Ngày 01-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:35 01/07/2020

15. Đau khổ của thế gian bức bách chúng ta trở về với Thiên Chúa, kêu gọi chúng ta ngoài Thiên Chúa ra thì không thể tìm được một sự yêu mến nào khác.

(ThánhGregory giáo hoàng)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:47 01/07/2020
62. BỐ ĐÃ THIÊU RỒI

Có một người trước khi ra khỏi nhà thì dặn con trai:

- “Nếu có người hỏi con bố đi đâu thì con phải nói là bố con có việc phải đi rất xa, con phải nấu trà tiếp đãi cho tử tế”.

Bởi vì con trai rất chậm hiểu và sợ nó quên, nên ông bố viết lại trên giấy.

Đứa con trai lấy tờ giấy bỏ vào trong tay áo, không thèm coi.

Đã qua ba ngày rồi mà không thấy có người đến, nên đứa con cho rằng tờ giấy không cần nữa bèn bỏ vào trong lửa đốt.

Ngày thứ tư, đột nhiên có khách đến hỏi bố nó đi đâu, đứa con trai hoảng hốt tìm tờ giấy trong tay áo, nhưng tìm không có, bèn nói:

- “Không có﹝沒了﹞”

Người khách rất kinh ngạc nói:

- “Chết khi mấy giờ.” (1)

Đứa con trai ấy đáp:

- “Đã thiêu tối hôm qua rồi !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 62:

Sách Cách Ngôn dạy rằng:

“Hởi các con,

hãy lắng nghe lời nghiêm huấn của bậc cha anh,

và chú ý để hiểu cho tường”.


Nhưng thời nay có những bậc cha mẹ phải nghe lời con cái chứ không phải con cái nghe lời cha mẹ, đó là một thực tế ngày càng xuất hiện ở những thành phố phát triển, đó cũng là một nhức nhối cho các bậc làm cha mẹ cũng như của những nhà giáo dục, bởi vì một khi cha mẹ nghe lời con cái hơn là con cái nghe lời cha mẹ, thì gia đình sẽ không còn là nhà trường đầu tiên của con cái nữa thì xã hội sẽ không còn được bình yên.

Việt Nam chúng ta cũng có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, và thực tế cho chúng ta thấy, không một người con nào trở thành người tốt nếu không nghe lời dạy bảo của cha mẹ.

Đứa con trai đã bỏ ngoài tai lời dạy của bố mình nên đã làm cho người khách một phen hốt hoảng.

Người Ki-tô hữu nếu bỏ ngoài tai lời dạy của cha mẹ thì họ sẽ không thể nghe lời dạy của Đức Chúa Giê-su, bởi vì cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ con cái nên người tốt, có ích cho mọi người...

(1) 沒了 nghĩa là không có, cũng còn cách đọc khác là “mo沒,歿” nghĩa là “chết”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 14 Quanh Năm A 5.7.2020
Lm Francis Lý văn Ca
14:27 01/07/2020
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ mạc khải cho chúng ta biết Ngài là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Ngài đã tụ tập bên Ngài những kẻ hiền lành và chất phác, để mạc khải những điều cao cả.

Chúng ta cầu xin Chúa, qua thánh lễ hôm nay, với những tư tưởng chúng ta chia sẻ, cũng như các bài đọc chúng ta sắp nghe, sẽ được thấm nhuần tinh thần khiêm hạ mà Chúa Giêsu muốn chúng ta noi theo.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

Trước bài I:

Trong một thị kiến, tiên tri Giacaria đã được nhìn thấy vị cứu tinh xuất hiện. Ngài đã đè bẹp ngoại bang, Ngài không oai hùng ngồi trên ngựa chiến thắng, nhưng Ngài ngồi trên lưng lừa, một con vật hiền lành.

Trước bài II:

Thánh Phaolô, nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ phải chu toàn với tư cách là thần dân của Chúa, phải mặc lấy tinh thần mới đó là tha thứ.

Trước bài Tin Mừng:

Chúa Kitô đã đến và Ngài đã thiết lập một vương quốc mới, vương quốc của sự bình an. Chúng ta đang sống trong vương quốc đó nhờ phép rửa tội. Hãy hiến dâng tâm hồn và thân xác để phục vụ vương quốc đó.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Hiệp với toàn thể Giáo Hội, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong ngày Chủ Nhật hôm nay:

1. Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta, biết dùng những tài năng Chúa ban, để phục vụ tha nhân trong khả năng và điều kiện của cá nhân hay gia đình cho phép. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta có được tinh thần phục vụ, như Chúa đã phục vụ, đến với anh chị em trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt sang hèn, phe nhóm, để kiến tạo một vương quốc yêu thương và tha thứ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta, mỗi ngày một khám phá ra, những nét đẹp nơi tha nhân, sự quảng đại và lòng nhân hậu của từng cá nhân hay gia đình của chính họ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho những khám mới qua nhãn quang mới đối với anh chị em sống chung quanh… chúng ta sẽ nối kết với nhau thành những thần dân trong một vương quốc đầy tình thương. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tín hữu của Chúa đã qua đời, những người không biết Chúa, nhưng khi còn tại thế họ đã ăn ngay ở lành, được hưởng niềm hoan lạc trong Nhà Cha muôn đời. Chúng ta nhớ đến những nạn nhân của Covid-19. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:

Lạy Chúa, qua cuộc sống trần gian, Chúa đã thiết lập vương quốc tình thương giữa xã hội, gia đình và cộng đoàn xứ đạo chúng con đang sống. Xin Chúa ban ơn để chúng con phát triển vương quốc nầy được lan rộng trong yêu thương. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen
 
Mù Tâm Linh
Lm Vũđình Tường
22:53 01/07/2020
Nói một cách đơn giản, gánh nặng cuộc đời là những lo lắng làm cho con người mất ăn, mất ngủ. Mỗi người có cách riêng để giải quyết lo lắng trong đời. Có người giải quyết cách êm thắm, nhẹ nhàng, bởi họ coi đó là trách nhiệm đời người; người khác vất vả, phấn đấu cực khổ hơn; người khác nữa than ngày, trách đêm; người khác nữa đầu hàng trước khó khăn cuộc sống. Có nhiều gánh nặng cuộc đời khác nhau, tự mình tạo ra cũng lắm và hoàn cảnh đưa đến cũng nhiều. Gánh nặng đến do ước ao đạt điều ngoài tầm tay với, hay chấp nhận trách nhiệm vượt quá khả năng. Gánh nặng đến do hoàn cảnh như thiên tai, bệnh tật, hoặc do hoàn cảnh kinh tế, xu hướng chánh trị trong đất nước. Trong tất cả các gánh nặng có lẽ kiêu ngạo là gánh nặng nhất. Bởi người kiêu ngạo tin là mình khôn ngoan hơn người, từ đó dẫn đến coi thường túi khôn thiên hạ. Người kiêu ngạo bị mù tinh thần và từ đó dẫn đến mù tâm linh. Bởi kiêu ngạo nên không chấp nhận mù tâm tinh. Họ tự tin con người đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề. Khi sự việc xấu xảy ra, kẻ kiêu ngạo tìm cách chạy tội, đổ lỗi cho hoàn cảnh, vu oan cho cá nhân khác. Thiên Chúa ban cho con người khả năng giải quyết hầu như mọi khó khăn trong cuộc sống, nhưng không phải tất cả. Bởi có những khó khăn ngoài khả năng của con người. Đó là lúc con người phải cầu cứu Thiên Chúa. Mù tâm tinh làm con người từ chối xin ơn khôn ngoan nơi Thiên Chúa. Không nhận biết Thiên Chúa nói với nhân loại qua Đức Kitô, chính là mù tâm linh. Người có đời sống khiêm nhường biết chấp nhận giới hạn của mình, giới hạn của vật chất. Họ đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất. Đức Kitô không những đã cầu nguyện cho họ và còn ca ngợi họ khôn ngoan. 'Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen cha, vì cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn'. Mat 11, 25. Thời Đức Kitô, 'người bé mọn' là thường dân luôn vất vả phục vụ giới lãnh đạo; 'bậc khôn ngoan, thông thái' chính là lãnh đạo thường dân, họ kết hợp với quân ngoại bang La Mã hành hạ dân lành, để được hưởng bổng lộc, chức tước quân La Mã ban tặng. 'Bậc khôn ngoan, thông thái' tự nhận họ khôn ngoan không cần ai hướng dẫn, chỉ bảo vì thế họ chê trách Đức Kitô và tìm cách giết Ngài. Họ không nhận biết con người dù khôn ngoan tài giỏi đến đâu cũng chẳng là gì khi đối diện trước Thiên Chúa. 'Bậc khôn ngoan, thông thái' tự nhận thông hiểu vì thế họ mù mờ về giáo huấn của Đức Kitô. Điều khác biệt giữa giới lãnh đạo và thường dân chính là cái nhìn khác biệt. Nhóm lãnh đạo tự cho mình khôn nên trọng tiền, bổng lộc. Thường dân khiêm tốn nhận biết mình thiếu sót nên đón nhận Giáo Huấn Đức Kitô, nhờ giáo huấn Ngài thánh hóa, khai sáng, hướng dẫn. Họ đón nhận Giáo Huấn Đức Kitô và nhận ơn khôn ngoan Đức Kitô trao ban.

Môn đệ Đức Kitô được chúc lành không phải là gánh nặng cuộc đời của họ nhẹ hơn, mà chính là được Đức Kitô cầu nguyện cho. Không gì tốt đẹp, quí mến, cao trọng và bền vững hơn bằng lời cầu của Đức Kitô vì lời cầu đó liên kết Kitô hữu với Chúa Cha (Gioan 17, 9-10). Khi Thiên Chúa bảo vệ Kitô hữu, ai có thể hãm hại Kitô hữu. Đức Kitô cầu cho Kitô hữu, đồng hành với họ, hướng dẫn trên đường về nhà Cha. Đức Kitô không sống cho mình nhưng sống cho Chúa Cha, Kitô hữu không sống cho mình nhưng sống cho Đức Kitô.

Kitô hữu không phải vác gánh nặng cuộc đời một mình nhưng có Thiên Chúa thêm sức mạnh, tăng niềm tin, ban sinh lực để họ chu toàn nghĩa vụ cuộc sống. 'Tất cả những ai đang vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng' Mat 11, 28 Từ chối đón nhận Đức Kitô đồng nghĩa với từ chối lời mời ở lại trong Ngài để được nghỉ ngơi. Điều này có nghĩa từ chối Đức Kitô nâng đỡ, bổ sức. Họ một mình vác gánh nặng cuộc đời.

Học từ Đức Kitô để biết sống trong tình yêu Chúa, biết sống khiêm nhường, bác ái. Những điều này là đường dẫn đến sự sống đời này và sự sống trường sinh, đời sau. 'Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng' Mat 11, 29-30. Nghỉ ngơi trong Đức Kitô có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nghỉ làm việc, dành thời giờ cho việc thờ phượng, kính mến Chúa, bởi cầu nguyện chính là lúc làm cho tâm hồn lắng đọng, tâm trí thanh thản, thân thể thoải mái, gánh nặng, mối lo tan dần hoặc chìm xuống. Nghỉ ngơi theo nghĩa thứ hai quan trọng hơn, cần thiết hơn, đó chính là an nghỉ trong Chúa 'Nơi an nghỉ cuối cùng'. Câu 'Tâm hồn anh em được nghỉ ngơi' chính là lúc tâm hồn ta xa lìa cõi trần bước vào nghỉ ngơi trong nhà Chúa.

Môn đệ Đức Kitô không tránh khỏi lao nhọc, vất vả, tuy nhiên dựa vào khiêm tốn, phục vụ, và nâng đỡ, gánh nặng trở nên nhẹ hơn, nghỉ ngơi cho lại sức. Kitô hữu cầu xin biết quí trọng việc an nghỉ trong Chúa.

TiengChuong.org

Wisdom Blindness

Put in simple terms, a heavy burden means something that disturbs a person's sleeping pattern. People respond to life burdens differently. Some deal with them in a calm and responsible manner, others struggle hard to deal with them, others again are deeply upset about them. There are different kinds of burdens, and the worst of them all is pride, because it blinds a person to appreciating others people's wisdom. Pride is unspiritual. A person with pride prefers to believe in his/her own ability in dealing with all life matters. God gives us wisdom to deal with life's problems, but not all of them. Pride blinds a person to seeing the value of Jesus' teaching. Failing to see the hand of God working through Jesus, both in the world, and in each one of us, is a spiritual blindness. Humility helps a person to value spiritual needs before material needs. Jesus praised His disciples and prayed for them. ' bless you, Father, Lord of heaven and of earth, for hiding these things from the learned and the clever and revealing them to mere children. Mat 11, 25. At the time of Jesus, 'mere children' were slaves, not their leaders. Their leaders worked for the Roman Empire to receive privilege, power, and wealth from the Romans. These leaders relied on their own wisdom, and knowledge. Jesus' teaching made no home in them. They failed to see, that human wisdom was nothing, or obsolete, compared to God's. They claimed they had great insight, and yet they failed to recognize the true faith Jesus taught. The difference between 'the leaders' and 'mere children' was, that the former saw things from the angle of self- indulgence, while the latter saw with the eyes of faith. Having faith in Jesus was the greatest insight of all insights. Those who welcomed Jesus received God's great blessings.

First, Jesus' disciples were blessed not because their lives had less heavy burdens, but because Jesus prayed for them. Nothing is better than Jesus' prayers, because His prayers united them to God (John 17, 10), and nothing could harm them. Jesus prayed for them, and walked with them. He was their companion on the journey. Jesus lived not for Himself but for God. Jesus' disciples live not for themselves, but for Jesus.

Second, Jesus' disciples had a safe haven when they felt overburdened. 'Come to me, all you who labour and are overburdened, and I will give you rest'. Mat 11, 28. Spiritual relaxation means feeling God's love, and tender care which is real, and relevant to life's situations. Without such care one has to carry life's burdens alone, and they seem endless.
Third, learning from Jesus means to live a life of humility, and gentleness. It is God's way, and God's way is life giving, a way that leads to worthwhile life, and everlasting life.

'Learn from me, for I am gentle and humble in heart, and you will find rest for your souls. For my yoke is easy and my burden light' Mat 11, 29-30.

The word 'rest' here has double meanings. Rest is good for our physical body. We all need it. More importantly, rest refers to the spiritual rest, and most importantly, it is RIP- 'Rest for your souls'. For Jesus' disciples, rest in Christ means everlasting salvation. Jesus' disciples are not free from heavy burdens. However, in providing humble service we can soften the yoke and lighten life's heavy burdens.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đài Đức Bà Đen cũng bị phá tại Hòa Lan
Thanh Quảng sdb
04:37 01/07/2020

Đài Đức Bà Đen cũng bị phá tại Hòa Lan. Hãy cầu nguyện cho hòa bình thế giới của chúng ta!
Thanh Quảng sdb

Những kẻ phá hoại đã vẽ nghệch ngoạc lên một di ảnh Đức Mẹ Częstochowa ở Breda, một bức ảnh mà người Công Giáo vẫn gọi là Black Madonna (Đức Bà Đen) ởmột thành phố ở miền nam nước Hòa Lan.

Đây là tượng đài của một bức di ảnh Đức Bà Đen mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện trong một lần tông du tới Hòa Lan. Hàng năm cũng có cả triệu người Ba Lan tại Hòa Lan hay các nơi trên thế giới hành hương về đây để kính viếng…

Chắc chắn Đức Bà Đen không dính dáng gì tới phong trào đòi quyền sống của những người da đen (Black Lives Matter)! Mặc dầu phong trào này ở Breda có tổ chức một cuộc biểu tình cách đây khoảng một tuần, cách đài tưởng niệm này khoảng nửa dặm. Người phát ngôn của phong trào BLM là ông Patrick van Lunteren cho hay rằng ông không biết tại sao việc phá hoại này lại xảy ra?

Được biết di ảnh Đức Bà Đen này (Black Madonna) ở Breda đã được dựng lên bởi Tướng Maczek, người Ba lan, ông tạ ơn Đức Mẹ sau khi giải phóng thành phố này khỏi tay quân đội Đức quốc xã vào năm 1944.

Di ảnh Đức Bà Đen của Częstochowa gốc, hiện được lưu giữ ở đồi Claro Monte, còn được gọi là Đức Bà của Tu viện Jasna Góra ở Częstochowa, Ba Lan. Đức Giáo Hoàng Clement XI đã tôn vinh di ảnh thánh này vào ngày 8 tháng 9 năm 1717.

Theo lịch sử thì vào cuối tháng 8 năm 1384, Hoàng tử Ladislaus (Władysław) khi đi ngang qua Częstochowa, mang theo bức di ảnh này, thì ngựa của ôngkhông chịu đi nữa và trong một giấc mơ ông được mời để di ảnh lại tu viện Jasna Gora.

Theo sử học, chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật cho rằng bức di ảnh này có nguồn gốc từ thời Byzantine, khoảng thế kỷ thứ sáu hoặc thứ chín. Các nhà sử học đồng ý rằng chính Hoàng tử Ladislaus đã mang di ảnh tới tu viện ở đồi Jasna Gora này vào thế kỷ thứ 14.

Ngày nay Tu viện Jasna Gora xây một Vương cung Thánh đường lớn để lưu giữ bức di ảnh Đức Bà Đen c(Black Madonna). Tại đây, nay là một trung tâm hành hươnglớn và quan trọngbậc nhất tại Ba lan. Mọi người dân Ba lan đều ước ao đến đó ít là một lần trong cuộc sống của họ!

Cao điểm của các cuộc hành hương tuôn về đồi Jasna Gora để kính viếng di ảnh Đức Bà Đen là dịp lễ Đức Mẹ lên trời 15/8 hàng năm. Trong dịp này, có hàng trăm ngàn người Ba lan khắp nơi trên đất nước, hành hương băng qua núi rừng, vừa đi vừa cầu nguyện tiến về đồi Jasna Gora. Chính quyền đia phương các nơi đã làm nhiều trạm dừng chân, có đầy đủ tiện nghi nhà vệ sinh, lò ga, nước để nấu ăn… cho khách hành hương có chỗ dừng chân ăn ngủ qua đêm trên đường hành trình về Jasna Gora.

Trong hai lần hành hương, chúng tôi được may mắn tới kính viếng di ảnh Đức Bà Đen, dâng thánh lễ trong Vương cung thánh đường và có dịp lên chiêm ngưỡng và cầu nguyện trước di ảnh thánh này.
 
Chính quyền Trump nói Huawei, Hikvision được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn
Đặng Tự Do
04:55 01/07/2020

Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã xác định rằng các công ty hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm công ty viễn thông khổng lồ Huawei Technologies và công ty video giám sát Hikvision là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Tuyên bố này đặt nền móng cho các lệnh trừng phạt tài chính mới của Hoa Kỳ.

Năm ngoái, 2019, Washington đã đưa Huawei và Hikvision vào danh sách đen vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Hoa Kỳ cũng đã dẫn đầu một chiến dịch quốc tế thuyết phục các đồng minh của mình loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của họ.

Một tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã liệt kê 20 công ty hoạt động tại Hoa Kỳ mà Washington cáo buộc được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn đã được báo cáo lần đầu tiên bởi Reuters.

Tài liệu của Bộ Quốc phòng cũng bao gồm Tập đoàn Truyền thông di động Trung Quốc và Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc cũng như nhà sản xuất máy bay Hàng không Dân sự của Trung Quốc.

Tài liệu này được soạn thảo bởi Bộ Quốc phòng, theo một đạo luật vào năm 1999 nhằm điều tra các công ty liên kết với quân đội Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ, thuộc quyền sở hữu hoặc dưới quyền kiểm soát của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong các dịch vụ thương mại, sản xuất, nhập khẩu hoặc xuất khẩu.

Tuyên bố của Ngũ Giác Đài không kích hoạt ngay các hình phạt, nhưng theo luật pháp Hoa Kỳ tổng thống có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt bao gồm việc tịch thu tất cả tài sản của các bên được liệt kê.

Huawei, China Mobile, China Telecom, AVIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận của thông tấn xã Rueters.

Hikvision gọi các cáo buộc của Ngũ Giác Đài là “vô căn cứ” và lưu ý rằng công ty này không phải là một công ty của quân đội Trung Quốc, và chưa bao giờ tham gia vào bất cứ công việc nào liên quan đến cho các ứng dụng quân sự. Tuy nhiên, họ nói họ muốn làm việc với chính phủ Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề này.

Ngũ Giác Đài đã chịu áp lực từ các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ để công bố danh sách này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh về công nghệ, thương mại và chính sách đối ngoại.


Source:Reuters
 
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trừng phạt những ai ủng hộ chính sách của Trung Quốc tại Hương Cảng
Đặng Tự Do
04:56 01/07/2020

Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trừng phạt những người ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự trị của Hương Cảng. Luật mới đã được các nhà lập pháp nhất trí thông qua và được gọi là Đạo Luật Về Quyền Tự Trị Của Hương Cảng. Biện pháp này là phản ứng mới nhất của Hoa Kỳ đối với luật an ninh mới của Bắc Kinh đối với lãnh thổ này là điều đang báo động cả các chính phủ nước ngoài lẫn các nhà hoạt động dân chủ. Trung Quốc nói rằng luật mới được thiết kế để ngăn chặn sự ly khai, lật đổ và can thiệp từ bên ngoài vào Hương Cảng.

Các nhà phê bình nói rằng luật an ninh mới sẽ đè bẹp các quyền tự do quan yếu nhất của người dân Hương Cảng. Dự luật của Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với những người hoặc các công ty nào ủng hộ những nỗ lực của Bắc Kinh, bao gồm cả các ngân hàng làm ăn với bất kỳ những ai bị phát hiện ủng hộ một cuộc đàn áp ở Hương Cảng. Nó có khả năng loại bỏ các công ty này khỏi tư cách là các đối tác của Mỹ và hạn chế quyền truy cập của họ đối với các giao dịch bằng đô la Mỹ. Đạo Luật Về Quyền Tự Trị Của Hương Cảng hiện đã được chuyển sang cho Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Trump ký thành luật.

Trong khi đó, nhà cầm quyền Hương Cảng đang chuẩn bị ráo riết cho việc áp dụng luật an ninh mới. Luật này đã vấp phải sự chống trả của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong thành phố. Một cuộc thăm dò được thực hiện cho Reuters cho thấy sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình đã giảm từ 58% trong tháng 3 xuống còn đa số là 51%. Một dự thảo của luật an ninh vẫn chưa được hoàn thiện. Và vẫn chưa rõ những hoạt động nào sẽ cấu thành tội phạm và hình phạt sẽ là gì.

Chính quyền Hương Cảng và Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định quyền và tự do của đại đa số dân chúng sẽ không bị sứt mẻ và rằng luật mới sẽ chỉ nhắm tới một số ít người mà họ gọi là “những kẻ gây rối”. Tuy nhiên, luật mới đã khiến tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ bắt đầu loại bỏ các đặc quyền kinh tế đối với Hương Cảng vì tổng thống nói Hương Cảng đó không còn là một lãnh thổ tự chủ.

Một số tính năng chính của luật an ninh mới đã được tiết lộ. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có quyền hạn bao trùm trong việc thực thi luật pháp, bao gồm cả tiếng nói cuối cùng về cách giải thích luật.


Source:Reuters

 
Bào Huynh của Đức Giáo Hoàng Danh Dự là Đức ông Georg Ratzinger đã qua đời ở Regensburg.
Thanh Quảng sdb
06:22 01/07/2020
Bào Huynh của Đức Giáo Hoàng Danh Dự là Đức ông Georg Ratzinger đã qua đời ở Regensburg.

Vị linh mục người Bavaria cao tuổi đã phải nhập viện ở Regensburg, Bavaria, nơi ngài sống và cũng là nơi ngài được em mình là ĐTC Danh dự Joseph Ratzinger thăm viếng lần cuối ít ngày trước đây.

(Tin Vatican)

Đức ông Georg Ratzinger, anh lớn của Đức Giáo Hoàng danh dự, đã qua đời ở tuổi 96. Ngài đã phải nhập bệnh viện ở Regensburg, thành phố mà ngài sinh sống hầu như cả cuộc đời. Với cái chết này, Đức Thánh Cha danh dự Joseph Ratzinger - là thành viên duy nhất cuối cùng trong gia đình còn sống. Gia đình có hai anh em - một nhạc sĩ và là ca trưởng của một ca đoàn nổi tiếng, và người thứ hai là một nhà thần học và sau đó là Giám mục, Hồng Y, và cuối cùng là Giáo hoàng – Cả hai được phong chức linh mục cùng ngày, và luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Đức ông Georg Ratzinger được sinh ra ở Pleiskirchen, Bavaria, vào ngày 15 tháng 1 năm 1924, ngài bắt đầu chơi đàn organ cho nhà thờ giáo xứ lúc mới lên 11. Năm 1935, ngài vào tiểu chủng viện ở Traunstein, nhưng năm 1942, ngài bị động viên quân dịch tại Reichsarbeitsdienst và sau đó tại Wehrmacht, ngài đã bị đẩy ra mặt trận ở Ý. Bị quân Đồng minh bắt vào tháng 3/1945, ngài bị bắt làm tù binh ở Napoli trong vài tháng trước khi được thả tự do và được trở về với gia đình. Năm 1947, cùng với em trai là Joseph, cả hai gia nhập chủng viện Herzogliches Georgianum ở Munich. Và ngày 29 tháng 6 năm 1951, cả hai anh em, cùng với khoảng bốn mươi bạn khác, được chịu chức linh mục trong Nhà thờ Chính tòa của Đức Hồng Y Michael von Faulhaber cai quản.

Sau khi điều hành dàn hợp xướng ở Traunstein trong ba mươi năm, từ năm 1964 đến 1994, Cha Georg đã trở thành đại sư (Kappelmeister) của dàn hợp xướng tại nhà thờ Regensburg, Regensburger Domspatzen. Ngài đã đi khắp thế giới để biểu diễn các buổi hòa nhạc và điều khiển nhiều bản trường ca được thu âm cho công ty Deutsche Grammophon, Ars Musici và nhiều hãng thu âm quan trọng khác, đặc biệt các bản nhạc của các nhạc sư Bach, Mozart, Mendelssohn và nhiều nhà soạn nhạc khác.

Vào ngày 22 tháng 8 năm 2008, Thị trưởng của thành phố Castel Gandolfo đã trao quyền công dân danh dự cho Đức ông Georg, và nhân dịp này, Đức Thánh Cha Danh Dự Benedict XVI đã nói về anh của mình, không chỉ là một người bạn đồng hành, mà còn là một vị linh hướng đáng tin cậy. Đối với tôi, anh là một điểm tựa để định hướng, để tham khảo và dẫn tới các quyết định chung với nhau. Anh ấy luôn góp ý cho tôi con đường phải đi, ngay cả trong những tình huống khó khăn.

Anh Georg Ratzinger kể, khi còn nhỏ cả hai anh em chúng tôi đều là lễ sinh phục vụ bàn thờ và phục vụ Giáo hội. Ngài đã chia sẻ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu: Được chịu phép Thêm xức tại Tittmoning, từ Đức Hồng Y Michael Faulhaber, vị Tổng Giám mục nổi tiếng của thành phố Munich. ĐTC danh dự lúc đó rất ấn tượng về ĐHY và mơ ước tương lại mình cũng sẽ trở thành một Hồng Y như vậy. Nhưng, chỉ vài ngày sau cuộc gặp gỡ đó, ngài gặp một họa sĩ vẽ tranh trên tường nhà, thì ngài lại có ước mơ khi lớn lên, ngài sẽ trở thành một họa sĩ…

Khi nhớ lại những năm đen tối của thế chiến, ba thì chống lại chủ nghĩa phát xít, và anh Georg thì đam mê âm nhạc nên cả gia đình chúng tôi đều yêu thích âm nhạc. Ba thì đánh đàn tranh vào mỗi tối. Chúng tôi cùng hát với nhau. Thật gia đình chúng tôi dùng âm nhạc để ca ngợi Chúa. Bị ảnh hưởng của gia đình, nên tôi cũng đam mê âm nhạc và chơi đàn Dương cầm...

Đức ông Georg là một người thẳng thắn, không thích ngoại giao ngoắt nghéo! Một ví dụ điển hìanh là anh không mừng khi thấy em mình được bầu chọn vào chức vụ Giáo hoàng vào tháng 4 năm 2005! Đức ông Georg chia sẻ ngài không mong đợi điều đó! Tuy nhiên, khi được chọn làm Hồng Y thì chúng tôi ý thức hai anh em sẽ ít gặp nhau hơn và theo thánh ý Chúa muốn mình cầm đầu Giáo hội, thì mình không thể thoái thác!

Vào năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí của Đức, Đức ông Georg Ratzinger chia sẻ nếu em tôi không thể chu toàn trọng trách vì tình trạng sức khỏe, thì em tôi nên can đảm từ chức. Và ngài là một trong những người đầu tiên được chia sẻ quyết định từ nhiệm này, nhiều tháng trước về quyết định lịch sử của Đức Benedict, từ nhiệm chức vụ Giáo hoàng, Đại diện Thánh Phêrô ở trần gian, vì lý do tuổi tác.

Đức ông Georg chia sẻ: Em tôi mong muốn có sự bình an ở tuổi già. Bất chấp đôi chân yếu và sức khỏe của mình, Đức Nguyên Giáo hoàng đã bay từ Rome đến Regensburg để thăm anh mình.

Đức ông Georg cũng xuất hiện, trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, cũng như trong các phim tài liệu do phóng viên Tassilo Forchheimer thực hiện cho đài truyền hình Bayerischer Rundfunk của vùng Bavaria, và đã được phát sóng vào tháng 1 năm 2020.
 
Tòa Giám Mục Regensburg cho biết về nghi thức an táng cho Đức Ông Georg Ratzinger
Đặng Tự Do
13:09 01/07/2020
Thông tin từ Tòa Giám Mục Regensburg về nghi thức an táng cho Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Tư mùng một tháng Bẩy, sau cái chết của Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, ông Clemens Neck, phát ngôn nhân của giáo phận Regensburg cho biết như sau:

“Đức Ông Georg Ratzinger đã qua đời vào sáng thứ Tư ở tuổi 96. Giáo phận đang chuẩn bị cho tang lễ ngài. Các chi tiết đến nay vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lo liệu mọi sự với giả định rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sẽ không trở lại Regensburg một lần nữa.”

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã thăm bào huynh của ngài trong 5 ngày từ 18 đến 22 tháng 6. Ngài có vẻ yếu nên giáo phận không nghĩ là ngài có thể thực hiện một chuyến trở lại Regensburg lần thứ hai.

Trong khi đó, Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục giáo phận Regensburg đã lên tiếng ca ngợi Đức Ông Georg Ratzinger, một nhạc trưởng của dàn hợp xướng nhà thờ chính tòa Regensburg, như một người “anh em linh mục” và một “điểm tham chiếu” cho giáo phận.

Ngài nói: “Nhạc của Đức Ông Ratzinger là một trường cầu nguyện, những giáo huấn về đức tin và các bài giảng đi sâu vào lòng người. Vô số các cử hành phụng vụ trong nhà thờ chính tòa Regensburg và các nhà thờ khác đã có được vẻ đẹp, sự ấm áp và thanh thoát nhờ vào âm nhạc của ngài. Ngài có khả năng biến một phòng hòa nhạc thành một nhà cầu nguyện.”

Đức Cha Voderholzer đã cảm ơn anh trai của Đức Bênêđíctô thứ 16 vì “sứ vụ linh mục rất đặc biệt” của ngài.


Source:Die Tagespost
 
Tòa Thánh họp mặt với Đại sứ Hoa Kỳ và Israel: Hành động đơn phương sẽ gây bế tắc cho hòa bình ở Trung Đông
Thanh Quảng sdb
18:19 01/07/2020
Tòa Thánh họp mặt với Đại sứ Hoa Kỳ và Israel: Hành động đơn phương sẽ gây bế tắc cho hòa bình ở Trung Đông

Đức Hông Y Ngoại trưởng Vatican đã gặp gỡ các Đại sứ Hoa Kỳ và Israel để bày tỏ mối quan ngại của Tòa Thánh "về các hành động đơn phương có thể gây ra bế tắc cho tiến trình hòa bình ở Trung đông" và tái xác quyết quan điểm của mình là cả Israel và Palestine đều có quyền tồn tại và sống chung hòa bình trong các biên giới được quốc tế công nhận.

(Tin Vatican)

Tòa Thánh tái khẳng định giải pháp hai quốc gia tại Đất Thánh

Văn phòng Báo chí Tòa thánh đưa ra một tuyên bố vào tối thứ Tư liên quan đến cuộc họp đã diễn ra vào thứ ba. Đức Hồng Y Parolin đã "gặp các Đại sứ Hoa Kỳ và Nhà nước Israel", và đưa ra một tuyên cáo, trong đó có đoạn: Tòa thánh bày tỏ mối quan ngại "liên quan đến các hành động đơn phương có thể gây nguy hại cho tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine, cũng như tình huống tế nhị tại Trung Đông".

Tuyên bố cho hay tiếp: "Như đã tuyên bố vào ngày 20 tháng 11 năm 2019 và ngày 20 tháng 5 năm 2020, Tòa Thánh nhắc lại rằng Nhà nước Israel và Nhà nước Palestine có quyền tồn tại và sống chung hòa bình và an ninh, trong các biên giới được quốc tế công nhận. Do đó, Tòa thánh kêu gọi các bên tìm mọi cách để mở lại các cuộc đàm phán trực tiếp, trên cơ sở các nghị quyết của Liên hiệp quốc, để có thể tái lập niềm tin vào nhau, 'can đảm' đối thoại chứ không xung đột, không bạo lực và không thù địch với nhau; tôn trọng thỏa thuận và không khiêu khích; chân thành chứ không lặt lọng! (Trích lời kêu gọi xây dựng hòa bình tại Thánh địa của Đức Thánh Cha tại Vườn Vatican vào ngày 8 tháng 6 năm 2014).
 
‘Em trai tôi, Đức Bênêđíctô XVI’ — Một cuộc phỏng vấn Đức Ông Georg Ratzinger
Vũ Văn An
18:36 01/07/2020

Bào huynh của Đức Bênêđíctô XVI vừa qua đời hôm qua 1 tháng 7, 2020 tại Regensburg, hưởng đại thượng thọ 96 tuổi, sau khi được “Em trai tôi” vượt ngàn dặm, tới thăm viếng lần cuối cùng cách nay hai tuần lễ.

Nhân dịp này, tạp chí National Catholic Register cho đăng lại bài phỏng vấn Đức Ông Ratzinger của phóng viên Robert Rauhut thực hiện năm 2008 giữa lúc Đức Bênêđíctô XVI viếng thăm Hoa Kỳ.

Bài phỏng vấn ấy cũng đã được chúng tôi đăng tải phần đầu trên Vietcatholic ngày 14 tháng 9 năm 2008. Xin phổ biến lại phần ấy dưới đây:




Khi Em Trai Làm Giáo Hoàng

Trước khi Đức Bênêđictô XVI qua Mỹ, tạp chí The National Catholic Register có thực hiện một cuộc phỏng vấn người anh ruột của ngài là Đức Ông George Ratzinger, người thân duy nhất của ngài hiện còn sống. Ký giả Robert Rauhut gặp và nói chuyện với vị giáo sĩ này tại căn nhà nhỏ ở thành phố lịch sử Regensburg, vị giáo sĩ được anh mô tả là nồng ấm, thân thiện và đạo đức.

Tuổi Nhỏ Ở Bavaria

Đức ông, em trai và em gái đức ông đã giữ đức tin cách nào trong những lúc khó khăn thời niên thiếu?

Ngay từ đầu, Mẹ Thiên Chúa đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống thiêng liêng của chúng tôi.

Trong nhà cha mẹ chúng tôi, chúng tôi thường qùy dưới đất đọc Kinh Mân Côi, tay tựa vào ghế dựa. Điều ấy cho chúng tôi thấy rất sớm tầm quan trọng của Mẹ Thiên Chúa đối với người Kitô Hữu.

Chúng tôi cũng giữ nhiều ngày lễ kính Đức Mẹ. Mẹ và chị gái tôi đều lấy tên Maria. Hiển nhiên, tên ấy rất quan trọng trong gia đình tôi. Chúng tôi cũng đến Đền Altotting (một trong các đền Đức Mẹ nổi tiếng nhất Âu Châu). Chúng tôi biết chúng tôi mang ơn Mẹ Thiên Chúa nhiều lắm và có thể đem mọi ưu tư của chúng tôi đến với Ngài.

Lần chuỗi Mân Côi, các buổi đọc kinh ban trưa Chúa Nhật, các cuộc rước kiệu ngày Lễ Mình Thánh Chúa ở Bavaria: các thực hành lòng đạo bình dân này khiến cho đức tin người ta trở nên bản thân, không trừu tượng hay hình thức nhưng thiết thân, nhân bản, êm ái và qúy hóa, một đức tin đi vào câu truyện đời mình và đòi cho được một chỗ đứng thiết yếu.

Đức ông và người em trai của đức ông đều bị động viên vào quân đội Đức lúc còn thiếu niên. Ngài thoát qua kinh nghiệm ấy ra sao?

Nói chung, đó là thời kỳ đầy nôn nóng, chờ đợi và hy vọng, hy vọng nó sẽ chấm dứt và mình có thể sống thoát. Người ta không chú tâm chi đến hiện tại, mà luôn hướng về tương lai. Tôi xin đơn cử một thí dụ. Một đêm kia, chúng tôi được trao nhiệm vụ sửa đường giây điện thoại. Bầu trời lúc ấy được một đám cháy rừng vĩ đại thắp sáng, và ai trong chúng tôi cũng nghĩ: mình phải sống qua đêm nay. Cứ thế chúng tôi hy vọng sống thoát để có được cuộc sống bình thường, cuộc sống dân sự, trong đó mình có hể thực hiện được các kế hoạch trong đời, tham gia một nghề nghiệp, chuẩn bị một tương lai và rồi thực hiện được tương lai ấy, nghĩa là trở về cuộc sống có trật tự.

Lúc kết thúc chiến tranh, giống như em trai của đức ông, đức ông từng bị bắt làm tù binh. Em trai của đức ông nói rằng ngài không bao giờ quên được niềm vui được trở về nhà.

Tôi bị Mỹ bắt làm tù binh, ở miền Nam nước Ý gần Vesuvius, và không có bất cứ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết rằng mọi sự đang rối tung khắp hướng ở Đức, rằng người Mỹ đang tới, và người Đức đang cố đánh trận đánh cuối cùng. Nhưng tôi không biết liệu cha mẹ tôi còn sống hay không, chị gái và em trai tôi ra sao. Nhà chúng tôi còn đó hay không? Tôi thật sự không biết gì cả.

Đầu tháng Bẩy, chúng tôi được tầu chở lên miền Bắc rồi đi xe búyt tới Bad Aibling (một trại tù binh khổng lồ). Ở đó ít ngày, rồi chúng tôi được thả. Người Mỹ dùng xe tải chở chúng tôi về quê cũ. Tôi vội chạy về nhà và muốn biết xem “Có ai còn sống không? Vẫn những người cũ ở đấy đấy chứ? Nhà tôi còn đó không? ”. Ôi, mẹ tôi đang đứng ngay tại giếng, cha tôi thì ở trong nhà, em trai tôi cũng được thả khỏi tù, và cả chị gái tôi cũng đang có mặt. Đấy có lẽ là giây phút ngọt ngào nhất trong suốt cuộc đời tôi.

Về Nước Mỹ

Đức ông đã cùng ca đoàn Regensburg thăm viếng nước Mỹ. Đức ông còn nhớ nước đó không?

Đó là một đất nước rộng lớn với nhiều bộ mặt khác nhau. Các buổi trình diễn của chúng tôi đặc biệt thu hút người Đức lưu vong. Họ rất vui được gặp lại người từ quê cha và được nghe những bài ca đem quê hương lại gần họ.

Tôi nhớ một buổi phụng vụ trong nhà thờ ở Boston, trong đó chúng tôi cũng có hát. Qủa là một buổi lễ đầy nhân bản, thân ái, không gò bó. Chúng tôi rất thích. Đó là khía cạnh quan trọng nhất.

Tôi cũng nhớ có đến tiệm McDonald và rất lấy làm lạ thấy các anh ăn xong liệng hết chén dĩa đi. Nhưng lẽ dĩ nhiên, các anh cũng có nền văn hóa biết ăn trong khung cảnh tư riêng của đời sống Mỹ, bên ngoài các tiệm ăn lẹ.

Em trai đức ông sắp sửa thăm viếng nước này. Đức ông có nỗi sợ hay niềm mong ước gì không?

Tôi không hề sợ có chuyện xẩy ra. Tại Mỹ, khó có mưu toan ám sát. Tuy nhiên sợ là sợ không biết ngài có thành công trong việc thực hiện được các hoài mong của công chúng hay không thôi.

Ngài vốn có tài năng biết nói với người khác, tỏ ra một con người nhân bản đầy thiện cảm. Tôi hy vọng điều ấy sẽ rõ ràng đối với mọi người ở Mỹ.

Cuộc thăm viếng này không những chỉ có khía cạnh nhân bản, mà đặc biệt còn có khía cạnh tôn giáo nữa. Tôi hy vọng ngài sẽ làm cho đức tin thành thiện cảm, đáng tin. Đó mới là mục tiêu thực sự của cuộc thăm viếng mục vụ này. Đây không phải là vấn đề đi du lịch.

Tôi thực sự hy vọng rằng điều ấy sẽ thành công ở mọi giới ngài đến thăm. Hy vọng nó sẽ đem lại cho Giáo Hội Hoa Kỳ một thúc đẩy về mục vụ.

Thăm Đức Giáo Hoàng

Bây giờ em trai của đức ông đã là giáo hoàng. Đức ông nhớ gì về cuộc đến thăm ngài mới đây nhất, dịp lễ Giáng Sinh?

Thường thường chúng tôi dâng lễ với nhau vào buổi sáng. Em trai tôi là chủ tế: các thư ký và tôi cùng đồng tế. Sau thánh lễ, chúng tôi im lặng tạ ơn. Rồi ngài đọc sách nguyện cho tôi nghe; vì mắt tôi lôi thôi lắm. Tôi không còn đọc sách nguyện được nữa.

Chúng tôi cũng đọc kinh sáng (lauds) và kinh trưa với nhau. Tôi phải bằng lòng với Kinh Mân Côi thôi. Ngài đọc trọn bộ sách nguyện bằng tiếng Latinh.

Rồi chúng tôi dùng điểm tâm, với một số người khác. Sau đó tôi về phòng riêng. Đôi khi, Nữ Tu Christina đọc to một vài điều cho tôi nghe. Tôi nghe khá nhiều CD.

Trước bữa trưa mấy phút, ngài tới mời tôi, chúng tôi cùng nhau xuống dùng bữa. Ở đó đã có một số các vị thư ký. Ngài lưu tâm đến việc đi bộ, đến vận động, vì điều ấy quan trọng đối với tình trạng thể lý của ngài.

Tôi còn nhớ có lần chúng tôi được lái xe xuống Hang Đức Mẹ Lộ Đức trong Vườn Vatican. Tình trạng của tôi tệ đến nỗi không đi bộ xuống đó được. Và ở đó, chúng tôi cùng lần chuỗi Mân Côi với nhau. Rồi chúng tôi tản bộ trong chốc lát và sau đó gặp nhau ở bữa tối.

Ăn tối xong, chúng tôi xem tin tức trên Đài RAI (Đài Truyền Hình Ý), rồi tản bộ một lần nữa, đọc kinh tối (compline) và thế là hết ngày.

Các ngài có nhiều thì giờ để chuyện trò với nhau không?

Chút chút thôi, nhưng chúng tôi đã có những giờ ăn chung với nhau, cử hành Thánh Thể, đọc kinh Mân Côi buổi chiều và hầu hết buổi chiều Chúa Nhật, sau giờ nghỉ trưa, nhất là lúc ở Castel Gandolfo.

Thí dụ, chúng tôi ngồi bên cạnh hồ tắm, để cùng đọc sách và chuyện gẫu với nhau tại đó… Sau một ngày, thường thì thời giờ chẳng còn bao nhiêu. Nhưng những giây phút ở bên nhau như thế cũng đủ rồi.

Đức ông có dự tính một cuộc viếng thăm khác nữa không?

Tôi sẽ xuống dưới đó ngày 22 tháng Tư này vì ngày 24 tháng Tư sẽ có buổi hòa nhạc do Tổng Thống Ý (Giorgio) Napolitano tổ chức, và tôi sẽ tham dự buổi hòa nhạc đó. Do đó, tôi sẽ lưu lại ít bữa nữa.

Sau khi em trai đức ông được bầu làm giáo hoàng, có điều gì thay đổi trên bình diện bản thân chăng?

Không. Em trai tôi đã 78 tuổi khi được bầu làm giáo hoàng. Mối liên hệ bản thân của chúng tôi lúc ấy đã kéo dài được 78 năm rồi. Nên về căn bản, chả có chi thay đổi về phương diện ấy cả.

Nhưng rất có thể đức ông sẽ phân biệt “đứa em trai” của mình với Đức Thánh Cha chăng?

Chắc chắn rồi, tôi vốn kính trọng ngài và người ta phải phân biệt giữa khía cạnh nhân bản tổng quát, (thì) ngài là em trai tôi, với khía cạnh giáo hội, (thì) ngài lại là bề trên của tôi. Và trong khía cạnh đó, ngài cũng được tôi hết sức thán phục.

Nhưng khi chuyện trò bản thân, chúng tôi vẫn như xưa.

Các ngài có bao giờ chuyện trò về thần học và chính trị giáo hội không?

Ít khi lắm. Chúng tôi thường nói về chuyện thường ngày, và cả các hoài niệm nữa. Về chính trị giáo hội, rất ít, vì nói chung, tôi không muốn can dự vào công việc của ngài và không muốn gây ảnh hưởng bất cứ cách nào đối với ngài.

Những vấn đề mọi người đều biết thì đôi lúc được đưa vào câu truyện, nhưng thường thì rất ít.

Còn thần học?

Tôi thích đọc các tác phẩm của ngài, nhưng nói về chúng lại là chuyện khác. Đôi lúc, sau khi đọc được điều gì đó, tôi mang ra hỏi để ngài giải thích. Nhưng (phần lớn) chúng tôi… chỉ ở bên nhau theo cách nhân bản và nói về cuộc sống nhân sinh hàng ngày.

Ngài hỏi thăm về những người ngài biết ở Regensburg và những nơi khác. Ngài muốn biết họ ra sao, họ sắp làm gì.

Các ngài có thường xuyên gọi điện thoại cho nhau không?

Cái đó không nhất định; không có luật lệ chi cả, nhưng nói chung, ít nhất mỗi tuần một lần. Bắt đầu ngài muốn biết chuyện đã xẩy ra, tôi cho ngài hay. Và ngược lại. Chúng tôi thường nói với nhau khá lâu trên điện thoại.

Có lợi lộc thực tiễn nào cho đức ông khi em trai đức ông làm giáo hoàng không?

Hiển nhiên là có, tôi thấy có lợi lộc thực tiễn khi đến thăm em trai mình ở Rome: từ phi trường về Vatican rất lẹ. Nếu anh biết nạn kẹt xe ở Rome thì hẳn anh biết việc đó không dễ dàng gì đâu.

Cũng còn một chiều kích quan trọng quanh Phép Thánh Thể: ở đây, chính Đấng Đại Diện Chúa Kitô đang cử hành Thánh Thể. Có cả một bầu khí đặc biệt đâu đó. Ngoài những chuyện đó, mọi sự khác đều như nhau thôi.

Di Sản Bênêđíctô

Em trai của đức ông đã quen với chức vụ mới của ngài chưa? Con muốn nói, ngài vốn có kế hoạch khác cho đời sống.

Ngài rất mềm dẻo. Ngài có thể thích ứng dễ dàng với một hoàn cảnh nhất định. Và ngài hoàn toàn chú tâm đến mọi điều người ta đòi hỏi, người ta chờ mong ở ngài. Và đây là một đòi hỏi mới, một chiều kích mới trong cuộc sống hàng ngày của ngài, một điều ngài đã mau chóng thích ứng được.

Việc bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô có thay đổi Giáo Hội tại Đức không?

Khó thấy được sự dị biệt hiển nhiên. Đối với những người đã tin, chắc chắn có cải tiến. Đối với những người đứng bên lề, không hẳn chống lại nó, chắc chắn đây là dịp để suy tư một cách bén nhậy. Nơi một số giới, nó đã dẫn tới sự thay đổi thái độ bản thân. Một số giới đã tìm thấy sự nối kết cách này cách khác với Giáo Hội, đến mức nào thì tôi không thể nói được. Thí dụ, tôi từng được nghe rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne mang lại nhiều thành quả cho thừa tác vụ giới trẻ ở giáo xứ: quan tâm nhiều hơn, nhiều thái độ tích cực hơn, sống động hơn và nhiều thiện chí hơn. Đấy mới chỉ là một chứng tá, chắc chắn còn nhiều chứng tá khác nữa.

Liệu em trai của đức ông có viếng thăm Đức lần nữa không?

Ý muốn thì có đó. Nhưng ngài cũng có cùng một bổn phận ấy với toàn thể thế giới. Ngài vốn đã về Đức hai lần rồi. Bây giờ đến lượt các nước khác. Bởi vậy, một dấu hỏi có lẽ khôn ngoan hơn. Mặt khác, du hành đâu còn dễ dàng gì với tuổi gìa.

Khi cuộc đời về chiều, đức ông có kế hoạch hay ước muốn gì không?

Đến tuổi của chúng tôi, cuộc sống đã được sống trọn rồi. Người ta hoặc đã đạt được mục đích hoặc ngồi mà hối tiếc chúng. Người ta ráng sống những tháng hay những năm cuối cùng một cách nào đó để không gây ra vấn đề, mà là để tạo ra bình an, cố gắng thi hành bổn phận của mình bao nhiêu có thể. Đức Giáo Hoàng có một viễn tượng mới, một chân trời mới, sau khi được bầu, cũng đã được ba năm rồi, (tuy) ngài không có những kế hoạch đặc biệt lớn lao gì (nhưng vẫn phải) giáp mặt với một thực tại hoàn toàn mới và cố gắng tìm ra giải pháp đúng đắn cho thực tại ấy. Còn giấc mơ hay ước muốn ư? Không, giờ đây tôi chả còn giấc mơ hay ước muốn chi.

Kỳ sau: ơn gọi
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Mỗi ngày có thể đặt Mình Thánh Chúa mấy lần?
Nguyễn Trọng Đa
07:59 01/07/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Chúng con là các nữ tu sĩ truyền giáo ở trong một tu viện tại Thái Lan. Câu hỏi của chúng con là: Bao nhiêu lần trong một ngày, Mình Thánh Chúa có thể được đặt trong nhà nguyện của chúng con? Nghĩa là đặt Mình Thánh Chua mà không có giờ chầu? - M. D., Mae Sot, Tak, Thái Lan.

Đáp: Trước tiên, tôi nghĩ chúng ta nên hỏi ý nghĩa của việc đặt Mình Thánh Chúa nhiều lần là gì.

Nếu biết ý nghĩa của việc đặt Mình Thánh Chúa nhiều lần, thì điều này đòi hỏi các nhóm người khác nhau tụ họp lại để chầu Thánh Thể trong khoảng từ 30 phút đến một giờ. Trong thời gian đặt Mình Thánh Chúa, các tín hữu có thể hát thanh ca, đọc Kinh thánh, cầu nguyện cùng nhau, và trên hết là dành một chút thời gian để trò chuyện cầu nguyện trong thinh lặng với Chúa Kitô. Nếu mỗi nhóm thực sự là khác nhau, thì trong thực tế không có quy tắc hay giới hạn nào được đặt ra cho việc đặt Mình Thánh Chúa bao nhiêu lần, nhưng điều này sẽ được thừa nhận là một tình huống rất hiếm và kém lý tưởng. Người ta cũng cho rằng mỗi lần đặt Mình Thánh Chúa trong thởi gian ngắn sẽ kết thúc với giờ chầu Thánh Thể..

Vì các nữ tu đặc biệt hỏi về việc đặt Mình Thánh Chúa mà không có giờ chầu, tôi nghĩ chúng ta nên đặt lại câu hỏi, và hỏi liệu bao nhiêu lần mỗi ngày việc đặt Mình Thánh Chúa lâu giờ có thể bị gián đoạn trong ngày.

Trong cuộc đặt Mình Thánh Chúa kéo dài, các tín hữu và/hoặc một cộng đồng tu sĩ thường thay phiên nhau chầu, mặc dù điều này không loại trừ các giai đoạn cầu nguyện cộng đồng trước Thánh Thể.

Nếu cuộc đặt Mình Thánh Chúa kéo dài sẽ tạm thời bị gián đoạn (thí dụ, trong đêm hoặc cho phép một số cử hành khác), Mình Thánh Chúa được cât vào nhà tạm, và sau đó được đặt một lần nữa mà không có nghi thức đặc biệt nào, ngoại trừ sự tôn kính thông thường được dành cho phép Thánh Thể.

Các chuẩn mực liên quan đến việc này được tìm thấy trong tài liệu năm 1973 của Thánh Bộ Phượng Tự, huấn thị Eucharistiae sacramentum (Bí tích Thánh Thể), ban hành bản mẫu sửa đổi của các nghi thức cho rước lễ và chầu Thánh Thể bên ngoài Thánh lễ.

Số 83 của tài liệu này cấm cử hành Thánh lễ trong khi đặt Mình Thánh Chúa, mặc dù nếu việc đặt Mình Thánh Chúa sẽ tiếp tục trong một hoặc nhiều ngày, thì nó bị gián đoạn trong thời gian Thánh lễ.

Số 86 nói rằng các cuộc đặt Mình Thánh Chúa kéo dài chỉ nên được tổ chức, nếu có một số lượng tín hữu đông đảo để Mình Thánh Chúa không bị bỏ mặc.

Số 88 cho phép các gián đoạn ngắn, mà trong đó Mình Thánh Chúa được cất giữ một cách đơn giản, nếu không có đủ người chầu Thánh Thể trong ngày. Người ta cũng giới hạn các gián đoạn này tối đa hai lần một ngày, thí dụ, vào giữa trưa và ban đêm.

Với tất cả các điều này cần nhớ, một cộng đoàn tu sĩ thực hành các giai đoạn chầu kéo dài trước Thánh Thể được đặt ra, có thể tổ chức các thời kỳ này trong khi tôn trọng giới hạn không quá hai lần đặt Mình Thánh Chúa trong một ngày. Cộng đoàn tuỳ nghi thiết lập sự hợp lý đằng sau các quyết định của mình, dựa trên sứ mạng, đoàn sủng và nhu cầu của cộng đoàn.

Do đó, thí dụ, một cộng đoàn có thể đặt Mình Thánh Chúa đầu tiên vào buổi sáng, gián đoạn việc đặt để dành thì giờ cho Thánh lễ, và có một sự gián đoạn đơn giản khác vào ban trưa. Việc đặt Mình Thánh Chúa có thể được thực hiện một lần nữa vào lúc nào đó trong buổi chiều cho các giai đoạn thở kính tiếp theo, và dẫn đến giờ Chầu Thánh Thể.

Trong hầu hết các trường hợp, việc đặt Mình Thánh Chúa hàng ngày sẽ kết thúc với giờ Chầu vào cuối ngày, ngoại trừ trong trường hợp dự đoán rằng việc đặt Mình Thánh Chúa là vĩnh viễn, hoặc ít nhất là kéo dài trong vài ngày.

Trong trường hợp sau, có thể tổ chức giờ chầu trùng với sự hiện diện của cả cộng đoàn, hoặc một nhóm tín hữu khá đông.

Giờ chầu thường kết thúc một thời kỳ đặt Mình Thánh Chúa, và Mình Thánh Chúa được lưu giữ vào nhà tạm sau nghi thức này.

Tuy nhiên, đây không phải là một quy tắc khó khăn và nhanh vội. Có các trường hợp chầu vĩnh viễn hoặc kéo dài, mà trong đó Giờ chầu kết thúc một hoạt động cộng đoàn, nhưng Mình Thánh Chúa không được lưu giữ vào nhà tạm, và các phiên chầu vẫn tiếp tục. (Zenit.org 30-6-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/2020/06/30/liturgy-qa-multiple-expositions-of-blessed-sacrament/
 
VietCatholic TV
Hoa Kỳ thông qua luật trừng phạt những ai ủng hộ Trung Quốc, tố cáo Huawei do quân đội Tầu hậu thuẫn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:44 01/07/2020


1. Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trừng phạt những ai ủng hộ chính sách của Trung Quốc tại Hương Cảng

Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trừng phạt những người ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự trị của Hương Cảng. Luật mới đã được các nhà lập pháp nhất trí thông qua và được gọi là Đạo Luật Về Quyền Tự Trị Của Hương Cảng. Biện pháp này là phản ứng mới nhất của Hoa Kỳ đối với luật an ninh mới của Bắc Kinh đối với lãnh thổ này là điều đang báo động cả các chính phủ nước ngoài lẫn các nhà hoạt động dân chủ. Trung Quốc nói rằng luật mới được thiết kế để ngăn chặn sự ly khai, lật đổ và can thiệp từ bên ngoài vào Hương Cảng.

Các nhà phê bình nói rằng luật an ninh mới sẽ đè bẹp các quyền tự do quan yếu nhất của người dân Hương Cảng. Dự luật của Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với những người hoặc các công ty nào ủng hộ những nỗ lực của Bắc Kinh, bao gồm cả các ngân hàng làm ăn với bất kỳ những ai bị phát hiện ủng hộ một cuộc đàn áp ở Hương Cảng. Nó có khả năng loại bỏ các công ty này khỏi tư cách là các đối tác của Mỹ và hạn chế quyền truy cập của họ đối với các giao dịch bằng đô la Mỹ. Đạo Luật Về Quyền Tự Trị Của Hương Cảng hiện đã được chuyển sang cho Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Trump ký thành luật.

Trong khi đó, nhà cầm quyền Hương Cảng đang chuẩn bị ráo riết cho việc áp dụng luật an ninh mới. Luật này đã vấp phải sự chống trả của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong thành phố. Một cuộc thăm dò được thực hiện cho Reuters cho thấy sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình đã giảm từ 58% trong tháng 3 xuống còn đa số là 51%. Một dự thảo của luật an ninh vẫn chưa được hoàn thiện. Và vẫn chưa rõ những hoạt động nào sẽ cấu thành tội phạm và hình phạt sẽ là gì.

Chính quyền Hương Cảng và Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định quyền và tự do của đại đa số dân chúng sẽ không bị sứt mẻ và rằng luật mới sẽ chỉ nhắm tới một số ít người mà họ gọi là “những kẻ gây rối”. Tuy nhiên, luật mới đã khiến tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ bắt đầu loại bỏ các đặc quyền kinh tế đối với Hương Cảng vì tổng thống nói Hương Cảng đó không còn là một lãnh thổ tự chủ.

Một số tính năng chính của luật an ninh mới đã được tiết lộ. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có quyền hạn bao trùm trong việc thực thi luật pháp, bao gồm cả tiếng nói cuối cùng về cách giải thích luật.


Source:Reuters

2. Chính quyền Trump nói Huawei, Hikvision được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn

Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã xác định rằng các công ty hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm công ty viễn thông khổng lồ Huawei Technologies và công ty video giám sát Hikvision là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Tuyên bố này đặt nền móng cho các lệnh trừng phạt tài chính mới của Hoa Kỳ.

Năm ngoái, 2019, Washington đã đưa Huawei và Hikvision vào danh sách đen vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Hoa Kỳ cũng đã dẫn đầu một chiến dịch quốc tế thuyết phục các đồng minh của mình loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của họ.

Một tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã liệt kê 20 công ty hoạt động tại Hoa Kỳ mà Washington cáo buộc được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn đã được báo cáo lần đầu tiên bởi Reuters.

Tài liệu của Bộ Quốc phòng cũng bao gồm Tập đoàn Truyền thông di động Trung Quốc và Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc cũng như nhà sản xuất máy bay Hàng không Dân sự của Trung Quốc.

Tài liệu này được soạn thảo bởi Bộ Quốc phòng, theo một đạo luật vào năm 1999 nhằm điều tra các công ty liên kết với quân đội Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ, thuộc quyền sở hữu hoặc dưới quyền kiểm soát của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong các dịch vụ thương mại, sản xuất, nhập khẩu hoặc xuất khẩu.

Tuyên bố của Ngũ Giác Đài không kích hoạt ngay các hình phạt, nhưng theo luật pháp Hoa Kỳ tổng thống có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt bao gồm việc tịch thu tất cả tài sản của các bên được liệt kê.

Huawei, China Mobile, China Telecom, AVIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận của thông tấn xã Rueters.

Hikvision gọi các cáo buộc của Ngũ Giác Đài là “vô căn cứ” và lưu ý rằng công ty này không phải là một công ty của quân đội Trung Quốc, và chưa bao giờ tham gia vào bất cứ công việc nào liên quan đến cho các ứng dụng quân sự. Tuy nhiên, họ nói họ muốn làm việc với chính phủ Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề này.

Ngũ Giác Đài đã chịu áp lực từ các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ để công bố danh sách này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh về công nghệ, thương mại và chính sách đối ngoại.


Source:Reuters
 
Tin buồn: Đức Ông Georg Ratzinger, Bào huynh của Đức Bênêđíctô thứ 16 vừa mới qua đời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:15 01/07/2020

Chúng tôi xin báo với quý vị và anh chị em, bào huynh của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là Đức Ông Georg Ratzinger đã qua đời hôm thứ Tư mùng một tháng 7, chỉ hơn một tuần sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng danh dự.

Đức Ông Georg Ratzinger đã qua đời ở Bavaria ở tuổi 96.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã có thể nói lời tạm biệt cuối cùng với anh trai của mình vào ngày 22 tháng 6 khi kết thúc chuyến đi bốn ngày tới Đức để dành thời gian với bào huynh đang đau nặng của ngài.

Đức Ông Ratzinger sinh tại Bavaria vào ngày 15 tháng Giêng năm 1924 là con trai đầu lòng của ông Joseph và Maria Ratzinger. Ngài thể hiện một tài năng thiên phú về âm nhạc, và đã học chơi violin và organ tại nhà thờ khi còn nhỏ.

Sau đó ngài tiếp tục làm chủ dàn hợp xướng Regensburger Domspatzen, là dàn hợp xướng của nhà thờ Regensburg, từ năm 1964 đến 1994.

Vào ngày 29 tháng 6 năm 2011, ngài đã kỷ niệm 60 năm linh mục tại Rome cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Cả hai vị đều được phong chức linh mục vào năm 1951.

Đức Cha Voderholzer, Giám Mục giáo phận Regensburg cho biết bí tích Thánh Thể được cử hành hàng ngày tại giường bệnh của Đức Ông Ratzinger. Ngài nhận xét về tình cảm hai anh em Đức Bênêđíctô thứ 16 như sau: “Tôi cầu chúc mọi người chúng ta có thể trải nghiệm một tình cảm huynh đệ, và một mối quan hệ tốt đẹp như thế, “ Đức Cha Voderholzer nói và nhận định rằng mối quan hệ giữa anh em Ratzinger rất thắm thiết nhưng không bi lụy. Mối quan hệ sống động ấy dựa trên niềm hy vọng, xác tín, và vị tha. Từ khi Đức Bênêđíctô thoái vị đến nay, hai anh em đã gặp gỡ nhau 9 lần, mỗi cuộc gặp gỡ như thế rõ ràng đã mang lại cho họ sức sống, sự can đảm và niềm vui mới.
 
Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Bênêđíctô qua đời, thông tin mới nhất từ giáo phận Regensburg
Giáo Hội Năm Châu
14:19 01/07/2020

Vị linh mục người Bavaria cao tuổi đã phải nhập viện ở Regensburg, Bavaria, nơi ngài sống và cũng là nơi ngài được em mình là ĐTC Danh dự Joseph Ratzinger thăm viếng lần cuối ít ngày trước đây.

Đức ông Georg Ratzinger, anh lớn của Đức Giáo Hoàng danh dự, đã qua đời ở tuổi 96. Ngài đã phải nhập bệnh viện ở Regensburg, thành phố mà ngài sinh sống hầu như cả cuộc đời. Với cái chết này, Đức Thánh Cha danh dự Joseph Ratzinger - là thành viên duy nhất cuối cùng trong gia đình còn sống. Gia đình có hai anh em - một nhạc sĩ và là ca trưởng của một ca đoàn nổi tiếng, và người thứ hai là một nhà thần học và sau đó là Giám mục, Hồng Y, và cuối cùng là Giáo hoàng – Cả hai được phong chức linh mục cùng ngày, và luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Đức ông Georg Ratzinger được sinh ra ở Pleiskirchen, Bavaria, vào ngày 15 tháng 1 năm 1924, ngài bắt đầu chơi đàn organ cho nhà thờ giáo xứ lúc mới lên 11. Năm 1935, ngài vào tiểu chủng viện ở Traunstein, nhưng năm 1942, ngài bị động viên quân dịch tại Reichsarbeitsdienst và sau đó tại Wehrmacht, ngài đã bị đẩy ra mặt trận ở Ý. Bị quân Đồng minh bắt vào tháng 3/1945, ngài bị bắt làm tù binh ở Napoli trong vài tháng trước khi được thả tự do và được trở về với gia đình. Năm 1947, cùng với em trai là Joseph, cả hai gia nhập chủng viện Herzogliches Georgianum ở Munich. Và ngày 29 tháng 6 năm 1951, cả hai anh em, cùng với khoảng bốn mươi bạn khác, được chịu chức linh mục trong Nhà thờ Chính tòa của Đức Hồng Y Michael von Faulhaber cai quản.

Sau khi điều hành dàn hợp xướng ở Traunstein trong ba mươi năm, từ năm 1964 đến 1994, Cha Georg đã trở thành đại sư (Kappelmeister) của dàn hợp xướng tại nhà thờ Regensburg, Regensburger Domspatzen. Ngài đã đi khắp thế giới để biểu diễn các buổi hòa nhạc và điều khiển nhiều bản trường ca được thu âm cho công ty Deutsche Grammophon, Ars Musici và nhiều hãng thu âm quan trọng khác, đặc biệt các bản nhạc của các nhạc sư Bach, Mozart, Mendelssohn và nhiều nhà soạn nhạc khác.

Vào ngày 22 tháng 8 năm 2008, Thị trưởng của thành phố Castel Gandolfo đã trao quyền công dân danh dự cho Đức ông Georg, và nhân dịp này, Đức Thánh Cha Danh Dự Benedict XVI đã nói về anh của mình, không chỉ là một người bạn đồng hành, mà còn là một vị linh hướng đáng tin cậy. Đối với tôi, anh là một điểm tựa để định hướng, để tham khảo và dẫn tới các quyết định chung với nhau. Anh ấy luôn góp ý cho tôi con đường phải đi, ngay cả trong những tình huống khó khăn.

Anh Georg Ratzinger kể, khi còn nhỏ cả hai anh em chúng tôi đều là lễ sinh phục vụ bàn thờ và phục vụ Giáo hội. Ngài đã chia sẻ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu: Được chịu phép Thêm xức tại Tittmoning, từ Đức Hồng Y Michael Faulhaber, vị Tổng Giám mục nổi tiếng của thành phố Munich. ĐTC danh dự lúc đó rất ấn tượng về ĐHY và mơ ước tương lại mình cũng sẽ trở thành một Hồng Y như vậy. Nhưng, chỉ vài ngày sau cuộc gặp gỡ đó, ngài gặp một họa sĩ vẽ tranh trên tường nhà, thì ngài lại có ước mơ khi lớn lên, ngài sẽ trở thành một họa sĩ…

Khi nhớ lại những năm đen tối của thế chiến, ba thì chống lại chủ nghĩa phát xít, và anh Georg thì đam mê âm nhạc nên cả gia đình chúng tôi đều yêu thích âm nhạc. Ba thì đánh đàn tranh vào mỗi tối. Chúng tôi cùng hát với nhau. Thật gia đình chúng tôi dùng âm nhạc để ca ngợi Chúa. Bị ảnh hưởng của gia đình, nên tôi cũng đam mê âm nhạc và chơi đàn Dương cầm...

Đức ông Georg là một người thẳng thắn, không thích ngoại giao ngoắt nghéo! Một ví dụ điển hìanh là anh không mừng khi thấy em mình được bầu chọn vào chức vụ Giáo hoàng vào tháng 4 năm 2005! Đức ông Georg chia sẻ ngài không mong đợi điều đó! Tuy nhiên, khi được chọn làm Hồng Y thì chúng tôi ý thức hai anh em sẽ ít gặp nhau hơn và theo thánh ý Chúa muốn mình cầm đầu Giáo hội, thì mình không thể thoái thác!

Vào năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí của Đức, Đức ông Georg Ratzinger chia sẻ nếu em tôi không thể chu toàn trọng trách vì tình trạng sức khỏe, thì em tôi nên can đảm từ chức. Và ngài là một trong những người đầu tiên được chia sẻ quyết định từ nhiệm này, nhiều tháng trước về quyết định lịch sử của Đức Benedict, từ nhiệm chức vụ Giáo hoàng, Đại diện Thánh Phêrô ở trần gian, vì lý do tuổi tác.

Đức ông Georg chia sẻ: Em tôi mong muốn có sự bình an ở tuổi già. Bất chấp đôi chân yếu và sức khỏe của mình, Đức Nguyên Giáo hoàng đã bay từ Rome đến Regensburg để thăm anh mình.

Đức ông Georg cũng xuất hiện, trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, cũng như trong các phim tài liệu do phóng viên Tassilo Forchheimer thực hiện cho đài truyền hình Bayerischer Rundfunk của vùng Bavaria, và đã được phát sóng vào tháng 1 năm 2020.

Tuyên bố của Tòa Giám Mục Regensburg về nghi thức an táng cho Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Tư mùng một tháng Bẩy, sau cái chết của Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, ông Clemens Neck, phát ngôn nhân của giáo phận Regensburg cho biết như sau:

“Đức Ông Georg Ratzinger đã qua đời vào sáng thứ Tư ở tuổi 96. Giáo phận đang chuẩn bị cho tang lễ ngài. Các chi tiết đến nay vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lo liệu mọi sự với giả định rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sẽ không trở lại Regensburg một lần nữa.”

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã thăm bào huynh của ngài trong 5 ngày từ 18 đến 22 tháng 6. Ngài có vẻ yếu nên giáo phận không nghĩ là ngài có thể thực hiện một chuyến trở lại Regensburg lần thứ hai.

Trong khi đó, Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục giáo phận Regensburg đã lên tiếng ca ngợi Đức Ông Georg Ratzinger, một nhạc trưởng của dàn hợp xướng nhà thờ chính tòa Regensburg, như một người “anh em linh mục” và một “điểm tham chiếu” cho giáo phận.

Ngài nói: “Nhạc của Đức Ông Ratzinger là một trường cầu nguyện, những giáo huấn về đức tin và các bài giảng đi sâu vào lòng người. Vô số các cử hành phụng vụ trong nhà thờ chính tòa Regensburg và các nhà thờ khác đã có được vẻ đẹp, sự ấm áp và thanh thoát nhờ vào âm nhạc của ngài. Ngài có khả năng biến một phòng hòa nhạc thành một nhà cầu nguyện.”

Đức Cha Voderholzer đã cảm ơn anh trai của Đức Bênêđíctô thứ 16 vì “sứ vụ linh mục rất đặc biệt” của ngài.


Source:Die Tagespost
 
Luật an ninh mới tại Hương Cảng. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói: Tôi sẵn sàng chịu ngồi tù.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:09 01/07/2020

Hôm 30 tháng 6, Trung Quốc đã công bố luật an ninh mới nhằm mục đích kết tội bất cứ điều gì mà Bắc Kinh coi là “sự can thiệp nước ngoài, ” các hoạt động ly khai, hoặc lật đổ quyền lực nhà nước, và sẽ cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc hoạt động tại thành phố.

Diễn biến này xảy ra một ngày trước kỷ niệm năm thứ 23, Hương Cảng được Anh trao trả cho Trung Quốc.

Tổ chức Christian International Concern nhận định rằng:

“Theo luật mới này, các giáo sĩ ủng hộ phong trào dân chủ của Hương Cảng, như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Giám Mục Phụ Tá Giuse Hạ Chí Thành, có thể bị bắt và dẫn độ sang Trung Quốc đại lục để xét xử, vì Bắc Kinh coi các ngài là mối đe dọa đối với chế độ, ”

Tuy nhiên, Đặc khu trưởng Hương Cảng, là bà Carrie Lam hay còn gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh luật an ninh mới. Cũng có nhiều nhóm thân Bắc Kinh tuần hành ủng hộ cho luật mới này.

Trong khi đó nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Hương Cảng, cùng các nhà lãnh đạo Âu Châu và Hoa Kỳ lên án bước đi này của Trung Quốc.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục của Hương Cảng, đã cảnh báo rằng luật an ninh mới có thể dẫn đến việc kìm hãm tự do tôn giáo.

Trong một loạt các video được đăng hôm thứ ba trên trang Facebook với chủ đề “Người Công Giáo lo ngại về việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia Hương Cảng, ” Đức Hồng Y nói rằng ngài lo ngại luật an ninh mới sẽ phương hại đến tình trạng tự do tôn giáo tại hòn đảo này.

“Nếu những lời nói phải và đúng đắn lại bị xem là trái với luật pháp của họ, thì tôi đành chịu đựng tất cả các vụ kiện cáo, xét xử và bắt giữ. Vô số các Giám Mục và linh mục đã phải chịu đựng những tình cảnh tương tự, ” Đức Hồng Y 88 tuổi nói trong một video đăng trên trang Facebook của mình.

Cơ quan lập pháp của Trung Quốc, gọi là Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, vào ngày 28 tháng Năm đã phê chuẩn một nghị quyết áp đặt luật an ninh mới đối với khu vực tự trị Hương Cảng. Đó là một diễn biến mà những người biểu tình ủng hộ dân chủ và người Công Giáo ở nước này lo ngại sẽ làm suy yếu các quyền tự do của Hương Cảng, bao gồm cả tự do tôn giáo.

Mặc dù các điều khoản đầy đủ của luật mới chỉ được công bố vào hôm thứ Ba 30 tháng 6, cả một tuần trước đó, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, người kế vị của Đức Hồng Y Quân và hiện là Giám Quản Tông Tòa của giáo phận Hương Cảng, đã công khai lên tiếng ủng hộ các biện pháp này và nói rằng đó không phải là mối đe dọa đối với tôn giáo sự tự do.

“Cá nhân tôi tin rằng Luật An ninh Quốc gia sẽ không ảnh hưởng đến tự do tôn giáo, vì Điều 32 của Luật cơ bản bảo đảm với chúng ta về quyền tự do tôn giáo, và chúng ta có thể công khai rao giảng và tổ chức các nghi lễ tôn giáo, cũng như tham gia vào các hoạt động tôn giáo, ” Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nói như trên với tờ báo giáo phận vào tuần trước.

Theo Đức Hồng Y Quân, thật là “sai trái” khi chính phủ khuyến khích mọi người lên tiếng ủng hộ một luật ngay cả trước khi luật ấy được công bố với đầy đủ chi tiết. Tuy nhiên, ngài thừa nhận rằng người kế nhiệm của ngài đang trong một tình hình “phức tạp”.

“Một mặt, nó sẽ có rất nhiều rắc rối nếu chúng ta không ủng hộ chính phủ. Chúng ta không bao giờ biết họ sẽ làm những gì cho Giáo Hội của chúng ta. Nhưng mặt khác, Đức Hồng Y Thang Hán đang gây thất vọng sâu xa cho nhiều người trong Giáo Hội qua việc hỗ trợ của mình.”

Các điều khoản đầy đủ của luật mới đã được đưa ra vào tối ngày 30 tháng 6 ngay trước ngày 1 tháng 7, ngày kỷ niệm bàn giao khu vực này từ Vương quốc Anh sang Trung Quốc, theo truyền thống là một ngày biểu tình ủng hộ dân chủ trong thành phố.

Theo luật mới, một người bị kết án ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài sẽ nhận tối thiểu 10 năm tù, với khả năng bị kết án chung thân. Định nghĩa quá rộng của luật chống chủ nghĩa khủng bố bao gồm cả việc đốt phá và phá hoại các phương tiện công cộng “với một ý định đe dọa chính phủ Hương Cảng hay chính phủ Trung Quốc vì các mục đích chính trị.”

Theo Đức Hồng Y Quân “Điều này không chỉ chống lại chính sách ‘một quốc gia, hai hệ thống’, mà còn chống lại ngay cả luật cơ bản của Hương Cảng.”

Việc ban hành luật liên quan đến thông đồng với chính phủ nước ngoài đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng Công Giáo Hương Cảng. Liệu việc tuân theo các chỉ thị của Vatican và gắn bó với Giáo Hội Hoàn Vũ có thể bị xem là thông đồng với chính phủ nước ngoài không?

Đức Hồng Y Thang Hán nói tuần trước nói rằng ông tin rằng sự độc lập của giáo phận khỏi chính phủ đại lục và Giáo hội do nhà nước bảo trợ, hay còn gọi là Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, sẽ không bị coi là thông đồng với chính phủ nước ngoài. Theo lời ngài, các giáo phận “luôn luôn có một mối quan hệ trực tiếp với Vatican; mối quan hệ giữa giáo phận Hương Cảng và Vatican nên được coi là một vấn đề nội bộ.”

“Sau khi luật an ninh quốc gia được ban hành, quan hệ này không nên được coi là 'thông đồng với các lực lượng nước ngoài’”.

Đức Hồng Y Quân nói rằng ngài không có niềm tin mù quáng vào bọn cầm quyền Bắc Kinh như Đức Hồng Y Thang Hán. Trong thực tế, Trung Quốc luôn coi các liên hệ với Vatican là “thông đồng với chính phủ nước ngoài” và vì thế các bổ nhiệm Giám Mục phải do họ quyết định, các Giám Mục muốn được công nhận phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, và ngay cả Kinh Thánh cũng phải được viết lại cho phù hợp với định hướng của bọn cầm quyền.


Source:UCAN