Ngày 13-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Maria Khôn Ngoan Đã Chọn Phần Tốt Nhất
Tuyết Mai
00:41 13/07/2010
Bà Martha đứng lại thưa với Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". (Lc 10, 38-42).

Quả thật trên trần gian này ai mà chẳng giống bà Martha, chứ được như Chúa Giêsu khen thưởng thì chẳng được việc gì cho xong cả!?. Chúng ta chỉ ví dụ thôi nhé! Khách quý của chúng ta là một Linh Mục đến thăm gia đình, cảnh này tôi đã được chứng kiến, là vị Linh Mục được mời thì được sắp xếp ngồi đầu bàn, gia chủ của gia đình thì ngồi cạnh bên, rồi sau đó thì là bà vợ và con cái trong gia đình. Thường thì ông chủ nhà mới ngồi tiếp khách, chứ không một ai dám ngồi cạnh vị Lm. cả!? Có thể vì gia đình muốn tỏ ra quý trọng Lm. bằng cách là không dám ngồi gần vị Lm. đó chăng!? Nhất là đàn bà con gái nữa! Phong tục cổ kính bên nước ta đã không cho phép đàn bà con gái được ngồi gần, ngay cả việc phụ tiếp chuyện. Phần tiếp chuyện phải để dành cho gia chủ là quý ông hoặc con trai lớn trong nhà. Thành thử việc cô em là Maria đã tiếp chuyện với Chúa Giêsu bị bà chị than trách là không phụ chuyện bếp núc với cô là điều không sai, thưa có phải không anh chị em?. Tôi không hiểu phong kiến thời xưa ở Do Thái như thế nào!?? Nhưng Phúc Âm trên đây, Chúa dẫn giải cho chúng ta thấy rằng giữa hai chị em, thì người em Maria đã thật khôn ngoan vì biết chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất. Tôi không hiểu là sau khi Chúa trả lời với bà chị Martha, mà bà có thật hiểu ý của Chúa Giêsu hay không, hay vẫn còn hậm hực và giận cô em Maria lắm lắm!.

Là người đời thì có phải chúng ta phải biết giữ những phong tục tối thiểu, và những điều cần thiết chúng ta phải tránh, nhất là không được thân thiện với các bậc tu hành là người nam. Người đời họ sẽ dị nghị và có lời ra tiếng vào thật không tốt khi thấy vị Lm. đứng tiếp chuyện riêng với một người nữ. Những lời dị nghị đó nếu có ít nhiều người không đồng ý, thì tôi cũng không biết phải nói làm sao, vì đó là phong tục của nước ta, còn bên Mỹ này chắc sẽ không bị người đời dị nghị cho lắm vì nước ngoài chắc cởi mở hơn nhiều???.

Nhưng thôi chúng ta hãy bỏ ngoài những thành kiến và những cổ hũ lề luật mà con người thường hay mắc phải đi nhé! Để nói về đoạn Phúc Âm trên đây, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa thì có cái nhìn ngược lại với loài người chúng ta mà!. Nếu thế thì xin mọi người hãy nhìn theo cái nhìn giống Chúa, và sống theo cách sống của Chúa, để được Ngài mở trái tim chúng ta ra mà nhận lãnh tất cả những gì Ngài mạc khải cho chúng ta hiểu biết cách tìm kiếm Nước Trời theo ý của Ngài. Thời bấy giờ ai cũng biết Chúa Giêsu là Người của Thiên Chúa. Ngài được xuống trần để đi Giảng dậy về Nước Trời của Ngài. Ngài xuống trần là để chữa lành cho tất cả tâm hồn, thân xác bệnh hoạn, tật nguyền, phong hủi, hoại huyết, đui mù, quỷ nhập, ngay cả cái chết của chúng ta.

Ngài không ở với chúng ta luôn mãi, nên Ngài rất cần thời giờ của chúng ta cho Ngài, để Ngài tha thiết yêu cầu chúng ta hãy luôn cố gắng tìm kiếm Nước Trời Nơi mà Ngài muốn tất cả chúng ta cùng được đến, vì Ngài biết được rằng con người nhân loại thì rất yếu đuối, chỉ cầu cho được hưởng thụ cho cái thân xác yếu hèn, tội lỗi, và hay chết này mà thôi!. Quyền lực của trần gian thì có sức lôi cuốn rất mãnh liệt. Trong đó chứa đựng tất cả những gì làm cho chúng ta phải bị mất linh hồn. Trong đó là tất cả những gì làm cho con người từ từ mất đi lý trí, sự công bằng, lẽ phải, bác ái, thương người, chính mình, và sau cùng là sự hủy diệt lẫn nhau. Sự hủy diệt lẫn nhau càng ngày thì chúng ta càng thấy nhan nhãn trước mặt, mà quá trễ, không cứu vãn được gì!?. Những độc tố từ những trái bom nguyên tử phóng ra ngoài không gian, được trả về lại trái đất làm cho biết bao nhiêu nơi nhiêu chỗ bị nhiễm trùng, và như những lớp phân bón tưới gội trên mọi cánh đồng, trên rau trên cỏ, trên lúa mạ trên cây cối. Con người uống nước độc, ăn những súc vật bị nhiễm độc, đã làm cho con người phát sinh ra những căn bệnh kỳ dị và vô cùng nguy hiểm, đã giết chết biết bao nhiêu con người trên thế giới. Chưa kể những hận thù gây cho biết bao nhiêu con người ta bỏ thây giữa chiến trường. Rồi thì vì thiếu lòng bác ái và thiếu sự công bằng, con người ta rất dửng dưng khi chiếm đoạt những gì thuộc về anh chị em mình, từ đất đai, nhà cửa, cho đến việc mua cho được những gì mà cho là thiếu đạo đức thiếu lòng nhân, hay những con người này có trái tim không khác một con thú???.

Vâng, vì Chúa Giêsu đã thấy được tất cả tấm lòng lang sói của con người, nên Chúa Giêsu mới phải nhọc công như thế! Để hy vọng biến đổi một thế giới có tình yêu, có hy vọng, công bằng, công lý, hòa bình, và ấm no. Con người biết sống trong lý lẽ phải quấy, biết thương yêu nhau như Chính bản thân của Chúa hy sinh vì nhân loại. Ngài muốn dậy chúng ta là chớ có lo lắng thái quá cho miếng cơm manh áo và tất cả những gì trong cuộc sống tạm bợ trần gian này, mà chỉ có một sự cần duy nhất mà thôi! Và "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

Thưa sự cần duy nhất là gì thưa anh chị em? Có phải là những Lời khuôn vàng thước ngọc mà Ngài Giêsu muốn chúng ta nghe theo, thấm nhuần và sống theo thánh ý Chúa. Để Lời sẽ luôn hướng dẫn chúng ta đi theo con đường của Chúa. Con đường hướng thiện, con đường trọn lành, con đường của Thập Giá, con đường của yêu thương, là dấu chỉ muôn đời của Ngài. Điều cần thiết và quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta là luôn biết sống thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, sau là yêu người như yêu chính bản thân của mình. Được như thế chúng ta sẽ không sợ mất linh hồn vì chúng ta biết đem Lời Chúa ra thực hành. Được như thế chúng ta chắc rằng tên của chúng ta đã được ghi trên Trời. Được như thế cuộc sống của chúng ta luôn luôn bình an trong tâm hồn và làm cho nhiều anh chị em sống chung quanh chúng ta cũng cảm thấy vui lây, an ủi, và yêu thương.

Xin đừng bắt chước như Martha, vì sự đời thì lúc nào cũng lôi cuốn, cũng như dòng nước chảy không bao giờ ngừng, nếu chúng ta không biết ngừng nghỉ thì dù chúng ta có bon chen cho lắm, chúng ta cũng chỉ gặt hái được những buồn phiền, già nua, khó khăn, cằn cỗi, và quay qua quay lại cuộc đời của chúng ta cũng đến cùng tận mà thôi! Rồi thì tiền bạc chất đống đầy cũng bị con cháu chúng phá tan hết của cải. Rồi thì tiền chất đống đầy mà sức khoẻ của chúng ta không còn hưởng được một thứ gì mà rồi thì nhà thương cũng sẽ lấy hết tiền của chúng ta mà thôi! Rồi thì trên giường bệnh thời gian không làm gì ngoài những cơn đau xoáy mòn thân xác, ngẫm nghĩ lại đâu là hạnh phúc, đâu là cùng đích, đâu là Nơi ta sẽ đến??????. Có phải lúc bấy giờ chỉ còn lại một mình ta với nhưng cơn thở dài thật vô vọng.

Hãy trở về với Chúa là nguồn an vui, hoan lạc, hạnh phúc tràn đầy, hy vọng, và con đường trần thế chỉ là giai đoạn ngắn ngủi giúp chúng ta tôi luyện để trở thành khí cụ của Chúa. Nhờ Ơn Chúa chúng ta tất cả sẽ có thể trở thành những ngọn hải đăng, giúp đem những con người còn sống xa Chúa ngoài khơi của thác loạn, của đam mê, của dục vọng, tiền tài, và thế lực. Giúp anh chị em hiểu được rằng bến bờ của hạnh phúc thật là Nước Trời và xin hãy chấm dứt những cuộc vui không thật của quỷ ma giăng mắc. Xin Chúa giúp lương tâm của chúng ta luôn được nhắc nhở như Chúa nhắc nhở cô Martha: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Amen.
 
Gia Đình Chị Em Maria
Lm Giacôbê Tạ Chúc
00:51 13/07/2010
Trong cuộc đời công khai giảng dạy, Chúa Giêsu được nhiều người thương mến và giúp đỡ. Trong số đó không thiếu những người phụ nữ đi theo Chúa, cách đặc biệt một gia đình mà Chúa thường đến thăm và quan tâm tận tình: gia đình của chị em bà Matta và Maria. Các Tin mừng ghi nhận ít là ba lần Chúa đến nhà chị em này (Ga 11, 1-45; 12, 1-11; Lc 10, 38-42).

Làng BÊTANIA

Nói đến gia đình Matta và Maria chúng ta không thể nào không nhắc đến một địa danh lịch sử, gắn liền với tên tuổi của hai Thánh nữ. Bêtania một làng nằm ở phía đông nam núi Cây dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường nối liền với Giêricô. Nơi ở của Lazarô, Mátta và Maria(Ga 11,1). Là nơi Chúa cho lazarô sống lại(Ga 11). Bêtania bây giờ là El-Azariyeh, “nhà của Lazarô”. Nhìn từ xa, làng Bêtania được mô tả như là “nơi tốt đẹp đáng ghi nhớ, nơi ẩn náu của sự bình yên, của nguồn yêu thương”. Bây giờ cũng chỉ là một làng nhỏ. Dân số hiện nay khỏang 5000 người. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khỏang một giờ đồng hồ”.

Mátta và Maria

Câu chuyện Chúa Giêsu vào nhà Mátta và Maria nghỉ ngơi, khi cùng với các môn đệ đang trên đường rao giảng Tin mừng, cho chúng ta một nét đẹp trong chân dung của người Tông đồ phục vụ anh chị em mình. Trong khi cô em là Maria đang ngồi lắng nghe lời chúa, thì Mátta tất bật với công việc một người nội trợ thật tuyệt vời. Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ, thái độ đón tiếp của bà. Bởi Chúa cũng cần lắm những cộng sự viên năng nổ, năng động như Mátta. Nếu làm một cuộc so sánh hai chị em thì chúng ta phải khẳng định rằng: Maria là người thiên về đời sống nội tâm, còn Mátta thì hướng đến sự chia sẻ và trao ban. Cả hai đều là những cách thế thể hiện một tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa và tặng ban cho con người. Vả lại, Maria là người em nên có khi hơi ỷ lại một chút, công việc bếp núc cũng có phần nặng nhọc và cần đến sự khéo léo và tài tình, nên dành cho người chị thì có lẻ tốt hơn.

Một lần khác, khi ra chào đón Chúa Giêsu vào thăm trong hòan cảnh người em mới qua đời, Mátta bộc bạch cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”(Ga11, 21). Lazarô đã chết, thế` nhưng Mátta vẫn tin rằng Chúa Giêsu là sự sống vĩnh cửu của con người. Nói cách khác Mátta tin nhận Thầy Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng Messia mà thiên Chúa tặng ban cho nhân lọai.

LẮNG NGHE VÀ THỰC THI LỜI CHÚA DẠY

Tin mừng dù ghi nhận sự khác biệt của hai chị em Maria và Mát-ta trong việc đón nhận lời Chúa, một bên là tĩnh lặng của tâm hồn, một bên là xao động của từng đường gân thớ thịt. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận con tim của cả hai đang dạt dào tình yêu mến Thiên Chúa một cách vô bờ bến, trong con người của Mát-ta và Maria.

Kết hợp những nét đẹp rạng ngời của cả hai chị em, mỗi người sẽ thấy được việc lắng nghe và thực thi lời Chúa, chỉ là hai cách thế diễn tả của một tình yêu Giê-su.
 
Chọn phần tuyệt hảo
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
01:55 13/07/2010
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 10, 38-42

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhân loại và con người, mỗi người đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng kia. Những điều ngộ nghĩnh, giả hình của bọn Pharisêu, những người thông luật, những vị lãnh đạo tôn giáo hồi đó. Nhưng có những câu chuyện thu hút con người, dạy con người cách vô cùng tinh tế và thực tế. Hai bài đọc và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ đón tiếp Chúa Giêsu của hai chị em cô Maria và Mátta. Chúa Giêsu đã điều chỉnh thái độ của Mátta và đề cao thái độ lắng nghe Lời Chúa của Maria.

Chúa đã nói rất rõ cho hai chị em Mátta và Maria: ” Mátta, Mátta! Con lo lắng và bối rối lo âu về chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tuyệt hảo, tốt nhất và sẽ không sợ bị lấy mất “ ( Lc 10, 41-42 ). Phần tuyệt hảo ở đây là ngồi bên Chúa, lắng nghe Chúa nói, và cùng cầu nguyện với Chúa.Nói điều này không có ý Chúa bảo Mátta không tốt hay thái độ của Mátta là xấu, nhưng Ngài muốn Mátta không nên dừng lại ở chỗ tiếp đón hay nấu nướng, lo bữa ăn mà thôi, không nên chỉ nghĩ tới công lao của mình. Mátta đã thưa với Chúa: ” Thưa Thầy, Thầy không quan tâm sao, em con để con làm việc một mình thế này đây !”. Đúng đây là mộ lời băn khoăn, tự mãn và khoe công lao với Chúa. Chúa không có ý nói Mátta đang làm việc vô ích nhưng Ngài chỉ có ý nói:một điều cần thiết mà Maria đã chọn là Nước Trời, là nghe lời Chúa. Mátta đã thiếu một điều quan trọng nhất là quên chính mình đi để nghe Chúa.

Maria quả thực đã đón Chúa với hai bàn tay trắng, đã đón Chúa với tâm hồn rộng mở để chỉ một mực lắng nghe lời Chúa, và điều ấy không ai có thể lấy mất được. Chúa Giêsu đã có lần nói: “ Đừng băn khoăn chi cho ngày mai, ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Trước tiên hãy tìm Nước Trời, còn mọi điều khác sẽ ban thêm cho các ngươi “ ( Mt 6, 33-34 ). Tuy nhiên chúng ta và hầu hết mọi người đều quá bận tâm đến cái ban thêm này, do đó, Chúa lại nói: ” Các ngươi lo ăn mặc gì…Các ngươi đừng lo phải nói gì trước tòa án…Các ngươi đừng để cho những cây gai lo lắng bóp chết lời Chúa…Các ngươi đừng để cho những lo toan đè nặng tấm lòng các ngươi…”. Chúa luôn dạy chúng ta và mọi người đừng quá lo lắng, hãy phó thác và để tâm hồn thanh thoát hầu có thể đón nhận lời Chúa.

Đến với Chúa, chúng ta phải có tinh thần hoàn toàn tự do, thanh thoát. Bởi vì sống ở trần gian, có quá nhiều tiếng ồn ào phá hại sự thinh lặng, đặc biệt sự thinh lặng nội tâm và đó là những điều nguy hại cho đời sống con người. Phải có những phút giây yên lặng để lắng nghe tiếng Chúa, phải có những phút giây trở về để nhận ra Chúa.

Trong câu chuyện Maria và Mátta, Chúa đã đánh giá cao sự tận tụy phục vụ của Mátta. Và đây là dấu chỉ của lòng mến tuyệt vời cao độ. Tuy nhiên, qua cử chỉ, thái độ, cung cách của người em Maria, Chúa đã nhận được một tâm tình tế nhị, cao đẹp hơn. Tâm tình ấy, thái độ ấy là lắng nghe lời Chúa, luôn đặt Chúa trên hết mọi sự, đặt Chúa làm trung tâm của đời mình, chọn Chúa sản nghiệp, là tất cả cho đời sống của mình.

Ở đây, Chúa Giêsu muốn dùng Maria làm mẫu gương cho nhiều người vì Maria đã chọn lựa đúng đắn nhất cho cuộc sống làm người cho mình. Đó là chọn phần tuyệt hảo nhất là chọn Chúa là gia nghiệp, đặt cả sinh mạng cuộc đời của mình trong bàn tay yêu thương của Chúa.

Cuộc sống của người Kitô hữu ở trần gian này có những công việc ồn ào, tất bật để kiếm sống, nhưng cũng phải có giây phút phải hồi tỉnh để lắng nghe lời Chúa và dành cho Chúa. Đời sống tu trì cũng vậy, có Dòng hoạt động, cũng có Dòng chiêm niệm. Hai đời sống này luôn bổ túc lẫn cho nhau đến nỗi nó không thể nào thiếu được trong đời sống dấn thân. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa: ” Không có Thầy, chúng con không làm gì được”.

Lạy Chúa xin cho chúng con có cử chị phục vụ tận tụy như Mátta nhưng lại ban cho chúng con một tâm hồn cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và đón nhận lời Chúa như Maria. Amen.
 
Quà tặng vô giá
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
18:27 13/07/2010
Chúa Nhật Thứ16 Mùa Thường Niên - Năm C

Khi Chúa Giê-su đến thăm nhà, cô Mác-ta đã dành cho Người một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Cô "tất bật lo việc phục vụ" Chúa thật chu đáo, Cô "băn khoăn lo lắng nhiều chuyện". .. để cho Chúa được vui lòng. Thế mà chẳng được Chúa khen, lại còn bị trách là: "Sao con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!" Thế có oan không chứ?

Thật ra, Chúa Giê-su không có ý trách Mác-ta về việc phục vụ hầu hạ tận tình của cô. Chúa chỉ muốn lưu ý Mác-ta rằng: Điều cần thiết hơn cả là lắng nghe, là đón nhận lời Người. Cô Maria đã khôn ngoan chọn làm việc nầy (tức lắng nghe Lời Chúa) và Chúa Giê-su cho đó là chọn phần tốt nhất.

Maria đã chọn phần tốt nhất vì lắng nghe lời Chúa là việc làm hệ trọng nhất trên đời, là khai thác một kho tàng vô giá không có gì trên cõi đời nầy có thể sánh được, là nắm lấy bí quyết để được sống hạnh phúc muôn đời. ..

***

Hôm nay, Chúa Giê-su cũng lại đến nhà chúng ta và trao gởi cho chúng ta những tâm tình, những lời châu ngọc, những giáo huấn khôn ngoan... như Người đã trao ban cho cô Maria hôm xưa. Đó là cuốn Tin Mừng.

Để có thể trao tặng cho chúng ta cuốn Tin Mừng như chúng ta hiện có hôm nay, Chúa Giê-su đã phải 'biên soạn' rất công phu. Người đã phải mất đến ba mươi ba năm mới hoàn thành tác phẩm rất vĩ đại nầy.

Thật ra, Chúa Giê-su không viết Tin Mừng nhưng Người đã dệt nên Tin Mừng bằng ba mươi ba năm cuộc sống.

Tin Mừng của Chúa Giê-su được dệt bằng chính cuộc sống dương gian của Người, kể từ lúc đầu thai trong lòng Đức Maria, sinh ra trong chuồng bò, trốn lánh sang Ai Cập, trở về sống đời niên thiếu ở Na-da-rét, rồi lớn lên trong phấn đấu nhọc nhằn, đổ mồ hôi lao động đổi lấy áo cơm...

Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô được tiếp tục dệt bằng ba năm thao thức rao giảng trên các nẻo đường Do-Thái, dệt bằng lòng yêu thương người tội lỗi, dệt bằng lòng thương xót các bệnh nhân và người đau khổ, dệt bằng lòng thứ tha vô hạn, bằng tình yêu không biên giới...

Tin Mừng Đức Giê-su được đan dệt bằng nước mắt và mồ hôi máu cùng nỗi buồn sầu quá đỗi trong vườn Cây Dầu, bằng roi đòn tươm máu, bằng vác thập giá đau thương, bằng những giọt máu cuối cùng vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá...

Tin Mừng Đức Giê-su được thành hình như thế đó, không phải bằng chữ viết mà bằng cả cuộc đời, một cuộc đời sống cho tình yêu, chết cho tình yêu, yêu cho đến cùng...

Để trao tặng cho chúng ta một cuốn Tin Mừng, Đức Giê-su đã phải trả giá như vậy đó ! Vậy thì Tác Phẩm nầy đắt giá biết bao !

Tin Mừng Đức Giê-su cũng là kho tàng khôn ngoan siêu đẳng của Thiên Chúa, được Đức Giê-su đem từ trời xuống ban tặng cho thế gian để nhờ Tin Mừng của Người, loài người học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được sống trong an bình và được vui hưởng hạnh phúc muôn đời trên thiên quốc.

So với sự khôn ngoan được Chúa Giê-su bày tỏ trong Tin Mừng, thì sự khôn ngoan của thế gian nầy chỉ là rơm rạ, cỏ rác!

Tóm lại, Tin Mừng là kho tàng trên hết mọi kho tàng, là nguồn mạch khôn ngoan trổi vượt khôn ngoan thế gian, là nguồn phát sinh hạnh phúc và sự sống, là con đường đưa tới sự sống đời đời. Đây là một công trình vĩ đại được hình thành suốt ba mươi ba năm dương thế của Thiên Chúa Ngôi Hai với sự chỉ đạo của Chúa Cha và sự cộng tác của Chúa Thánh Thần.

Công trình vĩ đại nầy, quà tặng vô giá nầy, kho tàng quý báu nầy được Thiên Chúa trân trọng trao vào tay chúng ta. Vậy mà chúng ta không muốn nhận. Chúng ta quá thờ ơ hờ hững với tặng phẩm cao quý nầy; như thế là xúc phạm đến Đấng đã trao ban.

Có lẽ cũng như Mác-ta ngày xưa, chúng ta "lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá" nên chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới Tin Mừng; cõi lòng chúng ta đầy ắp những tham vọng trần thế, những ham muốn phàm trần nên không còn chỗ cho Tin Mừng của Chúa bén rễ. Đáng tiếc thay!

***

Hôm xưa, khi Chúa Giê-su đang giảng giữa đám đông, một phụ nữ thán phục Người quá đỗi nên đã cất tiếng ca tụng: "Phúc thay người Mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !" Nhưng Chúa Giê-su trả lời người ấy rằng: "Đúng hơn phải nói rằng: "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa". (Lc 11, 27-28)

Ước gì hôm nay chúng ta trân trọng đón nhận quà tặng vô giá Chúa ban là Tin Mừng sự sống và sốt sắng lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, để mai ngày đáng được Thiên Chúa liệt vào hàng ngũ những người được hưởng phúc đời đời.
 
Maria đã chọn phần tốt nhất
Đinh Lập Liễm
19:12 13/07/2010
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng muốn được người ta tôn trọng và đón tiếp, ai cũng ca tụng tính hiếu khách vì hiếu khách là một đức tính tốt, và người hiếu khách là người có tinh thần bác ái. Sách Sáng thế cho biết ông Abraham là một người hiếu khách, ông đã mời ba người khách lạ vào lều và hầu hạ họ như tôi tớ. Đáp lại tấm thịnh tình của ông, ba vị sứ giả của Thiên Chúa loan báo cho ông biết là ông sẽ có con trai trong tuổi già (Bài đọc 1). Martha và Maria cũng là người hiếu khách, hai chị em đã đón tiếp Đức Giêsu vào nhà và đã phục vụ Ngài một cách tận tình, tuy mỗi người có một cách phục vụ khác nhau (Tin mừng).

Trong cách tương giao, câu chuyện giữa chủ và khách là một cuộc đối thoại chứ không phải là độc thoại. Theo tâm lý chung, ai cũng thích nói, muốn bộc lộ hết tâm tư cho người kia, nhưng người sành tâm lý và được người ta ưa chuộng là người biết lắng nghe, tạo cơ hội cho người kia bộc bạch hết tâm tình của mình. Trong cuộc đón tiếp Đức Giêsu vào nhà, Martha chỉ bận rộn cho bữa ăn mà bỏ quên Ngài, còn Maria thì biết tạo cơ hội cho Ngài thổ lộ tâm tình và được hiểu biết những chân lý mà Ngài muốn mạc khải cho. Trong hai cách phục vụ thì Chúa thích lối phục vụ của Maria hơn, đó là biết lắng nghe: ”Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Trong cuộc sống Kitô hữu, nhất là trong cuộc sống tông đồ, sinh hoạt để làm sáng danh Chúa là một điều tốt, nhưng những sinh hoạt ấy chỉ đem lại lợi ích nếu nó được đan dệt bằng sự cầu nguyện, bằng suy niệm và bằng sự thinh lặng trong sự hiện diện của Chúa. Chúng ta đừng đặt câu hỏi: Chúa có nói với chúng ta không, mà phải hỏi ngược lại: chúng ta có thinh lặng và yên tĩnh đủ để nghe Ngài hay không ?

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: St 18,1-10a

Bài đọc 1 hôm nay nói lên lòng hiếu khách của ông Abraham. Câu chuyện ấy như sau: Trong một bữa trưa nóng bức, Abraham đang ở trong lều thấy có ba người khách lạ đang đứng ở ngoài lều. Ông vội vàng mời ba người khách lạ vào nhà và tiếp đãi một cách rất nồng hậu: lấy nước cho họ rửa chân, lấy bột làm bánh, lấy con bê béo tốt làm thịt đãi khách. Ông không ngờ đây là ba vị sứ giả của Thiên Chúa.

Đáp lại lòng hiếu khác và quảng đại của Abraham, ba vị sứ giả đã loan báo cho ông: Thiên Chúa sẽ ban cho ông một đứa con trai đầu lòng mà ông hằng mơ ước, mặc dầu hai ông bà đều già quá tuổi sinh con.

+ Bài đọc 2: Cl 1,24-28

Mầu nhiệm được giữ kín nơi Thiên Chúa, nay được vén mở: đó là bản thân Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Là những người được hưởng nhờ mầu nhiệm này, chúng ta cũng phải chia sẻ cho người khác biết.

Thánh Phaolô đã hiểu được mầu nhiệm này, ngài cũng muốn chia sẻ cho người khác khi Ngài thi hành sứ mạng tông đồ. Vì thế, ngài vui sướng vì được chịu đau khổ, biến những đau khổ ấy thành niềm vui. Sở dĩ có được tinh thần ấy vì ngài ý thức rằng nhờ đó mà ngài được bổ khuyết nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.

+ Bài Tin mừng: Lc 10,38-42

Khi Đức Giêsu đến viếng thăm Martha và Maria, ta thấy mỗi người có một cung cách tiếp khch: Martha thì cho, còn Maria thì nhận. Martha thì bận rộn lo đủ mọi chuyện để dâng cho Đức Giêsu một bữa cơm ngon miệng. Cô bận rộn đến nỗi phải xin Ngài bảo em giúp mình một tay. Còn Maria thì không làm gì cả, cô chỉ cung kính lắng nghe những lời Ngài dạy.

Câu chuyện này dạy cho chúng ta một bài học: điều Thiên Chúa muốn, không phải là chúng ta làm cho Ngài điều này điều nọ mà là để Ngài giáo huấn chúng ta, để chúng ta được biến đổi nhờ những lời giáo huấn ấy. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi: biết lắng nghe Lời Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lắng nghe Lời Chúa

Truyện mở đầu: Vị vua đến thăm

Ngày xưa có một vị vua muốn tìm cách giúp cho dân nước ấm no và hạnh phúc. Vua dự tính đi thăm viếng dân làng và hỏi ý kiến họ về tình hình đất nước. Nhà vua gửi sứ giả đến trước gặp hai gia đình ngài muốn thăm viếng để hỏi họ về những niềm hy vọng và ước mơ cho quê hương xứ sở.

Ngày đầu tiên vua đến với gia đình thứ nhất. Vì muốn làm cho vua vui lòng bằng một bữa tiệc với những đồ ăn ngon quí giá chưa từng có, nên khi vua đến nơi, gia đình chủ nhà vẫn còn đang bận rộn vất vả dọn tiệc linh đình. Nhà vua và các quan cận thần phải ngồi ở sân trước nhà để chờ đợi họ sửa soạn bữa ăn. Bữa ăn rất ngon, nhưng khi dọn lên thì mọi người trong gia đình đã quá mỏi mệt, không còn thì giờ và hứng thú để nói chuyện với vua về những điều vua muốn biết. Vua ra về và không mấy hài lòng.

Ngày hôm sau, vua đến thăm nhà thứ hai. Cả nhà ra đón tiếp vua một cách niềm nở. Mặc dù họ chỉ chuẩn bị một bữa ăn rất đơn sơ đạm bạc, nhưng buổi tối hôm đó mọi người trong gia đình đều ngồi quây quần bên vua, chia sẻ cởi mở những uớc mơ và niềm hy vọng của gia đình và dân làng. Họ rất phấn khởi khi vua cho họ biết những dự tính muốn thực hiện cho đất nước. Mặc dù không ăn uống thịnh soạn như tối hôm trước, nhưng khi ra về vua rất hài lòng với buổi gặp gỡ đúng như ý ngài muốn.

Bài Tin mừng hôm nay (Lc 10, 38-42) cũng mang một nội dung như vậy: chị em Martha và Maria tiếp đón Đức Giêsu vào nhà mình, mỗi người có một cung cách tiếp đón. Vậy Đức Giêsu thích cách tiếp đón nào ? Của Martha hay của Maria ?

I. CÂU CHUYỆN NGƯỜI TIẾP ĐÃI KHÁCH

1. Ông Abraham tiếp đón khách

Bài sách Sáng thế ghi lại việc ông Abraham tiếp đãi sứ giả của Thiên Chúa một cách nồng hậu. Abraham đang ngồi hóng mát trước cửa lều trong buổi trưa nóng bức. Ông thấy ba người khách lạ đi ngang qua. Ông vội chạy ra mời họ quá bộ vào nghỉ mát, bưng nước cho khách rửa chân, dẫn khách nằm nghỉ dưới bóng cây. Ông bắt con bê béo làm thịt. Bà nhồi bột làm bánh. Ông hầu hạ khách như mình là tôi tớ. Đáp lại lòng hiếu khách của ông, sứ giả nói với ông: ”Sang năm vào độ này, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai”.

2. Martha và Maria đón tiếp Đức Giêsu

Trên đường tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu ghé vào nhà chị em Martha, Maria và Lazarô ở làng Bêtania, cách Giêrusalem ba cây số. Martha đón rước Đức Giêsu vào nhà. Cô là chủ nhà và chưa có gia đình vì cô đón tiếp khách. Nếu có chồng thì chồng sẽ tiếp đón khách. Cách đón tiếp của Martha đã chứng tỏ rằng gia đình này đã từng quen biết Ngài và đã có nhiều lần Ngài đến nhà như người quen biết thân mật (Ga 11,1-14).

Hai chị em có hai tính tình khác nhau: Martha là một người hoạt động, còn Maria là một người trầm lặng. Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài. Còn cô Martha thì lăng xăng lo lắng đón tiếp Chúa, một vị khách quí mà cô muốn bầy tỏ hết lòng kính trọng. Martha cảm thấy khó chịu vì cô em không giúp mình một tay, sợ trễ giờ, đến nỗi phải xin Chúa can thiệp, với một giọng trách móc:”Xin Thầy bảo em con giúp con với”.

Không biết câu trả lời của Đức Giês có làm cho Martha buồn không: ”Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không ai lấy mất”(Lc 10,42).

II. CÂU CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ VÀ LẮNG NGHE

Như vậy, Martha và Maria xuất hiện ở đây như hai hai môn đệ nhiệt thành đón tiếp Đức Giêsu Thầy mình, nhưng Maria chỉ lắng nghe Lời Thầy, còn Martha lo dành riêng cho Thầy một sự đón tiếp nồng hậu.

1. Một Martha năng động

Martha là con người rất yêu mến Đức Giêsu, biết quan tâm tới sức khỏe của Ngài. Trên cuộc hành trình đi vào làng, Ngài mệt mỏi, đói bụng, phải được ăn uống bồi dưỡng để tiếp tục đi rao giảng Tin mừng. Sự lo lắng cho sức khỏe của người khác là nét tinh tế của người phụ nữ. Vì yêu Chúa nhiều, Martha mới lo lắng và lăng xăng như thế. Trong khi đó Ngài lại trách yêu Martha: ”Martha, Martha, con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá”(Lc 10,42). Nói như vậy, phải chăng là Ngài phê bình Martha chỉ đặt trọng tâm vào việc ăn uống ?

Căn cứ vào sự kiện Martha hối thúc nói với Maria giúp cô, một học giả Rachel Conrad Wehberg giải thích với một nét nhân từ hơn: Người ta phải suy luận rằng đây là công việc trong bếp hai người đã quen làm. Maria vẫn thường phụ giúp Martha. Nếu họ đã phân chia công tác: Martha nấu ăn, Maria tiếp khách, thì chẳng có vấn đề gì, vì mỗi người đều chấp nhận và kính trọng nhau. Nhưng ở đây, theo thói quen, cả hai chị em cùng làm công việc nấu nướng. Nếu cả hai cùng làm, sẽ mau có bữa ăn hơn, và cả hai chị em đều có cơ hội ngồi tâm sự với Chúa lâu giờ hơn. Do đó, Martha than phiền không phải vì bà chỉ bận tâm đến việc ăn uống, cũng không phải vì ghen tương, nhưng vì trái tim bà hối thúc muốn được cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng ở bên Chúa với Maria. Đó là lý do Martha đã than phiền (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa lòng đời, năm C, tr 255-256).

Tuy nhiên, Đức Giêsu đang trong lúc bồn chồn lo lắng chuẩn bị cho cuộc tử nạn, Ngài muốn có người biết chia sẻ tâm tình hơn để làm vơi nỗi lòng mình, còn việc ăn uống lúc này thì chỉ là phụ thuộc, không cần thiết mấy. Maria đã đáp ứng đúng tâm trạng của Đức Giêsu.

Truyện: Thèm lòng chứ không thèm thịt

Một người cha có thói quen, sau giờ làm việc, đi dạo chung với cô con gái. Ông cảm thấy rất hạnh phúc được chuyện trò với con. Thình lình, cô gái bắt đầu cáo lỗi vì không thể đi dạo hằng ngày với cha được. Người cha cảm thấy đau khổ nhưng không nói ra. Sau cùng vào ngày sinh nhật của ông, cô con gái mang đến tặng cha một cái áo len mà cô mới đan. Người cha đã nhận thấy rằng cô con gái đã đan áo len trong lúc ông đi dạo một mình. Ông nói với con: ”Martha. Martha, Ba rất quí chiếc áo này. Nhưng Ba thích con đi dạo với Ba hơn. Một cái áo len Ba có thể mua ở bất cứ tiệm bán quần áo nào. Nhưng con gái cưng của Ba, Ba không thể mua được. Con làm ơn đừng bao giờ bỏ rơi Ba nữa nhé”.

2. Một Maria trầm lặng

Cả hai chị em đều có đức tính đáng khen, cả hai đều yêu kính Thầy và ước ao được làm vui lòng Thầy. Nhưng trong dịp này vì lòng nhiệt thành phục vụ, Martha đã làm quá nhiều để sửa soạn một bữa ăn ngon lành. Còn Maria thì trực giác hơn được điều Chúa muốn, nên cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Cô biết Ngài mong ước được mạc khải chính mình, muốn ban cho họ những sứ điệp từ trời, không phải vì lợi ích cho Ngài, mà vì phần rỗi của nhân loại. Bởi vậy, theo nghệ thuật tiếp khách, cô phải để ý đến ý muốn của vị khách trước, phải lắng nghe người khác nói. Trong việc tiếp đãi Thầy, cô đã làm được việc lớn hơn chị cô.

Bà Carnegie viết rất nhiều sách học làm người nổi tiếng. Trong cuốn “Đắc nhân tâm”, bà viết: ”Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc”.

Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln chia sẻ

Trong lịch sử nước Mỹ, trong những ngày đen tối nhất của cuộc nội chiến Nam Bắc, Lincoln viết thư mời ông bạn cũ ở Illinois tới Washington để thảo luận vài vấn đề. Ông bạn tới Bạch cung là Lincoln nói với ông trong mấy tiếng đồng hồ về tờ thông báo ông định công bố để thủ tiêu chế độ nô lệ. Tổng thống ôn lại tất cả các lý lẽ bênh vực cho các đạo luật ấy và những lý lẽ phi bác lập trường đối nghịch. Ông lại đọc cả những bức thư và bài báo về vấn đề đó, trong đó nhiều người trách ông chần chừ chưa phế bỏ chế độ nô lệ, lại có những bài chỉ trích vì ông có ý tiến hành việc ủng hộ chế độ nô lệ. Sau khi hăng hái nói một hồi lâu, Lincoln bắt tay ông bạn già, chúc ông ta bình an và tiễn ông ta trở về Illinois, chẳng hỏi ý kiến gì hết. Lincoln đã nói, đã trút bỏ những nỗi suy nghĩ đang đè nặng trong lòng ông, như vậy đầu óc ông được sáng suốt. Ông bạn già kể lại: “Khi Lincoln nói xong rồi, ông ấy bình tĩnh hơn”. Lincoln chỉ cần một người bạn thân thiết biết nghe ông nói và hiểu lòng ông để ông trút bầu tâm sự của ông thôi.

3. Một sự cần thiết mà thôi

Đức Giêsu trả lời cho Martha: ”Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không ai lấy mất”. Câu trả lời của Đức Giêsu đã gây nên nhiều tranh luận và tùy cách hiểu mà dịch ra khác nhau.

Một cách theo như nghĩa trong truyện thì cô Martha lo lắng cho nhiều làm chi, một món ăn là đủ rồi.

Một cách khác theo như bản Phổ thông lấy theo nghĩa thiêng liêng. Đối nghịch với những bận rộn đón tiếp của cô Martha, chỉ có một sự cần thiết là lắng nghe Lời Chúa.

Ở đây thực ra không có ý so sánh những của đời này với của duy nhất trên trời, mà là lấy làm hơn thái độ của Maria chăm chú nghe Chúa, cô Martha chia trí lo lắng quá nhiều sự. Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố Maria đã chọn phần nhất là nghe Lời Chúa.

III. CÂU CHUYỆN NGƯỜI TÔNG ĐỒ BIẾT LẮNG NGHE

1. Lạc giáo hoạt động (Hérésie de l’action)

Ngày nay, trong Giáo hội, có phong trào tư tưởng cho rằng Giáo hội phải lăn xả vào công việc xã hội nhiều hơn, phải đi đến với người nghèo trước đã. Đạo có chiều dọc và chiều ngang. Hàng dọc hướng về Thiên Chúa, hàng ngang hướng về anh em. Tư tưởng dấn thân trước tiên cho kẻ khác được cổ võ mạnh. Môn Thần học Giải phóng muốn đặt lại căn bản Đức tin: Mến Chúa yêu người, nhưng cứu người trước đã. Từ ngữ “giải phóng” được đem thay thế từ ngữ “cứu rỗi” của Thần học, vì “nó minh bạch và sáng sủa hơn”(Seguido – Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm C, tr 99).

2. Hoạt động và lắng nghe

Tuy Đức Giêsu chấp nhận lòng hiếu khách của Martha với lòng biết ơn, và đánh giá đúng mức những cố gắng cô thực hiện để tiếp khách cho tốt đẹp, Nhưng dù sao Ngài cũng muốn cô khám phá một điều còn quan trọng hơn, một điều khẩn thiết bậc nhất và duy nhất, mà cô liều mình quên mất: đó là lắng nghe Lời Chúa. Và, vì đã bỏ tất cả để chỉ giữ “một chuyện cần thiết”, mà Maria, em cô, đã tỏ mình là một môn đệ gương mẫu hoàn hảo nhất.

R. Meynet chú giải thêm: ”Martha đón tiếp Đức Giêsu vào nhà. Chúa vừa bước vào, thì cô đã bỏ Ngài đó, để lo trăm nghìn chuyện. Vịn cớ phục vụ Ngài, cô tất bật, cô lo lắng mọi sự chỉ trừ Chúa ra. Việc phục vụ của cô lấn lướt cả vị khách của cô. Cô lăng xăng, lo lắng, sợ rằng mình không tiếp đãi đúng mức với vị khách quí. Về phần Maria cô giữ một thái độ xứng hợp nhất, ngồi bên chân Đức Giêsu, trong tư thế của người môn đệ. Cô không làm gì, không nói gì, cô chỉ ngồi và nghe. Cô đã quên tất cả mọi sự, ngoài Chúa. Cô quên chính mình. Cô dành cả con mắt, lỗ tai để nhìn và nghe Lời Chúa. Cô cũng đón tiếp Đức Giêsu hơn ai hết, với phong cách tốt nhất. Nhìn cô, người ta dám nói rằng: chính cô được Ngài tiếp đón mới đúng (Fiches dominicales, năm C, tr 253-154).

Ngày nay, người đàn bà danh tiếng nhất thế giới là một nữ tu bác ái, một Martha thời đại: chân phước Têrêsa Calcutta. Bà đã hiểu và truyền lại cho con cái thiêng liêng của Bà tinh thần bài Tin mừng hôm nay. Cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa trước khi xuống “địa ngục Calcutta” để săn sóc kẻ nghèo hoặc đi vào trong các “nhà chết”.

Trong khi tiếp xúc với Chúa chúng ta phải biết trao đổi như người ta nói: ”Có đi có lại mới toại lòng nhau”, nghĩa là phải biết nói và biết nghe, biết cho và biết nhận. Nhiều khi chúng ta rất hào phóng chỉ biết cho Chúa mà không biết nhận. Trong lúc Chúa muốn cho chúng ta tạo điều kiện để Chúa có cơ hội ban cho chúng ta nhiều ơn, để chúng ta tiếp nhận, nhưng tiếc thay, Ngài không có cơ hội.

Câu chuyện trong Tin mừng cho chúng ta thấy sự khác biệt chủ yếu giữa Martha và Maria. Martha không có khả năng nhận, trong khi Maria thì có. Maria cho Chúa món quà là một tâm trí mở rộng và một tâm hồn mẫn cảm. Còn Martha, trong lúc rất tốt, rất hào phóng khi cho, lại rất nghèo khi nhận. Cả Chúa cũng không thể cho cô điều gì.

3. Quân bình trong hoạt động và lắng nghe

Đặt thái độ của Martha và Maria đối chọi nhau và nghĩ rằng chỉ có một phía đúng, là quá vội vàng. Maria lắng nghe Lời Chúa, còn Martha tất bật lo phục vụ Chúa. Mỗi cô mỗi cách, họ đều muốn giữ chân Chúa nghỉ lại, trên đường lên Giêrusalem. Cô này bằng cách phục vụ, thì làm tất cả những gì có thể làm cho Ngài; cô kia bằng cách lắng nghe lời Chúa, thì cố gắng ghi nhớ lời Ngài, lời của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống của người môn đệ, có lúc “tất bật”, và có lúc “lắng nghe”. Tuy nhiên, không thể có hoạt động tốt nếu không lắng nghe tốt. Maria đã thành công khi tạo cho mình một thái độ không thể thiếu của một môn đệ: là ngồi dưới chân Đức Giêsu, cô quên mọi sự khác, để toàn tâm chú ý vào Chúa và lời Ngài... Nhưng sau đó, có lẽ cô sẽ là một tông đồ hoạt động vì Thầy mình (Fiches dominicales).

Các triết gia Tây phương có khuynh hướng hoạt động cho rằng Chúa không làm gì, con người làm hết. Các triết gia Đông phương trái lại ưa thích thuyết tĩnh học, để Chúa làm hết và con người không làm gì. Nhưng khuôn vàng thước ngọc của chúng ta là: ”Cầu nguyện và hoạt động”. Martha phải đi đôi vơi Maria. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện.

P. Graef nói một câu rất thâm thúy: ”Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”.

Một nhà tâm lý trị liệu và nhà văn Mỹ, ông Thomas Moore nói: “Không còn nghi ngờ việc một số người có thể tiết kiệm chi phí và tránh cho mình sự phiền toái về tâm lý trị liệu chỉ vì họ đã dành mỗi ngày ít phút để nguyện ngắm. Hành động đơn giản này cung cấp cho họ điều họ thiếu trong cuộc sống – một thời gian bất động chủ yếu là để nuôi dưỡng linh hồn”.

Truyện: Bác học Ampère cầu nguyện

Frédéric Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dẫy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học lên tiếng hỏi:

- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không ?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin !

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm.

Chàng sinh viên liền hỏi:

- Thưa giáo sư, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không ?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh vên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.

4. Sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

Đời sống Kitô hữu phải được đan dệt bằng hoạt động và cầu nguyện. Các tu sĩ sống đời chiêm niệm không phải chỉ có cầu nguyện mà còn phải làm việc; còn các tu sĩ sống đời hoạt động cũng phải cầu nguyện chứ không phải chỉ có hoạt động. Cha Don Marmion nói: ”Sự cầu nguyện hỗ trợ cho công việc tông đồ là linh hồn của mọi sứ vụ truyền giáo”.

Người Kitô hữu sống ở trần gian, nhiều lúc phải tất bật với những công việc, nhưng không thể thiếu được sự cầu nguyện. Đối với nhiều người, cầu nguyện chủ yếu là đọc kinh, nhưng đọc kinh chỉ là một trong những hình thức cầu nguyện. Cốt yếu của sự cầu nguyện là kết hợp với Chúa. Nhiều khi chúng ta không đọc kinh, chỉ thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa cũng là một cách cầu nguyện rất hay. Thinh lặng cũng là một cách cầu nguyện.

Có lẽ kinh nguyện có lợi nhất là ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không làm gì cả. Chỉ ngồi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, như Maria ngồi trong sự hiện diện của Đức Giêsu. Nếu chúng ta dành một số thời giờ cho việc cầu nguyện và suy niệm, hoặc chỉ cần ngồi thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, thì không phải là thời gian lãng phí mà là thời gian được sử dụng tốt. Mỗi ngày chúng ta phải cố gắng, dù trong một thời gian ngắn, tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa.

Với cái nhìn nông cạn, nhiều người cho là phần việc của Maria có vẻ dễ dàng vì chỉ có ngồi đó, còn phần việc của Martha thì khó khăn hơn. Nhưng nếu suy cho kỹ, chúng ta có thể thấy ít nhất đôi khi, phần việc của Maria khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú trọng hoàn toàn vào người khác không dễ dàng. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó khăn hơn. Nhưng đó là linh đạo sinh lợi ích rất lớn lao.

Truyện: Dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

Tổng Giám mục Anthony Bloom kể lại rằng người đầu tiên đến xin Ngài một lời khuyên khi ngài được truyền chức thánh là một bà cụ. Bà nói:

- Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt bốn mươi năm, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ngài hỏi:

- Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không ?

Bà nói:

- Ồ không ! Con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao ?

Ngài nói:

- Không. Cha không nghĩ như thế. Bây giờ cha gợi ý thế này: con hãy dành riêng mười lăm phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa.

Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì ? Không lâu sau, bà trở lại và nói:

- Thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác, khi con nói với Người, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh ặng, yên tĩnh mặt đối mặt với Người, con cảm thấy được bao trùm trong sự hiện diện của Ngươi.

(Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 514-515)

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần xác tín rằng:”Câu hỏi thường đặt ra không phải Thiên Chúa có nói với chúng ta hay không, nhưng là chúng ta có thinh lặng và yên tĩnh đủ để lắng nghe Ngài hay không”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xã luận của Đại Nhật Báo New York Times lại tiếp tục phá hoại và làm mất danh dự của Đức Thánh Cha.
Dominic David Trần
00:35 13/07/2010
NEW YORK, Hoa Kỳ ngày 09/07/2010 theo bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo CWN News; " Đại nhật báo New York Times đang cáo buộc rằng Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã và đang xử trí "các vụ lạm dụng và sách nhiễu tình dục trẻ vị thành niên của một số linh mục và giáo sĩ - chẳng có sự khác biệt và xuất sắc nào cả."

Trong một bài xã luận của số ra ngày 09/07/2010 của Đại Nhật Báo New York Times các bỉnh bút của báo này kêu gào lên rằng Đức Thánh Cha cần cho các chuẩn tắc của Hiến Chương Dallas đã do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ soạn thảo ra để áp dụng trên toàn Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ.

Bài xã luận và các bỉnh bút của Đại Nhật Báo Times, theo như xét đóan của một số các Chuyên gia Giáo Luật Công Giáo hàng đầu thế giới đã đưa ra nhận định rằng; " Xem xét tổng thể tất cả mọi điều và trong tương quan với các Đạo Luật và Hiến Chương liên quan đến sự việc này thì - Nhật Báo New York Times đã qúa kém nên không nhận thức được rằng - kể từ năm 2001 các chuẩn tắc của Toà Thánh Vatican do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nguyên là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Và Đức Tin của Giáo Triều Rôma (và chính là Đức Thánh Cha Benedicto XVI hiện nay) đã áp dụng cho Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ còn cứng rắn và nghiêm khắc nhiều hơn so với Hiến Chương Dallas do Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ soạn ra vào năm 2002 sau đó.
 
Đối diện với vụ kiện lớn, Tiểu Bang Washington đồng ý bảo vệ Quyền Tự Do Lương Tâm của Các Dược Sĩ.
Dominic David Trần
00:53 13/07/2010
Tiểu Bang WASHINGTON, Hoa Kỳ, ngày 08/07/2010 theo bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo CWN News; Chính quyền Tiểu Bang Washington đã đồng ý chấp thuận Các Chính sách Bảo vệ Quyền Tự Do Lương Tâm cho các Dược Sĩ vì các vị dược sĩ tìm thấy sự xung khắc về mặt luân lý và đạo đức khi phải thỏa mãn các toa thuốc ngừa thai hoặc tránh thai được kê cho khách hàng.

Các dược sĩ thuộc Tiểu Bang Washington Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của Sáng Hội 'Quỹ Becket vì Tự Do Tôn Giáo' đã nạp đơn kiện đến Tòa Án Tối Cao Tiểu Bang vì sự xung khắc về luân lý đạo đức - nghề nghiệp này. Các luật sư đại diện cho chính quyền Tiểu Bang tuyên bố là Chính Quyền Tỉnh Bang Washington sẽ thay đổi các luật lệ của Tiểu Bang để bảo vệ cho các Quyền Tự Do Lương Tâm. Hành động này nhằm để giúp cho Chính Quyền Tiểu Bang tránh khỏi một đại phiên tòa đã được ấn định để xét xử Đơn Kiện của Các Dược Sĩ sẽ khởi đầu vào cuối tháng Bảy này.

Được biết trong năm 2006, Hội Đồng Đại Diện Dược sĩ Đoàn Tiểu Bang - dưới sức ép mạnh của Thống Đốc Christine Gregoire (cũng là một người Công Giáo) - đã đặt ra các luật lệ quy định rằng; Tất cả các Dược Sĩ phải cung cấp viên thuốc tránh thai " sáng ngày hôm sau" (morning after pill) bất chấp các sự phản đối về mặt đạo đức luân lý riêng của các dược sĩ.

Đã có cá nhân 2 dược sĩ và 1 gia đình dược sĩ làm chủ một hãng dược phẩm đã cùng đứng tên đi kiện để chống lại luật lệ quy định nêu trên của Tiểu Bang. Hiện nay cho đến thời điểm này; Bên Nguyên Đơn đã đồng ý hoãn lại phần biện minh Đơn Kiện trước Tòa của họ cho đến khi nào các chính sách mới của Tiểu Bang được công bố.

Nếu Chính sách Bảo vệ Các Quyền Tự Do về Lương Tâm được thỏa mãn đầy đủ theo lập luận của các dược sĩ thuộc bên Nguyên Đơn thì vụ kiện sẽ coi như là được hủy bỏ.
 
Giới Truyền Thông có sẵn định kiến bóp méo diễn tiến trong vụ kiện lạm dụng tình dục
Dominic David Trần
01:21 13/07/2010
Lời dẫn nhập: Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ yêu mến Giáo Hội và các linh mục, mặc dù các vị có các yếu hèn. VietCatholic News (07 Jul 2010 09:48) và qua những cung cách xử sự của Cảnh Sát và Tư Pháp Nước Bỉ đối với Hàng Giám Mục cũng như ĐTGM Thủ Đô Bỉ đã bị Đức Thánh Cha và ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phản đối. Bài tường thuật này được đưa kèm theo bản tin về việc Báo Time tiếp tục tấn kích Giáo Hội và vu cáo Đức Thánh Cha Benedicto XVI gần đây cho thấy nhiệm vụ của Tân Hộ Giáo Học không thể bị xem nhẹ và lãng quên dầu chỉ trong một thời khắc nhỏ.

Đức Hồng Y William Joseph Levada
ÐIỆN VATICAN ngày 27/04/2010/6:58PM; theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã Công Giáo toàn cầu (CNA/EWTN News) Ðức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý và Ðức Tin của Giáo Triều Rôma đã dành cho Ðài Truyền Hình PBS một buổi phỏng vấn để ngài phân tích những diễn tiến hiện nay về các vụ lạm dụng tình dục. Ðức Hồng Y tuyên bố rằng Giáo Hội đang bị buả vây bởi biết bao làn sóng vu cáo- buộc tội. Ngài nêu rõ là qua những bản tường trình từ các giới chức cao cấp của chính phủ Aí Nhi Lan cho thấy một số báo chí và truyền thanh truyền hình đã có sẵn dịnh kiến và một số luật sư tham gia các vụ kiện này lại vừa tô vẽ và thêm mắm thêm muối vào để làm cho bức chân dung mà họ trình bày về Giáo Hội Công Giáo xem ra thật chẳng cân đối và chẳng đẹp đẽ chút nào.

Ðại diện của Ðài Truyền Hình PBS là Margaret Warner nói trong buổi phỏng vấn được phát hình trong ngày 27 tháng Tư là; " Người ta nói với Ðài PBS rằng đây là cơn biến động xấu nhất mà Giáo Hội Công Giáo vừa phải đối diện trong suốt mấy trăm năm qua, kính thưa Ðức Hồng Y- nếu là cá nhân - ngài có đi đến cùng một nhận định như thế không?"

Ðức Hồng Y đã trả lời; " Ðó là một biến động lớn. Cá nhân tôi nghĩ rằng chẳng có ai cố làm giảm nhẹ sự kiện ấy đâu. Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng biến động này đặc biệt xấu - bởi vì các giáo sĩ được thụ phong để trở thành những vị mục tử tốt lành... Mặc cho mọi sự ra sao đi nữa nhưng một khi đã được công nhận là một vị mục tử nhân lành và nếu vị đó lạm dụng trẻ vị thành niên tức là vị ấy đã xúc phạm dến sự ngây thơ-trong sạch của các trẻ vị thành niên ấy... " Ðức Hồng Y khẳng định; "... Bởi vậy đây là một cơn biến động nêú các vị muốn hỏi, thì cá nhân tôi nghĩ rằng cũng như hầu hết qúy vị - cá nhân tôi rất lấy làm ngạc nhiên, và cũng đã sửng sốt bởi cơn biến động này."

Sau khi nêu rõ là hơn 8 năm trước đây Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã phải trải qua hầu hết những sóng gió đau khổ rồi, bà Warner bâng khuâng hỏi rằng tại sao những biến cố gần đây của cơn biến động này lại làm cho mỗi người sửng sốt, và tại sao Tòa Thánh Vatican đã không học đầy đủ kinh nghiệm và chuẩn bị chu đáo hơn để tháo gỡ và giải quyết những biến cố khó khăn này cho đến nơi đến chốn.

Ðức Hồng Y giải thích, " Thật ra có hai điều gắn bó mật thiết đến sự quan tâm chú mục của các phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến các sự kiện này. Cá nhân tôi nghĩ rằng điều thứ nhất là tình hình hiện nay ở Ái Nhĩ Lan- nơi mà sau khi bản tường trình của Tổng Giáo Phận Thủ đô Dublin... ( như đã đổ thêm dầu vào lửa)... được đưa ra đã kích động sự quan tâm không chỉ riêng tại Ái Nhĩ Lan mà trong khắp Châu Âu, rồi sau đó tôi nghĩ đã lan khắp thế giới."

" Ðiều thứ hai, thẳng thắn nhận định, cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu được tôi sẽ tuyên bố, " Đó là một định kiến hẳn hòi của một số giới truyền thông, " Ðức Hồng Y tuyên bố, "Cá nhân tôi không muốn ám chỉ bất cứ một ai đó để làm con dê chịu tội hay nghi là đã có một âm mưu được soạn thành bài bản hẳn hòi về những biến cố này - nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng - cách riêng mà nói về phía giới truyền thông của Hoa Kỳ, những nghi vấn, những câu hỏi mà họ đưa ra đã được lèo lái bởi những thông tin do các thầy kiện của bên nguyên đơn cung cấp cho. Những ông thầy kiện này hình như chỉ chăm chăm tìm mọi cách để làm sao gán ghép dược Ðức Thánh Cha vào trong những vụ kiện này." Ðức Hồng Y cũng nói rõ là tường thuật của giới truyền thông gần đây qúa đỗi bất công, và họ dã không đưa ra được một bức tranh cân đối toàn cục, một bức tranh phản ảnh chân thực đúng sự thật đã và đang diễn biến."

"Cá nhân tôi đã chẳng nhìn thấy được trong những tường thuật của giới truyền thông một chút quan tâm nào mà họ dành cho tất cả những nỗ lực mà Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã và đang thực hiện được." Ngài nói thêm, " Tôi chỉ tập trung quan tâm đến những "hành động rất cụ thể" đã được Hàng Giám Mục Hoa Kỳ thực hiện khi Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã thường xuyên trở thành tiêu điểm dò xét của giới truyền thông trong năm 2002.

"Khi qúy vị nhìn vào các Chương trình Giáo Dục đã và đang được phát triển: giáo dục cho các bậc làm cha mẹ, cho thiếu nhi, cho tất cả các người phục vụ Giáo Hội bao gồm cả các giáo sĩ tu sĩ và qúy thầy cô giáo - rõ ràng là đã có một kết quả thành công thực sự mà cá nhân tôi nghĩ là chúng ta đáng phải tự hào mới đúng và có quyền nói rằng đây là một mô hình gương mẫu." Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý-Ðức Tin của Giáo Triều Rôma tuyên bố với Ðài Truyền hình PBS, " Chúng ta không những chỉ tự hào rằng Giáo Hội Công Giáo đã gây dựng nên những Chương trình Giáo Dục nhưng còn hãnh diện là vì chính những Chương Trình Giáo Dục Công Giáo có thể trở thành một mô hình mẫu cho cả các Trường Công Lập nữa, thí dụ, Hướng Ðạo Sinh Nam (Boy Scouts), hay một số những tổ chức tương tự khác mà chúng ta đang thấy hoạt động hiện nay."

Theo như Ðức Hồng Y Levada, khi ngài được tấn phong Giám Mục vào năm 1983, ngài chưa bao giờ được nghe nói về một trường hợp có một giáo sĩ nào đã bị cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên. "Thế nhưng qua những gì được tường thuật lại cho chúng ta, đã có những sự việc đã và đang tiếp diễn. Những sự việc này đang diễn ra dằng sau những

cánh cửa đóng kín. Ðã chẳng có ai tường trình hay nêu ra." Ngài giải thích, " thế rồi chúng ta phải mất rất nhiều thời gian -theo cá nhân tôi nghĩ - để hiểu phương cách đối phó và xử trí những sự việc xảy ra đã qúa lâu rồi mà mãi đến bây giờ mới được biết." Ðức Hồng Y gọi qúa trình phản ứng và đối phó với những bản báo cáo lần đầu tiên về lạm dụng tình dục liên quan đến một số cá nhân các giáo sĩ linh mục là " vừa học vừa làm"

Ðáp lời câu hỏi rằng mức độ tin tưởng vào Giáo Hội đang bị sút giảm bởi sự xuất hiện của vô số những cáo buộc mới, Ðức Hồng Y nói rõ là đã có nhiều nạn nhân can tâm - im lặng - chịu dựng sống với những điều bất hạnh đã xảy ra với họ trong hơn 20, 30 hay 40 năm đã qua; và chẳng có cách nào mà qúy vị có thể nói một nạn nhân nào đó chịu xuất hiện và đem sự việc ra ánh sáng ngay."

Cũng nhân buổi phỏng vấn này, Ðức Hồng Y William Levada, người Hoa Kỳ, là Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Và Ðức Tin của Giáo Triều Rôma nhắc lại rằng Hiến Chương Dallas của Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ soạn ra vào năm 2002 đã được xem như là một mô hình để giải quyết các vấn đề đã nêu trên và tuyên bố là ngài sẽ tiếp tục hỗ trợ các Hiền Huynh Giám Mục Công Giáo trên toàn thế giới.
 
Một thừa sai bị buộc rời khỏi Kashmir vì trường học mà ngài điều hành “quá tốt”
Nguyễn Hoàng Thương
07:43 13/07/2010
Một thừa sai bị buộc rời khỏi Kashmir vì trường học mà ngài điều hành “quá tốt”

Srinagar (AsiaNews) - Cha Jim Borst, một thừa sai Công Giáo người Hà Lan phụ trách hai trường học phải rời khỏi Kashmir và Ấn Độ vào cuối tháng Bảy sau khi nhận được thông báo từ chính phủ của Jammu-Kashmir. Cha Borst đã nhận được một cảnh báo tương tự vào năm 2003, nhưng chỉ bốn tháng trước chính phủ đã gia hạn thị thực của ngài đến năm 2014.

Cha Borst là thành viên duy nhất Dòng Thừa Sai Mill Hill truyền giáo tại thung lũng Kashmir, cùng với Predhuman Joseph Dhar, một người Bà La Môn theo đạo Công Giáo, là người rất thân cận với Cha Borst, đang thực hiện công việc phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Kashmir địa phương. Dòng Thừa Sai Mill đã có mặt tại Jammu-Kashmir kể từ năm 1889, nơi dòng này luôn tham gia công tác giáo dục và chăm sóc y tế.

Đức Cha Peter Celestine, Giám Mục của Jammu-Srinagar cho AsiaNews hay rằng: "Tôi thực sự xin lỗi. Đó là một tổn thất lớn cho tôi và toàn xã hội dân sự của Kashmir. Cha Borst đã sống ở đây từ năm 1963".

Predhuman Joseph Dhar thì cho hay: "Thông báo này phát xuất từ những ghen ghét thuộc về lợi ích".

Cha Borst điều hành hai trường học tại Kashmir từ năm 1997. Cả hai đều được gọi là "Trường Mục Tử Nhân Lành", một ở Pulwama và trường kia ở Shivpora, Srinagar. Vị linh mục Công Giáo người Hà Lan đã luôn hoạt động tích cực trong giáo dục và nơi ngôi trường của mình, nơi có 99% nhân viên là người Hồi giáo, rất nổi tiếng về chất lượng giảng dạy.

Joseph Dhar tin rằng đây là lý do tại sao họ muốn loại Cha Borst: "Các trường trí thức Hồi giáo không thể cạnh tranh với trường học của ngài". Hai lần, vào năm 2003 các trường Mục Tử Nhân Lành đã bị tấn công và bị cáo buộc cố cải đạo trẻ em sang Kitô giáo.

Trước đây, Cha Borst quản lý Trường Thánh Giuse Baramulla và Trường Burn Hall tại Srinagar. Các cơ sở giáo dục của các nhà truyền giáo Công Giáo và Tin Lành ở Jammu-Kashmir chưa bao giờ có mục tiêu cho việc cải đạo. Nhiều nhân vật Hồi giáo có vị thế của nhà cầm quyền được đào tạo tại các trường này như Omar Abdullah, người đứng đầu hiện nay của chính phủ ở Jammu-Kashmir, Farooq Abdullah, một cựu lãnh đạo của chính phủ, và Mirwaiz Umer Farooq, một trong những sáng lập viên của Aphc.

Jammu-Kashmir là một bang ở miền bắc Ấn Độ mà Pakistan tranh chấp trong nhiều thập kỷ. Tại Kashmir, dân số Kitô giáo là 14.000 tín hữu, chỉ chiếm ít hơn 0,0014% dân số, có đến 97% là người Hồi giáo.
 
Báo Cáo Tài Chánh của Tòa Thánh năm 2009
Nguyễn Hoàng Thương
07:45 13/07/2010
Báo Cáo Tài Chánh của Tòa Thánh năm 2009

Vatican City (VIS) - Cuộc họp lần thứ 45 của Hội đồng Hồng Y để Nghiên Cứu các Vấn Đề về Cơ Cấu Tổ Chức và Kinh Tế của Tòa Thánh được tổ chức tại Vatican từ ngày 7 đến 9 tháng Bảy, dưới sự chủ trì của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, sdb.

Thông cáo báo chí được công bố chiều ngày 10/07 giải thích về Bản Báo Cáo Tài Chánh năm 2009 của Tòa Thánh, được Tổng Giám Mục Velasio De Paolis C.S., Tổng Trưởng Văn phòng Đặc Trách Các Vấn Đề Kinh Tế Tòa Thánh trình bày cho các hồng y trong phiên họp, cho thấy thâm hụt ngân sách 4.102.156 euro, do chênh lệch giữa thu nhập là 250.182.364 euro và chi tiêu là 254.284.520 euro.

Các chi tiêu cao nhất là chi phí thông thường và bất thường của cơ quan giáo triều và văn phòng của Tòa Thánh, gồm 2.762 người, trong số đó 766 là giáo sĩ, 344 tu sĩ và 1.652 giáo dân.

Cuộc họp cũng thẩm tra Bản Báo Cáo Tài Chánh của Ban Cai Quản Quốc Gia Vatican năm 2009, trong đó thể hiện thâm thụt ngân sách 7.815.183 euro. Điều này thể hiện một bước cải thiện so với năm ngoái, thâm thụt hơn 15.000.000 euro. Tổng cộng có 1.891 người làm việc thuộc thẩm quyền của Ban Cai Quản.

Thông cáo nêu bật "gánh nặng kinh tế và tài chánh đáng kể của việc bảo vệ, đánh giá và khôi phục các di sản nghệ thuật của Tòa Thánh (chủ yếu là công việc phục hồi Hàng Cột của Quảng trường Thánh Phêrô, và các Vương Cung Thánh Đường Thánh John Lateran, Thánh Phaolô Ngoại Thành và Đức Bà Cả). Những chi phí cao khác là duy trì an ninh nội bộ của Nhà nước Vatican và công việc mang tầm quan trọng là tái cấu trúc Thư Viện Tông Đồ Vatican, sẽ được mở cửa trở lại vào tháng Chín này".

Cuối cùng, Bản Báo Cáo Tài Chánh của Quỹ Thánh Phêrô (Peter's Pence) cũng được trình bày. Quỹ này gồm những dâng tặng cho Đức Thánh Cha bởi các Nhà thờ, nhất dịp Lễ Trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô và được sự đóng góp của các dòng tu tận hiến, các tu hội tông đồ, các tổ chức và các thành viên tín hữu khác nhau. Tiền dâng tặng năm 2009 là 65.688.141 euro, tăng lên so với năm ngoái. "Sự đóng góp lớn nhất trong năm 2009 đến từ người Công giáo tại Hoa Kỳ, Ý và Pháp. Mang ý nghĩa đặc biệt, xét về số lượng người Công Giáo, là những đóng góp từ Hàn Quốc và Nhật Bản".

Các giám mục, tùy thuộc vào nguồn lực của họ và phù hợp với điều 1271 của Bộ Giáo Luật, đã quyên góp 25.066.541 euro. Các khoản đóng góp lớn nhất đến từ các giáo phận tại Hoa Kỳ, tiếp đến là các giáo phận Đức.

Thông cáo kết luận bằng việc lưu ý rằng Viện Công trình Tôn giáo (IOR) quyên góp khoảng 50 triệu euro cho các hoạt động của Đức Thánh Cha.
 
Một giáo phận Trung Quốc có giám mục sau gần 50 năm trống tòa
Nguyễn Hoàng Thương
07:46 13/07/2010
Một giáo phận Trung Quốc có giám mục sau gần 50 năm trống tòa

Thái Châu (AsiaNews) - Sau 48 năm trống tòa, hôm 10/07/2010, Giáo Phận Thái Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) đã có Tân Giám Mục. Đức Giám Mục Anthony Xu Jiwei, được chính quyền công nhận, đã được tấn phong vào sáng ngày 10/07 tại Nhà thờ chánh tòa Thánh Tâm ở Thái Châu (huyện Tiêu Giang), với sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

Việc tấn phong do Đức Giám Mục Li Mingshu của Thanh Đảo (Sơn Đông) chủ phong. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Đức Giám Mục Zhao Fengchang của Liêu Thành (Sơn Đông), Đức Giám Mục Xu Honggen của Tô Châu (Giang Tô) và Đức Giám Mục Han Yingjin của Tam Nguyên (Thiểm Tây), người trở thành giám mục chỉ mới hai tuần trước. Tất cả những giám mục này là hợp pháp (hiệp thông với Tòa Thánh) và được chính quyền công nhận.

Giáo Phận Thái Châu nổi tiếng trong lịch sử của Giáo Hội Trung Quốc khi giám mục đầu tiên, Jou Hou-shan, là một trong sáu giám mục Trung Quốc đầu tiên được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI vào tháng 10 năm 1926. Kể từ khi trở thành một Hạt Đại Diện Tông Tòa vào năm 1926, tách ra từ Ninh Hạ, giáo phận chỉ có hai giám mục: Đức cha Hou và Đức Giám Mục Xu mới được tấn phong, hiện 75 tuổi. Đức Gián Mục Hou qua đời vào năm 1962 và kể từ đó trống tòa cho đến nay.

Đức Giám Mục Xu là người gốc Thượng Hải và làm việc như là một linh mục ở Ninh Ba. Ngài cho hay, kể từ năm 1999 ngài đã phục vụ Giáo hội trong giáo phận nhỏ Thái Châu. Ngài cho biết đến nay Thái Châu có 6.000 người Công Giáo, năm linh mục và chín nữ tu. Đa số các tín hữu đến từ nông thôn. Giáo phận có 25 giáo xứ, năm nhà nguyện và nơi thờ phượng.

Nhờ có nguồn gốc của mình ở Thượng Hải và Ninh Ba, khoảng 1.000 tín hữu từ các giáo phận đến tham dự Thánh Lễ tấn phong.

Đức Giám Mục Xu cho hay ngài hy vọng sẽ giúp hoàn thiện hiệp nhất giữa các linh mục, nữ tu và tín hữu của giáo phận. Ngài nói thêm rằng các cộng đoàn chính thức và hầm trú tại Thái Châu Không có lý do gì để xung đột nhau.

Đức Giám Mục Xu vào chủng viện ở Ninh Ba năm 1948. Sau đó ngài học ở Đại Chủng Viện Xujiahui (Thượng Hải) cho đến năm 1958. Từ 1960 đến 1985, do những sự kiện chính trị ở Trung Quốc, ngài đã bị kết án năm năm tù giam và sau đó là những năm dài lao động cưỡng bức, trong đó có giai đoạn sáu năm là giáo viên trung học.

Ngài tiết lộ: "Khoảng thời giang trong tù đã củng cố đức tin của tôi. Trong suốt thời gian thử thách tuyệt vời, tôi đã cầu nguyện mỗi ngày... Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương tôi cách sâu sắc và ở cùng tôi hàng ngày".

Năm 1985, bản án của ngài đã được thu hồi và ngài được gửi đến Thượng Hải gia nhập vào chủng viện khu vực Xa Sơn (Thượng Hải), cùng với nhóm chủng sinh đầu tiên được phép học tập. Hầu hết trong số họ là các cựu chủng sinh bị buộc phải thôi học trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Năm 1985, ngài được phong chức linh mục cho Giáo phận Ninh Ba, nhưng vẫn ở Xa Sơn để giảng dạy. Năm 1987, ngài trở về Ninh Ba, nơi ngài làm việc như là mục tử.

Năm 1999 ngài được thuyên chuyển đến Thái Châu, trở thành Giám quản Tông Tòa của giáo phận, làm việc trong giáo xứ Tiêu Giang. Đức Giám Mục Xu cũng có thể ra nước ngoài học, đến Daegu (Hàn Quốc) vào năm 2006 và đến Âu Châu vào năm 2007.

Chính sách ngược đãi đã kiềm hãm sự phát triển của giáo phận Thái Châu. Trong vòng một vài năm có giám mục đầu tiên vào năm 1926 số lượng các linh mục đã tăng trưởng từ 7 lên 21. Năm 1957, Thái Châu có 6.600 tín hữu, nhưng tất cả các nhà thờ đã bị đóng cửa và các linh mục bị bắt. Đức Giám mục Hou, bệnh nặng trong tù, được thả vào năm 1962, nhưng qua đời vào cùng năm đó. Vào thời điểm đó chỉ có ba linh mục trong giáo phận.

Năm 1984 chính quyền mở cửa trở lại một số nhà thờ, nhưng giáo phận không có mục tử. Từ năm 1991 đến 1996, hai linh mục đã tìm cách tổ chức cộng đoàn tín hữu, đến năm 1999, Đức Giám Mục Xu hiện nay trở thành Giám quản Tông Tòa. Kể từ đó, ngài đã quy tụ một số chủng sinh và cũng đã thành lập một cộng đoàn nữ là Dòng Nữ tử Bác Ái Thánh Têrêsa.
 
Di tích thật sự của Thập Giá Chịu Nạn tại Nhà Thờ Chính Tòa Boston đã bị trộm lấy mất.
Dominic David Trần.
11:35 13/07/2010
BOSTON, Hoa Kỳ ngày 13/07/2010 theo bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo CWN News và của Nhật báo Boston Hoa Kỳ: Một di tích thật sự của Thập Giá Chịu Nạn của Đức Chúa Giêsu KiTô (Thánh Giá Chúa KiTô) đặt tại Nhà Thờ Chính Tòa Boston mang tên Thánh Gía Chúa đã bị mất trộm trong khoảng ngày 30 tháng Sáu hay vào ngày 01 tháng Bảy vừa qua theo như một bài báo được đăng tải trên tờ Boston Globe số ra ngày 13 tháng Bảy hôm nay. Di tích thật sự của Thập Gía Chịu Khổ Nạn của Đức Chúa Giêu KiTô đã được ban cho vị Giám Mục tiên khởi của Tổng Giáo Phận Boston vào khoảng cuối những năm 1700.

" Chúng tôi rất buồn sầu và lo lắng bởi vì Di tích rất thánh thiêng này đã bị kẻ trộm lấy mất, và chúng tội cũng đang cầu nguyện cho những người có trách nhiệm liên can trong sự việc này.," theo như lời phát biểu của Linh Mục Kevin O'Leary, Chánh Xứ Nhà Thờ Chính Tòa này, " Chúng tôi kêu gọi tất cả các đấng bậc và anh chị em tín hữu trong Tổng Giáo Phận Boston cùng một ý hiệp thông cầu nguyện hàng ngày với các giáo dân của Nhà Thờ Chính Tòa Boston để cầu xin cho Di tích Thập Gía Khổ Nạn của Đức Chúa Giêsu KiTô sớm được hoàn trả và tôn sùng tại vị trí đã được kính thờ."
 
Chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2011: ''Tự do Tôn giáo, Đường Hướng dẫn đến Hòa Bình''
Nguyễn Hoàng Thương
11:55 13/07/2010
Chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2011: "Tự do Tôn giáo, Đường Hướng dẫn đến Hòa Bình"

Vatican City (AsiaNews) - "Tự do tôn giáo, Đường Hướng dẫn đến Hòa Bình" là chủ đề được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2011.

Ngày Hòa Bình Thế Giới – được cử hành vào ngày đầu tiên của năm kể từ năm 1968 – sẽ được dành cho chủ đề tự do tôn giáo. Thông Cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho hay: Như đã được biết, ở nhiều nơi trên thế giới hiện tồn tại các hình thức hạn chế hoặc chối bỏ tự do tôn giáo, từ phân biệt đối xử và gạt bỏ bên lề xã hội dựa trên tôn giáo, đến các hành vi bạo lực chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo. Tự do tôn giáo có cội rễ từ bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người, nó định hướng đối với việc tìm kiếm 'chân lý bất biến", và do đó có thể được trình bày một cách đúng đắn là 'tự do của các tự do'. Như vậy, tự do tôn giáo được thừa nhận cách xác thực khi nó được trải nghiệm như là sự tìm kiếm một cách mạch lạc vì Chân Lý và sự thật của con người.

Khái niệm về tự do tôn giáo này mang đến cho chúng ta một tiêu chí cơ bản để nhận thức rõ hiện tượng tôn giáo và biểu hiện của nó. Nó nhất thiết phải loại bỏ «tín ngưỡng» của quá khích và lôi kéo, công cụ hóa chân lý và sự thật của con người. Vì những biến dạng như thế là trái ngược với phẩm giá của con người và để tìm kiếm chân lý, chúng không thể được xem là tự do tôn giáo. Thay vào đó, một ý niệm xác thực của tự do tôn giáo mang đến một viễn tượng sâu sắc về nhân quyền cơ bản này, một trong những chân trời rộng mở của «nhân loại» và «tự do» của con người, cho phép thiết lập một mối quan hệ sâu sắc với chính mình, với tha nhân và với thế giới. Tự do tôn giáo là một quyền tự do trong đó tôn trọng phẩm giá con người và sự sống.

Khi các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II nhấn mạnh: "Con người đã được tác thành bởi Thiên Chúa để dự phần vào lề luật này, với kết quả là, nhờ sự an bài yêu thương trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ngày càng có nhận thức chân lý không hề thay đổi hơn bao giờ hết. Vậy nên mỗi người đều có bổn phận, và do đó có quyền tìm kiếm chân lý trong các vấn đề tôn giáo, để họ sử dụng mọi phương tiện thích hợp mà phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan" (Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo, 3). Ơn gọi để tin vào Thiên Chúa, được công nhận là một nhân quyền cơ bản, là điều kiện tiên quyết phát triển con người toàn diện (Bác Ái trong Chân Lý, 29), và một điều kiện để thực hiện lợi ích chung và thúc đẩy hòa bình trên thế giới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định trong chuyến thăm Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc: "Nhân quyền, tất nhiên, phải bao gồm cả quyền tự do tôn giáo, được hiểu như là sự diễn tả của một chiều kích vốn là chiều kích cá nhân và cộng đồng - một viễn tượng mang lại sự hiệp nhất của của người trong khi phân biệt rõ ràng giữa chiều kích của công dân và chiều kích của người tín hữu" (Diễn Văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 18 tháng 4 năm 2008).

Chủ đề được chọn cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2011 đại diện cho thành quả của một «đường hướng dẫn đến hòa bình» mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi gia đình nhân loại xem xét một cách sâu sắc trong nhiều dịp khác nhau. Từ năm 2006, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của ngài đã tập trung vào những chiều kích quan trọng của Chân Lý (Trong Chân Lý có Hòa bình, 2006), phẩm giá con người (Con Người, Cốt Lõi của Hòa bình, 2007), sự hiệp nhất của gia đình nhân loại (Gia Đình Nhân Loại, một Cộng đồng Hòa Bình, 2008), cuộc chiến chống đói nghèo (Chống Đói Nghèo để Xây Dựng Hòa Bình, 2009), và cuối cùng là chăm sóc sáng tạo (Nếu muốn Nuôi dưỡng Hòa bình cần Bảo Vệ Sáng Tạo, 2010). Cuộc hành trình này có nguồn gốc từ ơn gọi của con người đối với chân lý (capax Dei), và như là một "nguyên tắc chỉ đạo" phẩm giá con người, dẫn đến tự do tìm kiếm chân lý.

Ngày nay có nhiều khu vực trên thế giới mà nơi đó các hình thức hạn chế và thu hẹp tự do tôn giáo vẫn tồn tại, cả nơi các cộng đồng tín hữu là thiểu số, và nơi các cộng đồng tín hữu không phải là thiểu số, và có nhiều hình thức phân biệt đối xử tinh vi và gạt bỏ ra bên lề xã hội còn tồn tại, trên bình diện văn hóa và trong các phạm vi của sự tham gia dân sự và chính trị công khai. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận xét: "Thật không thể tưởng tượng được rằng các tín hữu phải kềm nén một phần của chính mình – đức tin của họ - để trở thành những công dân tích cực. Sẽ không bao giờ cần thiết chối từ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của một con người. Các quyền liên quan đến tôn giáo là tất cả các quyền cần được bảo vệ hơn nếu chúng được xem xét để xung đột với hệ tư tưởng thế tục đang thịnh hành hoặc với đa số quan điểm tôn giáo với bản chất loại trừ" (Diễn Văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 18 tháng 4 năm 2008).

Con người không thể bị "phân mảnh", và bị tách ra khỏi những gì họ tin, vì nơi đó họ tin rằng có sự tác động đến đời sống và đến con người họ. "Khước từ công nhận sự đóng góp cho xã hội vốn bắt nguồn từ chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Tuyệt Đối – bằng bản chất của nó, bày tỏ sự hiệp thông giữa con người với nhau - sẽ cho đặc quyền có hiệu quả cách tiếp cận có tính chất chủ nghĩa cá nhân, và sẽ phân mảnh sự hiệp nhất của con người" (Diễn Văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc). Đó là lý do: "Tự do Tôn giáo là Đường hướng dẫn đến Hòa Bình".
 
Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật: Một giáo sư Công Giáo bị đuổi vì dậy đúng môn học về Công Giáo
Trần Mạnh Trác
12:44 13/07/2010
Champaign, Illinois - Trong một lá thư gửi đến Đại học Illinois ngày thứ Hai, 12 tháng 7 năm 2010, Quỹ Liên minh phòng vệ Pháp Lý (Alliance Defense Fund, ADF) kêu gọi trường ĐH Illinois phải phục hồi chức vụ ngay lập tức cho Tiến sĩ Kenneth Howell, người đã bị sa thải vì giải thích trong một lớp học về Công giáo rằng Giáo Hội dạy hành vi đồng tính là vi phạm luật tự nhiên.

Nếu trường đại học không đáp ứng trước ngày 16 Tháng 7, ADF cho biết sẽ khuyến khích vị giáo sư nộp đơn kiện.

Trong lớp Introduction to Catholicism (Nhập Môn về Đạo Công Giáo) khóa mùa xuân vừa qua, và là một lớp học ông thường xuyên dạy tại đây, Tiến sĩ Howell đào xâu chủ đề đồng tính luyến ái, trình bày lập trường của Giáo Hội Công Giáo về đồng tính trên cả hai mặt: ước muốn và hành vi. Trong phần thảo luận, Tiến sĩ Howell gửi một e-mail để giải thích rõ ràng hai ý niệm tương phản: chủ nghia thực dụng và luật tự nhiên tương phản ra sao khi phán xét hành vi đồng tính. Ông viết:

"Ước muốn đồng tính không phải là sai trái về mặt đạo đức vì không thể kết tội sự hướng chiều trong tâm thần của một người. Tuy nhiên, dựa trên luật tự nhiên, Giáo Hội tin rằng hành vi đồng tính là trái với bản chất con người và do đó về mặt đạo đức là sai. "

Trong một e-mail gửi cho ông khoa trưởng là Tiến sĩ Robert McKim, một người bạn của một sinh viên dấu tên đã phàn nàn rằng Tiến sĩ Howell có lời lẽ "hận thù" như sau:

"Giảng dạy về những giáo lý của tôn giáo là một điều, nhưng cho rằng hành vi đồng tính vi phạm luật tự nhiên của con người là một điều khác. Các khóa học tại đại học này cần phải được hướng dẫn để đóng góp vào sự đàm luận công cộng và phát huy sự suy nghĩ độc lập. Không được giới hạn nhãn quan của người khác và lọai trừ một khuynh hướng tình dục nhất định nào."

McKim đã gọi Tiến sĩ Howell vào văn phòng lúc cuối khóa và cho biết ông sẽ không còn được phép dạy bởi vì e-mail của ông đã "vi phạm tiêu chuẩn hòa hợp của trường đại học (university standards of inclusivity.)"

Ông Travis Barham, tư vấn của ADF cho Tự Do Đại Học, đã viết thư ngày 12 tháng 7 đến các giới chức Đại học Illinois, gồm viện trưởng và khoa trưởng của trường Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học và Trưởng ban tôn giáo học, nêu rõ cái vô lý của việc sa thài.

"Khi sa thải Tiến sĩ Howell, viện Đại học đã sa thải ông vì ông đã giảng dạy giáo lý Công giáo đúng trong một lớp học về giáo lý Công giáo," Barham nói.

"Lý do duy nhất mà TS Howell bị sa thải là vì các sinh viên, giảng viên, và nhân viên ĐH không thích bài giảng của ông" Tuy nhiên, Ông Barham tiếp tục, Tu Chánh Án thứ Nhất (First Amendment) của Hiến Pháp "đã được thông qua là để bảo vệ rằng không một ý tưởng gây tranh cãi nào phải bị bịt miệng" và "suy rộng ra cũng là để bảo vệ các bài giảng của một giáo sư trong lớp học."

Ông Barham lưu ý rằng Tiến sĩ Howell đã dạy tại Khoa Tôn giáo tại Đại học Illinois từ năm 2001, và rằng ông đã liên tục giành được nhiều đánh giá xuất sắc từ các sinh viên.

Trong suốt học kỳ, tiến sĩ Howell nhấn mạnh với lớp học rằng họ không cần phải đồng ý với giáo lý Công giáo, mà chỉ cần hiểu và phân tích là đủ để thi đỗ.

Trên khía cạnh pháp lý, ông Barham giải thích rằng "các giáo sư đại học được tự do ngôn luận và có quyền tự do giảng dạy trong lớp học và trong khuôn viên của trường."

Dựa vào tiền lệ pháp lý, Barham cho biết Toà án Phúc thẩm Mỹ quận Bảy, là thẩm quyền bao trùm Tiển Bang Illinois, đã tuyên bố rằng "Tu Chánh Án Thứ Nhất bảo vệ quyền của giảng viên tham gia vào các cuộc tranh luận, theo đuổi, và điều tra trong lãnh vực học thuật ". Các tòa án liên bang cả nước đã đồng ý với tuyên bố này, ông nói.

"Tu Chánh Án Thứ Nhất rõ ràng bao gồm các bài giảng và e-mail của Tiến sĩ Howell. Trong một lớp về ý tưởng Công Giáo, ông giải thích những giảng dạy Công giáo về đạo đức tình dục và trả lời học sinh các câu hỏi và những phản đối của họ."

"Theo tiền lệ của Tòa án tối cao đã có hằng thập kỷ, thì các Đại học đơn giản không thể sa thải TS Howell vì bài giảng của mình chỉ vì có một người thứ ba cảm ứng với bài giảng ấy," Barham nói."Trong nhiều thập kỷ, Tòa án Tối cao đã liên tục phán quyết rằng các trường đại học 'không được đặc miễn khỏi những đòi hỏi của Tu Chánh Án Thứ Nhất.'"

Nhấn mạnh rằng trường ĐH đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật, Barham kêu gọi Đại học Illinois khôi phục vị trí giảng dạy trước đây cho tiến sĩ Howell.

"Trong ánh sáng rõ ràng của một hành vi vi hiến, chúng tôi yêu cầu nhà trường ngay lập tức phục hồi cho Tiến sĩ Howell chức vụ và những trách nhiệm giảng dạy mà ông đã rất xuất sắc đảm nhiệm trong gần một thập kỷ," Barham viết. Nếu trường đại học không tôn trọng quyền tự do, được bảo đảm bởi Hiến Pháp, của Tiến sĩ Howell, thì ADF sẽ khuyến khích vị giáo sư "biện hộ quyền hiến pháp của ông tại tòa án liên bang."
 
Đức Thánh Cha chọn ''Tự Do Tôn Giáo'' là chủ đề cho Ngày Hòa Bình Thế Giới của năm 2011
Dominic David Trần
15:00 13/07/2010
Điện VATICAN ngày 13/07/2010/10:53AM theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã CNA/EWTN News; vào sáng ngày thứ Ba hôm nay, Điện Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã quyết định rằng chủ đề cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Hòa Bình trong Năm 2011 sẽ là; " Tự Do Tôn Giáo, Con Đường dẫn đến Hòa Bình."

Một bản thông cáo báo chí chung phát hành ngày 13/07/2010 cho biết rằng Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Hòa bình này; " qua đó sẽ được dâng hiến cho chủ đề Tự Do Tôn Giáo. Mọi người biết rõ rằng ở trong nhiều khu vực trên thế giới ngày nay vẫn có những dạng thức khác nhau của sự giới hạn hay từ chối Quyền Tự Do Tôn Giáo: từ sự kỳ thị ra mặt cho đến sự phân biệt đối xử và gạt hẳn ra ngoài lề xã hội dựa trên mặt tôn giáo thậm chí thực hiện các hành động bằng bạo lực để đàn áp hoặc chống lại các tôn giáo chiếm thiểu số trong cộng đồng dân tộc quốc gia.."

Theo Điện Vatican, Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Hòa Bình vẫn được cử hành vào ngày Tết Dương Lịch hàng năm tức ngày 01 tháng Giêng kể từ năm 1968.

"Nhấn mạnh rằng Tự Do Tôn Giáo là điều con người trần thế đạt đến sự hiểu biết và giác ngộ về chính bản thân cá nhân con người ": Tòa Thánh Vatican đã tuyên bố trong Thông Cáo báo chí như vậy. " Tự Do Tôn Giáo được thực hiện một cách chân thực qua những

lúc trải nghiệm như là sự tìm kiếm Chân Lý và tìm Sự Thật về con người. Lối tiếp cận và suy nghĩ về Tự Do Tôn Giáo như cách thế này đã cống hiến cho chúng ta một chuẩn mực căn bản về sự nhận thức các hiện tượng của tôn giáo và các cách thể hiện bên ngoài của hiện tượng thuộc về tôn giáo. "

Bản Thông cáo chung cũng nhấn mạnh rằng cách tiếp cận suy nghĩ " bác bỏ một cách cần thiết 'sự sùng đạo qúa mức' của các chủ nghĩa bảo căn hay qúa khích về mặt tôn giáo, và sự khống chế cũng như làm lung lạc nhận thức về Chân Lý và sự thật về con người trần thế. Bởi vì những sự bóp méo về nhận thức như vậy đã là sự chống lại nhân phẩm và nhân vị của con người và cũng chống lại cả việc tìm kiếm Chân Lý - Sự Thật nữa; bởi

vậy tất cả những hành động này không thể được công nhận là Quyền Tự Do Tôn Giáo được."

Dẫn trích từ bài diễn văn của Đức Thánh Cha Benedicto XVI đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2008, bản Thông Cáo chung viết; " Nhân Quyền; tức là Các Quyền của con người, hiển nhiên, phải bao gồm Quyền Tự Do về Tôn Giáo, đã đưọc nhận biết và hiểu như là sự thể hiện một chiều kích nơi mà cùng một lúc Cá Nhân và Cộng Đồng - là một tầm nhìn viễn kiến mang lại sự thống nhất của con nguời trong lúc phân định rõ

ràng giữa chiều kích của một người công dân và chiều kích của một giáo dân - tín hữu."

Bản Thông Cáo chung nói tiếp; " Ngày nay, có nhiều khu vực trên thế giới vẫn còn duy trì nhiều hình thức của hạn chế và bó buộc tự do tôn giáo, cả ở nơi các cộng đồng tín hữu là nhóm thiểu số, và cả ở những nơi có các cộng đồng tín hữu không phải là nhóm thiểu số; cũng như ở các nơi khác đã có những dạng thức phức tạp hơn nữa của chủ nghĩa kỳ thị và phân biệt hiện hữu trên bình diện văn hóa và trên các lãnh vực thuộc về các hoạt động

công cộng, dân sự và chính trị."

Đức Thánh Cha Benedicto XVI nêu rõ trong diễn văn đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc; " Thật là điều lạ kỳ - đến độ không thể hiểu được - ở chỗ là các tín hữu đã phải chế ngự hay đè nén một phần của chính tự thân họ - Tín ngưỡng hay Đức Tin của họ - để được coi như là những công dân tích cực ! Không - Không bao giờ người ta cần phải chối bỏ Thiên Chúa, hay từ chối Thượng Đế để được hưởng các quyền cá nhân của con người trần thế. Các Quyền của con người gắn liền với Tôn Giáo là tất cả những điều còn nhiều ý nghĩa hơn thế nữa và cần được bảo vệ nếu họ và các quyền này được công nhận là đã có xung đột với một hệ tư tưởng của thế tục đang thắng thế tạm thời hay với các vị thế của tôn giáo đang chiếm đa số có tính chất phân biệt đối xử kỳ thị."

" Từ chối việc công nhận sự đóng góp vào xã hội của những hoạt động đã có cội rễ trong các chiều kích tôn giáo và trong việc tìm kiếm Sự Tuyệt Đối hay Đấng Tuyệt Đối - bởi bản thể, bởi thể hiện sự hiệp thông giữa người và người - sẽ đem lại một đặc quyền có hiệu qủa cho những cách tiếp cận mang tính chất cá nhân vị kỷ; và sẽ chia tính thống nhất của con nguời trở thành các mảnh nhỏ bé hơn." Đức Thánh Cha đã tuyên bố với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như vậy.

Bản Thông Cáo Chung của ngày thứ Ba 13/07/2010 kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng; trong ánh sáng dẫn đưòng từ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha; " Con người trần thế không thể bị chia xẻ nhỏ hay bị tách biệt khỏi những điều mà con người đã tin, bởi vì trong những điều mà con người tin tưởng đã có những ảnh hưởng trên cuộc đời của con người và trên chính bản thân con người ấy."
 
Mỹ cần đẩy mạnh tự do tôn giáo
Vũ Văn An
23:38 13/07/2010
Bách hại tôn giáo, hay việc bạo hành người vô tội chỉ vì các niềm tin và thực hành tôn giáo của họ, hay vì niềm tin và thực hành tôn giáo của những người hành hạ họ, đang diễn ra khắp thế giới một cách thường xuyên đến mức báo động. Thực vậy, chứng cớ gần đây cho thấy tệ trạng này đang lan rộng tới hầu hết mọi vùng và nền văn hóa trên địa cầu. Chỉ xin trưng dẫn một trong những chứng cớ ấy: cuộc điều tra sâu rộng của cơ quan Pew về Tôn Giáo và Sinh Hoạt Công Cộng, được công bố hồi tháng 12 năm rồi, đã cho thấy 70% dân số thế giới hiện đang sống tại các quốc gia trong đó họ bị nhiều hạn chế nghiêm ngặt về phương diện tự do tôn giáo.

Hơn một thập niên qua, Mỹ đã bị luật pháp yêu cầu giải quyết vấn đề này. Năm 1998, Quốc Hội Mỹ thông qua Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, được Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành. Đạo luật này chỉ thị cho các nhà ngoại giao Mỹ phải chống đối việc bách hại tôn giáo và cổ vũ tự do tôn giáo ở ngoại quốc. Đạo luật cũng dự trù nhiều phương tiện ngoại giao để thực hiện nhiệm vụ trên. Không may, cho đến nay, đạo luật này chỉ gặt hái được rất ít thành quả. Lý do tại sao thì ai cũng đã rõ, cũng như ai cũng hiểu rõ hậu quả của những thất bại ấy ảnh hưởng ra sao đối với các nạn nhân và xã hội của họ. Nhưng đồng thời, những thất bại này cũng là dịp may để chính phủ của ông Obama duyệt lại chính sách của mình.

Các bộ mặt của bách hại

Dựa và phúc trình “Các Hạn Chế Hoàn Cầu Đối Với Tôn Giáo” của cơ quan Pew, Phúc Trình Hàng Năm của Bộ Ngoại Giao Mỹ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và phúc trình của Ủy Ban Mỹ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ta có thể đưa ra một bản mô tả nhỏ về những kinh hoàng của nạn kỳ thị tôn giáo.

Năm 2002, tại Gujurat, Ấn Độ, nhiều phụ nữ Hồi Giáo đã bị các đám đông Ấn Giáo hãm hiếp và sát hại. Các đám đông này kiếm cách trả thù những người Hồi Giáo quá khích đã sát hại nhiều người Ấn Giáo trước đó. Khi các phụ nữ Hồi Giáo yêu cầu lực lượng cảnh sát Hồi Giáo địa phương giúp đỡ, họ nhận được câu trả lời như sau: “bọn tôi không được lệnh cứu các chị”.

Tháng 3 năm 2009, lực lượng an ninh Trung Quốc đánh chết một tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng vì đã phân phát truyền đơn ủng hộ Đức Đạt La Lạt Ma. Ở Trung Quốc, việc tra tấn và “mất tích” các nam nữ tu sĩ Phật Giáo và những người Hồi Giáo, Kitô Giáo và tín đồ của Pha Luân Công không được ưa chuộng đã diễn ra thường xuyên.

Ở Saudi Arabia, một giáo sĩ cao cấp gần đây đã ban hành một fatwa lên án tử hình bất cứ ai dám tuyên bố rằng đàn ông và đàn bà có thể làm việc với nhau trên bình diện chuyên nghiệp. Một ‘sắc chỉ’ như thế sở dĩ có được là do lối giải thích Hồi Giáo của người Saudi gọi là Wahhabism (chủ nghĩa Wahhab), một hình thức Hồi Giáo chống lại mọi cải tiến, cực bảo thủ, một loại thần học chính trị cực đoan từng nuôi dưỡng Osama bib Laden và tiếp tục được xuất khẩu ra khắp thế giới, kể cả Mỹ.

Nền thần học này và nhiều nền thần học chính trị cực đoan tương tự, giống như nền thần học chính trị của Taliban, hay của các đồ đệ Sayyid Qutb (cha đỡ đầu trí thức của phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo – Muslim Brotherhood), đều là những nền thần học hỗ trợ việc lên án về luật lệ và xã hội bất cứ hình thức bỏ đạo, cải đạo, phạm thượng và phỉ báng nào. Các hạn chế này, nhiều khi còn kèm theo cả án tử hình ở một số quốc gia, không những dẫn tới việc bách hại thể lý, mà còn gây hậu quả làm câm miệng các nhà cải cách tôn giáo và triệt hạ việc phát triển các nền thần học chính trị cởi mở hơn.

Tại Iran, người Hồi Giáo Shi-a lên tiếng chỉ trích hình thức Shi-a của chế độ đều bị xử tử vì đã dám “tuyên chiến chống lại Thiên Chúa”. Người theo đạo Bahai của Iran luôn phải sống trong nỗi lo sợ bị cầm tù, tra tấn và án tử. Tại Iraq, một nước mà cơ hội được hưởng thứ tự do có sắp xếp hiện đang được mua bằng giá máu người Mỹ, các Kitô hữu đang bị chú mục và sát hại. Hàng ngàn người trong thiểu số cổ xưa và đang mau chóng giảm thiểu này buộc phải trốn khỏi mái ấm gia đình và làng mạc của họ.

Ngay tại Tây Âu và Bắc Mỹ, tự do tôn giáo cũng đang gặp trở ngại từ đủ thứ hướng, trong đó, có việc người Pháp dùng luật lệ hạn chế, chỉ cho phép phát biểu tôn giáo trong lãnh vực tư. Người Gia Nã Đại cũng đang dùng luật pháp để dẹp bỏ giáo huấn Kitô Giáo về tính dục…

Các quan tâm và thiếu sót của Hoa Kỳ

Người Mỹ tự nhiên lưu ý tới vấn đề này. Họ chống đối bất cứ hình thức lạm dụng nhân quyền nào, nhưng vì lịch sử của họ, họ đặc biệt khó chịu đối với nạn bách hại và kỳ thị tôn giáo. Phần lớn người Mỹ như có bản năng nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của hình thức đàn áp này: tước bỏ tự do tôn giáo của bất cứ ai, huống hồ là tra tấn hay bạo hành bất cứ cách nào khác chỉ vì tôn giáo của họ, là một hành động tấn công vào chính nhân phẩm của họ, một tấn công cần phải chấm dứt và sửa trị. Đối với người Mỹ, quyền đi tìm các chân lý siêu việt và hành động theo các chân lý ấy nằm ở ngay trong tâm điểm của nhân phẩm con người.

Phần lớn người Mỹ cũng hiểu rõ rằng việc các chính phủ và cơ sở tư từ khước tự do tôn giáo ở khắp nơi trên thế giới đem lại nhiều hệ luận nghiêm trọng đối với quyền lợi quốc gia của Mỹ. Như lịch sử Mỹ từng chứng minh, tự do tôn giáo là điều cần thiết nếu người ta muốn cho nền dân chủ được bình an và ổn định, mang lại lợi ích cho mọi công dân. Tự do tôn giáo là điều cần thiết nếu các xã hội muốn ngăn chặn việc nuôi dưỡng và xuất cảng nạn bạo hành và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Ấy thế nhưng, các nhà ngoại giao Mỹ nói chung lại có khuynh hướng khá dè dặt trong việc ủng hộ các nhà hoạt động cũng như các ý niệm tôn giáo. Năm 1998, Quốc Hội Mỹ quyết định giải quyết tình thế này. Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ban hành năm đó, ra lệnh phải cổ vũ tự do tôn giáo như yếu tố chính trong chính sách ngoại giao của Mỹ và thiết lập ra một viên chức ngoại giao cao cấp, ngang hàng đại sứ, để lãnh đạo công tác này. Viên chức này làm việc trực tiếp dưới quyền bộ trưởng ngoại giao, theo đúng ý định của Quốc Hội, đứng đầu Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (I.R.F), có quyền hạn đại diện Mỹ trên các nghị trường song phương và đa phương và mang danh nghĩa “cố vấn chính của Tổng Thống và Bộ Trưởng Ngoại Giao”.

Trong các năm qua, chính sách của I.R.F. đã mang lại một số kết quả tích cực, như phóng thích tù nhân và gia tăng việc dùng ngoại giao ủng hộ các nhà hoạt động tôn giáo địa phương. Chính vì những kết quả này, Bộ Ngoại Giao Mỹ đang có kế hoạch gia tăng việc huấn luyện có hệ thống về tôn giáo cho các nhà ngoại giao của mình.

Nhưng 12 năm qua chỉ đem lại được bấy nhiêu thành quả. Xét chung, chính sách của Mỹ gây rất ít tác động đối với mức độ bách hại tôn giáo hay tự do tôn giáo. Phương thức tiếp cận của nó phần lớn chỉ có trên ngôn từ hoa mỹ: công bố các phúc trình hàng năm, tập chú vào các nạn nhân thiểu số bị bách hại, lên án các tên bách hại và đe dọa (chứ không áp đặt) việc trừng phạt kinh tế. Chính đạo luật cũng đã củng cố và tăng cường phương thức hành động này. Nó cho phép các chương trình ngoại giao trực tiếp và gián tiếp nhằm cổ vũ tự do tôn giáo nhưng lại chỉ đòi phải phúc trình hàng năm và công khai tố giác những tên bách hại trâng tráo nhất. Bộ Ngoại Giao do đó chỉ chọn làm điều tối thiểu, nhờ thế tránh được chống đối nội bộ. Phương thức duy tối thiểu này tốn rất ít và không hề đòi phải tổng hợp tự do tôn giáo vào chính sách ngoại giao. Nó tránh né nhu cầu cần nhất trí về ý nghĩa của tự do tôn giáo và, do đó, làm thế nào để có được sự nhất trí đó.

Hai chính phủ Clinton và Bush phần lớn đã theo phương thức hoa mỹ này. Mỗi chính phủ đều đề cử những đại sứ I.R.F. có tài năng nhưng lại để Bộ Ngoại Giao mặc tình xuống cấp chức vụ và vai trò của họ. Dù cả hai đại sứ này đều cố gắng đạt được những chiến thắng nhỏ nhoi trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng chẳng ai trong số họ gây đuợc ảnh hưởng gì đối với chính sách ngoại giao của Mỹ. Các vấn đề được họ đại biểu đã được các chính phủ ngoại quốc cũng như các viên chức Mỹ coi là thuộc ưu tiên thứ yếu đối với nước Mỹ.

Tại sao lại không ủng hộ một chính sách mạnh mẽ hơn? Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ không muốn nói tới tôn giáo. Nhiều người được huấn luyện để chỉ suy nghĩ theo lối thực tiễn. Họ cho rằng các vấn đề đức tin đã được loại bỏ khỏi các liên hệ ngoại giao sau các cuộc chiến tranh tôn giáo trong thế kỷ thứ 17 và từ đó tôn giáo được coi là thộc phạm vi tư riêng. Tác phẩm lớn năm 1994 của Henry Kissinger là “Diplomacy” không có cả hạn từ “tôn giáo” trong danh mục rất chi tiết ở cuối sách.

Nền ngoại giao Mỹ cũng từng đồng sàng với chủ đề tục hóa từ lâu, nghĩa là với ý niệm cho rằng với thế giới hiện đại, tôn giáo sẽ bị đẩy qua bên lề sự việc nhân bản, trở thành bất liên quan. Chủ đề ấy đáng lẽ phải được vất bỏ từ lâu bởi những người có nhiệm vụ huy động thế giới để bảo vệ các quyền lợi của Hoa Kỳ. Dù gì, thì thế giới cũng là một nơi rất tôn giáo. Ở hậu bán thế kỷ 20, thế giới đầy rẫy chứng cớ cho sự thật ấy: từ cuộc cách mạng Iran năm 1979 tới việc phổ biến dân chủ trong các xã hội Công Giáo (do Công Đồng Vatican II và do Triều Đại Đức Gioan Phaolô II châm ngòi). Chúng chứng tỏ rằng các ý niệm và tác nhân tôn giáo đang đóng vai trò chính trên diễn đàn quốc tế.

Đàng khác, phần lớn các nền văn hóa tỏ vẻ hoài nghi khi người ngoại cuộc tìm cách ve vãn họ trong chính các thực hành và ý kiến tôn giáo của họ. Sự hoài nghi ấy càng gia tăng, nếu người ve vãn ấy là Mỹ. Đặc biệt sau ngày 11 tháng 9, giả thiết tổng quát và tiên thiên vẫn cho rằng chính sách của I.R.F., dù có nhẹ nhàng và vô hiệu bao nhiêu, vẫn chỉ là con ngựa thành Troie do Mỹ đặt ra để phá hoại các cộng đồng đa số về tôn giáo, như Ấn Độ Giáo, Chính Thống Giáo Nga hay Shi-a Iraq

Trong suốt thập niên đầu tiên của nó, Người Mỹ học được những bài học nào từ chính sách Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế? Bài học đầu tiên: một chiến lược thuần túy chống bách hại mà thôi không làm giảm việc bách hại tôn giáo. Thường thì các lời kết án có tính hoa mỹ chỉ tổ làm người ta càng nhận ra chủ nghĩa đế quốc văn hóa của Mỹ hay khiến họ càng tin rằng nước Mỹ chỉ ủng hộ các nhóm thiểu số Kitô Giáo. Nói rộng hơn, chiến lược Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế có khuynh hướng phản động. Cùng lắm, chiến lược ấy chỉ thỉnh thoảng cứu được một vài tù nhân hay buộc được một vài chính phủ giảm bớt các hành vi bách hại. Tuy nhiên, tệ hơn cả, là phương thức phản động chỉ giúp nền ngoại giao Mỹ đạt được rất ít thành quả ngoại trừ việc lên án. Trong nhiều trường hợp, nó đã khiến người ta gia tốc và gia trọng việc bách hại.

Việc rõ ràng nó không làm là thăng tiến tự do tôn giáo theo chiều hướng chính trị hay văn hóa. Sự bỏ sót này là một lầm lẫn nghiêm trọng, dù có thể hiểu được do chính sách cung tên của nền ngoại giao Mỹ và sự ngờ vực vốn có đối với chính sách I.R.F. Cổ xúy các định chế chính trị và các thói quen văn hóa nhằm phát huy tự do tôn giáo, nhất là trong các xã hội có tinh thần tôn giáo cao độ, mới có thể giảm thiểu việc bách hại một cách hữu hiệu hơn chính sách Mỹ từng làm từ trước đến nay. Vả lại, điều ấy còn giúp gia tăng nền hòa bình quốc tế.

Thực vậy, khoa học xã hội đang xác nhận điều vốn được lịch sử và lương tri gợi ý. Đó là: tự do tôn giáo là điều cần thiết nếu muốn việc tự trị đem lại sự ổn định về chính trị, sự lớn mạnh về kinh tế, sự hòa hợp về xã hội và hòa bình. Nó là điều chắc chắn cần thiết nếu các quốc gia muốn thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan và khủng bố tôn giáo, trong đó có các hình thức khủng bố từng được du nhập vào nội địa Hoa Kỳ. Tóm lại, người Mỹ phải thăng tiến tự do tôn giáo bởi cả hai lý do sau đây: thứ nhất, tự do này giúp người khác giảm thiểu việc bách hại và gia tăng tự do; thứ hai, nó tăng cường an ninh cho chính nhân dân Hoa Kỳ.

Cơ may của chính phủ Obama

Tất cả các nhận định trên cho thấy chính phủ Obama đã được dành cho một cơ hội độc đáo trong việc tái trang bị và lên sinh lực cho chính sách tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ. Điều này xem ra có vẻ rất tự nhiên, xét vì vị Tổng Thống này vốn mở rộng tầm tay đối với thế giới Hồi Giáo. Bộ Trưởng Ngoại Giao, Hilary Clinton, là người từng nhấn mạnh tới chính sách “ngoại giao khôn khéo” (smart dipolmacy). Đàng khác, Tổng Thống Obama, ngày 22 tháng 5 vừa qua, tại West Point, từng cam kết sẽ lên khuôn “một trật tự quốc tế” mới dựa trên ngoại giao và vận kết (engagement).

Để khởi đầu, chính phủ nên đề cử một đại sứ toàn quyền có kinh nghiệm và tài năng biết đưa quan điểm về tự do tôn giáo nói trên vào nghị trình, đặt vị đại sứ này trực tiếp dưới quyền bộ trưởng ngoại giao. Phải có đạo luật để dự liệu thẩm quyền và tài nguyên cho việc thực thi nhiệm vụ này. Phương thức này gần đây đã được khẩn trương đề nghị bởi rất nhiều nhóm có ảnh hưởng trong lãnh vực chính trị và tôn giáo, trong đó có nhóm đặc nhiệm của Hội Đồng Thế Giới Vụ của Chicago, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Mỹ, và một nhóm học giả của cả hai đảng do Các Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Và Cộng Hòa Vì Tự Do tổ chức. Ngay Hội Đồng Cố Vấn Về Các Hiệp Tác Dựa Trên Đức Tin Và Khu Phố (Advisory Council on Faith-base and Neighborhood Partnerships) của Tổng Thống Obama cũng khuyến cáo phải chú tâm hơn nữa đối với vấn đề này.

Chẳng may, các dấu chỉ không có chi đáng khích lệ cả. Ngày 15 tháng 6 vừa qua, sau 16 tháng làm Tổng Thống, Ông Obama cuối cùng đã đề cử nữ mục sư Suzan Johnson Cook đứng đầu công tác tự do tôn giáo quốc tế. Người ta nói bà là một mục sư năng động và thành đạt của Giáo Hội Baptist Mỹ, nhưng xem ra bà thiếu kinh nghiệm về ngoại giao và về các vấn đề tự do tôn giáo quốc tế. Trong khi ấy, chính phủ vốn đặc cử nhiều phái viên ngoại giao cao cấp cho các vấn đề về phụ nữ, về các cộng đồng Hồi Giáo, về khuyết tật, về H.I.V./AIDS và nhiều vấn đề đặc thù khác. Tất cả các phái viên ấy đều là những người nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực riêng của mình. Những người ủng hộ I.R.F. có lý để lo ngại rằng đứa con tự do đầu lòng của lịch sử Hoa Kỳ dám bị hạ cấp hơn là nâng cấp trong chính sách ngoại giao hiện hành của Hoa Kỳ.

Phải hiểu rõ điều này: việc thăng tiến tự do tôn giáo trên trường quốc tế, dù rất khó khăn, nhưng có tính sinh tử đối với các cá nhân, các xã hội, với nền hòa bình thế giới và quyền lợi quốc gia của Mỹ. Dù có những dấu chỉ ngược lại, người ta vẫn nên hy vọng rằng việc thăng tiến tự do tôn giáo ấy sẽ trở thành một phần trong di sản chính sách ngoại giao của ông Obama.

Theo Thomas F. Farr, giám đốc chương trình Tôn Giáo và Chính Sách Ngoại Giao Mỹ tại Trung Tâm Berkeley về Tôn Giáo, Hòa Bình, Và Thế Giới Vụ tại ĐH Georgetown, tác giả cuốn “World of Faith and Freedom: Why International Religious Liberty Is Vital to American National Security” (Oxford, 2008). (Tạp chí America, số 19 tháng 7 năm 2010).
 
Top Stories
Continuano a chiedere giustizia le suore di Vinh Long
Asia-News
17:25 13/07/2010
In una lettera, la superiora delle religiose chiede le scuse delle autorità per le accuse di aver educato “una generazione” alla controrivoluzione e il risarcimento per la distruzione del loro convento. Dopo aver tentato di costruirvi un albergo di lusso, il locale Comitato del popolo dice che vi realizzerà un piazzale con un giardino.

Vinh Long (AsiaNews) – Non si arrendono le suore di Saint Paul di Chartres a Vinh Long e ogni giorno continuano a recarsi nel luogo ove sorgeva il loro convento, distrutto (nella foto) dalle autorità, per una preghiera che testimonia il torto subito.

“Le autorità della provincia - scrive la superiora, Sister Patrick de la Croix Huynh Thi Bich Ngoc – debbono correggere gli errori, in armonia con la tradizione morale della nazione”. In una lettera datata 3 luglio e diretta “ad ogni ufficio del governo nell’ambito della legalità della Repubblica socialista del Vietnam, a giornalisti e personalità pubbliche” la suora chiede le scuse delle autorità locali per le false accuse rivolte alla sua congregazione e un risarcimento di 6.376.400 dollari per l’illegale appropriazione di “una proprietà legale della Chiesa cattolica, appartenente alla diocesi di Vinh Long, costruita dal 1871 da generazioni di suore”.

La suora si riferisce al complesso di 10.235 metri quadrati, situato al numero 3 della Nguyên Truong Tô Street (Tô Thi Huynh Street)., dove, tra il 1871 e il 1977, le religiose si sono impegnate in attività caritative, sanitarie e di formazione per bambini, anche handicappati e orfani. Il 7 settembre 1977, senza alcuna spiegazione, la polizia militare assalì il Holy Cross College, il monastero di St. Paul e il seminario maggiore, arrestando tutti coloro che vi si trovavano, comprese 17 suore. Rilasciate un mese dopo, le religiose furono costrette a tornare nei villaggi dove erano nate.

Da allora le proprietà delle suore furono tenute dalle autorità. Secondo la risoluzione 1958 del Comitato del popolo, il convento e l’orfanotrofio erano stati espropriati per essere usati come “ospedale pediatrico e ospedale per la provincia”. Ciò che non è mai avvenuto.

Nel 2008, invece, le autorità autorizzavano la Saigon-Vinh Long Travel Agency a costruire nei terreni requisiti una albergo di lusso. La protesta delle suore ha fermato il progetto - e gli interessi in esso coinvolti – e ha spinto il Comitato del popolo ad annunciare, il 12 dicembre 2008, che al posto del convento sarebbe stato realizzato un grande piazzale con un giardino.

Al tempo stesso, con una tattica chiaramente minacciosa, le autorità accusavano le suore di aver usato “l’orfanotrofio, una istituzione sociale appartenente a una congregazione straniera e costruito con fondi esteri” di “aver educato una generazione di giovani sfortunati ad essere una forza antirivoluzionaria da opporre alla liberazione del Paese”. Un’accusa per la quale si rischia la pena di morte.

La minaccia non ha fermato le suore, che continuano a recarsi in preghiera là dove era il loro convento. E ora la lettera della superiora, che ha creato sorpresa negli ambienti cattolici e anche governativi.
 
The sisters of Vinh Long continue to demand justice
Asia-News
17:26 13/07/2010
In a letter, the superior of the religious sisters asks authorities to apologise for allegations that they had educated "a generation" to be counter-revolutionary and to ask for compensation for the destruction of their convent. After attempting to build a luxury hotel, the local People's Committee said that there will make a square with a garden.

Vinh Long (AsiaNews) - The Sisters of Saint Paul of Chartres in Vinh Long show no signs of giving up. Every day they go to the spot where their convent, destroyed by the authorities, once stood (see photo) and pray to testify the wrongs they have suffered.

"The provincial authorities - writes the Superior, Sister Patrick de la Croix Huynh Thi Bich Ngoc - must rectify its mistakes consistent with the moral tradition of the nation." In a letter dated July 3 and directed "to any government office within the law of the Socialist Republic of Vietnam, journalists and public figures," the nun asks the local authorities to apologize for the false accusations made against her congregation and compensation of 6,376,400 dollars for the illegal appropriation of a " a legal property of the Catholic Church belonging to the diocese of Vinh Long built since 1871 by generations of nuns "

The nun relates to the complex of 10,235 square meters, located at number 3 of Nguyen Truong Tô Street (Tô Thi Huynh Street), where, between 1871 and 1977, the sisters were committed to charitable activities, healthcare and educating children, including the disabled and orphans. On September 7, 1977, without any explanation, the military police attacked the Holy Cross College, and the Convent of St. Paul and seminary, arresting all who were there, including 17 nuns. Released a month later, the nuns were forced to return to villages where they were born.

Since the authorities have kept the property belonging to the religious sisters. Under resolution 1958 of the People's Committee, the convent and orphanage had been expropriated for use as a "children's hospital and provincial hospital”, which never happened.

In 2008, the local government authorised the Saigon-Vinh Long Travel Agency to build a four-star luxury hotel but it faced fierce protests of the sisters. The People’s Committee decided to build a public square with gardens instead.

In addition, local authorities falsely accused the Sisters of Saint Paul of Chartres of having used “the orphanage on Nguyên Truong Tô Street, a social institution belonging to a foreign religious congregation, built with foreign funds,” to “train young dropouts to create forces that oppose the Revolution and the liberation of the Vietnamese people”, an extreme accusation that could have cost the Sisters their lives.

However these threats have not stopped the sisters, who continue to go and pray at the sight where their convent stood. And now the letter from the Superior, which has created surprise in Catholic and even government circles.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày họp mặt các Đại Diện Đội Trống Kèn Giáo Phận Thái Bình
Tín Trung
11:47 13/07/2010
Sáng nay, 13/07/2010, tại nhà hội Tòa giám mục Thái Bình, Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ có buổi gặp mặt các vị trưởng đoàn trống, kèn nam và kèn nữ toàn giáo phận.

Trong buổi gặp gỡ và trao đổi này, có sự hiện diện của cha Thomas Đoàn Xuân Thỏa – đặc trách hội trống, kèn của giáo phận và 156 thành viên đại diện.

Tính đến thời điểm này giáo phận Thái Bình có 112 đội kèn nam, 26 đội kèn nữ và 20 đội trống trắc. Từ nhiều năm nay giáo phận Thái Bình chỉ có vài chục đội kèn nam và một số đội trống trắc, nhưng khoảng mười năm trở lại đây, các xứ cũng như các họ đạo đã mua sắm và thành lập thêm nhiều đội kèn, nâng số kèn nam lên 112 đội. Đặc biệt có các đội kèn nữ như: Giáo xứ Phương Xá, Cam Châu, Tân Mỹ, An Lạc, Thuận Nghiệp, Quỳnh Lang… và mới đây là Bồng Tiên, hiện nay con số lên tới 26 đội. Song song với việc phát triển về số lượng, các đội kèn cũng tích cực học hỏi, trau dồi và nâng cao cho mình thêm kiến thức chuyên môn, để bảo đảm chất lượng phục vụ trong phụng vụ, các ngày lễ lớn của giáo xứ, giáo phận và cả ngoài xã hội, cũng như ma chay khi có yêu cầu. Chị Maria Vũ Thị Na, trưởng đội kèn giáo xứ Phương Xá cho biết, đội kèn của chị ra đời từ năm 2002, không chỉ phục vụ các lễ lớn của giáo phận, giáo xứ, các chị còn được mời đi phục vụ tại La Vang, giáo phận Huế (2 lần), Lạng Sơn và các xứ thuộc giáo phận Bùi Chu, Hải Phòng. Ngoài ra các chị còn được mời đi phục vụ trong các dịp lễ hội của tỉnh Thái Bình và huyện Đông Hưng…

Trong buổi gặp mặt và trao đổi giữa Đức giám mục và các đại diện sáng nay với hai mục đích chính, đó là:

Thành lập các đội kèn và trống trắc là để: Tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa Cha nhân lành và loan báo Chúa Cha - Tình thương Tạo dựng; Chúa Con - Tình thương Cứu chuộc và Chúa Thánh Thần - Thánh hóa. Đồng thời loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người và đưa mọi người về với Chúa, bằng những phương tiện do chính bàn tay con người làm ra và dệt nên những bài ca.

Đức cha nhấn mạnh đến vai trò phục vụ, tức là phục vụ trong tinh thần vô vị lợi, nhiệt tình và sốt sáng, tránh kiểu “phục vụ vì phục vụ” mà không tham dự trọn vẹn thánh lễ. Điều cần tránh nữa là không làm “tục hóa” nội dung các bản nhạc: Không đưa những bản nhạc “đời” vào trong phụng vụ, thánh lễ và ngược lại, không đưa nhạc thánh phục vụ những nơi không thích hợp, bất xứng hay trần tục.

Công việc vụ thể: Thứ nhất, hội nghị quyết định chọn các thánh Tử Đạo quê hương Thái Bình làm đấng bảo trợ cho hội, sẽ được mừng kính vào tháng 11. Thứ hai, có một ngày hội diễn dành riêng cho các đội kèn nam và nữ cấp giáo phận, dự kiến sẽ tổ chức tại Tòa giám mục, vào thứ Năm (18/11/2010). Nội dung gồm có: học hỏi, tham dự thánh lễ và hội thi (đội suất sắc nhất của mỗi giáo hạt). Thứ ba, đội trống sẽ đi phục vụ dịp lễ bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, được tổ chức tại Tổng giáo phận Huế, ngày 06/01/2011. Sau khi giải lao, hội nghị đã bầu ra ban chấp hành lâm thời của mỗi giáo hạt và toàn giáo phận.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu cùng dùng cơm trưa với Đức cha và các cha, các thày, tại hội trường nhà vòm Tòa giám mục.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hàng Rào Cũ - An Old Fence
Richard Drysdale
22:32 13/07/2010

HÀNG RÀO CŨ - An Old Fence



Ảnh của Richard Drysdale

Hàng rào hư vô cớ,

Bực đất lở vô can,

Anh biểu em ở nhà đặng chữ thanh nhàn,

Anh đi làm mướn, cơ hàn nắng mưa.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền