừu tượng trên nó. Chúng ta không cần phải ngạc nhiên đối với Chủ nghĩa duy danh [Nominalism] mới này nữa. Ý thức thực tại đã bừng nở trên nhân loại với sức mạnh của một kinh nghiệm mới mẻ và đầy tính bản vị. Thời đại chúng ta đang tái khám phá đúng theo nghĩa đen rằng mọi sự vật đang hiện hữu, và hơn thế nữa với cá tính khôn lường, vì đầy sáng tạo và độc đáo. Điều cụ thể, trong sự viên mãn vô biên của nó, một lần nữa được cảm nghiệm, và niềm hạnh phúc được có khả năng dấn thân vào nó và nhập cuộc vào nó. Nó được cảm nghiệm như sự tự do và phong phú – tôi có thực, và cả điều này nữa cũng thế, tức điều đang đối diện với tôi trong sự phong phú tự xác định của nó! Và suy nghĩ là một mối liên hệ sống động giữa tôi và nó – có lẽ, ai mà biết được, cũng giữa nó và bản thân tôi? Hành động là một thông đạt thực sự với nó. Đời sống là một phát triển bản thân thực sự, một tiến bộ nơi sự vật, một hiệp thông với các thực tại, cho và nhận hỗ tương. Sự xa cách cực kỳ quan yếu mà trước đây được coi là tuyệt đỉnh của tính hợp lý, ngày càng trở nên không thể hiểu được nhiều hơn đối với chúng ta, một giấc mơ kinh hoàng, từng giam cầm con người trong một thế giới ý niệm trống rỗng, hết sinh khí, bị cắt đứt khỏi sự sống xum xuê của thế giới đời thực. Chủ nghĩa duy tâm hiện đại – mà chống lại nó các cuộc tấn công của luận lý bấy lâu nay tỏ ra vô dụng, vì nền tảng của hệ thống không phải là bằng chứng, mà là nền giáo điều trong thái độ tinh thần của toàn bộ thời đại - không còn cần phải bác bỏ nữa. Đáy đã rơi khỏi nó. Phép thuật của nó đã bị phá tan, và chúng ta tự hỏi nó ra sao mà chúng ta đã phải chịu đựng nó quá lâu như thế. Một sự thức tỉnh lớn lao đối với thực tại đang diễn tiến.

Và hơn nữa nó còn là một sự thức tỉnh đối với thực tại siêu hình. Tôi không tin rằng bất cứ người nào không ương ngạnh trì chí, không bám vào một thái độ được chấp nhận lâu trước đây, bất kỳ người nào đang sống trong thời đại hoặc thậm chí đi trước thời đại chúng ta, còn nghi ngờ thực tại của linh hồn một cách nghiêm túc nữa.

Đã có người nói tới một “thế giới đối tượng tâm linh” nghĩa là, thể tâm lý [the psychic] được cảm nghiệm như đủ thực chất để chúng ta nhất thiết phải chấp nhận toàn bộ trật tự vượt ra ngoài thể khả giác. Nhiệm vụ khó khăn hơn đối với nhà khoa học bây giờ là thực hiện bước chuyển tiếp từ lời phủ nhận trước đây, vốn đã trở thành một tín điều khoa học, bước qua việc thừa nhận thực tại hiển nhiên không thể tránh khỏi là linh hồn hiện hữu. Và sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng hiển nhiên như vậy. Thuyết duy linh [Spiritualism] và thông nhân học [anthroposophy] – tự chúng vốn hết sức bất cập – chứng tỏ ý thức về thực tại siêu hình đã trở nên mạnh mẽ ra sao. Đứng trước các phong trào như thế, chúng ta thấy mình có nghĩa vụ bảo vệ tính thiêng liêng tinh tuyền của Thiên Chúavà linh hồn, trong khi đề cao thực tại trong trật tự riêng của các đối tượng thực nghiệm. Và sự hồi sinh kiểu tư duy như Platông cũng có cùng một phương hướng như thế. Các hình thức tâm linh một lần nữa được xem là các lực lượng siêu hình, và không còn chỉ đơn thuần tham dự vào cấu trúc luận lý của ý thức nữa. Và nhiều dấu hiệu khác của cùng xu hướng có thể được viện dẫn.

Cộng đồng được chấp nhận hoàn toàn một cách trực tiếp. Thái độ rút lui vào pháo đài cấm cửa của chính mình không còn được coi như thái độ cao quý duy nhất nữa, như hai mươi năm trước đây. Ngược lại, nó bị coi như không thể biện minh được, cằn cỗi và bất lực. Cũng mạnh mẽ như cảm nghiệm mọi sự đều hiện hữu và thế giới hiện hữu, là cảm nghiệm này: con người hiện hữu. Thật vậy, điều vừa rồi mạnh mẽ hơn nhiều, vì nó ảnh hưởng đến chúng ta một cách thân thiết hơn. Có những hữu thể nhân bản như chính tôi. Mỗi hữu thể đều giống như tôi, nhưng mỗi hữu thể cũng là một thế giới riêng của mình, có giá trị độc đáo.

Và từ nhận thức này nảy sinh niềm tin say mê này là: tất cả chúng ta thuộc về nhau; đều là anh chị em. Giờ đây, người ta coi như hiển nhiên việc cá nhân là thành viên của cộng đồng. Cộng đồng không bắt nguồn từ một người tự gắn mình với người khác hoặc từ bỏ một phần tính độc lập của mình. Cộng đồng cũng là một thực tại đệ nhất đẳng như sự hiện hữu của cá nhân. Và nhiệm vụ xây dựng cộng đồng cũng đệ nhất đẳng và nền tảng như nhiệm vụ hoàn thiện nhân cách.

Và ý thức phụ thuộc lẫn nhau này bảo đảm một biểu thức có ý nghĩa nhất; nó khai triển thành ý thức quốc gia. "Nhân dân" không có nghĩa là quần chúng, hoặc những người vô văn hóa hoặc "những người bán khai", những người mà đời sống tinh thần và tâm linh cũng như hệ thống sự kiện và giá trị của họ như chưa được phát triển. Tất cả những cách sử dụng thuật ngữ này bắt nguồn từ các ý niệm của chủ nghĩa tự do, phong trào ánh sáng ["Aufklarung"] và chủ nghĩa duy cá nhân. Giờ đây, một lưu ý hoàn toàn mới đang được nói ra; một điều gì đó có tính yếu tính đang được phát sinh. "Nhân dân" là sự liên hợp đệ nhất đẳng của các hữu thể nhân bản theo chủng tộc, xứ sở và các tiền nhân lịch sử có cùng một cuộc sống và số phận. Nhân dân là một xã hội loài người duy trì một sự liên tục không gián đoạn với gốc rễ bản nhiên và sự sống, và tuân theo luật lệ nội tại của họ. Nhân dân chứa đựng – không về mặt con số hoặc về mặt định lượng, nhưng về mặt phẩm chất yếu tính – toàn bộ nhân loại, ở mọi lứa tuổi, giới tính, tính khí, tình trạng tinh thần và thể chất; mà chúng ta phải thêm vào đó tổng số công việc và phạm vi sản xuất của nó như được xác định bởi giai cấp và ơn gọi. Nhân dân là nhân loại trong tính toàn diện triệt để của nó. Và một người thuộc "nhân dân" khi họ ôm lấy, có thể nói như thế, toàn bộ điều này trong chính họ. Con số ngược lại của họ là người "có văn hóa". Người này không phải là nhân dân, phát triển và trở nên trí thức, mà là một người được đào tạo sai, một chiều, mất phẩm giá và mất gốc. Họ là sản phẩm của chủ nghĩa nhân bản, và trên hết là Phong trào Ánh sáng [“Aufklarung”]. Họ là một loại nhân bản tự cắt rời khỏi các mối liên hệ khiến đời sống vật chất và tinh thần của con người trở thành hữu cơ. Họ đã, một mặt, rơi vào thế giới trừu tượng, mặt khác, rơi vào lĩnh vực vật chất thuần túy; khỏi sự kết hợp với thiên nhiên rơi vào kinh viện và giả tạo thuần túy; khỏi cộng đồng rơi vào cô lập. Niềm khao khát sâu sắc nhất của họ nên là được một lần nữa trở thành một người của nhân dân; không phải bằng những nỗ lực lãng mạn để phù hợp với những ý tưởng và phong tục phổ biến, nhưng bằng cách đổi mới tinh thần nội thẳm nhất của họ bằng việc tiệm tiến trở lại với cuộc sống đơn giản và trọn vẹn. Phong trào Thanh niên là một nỗ lực trong phương hướng này.



Và một thực tại mới đang bắt đầu xuất hiện trên đường chân trời. Ở đây, việc sử dụng từ ngữ cũng cần được thanh lọc. Nó không cần phải biểu thị quan niệm duy lý "nhân loại", nhưng là sự thống nhất sống động của loài người, của huyết thống, số phận, trách nhiệm và lao động; tình liên đới kia vốn thành định đề nhờ tín điều về tội nguyên tổ và ơn cứu chuộc đền thay, những mầu nhiệm không một nhà duy lý nào có thể hiểu được.

Bản ngã cá nhân ý thức được sự phong phú không chỉ nhờ trải nghiệm được những điều có thực, mà còn nhờ cộng đồng, vốn mở rộng sự tự ý thức về mình thành một ý thức về một bản ngã cộng đồng. Nhờ một thiện cảm trực tiếp, những gì thuộc về người khác trở thành của riêng tôi, và những gì thuộc về tôi trở thành của người ấy.

Cộng đồng được hình thành trọn vẹn có được sự hiện hữu của nó là nhờ sự kết hợp giữa nhận thức thực tại khách quan và ý thức cộng đồng. Luật pháp, công lý và trật tự của xã hội được coi là những hình thức nhờ đó cộng đồng hiện hữu và hoạt động và duy trì nền tảng sự ổn định của nó. Chúng không phải là các giới hạn đối với cuộc sống, mà là các tiền giả định của nó. Chúng không làm tê liệt nó, nhưng cho nó sức mạnh và giúp nó lên sinh lực. Tất nhiên, đến lượt chúng, chúng phải thực sự sống động. Và những thay đổi sâu xa sẽ diễn ra trong Cơ cấu Xã hội, các thay đổi luật lệ chẳng hạn, ngay khi người ta hiểu ra một cách tổng quát hơn rằng một cộng đồng quốc gia trưởng thành không cần một hệ thống luật lệ công cộng có tính cá nhân chủ nghĩa nhưng là một hệ thống có tính cộng đồng; không phải một hệ thống các nguyên tắc trừu tượng chỉ có trên giấy tờ, nhưng là một hệ thống được định hình bởi sự phát triển đầy sức sống của cộng đồng; rằng hiến pháp của nó không thể là sản phẩm của lý luận trừu tượng nhưng phải phát triển từ hữu thể và cuộc sống thực sự của dân tộc này [3].

Cùng một cách tương tự, dòng suối sự sống cũng đã phá bờ. Sát cánh với lý trí và ngang hàng với nó, là ý chí, sức mạnh sáng tạo và cảm quan. Được ban cho tầm quan trọng bằng, thực sự lớn hơn việc làm. Phát triển và lớn mạnh ngang hàng hoặc cao hơn hành động; Nhân cách mà chính thực tại của nó trước đây vốn từng bị nghi vấn nay được chấp nhận như đối tượng hiển nhiên nhất hoặc quen thuộc nhất của kinh nghiệm. Tính không thể hiểu được của nó là một dữ kiện cũng đệ nhất đẳng như tính có thể hiểu được về luận lý trong khái niệm trừu tượng của nó. Và vấn đề cần được giải quyết là mối liên hệ giữa khái niệm và trực giác, lý thuyết và kinh nghiệm, hiện hữu và hành động, hình thức và sự sống; cách trong đó một người phụ thuộc vào ngườ khác để hiện hữu, và sự thống nhất đạt được nhờ sự kết hợp của tất cả các nhân tố này.

Sự sống đó cũng đang khuấy động trong ý thức của chúng ta về cộng đồng. Chúng ta ý thức ngay lập tức và một cách sắc bén về cuộc sống cộng đồng mang chúng ta về dòng sống của nó, về những tầng sâu sáng tạo mà từ đó hữu thể và việc làm của cộng đồng phát sinh, vì chúng ta là hình thức nó mặc lấy và là luận lý được hình thức này diễn đạt. Sinh học, và hơn thế nữa, hữu thể học về cộng đồng đang được khai mở – các định luật trong bản chất thể lý và tinh thần của nó, nhịp điệu hữu cơ và các điều kiện quyết định sự phát triển, cũng như tập quán và văn hóa của nó; ý nghĩa yếu tính của các hiện tượng luân lý của nó; bản chất các định chế như gia đình, thị trấn, Nhà nước, luật pháp và tài sản.

* * * * *

Những thay đổi mang tính cách mạng đó nhất thiết phải có vang dội trong cộng đồng tôn giáo. Thực tại của sự vật, thực tại của linh hồn và thực tại của Thiên Chúa, giáp mặt với chúng ta với một tính ấn tượng mới. Đời sống tôn giáo, trong đối tượng, nội dung và sự phát triển của nó, cũng là thực tại; mối quan hệ giữa linh hồn sống động và Thiên Chúa hằng sống; một cuộc sống thực hướng về Người. Nó không phải là một cảm xúc đơn thuần hay lý thuyết đơn thuần; nó là bắt chước, vâng lời, tiếp nhận và cho đi [4]. Trong phong trào Thanh niên, trong đó các động cơ của thời đại mới phải được tìm kiếm, câu hỏi căn bản không còn là "Thiên Chúa có hiện hữu không?" nhưng “Người như thế nào? Tôi sẽ tìm thấy Người ở đâu? Làm thế nào để tôi hướng về Người? Làm sao tôi có thể đến được với Người?” Không còn phải là "Chúng ta có nên cầu nguyện không?" nhưng "Chúng ta nên cầu nguyện như thế nào?" không phải "Phong trào khổ hạnh có cần thiết không?" nhưng là "Loại khổ hạnh nào?"

Trong mối quan hệ tôn giáo này, đồng loại của chúng ta đóng một phần quan trọng.

Cộng đồng tôn giáo hiện hữu. Nó cũng không phải là một tập hợp của cá nhân tự lấy mình làm đủ, nhưng là thực tại thấu hiểu các cá nhân – tức Giáo hội. Giáo Hội ôm lấy người ta; Giáo Hội ôm lấy nhân loại. Giáo Hội thậm chí lôi cuốn cả các sự vật, thực sự, toàn thế giới, vào chính mình. Do đó, Giáo hội đang lấy lại tính rộng rãi vũ trụ từng là của Giáo Hội trong các thế kỷ đầu tiên và thời Trung cổ. Quan niệm về Giáo hội như "Corpus Christi mysticum" (nhiệm thể Chúa Kitô), vốn được khai triển trong các thư của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô và Côlôsê, đang thủ đắc được một sức mạnh hoàn toàn mới. Dưới Chúa Kitô là Đầu, Giáo hội quy tụ lại với nhau “tất cả những gì ở trên trời, dưới đất, và dưới mặt đất”. Trong Giáo hội, mọi sự – thiên thần, con người, và sự vật – được liên kết với Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, sự tái sinh vĩ đại đã bắt đầu mà vì nó toàn bộ sáng thế đang “rên rỉ và trong tình trạng lâm bồn”.

Sự thống nhất đó không phải là một trải nghiệm hỗn loạn; nó không đơn thuần chỉ là bộc phát của cảm xúc. Chúng ta quan tâm đến một cộng đồng được hình thành và định hình bởi tín điều, giáo luật và nghi lễ. Nó không chỉ đơn thuần là một xã hội, mà là một cộng đồng tôn giáo; không phải là một phong trào tôn giáo, nhưng chính là đời sống của Giáo hội; không phải là một chủ nghĩa lãng mạn tâm linh, nhưng là chính sự hiện hữu của Giáo Hội.

Tuy nhiên, ý thức về cộng đồng này đã được một ý thức về cuộc sống siêu nhiên nắm bắt và thấm nhiễm.

Như trong lĩnh vực tâm lý học tự nhiên "sự sống", vốn cùng một lúc hết sức mầu nhiệm, nhưng lại hết sức hiển nhiên hoàn toàn, đang được khắp mọi nơi công nhận, cả nó cũng nằm trong lĩnh vực siêu nhiên.

Ơn thánh là sự sống thực sự; hoạt động tôn giáo là sự phát triển của một sinh khí cao hơn; cộng đồng đang tham gia vào một sự sống chung, và tất cả các hình thức đều là hình thức của sự sống.

Và nếu trong lĩnh vực tự nhiên, chúng ta đã lãnh hội được một viễn kiến rõ ràng đối với các định luật cơ cấu và mục đích hữu cơ của sự sống; nếu chúng ta đã khám phá ra cách một sự vật phù hợp với một sự vật khác và các mục tiêu tri thức của con người nằm ở đâu; nếu ý thức về hữu cơ đã được đánh thức ở khắp nơi, thì cùng một điều này đang xảy ra ở đây. Các công thức sâu sắc của thần học một lần nữa cho thấy ý nghĩa bất tận của chúng đối với đời sống thiêng liêng mọi ngày. Sự sống của chúng ta, bất luận là sự sống của một cá nhân, hay sự sống của Giáo Hội, đều ở “trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần tới Chúa Cha". Chúa Cha là Mục tiêu, và viễn kiến duy nhất đem lại mục tiêu cố định tập chú vào Người, Đối tượng vĩ đại và cuối cùng [5]. Người là quyền lực tối cao hơn hết và bao trùm mọi vật, và là sự khôn ngoan tràn ngập khắp thế giới, là sự cao cả nâng chúng ta ra khỏi những nẻo đường chật hẹp. Chúa Con là Đường, như chính Người đã nói với chúng ta. Bằng Lời của Người, bằng cuộc sống của Người, và bằng trọn Hữu thể của Người, Người mạc khải Chúa Cha và dẫn chúng ta đến với Chúa Cha: "Không ai đến với Chúa Cha nếu không qua tôi" Ai nhìn nhận Chúa Kitô, ai "thấy" Người, "Cũng thấy Chuá Cha". Theo tỷ lệ chúng ta trở thành một với Chúa Kitô, chúng ta mới đến gần Chúa Cha hơn. Và Chúa Thánh Thần, Thần khí của Chúa Giêsu, là Nhà Lãnh đạo, và chỉ đường cho chúng ta. Người ban cho ta ân sủng của Chúa Kitô, giảng dạy sự thật của Chúa Kitô, và làm cho các mệnh lệnh của Chúa Kitô được thi hành. Đây là lề luật điều hành việc tổ chức đời sống Kitô hữu – lề luật của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ nơi nào có trật tự, Thiên Chúa mới ở đó. Chúa Cha đã sai Chúa Con, và Chúa Con đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha. Trong Giáo Hội, chúng ta trở nên một với Chúa Thánh Thần; Người hợp nhất chúng ta với Chúa Con, “và Người chắc chắn sẽ lấy của riêng và ban cho chúng ta”. Và trong Chúa Kitô, chúng ta trở về với Chúa Cha.

* * * * *

Một biến cố có tầm quan trọng to lớn đã xảy ra. Đời sống tôn giáo không còn chỉ xuất hiện trong bản ngã, nhưng đồng thời ở cực đối lập, trong cộng đồng khách quan và đã hình thành. Sự sống cũng bắt nguồn ở đó và do đó là sự chuyển động qua lại giữa hai cực này. Một lần nữa, nó là điều tự bản chất của nó vốn nên là, một hiện tượng căng thẳng, một cung lửa. Và nó chỉ trọn vẹn và tự do khi diễn trình của nó là một chiếc cung phát xuất từ hai cực. Mục tiêu không còn đơn thuần là ranh giới của chủ thể mà tôn giáo, theo nghĩa hẹp, bị giới hạn vào. Nó là một nhân tố có tính yếu tính của đời sống tôn giáo, được ban cho từ chính thuở ban đầu. Đó là giả định và nội dung của tôn giáo.

* * * * *

Đời sống tôn giáo được giải thoát khỏi sự giam hãm sinh tử bên trong chủ thể, và tự lôi cuốn vào mình sự viên mãn hoàn toàn của thực tại khách quan. Như trước đây Thời Trung cổ, mọi sự đang quay về với lĩnh vực tôn giáo, và hơn nữa với một màu sắc tôn giáo và như các giá trị tôn giáo.

Phần còn lại của nhân loại và sự vật trên thế giới này một lần nữa được phú bẩm cho một bầu không khí tôn giáo và tầm quan trọng tôn giáo sâu sắc. Kết quả là cảm quan đối với tính biểu tượng đang trở lại; các vật cụ thể một lần nữa trở thành các phương tiện và phát biểu của thực tại tâm linh. Chúng ta hiểu mọi bộ phận của thế giới thực có thể tìm thấy chỗ đứng của nó ra sao trong các nhà thờ chính tòa của thời Trung cổ, trong các “tổng luận” ["Summas"], trong các lịch sử phổ quát, các bách khoa toàn thư và chu kỳ truyền thuyết, và hơn nữa không phải như một phụ kiện không thích hợp, không phải như một phúng dụ [allegory] cài đặt từ bên ngoài, nhưng đầy nội dung tôn giáo và được phú ban một đặc tính tâm linh. Nhiều dấu hiệu cho thấy việc tái xuất hiện của một thế giới tôn giáo. Tuy nhiên, đây là một Giáo hội biết qui tụ dưới một vị đứng đầu "những gì ở trên trời, dưới đất và dưới lòng đất".

Thời điểm dường như đang đến gần cho một nền nghệ thuật tôn giáo đích thực, một nền nghệ thuật sẽ không bằng lòng diễn tả chủ thể tôn giáo bằng một bút vẽ không được thánh hiến, nhưng sẽ coi toàn bộ thế giới một cách tâm linh như một vương quốc thực tại bao la, bao gồm các quyền lực tốt và xấu [6], và trong đó Vương quốc của Thiên Chúa sẽ bị bão tố lay động.

Tuy nhiên, có thể tóm gọn tất cả những điều trên trong một từ ngữ: “Giáo Hội" Sự kiện kinh ngạc là Giáo hội một lần nữa đã trở thành một thực tại sống động và chúng ta hiểu rằng Giáo hội thực sự là Một và là Tất cả. Chúng ta lờ mờ đoán được một điều gì đó đầy say mê mà nhờ nó, các vị thánh vĩ đại đã bám lấy Giáo hội và chiến đấu cho Giáo Hội. Trong quá khứ, lời nói của các vị đôi khi nghe như các cụm từ trống rỗng. Nhưng bây giờ một ánh sáng đang bừng nở! Nhà tư tưởng, ngây ngất trong tinh thần, sẽ tri nhận được trong Giáo hội sự tổng hợp tối hậu và rộng lớn của mọi thực tại. Nhà nghệ thuật, với một sức mạnh đẩy lòng họ vào những tầng sâu thẳm, sẽ cảm nghiệm trong Giáo hội sự biến đổi cùng khắp, sự sàng lọc tinh tế và sự hiển dung tuyệt vời của mọi thực tại bằng vẻ rạng rỡ và vẻ đẹp tuyệt vời. Người biết nỗ lực luân lý sẽ thấy nơi Giáo hội sự viên mãn của hoàn thiện sống động, trong đó mọi khả năng của con người được đánh thức và được thánh hóa trong Chúa Kitô; sức mạnh tương phản một cách không khoan nhượng Có và Không, và đòi một chọn lựa giữa chúng; cuộc chiến quyết tâm cho Vương quốc Thiên Chúa chống lại điều ác.

Đối với nhà chính trị - độc giả hãy quên đi sự xấu xí vốn thường được ngụ ý trong thuật ngữ này; nó mới có thể mang một ý nghĩa cao quý – Giáo hội được mạc khải như là trật tự tối cao trong đó, mọi sinh linh đều tìm thấy sự nên trọn của nó và nhận ra toàn bộ ý nghĩa của hữu thể cá nhân của mình. Nó đạt được điều này trong mối liên hệ với các hữu thể và toàn bộ, và chính nhờ tính chất cá nhân độc đáo của mình, nó kết hợp với các đồng loại của nó để xây dựng “Kinh thành” [Civitas] tuyệt vời, trong đó mọi lực lượng và mọi tính đặc thù cá nhân rất sống động, nhưng đồng thời cũng rất vâng theo trật tự vũ trụ bao la phát xuất từ Thiên Chúa, Tam Vị Nhất Thể. Đối với người có tâm tính xã hội, Giáo hội cung cấp cảm nghiệm chia sẻ không dè dặt, trong đó tất cả đều thuộc về mọi người, và tất cả đều là một trong Thiên Chúa, hoàn toàn đến nỗi ta sẽ không thể hình dung được một sự thống nhất nào sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên không bị giới hạn trong sách vở và các bài diễn văn, mà phải tạo hiệu quả khi Giáo hội chạm tới cá nhân một cách gần gũi nhất - trong giáo xứ. Nếu diễn trình vốn được biết dưới tên “phong trào Giáo hội” đạt được tiến bộ, nó buộc phải dẫn tới việc đổi mới ý thức giáo xứ. Đây là đường lối được chỉ định trong đó Giáo hội phải trở thành một đối tượng của kinh nghiệm bản thân. Thước đo lòng trung thành đích thực của cá nhân– chứ không chỉ trong lời nói – đối với Giáo hội hệ ở mức độ họ sống với Giáo hội, biết rằng họ cùng chịu trách nhiệm chung đối với Giáo hội, và làm việc cho Giáo hội. Và ngược lại, các biểu hiện khác nhau của đời sống giáo xứ, đến lượt chúng, phải sao đó để cá nhân có thể hành xử theo cách này. Cho đến nay, chính đời sống giáo xứ đã bị nhiễm sâu xa bởi tinh thần cá nhân chủ nghĩa mà chúng ta đã nói ở trên. Quả thực, làm thế nào, nó có thể khác đi được?

Và Thêm sức là Bí tích nhờ đó Kitô hữu bước vào liên hệ đầy đủ với Giáo hội. Nhờ bí tích Rửa tội, họ đã trở thành một chi thể của Giáo hội, nhưng nhờ Bí tích Thêm sức, họ mới trở thành một trong những công dân của Giáo hội, nhận được sự ủy nhiệm và quyền hạn tự nhận lấy cho mình sự viên mãn của đời sống Giáo hội và bản thân để thi hành – theo mức độ và cách thức tương ứng với vị trí của mình như một giáo dân - "chức linh mục hoàng gia của dân thánh”.

* * * * *

Chính trong ánh sáng của những gì đã nói mà chúng ta có thể hiểu phong trào phụng vụ. Đây là một phong trào đặc thù mạnh mẽ và là một phong trào cự kỳ hiển hiện từ bên ngoài hơn là bên trong “phong trào Giáo hội”; đúng hơn, nếu xét phong trào sau ở khía cạnh chiêm niệm của nó. Qua nó, Giáo hội bước vào đời sống cầu nguyện như một thực tại tôn giáo và đời sống của cá nhân trở thành một phần cấu tạo ra đời sống của Giáo hội.

Ở đây, cá nhân là một người trong dân, không phải như thành viên của một nhóm nghệ sĩ và nhà văn bí truyền, chẳng hạn như, trong các cuốn sách của J. K. Huysmans, nhưng trong yếu tính là một người trong dân. Có nghĩa là, họ được bao gồm trong sự hợp nhất trong đó, cùng một lúc, có chỗ dành cho cả người trung bình lẫn những người có khả năng anh hùng phi thường hơn hết, sự hợp nhất bao gồm cả bề mặt lẫn những gốc rễ sâu nhất của nhân tính, lương tri rắn chắc và thông thường cùng với tính huyền nhiệm sâu sắc, một tính huyền nhiệm thậm chí biết bao gồm cả những niềm tin bình dân thô thiển gần như mê tín dị đoan: và tuy nhiên, nó lại có năng quyền duy nhất trong việc xét đoán các thực tại của đời sống và của Giáo hội vì chỉ có nó mới thực sự đối diện với đời sống – các khả thể phát triển của nó bị cản trở trong vô số khía cạnh bởi nghèo đói và môi trường chật hẹp xung quanh, nhưng nhìn chung, nó là nhân tính duy nhất trọn vẹn. Trong yếu tính, phụng vụ không phải là tôn giáo của các bậc trí giả, nhưng là tôn giáo của người dân (xem trang 19). Nếu người dân được giáo huấn đúng cách, và phụng vụ được thực hiện đúng cách, họ sẽ biểu lộ một cách hiểu đơn giản và sâu sắc về nó. Vì người dân không phân tích các khái niệm, nhưng suy niệm. Người dân sở hữu tính toàn vẹn bên trong của hữu thể tương ứng hoàn toàn với tính biểu tượng của ngôn ngữ, hình ảnh, hành động và đồ trang trí phụng vụ. Các bậc trí giả trước hết phải làm quen với thái độ này; nhưng đối với người dân, luôn là điều không thể nào quan niệm được nếu tôn giáo phải tự phát biểu bằng những ý tưởng trừu tượng và các khai triển hợp luận lý, chứ không phải bằng hữu thể và hành động, bằng hình ảnh và nghi thức.

Phụng vụ xuyên suốt là thực tại. Chính điều này phân biệt nó với lòng sùng đạo hoàn toàn có tính trí thức hoặc cảm xúc, với chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa lãng mạn tôn giáo. Trong nó, con người giáp mặt với thực tại vật lý – những con người, những sự vật, những nghi lễ, những đồ trang trí – và với các thực tại siêu hình- một Chúa Kitô thực sự, một ân sủng thực sự. Phụng vụ không chỉ đơn thuần là suy nghĩ, cũng không đơn thuần là cảm xúc; trước nhất và quan trọng nhất, nó là phát triển, là tăng trưởng, là chín mùi, hiện hữu. Phụng vụ là một diễn trình nên trọn, một tăng triển hướng đến trưởng thành. Toàn bộ thiên nhiên phải được phụng vụ gợi lên, và vì được ân sủng nắm lấy, phụng vụ phải nắm lấy ân sủng, tinh luyện và tôn vinh nó giống như Chúa Kitô, qua tình yêu bao trùm và mãnh liệt của Chúa Thánh Thần vì vinh quang Chúa Cha, mà sự Uy nghi cao cả vốn thu hút mọi loài về với Người.

Như thế, phụng vụ bao hàm mọi hữu thể hiện hữu, các thiên thần, con người và sự vật; mọi nội dung và sự kiện của cuộc sống; nói tóm lại, là toàn bộ thực tại. Và ở đây, thực tại tự nhiên trở thành lệ thuộc siêu nhiên; thực tại tạo vật có liên quan với thực tại không tạo dựng.

Thực tại đầy đủ trên được hình thành bởi các định luật xây dựng của Giáo hội – bởi tín điều, luật lệ về chân lý; bởi nghi lễ, bởi luật thờ phượng; và bởi giáo luật, luật trật tự.

Sự phát triển tự nó không diễn ra theo một chương trình hoặc các quy luật được suy nghĩ cẩn thận, nhưng giống như mọi sự sống ngày càng phát triển một cách nhịp nhàng. Nhưng lúc này, chúng ta không thể khai triển thêm điểm này.

Trong cấu trúc không gian, luôn có tỷ lệ và trạng thái cân bằng, còn nhịp nhàng diễn ra theo trình tự - lặp đi lặp lại có hệ thống trong thay đổi, đến nỗi bước sau lặp lại bước trước, nhưng đồng thời vượt quá nó. Bằng cách này, sự sống phát triển đến chỗ viên mãn của nó và sự biến đổi của linh hồn được hoàn thành.

Phụng vụ là một nhịp nhàng độc đáo. Các khám phá khôn lường vẫn đang chờ đợi chúng ta trong lĩnh vực này. Điều thời Trung Cổ cảm nghiệm như một điều tất nhiên, điều vốn đã chứa đựng trong bảng chữ đỏ (rubrics) của Giáo hội, nhưng đã biến mất khỏi ý thức của những người theo đạo, phải được khám phá trở lại.

Tuy nhiên, bản thể của nó là sự sống của Chúa Kitô. Điều Người là và làm đang sống lại như một thực tại huyền nhiệm. Sự sống của Người, thấm nhiễm vào những nhịp nhàng và biểu tượng đó, được đổi mới trong các mùa thay đổi trong năm của Giáo hội và trong bản sắc vĩnh viễn của Hy lễ và Bí tích. Diễn trình này là định luật hữu cơ nhờ đó tín hữu lớn mạnh “trở thành thước đo tuổi sự viên mãn của Chúa Kitô”. Sống theo phụng vụ không có nghĩa là sự nuôi dưỡng thị hiếu văn chương và mơ mộng, nhưng tự khuất phục mình theo trật tự do Chúa Thánh Thần thiết lập; nghĩa là được dẫn dắt bởi sự thống trị và tình yêu của Chúa Thánh Thần tới sự sống trong Chúa Kitô và trong Người cho Chúa Cha.

Chúng ta vẫn còn phải nhận ra việc trên đòi hỏi thứ kỷ luật liên tục nào, thứ đào luyện sâu sắc nào, và thứ rèn luyện đời sống nội tâm nào. Khi chúng ta nhận ra, sẽ không còn ai coi phụng vụ như một thứ duy thẩm mỹ.

Sáng thế như một toàn bộ được bảo bọc trong mối liên hệ với Thiên Chúa do việc cầu nguyện thiết lập ra; sự viên mãn của thiên nhiên, được gợi lên và hiển dung nhờ sự viên mãn của ân sủng, vốn được tổ chức bởi định luật hữu cơ của Thiên Chúa Ba Ngôi, và ngày càng phát triển vững vàng theo một nhịp điệu hoàn toàn đơn giản nhưng phong phú vô hạn; bình chứa và biểu thức sự sống của Chúa Kitô và Kitô hữu - đó chính là phụng vụ. Phụng vụ là sáng tạo, được cứu chuộc và khi cầu nguyện, vì đó là chính Giáo hội đang cầu nguyện.

Vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi sự viên mãn của Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ, tất cả những lưỡi lửa đó không đủ để công bố "các kỳ công của Thiên Chúa".

Thường có vẻ như hơi thở từ cơn bão cực mạnh đó đang khuấy động trong thời đại chúng ta! Tôn giáo của chúng ta trỗi dậy trước mắt chúng ta như một hình dạng uy nghi đến mức khiến chúng ta nghẹt thở.

Nhưng tại sao tôi lại nói về tôn giáo? Các Kitô hữu tiên khởi hay thời Trung cổ có nói về "Tôn giáo" theo nghĩa của chúng ta hay không? Đối với người Công Giáo, liệu có một thứ gọi là “tôn giáo” hay không? Họ là một đứa con của Thiên Chúa hằng sống, và một chi thể của Giáo hội sống động.

Ghi chú

1.Đi ều này và các nhận xét sau đó chỉ nhằm mục đích mô tả cách người ta cảm thấy và ý thức của họ là gì. Nó không quan tâm đến yếu tính và ý nghĩa của chính Giáo hội.

2. Đương nhiên, phần lớn trong chủ nghĩa cá nhân này là cần thiết và đúng sự thật. Những lời phê phán này chỉ nhằm mục đích chống lại tính một chiều sai lầm làm nghèo đi sự sống con người; chống lại chủ nghĩa chủ quan, chứ không chống tính chủ quan. Điều này sẽ hiển nhiên từ tất cả những điều tiếp sau đây.

3. Tại thời điểm này, ý nghĩa thực sự của chính trị trở nên rõ ràng. Nó không phải là kỹ thuật lừa dối, dối trá và bạo lực. Nhưng nó có nghĩa một nghệ thuật cao quý chấp nhận mọi hiện tượng cụ thể của cuộc sống, mọi chủng tộc, mọi giai cấp và chỗ đứng cho mọi người, không vi phạm các đặc tính khác biệt của họ, nhưng một cách khiến cuộc sống và các chức năng kết hợp của họ tạo nên một xã hội mạnh mẽ và giầu tiềm năng. Ở đây, các vấn đề luân lý và giáo dục can thiệp, một điều theo hiểu biết tốt nhất của tôi, hiếm ai ngoại trừ F.W. Foerster đã xử lý một cách nghiêm túc.

4. Sự lặp lại liên tục ý niệm “hiện thực hóa” trong các trước tác của Newman, người từng trải qua cuộc khủng hoảng cá nhân chủ nghĩa hết sức dữ dội, là đáng kể nhất. Qua ý niệm này, ngài có ý nói tới sự biến đổi của một đối tượng từ một thực thể ngôn từ và khái niệm thuần túy trở thành một trải nghiệm, trong đó nó được thấu hiểu như một thực tại. Điều này, ngược lại, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành nghiêm túc.

5. Vì điều này đã bị nhiều người lãng quên, nên Harnack đã có thể trình bày thông điệp của Chúa Cha một cách một chiều như là nội dung việc làm của Chúa Kitô, đến nỗi, có thể nói, nó đã mang màu sắc của phái Thệ Phản. Mọi trang của Sách Nguyện [Breviary], mọi lời cầu nguyện trong Thánh lễ đều lớn tiếng công bố rằng mục tiêu và khát vọng của cả đời sống chúng ta là hướng tới Chúa Cha.

6. Vì niềm tin vào điều trái ngược với Thiên Chúa cũng có tính tôn giáo. Chỉ có sự lạnh lùng và tự hào trí thức là phi tôn giáo mà thôi. Ai tin vào ma quỷ như một thực tại, thì khi tin như vậy, cũng tin vào Thiên Chúa.

Kỳ tới: II. GIÁO HỘI VÀ NHÂN CÁCH
 
VietCatholic TV
Vắc xin – Xem để khỏi hối hận, khỏi thiệt mạng oan. Bác Sĩ Nguyễn Chí Thiện, Melbourne, Australia
Giáo Hội Năm Châu
06:33 14/08/2021
 
Tin buồn cho Giáo Hội tại Ý. Thánh lễ đường phố Chicago: Hình ảnh đẹp nhiều người chưa thấy bao giờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:11 14/08/2021

1. Giáo Hội Công Giáo ở Ý phải vật lộn với sự suy giảm tiền thuế 8 phần ngàn

Kể từ những năm 1980, nguồn thu chính của Giáo Hội Công Giáo Ý là số tiền được gọi là “tám phần ngàn”, nghĩa là một phần thuế thu nhập cá nhân của mỗi người được nhà nước phân phối cho nhà nước hoặc cho một tổ chức từ thiện do người nộp thuế lựa chọn. Người nộp thuế có thể chọn một trong số các tổ chức từ thiện được chấp thuận, cả tôn giáo và thế tục, để tiền thuế của họ sẽ đến, mặc dù họ không bắt buộc phải chọn một tổ chức.

Trong số khoảng 75% dân số theo Công Giáo, khoảng 70% chọn Giáo Hội Công Giáo là pháp nhân nhận tiền thuế của họ, được Hội đồng Giám mục Ý quản lý.

Đối với những người không lựa chọn, số tiền thuế 8 phần ngàn được chia cho những tổ chức từ thiện khác nhau tương ứng với các lựa chọn đã được thực hiện, có nghĩa là phần lớn các tiền thuế đó cũng được chia cho Giáo Hội Công Giáo Ý. Hàng năm Giáo hội Ý nhận khoảng một tỷ euro từ số tiền thuế 8 phần ngàn và phân bổ cho nhiều các sáng kiến từ thiện cũng như quản lý và chi phí.

Theo luật, số tiền nhận được từ số tiền thuế 8 phần ngàn phải được sử dụng “cho nhu cầu thờ phượng của dân chúng, hỗ trợ giáo sĩ, các hoạt động bác ái có lợi cho cộng đồng quốc gia hoặc các nước thuộc thế giới thứ ba”.

Hàng năm Hội đồng giám mục Ý tài trợ cho rất nhiều hoạt động bác ái và xã hội tại các nước thuộc thế giới thứ ba ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và cả các nước Đông Âu.

Theo ông Roberto Grendene, số người dành số tiền thuế 8 phần ngàn cho Giáo Hội Công Giáo Ý lần đầu tiên giảm xuống dưới 30% có thể do một số yếu tố. Một trong những yếu tố này có thể là người dân có một lựa chọn mới, đó là dành số tiền thuế này cho 5 lý do của nhà nước bao gồm cứu trợ thiên tai, chấm dứt nạn đói trên thế giới, hỗ trợ người tị nạn và trẻ vị thành niên không có người đi kèm, bảo tồn di sản văn hóa, và việc bảo trì các tòa nhà trường học.

Phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Ý, Vincenzo Corrado, dường như không lo lắng về sự sụt giảm này, và lưu ý rằng khoảng 71,1% những người thực hiện lựa chọn dành quỹ 8 phần ngàn cho Giáo hội vẫn tiếp tục chọn lựa này. Ông Corrado tin rằng có một số yếu tố liên quan đến sự sụt giảm, “chắc chắn bao gồm cả đại dịch”, và những lý do có thể không liên quan đến Hội đồng giám mục hoặc chính Giáo Hội Công Giáo. Ông không nghĩ việc sụt giảm này chỉ đơn giản là do họ từ chối Giáo hội.
Source:Crux

2. Ý yêu cầu sinh viên đại học, giáo viên các cấp phải tiêm vắc xin

Để thúc đẩy việc học trực tiếp trở lại an toàn, chính phủ Ý đã thông qua luật buộc phải tiêm vắc xin COVID-19 đối với tất cả sinh viên đại học, tất cả giáo viên, giáo sư và nhân viên ở mọi cấp từ trường mẫu giáo đến trường đại học.

Luật áp dụng cho gần 8,000 trường Công Giáo, với tổng số học sinh ghi danh là khoảng 570,000 học sinh.

Chủ tịch FIDAE, liên đoàn các trường tiểu học và trung học Công Giáo, đã thúc giục chính phủ vào cuối tháng 7 thông qua một đạo luật như vậy, nói rằng đó là một “hành động có trách nhiệm”.

Virginia Kaladich, chủ tịch liên đoàn, nói với hãng thông tấn Ý Adnkronos : “Chúng tôi đang nói về sức khỏe tập thể của chúng tôi và tránh một cuộc lockdown khác”, Virginia Kaladich, chủ tịch liên đoàn nói.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 28 tháng 7, Kaladich cho biết cô đã nghe nói rằng 85% học sinh Ý đã được tiêm chủng, “ nhưng để bảo vệ an toàn cho đồng nghiệp và học sinh của mình, tốt nhất là tất cả mọi người đều được tiêm phòng”.

Thời gian bắt đầu năm học 2021-2022 ở Ý được xác định theo khu vực; học sinh ở khu vực phía bắc Bolzano trở lại trường học vào ngày 6 tháng 9; ở Rôma và vùng lân cận của Lazio, giống như hầu hết ở Ý, các trường học sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13 tháng 9; và các trường học ở khu vực phía nam của Puglia bắt đầu vào ngày 20 tháng 9.

Nghị định của chính phủ về tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên nhà trường đã được ký kết ngày 06 tháng 8, cùng ngày hôm đó nó đã trở thành bắt buộc đối với bất cứ ai trên 12 tuổi. Họ được yêu cầu xuất trình chứng chỉ xanh, tức là bằng chứng về tiêm chủng, hoặc một giấy chứng nhận âm tính đối với COVID-19 để có thể ăn trong các nhà hàng, vào rạp chiếu phim hoặc thăm các viện bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Vatican.

Luật cũng yêu cầu tất cả nhân viên nhà trường và tất cả trẻ em trên 6 tuổi phải đeo khẩu trang trong lớp học, ngoại trừ trong giờ học thể dục hoặc có giấy của bác sĩ giải thích lý do tại sao không thể đeo khẩu trang y tế.

Vào tháng 3, Ý đã đưa ra quy định bắt buộc đối với tất cả các nhân viên y tế, bao gồm cả các dược sĩ, phải tiêm vắc xin.
Source:Crux

3. Thánh lễ trên đường phố mang Giáo Hội Công Giáo đến với người dân ở Chicago

Sáng kiến tái tục các thánh lễ đường phố gần đây ở khu phố Little Village của Chicago đã được nhiều người hoan nghênh.

Thời tiết ổn định, không có mưa và gió nhẹ làm giảm cái nóng. Ve sầu và chim hót líu lo trên cây. Đó là bối cảnh khi Cha James Kastigar, cha phụ tá của Giáo xứ St. Agnes xứ Bohemia, cử hành Thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha ngày 22 tháng 7, lễ Thánh Maria Magđalêna.

Thánh lễ là một trong số các thánh lễ đường phố ngoài trời do giáo dân tổ chức trong năm nay, nối lại truyền thống phải tạm dừng vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Các thánh lễ đường phố đã được cử hành trong khoảng 20 năm qua.

“Chúng tôi tiếp tục tụ tập như một cộng đồng và chào đón cơ hội để cầu nguyện cho chấm dứt bạo lực và tiếp tục thúc đẩy hòa bình,” Cha Don Nevins, cha sở giáo xứ nói. “Đây cũng là cơ hội để cho mọi người biết chúng tôi đang mở cửa trở lại và đang chào đón mọi người trở lại tham dự Thánh lễ sau đại dịch”.

Carmen García, một trong những người tổ chức thánh lễ đường phố trong khu vực San Augustin, cho biết Thánh lễ được tổ chức bởi những giáo dân tham gia trong phong trào Misión Guadalupana.

“Chúng tôi muốn cung cấp sự hiện diện của Thiên Chúa chúng ta và cử hành Thánh lễ để mọi người có thể trải nghiệm điều đó ở nơi họ sống”, García nói.

Đối với mỗi Thánh lễ, các tình nguyện viên tìm một gia đình chủ nhà, người sẽ cung cấp điện cho hệ thống âm thanh, nước và nước giải khát sau phụng vụ.

Các tình nguyện viên sắp xếp để xin giấy phép đóng cửa đường phố từ thành phố và truyền bá thông tin về Thánh lễ trong khu vực lân cận.
Source:Crux
 
Tin dữ: Thương vong nặng nề tại Tòa Giám Mục Haiti. Bác bỏ tin giả liên quan đến các dòng tu ở VN
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:33 14/08/2021


1. Haiti: Đức Hồng Y bị thương nặng, tổn thất nhân mạng rất cao.

Sáng sớm ngày thứ Bẩy, 14 tháng 8, theo giờ địa phương, tức là khuya thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật giờ Việt Nam, một trận động đất cường độ lên đến 7.2 độ Richter đã làm rung chuyển Haiti. Tòa Giám Mục Les Cayes nằm gần tâm chấn của trận động đất này.

Đức Hồng Y Chibly Langlois, Giám mục Les Cayes và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti, đã bị thương, trong khi những người khác trong Tòa Giám Mục bị thiệt mạng bao gồm một linh mục và 2 nhân viên.

Nói với ACI Prensa, hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Akim Kikonda, Giám đốc Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo (CRS) ở Haiti, nói rằng Đức Hồng Y Langlois “bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.”

Đức Hồng Y Langlois, 62 tuổi, được Đức Thánh Cha Phanxicô phong làm Hồng Y tiên khởi của Haiti vào ngày 22 tháng 2 năm 2014.

“CRS đã nói chuyện được với nơi ở của các linh mục ở Les Cayes và chúng tôi có báo cáo rằng Tòa Giám Mục đã bị hư hại nghiêm trọng. Thật không may, chúng tôi đã được thông báo về ba người tử vong, một linh mục và hai nhân viên”, Kikonda nói.

Kikonda cũng báo cáo với ACI Prensa rằng “tất cả nhân viên CRS đều bình an vô sự, nhưng thật không may, một trong những người vợ của nhân viên của chúng tôi đã chết và con của anh ấy bị thương nặng”.

Trận động đất xảy ra lúc 8 giờ 30 sáng theo giờ địa phương, ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước, nhưng đặc biệt là khu vực Les Cayes, thuộc khu vực tây nam của Haiti.

Kikonda cũng nói rằng bệnh viện công địa phương đã quá tải vì số lượng ca cấp cứu, và từ chối phần lớn những người bị thương.

“Chúng tôi hiện đang đánh giá mức độ thiệt hại... Khi chúng tôi đã đánh giá đầy đủ về những người bị thương, người chết và bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ tiến hành cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, đặc biệt là cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”.
Source:Catholic News Agency

2. Tin vui từ Pakistan: Gia đình người Công Giáo bị cáo gian được bí mật đưa ra nước ngoài

Một cặp vợ chồng Công Giáo đã phải ngồi tù bảy năm trong khu biệt giam dành cho các tử tù ở Pakistan vì tội báng bổ tiên tri Muhammad đã được tị nạn tại một quốc gia Âu Châu.

Theo tổ chức nhân quyền ADF International, hai vợ chồng anh Shagufta Kausar và chị Shafqat Emmanuel đã đến Âu Châu trong tuần này sau khi bản án tử hình của họ bị Tòa án Tối cao Lahore lật lại vào đầu tháng Sáu.

Cha mẹ của bốn đứa trẻ cho biết họ “rất nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng được tự do” và hạnh phúc khi được đoàn tụ với các con sau tám năm rất khó khăn.

Hai vợ chồng người Công Giáo này đã được ra tù vào ngày 1 tháng 7. Quốc gia nơi họ được tị nạn vẫn chưa được xác định do lo ngại về an ninh.

“Mặc dù chúng tôi sẽ rất nhớ đất nước của mình, nhưng chúng tôi rất vui vì cuối cùng đã đến một nơi nào đó an toàn. Hy vọng rằng những điều luật báng bổ ở Pakistan sẽ sớm bị bãi bỏ, để những người khác không phải chịu chung số phận như tôi và Shagufta”, anh Shafqat Emmanuel nói.

Hai vợ chồng đã phải đối mặt với những lời đe dọa lấy mạng sau khi có tin tức về việc họ được tha bổng và được thả.

Emmanuel cho biết anh và vợ rất biết ơn ADF International và Jubilee Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo cho người thiểu số, đã giúp đỡ họ và đưa họ đến nơi an toàn.

“Chúng tôi rất vui mừng rằng sau cùng Shagufta và Shafqat cũng được trả tự do và đã đến nơi an toàn”, Tehmina Arora, Giám đốc vận động cho ADF quốc tế ở Á châu nói.

“Đáng buồn thay, trường hợp của họ không phải là một trường hợp riêng lẻ, nó khẳng định hoàn cảnh khó khăn mà nhiều Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác đang phải trải qua ở Pakistan ngày nay”.

Vào năm 2013, hai vợ chồng nghèo đang sống với các con của họ trong một khu nhà truyền giáo của Nhà thờ Gojra ở Punjab, Pakistan, thì những tin nhắn bị cho là báng bổ được gửi đến một giáo sĩ và một luật sư từ một chiếc điện thoại được cho là do Shagufta Kausar đứng tên.

Kausar khai rằng điện thoại của cô đã bị mất cả tháng trước đó vào thời điểm tin nhắn được gửi đi.

Sau khi bị đánh đập và đe dọa rằng vợ mình sẽ bị lột sạch quần áo và buộc phải khỏa thân đi bộ qua thị trấn, Emmanuel đã phải chấp nhận lời vu cáo.

Mặc dù không biết đọc hoặc viết, và do đó không có khả năng gửi tin nhắn, Kausar và chồng cô đã bị bắt và bị buộc tội báng bổ vào ngày 21 tháng 7 năm 2013.

Một phiên tòa đã kết án họ tử hình bằng cách treo cổ. Họ đã phải ngồi tù hơn bảy năm trong khi chờ đợi kết quả kháng cáo lên Tòa án Tối cao Lahore, nơi đã tuyên trắng án cho họ vào đầu tháng Sáu.

Bộ luật hình sự của Pakistan coi là tội hình sự những lời nói xúc phạm hoặc bôi nhọ đạo Hồi, nhưng luật này thường được sử dụng để chống lại các tôn giáo thiểu số và nhiều cáo buộc hoàn toàn sai sự thật. Pakistan có luật báng bổ nghiêm ngặt nhất trên thế giới, là một trong bốn quốc gia duy nhất có án tử hình vì tội báng bổ.

Kausar và Emmanuel đã được bào chữa bởi luật sư Saiful Malook, cùng một luật sư làm việc cho Asia Bibi, một người vợ và người mẹ Công Giáo khác bị buộc tội báng bổ ở Pakistan.

Bibi đã trải qua 8 năm tù tội trước khi được Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố trắng án vào năm 2018. Cô đã được cấp quy chế tị nạn tại Canada, nơi cô đã sống cùng gia đình kể từ tháng 5 năm 2019.
Source:Catholic News Agency

3. Thông Báo Của Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán Bác Bỏ Các Tin Giả Về Tổn Thất Nhân Mạng Của Các Nữ Tu

Kính gởi Quý Đức cha, Quý cha, Quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân.

Hiện nay trên mạng xã hội một số cá nhân đã đưa tin về tình hình lây nhiễm dịch bệnh và kêu gọi giúp đỡ Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Nhà Dòng xin xác định đây là thông tin giả mạo.

Kính xin Quý Đức cha, Quý cha, Quý tu sĩ Nam Nữ và anh chị em giáo dân cầu nguyện cho chúng con trong tình trạng đại dịch chung của toàn Thành Phố đang gặp khó khăn.

Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót gìn giữ dân Chúa.

Chúng con xin cám ơn quý vị đã quan tâm đến Hội Dòng chúng con.

T/M Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán

Nt. Maria Trương Thị Thu Hương

Tổng Phụ Trách