Ngày 04-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh nữ đồng trinh Maria
Jos. Tú Nạc, NMS
20:37 04/08/2009
Không một người phụ nữ nào trong lịch sự được biết đến nhiều hơn Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. Đức Cha Billy Graham một lần đã nói, “Chúng ta những Ki-tô hữu nhiệt huyết đã không cho Mẹ Maria một sự thích đáng nào.” Tuy nhiên, Thánh Mẫu Maria nhận được “sự thích đáng riêng” của Mẹ trong đức tin chính thống.

Thánh Mẫu Maria là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà đã từng sống. Bà đã được chọn bởi Đức Chúa Cha để thai sinh Con Một của Người, đã hạ sinh Đấng Cứu Chuộc thiên hạ, và là người đầu tiên trong lịch sử nhận Đức Ki-tô là Đấng Cứu Chuộc của mình. Quả vậy, Bà là mẫu mực của đức vâng lời và qui phục; của khiết trinh và thánh thiện; của nhân loại và vương quyền.

Vào thế kỷ thứ tư, một người dị giáo tên là Nestoriuos đã tuyên bố rằng Chúa Giê-su là một con người chứ không phải là Thiên Chúa. Hội Thánh đã bảo vệ Danh Thánh của Đức Ki-tô và khẳng định rằng Maria được nói đến như “Theotokos” (tiếng Hy Lạp có nghĩa người mang thai bởi Thiên Chúa” để bảo an thánh thiêng Đức Ki-tô.

Chúng ta cũng tin rằng Mẹ Maria là Đức Nữ Đồng Trinh. Những Vị Đứng đầu Hội Thánh luôn nhắc đi nhắc lại đến lời tiên tri của sự kiện này: “Chiếc cổng sẽ bị đóng và nó không được mở, và không người nào được bước vào cổng ấy, Bởi vì Chúa Trời của dân Israel đã bước vào qua nó; vì thế nó đã được đóng lại.” (Ezekiel 44: 1-2). Sự giải thích này của Hội Thánh phát kiến một cách khái quát rằng Mẹ Maria là Đền thờ, Đức Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình và cái cổng ấy là bào thai của Mẹ Maria mà qua đó Đức Ki-tô đã bước vào thế giới. Sự luận giải này được chia sẻ bởi đại đa số những vị đứng đầu giáo hội, cũng như những Nhà Lãnh đạo Tân Giáo chẳng hạn như Martin Luther.

Giáo Hội Ai Cập cổ đại tôn kính Đức Mẹ Maria, mặc dù thờ kính chỉ mình Thiên Chúa. Thiên Chúa, những Thiên sứ và tất cả nhân loại đều tôn kính Mẹ Maria. Thiên Chúa qua Tổng lãnh Thiên thần Gabriel và Thánh Elizabeth đá phán với Bà rằng “Bà có phúc trong số những người nữ.” (Luck 1: 48). Thật vậy, Hội Thánh của chúng ta vô cùng sung sướng, mãn nguyện điều răn và điển hình này bằng những lời kinh nguyện và thánh ca ngọt ngào dâng Đức Mẹ, Mẹ Maria Đồng Trinh. Khi những Ki-tô hữu bắt đầu cuộc sống này, họ nguyên vẹn một phần sự sống của Hội Thánh, thân thể của Đức Ki-tô. Họ sống trong tình yêu Thiên Chúa, được “ghi chép trong thiên đàng.” (Revelation 4: 10) và trú ngụ ở nhưng nơi trên Nước Trời của Người (John 14: 2). Họ là “đám đông nhân chứng không lồ” xung quanh chúng ta; chúng ta cố gắng tìm kiếm để bắt chước họ trong việc chạy “một cuộc đua trước chúng ta.” (Hebrews 12: 1).

(Ngày Thánh Mẩu 2009)
 
Một em bé Công Giáo yếu ớt, bệnh tật đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công Giáo.
Lưu Hiền Đức
21:39 04/08/2009
(Theo CNA). Đời sống ngắn ngủi của một bé gái đạo Công giáo ở Seattle đã làm nhiều người Công Giáo ở Mỹ ăn năn hối cải. Tấm gương yêu thương và thánh thiện của bé gái bị chết vì bệnh ung thư thậm chí đã làm nhiều người theo đạo Công Giáo và nảy sinh ý tưởng thành lập một tổ chức nhằm giúp đỡ những gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo.

Em Gloria sinh năm 1996 và cũng là một bé gái bình thường như bao em bé khác. Em vui chơi với 6 anh chị em và bạn bè, hái hoa, xem chương trình “American Idol”. Em Gloria có một lòng sùng kính đặc biệt Chuỗi Mân Côi và luôn làm cho mọi người hạnh phúc khi có dịp nói chuyện với em. Tuy nhiên, không ai có thể biết được em đã làm cho bao nhiêu người cảm động.

Cha của em, ông Doug Strauss kể lại rằng vào một ngày năm 2003, lúc Gloria được 7 tuổi, em bị một trái banh va trúng mặt và gây mù một mắt. Sau một cuộc tiểu phẫu, mắt em đã từ từ hồi phục, nhưng bác sĩ chẩn đoán có một khối u kỳ lạ trong mắt em. Bác sĩ tiên đoán đó là ung thư và em chỉ có thể sống từ 3 tháng đến 3 năm mà thôi. Sau đó em bắt đầu được điều trị bằng xạ trị (chemotherapy). Cha của em nói gia đình rất đau buồn nhưng vẫn luôn hy vọng vào Thiên Chúa. Lúc đó ông Strauss đang là huấn luyện viên bóng chày và quen với nhà báo Jerry Brewer của Seattle Times. Anh Brewer đã viết một bài báo về tình trạng gia đình ông Strauss. Tuy nhiên, bài báo này đã thu hút người đọc mạnh mẽ đến nỗi báo Seattle Times đã kéo dài thành những mục phỏng vấn dài 5 tháng nhằm gia đình Strauss có thể chia sẻ với độc giả về niềm tin và sự cậy trông vào Chúa với những ai sống ở vùng Seattle và Hoa Kỳ.

Khi tình trạng của bé Gloria trở nên xấu đi vào năm 2007, gia đình đã mời mọi người đến nhà để cùng cầu nguyện cho em. Trong vòng 3 tuần, đã có 50 tới 60 người đền cầu nguyện, lần hạt và hát tại nhà của em. Sau đó, vì quá nhiều người đến cầu nguyện, 5 gia đình khác trong khu phố của em đã dùng nhà của mình để mọi người đến cầu nguyện.

Sau 7 lần xạ trị, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp tế bào gốc để chữa trị cho em. Khi đó ông Strauss biết rằng Gloria đã đến thời kỳ cuối của căn bệnh, ông thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con, con không hiểu”. Rồi ông nghe văng vẳng 1 giọng nói: “giá trị của cuộc sống”. Ông ta hoang mang, nhưng khi đến gần Gloria và hỏi em xem em có thấy giá trị của cuộc sống không. Ông không mong em sẽ hiểu câu hỏi như thế, nhưng thật bất ngờ em trả lời “Dạ có”. Em vui mừng nói thêm rằng vì em bệnh mà đã làm cho rất rất nhiều người bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa.

Ông Strauss giải thích rằng Gloria đã có được một món quà vô giá. Em đã kéo rất nhiều người đến với Chúa Kitô qua bệnh tật của em. Ông nói Gloria đã dạy cho tất cả chúng ta cách vác thánh giá. Món quà mà Gloria cho chúng ta là gương sống phó thác và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua việc liên tục cầu nguyện.

Ông nhớ lại nhiều người hỏi em xem em có muốn Cha đến cử hành thánh lễ cầu nguyện cho căn bệnh của em không? Có người lại hỏi em xem em có muốn khoảng 50 người đến cùng lần hạt với em không? Em đều trả lại “Dạ muốn.” Ông nói thêm, Gloria luôn làm dấu thánh giá mỗi khi được tiêm thuốc. Các bác sĩ thường phải đứng đợi cho em làm dấu thánh giá và cầu nguyện và tất cả bác sĩ đều rất xúc động khi xem thấy em làm dấu thánh giá.

Rất nhiều người nói rằng Gloria nhận biết được mình có khả năng kéo mọi người đến với Chúa thông qua căn bệnh ung thư của mình. Nhiều người từ đủ mọi tôn giáo, Bà la môn, Phật Giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, đã đọc các bài viết về Gloria trên Seattle Times trong suốt 5 tháng và cùng viết để chia sẻ cảm xúc của mình về Gloria trên báo, chia sẻ Gloria đã thay đổi cuộc sống của người đọc như thế nào. Ông Strauss nói thêm, mọi người đều biết gia đình tôi là người Công Giáo và tất cả họ bất kể tôn giáo nào đều cùng cầu nguyện cho Gloria.

Ông Strauss kể rằng có một người mù đã viết thư nói rằng ông ta đã đọc kinh lần hạt cho Gloria và muốn gặp em. Kỳ lạ thay, khi Gloria bước vào phòng, ông này đã thấy em mặc áo màu trắng, tuy nhiên, sau khi Gloria rời khỏi phòng, mắt ông đã mù trở lại.

Mọi người vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Gloria, bệnh ung thư của em lan mạnh, và em đã chết vào ngày 21 tháng 9 năm 2007. Sau khi Gloria qua đời, gia đình đã nhận thấy rằng Gloria đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng xung quanh. Mọi người đã đến để nhìn xác em trước và sau khi lần chuỗi. Đã có một người đạo Lutheran tham dự nghi thức chầu Thánh Thể tại nhà thờ Công giáo cũng đã đến thăm em và nói rằng ông ta muốn “gặp Thánh nhân bằng xương bằng thịt”. Có hơn 3200 người đến tham dự đám tang của Gloria và đã kể cho gia đình em rằng cuộc sống của Gloria đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào.

Một người đàn ông từ tiểu bang Virginia đã đọc về Gloria và nói rằng ông ta cảm thấy đau đớn như có ai đập một cây gỗ vào đầu mình. Ông ta là người nghiện rượu nhưng đã từ bỏ hoàn toàn sau khi đọc chuyện về căn bệnh của em và đức tin vững mạnh của em.

Gia đình Strausses không những có đầy đủ tên của những người đã vì Gloria mà từ bỏ nghiện ngập mà còn biết ít nhất mười người đã gia nhập đạo Công Giáo sau khi nghe biết về câu chuyện của Gloria, và vẫn còn nhiều người tiếp tục gia nhập đạo Công Giáo. Theo báo Catholic Northwest Progress, một gia đình giáo phái Presbyterian đã trở lại đạo Công Giáo sau khi Gloria tham dự trại dành cho các trẻ em đau bệnh. Một trong những người thiện nguyện, bà Brinn Funai, đã vẫn tiếp tục liên lạc với bà Kristen Strauss, mẹ của Gloria, nói rằng bà đã để ý đến đạo Công Giáo từ lâu, nhưng sau khi gặp mẹ Gloria và gia đình Strausses, bà đã quyết định gia nhập đạo Công Giáo vào dịp lễ Phục Sinh 2008. Gloria đã không những đánh động rất nhiều tâm hồn nhưng em còn đánh động cả một tổ chức mang tên “Gloria’s Angels” (Những thiên thần nhỏ Gloria)

Vào lúc sức khỏe Gloria tiếp tục giảm sút, vị cố vấn tinh thần của gia đình đã nói với ông Bob Turner, một doanh nhân ở Seattle, về việc trợ giúp gia đình Gloria. Ông Turner đã nói: Hoặc là Gloria sẽ lành bệnh một cách kỳ lạ hoặc là em sẽ qua đời. Trong bất cứ trường hợp nào thì gia đình em đều mang sứ mệnh phục vụ. Ông Turner và gia đình Gloria đã quyết định rằng để làm tròn sứ mệnh của Gloria, cách tốt nhất là phục vụ các gia đình có người bệnh hiểm nghèo. Và tổ chức Gloria’s Angels đã ra đời. Tổ chức này chủ trương xoa diệu những nỗi đau về tinh thần và thể xác những gia đình có người mang căn bệnh hiểm nghèo như Gloria.

(Lưu Hiền Đức lược dịch từ Catholic News Agency)
 
Núi Tabor và núi Cây Dầu
Lm Giacôbê Tạ Chúc
21:59 04/08/2009
Đau khổ và vinh quang là hai trạng thái, hai cụm từ luôn gắn chặt vào cuộc sống của mỗi con người. Bất cứ một thành quả nào của sự thành công thì đằng sau nó, luôn thấp thóang bóng dáng dệt nên của chuổi ngày đau khổ. Đức Giêsu trong cuộc đời tại thế, luôn có những phút giây ở đỉnh vinh quang trong quyền năng của Ngài, nhưng cũng có những lúc trong cực hình tan nát của kiếp con người.

Đường lên đỉnh Tabor

Cuộc hiển dung trên núi được Phúc âm Marcô và Luca thuật lại, sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất. Trong khi ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan mục kích một cách say sưa vinh quang chói ngời của Chúa Giêsu. Họ đâu biết rằng cuộc vinh hiển này báo trước một cuộc vinh hiển mới mà Đức Giêsu thực hiện trong đau khổ tột cùng. Thánh sử Luca thuật lại:”Khỏang tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”(Lc 9,28-29 và Mc 9,2-3). Một cuộc vinh quang ngòai sức tưởng tượng của các môn đệ, nên họ đề nghị Chúa làm nhà và định cư ngay trên núi, mặc dù với độ cao 600m và nhiệt độ khỏang 4 độ C. Nhưng một khi được sống trong những giây phút hạnh phúc rạng ngời như thế, chắc không ai mong muốn điều gì khác hơn. Còn chúa Giêsu Ngài biết trước điều gì sẽ xảy ra với Ngài ở núi Cây Dầu.

Đường đến núi Cây Dầu

Sau khi rời nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đi ra, đến núi cây Dầu(Lc 22,39). Tại đây cũng trong vinh quang và quyền năng, Chúa Giêsu thực hiện Thánh ý của Cha qua con đường khổ giá, Ngài đem lại ơn cứu độ cho con người. Trước đó ít Ngài, Chúa Giêsu cỡi lừa tiến vào Thành Thánh giữa tiếng tung hô của dân chúng trước khi chịu khổ nạn. Ngày nay, vào chúa nhật đầu Tuần Thánh hằng năm, vẫn lập lại sự kiện trên đây của Chúa Giêsu. Tảng đá nơi Chúa Giêsu cầu nguyện, một thánh đường mang tên:Thánh đường các dân tộc được xây dựng vào khỏang năm 1919 do kiến trúc sư người Ý Antonio Barluzzi.

Núi Cây Dầu và Núi Tabor

Hai biến cố trên bao gồm cho con người nhiều sứ điệp:Cũng như Chúa Giêsu, Ngài mang trong mình hai bản tính: Thần linh và nhân lọai, con người cũng thế.

Có sự liên hệ mật thiết giữa Adam củ và Adam mới là Đức Giêsu.

Con người cũng có những phút giây như trên đỉnh Tabor là khi trong những lúc thành công, hạnh phúc, yêu thương và tràn trề sự sung mãn. Nhưng cũng nhớ cho rằng Núi cây dầu, nơi tràn đầy khổ đau, đến nỗi mồ hôi máu chảy ra. Và điều quan trọng ở hai ngọn núi, Chúa Giêsu luôn trầm mặc trong những phút giây của nguỵện cầu. Phải chăng Ngài cũng mời gọi mỗi người, dù trong thành công hay thất bại, vẫn luôn luôn tín thác và cầu nguyện.
 
Diễn từ của Đức Giê-su về bánh ban sự sống tiếp tục ngự trị phụng vụ Lời Chúa
Lm Inhaxiô Hồ Thông
22:21 04/08/2009
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

1V 19: 4-8 -Bài đọc I kể lại một trong những giai thoại tâm linh rất phong phú về cuộc đời của ngôn sứ Ê-li-a. Bị trục xuất khỏi vương quốc phương Bắc, đơn độc và nãn lòng trong sa mạc, ngôn sứ Ê-li-a được thần lương bồi dưỡng lấy lại sức lực và thẳng tiến đến núi thánh của Đức Chúa.

Ep 4: 30-5: 2 - Trong thư gởi tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô đưa ra cho các Ki tô hữu mẫu gương hoàn thiện của Ba Ngôi Thiên Chúa: sống theo Thần Khí, bắt chước Thiên Chúa, thực hành đức ái như Đức Giê-su đến mức tận hiến bản thân mình.

Ga 6: 41-51 - Tin Mừng trình bày cho chúng ta phần tiếp theo của diễn từ của Đức Giê-su về bánh ban sự sống. Mặc khải Thánh Thể được xác định. Đức Giê-su công bố chính Ngài là bánh hằng sống xuống từ trời, nguồn mạch sự sống đời đời.

BÀI ĐỌC I (1V 19: 4-8)

Đây là một trong những giai thoại tâm linh rất phong phú về cuộc đời của ngôn sứ Ê-li-a, vị ngôn sứ sống vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên trong vương quốc phương Bắc, vào thời vua A-kháp trị vì (874-853 B.C.).

1. Bối cảnh lịch sử:

Vua A-kháp kết hôn với công chúa I-de-ven, ái nữ của Ét-ba-an, vua Xi-đôn, lại còn đi làm tôi thần Ba-an và sụp lạy nó. Vua lập một bàn thờ để kính thần Ba-an trong đền thờ mà vua đã xây dựng tại Sa-ma-ri.

Hoàng hậu I-de-ven không những nhiệt thành truyền bá việc phụng thờ thần Ba-an trong vương quốc phương Bắc, bà còn chu cấp cho các tăng lữ của thần Ba-an trong lầu đài của bà ở Sa-ma-ri.

Ngôn sứ Ê-li-a kịch liệt chống lại việc thờ thần ngoại giáo nầy. Ông đã đạt được một chiến thắng vang dội của Thiên Chúa Ít-ra-en trên thần Ba-an ở trên núi Các-men. Trong một cuộc thách đố của vị ngôn sứ của Thiên Chúa Ít-ra-en với các tăng lữ của thần Ba-an, hy lễ và lời cầu nguyện dâng lên thần Ba-an để xin trời đổ mưa vào thời kỳ hạn hán chẳng đem lại kết quả gì; trái lại, chỉ lời cầu nguyện và hy lễ dâng lên Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, được nhậm lời ngay lập tức. Do đó, các tăng lữ của thần Ba-an bị sát hại.

Hoàng hậu I-de-ven nổi cơn thịnh nộ; bà ra lệnh cho ngôn sứ Ê-li-a phải rời khỏi vương quốc ngay, nếu không ông sẽ phải chịu cùng chung số phận như vậy.

2. Cuộc hành trình đến núi thánh.

Ngôn sứ Ê-li-a ra đi hướng về sa mạc phương Bắc, với ý định đến núi Kho-rếp (cũng còn được gọi là núi Xi-nai). Ông muốn đi lại lộ trình mà trước đây ông Mô-sê đã đi để tôi luyện niềm tin của mình ở nơi mà Đức Chúa đã tỏ mình ra.
Sau một ngày đường trong sa mạc, vị ngôn sứ kiệt sức và nãn lòng muốn bỏ cuộc, vì vậy ông xin Chúa cho ông được chết đi: “Lạy Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Lời khẩn nguyện của ông ám chỉ đến những người Do thái phải chết trong sa mạc mà không được nhìn thấy Đất Hứa vì họ đã nghi ngờ.

Nhà vô địch nhiệt thành của Đức Chúa ngã lòng đến như vậy. Thình lình xuất hiện một thiên sứ mời gọi vị ngôn sứ chỗi dậy mà bồi dưỡng sức lực: “Dậy mà ăn”. Ông đưa mắt nhìn, một chiếc bánh nướng và một hũ nước đặt sẳn bên cạnh ông. Đây quả thật là đồ ăn thức uống rất quý trong sa mạc hoang vu và nóng cháy nầy.

Nhưng thiên sứ phải can thiệp đến lần thứ hai mới có thể lay động tâm trí của vị ngôn sứ. Cuối cùng, nhờ thần lương tiếp sức, vị ngôn sứ lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ông đi một mạch bốn mươi ngày đêm tới núi Kho-rếp, là núi của Thiên Chúa. “Bốn mươi” là con số biểu tượng đặc biệt gắn liền với kỷ niệm bốn mươi năm dân Do thái hành trình trong sa mạc trên đường về Đất Hứa; cũng là bốn mươi ngày ông Mô-sê ăn chay cầu nguyện trước khi lãnh nhận hai tấm bia Lề Luật.

Vị ngôn sứ đã đạt được mục đích cuộc hành hương của mình nhưng sứ mạng của ông chưa hoàn tất. Ông sẽ phải trở về Sa-ma-ri và tiếp tục công việc của mình.

Bốn trăm năm đã trôi qua giữa ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a. Danh tiếng của hai vị được liên kết với kỷ niệm của đỉnh núi thánh. Hai nhận vật Cựu Ước danh tiếng lừng lẫy nầy sẽ cùng nhau tái xuất hiện trên đỉnh núi Biến Hình.

BÀI ĐỌC II (Ep 4: 30-32-5: 2).

Chúng ta tiếp tục đọc phần thứ hai thư gởi tín hữu Ê-phê-sô; đây là phần luân lý và khuyên bảo.

Nét đặc trưng của đoạn trích hôm nay chính là lời kêu gọi các tín hữu sống hoàn thiện theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa.
- Sống theo Thánh Thần.
- Bắt chước Thiên Chúa.
- Thực hành đức ái như Đức Ki tô.

1. Sống theo Thần Khí:

Người tín hữu đã lãnh nhận dấu ấn của Chúa Thánh Thần vào ngày chịu phép Rửa Tội, họ được đảm bảo ơn cứu độ, ơn cứu độ chỉ đạt đượt viên mãn “vào ngày giải thoát” (hoặc sau khi qua đời, hoặc vào ngày Đức Ki tô quang lâm, thánh nhân không xác định). Trong khi chờ đợi, điều quan trọng là sống làm sao đừng làm phiền lòng Chúa Thánh Thần.

Thánh Phao-lô không ngại gợi lên nỗi đau khổ mà cách ăn nếp ở của con người gây ra cho Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thất vọng trước những bất tín của dân Ngài, điều nầy thường được diễn tả bằng cơn thịnh nộ hơn sự phiền lòng. Tuy nhiên, sự phiền lòng nầy cũng được gợi lên nhiều lần. Quả thật, ngôn sứ I-sai-a đệ tam, vị ngôn sứ của thời hậu lưu đày, đã minh nhiên kể ra điều nầy bằng những từ ngữ loan báo những từ ngữ của thánh Phao-lô. Trong lời khẩn nguyện thống thiết, vị ngôn sứ nhắc lại những ân huệ mà con cái Ít-ra-en đã nhận được trong suốt lịch sử của mình. Ông kêu gào: “Nhưng chính họ đã nổi loạn, đã làm phiền thần khí thánh của Người” (Is 63: 10).

Truyền thống Do thái không quên lời nói bạo dạn nầy. Sách Khôn Ngoan nói về Chúa Thánh Thần: “Thần khí thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tỡm những chuyện bất công” (Kn 1: 5).

2. Bắt chước Thiên Chúa:

Phải nói rằng thánh Phao-lô rất hiếm khi khuyên bảo các tín hữu bắt chước Thiên Chúa, bởi vì thánh nhân đặt ưu tiên cho việc bắt chước Đức Ki tô. Chúng ta nên lưu ý rằng lời kêu mời bắt chước Chúa Cha nầy được dẫn nhập bởi việc tha thứ, ám chỉ rất rõ nét đến lời kinh Lạy Cha: “biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em, trong Đức Ki tô”.

3. Thực hành đức ái như Đức Ki tô:

Lời kêu gọi sống hoàn thiện theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa được hoàn tất trên lời khuyên khẩn thiết “sống cuộc đời bác ái như Đức Ki tô”. Từ “tha thứ” đã dẫn vào lời khuyên bắt chước Chúa Cha như thế nào, từ “yêu thương” dẫn vào lời khuyên bắt chước Đức Ki tô như vậy.

“Như những người con yêu dấu, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, và sống cuộc đời bác ái như Đức Ki tô, Đấng đã yêu thương chúng ta…” Chúng ta lúu ý rằng động từ “yêu thương” đồng xuất hiện với tỉnh từ “yêu dấu” và danh từ “bác ái” trong cùng một câu.

Tình yêu của Chúa Con đối với nhân loại đã được bày tỏ một cách cao vời qua việc “tự hiến mình làm của lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa”; thánh Phao-lô lập lại diễn ngữ mà Cựu Ước dùng đối với hy tế toàn thêu, theo đó lễ vật được hoàn toàn hỏa tế trên bàn thờ. Đức Ki tô là tế vật hoàn hảo, tận hiến chính bản thân mình.

TIN MỪNG (Ga 6: 41-51)

Chúng ta tiếp tục đọc diễn từ của Đức Giê-su về bánh ban sự sống. Hướng nhắm của bản văn vẫn là Thánh Thể, nhưng đề tài trung tâm là đức tin: Đức Giê-su đòi hỏi những người lắng nghe Ngài hãy tin vào Ngài, vì Ngài là Đấng ban sự sống và Ngài ban sự sống vì Ngài từ Chúa Cha mà đến.

Thế nhưng, thánh ký nhấn mạnh ngay “tin” không phải là một chuyện dể dàng: “Người Do thái xầm xì phản đối”. Chung chung danh xưng “người Do thái” mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư; danh xưng này chỉ rõ những người Do thái cứng lòng tin trong khi danh xưng “người Ít-ra-en” được dành riêng cho những ai tin vào Đức Giê-su (Ga 1: 47). Việc thay đổi danh xưng ở đây rất có ý nghĩa. Theo cách nầy, tác giả loan báo cho chúng ta rằng cuộc tranh luận sắp diễn ra và được đinh vị theo cùng một hàng như những cuộc tranh luận đã được tường thuật trước đây (nhất là cuộc tranh luận của chương 5).

1. Vấn đề đức tin:

“Ông nầy chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”. Người Do thái có đủ lý do để nghi ngờ những lời nói của Đức Giê-su: Ngài đang sống ở giữa họ, bất ngờ tuyên bố mình từ trời xuống.

Chúng ta gặp thấy những suy nghĩ tương tự và biết bao những suy nghĩ khác nữa đến từ những người mà thánh Gioan nhắm đến một cách mãnh liệt trong thư thứ nhất của mình. Về phương diện lịch sử, nhiều thế hệ sau nầy nẩy sinh những nghi ngờ như thế.

Đức Giê-su trả lời: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy đến với tôi”. Đức tin là một ân ban đến từ Chúa Cha, nhưng cũng đòi hỏi con người phải mở rộng cõi lòng mà đón nhận. Đức Giê-su ngầm quở trách thính giả của Ngài không có được một thái độ như thế; có những dấu chỉ mà họ phải biết đọc; những thành kiến mà họ phải cởi bỏ, và tiên vàn phải lắng nghe Chúa Cha. Đức Giê-su sẽ khai triển khía cạnh đức tin nầy, nhưng trước hết Ngài muốn tăng độ nhạy bén của thính giả Ngài và thậm chí khơi lên sự tò mò ở nơi họ, để chuẩn bị tâm trí họ đón nhận những lời mặc khải mà Ngài sắp ban cho: “Ai đến với tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”.

Dường như những thính giả của Ngài là những người Biệt Phái, những người chấp nhận thân xác sống lại; trái với những người Sa-đu-xê-ô, những người không chấp nhận thân xác sống lại. Đức Giê-su tự đặt mình trên lập trường của những người tin vào thân xác sống lại nầy mà tranh luận. Vì thế, Ngài khẳng định rằng chính Ngài nắm giữ trong tay quyền cho các vong nhân được sống lại. Cựu Ước đã thiết lập rồi mối liên hệ giữa bữa tiệc Thiên Chúa thiết đãi muôn dân và sự phục sinh, nhất là Is 25: 6-8: “Ngày ấy trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc…Trên núi nầy, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người…” Tại các ngôn sứ, lời loan báo bữa tiệc cánh chung được nhiều lần nối kết với bữa tiệc thiên sai. Đây là điều Đức Giê-su xem ra ám chỉ ở đây.

2. “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”.

Đức Giê-su trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a đệ nhị về Giê-ru-sa-lem vào thời thiên sai: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Qua đó, Đức Giê-su muốn thính giả của Ngài hiểu rằng thời điểm nầy đã đến, lời hứa đã được ứng nghiệm; chính Ngài, Đấng được Chúa Cha sai đến, đem đến cho con người sự hiểu biết về Thiên Chúa. “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến”, như vậy Ngài khẳng định nguồn gốc và giáo huấn siêu việt của Ngài, tức Lời ban sự sống. Vì ai đón nhận và gắn bó với giáo huấn của Ngài, “có sự sống đời đời”. Ở nơi khác, Đức Giê-su cũng khẳng định như vậy: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki tô” (Ga 17: 3).

Đức Giê-su chủ ý trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a, vì sấm ngôn nầy tiếp tục mời gọi dự phần vào bữa tiệc Thiên Chúa thiết đãi cho muôn dân. Ở bàn tiệc Thiên Chúa, con người được phục vụ không chỉ với Lời Thiên Chúa, lời nuôi sống, nhưng còn với thần lương làm no thỏa một cách tròn đầy và dứt khoát.

3. Từ Lời ban sự sống đến Bánh ban sự sống.

Thính giả của Đức Giê-su là những người Do thái chắc chắn biết Kinh Thánh. Bánh man-na được tiên báo vào thời thiên sai không phải là bánh ban sự sống mà Đức Giê-su hứa ban, bánh thuộc một bản chất khác, đem lại sự sống muôn đời sao? Đức Giê-su lay động tâm trí của họ. Họ phải hiểu! Trong ánh sáng của các bản văn tâm trí họ phải mở ra!

Lúc đó, Đức Giê-su khẳng định thêm một lần nữa: “Tôi là bánh ban hằng sống. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh nầy là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”. Lần nầy, không rào trước đón sau, Ngài tuyên bố không úp mở: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Mặc khải Thánh Thể bật sáng rực rỡ ngay từ bây giờ với điểm nhấn trên hy tế.
 
Tôi là bánh ban sự sống
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
22:24 04/08/2009
Chúa Nhật XIX Thường niên (Gioan 6,41-51)

1.- Ngữ cảnh

Cũng như trong việc chữa lành người bất toại ở Ga 5, sang Ga 6, Đức Giêsu lấy sáng kiến nuôi đám đông (6,4-13). Và đám đông nhìn nhận việc nhân bánh ra lạ lùng là dấu chứng tỏ Đức Giêsu là vị ngôn sứ và vua của thời cánh chung mà dân con Israel hằng mong đợi (6,14-15). Kế đó, việc Đức Giêsu trên mặt biển sôi sục (6,16-19) và lời “Thầy đây (egô eimi, “Tôi là”)” để trấn ấn nhưng mang tính mạc khải cho các môn đệ đang sợ hãi (6,20; x. Xh 3,14) cho thấy thần tính của Người. Bài diễn từ kế đó cũng tập trung vào bản thân Đức Kitô (6,22-59). Trước tiên Đức Giêsu tỏ ra chính Người là “bánh ban sự sống” (6,35.48), là mạc khải của Thiên Chúa nhằm ban sự sống cho loài người, là bánh ban sự sống do Thiên Chúa Cha ban từ trời cho họ (6,32-33). Để được thứ bánh ban sự sống vĩnh cửu này, người ta phải tin vào Đức Giêsu, là Đấng Chúa Cha sai phái (6,29.35.40.47), và ăn thịt cùng uống máu Người (6,53.54.57.58).

Chính Bài diễn từ về Bánh ban sự sống có thể phân chia như sau:

1) Chuyển tiếp vào Bài Diễn từ (6,22-24);
2) Mở đầu Bài Diễn từ (6,25-34);
3) Chính Bài Diễn từ (6,35-50; 51-59);
4) Phản ứng lại với Bài Diễn từ (6,60-71).

2.- Bố cục

Bản văn có thể được chia thành bốn phần:

1) Người Do-thái xầm xì (6,41-42);
2) Đức Giêsu kêu gọi tin vào Người (6,43-47);
3) Đức Giêsu mời gọi đón nhận Người là bánh trường sinh (6,48-50);
4) Bánh trường sinh chính là thịt Đức Giêsu (6,51).

3.- Vài điểm chú giải

- Tôi là (42): Kiểu nói “Tôi là” trong TM IV được liên kết với tên của Thiên Chúa (x. Xh 3,14). Trong tư tưởng Sê-mít, tên của một người cho thấy tính cách của người ấy. Như thế, khi đồng hóa chính mình với tên Thiên Chúa, Đức Giêsu mạc khải bản tính của Thiên Chúa và làm cho người ta biết Thiên Chúa. Những lời nói của Đức Giêsu thông ban ơn cứu độ của Thiên Chúa, là nguồn mạch tối hậu ban sự sống và ánh sáng cho Dân Người. Công thức “Tôi là” được sử dụng cách tuyệt đối trong 6,20; 8,24.28.58; 13,19; 18,5.6.8; đó là cách Đức Giêsu mạc khải về bản thân và uy quyền của Người. Một cách thường xuyên hơn, công thức này được sử dụng phối hợp với một ẩn dụ. Có 7 lần công thức “Tôi là” được dùng theo kiểu ẩn dụ để nói rõ rằng Đức Giêsu là một món quà Thiên Chúa ban cho loài người để có sự sống đích thực và ánh sáng, hoặc là ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho nhân loại (6,35; 8,12; 10,7.9; 10,11; 11,25; 14,6; 15,1).

- Ông này (42): “Cái ông này”, tính từ houtos diễn tả sự khinh thường (6,52; 7,15; 3,16).

- lôi kéo (44): Động từ helkyein với nghĩa “kéo ra ngoài, rút ra, mang ra ngoài bằng sức mạnh”, thường được dùng để chỉ việc di chuyển một khối nặng, như một chiếc thuyền, một cái xe.

- sách các ngôn sứ (45): Số phức này có lẽ là một cách tổng-quát-hóa, vì ở đây chỉ có một câu trích Is 54,13.

