Ngày 07-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai Là Anh Em Của Tôi?
Tuyết Mai
07:57 07/07/2010
Ai Là Anh Em Của Tôi?

Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy". (Lc 10, 25-37).

Khó lắm! Khó lắm! Không bài học nào của Chúa Giêsu dậy chúng ta mà dễ dàng để theo được cả! Đòi hỏi trước tiên chúng ta phải có cái tâm thương người cái đã, rồi thì mỗi bài học của Chúa mới giúp chúng ta bắt chước và cố gắng lắm mới làm theo được!?. Rõ ràng là khó, khi ai cũng có cái tánh tích lũy và gom góp vào cho mình, càng nhiều càng tốt, vì chúng ta đã được dậy như thế từ nhỏ lận. Cái khó nó bó cái khôn, hầu hết chúng ta được lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, đông anh chị em, lúc nào cái đói nó cũng nhiều hơn cái no. Nên khi có được thì phải dành dụm và phải cất cho thật kỹ, phòng những khi trái nắng trở trời, hoặc nhín ra một ít để mua miếng cá miếng tôm thêm cho những bữa ăn chỉ có rau và nước rau luộc làm canh.

Con người khi đã nói về tình yêu thì thường là tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, rồi thì đến họ hàng thân thuộc, tình bạn bè, tình hàng xóm láng giềng, chứ làm gì có tình yêu nhân loại, và làm sao thương nổi đến người dưng không quen không biết?. Chúng ta thường tỏ vẻ rất lạnh lùng đến những người ngoài đường và chẳng thấy chút xót xa gì cho họ cả!?. Có những người họ bị đụng xe ngay trước mặt chúng ta thì việc đầu tiên chúng ta làm gì thưa anh chị em? Có phải là chúng ta chạy xe chậm lại để nhìn xem ai đụng ai? Xe đụng nặng như thế nào? Ai bị thương, ai chết? Rồi thì chúng ta lẳng lặng đi qua và xem như chúng ta có dịp để chứng kiến một cảnh đụng xe thật hãi hùng, và như thể để thỏa mãn cái tánh thị hiếu của chúng ta mà thôi!. Chẳng thấy có ai biết làm dấu thánh giá để cầu nguyện cho những nạn nhân và người thân thương của họ hay không?. Cũng nên lắm thưa anh chị em, bởi giả sử như những nạn nhân ấy là mình chẳng hạn thì thưa có phải chúng ta cũng rất cần được nhiều người cầu nguyện cho mình, và xuống xe giúp đỡ mình hay không? Một cú điện thoại kêu cho nhân viên cấp cứu để họ tới kịp thời. Xem xét xem bao nhiêu người trên xe có những ai kẹt cần chúng ta tháo gỡ cho họ. Nhất là người già, đàn bà có bầu, và trẻ con. Và còn rất nhiều thứ cần được giúp mà thay vì chúng ta đứng nhìn, hãy bước xuống mà giúp họ ít nhiều. Không phải là tôi bảo thời nay không còn có những người có lòng từ nhân, nhưng hiếm thấy lắm thưa anh chị em!. Trong đó có tôi. Bởi thế cho nên tôi mới nói rằng bài học của Chúa bao giờ cũng khó cho con người bắt chước và làm theo cho được.

Chúng ta nhiều người thường rất giống như những con người Pharisêu, biệt phái, và nhà thông luật, mà Chúa nhiếc mắng trước kia, thưa vì sao!?. Vì họ rất giỏi luật lệ của Chúa nhưng chẳng một ai theo cả!. Họ chỉ lấy những cái họ biết để họ cầu danh, lợi, tiền, tài, quyền lực, cho riêng họ mà thôi! Họ là những con người rất là đạo đức giả. Họ làm đủ mọi điều để rút rỉa tiền bạc ngay cả của những bà già góa nghèo. So ra chúng ta phần đông cũng giống như họ vậy!. Là chúng ta cũng biết Lời của Chúa đấy chứ!? Chứ Lời của Chúa đâu có khó để mà không hiểu được đâu! Nhưng Lời của Chúa hình như chúng ta để dành cho các Linh Mục, các Sơ, và tất cả những ai đi tu. Chúng ta là giáo dân mà lị! Làm sao cũng được, nhưng hễ chúng ta mà bắt gặp được một vài Linh Mục hay các đấng tu trì nào đó mà lỡ có cái tánh xấu giống chúng ta thì chúng ta không ngớt để lên tiếng nói hành nói xấu, mang các ngài ra làm nhục và bêu xấu các ngài ngay!?. Đây là sự thật mà tôi rất thường nghe các Linh Mục than vãn, là họ bị giáo dân theo dõi thật sát. Các ngài không cảm thấy có được tự do ngay trong giáo xứ của mình, nhất là các Linh Mục trẻ. Họ sợ các ngài bị cám dỗ. Họ sợ các ngài không giữ "chay" được. Và không biết từ lúc nào mà ít nhiều giáo dân tự cho mình cái quyền đi đánh giá các ngài, dậy dỗ các ngài, mà quên rằng chúng ta đã đi quá trớn. ...??.

Để trở lại câu hỏi ai là anh chị em của chúng ta? Thưa đó là tất cả mọi người mà hằng ngày chúng ta gặp gỡ họ. Họ là những người rất thân thiết trong gia đình của chúng ta. Họ là những người chúng ta gặp gỡ trên đường dù họ là người dưng nước lã. Họ là những người chúng ta làm cùng sở, ghét cũng có, thân cũng có, sơ giao cũng có. Họ là những người chúng ta thường gặp trong họ đạo trong giáo xứ trong ngôi thánh đường. Họ là tất cả những ai sống trong xóm, trong làng xã ấp, và tất cả mọi nơi trên trái đất này! Vâng, tất cả là anh chị em của chúng ta đó! Và chúng ta phải tin làm vậy! Nếu chúng ta có tin phép thông công, thì tức nhiên chúng ta phải tin rằng lời cầu nguyện trong kinh nguyện được thông công khắp mọi nơi trên toàn thế giới.

Chẳng phải bài học của Phúc Âm tuần này Chúa dậy chúng ta là chỉ đi giúp cho những anh chị em bị cướp và bị đánh gần chết mà thôi đâu! Trường hợp trên đây thì rất hiếm để chúng ta có thể giúp được, nhưng những con người hằng ngày chúng ta nhan nhãn gặp được họ, là tất cả những ai cần chúng ta cho họ dù là một lời nói thăm hỏi, một nụ cười thân thiện, một ly nước lã (như Chúa dậy), một cái bắt tay, một vài đồng bạc, một lời xây dựng, một ý kiến. Cho họ chút ít thời gian của chúng ta để lắng nghe họ giải bày tâm sự. Những lời khuyên lơn thật chân tình. Cùng tất cả mọi việc làm xem ra như chẳng là gì nhưng đối với Chúa đó là tất cả những gì chúng ta cho và có thể làm được vì có lòng yêu thương. Chúa chẳng cần chúng ta đi đâu cho xa. Chúa chẳng cần chúng ta làm những việc đại sự. Chúa chẳng cần chúng ta phải trải lòng ra để cho nhiều người nhìn thấy! Không, Chúa chỉ cần chúng ta làm những việc ấy, cho riêng Chúa thấy mà thôi! Và sự khiêm nhường ấy Chúa sẽ trả công cho chúng ta thật bội hậu sau này!.

Chúng ta cố gằng sống sao như thể không còn sống được đến ngày mai, cho nên ngày hôm nay mới là tất cả những gì của ta. Vì ngày hôm qua nó đã qua rồi! Còn ngày mai thì là những gì chưa đến và chưa biết. Làm thật nhiều (những công đức) để gởi trên nhà băng trên Trời. Đó là Nơi ta đến. Đó là Nơi ta đi. Đó là cùng đích của ta. Nơi đó có hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời bên Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, cùng Đức Mẹ yêu dấu của Chúa. Amen.

Tuyết Mai
 
Nên như trẻ nhỏ
Lm Giuse Trần Việt Hùng
12:29 07/07/2010
NÊN NHƯ TRẺ NHỎ
Nhân chi sơ, tính bản thiện.

William Barclay kể câu truyện về một thầy giáo già. Trước khi bắt đầu lớp học, thầy thường đứng trước lớp học và cúi đầu sâu chào học sinh. Thầy luôn làm như thế với sự kính trọng đặc biệt. Một ngày nọ, vài người hỏi tại sao thầy làm như thế? Thầy trả lời rằng cúi đầu chào học sinh, vì thầy không biết tương lai của mỗi trẻ sẽ ra sao. Thầy nhìn thấy nơi mỗi đứa trẻ có nhiều khả năng tiềm ẩn và thầy cúi chào với sự tin tưởng rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều học sinh sẽ thành đạt và thành nhân.

1. Chúa Và Trẻ Thơ

Trẻ nhỏ như là các thiên thần của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã yêu thương và đón nhận các trẻ nhỏ như là kho tàng của Nước Trời. Các trẻ nhỏ là những thụ tạo tinh túy nhất, có một tiềm năng vô song hướng về sự toàn thiện. Cha ông đã nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Trẻ thơ là món qùa vô giá mà Chúa trao ban cho các bậc cha mẹ. Nhìn xem sự chăm sóc trìu mến của các bà mẹ với các trẻ thơ, chúng ta nhận ra được mầu nhiệm của tình yêu. Mầu nhiệm của tình mẫu tử và tình phụ tử. Món qùa phải được trân qúi và bảo toàn với bất cứ giá nào. Chúa Giêsu rất yêu qúi trẻ thơ. Chúa đón nhận, chúc lành và ôm ẵm chúng vào lòng. Tiếp nhận trẻ thơ là tiếp nhận chính Chúa: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:5).

Muốn vào Nước Trời, chúng ta phải có tâm hồn trẻ thơ. Nghĩa là có tâm hồn đơn sơ chân thật, không nói một lời hai ý. Trẻ em có sao nói vậy. Người ta thường nói: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Đừng bao giờ chúng ta dạy trẻ nói dối. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng được trao phó cho cha mẹ và những người hữu trách dạy dỗ chăm nom và yêu thương dìu dắt. Trẻ thơ là niềm vui, là nụ cười và là niềm hy vọng của gia đình. Muốn có hạnh phúc thật, chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ như thánh Nữ Têrêxa hài Đồng Giêsu. Chúa Giê-su nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng."(Mt. 19:14). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng ngăn cấm trẻ thơ, hãy mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng chúng như những món qùa mà Chúa trao ban để yêu mến và dưỡng dục.

2. Dắt Con Trên Đường Đời

Trước sân nhà thờ nơi tôi phục vụ có một ngã tư. Đứng quan sát xe cộ nhường nhau qua lại theo dấu chỉ của đèn đường và nhiều người đi bộ vội vàng tranh thủ bước qua. Một hình ảnh làm tôi suy nghĩ khi nhìn thấy những người mẹ dắt tay con trẻ vội vã qua đường tránh làn xe. Mẹ luôn bước rảo thật nhanh, tay kéo theo con nhỏ. Bước chân mẹ rộng và dài, mẹ đi hối hả kéo con đi cùng. Con nhỏ vừa đi vừa chạy cho kịp theo bước chân của mẹ. Tôi không biết mẹ có để ý đến những bước chân nhỏ bé của con không, nhưng con cứ phải theo mẹ. Mẹ dẫn và dắt con theo. Mẹ bảo vệ cho con được an toàn. Mẹ dắt con theo cách của mẹ, cho dù con bước vội vàng và hụt cả hơi. Nhưng rồi khi con biết chập chững biết đi, biết chạy, con lại muốn rời tay mẹ và đi tự do một mình.

Người ta nói: Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính. Mỗi đứa con có một khả năng, tính tình và một sở thích khác nhau. Cùng chung dòng máu, chung cha chung mẹ nhưng mỗi cá nhân đều có một căn tính khác biệt. Cha mẹ cần nhận diện sự khác biệt này để đối xử và dạy dỗ con mình. Tâm hồn trẻ thơ thật mong manh và nhạy cảm, cha mẹ và các thày dạy đừng khi nào làm tổn thương tâm hồn bé nhỏ. Sự phán đoán của người lớn cần sự khôn ngoan và chân thật. Không nên hàm hồ và có khuynh hướng thiên tư sai lạc. Dẫn dắt con thì phải dẫn cho đúng đường. bàn tay nhỏ bé của con cái nắm chắc vào bàn tay chai cứng của cha mẹ trong sự phó thác và cậy trông. Cha mẹ phải luôn nêu gương mẫu mực cho con cái. Sự dậy dỗ và dẫn dắt trẻ thơ cũng cần có thời gian và điều kiện thích hợp theo khả năng. Chúng ta không nên dồn ép. Thánh Phaolô dạy: “Anh em, về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành” (1 Cor.14:20).

3. Giáo Dục Con

Trẻ em cần được hướng dẫn và dạy dỗ theo sự hiểu biết và lãnh hội của từng lứa tuổi. Thơ của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Corintô viết rằng: “Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con (1 Cor. 13:11). Khi còn nhỏ, các trẻ thơ rất bén nhạy trong cảm xúc và phản ứng tự nhiên. Nghe sao nói vậy. Học biết và bắt chước mọi điều rất mau lẹ. Tất cả mọi thứ mà các em hiểu biết được, các em đều phải học. Học từ cha mẹ, học từ thầy cô giáo ở trường lớp, học từ bạn bè và học từ mạng lưới truyền thông. Chọn trường mà học, chọn bạn mà chơi. Hoàn cảnh chung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ em. Trẻ em cần có những hướng dẫn căn bản về đạo lý và cách học làm người. Tác giả thơ gởi tín hữu Do-thái đã viết: “Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt. 5:13-14).

Biết rằng không cha mẹ nào muốn cho con cái mình những của xấu. Từ muốn sự tốt lành đi đến thực hành còn một khoảng cách xa. Cha mẹ luôn yêu thương con cái, nhưng rồi có những cách yêu thương không thích hợp. Có khi cha mẹ dung dưỡng con cái, chiều lòng mọi thứ và con muốn gì được nấy. Thích trò chơi điện tử nào là cha mẹ đáp ứng ngay, đôi khi cha mẹ không lưu tâm đến nội dung. Con cái được tự do đổi đài truyền hình mà chúng ưa thích, cho dù đài có bạo loạn hay cả bạo dâm. Chúng ta đừng buông con cái cho những kẻ không có lương tâm đạo đức chỉ giáo. Cách thu hút thị hiếu con trẻ qua sự quảng cáo của các nhà thương mại không luôn là tốt. Chúng ta luôn tỉnh thức và canh chừng đừng để con cái rơi vào cạm bẫy của sự xấu. Cha mẹ dù là kẻ xấu cũng muốn cho con cái của tốt lành. Chúa Giêsu dậy: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"(Lk 11:13).

4. Sự Khôn Ngoan của Trẻ Thơ

Không phải những người trí thức hay học cao hiểu rộng mà có thể nắm bắt được chân lý Nước trời. Khi Chúa xuống trần, Ngài đã muốn tỏ mình ra cho các mục đồng đơn sơ và nghèo nàn. Chính Chúa chọn các tông đồ là những người ít học và không tham dự trường lớp và không bằng cấp. Các Tông đồ chỉ là những người chài lưới sống đời đơn sơ và mộc mạc ven biển. Chúa đã yêu thương và mặc khải chân lý Nước trời cho họ. Lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Mt.11:25). Sự khôn ngoan của thế gian là sự khôn ngoan trần thế dựa trên những kho tàng tri thức của nhau để tự đánh giá mình. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự khôn ngoan của ơn cứu độ và giải thoát.

Sự khôn ngoan của trẻ thơ là sự khôn ngoan trong sự phó thác hoàn toàn theo thánh ý Chúa. Đón nhận ý Chúa với tất cả sự tin tưởng và lòng cậy trông. Không cậy dựa vào sự hiểu biết và sức lực của mình, nhưng tin vào quyền năng của Chúa. Chúa Giêsu nói rằng:” Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."(Lk 18:17). Nhìn xem trẻ thơ tin tưởng nơi cha mẹ thế nào, thì chúng ta cũng đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa như thế. Quan sát hai bố con đang đi dạo quanh hàng xóm. Kìa, có một con chó chạy tới xủa to và gầm gừ, em bé sợ hãi quá vội chạy nhảy lên lòng của bố. Em cảm thấy sự bảo vệ an toàn. Đó chính là thái độ của trẻ thật đơn sơ và dễ mến.

5. Lạm Dụng Trẻ

Trong những tháng năm qua, chúng ta nghe nhiều về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Những tố cáo lạm dụng như những gương mù, gương xấu đã được phơi bày trên truyền thanh, truyền hình, báo chí, mạng lưới và đâu đâu cũng được nhắc đến để kết án. Trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, vấn đề đã nổi cộm và nhức nhối. Sự thật không thể dấu giếm. Sự thật đau lòng đã được mổ xẻ trên công cộng. Hơn bao giờ hết, sự lạm dụng tình dục trẻ em là một lầm lỗi không thể dung tha. Sự lạm dụng này đã làm mất đi sự ngây thơ trong trắng và tính bản thiện nơi trẻ thơ. Gần hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ dân chúng rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mk 9:42). Tại sao lại có những người đang tâm hủy hoại tuổi thơ vô tội? Để được thành nhân cần cả trăm năm để giáo dục và trồng người. Dập tắt hay hủy hoại một sự sống trẻ thật dễ dàng.

Đau lòng hơn nữa là ngay chính trong lòng Giáo Hội, một số các giáo sĩ đã rơi vào các cạm bẫy này. Giáo Hội đã phải bước vào một thời kỳ khổ giá để đền tội vì sự yếu hèn này của con cái mình. Sự thật về sự lạm dụng không thể chối cãi. Sự thật này không thể che đậy. Sự thật này không có lý do để bào chữa. Cho dù con số phần trăm thật ít trong hàng giáo sĩ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể làm ngơ. Giáo Hội đã đau khổ quá nhiều. Có nhiều Địa Phận đã phải phá sản vì phải đền bù cho các nạn nhân. Đúng thật, đã có những lạm dụng đòi bồi thường và làm tiền một cách trắng trợn của một số người. Nhưng chúng ta biết sự lạm dụng là có thật. Những giáo sĩ đã sa phạm phải trả lẽ về mình trước mặt Chúa. Họ phải chịu hình phạt và tự sám hối ăn năn. Chúng ta phải yêu mến và đón nhận trẻ nhỏ như đón nhận các thiên thần của Chúa: “Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”(Mt 18:2-3).

6. Nước Trời của Trẻ Thơ

Khi còn trẻ, ai cũng mong cho mau lớn, ước thêm tuổi, thích sớm được vào trường và đôi khi còn muốn nhảy lớp cho mau chóng được ra trường. Ra trường rồi lại lo lăn xả vào công ăn việc làm và xây dựng hạnh phúc gia đình. Cứ thế ngày qua tháng lại, tuổi về chiều lúc nào không biết. Khi chúng ta nhìn lại cuộc đời, ngày tháng của tuổi thơ đã qua mất rồi. Nhưng dù có bao nhiêu tuổi đời, tâm hồn của chúng ta vẫn có thể trở nên như tâm hồn trẻ nhỏ: Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18:2-3).Làm sao có thể trở lại mà nên như trẻ nhỏ được. Điều quan trọng là mỗi người hãy sống trọn vẹn phút giây hiện tại. Hãy vui với tuổi thơ của con cái trong phút giây này. Trẻ thơ chính là các thiên thần đang hiện diện bên cạnh làm cho cuộc đời chúng ta thêm niềm vui và ý nghĩa. Chúng ta hãy bình thản sống trong an lạc. Vui với cái hiện có. Khi chúng ta đã bước vào qũy đạo cuộc sống, nó sẽ cứ xoay hoài làm cho chúng ta choáng ngợp và âu lo. Thế là chúng ta đánh mất dần nụ cười tươi mát của tuổi thơ. Chúa Giêsu nói nếu chúng ta không trở nên như trẻ thơ, chúng ta không được vào Nước Trời. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Chúa Giêsu lại mách nước cho chúng ta: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18:4).

Nhìn lại khi tuổi đời xế bóng, chúng ta đã có nhiều thứ. Có chức vị và bằng cấp. Có sự hiểu biết và kinh nghiệm. Có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Có con cái và cháu chắt. Có của ăn và của để rồi. Chúng ta định gối đầu vào đâu cho những tháng ngày sắp tới? Cậy dựa vào các bảo hiểm của cải vật chất, sẽ không có bảo đảm vững bền. Dựa dẫm vào khả năng con người và văn minh khoa học kỹ thuật, cũng không an toàn. Cách tốt nhất là chúng ta hãy tự hạ để nhận biết sự quan phòng và quyền năng của Chúa. Hãy phó thác cuộc đời nơi vòng tay nhân lành của Chúa, chúng ta sẽ tìm được con đường giải thoát.

Như lời kết, Chúa Giêsu đã vào đời qua tiến trình của một trẻ thơ. Chúa cũng đã nằm trong nôi. Chúa được Đức Mẹ Maria ẵm bế trong lòng. Chúa lớn lên trong tình thương yêu chăm sóc của cha mẹ. Chúa Giêsu rất yêu mến trẻ thơ. Chúa xác định rằng Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng. Muốn được vào hưởng niềm vui Nước Trời, chúng ta không thể đi con đường khác. Trước tôn nhan Chúa, chúng ta cũng chỉ là một thụ tạo ngây ngô và yếu đuối mỏng dòn. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời của chúng ta trong sự quan phòng của Chúa. Hãy đưa tay cho Chúa dắt đi, chúng ta sẽ đạt tới bến bình an.
 
Luật Samaritanô
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:31 07/07/2010
Chúa Nhật XV Thường Niên C

Câu chuyện kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên trường y đang học năm cuối chương trình y khoa một lần kia chứng kiến một người đứng tuổi mập mạp đang trong cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần phải có một tiểu phẩu nhỏ nơi cổ nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân kịp thời trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo tiếng lương tâm mà làm tiểu phẩu trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm tiểu phẩu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện làm xôn xao dư luận, trở thành đề tại “hot” và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà trường cũng như bị liên lụy trách nhiệm đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra một luật để bào chữa đó là luật Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên được tòa tuyên vô tội.

Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại”(Rm 13,10). Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con. Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả”(Tb 4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này đến tận cùng với chiều kích tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong Luật đã viết những gì thì vị thông luật đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới luật yêu tha nhân như chính mình.

Cựu Ước ghi rõ là phải yêu người thân cận như chính mình. Thế thì ai là người thân cận của chúng ta? Hạn từ người thân cận dường như giả thiết một sự giới hạn nào đó cả về mối tương quan cũng như điều kiện hoàn cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế đến là là mối tương quan màu da quốc tịch… Và chắc chắn trong phạm trù người thân cận không hề có kẻ thù. Chúng ta nhận ra điều này khi họ được dạy rằng “hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).

Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân cận đến tất cả mọi người, không trừ ai. Người lại còn khẳng định tính tất yếu và vô điều kiện của giới luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật của nghi lễ tế tự như trường hợp vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng, khôn ngoan cần có như trường hợp của vị trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể, khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự hỏi tôi là người thân cận của những ai. Chúng ta phải trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần đến lòng xót thương, ngay ở đây và lúc này.

Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời kinh “mười bốn mối thương người”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta….Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không choTa ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã không cho mặc…”(Mt 25,31-46).

“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là người thân cận của ai đây? Không phải ở đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này, lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót, sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên, chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 07/07/2010
LANG TỊCH

N2T


Người xưa cho rằng bầy sói (sài lang) có tập tính dùng cỏ để nằm, nhưng trước khi chúng nó rời khỏi thì nhất định phải phá tung chỗ mà chúng nó đã nẳm qua để xóa các vết tích, đề phòng các loại cầm thú khác đến làm hại bầy sói hoặc tránh sự truy bắt của thợ săn; cũng có người cho rằng chó sói rất tham ăn, thường thích tìm rất nhiều thứ gom vào một chỗ, nhưng lại không biết sắp xếp nên rất lộn xộn. Do đó người về sau bèn đem chữ “ngổn ngang” để nói cảnh tượng và hành vi ấy, gọi là “lang tịch”.

Ví dụ, trong sử ký cổ tích liệt truyện nói: “Giày dép giao sai, ly dĩa lang tịch”, nghĩa là nói: sau khi tiệc tùng rượu uống cuồng nhiệt thì giày dép để bên giường nằm chiếc thì nghiêng chiếc thì thẳng, lộn xộn ngổn ngang, tách dĩa trên bàn lại càng lộn xộn ngổn ngang hơn.

(Thông tục biên)

Suy tư:

Ăn uống là nhu cầu cần thiết của con người và cả của các loài động vật, bởi vì không ăn không uống thì nhất định con người ta sẽ chết.

Loài vật ăn no rồi thôi, đi ngủ hoặc nghỉ ngơi, nhưng con ngưởi ta có ngưởi khi thỏa mãn bao tử xong với hơi rượu ngà ngà thì đi tìm thứ khác để thỏa mãn, mà thứ khác đó chính là dục vọng trong người đang bị men rượu làm cho điên cuồng...

Những buổi tiệc tùng không lành mạnh thường đưa đến tội lỗi, bởi vì rượu vào thì lời ra, bởi vì trong bữa tiệc hoan vui thì thường có nam có nữ cùng ăn cùng uống, thế là một khi không kềm giữ được chừng mực nữa thì bữa tiệc sẽ trở thành lộn xộn, giày dép thì để lộn xộn dưới đất, trên bàn thì nam nữ có những hành động lã lơi dung tục, khiến cho bữa tiệc vui trở thành một cuộc trác táng. Cho nên người xưa gọi là “lang tịch”, tức là chỗ ăn nằm lộn xộn như chỗ nằm của bầy sói.

Chừng mực khi ăn uống là dấu hiệu của những người có giáo dục và thánh thiện, bởi vì khi ăn uống và vui chơi là biểu lộ tính cách của một con người rõ ràng nhất.

Đó cũng là một trong những điểm chính để các linh mục hoặc những người có trách nhiệm tuyển chọn ứng sinh vào hàng linh mục hoặc tu sĩ...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 07/07/2010
N2T


43. Do đau khổ hoạn nạn, hoặc là chúng ta rửa sạch tội lỗi, hoặc là dù không phạm vài tội nào, thì cũng có thể làm cho chúng ta được triều thiên sáng chói.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:39 07/07/2010
N2T


479. Cuộc sống của con người giống như một giòng sông, do lực nước đập vào thân mà những nơi từ trước không có nước chảy qua, được cọ rửa thêm mới mà dự tính giòng sông sẽ không chảy tới được.

 
Bài học trực quan về lòng yêu thương
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
17:55 07/07/2010
Chúa Nhật Thứ 15 Mùa Thường Niên, Năm C - (Lc 10, 25-37)

Tại một khúc đường vắng trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô có một khách bộ hành bị trọng thương đang nằm quằn quại rên siết. Khúc đường nầy xưa nay vẫn thường xảy ra những vụ cướp của giết người. Hẳn đây lại là một nạn nhân khác do bọn cướp gây ra.

Một hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang tiến lại gần. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế. Ngài vốn thông làu lề luật yêu thương, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh ta. Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên mà đi thẳng, để mặc anh nằm đó.

Một lát sau, có một thầy Lê-vi đi qua, vị nầy đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, nhưng rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh, có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn lảng vảng đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia. Thôi, khôn hồn thì rảo bước cho nhanh, mau qua khỏi nơi nguy hiểm nầy.

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp đâu đây vọng lại, rồi vị khách đi đường thứ ba xuất hiện. Đây là người dân Sa-ma-ri. Chẳng hy vọng gì nơi hạng người như thế, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là quân lạc đạo chẳng ra gì.

Thế nhưng, người Sa-ma-ri nầy lại cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương cho con người xấu số. Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ. Đến nơi, ông lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như lo cho người thân yêu của mình. Sáng hôm sau, vì công việc gấp rút đòi buộc, ông phải vội lên đường. Nhưng trước khi ra đi, ông trao tiền cho chủ quán và dặn dò: "Xin ông lo chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông".

Điều tuyệt vời nơi con người nhân ái nầy là đức tính sẵn sàng phục vụ. Phục vụ tức thời không so đo tính toán. Phục vụ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đang lúc phải đi về Giê-ri-cô cho nhanh trước khi trời tối, mà phải dừng lại tại một nơi không ngờ trước, bày tỏ tình thương mến nạn nhân xa lạ bằng những chăm sóc hết sức ân cần chu đáo, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng mình, chấp nhận mất mát thời giờ, tiền của, đành để cho vợ con chờ đợi sốt ruột ở nhà, gác bỏ qua bên bao nhiêu công việc cấp bách… thì đây quả là một con người hy sinh cao thượng hiếm có.

Bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành nầy đáng được xem là tinh hoa của lề luật, là cốt tuỷ của nền luân lý ki-tô giáo, là minh hoạ tốt nhất cho lề luật yêu thương, là tấm gương soi cho tất cả những người con cái Chúa.

Giữ luật yêu thương không chỉ là tâm niệm luật ấy trong lòng đêm ngày như những kinh sư và biệt phái. Giữ luật yêu thương không phải là lặp lại luật ấy trên môi, đeo câu luật yêu thương trên tay, trên trán hay dán lên khung cửa ra vào như những người Do-thái đạo đức thường làm.

Nhưng giữ luật yêu thương chủ yếu là cúi xuống trên những mảnh đời bất hạnh để ủi an chăm sóc, là chia cơm sẻ áo, là trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.

Chúa Giê-su là Bậc Thầy khôn ngoan lỗi lạc. Người không thích giảng thuyết viển vông trừu tượng cho bằng dạy dỗ dân chúng bằng phương pháp trực quan cụ thể. Qua bài Tin Mừng nầy, Chúa Giê-su dạy một bài học trực quan về yêu thương: yêu thương là cúi xuống chăm sóc người bất hạnh như người Sa-ma-ri đã làm. Thực hành quy luật yêu thương là “hãy đi và làm y như thế” tức là sẵn lòng phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 15 Mùa Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
23:28 07/07/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 15 thường niên

Mt 10,34-11,1

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Cuộc hành trình lữ thứ trần gian luôn đong đầy sóng gió nghi nan. Bước đường đời luôn ẩn chứa những trở ngại gian truân. Nhưng chúng con thật hạnh phúc, vì có Chúa làm bạn đồng hành với chúng con. Chúa luôn tiếp sức cho chúng con bằng chính sức sống thần linh của Chúa. Thánh Thể Chúa chính là nguồn sức mạnh cho cuộc đời chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa để tìm sự an ủi nâng đỡ trong những lúc nghi nan của giòng đời.

Lạy Chúa, trên hành trình cuộc đời chúng con cũng còn có rất nhiều bạn đồng hành. Đó chính là hiện thân của Chúa. Họ hiện diện để nâng đỡ chúng con. Và cũng có thể họ là những người đang cần chúng con làm phúc thi ân. Họ là cha mẹ anh em, bè bạn đang giúp đỡ chúng con. Họ là người bất hạnh đang xòe tay xin trợ giúp của chúng con. Xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa nơi tha nhân để chúng con đối xử với nhau trong yêu thương chân thành. Xin giúp chúng con mặc lấy tâm tình từ bi và nhân hậu của Chúa để chúng con luôn cảm thông, tha thứ và nâng đỡ anh em.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con luôn hiên ngang bước đi theo Chúa, cho dẫu có gặp muôn vàn những khó khăn. Xin cho chúng con cùng vác với Chúa thập giá trên đường đời chúng con đi. Xin cho tâm hồn chúng con được tràn đầy tình yêu Chúa để thánh giá mà Chúa muốn chúng con vác luôn nhẹ nhàng, êm ái. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 15 thường niên

Mt 11,20-24

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

“Như mưa từ trời sẽ thấm vào lòng đất”, sức sống của Chúa cũng thẩm thấu trong chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã luôn bổ dưỡng cho chúng con qua ơn thánh của Chúa. Xin giúp chúng con biết gìn giữ món quà Chúa ban bằng đời sống tránh xa những cám dỗ tội lỗi, và tử bỏ những thói hư tật xấu.

Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã xót xa khi nhìn thấy lối sống dẫn đến diệt vong của con dân thành Ca-pha-na-um. Vì tự mãn nên đã không nhận ra sứ điệp sám hối. Họ chai lì trong tội nên không quyết tâm thay đổi lối sống cho phù hợp Tin Mừng. Nhưng Chúa ơi, có lẽ Chúa cũng đang xót xa nhìn đến phận người chúng con. Vì thế giới hôm nay vẫn còn đó biết bao tệ nạn xấu đang gặm nhấm linh hồn chúng con. Biết bao bạn trẻ đang bị mê hoặc bởi sách báo, phim ảnh xấu đã làm mất đi sự trong trắng của tâm hồn. Họ đã để cho những tư tưởng xấu làm chủ đầu óc họ, khiến họ lao vào con đường tội lỗi. Biết bao người đang vùi sâu đời mình trong những đam mê lầm lạc khiến họ đánh mất nhân tính, và phẩm giá làm người của mình.

Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay đánh động chúng con biết ăn năn sám hối và canh tân đời sống cho phù hợp Tin Mừng. Xin giúp chúng con thắng vượt những tư tưởng, ước muốn tội lỗi, để chúng con luôn sống trong sạch và cao thượng trong cuộc sống hôm nay. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 15 thường niên

Mt 11,25-27

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã nhìn đến phận người yếu đuối nhỏ bé của chúng con. Chúa luôn chúc phúc cho những tâm hồn đơn sơ. Chúa luôn nâng đỡ những ai hèn yếu. Xin cho chúng con luôn khiêm tốn phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa nên thành luỹ che chở cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Thiên Chúa nhưng đã xoá mình để trở nên một con người giống như chúng con. Chúa hoà nhập với cuộc đời chúng con trong sự khiêm hạ để phục vụ chúng con. Xin ban cho chúng con một tâm hồn khiêm tốn để chúng con dễ hoà đồng với mọi người. Xin loại trừ trong chúng con tính tự cao tự đại để chúng con không bao giờ khinh khi, coi thường anh em của mình. Xin mặc vào trong tâm hồn chúng con tính đơn sơ, hiền lành để chúng con luôn rộng mở với mọi người và sẵn sàng yêu thương phục vụ mọi người.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết nhận ra những khả năng Chúa ban, để chúng con biết ca tụng Chúa, và sử dụng ơn ban của Chúa để phục vụ mọi người, ngõ hầu làm sáng danh Chúa. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 15 thường niên

Mt 11,28-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với tâm bánh đơn sơ nhỏ bé, Chúa đã đi vào cuộc đời chúng con thật giản dị, âm thầm. Chúa đến với chúng con không bằng quyền uy mà bằng tình thương của người cha nhân ái bao dung. Chúa đồng hành với chúng con như một người bạn luôn ân cần chăm sóc, giúp đỡ chúng con trong khiêm tốn phục vụ. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con cũng có thể cúi mình phục vụ, và sống bác ái vị tha với nhau. Xin đừng để thói kiêu căng độc ác bùng phát trong chúng con, khiến chúng con trở thành nô bộc của ma quỷ và đánh mất tình Chúa tình người.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con tưởng mình tốt lành thánh thiện, chính là lúc chúng con đang ở trong nguy cơ phạm tội, xa Chúa. Trái lại, khi chúng con mang trong lòng sự khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi bất xứng, chính là lúc chúng con đang lãnh nhận ơn Chúa, đang cảm nếm được sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương. Xin giúp chúng con đừng bao giờ có thái độ kiêu căng, cố chấp để rồi không nhận ra tội lỗi của mình, và ở lỳ trong tình trạng tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn nhận ra sự bất toàn của mình, để chúng con biết sống cảm thông và tha thứ cho nhau.

Lạy Chúa, lời Chúa luôn tha thiết mời gọi chúng con: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Xin giúp chúng con luôn ở trong trường học của Chúa để được Chúa dạy bảo, ngõ hầu có thể đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 15 thường niên

Mt 12,1-8

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ngự đến linh hồn chúng con. Dù rằng tâm hồn chúng con còn ngổn ngang trăm bề những lo lắng trần thế, những ham muốn tầm thường. Chúa không chấp nhất tội chúng con. Chúa chỉ còn nghĩ đến một điều là ban phát tình yêu.

Lạy Chúa, ở đời nếu không có tình yêu, người ta sẽ dễ dàng kết án tẩy chay lẫn nhau. Đôi khi còn kết án bừa bãi, thiếu cân nhắc. Xin tha thứ vì những lần chúng con đối xử bất khoan dung với nhau. Xin giúp chúng con đừng bao giờ nói hành, bỏ vạ cáo gian anh em mình một cách bừa bãi. Nhưng xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn yêu thương, nhân từ như Chúa để chúng con biết đối xử với nhau ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần để hoán cải tâm hồn vốn dĩ ích kỷ và đầy hẹp hòi của chúng con. Xin giúp chúng con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 15 TN

Mt 12,14-21

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài. Chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa yêu thương hơn muôn loài muôn vật Chúa đã dựng nên. Xin cho chúng con biết quy hướng về Chúa, biết sống phụng sự Chúa trên hết mọi sự, biết tôn thờ Chúa hết lòng và hết trí khôn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã ban cho chúng con mọi sự: sự sống, sức khỏe, gia đình cùng biết bao ân huệ khác. Chúa chỉ đòi chúng con biết sống đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng đời sống cao rao tình thương của Chúa. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá thiếu sót với Chúa. Có mấy khi chúng con biết dành thời giờ trọn vẹn để tôn thờ Chúa. Chúng con thường làm chiếu lệ cho qua. Chúng con thiếu tôn kính trong việc phụng vụ. Chúng con còn so đo tính toán thời giờ với Chúa. Xin tha thứ cho những thiếu sót của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng cuộc đời để tôn thờ Chúa, để làm vinh danh Chúa.

Lạy Chúa, là Đấng trung thành trong tình yêu. Cho dù chúng con có bất trung Chúa vẫn yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết theo gương Chúa để yêu thương và phục vụ anh em trong kiên nhẫn và trung thành như Chúa. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican xác nhận việc Đức Thánh Cha thăm viếng Anh quốc và Tô Cách Lan vào tháng Chín
Bùi Hữu Thư
04:30 07/07/2010
VATICAN (CNS) – Tòa Thánh xác nhận việc Đức Thánh Cha Benedict XVI thăm viếng Anh quốc, nơi đây ngài sẽ gặp gỡ Nữ Hoàng Elizabeth II và phong chân phước cho Hồng Y John Henry Newman.

Vatican cho hay trong một bản tin ngày 5 tháng 7: trong chuyến viếng thăm bốn ngày từ 16 đến 19 tháng Chín, Đức Thánh Cha sẽ bay đi Tô Cách Lan và được Nữ Hoàng Elizabeth và phu quân là Hoàng thân Philip, đón tiếp tại Edinburgh trong Cung Điện Holyroodhouse, là dinh thự chính thức của nữ hoàng tại Tô Cách Lan. Hoàng thân Philip là Hầu tước Edinburgh.

Đức Thánh Cha sẽ chủ tế một thánh lễ ngoài trời tại Công Viên Bellahouston ở Glasgow, thủ đô Tô Cách Lan. Ngài sẽ tiếp kiến các lãnh đạo chính trị, văn hóa và doanh thương tại Điện Westminster ở Luân Đôn.

Đức Thánh Cha sẽ tham dự một nghi lễ đại kết tại Tu Viện Westminster và cử hành một Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Westminster cũng như sẽ tham dự một đêm canh thức cầu nguyện trong Công Viên Hyde Park tại Luân Đôn.

Đức Thánh Cha Benedict sẽ chủ tọa nghi thức phong chân phước cho Hồng Y John Henry Newman trong Công Viên Cofton Park, tại Birmingham. Đây là lần đầu tiên ngài phong chân phước với tư cách một Giáo Hoàng.
 
Hàng Giám Mục Venezuela phản bác lại những luận điệu tấn công của Tổng Thống Chavez nhắm vào Đức Hồng Y Urosa
Dominic David Trần
07:18 07/07/2010
Hàng Giám Mục Venezuela phản bác lại những luận điệu tấn công của Tổng Thống Chavez nhắm vào Đức Hồng Y Urosa

CARACAS, Thủ đô Venezuela, ngày 6/07/2010 / 03:05 PM theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã (CNA/EWTN News): Trong một cuộc phỏng vấn với hệ thống truyền hình Globovision Network, Đức Cha Jesus Gonzalez de Zarate, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã mạnh mẽ bác bỏ mọi lời lẽ Tổng Thống Hugo Chavez đã lăng nhục Đức Hồng Y Jorge Urosa Tổng Giám Mục Caracas, người mà Tổng Thống Chavez đã gọi là một " con lợn ", một " hạng tồi tàn ", và một "Giám Mục xấu xa".

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Chavez đã đáp lại những lời phê bình của Hàng Giám Mục Venezuela trên một chương trình hội thoại trên Đài Truyền Hình là; " Cầu cho các ông được nhận chìm vào lòng qủy sứ." Vừa làm dấu Thánh Gía bằng tay Chavez vừa tuyên bố; " Các Ông mặc phẩm phục như các Đấng Hồng Y và Đức Giám Mục nhưng các ông thuộc về ma qủy. Các ông là những kẻ bảo vệ cho những lợi ích thối nát nhất."

Chavez tiếp tục phỉ báng; " Các ông ấy biết là đang nói dối một cách xấu hổ và điều này khiến cho họ trở thành một hạng tồi tàn, một đám ăn bám không ra gì kể từ ông Hồng Y trở xuống. Những người vô công rỗi nghề này nên đi tìm một công việc mà kiếm ăn. Họ nên đi trồng khoai. " (Xem chừng chưa bớt hằn học) ông Tổng Thống quân phiệt này còn bồi thêm; " Các ông Giám Mục: là những chính trị gia bẩn thỉu tính từ ông Hồng Y trở xuống."

Tuyên bố trước Quốc Hội, Tổng Thống Chavez nói rằng Hồng Y Urosa " không nhận thức được rằng nhân dân không thể bị áp đặt nữa. Ông ấy là một con lợn. Hãy để cho họ gởi một điện văn đến Đức Giáo Hoàng nói rằng: Chừng nào mà chúng tôi còn có những vị lãnh đạo Giáo Hội như những vị này ở đây, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ một khoảng cách tránh xa với Giáo Hội." Chavez còn khẳng định như sau;

" Chủ Nghĩa Cộng Sản và Đạo Công Giáo có thể nắm tay nhau cùng bước đi. Thế nhưng chúng ta đang bước đi ngon lành thì ông Hồng Y này xuất hiện và làm cho nhân dân đâm ra e sợ Chủ Nghĩa Cộng Sản, làm như là chúng tôi đã có cả một nghị trình theo Chủ Nghĩa Cộng Sản rồi không bằng. Không lẽ mấy lão này không nhận thức được rằng Liên Bang Sô Viết đã đi vào dĩ vãng của lịch sử rồi à !"

Đức Cha Gonzalez Tổng Thư Ký HĐGM Venezuela đã tuyên bố đáp trả lại những lời tấn công của Tổng Thống Chavez; " HĐGM chúng tôi muốn công khai tuyên bố theo lớp lang và thứ tự sự phản bác lại những luận điệu Tổng Thống đã tấn công dùng để lăng nhục chúng tôi trong suốt phiên họp Quốc Hội ngày hôm qua." " Những lời lẽ Tổng Thống dùng để tấn công và lăng nhục chúng tôi đã phản ảnh một cách hết sức chính xác những

lời phê bình chính phủ mà Đức Hồng Y Urosa đã nêu ra trước đây. Thật là một hành động nghiêm trọng khi dùng những luận điệu như Tổng Thống Chavez đã và đang sử dụng để tấn công người khác."

Đức Cha Gonzalez Tổng Thư Ký HĐGM Venezuela cũng cực lực bác bỏ "yêu cầu" của Tổng Thống Chavez là Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI bổ nhiệm một vị " SIÊU Hồng Y" cho đất nước Venezuela; mà theo Tổng Thống Chavez đề nghị thì đó phải là Đức Cha Mario Moronta, Giám Mục Giáo Phận San Cristobal do chính ông Chavez lựa chọn (sic!).

Đức Cha Gonzalez tiếp thêm; " Khi có ý định là để can dự vào mọi khía cạnh của Giáo Hội, kể cả trong các quyết định tối hậu của Đức Thánh Cha, chúng ta phải hết sức chú tâm lắng nghe để thấy rõ được ước vọng của Tổng Thống Chavez muốn thống trị Giáo Hội."

Sau khi giải thích rằng một khi Hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội Công Giáo thể hiện ý kiến về một vấn đề cần lưu tâm giải quyết thì Hàng Giáo Phẩm thực hiện ngay và cũng để "soi sáng nhận thức và đánh động lương tâm của mọi người Venezuela." Đức Cha Gonzalez cũng nói rằng những lời tuyên bố của Tổng Thống Chavez đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ trên toàn quốc. Đồng thời từ hôm qua dến nay đã có hàng mấy trăm lượt người đã gọi điện thoại đến bày tỏ sự ủng hộ Đức Hồng Y Urosa.

Đức Cha Gonzalez cũng loan báo rằng Hàng Giám Mục Venezuela sẽ họp trong ngày thứ Tư hôm nay 07/07/2010 để phân tích tình hình và phát hành một tuyên bố chung của HĐGM Venezuela; "Đó lả một tuyên bố về linh hướng mục vụ -chứ không phải vì chính trị.". Đức Cha Gonzalez tuyên bố tiếp;

" Thật tiếc thay, Tổng Thống cho là những điều gì chống lại cách suy nghĩ của ngài tức là một hành động tấn công vào cá nhân Tổng Thống." " Vị thế của Hàng Giám Mục không phải là thuộc về chính trị. Vị trí và quan điểm của các Giám Mục được soi sáng và dẫn đường bởi các ý định của Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI- và Hàng GiámMục Venezuela đã có ý định khai thông tỏ tường cho tất cả công dân Venezuela về vị trí và quan điểm của Hàng Giám Mục Công Giáo nước này."

Đức Cha Gonzalez Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nước Venezuela đã nhấn mạnh rõ ràng một lần nữa rằng: việc chọn lựa và bổ nhiệm các Đức Giám Mục là Đặc Quyền Tối Thượng của Đức Thánh Cha và bất cứ những sự can thiệp hay xen xía của các Chính Phủ hay Các Quốc Gia, Nhà Nước vào các việc nội bộ của Giáo Hội Công Giáo đều là " thực sự xấu xa và có kết qủa tiêu cực."

Lãnh tụ Stalin đã ra lệnh giết chết gần hết Hàng Giáo Phẩm và Giáo sĩ nước Nga nhưng Stalin chỉ dám nói; "Giáo Hoàng à, ông ấy là ai, ông ấy có mấy chục Sư Đoàn?" Stalin dầu vậy vẫn chưa dám tuyên bố trong những Đại Hội hay cái Quốc Hội của Liên Xô những lời lẽ mà "Tổng Thống Hugo Chavez của Venezuela đã được nêu lại ở đây".
 
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ sớm sửa các chuẩn tắc về lạm dụng tính dục
Nguyễn Hoàng Thương
07:20 07/07/2010
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ sớm sửa các chuẩn tắc về lạm dụng tính dục

Rôma – Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ sớm đưa ra một loạt các thay đổi về những nguyên tắc của Giáo Hội về kỷ luật đối với các linh mục lạm dụng tính dục.

Theo National Catholic Reporter, các nguồn tin Vatican cho hay những sửa đổi phần lớn là củng cố những thực hành hiện có hơn là lối tiếp cận mới gây kịch tính về những trường hợp lạm dụng tính dục được xử lý thế nào. Bài báo cho hay thêm các sửa đổi chỉ ảnh hưởng đến tình trạng nội bộ Giáo Hội của vị linh mục bị cáo buộc.

Theo luật lệ của Giáo Hội hiện nay, các trường hợp lạm dụng tính dục được xử lý dựa trên một Tự Sắc năm 2001 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có tựa đề Sacramentorum sanctitatis tutela (Bảo vệ sự thánh thiện của các Bí tích). Nguồn tin cho hay các sửa đổi mới này sẽ hệ thống hóa các trường hợp loại trừ trong tự sắc, được củng cố sau đó bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, vào tháng Hai năm 2003.

Những trường hợp loại trừ, còn được gọi là "những tính năng đặc biệt", nói chung có hiệu lực nhằm làm tinh giản thủ tục Giáo Hội để loại bỏ những kẻ lạm dụng khỏi hàng linh mục.

Sửa đổi này cũng có mục đích mở rộng quy chế về hạn định trong Giáo Luật, được gọi là thời hiệu, để đưa ra chịu trách nhiệm về lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên lên mười năm kể từ ngày sinh nhật thứ mười tám đến hai mươi của nạn nhân.

Lần đầu tiên, các sửa đổi cũng xác định khiêu dâm trẻ em là một hành vi "phạm tội nghiêm trọng" đối với Thánh Bộ về giáo lý.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng cho biết đang làm việc để đưa ra trong một văn bản riêng, có phong cách như là "hướng dẫn" hơn là luật pháp ràng buộc, gửi đến các giám mục và các hội đồng giám mục trên thế giới để có thể biết làm thế nào phối hợp tốt hơn những chỉ dẫn khác nhau về lạm dụng tính dục được đưa ra bởi các Hội đồng Giám Mục quốc gia.
 
Nền văn hóa tiêu thụ đang đe doạ giới trẻ
Thiên phong
07:36 07/07/2010
NỀN VĂN HÓA TIÊU THỤ ĐANG ĐE DỌA GIỚI TRẺ

Đức Thánh Cha cảnh báo trong cuộc gặp gỡ các bạn trẻ tại Nhà Thờ Chính Tòa Sulmona

Sulmona, Chúa Nhật, 4.7.2010 – Giữa những bóng tối đang “che mờ chân trời” của các bạn trẻ, không chỉ có những khó khăn về mặt kinh tế mà thôi. Còn có mối hiểm họa của “nền văn hóa tiêu thụ” đang tạo ra các “giá trị giả” nữa.

Đó là lời cảnh báo của Đức Bênêđictô XVI chiều Chúa Nhật vừa qua, khi ngài gặp gỡ một nhóm bạn trẻ tại Nhà Thờ Chính Tòa Sulmona, vào cuối cuộc viếng thăm mục vụ của ngài tại đó.

Trong bài nói chuyện, dựa vào những kinh nghiệm mà các bạn trẻ chia sẻ với ngài, Đức Thánh Cha ghi nhận: “Có những bóng tối đang che mờ chân trời của các con. Đó là bóng tối của các vấn đề cụ thể, làm cho các con khó nhìn về tương lai với sự bình tâm và niềm lạc quan tin tưởng.”

Và Ngài nói thêm: “Nhưng đó cũng là những bóng tối của các giá trị giả và những kiểu thời thượng hão huyền. Chúng được đề ra cho các con và chúng đang cố lấp đầy đời sống các con, làm cho đời sống các con thành trống rỗng.”

Đức Thánh Cha giải thích: “Nền văn hóa tiêu thụ hiện nay có sức dán chặt người ta vào hiện tại, làm cho họ mất cảm thức về quá khứ, về lịch sử. Và trong quá trình đó, nó tước mất của người ta cái khả năng nhận hiểu và nắm các vấn đề, tước mất nơi người ta cái khả năng xây dựng tương lai.”

“Các bạn trẻ thân mến! Cha muốn nói với các con rằng Kitô hữu là một con người có hồi ức tốt, một con người biết yêu lịch sử và cố gắng nhận hiểu lịch sử.”

Sulmona là nơi từng bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất ngày 6 tháng 4 năm 2009, làm cho hơn 300 người thiệt mạng. Đức Bênêđictô XVI đã đến đây nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Đức Giáo Hoàng Celestino V (1209-1296). Trước khi trở về Vatican, ngài đã tĩnh lặng cầu nguyện trước di cốt vị tiền nhiệm của mình trong hầm mộ tại Nhà Thờ Chính Tòa.

dịch từ “LA CULTURA CONSUMISTICA MINACCIA I GIOVANI, AVVERTE IL PAPA” trong Zenit.org ngày 4.7.2010
 
Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kêu gọi các bạn trẻ trợ giúp cho giới trẻ các quốc gia nghèo.
Tiền Hô
08:01 07/07/2010
Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kêu gọi các bạn trẻ trợ giúp cho giới trẻ các quốc gia nghèo.

Madrid, Tây Ban Nha, ngày 6 tháng 7 năm 2010 / 04:34 (CNA / EWTN News) - Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (WYD) Madrid năm 2011 đã phát động một chiến dịch khuyến khích giới trẻ Tây Ban Nha chính thức đăng ký tham gia sự kiện này nhằm gây quỹ trợ giúp cho những bạn trẻ đến từ các quốc gia đang phát triển cũng có thể tham dự.

Mặc dù việc tham gia vào các sự kiện chính của WYD là tự nguyện và miễn phí, nhưng ban tổ chức hy vọng số lượng giới trẻ Tây Ban Nha đăng ký sẽ gia tăng, để họ có cơ hội đóng góp vào Quỹ Đoàn Kết, mà cụ thể, quỹ này sẽ trợ giúp cho giới trẻ đến từ Mỹ Latinh tham dự WYD.

Ban Truyền Thông WYD vừa khởi động chiến dịch này tại Vận Động Trường Santiago Bernabéu, với sự giúp đỡ của công ty truyền thông Lee Films. Các hình thức quảng cáo bằng song ngữ sẽ được đăng tải trên Internet, phát thanh và truyền hình.

Emilio Butragueño - Giám đốc Ban Đối ngoại của đội tuyển bóng đá Real Madrid - người cũng tham gia trong quảng cáo, tuyên bố rằng, "tôi tự hào hợp tác với cuộc quy tụ giới trẻ toàn thế giới này, chúng tôi hy vọng và mong muốn nó sẽ là một sự thành công lớn".

Các nhà tổ chức cũng đã làm việc với khoảng 300 tình nguyện viên, những người sẽ thúc đẩy chiến dịch này trên Facebook, Twitter và Tuenti (mạng xã hội nổi tiếng nhất Tây Ban Nha). Theo các điều phối viên của sự kiện, WYD Madrid đã có hơn 110.000 người hâm mộ trên các mạng này.

Gabriel González-Andrío, Giám đốc Marketing cho WYD, giải thích rằng "chiến dịch này mang tính quốc tế.. . và sẽ được lan truyền qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số" bởi vì đó là nơi tập trung nhiều giới trẻ.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Giám Mục phụ tá mới cho Tổng Giáo Phận San Francisco.
Tiền Hô
08:07 07/07/2010
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Giám Mục phụ tá mới cho Tổng Giáo Phận San Francisco.

San Francisco, California, ngày 6 tháng 7 năm 2010 (CNA / EWTN News) -Hôm Thứ Ba, Tòa thánh Vatican công bố: Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm giám mục phụ tá mới cho Tổng Giáo Phận San Francisco. Tân Giám Mục Robert W. McElroy - một người địa phương California - sẽ phụ tá cho Đức Tổng Giám Mục George Niederauer, phục vụ trên vùng lãnh thổ với khoảng 437.000 người Công giáo.

Đức Tân Giám Mục McElroy sinh năm 1954, ngài là một người dân của thành phố San Francisco, sau đó chuyển đến Miền Đông Duyên Hải Hoa Kỳ (East Coast), ngài đã nhận bằng Cử nhân từ Đại học Harvard. Sau khi trở về California để nhận bằng Thạc sĩ Lịch sử tại Đại học Stanford, ngài gia nhập Chủng viện Thánh Patrick ở Menlo Park. Ngài được thụ phong linh mục trong Tổng Giáo Phận San Francisco vào năm 1979, và nhận tước Đức Ông vào năm 1996. Ngoài việc phục vụ trong giáo xứ địa phương, Đức Tân Giám Mục McElroy còn theo học Đại học Gregorian ở Rôma, nhận bằng tiến sĩ Thần Học Thánh.

Đầu ngày hôm nay, Đức Tổng Giám Mục George H. Niederauer của San Francisco đã chúc mừng vị Tân Giám Mục phụ tá trong một cuộc họp báo, ngài bày tỏ tâm tình tạ ơn của mình tại cuộc họp: "Tôi tạ ơn Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, đã bổ nhiệm Đức ông Robert McElroy làm Giám mục phụ tá của San Francisco". "Mọi người chúng tôi trong Tổng Giáo Phận rất vui mừng khi tài năng và nhiệt tâm của Đức ông McElroy giờ đây sẽ có phạm vi rộng hơn trong việc phục vụ đời sống của Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng cư dân ở đây."

Đức Tân Giám Mục McElroy hiện đang phục vụ tại giáo xứ Thánh Gregory ở San Mateo. Làm Giám Mục phụ tá, ngài sẽ hỗ trợ cho Đức Tổng Giám Mục trong việc chăn dắt 437.000 người Công giáo Tổng Giáo Phận San Francisco, trong đó có 457 linh mục, 79 phó tế vĩnh viễn và 931 tu sĩ.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ yêu mến Giáo Hội và các linh mục, mặc dù các vị có các yếu hèn.
Linh Tiến Khải
09:48 07/07/2010
Tường thuật buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha với giới trẻ giáo phận Sulmona-Valva chiều Chúa nhật 4-7-2010

Chúa Nhật 4-7-2010 Đức Thánh Cha đã viếng thăm mục vụ giáo phận Sulmona Valva, trong vùng Abruzzo và Molise, trung Italia, nằm cách Roma 1 giờ trực thăng. Lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ cho tín hữu tại quảng trường Garibaldi của thành phố. Tiếp đến ngài đã làm phép khánh thành trung tâm mục vụ giáo phận Sulmona và nhà hưu dưỡng của các linh mục mang tên ”Biển Đức XVI”. Đây là đại chủng viện cũ được Đức Cha Angelo Spina Giám Mục sở tại cho trùng tu cách đây 2 năm để đáp ứng các nhu cầu mới của giáo phận.

Sau khi dùng bữa trưa Đức Thánh Cha đã nghỉ ngơi chốc lát trước khi gặp gỡ ban tổ chức chuyến viếng thăm và phái đoàn nhà tù Casa Circondariale địa phương.

Nhà tù này có khu biệt giam dành cho các tội nhân thuộc các tổ chức tội phạm mafia bị kết án tù chung thân nhiều lần. Phái đoàn gồm ông giám đốc nhà tù Sergio Romice, LM Franco Messori, tuyên úy, vài nhân viên canh tù và vài tù nhân thường phạm.

Các tù nhân đã tặng Đức Thánh Cha một bức khảm đá mầu do họ làm. Ngỏ lời với họ Đức Thánh Cha đã cầu chúc các tù nhân biết dùng các khả năng và tài khéo Chúa ban để mưu ích cho chính họ và cho tha nhân.

Lúc 16 giờ 45 Đức Thánh Cha đã đi xe bọc kính đến nhà thờ chính tòa để gặp gỡ giới trẻ giáo phận. Nhà thờ chính tòa kính thánh Panfilo thuộc thế kỷ XI. Trong các thế kỷ sau đó nhà thờ đã được tu sửa sau nhiều lần bị cháy. Trận động dất năm 1706 đã khiến cho nhà thờ bị hư hại rất nặng và tòa giám mục sát bên cạnh bị sập. Nhà thờ hiện nay còn giữ được cửa thuộc thế kỷ XIV với tượng hai thánh Giám Mục tử dạo Panfilo và Pelino.

Đức Thánh Cha đã mở đầu buổi gặp gỡ với lời chào phụng vụ. Hai bạn trẻ Francesca và Cristian, đại diện giới trẻ toàn giáo phận, chào mừng Đức Thánh Cha, đồng thời cũng đặt ra các câu hỏi nói lên các xác tín cũng như các ưu tư của họ liên quan tới cuộc sống đức tin.

Ngỏ lời với giới trẻ Đức Thánh Cha đã khích lệ họ noi gương thánh Giáo Hoàng Celestino V mà giáo phận Sulmona đang mừng 800 năm ngày sinh, biết tìm thời giờ trong ngày sống để thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa, nói chuyện với Chúa và nhận ra lời Chúa kêu mời. Ngài cám ơn họ đã cho ngài có dịp gặp gỡ họ trong chốc lát như một người cha gia đình cùng với Đức Giám Mục và các Linh Mục. Ngài nói:

Các con là các thanh niên thiếu nữ biết suy tư, đặt vấn nạn và ý thức về sự thật và sự thiện. Nghĩa là các con biết sử dụng trí tuệ và con tim, và đây không phải là điều bé nhỏ. Điều chính yếu trong thế giới ngày nay là học biết sử dụng trí thông minh, sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Dân chúng trong vùng này xưa kia đã không có nhiều phương tiện để học hỏi hay để có địa vị trong xã hội, nhưng họ có được điều làm cho con người thật sự là người phong phú: đó là đức tin và các giá trị luân lý. Đó chính là điều xây dựng bản vị con người và cuộc sống chung dân sự.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói các câu hỏi của giới trẻ gồm hai khía cạnh nền tảng: một tích cực và một tiêu cực. Khía cạnh tích cực đó là cái nhìn kitô của họ về cuộc sống, nền giáo dục mà họ đã nhận được từ ông bà cha mẹ, thầy dậy các linh mục, tu sĩ nam nữ và các giáo lý viên. Khía cạnh tiêu cực là các bóng tối che mờ chân trời cuộc sống của họ: đó là các vấn đề cụ thể ngăn cản họ nhìn tương lai với sự lạc quan thanh thản; nhưng cũng có các giá tri giả tạo và các mô thức ảo tưởng hứa hẹn làm đầy cuộc sống, nhưng lại khiến cho cuộc sống trở thành trống rỗng.

Đức Thánh Cha khen các bạn trẻ có trí nhớ tốt, vì họ đã dùng lại các kiểu nói của ngài trong Ngày quốc tế giới trẻ Sydney 2008, và nhắc lại sự kiện Ngày quốc tế giới trẻ đã nảy sinh cách đây 25 năm, cũng như nhắc tới thánh Giáo Hoàng Celestino V sinh ra cách đây 800 năm, nhưng lại coi người là nhân vật rất thời sự. Ký ức ấy quan trọng, vì không có ký ức thì cũng không có tương lai. Lịch sử là thầy dậy. Nhưng nền văn hóa tiêu thụ hiện nay có khuynh hướng khiến cho con người nằm bẹp trong hiện tại và đánh mất đi ý thức về qúa khứ. Nhưng khi làm như thế, nó cũng khiến cho con người không có khả năng hiểu biết chính mình, trực giác được các vấn đề và xây dựng tương lai. Đức Thánh Cha nói: Các con thân mến, cha muốn nói với các con rằng kitô hữu là một người có trí nhớ tốt, là người yêu thích lịch sử và tìm hiểu biết lịch sử.

Đức Thánh Cha cám ơn các bạn trẻ đã nhắc tới thánh Giáo Hoàng Celestino V và đánh giá cao kinh nghiệm sống của thánh nhân, vì nó giúp tái khám phá ra vài diều luôn luôn có giá trị vĩnh cửu, chẳng hạn như khả năng lắng nghe Thiên Chúa trong thinh lặng bên ngoài và nhất là bên trong. Trả lời câu hỏi của người trẻ làm thế náo để nhận ra tiếng Chúa gọi Đức Thánh Cha nói:

Bí quyết của ơn gọi là nơi khả năng và niềm vui phân biệt, lắng nghe và đi theo tiếng Chúa gọi. Nhưng để làm điều này, cần phải tập cho con tim của chúng ta quen nhận ra Chúa, cảm thấy Chúa như là một Người gần gũi tôi và yêu thương tôi. Như cha đã nói sáng nay trong thánh lễ, thật quan trọng học sống các lúc thinh lặng nội tâm trong ngày để có khả năng nghe được tiếng Chúa. Các con hãy chắc chắn rằng một người học lắng nghe và quảng đại đi theo tiếng Chúa, thì không sợ hãi gì, vì họ biết rằng Thiên Chúa là Bạn, là Cha, là Anh luôn ở với mình. Nói tắt một lời: bí quyết của ơn gọi là nơi tương quan với Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện. Điều này đúng trước khi lựa chọn, nghĩa là trong lúc quyết định và khởi hành, cũng như đúng sau đó, nếu muốn trung thành và kiên trì trên lộ trình ơn gọi. Thánh Celestino V, trước hết, đã làm tất cả những điều ấy; thánh nhân là một người cầu nguyện, một người của Thiên Chúa: luôn luôn tìm ra khoảng trống trong ngày cho Thiên Chúa, để lắng nghe và nói chuyện với Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cảnh báo người trẻ về lời cầu nguyện giả: khi thấy cầu nguyện khiến cho họ bị tha hóa và giật thoát họ khỏi cuộc sống thật thường ngày, thì đó không phải là cầu nguyện thật, vì cầu nguyện thật không xa lạ với thực tế. Trái lại, việc đối thoại với Thiên Chúa bảo đảm cho sự thật và sự tự do. Ở lại bên Chúa, lắng nghe Lời Ngài trong Tin Mừng và trong phụng vụ của Giáo Hội, bảo vệ tín hữu khỏi bị ảnh hưởng các chói lòa của kiêu căng tự phụ, khỏi bị lôi cuốn bởi các mốt và khuynh hướng xu thời, và trao ban sức mạnh để họ tự do thực sự, và tránh được cả các cám dỗ nào đó có mặt nạ là điều tốt lành. Lời cầu nguyện giúp chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Đây không phải là chuyện nhiều lời, mà là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khiến cho những kiểu diễn tả của Kinh Lậy Cha trở thành của minh trong tâm trí, hay bằng cách thờ lậy Chúa Thánh Thể như chúng ta vừa mới làm, bằng cách suy gẫm Tin Mừng trong phòng, hay chăm chú tham gia các buổi cử hành phụng vụ. Tất cả những điều đó không lấy mất chúng ta khỏi cuộc sống, trái lại giúp chúng ta là chính mình trong mọi môi trường, trung thành với tiếng Chúa nói với lương tâm, tự do khỏi mọi điều kiện hóa của lúc đó. Thánh Celestino V đã biết hành động theo lương tâm và vâng lời Thiên Chúa, vì thế người không sợ hãi và có lòng can đảm cả trong những lúc gặp khó khăn trong triều đại giáo hoàng ngắn ngủi của người; không sợ hãi mất đi phẩm giá riêng nhưng biết rằng phẩm giá là nơi sự thật. Và Đấng bảo đảm của sự thật là Thiên Chúa. Ai theo Người không sợ hãi cả việc từ bỏ chính mình, bởi vì ”ai có Thiên Chúa, người đó không thiếu gì cả”, như thánh Teresa thành Avila thường nói.

Đức Thánh Cha nói thêm trong ài huấn dụ: Đức tin và lời cầu nguyện không giải quyết các vấn đề, nhưng cho phép đối đầu với chúng với một ánh sáng và sức mạnh mới, một cách xứng đáng với con người, một cách an bình thanh thản và hữu hiệu. Lịch sử Giáo Hội đầy dẫy các Thánh và Á Thánh vì thường xuyên đối thoại sâu xa với Thiên Chúa nên cac vị được đức tin soi sáng và đã tìm ra các giải pháp sáng tạo luôn luôn mới mẻ, để đáp ửng các nhu cầu cụ thể của con người trong các lãnh vực: sức khỏe, giáo duc, công ăn việc làm, vv... Các hoạt động của các vị được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần và bởi một tình yêu mạnh mẽ đối với các anh chị em khác, đặc biệt các người yếu đuối và bị thiệt thòi nhất. Các bạn trẻ thân mến, các con cũng hãy cương quyết bước đi trên con đường nên thánh, rộng mở cho mọi người, để nó khiến cho các con trở thành sáng tạo hơn trong việc kiếm tìm các giải pháp cho các vấn đề gặp phải và trong việc cùng nhau tìm ra các giải pháp đó!

Đây cũng là một dấu hiệu đặc thù khác của kitô hữu: không bao giờ là một người theo cá nhân chủ nghĩa. Cuộc sống ẩn tu của thánh Celestino V có thể là một cám dỗ chạy theo chủ nghĩa cá nhân và trốn tránh trách nhiệm. Nhưng trong các hình thức được Giáo Hội chấp nhân, cuộc sống cô tịch cầu nguyện và hãm mình luôn luôn phục vụ cộng đoàn, và không bao giờ chống lại cộng đoàn. Các tịch liêu và các đan viện là các ốc đảo và suối nguồn sự sống tinh thần, mà mọi người đều có thể kín múc. Vị đan sĩ không sống cho chính mình, nhưng sống cho người khác; và chính vì thiện ích của Giáo Hội và xã hội mà đan sĩ vun trồng cuộc sống chiêm niệm, để cho Giáo Hội và xã hội luôn luôn được tưới gội bởi các năng lực mới, bởi hoạt động của Chúa. Rồi Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, các con hãy yêu mến các cộng đoàn kitô, đừng sợ hãi dấn thân và cùng sống kinh nghiệm đức tin! Hãy yêu thương Giáo Hội đã cho các con đức tin, đã làm cho các con biết Chúa Kitô! Hãy yêu mến Giám Mục, các Linh Mục của các con, các vị cũng là những người có các yếu đuối bất toàn, nhưng nhưng sự hiện diện của các vị qúy báu trong cuộc sống!

Người thanh niên giầu trong Phúc Âm đã buồn bã ra đi, khi nghe Chúa Giêsu mời gọi từ bỏ mọi sự để theo Ngài, vì anh ta qúa gắn bó với của cải (Mt 19,22). Nhưng trái lại ở đây cha trông thấy nơi các con niềm vui. Đây cũng là một dấu chỉ các con là kitô hữu: đối với các con Chúa Giêsu có giá trị lắm, cả khi theo Ngài đòi hỏi dấn thân, nhưng nó đáng công.

Thiên Chúa là viên ngọc qúy trao ban giá trị cho mọi sự còn lại: gia đình, học hành, việc làm, tình yêu nhân loại... và cả chính sự sống. Các con đã hiểu rằng Thiên Chúa không lấy mất của các con gì cả, mà cho các con ”gấp trăm” và khiến cho cuộc sống trở thành vĩnh cửu, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu bất tận: Đấng duy nhất thỏa mãn được con tim của chúng ta. Kinh nghiệm cuộc sống của thánh Agostino cho thấy người là một thanh niên đã kiếm tìm ngoài Thiên Chúa cái gì thỏa mãn khát khao sự thật và hạnh phúc. Cuối cùng thánh nhân mới hiểu ra rằng cho tới khi nào chưa tìm ra Thiên Chúa, trái tim của chúng ta sẽ không an bình nghỉ ngơi trong Chúa. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy duy trì sự hăng say và niềm vui của các con, niềm vui phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa, và hãy biết thông truyền niềm vui đó cho các bạn trẻ đồng trang lứa... Bây giờ cha phải ra về, và cha rất tiếc phải chia tay các con. Với các con cha cảm thấy Giáo Hội trẻ trung. Nhưng cha ra đi hài lòng như một người cha an bình vì thấy con cái mình lớn lên khỏe mạnh. Các con hãy biết tiến bước trên đường Tin Mừng, hãy yêu mến Giáo Hội, mẹ chúng ta; hãy sống đơn sơ và có con tim trong sạch; hãy khiêm tốn và mạnh mẽ trong sự thật; hãy khiêm tốn và quảng đại! Cha phó thác tất cả các con cho các thánh Bổn Mạng, thánh Celestino và nhất là Đức Trinh Nữ Maria và ưu ái chúc lành cho các con.

Sau khi ban phép lành tòa thánh cho mọi người, Đức Thánh Cha đã xuống hầm nhà thờ thăm nhà nguyện thánh Pietro Celestino. Hầm mộ này là phần cổ xưa nhất của nhà thờ chính tòa vì thuộc thế kỷ thứ VIII.

Nhà nguyện bằng đá cẩm thạch mầu có tượng thánh Panfilo bằng bạc pha đồng thuộc thế kỷ XV. Nhà nguyện kính thánh Giáo Hoàng Celestino V đã được Đức Cha Angelo Spina cho xây và khánh thành ngày mùng 1 tháng 9 năm ngoái 2009 nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của thánh nhân và di hài thánh Celestino được rước từ L'Aquila về Sulmona. Bên cạnh bức tượng bán thân bằng đồng của Thánh Celestino, còn có nhiều hộp khác nhau đựng các di tích cuộc đời người như: đôi dép, áo choàng, áo dài, áo nhặm, vớ, găng tay vv... Ngoài ra cũng có thủ bản gốc Tự Sắc Phong Thánh cho người và vài thủ bản Tự Sắc có chữ ký của chính thánh Giáo Hoàng Celestino và một cây Thánh Giá bằng gỗ rất đẹp và qúy hiếm: tất cả thuộc thế kỷ XIII. Dưới hầm nhà thờ cũng có nhà nguyện kính thánh Panfilo, một bức bích họa Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi theo kiểu Bisantin thuộc thế kỷ XII, và mộ của 4 Giám Mục thuộc các thế kỷ XV, XVI và XVII.

Sau khi bắt tay chào từ biệt các bạn trẻ và tín hữu đứng đợi ngài bên ngoài nhà thờ chính tòa, Đức Thánh Cha đã lên xe để tới sân thể thao gần đó lấy trực thăng trở về Roma. Đức Thánh Cha đã về tới Vaticăng sau một giờ bay, kết thúc chuyến viêng thăm mục vụ thứ XIX tại Italia. (SD 4-7-2010)
 
Giáo Hội và cơ may sử dụng kỹ thuật số
Linh Tiến Khải
09:50 07/07/2010
Phỏng vấn ông Derrick De Kerckhove, chuyên viên xã hội học, giáo sư về truyền thông tại đại học Federico II Napoli, nam Italia

Trong các ngày 22-24 tháng 4 năm nay 2010 Hội Đồng Giám Mục Italia đã tổ chức đại hội truyền thông lần thứ II về đề tài ”Các chứng nhân kỹ thuật số. Các gương mặt và ngôn ngữ trong kỷ nguyên truyền thông giao thoa”. Trong số 1.300 tham dự viên đã có 20 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, cũng như hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ đặc trách truyền thông và 250 ký giả của 180 tờ báo giáo phận. Đại hội truyền thông lần thứ I đã được triệu tập hồi năm 2001 về đề tài ”Parabole truyền thông”. Mục đích của đại hội là củng cố dấn thân của Giáo Hội Italia trong lãnh vực truyền thông và sử dụng các kỹ thuật tân tiến cho việc rao giảng Tin Mừng. Trong số các thuyết trình viên cũng có giáo sư Derrick De Kerckhove.

Giáo sư De Kerckhove là nhà xã hội học nổi tiếng người Bỉ, nhưng có quốc tịch Canada, năm nay 66 tuổi. Là chuyên viên về truyền thông nổi tiếng thế giới, ông là giám đốc của Chương trình McLuhan về Văn hóa Kỹ thuật, và hiện đang dậy môn truyền thông tại đại học Federico II tỉnh Napoli, Nam Italia, về ”Các phương pháp và phân tích các nguồn trên mạng”, ”Xã hội học của nền văn hóa kỹ thuật số”, ”Xã hội học của nghệ thuật số”.

Giáo sư De Kerckhove cũng là tác giả của cuốn sách tựa đề ”Da của văn hóa của sự thông minh nối kết”. Trong các năm 1983-1995 giáo sư đã viết các bài khảo luận cho nguyệt san ”Truyền Thông” Italia. Hiện ông cũng là giáo sư tại đại học Toronto Canada và Tours bên Pháp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về Giáo Hội và cơ may sử dụng kỹ thuật số.

Hỏi: Thưa giáo sư De Kerckhove, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn có ý thức về không gian một cách hết sức mạnh mẽ. Cơ cấu của Giáo Hội dựa trên các giáo phận, là các đơn vị phân chia dịa phương. Chúng ta có đang tiến tới một sự bổ túc giữa địa phận và không gian của kỹ thuật số hay không? Hay trong một nghĩa nào đó, thế giới kỹ thuật số sẽ thắng thế, ít nhất trong các vùng thành thị lớn, là các vùng di động và thay đổi?

Đáp: Tôi thành thật tin rằng sự bổ túc giữa vật chất và thế giới ảo, giữa sự hiện diện gần và sự hiện diện xa, sẽ luôn luôn cần thiết đối với mọi chiều kích của cuộc sống con người. Tôi không đồng ý với lý thuyết ”duy thiên thần”, mặc dù nó do ông McLuhan đề nghị, theo đó sẽ xảy ra sự kiện vật chất biến mất, và con người sẽ trở về tình trạng sống của các thiên thần, có linh hồn nhưng không có thân xác. Đó là điều không đúng và đàng khác cũng không thể loại bỏ được thân xác.

Trong sự hỗn loạn lớn của thế giới truyền thông, của các mạng, các ngân hàng dữ kiện, dự phóng đem căn tính và cả hình ảnh của chúng ta - nếu không phải là toàn con người của chúng ta - đến khắp nơi, tất cả gắn liền với thân xác chúng ta, là điểm quy chiếu nền tảng. Dĩ nhiên, tương quan của con người đã bị ”điện hóa” với không gian hầu như trở thành thần thiêng - con người trở thành trung tâm ở khắp mọi nơi và không có biến giới - tuy nhiên, nó không trở thành tinh thần tinh tuyền. Tôi quan niệm tính cách không gian của hệ thống Web như tính cách không gian của trí tuệ. Mạng lưới là không gian trí tuệ được trải dài, được chia sẻ, và có cường lực mênh mông, nhưng vẫn gắn liền với thân xác con người. Chính vì thế trái với quan điểm của thời phục hưng, tôi gọi sự hiện diện của tôi trong thế giới này là ”điểm hiện hữu” nhậy cảm duy nhất.

Hỏi: Thưa giáo sư, người ta thường nói về trang Web như là một yếu tố đánh lạc hướng giáo dục, và dẫn đưa con người tới chỗ trốn chạy nội dung: con người ngày càng di động hơn, nhưng lại ít thích hợp hơn với sự chú ý và chiêm niệm. Tuy nhiên, với chương trình Web 2.0 hàng triệu người đã có thể bắt đầu viết lách mỗi ngày... Chúng ta lại không đang đứng trước một tiến trình duy nhất trong lịch sử, nếu không giúp trở vào nội tâm thì cũng giúp con người nếm hưởng các hoa trái trí thức hay sao? Và đây lại không phải là một ích lợi trí thức tích cực, trong khi với truyền hình, xi nê và rađio người ta lại không bị rơi vào việc hưởng ích lợi thụ động trong một nghĩa nào đó, có đúng vậy không thưa giáo sư?

Đáp: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của qúy vị về điểm này: nghĩa là hệ thống mạng và các địa chỉ Web là một tiến bộ trong lãnh vực hiểu biết, trái ngược với nhiều diều người ta thường lập đi lập lại liên quan tới địa chỉ bách khoa Wikipedia, sự ngu dốt của ”các thế hệ sinh ra trong thế giới kỹ thuật số” vân vân và vân vân... Điện năng ở trong giai đoạn số, và trong hệ thống mạng của nó, trong giai đoạn sự hiểu biết của nó, và liên mạng là hệ thống thần kinh của nó. Chúng ta đã bước vào trong một giai đoạn hiểu biết sâu xa và cá nhân hóa, qua sự tương tác truyền thông đa diện. Và cũng đúng thật là chúng ta ngày càng viết nhiều hơn. Tôi còn kinh hoàng nhớ tới sự ghen tương của tôi với triết gia, nhà văn, nhà thơ Voltaire của Pháp, khi tôi nghiên cứu các bút tích của ông được thu thập trong 107 cuốn sách, mỗi cuốn dầy 350 trang. Tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ viết được nhiều như vậy. Nhưng khi nhìn trên bàn viết của mình, tôi nhận thấy trong hai năm qua tôi đã viết hơn 6.000 điện thư và đã đọc hơn 20.000 điện thư. Như thế thì mẫu tự đâu đã chết. Hoan hô mẫu tự!

Dĩ nhiên, có đúng thật là hệ thống liên mạng không mời gọi hay thúc đẩy con người đi sâu vào chính mình để suy xét, trái lại nó thúc đẩy con người hướng ngoại. Hình ảnh tìm thấy trên địa chỉ liên mạng Facebook, đối với nhiều người, có thể trở thành táo bạo trong việc định nghĩa căn cước riêng của họ hơn là điều họ vẫn nghĩ về mình. Căn tính được tạo dựng bên ngoài trí tuệ, trên màn hình vi tính. Giờ đây không còn phải là thời gian của ”gnothi seauton - Hãy tự biết mình” của triết gia Platone nữa, mà là giai đoạn của việc ”phani seauton - hãy tỏ lộ chính mình”.

Hỏi: Giáo sư đã nói tới ”nền văn minh video kitô”. Trong nghĩa nào chúng ta có thể nhận ra dấu vết kitô trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trong các trang Web như hiện nay thưa giáo sư?

Đáp: Trên bình diện này có ba hiện tượng trong hệ thống liên mạng đã gây ấn tượng cho tôi: thứ nhất là các địa chỉ công cộng, thứ hai là địa chỉ của ”cộng đoàn văn bút” và thứ ba là của các nghĩa trang trong Mạng. Cả ba đều lấy hứng từ Kitô giáo, cả khi hai loại đầu tiên đã khởi sự một cách châm biếm, vì thù nghịch với ý tưởng một linh mục giải tội qua một cái máy gọi của nghệ sĩ Greg Garwey người Canada, gọi là ”Máy giải tội tự động”. Nhưng địa chỉ trên mạng của ông đã gợi hứng cho nhiều sáng kiến khác trên Mạng và đã làm nảy sinh ra một hiện tượng nghiêm chỉnh, với hàng ngàn địa chỉ đủ loại khác để ”xưng tội”. Cũng xảy ra sự kiện như thế đối với hiện tượng thứ ba là các nghĩa trang ảo trên Mạng: có hàng triệu địa chỉ như vậy liên quan tới sự hấp dẫn của một lễ nghi không nhất thiết gắn liền với đức tin kitô.

Tuy nhiên, hiện tượng thứ hai này, thì trái lại, có tính cách tinh thần sâu xa và có nguồn hứng kitô thực sự: đó là việc sử dụng Liên Mạng để chia sẻ các tật bệnh, âu lo, các vấn đề gia đình hay các suy tư về các khía cạnh khác nhau của đức tin, như nhiều địa chỉ Blog đang làm. Các địa chỉ này trên Mạng khiến cho con người trở về với chiều kích của các cộng đoàn kitô tiên khởi, trong đó các kitô hữu chia sẻ mọi sự với nhau và cho nhau, yêu thương nâng đỡ tương trợ nhau, nhưng giờ đây là trên bình diện toàn cầu. Đây là một cơ may đối với tất cả mọi tôn giáo. Cả khi Giáo Hội Công Giáo xem ra còn chờ đợi vị Giáo Hoàng của hệ thống Liên Mạng, như Đức Gioan Phaolô II đã từng là vị Giáo Hoàng của hệ thống truyền hình.

Hỏi: Thưa giáo sư De Kerckhove, trong số các thực tại do hệ thống Web làm nảy sinh ra như mạng lưới xã hội, các động cơ nghiên cúu, các địa chỉ Blog, điện thoại qua Mạng VoIP, vv... thực tại nào cách mạng nhất, nhưng chúng ta lại đang khinh thường các khả năng của nó?

Đáp: Chắc chắn Mạng lưới xã hội chưa hết khiến cho chúng ta ngạc nhiên. Các sáng chế mới như Twitter do hãng Obvious Corporation tỉnh San Francesco Hoa Kỳ sáng chế hồi năm 2006 chẳng hạn. Từ Twitter bắt nguồn từ động từ ”tweet” có nghĩa hót líu lo. Twitter người hót líu lo là mạng lưới dịch vụ xã hội không mất tiền, và địa chỉ Blog nhỏ cống hiến cho người sử dụng một trang riêng trên mạng, có thể cập nhật với các sứ điệp dài khoảng 144 chữ. Các sáng chế như vậy nảy sinh từ số không, và chúng thay đổi phương thế chia sẻ cá nhân cũng như các phương thế tự vệ xã hội, chính trị và kinh tế.

Từ điển bách khoa trên Mạng Wikipedia cống hiến cho chúng ta kho tàng hiểu biết toàn cầu với sự tham dự của toàn thế giới. YouTube đặt để vào tay mọi người chúng ta một ngòi bút điện tử và trở thành hãng thông tấn Argus, là hãng thông tấn độc lập lớn nhất thế giới, cung cấp tin tức và các bài tường thuật cho chúng ta với biết bao nhiêu con mắt giúp nhìn thấy biết bao nhiêu vấn đề trên thế giới. Quyền lực của kỹ thuật số cộng với quyền lực của hệ thống Mạng thuộc loại ảo thuật, với các áp dụng tuyệt vời như ảo thuật thời trung cổ, và nó giải thích sự thành công của các loạt phim của Harry Potter. Nhưng phát minh cách mạng nhất của thời đại chúng ta không phải là bảng hiệu hiện diện trên trang Web hay nơi nào khác, mà là điện tín. Nó là kỹ thuật đầu tiên đã đăt để chung vận tốc của ánh sáng với sự phức tap của ngôn ngữ loài người. Mọi sự còn lại đã phát triển với cái luận lý của hệ thống.

(Avvenire 21-4-2010; Wikipedia)
 
ĐTC công du Anh quốc và vùng Galles
Linh Tiến Khải
09:51 07/07/2010
VATICĂN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhận lời mời của Nữ Hoàng Elisabét II và sẽ viếng thăm Anh quốc và vùng Galles trong các ngày 16-19 tháng 9 năm 2010.

Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã cho biết như trên trong thông cáo công bố ngày mùng 5 tháng 7 vừa qua.

Trong chuyến công du Anh quốc và vùng Galles, Đức Thánh Cha sẽ thăm Nữ hoàng tại dinh Holyroodhouse ở Edinburg, và sẽ chủ sự Thánh Lễ tại công viên Bellahouston ở Glasgow. Ngài cũng như gặp gỡ đại diện thế giới chính trị, văn hóa và doanh thương tại Westminster Hall và tham dự buổi cử hành đại kết tại đan viện Westminster. Đức Thánh Cha cũng sẽ chủ sự Thánh Lễ trong nhà thờ Chính Tòa Westminster, cũng như buổi canh thức tại Hyde Park và chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Hồng Y John Henry Newman tại Cofton Park tỉnh Birmingham.

Trong những ngày qua, Đức Hồng Y Keith O'Brien, Tổng Giám Mục Edinburgh, đã phát động huy hiệu cho chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha và khích lệ tín hữu coi chuyến viếng thăm này như một cơ may hiếm có giúp củng cố đức tin của họ và chứng tỏ cho người khác thấy đức tin đó. Đức Thánh Cha đến Anh quốc và vùng Galles ngày 16 tháng 9 đúng ngày lễ kính thánh Ninian. Thánh nhân sống vào thế kỷ thứ IV và là một trong các vị đầu tiên đem Tin Mừng của Chúa Kitô đến cho dân chúng của vùng đất này. Đức Hồng Y cầu mong có nhiều tín hữu tham dự lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha và hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ làm sống dậy đức tin nơi các thế hệ trẻ của Anh quốc (SD 5-7-2010; CNA 4-7-2010)
 
Một cộng đoàn dòng Mẹ Têrêsa được lập tại Nazareth
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:28 07/07/2010
ROMA (Zenit.org) - Một cộng đoàn đầu tiên của hội dòng Mẹ Têrêsa được thành lập tại Israel. Căn nhà của Hội Thừa Sai Bác Ái Chiêm Niệm đã được khánh thành ở Nazareth.

« Ngôi Nhà Bình An » mang lại bầu khí lễ hội lớn. Trước đây cộng đoàn của Hội dòng Mẹ Têrêsa mới chỉ có mặt tại Jordanie và Palestina như ở Naplouse, Jérusalem, Bethléem và Gaza. Cho đến nay cộng đoàn đã được thiết lập tại Israel. Được biết, vào ngày 10 tháng Sáu 2010 vừa qua, Đức Cha Marcuzzo, Đại Diện Thượng Phụ Latinh đối với Israel đã cử hành thánh lễ và làm phép Nhà Tạm của ngôi nhà mới, mà các nữ tu dùng làm nơi cầu nguyện và chiêm niệm.

Có mặt trong dịp này còn có cha Sebastian Vazhakala, tu sĩ Thừa Sai Bác Ái, Bề Trên Tổng Quyền; cha Jean Boucary, Bề Trên địa phương; cha Ricardo Bustos, o.f.m, trông coi Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin và là Hiệu Trưởng trường Terra Santa; cùng với một số linh mục khác trong thành phố.

Đương nhiên có đông đảo các nữ tu hội dòng Mẹ Têrêsa, cũng như các tu sĩ và giáo dân tại Nazareth tham dự thánh lễ này. Đức Cha Marcuzzo đã ban phép lành của Đức Thượng Phụ Fouad cho cộng đoàn mới này. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện cũng như chầu Thánh Thể, trung tâm của đời sống của nhà này được gọi với danh hiệu « Nhà Tạm ». Sự hiện diện mới mẻ tại Nazareth sẽ còn có một tầm quan trọng lớn nữa đối với đời sống tâm linh và xã hội của người dân trong thành phố, và của khách hành hương khi tới nơi đây. Qua lời chào đón và chúc mừng, niềm vui và sự đón nhận nồng hậu của người tín hữu tại Nazareth đã là bằng chứng hiển nhiên.

Câu châm ngôn được chọn cho căn nhà mới này lấy từ lời của Chúa Giêsu trên thánh giá: « Ta Khát ». Mục đích của nhà là giúp đỡ những người nghèo nhất trong số những người nghèo với tinh thần của Thánh Gia, và theo linh đạo của Mẹ Têrêsa.
 
Đức TGM Thomas Collins được HĐGM Canada cử làm Liên Lạc Viên với các tín đồ Anh Giáo muốn gia nhập Đạo Công Giáo.
Dominic David Trần
22:38 07/07/2010
Đức TGM Thomas Collins được HĐGM Canada cử làm Liên Lạc Viên với các tín đồ Anh Giáo muốn gia nhập Đạo Công Giáo.

OTTAWA ngày 05/07/2010 theo bản tuyên bố của HĐGM Canada và Catholic Register Đức Cha Thomas Collins Tổng Giám Mục Toronto đang trải thảm đỏ để đón chào tất cả các tín đồ Anh Giáo tại Canada muốn trở thành tín hữu Công Giáo. (Như VietCatholic đã loan tin vào ngày 16/03/2010 trước đây). Đức TGM Thomas Collins đã được đề cử làm Liên Lạc Viên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada với Các Tổ Chức Anh Giáo muốn tự chính họ hiệp nhất với Công Giáo theo Tông Hiến Anglicanorum Coetibus (AC)

(Tông Hiến Đón Chào Các Anh Chị Em Anh Giáo) của Đức Thánh Cha Benedicto XVI ban hành. Tông Hiến AC đã đồng ý thiết lập một cơ cấu tổ chức đặc biệt để cho các người tín đồ Anh Giáo có thể gia nhập hay hiệp nhất tập thể vào Giáo Hội Công Giáo Rôma mà vẫn được duy trì các khía cạnh căn tính và di sản của Anh Giáo thí dụ như trong các việc Phụng Vụ chẳng hạn.

Đức TGM Collin phát biểu; " Đây không phải là một đề nghị phát khởi từ Giáo Hội Công Giáo. Đây là một lời đáp trả lại cho Các Nhóm và Tổ chức Anh Giáo đã thể hiện sự quan tâm và nguyện vọng muốn hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo.

Cơ cấu tổ chức đặc biệt này được gọi là một "Giám Hạt Tòng Nhân, " lấy theo mô hình của Các Giám Hạt Quân Đội vốn đã được áp dụng rộng khắp trên các Lãnh thổ điạ dư của các Địa phận và Giáo phận Công Giáo. Mỗi một Giám Hạt sẽ do một Đấng Bản Quyền lãnh đạo, vị Giám Chức lãnh đạo Giám Hạt này có thể là vị Giám Mục hay không phải là Giám Mục, nhưng nếu các Giám Chức lãnh đạo các Giám Hạt Tòng Nhân này là các vị Giám Mục thì các vị Giám Mục này bị đòi buộc phải là các vị Giám Mục còn độc thân - nghĩa là không lập gia đình và không có vợ. Đức Thánh Cha công nhận rằng có nhiều Giáo Sĩ Anh Giáo đã lập gia đình (đã có vợ) và ngài đã chấp nhận các giáo sĩ trong hiện trạng đã có vợ- còn đối với Hàng Giám Mục và Các Đấng Bản Quyền Giáo Hội Anh Giáo sẽ xét theo từng trường hợp cá nhân cụ thể.

Đức TGM Collins đã được Ủy Ban Thường Trực của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada bổ nhiệm làm Đặc Phái Viên - Liên Lạc với các Tín Hữu Anh Giáo đã bày tỏ ước muốn đáp lại Lời chào mừng trong Tông Hiến AC của Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã ban hành. Đây mới chỉ là nhiệm vụ đầu tiên của Đức Cha Collins.

Đức TGM Collins đang cố gắng nhận thức xem sẽ có bao nhiêu tín đồ Anh Giáo sẽ gia nhập hoặc xin hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo trong các Giám Hạt Tòng Nhân Công Giáo đặc biệt này. Ngài cũng tuyên bố là Canada đã đi sau một số các quốc gia khác trong tiến trình này; khi mà Tông Hiến AC đã được loan báo trong lúc họp Đại Hội Thường Niên HĐGM trong tháng Mười năm ngoái, nhưng mãi cho đến tháng Mười Một thì Tông Hiến mới bắt đầu được in ra và phát hành tại Canada.

Trong khi Đức TGM Collins sẽ là người tiên phong đảm nhận trọng trách này tại Canada- Đức TGM Collins tuyên bố rằng Thánh Bộ Tín Lý Và Đức Tin của Tòa Thánh Vatican do Đức Hồng Y William Levada phụ trách sẽ hướng dẫn thực hiện tiến trình phức hợp này để mang các Giám Hạt Tòng Nhân từ trong Tông Hiến trở thành hiện thực.

Thế nhưng việc bổ nhiệm Đặc Phái Viên Liên Lạc chỉ là một bước tiên khởi; bởi vì các mối quan hệ với Các Hội Đồng Giám Mục Anh Giáo trong mỗi quốc gia sẽ là một " yếu tố quan trọng đặc biệt" khi mà các Đấng Bản Quyền hay các vị Giám Chức lãnh đạo các Giám Hạt Tòng Nhân mới sẽ được " phát triển và tuyển chọn từ bên trong chính các cơ cấu tổ chức Giáo Hội Anh Giáo hiện đang tồn tại trong quốc gia ấy" và Đấng Bản Quyền mới ấy phải là thành viên chính thức của HĐGM Anh Giáo, Đức TGM Thomas Collins tuyên bố. Còn các Đấng Bản quyền nào đang được công nhận là Giáo Sĩ Công Giáo đã lập gia đình (đã có vợ rồi) thì sẽ được công nhận cùng quy chế trong Hội Đồng Giám Mục như là các Đức Giám Mục Danh Dự hay Đức nguyên Giám Mục hay các Đức Giám Mục đã hưu trí (Emeritus or Retired Bishops).

Đức TGM Collins dự định sẽ lập bản báo cáo đến Đại Hội Thường Niên Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada kể từ tháng Mười năm ngoái. Đức TGM Collins đã tiếp xúc với một trong số các tổ chức đã ngỏ ý xin hiệp nhất là Giáo Hội Anh Giáo-Công Giáo Canada ( the Anglican Catholic Church of Canada ) là thành viên của Tổ chức Hiệp Thông Anh Giáo Truyền Thống Canada ( TAC: the Traditional Anglican Communion of Canada; xin xem lại VietCatholic News March 16/2010). Chính là Tổ Chức Hiệp Thông Anh Giáo Truyền Thống Canada trong Thỉnh Nguyện Thư chính thức năm 2007 đã đệ trình và xin hiệp nhất với Tòa Thánh; đã được coi như là một trong những bước tiếp cận tiên khởi và chính thức đúng như tiến trình của Tông Hiến AC đã ban hành. Mặc dù cũng trong cùng khoảng thời gian ấy đã có nhiều nhóm và tổ chức Anh Giáo khác đã liên lạc với Tòa Thánh nhưng chỉ ở mức độ tham khảo và thảo luận.

Tuy vậy Đức TGM Thomas Collins cũng nêu rõ thêm là TAC Tổ chức Hiệp Thông Anh Giáo Truyền Thống Canada đã không phải là tổ chức duy nhất chính thức tham gia vào tiến trình hiệp nhất này. Đã có nhiều cá nhân, Giáo Xứ, Giáo phái, và Tổ chức Anh Giáo khác cũng đã bày tỏ quan tâm xin hiệp nhất và gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Tổ chức TAC là tổ chức có tầm vóc lớn nhất trong tổ chức mệnh danh là Các Cộng Đồng Anh Giáo Liên Tục (Continuing Anglican groups) vốn đã cắt đứt quan hệ và ly khai khỏi Giáo Hội mẹ của họ là Liên Hiệp Hiệp Thông Anh Giáo Canterbury ( the Anglican Communion of Canterbury.)
 
Đức Giám Mục Moronta bác bỏ mọi nhận định vu cáo của Tổng Thống Chavez.
Dominic David Trần
22:39 07/07/2010
Đức Giám Mục Moronta bác bỏ mọi nhận định vu cáo của Tổng Thống Chavez.

Thủ Đô CARACAS, Nước Venezuela: ngày 07/07/2010 theo Nhật báo El Universita ấn hành tại thủ đô Caracas; tiếp theo bài diễn văn đọc trong ngày Độc Lập 05/07/2010 của Tổng Thống Hugo Chavez - nước Venezuela trong đó ông Chavez yêu cầu Đức TGM Pietro Parolin Sứ Thần Tòa Thánh tại Venezuela trình lên Đức Thánh Cha để bổ nhiệm Đức Cha Moronta làm "Siêu" Hồng Y (Super Cardinal) cho nước Venezuela. Tổng Thống Chavez đã dùng những lời lẽ lăng nhục Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám Mục TGP Caracas.

Hôm nay Nhật Báo El Universita này loan tin rằng Hiệp Hội Giám Mục Venezuela nhận định: "Chúng ta phải cảnh giác trước các tham vọng bá quyền của ngài Chavez".

Ngoài ra Đức Cha Mario Moronta, Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận San Cristóbal đã lên tiếng bác bỏ các nhận định và cự tuyệt mọi lời lẽ vu cáo của Tổng Thống Hugo Chavez.

Một phần trong bài diễn văn của Tổng Thống Chavez đã gán cho Đức Hồng Y Jorge Urosa

Savino, Tổng Giám Mục Caracas là không xứng đáng, là thứ ở trong hang, là con tinh tinh (troglodyte).

Đức Cha Moronta, Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận San Cristóbal trong khu vực Tỉnh Bang Andean Táchira không nghĩ rằng những lời lẽ hạ nhục Đức Hồng Y Urosa Savino là một ý tưởng tốt đẹp. " Sự kiện hiển nhiên là cho dù cá nhân tôi không đồng ý với một vài người

thì điều nầy cũng không thể dùng để nhân danh tôi, nêu tên tôi ra dùng để lăng nhục và tẩy chay người khác.

Đức Giám Mục Moronta cất cao tiếng nói bày tỏ tình đòan kết và huynh đệ Giám Mục với Đức Hồng Y Urosa Savino TGM Thủ Đô Caracas. Đức Giám Mục Moronta nhấn mạnh rõ rằng cho dù có khác biệt quan điểm ra sao đi nữa - tình hiệp thông và thống nhất giữa các Giám Mục không hề bị phá vỡ.

Còn nói về chuyện "Siêu" Hồng Y do Tổng Thống Chavez đề nghị với Sứ Thần Tòa Thánh Pietro - Đức Cha Moronta tuyên bố là ngài không có ý định và trông mong việc được trở thành vị Hồng Y.

Riêng đối với Nhật Báo Quan Sát Viên Rôma số ra ngày hôm nay 07/07/2010 đã nhận định rằng Tổng Thống Hugo Chavez của Venezuela đang đùa chơi với lửa (playing with fire). Như vậy hàm ý rằng như ca dao Việt Nam; đùa với lửa có ngày phỏng mặt, chơi với dao thế nào cũng đứt tay.

Xin Chúa thương xót cho Giáo Hội của Chúa trên các bước lữ hành trần thế hôm nay; trong đó có cả Giáo Hội Việt Nam chúng con.
 
Sau khi đối thoại với Giáo Hội Công Giáo, Nhà Nước Cuba trả tự do cho 52 tù nhân chính trị.
Dominic David Trần
22:42 07/07/2010
Sau khi đối thoại với Giáo Hội Công Giáo, Nhà Nước Cuba trả tự do cho 52 tù nhân chính trị.

LA HAVANA, Cuba ngày 07/07/2010/ 05:21PM theo tin của Thông Tấn Xã Công Giáo CNA: tiếp theo cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cuba giữa các nhà lãnh đạo chính phủ và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Cuba; các cơ quan có thẩm quyền chính trị tại Cuba hôm nay thông báo rằng họ sẽ phóng thích 52 tù nhân chính trị.

Cũng theo Nhật báo Miami Herald, nhà lãnh đạo Cuba Chủ Tịch Raul Castro thông báo hành động này cho Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục Havana trong ngày 07 tháng Bảy trong một cuộc họp mới nhất của hàng chuỗi các cuộc đối thoại đã được khởi sự gần hai tháng qua.

Nhà lãnh tụ Raul Castro đã thông báo với ĐHY Ortega là 5 tù nhân sẽ được trả tự do ngay tức khắc và 47 tù nhân còn lại hiện đang được phép xuất cảnh rời khỏi đảo quốc này trong vòng 4 tháng nữa. Nhật báo Miami Herald trình thuật là 52 tù nhân đợt này là trong nhóm 75 nhà tranh đấu và bất đồng chính kiến tại Cuba đã bị bắt giữ từ năm 2003 vì chính quyền Cộng Sản Địa Phương tại Cuba quy cho họ là tội phản quốc.

Trước khi có thông báo của ngày hôm nay, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục đã nói chuyện với các giới chức có thẩm quyền tại Cuba và đã nhận 1 tù nhân được phóng thích và yêu cầu chuyển nơi giam giữ của một nhóm hơn mười hai tù nhân khác về gần nhà và thân nhân của họ.

Các tù nhân đã báo cáo là họ đã chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong tù, và trong số đó có một vài tù nhân đã tuyệt thực dài ngày để phản

đối chế độ tù giam. Tù nhân Ariel Sigler Amaya, 46 tuổi vừa được phóng thích tháng trước, vì đã bị liệt nửa người trong tù và hiện nay chỉ còn nặng 106 cân Anh.

Các cuộc đối thoại đang góp phần vào việc phóng thích các tù nhân tại Cuba cũng là một phần nhờ ở công sức của Đức Tổng Giám Mục Dominique

Mamberti, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh Vatican, người đã chính thức thăm viếng Cuba trong suốt Tuần Công tác Xã hội Cuba trong tháng Sáu vừa qua và nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Tòa Thánh Vatican - Đảo Quốc Cuba.
 
Tin thêm về nhà nước Cuba trả tự do cho 52 tù nhân chính trị sau cuộc hội đàm với Giáo hôi Công Giáo
Paul Minh Nhật
22:46 07/07/2010
Sau các cuộc hội đàm với giáo hội Công Giáo, Cuba trả tự do cho 52 tù nhân chính trị

Havana, Cuba. 07/07/2010. Sau một cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ giữa các công chức Cuba và các vị lãnh đạo Công Giáo của đất nước này, những chính trị gia của Cuba đã công bố ngày hôm nay rằng họ sẽ phóng thích 52 tù nhân chính trị.

Theo như Miami Herald, người đứng đầu đất nước Cuba là Raul Castro đã thông báo với Đức Hồng Y Jaime Ortega của Havana vào hôm 7 tháng 7 trong suốt buổi gặp gần đây nhất trong một chuỗi hai tháng của các cuộc hội đàm giữa họ.

Ông Castro đã thông báo với đức hồng y rằng 5 tù nhân chính trị sẽ được thả ra ngay lập tức còn lại 47 người đã được phép rời khỏi đảo quốc trong vòng 4 tháng tới, Herald báo cáo.

52 người là một phần của nhóm gồm 75 nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt vào năm 2003 vì nhà chính quyền cộng sản địa phương coi họ là phản bội tổ quốc.

Trước thông cáo của ngày hôm nay, các cuộc nói chuyện của ĐGM với các nhà cầm quyền Cuba đã thu được sự phóng thích cho một tù nhân và chuyển được 12 tù nhân khác về nhà tù gần nhà họ hơn.

Những tù nhân theo như báo cáo đã chịu đựng những điều kiện khắt khe ác nghiệt trong thời gian giam hãm, với một số người đã tuyệt thực để tỏ dấu phấn đối. Ariel Sigler Amaya, một tù nhân 46 tuổi được thả tháng trước, bị trở nên bại liệt trong thời gian tù hãm và bây giờ nặng 106 Pao (một Pao - Pound bằng 0,454 kg)

Đối thoại đóng góp vào việc phóng thích các tù nhân cũng tin rằng được thực hiện nhờ Bộ Trưởng Ngoại Giao của Vatican, Đức tổng giám mục Dominique Mamberti, người đã thăm đất nước này trong suốt Tuần Lễ Xã Hội Cuba vào tháng sáu gần đây.
 
Top Stories
Da Nang parishioner dies after police beating
Asia-News
03:51 07/07/2010
A Con Dau parishioner died on Saturday after being brutally beaten by Da Nang police, Vietnamese sources report.

Parishioners face police in mass
Mr Nam Nguyen, 43, was allegedly beaten to death by police for his protest against the seizure of his parish cemetery, Viet Catholic reports.

Throughout the last fortnight, Nam, a member in the parish’s funeral team, had been subjected to a series of long hour interrogations and brutal violence by police for his active role in a funeral in early May that led to a clash between Catholics and police.

During the procession of the funeral of Mary Dang Thi Tan, 82, on May 4, police intervened to prevent her burial in the parish cemetery. For almost an hour, there were clashes between the faithful and 500 police resulting in the arrest of 59 people and the injuries of dozens Catholics who were beaten brutally by police.

Nam was among detainees. Later, he was released.

On Monday May 17, police in Cam Le district of Da Nang city announced that they were going to prosecute 6 parishioners of Con Dau for “disrupting public order” and “attacking state security administration personnel who are carrying out their functions according to law”.

Nam and another parishioner had been summoned by police and forced to provide false accusations against the six parishioners who are going to be tried in a short time. He had refused to “collaborate” with state agents despite being threatened and beaten brutally.

Last Saturday, police released him just a few hours before he died at home.
 
昆斗天主教徒获释不久死亡
Asia-News
03:54 07/07/2010
阮南系今年五月遭警方威胁、殴打并被捕的教友之一。事件起因是,地方当局准备将墓地改做度假村引发抗议

岘港(亚洲新闻)—上周六,越南岘港教区昆斗堂区天主教徒阮南在刚刚获释几小时后便身亡。今年五月,他因和其他教友一起抗议地方当局准备将公教墓地改建为旅游度假村而遭到威胁、殴打、被捕。

今年年初,地方政府当局准备将一百三十五年前建造的昆斗堂区范围内的住房全部拆除,重新用做其它建筑工程。堂区墓地距离圣堂大约一公里、占地十公顷,也是当地教友唯一的墓地,并被政府指定为文物遗址。今年三月十日,公安人员突然在墓地入口处设置写有“禁止下葬”的告示牌。一名堂区教友上前抗议时,警察头子向他喷洒了催泪弹,导致其昏迷。

五月四日,刚刚逝世的一位八十二岁堂区教友的葬礼上,警方阻挠人们将她安葬在墓地。五百多名教友与警方僵持一个多小时,造成多名教友受伤、五十九人被捕。最终,这位教友的遗愿未能实现,家人被迫将她火化。

然而,越南政府否认了天主教徒被捕和受伤的消息。河内政府外交部新闻发言人阮芳娥女士指“这是一条旨在污蔑越南的假消息”。并强调,“事实是,这起事件与宗教没有任何关系”。

五月六日,岘港教区周玉治主教就此发表牧函,严正谴责此类暴行;要求教友和当局努力克制,以避免发生进一步的暴力事件。主教表示,“警方跑去驱赶其他教友了”。

五月十七日,六名堂区教友被控“扰乱公共秩序罪”、“攻击正在依法执行任务的国家安全管理人员”。

阮南是六人之一,他被捕后又被释放。接着,再次被公安人员传唤,并企图让他指控其他教友。遭到拒绝后,他们便对阮南大肆殴打。星期六将其释放,几个小时后,阮南便死去了。目前,村子里弥漫着恐怖气氛。
 
Chine: Le gouvernement organise une «session d’études» à Pékin pour une partie des évêques « officiels » de l’Eglise catholique en Chine
Eglises d’Asie
08:12 07/07/2010
CHINE: Le gouvernement organise une « session d’études » à Pékin pour une partie des évêques « officiels » de l’Eglise catholique en Chine

Eglises d’Asie, 7 juillet 2010 – Du 1er au 4 juillet dernier, cinquante responsables de la partie « officielle » de l’Eglise catholique en Chine ont été réunis à Pékin par les autorités gouvernementales afin d’assister à « une session d’études ». La rencontre s’est poursuivie par un voyage organisé à Shanghai, où le groupe a visité le site de l’Exposition universelle du 6 au 8 juillet.

Ce sont les organes du gouvernement chapeautant les organisations religieuses qui ont convoqué cette réunion, à savoir le Front uni – structure qui rassemble les organisations officielles autres que le Parti communiste –, et l’Administration d’Etat des Affaires religieuses, plus connue sous son ancienne appellation de Bureau des Affaires religieuses. La réunion s’est tenue à huis clos et aucune information n’a été communiquée quant à son objet.

Le groupe des cinquante responsables catholiques conviés à Pékin était formé de 28 évêques « officiels » âgés de moins de 60 ans, de 14 futurs prélats (en attente de leur prochaine ordination) (1) et d’une dizaine de personnalités laïques. Selon les informations disponibles, ces responsables ont été briefés sur la politique religieuse de l’Etat et les lois qui l’encadrent, sur les règlements qui régissent la participation du clergé à des activités organisées en-dehors des limites diocésaines, ainsi que sur la situation présente de l’Eglise en Chine. Ils ont écouté les discours du vice-ministre Zhu Weiqun, directeur adjoint du Front uni, et de Wang Zuo’an, directeur des Affaires religieuses.

Au-delà des informations officielles, il semble évident que la venue de ce groupe à Pékin s’inscrit dans la préparation de la convocation prochaine de la Huitième Assemblée nationale des représentants catholiques. Interrogé par l’agence Ucanews (2), Anthony Liu Bainian, vice-président de l’Association patriotique des catholiques chinois, a démenti tout lien entre cette « session d’études » et la préparation d’une assemblée dont la convocation a été repoussée à plusieurs reprises depuis plus d’un an; selon lui, l’assemblée devrait se tenir d’ici la fin de l’année. Il a simplement précisé que « de telles sessions d’études pour les jeunes évêques étaient organisées chaque été ».

Instance imposée par le gouvernement chinois, l’Assemblée nationale des représentants catholiques doit se réunir pour élire les futurs responsables de l’Association patriotique et de la Conférence des évêques « officiels », deux structures dont les présidences sont actuellement vacantes. Les autorités chinoises semblent rencontrer des difficultés à s’assurer que les évêques « officiels », une petite centaine dont seule une poignée n’est pas reconnue par Rome, participeront sans rechigner à cette assemblée et voteront comme elles le souhaitent. Le pape Benoît XVI a pour sa part, dans sa Lettre aux catholiques de Chine de 2007, très clairement indiqué qu’il n’était pas possible que des agences étatiques se trouvent placées au-dessus des évêques et leur dictent ce que doit être la conduite de leurs Eglises locales (3).

(1) Après deux années sans ordination épiscopale, 2010 a été marquée par une reprise des consécrations de nouveaux évêques. Depuis Pâques 2010, on en compte quatre, plus une installation (un évêque précédemment ordonné mais non encore installé) (diocèses de Hohhot, Haimen, Xiamen, Bameng et Sanyuan. Voir EDA 526, 527, 528, 530, 532). La prochaine ordination épiscopale prévue est celle du P. Yang Xiao-ting, pour le diocèse de Yan’an (province du Shaanxi). Elle devrait avoir lieu le 15 juillet prochain. Du diocèse de Zhouzhi (Shaanxi), le P. Yang est actuellement vice-recteur du grand séminaire de Xi’an, un séminaire dont le recteur en titre est âgé et malade.
(2) Ucanews, 7 juillet 2010.
(3) Lettre du pape Benoît XVI aux évêques, aux prêtres, aux personnes consacrées et aux fidèles laïcs de l’Eglise catholique en République populaire de Chine (27 mai 2007): (in point 7) « Considérant « le dessein originel de Jésus » (32), il apparaît évident que la prétention de certains organismes, voulus par l’Etat et étrangers à la structure de l’Eglise, de se placer au-dessus des évêques eux-mêmes et de guider la vie de la communauté ecclésiale ne correspond pas à la doctrine catholique selon laquelle l’Eglise est « apostolique », comme l’a aussi rappelé le Concile Vatican II. (…) »
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội thảo ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn về nền giáo dục Việt Nam
Tiền Hô
08:11 07/07/2010
Hội thảo ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn về nền giáo dục Việt Nam

Sài Gòn (AsiaNews) - Giáo dục ở Việt Nam không còn quan tâm đến sự thật và sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ. Đây là cảnh báo này của những tham dự viên tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm Giáo dụctrong nhà trường hiện nay", được tổ chức tại Dòng Chúa Cứu Thế SàiGòn.

"Tôi tin rằng giáo dục nghĩa là phải giúp cho một con người phát triển chứ không chỉ là truyền tải các kiến thức và kỹ năng", Sư huynh Gregory Nguyễn Văn Tân, bề trên tỉnh Dòng La San Việt Nam nói. "Từ năm 1975, chính quyền cách mạng đã không cho phép người Công giáo được quản lý trường học, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục giáo dục những bạn trẻ. Chắc chắn là nếu chúng tôi tự có trường học thì sẽ tốt hơn nhiều".

Các tham dự viên tại hội thảo đều đồng ý rằng, sự suy thoái của nền giáo dục là do một số giảng viên chỉ đơn thuần là truyền tải kiến thức và kỹ năng, nhưng họ không cung cấp cho học viên những vấn đề như nhân văn và phẩm giá, cũng như cách thức tương quan giữa người với người.

Một phóng viên trẻ tại Sài Gòn (từ chối tiết lộ tên của mình) nói với AsiaNews rằng: "nhiều trường cao đẳng dạy thời trang và thiết kế cho sinh viên năm thứ nhất sáng tạo và thiết kế quần áo mô-đen kỳ quái, nhưng họ không dạy cho sinh viên làm thế nào để đo, cắt và may quần áo bình thường".

Kết thúc hội thảo, Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, bề trên tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, đã kết luận rằng, chúng ta không được quy kết hay đổ lỗi cho người khác, mỗi người Công giáo phải nên giống như một ngọn nến cháy sáng, để cầu nguyện và góp phần vào việc giáo dục trong gia đình, Giáo hội và xã hội.
 
Tường trình ngày họp mặt Caritas giáo hạt Phú Yên, Quy Nhơn
Caritas Giáo Hạt Phú Yên
08:46 07/07/2010
TƯỜNG TRÌNH NGÀY HỌP MẶT CARITAS GIÁO HẠT PHÚ YÊN

Sáng ngày 06/7/2010 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên của giáo xứ Tuy Hòa, hạt Phú Yên. Caritas Qui Nhơn đã tổ chức ngày họp mặt cho các tham dự viên của Caritas Giáo hạt Phú Yên.

Hình ảnh ngày họp mặt Caritas

Về dự có cha Gioan Võ Đình Đệ giám đốc Caritas Qui Nhơn, cha Giuse Trương Đình Hiền, Hạt trưởng Phú Yên, cha Phêrô Trương Minh Thái, Trưởng Ban Caritas của Giáo hạt, các cha trong giáo phận Qui Nhơn có liên quan đến hoạt động Caritas của Giáo Phận, cùng sự có mặt của 220 tham dự viên của 12 giáo xứ trong Giáo hạt. Giáo hạt Phú Yên bao gồm phần đất tỉnh Phú Yên. Các giáo xứ cách trở xa xôi nhưng số tham dự viên về tham dự đông đảo cho thấy một tín hiệu tốt về hoạt động Caritas Phú Yên trong tương lai.

Mở đầu ngày họp mặt cha Phêrô Trương Minh Thái, Trưởng ban Caritas giáo hạt đã nói lên ý nghĩa, tâm tình của ngày họp mặt và thông quan chương trình làm việc trong ngày.

Cha Giuse Trương Đình Hiền, Hạt trưởng Giáo hạt Phú Yên đã khai mạc ngày họp mặt với phát biểu nói về nội dung, ý nghĩa của hoạt động Caritas trong sinh hoạt của Giáo Hội và tầm quan trọng của Caritas trong công cuộc truyền giáo tại địa phương.

Cha giám đốc Caritas giáo phận đã trình bày về tình hình hoạt động của Caritas tại Việt Nam trước và sau năm 1975. Ngài cũng đã chia sẻ cho các tham dự viên tham dự ngày họp mặt về ý nghĩa của logo Caritas, thông qua Qui chế của Caritas, các văn bản nói về tính hợp pháp của tổ chức Caritas Việt Nam đối với Nhà nước Việt Nam cũng như đối với HĐGM Việt Nam. Đồng thời giới thiệu mối liên kết hoạt động giữa Caritas Việt Nam và Caritas quốc tế. Cha giám đốc đã phác thảo sơ bộ về các mô hình có thể đem áp dụng cho Caritas tại địa phương trong điều kiện thực tế. Ngài cũng đã giới thiệu mô hình tổ chức Caritas từ trung ương đến tận Caritas của các giáo xứ địa phương.

Anh Giuse Túc. Phú Dung phó ban Caritas giáo hạt Phú Yên đã trình bày sơ lược về nội dung kỹ năng cơ bản về Bác ái cho các tham dự viên.

Tiếp theo cha Phêrô Trương Minh Thái trình bày linh đạo của Caritas và cha giám đốc giáo phận đã tiếp lời chia sẻ thân tình về ý nghĩa thực tiển khi sống linh đạo này.

Bế mạc ngày họp mặt bằng thánh lễ đồng tế với sự chủ tế của cha Hạt trưởng Phú Yên và sự tham dự sốt sắng của các tham dự viên.

Bữa cơm trưa huynh đệ đạm bạc chan hòa tình cảm yêu thương giữa các Linh mục và giáo dân. Ngày họp mặt của Caritas Giáo hạt đã kết thúc trong bầu khí chân tình và tin tưởng hướng đến công việc của Caritas ngày mai.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Một bước khởi đầu?
Lữ Giang
07:38 07/07/2010
Một bước khởi đầu?

Khóa họp vòng thứ II của Nhóm Làm Việc Chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican trong hai ngày 23 và 24.6.2010. Khóa họp được đặt dưới sự đồng chủ tọa của 2 vị là Đức Ông Ettore Balestrero, Thứ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, Trưởng đoàn Tòa Thánh, và Ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Phiên họp đã đem lại một kết quả cụ thể được nhiều người chú ý: Hôm 26.6.2010 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ra thông báo cho biết:

“Hai bên cũng đã có những cuộc thảo luận đào sâu và toàn diện về các quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, đã có sự đồng ý rằng trong bước đầu, một Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định.”

(Zenit.org ngày 27.6.2010)

Qua bản thông báo này, một số câu hỏi đã đặt ra:

(1) Vị đại diện của Tòa Thánh cho Việt Nam (Representative of the Holy See for Vietnam) được nói trong bản thông báo sẽ là ai và có những nhiệm vụ gì?

(2) Vị đại diện sẽ là một Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio), tức một đại diện về ngoại giao, hay chỉ là một Khâm Sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) có nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương mà thôi?

(3) Đại diện không thường trú nghĩa là gì? Tại sao lại cử đại diện không thường trú?

Như chúng ta đã biết, quy chế bang giao quốc tế được ấn định do “Công Ứớc Vienna về Quan Hệ Ngoại Giao” (Vienna Convention on Diplomatic Relations) ngày 4.8.1961. Do đó, ngoài các quy định của Giáo Luật, Tòa Thánh cũng phải áp dụng công ước này. Nhưng tổ chức về ngoại giao của Tòa Thánh khá phức tạp, vì ngoài quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, còn có quan hệ giữa Tòa Thánh và các giáo hội địa phương. Vậy trước hết, chúng tôi xin trình bày qua khái niệm tổng quát về đại diện ngoại giao, đặc biệt là đại diện của Tòa Thánh, trước khi nói về chức vị “Đại Diện không thường trú” sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định và bước đi mới giữa Toà Thánh và Việt Nam,

ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO

Nói một cách tổng quát, đại diện ngoại giao (diplomatic representative) là một viên chức ngoại giao cao cấp của một quốc gia, hoặc được phái đến làm việc tại một quốc gia khác hay tại các tổ chức quốc tế, hoặc được gởi đi tham dự các hội nghị.

Đại diện ngoại giao gồm nhiều chức vị khác nhau, nhưng có hai nhân vật quan trọng nhất, đó là Đại Sứ (Ambassador) và Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền (Ambassador extraordinary and plenipotentiary hay Ambassador at large). Đại Sứ là một viên chức ngoại giao được quốc gia này gởi đến một quốc gia khác để thực hiện một sứ mệnh hay làm đại diện thường trực cho quốc gia đó. Đại Sứ được chính quyền sở tại công nhân sau khi trình ủy nhiệm thư. Còn Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền là một viên chức ngoại giao được trao những nhiệm vụ đặc biệt, có toàn quyền để thương lượng và ký kết các thỏa ước thay cho chính quyền của đương sự, hoặc tham dự các hội nghị quốc tế.

Điều 5 khoản 1 của Công Ước Vienna có quy định rằng sau khi thông báo cho quốc gia tiếp nhận, quốc gia gởi một đại diện ngoại giao đi có thể chỉ định viên chức này đại diện tại hơn một quốc gia, trừ khi có sự phản đối của quốc gia tiếp nhận. Nói một cách khác, quốc gia có thể cử một đại diện làm đại diện tại nhiều quốc gia khác nhau. Vì thế chúng ta mới thấy có danh từ “Resident Representative” (Đại diện Thường Trú) và “Non-Resident Representative” (Đại Diện Không Thường Trú).

Đại Sứ Thường Trú (Resident Ambassador) là một đại sứ cư ngụ tại ngay quốc gia đương sự đã trình ủy nhiệm thư. Còn Đại Sứ Không Thường Trú (Non-Resident Ambassador) không cư ngụ tại quốc gia trình ủy nhiệm thư mà cư ngụ tại một quốc gia lân cận. Như vậy một đại sứ thường trú có thể cùng một lúc làm đại sứ không thường trú tại một hay nhiều quốc gia khác. Nắm vững nguyên tắc này, chúng ta có thể hiểu về vai trò đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

SỨ THẦN TÒA THÁNH

Chương 5 của Bộ Giáo Luật, từ điều 362 đến 366, nói về các phái viên của Đức Giáo Hoàng (Legates of the Roman Pontiff). Về phương diện ngoại giao, những điều khoản này cũng phù hợp với “Công Ứớc Vienna về Quan Hệ Ngoại Giao” năm 1961. Giáo luật chỉ ấn định rõ hơn về nhiệm vụ của phái viên Tòa Thánh mà thôi.

Phái viên của Tòa Thánh khi được cử đi làm nhiệm vụ ngoại giao không được gọi là Đại Sứ mà được chính thức gọi là Apostolic Nuncio, nhưng nhiều khi còn được gọi là Papal Nuncio hay Nuncio, được dịch ra tiến Việt là Sứ Thân Tòa Thánh. Danh từ này cũng được chính thức dùng trong Công Ước Vienna 1961 (điều 14).

Chữ Nuncio phát xuất từ tiếng Latin là Nuntius có nghĩa là phái viên, sứ giả, người được sai đi (envoy). Vị được bổ nhiệm làm Sứ Thần Toà Thánh thường là một giám mục hay tổng giám mục toà hiệu (titular).

Công ước Vienna coi Sứ Thần Toà Thánh có vai trò và chức năng gióng như Đại Sứ của các quốc gia khác. Tập tục cho phép quốc gia tiếp nhận coi Sứ Thần Toà Thánh như là Niên Trưởng Ngoại Giao Đoàn (Dean of the Diplomatic Corps).

Hiện nay, Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia, trong đó có 74 quôc gia có đại diện không thường trú (non-resident)

Ngoài nhiệm vụ ngoại giao như một đại sứ, Sứ Thần Tòa Thánh còn có nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và các giáo phận tại địa phương nơi được bổ nhiệm đến. Điều 364 Bộ Giáo Luật quy định:

“Nhiệm vụ chính yếu của phái viên Tòa Thánh là lo liệu để cho dây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và đắc lực hơn...”

Điều 365 còn quy định thêm rằng phái viên của Đức Giáo Hoàng kiêm nhiệm việc đại diện ngài bên cạnh các quốc gia, ngoài việc phải tuân theo theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiệm vụ “cổ vỏ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh và chính quyền”. Khi giải quyết những vấn đề này, tuỳ theo hoàn cảnh đòi hỏi, phái viên của Đức Giáo Hoàng nên tham khảo ý kiến và lời bàn của các Giám Mục trong khu vực và thông báo cho các ngài biết những diễn tiến của tình hình.

KHÂM SỨ TÒA THÁNH

Tại các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Tòa Thánh thường gởi đến đó một Khâm Sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) để liên lạc với Giáo Hội tại quốc gia đó. Vị Khâm Sứ cũng có một cấp bậc trong Giáo Hội ngang với Sứ Thần, nhưng không được hưởng quy chế ngoại giao. Tuy nhiên, một vài quốc gia cũng đã dành cho vị Khâm Sứ một số đặc quyền về ngoại giao. Nhiệm vụ của một khâm sứ đối với Giáo Hội địa phương cũng là nhiệm vụ nói ở điều 364 và 365 của Bộ Giáo Luật như đã trích dẫn trên.

Trong hiện tại, Tòa Thánh có một khâm sứ thường trú (resident) tại Jerusalem and Palestine, các khâm sứ không thường trú (non-resident) tại 8 quốc gia là Botswana, Brunei, Burma, Comoros, Laos, Malaysia, Mauritania, Somalia, và ba vùng lãnh thổ là Arabian Peninsula, Caribbean, Pacific Ocean.

Trong lịch sử, Tòa Thánh chưa bao giờ thiết lập bang giao với Việt Nam, nhưng Tòa Thánh đã gởi nhiều vị khâm sứ đến làm việc tại Việt Nam.

Niên Giám của Tòa Thánh vẫn còn ghi Việt Nam là một quốc gia có khâm sứ, mặc dầu trong thực tế chức vụ này đã bị khiếm khuyết từ lâu.

Năm 1925, ĐGH Piô XI đã lập Toà Khâm Sứ Đông Dương và Thái Lan. Ngày 25,5,1925, ĐGM Costantino Ayuti (1876-1928) quốc tịch Italia, được bổ nhiệm làm Khâm Sứ đầu tiên ở Đông Dương. Lúc đầu, Tòa Khâm Sứ được đặt tại Hà Nội, sau được dời vào kinh đô Huế. Các Khâm sứ kế vị là Giám mục Columban Dreyer (1928-1937) và Giám mục Antonin Drapier (1937-1950) đều đặt Toà Khâm sứ tại Huế.

Năm 1950 ĐGH Piô XII đặt Đức Giám Mục Jhon Dooley, người Ireland, làm Khâm Sứ Đông Dương. Ngài đặt Toà Khâm Sứ sứ cạnh Toà Giám Mục Hà Nội.

Sau khi Cộng Sản chiếm miền Bắc, đầu năm 1959, mặc dầu Đức Khâm Sứ John Dooley đang trải qua nhiều cơn bệnh nặng, nhà cầm quyền Hà Nội đã trục xuất ngài qua Nam Vang, Kampuchia. Linh mục O'Driscoll, một giáo sĩ người Ireland, đã tạm thời đảm trách nhiệm vụ Khâm Sứ, nhưng hai tuần sau Linh mục Driscoll cũng bị trục xuất luôn. Phái Bộ Tòa Thánh tại Hà Nội buộc phải đóng cưa kể từ ngày 15.9.1959.

Khi Tòa Khâm Sứ Hà Nội không còn, Tòa Thánh quyết định lập Tòa Khâm Sứ mới Sài Gòn. Giám mục Mario Brini được cử làm Khâm Sứ Đông Dương. Nhưng năm 1961, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ai Cập và năm 1962, ĐGH Gioan XXIII bổ nhiệm Giám mục Salvatore Asta làm Khâm sứ thay thế. Nhưng năm 1964 ngài lại được cử đi làm Sứ thần tại Iran.

Ngày 17.6.1964, ĐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm Giám mục Angelo Palmas làm Khâm Sứ tại Sài Gòn. Nhưng năm 1969 ngài lại đi nhận Sứ Thần tại Colombia.

Vị Khâm sứ Tòa Thánh tại miền Nam cuối cùng là Giám mục Henri Lemaitre. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ngày 4.6.1975, Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã mời Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre tới và yêu cầu ngài phải rời khỏi Việt Nam trong một thời gian càng sớm càng tốt. Ngày 19.12.1975, ngài đã rời Việt Nam và đi nhận chức Sứ Thần tại Uganda. Từ đó đến nay, Việt Nam không có Khâm Sứ.

NHÌN VÀO HƯỚNG ĐI

Thông báo ngày 26.6.2010 của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết “một Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định”. Thông cáo này đã đặt ra hai vấn đề cần được tìm hiểu:

Vấn đề thứ nhất: Đây chỉ là quyết định đơn phương của Tòa Thánh?

Thông báo không nói chính phủ Việt Nam cũng sẽ cử một đại diện tương tự như Toà Thánh sẽ làm. Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng đây chỉ là một quyết định đơn phương (unilateral) của Toà Thánh với sự đồng ý của chính quyền Việt Nam, chứ không phải là một quyết định song phương (bilateral).

Nếu đây chỉ là một quyết định đơn phương của Tòa Thánh thì vị đại diện sắp được đề cử sẽ là một Khâm Sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) có nhiệm vụ phụ trách về quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, chứ không phải là một Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio) có nhiệm vụ ngoại giao. Nếu đúng như vậy thì đây cũng chỉ là sự tiếp nối một hoạt động đã có từ trước và đã bị gián đoạn kể từ ngày 19.12.1975, ngày Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre rời khỏi Việt Nam.

Vấn đề thứ hai: Tại sao Tòa Thánh không cử một đại diện thường trú (resident representative) mà chỉ cử một đại diện không thường trú (non-resident representative)?

Có thể nói đây là một quyết định có tính toán rất kỹ của Tòa Thánh.

Toà Thánh không có một cơ quan tình báo hải ngoại như CIA của Mỹ hay SVR của Liên Bang Nga, nhưng Tòa Thánh có một hệ thống thông tin và liên lạc để nắm vững tình hình tại những nơi có hoạt động của Giáo Hội.

Giáo Hội lại có mặt gần như khắp nơi trên thế giới. Tại những nơi này thỉnh thoảng lại xẩy ra những tranh chấp hay bất đồng hoặc trong Giáo Hội, hoặc giữa Giáo Hội với nhà cầm quyền, hoặc giữa Giáo Hội với những tổ chức khác. Vì phải liên tục giải quyết những tình trạng như thế, Giáo Hội có rất nhiều kinh nghiệm để chọn giải pháp thích hợp nhất.

Cái khó khăn mà Giáo Hội đang gặp phải ở Việt Nam hiện nay cũng là cái khó khăn mà Giáo Hội thường gặp ở các nước chậm tiến, nơi dân trí không cao và tình trạng chính trị thường bất ổn. Tại những nơi này, một số tín hữu thường muốn “chính trị hóa Giáo Hội”, biến Giáo Hội thành công cụ phục vụ cho những mục tiêu chính trị phiêu lưu của họ, trong khi đó Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhấn mạnh rằng vai trò đặc biệt của Giáo Hội trong việc cổ vỏ công lý, không phải bằng chính trị, nhưng bằng sự rao giảng Tin Mừng và cổ võ các nhân đức như bác ái và đức tin. (Zenit.org 13.11.2009).

Có lẽ vì đã nắm rất vững tình hình ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, Giáo Hội đã nhận thấy rằng trong bước đầu đặt tại đây một đại diện không thường trú là thích hợp nhất. Vị đại diện này thường là vị đại diện của Giáo Hội tại một quốc gia lân cận, như Philippines hay Thái Lan chẳng hạn. Hiện nay có hai quốc gia tại Đông Nam Á gần Việt Nam cũng đang có đại diện không thường trú của Tòa Thánh, đó là Lào và Miến Điện.

Ngày 6.7.2010
 
Văn bản thứ hai của Dòng Nữ tu Thánh Phaolô Mỹ Tho gửi ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ngày 3-7-2010
Sr. Huỳnh thị Bích Ngọc
07:55 07/07/2010
Văn bản thứ hai của Dòng Nữ tu Thánh Phaolô Mỹ Tho gửi ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ngày 3-7-2010

Văn bản của Dòng Nữ tu thánh Phaolô Mỹ Tho, địa chỉ: 14 Hùng Vương, Phường 7, Mỹ Tho - Tiền Giang gửi ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc Xây dựng Quảng trường thành phố Vĩnh Long tại số 3 Tô Thị Huỳnh, phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Đây là văn bản thứ hai của Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho gửi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp theo sau văn bản lần thứ nhất được gửi đi ngày 06-12-2009.

 
Văn Hóa
Chúa chạnh lòng thương
Ngô xuân Tịnh
17:10 07/07/2010
Mt 9, 35-38

Bước chân rao giảng tin mừng

Khắp vùng thành thị xóm làng thôn quê

Nơi đâu Chúa cũng chẳng nề

Hội đường xó chợ chẳng hề bỏ qua

Tin mừng lan tỏa mọi nhà

Ốm đau tật bệnh Người đà chữa cho

Đám đông lũ lượt hẹn hò

Như đàn chiên thật bơ vơ vì rằng

Thiếu người săn sóc dắt chăn

Chạnh lòng thương cảm người ban lời nầy:

"Lúa đồng đã chín cả đây

Nhưng ít thợ gặt ra tay thu về

Hãy xin chủ ruộng ngay đi

Sai nhiều thợ gặt thu về nhà kho"
 
Thợ gặt
Ngô xuân Tịnh
17:11 07/07/2010
Các anh hãy cứ theo tôi

Tôi làm thành kẻ lưới người mai sau (Mt 4. 19)

Nghe lời Chúa gọi thật mau

Bao tim quảng đại đua nhau đáp lời

Lúa vàng chín đã nhiều rồi

Cầu xin chủ ruộng tức thời gửi cho

Bao nhiêu thợ gặt mong chờ

Điều làm Cha được tôn vinh

Là anh em trở thành môn đệ thầy (Ga 18,8)
 
Đức Giêsu dẹp yên biển động
Ngô xuân Tịnh
17:14 07/07/2010
Mt 8, 23-27

Đức Giêsu ở trên thuyền

Các môn đệ gặp sóng dồn thật to

Con thuyền sóng đánh ập vào

Chìm trong giấc ngủ Chúa nào biết chi

Các ông vội đến gần kề:

"Xin Ngài mau cứu không thì chết thôi"

-"Tại sao nhát đảm rối bời

Lòng tin kém cỏi hẹp hòi đáng chê"

Ngài bèn chỗi dậy ngăm đe

Gió và biển động im re lặng tờ

Mọi người kinh ngạc sững sờ:

"Ai đây ? Đây thực là ai đây

Biển và gió phải vâng ngay tức thì

Thuyền đời con cũng nhiều khi

Sóng xô gió cuốn rất chi hiểm nghèo

Vững tin vào Chúa thật nhiều

Thuyền con sẽ được thả neo an toàn

Vinh danh Thiên Chúa toàn năng