Ngày 14-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/08/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
15:45 14/08/2017

Bài Đọc Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – 15.08.2017

Bài Đọc I : Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab

Lời Chúa trong sách Khải Huyền

Tôi là Gio-an, bấy giờ tôi thấy Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ.

Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời : một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời : đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời :

"Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính."

Bài Đọc II: 1 Cr 15,20-27

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô

Thưa anh em, Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô.

Bài Tin Mừng: Lc 1,39-56

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."

Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
 
Chúa Nhật XX Thường Niên – A
Lm Jude Siciliano OP
17:01 14/08/2017
Isaia 56: 6-7, Tv. 66; Rôma 11: 13-15, 29-32; Mátthêu 15: 21-28

Hôm nay bài phúc âm hơi kỳ lạ, bạn có nghĩ vậy không? Và cũng là bài phúc âm có tính rụt rè, vì diễn tả về Chúa Giêsu trong một ánh sáng lu mờ. Mô tả một phụ nữ tuyệt vọng chạy đến Chúa Giêsu để xin chửa lành cho đứa con gái bà ta bị quỷ ám. Do bà ta là người Canaan, một dân ngoại đối với người Do thái, nên Chúa Giêsu coi thường bà. Trước tiên Chúa Giêsu không để ý, nhưng sau khi nói chuyện thì Ngài lại ví người ngoài Do thái là "chó".

Nếu câu chuyện tạo được việc gì thì đó là việc khiến chúng ta ớ vào thân phận thấp hèn "của con chó". Chúng ta muốn khuyến khích người phụ nữ là "đừng bỏ cuộc, Chúa Giêsu sẽ đáp ứng". Thật lạ lùng, khi gặp một người van xin, Chúa Giêsu sẽ động lòng thương nghĩ đến người mẹ đó. Đó là việc chúng ta thường thấy thái độ của Chúa Giêsu, khi có người cần được giúp đỡ kêu nài. Vì Ngài đầy lòng nhân ái muốn giúp đỡ những ai tỏ lòng tin tưởng Ngài. Nhưng, trong câu chuyện hôm nay sự việc không xãy ra như thế. Vậy có thật là Chúa Giêsu có thái độ hờ hững chăng? Điều gì đã xãy ra trong câu chuyện này?

Điều có thể giúp chúng ta vào ngay câu chuyện là chúng ta nên nghĩ đến đức tin căn bản của chúng ta vào Chúa Giêsu. Chúng ta tin gì về nhân tính của Ngài? Tôi dám nói là, phần đông chúng ta đã được dạy dỗ về thiên tính của Chúa Giêsu. Chúng ta tin là Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống Nhập Thể của Thiên Chúa. Trong sự huấn luyện của chúng ta không nói nhiều về bản tính con người nơi Chúa Giêsu vì Ngài cũng là con người như chúng ta. Chúng ta phải giữ hai sự thật này bằng nhau. Nhưng, thường chúng ta hay nhấn mạnh đến thiên tính và bỏ qua nhân tính của Ngài.

Vậy, các bạn nên tự hỏi mình: nếu có ai gõ cửa nhà Chúa Giêsu, Ngài có biết người đó trước khi mở cửa hay không? Thường thì chúng ta trả lời là "Chúa Giêsu biết người gõ cửa là ai, vì Ngài là Chúa và biết hết mọi sự". Dựa theo điều đó, chúng ta thử nghĩ thái độ gay gắt của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Canaan hôm nay là Ngài biết Ngài sẽ làm gì, và Ngài muốn thử thách đức tin của bà đó. Bà đó có đức tin, và đức tin bà ta quả là có sức mạnh.

Bà ta đã ra khỏi quê hương l Cô ấy là người Canaan và đã rời quê hương để đi vào vùng đất của người Israel chiếm đóng. Nên nhớ rằng người Canaan chình là những cư dân bản địa của vùng đất hứa và họ đã bị xua đi bởi người Do Thái, và bây giờ bà ta can đảm liều mình đi vào vùng đất của địch để tìm xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Mâu thuẫn giữa người Do Thái và người Canaan khi xưa làm người phụ nữ này đã có nguy cơ bị hành hạ khi cô xâm nhập vào lãnh thổ của kẻ thù. Vậy mà cô đã có can đảm để rời khỏi sự an toàn nơi cộng đoàn của mình để đền một nơi đầy rủi ro để nhận được sự giúp đỡ từ Chúa Jêsus. Có thể là trong lúc đi đường bà ta biết rằng người Do thái có quyền ưu tiên hơn, vì họ được Thiên Chúa yêu thương hơn dân Canaan. Sự cố gắng và can đảm của bà ta còn thể hiện rõ hơn nữa là bà ta ra đi chỉ một mình mà không có người nam đi cùng, đó là một việc lạ lùng cho một phụ nữ thời đó.

Đức tin của người phụ nữ còn được thể hiện mạnh mẻ hơn là bà kiên trì tiếp xúc với Chúa Giêsu. Bà ta không dễ gì đẻ bị gạt ra ngoài, ngay cả khi Chúa Giêsu nói về bỏ phần ăn của trẻ con Do thái cho "chó" là người ngoại. Trong câu nói của Chúa Giêsu, Ngài dùng tiếng "chó con" để nhẹ hơn là dùng tiếng "chó". Nên chúng ta cảm thấy là Ngài đã để ý đến người phụ nữ đó, và đã rút khỏi thái độ người Do thái thời đó khi tiếp cận với người ngoại. Bà ta nhấn mạnh là bà ta có chút quyền, mặc dù là bà ta thuộc về loài "chó", kể cho cùng, chó cũng ăn của ăn trên bàn rơi xuống. Hình như bà ta muốn nói là Thiên Chúa sẽ cho cả "trẻ con" và "chó" ăn, nghĩa là người Do thái và người ngoại.

Chúa Giêsu vừa bị người Pharisêu chỉ trích là các môn đệ và cả Chúa Giêsu không giữ lề luật sạch sẽ trước khi ăn. Chúa Giêsu nói là các lãnh đạo tôn giáo Do thái là những người giả dối, chỉ kình trọng Thiên Chúa bằng môi miệng thôi. Trái lại, Chúa Giêsu khen người phụ nữ Canaan có đức tin mạnh. Một trong những người lãnh đạo tôn giáo có thể bị chê bai vì thái độ người đó không được Chúa Giêsu khen ngợi. Vậy thì ai là người thật tình giữ lề luật tôn giáo theo nhản quan của Chúa Giêsu? Những người nhìn vào Ngài là Đấng đầy lòng xót thương,muốn chửa lành, muốn tha thứ và đón người tội lỗi đến ngồi cùng bàn với Ngài. Nơi bàn ăn đó như bàn tiệc Thánh Thể hôm nay, Thiên Chúa cho bánh ngon nhất cho những ai đói.

Các môn đệ sẵn sàng đuổi người phụ nữ Canaan. Nhưng, khi kết thúc là bà ta lại chứng tỏ có đức tin mạnh hơn là các ông, vì bà ta trông thấy Thiên Chúa qua Chúa Giêsu rao giảng; bao gồm tất cả mọi người, ngay cả những người bị những người tốt đạo và giữ lề luật xem là không xứng đáng. Thiên Chúa không kể tầng lớp xã hội, hay chủng tộc trong điều kiện để được ơn huệ của Thiên Chúa. Mà tất cả mọi người có đức tin đều được Thiên Chúa để ý đến.

Trở về câu hỏi trước của chúng ta: nếu có ai gõ cửa nhà Chúa Giêsu, Ngài có biết người đó trước khi mở cửa hay không? Với sự nhấn mạnh về thiên tính của Chúa Giêsu và nói nhẹ hơn về nhân tính của Ngài, câu trả lời là: "lẽ cố nhiên Ngài biết người gõ cửa là ai". Tuy vậy, những năm vừa qua, chúng ta nhìn nhận nhiều về nhân tính của Chúa Giêsu, sau khi chúng ta học hỏi nhiều về Kinh Thánh. Thí dụ như: thánh Phaolô nói "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế" (Phil 2: 6-7) Trong thơ thánh Phaolô gởi cho người Do thái , chúng ta được biết Chúa Giêsu đã "chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội". (Dt4: 15) Và cũng trong thơ Do thái Chúa Giêsu "đã trãi qua thử thách và đau khổ". Sau khi cha mẹ Chúa Giêsu tìm được Ngài trong Đền Thờ, thánh Luca nói là Chúa Giêsu trở về Nadarét với cha mẹ và "hằng ngày vâng phục các ngài" và "ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến". (Lc2: 51-52) Theo quan điểm về Kinh Thánh này, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng như mọi người. Ngài không đến thế gian này hoàn toàn khôn lớn và biết hết mọi sự.

Theo quan điểm thứ hai này, chúng ta có thể nói là Chúa Giêsu gặp người phụ nữ Canaan và nghe lời bà ta cầu xin, Chúa Giêsu diễn tả ý nghĩ đầu tiên của Ngài là Ngài đến để rao giảng Tin Mừng cho "những con chiên lạc lối của nhà Israel". Nhưng khi Ngài thấy người phụ nữ đó tỏ đức tin mạnh, nhất là sau khi Ngài bị các lãnh đạo tôn giáo, là những người phải hiểu biết nhiều hơn, chống đối Ngài, thì Ngài thay đổi thái độ trong sứ vụ của Ngài.

Người phụ nữ đó là dấu chỉ rõ ràng cho Chúa Giêsu là cả sự cứu độ của Thiên Chúa là cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, không chỉ riêng cho người Do thái mà thôi. Hôm nay sự gặp gỡ với người phụ nữ Canaan chứng tỏ sự thay đổi trong nhân tính của Chúa Giêsu, và sự hiểu biết trong nhân tính của Ngài và chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả loài người. Sự thay đổi đó xãy ra như thế nào? Qua sự kiên nhẫn của người phụ nữ, và thái độ bà ta không chịu nhượng bộ trước một thái độ hẹp hòi của Thiên Chúa. Bà ta nhận xét sự sinh trưởng và tôn giáo không thể chận đứng tình thương yêu của Thiên Chúa đối vói tất cả mọi người. Nếu chúng ta nghĩ Thiên Chúa nhỏ hẹp thì chúng ta đã không hiểu phúc âm.

Bởi thể, chúng ta có hai cách để vào câu chuyện này: một cách, là nhấn mạnh thiên tính của Chúa Giêsu trông thấy thái độ của Ngài như một Thiên Chúa biết hết mọi sự, biết một người ngoại cũng có đức tin rao giảng "đến tận cùng trái đất". Đường lối kia, nhìn vào nhân tính của Chúa Giêsu trong việc trao đổi làm cho Ngài khôn lớn hơn trong sứ vụ của Ngài cho khắp mọi dân tộc.

Giáo Hội tiên khởi, và ngay cả Giáo Hội hiện nay có thể cố gắng với Tin Mừng hẹp hòi trinh bày trong bài phúc âm hôm nay. Ngay cả sau khi Chúa Phục Sinh, có Giáo Hội nghĩ là Tin Mừng Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho dân Israel, mặc dù phúc âm thánh Matthêu kết thúc với lời Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng phúc âm cho muôn dân.

Thiên Chúa đã bao gồm chúng ta trong Tin Mừng của Chúa Giêsu về lòng tha thứ và hòa giải của Ngài. Chúng ta đã không làm gì để được hưởng ơn huệ đó. Chúng ta được hưởng qua đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Và chúng ta đã chấp nhận lời mời gọi đó đến bàn tiệc thánh . Chúng ta nghe Chúa Giêsu sống lại bảo rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người.

Có ai hay nhóm người nào được tự nhiên bao gồm trong khuôn khổ bạn bè và Giáo Hội chúng ta không? Có ai bị bỏ quên không? Chúng ta cho ai là người quan trọng nhất? hay thấp bé, hay không xứng đáng trong thời gian này của chúng ta không? Nói cách khác, ai là người Canaan trong đời sống chúng ta đã bị bỏ quên, hay bị loại ra một bên? Chúa Giêsu nghe lời người phụ nữ Canaan, và chấp nhận bà ta. Vậy tôi có lắng nghe lời của những người kêu gọi chúng ta giúp đỡ hằng ngày hay không? Chúng ta cố gắng đáp lại phúc âm chúng ta đã lãnh nhận bằng cách làm cho kẻ khác điều gì đã làm cho chúng ta. Cũng như Thiên Chúa chúng ta đã nghe và đã đáp lại cho chúng ta, thì chúng ta cũng lắng nghe và đáp lại những ai kêu gọi chúng ta giúp đỡ.

Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP



20th Sunday In Ordinary Time (A)
Isaiah 56: 6-7; Psalm 67; Romans 11: 13-15, 29-32; Matthew 15: 21-28


Today’s gospel is strange, don’t you think? It is embarrassing too, since it seems to depict Jesus in an unflattering light. A desperate woman has come seeking help for her tormented daughter. Since she is a Canaanite, an outsider to the Jewish faith, Jesus treats her abruptly. First, he ignores her then, in the parlance of the day, he refers to non-Jews, as "dogs."

If the story does anything, it certainly gets us on the side of the "under dog" – we want to cheer the woman on, "Don’t give up! He’ll give in!" How strange, to side with a petitioner, hoping Jesus’ heart will soften towards the mother. It is not the usual stance we take when we hear a person in need invoke Jesus’ help. Usually he is the compassionate one, eager to help those who exhibit need and faith in him. But not in today’s story. Is Jesus really as indifferent as he first seems? What’s going on here?

What will help us enter today’s story is to begin by reflecting on our basic faith in Jesus. What do we believe about his humanity? Most of us, I dare say, were raised with a strong affirmation of Jesus’ divinity. He is, we believe, the eternal Word of God made flesh. Less emphasized in our formation was an equally true doctrine of our faith: Jesus was truly human. We have to keep these two truths in balance. But we often tend to emphasize one side of the truth of Jesus’ identity; we favor his divinity. What has been neglected, at least in my upbringing, is the equally important truth that Jesus was fully human.

So ask yourself: If someone knocked on his door, would Jesus know who was there before he opened it? Traditionally we would not hesitate in answering, "Yes, he was God and knew everything." Taking that perspective, we would approach Jesus’ rough treatment of the woman in today’s text by claiming that he knew all along what he intended to do and was testing the woman’s faith. And the woman does have faith!

Her faith has pushed her beyond her usual boundaries. She is a Canaanite and so has left her homeland to go out to Jesus. Remember that the Canaanites were the original inhabitants of the Promise Land and had been pushed out by the Israelites. The conflicts between the Jews and the Canaanites were ancient and the woman had taken a risk when she entered enemy territory. She had the courage to leave the security of the familiar to venture into a place of tension in order to get help from Jesus. It’s possible that, in making the journey, the woman was acknowledging the priority of the Jews and their faith as a place to find a gracious God willing to help her. Her desperation and courage are shown in her going to Jesus unaccompanied by a male guardian – something unusual for women of that time.

The woman’s faith is also shown in her persistence with Jesus. She is not easily dissuaded, even when Jesus refers to throwing the "children’s" (the Jews) food to the "dogs" (the Gentiles). In the original language the word Jesus used is "puppies," not the harsher sounding "dogs." We sense Jesus is open to the woman and has pulled back from the way his Jewish contemporaries would have referred to her, as one of the "dogs." The woman insists she has some rights, even though she belongs to the "dogs" – after all the "dogs" eat the scraps from the table. She seems to be implying her belief that God will feed both the "children" and the "dogs" – Gentiles and Jews.

Jesus has just been criticized by the Pharisees for his disciples (and by extension, Jesus) not observing dietary and ritual cleansing rules (15: 1-20). He called the religious leaders hypocrites who only payed lip service to God. In contrast, Jesus praised the Canaanite woman for having great faith. One of the very people the religious leaders would have despised for their religious and ethical practices receives the highest praise from Jesus. So, who are the truly pious and observant in Jesus’ eyes? Those who see in him God’s gracious desire to heal, forgive and welcome to the table. At that table, as at our eucharistic table today, God serves the best bread to those who are hungry.

The disciples were all too ready to dismiss the woman. But, as it turns out, she exhibits more faith than even they have, for she sees that the God Jesus proclaims includes all people, even those believed unworthy by the pious and observant. God doesn’t count class or ethnic standing as an entitlement to God’s favor. All people of faith receive and find a receptive ear in God.

Back to our earlier question: If someone knocked at the door would Jesus know who it was before opening it?" With a strong emphasis on his divinity and a lesser one on his humanity, the answer would be, "Yes, of course." However, in recent years we have come to a renewed appreciation of Jesus’ humanity through our reinvigorated studies of scripture. For example, Paul says that Christ emptied himself, "taking the form of a slave, being born in human likeness, one like us in all things but sin (Phil. 2: 6-7). In Hebrews we are told Jesus was "tempted in every way that we are, yet never sinned" (4: 15). Again in Hebrews, Jesus "learned obedience from what he suffered." After his parents found the boy Jesus in the temple Luke tells us he returned with them to his home, "was obedient to them" and "progressed in wisdom and age and grace before God and humans" (2: 51-52). From this biblical perspective we observe that Jesus, like all humans, did not come into this world fully developed and all-knowing, but like us he grew, "in wisdom and age and grace before God and humans."

From this second perspective we might say that when Jesus encountered the woman and heard her request, he was expressing his first intention: to preach his message to "the lost sheep of the house of Israel." But when he saw the woman’s strong faith in him, especially after just being rejected by those who should have known better, the religious leaders, he then modified his mission plan.

The woman was a clear sign to Jesus that God’s salvation was meant for all people and all nations – not just for the Jews. Today’s encounter with the Canaanite woman shows a change in Jesus’ human consciousness and his human understanding of God’s plan for humanity. How does this change take place? By the woman’s persistence and unwillingness to accept a narrow and restrictive view of God. She realized birth and religious origins cannot hold back the outpouring of God’s love on all people. If we make God too small and puny in love we have not heard the gospel.

Thus, we have two general paths of entry into this story. One, with stress on Jesus’ divinity, seeing his behavior as the all-knowing Lord who draws out of a Gentile the faith that will be preached "to the ends of the earth." The other approach views the human Jesus in an exchange that helps him grow in his mission towards all nations.

The early church, and even our present one, would struggle with the message of inclusivity being affirmed in today’s gospel. Even after the resurrection some in the church thought Jesus’ message should be restricted to Israel, even though Matthew’s gospel ends with the risen Jesus’ mandate to go into the whole world and preach the gospel (28: 18-20).

God has included us in Jesus’ message of forgiveness and reconciliation. We didn’t do anything to earn that inclusion, it was handed to us through the life, death and resurrection of Jesus and we have accepted the invitation to the table where the food of God’s reign is given us. Gathered at this table we hear the risen Jesus’ mandate to proclaim the message to all.