- thịt (51): Sarx đúng là từ ngữ dịch từ besar (A-ram; bâsâr, Híp-ri). Nhưng từ ngữ này không chỉ có nghĩa là “thịt” (cơ bắp…), mà cũng có thể có nghĩa là toàn thân thể và thậm chí tất cả con người, với đặc điểm là có tương quan với những người chung quanh (x. 1,14). Hy-ngữ có khả năng diễn tả tốt hơn các sắc thái này. Trong Do-thái giáo sau này, người ta chọn dịch bâsâr-thân thể bằng sôma, cho dù trong Tân Ước, đôi khi người ta dùng cả hai từ sarx và sôma như nhau. Nhưng đối với Bí Tích Thánh Thể, từ sôma đã trở thành từ cổ điển, ngoại trừ trong một vài tác phẩm sau thời các tông đồ, do ảnh hưởng Ga 6, các tác giả đã dùng từ sarx (chẳng hạn thánh Inhaxiô và thánh Giustinô). Phần tác giả TM IV, tại sao ông vẫn giữ lại danh từ “thịt” mặc dù đã có một từ ngữ riêng cho Bí Tích Thánh Thể? Đó là vì “thịt” có nghĩa rộng hơn là sôma-thân thể; vả lại trong TM IV, sôma là cái thi hài, là thân thể chết. Làm thế nào một thi hài có thể đưa lại sự sống? Ngược lại “thịt” vừa chỉ toàn thể con người vừa chỉ thân xác, nên một danh từ hai nghĩa này rất lý tưởng để vừa gợi tới cái chết trên thập giá vừa nhắc tới Bí Tích Thánh Thể.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Người Do-thái xầm xì (41-42)

Trong sa mạc Sinai, con cái Israel đã xầm xì để bày tỏ sự ngờ vực đối với Môsê: họ không tin vào sứ mạng của ông là do Thiên Chúa trao và khả năng của ông là cung cấp bánh và nước cho họ (Xh 16,2-3; 17,3). Vẫn đi theo chiều hướng của tổ tiên, người Do-thái hôm nay xầm xì để nói lên sự hoài nghi của họ về tư cách và khả năng của Đức Giêsu.

Họ nhắc lại hai khẳng định của Đức Giêsu (c. 41): Người là bánh và Người từ trời xuống; đặc biệt họ nhấn mạnh tới điểm thứ hai. “Cái ông này” (giọng khinh thường), ta biết rõ gốc gác, thế mà ông ta lại cho rằng mình có một sứ mạng và một xuất xứ thần linh (x. 7,27)! Quả thật, theo niềm tin dân gian Do-thái, Đấng Mêsia phải xuất hiện thình lình, mà không ai biết Người từ đâu đến. Dựa trên niềm tin này, người Do-thái nghĩ rằng họ hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ các khẳng định của Đức Giêsu.

* Đức Giêsu kêu gọi tin vào Người (43-47)

Đức Giêsu liền can thiệp, nhưng Người không bao giờ trả lời câu hỏi về nguồn gốc của Người trên bình diện nhân loại. Đứng tại quan điểm thần học, Người cho biết “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44). Người được Thiên Chúa sai đến (c. 44) và Người đến từ Thiên Chúa (c. 46), do đó Người có thể cho rằng Người từ trời xuống. Nếu người Do-thái thôi xầm xì, và để cho lòng họ mở ra với hoạt động của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lôi kéo họ đến với Đức Giêsu. Đây chính là lúc lời ngôn sứ Isaia (54,13) được thể hiện: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Việc dạy dỗ này có một phương diện bề ngoài, theo nghĩa là nó được cụ-thể-hóa bởi chính Đức Giêsu đang đi lại giữa họ, và có một phương diện bên trong, theo nghĩa là Thiên Chúa hành động trong tim họ. Điều này cũng ứng nghiệm lời ngôn sứ Gr (31,33). Sự thôi thúc bên trong này do bởi Chúa Cha sẽ làm cho họ có khả năng tin vào Người Con và như thế có sự sống đời đời.

* Đức Giêsu mời gọi đón nhận Người là bánh trường sinh (48-50)

Câu 48-50 là một đoạn theo cách hành văn đóng khung, vì các câu này nhắc lại phần mở của Bài diễn từ: Câu 48 cùng với c. 35 làm thành một câu đóng khung; cc. 49-50 nhắc lại các đề tài của cc. 31-33. Đám đông đã nêu ra cho Đức Giêsu gương của các tổ tiên họ đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng Đức Giêsu cho thấy rằng việc này đã không cứu được các tổ tiên họ khỏi chết. Kế đó, Người lại nhắc lại ý câu trích Kinh Thánh ở c. 31 (“Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”), Người nói rằng bánh đến thật sự từ trời là một thứ bánh không để cho người ta phải chết.

* Bánh trường sinh chính là thịt Đức Giêsu (51)

Sau đó Đức Giêsu chuyển sang một đề tài mới: bây giờ vấn đề không còn phải là tin vào Người để được sống đời đời nữa, mà là ăn thịt và uống máu Người (cc. 51.54). Lâu nay các tác giả vẫn coi đây là một gợi ý về Bí Tích Thánh Thể, nhưng ta có thể thấy nghĩa gần là Đức Giêsu nêu bật giá trị của cái chết của Người trên thập giá. Bởi vì chính là trong tư cách Con Người mà Đức Giêsu ban sự sống đời đời và Người lại trở thành Con Người đúng vào lúc cuối đời, vào Giờ của Người. Chính vì nhắm nối dài gợi ý về cái chết trên thập giá, tác giả dùng từ “thịt” (sarx), thay vì dùng từ “thân thể” (sôma). Bởi vì ý nghĩa căn bản và cũng là từ nguồn của thịt mà Con Người sẽ ban không phải là Bí Tích Thánh Thể mà là ân ban “chính mình” trong cái chết trên thập giá. Vậy tại Caphácnaum, khi nói đến “thịt để cho thế gian được sống”, là Đức Giêsu muốn nói là “bản thân Người (chịu sát tế) để cho thế gian được sống”.

+ Kết luận

Điều mà không một thứ bánh nào có thể cung cấp và không một lời hứa nào của con người có thể đạt tới, cho dù có xác tín đến đâu, Đức Giêsu có thể ban tặng. Người mạnh hơn cái chết và Người muốn đưa chúng ta đi qua bên kia cái chết. Phần chúng ta, điều này có nghĩa là chúng ta phải chạy đến với Người để có sự sống đời đời, cũng như chúng ta vẫn chạy đến với bánh trần thế, để có sự sống trần thế. Nhưng điều này cũng có nghĩa là các biên giới của cái chết đã bị đánh đổ. Cũng như trong bánh, chúng ta tìm được phương thế để tránh thoát cái chết và tiếp tục ở lại trong sự sống trần thế, thì cũng thế Đức Giêsu giúp chúng ta thắng vượt sự chết và đi vào sự sống vĩnh cửu. Vì bánh giữ cho tôi sống, tôi phải ăn bánh, chứ không chỉ nói suông về bánh; vì Đức Giêsu là bánh ban sự sống vĩnh cửu, tôi phải đón nhận Người, tin vào Người và “ăn thịt” của Người, chứ không chỉ bằng lòng với việc biết điều gì đó về Người hoặc nói về Người, dù sâu sắc.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu đã thật sự cho đám đông được ăn no; nhưng biến cố này không có ý nghĩa tự nó, nó quy về một thực tại khác. Sự kiện Đức Giêsu có thể ban bánh và cho no thỏa về phương diện trần thế phải chứng minh rằng Người chính là bánh ban sự sống đời đời. Ở bên Người, chúng ta không được tìm cơm bánh vật chất; trái lại chúng ta phải nhận biết Người có thể và Người muốn ban cho chúng ta điều vô cùng to lớn hơn. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm nơi Đức Giêsu và chúng ta phải nhận được từ nơi Người, có thể được tóm trong câu này: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35; x. 6,48.51).

2. Đức Giêsu đã ra sức soi sáng chúng ta và quy hướng sự chú ý của chúng ta vào ân ban cốt yếu của Người. Lương thực ban cho đám đông chỉ là một dấu chỉ. Chúng ta coi thường dấu chỉ này, nếu chúng ta dừng lại với các mối quan tâm tức thời và chờ đợi Người ban cho cơm bánh và sức khỏe; thật ra Người muốn ban nhiều hơn thế nữa. Khi nói “Tôi là bánh hằng sống”, Đức Giêsu đặt mình vào trong mạc khải của Thiên Chúa mà Môsê đã được thông dự vào khi được Thiên Chúa kêu gọi. Vào dịp đó, Thiên Chúa đã mạc khải tên của Ngài: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14). Thiên Chúa được xác định chủ yếu bằng sự kiện là Ngài hiện diện vì Dân Ngài. Khi tự giới thiệu mình như thế, Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi Người vì loài người và quan tâm đến chúng ta, đến đời sống chúng ta. Đức Giêsu hiện thân là hình thái mới và vĩnh viễn của sự hiện diện đầy uy lực và năng động của Thiên Chúa, không chỉ nhắm ban sự che chở và hướng dẫn, mà còn nhắm có sự hiệp thông riêng tư về sự sống. Đức Giêsu không chỉ muốn ban bánh, mà còn ban sự hiệp thông vĩnh cửu riêng tư về sự sống với Thiên Chúa.

3. Chúng ta lệ thuộc cơm bánh, để đảm bảo được sự sống của chúng ta. Không có sức lực đến từ cơm bánh, chúng ta không thể sống và làm được gì. Điều này không tùy thuộc ý chí chúng ta; nó là như thế. Do bản tính tự nhiên, chúng ta phải nhờ cơm bánh. Có cơm bánh, cũng có khả năng của cơm bánh là duy trì sự sống cho chúng ta. Nhưng đây chỉ là một khả năng giới hạn, vì cuối cùng chúng ta vẫn phải chết. Với công thức “Tôi là bánh hằng sống”, Đức Giêsu khẳng định rằng tương quan giữa bản thân Người với loài người cũng cùng một kiểu như tương quan giữa bánh và chúng ta. Đích thân Người, với tất cả những gì thuộc về Người, có thể ban cho chúng ta những gì bánh đưa lại cho chúng ta, nhưng không chỉ nhằm sự sống giới hạn, mà là sự sống vĩnh cửu vô biên.

4. Dây liên kết duy nhất đích thật với Đức Kitô là tin vào Người. Tôi tin vào Người khi tôi ký thác tất cả lòng trí tôi nơi Người, xác tín vào lời Người nói, xây dựng mọi sự dựa trên Người, nhắm mọi sự theo Người, liên kết đời tôi vào Người. Đức tin không phải là một xác tín về trí thức và một đoan chắc rằng một lời khẳng định hay một sự kiện nào đó là thật; đức tin là một thái độ chắc chắn và tin tưởng tỏ ra với Đức Giêsu, với ý thức trọn vẹn rằng Người là ai và với sự nhận biết đầy đủ về chân tính của Người. Đức tin là tương quan và dây liên kết người với người. Niềm tin vào Đức Giêsu đưa lại sự sống đời đời (6,47).
 
Bánh trường sinh
LM Giuse Hoàng Kim Toan
22:32 04/08/2009
Chúa Nhật XIX Thường niên B

“Bánh ban sự sống chính là Ta” (Ga 6, 41). Người Do Thái xầm xì và cả ngay bây giờ những người nghe cũng xầm xì. Làm sao lại có thể ăn thịt và uống máu của một con người? Điều khó tưởng lại là một sự thật vậy sự thật ở đâu?

Sự thật của Bánh trường sinh cần thiết cho từng cá nhân và cho cả nhân loại. “Ai không ăn Bánh này thì không sống sự sống đời đời” (Ga 6, 51)

Bánh nuôi sống từng cá nhân:

Sự kiện bánh trần gian như một lương thực cần thiết cho từng người sống trên trần thế này; nhưng cũng có một thực tế khác vì miếng ăn trên trần gian này mà nhiều người phải chết. Là một điều cần thiết nhưng cũng là một nguy hiểm thật sự. Con người cần lương thực để sống, lương thực ấy xuất phát từ lao động, con người phải làm việc để có cái ăn. Lao động gắn liền với cái ăn thường ngày, cho nên cái ăn như thế nào để lao động không trở thành án tù khổ sai cho người có cái ăn? Mỗi cá nhân sẽ trả lời câu hỏi này để giải quyết vấn đề cho sự sống của mình. Chính vì đây là câu chuyện giải quyết của những cá nhân mà làm ra những xu hướng khác nhau.

Tấm bánh người nghèo:

Những người nghèo khổ, lao động hết sức mình mà chẳng bao giờ đủ ăn là những người chịu sự bóc lột nhiều nhất của những nhóm người khác. Không phải vì họ hèn kém hơn những người khác mà vì họ là những con người thực sự cần mẫn và cần thiết nhất để biểu lộ tính trung thực trong cách sống của mình. Cứ thử nhìn vào chung quanh của vấn đề xã hội bao giờ chúng ta cũng thấy sự kiện những con người cần mẫn làm việc và không bao giờ đủ ăn là phản ảnh của những cấu trúc xã hội yếu kém. Người nghèo cần mẫn tự thân là một phản biện của một xã hội bất công không phải bằng lời mà bằng chính cuộc sống lam lũ của họ.

Tấm bánh của người no đủ:

Bánh của người no đủ là tấm bánh của những cá nhân biết sử dụng đúng những gì mình có và những phần còn lại chia cho người khác theo cách của mình. Những cá nhân biết dùng đủ cho mình thôi là những con người ở tầng lớp trung gian nối hai bờ giàu nghèo gần lại. Thứ bánh dành cho những cá nhân này cũng là thứ bánh khác với thứ bánh của trần gian. Bởi thực chất của bánh trần gian luôn mang tính hấp dẫn cho thèm khát, rình mồi, tranh lấy. Bánh chia cho nhiều người vừa là tấm bánh mình làm ra có được vừa là tấm bánh bởi trời. Tính chất của Bánh Bởi Trời là Tấm Bánh đích thật cho mọi người. Dù cá nhân con người sẻ chia với tâm thức tôn giáo nào vẫn là Tấm Bánh đích thực ấy. Điều này xuất phát từ một ý nghĩa cơ bản của tấm bánh chia sẻ, đó là tấm bánh của sự trong sạch làm ra chứ không do cướp lấy của người này chia cho người khác hay do việc bất chính làm ra. Chính vì tấm bánh làm ra từ sự trong sạch mà chỉ có tấm bánh từ trời mới hội đủ điều kiện ấy. Bởi vậy, Chúa Giêsu trả lời cho người Do Thái “Làm công việc không vì của ăn hư nát” (Ga 6, 27).

Tấm bánh kẻ thừa mứa.

“Kẻ ăn không hết, kẻ lần không ra”. Khi tấm bánh thừa mứa không đem chia cho ai hết hoặc có đem chia phải có điều kiện trao đổi, đấy là tấm bánh làm hư nát nhiều khía cạnh khác của trần thế này. Tấm bánh này người xưa thường gọi là “tấm bánh của ô nhục”. Chính vì cái lõi ô nhục của nó mới phải gói tấm bánh ấy lại bằng nhiều thứ tiện nghi cao cấp, xa xỉ để bọc lấy nó. Dù nó có hình thức bề ngoài sang trọng và đắt giá như thế nào chăng nữa đó cũng chỉ là tấm bánh đã thối rữa từ trong ruột. Tấm bánh này là thứ bánh của trần gian hoàn toàn và là mối băng hoại nhiều cá nhân muốn có nó. Chúng ta cũng thường thấy nhiều con người vì tấm bánh này mà mất hết nhân cách, cốt lõi nhân phẩm của một con người và cũng làm cho các giá trị tốt đẹp bị hoen úa, băng hoại.

Tấm Bánh cần thiết cho mọi người:

Đó là tấm bánh bởi trời. Tấm bánh ấy là Tấm Bánh đã được ban cho nhân loại là Chúa Giêsu Kitô, Tấm Bánh của đau khổ là người vô tội lại mang lấy thân phận của những người tội lỗi: “khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8, 3 ). Tấm Bánh được bẻ ra cho nhân loại trên Thập Giá và cũng là Tấm Bánh Phục Sinh để cho con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Tấm Bánh Bởi Trời cần thiết cho từng cá nhân trong nhân loại phục hồi sự sống đã đánh mất vì tội lỗi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II phát biểu: “Khi thiếu bánh chân lý, thứ bánh tinh thần thì con người trở nên suy nhược bệnh họan. Trong thế giới lộn xộn này con người lấy sự dữ làm sự thiện, lấy sai lầm làm chân lý, lấy vấp phạm làm quyền lợi” Cần thiết Tấm bánh chân lý cho đời.

Tấm Bánh cho nhân loại:

Thánh Gioan trình bày hai chủ đề quan trọng trong Phúc Âm của Ngài: Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh.

Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là Bánh Bởi Trời ban xuống. Tấm Bánh mà từ nguyên thủy đã là Lời phát nguyên mọi sự, “Mọi sự được tác thánh trong Lời” (Ga 1, 3). Lời nhập thể “trở nên người phàm ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Từ sự kiện Thánh Gioan trình bày đã cho thấy tính hoàn vũ được quy tụ trong Chúa Giêsu Kitô và đặc biệt hơn nữa Chúa Giêsu Kitô lại trở nên tấm Bánh cho người đón nhận. Tính hoàn vũ được tuôn chảy trong tâm hồn người đón nhận Thánh Thể, đó là mầu nhiệm Đức Tin đang được thực hiện trong Thánh lễ mỗi ngày được dâng lên.

Đối với người tiếp nhận Chúa Thánh Thể mỗi ngày, chúng ta sẽ thấy một mầu nhiệm sự sống thực sự đang tuôn đổ trên người lãnh nhận. Sự sống chúng ta đón nhận trong Thánh Thể không chỉ là sự sống của hiện tại mà mang chiều kích của Sự Sống của quá khứ, hiện tại và cả tương lai, một sự sống mà Chúa Giêsu giới thiệu là A và Ώ. Khởi nguyên và cùng tận tuôn chảy vào con người giới hạn là một mầu nhiệm không thể tưởng nổi, là bình sành hữu hạn dễ vỡ mà đón nhận nguồn sống vô biên vô hạn, Chúng ta sống Sự Sống tuôn chảy này thế nào? Đây là một câu hỏi luôn gợi lên một ‎ nghĩa sống dồi dào và phong phú.

Chúng ta mang trong mình sự quy tụ của Chúa Giêsu Kitô khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Người nối chúng ta với quá khứ trong giây phút hiện tại và dẫn chúng ta trên đường tương lai. Người thông qua chiếc bình nhỏ bé của chúng ta mà thực hiện công trình quy tụ của Người. Thấy được phần nào của mầu nhiệm này, chúng ta cũng sẽ thấy niềm vui khôn tả mà Đức Maria diễn tả “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa và thần trí tôi hớn hở trong Thiên Chúa của tôi, vì Người đã đoái thương phận nhỏ này” (Lc 1, 46 – 48). Suy nghĩ điều này làm cho chúng ta thật hạnh phúc, hạnh phúc thật sự mà Chúa đã cho chúng ta nếm thử Nước Trời ngay trên trần gian này. Tạ Ơn Thiên Chúa và hằng Tạ Ơn Thiên Chúa.

Trong tâm tình tạ ơn chúng ta sẽ sống mầu nhiệm thu họp trong Tấm bánh Chúa Giêsu ban cho trần gian một cách tích cực. Ý nghĩa này được triển khai từ chất liệu bánh và rượu do lao công của con người. Từ tấm bánh cho mọi người được thu họp từ những chiếc bánh lao công của con người, Chúa Giêsu thật sự đang mong muốn chúng ta để cho Người hiện diện trong tất cả mọi sự trên trần thế này, xuyên suốt trong mọi thời gian. Từ năm chiếc bánh và hai con cá là đại diện cho cuộc đời con người của chúng ta, một trăm năm có sánh là gì với hàng tỷ năm con người xuất hiện, một chút lao công trong bốn mươi hay năm mươi năm làm việc của con người có sánh gì với công trình tạo dựng từ tạo thiện lập địa cho đến ngày sau hết. Thế mà Thiên Chúa vẫn mời gọi đem năm chiếc bánh và hai con cá đến cho Người. Lao công của con người không vì của ăn hư nát mà được trở nên chính thân thể Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Gánh nặng của lao động được trở nên công việc của Thiên Chúa nghĩa là tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đưa tất cả vào trong sự bền vững. Chính vì ý‎‎‎ thức vào công trình sáng tạo mà con người đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày sẽ trở nên những con người thật tích cực với hết nhiệt tâm xây dựng trần thế này trở thành nơi Thiên Chúa ngự đến. Xin chúc tụng Thiên Chúa của con, và không ngừng chúc tụng.

Sức lan tỏa Chúa Giêsu Kitô đến tận cùng mọi hoạt động theo màu trắng của Thánh Thể lan tỏa theo nhãn quan của cha Pierre Teilhard de Chardin, có thể diễn tả theo cách khác là từ trong mỗi tâm hồn đón nhận lan đi cùng mọi hoạt động của họ đến cùng với vật liệu chất liệu của họ đụng chạm tới, một màu trắng tinh khôi chạm tới các thụ tạo trên trần thế làm tràn ngập Chúa Giêsu Kitô hiện diện. Chúa Giêsu Kitô Đấng sẽ thâu họp tất cả để nên Một trong Người mà dâng lên Chúa Cha trong hy lễ của chính Người. Vai trò thánh hóa có sự cộng tác của con gười tiếp nhận làm cho trần thế được biến đổi trong Chúa Thánh Thần nơi thân thể nhiệm màu của Chúa Kitô. Chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thể từ Tấm Bánh bẻ ra là Chúa Kitô đang nâng đỡ thế giới này và cũng đang cộng tác tiến tới hoàn thành công trình cứu độ của Chúa Kitô. Như vậy, chiều kích nhân loại được thực hiện được thực hiện nơi chúng ta những con người tiếp nhận và từng ngày như thế hoàn thành.

Điều kiện nơi chúng ta để tiếp nhận Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể: Sạch tội trọng. Đó là yếu tố cần thiết để được tháp nhập vào trong công trình của Chúa Kitô. Vì yêu mến Thiên Chúa và yêu mến thực sự trần thế mà Chúa đã ban tặng, chúng ta sẽ đáp lại bằng việc kiên quyết không phạm tội trọng và nếu có phạm hãy thực tình sám hối đến lãnh nhận Bí Tích giải tội để được tiếp tục trong cuộc vận hành của Chúa Kitô khởi phác và hoàn tất trong chương trình cứu độ.

Hạnh Phúc lớn lao và tràn trề vì Người không ngừng đổ rót Thân Mình Người cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Tiếp nhận Người để tháp nhập từng ngày sống của chúng ta trong Người và thu họp hoàn vũ từng ngày trong Chúa Kitô. Xin ban cho chúng con Bánh Trường Sinh luôn mãi.
 
Vì tôi là một Linh mục
LM Lê Công Đức
23:11 04/08/2009
Những chia sẻ nhân Thánh Lễ Tạ Ơn của hai người bạn tôi, tân linh mục G.B. Trịnh Xuân Cường và tân phó tế Joseph Zhang Wei, tại ICLA, Quezon City, vào một chiều đầu tháng giêng năm 2005. Nay tôi mới có dịp dịch ra tiếng Việt. Xin trao về các bạn lần nữa, với cả tâm tình, nhân lễ Thánh Gioan Maria Vianey của Năm Linh Mục này.

“Không phải là tôi đã đạt đến đích, nhưng trong niềm hy vọng, tôi tiếp tục cố gắng đạt tới, vì tôi đã được Đức Kitô chiếm lấy.” (Pl 3,12)

Những lời này, trích từ Thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Philipphê, cho thấy lòng khiêm nhường của người chọn nó làm châm ngôn cho đời linh mục của mình. Mà thật, cũng bởi vì khiêm nhường mà Cha mới Gioan Tẩy Giả Trịnh Xuân Cường đã mời tôi chia sẻ ít lời trong Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay của anh ấy, và của ‘cụ Sáu’ Joseph Zhang Wei, tức ‘Buddha’ yêu dấu của chúng ta nữa. Nói ‘bởi vì anh ấy khiêm nhường’, vì chắc chắn tôi là linh mục rốt hết, hèn mọn nhất ở đây (quí vị thấy tôi già như vầy, nhưng chỉ mới chịu chức linh mục được có một năm rưỡi thôi đó!) Tôi liều nhận lời chia sẻ trong Thánh Lễ này chỉ bởi vì hôm nay tôi yêu Cường và ‘Buddha’ … nhiều hơn hôm qua!

Anh chị em thân mến,

Thế là cộng đoàn ICLA của chúng ta hôm nay có thêm một linh mục và một phó tế nữa. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì món quà Giáng Sinh và Năm Mới rất đặc biệt này. Và chúng ta tiếp tục cầu nguyện và chờ đợi thêm những món quà khác, có lẽ vào cuối tháng này.

Linh mục, phó tế! Mọi sự xem chừng rất nhanh chóng và thật đơn giản, phải không? Chỉ một chuyến về Việt Nam của người này, và một chuyến khác về Malaysia của người kia, trong kỳ nghỉ Nôen và tết Dương Lịch vừa qua – tôi đoán tổng chi phí khoảng chừng 1.000 đô la - thế là chúng ta có cả hai, vừa linh mục vừa phó tế!

Mà này, tôi e rằng Zhang Wei và Cường không nghĩ thế đâu. Mọi sự thực ra không nhanh chóng và đơn giản như ta tưởng đâu. Hai chuyến đi vừa qua của hai người chỉ là một phần nhỏ của hai cuộc hành trình dài vốn đã bắt đầu từ lâu, rất lâu rồi. Mười lăm năm, đó là hành trình của Cường; Zhang Wei thì tám năm. Hai người năm nay được bao nhiêu xuân xanh rồi nhỉ? 36 và 35 tuổi! (thật sự trẻ đó, nếu so sánh, chẳng hạn, với … tôi – tôi chịu chức linh mục khi đã 44 xuân xanh quí vị à.) Nhưng nói cho cùng, tất cả những con số ấy đều trở thành hoàn toàn vô nghĩa khi chúng ta nhìn sự việc từ một góc nhìn khác: từ góc nhìn của Đấng đã yêu thương và đã mở ra cuộc hành trình ấy từ … vĩnh cửu!

Vâng, hành trình này, tự bản chất của nó, trước hết là một hành trình của tình yêu. Nếu bây giờ chúng ta phỏng vấn Zhang Wei hay Cường, hay bất cứ linh mục nào ở đây: “Tại sao bạn quyết định trở thành một linh mục?” Thì đâu là những câu trả lời nhỉ? Câu trả lời có thể khác biệt từ người này đến người khác, và nó có thể bao hàm những ý niệm khác nhau như “vì Giáo Hội / vì Đức Kitô / vì thế giới / vì sứ mạng / vì sứ vụ,” vv. Nhưng rốt cục, đằng sau tất cả những câu trả lời ấy đều có ẩn chứa một điểm chung là: vì tình yêu! Tại sao tôi chọn trở thành linh mục ư? Tại sao không chứ? Tôi đã cảm nhận được rằng tôi được yêu, và tôi không thể không yêu lại, thế thôi. Tôi không thể không dấn thân vào câu chuyện tình này, một chuyện tình có niềm hạnh phúc và cũng có thách đố, có những ủi an và những chông gai, có khó khăn và cũng có niềm vui. Nói tắt, chuyện tình này liên can đến trọn cuộc sống của tôi.

Thứ hai, đây cũng là một chuyện tình vẫn còn tiếp diễn mãi. Người ta thường nói về cái gọi là “hành trình ơn gọi đến chức linh mục.” Nhưng nói vậy không hề có nghĩa rằng sự kiện lãnh chức linh mục là một trạm dừng, càng không phải là một bến đỗ! Đúng hơn, đó là một điểm xuất phát cho một chặng mới của cùng một hành trình, đó là một cuộc phiêu lưu mới, một cam kết mới, một nỗ lực mới.

Thứ ba, ngày nay người ta không còn nói nhiều về linh mục như là alter Christus hay Đức Kitô thứ hai nữa. Tất cả chúng ta đều có thể đoán biết tại sao. Có điều, tôi nghĩ, ý nghĩa và căn tính của chức linh mục và của chính con người linh mục không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài nơi chính Đức Kitô. Đức Giêsu Kitô là – và phải là - kiểu mẫu cho người linh mục định hình đời sống và sứ mạng của mình. Nếu alter Christus được trao cho ý nghĩa gì, thì trước hết phải là ý nghĩa này. Tin Mừng hôm nay trình bày Đức Giêsu là ánh sáng, là nhà công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, là nhà chữa trị và giải phóng. Một lần nữa, ở đây bị thiếu mất một từ, nhưng người ta có thể nhận ra từ bị bỏ sót ấy một cách rõ ràng phía sau bản văn: Đức Giêsu là một “người yêu.” Đức Giêsu là người phục vụ bởi vì Ngài là người yêu thương! Chỉ nguyên điều này không đủ trao cho ta một dự án cho cả đời linh mục của mình đó sao?

Cho phép tôi đúc kết chia sẻ này – mà thực ra tôi nhắm trước hết chia sẻ cho chính mình – bằng cách nhắc lại những lời được thốt lên bởi một linh mục dòng Phanxicô cách đây 64 năm ở Auschwitz. Cha Maximilian Maria Kolbe đã tự nguyện chịu chết thay cho một bạn tù. Được hỏi tại sao, Kolbe chỉ trả lời rất đơn giản: “Vì tôi là một linh mục Công Giáo.”

Nếu chức linh mục của chúng ta có thể hàm chứa một chọn lựa như thế, để chúng ta có thể diễn tả tình yêu của mình đến cùng, tình yêu đối với Đức Kitô và tình yêu đối với bao con người anh chị em mình, thì … Cường và Zhang Wei thân mến, mình cầu chúc các bạn có được cơ hội để trả lời “Vì tôi là một linh mục Công Giáo” như vậy – và các bạn đừng ngại, các bạn cũng hãy cầu chúc cho mình điều tương tự nhé. Amen.
 
Làm thế nào để trở thành linh mục tuyệt vời cho Giáo Hội CGVN ngày nay?
Trịnh Nhất Định
23:18 04/08/2009
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH LINH MỤC TUYỆT VỜI
CHO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM NGÀY NAY?


Vài cảm nghĩ…

Nhiều người cho rằng ở Việt Nam ta ngày nay, việc giáo dân góp ý với Giáo hội – gồm các vị hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân – về việc đào tạo linh mục, về cách sống chứng nhân, cách rao giảng Tin Mừng và cách thi hành chức vụ thừa tác viên của Giáo hội là “bằng thừa”, vì ai cũng cho rằng các linh mục đã được đào tạo rất kỹ, rất lâu, được chọn lọc rất gắt gao rồi mới được “đỗ cụ”, vì thế, chúng ta chỉ cần đọc kinh “cầu cho các linh mục” trong các thánh lễ chủ nhật là đủ rồi.

Điều nhận xét đó rất đúng.

Qủa thật, như chúng ta đã chứng kiến, suốt hơn 34 năm qua, Giáo hội Công giáo VN đã hoàn thành một cách quá xuất sắc nhiệm vụ đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả đất nước, trong thế giới ngày nay đầy biến động gay gắt, đầy những cơn bão “tôn sùng vật chất” làm điên đảo cuộc sống đạo trên toàn cầu…

Chúng ta phải công nhận đó là một hồng ân to lớn của Chúa đã ban cho Giáo hội Công giáo VN ta, vì:

- Số các linh mục Dòng cũng như Triều, ngày càng thêm đông hơn bao giờ hết,

- Ở nhiều địa phận, các linh mục đã được đào tạo cả về đạo lẫn về đời rất kỹ lưỡng trong một thời gian dài: 4 năm học đại học quốc gia hay dân lập – vì không có đại học Công giáo – để lấy bằng cử nhân. Sau đó là 2 năm ứng sinh, 2 năm học triết học tây phương, rồi 1 năm đi giúp xứ. Tiếp theo là 4 năm thần học, cuối cùng là 1 năm đi giúp xứ trước khi được thụ phong linh mục.. Tổng cộng là 14 năm, tính từ đại học trở lên.

Nói cách khác, các linh mục ngày nay đã nhận được một nền giáo dục đầy đủ cả đời lẫn đạo, đã được thử thách một thời gian dài đủ để có sự lựa chọn chín chắn, tự do trước khi chọn đời sống tận hiến linh mục tại VN.

Như thế, việc góp ý … có còn cần thiết nữa hay không?

Theo tôi thì vẫn còn cần thiết, vì những lý do sau đây: muốn phát triển Đạo ngày càng tốt hơn thì phải không ngừng canh tân đường lối giáo dục và tìm ra được những yếu tố nhân văn và siêu nhiên làm điểm tựa mới cho linh mục. Và đặc biệt, vì tôi không bao giờ quên được những lời chỉ dạy trực tiếp của Đức cố Hồng Y Trịnh văn Căn và của một vài vị Giám Mục nữa, là: phải đóng góp ý kiến xây dựng cho Giáo hội Công giáo VN khi có thể được, để Giáo hội ngày càng phát triển tốt hơn, đúng với ý Chúa hơn. Như vậy, đóng góp ý kiến xây dựng luôn luôn là cần thiết… Riêng tôi, tôi xin đóng góp ý kiến về 4 vấn đề liên quan đến câu hỏi “Làm thế nào để trở thành linh mục tuyệt vời cho Giáo hội Công giáo VN ngày nay?” như sau:

- Làm thế nào để các bài giảng của các linh mục VN ngày chủ nhật có chất lượng cao hơn.

- Làm thế nào để các bài viết của các linh mục VN trên các website đây đó được sâu sắc hơn.

- Làm thế nào để các lời phát biểu về những vấn đề đạo-đời của các linh mục VN ở những nơi công cộng, ở các bàn hội nghị thể hiện được đầy đủ bản chất công bằng và bác ái, công lý và hòa bình của Đạo Công giáo toàn cầu nhưng bằng cách diễn đạt mang đậm nét văn hóa VN. đầy hiền hòa, nhẹ nhàng và tế nhị nhưng lại rất hữu hiệu…trong mọi hoàn cảnh.

- Làm thế nào để các linh mục VN ngày nay sống vững vàng và sâu sắc hơn đời sống linh mục của mình giữa lòng dân tộc.

Hơn nữa, tôi muốn đóng góp vì tôi thấy những lời đề nghị của tôi, đã đến lúc, có thể từng bước thực hiện được dễ dàng hơn những năm trước đây, vì ngày nay chính sách của Nhà Nước Việt Nam đã cởi mở rộng rãi hơn, thuận lợi hơn trước rất nhiều; vì các điều kiện vật chất của Giáo Hội Công Giáo VN cũng đã được cải thiện đáng kể hơn trước cho việc đào tạo: điều kiện học tập, ăn ở, sinh hoạt tốt hơn, bớt lo lắng về vật chất hơn, nhờ vậy chủng sinh có giờ học tập, tu luyện nhiều hơn…; và vì một lý do quan trọng khác nữa, đó là giáo dân VN ngày nay có trình độ nhận thức đạo-đời cao hơn trước nhiều, do họ tự chủ động học tập về Tin Mừng, về giáo lý thần học, theo dõi những biến chuyển của Giáo hội trên toàn thế giới nhờ những phương tiện truyền thông ngày càng thuận lợi hơn…như sách báo, các trang web, các kênh truyền hình quốc tế…vân vân…

Tóm lại, hoàn cảnh mới của Giáo hội công giáo VN, của Đất Nước VN và của toàn thế giới ngày nay rất thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của các linh mục và xây dựng thành công những điểm tựa mới cho các linh mục VN. Như thế, hy vọng sẽ giải quyết được phần nào những vấn đề nêu trên.

Bài này gồm hai phần:

Phần I: Xây dựng một chương trình đào tạo linh mục theo mô hình mới.
Phần II: Xây dựng một điểm tựa mới cho các linh mục.

PHẦN I
XÂY DỰNG MỘT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LINH MỤC THEO MÔ HÌNH MỚI.


Để giải quyết tận gốc 4 vấn đề cấp bách nêu trên đây: nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao sự sâu sắc của bài viết, nâng cao chất đạo của các lời phát biểu và nâng cao sự vững vàng và hiệu quả của đời sống linh mục, tôi xin đưa ra 3 đề nghị sau đây:

Đề nghị 1: Đề cao ý nghĩa thần học mục vụ dấn thân (théologie pastorale engagée) trong việc giải thích Kinh Thánh.

Xin các linh mục chú trọng hơn nữa việc đề cao ý nghĩa thần học hơn ý nghĩa đạo đức học (morale) trong bài giảng, bài viết, bài phát biểu, để làm nổi bật bản chất tình yêu hy sinh, cứu chuộc của Thiên Chúa được mặc khải trong đoạn Tin Mừng, trong các bài đọc Kinh thánh khác của ngày lễ. Sở dĩ phải đề cao ý nghĩa thần học như thế là vì nhiều giáo dân ngày nay nhận xét: bài giảng của nhiều linh mục hiện nay chưa có chất lượng cao và nhiều khi thiếu “lửa” của Chúa Thánh Thần.

Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập cách riêng đến bài giảng vì giáo dân VN thích nghe giảng hơn…Các bài viết, bài phát biểu chúng tôi sẽ đề cập tới vào dịp khác…

Bài giảng có chất lượng cao là gì?

Là bài giảng đáp ứng được, một cách sâu sắc, những yêu cầu căn bản, tiến bộ của đoạn Tin Mừng đó, nghĩa là bài giảng nhất thiết phải được xây dựng trên thần học chứ không phải chỉ trên đạo đức học. Có lẽ nhiều linh mục không ý thức được sự cần thiết tuyệt đối của việc đưa ra ý nghĩa của sự mặc khải của Chúa trong đoạn Tin Mừng, và cứ tưởng rằng giáo dân ngày nay vẫn còn “bình dân” như giáo dân nông thôn ngày xưa, nên thích rút ra từ đoạn Tin Mừng của ngày lễ, một bài học về đạo đức vì nó không cao siêu, nó dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với người tín hữu, vì nó sát với thực tế, ít phải suy nghĩ sâu xa. Nhưng giảng như thế sẽ làm cho giáo dân cứ tưởng rằng chỉ cần sống đạo như cha giảng ở nhà thở là đủ rồi, và giáo dân không cảm thấy cần nỗ lực xây dựng đức tin vào Lời Chúa ngày càng sâu xa hơn. Cuộc sống của giáo dân ngày nay đã được toàn cầu hóa, vì thế lòng tin vào Lời Chúa càng phải vững vàng hơn, tiến bộ hơn. Do đó, bài giảng của linh mục phải chú trọng nhiều hơn vào mặc khải của Chúa trong đoạn Tin Mừng đó hơn là vào bài học đạo đức. Mặc khải thì tuyệt đối cần thiết còn đạo đức học thì tương đối, vì mặc khải cho ta hiểu, yêu mến, tuyên xưng, rao giảng Tình Yêu của Chúa một cách sâu sắc, đúng với ý Chúa hơn. Còn đạo đức học chỉ nêu ra nguyên nhân tự nhiên để rút ra bài học thực tế theo khuôn mẫu của sự khôn ngoan tự nhiên.

Ví dụ: rất nhiều lần được nghe đoạn Tin Mừng theo Thánh Yoan đoạn 8, câu 1 – 11, nhưng chưa lần nào được nghe giải thích ý nghĩa thần học của nó là gì, mà chỉ nghe ý nghĩa đạo đức của nó; chưa được hiểu ý nghĩa thần học của cái “bẫy” nêu trong đó.

Mời các bạn đọc lại đoạn Tin Mừng nêu trên và xin các bạn nhớ lại những bài giảng mà các bạn đã nghe. Riêng tôi, nếu tôi nhớ không nhầm thì thường thường các linh mục chỉ giải thích đoạn Tin Mừng đó chủ yếu xoáy vào bài học đạo đức sau đây: ta không nên kết án (ném đá) ai, vì ai cũng có tội đáng phải kết án (ném đá). Càng là người cao niên thì càng nhiều tội, và càng đáng bị ném đá trước, vì thế họ rút lui trước tiên. Tất cả họ rút lui vì sợ tội lỗi của mình cũng bị phanh phui và sợ bị ném đá. Như vậy, ý nghĩa đạo đức học của câu chuyện này là: chớ kết tội người khác vì sợ mình cũng bị kết tội. Xin nói rõ thêm rằng: không cấm dùng những câu cách ngôn để rút ra bài học đạo đức, về đạo làm người vì Chúa Giê-su đôi khi cũng dùng để nói cho người nghe dễ hiểu: “Chớ xét đoán người khác để khỏi bị xét đoán” (Mt 7: 1 – 5; Lc 6:37-38), nhưng nếu chỉ nêu bài học đạo đức thì rõ ràng là chưa đủ để giáo dân hiểu được bài giảng, hiểu được mặc khải của Chúa và rút ra được cách sống và rao giảng Tin Mừng, vì ý nghĩa đạo dức học thì bình thường, dễ hiểu, vì đạo nào cũng dạy gần như nhau. Khổng Tử cũng đưa ra những bài học về đạo đức tự nhiên của con người, khi nói:”Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Sống theo lời dạy của đạo đức học có thể tóm tắt gọn lại như sau: Tôi không làm hại ai, đừng ai làm hại tôi. Nếu ai làm hại tôi thì tôi cũng không tha cho kẻ ấy. Tôi không “ném đá”ai thì đừng ai “ném đá” tôi. Muốn không bị “ném đá” thì đừng “ném đá” người khác.…

Trong khi đó ý nghĩa thần học của đoạn Tin Mừng này cao cả hơn gấp bội. Chúa Giê-su tha tội cho người đàn bà tội lỗi này là để mặc khải cho mọi người biết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu của Thiên Chúa tự bản chất là hy sinh, tha thứ, cứu rỗi, chứ không phải là kết án, nên đã sai Con một xuống thế gian chịu chết ô nhục trên thập giá để cứu chuộc thế gian tội lỗi. Mời xem Mt 9: 13; Lc 5: 31-32.Như thế, bài học thần học của bài giảng này cho chúng ta là: Hãy tha thứ cho kẻ có tội làm mất lòng ta vì Chúa dạy ta như thế, và vì trong cõi lòng thâm sâu của kẻ đó cũng luôn luôn có sự hiện diện tiềm ẩn của Chúa. Ta tha tội cho họ và bảo họ đừng phạm tội nữa, nếu họ nghe theo, thì họ sẽ cảm nhận được dễ dàng sự hiện diện và tình thương của Chúa đang tác động trong nội tâm của họ và tự họ, họ sẽ trở lại với Chúa.…

Còn khi giải thích về cái “bẫy” thì cũng phải nêu ra ý nghĩa thần học của nó trong đoạn Tin Mừng. Cái bẫy mà họ giăng ra cho Chúa Giêsu là: nếu Chúa nói không được ném đá người đàn bà này thì họ sẽ bắt ngài, đem Ngài đi giết vì đã chống lại luật Mai sen; còn nếu Chúa nói phải ném đá người đàn bà này thì Chúa không còn là Đấng nhân hậu nữa (Mt 11: 25-30). Kết luận thần học: cái “bẫy” đó lại trở thành “đòn bẩy” cho Chúa Giêsu mặc khải: Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ. Vậy, bài học thần học từ cái “bẫy” này cho chúng ta là: Trong mọi hoàn cảnh, hãy tha thứ cho tha nhân, đem tha nhân trở về với Chúa, sống trong ơn nghĩa của Chúa, vì trong tâm hồn của tha nhân cũng có Chúa tiềm ẩn.

Chúng ta lấy một ví dụ khác: Tin Mừng Gioan 6:1-15; Mat.14:13-21; Mc.6:32-44; Lc.9:10-17 nói về Chúa Giê-su làm phép lạ bánh hóa ra nhiều. Vậy, ý nghĩa thần học của đoạn Tin Mừng này là gì ? Thưa, Thiên Chúa là Tình thương. Chúa thương dân chúng đang đói bánh, đói Lời Chúa, cho họ ăn no nê vì Chúa coi họ là đàn chiên của Chúa. Còn đối với chúng ta, đoạn Tin Mừng đó dạy ta gì? Chúa dạy chúng ta phải thương yêu tha nhân vì tha nhân là hiện thân của Chúa Giê-su. Mời xem Tin Mừng thánh Mát-Thê-ô đoạn 25 câu 31-46. Thần học của đạo Công giáo dạy giáo dân làm phước, tha thứ cho tha nhân vì tha nhân cũng là con cái Chúa như mình, trong tiềm năng (en puissance) hay trong thực tại (en acte) như mình, thì cũng là con cái Chúa.Còn đạo đức học thì dạy cho hết mọi người:”thương người như thể thương thân” mà thôi, nghĩa là làm phước trên bình diện nhân loại thôi. Mà nếu thế thì người vô thần cũng làm được.

Như thế, giải thích Tin Mừng là giải thích ý nghĩa thần học của đoạn Tin Mừng đó, là bày tỏ màu nhiệm mặc khải của Chúa Giêsu. Đó mới là điểm đặc thù của đạo Công giáo. Đạo đức học thì tự nhiên, hay thay đổi theo từng thời đại, từng xã hội, chỉ đòi hỏi thực thi cái tối thiểu, không đòi hỏi cái tích cực tối đa: “đừng làm cái này…đừng làm cái kia…”. Không thể để cho người Công giáo có quan niệm như những người ngoại đạo là: đạo nào cũng thế, cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, tu nhân tích đức... Vì đạo Công giáo ngoài việc dạy ăn ngay ở lành, nhất thiết còn phải sống luật yêu thương, hy sinh quên mình cho tha nhân. Không có ông tổ đạo nào dạy tín đồ phải yêu thương cả kẻ thù của mình và chết vì yêu thương để giải thoát cho kẻ đó như Chúa Giêsu. Tình yêu của đạo Công giáo – tự bản chất - là phải hy sinh đến chết cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm. Đó là điểm siêu việt của đạo Công giáo. Linh mục, hơn ai hết, phải sống và chỉ ra cho giáo dân thấy sự vượt trội, và thực thi tình yêu-hy Sinh trong đoạn Tin Mừng đó. Nếu không tìm ra lối sống theo thần học đó, chỉ sống theo đạo đức học không thôi, thì chưa phải là sống đạo Công giáo. Nếu đứng trước sự nghèo khổ đói khát của đồng loại mà không nhận ra là chính Chuá Giê-su đang nghèo khổ đói khát và không cảm thấy đau xót tủi thẹn vì mình chưa giúp gì cho họ và cứ sống phè phỡn thì chưa phải là người Công giáo đích thực. Nếu giáo dân còn đang phải cứu đói lúc giáp hạt mà linh mục vẫn vui vẻ đi “tua”du lịch cao cấp dài ngày ở nước ngoài; nếu giáo dân còn phải đi chân không trên nền đất thô lạnh của nhà thờ chưa có tiền láng xi măng mà linh mục không cảm thấy “chạnh lòng thương”(Mc 6: 34) thì linh mục đó còn phải suy gẫm Lời Chúa rất nhiều mới hy vọng dạy dỗ được giáo dân. Nếu giáo dân không được linh mục chỉ dạy, tập luyện và nêu gương sống đạo theo bản chất mặc khải của Chúa là hy sinh quên mình cho tha nhân, thì giáo dân sẽ sống đạo hời hợt và dễ bỏ đạo. Khi đó, lỗi của giáo dân cũng một phần lớn là do các linh mục vì không làm gương sáng và dạy họ am hiểu tường tận về đạo Chúa.

Bài giảng có nhiều “lửa” là gì?

Chúng ta đều biết, “lửa” ở đây là “lửa” của Chúa Thánh Thần. Bài giảng có nhiều “lửa” của Chúa Thánh Thần là bài giảng mà trong đó linh mục phải “truyền lửa yêu mến” cho người nghe. Như vậy, linh mục phải có nhiều “lửa” trước để xác tín rồi mới làm cho người nghe xác tín được, nghĩa là linh mục phải làm sao cho giáo dân cảm thấy, trong nội tâm sâu xa của mình, có sức mạnh thiêng liêng thôi thúc mình, một cách mạnh mẽ, để mình tự tích cực tìm ra con đường sống Lời Chúa, tuyên xưng lòng tin của mình vào Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, để có thể nói với những người còn sống trong tội lỗi như Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này (Gioan 8: 11) là: ”đi đi…..và từ nay đừng phạm tội nữa”, nghĩa là từ nay phải sống thánh thiện và đi loan truyền về Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã truyền lửa tình yêu cho người đàn bà tội lỗi sau khi tha thứ cho bà.

Như thế, bài giảng có nhiều “lửa” không phải là bài giảng trong đó linh mục dùng tài hùng biện rỗng tuếch (rhétorique)để cường điệu bài học luân lý, đạo đức tự nhiên. Lửa đây càng không phải là sự khoe mẽ văn chương hoa mỹ hay ướt át sáo rỗng để thu hút, mê hoặc người nghe trong chốc lát. Trái lại, bài giảng có nhiều lửa là bài giảng có nhiều sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc dục giáo dân suy gẫm Lời Chúa nhiều hơn và hăng say rao giảng Tin Mừng theo hoàn cảnh sống của mình; còn dùng thủ thuật hùng biện nói thao thao bất tuyệt nhưng rỗng tuếch, tức là không xoáy vào ý nghĩa thần học, thì chỉ làm sướng tai người nghe thôi. Người ta ùn ùn kéo tới nghe, khen lấy khen để linh mục nói hay qúa, nhưng tài hùng biện hoa mỹ đó chẳng làm cho ai tin vào Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, chẳng thúc dục ai tuyên xưng và rao giảng Lời Chúa. Linh mục phải truyền lửa “tình yêu của Chúa” cho giáo dân nghe giảng, như Chúa Giê-su đã làm cho người đàn bà trong đoạn Tin Mừng thánh Gioan 8:1-11.

Đề nghị 2: Xây dựng một nền thần học mục vụ dấn thân mang tính văn hóa Việt.

Tôi thấy rất cần đưa ra đề nghị sau đây: đừng dạy một thứ thần học lỗi thời, chung chung hay quá xa lạ với văn hóa Việt. Chúng ta chỉ lấy những nét chính của thần học Kitô giáo làm nền tảng để từ đó thiết kế một chương trình học cho môn thần học mục vụ dấn thân có tương quan mật thiết với nền văn hóa Việt. Vì như thế, Tin Mừng mới ngày càng phát triển, càng có chỗ đứng vững chắc và sâu sắc trong tâm hồn người Công giáo VN, và tâm hồn những người thiện chí và có cảm tình với đạo. Chỉ có bằng con đường văn hóa Việt chúng ta mới có thể phát huy đức tin vào Lời Chúa ngày càng sâu sắc hơn. Vì thế, đề nghị những linh mục đi du học ở các nước châu Âu, châu Mỹ về không được “bứng” nguyên si nét văn minh, cách sống, cách ăn nói, cách giảng trong lễ, nền thần học, triết học của họ áp dụng vào nền văn minh của ta mà không có chọn lọc uyển chuyển, khôn ngoan vì hai nền văn minh đó rất khác với chúng ta. Chẳng hạn không dùng những câu cách ngôn, tục ngữ Âu-Mỹ dịch ra tiếng Việt để phát biểu vì chúng ta có cả một kho tàng ca dao tục ngữ. Hơn nữa, cách ăn nói của Âu-Mỹ là cách ăn to nói lớn, nói thẳng, không kiêng nể ai, cứ như cãi nhau. Đó là chưa kể còn có thể dịch sai nữa. Làm như thế là mất gốc, mất cảm tình, mọi người sẽ dần dần xa lánh mình.Cách nói của VN là cách diễn đạt dịu dàng, từ tốn, ngọt ngào…

Thần học mục vụ dấn thân (théologie pastorale engagée) có nhiệm vụ không ngừng tìm mọi cách in dấu ấn của Lời Chúa vào những cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam và vào những nét đặc thù của đời sống trí thức, nghệ thuật, tôn giáo của người Việt Nam ngày nay. Những tác phẩm của Hoàng Sĩ Quý, Kim Định, và nhiều tác giả nổi tiếng khác, có thể bước đầu làm tài liệu cho chúng ta tham khảo để từ đó thiết lập một chương trình giảng dạy thần học ở Đại chủng viện.

Phương pháp giảng dạy môn thần học này cũng phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng của thời đại hiện nay. Phương pháp truyền thống là đọc – chép. Thầy đọc – trò chép, thầy giảng – trò nghe. Thầy là chính, trò là phụ. Phương pháp giáo dục mới không đặt trọng tâm nơi thầy mà nơi trò. Chủng sinh mới là người có vai trò chủ động. Thầy chỉ đưa ra một tổng hợp nội dung(synthèse de base théologique) của môn học, cung cấp thư mục (bibliographie), ví dụ môn Kitô học (Christologie).Từ đó chủng sinh của đại chủng viện phải chủ động học tập, nghiên cứu theo nhóm, có sử dụng Internet và trình bày bài nghiên cứu trước lớp bằng LCD. Vì như vậy mới cụ thể, sống động, sâu sắc hơn, dễ hiểu, dễ nhớ và có tính toàn cầu hơn.

Nói tóm lại, chúng ta phải đổi mới, thiết kế lại chương trình và phương pháp dạy và học vì chúng quá xưa rồi. Đổi mới như thế là một công trình lớn đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và tiền của, nhưng nếu ta không từng bước thực hiện thì sẽ không bao giờ có một nền thần học mục vụ dấn thân đậm nét văn hóa dân tộc là lý tưởng của thời đại chúng ta.

Đề nghị 3: Xây dựng môn học mới: Giáo dân học,và soạn thảo lại môn Lịch sử giáo hội công giáo Việt Nam.

Trong chương trình đào tạo linh mục, tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải cắt bớt, rút ngắn hay cô đọng hóa môn Triết học cổ điển của Platon, Aristote, và môn thần học của Saint Thomas d’Aquin (thế kỷ 13) để xây dựng môn học mới có ích lợi hơn nhiều, đó là môn Giáo dân học và soạn thảo lại môn Lịch sử giáo hội công giáo Việt Nam.

Lý do thì rất dễ hiểu: Linh mục là những người “quản lý” giáo dân, mà đã là người “quản lý” thì phải biết rành rẽ và có hệ thống những gì thuộc về giáo dân mới có thể giúp giáo dân sống Đạo, loan báo Tin Mừng ngày càng tốt hơn. Giáo dân mỗi nước thì có những đặc điểm văn hóa riêng, vì thế phải soạn thảo một chương trình mang tính ưu việt riêng của dân tộc VN. Chúng ta hãy bắt đầu bằng đúc kết những kiến thức về giáo dân từ xưa đến nay, ở các nước trên thế giới, từ Cựu Ước đến Tân Ước cho tới ngày nay, đặc biệt là giáo dân VN. Sau đó, chúng ta hãy biến chương trình học cũ kỹ ở Đại chủng viện thành chương trình có dấu ấn thần học-triết học tiên tiến của thời đại toàn cầu hóa đầy văn minh và tiến bộ của nhân loại. Trong chương trình học đó phải thêm môn học mới: môn giáo dân học. Chúng ta chọn ra những điểm ưu việt của môn lịch sử giáo dân (giáo dân học) trong cựu ước và tân ước, đồng thời phải can đảm loại trừ những trí thức, những phán quyết lạc hậu, lỗi thời, chậm tiến, phản tiến bộ của chương trình đào tạo cũ để thiết lập một chương trình mới vừa phù hợp với Tin Mừng, với Giáo Hội Công giáo La Mã, và được Hội Đồng Giám Mục VN. chấp thuận, vừa mang tính tiến bộ để phục vụ tối đa lợi ích của hàng giáo dân VN., cải tạo thiên nhiên để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo hạnh phúc cho cá nhân người giáo dân, cho gia đình, cho xã hội và giáo hội VN. ngày nay. Môn giáo dân học phải được xây dựng trên nền tảng thần học - kinh thánh theo chiều hướng mục vụ, dấn thân, tiến bộ, đậm nét văn hóa dân tộc Việt hiện đại. Như vậy mới giả quyết được những vướng mắc do lịch sử giáo hội để lại về luân lý hôn nhân, về đạo đức gia đình, kế hoạch hóa gia đình, về vấn đề được dùng hay không được dùng thuốc ngừa thai…vân vân….Những vấn đề đó sẽ giải quyết được dễ dàng, thỏa đáng nếu chúng ta theo quan điểm thần học kinh thánh mới coi giáo dân là chính. Vấn đề này sẽ được bàn sâu rộng ở phần sau: Giáo dân là điểm tựa cho linh mục.…

Mọi vấn đề ngày nay đều khác xa với ngày xưa, nếu chúng ta không chịu cải tiến tư duy, thay đổi lập trường, nếu cứ sợ cái tiến bộ, nếu cứ khư khư giữ lấy cái lạc hậu, lỗi thời…thì sẽ dễ dẫn đến sai lầm, tội ác…

Ngoài ra, chúng ta cũng nên sớm mau chóng thay thế vị trí của một số thánh ngoại xa xôi bằng những vị thánh người Việt đáng yêu và gần gũi hơn. Đó là điều rất hợp với tôn chỉ của Công Đồng Vatican II.

Mời coi: “Optatam totius Ecclesiae renovationem” (La formation des prêtres) đoạn 1 –std, trang 448.

Còn về môn Lịch sử giáo hội công giáo VN., chúng ta cũng phải rà soát lại xem có những gì phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế, với sự thật, với lịch sử VN thời xưa cũng thời nay, như những tương quan giữa giáo hội với các chế độ chính trị, các tôn giáo bạn, vv…để đạo của chúng ta có thể sống chung hòa bình và phát triển bền vững giữa lòng dân tộc VN…

Có lẽ sẽ có người nói rằng chúng ta làm gì có đủ “cha giáo” chuyên viên về Triết học - thần học để tiến hành việc canh tân cải cách chương trình đó cho đại chủng viện!

Xin thưa, nếu được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hoặc đấng có bản quyền kêu gọi thì giáo dân Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ rất sẵn sàng đóng góp tài năng, tiền bạc, thời giờ của mình để cùng với các linh mục xây dựng và trình lên HĐGMVN một chương trình Triết-Thần học hoàn hảo hơn, hợp với thời đại toàn cầu hóa hơn cho việc giáo dục ở đại chủng viện tại Việt Nam ngày nay.

PHẦN 2
XÂY DỰNG ĐIỂM TỰA MỚI CHO ĐỜI SỐNG LINH MỤC.


Như mọi người chúng ta đều biết: từ trước tới nay, đời sống linh mục có 2 điểm tựa chính:

Điểm tựa 1: Lời Chúa.

Lời Chúa vừa là mục đích, vừa là điểm tựa tuyệt đối cho linh mục. Linh mục liên tục học hỏi Lời Chúa, sống Lời Chúa, tuyên xưng Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa một cách có hiệu quả.

Đối với giáo dân thì Lời Chúa cũng là mục đích và là điểm tựa tuyệt đối, nhưng để rao giảng Lời Chúa thì giáo dân không được đào tạo chuyên sâu như linh mục.

Nhờ có Lời Chúa mà linh mục dễ trở nên thánh thiện hơn, rao giảng và chứng tá cho Chúa một cách hữu hiệu hơn, dễ vượt lên trên những thử thách, những lo toan về đời sống cơm áo gạo tiền, thắng được những áp lực, đam mê xấu, những cám dỗ tội lỗi đến từ một thế giới đầy tính thế tục như hiện nay.

Mời xem:
FP (décret sur la formation des prêtres – Concile oecuménique Vatican II – Editions du Centurion – Paris 1967, trang 445 – 468)
MVP (décret sur le ministère et la vie des prêtres – std. trang 393-444, nhất là số 18, tr.436)


Điểm tựa 2: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Giám Mục và Linh mục đoàn của từng địa phận…

Hội Đồng Giám Mục VN và Đức Giám Mục, các linh mục địa phận là những điểm tựa quan trọng, không thể thiếu được cho các linh mục. Các linh mục dòng cũng như triều phải tuyệt đối vâng phục đường lối chung của Hội Đồng Giám Mục VN và đường lối riêng của địa phận mình, dòng tu mình vì đó luôn là điểm tựa vững chắc nhất, khôn ngoan nhất trong tổ chức của Giáo Hội.

Điểm tựa mới: giáo dân của Chúa.

Trong lịch sử giáo hội, chưa có văn bản chính thức nào của Hội Thánh dạy các linh mục phải coi giáo dân là điểm tựa, hay phải lấy giáo dân làm gốc, ngay cả trong lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 gởi các linh mục ngày 16/6/2009 cũng vậy.

Nhưng theo tôi đây là một mục tiêu quan trọng mà chúng ta phải dũng cảm tiến tới.

Tại sao?

Thưa, vì điểm tựa mới này có thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của Kinh Thánh, của Công Đồng Vatican II và giải quyết được những vấn đề quan trọng của linh mục ngày nay ở Việt Nam.

Muốn hiểu được tại sao điểm tựa mới, tức là giáo dân, lại có thể giải quyết được những vấn đề nêu trên, chúng ta phải tìm hiểu:

Giáo dân là ai? Giáo dân có vai trò gì?
Giáo dân giúp linh mục giải quyết được gì?
Giáo dân là ai? Giáo dân có vai trò gì trong Giáo Hội?
Giáo dân là dân của Thiên Chúa
Dân Chúa trong Cựu Ước là dân Israel.

Dân Chúa trong Tân Ước là Giáo hội Công giáo, là Hội Thánh, là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, là cộng đồng các tín hữu tin vào Chúa Kitô và vâng phục Đức Giáo Hoàng ở Rôma.

Có đôi khi trong quá khứ, như thời Trung đại ở Pháp (Moyen-Age), trong thực tế, người ta coi giáo dân là hạng thứ cấp còn giáo phẩm là hạng cao cấp.

Ở Việt Nam ta trước đây, nhất là ở cuối tiền bán thế kỷ 20, ở một số nơi, có người coi chức linh mục như một chức quan và giáo dân phải vâng phục các quan đó như vâng phục quan chức của triều đình. Vì thế, mỗi lần có 1 người được thụ phong linh mục thì cả làng xóm họ hàng rước sách linh đình để vinh qui bái tổ, mổ trâu mổ bò để ăn khao. Những người đó không đón nhận tân linh mục như là “đầy tớ” của giáo dân như Chúa Giêsu vẫn coi mình là “đầy tớ” của muôn dân, mà coi việc thụ phong linh mục như là đỗ cụ, đỗ ông nghè, ông cử…

Dần dần, nhờ ảnh hưởng của các nhà thần học tiến bộ trên thế giới, quan niệm phong kiến sai lệch đó ở VN đã được khắc phục; nhưng nhìn chung thì người ta vẫn coi giáo dân “không bằng” linh mục vì linh mục thì độc thân và thuộc hàng giáo phẩm có quyền trên giáo dân, ví dụ: đề nghị lên Giám mục rút phép thông công, không làm lễ cưới cho, không cho rước lễ vv…

Trước đây, trong thế kỷ 20, ở Việt Nam có một nghịch lý: nhiều khi giáo dân nói đúng cũng không ai nghe, còn linh mục dù nói sai nhưng mọi người vẫn nghe. Ngày nay, giáo dân đã giải quyết được nghịch lý đó, vì giáo dân bây giờ tiến bộ hơn ngày xưa nhiều. Dần dần vai trò của giáo dân được mọi người nhận thức đúng đắn hơn.

Muốn hiểu đúng về giáo dân một cách có căn cơ, ta phải tìm hiểu chỗ đứng của giáo dân trong Cựu Ước và Tân Ước.

Giáo dân trong Cựu Ước:

Chúng ta đều biết, dân Israel trong Cựu Ước được Thiên Chúa tuyển chọn giữa nhiều dân khác (Dt7: 7; Is 41: 8), được Thiên Chúa kêu gọi (Is 48: 12) không phải vì là dân đông đúc, dân hùng mạnh, dân có tài cán gì (Dt 7: 7; 8: 17; 9: 4) mà chỉ vì Chúa yêu thương và chọn làm dân riêng của Chúa. Chúa dẫn dắt họ để mặc khải một cách tiệm tiến về Thiên Chúa cho họ, từ thời tạo thiên lập địa cho đến thời Chúa Giêsu. Như thế, giáo dân trong Cựu ước có vai trò, có sứ mạng tiếp nhận, gìn giữ một phần mặc khải của Thiên Chúa và chuẩn bị cho giao ước mới. Còn các vua chúa của Israel là những người tổ chức dân, dìu dắt dân, cai trị dân, đưa dân về đất hứa.

Giáo dân trong Tân Ước:

Từ thời Chúa Giêsu đến nay, dân Chúa là Hội Thánh, gồm hàng giáo phẩm và giáo dân. Giáo phẩm và giáo dân đều có vai trò vĩ đại, cao cả hơn thời Cựu Ước, đó là tuyên xưng đức tin và rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới. Hàng giáo phẩm có chức vụ khác với giáo dân, có quyền hành, trách nhiệm cao hơn giáo dân, nhưng quyền hành, trách nhiệm đó không mang tính cách cai trị như thời Đa-vít hay Mai-sen trong Cựu ước; mà trái lại, quyền hành bây giờ trong Tân Ước là quyền của “người đầy tớ”, như Chúa Giêsu là đầy tớ cho mọi người. Mời xem:: Mt 11: 29; Lc 22: 27; Mc 8: 31. Người đầy tớ này được Chúa Giê-su ủy quyền “tha tội” hay “buộc tội” nhưng phải làm như Chúa, nghĩa là để cứu rỗi toàn thể nhân loại (Ac 3: 13; 18; 4: 27 vv…) chứ không đề linh mục có dịp “ra oai” hoặc lớn tiếng la mắng giáo dân khi người này còn đang quì gối trong tòa giải tội…

Mời xem:
Lumen gentium, đoạn 10 – 11, std. trang 28-29
Mt 16: 24, Mt 20: 22; 26: 27; 10: 17
Lc 9: 60; 10: 1-16
Ph 2: 17; 4: 18
Rm 12: 1
Héb. 5: 15
Apoc. 1: 6; 5: 9-10
Act. 2: 42-47
Rom.12: 1
1 Pierre 3: 15
Jacques 5: 14-16
Rom. 8: 17
Col. 1:24 2 Tim. 2: 11-12
1Pierre 4: 13
Eph. 5: 32
Vân vân…

Như vậy, trong Cựu Ước và nhất là trong Tân Ước, hàng giáo phẩm và giáo dân đều cộng tác, dựa vào nhau để sống đạo, rao giảng Tin Mừng và ban bí tích. Mời coi Lumen gentium, đoạn 10, câu 4 std. trang 29, đoạn 11- câu 1; đoạn 12 câu 1-3. Nói cách khác, đạo của giáo phẩm và đạo của giáo dân đều duy nhất như nhau vì cùng có nguồn gốc từ Thiên Chúa, từ Chúa Giêsu, nhưng về mặt hành chánh, về tổ chức thì trách nhiệm và quyền hành có khác nhau, vì Hội Thánh cũng là một tổ chức trần gian. Lý thuyết đó được dựa trên những văn kiện, công đồng, Kinh Thánh, vì thế ta thấy dễ chấp nhận sự ủy quyền đó.

Nhưng, nếu dựa trên thực tế, dựa trên lịch sử Giáo Hội ở nhiều nước Âu-Mỹ… thì nhiều khi hàng giáo phẩm phạm sai lầm khi lạm dụng quyền “buộc tội” trong việc “cai trị” Dân Chúa vì không biết dựa vào giáo dân, nghe giáo dân… Ví dụ: vụ Ga-li-lê, vụ Copernic bị Giáo Hội lên án năm 1663. Mãi đến năm 1992 Giáo Hội mới thấy mình sai và phục hồi danh dự cho các nhà khoa học đó.

Ngày nay, ở VN, đôi khi vẫn còn trường hợp linh mục thiếu lương tâm, lạm dụng quá đáng “quyền buộc tội” mà Giáo hội đã trao cho mình để la mắng giáo dân, bắt chẹt giáo dân, và đôi khi còn để che giấu bớt tội lỗi của mình nữa…

Như thế làm sao giáo dân còn tin tưởng thương yêu, che chở, nâng đỡ cho linh mục ?

Vậy giáo dân giúp linh mục được gì?

Trước hết, giáo dân giúp linh mục về tiền xin lễ, tiền đóng góp. Điều đó quá hiển nhiên, ai cũng biết, và linh mục xứng đáng nhận tiền đó, Nhưng giáo dân còn giúp linh mục được một điều rất đáng kể nữa, đó là: tư vấn cho linh mục.

Thật vậy, ngoài nhiệm vụ là lá chắn che chở cho các linh mục khỏi “tà ma” “quỉ dữ” luôn tìm mọi cách hãm hại linh mục, giáo dân còn có vai trò chiến lược là TƯ VẤN CHO LINH MỤC. Điều đó hợp với sự khôn ngoan tự nhiên và siêu nhiên vì, nếu hơn ai hết, linh mục cần tự vấn lương tâm mình hàng ngày trước Lời Chúa, thì linh mục cũng cần được tư vấn cả trong lãnh vực “cai trị” Dân Chúa nữa. Tự vấn cách nghiêm túc và được tư vấn cách khôn ngoan là yêu cầu không thể thiếu của linh mục, “Người tôi tớ Yahvê”. Trong xứ đạo, cần lập ra Ban tư vấn cho cha sở, cha phó, nên để giáo dân trong giáo xứ đề nghị hay bầu ra và được cha sở, cha phó chấp thuận. Như thế mới đem lại nhiều lợi ích khách quan cho cha sở, cha phó.

Điều này rất hợp với Công Đồng Vatican II. Mời xem: décret sur la formation des prêtres, mục số 10, std. trang 458.

Và hợp với tình hình thực tế của Giáo hội VN. vì ngày nay có nhiều giáo dân rất tiến bộ. Vì thế việc giáo dân làm điểm tựa tư vấn cho linh mục chính-phó xứ là rất có lợi. Nếu linh mục lấy giáo dân làm điểm tựa hợp lý thì có lợi cho cả giáo xứ và Giáo hội.

Ở xứ đạo B. Sàigòn 3, cha sở đã cầu nguyện, suy nghĩ, tham khảo nhiều ý kiến và đã thành lập được Ban tư vấn mục vụ của giáo xứ. Từ đó Cha sở và Ban tư vấn đã chung sức nâng cao đời sống đạo của giáo xứ một cách rõ rệt, như kêu gọi mọi người trong xứ đóng góp để xây dựng nhà giáo lý.. Cha đã xung phong đóng góp 100 triệu đồng là số tiền gia đình vừa cho cha, và cha còn đóng góp thêm nhiều đợt cùng với giáo dân nữa. Sổ thu chi rất minh bạch nên giáo dân rất phấn khởi chung tay đóng góp. Vì thế, xứ đạo đó đã xây dựng được không phải một nhà giáo lý mà là một dãy nhà đẹp đẽ khang trang để tổ chức nhiều sinh hoạt cho giáo xứ. Lòng quảng đại hy sinh của cha sở như men làm dậy bột để xứ đạo đó thành công ngoài sự mong đợi. Như thế, cha đã tin vào giáo dân và lấy giáo dân làm gốc, làm điểm tựa, làm mục đích phát triển đời sống đạo cho toàn giáo xứ.

Một hình thức khác của việc lấy giáo dân làm gốc, làm điểm tựa, đó là cha sở đi đến nhà thăm giáo dân, tham khảo ý kiến giáo dân. Phương pháp này cũng rất hữu hiệu. Tôi từng chứng kiến một cha sở ở vùng cao, thường khi ăn bữa tối xong là cha khoác áo, chống gậy đi thăm nhà giáo dân. Từ đó, cha nắm được hết những khó khăn vật chất, tinh thần cũng như tiềm năng của giáo dân. Cha đã kêu gọi được những giáo dân có kinh nghiệm, có lòng quảng đại hy sinh cùng cha tổ chức những lớp học giáo lý thần học, và phát triển kinh tế cho giáo xứ, sửa sang nhà thờ đẹp đẽ khang trang, nhà giáo lý, mở công ty, mở nhà nội trú cho học sinh nghèo. Vì thế, xứ đạo ngày càng tin tưởng cha, sống đạo trong tin yêu, đoàn kết, và xứ đạo không ngừng phát triển cả về đạo lẫn về đời.

Nói tóm lại, để trở thành linh mục hữu ích cho giáo hội công giáo VN ngày nay, linh mục phải thấm nhuần một nền thần học mục vụ dấn thân (Théologie pastorale engagée…), tiến bộ và mang đậm nét văn hóa Việt. Như thế, trong bài giảng, linh mục mới chỉ ra được cho giáo dân thấy cái cốt yếu của Mặc khải: Thiên Chúa là Tình Yêu thay vì chỉ nêu ra nguyên lý đạo đức học như vẫn thường làm; ngoài ra linh mục còn phải được đào tạo kỹ về hai môn học: môn Giáo dân học và môn lịch sử công giáo VN, để ý thức được vai trò, trách nhiệm, khả năng của giáo dân trong việc đóng góp công sức, tài năng, điểm tựa cho linh mục, cho giáo xứ và giáo hội.

Nói cách khác, giáo dân xứng đáng là điểm tựa cho linh mục, vì giáo dân, trên thực tế, có “trăm mắt, trăm tai, trăm tay”, dám nói, dám làm, rất tiến bộ, và nhất là không ngừng biết tự tu luyện, học hỏi về giáo lý thần học, thường xuyên tiếp xúc, tham khảo kinh nghiệm sống đạo trên toàn cầu…trong khi đó một số linh mục ngày nay thiếu căn bản về nhiều mặt, nhất là về giá trị nhân văn, về thần học mới, về kinh nghiệm lấy giáo dân làm điểm tựa, nên đã gây ra nhiều điều đáng tiếc, vv…Mời xem thư của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô 16 gửi các linh mục trong ngày khai trương năm linh mục, Vatican ngày 16/6/2009, trong đó có câu: “Bất hạnh thay, cũng tồn tại những hoàn cảnh, không bao giờ lấy làm tiếc đủ, mà chính Giáo hội phải chịu vì sự bất trung của một số thừa tác viên của mình. Và đối với thế giới, đó là một cái cớ gương mù và khước từ, …vân vân…”(Võ xuân Tiến chuyển ngữ).

Đó là chưa kể những linh mục “làm công” (Gioan 10:1-16), những linh mục “tiên tri giả” (Mat.7:15-20; Giê-rê-mi 23:11-15), những linh mục “chăn chiên giả” (Giê-rê-mi 23:1-6) vẫn đôi khi còn xuất hiện đây đó trên đời thường, trên Internet….

“Trăm mắt, trăm tay, trăm tai” của giáo dân sẽ giúp linh mục tự làm chủ được đời mình một cách hữu hiệu hơn trước những thách thức, khủng hoàng về đức tin, đức ái, đức cậy…

Đôi lời kết luận

Để kết luận bài này, tôi thấy rằng nếu hàng giáo phẩm VN. không đi sâu đi sát với giáo dân, không lấy giáo dân làm gốc, làm điểm tựa thì e rằng sau này giáo dân cũng sẽ xa rời hàng giáo phẩm và chỉ còn sống đạo “vật vờ” như đa số giáo dân ở châu Âu, châu Mỹ hiện nay. Họ sẽ bỏ Nhà thờ, bỏ các linh mục. Họ vẫn còn tin vào Sứ điệp Tình Yêu của Chúa Giê-su, nhưng không còn tin vào những giáo huấn của giáo hội nữa. Họ cho rằng nhiều giáo huấn đã lỗi thời, lạc hậu, phản tiến bộ mà giáo hội không chịu sửa đổi lại. Vì thế, họ cũng không tin vào hàng giáo phẩm nữa và lúc đó thì hàng giáo phẩm cũng sẽ lao đao.

Một nguyên nhân khác khiến giáo dân sẽ bỏ nhà thờ là: Như chúng ta đều biết, từ xưa đến nay, từ thời Cựu ước đến thời Tân ước và cho đến cuối thế kỷ 20, nguyên nhân đầu tiên làm cho giáo dân, không kể những trẻ em, theo đạo là vì muốn tìm được cơ hội để thỏa mãn một nhu cầu vật chất, tinh thần hay tâm linh nào đó, ví dụ nhu cầu được hạnh phúc. Họ theo đạo, giữ những điều răn của đạo là để được hạnh phúc. Họ được linh mục cho biết rằng hạnh phúc đó là hạnh phúc ở đời sau, tức là thiên đàng. Và họ tin như vậy. Họ ráng chịu mọi sự đau khổ đời này để được lên thiên đàng ở đời sau. Nhưng từ nhũng thập niên cuối thế kỷ 20, ở những nước phát triển như Pháp, Mỹ, đa số người dân không còn tin ở hạnh phúc đời sau nữa, vì họ lý luận như thế này: nguyên nhân của sự đau khổ là vì có ý niệm về sự hạnh phúc đời sau. Theo họ, hạnh phúc là ngay bây giờ, chứ không có ở đời sau. Hạnh phúc là niềm vui sống chan hòa trong vũ trụ, là sự hưởng thụ một đời sống an bình, phát triển, là ước gì được nấy
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:46 04/08/2009
SỰ SỐNG CỦA CÂY CỎ NHỎ

N2T


Mùa xuân này, cỏ nhỏ mọc đầy cả một đồng bằng rộng lớn, một vùng phơi phới đi lên.

Thần vận mệnh ngạc nhiên nói:

- “Tụi bây không phải đã chết hết rồi hay sao?”

Cỏ nhỏ trả lời:

- “Ông bóp nghẹt được sinh mệnh, nhưng không bóp nghẹt được sức sống”.

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Ba trăm năm đạo Chúa bị bách hại ở Rô-ma, tưởng chừng như… tuyệt chủng, thế nhưng trong âm thầm nó vẫn lớn mạnh, đến khi được tự do giữ đạo, thì đã trở thành cây cổ thụ lớn.

Giáo Hội Việt Nam cũng đã điêu đứng dưới thời các vua chúa, các quan quyền ngoại đạo đã hớn hở vui mừng, vì đã tiêu diệt được đạo “Gia-tô”, nhưng khi cơn bách hại qua đi, thì hạt giống đức tin đã tràn lan khắp nước…

Thế gian và ma quỷ có thể cướp mất mạng sống của chúng ta, nhưng sức sống thì thế gian ma quỷ không làm gì được, càng giết thì càng sống, càng cấm càng bành trướng, bởi chính Thiên Chúa là nguồn sống, mà có loại thụ tạo nào có thể giết được Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình chứ ?

Không ai có thể giết được Thiên Chúa, nhưng thế gian ma quỷ có thể giết Thiên Chúa trong tâm hồn của chúng ta, nghĩa là chúng nó dùng những cám dỗ đam mê xác thịt, tiền tài danh vọng chức quyền và những hưởng thụ…

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:47 04/08/2009
N2T


16. Con người ta nếu ham thích người khác khen ngợi, vì sợ người ta khinh mạn, thì dù cho tu sửa đức hạnh nào thì sửa cũng không thành, bởi vì đức hạnh của họ giống như nhà lầu không có nền móng, sông không có nguồn nước; sông không có nguồn nước thì lâu ngày sẽ khô cạn, nhà lầu không có nền móng thì lâu ngày sẽ sập đổ, có đức hạnh mà thiếu khiêm tốn thì đều như thế cả.

(Thánh Thomas Aquinas).
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:49 04/08/2009
N2T


188. Một tinh thần khỏe mạnh thì đem vui vẻ ký thác vào công việc, đó không phải là bí quyết lâu dài bảo vệ tuổi thanh xuân sao ?

 
Ôi đường xa quá
LM. An Phong Trần Đức Phương
23:53 04/08/2009
ÔI ĐƯỜNG XA QUÁ

(CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B)

Bài Đọc Chúa Nhật này (Sách 1 Các Vua 19:4-8) nói đến Tiên Tri Êli. Tiên Tri Êli là một tiên tri danh tiếng sống trong đời vua Ahab. Ông đã phải chiến đấu quyết liệt chống lại nhà vua và Jezabel, vợ ngoại giáo của vua, để duy trì niềm tin tinh tuyền của Dân Chúa thời Cựu Ước, bài trừ việc thờ ngẫu tượng Baal. Ông bị Jezebel căm thù sau vụ xung đột trên núi Carmel (Sách 1 Các Vua 18: 16-40) và bị đe dọa giết chết, nên ông đã phải trốn đi. Trong cuộc hành trình dài và đầy gian khổ để tiến lên Núi Horeb, ông cảm thấy quá mệt mỏi và chán nản, ông đã thưa với Chúa: “Ôi, đường xa quá, Horeb cao, con hết hơi; ôi Chúa ơi, con thật hết hơi rồi; con tìm đâu lương nước; thân này xin Chúa cho về cõi sau yên hàn, Chúa ơi!” Và, Chúa đã cho thiên thần đưa lương thực cho ông, đánh thức ông dậy để ăn và tiếp tục cuộc hành trình dài và gian khổ: “Êli đừng than nữa; sao không cậy vào Chúa; tuy đường còn xa, non còn cao cứ nhanh chân. Êli, này lương nước, Êli nào mau bước, kết hiệp cùng Cha chắc đời con sẽ an vui…” Với lương thực Chúa ban, Êli đã lấy lại được niềm tin và sức mạnh, và thưa lên cùng Chúa: “Nay con được cùng Cha…, hiệp nhất cùng Thiên Chúa …, nguồn sống con vươn lên…, cuộc sống con an vui…” (Theo bản Thánh Ca “Ôi Đường Xa Qúa”). Êli đã đi 40 ngày đêm để đến núi Chúa chỉ là Núi Horeb (Xin xem thêm Sách 1Các Vua, chương 18 và 19).

Cuộc hành trình gian khổ của Êli để tiến lên Núi Thánh của thiên Chúa, cũng như cuộc hành trình gian nan của người Do Thái vượt qua sa mạc Sinai khô cằn để tiến về Đất Hứa, là những hình ảnh của cuộc hành trình đức tin khổ cực của mỗi tín hữu chúng ta. Trong cuộc hành trình đức tin này, chúng ta phải vượt qua bao thử thách, bao gian nan và bao cám dỗ của “thế gian và xác thịt”; nhiều khi chúng ta cảm thấy rất chán nản, thất vọng, đức tin bị lung lay, rồi chúng ta than vãn với Chúa. Nhưng Chúa bảo chúng ta “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho anh em…” (Matthêu 11: 28).

Trong Bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 6: 41-51), Chúa cũng đem lại niềm an ủi, nâng đỡ đức tin của chúng ta khi Chúa bảo chúng ta “Ta là Bánh ban sự sống … Ai ăn Bánh này sẽ được sống đời đời…” Chúa đem lương thực cho linh hồn chúng ta là chính Mình và Máu Thánh Chúa. Khi chúng ta biết sống phó thác, sống kết hợp với Chúa, đến với Chúa, và ăn uống lương thực Chúa ban, chúng ta sẽ lấy lại được sức mạnh, niềm vui, “nguồn sống thiêng liêng của chúng ta sẽ vươn lên”, và chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình gian khổ để tiến lên Núi Thánh Chúa, là Đất Hứa, là quê hương Nước Trời, cũng là quê hương thật của chúng ta.”

Trong cuộc hành trình sa mạc đời sống, chúng ta không đơn độc, nhưng có Giáo Hội, có Cộng Đồng Đức Tin, có các tín hữu cùng đi chung với chúng ta để cùng nâng đỡ nhau, an ủi lẫn nhau, chúng ta sẽ không chán nản, thối chí, bỏ cuộc; miễn là theo lời chỉ bảo của Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay (Êphêsô 4:30 – 5:2): “Đừng sống phản nghịch với ơn Chúa Thánh Thần… Tránh thù hận, ghen ghét; tránh mọi hình thức gian ác… Ngược lại, hãy sống hiền hòa với mọi người, thương xót và tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em…”

Chúng ta hãy cùng hiệp lời cầu nguyện chung, xin Chúa thương xót tha thứ mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của chúng ta, an ủi, nâng đỡ chúng ta; xin Thiên Chúa đặc biệt an ủi, nâng đỡ những người anh em chúng ta trên khắp thế gíới, đang gặp thử thách, đau khổ, chán nản trong cuộc sống. Cũng xin tiếp tục cầu nguyện cho các Linh mục trong “Năm Linh Mục” này. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các thánh chuyển cầu cho chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hiệp Hội Trẻ Em Công Giáo đã tuyến bố sẽ ngưng việc trao trẻ em cho cha mẹ nuôi vì có đạo luật mới đòi hỏi phải ngưng việc kỳ thị đối với các cặp đồng tính luyến ái.
Bùi Hữu Thư
00:40 04/08/2009
UK News (CAN): Đạo luật năm 2007 về khuynh hướng tính dục khiến cho có sự phạm pháp nếu “một người kỳ thị một người khác trên phương diện khuynh hướng tính dục ".

Thay vì tuân theo đạo luật mới này và cho phép các cặp đồng tính ghi danh xin con nuôi, cơ quan này đã quyết định ngưng tổ chức việc trao con nuôi.

Tổ chức Công Giáo này cho hay không thể nào dung hòa giáo huấn của giáo hội về hôn nhân với các đạo luật chống kỳ thị.

Năm 2003 Vatican tuyên bố “hoàn toàn vô luân” khi sắp xếp cho trẻ em vào gia đình của các cặp đồng phái tính.

Một phát ngôn viên của Hiệp Hội Trẻ Em Công Giáo nói với Nhật Báo Daily Mail: “Chúng tôi rất tiếc phải làm như vậy nhưng thật sự chúng tôi đã bị đẩy vào vị thế này.”

Tuy nhiên, Hiệp hội này được thành lập 1859, đã cho hay sẽ tiếp tục yểm trợ các trường hợp con nuôi họ đã sắp xếp trong các năm gần đây.

Bà Ann Widdecombe, mới đây đựợc đề cử để trở thành Chủ Tịch Hạ Viện Anh Quốc, mô tả các đạo luật về khuynh hướng tính dục là “vô lý,” bà nói hành động của Hiệp Hội Trẻ Em Công Giáo, “là một dấu hiệu về Nước Anh chúng ta đang sống. Nếu bạn không chịu tuân theo những cải cách mới thì tốt hơn là nên sang bên Nga Sô mà sinh sống.”

Tất cả mọi cơ quan sắp xếp việc trao con nuôi phải tuân theo đạo luật về khuynh hướng tính dục kể từ tháng Giêng 2009.
 
CD có tiếng hát và lời kinh của Đức giáo hoàng sẽ phát hành tháng 11 năm nay
Phụng Nghi
18:31 04/08/2009
VATICAN CITY (CNS) - Benedict XVI, vị giáo hoàng yêu thích âm nhạc, sẽ xuất hiện trên một CD mới, với giọng hát, tiếng đọc thánh thi kính Đức Mẹ Maria và những lời kinh nguyện.

Cuốn CD mang nhan đề “Alma Mater”, tiếng La tinh có nghĩa là “Người Mẹ bảo dưỡng”, sẽ được Geffen Records phát hành khắp thế giới ngày 30 tháng 11 sắp tới. Hãng Geffen Records thuộc Universal Music Group (Nhóm Âm nhạc Toàn cầu).

Sử dụng tài liệu do Đài Phát thanh Vatican thâu âm trước đây, cuốn album này sẽ trình bầy tiếng hát của Đức giáo hoàng Benedict với bài “Regina Coeli“ (Lạy Nữ vương Thiên đàng), một thánh thi ca tụng Mẹ Maria. Ngoài ra còn có những lời kinh nguyện, những đoạn trích từ những bài ngài phát biểu bằng các ngôn ngữ Latinh, Ý, Bồ đào nha, Pháp và Đức, theo lời tuyên bố của hãng Geffen hôm 31 tháng 7 vừa qua.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh và cũng là giám đốc Đài Phát thanh Vatican, nói rằng đài cho phép sử dụng trong dự án này khoảng 10 phút những đoạn ghi âm tiếng nói của Đức giáo hoàng. Dự án được phát triển do hãng Geffen và do công ty sản xuất truyền thông đa hệ của các cha Dòng Thánh Phaolô.

Hãng Geffen cho biết lợi nhuận do việc bán cuốn CD này sẽ được dùng để đào tạo về âm nhạc cho các trẻ em kém may mắn trên khắp thế giới.

Cuốn CD cũng có bản Kinh Cầu Loreto, các kinh nguyện khác kính Đức Mẹ cùng 8 bản nhạc cổ điển được trình tấu dành riêng cho dự án này.

Hãng Geffen nói những phần riêng của Đức giáo hoàng sẽ được phụ họa do ban hợp xướng thuộc Học viện Philharmonic ở Roma, trình diễn trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Các nhạc phẩm cổ điển sẽ do Dàn nhạc Đại hòa tấu Hoàng gia trình diễn và thâu âm.

Benedict XVI không phải là vị giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên một cuốn album âm nhạc. Năm 1994, Đài Phát thanh Vatican đã cho phép phổ biến một cuốn CD trong đó có tiếng đọc kinh lần hạt Mân côi của Đức giáo hoàng Gioan Phaoalô II, kèm theo lời dẫn giải và bình luận bằng nhiều ngôn ngữ và cuốn CD đó đã bán rất chạy ngay khi mới phát hành.

Đức giáo hoàng Benedict không bình luận gì về dự án làm cuốn CD này, nhưng sau buổi hoà nhạc ngày 2 tháng 8 tại sân biệt điện giáo hoàng tại Castel Gandolfo, ngài đã nói rằng âm nhạc là một ngôn ngữ phổ quát.

Hôm đó ngài đã xin lỗi khán giả người Ý khi phát biểu bằng tiếng Đức, ngài làm thế vì ban nhạc và nhiều khách mời là người nước Đức.

Đức giáo hoàng nói: “Thật chẳng may là, sau biến cố Tháp Babel, ngôn ngữ đã chia cách chúng ta, tạo ra những hàng rào cản.”

Nhưng, ngài nói, người dân thuộc mọi ngôn ngữ có thể hiểu được tiếng nói của âm nhạc “bởi vì tiếng nói đó đánh động được trái tim. Đối với chúng ta, đó không phải chỉ là một đảm bảo rằng sự thiện hảo và vẻ tốt đẹp của những gì do Thiên Chúa tạo dựng đã không bị hủy diệt đi, mà cũng còn nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi và có khả năng cộng tác với nhau để thực hiện những gì thiện hảo và tốt đẹp.”

Đức giáo hoàng Benedict cũng xin lỗi vì buổi trình diễn của Dàn nhạc Thính phòng Bayerisches là buổi đầu tiên ngài không thể “nồng nhiệt hoan hô được.”

Với cổ tay phải bị gẫy phải bó bột, Đức giáo hoàng nói rằng ngài phải để cho lời nói biểu tỏ sự hoan nghênh của ngài thay cho hành động vỗ tay tán thưởng.
 
Đức Thánh Cha than phiền về việc giết hại các Kitô hữu tại Pakistan
Bùi Hữu Thư
20:52 04/08/2009
VATICAN CITY (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI than phiền về việc một nhóm Hồi Giáo bạo động giết hại 8 Kitô hữu tại Pakistan và khuyến khích cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé không nên quá e ngại về vụ tấn công này.

Các Kitô hữu trong đó có bốn phụ nữ và một trẻ em bị bắn chết hay bị thiêu sống ngày 1 tháng 8 khi một đám đông tấn công thành phố Gojra phía đông Pakistan, phóng hoả đốt hàng chục căn nhà của Kitô hữu. Chính quyền cho hay có nhiều căng thẳng trầm trọng trong vùng, do tin đồn thất thiệt là một cuốn Kinh Thánh Coran của Hồi Giáo đã bị phóng uế.

Một điện tín được gửi đi trên danh nghiã Đức Thánh Cha nói ngài “hết sức đau buồn khi biết tin về vụ tấn công cộng đồng Kitô giáo.” Ghi nhận “cái chết bi thảm” và sự tàn phá dữ dội tại khu vực, ngài đã gửi lời phân ưu đến các gia đình nạn nhân và bầy tỏ lòng cảm thương và hiệp thông với các người sống sót.

Điện tín nói, "Nhân Danh Thiên Chúa, ngài kêu gọi tất cả mọi người hãy từ bỏ đường lối bạo tàn, đang gây nên bao nhiêu khổ đau, và hãy ôm ấp lấy đường lối hòa bình.”

Điện tín được gửi cho Đức Giám mục Joseph Coutts ở Faisalabad, yêu cầu giám mục “khuyên khích tất cả cộng đồng giáo phận, và tất cả các Kitô hữu tại Pakistan, không nên qúa e ngại trong nỗ lực xây dựng một xã hội trong đó có sự tin tưởng mạnh mẽ vào các giá trị tôn giáo và nhân bản, và được đánh dấu bằng một sự tôn kính lẫn nhau giữa tất cả mọi thành viên."

Pakistan đã bị rối loạn bởi các căng thẳng chính trị và xã hội, kể cả các cố gắng của nhóm qúa khích Hồi Giáo muốn áp dụng một hình thức Hồi giáo khắc nghiệt. Một số các vụ tấn công đã xẩy ra trong những năm gần đây, khiến cho các lãnh tụ Công Giáo phải kêu gọi việc tu chính Hiến Pháp để bảo vệ các tôn giáo thiểu số.

Các vụ bạo động xẩy ra sau nhiều ngày căng thẳng trong khu vực Gojra khi có tin đồn thất thiệt bị nhóm Hồi Giáo quá khích loan truyền là một cuốn kinh Coran bị phóng uế. Các giới chức chính quyền Pakistan nói họ đã giải trừ được tin đồn, nhưng “các phần tử chống chính phủ” vẫn tiếp tục nuôi dưỡng các tranh chấp.

Các trường học do giáo hội quản trị, đã được dự trù mở cửa ngày 3 tháng 8 tại vài thị trấn, đã đóng cửa ba ngày để khóc thương những người thiệt mạng. Trong khi đó chính phủ kêu gọi mọi người bình tĩnh và tuyên bố điều tra vụ tấn công.

Các lãnh đạo Công Giáo đã nói một yếu tố quan trọng nhất trong việc căng thẳng tôn giáo là việc lạm dụng đạo luật phạm thượng của Pakistan; đạo luật này trừng phạt rất nặng những vi phạm chỉ được ấn định một cách mơ hồ đối với tiên tri Mohammed hay kinh Quran. Vào tháng 6, Ủy Ban Quốc Gia về Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan đã nói sự lạm dụng các đạo luật phạm thượng đã đưa đến việc phá hủy nhiều nơi thờ phượng và các cơ sở của các tôn giáo thiểu số.

Có khoảng 95 phần trăm trong số 160 triệu người Pakistan là người Hồi giáo. Con số Kitô hữu ít hơn 2 phần trăm.
 
Một em bé Công Giáo yếu ớt, bệnh tật đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công Giáo.
Lưu Hiền Đức
23:47 04/08/2009
Một em bé Công Giáo yếu ớt, bệnh tật đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công Giáo.

(Theo CNA). Đời sống ngắn ngủi của một bé gái đạo Công giáo ở Seattle đã làm nhiều người Công Giáo ở Mỹ ăn năn hối cải. Tấm gương yêu thương và thánh thiện của bé gái bị chết vì bệnh ung thư thậm chí đã làm nhiều người theo đạo Công Giáo và nảy sinh ý tưởng thành lập một tổ chức nhằm giúp đỡ những gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo.

Em Gloria sinh năm 1996 và cũng là một bé gái bình thường như bao em bé khác. Em vui chơi với 6 anh chị em và bạn bè, hái hoa, xem chương trình “American Idol”. Em Gloria có một lòng sùng kính đặc biệt Chuỗi Mân Côi và luôn làm cho mọi người hạnh phúc khi có dịp nói chuyện với em. Tuy nhiên, không ai có thể biết được em đã làm cho bao nhiêu người cảm động.

Cha của em, ông Doug Strauss kể lại rằng vào một ngày năm 2003, lúc Gloria được 7 tuổi, em bị một trái banh va trúng mặt và gây mù một mắt. Sau một cuộc tiểu phẫu, mắt em đã từ từ hồi phục, nhưng bác sĩ chẩn đoán có một khối u kỳ lạ trong mắt em. Bác sĩ tiên đoán đó là ung thư và em chỉ có thể sống từ 3 tháng đến 3 năm mà thôi. Sau đó em bắt đầu được điều trị bằng xạ trị (chemotherapy). Cha của em nói gia đình rất đau buồn nhưng vẫn luôn hy vọng vào Thiên Chúa. Lúc đó ông Strauss đang là huấn luyện viên bóng chày và quen với nhà báo Jerry Brewer của Seattle Times. Anh Brewer đã viết một bài báo về tình trạng gia đình ông Strauss. Tuy nhiên, bài báo này đã thu hút người đọc mạnh mẽ đến nỗi báo Seattle Times đã kéo dài thành những mục phỏng vấn dài 5 tháng nhằm gia đình Strauss có thể chia sẻ với độc giả về niềm tin và sự cậy trông vào Chúa với những ai sống ở vùng Seattle và Hoa Kỳ.

Khi tình trạng của bé Gloria trở nên xấu đi vào năm 2007, gia đình đã mời mọi người đến nhà để cùng cầu nguyện cho em. Trong vòng 3 tuần, đã có 50 tới 60 người đền cầu nguyện, lần hạt và hát tại nhà của em. Sau đó, vì quá nhiều người đến cầu nguyện, 5 gia đình khác trong khu phố của em đã dùng nhà của mình để mọi người đến cầu nguyện.

Sau 7 lần xạ trị, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp tế bào gốc để chữa trị cho em. Khi đó ông Strauss biết rằng Gloria đã đến thời kỳ cuối của căn bệnh, ông thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con, con không hiểu”. Rồi ông nghe văng vẳng 1 giọng nói: “giá trị của cuộc sống”. Ông ta hoang mang, nhưng khi đến gần Gloria và hỏi em xem em có thấy giá trị của cuộc sống không. Ông không mong em sẽ hiểu câu hỏi như thế, nhưng thật bất ngờ em trả lời “Dạ có”. Em vui mừng nói thêm rằng vì em bệnh mà đã làm cho rất rất nhiều người bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa.

Ông Strauss giải thích rằng Gloria đã có được một món quà vô giá. Em đã kéo rất nhiều người đến với Chúa Kitô qua bệnh tật của em. Ông nói Gloria đã dạy cho tất cả chúng ta cách vác thánh giá. Món quà mà Gloria cho chúng ta là gương sống phó thác và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua việc liên tục cầu nguyện.

Ông nhớ lại nhiều người hỏi em xem em có muốn Cha đến cử hành thánh lễ cầu nguyện cho căn bệnh của em không? Có người lại hỏi em xem em có muốn khoảng 50 người đến cùng lần hạt với em không? Em đều trả lại “Dạ muốn.” Ông nói thêm, Gloria luôn làm dấu thánh giá mỗi khi được tiêm thuốc. Các bác sĩ thường phải đứng đợi cho em làm dấu thánh giá và cầu nguyện và tất cả bác sĩ đều rất xúc động khi xem thấy em làm dấu thánh giá.

Rất nhiều người nói rằng Gloria nhận biết được mình có khả năng kéo mọi người đến với Chúa thông qua căn bệnh ung thư của mình. Nhiều người từ đủ mọi tôn giáo, Bà la môn, Phật Giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, đã đọc các bài viết về Gloria trên Seattle Times trong suốt 5 tháng và cùng viết để chia sẻ cảm xúc của mình về Gloria trên báo, chia sẻ Gloria đã thay đổi cuộc sống của người đọc như thế nào. Ông Strauss nói thêm, mọi người đều biết gia đình tôi là người Công Giáo và tất cả họ bất kể tôn giáo nào đều cùng cầu nguyện cho Gloria.

Ông Strauss kể rằng có một người mù đã viết thư nói rằng ông ta đã đọc kinh lần hạt cho Gloria và muốn gặp em. Kỳ lạ thay, khi Gloria bước vào phòng, ông này đã thấy em mặc áo màu trắng, tuy nhiên, sau khi Gloria rời khỏi phòng, mắt ông đã mù trở lại.

Mọi người vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Gloria, bệnh ung thư của em lan mạnh, và em đã chết vào ngày 21 tháng 9 năm 2007. Sau khi Gloria qua đời, gia đình đã nhận thấy rằng Gloria đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng xung quanh. Mọi người đã đến để nhìn xác em trước và sau khi lần chuỗi. Đã có một người đạo Lutheran tham dự nghi thức chầu Thánh Thể tại nhà thờ Công giáo cũng đã đến thăm em và nói rằng ông ta muốn “gặp Thánh nhân bằng xương bằng thịt”. Có hơn 3200 người đến tham dự đám tang của Gloria và đã kể cho gia đình em rằng cuộc sống của Gloria đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào.

Một người đàn ông từ tiểu bang Virginia đã đọc về Gloria và nói rằng ông ta cảm thấy đau đớn như có ai đập một cây gỗ vào đầu mình. Ông ta là người nghiện rượu nhưng đã từ bỏ hoàn toàn sau khi đọc chuyện về căn bệnh của em và đức tin vững mạnh của em.

Gia đình Strausses không những có đầy đủ tên của những người đã vì Gloria mà từ bỏ nghiện ngập mà còn biết ít nhất mười người đã gia nhập đạo Công Giáo sau khi nghe biết về câu chuyện của Gloria, và vẫn còn nhiều người tiếp tục gia nhập đạo Công Giáo. Theo báo Catholic Northwest Progress, một gia đình giáo phái Presbyterian đã trở lại đạo Công Giáo sau khi Gloria tham dự trại dành cho các trẻ em đau bệnh. Một trong những người thiện nguyện, bà Brinn Funai, đã vẫn tiếp tục liên lạc với bà Kristen Strauss, mẹ của Gloria, nói rằng bà đã để ý đến đạo Công Giáo từ lâu, nhưng sau khi gặp mẹ Gloria và gia đình Strausses, bà đã quyết định gia nhập đạo Công Giáo vào dịp lễ Phục Sinh 2008. Gloria đã không những đánh động rất nhiều tâm hồn nhưng em còn đánh động cả một tổ chức mang tên “Gloria’s Angels” (Những thiên thần nhỏ Gloria)

Vào lúc sức khỏe Gloria tiếp tục giảm sút, vị cố vấn tinh thần của gia đình đã nói với ông Bob Turner, một doanh nhân ở Seattle, về việc trợ giúp gia đình Gloria. Ông Turner đã nói: Hoặc là Gloria sẽ lành bệnh một cách kỳ lạ hoặc là em sẽ qua đời. Trong bất cứ trường hợp nào thì gia đình em đều mang sứ mệnh phục vụ. Ông Turner và gia đình Gloria đã quyết định rằng để làm tròn sứ mệnh của Gloria, cách tốt nhất là phục vụ các gia đình có người bệnh hiểm nghèo. Và tổ chức Gloria’s Angels đã ra đời. Tổ chức này chủ trương xoa diệu những nỗi đau về tinh thần và thể xác những gia đình có người mang căn bệnh hiểm nghèo như Gloria.

Lưu Hiền Đức (lược dịch từ Catholic News Agency
 
Top Stories
Vietnamo katalikai protestuoja prieš antikrikščioniškus išpuolius šalyje (tiếng Litau)
Bernardinai
18:19 04/08/2009
2009-07-29 - Sekmadienį Vietname per kelis užpuolimus buvo sunkiai sužeisti keli tikintieji, tarp jų du kunigai, moteris ir jos devynerių metų vaikas. Vienas iš kunigų, užpuolėjų išmestas iš ligoninės antrojo aukšto, komos būsenoje, praneša žinių agentūra „Asianews“.

Sekmadienio rytą kun. Paulius Nguyen buvo pakeliui į Tam Toa bažnyčią aukoti Mišių, kuriomis buvo norėta pradėti Vietnamo tikinčiųjų mitingą prieš kelių parapijiečių užpuolimus. Tačiau pamatęs, kad keli asmenys užpuolė tris moteris, kunigas bandė jas gelbėti. Tada užpuolėjai, atpažinę kunigą, nusigręžė nuo moterų ir pradėjo jį mušti. Pasak kun. Pauliaus Nguyen, įvykio vietoje buvo apie trisdešimt uniformuotų policininkų, kurie visai nekreipė dėmesio į tai, kad buvo žiauriai mušamas.

Katalikų žinių agentūra „Asianews“ pažymi, kad per užpuolimą kunigui buvo sulaužyti keli šonkauliai ir sužalotas veidas. Išlaisvintas įsikišusios grupės tikinčiųjų kunigas buvo nugabentas į Dong Hoi ligoninę. Po šio įvykio užpuolėjai apsupo ligoninę. Tuo metu Vinh vyskupijos, esančios už 300 km į pietus nuo sostinės Hanojaus, kurija paprašė kaimyninės Ha Loi parapijos klebono kun. Petro aplankyti ligoninėje nukentėjusį kunigą Paulių. Tačiau ligoninėje ir kun. Petras buvo užpultas, brutaliai sumuštas, o paskui iš antrojo aukšto išmestas laukan. Dabar šio kunigo būklė yra labai kritiška, jis komos būsenoje.

Sekmadienį surengtame katalikų protesto mitinge iš viso dalyvavo 170 kunigų, 420 vienuolių ir apie penki šimtai tūkstančių katalikų iš Vihn vyskupijos ir kaimyninių diecezijų, iš viso iš 19 dekanatų.

(Source: http://www.bernardinai.lt/index.php?url=articles/97895)
 
Wietnam: katolicy walczą o kościół w Tam Toa (tiếng Ba Lan)
Katolicka Agencja
18:44 04/08/2009
2009-08-03 - W Wietnamie nie ustają masowe protesty przeciwko przemocy wobec katolików. Przedstawiciele wszystkich 178 parafii diecezji Vinh wyszli 2 sierpnia na ulice miasta Dong Hoi.

Domagali się zwrotu kościoła w Tam Toa, oddania prywatnej własności nielegalnie zagarniętej przez siły policyjne oraz zaprzestania kłamliwej akcji propagandowej w państwowych mediach, nastawionej na skłócenie katolików z wyznawcami innych religii. W pozostałych wietnamskich diecezjach zorganizowano solidarnościowe modlitwy z uczestnikami ulicznego protestu.

Konflikt dotyczy świątyni w odległej 300 km na południe od stołecznego Hanoi miejscowości Tam Toa. Po amerykańskich bombardowaniach z 1968 r. z kościoła zostały tylko fasada i wieża. Parafian nie stać było na odbudowę, jednak regularnie odprawiano tam nabożeństwa. W 1996 r. komuniści zamienili ruiny świątyni na pomnik, ,amerykańskich zbrodni wojennych", a teraz chcą w tym miejscu urządzić ośrodek turystyczny.

Dwa tygodnie temu, gdy katolicy ustawili tam krzyż i ołtarz, policja zaatakowała gazami łzawiącymi i pobiła setki osób. Wiele z nich zraniono. Do masowych protestów katolików doszło tydzień temu, a 27 lipca policja brutalnie pobiła dwóch księży. Napuszczane przez władze bandy młodzieżowe bezkarnie napadają na ludzi noszących widoczne symbole religijne.

Tymczasem emitowany wczoraj w państwowej telewizji reportaż z Tam Toa przedstawił katolików bardzo niekorzystnie. Wierni z Dong Hoi ostrzegają, że lokalne władze sieją nienawiść do katolików wśród wyznawców innych religii. Ludziom żyjącym w pobliżu świątyni wmawia się np., jakoby Kościół domagał się zwrotu nie tylko ruin, ale też gruntów, na których stoją ich domy.

Kościół robi co może, aby uspokoić wiernych. Jeśli jednak prześladowanie katolików nadal będzie tam podsycane, to rząd musi wziąć za to odpowiedzialność. Oświadczenie tej treści złożył kanclerz kurii diecezji Vinh ks. Anthony Pham Dinh Phung. Zaapelował on też o natychmiastowe uwolnienie przetrzymywanych w więzieniu katolików.

KATOLICKA AGENCJA INFORMACYJNA

(Source: http://wyborcza.pl/1,91446,6890418,Wietnam__katolicy_walcza_o_kosciol_w_Tam_Toa.html)
 
Miles protestan contra violencia y persecución anticatólica en Vietnam (tiếng Tây Ban Nha)
Aciprensa
21:34 04/08/2009
ROMA, 03 Ago. 09 - Miles de católicos marcharon en la diócesis vietnamita de Dinh, que cuenta con medio millón de fieles, para protestar contra los ataques físicos, la incautación de propiedades eclesiales, la difamación y la manipulación de los hechos en la prensa a favor del odio anticatólico en la región de Dong Hoi.

Los manifestantes denunciaron la violencia brutal del gobierno de Dong Hoi contra sacerdotes, religiosos y fieles. Católicos de 178 parroquias de Vinh marcharon mientras que en otras diócesis vietnamitas se guardó minutos de silencio para rezar por las víctimas de la policía y el gobierno.

Según informó el sacerdote Peter Nguyen Van Khai, los manifestantes expresaron "su indignación por los ataques a golpes y asaltos contra familias católicas por parte de matones del gobierno, y para transmitir un mensaje de ‘ya basta’ ante la fuente del problema, la mala gestión del gobierno".

"Un ejemplo típico lamentable es el caso de Peter Van Truong Mai, 48 años, y su esposa quienes fueron golpeados casi hasta morir, y todas sus propiedades, incluyendo los medios necesarios para ganarse la vida fueron confiscados sin mandato judicial", agregó el sacerdote.

"La situación podría quedar fuera de control si el gobierno local de Dong Hoi sigue usando matones contratados, y los jóvenes que atacan a los católicos no son sancionados, mientras los medios de comunicación estatales siguen difundiendo una imagen negativa de los católicos distorsionando la verdad, difamando la religión, y promoviendo el odio entre católicos y no católicos", agregó Emily Nguyen desde Vinh.

"La gente empieza a repetir consignas tales como ‘sangre derramada’ y ‘martirio’ en respuesta a los matones que en las calles gritan ‘mátenlos a todos’, ‘maten sus sacerdotes’. La situación es extremadamente volátil", advirtió.

En una declaración oficial, el sacerdote Anthony Pham Dinh Phung, secretario de la diócesis de Vinh, pidió en nombre de la diócesis la inmediata liberación de los católicos que han sido apresados por su fe.

A pesar de las protestas masivas en el Vietnam, el gobierno parece no estar listo para el diálogo pacífico. En la noche del domingo 2 de agosto de 2009, los canales de la televisión estatal difundieron un nuevo informe con opiniones negativas contra la Iglesia y la diócesis de Vinh.

Fuentes católicas en Dong Hoi aseguran que el gobierno local ha instigado el odio contra los católicos entre los no-católicos que viven cerca de la iglesia de Tam Toa, difundiendo una mentira: que los católicos han exigido no sólo el terreno de la Iglesia, sino también todos los lotes de tierra de los alrededores, incluyendo aquellos sobre los que hay casas.

(Source: http://www.aciprensa.com/noticia.php?n=26339)
 
Vietnam: Governo rejeita acusacao de violencia contra sacerdotes (tiếng Bồ Đào Nha)
Rádio Vaticano
21:36 04/08/2009
Hanói, 30 jul (RV) - Após a notícia sobre as violências contra dois sacerdotes em Dong Hoi, no Vietnã, o General Hoang Cong Tu, do Ministério da Segurança Pública, negou as agressões, e a polícia qualificou como "falsas" as críticas da diocese de Vinh, que acusou a polícia de agredir religiosos e fiéis.

Por sua vez, a diocese divulgou na internet as fotos dos sacerdotes agredidos. O Padre Peter Nguyen The Binh ainda está em coma; sua situação é grave, mas estacionária – de acordo com o boletim médico. O outro sacerdote, Padre Paul Nguyen Dinh Phu, sofreu fraturas nas costas e feridas na cabeça.

Eles foram agredidos durante uma manifestação pacífica, em que protestavam contra a detenção de sete católicos acusados de terem erigido uma tenda diante da igreja de Tam Toa, a ser usada como capela. O secretário diocesano, Padre Antonio Pham Dinh Phung, revelou que o governo vietnamita contatou a diocese, exigindo que contenha a ira dos fiéis contra a polícia. Todavia, Padre Pham declarou que os fiéis só se acalmarão quando os sete fiéis forem libertados.

Por sua vez, o General Tu anunciou que sete fiéis serão processados por "desordem", por terem construído a tenda. (BF)

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/bra/Articolo.asp?c=306328)
 
Rendőrökkel csaptak össze vietnami hívők (tiếng Hungary)
Index hu
21:37 04/08/2009
Őrizetbe vettek Vietnamban 14 embert abból a több mint kétszázból, aki összecsapott rendőrökkel egy katolikus templom engedély nélküli újjáépítése miatti konfliktusban.

Az ázsiai ország középső vidékén fekvő Dong Hoi városban állt Tam Toa templom körüli helyzet még hétfőn mérgesedett el, amikor a hatóságok felszólították az 1963-tól 1975-ig tartó háborúban porig rombolt templom újjáépítésén dolgozó hívőket, hogy bontsák le, amit fölépítettek.

Hivatalos közlés szerint "szélsőségesek" ekkor téglákat dobálva rárontottak a rendőrökre, és erre bíztatták társaikat is. Több mint kétszázan támadtak a rendfenntartókra. Az összecsapásban két rendőr megsebesült, 14 személyt őrizetbe vettek.

A VietCatholic News katolikus hírportál beszámolója szerint a rendőrök támadtak a hívőkre, könnygázzal, gumibottal. Más egyházi források is erről számoltak be, hozzátéve, hogy a rendőrök őrizetbe vettek "nem kevesebb, mint 20 embert".

A vietnami római katolikus közösség a létszámát tekintve a második Ázsiában a Fülöp-szigeteki után. Az egykori észak- és dél-vietnami frontvonalon, háborús övezetben állt templomot amerikai bombázók rombolták le. Csak a harangtorony és falrészek maradtak meg belőle. A templomromot és környezetét a háborús bűnöket bemutató, védett területként tartják nyilván a hatóságok, és kidolgoztak egy helyreállítási programot. E projekten kívül tilos bármilyen változtatást végezni a helyszínen.

(Source: http://index.hu/bulvar/2009/07/22/rendorokkel_csaptak_ossze_vietnami_hivok/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hoạt Đông Hưng - Hưng Hà mở đầu mùa thi cấp giáo hạt
Trường Giang
19:22 04/08/2009
THÁI BÌNH - Tối hôm qua thứ Bảy (01/8/2009), giáo hạt Đông Hưng-Hưng Hà tổ chức cuộc thi giáo lý tìm hiểu năm thánh Phao-lô, được diễn ra cách tốt đẹp tại giáo xứ Phú Giáo, nhân dịp tuần chầu Thánh Thể.

Hòa nhịp với Giáo Hội trong năm thánh Phao-lô, giáo phận Thái Bình, đặc biệt những người trẻ trong năm qua đã cùng nhau học hỏi, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp thánh Phao-lô, vị “Tông Đồ Dân Ngoại”. Tuy vậy, thời điểm này ban giáo lý của giáo phận thấy phù hợp và thuận lợi cho các bạn trẻ, nên bắt đầu tổ chức thi giáo lý từng giáo hạt trong toàn giáo phận, để hướng đến ngày Đại hội giới trẻ giáo phận được ấn định vào ngày 23/8/2009.

Chiều nay giáo xứ Phú Giáo khai mạc tuần chầu Thánh Thể, sau thánh lễ cộng đoàn dân Chúa cùng chầu Thánh Thể khoảng hơn một giờ. Đúng 19h30, sáu đội tuyển là giáo xứ An Lập, Duyên Lãng, Hà Xá, Mỹ Đình, Phú Giáo và Tây Làng đại diện giáo hạt Đông Hưng-Hưng Hà thi giáo lý thánh Phao-lô. Ban tổ chức, ban giám khảo là sáu thày đại chủng sinh khóa 2002 vừa mới mãn trường, và một số thày khóa 2004 cộng tác làm chương trình.

Ban Giáo lý của giáo phận đã quyết định nội dung thi cho các giáo hạt như sau:

Phần thứ I: Tự giới thiệu đội mình
Phần thứ II: Chọn đáp án đúng
Phần III: Hành trình truyền giáo
Phần IV: Tới kinh thành Rô-ma

Trong suốt thời gian thi đấu căng thẳng, và đầy kịch tính với bốn vòng thi, cuối cùng đội giáo xứ Mỹ Đình về nhất, đội An Lập và đội Tây Làng về nhì trong tiếng reo hò của các cổ động viên nhiệt tình. Kết thúc cuộc thi, cha Hạt trưởng Đaminh Phạm Quang Trung, cũng là cha quản nhiệm giáo xứ Phú Giáo cám ơn các thày Ban tổ chức, các đội thi đấu, các cổ động viên và tất cả quý vị tới tham dự cuộc thi này. Đồng thời cha trao phần thưởng cho từng đội tham gia cuộc thi này.

 
Khóa huấn luyện Ca Trưởng lần thứ 5 tại Đà Nẵng
Toma Trương văn Ân
19:32 04/08/2009
ĐÀ NẴNG - Từ 27 / 7 đến 31 / 7 / 2009 Ban Thánh Nhạc giáo phận đã tổ chức khóa huấn luyện Ca Trưởng cấp I và đánh đàn trong Phụng Vụ lần thứ 5, sau 11 năm kể từ lần 4 – 1998.

Xem hình ảnh



Khóa đào tạo và bồi dưỡng dưới sự hướng dẫn đặc biệt của Cha Phao Lô Hoàng Kim Tốt hiên ở giáo phận Phan Thiết, gốc giáo phận Đà Nẵng. Cha dành tình cảm đặc biệt với giáo phận Đà nẵng, đã truyền thụ những kiến thức cơ bán và nâng cao của người Ca Trưởng, đây là lần thứ 4 Cha đến Đà nẵng dạy lớp Ca Trưởng. Cùng cộng tác với Cha còn có anh Phê Rô Nguyễn Đăng Bữu dạy lớp Ca Trưởng cơ bản. Thầy Fx Huỳnh Thiên Vũ, chủng viện Giu Se Xuân Lộc và Thầy Giu Se Nguyễn Đình Tường ( Giáo Dân ) – giáo viên đàn, ở giáo xứ Thanh Bình dạy lớp đàn. Chị Mônica Nguyễn Thị Diệu Linh và anh Nguyễn Văn Hiếu - Sinh Viên Thanh Nhạc, dạy các lớp thanh nhạc và xướng âm.

Có 28 học viên học đệm đàn trong Phụng Vụ, 21 học viên lớp ca trưởng cấp I cho các Anh Chị đang là ca trưởng, 26 học viên lớp ca trưởng căn bản cho các Anh Chị Em chưa làm ca trưởng học để chuẩn bị làm ca trưởng. nhiều học viên các giáo xứ ở Quảng Nam đến học, được Giáo Phận tạo điều kiện chổ ăn ở tốt ngay tại Trung Tâm Mục Vụ. Mỗi ngày học 8 tiết, buổi sáng 2 tiết, chiều 2 tiết học chuyên môn, giờ còn lại học xướng âm, thanh nhạc, thực hành bài đã được học.

Dựa trên giáo án của Cha Kim Long, Cha Phao Lô và các Anh Chị Giáo Viên dành rất nhiều tâm huyết truyền thụ kiến thức, kỷ thuật chuyên môn cho học viên, với thời gian ngắn ( 5 ngày ) học viên đã lãnh hội được những kiến thức căn bản cần có và đủ cho công việc của mình.

Thầy Giu Se Nguyễn Đình Tường bộc bạch: “ … Mình phải soạn giáo án dạy đàn trong Phụng Vụ, với thời gian ngắn như vậy, Mình phải dạy cái gì ? ngày đầu tiên các Em đánh ( đàn ) chưa được, Mình về ngũ không yên…. Ngày thứ 2 về sau thấy đánh được là Mình an tâm … “có ngày Cha Phao lô dạy cả ngày, tối lại tập hát, mặc dù Cha rất mệt nhưng Ngài vẫn cố gắng.

Cũng trong dịp này, khoảng 30 Ca Viên ca đoàn Phạm Ngọc Chi ( ca đoàn giáo phận ) được Chị Diệu Linh và Anh Nguyễn văn Hiếu dạy thanh nhạc, giúp cách phát âm tròn vành rõ tiếng, hát hay hơn, kỹ thuật lấy và nhả hơi…

17 giờ 31 / 7 / 2009: Lễ Bế Giảng khóa học, đến dự có Đức Giám Mục giáo phận với hơn 10 Limh Mục, Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc F, Assisi Lưu Văn Hoàng đại diện báo cáo trước ĐGM và các Linh Mục những thành quả đạt được, cám ơn Chúa, cám ơn ĐGM và Quý Cha đã quan tâm tạo điều kiện, cám ơn Cha Phao Lô và các Anh Chị giáo viên, cám ơn mọi người đã cùng cộng tác cho khóa học thành công tốt đẹp ngoài dự kiến.

Một chương trình biểu diễn âm nhạc tổng kết cuối khóa Đào Tạo Ca trưởng – Đệm Đàn Trong Phụng Vụ 2009, với 15 tiết mục chủ yếu là hợp xướng, xoay quanh kỷ thuật ca hát, kỷ thuật đánh nhịp, cách đệm đàn trong Phụng Vụ, ứng dụng chính các điều vừa học, minh họa cho kết quả đạt được.

ĐGM khen có nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng còn vài điểm cần tập luyện kỷ hơn…

Trước lúc chia tay, mọi người có mặt cùng cất lời ca tụng cảm tạ Chúa, sau đó dự một bữa tiệc nhẹ trong tình yêu thượng lưu luyến ! Cha Phao Lô Hoàng Kim Tốt đã gieo hy vọng cho các Anh Chi Ca trưởng khi ngài hứa: “ …sẽ ra giúp nhiều lần nữa khi giáo phận Đà nẵng có nhu cầu…”.
 
Ngày Họi Giới Trẻ giáo miền Phú Đa TGP Hà Nội
Tin Yêu
20:10 04/08/2009
HÀ NỘI - Hơn 1000 bạn trẻ đã về tham dự ngày hội giới trẻ và mừng lễ thánh Anphongso Marie de Ligori quan thày giới trẻ giáo miền, tại giáo xứ Phú Đa - Tổng giáo phận Hà Nội với chủ đề: “ĐỪNG SỢ”

Xem hình ảnh

Ngày hội giới trẻ được bắt đầu bằng tuần tam nhật tĩnh tâm, từ ngày 29 -31 tháng 07. Trong ba ngày tĩnh tâm để chuẩn bị mừng lễ đó, các ban giới trẻ được chầu thánh thể - nghe giảng - hội thảo nhóm theo đề tài của từng ngày - sau đó là thánh lễ. Cũng trong ba buổi tĩnh tâm đó, liên tục có các cha ngồi tòa giải tội. Hầu hết các bạn trẻ đã đến tòa giải tội để lãnh nhận Bí tích hòa giải.

Sau ba buổi tĩnh tâm, tối ngày 31 tháng 07 các bạn giới trẻ đã tổ chức liên hoan văn nghệ thật sôi động, vui vẻ, nhưng cũng thật ý nghĩa và đầy tính giáo dục. Với các tiết mục như: Hình tượng Ngài trong tôi; Bánh hằng sống; Đồng tiền nhân đạo; Phó thác; Hãy vui lên; Nghĩa mẹ; Giêsu khát khao; Trong Giêsu; Chúa trên quê hương; Hạnh phúc đời con; Con Tim đã vui trở lại; Khúc cảm tạ…

Kết thúc buổi văn nghệ là giờ cầu nguyện theo cộng đoàn Taize với chủ đề: “ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA NƠI THẬP GIÁ”. Buổi cầu nguyện được diễn ra thật linh thiêng và sốt sáng với gần 1000 cây nến được thắp lên. Trong giờ cầu nguyện này, các bạn giới trẻ đã cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam, cho những nơi, những người đang bị bắt bớ, bị đàn áp. Đặc biệt các bạn cầu nguyện cho các bạn sinh viên, giới trẻ không được may mắn, hay đang gặp những khó khăn, thách đố.

Sáng ngày 01 tháng 08, chính ngày lễ, các bạn giới trẻ đã tổng kết các buổi hội thảo của những ngày trước và cũng được giải đáp những thắc mắc của các bạn. Đúng 10h, thánh lễ mừng kính thánh Anphongso Marie de Ligori quan thày giới trẻ miền Phú Đa được cử hành thật trang trọng và sốt sắng với sự hiện diện đồng tế của bốn Cha. Trong bài giảng, Cha Giuse Bùi Văn Cường phó xứ Khoan Vĩ đã chia mời gọi các bạn sống hiệp nhất yêu thương và đừng sợ trước nhứng thách đố của cuộc sống. Nhưng hãy bám vào Chúa, tin tưởng nơi Chúa. Nhất là hãy sống đúng với căn tính của mình là con Chúa, phải giữ lấy “thương hiệu” của mình là sinh viên, giới trẻ Công giáo.

Ngày hội giới trẻ kết thúc với những kết quả hứng khởi. Các bạn trẻ ra về trong niềm vui lưu luyến, trong sự hiệp thông trong tinh thần truyền giáo cùng với những quyết tâm mới.

Tưởng cũng nên biết, Giáo miền Phú Đa có sáu xứ là: Phú Đa; Công Xá; Đồng Phú; Mạc Thượng; Quan Hạ và Vĩnh Trụ. Ngoài ra còn có các họ lẻ nữa. Hiện nay giáo miền Phú Đa do Cha Vint NGUYỄN ĐĂNG XUYÊN coi xóc và cha Antôn TẠ HỮU PHƯƠNG phó xứ. Riêng giáo xú Phú Đa có khoảng hơn 4000 nhân danh, là giáo xứ có truyền thống đạo đức từ xưa, có rất, nhiều ơn gọi, nhiều nam nữ tu sĩ. Một giáo xứ có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ với đầy đủ mọi hội đoàn. Đặc biệt là có một đội ngũ Giáo lý viên đông đảo và đầy nhiệt huyết.

Ai về thăm giáo xứ Phú Đa cũng sẽ cảm thấy một quang cảnh của một thôn quê bình dị, hài hòa, nhưng cũng rất thơ mộng và thiêng thánh. Ai về thăm giáo xứ Phú Đa cũng sẽ cảm thấy một giáo xứ cổ kính, nhưng có đầy sự tươi trẻ, đầy sức sống. Điều đó được toát lên qua qua sự hiện diện của bà con giáo dân, sự hiện đông đảo của thiếu nhi, của giới trẻ, của sinh viên trong các giờ kinh, trong các thánh lễ, trong các sinh hoạt của các hội đoàn.
 
Giáo dân làm gốc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:34 04/08/2009
Tác giả Trịnh Nhất Định, đã có những đóng góp ý kiến xây dựng với những nhận định và đề nghị quý báu trong bài viết “Làm thế nào để trở thành linh mục tuyệt vời cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam ngày nay?” (dunglac.net).

Tác giả đóng góp ý kiến về 4 vấn đề:

- Làm thế nào để các bài giảng của các linh mục Việt Nam ngày chủ nhật có chất lượng cao hơn.
- Làm thế nào để các bài viết của các linh mục Việt Nam trên các website đây đó được sâu sắc hơn.
- Làm thế nào để các lời phát biểu về những vấn đề đạo-đời của các linh mục Việt Nam ở những nơi công cộng, ở các bàn hội nghị thể hiện được đầy đủ bản chất công bằng và bác ái, công lý và hòa bình của Đạo Công giáo toàn cầu nhưng bằng cách diễn đạt mang đậm nét văn hóa Việt Nam. đầy hiền hòa, nhẹ nhàng và tế nhị nhưng lại rất hữu hiệu…trong mọi hoàn cảnh.
- Làm thế nào để các linh mục Việt Nam ngày nay sống vững vàng và sâu sắc hơn đời sống linh mục của mình giữa lòng dân tộc.

Để giải quyết 4 vấn đề: nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao sự sâu sắc của bài viết, nâng cao chất đạo của các lời phát biểu và nâng cao sự vững vàng và hiệu quả của đời sống linh mục, tác giả nêu lên 3 đề nghị:

- Đề nghị 1: Đề cao ý nghĩa thần học mục vụ dấn thân trong việc giải thích Kinh Thánh.
- Đề nghị 2: Xây dựng một nền thần học mục vụ dấn thân mang tính văn hóa Việt.
- Đề nghị 3: Xây dựng môn học mới: Giáo dân học,và soạn thảo lại môn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Tôi đọc nhiều lần bài viết này. Chân thành cám ơn những góp ý và đề nghị thật tâm huyết của Tác giả Nhất Định. Dựa theo tài liệu Thời sự thần học số 14 tháng 12/98 và Hợp tuyển thần học số 34, chủ đề: Giáo dân trong Hội Thánh (htth.org), tôi trình bày thêm “vai trò Giáo dân” theo Giáo huấn của Giáo hội.

Giáo hội là một tổ chức phẩm trật nhưng Giáo hội cũng còn là một tổ chức bao gồm mọi thành viên có những vai trò năng động. Những thành viên này, tuy không thuộc về phẩm trật, nhưng dưới sự hướng dẫn của các mục tư, họ tham gia vào cùng một chương trình cứu độ. Đó là Giáo dân, thành phần năng động của Giáo hội. Do Bí Tích Rửa Tội, Giáo dân được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô, được tham dự vào sứ mệnh của Người là Tư Tế, Tiên Tri, Vương Giả (1Pr 2,6). Do đó họ là những chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô tức là Giáo hội. Do ấn tích Rửa tội và Thêm sức, Giáo dân có quyền và có bổn phận tham gia vào hoạt động”bí tích” của toàn thân mình Chúa Kitô với những hình thức khác nhau. Hiến chế tín lý về Giáo hội số 33 đã nói về vai trò giáo dân: Nhiệm vụ của mọi Giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cựu tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tuỳ sức lực họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.

Giáo hội có những giáo huấn về vai trò người giáo dân.

1. Giáo dân theo Công Đồng Vatican II

Sự phát triển của các phong trào tông đồ giáo dân cùng với sự xuất bản những tác phẩm suy tư thần học về vai trò của giáo dân trong Giáo hội là những bước dọn đường cho Công đồng Vatican II. Công đồng đã đánh dấu một bước tiến về thần học giáo dân, khi trình bày các giáo dân có một ơn gọi và sứ mạng. 16 văn kiện của công đồng đều đề cập xa gần đến các giáo dân. Cách riêng một sắc lệnh được dành để bàn về hoạt động tông đồ của giáo dân “Apostolicam Actuositatem”.

Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” mở đầu với chương I trình bày mầu nhiệm Giáo hội trong chương trình cứu rỗi. Chương II với tựa đề Dân Thiên Chúa, bàn đến phẩm giá và ơn gọi của tất cả các phần tử của Giáo hội. Chương III bàn về phẩm trật được đặt làm mục tử Dân Chúa. Chương IV mang tựa đề là “Các Giáo dân”.

- Số 30 nói về vai trò của giáo dân là góp phần cùng với các mục tử vào sứ mạng cứu rỗi nhân loại của Giáo hội. Vai trò của các mục tử là phối hợp các tác vụ và đặc sủng khác biệt sao cho tất cả đều cộng tác vào việc chung. Giáo hội là một thân thể gồm bởi nhiều bộ phận liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi phần tử đã nhận lãnh năng lực từ Đức Kitô, và mỗi phần tử đều có vai trò tích cực trong việc xây dựng thân thể. (Ep 4,15-16).

- Số 31 trình bày phẩm giá và ơn gọi của giáo dân trong Giáo hội. Có hai điểm đáng lưu ý như sau: a.Về mặt từ ngữ, Công đồng muốn phân biệt hai danh từ “tín hữu, Kitô hữu” ( fidelis, christifidelis) và “giáo dân” ( laicus). Từ “tín hữu” có ý nghĩa rất rộng, bao hàm hết mọi phần tử của Giáo hội, những người được sát nhập vào thân thể của Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội. Các giám mục, linh mục, tu sĩ cũng là tín hữu.

b. Các “giáo dân” là một hàng ngũ tín hữu, khác với hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ. Ơn gọi của các giáo dân là đi tìm Nước Chúa qua việc quản lý các thực tại trần thế và quy hướng chúng theo chương trình của Thiên Chúa. Môi trường sống đạo của các giáo dân là trần thế. Cả ba hàng ngũ cùng hợp tác với nhau để thi hành một sứ mạng chung của Giáo hội, tuỳ theo ơn gọi riêng của từng hàng ngũ. Hàng giáo sĩ chuyên về các hoạt động thuộc chức thánh. Hàng tu sĩ làm dấu chỉ của thế giới mai sau. Các giáo dân được mời gọi mang Phúc âm vào các thực tại trần thế “như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng thi hành những nhiệm vụ của mình”.

- Số 34-36 nói về đường lối nên thánh của giáo dân trong những hoạt động theo cách thức thông dự vào ba chức vụ tư tế ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô.

a. Người cho họ dự phần vào chức tư tế để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh thiên Chúa và cứu rỗi loài người…Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công việc làm ăn thường ngày, việc nghĩ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô (1Pr2,5)…Giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi. (số 34) b. Chúa Kitô, vị Tiên Tri cao cả…đã chu toàn chức vụ tiên tri không những nhờ hàng giáo phẩm mà còn nhờ các giáo dân…Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x Dt 11,1). Công cuộc rao giảng phúc âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh của trần gian…Giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình. (số 35)

c. Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x.Ph 2,8-9), và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả mọi sự (x.1Cor 15,27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x.Rm 6,12)…Nhờ khả năng chuyên môn trong nhũng việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hoá nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của đấng Tạo Hoá và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài. (Số 36).

2. Từ Công đồng Vatican II đến Thượng Hội Đồng Giám Mục 1987

Giáo dân có ơn kêu gọi phục vụ Nước Chúa trong thế gian, bằng việc sử dụng các thực tại trần thế theo chương trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có những vấn nạn đã được nêu lên. Phải chăng có sự phân chia lãnh thổ: các giáo sĩ lo công chuyện của Giáo hội (việc đạo), còn các giáo dân lo chuyện thế gian (việc đời)? Lấy gì làm ranh giới phân chia các lãnh vực đó? Các tu sĩ tham gia vào các việc đời (giáo dục, y tế, và những công tác xã hội nói chung) chứ đâu phải chỉ tối ngày đọc kinh trong Nhà thờ? Các giáo dân cũng được mời tham gia vào các công tác tông đồ mục vụ (huấn giáo, phụng vụ) nữa, chứ đâu phải chỉ lo chuyện làm ăn buôn bán? Như vậy thì có nên dùng “đặc tính trần thế” như tiêu chuẩn để định nghĩa ơn gọi và sứ mạng của giáo dân hay không?

Cha Yves Congar là một nhà tiên phong về thần học giáo dân qua tác phẩm “Jalons pour une théologie du laicat” (1953), với những luận cứ: Các giáo dân lãnh nhận một sứ mạng làm tông đồ do Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chứ không phải là do hàng giáo phẩm uỷ thác. Các giáo dân mang sứ mạng sống ơn gọi Kitô hữu giữa môi trường trần thế. Tất cả Giáo hội đều được sai vào trần thế; do đó tất cả mọi tín hữu (Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) đều vừa thuộc về Giáo hội vừa được sai vào trần thế. Sự khác biệt giữa các hàng ngũ không dựa trên môi trường hoạt động cho bằng dựa trên những tác vụ khác nhau. Do đó, vấn đề quan trọng không phải là tìm cách xác định vai trò của giáo dân cho bằng xác định tác vụ của các giáo sĩ khác với các tín hữu khác ở chỗ nào (Ministères et communion ecclésiale, Paris 1971).

Đề tài của Thượng Hội Đồng Các Giám Mục họp năm 1987 (từ 1-30/10) là “ơn gọi và sứ mạng của các giáo dân trong Giáo hội và thế giới”. Có 60 giáo dân cũng được mời tham dự vào các phiên họp, và trong thời kỳ khoá họp, một số giáo dân đã được đặt lên Bàn thờ. Ngày 4/10, Đức Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho ba thanh niên nam nữa giáo dân tử đạo: Marcel Callo (1921-1945), Pierina Morosini (1931-1956), Antonia Mesina (1919-1935). Ngày 18/10 lễ phong thánh cho 16 vị tử đạo tại Nhật (thế kỷ 17) trong đó có vài thầy giảng giáo dân. Ngày 25/10 lễ phong thánh cho bác sĩ Giuse Moscati (1880-1927).

Trong những khoá họp, các Nghị phụ tìm ra những phương thế hữu hiệu nhằm thúc đẩy các giáo dân thực thi sứ mạng của họ. Đề tài của Thượng Hội Đồng nói đến hoạt động của các giáo dân vào lãnh vực trần thế và còn muốn cho họ tham gia vào các hoạt động của Giáo hội nữa.

3. Tông huấn “Christifideles laici”

Dựa trên 54 đề nghị của Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha đã soạn Tông Huấn “Christifideles laici” ban hành ngày 30/12/1988. Nhìn cách tổng quát ta thấy có hai điểm nổi bật sau đây:

- Ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân được trình bày dựa trên mô hình Giáo hội “Mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”.
- Mô hình Giáo hội đó được gắn liền với hình ảnh Tân ước về “cây nho và vườn nho”.

a. Mô hình Giáo hội nhìn dưới ba khía cạnh “Mầu nhiệm – thông hiệp – sứ vụ” được sử dụng làm cái sườn cho ba chương đầu. Đây là lần đầu tiên mà mô hình này xuất hiện trong văn kiện của Toà Thánh. Ý nghĩa của mô hình này được giải thích ở số 8 như sau: “Giáo hội là mầu nhiệm bởi vì tình yêu và sự sống của Cha, Con và Thánh Thần là thuần tuý hồng ân được cống hiến cho những kẻ được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần; họ được kêu gọi làm sống lại chính sự thông hiệp của Thiên Chúa và biểu lộ cùng thông truyền nó trong lịch sử (sứ vụ). Ba chiều kích gắn chặt với nhau, như văn kiện còn lặp lại ở các số 18 (sự hiệp thông là một mầu nhiệm), số 32 (sự hiệp thông dẫn tới sứ mạng).

Dựa theo sườn đó, chương I (mầu nhiệm) trình bày phẩm giá của tín hữu giáo dân. Bắt nguồn từ Ba Ngôi, Giáo hội là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Của Đức Kitô, Đền Thờ Của Thánh Thần. Do Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được thông dự vào mầu nhiệm của Giáo hội. Vì thế người tín hữu trở thành con của Chúa (số 11), chi thể của Đức Kitô (số 12), được thánh hiến làm Đền thờ của Thánh Thần (số 13). Đây là nền tảng của ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu. Vì là chi thể của Đức Kitô, họ được thông dự vào ba chức phận tư tế, ngôn sứ và vương giả (số 14). Vì là Đền thờ của Thánh Thần, người tín hữu được thúc đẩy nên thánh qua việc phát triển các hoa trái của Thánh Thần (số 16).

Chương II bàn về sự tham gia cuả các tín hữu vào sinh hoạt của Giáo hội, được kết thành do một chuỗi những mối dây thông hiệp hữu cơ: sự hiệp thông hàng ngang giữa những tác vụ và đặc sủng đa dạng (số 21-24); sự thông hiệp hàng dọc từ những cộng đoàn địa phương lên tới cộng đoàn hoàn vũ (số 25-27).

Chương III nói tới sứ vụ. Các tín hữu được sai đi để mang Tin mừng vào các môi trường xã hội: từ những nơi chưa hề được nghe giảng Tin mừng cho đến những nơi thờ ơ lãnh đạm với đạo nghĩa. Việc rao giảng Tin mừng bao gồm sự phục vụ phẩm giá con người, cách riêng, là bảo vệ nhân quyền (số 37). Vài môi trường đặc biệt đang cần sự dấn thân của các giáo dân là: gia đình (số 40), các công tác bác ái từ thiện (số 41), hoạt động chính trị (số 42), đời sống kinh tế xã hội (số 43), văn hoá (số 44).

b. Mô hình về Giáo hội được gắn với hình ảnh về cây nho và vườn nho. Hình ảnh này được sử dụng làm tựa cho 5 đề mục của văn kiện:

- Thầy là cây nho, các con là ngành (phẩm giá);
- Tất cả là cành của một cây nho (thông hiệp);
- Thầy đã để các con ra đi và mang về hoa trái (sứ mạng);
- Các người được gọi vào làm việc trong vườn nho (những ơn gọi khác nhau);
- Ngõ hầu các con mang lại hoa trái hơn nữa (việc đào tạo huấn luyện).

Ý nghĩa Kinh thánh về vườn nho và cây nho được Tông Huấn giải thích ở số 8 (Cựu ước: Giêrêmia 2,21; Êdêkiel 2,21; Isaia 5, 1-2; Marcô 12,1). Cách riêng, hình ảnh vườn nho lấy dụ ngôn ở (Mt 20, 1-16) nói tới sự mời gọi vào làm việc trong vườn nho như muốn nêu bật tính cách hồng ân của mọi tác vụ và linh ân: Chúa kêu gọi mỗi người vào một giờ khác nhau và trao cho họ một công tác khác nhau; bởi vậy không nên phân bì ghen tương nhau làm chi ( số 45). Hình ảnh cây nho dựa theo chương 15 của Phúc âm theo thánh Gioan. Hình ảnh cây nho và vườn nho bổ túc thêm cho những ý niệm về Giáo hội là “Dân Thiên Chúa, Nhiệm thể Đức Kitô, Đền thờ Thánh Thần”. Số 16 viết rằng: “Giáo hội là vườn nho ưu tuyển, nhờ đó mà các cành nho được sống và tăng trưởng do chính nhựa sống thánh thiện và thánh hoá của Đức Kitô. Giáo hội là thân thể huyền nhiệm, trong đó chi thể thông dự vào đời sống thánh thiện của Đầu tức là Đức Kitô. Giáo hội là hiền thê yêu dấu của Đức Giêsu, Đấng đã hiến mình để thánh hoá nó. Chúa Thánh Thần xưa kia đã thánh hoá Đức Giêsu trong cung lòng trinh khiết của Đức Maria cũng là Thánh Thần đang ngự và tác động trong Giáo hội, ngõ hầu thông chuyển sự thánh thiện của Con Thiên Chúa làm người”.

Người tín hữu giáo dân được mời hãy kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô như cành với cây nho; nhờ việc kết hiệp đó mà họ sẽ mang lại nhiều hoa trái. Việc sinh hoa trái bao hàm sứ mạng ra công làm việc, ngõ hầu cánh đồng thế giới trở thành vườn nho của Thiên Chúa, nghĩa là sao cho các môi trường nhân sinh được thấm nhiễm tinh thần Phúc âm.

Như thế, Tông Huấn “Christifideles laici” đã trình bày thần học về ơn gọi và sứ mạng củ Giáo dân trong bối cảnh Giáo hội sinh động vừa hướng đến sự nên thánh bằng việc kết hiệp thâm sâu với Chúa, vừa hướng tới sứ mạng giữa nhân loại.

Linh mục F.Gomez Ngô Minh, phụ trách “Hợp tuyển thần học”, đã đánh giá cao vai trò giáo dân trong thời đại hôm nay: Bởi có kiến thức đầy đủ và được đào tạo chu đáo, giáo dân ngày nay không những còn ngại ngùng, mà hơn nữa, còn mạnh mẽ dấn thân vào trong càc công tác tông đồ và hành chánh của Giáo hội. Không thiều gì giáo dân đích thân đứng ra thành lập các phong trào hoặc hội đoàn tông đồ hay đạo đức. Và hiện nay, cũng không thiếu gì giáo dân đang đứng đầu dẫn dắt các cộng đoàn giáo xứ. Và trong khắp thế giới, đại đa số các giáo lý viên đều là giáo dân: họ là những thầy giáo khai tâm, có sứ mạng gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng các thế hệ trẻ. Hơn bao giờ hết, hiện giờ giáo dân đang ý thức rõ về quyền lợi và nhiệm vụ của mình trong cộng đoàn Giáo hội; đó là một ân huệ của Thần khí. Nếu thế, thì đã có đủ cơ sở vững vàng để hy vọng là tương lai của giáo hội sẽ rực rỡ hơn.

Giáo dân thường được mệnh danh là tác nhân đặc thù khai lối cho con người đến với siêu nhiên, và là những công nhân đầu tiên xây dựng cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Như thế, Giáo dân là người “ làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống” (LG số 38).

Linh mục là những người “quản lý” giáo dân, mà đã là người “quản lý” thì phải biết rành rẽ và có hệ thống những gì thuộc về giáo dân mới có thể giúp giáo dân sống Đạo, loan báo Tin Mừng ngày càng tốt hơn. Giáo dân mỗi nước thì có những đặc điểm văn hóa riêng. Vì thế cần phải soạn thảo một chương trình mang tính ưu việt riêng của dân tộc Việt Nam. Môn giáo dân học được xây dựng trên nền tảng Thần Học - Kinh Thánh theo chiều hướng mục vụ, dấn thân, tiến bộ, đậm nét văn hóa dân tộc Việt hiện đại (Nhất Định).

Cám ơn tác giả Trịnh Nhất Định và ước mong đựơc đọc thêm những thao thức, những ý kiến đóng góp xây dựng của tác giả.
 
Các Linh mục Khóa II ĐCV Vinh Thanh mừng lễ bổn mạng tại giáo xứ Kẻ Mui
Quang Hùng
22:50 04/08/2009
VINH - Mười hai năm linh mục chưa phải là dài, nhưng cũng là một quảng thời gian để những người anh em linh mục khóa II Vinh có dịp quý báu giúp đào sâu giá trị sứ mạng của linh mục. Đặc biệt hơn là trong năm linh mục này mà ĐTC Beneđictô XVI đã muốn mọi người linh mục đào sâu hơn trong thiên chức cao quý đó nhân dịp kỷ niệm 150 năm cha thánh Gioan Baotixita Vianney mà khóa II Vinh lại chọn thánh bổn mạng của mình.

Sáng nay, 4/8/2009 tại giáo xứ Kẻ Mui, cha xứ Giuse Ngô Văn Hậu cùng với anh em linh mục trong khóa II có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm mục vụ trong thời đại hôm nay. Tuy là mừng lễ bổn mạng của lớp năm nay không đầy đủ trong lần gặp gỡ năm nay, nhưng bên cạnh đó còn có các cha trong giáo hạt Nghĩa Yên cũng về tham dự và hiệp dâng thánh lễ, phần nào đã làm cho anh em linh mục trong lớp có thêm những kinh nghiệp mục vụ từ nhiều nơi, nhiều địa vị khác nhau của đời sống linh mục. Vì thế mà cộng đoàn giáo xứ Kẻ Mui đã đón chào và tổ chức mừng lễ bổn mạng cha thánh Gioan Baotixita Vianney cho các cha khóa II rất long trọng và sốt sắng.

Trong bài giảng thánh lễ, cha thư ký Tòa giám mục đã nhấn mạnh về sự khiêm nhường đối với con người linh mục như cha thánh Vianney, một gương mẫu tuyệt vời mà Giáo Hội đã đặt ngài làm quan thầy của các cha sở; đặc biệt hơn là thiên chức linh mục nơi cha thánh Vianney.

Kết thúc thánh lễ, Hội đông mục vụ giáo xứ đã có lời chúc mừng quý cha khóa II trong tình thương mến mà đông đảo giáo dân đến hiệp dâng thánh lễ và cùng cảm tạ quý cha mà các cha đã dành cho giáo xứ nơi miềm núi xa xôi bằng sự hiện diện của quý cha.

Lễ bổn mạng Khoá II Chủng Viện Vinh – Thanh.

Đúng vào thời gian này cách đây một năm, khi nhắc tới cái tên “Kẻ Mui” không những mọi người giáo dân trong nước đều biết đến mà dường như cả thế giới cũng quan tâm. Bởi lẽ những ngày này năm ngoái là những trang lịch sử vẻ vang của giáo xứ Kẻ Mui. Khi nhắc đến Kẻ Mui bị cô lập bởi chính quyền, người giáo dân bị hành hung đánh đập … thì ai nấy cũng “ Sợ”; sợ cho Kẻ Mui, sợ phải đến Kẻ Mui. Thế nhưng, Kẻ Mui ngày hôm nay đã sang trang sử mới sau khi chính quyền có quyết định trả lại khu đất đã chiếm đoạt, nhờ sự lãnh đạo tài tình của cha quản xứ Giuse Ngô Văn Hậu đã nối lại tình đoàn kết lương giáo lâu nay ngày một thân thiện hơn, tinh thần sống đạo của giáo dân ngày càng cao. Đặc biệt giáo xứ ngày hôm nay được vinh dự đón quý cha khoá II _ Chủng Viện Vinh Thanh tựu mừng lễ quan thầy của khoá trong ngày kỷ niệm 150 ngày mất của Cha Thánh Gioan Maria Vianney bổn mạng của lớp. Trong tâm tình cảm tạ biết ơn đối với quý Cha có hơn 7000 giáo dân giáo xứ và quan khách cùng quý cha trong hạt Nghĩa Yên và sự hiện diện 9 cha trong lớp chủng sinh Khoá II.

Nhân đây tôi xin được giới thiệu cho quý bạn đọc một vài hình ảnh của Giáo xứ Kẻ Mui ngày hôm nay và một vài cảm nghĩ về thiên chức Linh Mục trong năm Giáo Hội dành riêng cầu nguyện cho Linh mục.

Vậy ta phải hiểu, linh mục là gì? Linh mục là ai? Linh mục để làm gì? Linh mục làm gì? Linh mục cho ai? Linh mục thế nào?

Sách thánh gọi linh mục là sacerdos người ban của thánh, người bắc cầu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hai tư tưởng ấy thánh Phaolô đã tóm trong câu: " thượng đế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên đại diện loài người, trong các môí liên quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội " (Dt 5, 1).

Như thế vị linh mục là đấng làm môi giới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Duy có Chúa Giêsu làm môi dưới độc nhất hoàn toàn " chỉ có Thiên Chúa, chỉ có đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là con một Người Đức Kitô Giêsu, đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" ( 1TM 2, 5-6).

Vị linh mục từ ngày thụ phong được thông phần chức môi giới đó, được thông cả chức cả quyền. Đối với Chúa, vị linh mục phụng sự Chúa thay cho nhân loại; đối với loài người vị linh mục thay Chúa bênh vực quyền lợi Ngài. Từ những ý nghĩ trên đại khái như thế này: " hãy cột một chiếc nút để xe kết hai đầu dây, đó là linh mục, bởi linh mục xe kết giữa con người với Thiên Chúa. Hãy xây cái cầu nối liên hai bờ bến xa cách đó là linh mục, bởi linh mục nối liền đất với trời, nói cách khác linh mục là trung gian giữa nhân loại và Đấng Tối Cao. Vì vậy, một bên linh mục phải nắm chặt lấy bàn tay Thiên Chúa, còn một bên linh mục phải nắm chặt lấy bàn tay con người. Để rồi đặt bàn tay của con người vào bàn tay của Thiên Chúa. Cho tình yêu được đâm bông kết trái và ơn tha thứ được trao ban. Chính cái thế tay trong tay này là điều chúng ta mong mỏi nơi các linh mục: " cái thế tay trong tay" ấy đòi hỏi linh mục phải gắn bó với Thiên Chúa, hay không nắm chặt lấy bàn tay con người, lúc bấy giờ linh mục không chu toàn chức vụ của mình". Phải gắn bó với Thiên Chúa, đó là bổn phận thứ nhất của linh mục. Thật vậy, nhiệm vụ của linh mục là không ngừng đem Chúa đến cho mọi người, thì chính bản thân linh mục phải là người có Chúa trước đã, có Chúa trong tâm hồn và có Chúa trong cuộc đời, vì "linh mục không thể cho người khác cái mình không có". Đức Kitô phải chiếm chỗ nhất trong tim linh mục, phải là thần tượng của linh mục, phải là khởi đầu và kết thúc của cuộc đời linh mục, phải là trọng tâm cho mọi hoạt động của linh mục. Trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì cuộc đời linh mục cũng phải xoay quanh Đức Kitiô như thế. Để rồi linh mục có thể hãnh diện thốt lên như lời Thánh Phaolô:" tôi sống không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi". Tiếp đến linh mục còn phải gần gũi với con người. Gần gũi với con người bằng cách chia sẽ những lo lắng, cảm thông những khó khăn và tận tình giúp đỡ những khi cần thiết, để từ đó linh mục sẽ chỉ cho con người nhận ra bàn tay diệu hiền và trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. Phải gắn bó với Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng phải gắn bó với con người. Phải nắm chặt bàn tay của con người để tạo cho cái thế yêu thương tay trong tay. Tội lớn nhất của linh mục không phải trót sa ngã, đã trót vấp phạm, bởi vì Thiên Chúa không chọn các Thiên Thần nhưng đã chọn những con người tầm thường và yếu đuối làm linh mục của Ngài: " Chúa chọn con như sét chọn cây tầm thường" tội lớn nhất của linh mục là rời bỏ một trong hai bàn tay ấy. Hoặc đã quay lưng chống lại Thiên Chúa, hoặc đã thờ ơ lãnh nhạt với anh em. Lúc ấy, linh mục chỉ là một nhịp cầu gãy, một nút dây đã đứt, hay là một lính đã đào ngũ. Trong chiến tranh, mục tiêu kẻ thù thường nhắm tới trên hết để triệt hạ, để phá huỷ, chính là những cây cầu.

- Linh mục lại là thành phần của một của một cộng đồng, là những người của Hội Thánh, của những người của Hội Thánh trong Hội thánh, do đó linh mục trở thành vấn đề của Hội Thánh. Và, vì Hội Thánh sống giữa thế giới nên vấn đề linh mục trở thành vấn đề rộng lớn hơn vấn đề của xã hội, của thời đại vì thế linh mục được nhìn nhiều khía cạnh khác nhau:

- linh mục là những người hạnh phúc, có sức khoẻ dẽo giai, quảng đại và đáng mến.

- Linh mục là người tìm thấy niềm vui và toại nguyện to lớn trong đời sống và trong thừa tác vụ của mình.

_ Linh mục là những người chuyên nghiệp trong đời sống cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa.

_ Linh mục là người chuyên chăm cầu nguyện cho kẻ khác, và hướng dẫn cộng đồng dân Chúa cầu nguyện.

- Linh mục là những người hoạt động để đem lòng thương xót, niềm an ủi, sự tha thứ và tình yêu của Chúa đến cho Thế giới.

_ Linh mục là những người, có cái nhìn thiên giới để dẫn dắt cộng đồng, những người có đức tin và đi trong ánh sáng và chân lí của phúc âm.

_ Linh mục là những người biết lắng nghe tâm sự vui, cũng như tâm sự buồn của người khác, để thông cảm chia sẻ …

- Linh mục là những người biết nghe, hiểu, và sống lời Chúa, và là những người giảng dạy những gì họ suy tư và thực hành.

_ Linh mục là hiện thân của Chúa Kitô trong đời sống của nhân loại, nhất là những thời điểm nhất, ngày sinh, tuổi trẻ, bệnh tật, ngày thành hôn, ngày thụ phong linh mục hay khấn dòng, tuổi già, nghịch cảnh, ngày tử.

_ Linh mục là những người thánh thiện, luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường nhật.

_ Linh mục là con người của công bằng và bác ái, luôn luôn làm việc nhân danh người nghèo, kẻ vô gia cư, người nghiện ngập và những nạn nhân của xã hội.

_ Linh mục là giúp đỡ kẻ khác nhận ra năng khiếu của họ và làm việc cho họ có khả năng sử dụng những món quá Chúa ban để sinh ích cho kẻ khác.

_ Linh mục là những người cùng với Đức Kitô đụng chạm đến linh hồn con người hoặc bằng lời rao giảng, lời nói, gương sáng, hoặc bằng hành động phục vụ lẫn hành vi phụng tự để biến đổi cuộc sống của họ.

Trên đây là những khía cạnh được định nghĩa Linh mục là gì? Vậy thì linh mục là ai? Tôi xin được mượn bài thơ thánh Gioan Kim Khẩu về người linh mục.

" Hỡi linh mục người là ai
Ngài không tự có, vì ngài là không
Ngài không có để riêng mong
Trung gian lên chúa, ngài luôn thi hành.
Ngài không còn thuộc về mình.
Trăm năm chỉ sống cho tình Chúa thôi.
Ngài không sở hưũ đầy vơi
Trắng tay phục vụ mọi người liên miên
Dẫu không phẩm trật thiêng liêng
Đức Kitô khác là tên gọi Ngài.


Vậy linh mục là ai?”

Thế nhưng, khi nhìn thật vào cuộc đời linh mục sống giữa trần gian không khỏi những biến dạng, đổi thay vì thời gian và không bị nhốm mùi đời vì thế chúng ta nhìn hai mặt của một cuộc đời linh mục thoáng nhìn vào cuộc sống của Linh mục, ai ai cũng cảm thấy đời sống ấy thật đơn giản, thoải mái, dễ chịu và sung túc về mọi mặt. Nhưng nhìn kĩ và đi sâu vào cuộc sống của linh mục, chúng ta mới thấy được sự ngỗn ngang phức tạp, những trăn trở, giàng co và những nhức nhối khó khăn về nhiều mặt cả đạo lẫn đời. Con người Linh mục chắc hẳn không phải là thần thánh, là thiêng liêng, mà thật sự là một con người như muôn người khác đang sống giữa dòng đời. Phải bôn ba, va chạm và tiếp xúc với mọi hạng người. Có những người hiểu và thông cảm, nhưng có nhiều kẻ không hiểu và chẳng thông cảm gì cả !

Chính vì Linh mục là " con người" nên cũng mang thân phận của con người với một thân xác nặng nề, yếu hèn, dễ vấp ngã như mọi người, và cũng có "hĩ - nộ - ái - ố " và" tham- sân - si "… không thể nào khác hơn ông bà nguyên tổ Ađam và Evà trong vườn địa đàng, mặc dù đã được Thiên Chúa ưu đãi đó. Đặc biệt là những cám dỗ thật hấp dẫn của thời đại về: “tiền - tài – tình”. Từ đó phá huỷ con người chúng ta ra tro bụi cách dễ dàng !

Mặt khác, Linh mục là con người nhưng phải làm những việc thần thiêng " một Kittô khác", để đem thế giới loài người phàm trần tạm bở này về với thế giới thiên đường vĩnh cữu mà Thiên Chúa ba ngôi cực thánh đang đón chờ thành quả của các Ngài.

+ Về mặt con người:

- Linh mục có một cuộc sống độc thân: nên phải tự chăm lo mọi sự trong ngoài cho đời sống của mình, để có đủ điều kiện sức khoẻ thân thể cũng như tinh thần minh mẫn mà hoạt động cho cộng đoàn giáo hữu luôn được tốt đẹp và chính đời sống độc thân đó mới giúp linh mục gặt hái được những thành quả cách mĩ mã, công bằng và không bị chi phối bởi bất cứ ai hay điều gì rằng buộc cả! Và cũng chính đời sống độc thân này giúp cho Linh mục không phải lo lắng, ưu tư về cuộc sống vật chất về hiện tại hay tương lai sẽ ra sao !

+ Còn về mặt thiêng liêng:

- Thánh chức, Linh mục là vị đại diện của Thiên Chúa trên trần gian, để ban phát các ơn thánh qua bảy Bí Tích và các Aù Bí Tích nữa, hầu cho con người được sự trợ lực thiêng liêng mà vượt thắng mọi gian tà thế tục và cũng là người hướng dẫn tinh thần, để mọi người sống đúng lời Chúa mà Giáo Hội vị hiền thê của Chúa Kitô mới am tường và chỉ dạy cách trung thực cho tất cả chúng ta hiểu biết rõ ràng và đem ra thực hành trong cuộc sống và hoàn cảnh của riêng mọi người. Nếu mọi người chúng ta đều hiểu rõ hai khía cạnh của một cuộc đời Linh mục như thế, thì chắc chắn chúng ta phải cùng nhau tích cực hỗ trợ giúp sức và góp phần cải thiện cho các Linh mục mỗi ngày một hoàn hảo, thánh thiện và tươi đẹp hơn bằng những hành động cụ thể:

_ Cùng với Linh mục, chúng ta tích cực góp phần mình để xây dựng mọi mặt của Giáo hội được tốt đẹp hơn.

- Cùng linh mục, chúng ta luôn luôn chia sẻ mọi gánh nặng, mọi công việc cả đạo lẫn đời mỗi ngày cho được hoàn thành cách mĩ mãn như ý Chúa muốn nơi chúng ta.

Ý thức Linh mục có chức thánh, chúng ta phải tỏ lòng kính trọng và giúp các Ngài mỗi ngày mỗi thêm thánh thiện.

Ý thức Linh mục cũng là con người yếu hèn như chúng ta, nên chúng ta phải giúp các ngài tránh xa mọi dịp: " nhàn cư vi bất thiện" - " ăn chơi cách phàm tục quá độ" ( kiểu tứ đổ tường). Nên chúng ta cầu nguyện nhiều, thật nhiều cho các linh mục.

+ Và cuối cùng, Linh mục để làm gì?

Sách giáo lí của HTCG ( bản toát yếu số 366) cho ta câu trả lời thật đơn sơ: " Chính vì để phục vụ các Kitô Hữu, mà Đức Kitô đã thiết lập chức tư tế thừa tác" tức chức Linh mục. Nói cách khác, Linh mục có ra là vì người khác. Dĩ nhiên các bí tích đều giúp người lãnh nhận mở ra với người khác ( Bí tích Rửa Tội, Thêm sức, Mình thánh Chúa, Hoà giải đều đưa người lãnh nhận với tha nhân, bí tích Hôn Phối giúp đôi vợ chồng không những sống với nhau cho nhau, mà còn với người khác và cho người khác) nhưng có thể nói, không bí tích nào mang đặc tính vì người khác cho rõ nét cho bằng Bí Tích Truyền Chức Thánh.
Như thế, chúng ta có thể mạo muội nói rằng, nếu trong các hội nghị, người ta thường vẽ hình ảnh đôi bàn tay xiết chặt vào nhau, nếu trong ngày lễ hôn phối, người ta thường khắc hoạ hình trái tim, hoặc hai trái tim quyện vào nhau, thì trong ngày lễ tạ ơn, có lẽ một trong những hình ảnh được nhắc nhở nhiều nhất phải là hình ảnh của bờ vai, một bờ vai cho người khác, bờ vai mang gánh nặng mục vụ, bờ vai của người Mục tử vui tươi vác chiên lạc về đàn, bờ vai của đứng cứu thế vác lấy thập giá đi lên đồi Canvê.

Hy vọng đôi dòng suy tư, về linh mục là gì? Linh mục là ai? Và Linh mục để làm gì? Sẽ giúp mọi người chúng ta ý thức hơn và đóng góp những kinh nghiệm cụ thể, để cuộc sống của Linh mục mỗi ngày một thêm phong phú và tuyệt với hơn

Ước gì năm đặc biệt này, là cơ một cơ hội để hăng say tìm hiểu giá trị của căn tính linh mục, hiểu biết thần học về chức Linh mục công giáo và ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi và sứ vụ của Linh mục tron Giáo hội và trong xã hội. Năm Linh mục là năm tạo điều kiện giúp các Linh mục hướng về sự trọn lành, và là " một năm đặc biệt cầu nguyện của các Linh mục, với các Linh mục và cho các linh mục"; hầu mang lại nhiều ơn ích trong sứ vu thánh hoá dân Thiên Chúa.
 
Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng tại Giáo xứ Quảng Thuận, Giáo Phận Nha Trang
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
23:31 04/08/2009
NHA TRANG - Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng Vươn Lên 1 được tổ chức tại Giáo xứ Quảng Thuận- Giáo Hạt Phan Rang - Giáo Phận Nha Trang Ngày 02/08/2009. Sa mạc huấn luyện lần này quy tụ 150 Sa Mạc Sinh đến từ 7 Giáo xứ thuộc vùng núi Ninh Sơn Giáo Hạt Phan Rang, Giáo Phận Nha Trang.

Xem hình ảnh

Cha Phêrô Lê Minh Cao, chánh xứ Quảng Thuận làm Sa Mạc Trưởng với sự cộng tác của các Huấn luyện viên Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Anrê Phú Yên Giáo Phận Sài Gòn. Sa Mạc cũng được sự động viên, thăm hỏi của Cha đặc trách Thiếu Nhi Giáo Hạt Phan Rang cũng như Cha Trưởng vùng Ninh Sơn.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Pháp Luật cần công minh
Người Đồng Mỹ
12:03 04/08/2009
Là một người dân không phải là người công giáo ở vùng đất Đồng Hới, những ngày vừa qua tôi đã chứng kiến nhiều xáo trộn tại mảnh đất mà tôi đang sinh sống. Tôi xin có đôi lời gửi các quý báo tại Việt Nam suy nghĩ của mình.

Cha Ngô Thế Bính được điều trị ở bệnh xá Xã Đoài
Những người giáo dân thuộc Giáo phận Vinh đã kéo về nhà thờ Tam Tòa cũ để hành lễ. Đây là khu đất mà chính quyền Quảng Bình đã quyết định trưng thu để làm chứng tích tội ác của Đế Quốc Mỹ. Chính vì lý do này mà nhiều thanh niên được tổ chức dưới sự chứng kiến, khuyến khích của các lực lượng vũ trang chính quyền đã đánh đập những giáo dân này với thái độ cực kỳ côn đồ, hung hãn. Trong những ngày tiếp theo, người bị đánh có hai vị linh mục bị tổn thương rất nặng.

Chính quyền đã cho bắt giữ một số giáo dân để xem xét hành vi phạm tội của họ về tôi gây rối, mất trật tự công cộng. Nhưng xin hỏi rằng những thanh niên côn đồ đã tấn công người khác có bị xem xét dưới góc độ pháp luật hay không?

Hành vi của những giáo dân dựng lán trại cầu nguyện, không có căn cứ hay biểu hiện hành vi xâm hại cấp thiết đến tính mạng, sức khỏe trực tiếp đến người khác. Nhưng hành vi bạo lực đầy tính hung hãn của các thanh niên đã đánh đập, xúc phạm thân thể giáo dân rõ ràng là ngang nhiên công khai vi phạm pháp luật. Những lực lượng vũ trang chính quyền có mặt mà không có thái độ ngăn cản hành vi trái pháp luật của những kẻ hành hung cần phải bị buộc trách nhiệm dù bất kỳ nguyên nhân chủ quan hay khách quan.

Tôi có góp ý kiến này với một số người làm pháp luật trong bộ máy nhà nước Việt Nam. Những người có quyền hạn này đồng ý là những ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Nhưng họ cũng nói là phải có bằng chứng là những vị linh mục kia bị ai đánh, đánh ra sao phải có chứng cụ cụ thể để họ có căn cứ xử lý. Nếu không họ không thể làm việc vì không đủ chứng cứ, họ cũng chỉ nghe nói thế mà thôi.

Anh Trung nằm tại bệnh viện
Thật lạ lùng theo như nhà nước Việt Nam nói là giáo dân gây rối thì nhà nước có chứng cứ chăng khi đã bắt giữ giáo dân?. Còn việc cố ý gây thương tích cho người khác với mức độ nghiêm trọng thì nhà nước chưa có chứng cứ, lại đòi dân phải cung cấp. Vậy những cơ quan điều tra tồn tại bởi đồng thuế nhân dân đóng thì họ làm gì. Phải chăng họ lấy tiền của dân để chi phí, phục vụ bảo vệ cái di chứng Tam Tòa, tìm bằng chứng để chứng minh giáo dân xúc phạm đến di tích đó. Còn việc người dân bị tấn công bằng bạo lực thì họ để người dân tự đi tìm chứng cứ.

Phải chăng nếu không có chứng cứ về việc giáo dân, linh mục bị đánh đập. Thì những hình ảnh những vị linh mục trong bệnh viện chữa trị là giả tạo, là do những vị này dựng lên để vu khống ai đó. Nếu vậy thì xin chính quyền bắt giữ và truy tố họ vì tội vu khống người khác cho dù họ có là ai đi nữa.

Một đất nước pháp quyền, tại sao không giải quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Người bị đánh có bị đánh thật hay không? Ai là người đánh, ai là người bị đánh…

Để trấn an dư luận đang hoang mang, nghi ngờ, đồng thời tạo cho nhân dân niềm tin vào một nhà nước pháp quyền. Yêu cầu nhà nước Việt Nam phải khẩn trương làm rõ những ai vi phạm pháp luật trong vụ việc Tam Tòa. Hiện khắp nơi dư luận đang bức xúc trước những hình ảnh và tin tức bạo lực, đàn áp từ Tam Tòa- Đông Hới. Câu hỏi đặt ra là những người chấp pháp của nhà nước Việt Nam ở đâu vào lúc này ? Phải chăng nhà nước Việt Nam đang dung dưỡng những kẻ công khai tấn công người khác hay mặc kệ người dân tạo chấn thương giả để vu khống là mình bị tấn công gây dư luận không tốt gây hoang mang trong xã hội.

Nếu như vậy, phải chăng chúng ta đang sống dưới một nhà nước có luật mà không thực thi, có luật chỉ để áp dụng nửa vời, để bao che cho một phía. Một chính thể sẽ tồn tại bằng gì nếu như việc vi phạm pháp luật như vụ Tam Tòa không được làm rõ trên tinh thần luật pháp. Phải chăng nhà nước ta tồn tại bằng những lực lượng vũ trang gọi là công cụ bạo lực để bảo vệ mình…tôi tạm ngừng suy luận về vấn đề này để chờ đợi công lý được thực thi ở vụ Tam Tòa.

Và tôi mong đợi những động thái công minh từ những nhà cầm quyền, nếu không suy nghĩ của tôi và có thể là nhiều người dân khác sẽ mất đi niềm tin rất nhiều về một nhà nước Việt Nam pháp quyền.
 
Giới Hiền Mẫu họ Văn Cả giáo cứ Cồn Cả mừng lễ bổn mạng và hướng tâm tình tới Tam Toà
PV Cồn Cả
12:06 04/08/2009
VINH - Hằng năm cứ đến ngày 26 tháng 07, giới hiền mẫu giáo họ Văn Cả (Giáo xứ Cồn Cả) tổ chức mừng lễ bổn mạng bà Thánh Anna. Năm nay, vì nhiều lý do nên thánh lễ được chuyển tới ngày 03 tháng 08. Cho dù ngày giờ có khác đi nhưng chị em vẫn có những chuẩn bị chu đáo để mừng lễ bổn mạng sốt sắng.

Suốt những ngày qua, chị em đã làm tuần 7 ngày kính bà thánh Anna và cầu nguyện cho các nạn nhân Tam Toà. Chiều ngày 01 tháng 08, trước khi dọn mình xưng tội, chị em được Cha xứ chia sẻ về những điều quan trọng liên quan đến đời sống đạo và đời sống gia đình.

Sáng nay, gần 500 chị em tập trung về thánh được giáo xứ tổ chức thánh lễ sốt sáng. Trong bài giảng của thánh lễ, sau khi nêu lên ít nét về tiểu sử và cuộc đời của Bà Thánh Anna, Cha xứ đã đề cập đến những đức tính căn bản mà chị em cần phải có, đó là những đức tính công, dung, ngôn, hạnh. Cha xứ cũng giúp chị em nhớ tới các bổn phận của người mẹ người vợ trong gia đình nhất là bổn phận giáo dục con cái...

Sau thánh lễ, mọi người hướng lên câu khẩu hiệu “cầu nguyện cho các nạn nhân Tam Toà bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ” trong lời kinh hoà bình, điều đó giúp chị em nhớ đến các nạn nhân Tam Toà và nhớ đến bổn phận phải đem an vui, bình an về với gia đình và với cuộc sống.
 
Đại Vệ Chí Dị
Blog Người Buôn Gió
12:09 04/08/2009
Năm ấy ngoài khơi nước Vệ có nhiều chuyện biến động, thủy quân nước Tề bắn giết ngư dân Vệ công khai như vua quan nước Tề thường hay đi săn thú tiêu khiển. Nước Tề tuyên bố tất cả phần lớn lãnh hải của Vệ thuộc về nước Tề. Cái này Tề Vương đã nhắc cho Vệ vương hồi hai nước mới trở lại bang giao. Lần ấy Vệ Vương mới lên ngôi, nghe Tề Vương nói các chuyện khác đều ầm ừ không nói gì. Chỉ có nói đến quyền lực của mình Vệ Vương mới thực sự bàn mà thôi.

Bởi thế Vệ Vương lần này bối rối không biết bày tỏ ý kiến có nên phản bác với Tề Vương hay không, trong lúc nghĩ cách thì Vệ Vương chốc lại bước ra cửa điện, chắp hai tay vọng về phương Bắc hô câu thần chú.

- Tình hữu hảo Vệ Tề đời đời bền vững núi Thái Sơn, mênh mông nghĩa nặng như biển Nam Hoa.

Vệ Vương nhớ lần sang Tề Quốc chầu buổi nao, lúc ra về Tề Vương nắm tay ần cần dặn dò kẻ mới lên ngôi còn đang bỡ ngỡ, chưa rành thuật cai trị rằng.

- Vì tấm lòng thành của ngươi đối với bản quốc. Nếu sau này có gì nguy cấp, cứ hướng về phương Bắc mà hô cầu thần chú như vầy như vầy sẽ có người giúp.

Mấy lần sau đó trong đời mình gặp lúc nguy khó, như lúc tay chân của Vệ Vương bị chặt đứt trong vụ tham nhũng cầu đường. Manh mối lần gần đến ngai vàng. Mạnh Vương trai giới 3 ngày 3 đêm trước sân điện niệm thần chú hữu hảo Vệ Tề. Nhờ thế mà mọi việc suôn sẻ.

Lại nói chuyện biển đảo lan truyền khắp nước Vệ, dân Vệ nhiều người phẫn nộ với quân Tề lắm. Tuy Vệ Vương sai người bưng bít thông tin, nhưng sự việc cứ ầm ĩ lan tràn. Vệ Vương mới họp các mưu thần bàn kế đối phó. Mưu thần Tôn Dưa hỏi.

- Chuyện này đối phó với ai mới là quan trọng, đối với Tề hay đối với sự phẫn nộ của dân Vệ. Đại Vương có chủ ý chưa.?

Vệ Vương than rằng.

- Nước Tề là chỗ trông cậy của triều Vệ nhà ta, đối phó thế nào đây?

Tôn Dưa mới được cất nhắc lên làm đại thần nghị sự, tỏ ra tháo vát bàn.

- Cái nào khó đối phó thì tạm gác lại đó, cái nào dễ thì đối phó trước. Phàm là đấng minh quân phải biết chọn cái dễ mà làm.

Vệ Vương dường như khơi trúng tâm tư, thở phào trút gánh nặng ngàn cân. Cất lời hỏi.

- Vậy làm thế nào ?

Tôn Dưa bước lên ghé tai Vệ Vương thì thầm, lời nói đến đâu Vệ Vương rạng rỡ mặt mày đến đấy. Tay vỗ thành ngai vàng khen liên tục

- Hay, hay quả là kỳ diệu, kỳ diệu.

Tôn Dưa lui về chỗ, Vệ Vương lấy vẻ oai vệ thường ngày tức thì, tóc lại bóng mượt, mồm uốn éo tròn vo, đầu ngẩng cao nhìn khắp lượt quần thần đoạn ngạo ngễ hỏi.

- Quan bộ hình ở đâu ?

Quan bộ hình bước ra giữa triều nghe Vệ Vương ung dung huấn dụ.

- Nay bản vương lệnh cho ngươi xem xét những kẻ bàn về chủ quyền biển đảo những điều sau. Xem thân nhân, lý lịch có tiền án, tiền sự không, có thân nhân từng là quan quân triều Ngụy hay không, xem có đóng thuế đầy đủ, có nợ nần ai hay không, có quan hệ với các thế lực Vệ Kiều hải ngoại hay không, có quan hệ nam nữ bất chính hay không, chấp hành luật giao thông hay không. Thu nhập thế nào, tại nơi làm việc đồng nghiệp có phàn nàn gì, hàng xóm láng giềng có gây bất hòa gì hay không, có bất mãn với triều đình hay có âm mưu cơ hội làm chính trị hay không, có bị bệnh tâm thần hay không…..với quyền lực mà ngươi có. Ta không nghĩ ngươi để ta thất vọng.

Sau 3 tháng thi hành huấn dụ của Vệ Vương, người nước Vệ không còn mấy ai quan tâm đến biển đảo. Người thì lo chạy tiền đóng thuế, người thi lo thanh minh về việc trước kia quá túng ăn trộm con gà, người đi xin giấy chứng nhận mình không bị tâm thần để khỏi bị tống vào nhà thương điên. Nhiều kẻ bị bắt vì những tội danh khác nhau… đến nỗi ở quán xá có kẻ nhắc đến biển đảo, bạn hữu ngồi cùng bàn vội bịt miệng kẻ đó lại mà nói rằng.

- Ba năm trước ông mới đánh bài với tôi nhân dip ngày xuân. Tôi không muốn vì ông mà bị bắt vì tội đánh bạc từ năm nào đâu. Xin ông thận trọng giữ mình.

Hàng xóm, đồng nghiệp ghét nhau, trong đơn tố cáo hay nhận xét khuyết điểm thường có kèm câu là tên Mỗ, tên Na… trong đời sống hàng ngày hoặc công việc thường nhắc tới chủ quyền biển đảo của nước Vệ.

Trong kinh thành có một vị tướng già về hưu đã lâu, nổi tiếng là người can đảm, thao lược. Ông từng lên án nhiều sai trái của triều đình. Thiên hạ ai cũng cho ông là người chính trực dám nói thẳng. Ngày nọ có kẻ lưu manh gặp ông mà hỏi rằng.

- Ông là người chính trực có tiếng trong thiên hạ, sử sách đều ghi. Nay kẻ hèn này xin hỏi ông một câu, những vùng biển đảo mà nước Tề đang rắp tâm chiếm kia có phải của nước Vệ không.?

Vị tướng già cúi đầu buồn bã nói.

- Ta thì không chắc đã có tội gì, nhưng con cháu ta thì lại càng không chắc. Chuyện biển đảo là do triều đình quyết định. Ta khuyên anh lên chăm lo làm ăn, kiếm nhiều bạc nén mà vun vén gia đình nhà mình. Chuyện chính sự do triều đình và cũng do vận nước. Cá nhân thì nhỏ bé lắm.

Ngoài chợ thiên hạ đã thôi xầm xì vể biển đảo, trong triều ở quân đội có vài vị tướng lãnh vì máu trận chiến vẫn còn. Đôi lúc thường chất vấn triều đình về chủ quyền lãnh thổ. Vệ Vương goi lên hỏi.

- Gia đình các anh đi du lịch ở đâu?

Các tướng lãnh thưa rằng.

- Ở bên sứ xở của người da trắng, tóc vàng hay ít ra là bên Hồng, Thái, Sing..

Vệ Vương hỏi ?

- Thế có ăn cá biển của ngư dân nước Vệ ướp đá mấy ngày từ ngoài khơi mang về kinh đô, lại thêm hóa chất bảo quản của nước Tề không ?

Các tướng lãnh thưa rằng.

- Không ạ, chúng thần ăn cá đóng hộp của các nước có tiêu chuẩn thực phẩm khắt khe. Chúng thần phải giữ gìn sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc.

Vệ Vương cười khà khà.

- Các anh cũng như ta, cả đời chúng ta có đi du lịch ở những chỗ nước Tề chiếm đâu, có ăn cá của ngư dân chúng ta đánh đâu. Vậy thì hà cớ gì các anh hỏi ta khi mà chúng ta đang giữ gìn sức khỏe của mình để xây dựng đất nước phồn vinh, ổn định nền chính trị nhỉ?

Các tướng lãnh nghe xong, ngộ ra ý của Vệ Vương. Chắp tay đồng thanh hô lớn.

- Đại Vương anh minh, nước Vệ hưng thịnh. Quân Vệ hùng cường, dân Vệ, dân Vệ…

Thấy các tướng lắp bắp mãi đoạn dân Vệ. Vệ Vương trên ngai vàng xua tay.

- Thôi thôi các người lui, dân Vệ vốn hiền lành, triều đình bảo thế nào là thế vậy. Không cần đưa họ vào khẩu hiệu.

Các tướng lãnh ra về. Vệ Vương ưu tư đi trong điện. Lát sau ngài đợi cho cung điện vắng vẻ ra sân vọng về hướng Bắc niệm thần chú hộ mệnh. Những tên lính hầu trong điện đang thực hiện nghi lễ đổi phiên gác mới. Bầu trời dần lên từ phía Đông, nước Vệ bắt đầu một ngày bằng những tia ánh sáng mặt trời đỏ thẫm như máu khô của những ngư dân trên chết biển vì đạn quân Tề. Trong ánh sáng của mặt trời đi qua biển Đông mang theo cả mùi tanh tanh của máu, có vị mặn của nước mắt vợ con những người ngư phủ nước Vệ vùng biển đi không ngày trở lại.

(Nguồn: Blog Người Buôn Gió)
 
Tam Tòa - Dự cảm đầy lo âu, bất trắc
Trần Thạch Linh
12:16 04/08/2009
Đã từ lâu hình ảnh ngôi nhà thờ với tháp chuông v¬ươn cao thiêng liêng và cổ kính đã ăn sâu và hoà quyện trong những nét đẹp của nền văn hoá đất Việt. Cùng với “Cây đa, bến nước, mái đình”, trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn còn đó, lắng đọng hình ảnh của một làng quê thanh bình những¬ nét nhạc dung dị của nhạc sỹ Văn Cao “. ..Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều tiếng chuông nhà thờ ngân...” .

(ảnh minh hoạ bức tranh của Salvado dali)
Trong áng văn đẹp nhất của tiểu thuyết Mùa hoa giẻ (Tuyểu thuyết tình yêu nổi tiếng từ thế kỷ trước) khi tả về non nước Quảng Bình, nhà văn Văn Linh đã viết “...Bên kia cánh đồng, sau luy tre xanh thẳm, tháp chuông nhà thờ nhô cao, giống hệt một người bút khổng lồ đang phác vẽ vào nền cao những áng mây mùa hè dịu mát và những cánh chim..” Ngay lúc này đây đi trên phố phường Hà nội ta vẫn nghe thấy đâu đó trong một con phố cổ, thoảng lời ca quen thuộc “...Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chông ngân, ta còn em…”

Cũng đã từ lâu giáo lý của người Công giáo với đặc trưng “Yêu thương và phục vụ, bác ái” đã làm giàu thêm các giá trị, các chuẩn mực đạo đức dân tộc. Bên cạnh những quy phạm pháp luật, Giáo lý công giáo là những quy phạm đạo đức điều chỉnh hành vi xã hội, hành vi gia đình và hành vi cá nhân mỗi con người một cách tự giác nhất.

Từ hành vi của mỗi con người chúng ta đang chung tay xây dựng môi trường sống, xã hội cộng đồng. Thế thì hơn lúc hết nào giáo lý Công giáo đang quá cần thiết cho chính chúng ta và con em chúng ta để được sống trong môi trường xã hội đầy “yêu thương và bác ái”. Cái xã hội mà cả nhân loại hằng mong muốn h¬ướng tới. Hơn 80 triêu người dân Việt ôm trong lòng mình 8 triệu người Công giáo (10/%) Đã có ai thử tính xem có 0,00... bao nhiêu % trong số tội phạm, tham nhũng, tệ nạn xã hội. .. là ngời công giáo ( Tôi mới hay biết vừa đây thôi chính phủ Nga quyết định đa tôn giáo vào chương trình giảng dạy tại các trường công lập)

Và cũng đã từ lâu, dẫu lịch sử phát triển của Công giáo trên giải đất Việt nam là một cuộc thương khó mấy trăm năm dài dẵng, đau thương, oan khuất. Và hôm nay đây vẫn thua thiệt, vẫn đang âm thầm đi bên lề xã hội, nh¬ng với đức tin mãnh liệt vào “ Công lý và sự thật “ họ vẫn bùng cháy lên soi rọi cho chúng ta môi khi mất h¬ớng sống, ngã lòng, buông trôi trong xã hội đảo điên băng hoại và đang xuống cấp mọi mặt, Những “ Ma-sơ ”đã trở thành biểu tượng cao đẹp về lòng từ tâm lớn nhất có thể có được nơi trần thế này.

Còn nhớ câu thơ trong những ngày kháng chiến chống Pháp xa x¬a, ta thấy đồng bào Công giáo luôn nặng tình sẻ chia cùng dân tộc:

.... “Hỡi anh cán bộ trường sơn chân mềm đá xiết
Một ngày kia anh đi lại miền trung
Đồng bào ra mời nghỉ lại Phúc Đồng
Chuông cầu nguyện giáo đ¬ờng khuơ trăng mọc...


(Địa danh Phúc Đồng là một xóm đạo Quảng Bình)

Đúng thế, từ lâu rồi đã là nh¬ư thế, văn hoá, con ng¬ời, giáo lý Công giáo đã đi bên cạnh ta, thấm đẫm vào chúng ta hoà với chúng ta làm một. Và nếu ta cắt đi một phần văn hoá, giáo lý hay con ng¬ời Công giáo ấy là cắt đi một phần ta đó. Có ai ngu dại, cam lòng đánh đấm, cắt xé cơ thể của mình không...hậu quả thật khôn lường. Văn hào Ernest Hemingway đã cảnh báo “...Và nh¬ư thế Anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đó”

Vậy thì tại sao? để làm gì ? khi ai đó ngu dại, cam lòng cắn xé m¬ười phần trăm cơ thể của mình tại miền trung đất nước nơi giáo xứ Tam Toà mỏng manh, yếu ớt.

Lòng tôi quặn thắt khi bỗng thấy cả hệ thống thông tin đại chúng đông loạt loan tin dữ: người công giáo trở thành “ Thế lực thù địch” “Đối t¬ờng quá khích“ “Chà đạp lên lịch sử” “Phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” “Huỷ hoại khu chứng tích chiến tranh” “Xung đột lương giáo,” “Chống đối chính quyền” “ Khởi tố bắt tạm giam” ...Tất cả bỗng ồn ào lên, bỗng sôi lên nh¬ư trong một cái chảo rang. như¬ một cuộc tổng diễn tập cho một trận tổng tấn công nào đấy.

Cái gì đã xẩy ra? kết cục sẽ là gì ?

Tôi không có ý định, không có thẩm quyền xét đoán, xác định sự thật Chính những kẻ nào đó gây ra sự việc trên là biết rõ, những ngườii có lương tri đã biết và đã thét to lên rồi và các nạn nhân đã là chứng nhân cho chính sự thật đau thương. Tôi muốn nói với vị tiến sĩ, với các cây bút dồi dào sức viết ở các báo, đài truyền thanh truyền hình... đang tích cực đ¬ưa tin, bình luận về sự kiên tại giáo xứ Tam toà hầu làm sáng lên thêm sự thật vốn dĩ đã sáng tỏ rồi:

- Rằng: lương dân (Người dân l¬ương thiện) không hung hãn, tàn bạo đánh cứớp nhau đến đổ máu nh¬ư thế đâu. Quê mẹ tôi ở Quảng bình, lương dân quê tôi dù bao đời nay tuy nghèo khó, nh¬ng có giáo dục và đôn hậu lắm. Chị tôi, anh tôi, ai đó quê tôi không mất dạy, không đánh đập c¬ướp phá tài sản của ai bao giờ đâu.

- Rằng: đã quy hoạch nhà thờ Tam Toà làm nơi “chứng tích tội ác Đế quốc Mỹ”, thế có quy hoạch, quyết định nào cấm không được sinh hoạt tôn giáo tại nơi thờ tự không? biết bao nhiêu đình, đền, chùa nhà thờ là di tích là chứng tích ngườii ta vân đang ngày ngày hành lễ đấy thôi.

- Rằng: mảnh đất giả dối, ngườii ta đã đào xới mấy chục năm nay, cạn kiệt hết rồi, hãy can đảm lên đến với miền đất mới, miền đất sự thật, sẽ có được công trình, tác phẩm lớn lao, có sự nghiệp dài lâu không bao giờ phải ăn năn tủi hổ.

Sự việc giáo xứ Tam toà đang diễn ra, nỗi đau, mất mát và sự sỉ nhục là quá lớn, kết cục của nó vẫn đang nằm trong những m¬u mô toan tính, điên khùng và tham bạo thì nỗi đau còn nối tiếp nỗi đau. Nếu tỉnh táo và có một chút lòng “Yêu thương bác ái” cùng hư¬ớng đến “Công lý và sự thật” thì kết cục vẫn là nỗi đau nh¬ưng sẽ vư¬ợt qua vì:

- Có đánh Linh mục vào giữa mặt, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa lòng cộng đồng lương dân mà bên dòng Nhật Lệ, nhà thờ được dựng lên “...giống hệt một người bút khổng lồ đang phác vẽ vào nền trời cao những đám mây mùa hè dịu mát và những cánh chim..” thì cũng cầm lòng được

- Có tịch thu Thánh Giá, nhục mạ biểu tượng thiêng liêng, bôi xấu người công giáo trên hệ thống thông tin đại chúng mà tiếng chuông nhà thờ được ngân nga, lời “Kinh Hoà bình” được tư¬ới tắm trong đời sống lương dân xứ quê ngoại thân thương này thì cũng đành lòng được.

- Có phá tan Thánh lễ, đánh đuổi, bắt giữ giáo dân, mà anh tôi, chị tôi. .. ở nơi xa xôi, cát sỏi ấy được sống trong “yêu thương bác ái”, thấy được “ánh sáng tin mừng” thì cũng cam lòng được.

Tôi chưa là một người Công giáo, nhưng tôi tin rằng, những người Công giáo họ cũng chấp nhận được, tha thứ được, nếu có thật sự hai điều này: “Bác ái, yêu thương và Công lý, Sự thật” và để có hai điều đó, thì phải biết “ăn năn, thống hối” mà thôi.

Nhưng, đó chỉ là một ước mơ thật xa vời so với thực tại mà tôi đang thấy.

Đấy là những trăn trở đêm dài thức cùng nỗi đau quê ngoại với những dự cảm đầy lo âu bất trắc. Tôi biết rằng danh hoạ Salvador Dali nổi tiếng thế giới không chỉ bởi những bức tranh “Hươu cao cổ bốc cháy” hay “hoài niệm thời gian”...mà phải kể đến bức tranh “Dự cảm về chiến tranh” - Bức tranh nói về cuộc nội chiến Tây ban nha, mô tả sự đau đớn một kẻ kỳ quái, dị hình, cắt xẻ cơ thể mình thành nhiều mảnh và từng mảnh đó đang bấu xé, dẫm đạp lên nhau mà không biết chính đó là cơ thể của mình.

Hà nội những ngày nóng bỏng
 
Bàn về tội trong vụ Tam Tòa
Luật sư Lê Quốc Quân
16:21 04/08/2009
Trong vụ Tam Tòa xảy ra ở Đồng Hới, có 7 giáo dân bị bắt và khởi tố về tội: “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”. Chi tiết tội nào đối với người nào thì ta chưa rõ vì chưa thấy quyết định khởi tố. Tuy nhiên để tìm hiểu kỹ hơn khía cạnh pháp lý của vấn đề, chúng tôi xin nêu ra sau đây một đặc điểm của loại tội phạm này và xác định xem liệu các công dân đó có đúng là phạm tội gây rối hay không ?.

1. Thế nào là “Gây rối trật tự công cộng” ?

Thứ nhất: Gây rối trật tự công cộng là một hành vi phạm tội hình sự được quy định tại điều 245 Bộ Luật hình sự với nội dung chính là: “gây rối để làm mất trật tự”. Hành vi này chỉ bị coi là hình sự khi gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính trước đó và chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Người gây rối phải là người cố tình với mục đích tạo ra tình trạng bất ổn và có tính bạo động như đập phá, đốt phá xe cộ, đánh nhau để tạo sự rối loạn, xô xát, bất ổn.

Đối với các giáo dân thì việc dựng một cái lán tạm trong khuôn viên của Nhà thờ mà họ cho là sở hữu của họ là việc làm dân sự. Nếu sai thì thuộc vào hành vi hành chính và chịu điều chỉnh bởi pháp luật về hành vi hành chính.

Theo đó: Nếu chính quyền sở tại coi rằng việc dựng nhà tạm là trái pháp luật thì phải tiến hành lập Biên bản vi phạm có ký nhận của bên vi phạm (các giáo dân). Nếu đương sự không ký thì có thể nhờ người làm chứng xác nhận hành vi vi phạm. Từ Biên bản vi phạm (được coi như là một nguồn chứng cứ) UBND Huyện nơi có nhà thờ Tam Tòa ra Quyết định xử phạt hành chính. Quyết định xử phạt này sẽ được gửi cho các bên.

Trong Quyết định xử phạt hành chính thường có quy định rõ biện pháp xử phạt và buộc phải tháo dỡ, ghi rõ thời hạn có hiệu lực của quyết định. Luật pháp cho phép một khoảng thời gian là 30 ngày để cho bên vi phạm khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện quyết định xử phạt đó lên cấp cao hơn hoặc ra tòa an hành chính trước khi bị cưỡng chế thi hành.

Cuối cùng, nếu giáo dân sai thì vào thời điểm cưỡng chế để thi hành Quyết định hành chính, Luật pháp yêu cầu có đầy đủ cơ quan đại điện chính quyền địa phương, đại diện Viện Kiểm sát, đại diện các đương sự, và quyết định đó được đọc to cho mọi người nghe rõ sau đó mới tiến hành tháo dỡ theo cách ôn hòa nhất.

Thứ hai: Như đã nêu ở trên đặc điểm quan trọng của việc gây rối trật tự công cộng là những người tham gia cố tình tạo ra sự bất ổn như đốt phá, rượt đuổi, lật xe cộ, dựng vật cản giữa các nơi công cộng trong khi đó Giáo dân dựng nhà tạm rất trật tự và nhẹ nhàng. Bản chất của họ không hề muốn tạo ra sự bất ổn hoặc thu hút sự chú ý hoặc gây náo loạn đối với công chúng.

Vậy có thể khẳng định rằng: Giáo dân đã không phạm tội gây rối trật tự công cộng.

1. Thế nào là: “Chống người thi hành công vụ”

Điều 257 của Bộ Luật hình sự quy định: Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệu vụ của họ”.

Thứ nhất: Đặc điểm quan trọng nhất của hành vi này là: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống lại người thi hành công vụ. Ví dụ bên sai phạm dùng dao, súng, búa, cuốc xẻng, gậy gộc tấn công lại trực tiếp đối với các nhân viên công lực. Thường là việc chống lại này phải gây ra một hậu quả nhất định (gây thương tích, xé rách sắc phục hoặc tước các công cụ hỗ trợ của công an ). Khi đứng trước các nhân viên công lực, Thông thường nông dân luôn sợ và không dám dùng vũ lực trừ phi họ bị dồn vào thế cùng hoặc họ tin rằng việc làm của họ là đúng và nhân viên công lực sai.

Như trên đã phân tích, thông thường tất cả những việc này là hành chính cho nên, nếu được thực hiện đúng trình tự pháp luật không bao giờ dồn dân vào đường cùng. (cho dân có thời gian khiếu nại quyết định xử phạt, hòa giải…). Đồng thời, tội “Chống người thi hành công vụ” chỉ được cấu thành khi nhân viên công lực đang (đã bắt đầu và chưa kết thúc) thi hành một công vụ hợp pháp. Nghĩa là mọi thủ tục, trình tự phải đảm bảo đúng pháp luật và theo một trình tự do luật quy định.

Thứ hai: Bản thân các công dân nói chung, giáo dân Tam Tòa nói riêng, thường là chỉ bảo vệ những tài sản của mình (ví dụ công dân dành lại chìa khóa xe, níu xe lại không cho cảnh sát tịch thu, ôm thánh giá, giằng tay cảnh sát hoặc nằm lăn ra không cho phá dỡ…) tất cả những hành vi đó không phải là Chống người thi hành công vụ vì họ không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực. Họ cũng tin rằng hành vi của Nhân viên công lực là không đúng.

Ngược lại với các hành vi của công dân thường bị coi là vi phạm, ta hãy tìm hiểu xem các cơ quan Công an có thể đã phạm những tội gì:

1. Tội xâm phạm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Tội này quy định tại Điều 129 Bộ Luật Hình sự Nước CHXHCNVN. Theo đó “Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến 1 năm”.

Việc cơ quan Công an can thiệp vào công việc của Giáo dân Tam Tòa rõ ràng đã cản trở quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của họ. Mặc dù đây có thể chưa bị coi là tội phạm khi thực tế là các giáo dân này không phải đang dâng lễ. Thế nhưng việc kéo đổ một nơi thờ tự trong đó có thánh giá đã được làm phép rõ ràng phải được xem như là hành vi xúc phạm tôn giáo. Việc giật sập ngôi nhà tạm không theo một trình tự thủ tục pháp lý nào được xem là hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình.

Việc lấy đi các vật dụng phục vụ việc thờ tự như: Khung nhà, Máy phát điện, Thánh giá, ảnh tượng…mà không có một biên bản nào đúng pháp luật đều được xem là những hành vi xúc phạm đến tôn giáo, cản trở quyền tự do tôn giáo của Nhân dân.

2. Tội lạm quyền trong khi thi thành công vụ:

Tội này được quy định tại Điều 182 của Bộ Luật hình sự. Theo đó, tội quy định “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm”.

Khách thể cần bảo vệ của tội phạm này là sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Sự lạm dụng đã làm cho cơ quan tổ chức đó bị mất uy tín và làm mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Trong vụ Tam Tòa, việc cơ quan công an bỏ qua các giai đoạn phải có đối với một hành vi vi phạm hành chính để tiến hành cưỡng chế, phá bỏ nhà tạm là lạm quyền khi thi hành công vụ. Hành động này thực sự đã làm dấy lên trong lòng nhân dân những ngờ vực, nghi kị, không những sút giảm nghiêm trọng uy tín và lòng tin vào Đảng Cộng sản mà còn khơi gợi lên các hành vi chống lại chính quyền. Người lạm quyền đã sai phạm rất nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3, có thể bị tù đến 20 năm.

Đặc điểm quan trọng của loại tội này là người phạm tội phải là người có Chức vụ, quyền hạn. Bởi vậy, xét ra thì người chịu trách nhiệm về sự việc này cần bị truy tố trước pháp luật là Giám đốc sở công an tỉnh Quảng Bình hoặc là Một phó chủ tịch tỉnh phụ trách tôn giáo. Nếu quá trình điều tra cho thấy có sự làm quyền ở cấp lớn hơn, chức vụ cao hơn thì cần mau mau truy tố người đó ra trước tòa.

3. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác

Tội này được quy định tại điều 104 của Bộ Luật Hình sự. Theo đó ghi rõ: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”

Đặc điểm quan trọng của tội này là cố ý gây thương tích (đánh, đập, rượt đuổi, xô đẩy… ) mà tạo ra sự tổn hại sức khỏe của nạn nhân. Nhìn hình ảnh linh mục Phê Rô Ngô Thế Bính bị đánh đập với những vết thương bên ngoài nhìn thấy được ta cũng thấy rõ ràng một số nhân viên công lực rõ ràng đã vi phạm vào Điều 104, cố ý gây thương tích cho công dân.

Đối với tội này thì sử dụng hung khí, cố ý gây thương tích cho nhiều người, với phụ nữ, trẻ em, người già yếu, người đáng kính trọng là những yếu tố cấu thành tội phạm cao và chỉ cần tổn hại thương tật dưới 11% thì cũng bị chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ Tam Tòa, người vi phạm đã nhận thức rất rõ đó là linh mục nhưng họ cũng tiến vào đánh. Khi đánh họ hoàn toàn làm chủ tình hình, không bị kích động tinh thần mạnh. Đó chính là những yếu tố đòi buộc công an phải vào cuộc để truy tìm bọn “vô lại” vi phạm pháp luật ngay trước mũi công an. Yêu cầu này là sự đòi buộc của pháp luật. Nếu không, công an tỉnh Quảng Bình sẽ phạm vào tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội – Điều 294 Bộ Luật hình sự”.

4. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Tội này được quy định tại điều 137 Bộ Luật Hình sự. “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Các công dân bị chiếm đoạt máy ảnh, máy phát điện, các khung sắt và đặc biệt là thánh giá…Đó chính là tài sản của các công dân. Hầu hết các tài sản này đều có giá trị hơn năm trăm ngàn đồng. Cơ quan chính quyền công nhiên chiếm đoạt giữa ban ngày với sự chứng kiến của nhiều người mà không hề có một văn bản nào xác nhận việc tịch thu. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Đồng thời cũng lưu ý thêm rằng ất cả các công cụ như máy ảnh, máy nổ, không thể được coi là công cụ, phương tiện phạm tội. Luật pháp quy định công dân có quyền giám sát các hành vi của chính quyền và có thể chụp ảnh, ghi hình bất cứ nơi đâu, về bất cứ việc gì trừ những nơi có biển cấm chụp ảnh, ghi hình theo quy định của pháp luật. Còn việc sử dụng hình ảnh là một câu chuyện khác.

Thay cho lời kết

“Việt Nam có một rừng luật nhưng thường áp dụng luật rừng”. Vấn nạn được đáng buồn này vẫn đang đeo bám và làm khổ nhân dân. Thông thường nhân dân bị bắt, bị đánh đập bị chiếm đoạt tài sản bởi hàng loạt vi phạm hiển nhiên của cơ quan công lực. Nhưng tại nhà giam, khi thì đe dọa, khi thì dụ dỗ, những công dân cô đơn yếu đuối của chúng ta lần lượt nhận tất cả những lỗi về mình, ký hàng loạt văn bản trái bản chất và trái sự thật để hợp thức hóa toàn bộ các hành vi vi phạm của cơ quan công quyền đồng thời chuyển sự vi phạm sang cho dân chúng.

Như vậy cơ quan công quyền đã chuyển hóa chứng cứ thành cơ sở pháp luật chống lại chính công dân do chúng ta chưa hiểu biết luật. Vì các hành vi tương tự sẽ xảy ra nhiều nên chúng tôi xin nhắc lại rằng: Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án”. Bởi vậy các anh chị em luôn luôn phải xác tín rằng mình là người vô tội cho đến khi ra trước tòa. Anh chị em cứ ghi như vậy trước khi ký bất cứ văn bản nào.

Xét cho cùng, Luật pháp là để bảo vệ mọi người nên hãy tìm hiểu và dựa vào pháp luật, hãy đấu tranh chống lại thư luật rừng và đòi buộc cơ quan công quyền phải tuân theo pháp luật. Mấy dòng giới thiệu ngắn này chỉ để giúp chúng ta tin rằng mình không phạm luật. Khi đó thì mình mới không run, mới tiếp tục vững tin tranh đấu cho công lý và sự thật.
 
Giới trẻ Nghi Lộc GP Vinh hiệp thông cùng Tam Toà thắp lên ngọn lửa khát khao Công lý
Thiên Khải Đường
20:54 04/08/2009
VINH - Như chúng ta đã biết, đêm 28.07.2009, tại giáo xứ Nghi Lộc, giáo phận Vinh đã có một thánh lễ và buổi thắp nến cầu nguyện cho những anh chị em Tam Toà. Buổi cầu nguyện đã tạo một bầu khí yêu thương, tin tưởng vào sự thật, lẽ phải ở đời. Đồng thời gây được tiếng vang và sự chú ý rất lớn đối với những anh em lương dân các vùng lân cận.

Xem hình ảnh

Những con người xưa nay vẫn chỉ quen “nghe đài Nhà nước” hẳn đã phải thấy lạ lùng lắm khi chứng kiến một đoàn người với ánh nến sáng trên tay, với lời Kinh hoà bình vang dậy. Và họ cũng lạ lùng lắm khi mấy ngày hôm nay đi qua nhà thờ Nghi Lộc lại đọc thấy dòng chữ đỏ trên nền băngrôn vàng: CẦU NGUYỆN CHO GIÁO DÂN TAM TOÀ BỊ CÔNG AN QUẢNG BÌNH ĐÁNH ĐẬP VÀ BẮT GIỮ. Vì thấy lạ lùng mà họ tìm hiểu, rồi vì tìm hiểu mà họ dần biết được sự thật.

Đêm Chúa nhật 02.08.2009, giới trẻ Nghi Lộc đã tổ chức một buổi cầu nguyện thứ hai để hiệp thông cùng Tam Toà thắp lên ngọn lửa khát khao công lý. Trước giờ cầu nguyện, cha quê hương Nguyễn Văn Hiệu đã dâng một thánh lễ dành riêng cho giới trẻ. Gần 9h tối, thánh lễ kết thúc và cuộc rước nến bắt đầu. Đi đầu là Thánh giá Chúa, theo sau là Thiếu nhi và Hội học sinh-sinh viên giáo xứ, tiếp đến là Hội Teresa, sau cùng là Ca đoàn và các bậc phụ huynh. Đoàn rước kết thành một hàng dài đông đảo tiến về lễ đài Đức Mẹ. Lễ đài thật rực rỡ và lung linh trong muôn ngàn ánh nến. Đức Mẹ ngự trên ngôi cao chắc cũng đẹp lòng lắm. Con cái Mẹ đang tề tựu dưới chân Người để thắp sáng lên ngọn lửa khát khao Công lý, Sự thật.

Lời cầu nguyện sốt sắng vang lên chan hoà cùng ánh nến, cùng những tấm lòng thảo kính. Cầu cho những chiên lành vô tội đang bị bắt bớ, vì máu người Công giáo Việt Nam lại thêm một lần nữa phải đổ xuống. Những nỗi đau ngày xưa cha ông Nghi Lộc đã chịu giờ lại ập đến với giáo dân Tam Tòa vô tội. Giữa thời đại văn minh và phát triển này, có ai nghĩ rằng việc đàn áp tôn giáo lại có thể xảy ra và xảy ra khủng khiếp như thế. Chúng ta về đây, không phải để cầu xin cái đảng cầm quyền rủ lòng thương. Càng không phải để phô trương sức mạnh bạo lực của người Công giáo. Mà chúng ta đang hiệp lời cầu nguyện cùng Mẹ hiền Giáo hội, cùng những anh chị em chung một niềm tin để dâng lên Thiên Chúa tấm lòng thảo kính và khiêm cung. Dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu thành tâm cho những con người đang chịu khổ đau vì một niềm tin kính Chúa.

Những lời cầu nguyện nối dài tưởng như vô tận. Mỗi một con người đều ý thức rằng, cuộc sống hôm nay đã được đắp bồi từ bao xương máu cha ông xưa. Mỗi bước đi là muôn giọt máu đào của các Thánh tử đạo đổ xuống. Các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi người Kitô hữu trong một hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách. Sự hi sinh của các ngài cho thấy một điều rằng, tình yêu luôn mạnh hơn sự chết và sự chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho tình yêu bằng cách can đảm bảo vệ Sự thật, vì như lời Kinh thánh, “sự thật sẽ giải phóng anh em”.

Tôi đứng đó, bạn bè tôi đứng đó, giữa lễ đài Đức Mẹ lặng gió, dậy lên trong lòng một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và Mẹ hiền Giáo hội. Giáo hội Chúa đã sống qua những thời kì khủng khiếp nhất. Đã sống từ những hang toại đạo. Đã chiến thắng nanh vuốt sư tử và đao gươm. Đã chiến thắng cả chủ nghĩa cộng sản khét tiếng một thời. Thì bây giờ, những cháu con của các Thánh tử đạo xưa, là tôi, là bạn lẽ nào có thể sợ hãi những gông cùm và bắt bớ, những dùi cui gậy gộc, những đám “quần chúng tự phát” và cả những kẻ mang sắc phục công an nấp sau chúng? Chúng ta chắc chắn không sợ. Giới trẻ Nghi Lộc, giới trẻ Vinh, giới trẻ Công giáo Việt Nam chắc chắn không sợ. Đến lửa hoả ngục cũng không thể thiêu đốt Đức tin của con cái Chúa thì những thứ quyền lực đen tối của trần gian có là gì. Sức mạnh của chúng ta không phải là lưỡi gươm, báng súng hay những công cụ giết người ghê rợn. Mà sức mạnh của chúng ta đã, đang và sẽ đến từ Trời cao. Chúng ta có Chúa, là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Thời kì đối đầu lương giáo đã qua. Thời kì đối thoại cũng đã bị những kẻ cường quyền bóp chết. Thì nay, sức mạnh người Công giáo sẽ được hiển lộ từ những người trẻ tuổi và trẻ lòng này. Chúng ta không hô hào hay khởi xướng cho một sự xung đột. Mà chúng ta sẽ chiến đấu, bằng cách thức của người Công giáo, bằng Đức tin của người Công giáo, chống lại bạo tàn và những kẻ cầm quyền thích sử dụng sự bạo tàn. Hơn bao giờ hết, chúng ta tin Chúa sẽ đồng hành cùng dân Người.

Lời cầu nguyện lại vang lên hướng về với Mẹ... Xưa Mẹ đã cạn dòng nước mắt khi đi cùng Chúa trên bước đường khổ nạn. Mẹ đã đau đớn biết dường nào khi nhìn con mình chết trên thập giá. Nay Mẹ lại phải chứng kiến những đứa con vô tội đang bị chà đạp lên nhân phẩm, lên sự tự do và nhân quyền tối thiểu mà tưởng như bất kì ai cũng phải được tôn trọng. Mẹ lại phải chứng kiến Thánh giá Chúa bị xúc phạm nặng nề. Những tên bất nhân đã ngang nhiên chiếm đoạt và chà đạp Thánh giá – biểu tượng cao quý nhất của niềm tin Thiên Chúa. Và thêm một lần Nhà Chúa bị chiếm đoạt một cách công khai trắng trợn. Ngôi thánh đường vốn là biểu tượng cho tình yêu thương, cho sự thứ tha và hòa giải, cho những tâm hồn thiện chí và cho lẽ phải ở đời. Thì nay, những kẻ có quyền chức với dã tâm đen tối đã biến thánh đường thành một biểu tượng của lòng thù hận, của chiến tranh và tội ác. Đó là sự xúc phạm khủng khiếp đối với người Công giáo yêu chuộng sự thật, hòa bình. Đất nước Việt Nam đã phải sống quá lâu trong hận thù và chia rẽ. Lý tưởng của chúng ta bây giờ không phải là đấu tranh giai cấp, không phải là đấu tố chính đồng loại của mình. Lý tưởng của chúng ta càng không phải là bạo lực cách mạng, không phải là chém giết những đồng bào vô tội vì một thứ chủ nghĩa quái thai vô nhân đạo, phi nhân tính. Xin Mẹ Thiên Chúa che chở và ủi an con cái Mẹ, để chúng con biết xây dựng hòa bình với nền tảng công lí và sự thật. Xin Mẹ cho quê hương Việt Nam biết quên đi quá khứ, để tiến tới một tương lai tươi sáng đầy tình yêu thương. Và xin Mẹ đỡ nâng những tâm hồn đầy thiện chí...

Tiếp sau những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Người, giới trẻ Nghi Lộc cũng đã cầu nguyện cho các nhà cầm quyền đương thời. Đặc biệt là công an và chính quyền tỉnh Quảng Bình. Để họ biết nhận ra đường ngay nẻo chính. Để họ biết nhìn thấy hậu quả những việc họ đã làm. Không nói đâu xa, chính tại xứ Nghi Lộc này, vài thập niên gần đây đã hơn một lần chịu sự bắt bớ và trấn áp từ phía chính quyền. Để rồi khi gặp phải những tai ương mà ai cũng nghĩ rằng đó là sự trừng phạt của Chúa, thì những “Đảng viên” một thời chống lại đạo Chúa ấy đã phải lên tiếng xin lỗi và xin tha thứ giữa nhà thờ.

Và một lần nữa, xin Chúa gìn giữ những anh chị em Tam Tòa vô tội, vì tình yêu Chúa mà đã và đang chịu bắt bớ tù đày. Cầu cho Sự thật – Công lí – Hòa bình sẽ đến với chúng con, đến với người dân Việt Nam trên khắp quê hương này. Lại xin Chúa soi sáng cho hàng giáo phẩm của Giáo hội, để các ngài luôn là những vị chủ chăn tốt lành và sáng suốt, là điểm tựa vững chắc cho đoàn chiên Chúa. Cầu cho chúng con luôn hiệp nhất nên một.

Xin mượn câu nói nổi tiếng của cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II để kết thúc bài viết này, “các con đừng sợ, hãy mở rộng cánh cửa của Chúa Kitô”.

Gx Nghi Lộc, 03.08.2009
 
Giáo xứ Bột Đà tổ chức đêm đốt nến cầu nguyện cho giáo dân Giáo xứ Tam Toà
Bột Đà
21:25 04/08/2009
VINH - Vào lúc 19h45 ngày 02 tháng 8 khoảng 2000 giáo dân thuộc 6 giáo họ của giáo xứ Bột Đà là: Phúc Đồng, Linh Sơn, Phượng Kỷ, Phú Thọ, Thuần Hậu và giáo họ trị sở tập trung trước nhà thờ giáo xứ đốt nến, tiến ra đài Đức Mẹ và đền thánh Antôn, để cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà bị công an Quảng Bình đàn áp tàn nhẫn vì niềm tin vào Chúa Kittô và cầu nguyện cho chính quyền Quảng Bình tôn trọng sự tự do thờ phượng Thiên Chúa của giáo dân xứ Tam Toà trên mảnh đất của giáo xứ.
Trong giờ cầu nguyện có đoạn viết "....dưới chân Mẹ, chúng con, linh mục và giáo dân xứ Bột Đà, tha thiết xin Mẹ đến an ủi đoàn chiên nhỏ bé Tam Toà, từ lâu đã chịu cảnh thiệt thòi là không có nơi phụng thờ Thiên Chúa, và giờ đây họ đang bị chính quyền Quảng Bình đàn áp tàn nhẫn. Chúng con xin dâng lên Mẹ người anh em bé nhỏ đang chịu cảnh đàn áp tàn khốc đó. Chúng con cũng tha thiết xin Mẹ đến hướng dẫn tất cả gần 500.000 giáo dân Giáo Phận Vinh biết hiệp thông mật thiết và khôn ngoan với anh em giáo dân Tam Toà, để qua đó, Công lý được tôn trọng, sự thật được hiển minh.....".

Kết thúc giờ cầu nguyện, tất cả mọi người đồng thanh dâng lên Mẹ giáo xứ Tam Toà và Giáo Phận Vinh bằng bài ca giáo phận vinh:

Ôi Mẹ Maria! ôi Mẹ! Mẹ Giáo Phận Vinh. Con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ.
Ôi Mẹ Maria! ôi Mẹ! Mẹ Giáo Phận Vinh. Xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.

1/ Xin Mẹ luôn giữ gìn qua cơn nguy khốn, cho đoàn con vững lờng tin tưởng trông cậy. Xin Mẹ ban sức mạnh đức tin kiên vững. Ban bình an và ban ý chí kiên cường.
2/ Cho đoàn con giáo phận luôn luôn hiệp nhất. Trong Tình yêu Chúa là Thiên Chúa nhân từ. Cho đoàn con giáo phận hiên ngang theo Chúa. Để ngày mai được vui hưởng phúc thiên đàng.
3/ Xin Mẹ cho những người ra tay bắt bớ. Biết nhận ra đâu là công lý sự thật. Cho Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng. Xây dựng nên Việt Nam đất nước thanh bình.


Bột Đà
 
Giáo xứ Thượng Nậm GP Vinh thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa
Micae Trung Dũng
21:31 04/08/2009
VINH - Những ngày qua, Giáo Hội Công Giáo và những ai yêu chuộng công lý, hoà bình không khỏi bàng hoàng trước hành động bắt bớ, đánh đập các linh mục và một số anh chị em giáo xứ Tam Toà. Một hành động đi ngược lại với cam kết quốc tế và thậm chí đi ngược lại chính sách của chính quyền Việt Nam về quyền tự do tôn giáo của người dân.

Trước hành động tàn bạo của chính quyền, công an tỉnh Quảng Bình và đáp lại lời mời gọi của bề trên giáo phận, các giáo hạt, giáo xứ trong giáo phận đã có những hoạt động cụ thể để cùng với giáo phận, cách riêng là với anh chị em giáo xứ Tam Toà vượt qua đau thương, thử thách.

Riêng tại giáo xứ Thượng Nậm, Cha xứ cho treo trước thánh đường câu: “CẦU NGUYỆN CHO ANH CHỊ EM GIÁO XỨ TAM TOÀ BỊ CÔNG AN BẮT GIỮ VÀ ĐÁNH ĐẬP”.

Trong mỗi thánh lễ ngài mời gọi mỗi người giáo dân hiệp ý cầu nguyện cho giáo phận cũng như anh chị em giáo xứ Tam Toà, đồng thời Ngài đọc và đưa lên bảng tin những tin tức mới nhất liên quan về giáo xứ Tam Toà để mỗi người được biết. Qua đó mọi người hiểu và rất bức xúc trước cảnh đối xử tàn bạo của chính quyền, công an Quảng Bình đối với các linh mục và anh chị em giáo xứ Tam Toà. Đặc biệt, tối chủ nhật ngày 02-8-09, hầu hết giáo dân trong giáo xứ đã quy tụ về nhà thờ xứ để hiệp dâng thánh lễ, sau đó thắp nến chầu thánh thể cầu nguyện cho anh chị em giáo xứ Tam Toà. Mặc dù thời gian thánh lễ và chầu thánh thể rất dài, (từ 17h30 – 22h) nhưng mọi người tham dự trang nghiêm, sốt sáng.

Vì máu của các linh mục và anh chị em giáo dân đã đổ ra trên mảnh đất Tam Toà, vì sự hiệp nhất của mỗi người bước theo chân Chúa, chúng ta tin rằng, Tam Toà sẽ là nơi được Thiên Chúa chúc phúc.

Xin Chúa thương ban sức mạnh, lòng can đảm để mọi người tin Chúa, đặc biệt là anh chị em giáo xứ Tam Toà kiên tâm giữ vững niềm tin của mình, hầu vượt qua những đau thương thử thách.

 
Giáo xứ Tĩnh Giang GP Vinh hiệp thông cùng Tàm Tòa
Tĩnh Giang
21:49 04/08/2009
VINH - Người Việt chúng ta có câu:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn


Để nói lên tình yêu thương, tiếc thay, những ngày vừa qua, Cha xứ và bà con giáo xứ Tam Toà đã bị những kẻ cùng giống, cùng giàn đàn áp một cách dã man và đê tiện.

Không dừng lại ở đàn áp mà còn dùng các phương tiện truyền thông để bôi nhọ, xuyên tạc gây chia rẽ giữa lương giáo. Làm cho bà con cảm thấy bơ vơ, lạc lõng khi sống chung với những kẻ cùng giống, cùng giàn nhưng chỉ khác niềm tin.

Thật là đau khổ, không có từ nào diễn tả nỗi thống khổ của bà con hiện nay. Trước sự bất công và đau khổ mà giáo dân Tam Toà phải chịu, Giáo xứ Tĩnh Giang cũng như tất cả những người Công giáo Địa phận Vinh chỉ biết cầu nguyện. Cầu nguyện để xin ơn Chúa đến với bà con đủ sức mạnh vượt qua nỗi đau này. Cầu nguyện cho chính quyền biết dựa trên Luật pháp và tình người để điều hành đất nước. Đừng lấy “luật rừng” và dùng “côn đồ” như là “phương tiện” để cai trị và hà hiếp dân lành. Qua sự việc đó, bộc lộ bản chất của một chế độ bất hảo. Công an cũng giống như “xã hội đen”, hai bên đều hỗ trợ cho nhau để trấn áp dân lành.

Chúng con nghĩ rằng, không riêng gì Giáo xứ Tam Toà mà còn nhiều Giáo xứ trên đất nước Việt Nam đang phải gánh chịu những áp bức của bạo quyền chỉ vì họ là những người tin vào Chúa mà thôi.

Không đợi đến lúc thư chung của Toà Giám Mục kêu gọi cầu nguyện, Giáo xứ Tĩnh Giang ngay ngày 21/7/2009, khi được tin đã kêu gọi mọi người trong xứ cầu nguyện, mọi người hãy hướng về Tam Toà, Thái Hà và Toà Khâm Sứ Hà nội.

Tối thứ Bảy ngày 01/8/2009, Giáo xứ đã tổ chức Thánh lễ ngoài trời, bà con trong xứ cũng như các xứ bạn đã tề tựu đông đủ, nến trong tay giơ cao cùng hát Kinh hoà bình và cầu nguyện. Nhiều người đã oà khóc khi Cha xứ kể về việc đàn áp của bạo quyền.

Giáo dân ở đây biết rằng, nỗi đau thể xác và tinh thần mà quý Cha và bà con phải gánh chịu thật là quá sức nhưng với ơn Chúa con tin chắc mọi người sẽ vượt qua. Và đây là cơ hội mà Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Ngài.


 
Tam Tòa và Lễ Vượt Qua
Luật sư Lê Quốc Quân
22:29 04/08/2009
Sự kiện Tam Tòa thuộc tỉnh Quảng Bình đang thu hút sự chú ý của dư luận và liệu có thể trở thành một “lễ vượt qua” cho toàn cục không. Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của Chính Quyền Việt Nam.

Do tính chất phân tháp để tiêu diệt người Công giáo hàng trăm năm trước, Họ bị chia tách, lưu đày hoặc bỏ trốn đến những vùng hoang vu. Hơn 400 năm kể từ khi có những tín hữu đầu tiên, người công giáo chiếm tới 10% dân số và nằm ở hầu hết các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam.

Sau sự kiện Tam Tòa, ngày 26/7 hơn 200,000 giáo dân của Địa Phận Vinh đã đổ về 18 giáo hạt trong Địa Phận với những biểu ngữ và cờ Hội thánh trên tay.

Ngày 2/8 có 178 giáo xứ nằm rải rác trong khoảng chừng ấy xã tiếp tục đi bộ về các nhà thờ thắp nến cầu nguyện.

Đã có những giáo dân mang biểu ngữ ra đứng bên đường quốc lộ, nồng nhiệt photo các bài viết về Tam Tòa, không ngần ngại vào các hàng quán bên đường đưa cho những cư dân qua lại. Chưa bao giờ những người Công giáo nghênh diện mãnh liệt như hôm nay.

Đi ngang đường là một dấu hỏi nhưng đứng giữa đường là một dấu chấm than !

Nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm”

Đức Thánh Cha Benedicto XVI mới tấn phong 4 giám mục cho Việt Nam và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chuẩn bị sang thăm Vatican sau việc Thủ Tướng diện kiến Ngài năm trước. Điều đó cho thấy kỹ thuật “vừa đánh vừa đàm” là một nghệ thuật của những người cộng sản. Họ có kinh nghiệm từ Geneve đến Paris, từ Washington đến Vatican.

Và kỳ lạ thay Vụ tòa Khâm Sứ và Tam Tòa đều có liên quan đến 2 cường quốc nhất thế giới là Vatican và Mỹ. Trong khi Đại sứ quán của Vatican hết cơ hội chờ người nhận nhiệm sở, Chứng tích chiến tranh của Mỹ mong muốn trường tồn.

Nhưng đánh và đàm làm sao với sự xuất hiện ngày càng nhiều áp lực từ người anh em Trung Quốc thực sự làm đau đầu những nhà lãnh đạo đảng CS.

Trong khi người Công giáo đã vượt ra khỏi việc đòi đất mà là đòi công lý và sự thật, những câu chuyện về Trung Quốc chiếm đảo, đâm thủng tàu cá, giết hại ngư dân, xây dựng nhà máy, rượt đánh dân lành đang ngày càng được các Cha phổ biến rộng rãi…Trang Dòng Chúa Cứu thế đặt banner của Bauxiteinfo lên dòng đầu.

Miền trung có gánh hai đầu đất nước ?

Qủa thật, Miền trung –dải đất gầy khẳng khiu, nơi có những con người mà tâm hồn bị va đập trở nên xác xơ, tuẫn tiết. Họ mong được cháy bùng lên !

Miền Trung nơi chiều ngang hẹp nhất của tổ quốc chỉ có 40 km, trải rộng những nghĩa trang dài hút mắt nhắc nhở cho chúng ta sự hy sinh và thôi thúc chúng ta đặt dấu hỏi về tội ác của tất cả những người đã khởi xướng chiến tranh.

Đồng Hới, thành phố duy nhất không có Nhà thờ, là điểm giữa cong lên như chiếc đòn gánh, gồng mình hứng chịu đạn bom gánh cả dân tộc suốt thời chiến, nay đã là nơi khởi phát cho những cuộc tuần hành và cầu nguyện bất bạo động đông nhất Việt Nam.

Quảng Bình nơi người mẹ kẹp ớt nhai cơm mớm cho con ăn từ bé đang làm nóng lên những linh hồn mộ đạo của hàng triệu người dân công giáo. Liệu có thể trở thành nơi khởi phát cho những thay đổi lớn lao chăng ?

Lịch sử đặt trên vai người Công giáo ?

Lịch sử phiêu du có khi đặt vận mệnh lên vai của những người thiểu số bình thường. Theo hồi ký Trường Chinh thì vào năm 1945, “Việt Nam lúc đó là một ngôi nhà trống, ai vào trước thì được làm chủ”.

Ngày Việt Minh bước vào ngôi nhà trống đó, Họ nhờ đội kèn của người công giáo duyệt binh, nhờ ông Nguyễn Hữu Đang là người công giáo làm lễ đài. Hát bài Quốc ca của Văn Cao với những ảnh hưởng của âm nhạc Nhà thờ. Giáo dân nô nức đi bầu cử lần đầu.

Trước đó Việt Nam có một Hoàng Hậu Phương Nam, xưa nữa một Công Chúa Mai Hoa, chị của vua Lê Thế Tông là tín hữu.

Trước năm 1954, những người công giáo Việt Nam chiếm một vị trí xứng đáng trong giới trí thức. Hàng Loạt Luật sư, kiến trúc sư, Bác sỹ theo tây học có tiếng ở Hà Nội và Sài Gòn là người Công giáo.

Cả một gia đình Công giáo họ Ngô đã trị vì nền Đệ nhất cộng hòa.

Ngày nay người công giáo Việt Nam rải rác khắp các quốc gia trên toàn cầu.

Thế rồi, những người vô thần “tiến hóa từ khỉ” lên cầm quyền, Học thuyết Mác Lê Nin vốn coi Tôn giáo là ma túy, được Đảng đưa thành nguyên tắc Hiến định, làm kim chỉ nam cho mọi hành động.

Người ta bắt đầu tấn công thánh thất, đập phá chùa chiền, đem miếu mạo làm sân kho hợp tác, vứt tượng phật ra trước ao chùa, hung hăng nhảy xuống, cưỡi lên nhấn chìm. Với sự đàn áp có hệ thống, hơn 5 thập niên sau, Chính quyền lề hóa được những người có tôn giáo, đặc biệt người công giáo và coi họ như là những “công dân hạng hai”.

Khác với chính phủ liên hiệp năm 1946 của Hồ Chí Minh, nơi người công giáo còn có những vị trí lãnh đạo quan trọng, Hiện nay hàng chục bộ trưởng, hàng trăm thứ trưởng, các tỉnh trưởng cùng hàng loạt cơ cấu chính quyền khác không có người công giáo nào được phép tham gia.

Khoảng 10 năm nay, Người công giáo đã có thể trở thành những nhà chuyên môn và doanh nhân nhưng chưa một ai, đang giữ đức tin của mình, có thể làm đến chức Chủ tịch xã.

Họ cũng không có đại diện xứng đáng trong cơ cấu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp.

Vai trò tổ chức và quả bóng trong chân ai ?

Dù ít, nhưng người theo Chúa ở Việt Nam có tổ chức hết sức chặt chẽ. Khi có tổ chức, có mục tiêu rõ ràng, những người có đức tin sẵn sàng đối mặt khó khăn, gánh vác trách nhiệm.

Thế nhưng mục tiêu và bản chất của tôn giáo không phải là tham gia chính quyền. Những linh mục mạnh mẽ nhất tôi từng gặp đều khẳng định rằng họ không hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền vì tôn giáo không tham gia vào chính trường. Họ cũng xác nhận rằng chưa hề thấy một tổ chức, đảng phái nào có khả năng cầm quyền tốt hơn vào thời điểm này.

Họ lên tiếng mạnh mẽ vì công lý, vì sự thật, vì sự thăng tiến của con người và sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Họ là những tiếng nói phản biện đúng đắn cho sự phát triển của một Việt Nam, cho sự thay đổi hướng đến một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Câu chuyện còn lại của một “Lễ Vượt Qua” nằm trong chân những người Cộng sản ! Tại sao không coi sự thay đổi như một nghi lễ và hãy cung nghinh trọng thể.
 
Tam Tòa - Nước mắt em tôi
Nắng Sàigòn
22:39 04/08/2009
Giọt nước mắt em rơi, đớn đau chịu nhục hình.
Giọt nước mắt em rơi, bất công đời gian dối.
Giọt nước mắt em rơi, hồn chới với đơn côi.
Bạo tàn muốn lên ngôi, áp bức người công chính.

Giọt nước mắt hy sinh, em thương đời đọa đày.
Giọt nước mắt hôm nay, em dâng làm hy lễ.
Chiều tím núi Can-vê, Tam Tòa sáng cơn mê.
Ngậm ngùi bước lê thê, đường về nhục nhằn nhiêu khê.

Tam Tòa! Em gái Tam Tòa,
Ôm tủi sầu, lệ nhạt nhòa, thương quá.
Tam Tòa! Em gái Tam Tòa,
Giọt lệ mặn mà, nhức nhối thương đau.

Nhìn nước mắt em rơi, trái tim tôi quặn lòng.
Đời sống quá bất công, quê hương đầy giông bão.
Từng ngọn nến dâng cao, nguyện cầu khắp muôn nơi.
Để nước mắt em tôi Tam Tòa không còn rơi.

Nắng Saigon – 2/8/2009
 
Vụ Tam Tòa: Cuộc đọ sức không cân
Trần Hiếu
23:45 04/08/2009
Vụ Tam Toà: Cuộc đọ sức không cân

Khi theo dõi những diễn biến xảy ra sau biến cố c?ng sản đàn áp tín hữu giáo xứ Tam Toà ngày 20/7, người ta không khỏi ngạc nhiên trước các đáp ứng nhanh chóng và thích đáng của giới lãnh đạo Toà Giám Mục Giáo Phận Vinh. Mặc dù các giải pháp thỏa đáng cho vấn đề chưa được nhìn thấy ở cuối chân trời, người ta có lý do để tin rằng bạo lực cuối cùng sẽ bị chùn bước.

Đây là một cuộc đọ sức không cân giữa giới cầm quyền dựa vào bạo lực và những người dựa vào niềm tin tôn giáo.

Ngay khi cuộc biến động vừa xảy ra, nhà nước đã cử một phó thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng, người gốc Nghệ An, vào Quảng Bình để chỉ đạo cuộc đàn áp. Họ đánh giá đây là một biến cố quan trọng, cần dập tắt sự phản kháng của giáo dân bằng mọi biện pháp trấn áp ngay từ đầu.

Trong khi đó, cùng ngày biến động, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Giám Mục Giáo Phận Vinh, đặt chân đến New York, Hoa Kỳ. Từ nước ngoài, ngài đã nhanh chóng bày tỏ tình hiệp thông với các tín hữu nạn nhân và nói lên niềm tin tưởng nơi các cộng sự viên của ngài.

Trong lá thư đề ngày 22/7, ngài viết, “Trước tiên cha xin chia sẻ nỗi đau với anh chị em giáo dân Tam Toà, cách riêng những người đã bị công an đánh đập và bắt giữ… Được cha Tổng Đại Diện và qúy cha tường trình sự việc, tôi an tâm, tin tưởng vào sự khôn ngoan và nhiệt thành của qúy cha với gần 500 ngàn giáo dân Giáo Phận Vinh. Tôi an tâm hơn khi biết qúy cha cùng tất cả anh chị em đang cùng ‘một lòng một ý’ làm nên sức mạnh của những người tin Chúa, và đang hết mình với giáo phận trong tình hiệp thông và liên đới”.

Đối với vị giám mục 82 tuổi sống trong chế độ từ thuở nhỏ, việc nhà cầm quyền đàn áp các nạn nhân vô tội không phải là điều ngạc nhiên. Nhưng nhờ các phương tiện thông tin hiện đại, việc liên lạc giữa toà Giám Mục với các cộng sự trở nên dễ dàng, vì vậy, mặc dù ở nước ngoài, ngài vẫn có thể điều khiển và tiến hành công việc một cách nhịp nhàng.

Vào Chủ Nhật 26/7, trên 200 ngàn của gần nửa triệu giáo dân Nghệ Tĩnh Bình, đã đồng loạt xuống đường, để phản kháng nhà cầm quyền và bày tỏ tình hiệp thông với các nạn nhân Tam Toà. Tại các quảng trường nhà thờ, có nơi tập trung cả 30, 40 ngàn người, họ đã nêu cao khẩu hiệu, “Cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ”.

Lập tức vào ngày hôm sau, 27/7, chế độ đáp ứng bằng cách đánh đập hai linh mục và bắt đi một số giáo dân. Linh mục Nguyễn Đình Phú, khi vừa đến nền đất nhà thờ Tam Toà, đã bị hành hung bởi một nhóm côn đồ, trước sự hiện diện của công an. Sau đó, linh mục Ngô Thế Bính, đến cơ quan nhà nước để khiếu nại, và khi viên phó tỉnh vừa bước ra khỏi cơ quan, ngài đã bị một nhóm côn đồ, vây đánh trọng thương. Một số giáo dân khác cũng bị đánh đập và bị công an bắt giữ.

Trước bầu khí đàn áp nặng nề, hằng trăm giáo dân xứ Tam Toà đã bỏ nhà cửa, ruộng nương tạm thời lánh nạn sang các vùng khác.

Đây là chiêu thức khủng bố rập khuôn chế độ độc tài đã từng áp dụng để trấn áp. Tuy nhiên, đòn phản kháng không làm người tín hữu chùn bước mà trái lại, chúng đã làm cho dư luận ngã về phiá các nạn nhân.

Một tuần sau, vào ngày 2/8, toàn thể giáo dân khắp trên 170 giáo xứ lại tiếp tục chiến dịch hiệp thông bằng các cuộc tuần hành và tham dự thánh lễ cầu nguyện tại các nhà thờ.

Trong các cuộc gặp gỡ với các giới chức giáo phận, nhà cầm quyền yêu cầu băng khẩu hiệu cắt bỏ cụm từ “bị công an đánh đập và bắt giữ”, nhưng đã bị từ chối thẳng thừng.

Đây là sự kiện hiếm khi xảy ra nơi đất nước c?ng sản. Tập thể tín hữu Vinh, dưới sự điều khiển của các chủ chăn, đã không ngần ngại tố cáo sự đàn áp của bạo quyền một cách công khai rõ ràng. Đó là thông điệp loan truyền sự thật, đòi công lý, được ngang nhiên gửi đến chế độ.

Bức thông điệp cũng được gửi tới những người thiện chí, trong cũng như ngoài nước, rằng trước sự bức bách trấn áp, người tín hữu Vinh không ngại tranh đấu và hy sinh.

Trong cuộc phỏng vấn với một hãng thông tấn quốc tế, linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng Đại Diện Giáo Phận Vinh, nói rằng người giáo dân Vinh sẵn sàng tử đạo. Ngài nói, “Họ cho tôi hay không có con đường nào lên Thiên Đàng chắc chắn và nhanh chóng nhất cho bằng tử đạo.”

Về phía dư luận, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có trên hàng trăm bản tin về Tam Toà được phổ biến trên các hãng truyền thông quốc tế. Vụ giáo dân xuống đường và hai linh mục bị hành hung được hãng tin Công Giáo Zenit toàn cầu loan tin. Các Toà Đại Sứ Mỹ, Pháp, Đức cũng lưu tâm vấn đề và đã tiếp xúc với các giới chức tại Toà Giám Mục Xã Đoài.

Cuộc đàn áp đã gây phẫn nộ và tạo tiếng vang nơi cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài nước. Nhiều nơi đã bày tỏ tình hiệp thông bằng các cuộc lễ đốt nến cầu nguyện. Nhiều người, lâu nay vẫn khoan dung với các chiêu thức áp bức của chế độ, qua biến cố nầy, đã thay đổi thái độ. Họ thốt lên, “Đã qúa đủ! Hãy ngưng ngay các hành vi tàn ác!”

Nhìn toàn cảnh, chúng ta thấy rằng, cuộc đối đầu với bạo quyền đã được điều hành một cách ngoạn mục. Với các biến chuyển đang xảy ra, và cách thức đối phó của Toà Giám Mục Xã Đoài, chúng ta có lý do để kỳ vọng một giải pháp hợp tình hợp lý rồi sẽ được thực hiện.-
 
Thông Báo
Cộng đồng Việt Nam Tacoma & Pierce County ở TB Washington tổ chức Meeting hỗ trợ Tam Tòa
Bs nguyẽn Xuân Dũng
20:20 04/08/2009
 
Khóa Ca Trưởng Cấp I, New Orleans - Lousiana
Bùi Hữu Thư
21:20 04/08/2009
Khóa Ca Trưởng Cấp 1 tại New Orleans, LA
 
Văn Hóa
Thủ đô là gì?
Trương Duy Nhất
11:55 04/08/2009
Từ điển tiếng Việt định nghĩa thủ đô là thành phố hàng đầu quốc gia, nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan đầu não. Mà nghĩa với định chi cho rườm rà, nói cho dễ hiểu, thủ là cái đầu, đô là đô thị, thủ đô là đô thị đầu não quốc gia.

Đa phần các quốc gia phát triển không “qui hoạch” theo kiểu gán ghép, nhồi nhét cho thủ đô của họ như Hà Nội. Washington DC là thủ đô Hoa Kỳ, và nó là trung tâm chính trị. Còn New York city mới là trung tâm kinh tế. Tất cả các tập đoàn kinh tế, biểu tượng cho sự hùng mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ nằm ở New York, chứ không phải Washington.

Từ sự phân rạch rõ ràng này, chức phận và ngay cả dáng vóc của mỗi một đô thị sẽ khác nhau. Phố phường New York như từ trên trời cắm xuống, chứ không phải từ mặt đất xây lên. Nó khiến buộc người ta phải ngước…lên trời. Bởi hầu hết những nóc nhà, điểm nhấn kỳ thú của kiến trúc New York như chạm tới trời xanh. Nghĩ tới New York là nghĩ đến nhà chọc trời. Không phải Washington không làm được như vậy, mà Washington không được phép phát triển, không được phép “lớn lên” theo kiểu dáng New York.

Mỗi đô thị ôm nhận mỗi chức phận khác nhau. Sự phân chia này mặc nhiên đã tạo nên bản sắc riêng biệt, giúp mỗi đô thị có một dáng hình khác nhau, và cả cái hồn vía của mỗi một đô thị cũng rất khác nhau, chứ không nhàn nhạt và na ná anh nào cũng tựa anh nào. Từ những chức phận khu biệt đó, nó định hình cho kiến trúc đô thị, và thậm chí cả kiến trúc… con người, định hình cho từng kiểu dáng gốc cây đến viên gạch vỉa hè.

Đà Lạt là gì – là thành phố hoa. Huế là gì – là cố đô du lịch và…thơ ! Nhồi nhét và bắt Huế, Đà Lạt ôm nhận thêm các chức phận “trung tâm kinh tế, công nghệ, khoa học…” giống như Đà Nẵng chẳng những không được, mà còn làm hỏng và phá mất cái hồn vía của Huế, của Đà Lạt mà thôi.

Với Hà Nội, định hướng cho sự phát triển, và cả dáng nét của thủ đô ra sao?

Nguyên nhân gốc gác làm sai lệch cơ bản đối với sự định hình cho khuôn vóc Hà Nội cũng chính từ cách nhìn lệch lạc này. Hà Nội là thủ đô, là đô thị chính trị, trung tâm chính trị quốc gia. Còn đô thị kinh tế, trung tâm kinh tế quốc gia là thành phố Hồ Chí Minh, chứ không phải Hà Nội. Có muốn, có ghép, có nhồi nhét mãi thì Hà Nội cũng chịu thua không làm được và làm tròn cái chức phận kinh tế này.

Vậy hà cớ gì cứ bắt Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước? Lo một cái chức phận “trung tâm chính trị” đã khòng lưng, huống chi cái gì cũng đòi trung tâm.

Hiểu và nhìn nhận đúng như vậy thì Hà Nội không cần mở rộng diện tích, không cần một không gian “lớn rộng nhất thế giới” như đã và đang định hướng, đang qui hoạch.

Chính vì cái gì cũng có, cái gì cũng “trung tâm” nên Hà Nội chật chội, ngột ngạt, và Hà Nội…hỏng !

Tôi phì cười khi nghe nói về mục tiêu phát triển cho Hà Nội trong…nay mai được xác định là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ…không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực và thế giới”.

Buồn cười hơn khi nghe tin sắp có cả một bộ luật về thủ đô, và bộ chuẩn (lại bộ chuẩn) quy định tiêu chuẩn, yêu cầu cho…công dân thủ đô !

(Nguồn: http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/173083)