Ngày 06-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phải tránh óc thành kiến để được ơn cứu độ
Lm Đan Vinh
00:26 06/07/2018
Chúa Nhật 14 Thường Niên B
Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Mc 6,1-6

(1) Đức Giê-su ra khỏi đó, và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. (2) Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì ? (3) Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. (4) Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. (5) Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. (6) Người lấy làm lạ vì họ không tin.

2. Ý CHÍNH :

Sau một thời gian đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su đã về thăm quê hương là làng Na-da-rét. Dân làng ngạc nhiên trước lời giảng khôn ngoan và thán phục trước các phép lạ Người làm ở khắp nơi. Nhưng họ lại đặt nghi vấn về thân thế dòng dõi của Người và không tin Người có thể là Đấng Thiên Sai. vì họ cứng lòng tin nên Đức Giê-su đã không làm nhiều phép lạ tại đó.

3. CHÚ THÍCH :

-C 1-2 : + Đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo : Đức Giê-su trở về quê hương Na-da-rét của Người (x. Mt 2,23). Làng này không mấy nổi danh, như ông Na-tha-na-en đã nhận xét : “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” (x. Ga 1,46). Đức Giê-su về Na-da-rét để thăm thân nhân, và cũng để thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời ở đó nữa. + Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường : Tại các hội đường Do Thái, dân làng có thói quen tập trung vào ngày Sa-bát để nghe các kinh sư đọc và giải thích Kinh Thánh. Trong các buổi cầu nguyện này, người ta cũng thường hay mời các kinh sư hay các bậc vị vọng đến giảng dạy. Đức Giê-su đã nổi tiếng khắp nơi nên cũng được mời lên bục giảng. Dân làng ngạc nhiên về giáo lý của Người, nhất là khi nghe biết các phép lạ Người đã từng làm tại thành Ca-phác-na-um gần đó.
-C 3 : + Là bác thợ : Nhưng rồi dân làng Na-da-rét lại tỏ vẻ khinh thường nghề thợ mộc mà Đức Giê-su đã học nơi cha nuôi là Giô-xép. + Con bà Ma-ri-a : Họ không nhắc đến Giô-xép (hay Giu-se), có lẽ vì ông đã qua đời từ lâu, mà chỉ nhắc đến bà Ma-ri-a là một phụ nữ bình thường. + Anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Giu-đa và Si-mon sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? : Anh chị em được nêu tên ở đây chứng minh gia thế Đức Giê-su không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, có người lại dựa vào câu này để phủ nhận đức đồng trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a, vì theo họ: ngoài Đức Giê-su ra, bà còn sinh thêm nhiều con trai con gái khác. Thực ra, anh chị em nói đây chỉ là anh chị em bà con mà thôi (x. St 13,8; 14,16). Chẳng hạn: Gia-cô-bê và Giô-xép là con của bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Mt 27,56; Ga 19,25), Giu-đa là con của ông Gia-cô-bê (x. Lc 6,16). Ngay từ ban đầu, Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định: Đức Giê-su là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7) và “Người con duy nhất” của Đức Ma-ri-a. Cũng vì thế mà khi sắp tắt thở trên thập giá Đức Giê-su đã trối Mẹ Người cho môn đệ Gio-an, và từ giờ đó Gio-an đã đón bà về nhà mà phụng dưỡng (x. Ga 19,27). Cuối cùng, nếu những người này thực là con của Đức Ma-ri-a, thì dân làng đã phải nói là “các em trai của ông ta”, “các em gái của ông ta”, thay vì nói từ chung chung “anh em ông” và “chị em ông”. + Và họ vấp ngã vì Người : Theo Thánh Phao-lô và thánh Phê-rô thì: Đối với những kẻ kiêu căng cứng lòng tin, thì Đức Giê-su đã trở nên viên đá chướng ngại (x Rm 9,33; 1 Pr 2,7-8). Tin Mừng Lu-ca cũng viết “viên đá bị loại ra” là Đức Giê-su, đã trở nên “viên đá góc”. Phàm ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; Đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt” (Lc 20,18).
-C 4-6 : + “Ngôn sứ có bị rẻ rúng…” : Câu này tương tự như câu : “Bụt nhà không thiêng !”. Dân làng Na-da-rét đã vấp ngã trước những yếu tố nhân loại của Đức Giê-su như : Làm nghề thợ mộc là nghề tay chân hèn kém. Các thân nhân của Người cũng chỉ là người bình dân… Đó là các chướng ngại khiến dân làng Na-da-rét không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. + Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó : Trước khi làm một phép lạ nào, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có đức tin. Chẳng hạn: Người bảo bệnh nhân: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34); Người nói với ông Gia-ia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36), hay nói với người mù ở Giê-ri-cô: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” (Mc 10,52). Tại làng Na-da-rét, vì không tin, nên dân làng đã không được Đức Giê-su ban ơn là đã không làm các phép lạ như ở những nơi khác.

4.CÂU HỎI :

1) Đức Giê-su về thăm quê hương Na-da-rét nhằm mục đích gì ?
2) Dân làng tập trung tại hội đường vào các ngày Sa-bát để làm gì ?
3) Dân làng Na-da-rét đánh giá thế nào về Đức Giê-su sau khi nghe Người giảng dạy ?
4) Dân làng có thành kiến thế nào về nghề thợ mộc và về các thân nhân tầm thường của Đức Giê-su ?
5) Phải chăng Đức Ma-ri-a đã không trọn đời đồng trinh, vì ngòai Đức Giê-su, Tin Mừng hôm nay còn kể ra tên nhiều anh em và chị em khác của Người ?
6) Dân làng Na-da-rét đã dựa vào đâu để không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai ?
7) Tại sao Đức Giê-su không làm nhiều phép lạ tại Na-da-rét quê hương Người ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Họ nói: “Nào ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a sao ?” (Mc 6,3).


2. CÂU CHUYỆN :

1) CẦN LOẠI BỎ ÓC THÀNH KIẾN VỀ NGƯỜI KHÁC:

Vào năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, giới truyền thông báo chí đã mô tả cái chết của ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ được một nền văn học uyên thâm và đã để lại nhiều công trình lớn lao cho Hội Thánh.

Cơ Mật Viện đã bầu Tân Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Vị Giáo Hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng bên ngoài mập mạp, quê mùa, chất phát. Người ta bảo nhau: Đây chỉ là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo Hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm. Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy lại có sức thu hút mọi người. Nhất là ngài đã có công triệu tập Cộng đồng Vatican II và ngài đã trở thành một “siêu sao” thời đại, trổi vượt hơn các vị giáo hoàng tiền nhiệm.

Câu chuyên trên cho thấy: Chúng ta đừng đánh giá tha nhân theo thành kiến, như dân làng Na-da-rét xưa đã đánh giá Đức Giê-su: “Na-da-rét nào có cái chi hay!”. Thế mà Đức Giê-su làng Na-da-rét ấy lại chính là Đấng Thiên Sai muôn dân trông đợi.

2) BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG:

TA-GO-RE (1861-1941), một đại thi hào của Ấn Độ, đã đoạt giải No-bel về văn chương năm 1913 Ông có tài làm thơ ngay từ thuở niên thiếu. Khi ấy thỉnh thoảng Ta-go-re đã làm được một bài thơ và gửi về tòa soạn một tờ báo do thân phụ ông phụ trách biên tập. Khi thấy bài thơ gửi đến có ký tên tác giả là con của mình, ông bố chẳng thèm đọc một dòng mà quẳng ngay vào sọt rác, vì ông cho rằng con ông chỉ là một đứa trẻ thì biết gì về thi ca !

Khi hiểu rõ lý do tại sao bài mình gửi lại không được đăng lên báo, Ta-go-re liền chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi về tòa soạn trước đó, nhưng lần này cậu đã lấy một bút hiệu khác rồi gửi trở lại toà soạn. Lần nầy, thân phụ của Ta-go-re đọc và nhận thấy đây là những bài thơ rất có giá trị, nên ông đã cho đăng ngay lên báo mà không biết đó là những bài thơ của cậu con trai mà trước đó ông đã nhiều lần quẳng vào sọt rác.

Đúng như người ta thường nói : "Bụt nhà không thiêng", hay như lời Chúa Giê-su : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).

3) TAI HẠI CỦA ÓC THÀNH KIẾN:

Có một gánh xiếc đi lưu diễn tới vùng quê và đóng trại tại một khu rừng gần một ngôi làng. Vào một buổi tối trước giờ gánh xiếc trình diễn, bỗng một ngọn lửa bùng lên tại một chiếc lều chứa trang cụ của gánh xiếc. Ông giám đốc vừa chỉ huy việc dập lửa vừa sai một anh hề, lúc đó mới hóa trang chuẩn bị cho buổi trình diễn, đi vào làng gần bên để yêu cầu được giúp đỡ dập lửa. Vì nếu ngọn lửa cháy lan qua khu rừng thì ngôi làng cũng có nguy cơ bị hỏa hoạn.

Anh hề vội vã chạy nhanh vào làng. Anh đánh kẻng báo động yêu cầu dân làng mau đến rạp xiếc giúp dập lửa. Nhưng dân làng lại nghĩ đó là một cách quảng cáo lôi kéo người đến xem xiếc. Anh càng cố làm nói cho họ biết thực sự có hỏa hoạn, thì họ lại càng cười và cho là anh khéo diễn trò. Sau cùng lửa đã cháy lan nhanh đến ngôi làng và thiêu rụi tất cả.

Lý do chính mà dân làng không tin lời cảnh báo là do họ nghĩ người đưa tin chỉ là một anh hề có nhiêm vụ chọc cười của gánh xiếc, khiến họ không cần biết sự thật anh hề muốn nói. Cũng có một sự tương đồng giữa câu chuyện nói trên với câu chuyện Đức Giêsu về thăm làng quê Na-da-rét trong Tin Mừng. Dân làng tuy thán phục lời giảng của Đức Giê-su, nhưng lại không tin Người là Đấng Thiên Sai, vì tưởng đã biết rõ về gia thế bình thường của Người.

4) CHINH PHỤC LÒNG NGƯỜI BẰNG LÒNG BÁC ÁI

Vào năm 1960, một cuộc bách hại đạo Công Giáo bùng lên tại nước Su-đăng bên Phi Châu. Một sinh viên Công Giáo da đen tên là TA-BAN đã bỏ nhà chạy sang nước láng giềng U-gan-đa lánh nạn. Trong thời gian ở đây, Ta-ban đã được nhận vào chủng viện và 7 năm sau, anh được thụ phong linh mục. Khi tình hình ở Su Đăng lắng dịu, tân linh mục Ta-ban quyết định trở lại quê nhà để thi hành sứ vụ linh mục của mình. Cha được Bề trên bổ nhiệm coi sóc một giáo xứ vùng Pa-lo-ta-ka. Tuy nhiên, giáo dân ở đây lại hoài nghi về chức linh mục của cha như lời cha thuật lại: “Dân chúng ngờ vực nhìn tôi và nói: “Này anh bạn da đen kia! Anh nói cái gì vậy? Anh mà là Linh mục ư? Thật là khó tin!”.

Thực ra trước đây, tại Su Đăng chưa bao giờ xuất hiện một linh mục nào người da đen cả. Giáo xứ luôn được các linh mục thừa sai người da trắng đến chăm sóc và đã chia sẻ cho họ nhiều thực phẩm, quần áo và thuốc men. Còn bây giờ cha Ta-ban lại là một người da đen nghèo khó giống như họ, nên ngài không có gì phân phát như các linh mục da trắng kia. Tình hình lại càng phức tạp thêm, khi cha Ta-ban bắt đầu canh tân phụng vụ thánh lễ theo đường hướng công đồng Va-ti-can II. Giáo dân xầm xì với nhau: “Ông linh mục da đen này còn bày đặt làm lễ bằng tiếng bản xứ thay vì bằng tiếng la tinh. Chắc ông ta không rành tiếng la tinh nên mới làm như vậy! Không biết ông ta là linh mục thật hay giả?”. Phải mất 10 năm, sau bao nhiêu vất vả phục vụ giáo xứ, chịu đựng bao nhiêu sự miệt thị và những lời dè bỉu khinh dể, cuối cùng cha Ta-ban mới được giáo dân thừa nhận là Cha Sở của họ.

3. THẢO LUẬN :

Trong cuộc sống, các tín hữu chúng ta cần ứng xử thế nào trước thái độ khinh thường hay những lời khích bác của những kẻ ác cảm với đạo Công Giáo?

4. SUY NIỆM :

1)"Ông ta không phải là bác thợ sao?":
Đức Giê-su chỉ là bác thợ mộc trong làng, sống bằng đôi tay lao động vất vả giống như bao người khác. Rồi bà Ma-ri-a mẹ Người và các anh chị em của Người cũng là những láng giềng thân quen của dân làng. Những điều này đã khiến dân làng vấp phạm, không tin Đức Giê-su là một Ngôn Sứ, lại càng không tin Người là Đấng Thiên Sai. Thời Giáo hội sơ khai, cũng có một nhân vật tên là Xen-xút (Celsus) rất thù ghét đạo, đã có lần chế diễu các Ki-tô hữu như sau: “Giê-su Đấng sáng lập đạo của các người chỉ là một gã thợ mộc dốt nát bần hàn, xuất thân từ làng Na-da-rét tầm thường! Thật khó mà chấp nhận được một Đấng Cứu Thế lại xuất thân từ một xưởng gỗ nhỏ bé, phải vất vả kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động hằng ngày như thế !”
Chúng ta thường nghĩ rằng: Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự. Nhưng Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su là Con Thiên Chúa lại phải chịu bó tay trước sự cứng lòng của con người. Con người có thể dùng sự tự do Chúa ban để từ chối ơn cứu độ của Chúa, như dân làng Na-da-rét xưa do thành kiến đã không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và không thèm đón nhận ơn cứu độ do Người mang lại.

2) Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó (Mc 6,5):
Phép lạ là món quà đặc biệt Chúa ban cho loài người, nhưng người ta chỉ có thể đón nhận được phép lạ khi có đức tin. Biết bao điều lạ lùng Thiên Chúa muốn thực hiện cho loài người nhưng họ đã từ chối, giống như các chủ quán ở Be-lem năm xưa đã xua đuổi Đấng Cứu Thế giáng sinh ra khỏi nhà trọ của họ như Tin Mừng đã ghi nhận: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Thực vậy: Đức Giê-su đến mặc khải Thiên Chúa là Cha yêu thương và Người là Con Thiên Chúa thì dân Do thái đã kết án Người là kẻ phạm thượng, là kẻ bị quỷ ám và điên khùng. Người đến đem bình an, chân lý và thiết lập Nước Trời thì lại bị họ tố là xách động quần chúng và kẻ cầm đầu bọn phản loạn. Cuối cùng, các đầu mục dân Do thái đã ra tay bắt bớ và lên án tử hình cho Người, rồi họ còn làm áp lực đòi Tổng Trấn Phi-la-tô phải kết án tử hình thập giá cho Người.
Ngoài thành kiến thì sự cứng lòng là nguyên nhân khiến người ta cố chấp không muốn nhìn, không muốn nghe, không muốn tin… như Tin Mừng nói về sự cứng lòng tin của dân Do thái: “Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,13-15).

3) Và họ vấp ngã vì Người:
Vì các người đồng hương biết rõ về gia cảnh của Đức Giê-su: Người chỉ là con bác thợ mộc Giu-se và mẹ và anh em bà con của Người cũng đang chung sống giữa họ. Do đầu óc thủ cựu đầy thành kiến nên họ đã không nhận ra Thiên tính nơi Đức Giê-su, dù họ có thán phục về tài ăn nói lưu loát và về sự hiểu biết Kinh Thánh của Người. Một số người trong bọn họ cũng đã được chứng kiến nhiều phép lạ Đức Giê-su đã làm ở thành Ca-phác-na-um và các nơi khác để cứu chữa nhiều bệnh nhân, xua trừ quỷ ám, phục sinh kẻ chết... Nhưng do kiêu ngạo và cố chấp, dân làng Na-da-rét đã không tin Đức Giê-su la Đấng Thiên Sai. Theo họ Đấng Thiên Sai không thể có lối sống nghèo khó giản dị, không thể có cha mẹ nghèo hèn như Đức Giê-su, nên họ đã không tin Người. Chính thành kiến đã là một trở ngại cho cuộc tiếp xúc giữa Đức Giêsu và người đồng hương. Theo họ thì Đấng Thiên Sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạ, tài ba, một vị tướng lãnh cầm quân đánh giặc bách chiến bách thắng, hầu đưa dân tộc Do Thái lên làm bá chủ hoàn cầu. Khi nhận ra Đức Giêsu không thích hợp với với quan niệm của họ về Đấng Thiên Sai như vậy, thì họ đã không chấp nhận Người.

4) “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình”:
Tiên tri hay ngôn sứ là người được Thiên Chúa soi sáng và sai đến nói cho người ta nhân danh Thiên Chúa, để truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài cho họ. Kết quả là: “hoặc họ nghe, hoặc họ không nghe” (Ez 2,5). Thậm chí, lắm khi họ còn đe dọa mạng sống của các ngôn sứ, nhất là khi các ông tuyên sấm cáo trách tội lỗi của tầng lớp vua quan. Thánh Kinh đã ghi lại lời ngôn sứ Na-than tố cáo tội ngoại tình, giết chồng, cướp vợ của vua Đavít; hay ngôn sứ Elia, dám nói thẳng với vua A-kháp việc ông vua này đã giết và chiếm đoạt tài sản của Na-bót cách bất công... Kết quả là các ngôn sứ đã bị người đời hận thù giết hại. Hôm nay chính Đức Giê-su cũng bị các người đồng hương Na-da-rét chối bỏ vai trò của Người, nên Người đã phải thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dù bị khinh thường, nhưng Đức Giê-su vẫn luôn chu toàn sứ vụ như Tin Mừng thuật lại: “Người đã đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”. Rồi Người đi sang các làng khác mà rao giảng Tin Mừng.

Để có đức tin, chúng ta phải biết mở rộng tâm hồn và phải tránh thái độ thành kiến, thói xấu ganh tị là nguyên nhân cản lối Chúa đi vào nhà linh hồn của ta. Nếu để thành kiến và thói ganh tị lấn lướt, chúng ta sẽ khó lòng nhìn thấy các ưu điểm và khả năng của tha nhân. Nếu ta chỉ dựa trên bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền và gia cảnh mà xét đoán hoặc đánh giá một người là chúng ta đã để cho thành kiến điều khiển ta. Thực ra, giá trị của lời nói hay việc làm của một người không tuỳ thuộc vào họ có bằng cấp cao, có sự nghiệp lớn, có gia cảnh giàu có. Nếu ta mới chỉ nghe một vài lời nói không hay, hoặc nhìn thấy một vài khuyết điểm của một người để vội đánh giá không tốt về họ, thì đó chẳng phải là ta đã tỏ ra hẹp hòi và xét đoán hồ đồ sao? Trong đạo, nếu ta chỉ nghe vị chủ tế giảng không lọt tai, mà ta đã vội đánh giá vị đó không tốt và bỏ đến nhà thờ, thì chẳng phải là ta đã có lối ứng xử đầy tà tâm và thành kiến đó sao?

5.LỜI CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa vốn là nhà giảng thuyết tài năng, thế mà Chúa cũng đành chịu thất bại trước sự cứng lòng tin của những người đồng hương Na-da-rét. Nhiều lần chúng con cũng phải bị thất bại khi bị anh em lương dân từ chối không tin và có khi còn thốt ra những lời xúc phạm đến Chúa và Hội Thánh… Xin ban cho chúng con ơn kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn gặp phải trên đường rao giảng Tin Mừng. Cho chúng con biết tạ ơn Chúa khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại. Xin cho chúng con biết không ngừng tạ ơn Chúa vì biết rằng: “Thất bại là mẹ thành công”, để noi gương Chúa khi xưa cũng đã từng chịu thất bại trước sự cứng tin của người đồng hương. Khi ấy Chúa đã không nản lòng thối lui, mà kiên trì đi con đường “qua đau khổ vào vinh quang” theo ý Chúa Cha, sẵn sàng chấp nhận chịu chết và sống lại, hầu ban ơn cứu độ cho loài người chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Một Chiều Kích Của Lòng Tin
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:49 06/07/2018
Một Chiều Kích Của Lòng Tin

Chúa Nhật XIV TN B (Mc 6,1-6)

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của lòng tin trong tương quan giữa con người. Thiếu lòng tin thì hình như khó mà có những sự tốt đẹp đựơc dệt xây. Không có hợp đồng, không có cam kết, không có ký thác hay thậm chí chẳng có sự qua lại với nhau. “Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại quê hương của Người; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ cứng lòng tin.” (6,6).

Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần đem lại cho ta sự sống đời đời. Mặc dù là ân ban cách nhưng không của Thiên Chúa, nhưng đức tin không phải là thứ gì đó trên trời rơi xuống. Đức tin còn được dệt thành bằng những nỗ lực đáp trả rất tự nhiên của con người chúng ta. Một trong những nỗ lực đáp trả của chúng ta đó là lòng tin vào nhau. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, hình ảnh không bao giờ là cái mà nó phản ảnh và hình ảnh cũng không thể phản ảnh chính xác, đầy đủ cái nó phản ảnh. Tuy nhiên, Khi ta coi thường cái hình, khi ta loại bỏ cái ảnh thì ta rất khó đạt đến thực tại. Cũng thế, khi không tin vào con người, thì chúng thật khó mà có được lòng tin vào Thiên Chúa.

Bài trích sách Tiên Tri Êzêkiel tường thuật lời của Thiên Chúa: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng” (Ed 2,3-4). Chúng ta đừng quên rằng để bày tỏ ý định và chương trình của mình thì Thiên Chúa thường bày tỏ qua trung gian những con người, như các sứ ngôn. Thỉnh thoảng Chúa sai các Thiên sứ đến trần gian, nhưng cũng dưới hình dạng con người. Như thế, khi ta đón nhận những con người Chúa sai đến là ta tin vào Người.

Khi Chúa Giêsu trở về Nagiarét, người đồng hương của Người thoạt đầu kinh ngạc về những sự lạ lùng nơi Người. Không chỉ nghe tiếng đồn từ Caphanaum mà giờ đây chính tai, mắt họ trực tiếp nghe và chứng kiến sự khôn ngoan và uy quyền của Người. “Bởi đâu ông ta được như thế? ông ta được khôn ngoan như thế nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (6,3). Thế nhưng, thay vì nhìn nhận hiện thực, nhìn nhận một Giêsu như hiện nay, thì họ đã vội quay về với quá khứ. “Ông ta không phải là bác thợ mộc ư?” Và chuỗi quá khứ của ông thợ mộc Giêsu cùng gia cảnh của ông ta hiện ra trong tâm trí người Nagiarét. Một quá khứ của một con người bình thường, chưa muốn nói là tầm thường theo cách đánh giá của con người thời bấy giờ. Và họ đã cứng lòng tin.

Người ta khó mà tin vào nhau một khi mãi khư khư có định kiến về nhau. Phận người chúng ta ai lại không có một quá khứ. Nhắc đến quá khứ của mình, thì ta thường kể lể các chiến công, những thành đạt. Nhóm thanh niên vốn rất sợ cái cảnh các cụ cao niên huyên thuyên về quá khứ oanh liệt của các cụ. Dù cho bọn trẻ có đứa há hốc mồm, tròn xoe mắt, hay có đứa gật gà buồn ngủ thì các cụ vẫn không thấy mệt khi kể về sự oanh liệt của một thời đã qua, cho dù không biết lần kể này là lần thứ mấy. Nếu nói đến quá khứ của tha nhân, thì hình như chúng ta ít nhớ những điều tốt đẹp mà lại khó quên những chuyện không hay, những hạn chế, khuyết điểm của họ, đặc biệt khi họ là đối tượng ta không thân thích hay ta có một chút ganh tỵ nào đó.

Là người, ai ai cũng có mặt nào đó hạn chế, chủ quan hay khách quan. Dù được những ơn mặc khải phi thường thì Thánh Phaolô cũng đã nhìn nhận: Thân xác Ngài đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến để vả mặt Ngài (x.2Cor 12,7). Nếu ta cứ dán mắt vào những khiếm khuyết và giới hạn của nhau thì làm sao ta xây dựng được niềm tin vào nhau? Người dân cùng quê với Chúa Giêsu đã không vượt qua được tâm lý này. Họ cứ mãi bị in trí bởi gia cảnh đơn hèn của Người và thế là họ đã không thể đón nhận Người như hiện nay, một vị Thầy đầy quyền uy trong lời nói cũng như trong hành động.

Tin là đón nhận nhau ngay trong giây phút hiện tại. Nhận nhau như nhau là, hiện nay, giờ này, thì cần phải khép lại quá khứ của nhau. Làm sao có thể tin nhau khi mà ta còn xét lý lịch của nhau đến cả ba bốn đời? Làm sao có thể tin nhau khi mà ta cứ mãi mang lấy thành kiến về nhau. Heraclitus đã nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Con người là hữu thể đang chuyển thành. Đóng khung nhau trong thành kiến của mình là ta vô tình biến tha nhân thành một đồ vật bất biến. Đã là đồ vật thì để ta sử dụng hay chiếm hữu chứ không phải là đối tượng để ta tương quan, để ta tín nhiệm. Cái nghịch lý vốn thường có ở nơi luận lý của ta. Trong khi ta khẳng định rằng mọi vật đang chuyển động, mọi sự đều có thể đổi thay thì ta lại khư khư cho rằng người ấy không thể thay đổi. Chính vì thế, mỗi khi chứng kiến những sự thành đạt của một ai đó thì ta dễ vội quay về quá khứ: Cha ấy hả, ngày xưa là như thế này nè… Đức Cha đó hả? Mình mình biết tỏng hồi còn làm thầy giúp xứ… Không phải bất cứ cái quay về quá khứ nào cũng là không hay, không tốt. Có nhiều cái nhìn lui để rối thêm lòng tri ân và thêm xác tín vào tình thương và quyền năng của Chúa. Tuy nhiên thần dữ thường cám dỗ ta nhìn quá khứ của nhau bằng định kiến để ta không đón nhận cái hiện thực. Dĩ nhiên, khi đã không đón nhận nhau như hiện nay thì làm sao ta có thể tin vào nhau. Một khi ta không đựơc kẻ khác tín nhiệm thì ta thật khó có thể làm được nhiều điều tốt đẹp và hữu ích.

Các nhà lãnh đạo đất nước chúng ta sau năm 1975 đã từng một thời gian khá dài nhìn người đồng bào của mình bằng cái nhìn định kiến, bằng cái nhìn lý lịch đến cả ba đời và vì thế không thể có niềm tin vào nhau. Hậu quả của cái nhìn ấy đã để lại cho dân tộc ta không chỉ biết bao nổi đau mà còn nhiều thiệt hại không thể kể xiết. Cám ơn Chúa, cái khẩu hiệu “khép cánh cửa quá khứ” đã được cất lên. Tuy nhiên từ khẩu hiệu đến hiện thực vẫn còn là một khoảng cách không dễ thu hẹp, chưa muốn nói là xóa bỏ.

Là con cái Chúa, là những người cùng tin vào Chúa Kitô, chúng ta có dễ dàng đón nhận nhau như trong hiện tại hay không? Chúng ta đã khép cánh cửa quá khứ của nhau được chút nào? Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi thì nào ai chịu nỗi được ư? Vì Chúa sẵn sàng bỏ quên quá khứ của ta nên Chúa tin ở ta và Chúa đã tha thứ cho ta. Còn chúng ta, khi chúng ta chưa tha thứ cho nhau, khi chúng ta chưa thể hiệp nhất nên một với nhau, khi chúng ta chưa thể chung tay cộng tác với nhau… thì một trong những nguyên nhân chính đó là vì ta chưa tin ở nhau. Ta chưa tin vào nhau và ta không chân thành đón nhận nhau ngay trong giây phút hiện tại này. Tất thảy là vì ta còn in trí, còn mang thành kiến với nhau. Vô tình hay hữu ý, chúng ta đang đóng đinh nhau vào thập tự. Lạy Chúa xin hãy loại khỏi tâm tư của con các định kiến về tha nhân. Ước gì con biết bớt dần đi và rồi sẽ có ngày bỏ được cái thói quen xấu là nhắc lại quá khứ lỗi lầm của tha nhân.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chương trình tông du các quốc gia Lithuania, Latvia và Estonia của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
00:09 06/07/2018
Trong thông cáo đưa ra hôm 5 tháng 7, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình tông du các quốc gia Lithuania, Latvia và Estonia của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thứ Bảy ngày 22 tháng 9 năm 2018

Lúc 07g30, Đức Thánh Cha khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Vilnius, thủ đô của Lithuania.

Lúc 11g30, ngài sẽ đến sân bay quốc tế Vilnius.

Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn.

Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 16g30, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa và sau đó có cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở quảng trường phía trước đền thờ

Chúa Nhật ngày 23 tháng 9 năm 2018

Lúc 08g15, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Kaunas nơi ngài sẽ cử hành thánh lễ tại công viên Santakos.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ ăn trưa với các giám mục trong Tòa Giám Mục trước khi có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và các chủng sinh tại nhà thờ chính tòa Kaunas

Buổi chiều, ngài đến thăm Viện Bảo tàng Thời Kỳ Chiếm Đóng và cuộc Chiến đấu dành Tự do ở Vilnius

Thứ Hai ngày 24 tháng 9 năm 2018

Lúc 07g20, Đức Thánh Cha khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, ngài sẽ đến đặt hoa tại Đài Tưởng Niệm các nạn nhân của cộng sản và phát xít, trước khi có cuộc gặp gỡ đại kết với Chính Thống Giáo tại Cung Văn Hóa Riga.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm nhà thờ chánh tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ.

Ngài sẽ ăn trưa với các giám mục trong Nhà Thánh Gia của Tòa Tổng Giám Mục.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Riga Harbour đến Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, ở Aglona.

Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân Estonia.

Sau nghi thức tiễn biệt diễn ra tại sân bay trực thăng Aglona, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng máy bay trực thăng đến sân bay quốc tế Vilnius của Lithuania; nghĩa là ngài quay trở lại quốc gia đầu tiên trong chuyến tông du này.

Thứ Ba ngày 25 tháng 9 năm 2018

Lúc 8g30 sáng sẽ có nghi thức tiễn biệt tại sân bay quốc tế Vilnius. Sau đó, khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Vilnius đến sân bay quốc tế Tallinn của Estonia.

Lúc 09g50 ngài sẽ đến sân bay quốc tế Tallinn.

Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Vườn Hồng của phủ tổng thống.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với những người trẻ tại nhà thờ Thánh Charles của Tin Lành Lutheran.

Đức Thánh Cha sẽ ăn trưa với đoàn tùy tùng tại tu viện của các nữ tu dòng Brigidine ở Pirita.

Đức Thánh Cha sau đó sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhân viên bác ái Công Giáo tại nhà thờ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ cho công chúng tại quảng trường Tự do.

Lúc 18g30, sẽ có nghi thức tiễn biệt tại sân bay quốc tế Tallinn.

Đức Thánh Cha sẽ về đến Rôma lúc 21g20.
 
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran qua đời ở tuổi 75
Đặng Tự Do
10:14 06/07/2018
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và là người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, đã qua đời ở tuổi 75 ở Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ, nơi ngài được điều trị y khoa. Ngài đã mắc bệnh Parkinson trong nhiều năm qua.

Mới tháng Tư vừa qua, vị Hồng Y, người Pháp đã thực hiện một sứ mạng quan trọng là dẫn đầu một phái đoàn Vatican đến Ả-rập Xê-út.

Bên cạnh đó, trong vai trò là Hồng Y “trưởng đẳng phó tế”, vào năm 2013, ngài đã xuất hiện tại ban công Đền Thờ Thánh Phêrô để thông báo với thế giới “Habemus papam” - “Chúng ta có Giáo Hoàng.”

Trong một bức điện gởi cho người em gái của Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn và ca ngợi “tinh thần phục vụ và tình yêu dành cho Giáo Hội” của Đức Hồng Y.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng Đức Hồng Y Tauran để lại những dấu ấn sâu sắc và lâu dài cho Giáo Hội, đồng thời nhìn nhận sự tin tưởng và kính trọng lớn lao mà nhiều người dành cho ngài, cách riêng là những người Hồi giáo.

Đức Thánh Cha viết tiếp:

“Tôi có những kỷ niệm tốt đẹp về con người với đức tin sâu sắc này, là người can đảm phục vụ Giáo Hội của Chúa Kitô đến cùng, bất kể gánh nặng của bệnh tật”.

Đức Hồng Y Tauran sinh ra ở Bordeaux, Pháp, ngày 5 tháng 4 năm 1943. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1969 và gia nhập ngành ngoại giao của Vatican vào năm 1975. Ngài từng làm việc tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Cộng hòa Dominica và Liban từ 1975 đến 1983. Ngài là đại diện của Tòa Thánh tại hội nghị về an ninh và hợp tác châu Âu từ năm 1983 đến năm 1988. Trong thời gian phục vụ tại đây ngài làm nổi bật quan điểm của Vatican về nhân quyền vào thời điểm các chế độ trong khối Xô viết của Đông Âu đang suy yếu dần.

Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lần đầu tiên với chức danh phụ tá ngoại trưởng Tòa Thánh vào năm 1988. Từ năm 1990, và trong 13 năm sau đó, ngài là ngoại trưởng Tòa Thánh.

Hầu hết công việc của Đức Hồng Y diễn ra trong hậu trường, liên quan đến các cuộc họp không được công bố hàng ngày với các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh và với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Nhưng đôi khi ngài cũng xuất hiện công khai để bày tỏ các quan điểm của Vatican - về các lãnh vực như chiến tranh và hòa bình, Thánh Địa Giêrusalem hoặc về quyền của cộng đồng Công Giáo thiểu số.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã tấn phong tổng giám mục cho ngài vào tháng Giêng năm 1991 và nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2003, ngay sau khi đưa ngài lên hàng lãnh đạo Thư viện và Văn khố Mật Vatican.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cử ngài làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nhằm thúc đẩy các nỗ lực đối thoại với các đại diện của các tôn giáo khác, bao gồm cả Hồi giáo. Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từng đặt Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn dưới quyền của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa vào năm 2006 nhưng, cùng với việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tauran vào chức vụ chủ tịch ủy ban này, ngài đã phục hồi Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn như một cơ chế độc lập và quan trọng trong giáo triều Rôma.

Phát biểu tại một hội nghị về đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo ở Qatar năm 2004, Đức Hồng Y Tauran nói với những tham dự viên rằng các nhà lãnh đạo chính trị không có gì phải lo sợ nơi các tín hữu của những tôn giáo đích thực.

“Khi các tín hữu được công nhận và tôn trọng, họ sẽ có khuynh hướng làm việc cùng nhau cho một xã hội mà họ có đầy đủ tư cách thành viên”.

Ngài đã từng nói với các nhà ngoại giao rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đưa ra nhiều tuyên bố chống lại các cuộc xung đột và chiến tranh thế giới. Đó không phải là nỗ lực tham gia vào chính trị của ngài, nhưng là để cho những người nam nữ trên thế giới thấy được con đường chính xác, để họ thức tỉnh lương tâm, và để nêu bật các quyền lợi và những cam kết do họ đưa ra, cũng như lặp lại một cách mới mẻ những lời trong Tin Mừng: 'Phúc cho ai kiến tạo hòa bình.'”

Với cái chết của ngài Hồng Y đoàn còn 225 thành viên, trong đó 124 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một mật nghị bầu Giáo Hoàng.
Source: Catholic Herald - Cardinal who announced Pope Francis’s election dies aged 75
 
Giám Mục Đức cho tất cả người phối ngẫu Tin Lành được rước lễ trong các lễ mừng hôn phối
Đặng Tự Do
17:59 06/07/2018
Đức Cha Franz Jung, Giám Mục giáo phận Würzburg đã cho phép tất cả những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được Rước Mình Thánh Chúa trong các thánh lễ mừng hôn phối diễn ra tại nhà thờ chính tòa của ngài.

Đức Giám Mục Franz Jung, 52 tuổi, thần học gia, là người vừa mới được tấn phong giám mục vào tháng trước, đã nói với các cặp vợ chồng trong các cuộc hôn nhân “liên phái” rằng họ được hoan nghênh “tham dự bàn tiệc của Chúa” trong các thánh lễ mừng hôn phối diễn ra vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần tại nhà thờ chính tòa của giáo phận.

Một bài trên trang web của giáo phận nói rằng Đức Cha thành tâm “mời gọi các cặp vợ chồng trong các hôn nhân liên phái cùng cử hành Thánh Thể”.

Ngài nói thêm rằng trong những tháng tới, các ủy ban giáo phận sẽ thảo luận về các khuyến nghị của Hội đồng Giám mục Đức liên quan đến việc Rước lễ của những người phối ngẫu Tin Lành. Tuy nhiên, “ngay hôm nay tôi gởi lời mời chân thành đến tất cả các cặp vợ chồng trong các hôn phối hỗn hợp cùng tham gia vào bàn tiệc của Chúa”.

Lời mời của vị tân Giám Mục vượt xa điều trước đó đã gây sóng gió khi Đức Tổng Giám Mục Hans-Josef Becker của Paderborn chấp thuận cho những người phối ngẫu Tin Lành “trong từng trường hợp một” được rước lễ sau một giai đoạn phân định. Đức Tổng Giám Mục nêu rõ rằng điều này không tạo ra một sự cho phép “đại trà”.
Source: Catholic Herald - German bishop invites all Protestant spouses to receive Communion at jubilee Masses
 
Hương hoa khiêm nhường, chìa khóa để hiểu Đức Phanxicô
Vũ Văn An
18:02 06/07/2018
Trong số tháng 7/8, 2018 của Tạp Chí Foreign Affairs, Nữ Ký Giả Maria Clara Bingemer nhận định rằng để hiểu Đức Phanxicô, đức khiêm nhường là chìa khóa.



Thực vậy, ngay từ lúc xuất hiện lần đầu trên ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã tìm cách phi mầu nhiệm hóa ngôi vị giáo hoàng để bồi đắp một hình ảnh về ngài như một đầy tớ khiêm nhường của các tín hữu rồi. Hẳn ai cũng nhớ: đứng trước đám đông tụ tập ở phía dưới, háo hức chờ đợi làn khói trắng báo tin có tân giáo hoàng, Đức Phanxicô, tức cựu Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires, đã quyết định không đọc diễn văn khai mở triều giáo hoàng của mình như các vị giáo hoàng tiền nhiệm. Ngài chỉ đơn giản chào thăm họ: “chúc anh chị em một buổi tối tốt đẹp”. Rồi ngài nói đùa về sư xa cách trước đó của ngài, xa cách cả về địa dư lẫn nhiều phương diện khác, với Vatican, xa đến nỗi các vị Hồng Y có nhiệm vụ bầu một tân giáo hoàng đã phải lặn lội “tới tận cùng thế giới” mới tìm ra ngài. Ngài đề nghị đọc một lời cầu nguyện cho vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, rồi cúi đầu xin mọi người cầu Chúa chúc lành cho ngài trước khi ngài ban “phép lành Tòa Thánh” cho họ.

Cử chỉ trên lạ quá đến độ CNN lúc đó và cả Bingemer bây giờ vẫn cho rằng ngài xin dân chúng chúc lành cho ngài trước khi ngài chúc lành cho họ.

Dù sao, từ giây phút ấy trở đi, Đức Phanxicô không bao giờ phí mất cơ hội nào để phóng chiếu một “hương hoa khiêm nhường”. Các hình ảnh liên tiếp cho thấy ngài đi thăm các gia đình tại nhà họ, thưởng thức càphê, ôm hôn người bệnh hoặc các trẻ thơ, thậm chí tự đi mua cặp kính mới tại tiệm kính mắt. Khi khuyến khích việc tường trình các sự kiện và hình ảnh này về Đức Phanxicô, Tòa Thánh đã làm nổi bật một trong các thông điệp chính của ngài: người Công Giáo có thể và nên tìm kiếm Thiên Chúa ngay trong các hoàn cảnh tầm thường của đời người. Tòa Thánh cũng đã ủng hộ ý nghĩ cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là một nhân vật xa cách và huyền bí nhưng là một người bình thường như mọi người khác, chỉ là một môn đệ nữa của Chúa Giêsu Kitô giữa rất nhiều môn đệ khác.

Bất chấp các cố gắng trên, hay có lẽ một phần vì chúng, mà Đức Phanxicô đã chứng tỏ là một trong các nhân vật gây phân hóa nhiều nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngài gây phẫn nộ cho những người cực bảo thủ và làm cho những người duy truyền thống khó chịu: một số nhân vật có tiếng tăm trong Giáo Hội đã dùng làn sóng truyền thông cũng như các phương tiện truyền thông xã hội để lên án các giáo huấn của Đức Phanxicô. Nhưng ngài làm các người cấp tiến khoái trá: họ hoan nghinh việc bầu ngài làm giáo hoàng, coi nó như đánh dấu ngày tàn của mùa đông giáo hội từng kéo dài 30 năm, trong đó, các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đã định vị Giáo Hội như một thành lũy của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo giữa lòng một thế giới đang tục hóa nhanh chóng.

Trong khi ấy, Đức Phanxicô làm bối rối các phương tiện truyền thông và các nhà báo: họ không biết chắc phải tường trình thế nào về ngài và tường thuật ra sao về triều giáo hoàng của ngài. Câu truyện bắt đầu rõ nét hơn với đợt cảm quan tích cực xuất hiện từ giới trẻ, người cấp tiến, và nhiều người Công Giáo vốn trôi giạt khỏi Giáo Hội nay nhận thấy vị tân giáo hoàng là một nhà cải cách dễ tiếp cận, thực tế, cởi mở, dấn thân giải quyết thân phận những người bị chà đạp và bảo vệ môi trường. Cùng với phong cách dễ dãi của vị giáo hoàng, các chủ trương vừa kể đã đem lại cho ngài một hình thức nổi tiếng kiểu văn hóa đại chúng, điều mà vị tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô khắc khổ và quí tộc, không bao giờ tìm kiếm và có được.

Nhưng mấy năm gần đây, câu truyện của Đức Phanxicô đã thay đổi đáng kể. Gần đây trên tờ New York Times, người ta thấy xuất hiện hàng tít: “Pope Francis in the Wilderness” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Hoang Địa). Bài báo cho rằng “Hiện nay, Đức Phanxicô càng ngày càng bị vây khốn. Bầu khí chính trị đã thay đổi đột ngột ở khắp nơi trên thế giới, trao quyền lực cho những nhà dân túy và duy quốc gia, là những người chống lại các chủ trương của ngài. Các lực lượng bảo thủ dàn trận chống lại ngài bên trong Vatican càng mạnh dạn hơn, tìm cách phá ngang ngài trên nhiều trận tuyến”. Bài báo trưng dẫn Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, nói rằng Đức Phanxicô giữ vững lập trường của ngài cho dù “thế giới chạy theo một hướng khác đi nữa”.

To Change the Church (Thay Đổi Giáo Hội), một cuốn sách mới về Đức Phanxicô và triều giáo hoàng của ngài của nhà bỉnh bút Ross Douthat, New York Times, đã nắm bắt và hiện thân cho việc giật lùi trên. Tự nhận là một người Công Giáo bảo thủ, Douthat mô tả Đức Phanxicô như một người thông minh và hiểu rộng, tuy đang bất cẩn gây nguy hiểm cho sự hợp nhất của Giáo Hội và một số truyền thống quan trọng nhất của Giáo Hội. Douthat tố cáo rằng “Đức Phanxicô không chỉ vạch trần các tranh chấp; ngài còn đổ thêm dầu vào chúng. Ngài không chỉ cổ vũ tranh luận; ngài còn về phe và ném thóa mạ một cách khiến cho các nhà phê bình thân thiện phải trở thành chống đối, và làm hại việc mưu cầu cơ sở chung”. Douthat tiên đoán rằng Đức Phanxicô sẽ được tưởng nhớ như người đã dám loan báo nẻo đường mới nhưng lại không suy tư đủ về việc gìn giữ các định chế và qui luật của Giáo Hội. Sự lượng giá có tính phê phán hạng nhất này đã được làm dịu phần nào nhờ những điểm ca ngợi Đức Phanxicô. Douthat công nhận rằng Đức Giáo Hoàng đã tạo hứng khởi và cho rằng ngài có công giúp khôi phục địa vị trung tâm của Đạo Công Giáo trong trí tưởng tượng tôn giáo ở Tây Phương. Nhưng, theo Douthat, di sản của ngài sẽ bị hoen ố bởi sự căng thẳng và không chắc chắn do sự lãnh đạo của ngài tạo ra.

Cuốn sách của Douthat được soạn thảo công phu và cung cấp cho người đọc khá nhiều phân tích sáng suốt, nhưng luận điểm hàng đầu của nó đã bỏ qua điểm chủ chốt. Douthat đánh giá quá đáng chủ nghĩa cấp tiến của Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), một văn kiện quan trọng (chính thức gọi là một tông huấn) được Đức Phanxicô ban hành năm 2016, nhằm suy tư về gia đình và trạng huống các người Công Giáo ly dị và tái hôn. Trong khi ông lại hạ thấp khía cạnh quan trọng nhất của triều đại Phanxicô: cố gắng của Đức Giáo Hoàng nhằm đặt người nghèo trở lại vị trí trung tâm trong sinh hoạt Công Giáo.

Người ôn hòa giữa những người cấp tiến

Douthat bắt đầu bằng việc đặt Đức Phanxicô vào bối cảnh địa dư và thần học nhằm khảo sát Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh và ngành tư duy Công Giáo từng xuất hiện ở đó cuối thập niên 1960 mà ngày nay, người ta thường gọi là “thần học giải phóng”. Theo trường phái này, người Công Giáo nên xem xét các mầu nhiệm đức tin bằng cách trước nhất phân tích thực tại, rồi áp dụng các giới răn của Thánh Kinh Kitô Giáo, luôn lưu ý tới việc tạo ra điều mà các người tin theo họ gọi là “ưu tiên chọn người nghèo”. (Douthat mô tả thần học giải phóng là ‘một tổng hợp giữa đức tin Tin Mừng và chủ nghĩa đấu tranh chính trị lấy Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu làm cương lĩnh cho cuộc cách mạng xã hội’). Đường lối suy tư này lấy hứng phần nào từ Công Đồng Vatican II, gọi tắt là Vatican II, tức chương trình cải tổ lâu năm do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng năm 1962. Văn kiện quan trọng nhất do Công Đồng này công bố là Gaudium et spes (Vui Mừng và Hy Vọng), trong đó, Giáo Hội tiếp nhận sứ mệnh đề cập tới “các vui mừng và hy vọng, các sầu buồn và lo lắng của con người thời đại, nhất là người nghèo hay những người chịu ảnh hưởng bất cứ cách nào”. Thần học Giải Phóng tìm cách thực hiện lời cam kết này, và việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện đang nhấn mạnh tới nghèo khó nói lên việc tái cam kết với việc này.

Nhưng, như Douthat đã nhận xét, mối liên hệ của Đức Phanxicô với thần học giải phóng khá phức tạp. Năm 1973, Cha Bergoglio, lúc ấy 36 tuổi, được cử làm giám tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, là giới chức cao cấp nhất của Dòng tại nước này. Theo Douthat, người tiền nhiệm của ngài là Ricardo O’Farrell vốn ủng hộ “các linh mục muốn sống như những nhà tổ chức chính trị nơi người nghèo của Á Căn Đình”, và đã ra lệnh “viết lại học trình của Dòng Tên trong đó xã hội học đuổi thần học ra bên ngoài”. Điều này dẫn đến một cuộc nổi loạn nhỏ nơi các tu sĩ Dòng Tên bảo thủ hơn, nên Cha O’Farrell đã phải từ chức. Thay thế cho vị này, Cha Bergoglio có một cách tiếp cận bảo thủ hơn. Kết quả, theo Douthat, là: nhiều linh mục cấp tiến tin rằng “cuộc cách mạng của họ đã bị phản bội” và các đồ đệ của thần học giải phóng “cảm thấy hụt hẫng và bị cho ra rìa”.

Nhưng nhiều năm sau, sau khi được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chức Hồng Y năm 2001, Bergoglio hiện diện thường xuyên trong các villas, tên gọi các xóm cực nghèo ở ngoại ô Buenos Aires. Độ nhiệt tình trong dấn thân của ngài với dân nghèo này làm nhiều quan sát viên bối rối; nhờ thế, Bergoglio nổi danh như người trung dung (centrism) về các vấn đề thần học và chính trị. Ngài đi dây khéo léo trong “Cuộc Chiến Tranh Bẩn Thỉu” từng khuấy đục Á Căn Đình cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, trong đó, độc tài quân phiệt ác ôn và các đồng minh cánh hữu của nó đã sát hại hay “làm biến mất” hàng chục ngàn người bị tình nghi theo xã hội chủ nghĩa và bất đồng chính kiến.

Một số linh mục Dòng Tên dưới quyền giám sát của ngài chống đối chế độ đã bị giam cầm, tra tấn, thậm chí bị đe dọa xử tử. Bergoglio can thiệp với các nhà cầm quyền quân đội để bảo đảm các ngài được thả tự do và được ra ngoại quốc. Ngài cũng đã giúp một số nhà tranh đấu cánh tả trốn khỏi Á Căn Đình, dấu họ tại các cơ sở của Giáo Hội, cung cấp giấy tờ giả cho họ, và lái họ ra phi trường. Nhưng ngài không bao giờ công khai chỉ trích độc tài quân phiệt; Douthat cho rằng một phần do “toàn thể Giáo Hội Á Căn Đình là một lực lượng thỏa hiệp thời độc tài quân phiệt”. Sau này, trong những năm ngay trước khi được bầu làm giáo hoàng, Bergoglio đã đụng đầu với tổng thống phe tả của Á Căn Đình là Cristina Fernández de Kirchner, tố cáo bà tham nhũng và bè phái. Thế nhưng, đồng thời, ngài lại không đứng chung giới tuyến với những địch thủ thượng lưu, bảo thủ của Kirchner.

Việc thiếu nhiệt tình ý thức hệ của Bergoglio đặt ngài ra ngoài các giáo sĩ khác vốn phục vụ tại các villas, những vị vốn được gọi là linh mục ổ chuột, là những linh mục gắn bó chặt chẽ với thần học giải phóng và thường bị tố cáo, đôi khi bởi các kẻ thù ngay bên trong Vatican, là Mácxít. Nhưng thời gian Bergoglio’s ở trong các villas rõ ràng để lại các dấu ấn sâu xa trong ngài. Là giáo hoàng, ngài vốn cho rằng ngài muốn có được các linh mục và giám mục có “mùi chiên”, việc gần gũi với người nghèo là chủ yếu đối với việc sống thực Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và ngài muốn lãnh đạo “một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”.

Cam kết của Đức Phanxicô với người nghèo không phải chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi; ngài còn đưa ra hành động nữa. Năm 2016, ngài loan báo việc lập ra Thánh Bộ Cổ Vũ Việc Phát Triển Tòan Diện Con Người, trao cho nó nhiệm vụ tập trung các công trình của Giáo Hội chuyên lo “các vấn đề liên quan tới di dân, những người thiếu thốn, người bệnh, người bị loại bỏ và cho ra rìa, người bị giam cầm và người thất nghiệp, cũng như các nạn nhân của tranh chấp vũ trang, thiên tai, và mọi hình thức nô dịch và tra tấn”. Đức Giáo Hoàng đích thân giám sát việc làm của Thánh Bộ về di dân và người tị nạn, một vấn đề hết sức quan trọng đối với ngài. Trong cuộc khủng hoảng di dân ở Âu Châu năm 2015, Đức Phanxicô kêu gọi hàng giáo sĩ và cả giáo dân nữa đích thân trợ giúp người tị nạn. Gần đây hơn, Tòa Thánh đã lập ra một quĩ để trợ giúp những ai trốn chạy các bất ổn chính trị và khó khăn kinh tế ở Venezuela.

Một Giáo Hội bị chia rẽ?

Douthat thừa nhận việc Đức Phanxicô “không ngừng nhấn mạnh đến các vấn đề kinh tế” nhất là “các tội ác của người giầu, ảnh hửơng tham nhũng của tiền bạc, số phận người thất nghiệp, di dân, người nghèo”. Nhưng cuối cùng, ông lưu tâm nhiều hơn tới các khía cạnh khác của triều giáo hoàng Phanxicô. Ông tập chú đặc biệt vào sự chạm trán giữa phe cấp tiến và phe duy truyền thống do Amoris laetitia gây ra. Phe cấp tiến ủng hộ văn kiện này, một văn kiện kêu gọi các linh mục thực hiện “việc biện phân thận trọng” khi gặp các vấn đề gia đình và hôn nhân và “tránh các phán đoán không tính gì đến sự phức tạp của các tình huống đa dạng”. Văn kiện đề xuất việc huấn luyện cho các linh mục cách hiểu và xử lý tốt hơn với tình huống bế tắc của gia đình và bất hòa hôn nhân và khuyến khích các mục tử hỗ trợ các cha mẹ đơn lẻ.

Mặc dù văn kiện quả quyết rằng Giáo Hội thấy “tuyệt đối không có cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính tương tự bất cứ cách nào hay có thể so sánh cách xa xôi nhất nào với kế hoạch mà Thiên Chúa vốn dành cho hôn nhân và gia đình”, nhưng nó cũng đã tố cáo bạo lực chống lại các người đồng tính nam nữ, tuyên bố rõ ràng rằng “mọi người, bất kể xu hướng tính dục, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được đối xử một cách ân cần”.

Văn kiện cũng quả quyết rằng các linh mục có bổn phận “đồng hành” với các người Công Giáo ly dị và tái hôn và giúp họ “hiểu tình huống của họ”. Văn kiện gợi ý việc cải tổ diễn trình hiện rất chậm chạp trong việc ban cấp án vô hiệu hôn nhân, một điều vốn làm cho các người Công Giáo ly dị khó có thể tái hôn trong Giáo Hội. Nó cũng nhắc qua đến sự kiện các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cho phép các linh mục có vợ và gợi ý “kinh nghiệm” của các giáo hội này có thể “được rút tỉa”, ngầm cho thấy có lẽ Giáo Hội Công Giáo cũng có thể cho phép các linh mục kết hôn.

Một số vị Hồng Y bảo thủ đả phát biểu sự không hài lòng của các ngài đối với một số đoạn. Douthat kịch liệt phê phán điều ông coi là mơ hồ trong văn kiện nói về các vấn đề luân lý nòng cốt. Ông cho rằng người ta muốn giải thích sao cũng được, “và vì Đức Giáo Hoàng... từ chối việc minh nhiên chọn lựa giữa các lối giải thích này, nên tất cả đều được ủng hộ” theo những cách khác nhau bởi những người khác nhau. Douthat lo sợ việc này sẽ gây ra chia rẽ phe phái làm phân hóa Giáo Hội, khiến “giám mục chống lại giám mục, thần học gia chống lại thần học gia” và liều mình tạo ra chiến tranh trong Giáo Hội không giống bất cứ chiến tranh nào Giáo Hội từng chịu đựng trong nhiều thập niên qua. Ông trách Đức Phanxicô đã để cho sự chia rẽ tai hại này ung thối bằng cách từ chối không trả lời các yêu cầu sắc nét của một số Hồng Y muốn được minh xác về một số đoạn văn gây tranh cãi nhiều hơn trong Amoris laetitia...

Amoris laetitia quả có gây xúc động lớn. Nhưng phần lớn các tường trình của truyền thông, và cả của Douthat nữa, đã bỏ qua sự kiện này là đối với nhiều người Công Giáo, bản văn tượng trưng cho một lời mời gọi được chờ đợi đã lâu để canh tân, giúp họ hòa giải với Giáo Hội mà họ đã xa cách lâu nay. Amoris laetitia đưa ra một viễn kiến về một Giáo Hội bao trùm biết nhấn mạnh tới lòng thương xót và hòa nhập thay vì kết án và tuyệt thông. Không hề bác bỏ các tín lý cổ truyền như tính bất khả tiêu của hôn nhân, tông huấn rõ ràng muốn nói với những người Công Giáo ly dị rằng họ không nên tự coi mình như những người bị tuyệt thông ra khỏi Giáo Hội, ngược lại, họ vẫn có chỗ đứng trong cộng đồng Giáo Hội. Amoris laetitia đáp ứng một cách cởi mở và tương cảm đối với các thay đổi xã hội lớn lao và triệt để trong các thập niên gần đây. Nó cho thấy Đức Phanxicô là một nhà lãnh đạo tôn giáo mẫn cảm đối với các thách đố hàng ngày của người Công Giáo trong việc bắt đầu một gia đình và dưỡng dục con cái họ. Nó bác bỏ thứ luân lý lạnh lùng, bàn giấy, bị qui luật làm cho tê liệt.



Còn về việc Đức Giáo Hoàng ngần ngại không đối thoại với các linh mục bất đồng, lời chỉ trích của Douthat không có cơ sở. Muốn hiểu rõ hơn sự im lặng của Đức Phanxicô, cần để ý tới hậu cảnh Dòng Tên của ngài. Thánh Inhã thành Loyola, vị sáng lập ra Dòng Tên, vốn dạy rằng khi người ta đưa ra một quyết định trước mặt Thiên Chúa và với cảm quan bình an và thanh thản nội tâm, họ phải tiếp tục tiến bước thay vì rút khỏi hay thay đổi đường đã vẽ.

Tuy nhiên, tính cương quyết như trên không được lẫn với tính ngang bướng. Khi Đức Phanxicô tin là ngài sai lầm, ngài sẽ nói ngài sai lầm, như ngài đã làm hồi tháng Tư vừa qua khi ngài thừa nhận ngài đã mắc “lầm lỗi nặng nề” lúc đầu, trong việc ủng hộ Đức Cha Juan Barros, vị giám mục Chile bị tố cáo che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên. Đức Giáo Hoàng tỏ ý hối tiếc vì các tuyên bố trước đó để hỗ trợ Đức Cha Barros, điều mà ngài cho là “một cái tát vào mặt” các nạn nhân bị lạm dụng. Để sửa lỗi, ngài đã mời các giám mục Chile tới Vatican và gặp mặt lâu giờ với các nạn nhân. Rõ ràng đây không phải là một người luôn xác tín về chính sự vô ngộ của mình hoặc không lưu ý gì tới việc trao đổi quan điểm, nhưng là một con người có khả năng tái thẩm định quan điểm của mình và các quyết định của mình.
Đức Phanxicô tin rằng Giáo Hội không phải là một cùng đích tự tại nhưng hiện hữu để cứu vớt nhân loại. Để thi hành sứ mệnh này, ngài thường tìm kiếm đối thoại khi gặp dị biệt. Tuy nhiên, giáo hội của Đức Phanxicô vẫn là một giáo hội truyền giáo, nên Đức Giáo Hoàng ít lưu ý tới việc bảo vệ truyền thống và các định chế hơn là làm náo động sự việc: ngài vốn kêu gọi người Công Giáo “hagan lío”(“gây náo động một chút”) cho dù làm thế có nguy cơ bất đồng, thậm chí chia rẽ. Ngài nhắm để lại một giáo hội mạnh mẽ hơn, mềm dẻo hơn, và các cố gắng làm thế của ngài trong những năm sắp tới chắc chắn tiếp tục làm thế giới ngạc nhiên.

Nguồn: Maria Clara Bingemer, Making Some Noise for God, How to Understand Pope Francis, Foreign Affairs, July/August 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng 50 Năm Hồng Ân Linh Mục Và Thượng Thọ Bát Tuần Của Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết.
BTT Phan Thiết
08:55 06/07/2018
Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng 50 Năm Hồng Ân Linh Mục Và Thượng Thọ Bát Tuần Của Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết.

Linh Mục là ơn gọi và danh xưng đẹp nhất. (Trích bài giảng của ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm) trong Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm hồng ân linh mục và thượng thọ bát tuần của Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết.

Thánh lễ Tạ Ơn được diễn ra vào lúc 09g30 ngày 05.7.2018 tại nguyện đường Bác Phúc Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám Mục GP Vinh chủ Tế, đồng tế với ngài có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – TGM TGP Huế, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám Mục Gp.Mỹ Tho, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – giám quản tông tòa TGP Sài Gòn, Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long – Giám Mục Phụ Tá Hưng Hóa, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh – Nguyên Giám Mục Komtum, Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương – Giám Mục Gp Kamloops, Canađa.

Ngoài ra có Cha Phaolô Trần Kỳ Minh – Tổng Đại Diện Gp.Mỹ Tho, Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu – Tổng Đại Diện Gp. Phan Thiết và đông đảo quý cha trong và ngoài Giáo Phận. Tham dự thánh lễ có tu sĩ nam nữ thuộc 2 Tu Đoàn Nam Nữ Bác Ái Xã Hội, ân thân nhân của Cha Phêrô và quý khách.

Xem Hình

TIỂU SỬ CHA PHÊ-RÔ NGUYỄN CHÍ THIẾT

Cha Phê-rô Nguyễn Chí Thiết sinh ngày 31 tháng 12 năm 1938, tại Bảo Thành - Yên Thành - Nghệ Tĩnh (nay là Bảo Thành - Yên Thành - Nghệ An), thuộc giáo xứ Bảo Nham – Giáo hạt Bảo Nham - Giáo phận Vinh. Mới lên hai, lúc vừa chập chững tập bước những bước chân đầu đời, cậu Thiết đã phải mồ côi mẹ. Từ năm 1940 đến năm 1946, cậu sống với ông bà ngoại tại Mỹ Dụ (thuộc Hưng Châu – Hưng Nguyên – Nghệ An). Từ 1946 đến 1949, cậu sống với bố tại Vạn Lộc (thuộc Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An). Ba năm sau đó, tức là từ 1949 đến 1951, cậu Thiết lại trở về đất Yên Thành sống với bà nội và chú Nguyễn Khắc Nhường tại giáo xứ Rú Đất.

Dù tuổi thơ bôn ba đây đó nhưng như một lời mời gọi “từ trong lòng thân mẫu”, Chúa đã chọn gọi cậu Thiết đi theo tiếng gọi làm môn đệ của Ngài. Năm 1951, cậu thi đậu vào lớp Tiền chủng viện Vinh tại Trường Tập Xuân Phong (Diễn Châu – Nghệ An). Và từ 1951, cậu Thiết tu học tại đây cho đến năm 1954.

Năm 1954, với nhiều biến chuyển về tình hình chính trị tại Đông Dương, tuyên bố chung của Hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954 cho phép dân chúng đi lại giữa các miền lãnh thổ tạm thời được phân chia. Cùng với phong trào di cư của rất đông cư dân miền Bắc, năm 1954, cậu Thiết đã theo cha Quyền và thầy Hoan (Đức cố Giám mục Phao-lô Nguyễn Thanh Hoan) trên con thuyền buồm vào Nam. Trong hành trình Nam tiến đầy gian khổ và mạo hiểm, thầy Hoan như là người anh đã dìu dắt và hướng dẫn cậu Thiết để anh em cùng tiếp tục lý tưởng đời tu và “an cư” trong môi trường mới. Từ năm 1954 đến 1960, thầy Thiết học tại Tiểu chủng viện của các giáo phận di cư: Vinh, Thanh Hóa, Bùi Chu và Hà Nội tại Sài Gòn và tốt nghiệp với văn bằng tú tài toàn phần. Từ năm 1960 đến 1962, thầy Thiết vừa là sinh viên ban triết học Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, vừa dạy học tại Tiểu chủng viện Tam Hà (Thủ Đức) của giáo phận Vinh di cư. Năm 1963, thầy Thiết tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn với văn bằng cử nhân giáo khoa Triết Đông và Tây. Sau đó, thầy gia nhập giáo phận Cần Thơ theo chỉ thị của Tòa Thánh đối với các chủng sinh và linh mục của các giáo phận di cư ở Việt Nam. Năm 1962 đến 1964, thầy học chương trình triết học tại Đại chủng viện Sài Gòn, tại Gia Định năm Triết 1 và năm Triết 2 tại Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng).

Năm 1964, Đức Giám Mục Philípphê Nguyễn Kim Điền – Giám mục Giáo phận Cần Thơ – gửi thầy Thiết đi du học Tại Roma, nước Ý. Trong thời gian du học tại nước ngoài, con đường ơn gọi của thầy như đã chín mùi. Và hồng phúc lớn lao đến với thầy, ngày 29 tháng 6 năm 1968, Đức Hồng Y Agagianian, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, nay gọi là Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, đã đặt tay phong chức linh mục cho thầy Phê-rô Nguyễn Chí Thiết. Năm 1970, cha Phê-rô tốt nghiệp với văn bằng tiến sỹ thần học tại Trường Truyền giáo Roma. Sau khi tốt nghiệp chương trình du học tại Roma, cha Phê-rô hồi hương và được bổ nhiệm làm giáo sư Triết Đông tại Đại chủng viện Vĩnh Long từ 1970 – 1974. Sau bốn năm làm giáo sư Đại chủng viện, năm 1974, Giám mục giáo phận Cần Thơ lúc bấy giờ là Đức Cha Giacobe Nguyễn Ngọc Quang lại gửi cha Phê-rô du học chương trình Triết Đông tại Đài Loan.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tình hình chính trị tại Việt Nam phức tạp và nhiều chuyển biến. Cha Phê-rô không thể về nước phục vụ được. Và từ năm 1976, sau khi xong chương trình triết tại Đài Loan, cha Phê-rô qua Pháp định cư và phục vụ tại đây. Từ năm 1976 đến năm 2007, cha làm tuyên úy cho dòng kín Saint Germain en Laye, đồng thời sáng lập và lo mục vụ cho cộng đoàn giáo dân Đông Nam Á tại giáo phận Versailles, Pháp. Trong thời gian này, cùng với chương trình mục vụ tại Pháp, cha Phê-rô đã qua Israel học tiếng Do thái tại Jerusalem từ 1976 -1977. Và từ đây, với lòng yêu mến Chúa nồng nàn và say mê những di tích cổ thời trong lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, cùng với khả năng thông thạo tiếng Do thái và nhiều ngoại ngữ khác, cha Phê-rô thường xuyên tổ chức và chuyên hướng dẫn các đoàn hành hương Thánh Địa. Tính đến nay, với ở tuổi bát tuần, cha Phê-rô cũng đã tham gia hướng dẫn 81 đoàn hành hương Thánh Địa. Năm 1976 – 1978, cha Phê-rô theo học cổ ngữ Do thái, Hy Lạp, Aramen, tại Institut Catholique de Paris và tốt nghiệp văn bằng Cao đẳng cổ ngữ Thánh Kinh tại đây. Cùng thời gian này, năm 1977, ngài học tiếng Đức tại Freiburg en Breigau, nước Đức.

Từ năm 2002 đến năm 2007, cha Phê-rô theo học tiếng Trung tại Đài Loan, đồng thời làm giáo sư dạy Hy Lạp Tân Ước tại Đại học Fujen, Taiwan. Ngoài ra, cha cũng là giáo sư Thần học căn bản và Linh hứng tại các học viện và đại chủng viện tại Trung Hoa lục địa.

Cũng từ năm 2002, cha Phê-rô thường xuyên về quê hương và tham gia giảng dạy Triết Đông tại nhiều đại chủng viện Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2016, cha được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tín nhiệm giao trọng trách Trưởng Ban biên soạn Từ điển Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục. Từ năm 2015, theo lời mời của Tu đoàn Bác Ái Xã Hội và được sự chấp thuận của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết, cũng như Đấng Bản quyền sở tại giáo phận Versailles - Pháp, cha Phê-rô về làm cố vấn và giảng dạy cho Tu đoàn Bác Ái Xã Hội – Phan Thiết. Và từ 2017 đến nay, cùng với sứ vụ giáo sư tại nhiều đại chủng viện, làm việc trong ban từ điển, hướng dẫn đoàn hành hương Thánh Địa, cha được Đức Cha Toma Nguyễn Văn Trâm – Giám quản Tông Tòa giáo phận Phan Thiết – bổ nhiệm làm linh giám cho Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.

Tám mươi mốt tuổi đời, năm mươi năm hồng ân trong thánh chức linh mục, quả là một chặng đường dài dằng dặc thấm đầy nước mắt và gian khổ. Nhưng cũng là quãng thời gian đong đầy ân sủng và tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Đúng như lời Thánh vịnh đã cất lên:

“Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118, 1).

Mở đầu thánh lễ, Cha Tổng Đại Diện Gp Phan Thiết giới thiệu về sự hiện diện của các Đức Cha và gửi lời chúc mừng đến Cha Phêrô. Sau đó, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh thay mặt cho HĐGM Việt Nam gửi lời chúc mừng đến Cha Phêrô trong ngày kỷ niệm hồng ân Linh mục. Đại diện cho hai tu đoàn Nam Nữ Bác Ái Xã Hội gửi lời chúc mừng và lời cảm ơn đến Cha Phêrô; Cha đã thương và nhớ đến tình bạn hữu là Đức Cha Cố Phaolô Nguyễn Thanh Hoan để về làm linh giám cho Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội cũng như vun đắp, trợ giúp cho những dự định còn dang dỡ của Đức Cha Cố Phaolô dành cho hai tu đoàn.

Linh mục là một sáng kiến và do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban tặng, với con số 50 năm mà không phải bất kỳ linh mục nào cũng dám mơ tới. Con đường dài với những gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng đong đầy “hồng ân của Thiên Chúa”. Chính vì thế, thánh lễ Tạ ơn Cha Phêrô xin dâng lời tạ ơn, chúc tụng và ngợi Khen Thiên Chúa về ơn gọi Linh mục của mình.

Bài giảng Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm:

1. Lý do hiện diện: Điều từng thuộc giáo phận Cần Thơ nhưng không ở Cần Thơ lâu. Gặp trong Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt nam, lúc đó do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Đọc làm Chủ tịch, tôi là thư ký Ủy ban; khi đó cha Thiết được mời về làm trưởng nhóm Từ Vị. Cũng vì thế ngài mới phân công cho tôi giảng lễ hôm nay.

2. Các bài đọc kinh thánh trong Thánh lễ là do chính cha Thiết chọn và chắc hẳn những văn bản này là nguồn cảm hứng cho đời sống linh mục của cha. Vậy chúng ta có thể lắng nghe được những điều gì từ những văn bản này?

Ý tưởng chủ đạo được lập đi lập lại trong các bài đọc kinh thánh là niềm xác tín rằng mình được gọi và được chọn.

Trong bài đọc I về ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia, Chúa phán với Giêrêmia: “trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi”. Cùng một ý hướng, trong bài đọc II, tác giả thư Hipri khẳng định: “không ai tự gán cho mình vinh dự là thượng Tế, nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi”. Khẳng định đó lại càng mạnh mẽ hơn nữa trong bài tin mừng khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em…”

Tất cả đều làm nổi bật ý nghĩa ơn gọi đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ những tính toán của con người như khi người ta chọn một nghề để sinh sống.

Trong Kinh Thánh, ơn gọi gắn liền với sứ mệnh, nên nếu một người thật sự xác tín ơn gọi đến từ Thiên Chúa thì người đó sẽ ý thức rằng những việc mình làm và ngay cả hiện hữu của mình cũng là sứ mệnh chúa trao, chứ không phải chuyện tính toán của loài người hay chuyện may rủi của định mệnh. Trong tông huấn Niềm vui Phúc Âm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết một câu rất quyết liệt: “sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hai cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ… Trái lại, đó là một điều tôi không thể dứt bỏ nếu không muốn hủy hoại chính mình. Tôi là sứ mệnh trên trái đất này: Đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này” (số 273). ĐGH không nói “tôi có một sứ mệnh”, Nhưng ngày nói “ Tôi là…”. chính hiện hữu và con người tôi là sứ mệnh. Nếu chính hiện hữu và cuộc đời tôi là sứ mệnh thì điều quan trọng không phải là bản thân tôi được hay mất cái gì, nhưng là sứ mệnh có được chu toàn không? Tôi có nói và làm đúng như Chúa muốn không, như Chúa nói với Giêrêmia: Ta sai người đi đâu, người cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, người cứ nói”; hay là Chúa sai đến một nơi thì lại đi nơi khác (như Giôna); Chúa truyền nói một điều thì lại nói điều khác (như những tiên tri giả)!

Và chỉ khi thi hành như Chúa muốn, sứ mệnh mới sinh hoa trái và là những hoa trái tồn tại như Chúa Giêsu nói: “Chính thầy chọn anh em và đã cắt cử để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại.”

Vì xác tín rằng ơn gọi và sứ mệnh Đến Từ Thiên Chúa nên người được gọi vững tâm trước những nghịch cảnh của cuộc đời khi thi hành sứ mệnh. Hãy nhớ lại cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia với biết bao thử thách và đau khổ, đắng cay và tủi nhục đến nỗi ông nguyền rủa cả ngày sinh ra đời: “ con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh ra con làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con” (15,10)? Hãy nhớ lại cuộc đời của các Tông Đồ, những người trực tiếp nghe Chúa Giêsu tuyên bố “không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy chọn các con”? Thế mà có mấy vị được chết trên giường hay toàn chết trong tù và ngoài đường? Được gọi và được chọn đấy, nhưng sao cuộc đời nhiều gian lao trắc trở quá! Không chỉ với những người theo Chúa, thư Hipri còn viết về chính Chúa Giêsu: “dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Thế nhưng dù đắng cay thế nào chăng nữa, lời cuối cùng của Chúa Giêsu và những người được chúa gọi vẫn không phải là “Sao Cha bỏ con” nhưng là “con phó sự sống trong tay Cha”.

Vì xác tín ơn gọi và sứ mệnh đến từ Thiên Chúa nên người được gọi khiêm tốn khi thành công và sám hối khi lầm lỗi. Khiêm tốn lúc thành côg vì đây là công trình của Chúa và do quyền năng của Ngài chứ không phải do khả năng riêng của ta đâu. Cùng với sự khiêm tốn là tâm tình sám hối vì chưa làm tròn sứ mạng được Chúa trao ban, như thư Hipri viết: “Chính thượng đế cũng đầy yếu đuối nên không những dâng lễ vật đền tội cho dân mà còn đền tội cho chính mình”.

3. Cộng Đoàn quy tụ ở đây để cùng với Cha Thiết chân lễ tạ ơn Chúa nhân kỷ niệm 50 năm linh mục và mừng Thượng thọ bác tuần của ngài. Khi cha Thiết chọn các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi nghĩ ngài muốn nói với chúng ta rằng xác tín vào ơn gọi linh mục, và chính niềm xác tín ấy đã là ánh sáng soi đường và nguồn sức mạnh cho đời linh mục của ngài xuống 50 năm qua.

Niềm xác tín ấy đã giúp ngài vững tâm giữa biết bao thử thách trong đời. Tôi không biết rõ nhưng hình dung sau biến cố 1975, cha Thiết lúc đó – một linh mục trẻ, thông minh và tài năng, chắc phải hụt hẫng lắm khi không thể trở về Việt Nam và phải tìm cách thích nghi với một hoàn cảnh mới, một tương lai mình không ngờ tới. Nhớ có lần gặp nhau ở nhà thờ Đức Bà ( thập niên 1990), ngài nói với tôi là nếu sang Pháp, phải làm quen với việc dâng lễ với nhóm nhóm nhỏ (bên Tây). Những hụt hẫng đó đã làm cho một số anh em hoang mang rồi rời bỏ đời sống linh mục, nhưng cha thiết vẫn kiên trì với ơn gọi.

Niềm xác tín ấy đã giúp ngài định hướng và vận dụng những khả năng Chúa ban để thi hành sứ mệnh cách tốt đẹp nhất trong mọi hoàn cảnh. Cha không chỉ làm Giáo sư nhưng còn làm cha xứ, Tour-guide Thánh Địa! Chúa ban cho ngài nhiều khả năng: về mặt tri thức với kiến thức thần học uyên bác và khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, ngoài ra còn có khả năng quy tụ anh chị em và làm việc chung. Những khả năng đó được vận dụng để thực hiện những công trình tốt đẹp cho hội thánh; cụ thể với Hội Thánh Việt Nam, không những không nói tới công trình Từ Điển Công Giáo (vừa đòi hỏi kiến thức sâu rộng, vừa đòi hỏi sự kiên trì tỉ mỉ). Nhắc đến công trình này cho phép tôi thay lời HĐGM để bày tỏ lòng biết ơn với sự cống hiến quý báu của cha cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh tại Việt Nam.

Nếu niềm xác tín vào ơn gọi đã là ánh sáng soi đường và nguồn sức mạnh cho cha Thiết trong 50 năm qua, thì điều mà chúng ta phải cùng với ngài tạ ơn Chúa cách đặc biệt hôm nay chính là hồng ân thánh chức linh mục: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Vâng, mọi sự khác, mọi công trình khác chỉ là chuyện nhắc đến sau, còn điều chính yếu nhất là hồng ân thánh chức linh mục. Một trong những nhân vật nổi tiếng của Hội Thánh Công Giáo Hoa Kỳ là cha Theodore Martin Hesburgh – Viện trưởng Đại học Notre Dame suốt 35 năm, được trao tặng 150 bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học. Nổi tiếng như thế nhưng khi được hỏi rằng một mai khi qua đời ngài muốn viết gì trên bộ này trả lời linh mục Theodore Martin Hesburgh.

Linh mục đúng là ơn gọi và là danh xinh đẹp nhất. Vì lẽ ấy, xin cùng với cộng đoàn ở đây chúc mừng Linh mục Phêrô Nguyễn Chí thiết trong ngày rất đáng nhớ hôm nay.

Thánh lễ tạ ơn khép lại lúc 11g15. Sau Thánh Lễ quý Đức Cha và quý cha chụp chung hình lưu niệm với cha Phê-rô tại cung thánh của Nguyện Đường. Vâng, một chút thời gian nhìn lại hành trình ơn gọi Linh mục của cha Phêrô; cuộc đời của Cha Phêrô là chuỗi ngày phục vụ, cống hiến với một niềm xác tín. Và với mỗi miền đất cha đặt chân đến đều được ghi những dấu ấn đặc biệt. Xin Chúa ban cho cha những năm tháng tiếp theo cuộc đời tràn đầy sức khỏe và niềm vui sau những ngày tháng dấn thân cống hiến cho Giáo Hội.

Ban Truyền Thông
 
Lời phát biểu của ĐC Nguyễn Thái Hợp và ĐC Hoàng Đức Oanh trong Đêm Thắp Nến tại TTCGVN Nam Cali 6-7-2018
VietCatholic
23:30 06/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
THỨ SÁU, NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 2018 TẠI TRUNG TÂM Công Giáo

6:55 PM GIỚI THIỆU QUAN KHÁCH THAM DỰ
- PHỤ TRÁCH: Nguyễn Khanh & Minh Phượng

7:00 PM LỂ CHÀO CỜ (MC mời mọi người đứng lên)
(a) ĐỘI HẦU KỲ TIẾN LÊN KHÁN ĐÀI.
- PHỤ TRÁCH: Hiệp sĩ Columbus Hội Đồng Đức Mẹ La Vang.
(b) QUỐC CA VNCH, HOA KỲ VÀ MỘT PHÚT MẶC NIỆM (CD)
- PHỤ TRÁCH: Nhạc Sĩ Nguyễn Ngọc Cang & Moon Flowers

7:10 PM CHÀO MỪNG & TUYÊN BỐ LÝ DO
LM TRẦN CÔNG NGHỊ (Chủ tịch CĐ Giáo sĩ và Tu sĩ Miền Tây Nam Hoa Kỳ)

7:15 PM PHÁT BIỂU: MỤC SƯ NGUYỄN XUÂN HỒNG (Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn)

7:20 PM PHÁT BIỂU: Đức Cha TÔMA NGUYỄN THÁI THÀNH (Giám Mục Phụ Tá Địa Phận Orange)

7:25 PM CHIẾU VIDEO PHÁT BIỂU: Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch UB Công lý Hòa Bình
& Đức Cha Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Kontum

7:35 PM HỢP CA: PHỤ TRÁCH: Ban Tù Ca Xuân Điềm.

7:45 PM PHÁT BIỂU: “HIỄM HOẠ CỦA TRUNG QUỐC VỚI VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI”
Kinh Tế Gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

8:55 PM THẮP NẾN: PHÂN PHỐI VÀ THẮP NẾN
- PHỤ TRÁCH: Hội Sinh viên Công Giáo Việt Nam
*** Trong lúc thắp nến HỢP CA: LỜI NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG & KINH HÒA BÌNH)
-PHỤ TRÁCH: Liên Ca Đoàn Nô Tỳ Thiên Chúa & Saint Michael

8:00 PM CẦU NGUYỆN: HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN DÂNG HƯƠNG VÀ DÂNG LỜI CẦU NGUYỆN
* ĐẠI DIỆN TỪNG TÔN GIÁO DÂNG LỜI CẦU NGUYỆN (1 phút mỗi tôn giáo)
- PHỤ TRÁCH: LM Mai Khải Hoàn.
- PHỤ TRÁCH: HỘI CAO NIÊN Công Giáo.

8:15 PM “CON CÓ MỘT TỔ QUỐC” (Thơ ĐHY Nguyễn Văn Thuận): Vũ Đoàn Giáo xứ Tam Biên

8:20 PM PHÁT BIỂU: DÂN BIỂU LIÊN BANG HK ALAN LOWENTHAL

8:30 PM. ĐỒNG CA: GIỮ ĐẤT CHO DÂN VÀ VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ
-PHỤ TRÁCH: Đoàn Du Ca Nam California.

8:40 PM LỜI CẢM TẠ CỦA BAN TỔ CHỨC: LM TRẦN VĂN KIỂM – Giám Đốc TTCG

MC: Mời mọi người tham dự cùng đồng ca “VIỆT NAM, VIỆT NAM”
- PHỤ TRÁCH: Đoàn Du Ca Nam California.

8:45 PM KẾT THÚC

THÀNH PHẦN BAN TỔ CHỨC

A. BAN TỔ CHỨC: ĐÔ Phạm Quốc Tuấn, LM Trần Văn Kiểm, LM Mai Khải Hoàn,
LM Trần Công Nghị, LM Trần Cao Thượng và MS Nguyễn Xuân Hồng.
B. BAN ĐIỀU HÀNH: LM Trần Công Nghị, LM Trần Văn Kiểm, Nguyễn Khanh
C. ĐIỀU KHIỂN CHƯƠNG TRÌNH & STAGE MANAGER: Minh Phượng & Nguyễn Khanh
D. TIẾP TÂN, GHI DANH & HƯỚNG DẨN: BCH Miền và Cộng Đồng Công Giáo GP Orange
E. LỄ CHÀO CỜ: Hiệp Sĩ Columbus – Hội Đồng Huân Tước Đức Mẹ La Vang 3564
F. ÂM THANH, ÂM NHẠC & SLIDE SHOW: Nhạc Sĩ Nguyễn Ngọc Cang.
G. CHIẾU SLIDE SHOW: Ngọc-Chiệu (Hiệp Sĩ Columbus)
H. ĐÁNH CHIÊN & TRỐNG: Hội Cao Niên Công Giáo
I. BÀN THỜ TỔ QUỐC, SÂN KHẤU & TRANG HOÀNG: Anh Chuyên
J. HƯỚNG DẨN ĐẬU XE & TRẬT TỰ: Liên Minh Thánh Tâm
K. NẾN, LY NHỰA & LIGHTERS: Sinh Viên Công Giáo
L. XẾP GHẾ & THU DỌN GHẾ: Hiệp Sĩ Columbus Việt Nam
M. NƯỚC UỐNG & THỨC ĂN CHO VOLUNTEERS: Các Bà Mẹ Công Giáo
N. LIVE TV: Trực tiếp truyền hình trên VietCatholic UNO channel #94
và VIETV DIRECTTV 2036


ĐOÀN THỂ THAM DỰ:

1. HIỆP SĨ COLUMBUS HỘI ĐỒNG Đức Mẹ LA VANG (Nguyễn Khanh)
VÀ CHI ĐOÀN CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
2. BAN TÙ CA XUÂN ĐIỀM (Nhạc Sĩ Xuân Điềm)
3. CÂU LẠC BỘ TÌNH NGHỆ SĨ (Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng)
4. ĐOÀN DU CA NAM CALIFORNIA (BS Phạm Đỗ Thiên-Hương)
5. HỘI CÁC BÀ MẸ Công Giáo
6. LIÊN MINH THÁNH TÂM
7. HỘI CAO NIÊN Công Giáo
8. HỘI SINH VIÊN Công Giáo VIỆT NAM (LM Bill Cao & LM Tạ Anh Kiệt)
9. GIÁO XỨ TAM BIÊN (Chị Minh Phượng)
10. VIETV LIVE ON DIRECTTV (Kevin Ngô Lân và Phan Quang)
11. LIVE ON VIETCATHOLIC TV: UNO channel #94 (LM Trần Công Nghị)

Lời chào mừng và tuyên bó lý do của LM Trần Công Nghị

Kính thưa Quí vị lãnh đạo tin thần các tôn giáo,
quí vị dân cử, quí đại điện cộng đồng, cộng đoàn, đoàn thể, quí ông bà và anh chị em.

Thay mặt cho ban tổ chức Đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương VN hôm nay tôi xin trân trọng chào mừng toàn thể quí vị và trân trọng sự hiện diện của quí vị. Điều này nói lên nhiệt huyết và ý chí của những người Việt Nam ở hải ngoại muốn cùng đồng hành và chia sẻ những khắc khoải đau thương của đồng bào của chúng ta tại VN.

Qua buổi cầu nguyện này chúng ta thành tâm Thiên Chúa và Đấng Thiêng Liêng phù trợ và nâng đỡ những người VN đang tranh đấu cho tự do, công lý, và vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đồng bào VN đã biểu tình khơi nguồn từ những ngày 9, mùng 10 tháng 6 cho đến nay tại nhiều thành phố bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Phan Thiết,v.v… Họ phản đối dự luật Đặc khu kinh tế cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất, báo động về khả năng người Trung Quốc kiểm soát đất đai và gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia.

Đồng bào ta đã nhận ra được những cảnh báo tương tự ở những nơi khác, bao gồm cả Kazakhstan vào năm 2016, ở Sri Lanka hiện nay nơi mà nhiều tàu ngầm Trung Quốc cập cảng tại Colombo, khai khẩn và biến nơi này thành khu đất tự trị của Trung quốc.
Hiện nay đã 17 người biểu tình tại Ninh Thuận đã bị bắt, 20 người tại Đồng Nai cũng mới bị bắt và nhiều người khác bị khởi tố chỉ vì họ muốn phát biều lòng yêu nước Rất nhiều người biểu tình khác đã bị cảnh sát đánh đập.

Trong một xã hội thiếu tính minh bạch và có mức điểm thấp về tự do báo chí (xếp thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia khảo sát), nay lại còn áp đảo luật an ninh mạng để bóp chết quyền tự do ngôn luận của dân chúng, thì thử hỏi đồng bào chúng ta sẽ bị kìm kẹp và đàn áp đến mức nào.

CSVN thấy cần thiết phải kiểm soát Internet chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng bất ổn của công chúng. Facebook thường là phương tiện được lựa chọn để tổ chức các cuộc biểu tình. Luật an ninh mạng yêu cầu Facebook và Google văn phòng ở Việt Nam tiết lộ người sử dụng và dữ liệu cá nhân họ kiểm soát. Từ ngày xẩy ra biều tình đến nay nhiều trang Web ở hải ngoại đã bị khóa tại VN, tiêu biểu như trang VietCatholic. Dù vậy chúng tôi vẫn có cách khác để thông tin tức cập nhật cho đồng bào tại VN.

Người Việt Nam dù ở đâu cũng bày tỏ lòng yêu nước. Nhưng ngày vừa qua, những thông điệp đơn giản từ trong nước như “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày” và “Luật An ninh mạng giết chết tự do”, đã cho thấy dân chúng VN hiểu được tầm quan trọng bị ngoại bang thống trị và tiếng nói của mình bị bóp chết.

Chúc nữa đây chúng ta sẽ được nghe lời chứng và nhận định của 2 vị giám mục Nguyễn thái Hợp và Hoàng Đức Oanh vừa mới gửi cho chúng ta chiều hôm nay về tình hình bất ổn và nguy cơ VN có thể bị Trung Cộng đô hộ như thế nào?

Thưa quí đồng hương, thay mặt cho BTC một lần nửa chúng tôi xin cám ơn toàn thể quí vị hiện điện trong buổi lễ này. Kính chào quí vị.