Are there any people or groups who are automatically included in our circle of friends and church members? Are any overlooked or ignored? Whom do we consider superior? Or, inferior and not worth our time? In other words, who are the Canaanites in our lives who are ignored, or quickly brushed aside? Jesus heard the woman’s voice and accepted her. Am I also open to the voices who call out to me for help daily? We are tying to respond to the gospel we have received by doing to others what has been done for us. Just as our God has listened and responded to us, so we offer a willing ear and respond to those who express their needs to us.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 13/8/2017
VietCatholic Network
09:03 14/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 13 tháng Tám.

2- Đức Hồng Y Parolin dọn đường cho Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm nước Nga.

3- Tòa Thánh giải thích rõ ý nghĩa lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho một người đồng tính.

4- Tình hình đại chủng sinh trên thế giới.

5- Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Trung Phi đồng thanh yêu cầu quân Hồi Giáo Ma Rốc trong lực lượng Hòa Bình Liên Hiệp Quốc rút khỏi Bangassou, Trung Phi.

6- Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi kêu gọi đối thoại trong cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.

7- Đức Giám Mục Oscar Cantu của Hoa Kỳ kêu gọi làm dịu căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn bằng con đường đối thoại.

8- Dân chúng Nhật bản cầu xin Đức Trinh Nữ Maria khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tin lên cao.

9- Ngày Quốc Tế Của Các Dân Tộc Bản Địa Trên Thế Giới kêu gọi tôn trọng nhân quyền và đất đai.

10- Giáo xứ Aleppo bên Iraq tổ chức trại hè cho 860 trẻ em không phân biệt tôn giáo.

11- Vatican điều tra những cáo buộc chống lại GM Hubertus Leteng sau khi hàng chục linh mục từ nhiệm.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Chiều Mưa Cầu Mẹ.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói hãy tin vào Thiên Chúa, đừng tin tử vi bói toán.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:55 14/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Vatican. Vào ngày Chúa Nhật ĐGH Phanxicô đã lập lại lời Ngài nhắc nhủ nhiều lần rằng chớ tin vào tử vi bói toán mà hãy tin vào Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới là Đấng bảo toàn cho chúng ta trong những cơ thử thách và khó khăn.

ĐGH dẫn đoạn Phúc Âm ngày Chúa Nhật nói về việc thánh Phêrô bắt đầu chìm khi ngài đi trên nước để đến với Chúa Giêsu. Việc ấy cũng sẽ xảy đến với chúng ta khi chúng ta đặt niềm tin của mình vào sai chỗ.

“Khi chúng ta không bám vào Lời Chúa mà lại tìm đến tử vi, bói toán là lúc chúng ta bắt đầu chìm.”

ĐGH nói rằng tin vào Chúa và Lời của Chúa không mở ra con đường mà mọi thứ đều bình yên và dễ dàng cũng như không giúp chúng ta tránh khỏi dông bão cuộc đời. Nhưng thực ra đức tin cho chúng ta sự an toàn của giây phút hiện tại để giúp chúng ta vượt qua những cơn bão và chắc chắn một bàn tay sẽ nắm lấy chúng ta để giúp chúng ta thắng được gian nan, dẫn chúng ta tới bến bình an trong cơn sóng dữ.

“Đức tin không là một lối tránh cho những khó khăn cuộc đời, nhưng giúp cho cuộc hành trình của chúng ta và làm cho nó có ý nghĩa.”

ĐGH đã nói với khách hành hương tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào buổi tiếp kiến chung hằng tuần của ngài rằng chú tâm vào đoạn Phúc Âm ngày hôm nay của Thánh Mattheu nói về việc Chúa đi trên mặt nước giữa cơn bão biển và cho phép thánh Phêrô đến với ngài. Thánh Phêrô đã bước đầu có thể đi trên mặt nước tiến về Chúa Giêsu, nhưng rồi ông bắt đầu chìm vì sợ hãi khi ông nhìn thấy sóng ập tới và kêu cầu Chúa Giêsu cứu vớt.

Câu chuyện này có nhiều biểu tượng cho cả cá nhân và cho toàn thể Giáo Hội nữa.

Con tàu là hình ảnh cuộc đời của mỗi người, nhưng cũng là đời sống của Giáo Hội và gió bão chính là “khó khăn và thử thách” mà mỗi người gặp phải.

Thánh Phêrô kêu lên “Lạy Chúa, xin truyền cho con đi trên nước mà đến với Ngài” và rồi thánh nhân lại cầu cứu “Lạy Chúa, xin cứu con!” diễn tả tâm trạng của chúng ta vừa là khao khát đến gần Chúa, vừa là “nỗi sợ hãi lẫn lo buồn trong ta khi gặp gian nan thử thách ở đời và trong cộng đoàn, nói lên sự mỏng dòng nội tâm và những khó khăn bên ngoài.”

Lúc thánh nhân nhìn thấy những lớp sóng biển trào tới và bắt đầu sợ là lúc ngài đã không bám vào Lời Chúa “ là sợi dây cứu hộ trước cơn sóng dữ biển thù”.

Chúng ta cũng thế, hoảng hốt sợ hãi ,khi mà chúng ta đặt niềm tin vào những gì tầm thường, thế gian hơn là tín thác nơi Thiên Chúa.

ĐGH nói rằng đoạn Phúc Âm này là một “ hình ảnh tuyệt vời” về Giáo Hội thực tại nơi trần gian qua mọi thế hệ: “ một con tàu vượt sóng, phải đương đầu với phong ba bão táp luôn bị đe dọa nhấn chìm.”

Con tàu Giáo Hội được an toàn không do sức của con người nhưng rõ ràng “ sự bảo đảm con tàu không bị đắm chính là niềm tin vào Chúa Kito và Lời của Ngài.”

“Trên con tàu của Giáo Hội, chúng ta được bình an, dù yếu đuối, dù khổ cực và trên hết tất cả chúng ta quỳ gối và thờ lạy Thiên Chúa “như các tông đồ đã làm khi Chúa Giêsu ra lệnh cho gió yên biễn lặng, sấp mình bái lạy và nói “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa.”

ĐGH mời gọi mọi người nhắc lại những lời này và tất cả đã hô vang ba lần “Quả thật Ngài là con Thiên Chúa.”

Để kết thúc, ĐGH cầu xin Đức Trinh Nữ Maria bầu cử và giúp mọi người “ vững niềm tin để chống lại phong ba cuộc đời, ở trên con tàu của Giáo Hội, và xa chước cám dỗ vui thú trên những con tàu chòng chành thế gian, hình thức và nhãn hiệu”.

