Ngày 15-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 16C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:14 15/07/2019
Chúa Nhật 16 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 10: 38-42)
LỜI CHÚA


Phúc ai được Chúa ghé thăm,
Gia đình êm ấm, tháng năm mong chờ.
Mar-tha đón Chúa đơn sơ,
Nấu ăn bận rộn, chẳng nhờ được ai.
Ma-ri-a mải ngồi dai,
Kề bên chân Chúa, mở khai tâm hồn.
Lắng nghe Lời Chúa học khôn,
Mải mê hầu chuyện, kính tôn vua trời.
Mar-tha kêu cứu đôi lời,
Xin Thầy nhắc bảo, kêu mời giúp cho.
Chúa rằng mọi việc đừng lo,
Của ăn đích thực, là kho ân tình.
Lặng ngồi nghe Chúa một mình,
Ma-ry hiếu thấu, tâm tình tri ân.
Chúa thương chỉ dậy ân cần,
Tình yêu cao quý, tinh thần phó dâng.
Chọn phần tốt nhất xin vâng,
Cậy nhờ ơn Chúa, đỡ nâng suốt đời.
Chúa ban ân huệ cao vời,
Thực hành lời Chúa, tuyệt vời biết bao.

Chúa Giêsu đến thăm gia đình Martha và Maria. Thật vui khi được Chúa ghé thăm. Chị thì lo việc bếp núc và người em thì lo ngồi hầu chuyện với Chúa. Mỗi người một bổn phận và một cách tỏ lòng hiếu khách. Chúa Giêsu lại có cơ hội dạy cho chúng ta một bài học. Mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, Chúa Giêsu luôn dậy chúng ta những bài học liên quan đến sự khao khát Nước Trời.

Chúa đến nhà, Martha quá vui, bà tất bật lo cơm nước tiếp đãi Chúa. Đây là việc rất tốt. Bà Martha quá bận bịu và bà cũng hơi ganh tị với Maria, nên bà nhờ Chúa nhắc khéo, bà nói: Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Lời trách cứ rất dễ thương. Chúa Giêsu lại không bênh đỡ Martha mà Chúa lấy dịp này đưa ra một lời khuyên. Chỉ có một sự cần, Maria đã chọn phần tốt nhất. Phần đó chính là ở bên Chúa và lắng nghe lời Chúa.

Có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả. Mấy khi chúng ta được ở bên Chúa thực sự. Có khi nào chúng ta đến gần bên Chúa trong Nhà Tạm để tâm sự với Chúa không? Bao lâu chúng ta qùy trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, mỗi tháng hay mỗi năm? Chúng ta thường đến với Chúa như là khách vãng lai, mau mau thi hành xong bổn phận buộc giữ ngày Chúa Nhật là chúng ta ra về ngay. Nhiều khi chúng ta không biết Nhà Tạm ở nơi đâu để kính viếng.

Maria đã chọn phần tốt nhất. Maria đã chăm chú lắng nghe lời Chúa dậy. Chúng ta nghe lời Chúa hàng tuần nhưng mấy khi chúng ta thực sự lắng nghe. Chúng ta đến nhà thờ để nói cho Chúa nghe nhiều hơn là lắng nghe tiếng Chúa. Chúng ta đâu cho Chúa cơ hội nói truyện riêng với chúng ta. Chúng ta lo đọc kinh, hát xướng và tham dự thánh lễ chung và kết thúc ra về. Chúng ta nghĩ rằng đó là đã xong bổn phận kính thờ Thiên Chúa.

Truyện kể: Có một ông phú hộ đón Chúa vào nhà. Ông dành cho Chúa một phòng tiện nghi. Trao chìa khóa phòng. Đêm thứ nhất, phú hộ nghe có tiếng đập cửa, ông bước xuống, thấy ba anh qủy muốn vào. Ông đã xua đuổi chúng đi. Đêm thứ hai cũng thế, mấy anh qủy lại đến quấy rầy, ông nghĩ tại sao Chúa không giúp ông? Ông đã dành cho Chúa một phòng ngủ mà. Sao Chúa làm ngơ. Ngày hôm sau, ông quyết định gặp Chúa và trình bày sự việc. Chúa nói: Ông đón tôi vào nhà và trao cho tôi một phòng, còn các phòng khác khóa cửa. Tôi đâu có quyền trong nhà. Ông nói: Lậy Chúa, xin tha cho con, giờ đây con trao cho Chúa tất cả. Đây là chìa khóa căn nhà. Đêm kế, lại có tiếng đập cửa. Chúa và ông xuống, qủy nhìn thấy Chúa và nói: Xin lỗi, chúng tôi đến nhầm nhà.

Hãy lắng động tâm hồn tìm về bên Chúa. Ngài sẽ nâng đỡ bổ sức cho chúng ta. Về bên Chúa là về với nguồn suối mát và chỗ nghỉ ngơi. Lạy Chúa xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón Chúa vào nhà chúng con. Xin Chúa ở lại với chúng con vì trời đã tối rồi.

THỨ HAI, TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
(Mt 12, 38-42).
DẤU LẠ


Xin Thầy dấu lạ chứng minh,
Mấy người Luật Sĩ, đinh ninh việc đời.
Các thầy Biệt Phái dụ khơi,
Muốn xem phép lạ, trò chơi tò mò.
Trả lời thẳng thắn chẳng cho,
Sa lầy thế hệ, một lò gian dâm.
Không ban dấu lạ tà tâm,
Ngoại trừ một dấu, cá ngầm Gio-na.
Ba đêm bụng cá chìm xa,
Đưa vào vùng đất, nhả ra loan truyền.
Kêu mời sám hối một miền,
Ăn chay áo nhặm, tội khiên xin chừa.
Toàn dân răm rắp xin thưa,
Thứ tha tội lỗi, ngăn ngừa thói hư.
Bậc Thầy cao trọng ân sư,
Xuất thân rao giảng, đến từ trời cao.

THỨ BA, TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
(Mt 12, 46-50).
ANH EM


Anh em tìm cách gặp Thầy,
Ước mong của Mẹ, xum vầy cùng con.
Biết bao ngày tháng mỏi mòn,
Chúa đang giảng dậy, quây tròn đám dân.
Tin mừng xuất khẩu thiện chân,
Ai là cha mẹ, công dân Nước Trời.
Cùng anh cùng chị vào đời,
Lắng nghe chăm chú, những Lời Chúa đây.
Trở thành môn đệ hằng ngày,
Thực thi ý Chúa, đây này mẹ cha.
Anh em cùng ở một nhà,
Yêu thương gắn bó, thật là mẹ Ta.
Hễ ai theo ý Cha Ta,
Họ là anh chị, cũng là bà con.
Phúc âm Chúa dạy sắt son,
Thực hành tuân giữ, làm con Chúa Trời.

THỨ TƯ, TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
(Mt 13, 1-9).
GIEO GIỐNG


Ngồi ven bờ biển truyền rao,
Nhóm người đông đảo, khát khao ơn lành.
Xuống thuyền xa cách chẳng đành,
Thương đoàn dân chúng, tranh dành đứng chen.
Dụ ngôn Chúa giảng bên ven,
Người đi gieo giống, muối men giữa đời.
Tung bay hạt giống khắp nơi,
Hạt rơi xuống vệ, chim trời tha đi.
Hạt gieo đá sỏi đường đi,
Nơi mà ít đất, lấy gì mọc lên.
Mặt trời nắng gắt ở trên,
Mầm non chớm nở, héo nền cháy khô.
Bụi gai hạt giống trong mồ,
Um tùm chết ngạt, chết khô mỏi mòn.
Hạt rơi đất tốt đồi non,
Sinh ngàn bông trái, hạt ngon chín vàng.

THỨ NĂM, TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
(Mt 13, 10-17).
MẦU NHIỆM


Dụ ngôn mầu nhiệm Nước Trời,
Đơn sơ sâu thẳm, mọi thời mọi nơi.
Thánh Thần linh ứng rạng ngời,
Loan truyền chân lý, sống đời thần thiêng
Khởi từ thượng giới thiêng liêng,
Hạ thân giáng thế, Chúa Chiên tỏ bày.
Tiên tri ứng nghiệm lời này,
Nước Trời hạt giống, tràn đầy khắp nơi.
Mở lòng mở trí đón mời,
Lắng tai nghe thấu, đổi đời thiện nhân.
Cứng lòng chai đá thế trần,
Nghe mà không hiểu, người đần kẻ ngu.
Bịt tai nhắm mắt tối mù,
Chối từ ánh sáng, gây thù dối gian.
Phúc thay lòng trí lạc an,
Dụ ngôn thấu tỏ, chứa chan phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
(Mt 13, 18-23).
SỐNG ĐẠO


Dụ ngôn gieo giống lòng người,
Nước Trời ẩn dấu, trong đời thế gian.
Người nghe không hiểu lời ban,
Quỷ ma cướp mất, phá tan hạt mầm.
Vui lòng chấp nhận tiểu tâm,
Cuộc đời nông nổi, rễ đâm sơ sài.
Gian nan bách hại nay mai,
Chiều theo vấp ngã, phôi phai cuộc đời.
Ham mê của cải trần đời,
Niềm tin chết ngạt, chơi vơi lữ hành.
Việc đời lo lắng tranh dành,
Buông tay mất hết, ơn lành Chúa ban.
Kẻ nghe lời giảng kiên gan,
Sinh hoa kết qủa, vô vàn thánh ân.
Thành tâm nhân đức vọng ngân,
Trung thành sống đạo, tinh thần thảnh thơi.

THỨ BẢY, TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
(Mt 13, 24-30).
CỎ LÙNG


Nước Trời giống tốt tung gieo,
Kẻ thù ghen ghét, lừa gieo cỏ lùng.
Cỏ lùng giữa lúa mọc chung,
Cả hai phát triển, cỏ lùng lộ ra.
Trổ bông kết hạt hoang tà,
Thương cho đám lúa, chủ nhà buồn lo.
Thợ vườn xin chủ nhổ cho,
Không nên nhổ cỏ, sợ kho lúa vàng.
Đợi khi thu hoặch mùa màng,
Cỏ lùng nhổ trước, lúa vàng thu sau.
Thu gom cỏ dại đốt mau,
Lúa thu kho lẫm, ngày sau hưởng dùng.
Con người sống đạo tín trung,
Trổ sinh nhân đức, kết cùng vinh qui.
Chuyên cần cầu nguyện gẫm suy,
Tôn thờ Thiên Chúa, phát huy tín thành.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Phần II, ch.1 & 2
Vũ Văn An
01:27 15/07/2019
PHẦN II: HỆ SINH THÁI TOÀN DIỆN: TIẾNG KÊU CỦA TRÁI ĐẤT VÀ CỦA NGƯỜI NGHÈO

“Tôi đề nghị giờ đây chúng ta nên xem xét một số yếu tố của hệ sinh thái toàn diện ... các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội” (LS 137-8).



44. Phần II đề cập đến các vấn đề nghiêm trọng do các cuộc tấn công chống lại sự sống trên lãnh thổ Amazon gây ra. Sự gây hấn đối với khu vực quan trọng này của Mẹ Đất và cư dân của Mẹ đe dọa sự tồn vong, nền văn hóa và linh đạo của họ. Nó cũng ảnh hưởng đến sự sống của toàn thể nhân loại, nhất là người nghèo, người bị loại trừ, bị đẩy qua bên lề, bị đàn áp. Tình hình hiện nay đang khẩn thiết kêu gọi phải có một cuộc hóan cải sinh thái toàn diện.

Chương I: Sự phá hủy của chính sách duy khai khoáng

“Ngày nay ... tội lỗi hiển hiện trong mọi sức mạnh hủy diệt của nó dưới ... các hình thức bạo lực và lạm dụng đa dạng, bỏ rơi những người dễ bị tổn thương nhất và tấn công vào thiên nhiên” (LS 66).

Tiếng kêu của Amazon

45. “Các dân tộc bản địa Amazon có lẽ chưa bao giờ bị đe dọa như vậy trên chính lãnh thổ của họ như hiện nay” (Fr.PM). Các dự án khai khoáng và nông nghiệp nhằm khai thác lãnh thổ mà không hề xem xét bất cứ điều gì đang phá hủy lãnh thổ này (xem LS 4, 146), một lãnh thổ đang có nguy cơ biến thành một hoang mạc (savannah) [18]. Amazon đang bị giành giật ở một số trận tuyến. Một trong số này đáp ứng các lợi ích kinh tế to lớn chỉ muốn dầu hỏa, khí đốt, gỗ, vàng, độc canh công nông nghiệp, v.v. Một trận tuyến khác là chủ nghĩa duy bảo tồn sinh thái chỉ quan tâm đến sinh quần nhưng bỏ qua các dân tộc ở Amazon. Cả hai mối đe dọa làm tổn thương đất đai và các dân tộc: “Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi những người khai thác gỗ, chủ trang trại và các bên thứ ba khác. Chúng tôi đang bị đe dọa bởi các tác nhân kinh tế đang thực thi một mô hình hoàn toàn xa lạ trong lãnh thổ của chúng tôi. Các công ty đốn gỗ vào lãnh thổ để khai thác rừng. Chúng tôi chăm sóc rừng cho con cái của chúng tôi. Chúng tôi có thịt, cá, cây dược liệu, cây ăn trái [...] Việc lắp đặt thủy điện và dự án đường thủy có tác động đến sông ngòi và các vùng lãnh thổ [...] Chúng tôi là một vùng lãnh thổ bị đánh cắp” (19).

46. Theo các cuộc tham khảo, tiếng kêu của Amazon phản ảnh ba nguyên nhân chính gây đau đớn. (a) Việc thiếu sự công nhận, phân định ranh giới và quyền sở hữu các vùng đất bản địa vốn là một phần tạo ra cuộc sống của họ. (b) Cuộc xâm lược của các dự án gọi là “phát triển” vĩ đại, mà thực sự phá hủy cả các vùng đất lẫn các dân tộc. Ví dụ quan trọng là các dự án thủy điện; khai thác mỏ hợp pháp và bất hợp pháp liên kết với các garimpeiros bất hợp pháp (những thợ mỏ không chính thức khai khoáng vàng); các dự án đường thủy đe dọa các nhánh chính của sông Amazon; các hoạt động hydrocarbon, các hoạt động chăn nuôi, phá rừng, canh tác độc canh, kỹ nghệ nông nghiệp và grilagem (chiếm dụng đất đai bằng cách sử dụng tài liệu giả). Nhiều trong số các dự án phá hoại nhân danh sự tiến bộ này được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương, quốc gia và nước ngoài. (c) Sự ô nhiễm sông ngòi, không khí, đất và rừng và sự suy giảm phẩm chất sự sống, các nền văn hóa và linh đạo. Do đó, ngày nay, “chúng ta phải nhận ra rằng một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội; nó phải tích hợp các vấn đề công lý trong các cuộc tranh luận về môi trường, để nghe được “cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo” (LS 49). Đó là điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là hệ sinh thái toàn diện.

Hệ sinh thái toàn diện

47. Sinh thái toàn diện dựa trên việc thừa nhận ở trong các mối liên hệ là một phạm trù căn bản của con người. Điều này có nghĩa: chúng ta phát triển như những hữu thể nhân bản trên cơ sở các mối liên hệ của chúng ta với chính mình, với những người khác, với xã hội nói chung, với thiên nhiên / môi trường và với Thiên Chúa. Tính nối kết toàn diện này thường xuyên được nhấn mạnh trong các cuộc tham khảo với các cộng đồng Amazon.

48. Thông điệp Laudato Si' (các số 137-142) giới thiệu mô hình liên hệ này trong sinh thái toàn diện như là sự nối khớp căn bản các dây liên kết vốn làm cho sự phát triển thực sự nhân bản trở thành khả hữu. Các hữu thể nhân bản là một phần của hệ sinh thái tạo điều kiện cho các mối liên hệ đem lại sự sống cho hành tinh của chúng ta; do đó việc chăm sóc các hệ sinh thái này là rất cần thiết. Và nó có tính nền tảng đối với cả việc cổ vũ nhân phẩm lẫn lợi ích chung của xã hội và đối với việc chăm sóc môi trường. Khái niệm sinh thái toàn diện đã và đang soi sáng cho các quan điểm khác nhau tìm cách giải quyết các tương tác phức tạp giữa môi trường và con người, giữa việc quản lý của cải của sáng thế và các đề xuất phát triển và truyền giảng Tin Mừng.

Sinh thái toàn diện tại Amazon

49. Đối với sự chăm sóc vùng Amazon, các cộng đồng thổ dân là những người đối thoại không thể thiếu, vì chính họ là những người thường chăm sóc tốt nhất các lãnh thổ của họ (xem LS 149). Do đó, lúc bắt đầu diễn trình Thượng Hội Đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong chuyến viếng thăm đầu tiên một khu vực Amazon, đã nói với các nhà lãnh đạo thổ dân địa phương: “Tôi muốn đến thăm anh chị em và lắng nghe anh chị em, để được ở bên nhau giữa lòng Giáo hội, để hợp nhất chúng ta trong việc đối đầu với các thách thức của anh chị em và cùng anh chị em tái khẳng định việc chân thành lựa chọn bảo vệ sự sống, bảo vệ đất đai và bảo vệ các nền văn hóa” (Fr.PM). Các cộng đồng Amazon chia sẻ quan điểm này về hệ sinh thái toàn diện: “mọi hoạt động của Giáo Hội ở Amazon phải bắt đầu từ tính toàn diện của hữu thể nhân bản (sự sống, lãnh thổ và văn hóa)” [20].

50. Tuy nhiên, để cổ vũ hệ sinh thái toàn diện trong đời sống hàng ngày của Amazon, điều cũng cần là phải hiểu khái niệm thông đạt và công lý liên thế hệ, bao gồm việc truyền tải kinh nghiệm, vũ trụ học, linh đạo và thần học có tính tổ tiên của người bản địa trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta [21]. “Trong cuộc tranh đấu, chúng ta phải tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa, vì sáng thế là của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa tiếp tục công việc của Người. Cuộc tranh đấu của tổ tiên chúng ta là tranh đấu cho những dòng sông này, cho các lãnh thổ của chúng ta, tranh đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn cho con cái chúng ta” (22).

Đừng phá hủy Amazon

51. Nói một cách chuyên biệt, tiếng kêu của Amazon nói với chúng ta về những cuộc đấu tranh chống lại những kẻ muốn hủy diệt sự sống như được quan niệm một cách toàn diện. Các lực lượng như vậy được hướng dẫn bởi một mô hình kinh tế liên kết với sản xuất, thương mại và tiêu thụ, trong đó việc tối đa hóa lợi nhuận ưu tiên hơn nhu cầu con người và môi trường. Nói cách khác, các cuộc đấu tranh chống lại những người không tôn trọng nhân quyền và quyền thiên nhiên ở Amazon.

52. Một cuộc tấn công khác vào nhân quyền là việc qui thành tội phạm các cuộc biểu tình chống lại việc phá hủy lãnh thổ và các cộng đồng của nó, vì một số luật lệ trong khu vực mô tả chúng là bất hợp pháp [23]. Một sự lạm dụng nữa là phần lớn các quốc gia bác bỏ việc tôn trọng quyền tham khảo và chấp thuận trước của các nhóm bản địa và địa phương trước khi ban các nhượng quyền và hợp đồng khai thác lãnh thổ, mặc dù quyền như thế được Tổ chức Lao động Quốc tế công nhận rõ ràng: “những người có liên quan có quyền quyết định các ưu tiên của họ đối với diễn trình phát triển vì nó ảnh hưởng đến đời sống, các niềm tin, định chế và phúc lợi tinh thần của họ và vùng đất mà họ chiếm giữ hoặc sử dụng, và thi hành việc kiểm soát, tới mức có thể, trong phạm vi có thể, việc phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của riêng họ” [24]. Cũng những quyền này được các hiến pháp của một số quốc gia Amazon công nhận.

53. Bi kịch của cư dân Amazon xuất hiện không những ở việc mất đất do bị buộc phải di dời, mà còn chịu bị khuất phục trước sự dụ dỗ của tiền bạc, hối lộ và tham nhũng của các tác nhân của mô hình kinh tế kỹ thuật của “nền văn hóa vứt bỏ” (xem LS 22), đặc biệt là trong giới trẻ. Sự sống được liên kết và hòa nhập vào lãnh thổ, vì vậy bảo vệ sự sống là bảo vệ lãnh thổ, không có sự tách biệt giữa hai khía cạnh. Đây là thông điệp trong rất nhiều chứng từ: “Họ đang lấy mất đất đai của chúng tôi - chúng tôi sẽ đi đâu? Vì bị lấy mất quyền này là hết đường tự bảo vệ mình trước những kẻ đe dọa sự sống còn của họ.

54. Việc đốn cây ồ ạt, tận diệt rừng nhiệt đới bằng những vụ đốt rừng có chủ ý, việc mở rộng biên giới nông nghiệp và độc canh là nguyên nhân của sự mất cân bằng khí hậu tại khu vực hiện nay, với những hiệu quả rõ rệt đối với khí hậu hoàn cầu, với kích thước hành tinh như hạn hán lớn và lũ lụt ngày càng thường xuyên hơn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi các lưu vực sông Amazon và Congo là “những lá phổi của hành tinh chúng ta”, nhấn mạnh sự cấp bách phải bảo vệ chúng (LS 38).

55. Sáng thế được trình bày trong sách Sáng thế như một biểu hiện của sự sống, nuôi dưỡng, khả thể và giới hạn. Trong trình thuật đầu tiên (St 1: 1-2: 4a), con người được mời gọi liên hệ với sáng thế theo cùng một cách như Thiên Chúa. Trình thuật thứ hai (St 2: 4b-25) làm sâu sắc thêm quan điểm này với mệnh lệnh phải “canh tác” (trong tiếng Do Thái, nó cũng có nghĩa là “phục vụ”) và “giữ” (thái độ bảo vệ và yêu thương) khu vườn (St 2: 15). Điều này ngụ ý mối quan hệ chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên” (LS 67), một quan hệ đòi hỏi phải thừa nhận một giới hạn thích hợp của thân phận tạo vật và do đó một thái độ khiêm nhường vì chúng ta không phải là chủ sở hữu hữu hoàn toàn (St 3: 3).

Các gợi ý

56. Thách thức đưa ra rất lớn: Làm thế nào phục hồi được lãnh thổ Amazon, giải cứu nó khỏi sự suy thoái do chính sách tân thực dân và khôi phục lại phúc lợi đích thực và lành mạnh của nó? Đối với các cộng đồng thổ dân, chúng ta nợ họ hàng ngàn năm chăm sóc và canh tác Amazon. Trong túi khôn tổ tiên của họ, họ đã nuôi dưỡng xác tín rằng toàn bộ sáng thế đều được nối kết với nhau, và điều này đáng được chúng tôn trọng và chịu trách nhiệm. Nền văn hóa của Amazon, một nền văn hóa tích hợp con người với thiên nhiên, tạo nên một chuẩn mực để xây dựng một mô hình mới về sinh thái toàn diện. Trong sứ mệnh của mình, Giáo hội cần đảm nhận việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta:

a) Đề xuất các đường hướng hành động có tính định chế có thể cổ vũ sự tôn trọng môi trường.

b) Sắp đặt các chương trình huấn luyện chính thức và không chính thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta cho các tác nhân mục vụ và tín hữu, và cởi mở đối với toàn thể cộng đồng, để “nâng cao ý thức của mọi người” (LS 214) như đã được yêu cầu bởi các chương V và VI của Thông điệp Laudato Si’.

c) Tố cáo việc vi phạm nhân quyền và sự hủy diệt gây ra bởi chủ nghĩa khai khoáng không hạn chế.

Chương II: Các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện (PIAV): Các mối đe dọa và việc bảo vệ

“Tôi nghĩ tới [...] các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện (PIAV). Chúng ta biết rằng họ là những người dễ bị tổn thương nhất trong số những người dễ bị tổn thương” (Fr.PM).

Các dân tộc ở các vùng ngoại vi

57. Trong lãnh thổ Amazon, theo các dữ kiện của các tổ chức Giáo hội chuyên ngành (ví dụ: CIMI) và các tổ chức khác, hiện có từ 110 đến 130 dân tộc bản địa khác nhau trong vùng Cô lập Tự nguyện hay “các dân tộc tự do”. Họ sống bên lề xã hội hoặc chỉ tiếp xúc lẻ tẻ với nó. Chúng ta không biết tên, ngôn ngữ hoặc văn hóa riêng của họ. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta gọi họ là “những dân tộc cô lập”, “tự do”, “tự trị” hay “các dân tộc không có tiếp xúc”. Những dân tộc này sống trong mối liên hệ sâu sắc với thiên nhiên. Nhiều người trong số họ đã quyết định tự cô lập mình vì trước đây họ bị chấn thương; những người khác đã bị bạo lực gạt sang một bên bởi việc bóc lột kinh tế Amazon. Các dân tộc này chống lại mô hình phát triển kinh tế săn mồi, diệt chủng và diệt môi sinh hiện thời, lựa chọn sống giam hãm để sống tự do (xem Fr.PM).

56. Một số “các dân tộc cô lập” sống trên những vùng đất độc hữu bản địa, những người khác sống trên các vùng đất bản địa chung với các “dân tộc đã được tiếp xúc”, lại có những người sống trong khu vực bảo tồn và một số sống trong các vùng lãnh thổ biên giới.

Những người dễ bị tổn thương

59. Các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa của các doanh nghiệp kỹ nghệ nông nghiệp và của những người khai thác khoáng sản, gỗ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Họ cũng là nạn nhân của nạn buôn bán ma túy, các siêu dự án về cơ sở hạ tầng như đập thủy điện và siêu lộ quốc tế, và các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến mô hình phát triển khai khoáng.

60. Nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ của những ngôi làng này gia tăng do sự hiện diện của những người lập cư, đốn gỗ, binh lính và nhân viên của các kỹ nghệ tài nguyên, hầu hết là đàn ông. Ở một số vùng của Amazon, 90% người bản địa bị sát hại tại các khu lập cư biệt lập là phụ nữ. Bạo lực và kỳ thị như vậy đe dọa nghiêm trọng sự sống còn về thể chất, tinh thần và văn hóa của các dân tộc bản địa này.

61. Thêm vào đó là sự thiếu công nhận quyền lãnh thổ của các dân tộc bản địa và của các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện. Việc qui kết là phạm tội các đồng minh của họ vì các cuộc biểu tình và việc cắt giảm ngân sách vốn dành để bảo vệ vùng đất của họ làm cho việc xâm chiếm lãnh thổ của họ trở nên dễ dàng hơn, do đó, đe dọa hơn nữa đến cuộc sống dễ bị tổn thương của họ.

Các gợi ý

62. Trước tình huống bi thảm này, và nghe thấy những tiếng kêu than của trái đất và của người nghèo (xem LS 49), quả là thích đáng để:

a) Yêu cầu các chính phủ liên hệ bảo đảm các nguồn lực cần thiết để bảo vệ hữu hiệu các dân tộc bản địa sống cô lập. Các chính phủ phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn thể lý của họ và sự toàn vẹn của lãnh thổ họ, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa hoặc các cơ chế bảo vệ khác theo luật pháp quốc tế, như các Khuyến cáo chuyhên biệt được quy định bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (IACHR của OAS) và chứa trong chương cuối cùng của báo cáo, các dân tộc bản địa trong vùng Cô lập Tự nguyện và việc tiếp xúc ban đầu ở châu Mỹ (2013). Cũng cần phải bảo đảm quyền tự do được từ bỏ sự cô lập của họ khi họ muốn.

b) Yêu cầu bảo vệ các khu vực / khu bảo tồn thiên nhiên tại nơi chúng tọa lạc, đặc biệt là về việc phân ranh giới / quyền sử dụng của chúng để ngăn chặn sự xâm chiếm của những nơi họ sống.

c) Cổ vũ việc cập nhật điều tra dân số và lập bản đồ các vùng lãnh thổ nơi những dân tộc này sinh sống.

d) Thành lập các nhóm chuyên biệt trong các giáo phận và giáo xứ và lên kế hoạch hành động mục vụ chung tại các vùng biên giới vì đó là nơi người chuyên di chuyển được tìm thấy.

e) Thông báo cho các dân tộc bản địa về các quyền lợi của họ và thông báo cho công chúng về tình hình của họ.

Kỳ tới: Phần II, các chương 3-5
 
Các cộng đồng tôn giáo tại Argentina kêu gọi: ''đặt những người thiệt thòi nhất vào trung tâm của hành động chính trị xã hội''
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:44 15/07/2019
"Quá trình bầu cử không nhất thiết phải có nghĩa là khủng hoảng, bởi vì nó đơn giản là điều chắc chắn xảy ra trong các nền dân chủ. Bây giờ cần thiết phải khôi phục nền dân chủ, không chỉ là giảm bớt nó vào một hành động bầu cử. Nền dân chủ bị tàn phá, mất tính đại diện, trở nên bất mãn nếu điều đó khiến mọi người rời bỏ cuộc đấu tranh hàng ngày vì phẩm giá và xây dựng tương lai của họ. Chính trị hợp tác để người dân có thể trở những người chủ xướng của lịch sử dân chủ và vì vậy nó tránh được cái gọi là "giai cấp thống trị" tin rằng họ có thể sửa chữa mọi thứ ".

Đây là một đoạn trích từ thông điệp mà các cộng đồng tôn giáo có mặt ở Argentina công bố trong viễn tượng của những cuộc bầu cử tháng Mười, khi đó người Argentina sẽ phải chọn tổng thống và phó tổng thống, 130 đại biểu và 24 thượng nghị sĩ liên bang. Thông điệp trên được công bố vào dịp lễ quốc khánh, ngày 9 tháng 7, vì "từ gốc rễ phát sinh sức mạnh làm cho chúng ta phát triển, thịnh vượng và sinh hoa trái", và họ giải thích thêm: “Người dân Argentina được sinh ra trong không gian huynh đệ của tình đoàn kết Mỹ Latinh không thể bị xóa khỏi ký ức lịch sử. Một dân tộc trong hơn hai thế kỷ đã được giàu bằng các cuộc di cư khác nhau, với những giàu có văn hóa và tôn giáo của họ ".

Sự lựa chọn các ứng cử viên tạo nên cơ hội để thúc đẩy một cuộc đối thoại về hiện tại và tương lai. "Văn hóa đối thoại như một con đường, tôn trọng người khác như hành vi và có trong mọi dự án, những người phải chịu đựng nghèo đói và loại trừ như một tiêu chí và phương pháp, phải là những ưu tiên. Không có tự do thực sự nếu không có tình huynh đệ, và điều này không xảy ra nếu không thực hiện cụ thể các quyền xã hội".

Các cộng đồng tôn giáo yêu cầu các ứng cử viên "trình bày những ý tưởng và những dự án của họ một cách rõ ràng và thực tế, không rơi vào các cuộc tấn công vô dụng mà cuối cùng làm mất uy tín của các đề xuất", và họ nhắc lại rằng "chính trị là ơn gọi cao nhất của con người trong cộng đồng và cho phép chúng ta xây dựng tình huynh đệ mong muốn". Hơn nữa, "tính minh bạch và trung thực cá nhân, cùng với sự minh bạch trong vai trò thể chế của mỗi cường quốc, có mối quan hệ không thể hủy bỏ với hạnh phúc và niềm tin của các công dân".

Cuối cùng, các vị lãnh đạo tôn giáo nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt đầu một hành trình mới, "rời khỏi thời đại chẩn đoán một lần và mãi mãi", vì "mọi cư dân của đất nước này đều biết rằng nghèo đói về cấu trúc, buôn bán ma túy, tạo việc làm, chăm sóc cuộc sống, khủng hoảng môi trường, giáo dục hòa nhập, lạm phát, những yêu cầu của người già và bảo vệ tuyệt đối tuổi thơ, là những câu hỏi phải được giải quyết bằng chính sách của nhà nước, hiểu rằng kết quả của từng thời kỳ nên có sự liên tục. Quốc gia đã được thành lập, nó không cần được tái lập cứ sau bốn hoặc tám năm ".

Tóm lại, các cộng đồng tôn giáo khẳng định lại nhiệm vụ của họ: "để giúp nhắc nhớ rằng đằng sau những hình ảnh và những khủng hoảng, có những khuôn mặt, những tên và những câu chuyện. Đây là một lời mời vĩnh viễn để đưa những người thiệt thòi nhất vào trung tâm của hành động chính trị xã hội ".

Thông điệp được ký bởi Đức Cha Oscar Ojea - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina; Mục sư Rubén Proietti - Chủ tịch Liên minh các Giáo hội Tin lành Evangelical của Cộng hòa Argentina; Mục sư Néstor Miguez - Chủ tịch Liên đoàn các Giáo hội Evangelical Argentina; Tiến sĩ Jorge Knobaguits - Chủ tịch ủy nhiệm của các Hiệp hội Do thái Argentina; Sumer Noufouri - Chủ tịch Viện Hồi giáo về Hòa bình: giáo sĩ Guillermo Marcó và giáo trưởng Daniel Goldman, thuộc Viện Đối thoại Liên tôn.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: fides.org
 
ĐGH Phanxicô: Hãy xét lại lòng mình trước, đừng xét đoán những người khốn khó.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:37 15/07/2019


Vatican City, Jul 14, 2019 / 05:36 am (CNA).- Hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng để giúp đỡ một người khốn khó, cần phải có lòng thương cảm với hoàn cảnh của họ. Ngài khuyến khích người tín hữu trước hết hãy nghĩ về sự chai cứng của tâm hồn mình, chứ đừng xét đóan tội lỗi của người khác.

“Nếu trên đường phố, con gặp một người vô gia cư nằm bên lề đường mà con không quan tâm gì đến người ấy, rồi lại cho rằng ‘Ồ, tên nát rượu ấy mà, hắn say rồi’ thì con nên tự xét lại xem lòng con đã ra chai đá, đã trở nên băng giá chưa,chứ đừng hỏi là người ấy có say hay không.”

Khuôn mặt của tình yêu thực sự là lòng thương xót dành cho người cùng khổ. Đó là cách để một người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, ĐGH Phanxicô đã phản ánh dụ ngôn về người Samaritan nhân hậu, mà ngài gọi là “một trong các dụ ngôn đẹp nhất của Tin Mừng” và đã trở thành khuôn mẫu cho đời sống của người Kitô hữu, là cách thức mà mỗi người tín hữu phải hành xử mỗi ngày.

ĐGH nói rằng dụ ngôn cho thấy có lòng trắn ẩn là yếu tố chính. ”Nếu con không có lòng thương cảm trước một người khốn khổ, nếu con không động lòng thì hẳn có điều gì đó không ổn rồi. Hãy cẩn thận” Ngài cảnh báo như thế.

Trích đoạn Tin Mừng của Thánh Luca, ĐGH nói rằng “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Thiên Chúa là Cha của chúng ta, là Đấng nhân từ bởi vì Ngài có lòng xót thương; Ngài đã mang nỗi xót thương này đến với nỗi đau của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thói xấu của chúng ta và nỗi khốn khổ của chúng ta.

ĐGH cũng nhắc đến một chi tiết trong dụ ngôn người Samaritan nhân hậu là người Samaritan này là một người không tin. Chúa Giêsu dùng người không có đức tin như một khuôn mẫu bởi vì trong “việc yêu thương anh em như chính mình’ của người này chứng tỏ người ấy yêu mến Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà anh không biết, với hết tâm hồn và bằng hết sức lực của mình”

Cuối cùng ĐGH Phanxicô cầu nguyện rằng “ Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin giúp chúng con hiểu được và trên hết mọi sự là biết sống ngày càng gắn bó với nhau hơn để giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa là Cha của chúng con và tình yêu cụ thể và rộng lượng dành cho anh chị em của chúng con mãi tồn tại và ban cho chúng con ơn sủng để có lòng xót thương và lớn lên trong lòng xót thương ấy.”


Source: catholicnewsagency.com Pope Francis: Judge your own heart first – not that of those in need
 
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Phần II, ch.3-5
Vũ Văn An
18:43 15/07/2019
Chương III: Di dân

“Cha tôi là một người Aram lang thang...” (Đnl 26: 5)

Các dân tộc Amazon rời cư



63. Ở Amazon, di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn là một hằng số lịch sử. Nó giống như một con lắc đến rồi đi [25], buộc phải di cư trong cùng một đất nước và ra nước ngoài, tự ý di cư từ khu vực nông thôn tới các thành phố cũng như di cư quốc tế. Sự chuyển dịch này [26] ở Amazon chưa được hiểu rõ hoặc giải quyết đầy đủ theo quan điểm mục vụ. Tại Puerto Maldonado, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến thực tại này: “Nhiều người đã di cư đến Amazon để tìm kiếm nhà ở, đất đai và việc làm. Họ đến tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho bản thân và gia đình. Họ từ bỏ cuộc sống nghèo khó, nhưng xứng đáng. Nhiều người trong số họ, vì hy vọng rằng một số công việc nào đó sẽ chấm dứt tình trạng bấp bênh của họ, được lôi kéo bởi sức hấp dẫn đầy hứa hẹn của việc khai thác vàng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng vàng có thể biến thành một vị thần giả đòi hỏi sự hy sinh của con người” (27).

Nguyên nhân của di cư

64. Amazon là một trong những khu vực có mức độ di động quốc nội và quốc tế cao nhất ở Châu Mỹ Latinh. Các nguyên nhân của nó là chính trị xã hội, khí hậu và kinh tế cũng như đàn áp sắc tộc. Các nguyên nhân kinh tế chủ yếu được gây ra bởi các dự án chính trị, các siêu dự án và các công ty khai khoáng, thu hút công nhân nhưng đồng thời trục xuất cư dân của các khu vực bị ảnh hưởng. Sự xâm lăng đối với môi trường dưới danh nghĩa “phát triển” [28] đã làm giảm đáng kể phẩm chất cuộc sống của các dân tộc Amazon, cả dân cư thành thị lẫn nông thôn, do ô nhiễm lãnh thổ và mất khả năng sinh sản.

65. Do những nguyên nhân này, trên thực tế, khu vực đã trở thành một hành lang di cư. Những cuộc di cư như vậy xảy ra giữa các quốc gia vùng Amazon (như làn sóng di cư đang gia tăng từ Venezuela) hoặc đến các khu vực khác (ví dụ: đến Chile và Argentina) [29].

Các hậu quả của việc di cư

66. Hiện tượng di cư, bị lãng quên cả về chính trị lẫn mục vụ, đã góp phần gây bất ổn xã hội trong các cộng đồng Amazon. Các thành phố trong khu vực, nơi liên tục nhận được số lượng lớn người mới nhập cư, không thể cung cấp các dịch vụ căn bản mà người di cư cần. Điều này đã khiến nhiều người đi lang thang và ngủ ở các khu vực trung tâm thành phố, không có công ăn việc làm, không có thức ăn, không có nơi trú ẩn. Nhiều người trong số này thuộc các dân tộc bản địa buộc phải từ bỏ vùng đất của họ. “Các thành phố dường như là một vùng đất không có chủ sở hữu. Chúng là đích đến mà người ta thường hướng về sau khi bị đuổi khỏi lãnh thổ của họ. Thành phố phải được hiểu theo mô hình khai thác này: làm trống các vùng lãnh thổ để chiếm đoạt chúng, di dời dân cư và trục xuất họ vào thành phố” [30].

67. Hiện tượng này, trong nhiều điều khác, gây bất ổn cho các gia đình khi một trong hai cha mẹ đi xa tìm việc làm, để lại con cái và người trẻ lớn lên không có hình ảnh người cha và / hoặc người mẹ. Những người trẻ cũng di chuyển để tìm kiếm việc làm hoặc việc làm không đâu vào đâu miễn giúp duy trì những gì còn lại của gia đình, bỏ cả nền giáo dục tiểu học và chịu đựng đủ thứ lạm dụng và bóc lột. Ở nhiều vùng Amazon, những người trẻ này là nạn nhân của buôn bán ma túy, buôn người hoặc mại dâm (nam và nữ) [31].

68. Sự lơ là của các chính phủ liên quan đến việc thực thi các chính sách công có chất lượng trong nội địa, chủ yếu là giáo dục và y tế, cho phép diễn trình di động này tăng tốc mỗi ngày. Mặc dù Giáo hội đã đồng hành với dòng di cư này, những khoảng trống mục vụ vẫn còn trong khu vực Amazon cần được giải quyết.

Các gợi ý

69. Người di cư mong đợi gì từ Giáo hội? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ cách hữu hiệu hơn? Làm thế nào chúng ta có thể cổ vũ việc hội nhập giữa người di cư và cộng đồng địa phương?

a) Cần có sự hiểu biết tốt hơn về các cơ chế dẫn đến sự tăng trưởng bất cân xứng của các trung tâm đô thị và và việc bỏ các khu vực nội địa, bởi vì cả hai năng động tính đều là thành phần của cùng một hệ thống (mọi sự đều được nối kết). Mọi điều này đều đòi hỏi sự chuẩn bị của đầu và tim của các tác nhân mục vụ để đối diện với tình huống nguy cấp này.

b) Cần phải làm việc theo nhóm, thấm nhiễm lý tưởng truyền giáo mạnh mẽ và được phối hợp bởi những người có kỹ năng đa dạng và bổ túc cho nhau để hành động hữu hiệu. Vấn đề di cư cần được xử lý một cách có phối hợp, nhất là bởi các Giáo Hội ở biên giới.

c) Thiết lập một dịch vụ tiếp đón trong mỗi cộng đồng đô thị, có thể nhanh chóng chào đón những người đến bất ngờ có các nhu cầu khẩn cấp và cũng có thể cung cấp sự bảo vệ chống lại mối đe dọa của các tổ chức tội phạm.

d) Cổ vũ các dự án nông nghiệp-gia đình trong các cộng đồng nông thôn.

e) Làm cho cộng đồng giáo hội can dự vào việc áp lực các cơ quan công quyền đáp ứng các nhu cầu và quyền lợi của người di cư.

f) Cổ vũ sự hòa nhập giữa người di cư và cộng đồng địa phương trong khi tôn trọng bản sắc văn hóa của nhau, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng tuyên bố:

“Hòa nhập, một điều không phải là đồng hóa hay sáp nhập, là một diễn trình hai chiều, bắt nguồn từ sự thừa nhận chung sự giàu có về văn hóa của người khác: đó không phải là sự áp đặt một nền văn hóa lên một nền văn hóa khác, cũng không phải là sự cô lập lẫn nhau, với rủi ro xảo quyệt và nguy hiểm tạo nên các khu ‘ghettos’ (biệt cư)” [32].

Chương IV: Đô thị hóa

“Các thành phố tạo ra một lưỡng phân (ambivalence) vĩnh viễn vì, trong khi cung cấp cho các cư dân của chúng vô số khả thể, chúng cũng đem lại cho nhiều người đủ thứ trở ngại đối với việc phát triển toàn diện của cuộc sống của họ” (EG 74).

Đô thị hóa vùng Amazon



70. Mặc dù ngày nay, người ta nói đến Amazon như lá phổi của hành tinh (xem LS 38) và là rổ bánh của thế giới, nhưng việc tàn phá khu vực và cảnh nghèo đói đã gây ra sự rời cư lớn lao của dân chúng nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Kết quả của cuộc “xuất hành này để đi tìm vùng đất hứa” là sự tăng trưởng của hiện tượng đô thị hóa trong khu vực [33], nơi các thành phố cấu thành một thực tại lưỡng phân. Kinh thánh miêu tả sự mơ hồ này khi trình bày Cain như người sáng lập các thành phố sau tội lỗi của hắn (St 4:17), nhưng sau đó cũng trình bầy nhân loại đang cố gắng hướng tới việc thực hiện lời hứa về Giêrusalem trên trời, nơi ở của Thiên Chúa với loài người (Kh 21 : 3).

71. Theo thống kê, dân số đô thị của Amazon đã tăng theo cấp số nhân; hiện có từ 70% đến 80% dân số cư trú tại các thành phố [34]. Nhiều người trong số họ thiếu cơ sở hạ tầng và các tài nguyên công cộng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị. Khi số lượng thành phố tăng lên, số lượng cư dân nông thôn giảm đi.

Văn hóa đô thị

72. Tuy nhiên, vấn đề đô thị hóa không chỉ bao gồm việc rời cư của người dân và sự phát triển của các thành phố, mà cả việc truyền tải lối sống đô thị đặc thù. Kiểu mẫu của nó đi vào thế giới nông thôn, thay đổi tập quán, phong tục và cách sống truyền thống. Văn hóa, tôn giáo, gia đình, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, việc làm và các khía cạnh khác của cuộc sống thay đổi nhanh chóng để đáp ứng các lời mời gọi mới của thành phố.

Các thách thức đô thị

73. Đưa Amazon vào thị trường hoàn cầu hóa tạo ra nhiều loại trừ hơn, cũng như việc đô thị hóa nghèo đói. Theo các câu trả lời cho Bảng câu hỏi của Tài liệu chuẩn bị, các vấn đề chính nảy sinh với việc đô thị hóa là:

a) Tăng bạo lực đủ loại.

b) Lạm dụng và khai thác tình dục, mại dâm và buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ.

c) Buôn bán và tiêu thụ ma túy.

d) Buôn bán vũ khí.

e) Di động tính nhân bản và khủng hoảng bản sắc.

f) Gia đình tan vỡ [35].

g) Các xung đột văn hóa và mất ý nghĩa trong cuộc sống.

h) Sự không hữu hiệu của các dịch vụ y tế / vệ sinh. [36]

i) Thiếu phẩm chất giáo dục và bỏ học [37].

j) Thiếu đáp ứng của các cơ quan công quyền đối với cơ sở hạ tầng và việc cổ vũ nhân dụng.

k) Thiếu tôn trọng quyền tự quyết và quyền tự chủ của dân chúng.

l) Tham nhũng hành chánh [38].

Các gợi ý

74. Có đề nghị cho rằng :

a) Phải cổ vũ một môi trường đô thị nơi các không gian công cộng được hồi sinh, với các quảng trường và trung tâm văn hóa được phân phối tốt.

b) Phải cổ vũ việc tiếp cận phổ cập giáo dục và văn hóa.

c) Phải cổ vũ ý thức về môi trường, tái chế rác và tránh đốt rác.

d) Phải cổ vũ một hệ thống vệ sinh môi trường và tiếp cận y tế phổ quát.

e) Phải biện phân cách giúp cải thiện cuộc sống nông thôn, với các phương thế sinh tồn khác như nông nghiệp gia đình.

f) Phải tạo các không gian để tương tác giữa túi khôn của người bản địa, sông ngòi và các dân tộc “quilombola” (nô lệ gốc Phi châu đã giải phóng ở Ba Tây) trong các khung cảnh đô thị và túi khôn của người dân thành thị, để tạo ra cuộc đối thoại và hòa nhập quanh việc chăm sóc cuộc sống.

Chương V: Gia đình và cộng đồng

“Chính Chúa Giêsu cũng được sinh ra trong một gia đình khiêm tốn, phải sớm chạy trốn đến một vùng đất xa lạ” (AL 21)

Các gia đình Amazon



75. Một chiều kích vũ trụ (cosmovivencia) của kinh nghiệm đang đập nhịp trong các gia đình. Nó dựa trên kiến thức và thực hành truyền thống lâu đời trong các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, y học, săn bắn và câu cá, hài hòa với Thiên Chúa, thiên nhiên và cộng đồng. Cũng chính trong gia đình, các giá trị văn hóa được truyền tải, như tình yêu đất đai, tính hỗ tương, liên đới, sống trong hiện tại, cảm thức gia đình, sự đơn giản, công việc cộng đồng, tự tổ chức, y học tổ tiên và giáo dục. Ngoài ra, văn hóa truyền khẩu (những câu chuyện, tín ngưỡng và bài hát) với màu sắc, quần áo, thức ăn, ngôn ngữ và nghi lễ của nó là một phần của di sản này được lưu truyền trong gia đình. Tóm lại, gia đình là nơi người ta học cách sống hòa hợp: giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, với thiên nhiên, trong cuộc đối thoại với các vị thần [39].

Các thay đổi xã hội và tính dễ bị tổn thương của gia đình

76. Gia đình ở vùng Amazon vốn đã là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân trong quá khứ và chủ nghĩa tân thực dân trong hiện tại. Việc áp đặt mô hình văn hóa phương tây đã khắc sâu một sự khinh miệt nào đó đối với người dân và phong tục của lãnh thổ Amazon, thậm chí còn gọi họ là những kẻ man rợ. Ngày nay, việc áp đặt mô hình kinh tế khai khoáng phương Tây một lần nữa ảnh hưởng đến các gia đình bằng cách xâm chiếm và phá hủy đất đai, văn hóa và cuộc sống của họ, buộc họ phải di cư đến các thành phố và vùng ngoại vi.

77. Những thay đổi tăng tốc hiện tại ảnh hưởng đến gia đình ở vùng Amazon. Do đó, chúng ta tìm thấy nhiều cơ cấu gia đình mới: gia đình cha mẹ đơn thân do một người phụ nữ đứng đầu; sự gia tăng các gia đình ly thân, các cuộc kết hợp đồng thuận và các gia đình tập hợp; và ít hơn là các cuộc hôn nhân theo định chế. Ngoài ra, người ta vẫn thấy phụ nữ bị khuất phục trong gia đình, trong khi bạo lực gia đình, cha mẹ vắng mặt, mang thai ở tuổi thiếu niên và phá thai đang gia tăng.

78. Gia đình trong thành phố là nơi tổng hợp, trong đó, các nền văn hóa truyền thống và hiện đại gặp nhau. Tuy nhiên, các gia đình thường phải chịu cảnh nghèo đói, nhà cửa bấp bênh, thiếu việc làm, tăng tiêu thụ ma túy và rượu, kỳ thị và thiếu niên tự tử. Ngoài ra, thiếu đối thoại giữa các thế hệ trong gia đình; các truyền thống và ngôn ngữ bị đánh mất. Các gia đình cũng phải đối diện với các vấn đề mới về sức khỏe; cần có sự giáo dục đầy đủ về việc làm mẹ. Người ta cũng thấy thiếu chú ý đến phụ nữ trong lúc mang thai và các giai đoạn trước lúc sinh và sau khi sinh [40].

Các gợi ý

79. Vùng Toàn Amazon rất đa văn hóa, do đó đóng góp lớn nhất là tiếp tục tranh đấu để bảo tồn vẻ đẹp của nó bằng cách củng cố cơ cấu gia đình-cộng đồng của các dân tộc của nó. Để đạt mục đích này, Giáo hội phải coi trọng và tôn trọng các bản sắc văn hóa. Cách riêng, nên:

a) Tôn trọng cách tổ chức cộng đồng riêng. Xét vì nhiều chính sách công ảnh hưởng đến bản sắc gia đình và tập thể, cần phải khởi xướng và hỗ trợ các diễn trình bắt đầu từ gia đình / thị tộc / cộng đồng để cổ vũ lợi ích chung, giúp vượt qua các cơ cấu nhằm tha hoá: “chúng ta phải tự tổ chức từ gia đình của mình” [41].

b) Nghe những bài hát học được trong gia đình như một cách phát biểu lời tiên tri trong thế giới Amazon.

c) Phát huy vai trò của phụ nữ, nhìn nhận các chức năng căn bản của họ trong việc hình thành và liên tục tính của các nền văn hóa, trong linh đạo, trong các cộng đồng và gia đình. Phụ nữ phải đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội.

d) Nói rõ ràng các yếu tố của thừa tác vụ gia đình phản ảnh lời khuyên của Tông huấn Amoris laetitia:

i. Một thừa tác mục vụ đồng hành toàn diện với gia đình, không loại trừ các gia đình bị thương tích.
ii. Một thừa tác mục vụ bí tích có thể củng cố và khuyến khích mọi người và không loại trừ ai.
iii. Đào tạo liên tục các tác nhân mục vụ, lưu ý tới Thượng Hội Đồng gần đây và các thực tại của các gia đình Amazon.
iv. Một thừa tác mục vụ gia đình trong đó gia đình vừa là chủ thể vừa là nhà chủ đạo.

Kỳ tới: Phần II, các chương 6-9
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ tạ ơn kết thúc Đại Hội Phó Tế Toàn Quốc 2019 tại Seattle.
Nguyễn An Quý
15:11 15/07/2019
Tukwila. Trong niềm vui tạ ơn, đông đảo quý thầy phó tế Việt Nam và phu nhân từ các Tiểu bang về tham dự Đại Hội Phó Tế Koinonina Kỳ VIII, sau những ngày tĩnh tâm tại Palisades thuộc thành phố Federal Way đã qui tụ về giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle để dâng lễ tạ ơn kết thúc Đại Hội Phó Tế Koinonia năm 2019. Đoàn phó tế gồm 21 vị và 20 phu nhân hiện diện trong thánh lễ tạ ơn.

Sáng Chúa Nhật ngày 14 tháng 7 năm 2019, một buổi sáng đẹp trời của những ngày hè rực rỡ nơi xứ cao nguyên tình xanh với bầu trời quang đảng có ánh nắng dịu dàng, giáo xứ CTTĐVN hân hoan chào đón đoàn phó tế và phu nhân trong thánh lễ tạ ơn lúc 11 giờ 30.

Xem Hình

Đúng 11 giở 30, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, đoàn phó tế và phu nhân cùng với nghi đoàn và quý linh mục đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của ca đoàn. Cha chánh xứ Đoàn Xuân Thành chủ tế thánh lễ cùng đồng tế có cha Nguyễn Sơn Miên và cha Trần Hữu Lân.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chủ tế chào mừng tất cả quý thầy phó tế và phu nhân, ngài nói: giáo xứ hân hoan chào đón quý thầy phó tế và phu nhân từ nhiều tiểu bang về tham dự Đại Hội Phó Tế tại Seattle và hôm nay đến với giáo xứ trong Thánh Lễ Tạ Ơn, xin cho một tràng pháo tay để chào đón nhau(tiếng vỗ tay vang dội kéo dài khá lâu), đoạn ngài giới thiệu tên từng thầy phó tế và phu nhân đến từ các tiểu bang.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật 15 mùa Thường Niên.

Tin Mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu giải thích cho người thông luật biết nhận ra ai là người anh em mình, ai là người thân cận mình với dụ ngôn: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

Cha chánh xứ phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về hình ảnh đầy lòng nhân hậu của người Samaria đã đem lòng yêu thương cứu giúp người bị nạn nằm bên đường trong lúc một tư tế cũng như một trợ tế đi ngang qua người bị nạn đều làm ngơ, bỏ đi.

Liên tưởng đến sự hiện diện của đoàn phó tế và phu nhân từ các tiểu bang về tham dự Đại Hội, ngài nói: Hôm nay chúng ta nhìn lên cung thánh thấy có đông đảo qúy thầy phó tế vĩnh viễn là những thầy sáu và dưới những hàng ghế trước là những cô sáu. Đây là những vị đã hy sinh đời sống bình thường của mình trong ơn gọi sống đời hôn nhân lại dấn thân thêm một trọng trách nữa là phục vụ Giáo Hội. Nhìn đông đảo quý cô sáu có mặt hôm nay là ngững vị luôn đồng hành với quý thầy sáu đây với tất cả sự quảng đại hy sinh của quý cô để giúp cho chồng, cho qúy thầy sáu chu toàn nhiệm vụ khi dấn thân phục vụ giáo hội. Hình ảnh của cô Cúc là một hình ảnh cụ thể đã giúp cho thầy Philipphê Nguyễn Đức Mậu có đủ nghị lực dấn thân lo cho giáo xứ nhiều công việc khi thầy còn sống, đây là một sự hy sinh quảng đại lớn lao của cô Cúc cũng như tất cả các cô sáu khác đang hiện diện nơi đây. Xin cám ơn và xin Chúa chúc lành và ban muôn hồng ân cho tất cả các cô sáu, thầy sáu và gia đình. .."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện kết lễ, qúy cha đã ban phép lành đặc biệt cho tất các phu nhân với lời cầu nguyện bằng tất cả tâm tình tri ân sự quảng đại của các phu nhân của qúy thầy phó tế.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, vị Đại Diện của tập thể phó tế đã có lời cám ơn cha chánh xứ, quý cha và cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ, đặc biệt cám ơn cha chánh xứ đã tạo điều kiện để gia đình phó tế được dâng Thánh lễ Tạ ơn một cách trọng thể hôm nay. Lời cám ơn đầy cảm động khi vị đại diện nhắc đến sự mất mát của tập thể phó tế đã mất đi một người anh em đầy nhiệt thành của gia đình phó tế là thầy Philipphê Nguyễn Đức Mậu. Vị đại diện bày tỏ sự luyến tiếc và chia buồn với phu nhân của Thầy Mậu: Trong lần đại hội trước đây, Thầy Philipphê đã hứa là đứng ra tổ chức Đại Hội năm nay tại Seattle. Trong thời gian gần đến ngày Đại Hội thì bổng nhiên tập thể phó tế nhận được tin sự ra đi của thầy Mậu một cách bất ngờ. Tất cả đều bàng hoàng trước tin buồn này... Hôm nay, chúng con về về đây thì không còn thầy Mậu nữa....xin chia buồn với cô Cúc..."

Thánh lễ được kết thúc sau phần chúc chúc làn cuối lễ. Sau Thánh Lễ là buổi họp mặt thân hữu của tất cả các phu nhân và thầy sáu với buổi tiệc mừng trong tinh thần gia đình giáo xứ. Đoàn phó tế và phu nhân đều cảm động trước sự đón tiếp ân của quý cha và cộng đoàn giáo xứ.

Buổi tiệc mừng kết thúc vào khoảng gần 4 giờ chiều, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạo ơn.

Nguyễn An Quý
 
Giáo họ Lạc Ngoại - GP Bùi Chu Mừng Kính Lễ Đức Mẹ Carmel Quan Thầy
Truyền thông giáo họ Lạc Ngoại
15:27 15/07/2019
Giáo họ Lạc Ngoại - GP Bùi Chu Mừng Kính Lễ Đức Mẹ Carmel Quan Thầy

Trong niềm hân hoan vui mừng cùng với toàn thể Hội thánh mừng kính Đức nữ trinh Maria Diễm phúc núi Carmel. Giáo họ Lạc Ngoại đã long trọng cung nghinh Đức Mẹ, các thánh và cử hành thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Nữ Trinh Maria Diễm Phúc Núi Carmel- quan thầy,tại quảng trường Giáo họ vào chiều tối thứ 7 ngày 13/7/2019

Với truyền thống đức tin vẻ vang hơn 1 Thế kỷ qua của Giáo họ, cùng với lòng yêu mến Đức Mẹ của mọi con tim trong Giáo họ được thể hiện qua đêm hoan ca đầy niềm vui và ánh sáng trong buổi tối ngày 12/7/2019 với chủ đề: “ Mừng Mẹ Nữ Vương Các Gia Đình’’, cùng với cuộc cung nghinh Đức Mẹ và các thánh rất trọng thể quy tụ mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo họ vào buổi chiều ngày 13/7/2019

Xem video đại lễ

Cao điểm là thánh lễ được cử hành vào lúc 18h do cha Giuse Phạm Văn Thanh- Giảng viên ĐCV Đức Mẹ vô nhiễm Bùi Chu chủ tế, cùng đồng tế với ngài có cha xứ Giuse Trần Duy Khấn và cha Đaminh Phan Duy Hán- Giảng viên ĐCV Đức Mẹ vô nhiễm Bùi Chu. Hiệp dâng trong thánh lễ có quý thầy, quý dì, quý khách và đông đảo mọi thành phần dân Chúa phủ kín quảng trường Giáo họ

Mở đầu thánh lễ Cha chủ tế Giuse ngỏ lời chúc mừng giáo họ nhân dịp mừng đại lễ Đức Mẹ Carmel quan thầy, ngài đã nhắc lại lịch sử biến cố tiên tri Êliađã chiến thắng 450 tư tế thần Baal trên ngọn núi Carmel nhờ lòng tin vào Thiên Chúa. Đồng thời ngài ca tụng mẫu gương của lòng tin nơi đức Maria.Cùng với phụng vụ lời Chúa trong Chúa Nhật XV thường niên năm C, ngài đã nhắc nhớ cộng đoàn hãy yêu mến, tin tưởng nơi Thiên Chúa và yêu thương tha nhân để xây dựng cộng đoàn giáo họ thành cộng đoàn đức tin và yêu thương

Sau khi cùng ca đoàn hợp xướng kinh vinh danh, cộng đoàn sốt sắng tham dự phụng vụ lời Chúa

Quảng diễn lời Chúa trong thánh lễ là cha chánh xứ Giuse. Khởi đi từ các bài đọc trong Chúa Nhật XV thường niên năm C. Cha Giuse đã bắt đầu bằng hình ảnh khuôn mặt đức Giê-su đến với nhân loại bị tổn thương bởi tội lỗi và sự dữ, những người bị bỏ rơi, những người đau khổ và bị loại ra bên lề của xã hội. Nạn nhân trong tin mừng Chúa Nhật hôm nay chính là con người chúng ta trong xã hội hôm nay là những người đau khổ, tội lỗi, nghèo khó.

Ngài mời gọi cộng đoàn hãy sống giới răn răn của Thiên Chúa bằng cách phục vụ những người nhỏ bé yếu đuối, bệnh tật, bị bỏ rơi. Hãy đến với họ bằng tình yêu của Thiên Chúa, giúp họ xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về tinh thần và vật chất

Kế đến cha Giuse đã nhắc đến một hình ảnh tuyệt vời đã đặt trọn niềm tin, sự trung thành nơi Thiên Chúa đó chính là đức Maria. Mẹ đã mở ra cho chúng ta đến với trọng tâm của lòng thương xót để con người được lãnh nhận ơn phúc mà mẹ cầu bầu cho mỗi người chúng ta

Để kết thúc bài chia sẻ, cha Giuse đã chọn hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân thập giá để nhấn mạnh rằng: Mẹ không chỉ là mẹ của đấng cứu thế mà còn là mẹ nhân loại. Chính vì thế chúng ta hãy trao phó cho mẹ tất cả niềm vui, nỗi buồn để mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa

Cuối thánh lễ ông chủ tịch HĐMV Giáo họ đại diện cho cộng đoàn Giáo họ đã nói lên tâm tình tri ân quý cha, quý tu sĩ, quý HĐMV Giáo xứ, quý khách và toàn thể cộng đoàn, vì lòng yêu mến Đức Mẹ đã về hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho cộng đoàn Giáo họ

Truyền thông Giáo họ Lạc Ngoại
 
Mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức tại Houston, Texas.
Jos. Nguyễn Ký
22:00 15/07/2019
Mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức tại Houston, Texas.

Xem Hình

Những mốc lịch sử về Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức, Houston;

1 - July 1, 1994. ĐGM Joseph Fiorenza ký giấy thành lập Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức
2 - June 8, 1997. ĐGM Joseph Fiorenza khánh thành thờ. Ngày nay, nhà thờ này được chỉnh trang, trở thành Trung Tâm Giáo Dục Thánh Giuse vào năm 2017.
3 - May 2nd, 1999. ĐGM Joseph Fiorenza khánh thành Hội Trường Giáo Xứ.
4 - Núi Đức Mẹ Lộ Đức được hoàn tất và khánh thành năm 2003.
5 - Ngôi thánh đường mới hiện nay do ĐHY Daniel DiNardo thánh hiến.
6 - Từ 250 Gia Đình, ngày nay có 1,843 Gia Đình. 6 Ca Đoàn. 10 Hội Đoàn cho mọi lứa tuổi.

Joseph Nguyễn Ký
 
Thông Báo
Hình ảnh Thánh lễ an táng và tiễn đưa Bà Cố Maria tại nghĩa trang Christ Cathedral
Tang Gia
11:11 15/07/2019
Thánh lễ an táng cho Bà cố Trần quang Thanh (khuê danh Maria Vũ thị Mận) tại thánh đường Saint Columban thành phố Garden Grove và an nghỉ tại nghĩa trang Nhà thờ Christ Cathedral ngày 13-7-2019

Gia đình chúng con xin chân thành cảm tạ quí Đức Cha, quí Cha, Tu sĩ nam nữ, các Cộng đồng, Cộng đoàn, Giáo xứ, Hội đoàn, Tổ chức, Đại diện Cơ quan dân sự, Truyền thông, Thân bằng quyến thuộc, Bạn bè đã đến thăm viếng và cầu nguyện, tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Linh hồn Bà Cố Maria.

Hình ảnh tang lễ tiễn đưa Bà Cố Maria (Kingston Bùi Photos)

Hình ảnh thánh lễ an táng (William Nguyễn Photos)

Hình ảnh thánh lễ đưa chân, thăm viếng và cầu nguyện (William Nguyễn Photos)

Những lời Phân ưu và Cầu nguyện của quí Đức Cha, quí Cha, quí Sơ và các Đoàn Thể và Thân bằng Quyến thuộc

Quí Đức Cha, quí Cha và toàn thể quí Vị đã vì tình thương mến gửi thiệp phân ưu, cầu nguyện, an ủi và đến hiệp dâng Thánh Lễ, thăm viếng và tiễn đưa người thân yêu chúng con đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ sót, kính xin Quí Đức Cha, Đức Ông, Quý Cha, Quý Sơ và Quý Vị niệm tình tha thứ.

Nguyện Xin Thiên Chúa Nhân Lành qua lời cầu bầu của Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse ban muôn ơn lành trên toàn thể Quý Vị.

TANG GIA ĐỒNG BÁI TẠ

 
Văn Hóa
Mẹ tôi nhận Bí tích Rửa tội nhờ Ơn Lành Chân phước Anrê Phú Yên
Bút ký Sapy Nguyễn Văn Hưởng
12:17 15/07/2019
Xưa kia Khổng Phu Tử nói: "ngũ thập tri thiên mệnh". Nghĩa là tới tuổi năm mươi mới biết rõ mệnh trời. Tôi giờ đã quá tuổi tri thiên mệnh đó hơn hai thập niên. Và tôi nhận thấy, chắc đâu cần chờ lâu đến thế, bởi tôi thấu rõ ràng Ơn Trên đã ban cho tôi quá nhiều điều, từ mấy chục năm trước khi đạt tới tuổi tri thiên mệnh. Mọi điều tôi nhận được chẳng những tốt đẹp hơn những gì tôi mơ ước mà khó lòng tưởng tượng nổi, đôi khi còn chưa từng xảy ra trên cõi đời này nữa.

Tôi biết đích xác Người đã cầu bầu lên Thiên Chúa cho tôi đạt được những điều không tưởng đó. Nhân ngày giỗ lần thứ 375 của Đấng ấy sắp tới, tôi ghi chép ra đây vài mẩu chuyện đã xảy ra lẫn mới xảy ra trong gia tộc tôi hiện sinh sống tại Mỹ.

Câu chuyện giữa tôi với Đấng thiêng liêng ấy bắt đầu ngay sau ngày toàn cõi Miền Nam bị cướp bởi quân đội Cộng sản Việt Nam. Và tôi, một cựu chiến binh, chiến đấu bảo vệ miền đất phía nam con sông Bến Hải, liền bị bên thắng cuộc kết tội phản dân tộc. Họ bắt đi tù cải tạo cùng với hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức phục vụ thể chế Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

Đến một ngày, khi tôi còn bị giam tại trại tù cải tạo Cạnh Đền thuộc tỉnh Cà Mau. Nhờ toàn thân người bị ghẻ lở, tên cán cán bộ quản giáo chỉ định tôi vào dọn dẹp lại một căn chòi lá tối tăm, ẩm thấp, vừa đủ một người chui lọt. Ánh sáng chiếu rọi vào bên trong bằng mỗi cái cửa ra vào thấp lè tè. Mắt tôi bị cận thị nặng, phải mất đến mấy phút mới khom lưng đi tới đi lui không bị vướng vấp. Thu dọn được độ một lúc, tôi khựng lại, cảm thấy bàn chân mình giẫm lên mấy thứ cồm cộm. Ngồi bệt hẳn xuống đất, tôi mới nhận ra nguyên một đống sách nằm lẫn lộn với mớ nồi niêu xoong chảo sứt càng gãy gọng. Nhặt vài quyển lên xem, tôi biết ngay đó toàn loại sách báo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chẳng rõ họ lôi ở đâu về, vứt vào cái chòi ọp ẹp này.

Vừa làm tôi vừa tính lén lấy một quyển, dù biết làm vậy quá mạo hiểm, nhưng sự khao khát thèm đọc chữ, nhất là mấy quyển sách sắp "bị giết" này, đốc thúc tôi vượt qua nỗi sợ hãi, cùng mọi trở ngại, khó khăn. Đầu óc đang miên man suy tính, tôi bỗng giật mình bởi có tiếng tên quản giáo gọi vọng vào, bảo tôi sửa soạn ra về. Trong hối hả tôi vẫn chưa chọn được quyển sách nào, cũng chưa biết dấu nó vào đâu. Tôi liền lấy đại một quyển nhét vội vào lưng quần. Bụng tôi lép xẹp, bởi chẳng bữa nào được ăn no, khiến cái lưng quần luồn bằng dây thun ngày một lỏng lẻo thêm. Chân chưa kịp bước, quyển sách đã chạy thẳng tuột ngay xuống dưới đất. Vừa định đá nó sang một bên, bỏ luôn ý định lấy cắp, bàn tay tôi bỗng quơ đụng nhằm một sợi dây. Tôi lôi mạnh sợi dây ra quấn quanh lưng quần, cúi xuống nhặt quyển sách lên nhét trở vào bụng thêm lần nữa. Xiết sợi dây thật chặt, lắc qua lắc lại cái bụng vài lần, tôi mừng thầm, quyển sách đã chịu nằm yên. Lúc ra tới bên ngoài, tôi sửa lại tướng đi cho tự nhiên, cố giữ lòng bình thản, thong thả bước tới.

Cái nóng hừng hực ban trưa hợp với sự hồi hộp trong lòng, làm người tôi bốc mùi thêm, khiến tên quản giáo càng cố tránh xa hơn. Nhờ vậy y không phát hiện ra sự ngượng ngập lúc tôi bước đi. Tôi an tâm, lòng nhẹ nhõm, nhìn hắn đeo súng trên vai, bước lên chiếc cầu khỉ trở lại đường cũ. Bóng y vừa khuất, nhìn trước ngó sau, thấy không ai chú ý, tôi rút nhanh quyển sách ra, nhét sâu vào trong túi đựng vật dụng. Trút bỏ cái khối lo nặng chịch xuống rồi, tôi đưa tay quệt mồ hôi rịn ướt cả trán.

Chiều đến, lợi dụng lúc bạn bè ra bờ kinh tắm giặt, tôi len lén mở cái túi ra xem của "lấy cắp" được là quyển sách gì. Tự dưng tôi lắc đầu chán nản, mất hết hứng thú, vì đó không phải loại sách tôi thích. Mà chính tôi cũng không hiểu sao, chỉ có một mình trong căn chòi, bên đống sách vở cũ những hơn ba tiếng đồng hồ, mà sao không lựa được một quyển theo đúng ý mình. Chẳng buồn mở sách ra, tôi bỏ ngay vào chỗ cũ, buộc chặt miệng túi lại, lẳng lặng tìm bạn bè ngồi tán gẫu.

Rồi đến một đêm, lúc nằm đếm từng hạt mưa nhẹ rơi trên mái lá, để ru mình vào giấc ngủ, tôi chợt nghe có tiếng muỗi vo ve trong mùng, bèn ngồi dậy, đốt đèn hột vịt lên soi. Bởi dầu khan hiếm, lại quá mắc mỏ, khó nhờ hỏi mua, tôi chỉ đốt đèn lên khi hết sức cần thiết. Giết xong vài con muỗi, nhìn thấy một lỗ rách nhỏ nằm ngay trên đỉnh mùng, tôi luồn tay mò mẫm bên trong chiếc túi đựng đồ đạc, định tìm kiếm khúc chỉ hay sợi dây cột tạm cái lỗ lại. Lúc còn đang loay hoay, bỗng quyển sách đánh cắp được từ mấy hôm trước rớt ra ngoài. Tôi hờ hững cầm nó lên, tiện tay nhét luôn xuống dưới cái gối. Túm xong cái lỗ, tôi nằm ngửa mặt dương mắt dò tìm xem còn sót chỗ nào muỗi chui vào không. Quyển sách lót dưới gối, cuộn bằng đủ thứ áo quần, làm đầu tôi bị cấn. Tôi bèn nhấc đầu lên, lôi nó ra thêm một lần nữa. Lần này tôi tiện tay đặt trước ngọn đèn dầu rồi bắt đầu đọc.

*

Tôi may mắn không gặp sự việc nào đáng tiếc xảy đến suốt thời gian lén lút đọc sách. Tính ra, phải mất hơn cả tháng trời tôi mới đọc hết quyển sách vỏn vẹn ngoài hai trăm trang giấy. Sau đó, hàng đêm tôi lại giở ra nghiền ngẫm mấy đoạn tôi thích.

Nhờ được học 4 năm dưới mái trường Lasan, hệ thống giáo dục do các Sư huynh Công Giáo dạy dỗ, tôi đồng cảm được hầu hết những gì tác giả nêu trong quyển sách. Khi đọc đến dòng cuối, tự nhiên tôi thầm cầu xin với vị Thầy, nhân vật chính trong sách, lẩm nhẩm cầu nguyện: "Thầy ơi, nếu Thầy trợ giúp con cùng gia đình con tới được bến bờ tự do, đến khi theo đạo, con nguyện sẽ nhận Thầy làm Thánh Bổn Mạng của con và của cả gia đình con!".

Bỗng một hôm, tôi cảm thấy lòng bồn chồn, lo lắng, nếu chẳng may cán bộ hay quản giáo phát hiện ra tôi đang giữ quyển sách bên mình, hậu quả sẽ ra sao? Bỏ thì tiếc, giữ lại đâm lo, đắn đo mãi cuối cùng tôi dứt khoát đào lỗ chôn quyển sách.

Sách chôn ở đâu, chôn cách nào, sau gần nửa thế kỷ qua đi, không còn lưu lại chút gì trong ký ức tôi. Tôi chỉ nhớ rõ một điều, vài ngày sau khi đào lỗ chôn sách xong, trại tù cải tạo Cạnh Đền, nơi miền đất được lưu truyền trong dân gian qua câu ca dao bình dị của người Cà Mau: "Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh", xảy ra một cuộc kiểm soát đột xuất, tất cả mọi vật dụng của tù nhân. Cán bộ bắt mở tung mọi thứ, xem xét kỹ từng tờ giấy báo gói đồ đạc.

Quyển sách lấy cắp và đọc được đã nằm yên trong lòng đất, không còn gì khiến tôi phải lo sợ. Cán bộ có lục soát vứt bỏ bất cứ thứ gì tôi cũng mặc. Tôi biết chắc chắn một điều, niềm tin cùng sức sống mãnh liệt trong tôi không ai có thể tìm thấy và vứt bỏ đi được.

*

Thoạt nghe qua câu chuyện có một người đang bị tù cải tạo tự tổ chức trốn trại, đưa cả gia đình 14 người, ở cách nơi giam giữ ngoài 200 cây số, cùng với 3 đồng đội, tổng cộng 21 người vượt biển bằng an, đến được bến bờ tự do, ai cũng "khen" tôi quá giỏi giang, nhiều mưu lược, khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng, nhưng đôi lúc cũng lầm tưởng mình tài giỏi thật. Rồi thời gian dần trôi, mọi chuyện đã qua từ từ ngấm sâu vào lòng, tôi biết chắc chắn vị Thầy mà tôi luôn cầu nguyện nhờ chuyển cầu lên Thiên Chúa, đã ban cho tôi mọi Ơn Lành và dìu dắt tôi qua chặng đường nguy hiểm của chuyến vượt biển lẫn từng ngày trong cuộc sống.

Năm tôi tròn 30, định cư trên đất Mỹ được ngoài nửa năm, lần đầu tôi hỏi xin bố mẹ cho phép vợ chồng tôi được rửa tội để trở thành tín đồ Công Giáo. Ông bà dứt khoát không cho với lý do tôi là con cả, sau này phải giữ việc thờ cúng bố mẹ. Mười năm sau, tôi lại xin lần nữa, và câu trả lời vẫn y hệt như cũ. Nhưng khác với trước kia, lần này tôi bị một động lực vô hình thúc bách, buộc không cho tôi tiếp tục chần chừ thêm nữa. Thế là vợ chồng tôi tự ý theo đạo, đã được lãnh nhận "Bí tích Rửa tội" lẫn "Thêm sức". Đổi lại, bố mẹ đã "từ" tôi, kéo hết các em tôi dọn khỏi ngôi nhà do tôi và chú em Nguyễn Văn Lộc xây dựng cho cả gia tộc quây quần chung sống. Mãi tới 5 năm sau, việc theo đạo Công Giáo của vợ chồng lẫn con cái tôi, mới được bố mẹ tha thứ bỏ qua cho.

"Cuộc chiến tôn giáo" trong gia tộc tôi vẫn chưa dứt hẳn mà còn tệ hại hơn. Bởi bố mẹ tôi tự dưng tin tưởng và tu hành theo "Thanh Hải Vô Thượng Sư", từ bỏ luôn việc thờ cúng ông bà. Anh em, con cháu tôi buồn vô hạn, tìm đủ mọi cách lôi kéo ông bà ra khỏi nhóm ấy, nhưng bao nhiêu sự cố gắng đều vô hiệu, cuối cùng đành phải chịu thua. Phần vợ chồng tôi chỉ còn cách phó thác mọi chuyện cho Thiên Chúa, rồi hằng đêm cầu nguyện để lòng được bình an trước bao nghịch cảnh trớ trêu xảy đến cho gia tộc.

*

Tôi xin tạm gác chuyện bố mẹ tôi theo Thanh Hải sang một bên để nêu ra một câu hỏi: Xưa nay có người Công Giáo nào được dự lễ phong thánh cho vị Bổn Mạng của mình chưa? Một câu hỏi chắc chắn không thể nào xảy ra được, vậy mà nó lại xảy đến với vợ chồng tôi. Điều này không bởi tôi nhận ra mà do người khác chỉ cho tôi thấy và xác nhận tôi chính là người con cả của Thánh Bổn Mạng mình.

Chuyện là như vầy. Quyển sách tôi lấy trộm và đọc được trong trại tù cải tạo Cạnh Đền vào cuối tháng 7 năm 1975, có cái tựa dài lê thê: Người Chứng Thứ Nhất Thầy Giảng Anrê Phú Yên, còn thêm hàng ghi chú nhỏ phía dưới: Lịch Sử Tôn Giáo Chính Trị Miền Nam Đầu Thế Kỷ XVII. Đọc qua bìa quyển sách, tôi thất vọng lầm bầm ngay: "Thật chán mớ đời! Thật uổng công! Phải chi mở mắt to thêm chút nữa để chọn lựa, thì đâu đến nỗi vớ nhằm quyển sách phải gió này!" Tôi vốn mê đọc sách, cũng thấu hiểu khá nhiều về đạo Công Giáo, nhưng chưa hề thích đọc loại sách đạo này.

Vậy mà tôi đã say mê đọc, và sau đó hoàn toàn tin tưởng vào Thầy giảng Anrê Phú Yên, luôn cầu nguyện cùng Thầy, nhờ Thầy chuyển cầu mọi điều tôi tâm tình lên Thiên Chúa. Vì vậy khi Linh mục Trương Trọng Nghĩa hỏi xem tôi muốn chọn vị nào làm Thánh Bổn Mạng lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào ngày 18-6-1988, tôi liền thưa ngay: con xin được chọn Anrê Phú Yên. Đương nhiên việc này không thành vì mãi về sau, đến ngày 5-3-2000, Anrê Phú Yên, vị Tử Đạo Tiên Khởi của Việt Nam mới được Tòa Thánh Vatican do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II tuyên phong Chân phước. Tới khi đó, vợ chồng tôi mới được chính thức trở nên con cả của Thầy, và còn được sang tận Roma tham dự đại lễ tuyên phong cho Đấng mình hằng tin tưởng từ mấy chục năm trước. Cũng kể từ đó, ngoài 117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên phong hiển thánh, dân tộc ta còn có thêm Anrê Phú Yên được tôn vinh lên hàng Chân Phước nữa.

Một số điều về Chân Phước Anrê Phú Yên, tôi đã viết trong chương "Đọc Sách" của Truyện ký Bước Chân Định Mệnh vừa mới phát hành vào tháng 6-2019, từ trang 71 đến trang 96. Nhân đây tôi cũng ghi lại tiểu sử vị Tử Đạo Tiên Khởi, được Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng tóm lược nguyên văn như sau:

- Thầy Giảng Anrê Phú Yên Việt Nam sinh năm 1625 hoặc 1626. Lãnh bí tích Rửa Tội cùng với mẹ Ngài năm lên 15 tuổi, do chính tay cha Đắc Lộ, nhà truyền giáo Dòng Tên. Năm 1642 được cha Đắc Lộ nhận vào nhóm cộng tác viên của Ngài và sau đó được gia nhập hội Thầy Giảng. Tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ cho bắt giam một số thầy giảng, trong đó có Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Ngày 26-7, đứng trước lòng quyết tâm theo Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa. Quan Nghè Bộ tuyên án tử hình và bản án đã được thi hành cùng ngày. Thầy Giảng Anrê Phú Yên bị một ngọn giáo đâm thâu nhiều lần và sau cùng bị chặt đầu. Nhưng trước khi tắt thở, cuối cùng Thầy còn kêu lớn tiếng tên Chúa Giêsu.

Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa đọc dứt lời, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ II long trọng tuyên bố:

- Ta chấp nhận cho tôi tớ Chúa là Anrê Phú Yên từ nay được gọi là Chân Phước và được cử hành lễ kính vào ngày 26-7 cho Chân Phước Anrê Phú Yên. Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

*

Giờ đây ngồi trước màn ảnh computer, tôi xin ghi thêm một phép mầu vừa xảy đến với gia tộc tôi chưa đầy 24 giờ qua. Sự việc này có đến mấy chục người chứng kiến tận mắt. Tôi nêu ra như một chứng từ, không chỉ bằng chữ do tôi viết mà còn cả hình ảnh lẫn lời nói nữa.

Ngày 4-6-2019, cụ bà Nguyễn Thị Sinh, mẹ tôi, người dứt khoát không cho phép vợ chồng tôi theo đạo Công Giáo, đã "từ" vợ chồng tôi ngay trong ngày chúng tôi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, bước qua tuổi 92. Cụ hiện sống với một bà bạn cũng đã ngoài 80, trong căn chung cư dành riêng cho người già từ ngoài 20 năm nay, đột nhiên trở bệnh nặng phải đưa vào phòng cấp cứu. Thấy mẹ quá yếu, vợ chồng tôi đã bàn nhau để đưa mẹ với bà bạn về ở chung với chúng tôi. Điều này được cả mẹ tôi lẫn các em đồng thuận.

Sau mấy ngày điều trị trong nhà thương, mẹ tôi được chuyển tới "nursing home" mang tên Jacop. Và đây mấy điều vợ tôi (Đinh Thị Dĩ), người con dâu trưởng kể lại:

Thứ Bảy 15-6-2019, vào khoảng 10 giờ sáng, có một người đàn ông trung niên bước tới trước của phòng bệnh của mẹ tôi, nở nụ cười hiền hòa. Lúc đó vợ tôi vừa đút cho mẹ ăn trái cây xong, ngước lên thấy một người không quen biết, hiện ra đứng trước cửa, vợ tôi liền lên tiếng trước:

- Chào anh.

Ông ta nhẹ gật đầu nói:

- Chào chị, tôi tên là Phạm Văn Nam, thuộc nhóm "Legio Mariae" bên nhà thờ Chúa Thánh Linh.

Vợ tôi biết ngay đây là một trong số người thuộc "Đạo Binh Đức Mẹ" của ngôi giáo đường mà dân San Diego vẫn quen gọi nôm na là "Nhà thờ 55". Họ thường vào các nursing home thăm viếng bệnh nhân, hỏi xem có ai cần giúp đỡ về tâm linh không.

Vợ tôi mừng rỡ:

- Vậy thì tốt quá, mời anh Nam vào nói chuyện với bà cụ tôi. Bà hơi lãng tai, xin anh nói to một chút.

Nói dứt câu, vợ tôi đứng lên nhường chiếc ghế lại cho ông Nam, chuyển qua chiếc ghế đối diện hướng ra phía ngoài cửa. Vợ tôi vừa lắng nghe ông Nam nói, vừa để ý xem mẹ có nghe và hiểu gì không.

Mỗi lần ông Nam lập lại câu hỏi: "Cụ ơi, cụ có nghe con nói không?", vợ tôi đều thấy mẹ gật đầu, đáp lại tiếng "có" rõ ràng, cho dù làn hơi phát ra còn yếu ớt, rồi tiếp tục chăm chú lắng nghe. Sau mỗi lần nhắc tới Thiên Chúa, ông Nam không quên hỏi: "Cụ ơi, cụ có tin vào Thiên Chúa không?", lần nào cũng vậy, mẹ tôi đều nhẹ gật đầu. Vợ tôi sửng sốt, như không tin đây là sự thật, không dấu được xúc động, thỉnh thoảng phải đưa khăn lên chậm nước mắt. Vợ tôi linh cảm sự hiện diện của ông Nam nơi căn phòng bệnh này chính là do Thiên Chúa sai đến.

Vì muốn ông Nam đặc biệt quan tâm đến mẹ hơn, vợ tôi nói khẽ:

- Mẹ tôi đã tu theo cách của nhóm Thanh Hải hơn 20 năm nay rồi.

Ông Nam nhẹ gật đầu, tiếp tục nói về Chúa với cụ. Bất chợt tiếng điện thoại trong túi ông Nam reo lên. Ông lấy nó ra, vội trả lời:

- Tôi hiện ở tại phòng 210. Có một bà cụ đang cần tôi giúp đỡ lắm.

Cất điện thoại đi, ông Nam còn nói thêm với cụ một lúc nữa. Chắc sợ mẹ tôi mệt, ông nắm lấy bàn tay mẹ tôi, ghé sát tai cụ ngỏ lời xin:

- Cụ ơi, con là Nam, cụ cho phép con thỉnh thoảng ghé thăm cụ được không ạ?

Mẹ tôi gật đầu, ông Nam đứng lên, trao cho vợ tôi tấm danh thiếp. Vợ tôi cầm lấy, rối rít nói:

- Cám ơn anh Nam nhiều lắm, xin anh nếu có thời gian ghé qua nói chuyện với cụ để cụ hiểu biết về Chúa hơn.

Ngay lúc đó, có thêm mấy bà cùng nhóm Legio với ông Nam vừa tới. Sau khi nghe ông thuật sơ qua chuyện mẹ tôi, từng người một đến chào hỏi cụ. Lúc tiễn khách, ông Nam nói với vợ tôi:

- Tôi thấy cụ có nhiều biểu hiện rất tốt. Tôi nghĩ lần sau tôi tới gặp lại cụ, mà có mặt chị giống như lần này thì tốt quá!

Vợ tôi đáp ngay:

- Anh Nam ơi, lúc vợ chồng tôi vô đạo cách đây ngoài 31 năm, bà cụ nhất quyết không cho phép. Tôi nghĩ anh đến đây một mình tốt hơn là có mặt tôi ở đó.

*

Ngày lại qua ngày, mẹ tôi tiếp tục nằm tại nursing home. Anh em tôi sắp xếp, để suốt từ sáng đến tối, lúc nào cũng có một hai người vào với mẹ. Mỗi bữa đều có người nấu cơm, cháo, mấy món ăn Việt Nam mà mẹ thích mang vào đút cho mẹ ăn.

Khi bệnh tình thuyên giảm, mẹ tôi lại nói với vợ tôi:

- Các con cứ để mẹ ở trong căn nhà của mẹ, mẹ muốn ở đó cho tới khi mẹ chết, vì bố con cũng mất tại đó.

Anh em tôi chẳng ai phản đối, ở nơi nào miễn mẹ vui là được. Điều mẹ muốn càng dễ dàng cho tôi hơn, vì chỉ cần sắp xếp sao để lúc nào cũng có người bên cạnh chăm sóc mẹ là tốt.

Thấy vợ chồng tôi đôn đáo lo tìm thuê người, một đứa cháu khen ngợi chúng tôi lo lắng quá chu đáo cho bà. Tôi cười nói vui với cháu:

- Hai bác lo tìm người chăm sóc cho bà nội là lo cho bản thân hai bác, lo cho bố mẹ con với mọi người trong họ hàng nhà mình thôi. Một khi tìm được người tốt, thích hợp rồi thì cuộc sống của các con cháu bà nội mới ít bị xáo trộn.

Riêng phần tôi, bận rộn nhiều với việc lo in ấn Bước Chân Định Mệnh, quyển sách tôi bắt đầu viết mấy dòng đầu tiên vào tối hôm 21-2-2001. Và đến ngày 19-6-2019, tôi mới lên Little Saigon nhận sách từ nhà in, và trả lời phỏng vấn trong một chương trình Văn Học Nghệ Thuật của cô Phiến Đan trên đài truyền hình Little Saigon, coi như hoàn tất việc viết lách suốt gần 18 năm rưỡi. Quyển sách đã chào đời như tôi hằng mong đợi, còn nó sẽ đến được tay bạn đọc bằng cách nào tôi hoàn toàn phó thác vào Thầy Giảng Anrê Phú Yên, Thánh bổn mạng của gia đình tôi.

Đến Chúa Nhật 23-6-2019, ông Nam gọi tôi báo tin:

- Bà cụ chịu rửa tội rồi. Anh chị hãy đến gặp cha Phiên ngay để xin cha lo gấp việc này cho bà cụ.

Tôi bàng hoàng cả người. Vợ tôi cũng nghe rõ lời này qua cái loa chiếc iphone, ngồi như chết lặng trên chiếc sofa đối diện tôi. Trấn tĩnh lại, tôi mới nói thành lời và lên tiếng hỏi:

- Anh Nam có thể kể cho tôi nghe vì sao sự việc này đã xảy ra cho bà cụ tôi không?

Giọng ông vang lên:

- Hôm tôi tới phòng gặp cụ và chị lần đầu, dù tôi biết dãy phòng phía cụ nằm hết người Việt Nam rồi. Chẳng hiểu sao trong đầu tôi lại nghĩ, hay cứ đi thẳng tới xem có người Việt nào mới vào không? Vừa quẹo vào một lúc, tôi thấy ngay tên người Việt mình treo trước cửa phòng,…

Nghe tới đó, tôi liền hỏi tiếp:

- Anh Nam còn thấy gì khác lạ trong lần ấy nữa không?

- Có chứ! Tôi nhận ra sự bối rối của chị ngay khi tôi nói về Chúa với cụ. Đến khi được chị nói nhỏ cho biết, cụ đã tu hành theo cách của nhóm Thanh Hải từ mấy chục năm nay, tôi liền bảo cụ là một khi đã tin nhận Chúa là đấng tạo hóa, đấng dựng nên mọi sự, thì không thể thờ một người thế gian giống như mình được. Khi nói đến đây, tôi liếc thấy chị tỏ vẻ sợ sệt hơn. Tuy biết vậy nhưng tôi muốn cụ phải dứt khoát. Tôi thấy cụ lắng nghe một cách thích thú, tỏ vẻ biết ơn tôi nữa, và còn muốn tiếp tục nghe thêm.

Vợ tôi chen vào:

- Anh Nam nhận xét về tôi và mẹ tôi rất đúng.

Tôi hỏi tiếp:

- Anh ở trong phòng bệnh với bà cụ khoảng bao lâu?

- Chắc cũng khoảng 45 phút. Lần thứ hai tôi tới, trong phòng ngoài cụ ra không còn một ai khác. Chắc là người nhà đã sắp xếp như vậy để cho tôi được tự nhiên.

Vợ tôi liền nói:

- Dạ, lúc đó tôi vừa ra bên ngoài tản bộ vừa muốn nhìn cảnh sinh hoạt cả trong lẫn chung quanh nursing home.

Ông Nam kể tiếp:

- Hôm đó tôi vừa nói về Chúa để củng cố niềm tin thêm cho cụ, vừa rà soát mọi biến chuyển trên gương mặt lẫn lời cụ thều thào, vì cụ rất yếu. Thấy mọi biểu hiện đều tốt cả. Tôi hỏi thẳng cụ: "Giờ cụ đã tin Chúa chưa? Có muốn theo đạo Công Giáo không?" Tôi cũng hết sức ngạc nhiên thấy cụ gật đầu, chấp hai tay vào nhau như xá lạy trước bàn thờ vậy. Thú thật với anh chị, suốt mấy năm hoạt động trong Legio, tôi chưa thấy trường hợp nào lạ lùng như vậy. Tôi liền nói trước rồi xin cụ lập lại mấy câu để giúp cụ củng cố niềm tin, luôn tiện tuyên xưng đức tin, đại khái tôi nói mấy câu như: "Con tin Chúa Giêsu là đấng cứu độ. Con xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con. Từ nay con tin Chúa và nhận Chúa là Chúa của con,…Tôi nói xong, cụ lập lại ngay mấy lời ấy. Tôi mừng quá, trở về nhà thờ trình rõ mọi sự việc lên cho cha Giuse Phạm Văn Phiên. Bởi tôi biết cha Phiên rất cẩn trọng, nên mới dặn anh liên lạc gấp với cha, để xin cha vào nursing home hỏi lại cho rõ trước khi ban Bí tích Rửa tội cho cụ.

Tôi nói nhanh:

- Cám ơn anh Nam nhiều lắm, tôi sẽ gọi điện thoại đến cha Phiên ngay, để xin phép cha rửa tội cho bà cụ mẹ tôi càng sớm càng tốt.

*

Cái tin mẹ tôi muốn rửa tội được loan ra, làm các con, các cháu, các chắt của mẹ tôi đều ngạc nhiên lẫn vui mừng. Bởi từ mấy chục năm qua mỗi người trong gia tộc tôi đã dùng trăm phương ngàn cách để đưa cụ quay về nẻo chánh của Thiên Chúa, rốt cuộc đành phải buông xuôi chào thua. Vậy mà chỉ vỏn vẹn 2 lần lắng nghe ông Nam nói về Thiên Chúa ngắn ngủi trong nursing home, mọi chuyện đổi thay ngay 180 độ, thì còn niềm hạnh phúc lớn lao nào có thể to lớn hơn vào lúc này đối với chúng tôi nữa.

Qua sáng thứ Hai 24-6-2019, vợ chồng tôi đến nhà thờ Chúa Thánh Linh dự thánh lễ sớm, sau đó xin gặp Linh mục Giuse Phạm Văn Phiên. Chúng tôi đến chẳng những mang theo quyển sách Bước Chân Định Mệnh, mà còn in riêng 2 chương sách liên quan tới việc chúng tôi bị ngăn trở khi xin theo đạo Công Giáo trước đây. Để phòng xa nếu cha Phiên không đủ thời gian đọc hết quyển sách ngoài 450 trang, thì với 2 trang sách kia cũng giúp cha hiểu phần nào về việc tôn giáo của gia tộc tôi.

Sau khi trình mọi sự việc lên cha Phiên, tôi không quên kể sơ qua về Thầy Anrê Phú Yên vị Tử Đạo Tiên Khởi. Sau đó cha bảo tôi, tự chọn ngày giờ rồi báo cho cha biết, cha sẽ vào nursing home hay đến tận nhà để làm lễ rửa tội cho mẹ tôi. Và rồi tôi chọn thứ Năm 27-6-2019 là ngày mẹ tôi chính được thức trở nên con cái Chúa vào lúc 6:00 pm.

Khi tin này được loan báo cho một số bạn bè thân quen, ai cũng ngạc nhiên, đều nhận biết ngay Ơn Lành Chúa sắp đổ xuống cho mẹ tôi lẫn gia tộc tôi. Ngoài việc chúc mừng ra, ai cũng hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho mẹ tôi. Riêng cháu Phạm Xuân Tạo, đứa con tuy không được sinh ra từ bụng vợ tôi, mà sinh ra từ trái tim của chúng tôi ngoài 30 năm nay, hiện đang là một linh mục thuộc Giáo Phận Melbourne, Úc châu, đã email chúc mừng: "Bố Mẹ kính mến! Con đã nhận được tin về việc Bà Nội chịu Bí tích Rửa tội. Con mừng lắm Bố Mẹ ạ! Hôm nay con dâng lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện đặc biệt cho Bà Nội và mọi người trong gia đình ta! Con kính chúc Bố Mẹ vui khỏe và chuẩn bị cho Bà Nội thật chu đáo để lãnh nhận Bí tích Rửa tội sốt sắng và ý nghĩa! Con: Phạm Xuân Tạo".

*

Nếu bệnh tình mẹ tôi chưa thuyên giảm, lễ Rửa tội sẽ diễn ra tại nursing home là điều đương nhiên. Còn được phép về nhà, lễ rửa tội sẽ tổ chức tại đâu? Sự việc gấp gáp như vậy, tôi sẽ mời những ai?

Dù biết bác sĩ đã cho phép mẹ tôi trở về nhà vào trưa ngày thứ Năm, nhưng lúc múc cháo ra chén đưa cho mẹ, vợ tôi vẫn ân cần nhắc nhở:

- Mẹ ơi, mẹ phải ráng ăn cho khỏe thì trưa nay bác sĩ mới cho mẹ về. Đến chiều thì cha Phiên sẽ đến nhà mẹ để rửa tội cho mẹ.

Mẹ tôi vui hẳn lên, gật đầu liên tiếp mấy cái. Bữa sáng hôm đó mẹ tôi tự chậm rãi múc từng muỗng cháo ăn, đây cũng là bữa bà ăn được nhiều nhất kể từ ngày vào nursing home.

Tôi cũng biết trong khu chung cư mẹ tôi ở có một phòng hội với đầy đủ mọi tiện nghi, có thể để đón tiếp năm sáu mươi người. Nhưng vợ chồng tôi muốn tổ chức ngay tại nơi mẹ tôi ở suốt từ ngoài 20 năm qua, nơi bà muốn sống cho tới khi qua đời. Căn nhà từng ngập tràn phim ảnh lẫn hình ảnh cùng tiếng nói của "ni sư" Thanh Hải mà mẹ tôi tin theo. Tôi muốn cái ngày long trọng Chúa đến để ban riêng cho mẹ tôi đầy tràn ân sủng và kết thúc luôn "cuộc chiến" dai dẳng về tôn giáo, diễn ra trong gia tộc tôi suốt mấy chục năm qua.

Và rồi ngày trọng đại đó cũng đến, anh em tôi hân hoan đón mẹ từ nursing home về nhà, chuẩn bị cho mẹ sửa soạn đón Chúa vào nhà lẫn trong lòng. Vì là ngày thường, tôi không thể tụ họp tất cả em cháu lại được, nhưng như vậy cũng quá đủ, bởi ngôi nhà không thể nào chứa thêm người.

Ngày hôm ấy, nắng hè cũng đến với San Diego, tôi hân hạnh giới thiệu Linh mục Giuse Phạm Văn Phiên với mẹ, và cũng hân hạnh gới thiệu ông Nguyễn Văn Giáo bố đỡ đầu các con tôi, nhà thơ Sông Cửu, một tín hữu Tin Lành, cả hai vị cũng sắp tới tuổi 90 mươi cùng các em, các cháu hiện diện trong ngôi nhà. Đây là lần đầu tôi giáp mặt ông Phạm Văn Nam, ân nhân đã đem Chúa lại cho mẹ tôi. Ngoài ra còn cả ông bà Phạm Khắc Chiểu, chủ tịch Cộng đoàn Chúa Thánh Linh lẫn cụ bà thân sinh ra ông Chiểu, và nhiều người tôi chưa hân hạnh biết mặt, quen tên,…

Lời tôi giới thiệu về các thành viên trong gia tộc cũng để trả lời cho câu cha Phiên hỏi tôi mấy ngày trước: "Trong gia đình có ai ngăn trở việc cụ muốn tin nhận Chúa không?". Và rồi mẹ tôi được cha Phiên rửa tội và ban Bí tích Thêm sức, biến giấc mơ của riêng tôi và toàn thể gia đình ôm ấp từ bao lâu nay thành hiện thực. Việc chọn tên thánh cho mẹ tôi là Maria Anrê Phú Yên cũng khiến mọi người ngạc nhiên. Nhờ vậy, tôi lại có cơ hội nói về vị Tử Đạo Tiên Khởi của Việt Nam mình.

Lúc tiễn ông Nguyễn Văn Giáo, một người sốt sắng dạy giáo lý cho bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ở San Diego, trong số đó có hai đứa con tôi Nguyễn Lập Duy và Nguyễn Lập Quốc, ông Giáo chia sẻ với tôi:

- Điều làm tôi ngạc nhiên là bà đã lớn tuổi, còn lãng tai nữa, chưa biết gì về Kinh Thánh, ngay cả chưa biết làm dấu thánh giá, nhưng có vẻ bà hiểu biết tất cả, mà không cần ai giải nghĩa, không cần ai giảng đạo hay dạy giáo lý gì hết. Bằng một cách nào đó Chúa Thánh Thần đã làm cho bà hiểu để bà đã làm rất đúng mọi sự. Một điều lạ nữa là cha chưa có tập, cũng chưa có ai nói cho bà biết về chuyện chịu Mình Thánh Chúa. Vậy mà bà vẫn có thể tôn kính Mình Thánh Chúa giống như một người có đạo từ lâu lắm rồi. Lạ lắm, lạ lùng lắm! Tôi nghĩ Chúa Thánh Thần đã ban ơn cho bà, để bà tự động hiểu rõ mọi sự, giúp bà sốt sắng, kính cẩn trong suốt buổi lễ Rửa tội và Thêm sức.

Riêng ông Nguyễn Đình Kỳ, anh họ tôi, cũng là giáo dân Công Giáo, người duy nhất được mời mà không đến dự. Đến khi tôi hỏi lý do, anh mới cho biết: sở dĩ anh không đến, vì anh không muốn chứng kiến việc vợ chồng tôi ép buộc mẹ tôi phải vào đạo. Còn các em tôi chẳng hề bận tâm ai đã lôi kéo được mẹ. Đến được với Chúa bằng cách nào cũng đều được, miễn là mẹ tôi thoát khỏi nhóm Thanh Hải đều tốt cả.

Đến khi sự thật được phơi bày, vợ chồng tôi chẳng dính dáng gì tới việc này, niềm vui lại tăng thêm. Tôi tin, tôi sẽ có thêm nhiều chuyện liên quan đến Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị thánh Bổn Mạng của cả gia đình tôi, sẽ được tiếp tục kể sau câu chuyện mẹ tôi tin nhận Chúa hôm nay.

26-7-2019 tới đây, ngày Thiên Chúa đón Thầy Giảng Anrê Phú Yên về với Ngài đúng 375 năm, sẽ có thêm một kỷ niệm khó quên nữa khắc sâu vào lòng tôi. Với niềm tin yêu cảm tạ Thiên Chúa, tôi vẫn chỉ biết tuyên xưng mọi ân sủng Thầy cầu bầu cho riêng bản thân tôi, cho gia tộc tôi, lẫn mọi người tôi gặp gỡ trong cuộc sống hôm nay.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 15/7/2019: 10. Hệ thống an ninh được gia tăng tại Lộ Đức
VietCatholic Network
02:12 15/07/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 14/7/2019.

2- Ký kết thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Burkina Faso.

3- Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho các bệnh nhân.

4- Đâu là Bức Tường duy nhất ngăn chặn được người di cư?

5- Con đường khám phá Thiên Chúa của nhà thiên văn học dòng Tên.

6- Hội đồng Giám mục Ý giúp Nam Sudan 1 triệu euro.

7- Các vị tử đạo không phải là “nạn nhân” mà là “nhân chứng”.

8- Tổng thống Mozambique nói rằng: chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là vì hòa bình.

9- Hệ thống an ninh được gia tăng tại Lộ Đức.

10- Hoa Kỳ có thể thiếu sách Kinh Thánh nếu đánh thuế sách nhập khẩu từ Trung Quốc.

11- Vị tân tổng quyền dòng Đa Minh thế giới.

12- Khoá bồi dưỡng về thần học và truyền giáo tại Vũng Tàu.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Dâng Mẹ Cuộc Đời.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Suy niệm 16/7/2019: Phép lạ tỏ tường tại Nagasaki, thông điệp Đức Mẹ Akita
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:05 15/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Phòng Báo Chí Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản vừa công bố chương trình chuyến tông du 4 ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản bắt đầu từ ngày 24 tháng 11 tới đây.

Tháng Hai năm 1981, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm vùng đất mặt trời mọc này. Từ đó, đến nay xã hội Nhật Bản đã thay đổi rất sâu sắc. Làn sóng vô thần tăng nhanh theo nhịp độ làm việc và sự quay cuồng của cuộc sống. Do đó, tin tức về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã dấy lên một niềm vui lớn tại quốc gia này.

Từ Tokyo, Shaun McAfee, có bài đăng trên tờ Catholic Herald nhan đề: “How Nagasaki’s Catholics survived persecution and the bomb”, nghĩa là “Người Công Giáo Nhật Bản sống sót qua những bách hại và hai quả bom nguyên tử như thế nào?”

Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là con đường từ trung tâm thành phố Nagasaki đi vào nhà thờ chính tòa của thành phố. Nhà thờ này tiếng Nhật gọi là Urukami. Trước khi đến nhà thờ này du khách sẽ đi ngang qua một hốc đá chỉ đủ lớn để chứa một người. Nếu không chú ý, du khách có thể vô tình bỏ qua vì hốc đá này trông cũng bình thường. Nhưng hốc đá này là cả một câu chuyện. Nó được gọi là hốc đá tra tấn người Công Giáo và nó đã từng được sử dụng để gây đau khổ chưa từng thấy đối với các Kitô hữu Nhật Bản trong hơn 300 năm.

Cách thức tra tấn rất đơn giản: các Kitô hữu bị buộc phải ngồi trong hốc đá này cho đến khi họ từ bỏ đức tin. Họ phải ngồi trong một tư thế cúi khòm người xuống, không thể ngẩng đầu lên được trong lúc tuyết rơi bên ngoài. Kitô hữu chỉ được đưa ra hai lựa chọn: hoặc trở lại tôn giáo và phong tục địa phương hoặc phải ngồi trong hốc đá này chịu đói và chịu lạnh cho đến chết.

Một tấm bảng gần đó kể lại câu chuyện về một người phụ nữ tên Tsuru. Cô bị lột trần truồng trước khi bị nhốt vào hốc đá này, hai chân cô bị cùm vào những chấn song bằng đá. Cô ngồi như thế trong suốt 18 ngày, đói, khát và bị chôn vùi trong tuyết. Khi tuyết tan, người ta kinh ngạc thấy cô vẫn còn sống. Những người bách hại cô tin rằng cô thực sự được thần thánh phù hộ nên đã trả tự do cho cô.

Không phải ai cũng được may mắn như Tsuru. Những kẻ bắt bớ thường rất tàn nhẫn, và các tín hữu Công Giáo trung thành của cộng đoàn Công Giáo Urukami, một cộng đoàn lâu đời nhất trong lịch sử Công Giáo Nhật Bản, đã phải chịu đựng hình thức bách hại này và nhiều hình thức đàn áp khác trong nhiều thế kỷ. Đức tin của họ vẫn kiên vững, mặc dù phải chịu đựng trăm chiều cay đắng.

Tấm bảng viết tiếp rằng:

“Hốc đá này đã được giữ lại như một lời nhắc nhở liên tục các vị tổ tiên đáng kính của chúng ta, những người đã trung thành giữ vững đức tin không lay chuyển của họ.”

Sự nghi ngờ các nhà truyền giáo Kitô đang mưu toan làm gián điệp cho ngoại bang thống trị Nhật Bản đã nảy sinh dưới thời Toyotomi Hideyoshi (1537-1598). Người kế vị ông là Tokugawa Ieyasu (1543-1616), là người sáng lập triều đại Mạc phủ Tokugawa, đã ban hành chính sách cô lập Nhật Bản, cấm các hoạt động truyền giáo. Luật bách hại Kitô giáo trong toàn cõi Nhật Bản cũng được đưa ra.

Chính sách “không ai được ra, không ai được vào” - người Nhật gọi là Sakoku – nhằm giải quyết các mối quan tâm về ảnh hưởng của nước ngoài. Nhưng mặc dù bị đàn áp, một số Kitô hữu đã không từ bỏ đức tin. Họ phải đối mặt với những hậu quả cực kỳ tàn bạo. Cuốn phim “Silence”, nghĩa là “Im lặng”, của đạo diễn Martin Scorsese được phát hành vào năm 2017, mô tả chính xác các hình thức bách hại kinh hoàng: Kitô hữu bị đóng đinh giữa lúc thủy triều dâng cao hay bị bỏ vào các vạc nước nóng được tiếp tục đun sôi cho tới khi nạn nhân chết.

Cho đến năm 1873, các Kitô hữu một lần nữa lại được tự do thực hành đức tin của mình không phải sợ hãi. Tsuru, người phụ nữ ngồi 18 ngày trong hốc đá và một loạt những người khác giữ niềm tin của mình trong bí mật, đã trở lại quận Urukami.

Kitô hữu Nhật Bản được tự do xây dựng những nhà thờ tuyệt đẹp, bao gồm cả các nhà thờ chính tòa ở Nagasaki và Hiroshima, hai cứ điểm của Kitô giáo trên Honshu, là hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản.

Bi kịch đã tấn công các cộng đồng này một lần nữa vào năm 1945 khi bom nguyên tử được thả xuống. Toàn bộ dân số của cả hai thành phố, bao gồm nhiều người Công Giáo, chịu đựng nỗi kinh hoàng không thể kể xiết. Tuy nhiên, họ đã không mất niềm tin.

Người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới nên đến thăm Nhật Bản như những người hành hương. Kitô hữu có thể chỉ chiếm một phần trăm dân số, nhưng nghệ thuật Kitô giáo, đền thờ, di tích và nhà thờ nằm rải rác khắp đất nước. Ở phía nam như đảo Okinawa, có một nhà thờ lớn nơi thánh lễ được cử hàng hàng ngày.

Ở phía bắc của Honshu là địa điểm nơi xảy ra một cuộc hiện ra của Đức Maria vào năm 1973 được gọi là Đức Mẹ Akita. Các báo cáo cho biết Đức Mẹ đã hiện với Nữ tu Agnes Katsuko Sasagawa. Đức Mẹ nhấn mạnh rằng các tín hữu phải siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là đọc kinh Mân côi. Đức Mẹ cũng truyền đạt những lời tiên tri về dị giáo và việc Giáo hội bị bắt bớ trong những năm tới.

Tượng Đức Mẹ hiện ra với sơ Katsuko nổi tiếng trên toàn thế giới và, mặc dù Vatican chưa đưa ra một phán quyết dứt khoát nào về câu chuyện này, hàng triệu Kitô hữu và người ngoài Công Giáo đến thăm địa điểm này mỗi năm.

Nagasaki cũng là một địa điểm lý tưởng để hành hương. Thánh tích của vô số các vị tử đạo, sách thánh ca nguyên thủy, và thậm chí cả sách kinh thánh gốc và Kinh thánh của các nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật Bản đang được trưng bày tại Bảo tàng và Đài tưởng niệm Hai mươi sáu vị tử đạo. Bảo tàng và Đài tưởng niệm nằm ngay trên ngọn đồi nơi 188 vị tử đạo bị hành quyết, bao gồm cả chủng sinh Dòng Tên Nhật Bản Paul Miki, đã được tuyên thánh và các bạn tử đạo của ngài. Bảo tàng này là một công trình nghệ thuật, có thể cạnh tranh được với mọi bảo tàng lịch sử Kitô giáo trên thế giới.