Ngày 14-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đủ đơn giản để một đứa trẻ hiều
Lm. Minh Anh
06:51 14/07/2021
ĐỦ ĐƠN GIẢN ĐỂ MỘT ĐỨA TRẺ HIỂU
“Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

Một bé gái lớp hai thắc mắc, tại sao mỗi tối, bố em lại mang về nhà một chiếc cặp đựng đầy công việc. Mẹ em giải thích, “Bố có nhiều hồ sơ phức tạp phải giải quyết đến nỗi không thể hoàn tất ở văn phòng”. “Vậy thì”, đứa trẻ hỏi một cách ngây thơ, “Tại sao họ không xếp bố vào nhóm chậm hơn?”. Đó là câu hỏi của một thiên thần!

Kính thưa Anh Chị em,

Cuộc sống quá phức tạp! Phức tạp hơn ‘chiếc cặp’ của ông bố kia nhiều lần. Nhưng nó có phức tạp đến thế không? Đây là một câu hỏi thú vị! Đôi khi, mọi thứ có vẻ rất phức tạp; nhưng sự thật, không nhất thiết phải như vậy. Tại sao? Vì lẽ, câu trả lời của Thiên Chúa cho những câu hỏi ‘phức tạp’ nhất trong cuộc sống thường ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu’. Đó cũng là những gì chúng ta gặp thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Bài đọc Xuất Hành kể chuyện cậu bé Môisen được vớt lên từ khóm sậy ngày nào, nay là một thanh niên đang chăn chiên. Bỗng, Thiên Chúa hiện ra với cậu qua bụi gai bốc cháy. Cậu tò mò đến xem, “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này!”. Các trẻ thường rất tò mò! Thiên Chúa phán, “Đừng lại gần, chỗ ngươi đang đứng là đất thánh!”. Mọi cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đều tạo nên đất thánh! Mỗi khi cầu nguyện, tâm hồn con người là đất thánh! Cũng từ đất thánh đó, Thiên Chúa gọi Môisen; Ngài tự giới thiệu và sai cậu ra trước Pharaô, điều đình với vua, để đưa dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Một sứ mệnh quá phức tạp! Môisen hốt hoảng, “Con là ai mà dám ra trước mặt Pharaô?”; Thiên Chúa bảo, “Ta sẽ ở cùng ngươi!”. Không thể bất ngờ hơn! Đó là một câu trả lời ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu’; và Môisen hiểu! Từ nay, tên cậu dường như không còn là “Được cứu khỏi nước”, nhưng sẽ là, “Ta sẽ ở cùng ngươi!”, một cái tên hoàn toàn mới. Đó là một Thiên Chúa mà Môisen sẽ dần dần trải nghiệm, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định, Chúa Cha đã mặc khải những bí nhiệm cho những kẻ bé mọn; điều thú vị là Ngài cũng cho biết, “Chúa Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm này”. Điều này đặt ra một câu hỏi, tốt hơn chúng ta nên ‘khôn ngoan thông thái’ hay nên là ‘trẻ con?’. Rõ ràng, tốt hơn sẽ là ‘trẻ con’. Điều đó có nghĩa là, nếu trở thành một người tự phụ, ‘tôi’ biết tất cả, ‘tôi’ có tất cả các câu trả lời… thì quả là không tốt. Ở đây, Chúa Giêsu đang nói đến hạng kiêu hãnh với cái tôi được thổi phồng, khiến họ trở nên khôn ngoan khi tập trung trái tim và tâm trí vào bản thân như là ‘điều tốt lành tối cao’. Trong cuốn “Thiên Chúa và Thế Giới”, Hồng Y Ratzinger viết, “Một sinh vật càng lớn, càng muốn xác định cuộc sống của mình. Nó muốn ngày càng ít phụ thuộc hơn; và do đó, ngày càng trở thành một loại thần thánh, không cần ai khác. Đây là cách nảy sinh ước muốn không cần lệ thuộc vào ai, điều được gọi là tự hào”.

Vậy mà trong cuộc sống, biết bao vấn đề từ bản thân, gia đình, bạn bè, quá khứ, tương lai… xem ra quá phức tạp và không có câu trả lời. Sự thật này cho thấy, chúng ta cần phải trở nên thơ bé như Chúa Giêsu nói biết bao! Ngay cả khi trưởng thành, không bao giờ chúng ta được ngừng tỏ ra là trẻ thơ, vốn không phức tạp và biết phụ thuộc cách chính đáng. Theo tự nhiên, trẻ em không phức tạp và gian dối; với trẻ em, mọi sự được học hỏi theo thời gian. Khác với trẻ em, từng chút một, người lớn chúng ta tính toán, ngụy biện, loại bỏ sự hào phóng và ‘lạc khỏi’ sự đơn giản, ngay thẳng mà Thiên Chúa, Đấng luôn luôn có câu trả lời ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu’ đã vạch ra.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trung thành với Thiên Chúa, chân thành với chính mình và tìm cách làm hài lòng Ngài trên hết mọi sự. Bởi lẽ, thất bại là do thiếu chân thành, thiếu cao thượng và thiếu tín thác tuyệt đối cần thiết để hân hoan làm điều Thiên Chúa muốn. Trẻ em đơn giản hơn nhiều, trẻ em tự mình là một kho tàng cho nhân loại và cho cả Giáo Hội, vì trẻ em không ngừng gợi lên điều kiện cần thiết để chiếm lĩnh Nước Trời. Trẻ em không tự coi mình có thể tự cung, tự cấp; nhưng cần được giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. Trẻ em trở thành biểu tượng của ‘những người nghèo’ mà Vương Quốc Thiên Chúa thuộc về. Tất cả chúng ta đang cần sự giúp đỡ, tình yêu và sự tha thứ! Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đang chờ đợi để ban cho chúng ta tất cả; cuộc sống không cần phải phức tạp, nhưng cần trở nên đơn giản! Đó là điều Thiên Chúa, Đấng có câu trả lời ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu’ đang mong mỏi nơi mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để sở hữu sự khôn ngoan và kiến thức về Chúa trong khi vẫn duy trì những tính cách trẻ thơ. Xin cho cuộc sống con nên đơn giản như Chúa muốn, vì Chúa luôn có câu trả lời ‘đủ đơn giản để con hiểu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mục Tử nhân lành chạnh lòng thương và quên mình phục vụ
Lm. Đan Vinh
07:04 14/07/2021
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN B
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
MỤC TỬ NHÂN LÀNH CHẠNH LÒNG THƯƠNG VÀ QUÊN MÌNH PHỤC VỤ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 6,30-34.
(30) Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (31) Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. (32) Vậy, Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. (33) Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. (34) Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

2. ÝCHÍNH:
Là mục tử tốt lành luôn cảm thông với nỗi vất vả của các môn đệ, nên sau cuộc hành trình truyền giáo, Đức Giê-su đã bảo các ông hãy lên thuyền đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi. Nhưng khi thuyền vừa cập bến, nhìn thấy cảnh đám đông dân chúng từ xa kéo đến đang chờ đợi để nghe giảng Tin Mừng, thì Người lại “chạnh lòng xót thương” họ, và quên việc nghỉ ngơi để tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho họ.

3. CHÚ THÍCH:
-C 30-31: + Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su và kể lại cho người biết mọi việc: Sau cuộc thực tập truyền giáo, các tông đồ đã họp lại quanh Thầy để báo cáo công tác rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối (x. Mc 6,12), trừ quỉ và xức dầu chữa bệnh cho nhiều người đau ốm (x. Mc 6,13). + Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút; Lời này cho thấy Đức Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các tông đồ khi không có thời gian thư giãn để hồi phục sức khỏe. + Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống: Dân chúng kéo tới tấp nập gợi lên hình ảnh dân Ít-ra-en xưa đã đi theo Mô-sê trong hoang địa Xi-nai trên đường về Đất Hứa. Đây cũng là kết quả cụ thể của cuộc hành trình truyền giáo vừa qua của các tông đồ: Các ông đã giúp người ta nhận biết Đấng Thiên Sai Giê-su và khao khát nghe giảng Tin Mừng Nước Trời.
-C 32-33: + Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng: Đức Giê-su muốn cho các tông đồ vào nơi thanh vắng để họ được sống thân tình với Người và được hồi phục sức khỏe cả về thể xác lẫn tâm hồn. + Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài: Thấy thầy trò lên thuyền, nhiều người đoán các ngài sẽ đến miền Bét-sai-da và Giu-li-a cách đó khoảng 10 cây số. Họ không ngại đường xa vất vả nên đã đi bộ ven bờ hồ và đến nơi trước các ngài. Chính lòng tin yêu đã thôi thúc dân chúng vượt qua trở ngại để tìm đến với Đức Giê-su, như lời thánh Phao-lô; “Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14).
-C 34: + Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương: “Chạnh lòng thương” hay “Động lòng trắc ẩn”, là một tình cảm sâu xa bắt nguồn từ nội tâm và biểu lộ bằng hành động. Tin Mừng đã nhiều lần thuật lại các phép lạ Đức Giê-su làm do động lòng thương” như: Chữa hai người mù tại Giê-ri-cô (x. Mt 20,34), phục sinh con trai bà góa thành Na-in (x. Lc 7,13), chữa một đứa bé mắc bệnh động kinh vì bị quỷ ám (x. Mc 9,22). + Vì họ giống như đàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt: Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Những người đầu mục Do thái là các tư tế và các kinh sư, lẽ ra phải dạy dỗ dân thì lại lười biếng không làm việc chăm sóc phục vụ chiên mà chỉ lo tìm kiếm tư lợi cho bản thân, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên đó sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt: Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; Chiên bệnh tật các ngươi không chữa lành; Chiên bị thương các ngươi không băng bó; Chiên đi lạc các ngươi không đưa về; Chiên bị mất các ngươi không đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta vì thiếu mục tử chăn dắt nên biến thành mồi ngon cho dã thú, chúng chạy toán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,1-6). + Và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều: Đức Giê-su đặt nặng sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời, nên Người đã bỏ qua chương trình nghỉ ngơi. Tin Mừng Lu-ca viết: “Đức Giê-su tiếp đón họ, nói về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa” (Lc 9,11).

4.CÂU HỎI:
1) Các tông đồ đi truyền giáo trở về, đã báo cáo những gì với Đức Giê-su?
2) Câu nào cho thấy Đức Giê-su luôn nghĩ đến người khác, nghĩ đến nỗi vất vả của các tông đồ khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời?
3) Kết quả cụ thể của cuộc hành trình truyền giáo của các tông đồ là gì?
4) Đức Giê-su muốn đưa các môn đệ vào nơi thanh vắng để làm gì?
5) Dân chúng biểu lộ lòng yêu mến Đức Giê-su và hâm mộ nghe lời Người giảng qua hành động nào?
6) Chạnh lòng thương nghĩa là gì? Tin Mừng ghi nhận Đức Giê-su làm gì khi “chạnh lòng thương” dân chúng?
7) Tin Mừng dùng hình ảnh nào để diễn tả sự đáng thương của dân chúng lúc đó? Ngôn sứ Ê-dê-ki-en tuyên sấm Lời Thiên Chúa quở trách các mục tử Ít-ra-en thế nào?
8) Đức Giê-su đã làm gì để đáp ứng nhu cầu muốn nghe giảng Tin Mừng của dân chúng?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34):

2. CÂU CHUYỆN:

1) HOẠT ĐỘNG CẦN ĐI ĐÔI VỚI CẦU NGUYỆN:
Cuộc sống của Cha Sở xứ Ars cho ta thấy rõ sức mạnh chinh phục tâm hồn người ta là do ơn Chúa ban. Gio-an Vi-an-ney không tài giỏi, nhưng ngài luôn tích cực làm việc và tin tưởng ở Chúa. Hoạt động mục vụ của Cha Vi-an-ney xây dựng trên ba trục chính: đời sống khắc khổ hy sinh; tôn sùng Thánh Thể; phục vụ giáo dân bằng lời rao giảng và nơi tòa giải tội.
Trong cuộc sống tông đồ hôm nay, người ta chỉ có thể thu lượm kết quả, một khi biết trau dồi đời sống nội tâm, và kết hiệp mật thiết với Chúa.

2) CHIA SẺ NIỀM VUI CHO THA NHÂN:
KEN-NETH là một học sinh lớp 6. Cậu rất vui và hồi hộp khi được ban giám hiệu chọn để tham dự ngày hội thao của nhà trường. Cậu đã vượt qua các bạn và về nhất trong lần thi chạy đầu tiên. Phần thưởng là dải ruy-băng choàng chéo vai và sự hoan hô của khán giả khiến cậu cảm thấy hãnh diện với bố mẹ và với bạn bè cùng lớp.
Bấy giờ cậu bé tiếp tục thi chạy lần thứ hai. Nhưng khi về gần đến đích, chỉ cần thêm vài bước chân nữa là Ken-neth sẽ lại chiến thắng. Tuy nhiên cậu bé bỗng chạy chậm lại và bước ra khỏi đường đua. Sau đó bố mẹ cậu rất thắc mắc về hành vi đó và hỏi con:
- Tại sao con lại làm như vậy hả Ken-neth? Nếu con tiếp tục chạy, chắc chắn con sẽ giành được chiến thắng nữa cơ mà.
Bấy giờ cậu bé Ken-neth ngước mắt lên nhìn bố mẹ và nói:
- Nhưng, mẹ ơi, con đã có phần thưởng rồi, còn bạn Bil-ly của con thì lại chưa có. (First news)
Chính tình yêu thương bạn là Bil-ly đã khiến cậu bé Ken-neth sẵn sàng chạy chậm lại để bạn mình vượt qua và cũng giành được huy chương giống như mình.

3) QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI BÊN CẠNH:
Một học viên đã chia sẻ bài học cuối khóa tu nghiệp như sau:
Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông. Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: "Chị tạp vụ ở trường bạn tên là gì?". Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi đã nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:
- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm chỉ là một lời chào và mỉm cười với họ.
Tôi đã không quên bài nọc đó trong suốt cuộc đời mình sau này. Sau đó tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường là Do-ro-thy.

4) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÁI ĐỘ BẤT KHOAN DUNG:
Một thanh niên kia tính tình ngang bướng đã gặp nhiều khó khăn khi tiến hành thủ tục hôn phối. Sau khi lấy được vợ, anh luôn cảm thấy uất ức và căm ghét đạo Công Giáo, đặc biệt là các linh mục. Anh bỏ đến nhà thờ ngày Chúa Nhật và cho biết lý do bỏ đạo như sau: ”Tôi đã gặp bao nhiêu phiền hà về thủ tục hành chánh nơi các viên chức ngòai đời. Hy vọng sẽ gặp được thái độ khoan dung nhân ái nơi các mục tử trong đạo. Nhưng một lần nữa tôi lại gặp bao nhiêu rắc rối phiền hà về các thủ tục hành chánh !”
Giả như vị mục tử trong câu chuyện trên học nơi Chúa Giê-su đầy lòng thương xót thì chắc đã tìm ra cách giải quyết các trường hợp rắc rối về hôn nhân, để vừa trung thành tuân giữ lề luật Hội Thánh, lại vừa thể hiện lòng bao dung nhân ái noi gương Mục Tử Giê-su, thì có lẽ đã không đẩy chàng thanh niên ngang bướng nói trên đến chỗ bất mãn và lìa bỏ Hội Thánh.

4. SUY NIỆM:

1) BỆNH VÔ CẢM CỦA CON NGƯỜI THỜI NAY:
Theo kết quả khảo sát mới đây của viện Quốc tế Gal-lup thì Việt Nam là nước đứng thứ 13 trên thế giới về tệ nạn vô cảm. Thực hư của cuộc khảo sát thế nào chưa rõ, chỉ biết rằng rất nhiều câu chuyện vô cảm đã được báo chí Việt Nam ghi nhận và được đăng trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều hơn: Chuyện mấy nữ sinh tuổi teen đánh nhau được bạn bè đứng chung quanh thay vì can ngăn, lại nhiệt tình cổ vũ kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu; Chuyện bác sĩ có thái độ tắc trách đã không cấp thời cứu chữa nạn nhân, chỉ vì người nhà chưa kịp nộp viện phí; Chuyện cô bảo mẫu bạo hành trẻ thơ được cha mẹ nhờ cậy chăm sóc, đã gây phẫn nộ trong cư dân mạng… Những điều này khiến người ta không khỏi bàng hoàng về sự suy đồi đạo đức và sự vô cảm của xã hội Việt Nam hôm nay. Sự vô cảm còn được nhân lên khi có những người bán trái cây hám lợi đã sẵn sàng ngâm trái cây vào thùng hóa chất có thể gây ung thư, để hoa quả mau chín; Chuyện chủ trại heo cho bơm nước vào heo sắp xuất chuồng, người nuôi tôm bơm thạch vào tôm để tăng cân hầu kiếm lời nhiều hơn… Các hành vi đó chính là tội ác, vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần bị xã hội lên án. Nhất là thái độ vô cảm còn thể hiện rõ nét qua hành động dã man của tài xế xe tải sau khi gây tai nạn, đã lùi xe lại cán chết nạn nhân bị thương đang nằm bên đường, với hy vọng sẽ bị đền bù thiệt hại ít hơn...

2) MỤC TỬ GIÊ-SU “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”:
Trong Tin Mừng hôm nay, sau chuyến đi thực tập truyền giáo trở về, các môn đệ đã vui mừng thuật lại những thành quả các ông đã đạt được cho Đức Giê-su nghe, mà không nghĩ đến việc ăn uống nghỉ ngơi cho lại sức. Trái tim mục tử Giê-su biết các ông cần được nghỉ ngơi, nên bảo: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Nhưng khi thầy trò lên thuyền, dân chúng đoán ra nơi các ngài sắp đến, đã đi bộ theo đường vòng quanh bờ hồ và đã đến nơi trước các ngài. Khi thuyền cập bến, thấy dân chúng đã tụ họp đông đảo chờ đón, Đức Giê-su liền động lòng thương, vì họ giống như “đàn chiên không người chăn dắt”, và Người lại tiếp tục giảng dạy và chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của họ.
Trong thời gian giảng đạo, Đức Giê-su luôn tỏ tình yêu thương mọi người, nhất là những người bất hạnh nghèo khổ, bệnh tật và tội lỗi… bị xã hội khinh thường. Người đã thể hiện tình thương bằng việc sẵn sàng vượt qua Luật Mô-sê để chữa bệnh trong ngày hưu lễ Sa-bát. Người không sợ bị ô uế theo Luật khi đặt tay trên đầu các bệnh nhân phong cùi để chữa lành, sẵn sàng để người phụ nữ bị bệnh băng huyết chạm vào áo mình… Người cũng nặng lời quở trách thái độ giả đạo đức và thiếu khoan dung của các đầu mục dân Do thái đương thời như sau: ”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình…” (Mt 23,23tt); "Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát." (Mc 2,27-28). Theo Đức Giê-su thì luật trọng nhất mà mọi người phải tuân giữ là sống yêu thương.

3) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÁI ĐỘ VÔ CẢM CỦA MỘT MỤC TỬ:
PRI-MƠ-NĂNG (Premanand) là một Ki-tô hữu thuộc tầng lớp quí tộc Ấn Độ, đã ghi lại một kinh nghiệm truyền giáo của ông trong cuốn tự thuật sau: “Từ xưa đến nay, sứ điệp được các tín hữu chúng ta nói với anh em lương dân là: “Thiên Chúa luôn ưu ái quan tâm đến hết mọi người. Tôi có một số kinh nghiệm về vấn đề này như sau: Bản thân tôi hay bất cứ ai trong số các linh mục tu sĩ khi giao tiếp với người Ấn Độ có trình độ cao, theo đạo rồi hay chưa, mà lại từ chối không muốn tiếp xúc… với lý do không có giờ rảnh, hoặc sắp đến giờ cơm hay giờ nghỉ trưa … thì sau đó chắc chắn tôi sẽ bị mất liên lạc với người ấy, vì họ sẽ bất mãn bỏ đi và không bao giờ trở lại nữa !”.
Ông cũng thuật lại câu chuyện về lối ứng xử quan liêu của một vị giám mục người ngoại quốc thuộc giáo phận Băng-gan nước Ấn Độ, đã gây hậu quả tệ hại như sau: Một hôm, ông PĂNG-ĐI VI-ĐI-SA-GA (Pandit Vidyasagar), sáng lập viên trường cao đẳng Ấn Độ, là nhà cải cách giáo dục và xã hội có tiếng. Ông được các người theo Ấn giáo ở Can-quít-ta (Calcutta) cử đi thăm viếng để giao hảo với cộng đồng Giáo Hội Công Giáo mà vị giám mục là đại diện. Nhưng sự việc đã xảy ra hôm đó thật đáng tiếc: Vị giám mục đã không trực tiếp ra gặp gỡ phái đòan, mà chỉ sai linh mục thư ký tiếp xúc qua loa, khiến ông PĂNG-ĐI ra về với tâm trạng bất mãn vì nghĩ mình bị coi thường. Sau đó, ông ta đã thành lập một đảng phái tôn giáo lớn, gồm nhiều thành phần xã hội ở Can-quít-ta như quí tộc, trí thức, những người giàu có nhiều thế lực … Đảng này thề chống lại Hội thánh Công Giáo, và tìm cách ngăn chặn việc truyền giáo tại nước Ấn Độ.

4) LÀM GÌ ĐỂ NÊN MỤC TỬ NHÂN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU?:

a) Ân cần phục vụ:
Mỗi người chúng ta, đặc biệt là những ai có nhiệm vụ chăm sóc cộng đòan, tuy cần tổ chức sinh họat theo thời khóa biểu hợp lý, nhưng vẫn phải dành ưu tiên cho sứ mệnh loan báo Tin mừng. Cần tránh lối hành xử quan liêu, cứng nhắc và thiếu bác ái của bọn Biệt Phái khi xưa… vì dễ gây bất mãn cho anh em lương dân khi có dịp tiếp xúc với chúng ta.
Noi gương Đức Giê-su vị Mục Tử giàu lòng từ bi thương xót, các mục tử hôm nay cần phải ân cần phục vụ như: Sẵn sàng gặp gỡ các khách từ phương xa đến dù không có lịch hẹn trước; Sẵn sàng ban phép giải tội cho các hối nhân xin xưng tội ngoài giờ quy định; Sẵn sàng đi thăm kẻ liệt khi có bệnh nhân đau nặng vào giờ nghỉ trưa hay vào lúc đêm khuya…

b) Cảm thông phục vụ:
Đức Giê-su luôn tỏ thái độ cảm thông với nỗi đau của tha nhân: Người đã khóc thương thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt (x. Lc 19,44); Người cảm thông khi nghe tiếng khóc của một bà mẹ góa đang đi chôn đứa con trai duy nhất tại cửa thành Na-in và Người đã phục sinh anh ta (x. Lc 7,11-17); Người đã khóc thương người bạn thân La-gia-rô mới chết và chôn cất trong mồ được bốn ngày và truyền cho anh trỗi dậy ra khỏi mồ (x. Ga 11,1-14)… Đức Ma-ri-a cũng có thái độ cảm thông với đôi tân hôn trong bữa tiệc cưới tại thành Ca-na. Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn khi mở miệng xin Đức Giê-su làm gì để giúp đỡ họ (x.Ga 2,3).
Mỗi tín hữu chúng ta hôm nay cũng cần tỏ thái độ cảm thông với nỗi đau của tha nhân như lời thánh Phao-lô: ”Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Riêng các mục tử cần có thái độ cảm thông và sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với đàn chiên được Chúa trao phó, nhất là với những cộng tác viên của mình.

c) Dấn thân phục vụ:
Đức Giê-su đã luôn quên mình để phục vụ tha nhân: Người sẵn sàng đến nhà ông trưởng hội đường tên là Giai-rô để chữa bệnh cho con gái ông sắp chết (x. Mc 5,21-24.35-43); Sẵn sàng đi đến nhà viên đại đội trưởng ngọai giáo để chữa bệnh cho đầy tớ của ông ta; Người sẵn sàng bỏ chương trình nghỉ ngơi để tiếp tục thi hành sứ vụ rao giảng như Tin Mừng đã ghi lại…
Để có thể luôn quan tâm phục vụ noi gương Đức Giê-su thật không dễ chút nào. Chỉ những ai có tình thương yêu tha nhân thực sự, mới sẵn sàng dấn thân quên mình phục vụ như vậy. Riêng các mục tử cần tận tình hướng dẫn các đôi hôn phối gặp hoàn cảnh bất thường, giúp họ đủ điều kiện theo giáo luật để cử hành hôn lễ tại nhà thờ, hầu được an tâm sống đạo…

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hiểu biết, cảm thông và chia sẻ nỗi đau của tha nhân, chính là bổn phận của mỗi tín hữu, đặc biệt là các mục tử hôm nay. Ơn gọi của chúng con là trở nên khí cụ bình an của Chúa; Là đi bước trước đến với tha nhân, hiểu biết cảm thông với những nỗi đau và nguyện vọng của họ, để sẵn sàng phục vụ với lòng thương xót noi gương Chúa xưa. Xin hãy mở mắt chúng con để nhìn thấy những người đang đói cơm bánh vật chất, đang khát nghe giảng Tin Mừng, để sẵn sàng đáp ứng với hết khả năng của mình. Xin giúp chúng con luôn biết “chạnh lòng xót thương” để nên giống Chúa là Đấng từ bi bao dung nhân hậu, nhờ đó chúng con sẽ tích cực góp phần, đưa được nhiều người về làm con Chúa trong gia đình Hội thánh.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Chúa chăm sóc đoàn chiên Chúa
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:21 14/07/2021
Chúa chăm sóc đoàn chiên Chúa

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI – B

(Mc 6, 30 – 34)

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã tạo dựng và chăm sóc con người, nhất là luôn muốn con người không những sống mà còn sống dồi dào trong tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Ngài không muốn con người phải hư mất hay bị diệt vọng, nhưng muốn con người đạt tới cùng đích là sống viên mãn tràn đầy.

Chúa là mục tử chúng ta là chiên

Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia nói : “Các ngươi là chiên của Ta. Các ngươi, những phàm nhân kia, các ngươi là chiên trong đồng cỏ của Ta. Và Ta là Thiên Chúa của các ngươi” (Ed 34,31). Thiên Chúa tự ví mình là " mục tử, người chăn chiên" và dân Israel được Chúa chọn là chiên của Chúa. Hình ảnh thật là đẹp.

Thánh Vịnh 22 tán tụng Thiên Chúa, Mục Tử nhân lành, lo cho đoàn chiên có cỏ non, nước ngọt và bóng mát, che chở chiên khỏi sói dữ và quân trộm cướp. Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm rằng, được sống dưới sự chăn dắt của Chúa thì sẽ không thiếu chi và không còn phải sợ gì : “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng” (Tv 22, 1-3). Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Chúa là Mục Tử tốt lành, đầy yêu thương và trách nhiệm. Ngài luôn chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và làm cho đàn chiên ngày càng phát triển. Tình mục tử của Thiên Chúa không đơn giản là thương cảm đối với sự khó khăn của con người, nhưng là thái độ của một Vì Thiên Chúa đối với con người và lịch sử của loài người.

Chúng ta được Chúa chăm sóc và bảo vệ

Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân : “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số” (Gr 23, 3). Chúa luôn bảo vệ giữ gìn. Chúa đặt một số người gọi là mục tử để trực tiếp thay Chúa chăn dắt đoàn chiên. Những người này sống nhờ đoàn chiên cho sữa, thịt, len, nên bổn phận đầu tiên là phải biết chăm lo cho chiên khỏe mạnh, có đủ đồng cỏ xanh tươi và nước mát, cũng như những điều kiện cần thiết cho chiên. Họ thừa lệnh của Chúa lo cho dân Chúa, và phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, chứ không phải là kẻ có toàn quyền muốn làm gì thì làm, tác oai tác quái thế nào cũng được.

Thức tế, có những người không chu toàn nhiệm vụ cao quý này nên Chúa mới mạnh mẽ quở trách: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi...” (Ed 34,2-7).

Vì muốn bảo vệ đoàn chiên, Chúa phán thế này: “Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,8-10).

Tình mục tử ấp ủ đoàn chiên. Thiên Chúa không đành để chiên tan tác, chính Ngài gửi Đấng Cứu Thế đến trực tiếp chăm sóc chiên : “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều...Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực…Chồi non của nhà Đavít ấy là Đức Giêsu Kitô”, Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống cho đàn chiên, chịu sát tế để cứu chuộc nhân loại.

Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành

“Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34).

Cảnh đàn chiên không người chăn giống như “rắn mất đầu” là tình trạng khủng hoảng, nô lệ cho những lạc thuyết, làm mồi ngon cho những xu hướng xấu và tệ nạn. Không có Chúa Kitô, Vị Mục Tử dẫn đầu, Giáo Hội sẽ mất phương hướng, dễ lầm lạc, sợ hãi, kinh hoàng, thiếu sự chăm sóc, yêu thương, bị đe dọa bởi nanh vuốt của sói dữ, kẻ thù. Không được chăn dắt, điều đó cũng đồng nghĩa với việc “không được giáo dục” và trở thành mồi ngon cho những thù địch. Ma quỷ, thế gian, xác thịt luôn là những kẻ thù nhạy bén, chắc chắn sẽ không buông tha đàn chiên và chúng sẽ tìm mọi cách để xâu xé, hãm hại đoàn chiên.

Chúa Giêsu xuất hiện như hiện thân của sự quan tâm, ân cần của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người hiểu rõ tình trạng khốn khổ của đàn chiên không có chủ chăn “Chúa động lòng thương”. Chúa dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, gần bên suối mát để chiên được no thỏa uống tận nguồn suối nước trường sinh.

Không có Chúa Kitô hướng dẫn, chúng ta không thể tìm được hướng đi đúng. Xa Chúa Giêsu và lìa khỏi tình yêu của Người, chúng ta sẽ đánh mất chính mình. Có Chúa Giêsu ở bên, chúng ta có thể tiến bước một cách chắc chắn, vượt qua các thử thách, tiến lên trong tình yêu. Hãy an tâm, vì Chúa luôn chăm sóc giữ gìn, không đành để mất một ai, miễn sao chúng ta biết luôn lắng nghe theo tiếng Chúa.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:49 14/07/2021

32. Ma quỷ không tấn công người dị giáo, bởi vì họ đã trở thành phụ thuộc và nô lệ cho chúng nó rồi; ma quỷ cũng không quấy rầy những giáo hữu xấu, bởi vì họ đã đầu hàng ma quỷ; ma quỷ thích tấn công những người khảng khái hoàn toàn thờ phượng Thiên Chúa.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:54 14/07/2021
100. TOÀN THÂN LÀ BÙN

Ngày nọ vừa tan lớp học đêm, Địch Bố Trần đi tắm trong hồ Tam Khê, nhìn thấy thầy giáo đi đến, bèn móc bùn trong hồ trét đầy mặt mũi toàn thân. Thầy giáo thoạt nhiên vừa thấy thì kinh hãi, sau nhìn kỷ thì biết đó là Địch Bố Trần, bèn hỏi:

- “Con tắm rữa là đúng rồi, tại sao lại đem bùn trét toàn thân vậy?”

Nó trả lời:

- “Con như bùn không có mặt mày, nếu như trong nước chui ra nào rùa, nào ba ba, thì có thể nhận ra con!”

Thầy giáo dở khóc dở cười.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 100:

Tắm là dùng nước để rửa sạch bụi bặm trên người, chứ không phải lấy bùn đất để bôi lên người, chỉ có những người nghịch ngợm hoặc…điên mới làm như thế.

Bùn thì không có mặt mày, nhưng khi bôi lên mặt thì nổi lên khuôn mặt xấu xí không ai nhận ra được. Cũng vậy, bà con anh em bạn hữu cũng sẽ không nhận ra chúng ta, khi chúng ta lấy bùn kiêu ngạo trét lên mặt, lấy bùn ghét ghen bôi lên mặt của mình…

Cứ mỗi lần đi xưng tội là người Ki-tô hữu “tắm” mình trong tình thương yêu của Thiên Chúa, linh hồn họ được ơn sủng của Thiên Chúa tẩy rửa sạch sẽ những vết nhơ do tội lỗi đem đến, và qua bí tích Hòa Giải này, họ được giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em, và sẽ được Thiên Chúa “nhận ra” trong ngày phán xét.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng Ngài cũng sẽ không nhận ra được chúng ta, khi chúng ta lấy bùn lầy tội lỗi bôi lên mặt mình…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đức Giêsu, Đấng luôn chạnh lòng thương
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
20:58 14/07/2021
Đức Giêsu, Đấng luôn chạnh lòng thương

(Gợi ý giảng lễ Chúa nhật 16 TNB)

Lúc này đây, trên toàn thế giới, nhất là tại Việt Nam, mọi người đang phải oằn mình và mệt mỏi để chống chọi với Đại Dịch Vũ Hán. Tình hình diễn biến Đại dịch ngày càng gia tăng con số nhiễm bệnh và tử vong. Điều này làm cho con người không những thiếu thốn đủ mọi thứ: ngoài việc phải ngưng nghỉ công việc, nhu yếu phẩm ít ỏi, bệnh viện hết chỗ cho các bệnh nhân F0, lương thực thực phẩm sẽ thiếu hụt trong nay mai,…mà mỗi người đang phải sống trong trạng huống hoang mang, lo sợ, chán nản và mất hết tinh thần. Trong bối cảnh này, là người tín hữu, chúng ta chỉ biết chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa để xin Ngài thương đến nhân loại, nhất là những nơi đang bị dịch bệnh hoành hành và nếu đẹp ý Ngài, xin Ngài mau chấm dứt cơn Đại dịch gớm giếc này hầu mọi người trở lại cuộc sống bình an và hạnh phúc. Trong nhãn quan đức tin, chúng ta tin rằng hơn bao giờ hết Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô cũng đang nhìn thấy cảnh lầm than khốn khổ của con người và Ngài cũng đang chạnh lòng thương tới hết thảy chúng sinh. Chúa nhật 16 thường niên B hôm nay như lời trấn an cho mỗi chúng ta đang sống trong bối cảnh này. Chính Đức Giê-su đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng đông đúc như đàn chiên không có người chăm sóc. Hôm nay, Ngài cũng đang chạnh lòng thương mỗi chúng ta khi chúng ta đang đối diện với gian nan khốn khổ bởi Đại dịch Covid-19 này.

Quả thật, Thiên Chúa là tình yêu. Là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, Ngài luôn mong muốn cho con người được sống và được hạnh phúc luôn mãi. Nên, Ngài đã có nhiều phương cách để giúp con người đạt tới ơn cứu độ, qua việc dùng các trung gian đến an ủi, chăm sóc, và nâng đỡ con người khi con người gặp tai ương hoạn nạn. Ngài là Mục tử nhân lành luôn mong cho đàn chiên của mình luôn được ấm no và đông đủ. Nơi Bài đọc I đã minh định điều đó: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng.” (Gr 23, 3-4). Chính Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su đã thi thố tình yêu kỳ diệu của Ngài trên dân Ngài. Thiên Chúa vô hình được hiện diện hữu hình nơi Ngôi Lời Nhập Thể để chạnh lòng thương trong mọi hoàn cảnh và đối với tất cả mọi người. Ngài gặp người mù, người mù được sáng vì Ngài yêu thương. Ngài gặp kẻ bại liệt, kẻ ấy liền đứng dậy vác chọng mà đi nhờ quyền năng yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su. Ngài gặp người phong cùi, vì yêu thương, Ngài không xa lánh nhưng gần gũi và đụng chạm lấy anh ta, cuối cùng anh ấy được khỏi bệnh. Ngài yêu thương người cha của đứa con gái vừa mới chết và xác nhận niềm tin chắc chắn của người cha để rồi đứa con được cứu sống. Vì tin vào quyền năng của Đức Giê-su và tình yêu chữa lành của Thiên Chúa, người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã được khỏi bệnh.

Hơn nữa, chạnh lòng thương nơi Đức Giê-su khi Ngài thực sự nhìn thấy đám đông như bầy chiên không người chăm sóc. (Mc 6, 34). Sự lưu tâm và để ý đến thân phận con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Không thể không chạnh lòng thương đối với con người được, vì bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Mà vì yêu nên “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Một khi đã được ban cho con người vì tình yêu, Đức Giê-su không thể không thực thi tình yêu, không thể không chạnh lòng thương đối với con người. Vì thế, nhìn thấy con người gặp đau khổ và gian nan, là đương nhiên Đức Giê-su phải biểu lộ sự cảm thông và sự quan tâm ngay mà không chần chừ và lưỡng lự.

Đặc biệt đối với những kẻ bé mọn, những kẻ khiêm nhường, những kẻ nghèo đói, bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị loại ra khỏi lề xã hội, những người tội lỗi, Chúa Giêsu càng phải chạnh lòng thương họ hơn bao giờ hết. Vì Ngài đã phán: “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn.”(Lc 5,32). Ngài chạnh lòng thương khi thấy họ vất vả, mang gắng nặng nề. Ngài chạnh lòng thương họ khi mời họ hãy mang lấy ách của Ngài và hãy học lấy sự hiền lành cũng như sự khiêm nhường của Ngài. (x. Mt 11,28-30). Ngài chạnh lòng thương khi dân chúng sai đường lạc lối và mong muốn họ hãy đi theo Ngài vì Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. (x.Ga 14,6). Ngài chạnh lòng thương khi thấy các môn đệ buồn bã, thất vọng sau khi mất Thầy, Ngài đến đồng hành, an ủi, trấn an, giải thích Lời Chúa và cùng bẻ bánh với họ. (x.Lc 24,13-35). Ngài chạnh lòng thương các môn đệ khi các ông vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào và Ngài đã cho thu được những mẻ cá lạ lùng. (x.Lc 5,1-11). Ngài chạnh lòng thương khi các môn đệ phải đi ngược gió khi lái thuyền và Ngài đã làm cho gió yên biển lặng. (x.Mt 8,23-27). Ngài chạnh lòng thương khi các môn đệ bỏ thầy mà đi khi thầy bị bắt. Ngài chạnh lòng thương đối với Phêrô, khi chối thầy ba lần và ánh mắt nhân từ cũng như tha thứ của Ngài đã làm cho Phêrô khóc lóc ăn năn. (x.Lc 23,61-62).

Ngoài ra, Đức Giê-su còn chạnh lòng thương đối với những thành đã được nghe lời giảng cũng như chứng kiến các phép lạ mà không chịu ăn năn hối cải.(x.Mt 11,20-24). Ngài chạnh lòng thương đối với dân làng, quê hương khi không đón nhận Ngài.(x.Lc 4,24-30). Ngài chạnh lòng thương đối với những người cứng đầu cứng cổ không chịu tin vào Ngài. Ngài chạnh lòng thương và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài. (x.Lc 23,34) Ngài chạnh lòng thương khi trao ban Đức Mẹ cho thánh Gioan và trao Gioan cho Đức Mẹ.(x.Ga 19,25-27). Ngài chạnh lòng thương đối với nhân loại khi sẵn sàng chịu chết trên cây Thập giá. (x.Mt 26,36-46). Ngài chạnh lòng thương khi trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ cho nhân loại. (x.Ga 14,15-21). Ngài chạnh lòng thương khi trao Mình Máu của Ngài cho con người để con người được sống đời đời. (x.Ga 6,41-51). Ngài chạnh lòng thương nên không muốn cho nhân loại mồ côi. Ngài chạnh lòng thương nên Ngài sẵn sàng dạy dỗ họ trong mọi nơi mọi lúc. Ngài chạnh lòng thương nên Ngài không nghĩ cho riêng mình nhưng trao ban tất cả cho muôn người.

Thật vậy, thay vì tìm nơi để Thầy trò nghỉ ngơi nhưng không, vì thương đám đông như đoàn chiên không người chăn dắt nên Thầy trò lại tiếp tục giảng dạy Lời Chúa cho họ. (x.Mc 6,34). Họ tìm đến với Chúa Giê-su vì họ đang khát Lời Chúa và sự bình an. Tình yêu nơi Thầy Giê-su không ngưng nghỉ nhưng là luôn luôn sẵn sàng trao ban ở mọi nơi mọi lúc miễn sao cho con người được sống và sống dồi dào.(x.Ga 10,10). Ngài chạnh lòng thương khi biết nối kết sự hiệp nhất như Thánh Phaolô đã khẳng định trong Bài đọc 2: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” (Ep 2,14-16).

Quả thật, cho dù Đức Giê-su là hình ảnh chạnh lòng thương của Thiên Chúa ở với nhân loại, nhưng Ngài vẫn chờ đợi sự đáp trả của con người. Vì thế, Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Ngài luôn chạnh lòng thương nhưng con người có đón nhận được hay không là tuỳ thuộc vào sự cộng tác của con người. Như dân chúng trong Tin mừng hôm nay đã tìm gặp Đức Giê-su bằng mọi cách mà không ngại khó ngại khổ, kết quả là họ đã được Đức Giê-su tiếp nhận và được lắng nghe những lời giảng dạy đầy bình an của Ngài. Như vậy, ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su chỉ đến được với con người khi con người khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình và nỗ lực tìm kiếm. Tôi có thực sự được Chúa chạnh lòng thương không? Tôi đang ở trong tình trạng nào để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa: khiêm tốn tìm gặp Chúa hay kiêu căng loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Ngày 16/7: Con Người cũng là chủ ngày sabbat. Suy niệm: Linh mục Vũ Ngọc Tuyển, CSsr.
Giáo Hội Năm Châu
22:37 14/07/2021

Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều 15-July-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 12, 1-8

“Con Người cũng là chủ ngày sabbat”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”. Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.

Đó là lời Chúa.
 
Ách êm ái
Lm. Minh Anh
23:11 14/07/2021
ÁCH ÊM ÁI
“Ách Tôi êm ái; gánh Tôi nhẹ nhàng!”.

Tại một phiên chợ, không cầm lòng nổi trước một cô bé nô lệ, Abraham Lincoln mua cô về. Cô gái lo sợ nghĩ rằng, ông chủ da màu này, rồi cũng hành hạ mình. Thế nhưng, trên đường đi, Lincoln thì thầm với cô, “Con sẽ được tự do!”. Cô gái không tin vào tai mình, “Ông nói gì? Như vậy, tôi muốn làm gì, nói gì, đi đâu tuỳ ý?”. Lincoln đáp, “Đúng thế!”. Cô bé nói, “Nếu vậy, con xin đi với ông!”. Về sau, Lincoln là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ngày 15/4/1865, ông bị ám sát; bên linh cữu ông, một thiếu nữ da màu xinh đẹp sụt sùi; báo chí cho biết, cô là con nuôi của vị tổng thống!

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Lincoln đã cất cái ách nô lệ của cô bé, tặng trao cô tự do; thì Thiên Chúa lại càng muốn ban tự do cho dân Ngài và chúng ta biết bao! ‘Hai cái ách, một chân lý’, đó là những gì chúng ta sẽ đọc thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Một ‘ách nặng nề’ kéo con người xuống; một ‘ách êm ái’ nâng con người lên; và đây là chân lý, Thiên Chúa muốn cất những cái ách tỳ đè đó; Ngài muốn điều đó hơn chính nó muốn! Ngài còn muốn con người mang lấy ách của Ngài để có thể ‘bay lên’ tận Ngài, vì “Ách Tôi êm ái; gánh Tôi nhẹ nhàng!”.

Với chúng ta, “cái ách” là một thuật ngữ Tin Mừng quen thuộc. Theo nghĩa đen, vật dụng bằng gỗ này được buộc lỏng trên cổ con vật, kèm theo những sợi dây để con vật có thể kéo một cỗ xe, cày bừa, hay một vật nặng; theo nghĩa bóng, ‘cái ách’ biểu hiện kiếp sống nô dịch, mất tự do. Bài đọc Xuất Hành nói đến ‘ách nặng nề’ đang đè ‘lên cổ’ dân Chúa, khi Pharaô bắt con cái Giacóp sống kiếp nô lệ, đúc gạch xây đền. Thiên Chúa, Đấng mà Thánh Vịnh đáp ca nói, “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi” đã không thể cầm lòng trước lời ta thán của dân, Ngài nhất định cất bằng được cái ách tủi nhục đó khỏi họ. Vì thế, Thiên Chúa đã sai Môisen đến với dân, nhân danh Ngài, nói cho họ biết, này đây, chính Thiên Chúa các tổ phụ của họ sẽ giải thoát họ khỏi Ai Cập. Ngài sẽ đưa họ vào Đất Hứa, đất chảy sữa và mật; ở đó, Ngài sẽ ban cho họ lề luật như một ách mới, ‘ách êm ái’ để “Danh Ngài được ghi nhớ qua mọi thế hệ cho đến muôn đời!”.

Với bài Tin Mừng, sau khi mời gọi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng đến với Ngài, những ai bị ách tội lỗi, bệnh tật, nghi ngờ, thù ghét… đè bẹp, Chúa Giêsu đề nghị họ mang lấy ách của Ngài và học với Ngài vì ách Ngài êm ái; gánh Ngài nhẹ nhàng. Suy gẫm lời này, thánh Augustinô ví von cái ách của Chúa Kitô với đôi cánh của một con chim; đôi cánh thật lớn so với cơ thể của chim. Kết quả là, nếu ai đó cho rằng, việc loại bỏ đôi cánh sẽ giúp cuộc sống của chim dễ dàng hơn, giúp chúng thoát khỏi trọng lượng dư thừa, thì một hành động như thế sẽ có tác dụng giữ chúng dính chặt trái đất; nhưng nếu trả lại đôi cánh cho chúng, ‘ách êm ái’ sẽ cho phép chúng bay vút lên bầu trời. Như vậy, nếu chấp nhận lời mời làm tôi Thiên Chúa, phụng sự Ngài, chấp nhận mang ‘ách êm ái’ của Ngài, Ngài sẽ lấy khỏi chúng ta chiếc ách tội lỗi, các tính hư nết xấu vốn luôn kéo chúng ta xuống; thay vào đó, Ngài gắn cho chúng ta đôi cánh êm ái của Ngài; chúng ta sẽ nên như Ngài và sẽ khám phá ra rằng, hành động này sẽ chiếu sáng, làm tươi mới và tiếp thêm sinh lực cho chúng ta. Phụng sự Thiên Chúa là đôi cánh mà vì đó chúng ta được tạo thành, như loài chim được tạo ra để bay lên nhờ đôi cánh. Vậy, nếu cởi bỏ ách phụng sự Thiên Chúa khỏi cuộc đời, chúng ta sẽ bị kéo xuống như chim cụt cánh, không bao giờ hoàn thành mục đích đời mình.

Anh Chị em,

Mang lấy ‘ách êm ái’ của Thiên Chúa là đi theo Chúa Kitô như cô bé da màu đi theo chủ mới, là sống cuộc sống mới được biến đổi nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Chúa Kitô đã phục vụ và hiến dâng mạng sống cho Chúa Cha và cho nhân loại; cũng thế, chúng ta hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân như Ngài, bằng cách cho phép Ngài hoạt động bên trong chúng ta với ân sủng tình yêu và tự do của Thánh Thần. Chúa Kitô và sự hiến thân của Ngài phải là động lực và nền tảng của đời sống chúng ta; Thánh Thể Ngài và Lời Ngài phải là sức mạnh cuốn hút và là lực đẩy chúng ta tiến về phía trước. Để từ đó, Vương Quốc Nước Trời được rộng mở qua chúng ta, qua những người chúng ta truyền lửa và tặng trao họ ‘ách êm ái’ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, xin dạy con mang lấy ‘ách êm ái’ là đôi cánh hồng ân Chúa ban; từ đó, con có thể bay lên mỗi ngày, bay tận thánh nhan, mang theo các linh hồn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông báo về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha tối thứ Tư 14/7
Đặng Tự Do
06:19 14/07/2021


Lúc 2g trưa ngày thứ Tư 14 tháng 7, theo giờ địa phương Rôma, tức là 7 chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời bệnh viện Gemelli vào lúc 10g 30 sáng thứ Tư, để trở về Vatican. Trên đường về Đức Thánh Cha đã đến thăm Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trước khi trở về Vatican ngay trước 12 giờ trưa.

Tại Đền Thờ Đức Bà Cả, ngài bày tỏ lòng biết ơn về sự thành công của ca phẫu thuật và dâng lời cầu nguyện cho tất cả những bệnh nhân, đặc biệt là những người ngài đã gặp trong thời gian nằm viện.


Source:Vatican News
 
Điện văn của Đức Thánh Cha gởi Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq về vụ hỏa hoạn khiến hơn 92 bệnh nhân coronavirus thiệt mạng
Đặng Tự Do
06:19 14/07/2021


Theo các báo cáo ban đầu, ít nhất 92 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại Bệnh viện Al-Hussein hôm thứ Hai 12 tháng 7.

Theo các cuộc điều tra sơ khởi, một vụ nổ bình ôxy trong khu điều dưỡng là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ. Ngọn lửa tàn khốc đã được kiểm soát bởi các lính cứu hỏa, nhưng trước đó ít nhất 92 người đã chết và hàng trăm người khác bị thương. Thông tin từ Baghdad lo ngại con số thương vong sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha gởi bức điện sau cho Đức Tổng Giám Mục Mitja Leskovar, Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq.

Kính gởi Đức Tổng Giám Mục Mitja Leskovar

Sứ thần Tòa thánh tại Iraq

Baghdad


Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời bảo đảm về sự gần gũi tinh thần của ngài đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm tại khu cách ly Covid của bệnh viện al-Hussein ở Nasiriyah. Vô cùng đau buồn, ngài cầu nguyện đặc biệt cho những người đã thiệt mạng và sự an ủi cho gia đình và bạn bè của họ, những người đang thương tiếc sự mất mát này. Ngài cầu xin phép lành, ơn an ủi, sức mạnh và bình an của Thiên Chúa cho các bệnh nhân, nhân viên y tế và những người chăm sóc.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh



Source:Holy See Press Office
 
Dòng Brigitta Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội
Benjamin Mersch & Joseph Nguyễn Văn Thống
07:55 14/07/2021
Dòng Brigitta Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội

Một nữ quý tộc trẻ sống ở thế kỷ 14 vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống Giáo Hội hôm nay thông qua hội dòng cô thành lập vào năm 1344. Du khách đến Roma nghỉ tại Casa di Santa Brigida ở góc tây bắc của quảng trường Farnese, cách Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với khoảng 15 phút đi bộ, có cơ hội không chỉ trải nghiệm lòng hiếu khách của các Sơ dòng Brigitta, nhưng còn có thể ghé thăm phòng của thánh nữ Brigitta, nơi có thể nhìn thấy thánh tích của Thánh Brigitta cũng như thăm nhà nguyện dành riêng cho con gái yêu quý của Chị, Thánh Catherine của Thụy Điển. Tu viện này cũng có mối liên hệ với một vị thánh thứ ba, Thánh Maria Elizabeth Hesselbald, người đã tái thiết lâp Dòng Đấng Cứu Chuộc của Thánh Brigitta.

Đặc sủng chính của Dòng Brigitta là tinh thần sám hối và chiêm niệm để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo hội, trong khi các nữ tu sống chung trong đời sống cộng đoàn. Một trong những điều đầu tiên mà ai đó sẽ chú ý về các chị em Dòng Brigitta là chiếc mũ đội đầu đặc biệt giống như một chiếc vương miện, bao gồm các dải màu trắng trên vải đen hình chữ thập nối với dải màu trắng với các điểm đánh dấu màu đỏ ở các giao lộ. Những vết đỏ này chỉ ra năm vết thương của Chúa chúng ta trên thập tự giá. Đỉnh của chiếc mũ thể hiện năm vết thương của Chúa Kitô. Vải trùm đầu màu đen biểu hiện cho cái chết của các nữ tu đối với những điều của thế gian này, vành đai màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch, và tu phục màu xám tượng trưng cho sự sám hối.

Mẹ Tổng Quyền Fabia Kattakayam cho biết Thánh Brigitta có lòng sùng kính đặc biệt về mầu nhiệm Thương khó của Chúa Kitô và Ngôi Lời Nhập Thể. Thánh Brigitta sinh năm 1303 tại Thụy Điển trong một gia đình quý tộc có đạo, và gia đình giữ một vị thế quyền lực chính trị vào thời điểm đó. Chị Thánh kết hôn khi mới 13 tuổi do ý muốn của cha mình.

Ngay cả khi còn trẻ, thánh nhân đã tỏ lộ mối liȇn hệ mật thiết của mình đối với Chúa. Năm lên 7 tuổi, Chị Thánh nhận được thị kiến Đức Trinh Nữ Maria trao cho mình một vương miện. Lúc lên 10 tuổi, trong khi nghe bài giảng Mùa Chay, Chị đã được một thị kiến khác về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Thánh nữ hỏi: ai đã gây ra những thương tích này cho Người? Chúa Giêsu trả lời, "Hậu quả đó là do chính những người từ chối tình yêu của ta." Sau cái chết của chồng, Chị Thánh đã nghe được lời mời gọi của Chúa để trở thành hiền thê của Chúa Giêsu.

Chị lên đường đến Roma và cứ trú tại tu viện Xitô tại Alvastra trong hai năm để phân định thánh ý Chúa. Mục đích đầu tiên đã thúc đẩy Chị đi đến Roma là để thuyết phục Đức Giáo Hoàng ở Avignon trở về Roma và để mở năm Thánh vào năm 1350.

Chị nhận ra lời mời gọi của Chúa để thành lập một Dòng Tu mới vào năm 1349 và vào năm 1370 chị Thánh nhận được sự chấp thuận để thiết lập tu viện. Trong số tám người con của Thánh Nữ Brigitta, có Thánh Catherine, đã theo mẹ vào dòng tu và là nữ tu viện trưởng đầu tiên. Theo một cuốn sách về cuộc đời của Thánh Maria Elizabeth Hessebald, trước khi qua đời, Thánh Brigitta đã gửi gắm cho Thánh Catherine, người con gái của mình, lời nhắn nhủ rằng: “Con hãy kiên nhẫn và giữ thinh lặng.”

Vị thánh thứ ba gắn kết với tu viện Casa di Santa Brigida là Thánh Maria Elizabeth Hesselbald. Chị Thánh bắt đầu cuộc hành trình của mình sau khi đọc lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiêp nhất nên một trong Tin Mừng của Thánh Gioan chương 17. Thánh Maria Elizabeth Hesselbald sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo Đạo Tin Lành. Năm lên 17 tuổi, Thánh nữ di cư đến Hoa Kỳ và cố gắng phân định ơn gọi của mình và mong tìm kiếm được Đức Tin đích thực. Chị Thánh đã tham gia vào các nhóm từ thiện khác nhau và cuối cùng chị đã hiểu ra rằng chị được mời gọi đến với Đức Tin Công Giáo. Cuối cùng vào năm 1909, trong một cuộc cung nghinh “Mình Máu Thánh Chúa” tại Bruxelles nước Bỉ, Chị Thánh nghe thấy tiếng Chúa nói rằng “Ta chính là người mà con đang kiếm tìm.” Chị Thánh đã có giấc mơ về tu viện của Thánh Brigitta tại Casa di Santa Brigida và sau khi cân nhắc để đi đến ngôi nhà, Chị nghe thấy tiếng Chúa nói với chị, "Ta muốn con phục vụ Ta ở nơi đây.”

Sau thời gian huấn luyện đào tạo của Cát Minh tại Casa di Santa Brigida, chị đã quyết định tuyên lời khấn đầu vào dòng Thánh Brigitta. Từ năm 1909, Chị bắt đầu viếng thăm cộng đoàn thánh Brigitta để học hỏi về linh đạo và truyền thống của hội dòng và vào năm 1911 cùng với ba thiếu nữ người Anh, chị Thánh đã thiết lập Tu Viện Thánh Brigitta tại Casa di Santa Brigida, Roma.

Mẹ tổng quyền Kattakayam nói rằng Thánh Elizabeth, người là Mẹ Tổng Quyền vào thời điểm đó, bên cạnh giữ các linh đạo truyền thống của Hội Dòng, đã tập trung vào tinh thần đại kết. Mẹ Kattakayam nói: “Thánh Elizabeth hiểu rằng chỉ có lời cầu nguyện mới có thể mang lại sự hợp nhất. Chị đã có gắng xoa dịu những thành kiến giữa Công Giáo và Tin Lành trong hành trình tiến tới đại kết tốt hơn.

Các ứng cử viên của dòng Brigitta tại Casa di Santa Brigida được yêu cầu học tiếng Ý. Quá trình phân định đối với các ứng cử viên bao gồm việc bắt đầu giai đoạn đầu tiền khấn sinh hay còn gọi là Đệ Tử( Aspitant & postulancy) kéo dài từ 1 đến 3 năm, và sau đó là năm nhà tập (Novitiate) kéo dài một năm rưỡi trước khi tuyên lời khấn đầu, sáu năm sau họ được tuyên khấn trọn đời. Các nữ tu tuyên lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Hiện tại có 30 nữ tu tại Casa di Santa Brigida, mặc dù có 600 nữ tu của dòng Brigitta trong 57 tu viện trên khắp thế giới. Tại Casa di Santa Brigida, lịch trình hàng ngày của các nữ tu bao gồm các giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ, giờ chầu Thánh Thể, thời gian dành cho chiêm niệm và học hành; một ít giờ trong ngày phục vụ nhà khách, đây cũng là nguồn hỗ trợ tài chính của họ. Mẹ Kattakayam nói rằng các chị em ở tu viện này tập trung vào việc hát xướng những lời cầu nguyện trong các giờ kinh nguyện chung.

Khi được hỏi về những nhắn gửi Mẹ có thể dành cho các bạn trẻ, Mẹ Kattakayam nói rằng: “Không có gì tốt hơn là hiểu được giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.” “Cuộc sống vật chất sẽ không mang lại cho chúng ta những gì chúng ta kiếm tìm. Những thú vui trần tục chỉ mang lại sự thỏa mãn nhất định, nhưng nó sẽ không phải kéo dài mãi mãi.” Mẹ Kattakayam không xem cuộc sống của mình là một trong những sự từ bỏ, “bởi vì nếu chúng ta được tràn đầy ân sủng của Chúa, chúng ta không cần những thú vui trần tục."

Mẹ Kattakayam cho biết một số người trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi những ngôi sao, nhưng chúng ta cần những ảnh hưởng tâm linh tác động vào đời sống của mình. Việc ghi nhớ những câu chuyện và tấm gương của các vị thánh sẽ mang lại cho chúng ta những ảnh hưởng tâm linh đặc biệt. Điều đó có thể giúp chúng ta noi gương các ngài trong lời mời gọi để nên thánh. Đối với thánh Brigitta, Thánh Catherine và Thánh Maria Elizabeth Hesselbald là những tấm gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta.

Lễ Thánh Brigitta được Giáo Hội mừng kính vào ngày 23 tháng 7, lễ Thánh Catherine vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh Maria Elizabeth Hesselbald được mừng vào ngày 4 tháng 6.

Tiếp nối và trung thành với các Đấng Sáng Lập Dòng, các nữ tu Brigitta hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn ngày đêm cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo hội như Chúa Giê-su đã khấn nài với Chúa Cha, “ Xin cho cho họ nên một như chúng ta là một”.

Để biết thêm thông tin về dòng Brigitta, hãy truy cập www.brigidine.org hoặc email tới Sơ Irenea Thùy Trang: sr.irenea.trang@gmail.com

Benjamin Mersch & Joseph Nguyễn Văn Thống
 
Brazil: Con được vào chủng viện, mẹ bán nhà đi tu. Giờ đây con là linh mục, bà cố là nữ tu
Đặng Tự Do
16:33 14/07/2021


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 11 tháng 7 cho biết mẹ của một linh mục Brazil đã trở thành một nữ tu trong cùng một dòng với con.

Khi Chúa gọi người thanh niên này lên chức tư tế, Chúa cũng kêu gọi bà cố bước vào đời tu cùng với con bà.

Mẹ của một linh mục người Brazil đã trở thành một nữ tu trong cùng một dòng với con trai của bà, là Dòng Ngôi Lời Nhập Thể. Chính linh mục Jonas Magno de Oliveira đã chia sẻ câu chuyện về ơn gọi bất thường này gây chú ý trên các mạng xã hội.

Trong cuộc trò chuyện với hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha ACI Prensa, vị linh mục nói rằng ngài bắt đầu cảm nhận được ơn gọi sống thánh hiến khi mới 8 tuổi. Ngài thường xuyên tham dự Thánh lễ với gia đình, điều này cho phép ngài thấy được sự nhiệt thành và tinh thầ quảng đại chăm sóc mục vụ của một linh mục giáo xứ, và điều này thôi thúc ngài dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa.

Ban đầu gia đình nghĩ rằng sở thích ban đầu này là “ước mơ của trẻ thơ”, nhưng cậu bé Jonas chắc chắn rằng đó là một điều gì đó lớn lao hơn. Vị linh mục cho biết, mẹ ngài không muốn ép ngài đi theo con đường đó, nhưng đã ủng hộ và dạy ngài những đức tính Công Giáo. “Mẹ tôi được truyền cảm hứng bởi Đức Mẹ, là người luôn im lặng, để Chúa Kitô làm những gì Ngài phải làm,” vị linh mục nói với ACI Prensa.

Khi cậu Jonah được 13 tuổi, mẹ cậu được mời tham dự các khóa linh thao theo Thánh Inhaxiô thành Loyola. Trong khi mẹ cậu trải qua những ngày ẩn dật trong im lặng, cậu sống với những nhà đào tạo tại tiểu chủng viện của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, nơi cha giám đốc đã giúp cậu phân định và xác nhận ơn gọi của mình.

Chàng trai trẻ quyết định vào chủng viện. Là con một, cha lại qua đời sớm, cậu sợ mẹ mình sẽ bị bỏ lại một mình. Tuy nhiên, Chúa quan phòng cũng có những kế hoạch khác cho bà cố

Các nữ tu của Dòng Các Tôi Tớ Chúa và Trinh Nữ Matara, là Dòng nữ của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, đã mời bà cố đến sống với họ. Là một y tá, bà cố cũng giúp được việc chăm sóc cho người khuyết tật về tinh thần, là một phần công việc của Dòng.

Bà chấp nhận lời đề nghị và bắt đầu sống với nhà dòng ngay sau khi con trai vào đại chủng viện. Bà đã sống như một nữ tu chiêm niệm ở Ý.

Về phần mình, Cha Jonas được thụ phong vào ngày 8 tháng 5 năm 2020, và hiện đang sống ở Rôma. Ngài tạ ơn Chúa vì có thể ở gần mẹ mình và cảm ơn “vì đã ở đây, là một linh mục, truyền giáo, làm việc và giúp đỡ”.

Vị linh mục trẻ cho biết thêm rằng ơn gọi của mẹ ngài là một “ơn sủng ngoạn mục”. Ngài nói với ACI Prensa:

Khi bạn nói về một ơn gọi, hầu hết mọi người đều nói: cha tôi hoặc mẹ tôi đã chống lại nó… Nhưng với tôi thì không phải như vậy. Mẹ tôi đã ủng hộ, và không chỉ ủng hộ: bây giờ chúng tôi đang theo Chúa Kitô trên cùng một con đường, trong cùng một ơn gọi, và như thể chưa đủ, với cùng một đặc sủng, điều này rất đặc biệt và là một lý do để tạ ơn Chúa.


Source:Aleteia
 
Linh mục Pháp được vinh danh vì một hành động anh hùng thời Đức Quốc xã
Đặng Tự Do
16:34 14/07/2021


Cờ của Đức Quốc xã trên nóc một ngôi thánh đường ở Pháp trong vùng bị chiếm đóng đã bị một thiếu niên, sau này là một linh mục, giật xuống.

Khi vị linh mục người Pháp này còn là một thiếu niên, ngài đã thực hiện một hành động can đảm bất chấp sự tàn bạo của Đức Quốc xã.

Đó là một buổi tối năm 1942. Nước Pháp đang bị phát xít Đức chiếm đóng, nhưng tinh thần phản kháng vẫn sống mãi trong dân chúng. Alexis Hiessler và hai người bạn 17 tuổi đang lên kế hoạch làm một việc liều lĩnh: Các thiếu niên muốn chiếm lấy lá cờ của Đức Quốc xã treo trên tháp chuông của Vương Cung Thánh Đường cạnh trường St. Columban, nơi họ đang theo học.

Họ không thể chịu nổi khi thấy biểu tượng này, không phù hợp với đức tin của họ, được tôn phong trên tháp của nhà thờ này, nhà thờ Thánh Phêrô Luxeuil-les-Bains, nơi từng là một phần của tu viện cổ kính cùng tên.

Những người bạn leo lên một cái thang ngắn và lên đến mái nhà. Từ đó, họ tìm cách giật lá cờ từ tháp chuông xuống.

Nhiệm vụ hoàn thành, Alexis trẻ tuổi giữ lá cờ. Tất nhiên, sự vắng mặt của lá cờ của Đệ tam Đế chế không làm sao qua mặt được các binh lính Đức. Chúng đột kích vào trường học nhưng không thể tìm thấy lá cờ mà Alexis Hiessler đã giấu. Sau khi giật xuống, anh đưa cho mẹ mình, cất vào một nơi an toàn.

Câu chuyện này được chia sẻ gần đây bởi Cha Alexis Hiessler, người, nhiều năm sau khi vụ việc xảy ra, đã được thụ phong linh mục giống như người anh trai của ngài. Mặc dù việc giật một lá cờ xuống có vẻ như là một hành động đơn giản, nhưng dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã - một hành động thách thức như thế có thể dẫn đến những hình phạt nghiêm khắc, thậm chí là cái chết. Vì thế, đó là một cử chỉ đặc biệt mang tính biểu tượng và anh hùng.

Hôm 18 tháng 6 vừa qua, Bảo tàng Chiến đấu Haute-Saône kỷ niệm 79 năm. Các học sinh ngày nay của Trường St. Colomban đã có mặt để tìm hiểu về trang lịch sử địa phương này, do chính Cha Alexis Hiessler kể lại. Hai người bạn của ngài đã qua đời. Bảo tàng sẽ giữ lá cờ từ bây giờ.

Nhà báo Pháp Frédéric Buridant đã tweet:

Vào mùa đông năm 1942, cùng với hai người bạn học của mình tại St. Colomban ở Luxeuil-les-Bains, Alexis Hiessler, người sau này trở thành linh mục, đã giật xuống một lá cờ của Đức Quốc xã từ tháp chuông của nhà thờ ở Luxeuil. Một hành động phản kháng đã được đề cao vào ngày 18 tháng 6 này trước các học sinh hiện tại của nhà trường.

Tấm gương của ngài có thể truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta hành động với lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với cái ác trong cuộc sống của chính mình.
Source:Aleteia
 
Tiến sĩ Weigel: Đức Phanxicô và Vấn đề Sự sống
Vũ Văn An
19:04 14/07/2021

Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô có xu hướng sử dụng những cách diễn đạt đầy màu sắc và những tĩnh từ không êm ái chút nào để bình luận về những ý tưởng, thói quen và thực hành mà ngài không tán thành đã khiến người Công Giáo bối rối trong hơn tám năm nay. Đây có phải là cách vị giáo hoàng nói chuyện hay không? Căn cứ vào nghiên cứu của riêng tôi về lịch sử Giáo hoàng, tôi có thể dễ dàng tin rằng Đức Giáo Hoàng Piô XI đã có một vài câu nói như thế (thậm chí tàn bạo) để nói vào những dịp cần thiết. Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng lời nói của ngài luôn được thực hiện ở những nơi tư riêng, trong khi nhiều câu nói có tính thóa mạ đáng ghi nhớ nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rất công khai.



Tuy nhiên, có một điều cần phải nói về thói quen của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm này, đặc biệt là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông nỗ lực không ngừng để biến Đức Giáo Hoàng thành một người ít quan tâm đến các vấn đề sự sống - gần đây nhất dưới góc độ các giám mục Hoa Kỳ nỗ lực giải quyết tính không nhất quán của Những người tự xưng là Công Giáo nhưng bác bỏ chân lý nền tảng của đức tin Công Giáo bằng cách tạo điều kiện dễ dàng cho việc tàn sát những đứa trẻ vô tội. Vì vậy, cần nhớ lại những từ ngữ khá cứng rắn trong đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên án việc phá thai, đáng ghi nhớ nhất là tại một hội nghị ở Vatican vào năm 2019. Tại đó, Đức Thánh Cha đã hỏi, “có hợp pháp không khi lấy mạng người để giải quyết một vấn đề? Có được phép thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề không?” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng cái gọi là phá thai “trị liệu” cố ý hủy hoại những đứa trẻ chưa sinh mắc một số bệnh tật hoặc dị tật, là một vấn đề của “thuyết ưu sinh vô nhân đạo”. Ngài nói thêm rằng "sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm và việc sử dụng chẩn đoán trước khi sinh cho các mục đích lựa chọn [tức phá thai] không nên được khuyến khích một cách mạnh mẽ".

Tất cả những điều đó có vẻ hơi kỳ lạ đối với phóng viên của tờ New York Times khi đưa tin về hội nghị, vì như ông đã viết, trước đây Đức Giáo Hoàng đã hạ thấp các vấn đề như phá thai “để thúc đẩy viễn kiến mục vụ và toàn diện của ngài về Giáo hội”. Tất nhiên, giả thiết ở đây là sự rõ ràng về phương diện giáo lý và luân lý một mặt, mặt khác là tính nhạy cảm và tính bao trùm về mục vụ là những mặt loại trừ lẫn nhau. Điều đó thật vô nghĩa kể từ khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, trong Gioan 8: 1-11; ngày nay nó vẫn là một sự sai lầm thô thiển; và dung túng nó là hạ giá công việc bao trùm và nhạy cảm của hàng nghìn trung tâm thai nghén khủng hoảng lấy cảm hứng từ tôn giáo trên khắp đất nước, nơi cung cấp cho phụ nữ một điều gì đó tốt hơn là một “thủ thuật” gây chết người thường gây ra tổn thương lâu dài về mặt xúc cảm.

Hình ảnh của các phương tiện truyền thông, than ôi, giống như cây tre; một khi nó được cấy ghép, hầu như không thể nhổ tận gốc nó. Do đó, ngay từ đầu trong triều đại giáo hoàng của mình, câu nhận định "Tôi là ai mà dám phán xét?", đề cập đến trường hợp đặc thù của một linh mục ăn năn, người đang cố gắng sống một cuộc sống ngay thẳng, đã bị tước bỏ mọi bối cảnh và biến thành cây tre của các phương tiện truyền thông, một giải thích được lặp đi lặp lại liên tục rằng vị giáo hoàng này không phải là người cứng rắn về đạo đức (ẩn ý: không giống như những người tiền nhiệm của ngài).

Tuy nhiên, tôi xin cho rằng bất cứ ai so sánh kẻ chủ trương duy phá thai với một tên sát nhân kiểu Mafia - và là người vào tháng 1 năm 2014 đã lên án “nền văn hóa vứt bỏ”, trong đó những đứa trẻ bị phá thai bị “vứt bỏ như là không cần thiết”, cho rằng “thật kinh khủng ngay cả khi nghĩ rằng có những trẻ em, nạn nhân của phá thai, sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày ”- không hề là người theo thuyết tương đối luân lý. Tuy nhiên, một cách đặc trưng, phóng viên BBC đưa tin về bài diễn văn đó của Đức Giáo Hoàng nhận thấy lời tố cáo này trái ngược với “lập trường của Đức Giáo Hoàng vốn ủng hộ lòng thương xót hơn là sự lên án”. (Xin nhắc với BBC: Chính Đức Gioan Phaolô II, tác giả của thông điệp nhiệt thành phò sự sống Evangelium Vitae (Tin mừng Sự sống), là người đã truyền bá việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót khắp Giáo hội hoàn cầu, người đã viết một thông điệp về Thiên Chúa Cha có tựa đề Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót), và người đã thực hiện Tuần Bát Nhật của Lễ Phục Sinh là “Chúa Nhật Lòng Thương Xót của Chúa”).

Các bóp méo của các phương tiện truyền thông không chỉ đơn giản làm ta khó chịu; chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến công chúng. Ngay trước khi các giám mục bỏ phiếu một cách áp đảo để giải quyết vấn đề về tính toàn vẹn thánh thể của Giáo hội (ngay lập tức bị hầu hết các báo cáo biến thành một cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Biden và các viên chức công khai ủng hộ việc phá thai khác), Tòa án Tối cao nhất trí bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các Dịch vụ Xã hội Công Giáo (CSS) của Philadelphia từ chối đặt các trẻ em dưới sự chăm sóc của các cặp đồng tính. Trong phần phụ lục dài của mình đối với ý kiến của Tòa án, Chánh án Samuel Alito lưu ý rằng một viên chức công của Philadelphia đã chế nhạo “lập trường của Tổng giáo phận như là đi lệch hướng với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và quan điểm đạo đức thế kỷ 21”, gợi ý rằng sẽ “tuyệt vời” nếu Dịch vụ Xã hội Công Giáo "Theo chân... Đức Giáo Hoàng Phanxicô".

Tôi thực sự nghi ngờ rằng ủy viên Bộ Dịch vụ Nhân sinh Philadelphia, người đã nghĩ một cách hết sức sai lầm như thế về Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại là một độc giả thường xuyên của nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano. Ông ta có được điều vô nghĩa mà ông ta dùng để quấy rầy Dịch vụ Xã hội Công Giáo từ các nguồn truyền thông Mỹ. Tôi hy vọng ngành truyền thông sẽ cùng hành động khi các giám mục khai triển bản tuyên bố của các ngài về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi không lạc quan lắm về điều đó. Tre vẫn chỉ là tre.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ước Gì
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:57 14/07/2021
Ước Gì

Mấy ngày nay dịch bệnh tăng nhanh, nhất là ở Sài thành. Nhiều Hội dòng nam nữ cử các thành viên ra tuyến đầu để cống hiến. Bỗng dưng có vài “ước gì”:

-Ước gì các giám mục không chỉ ra vài ba văn thư kêu gọi tín hữu sống tương thân tương ái (vì đã là lãnh đạo thì ai cũng có thể ra thư văn) mà đích thân đến tiền tuyến. Các ngài có thể dâng lễ cho các tình nguyện viên và chính sự hiện diện của các ngài là nguồn khích lệ thật đáng trân trọng.

-Ước gì các linh mục cùng đồng hành với các nam nữ tu sĩ ra tiền tuyến. Trong các giáo xứ hiện nay đa số đều có hai linh mục chánh phó xứ. Trong hoàn cảnh dịch bệnh này thì tại giáo xứ chỉ cần một linh mục phục vụ là đủ. Vị còn lại (chánh hoặc phó) mạnh dạn ra đi phục vụ thì quả là một lời rao giảng Tin Mừng thiết thực và hữu hiệu.

Chắc chắn người dân bất phân tôn giáo đều mong có những vị lãnh đạo hàng đầu trong các tôn giáo thay vì đứng sau mà hô “xung phong” (attack) nhưng biết dấn thân đi tiên phong và sau đó mời gọi người ta đi theo mình (follow me).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Đức Mẹ núi Carmelo LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:05 14/07/2021
Hình ảnh Đức Mẹ núi Carmelo

Hằng năm Hội Thánh Công Giáo cử hành lễ mừng kính Đức Mẹ núi Carmelo vào ngày 16.07.

Lần đầu tiên năm 1386 các nhà Dòng Carmelo bên Anh quốc mừng lễ kính Đức Mẹ Maria là quan thầy của Dòng Carmelo.

Từ thế kỷ 15. lễ mừng kính này được ấn định vào ngày 16. Tháng Bảy hằng năm.

Và trong dòng thời gian lễ này dần lan rộng trong Hội Thánh Công Giáo hoàn cầu từ 1726 dưới thời Đức Thánh Cha Benedict XIII.

Từ năm 1960 ngày lễ mừng kính chỉ còn là ngày lễ nhớ.

Vậy đâu là nguồn gốc lý do khiến Carmelo trở thành nơi thánh ở trong nước Do Thái cũng như có tiếng tăm đạo đức với lòng sùng kính Đức Mẹ trong toàn thể Hội Thánh?

Địa danh Carmelo là một chuỗi dẫy núi đá vôi trải dài từ vùng Samaria đến bờ biến Địa Trung Hải bên nước Do Thái thuộc địa hạt thành phố Haifa.

Trong Thánh Cựu ước nói đến Carmelo là một hình ảnh khô chồi

„Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA gầm lên,
và từ Giê-ru-sa-lem, Người lên tiếng;
đồng cỏ của mục tử nhuốm màu tang tóc,
đỉnh núi Các-men nay đã héo tàn.“ (Sách Tiên Tri Amos 1,2)9

Và cũng có hình ảnh đồng cỏ xanh tươi:

„Ta sẽ dẫn Ít-ra-en về đồng cỏ của nó,
để nó được ăn cỏ ở Các-men và Ba-san,
trên núi Ép-ra-im và Ga-la-át, nó sẽ được thoả thuê.“ (Tiên tri Gieremia 50,19).

Vùng núi Carmelo nổi danh có nhiều hang động, nên ngày xưa có nhiều vị ẩn sĩ đã tìm đến những hang động nơi đây sống đời ẩn dật. Tiên tri Elia và học trò của ông là Elise đã sống lui vào ẩn dật hang động nơi vùng Carmelo. Và vì thế vùng này trở thành nổi tiếng.

Lịch sử Carmelo gắn liền với khuôn mặt đại tiên tri Elia.Vị thánh tiên tri này sống vào thế kỷ 9. trước Chúa giáng sinh.

Sách Các Vua (1 Các Vua 18,19-40) tường thuật chi tiết Tiên tri Elia đã thách thức các Thầy cả ngoại giáo Baal - 450 vị - trong một cuộc thi diễn xem Thiên Chúa của ai linh thiêng thật sự qua lời cầu nguyện khiến cho lửa từ trời xuống thiêu đốt những tế lễ con vật chất trên đống củi.

Những lời cầu nguyện lễ nghi của 450 Thầy cả Thần Baal đã không khiến được lửa rừ trời xuống châm thiếu đốt những con vật dùng làm lễ tế chất trên đống củi

Trái lại Thiên Chúa Giave đã nhận lời cầu nguyện của tiên tri Elia cho lửa từ trời cao xống đốt chết những con vật trên củi. Thế là chiến thắng đã về phía Tiên tri Elia. Cùng chứng tỏ cho con người thấy Thiên Chúa Giave của Tiên tri Elia là Thiên Chúa linh thiêng có quyền năng thật trên tất cả.

Ngày nay còn di tích hang động nơi Tiên tri Elia ngày xưa sinh sống trong đó. Và trong thánh đường kính Đức Mẹ Carmelo bên dưới tầng hầm có bàn thờ, nơi ngày xưa Tiên tri Elia đã thách thức các thầy cả Baal, và Thiên Chúa Giave đã cho lửa từ trời xuống thiêu đốt những lễ vật qua lời cầu nguyện của Elia.

Vị đại tiên tri Elia là con người, nhưng ông không trải qua sự chết như những con người khác. Trái lại Ông được Thiên Chúa cho đưa rước về trời lúc còn sinh sống trước mặt học trò mình:

„Ông Ê-li-a đáp: "Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không, thì không được."11 Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc.12 Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: "Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en! " Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh.13 Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan.“ (2 Các Vua 2, 10-12).

Ngay thời Hội Thánh lúc ban đầu, sau khi Chúa Giesu trở về trời cũng đã có nhiều vị ẩn sĩ tìm đến những hang động vùng Carmelo sống đời ẩn tu xa tránh thế gian trông chờ ngày Chúa đến. Rồi nhiều Dòng tu bên Âu Châu cũng tìm đến nơi này vùng đất thánh thành lập Dòng sống đời chiêm niệm.

Thánh Simon, vị tu sĩ Dòng ẩn tu Carmelo, là người có lòng yêu mến sùng kính Đức Mẹ Maria nữ vương trời đất, vào thế kỷ 13. được cử sang đất Thánh Do Thái vùng Carmelo làm Bề Trên. Bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vì những nghi hoặc giữa các Dòng Tu đang nở rộ phát triển nơi vùng đất Thánh, nên vị tu sĩ Bề Trên Simon đã trong dòng nước mắt cầu khấn xin Đức Mẹ phù hộ gìn giữ che chở Dòng Carmelo của mình.

Và ngày 16.07.1251 Đức Mẹ Maria đã hiện ra với ông với hào quang ánh sáng trao cho ông hai mảnh vải nhỏ có dây nối liền để quàng đeo vào cổ trước ngực và sau lưng và nói:

„Con hãy tiếp nhận hai tấm vải có dây nối để đeo này như dấu hiệu Dòng của con. Đó là dấu hiệu ân đức đặc hiệt cho con và các người con của Carmelo. Người nào mang đeo áo ân đức này trong khi hấp hối qua đời, họ sẽ được cứu thoát khỏi lửa hoả ngục đời đời. Đây là dấu chỉ sự cứu rỗi chữa lành, là chiếc áo gìn giữ bảo vệ trước các nguy khốn đe dọa, là vật cầm giữ hoàn chuyển cho bình an và bảo vệ đặc biệt.“

Và từ đấy chiếc Áo Đức Bà Carmelo thành hình trong nếp sống đạo đức người Công Giáo.

Và tập tục đạo đức tốt lành mang đeo Áo Đức Bà Carmelo được phổ biến sống động rộng rãi trong Hội Thánh Công Giáo.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Bình Mỹ Trong Tôi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:57 14/07/2021
BÌNH MỸ TRONG TÔI

Cách đây một ít thời gian, tôi đã từng hân hạnh sống và làm việc tại Tân Thạnh Đông, Củ Chi, ngoại ô Sài Gòn. Địa bàn mà tôi phụ trách bao gồm cả xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Đặc biệt, khắc sâu trong tôi là hình ảnh những gia đình từ Nam Định, Thanh Hóa, Hàm Nam mới tạm cư, mướn đất của dân địa phương làm nghề trồng cấy rau muống nước. Đa phần họ là gia đình Công Giáo. Ấn tượng về đời sống, sự cơ cực của họ vẫn nguyên vẹn trong tôi cho tới bây giờ, và chắc chắn sẽ còn về sau.

Nhìn tình cảnh của họ mà thương lắm, tôi không biết phải gọi tình cảm ấy trong tôi có tên là gì. Hình như đó là sự rung cảm và xúc động, mà còn hơn rung cảm và xúc động...

Ngày tôi còn làm việc tại địa bàn này, mới chỉ một số gia đình có nhà cửa đàng hoàng để trú ngụ, số lớn còn lại, vẫn phải sống tạm trong những căn chòi ở giữa mảnh ruộng rau mênh mông. Được chứng kiến mà thương anh chị em. Thương nhiều lắm!

Không biết ở quê cũ, anh chị em sống thế nào, nhưng chắc chắn, khi họ phải bỏ mọi thứ ở nơi chôn nhau cắt rốn để vào miền Nam, tha phương tìm kế sinh nhai, đã là một thiệt thòi, một nỗ lực không hề nhỏ nhằm chiến đấu giành lấy sự sống cho mình, cho gia đình. Bởi nếu có một cuộc sống yên bình, không ai dại gì chối từ nó để trôi giạt tìm một chỗ nương thân khác còn nhiều bấp bênh, nhiều thử thách nơi xứ người.

Tôi thương anh chị em bởi tôi đã từng chứng kiến, trong những căn chòi nhỏ bế ấy, cả gia đình phải chung sống cùng nhau, phải chấp nhận ẩm thấp vì đó là những cái sàn chòi nằm trên ruộng rau đầy nước. Tôi thương những trẻ em là con cái của họ, tuổi còn quá nhỏ mà phải chịu cảnh sống ẩm thấp, dễ ảnh hưởng sức khỏe. Hơn thế, chọn nghề làm rau muống nước, hằng ngày vợ chồng con cái phải ngâm mình trong ruộng nước ướt sủng, phải tiếp cận trực tiếp cùng nhiều loại thuốc và phân hóa học...

Dẫu anh chị em chở rau bằng xe tải hay xe hai bánh, thì đặc thù của nghề làm rau cũng đồng thời là nghề thức đêm. Những xe rau, nhất là những xe hai bánh chở nặng đến cả tạ rưỡi hay nặng hơn nữa phải lao đi trên đường phố trong đêm giữa lúc mọi người đang ngon giấc, có khi mưa, có khi sương lạnh, có khi đầy gió rét. Bởi những xe thồ rau ấy không thể dưới 150 ký, vì thế, chuyện bị sách nhiễu trên đường đi không những không hiếm mà còn là chuyện thường xuyên...

Chính vì tình cảm thương yêu này, mà mỗi khi nghe tin bất cứ ai trong họ mua được đất, xây được nhà mới, tôi vui mừng vô cùng. Mỗi một lần làm phép nhà mới cho những gia đình đã xây được nhà, nói lời chúc mừng có nhà mới mà lòng thấy ấm áp, vui thật vui, sẻ chia cùng niềm vui với anh chị em. Tôi thầm ước, đến một ngày hạnh phúc, tất cả mọi gia đình ở Bình Mỹ này đều có nhà mới thật đẹp, thật ấm áp.

Tôi thương lắm những ưu tư của họ khi rau bị xuống giá thấp, khi ruộng rau có bệnh, có sâu rầy. Tôi vẫn muốn mình gần gũi và đồng cảm với những lo lắng mỗi khi đến thời hạn nộp tiền thuê mướn ruộng cho chủ đất.

Càng thương, tôi càng cảm phục anh chị em, vì dù họ quá long đong, quá cực nhọc, vậy mà mỗi một lần, có những đoàn đến xin viện trợ, nhất là những đoàn từ quê nhà của họ đến, họ đều sẵn sàng giúp đỡ. Thậm chí, có thời gian, liên tục nhiều đoàn đến. Theo tôi được biết, tất cả những đoàn ấy, khi ra về, đã không bao giờ ra về tay không. Tôi biết điều đó khiến họ phải hy sinh nhiều, phải nỗ lực nhiều. Nghĩ như thế mà tôi càng thương anh chị em của tôi.

Tất cả những suy nghĩ này, trước mặt họ, tôi chưa bao giờ dám nói ra, vì nhận ra cuộc sống của chúng ta còn đó quá nhiều khó khăn, sợ nói ra, anh chị em của tôi thêm chạnh lòng mà phải suy nghĩ.

Nhưng hôm nay, trước tình hình căng thẳng vì bệnh tật của cả thành phố lớn nhất miền Nam, có thể nói mà không sợ nói ngoa rằng, cả thành phố đang bị rào chắn, đang bị buộc dây (hy vọng những ngày tới sẽ đỡ hơn vì lệnh tháo bớt rào chắn, tháo bớt dây), tôi nhớ đến anh chị em của tôi, nhớ đến cuộc sống còn nhiều bấp bênh theo dòng nước lên xuống chứa đầy mồ hôi, có khi còn vương nước mắt và những ruộng rau xanh ngắt như thấm đầy những trăn trở, những nhọc nhằn, những bấp bênh...

Bởi, dù muốn dù không, họ vẫn đang là thành phần của cả thành phố bị bệnh. Trong tâm tư đời mình, tôi nguyện hứa không bao giờ quên họ. Hằng ngày, tôi đã mang họ theo vào trong các giờ kinh nguyện của mình, nay đứng trước nhiều khó khăn của đời sống và nhiều rủi ro của bệnh tật, tôi càng hiến dâng họ cho Thiên Chúa chúng ta. Tôi tin, anh chị em sẽ bình yên vô sự. Tôi tin, với nghị lực của bản năng sống, bản năng tồn tại và mãnh lực lớn của tinh thần bất khoan nhượng trước nghịch cảnh, anh chị em sẽ giữ được thăng bằng của đời sống và vượt qua truân chuyên, dẫu truân chuyên ấy có là con sóng dữ đi nữa.

Bình Mỹ đã là một phần của ký ức khó quên trong đời tôi. Những anh chị em tha hương sống trong những căn chòi sàn chênh vênh giữa những ruộng rau muống nước của Bình Mỹ càng là ký ức đủ thắm, đủ mạnh, sẽ khó phôi pha trong trái tim của bất cứ ai đã từng đến, đã từng sống, đã dành cho nhau niềm thương nỗi nhớ, dù thời gian có vô tình trôi xa...

Ôi những ruộng rau Bình Mỹ, tôi quý mến anh chị em! Mong anh chị em mãi khỏe khoắn, mãi vững vàng và nghị lực...!
 
Tình yêu nào dành cho tình Giêsu
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
14:49 14/07/2021
TÌNH YÊU NÀO DÀNH CHO NGƯỜI TÌNH GIÊSU?

Có người đặt câu hỏi: tại sao nhiều tu sĩ gọi Chúa Giêsu là người tình, là hôn phu của các nữ tu, thậm chí là hôn thê của các nam tu sĩ? Tại sao người tu sĩ diễn tả đi tu là được “kết hôn” với Chúa Giêsu? Nghe lạ quá. Có ý tưởng phê bình, rằng tại sao các tu sĩ đã đi tu rồi còn có những ý tưởng rất đời thường như vậy?

Xét lại đời tu của mình, tôi tự hỏi, có bao giờ mình có ý tưởng như vậy không nhỉ? Thật sự, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ đi tu là một hình thức “kết hôn” với Chúa, cũng chưa bao giờ có những suy nghĩ đối tượng để tôi hiến dâng đời mình được hiểu như một người tình. Tuy nhiên, nhớ lại, cách đây 21 năm, khi tôi khấn dòng, một người dì tặng cho tôi chiếc nhẫn bằng vàng, với lời nhắn nhủ: Con hãy đeo chiếc nhẫn này vào ngón tay, để nhắc nhở chính mình, rằng từ đây con đã thuộc trọn vẹn về Chúa. Hãy sống trung thành và giữ trọn những điều con đã khấn hứa với Chúa trước mặt bề trên con. Tôi chỉ biết cảm ơn về những lời nhắn nhủ rất chân thành của dì và nỗ lực sống trọn lời khấn mình đã khấn hứa, còn chiếc nhẫn vàng, tôi đã đem cho mẹ tôi nhờ mẹ cất hộ, vì tôi không có thói quen đeo nhẫn.

Nhiều lần tham dự lễ khấn của quý sơ, tôi được chứng kiến trong nghi thức khấn dòng, vị chủ tế hoặc các đấng bề trên thường trao cho các khấn sinh chiếc nhẫn, biểu trưng cho sự giao ước giữa các nữ tu và chính Chúa Giêsu. Trong nghi thức này, chủ tế cũng nhắc bảo các khấn sinh, chiếc nhẫn mà các chị mang trên tay là dấu chỉ nhắc nhở các nữ tu đã thuộc trọn về Chúa Kitô và Hội Dòng. Trong chiều kích thiêng liêng đây hoàn toàn là một “cuộc hôn nhân” được thiết lập giữa các tu sĩ và vị tân lang Giêsu. Và để hiểu được ý nghĩa thẳm sâu của giao ước này chúng ta cũng nên đi tìm hiểu những căn nguyên của cuộc “hôn nhân” giữa người tình Giêsu và các tu sĩ.

GIÁO HỘI, TÂN NƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU

Trong truyền thống Kinh Thánh, các tác giả thường diễn tả tương quan giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội như là môt cuộc hôn nhân, trong đó Giáo Hội được miêu tả như là tân nương hay là hiền thê của vị tân lang trung thành là Đức Kitô. (Kh 19, 8). Khi Giáo hội được ví như một hiền thê của Chúa Kitô thì được hiểu với ý nghĩa chung, chỉ có một tân lang và một hiền thê chứ không theo nghĩa riêng biệt. Không một bản văn nào trong Kinh Thánh diễn tả chúng ta là một hiền thê theo ý nghĩa cá thể của Chúa Kitô. Chúa Kitô là tân lang của Giáo hội, của hết cả mọi thành phần trong Giáo hội, chứ không phải của riêng một ai. Vậy từ bao giờ nhiều người lại cho rằng Giêsu là “người tình” của mình?

NGƯỜI TÌNH GIÊSU

Khái niệm về người tình Giêsu có thể xuất phát từ các nhà tu đức và thần học thần bí về tân nương (bridal mysticism) của thời Trung Cổ. Vào thời điểm đó, có một sự thay đổi lớn về lối lý giải Kinh Thánh, từ ý tưởng cho rằng Giáo Hội là tân nương của Chúa Kitô thành ý tưởng rằng mỗi chúng ta là hiền thê của Ngài. Những nhà tu đức và thần học nổi tiếng trong đó có thánh Catharine thành Siena, Têrêxa thành Avila, Gioan Thánh Giá, đã ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tu đức của Giáo Hội. Điểm đặc biệt của các vị thánh này là có đời sống cầu nguyện liên lỷ và kết hiệp mật thiết với Chúa. Các ngài cũng để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, trở thành những hướng dẫn quan trọng cho các giáo hữu nhất là các tu sĩ về đời sống thiêng liêng và cầu nguyện.

Cụ thể, thánh Têrêxa thành Avila đã từng viết: “Lạy Chúa của con, lạy Đức Lang Quân của con.” Một lời nguyện nói lên sự khiêm tốn nhưng đầy thân mật của chị thánh với Thiên Chúa mà chị hằng tin tưởng và phó thác. Giáo Hội, chính vì thế đã ca ngợi thánh nữ là người đã để Thiên Chúa yêu, trong cuộc đời của mình, chị đã dành một tình yêu say đắm, chị đã đi vào một cuộc hôn nhân huyền nhiệm với Đấng Tình Quân Chí Thánh.

“KẾT HÔN” VỚI GIÊSU

Tiếp đó, trong Giáo Hội, nhiều nữ tu cho rằng việc mình đi tu là “kết hôn” với Chúa Giê-su được phát xuất từ đây. Với tinh thần này, nhiều Hội Dòng, nhất là các Dòng nữ, trong ngày lễ khấn trọn, các sơ khấn sinh không chỉ được nhận chiếc “nhận cưới” mà còn được đội lên đầu một vòng hoa trông giống như một cô dâu đã trang điểm rực rỡ trong ngày cưới. Để tìm tài liệu cho bài viết này, khi tôi tìm đọc các trang Công Giáo khác nhau trên mạng, tôi đã dễ dàng tìm thấy nhiều bài viết, trong đó các nữ tu ngày nay tin rằng họ đã kết hôn với Chúa Giêsu với một tình yêu và lòng trung thành tuyệt đối. Thật dễ thương, có nữ tu đã diễn tả rằng, Giêsu là một người tình “ga lăng” nhất trên đời để rồi sơ muốn dành trọn tình yêu của mình cho Chúa, chỉ một mình Chúa thôi.

TÌNH YÊU NÀO DÀNH CHO NGƯỜI TÌNH GIÊSU?

Có thể điều chúng ta vừa đề cập nghe rất kỳ lạ đối với nhiều người, tuy nhiên chúng ta nên bàn luận thêm về ý nghĩa của tình yêu mà các tu sĩ dành cho Chúa Giêsu. Tôi xin mượn cách lý giải về ý nghĩa tình yêu theo tư tưởng của người Hy Lạp. Người Hy Lạp cổ hiểu TÌNH YÊU với bốn cấp độ khác nhau, đó là storge (tình cảm tự nhiên), philia (tình bạn và mong muốn thuần khiết), eros (tình yêu có sự ham muốn, tình dục) và agape (tình yêu thánh thiện, tự quên mình).
o Storge: Được hiểu như là cảm xúc và tình thương giữa cha mẹ, con cái, anh em trong gia đình và họ hàng thân thuộc.
o Philia: Là một tình yêu có tính đạo đức, được Socrates diễn tả như là “yêu” bao gồm sự trung thành với bạn bè, gia đình và xã hội. Tình yêu này đòi hỏi phải có đức hạnh, sự bình đẳng và tính tự nguyện.
o Eros: Đây là tình yêu có tính chất nồng nàn và lãng mạn, đôi lúc với sự ham muốn nhục dục. Đối với triết gia Plato, tình yêu này giúp linh hồn thấy được cái đẹp của siêu nhiên, của siêu việt.
o Agape: Đây là một thứ tình yêu mang tính thánh thiêng và thuần khiết nhất, sâu sắc nhất, là một tình yêu vượt trội và vô điều kiện. Nó sâu sắc hơn tất cả những tình yêu khác vì nó có tính cách chữa lành, viên mãn và hoàn thiện dành cho người mình yêu.

Như vậy, việc các tu sĩ cho rằng mình được “kết hôn” với người tình Giêsu được hiểu như là tình yêu Agape, một tình yêu có tính siêu việt và linh thiêng không hề mang tính tư lợi hay vì dục vọng, cũng không phải một thứ tình thương giữa người thân hay bạn bè. Họ yêu Chúa bằng một thứ tình yêu cao siêu, khiến họ tự nguyện đi đến tận cùng trái đất, bằng tất cả những gì họ có, để phục vụ người nghèo và đồng hành với những người chịu đau khổ.

Kinh thánh sử dụng thuật ngữ này để mô tả tình yêu thương mãnh liệt của Thiên Chúa với loài người, một tình yêu vượt qua mọi sự hiểu biết và vượt qua mọi không gian và thời gian: “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13, 8); “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 36, 1). Kinh Thánh dùng ý tưởng của tình yêu Agape để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại, khiến các tu sĩ phải bỏ hết tất cả để có được tình yêu đó. Như lời miêu tả của Thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Phi 3, 8-9).

Thật vậy, đây là một tình yêu đang nối kết người tu sĩ với Chúa, tình yêu này dẫn tới sự viên mãn và trọn vẹn như một khúc tình ca mà chúng ta thường hát: “Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm bắn trúng con tim hồng. Để từ nay con sống là sống cho, cho tình yêu. Và dầu cho con chết là chết cho, cho tình yêu” (Linh mục nhạc sĩ Ân Đức).
Ước chi mỗi người chúng ta, nhất là các tu sĩ, luôn biết kết hợp với Chúa trong mọi giây phút của đời thánh hiến, để họ luôn trở thành “tân nương” đích thực của Chúa Giêsu. Xin Chúa luôn đốt nóng ngọn lửa yêu thương, để trái tim của những người đã được thánh hiến luôn thuộc về Chúa, nhờ đó họ sẵn sàng dấn thân, can đảm ra đi loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân với một tình yêu rất thiêng liêng, thuần khiết và vô điều kiện mà Đấng Tình Quân đã dành cho họ.

Washington DC, ngày 14/7/2021, nhân kỷ niệm 21 năm ngày khấn dòng.
 
VietCatholic TV
Đức Giáo Hoàng tông du đến Slovakia, một tin vui bất ngờ cho những Kitô hữu của đất nước
Giáo Hội Năm Châu
05:18 14/07/2021


1. Cuộc hành hương của Bức Ảnh Thánh Gia đến các quốc gia Trung Đông

Cuộc hành hương của Bức Ảnh Thánh Gia đã khởi hành từ Giêrusalem, và trong những tháng tới sẽ thực hiện một cuộc thánh du lâu dài đến quốc gia Li Băng và các nước Trung Đông khác, được nối kết với nhau qua lòng sùng mộ đối với Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Đức Maria. Đó là các cộng đồng đức tin khác nhau đang bị vùi dập giữa những cơn thử thách, khủng hoảng và xung đột tái diễn gây ảnh hưởng đến khu vực này trên thế giới.

Đức Thượng phụ Công Giáo Syria Ignace Youssif III Younan, đang thăm viếng mục vụ tại các nước Israel, Palestine và Jordan, đã được Tổng thống Palestine Abu Mazen tiếp đón hôm 10 tháng 7, đã mang theo Bức Ảnh của Gia đình Thánh Gia trong chuyến trở lại Li Băng. Bức ảnh Thánh Gia Thất sẽ bắt đầu lần lượt được cung nghinh đến các giáo xứ, tu viện và các đền thánh hành hương trong Đất nước của những cây bá hương.

Sau chặng Li Băng, cuộc thánh du của Bức Ảnh Thánh Gia Thất sẽ tiếp tục đến các quốc gia khác ở Trung Đông, bao gồm cả Iraq, sau đó đến Roma, nhân dịp lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, được cử hành bởi Giáo hội Roma vào ngày 8 tháng 12. Và cuối cùng, sẽ trở lại Thánh địa.

Bức Ảnh Thánh Gia hành hương này được họa lại giống như hình ảnh của Gia đình Thánh Gia Thất được tôn kính phía trên bàn thờ của Nhà thờ Thánh Giuse, ở Nazareth, nơi, theo truyền thống, là nhà của Phu quân của Đức Maria. Bức tranh được khảm thêm các thánh tích được lưu giữ ở Nazareth, tại Vương cung thánh đường Truyền tin.

Cuộc thánh du dài ngày qua các thị trấn và làng mạc ở Trung Đông có thể được coi là bước tuần tự tiếp theo của “Ngày Hòa bình cho Phương Đông” đầu tiên được cử hành vào Chủ nhật 27/6 bởi các Giáo Hội Công Giáo có mặt tại nhiều quốc gia Trung Đông.

Nhân dịp lễ đó, ngay trong các nghi thức phụng vụ Thánh Thể do các Giám mục và Thượng phụ ở Trung Đông cử hành để cầu xin hòa bình và lòng thương xót cho các dân tộc ở các vùng nơi phát sinh đức tin Kitô giáo, một hành động đặc biệt của Trung Đông là hiến dâng cho Thánh Gia Nagiarét cũng đã được thực hiện.

Một bài bình luận được công bố tại Li Băng bởi Trung tâm Truyền thông Công Giáo đã nhấn mạnh rằng: Những ánh mắt và lời cầu nguyện của những người đã được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy cùng hướng về Bức Ảnh sẽ thể hiện sự hiệp thông đức tin ngay giữa các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau, nối kết bởi lòng sùng kính chung đối với Gia đình Thánh Gia Thất, và cũng được tôn kính đặc biệt bởi Giáo Hội Chính Thống Coptic, nơi lưu giữ những địa điểm nằm rải rác trên lãnh thổ Ai Cập, mà theo truyền thống địa phương, Đức Maria, Giuse và Chúa Hài đồng đã đi qua khi Thánh Gia buộc phải chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi những kế hoạch xấu xa của vua Hêrođê.

2. Đức Giáo Hoàng tông du đến Slovakia, một tin vui bất ngờ cho những Kitô hữu của đất nước

Sau khi Đức Phanxicô xác nhận sẽ đến thăm Bratislava và ba thành phố khác của Slovakia, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, Cha Martin Kramara, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục quốc gia, đã diễn đạt nỗi vui mừng vì chuyến thăm này sẽ củng cố “đức tin của chúng tôi đang bị suy yếu bởi chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân ”.

Hôm Chúa Nhật 4 tháng 7, Đức Thánh Cha xác nhận những gì ngài đã công bố hồi tháng Ba trong chuyến bay đưa ngài trở về Roma từ Iraq: từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, ngài sẽ tông du nước Slovakia. Trước khi đến thăm Bratislava, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Budapest, Hung Gia Lợi, để chủ tọa Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, sau đó, từ buổi chiều ngày 12 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ dành ba ngày tông du nước cộng hòa trẻ trung miền Trung và Đông Âu. Đây sẽ là chuyến tông du thứ hai của Đức Phanxicô vào năm 2021, và là chuyến tông du thứ tư của một vị Giáo hoàng đến Slovakia sau ba chuyến công du của Đức Gioan Phaolô II: Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến Bratislava năm 1990, sau đó ngài đến thăm Cộng hòa Slovakia độc lập vào năm 1995 và 2003.

Linh mục Martin Kramara, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Slovakia, phản ứng về thông báo về chuyến đi sắp tới này như sau:

“Tôi phải thú nhận rằng tất cả chúng tôi đều rất đỗi vui mừng khi nghe những lời của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Iraq, khi ngài đề cập về một chuyến thăm có thể tới Bratislava. Chúng tôi đã rất vui mừng phấn khởi vào thời điểm đó, nhưng khi chúng tôi nhận được lời xác nhận, trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 4 tháng 7, thì quả thực đó là một thời gian thật tuyệt vời... Tôi đã bình luận về những lời của Đức Giáo Hoàng cho đài TV Công Giáo của chúng tôi và tôi phải nói rằng tôi đã vô cùng cảm kích đến nỗi tôi không thể „nói lên lời“... Sau đó là phản ứng của Tổng thống Cộng hòa, bà Zuzana Aputová, bà cũng ngay lập tức bày tỏ niềm vui tột độ, vì nhà nước Slovakia cũng đang chuẩn bị đón tiếp Đức Giáo Hoàng với niềm hạnh phúc lớn lao. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia, Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský, cũng phản ứng ngay lập tức, nói rằng đó là một khoảnh khắc phi thường đối với toàn thể Giáo hội. Đương nhiên, đây là một thông báo gợi nhớ lại chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là một sự khích lệ lớn lao cho toàn thể đất nước. Quả thật, chúng tôi cũng vui mừng được đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm này, chúng tôi rất nóng lòng mong đợi.

Cha có mong đợi chuyến viếng thăm này từ Đức Phanxicô không?

Như mọi người đã biết, chúng tôi là một nước bé nhỏ, mãi đến năm 1993, chúng tôi mới tách khỏi Tiệp Khắc và Cộng hòa Séc một cách hòa bình. Sau đó, theo thời gian, Hội đồng Giám mục của chúng tôi được thành lập và chúng tôi có một tổ chức giáo hội tự trị với tên gọi Slovakia. Tôi có thể nói rằng, chính xác bởi vì chúng tôi là một quốc gia nhỏ, chúng tôi không dám mơ tưởng thông báo này. Thật vậy, trong một số trường hợp, các giám mục của chúng tôi đã mời Đức Thánh Cha và các tín hữu của chúng tôi thường hỏi chúng tôi khi nào Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến. Nhưng chúng tôi nói với họ rằng Đức Giáo Hoàng có những việc khác phải bận tâm, nhiều cam kết quan trọng hơn để thực hiện hơn là một chuyến thăm chúng tôi. Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi không thể kỳ vọng vào chuyến thăm của ĐTC quá nhiều. Khi Đức Thánh Cha thông báo về chuyến đi này, đó thực sự là một bất ngờ lớn lao, một niềm vui khôn tả, vì chúng ta thực sự cần được khích lệ trong đức tin của mình.

Những thách thức chính đối với Giáo hội Slovak ngày nay là gì, thưa cha?

Tất nhiên, một trong những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ là quá trình thế tục hóa. Thời kỳ bắt bớ, chịu đựng trong suốt bốn mươi năm của chủ nghĩa cộng sản, trong đó Giáo hội chịu nhiều áp lực, nay đã kết thúc. Đối với chúng tôi, đó là một thời gian rất khó khăn, nhưng đồng thời mọi người cảm thấy cần phải trung thành với Tin Mừng và với Đức Thánh Cha, chiến đấu cho đức tin của mình. Ngày nay, quả thực là oái ăm, vì cuối cùng khi được hưởng tự do và chúng tôi ngày càng giàu có theo quan điểm vật chất, theo một nghĩa nào đó, càng khó giải thích cho những người trẻ tại sao phải giữ cội nguồn, giữ niềm tin, để sống theo đức tin, không theo đuổi chỉ những thứ vật chất, và do đó không ưu tiên cho chủ nghĩa tiêu dùng. Do đó, thách thức đầu tiên đối với chúng tôi là thế tục hóa và chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng tôi rất cần được khích lệ trong đức tin.

Sau đó là sự thách thức của chủ nghĩa cá nhân, xu hướng quên đi kẻ yếu. Thật không may, khi chúng ta cải thiện điều kiện kinh tế của mình, chúng ta có xu hướng quên đi những người nghèo nhất, những người bị bỏ lại phía sau. Đây là một lời cảnh báo quan trọng và kịp thời mà Đức Thánh Cha đã thường lặp đi lặp lại: chúng ta không được quên những người đã ở lại phía sau chúng ta. Dù đang trong tình trạng phát triển nhưng chúng ta phải cố gắng nhìn vào những người anh chị em đang gặp khó khăn và đây cũng là sứ điệp của thông điệp Fratelli Tutti. Tất nhiên, chúng tôi luôn dịch các thông điệp, lời khuyến dụ và tất cả các tài liệu của Vị Mục Tử Tối Cao sang tiếng Slovak và chúng tôi cố gắng phân phát các tài liệu ấy và nói về chúng với mọi người. Nhưng đó là một chuyện để nói về một tài liệu, nó là một điều hoàn toàn khác khi được tận mắt nhìn thấy Đức Giáo Hoàng trực tiếp đến thăm và nói chuyện trực tiếp với chúng tôi. Vì vậy, với ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn được khích lệ vì đức tin của chúng tôi, vì lợi ích chung, để không quên những người đã bị bỏ lại phía sau.

Theo những gì đã được công bố, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm không chỉ Bratislava, mà còn ba thành phố khác...

Chuyến thăm tất nhiên sẽ bắt đầu với Bratislava, là thủ đô nhưng cũng là tòa tổng giám mục chính tòa phía tây của chúng tôi. Bởi vì ở Slovakia, có hai tổng giáo phận chính tòa Công Giáo Latinh: đó là Bratislava và của phía Đông, ở Košice. Do đó, đây sẽ là địa điểm thứ hai trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha. Sau đó, có tổng giáo phận chính tòa Byzantine, hay Greco-Catholic, như chúng ta gọi, nằm ở Prešov và đây sẽ là địa điểm thứ ba mà Đức Giáo Hoàng đến thăm, người đến để gặp gỡ không chỉ người Latinh mà còn cả người Byzantine. Sau Bratislava, Košice và Prešov, Đức Phanxicô sẽ đến thăm một ngôi đền rất quan trọng đối với chúng tôi: đó là Šaštin, phía tây Slovakia, nơi diễn ra cuộc hành hương lớn hàng năm vào ngày 15 tháng 9 nhân lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Thật vậy, khi các giám mục của chúng tôi biết rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đến sau Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, kết thúc vào ngày 12 tháng 9, các ngài thực sự hy vọng rằng ĐTC có thể tham gia vào cuộc hành hương rất quan trọng này đối với chúng tôi, và Đức Phanxicô đã nhận lời. Vào dịp này, người dân Slovakia đi hành hương cầu nguyện với Đức Trinh Nữ của Bảy Sự Thương Khó, như chúng tôi vẫn tuyên xưng, và đây là một cuộc hành hương rất quan trọng mà Giáo hội Slovakia đã thực hiện với lòng can đảm ngay cả trong thời cộng sản, mặc dù chế độ toàn trị hết sức phản đối cuộc hành hương này và ra sức đàn áp nó, giống như họ đã đàn áp tất cả các dòng tu, nhưng không thành công. Cuộc hành hương hàng năm đến Šaštin vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay và sẽ diễn ra một lần nữa vào ngày 15 tháng 9, khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia ”.
 
Tin Vui: Đức Thánh Cha đã xuất viện về lại Vatican, chúc mừng Tân Tổng Phục Vụ Dòng Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:17 14/07/2021


1. Thông báo về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha tối thứ Tư 14/7

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 2g trưa ngày thứ Tư 14 tháng 7, theo giờ địa phương Rôma, tức là 7 chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời bệnh viện Gemelli vào lúc 10g 30 sáng thứ Tư, để trở về Vatican. Trên đường về Đức Thánh Cha đã đến thăm Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trước khi trở về Vatican ngay trước 12 giờ trưa.

Tại Đền Thờ Đức Bà Cả, ngài bày tỏ lòng biết ơn về sự thành công của ca phẫu thuật và dâng lời cầu nguyện cho tất cả những bệnh nhân, đặc biệt là những người ngài đã gặp trong thời gian nằm viện.


Source:Vatican News

2. Điện văn của Đức Thánh Cha gởi Cha Massimo Fusarelli, Tân Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn

Dòng Anh em Hèn mọn, thường được gọi là dòng Phanxicô, đang tổ chức Tổng Tu Nghị từ ngày 3 đến 18 tháng 7, với sự tham dự của 116 vị lãnh đạo dòng và các đại biểu đại diện cho khoảng 13,000 anh em từ khắp nơi trên thế giới. Ngày 13/7 các tham dự viên đã bầu vị Tổng Phục Vụ mới. Cha Massimo Fusarelli đã được Tổng Tu Nghị bầu làm tân Tổng Phục Vụ.

Lúc 12g30 trưa cùng ngày theo giờ địa phương Rôma, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố bức điện sau của Đức Thánh Cha chuc mừng Cha Massimo Fusarelli.

Chúng tôi xin công bố dưới đây bức điện tín do Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho vị Tổng Phục Vụ mới của Dòng Phanxicô, là Cha Massimo Fusarelli:

Điện tín từ Đức Thánh Cha

Gởi đến Cha Massimo Fusarelli, O.F.M.

Tân Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn

Sau khi nhận được tin Cha được bầu, tôi chúc mừng và bảo đảm với Cha về lời cầu nguyện và phép lành, xin Chúa phù trợ và gìn giữ Cha trong việc phục vụ Ngài.

Xin Cha Thánh Phanxicô là sự khích lệ cho Cha trong việc hướng dẫn các huynh đệ của Cha.

Cha Fusarelli, 58 tuổi, được bầu làm Tổng Phục Vụ với nhiệm kỳ sáu năm. Cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi Đức Hồng Y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ.

“Minister general” hay “Tổng Phục Vụ” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ người lãnh đạo Dòng Anh Em Hèn Mọn. Danh xưng này xuất phát từ chương 8 của Bản Luật Dòng Phanxicô.

Cha Fusarelli sẽ là người kế vị thứ 121 của Thánh Phanxicô Assisi, là vị đã thành lập Dòng Phanxicô vào thế kỷ 13 trên sườn đồi Umbria, miền trung nước Ý. Cha Fusarelli kế vị Cha Michael Perry, một người gốc Indianapolis, đã là Bề Trên Tổng Quyền từ năm 2013.

“Cầu xin Chúa Thánh Thần bảo vệ và hướng dẫn Anh Massimo trong việc phục vụ các anh em của Dòng và toàn thể Giáo hội”, một thông cáo báo chí trên trang web của Dòng Phanxicô cho biết như trên.


Source:Holy See Press Office

3. Điện văn của Đức Thánh Cha gởi Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq về vụ hỏa hoạn khiến hơn 92 bệnh nhân coronavirus thiệt mạng

Theo các báo cáo ban đầu, ít nhất 92 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại Bệnh viện Al-Hussein hôm thứ Hai 12 tháng 7.

Theo các cuộc điều tra sơ khởi, một vụ nổ bình ôxy trong khu điều dưỡng là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ. Ngọn lửa tàn khốc đã được kiểm soát bởi các lính cứu hỏa, nhưng trước đó ít nhất 92 người đã chết và hàng trăm người khác bị thương. Thông tin từ Baghdad lo ngại con số thương vong sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha gởi bức điện sau cho Đức Tổng Giám Mục Mitja Leskovar, Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq.

Kính gởi Đức Tổng Giám Mục Mitja Leskovar

Sứ thần Tòa thánh tại Iraq

Baghdad


Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời bảo đảm về sự gần gũi tinh thần của ngài đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm tại khu cách ly Covid của bệnh viện al-Hussein ở Nasiriyah. Vô cùng đau buồn, ngài cầu nguyện đặc biệt cho những người đã thiệt mạng và sự an ủi cho gia đình và bạn bè của họ, những người đang thương tiếc sự mất mát này. Ngài cầu xin phép lành, ơn an ủi, sức mạnh và bình an của Thiên Chúa cho các bệnh nhân, nhân viên y tế và những người chăm sóc.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh



Source:Holy See Press Office
 
Hi hữu: Con được vào chủng viện, mẹ bán nhà đi tu. Giờ đây con là linh mục, bà cố là nữ tu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:32 14/07/2021


1. Con được vào chủng viện, mẹ bán nhà đi tu. Giờ đây con là linh mục, bà cố là nữ tu

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 11 tháng 7 cho biết mẹ của một linh mục Brazil đã trở thành một nữ tu trong cùng một dòng với con.

Khi Chúa gọi người thanh niên này lên chức tư tế, Chúa cũng kêu gọi bà cố bước vào đời tu cùng với con bà.

Mẹ của một linh mục người Brazil đã trở thành một nữ tu trong cùng một dòng với con trai của bà, là Dòng Ngôi Lời Nhập Thể. Chính linh mục Jonas Magno de Oliveira đã chia sẻ câu chuyện về ơn gọi bất thường này gây chú ý trên các mạng xã hội.

Trong cuộc trò chuyện với hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha ACI Prensa, vị linh mục nói rằng ngài bắt đầu cảm nhận được ơn gọi sống thánh hiến khi mới 8 tuổi. Ngài thường xuyên tham dự Thánh lễ với gia đình, điều này cho phép ngài thấy được sự nhiệt thành và tinh thầ quảng đại chăm sóc mục vụ của một linh mục giáo xứ, và điều này thôi thúc ngài dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa.

Ban đầu gia đình nghĩ rằng sở thích ban đầu này là “ước mơ của trẻ thơ”, nhưng cậu bé Jonas chắc chắn rằng đó là một điều gì đó lớn lao hơn. Vị linh mục cho biết, mẹ ngài không muốn ép ngài đi theo con đường đó, nhưng đã ủng hộ và dạy ngài những đức tính Công Giáo. “Mẹ tôi được truyền cảm hứng bởi Đức Mẹ, là người luôn im lặng, để Chúa Kitô làm những gì Ngài phải làm,” vị linh mục nói với ACI Prensa.

Khi cậu Jonah được 13 tuổi, mẹ cậu được mời tham dự các khóa linh thao theo Thánh Inhaxiô thành Loyola. Trong khi mẹ cậu trải qua những ngày ẩn dật trong im lặng, cậu sống với những nhà đào tạo tại tiểu chủng viện của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, nơi cha giám đốc đã giúp cậu phân định và xác nhận ơn gọi của mình.

Chàng trai trẻ quyết định vào chủng viện. Là con một, cha lại qua đời sớm, cậu sợ mẹ mình sẽ bị bỏ lại một mình. Tuy nhiên, Chúa quan phòng cũng có những kế hoạch khác cho bà cố

Các nữ tu của Dòng Các Tôi Tớ Chúa và Trinh Nữ Matara, là Dòng nữ của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, đã mời bà cố đến sống với họ. Là một y tá, bà cố cũng giúp được việc chăm sóc cho người khuyết tật về tinh thần, là một phần công việc của Dòng.

Bà chấp nhận lời đề nghị và bắt đầu sống với nhà dòng ngay sau khi con trai vào đại chủng viện. Bà đã sống như một nữ tu chiêm niệm ở Ý.

Về phần mình, Cha Jonas được thụ phong vào ngày 8 tháng 5 năm 2020, và hiện đang sống ở Rôma. Ngài tạ ơn Chúa vì có thể ở gần mẹ mình và cảm ơn “vì đã ở đây, là một linh mục, truyền giáo, làm việc và giúp đỡ”.

Vị linh mục trẻ cho biết thêm rằng ơn gọi của mẹ ngài là một “ơn sủng ngoạn mục”. Ngài nói với ACI Prensa:

Khi bạn nói về một ơn gọi, hầu hết mọi người đều nói: cha tôi hoặc mẹ tôi đã chống lại nó… Nhưng với tôi thì không phải như vậy. Mẹ tôi đã ủng hộ, và không chỉ ủng hộ: bây giờ chúng tôi đang theo Chúa Kitô trên cùng một con đường, trong cùng một ơn gọi, và như thể chưa đủ, với cùng một đặc sủng, điều này rất đặc biệt và là một lý do để tạ ơn Chúa.


Source:Aleteia

2. Linh mục Pháp được vinh danh vì một hành động anh hùng thời Đức Quốc xã

Cờ của Đức Quốc xã trên nóc một ngôi thánh đường ở Pháp trong vùng bị chiếm đóng đã bị một thiếu niên, sau này là một linh mục, giật xuống.

Khi vị linh mục người Pháp này còn là một thiếu niên, ngài đã thực hiện một hành động can đảm bất chấp sự tàn bạo của Đức Quốc xã.

Đó là một buổi tối năm 1942. Nước Pháp đang bị phát xít Đức chiếm đóng, nhưng tinh thần phản kháng vẫn sống mãi trong dân chúng. Alexis Hiessler và hai người bạn 17 tuổi đang lên kế hoạch làm một việc liều lĩnh: Các thiếu niên muốn chiếm lấy lá cờ của Đức Quốc xã treo trên tháp chuông của Vương Cung Thánh Đường cạnh trường St. Columban, nơi họ đang theo học.

Họ không thể chịu nổi khi thấy biểu tượng này, không phù hợp với đức tin của họ, được tôn phong trên tháp của nhà thờ này, nhà thờ Thánh Phêrô Luxeuil-les-Bains, nơi từng là một phần của tu viện cổ kính cùng tên.

Những người bạn leo lên một cái thang ngắn và lên đến mái nhà. Từ đó, họ tìm cách giật lá cờ từ tháp chuông xuống.

Nhiệm vụ hoàn thành, Alexis trẻ tuổi giữ lá cờ. Tất nhiên, sự vắng mặt của lá cờ của Đệ tam Đế chế không làm sao qua mặt được các binh lính Đức. Chúng đột kích vào trường học nhưng không thể tìm thấy lá cờ mà Alexis Hiessler đã giấu. Sau khi giật xuống, anh đưa cho mẹ mình, cất vào một nơi an toàn.

Câu chuyện này được chia sẻ gần đây bởi Cha Alexis Hiessler, người, nhiều năm sau khi vụ việc xảy ra, đã được thụ phong linh mục giống như người anh trai của ngài. Mặc dù việc giật một lá cờ xuống có vẻ như là một hành động đơn giản, nhưng dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã - một hành động thách thức như thế có thể dẫn đến những hình phạt nghiêm khắc, thậm chí là cái chết. Vì thế, đó là một cử chỉ đặc biệt mang tính biểu tượng và anh hùng.

Hôm 18 tháng 6 vừa qua, Bảo tàng Chiến đấu Haute-Saône kỷ niệm 79 năm. Các học sinh ngày nay của Trường St. Colomban đã có mặt để tìm hiểu về trang lịch sử địa phương này, do chính Cha Alexis Hiessler kể lại. Hai người bạn của ngài đã qua đời. Bảo tàng sẽ giữ lá cờ từ bây giờ.

Nhà báo Pháp Frédéric Buridant đã tweet:

Vào mùa đông năm 1942, cùng với hai người bạn học của mình tại St. Colomban ở Luxeuil-les-Bains, Alexis Hiessler, người sau này trở thành linh mục, đã giật xuống một lá cờ của Đức Quốc xã từ tháp chuông của nhà thờ ở Luxeuil. Một hành động phản kháng đã được đề cao vào ngày 18 tháng 6 này trước các học sinh hiện tại của nhà trường.

Tấm gương của ngài có thể truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta hành động với lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với cái ác trong cuộc sống của chính mình.


Source:Aleteia

3. Kinh tế khó khăn của các linh mục ở Bờ Biển Ngà

Chúa nhật 11 tháng 7 vừa qua, Hội nghị ngoại thường của hàng giáo sĩ nước Côte d’Ivoire, cũng gọi là “Bờ Biển Ngà”, bên Phi châu, đã kết thúc sau 5 ngày tiến hành tại Yamoussoukro, thủ đô hành chánh của nước này, và đặc biệt bàn về tình trạng kinh tế và tài chánh của các linh mục tại địa phương.

Trong một bài tham luận tại hội nghị, cha Donald Zagore, thuộc Hội Thừa Sai Phi châu (SMA), nhận xét rằng cuộc sống linh mục thời nay khác nhiều so với trước kia, với những thay đổi và những đòi hỏi lớn. Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại các nước Phi châu làm cho tình trạng tài chánh và vật chất của các linh mục địa phương trở nên bấp bênh. Các linh mục không phải là những “lao động độc lập” nhưng sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Và giáo dân ngày càng nghèo hơn.

Cha Zagore kể với hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo rằng: “Trong hội nghị, các tham dự viên bàn về tình trạng kinh tế và vật chất của các linh mục không những tại Côte d’Ivoire nhưng toàn Phi châu. Tình trạng nghèo ngày càng lan rộng, và vì thế cần quyết liệt tìm cách giải quyết. “Hiện nay, Giáo hội tại Côte d’Ivoire đang có một chương trình toàn quốc được đề ra, nhắm đồng đều hóa lương bổng của các linh mục để tránh tình trạng quá chênh lệch: có những linh mục sống xa hoa, trong khi có những vị khác ở trong tình trạng kinh tế rất bấp bênh. Sáng kiến cũng nhắm cổ võ và nuôi dưỡng tinh thần liên đới giữa các giáo phận khác nhau ở Côte d’Ivoire”.

Cha Zagore xác tín rằng: “Đây là một sáng kiến đáng khen cần được đón nhận và khích lệ. Nhưng cần phải đi xa hơn để đặt nền tảng cho một suy tư sâu xa về thần học linh mục, trong bối cảnh kinh tế và chính trị của Phi châu ngày nay”.


Source:Fides
 
7g tối thứ Bẩy 17/7: Hiệp thông với đền thánh Loreto, xin Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:49 14/07/2021


Đền Thánh Loreto, cách Rôma 280 km về phía Đông Bắc là một trong các địa điểm hành hương lớn nhất tại Ý. Tại đây có nhà thánh Loreto, theo truyền thống chính là ngôi nhà ở Nagiarét, nơi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ. Ngôi nhà ấy đã được các Thiên Thần di chuyển từ Palestine về địa điểm mới này.
Đức Tổng Giám Mục Fabio Dal Cin, là đại diện Đức Giáo Hoàng tại Đền Thánh Loreto sẽ chủ sự buổi đọc kinh Mân Côi với sự tham dự của đông đảo anh chị em giáo dân và các kinh sĩ của Đền Thờ.

Nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ

Đền thánh Đức Mẹ Loreto là một trong các trung tâm Thánh Mẫu được tôn sùng và thu hút đông đảo các tín hữu nhất trên khắp thế giới. Và đúng như vậy, vì theo truyền thống, theo các chứng từ của các vị Giáo Hoàng và các Thánh, đây là nơi căn nhà của Đức Mẹ ở Nagiarét khi xưa đã được các Thiên thần dời về đây.

Nhà Thánh nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ được coi là nơi “sáng tạo mới” - tức là ơn cứu chuộc của chúng ta – đã bắt đầu. Trong nhiều thế kỷ qua, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đền thờ này để cầu nguyện và tìm kiếm sự cầu bầu của Đức Mẹ. Hàng ngàn phép lạ được ghi nhận là do Đức Mẹ ban ơn cho các tín hữu kính viếng đền thánh này.

Truyền thống tôn kính và lịch sử của Nhà Thánh, nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, đã có từ thời các thánh Tông đồ. Từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, Nhà Thánh đã là nơi tấp nập các khách hành hương, và một hang đá được xây ngay bên cạnh Nhà Thánh. Năm 313, Đại đế Constantine đã xây một Vương cung thánh đường lớn bao trùm Nhà thánh Nagiarét và hang đá. Vào khoảng năm 1090, quân Hồi Giáo xâm chiếm Thánh địa, cướp bóc và phá hủy nhiều đền thờ linh thiêng đối với các Kitô hữu. Một trong số đó là Vương cung thánh đường ở Nagiarét, nhưng Nhà thánh và hang đá vẫn còn nguyên.

Khi thánh Phanxicô Assisi đến thăm Thánh Địa từ 1219 đến 1220, ngài từng cầu nguyện nhiều lần tại Nhà Thánh này. Thánh Louis thứ Chín, Vua nước Pháp, cũng đã đến thăm và rước lễ trong đền thờ này khi ngài lãnh đạo một cuộc thập tự chinh để giải phóng Thánh địa khỏi tay quân Hồi Giáo. Một nhà thờ khác được xây dựng trên nền ngôi nhà thờ cũ trong thế kỷ 12 để bảo vệ Nhà Thánh. Vương cung thánh đường thứ hai này cũng bị phá hủy sau đó khi quân Hồi Giáo đánh bại quân thập tự chinh vào năm 1263. Một lần nữa, Nhà Thánh thoát khỏi sự hủy diệt và vẫn còn nguyên vẹn dưới đống đổ nát của Vương cung thánh đường. Cuối cùng, vào năm 1291, quân thập tự chinh đã bị đánh đuổi hoàn toàn khỏi Thánh địa và chính tại thời điểm này trong lịch sử, Nhà Thánh biến mất khỏi Palestine và xuất hiện ở một nơi ngày nay chúng ta gọi là Croatia, và một ngôi đền lớn nhất được xây dựng ở đó để bao bọc Nhà Thánh, gọi là đền Đức Mẹ Trsat, tiếng Ý gọi là Tersatto.

Nhà Thánh tại Tersatto

Truyền thống cho chúng ta biết rằng vào ngày 10 tháng 5 năm 1291, Nhà Thánh Nagiarét đã được các Thiên thần dỡ khỏi nền móng ở Nagiarét và đưa băng qua Địa Trung Hải từ Palestine đến một ngọn đồi của làng Dalmatia thuộc thị trấn nhỏ Tersatto.

Cha sở nhà thờ Thánh George, tại Tersatto, là cha Alexander Georgevich, đã rất kinh ngạc trước sự hiện diện bất ngờ của một nhà thờ nhỏ và cầu nguyện xin được soi sáng. Những lời cầu nguyện của ngài đã được trả lời khi Đức Trinh Nữ xuất hiện với ngài trong giấc ngủ và nói với ngài rằng đây thực sự là Nhà thánh Nagiarét, nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ và đã được đưa đến đây nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Để xác nhận những gì Mẹ nói với ngài, ngài tức khắc được phục hồi sức khỏe, khỏi hẳn những căn bệnh mà ngài đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Anh chị em giáo dân được khích lệ đến hành hương tại đây và nhiều người nhận được các ơn lạ.

Nhà Thánh tại Loreto

Năm 1294, khi quân Hồi Giáo tiến chiếm Albania và có khả năng sẽ phạm thánh, ngôi nhà đột nhiên biến mất khỏi Tersatto. Một số người chăn chiên quả quyết đã nhìn thấy vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 1294, Nhà Thánh được các Thiên thần nâng lên lơ lửng trên không, băng qua biển Adriatic và đến một khu rừng cách thành phố Recanati của Ý 6.5km. Tin tức lan truyền nhanh chóng và hàng ngàn người đến xem ngôi nhà nhỏ giống như một nhà thờ. Ngôi nhà trở thành nơi hành hương và nhiều phép lạ đã diễn ra ở đó. Nhưng kẻ cướp từ khu vực rừng cây gần đó bắt đầu làm khổ những người hành hương, vì vậy Nhà Thánh được đưa đến một nơi an toàn hơn cách đó không xa. Nhưng ở nơi này cũng không xong vì hai anh em sở hữu mảnh đất đang tranh cãi nhau. Ngôi nhà đã được chuyển đến địa điểm hiện nay. Hai anh em nhà nọ trở nên hòa thuận với nhau ngay khi Nhà Thánh định cư ở vị trí cuối cùng. Thật là lạ lùng, bất cứ nơi nào Nhà Thánh đáp xuống, ngôi nhà đều nằm vững chãi một cách kỳ diệu trên mặt đất, mặc dù không có nền móng gì cả.

Đứng trước những phép lạ tuôn đổ trên những người hành hương, giáo quyền và người dân muốn biết chắc chắn đây có phải là Nhà Thánh ở Nagiarét không. Vì thế họ đã gửi một phái đoàn gồm 16 người đàn ông đến Tersatto và sau đó đến Nagiarét để xác định chắc chắn nguồn gốc của Nhà Thánh. Mười sáu người đàn ông, tất cả đều là các công dân đáng tin cậy, đã mang theo các số đo và chi tiết đầy đủ của Nhà Thánh, và sau vài tháng trở lại với báo cáo rằng theo ý kiến của họ, Nhà Thánh này đã thực sự đến từ Nagiarét.

Phản ứng của các vị Giáo Hoàng

Trong nhiều thế kỷ, nhiều vị Giáo Hoàng đã công nhận tính xác thực của Nhà Thánh và các phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ khi các tín hữu hành hương đến đây. Sự sùng kính của các vị Giáo Hội đối với Nhà Thánh được thể hiện qua vô số các ân xá được trao cho những người đến thăm Nhà Thánh. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên ban các ân xá, sau đó đến Đức Giáo Hoàng Urbanô VI. Ngài đã ban ân xá cho các tín hữu hành hương đến đây vào ngày lễ mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Các Đức Giáo Hoàng Boniface IX và Martin V cũng ban nhiều ân xá. Một bảng liệt kê danh sách các vị Giáo Hoàng ban ân xá cho các tín hữu hành hương trong nhiều thế kỷ qua đã thể hiện xác tín của các ngài về tính xác thực của Nhà Thánh tại Đền Thờ Loreto.

Kinh cầu Đức Bà Loreto

Kinh cầu Đức Bà mà chúng ta thường đọc còn được gọi là Kinh cầu Đức Bà Loreto vì đây là nơi xuất phát kinh cầu này vào năm 1558, và sau đó được Đức Giáo Hoàng Xittô V phê duyệt và truyền công bố trong toàn thể Giáo Hội vào năm 1587. Đó là một trong 5 kinh cầu được chính thức phê duyệt dùng trong toàn thể Giáo Hội.

Các vị Thánh đã từng hành hương đền thờ Nhà thánh Loreto

Bất cứ nơi nào có đền thờ Đức Mẹ đích thực hiện ra, bạn có thể chắc chắn sẽ có nhiều phép lạ. Điều này đặc biệt đúng tại Nhà Thánh, nơi đã có rất nhiều người được chữa khỏi không thể giải thích được về mặt Y khoa. Trên thực tế, ít nhất ba vị Giáo Hoàng đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu tại đền thờ Nhà thánh Loreto.

Hơn hai ngàn người đã được Giáo hội phong thánh, phong chân phước hoặc tôn kính đã đến thăm Nhà Thánh. Thánh Têrêxa thành Lisieux, Thánh Anphongsô Liguori, Thánh Frances Cabrini, Hồng Y Newman, Thánh John Neumann và Thánh Phanxicô đệ Salê đều đã viếng thăm Nhà Thánh.

Thánh Phanxicô Assisi vào những năm đầu của thế kỷ 13 đã thành lập một tu viện tại Sirolo, phía bắc Recanati. Trước sự hoang mang của một nhóm các tu sĩ, Thánh Phanxicô đã tiên báo trước rằng trước khi kết thúc thế kỷ đó, một thánh đường sẽ được xây dựng gần đó, nơi nổi tiếng hơn Rôma hoặc Giêrusalem và các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến hành hương Thánh địa này. Lời tiên tri này đã được chứng minh là đúng khi Nhà Thánh Loreto đến vào ngày 10 tháng 12 năm 1294.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đến thăm Đền thờ nhân kỷ niệm 50 năm chuyến viếng thăm Đức Gioan 23. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Bênêđíctô chính thức phó dâng Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và Năm Đức tin cho Đức Mẹ Loreto.