ĐGH đã ban phép lành cho mọi người sau khi đọc kinh Kính Mừng và chào các nhóm trẻ đến từ nhiều vùng của nước Ý.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đi trọn con đường khổ giá, 2 giám mục Trung Hoa vừa qua đời
Xavier Nguyễn Đông
14:48 14/08/2017
Cả hai vị giám mục đã bị đày đoạ nhiều năm trong các trại lao động cưỡng bức. Giám mục Lý Kiến Đường (Li Jiantang) dành trọn cuộc đời để khôi phục lai giáo phận Thái nguyên (Taiyuan) và đào tạo các giáo sĩ và tu sĩ. Giám mục Tạ Đình Triết (Xie Tingzhe) là một giám mục chui, chỉ được công nhận bởi Tòa Thánh. Ngài đã chọn một cuộc đời phục vụ tại cùng một nơi mà Ngài từng bị giam cầm tới 20 năm.

(AsiaNews 14/08/2017)-Hai giám mục cao tuổi Trung Quốc, một từ Thái Nguyên (Sơn Tây) và một từ Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) ở Tân Cương, đã qua đời vào ngày 13 và 14 tháng 8 vừa qua. Cả hai đều được công nhận bởi Tòa Thánh. Cả hai đã bị bắt đi cưỡng bức lao động nhiều năm lúc còn trẻ.

Giám mục danh dự Lý Kiến Đường của Thái Nguyên

Ngày 13 tháng 8, Đức Giám Mục danh dự của Thái Nguyên, Sylvester Lý Kiến Đường, qua đời ở tuổi 93.

Lễ an táng sẽ diễn ra ngày 17 tháng 8 tại nhà thờ Thái nguyên, sau đó thi hài được đem về quê cũ là làng La Nhị Cẩu (Gong'ergou.) Một tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 8 tại nhà thờ La Nhị Cẩu, trước khi được chôn cất tại nghĩa trang giáo sĩ của giáo phận.

Sinh năm 1925, đức giám mục Lý Kiến Đường được thụ phong linh mục vào năm 1956. Trong những năm 1966-1980, ngài bị giam giữ tại một trại lao động. Sau năm 1980, linh mục họ Lý quay trở lại phục vụ trong các giáo xứ.

Năm 1994, ngài được tấn phong giám mục. Từ năm 1996 đến 2008, Ngài phục vụ trong hội đồng giám đốc của chủng viện Sơn Tây. Từ năm 2000 đến năm 2001, ngài làm hiệu trưởng đại chủng viện. Đại chủng viện đã bị đóng cửa vào năm 2012.

Giám mục Lý Kiến Đường cũng thành lập tiểu chủng viện Thái Nguyên và một tu viện cho Giáo phận là tu viện 7 Sự Thương Khó Của Mẹ Maria.

Năm 2013, ngài chính thức nghỉ hưu.

Giáo phận Thái nguyên có khoảng 80.000 giáo dân.

Đức Giám Mục Paul Tạ Đình Triết của Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi)

Vị giám mục 'chui' Paul Tạ Đình Triết của Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương) đã qua đời ngày 14 tháng 8 ở tuổi 86. Ngài chỉ được chính phủ Trung Quốc công nhận như là một linh mục thường.

Đức giám mục Tạ Đình Triết lớn lên ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc (Gansu.) Ngài gia nhập tiểu chủng viện Lan Châu vào năm 1945. Trong cuối thập niên 1950, khi còn là chủng sinh, ngài bị bắt giam vì từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo yêu nước cuả nhà Nước. Từ 1961 đến 1989, Ngài bị giam giữ tại một trang trại lao động ở Ô Lỗ Mộc Tề, thuộc khu tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ Tộc (Xinjiang Uygur Autonomous Region)

Sau khi được thả vào năm 1980, ngài được thụ phong linh mục cùng năm. Ngài đã chọn ở lại để phục vụ những người Công Giáo ở Tân Cương, một nơi mà ngài đã bị giam giữ suốt một thời thanh niên dài 20 năm.

Năm 1991, ngài được bí mật tấn phong làm giám mục Ô Lỗ Mộc Tề. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc chỉ công nhận ngài là một linh mục. Năm 1994, trong một chuyến đi ra nước ngoài, ngài bí mật gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài là một người sử dụng Internet rất năng nổ, và sử dụng blog để truyền bá phúc âm. Đôi khi, ngài hát những bài thánh ca bằng Latin với các nhóm trẻ trong những cuộc trò chuyện trên mạng.

Giáo phận Ô Lỗ Mộc Tề chỉ có khoảng 9.000 giáo dân, đa số người dân trong khu vực là Hồi giáo.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khai Mạc Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Huế năm 2017
Trương Trí
08:53 14/08/2017
Đại hội La Vang lần thứ 31 được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 2017. Đại hội La Vang lần này trùng với dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, chính vì thế chủ đề của Đại hội La Vang lần thứ 31 là “SỐNG TINH THẦN SỨ ĐIỆP FATIMA”, với 3 lời nhắn nhủ của Mẹ: Cải thiện đời sống, tôn sùng Thánh tâm Mẹ, siêng năng lần hạt Mân côi.

Xem Hình

Buổi Khai mạc Đại hội bắt đầu lúc 15 giờ, lúc này trên khắp Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La vang mới có khoảng trên 30 ngàn người hành hương quy tụ về trước Lễ Đài Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang đang dần hoàn thiện.

Đội trống Kèn của 2 Giáo phận Thái Bình và Bùi Chu tấu lên những khúc hoành tráng chào mừng Đại hội lần thứ 31 sắp được khai mạc. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế tiến lên Lễ đài nói lời chào mừng Cộng đoàn hành hương tham dự Đại hội hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31. Ngài nhắc lại sự kiện Đức Cha Caspa Lộc, Giám mục Giáo phận Huế đã tổ chức Đại hội La Vang lần đàu tiên vào ngày 8 tháng 8 năm 1901, và Ngài công bố từ nay cứ 3 năm một lần sẽ tổ chức Đại hội Đức Mẹ La Vang. Lúc đầu đại hội chỉ dành riêng cho Giáo phận Huế, nhưng đến năm 1960, Với việc thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, năm 1961 đã trở thành Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang lần đầu tiên, nhưng vào thời điểm đó đất nước chưa thống nhất nên Đại hội toàn quốc nhưng có nghĩa là chỉ có các Giáo phận tại miền Nam.

Đến năm 1980, khi Hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam thường niên lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, mới biểu quyết nâng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang thành Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc từ Bắc chí Nam, và truyền thống 3 năm tổ chức một lần đại hội vẫn tiếp tục cho đến hôm nay là Đại hội lần thứ 31 với sự hiện diện của mọi thành phần dân Chúa đến từ 26 Giáo phận và cả hải ngoại với một tâm tình yêu thương của một Đại Gia đình Giáo Hội Việt Nam quy tụ về bên Mẹ La Vang. Đức Tổng Giám mục Giuse với tư cách chủ nhà trân trọng giới thiệu các vị chủ chăn tham dự Khai mạc hôm nay: Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội; Đức Tổng Giám mục Leopoldo Gilleri, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam; Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam; Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Khảm, Phó Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho; Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie Lê văn, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Huế; Đức Giám Mục Anton Vũ Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ, Giám mục Giáo phận Đà Lạt; Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh; Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng; Đức Giám Mục Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục phó Giáo phận Đà Lạt; Đức Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, Giám mục Giáo phận Vinh; Đức Giám Mục Phê rô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ, Giám mục Giáo phận Thái Bình; Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, Chủ tịch Ủy ban truyền thông, Giám mục Giáo phận Phú Cường; Đức Giám Mục Laurenso Chu Văn Minh, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội; Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn viên, Chủ tịch Ủy ban Giới trẻ, Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh; Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm.

Đức Tổng Giám mục Giuse mời gọi Đại hội cầu nguyện đặc biệt cho Đức Tổng Giám mục Stephano Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Huế vì lý do sức khỏe nên không tham dự đại hội được. Cuối cùng Ngài gởi lời chúc sức khỏe và lời chào đến tất cả mọi người trong cộng đoàn hành hương. Cách riêng, xin gởi đến lời chào bà con tuy không cùng tôn giáo nhưng cũng đang có mặt nơi đây vì lòng yêu mến Mẹ La vang. Mẹ là người Mẹ của mọi người và sẵn sang lắng nghe ước nguyện của bất kỳ người con nào, bất kể lương giáo. Ngài cũng xin gởi phép lành của Chúa và của Mẹ La Vang đến tất cả những ai ước ao về bên Mẹ nhưng không có điều kiện để hiện diện trong kỳ Đại hội này. Ngài đặc biệt gởi lời chào và cảm ơn đến tất cả lực lượng an ninh do Ủy ban tỉnh Quảng trị gởi đến để giữ gìn an ninh trật tự cho Đại hội. Chúng tôi cầu xin Mẹ La vang ban cho các cấp chính quyền và cho tất cả anh em đang thi hành nhiệm vụ tại Đại hội này được bình an, hạn phúc và thành công trong sứ mệnh phục vụ nhân dân. Đó là món quà cao quí nhất chúng tôi muốn gởi tặng đến quí vị thay cho lời cảm ơn.

Ngài nhấn mạnh đến Đại hội năm nay trong bối cảnh Giáo Hội toàn cầu đang hướng đến kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Ban Tổ chức Đại hội laanfnayf kêu gọi mọi người sống sứ điệp Fatima đã gởi cho toàn thế giới: hãy ăn năn thống hối và siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn sung Thánh tâm Mẹ. Với tư cách Chủ tịch HĐGM Việt Nam và với tư cách Tổng Giám mục Giáo phận chủ nhà, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh long trọng tuyên bố Khai mạc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La vang lần thứ 31. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Gilleri và Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie Lê Văn Hồng tiến lên Lễ đài cắt chùm bong bong mang biểu tượng của Đại hội.

Các nữ tu và thanh tuyển thuộc Hội dòng Con Đức Mẹ Đi viếng biểu diễn vũ khúc Tâm tình dâng Mẹ thể hiện tấm lòng của đoàn con Mẹ từ khắp 3 miền đất nước đang quy tụ về La Vang để tôn vinh Mẹ hiền.

Thánh lễ đồng tế do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Gilleri và Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie Lê Văn Hồng chủ tế, với chừng 300 Giám mục và linh mục đồng tế.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Gilleri gởi phép lành của Đức Thánh Cha đến với Đại hội.

Trải qua một ngày của kỳ Đại hội, đến trưa ngày 14, từng đoàn xe lớn nhỏ và từng giòng người tuôn đổ về Thánh Địa La Vang. Theo ước tính của chúng tôi, lúc này tại La Vang số lượng khách hành hương đã lên đến chừng gang 200 ngàn người.

Trương Trí
 
Hội Bảo Trợ Ơn Gọi ĐCV Thánh Giuse Hà Nội với Thánh Lễ Tạ Ơn
Đồng Nhân
17:06 14/08/2017
NAM CALI - Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã tổ chức Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa và cầu bình an cho các Ân nhân và Hội viên tại nhà thờ Blessed Sacrament ở Santa Ana vào lúc 4:00 giờ chiều Chúa Nhật 13/8/2017. Thánh lễ do 2 Cha Tuyên úy của Hội là đức ông Phạm Quốc Tuấn và Cha Phạm văn Tuấn chủ tế, đặc biệt có sự hiện diện và đồng tế của Cha Nguyễn Văn Diễm, Phó Giám Đốc ĐCV thánh Giuse Hà Nội và Cha Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic.

Hình ảnh

Nhà thờ có đông đủ các hội viên sốt sắng tham dự thánh lễ tạ ơn và cũng có các thân hữu hiện diện.

Trong bài giảng Cha Phó Giám Đốc đã nhân danh Đức TGM Hồng Y Phêrô và Đức Cha phụ tá cám ơn các ân nhân và hội viên đã giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các chủng sinh, nhất là tử khi hai giáo phận Hà Nội và giáo phận Orange kết nghĩa huynh đệ từ năm 2005.

Cha Phó Giám Đốc cũng cho biết qua về tình hình các Linh mục và các Đại chủng sinh kể từ năm 2005, Đại chủng viện đã cho ra trường được 343 linh mục, 35 Phó tế và đang có 44 thầy chuẩn bị chức phó tế. Như vậy trung bình mỗi năm có 58 linh mục ra trường. Đây thật là con số đáng khích lệ, nhất là xét trong tình trạng đặc thù của xã hội Việt Nam hiện nay.

Ngài cũng cho biết số Đại chủng sinh đang được thụ huấn trong ĐCV gồm các lớp: Tu Đức, Triết 1, Triết 2; Thần học I, II, III, IV và năm thử để phân định ơn gọi; con số dao động từ 45-50 thầy mỗi lớp. Tổng cộng hiện có 361 thầy.

Tính như vậy thì hiện trong vòng 6 năm đã có chừng 800 linh mục và Đại chủng sinh. Cứ đà này tiến lên thì trong trong 10 năm Đại Chủng Viện có thể thành công cho ra trường tổng số ít nhất 600 linh mục hay hơn thế nữa, trong 20 năm thì có cả đến 1000 tân linh mục được huấn luyện và xuất thân từ Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Đây là điều mà tất cả chúng ta đều cám tạ hồng ân Thiên Chúa và cùng cám tạ nhau vì những cố gắng chung thúc đẩy mạnh giúp cho ơn thiên triệu được thăng tiến và thành đạt, nhất là xét vì hòan ảnh Âu châu và bên Tây Phương, số linh mục càng ngày càng thiếu hiếm trầm trọng.

Cũng trong tháng vừa qua, tại Giáo phận Orange đã thành công truyền chức cho 4 tân Linh mục nguyên gốc xuất thân từ ĐCV Hà Nội và nay đang phục vụ cho giáo phận kết nghĩa anh em ở Orange.

Sau thánh lễ các Ân nhân và Hội viên đã tới nhà Hàng Seafood Palace tham dự buổi tiệc tri ân và gây gũy cho Ơn Thiên Triệu của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội. Buổi tiệc được tổ chức thành công mỹ mãn có các hội viên và ân nhân tham dự đông đủ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biểu tình tại Bá Linh phản đối làn sóng trấn áp người yêu nước
Nguyễn Phan
09:10 14/08/2017
BERLIN 08/13/2017 - Trong thời gian ngắn vừa qua ĐCSVN đã ra tay đàn áp khốc liệt những nhà hoạt động xã hội, những người yêu nước đang ra sức bảo vệ môi trường sống vốn đang bị hủy hoại từng ngày tại Việt Nam và tỏ thái độ chống đối sự xâm lấn của Trung Cộng (TC). Mục đích của làn sóng trấn áp này là để làm mờ đi sự hèn yếu của ĐCSVN khi cúi đầu rút lui khỏi Bãi Tư Chính ngay trong thềm lục địa Việt Nam trước đe dọa của TC; cũng như những tội ác của họ như thảm họa Formosa và vụ đổ 1 triệu m³ bùn thải xuống biển Bình Thuận.

Hình ảnh

Để đánh động lương tâm thế giới và cả người Việt, nhiều cuộc biểu tình đã và đang được tổ chức khắp nơi trên thế giới: Nhật, Úc, Hoa Kỳ, Anh, Đức,. .. Riêng ở Đức,

Liên Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại CHLB Đức (Liên Hội) đã cấp tốc tổ chức cuộc biểu tình tại thủ đô Bá Linh vào ngày 12.8.2017, dù biết đây là dịp hè, thời gian du lịch của rất nhiều người nên số người tham dự sẽ không đông đảo.

Trước Brandenburger Tor

Vào lúc 14g15 buổi biểu tình đã bắt đầu bằng nghi thức chào cờ Đức - Việt và mặc niệm như thường lệ.

Bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội chào mừng các hội đoàn và đồng bào đến tham dự. Bà lược sơ tình hình thời sự trong nước và bối cảnh dẫn đến việc gấp rút tổ chức cuộc biểu tình này: Sự đàn áp mạnh mẽ phong trào đấu tranh cho quyền làm người đang dần lan tỏa mạnh và trải rộng khắp nước, thảm họa môi trường mà điển hình là Formosa, và hành động chà đạp luật pháp Đức của mật vụ CSVN qua việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23.7 vừa qua.

BS Mỹ Lâm - bằng cả tiếng Đức - cũng nhắc đến tình hình xã hội rất tồi tệ trong nước hiện nay với vô số thảm họa, nghịch lý, suy đồi, bất công mà người dân đang phải gánh chịu dưới bàn tay bạo quyền ĐCSVN.

Bà lên án những tội ác của nhà cầm quyền đối với dân. Bà kêu gọi mọi người đừng thờ ơ với xã hội và vận mệnh đất nước và nên chung sức đấu tranh, đòi ĐCSVN phải trả lại mọi quyền cho người dân.

Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh đảm nhiệm phần Đức Ngữ và cả Anh Ngữ. Ông đặc biệt cám ơn nước Đức đã có thái độ thích đáng đối với hành động coi thường luật pháp Đức khi ngang nhiên bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ngay giữa thủ đô Berlin, sát bên tòa nhà quốc hội Đức.

Ông Vinh cũng đặc biệt cám ơn những chính trị gia hàng đầu của nước Đức như Ngoại Trưởng Sigmar Gabriel, Tổng Thống Frank-Walter Steinmeier đã đến Việt Nam và ủng hộ đòi hỏi về nhân quyền của dân Việt Nam.

Được BTC mời lên phát biểu, Blogger Người Buôn Gió, tức nhà văn Bùi Thanh Hiếu đã tố cáo nhà cầm quyền CSVN tạo con số kỷ lục 20 người bị bắt giam vì hoạt động xã hội và nhân quyền trong thời gian ngắn.

Ông Hiếu cũng lên án CSVN đánh đổi quan hệ ngoại giao với hành động bắt cóc người một cách man rợ giữa Bá Linh. Và ông cám ơn Liên Hộ đã kịp thời tổ chức cuộc biểu tình này.

Ông Nguyễn Văn Rị, Phó Chủ Tịch Liên Hội, đảm nhận phần hướng dẫn đoàn diễn hành quanh Pariser Platz, điều đã trở thành thông lệ.

Xen kẽ vào giữa những lời phát biểu là những tiếng hô khẩu hiệu vang dội Quảng Trường Pariser Platz trước Brandenburger Tor như „Đả đảo CSVN buôn dân bán nước!“, „đả đảo CSVN hèn với giặc, ác với dân“, „Tự do dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam“, „Trung Cộng cút khỏi Việt Nam"… bằng cả tiếng Đức lẫn Việt.

Những bài ca đấu tranh như „Trả lại cho dân“, „Việt Nam Việt Nam“ được mợi người cùng hát vang đã làm tăng thêm khí thế.

Một số nội dung biểu ngữ bằng Đức và Việt ngữ được thực hiện như „Hãy lập tức thả tất cả tù chính trị“, „Không được dùng bạo lực đối với dân“, „Tự do và nhân quyền cho Việt Nam“, „Cuộc bắt cóc (TXT) tại Berlin chứng tỏ khủng bố đang cai trị ở Việt Nam“, „Cấm mật vụ CSVN trên lãnh thổ Đức“, „Hà Nội ngưng ngay hành động khủng bố các nhà dân chủ Việt Nam“, „Trục xuất tất cả nhân viên ngoại giao CSVN“, „Cám ơn chính phủ Đức trừng trị thích đáng mật vụ CSVN“ …

BTC và người tham dự cũng mang theo hình ảnh bạo lực của chế độ đối với dân và tất cả hình ảnh của những tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Oai, Trần Huỳn Duy Thức, Trần Thị Nga, Lê Đình Lượng, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Thúy ….

Phần 1 chấm dứt sau khoảng 90 phút. Đoàn thu xếp dụng cụ và di chuyển sang tòa đại sứ CSVN.

* Chuyện bên lề: Hai người đàn bà quấy rối, đến trước mặt Blogger Người Buôn Gió xỉa xói, chửi tục. Cảnh sát đã lập tức đuổi hai bà ra khỏi khu vực biểu tình vốn luôn diễn ra ôn hòa, trong vòng trật tự. (họ liên hệ thế nào với sứ quán CSVN?)

Trước tòa đại sứ CSVN

Phần hai chương trình chỉ được quyết định ngắn ngủi nhưng cũng bất ngờ qui tụ đông đảo người tham dự. Bất ngờ vì tổ chức giữa mùa du lịch và đang mùa hành hương của người Công Giáo đến Fatima.

Nghi thức chào cờ cũng được BTC trang trọng khai mạc ngay trước Tòa đại sứ CSVN lúc 16g30.

Ngoài diễn văn ngắn của bà BS Mỹ Lâm, một số đại diện hội đoàn, nhân sĩ đã được mời phát biểu như cụ Nguyễn Đình Tâm, bà Vũ Thị Khiếu, ông Nguyễn Đình Phúc Hội Trưởng Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hamburg, ông Nguyễn Duy Tân, ông Đào Minh Tâm từ thành phố Saarland xa xôi phía Nam và ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện Đảng Việt Tân tại Đức.

Cụ Nguyễn Đình Tâm gọi tòa đại sứ sau lưng cụ là „sào huyệt của tội ác“, gọi nhà cầm quyền CSVN là Mafia, bán nước chứ không phải là một chính quyền khi bắt giam cả những phụ nữ có con còn nhỏ như Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Bà Vũ Thị Khiếu kêu gọi mọi người hỗ trợ cho các tù nhân lương tâm đang bị nhà cầm quyền CSVN bao vây kinh tế, khủng bố, sách nhiễu thường xuyên.

Ông Nguyễn Đình Phúc đề nghị người Việt, bị nhân viên sứ quán khống chế bằng những thủ đoạn đen tối, thu thập các dữ kiện để tố cáo những hành vi phi pháp của CSVN với chính quyền Đức.

Ông Nguyễn Duy Tân nhấn mạnh đến bản chất phi nhân của chế độ CSVN và cho rằng chế độ đã hết sức sống. Người Việt nên đoàn kết với nhau để chấm dứt chế độ ác độc này.

Ông Nguyễn Thanh Văn cám ơn Liên Hộ đã nhanh chóng đáp ứng tình hình quốc nội. Ông nhắc sự kiện CSVN không dám khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính sau khi bị TC đe dọa.

* Cao điểm bất ngờ, lý thú: Nhà văn Bùi Thanh Hiếu mang theo 60 quyển truyện nổi tiếng của ông là „Đại Vệ Chí Dị“, viết trong vòng 10 năm và là cơ duyên khiến ông và gia đình đến định cư tại Berlin. Ông có nhã ý tặng cho mỗi gia đình có người tham dự buổi tình.

Một số người nhận sách tại chỗ đã góp được 185 Euro. Khi được BTC mời lên trao số tiền này. Ông Hiếu chẳng những từ chối nhận mà còn khảng khái bù thêm cho đủ 500 Euro để hỗ trợ cho gia đình các TNLT tại Việt Nam trong tiếng vỗ tay vang dội của đoàn biểu tình.

Phóng viên nhật báo TAZ Berlin, vừa qua đi tin nhiều về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đến chụp hình và lấy tin cả hai nơi.

Cuộc biểu tình được đăng trên báo TAZ ngày hôm sau, 13.8.2017 với nhan đề: Vietnamesen in Berlin - Die Community ist verunsichert

Cuộc biểu tình chấm dứt khoảng 17g30.

*Điểm đặc biệt: Cảnh sát Đức đến rất trễ, chỉ đậu 1 xe đàng sau đoàn thay vì theo đúng nhiệm vụ là luôn đậu vài xe ngay bên cạnh và chặn không cho mọi người đến gần cửa tòa đại sứ CSVN. Mọi người vì thế, lần đầu tiên, tha hồ mang biểu ngữ tố cáo chế độ đứng chụp hình ngay trước cổng vào.

(Nguồn: http://www.thongtinducquoc.de/node/3402)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trời Chiều
Nguyễn Trung Tây, Lm. SVD
18:52 14/08/2017
TRỜI CHIỀU
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Chiều về
lơ lửng tầng mây,
Thành không có Chúa
đổ nghiêng mấy hồi.
(NTT)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 13/8/2017
VietCatholic Network
09:33 14/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 13 tháng Tám.

2- Đức Hồng Y Parolin dọn đường cho Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm nước Nga.

3- Tòa Thánh giải thích rõ ý nghĩa lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho một người đồng tính.

4- Tình hình đại chủng sinh trên thế giới.

5- Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Trung Phi đồng thanh yêu cầu quân Hồi Giáo Ma Rốc trong lực lượng Hòa Bình Liên Hiệp Quốc rút khỏi Bangassou, Trung Phi.

6- Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi kêu gọi đối thoại trong cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.

7- Đức Giám Mục Oscar Cantu của Hoa Kỳ kêu gọi làm dịu căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn bằng con đường đối thoại.

8- Dân chúng Nhật bản cầu xin Đức Trinh Nữ Maria khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tin lên cao.

9- Ngày Quốc Tế Của Các Dân Tộc Bản Địa Trên Thế Giới kêu gọi tôn trọng nhân quyền và đất đai.

10- Giáo xứ Aleppo bên Iraq tổ chức trại hè cho 860 trẻ em không phân biệt tôn giáo.

11- Vatican điều tra những cáo buộc chống lại GM Hubertus Leteng sau khi hàng chục linh mục từ nhiệm.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Chiều Mưa Cầu Mẹ.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết