Ngày 18-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:26 18/06/2018
77. KHÔNG HỢP THỜI
Một ngày nọ sau khi Tô Đông Pha bãi triều, về nhà ăn uống xong thì vừa đi chậm chậm vừa xoa xoa cái bụng, nhìn thấy bọn phục dịch bèn nói:
- “Tụi bây có biết trong bụng ta có những gì không ?”
Một đứa tớ gái trả lời:
- “Đó là một bụng văn chương.”
Tô Đông Pha lắc đầu, lại có người nói:
- “Bụng đầy những lời nói hay giỏi”.
Tô Đông Pha vẫn lắc đầu, có tên phục dịch là Triều Vân nói:
- “Con nhìn trong bụng của ngài là cái bụng không hợp thời ạ.”
Tô Đông Pha nghe xong vỗ bụng cười mãi không thôi.
(Tô Trường Công Ngoại kí)

Suy tư 77:
Cái khó chịu nhất của người có tâm hồn hiểu biết là “thấy chuyện làm sai trái của người có quyền thế mà mình không được phép có ý kiến”, bởi vì “cái bụng không hợp thời” của họ sẽ làm cho người có quyền thế hoặc người ỷ vào quyền thế mất ăn mất ngủ...
Cái khó chịu tiếp theo là của những người có tâm hồn kiêu ngạo, họ có “cái bụng không hợp thời”, cho nên họ rất khó chịu khi có người tài giỏi hơn mình làm việc được mọi người khen, và họ thường cảm thấy tâm hồn không được bình an vì sự ghen ghét tràn ngập trong tâm hồn của họ.
Người hiểu biết và người kiêu ngạo đều có “cái bụng không hợp thời” nhưng lại khác nhau.
Người hiểu biết vì công lý và vì ích lợi của mọi người mà có “cái bụng không hợp thời”, còn người kiêu ngạo vì ích kỷ và vì quyền lợi cá nhân mà có “cái bụng không hợp thời”.
Ki-tô hữu là những người có một cái bụng rất hợp thời vì họ biết ứng dụng Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của mọi thời đại, họ uốn nắn cuộc sống của họ cho phù hợp với hoàn cảnh mà không đánh mất đức tin, cũng như không gây cớ vấp phạm cho người khác, bởi vì cái bụng của họ chứa đầy tinh thần phục vụ và yêu thương của Phúc Âm ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 11 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:29 18/06/2018
Chúa Nhật 11 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 4, 26-34.

“Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.”


Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra một vấn nạn để cho chúng ta suy nghĩ: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây, lấy ví dụ nào mà hình dung được?” Rồi chính Ngài đã giải thích cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa giống như hạt cải. Trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm thực tế sau đây.

1. Thực hành đức ái.

Nếu trong tâm hồn chúng ta có tình yêu Thiên Chúa, thì đồng thời chúng ta cũng biết đem hạt giống ấy gieo vào tâm hồn người khác bằng cách đi làm việc thiện, bởi vì khi làm việc thiện là chúng ta gieo hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn của tha nhân, khi thấy chúng ta làm việc thiện giúp đỡ người khác không tính toán, không đòi báo đáp, dù cho chúng ta không để ý theo dõi tình trạng kết quả, thì hạt giống ấy (việc thiện) vẫn cứ âm thầm nảy mầm và đến lúc nào đó, với ơn Chúa giúp thì họ sẽ trở thành người Ki-tô hữu, người con của Chúa như chúng ta.

Chúng ta nhận ơn của của Chúa cách nhưng không thì nên cho đi cách nhưng không, có nghĩa là những việc thiện mà chúng ta làm cần phải sáng rực tình yêu vô vị lợi, vì Thiên Chúa mà thực hành đức ái, có như thế tâm hồn những người mà chúng ta giúp đỡ sẽ đâm chồi nẩy lộc tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.

2. Nước Trời ở trong chúng ta.

Nước Trời được gieo vào trong tâm hồn chúng ta ban đầu nhỏ như hạt cải, nó chính là đức tin, đức tin được lớn dần qua hoàn cảnh của cuộc sống, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, bởi vì đức tin được qua thử thách là đức tin trưởng thành và vững mạnh, có như thế mới trở thành chứng nhân cho Nước Trời ngay tại trần gian này.

Đức tin của chúng ta không phải tự nhiên mà có, nhưng được Thiên Chúa – qua Giáo Hội- gieo vào trong tâm hồn chúng ta, đức tin được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể và được củng cố bằng Lời Chúa thì nó sẽ ngày càng lớn mạnh, có thể bảo vệ linh hồn mình khỏi những cám dỗ của ma quỷ và thế gian, có thể bảo vệ Giáo Hội qua những cơn bách hại của những mưu mô ma quỷ.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su ví Nước Trời giống như hạt cải, nghĩa là ảnh hưởng và sức mạnh của nó có thể làm nơi trú ẩn cho chim trời. Đức tin của chúng ta cũng thế, cần phải lớn mạnh để có thể trở thành những chứng nhân cho Nước Trời ngay trong cuộc sống của mình.

Nước Trời là một thực tại có thật bắt đầu trong tâm hồn của mỗi người Ki-tô hữu và kết thúc viên mãn mai sau trên thiên đàng, đó chính là những việc lành thánh thiện mà chúng ta làm với ánh sáng đức tin soi dẫn, bởi vì Nước Trời không phải chỉ là thực tại mà thôi, nhưng còn là sống động nữa trong cuộc sống nơi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------

http://www.vietcatholicnews.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:31 18/06/2018

27. Lạy Chúa, kính mong Ngài đến là để khuyến khích gia công khích lệ con.

(Thánh nữ Gertrude of Helfta)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
“Hãy Hiến Tặng Hết Mình”, văn kiện mới nhất của Tòa Thánh về thể thao, Chương ba:Tầm quan trọng của thể thao đối với con người nhân bản, tiếp theo
Vũ Văn An
00:33 18/06/2018
3.5 Niềm vui

Kể từ khi có Hiến chương Quốc tế về Giáo dục Thể lý, Sinh hoạt Thể lý và Thể thao vào năm 1978, thể thao đã trở thành một quyền lợi cho tất cả những người tham gia, không chỉ cho người trẻ, khỏe mạnh và có thể lực. Bất kể thể thao được thực hành bởi trẻ em, người cao tuổi hay người khuyết tật, thể thao đều mang lại niềm vui cho tất cả những ai tự do tham gia vào đó, ở mọi trình độ của cuộc chơi.



Ở trình độ mới bắt đầu, các vận động viên phải chịu đựng nhiều thất vọng và thậm chí xấu hổ về thất bại liên tiếp trong việc phấn đấu để thành thạo một hoạt động. Ở trình độ cao hơn về thể thao, các vận động viên thường sẵn sàng trải qua kỷ luật của các chương trình huấn luyện nghiêm ngặt. Niềm vui cho tất cả những ai thực hành thể thao thường xuất hiện song song với những khó khăn và thử thách gian nan. Trên khắp thế giới, chúng ta cũng thấy: nhiều người tham gia thể thao chỉ để tận hưởng cái cảm giác được vận động thân thể, có cơ hội giao tiếp với người khác, học một kỹ năng mới, hay cảm thấy một cảm thức được thuộc về. Niềm vui trong những bối cảnh này là phó sản của việc được làm điều chúng ta yêu thích hoặc tận hưởng. Chúng ta thấy cuối cùng niềm vui là một ơn phúc, và nó luôn luôn đặt cơ sở trên tình yêu, và công thức này áp dụng ở mọi tiêu chuẩn của thể thao [40]. Việc liên kết niềm vui này với tình yêu trong thể thao, do đó, có những sự thật quan trọng để dạy chúng ta về mối tương quan giữa Thiên Chúa, tình yêu và niềm vui trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Việc đối với hầu hết mọi người, thể thao không được thực hiện để đạt lợi ích bên ngoài như tiền bạc hay danh tiếng càng làm cho nó trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đối với các vận động viên có cam kết, những khoảnh khắc vui tươi trong thể thao thường đi song song với đau khổ hoặc hy sinh cách này hay cách khác và sau nỗ lực tinh thần và thể chất cao độ. Điều này dạy chúng ta rằng niềm vui thực sự, sâu sắc và lâu dài thường xuất hiện khi chúng ta cam kết mà không e dè điều chúng ta yêu thích. Tình yêu này có thể được hướng vào chính hành động thể thao, hoặc hướng tới các thành viên khác của một đội khi các mối tương quan được sâu sắc hơn trong việc theo đuổi một mục tiêu chung. Nếu niềm vui kết nối với tình yêu một môn thể thao và các đồng đội của ta là một thực tại mà các nhà tâm lý học thể thao liên kết với các lần biểu diễn hay nhất của chúng ta và là điều khiến các người chơi hết lần này tới lần khác trở lại tham gia, thì đây có thể là một cách để huấn luyện viên hay các nhà lãnh đạo thể thao rút tỉa được các song hành giữa thực hành thể thao và thực hành đức tin.

Về khía cạnh này, điều quan trọng cần nhắc lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về kho báu chôn ở một thửa ruộng để minh họa triều đại Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng chính “vì niềm vui” mà người khám phá ra kho báu ấy đã bán mọi thứ mình có và mua lấy thửa ruộng (Mt 13:44). Vì vậy, việc chúng ta theo chân Chúa Giêsu và công bố triều đại Thiên Chúa đã gần kề cũng phải phát xuất từ niềm vui được cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót chan chứa của Thiên Chúa vốn là đặc trưng của triều đại này. Khi chúng ta theo Chúa Giêsu và làm việc hướng tới việc xây dựng triều đại của Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp khó khăn và gian khổ, và thậm chí được mời gọi vác thánh giá của chúng ta.

Nhưng các thử thách và đau khổ không thể dập tắt niềm vui này. Thậm chí cả cái chết cũng không thể làm thế. Sau khi nói với các môn đệ rằng như Chúa Cha yêu thương Người, Người cũng yêu thương họ và bảo họ hãy ở lại trong tình yêu của Người, Chúa Giêsu nói với họ rằng Người nói những điều này "để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con nên trọn" (Ga 15:11) ). Khi tới lúc gần chịu thống khổ và chịu chết, Người nói với họ, "Nên giờ đây, các con lo âu xao xuyến. Nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và không ai lấy mất niềm vui của các con”(Ga 16:22).

“Niềm vui Tin Mừng tràn đầy trái tim và trọn cuộc sống những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (41). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm nổi bật tính trung tâm của niềm vui trong đời sống tín hữu, nó là món quà để chia sẻ với mọi người. Cùng cách đó, thể thao chỉ có nghĩa bao lâu nó cổ vũ một không gian của niềm vui chung. Đây không phải là một vấn đề phủ nhận các hy sinh và đau đớn do việc huấn luyện và thực hành thể thao, nhưng cuối cùng, thể thao được mời gọi mang lại niềm vui cho những người thực hành nó và thậm chí cho tất cả những người đam mê theo đuổi một môn thể thao trên toàn thế giới.

3.6 Hài hòa

Sự phát triển hài hòa của con người phải luôn luôn ở hàng đầu đối với tất cả những người có trách nhiệm về thể thao, bất luận là huấn luyện viên, người hướng dẫn hoặc quản trị viên. Chữ hài hòa này chỉ sự cân bằng và hạnh phúc và là điều chủ yếu đối với hạnh phúc thực sự cần được trải nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều thế lực trên thế giới hiện nay cám dỗ con người từ bỏ nhân đức quan trọng này để ủng hộ quan điểm một chiều và mất cân bằng. Người ta chỉ cần nghĩ đến việc thương mại hóa một số môn thể thao, và sự phụ thuộc quá đáng vào các giải pháp khoa học tách biệt khỏi các quan ngại về đạo đức, là đủ để lo ngại. Khi thể thao được theo đuổi theo những cách thức trong đó thân thể con người được xem như một đồ vật vật chất đơn thuần hoặc coi con người chỉ như một loại hàng hóa, thì chúng ta có nguy cơ gây tổn hại lớn lao cho các con người và các cộng đồng.

Mặt khác, sự phát triển hài hòa con người trong các chiều kích thể lý, xã hội và tinh thần của họ từ lâu vốn được công nhận là đóng góp cho sự lành mạnh tâm lý và sự triển nở của họ. Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến các phát triển tích cực ở nhiều nơi, tại đó, "mọi người cảm thấy cần phải tìm ra các hình thức thể dục thích hợp giúp khôi phục sự cân bằng lành mạnh của tâm trí và thân thể" [42]. Liên quan đến điều này, trong những năm gần đây, nhiều hình thức thể thao mới và các quan niệm khác nhau về thi đua đã bắt đầu xuất hiện để đáp ứng nhu cầu hiện hữu phải có sự hòa hợp lớn hơn nữa giữa tâm trí và thân thể. Công đồng Vatican thứ hai cũng lưu ý rằng liên quan đến việc xây dựng các cộng đồng hài hòa, thể thao có thể, “phát huy các mối tương quan thân thiện giữa người thuộc mọi giai cấp, quốc gia và chủng tộc” [43].

Thường bị bỏ qua trong các môi trường, nơi con người không còn được xem là những tạo vật yêu quý của Thiên Chúa nữa, là tầm quan trọng của việc đào tạo tâm linh con người. Hài hòa ngụ ý sự cân bằng, và đến lượt nó, sự cân bằng này liên quan đến toàn bộ con người nhân bản - đời sống luân lý, thể lý, xã hội và tâm lý của họ. Thể thao là một trong những bối cảnh hữu hiệu nhất trong đó người ta có thể phát triển một cách toàn diện.

Một cách nghịch lý, chính nhờ việc tham gia vào những gì bề mặt trông giống như các hoạt động thể lý thuần túy như thể thao, chúng ta mới có thể phát triển kiến thức của ta về tinh thần, và thấy việc bỏ qua một khía cạnh này trong con người chúng ta đã làm hại sự tăng trưởng, sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta ra sao. Xu hướng phớt lờ yếu tố tinh thần, hoặc rút gọn nó vào yếu tố thuần túy tâm lý (một đặc điểm rất phổ biến ở một số nơi trên thế giới ngày nay), rất phổ biến hiện nay và có thể nguy hại, nhất là với giới trẻ và những người thiếu giáo huấn tôn giáo và tâm linh. Trong sự khôn ngoan của mình, Giáo hội cung cấp cho chúng ta một viễn kiến rất cần thiết và thúc bách về khía cạnh này. Chúng ta được yêu cầu sống thể thao của chúng ta trong và với Thánh Linh, vì như Thánh Gioan Phaolô II từng nói, “Các bạn là các vận động viên thực sự khi các bạn tự chuẩn bị không những bằng cách huấn luyện thân thể của mình mà còn bằng cách liên tục huấn luyện các chiều kích tinh thần của con người các bạn để có được sự phát triển hài hòa mọi tài năng nhân bản của các bạn”[44].

3.7 Can đảm

Theo Thánh Tôma Aquinô, Giáo hội dạy rằng lòng can đảm đại diện cho trung điểm giữa sự hèn nhát một mặt và sự thiếu thận trọng ở mặt kia. Và Giáo Hội đã nhấn mạnh rằng hành vi can đảm luôn liên quan đến luân lý. Sở dĩ như thế vì, can đảm đòi hỏi chúng ta phải làm điều đúng, điều tốt, chứ không phải điều có lợi nhất, hay dễ dàng.



Khái niệm can đảm cũng có thể được hiểu như một điều luôn được chính bản thân quyết định. Chúng ta không thể làm cho ai đó can đảm, mặc dù các huấn luyện viên, các nhà giáo dục và nhiều người khác có thể phát triển khả năng có điều này nơi những người họ làm việc với. Thật vậy, chúng ta có thể lý luận rằng lòng can đảm được thấy thường xuyên hơn trước, trong và sau khi thất bại và thua lỗ. Tiếp tục tiến bước khi rủi ro chồng chất bất lợi cho bạn hoặc nhóm của bạn, cố gắng làm điều đúng đắn về phương diện luân lý và thể lý, khi bạn đang thua đậm, giữ cho nhóm gắn bó với nhau như một đội khi bị coi là những kẻ dưới cơ - tất cả những dịp này đều có thể cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng thể thao đầy những khoảnh khắc can đảm lớn lao.

3.8 Bình đẳng và tôn trọng

Mỗi con người nhân bản đều được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa và có quyền sống cuộc sống của họ với phẩm giá và được đối xử một cách tôn trọng. Mọi người đều có cùng một quyền được trải nghiệm và thành toàn trong nhiều khía cạnh của văn hóa và thể thao khác nhau. Mọi người đều có cùng một quyền được phát huy các khả năng cá nhân của mình cũng như tôn trọng đối với các hạn chế cá nhân của mình.

Tuy nhiên, sự bình đẳng về quyền lợi cho mỗi cá nhân không có nghĩa là độc dạng hay như nhau. Ngược lại, vì nó cũng có nghĩa là tôn trọng tính đa nguyên và tính đa dạng của sự sống con người liên quan tới giới tính, tuổi tác, bối cảnh hay truyền thống văn hóa. Điều này áp dụng cân bằng đối với ngành thể thao. Điều dễ hiểu là có những khác nhau chuyên biệt về độ tuổi trong các hạng mục biểu diễn thể thao hoặc trong hầu hết các môn thể thao, đàn ông và đàn bà không thi đấu với nhau. Những người có khả năng thể lý sai biệt cách đáng kể so với khả năng dự kiến trung bình, thí dụ, vì khuyết tật (impairment), có thể được phán định và lượng giá cách khác nhau.

Với tất cả sự lưu ý tới tính đa nguyên của các điều kiện, các tài năng và khả năng, các hạng mục biểu diễn khác nhau không nên dẫn đến việc xếp hạng hoặc phân cấp giấu giếm hoặc thậm chí đến việc phân ranh (delimitation) quá chặt chẽ giữa các nhóm nhân bản khác nhau. Điều này phá hủy cảm quan đơn nhất nguyên ủy của gia đình nhân loại. Điều mà Thánh Tông đồ Phaolô yêu cầu cộng đồng Kitô hữu hiểu như một sự phản ảnh thân thể của Chúa Giêsu Kytô nên được cảm nghiệm trong thể thao: “Con mắt không thể nói với bàn tay, ‘tao không cần mày”, hay đầu nói với chân, ‘tao không cần mày”. Ngược lại, những bộ phận của thân thể xem ra yếu ớt hơn đó thực ra không thể nào thiếu được […] Nếu một phần bị đau, thì mọi bộ phận đều phải đau với nó. Nếu một phần được ca ngợi, mọi phần đều hân hoan với nó. Giờ đây, anh chị em là thân thể của Chúa Kitô và từng mỗi anh chị em là chi thể của nó ” [45].

Thể thao là một hoạt động có thể và nên cổ vũ sự bình đẳng của những con người nhân bản. "Giáo hội coi thể thao như một công cụ giáo dục khi nó phát huy các lý tưởng cao về nhân bản và tâm linh và khi nó đào tạo giới trẻ một cách toàn diện để phát triển các giá trị như lòng trung thành, kiên trì, tình bạn, liên đới và hòa bình" (46). Thể thao là một lãnh vực trong xã hội chúng ta nhằm cổ vũ cuộc gặp gỡ của toàn thể nhân loại, và có thể vượt qua các rào cản kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.

Mọi người đều bình đẳng vì phẩm giá của họ được tạo ra giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là anh chị em từ cùng một Đấng Tạo Hóa. Nhưng thế giới của chúng ta vẫn phải đối đầu với những bất bình đẳng bén rễ rất sâu, và nhiệm vụ của các Kitô hữu là giải quyết thực tại này. Thể thao là không gian để các Kitô hữu có thể tìm cách cổ vũ sự bình đẳng, vì “nếu không có các cơ hội bình đẳng, các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất màu mỡ để lớn lên và cuối cùng phát nổ” [47].

Có rất nhiều thí dụ cho thấy thể thao đã tạo ra sự thống nhất và bình đẳng giữa con người như thế nào trong xã hội. Nhiều môn thể thao bình dân đã vận động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đã cổ vũ cho hòa bình, liên đới và hòa nhập. “Thể thao có thể mang chúng ta lại với nhau trong tinh thần hiệp thông giữa các dân tộc và văn hóa. Thể thao thực sự là một dấu hiệu cho thấy hòa bình là điều có thể ”[48].

3.9 Liên đới

Sứ điệp của Giáo hội về tình liên đới cho chúng ta thấy rằng có một mối liên kết chặt chẽ giữa liên đới và ích chung, giữa liên đới và đích đến phổ quát của hàng hóa, giữa liên đới và bình đẳng giữa các dân tộc, giữa liên đới và hòa bình trên thế giới [49].

Tình liên đới trong một đội thể thao chỉ sự hợp nhất có thể phát triển giữa các đồng đội khi họ cùng phấn đấu với nhau để đạt được cùng một mục tiêu. Một trải nghiệm như vậy cung cấp cho mọi người tham gia một cảm giác được chú ý và quí mến đích thân. Tuy nhiên, tình liên đới, theo nghĩa Kitô giáo, vượt quá các thành viên của một nhóm riêng. Thậm chí nó có thể bao gồm cả đối thủ khi họ té ngã và không có khả năng đứng lên nếu không có sự giúp đỡ. Ở đây hỗ trợ và liên đới là cần thiết mà không cần phải hỏi liệu sự thất bại của người khác là lỗi của họ hay do một chuỗi các sự kiện không may.

Các vận động viên, đặc biệt là những người nổi tiếng nhất, có trách nhiệm xã hội không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là họ ý thức được ngày càng nhiều về vai trò của họ đối với tình liên đới và điều này được chú ý trong xã hội: “Các bạn, những người chơi thể thao, là những người biểu diễn một hoạt động thể thao, một hoạt động mỗi cuối tuần tụ tập rất nhiều người vào sân vận động và là một hoạt động được các phương tiện truyền thông xã hội dành cho nhiều không gian lớn lao. Vì lý do này, các bạn có một trách nhiệm đặc biệt. ”[50]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô rõ ràng mời các vận động viên “tham gia với những người khác và với Thiên Chúa, cống hiến hết mình các bạn, hiến đời sống các bạn cho một điều thực sự đáng giá và kéo dài mãi mãi. Đặt tài năng của các bạn vào việc phục vụ cuộc gặp gỡ của những con người, tình bạn, sự hòa nhập” [51].

Thánh Gioan Phaolô II khuyên người ta liên kết với thể thao để “cổ vũ việc xây dựng một thế giới huynh đệ và đoàn kết hơn, do đó giúp khắc phục các tình huống hiểu lầm lẫn nhau giữa các cá nhân và dân tộc” [52].

Thể thao phải luôn đi đôi với tình liên đới, bởi vì hoạt động thể thao được mời gọi tỏa sáng các giá trị cao cả nhất ra khắp xã hội, đặc biệt là cổ vũ sự hợp nhất của các dân tộc, các chủng tộc, các tôn giáo và văn hóa, nhờ thế, giúp vượt qua nhiều chia rẽ mà thế giới chúng ta vẫn còn trải nhiệm ngày nay [53].

3.10 Thể thao vén màn cho thấy việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu



Thể thao cho thấy sự căng thẳng giữa sức mạnh và sự yếu đuối, cả hai kinh nghiệm đều nhất thiết thuộc nhân sinh. Thể thao là một lãnh vực mà trong đó, con người có thể, một cách chân chính, sống thực tài năng và óc sáng tạo của họ nhưng đồng thời cảm nghiệm các giới hạn và tính hữu hạn của họ, vì thành công không hề được bảo đảm.

Như đã đề cập ở đầu chương này, thể thao giống như một lãnh vực có thể tiết lộ sự thật về tự do của con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “Tự do là một điều tuyệt diệu, nhưng nó cũng có thể tiêu tan và mất đi” [54]. Thể thao tôn trọng tự do của con người ở chỗ bên trong các giới hạn của một bộ quy tắc chuyên biệt, nó không ngăn cản óc sáng tạo mà, đúng hơn, nuôi dưỡng nó. Do đó, cảm nghiệm được tự do là chính mình không bị mất đi.

Mối tương quan nội tại giữa tự do cá nhân và việc chấp nhận các quy tắc cũng cho thấy: người ta được điều hướng hướng về một cộng đồng với những người khác. Thực thế, người ta không bao giờ là một thực thể cô lập mà là "một hữu thể xã hội, và trừ phi liên hệ với người khác, họ không thể sống và phát triển tiềm năng của mình được" (55). Thể thao toàn đội và sự hiện diện của các khán giả cho thấy mối tương quan giữa các cá nhân và cộng đồng. Hơn nữa, ngay cả thể thao cá nhân cũng không thể được thực hiện mà không có sự đóng góp của nhiều người khác. Vì vậy, có thể dùng thể thao như một mô hình để minh họa việc con người có thể trở thành chính họ như thế nào nhờ cảm nghiệm cộng đồng.

Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới hiện đại, thể thao có lẽ là điển hình nổi bật nhất về sự hợp nhất của thân thể và linh hồn. Cần nhấn mạnh rằng cách giải thích một chiều các kinh nghiệm vừa đề cập dẫn đến một khái niệm sai lầm về hữu thể con người. Chỉ tập chú vào sức mạnh, chẳng hạn, có thể gợi ý cho rằng con người là những sinh tự mãn. Khái niệm một chiều về tự do bao hàm ý tưởng về một cái tôi vô trách nhiệm chỉ biết tuân thủ các quy tắc của riêng mình. Tương tự như vậy, việc quá nhấn mạnh đến cộng đồng sẽ dẫn đến sự đánh giá thấp về phẩm giá của con người cá thể. Và cuối cùng, bỏ qua sự hợp nhất của thân thể và linh hồn sẽ đem đến một thái độ một là hoàn toàn làm ngơ thân thể hai là nuôi dưỡng một chủ nghĩa duy vật thế gian. Do đó, phải tính đến mọi chiều kích mới hiểu được những gì thực sự cấu thành con người.

Tóm lại, như thế, chúng ta có thể nói rằng trong thể thao các hữu thể nhân bản trải nghiệm một cách đặc biệt sự căng thẳng giữa sức mạnh và sự yếu đuối, sự tự do tùng phục các quy tắc tổng quát tạo nên một thực hành chung, tính cá nhân đã được điều hướng về phía cộng đồng, và sự hợp nhất của thân thể và linh hồn. Ngoài ra, nhờ thể thao, các hữu thể nhân bản có thể trải nghiệm vẻ đẹp. Như Hans Urs von Balthasar đã nhấn mạnh rất đúng, khả năng thẩm mỹ của hữu thể nhân bản cũng là một đặc tính quyết định kích thích việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu [56]. Nếu một quan điểm nhân chủng học toàn diện như thế được áp dụng, thì thể thao quả có thể được xem như một lãnh vực phi thường nơi hữu thể nhân bản cảm nghiệm được một số sự thật quan trọng về bản thân họ trong việc họ tìm kiếm ý nghĩa tối hậu.

Ý nghĩa tối hậu theo quan điểm Kitô giáo

Con người nhân bản tìm thấy chân lý sâu xa nhất của chúng ta về việc chúng ta là ai trong hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, vì đây là cách Người đã tạo nên chúng ta (St 1:27). Mặc dù, đúng là thể thao thể hiện việc theo đuổi một loại hạnh phúc nào đó, mà Công đồng Vatican thứ hai vốn mô tả là “một cuộc sống trọn vẹn và tự do xứng đáng với nhân loại; một cuộc sống trong đó [các con người và các xã hội] có thể bắt mọi thứ mà thế giới hiện đại có thể cung cấp cho họ một cách dư dật phải phục vụ phúc lợi riêng của họ”[57], nhưng điều cũng đúng là chúng ta được tạo nên cho một hạnh phúc còn lớn hơn thế. Hạnh phúc này được làm cho khả hữu quà phúc nhưng không của ơn thánh Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhấn mạnh rằng ơn thánh của Thiên Chúa không phá hủy bất cứ điều gì là nhân bản, nhưng đúng hơn, nó “hoàn thiện hóa tự nhiên” [58] hoặc nâng chúng ta vào sự hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh và vào hiệp thông với nhau.

Một trong những cách quan trọng mà chúng ta cảm nghiệm được ơn thánh Thiên Chúa là trong lòng thương xót của Người. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong suốt triều giáo hoàng của ngài, và đặc biệt trong năm của lòng thương xót, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện. Ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm hoặc phạm tội, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn với chúng ta và luôn ban cho chúng ta sự tha thứ và cơ hội thứ hai. Sự tha thứ của Thiên Chúa - cũng như sự tha thứ của chúng ta đối với nhau - mang đến sự chữa lành và phục hồi hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta. Như Thánh Phaolô đã đề cập đến nó trong lá thư của ngài gửi tín hữu Côlôsê: “Đừng nói dối nhau, vì anh em đã từ bỏ cái tôi cũ với các thực hành của nó và đã mặc lấy cái tôi mới, một cái tôi đang được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo Dựng ra nó, để được ơn thông hiểu”(Cl 3:10). Và một lần nữa, ngài viết cho tín hữu Côrintô: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” (2 Cr 3:18) . Nếu quá trình cứu chuộc có nghĩa: chúng ta đang được đổi mới và thay đổi thành hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh, thì điều này có nghĩa hiểu ra rằng chúng ta có tính tương quan từ căn bản và được tạo dựng để hiệp thông với Chúa và với nhau.

Kỳ sau: Chương Bốn: Các thách thức dưới ánh sáng Tin Mừng
 
Kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại sự hài hòa qua những nỗ lực đối thoại.
Thanh Quảng sdb
01:12 18/06/2018
Những Nỗ lực nhằm kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại sự hài hòa qua những nỗ lực đối thoại.



Theo Thông tấn xã Fides từ Yangon cho hay Giáo hội địa phương và các tổ chức phi chính phủ đang phát động một chiến dịch nhằm kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại cuộc sống hài hòa qua những nỗ lực đối thoại.

Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên trong khu vực đang nỗ lực đưa những người di tản về những nơi an toàn, tổ chức các hoạt động dành cho các trẻ em vị thành niên và các cuộc thăm viếng các gia đình mới đến các trại tập trung. Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên cũng tìm hiểu để định giá các nhu cầu cấp thiết nhất trong các khu vực có số lượng những người di cư cao nhất, họ đặc biệt cần được giáo huấn… Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên đang hỗ trợ các tổ chức đối tác tại bang Kachin hầu cung cấp các dịch vụ giáo dục cho các trại tị nạn, lo cung ứng các học phí và các tài liệu giáo dục, lương bổng cho giao chức và đào tạo giáo viên.

Sau vụ đánh bom thảm khốc vừa qua và các cuộc không chiến của các lực lượng vũ trang Miến Điện, hàng ngàn thường dân - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - đã phải bỏ làng mạc mà chạy trốn. Từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo (UNOCHA), cho chúng tôi hay có hơn 6.800 người đã bị di tản nội trong tháng Tư vừa qua.

Tổng cộng có hơn 100.000 người di cư trong cuộc nội chiến vừa qua đang phải sống vất vưởng trong các trại được thiết lập trong toàn tiểu bang Kachin.

Các giáo xứ địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, một số cơ quan chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Myanmar và các nhà tài trợ tư nhân tiếp tục cung ứng những nhu cầu cho những người mới di tản tới được cung cấp đầy đủ thực phẩm và chỗ ăn ở. Đặc biệt lưu tâm tới các phụ nữ đang mang thai, các trẻ em và người già là những người dễ bị tổn thương nhất. Các bậc cha mẹ đã tẩu thoát với con cái đang lo âu về việc giáo dục của các em, vì không biết các em di tản này có được phép theo học tại các trường công lập nơi các em tạm trú hay không. (PA) (Agenzia Fides, 16/6/2018)
 
Các linh mục Úc ‘thà đi tù’ còn hơn vi phạm ấn tín tòa giải tội.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:58 18/06/2018
Khi chính quyền cố gắng can thiệp vào tự do tôn giáo của chúng tôi, coi thường nền tảng của người Công Giáo, chúng tôi sẽ chống lại.

Các linh mục tại tiểu bang Nam Úc nói rằng các ngài thà vào tù còn hơn là vi phạm ấn tín tòa giải tội.

Nam Úc đã thông qua một luật mở rộng việc bắt buộc các linh mục phải báo cáo những hành lạm dụng tình dục trẻ em, cho dù việc báo cáo như thế là vi phạm ấn tín tòa giải tội. Sau một đề nghị của Ủy Ban Hoàng Gia, các tiểu bang khác cũng đang xem xét việc áp dụng luật này. Tuy nhiên, nhiều linh mục đã bác bỏ ý tưởng này và khẳng định rằng họ sẽ không làm bất cứ điều gì vi phạm niềm tin của mình.

Cha Michael Whelan, một linh mục thuộc Giáo xứ Thánh Patricks tại Church Hill, Sydney nói rằng “Tiểu bang sẽ đòi buộc chúng tôi là những linh mục Công Giáo phạm một tội được coi là một tội ác nghiêm trọng nhất và tôi nhất định sẽ không làm điều đó.”

Cha Whelan nói rằng ngài không tin Giáo Hội đứng trên luật nhưng ngài đặt niềm tin của mình lên trên hết mọi thứ khác.

Cha nói rằng “Một khi nhà nước cố gắng xen vào tự do tôn giáo của chúng tôi, coi thường nền tảng của người Công Giáo thì chúng tôi sẽ chống lại.”

Cha Whelan trình bày những quan ngại liên quan đến cách thế chính quyền áp dụng một luật như vậy và làm sao họ biết được là các linh mục có báo cáo hay không? Cha Whelen cũng đưa ra một giải pháp khác, theo đó thay vì buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, nếu một người lạm dụng trẻ em đến xưng tôi, thì linh mục sẽ can thiệp “ngăn chặn họ ngay lập tức.”

Những tiểu bang khác như New South Wales cũng đang xem xét trong tháng tới là liệu họ có thi hành những luật tương tự hay không.

Cha Whelan nói rằng “Tôi cho rằng mỗi khu vực tài phán ở Úc bây giờ sẽ áp dụng khuyến cáo này nhưng tôi kỳ vọng là Giáo Hội trên cả nước sẽ đơn giản là không tuân hành cái luật đó.”
Source: Catholic Herald Australian priests 'willing to go to jail' rather than break seal of confessionalbe
 
Đại kết gặp gỡ tại Genève
Vũ Văn An
22:35 18/06/2018
Ký giả Christopher White của Tạp Chí Crux cho rằng nếu Wittenberg, Đức, là nơi Phong Trào Thệ Phản khởi đầu năm 1517, thì Genève, Thụy Sĩ, là nơi Phong Trào này đâm rễ. Vì gần 20 năm sau khi Martin Luther đóng đinh chín mươi lăm luận đề của ông trên các cửa nhà thờ, liệt kê các phản bác thần học của ông đối với Công Giáo Rôma, nhà cải cách Pháp John Calvin đã được chào đón tại Genève như là nhà lãnh đạo tinh thần của thị quốc lúc ấy.



Bây giờ - gần 500 năm sau - vào thứ Năm tuần này, người đứng đầu một thị quốc tôn giáo khác, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ đến Genève để cử hành viễn ảnh hiệp nhất Kitô giáo.

Trong dịp đánh dấu chuyến tông du lần thứ 23 của ngài ở bên ngoài nước Ý kể từ khi trở thành giáo hoàng, Đức Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến đi một ngày đến nơi chốn được coi là thủ đô ngoại giao thế giới để tham gia một thứ ngoại giao tâm linh, khi ngài đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 70 của Hội đồng các Giáo hội Thế giới.

Được mệnh danh là “cuộc hành hương đại kết”, Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm nước này - mặc dù các chuyến đi trước đó đã diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, đối với Đức Phanxicô, ý định duy nhất xem ra là để thúc đẩy các nỗ lực đại kết đang diễn ra giữa các cộng đồng Kitô hữu khác nhau. Nếu năm năm qua trong triều giáo hoàng của ngài đã được dành cho chủ đề xây dựng một "văn hóa gặp gỡ", thì xem ra là chuyện công bằng khi tóm lược chuyến thăm đặc biệt đến Genève này như là một "cuộc gặp gỡ giữa các giáo hội".

Một cuộc gặp gỡ của các giáo hội

Đức Phanxicô sẽ rời Rôma lúc 8 giờ 30 sáng thứ Năm, trong chuyến bay quốc tế ngắn nhất của ngài xưa nay, hạ cánh xuống Genève lúc 10:10 sáng giờ địa phương.

Sau một cuộc họp riêng với tổng thống liên bang Thụy Sĩ, Alain Berset, điểm dừng chân đầu tiên của ngài sẽ là Hội đồng Thế giới các Giáo hội (WCC), nơi ngài sẽ giảng một bài giảng tại một buổi cầu nguyện đại kết.

Được thành lập năm 1948, Hội đồng Thế giới các Giáo hội bắt đầu như một nỗ lực tập hợp các giáo hội Kitô giáo khác nhau trong việc tìm kiếm sự hợp nhất Kitô giáo lớn hơn để "tìm kiếm sự hợp nhất hữu hình trong một đức tin và một hiệp thông Thánh Thể".

Trong khi cuộc tập hợp đầu tiên diễn ra tại Amsterdam vào tháng 8 năm 1948 để củng cố một số nỗ lực đại kết đang diễn ra sau Thế chiến I và bị gián đoạn bởi sự hỗn loạn của Thế chiến II, Hội đồng Thế giới các Giáo hội đã tìm trụ sở cố định của mình tại Genève, cũng là trụ sở của văn phòng lớn thứ hai của Liên hiệp quốc.

Lúc thành lập, Hội đồng Thế giới các Giáo hội bao gồm thành viên của 147 giáo hội chủ yếu từ châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày nay, thành viên của nó đã tăng gần gấp đôi bao gồm 348 Giáo hội thành viên từ hơn 110 quốc gia trên sáu châu lục, đại diện cho 560 triệu Kitô hữu.

Dù Giáo Hội Công Giáo Rôma về mặt lý thuyết có thể tham gia, nhưng nó chưa bao giờ tham gia trong tư cách thành viên chính thức – phần lớn là vì về một số khía cạnh, nó sẽ trở thành một thứ “con voi trong phòng”, với con số đáng nể 1.4 tỷ Kitô hữu trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, Giáo Hội Công Giáo đã tham gia một số sáng kiến với Hội đồng Thế giới các Giáo hội, bao gồm việc có đại diện thường trực trong Ủy ban Đức tin và Kỷ luật của nó.

Trong một cuộc phỏng vấn với Crux, Cha Andrzej Choromanski, một viên chức của Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và là một thành viên của Hội Đồng này, nói rằng “thông điệp căn bản [của chuyến đi này] là để nói rằng Giáo Hội Công Giáo thừa nhận sự đóng góp to lớn của Hội đồng Thế giới các Giáo hội vào sự phát triển của phong trào đại kết hiện đại”.

Cha Choromanski cho rằng sự hợp tác không chỉ đơn thuần có tính thần học và giáo lý, mà còn thực tế nữa.

Trong các nỗ lực nối vòng tay lớn đại kết gần đây, Đức Phanxicô đã sử dụng những dịp như vậy để công bố những tuyên bố hoặc sáng kiến chung, chẳng hạn như tuyên bố chung tháng 9 năm 2017 với Thượng Phụ Bartholomew về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Sáng Thế và tuyên bố chung tháng 10 năm 2016 của ngài với người Luthêrô để đánh dấu lễ kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách.

Marcelo Figueroa, nhà thần học Thệ Phản người Argentina được Đức Phanxicô, năm 2016, chọn để trở thành chủ bút ấn bản Argentina của L’Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, nói rằng trong khi vẫn còn chờ để thấy các sáng kiến cụ thể nào sẽ phát xuất từ cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm, đã có một số lĩnh vực mà chúng tôi mong được sự chú ý chuyên biệt của Đức Giáo Hoàng, như di dân, người nghèo và sinh thái toàn diện.

Figueroa nói với Crux: "Chúng ta có thể mong đợi những đường hướng này không chỉ là các văn kiện viết sẵn, mà còn mở ra những con đường mới, không chỉ thần học, mà đối với tôi, những con đường và cách thế cởi mở để chúng ta có thể cùng nhau làm việc cho các giải pháp hữu hiệu khắp trên thế giới".

Các cuộc gặp gỡ bản thân nhằm hành động định chế

Sau buổi cầu nguyện buổi sáng, Đức Phanxicô sẽ ăn trưa tại Viện Đại Kết ở Bossey với giới lãnh đạo của Hội đồng Thế giới các Giáo hội. Nằm ngay bên ngoài Genève trong một lâu đài thế kỷ 18, Viện được thành lập để trở thành nơi hòa giải nhằm giúp tạo điều kiện hòa bình sau sự tàn phá của Thế chiến II.

Trong khi Đức Phanxicô thường lợi dụng việc chia sẻ bữa ăn với các thành phần xã hội bị cho ra rìa, người ốm, nạn nhân buôn người, hoặc tù nhân, sẽ không có dịp như vậy trong chuyến viếng thăm này, có thể là dấu hiệu cho thấy ngài trân qúi dịp này xiết bao để thực sự bẻ bánh và chia sẻ bữa ăn với các đối tác đại kết của mình.

Sau bữa ăn trưa, Đức Phanxicô sẽ một lần nữa ngỏ lời với Hội đồng Thế giới các Giáo hội trong một bài diễn văn chính thức hơn - một dịp để ngài phác họa viễn kiến rộng lớn của ngài về sự hợp nhất Kitô giáo.

Tương tự như chuyến tông du của ngài tới Lund, Thụy Điển, năm 2016, các nhận xét của Đức Giáo Hoàng sẽ tập trung vào tương lai hơn là quá khứ và sẽ phản ảnh một ý niệm về phong trào đại kết được thúc đẩy đầu tiên và quan trọng nhất bởi các mối tương quan hơn là các định chế.

Theo Odair Mateus, giám đốc của Ủy ban Đức tin và Kỷ luật của Hội đồng Thế giới các Giáo hội, ngày Đức Phanxicô hiện diện tại Genève sẽ là dấu chỉ một điển hình cho thấy "một phong trào đại kết sống".

Mateus nói với Crux: “Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đại kết sống là một cuộc gặp gỡ trong sự hợp tác lẫn nhau, nhấn mạnh đến tầm quan trọng được hiện diện bên nhau”.

Theo Figueroa, một sự nhấn mạnh như vậy về tính bản vị, phần lớn là do bối cảnh Argentina của Đức Phanxicô.

Figueroa nói với Crux: “Chúng ta phải hiểu Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo cách ngài xuất thân từ Buenos Aires, Argentina, châu Mỹ Latinh. Đây là một thành phố trong một quốc gia ở một lục địa vốn sống phong trào đại kết với mọi anh chị em của các truyền thống khác”.

“Ngài đã sống điều đó. Ngài đã tiếp nhận được ở Buenos Aires nền đại kết văn hóa và tôn giáo này như một phần của đời sống ngài. Nó rất tự nhiên. Tôi cảm thấy điều ấy khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên nói về việc ngài được bầu làm giáo hoàng từ tận cùng trái đất. Ngài luôn nhìn thế giới từ viễn ảnh bản thân của ngài”.

Đạo Công Giáo theo Vatican II chiếm tâm điểm

Trước khi kết thúc mười giờ trên mặt đất, Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ cho người Công Giáo Thụy Sĩ - Thánh lễ giáo hoàng đầu tiên được tổ chức tại nước này kể từ chuyến viếng thăm vào năm 2004 của Đức Gioan Phaolô II.

Genève là thành phố đông dân thứ hai ở Thụy Sĩ, nơi có khoảng 3 triệu người Công Giáo tất cả, chiếm gần 40% dân số. Gần 70,000 người tham dự thánh lễ giáo hoàng năm 2004, và các nhà tổ chức đã nói rằng địa điểm của Thánh lễ tại trung tâm hội nghị Palexpo lần này sẽ có thể tiếp thu nhiều người hơn nữa.

Trong Thánh lễ cử hành cho người Công Giáo Thụy Sĩ, Đức Phanxicô sẽ có sự tham gia của Đức Giám Mục Charles Morerod của giáo phận Lausanne, Genève và Fribourg - người tạo lịch sử riêng, rất tích cực trong lĩnh vực đối thoại.

Trước khi được bổ nhiệm làm giám mục, Đức Cha Morerod, một tu sĩ Đa Minh, làm viện trưởng tại Đại Học Angelicum và, đáng chú ý là kể từ năm 2009, ngài đã là một thành viên của một nhóm Vatican nhằm hòa giải với Hội Thánh Piô X, là huynh đoàn duy truyền thống Công Giáo ly khai, thành lập năm 1970, sau khi bác bỏ các đề xuất Công đồng Vatican thứ hai.

Các thực tại của Vatican II sẽ sống động và sống tốt vào ngày thứ Năm, được dùng như bước ngoặt lớn trong đó Giáo Hội Công Giáo tự định hướng lại từ việc đứng ngoài các hình thức khác của hiệp thông Kitô giáo chuyển qua việc tìm kiếm một sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại.

Mateus nói với Crux: “Ngày ngài sống tại Genève sẽ tập trung rất nhiều vào việc duy trì sự hợp tác liên tục này”.

"Nó sẽ có tính rất giáo hội vì nó sẽ là một cuộc gặp gỡ với các giáo hội khác không hiệp thông với Rôma, nhưng trong đó, Rôma là người đối thoại, do đó, bầu không khí sẽ là bầu khí tạ ơn, cử hành, và khát vọng ngày càng tăng một sự hợp tác liên tục giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội khác”.

Một "Mùa xuân mới" cho việc hợp nhất Kitô Giáo

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí dòng Tên La Civiltà Cattolica, tổng thư ký của Hội đồng Thế giới các Giáo hội, Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, mô tả tình trạng hiện tại của các mối liên hệ đại kết như một "mùa xuân mới" dưới thời Đức Phanxicô.

Tuy nhiên, mặc dù hy vọng mọi thứ sẽ đến, Tveit thừa nhận những căng thẳng nội bộ trong Hội đồng Thế giới các Giáo hội; ông lưu ý rằng trong khi có sự thống nhất trong Hội đồng Thế giới các Giáo hội cùng nhau chống lại các vấn đề như nghèo đói, và biến đổi khí hậu, vẫn còn căng thẳng nghiêm trọng giữa các giáo hội thành viên về các vấn đề đau đầu khác, như vấn đề tính dục con người chẳng hạn.

Ông cho rằng: mặc dù vậy, có nhiều điều hợp nhất các cộng đồng Kitô hữu hơn là nguyên nhân đổ vỡ.

Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington, người phục vụ với tư cách thành viên của Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ Hợp nhất Kitô Giáo, cũng lặp lại những cảm quan tương tự trước cuộc hành hương đại kết tuần này của Đức Phanxicô tới Genève.

Ngài nói với Crux: “Tôi đã nói đi nói lại, và Đức Thánh Cha của chúng ta cũng nói điều này theo hướng chịu trách nhiệm về nó; ngài nói rằng Kitô hữu chúng ta có nhiều điều kết hợp chúng ta, khi chúng ta nhìn thế giới thế tục, hơn là chia rẽ chúng ta, và chúng ta phải luôn ý thức được điều đó”.

Đức Hồng Y Wuerl nói "Tôi nghĩ chuyến đi của Đức Thánh Cha tới Genève chỉ đơn giản nhấn mạnh điều đó. Ngài là vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican II và ở đây, sau nhiều năm tháng đó, kỷ niệm Hội đồng Thế giới các Giáo hội tại trụ sở của họ với câu nói ‘chúng tôi rất vui khi được chào đón anh em như một dấu chỉ các nỗ lực chung của chúng ta".

Đức Phanxicô sẽ lên đường trở lại Rôma từ Genève lúc 8 giờ tối thứ Năm, và sẽ tổ chức cuộc họp báo thường thấy trên máy bay của ngài, trong đó, ngài có khả năng xử lý một số câu hỏi gai góc về phong trào đại kết - như chịu lễ liên phái dành cho người Thệ Phản hoặc vai trò của phụ nữ trong Giáo hội – thế nhưng, như Cha Choromanski đã nói với Crux, các câu hỏi này không nên làm lu mờ chủ đề chính của chuyến đi, đó là "cùng bước và cầu nguyện với nhau".

Theo Cha Choromanski, thay vì bị coi như rào cản đối với “nền đại kết năng động, chúng ta phải cùng nhau tiếp nhận các thách thức này”.

Tuy nhiên, cùng với việc cam kết làm việc cùng nhau ấy, Đức Hồng Y Wuerl cũng nhân dịp này lưu ý rằng giữa lúc cử hành việc kỷ niệm này, nhiệm vụ của việc hợp nhất Kitô giáo là một cuộc hành trình và Genève chỉ nên được xem như một cột mốc đáng khích lệ cho thấy những điều hứa hẹn ở phía trước chứ không phải là mức kết thúc.

Đức Hồng Y Wuerl cho rằng "Tình trạng đại kết trong các mối liên hệ của các giáo hội rất tốt. Nhưng tôi sợ chúng ta có thể coi điều đó như đương nhiên, chúng ta đã ở đó lâu rồi, và chúng ta đã đạt được một tiến bộ như vậy, chúng ta dám coi đây là chuyện đương nhiên nên nghĩ rằng 'chúng ta có thể lưu ý đến những vấn đề khác'”.

Ngài nhấn mạnh "Nhưng không, không được làm thế. Chuyến đi Genève nhắc nhở chúng ta rằng điều này vẫn còn phải là một vấn đề ưu tiên hàng đầu".
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tổng thống Pháp vào ngày 26 tháng 6
Đặng Tự Do
23:15 18/06/2018
Môi trường, người di cư, châu Âu là những chủ đề chính trong “cố gắng chung” mà tổng thống Emmanuel Macron sẽ thảo luận với Đức Thánh Cha vào ngày 26 tháng Sáu, trong chuyến thăm của ông tới Vatican. Tiếp theo bài diễn văn của ông trước các Giám Mục Pháp tại học viện Bernardins hôm 9 tháng Tư, một diễn tiến hòa giải hơn với Giáo Hội Công Giáo sẽ xảy ra khi ông Emmanuel Macron đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để nhận danh hiệu “Kinh sĩ danh dự duy nhất” của Đền Thờ này.

Ông Emmanuel Macron được tin là sẽ đi cùng với ông François Bayrou là chủ tịch của phong trào Dân Chủ Pháp gọi tắt là MoDem.

Một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Pháp?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc mừng ông Emmanuel Macron sau khi ông thắng cử cách đây một năm, và khích lệ ông tăng cường “truyền thống Kitô giáo” của Pháp để thăng tiến “một xã hội công bằng hơn”.

Theo một truyền thống bắt đầu vào thế kỷ 15 khi nước Pháp còn theo chế độ quân chủ (dưới thời Vua Henry Đệ Tứ), các nhà lãnh đạo Pháp được tự động trao danh hiệu “Kinh sĩ danh dự duy nhất” của Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ của giáo hoàng với tư cách là giám mục Rôma. Các nhà lãnh đạo Pháp, kể cả những người vô thần, đều được tự động trao danh hiệu này. Tuy nhiên, những người vô thần hay có ác cảm với Công Giáo thường không tỏ ra hứng thú với danh hiệu đó. Tổng thống Emmanuel Macron chào đời trong một gia đình vô tín ngưỡng nhưng khi lên 12 tuổi, ông tự mình xin được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tháng 11, tổng thống Pháp bày tỏ ý định hân hoan được nhận danh hiệu này.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, là Đức Cha Georges Pontier, Tổng Giám Mục Marseille, xác nhận vào tháng Ba năm nay rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Pháp đã được “dự tính” nhưng vẫn cần phải tìm một thời điểm thích hợp trong lịch làm việc dày đặc của Đức Giáo Hoàng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Croix vào năm 2016, chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý muốn thăm Marseille, Lộ Đức và Paris. Nhưng đến nay không có thông báo nào của Vatican về một chuyến đi sắp tới tới Pháp.
Source: Europe 1 le JDD Macron en visite officielle au Vatican le 26 juin : ce qu'il va dire au pape François
 
Phản ứng của Giáo hội Chính thống Nga trước tuyên bố của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô về Ukraine
Đặng Tự Do
23:55 18/06/2018
Theo tin của Interfax hôm 18 tháng Sáu, Giáo hội Chính thống Nga đã bày tỏ sự bối rối trước tuyên bố gần đây của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Tòa Constantinople, theo đó hàng triệu người Ukraine “không thuộc quyền tài phán” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tháng Tư vừa qua, tổng thống Poroshenko của Ukraine đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô để yêu cầu ngài ủng hộ một Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập, tách khỏi qũy đạo Mạc Tư Khoa. Sau cuộc họp không có chi tiết nào về cuộc họp giữa hai vị được tiết lộ.

Nay với tuyên bố này Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, là Thượng Phụ danh dự của Chính Thống Giáo, chính thức ủng hộ ý kiến của tổng thống Poroshenko.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn với Interfax rằng:

“Thật ngạc nhiên khi nghe từ một nhà lãnh đạo tôn giáo rằng toàn bộ hàng triệu người Ukraine nằm ngoài quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chúng tôi và do đó cần có sự can thiệp khẩn cấp từ bên ngoài. Nhưng còn Giáo hội Chính thống Ukraine từ lâu vẫn thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với hơn 12,000 giáo xứ, trên 200 tu viện, và hàng triệu tín đồ ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine thì sao?”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã công khai chào đón Đức Tổng Giám Mục Onufry của Kiev và Toàn Ukraine tại hội nghị các nhà lãnh đạo các Giáo hội Chính thống địa phương vào năm 2016, và gọi Đức Giám Mục Onufry là “hàng giáo phẩm duy nhất của Giáo hội Chính thống ở Ukraine, một cách tự nhiên, như với tất cả các tổng giám mục Chính Thống Giáo khác.”

Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói rằng “những người ly giáo Ukraine, chứ không phải người dân Ukraine nằm ngoài sự hiệp thông với Giáo hội chúng tôi”, và nói thêm rằng ly giáo đời nào cũng có và Chính Thống Giáo Nga sẽ vượt qua như đã từng vượt qua vào thập niên 1990.
Source: Interfax Moscow Patriarchate surprised by Patriarch Bartholomew's words that people of Ukraine are outside canonical Church
 
Hiện tình các Giáo hội Chính thống tại Ukraine
Đặng Tự Do
23:59 18/06/2018
Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Ông hy vọng Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do ông đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine. .
Source: Reuters - Ukraine moves to split church from Russia as elections approach
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc Thắp Nến Cầu Nguyện và Hỗ Trợ Đồng Bào bên VN xuống đường chống Dự Luật cho thuê Biển Đất
Jos. Vĩnh SA
00:07 18/06/2018
Theo tin tức từ Ban Tổ Chức, lúc 05 giờ 00 chiều, Chúa Nhật, ngày 17.6.2018 có khoảng gần 500 đồng hương người Việt tại thành phố Adelaide tiểu bang Nam Úc tập trung về Hội Trường Tự Do trong trung tâm CĐNV Tự Do Nam Úc, số 62 Athol Street, Athol Park, trong thành phố Adelaide thủ phủ của tiểu bang Nam Úc, để tham dự đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam và hỗ trợ đồng bào trong nước xuống đường, biểu tình chống Quốc Hội Việt Nam thông qua dự luật cho Tàu Cộng thuê 3 yếu điểm của nước Việt Nam: Vân Đồn miền Bắc, Bắc Vân Phong miền Trung và đảo Phú Quốc miền Nam làm 3 đặc khu kinh tế và phát triển các cứ điểm du lịch và các căn cứ quân sự ngụy trang, cũng như chống đạo luật an ninh mạng (internet)

Đến tham gia đêm thắp nến, ngoài Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng NVTD Nam Úc còn có các vị Đại Diện các Tôn Giáo, đại diện các ban ngành đoàn thể, các quân binh chủng QLVNCH.

XEM VIDEO I

XEM VIDEO II

Trước khi các đồng hương thắp nến, các vị lãnh đạo các tôn giáo đã lên trước bàn thờ cầu nguyện cho Quốc Thái Dân An và sự an nguy cho những người dân xuống đường, biểu tình tại các tỉnh ở bên Việt Nam. Sau đó BTC đã mời Ông Chủ Tịch Cộng Đồng và các nhân sĩ lên phát biểu cảm tưởng của mình, về hiện tình đất nước ngày nay. Xen kẽ những lời phát biểu, ca đoàn Saint Patrick đã tham gia phụ diễn văn nghệ, với những bản đồng ca đấu tranh, đầy khi thế hào hùng, đã tạo nên bầu không khí nhiệt huyết, sôi động quyết đấu tranh chống lại bạo quyền CSVN, hỗ trợ cho công cuộc bảo bệ bờ cõi của tổ tiên, giang sơn của cha ông ta để lại.

Buổi lễ chấm dứt vào lúc 7 giờ 30 tối, qua tiết mục đồng hương trà đàm, với những lời thề đầy hứa hẹn cho những cuộc đấu tranh trong tương lai, nhằm giải thể chính quyền CSVN bán nước hại dân.
 
Lễ Tuyên khấn Trọn đời của Chị em Hiệp hội Chứng nhân Đức Tin
Trương Trí
11:14 18/06/2018
Hiệp hội “Chứng nhân Đức Tin” hình thành từ ngày 12 tháng 6 năm 2002 do Cha Giuse Maria Trần Nguyên Duy Kim sáng lập, và được Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Giáo phận Phát Diệm chấp thuận. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Hiệp hội mang tên gọi “Hiệp hội Đức Maria Mẹ Hy vọng”. Trải qua nhiều năm tháng lận đận vì trụ sở chính của Hiệp hội ở Sài Gòn nhưng lại do Đức Giám Mục Phát Diệm thành lập, nên cuối cùng lại phải quay trở về Giáo phận Đà Lạt sau khi Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, tân Giám mục Giáo phận Phát Diệm vào năm 2009 đã bàn bạc với Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn và Đức Cha Anton Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt. Vào ngày 8 tháng 3 năm 2013, Đức Cha ký Sắc lệnh thiết lập “Hiệp hội Đức Maria Mẹ Hy vọng”, trụ sở chính tại Suối Mơ, thành phố Bảo Lộc, thuộc Giáo phận Đà Lạt.

Xem Hình

Đến ngày 16 tháng 8 năm 2013, Đức Cha Anton Vũ Huy Chương một lần nữa ký Sắc lệnh hủy bỏ tên gọi “Hiệp hội Đức Maria Mẹ Hy vọng” theo nguyện vọng của số đông chị em để thiết lập nên “Hiệp hội Chứng nhân Đức Tin” hầu tiến đến thành lập một Hội Dòng Chứng nhân Đức Tin thuộc Giáo phận Đà Lạt. Trụ sở chính của Hiệp hội tại Giáo xứ Tân Bùi, hạt Bảo Lộc thuộc Giáo phận Đà Lạt.

Với Tôn chỉ và mục đích là Chiêm niệm và hoạt động tông đồ: Sống đời Thánh hiến trong Giáo hội để “Làm chứng Đức Tin giữa trần thế”. Chị em dấn thân vào sứ vụ truyền giáo bằng việc chia sẻ tình yêu đối với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ và khuyết tật, nhất là đối với đồng bào dân tộc.

Tuổi đời non trẻ với biết bao gian lao, chỉ qua một thời gian ngắn 5 năm với tâm huyết và sự ân cần chăm sóc của Đức Cha Anton Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, đến nay Hiệp hội đã có đến 94 thành viên. Trong đó có 27 chị đã tuyên khấn trọn đời và 26 chị khấn tạm, 12 tập sinh và 29 thanh tuyển. Thật là một con số rất đáng khích lệ đối với chị em trong Hiệp hội Chứng nhân Đức Tin. Hiện nay, chị Maria Trịnh thị Trà được sự tín nhiệm của chị em và được bầu làm Tổng Phụ trách Hiệp hội. Cho đến nay, Hiệp hội Chứng nhân Đức Tin đã có các Cộng đoàn đang phục vụ tại Giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc, Sài Gòn và Phú Cường.

Sáng ngày 16 tháng 6, tại Nhà thờ Giáo xứ Tân Bùi, Đức Cha Anton Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã chủ tế Thánh lễ đồng tế và long trọng chủ sự Nghi thức tuyên khấn trọn đời của 6 chị em Hiệp hội Chứng nhân Đức Tin. Mặc dù trời mưa lớn, nhưng vẫn có rất đông linh mục và giáo dân từ khắp nơi về hiệp thông lời tạ ơn và cầu nguyện cho Hiệp hội. Với sự hiện diện của Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh, người đã đồng hành với hiệp hội từ lúc mới hình thành, hầu hết chị em rất quý mến gọi rất thân thương là “Bố” và xưng “Con”.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Cha Anton nhấn mạnh: Hiệp hội Chứng nhân Đức Tin mà chắc chắn sắp tới sẽ trở thành một Hội Dòng, vì thế lễ tuyên khấn trọn đời hôm nay sẽ có những nghi thức như của một Hội Dòng. Chị em sẽ cam kết tận hiến, nghĩa là dâng hiến cho Chúa một cách mật thiết hơn nữa qua việc Giám mục trao nhẫn, như là một sự thể hiện việc đính hôn với Đức Kitô để trọn đời trung thành với giao ước. Tuân giữ hiến chương của Hiệp hội để trọn đời sống trong Đức Tin, đạt tới đức Ái trọn hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hiến trọn cuộc đời để phục dân Thiên Chúa.

Các chị em tuyến khấn với lời khấn trọn đời khiết tịnh, vâng phục đồng thời Đức Giám Mục Bản quyền dâng lời nguyện chúc trước sự chứng kiến của cộng đoàn và chị Tổng Phụ trách Maria Trịnh thị Trà.

Sau phần tuyên khấn, chị Tổng Phụ trách thay mặt chị em ôm hôn bình an thể hiện việc đón nhận các tân khấn sinh là thành viên chính thức của Hiệp hội.

Cuối thánh lễ, chị Tổng Phụ trách thay mặt Hiệp hội bày tỏ lòng tri ân đối với vị chủ chăn và bản quyền của Hiệp hội, cảm ơn quý cha, quý ân nhân và cộng đoàn đã yêu thương nâng đỡ Hiệp hội, đồng thời tham dự thánh lễ hiệp dâng lời tạ ơn và cầu nguyện cho Hiệp hội.

Trương Trí

 
Thánh lễ và Hành hương tại mồ ĐHY Nguyễn Văn Thuận ở Santa Maria della Scala ngày 12/6/2018
FIATS
12:56 18/06/2018
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Báo Ý Asia News: Giám Mục Việt Nam thất vọng với cách hành xử của nhà cầm quyền
Thúy Dung
07:33 18/06/2018
Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục nghỉ hưu của Giáo phận Kontum, đã công bố một lá thư ngỏ ký ngày 16 tháng 6 năm 2018, gởi cho Trần Đại Quang, Chủ tịch nhà nước Việt Nam, để chỉ trích mạnh mẽ luật mới về Internet vừa được thông qua. Vị Giám Mục kêu gọi chế độ tôn trọng ý nguyện và quyền hợp pháp của công dân, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị bắt trong những ngày qua.

Trong khi đó, bất kể sự hiện diện dày đặc của cảnh sát tại các thành thị, hàng chục ngàn người Công Giáo ở Hà Tĩnh và Vinh (miền Trung Việt Nam) đã bày tỏ sự phản đối của họ một cách hòa bình vào ngày Chúa Nhật [17 tháng Sáu, 2018]. Họ chống lại luật an ninh mạng và dự luật “đặc khu kinh tế” nhằm “bán đứng đất đai cho Trung Quốc”.

Trong lá thư ngỏ gởi cho Chủ tịch nước đề ngày 16 tháng Sáu, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, lên án một số tuyên bố hung hăng của các viên chức nhà nước và thúc giục họ ăn nói lễ độ để tạo sự hài hòa trong xã hội và tôn trọng quyền hợp pháp của công dân. Bình luận về những gì diễn ra trong các ngày qua, vị Giám Mục nói:

“Luật an ninh mạng nhằm ngu dân, và dự luật về các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt là bán đất nước này cho Trung Quốc. Vào ngày Chúa Nhật 10 tháng 6, khi mọi người bày tỏ ý chí của họ chống lại hai dự luật, chính phủ đã tấn công họ dã man thay vì lắng nghe họ! Sau đó, hàng loạt người đã bị bắt tại Bình Thuận và những nơi khác!”

“Tôi yêu cầu ông Chủ tịch ra lệnh cho chính quyền các cấp trả tự do cho tất cả những người bị bắt, công bố luật mới về quyền biểu tình theo quy định của Hiến pháp, và tôn trọng ý nguyện của người dân”.

Trong một video đăng trên Internet, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng công khai khiển trách các linh mục là thành viên của Quốc hội. Tất cả những người này được tường thuật đã biểu quyết ủng hộ luật an ninh mạng vào ngày 12 tháng Sáu.

“Các linh mục đó phản bội đức tin của họ và phản bội đất nước của chúng ta, vì tiền và thế giá mà người ta ban cho họ,” vị Giám Mục nói.

Luật an ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm 2019, nhưng ngay từ bây giờ nó đã làm giảm đáng kể số lượt truy cập vào các trang web Công Giáo. Người dùng phải giảm bớt các hoạt động của họ trên Internet, vì sợ bị truy tố. Trong một thông cáo báo chí được công bố cách đây vài ngày, Cha Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam đã chỉ trích tính chất hàm hồ và áp chế của luật này.

“Các điều khoản của luật an ninh mạng có thể giúp chính phủ dễ dàng xác định và truy tố mọi người về các hoạt động trực tuyến hòa bình của họ”, vị linh mục cảnh báo.

Cha Joseph Nguyễn, của tổng giáo phận Hà Nội, lo ngại rằng từ giờ trở đi, để truy cập thông tin, các tín hữu sẽ phải dựa nhiều hơn vào các cơ quan truyền thông do nhà nước chi phối, như tờ “Công Giáo và Dân tộc”, một tạp chí do nhà nước tài trợ và Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ.

“Tờ báo này xem ra giàu nội dung. Nhưng hãy cẩn thận, mọi thứ đã từng và sẽ bị xuyên tạc thông qua lăng kính của chủ nghĩa cộng sản. Đừng quá ngây thơ khi nghĩ rằng cộng sản sẽ tài trợ cho người Công Giáo rao giảng Tin Mừng,” vị linh mục nói với AsiaNews.

Được thành lập vào năm 1975 bởi nhà cầm quyền cộng sản, như một phần trong nỗ lực tạo ra một Giáo Hội quốc doanh, tạp chí này hiện được điều hành bởi linh mục Phan Khắc Từ, một đảng viên cộng sản và là phó chủ tịch cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công Giáo”, một cơ chế được thành lập với ý định tách Giáo Hội Việt Nam khỏi Vatican.

Từ công khai sống với một người phụ nữ trong nhiều thập kỷ qua và là cha của hai đứa con.

Giáo luật Công Giáo cấm các giáo sĩ không được giữ các chức vụ công quyền, ngoại trừ trong các trường hợp hết sức đặc biệt và phải được thẩm quyền Giáo Hội chấp thuận.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho các vị lãnh đạo Giáo hội, nhiều linh mục, kể cả cha Nguyễn Văn Lý, một người bất đồng chính kiến đã bị cộng sản bỏ tù 15 năm, đã yêu cầu các giám mục kỷ luật các linh mục vi phạm giáo luật.

“Họ không góp phần vào việc cải thiện các điều kiện hoạt động của Giáo Hội”, cha Joseph Nguyễn nói. “Họ không bao giờ dám lên tiếng chống lại những đàn áp và các vụ chiếm đoạt đất đai tài sản của Giáo Hội.”

Hơn nữa, khi xảy ra các vi phạm về tự do tôn giáo trong nước, như các cuộc tấn công vào các linh mục bất đồng chính kiến, những linh mục quốc doanh này thậm chí còn kêu gọi “trừng phạt nặng hơn đối với các anh chị em của họ trong đức tin”.

“Sự hiện diện của những linh mục này trong chính phủ làm suy yếu tính chất khả tín và hiệu quả truyền giáo của Giáo Hội”, ngài cảnh báo.

Trong khi đó, hôm qua hàng ngàn người Công Giáo đã diễn hành một cách bình tĩnh trên đường phố, mặc dù bị cảnh sát quay phim, chụp ảnh với những cử chỉ đe dọa. Những người biểu tình đọc Kinh Mân Côi, cầm cờ Vatican và những biểu ngữ như “Không cho cộng sản Trung Quốc thuê đất, dù một ngày cũng không” hay “Luật an ninh mạng giết chết tự do”.

Các cuộc biểu tình vào tuần trước đã kết thúc với hàng ngàn vụ bắt giữ. Chưa bao giờ trong lịch sử của chế độ cộng sản Việt Nam đã có quá nhiều vụ bắt giữ như thế trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở miền Nam, nơi nhà cầm quyền đàn áp dân chúng thẳng tay.

Trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thề sẽ trừng phạt người biểu tình, gọi họ là những kẻ “cực đoan”. Ba ngày trước, Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lên án “các hành vi lạm dụng dân chủ, bóp méo sự thật, kích động, gây rối loạn xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân”.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, thậm chí người ta còn thấy những lời đe dọa từ Đại tá cảnh sát Trần Anh Huy, người thề sẽ “bắn bể sọ” bất cứ ai dám tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại luật an ninh mạng mới được thông qua.
Source: Asia News Il vescovo emerito di Kontum denuncia la legge su internet. Ondata di arresti e cattolici in piazza
 
Văn Hóa
Thiên Hùng Sử Tử Đạo Việt Nam
Đinh Văn Tiến Hùng
15:42 18/06/2018
Thiên Hùng Sử Tử Đạo Việt Nam

+ Kỷ niệm 30 năm phong ‘ Hiển Thánh 117 Vị Tử Đạo VN’ Từ 19/6/1988- 19/6/20/18

*”Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em
Trên Trời lớn lao.” ( Mt.5: 10- 12 & Lc.6: 22 )

*Được sự chấp thuận của Tòa Thánh La-mã, Đức TGM Giuse Nguyên Chí Linh, TGM Huế và Chủ tịch HĐGM/VN,
ngày 1/5/18 đã ra văn thư công bố Năm Thánh mừng 30 năm tuyên Thánh 117 Vị Tử Đạo Việt Nam.
Lễ nghi khai mạc trọng thể ngày 19/6/18 tại 3 Giáo tỉnh Bắc-Trung-Nam và kết thúc vào ngày Lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11/18 tại 3 nơi đã chứng kiến các vị Tử Đạo :
-Giáo tỉnh Hà Nội : Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện.
-Giáo tỉnh Huế : Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.
-Giáo tỉnh Sài gòn: Trung Tâm Hành Hương Ba Giòng, Mỹ Tho



Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Ấn tích Anh Hùng Tử Đạo còn đó,
Gông cùm, tra tấn, đầu rơi, máu đổ,
Cho hoa muôn màu trổ đẹp hôm nay,
Giáo Hội Việt Nam hy vọng tràn đầy,
Vươn cao mãi trên bầu trời oanh liệt.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Lời ngợi ca vang vọng khắp năm châu,
Tiếng Thánh Ca tràn ngập cả tinh cầu,
Của hơn Một Trăm Ngàn Vị Tử Đạo,
Nhận cái chết lòng không hề than oán,
Để chứng minh một Đạo Giáo Tình Yêu,
Dâng cuộc đời làm của Lễ Toàn Thiêu,
Theo gương Chúa Hiến Mình trên Thập Giá.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Hùng Sử Thi bất diệt rọi ngàn sau,
Xuyên suốt qua bốn thế kỷ ngẩng đầu,
Không khiếp nhược trước xích xiềng gươm giáo,
Máu tuôn chảy giữa pháp trường tàn bạo,
Tưới nẩy mầm bao hạt giống Đức Tin,
Chuông báo tử chính là chuông Phục Sinh,
Nơi hàng triệu con tim đang thổn thức.


Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Nét oai hùng rạng rỡ vẫn còn đây,
Cả địa cầu lòng ngưỡng mộ dâng đầy,
Vinh Hiển Thánh Một Trăm Mười Bảy Vị,
Những Anh Hùng mang tâm hồn tuyệt mỹ,
Xin cúi đầu kính bái và cậy trông,
Phù trợ con yêu cuộc sống Vĩnh Hằng,
Như Các Ngài hân hoan vào Đất Hứa.


Anh hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Ngày trọng đại Giáo đô thật từng bừng,
Bao triệu con tim phấn khởi reo mừng,
Đã đọng lại tâm hồn đầy kỷ niệm,
Ba mươi năm in dấu một sự kiện,
Chứng minh hào hùng cho khắp năm châu,
Việt Nam nhỏ bé cương quyết ngẩng đầu,
Phấn khởi theo chân các Vị Tử Đạo.


Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Đây Sở Kiện bảo tàng còn ghi dấu,
Anh Hùng Tử Đạo muôn đời khoe sắc,
Giáo Hội Việt bao biến cố xoay vần,
Vẫn nở hoa thành Tám Triệu Giáo Dân,
Cùng đón nhận Hồng Ân mừng Chư Thánh.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*)Muốn biết thêm chi tiết để thông công Năm Thánh xin xem thông báo của Hội Đồng GMVN
kỷ niệm 30 tôn vinh 117 Thánh Tử Đạo VN.




 
Thắc Mắc Điện Toán
Phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi điện tử làm cho người ta mê mẩn như kẻ nghiện!
Thanh Quảng sdb
17:54 18/06/2018
Phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi điện tử làm cho người ta mê mẩn như kẻ nghiện!

Đây là các hoạt động làm cho các công ty thu được nhiều lợi nhuận và làm trẻ em cũng như người lớn dành hàng giờ dán mắt chằm chằm vào màn hình của điện thoại hay computer...
Nói chung, phương tiện truyền thông xã hội và các games chơi trực tuyến không có gì là lợi hay xấu cả. Có bao nhiêu trẻ em vì chơi games nên tối ngày ngồi trong phòng, các em tránh được nguy cơ bị dụ dỗ ngoài phố xá.
Trò chơi trực tuyến nói riêng cũng dạy cho người chơi các kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh chóng, cộng tác đồng đội, phê phán nhanh, và hợp tình hợp lý!
Tuy nhiên, đây cũng là một quan tâm lớn, khi em chơi cả ngày mà chẳng màng tới cảnh trạng sống chung quanh!
Tương tự cũng xảy ra đối với những người sử dụng truyền thông xã hội, ngay cả trong lúc ăn uống hoặc thăm viếng gia đình hay bạn bè, họ luôn dành phần lớn thời gian của họ để nhìn chằm chằm vào màn hình.

Dưới đây là một số “mẹo” để khắc phục chứng bệnh nan y này.
Sức mạnh của tiền bạc - Trẻ em trong gia đình thường chưa có tiền riêng, nên cha mẹ khuyến cáo các em về internet của các em phải phụ thuộc vào cha mẹ. Cha mẹ cần có quyền cắt hay hạn chế internet bất cứ lúc nào. Hãy cho trẻ hiểu rằng nối kết internet trong nhà là một đặc quyền.
Trách nhiệm Đầu tiên - Hãy nói rõ cho con cái về bổn phận học hành và trách nhiệm của các em. Cho các em ý thức rằng việc các em xử dụng internet và các thiết bị khác của các em là tùy thuộc vào việc chu toàn trách nhiệm của các em. Nếu các em vô trách nhiệm thì ba mẹ sẽ cắt internet cho đến khi các em thực hiện được những gì các em cam kết.
Lịch trình giải trí chơi games

Điều này có nghĩa là vào các thời điểm khác, internet có thể bị sẽ cắt nhằm thực hiện các bổn phận khác quan trọng và ưu tiên hơn. Hãy nêu rõ thời gian nào được chơi và thời gian nào không được.
Đừng yêu cầu con em của bạn đừng xử dụng phương tiện truyền thông, trong lúc đó bạn lại xử dụng, đây là một gường mù phi lý. Yêu cầu con cái cất điện thoại đi, trong khi bạn lại xử dụng là đạo đức giả và nhắng gửi đi một thông điệp sai lầm. Đó là quy luật chung, nhưng cũng có ngoại lệ, đặc biệt nếu bạn phải sử dụng internet hay điện thoại vì công ăn việc làm... Nhưng đừng lạm dụng… khi bạn mong đợi các con bạn học hành cận lực.
Hãy giữ các điện thoại cầm tay của con cái qua đêm và sạc pin cho đầy đủ để sang hôm sau cả nhà đều có máy điện thoại và iPad sẵn sàng để xử dụng.

Tìm giải pháp thay thế
Tôi không thể nói với phụ huynh rằng tôi vui khi thấy con tôi chơi banh hay các dụng cụ thể thao. Không iPad, không điện thoại, chỉ với món đồ chơi hay trái banh. Thời giờ chính của một đứa nhỏ, đặc biệt là một bé thơ là chơi. Chơi rất quan trọng để phát triển tinh thần thích hợp. Trẻ em cần phải có các sinh hoạt tương xứng với độ tuổi của chúng, nhưng phần lớn thời gian của chúng nên được dành cho việc chơi, đừng bắt chúng làm việc quá sớm, ngay cả bù đầu tối ngày vào việc học hành. Điều này khiến các bé bị già đi trước tuổi và làm mất đi cái tuổi thơ hồn nhiên của các em… Khi các em lớn lên là những thanh thiếu niên nam nữ, các em cần có những sinh hoạt thể thao giải trí. Ngay cả người lớn cũng cần có những thời khắc tương tự để được thảnh thơi tươi mát. Thiếu thời giờ giải trí có thể làm chúng ta bị suy giảm thần lực lẫn thể lực, thậm chí có thể làm chúng ta ra khùng điên mà làm càn lỗi phạm.

Tìm cách có những thời giờ giải trí tuyệt vời.
Mùa hè thì nên ra biển bơi, chơi thể thao ngoài trời. Ngày nay có vô số các phương tiện giải trí trong nhà và rồi thư viện luôn luôn là một nơi hấp dẫn chúng ta tìm đến học hỏi giải trí tâm linh vv...
Trên internet các website cung cấp vô số tài liệu, những kho tàng đa dạng về mọi mặt mà chúng ta có thể tra cứu học hỏi. Ví dụ: Catholic Online có vô số video về Chúa và Phúc âm của Ngài, các tài liệu tin tức về Giáo hội, về các vị thánh và thông tin quan trọng khác... Riêng phần tiếng Việt thì vietcatholic.net hay các websites khác cũng dẫy đầy các tài liệu. Nên giới thiệu và cùng các con em mình xem các mẫu gương đời của các vị thánh. Ngoài ra, các phụ huynh cũng có thể tìm kiếm các tài liệu trên YouTube. Mục tiêu chính là tìm để có được một sự cân bằng hữu ích trên internet về tâm linh Thượng đế, gia đình, học đường, công việc, nghỉ ngơi và giải trí. Tất cả những thành tố này là rất cần thiết giúp triển nở con người thành toàn hơn… Nếu các bạn thấy cái gì quá đáng thì không nên, hãy điều chỉnh lại. Hãy quân bình, bền bỉ và giữ vững lập trường. Hãy nhớ là cha mẹ, các bạn có trách nhiệm kiểm soát những gì con cái truy cập trên mạng... Hãy cho con cái các bạn biết những giới hạn theo từng lớp tuổi…
Viết theo mạng lưới “Nền Giáo dục Công Giáo cho Thế giới ngày nay' California 2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ban Mai Dịu Dàng
Lê Trị
07:55 18/06/2018
BAN MAI DỊU DÀNG
Ảnh của Lê Trị
Tạ ơn Chúa cả thương ban
Khởi đầu ngày mới bình an dịu dàng..
(bt)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 19/06/2018: Câu chuyện phép lạ giả tại Agoo, Phi Luật Tân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:10 18/06/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Khai thác bóc lột phụ nữ là tội lỗi chống lại Thiên Chúa.

Sáng thứ Sáu 15 tháng 6, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những suy tư của ngài dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu, khi Chúa Kitô nói với đám đông dân chúng rằng: “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” và “ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình”.

Bài suy niệm của ngài là một sự phản ánh về nhiều cách thế khác nhau mà những người phụ nữ đang bị khai thác và bóc lột trong xã hội ngày nay. Ngài than phiền về tình trạng nhiều phụ nữ bị lạm dụng, bỏ rơi và một số phụ nữ trẻ phải bán phẩm giá của mình để kiếm sống.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa của ngài rằng phụ nữ là điều mà người nam còn thiếu để có thể là hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa. Ngài giải thích Chúa Giêsu đã dùng những từ ngữ triệt để, dứt khoát và có tính chất “thay đổi lịch sử” như thế nào. Cho đến lúc đó, người phụ nữ chỉ được coi là công dân hạng hai trong xã hội, họ bị “nô lệ hóa”; và “thậm chí không được hưởng tự do hoàn toàn”.

Giáo huấn của Chúa Giêsu về phụ nữ thay đổi lịch sử. Quan điểm của nhân loại đối với phụ nữ trước Chúa Giêsu và sau Chúa Giêsu đã thay đổi. Chúa Giêsu mang lại phẩm giá cho phụ nữ và đặt họ ngang hàng với nam giới, bởi vì như lời đầu tiên của Ðấng Tạo Hóa cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, cả hai người nam nữ; không phải người nam trước rồi sau đó người phụ nữ thấp hơn một chút. Không! Cả hai! Và khi một người nam không có người nữ bên cạnh - dù như là một người mẹ, như một người chị, như một cô dâu, như một người bạn, hay như một người đồng nghiệp – thì người nam ấy tự chính mình không phải là hình ảnh của Thiên Chúa.

Khi trình bày một cách đặc biệt về những từ ngữ trong Phúc Âm nói về những người đàn ông ham muốn phụ nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô than thở về cách thức con người ngày nay đối xử với phụ nữ như các đối tượng của ham muốn tà dâm trên các phương tiện truyền thông; và những hình ảnh phụ nữ bị “làm nhục” hoặc “không mặc quần áo” thường được sử dụng để bán các sản phẩm.

Ngài chỉ ra rằng việc khai thác phụ nữ không xảy ra ở những nơi xa xôi. Nó xảy ở đây, chung quanh chúng ta, nơi chúng ta sống và ở nơi làm việc. Phụ nữ là đối tượng của “não trạng xài và quăng bỏ”, thậm chí không được coi là những con người.

Ðây là một tội chống lại Thiên Chúa Ðấng Tạo Hóa khi loại bỏ người phụ nữ, bởi vì không có phụ nữ, những người nam chúng ta, không thể là hình ảnh của Thiên Chúa. Có một sự tức giận và căm ghét chống lại người phụ nữ, một cơn giận dữ tệ hại. Ngay cả khi người ta không nói ra điều đó. .. Nhưng đã bao nhiêu lần các cô gái phải bán mình như một món đồ dùng rồi bỏ để tìm lấy một công việc? Ðã bao nhiêu lần? Có người nói: “Vâng, thưa cha, tôi biết điều này xảy ra ở một đất nước nào đó. ..” Không, chính ngay ở Rôma này. Không cần đi đâu xa.

Chuyển sang chủ đề bóc lột tình dục phụ nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu cử tọa cho biết họ thấy gì khi đi dạo vào ban đêm quanh một số khu vực của thành phố nơi có rất nhiều phụ nữ bao gồm nhiều phụ nữ di cư đang bị khai thác như trong một phiên chợ. Ngài chỉ ra rằng những người nam đến gần các phụ nữ này chào “Hello” với họ nhưng rồi lại hỏi tiếp họ đáng giá bao nhiêu và ru ngủ lương tâm mình rằng những phụ nữ ấy chỉ là gái điếm thôi mà.

Tất cả những điều này xảy ra ở đây, ở Roma này, cũng xảy ra tại mọi thành phố. Các phụ nữ, chúng ta có thể gọi họ là những phụ nữ vô danh, vì sự nhục nhã che phủ gương mặt của họ. Họ là các phụ nữ không biết cười và nhiều người trong họ không biết niềm vui được cho con bú, niềm vui được là một người mẹ. Nhưng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, không cần đi đến những chỗ đó, cũng đã thấy cái tư tưởng tồi tệ loại bỏ phụ nữ, hay coi họ là “những con người thứ cấp”. Chúng ta phải suy tư kỹ về điều này. Khi làm điều này hay nói điều này, khi chấp nhận tư tưởng này, chúng ta khinh bỉ hình ảnh Thiên Chúa, Ðấng đã tạo nên người nam và người nữ giống hình ảnh Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nghĩ về việc buôn bán phụ nữ, khai thác và bóc lột phụ nữ. Người nữ bị chà đạp dưới chân chỉ vì họ là phụ nữ.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của ngài bằng cách nhấn mạnh rằng trong khi thi hành sứ vụ của Ngài trên dương thế, Chúa Giêsu đã gặp rất nhiều phụ nữ bị khinh bỉ, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị loại bỏ; và với sự dịu dàng Người đã phục hồi phẩm giá của họ. Chúa Giêsu có một người mẹ và “nhiều bạn nữ theo Người để giúp Người trong sứ vụ của mình” và nâng đỡ cho Người.

2. Chúa Giêsu ao ước sự hòa giải

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “hòa giải triệt để” với nhau. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 14 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Phân tích bài Tin Mừng trong ngày (Mt 5: 20-26), Đức Thánh Cha nhận xét rằng Chúa Giêsu đã sử dụng trí khôn con người trong việc tranh luận với các môn đệ. Để đưa họ về với giáo huấn của ngài liên quan đến các mối quan hệ yêu thương, Chúa sử dụng một “ví dụ trong cuộc sống hàng ngày. .. đó là vấn đề lăng mạ”.

Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng

“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười khi nói rằng danh sách những lời lăng mạ mà Chúa Giêsu trích dẫn là kinh điển, đời nào cũng có những kẻ lăng mạ người khác như thế. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng những lời lăng mạ “mở ra một con đường dẫn đến giết người”. Chúng ta loại bỏ những người khác thông qua những lời lăng mạ. Chúng ta cướp mất đi sự tôn trọng họ đáng được hưởng. Khi xúc phạm người khác, chúng ta bịt miệng họ, chúng ta cướp đi tiếng nói của họ.

Những lời lăng mạ rất nguy hiểm bởi vì theo Sách Khôn Ngoan chúng dẫn đến ghen tỵ, là cách ma quỷ bước vào thế giới. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng. “Khi một người khác làm điều gì đó tôi không thích. .. hoặc khi ai đó đe dọa tôi, ghen tị xô đẩy tôi xúc phạm họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thật tốt khi tự hỏi mình:

Hôm nay tôi có xúc phạm ai không? Khi nào tôi dùng đến những lời lăng mạ? Khi nào tôi đóng trái tim của mình với người khác qua sự xúc phạm? Tôi có thể thấy được vị cay đắng của sự ghen tỵ ở đó khiến cho tôi mong muốn hủy diệt người khác để tránh những sự cạnh tranh, và ganh ghét, và những thứ đại loại như vậy. Không dễ tránh xa những những lời lăng mạ người khác. Nhưng chúng ta hãy nghĩ xem thật là đẹp đến mức nào nếu chúng ta không bao giờ sỉ nhục người khác. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta dừng lại vòng lẩn quẩn này.

Khi anh chị em đi dâng Thánh Lễ và anh chị em nhận thức được rằng một trong những anh chị em của mình có điều gì đó không hài lòng với mình, hãy đi và hòa giải với họ và với chính mình. Chúa Giêsu là người triệt để. Hòa giải không giống như một cách cư xử tốt. Không, hòa giải phải là một thái độ triệt để, một thái độ cố gắng tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như của chính mình. Từ xúc phạm đến hòa giải, từ ghen tị với tình bạn - đây là bài học mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta hôm nay.

3. Câu chuyện phép lạ giả tại Agoo, Phi Luật Tân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 vừa được cử hành vào ngày Chúa Nhật trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tức là vào ngày 13 tháng 5. Chủ đề Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới năm nay là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”.

Philip Kosloski, ký giả của tờ Aleteia, cho biết loại tin giả thường thấy nhất trong Giáo Hội là những tin cho rằng Đức Mẹ và Chúa Giêsu đã hiện ra nói điều này, điều nọ. Philip nhận thấy một số lớn các tin giả được người ta tung ra vì tin tưởng ngây thơ rằng tin giả có thể khiến người ta sống đạo đức hơn. Nhưng, đức tin chân chính không thể được xây dựng trên sự dối trá.

Trong chương trình này Như Ý xin trình bày với quý vị và anh chị em một trường hợp gây bối rối và hoang mang rất nhiều cho Giáo Hội tại Phi Luật Tân.

Judiel Nieva sinh năm 1977 là một người nam chuyển giới thành phụ nữ. Cô ta là con thứ 7 trong một gia đình có 8 người con.

Ngay từ thời thơ ấu, nhiều người tin rằng cô ta có một năng lực đặc biệt.

Nieva tuyên bố đã được thị kiến thấy Đức Trinh Nữ Maria vào năm 1987 khi cô mới 10 tuổi. Ngày 31 Tháng Ba, 1989, cô tuyên bố thấy Đức Mẹ hiện ra. Mô tả của Nieva về Đức Mẹ rất khác biệt với những hình ảnh truyền thống.

Cô nói Đức Mẹ mặc một chiếc áo dài màu trắng, đứng trên đỉnh một cây ổi. Trên trán Đức Mẹ có một ngôi sao sáu cánh. Dưới chân Đức Mẹ là một đám mây với 7 cánh hoa hồng. Đức Mẹ khóc và tiên đoán với cô nhiều sứ điệp có tính cánh chung nếu người dân Phi Luật Tân không ăn năn sám hối.

Công chúng ban đầu có khuynh hướng tin vào những tuyên bố của Nieva vì người ta nghĩ rằng một đứa bé còn ít tuổi như thế không thể nghĩ ra các sứ điệp đầy ý nghĩa như vậy. Các tượng Đức Mẹ theo lời mô tả của cô được cấp tốc làm ra với số lượng lớn và được gọi là Đức Mẹ Agoo, là tên của ngôi làng nơi cô sinh sống.

Một trong những bức tượng đó được đặt trong nhà cô và được cho rằng đã khóc ra máu. Cục điều tra quốc gia Phi Luật Tân, sau khi kiểm tra các mẫu lấy trên tượng cả quyết rằng đó là máu người và là loại máu “O”. Báo cáo này khiến người ta còn tin Nieva hơn nữa.

Ngọn đồi nơi cô cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra với cô được đổi tên thành “Apparition Hill”, nghĩa là đồi hiện ra. Hàng trăm ngàn người từ các miền khác của Phi Luật Tân và cả trên thế giới tuôn đến đây. Đức Hồng Y Jaime Lachica Sin cũng đã từng công khai cử hành Thánh Lễ tại địa điểm này.

Vào ngày 06 tháng Ba năm 1993, hơn một triệu người tụ tập để chứng kiến cuộc “thăm viếng” của Đức Trinh Nữ Maria mà cô cả quyết sẽ hiện ra với mọi người chứ không phải với một mình cô.

Nhiều quan chức chính phủ, giới truyền thông và thậm chí cả một giám mục Công Giáo đã tham dự vào những sự kiện tại đây. Nhiều thánh lễ được cử hành tại địa điểm này trước thời điểm được cho là Đức Mẹ sẽ hiện ra. Tuy nhiên, Đức Mẹ đã không hiện ra.

Giáo Hội chịu một sự nhạo báng trong nhiều năm sau đó tên các phương tiện truyền thông về chuyện này.

Một ủy ban thần học được thành lập cấp tốc bởi Đức Giám Mục Salvador Lazo. Cùng năm đó, ngài khẳng định không có yếu tố siêu nhiên trong các tuyên bố của Judiel Nieva.

Tuy thế, Nieva vẫn tiếp tục cho rằng mình được thị kiến thấy Đức Mẹ. Do đó, một ủy ban điều tra thứ hai được thành lập và vào năm 1996 tái khẳng định quyết định được công bố vào năm 1993. Dù thế, Nieva vẫn nổi tiếng như cồn.

Năm 2003, Nieva đóng vai chính trong một bộ phim nhan đề “Siklo”. Trong phim, cô đóng vai một người phụ nữ yêu một người hàng xóm đã có vợ. Bộ phim được dàn dựng nhằm sỉ nhục đức tin Công Giáo đã gây đau khổ cho nhiều người. Một người đã từng thấy Đức Mẹ hiện ra không thể hành động như thế được.

Tháng 7 năm 2003, cô bị một tai nạn xe hơi nhưng cô và cả người tài xế thoát chết trong gang tấc. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 năm 2003 Nieva nói rằng đó là nhờ Đức Mẹ. Ở một quốc gia sùng đạo như Phi Luật Tân, dù dân chúng bị gạt hết lần này đến lần khác, tuyên bố vẫn này khiến cho cô được nhiều người ái mộ, và sự nghiệp điện ảnh của cô tiếp tục đi lên như diều gặp gió.

Hiện nay, cô là sở hữu chủ của một khu nghỉ mát sang trọng tại thành phố La Union và một dãy các nhà hàng ở thành phố quê hương

4. Chứng tá Kitô là muối, và ánh sáng cho đời

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu là muối và ánh sáng cho đời qua các chứng tá cho Chúa Giêsu, chứ đừng thu hút sự chú ý của người khác nơi những giá trị của mình. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 12 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha nói các Kitô hữu được mời gọi để đưa ra các “chứng tá đơn giản như một thói quen” cho Chúa Giêsu. Ngài gọi đó là “sự thánh thiện hàng ngày”.

Chứng tá Kitô giáo, theo Đức Thánh Cha, có thể có nghĩa là tử vì đạo theo gương Chúa Giêsu. Nhưng cũng có một con đường khác hướng đến Chúa Kitô là sống thánh thiện trong những hành động thường nhật của chúng ta, khi chúng ta thức dậy, làm việc và đi ngủ.

“Nó có vẻ như một điều thật quá nhỏ nhặt, nhưng phép lạ được thực hiện thông qua những việc nhỏ như thế.”

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chứng tá Kitô phải được xây dựng trên sự khiêm tốn, chúng ta phải là muối và ánh sáng đơn sơ cho những người khác.

“Muối cho người khác; ánh sáng cho người khác: Bởi vì muối không cung cấp hương vị cho chính nó nhưng phục vụ người khác. Ánh sáng không tự chiếu sáng chính mình mà phục vụ người khác… Các siêu thị bán muối với số lượng nhỏ, không bán từng tấn. Và muối không tự quảng bá chímh mình vì nó không tự phục vụ. Nó tồn tại để phục vụ người khác, bằng cách bảo tồn mọi thứ và tạo ra hương vị. Đây là chứng tá đơn giản.”

Đức Thánh Cha cho biết chứng tá Kitô hàng ngày có nghĩa là trở nên ánh sáng cho người khác, “để giúp họ trong những giờ khắc đen tối nhất của họ.”

“Chúa phán: ‘Anh em hãy là muối; là ánh sáng. ’... Nhưng anh em làm như thế để người khác thấy và tôn vinh Thiên Chúa. Anh chị em thậm chí sẽ không nhận được bất kỳ điều gì. Khi chúng ta ăn, chúng ta không khen muối. Không, chúng ta nói mì ống hoặc thịt quá ngon. .. Khi chúng ta đi ngủ vào ban đêm, chúng ta không nói ánh sáng là tốt. Chúng ta lờ ánh sáng đi, nhưng chúng ta sống bằng ánh sáng. Kitô hữu phải trở thành các chứng nhân ẩn danh.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chúng ta chống lại cách hành động như người Pharisêu được nêu trong bài Tin Mừng, là người cảm tạ Chúa vì sự thánh thiện của người ấy. Ngài nói: “Chúng ta không phải là tác giả của những giá trị riêng mình.”

“Sự thánh thiện hàng ngày” có nghĩa là trở thành muối và ánh sáng cho người khác để vinh quang của Chúa, chứ không phải của mình, được tỏ hiện.

5. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong việc truyền giáo

Hôm thứ Hai 11 tháng Sáu, nhân lễ kính Thánh Barnabas, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài trên ba khía cạnh của việc truyền giáo được nhắc đến trong các bài đọc của phụng vụ trong ngày: đó là công bố, phục vụ và tính chất nhưng không.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, các bài đọc được chọn cho lễ kính Thánh Barnabas (Công vụ 11: 21-26; 12: 1-3 và Mátthêu10: 7-13) chứng minh rằng Chúa Thánh Thần là “nhân vật chính” trong việc công bố Tin Mừng. Công bố Tin Mừng không giống như các loại truyền thông khác. Do tác động của Chúa Thánh Thần, việc công bố Tin Mừng có quyền năng “thay đổi con tim”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có những kế hoạch mục vụ dường như hoàn hảo, nhưng “những kế hoạch ấy lại không có khả năng thay đổi con tim” bởi vì chúng kết thúc nơi chính bản thân mình. “Chúng không phải là các công cụ truyền giáo”, ngài khẳng định.

Công bố Tin Mừng không phải là một thái độ kinh doanh mà Chúa Giêsu gửi đến cho chúng ta. Không, công bố Tin Mừng là một hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đó là lòng can đảm. Lòng dũng cảm thực sự bên trong việc truyền giáo không phải là sự bướng bỉnh của con người. Không, chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta lòng dũng cảm và là người đưa anh chị em tiến về phía trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô xem phục vụ là chiều kích thứ hai của việc truyền giáo. Việc theo đuổi một sự nghiệp hay những thành công “trong Giáo Hội là một dấu hiệu chắc chắn rằng người đó không biết truyền giáo là gì vì người chỉ huy phải là người phục vụ”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng:

“Chúng ta có thể nói những điều tốt đẹp nhưng khi không có sự phục vụ, thì đó không phải là công bố Tin Mừng. Nó có vẻ như thế, nhưng không phải, vì Chúa Thánh Thần không chỉ đưa anh chị em về phía trước để loan báo sự thật của Chúa và sự sống của Ngài, nhưng Chúa Thánh Thần cũng dẫn dắt anh chị em đến với sự phục vụ anh chị em của mình, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất. Thật kinh khủng khi bạn tìm thấy những người truyền giáo mà lại bắt những người khác phải phục dịch họ và sống một cuộc sống thoải mái của kẻ được cung phụng. Họ giống như các hoàng tử truyền giáo - thật khủng khiếp.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày tính nhưng không như khía cạnh thứ ba của việc truyền giáo vì không ai có thể được cứu chuộc bằng chính những công đức của mình. Chúa nhắc nhở chúng ta, “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10: 8).

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Tất cả chúng ta đã được cứu rỗi cách nhưng không bởi Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta phải cho đi nhưng không. Những ai thực hiện công việc mục vụ truyền giáo phải học được điều đó. Cuộc sống của họ phải là nhưng không, phải được trao ban cho tha nhân trong sự phục vụ, trong những lời công bố phát sinh từ Chúa Thánh Thần. Sự thanh bần cá nhân của họ mở lòng họ ra với Thánh Linh Thiên Chúa.