Ngày 25-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cộng tác với ơn của Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:52 25/06/2018
Chúa Nhật XIII Thường Niên, năm B
Mc 5, 21-43

Thiên Chúa ban cho con người sự tự do để quyết định những dự phóng, những dự tính của mình. Ngạn ngữ Tây Phương có một câu rất ấn tượng :” Hãy tự giúp mình trước, rồi Trời sẽ giúp sau “. Thiên Chúa muốn con người sử dụng hết các khả năng của mình, rồi Ngài sẵn sàng can thiệp giúp con người chúng ta khi cần thiết…

Đọc Tin mừng của thánh Máccô hôm nay, chúng ta nhận ra điều này là Chúa luôn làm phép lạ với sự cộng tác của con người. Quả thật, Ngài không làm phép lạ một cách máy móc hoặc làm những việc lạ lùng như người ta ngồi chờ sung rụng vv…Chúa luôn luôn chờ đợi sự cộng tác của con người. Người phụ nữ xuất huyết trong Tin mừng của Thánh Máccô 5,21-43 tin tưởng vào Chúa.Niềm tin của người phụ nữ được củng cố bằng việc tin không chỉ tin suông, tin ngoài môi miệng, bà đến với Chúa chứ không chờ Ngài đến với bà. Niềm tin của bà là niềm tin kín đáo nhưng cương quyết thật vì tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Giêsu. Bà nghĩ bà chỉ cần tới gần đụng vào Chúa hay sờ vào Ngài, bà cũng sẽ được khỏi, được chữa lành. Đúng niềm tin của bà thật mạnh mẽ. Bà không chỉ cầu nguyện, ước mong suông mà thôi. Nhưng bà đã hết lòng tin vào quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Bà biết và nghĩ trong lòng Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ và dựng nên con người, nên Ngài có quyền năng tuyệt đối trên vũ trụ và có quyền trên sự sống và sự chết của con người. Niềm tin của bà kín đáo thật, nhưng vững chắc, quả cảm và tin tưởng biết bao ! Ông Giairô cũng có lòng tin tưởng thật sự Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm mọi cách, làm hết sức mình vì gia đình ông có tiền, có của, có thế giá. Nhưng ông ta tin chỉ có Chúa mới cứu sống được con của mình. Con gái ông hấp hối không có thể đến với Chúa Giêsu, nên ông đã xin Ngài đến chữa cho con gái ông.

Tự do Thiên Chúa ban cho con người là sự tự do hoàn toàn tinh tuyền vì Ngài không áp đặt con người, không bó buộc con người phải làm theo điều này điều nọ trái với ý của con người. Thiên Chúa muốn con người cộng tác với ơn Chúa. Bởi vì, cộng tác với ơn Chúa là điều kiện căn bản, cốt yếu để Thiên Chúa ban ơn. Con người không thể ngồi chờ cách thụ động để Thiên Chúa tự ý làm phép lạ, nhưng đòi hỏi con người phải cộng tác, sử dụng hết các khả năng, các phương tiện Chúa ban, phần còn lại Ngài sẽ định liệu cho chúng ta. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của chúng ta, Ngài không bó buộc chúng ta, không bắt ép chúng ta, nhưng Ngài coi trọng từng người, tôn trọng mọi người, Ngài không coi chúng ta, coi con người như những chú bù nhìn, những con số, nhưng Ngài biết tên từng con người chúng ta. Phép lạ làm cho nước lã hóa thành rượu ngon hảo hạng, cần đến sự cộng tác của con người là đổ nước lã vào chum theo lời Chúa dạy bảo. Phép lạ, Chúa làm cho cá và bánh hóa nhiều để nuôi sống nhiều ngàn người dân cũng cần đến sự cộng tác của con người. Với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa Giêsu đã làm phép lạ lớn lao nuôi sống dân chúng đi theo nghe Ngài giảng dạy. Con bà góa thành Naim được Chúa làm cho sống lại do bà khóc lóc, van nài Chúa…Chúa đã chạnh lòng thương và làm cho con bà được sống lại. Người mù được chữa lành khi anh cộng tác với Chúa là đi rửa mắt ở hồ Siloe.

Thiên Chúa quả thực yêu thương con người, yêu thương chúng ta, Ngài biết từng con người chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta nếu chúng ta biết cộng tác với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết cộng tác với ơn Chúa, để được Chúa yêu thương, nâng đỡ và phù giúp trong mọi trạng huống của cuộc đời chúng con.Amen.

CÂU HỎI ĐỂ GỢI Ý :

1.Tự do là gì theo ÔBACE nghĩ ?
2.Phép lạ là gì ?
3.Chúa có cần con người cộng tác để Ngài làm phép lạ ?
4.Lòng tin của người phụ nữ băng huyết ?
5.Lòng tin của ông Giairô ?
 
Hai chứng nhân lich sử tử đạo Phêrô và Phaolô
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:04 25/06/2018
BÀI SUY NIỆM LỄ CHÍNH NGÀY LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

(Mt 16,13-19)

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn. Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hai Cột Trụ Của Giáo hội

HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

(Mt 16, 13-19)

Phêrô và Phaolô là hai trụ cột của Giáo hội mà phụng vụ không thể tách rời. Đây là hai khuôn mặt sáng ngời của Giáo hội, hai người Do Thái gắn bó với đạo cha ông, một người sống ở miền quê, người kia thành thị, cả hai đã được Đức Kitô chọn gọi.

Simon, mạnh mẽ với đức tin bình dân xứng đáng với tên gọi Phêrô. Saolô, người đã theo học với các bậc thầy nổi tiếng, trên đường đến Đamát, ông đã gặp Chúa Giêsu, Đấng tự tỏ mình cho ông như một nhân vật sống trong vinh quang của Thiên Chúa duy nhất và trong lòng những người tin vào Người mà ông đang bắt bớ (x. Cv 9,1-19), được đầy Thánh Thần ông được gọi là Phaolô (x. Cv 13,9).

Phêrô vất vả vượt qua biên giới Israel mở toang cánh cửa Giáo hội cho những người không phải là con cháu của Abraham bước vào. Trái lại, Phaolô là một nhà truyền giáo khắp nơi của Giáo hội và trên thế giới. Phêrô và Phaolô là những chứng tá sống động, mẫu mực về đời sống thiêng liêng. Hơn bao giờ hết, chúng ta có được cảm hứng từ đời sống của hai đấng, nếu chúng ta muốn, đến lượt chúng ta, có thể làm chứng trong chân lý về đức tin của chúng ta, đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh. Cùng đi với Giáo hội hướng tới chân lý và ánh sáng giữa sóng cả ba đào thế gian. Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn" (Mt 11, 25). Chúng ta, những con người nhỏ bé, nghèo hèn phải đối mặt với một thế giới đầy khó khăn. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta tiến bước trong ân sủng với niềm tin và hy vọng.

Chúa Giêsu trả lời Phêrô : "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16, 17). Phêrô sẽ không đòi cho mình sự độc quyền để trở nên Phêrô cho Giáo hội đang gặp rắc rối giống như ông lúc Chúa Giêsu chịu khổ nạn : "Anh em cũng vậy, anh em là những viên đá sống động mà xây dựng cộng đoàn dưới tác động của Chúa Thánh Thần" (1Pr 2, 5). Ngôi Đền Thờ thiêng liêng cộng đoàn Kitô giáo được xây dựng trên Chúa Kitô là Đá Tảng của Chúa Kitô. Phêrô với tư cách cá nhân tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Những gì ông nói thực sự là căn tính của Chúa Giêsu trong tương quan giữa Chúa Giêsu với Cha Người. Đây là đức tin của Giáo hội sau khi Chúa phục sinh, đức tin này đã được các Tông Đồ trung thành gìn giữ cho đến tử vì Đạo.

Tiếp theo, chúng ta đề cập đến niềm tin của chúng ta vào lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng, và giáo huấn của Giáo hội. Chúng ta xin ơn khiêm nhường để phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa. Phêrô và Phaolô đã tỏ bày sự nóng bỏng của Tình Yêu, Đức Ái nơi lòng mình. Các ngài đã nói về Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, và các ngài đã làm điều đó không chỉ bằng lời nói, nhưng trên tất cả bằng hành động. Phêrô và Phaolô đã thấy mình cùng rực cháy lửa tình yêu của Thiên Chúa. Và chính Tình Yêu này đã thúc đẩy họ hiến trọn thân mình cho Chúa Kitô và hiền thê của Người là Giáo hội.

Lời tuyên xưng của Phêrô sẽ là điểm qui chiếu cho các môn đệ, một điểm chuẩn cho tất cả mọi thời. Còn Phêrô sẽ là điểm qui chiếu cho những người tin, nhờ ông mà họ có thể khẳng định niềm tin của mình. Chúa Giêsu nói với Simon bằng một lời chúc phúc : " Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc", Người đã mạc khải cho Phêrô cái phúc mà ông vừa tuyên xưng, đón nhận lời tuyên xưng của Phêrô vào Người mà Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho ông. Chính nhân đức này mà Phêrô được Chúa Giêsu coi như đá góc của Giáo hội. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra rằng đức tin đến từ những nơi khác: Đó là một sự trung thành mà Chúa Thánh Thần nói cho chúng ta. Chúa Giêsu trao cho Phêrô Mầu Nhiệm của Giáo hội Chúa, mầu nhiệm đó sẽ là cả hai cùng chịu đóng đinh với Người và được sống lại với Người. Qua mái trường tình yêu tuyệt vời của phụng vụ, một kho tàng được ban cho chúng ta mỗi ngày. Dân Thiên Chúa bước đi trong một thế giới khủng hoảng. Với Chúa Thánh Thần, dân Chúa có thể đánh bại quyền lực của bóng tối nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đối với mỗi người Kitô hữu, sống là Đức Kitô, thánh Phaolô nói : "Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh." (Col 1, 24). Lòng chúng ta bừng cháy lửa tình yêu đối với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người, bởi vì yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Giáo hội của Chúa và dâng hiến hoàn toàn cho Giáo hội.

Đại lễ mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô hôm nay khơi dậy nơi chúng ta một niềm vui lớn lao, vì đặt chúng ta trước công trình thương xót của Thiên Chúa trong tâm hồn hai vị Thánh, hai người tội lỗi. Và Thiên Chúa cũng muốn làm cho chúng ta được tràn đầy ân sủng của Ngài như đã làm cho hai thánh Phêrô và Phaolô. Kính xin hai Thánh, giúp chúng ta đón nhận ơn thánh như hai vị với con tim rộng mở,

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tin rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống

HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

(Mt 16,13 - 19)

Phêrô là người lãnh nhận lời hứa từ Chúa Giêsu quyền chăm sóc anh em. Trước đó ít lâu, ông là người đã đi trên mặt nước, bị Chúa Giêsu quở trách là "người hèn tin" (Mt 14, 31). Trong thực tế, có lẽ Chúa Giêsu đã can thiệp và thách thức ông kêu cầu, đòi hỏi ông phải lớn lên trong đức tin, ông có thể xấu hổ trước mặt đồng nghiệp của mình, cũng như các môn đệ khác, vì "hèn tin", nhưng ông vẫn tự tin, lời tuyên xưng đức tin địa hạt thành Xêsarêa Philipphê của Phêrô là một bằng chứng. Ông đã được Chúa Cha ban cho hồng ân đức tin, nhờ ánh sáng Thần Linh mạc khải, ông biết được căn tính đích thực của Chúa Giêsu; ông tuyên xưng : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16), nhờ đó ông có thể làm cho anh em khác vững tin.

Hành trình đức tin của Phêrô

Đối với Phêrô, đức tin là một hành động lớn dần. Như bao người trẻ Do thái, ông đã nghe nói về Đấng Mêssia, dùng thánh vịnh của Đavid để cầu nguyện, nghe các thầy Do thái tại Capharnaum hát về niềm hy vọng của dân Israel. Hạt giống rơi vào đất tốt, hôm nay, bén rễ nhờ Lời Chúa Giêsu.

Hành trình ấy khởi đi từ lần đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu qua Anrê, em ông, cũng là môn đệ của Gioan Baotixita làm trung gian bên bờ sông Giorđan. Anrê là người tìm Chúa : "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia" (Ga 1, 41). Không phải Phêrô là người được gọi trước, nhưng là Anrê. Điều này không cản trở ông thành người lãnh nhận trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình.

Thứ đến, tại tiệc cưới Canna, chính Phêrô là người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu và "các môn đệ đã tin vào Người" (Ga 2, 11).

Sau một đêm trắng lưới, Phêrô và em ông là Anrê được gọi: "Hãy theo Thày và Thầy sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ lưới người" (Mt 4, 19). Ngày hôm đó, họ để lại tất cả mọi thứ, gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa.

Và trên một ngọn núi cao, Phêrô đã được Chúa Giêsu cho thấy vinh quang Thiên Chúa (x. Mt 17, 1-9). Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu của bộ ba, những người sẽ trực tiếp chứng kiến sự phục sinh một cô gái nhỏ (x. Mc 5, 37). Một sự kiện đánh dấu bước tiến đức tin của Phêrô !

Phêrô tuyên tín

Được cứu khỏi chết đuối trong một cơn bão khi đi trên mặt nước, lần đầu tiên Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 33).

Thời gian sau, trên đường từ địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các ông : "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" (Mt 16, 15). Nhân danh các môn đệ kia, Phêrô trả lời : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Đức tin của Phêrô cũng là của các môn đệ kia, ông thừa nhận và khẳng định lời đầu tiên của Anrê (x. Ga 1, 41), khi nhận lãnh trách nhiệm trong Giáo hội.

Điều này không can ngăn được Chúa Giêsu từ chối đi lên Giêrusalem chịu chết (Mt 16, 22). Chính vì là Con Thiên Chúa, nên thập giá và cái chết của Chúa Giêsu là thử thách nặng nề đối với đức tin của Phêrô. Chúa Giêsu bảo Phêrô: "Con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người" (Mt 16,19).

Đức tin đòi hỏi người ta gắn chặt với thánh ý Thiên Chúa, cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa. Biến cố biến hình trước Phêrô, Giacôbê và Gioan sẽ là sự bảo đảm : "Đây là Con Ta yêu dấu " (Mt 17, 5).

Lời tuyên xưng thật sâu xa

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn còn hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai ? (Mt 16, 13) "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" (Mt 16, 15) Đây không phải là một cuộc thăm dò ý kiến để biết lòng dân, nhưng là câu hỏi về vị trí của Thầy trong các môn đẹ. Đối với ông, Chúa Giêsu là ai ?

Khởi đầu sứ mạng công khai, trước các phép lạ và lời giảng có uy quyền của người thợ mộc thành Nazareth, một câu hỏi hiện lên trong đầu các môn đệ : "Người này là ai? " (Mt 8, 27).

Chúa Kitô không yêu cầu các môn đệ phản ánh ý kiến của người khác, Người hỏi dồn và đợi câu trả lời cá nhân của các ông. Và Phêrô đã trả lời Chúa Giêsu mà không liệt kê lại ý kiến của dân chúng như : Ê-li, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri. Ông đi thẳng vào vấn đề. Lời tuyên xưng này còn đi xa hơn trước bởi được long trọng tuyên xưng : "Vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16, 17).

Với Thiên Chúa, hành động đức tin không đến từ sự suy tư nhân loại theo kiểu lý trí, triết học, hay tìm kiếm sự hợp lý, những cần phải có ơn "mạc khải từ Thiên Chúa" để tôn thờ bản tính Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu. Người đã nói với họ : "Không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấn mạc khải ra cho " (Mt 11, 27).

Chính lúc Simon đã trả lời đúng về sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là lúc ông được tiết lộ một ơn gọi đặc biệt. Simon trở thành "Kepha" nghĩa là "tảng đá", "đá". Simon, con người bằng xương bằng thịt, mỏng giòn, dao động như bao nhiêu người khác, nhờ ân sủng đã vượt qua đượcgiới hạn của chính mình. Nếu ông là "đá", là vì Chúa Kitô là đá tảng. Đức tin của ông chỉ lớn lên, khi đặt nền tảng trên Chúa. Thử thách trong cuộc Khổ Nạn của Thầy đụng chạm tới cùng sự mỏng giòn của Phêrô, lúc ấy, ông phải dựa vào sức mạnh của Chúa, xây dựng đời mình trên Chúa.

Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Người sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:22 25/06/2018
80. TÔI THEO Ý CỦA QUẦN CHÚNG
Lúc Tô Đông Pha ở Hoài Dương, một hôm mời khách, khách đến những mười vị sĩ phu nổi tiếng, Mễ Nguyên Chương cũng tham dự, tiệc rượu nửa chừng, đột nhiên Mễ Nguyên Chương đứng lên nói:
- “Người ta đều cho rằng, tôi Mễ Nguyên Chương là người thoải mái, bây giờ tôi xin mời Đông Pha đến bình luận bình luận, nói cho cùng tôi là người như thế nào?”
Đông Pha không chút mảy may biến sắc trước câu hỏi khó ấy, nên cười cười nói nói rất thoải mái:
- “Tôi thuận theo ý kiến của mọi người”.
(Tô Trừơng Công Ngoại kí)

Suy tư 80:
Người ta hay nói : ý dân là ý trời.
Câu nói ấy chỉ là nghĩa bóng mà thôi, chứ thật ra ý của trời ai mà biết được.
Người vô thần không tin có trời có Chúa, thì sao biết được ý trời ; người hữu thần thì tin có trời có Chúa, nhưng khi ý ông trời bày tỏ ra thì oán trời trách người : sao ông trời độc ác thế để tôi phải đau khổ phải tai nạn ; người Công Giáo tin có Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ muôn loài, ý Chúa thường được họ cảm nghiệm qua cuộc sống, nhưng mấy ai chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa, do đó nói ý dân là ý trời thì thật không ổn chút nào cả...
“Ý dân là ý trời” thì cũng giống như trong cạnh tranh mua bán, người ta thường nói “khách hàng là thượng đế”, để nói lên tất cả ưu tiên dành cho người tiêu dùng, chứ làm gì mà khách hàng là “thượng đế” với lại ý dân là “ý trời”.
Người Kitô hữu không lấy ý dân là ý trời, cũng không cho khách hàng là thượng đế để mị dân, nhưng bất cứ nơi đâu họ cũng đều nhìn thấy Thiên Chúa (thượng đế) nơi người anh em chị em của mình để phục vụ họ cách vô vị lợi, họ phục vụ không phải để “câu” khách, cũng không phải là để mị dân, nhưng đơn giản là họ yêu tha nhân, vì tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa giống như họ vậy.
Đó mới chính là sống theo ý của trời vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:24 25/06/2018
Chúa Nhật
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ


Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80
“Tên cháu là Gio-an”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” . Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mes-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1. Cương trực và công chính.
Trước bạo quyền của vua Hê-rốt, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê- rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.
Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.
Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng lên trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2. Khiêm tốn tự hạ.
Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.
Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.
Anh chị em thân mến,
Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.
Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả biết can đảm trước mọi thử thách, biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với ân sủng của Chúa ban cho với tất cả những gì mình có mà không kêu ca than vãn, và nhất là biết luôn trở nên chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 12 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:26 25/06/2018
Chúa Nhật 12 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Mc 4, 35-41.
“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”


Bạn thân mến,
Đức tin không việc làm là đức tin chết, đó là lời dạy của thánh Gia-cô-bê tông đồ, Chúa Giê-su đã bày tỏ quyền năng của Ngài trên sóng biển và cuồng phong, để củng cố đức tin cho các môn đệ của mình, và để dạy cho các ông một bài học về đức tin: Chúa Giê-su chính là niềm tin của các ông.
Con người thời nay muốn dùng khoa học để phục vụ cuộc sống con người tốt hơn, đó chính là ý muốn của Thiên Chúa, khi Ngài ủy quyền cai quản vũ trụ mà Ngài dựng nên cho nguyên tổ Adong và Eva của chúng ta, nhưng con người không thể nói rằng mình thay Thiên Chúa để làm tất cả mọi sự, bởi vì con người dù thông minh tài trí đến đâu, cũng thì cũng chỉ là loại tạo vật hèn kém trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Do đó, đức tin chính là cốt lõi để con người khôn ngoan thì càng khôn ngoan hơn, thông minh thì càng thông minh hơn khi họ tin tưởng và xác tín rằng: mọi sự đều là bởi Thiên Chúa mà có, không có Ngài thì con người không làm được gì cả.

Đức tin không phải do mình mà có, nhưng bởi tình thương yêu của Thiên Chúa ban cho, chúng ta chỉ có một tâm hồn tội lỗi, đã được Chúa Giê-su rửa sạch bằng Máu Thánh của Ngài, và bằng đức tin của chính mình vào sự chết và sống lại của Ngài mà thôi, do đó, mà chúng ta cần phải hết lòng cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho mình nhiều hơn nữa.
Tôi tin rằng đã có nhiều lần bạn đã vui sướng hoan hô Chúa khi những ngày lễ lớn trời nắng đẹp có gió mát hiu hiu thổi, và bạn vui sướng khoe với mọi người là cộng đòan tin Chúa, cầu nguyện với Chúa và Chúa nhận lời mọi người kêu xin; tôi cũng tin rằng đã có lần bạn lẩm bẩm trách móc Thiên Chúa vì trời mưa quá lớn làm ngập lụt đường phố làm xe máy của bạn ngập nước, những lúc như thế ấy bạn đều đánh mất niềm tin của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Các tông đồ đã thấy những việc kỳ diệu mà Chúa Giê-su đã làm, nên đã tin vào Ngài và đó thật là diễm phúc; chúng ta không thấy Chúa Giê-su và cũng không thất những phép lạ của Ngài làm, nhưng chúng ta vẫn tin vào Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật, đức tin này làm cho chúng ta càng có phúc hơn, vì Chúa Giê-su đã nói: Phúc cho những ai không thấy mà tin . (Ga 20, 29).
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:28 25/06/2018

29. Phàm người coi thường việc nhỏ, thì không lâu sẽ trượt chân.

(Thánh Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thêm một vụ án được Tòa Tối Cao Hoa Kỳ lật ngược.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:23 25/06/2018
(EWTN News/CNA) Tòa Tối Cao Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã hủy bỏ án lệnh của tòa tiểu bang Washington chống lại người làm hoa là bà Barronelle Stutzman vì đã từ chối làm hoa cho đám cưới của một cặp đực đồng tính vào năm 2013.

Tóa Tối Cao Hoa Kỳ đã trả vụ án lại cho Tòa Tối Cao bang Washington cùng với sự hướng dẫn phải xét vụ án dưới ánh sáng của quyết định vụ án Masterpiece Cakeshop vào đầu tháng trước.

Được biết vụ án Masterpiece Cakeshop, Tòa Tối Cao Hoa Kỳ đã đứng về phía người làm bánh Jack Phillips, là một Kitô hữu, đã từ chối làm bánh cưới cho cặp đồng tính. Tòa Tối Cao Hoa Kỳ phán quyết rằng Ủy Ban Nhân Quyền Calorado đã chứng tỏ sự thù nghịch không thể chấp nhận được đối với tôn giáo trong việc giải quyết vụ án đó.

Các luật sư của bà Stutzman đã lập luận rằng một sự thù hận tương tự chống lại tôn giáo cũng phơi bày ra trong việc xử kiện Stutzman bởi công tố viên ở Washington.

Kristen Waggoner, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo Vệ Tự do, nhóm bảo vệ cho cả hai vụ án Phillips và Stutzman nói rằng “Trong lúc công tố viên đã thất bại trong việc khởi tố một doanh nghiệp đã bị khiển trách và phân biệt đối xử chống lại khách hàng Kitô hữu, thì ông ta đã cứ nhất định tự mình theo đuổi các biện pháp chưa bao giờ có tiền lệ để phạt Barronelle, không chỉ trong phạm vi là một chủ cơ sở doanh nghiệp mà còn trong phạm vi cá nhân của bà.”

“Trong vụ án Masterpiece Cakeshop, Tòa Tối Cao đã lên án việc áp dụng loại luật tùy tiện, một chiều, phân biệt đối xử chống lại những người có đức tin. Cũng thế, trong lời tóm tắt mà công tố viên nôp trong vụ kiện Barronelle, ông ta đã nhiều lần nhắc lại và coi thường niềm tin của bà. Ông này đã so sánh niềm tin tôn giáo của bà về hôn nhân, mà Tòa Tối Cao nói rằng niềm tin tôn giáo ấy là “hợp lệ và đáng tôn trọng”, với sự phân biệt chủng tộc. Điều này mâu thuẫn với sự công nhận của Tòa Tối Cao trong vụ Masterpiece Cakeshop rằng không thích hợp cho chính quyền để đi song song giữa niềm tin tôn giáo và “bảo vệ nô lệ”

Vụ án ở Washington tập trung vào bà Barronell Stutzman, 73 tuổi là chủ nhân của tiệm hoa Arlene’s Flowers ở Richard, Washington.

Vào năm 2013, Rob Ingersoll, là bạn và là khách hàng của bà đã nhờ bà làm hoa cho đám cưới đồng tính của hắn.

Bà Stutzman biết rõ Ingersoll là một người đồng tính, luôn vui mừng khi bà làm hoa cho hắn vào những dịp sinh nhật hay những dịp đặc biệt khác.

Tuy nhiên, bởi vì bà tin rằng hôn nhân là một dấu ấn về sự liên hệ giữa Đức Kitô và Giáo Hội, vì thế bà bảo Ingersoll rằng bà không thể làm hoa cưới cho một đám cưới đồng tính.

Ingersoll lúc đầu nói rằng hắn hiểu bà và nhờ bà chỉ cho một người làm hoa khác. Nhưng sau đó ít lâu, người tình đực của hắn viết trên mạng xã hội rằng bà Stutzman từ chối tham gia đám cưới và thế là tin được mau chóng lan ra. Chẳng bao lâu sau đó, bà được báo là bà bị kiện bởi công tố viên của bang Washington và ACLU ( tạm dịch là Hiệp hội Tự Do dân quyền Mỹ).

Bà Stutzman là một tín hữu Tin Lành (Southern Baptist) đã nói rằng bà quan niệm làm hoa cho lễ cưới không chỉ là một việc làm. Bà bỏ nhiều tháng, có khi cả năm trời để tìm hiểu xem cô dâu chú rể muốn gì chuyển tải trong những lãng hoa ấy.

Bởi vì làm hoa cho đám cưới là một lao động mang tính yêu thương vì thế bà cảm thấy lương tâm bà không cho phép để làm hoa cho một đám cưới đồng tính.

Vào tháng Hai năm 2017, Tòa tối Cao bang Washington đã duy trì phán quyết của tòa dưới chống lại bà, thế là bà Stutzman lại kháng án lên Tòa Tối Cao Hoa Kỳ.

Trong khi sự thiệt hại thực sự mà cặp đôi đồng tính đòi bồi thường chỉ là $7, chi phí lái xe tới tiệm làm hoa khác, thì bà Stutzman rất có thể phải trả đến hơn $1 triệu để trả án phí cho gần một tá cái đám luật sư của ACLU chống lại bà trong vụ án. Như thế tài sản gồm nhà cửa, tiệm hoa, tiền để dành và những tài sản cá nhân khác của bà bị đe đọa phải bán vì vụ án này.

Qua bốn năm rưỡi, bà Stutzman nói rằng bà đã nhận được rất nhiều khuyến khích và ủng hộ của nhiều người, hội đoàn từ 58 quốc gia trên thế giới, nhưng cũng có những đe dọa chết người nên bà đã phải gắn hệ thống an toàn và thay đổi lộ trình hàng ngày của bà.

Trong một công bố vào đầu tháng này, bà Stutzman nói rằng bà phục vụ tất cả khách hàng, nhưng không thể tạo ra một sản phẩm mà nó đi ngược với niềm tin tôn giáo sâu xa của bà.

Bà nói rằng công tố viên ở Washington đã “ luôn phớt lờ cái phần này trong vụ án của tôi, cố tình phỉ báng tôi và niềm tin của tôi mà lẽ ra phải tôn trọng niềm tin tôn giáo của tôi về hôn nhân. Khi tòa án tiểu bang ra phán quyết chống lại tôi do công tố viên yêu cầu, tôi đã viết cho ông lá thư yêu cầu ông “ hãy bỏ” những thỉnh nguyện cá nhân mà nó có nguy cơ sẽ tước đi “ nhà cửa, doanh nghiệp và những tài sản khác của tôi”, nhưng ông ta đã không làm giúp tôi. Đối với ông, vụ án này là một ví dụ điển hình của tôi – nghiền nát tôi, tất cả chỉ vì ông ta không đồng ý với những gì tôi tin về hôn nhân.”


Source: EWTN News Supreme Court returns case of florist who declined gay wedding to lower court
 
Đại Học Lateran, Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô, siêu sao Hiện Sinh Heidegger và Giải Bóng Đá Thế Giới
Vũ Văn An
18:45 25/06/2018
Nữ Ký Giả Claire Giangravè của tạp chí Crux ngày 20 tháng Sáu vừa qua tường thuật một biến cố quan trọng diễn ra song song với Giải Bóng Đá Thế Giới đang rầm rộ diễn ra và hết sức say sưa lôi cuốn tại Nga, đó là cuộc hội thảo về siêu sao hiện sinh Martin Heidegger.

Những sinh viên văn khoa ban triết học Tây Phương ở Sài Gòn năm nào chắc không thể quên khóa giảng “Đi tìm căn cơ siêu hình” của giáo sư cựu linh mục Lê Tôn Nghiêm. Nghe thì kỳ bí, thực ra Giáo Sư Nghiêm muốn trình bầy triết học hiện sinh của Heidegger, một siêu sao của triết học hiện sinh. Tôi học Giáo Sư Nghiêm năm 1966, nghĩa là trước khi Heidegger qua đời 10 năm, nhưng nghe Giáo Sư Nghiêm trình bầy, tôi vẫn nghĩ triết gia này “cổ điển”, “cổ kính” như Thánh Tôma Aquinô của Triết Học Kinh Viện mà trước đó tôi vốn được nghe ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt. Điều muốn nói ở đây là Giáo Sư Nghiêm không hề nhắc đến mối liên hệ xa gần giữa Heidegger và giải bóng đá thế giới, điều mà hơn 50 năm sau, nhân hội nghị tại Đại Học Lateran để tranh luận về ông, người ta đã nhắc đến!



Nữ ký giả này thuật lại tác phong của khán giả Giải Túc Cầu Thế giới: Họ “nắm lấy thành ghế khi chứng kiến cảnh đội banh của họ chạm trán tại Giải Bóng Đá Thế Giới tại Nga. Điều luôn căng thẳng là chứng kiến đội bóng của mình vật lộn, té nhào, rồi trỗi dậy, mong sao tới lúc phát ra tiếng hô định mệnh: gôôôôôôn!

Nữ ký giả này muốn dùng “điều khác thường là tác phong chờ mong ấy là một trong những cảm quan ly kỳ nhất mà cuộc đời hiến tặng cho ta” để giới thiệu một hội nghị được Giáo Hoàng Đại Học Lateran ở Rôma tổ chức nói về “một triết gia mà các công trình đã mô tả chính xác sự xao xuyến lo lắng đầy rúng động mà tất cả chúng ta đều cảm thấy khi chứng kiến đội của mình trên sân cỏ”. Triết gia đó chính là Martin Heidegger mà các trước tác được 19 nhà nghiên cứu và giáo sư sưu tầm phân tích trong cuốn sách nhỏ tựa là “Martin Heidegger: Hành Trình và Các Trước Tác” được trình bầy trong hội nghị vừa kể.

Đức Cha Enrico Dal Covolo, Khoa Trưởng tại Đại Học Lateran, trong hội nghị này ngày 18 tháng Sáu, cho rằng sưu tập trên nhằm trình bầy “những hướng dẫn để giải thích đúng” tư tưởng của Heidegger.

Là người vốn được coi như một trong số các triết gia gây ảnh hưởng hơn cả trong thế kỷ 20, Heidegger xác tín rằng các hữu thể nhân bản phần lớn không thực sự ý thức được sự kỳ diệu, sự mầu nhiệm và phấn khích của hiện hữu sống động, chỉ bằng lòng với việc thi hành các trách vụ hàng ngày và phàm tục.

Tuy nhiên, trong cuốn “Hiện hữu và thời gian” của ông, Heidegger tin rằng có những lúc và là những lúc hiếm hoi ta có thể cảm nghiệm được cuộc đời ở cái điểm viên mãn nhất của nó, hoàn toàn ý thức được điều ông gọi là Das Sein, hay “Being” trong tiếng Anh và “hiện hữu” trong tiếng Việt. Chính trong những giây phút ấy, Heidegger tin rằng người ta cảm thấy mình sống thực và đạt được một cảm thức siêu việt.

Trong cuốn sách gần đây của ông tựa là What We Think When We Think about Football (Ta Nghĩ Gì Khi Nghĩ Đến Bóng Đá), triết gia người Anh và là người hâm mộ môn bóng đá, Simon Critchley, đã thực hiện một nối kết giữa cái hiểu của Heidegger về hiện hữu và “trạng thái phấn khích mê ly trong giây phút” (rapture of the moment) được ta cảm thấy khi xem một trận bóng đá.

Theo Heidegger, sự lo âu xao xuyến, như lúc ta cảm thấy khi xem một trận đấu phấn khích, là thành tố căn bản của việc nắm bắt tính vĩ đại của vũ trụ và vai trò của chúng ta ở trong đó. Điều này, một cách nào đó, đã giải thích lý do tại sao các người hết sức hâm mộ thể thao lại dành hết giờ này đến giờ nọ chỉ để giải mã ý nghĩa phổ quát, hay cảm nghiệm tôn giáo, của việc chứng kiến danh thủ Messi đá cú đá kết thúc trận đấu của anh.



Đối với những ai cùng cung cùng điệu với nền thần học Công Giáo, kể cả các bậc thượng trí như Thánh Augustinô, sự lo âu xao xuyến (anxiety) cũng là một thành tố quan trọng khi ta tiếp cận cõi thần linh, thậm chí còn là một châm ngòi quan trọng cho cuộc hồi tâm.

Heidegger chắc chắn biết truyền thống đó; ông lớn lên trong một gia đình có 6 con trai, cha là người trông nom nhà thờ và nghĩa địa của một Nhà Thờ Công Giáo, thậm chí còn gia nhập một chủng viện của Dòng Tên để theo đuổi việc học.

Nhưng dù triết gia này có một nền dưỡng dục Công Giáo mạnh mẽ, các niềm tin của ông không luôn đi cùng chiều với thế giới quan Công Giáo.

Antonio Gnoli, một nhà báo của nhật báo Ý La Repubblica, nói tại hội nghị rằng “Hồi còn trẻ, Heidegger trầm ngâm sâu xa với các suy tư thần học. Điều ông không thể chấp nhận là việc định chế hóa Giáo Hội”.

Nhưng điều đó không làm triết gia thôi suy luận về cõi thần linh. Trong một cuộc đàm đạo năm 1951, chính Heidegger tâm sự “Tôi vốn suy nghĩ về vấn đề Thiên Chúa cả 40 năm nay, và tôi tin tôi vẫn chưa suy nghĩ đủ về vấn đề này”.

Các nhà tư tưởng Công Giáo vốn tham gia cuộc đối thoại triết học với Heidegger trong nhiều năm, và khởi trình thần học vĩ đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho “một nền thần học mới về hữu thể” là nhằm “kết hôn” tư duy hiện tượng luận của các triết gia thế kỷ 20 với chiều kích siêu hình của Thánh Tôma Aquinô.

Ngay trong nền thần học mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ta cũng thấy nhiều nối kết với tư tưởng Heidegger. Thí dụ, cả hai rất không thích nói huyên thiên hay ngồi lê đôi mách, điều mà Đức Phanxicô thường chỉ trích trong các buổi triều kiến chung. Đối với triết gia người Đức này, nói huyên thiên (chatter) nuôi dưỡng sự quan tâm của con người đến việc họ được người khác nhìn ra sao, do đó, làm họ sao lãng khỏi sự diệu kỳ của hiện sinh. Đức Phanxicô và Heidegger cũng có cùng sự tởm gớm đối với việc kỹ nghệ hóa, chiến tranh và kỹ thuật hung hăng, nhất là khi tách biệt khỏi quyền lợi của gia đình nhân loại.



Trong cuốn “Câu Hỏi Liên Quan Đến Kỹ Thuật” năm 1954, Heidegger viết rằng: “Nông nghiệp hiện nay là kỹ nghệ thực phẩm được cơ giới hóa, kể về yếu tính của nó, y hệt như việc tạo ra các xác chết trong phòng hơi ngạt và các trại tận diệt, y hệt như các vụ phong tỏa và làm kiệt quệ các nước thành đói kém, y hệt như việc chế tạo bom hydro”.

Bất chấp lời lẽ hấp dẫn của nhà triết học này, ông vẫn bị chỉ trích gắt gao, và có lúc bị bác bỏ, vì sự ủng hộ của ông đối với chế độ Quốc Xã tại Đức, nhất là lúc ông làm viện trưởng Viện Đại Học Freiburg.

Việc xuất bản năm 2014 cuốn Black Notebooks, gồm các trước tác của Heidegger viết trong các năm 1931 tới 1941, cho thấy nhiều quan điểm chống Do Thái của ông, dẫn đến việc ông bị giải thích lại cách tiêu cực.

Tuy nhiên, các quan điểm chủng tộc của ông đã không ngăn cản Heidegger có những mối tình vụng trộm với các nữ sinh viên thuộc dòng giống Do Thái, trong đó, có triết gia và trí thức nổi tiếng Mỹ gốc Đức là Hannah Arendt.



Nhưng ngày nay, theo các diễn giả tại đại hội, Heidegger xứng đáng được tái duyệt, và nên đánh giá ông “vì năng lực triết học chứ không phải vì ý thức hệ chính trị”.

Đức Cha Dal Covolo cho hay: Giáo Hoàng Đại Học Lateran ở Rôma là một trong ít định chế vẫn tiếp tục cung cấp “một cuộc nghiên cứu cặn kẽ” về triết gia này, theo lệnh trực tiếp của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và sau đó của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ với ngài trong cố gắng dẫn Đại Học tới một “nền suy tư thần học hướng đến chân lý và đối thoại”.

Đức Cha Dal Covolo cho rằng “nếu ta dừng lại ở một giải thích không được nâng đỡ bằng một nghiên cứu nguồn cặn kẽ, ta sẽ sa vào các giải thích ý thức hệ”.

Tại hội nghị này, ký giả Gnoli tỏ ý hy vọng rằng Heidegger sẽ có được cùng một lối đánh giá như đã dành cho triết gia Hy Lạp Plato, người từng hưởng ân huệ của bạo chúa khét tiếng Dionysius I của Syracuse.

Nhà báo trên cho rằng “Ngày nay, chúng ta không lưu tâm tới bạo chúa nữa, và chúng ta sẵn lòng đọc Plato bằng từ khóa khác”.

Heidegger từng được gọi là người Quốc Xã, người Công Giáo có gốc rễ sâu xa, người bài Do Thái và một trong các triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20, nhưng theo các giáo sư lên tiếng tại Đại Học Lateran, chúng ta chưa nghe những điều cuối cùng về ông, và ảnh hưởng của ông vẫn sẽ tiếp tục vang vọng trong tương lai.



Đối với lúc này, theo Giangravè, các người hâm mộ bóng đá có thể hài lòng khi biết rằng cảm xúc hỗn hợp gồm cả hân hoan và lo âu xao xuyến đang làm họ chẩy cả nước mắt, đem họ đến với nhau và rúng động đến tận con tim hòa nhịp với các cầu thủ đang đua tranh trên sân cỏ có một cái tên đó là Das Sein, Hiện Hữu.

Nhờ Heidegger và các tư tưởng gia xây dựng trên công trình của ông, các người hâm mộ thể thao khắp thế giới có thể nhớ rằng lúc thời gian căng ra tới tận giây cuối cùng trong phút cuối cùng của điều có thể là trận tranh giải cuối cùng, họ thực sự, và hết sức sống động.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ bổn mạng
Văn Minh
11:41 25/06/2018
“Cuộc đời của thánh Gioan Baotixita là một mẫu gương của sự khiêm tốn, hãm mình, chay tịnh nơi sa mạc, luôn ý thức được trọng trách Thiên Chúa trao phó cho mình là dọn đường cho Đấng Cứu Thế”.

Cùng với niềm hân hoan chung của Giáo Hội trong ngày mừng lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita (24/6). Với giáo xứ Vĩnh Hòa – Sàigòn, hôm nay còn là ngày vui lớn của cộng đoàn giáo xứ (GX). Thánh lễ mừng bổn mạng GX được cử hành trọng thể vào lúc 17g30 ngày 24.6.2018, Trước thánh lễ là cuộc cung nghinh kiệu thánh quan thày chung quanh thánh đường. Với những cờ xí, đồng phục đủ màu sắc của các đoàn hội, hòa trong tiếng kèn đồng tạo nên bầu khí thật vui tươi đẹp mắt nhưng không kém phần long trọng trang nghiêm

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ Gioakim Lê Hậu Hán mời gọi cộng đoàn cùng ngài biểu lộ sự hân hoan, vui mừng tạ ơn Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Gioan Boatixita, quan thày giáo xứ (GX). Thánh nhân đã che chở, bảo vệ, phù trì cho GX. Đặc biệt là “nguồn vui thiêng liêng bởi ơn thánh sủng mà ra, cùng dẫn đưa các bổn đạo vào đàng rỗi mà nghỉ vô cùng” (kinh Ông thánh Gioan Baaotixita) Cha Gioakim cũng đã giới thiệu với cộng đoàn quí cha hiện diện trong thánh lễ đồng tế: Tân Linh mục Martino Nguyễn Đức Trọng, chủ tế thánh lễ; cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh, hai cha là những người con trong GX; cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt (SCJ); cha chánh xứ Gioakim. Cùng hiêp dâng thánh lễ có các đoàn hội và đông đảo cộng đoàn

Qua trang Tin Mừng Lc 1,57-66.80. Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt đã quảng diễn cho cộng đoàn về bối cảnh ra đời của hài nhi Gioan. qua bàn tay quan phòng, sắp đặt của Thiên Chúa. Gioan là nhân vật được Thiên Chúa tuyển chọn tham dự vào công trình, kế hoạch cứu độ của Ngài, ngay khi còn trong lòng mẹ. Cuộc đời của Gioan là một mẫu gương của sự khiêm tốn, hãm mình, chay tịnh nơi sa mạc, luôn ý thức được trọng trách Thiên Chúa trao phó cho mình là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã ra đi khắp nơi kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối, hoán cải tâm hồn để được đón nhận ơn cứu độ. Thánh Gioan là vị ngôn sứ duy nhất đã chỉ cho nhân loại biết Đấng Cứu Thế là Đức Kitô, là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian.Và khi đã xong bổn phận Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan đã khiêm tốn lặng lẽ lui mình với ý thức “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

Để kết thúc bài giảng, cha Vinh Sơn đã mời gọi cộng đoàn hãy bắt chước thánh Gioan Tẩy Giả ra đi, trở thành nhân chứng giới thiệu Chúa cho người khác. Làm được điều đó, chúng ta cần phải can đảm đi vào sa mạc cuộc đời để được thanh luyện, để được gần Chúa, lắng nghe tiếng Chúa hướng dẫn, và cũng là để chúng ta tập đối diện với những khó khan, thách thức của cuộc đời là những tội lỗi, cám dỗ, cô đơn, thất bại, vất vả, lo toan, bệnh tật. qua đó chúng ta biết củng cố lòng tin, biết sống khiêm nhường cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa, và nhờ ơn Chúa qua gương thánh quan thày, chúng ta cũng biết ra đi làm chứng, giới thiệu Chúa đến với mọi người qua sự quảng đại, bác ái, yêu thương trong chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch GX Gioan Baaotixita Nguyễn Văn Thơi đã thay mặt cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã thương ban nơi cộng đoàn GX, cảm ơn cha sở Gioakim, quí cha đã đến hiệp dâng thánh lễ trong ngày vui của GX. Các em thiếu nhi đã thay mặt cộng đoàn kính tặng quí cha bó hoa tươi thay cho long cảm mến tri ân.

Cũng trong ngày lễ mừng bổn mạng của GX, cha sở Gioakim đã có lời chúc mừng cộng đoàn với nhiều ơn lành mà GX nhận được qua sự chuyển cầu, phù trì của thánh quan thày trong suốt năm vừa qua. Ngài cũng đã hướng dẫn cộng đoàn hiểu sâu thêm ý nghĩa trong lời kinh thánh Gioan Baotixita mà cộng đoàn vẫn đọc hằng ngày.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 18g30’ cùng ngày, Sau thánh lễ, quí cha cùng cộng đoàn tiến về đài thánh Gioan Baotixita để dâng lời kinh khấn cùng thánh quan thày

Cộng đoàn ra về với lòng vui mừng hân hoan, ra đi giới thiệu Chúa đến mọi người theo mẫu gương của thánh Gioan Tiền Hô, qua sự thay đổi đời sống mỗi người: hố sâu phải lấp cho đầy, nơi cao thì san cho phẳng

Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an

 
Hình ảnh 3 ngày tĩnh tâm kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Gx ĐMHCG Garland Texas.
Trần Mạnh Trác
17:14 25/06/2018
Xem hình ảnh

3 ngày tĩnh tâm với chủ đề kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được khai mạc chiều Chuá Nhật 24/6/2018 tại Gx ĐMHCG.

Linh mục thuyết giảng là Cha Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR, từ Dòng Chuá Cứu Thế Saigon qua.

Cha Dũng, xuất thân từ làng Trung Lương, Hà Nam, Bắc Việt, đã được gửi đi du học nhiều năm ở đại học St Michael, Toronto, Canada. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Thần Học, ngài trở về VN, phục vụ tại Dòng Chuá Cứu Thế ở đường Kỳ đồng Saigon và đang là cha giáo cho các đại chủng viện ở VN.

Giáo xứ ĐMHCG ở Garland Texas đang trong muà kỷ niệm 25 năm thành lập, cuộc tĩnh tâm kỳ này là để chuẩn bị cho ngày lễ ĐMHCG, sẽ được tổ chức long trọng với nhiều chương trình rước kiệu, ăn mùng, văn nghệ, thể thao vào cuối tuần này.

Chúng tôi sẽ update các hình ảnh tĩnh tâm và mừng lễ ngay sau khi sự việc xảy ra xong.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Báo Ý: Cha Nguyễn Duy Tân là tấm gương mục tử can đảm bênh vực đàn chiên và công lý
Thúy Dung
06:12 25/06/2018
Linh mục giáo xứ Thọ Hòa trước nhà tù Biên Hòa yêu cầu thả ngay lập tức một phụ nữ đã mất tích hơn 10 ngày. Phạm Ngọc Hạnh, một người mẹ năm con, đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại luật an ninh mạng và các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt. Những vận động dân chủ và tự do cho người dân Việt Nam đã khiến vị linh mục bị nhà cầm quyền theo dõi chặt chẽ.

Hà Nội (AsiaNews) - Cuộc phản đối của Cha Nguyễn Duy Tân “là hình ảnh đẹp của một mục tử dũng cảm chăm sóc cho đàn chiên của mình”. Cha Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam, đã bình luận như trên về đoạn video cho thấy một linh mục đã can đảm đến một trung tâm giam giữ của cảnh sát để đòi trả tự do cho một tín hữu. Trong những ngày qua, bộ phim đã được lan truyền rất nhanh trên internet.

Bất kể những đe dọa đàn áp tàn bạo đang bao trùm lên xã hội, ngày 19 tháng 6, Cha Tân, linh mục chính xứ Thọ Hòa (tỉnh Đồng Nai), đã đến trại tạm giam của công an Biên Hòa (30 km về phía bắc Sàigòn). Ngài đã yêu cầu được gặp một giáo dân bị mất tích hơn 10 ngày. Cảnh sát dường như ngạc nhiên trước sự can đảm của ngài vì ngài nói với họ hành động của họ là không đúng với luật pháp khi bắt giữ một người biểu tình ôn hòa.

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy chị Phạm Ngọc Hạnh, mẹ của năm đứa con, là ngày 10 tháng 6, khi cô tham gia một cuộc biểu tình ôn hoà ở công viên trung tâm Đồng Nai. Các videos thu được tại hiện trường và được công bố trên các mạng xã hội cho thấy chị Hạnh đã bị một nhóm công an mặc thường phục hành hung và bắt đi. Kể từ đó gia đình đã không được biết tin chị.

Vị linh mục chánh xứ lên tiếng phản đối cảnh sát vì họ tấn công và bắt giữ một người phụ nữ hòa bình, là người chỉ muốn bày tỏ một cách hợp pháp sự bất đồng của mình đối với các dự luật về an ninh mạng và các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt. Đối với hàng triệu người Việt Nam, dự luật thứ hai, thường được gọi là luật “đặc khu”, là nhằm “bán đứng” đất nước cho Trung Quốc. Hàng ngàn người trên khắp đất nước đã bị bắt sau cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu tại một quốc gia nơi chế độ cộng sản áp dụng một chính sách kiểm duyệt gắt gao và tỏ ra bất khoan dung với những chỉ trích.

Cuộc phản đối của Cha Tân tại trại tạm giam Biên Hòa chưa giúp đem lại tự do cho chị Hạnh và đã thu hút sự chỉ trích từ giới truyền thông nhà nước. Tuy nhiên, Cha Paul Văn Chi đánh giá cao lòng can đảm mục tử của Cha Tân thể hiện “vào một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc”.

Chính Cha Tân, 50 tuổi, cũng là nạn nhân của sự đàn áp từ phía nhà cầm quyền Việt Nam. Hai tuần trước, ngài đã bị chặn lại tại sân bay Tân Sơn Nhất không cho xuất cảnh khi ngài định đáp chuyến bay đến Malaysia với 24 linh mục khác của giáo phận Xuân Lộc. Công an cửa khẩu nói ngài “không được phép ra nước ngoài, theo yêu cầu của sở công an tỉnh Đồng Nai”. Về vấn đề này, Cha Tân cho biết:

“Tôi nghi ngờ rằng bài phát phiểu biểu của tôi trong Hội đồng Liên tôn với Liên minh châu Âu vào ngày 16/5 ở chùa Giác Hoa, do tôi nói sự thật quá nên có khi mất lòng cộng sản cho nên họ trả thù tôi bằng cách là cấm tôi xuất cảnh.”

Cuộc họp đó có sự tham dự của đại sứ Đức và các quan chức của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (UNHCHR). Cha Tân, cùng với đại diện của các tôn giáo khác, đã cáo buộc chế độ vi phạm nhân quyền của người dân một cách tùy tiện.

Là một tiếng nói bênh vực dân chủ và tự do, linh mục chính xứ Thọ Hòa từ lâu đã bị nhà cầm quyền theo dõi chặt chẽ. Ngày 4 tháng 9 năm ngoái, ngài đã bị tấn công bởi “Hội Cờ Đỏ”, một nhóm côn đồ ủng hộ chính phủ trong cố gắng kiềm chế xã hội.
Source: Asia News - Hanoi, diventa virale la protesta di p. Tân, ‘pastore coraggioso’ (Video)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài thuyết trình trong Đại Hội Gia Đình La Vang : Yêu Nhau, Mãi Còn Yêu và Thêm Yêu
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
08:55 25/06/2018


YÊU NHAU, MÃI CÒN YÊU và THÊM YÊU

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH TẠI LA VANG

Trọng kính Đức Cha Luy,

Kính thưa Quý Cha và Ban Tổ Chức,

Trước hết, con xin cám ơn Chúa và Đức Mẹ Lavang, cám ơn Đức Cha và Ban Tổ Chức đã cho con cơ hội quý báu này, để góp phần nhỏ bé của con vào công trình lớn lao của Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình, trong việc trình bày với các gia đình trẻ câu hỏi: “Trong Đời Sống Hôn Nhân, làm sao để đôi bạn Yêu Nhau, Mãi Còn Yêu và Thêm Yêu Nhau?”

Các bạn Gia Đình Trẻ thân mến,

Tôi xin trả lời qua các tiểu mục sau đây:

1. Tình Yêu Xe Kết Vợ Chồng

Tại sao Thiên Chúa lại dựng nên bàn tay chúng ta có nhiều khe hở giữa các ngón? Thưa để chờ đến một lúc nào đó có một bàn tay khác tới lấp đầy, tay đan tay dìu nhau lên Bàn Thánh nói lên cam kết hôn nhân, trước sự chứng kiến và chúc lành của Giáo Hội. Như thế, khi một bàn tay tìm nắm một bàn tay mà được để yên, thì đó là dấu hiệu tình yêu đón nhận tình yêu. Một bàn tay thực sự đẹp là bàn tay chìa ra đúng lúc và tay trong tay đi qua hết những đoạn đường đời, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản, xe kết tình yêu vợ chồng keo sơn bền chặt.

2. Bí Quyết Để Mãi Yêu và Thêm Yêu Nhau

a. Bí Quyết Nền Tảng: Giới Răn của Chúa

Các bạn đã yêu nhau, đã cưới nhau và đang yêu nhau tha thiết, đâu là bí quyết để các bạn còn mãi yêu nhau và thêm yêu nhau? Saint Exulpéry nói: “Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng” và hướng chung này được đặt nền tảng vững chắc trên ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa. Chính Lời Chúa bảo đảm cho tình yêu của các bạn. Quả thế, khi mới được tạo dựng, Ađam không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng, nên Thiên Chúa đã dựng nên Eva (x. St 2,18-20), để hai người yêu thương giúp đỡ, bổ túc cho nhau. Và Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, ban phúc lành và dạy họ hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều và thống trị mặt đất, nghĩa là sinh thành và dưỡng dục con cái (x. St 1, 27-28).

Như vậy, mục đích căn bản của đời sống hôn nhân là yêu thương tương trợ, bổ túc cho nhau, và sinh thành dưỡng dục con cái, cộng tác với Thiên Chúa trong việc tiếp tục sáng tạo nhân loại. Chúng ta phải nắm giữ hai mục đích căn bản và bao gồm này của Bí tích hôn phối: yêu nhau và giúp đỡ lẫn nhau khi mạnh khỏe cũng như khi đau ốm, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi hạnh phúc cũng như khi thử thách đau khổ, trong ưu điểm cũng như khuyết điểm, khi hài lòng cũng như khi trái ý, nghĩa là yêu nhau với tất cả những gì là của nhau, để sinh dưỡng và giáo dục con cái nên người và nên con Chúa.

b. Bí Quyết Cộng Đồng Đồng Tiến

Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu số 80 khẳng định rằng Gia đình là một phần tuyệt đối cần thiết của Giáo hội, bởi Giáo hội là ‘gia đình của các gia đình”. Để tình yêu gia đình được bền chặt theo gương Thánh Gia Thất, ngoài việc dấn thân sinh hoạt với các gia đình trẻ trong giáo xứ, các bạn nên tích cực tham gia vào các đoàn thể gia đình chuyên biệt như Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Song Nguyền, Khôi Bình, Gia Đình Cùng Theo Chúa… Chính những việc tông đồ, bác ái từ thiện và thiện nguyện mà đôi vợ chồng cùng tích cực tham gia sẽ là những yếu tố gắn kết cho tình yêu vợ chồng thêm bền chặt yêu nhau.

c. Nỗ Lực Sống Chung Thủy

Thánh Phaolô khuyên: “Là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo… Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” . Nhưng trong suốt dòng đời, dù Chúa có định liệu thế nào thì vợ chồng vẫn luôn chung thủy bền vững với nhau cho đến trọn đời: Sự gì Thiên Chúa liên kết thì loài người không được phân ly, nhờ đó các bạn yêu nhau, còn mãi yêu nhau và thêm yêu nhau.

3. Những Mối Nguy và Cơ Hội Cho Tình Yêu Vợ Chồng

a. Một trăm ông chú không lo, mà chỉ lo một mụ O nhọn mồm: Tâm lý ghen tương ác cảm của mẹ chồng và chị em gái của chồng đối với nàng dâu là do người con trai khi chưa có vợ thì dành tất cả tình thương và tiền bạc cho mẹ và chị em gái, nhưng từ khi cưới vợ thì lại trao cho vợ tất cả. Đó là cái mất và cái được tự nhiên, nhưng nếu cả đôi bên không chịu chấp nhận thực tế và mở lòng ra để khéo điều chỉnh hòa điệu, san sẻ với nhau thì cuộc chiến tranh đó sẽ cản trở và làm hại tình yêu vợ chồng, có khi gây nên đổ vỡ nữa !

b. Yêu nhau đành phải ngó lơ, kẻo chúng bạn biết, kẻo cha mẹ ngờ: Nếu với tình trạng đó mà vợ chồng trẻ phải ở chung nhà với bố mẹ và chị em thì sẽ không tránh khỏi nhiều vấn đề tế nhị, cả trong đời sống chăn gối, làm chi cho nhau cũng phải lén lút vụng trộm hoặc dè dặt không dám, sợ sự xoi mói bình phẩm của cả bà con hàng xóm láng giềng nữa, khiến lửa tình yêu nồng ấm ban đầu có nguy cơ nguội dần theo năm tháng.

c. Cần một chốn riêng tư: Để tránh tình trạng này, con cái tới tuổi trưởng thành kết hôn cần được “ra riêng” tự lập. Họ được tổ chức theo ý mình, không những cuộc sống tình ái vợ chồng mà còn việc hệ trọng nuôi dạy con cái, không bị giằng co bởi các quan niệm có khi trái ngược nhau của ông bà nội ngoại, chú dì cậu mợ. Vợ chồng có cuộc sống riêng tư của mình, thỉnh thoảng đưa cả gia đình về thăm nội ngoại, có sự sẻ chia vật chất, quà cáp càng quí.

d. Trẻ cậy cha, già cậy con: Vợ chồng trẻ giúp đỡ tài chánh cho tứ thân phụ mẫu là chuyện hiếu đễ nên có. Nhưng để có hệ quả tốt, vợ chồng nên cùng tới thăm, chồng đưa cho gia đình vợ và vợ đưa cho gia đình chồng, cả hai đều được tiếng khen “dâu thảo, rể quý”, đạt được tình cảm của cả hai đại gia đình nội ngoại, con cái được nhờ, gia đình càng thêm hạnh phúc.

4. Sự Hỗ Trợ của Năm Định Luật Tâm Sinh Lý Khác Biệt Nam Nữ

a. Luật Ưu Tiên: Ưu tiên của người nữ là một quả tim, một tình cảm, một trái tim muốn hòa nhịp với một trái tim khác, một tình cảm tha thiết muốn hiến trao tất cả cho người mình yêu. Trái lại, nơi người nam thì thể xác là ưu tiên. Sự khác biệt này có thể gây nên những nguy cơ: Người nữ dễ bị chinh phục tình cảm vì nể nang, tội nghiệp, thương hại…, mà nhượng bộ đòi hỏi thể xác của phái nam . Trái lại, người nam dễ bị chinh phục bởi những đường nét duyên dáng gợi cảm và hấp dẫn nơi thân xác người nữ, khó lòng tự kiềm chế và thường đòi hỏi mau chóng kết hợp thể xác, coi đó như một bằng chứng tình yêu.

b. Luật Phân Cách: Trái tim người nữ chỉ có một ngăn và dành hết cho người yêu. Mối tình dành cho chồng chiếm trọn trái tim chị. Trái lại, trái tim người nam có tới 4 ngăn biệt lập: ngăn thứ nhất dành cho vợ và khi ở với vợ là không nghĩ tới gì khác; ngăn thứ hai dành cho sự nghiệp, đến quên cả vợ con, gia đình; ngăn thứ ba dành cho sở thích, lý tưởng; ngăn thứ tư dành cho giải trí, nghỉ ngơi. Người vợ hãy an tâm tin rằng cHồng Yêu chị, đừng tỏ ra nghi ngờ, song hãy cảm thông chia sẻ với chồng. Trái lại, người chồng nên chừng mực trong công việc và để vợ cùng tham gia với mình, biết đền bù cho vợ và yêu thương phụ giúp công việc với vợ. Đàng sau sự thành công của người chồng luôn có bóng dáng của người vợ.

c. Luật Thính Giác: Người nữ không chỉ là một trái tim mà còn là một lỗ tai to gắn liền với trái tim. Chị có nhược điểm thích nghe những lời tán tỉnh, dịu ngọt và dễ tin những điều người ta nói hơn là việc người ta làm: Chuông già đồng điếu chuông kiêu, anh già lời nói em xiêu tấm lòng. Trái lại, người nam ở bên ngoài thì thao thao bất tuyệt về đủ chuyện chính trị, xã hội, nhưng khi ở trong gia đình lại thiếu lưỡi hay ngắn lưỡi, khiến nặng nề cho cả hai. Do đó, vợ chồng phải đối thoại, mở tâm hồn và lý trí để cùng đón nhận, tham dự, chia sẻ tâm tình của nhau, tránh những nghi ngờ, hiểu lầm, xích mích gây tổn thương tình yêu vợ chồng.

d. Luật Chi Tiết: Người nữ để ý đến các chi tiết, vì sứ mạng nội trợ đòi hỏi chị hằng ngày phải làm bao nhiêu việc nhỏ nhặt không tên, với bao nhiêu chi tiết; chị chú ý và nhớ kỹ những chi tiết trong đời sống của anh, của gia đình trong khi anh ít để ý và hay quên. Sai biệt tâm lý này là nguyên do nhiều vui buồn, đau khổ. Vậy cả hai phải biết nghĩ đến người yêu và tìm hạnh phúc cho người yêu: chị đừng hay than phiền về những chuyện nhỏ nhặt, dò xét những điều tỉ mỉ, nhưng rộng lượng thông cảm với những dự tính, công việc, những sinh hoạt hoặc giao tế của anh. Còn anh hãy chịu khó để ý đến chị, nhẫn nại nghe chị nói. Hãy lợi dụng những cơ hội, những chi tiết làm chị vui: quà tặng ngày sinh nhật, ngày cưới, một lời khen, một quan tâm, một giúp đỡ…

e. Luật Bất Đồng Cảm: Người nữ phản ứng chậm nhưng kéo dài, kể cả trong phạm vi tình cảm tình dục (tính thứ phát), nhưng khi đã xúc cảm thì lại kéo dài và mãnh liệt hơn anh. Trái lại, người nam phản ứng nhanh (tính khởi phát), nhưng cũng mau dứt, nguội tàn. Trong ân ái vợ chồng, anh mau đạt đỉnh thỏa mãn mà không nghĩ tới cảm xúc của vợ. Hiểu biết định luật tâm lý này để biết thông cảm dung hòa với nhau, tránh những xích mích nghi kỵ.

Tóm lại, những định luật này tuy rất hữu ích để giúp mỗi người hiểu được người kia, nhưng không áp dụng riêng rẽ mà bổ túc cho nhau và là những định luật rất quan trọng chi phối đời sống và quan hệ nam nữ, giúp vợ chồng càng yêu nhau, còn mãi yêu và càng thêm yêu nhau.

5. Các Nguy Cơ Làm Tổn Thương Tình Yêu Vợ Chồng

Để mãi còn yêu nhau và thêm yêu nhau, vợ chồng cần cảnh giác:

a. Dữ kiện tâm sinh lý hấp dẫn tính dục là sức lôi cuốn mãnh liệt có tính cách tính dục đối với một người cá biệt nào đó. Có sức hấp dẫn tính dục hay bị hấp dẫn tính dục đều là nguy hiểm, dù là người đời thường hay người tu hành, nam cũng như nữ, coi chừng kẻo bị tấn công hoặc tấn công mà vấp ngã. Nếu vướng với một người có gia đình thì sẽ hết sức phức tạp: không những lỗi giới răn thứ sáu và thứ chín, ngoại tình, không chung thủy, mà còn có nguy cơ làm cho gia đình người ta tan vỡ kèm theo án lệ dân sự và hình sự nữa.

b. Sự quyến rũ và tình yêu: Bất cứ người nam nào cũng khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc, những sự dịu dàng âu yếm nữ tính, hay bất cứ người nữ nào cũng khao khát một bờ vai ấm áp vững chắc để nương tựa, một vòng tay mạnh mẽ để được ôm ấp che chở, một trái tim nồng nàn tình yêu, khiến người ta dễ bị chinh phục bởi một sự quyến rũ. Sự quyến rũ này thuộc về sự lôi cuốn hấp dẫn chứ không phải là tình yêu, nhưng sự say đắm này có thể chiếm mất chỗ của tình yêu đích thực, cho đến khi sự quyến rũ say đắm đó không còn nữa thì mới tỉnh ngộ, song có khi đã quá muộn để không còn có thể quay trở về được nữa.

c. Cạm Bẫy Mỹ Nhân Kế là dùng sắc đẹp thể xác của người nữ làm cạm bẫy: Có những cạm bẫy tự đến với thân phận con người yếu đuối “trai tài gái sắc”; có những cạm bẫy được dàn dựng vì tiền bạc; có những cạm bẫy được sắp đặt vì thù oán; có những cạm bẫy được dàn dựng cài đặt vì vấn đề chính trị, quyền lực; có những cạm bẫy được tổ chức để phá hại tôn giáo. Cần cẩn trọng đề phòng bị chuốc rượu, chất kích thích, kích dục và cả đầu độc nữa.

d. Sự Quấy Phá của Ma Quỉ: Thời đại chúng ta, Quỷ Dâm Dục càng gia tăng hoạt động và người càng thuộc về Chúa, ma quỉ càng tấn công. Ma quỉ không tấn công người nó đã nắm chắc thuộc về nó. Còn người mạnh hơn thì nó thách thức, như với thánh Gioan Maria Vianney: “Nếu chúng tao tìm được ba thằng như mày thì chúng tao mới chịu thua”. Tiếc là mới chỉ có một Vianney thôi nên chúng ta còn phải chiến đấu cam go với ma quỉ lắm. Vậy đừng chủ quan. Nguy hiểm nhất là ma quỉ lưu manh gian dối luôn làm cho chúng ta tưởng lầm rằng không có nó luôn rình rập để đánh úp chúng ta. Vì thế, Thánh Giacôbê căn dặn: “Hãy chống lại ma quỷ, chúng sẽ chạy xa anh chị em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh chị em” . Hãy cầu xin ơn ý thức bảo vệ nhau, vì khi vợ chồng thực sự yêu thương nhau, thỏa mãn được nhu cầu yêu và được yêu, thì không một thứ tình cảm nào có thể chen vào làm hại được.

Tuy nhiên, khi gặp thử thách gian truân, hãy cùng nhau cầu nguyện trong gia đình và chạy đến với thừa tác viên của Giáo Hội, nhất là chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể nơi Nhà Tạm, Ngài hằng mời gọi và chờ đợi chúng ta. Hãy trao trút mọi nỗi lòng cho Chúa, vì Ngài hằng thương yêu chăm sóc chúng ta . Đồng thời hãy siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giải Tội và Bí tích Thánh Thể.

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
 
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 1: Thánh Hôm Nào Và Thánh Hôm Nay
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
15:31 25/06/2018
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 1: Thánh Hôm Nào Và Thánh Hôm Nay

Lời cáo lỗi của tác giả:

Ba bài đầu của loạt bài này đã được giới thiệu ở một số nơi với tựa đề “Năm Thánh Để Chúa An Ủi Dân Ngài”. Sau ngày khai mạc Năm Thánh, tác giả thấy cần duyệt lại và lấy tựa đề mới cho tất cả là “Năm Thánh Chứng Nhân”. Có một số đoạn lấy lại nguyên văn các bài đã đăng, xin quí độc giả thông cảm. Để tiện cho những độc giả cần tham khảo đối chiếu, ba bài cũ vẫn được giữ lại trên conggiaovietnam.net và simonhoadalat.com. Lm Trăng Thập Tự.


Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ,

Thế là chúng ta đã bước vào Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một Năm thánh ngắn gọn theo kiểu thời kỹ thuật số, một năm thánh mini, chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 tháng và 5 ngày, từ 19-6-2018 tới 24-11-2018.

Đây là Năm Thánh nhằm nói lên lòng tri ân Tiên tổ, để rủ nhau cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa, đánh dấu kỷ niệm 30 năm sự kiện vĩ đại của Hội thánh Việt Nam, khi Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong 117 hiển thánh thuộc Giáo hội Việt Nam, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, ngày 19-6-1988.

MỘT TIẾNG GỌI BẤT NGỜ

Đó là mục tiêu rất rõ về phía chúng ta, thế nhưng hình như chính Thiên Chúa còn nhắm một mục tiêu cụ thể cũng hết sức rõ, có thể đọc thấy nơi một sự trùng hợp rất lạ lùng:

- Tháng 10-2017 Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định về việc mở Năm thánh này và đầu năm 2018 chúng ta được thông báo hai lần về việc kỷ niệm 30 năm: Lần đầu ở đoạn cuối “Lời chúc tết Mậu Tuất” của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh và lần thứ hai, chưa đầy một tháng sau đó, trong thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng dân Chúa, viết từ Rôma ngày 10-3-2018.

- Các mục tử trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa ký xong thư mục vụ, đang trên đường quay trở lại quê nhà cho kịp lễ an táng một người anh em Tổng Giám mục thì, ngày 19-3-2018, từ Rôma, vị đại diện chính thức của Chúa Kitô trên trần gian công bố: “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay”.

- Rồi hơn một tháng sau, ngày 01-5-2018 Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức công bố Năm thánh tôn vinh các thánh Tử đạo Việt Nam.

Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên khi Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh chen ngay vào khoảng cách giữa lúc “nhá máy” và lúc “thực hiện cuộc gọi”. Tông huấn ấy khiến Năm Thánh dội lại tiếng gọi chính Thiên Chúa và các Thánh của Ngài muốn ngỏ với chúng ta: Hãy nối gót cha ông mà nên thánh theo đúng với sứ mạng Thiên Chúa đang trao cho trong thời đại này.

BẢN LỀ GIỮA NGÀY ẤY VỚI NGÀY NAY

Năm thánh mini trở thành cái bản lề giữa “thế giới ngày ấy” với “thế giới ngày nay”. Cả trong hai thế giới thời ấy và thời nay, các tín hữu của Chúa tại Việt Nam đều được mời gọi nên thánh bằng cuộc sống chứng nhân. Cha ông đã làm chứng bằng cái chết, con cháu hãy làm chứng bằng cuộc sống.

Phần “nên thánh trong thế giới ngày ấy”, mời quí vị và các bạn tìm đọc trong quyển “Hạnh các thánh Tử Đạo Việt Nam” được Hội đồng Giám mục Việt Nam phát hành trong dịp này và nhiều sách vở cũng như bài viết đó đây nêu lên tấm gương hy sinh đến chết để làm chứng.

Phần “nên thánh trong thế giới ngày nay” là phần dành cho chúng ta, chúng tôi xin đóng góp một số bài ngắn, nhấn mạnh về việc làm chứng trong cuộc sống, viết dựa theo tông huấn “Vui mừng và hân hoan” (thức là tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh) của Đức Thánh Cha Phanxicô và đặt tên cho loạt bài này là “Năm thánh chứng nhân”.

Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay khác với hồi ba mươi năm xưa trở về trước. Năm 1988 ấy cũng là thời đất nước chuyển mình về kinh tế, hướng tới cơ chế thị trường. Đoàn dân Chúa trên quê hương này không hề được chuẩn bị để đương đầu với cuộc thi mới chính Chúa đang đề ra: Đứng vững trước cơn lốc tiêu thụ. Cơn lốc mãnh liệt đã cuốn đi tất cả, cuốn theo cả một dân Chúa có chống chọi nhưng thật yếu ớt. Nó cuốn hết những cái đã từng khiến dân Chúa tại Việt Nam tự hào. Không ít người đã nói tới sự biến chất, sự mỏi mệt. Mọi chuyện có nguy cơ trở thành hình thức, sáo rỗng, vụ thành tích. Lửa nhiệt tình có nguy cơ tắt ngúm, từ trên xuống dưới. Chính trong bối cảnh ấy, tiếng gọi “hãy an ủi dân ta!” (Is 40,1) cộng hưởng với tiếng gọi “hãy nên thánh!” quyện thành một thông điệp hy vọng.

NÀO, TA HÃY LẮNG NGHE

Xin được mở ngoặc để lưu ý một chút: Đó đây ta có thể nghe một vài người nêu những phát biểu trái chiều với Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh (Tgnt). Thế nhưng, ở đây, ta sẽ học theo một kinh nghiệm rất quý của anh em Tin Lành (Tôi muốn nói đến anh em trong Hội thánh Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp Cơ đốc, đang hiện diện khắp Việt Nam, ở mặt tiền nhà thờ có ghi giản dị hai chữ “Tin Lành”, chứ không nói đến các giáo phái này nọ). Họ có thái độ rất nghiêm túc khi nghe giảng. Họ không bao giờ khen một mục sư “giảng hay”, thay vào đó, họ tạ ơn Chúa vì ông “giảng được ơn” - bài giảng của ông có đầy ơn Chúa và giúp người nghe nhận được ơn Chúa. Bình phẩm là tự cho mình quyền phê phán Lời Chúa, xem người giảng là thí sinh còn mình thì tự ngồi vào bàn giám khảo để chấm điểm. Thay vì phê phán Lời Chúa, ta hãy để cho Lời Chúa phê phán. Hãy đón nhận lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, đừng chạy trốn bằng cách phê phán lời kêu gọi ấy. Đừng theo đuôi bất cứ ai để bình phẩm Đức Thánh Cha.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Đức Thánh Cha đang tái hiện tinh thần Công đồng Vaticanô II trước mắt ta bằng hành động và giáo huấn của ngài. Năm năm qua, nếu mỗi chúng ta hưởng ứng 1% những gì Đức Thánh Cha đề nghị, có lẽ khuôn mặt Hội thánh đã đổi khác. Cần nghiêm túc nhìn lại xem bản thân ta đã hưởng ứng được phần trăm nào chưa?

CHÉP VÀO ĐIỆN THOẠI

Tông huấn “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay” đã được dịch giả Phaolô Phạm Xuân Khôi nhanh chóng chuyển sang Việt ngữ rất chuẩn. Để góp phần giúp mọi người sống Năm Thánh, tôi đã trao đổi với dịch giả, xin phép duyệt lại đôi nét để có được một bản dịch dung dị, dễ hiểu, theo sát cách nói của Đức Thánh Cha, nhờ đó tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh có thể đi thẳng vào lòng những tín hữu Việt Nam chưa quen với các văn kiện giáo hoàng. Được dịch giả đồng ý, mặc dù khả năng đang lụi tàn vì tuổi tác, không làm được như mong muốn, tôi đã cố gắng tối đa và hiện đã có được bản dịch hiệu đính giới thiệu trên mạng, tại www.vanthoconggiao.net, tapsanmucdong.net, conggiaovietnam.net, thuvienconggiaovietnam.net, www.simonhoadalat.com vv...

Xin mời quí vị và các bạn tải xuống để có thể lắng nghe Tiếng Gọi Nên Thánh trên khắp mọi nẻo đường... không những để đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của Đức Thánh Cha mà hơn nữa, trên hết, là của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đang an ủi Dân Ngài (x. Is 40,1). Năm Thánh tốc hành của chúng ta sẽ nhanh kỷ lục đấy nhé. Hãy nhập đoàn ngay, nếu không nhanh chân, nhỡ tàu là phí lắm!

Khi đã nhận ra mục tiêu cao cả là ý Chúa muốn cho ta trong Năm Thánh này và cùng rủ nhau nên thánh theo ý muốn ấy, thì dù chỉ vài tháng ngắn ngủi, Năm Thánh vẫn là một sự tôn vinh đích đáng dâng lên các Thánh tiền nhân chúng ta và dâng lên Thiên Chúa Chí Thánh.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 2 : Đồng Thanh Tương Ứng Tự Bao Giờ
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
15:32 25/06/2018
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 2 : Đồng Thanh Tương Ứng Tự Bao Giờ

Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ.

Cho tới lúc này, hẳn bạn đã tải xuống, hoặc ít là đã có ý định truy tìm bản dịch tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh (Tgnt) để tải xuống. Nếu bạn đã đọc, hẳn bạn thấy tập mỏng này của Đức Thánh Cha thật lôi cuốn, nó réo rắt mời gọi ta quyết tâm nên thánh. Bạn trầm tư và khao khát thực hiện, đồng thời cũng thấy vẫn có những khó khăn. Làm sao để nhớ, rồi làm sao để áp dụng vào cuộc sống từng ngày?

QUẢNG CÁO HÀNG NHÀ

Tôi có cảm tưởng chính Chúa đã thấy rõ khó khăn ấy của nhiều người nên đã dọn sẵn một dụng cụ thiết thực để an ủi những tâm hồn bé nhỏ. Ở đây lại thêm một trùng hợp bất ngờ lý thú, xin cho tôi được phép có một chia sẻ hơi khác thường để biện minh cho sự đóng góp táo bạo khá buồn cười vì dám quảng cáo hàng nhà.

Đầu những năm 1980, sau khi dự Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nêu ý tưởng của ngài và bảo tôi biên soạn quyển sách này. Vào thời điểm lễ phong thánh, 1988, quyển sách đã được in lụa với tựa đề Kinh Nguyện Gia Đình, về sau đã được Đức Cha Phaolô cho imprimatur và Tòa Giám mục Nha Trang ấn hành nhiều đợt.

Từ năm 2009, tôi được giao cho phụ trách về mục vụ Văn hóa của Giáo phận Qui Nhơn, rồi về sau được yêu cầu kiêm thêm mục vụ Giáo dục. Trong cái nhìn mục vụ, giáo dục trước hết là đào tạo nhân cách và các đức tính tốt. Đây là lãnh vực đang khiến mọi người cả trong lẫn ngoài Giáo hội hết sức âu lo, không tìm thấy giải pháp. Khi Đức Giám Mục giáo phận bảo tôi lo mục vụ Giáo dục, tôi đã thưa ngài: “Vâng, con xin đảm nhận ít lâu để tìm hiểu xem vấn đề nằm ở chỗ nào”. Giữa sự bế tắc của hoàn cảnh hiện nay, tôi thấy Chúa vẫn dành lại một chút hy vọng: Các phụ huynh vẫn là những người không thể không yêu thương chính con em họ. Nếu có cách nào trao được tận tay mỗi gia đình một bản chỉ dẫn tóm tắt, chính xác, thiết thực và khả thi để giúp họ giáo dục con em, và làm sao để họ có thể giữ bền bản chỉ dẫn ấy trong gia đình từ thập niên này sang thập niên khác, thì dần dần hy vọng sẽ hình thành được cho các gia đình một kinh nghiệm chung về giáo dục. Các đoàn thể, lớp giáo lý và cả tòa giảng của linh mục sẽ cùng giúp các gia đình xoáy sâu vào một số mũi nhọn thì kết quả sẽ không nhỏ.

Lúc ấy, năm 2013, tôi lại đang tập trung cập nhật những chỉ dẫn về tôn kính Tổ tiên trong quyển Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo (tạm viết tắt là KvG) để kịp mừng 50 năm huấn thị Plane compertum est. Cùng lúc bận tâm cả hai chuyện, cuối cùng tôi tìm ra được đáp số: Cài các chỉ dẫn giáo dục nhân bản và Kitô giáo vào quyển sách của các gia đình là sách kinh. Với chút vốn liếng linh hạnh I Nhã và Cát Minh cộng với một kinh nghiệm từ quyển sách của ông Sean Covey, tôi đã tổng hợp được phần định hướng giáo dục hiện có trong quyển KvG. Tôi linh cảm rằng nếu quyển sách đến tận tay các gia đình tín hữu thì cái mẫu số chung nhỏ nhất về giáo dục Công Giáo sẽ có ảnh hưởng đáng kể và nếu lương dân biết đến mẫu số chung ấy thì, vì muốn cho con cái nên người, có lẽ không ít gia đình sẽ quan tâm tới Giáo Hội Công Giáo.

Quyển KvG đã được Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin viết lời giới thiệu cuối năm 2015 và được imprimatur đầu 2016. Thế nhưng, có lẽ do Chúa quan phòng, mãi tới giữa tháng Năm, đang lúc chuẩn bị khai mạc Năm Thánh, nhà in mới giao những lô hàng đầu tiên. Khi hiệu đính bản dịch Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh để giúp chủng sinh Qui Nhơn học hỏi, tôi thấy giữa Tông huấn mới và những chỉ dẫn mục vụ tôi đã đưa vào quyển sách có những điều khá trùng khít.

MỘT DỤNG CỤ GIÚP THỰC HÀNH TÔNG HUẤN NÊN THÁNH

Bản PDF có mục lục liên kết của quyển sách hiện đã được đưa lên các trang: simonhoadalat.com, thuvienconggiaovietnam.net, conggiaovietnam.net, tapsanmucdong.net và vanthoconggiao.net…

Mời bạn tải xuống và chép vào điện thoại cảm ứng để tiện dụng. Đem đối chiếu những lời chỉ dẫn trong quyển KvG với nội dung của tông huấn, bạn sẽ nhận ra những sự tương hợp khá lạ. Tông huấn mời gọi “nên thánh”, quyển KvG đề ra định hướng “bảo đảm tối thiểu để vươn tới tối đa” (trang 201). Những đoạn chỉ dẫn trong quyển KvG hầu như đều là chỉ dẫn để sống theo tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh.

Chương 1: Tiếng gọi nên thánh

(ss. KvG trang 167, đoạn 2: Đào tạo ý thức phẩm giá con Thiên Chúa và tinh thần trách nhiệm; trang 165: Cam kết thánh hóa gia đình; trang 211: vượt thắng... để tiến lên không ngừng).

Chương 2: Hai kẻ thù tinh tế của sự thánh thiện

(ss. KvG trang 208,3: Từ giác quan tới tâm linh; KvG trang 209,4: Có hai loại điều tốt chủ quan; KvG 210, 6: Đời ta là công cuộc của Chúa).

Chương 3: Ánh sáng của Thầy Chí Thánh

A. Tám mối phúc thật (ss. KvG 207, 2: Bài giảng trên núi).

B. Lòng thương xót (ss. KvG 166, 1: Bầu khí yêu thương).

Chương 4: Những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày na

1. Kiên trì, kiên nhẫn và hiền lành (ss. KvG 172,7).

2. Vui tươi và biết đùa (ss. KvG 171,6).

3. Mạnh dạn và sáng tạo (ss. KvG 169,4).

4. Tình cộng đoàn (ss. KvG 170,5; 172-173: ích chung; 173,8: đào tạo khả năng làm việc chung).

5. Cầu nguyện (ss. KvG 13-14: đời sống cầu nguyện cá nhân; 163: cầu nguyên đầu ngày và cuối ngày; 167,2: phẩm giá con Thiên Chúa).

Chương 5: Chiến đấu, tỉnh thức và phân định

1. Chiến đấu (ss. KvG 211,A: để thắng xu hướng xấu).

2. Tỉnh thức (ss. KvG 209,5: sáng suốt và tỉnh táo).

3. Phân định (ss. KvG 208,3: Quỷ dữ phá đám; 172: Lắng nghe; 208,4; 212,B: Cám dỗ làm điều tốt; 208,4; 209,5: Ý Chúa).

Như thế, với những chỉnh sửa từ những ghi nhận sau hơn 30 năm sử dụng, phải chăng phiên bản mới của quyển KvG được tiền định để làm một bản giúp trí nhớ cho tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh? Tôi ước mong phổ biến kịp quyển sách để phục vụ Năm Thánh 2018 của cả nước. Mong quí vị và các bạn tích cực giúp giới thiệu với mọi người.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 3 : Hai Thủ Phạm Khiến Mùa Thất Thu
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
15:33 25/06/2018
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 3 : Hai Thủ Phạm Khiến Mùa Thất Thu

Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ,

Ngạn ngữ Công Giáo vẫn nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh người có đạo”. Phải chăng sau lễ phong hiển thánh, những hạt giống đã nảy sinh hàng loạt? Ba mươi năm rồi, nhìn lại, sự thật thế nào? Rất có thể chúng ta đang nằm trong trường hợp hạt giống âm thầm mọc Chúa đã nói ở Tin mừng Marcô 4,26-29, đang chờ đến lúc mọc lên, mà “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2Pr 3,8).

SAU ĐÊM VẤT VẢ LUỐNG CÔNG

Số liệu trong quyển “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám 2016”, khiến ta phải nghĩ vậy. Ở các trang 480 – 482 ta thấy tổng số tín hữu cả nước là 6.756.303 và số người lớn được rửa tội trong năm 2015 là 38.050 người. Chia ra, phải hơn 177 tín hữu cũ mới được 1 tín hữu mới. Có người tọc mạch tìm xem trong tổng số 38.050 có mấy mươi phần trăm theo Đạo trong dịp lập gia đình và đi đến kết luận: Hóa ra chỉ có mấy cô cậu đang cặp bồ dung dăng dung dẻ kia tham gia truyền giáo hữu hiệu, còn những người khác kể như chẳng ai làm được gì!

Người ta bảo ấy là chuyện số lượng, thế nhưng liệu chừng thông tin về số lượng lại không hàm chứa một tiết lộ về phẩm chất đó sao?

Phải nhận rằng tất cả chúng ta, từ triều đến dòng, từ các ban bệ cấp cả nước và giáo phận cho đến các hội đoàn trong từng giáo xứ, từ cha sở tới giáo dân, tất cả chúng ta ai cũng đều cố gắng để rồi, cũng như các Tông đồ xưa, vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì. Sự việc xảy ra cho nhóm của Thánh Phêrô hai lần. Lần đầu khiến ngài chợt thấy mình đầy tội lỗi. Thế còn ở lần sau, “Thưa Thánh nhân, thế còn ở lần sau, Ngài đã rút được kết luận gì?” - “Ờ, ờ nhỉ! Hình như tại vì suốt cả đêm chúng tôi chỉ toàn thả lưới bên tay trái… Rồi Chúa bảo chúng tôi thả bên tay phải!…” Vâng, có lẽ vì chúng ta cứ mải thả lưới bên trái thuyền. Nào, hãy nghe lời Chúa và cùng bắt đầu lại, thả lưới bên phải thuyền…

Ta hãy để cho Chúa an ủi và hãy an ủi nhau. Đừng buồn! Đêm vất vả luống công chẳng phải là chuyện của riêng 26 giáo phận trên mảnh đất chữ S này mà là của Hội thánh toàn cầu. Tông huấn “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay” mời gọi chúng ta tìm một câu trả lời chung với anh chị em đồng đạo trên thế giới.

HAI THỦ PHẠM

Với chương 1 của tông huấn Tiếng gọi nên thánh, câu trả lời cho đêm vất vả luống công chính là ở chỗ Hội thánh chưa “thánh” đủ, chưa “thuộc về Chúa” cho đủ. Đúng như ghi nhận của một nhà truyền giáo nọ: Người ta nể phục chúng ta tổ chức giỏi, thậm chí kinh doanh giỏi, nhưng không thấy chúng ta là người của Thiên Chúa.

Với tinh thần khiêm nhường, trong Năm Thánh các chứng nhân đức tin, cộng đồng dân Chúa Việt Nam đang có cơ hội mở lòng ra với ơn Chúa. Nhờ đó, có thể ta còn nhận ra được nguyên nhân cụ thể hơn. Nơi chương 2 của Tông huấn, Đức Phanxicô vạch mặt chỉ tên hai kẻ thù tinh tế của sự nên thánh. Mà kinh nghiệm của dân Chúa cho thấy giữa lãnh vực tâm linh bên trong với lãnh vực mục vụ bên ngoài, sự việc không khác gì nhau. Ta cần nghe lại điều Đức Thánh Cha cảnh báo về bước tiến trên đường nên thánh để tìm ra ánh sáng kiểm điểm xem cả về mặt mục vụ, ta có bị thần dữ lừa gạt tương tự như thế chăng. Ta hãy đi từ văn cảnh của điều ngài dạy trong tông huấn là lãnh vực nên thánh:

“Tôi muốn lưu ý đến hai thứ thánh thiện giả mạo có nguy cơ khiến chúng ta lầm lạc: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô. Hai lạc thuyết này đã có từ thời Kitô giáo sơ khai, nhưng hiện vẫn hết sức đáng quan tâm. Ngay ở thời nay rất nhiều Kitô hữu vẫn bị những ý tưởng dối trá này lôi cuốn mà có lẽ không hề ngờ” (Nên thánh, số 35). Nói tắt,

- Nhóm ngộ đạo là những người chạy theo sự bừng ngộ, tự cho là mình nhận được những hiểu biết sâu nhiệm và đặc biệt, hơn hẳn mọi người.

- Nhóm Pelagio là những người không tha thiết với ơn Chúa, chỉ dựa trên sức riêng mình.

Cả hai thái độ ấy rất gần với lý tưởng ngoại giáo về sự hoàn thiện. Ngộ đạo gần với lý tưởng giác ngộ, lý tưởng “tu là cội phúc, tình là dây oan”, “tu là trong, lập gia đình là đục”, cùng với những “thành quả”, những “trình độ” đạt được nhờ tu tập. Thái độ Pelagio rất gần với những người chủ trương tự cứu bằng sức riêng mình: tự thắp đuốc mà đi.

Gọi là lý tưởng, có nghĩa rằng, trước mắt người đời, đó là những giá trị trổi vượt và người ngoại giáo hiểu đó là chuyện đương nhiên. Người Kitô hữu không phủ nhận những điều ấy là một thứ giá trị nào đó, nhưng khẳng định rằng những thứ ấy chẳng có ý nghĩa gì với ơn cứu rỗi nếu chưa có Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, bởi vì ơn cứu rỗi là được hiệp nhất trong yêu thương hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Thật vậy, “ngoài Đức Kitô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

TỰ HỎI MÌNH

Đức Thánh Cha bảo rằng ngày nay rất nhiều Kitô hữu vẫn bị hai ảo tưởng dối trá này lôi cuốn mà có lẽ không hề ngờ. Thường thì kẻ lạc về phía này, người lạc về phía khác, mà lắm khi cả hai ảo tưởng có thể xảy ra nơi cùng một người. Tạm ví dụ về thái độ ngộ đạo: Khi tham gia các đoàn thể đạo đức, ta có thể rơi vào ảo tưởng mình thánh thiện hơn người khác, hoặc khi ta dương dương tự đắc đấu lý nhằm thuyết phục người khác theo Đạo, hoặc khi ta thấy mình “nắm vững vấn đề” hơn ai đó và vì thế… ta thánh thiện hơn họ… Rồi về thái độ Pelagio, cậy vào sức riêng: Khi ta dấn thân làm tông đồ hoặc bác ái từ thiện và thản nhiên bỏ bê cầu nguyện. Xin trích nguyên văn số 57:

“Tuy nhiên, vẫn có một số Kitô hữu cứ nhất quyết đi theo một con đường khác, đòi tự công chính hoá bằng sức riêng, vẫn cứ tôn thờ ý chí nhân loại và khả năng riêng của họ. Kết quả là một sự tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, mất hẳn tình yêu chân thật. Điều này được diễn tả bằng nhiều cách suy nghĩ và hành động có vẻ rời rạc khác nhau: việc bám chặt vào luật lệ, việc quá bận tâm với các lợi thế xã hội và chính trị, một sự bận tâm chi li về phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội thánh, một sự huênh hoang về khả năng quản lý các vấn đề thực tiễn, và say sưa tìm đủ cách tự hoàn thiện nhằm đạt được thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu dành hết thời giờ và sức lực cho những điều ấy thay vì để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn theo con đường tình yêu, say mê truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin mừng và tìm kiếm những anh em bị mất hút giữa đám đông vô số những người đang khao khát Đức Kitô.”

CÔNG CUỘC CỦA CHÚA VÀ CÔNG CUỘC CON NGƯỜI

Khi tĩnh tâm, ta dễ nhận ra trong lòng ta vốn có kẻ nội thù đồng lõa với thần dữ. Kẻ đồng lõa ấy mang tên một mối tội đầu nào đó. Qua tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, với đặc sủng phân định của người tu sĩ Dòng Tên, Đức Thánh Cha đã nhận ra đầu mối tạo nên cuộc khủng hoảng trong Hội thánh ngày nay và đã gọi đích danh nó. Chính hai não trạng ngộ đạo và Pelagio chi phối nặng nề cách suy nghĩ cũng như cách hành động của nhiều tôi tớ Chúa, khiến họ biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại, tiêu tốn hết nhiệt tình, thời giờ và năng lực vào những chuyện sẽ trở thành vô nghĩa trước nhan Thiên Chúa. Những bận tâm nhân loại ấy che khuất tầm nhìn đời đời. Sự cậy dựa vào sức người cũng như vào sự khôn ngoan nhân loại chặn đứng mất nguồn ân sủng Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ dạt dào.

Đức Thánh Cha không bàn tới hai lạc thuyết ấy như những hệ thống ý tưởng nhưng như hai thái độ nội tâm lấy con người làm chuẩn (x. Tgnt, 35). Ngài không quả quyết rằng anh chị em chúng ta tại Việt Nam ngày nay mắc phải hai thái độ ấy. Ngài chỉ quả quyết rằng những thái độ ấy “đang đè nặng và ngăn chặn sự tiến bộ của Hội thánh trên con đường nên thánh… Chúng có nhiều hình thức khác nhau, theo khí chất và cá tính của mỗi người (Ta cũng có thể nói thêm: “và của mỗi nhóm người” - TTT). Rồi ngài kết luận: “Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ và phân định trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể đang dần dần lộ rõ nơi cuộc sống của mình hay không” (Tgnt, số 62).

Với hình ảnh “dần dần lộ rõ nơi cuộc sống của mình”, tiếp đây, xin được chuyển việc kiểm điểm sang lãnh vực mục vụ.

Mỗi cá nhân cũng như mỗi nhóm khó tránh khỏi đã có những lúc rơi vào cạm bẫy của ham danh, ham lợi, ham thú vui hay quyền lực. Tuy nhiên không phải vì thế mà giờ đây chúng ta khép kín trong mặc cảm không dám hoán cải. Đức Thánh Cha viết: “Khiêm tốn chỉ có thể bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm tốn hay thánh thiện” (Tgnt, 118).

Theo gợi ý của Đức Thánh Cha, tôi cũng đã dừng lại, suy nghĩ và phân định và nhận ra ảnh hưởng của hai thái độ ấy nơi bản thân mình không nhỏ. Những lúc tôi tưởng mình hơn người khác và ngấm ngầm phê phán họ, là tôi đang theo pháp môn ngộ đạo. Có những khi tôi chỉ làm toàn chuyện mình thích, không chịu tìm ý Chúa; hoang phí hết thời giờ và năng lực vào chuyện phụ, sao nhãng chuyện chính, chạy theo hình thức phô trương bên ngoài mà quên mất bên trong, đó là tôi đang theo đuổi lý tưởng Pelagio. Cả hai thái độ lệch lạc ấy dẫn tôi tới chỗ say sưa với công cuộc riêng của mình và mọi sự trở thành công cốc. Đúng như ghi nhận của Thánh Gioan Thánh Giá: “Làm việc của Chúa thì trong một giờ có thể thu hoạch được nhiều hơn làm việc riêng của ta suốt cả một đời” (Châm Ngôn, số 133).

MẤT MỘT ĐƯỢC HÀNG TRĂM

Lý thuyết Pelagio khi đề cao ý chí cũng đề cao sự khôn khéo và luồn lách theo kiểu thế gian, rồi đi tới chỗ hoàn toàn vững bụng vì có đủ tiền bạc, phương tiện, thế lực… Dần dần nó đánh tráo cả phương tiện (cậy dựa vào sức riêng và tiền bạc thay vì ơn Chúa) lẫn mục đích (tìm kiếm và chiếm hữu của cải vật chất thay vì phụng sự Thiên Chúa). Đúng như lời Chúa cảnh báo: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Sau đêm vất vả trắng tay, tôi không tự tha thứ cũng không tự biện hộ nhưng tôi linh cảm rằng chính Thiên Chúa đã có cách để biện hộ cho ta. Có thể ta đã sai lầm trầm trọng nhưng Thiên Chúa vẫn thương xót thiện chí của ta vì, nói chung, ta đã hành động theo “một lương tâm ngay thẳng và một tâm hồn trong sạch” (1Tm 1,5). Có thể nói rằng ta lầm nhưng chẳng biết mình lầm (x. Lc 23,34). Thiên Chúa cho ta trắng tay là để giáo dục ta, cho ta sáng mắt ra, khỏi tự tôn tự mãn, và rồi giờ đây Ngài lại dùng giáo huấn của Đức Thánh Cha để giúp ta nhìn thẳng vào sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Có đoạn tuyệt với hai não trạng ngộ đạo và Pelagio, ta mới cảm nghiệm được điều Chúa hứa: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,29-30) và: “Cành nào sinh hoa trái, thì Ngài cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2).

NHÌN LẠI MỤC ĐÍCH

Theo lời Đức Thánh Cha khuyến khích, mỗi chúng ta cần suy nghĩ và phân định xem mình có bị đánh tráo cả mục đích và phương tiện một cách tinh vi chăng? Có nhiều cách để tự trắc nghiệm: Cách thứ nhất là nhìn lại thử nội dung chính trong câu chuyện hằng ngày của ta ở bàn ăn là gì? Có phần trăm nào bàn về Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài hay chỉ toàn nói tới những thứ linh tinh khác? (x. Mt 6,33). Cách thứ hai là xem thử chúng ta đang dùng tiền bạc vào việc gì? Có mấy phần trăm trực tiếp nhắm đến việc loan báo Tin mừng? Cách thứ ba là dựa trên quy tắc “xem quả biết cây” (Mt 12,33) hoặc, nói theo thánh Phaolô, “gieo giống nào, sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7): Ta có thể dựa trên những thành quả mình tự hào để biết mình đã gieo gì, đã tìm gì! Liệu ta có thực sự tìm kiếm các linh hồn như thánh Gioan Bosco hay là ngược lại? “Xin cho con các linh hồn, bao nhiêu thứ khác mất còn kể chi, Chúa cần xin cứ lấy đi…” Ta không gặt hái được các linh hồn, chẳng phải vì ta chỉ toàn lấy các chuyện khác chứ chưa lấy việc cứu vớt các linh hồn làm mục đích?

Muốn tránh vấp lại tình trạng lầm nhưng chẳng biết mình lầm, ta cần biết phân định để nhận rõ được đâu là ơn soi dẫn của Chúa, đâu là sự xúi giục của Satan. Đầu thế kỷ XIII, năm 1209, thánh Albertô thượng phụ Thành Giêrusalem đã căn dặn các tu sĩ Cát Minh: “Phải biết sáng suốt phân định, vì sự sáng suốt phân định chính là quy luật của các nhân đức” (Qui luật tiên khởi, số 24). Xa xưa hơn, ngay trong các thư Tân ước, các thánh Tông đồ đã nhắc nhở ta phải sáng suốt như thế (x. Cl 1,9; Hr 6,14; 1Ga 4,1-2).

Phần thứ ba trong chương 5 của Tông huấn là một dẫn nhập ngắn gọn và dễ hiểu về kinh nghiệm phân định để kiếm tìm và thực hiện ý Thiên Chúa. Ở bài sau, chúng ta sẽ chia sẻ về kinh nghiệm này.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 4 : Vượt Thắng Những Cám Dỗ Làm Điều Tốt
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
15:34 25/06/2018
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 4 : Vượt Thắng Những Cám Dỗ Làm Điều Tốt

Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ,

Chương 2 của Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh cho thấy hai thái độ Ngộ đạo và Pêlagiô tạo cho ta một sự thánh thiện ảo. Với bài 3, tôi đã phụ họa với Đức Thánh Cha để chia sẻ thêm rằng hai não trạng ấy còn đem lại cho ta những thành quả ảo trong lãnh vực mục vụ, cụ thể là trong việc loan báo Tin mừng cho lương dân. Hai thái độ lệch lạc ấy đã khiến thân cây Giáo hội vướng phải đầy dẫy những nhánh tầm gửi ăn bám, bị chúng hút cạn nhựa sống không sao phát triển được. Muốn thoát khỏi đám ký sinh ấy, phải chấp nhận bị cắt gọt, chặt chém đau đớn.

Trong tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta có thể bị hai thái độ ấy lôi cuốn mà không ngờ, cần sáng suốt phân định (x. số 35). Đến cuối tông huấn, ở chương 5, ngài chia sẻ cho ta những khái niệm và kinh nghiệm dễ hiểu về phân định.

NHỮNG CÁM DỖ LÀM ĐIỀU TỐT

Ngày nay kinh nghiệm về phân định đang được nhấn mạnh tại các chủng viện và dòng tu nhưng còn rất xa lạ với giáo dân Việt Nam. Muốn làm quen với kinh nghiệm này, bạn đọc giáo dân có thể bắt đầu với những chỉ dẫn trong quyển Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo (KvG), trang 208-209 về ý Chúa nơi việc bổn phận, rồi đến các chỉ dẫn ở trang 212, mục “xét mình phát hiện cám dỗ làm điều tốt”:

“Quỷ dữ không những cám dỗ ta làm điều xấu nhưng còn dẫn dụ ta chạy theo những điều tốt giả, tức là những điều có vẻ tốt nhưng Chúa không muốn ta làm lúc này. Quyết chọn của người Kitô hữu không phải là làm bất cứ điều tốt nào, cũng không phải là làm điều tốt lớn hơn hay lớn nhất, nhưng là chỉ làm những điều tốt Thiên Chúa muốn cho ta làm. Như thế cần phải xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết việc phải làm và đủ sức làm việc ấy. Ý Chúa không phải là một điều gì phức tạp. Ta chỉ cần giữ vững một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch là nhận ra ý Chúa. Cứ chí thú vào việc bổn phận hiện tại sẽ thấy ơn Chúa luôn đủ cho ta cách kỳ diệu.

Có hai loại điều tốt chủ quan khiến ta lạc xa ý Chúa:

- Những điều dễ thành công, thường chỉ là điều phụ, không cần thiết nhưng lại được thổi phồng thành điều chính và hết sức cần thiết đến độ chúng ta rơi vào ảo tưởng, bỏ hết những điều hệ trọng để chạy theo làm cho bằng được (như mải lo hái hoa bắt bướm dọc đường, và bị trễ hẹn).

- Những điều tốt Chúa ban cho ta một thời gian rồi Chúa đòi ta buông bỏ để có thể nhận được những điều khác tốt đẹp, quý giá hơn; thế nhưng ta lại khư khư giữ chặt (như đứa bé giữ chặt mẩu bánh trong tay), không dám buông ra để rảnh tay đón nhận.

Muốn vượt thắng những cám dỗ làm điều tốt, ta cần có thái độ “khiêm nhường và từ bỏ” (Theo Thánh Gioan Thánh Giá, quyển 2 Đường Lên Núi Cát Minh 11,8). Thánh Têrêxa Avila thêm một từ: “yêu thương, khiêm nhường và từ bỏ” (Đường Hoàn Thiện 4,4).

Thánh Inhaxiô đã được ơn trải nghiệm và từ đó rút ra những quy tắc giúp ta phân định, nhận rõ những thúc giục khác nhau của hai thần hứng trái ngược: thần lành và thần dữ (Linh Thao, số 313-336). Tuy nhiên bạn chưa cần phải bận tâm tới những kinh nghiệm hơi phức tạp của ngài. Hãy bắt đầu bằng kinh nghiệm đơn giản được Đức Thánh Cha nhấn mạnh, là sự xét mình về những điều rất nhỏ giữa đời thường.

TỈNH TÁO TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ

“Sự phân định không phải chỉ cần thiết vào những thời điểm khác thường, khi ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hoặc phải có một quyết định quan trọng. Phân định là một công cụ chiến đấu giúp ta theo Chúa cách tốt hơn. Ta luôn cần nó, để nhận ra được đâu là giờ của Thiên Chúa và của ân sủng Ngài, để khỏi lãng phí ơn linh hứng của Chúa và khỏi bắt hụt lời Ngài đang mời gọi lớn lên. Việc phân định này thường phải làm từ trong những việc nhỏ, nơi những việc có vẻ tầm thường, bởi lẽ cái lớn lao vẫn lộ rõ ngay giữa những việc đơn giản hàng ngày. Không riêng những gì lớn lao, cao cả hơn và tốt đẹp hơn mới cần được phân định, nhưng cùng lúc cũng phải chú ý đến cả những gì bé nhỏ, những trách nhiệm và những dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày. Vì thế, tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày. Sự phân định cũng giúp ta nhận ra những phương thế cụ thể Chúa xếp đặt trong kế hoạch mầu nhiệm đầy yêu thương của Ngài, để giúp ta không chỉ ngừng lại với những ý định tốt lành” (Sđd, số 169).

Phần đông nữ tu, nhiều linh mục và nam tu sĩ tại Việt Nam đã trải qua kinh nghiệm Linh thao Inhaxiô, đã được hướng dẫn về kinh nghiệm này nhưng có thể chưa quán triệt. Với tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, vị Giáo hoàng dòng Tên trình bày kinh nghiệm này bằng một ngôn ngữ dễ hiểu cho đại chúng bình dân. Đây có thể là dịp tốt để các linh mục và tu sĩ thấy tầm quan trọng của vấn đề và có cảm hứng đọc lại chính văn của Thánh Inhaxiô và thực tập để nắm vững và có thể hướng dẫn cho người khác.

MỘT VÍ DỤ DỄ HIỂU

Phần tôi, xin tạ ơn Chúa vì mới gần đây Chúa vửa để cho tôi trải qua một kinh nghiệm bị đánh lừa có thể giúp bạn đọc giáo dân dễ nắm bắt vấn đề đang nói đây.

Năm nay tôi 72 tuổi, đã hơn 42 năm linh mục và đã giảng tĩnh tâm theo kinh nghiệm thánh Inhaxiô và kinh nghiệm dòng Cát Minh nhiều chục năm. Thế nhưng ngay khi viết loạt bài chia sẻ này để phục vụ dân Chúa trong Năm Thánh, tôi đã bị thần dữ đánh lừa mà không ngờ. Tôi đã đưa lên mạng internet ba bài chia sẻ đầu dưới tiêu đề: “Năm thánh để Chúa an ủi Dân Ngài”. Tôi những nghĩ rằng các bài viết ấy ích lợi cho nhiều linh hồn và sẽ được nhiều người thích thú đón nhận. Thế nhưng một vị Giám mục tôi yêu kính đã thẳng thắn góp ý là những bài viết ấy thiếu tính xây dựng. Thoạt đầu tôi rất kinh ngạc và buồn vì phản ứng của ngài. Thế nhưng rồi tôi đã gõ vào tất cả các trang của 26 giáo phận và thấy chỉ có 8/26 trang giới thiệu bài viết của tôi. Hơn 2/3 không ủng hộ! Có nghĩa là không riêng vị Giám mục ấy mà rất nhiều người không thích cách viết của tôi. Tôi đã quỳ trước Thánh Thể để xét lại và đã thấy được vấn đề của chính tôi. Tôi đã viết những câu, những từ có vẻ đùa cợt và tôi tưởng rằng vô hại. Ngờ đâu, chính những tiểu tiết tôi tưởng là “hay ho” ấy lại đạp đổ bao nhiêu công sức của tôi. Đọc lại tôi mới thấy chính mình đã tự làm hỏng những đóng góp của mình do những câu từ thiếu cân nhắc. Trong tông huấn, Đức Thánh Cha có viết: “Sự khôi hài bệnh hoạn không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện” (Tgnt, 126). Điều ngài nói đây có lẽ không chỉ là những chuyện tiếu lâm thiếu đứng đắn mà cả những sự khôi hài thiếu quan tâm tới người khác, có thể làm sứt mẻ tình hiệp nhất vì khiến người khác không được vui. Do chủ quan, tôi đã bị lừa, chạy theo một điều tốt giả có tiềm năng phá hoại rất lớn, biến các bài viết của tôi thành phản tác dụng. Nhận ra cái sai, tôi đã sửa lại hết các bài đã viết với tiêu đề mới là “chia sẻ mừng Năm Thánh”, và đây là bài thứ tư.

Thử tìm lại ba bài cũ trên trang conggiaovietnam.net hoặc simonhoadalat.com và đem đối chiếu với ba bài mới, bạn sẽ thấy đâu là phần mà hai cao thủ ngộ đạo và Pêlagiô đã chèn vào đó để khiến người đọc tẩy chay không thèm đọc các bài ấy. Bạn sẽ hiểu ra được những quái chiêu chúng dùng để vô hiệu hóa nỗ lực mục vụ của Giáo hội nhiều nơi trên thế giới khi xúi giục chúng ta miệt mài với những mẻ lưới bên trái thuyền.

CẢ BẠN NỮA

Tôi ghi lại cái vấp váp và cả nỗ lực xét mình của tôi như một ví dụ từ cuộc sống thật để bạn thấy vấn đề, và đừng nản lòng. Cả những linh mục cao niên, nếu thiếu tỉnh táo phân định vẫn dễ bị sa lầy vào những cám dỗ làm điều tốt. Đó là chuyện thường tình. Điều quan trọng là biết đến với Chúa để Chúa lại hội nhập những sai sót lệch lạc của ta vào đại cuộc của Ngài. Khi ta luôn sống theo một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch, dù ta có sai lầm đến đâu do thiếu kinh nghiệm, Chúa sẽ tạo điều kiện để ta chỉnh sửa. Nếutrong những tuần qua bạn từng gặp một vài vấp váp lớn nhỏ nào đó trong lời nói hoặc việc làm, cứ mạnh dạn đem ra kiểm điểm, bạn sẽ rút được những kết luận hữu ích.

Mời bạn hãy thử xem, rồi sau đó, hãy đọc chương thứ 5 của Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, bạn sẽ thấy háo hức với những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha về chiến đấu, tỉnh táo và phân định. Mong rằng, nhờ nghiền ngẫm tông huấn này, bạn cũng sẽ được Chúa soi sáng để biết gọi đúng tên kẻ lừa gạt là não trạng ngộ đạo và Pêlagiô và hiểu được điều Đức Phanxicô muốn nói.

Hai não trạng ấy tự nó là sự tự cao tự mãn chẳng hay ho gì nhưng đã trở thành lạc thuyết vì có những kẻ “nối giáo cho giặc”, lập luận, dựng nên lý thuyết để bênh vực nó. Họ tiếp tay với bọn “quỷ đội lốt thiên thần sáng láng” (2Cr 11,14) để ngụy biện, lừa bịp người đời, khoác cho tội lỗi lớp áo của nhân đức, gắn cho sự hủ bại nhãn hiệu của sự thánh thiện. Họ về phe với thứ quỷ không cám dỗ ta làm điều xấu nhưng đánh lừa ta bằng những điều tốt giả, những cái đẹp chủ quan. Đây không phải chuyện lý thuyết ở đâu xa nhưng là chuyện mỗi chúng ta vẫn gặp thường ngày. Khi ta bị lệch lạc do ham danh, ham tiền, ham thú vui hay quyền lực, thì đó chỉ mới là những yếu đuối của thân phận làm người. Thế nhưng nếu ta cố chấp trong những lệch lạc ấy, tìm cách tự biện hộ, thì ta bắt đầu trở thành kẻ hưởng ứng, lý thuyết gia hay cổ động viên của phái ngộ đạo và phái Pêlagiô.

SATAN KHÔNG NGỦ

Cần hết sức tỉnh táo. Hoàn cảnh xã hội có thể khiến số đông người cùng phản ứng như nhau rồi cùng nghĩ như nhau suốt nhiều năm tháng, biến sự lệch lạc thành một não trạng, một định kiến chung, đến nỗi người ta có thể bị mất đức tin rồi mà vẫn tưởng mình rất thành tín, như lời Chúa cảnh báo từ xưa: “Khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Tình cảnh hết sức khó khiến ta có thể tự hỏi: Sự thật ở phía đám đông hay ở phía Đức Thánh Cha?

Mời bạn trở lại phần đầu chương 5 của Tông huấn. Ở đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự có mặt của ma quỷ. Ngài cho thấy nó không ngừng hành động để lừa gạt ta cách tinh quái. Thiên Chúa đã cho ta lên đường theo mệnh lệnh Ngài và nhắm đạt mục đích cuối cùng là chính Thiên Chúa, là danh Cha, nước Cha và ý Cha. Thế nhưng dần dần quỷ dữ đã lừa gạt tinh vi, đánh lận con đen, đánh tráo cả mục tiêu (chỉ còn nhằm tự hào, khai báo thành tích) lẫn nguồn lực (tự mãn, chỉ tin vào vật chất, các thế lực và phương tiện trần thế).

Một khi bị đánh tráo cả mục đích và nguồn lực, công cuộc ta theo đuổi sẽ thành một công cuộc của ai khác chứ không còn là của Chúa nữa, sẽ qui về một điều gì khác chứ không qui về điều Thiên Chúa muốn là sự nên thánh của bản thân, sự cứu rỗi các linh hồn và tình yêu thương hiệp nhất cho nhân loại. Ta cần tỉnh thức và quả cảm chiến đấu để đứng vững (x. số 158-163) và khỏi rơi vào sự hủ bại tinh thần (x. số 164).

LÀM ĐÚNG ĐIỀU TỐT CHÚA MUỐN

Từ “hủ bại” (corruption) Đức Thánh Cha dùng đây dịch sát nghĩa là “tham nhũng”, tức là lạm dụng ơn Chúa để biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc riêng, nhằm hư danh riêng và thỏa mãn riêng. “Sự hủ bại tinh thần còn tồi tệ hơn việc một người sa ngã phạm tội, vì đó là một thứ thoải mái và tự mãn mù lòa, chuyện gì cũng coi như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tìm mình khác rất tinh vi, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” [2 Cr 11,14] (Sđd, số 165).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc phân định hết sức cần thiết cho người tín hữu giữa xã hội xô bồ và đa chiều hiện nay. Họ cần biết phân định để nhận rõ đâu là ý Chúa và mình phải làm tròn ý Chúa lúc nào và cách nào.

Chỉ lánh dữ làm lành thôi, chỉ tránh điều xấu và làm điều tốt thôi chưa đủ mà còn phải làm đúng điều tốt Chúa muốn. Phải loại trừ điều tốt theo sở thích riêng để tìm kiếm điều tốt Thiên Chúa muốn cho ta. Tất cả những điều tốt ta chỉ làm theo sở thích, không theo ý Thiên Chúa thì, dù có vẻ cao cả tới đâu, đều sẽ bị gọi là điều gian ác: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23).

Mời bạn suy nghĩ về những điều ấy và theo dõi nơi chính cuộc sống mình, rồi sẽ thấy phân định không chỉ là việc của những người thánh hiến. Bất cứ Kitô hữu nào muốn tiến bước trên đường tâm linh đều phải biết phân định. Kinh nghiệm phân định tâm linh cũng sẽ soi sáng cho bạn biết tổ chức cuộc sống đời thường, và ngược lại, kinh nghiệm cân nhắc chọn lựa giữa đời thường cũng giúp ta biết cách diễn tả kinh nghiệm phân định tâm linh cách dễ hiểu. Sự phân định giúp ta nhận rõ đâu là điều tốt chủ quan và đâu là điều tốt Chúa muốn; đâu là chuyện vặt vãnh, đâu là đại cuộc; đâu là tầm nhìn mau qua, đâu là tầm nhìn đời đời.

Qui Nhơn, 24-6-2018

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 5 : Mở Lối Cho Người Ta Tự Khám Phá
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
15:35 25/06/2018
Chia Sẻ Mừng Năm Thánh - Bài 5 : Mở Lối Cho Người Ta Tự Khám Phá

Sự phân định Đức Thánh Cha nhấn mạnh không chỉ ở trên bình diện tâm linh, nhiều khi khó hình dung được. Đa số những trường hợp Đức Thánh Cha nhắc đến đều là chuyện giữa đời thường.

Hôm kia tôi nghỉ lại ở nhà xứ một cha bạn. Sáng dậy, cha cho một em sinh viên dọn đồ lễ và giúp lễ cho tôi. Em ở đây vừa đi học, vừa giúp việc nhà xứ trong khi chờ xin vào chủng viện. Tôi rất kinh ngạc thấy em làm mọi việc thật chu đáo, nhận ra và đáp ứng đúng mọi sự cách chính xác và nhanh nhạy. Gia đình đã đào tạo cho em có được khả năng phân định và ứng xử rất tốt ngay từ nhỏ, khả năng quan trọng bậc nhất của một linh mục tương lai. Ước gì mọi phụ huynh đều biết tập cho các cháu nhỏ biết luôn sống như thấy Chúa đang nhìn mình, và nhờ đó, biết cân nhắc nhận định, biết phân biệt điều chính với điều phụ, việc trước với việc sau để làm mọi việc đúng lúc, đúng thời, hợp tình, hợp cảnh, rồi sau khi làm biết nhìn lại rút kinh nghiệm. Đào tạo khả năng phân định cho các cháu như thế là điều, nhờ ơn Chúa, các phụ huynh có thể làm được (KvG, trang 305).

GIÁO XỨ NAM BAN: TỪ 0 ĐẾN 5.314 TÍN HỮU

Bạn có thể đi từ những ghi nhận như thế để tiến dần tới kinh nghiệm phân định tâm linh. Xin đan cử một ví dụ khác: Một câu chuyện xảy ra trong lịch sử một giáo xứ thuộc giáo phận Đà Lạt, khá giống với câu chuyện mẻ cá bên hữu thuyền. Một nữ tông đồ giáo dân đã rong ruổi khắp khu vực ấy nhiều năm và không tìm thấy một người Công Giáo nào. Thế rồi hai mươi tám năm sau đó, người ta đọc thấy trong bản thống kê năm 2014 trên mạng Simonhoadalat: Giáo xứ Nam Ban, 5.314 tín hữu.

Đầu tháng Năm mới đây, Đức Giám Mục phó đương nhiệm của Giáo phận Đà Lạt bảo tôi: “Anh hãy viết giúp lại câu chuyện vì nó là một chứng từ đáng nhớ”. Cuối “câu chuyện hạt cải” ấy, tôi đúc kết được một điều: “Vai trò của bà Long là đã có sáng kiến dùng một bức ảnh Chúa để đánh thức đức tin và đức mến đang bị ngủ quên và đã dùng một quyển sách kinh để quy tụ mọi người thành một Hội thánh nhỏ.”

BỨC ẢNH CHÚA VÀ QUYỂN SÁCH KINH

Mời bạn đọc một trích đoạn:

“Khoảng buổi học thứ ba hoặc thứ tư, bà Long phấn khởi khoe:

- Cha ơi, con đã khám phá được năm gia đình Công Giáo ngay chỗ thôn con.

- Làm thế nào bà biết được họ?

- Con đã chưng một ảnh Chúa thật lớn ở chỗ con bán hàng. Người nhìn thấy ảnh Chúa mà giật mình, bối rối, con biết ngay đấy là người Công Giáo. Con tìm đến thăm họ và khuyên họ lập bàn thờ ở phòng ngoài, đưa ảnh Chúa lên đấy, đừng giấu trong buồng.

Mấy năm trước đó, sau Thượng Hội đồng Giám mục 1980 về Gia đình, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa gợi ý cho tôi soạn một quyển sách kinh cho các gia đình. Sau mấy bản nháp sửa đi sửa lại, tôi đã có được quyển sách in lụa khá tươm tất mang tên “Kinh Nguyện Gia Đình”. Tôi giao cho bà Long 6 quyển, tặng 6 gia đình. Với sự năng động đầy sáng tạo của một người mới tin Chúa, bà Long đã dùng 6 quyển sách quy tụ tất cả thành một liên gia Công Giáo. Khi một gia đình trong nhóm có việc, họ dựa theo quyển sách để cầu nguyện chung. Dần dần có thêm những người khác mạnh dạn xưng mình là Công Giáo, mạnh dạn nhập cuộc. Bà con lương dân lắng nghe các buổi cầu nguyện và nhận xét rất tích cực:

- Phải cầu như mấy người Công Giáo mới có nghĩa có lý, chứ chúng mình bao lâu nay cứ xưa bày nay làm mà chẳng có nghĩa có lý gì cả…”

Xin đọc trọn câu chuyện tại:

http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/SuyTu/189CauChuyenHatCai.htm

CON ĐƯỜNG TỰ KHÁM PHÁ

Trên đường tâm linh, kinh nghiệm phân định được Đức Thánh Cha tóm tắt nơi hai tiếng xét mình. Trong lãnh vực mục vụ, ta nói rộng ra là nhìn lại và rút kinh nghiệm.Kinh nghiệm ở đây là gì?

Điều người phụ nữ này đã tình cờ làm được là giúp cho hạt giống đức tin đang bị vùi lấp, che đậy, được phơi bày ra ánh sáng, đồng thời khiến nhiều người lương phải suy nghĩ và tìm hiểu về đạo Chúa. Có thể nói nó là một quy mô nhỏ của kinh nghiệm phát sinh độc đáo và đầy hiệu năng của Kitô giáo Hàn Quốc: tự khám phá và, nhờ đó, rất xác tín.

Tại Việt Nam, chúng ta đã vô tình gây cho nhiều người ấn tượng bị ép buộc theo Đạo, do nể nang mà theo Đạo. Chúng ta cần có những dụng cụ tốt, đầy tính gợi ý, trao vào tay mọi người, cả giáo và lương, để họ tò mò tìm hiểu và đi tới chỗ xác tín. Ở trường hợp bà Long, dụng cụ ấy là quyển Kinh Nguyện Gia Đình, phiên bản ban đầu. Nay quyển sách được biên soạn lại công phu hơn, chọn lọc hơn, chắc hẳn tính gợi ý của nó càng lớn hơn.

Thật ra mấy ai trong chúng ta có được thói quen của các tín hữu Tin Lành là đi đâu cũng nói về Chúa, gặp ai cũng tìm cách nói về Chúa? mấy ai biết phải nhập đề thế nào để thông điệp đi ngay vào lòng người và biết phải nói những gì để câu chuyện được hồn nhiên, không có vẻ tuyên truyền áp đặt? Mà nếu không trao đổi thì làm sao hoàn thành được lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)? Nếu bạn không biết cách vào chuyện thì hãy tạo dịp cho người ta hỏi để trả lời.

Giữa lúc người ta đang lúng túng tìm một hướng đi cho bản thân, cho con cháu, cho gia đình và cho tình nghĩa gia tộc, những chỉ dẫn trong quyển Kinh Nguyện Và Gia Lễ gợi mở cho họ những định hướng dễ hiểu, chính xác, khả thi và giàu hứa hẹn cho việc đổi mới bản thân, dạy dỗ con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình và tình nghĩa gia tộc. Những đoạn chỉ dẫn ấy vừa đủ để khiến người ta chú ý tới vấn đề và bắt đầu suy nghĩ.

Vâng, quyển sách mỏng đang mở lối cho nhiều người tự khám phá để lặp lại cái khởi đầu của Hội thánh Hàn Quốc ở một quy mô nhỏ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi gia đình tín hữu có con dâu hay con rể từ gia đình lương dân, đều tặng quyển sách này cho phía sui gia của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong lễ gia tiên dịp cưới hỏi, ta trao quyển sách vào tay quan viên hai họ mời mọi người cùng theo dõi nghi thức? Điều gì sẽ xảy ra nếu trước bữa giỗ hiệp thông người ta chỉ cần nghe vài lời nguyện ngắn cũng đủ thấy rõ ý nghĩa sâu xa của tình hiệp thông giữa người sống với người đã khuất, thay vì những bài văn ê a rườm rà mà rỗng nghĩa? Bạn chưa cần mua quyển sách, hãy tải xuống từ mạng internet, chép vào điện thoại và đọc thử, bạn sẽ thấy hướng trả lời cho những câu hỏi ấy. Mời vào http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/VanTho/TrangThapTu/NhipCauVNCG/04KinhNguyenGiaDinh.pdf

TẠO DỊP CHO HỌ THẮC MẮC VÀ SUY NGHĨ

Hãy tạo dịp cho họ thắc mắc và suy nghĩ. Có những người lắng nghe khi linh mục chia sẻ lời Chúa trong lễ cưới và lễ tang. Thế nhưng số người tham dự thánh lễ không nhiều, nếu có điều muốn hỏi, đang giờ lễ họ chẳng biết hỏi ai. Còn nếu tại nhà hiếu, có sẵn mươi, mười lăm quyển sách để sẵn tại bàn nhằm tiện dụng cho những ai muốn có thể dùng để cầu nguyện vài phút, nhất là khi cầu nguyện chung… thì bất cứ người nào đến phúng viếng, đang khi ngồi uống trà, hiện diện phân ưu với tang chủ, cũng có thể cầm lên tò mò xem và bắt đầu hỏi. Và nếu bạn muốn, chính bạn cũng có thể cầm lên trước để mở đầu câu chuyện, phải không, hỡi bạn hội viên Legio Mariae?

Một tình huống khác: Vừa qua, truyền thông đã tạo nên sự ngộ nhận lẫn lộn giữa nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời và Giáo Hội Công Giáo. Bạn đã gặp không ít anh chị em người lương đang một lần nữa lầm tưởng Hội thánh Công Giáo chủ trương bỏ ông bỏ bà… Cách dễ nhất để giúp họ hiểu rõ vấn đề là đưa quyển sách cho họ và chỉ cho họ xem những trang chỉ dẫn thực hành về lễ gia tiên và kỵ giỗ.

Nào, bạn hãy bắt đầu xem. Hãy tạo dịp cho mỗi anh chị em lương dân quanh ta phải tự vấn sâu xa về những vấn đề nhức nhối của họ. Và chính bạn nữa, hãy đọc các chỉ dẫn trong đó, suy tư và áp dụng, để có thể tham gia trả lời cho họ bằng chính kinh nghiệm sống của bạn. Tôi vẫn có cảm tưởng đây là một món quà chính Chúa đang trao tặng để an ủi Dân Ngài sau những đêm luống công vất vả. Hình như một năm thánh mini, chỉ dài 5 tháng và 5 ngày là cơ hội để ta thử mở lòng ra cho ơn an ủi của Chúa…
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bướm Đậu Quỳnh Hồng
Đặng Đức Cương
08:13 25/06/2018
BƯỚM ĐẬU QUỲNH HỒNG

Ảnh của Đặng Đức Cương

Quỳnh hồng sắc thắm mật thơm

Khiến cho cánh bướm van lơn đậu nhờ.

(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 25/06/2018: Giáo hội Chính thống Ukraine
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:28 25/06/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phản ứng của Giáo hội Chính thống Nga trước tuyên bố của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô về Ukraine

Theo tin của Interfax hôm 18 tháng Sáu, Giáo hội Chính thống Nga đã bày tỏ sự bối rối trước tuyên bố gần đây của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Tòa Constantinople, theo đó hàng triệu người Ukraine “không thuộc quyền tài phán” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tháng Tư vừa qua, tổng thống Poroshenko của Ukraine đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô để yêu cầu ngài ủng hộ một Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập, tách khỏi qũy đạo Mạc Tư Khoa. Sau cuộc họp không có chi tiết nào về cuộc họp giữa hai vị được tiết lộ.

Nay với tuyên bố này Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, là Thượng Phụ danh dự của Chính Thống Giáo, chính thức ủng hộ ý kiến của tổng thống Poroshenko.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn với Interfax rằng:

“Thật ngạc nhiên khi nghe từ một nhà lãnh đạo tôn giáo rằng toàn bộ hàng triệu người Ukraine nằm ngoài quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chúng tôi và do đó cần có sự can thiệp khẩn cấp từ bên ngoài. Nhưng còn Giáo hội Chính thống Ukraine từ lâu vẫn thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với hơn 12,000 giáo xứ, trên 200 tu viện, và hàng triệu tín đồ ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine thì sao?”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã công khai chào đón Đức Tổng Giám Mục Onufry của Kiev và Toàn Ukraine tại hội nghị các nhà lãnh đạo các Giáo hội Chính thống địa phương vào năm 2016, và gọi Đức Giám Mục Onufry là “hàng giáo phẩm duy nhất của Giáo hội Chính thống ở Ukraine, một cách tự nhiên, như với tất cả các tổng giám mục Chính Thống Giáo khác.”

Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói rằng “những người ly giáo Ukraine, chứ không phải người dân Ukraine nằm ngoài sự hiệp thông với Giáo hội chúng tôi”, và nói thêm rằng ly giáo đời nào cũng có và Chính Thống Giáo Nga sẽ vượt qua như đã từng vượt qua vào thập niên 1990.

2. Vài nét về Giáo hội Chính thống Ukraine

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Ông hy vọng Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do ông đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tổng thống Pháp vào ngày 26 tháng 6

Môi trường, người di cư, châu Âu là những chủ đề chính trong “cố gắng chung” mà tổng thống Emmanuel Macron sẽ thảo luận với Đức Thánh Cha vào ngày 26 tháng Sáu, trong chuyến thăm của ông tới Vatican. Tiếp theo bài diễn văn của ông trước các Giám Mục Pháp tại học viện Bernardins hôm 9 tháng Tư, một diễn tiến hòa giải hơn với Giáo Hội Công Giáo sẽ xảy ra khi ông Emmanuel Macron đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để nhận danh hiệu “Kinh sĩ danh dự duy nhất” của Đền Thờ này.

Ông Emmanuel Macron được tin là sẽ đi cùng với ông François Bayrou là chủ tịch của phong trào Dân Chủ Pháp gọi tắt là MoDem.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc mừng ông Emmanuel Macron sau khi ông thắng cử cách đây một năm, và khích lệ ông tăng cường “truyền thống Kitô giáo” của Pháp để thăng tiến “một xã hội công bằng hơn”.

Theo một truyền thống bắt đầu vào thế kỷ 15 khi nước Pháp còn theo chế độ quân chủ (dưới thời Vua Henry Đệ Tứ), các nhà lãnh đạo Pháp được tự động trao danh hiệu “Kinh sĩ danh dự duy nhất” của Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ của giáo hoàng với tư cách là giám mục Rôma. Các nhà lãnh đạo Pháp, kể cả những người vô thần, đều được tự động trao danh hiệu này. Tuy nhiên, những người vô thần hay có ác cảm với Công Giáo thường không tỏ ra hứng thú với danh hiệu đó. Tổng thống Emmanuel Macron chào đời trong một gia đình vô tín ngưỡng nhưng khi lên 12 tuổi, ông tự mình xin được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tháng 11, tổng thống Pháp bày tỏ ý định hân hoan được nhận danh hiệu này.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, là Đức Cha Georges Pontier, Tổng Giám Mục Marseille, xác nhận vào tháng Ba năm nay rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Pháp đã được “dự tính” nhưng vẫn cần phải tìm một thời điểm thích hợp trong lịch làm việc dày đặc của Đức Giáo Hoàng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Croix vào năm 2016, chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý muốn thăm Marseille, Lộ Đức và Paris. Nhưng đến nay không có thông báo nào của Vatican về một chuyến đi sắp tới tới Pháp.

4. Các linh mục tại tiểu bang Nam Úc nói rằng các ngài thà vào tù còn hơn là vi phạm ấn tín tòa giải tội.

Nam Úc đã thông qua một luật mở rộng việc bắt buộc các linh mục phải báo cáo những hành lạm dụng tình dục trẻ em, cho dù việc báo cáo như thế là vi phạm ấn tín tòa giải tội. Sau một đề nghị của Ủy Ban Hoàng Gia, các tiểu bang khác cũng đang xem xét việc áp dụng luật này. Tuy nhiên, nhiều linh mục đã bác bỏ ý tưởng này và khẳng định rằng họ sẽ không làm bất cứ điều gì vi phạm niềm tin của mình.

Cha Michael Whelan, một linh mục thuộc Giáo xứ Thánh Patricks tại Church Hill, Sydney nói rằng “Tiểu bang sẽ đòi buộc chúng tôi là những linh mục Công Giáo phạm một tội được coi là một tội ác nghiêm trọng nhất và tôi nhất định sẽ không làm điều đó.”

Cha Whelan nói rằng ngài không tin Giáo Hội đứng trên luật nhưng ngài đặt niềm tin của mình lên trên hết mọi thứ khác.

Cha nói rằng “Một khi nhà nước cố gắng xen vào tự do tôn giáo của chúng tôi, coi thường nền tảng của người Công Giáo thì chúng tôi sẽ chống lại.”

Cha Whelan trình bày những quan ngại liên quan đến cách thế chính quyền áp dụng một luật như vậy và làm sao họ biết được là các linh mục có báo cáo hay không? Cha Whelen cũng đưa ra một giải pháp khác, theo đó thay vì buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, nếu một người lạm dụng trẻ em đến xưng tôi, thì linh mục sẽ can thiệp “ngăn chặn họ ngay lập tức.”

Những tiểu bang khác như New South Wales cũng đang xem xét trong tháng tới là liệu họ có thi hành những luật tương tự hay không.

Cha Whelan nói rằng “Tôi cho rằng mỗi khu vực tài phán ở Úc bây giờ sẽ áp dụng khuyến cáo này nhưng tôi kỳ vọng là Giáo Hội trên cả nước sẽ đơn giản là không tuân hành cái luật đó.”

5. Những nỗ lực nhằm kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại sự hài hòa qua đối thoại.

Theo Thông tấn xã Fides từ Yangon cho hay Giáo hội địa phương và các tổ chức phi chính phủ đang phát động một chiến dịch nhằm kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại cuộc sống hài hòa qua những nỗ lực đối thoại.

Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên trong khu vực đang nỗ lực đưa những người di tản về những nơi an toàn, tổ chức các hoạt động dành cho các trẻ em vị thành niên và các cuộc thăm viếng các gia đình mới đến các trại tập trung. Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên cũng tìm hiểu để định giá các nhu cầu cấp thiết nhất trong các khu vực có số lượng những người di cư cao nhất, họ đặc biệt cần được giáo huấn… Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên đang hỗ trợ các tổ chức đối tác tại bang Kachin hầu cung cấp các dịch vụ giáo dục cho các trại tị nạn, lo cung ứng các học phí và các tài liệu giáo dục, lương bổng cho giao chức và đào tạo giáo viên.

Sau vụ đánh bom thảm khốc vừa qua và các cuộc không chiến của các lực lượng vũ trang Miến Điện, hàng ngàn thường dân - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - đã phải bỏ làng mạc mà chạy trốn. Từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo (UNOCHA), cho chúng tôi hay có hơn 6.800 người đã bị di tản nội trong tháng Tư vừa qua.

Tổng cộng có hơn 100.000 người di cư trong cuộc nội chiến vừa qua đang phải sống vất vưởng trong các trại được thiết lập trong toàn tiểu bang Kachin.

Các giáo xứ địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, một số cơ quan chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Myanmar và các nhà tài trợ tư nhân tiếp tục cung ứng những nhu cầu cho những người mới di tản tới được cung cấp đầy đủ thực phẩm và chỗ ăn ở. Đặc biệt lưu tâm tới các phụ nữ đang mang thai, các trẻ em và người già là những người dễ bị tổn thương nhất. Các bậc cha mẹ đã tẩu thoát với con cái đang lo âu về việc giáo dục của các em, vì không biết các em di tản này có được phép theo học tại các trường công lập nơi các em tạm trú hay không.

6. Giáo Hội tại Nam Hàn cầu nguyện cho đất nước

Sau 2 cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử, các giám mục Hàn Quốc vừa ra một thông cáo kêu gọi người Công Giáo thực hiện một tuần cửu nhật cho chín mục đích cụ thể cho bán đảo Triều Tiên.

Tuần cửu nhật bắt đầu ngày 16/6/18 và kết thúc ngày 25 tháng 6, đó cũng là ngày đỉnh điểm cuả tuần cửu nhật, với chủ đề “Ngày cầu nguyện cho sự thống nhất trong hòa bình của nhân dân Hàn Quốc”.

Các giám mục Hàn Quốc đã từng thực hiện nhiều sự kiện như thế để cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Theo Đức Tổng Giám Mục Kim Hee-joong ở Gwangju, người Công Giáo Hàn Quốc đã dùng ngày 25 tháng 6 hằng năm là một ngày cầu nguyện cho bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1965.

Tuần cửu nhật đầu tiên dành cho việc hòa giải và đoàn kết của Hàn Quốc đã được tổ chức vào tháng 6 năm 1993, khi Bắc Triều Tiên bắt đầu rơi vào nạn đói triền miên. Đó là kết quả cuả một nên kinh tế cộng sản phụ thuộc nặng nề vào Liên Xô đã bị xụp đổ. Theo ước tính của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thì có khoảng từ 500.000 đến 600.000 người đã chết vì đói ở Bắc Triều Tiên từ năm 1993 đến năm 2000.

Tuần cửu nhật là một thời gian chín ngày liên tiếp để cầu nguyện cho một ý định cụ thể nào đó, thí dụ như xin một vị thánh ban ơn lành. Đó là một mô hình dựa theo sự việc các thánh tông đồ đã cầu nguyện chín ngày trong khoảng thời gian giữa lễ thăng thiên của Chúa Giêsu và Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Linh.

Chín ý chỉ cầu nguyện cuả giáo hội Hàn quốc trong dịp này cũng phản ảnh 9 vấn đề mà bán đảo Triều Tiên đang phải đối mặt.

Ngày 17 tháng 6: Cầu nguyện cho việc chữa lành của một quốc gia bị chia cắt.

Ngày 18 tháng 6: Cầu nguyện cho các gia đình bị chia ly.

Ngày 19 tháng 6: Cầu nguyện cho các anh chị em Bắc Triều Tiên

Ngày 20 tháng 6: Cầu nguyện cho những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên

Ngày 21 tháng 6: Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc

Ngày 22 tháng 6: Cầu nguyện cho việc phúc âm hóa Bắc Triều Tiên

Ngày 23 tháng 6: Cầu nguyện cho các cuộc giao lưu giữa Bắc và Nam Hàn

Ngày 24 tháng 6: Cầu nguyện cho sự hòa giải thực sự giữa hai miền Bắc Nam

Ngày 25 tháng 6: Cầu nguyện cho sự thống nhất trong hòa bình của người dân Hàn Quốc

7. Giám Mục Việt Nam thất vọng với cách hành xử của nhà cầm quyền

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục nghỉ hưu của Giáo phận Kontum, đã công bố một lá thư ngỏ ký ngày 16 tháng 6 năm 2018, gởi cho Trần Đại Quang, Chủ tịch nhà nước Việt Nam, để chỉ trích mạnh mẽ luật mới về Internet vừa được thông qua. Vị Giám Mục kêu gọi chế độ tôn trọng ý nguyện và quyền hợp pháp của công dân, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị bắt trong những ngày qua.

Trong khi đó, bất kể sự hiện diện dày đặc của cảnh sát tại các thành thị, hàng chục ngàn người Công Giáo ở Hà Tĩnh và Vinh (miền Trung Việt Nam) đã bày tỏ sự phản đối của họ một cách hòa bình vào ngày Chúa Nhật [17 tháng Sáu, 2018]. Họ chống lại luật an ninh mạng và dự luật “đặc khu kinh tế” nhằm “bán đứng đất đai cho Trung Quốc”.

Trong lá thư ngỏ gởi cho Chủ tịch nước đề ngày 16 tháng Sáu, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, lên án một số tuyên bố hung hăng của các viên chức nhà nước và thúc giục họ ăn nói lễ độ để tạo sự hài hòa trong xã hội và tôn trọng quyền hợp pháp của công dân. Bình luận về những gì diễn ra trong các ngày qua, vị Giám Mục nói:

“Luật an ninh mạng nhằm ngu dân, và dự luật về các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt là bán đất nước này cho Trung Quốc. Vào ngày Chúa Nhật 10 tháng 6, khi mọi người bày tỏ ý chí của họ chống lại hai dự luật, chính phủ đã tấn công họ dã man thay vì lắng nghe họ! Sau đó, hàng loạt người đã bị bắt tại Bình Thuận và những nơi khác!”

“Tôi yêu cầu ông Chủ tịch ra lệnh cho chính quyền các cấp trả tự do cho tất cả những người bị bắt, công bố luật mới về quyền biểu tình theo quy định của Hiến pháp, và tôn trọng ý nguyện của người dân”.

Trong một video đăng trên Internet, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng công khai khiển trách các linh mục là thành viên của Quốc hội. Tất cả những người này được tường thuật đã biểu quyết ủng hộ luật an ninh mạng vào ngày 12 tháng Sáu.

“Các linh mục đó phản bội đức tin của họ và phản bội đất nước của chúng ta, vì tiền và thế giá mà người ta ban cho họ,” vị Giám Mục nói.

Luật an ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm 2019, nhưng ngay từ bây giờ nó đã làm giảm đáng kể số lượt truy cập vào các trang web Công Giáo. Người dùng phải giảm bớt các hoạt động của họ trên Internet, vì sợ bị truy tố. Trong một thông cáo báo chí được công bố cách đây vài ngày, Cha Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam đã chỉ trích tính chất hàm hồ và áp chế của luật này.

“Các điều khoản của luật an ninh mạng có thể giúp chính phủ dễ dàng xác định và truy tố mọi người về các hoạt động trực tuyến hòa bình của họ”, vị linh mục cảnh báo.

Cha Joseph Nguyễn, của tổng giáo phận Hà Nội, lo ngại rằng từ giờ trở đi, để truy cập thông tin, các tín hữu sẽ phải dựa nhiều hơn vào các cơ quan truyền thông do nhà nước chi phối, như tờ “Công Giáo và Dân tộc”, một tạp chí do nhà nước tài trợ và Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ.

“Tờ báo này xem ra giàu nội dung. Nhưng hãy cẩn thận, mọi thứ đã từng và sẽ bị xuyên tạc thông qua lăng kính của chủ nghĩa cộng sản. Đừng quá ngây thơ khi nghĩ rằng cộng sản sẽ tài trợ cho người Công Giáo rao giảng Tin Mừng,” vị linh mục nói với AsiaNews.

Được thành lập vào năm 1975 bởi nhà cầm quyền cộng sản, như một phần trong nỗ lực tạo ra một Giáo Hội quốc doanh, tạp chí này hiện được điều hành bởi linh mục Phan Khắc Từ, một đảng viên cộng sản và là phó chủ tịch cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công Giáo”, một cơ chế được thành lập với ý định tách Giáo Hội Việt Nam khỏi Vatican.

Ông Từ công khai sống với một người phụ nữ trong nhiều thập kỷ qua và là cha của hai đứa con.

Giáo luật Công Giáo cấm các giáo sĩ không được giữ các chức vụ công quyền, ngoại trừ trong các trường hợp hết sức đặc biệt và phải được thẩm quyền Giáo Hội chấp thuận.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho các vị lãnh đạo Giáo hội, nhiều linh mục, kể cả cha Nguyễn Văn Lý, một người bất đồng chính kiến đã bị cộng sản bỏ tù 15 năm, đã yêu cầu các giám mục kỷ luật các linh mục vi phạm giáo luật.

“Họ không góp phần vào việc cải thiện các điều kiện hoạt động của Giáo Hội”, cha Joseph Nguyễn nói. “Họ không bao giờ dám lên tiếng chống lại những đàn áp và các vụ chiếm đoạt đất đai tài sản của Giáo Hội.”

Hơn nữa, khi xảy ra các vi phạm về tự do tôn giáo trong nước, như các cuộc tấn công vào các linh mục bất đồng chính kiến, những linh mục quốc doanh này thậm chí còn kêu gọi “trừng phạt nặng hơn đối với các anh chị em của họ trong đức tin”.

“Sự hiện diện của những linh mục này trong chính phủ làm suy yếu tính chất khả tín và hiệu quả truyền giáo của Giáo Hội”, ngài cảnh báo.

Trong khi đó, hôm qua hàng ngàn người Công Giáo đã diễn hành một cách bình tĩnh trên đường phố, mặc dù bị cảnh sát quay phim, chụp ảnh với những cử chỉ đe dọa. Những người biểu tình đọc Kinh Mân Côi, cầm cờ Vatican và những biểu ngữ như “Không cho cộng sản Trung Quốc thuê đất, dù một ngày cũng không” hay “Luật an ninh mạng giết chết tự do”.

Các cuộc biểu tình vào tuần trước đã kết thúc với hàng ngàn vụ bắt giữ. Chưa bao giờ trong lịch sử của chế độ cộng sản Việt Nam đã có quá nhiều vụ bắt giữ như thế trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở miền Nam, nơi nhà cầm quyền đàn áp dân chúng thẳng tay.

Trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thề sẽ trừng phạt người biểu tình, gọi họ là những kẻ “cực đoan”. Ba ngày trước, Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lên án “các hành vi lạm dụng dân chủ, bóp méo sự thật, kích động, gây rối loạn xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân”.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, thậm chí người ta còn thấy những lời đe dọa từ Đại tá cảnh sát Trần Anh Huy, người thề sẽ “bắn bể sọ” bất cứ ai dám tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại luật an ninh mạng mới được thông qua.

8. Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các công ty công nghệ đừng trở thành tay sai cho nhà cầm quyền Việt Nam

Luật an ninh mạng mới của Việt Nam mang lại những quyền hạn vô biên cho nhà cầm quyền Việt Nam, cho phép họ ép buộc các công ty công nghệ bàn giao một lượng lớn dữ liệu, bao gồm các thông tin cá nhân và kiểm duyệt các bài viết của người dùng. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra nhận xét trên và đã viết thư cho các giám đốc điều hành của Apple, Facebook, Google, Microsoft và chủ tịch Samsung bày tỏ những lo ngại của mình về luật này và thúc giục các công ty gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam.

Clare Algar, Giám đốc điều hành toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố như sau:

“Quyết định này có những hệ quả hủy diệt tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong bầu khí đàn áp sâu rộng tại đất nước này, không gian trực tuyến là một chỗ nương náu tương đối, nơi mọi người có thể chia sẻ những ý kiến và các quan điểm của mình mà phần nào ít sợ sự tấn công của nhà cầm quyền.”

“Với một quyền lực quá rộng lớn, nó cho phép nhà cầm quyền theo dõi các hoạt động trực tuyến, cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là hiện nay không còn nơi nào có thể coi là an toàn ở Việt Nam để mọi người có thể bàn thảo tự do.”

“Luật này sẽ có những tác dụng nghiêm trọng nếu các công ty công nghệ hợp tác với những yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam và bàn giao cho họ những dữ liệu cá nhân. Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng các công ty công nghệ không được dự phần vào các vụ lạm dụng nhân quyền. Ngược lại, chúng tôi kêu gọi họ sử dụng những quyền lực đáng kể có trong tay để đối phó với chính phủ Việt Nam về thứ luật lệ lạc hậu này.”
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 26/06/2018: Phép lạ Thánh Thể xảy ra với Đức Phanxicô khi còn ở Á Căn Đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:46 25/06/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các tín hữu Kitô phải cầu nguyện cho kẻ thù và yêu thương họ.

“Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”: đó là “mầu nhiệm” mà các Kitô hữu phải sống để trở nên hoàn hảo như Cha. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 19 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Tha thứ, cầu nguyện, yêu thương những người “muốn tiêu diệt chúng ta”, yêu kẻ thù của chúng ta: chỉ có Lời của Chúa Giêsu mới có thể làm cho chúng ta thực hiện những điều này. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đọc lại chương 5, câu 43, của Tin Mừng Matthêu và Ngài thừa nhận khó khăn của con người khi tuân theo mẫu gương của Cha trên trời, người có một tình yêu “phổ quát”. Ðiều này mang đến cho Kitô hữu một thách thức, vì thế Kitô hữu cần phải cầu khẩn Thiên Chúa “ân sủng” để “biết” “chúc lành cho kẻ thù” và dấn thân yêu thương họ.

Ðức Thánh Cha nói:

“Chúng ta hiểu rằng chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù của chúng ta”, “chúng ta nói điều đó mỗi ngày trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa tha thứ như chúng ta tha thứ: đó là một điều kiện. ..”, ngay cả khi không dễ dàng. Vì vậy, chúng ta cũng phải “cầu nguyện cho người khác”, cho “những người gây khó khăn cho chúng ta”, “điều đó đưa chúng ta đến thử thách đó là: điều này khó, nhưng chúng ta thực hiện nó. Hoặc ít ra, chúng ta đã có thể thực hiện điều này”.

Nhưng cầu nguyện cho những ai muốn tiêu diệt tôi, cho các kẻ thù, bởi vì Chúa chúc lành cho họ: điều này thực sự khó hiểu. Chúng ta hãy nghĩ về thế kỷ trước, các Kitô hữu nghèo ở Nga đã bị gửi đến Siberia, họ đã chết vì lạnh chỉ vì họ là Kitô hữu: và họ phải cầu nguyện cho kẻ hành quyết đã gửi họ đến đó? Nhưng tại sao? Và nhiều người đã làm điều đó: họ đã cầu nguyện. Chúng ta hãy nghĩ đến Auschwitz và các trại tập trung khác: họ phải cầu nguyện cho nhà độc tài này, người muốn một chủng tộc không pha tạp, và giết người không một chút do dự, và cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài chúc lành cho họ! Và nhiều người đã làm điều đó.

Ðó là “luận lý khó” của Chúa Giêsu, trong Tin Mừng, luận lý này được chứa đựng trong lời cầu nguyện và trong lời biện hộ trên Thánh Giá cho những những kẻ “giết Ngài”: “xin Cha tha thứ cho họ vì họ không biết họ làm”. Chúa Giêsu xin tha thứ cho họ, điều này cũng được thánh Stephano thực hiện.

Nhưng khoảng cách là rất xa, một khoảng cách vô tận giữa chúng ta đến nỗi chúng ta không tha thứ cho những điều nhỏ nhặt, và điều này mà Chúa yêu cầu chúng ta và trong đó Ngài đã cho chúng ta một ví dụ: tha thứ cho những người cố gắng tiêu diệt chúng ta. Trong các gia đình đôi khi rất khó tha thứ cho vợ/chồng sau một số tranh chấp, hoặc tha thứ cho mẹ chồng, cũng vậy: nó không dễ dàng. Người con trai xin cha tha thứ cho mình, không dễ dàng. Nhưng tha thứ cho những người đang giết bạn, những người muốn loại trừ bạn. .. Không chỉ tha thứ: cầu nguyện cho họ, để Chúa giữ gìn họ! Hơn nữa: yêu họ. Chỉ có Lời Chúa mới có thể giải thích điều này. Và Ðức Thánh Cha nói: “Tôi không thể đi thêm nữa”.

Trong phần kết luận, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Bởi vậy đây là một “ân sủng” cần phải xin để “hiểu mầu nhiệm này của Kitô giáo và trở nên hoàn thiện như Cha, là Ðấng đã trao ban tất cả điều tốt lành cho người tốt và kẻ xấu”. Và Ðức Thánh Cha kết luận: “Ðiều này sẽ làm chúng ta dễ chịu khi nghĩ đến kẻ thù của chúng ta, “Tôi tin tất cả chúng ta đều có”.

Hôm nay, nghĩ về kẻ thù sẽ làm chúng ta dễ chịu - tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có ai đó - một người đã làm tổn thương chúng ta, một người muốn làm tổn thương chúng ta hoặc người tìm cách làm tổn thương chúng ta: về điều này, lời cầu nguyện của mafia là: “Bạn sẽ trả tiền cho tôi”. Lời cầu nguyện Kitô giáo là: “Lạy Chúa, xin ban cho họ phúc lành của Chúa và dạy con yêu họ”. Hãy nghĩ về một ai đó: tất cả chúng ta đều có. Chúng ta nghĩ về người đó. Chúng ta cầu nguyện cho họ. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để yêu họ.

2. Câu chuyện Phép lạ Thánh Thể xảy ra với Đức Phanxicô khi còn ở Á Căn Đình.

Giáo Hội Công Giáo dạy chúng ta một tín điều gọi là sự biến đổi bản thể (trans-substantiatio) mà Giáo lý đoạn 1376 giải thích như sau:

“Nhờ lời thánh hiến bánh và rượu đã diễn ra sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người; Hội Thánh Công Giáo gọi việc biến đổi này một cách thích hợp và chính xác là sự biến đổi bản thể”

Điều này có nghĩa rằng theo vẻ bề ngoài bánh và rượu vẫn còn là bánh và rượu, nhưng chất được thay đổi (thông qua sức mạnh của Thiên Chúa) hoàn toàn thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Giáo huấn này dựa trên Kinh Thánh và truyền thống và không bao giờ thay đổi từ thời các thánh Tông Đồ đến nay.

Như thế mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta chứng kiến một phép lạ nhãn tiền.

Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng nhận ra rằng thỉnh thoảng, Thiên Chúa can thiệp một cách tỏ tường hơn và có thể thay đổi ngay cả vẻ bề ngoài của bánh và rượu thành Mình Máu Thánh Ngài. Trong một số trường hợp, Ngài có thể gìn giữ một cách nhiệm mầu bánh thánh đã được làm phép trong một khoảng thời gian dài, vượt xa thời gian lưu trữ tự nhiên.

Một trong những phép lạ Thánh Thể đáng kinh ngạc nhất, đã được các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới kiểm tra, diễn ra tại Buenos Aires dưới thời Đức Hồng Y Jorge Bergoglio nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong nhiều thập niên qua, Giáo Hội tại Á Căn Đình, chịu nhiều chống đối của các nhóm nữ quyền phò phá thai. Họ thường biểu tình đông đảo để phá rối các thánh lễ, hay âm thầm đi từng nhóm nhỏ vào các nhà thờ la hét hay xúc phạm đến thánh thể.

Vào ngày Chúa Nhật 18 tháng 8 năm 1996, Cha Alejandro Pezet kết thúc thánh lễ tại giáo xứ Santa Maria Caballito Almagro, thì có một phụ nữ báo cáo với ngài rằng một bánh thánh đã bị ai đó ném dưới chân một ngọn nến chỗ bàn thờ Đức Mẹ nơi các tín hữu cầu nguyện trước khi ra về. Cha Pezet đặt bánh thánh này vào một đĩa nước và cất giữ trong nhà tạm.

Vào ngày thứ Hai sau đó, vị linh mục mở nhà tạm và thấy bánh thánh dường như là một chất đẫm máu. Vụ việc đã được báo cáo lên cho Đức Hồng Y Jorge Bergoglio. Vị Giáo Hoàng tương lai truyền cho tổng giáo phận bảo quản bánh thánh này.

Theo tạp chí Aleteitia, “bánh thánh này giữ nguyên hiện trạng như thế trong hơn 3 năm. Cho nên, vào ngày 5 tháng 10 năm 1999, vị Giáo Hoàng tương lai cho mở cuộc điều tra chính thức”.

Tiến sĩ Ricardo Castañón Gómez, đại diện cục pháp y Á Căn Đình đã lấy mẫu và gửi đến New York để phân tích.

Tiến sĩ Frederic Zugiba, chuyên gia tim mạch nổi tiếng của Hoa Kỳ và cũng là một chuyên gia pháp y Hoa Kỳ, xác định rằng chất được gởi đến phân tích là thịt và máu thực sự chứa DNA của con người. Tiến sĩ Zugiba nói “vật được phân tích là một mảnh cơ tim được tìm thấy trong thành tâm thất trái gần các van. Cơ này chịu trách nhiệm cho sự co thắt của tim. Cần lưu ý rằng tâm thất trái của tim bơm máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Cơ tim đang trong tình trạng bị viêm và chứa một số lượng lớn bạch huyết cầu. Điều này chỉ ra rằng tim vẫn còn sống tại thời điểm lấy mẫu. Hơn nữa, những tế bào bạch huyết cầu này đã thâm nhập vào mô, điều này cho thấy trái tim đã bị căng thẳng nghiêm trọng, như thể chủ nhân đã bị đánh đập nặng nề ở vùng ngực.”

Bánh thánh này cho đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng như thế.

3. Đức Thánh Cha nhận xét rằng các chế độ độc tài trên thế giới tồn tại bằng cách loan truyền những điều vu khống

“Chỉ cần nghĩ đến sự bách hại người Do Thái trong thế kỷ trước; chúng ta sẽ hiểu được nỗi kinh hoàng tương tự cũng xảy ra trong thời hiện nay. Nếu muốn phá hủy các tổ chức hoặc con người, người ta bắt đầu nói xấu, sử dụng sức quyến rũ mà các vụ tai tiếng có trong truyền thông, “truyền thông vu khống”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 18 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta. Khi suy tư về câu chuyện của ông Naboth được trích từ sách các Vua quyển thứ nhất, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến sức quyến rũ của các xì căng đan và sức mạnh hủy diệt của việc loan truyền những điều vu khống.

Ðức Thánh Cha bắt đầu từ câu chuyện của Naboth được tường thuật trong bài đọc thứ I: Sách Các Vua quyển thứ nhất. Vua Acáp muốn vườn nho của Naboth và cho ông tiền. Nhưng đất đó là một phần di sản của tổ tiên và do đó ông từ chối đề nghị này của nhà vua.

Sau đó, Acáp, người có “tính khí thất thường, có hành vi giống như các trẻ em khi không có được những gì chúng muốn, ông khóc và theo lời khuyên của người vợ độc ác, Giêzabel, cáo buộc giả dối Naboth, giết và chiếm hữu vườn nho của ông. Naboth, Ðức Giáo Hoàng lưu ý rằng đây là một “Vị tử đạo vì trung thành với di sản” mà ông đã nhận được từ cha ông mình: một di sản vượt trên cả vườn nho, “một di sản của trái tim”.

Bởi thế, Ðức Thánh Cha lưu ý rằng câu chuyện của Nabot là kiểu mẫu lịch sử câu chuyện của Chúa Giêsu, của thánh Stêphanô và của tất cả các vị tử đạo đã bị lên án bằng cách sử dụng một kịch bản vu khống. Nhưng nó cũng là kiểu mẫu của cách thức tiến hành mà rất nhiều người noi theo “nhiều người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ”. Nó bắt đầu bằng lời nói dối và, “sau khi tiêu diệt một người, một hoàn cảnh với lời vu khống đó”, nó xét xử và lên án.

“Thậm chí ngày nay, ở nhiều quốc gia, phương pháp này được sử dụng: phá hủy truyền thông tự do”. Ví dụ, chúng ta nghĩ: có một luật truyền thông, luật đó bị hủy bỏ; toàn bộ thiết bị truyền thông được trao cho một công ty, cho một xã hội vu khống, nói dối, làm suy yếu đời sống dân chủ. Sau đó, các thẩm phán đến để xét xử các thể chế bị suy yếu, những người này bị tiêu diệt, họ lên án, và do đó đi trước một chế độ độc tài. Các chế độ độc tài, tất cả chúng, đã bắt đầu như thế này, với sự gian dối trong truyền thông, đặt truyền thông trong bàn tay của một người bất lương, của một chính phủ bất lương.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày cũng giống như vậy”. Ngài nói: “Nếu bạn muốn tiêu diệt một người, “Tôi bắt đầu với truyền thông: nói xấu, vu khống, nói những xì căng đan”: Và loan truyền các vụ tai tiếng là một thực tế có sức quyến rũ lớn. Những tin tốt lành không quyến rũ: “Vâng, nhưng thật là đẹp cho những ai đã làm điều này!” Và nó trôi qua. .. Nhưng một vụ xì căng đan: “Nhưng các bạn đã thấy! Các bạn đã thấy điều này! Các bạn có thấy điều khác mà ngưới đó đã làm không? Hoàn cảnh này. .. Nhưng nó không thể, không thể tiếp tục như thế này được!”. Và vì vậy truyền thông phát triển, và người đó, tổ chức đó, quốc gia đó kết thúc trong sự đổ nát. Người ta không đánh giá các cá nhân ở điểm kết thúc. Ðánh giá sự sa sút của các cá nhân hoặc các tổ chức, bởi vì họ họ không thể tự bảo vệ mình.

“Sự quyến rũ của các vụ tai tiếng trong truyền thông dẫn đến góc tận cùng của nó”, đó là, “phá hủy” như đã xảy ra với Naboth người chỉ muốn “trung thành với di sản của tổ tiên”, không bán nó đi. Một ví dụ về điều này cũng là câu chuyện của thánh Stêphanô, người đã có một bài phát biểu dài để bảo vệ chính mình, nhưng những người buộc tội ông thích ném đá ông hơn là lắng nghe sự thật. “Ðây là bi kịch tham lam của con người”, Ðức Giáo Hoàng nói, nhiều người, trên thực tế, bị tiêu diệt bởi một thông tin xấu xa:

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Nhiều người, nhiều quốc gia bị tiêu diệt bởi chế độ độc tài độc ác và vu khống. Hãy nghĩ, ví dụ, về chế độ độc tài của thế kỷ trước. Hãy suy nghĩ về cuộc bách hại người Do Thái, ví dụ. Một thông tin phỉ báng chống lại người Do Thái; và họ đã kết thúc ở Auschwitz bởi vì họ không xứng đáng được sống. Ðó là một điều khủng khiếp, nhưng một khủng khiếp xảy ra hôm nay: trong các công ty nhỏ, nơi những con người và ở nhiều quốc gia. Bước đầu tiên là có sự truyền thông thích hợp, và sau đó hủy diệt, xét xử và cái chết.

Thánh Giacôbê tông đồ nói chính xác về “khả năng phá hoại của truyền thông xấu”. Kết luận, Ðức Giáo Hoàng khuyến khích đọc lại câu chuyện của Naboth trong chương 21 của Sách Các Vua quyển thứ nhất và nghĩ về “quá nhiều người bị tiêu diệt, nhiều quốc gia bị phá hủy, rất nhiều chế độ độc tài với “găng tay trắng” đã phá hủy các quốc gia.