Ngày 28-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trở thành môn đệ
Lm. Minh Anh
00:38 28/06/2021
TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ
“Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin theo Thầy!”. Chúa Giêsu trả lời, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không chỗ gối đầu!”.

Trong cuốn “The Prairie Overcomer”, tạm dịch, “Người Vượt Qua Đồng Cỏ”, tác giả viết, “Cái ách và thập giá là ‘biểu tượng sinh đôi’ của trải nghiệm Kitô giáo. Thập giá nói đến việc rời bỏ thế gian vì Chúa Kitô, cái ách nói đến việc ôm lấy thế gian vì Ngài; thập giá nói đến hy sinh, cái ách nói đến phục vụ. Để ‘trở thành môn đệ’, bạn không thể chọn cái này, bỏ cái kia; nhưng phải mang cả hai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến việc ‘trở thành môn đệ’, và Chúa Giêsu có câu trả lời rất khác thường cho sự tự nguyện xem ra rất đạo đức của một luật sĩ, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không chỗ gối đầu!”. Thú vị thay! Ngài không chấp nhận, cũng không từ chối ý muốn dấn thân tốt lành của anh; Ngài chỉ đưa ra một tuyên bố để làm sáng tỏ ‘thế nào là người môn đệ!’.

Trước hết, chúng ta không quên bối cảnh của cuộc đối thoại ‘xin được xuống tóc vào chùa’ hôm nay; nó xảy ra ngay sau một loạt phép lạ hiển hách, khiến “đám đông vây quanh Chúa Giêsu, đến nỗi Ngài phải ra lệnh sang bờ bên kia” như Tin Mừng hôm nay ghi nhận. Kìa, người cùi được sạch, đầy tớ viên đại đội trưởng được cứu, nhạc mẫu Phêrô và mọi kẻ ốm đau được lành. Điều này đã tạo ra một sự phấn khích lớn. Chính trong bối cảnh đó, những gì luật sĩ ấy thưa lên với Chúa Giêsu là một điều hết sức tự nhiên, “Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin theo Thầy!”. Về mặt tiền tệ, nó khác nào việc anh hào hiệp trao cho Chúa Giêsu một tấm ngân phiếu trắng đã ký. Ai lại không muốn ‘trở thành môn đệ’ của một người lẫy lừng như Ngài! Chúa Giêsu rất tinh ý, Ngài có quyền nghi ngờ động lực bên trong của anh. Phải chăng, anh muốn theo Ngài chỉ vì một lý do thế tục nào đó? Vì thế, câu trả lời của Ngài rất trung thực và trực tiếp, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không chỗ gối đầu!”. Xem ra Ngài đang muốn nói với anh rằng, ‘Không phải lúc nào cũng như thế này đâu. Sẽ có những khoảng thời gian khó khăn phía trước; con đường thập giá đang nằm ở đường chân trời!’. Chúa Giêsu ý thức rằng, nhiều người khởi đầu rất nhiệt thành; họ bước theo Ngài trong thời kỳ thuận lợi, nhưng sẽ bỏ rơi Ngài trong thời kỳ tồi tệ.

Qua đó, Chúa Giêsu muốn nói rằng, ai muốn theo Ngài, ‘trở thành môn đệ’ của Ngài, phải biết mình đang chọn cái gì! Đó là nghèo khó và vô gia cư hơn là giàu sang với lắm của cải; đó là sống tinh thần Tám Mối Phước Thật, ‘trở nên khờ dại’ để có thể lội ngược dòng với người đời hầu trở nên công dân Nước Trời. Đó còn là hiền lành, nhân ái, yêu thương kẻ nghịch, cầu nguyện, làm phúc và tha thứ cho kẻ thù của mình; đó là xót thương như Thiên Chúa xót thương, nhân hậu như Thiên Chúa nhân hậu. Và thật bất ngờ, bài đọc Sáng Thế hôm nay cho thấy Abraham như một ‘mẫu gương tiên tri’ của việc ‘trở thành môn đệ’ trong ‘Vương Quốc mới’ của Con Chúa Trời. Trước một Sôđôma và Gômôra tội lỗi, Abraham đã liều lĩnh ngã giá với Thiên Chúa, ông nại đến lòng nhân ái của Ngài để van vái cho người tội lỗi, cho thành xấu xa, “Vậy Chúa sắp tiêu diệt người lành cùng với kẻ dữ sao?”, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”.

Anh Chị em,

Động lực nào khiến chúng ta đi theo Chúa Giêsu? Chúng ta theo Ngài vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế giới. Ngài mời gọi chúng ta sống kết hợp với Ngài trong đức tin, nên giống Ngài trong đức mến, và cùng Ngài mở rộng Vương Quốc của Cha; Ngài đáng để chúng ta yêu mến và tôn thờ chỉ vì ‘Ngài là ai’. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng bước theo Ngài trong sự nghèo khó, ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống đơn sơ và bỏ mình mỗi ngày để đi theo Ngài; và cuối cùng, là chấp nhận theo Ngài, ‘trở thành môn đệ’ của Ngài đến tận cái nghèo trần trụi trên thập giá; và sau cùng, chia sẻ sự sống phục sinh vinh quang của Ngài trong Vương Quốc của Cha. Thánh Kinh là kim chỉ nam; Thánh Thể là lương thực nuôi hồn và Thánh Thần là Thầy Dạy khôn ngoan của chúng ta trong hành trình ‘trở thành môn đệ’ này.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con vững bước theo Chúa, đi đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn con đi. Xin ban cho con ân sủng cần thiết để con ‘trở thành môn đệ’ chỉ vì yêu mến Chúa và Vương Quốc của Ngài; bởi Chúa là Thiên Chúa, Đấng đáng cho con ca tụng và tôn thờ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 29/6: Hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy – Suy Niệm của linh mục Giuse Vũ Nhật Thăng
Giáo Hội Năm Châu
00:47 28/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 17g ngày 28-06-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 21, 15-19

“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý; nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

Đó là lời Chúa.
 
Đá tảng Đức tin của Tông đồ Phêrô
Lm. Đan Vinh
00:51 28/06/2021
LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ (29/06)
Cv 12,1-11; 2 Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19
ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ.

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (15-16), ông đã được khen là có phúc (17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người?
ĐÁP:
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi Sa-lô-mon, con vua Đa-vít. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này là nói về bản tính Thiên Chúa, qua lời khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải cho biết sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18)?
ĐÁP:
Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên đó, Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền cho ông để ông cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu chu tòan sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Người còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?
ĐÁP:
Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy cảnh báo không được dự phần với Thầy, vì đã từ chối không cho Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất là vì quá tự tin vào sức mình nên ông đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).
Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Chúa đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao thêm sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào lời dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái mới chết được Người cho sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến lúc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm đạt được đức tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), có khả năng chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm quay vào thành Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá, dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu gương đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu chúng ta học tập noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA:

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI :

Nữ tu Antoinette được bề trên sai đến phục vụ tại một bệnh viện lớn. Tại đây có một ông già cực kỳ khó tính. Tiếp xúc với ai ông cũng nạt nộ la mắng. nhất là khi gặp chuyện trái ý, ông lại to tiếng ầm ĩ khiến mọi người chung quanh đều khó chịu xa lánh.
Ngày nọ, khi đang mải mê làm việc giúp các bệnh nhân khác, nữ tu Antoinette nghe thấy tiếng hét lớn của ông già khó tính: “Mau mau mang ra đây cho tôi một quả trứng luộc". Các y tá khác đều lảng tránh sang phòng bên, riêng nữ tu Antoinette đã mau mắn đến nhà bếp đem quả trứng đến cho ông già này.
- Sao trứng chưa chín mà đã đem cho tôi hả? Bộ muốn tôi đau bụng chết sao? Ông lão khó tính cau có trách mắng. Nữ tu Antoinette không đáp lại mà đem trứng xuống bếp luộc lại.
- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Sao lại làm ăn vô ý vô tứ như vậy hả?
Antoinette chẳng biết phải làm gì để chiều ý ông lão. Chị liền đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông già khó tính một trái trứng để luộc cho vừa ý. Thấy thế ông ta liền nổi nóng đạp đổ bếp lò, quăng quả trứng kia xuống nền gạch và lớn tiếng: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà lại phải tự luộc trứng hả?"
Nữ tu Antoinette không nói nửa lời. Chị im lặng đi lấy chổi và cây lau nhà đến quét dọn và lau sạch sàn nhà… Lát sau, chị đem đến cho lão già khó tính một trái trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử trứng này, tôi đã luộc vừa chín tới thôi?" Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi thật có lỗi vì đã vô lý quát mắng cô. Giờ đây tôi sẽ ăn quả trứng này cũng để cám ơn lòng tốt của cô !"
Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một sự biến đổi lạ kỳ nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng những con người độc ác nữa. Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giê-su luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu biến đổi cảm hoá họ.

2) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU?

Ngày xưa, một ông vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban phần thưởng lớn cho những tác phẩm giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước chung quanh đã ùn ùn kép đến Hy Lạp xin vào hoàng cung ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành được giải thưởng của nhà vua. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở và làm việc tại một phòng trong khu hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Nhà vua hết sức hài lòng, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình, do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Mỗi bức tượng, tranh tượng hay phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày của các nghệ nhân Hy Lạp thì nhà vua và bá quan rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào được trưng bày, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đã đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực bằng hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ nhân Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do đến chiêm ngưỡng.

3) THAY ĐỔI LỐI SỐNG LÀ PHƯƠNG CÁCH SÁM HỐI HỮU HIỆU NHẤT:

Tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì cùng quẫn đã trở thành kẻ đạo tặc là cùng nhau đi ăn cắp cừu của một trang trại trong vùng. Chẳng may cả hai anh em đều bị bắt. Hội đồng xét xử ra án phạt xăm lên trán họ hai chữ “ST”, có nghĩa là tên trộm cừu (viết tắt của chữ Sheep Thief). Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh luôn phải bối rối và ấp úng khi nhiều người cứ thắc mắc hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ST xâm tên trán anh.
Còn người em đã tự nhủ: “Ta cần chi phải trốn đi nơi khác. Điều cần làm là ta phải thay đổi lối sống thành một người lương thiện thì chắc chắn ta sẽ sớm lấy lại lòng tin yêu của dân làng. Thế là anh quyết định ở lại quê hương. Anh đã lao động vất vả bằng đôi tay của mình và dành một phần hoa lợi giúp đỡ cho người nghèo. Anh sống chan hoà yêu thương với mọi người dân làng. Sau một thời gian tuy hai chữ “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán của anh, nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST đó.
Ngày nọ, một doanh nhân từ xa nghe tiếng tốt về anh đã đến tận nơi tìm hiểu để sẽ hợp tác làm ăn với anh. Sau khi ra về ông ta gặp một cụ già trong làng và hỏi về ý nghĩa hai chữ ST trên trán của anh. Cụ già suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ ấy. Nhưng cứ nhìn vào đời sống tốt lành của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là một người “thánh thiện” (Saint)”.
Cuộc đời của hai vị thánh Phê-rô và Phao-lô cũng nhiều tội lỗi: Phê-rô có lần bị Chúa quở là “Satan” vì dám cản Thầy làm theo ý Chúa Cha, rồi ông cũng đã ba lần chối không biết Thầy trước mặt người khá. Còn Phao-lô đã từng chống lại Chúa Giê-su khi mang quân đi lùng bắt các tín hữu ở thành Đa-mát. Cũng chính Phao-lô đã can dự vào việc ném đá ông Stê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh. Nhưng điều chúng ta cần học tập các ngài là sự sám hối: Các ngài đã mau mắn trỗi dậy sau khi vấp ngã và chuộc lỗi lầm bằng việc can đảm làm chứng cho Chúa.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay, Hội Thánh mừng kính 2 vị Tông đồ là Phêrô và Phaolô chung trong một ngày lễ. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai Tông đồ trụ cột này của Hội Thánh để thấy được sức mạnh tình thương của Thiên Chúa trong việc biến đổi lòng người.

1) Về ơn kêu gọi của hai Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Phê-rô làm nghề đánh cá tại làng Bet-sai-đa, gần hồ Ga-li-lê. Phê-rô tên thật là Si-mon, có em là An-rê. Khi An-rê được thầy mình là Gio-an Bao-ti-xi-ta giới thiệu về Đức Giê-su thì"Trước hết ông gặp anh mình là Si-mon và nói : Chúng tôi đã gặp được Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn Phê-rô và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-na, anh sẽ được gọi là Kê-pha nghĩa là Đá" (Ga 1,41-42). Sau đó ít ngày, đang lúc Đức Giê-su đi trên bờ hồ Gê-nê-sa-rét, có đám đông dân chúng đi theo. Người thấy ông Si-mon đang giặt lưới dưới thuyền, nên Người đã xuống thuyền ấy mà giảng dạy dân chúng ngồi trên bờ hồ. Giảng xong, Người bảo Si-mon chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá. Mặc dù suốt đêm vất vả mà không bắt được con nào, nhưng Si-mon vẫn vâng lời Thầy: Ông chèo thuyền ra khơi thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Trước sự lạ ấy, Si-mon tỏ vẻ kính sợ, nhưng Người bảo ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người ta. Thế là ông đưa thuyền vào bờ rồi đi theo làm môn đệ Người” (Lc.5,10-11).

- Phao-lô tên thật là Sao-lê quê thành Tác-sô, miền Ki-li-ki-a. Theo học với ông thầy nổi tiếng là Ga-ma-li-en. Sao-lê giữ luật Mô-sê nghiêm chỉnh. Tuy là người Do Thái nhưng ông cũng có quốc tịch Ro-ma. Sao-lê rất sùng đạo Do thái nên rất ghét đạo mới của Đức Giê-su. Nghe tin ở Đa-mát có nhiều tín hữu Ki-tô, Sao-lê đã xin lệnh của thượng tế, đem quân đến thành Đa-mát bắt các tín hữu mang về Giê-ru-sa-lem trị tội. Nhưng khi đến cửa thành, Sao-lê đã bị một làn chớp sáng đánh trúng bị té xuống ngựa, mắt ông bị loà không nhìn thấy gì. Ông nghe thấy tiếng Chúa Giê-su hiện ra hạch hỏi và ông đã khuất phuc Người. Rồi ông được một người trong thành là A-na-ni-a đón vào thành và dạy đạo. Sau khi được chịu phép rửa tội, Sao-lê lại được sáng mắt và được đổi tên thành Phao-lô. Ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra dạy dỗ cách riêng và trao cho sứ mệnh làm tông đồ rao giảng Tin Mừng (x. TĐCV 22,3-21). Thế là từ một người cuồng tín đi bắt đạo, Phao-lô đã được ơn Chúa biến đổi thành một Tông đồ dân ngoại.

2) Tính cách của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

a) Tông đồ Phê-rô khi đi theo Đức Giê-su gần ba năm, thường đại diện Nhóm 12 trả lời Thầy. Khi Người hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?” Phê-rô đã đại diện anh em thưa rằng: "Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống". Có lần Phê-rô ngăn cản Thầy đừng đi Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, và ông đã bị Thầy nặng lời quở trách. Phê-rô đã được các tác giả Tân Ước đề cập tới 195 lần. Ông có tính tình nóng nảy và yêu mến Thầy. Khi nghe Đức Giê-su cho biết các môn đệ sắp hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn, Ông đã hứa với Thầy: “Dù moi người bỏ thầy, còn Phê-rô sẽ không bao giờ". Tuy nhiên, ông cũng là một người yếu đuối, nên ông đã phạm tội chối Thầy 3 lần: "Tôi không biết ông Giê-su là ai". Đến khi nghe tiếng gà gáy và Đức Giê-su bị trói đi ngang qua chỗ ông và Người nhìn ông, thì ông đã xúc động ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Đức Giê-su sau khi sống lại, đã hiện ra hỏi Phê-rô ba lần có mến Thầy hơn những người này không, thì cả ba lầm ông đều tuyên xưng lòng mến: "Thưa Thầy, có. Thầy biết con mến Thầy”. Mỗi lần như thế, Chúa đều trao cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Người (x. Ga 21,15-19)

b) Tông đồ Phao-lô sau khi trở lại với Chúa, đã hết lòng loan báo Tin Mừng. Ông đã đi khắp vùng Đế Quốc Rô-ma rao giảng cho dân ngoại tin theo Chúa, chấp nhận mọi gian nan chống đối gặp phải: bị bắt bớ xét xử, bị đánh đòn, đắm tầu, đói rét, ở trần… vì Danh Chúa. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Phao-lô đã viết nhiều bức thư để tiếp tục giáo huấn về cách ăn nết ở cho các tín hữu trong các giáo đoàn đã nghe ngài giảng mà tin theo Chúa Giê-su, nhằn răn dạy họ bỏ các tội lỗi mà sống tốt lành theo Chúa Giê-su. Ông cũng dạy họ đào sâu về nhiều mặt như: Kinh Thánh, tín lý, luân lý, phụng vụ… Phao-lô còn nêu gương sẵn sàng chịu mọi đau khổ hơn mọi người vì danh Chúa Giê-su như ông đã viết: “Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đã, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi… (2 Cr 11,23-25…)

3) Về lòng mến Chúa của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Tông đồ Phê-rô: Theo sách Công vụ Tông đồ, vào lễ Ngũ Tuần, sau khi đón nhận đầy ơn Thánh Thần, Phê-rô đã cùng các Tông đồ bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã giảng một bài đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, đã có 3 ngàn người xin tòng giáo. Sau đó Phê-rô cùng Nhóm 11 chọn ông Mat-thi-a thế chỗ cho Giu-đa phản bội. Ông cũng được Thánh Thần ban ơn làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế kèm theo lời giảng. Ông đã chữa cho một người què tại cửa Đền thờ, và đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Người ta tin rằng chỉ cần cái bóng của ông lướt qua bệnh nhân cũng đủ chữa lành cho họ. Phê-rô và các Tông đồ trong Nhóm 12 ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Do thái. Ông đã bị các đầu mục dân Do thái bắt bớ xét hỏi nhiều lần và cấm rao giảng Danh Đức Giê-su. Nhưng ông đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,29-32). Vào lúc cuối đời, khi đang ở Rô-ma và có nguy cơ bị bắt, Phê-rô đã nghe lời các tín hữu để cải trang và đã trốn thoát ra ngoài thành Rô-ma để tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Nhưng sau đó ông đã gặp Đức Giê-su đang vác thánh giá đi về thành. Ông hỏi Người: “Quo vadis?” (Thầy đi đâu?). Chúa trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đanh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông ở lại Rô-ma để làm chứng cho Chúa giữa các tín hữu, nên ông lại đi vào thành. Sau đó Phê-rô bị bắt và bị kết án tử hình thập giá vào năm 65 dưới thời hoàng đế Nê-rông. Khi chịu đóng đinh, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giê-su, ông xin lính đóng đinh và quay ngược đầu xuống đất. Ngày nay một ngôi Đền thờ Thánh Phêrô to lớn trong thành Rô-ma, có chứa mộ phần của thánh Phê-rô. Trong thời gian giảng đạo ở Rô-ma, thánh Phê-rô đã viết 2 bức thư cho các tín hữu miền Tiểu Á đang chịu bách hại, khuyên dạy họ hãy can đảm sống đức tin bằng việc thực thi sự hiệp nhất yêu thương nhau, vâng phục các mục tử, đoạn tuyệt tội lỗi và chờ đợi ngày Chúa quang lâm sắp đến.

- Tông đồ Phao-lô: Phao-lô thực là dụng cụ Chúa dùng để đưa nhiều người về với Chúa. Ông là một người trung thành, can đảm, thẳng thắn… Là cầu nối kết giữa dân Do thái và dân ngoại, giữa Cựu ước và Tân ước. Nhờ Phao-lô mà dân ngoại trong đó có chúng ta không phải chịu nghi thức cắt bì của đạo Do Thái và không phải mang “ách Luật Mô-sê” như dân Do thái xưa. Từ khi gặp Chúa và theo làm Tông đồ của Chúa, Phao-lô có lòng yêu mên Chúa cách đặc biệt. Ông đã nêu gương sáng về lòng tin yêu Chúa Giê-su để các tín hữu noi theo. Chẳng hạn: “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21) “Tôi coi mọi sự như phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Chúa Ki-tô" (Pl 3,8).- "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20). Cuối cùng, trong thời kỳ người Rô-ma bách hại đạo Công Giáo, Phao-lô đã bị bắt tù, và sau cùng ngài đã bị án chém đầu ở ngoài thành Rô-ma vào năm 67.

4) Sống “hiệp nhất” để làm chứng cho Chúa noi gương hai vị Phê-rô và Phao-lô:

- Hiệp nhất trong đức tin: Hai vị Tông đồ đã hiệp nhất một lòng một ý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Mặc dù còn có nhiều khác biệt về bản thân, tính tình, về ơn gọi theo Chúa, về xu hướng truyền giáo… nhưng cả hai đã tạo nên một sự hiệp nhất trong đa dạng, qua việc cùng trở thành nền tảng xây dựng toà nhà Hội Thánh, sẵn sàng chết vì Danh Chúa. Hai vị đã được Hội Thánh tôn vinh trong một ngày đại lễ. Các ngài đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất trong đa dạng của Hội Thánh: “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”. Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho các tín hữu noi theo.

- Hiệp nhất trong lòng mến: Ngày nay muốn trở nên tông đồ của Chúa Giê-su, các tín hữu chúng ta phải có lòng mến Chúa noi gương hai vị Tông đồ. Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ được ơn Chúa thanh luyện khỏi những đam mê, thói hư, các vết nhơ tội lỗi. Nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ rước lễ mỗi ngày, xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, học tập theo Chúa Giê-su… chúng ta cũng sẽ có thể nhìn tha nhân bằng ánh mắt bao dung nhân hậu, sẽ ăn nói điềm đạm, vui vẻ chân thành, ứng xử hiền hòa và khiêm tốn phục vụ … Nhờ đó chúng ta sẽ nên tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa, noi gương hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.

4. THẢO LUẬN:

Đối với bạn, Đức Giê-su là ai? (Là một ngôn sứ, để xin Người cầu bầu với Chúa Cha cho ta; hay là một thần tượng để ta chiêm ngưỡng thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin theo và sẵn sàng bỏ mọi sự theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là đón nhận các đau khổ gặp phải, kết hiệp với sự đau khổ của Người trên cây thập giá để góp phần cứu rỗi tha nhân?)

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được xây dựng những chỗ còn dang dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết Chúa và cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Mỗi người làm nên một Hội Thánh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:00 28/06/2021
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ

MỖI MỘT NGƯỜI LÀM NÊN HỘI THÁNH

Con là Đá, trên Đá này, Thầy xây Hội Thánh của Thầy”. Lời Chúa hứa với thánh Phêrô đã xưa, mọi người đã từng nghe và nghe nhiều lần. Dù quen thuộc, nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng lời đó cũng là lời Chúa nói với mỗi trái tim, với từng người hôm nay, với chính bạn và tôi?

Con là Đá, Thầy xây Hội Thánh trên Đá này”, nghĩa là Thầy xây Hội Thánh trên chính bản thân con. Bạn và tôi, mỗi người là một viên đá, mỗi người làm nên Hội Thánh, vì Chúa dùng chính bản thân từng người để xây ngôi nhà Hội Thánh của Chúa.

Điều quan trọng là ta có cộng tác để xây dựng Hội Thánh như Chúa muốn hay không? Ta có thực sự là viên đá trong tay Chúa, viên đá của tòa nhà Hội Thánh hay không?

Hoàn toàn nằm ở sự ý thức của bản thân từng người. Chúng ta cần luôn ý thức bản thân mình là viên đá, là dụng cụ trong tay Chúa để xây nhà Hội Thánh, trở nên thành phần của Hội Thánh.

Cách đây khá lâu, đài truyền hình chiếu một phóng sự về các nữ tu đang chăm sóc các em bại não ở một trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Các em không có trí khôn, hoàn toàn không biết gì. Ngay cả vệ sinh cá nhân cũng không thể được, lắm lúc còn trây lên thân thể.

Nhưng các nữ tu không ngại dơ bẩn, không ngại mùi tanh tưởi, chăm sóc, nâng niu, bồng bế các em như người mẹ yêu thương con mình.

Đặt trong bối cảnh lời mời gọi "con là đá", tôi thấy các bà mẹ - nữ tu ấy đang làm phận sự của những viên đá sống động. Các chị đã và vẫn tiếp tục xây Hội Thánh Chúa Kitô bằng chính đời sống hiến dâng và hy sinh của mình. Các chị không có của cải, nhưng cho đi chính bản thân, chính cuộc đời của mình, trả lại những thiệt thòi, mất mát, trả lại giá trị làm người của những kẻ thiểu năng như các em.

“Con là Đá”. Chúa cũng khẳng định như thế về mỗi chúng ta. Từng người hãy ra sức góp phần mình cộng tác với ơn Chúa, xây dựng Hội Thánh trong phận vụ và chức bậc của mình, để đừng bao giờ là viên đá mục, viên đá rỗng ruột, viên đá chưa được mài giũa, chưa trang trí...

Ở quận 8, Sài Gòn có một ngôi chùa khá độc đáo mang tên “Chùa Miểng Sành”. Nhiều chục năm qua, người ta sử dụng những mảnh vỡ của chén đĩa, độc bình, đồ gia dụng để ốp vào ngôi chùa. Vì thế, toàn bộ ngôi chùa lấp lánh bởi những mảnh vỡ của sành sứ đủ màu sắc.

Cái hay và ý nghĩa của chùa Miểng Sành là, những mảnh ghép đều do các phật tử đi lượm hoặc xin những mảnh vỡ sành sứ về cho chùa. Họ gọi đó là “những mảnh vỡ của đời” được tái sinh.

Kitô hữu cũng vậy. Nếu từng người là viên đá riêng lẽ, thì không thể làm được điều gì to tát. Nhưng từng viên đá được ghép lại cùng nhau, chúng ta sẽ là sức mạnh vô cùng của cả Hội Thánh.

Không chỉ hai thánh Phêrô và Phaolô mà hôm nay chúng ta mừng kính, nhưng rất nhiều người trong đoàn môn đệ của Chúa Kitô, từ xư đến nay, chấp nhận cống hiến đời mình để sáng danh Chúa và phục vụ Hội Thánh.

Thậm chí nhiều người chấp nhận quên mình, cđổ máu, hy sinh tính mạng để liều thân cho danh Chúa, cho sự sống vĩnh cửu của muôn người.

Những viên đá ấy thật lấp lánh, thật sáng ngời. Họ đã thữc hiện điều mà chính thánh Phêrô đã từng dạy: "Anh em hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên đền thờ thiêng liêng" (1Pr 2, 5).

Để sống ơn gọi trở thành viên đá xây nhà Hội Thánh như Chúa muốn, hằng ngày trong đời sống của mình, bạn và tôi có thể làm được những điều trong tầm tay như: sẵn lòng tha thứ, không nuôi thù hận. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người cách hết sức tận tình, chu đáo.

Đặc biệt, chúng ta luôn học tập và trau dồi thực hành yêu thương trong từng giây phút sống, để có thể yêu, gần gũi, thân tình, giúp đỡ, tôn trọng... với hết mọi người.

Học lấy yêu thương, vì chính tình yêu sẽ dạy ta biết phải sống thế nào, hiến mình ra sao để gọi là cho đi bản thân xây dựng Hội Thánh Chúa kitô.
 
Được Đổi Tên Và Trở Nên Khi Cụ Loan Báo Tin Mừng
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
08:34 28/06/2021
Gợi ý chia sẻ Lời Chúa lễ hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phaolô

Ơn gọi đi theo Chúa là đòi hỏi phải từ bỏ không chỉ ý riêng, cái tôi, con người cũ, nhưng ngay cả ‘cái tên’ cũng phải thay đổi để trở nên khí cụ hữu hiệu trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Trong Kinh Thánh, khi Thiên chọn gọi ai làm sứ giả, ngôn sứ hay môn đệ, ngoài việc đáp trả của người ấy, Chúa thường có cách thức thay tên đổi họ của người ấy như nhằm giúp người ấy ý thức tầm quan trọng của việc thực thi sứ điệp rao giảng Lời Chúa cho muôn dân. Nơi hai vị cột trụ của Giáo hội là Thánh Phê-rô và Thánh Phaolô cũng vậy, các ngài đã được Đức Giê-su chọn gọi, đã được đổi tên và đã trở nên những chứng nhân cực kỳ mạnh mẽ cho việc lan toả niềm vui Tin mừng cho muôn thế hệ.

Như chúng ta đã biết, Thiên Chúa là Tình yêu, vì thế, Người luôn luôn mong muốn mọi loài được hạnh phúc và được sống. Người đã dùng mọi cách thức, nhất là dùng các trung gian là ngôn sứ, là tiên tri đến để mang những lời sấm hay các mệnh lệnh cho con người để con người lắng nghe, tuân giữ sẽ được sống. Nơi Cựu ước, qua các giao ước với các tổ phụ, Thiên Chúa muốn khẳng định với con người rằng Người là Đấng nhân hậu, chậm bất bình nhưng giàu lòng xót thương. Đặc biệt, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa đã sẵn sàng trao ban Con Một, là Đức Giê-su Ki-tô để những ai tin vào Ngài và đón nhận Ngài thì sẽ được cứu độ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).

Vâng, Đức Giê-su đã đến thế gian bởi một người nữ để làm người giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài là hình ảnh hữu hình của một Thiên Chúa vô hình ở với nhân loại. Ngài hiện diện ở đâu là thi ân giáng phúc tới đó. Mục đích Ngài đến thế gian là nhằm rao giảng Nước Thiên Chúa và đưa nhân loại lầm than khốn khổ trở về nẻo chính đường ngay, là đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, là ăn năn sám hối để được ơn tha tội. Hành trình 30 năm ẩn dật và 3 năm rao giảng công khai, ngoài việc rao giảng Nước Thiên Chúa và thi thố lòng thường xót của Thiên Chúa cho con người, Đức Giê-su đã chọn cho mình những môn đệ để bước theo Ngài và tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin mừng sau này.

Hình ảnh môn đệ rõ ràng nhất mà hôm nay chúng ta mừng lễ là Thánh Phê-rô. Thánh nhân là một người chài lưới, quê mùa, ít học với cái tên ban đầu là Simon được Đức Giê-su chọn gọi một trong 4 môn đệ đầu tiên. (x.Lc 5,1-11). Là người được Chúa chọn gọi, Simon đã luôn sát cánh với Ngài trong mọi biến cố. Simon luôn đi đầu trong mọi chuyện. Tin mừng hôm nay cũng đã nói lên điều đó. Trong suốt thời gian theo Thầy Giê-su và trong thời gian hoạt động của Ngài, Đức Giê-su muốn trắc nghiệm xem mọi người đã hiểu Ngài như thế nào? Sau các câu trả lời của kẻ này người nọ, đến lượt các môn đệ, là những người học trò kề cận, Si-mon Phêrô đại diện cho anh em đã can đảm tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16). Sau câu trả lời đúng đắn này, Simon đã được Đức Giê-su thay đổi tên gọi của mình là Phê-rô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-19). Từ nay, tên Phê-rô mang sứ vụ cao cả là cột trụ của Giáo hội của Chúa Ki-tô. Từ nay Phê-rô có trách nhiệm phải đảm đương vai trò anh cả, người đứng đầu thay mặt Đức Ki-tô để lãnh đạo Giáo hội. Một Phê-rô có bổn phận phải làm chứng và rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa tình yêu ngang qua Đức Giê-su Ki-tô Khổ Nạn và Phục Sinh. Từ nay, vì Giê-su, vì Tin mừng cứu độ, mà thánh Phê-rô phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu bắt bớ, chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh như Thầy Giê-su vì trò không hơn Thầy. Tuy vậy, nhưng Phê-rô cũng trót chối Chúa 3 lần ngay trong biến cố Chúa Giê-su chịu bắt bớ bởi các thượng tế và người Do thái. Gần gũi bao nhiêu thì nay đã xa cách bấy nhiêu bởi sự từ chối không dám nhận mình là môn đệ của Thầy Giê-su khi Ngài bị bắt bớ. Bao nhiêu sự yêu mến và gần gũi của Thầy Giê-su, phải chăng nay Phê-rô đã ‘phớt lờ và phủi tay’ khi cả gan chối Thầy trước đám đông? Bao nhiêu lời dạy và cử chỉ hành động nêu gương của Thầy Giê-su, phải chăng nay Phê-rô đã không còn nhớ? Tuy nhiên, sau khi chối Thầy, Phê-rô đã chợt nhận ra sự sai lầm trầm trọng của bản thân. Với ánh mắt đầy nhân từ của Thầy Giê-su, Phê-rô đã nhận ra và nhìn thấy tận cùng của sự phũ phàng cũng như sự phản bội của mình. Phê-rô đã khóc lóc về cái sai, cái tội và cái lầm đàng lạc lối của mình để đón nhận sự xót thương của Thầy Giê-su. Quả thật, Đức Giê-su đã tha thứ tất cả vì Ngài là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngược lại, đón nhận được sự tha thứ của Đức Giê-su, Phê-rô đã can đảm hơn, mạnh mẽ hơn và quyết tâm sống thật xứng đáng là Tông đồ cả của Ngài.

Thật vậy, đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nhìn thấy Phê-rô quả là một Tông đồ kiên trung và can đảm khi dám chấp nhận mọi bắt bớ và tù đày để Tin mừng của Đức Giê-su được loan báo. Ngài ý thức hơn ai hết sứ vụ cao cả mà Đức Giê-su giao phó cho Ngài là “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (Mc 16,15). Vì Tin mừng Giê-su mà Thánh Phê-rô đã không ngần ngại để ra đi khắp mọi nơi để rao giảng cho mọi người. Cũng vì công cuộc loan báo Tin Mừng, Phê-rô đã chịu tử đạo ngang qua việc chịu đóng đinh như Thầy Giê-su nhưng với cách thức đóng đinh ngược.

Bên cạnh thánh Phê-rô, chúng ta bắt gặp một vị cũng là cột trụ của Giáo hội, đó là Thánh Phaolô. Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Tuy nhiên, một ngày, đang lúc Ông hành trình tới thành Đamát để lùng bắt nhiều Kitô hữu, thình lình một luồng sáng lớn chiếu thẳng vào ngài. Khi té xuống đất, Saolô nghe thấy một giọng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại ta?” Saolô trả lời: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Và giọng nói ấy đáp: “Ta là Giêsu, Người mà ngươi đang bách hại!” Saolô kinh ngạc và bối rối. Sau vài giây, Saolô hỏi: “Ngài muốn tôi làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Hãy đi tới Đamát và ở đó ngươi sẽ biết phải làm gì!” (x. Cv 9, 3-19). Một cú ngã ngựa lịch sử, một cú ngã thay đổi cuộc đời đối với thánh nhân. Từ nay, sau cú ngã ngựa, sau khi gặp Đức Giê-su, tên Saolô sẽ được đổi thành tên Phaolô. Với tên Phaolô, ngài sẽ mang trọng trách hết sức lớn lao. Từ một người bắt bớ đạo nhiệt thành thì nay thánh Phaolô sẽ trở thành vị tông đồ nhiệt huyết nhiệt thành để làm chứng cho Chúa và hăng say loan báo Tin mừng khắp mọi nơi, nhất là cho dân ngoại. Chính thánh nhân đã cảm nhận điều này: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39). Ngang qua sách Công vụ Tông đồ, sau biến cố Damas, chúng ta bắt gặp một Phaolô rất mạnh mẽ, kiên định và hăng say loan báo Tin mừng cho mọi người dẫu bị xiềng xích, đòn roi, bắt bớ, bỏ tù,…Một Phaolô đã nhận chân được rằng “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Vì thế, Phaolô không ngần ngại vượt trên mọi khó khăn chủ quan cũng như khách quan để miễn sao Tin mừng Đức Giê-su được nở rộ và phát triển khắp mọi miền thế giới. Vì Tin mừng, Phaolô đã chấp nhận mọi sự tủi nhục, ngay cả cái chết như Thầy Giê-su để mọi người nhận biết Tin mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Hai vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay là hai cột trụ vững chắc của Giáo hội. Nhờ đức tin kiên vững và nhờ lời chuyển cầu đắc lực của các ngài với Chúa, Giáo hội của Chúa đã luôn luôn bền vững và kiên trung hơn 2000 năm qua và sẽ vững bền mãi mãi. Là những người đã được thừa hưởng đức tin trên nền tảng các tông đồ, chúng ta cũng được mời gọi học hỏi, noi gương các nhân đức của các ngài để bước theo Đức Ki-tô trong mọi hoàn cảnh dầu có thử thách gian nan và sẵn sàng làm chứng cho Chúa, cho Tin mừng ở mọi nơi và mọi lúc.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Hai chứng nhân lịch sử tử đạo: Phêrô và Phaolô
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:36 28/06/2021
Lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

(Mt 16,13-19)

Ngày 29 tháng 6, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng lúc tôn kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô, và theo Truyền Thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính và biết ơn đối với hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, vừa đồng thời là một lời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Thánh Phêrô có tên gốc là Simon, làm ngư phủ người Galilê, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Thánh Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Phêrô bị bắt và được cứu cách lạ lùng : « Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do thái mong muốn tôi phải chịu». (Cv 12, 11).

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phê-rô. Thánh Phaolô là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc. Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô là người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Người còn sống. Nhưng ông gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin. (x. Cv 9, 1-22)

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Chúa Giê-su đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói : « Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời » (Mt 16, 19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28); « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:36 28/06/2021

18. Khi chúng ta hiểu rõ sự cám dỗ của mình là chúng ta đã chiến thắng nó một nửa rồi.

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:40 28/06/2021
85. RẤT KHÓ LINH NGHIỆM

Có người nói với người coi tướng:

- “Bản lĩnh coi tướng của anh trước đây rất cao, rất là linh nghiệm, nhưng gần đây anh coi tướng không linh nghiệm chút nào cả vậy?”

Người coi tướng nhướng cặp lông mày trả lời:

- “Tâm hồn và tướng mạo của người hôm nay khác với người hôm qua. Trước đây hể gặp người đầu lớn mặt vuông thì có thể đoán họ nhất định là phú quý; nhưng hôm nay người tướng mạo đầu lớn mặt vuông thì trái lại vận mệnh không tốt, chỉ có những người đầu nhọn miệng nhọn là tốt mà thôi, bởi vì họ chuyên môn chạy theo dựa dẫm nịnh hót những người có chức quyền để cầu lợi, để được vinh hoa phú quý. Anh coi, tôi coi tướng làm sao có thể linh nghiệm đủ chứ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 85:

Người Ki-tô hữu hôm qua và hôm nay đều giống nhau không khác gì cả, chỉ có khác là tâm hồn của họ có quyết tâm đi theo làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su hay không mà thôi; chỉ khác nhau là họ có hiểu rằng tất cả mọi sự trên thế gian này là tạm thời không mà thôi…

Tướng mạo mỗi người thì khác nhau, nhưng người Ki-tô hữu có một tướng mạo khác mà không dễ mấy người có, đó là: họ có một tướng mạo giống Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh, nghĩa là họ nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi lãnh bí tích Rửa Tội, và do đó, họ luôn trở thành mục tiêu chống đối cho những người ghen ghét và sống hưởng thụ, nhưng họ luôn là niềm an ủi cho những người nghèo khó, khổ đau…

Phúc thay người được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Những Người Không Biết Sợ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
17:53 28/06/2021
Những Người Không Biết Sợ

Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Nói đến hai thánh Tông Đồ cả Phêrô và Phaolô, người ta thường chăm chú đến những khác biệt nơi hai Ngài để rồi hướng đến quyền năng của Thiên Chúa. Đây là một cái nhìn truyền thống có căn bản thần học đã góp phần cho đoàn tín hữu xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa. Mạo muội có một cái nhìn về những điểm chung của hai Ngài xem ra khá táo bạo, thế nhưng nếu có cơ sở thì cũng đáng cho ta ghi nhận điều gì đó. Xin được chia sẻ một nét chung nơi tính cách của hai “cột trụ” của Hội Thánh đó là “không biết sợ”.

1.Không sợ sai để dám nói : Những người quá cẩn trọng thì thường tự biện minh là “nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít”. Tuy nhiên cũng có thể nếu cẩn trọng cách quá đáng như kiểu luôn thủ thân thì rất dễ đi đến chỗ “không nói gì” để khỏi phải sai lầm. Có ngờ đâu, không nói gì cả khi cần phải nói thì lại là một sự sai lầm rất tai hại.

Đọc Tin Mừng thì không ai lại không chân nhận tính “mau miệng” của tông đồ Phêrô. Không thể nói là Chúa Kitô đã minh nhiên đặt Ngài làm đầu nhóm 12 trong thời gian rao giảng, vì cũng trong thời gian này nhóm 12 luôn tranh giành nhau về vị thế làm đầu. Chưa chính thức làm đầu, thế mà Phêrô thường là người thay mặt anh em để lên tiếng. Có khi nói đúng thì được Thầy khen, nhưng cũng có khi chệch choạc thì bị Thầy lên tiếng quở trách nặng nề (x.Mt 16,13-23). Thế nhưng Phêrô vẫn cứ lên tiếng. Đúng là không biết sợ.

Thánh Phaolô thì sao đây? Có thể nói Ngài là vị “nhỏ người mà lớn miệng”. Ngài đã nhiều lần tự biện hộ cho mình về việc lên tiếng quá nhiều và hình như không biết “kiêng dè”. Ngay cả với Phêrô mà Ngài cũng chẳng tha (x.Gal 2,11-14). Có khi hăng say rao giảng đạt kết quả và cũng có khi nhiệt tình lý luận thì bị mời đi chỗ khác chơi (x.Cvtđ 17,22-34). Thánh nhân vẫn không ngừng lên tiếng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi. Thật chẳng biết sợ là gì.

2.Không sợ thất bại để dám làm: Dù biết rằng thất bại là mẹ thành công nhưng sự thường không ai là không ngại thất bại. Không chỉ ngại thất bại mà người cơ hội thường thích ẩn mình để chờ thời cơ. Không làm gì cả thì chẳng mất lòng ai và nếu có bầu bán vị trí vai trò quan trọng nào trong các tổ chức xã hội hay tôn giáo cũng dễ kiếm nhiều phiếu hơn. Một sự thật không thể nói là cá biệt hay đặc thù chút nào nếu không muốn nói ngược lại.

Nếu là Thầy, xin truyền cho con đi được trên nước… và Phêrô mạnh dạn bước đi trên sóng biển (x.Mt 15,22-33). Trước đám đông quân lính hùng hỗ, Phêrô dứt khoát rút gươm bảo vệ Thầy. Dù cho bạn đồng môn tìm cách trốn lánh thì Phêrô vẫn quyết định dõi theo chân Thầy vào sân vị Thượng tế. Làm nhiều ắt gặp thất bại không ít, nhưng Phêrô vẫn quyết tâm đi tới.

Việc làm của Phaolô thật khó có ai bì. Ba chuyến hành trình truyền giáo cùng với bao gian khó vất vả là một minh chứng rõ ràng. Bị đòn roi, bị ném đá, bị ngồi tù hay lênh đênh trên biển cả…tất cả không ngăn được bước chân của vị Tông đồ nhiệt thành. Thành công rất nhiều và thất bại cũng chẳng thiếu, nhưng Phaolô bỏ tất cả đằng sau để một mực lao về phía trước. Ngài đã từng khẳng định “bất cứ những gì người ta dám làm thì Ngài cũng dám làm” (2Cor 11,21).

3.Không sợ thua thiệt để dám yêu: Đây chính là nền tảng căn bản để hai thánh Tông đồ dám nói, dám làm không sợ hãi. Yêu là chết trong lòng một ít. Câu ngạn ngữ trên một cách nào đó nói về sự hy sinh trong tình yêu. Đã yêu là không thể thiếu sự quảng đại hy sinh và quên mình vì người mình yêu.

Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21,18). Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x.1 P 4,8)

Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt. Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người. Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14,8 ).

Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh. Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa. Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương. Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi. Đã yêu thì không còn e ngại sự gì. Đã yêu thì không ngại các thiệt thua. Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói. Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bốn người thiệt mạng, 159 người mất tích do sập chung cư
Đặng Tự Do
05:07 28/06/2021


“Đây là một đêm bi thảm….”

Các nhân viên cấp cứu hôm thứ Sáu đã nỗ lực tìm kiếm trong đống đổ nát của một chung cư ở khu vực Miami, bị sập một ngày trước đó, khi các quan chức nâng số người mất tích lên 159 người và xác nhận rằng 4 người đã chết.

Thị trưởng Miami-Dade là Daniella Levine Cava nói rằng 120 người đã được điều động, và bất chấp những điều kiện nguy hiểm, các đội cấp cứu vẫn “vô cùng tích cực” trong việc tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và cấp cứu vì chúng tôi vẫn có hy vọng rằng chúng tôi sẽ tìm thấy những người còn sống”.

Lực lượng cấp cứu đã nghe thấy âm thanh của những tiếng đập và những tiếng động khác trong đêm, nhưng vẫn chưa xác định được liệu chúng phát ra từ các mảnh vỡ rơi xuống hay do người ta gây ra.

“Mỗi khi chúng tôi nghe thấy một âm thanh, chúng tôi tập trung vào khu vực đó”.

Chung cư Champlain Towers South, nằm ở Surfside, bị sập vào sáng sớm thứ Năm.

Nó có hơn 130 căn, khoảng 80 căn là có người ở.

Đoạn phim được camera an ninh gần đó ghi lại cho thấy toàn bộ một bên của tòa nhà đột nhiên bị nứt ra thành hai phần, lần lượt rơi xuống.

Nguyên nhân khiến tòa nhà 40 năm tuổi này sụp đổ vẫn chưa được xác định ngay lập tức, mặc dù các quan chức địa phương cho biết tòa tháp 12 tầng đang trải qua quá trình tái chứng nhận yêu cầu sửa chữa, với một tòa nhà khác đang được xây dựng trên địa điểm liền kề.

Theo một nghiên cứu năm 2020, các dữ liệu radar cho thấy phần đất bên dưới tòa nhà đã bị lún từ những năm 1990. Một trong những tác giả của nghiên cứu này nói rằng điều đó tự nó sẽ không khiến một tòa nhà sụp đổ nhưng nó đáng để điều tra thêm.

Cuối ngày thứ Năm, một cư dân đã đệ đơn kiện đầu tiên, nói rằng biến cố này có thể tránh được nếu ban quản lý chung cư sửa chữa những hạng mục cần thiết và bảo đảm an toàn.
Source:Reuters
 
Tổng giáo phận Miami và vụ sập chung cư
Đặng Tự Do
05:07 28/06/2021


Đức Tổng Giám Mục Miami hôm thứ Năm đã cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sập một tòa nhà chung cư ở Surfside, Florida.

“Trái tim của chúng ta hướng về tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này,” Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami nói hôm thứ Năm. Ngài hứa sẽ cầu nguyện “cho các nạn nhân, gia đình của họ và những người phản ứng đầu tiên. Xin Chúa ban sức mạnh cho họ”.

Khoảng 1 giờ 30 sáng theo giờ địa phương, sáng Thứ Năm, 24 Tháng Sáu, Champlain Towers - một khu chung cư 12 tầng bên bờ biển ở Surfside, Florida - bị sập một phần. Tính đến sáng thứ Sáu, bốn người đã được tuyên bố là đã chết và 159 người được ghi nhận là mất tích.

“Các đội tìm kiếm và cấp cứu tiếp tục sàng lọc trong đống đổ nát để tìm những người sống sót và trục vớt thi thể của những người không may,” Đức Tổng Giám Mục Wenski cho biết vào hôm thứ Năm. “Tổ chức bác ái Công Giáo của chúng tôi và các giáo sĩ địa phương đã tham gia với các cơ quan tình nguyện khác và các nhà lãnh đạo tôn giáo để hỗ trợ bằng mọi cách có thể.”

Tổ chức bác ái Công Giáo của Tổng giáo phận Miami đang quyên góp cho những người bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này. Một nhân viên nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổ chức cũng đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người bị ảnh hưởng và đang xem xét các lựa chọn nhà ở tạm thời cho những cư dân hiện đang lâm vào tình trạng vô gia cư.

Theo trang Facebook của tổ chức bác ái Công Giáo tổng giáo phận, 12 gia đình thuộc giáo xứ Công Giáo Thánh Giuse gần đó đang cư trú trong khu phức hợp Champlain Towers. “Cha Juan Sosa, cha sở của những gia đình đó đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng”.

Theo một cuộc họp báo vào sáng thứ Sáu của Sở Cảnh sát Miami-Dade, 159 người được ghi nhận là mất tích và 4 người chết. Máy móc hạng nặng đang được sử dụng để dọn đống đổ nát khi công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục.

Theo tổng giáo phận, thánh lễ dự kiến sẽ được cử hành tại giáo xứ Thánh Giuse vào sáng thứ Sáu cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ sập nhà.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sập tòa nhà ở Florida
Đặng Tự Do
05:08 28/06/2021


Hôm thứ Bảy 26 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện và gửi lời chia buồn tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ sập một tòa nhà chung cư gây chết người ở Florida trong tuần này.

Sáng sớm thứ Năm, tòa nhà chung cư 12 tầng bên bờ biển Champlain Towers ở Surfside, Florida, đã bị sập một phần. Cho đến sáng thứ Bảy, bốn người đã được tuyên bố là đã chết và 159 người vẫn còn mất tích, Thị trưởng Miami-Dade Daniella Levine Cava cho biết như trên.

Trong một thông điệp ngày 26 tháng 6 thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican cho biết Đức Thánh Cha muốn “ bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước sự mất mát đau thương về nhân mạng” trong vụ sập tòa nhà.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha Phanxicô “đưa ra lời cầu nguyện chân thành xin Thiên Chúa Toàn năng ban cuộc sống vĩnh cửu cho những người đã qua đời, niềm an ủi cho những người đang thương tiếc sự mất mát của thân quyến và sức mạnh cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch to lớn này.”

“Với lòng biết ơn đối với những nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên cấp cứu và tất cả những ai tham gia vào việc chăm sóc cho những người bị thương, các gia đình đau buồn và những người đột nhiên rơi vào tình cảnh vô gia cư, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu cầu ơn lành Thiên Chúa trên toàn bộ cộng đồng, sự an ủi, dũng cảm và kiên trì trong mọi việc thiện.”

Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, đã truyền đạt thông điệp này tới Đức Tổng Giám Mục Wenski.

Cha sở tại giáo xứ Công Giáo Thánh Giuse gần đó, nằm cách khu chung cư chỉ vài dãy nhà, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào chiều thứ Sáu rằng 9 gia đình trong giáo xứ sống ở chung cư này vẫn mất tích. Cha Juan Sosa cho biết thêm một số người trong số họ là những người đi lễ hàng ngày.

Theo các nhà chức trách, tổng số người không có tên trong vụ sập là 159 người, không thay đổi trong khoảng thời gian từ thứ Sáu đến sáng thứ Bảy.

Ba gia đình khác sống trong chung cư không có mặt tại thời điểm xảy ra vụ sập, hoặc đã chạy thoát kịp thời, Cha Sosa nói, và “vì điều này, tôi tạ ơn Chúa.”

“Tuy nhiên, toàn bộ cộng đồng đang cầu nguyện cho những người mà chúng tôi chưa có tin về họ”. Một thánh lễ đã được cử hành tại nhà thờ Thánh Giuse vào sáng thứ Sáu cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này.

Cha Sosa nói: “Cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhiều hy vọng và bình an vào lúc này và luôn mãi!”

Thị trưởng Cava hôm thứ Bảy cho biết ngọn lửa trong đống đổ nát của vụ sập nhà đã trở thành chướng ngại vật đối với đội tìm kiếm và cấp cứu tại chỗ. Cô cho biết, khói đã lan tỏa theo chiều ngang trong đống đổ nát.

Jackie Carrion, một nhân viên cấp cao của Tổ chức bác ái Công Giáo tổng giáo phận, nói với Công Giáo Florida về nỗi buồn trước cảnh sụp đổ.

“Tôi đã làm việc trong các trận cuồng phong, nhưng không có gì giống như thế này: Đâu đâu bạn cũng có thể nhìn thấy một vẻ mặt buồn bã trên khuôn mặt của mọi người. Thật là đau lòng”, cô nói.
Source:Catholic News Agency
 
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân vinh danh cựu tổng thống Benigno Aquino
Đặng Tự Do
05:09 28/06/2021


Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân đã vinh danh cựu tổng thống Benigno Aquino, người đã qua đời vào hôm thứ Năm, 24 tháng 6, vì một căn bệnh kéo dài. Ông thọ 61 tuổi.

Cựu tổng thống là con trai của hai trong số những biểu tượng chính trị của đất nước, cựu tổng thống Corazon Aquino và cựu thượng nghị sĩ Benigno Aquino.

Đức Hồng Y Jose Advincula của Tổng giáo phận Manila đã dẫn đầu các nhà lãnh đạo Giáo hội dâng lời cầu nguyện cho cựu tổng thống của đất nước.

“Chúng tôi đã được thông báo tin buồn về sự ra đi của cựu tổng thống của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác ông cho lòng nhân từ của người Cha yêu thương của chúng ta và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện cho sự yên nghỉ vĩnh viễn của linh hồn ông ấy,” Đức Hồng Y nói.

“Lạy Chúa, xin ban sự yên nghỉ đời đời cho linh hồn Benigno Aquino và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn ấy. Xin cho linh hồn này, và linh hồn của tất cả các tín hữu đã ra đi được yên nghỉ trong bình an, nhờ lòng thương xót của Chúa.”

Cha của cựu tổng thống vừa quá cố là một nhà lãnh đạo đối lập trong thời kỳ cai trị của nhà độc tài Ferdinand Marcos. Ông bị ám sát khi trở về nhà sau khi sống lưu vong chính trị ở Hoa Kỳ vào năm 1983.

Vụ giết người đã gây chấn động cả nước và giúp đẩy Marcos ra khỏi chức vụ trong cuộc cách mạng “Sức mạnh nhân dân” năm 1986, và đưa mẹ của tổng thống, là bà Corazon Aquino, lên nắm quyền.

Được biết đến với cái tên “Noynoy”, Aquino trẻ tuổi đã tạo ra một làn sóng ủng hộ của công chúng đối với chức vụ tổng thống sau cái chết của mẹ mình vào năm 2009.

Đức Cha Pablo Virgilio David của Kalookan nói: “Với tư cách là tổng thống, Aquino đã chứng tỏ mình là một người con xứng đáng của những bậc cha mẹ vĩ đại, những người mà đất nước mang ơn vì đã khôi phục nền dân chủ ở đất nước chúng ta”.

Đức Cha Rex Alarcon của Daet, phía nam Manila, nói: “Xin chân thành cầu nguyện và chia buồn cùng gia đình của cựu tổng thống. Cầu mong tình yêu và lòng thương xót của Chúa sẽ rủ lòng thương linh hồn người quá cố”,

Đức Cha Arturo Bastes, Giám Mục hiệu tòa của Sorsogon, cũng ở phía nam của hòn đảo chính Luzon, cho biết người dân Phi Luật Tân “vô cùng thương tiếc trước cái chết không đúng lúc” của cựu tổng thống.

Đức Cha nói: “Ông ấy là một vị tổng thống làm việc chăm chỉ khiêm tốn, là người đã cải thiện đáng kể nền kinh tế của đất nước chúng ta,” và nói thêm rằng người dân Phi Luật Tân “sẽ không bao giờ quên lòng yêu nước của gia đình phi thường này.”

Đức Cha Jose Colin Bagaforo của Kidapawan ở vùng Mindanao, miền nam Phi Luật Tân, nói rằng Aquino sẽ được ghi nhớ vì “những cải cách kinh tế và lập trường của chính phủ về sự thánh thiêng của cuộc sống”.
Source:Catholic News Agency
 
Một người Mỹ gốc Phi Châu được ngưỡng mộ nhất nơi Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ
Nguyễn Long Thao
09:59 28/06/2021
30 tháng 6 ngày đánh dấu kỷ niệm 168 năm qua đời của một trong những nhân vật người Mỹ gốc Phi Châu được ngưỡng một nhất của Công Giáo Hoa Kỳ. Đó lâ ông Pierre Toussaint’

Ông sinh ra là người nô lệ ở Haiti, được trả tự do ở New York, khi chết, được dân chúng thành phố ngưỡng mộ vì đời sống Công Giáo gương mẫu.

Ngài nay ông đã được Giáo Hội Công Giáo tôn phong là Bậc Đáng Kính và đang trong tiến trình được phong hiển thánh. Ngày 27/6 cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật của Ông Toussaint.

Ông Toussaint được đưa từ Haiti đến New York để để làm nô lệ. Chủ nô lệ là gia đình Bérard. Sau cái chết của ông Bérard, Toussaint đã trích quỹ từ thiện Kitô Giáo để hỗ trợ tài chính cho bà Bérard cho đến khi bà tái hôn.

Ông hành nghề thợ hớt tóc vào khoảng 20 tuổi, trong khi vẫn còn là nô lệ. Khi là thợ làm tóc ở New York, ông được nhiều khách hàng ưa thích, coi ông là người bạn tâm giao trong xã hội thượng lưu ở New York.

Ông được khách hàng đánh giá cao về khả năng chuyên môn, nhưng quan trọng hơn là ông luôn lắng nghe những vấn đề của khách hàng với sự đồng cảm sâu sắc.

Khách hàng đánh giá cao tư cách ông vì ông luôn tôn trọng sự tin tưởng của khách hàng đã đặt niềm tin nơi ông, ông mạnh dạn từ chối những lời đàm tiếu, đặc biệt khi có ai đó cố gắng khơi dậy chuyện đàm tiếu.

Tại giáo xứ của mình, Nhà thờ Thánh Peter ở Lower Manhattan, ông gia nhập Hội Thánh Thể và Hội Bác Ái. Ông trợ giúp một cách hào phóng và đích thân đến thăm người bệnh và người nghèo.

Vợ của ông là Juliette củng có cơ sở kinh doanh riêng, làm ăn khấm khá, nhưng cũng rất hào phóng, đặc biệt là cho các mục vụ Công Giáo liên quan đến trẻ mồ côi. Ông Bà là một trong những người gây quỹ chính cho trại trẻ mồ côi Saint Elizabeth Ann Seton ở New York... mặc dù trại đó chỉ để phục vụ trẻ em da trắng.

Toussaint cũng là một nhà tài trợ hào phóng cho cộng đồng tôn giáo da đen đầu tiên - và hỗ trợ trại trẻ mồ côi của họ.

Năm 1991, Đức Hồng Y John O'Connor bắt đầu quy trình chính thức phong chân phước cho ông và thi thể của Toussaint đã được khai quật và an táng trong Nhà thờ Thánh Patrick. Ông trở thành giáo dân đầu tiên được chôn cất trong hầm mộ bên dưới bàn thờ chính. Đó là một vinh dự to lớn.

Năm 1996, Ông Toussaint được Giáo hoàng John Paul II tuyên phong bậc Đáng Kính.

Nguyễn Long Thao
 
Vatican quan ngại sâu sắc về khả năng sụp đổ của Li Băng
Đặng Tự Do
16:08 28/06/2021


Trước ngày Vatican cầu nguyện cho Li Băng vào ngày 1 tháng 7, một quan chức cấp cao của Vatican đã bày tỏ lo ngại rằng sự sụp đổ tiềm tàng của đất nước có thể gây nguy hiểm cho sự hiện diện của Kitô giáo ở Trung Đông.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, cho biết vào ngày 25 tháng 6 rằng ngài tin rằng Tòa thánh có thể đóng góp tích cực vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của Li Băng.

“Tòa thánh quan ngại sâu sắc về sự sụp đổ của đất nước về kinh tế, tài chính, xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến cộng đồng Kitô Giáo và bản sắc của Li Băng,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với các nhà báo tại cuộc họp báo ở Vatican.

Ngài nói rằng sự suy yếu trong sự hiện diện của Kitô Giáo do di cư “có nguy cơ phá hủy trạng thái cân bằng nội tại và thực tế của chính Li Băng, càng khiến sự hiện diện của Kitô Giáo ở Trung Đông gặp rủi ro”.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mối quan ngại tương tự về Li Băng trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh vào đầu năm nay.

Đức Giáo Hoàng nói:

“Điều cần thiết nhất là đất nước này phải duy trì bản sắc độc đáo của mình, đặc biệt là để bảo đảm một Trung Đông đa nguyên, khoan dung và đa dạng, trong đó cộng đồng Kitô Giáo có thể đóng góp thích đáng và không bị biến thành một thiểu số cần được bảo vệ”


Source:Catholic News Agency
 
Ngoại trưởng Tòa Thánh lên tiếng bênh vực cho thái độ im lặng của Vatican đối với tình hình tại Hương Cảng
Đặng Tự Do
16:09 28/06/2021


Hôm thứ Sáu 25 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher rằng ngài và nhiều đồng nghiệp của mình tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vẫn chưa tin rằng việc lên tiếng về tình hình ở Hương Cảng “sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, đã được hỏi rằng đối với Tòa Thánh điều gì khiến tình hình bất ổn dân sự ở Li Băng khác với phong trào biểu tình ở Hương Cảng, ngài trả lời rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh không thấy rằng việc lên tiếng vào lúc này mang lại một đóng góp tích cực nào cho tình hình tại Hương Cảng.

“Rõ ràng Hương Cảng là đối tượng chúng tôi quan tâm. Li Băng là nơi mà chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi có thể đóng góp tích cực. Chúng tôi không nhận thức được điều đó ở Hương Cảng” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói trong một cuộc họp báo của Tòa Thánh vào ngày 25 tháng Sáu.

“Ta có thể nói rất nhiều, có thể nói được là, những từ thích hợp để được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi - và nhiều đồng nghiệp của tôi – thấy vẫn chưa thuyết phục rằng lên tiếng như thế sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã thúc giục Vatican công khai bày tỏ quan ngại về các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở cả Trung Quốc đại lục và Hương Cảng.

Benedict Rogers, người sáng lập Hong Kong Watch, nói với CNA vào tháng 4 rằng sẽ có “sự khác biệt lớn” nếu Đức Giáo Hoàng cầu nguyện công khai cho người Duy Ngô Nhĩ, các tín hữu Kitô Trung Quốc và người dân Hương Cảng.

“Đức Giáo Hoàng đương kim rất thẳng thắn về các vấn đề đàn áp, bất công, và xung đột trên thế giới”, Rogers nói.

“Chẳng hạn, ngài đã đề cập đến rất hay về Miến Điện, và vì vậy thật khó hiểu tại sao lại có sự im lặng gần như hoàn toàn về mọi thứ liên quan đến Trung Quốc, cho dù đó là người Duy Ngô Nhĩ hay Hương Cảng hay các tín hữu Kitô hay Tây Tạng.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước của Vatican, đã nhiều lần nói rằng ngài tin rằng các tuyên bố “giật gân” sẽ phản tác dụng.

Ngài nói với tờ The Standard của Hương Cảng vào ngày 25 tháng 3 rằng “Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy đúng là Tòa thánh không có chính sách, một chính sách ngoại giao, lên án hầu như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, và ngày nay có nhiều vụ vi phạm nhân quyền ở nhiều nơi, nhiều nước”.
Source:Catholic News Agency
 
LGBTQ nhảy múa và thoát y ngay trước cửa nhà thờ Công Giáo tại Colombia
Đặng Tự Do
16:10 28/06/2021


Một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã nhảy múa và thoát y trước cửa nhà thờ lớn ở thị trấn San Gil, Colombia trong tuần này.

Các điệu nhảy dâm dục đã diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đình công liên tục trên toàn quốc, và như một phần của tháng “tự hào đồng tính”, đã tạo ra một cuộc tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và gây phẫn nộ nơi người Công Giáo.

Đêm 21 tháng Sáu, một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã tập trung bên ngoài nhà thờ chính tòa thành phố San Gil, cách thủ đô Bogota 240km về phía bắc và la hét cổ vũ cho một nhóm điên cuồng nhảy múa và thoát y.

Trong một đoạn video mờ được đăng trên Facebook bởi El Regional, một cơ quan truyền thông Colombia, một giọng nói vang lên qua hệ thống loa giới thiệu “màn trình diễn” của “Sasha”, là người trước khi bắt đầu nhảy múa đã thốt lên: “Loạn tính muôn năm và đĩ điếm muôn năm!”

Một thông điệp từ nhóm này, được Blu Radio đưa tin, nói rằng “Tôn giáo không thể đàn áp cách yêu của chúng ta, tình yêu là tình yêu và cuộc sống phải đa dạng, bao trùm và không có khuôn mẫu. Chúng tôi là tình yêu, chúng tôi là sự đa dạng”.

Một cuộc đình công toàn quốc do các tổ chức cánh tả khác nhau kêu gọi đã bắt đầu ở Colombia vào ngày 28 tháng 4, và được đánh dấu bằng bạo lực và những hành vi thái quá ở các thành phố khác nhau, khiến ít nhất 50 người chết và hàng chục người bị thương.

Một công dân nói với Blu Radio rằng các trò nhảy múa thoát y này cho thấy “sự thiếu tôn trọng, thô tục và các giá trị khốn nạn”. Ông cũng lên án “sự thiếu tôn trọng của họ đối với một biểu tượng của tôn giáo như cửa chính của nhà thờ”.

“Họ có thể làm những điều điên rồ của mình ở nơi khác, nhưng không phải trước mặt trẻ em, gia đình và các bộ phận của cộng đồng không chia sẻ những ý tưởng, xu hướng tình dục và ý thức hệ này.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Minneapolis cầu nguyện cho hòa bình sau khi tòa tuyên án Derek Chauvin
Đặng Tự Do
17:08 28/06/2021


Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận St. Paul-Minneapolis đã cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi hòa giải chủng tộc trong thánh lễ hôm thứ Sáu sau khi tòa tuyên án Derek Chauvin vì tội giết George Floyd.

“Tôi cầu nguyện rằng ngày tuyên án hôm nay sẽ mang lại một triển vọng hòa bình và hàn gắn cho gia đình của George Floyd, bạn bè của anh ấy và cộng đồng của chúng ta, đồng thời thúc đẩy chúng ta đi sâu hơn trong các cuộc đối thoại về chủng tộc, công lý, bạo lực và hòa bình”, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda đưa ra lập trường trên vào hôm thứ Sáu.

“Xin hãy cùng tôi cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong những cuộc đối thoại đó, bất kể những khó khăn và bất kể những ngần ngại khi đề cập đến những vấn đề này, đồng thời chúng ta hãy xin Chúa mang lại niềm an ủi cho gia đình Floyd, chữa lành cho cộng đồng của chúng ta và bảo vệ tất cả những ai làm việc vì hòa bình”.

Derek Chauvin, cựu viên chức cảnh sát Minneapolis bị kết án với ba tội danh vô ý giết người cấp hai, giết người cấp ba và ngộ sát cấp hai vì tội giết George Floyd vào tháng 5 năm 2020. Chauvin đã bị kết án 22 năm rưỡi tù vào hôm thứ Sáu.

Anh ta đã khống chế Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi, và đè chặt lên cổ anh ta vào ngày 25 tháng 5 năm 2020. Floyd bị cáo buộc sử dụng tờ 20 đô la giả tại một cửa hàng tạp hóa.

Người qua đường đã quay video cảnh bắt giữ, trong đó cho thấy Chauvin quỳ trên cổ Floyd trên một đường phố ở trung tâm thành phố Minneapolis gần chín phút trong khi Floyd thở hổn hển, rên rỉ, và phàn nàn là không thể thở được. Đến cuối video, Floyd rơi vào tình trạng bất tỉnh. Sau khi xe cấp cứu đến và chở Floyd đến bệnh viện gần đó, anh ta được báo cáo là đã chết.

Chauvin bị bắt vào ngày 29 tháng 5 và bị buộc tội giết người cấp ba và ngộ sát. Các công tố viên sau đó đã nâng cáo buộc lên tội giết người không chủ ý cấp hai. Bốn cảnh sát viên liên quan đến việc bắt giữ, bao gồm cả Chauvin, cuối cùng đã bị Sở cảnh sát Minneapolis sa thải.

Sau cái chết của Floyd, các cuộc biểu tình và bạo loạn lan rộng diễn ra sau đó trên khắp đất nước và thế giới, làm nổi bật sự tàn bạo của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc.

Theo hãng tin AP, bản án của Chauvin là một trong những bản án tù dài nhất áp dụng cho một cảnh sát ở Hoa Kỳ vì tội giết người da đen, nhưng thấp hơn mức án 30 năm mà các công tố viên đã đưa ra. Anh ta sẽ đủ điều kiện để được ân xá sau 15 năm tù.

Bộ Cải Huấn Minnesota không cho biết Chauvin đang bị giam giữ ở đâu sau khi tuyên án.

Các Giám Mục nhận định rằng:

“Cái chết của George Floyd nhấn mạnh và mở rộng thêm các nhu cầu sâu sắc cần phải tôn trọng sự thánh thiêng của mạng sống tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là những người đã bị áp bức trong lịch sử”.

“Chúng ta hãy cầu nguyện rằng sau quá nhiều nỗi đau và nỗi buồn, xin Chúa tiếp thêm sức mạnh để chúng ta tẩy sạch vùng đất của chúng ta khỏi tệ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn thể hiện theo những cách mà hầu như không bao giờ được nói ra, những cách không bao giờ xuất hiện trên tiêu đề báo chí.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Giám Mục Gibraltar bày tỏ nỗi buồn trước điều báo chí gọi là vụ bội giáo tập thể
Đặng Tự Do
17:09 28/06/2021


Người dân Gibraltar đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm 24 tháng Sáu để thông qua dự luật hợp pháp hóa phá thai.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 24 tháng 6, sau khi bị hoãn lại từ tháng 3 năm 2020 do đại dịch coronavirus.

Dự luật đã được 7,656 phiếu thuận và 4,520 phiếu chống.

Gibraltar là Lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực nam của Bán đảo Iberia với dân số khoảng 32,000 người trong đó có đến 25,000 người Công Giáo chiếm 78% dân số. Biên giới phía bắc của Gibraltar là với Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha luôn khẳng định Gibraltar là một phần lãnh thổ của họ.

Hơn 23,000 người Gibralta đã ghi danh bỏ phiếu. Hầu hết dân chúng bỏ phiếu tại các phòng đầu phiếu. Tuy nhiên, phiếu bầu có thể gởi qua bưu điện; và việc ủy nhiệm người khác bầu thay cũng được cho phép.

Trước cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này phá thai là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù chung thân ở Gibraltar, ngoại trừ trường hợp tính mạng của người mẹ gặp rủi ro.

Vào năm 2019, Quốc hội Gibraltar đã tìm cách thông qua Dự luật Tu chính các Tội phạm 2019 với ý định hợp pháp hóa việc phá thai lên đến 12 tuần nếu sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của người phụ nữ bị coi là có nguy cơ hoặc nếu người phụ nữ ấy phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Phá thai cũng sẽ được cho phép bất cứ lúc nào nếu thai nhi có dị tật bất thường.

Dự luật không thông qua được tại Quốc Hội nên mới có cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này.

Phong trào Vì sự sống Gibraltar phản đối dự luật và tiến hành chiến dịch “Cứu trẻ sơ sinh. Hãy bỏ phiếu không trước cuộc trưng cầu dân ý”.

Khoảng 500 người đã tham dự Tuần Hành Phò Sinh của nhóm vào ngày 15 tháng 6.

Gibraltar chỉ có một giáo phận Công Giáo và ước tính có khoảng 25.000 người Công Giáo.

Các nhà thờ ở Giáo phận Gibraltar đã tổ chức các giờ thánh và các sự kiện cầu nguyện khác với ý định bảo vệ sự sống chưa sinh trước cuộc bỏ phiếu.

Đức Cha Carmel Zammit của Gibraltar đã ban hành một bức thư mục vụ vào ngày 19 tháng 6 kêu gọi người dân Gibralta bảo vệ quyền được sống.

“Người dân Gibraltar đang được đưa ra một sự lựa chọn: Lựa chọn giữa sự sống hoặc cái chết; lựa chọn xem liệu những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta sẽ tiếp tục được hưởng tình trạng hiện tại của quyền sống, hay sự sống của thai nhi sẽ bị chấm dứt một cách hợp pháp.”

“Bỏ phiếu 'không' là để bảo vệ một cách dứt khoát quyền được sống đã được ghi trong Hiến pháp Gibraltar”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ Âu Châu, Đấng Bảo trợ và là Mẹ của chúng ta, cũng như Thánh Giuse, để các ngài có thể bảo vệ chúng ta bằng sự chăm sóc từ mẫu và phụ mẫu”.

“Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, bảo vệ tất cả các bà mẹ, tất cả các thai nhi, và soi sáng cho tất cả chúng ta trong bổn phận của chúng ta thể hiện tình yêu thương và sự ủng hộ trong việc bảo vệ quyền sống của thai nhi”.

Trước kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này, Đức Cha Zammit nói ngài “chết điếng trong lòng.”
Source:Catholic News Agency
 
Vatican xác nhận đang điều tra các cáo buộc về tội sơ suất của Đức Hồng Y Ba Lan Dziwisz
Đặng Tự Do
17:10 28/06/2021


Sứ thần Tòa thánh tại Ba Lan hôm thứ Bảy xác nhận rằng Tòa thánh đã cử Đức Hồng Y người Ý Angelo Bagnasco đến để điều tra những tuyên bố sơ suất chống lại Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz.

Vị Sứ thần Tòa Thánh đưa ra thông báo ngày 26 tháng 6 sau khi các phương tiện truyền thông Ba Lan và Ý đưa tin về một cuộc điều tra của Vatican liên quan đến cựu bí thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Thông báo cho biết: “Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám mục hiệu tòa của Genoa, đã đến thăm Ba Lan từ ngày 17 đến 26 tháng Sáu theo yêu cầu của Tòa Thánh”.

“Mục đích là để xác minh những sơ suất đã được đưa ra công khai chống lại Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong thời gian ngài là Tổng Giám Mục Kraków từ 2005 đến 2016”.

“Đức Hồng Y Bagnasco đã tự làm quen với các tài liệu và tổ chức một số cuộc họp, và sẽ trình bày báo cáo về chuyến thăm này với Tòa Thánh”.

Đức Hồng Y Dziwisz, 82 tuổi, từng là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II cho đến khi vị Giáo hoàng Ba Lan qua đời vào năm 2005. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Kraków, và đã nghỉ hưu vào năm 2016.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết vào tháng 11 năm 2020 rằng các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Dziwisz được phát sóng trong một chương trình truyền hình cần được Vatican làm rõ.

Đức Cha Gądecki đã đưa ra nhận xét về chương trình “Don Stanislao: Khuôn mặt khác của Hồng Y Dziwisz”, được chiếu trên TVN24, một kênh tin tức thương mại của Ba Lan.

Chương trình dài 82 phút, do nhà báo Marcin Gutowski trình bày, cáo buộc cựu thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô II đã sơ suất không điều tra các cáo buộc lạm dụng giáo sĩ.

Đức Cha Gądecki cho biết ngài hy vọng rằng “bất kỳ nghi ngờ nào được trình bày trong báo cáo này sẽ được làm rõ bởi ủy ban hữu quan của Tòa thánh”.

Trong một tuyên bố ngày 9 tháng 11, Đức Hồng Y Dziwisz nói rằng ngài muốn thấy các cáo buộc được làm rõ một cách minh bạch.

“Đó không phải là về việc tẩy trắng hoặc che giấu những sơ suất có thể xảy ra, mà là về việc trình bày sự thật một cách trung thực. Phúc lợi của nạn nhân là điều tối quan trọng. Trẻ em và người trẻ không bao giờ có thể phải gánh chịu những điều sai trái đã xảy ra trong quá khứ của Giáo Hội”.

“Tôi sẵn sàng hợp tác đầy đủ với một ủy ban độc lập để làm rõ những vấn đề này”.

Vào tháng Giêng, một công tố viên Ba Lan tuyên bố rằng ông nhận thấy các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Dziwisz là hoàn toàn không có căn cứ.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Công tố quận ở Kraków nói với truyền thông Ba Lan vào ngày 21 tháng Giêng rằng công tố viên đã quyết định rằng chẳng có cơ sở nào cho một cuộc điều tra sau khi đánh giá thông tin do Łukasz Kohut, một thành viên của Nghị viện châu Âu, gửi sau bộ phim tài liệu.

Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đang bị tấn công ác liệt về tình trạng tình dục của hàng giáo sĩ. Vào năm 2019, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã ban hành một báo cáo kết luận rằng 382 giáo sĩ đã lạm dụng tình dục tổng cộng 624 nạn nhân từ năm 1990 đến 2018.

Kể từ tháng 11 năm 2020, Vatican đã kỷ luật một loạt giám mục Ba Lan chủ yếu đã nghỉ hưu sau các cuộc điều tra theo Tự sắc Vos estis lux mundi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cũng là đối tượng của một cuộc điều tra cho rằng ngài không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng đã minh oan cho Đức Tổng Giám Mục.
Source:Catholic News Agency
 
Tin vui cho Giáo Hội Pháp: 12 thầy đã được phong chức linh mục tại nhà thờ Saint-Sulpice vào ngày 26 tháng 6
Đặng Tự Do
17:11 28/06/2021


Hôm thứ Bẩy 26 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã phong chức linh mục cho 12 thầy phó tế.

Hình ảnh lễ phong chức

Mở đầu bài giảng trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói:

Khi tôi nghe anh em trả lời “Này con đây” trước lời mời gọi của Chúa, tôi không thể không nghĩ đến những lời này trong Phúc Âm: “Ngài đã chọn Nhóm Mười Hai”. Đúng thế, chính Chúa Giêsu chọn chúng ta. Và tại sao Ngài lại làm điều đó? Thưa: Câu trả lời trong Phúc Âm rất đơn giản: “Để ở với Ngài”.

Trước tiên, đó là sự sống trong tình thân mật với Chúa Kitô. Đối với tất cả chúng ta, điều đó được hình thành trong lời cầu nguyện, trong sự tôn thờ, trong lòng trung thành từ trái tim đến trái tim với Người. Nhưng trên hết, trong Bí tích Thánh Thể, sự thân mật này giữa linh mục và Chúa Kitô đạt đến mức cao nhất. Nó mạnh mẽ đến nỗi chính Chúa Giêsu đến để nói trong miệng vị tư tế: “Này là Mình Thầy”. Vị linh mục không thể nói những lời này một cách xác thực nếu Chúa Kitô không phải là người bạn thân nhất, người bạn thân tình của vị linh mục ấy. Được như thế, anh em sẽ có thể cử hành cho thế giới, và trên thế giới với những người đã chịu phép rửa tội, những người đã hiến mình với Chúa Kitô vì ơn cứu rỗi của muôn dân và ơn cứu rỗi của cả những người chưa biết Chúa.

Trong Thánh Lễ, Chúa Kitô tóm tắt lại tất cả những gì Ngài đã trải qua trên thế giới, những gì đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, Thần Khí Tác Tạo, Đấng hành động mặc dù chúng ta phớt lờ Người. Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha món quà này của chính Người và của Giáo hội để cứu rỗi mọi người.

Anh em đã đọc lời cầu nguyện của Giáo Hội mà anh em nhận được khi còn là các phó tế. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện của Giáo Hội cho thế giới này, cho thế giới do Thiên Chúa tạo dựng.

Trong một thời gian ngắn sắp đến, mọi người sẽ gọi anh em là “Cha”. Nó phải làm anh em ngạc nhiên, phải làm anh em kinh ngạc. Trong mọi trường hợp chúng tôi phải gọi anh em như thế. Tại sao lại có sự xưng hô như thế? Qua phép Rửa trong Chúa Giêsu Kitô, trước hết chúng ta là anh chị em với nhau. Tất cả cùng nhau, chúng ta là con trai và con gái của Thiên Chúa và chính tình anh em đã tạo nên chúng ta. Đầu tiên anh em phải học làm con. Làm con nghĩa là nhận mình từ người khác. Đối mặt với ảo tưởng về sự tự tạo đang phổ biến ngày nay, có một thực tế cơ bản đã tạo nên chúng ta. Chúng ta đến từ một công đoàn yêu thương. Chúng ta được sinh ra từ một hành động của tình yêu mà nhất thiết chúng ta phải nói đến hành động ban đầu và tối cao của tình yêu: đó là sự sáng tạo bởi Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu”.

Tất cả tình phụ tử chỉ có thể đến từ Cha trên trời. Không có tình phụ tử nào lại thiếu yếu tố linh thánh. Mọi người cha trên trái đất đều nhận được tình phụ tử của mình từ Thiên Chúa. Do đó, một linh mục không phải là một người cha trừ khi anh ta nhận mối quan hệ làm cha thiêng liêng này như nguyên ủy của mọi sự sống, của sự sống tuyệt đối nhận được từ sự sống tự hữu duy nhất của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao nhiệm vụ của anh em về cơ bản là truyền đạt sự sống này mà anh em không tạo ra trên trái đất nhưng là sự sống mà Thiên Chúa đã tạo ra từ muôn thuở trong mỗi người, và qua anh em Ngài tiếp tục sinh ra hôm nay và mỗi ngày trong cuộc đời anh em.

Đó là một ân sủng lạ thường được ban cho anh em ngày hôm nay. Anh em sẽ thực sự là những người cha bằng cách thông truyền cuộc sống này của Thiên Chúa mà anh em đã nhận lãnh trách nhiệm.

Đó là vì anh em có thể nói như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), vì anh em tham dự vào tình thân mật sâu xa với Người, để với Người như thánh Phaolô nói “anh đã được hiến tế”, để anh em nhận lại chính mình trong Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, để rồi anh em có thể đảm nhận vai trò làm cha này, là điều ban sự sống, sự sống dồi dào, sự sống đời đời.


Source:L'Eglise Catholique à Paris
 
Đức Phanxicô và các xu hướng dường như đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội
Vũ Văn An
22:58 28/06/2021

Trong tuần lễ qua, có hai biến cố liên quan đến thái độ của Đức Phanxicô với những xu hướng trong Giáo Hội rõ ràng đang trên đà đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Đó là việc ngài khuyến khích cha James Martin trong mục vụ với người đồng giới và chuyển giới, và ủng hộ con đường đồng nghị Đức.



Phải nói ngay rằng mục vụ với người đồng giới và chuyển giớ cũng như con đường đồng nghị vốn là chủ trương cố hữu của Giáo Hội, hoàn toàn nhất quán với giáo huấn của Chúa Giêsu. Trong ba năm rao giảng công khai, những người được Đức Kitô gặp gỡ nhiều nhất không ai khác chính là những người bệnh tật cả thể xác lẫn linh hồn, những người xấu xa đối với xã hội đương thời, nhất là đối với các chức sắc trong đạo, những người khó được kể vào hàng dân Chúa. Và lời cầu nguyện tha thiết nhất của Người lúc Người sắp từ giã cõi đời này là cho tình hiệp nhất giữa các môn đệ. Con đường đồng nghị làm gì có mục đích nào khác hơn là tình hiệp nhất ấy, một điều được chính các tông đồ khởi xướng qua công đồng Giêrusalem ngay năm 50 công nguyên.

Bởi thế, trong bức thư riêng gửi Cha Martin gần đây, Đức Phanxicô rất đúng khi viết rằng “Tôi muốn cám ơn cha về nhiệt tình mục vụ của Cha và khả năng của cha trong việc gần gũi với người ta, bằng sự gần gũi mà Chúa Giêsu từng có, và là sự gần gũi phản ảnh sự gần gũi của Thiên Chúa”. Ngài giải thích, sự gần gũi của Thiên Chúa gồm 3 yếu tố: “sự gần gũi, lòng cảm thương và âu yếm dịu dàng. Đó là cách Người đến gần hơn mỗi người chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng viết thêm: “nghĩ đến việc mục vụ của cha, tôi thấy cha liên tục tìm cách mô phỏng phong thái của Thiên Chúa. Cha là một linh mục cho mọi người, hệt như Chúa Cha là Cha cho mọi người... Tôi cầu xin cho cha tiếp tục cách này, sống gần gũi, cảm thương và âu yếm dịu dàng. Và tôi cầu xin cho các tín hữu, 'đoàn chiên' của cha và mọi người Chúa đặt dưới sự chăm sóc của cha, để cha che chở họ, làm họ lớn lên trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Tiếp tục gần gũi, cảm thương và âu yếm dịu dàng thì đúng quá. Vì đó là điều Chúa dạy và là điều Giáo Hội vốn chủ trương đối với người đồng giới và chuyển giới như Sách Giáo Lý đã dạy. Nhưng ai cũng biết, Chúa Giêsu gần gũi người sai lạc hay thiếu sót để đưa họ về Đoàn Chiên của Người. Chứ không như Cha Martin gần gũi với người sai lạc và thiếu sót để trở nên suy nghĩ giống như họ và lên tiếng bênh vực hay giữ họ trong quan điểm sai lạc của họ. Điều này, khó có thể bênh vực, chứ đừng nói đến việc khuyến khích.

Theo CNA, “mục vụ của Cha Martin ngày càng trở nên gây tranh cãi hơn vì việc ngày càng tách xa tín lý Công Giáo hơn”. Năm 2017, sau khi cho công bố cuốn “Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity” (Xây Một Nhịp Cầu: Làm Thế Nào Giáo Hội Công Giáo và Cộng Đồng Đồng Giới và Chuyển Giới có thể Bước Vào một mối Liên Hệ Tôn Trọng, Thương Cảm và Nhậy Cảm), Cha Martin, trong một bài báo trên tờ Washington Post, cho rằng “khi viết cuốn sách này, tôi biết nó sẽ là một chủ đề gây tranh cãi, mặc dù tôi rất thận trọng giữ mình trong khuôn khổ giáo huấn của Giáo Hội”.

“Các suy nghĩ của tôi, các suy nghĩ có thể được tóm tắt như lời kêu gọi tôn trọng từ cả hai phía, được đặt nền tảng trên Tin Mừng, và trên lời kêu gọi của Sách Giáo lý muốn Giáo Hội cư xử với ‘những người đồng tính’ một cách ‘tôn trọng, cảm thương và nhậy cảm’”.

Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 5 vừa qua, nhân cơ hội bình phẩm về đám cưới Công Giáo của Thủ Tướng Anh Boris Johnson, Cha Martin phàn nàn rằng các cặp đồng tính vẫn chưa được hưởng bí tích hôn phối. Liên quan tới đám cưới trong Giáo Hội của Johnson, người 2 lần ly dị và bạn gái đang mang thai đứa con của họ, Cha Martin ước ao “rằng cùng một lòng thương xót và cảm thương được ban cho” Johnson và nàng dâu của ông, “thừa nhận các cuộc sống phức tạp của họ, cũng được nới rộng tới các cặp đồng tính nào vốn là những người Công Giáo lâu đời”.

Về cuộc hôn nhân của Thủ tướng Anh, Boris Johnson, nhiều nhà bình luận Công Giáo đã lên tiếng. Có điều cuộc hôn nhân ấy không có bất cứ trở ngại nào về phương diện giáo luật: hai cuộc “hôn nhân” đầu của Johnson, theo giáo luật, không phải là cuộc hôn nhân bí tích vì không được cử hành theo qui thức Giáo Hội. Trong khi ấy, bạn gái của Johnson chưa bao giờ kết hôn. Thành thử nói rằng cuộc hôn nhân ấy được cử hành trong Giáo Hội Công Giáo là nhờ được “thương xót và cảm thông” e không đúng chút nào.

Không rõ liệu cha Martin có công bố đầy đủ nội dung bức thư của Đức Phanxicô hay không, nếu đã đầy đủ, thì quả thực, bức thư ấy gây nhiều thắc mắc nơi các tín hữu.



Nó cũng gây nhiều thắc mắc như tin mới đây được báo chí tường thuật sau chuyến viếng thăm Vatican của Đức Cha Bätzing, hiện là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức và là người hết lòng cổ vũ và đẩy mạnh Con Đường Đồng Nghị (Synoday Way) của Đức.

Như trên đã nói, con đường đồng nghị là con đường cố hữu của Giáo Hội vì Giáo Hội vốn tin vào cảm thức tín hữu (sensus fidelium). Tuy nhiên, con đường ấy, trong những năm gần đây, trở thành mù mờ vì có nhiều lạm dụng, hiểu sai. Chính vì thế Đức Phanxicô đã có ý định tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục để bàn về nó. Nhưng Giáo Hội Đức muốn đi bước trước và toan tính dẫn đường chỉ lối cho Giáo Hội hoàn vũ khi lái con đường đồng nghị vào 4 chủ đề có tính hết sức bao hàm: quyền lực, luân lý tính dục, cuộc sống giáo sĩ và vai trò nữ giới trong Giáo Hội nhấn mạnh đến những việc như phong chức phụ nữ, chúc lành cho các cặp đồng tính và kết liễu việc sống độc thân của giáo sĩ.

Họ không chỉ bàn đến khía cạnh mục vụ cho người đồng tính mà đi thẳng vào việc thay đổi định nghĩa về đồng tính. Tài liệu chính thức của Con Đường này nói như sau về các hành vi đồng tính: “chúng cũng thể hiện nhiều giá trị tích cực có ý nghĩa, bao lâu chúng phát biểu tình bạn, tính đáng tin cậy, lòng trung thành và nâng đỡ trong đời”. Và về việc thủ dâm: “kinh nghiệm hân hoan của chính thân xác mình (tự làm tình) cũng có thể có nghĩa một phương thức có trách nhiệm đối với tính dục của riêng người ta”...

Chính vì thế, nhiều giáo phẩm khắp thế giới tỏ ý lo ngại trước Con Đường Đồng Nghị này. Đức Hồng Y Gerhard Muller chẳng hạn nói rằng “nó không có thẩm quyền du nhập một tín lý và thực hành đi ra ngoài tín lý ràng buộc của Giáo Hội Công Giáo trong các vấn đề đức tin và luân lý”.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne cho rằng “Con Đường Đồng Nghị... thiết lập một hình thức Giáo Hội nghị viện kiểu Thệ Phản”. Trong khi mục sư Phái Luthêrô là Alexander Garth cho rằng việc ấy không nên: “Tôi coi Con Đường Đồng Nghị là con đường sai lầm vì nó áp đặt việc Thệ Phản Hóa Giáo Hội Công Giáo”.

Vậy mà theo Đức Cha Bätzing, trong cuộc yết kiến ngày 24 tháng 6 vừa qua, Đức Phanxicô tuyên bố ủng hộ Con Đường Đồng Nghị của Đức. Thực vậy, theo Edward Pentin của National Catholic Register, liền ngay sau cuộc yết kiến riêng sáng 24 tháng 6, Đức Cha Bätzing đã cho đăng một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng “khuyến khích chúng ta tiếp tục Con Đường Đồng Nghị đã được chúng ta chọn lựa, để thảo luận các vấn đề một cách cởi mở và trung thực và đi đến các khuyến cáo để thay đổi cách thế hoạt động của Giáo Hội”.

Chưa hết, theo vị giáo phẩm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn muốn Giáo Hội Đức dùng Con Đường Đồng Nghị này “giúp lên khuôn cho con đường đồng nghị mà ngài đã công bố liên quan tới Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023”, sau khi vị Giám Mục này giải thích chi tiết về nó và quả quyết với Đức Giáo Hoàng rằng các đồn đại cho rằng Giáo Hội Đức muốn “khởi diễn một con đường đặc biệt là hoàn toàn vô căn cứ”.

Pentin cho hay ông có yêu cầu Phòng Báo Chí Tòa Thánh xác nhận nội dung của tuyên bố trên, thì được trả lời là Tòa Thánh không có thói quen xác nhận như vậy.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cuối tháng 5, Đức Hồng Y Marx, vị tiền nhiệm của Đức Cha Bätzing, và là người chủ yếu đứng đàng sau Con Đường Đồng Nghị đã đệ đơn từ chức Tổng Giám Mục Munich và Freising, rõ ràng vì việc sai lầm liên quan đến cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, nhưng vẫn không quên thúc giục Đức Phanxicô ủng hộ Con Đường Đồng Nghị.

Điều đáng lưu ý là lá thư đã được công khai hóa. Pentin cho rằng một số bình luận gia coi việc Đức Phanxicô mau chóng bác đơn của Đức Hồng Y Marx là dấu chỉ rõ ràng Đức Giáo Hoàng ủng hộ Con Đường Đồng Nghị và mưu kế từ chức của Đức Hồng Y Marx như một phương thế gây áp lực để Đức Hồng Y Rainer Woelki cũng làm như vậy vì cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Vị Tổng Giám Mục của Cologne này vốn là người dẫn đầu việc phê phán nặng nề Con Đường Đồng Nghị và đó là cản trở chính đối với các mục tiêu của nó.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tự Do, Lẽ Phải & Nguyện Vọng Người Dân đã thắng
Trần Phong Vũ
16:16 28/06/2021
Trong phiên họp chiều Thứ Ba, 22-6-2021, Thượng viện đã bác bỏ Dự Luật mang tên Vì Nhân Dân (For The People Act) do phe đa số ở Hạ viện thông qua hồi tháng ba.

Được biết, ngay sau khi thành công trong thế mạnh ở Hạ viện, đảng Con Lừa biết khó có thể vượt qua cửa ải Thượng viện, nếu không loại bỏ được quy tắc Filibuster. Căn do, vì ở viện trên, đảng này chỉ đạt thế đa số chênh vênh 51/49!

Tưởng cần nói rõ, Filibuster vốn là một quy tắc lâu đời nhằm bảo vệ nét đặc thù của Thượng viện, tránh trường hợp “cào bằng” quyền hạn giữa hai Viện. Do đó Filibuster ấn định quy tắc: Thượng viện phải đạt được 60% số phiếu khi thông qua những trường hợp tương tự.

Biết rõ như thế, thời gian qua, phe Dân Chủ, với sự tiếp tay của hệ thống truyền thông khuynh tả, đã dồn mọi nỗ lực đánh bóng cho dự luật phi tình, phi lý, phản lại dân ý này, nhằm vận động dư luận với hy vọng Thượng viện sẽ loại bỏ quy tắc Filibuster.

Tại sao Dự luật mang tên “Vì Dân” lại phản dân?

Trước hết, bất cứ ai cũng nhận ra sự lươn lẹo, man trá tiềm ẩn trong tên gọi của Dự luật này. Trong bài viết với tiêu đề “Đâu là sự thật của ‘Dự Luật For The People Act’?” viết ngay sau khi nó được thông qua ở Hạ Viện đầu tháng Ba, chúng tôi đã chỉ ra rằng”

“Thái độ lừa đảo của đảng Dân chủ để che mắt người dân Hoa Kỳ được tìm thấy ngay trong cách lựa chọn tên để đặt cho Dự luật: “Luật Vì Nhân Dân” (For The People Act). Những người hiểu biết không thể không nêu lên câu hỏi: vì dân hay phản bội, lừa đảo dân?’

Dự luật dày 800 trang. Được sự tiếp tay đánh bóng của truyền thông thiên tả và các phe nhóm lợi ích, các dân biểu Dân chủ đua nhau lên tiếng bốc thơm Dự luật này. Nó thể hiện qua cung cách đánh tráo khái niệm về dân ý, dân quyền qua ngôn ngữ thậm xưng hòng che giấu những mưu thâm, kế độc tiềm ẩn trong đó. Hiển nhiên người ta có dụng ý núp dưới danh nghĩa Nhân Dân để phản bội Nhân Dân!”

Những “mưu thâm, kế độc” đó là gì?

Chỉ cần nêu lên một vài chi tiết tiêu biểu trong hàng chục điều khoản liệt kê trong 800 trang của Dự Luật trên đây, người ta sẽ dễ dàng nhận ra những khuất tất trong đó. Chì duy một chi tiết đảng Dân Chủ quy định cử tri khi tới phòng phiếu không đòi buộc phải xuất trình ID đã đủ cho dư luận những người lương thiện hiểu được thâm ý của họ là gì?

Trong thực tế, trước khi có Dư Luật “For The People Act” đảng Con Lừa đã bộc lộ ý đồ man trá của họ trong cuộc Tổng Tuyển Cử ngày 03-11-2020. Tại hầu hết những tiểu bang Xanh do đảng Dân Chủ cầm lái, nhiều quy định bất bình thường đã được giới cầm quyền địa phương đưa ra với mưu đồ gian lận trong cuộc đầu phiếu. Đó là những quy định nhằm bảo đảm thắng lợi chắc chắn cho ứng viên của đảng này từ cấp địa phương cho tới vị trí cao nhất là Tổng Thống. Một số những điều khuất tất đó được phát hiện khi có các thành phần nhập cư bất hợp pháp đi bỏ phiếu hay những người đã dời cư qua nơi khác vẫn tiếp tục bỏ phiếu ở nơi cư trú cũ. Trường hợp cử tri không xuất trình được căn cuớc (ID) cũng là trường hợp đã gây ra những tranh cãi vô bổ giữa bên thắng bên thua trong cuộc bầu cử năm rồi.

Dù sao đây cũng chỉ là những trò tiểu xảo sẽ không tránh được bị công luận phê phán dẫn tới những đòi hỏi kiểm phiếu lại do đòi hỏi của các ứng viên Cộng Hòa, như đã và đang xảy ra từ sau cuộc bầu cử năm 2020. Đấy là chưa nói tới những hành vi tích cực của các giới chức cầm quyền tại các tiểu bang đỏ trong thời gian qua nhằm sửa đổi luật lệ với mục tiêu bảo vệ sự trong sáng, minh bạch trong các cuộc bầu tử tương lai.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Dự Luật được thông qua ở TV?

Đầu tiên, quy tắc Filibuster bị hủy bỏ. Đương nhiên điều bất hạnh này sẽ mở con đường thênh thang cho Thượng Viện thông qua Dư Lu ật H.R.I. Từ đấy, đảng Dân Chủ sẽ dẫn Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ bước vào giai đoạn khủng hoảng về Lập Pháp trong hệ thống Tam Quyền Phân Lập. Nói rõ hơn, tuy mang danh nghĩa là chế độ lưỡng đảng (hay đa đảng) nhưng trên thực tế đảng Con Voi mặc nhiên sẽ bị rơi vào tình trạng việt vị, dương mắt nhìn đảng Con Lừa một mình một cõi, mặc tình múa gậy vườn hoang.

Bắt thóp đưọc ý đồ đen tối của đối phương, đảng Cộng Hòa đã huy động toàn lực vào cả ba giai đoạn. Thứ nhất, theo dõi sát với hy vọng ngăn chặn Dư Luật tệ hại này ngay từ khi còn trong trứng nước. Thứ hai, khi Dự Luật được đưa ra biểu quyết tại sàn Hạ Viện, dù ở trong thế thiểu số, toàn khối thiểu số đảng Cộng Hòa cùng với dân biểu Bernie Thompson thuộc đảng Dân chủ đã bỏ phiếu chống. Và cuối cùng là lo bảo vệ quy tắc Filibuster.

Dưới mắt cựu Phó Tổng thống Mike Pence, H.R.1 với tên gọi “Luât Vì Nhân Dân” là một Dự luật vi hiến sẽ làm suy yếu hệ thống vòm bầu cử của Hiệp Chúng Quốc Mỹ. Ông tố giác: Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ làm gia tăng cơ hội cho gian lận bầu cử tràn lan như đã từng xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 vừa qua. Nó cũng chà đạp lên Tu Chính Án thứ Nhất. Ngoài ra, nó còn góp phần làm xói mòn niềm tin của hàng triệu cử tri vào các cuộc bầu cử tương lai, và sẽ vĩnh viễn làm giảm thiểu giá trị lá phiếu của những cử tri lương thiện.

Dân biểu Tom Cole, (R – Oklahoma) thuộc Uỷ ban Quy tắc Hạ viện đã lên tiếng mỉa mai việc đặt tên cho Dư luật là “Vì Nhân Dân - For The People Act”. Giản dị vì theo ông, nội dung của nó không giúp ích gì cho nhân dân mà còn đi ngược lại ý nguyện thâm sâu của họ. Cụ thể là qua việc sử dụng quyền tự do, hợp pháp của người công dân trong các cuộc bầu cử.

Ông Cole nhấn mạnh: đích điểm hàng đầu của Dự luật H.R. 1 là tạo cơ hội bằng những thủ đoạn gian dối cho đảng Dân chủ độc chiếm quyền lãnh đạo đất nước lâu dài. Với sự kiện này sẽ mở đường cho họ luôn dành thế thượng phong trong các cuộc bầu cử để nắm trọn quyền kiểm soát cả ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp trong nhiều năm tới.

Dân biểu Mo Brooks (R - Alabama) nói trên chương trình phát thanh SiriusXM của Breitbart News rằng dự luật H.R.1, nếu được ban hành thành luật, sẽ biến các cuộc bầu cử Mỹ thành các cuộc bầu cử tại Liên Xô cũ, Cuba hay Bắc Hàn.

Đồng tình với ông Brooks, người phụ trách chương trình của Breitbart Alex Marlow. khẳng định: “Dự luật H.R.1 cũng sẽ làm cho Đảng Dân chủ chiếm đa số mãi mãi. Đảng Cộng Hòa sẽ không bao giờ thắng cử được nữa nếu luật này được thông qua”.

RenewedRight.com căn cứ vào bản tin của The Guardien ngay sau khi Dự Luật vửa qua chặng đầu ở viện dưới, cho hay tại phiên họp Hội đồng trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ Ted Cruz (R. Texas) đã lên tiếng công kích dự luật H.R. 1 và chỉ ra rằng luật của Đảng Dân chủ cấp quyền bỏ phiếu cho những kẻ phạm tội như lạm dụng tình dục trẻ em.

Vẫn theo ông Cruz, Dự luật này nếu trở thành luật sẽ bảo đảm cho đảng Dân chủ một thứ quyền phi tình phi lý là không bao giờ bị thất cử, và điều này có nghĩa là đảng Cộng Hòa sẽ vĩnh viện không thể ngóc đầu lên được. Nó cũng mang ý nghĩa là một nửa dân số Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ bị trắng trợn tước quyền bởi một bọn cướp ngày! Do đó, không còn con đường nào khác cho cánh hữu là bằng mọi giá phải dồn nỗ lực để loại bỏ Dự luật phản dân chủ này.

Thử bàn qua tính thiết dụng của ID

Trong mọi sinh hoạt với những giao tế hàng ngày ngoài xã hội, đòi hỏi tự thân của mỗi cá nhân phải có một cái gì riêng để chứng minh mình là ai, phân biệt giữa bản thân với người khác. Nó bảo đảm tính riêng tư, cá biệt của mỗi người. Nó không hề mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử hay xâm phạm quyền tư do của ai. Trái lại nó còn góp phần bảo vệ và thăng hoa quyền lợi, nhân phẩm của mỗi con người trong xã hội, mọi thời, mọi nơi.

Với những người lái xe, Drive Licence thay thế cho ID. Với những người không lái xe hoặc từng lái xe nhưng thôi không lái xe nữa, thì có ID để thay thế.

Với thẻ căn cước (ID) này, nó có thể trở thành chiếc chìa khóa giúp mọi cá nhân mở vào hầu hết những ngõ ngách khác trong mối tương giao, sinh hoạt hàng ngày, dù ở bất cứ đâu, tại đất nước mình cư ngụ hay ra hải ngoại.

Muốn có một nơi chốn để trú thân, dù làm chủ hay đi thuê, bất cứ ai cũng phải có ID. Nhờ đó, người mua hay người đi thuê biết chắc rằng mình sẽ là chủ nhân chính thức hoặc người ở thuê hợp pháp, không lo có ngày phải đáo tụng đình. Ngược lại, người bán nhà hay chủ cho thuê nhà cũng có được sự an toàn tương tự.

Thí dụ trên có thể coi như trường hợp điển hình cho rất nhiều tính thiết dụng khác của thẻ căn cước (ID) của mỗi người cho cả chục cả trăm nhu cầu khác trong tương quan xã hội. Từ chuyện cưới vợ, lấy chồng, xin việc làm, xin trợ cấp an sinh xã hội, mua bảo hiểm nhà, xe, bảo hiểm y tế, mở chương mục ở nhà băng, cho tới chuyện mua vé máy bay, xin nhập quốc tịch, ghi danh ứng cử ở mọi hệ cấp v.v…

Từ đấy, trừ những người mất trí, điên loạn, bất cứ ai, cho dù thuộc giới bình dân, trình độ học vấn thấp kém, cũng nhận ra nhu cầu cần thiết phải có ID đối với cử tri để bỏ phiếu chọn lựa người đại diện cho mình trong các cuộc bầu cử. Không những nó nói lên tính minh bạch mà còn là một bảo chứng cho giá trị các cuộc bầu cử trong những cơ chế dân chủ, tự do.

Điều này cho thấy sự khác biệt hiển nhiên khi nhìn vào cái gọi là bầu cử dưới các chế độ độc tài, quân phiệt, nhất là trong khối cộng sản.

Độc giả đừng quên rằng điều khoản miễn trừ cử tri phải xuất trình ID trong việc bỏ phiếu chỉ là một trong rất nhiều điều khoản phản dân chủ của Dự Luật “For The People Act”.

Người bình dân Việt Nam có câu tục ngữ cửa miệng: “Cố đấm ăn xôi”.

Xôi ở đây tượng trưng cho tiền tài, danh vọng cùng những lợi nhuận béo bở, màu mỡ. Nó có ma lực lôi cuốn, thúc đẩy những cá nhân, những khối lực chính trị xấu, bất cố liêm sỉ lăn xả vào những cuộc tranh chấp “gió tanh, mưa máu” để mong kiếm chác, chia phần, dù có bị thân bại danh liệt vẫn trơ mặt cho thiên hạ đấm đá!

Đâu là “xôi” khiến đảng Con Lừa phải “cố đấm”?

Tiền nhân ta có câu: lòng tham của những kẻ bất lương có thể so sánh như cái thùng không đáy. Vì không có đáy giới hạn nên danh vọng, tiền tài dù có đạt được tới mức cao đến đâu cũng vẫn không thỏa mãn lòng tham của họ.

Ứng vào những mưu toan, những thủ đoạn của phe đảng Dân Chủ hiện nay, chỉ cần nhìn vào thái độ cưng chiều, ve vãn quá lố của họ đối với thành phần di dân nhập cư bất hợp pháp trước đây cũng như hiện nay là đủ rõ. Cho dù các nhóm cấp tiến, khuynh tả trong đảng Con Lừa lúc nào cũng cao rao giá trị tình người, nhưng với tinh thần thực dụng, đích điểm nhắm tới của họ nơi các sắc dân thiểu số, cụ thể là người da đen, chỉ là lá phiếu mà thôi.

Cho nên có thể nói trắng ra rằng, chỉ vì khát phiếu trong các cuộc bầu cử họ có thể hy sinh mọi thứ, kể cả những quyền lợi thiết thân của quốc gia, miễn sao có phiếu. Giản dị vì những lá phiếu sẽ là cầu nối giúp họ tiếp tục ngồi lâu, ngồi mãi trên những chiếc ghế êm ái tại viện trên, viện dưới, kể cả chiếc ghế đáng mơ ước của chủ nhân ông Tòa Bạch Ốc.

Đấy là lý do lâu lâu các vị Tổng Thống đảng Con lừa lại nhân danh đủ thứ, bao gồm lòng nhân đạo giữa người với người để ban đặc ân cho hàng chục ngàn cư dân thuộc mọi sắc dân nhập cư bất hợp pháp đang sống lén lút trên lãnh thổ Hoa Kỳ cơ hội vàng để sớm chiều trở thành công dân Hiệp Chúng Quốc. Nó cũng lý giải cho những hành vi lách luật của nhà cầm quyền các tiểu bang xanh để có được những lá phiếu của những cử tri từ lâu đã dời cư qua các tiểu bang lân cận; các thành phần nhập cư bất hợp pháp; những tội nhân hình sự đang thụ án trong nhà tù; kể cả những cử tri đã quá cố từng bị phát giác ở nhiều nơi trong cuộc bầu cử với không ít tai tiếng trong năm bầu cử 2020 vừa qua.

Trong mấy chục ngày đầu sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống thứ 46, ông Joe Biden đã hối hả ký hàng chục sắc lệnh hành chánh triệt tiêu hầu hết những chính sách trị quốc an dân của chính quyền Cộng Hòa. Quan trọng hơn hết là công trình xây dựng bức tường dài cả ngàn dặm còn dang dở dọc theo biên giới phía nam tiếp giáp Mễ Tậy Cơ để ngăn chặn làn sóng xâm nhập của hàng ngàn những thành phần bất hảo trà trộn trong đám đông cả trăm ngàn di dân hỗn tạp. Trong lúc cao hứng, ông Biden còn công khai lên tiếng hứa hẹn như một lời mời gọi đưa tới kết quả tệ hại là cho tới đầu tháng 6 đã có cả trăm ngàn di dân vựợt biên giới tràn vào các tiểu bang miền nam khiến Thống Đốc bang Texas phải lên tiếng báo động.

Điều kỳ lạ là bà Kamala Harris, Phó TT là người được ông Biden đặc cử lo giải quyết tình trạng khủng hoảng biên giới nhưng trong suốt mấy tháng qua, bà chưa hề một lần đặt chân tới thị sát những nơi này. Khi bị báo giới cật vấn bà cố tình tảng lờ, chỉ cười trừ.

Câu hỏi nhiều người đặt ra: phải chăng đây là dấu chỉ cho thấy chính quyền Dân Chủ do cặp đôi Biden/Harris lãnh đạo cố tình làm ngơ để mặc cho đám di dân bát nháo, bao gồm bọn buôn bán ma túy, đầu trộm đuôi cướp tràn vào khắp lãnh thổ Hoa Kỳ?

Và phải chăng nó cũng không ra ngoài chủ trương cố hữu là làm dày thêm danh sách những cử tri tiềm năng cho đảng Con Lừa trong hai cuộc bầu cử năm 2022/2024??

Vài suy nghĩ chót

Như đã nhận định, căn nguyên sâu xa khiến đảng Con Lừa phải tính đến kế lâu dài hầu có thể ngang nhiên ngồi xổm trên Hiến Pháp, thực hiện ý đồ “trăm năm trường trị”.

Muốn thế, bằng mọi cách phải “Luật Pháp Hóa” những trò ma mị trong cuộc cuộc bầu cử 2020 từng bị người dân Hoa Kỳ và công luận thế giới phỉ nhổ.

Bước khởi đầu là gấp rút soạn thảo Dự Luật H.R. 1, ngụy danh “Luật Vì Nhân Dân – for the People Act”. Nó đơn độc đươc thông qua bởi khối đa số đảng Con Lừa.

Nhưng, rất may. Thiên bất dung gian!

Mưu sâu, kế độc của đảng Dân Chủ, với sự tiếp tay của big tech, các nhóm lợi ích và hệ thống truyền thông thiên tả, đã bị thảm bại!

Nhờ quy tắc Filibuster vẫn được duy trì giúp Thượng Viện dễ dàng bỏ thùng rác Dự Luật phản dân.

Nhờ vậy, Tự Do, Dân Chủ & Nguyện Vọng Người Dân thắng keo đầu.

Có điều chắc chắn, những thách đố cho tự do, dân chủ vẫn còn chờ trước mặt.

Miền nam California, Thứ Năm 24-6-2021
 
Văn Hóa
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô giáo: Nguyên văn Phần II trong Pensées, Mục XIII
Vũ Văn An
00:53 28/06/2021

MỤC XIII: Kế sách che giấu với người này và tỏ lộ với người kia.

I. Thiên Chúa muốn cứu chuộc loài người và ban ơn cứu rỗi cho những người tìm kiếm nó. Nhưng con người tự làm cho mình bất xứng với nó đến nỗi quả là chính đáng khi, vì việc ra cứng lòng của họ, Người từ chối ban cho một số người điều Người ban cho những người khác do lòng thương xót chứ không do công lao của họ. Nếu Người muốn thắng vượt sự cố chấp của những người cứng lòng nhất, Người có thể làm thế bằng cách tự tỏ mình ra cách tỏ tường cho họ đến nỗi họ không còn có thể nghi ngờ sự thật về sự hiện hữu của Người; và đó là cách Người sẽ xuất hiện vào ngày sau hết, với những tiếng sét vang dội và sự đảo ngược thiên nhiên, đến nỗi người mù nhất cũng sẽ phải thấy.



Người đã không muốn xuất hiện theo cách đó trong biến cố Người đến cách dịu dàng; bởi vì rất nhiều người đã tự làm cho mình bất xứng với lòng nhân từ của Người, nên Người muốn để họ ở trong tình trạng thiếu phước lành mà chính họ không muốn. Thành thử, sẽ không chính đáng khi Người xuất hiện một cách thần thiêng rõ ràng, và tuyệt đối có sức thuyết phục mọi người; nhưng cũng sẽ không chính đáng khi Người đến một cách giấu ẩn đến nỗi những người chân thành tìm kiếm Người cũng không thể nhận ra Người. Người muốn làm cho Người được những người này biết đến hoàn toàn; và vì vậy, vì muốn xuất hiện tỏ tường với những người tìm kiếm Người hết tâm hồn, và giấu ẩn với những người xa lánh Người hết tâm hồn, Người đã làm cho nhận thức của Người kém bén nhậy đi đến nỗi Người tự làm cho Người các đặc điểm tỏ tường với những người tìm kiếm Người và các đặc điểm giấu ẩn với những người không tìm kiếm Người.

II. Có đủ ánh sáng cho những người muốn thấy, và đủ bóng tối cho những người có xu hướng trái ngược. Có đủ rõ ràng để chiếu sáng những người được chọn, và đủ bóng tối để làm họ tối tăm. Có đủ bóng tối để làm mù những người bị trầm luân, và đủ rõ ràng lên án họ và khiến họ không thể bào chữa được.

Nếu thế giới tồn tại để giáo huấn con người về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì thần tính của Người phải tỏa sáng khắp trong đó một cách không thể chối cãi chứ; nhưng, vì nó chỉ tồn tại nhờ Chúa Giêsu Kitô và vì Chúa Giêsu Kitô, và để giáo huấn con người cả về sự sa đoạ lẫn ơn cứu chuộc của họ, mọi sự ở đó đầy những bằng chứng về hai sự thật này. Điều gì xuất hiện ở đó cũng đều không đánh dấu một loại trừ hoàn toàn hoặc một sự hiện diện tỏ tường của thần tính, mà là sự hiện diện của một vị Thiên Chúa tự giấu ẩn: mọi sự đều mang đặc điểm này.

Nếu không có dấu hiệu nào của Thiên Chúa từng xuất hiện, thì sự thiếu vắng đời đời như thế sẽ mơ hồ lưỡng nghĩa và có thể gán như nhau cho sự thiếu vắng bất cứ thần tính nào và cho sự kiện con người không xứng đáng biết thần tính ấy; nhưng sư kiện đôi Người xuất hiện dù đôi khi chứ không luôn luôn đã gỡ bỏ mọi mơ hồ lưỡng nghĩa. Nếu Người có xuất hiện một lần, thì Người quả hiện hữu mãi mãi. Do đó, chúng ta không thể kết luận bất cứ điều gì khác, ngoại trừ có một vị Thiên Chúa, và con người không xứng đáng với Người.

III. Kế sách của Thiên Chúa là hoàn thiện ý chí hơn là tinh thần. Thế nhưng, sự rõ ràng hoàn toàn lại chỉ phục vụ tinh thần, và gây hại cho ý chí. Nếu không có sự tối tăm, con người sẽ không cảm thấy sự sa đọa của mình; nếu không có ánh sáng, con người sẽ không hy vọng có thuốc chữa.

Vì vậy, không những chỉ công bằng mà còn hữu ích cho chúng ta, khi Thiên Chúa bị che giấu một phần và được tỏ lộ một phần, vì quả là nguy hiểm ngang nhau cho con người khi họ biết Thiên Chúa mà không biết sự khốn cùng của họ, và biết sự khốn cùng của họ mà không biết Thiên Chúa.

IV. Mọi sự đều dạy dỗ con người biết thân phận của họ, nhưng họ phải hiểu chúng: vì điều không đúng là Thiên Chúa tự tỏ lộ,
và tự giấu mình hoàn toàn. Và điều đúng là Người tự giấu Người đối với những kẻ thử thách Người, và Người tự tỏ mình Người đối với những người tìm kiếm Người, vì mọi con người đều vừa bất xứng đối với Thiên Chúa vừa có khả năng biết Thiên Chúa; bất xứng bởi sự sa đọa của họ, có khả năng do bản chất đầu tiên của họ.

V. Không có gì trên trái đất mà không biểu lộ một là sự khốn cùng của con người, hai là lòng thương xót của Thiên Chúa; một là sự bất lực của con người không có Thiên Chúa, hai là sức mạnh của con người có Thiên Chúa.

Cả vũ trụ dạy con người một là họ hư hỏng, hai là họ được cứu chuộc; mọi sự đều dạy họ cả sự vĩ đại lẫn sự khốn cùng của họ. Việc từ bỏ Thiên Chúa xuất hiện nơi những người ngoại giáo; việc che chở của Thiên Chúa xuất hiện nơi những người Do Thái.

VI. Mọi sự trở nên tốt đẹp cho những người được tuyển chọn, kể cả các tối tăm của Kinh thánh; vì họ tôn kính chúng, nhờ các rõ ràng của Thiên Chúa mà họ thấy trong đó: và mọi sự trở nên tồi tệ với những kẻ trầm luân, kể cả các rõ ràng; vì họ báng bổ chúng do các tối tăm họ không hiểu.

VII. Nếu Chúa Giêsu Kitô chỉ đến để thánh hóa, thì trọn Kinh thánh và mọi sự chắc chắn sẽ qui hướng vào đó, và sẽ dễ dàng để thuyết phục những kẻ vô đạo. Nhưng vì Người đến in sanctificationem et in scandalum (để vừa thánh hóa vừa gây vấp ngã) như Isaia nói (Is. 8:14), chúng ta không thể thuyết phục sự cố chấp của kẻ ngoại đạo: nhưng điều đó không chống lại chúng ta, vì chúng ta nói rằng trong cách xử sự của Thiên Chúa, không hề có xác tín nào đối với những tinh thần ngoan cố, và không chân thành tìm kiếm sự thật. Chúa Giêsu Kitô đến, để những người không thấy được thấy, và để những người thấy trở thành mù quáng: Người đến để chữa lành người bệnh và để các vị thánh chết; kêu gọi người tội lỗi thống hối và làm họ nên công chính, và để mặc những người tin rằng mình công chính trong tội lỗi của họ; ban đầy tràn cho người thiếu thốn, và để người giàu có trở về tay không.

Các tiên tri nói gì về Chúa Giêsu Kitô? Có phải Người hiển nhiên là Thiên Chúa không? Không: nhưng Người là một vị Thiên Chúa thực sự giấu ẩn; Người sẽ bị ngộ nhận; người ta sẽ không nghĩ đó là chính Người; Người sẽ là một hòn đá làm cho một số người vấp ngã, v.v.

Chính để làm cho Đấng Mêxia được những người tốt biết đến, và bị những kẻ ác không nhận ra, mà Thiên Chúa đã làm cho Người được báo trước theo cách này. Nếu đường lối của Đấng Mêxia đã được tiên đoán rõ ràng thì sẽ không có sự tối tăm nào, ngay cả đối với
những kẻ ác. Nếu thời gian được báo trước một cách mơ hồ, thì có sự tối tăm, ngay cả đối với những người tốt; bởi vì sự tốt lành của trái tim họ sẽ chỉ làm cho họ hiểu rằng một chữ ם (mem), chẳng hạn, có nghĩa là sáu trăm năm". Nhưng thời gian đã được tiên đoán rõ ràng còn cách thức thì được tiên đoán bằng các số liệu.

Nhờ cách đó, kẻ ác, vì coi những ơn phúc đã hứa là các của cải tạm bợ, nên đã lầm lạc dù thời gian đã được tiên đoán rõ ràng; còn những người tốt không lạc đường: vì việc hiểu các ơn phúc đã hứa tùy thuộc trái tim, là quan năng gọi là ơn phúc điều nó yêu mến; nhưng việc hiểu thời gian đã hứa không phụ thuộc trái tim; và do đó việc tiên đoán rõ ràng về thời gian, và tối tăm về ơn phúc chỉ đánh lừa những kẻ ác.

VIII. Đấng Mêxia sẽ phải như thế nào, vì nhờ Người mà vương trượng phải ở Giuđa mãi mãi, và khi Người đến, vương trượng phải bị lấy khỏi Giuđa?

Không điều nào khéo hơn điều này: làm cho họ nhìn, mà không thấy và làm cho họ nghe mà không hiểu.

Thay vì phàn nàn về việc Thiên Chúa tự giấu ẩn, ta phải cảm ơn Người vì Người đã tự tỏ mình ra như thế, và cũng cảm ơn Người đã không tự tỏ mình ra cho những người khôn ngoan của thế gian, cũng không cho những người kiêu ngạo, không xứng đáng biết một Thiên Chúa hết sức thánh thiện.

IX. Gia phả của Chúa Giêsu Kitô trong Cựu ước bị pha trộn bởi rất nhiều điều vô dụng khác, đến nỗi người ta không thể nào biện
phân được. Nếu Môsê chỉ ghi lại các tổ tiên của Chúa Giêsu Kitô, thì gia phả đó đã hết sức rõ ràng rồi. Nhưng, dù sao, người nào nhìn kỹ sẽ thấy gia phả của Chúa Giêsu Kitô rõ ràng được biện phân qua Thamar, Ruth, v.v.

Các điểm yếu rõ ràng nhất là các điểm mạnh đối với những người biết nhìn rõ mọi sự vật. Ví dụ, hai gia phả của Thánh Mátthêu và Thánh Luca: điều rõ ràng là nó đã không được thực hiện một cách hợp ý với nhau.

X. Vì vậy, ước chi người ta đừng trách móc chúng ta vì sự thiếu rõ ràng, vì chúng ta vốn tuyên xưng điều đó. Nhưng ước chi họ nhìn nhận chân lý của tôn giáo ngay trong chính sự tối tăm của tôn giáo, trong một chút nhận thức chúng ta có về nó, và trong sự thờ ơ chúng ta có đối với việc biết nó.

Nếu chỉ có một tôn giáo, Thiên Chúa sẽ quá hiển hiện; nếu không có người tử vì đạo ngoại trừ trong tôn giáo của chúng ta, thì cũng thế.

Chúa Giêsu Kitô, vì muốn để cho kẻ ác trong cảnh mù tối nên đã không nói rằng Người không phát xuất từ Nadarét, cũng không phải là con trai của Thánh Giuse.

XI. Vì Chúa Giêsu Kitô vẫn sống vô danh giữa loài người, nên trong dư luận thông thường, sự thật cũng vẫn không được biết đến, không có sự khác biệt bên ngoài: Thánh Thể cũng như thế giữa các hình bánh thông thường.

Nếu lòng thương xót của Thiên Chúa quá lớn đến nỗi Người dạy dỗ chúng ta cách sinh ơn ích, ngay cả lúc Người tự giấu mình, thì chúng ta còn mong ánh sáng nào nữa khi Người tự tỏ mình ra?

Chúng ta sẽ không hiểu gì về công việc của Thiên Chúa, nếu chúng ta không lấy làm nguyên tắc việc Người làm mù một số người và soi sáng mộg số người khác.

Kỳ tới: Mục XIV: Các Kitô hữu đích thực và các người Do Thái đích thực có cùng một tôn giáo.
 
VietCatholic TV
Huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/6/2021: Căn bệnh nghiêm trọng nhất của nhân sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:55 28/06/2021

Chúa Nhật 27 tháng Sáu Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta hai phép lạ ngoạn mục của Chúa Giêsu.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay trong bài Tin Mừng (x. Mc 5,21-43) Chúa Giêsu đối diện với hai hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta là cái chết và bệnh tật. Ngài giải thoát hai người khỏi các hoàn cảnh bi thảm này: một bé gái, là người vừa chết khi cha cô chạy đi cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu; và một phụ nữ, bị mất máu nhiều năm. Chúa Giêsu cảm động trước sự đau khổ và cái chết của chúng ta, và Ngài làm ra hai dấu chỉ chữa lành để cho chúng ta biết rằng cả đau khổ và sự chết đều không có tiếng nói cuối cùng. Ngài nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Ngài đánh bại kẻ thù này, kẻ thù mà một mình chúng ta mà thôi thì không thể giải phóng được mình.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thời điểm mà bệnh tật vẫn là trung tâm của các bản tin, chúng ta nên tập trung vào một dấu chỉ khác, đó là sự chữa lành cho người phụ nữ bị mắc chứng xuất huyết. Không chỉ có vấn đề về sức khỏe mà thôi, tình cảm của cô ấy cũng đã bị tổn hại. Tại sao? Cô bị xuất huyết và do đó, theo suy nghĩ của người thời đó, cô bị coi là người không trong sạch. Cô ấy là một phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội; cô ấy không thể có những mối quan hệ ổn định; cô ấy không thể có chồng; cô ấy không thể có một gia đình, và không thể có những mối quan hệ xã hội bình thường, bởi vì cô ấy “không trong sạch”, một căn bệnh đã khiến cô ấy “không trong sạch”. Cô sống cô đơn, với một trái tim đầy vết thương. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Bệnh lao chăng? Đại dịch chăng? Thưa: Không phải như thế. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu; là không thể yêu. Người phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh, vâng, vì mất máu, nhưng kết quả là, thiếu tình yêu thương, vì cô ấy không thể ở bên người khác trong xã hội. Và sự chữa lành ngoạn mục nhất là sự chữa lành về tình cảm. Nhưng làm thế nào để chúng ta tìm thấy sự chữa lành? Chúng ta có thể nghĩ về những người chúng ta thương mến: họ có bị bệnh không hay đang có sức khỏe tốt? Nếu họ mắc bệnh, Chúa Giêsu có thể chữa lành cho họ.

Câu chuyện về người phụ nữ vô danh này - chúng ta hãy gọi cô ấy như vậy, “người phụ nữ vô danh” -, người mà tất cả chúng ta có thể thấy chính mình nơi cô ấy, là một mẫu gương. Trình thuật Tin Mừng nói rằng cô ấy đã thử nhiều phương pháp điều trị, “đã tiêu hết những gì cô ấy có, mà chẳng khá hơn nhưng càng ngày càng tệ hơn” (câu 26). Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thường xuyên lao vào những phương dược chữa trị sai lầm để thoả mãn sự thiếu thốn tình yêu của mình không? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không thể mua được; tình yêu là nhưng không. Chúng ta ẩn mình trong ảo ảnh, nhưng tình yêu là hữu hình. Chúng ta không chấp nhận bản thân mình như thực chất của chúng ta và chúng ta ẩn sau những dáng vẻ bề ngoài, nhưng tình yêu không phải là hình thức bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm giải pháp từ các trò ma thuật và từ các chuyên gia, để rồi thấy mình hết cả tiền và hết cả bình yên, giống như người phụ nữ đó. Cuối cùng, cô chọn Chúa Giêsu và lao mình vào đám đông để chạm vào áo của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người phụ nữ đó tìm cách tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc thể lý với Chúa Giêsu. Đặc biệt trong thời điểm này, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc tiếp xúc và các mối quan hệ như thế nào. Điều tương tự cũng đúng trong mối quan hệ với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng tuân theo một số giới luật và lặp đi lặp lại lời cầu nguyện - nhiều lần, giống như những con vẹt -, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta gặp gỡ Người, để mở lòng chúng ta ra với Người, vì chúng ta, như người phụ nữ, cần chạm vào quần áo của Người để được chữa lành. Khi trở nên thân mật với Chúa Giêsu, tình cảm của chúng ta sẽ được chữa lành.

Chúa Giêsu muốn điều này. Trên thực tế, chúng ta đọc thấy rằng, ngay cả khi bị đám đông thúc ép, Ngài vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm vào Ngài. Các môn đệ đã nói: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem “Ai đã chạm vào tôi?” Đây là cái nhìn của Chúa Giêsu: có rất nhiều người, nhưng Ngài đi tìm một khuôn mặt và một tấm lòng tràn đầy đức tin. Chúa Giêsu không hờ hững nhìn chung chung như chúng ta, nhưng Ngài nhìn vào từng cá nhân. Ngài không dừng lại ở những vết thương và sai lầm của quá khứ, mà còn vượt lên trên những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, và mỗi người chúng ta, trong bí mật của mình, đều biết rõ những vấn đề xấu xa trong lịch sử của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn vào đó để chữa lành. Trái lại, chúng ta thích nhìn những vấn đề xấu xa của người khác. Biết bao lần khi trò chuyện, chúng ta lại rơi vào tình trạng huyên thuyên nói xấu người khác, “xỉa xói” người khác. Nhưng này: làm như thế thì đi đến đâu? Chúng ta thường không hành động như Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn vào những cách thế để cứu chúng ta; Ngài nhìn vào ngày hôm nay; Ngài không nhìn vào lịch sử xấu xa mà chúng ta có. Chúa Giêsu vượt lên trên tội lỗi. Chúa Giêsu vượt ra ngoài những định kiến. Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những vẻ bề ngoài, nhưng đi đến tận thẳm sâu trái tim. Và Ngài chữa lành hoà toàn cho cô ấy, là người đã bị mọi người khước từ như một người phụ nữ không trong sạch. Ngài dịu dàng gọi cô là “con” (câu 34) - phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, từ bi và dịu dàng: “Này con” - và Ngài ca ngợi đức tin của cô, khôi phục sự tự tin cho cô.

Anh chị em đang hiện diện ở đây thân mến, hãy để Chúa Giêsu nhìn vào và chữa lành trái tim anh chị em. Tôi cũng phải làm điều này: là để Chúa Giêsu nhìn vào trái tim tôi và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm thấy sự dịu dàng khi Ngài nhìn vào anh chị em, hãy bắt chước Ngài, và làm như Ngài đã làm. Nhìn xung quanh: anh chị em sẽ thấy rằng nhiều người sống bên cạnh anh chị em cảm thấy bị thương và cô đơn; họ cần cảm thấy được yêu thương: hãy thực hiện từng bước. Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em một cái nhìn không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng đi vào trái tim: một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón - chúng ta hãy ngừng phán xét người khác - Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một cái nhìn không phán xét. Vì chỉ tình yêu mới có thể hàn gắn cuộc đời. Xin Đức Mẹ, Đấng An Ủi những người đau khổ, giúp chúng ta có thể vuốt ve những người có trái tim bị tổn thương mà chúng ta gặp trên hành trình của mình. Và đừng phán xét; đừng phán xét thực tế cá nhân, xã hội của người khác. Chúa yêu tất cả mọi người! Đừng phán xét; hãy để người khác sống và cố gắng tiếp cận họ bằng tình yêu thương.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến! Hôm nay, gần Lễ Các Thánh Phêrô và Phaolô, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hãy cầu nguyện một cách đặc biệt: Đức Giáo Hoàng cần lời cầu nguyện của anh chị em! Cảm ơn anh chị em. Tôi biết anh chị em sẽ làm như vậy.

Nhân Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông hôm nay, tôi mời mọi người cầu xin lòng thương xót và hòa bình của Thiên Chúa cho khu vực đó. Xin Chúa ủng hộ nỗ lực của những người tham gia đối thoại và chung sống huynh đệ ở Trung Đông, nơi đức tin Kitô được sinh ra và luôn sống động, bất chấp những đau khổ. Xin Chúa luôn ban cho những người thân yêu của chúng ta ở đó sự bình an, sự kiên trì và lòng can đảm.

Tôi bảo đảm sự gần gũi của tôi với những người dân ở phía Tây Nam của Cộng hòa Tiệp bị tấn công bởi một cơn bão mạnh. Tôi cầu nguyện cho những người đã ra đi và những người bị thương và những người đã phải rời bỏ ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng của họ.

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn, đến từ Rôma, từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi thấy người Ba Lan, người Tây Ban Nha…. Rất nhiều ở đó và ở đó…. Cầu chúc cho chuyến viếng thăm mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô củng cố trong anh chị em tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo hội của Người.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt! Tuổi trẻ của Đức Mẹ Vô nhiễm, các con xuất sắc lắm!
Source:Holy See Press Office
 
Hình ảnh ngoạn mục Đức Mẹ hiện ra ở Clearwater, gần nơi sập chung cư, 159 người vẫn còn mất tích
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:06 28/06/2021


1. Bốn người thiệt mạng, 159 người mất tích do sập chung cư

“Đây là một đêm bi thảm….”

Các nhân viên cấp cứu hôm thứ Sáu đã nỗ lực tìm kiếm trong đống đổ nát của một chung cư ở khu vực Miami, bị sập một ngày trước đó, khi các quan chức nâng số người mất tích lên 159 người và xác nhận rằng 4 người đã chết.

Thị trưởng Miami-Dade là Daniella Levine Cava nói rằng 120 người đã được điều động, và bất chấp những điều kiện nguy hiểm, các đội cấp cứu vẫn “vô cùng tích cực” trong việc tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và cấp cứu vì chúng tôi vẫn có hy vọng rằng chúng tôi sẽ tìm thấy những người còn sống”.

Lực lượng cấp cứu đã nghe thấy âm thanh của những tiếng đập và những tiếng động khác trong đêm, nhưng vẫn chưa xác định được liệu chúng phát ra từ các mảnh vỡ rơi xuống hay do người ta gây ra.

“Mỗi khi chúng tôi nghe thấy một âm thanh, chúng tôi tập trung vào khu vực đó”.

Chung cư Champlain Towers South, nằm ở Surfside, bị sập vào sáng sớm thứ Năm.

Nó có hơn 130 căn, khoảng 80 căn là có người ở.

Đoạn phim được camera an ninh gần đó ghi lại cho thấy toàn bộ một bên của tòa nhà đột nhiên bị nứt ra thành hai phần, lần lượt rơi xuống.

Nguyên nhân khiến tòa nhà 40 năm tuổi này sụp đổ vẫn chưa được xác định ngay lập tức, mặc dù các quan chức địa phương cho biết tòa tháp 12 tầng đang trải qua quá trình tái chứng nhận yêu cầu sửa chữa, với một tòa nhà khác đang được xây dựng trên địa điểm liền kề.

Theo một nghiên cứu năm 2020, các dữ liệu radar cho thấy phần đất bên dưới tòa nhà đã bị lún từ những năm 1990. Một trong những tác giả của nghiên cứu này nói rằng điều đó tự nó sẽ không khiến một tòa nhà sụp đổ nhưng nó đáng để điều tra thêm.

Cuối ngày thứ Năm, một cư dân đã đệ đơn kiện đầu tiên, nói rằng biến cố này có thể tránh được nếu ban quản lý chung cư sửa chữa những hạng mục cần thiết và bảo đảm an toàn.
Source:Reuters

2. Tổng giáo phận Miami và vụ sập chung cư

Đức Tổng Giám Mục Miami hôm thứ Năm đã cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sập một tòa nhà chung cư ở Surfside, Florida.

“Trái tim của chúng ta hướng về tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này,” Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami nói hôm thứ Năm. Ngài hứa sẽ cầu nguyện “cho các nạn nhân, gia đình của họ và những người phản ứng đầu tiên. Xin Chúa ban sức mạnh cho họ”.

Khoảng 1 giờ 30 sáng theo giờ địa phương, sáng Thứ Năm, 24 Tháng Sáu, Champlain Towers - một khu chung cư 12 tầng bên bờ biển ở Surfside, Florida - bị sập một phần. Tính đến sáng thứ Sáu, bốn người đã được tuyên bố là đã chết và 159 người được ghi nhận là mất tích.

“Các đội tìm kiếm và cấp cứu tiếp tục sàng lọc trong đống đổ nát để tìm những người sống sót và trục vớt thi thể của những người không may,” Đức Tổng Giám Mục Wenski cho biết vào hôm thứ Năm. “Tổ chức bác ái Công Giáo của chúng tôi và các giáo sĩ địa phương đã tham gia với các cơ quan tình nguyện khác và các nhà lãnh đạo tôn giáo để hỗ trợ bằng mọi cách có thể.”

Tổ chức bác ái Công Giáo của Tổng giáo phận Miami đang quyên góp cho những người bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này. Một nhân viên nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổ chức cũng đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người bị ảnh hưởng và đang xem xét các lựa chọn nhà ở tạm thời cho những cư dân hiện đang lâm vào tình trạng vô gia cư.

Theo trang Facebook của tổ chức bác ái Công Giáo tổng giáo phận, 12 gia đình thuộc giáo xứ Công Giáo Thánh Giuse gần đó đang cư trú trong khu phức hợp Champlain Towers. “Cha Juan Sosa, cha sở của những gia đình đó đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng”.

Theo một cuộc họp báo vào sáng thứ Sáu của Sở Cảnh sát Miami-Dade, 159 người được ghi nhận là mất tích và 4 người chết. Máy móc hạng nặng đang được sử dụng để dọn đống đổ nát khi công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục.

Theo tổng giáo phận, thánh lễ dự kiến sẽ được cử hành tại giáo xứ Thánh Giuse vào sáng thứ Sáu cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ sập nhà.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sập tòa nhà ở Florida

Hôm thứ Bảy 26 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện và gửi lời chia buồn tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ sập một tòa nhà chung cư gây chết người ở Florida trong tuần này.

Sáng sớm thứ Năm, tòa nhà chung cư 12 tầng bên bờ biển Champlain Towers ở Surfside, Florida, đã bị sập một phần. Cho đến sáng thứ Bảy, bốn người đã được tuyên bố là đã chết và 159 người vẫn còn mất tích, Thị trưởng Miami-Dade Daniella Levine Cava cho biết như trên.

Trong một thông điệp ngày 26 tháng 6 thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican cho biết Đức Thánh Cha muốn “ bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước sự mất mát đau thương về nhân mạng” trong vụ sập tòa nhà.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha Phanxicô “đưa ra lời cầu nguyện chân thành xin Thiên Chúa Toàn năng ban cuộc sống vĩnh cửu cho những người đã qua đời, niềm an ủi cho những người đang thương tiếc sự mất mát của thân quyến và sức mạnh cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch to lớn này.”

“Với lòng biết ơn đối với những nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên cấp cứu và tất cả những ai tham gia vào việc chăm sóc cho những người bị thương, các gia đình đau buồn và những người đột nhiên rơi vào tình cảnh vô gia cư, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu cầu ơn lành Thiên Chúa trên toàn bộ cộng đồng, sự an ủi, dũng cảm và kiên trì trong mọi việc thiện.”

Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, đã truyền đạt thông điệp này tới Đức Tổng Giám Mục Wenski.

Cha sở tại giáo xứ Công Giáo Thánh Giuse gần đó, nằm cách khu chung cư chỉ vài dãy nhà, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào chiều thứ Sáu rằng 9 gia đình trong giáo xứ sống ở chung cư này vẫn mất tích. Cha Juan Sosa cho biết thêm một số người trong số họ là những người đi lễ hàng ngày.

Theo các nhà chức trách, tổng số người không có tên trong vụ sập là 159 người, không thay đổi trong khoảng thời gian từ thứ Sáu đến sáng thứ Bảy.

Ba gia đình khác sống trong chung cư không có mặt tại thời điểm xảy ra vụ sập, hoặc đã chạy thoát kịp thời, Cha Sosa nói, và “vì điều này, tôi tạ ơn Chúa.”

“Tuy nhiên, toàn bộ cộng đồng đang cầu nguyện cho những người mà chúng tôi chưa có tin về họ”. Một thánh lễ đã được cử hành tại nhà thờ Thánh Giuse vào sáng thứ Sáu cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này.

Cha Sosa nói: “Cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhiều hy vọng và bình an vào lúc này và luôn mãi!”

Thị trưởng Cava hôm thứ Bảy cho biết ngọn lửa trong đống đổ nát của vụ sập nhà đã trở thành chướng ngại vật đối với đội tìm kiếm và cấp cứu tại chỗ. Cô cho biết, khói đã lan tỏa theo chiều ngang trong đống đổ nát.

Jackie Carrion, một nhân viên cấp cao của Tổ chức bác ái Công Giáo tổng giáo phận, nói với Công Giáo Florida về nỗi buồn trước cảnh sụp đổ.

“Tôi đã làm việc trong các trận cuồng phong, nhưng không có gì giống như thế này: Đâu đâu bạn cũng có thể nhìn thấy một vẻ mặt buồn bã trên khuôn mặt của mọi người. Thật là đau lòng”, cô nói.
Source:Catholic News Agency

4. Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại tòa nhà Clearwater

Clearwater là một thành phố nằm ở Quận Pinellas, Florida, Hoa Kỳ, phía tây bắc của Tampa và St. Petersburg. Về phía tây của Clearwater là Vịnh Mexico và về phía đông nam là Vịnh Tampa. Thành phố có khoảng 108,000 dân. Clearwater là quận lỵ của Quận Pinellas và là nơi đã xảy ra biến cố nhiều người cho là Đức Mẹ hiện ra, và gọi đó là một phép lạ Mùa Giáng sinh của Tampa.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 1996, những vòng xoáy cầu vồng tạo thành một hình dạng quen thuộc của Đức Mẹ trên tấm kính bên ngoài của công ty Seminole Finance Corp. Hình ảnh Đức Mẹ hiện ra rõ nét ở đó, trải dài qua hai tầng của tòa nhà ở góc đường US 19 và Drew Street.

Hình ảnh Đức Mẹ trên các tấm kính của tòa nhà Seminole Finance ở Clearwater đã thu hút rất đông người xem trước lễ Giáng sinh năm 1996.

Những người qua đường đã lưu ý đến hiện tượng này và gọi ngay cho các đài truyền hình địa phương. Trong vòng vài giờ, hàng trăm người đã đổ về đây từ khắp Vịnh Tampa. Đến nửa đêm, cảnh sát vẫn còn đếm được ít nhất 500 người trong đám đông.

Làn sóng du khách xuất hiện, làm tắc nghẽn các con đường và bãi đậu xe gần đó. Trong những tuần tiếp theo, hơn 600,000 người đã đến để tận mắt chứng kiến cảnh tượng này.

Họ mang theo hoa và nến. Họ đã cầu nguyện. Họ đã khóc. Một cặp thậm chí đã kết hôn ngay ở đó.

Nhiếp ảnh gia Scott Keeler, người tường trình biến cố này cho biết: “Chỉ trong vài ngày, mọi người bắt đầu dùng danh xư Our Lady of Clearwater”.

Thành phố đã phải lắp đặt các nhà vệ sinh di động, trong khi cảnh sát tìm cách xua đuổi những người bán hàng bất hợp pháp cố gắng bán hàng cho du khách. Một tiệm rửa xe gần đó treo bảng ngưng hoạt động để quay sang bán những chiếc áo thung có hình Đức Mẹ trên các tấm kính của tòa nhà với giá cắt cổ là 9.99 Mỹ Kim.

Hàng chục phóng viên truyền hình phát sóng từ bãi đậu xe trong khi máy bay trực thăng đưa tin lao vun vút phía trên. Michael Krizmanich, chủ sở hữu của Tập đoàn Tài chính Seminole, nói với tờ Times rằng các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đã cố gắng liên lạc với ông.

Ông Frank Mudano, một kiến trúc sư làm việc cho công ty thiết kế tòa nhà này nói với tờ Times “Thật kỳ lạ. Tôi đã thiết kế các tòa nhà này 40 năm trước. Tôi tin rằng có một số sự can thiệp của thần thánh.”

Tháng 5 năm 1997, những kẻ phá hoại đã ném chất lỏng vào tấm kính để làm biến dạng khuôn mặt Đức Mẹ. Ngay ngày hôm sau, mưa bão dữ dội ập xuống thành phố liên tiếp trong nhiều. Sau khi trời quang mây tạnh, hình ảnh Đức Mẹ đã trở lại huy hoàng như trước đây.

Năm 2004, một thanh niên 18 tuổi bị tâm thần đã dùng súng cao su bắn vỡ cửa kính trên cùng. Sau khi cửa kính được phục hồi hình ảnh Đức Mẹ lại hiện ra.

Ngày nay, thỉnh thoảng hình ảnh Đức Mẹ vẫn tiếp tục hiện ra rõ nét như vào Muà Giáng Sinh 1996.

Công ty Seminole Finance Corp đã nhường lại tòa nhà này để làm trung tâm hành hương Shepherds of Christ Ministries.
Source:Tampa Bay

5. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân vinh danh cựu tổng thống Benigno Aquino

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân đã vinh danh cựu tổng thống Benigno Aquino, người đã qua đời vào hôm thứ Năm, 24 tháng 6, vì một căn bệnh kéo dài. Ông thọ 61 tuổi.

Cựu tổng thống là con trai của hai trong số những biểu tượng chính trị của đất nước, cựu tổng thống Corazon Aquino và cựu thượng nghị sĩ Benigno Aquino.

Đức Hồng Y Jose Advincula của Tổng giáo phận Manila đã dẫn đầu các nhà lãnh đạo Giáo hội dâng lời cầu nguyện cho cựu tổng thống của đất nước.

“Chúng tôi đã được thông báo tin buồn về sự ra đi của cựu tổng thống của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác ông cho lòng nhân từ của người Cha yêu thương của chúng ta và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện cho sự yên nghỉ vĩnh viễn của linh hồn ông ấy,” Đức Hồng Y nói.

“Lạy Chúa, xin ban sự yên nghỉ đời đời cho linh hồn Benigno Aquino và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn ấy. Xin cho linh hồn này, và linh hồn của tất cả các tín hữu đã ra đi được yên nghỉ trong bình an, nhờ lòng thương xót của Chúa.”

Cha của cựu tổng thống vừa quá cố là một nhà lãnh đạo đối lập trong thời kỳ cai trị của nhà độc tài Ferdinand Marcos. Ông bị ám sát khi trở về nhà sau khi sống lưu vong chính trị ở Hoa Kỳ vào năm 1983.

Vụ giết người đã gây chấn động cả nước và giúp đẩy Marcos ra khỏi chức vụ trong cuộc cách mạng “Sức mạnh nhân dân” năm 1986, và đưa mẹ của tổng thống, là bà Corazon Aquino, lên nắm quyền.

Được biết đến với cái tên “Noynoy”, Aquino trẻ tuổi đã tạo ra một làn sóng ủng hộ của công chúng đối với chức vụ tổng thống sau cái chết của mẹ mình vào năm 2009.

Đức Cha Pablo Virgilio David của Kalookan nói: “Với tư cách là tổng thống, Aquino đã chứng tỏ mình là một người con xứng đáng của những bậc cha mẹ vĩ đại, những người mà đất nước mang ơn vì đã khôi phục nền dân chủ ở đất nước chúng ta”.

Đức Cha Rex Alarcon của Daet, phía nam Manila, nói: “Xin chân thành cầu nguyện và chia buồn cùng gia đình của cựu tổng thống. Cầu mong tình yêu và lòng thương xót của Chúa sẽ rủ lòng thương linh hồn người quá cố”,

Đức Cha Arturo Bastes, Giám Mục hiệu tòa của Sorsogon, cũng ở phía nam của hòn đảo chính Luzon, cho biết người dân Phi Luật Tân “vô cùng thương tiếc trước cái chết không đúng lúc” của cựu tổng thống.

Đức Cha nói: “Ông ấy là một vị tổng thống làm việc chăm chỉ khiêm tốn, là người đã cải thiện đáng kể nền kinh tế của đất nước chúng ta,” và nói thêm rằng người dân Phi Luật Tân “sẽ không bao giờ quên lòng yêu nước của gia đình phi thường này.”

Đức Cha Jose Colin Bagaforo của Kidapawan ở vùng Mindanao, miền nam Phi Luật Tân, nói rằng Aquino sẽ được ghi nhớ vì “những cải cách kinh tế và lập trường của chính phủ về sự thánh thiêng của cuộc sống”.
Source:Catholic News Agency
 
Trò mất dạy: Nhảy múa và thoát y ngay trước cửa nhà thờ chính tòa Công Giáo tại Colombia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:07 28/06/2021


1. Vatican 'quan ngại sâu sắc' về khả năng sụp đổ của Li Băng

Trước ngày Vatican cầu nguyện cho Li Băng vào ngày 1 tháng 7, một quan chức cấp cao của Vatican đã bày tỏ lo ngại rằng sự sụp đổ tiềm tàng của đất nước có thể gây nguy hiểm cho sự hiện diện của Kitô giáo ở Trung Đông.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, cho biết vào ngày 25 tháng 6 rằng ngài tin rằng Tòa thánh có thể đóng góp tích cực vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của Li Băng.

“Tòa thánh quan ngại sâu sắc về sự sụp đổ của đất nước về kinh tế, tài chính, xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến cộng đồng Kitô Giáo và bản sắc của Li Băng,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với các nhà báo tại cuộc họp báo ở Vatican.

Ngài nói rằng sự suy yếu trong sự hiện diện của Kitô Giáo do di cư “có nguy cơ phá hủy trạng thái cân bằng nội tại và thực tế của chính Li Băng, càng khiến sự hiện diện của Kitô Giáo ở Trung Đông gặp rủi ro”.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mối quan ngại tương tự về Li Băng trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh vào đầu năm nay.

Đức Giáo Hoàng nói:

“Điều cần thiết nhất là đất nước này phải duy trì bản sắc độc đáo của mình, đặc biệt là để bảo đảm một Trung Đông đa nguyên, khoan dung và đa dạng, trong đó cộng đồng Kitô Giáo có thể đóng góp thích đáng và không bị biến thành một thiểu số cần được bảo vệ”


Source:Catholic News Agency

2. Ngoại trưởng Tòa Thánh lên tiếng bênh vực cho thái độ im lặng của Vatican đối với tình hình tại Hương Cảng

Hôm thứ Sáu 25 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher rằng ngài và nhiều đồng nghiệp của mình tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vẫn chưa tin rằng việc lên tiếng về tình hình ở Hương Cảng “sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, đã được hỏi rằng đối với Tòa Thánh điều gì khiến tình hình bất ổn dân sự ở Li Băng khác với phong trào biểu tình ở Hương Cảng, ngài trả lời rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh không thấy rằng việc lên tiếng vào lúc này mang lại một đóng góp tích cực nào cho tình hình tại Hương Cảng.

“Rõ ràng Hương Cảng là đối tượng chúng tôi quan tâm. Li Băng là nơi mà chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi có thể đóng góp tích cực. Chúng tôi không nhận thức được điều đó ở Hương Cảng” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói trong một cuộc họp báo của Tòa Thánh vào ngày 25 tháng Sáu.

“Ta có thể nói rất nhiều, có thể nói được là, những từ thích hợp để được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi - và nhiều đồng nghiệp của tôi – thấy vẫn chưa thuyết phục rằng lên tiếng như thế sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã thúc giục Vatican công khai bày tỏ quan ngại về các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở cả Trung Quốc đại lục và Hương Cảng.

Benedict Rogers, người sáng lập Hong Kong Watch, nói với CNA vào tháng 4 rằng sẽ có “sự khác biệt lớn” nếu Đức Giáo Hoàng cầu nguyện công khai cho người Duy Ngô Nhĩ, các tín hữu Kitô Trung Quốc và người dân Hương Cảng.

“Đức Giáo Hoàng đương kim rất thẳng thắn về các vấn đề đàn áp, bất công, và xung đột trên thế giới”, Rogers nói.

“Chẳng hạn, ngài đã đề cập đến rất hay về Miến Điện, và vì vậy thật khó hiểu tại sao lại có sự im lặng gần như hoàn toàn về mọi thứ liên quan đến Trung Quốc, cho dù đó là người Duy Ngô Nhĩ hay Hương Cảng hay các tín hữu Kitô hay Tây Tạng.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước của Vatican, đã nhiều lần nói rằng ngài tin rằng các tuyên bố “giật gân” sẽ phản tác dụng.

Ngài nói với tờ The Standard của Hương Cảng vào ngày 25 tháng 3 rằng “Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy đúng là Tòa thánh không có chính sách, một chính sách ngoại giao, lên án hầu như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, và ngày nay có nhiều vụ vi phạm nhân quyền ở nhiều nơi, nhiều nước”.
Source:Catholic News Agency

3. Nhảy múa và thoát y ngay trước cửa nhà thờ Công Giáo tại Colombia

Một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã nhảy múa và thoát y trước cửa nhà thờ lớn ở thị trấn San Gil, Colombia trong tuần này.

Các điệu nhảy dâm dục đã diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đình công liên tục trên toàn quốc, và như một phần của tháng “tự hào đồng tính”, đã tạo ra một cuộc tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và gây phẫn nộ nơi người Công Giáo.

Đêm 21 tháng Sáu, một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã tập trung bên ngoài nhà thờ chính tòa thành phố San Gil, cách thủ đô Bogota 240km về phía bắc và la hét cổ vũ cho một nhóm điên cuồng nhảy múa và thoát y.

Trong một đoạn video mờ được đăng trên Facebook bởi El Regional, một cơ quan truyền thông Colombia, một giọng nói vang lên qua hệ thống loa giới thiệu “màn trình diễn” của “Sasha”, là người trước khi bắt đầu nhảy múa đã thốt lên: “Loạn tính muôn năm và đĩ điếm muôn năm!”

Một thông điệp từ nhóm này, được Blu Radio đưa tin, nói rằng “Tôn giáo không thể đàn áp cách yêu của chúng ta, tình yêu là tình yêu và cuộc sống phải đa dạng, bao trùm và không có khuôn mẫu. Chúng tôi là tình yêu, chúng tôi là sự đa dạng”.

Một cuộc đình công toàn quốc do các tổ chức cánh tả khác nhau kêu gọi đã bắt đầu ở Colombia vào ngày 28 tháng 4, và được đánh dấu bằng bạo lực và những hành vi thái quá ở các thành phố khác nhau, khiến ít nhất 50 người chết và hàng chục người bị thương.

Một công dân nói với Blu Radio rằng các trò nhảy múa thoát y này cho thấy “sự thiếu tôn trọng, thô tục và các giá trị khốn nạn”. Ông cũng lên án “sự thiếu tôn trọng của họ đối với một biểu tượng của tôn giáo như cửa chính của nhà thờ”.

“Họ có thể làm những điều điên rồ của mình ở nơi khác, nhưng không phải trước mặt trẻ em, gia đình và các bộ phận của cộng đồng không chia sẻ những ý tưởng, xu hướng tình dục và ý thức hệ này.”
Source:Catholic News Agency

4. Đức Thánh Cha tiếp Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức

Hôm 24/6 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.

Đây là lần thứ hai Đức Cha được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Lần đầu cách đây một năm và là cuộc viếng thăm “ra mắt”, sau khi Đức Cha được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục.

Không có thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh về nội dung buổi tiếp kiến, nhưng văn phòng Hội đồng Giám mục Đức cho biết trọng tâm cuộc trao đổi là tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Đức, liên quan đến việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục và tình trạng khó khăn tại một số giáo phận. Đức Cha Bätzing cho biết Đức Thánh Cha biết rất rõ tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Đức và ngài hy vọng những căng thẳng có thể được khắc phục.

Đề tài thứ hai trong cuộc tiếp kiến, là “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Đức Cha Bätzing nói ông đã làm sáng tỏ những vấn đề mà những tin đồn mô tả không đúng, ví dụ những tin cho rằng Giáo Hội Công Giáo tại Đức muốn đi theo một con đường riêng và có nguy cơ ly giáo. Theo Đức Cha Bätzing, “Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng tôi tiếp tục Tiến Trình Công Nghị đã khởi sự, thảo luận cởi mở và ngay chính về các vấn đề được đề ra và đi tới những đề nghị để hoạt động canh tân Giáo hội. Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu Giáo hội tại Đức góp phần vào con đường công nghị của Giáo hội hoàn vũ tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, vào năm 2023”.

Sau cùng, Đức Cha Bätzing cho biết đã nói với Đức Thánh Cha về vấn đề đại kết và Đại hội đại kết lần thứ III mới đây, giữa Công Giáo và Tin lành Đức. Đức Cha nói: “Tôi cảm thấy được Đức Thánh Cha khích lệ trong sứ vụ Giám mục giáo phận Limburg của tôi và trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Tôi có ấn tượng mạnh vì Đức Giáo Hoàng biết rõ tình hình Giáo hội tại Đức và gọi đích danh các vấn đề. Ngài cho biết sẽ đồng hành với Giáo hội tại đất nước chúng ta để ra khỏi cuộc khủng hoảng”.

Trong thời gian qua, nhiều giám mục tại các nước và cả hai vị Hồng Y người Đức, tại Vatican đã phê bình đường hướng Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo tại Đức đang theo đuổi trong 4 lãnh vực là: dân chủ hóa Giáo hội theo kiểu Tin lành, cổ võ truyền chức cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ và thay đổi luân lý tính dục Công Giáo cho hợp với thời đại.
Source:SIR
 
Tin vui lớn cho Giáo Hội Pháp tại tổng giáo phận Paris. Tin rất buồn cho người Công Giáo tại Gibraltar.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:07 28/06/2021


1. Đức Tổng Giám Mục Minneapolis cầu nguyện cho hòa bình sau khi tòa tuyên án Derek Chauvin

Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận St. Paul-Minneapolis đã cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi hòa giải chủng tộc trong thánh lễ hôm thứ Sáu sau khi tòa tuyên án Derek Chauvin vì tội giết George Floyd.

“Tôi cầu nguyện rằng ngày tuyên án hôm nay sẽ mang lại một triển vọng hòa bình và hàn gắn cho gia đình của George Floyd, bạn bè của anh ấy và cộng đồng của chúng ta, đồng thời thúc đẩy chúng ta đi sâu hơn trong các cuộc đối thoại về chủng tộc, công lý, bạo lực và hòa bình”, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda đưa ra lập trường trên vào hôm thứ Sáu.

“Xin hãy cùng tôi cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong những cuộc đối thoại đó, bất kể những khó khăn và bất kể những ngần ngại khi đề cập đến những vấn đề này, đồng thời chúng ta hãy xin Chúa mang lại niềm an ủi cho gia đình Floyd, chữa lành cho cộng đồng của chúng ta và bảo vệ tất cả những ai làm việc vì hòa bình”.

Derek Chauvin, cựu viên chức cảnh sát Minneapolis bị kết án với ba tội danh vô ý giết người cấp hai, giết người cấp ba và ngộ sát cấp hai vì tội giết George Floyd vào tháng 5 năm 2020. Chauvin đã bị kết án 22 năm rưỡi tù vào hôm thứ Sáu.

Anh ta đã khống chế Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi, và đè chặt lên cổ anh ta vào ngày 25 tháng 5 năm 2020. Floyd bị cáo buộc sử dụng tờ 20 đô la giả tại một cửa hàng tạp hóa.

Người qua đường đã quay video cảnh bắt giữ, trong đó cho thấy Chauvin quỳ trên cổ Floyd trên một đường phố ở trung tâm thành phố Minneapolis gần chín phút trong khi Floyd thở hổn hển, rên rỉ, và phàn nàn là không thể thở được. Đến cuối video, Floyd rơi vào tình trạng bất tỉnh. Sau khi xe cấp cứu đến và chở Floyd đến bệnh viện gần đó, anh ta được báo cáo là đã chết.

Chauvin bị bắt vào ngày 29 tháng 5 và bị buộc tội giết người cấp ba và ngộ sát. Các công tố viên sau đó đã nâng cáo buộc lên tội giết người không chủ ý cấp hai. Bốn cảnh sát viên liên quan đến việc bắt giữ, bao gồm cả Chauvin, cuối cùng đã bị Sở cảnh sát Minneapolis sa thải.

Sau cái chết của Floyd, các cuộc biểu tình và bạo loạn lan rộng diễn ra sau đó trên khắp đất nước và thế giới, làm nổi bật sự tàn bạo của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc.

Theo hãng tin AP, bản án của Chauvin là một trong những bản án tù dài nhất áp dụng cho một cảnh sát ở Hoa Kỳ vì tội giết người da đen, nhưng thấp hơn mức án 30 năm mà các công tố viên đã đưa ra. Anh ta sẽ đủ điều kiện để được ân xá sau 15 năm tù.

Bộ Cải Huấn Minnesota không cho biết Chauvin đang bị giam giữ ở đâu sau khi tuyên án.

Các Giám Mục nhận định rằng:

“Cái chết của George Floyd nhấn mạnh và mở rộng thêm các nhu cầu sâu sắc cần phải tôn trọng sự thánh thiêng của mạng sống tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là những người đã bị áp bức trong lịch sử”.

“Chúng ta hãy cầu nguyện rằng sau quá nhiều nỗi đau và nỗi buồn, xin Chúa tiếp thêm sức mạnh để chúng ta tẩy sạch vùng đất của chúng ta khỏi tệ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn thể hiện theo những cách mà hầu như không bao giờ được nói ra, những cách không bao giờ xuất hiện trên tiêu đề báo chí.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Giám Mục Gibraltar bày tỏ nỗi buồn trước điều báo chí gọi là vụ bội giáo tập thể

Người dân Gibraltar đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm 24 tháng Sáu để thông qua dự luật hợp pháp hóa phá thai.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 24 tháng 6, sau khi bị hoãn lại từ tháng 3 năm 2020 do đại dịch coronavirus.

Dự luật đã được 7,656 phiếu thuận và 4,520 phiếu chống.

Gibraltar là Lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực nam của Bán đảo Iberia với dân số khoảng 32,000 người trong đó có đến 25,000 người Công Giáo chiếm 78% dân số. Biên giới phía bắc của Gibraltar là với Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha luôn khẳng định Gibraltar là một phần lãnh thổ của họ.

Hơn 23,000 người Gibralta đã ghi danh bỏ phiếu. Hầu hết dân chúng bỏ phiếu tại các phòng đầu phiếu. Tuy nhiên, phiếu bầu có thể gởi qua bưu điện; và việc ủy nhiệm người khác bầu thay cũng được cho phép.

Trước cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này phá thai là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù chung thân ở Gibraltar, ngoại trừ trường hợp tính mạng của người mẹ gặp rủi ro.

Vào năm 2019, Quốc hội Gibraltar đã tìm cách thông qua Dự luật Tu chính các Tội phạm 2019 với ý định hợp pháp hóa việc phá thai lên đến 12 tuần nếu sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của người phụ nữ bị coi là có nguy cơ hoặc nếu người phụ nữ ấy phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Phá thai cũng sẽ được cho phép bất cứ lúc nào nếu thai nhi có dị tật bất thường.

Dự luật không thông qua được tại Quốc Hội nên mới có cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này.

Phong trào Vì sự sống Gibraltar phản đối dự luật và tiến hành chiến dịch “Cứu trẻ sơ sinh. Hãy bỏ phiếu không trước cuộc trưng cầu dân ý”.

Khoảng 500 người đã tham dự Tuần Hành Phò Sinh của nhóm vào ngày 15 tháng 6.

Gibraltar chỉ có một giáo phận Công Giáo và ước tính có khoảng 25.000 người Công Giáo.

Các nhà thờ ở Giáo phận Gibraltar đã tổ chức các giờ thánh và các sự kiện cầu nguyện khác với ý định bảo vệ sự sống chưa sinh trước cuộc bỏ phiếu.

Đức Cha Carmel Zammit của Gibraltar đã ban hành một bức thư mục vụ vào ngày 19 tháng 6 kêu gọi người dân Gibralta bảo vệ quyền được sống.

“Người dân Gibraltar đang được đưa ra một sự lựa chọn: Lựa chọn giữa sự sống hoặc cái chết; lựa chọn xem liệu những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta sẽ tiếp tục được hưởng tình trạng hiện tại của quyền sống, hay sự sống của thai nhi sẽ bị chấm dứt một cách hợp pháp.”

“Bỏ phiếu 'không' là để bảo vệ một cách dứt khoát quyền được sống đã được ghi trong Hiến pháp Gibraltar”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ Âu Châu, Đấng Bảo trợ và là Mẹ của chúng ta, cũng như Thánh Giuse, để các ngài có thể bảo vệ chúng ta bằng sự chăm sóc từ mẫu và phụ mẫu”.

“Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, bảo vệ tất cả các bà mẹ, tất cả các thai nhi, và soi sáng cho tất cả chúng ta trong bổn phận của chúng ta thể hiện tình yêu thương và sự ủng hộ trong việc bảo vệ quyền sống của thai nhi”.

Trước kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này, Đức Cha Zammit nói ngài “chết điếng trong lòng.”
Source:Catholic News Agency

3. Vatican xác nhận đang điều tra các cáo buộc về tội sơ suất của Đức Hồng Y Ba Lan Dziwisz

Sứ thần Tòa thánh tại Ba Lan hôm thứ Bảy xác nhận rằng Tòa thánh đã cử Đức Hồng Y người Ý Angelo Bagnasco đến để điều tra những tuyên bố sơ suất chống lại Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz.

Vị Sứ thần Tòa Thánh đưa ra thông báo ngày 26 tháng 6 sau khi các phương tiện truyền thông Ba Lan và Ý đưa tin về một cuộc điều tra của Vatican liên quan đến cựu bí thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Thông báo cho biết: “Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám mục hiệu tòa của Genoa, đã đến thăm Ba Lan từ ngày 17 đến 26 tháng Sáu theo yêu cầu của Tòa Thánh”.

“Mục đích là để xác minh những sơ suất đã được đưa ra công khai chống lại Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong thời gian ngài là Tổng Giám Mục Kraków từ 2005 đến 2016”.

“Đức Hồng Y Bagnasco đã tự làm quen với các tài liệu và tổ chức một số cuộc họp, và sẽ trình bày báo cáo về chuyến thăm này với Tòa Thánh”.

Đức Hồng Y Dziwisz, 82 tuổi, từng là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II cho đến khi vị Giáo hoàng Ba Lan qua đời vào năm 2005. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Kraków, và đã nghỉ hưu vào năm 2016.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết vào tháng 11 năm 2020 rằng các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Dziwisz được phát sóng trong một chương trình truyền hình cần được Vatican làm rõ.

Đức Cha Gądecki đã đưa ra nhận xét về chương trình “Don Stanislao: Khuôn mặt khác của Hồng Y Dziwisz”, được chiếu trên TVN24, một kênh tin tức thương mại của Ba Lan.

Chương trình dài 82 phút, do nhà báo Marcin Gutowski trình bày, cáo buộc cựu thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô II đã sơ suất không điều tra các cáo buộc lạm dụng giáo sĩ.

Đức Cha Gądecki cho biết ngài hy vọng rằng “bất kỳ nghi ngờ nào được trình bày trong báo cáo này sẽ được làm rõ bởi ủy ban hữu quan của Tòa thánh”.

Trong một tuyên bố ngày 9 tháng 11, Đức Hồng Y Dziwisz nói rằng ngài muốn thấy các cáo buộc được làm rõ một cách minh bạch.

“Đó không phải là về việc tẩy trắng hoặc che giấu những sơ suất có thể xảy ra, mà là về việc trình bày sự thật một cách trung thực. Phúc lợi của nạn nhân là điều tối quan trọng. Trẻ em và người trẻ không bao giờ có thể phải gánh chịu những điều sai trái đã xảy ra trong quá khứ của Giáo Hội”.

“Tôi sẵn sàng hợp tác đầy đủ với một ủy ban độc lập để làm rõ những vấn đề này”.

Vào tháng Giêng, một công tố viên Ba Lan tuyên bố rằng ông nhận thấy các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Dziwisz là hoàn toàn không có căn cứ.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Công tố quận ở Kraków nói với truyền thông Ba Lan vào ngày 21 tháng Giêng rằng công tố viên đã quyết định rằng chẳng có cơ sở nào cho một cuộc điều tra sau khi đánh giá thông tin do Łukasz Kohut, một thành viên của Nghị viện châu Âu, gửi sau bộ phim tài liệu.

Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đang bị tấn công ác liệt về tình trạng tình dục của hàng giáo sĩ. Vào năm 2019, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã ban hành một báo cáo kết luận rằng 382 giáo sĩ đã lạm dụng tình dục tổng cộng 624 nạn nhân từ năm 1990 đến 2018.

Kể từ tháng 11 năm 2020, Vatican đã kỷ luật một loạt giám mục Ba Lan chủ yếu đã nghỉ hưu sau các cuộc điều tra theo Tự sắc Vos estis lux mundi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cũng là đối tượng của một cuộc điều tra cho rằng ngài không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng đã minh oan cho Đức Tổng Giám Mục.
Source:Catholic News Agency

4. Tin vui cho Giáo Hội Pháp: 12 thầy đã được phong chức linh mục tại nhà thờ Saint-Sulpice vào ngày 26 tháng 6

Hôm thứ Bẩy 26 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã phong chức linh mục cho 12 thầy phó tế.

Mở đầu bài giảng trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói:

Khi tôi nghe anh em trả lời “Này con đây” trước lời mời gọi của Chúa, tôi không thể không nghĩ đến những lời này trong Phúc Âm: “Ngài đã chọn Nhóm Mười Hai”. Đúng thế, chính Chúa Giêsu chọn chúng ta. Và tại sao Ngài lại làm điều đó? Thưa: Câu trả lời trong Phúc Âm rất đơn giản: “Để ở với Ngài”.

Trước tiên, đó là sự sống trong tình thân mật với Chúa Kitô. Đối với tất cả chúng ta, điều đó được hình thành trong lời cầu nguyện, trong sự tôn thờ, trong lòng trung thành từ trái tim đến trái tim với Người. Nhưng trên hết, trong Bí tích Thánh Thể, sự thân mật này giữa linh mục và Chúa Kitô đạt đến mức cao nhất. Nó mạnh mẽ đến nỗi chính Chúa Giêsu đến để nói trong miệng vị tư tế: “Này là Mình Thầy”. Vị linh mục không thể nói những lời này một cách xác thực nếu Chúa Kitô không phải là người bạn thân nhất, người bạn thân tình của vị linh mục ấy. Được như thế, anh em sẽ có thể cử hành cho thế giới, và trên thế giới với những người đã chịu phép rửa tội, những người đã hiến mình với Chúa Kitô vì ơn cứu rỗi của muôn dân và ơn cứu rỗi của cả những người chưa biết Chúa.

Trong Thánh Lễ, Chúa Kitô tóm tắt lại tất cả những gì Ngài đã trải qua trên thế giới, những gì đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, Thần Khí Tác Tạo, Đấng hành động mặc dù chúng ta phớt lờ Người. Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha món quà này của chính Người và của Giáo hội để cứu rỗi mọi người.

Anh em đã đọc lời cầu nguyện của Giáo Hội mà anh em nhận được khi còn là các phó tế. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện của Giáo Hội cho thế giới này, cho thế giới do Thiên Chúa tạo dựng.

Trong một thời gian ngắn sắp đến, mọi người sẽ gọi anh em là “Cha”. Nó phải làm anh em ngạc nhiên, phải làm anh em kinh ngạc. Trong mọi trường hợp chúng tôi phải gọi anh em như thế. Tại sao lại có sự xưng hô như thế? Qua phép Rửa trong Chúa Giêsu Kitô, trước hết chúng ta là anh chị em với nhau. Tất cả cùng nhau, chúng ta là con trai và con gái của Thiên Chúa và chính tình anh em đã tạo nên chúng ta. Đầu tiên anh em phải học làm con. Làm con nghĩa là nhận mình từ người khác. Đối mặt với ảo tưởng về sự tự tạo đang phổ biến ngày nay, có một thực tế cơ bản đã tạo nên chúng ta. Chúng ta đến từ một công đoàn yêu thương. Chúng ta được sinh ra từ một hành động của tình yêu mà nhất thiết chúng ta phải nói đến hành động ban đầu và tối cao của tình yêu: đó là sự sáng tạo bởi Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu”.

Tất cả tình phụ tử chỉ có thể đến từ Cha trên trời. Không có tình phụ tử nào lại thiếu yếu tố linh thánh. Mọi người cha trên trái đất đều nhận được tình phụ tử của mình từ Thiên Chúa. Do đó, một linh mục không phải là một người cha trừ khi anh ta nhận mối quan hệ làm cha thiêng liêng này như nguyên ủy của mọi sự sống, của sự sống tuyệt đối nhận được từ sự sống tự hữu duy nhất của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao nhiệm vụ của anh em về cơ bản là truyền đạt sự sống này mà anh em không tạo ra trên trái đất nhưng là sự sống mà Thiên Chúa đã tạo ra từ muôn thuở trong mỗi người, và qua anh em Ngài tiếp tục sinh ra hôm nay và mỗi ngày trong cuộc đời anh em.

Đó là một ân sủng lạ thường được ban cho anh em ngày hôm nay. Anh em sẽ thực sự là những người cha bằng cách thông truyền cuộc sống này của Thiên Chúa mà anh em đã nhận lãnh trách nhiệm.

Đó là vì anh em có thể nói như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), vì anh em tham dự vào tình thân mật sâu xa với Người, để với Người như thánh Phaolô nói “anh đã được hiến tế”, để anh em nhận lại chính mình trong Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, để rồi anh em có thể đảm nhận vai trò làm cha này, là điều ban sự sống, sự sống dồi dào, sự sống đời đời.


Source:L'Eglise Catholique à Paris