Ngày 11-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Biết Nhờ Tin Nhân Chứng
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Huế.
01:01 11/07/2022
Mở đề

Mỗi năm, chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Thánh Tôma Tông đồ ngày 03 tháng 7. Trong bài Tin Mừng chúng ta nghe dịp đó (Ga 20,24-29: Chúa Phục sinh hiện ra cho Tôma), câu đáng chú ý nhất có lẽ là câu Chúa nói với ngài: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Là tín hữu trong Hội thánh, chúng ta thường nghe nói đến chuyện tin Chúa, tin đạo. Rồi còn được nhắc nhở: dù không thấy cứ nhắm mắt mà tin, dù không hiểu cứ cúi đầu mà tin. Điều đó khiến chúng ta đôi khi bực mình, có lúc mặc cảm trước kẻ ngoại đạo, cảm thấy như Chúa áp bức tự do của những ai theo Người, không cho Kitô hữu suy nghĩ tìm hiểu.

Trước hết phải nói ngay: tin là điều bình thường trong cuộc sống. Lúc nhỏ chúng ta tin cha mẹ, bắt đầu đi học chúng ta tin thầy giáo, đau bệnh chúng ta tin bác sĩ… Tin những gì họ nói với chúng ta. Có hai lý do để chúng ta tin cha mẹ, thầy giáo, bác sĩ… Một là vì họ thương mến hay ít nhất tử tế đối với chúng ta, hai là vì họ thành thật, nói cho ta điều họ nghĩ rằng mình biết hay làm cho ta điều họ nghĩ rằng mình thạo, hoặc ít nhất chúng ta cho là như vậy. Khi lớn lên hoặc với thời gian, chúng ta sẽ kiểm chứng những gì họ đã nói và làm, vì có khi họ đã sai lầm hay đã lừa gạt (chuyện các thần y dổm bị vạch mặt là một ví dụ).

Hiểu biết sự thật

Điều đó đặt chúng ta trước một vấn đề quan trọng của cuộc sống, đó là vấn đề hiểu biết sự thật. Có mấy loại sự thật? Có mấy cách hiểu biết? Cái gì chứng minh cho loại sự thật đó? Hay nói cách khác, chúng ta hiểu biết sự thật dựa trên bằng chứng nào?

1- Thưa trước hết, chúng ta biết bằng giác quan, ngũ quan: mắt thấy, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm. Cách hiểu biết này có đối tượng là vật chất, thực tại vật chất, những gì liên quan tới thế giới hữu hình chung quanh chúng ta. Đây là lãnh vực mà người ta gọi là khoa học, chuyên khám phá và mô tả bản tính mọi loài, để tìm ra định luật trong vật thể, sự thật của vật thể. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi ta phải có ngũ quan tốt và máy móc tốt. Chuyện nhiều thầy bói mù sờ voi là một ví dụ minh họa. Bằng chứng ở đây được gọi là vật chứng. Có vật chứng thì hẳn biết rõ, có vật chứng thì phải chấp nhận. Cũng xin lưu ý rằng khoa học không bao giờ ra khỏi giới hạn này cả, nên tự nó chẳng bênh cũng chẳng chống thuyết vô thần hay thuyết hữu thần.

2- Cách biết thứ hai là biết bằng lý luận, nghĩa là bằng đầu óc suy nghĩ, tìm ra sự liên hệ giữa nhiều thực tại, dựa trên một vài nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn nguyên tắc nhân quả (có quả tức phải có nhân, có tác phẩm ắt phải có tác giả…)… Và đây là lãnh vực mà người ta gọi là triết học, chuyên tìm hiểu và giải thích mối liên hệ giữa những hữu thể, những hiện tượng, hoặc đi từ cái mình thấy đến cái mình không thấy, để rút ra một kết luận. Bằng chứng ở đây được gọi là lý chứng. Ví dụ thấy tác phẩm biết có tác giả; thấy đồng hồ biết có thợ làm đồng hồ; thấy tạo vật tốt đẹp biết có Tạo hóa tài ba, thấy định luật trong trời đất và trong lương tâm thì biết có Đấng lập luật, lý luận ra có Đấng lập luật; thấy nơi loài người có sự hiểu biết bao la, vượt thời gian không gian, có trái tim vĩ đại, yêu người đến độ hy sinh chính mình, thì biết có hồn thiêng, lý luận ra rằng có hồn thiêng. Đừng đặt vấn đề tin ở đây, như nhiều giáo lý viên hay hạch hỏi giáo lý sinh rằng: “Các em tin có Chúa không, tin có linh hồn không?” Lý luận thì biết là có, cần gì phải tin rằng có. Người lương cũng biết có hồn thiêng, có Ông Trời mà! Điều kiện cần ở đây là có một lý trí lành mạnh và lương tâm trong sáng. Đừng như kẻ duy vật vô thần, tiên thiên (=ngay từ đầu) phủ nhận Thiên Chúa rồi nói: tạo vật tự nhiên chuyển động, tự mình biến hóa, chẳng cần có Trời làm ra, hơn nữa chẳng thấy Ổng đâu cả! Họ đánh đồng, lẫn lộn mô tả với giải thích.

Một ví dụ khác: Làm sao biết sách Tin Mừng nói thật? Dĩ nhiên là không thể dựa vào vật chứng. Có đâu mà dựa! Nhưng nhờ lịch sử, chúng ta biết sách Tin Mừng đã được viết bởi các Tông đồ và môn đệ Đức Giêsu, tức những người đã thấy Chúa. Khi họ khởi thảo thì vẫn còn sống rất nhiều người từng nghe và thấy Chúa giảng dạy, tử nạn, phục sinh. Các sách Tin Mừng lại được viết giữa một cộng đoàn có tổ chức, có kỷ luật (Giáo hội sơ khai). Những điều ấy cho thấy là không thể viết thêm, viết bậy, viết bịa. Các Tông đồ và môn đệ Chúa lại không trục lợi nhờ những điều lạ lùng kỳ diệu trong Tin Mừng, hay là nhờ tổ chức các cộng đoàn Kitô hữu. Trái lại các ngài đã bỏ mọi sự, chịu gian khổ, vượt chông gai, đi khắp nơi rao giảng nội dung Tin Mừng, cuối cùng lấy sinh mạng để làm chứng cho những gì mình đã thấy, đã ghi, đã truyền lại. Và rồi, từ nhóm nhỏ các ngài, một Giáo hội đã khai sinh, lớn lên và phát triển khắp hoàn cầu như ta thấy hôm nay. Như thế, nhờ cách lý luận vừa đưa ra, tức là nhờ lý chứng, chúng ta biết sách Tin Mừng nói thật.

3- Có cách biết thứ ba, sâu xa hơn, liên quan đến tâm linh, tinh thần, đến các thực tại tâm linh, các hữu thể tinh thần. Tôi chỉ biết người khác nghĩ gì, cảm gì khi chính họ tỏ cho tôi biết. Vì những tư tưởng, tình cảm nằm trong linh hồn: trong trái tim, trong óc não, không thể biết bằng giác quan, bằng dụng cụ khoa học như điện tâm đồ (electrocardiogram), điện não đồ (electroencephalogram) vốn chỉ cho biết tim hay não hoạt động nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ thôi, hoặc là bằng lý luận, suy diễn, mà chỉ biết được nhờ đương sự đích thân bày tỏ, còn người nghe chỉ có việc tin vào. Nhưng chỉ có sự bày tỏ lòng mình với hai điều kiện: bản thân người thổ lộ cảm nghĩ đúng đắn và chân thành yêu mến kẻ được thổ lộ. Thông thường, đó là khi bạn bè tâm sự với nhau. Sâu xa hơn, khi vợ chồng bày tỏ ý tình cho nhau. Cao hơn nữa, đó là việc những tín đồ có cảm nghiệm tâm linh đích thực với Đấng Tuyệt đối và rồi nói lên cho người khác hay. Bằng chứng ở đây được gọi là nhân chứng, xuất phát từ chứng nhân. Dĩ nhiên chứng nhân cũng có thể là người (hay nhiều người) duy nhất chứng kiến một sự việc và rồi kể lại, nhưng chứng từ này không phải là vấn đề tâm linh, kinh nghiệm tâm linh (tư tưởng, tình cảm).

Nhân chứng kinh nghiệm tâm linh càng mang tính thuyết phục khi được củng cố bằng cuộc sống trở nên đạo hạnh nhờ đó và nhất là bằng cái chết cam chịu anh dũng vì đó. Trong Kitô giáo, đấy là cảm nghiệm thần bí (gặp gỡ, giao tiếp với Thiên Chúa cách sống động trong tâm hồn) mà ta thấy nơi ông Môsê, nơi vua Đavít, nơi các ngôn sứ Cựu Ước... Sang thời Tân Ước, nơi Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy giả, các Tông đồ và nhiều môn đệ Chúa. Trong lịch sử Giáo hội thì là các hiển thánh, nhất là những vị đã được ban cho ơn thần nghiệm và những tín hữu có đời sống đức tin sâu đậm. Tất cả họ đều tiếp xúc với thế giới tinh thần tuyệt đối là chính Thiên Chúa và đã được Người bày tỏ (tiếng chuyên môn gọi là mạc khải) cho nhiều điều. Các ngài đã tin Thiên Chúa rồi tỏ lộ kinh nghiệm ấy lại cho chúng ta, để chúng ta tin vào các ngài và từ đó tin vào Thiên Chúa. Tất cả các ngài đã củng cố chứng từ của mình bằng cuộc sống thánh thiện, bằng gian khổ triền miên và phần lớn bằng cái chết anh dũng. Đó là lãnh vực mà người ta gọi là thần học.

Nhưng chứng nhân số một chính là Đấng mà Tin mừng Gioan 1,18 đã nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận như thế với các Tông đồ trong Diễn từ giã biệt: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Rồi để làm chứng cho lời mình nói là chân thật, Chúa đã chịu chết đau khổ. Và cũng để làm chứng cho lời mình nói là hữu hiệu, Chúa đã phục sinh vinh quang.

Vậy Chúa Giêsu đã bày tỏ những gì từ Thiên Chúa, mạc khải những gì cho chúng ta? Thưa đó là những điều mà giáo lý gọi là “mầu nhiệm”. Trên hết là mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi, tiếp đến là mầu nhiệm Nhập thể (Ngôi Con làm người), mầu nhiệm Chúa tử nạn phục sinh, mầu nhiệm Giáo hội như Thân thể Đức Kitô, mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh…. Như thế, theo những gì nói trên kia, có thể cho rằng các mầu nhiệm chính là những nỗi lòng của Thiên Chúa, những tâm sự về gia đình Thiên Chúa mà Ngôi Con bày tỏ với loài người, như giữa bạn bè với nhau; vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Đó cũng là những tâm sự mà Chúa Kitô ngỏ với Giáo hội, như giữa vợ chồng. Ta chẳng nhớ Chúa Giêsu tự gọi mình là Hôn phu và Giáo hội là Hôn thê sao? Và mỗi một tâm hồn tín hữu chẳng được gọi là Bạn tình của Chúa Kitô sao?

Dĩ nhiên những gì Ngôi Con mạc khải về Thiên Chúa thì thâm sâu, khó hiểu. Chuyện đó chẳng có chi lạ. Ngay cả những điều thuộc thế giới, vũ trụ hữu hình thì cũng đã thâm sâu, khoa học tới nay vẫn chưa khám phá ra hết, nên được gọi là bí nhiệm. Những gì ở trong tâm hồn con người càng thâm sâu hơn, vợ chồng với nhau cả đời cũng chưa chắc đã hiểu lòng nhau, bạn bè lâu năm tri kỷ cũng chưa hẳn đã thấu tâm nhau, vì thế mà triết học hiện sinh gọi tâm hồn mỗi người là một huyền nhiệm. Huống chi là những điều thuộc về tâm lòng, thế giới Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mạc khải các mầu nhiệm để thách thức óc não, đánh đố suy nghĩ của nhân loài. Nghĩ như thế là tội cho Người quá! “Mầu nhiệm chẳng phải là một bức tường cho trí tuệ bể nát khi đụng vào, mà là một đại dương trong đó trí tuệ bị mất hút luôn” (G. Thibon). Một đại dương tình yêu bao la, một nỗi lòng thiết tha sâu thẳm.

Quả thế, mầu nhiệm Ba Ngôi cho chúng ta thấy Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Người là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Người là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa. Và tình yêu đó tràn ra qua việc Người dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình. Mầu nhiệm Nhập thể cho thấy Thiên Chúa đã hóa nên người phàm để ở với nhân loại và để cứu chuộc nhân loại, như đòi hỏi của tình yêu nơi Người, là không để tạo vật của Người bơ vơ trên cõi thế, khốn đốn vì tự do và đi vào cõi hư vô tuyệt diệt. Mầu nhiệm Giáo hội cho thấy Thiên Chúa muốn kết hợp tất cả thụ tạo hữu hình và vô hình (từ thiên thần đến loài người và muôn vật) trong một Thân Thể vĩ đại mà Đức Kitô phục sinh là đầu và mọi thụ tạo khác là thành phần, là chi thể, để hết thảy trở về với Thiên Chúa, Nguồn gốc và Cùng đích, như mong ước vĩ đại của tình yêu là tất cả nên một. Mầu nhiệm Thánh Thể cho thấy Chúa Kitô Phục sinh ở với chúng ta mọi nơi và mọi lúc cách hữu hình nhờ Mình Máu Người. Mình Máu ấy duy trì nơi ta sự sống thần linh, liên kết chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau, để từ đó xây dựng nên Thân Thể mầu nhiệm của Người. Đó chẳng phải là bản chất của tình yêu hay sao? Các mầu nhiệm khác cũng mang ý nghĩa tương tự…

Kết luận:

Như thế, sự hiểu biết nhờ tin vào mạc khải từ lòng con người, và đặc biệt trong Kitô giáo, nhờ tin vào mạc khải từ lòng Thiên Chúa, chính là kiểu hiểu biết mang tính sâu xa nhất, nhân bản nhất, vì có thể giúp tạo ra ý nghĩa cho kiếp sống, hướng đi cho cuộc đời. Kitô hữu hạnh phúc khi tin vào Thiên Chúa vì Người không sai lầm cũng chẳng lừa gạt chúng ta. Những gì Người mạc khải cho chúng ta xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, có nội dung: Thiên Chúa là Tình Yêu, một sự thật cao vời, bao trùm mọi sự thật.

Trở lại với câu chuyện Tôma, chúng ta thấy vị Tông đồ này đã lần lượt trải qua 3 thứ hiểu biết với 3 bằng chứng: 1- thấy Chúa liền nhận ra vị Thầy mình đã sống với suốt 3 năm. 2- nhìn vết thương ở bàn tay và cạnh sườn Thầy, suy ra rằng Thầy đã thực sự sống lại. 3- được sự soi sáng, được ơn mạc khải (như Phêrô ở Mt 16,17), cuối cùng tin nhận và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

 
Ngày 12/07: Thấy mà không tin thì tội nặng hơn – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:08 11/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. Người nói :

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 11/07/2022

27. Nguyện vọng thánh thiện mà thực hiện chậm là để tăng tiến, nhưng nếu vì chậm trể chưa có thể thực hiện được mà đã bỏ dở nguyện vọng, thì hoàn toàn không phải là nguyện vọng.

(Thánh Gregory of Langres)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:00 11/07/2022
8. KHỈ CỨU MẶT TRĂNG.

Có năm trăm con khỉ mặt đỏ, đi trong rừng sâu, đến dưới một cây cổ thụ.

Dứơi cây có một cái giếng, nước trong giếng phản chiếu lại mặt trăng, con khỉ đầu đàn nhìn thấy thì liền vội vàng nói với đồng bọn:

- “Mặt trăng bị rớt xuống giếng rồi kìa, chúng ta nên cùng nhau cứu nó ra khỏi giếng. Thế này nhé, tôi sẽ bám chặt vào cành cây trên mặt giếng, sau đó, các anh từng người, từng người một bám vào đuôi nhau trèo xuống, như thế mới có thể cứu được mặt trăng”.

Bầy khỉ mặt đỏ từng con từng con liên tục treo thành một chùm dài. Lúc còn một chút xíu nữa thì đến mặt nước, trọng lượng của bầy khỉ vượt qua lực chịu của cành cây, chỉ nghe “rắc” một tiếng, cành cây gãy, bầy khỉ mặt đỏ rớt xuống trong giếng giãy giụa mãi không thôi, mặt trăng trong giếng cũng “mất tích” luôn.

(Pháp Uyển Châu Lâm)

Suy tư 8:

Khỉ là loài được gọi là thông minh trong các loài vật, nhưng cũng có lúc ngu đần hết chỗ nói, nhưng cái ngu của loài khỉ không đáng trách, vì nó là...khỉ. Mặt trăng rơi trong giếng thì không có, nhưng linh hồn đắm trong tội và sẽ rơi vào trong hỏa ngục thì có thật, chuỗi Mân Côi là sợi dây liên kết tâm tình của người Ki-tô hữu với Đức Mẹ Ma-ri-a, bám vào sợi dây này để cứu linh hồn mình và linh hồn của anh chị em, chính là việc làm thông minh và hiệu quả hơn là bám vào ô dù của những kẻ quyền quý ở thế gian.

Bầy khỉ mặt đỏ đã chết oan uổng vì làm chuyện không có –cứu mặt trăng rơi xuống giếng- nên bị coi là ngu. Cũng vậy, chúng ta cũng sẽ bị ma quỷ coi là ngu khi chúng ta không dùng chuổi Mân Côi như một phương thế đơn sơ mà hữu hiệu để cứu linh hồn mình. Đức Mẹ Ma-ri-a –Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại- đã rất nhân ái yêu thương khi nghĩ đến phương thế nhẹ nhàng mà hiệu quả này cho con cái của Mẹ, để không một đứa con nào phải hư mất đời đời khi suy tư, chia sẻ mầu nhiệm xuống thế làm người và cứu chuộc của Con Mẹ –Đức Chúa Giê-su Kitô- trong chuỗi Mân Côi.

Khắp mọi nơi và mọi lúc (trừ đang khi dâng thánh lễ) chúng ta đều có thể lần hạt Mân Côi, kết hợp với Thiên Chúa qua Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, để chúng ta ngày càng trở nên hoàn hảo hơn trong đời sống thiêng liêng, và tốt đẹp hơn trong cuộc sống đời thường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phúc lành song hành với trách nhiệm
Lm. Minh Anh
22:59 11/07/2022

PHÚC LÀNH SONG HÀNH VỚI TRÁCH NHIỆM
“Khốn cho các ngươi!”; “Khốn cho các ngươi!”.

Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, nói, “Triết lý sống của một người không thể hiện trong những gì họ nói; nhưng thể hiện trong những gì họ lựa chọn! Về lâu dài, mỗi người định hình cuộc sống mình và định hình chính mình; quá trình này không bao giờ kết thúc cho đến khi chúng ta chết. Và những lựa chọn chúng ta đưa ra để có cho mình những phúc lành, cuối cùng cũng là trách nhiệm của mỗi người! Vì lẽ, ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay trùng hợp với ý tưởng của cựu đệ nhất phu nhân Roosevelt, ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’. “Ai được giao nhiều, sẽ bị đòi nhiều! Ai được giao ít, sẽ bị đòi ít!”. Isaia nói, “Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không tồn tại”; với Tin Mừng, Chúa Giêsu khiển trách các thành “Khốn cho các ngươi!”; “Khốn cho các ngươi!”, rồi Ngài kết luận, “Ngày phán xét, Tyrô và Siđôn sẽ được xử khoan dung hơn các ngươi!”.

Bài đọc thứ nhất cho biết, vua Giuđa là Akhát, bị Israel và Syria đe doạ. Chúa sai Isaia đến trấn an vua; rằng, hai quốc gia bắt nạt Giêrusalem đó, dù có vẻ hùng mạnh, nhưng chúng chỉ là “những que củi còn khói”. Lời trấn an đó được coi như ‘phúc lành’ dành cho vua, vì “Thiên Chúa củng cố thành đô đến muôn đời muôn thuở” như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ. Isaia còn nói cho vua ‘trách nhiệm’, cũng là bài học cho chúng ta; rằng, không thể mong Chúa đứng về phía mình nếu chúng ta không đứng về phía Ngài, “Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không tồn tại”.

Mỗi phúc lành đều có một mức độ trách nhiệm tương đương! Các dấu lạ Chúa Giêsu làm tại Corozain, Bethsaiđa và nhất là ở Capharnaum, không được mọi người trong Israel biết tới, chứ đừng nói đến cả thế giới! Vì vậy, những người nhìn thấy chúng, có trách nhiệm lớn hơn những ai không nhìn thấy chúng. Chúa Giêsu khiển trách các thành, đánh thức họ khỏi sự hững hờ; Ngài nhắc nhở họ, một ngày kia, họ sẽ trả lẽ về những điều này trước mặt Chúa. Lý do là vì phép lạ đã không đưa họ đến một đức tin sâu sắc hơn, để từ đó, họ hoán cải tâm hồn mà trở về. Tin và ăn năn là mục đích sau cùng của mọi phép lạ; ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’.

Mục tiêu của tất cả những gì Chúa Giêsu làm là mang lại sự đổi thay các tâm hồn. Mối nguy đối với các thành và cả chúng ta, là quá quen với những dấu lạ này; để rồi, chỉ biết đòi hỏi thêm những dấu lạ khác; vì thế, mục đích của chúng bị đánh mất. Mục đích dấu lạ nhắm đến là chuyển hướng một cuộc sống từ tự cho mình là trung tâm sang nhận Chúa Kitô làm trung tâm. Như Hêrôđê, chúng ta muốn thưởng thức dấu lạ cho đến loá mắt, nhưng không muốn thay đổi đời sống; đang khi Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để gây ấn tượng, nhưng để hoán cải một trái tim trở lại với Thiên Chúa hoặc để đưa nó kết hợp sâu sắc hơn với trái tim Ngài!

Anh Chị em,

“Khốn cho các ngươi!”, “Khốn cho các ngươi!”. Hôm nay, có thể là một ngày để chúng ta rà soát lương tâm với vị Cha chung, Đức Phanxicô nói, “Phải chăng Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người chúng ta, ‘Khốn cho con, khốn cho con!’, bởi vì Ta đã cho con rất nhiều; Ta đã cho con chính Ta, đã chọn con là Kitô hữu; thế mà con thích sống một cuộc sống ‘giảm đi một nửa’, một cuộc sống hời hợt: một chút danh nghĩa Kitô hữu và một chút nước thánh, và không có gì hơn nữa!’. Khi sống đạo kiểu biệt phái giả hình này, điều chúng ta làm cuối cùng, là đuổi Chúa Giêsu ra khỏi tâm hồn mình! Giả vờ có Ngài, nhưng thực chất, chúng ta đã loại bỏ Ngài! Chúng ta nói, ‘Chúng con là Kitô hữu và chúng con tự hào về điều đó!’. Phải! Nhưng thực sự chúng ta đã sống như những người ngoại đạo!”. Chúng ta quên mất, ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin mở mắt cho con nhìn thấy, ân sủng Ngài kỳ diệu biết bao! Đừng để con quên, con phải có trách nhiệm với muôn phúc lành của Chúa, đổ xuống trên con đêm ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH ca ngợi Đức Hồng Y Pell, nói rằng ngài hy vọng Vatican sẽ đứng vững trên nền tảng tài chính vững chắc hơn
Đặng Tự Do
17:18 11/07/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô than thở rằng một số “người bạn” được chọn để đưa ra lời khuyên tài chính không phải là các thánh nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng Vatican có một nền tảng vững chắc hơn để tránh các hành vi sai trái về tài chính, chẳng hạn như câu chuyện “tòa nhà London” đang diễn ra, trong đó có một vị Hồng Y đang bị xét xử.

Đức Giáo Hoàng nói với Reuters vào ngày 2 tháng 7 rằng ngài hy vọng các biện pháp kiểm soát tốt hơn sẽ được áp dụng.

“Trước đây, việc quản lý tiền bạc của Vatican rất lộn xộn,” Đức Thánh Cha thừa nhận trong cuộc phỏng vấn, được công bố dần dần trong vài ngày qua.

Ngài cho biết các chuyên gia hiện đang ở các vị trí không bị thao túng bởi những nhà hảo tâm hoặc những người được cho là bạn bè.

Ví dụ, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã tự bào chữa và về cơ bản, ngài cho rằng đã bị các người này người khác dẫn dắt đi lạc hướng.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng các linh mục không có kinh nghiệm tài chính đã được yêu cầu quản lý các bộ phận và do đó tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè.

“Nhưng đôi khi những người bạn này không phải là Chân phước Imelda,” Đức Giáo Hoàng nói đùa. “Và vì vậy đã xảy ra chuyện này, đã xảy ra chuyện kia.”

Đức Giáo Hoàng nói rằng các cấu trúc cần phải thay đổi và ngài ca ngợi Đức Hồng Y George Pell là một “thiên tài”, là người đã nhấn mạnh rằng Vatican cần một cấu trúc có thể kiểm soát dòng tiền và đề phòng tham nhũng.

Việc thành lập một cấu trúc như vậy là một phần trong nỗ lực cải tổ Giáo triều của Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha John Paul I sẽ được nâng lên hàng Chân phước vào ngày 4/9/2022
Thanh Quảng sdb
19:04 11/07/2022
Đức Thánh Cha John Paul I sẽ được nâng lên hàng Chân phước (Á thánh) vào ngày 4/9/2022

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tôn vinh chân phước cho người tiền nhiệm của mình, là ĐTC John Paul I, vào Chủ nhật ngày 4 tháng 9, trong thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vừa công bố chương trình phong Chân phước cho Đức Thánh Cha John Paul I, tên thật của Ngài là Albino Luciani được sinh ra ở thị trấn Forno di Canale (nay là Canale d’Agordo), miền bắc nước Ý vào ngày 17 tháng 10 năm 1912.

Đức Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chủ nhật, ngày 4 tháng 9 năm 2022.

Đức Giám Mục Renato Marangoni sẽ đọc chiếu chỉ Phong Chân phước trong Thánh lễ, cùng với Đức Hồng Y Beniamino Stella, thỉnh cáo viên của tiến trình phong thánh, và Tiến sĩ Stefania Falasca, Phó thỉnh cáo viên.

“Trong nghi lễ phong chân phước, những người trong ủy ban phong thánh sẽ kính dâng Đức Thánh Cha cuốn kinh nguyện có nhiều thánh tích của vị Chân phước mới.”

Vé tham dự Thánh lễ sẽ được Tòa thánh phân phối...

Các sự kiện xung quanh việc phong chân phước

Trước lễ phong chân phước, Đức Hồng Y Angelo De Donatis sẽ chủ trì buổi cầu nguyện tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô vào tối thứ Bảy 3/9/2022.

Vị Đại diện của Đức Thánh Cha tại Giáo phận Rôma sẽ chủ trì buổi lễ canh thức tại Vương cung thánh đường, nơi có ghế Chủ tọa của Giám mục Rôma, mà ĐTC Gioan Phaolô I đã cai quản ngày 23 tháng 9 năm 1978.

Sau khi phong chân phước, Thánh lễ sẽ được cử hành vào ngày 11 tháng 9 tại quê hương của vị chân phước mới, ở Giáo phận Belluno-Feltre.

‘Đức Thánh Cha mỉm cười’

Đức Thánh Cha John Paul I là người cai quản Giáo hội một thời gian ngắn nhất trong lịch sử hiện đại, Ngài trị vì ngai Tòa thánh Phêrô chỉ trong 33 ngày mà thôi.

Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên chọn một tên kép, như ngài cho hay để tôn vinh danh hai vị tiền nhiệm của ngài là John XXIII và Phaolô VI.
 
Biden ký sắc lệnh hành pháp bảo vệ quyền truy cập phá thai
Đặng Tự Do
17:17 11/07/2022


Hai tuần sau khi Tòa án Tối cao ban hành phán quyết lật ngược vụ Roe kiện Wade, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ đạo một số cơ quan liên bang về cách duy trì quyền tiếp cận phá thai của phụ nữ.

Hôm 8 tháng 7, ông Joe Biden đã ban hành “Sắc lệnh hành pháp bảo vệ quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, gọi đây là một biện pháp ngăn chặn cho đến khi Quốc hội có thể bỏ phiếu để luật hóa quyền phá thai trên toàn quốc mà phán quyết Roe đã bảo đảm trong gần 50 năm.

Trong một buổi lễ diễn ra tại Tòa Bạch Ốc, cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Beccera, Biden đã kêu gọi người Mỹ tham gia đông đảo vào Ngày Bầu cử để phản ứng lại quyết định của tòa án liên quan đến việc phá thai.

Ông nói: “Chúng tôi cần thêm hai thượng nghị sĩ ủng hộ lựa chọn” để thông qua việc luật hóa phán quyết Roe.

Phán quyết do Tòa án Tối cao công bố vào ngày 24 tháng 6, trong vụ Dobbs kiện Jackson đã đưa quyền quyết định về tính hợp pháp của việc phá thai trở lại cấp tiểu bang, nơi nó đã có trước Roe và các cơ quan lập pháp ở khoảng một nửa số tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã bỏ phiếu cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc nạo phá thai. Trái lại, một số tiểu bang do đảng Dân Chủ cầm đầu đã mở rộng quyền phá thai cho đến khi người phụ nữ chuyển dạ.

Theo ông Joe Biden, quyết định của tòa án cấp cao “rõ ràng đã tước đi quyền của người dân Mỹ mà họ đã công nhận trong gần 50 năm - quyền của phụ nữ được đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe sinh sản của riêng mình, không bị chính phủ can thiệp. Các quyền cơ bản - đối với quyền riêng tư, quyền tự chủ, tự do và bình đẳng - đã bị từ chối đối với hàng triệu phụ nữ trên khắp đất nước, với những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc của họ. Phán quyết này sẽ ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ da màu, phụ nữ có thu nhập thấp và phụ nữ nông thôn”.

Một khía cạnh trong lệnh hành pháp của Biden là bảo vệ quyền truy cập vào cái gọi là “phá thai bằng thuốc”, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận như một cách để chấm dứt thai kỳ đến tuần thứ 10. Quy trình bắt đầu bằng việc dùng mifepristone, chất này ngăn chặn nguồn cung cấp progesterone của cơ thể, là loại hormone cần thiết để thai nhi phát triển bình thường. Viên thứ hai, misoprostol, được uống đến 48 giờ sau đó, gây chuột rút và chảy máu để làm rỗng tử cung.

Vào năm 2021, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden, FDA đã dỡ bỏ vĩnh viễn yêu cầu cấp phát trực tiếp thuốc phá thai, cho phép phụ nữ nhận thuốc qua đường bưu điện sau khi được tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Một số phụ nữ sống trong một tiểu bang mà hiện nay việc phá thai là bất hợp pháp có thể cố gắng đi đến một tiểu bang mà điều đó là hợp pháp, và một số khía cạnh của sắc lệnh hành pháp của Biden tìm cách bảo vệ quyền của họ và bảo vệ họ khỏi bị truy tố ở chính tiểu bang của mình. Sắc lệnh kêu gọi Bộ Tư pháp tập hợp các luật sư chuyên nghiệp để đại diện cho những phụ nữ gặp rắc rối pháp lý khi theo đuổi việc phá thai.

Sắc lệnh cũng tìm cách “mở rộng khả năng tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ sức khỏe sinh sản, bao gồm các nhà cung cấp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chẳng hạn như tiếp cận với biện pháp tránh thai khẩn cấp và các biện pháp tránh thai có thể đảo ngược tác dụng lâu dài như các dụng cụ đặt ở tử cung” và bảo vệ việc thông tin trực tuyến về các dịch vụ phá thai.
Source:Aleteia
 
Di sản của Abe? Nhật Bản thức tỉnh trước chủ nghĩa bành trướng Đại Hán
Đặng Tự Do
22:09 11/07/2022
Vào ngày lễ tang của Cố Thủ Tướng Shinzo Abe, tờ Sydney Morning Herald có bài tường trình nhan đề “Abe’s legacy? Japan a step closer to reawakening warrior spirit”, nghĩa là “Di sản của Abe? Nhật Bản tiến gần một bước trong việc thức tỉnh tinh thần thượng võ”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi mọi người phàn nàn về sự toàn thắng của nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1980, nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu đã nói với họ rằng hãy bằng lòng với điều đó. Hãy để người Nhật có được những thành công mỹ mãn về thương mại vì “họ là những chiến binh vĩ đại hơn là những thương gia. Đừng đánh giá sai họ. Tôi không nghĩ rằng họ đã đánh mất những phẩm chất thượng võ”.

Nói cách khác, hãy vui vì họ đang kiếm tiền miễn là họ không gây chiến. Hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản, được Hoa Kỳ áp đặt lên quốc gia bại trận năm 1947 trong cuộc chiếm đóng của Đồng minh, đã cấm điều đó. Điều 9 nổi tiếng trong Hiến Pháp viết: “Nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền lợi thuộc chủ quyền quốc gia”.

Công việc để đời của Shinzo Abe, người bị ám sát vào thứ Sáu, là thay đổi điều đó. Abe muốn Nhật Bản có được sự thịnh vượng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng như có khả năng chiến tranh, nếu cần.

Với tư cách là thủ tướng, và sau đó là lãnh đạo của 5 phe phái lớn nhất trong đảng cầm quyền, ông đã cố gắng tháo gỡ những ràng buộc để đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”.

Ngày nay, nhờ vụ giết hại Abe, Nhật Bản đã gần đạt được mục tiêu này hơn bất cứ lúc nào khác kể từ khi hiến pháp năm 1947 được viết ra. Cái chết gây sốc của ông đã tạo ra một làn sóng ủng hộ thêm cho đảng của ông, Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là LDP, cầm quyền lâu đời, trong cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật để bầu bán phần thượng viện Nhật Bản.

Trước khi ông bị bắn, chính phủ liên minh của LDP đã được dự đoán sẽ giành được khoảng 60 ghế, gần với 63 ghế cần thiết để thông qua các dự luật. Nhưng sau khi ông bị bắn, LDP đã thắng áp đảo, giành được 76 ghế.

Tất nhiên, điều này giúp chính phủ thông qua các dự luật của mình, nhưng nó cũng làm thay đổi triển vọng cho việc sửa đổi lịch sử Điều 9 của hiến pháp. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần đến đa số hai phần ba của cả hai viện của quốc hội. Cho đến hôm Chúa Nhật, đa số 2/3 ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 chỉ đạt được ở Hạ Viện. Ngày nay, nhờ sự gia tăng vào hôm Chúa Nhật của LDP, điều đó cũng đã xảy ra ở Thượng Viện.

Điều này là cần thiết nhưng không đủ. Bất kỳ thay đổi nào cũng phải giành được sự ủng hộ của đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý. Và điều đó có thể sẽ rất khó khăn, với việc dư luận được phân chia khá đồng đều trong các cuộc thăm dò gần đây nhất về vấn đề này. Nhưng Tổng thư ký LDP, Toshimitsu Motegi, cho biết hôm Chúa Nhật rằng đảng của ông sẽ nỗ lực sửa đổi Điều 9 “càng sớm càng tốt”.

Nhật Bản hiện đang thận trọng xem xét việc loại bỏ chủ nghĩa hòa bình trong hiến pháp của mình để có thể sử dụng lực lượng quân sự như một công cụ trong chính sách đối ngoại của mình. Bạn có thể nói rằng sự tử vì đạo vô tình của Abe đã giúp ông đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”.

Abe không thể làm được điều đó nếu không có Tập Cận Bình. Thái độ hiếu chiến trâng tráo của nhà độc tài của Trung Quốc là đồng minh không thể thiếu của ông Abe trong việc thuyết phục người dân Nhật Bản tin rằng đã đến lúc phải tái vũ trang.

Người dân Nhật Bản đã cam kết sâu sắc với hiến pháp hòa bình của đất nước trong 75 năm.

Abe cần một mối đe dọa đáng tin cậy để thuyết phục người dân bước ra khỏi cơ sở bảo thủ của mình. Lúc đầu, ông tận dụng sự nguy hiểm của chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng chỉ điều này thì không đủ thuyết phục.

Tập Cận Bình lấp đầy chỗ trống. Với sự xâm phạm ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với lãnh thổ của các nước láng giềng, bao gồm cả Nhật Bản, Tập đã khiến Nhật Bản thức tỉnh trước nhu cầu phải tái vũ trang và tái động viên.

Abe đã không chờ đợi sự sửa đổi chính thức của hiến pháp. Ông thực hiện một loạt các bước tăng dần. Ông đã tăng ngân sách cho Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản. Ông đã phá vỡ giới hạn lâu nay giữ chi tiêu quốc phòng dưới 1% tổng thu nhập quốc dân cho đến ngày nay là 1,1%. Ông đã ủy thác việc hoán cải hai tàu chiến thành hàng không mẫu hạm.

Ông đã thông qua quốc hội một đạo luật cho phép quân đội Nhật Bản hoạt động cùng với các lực lượng của Mỹ và của các đồng minh khác, bao gồm cả Úc Đại Lợi. Và ông đã đi đầu trong phản ứng của thế giới dân chủ đối với sự hung hăng của Bắc Kinh với ba đổi mới trong chính sách.

Đầu tiên là Tứ Cường. Abe quan niệm nó ở cấp các quan chức; Joe Biden sau đó đã triệu tập nó ở cấp lãnh đạo để đưa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ lại với nhau để “cân bằng” trước sức mạnh của Bắc Kinh.

Thứ hai là mục tiêu chính sách về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, hiện được các nền dân chủ ở khắp mọi nơi chấp nhận làm khuôn khổ khái niệm cho các chính sách và hoạt động của họ.

Thứ ba, theo lời của cựu đại sứ Australia tại Nhật Bản, Bruce Miller, Abe đã “đặt ra khuôn mẫu mà hầu hết các nước phương Tây áp dụng” trong việc đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình: Đó là “giữ vững chủ quyền và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện nào của Trung Quốc để đổi lấy việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao, nhưng cũng không áp dụng một giọng điệu thách thức và vẫn sẵn sàng tham gia với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể hợp tác được.”

Và đây là một bản tóm tắt tốt về quan điểm mới của chính phủ Albanese. Khi Penny Wong gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, hôm thứ Sáu, bà không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của Bắc Kinh. Thật vậy, quốc gia nhượng bộ là Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã phải đảo ngược lệnh cấm tiếp xúc chính trị ba năm với Úc để cho phép các cuộc gặp với Wong và trước đó là với Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles.

Đồng thời, các bộ trưởng Úc đã bỏ “giọng điệu thách thức” của chính phủ Morrison. Chúng ta thương tiếc Shinzo Abe như một người bạn, nhưng thế giới mất đi sự thông thái của ông ấy.

Vương Nghị đã đưa ra bốn điều kiện tiên quyết mới cho bất kỳ sự nhượng bộ nào nữa của Bắc Kinh, bao gồm yêu cầu “chúng ta phải tuân thủ xây dựng một nền tảng xã hội tích cực và thực dụng của dư luận”. Điều này cho thấy sự nhầm lẫn sâu sắc của Trung Quốc đối với chức năng của dư luận xã hội trong các nền dân chủ.

Khi được hỏi quan điểm của mình, Albanese hôm thứ Hai cho biết: “Australia không đáp ứng các yêu cầu” nhưng “chúng tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu chúng tôi có thể”.

Sau khi rời ghế thủ tướng, Abe tiếp tục thúc đẩy sự phản kháng mạnh mẽ hơn đối với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của ông Tập. Ông đã phá vỡ hai điều cấm kỵ trong năm ngoái.

Abe đề xuất Nhật Bản xem xét chia sẻ với Mỹ trách nhiệm về “chiếc ô hạt nhân” bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Và ông nói rằng bất kỳ “cuộc khủng hoảng Đài Loan” nào cũng sẽ là “cuộc khủng hoảng Nhật Bản”. Đây là một sự khích lệ để Nhật Bản cam kết bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc đại lục.

Sự thịnh vượng và chủ nghĩa hòa bình dường như không còn đủ đối với Nhật Bản ngày nay. Càng ngày, Nhật Bản càng tích cực bảo vệ tự do và trật tự thế giới. Hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào khác, Abe đã đưa đất nước phát triển đến thời điểm này. Và trước “các phẩm chất thượng võ” của Nhật Bản, tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình xem ra sẽ còn bị thử thách.
Source:Sydney Morning Herald
 
Washington Post: Di sản của Abe là một thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với Trung Quốc
Đặng Tự Do
23:53 11/07/2022
Tờ Washington Post có bài bình luận nhan đề “Abe’s legacy is a world better prepared to confront China”, nghĩa là “Di sản của Abe là một thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với Trung Quốc”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Thứ Sáu là một ngày bàng hoàng, đau buồn và giận dữ ở Nhật Bản và trên toàn thế giới sau vụ ám sát cựu thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng khi nỗi đau đã nguôi ngoai và sử sách được viết ra, Abe sẽ được ghi nhớ trên tất cả vì những đóng góp sớm và quan trọng của ông trong phản ứng lâu dài của thế giới đối với những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những lời chia buồn đến từ các nhà lãnh đạo thế giới phản ánh sự kính trọng quốc tế mà Abe giành được trong sự nghiệp chính trị và ngoại giao lâu dài của mình, bao gồm hai nhiệm kỳ Thủ tướng, một chức vụ mà ông giữ lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử Nhật Bản. Nhiều chứng tá đã công nhận cam kết của Thủ tướng Abe trong việc củng cố trật tự quốc tế vốn đã mang lại cho khu vực Đông Á một nền hòa bình, thịnh vượng và an ninh kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Abe là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế sớm nhất nhìn ra quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của mình để phá hoại hệ thống đó - và cũng nhận ra cần phải làm gì để chống lại dã tâm đó.

Abe đã định hướng lại chính sách đối ngoại của Nhật Bản để tập trung vào cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới vẫn bám vào cách tiếp cận dựa trên sự can dự với Bắc Kinh. Chương trình kinh tế của ông, được gọi là “Abenomics” (cuối cùng đã mang lại kết quả hỗn hợp), là một phần trong sứ mệnh của ông để chứng minh rằng Nhật Bản có thể giúp dẫn đầu phản ứng quốc tế đối với sự đi lên của Trung Quốc.

Tomohiko Taniguchi, cố vấn chính sách đối ngoại và là người viết các bài phát biểu của Abe trong một thời gian dài, nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng Abe hiểu rằng Tokyo phải làm ba điều nếu muốn chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong dài hạn: Nhật Bản sẽ phải tăng cường nền kinh tế, tái đầu tư trong quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, và mở rộng quan hệ ngoại giao bằng cách tiếp cận với Úc và Ấn Độ.

Người Mỹ có thể nhớ đến Abe vì khả năng kết nối hiếm có của ông với Tổng thống Donald Trump. Abe tỉ mỉ vun đắp mối quan hệ của mình với Trump, bảo đảm rằng ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Tháp Trump sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 2016 và là người đầu tiên đến thăm Trump tại Mar-a-Lago.

Vào năm 2017, các bức ảnh xuất hiện cho thấy Trump và Abe đang kiểm tra thông tin tình báo về vụ phóng hỏa tiễn được phân loại của Triều Tiên dưới ánh sáng của đèn pin điện thoại khi các vị khách câu lạc bộ Florida của Trump đứng nhìn. Đó là khoảnh khắc nắm bắt được tình thế tiến thoái lưỡng nan của Abe khi đối phó với sự hỗn loạn của chính trường Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đã coi Abe như một chính khách cấp cao và là một người bạn thân thiết, cũng như Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm. Đây là một minh chứng cho kỹ năng ngoại giao cá nhân của Abe.

“Ông ấy biết hai điều: sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ là rất quan trọng đối với khu vực và hơn thế nữa, để Hoa Kỳ tiếp tục tham gia vào khu vực, Nhật Bản là điều quan trọng,” Taniguchi nói với tôi. “Những nỗ lực xây dựng mối quan hệ khéo léo của ông ấy với cả Obama và Trump đều dựa trên sự cân nhắc theo chủ nghĩa hiện thực đó.”

Abe là một chính trị gia bảo thủ, theo chủ nghĩa dân tộc, tin tưởng vào các liên minh, chủ nghĩa đa phương, nhân quyền và việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

“Ông ấy theo đuổi một thương hiệu chính trị bản sắc mới, tôn vinh sự cởi mở về kinh tế và bản sắc hàng hải của đất nước, những thứ sẽ làm nền tảng cho các thế hệ sau,” Taniguchi nói.

Phần lớn khuôn khổ khái niệm cho chiến lược ngày nay của Hoa Kỳ ở Đông Á có thể được bắt nguồn từ các sáng kiến và các bài phát biểu của Abe, chẳng hạn như ý tưởng về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Công việc của Abe nhằm tập hợp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ là công cụ trong việc hình thành nhóm ngoại giao chính thức hiện nay được gọi là “Tứ Cường” với chủ trương giữ vững chủ quyền và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện nào của Trung Quốc để đổi lấy việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao, nhưng cũng không áp dụng một giọng điệu thách thức và vẫn sẵn sàng tham gia với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể hợp tác được.

Abe nói trong một bài phát biểu năm 2014 tại Singapore: “Ý tưởng tuyệt đối về nhà nước pháp quyền, là một trong những trụ cột tuyệt vời cho nhân quyền, đã bắt rễ sâu hơn. Tự do, dân chủ và pháp quyền, là điều làm nền tảng cho dân chủ và tự do, tạo thành một giọng nam trầm phong phú của Á Châu - Thái Bình Dương hỗ trợ giai điệu được chơi bằng một phím sáng và vui tươi. Tôi thấy mình bị thu hút bởi âm thanh đó ngày này qua ngày khác”.

Trong số những thành tựu liên quan khác của Abe, ông đã cải cách bộ máy quan chức an ninh quốc gia của Nhật Bản, mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và cứu hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi Hoa Kỳ rút khỏi, bằng cách đổi tên nó thành Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Chuyển đổi. - Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (CPTPP). Đúng với bản chất thực dụng của mình, ông đã đồng thời làm giảm căng thẳng trong mối quan hệ song phương Nhật - Trung.

Không phải tất cả các kế hoạch của Abe đều thành công. Theo bước chân của cha mình, một cựu ngoại trưởng Nhật Bản, Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hàng chục lần trong nhiều năm với nỗ lực thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp lịch sử của đất nước họ. Đường lối cứng rắn của Abe đối với Triều Tiên đã khiến ông lạc hậu với cả chính sách của Trump và Obama. Việc ông nhượng bộ trước những hành động tàn bạo thời chiến của Nhật Bản đã làm mất đi tiềm năng tiến triển trong mối quan hệ đang gặp khó khăn của Nhật Bản với Hàn Quốc.

Một trong những hành động ngoại giao cuối cùng của Abe, vào đầu năm nay, là gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự đe dọa ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ông công khai kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” và tuyên bố công khai ý định đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công.

Ông viết: “Thảm kịch nhân loại xảy ra với Ukraine đã dạy cho chúng ta một bài học cay đắng. Không còn chỗ cho sự nghi ngờ trong quyết tâm của chúng ta liên quan đến Đài Loan và trong quyết tâm bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.”

Trong phạm vi mà phương Tây đã chuẩn bị để bảo vệ những giá trị này khi Trung Quốc tìm cách làm xói mòn chúng, tổng thống Abe xứng đáng được nhìn nhận những công lao đáng kể. Đó là một di sản mà ngay cả vụ ám sát tàn bạo mà ông phải chịu cũng không bao giờ có thể làm lu mờ di sản này.
Source:Washington Post
 
Văn Hóa
Raissa và Jacques Maritain: Theo đuổi chân lý, vẻ đẹp và cộng đồng
Vũ Văn An
18:20 11/07/2022

Raissa Maritain sinh năm 1883 tại Nga trong một gia đình Do Thái sùng đạo. Ngay từ khi còn nhỏ, Raissa đã có tiếng có năng khiếu học tập, vì vậy để bảo đảm khả năng theo đuổi con đường học vấn, gia đình bà đã di cư sang Pháp. Khi ở Pháp, sự lôi cuốn của các phong trào vô thần, chủ nghĩa duy nhân bản vào đầu thế kỷ 20 đã lôi kéo cha mẹ bà rời xa nguồn gốc Do Thái của họ và đi vào lối sống vật chất, kéo theo họ là Raissa trẻ tuổi. Mặc dù đức tin Do Thái ban đầu đã ảnh hưởng đến bà rất nhiều, nhưng bà đã trải qua những năm tháng thiếu niên như một người vô thần, càng ngày càng xa rời Thiên Chúa. Năm 16 tuổi, bà có cơ hội theo học ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Sorbonne ở Pháp, nơi bà gặp chồng mình là Jacques.



Ngay từ khi gặp nhau, Jacques và Raissa đã không thể tách rời nhau. Cùng với việc quen biết và yêu nhau, họ đã dành thời gian theo đuổi việc nghiên cứu triết học. Mặc dù Jacques lớn lên trong một gia đình Thệ Phản, họ cùng nhau ngày càng xa rời đức tin của tuổi trẻ và rơi vào một quan điểm hư vô chủ nghĩa, duy vật chủ nghĩa và ảm đạm về cuộc sống. Khi Raissa 19 tuổi và Jacques 20 tuổi, họ quyết định sẽ cùng tự tử nếu, trong vòng một năm, họ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất của mình, tức lý do sống.

Trong năm tìm kiếm này, họ đã đọc một cuốn sách có tựa đề La Femme Pauvre (Người đàn bà nghèo) của tác giả Công Giáo Leon Bloy, cuốn sách đã khiến họ tò mò và hé mở cánh cửa đức tin cho họ. Bloy viết "Thảm kịch lớn duy nhất trong đời là không trở thành một vị thánh." Cái nhìn táo bạo về cuộc sống này đã thu hút họ. Họ đến gặp Bloy và tình bạn suốt đời với nhà văn này đã bắt đầu –– một tình bạn dẫn vợ chồng Maritain đến với Giáo Hội Công Giáo. Họ cùng được rửa tội vào năm 1906 với Bloy làm cha đỡ đầu.

Sau khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, cuộc sống của họ không tránh khỏi những thử thách –– bệnh tật, chiến tranh và mất mát đã đeo bám họ trong suốt cuộc đời của họ. Nhưng đức tin của họ đã mang lại cho những thử thách này ý nghĩa và mục đích, và vì vậy nó đã đưa họ vượt qua những khó khăn này. Raissa bắt đầu cuốn hồi ký của mình, có tựa đề Les Grandes Amitiés (những tình bạn vĩ đại), với những lời lẽ bề ngoài có vẻ như tuyệt vọng, "Không còn tương lai nào cho tôi trên thế giới này." Mặc dù những lời này ngụ ý rằng bà đã bỏ cuộc, nhưng trong cùng một đoạn sau đó, bà đã viết về niềm tin tưởng sâu sắc nhất đã nâng đỡ bà trong việc đối đầu với sự tuyệt vọng đó: “Vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về thế gian này.” Chính nhờ quan điểm này mà Raissa và Jacques đã sống cuộc hôn nhân của họ, tạo nên một tấm gương cho tất cả những ai mong muốn sống cuộc sống trong một cộng đồng không tìm thấy cùng đích của nó trên trái đất này.

Nhân chứng hôn nhân của họ

Mặc dù Jacques và Raissa sau đó đã chọn sống như anh chị em (được gọi là cuộc hôn nhân kiểu Thánh Giuse), và vì vậy không có con, cuộc hôn nhân của họ vẫn là một tình yêu và tự hiến đáng kinh ngạc. Mối liên hệ của họ được xây dựng dựa trên sự lãng mạn, chắc chắn như thế, nhưng nó cũng có nền tảng ở sự theo đuổi sâu sắc khôn ngoan, cái đẹp và sự thật. Raissa đã viết trong hồi ký của mình rằng, khi bắt đầu mối liên hệ của họ, "Chúng tôi cùng nhau nghĩ lại toàn bộ vũ trụ, ý nghĩa của cuộc sống, số phận của con người, sự công bằng và bất công của xã hội." Niềm đam mê tìm hiểu này tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc đời họ với nhau –– tạo cho họ một mục đích ở bên ngoài mối liên hệ của chính họ, hướng tới điều vốn định hướng thời gian, năng lực và trí tuệ vĩ đại của họ.

Jacques theo đuổi chân lý và cái đẹp thông qua triết học bằng cách viết sách và tiểu luận về đức tin, đặc biệt là về các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Mặc dù Raissa rất thông thạo về triết học (bà thường hiệu đính các bài tiểu luận và sách của Jacques), bà đã chọn chia sẻ việc theo đuổi chân lý của mình thông qua nghệ thuật, viết thơ và sách cũng như kể chuyện cho bạn bè và các sinh viên trẻ của bà.

Mặc dù đã dành nhiều năng lực cho việc tìm kiếm sự thật, nhưng họ vẫn tập trung cuộc sống của mình vào việc cầu nguyện. Raissa biết rằng ngay cả những theo đuổi cao cả nhất, theo đuổi chân lý và vẻ đẹp, cũng không thể có kết quả nếu nó không xuất phát từ việc cầu nguyện. Cùng với việc duy trì đời sống trí thức, chính từ đời sống cầu nguyện này mà cả Jacques và Raissa đã nhận được ân sủng để sống một cuộc hôn nhân mẫu mực.

Trong cuốn hồi ký của mình, Raissa kể lại cách họ giải quyết những bất đồng; bà nói rằng các bất đồng “không thể dung thứ được đối với chúng tôi, nhưng để có thể hòa giải thì không có điều gì ngoài việc cố gắng hiểu nhau và giải quyết vấn đề vì lợi ích của chúng tôi”. Trong cuộc sống hôn nhân, họ đặt người kia lên hàng đầu, luôn tìm cách hiểu và học hỏi, và vì vậy họ luôn sống một cuộc sống hiến thân chân chính.

Cuộc hôn nhân của họ là mẫu mực cho lý tưởng hôn nhân Kitô giáo, tìm thấy trong thư Êphêsô 5: 22-23, nơi Thánh Phaolô viết rằng “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng mình… Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Chúa Kitô yêu Giáo Hội và xả thân vì Giáo Hội”. Mặc dù câu này đôi khi khiến người ta bối rối, nhưng cuộc hôn nhân của vợ chồng Maritain cho thấy câu này có thể được sống một cách đẹp đẽ như thế nào. Trong nhật ký của bà, Raissa viết “Jacques yêu quý của tôi! Trong hơn hai mươi năm, tôi đã thấy anh ấy sống với tấm lòng luôn hướng về Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống của tôi là phục vụ anh ấy, phục vụ công việc của anh ấy vốn dành trọn vẹn cho Thiên Chúa.” Như một cặp vợ chồng, sứ mệnh của họ hợp nhất với sứ mệnh của Thiên Chúa đến nỗi Raissa có thể nói rằng bà đã phục vụ chồng mình mà không hề tỏ ra thua kém anh ta. Bà phục vụ chồng vì chồng bà phục vụ Thiên Chúa. Bằng cách sống như vậy, Raissa và Jacques được coi như một bức tranh sống động về cuộc hôn nhân được Thánh Phaolô mô tả, một nhân chứng mà tất cả các cặp vợ chồng đã kết hôn có thể ngắm nhìn.

Vun xới Giáo hội Tại gia

Mặc dù Jacques và Raissa chưa từng có con nhưng họ không để điều đó ngăn cản họ tạo ra một ngôi nhà mà ở đó tất cả những ai bước vào đều được chào đón như gia đình. Trong nhật ký của mình, Raissa viết "Tôi muốn người lân cận của tôi có một nơi trú ẩn trong trái tim tôi cũng như chính tôi cũng muốn tìm một nơi trú ẩn trong Trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu." Qua việc vun xới Giáo hội Tại gia, bà đã thực hiện được mong muốn này.

Căn nhà của vợ chồng Maritain đã trở thành nơi ẩn náu với những cuộc đối thoại hấp dẫn và kích thích đối với nhiều người Công Giáo có ảnh hưởng, tạo ra nơi nương náu trong một nước Pháp vốn thường thù nghịch với người Công Giáo. Một số nhân vật nổi bật thường được nhìn thấy trong căn nhà của họ là nhà thần học Reginald Garrigou-Lagrange (người sau này trở thành người hướng dẫn luận án của vị Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II), nhà thơ Charles Peguy, tác giả Léon Bloy, và Tôi tớ của Chúa Elisabeth Leseur.

Vào khoảng năm 1910, cặp vợ chồng cùng với Vera, em gái của Raissa, đã trở thành những người dòng ba của Dòng Biển Đức và bằng cách đó, họ chính thức cam kết dâng cuộc đời của họ cho Chúa Kitô. Họ tuân theo lối sống tìm thấy trong Luật của Thánh Biển Đức và tạo ra trong nhà của họ một cộng đồng cầu nguyện tại gia. Cuộc sống hàng ngày của họ xoay quanh thánh lễ, phụng vụ các giờ kinh và cầu nguyện thầm lặng, cũng như hình thành thói quen cầu nguyện, làm việc và cộng đồng.

Một gương sáng phi thực tiễn?

Trong khi xem xét cuộc sống của cặp vợ chồng này, việc bắt chước cách sống của họ dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Họ không có con hoặc không có loại công việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vốn đòi hỏi thời gian và năng lực của họ. Nhưng vẫn còn rất nhiều khía cạnh trong đời họ đáng được bất cứ ai noi theo, kể cả những cặp đã kết hôn và những người độc thân.

Thứ nhất, việc họ vun đắp một ngôi nhà trong đó chân, thiện, mỹ luôn được theo đuổi, là một tấm gương có thể noi gương theo trong những cách nhỏ nhặt, chẳng hạn như trưng bày tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, nghe âm nhạc đáng giá, hoặc đọc những cuốn sách hay. Thứ hai, gương sáng của họ trong việc tạo ra một ngôi nhà, nơi mọi người đều được chào đón và là nơi có những cuộc trò chuyện nâng cao tinh thần và đầy thách thức, cũng là một thí dụ đáng xem xét. Cuối cùng, chứng tá của họ về đời sống cầu nguyện cũng đầy cảm hứng –– họ không bắt thời gian cầu nguyện phải thích ứng theo những ngày sống bận rộn của họ, thay vào đó họ đã lên lịch cho các ngày sống của mình quanh việc cầu nguyện.

Qua cả sự hiến thân chân chính vốn hiển hiện trong cuộc hôn nhân của họ và qua mô hình giáo hội tại gia mà họ trình bầy, tất cả những ai muốn sống một cuộc đời theo đuổi chân lý, vẻ đẹp và cộng đồng trung thành đều có thể tìm thấy tấm gương trong cuộc đời của Jacques và Raissa Maritain.

Nguồn: Anna Laughery, https://www.theyoungcatholicwoman.com/archivescollection/raissa-and-jacques-maritain-in-pursuit-of-truth-beauty-and-community
 
VietCatholic TV
Hàng trăm người dầm mưa lần hạt Mân Côi tại Sydney. Lòng tin nhờ chứng tá. Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha
VietCatholic Media
02:26 11/07/2022


1. Hàng trăm người dầm mưa lần hạt Mân Côi tại Sydney

Trong video, tổng giáo phận giải thích rằng đã có hơn 100 người đàn ông tụ tập bên ngoài nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Sydney để cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi trong gần một giờ đồng hồ. Đó là một chứng tá tuyệt vời cho đức tin, và còn gây ấn tượng mạnh hơn nữa khi xét đến điều kiện thời tiết đặc biệt xấu.

Đa số những người đàn ông quỳ gối, mặc áo mưa và cầm dù. Họ dường như không lo lắng gì trước cơn mưa lớn như trút nước, và bất chấp mọi tiếng ồn, lòng sùng kính sâu sắc của họ chắc chắn sẽ được nghe thấy bởi Đức Trinh Nữ.

Cuộc Thập tự chinh Mân Côi của họ diễn ra vào thứ Bảy đầu tiên của mỗi tháng và thật thú vị khi thấy có bao nhiêu người đàn ông tụ tập vào tháng Bảy này, mặc dù họ biết rằng họ sẽ bị ướt sũng.

Và những nỗ lực của họ đã được đánh giá cao bởi tất cả những người xem video, với một người dùng Facebook, Jennifer Pierno, bình luận:

“Tôi đã nhìn thấy họ. Trời mưa như trút nước và họ kiên trì với nhiệm vụ của mình. Những người đàn ông tuyệt vời. Cảm ơn các bạn. Các bạn là nguồn cảm hứng trong một xã hội chán chường”.

Tổng giáo phận cũng chia sẻ những lợi ích của video đã được xem hơn một triệu lần trên toàn thế giới. Trong một bài báo của Debbie Cramsie cho Tuần báo Công Giáo, Giám đốc Trung tâm Phúc âm hóa Tổng giáo phận Sydney, Daniel Ang, đã chia sẻ:

“Chúa thực sự hiện diện trong cuộc sống của chúng ta và trong thành phố của chúng ta. Một số người có thể chùn bước trước cảnh tượng như vậy, nhưng phản ứng mà nó gợi ra đã nói lên sức mạnh của chứng tá Kitô. Thấy những người đàn ông định hướng cuộc sống của họ không chỉ bằng sức mạnh của cảm giác hay sự thoải mái mà bởi những gì họ trân trọng là một chứng tá và đặt ra câu hỏi về những gì chúng ta cống hiến cho bản thân, những gì chúng ta tin là nguồn gốc và kết thúc của cuộc đời mình.”

Cramsie giải thích thêm rằng cuộc Thập tự chinh Mân Côi hàng tháng ra đời nhờ một phong trào quốc tế cầu xin Đức Mẹ bảo vệ gia đình của họ.

Ivica Kovac, trong Ủy ban Đời sống, Hôn nhân và Gia đình của Tổng giáo phận Sydney, chỉ ra rằng nam giới thường miễn cưỡng thể hiện đức tin của mình trước công chúng. Tuy nhiên, video đã lan truyền có vẻ là một thực tế ngược lại. Nó sẽ được nhìn thấy trên toàn thế giới và có thể truyền cảm hứng cho những người đàn ông khác lần chuỗi Mân Côi.

“Những người đàn ông có đức tin rất thích chia sẻ 'tin mừng' với người khác nhưng thường miễn cưỡng không muốn công khai điều đó, vì vậy Cuộc Thập tự chinh Mân Côi của những người đàn ông đang cung cấp cho chúng ta một con đường tuyên xưng đức tin một cách công khai và yêu thương nhất bằng cách cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta, cộng đồng, đất nước và Giáo Hội bất kể điều kiện bên ngoài như thế nào.

Và chính những kiểu thể hiện đức tin này đã cho thế giới thấy niềm vui và sức mạnh của việc đồng lòng cầu nguyện.

2. Biết Nhờ Tin Nhân Chứng Linh

Mở đề

Mỗi năm, chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Thánh Tôma Tông đồ ngày 03 tháng 7. Trong bài Tin Mừng chúng ta nghe dịp đó (Ga 20,24-29: Chúa Phục sinh hiện ra cho Tôma), câu đáng chú ý nhất có lẽ là câu Chúa nói với ngài: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Là tín hữu trong Hội thánh, chúng ta thường nghe nói đến chuyện tin Chúa, tin đạo. Rồi còn được nhắc nhở: dù không thấy cứ nhắm mắt mà tin, dù không hiểu cứ cúi đầu mà tin. Điều đó khiến chúng ta đôi khi bực mình, có lúc mặc cảm trước kẻ ngoại đạo, cảm thấy như Chúa áp bức tự do của những ai theo Người, không cho Kitô hữu suy nghĩ tìm hiểu.

Trước hết phải nói ngay: tin là điều bình thường trong cuộc sống. Lúc nhỏ chúng ta tin cha mẹ, bắt đầu đi học chúng ta tin thầy giáo, đau bệnh chúng ta tin bác sĩ… Tin những gì họ nói với chúng ta. Có hai lý do để chúng ta tin cha mẹ, thầy giáo, bác sĩ… Một là vì họ thương mến hay ít nhất tử tế đối với chúng ta, hai là vì họ thành thật, nói cho ta điều họ nghĩ rằng mình biết hay làm cho ta điều họ nghĩ rằng mình thạo, hoặc ít nhất chúng ta cho là như vậy. Khi lớn lên hoặc với thời gian, chúng ta sẽ kiểm chứng những gì họ đã nói và làm, vì có khi họ đã sai lầm hay đã lừa gạt (chuyện các thần y dổm bị vạch mặt là một ví dụ).

Hiểu biết sự thật

Điều đó đặt chúng ta trước một vấn đề quan trọng của cuộc sống, đó là vấn đề hiểu biết sự thật. Có mấy loại sự thật? Có mấy cách hiểu biết? Cái gì chứng minh cho loại sự thật đó? Hay nói cách khác, chúng ta hiểu biết sự thật dựa trên bằng chứng nào?

1- Thưa trước hết, chúng ta biết bằng giác quan, ngũ quan: mắt thấy, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm. Cách hiểu biết này có đối tượng là vật chất, thực tại vật chất, những gì liên quan tới thế giới hữu hình chung quanh chúng ta. Đây là lãnh vực mà người ta gọi là khoa học, chuyên khám phá và mô tả bản tính mọi loài, để tìm ra định luật trong vật thể, sự thật của vật thể. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi ta phải có ngũ quan tốt và máy móc tốt. Chuyện nhiều thầy bói mù sờ voi là một ví dụ minh họa. Bằng chứng ở đây được gọi là vật chứng. Có vật chứng thì hẳn biết rõ, có vật chứng thì phải chấp nhận. Cũng xin lưu ý rằng khoa học không bao giờ ra khỏi giới hạn này cả, nên tự nó chẳng bênh cũng chẳng chống thuyết vô thần hay thuyết hữu thần.

2- Cách biết thứ hai là biết bằng lý luận, nghĩa là bằng đầu óc suy nghĩ, tìm ra sự liên hệ giữa nhiều thực tại, dựa trên một vài nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn nguyên tắc nhân quả (có quả tức phải có nhân, có tác phẩm ắt phải có tác giả…)… Và đây là lãnh vực mà người ta gọi là triết học, chuyên tìm hiểu và giải thích mối liên hệ giữa những hữu thể, những hiện tượng, hoặc đi từ cái mình thấy đến cái mình không thấy, để rút ra một kết luận. Bằng chứng ở đây được gọi là lý chứng. Ví dụ thấy tác phẩm biết có tác giả; thấy đồng hồ biết có thợ làm đồng hồ; thấy tạo vật tốt đẹp biết có Tạo hóa tài ba, thấy định luật trong trời đất và trong lương tâm thì biết có Đấng lập luật, lý luận ra có Đấng lập luật; thấy nơi loài người có sự hiểu biết bao la, vượt thời gian không gian, có trái tim vĩ đại, yêu người đến độ hy sinh chính mình, thì biết có hồn thiêng, lý luận ra rằng có hồn thiêng. Đừng đặt vấn đề tin ở đây, như nhiều giáo lý viên hay hạch hỏi giáo lý sinh rằng: “Các em tin có Chúa không, tin có linh hồn không?” Lý luận thì biết là có, cần gì phải tin rằng có. Người lương cũng biết có hồn thiêng, có Ông Trời mà! Điều kiện cần ở đây là có một lý trí lành mạnh và lương tâm trong sáng. Đừng như kẻ duy vật vô thần, tiên thiên (=ngay từ đầu) phủ nhận Thiên Chúa rồi nói: tạo vật tự nhiên chuyển động, tự mình biến hóa, chẳng cần có Trời làm ra, hơn nữa chẳng thấy Ổng đâu cả! Họ đánh đồng, lẫn lộn mô tả với giải thích.

Một ví dụ khác: Làm sao biết sách Tin Mừng nói thật? Dĩ nhiên là không thể dựa vào vật chứng. Có đâu mà dựa! Nhưng nhờ lịch sử, chúng ta biết sách Tin Mừng đã được viết bởi các Tông đồ và môn đệ Đức Giêsu, tức những người đã thấy Chúa. Khi họ khởi thảo thì vẫn còn sống rất nhiều người từng nghe và thấy Chúa giảng dạy, tử nạn, phục sinh. Các sách Tin Mừng lại được viết giữa một cộng đoàn có tổ chức, có kỷ luật (Giáo hội sơ khai). Những điều ấy cho thấy là không thể viết thêm, viết bậy, viết bịa. Các Tông đồ và môn đệ Chúa lại không trục lợi nhờ những điều lạ lùng kỳ diệu trong Tin Mừng, hay là nhờ tổ chức các cộng đoàn Kitô hữu. Trái lại các ngài đã bỏ mọi sự, chịu gian khổ, vượt chông gai, đi khắp nơi rao giảng nội dung Tin Mừng, cuối cùng lấy sinh mạng để làm chứng cho những gì mình đã thấy, đã ghi, đã truyền lại. Và rồi, từ nhóm nhỏ các ngài, một Giáo hội đã khai sinh, lớn lên và phát triển khắp hoàn cầu như ta thấy hôm nay. Như thế, nhờ cách lý luận vừa đưa ra, tức là nhờ lý chứng, chúng ta biết sách Tin Mừng nói thật.

3- Có cách biết thứ ba, sâu xa hơn, liên quan đến tâm linh, tinh thần, đến các thực tại tâm linh, các hữu thể tinh thần. Tôi chỉ biết người khác nghĩ gì, cảm gì khi chính họ tỏ cho tôi biết. Vì những tư tưởng, tình cảm nằm trong linh hồn: trong trái tim, trong óc não, không thể biết bằng giác quan, bằng dụng cụ khoa học như điện tâm đồ (electrocardiogram), điện não đồ (electroencephalogram) vốn chỉ cho biết tim hay não hoạt động nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ thôi, hoặc là bằng lý luận, suy diễn, mà chỉ biết được nhờ đương sự đích thân bày tỏ, còn người nghe chỉ có việc tin vào. Nhưng chỉ có sự bày tỏ lòng mình với hai điều kiện: bản thân người thổ lộ cảm nghĩ đúng đắn và chân thành yêu mến kẻ được thổ lộ. Thông thường, đó là khi bạn bè tâm sự với nhau. Sâu xa hơn, khi vợ chồng bày tỏ ý tình cho nhau. Cao hơn nữa, đó là việc những tín đồ có cảm nghiệm tâm linh đích thực với Đấng Tuyệt đối và rồi nói lên cho người khác hay. Bằng chứng ở đây được gọi là nhân chứng, xuất phát từ chứng nhân. Dĩ nhiên chứng nhân cũng có thể là người (hay nhiều người) duy nhất chứng kiến một sự việc và rồi kể lại, nhưng chứng từ này không phải là vấn đề tâm linh, kinh nghiệm tâm linh (tư tưởng, tình cảm).

Nhân chứng kinh nghiệm tâm linh càng mang tính thuyết phục khi được củng cố bằng cuộc sống trở nên đạo hạnh nhờ đó và nhất là bằng cái chết cam chịu anh dũng vì đó. Trong Kitô giáo, đấy là cảm nghiệm thần bí (gặp gỡ, giao tiếp với Thiên Chúa cách sống động trong tâm hồn) mà ta thấy nơi ông Môsê, nơi vua Đavít, nơi các ngôn sứ Cựu Ước... Sang thời Tân Ước, nơi Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy giả, các Tông đồ và nhiều môn đệ Chúa. Trong lịch sử Giáo hội thì là các hiển thánh, nhất là những vị đã được ban cho ơn thần nghiệm và những tín hữu có đời sống đức tin sâu đậm. Tất cả họ đều tiếp xúc với thế giới tinh thần tuyệt đối là chính Thiên Chúa và đã được Người bày tỏ (tiếng chuyên môn gọi là mạc khải) cho nhiều điều. Các ngài đã tin Thiên Chúa rồi tỏ lộ kinh nghiệm ấy lại cho chúng ta, để chúng ta tin vào các ngài và từ đó tin vào Thiên Chúa. Tất cả các ngài đã củng cố chứng từ của mình bằng cuộc sống thánh thiện, bằng gian khổ triền miên và phần lớn bằng cái chết anh dũng. Đó là lãnh vực mà người ta gọi là thần học.

Nhưng chứng nhân số một chính là Đấng mà Tin mừng Gioan 1,18 đã nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận như thế với các Tông đồ trong Diễn từ giã biệt: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Rồi để làm chứng cho lời mình nói là chân thật, Chúa đã chịu chết đau khổ. Và cũng để làm chứng cho lời mình nói là hữu hiệu, Chúa đã phục sinh vinh quang.

Vậy Chúa Giêsu đã bày tỏ những gì từ Thiên Chúa, mạc khải những gì cho chúng ta? Thưa đó là những điều mà giáo lý gọi là “mầu nhiệm”. Trên hết là mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi, tiếp đến là mầu nhiệm Nhập thể (Ngôi Con làm người), mầu nhiệm Chúa tử nạn phục sinh, mầu nhiệm Giáo hội như Thân thể Đức Kitô, mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh…. Như thế, theo những gì nói trên kia, có thể cho rằng các mầu nhiệm chính là những nỗi lòng của Thiên Chúa, những tâm sự về gia đình Thiên Chúa mà Ngôi Con bày tỏ với loài người, như giữa bạn bè với nhau; vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Đó cũng là những tâm sự mà Chúa Kitô ngỏ với Giáo hội, như giữa vợ chồng. Ta chẳng nhớ Chúa Giêsu tự gọi mình là Hôn phu và Giáo hội là Hôn thê sao? Và mỗi một tâm hồn tín hữu chẳng được gọi là Bạn tình của Chúa Kitô sao?

Dĩ nhiên những gì Ngôi Con mạc khải về Thiên Chúa thì thâm sâu, khó hiểu. Chuyện đó chẳng có chi lạ. Ngay cả những điều thuộc thế giới, vũ trụ hữu hình thì cũng đã thâm sâu, khoa học tới nay vẫn chưa khám phá ra hết, nên được gọi là bí nhiệm. Những gì ở trong tâm hồn con người càng thâm sâu hơn, vợ chồng với nhau cả đời cũng chưa chắc đã hiểu lòng nhau, bạn bè lâu năm tri kỷ cũng chưa hẳn đã thấu tâm nhau, vì thế mà triết học hiện sinh gọi tâm hồn mỗi người là một huyền nhiệm. Huống chi là những điều thuộc về tâm lòng, thế giới Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mạc khải các mầu nhiệm để thách thức óc não, đánh đố suy nghĩ của nhân loài. Nghĩ như thế là tội cho Người quá! “Mầu nhiệm chẳng phải là một bức tường cho trí tuệ bể nát khi đụng vào, mà là một đại dương trong đó trí tuệ bị mất hút luôn” (G. Thibon). Một đại dương tình yêu bao la, một nỗi lòng thiết tha sâu thẳm.

Quả thế, mầu nhiệm Ba Ngôi cho chúng ta thấy Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Người là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Người là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa. Và tình yêu đó tràn ra qua việc Người dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình. Mầu nhiệm Nhập thể cho thấy Thiên Chúa đã hóa nên người phàm để ở với nhân loại và để cứu chuộc nhân loại, như đòi hỏi của tình yêu nơi Người, là không để tạo vật của Người bơ vơ trên cõi thế, khốn đốn vì tự do và đi vào cõi hư vô tuyệt diệt. Mầu nhiệm Giáo hội cho thấy Thiên Chúa muốn kết hợp tất cả thụ tạo hữu hình và vô hình (từ thiên thần đến loài người và muôn vật) trong một Thân Thể vĩ đại mà Đức Kitô phục sinh là đầu và mọi thụ tạo khác là thành phần, là chi thể, để hết thảy trở về với Thiên Chúa, Nguồn gốc và Cùng đích, như mong ước vĩ đại của tình yêu là tất cả nên một. Mầu nhiệm Thánh Thể cho thấy Chúa Kitô Phục sinh ở với chúng ta mọi nơi và mọi lúc cách hữu hình nhờ Mình Máu Người. Mình Máu ấy duy trì nơi ta sự sống thần linh, liên kết chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau, để từ đó xây dựng nên Thân Thể mầu nhiệm của Người. Đó chẳng phải là bản chất của tình yêu hay sao? Các mầu nhiệm khác cũng mang ý nghĩa tương tự…

Kết luận:

Như thế, sự hiểu biết nhờ tin vào mạc khải từ lòng con người, và đặc biệt trong Kitô giáo, nhờ tin vào mạc khải từ lòng Thiên Chúa, chính là kiểu hiểu biết mang tính sâu xa nhất, nhân bản nhất, vì có thể giúp tạo ra ý nghĩa cho kiếp sống, hướng đi cho cuộc đời. Kitô hữu hạnh phúc khi tin vào Thiên Chúa vì Người không sai lầm cũng chẳng lừa gạt chúng ta. Những gì Người mạc khải cho chúng ta xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, có nội dung: Thiên Chúa là Tình Yêu, một sự thật cao vời, bao trùm mọi sự thật.

Trở lại với câu chuyện Tôma, chúng ta thấy vị Tông đồ này đã lần lượt trải qua 3 thứ hiểu biết với 3 bằng chứng: 1- thấy Chúa liền nhận ra vị Thầy mình đã sống với suốt 3 năm. 2- nhìn vết thương ở bàn tay và cạnh sườn Thầy, suy ra rằng Thầy đã thực sự sống lại. 3- được sự soi sáng, được ơn mạc khải (như Phêrô ở Mt 16,17), cuối cùng tin nhận và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10 tháng 7

Chúa Nhật 10 tháng 7, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Thường Niên.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Samaritô nhân hậu (x. Lc 10:25-37) – mà chúng ta đều biết. Trong bối cảnh là con đường đi từ Giêrusalem đến Giêricô, trên con đường đó, một người đàn ông đã bị một bọn cướp đánh đập dã man và cướp bóc. Một tư tế đi ngang qua nhìn thấy anh ta nhưng không dừng lại; tư tế ấy tiếp tục đi. Một người Lêvi, phục vụ trong đền thờ, cũng làm như thế. Phúc Âm cho biết “Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương”(c. 33). Chúng ta đừng quên từ này - “anh đã động lòng thương người ấy”. Đây là điều mà Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Ngài thấy chúng ta đang gặp khó khăn, khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta đang gặp đau khổ. “Anh đã động lòng thương người ấy”. Thánh Sử chỉ rõ rằng người Samaritanô đang trong một cuộc hành trình. Như thế, mặc dù đã có kế hoạch riêng và đang hướng đến một đích đến xa xôi, nhưng người Samaritanô không viện cớ đó mà cho phép mình lảng tránh, anh ta tham gia vào những gì đã xảy ra trên đường. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: không phải Chúa dạy chúng ta làm điều đó sao? Nhìn về phía xa, đến điểm đến cuối cùng của chúng ta, đồng thời chú ý đến các bước cần thực hiện ở đây và bây giờ để đến được đó.

Điều quan trọng là những Kitô hữu đầu tiên được gọi là “môn đệ của Con Đường” (xem Công vụ 9: 2). Trên thực tế, môn đệ rất giống người Samaritanô – cũng như anh ta, môn đệ đang trong một cuộc hành trình, là một người trẩy đi xa. Người tín hữu biết mình chưa “đến nơi”, nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, theo Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6), “Ta là đường”. Môn đệ của Chúa Kitô cùng bước theo Ngài và do đó trở thành “môn đệ của Con Đường”. Người đó đi theo sau Chúa, không thụ động, không, nhưng luôn đi trên đường. Trên đường đi, người đó gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, thăm các làng mạc và thành phố. Đây là những gì Chúa đã làm, Ngài luôn di chuyển.

Do đó, “môn đệ của Con Đường”, tức là những tín hữu Kitô chúng ta, nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của mình dần dần thay đổi, ngày càng trở nên phù hợp với lối sống của Thầy hơn. Bước đi theo bước chân của Chúa Kitô, người môn đệ trở thành một người đi đường và - giống như người Samaritanô - học cách nhìn và có lòng trắc ẩn. Anh ta nhìn thấy và có lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Trước hết, cần thấy rằng: đôi mắt của những người môn đệ Chúa đang mở ra với thực tế, chứ không phải khép kín một cách ích kỷ vào vòng xoáy của những suy nghĩ riêng mình. Trái lại, thầy tư tế và người Lê vi nhìn thấy người đàn ông bất hạnh, nhưng họ đi ngang qua như không thấy anh ta, họ nhìn theo hướng khác. Tin Mừng dạy chúng ta cách nhìn - Tin Mừng dẫn dắt mỗi người chúng ta hiểu đúng về thực tế, vượt qua những định kiến và chủ nghĩa giáo điều mỗi ngày, vì có nhiều tín hữu đã ẩn náu đằng sau những giáo điều để tự bảo vệ mình khỏi thực tế. Bên cạnh đó, Tin Mừng cũng dạy chúng ta theo Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có lòng trắc ẩn - nhìn thấy và có lòng trắc ẩn - trở nên ý thức về người khác, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang gặp khó khăn, và can thiệp như người Samaritanô, không tỉnh bơ đi ngang qua nhưng phải dừng lại.

Đối mặt với câu chuyện ngụ ngôn Phúc Âm này, chúng ta có thể đổ lỗi cho người khác hoặc đổ lỗi cho chính mình, chỉ tay về phía người khác, so sánh họ với thầy tư tế hoặc người Lê vi “Người đó, người đó tiếp tục, người đó không dừng lại…” - hay thậm chí là tự trách mình, kể lể thất bại của bản thân không chú ý đến những người xung quanh. Nhưng tôi muốn đề xuất một loại bài tập khác cho tất cả anh chị em, không phải loại bài tập tìm ra lỗi, không. Chắc chắn, chúng ta phải nhận ra khi nào chúng ta đã vô tâm và đã tự biện minh cho mình. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta phải thừa nhận điều này, đó là một sai lầm. Nhưng chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự thờ ơ ích kỷ của mình và đặt mình trên Con đường. Chúng ta hãy xin Chúa cho được nhìn thấy và động lòng thương, đây là một cơ duyên. Chúng ta cần cầu xin Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy, để con có thể có lòng nhân ái giống như Chúa nhìn thấy con và thương xót con”. Đây là lời cầu nguyện mà tôi gợi ý cho anh chị em ngày hôm nay. “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy và có lòng thương xót giống như Chúa nhìn thấy con và có lòng thương xót đối với con” - để chúng ta có thể thương xót những người chúng ta gặp trên đường đi, trên hết là những người đau khổ và thiếu thốn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể làm để giúp họ một tay. Nhiều khi có một số Kitô hữu đến nói với tôi về những điều tâm linh, tôi hỏi họ có bố thí không. “Có”, người đó nói với tôi.

“Vậy, nói cho tôi biết, bạn có chạm vào tay của người mà bạn đã đưa tiền không?”

“Không, không, con ném tiền xuống đó.”

“Và bạn có nhìn vào mắt người đó không?”

“Không, điều đó không hề thoáng qua trong tâm trí con.”

Nếu bạn bố thí mà không chạm đến thực tế, không nhìn vào mắt người cần, thì những bố thí đó là cho bạn, chứ không phải cho người đó. Hãy nghĩ về điều này. Tôi có chạm vào sự khốn khổ, thậm chí là sự khốn cùng mà tôi đang giúp đỡ không? Tôi có nhìn vào mắt những người đau khổ, những người mà tôi giúp đỡ không? Tôi để lại cho anh chị em suy nghĩ này - để nhìn thấy và có lòng trắc ẩn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên hành trình trưởng thành này. Xin Mẹ, Đấng “chỉ cho chúng ta Con Đường”, tức là Chúa Giêsu, giúp chúng ta ngày càng trở thành “môn đệ của Con Đường”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi hiệp nhất với nỗi buồn của người dân Sri Lanka, những người tiếp tục phải chịu những tác động của bất ổn chính trị và kinh tế. Cùng với các Giám mục của đất nước, tôi tái kêu gọi hòa bình và tôi khẩn cầu những người có thẩm quyền đừng bỏ qua tiếng kêu của người nghèo và những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tôi muốn gửi một suy nghĩ đặc biệt tới người dân Libya, đặc biệt là những người trẻ tuổi và tất cả những ai đang phải chịu đựng những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng ở đất nước này. Tôi kêu gọi mọi người luôn tìm kiếm những giải pháp thuyết phục mới với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải dân tộc.

Tôi lặp lại sự gần gũi của mình với những người dân Ukraine, những người đang hàng ngày bị dày vò bởi những cuộc tấn công tàn bạo mà những người dân bình thường đang phải trả giá. Tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt là cho các nạn nhân, những người bị thương, những người bị bệnh. Tôi cầu nguyện cho người già và trẻ em. Xin Chúa chỉ ra con đường để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này.

Ngày Chúa Nhật Biển đang được tổ chức vào ngày hôm nay. Chúng ta hãy ghi nhớ tất cả những người đi biển với lòng kính trọng và biết ơn đối với công việc quý báu của họ, cũng như các tuyên úy và tình nguyện viên của “Stella Maris” – “Ngôi Sao Biển”. Tôi phó thác cho Đức Mẹ những người đi biển bị mắc kẹt trong vùng chiến sự để họ có thể trở về nhà.

Tôi chào nhóm đến từ Trường Cao đẳng São Tomás từ Lisbon, và các tín hữu từ Viseu, Bồ Đào Nha; dàn hợp xướng “Siempre Así” từ Tây Ban Nha; các bạn trẻ đến từ Tổng giáo phận Berlin và các ứng viên Thêm sức từ Bolgare miền Bergamo. Tôi gửi lời chào đến những người hành hương Ba Lan cũng như những người đang tham gia cuộc hành hương hàng năm của các gia đình từ Đài Maria đến Đền Częstochowa. Tôi chào các linh mục đến từ các quốc gia khác nhau, những người đang tham gia khóa học dành cho các nhà đào tạo chủng viện do Istituto Sacerdos của Rôma tổ chức.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Ukraine thắng lớn ở miền Nam, chỉ 1 ngày phá hủy 57 xe tăng và thiết giáp Nga. Cảnh sát Nhật họp báo
VietCatholic Media
03:12 11/07/2022


1. Chỉ trong ngày Chúa Nhật, Ukraine phá hủy 57 xe tăng và thiết giáp của Nga

Trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 11 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết ở miền nam Ukraine, các lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy hơn 60 đơn vị thiết bị, bao gồm 57 xe tăng và thiết giáp.

“Tình hình chung trong khu vực tác chiến phía Nam là căng thẳng, phát triển năng động, nhưng do các lực lượng vũ trang Ukraine khống chế tình hình. Quân Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động chiến đấu trên các tuyến phòng thủ của họ, chủ yếu pháo kích vào các khu vực hậu phương của Ukraine và tung ra các cuộc không kích để cản đường tiến công của chúng ta.”

“Vào rạng sáng ngày Chúa Nhật, người Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn từ khu vực Nova Kakhovka bằng hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300. Các quả đạn nổ có sức sát thương cao đã được sử dụng để bắn vào quận Bereznehuvate của vùng Mykolaiv, nơi chúng nhắm vào các cơ sở hạ tầng đường sắt và cộng đồng Velyka Oleksandrivka của vùng Kherson, nơi có các kho lẫm, cánh đồng và đường xá bên ngoài các địa phương đông dân cư. Không có thiệt hại đáng kể hoặc thương vong được báo cáo.”

“Tại khu vực đường Plotnytsky, quân Nga đang cố gắng kìm hãm bước tiến của quân đội Ukraine, nhưng đã thất bại trong các hoạt động trên bộ. Các cuộc tấn công từ trực thăng cũng bị bẻ gãy. Hai cuộc tấn công cố gắng như vậy đã không thành công. Các máy bay Ka-52 phải rút lui trước hệ thống phòng không của các lực lượng vũ trang Ukraine”.

“Thêm vào đó, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề cho sở chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Nga gần thành phố Kherson và phá hủy các kho đạn ở nhiều quận khác nhau của vùng Kherson.”

2. Quân Ukraine phá hủy hai kho đạn, 4 khẩu trọng pháo và một đại đội Nga trấn giữ ở tiền đồn Kherson

Phát ngôn nhân quân sự khu vực Kherson báo cáo vào sáng thứ Hai 11 tháng 7 rằng giao tranh đã diễn ra dữ dội tại tiền đồn Kherson của quân Nga vào hôm Chúa Nhật 10 tháng 7.

Kết quả sơ khởi quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 38 binh sĩ Nga, phá hủy bốn trọng pháo, 10 đơn vị thiết bị quân sự khác, cũng như hai kho đạn dược.

Ông nói: “Trong khu vực tác chiến Kherson, đối phương liên tục rút lui, hoàn toàn không có khả năng thành lập các nhóm tấn công mới. Quân ta duy trì xu hướng thường xuyên gây căng thẳng cho địch bằng cách sử dụng các cuộc tấn công bất ngờ.”

Một cặp máy bay cường kích của Không Quân Ukraine đã tấn công một tiền đồn quân Nga. Sở chỉ huy và kiểm soát của lữ đoàn pháo binh Nga và của Lực lượng Cảnh vệ Nga đã bị tấn công”.

Quân Ukraine đã tràn ngập tiền đồn này trong ngày Chúa Nhật. Những thiệt hại đã được xác nhận của quân Nga như sau: 38 nhân viên và 10 đơn vị thiết bị quân sự, bao gồm 4 cỗ trọng pháo Msta-B, một MANPAD và 5 phương tiện. Ngoài ra, hai kho đạn đã bị phá hủy.

Theo ghi nhận, nhóm tàu địch ở ngoài Hắc Hải vẫn không thay đổi; Các tàu đổ bộ hỏa tiễn và tàu đổ bộ cỡ lớn tuần tra trong vùng biển bão tố, tiếp tục chặn đường vận chuyển, và đe dọa bắn 16 hỏa tiễn Kalibr vào Odesa.

3. Nhân viên bưu điện giao tiền mặt cho những người Ukraine cao tuổi ở ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề gần Kharkiv khi chiến sự kéo dài

Các nhân viên bưu điện ở thành phố Kharkiv, miền đông bắc Ukraine mặc áo chống đạn khi họ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền cho những người cao tuổi của ngôi làng Vil'khivka gần đó đã bị người Nga chiếm đóng gần đây.

Maryna Gulevska thuộc Cơ quan Bưu điện Ukraine nói rằng những người hưu trí là một phần của “những người dễ bị tổn thương nhất”, những người không thể thoát khỏi ngôi làng khi quân đội Nga đến.

“Chúng tôi đến đây vì không ai khác sẽ giúp họ,” cô nói với Alex Marquardt của CNN.

Tại bưu điện, nơi ghi dấu vết của mảnh đạn, khoảng 100 đô la được phát cho mỗi người sống sót.

Một người dân, bà Stepania Leskiv, 78 tuổi, đã bật khóc khi cho nhóm của CNN xem đống đổ nát của ngôi nhà đã bị phá hủy vào cuối tháng Ba. Bà nói rằng bà đã có thể thoát khỏi trận pháo kích, nhưng ngôi nhà của bà đã bị thiêu rụi trong vòng 30 phút.

Bà đang nói chuyện với một người hàng xóm, và đang lo lắng điều gì sẽ xảy ra khi mùa đông đến, thì vụ đánh bom xảy ra. Bà là một góa phụ, và con trai bà đã chết do thảm họa hạt nhân Chernobyl.

“Tôi ước gì trái bom rớt trúng đầu tôi. Tôi muốn chết cho rồi khi không còn gì cả. Khi vụ đánh bom bắt đầu, tôi không biết phải trốn ở đâu.”

Quân đội Nga đã bị đẩy lùi khỏi khu vực và các lực lượng Ukraine nói với CNN rằng quân Nga vẫn có thể sẵn sàng quay trở lại.

“Họ có thể mạnh hơn chúng tôi về số lượng và vũ khí, chúng tôi biết điều đó. Nhưng chúng tôi có động cơ chiến đấu mạnh hơn nhiều; chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng để họ không chiếm đất của chúng tôi,” một người lính tên Oleg nói với CNN.

4. Ukraine tái kêu gọi thường dân ở Kherson hãy mau di tản

Người dân ở khu vực phía nam Kherson do Nga chiếm đóng hôm Chúa Nhật đã được yêu cầu di tản ngay lập tức vì các lực lượng vũ trang của Ukraine đang chuẩn bị một cuộc phản công ở đó, Reuters đưa tin.

Trong những tuần đầu tiên sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga, Ukraine đã phải rút lui khỏi Kherson dưới áp lực của pháo binh từ các chiến hạm Nga ở Hắc Hải, từ Đảo Rắn, và từ bán đảo Crimea. Giờ đây, sau khi đã đánh tan quân Nga ở Đảo Rắn, đồng thời xua đuổi được các chiến hạm Nga ở Hắc Hải, Ukraine đang trên đà chiến thắng và quyết tâm giải phóng thành phố Kheron.

Trong bài phát biểu hôm Chúa Nhật 10 tháng 7 trên truyền hình quốc gia, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết:

“Chắc chắn là sẽ có giao tranh, sẽ có pháo kích... và do đó chúng tôi kêu gọi mọi người di tản khẩn cấp.

Chúng tôi không mong có phụ nữ và trẻ em ở đó, vì họ sẽ trở thành lá chắn con người cho quân Nga.”

Ukraine đã không nói chính xác khi nào cuộc phản công sẽ diễn ra để bảo mật quốc phòng. Tuy nhiên, trong những ngày qua, quân Nga đã tháo chạy và rút về cố thủ trong thành phố Kherson.

Vùng Kherson bao gồm thành phố Kherson, trước chiến tranh có dân số gần 300.000 người. Cho đến nay, không biết còn bao nhiêu cư dân của thành phố vẫn ở đó. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết trong những ngày qua, quân Nga đã bắt đi một số các viên chức Ukraine. Có lẽ chúng muốn đề phòng nội ứng, và cũng có thể muốn tiêu diệt giới tinh hoa Ukraine trước khi bỏ chạy.

5. Shinzo Abe có tầm nhìn về “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”

Ông Trương Đôn Hàm (Chang Tun-han, 張惇涵) phát ngôn nhân chính phủ Đài Loan cho biết cả nước sẽ được treo cờ rũ trong hai ngày 11 và 12 tháng 7, trùng với lễ tang của Cố Thủ Tướng Shinzo Abe. Ông giải thích rằng Cố Thủ Tướng Abe “đã luôn ủng hộ Đài Loan rất nhiều. Chúng tôi tin chắc chắn rằng người dân Đài Loan có lòng biết ơn đối với điều này”.

Trong một tuyên bố chính phủ Đài Loan cho biết họ đánh giá cao tầm nhìn của Cố Thủ Tướng Abe về “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Theo CNN, thuật ngữ này đã trở thành câu thần chú của quân đội Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, cơ quan giám sát các lực lượng Hoa Kỳ tham gia vào một khu vực bao gồm 36 quốc gia, nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới, theo lệnh.

Sự hiện diện của tàu chiến, máy bay chiến đấu hoặc quân đội Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực luôn được công bố rằng những hoạt động ấy liên quan đến cam kết của Washington về “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Nhưng thuật ngữ này không đến từ các văn phòng của Ngũ Giác Đài mà là từ Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản bị ám sát hôm thứ Sáu.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Abe đã công bố tầm nhìn của mình về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở khi có bài phát biểu tại một hội nghị phát triển ở Kenya vào năm 2016.

Tại hội nghị, Abe đã liệt kê “ba trụ cột” của tầm nhìn:

Thứ nhất, thúc đẩy và thiết lập nhà nước pháp quyền, tự do hàng hải, tự do thương mại, v.v.

Thứ hai, theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế;

Thứ ba, cam kết vì hòa bình và ổn định.

Trong một bài phát biểu trước quốc hội Nhật Bản vào năm 2018, Abe đã nói như sau về tầm nhìn chiến lược này:

“Một vùng biển rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Từ xa xưa, người dân vùng này đã được hưởng sự sung túc và phong phú từ vùng nước rộng lớn và tự do này. Quyền tự do hàng hải và pháp quyền tạo nên nền tảng của họ. Chúng ta phải bảo đảm rằng những vùng nước này là công ích mang lại hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người mà không bị phân biệt đối xử trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa”.

Cố nhiên, tầm nhìn về “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” như thế không phù hợp với tham vọng của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Bắc Kinh.

6. Cảnh sát trưởng Nara cho biết: “Không thể phủ nhận đã có vấn đề” với an ninh của cựu Thủ tướng Shinzo Abe

Một cảnh sát trưởng ở thành phố nơi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn chết cho biết ông “không thể phủ nhận có vấn đề” với an ninh của Thủ tướng Abe.

Tomoaki Onizuka (智昭 鬼塚), Cảnh sát trưởng tỉnh Nara, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy rằng các nhà chức trách đang xem xét điều gì đã xảy ra trong việc dẫn đến việc Cố Thủ Tướng Abe bị bắn.

Việc một cựu thủ tướng có thể bị bắn chết ở cự ly gần khi đang phát biểu giữa thanh thiên bạch nhật ở một quốc gia có tỷ lệ tội phạm súng thấp nhất thế giới đã khiến Nhật Bản rúng động và gây ra chấn động khắp thế giới.

Cố Thủ Tướng Abe, 67 tuổi, được tuyên bố đã chết lúc 5:03 chiều theo giờ địa phương hôm thứ Sáu, chỉ hơn năm giờ sau khi bị bắn khi đang phát biểu trong chiến dịch tranh cử trước một đám đông nhỏ trên đường phố.

Vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng, Abe đang phát biểu ủng hộ các ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do, là đảng cầm quyền hiện nay, trước cuộc bầu cử Thượng viện vào Chúa Nhật, đã được diễn ra theo dự trù.

Mặc dù từ chức thủ tướng Nhật Bản vào năm 2020 vì lý do sức khỏe, Abe vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong bối cảnh chính trị của đất nước và tiếp tục vận động cho Đảng Dân chủ Tự do.

7. Nghi phạm đã sử dụng súng tự chế.

Theo cảnh sát Nara Nishi, nghi phạm trong vụ ám sát Cố Thủ Tướng Abe cho biết vũ khí anh ta sử dụng là tự chế. Cảnh sát cho biết Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, thừa nhận đã bắn Abe. Yamagami, người đang thất nghiệp, nói với các nhà điều tra rằng anh ta căm thù một nhóm nào đó mà anh ta nghĩ rằng Abe có liên quan đến. Cảnh sát chưa nêu ra danh tính nhóm này, chủ yếu do họ không tin vào những gì hung thủ tuyên bố.

Tomohiko Taniguchi, cố vấn đặc biệt của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhận xét rằng:

“Tôi nghĩ rằng vụ ám sát này tương đương với vụ ám sát tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy. Đó là một ngày buồn bã, đau buồn, không tin tưởng và đối với tôi là sự tức giận tột độ. Mọi người đang cảm thấy rất khó để hiểu được sự thật. Tôi hy vọng đó là một sự kiện được thực hiện bởi một cá nhân riêng lẻ, cô lập. Nhưng dẫu sao đó cũng là việc giết chết một trong những nhà lãnh đạo biến đổi đất nước nhiều nhất. Nếu ngày nay người ta xoay sang giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia bằng cách xâm lược hay ám sát các đối thủ chính trị, thì chúng ta đang đứng trước một cuộc thế chiến như một định mệnh không thể tránh khỏi”.

Dẫn lời cảnh sát, Đài truyền hình công cộng NHK của Nhật Bản đưa tin rằng, Yamagami đã chế tạo nhiều loại súng bằng ống sắt quấn trong băng keo dính. Cảnh sát tìm thấy có những khẩu súng có ba, năm và sáu ống sắt được dùng làm nòng súng. Nghi phạm đã lắp đạn vào các khẩu súng tự chế của mình. Các bộ phận này anh ta đã mua trực tuyến. Cảnh sát tin rằng nghi phạm đã sử dụng vũ khí mạnh nhất mà anh ta chế tạo trong vụ ám sát.
 
Thế chiến là định mệnh khi giải quyết các mâu thuẫn bằng cách xâm lược hay ám hại đối thủ chính trị
VietCatholic Media
05:10 11/07/2022

1. Thế chiến là định mệnh không thể tránh khỏi khi người ta giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia bằng cách xâm lược hay ám sát các đối thủ chính trị

Tomohiko Taniguchi, cố vấn đặc biệt của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nói rằng Abe là “một trong những nhà lãnh đạo biến đổi đất nước nhiều nhất”

“Tôi nghĩ rằng vụ ám sát này tương đương với vụ ám sát tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy. Đó là một ngày buồn bã, đau buồn, không tin tưởng và đối với tôi là sự tức giận tột độ. Mọi người đang cảm thấy rất khó để hiểu được sự thật. Tôi hy vọng đó là một sự kiện được thực hiện bởi một cá nhân riêng lẻ, cô lập. Nhưng dẫu sao đó cũng là việc giết chết một trong những nhà lãnh đạo biến đổi đất nước nhiều nhất. Nếu ngày nay người ta xoay sang giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia bằng cách xâm lược hay ám sát các đối thủ chính trị, thì chúng ta đang đứng trước một cuộc thế chiến như một định mệnh không thể tránh khỏi”.

Ông nhớ lại Abe là một người đàn ông tốt bụng và là người muốn đưa Nhật Bản tiến lên.

Ông nói: “Ông ấy và bà Abe không có con riêng và ông ấy muốn đưa Nhật Bản đến với thế hệ trẻ như một đất nước thịnh vượng và hướng tới tương lai.”

“Một khi bạn đã kết bạn với anh ấy, bạn sẽ có được một người bạn suốt đời”

Taniguchi là cố vấn của Abe từ năm 2013 đến 2014 và viết các bài phát biểu về chính sách đối ngoại cho cựu lãnh đạo.

“Tôi rất muốn thấy di sản của ông ấy tồn tại lâu dài, bởi vì có rất ít lựa chọn cho Nhật Bản. Đây là một quốc gia hàng hải, và nó nằm ở ngoại vi của một khối đất khổng lồ đang bị thống trị bởi ba quốc gia năng lượng hạt nhân - Nga, Triều Tiên, Trung Quốc - không có quốc gia nào trong số đó là dân chủ. Vì vậy, Nhật Bản rất cần các đối tác liên minh như Hoa Kỳ, điều mà Shinzo Abe đã cố gắng rất nhiều”, ông nói thêm.

Dưới đây là những điều cần biết thêm về nhà lãnh đạo kiệt xuất của Nhật Bản.

Abe sinh ngày 21 tháng 9 năm 1954 tại Tokyo, trong một gia đình chính trị nổi tiếng. Cả ông nội và chú ruột của ông đều từng là thủ tướng, còn cha ông là cựu tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là LDP.

Abe lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Nhật Bản vào năm 1993, ở tuổi 38. Ông giữ một số vị trí trong nội các trong suốt những năm 2000, và vào năm 2003 trở thành tổng thư ký của LDP. Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch đảng và trở thành thủ tướng Nhật Bản.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã bị hủy hoại bởi những tranh cãi và sức khỏe ngày càng xấu đi, và ông từ chức lãnh đạo đảng và thủ tướng vào năm 2007. Kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Abe đã mở ra một cánh cửa xoay vòng, trong đó 5 người đàn ông khác nhau giữ chức thủ tướng trong 5 năm cho đến khi ông tái tranh cử vào năm 2012. Ông từ chức vào năm 2020 với lý do sức khỏe kém.

Ông tiếp tục là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng sau khi rời nhiệm sở

Sau khi rời nhiệm sở, Abe vẫn là người đứng đầu phe lớn nhất của đảng LDP cầm quyền và vẫn có ảnh hưởng trong đảng. Ông đã tiếp tục vận động cho một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn và năm ngoái đã khiến Trung Quốc tức giận khi kêu gọi cam kết lớn hơn từ các đồng minh để bảo vệ nền dân chủ ở Đài Loan. Đáp lại, Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Nhật Bản và cáo buộc Abe công khai thách thức chủ quyền của Trung Quốc.

Abe xác định lại chính sách ngoại giao và quân sự của Nhật Bản.

Abe sẽ được nhớ đến vì đã thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách quân sự của Nhật Bản trong 70 năm. Vào năm 2015, chính phủ của ông đã thông qua việc giải thích lại hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản, cho phép quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài - với các điều kiện - lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.

Abe cho rằng sự thay đổi này là cần thiết để đáp ứng với một môi trường an ninh thách thức hơn, với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn và các vụ thử hỏa tiễn thường xuyên ở Triều Tiên.

Trong nhiệm kỳ của mình, Abe đã tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và tổ chức cuộc điện đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018 nhưng đồng thời, ông cố gắng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực bằng cách đoàn kết các đồng minh Thái Bình Dương.

Ông đã cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Khi mối quan hệ của Washington với Bình Nhưỡng nghiêng về ngoại giao, với việc cả Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân, Abe cho biết ông “quyết tâm” gặp Kim. Abe muốn bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông là tái đoàn tụ một số gia đình của các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 80.

Abe lên nắm quyền trong thời điểm kinh tế bất ổn và sớm khởi động lại nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều thập kỷ trì trệ. Ngay sau khi tái đắc cử thủ tướng vào năm 2012, ông đã khởi động một thử nghiệm lớn thường được gọi là “Abenomics”.

Nó bao gồm ba cái gọi là mũi tên - kích thích tiền tệ lớn, tăng chi tiêu của chính phủ và cải cách cơ cấu.

Sau một khởi đầu mạnh mẽ, nó đã chững lại và vào năm 2015, Abe đã bắn “ba mũi tên mới” được thiết kế để thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, Covid-19 quét qua đất nước vào năm 2020, đưa Nhật Bản vào suy thoái.

Abe ra đi bỏ lại vợ của ông là Akie Abe, nhũ danh Matsuzaki, người mà ông kết hôn vào năm 1987. Hai vợ chồng không có con.

2. Nhật Bản chỉ có một trường hợp tử vong liên quan đến súng được báo cáo vào năm 2021

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, Nhật Bản chỉ báo cáo một trường hợp tử vong do súng đạn vào năm 2021. Tổng cộng có 10 sự việc liên quan đến súng được báo cáo ở nước này vào năm 2021 - tăng từ 7 vụ vào năm 2020.

8 trong số 10 vụ việc được báo cáo có liên quan đến băng đảng, báo cáo của cơ quan này nêu rõ.

Trong 5 năm qua, số trường hợp tử vong liên quan đến súng cao nhất mỗi năm được báo cáo ở Nhật Bản là 4 người.

Dữ liệu chỉ ra mức độ hiếm có bạo lực súng ở Nhật Bản, điều này có thể được cho là nhờ luật sở hữu súng nghiêm ngặt và quy trình kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng.

Theo luật súng ống của Nhật Bản, tất cả những loại súng ngắn đều nằm ngoài vòng pháp luật. Các loại súng duy nhất được phép bán là súng săn và súng hơi nhưng để có được chúng là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực vất vả - và rất nhiều kiên nhẫn.

Để mua súng ở Nhật Bản, những người muốn mua phải tham gia một lớp học cả ngày, vượt qua bài kiểm tra viết và bài kiểm tra tầm bắn với độ chính xác ít nhất là 95%. Họ cũng phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra ma túy, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt - bao gồm xem xét hồ sơ tội phạm, nợ cá nhân, có tham gia vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức hay không và các mối quan hệ với gia đình và bạn bè.

Vào năm 2019, ước tính chỉ có khoảng 310.400 khẩu súng được dân thường ở Nhật Bản sử dụng, trong một quốc gia có 125 triệu dân.

Năm 2007, thị trưởng thành phố Nagasaki ở miền nam Nhật Bản, Iccho Ito, đã chết sau khi bị một tên xã hội đen bị cáo buộc bắn ít nhất hai phát vào lưng. Kể từ đó, Nhật Bản đã thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng, áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với tội phạm sử dụng súng của các thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
 
Kherson sôi động: Ukraine cắt đường tiếp tế của quân Nga. Lời khai của tên sát thủ Tetsuya Yamagami
VietCatholic Media
17:12 11/07/2022


1. Ukraine tấn công mạnh vào đường dây tiếp tế của Nga

Ukraine tiếp tục chiến dịch tấn công các tuyến tiếp tế và kho chứa đạn dược của Nga tại các khu vực ở phía sau chiến tuyến. Người Ukraine cho biết một cuộc tấn công tầm xa đã đánh vào một đơn vị quân đội Nga ở khu vực chiếm đóng Kherson ở miền nam Ukraine.

Serhii Khlan, một thành viên của hội đồng khu vực Kherson, cho biết hôm Chúa Nhật đã có “một cuộc tấn công chính xác vào đơn vị quân đội của quân xâm lược Nga” ở thành phố Kherson. Các hình ảnh và video được định vị địa lý tới Kherson cho thấy một cột khói xám dày đặc bốc lên trong không khí vào sáng Chúa Nhật.

Khlan nói với truyền hình Ukraine rằng các lực lượng phòng thủ do Nga viện trợ không thể đánh chặn hỏa lực pháo binh của Ukraine “nhờ vào vũ khí hiện đại của phương Tây” mà quân đội Ukraine đang sử dụng.

Vụ tấn công hôm Chúa Nhật kéo theo một loạt vụ nổ gần Kherson. Các quan chức Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã tấn công kho dự trữ quân sự của Nga tại sân bay ở Chornobaivka, ngay phía bắc thành phố.

Những tiếng nổ long trời đã được ghi nhận vào mờ sáng ngày thứ Hai 11 tháng 7, và thỉnh thoảng lại bùng lên cho thấy các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn trong suốt ngày thứ Hai.

Các khu vực Mykolaiv và Kherson đã trở thành điểm nóng trong cuộc xung đột, khi các lực lượng Ukraine tăng cường bắn vào các đường dự trữ và tiếp tế của Nga trên lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía nam và Nga sử dụng hỏa lực pháo binh để cố gắng ngăn chặn các bước tiến của Ukraine.

Hôm Chúa Nhật, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết vào rằng hệ thống phòng không đã được kích hoạt ở thành phố Kherson để chống lại các máy bay cường kích của Ukraine tấn công vào thành phố. Chỉ vài giờ sau lời trấn an này, quân Ukraine đã tràn ngập một tiền đồn ở cửa ngõ vào thành phố Kherson. Những thiệt hại đã được xác nhận của quân Nga như sau: 38 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến và 10 đơn vị thiết bị quân sự, bao gồm 4 cỗ trọng pháo Msta-B, một MANPAD và 5 phương tiện. Ngoài ra, hai kho đạn đã bị phá hủy.

2. Nga giám sát chặt chẽ các gia đình tử sĩ

Nga đang giám sát các gia đình của các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chiến do Vladimir Putin gây ra nhằm đề phòng trường hợp họ lên tiếng công khai phản đối cuộc xung đột đang diễn ra. Thiếu Tướng Kyrylo Oleksiyovych Budanov, Cục Trưởng Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết như trên hôm thứ Hai 11 tháng 7.

Cục trưởng tình báo quân đội Ukraine cho biết Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, tại khu vực phía tây Kostroma đã đưa ra yêu cầu giám sát một số cá nhân có thể “dễ phạm tội” theo luật mới hết sức nghiêm ngặt nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến.

FSB, cơ quan an ninh chính của Điện Cẩm Linh, đã yêu cầu người đứng đầu thành phố Vohomsk cung cấp thông tin cơ bản về những người có thể vi phạm pháp luật liên quan đến điều họ gọi là “phổ biến công khai thông tin sai lệch và các hành động làm mất uy tín của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga và sự tham gia của Nga trong hành động xâm lược chống lại Ukraine.”

Quốc hội Nga hồi tháng 3 đã thông qua đạo luật áp dụng án tù lên đến 15 năm vì tội cố ý tung tin “giả” về quân đội Nga. Điện Cẩm Linh đã sử dụng luật pháp để trừng phạt những người đưa ra những câu chuyện khác với những câu chuyện do phe cánh Putin tung ra về cuộc chiến.

Ban giám đốc tình báo quân đội Ukraine cho biết: “Khi thu thập những thông tin như vậy, FSB chỉ đạo phải đặc biệt chú ý đến những người thân của quân nhân đã chết trên lãnh thổ Ukraine hoặc tham gia chiến tranh.

Hôm thứ Sáu, ủy viên chính quyền thành phố Mạc Tư Khoa Alexei Gorinov đã trở thành người đầu tiên nhận bản án dài hạn theo luật mới. Người đàn ông 60 tuổi này đã bị một tòa án ở thủ đô của Nga kết án 7 năm tù trong một phiên tòa hình sự vì chỉ trích cái mà Putin gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”. Ông cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong 4 năm sau khi được thả.

Và vào tháng 6, chính trị gia Nga và cựu ứng cử viên Duma Quốc gia Mikhail Lobanov đã bị giam giữ trong 15 ngày vì “làm mất uy tín” của quân đội nước này trên mạng xã hội của anh ấy. Anh ta được lệnh phải nộp phạt 40.000 rúp, tức là 637 USD.

Cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng cũng lưu ý trong báo cáo hôm thứ Hai rằng Nga đã tăng cường tuyển dụng cho các công ty quân sự tư nhân do “những tổn thất đáng kể” trong cuộc chiến.

3. Lời khai của tên sát thủ Tetsuya Yamagami

Yamagami, người đang thất nghiệp, nói với các nhà điều tra rằng anh ta căm thù một nhóm nào đó mà anh ta nghĩ rằng Cố Thủ Tướng Abe có liên quan, cảnh sát Nara Nishi cho biết.

Trích dẫn thông tin từ cảnh sát, Đài truyền hình công cộng Nhật Bản NHK và Hãng thông tấn Kyodo đã đưa tin rằng Yamagami cũng cho biết mẹ anh ta có liên quan đến nhóm này.

Cảnh sát không nêu tên nhóm, và nói với CNN rằng họ không thể cung cấp bất kỳ thông tin nào. CNN đã không thể xác nhận độc lập nhóm mà nghi phạm đề cập đến.

Mẹ của nghi phạm là thành viên của Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới, được biết đến rộng rãi với tên gọi Giáo Hội Thống nhất. Tomihiro Tanaka, Chủ tịch văn phòng Nhật Bản của Giáo Hội này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Nghi phạm chưa bao giờ là một thành viên của Giáo Hội này, trong khi mẹ của anh ta là một thành viên tham dự các sự kiện của Giáo Hội khoảng một lần một tháng. Tanaka nói thêm rằng tổ chức sẽ hợp tác với các nhà điều tra nếu được yêu cầu.

Kyodo News đưa tin rằng hai người đã từng tương tác với anh ta mô tả Yamagami là một người “hoàn toàn bình thường” và có vẻ “trầm lặng”.

Anh ta được thuê thông qua một cơ quan tìm kiếm việc làm vào tháng 10 năm 2020 để làm việc tại bộ phận vận chuyển hàng hóa của một nhà máy ở tỉnh Kyoto.

Đồng nghiệp cũ đã mô tả Yamagami là một người kín đáo.

“Nếu đó là cuộc nói chuyện về công việc, anh ấy sẽ trả lời, nhưng anh ấy không đi sâu vào cuộc sống riêng tư của mình. Anh ấy có vẻ cư xử nhẹ nhàng”. Người đồng nghiệp cũ nói thêm rằng Yamagami thường “ăn trưa một mình trong xe của anh ta” và “các cuộc trò chuyện với anh ta không bao giờ đi ra ngoài chủ đề về công việc hiện tại.”

Người đồng nghiệp cũ cho biết không có vấn đề gì với Yamagami trong sáu tháng đầu tiên làm việc của anh ta, cho đến khi anh ta bắt đầu có biểu hiện “dần dần bỏ bê” công việc.

Vào tháng 3, Yamagami bắt đầu nghỉ “thất thường không có phép tắc gì cả” và giải thích là có “các vấn đề về tim” và các vấn đề thể chất khác, mặc dù trước đó không có vấn đề gì về việc đi làm đúng giờ.

Theo Kyodo News, một nhân viên tại cơ quan tìm kiếm việc làm đã phỏng vấn Yamagami mô tả anh ta là người “hoàn toàn bình thường”, nhưng nói thêm rằng anh ta “không nói nhiều” và “có cảm giác hơi u ám”.

Tomoaki Onizuka (智昭 鬼塚), Cảnh sát trưởng tỉnh Nara, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng các nhà chức trách đã tìm thấy trong xe hơi của hung thủ những tấm bia dùng để tập bắn, đầy những vết đạn.

Hung thủ khai với cảnh sát rằng anh ta học cách chế tạo súng từ Internet. Yamagami đã chế tạo nhiều loại súng bằng ống sắt quấn trong băng keo dính. Cảnh sát tìm thấy có những khẩu súng có ba, năm và sáu ống sắt được dùng làm nòng súng.

Cảnh sát được tường trình là đã tịch thu tất cả máy điện toán và điện thoại di động của hung thủ để tìm xem anh ta đã tươn tác với những ai.

4. Thiếu quân trầm trọng, Nga trả tự do cho các tù nhân ở St.Petersburg và cung cấp tiền bạc cho họ nếu họ tham gia vào cuộc chiến.

Theo cơ quan điều tra độc lập của Nga iStories, thân nhân của các tù nhân đang thi hành án trong thành phố nói rằng Tập đoàn đánh thuê khét tiếng của Nga Wagner đang đề nghị trả 200 nghìn rúp, hay 3.446 USD, và ân xá, nếu các tù nhân “tự nguyện” phục vụ sáu tháng trong Vùng Donbas, và còn sống trở về.

Các tội phạm đang thụ án trong các trại giam tù hình sự Yablonevka và Obukhovo ở St. Petersburg cũng được hứa bồi thường năm triệu rúp hay 85.873 USD cho gia đình họ trong trường hợp tử trận.

Một người thân của một người bị kết án nói với iStories rằng các tù nhân được các quản giáo trong tù kêu gọi “bảo vệ Tổ quốc” như một cách để chuộc lỗi lầm.

5. Đại sứ Mỹ: Không thể nào Putin và giới lãnh đạo có thể biện minh rằng họ không biết về những tội ác đã xảy ra ở Ukraine

Đại sứ Hoa Kỳ về Tư pháp Hình sự Toàn cầu cho biết “không có cách nào” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin “và ban lãnh đạo của ông ấy và phe quân sự có thể lập luận rằng họ không biết” gì về những tội ác đang được thực hiện ở Ukraine. Đại sứ Beth Van Schaack nói với CNN rằng đã có quá nhiều sự chú ý về những tội ác đó, Tổng thống Nga và những người thân cận của ông có thể phải đối mặt với sự truy tố quốc tế.

“Có những tiêu chuẩn pháp lý cho phép các công tố viên mở cuộc điều tra về toàn bộ quy trình chỉ huy, kể cả với tổng tư lệnh, và các cá nhân ở vị trí lãnh đạo để quy trách nhiệm cho họ trong việc ra lệnh cho các hành vi lạm dụng, nếu có những bằng chứng khả tín về việc đưa ra các lệnh như thế. Họ có thể phải chịu trách nhiệm về việc không huấn luyện và giám sát quân đội của mình một cách thích hợp, và họ có thể chịu trách nhiệm về việc không xét xử các vi phạm khi họ biết về những tội ác đó,” Đại Sứ Van Schaack nói.

Cô ấy cũng lưu ý rằng dựa trên “các mô hình lạm dụng mà chúng ta đang thấy, thật khó để kết luận rằng đây là hành vi riêng lẻ của những cá nhân bất hảo hoặc các đơn vị bất lương.”

Van Schaack cho biết có “rất nhiều tòa án có thẩm quyền” truy tố Putin vì tội ác chiến tranh, nhưng “vấn đề là chừng nào ông ấy vẫn ở trong nước Nga, thì ông ấy có thể nằm ngoài tầm với.”

“Không nghi ngờ gì rằng đây là một cuộc chiến lâu dài và chắc chắn là như thế. Không có cách nào có thể chấm dứt thảm cảnh này trong sáu tháng hoặc một năm.”

Van Schaack cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về nạn diệt chủng ở Ukraine, lưu ý rằng “hành động diệt chủng rất khó chứng minh - yếu tố đặc biệt là ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần của một dân tộc - nhưng rõ ràng chúng tôi đang theo dõi những sự kiện này rất cẩn thận.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc Putin phạm tội diệt chủng ở Ukraine vào tháng Tư.

Van Schaack nói với CNN rằng tội ác của Nga đối với dân thường Ukraine có nguồn gốc rõ ràng từ những hành động tàn bạo trong quá khứ của họ, bao gồm cả những tội ác đã xảy ra ở Syria, và cho biết Mạc Tư Khoa “có thể nhận thấy rằng họ đã bật đèn xanh ở đây khi sử dụng một số chiến thuật nhất định.”

Tuy nhiên, bà cho biết bà hy vọng Nga học hỏi từ phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Ukraine.

Bà đã thảo luận về công việc của Hoa Kỳ - cùng với Liên Hiệp Âu Châu và Vương quốc Anh - trong Nhóm Cố vấn Tội ác Tàn bạo, bao gồm hai thành phần chính: các cố vấn kỳ cựu gắn bó với Tổng Công tố ở Ukraine và việc triển khai “các đội tư pháp di động đa ngành, đa quốc gia đang được triển khai ra hiện trường để sát cánh cùng “các nhà điều tra Ukraine đang làm việc tại các địa điểm xảy ra các vụ tấn công.”

Van Schaack cũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tư pháp, mặc dù cô giải thích rằng quy chế tội phạm chiến tranh của Hoa Kỳ yêu cầu phải có mối liên hệ với Hoa Kỳ để những người phạm tội có thể bị truy tố ở Hoa Kỳ.

6. Nga cạn kiệt vũ khí phải dùng đến vũ khí từ thời Liên Xô

Trong cuộc họp báo chiều thứ Hai 11 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết có những dấu hiệu cho thấy các lực lượng Nga ngày càng phải dựa vào các loại vũ khí từ thời Liên Xô để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định khi cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục kéo dài.

Trong những tuần gần đây, Bộ Quốc Phòng Nga ngày càng ra lệnh cho các lực lượng của họ ở Ukraine tái sử dụng các hỏa tiễn phòng không và chống hạm được thiết kế để tấn công máy bay và thuyền bè nhưng nay được sử dụng cho các mục tiêu trên đất liền.

Tại Mykolaiv, một thành phố ở miền Nam Ukraine, sáu cuộc tấn công vào mấy ngày qua được tường trình là do hỏa tiễn S-300 của Nga. Đó là loại vũ khí phòng không được giới thiệu cách đây khoảng 40 năm với tầm bắn xa đến 75 dặm hay 120km. Hai hỏa tiễn Kh-32, ban đầu được thiết kế để đánh chìm các hàng không mẫu hạm, cũng được tường trình tham gia cuộc tấn công vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk khiến 20 người thiệt mạng hồi tháng trước. Một phiên bản cũ hơn một chút của hỏa tiễn tương tự cũng được sử dụng để tấn công một khu chung cư ở Odessa vào tuần trước, khiến 18 người thiệt mạng.

Để triển khai những vũ khí lỗi thời này trên chiến trường hiện đại, quân đội Nga được cho là đã trang bị cho chúng công nghệ GPS, cho phép chúng tấn công vào các thị trấn và thành phố.

Tin tức về sự phụ thuộc vào các loại vũ khí hàng chục năm tuổi được tái sử dụng củng cố thêm các báo cáo gần đây khác chỉ ra rằng các lực lượng Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các khí tài chiến tranh khi cuộc xâm lược Ukraine kéo dài hơn dự đoán. Các báo cáo tình báo từ Vương quốc Anh trước đây tiết lộ rằng họ đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào cái gọi là “bom câm” khi nguồn cung cấp vũ khí dẫn đường của họ đã cạn kiệt. Không thể được hướng dẫn chính xác, các loại vũ khí lỗi thời được cho là đã dẫn đến thương vong dân sự nặng hơn và cùng với các thiệt hại tài sản.

7. Ít nhất 15 người đã thiệt mạng sau khi một cuộc tấn công của Nga vào một khu chung cư

Ít nhất 15 người đã thiệt mạng sau cuộc tấn công của Nga nhằm vào một khu chung cư ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, đồng thời cho biết nhiều người khác có thể vẫn đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Tòa nhà dân cư ở thị trấn Chasiv Yar đã bị tấn công vào tối thứ Bảy khi Nga một lần nữa tăng cường tấn công vào các thành phố và thị trấn ở miền đông Ukraine trong nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donbas.

Cơ quan Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho biết cho đến nay thi thể của 15 người đã được tìm thấy trong đống đổ nát và công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp tục.

Vào lúc 1 giờ chiều giờ địa phương ngày Chúa Nhật, các nhân viên cấp cứu đã giải cứu 5 người và thiết lập liên lạc với 3 người khác vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Trong ngày thứ Hai, thêm 8 người nữa được đưa ra khỏi đống đổ nát.

Dịch vụ khẩn cấp cho biết thêm rằng 24 người, bao gồm một trẻ em, “có thể vẫn đang ở dưới đống đổ nát.”

Pavlo Kyrylenko, thống đốc khu vực Donetsk, nói với truyền hình Ukraine rằng khu vực này đã bị tấn công bởi hai hoặc ba quả hỏa tiễn của Nga và vụ việc là “một xác nhận nữa về tội ác của Liên bang Nga cố tình pháo kích vào các khu dân cư.”

Chasiv Yar và các thị trấn khác ở Donetsk đã hứng chịu hỏa lực nặng nề trong những ngày gần đây khi các lực lượng Nga cố gắng tiêu diệt sự kháng cự của Ukraine trong khu vực và tiến xa hơn về phía tây tới Kramatorsk và Slovyansk.

Donetsk và Luhansk là hai khu vực cùng tạo thành Donbas, miền đông Ukraine, nơi bắt đầu xung đột giữa Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn vào năm 2014. Khu vực này đã trở thành trung tâm chính trong tham vọng quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine sau khi ông ta thất bại trong việc chiếm Kyiv vào đầu năm nay.
 
Đức Tổng Giám Mục Tokyo: Thủ tướng Shinzo Abe được nhớ đến vì sự tôn trọng tuyệt vời đối với Giáo Hội Công Giáo
VietCatholic Media
17:16 11/07/2022


1. Biden ký sắc lệnh hành pháp bảo vệ quyền truy cập phá thai

Hai tuần sau khi Tòa án Tối cao ban hành phán quyết lật ngược vụ Roe kiện Wade, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ đạo một số cơ quan liên bang về cách duy trì quyền tiếp cận phá thai của phụ nữ.

Hôm 8 tháng 7, ông Joe Biden đã ban hành “Sắc lệnh hành pháp bảo vệ quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, gọi đây là một biện pháp ngăn chặn cho đến khi Quốc hội có thể bỏ phiếu để luật hóa quyền phá thai trên toàn quốc mà phán quyết Roe đã bảo đảm trong gần 50 năm.

Trong một buổi lễ diễn ra tại Tòa Bạch Ốc, cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Beccera, Biden đã kêu gọi người Mỹ tham gia đông đảo vào Ngày Bầu cử để phản ứng lại quyết định của tòa án liên quan đến việc phá thai.

Ông nói: “Chúng tôi cần thêm hai thượng nghị sĩ ủng hộ lựa chọn” để thông qua việc luật hóa phán quyết Roe.

Phán quyết do Tòa án Tối cao công bố vào ngày 24 tháng 6, trong vụ Dobbs kiện Jackson đã đưa quyền quyết định về tính hợp pháp của việc phá thai trở lại cấp tiểu bang, nơi nó đã có trước Roe và các cơ quan lập pháp ở khoảng một nửa số tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã bỏ phiếu cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc nạo phá thai. Trái lại, một số tiểu bang do đảng Dân Chủ cầm đầu đã mở rộng quyền phá thai cho đến khi người phụ nữ chuyển dạ.

Theo ông Joe Biden, quyết định của tòa án cấp cao “rõ ràng đã tước đi quyền của người dân Mỹ mà họ đã công nhận trong gần 50 năm - quyền của phụ nữ được đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe sinh sản của riêng mình, không bị chính phủ can thiệp. Các quyền cơ bản - đối với quyền riêng tư, quyền tự chủ, tự do và bình đẳng - đã bị từ chối đối với hàng triệu phụ nữ trên khắp đất nước, với những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc của họ. Phán quyết này sẽ ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ da màu, phụ nữ có thu nhập thấp và phụ nữ nông thôn”.

Một khía cạnh trong lệnh hành pháp của Biden là bảo vệ quyền truy cập vào cái gọi là “phá thai bằng thuốc”, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận như một cách để chấm dứt thai kỳ đến tuần thứ 10. Quy trình bắt đầu bằng việc dùng mifepristone, chất này ngăn chặn nguồn cung cấp progesterone của cơ thể, là loại hormone cần thiết để thai nhi phát triển bình thường. Viên thứ hai, misoprostol, được uống đến 48 giờ sau đó, gây chuột rút và chảy máu để làm rỗng tử cung.

Vào năm 2021, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden, FDA đã dỡ bỏ vĩnh viễn yêu cầu cấp phát trực tiếp thuốc phá thai, cho phép phụ nữ nhận thuốc qua đường bưu điện sau khi được tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Một số phụ nữ sống trong một tiểu bang mà hiện nay việc phá thai là bất hợp pháp có thể cố gắng đi đến một tiểu bang mà điều đó là hợp pháp, và một số khía cạnh của sắc lệnh hành pháp của Biden tìm cách bảo vệ quyền của họ và bảo vệ họ khỏi bị truy tố ở chính tiểu bang của mình. Sắc lệnh kêu gọi Bộ Tư pháp tập hợp các luật sư chuyên nghiệp để đại diện cho những phụ nữ gặp rắc rối pháp lý khi theo đuổi việc phá thai.

Sắc lệnh cũng tìm cách “mở rộng khả năng tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ sức khỏe sinh sản, bao gồm các nhà cung cấp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chẳng hạn như tiếp cận với biện pháp tránh thai khẩn cấp và các biện pháp tránh thai có thể đảo ngược tác dụng lâu dài như các dụng cụ đặt ở tử cung” và bảo vệ việc thông tin trực tuyến về các dịch vụ phá thai.
Source:Aleteia

2. Thủ tướng Shinzo Abe được nhớ đến vì 'sự tôn trọng tuyệt vời' đối với Giáo Hội Công Giáo

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được nhớ đến như một người thể hiện “sự tôn trọng lớn lao đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh” sau vụ ám sát hôm thứ Sáu.

Abe đang vận động cho các ứng cử viên địa phương ở Nara thì một người bắn vào lưng ông từ cự ly gần bằng một khẩu súng tự chế. Vị cựu Thủ tướng 67 tuổi được đưa đến bệnh viện bằng máy bay nhưng các quan chức cho biết ông không thở được và tim đã ngừng đập. Sau đó ông được xác nhận là đã chết tại bệnh viện.

Cảnh sát đã bắt giữ kẻ tình nghi xả súng tại hiện trường, nhưng không có động cơ nào được đưa ra ngay lập tức.

“Mặc dù chúng tôi là các Giám mục Công Giáo Nhật Bản và cố Thủ tướng có sự khác biệt lớn về quan điểm đối với một số vấn đề bao gồm giải trừ hạt nhân, chính sách năng lượng hạt nhân và hiến pháp hòa bình, nhưng ông Abe đã thể hiện sự tôn trọng lớn đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh, và chắc hẳn ông đã hiểu được ảnh hưởng của Đức Thánh Cha đối với xã hội, quốc tế về vấn đề hòa bình,” Đức Tổng Giám Mục Isao Kikuchi của Tokyo nói.

“Đó là lý do chính tại sao ông ấy bỏ ra rất nhiều nỗ lực để mời Đức Thánh Cha đến thăm Nhật Bản và thậm chí lần đầu tiên ông ấy đã bổ nhiệm một người Công Giáo làm Đại Sứ tại Tòa thánh. Trong khi cử một số đặc phái viên đến gặp Đức Thánh Cha để mời ngài thăm Nhật Bản, bản thân ông cũng đã đến thăm Đức Thánh Cha tại Vatican vào năm 2014,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Giáo Hội Công Giáo, với không quá 500.000 tín hữu, chỉ chiếm chưa đến 0,5 phần trăm của quốc gia nổi tiếng về Thần đạo và Phật giáo.

Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông đã tại vị hai lần, lần đầu tiên từ năm 2006-2007 và sau đó là từ năm 2012-2020. Là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ, ông đã gây tranh cãi vì quan điểm tái quân sự hóa Nhật Bản nhằm đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và quan điểm xét lại của ông về các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Ông đã tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du Nhật Bản từ ngày 24 đến 26 tháng 11 năm 2019, bao gồm các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Hiroshima và Nagasaki.

“Cả hai vị đều đồng ý tiếp tục vận động cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, xóa đói nghèo, nhân quyền và bảo vệ môi trường,” Kikuchi nói.

“Mặc dù cả hai vị đều nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa để hướng tới cùng mục tiêu về những vấn đề quan trọng như vậy, nhưng cả hai cũng nhận thấy rằng đường lối của ông Abe và Đức Thánh Cha không giống nhau”

“Đức Thánh Cha đi xa hơn trong việc cam kết thực hiện một số mục tiêu trong số này nhưng ông Abe đã thận trọng hơn trong việc hiện thực hóa chương trình nghị sự chính trị của mình. Tôi đoán đó là một trong những lý do tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến án tử hình cũng như chính sách năng lượng hạt nhân cho đến khi ngài đáp chuyến bay trở về Rôma,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất giữ lại hình phạt tử hình.

Kikuchi cũng lưu ý rằng các giám mục Nhật Bản không đồng ý với nỗ lực của Abe trong việc thay đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, vốn cấm chiến tranh như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nói rằng cả Giáo hội và cựu thủ tướng đều “có thể nhắm đến cùng một mục tiêu, đó là thiết lập hòa bình trong khu vực.”

“Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm giữa chúng tôi là Giám mục và chính sách của ông Abe, chúng tôi vẫn được hưởng quyền tự do tín ngưỡng ở Nhật Bản dưới sự bảo vệ của hiến pháp mà ông Abe đã được chọn làm thủ tướng. Những đóng góp to lớn của ông cho đất nước cần được trân trọng và một người như vậy không nên bị sát hại bởi cuộc tấn công bạo lực này. Cầu mong ông ấy yên nghỉ,” vị tổng giám mục nói.
Source:Crux

3. Đức Giáo Hoàng ca ngợi Đức Hồng Y Pell, nói rằng ngài hy vọng Vatican sẽ đứng vững trên nền tảng tài chính vững chắc hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô than thở rằng một số “người bạn” được chọn để đưa ra lời khuyên tài chính không phải là các thánh nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng Vatican có một nền tảng vững chắc hơn để tránh các hành vi sai trái về tài chính, chẳng hạn như câu chuyện “tòa nhà London” đang diễn ra, trong đó có một vị Hồng Y đang bị xét xử.

Đức Giáo Hoàng nói với Reuters vào ngày 2 tháng 7 rằng ngài hy vọng các biện pháp kiểm soát tốt hơn sẽ được áp dụng.

“Trước đây, việc quản lý tiền bạc của Vatican rất lộn xộn,” Đức Thánh Cha thừa nhận trong cuộc phỏng vấn, được công bố dần dần trong vài ngày qua.

Ngài cho biết các chuyên gia hiện đang ở các vị trí không bị thao túng bởi những nhà hảo tâm hoặc những người được cho là bạn bè.

Ví dụ, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã tự bào chữa và về cơ bản, ngài cho rằng đã bị các người này người khác dẫn dắt đi lạc hướng.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng các linh mục không có kinh nghiệm tài chính đã được yêu cầu quản lý các bộ phận và do đó tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè.

“Nhưng đôi khi những người bạn này không phải là Chân phước Imelda,” Đức Giáo Hoàng nói đùa. “Và vì vậy đã xảy ra chuyện này, đã xảy ra chuyện kia.”

Đức Giáo Hoàng nói rằng các cấu trúc cần phải thay đổi và ngài ca ngợi Đức Hồng Y George Pell là một “thiên tài”, là người đã nhấn mạnh rằng Vatican cần một cấu trúc có thể kiểm soát dòng tiền và đề phòng tham nhũng.

Việc thành lập một cấu trúc như vậy là một phần trong nỗ lực cải tổ Giáo triều của Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia