Ngày 04-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục sinh 3/5/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 04/05/2020
Bài Ðọc I: Cv 2, 14a. 36-41
"Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Ðấng Kitô".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô".

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến". Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: "Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

"Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 10, 1-10

"Ta là cửa chuồng chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

Ðó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 04/05/2020

15. Thánh Giá có thể trói buộc người phú quý, khuất phục kẻ kiêu ngạo, hình phạt cho người ác, chiến thắng ma quỷ, đả phá địa ngục.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 04/05/2020
11. NGUYÊN VẬT Ở ĐÂY ĐỪNG ĐỘNG ĐẬY

Hòa thượng đi cạo đầu, thợ cạo đầu sẩy tay nên làm đứt tai hòa thượng máu chảy ướt áo, hòa thượng đau quá la oai oái.

Thợ cạo đầu lật đật nhặt cái tai bị cắt từ dưới đất lên, bưng hai tay trả lại cho hòa thượng, nói:

- “Sư phụ đừng vội, nguyên vật ở đây, đừng động đậy !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 11:

Có những người vì thù oán mà xua đàn gà qua làm hại hoa màu nơi vườn của người khác, rồi la lớn lên: tụi nó (đàn gà) đi kiếm ăn ở đâu thì mặc kệ nó không can gì đến tui; có người vì vô ý mà làm thương tổn đến người khác đã không chịu xin lỗi lại còn lớn tiếng nói: tui nói gì kệ tui mắc mớ gì đến ai !

Cố ý làm hại người khác và vô ý mà hại người khác thì hoàn toàn không giống nhau; cố ý thì tâm địa ác độc, vô ý thì tâm địa vô tư, nhưng ác độc hay vô tư thì cũng vẫn là gây thiệt hại cho người khác, cho nên nói lời xin lỗi và đền bù thiệt hại là hợp với tinh thần của Phúc Âm.

Có nhiều người Ki-tô hữu luôn suy tư và nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà quên mất rằng Thiên Chúa cũng là Đấng rất công bằng, sự công bằng này cũng to lớn như lòng nhân từ của Ngài vậy, do đó đừng có mà nghĩ rằng Thiên Chúa rất nhân từ để rồi coi thường sự công bằng của Ngài mà cứ phạm tội.

Hối không kịp đấy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích , 2
Vũ Văn An
00:41 04/05/2020
2. BẢN CHẤT ĐỐI THOẠI CỦA NHIỆM CỤC BÍ TÍCH CỨU RỖI

15. [Nhập đề: kế hoạch và mục tiêu]. Trong chương này, chúng ta thực hiện một cuộc đột nhập tổng quát 2 mặt nhằm biện phân tính hỗ tương hiện có giữa đức tin và các bí tích. Trong phần đầu tiên, chúng ta xem xét nhiệm cục thần linh, bằng cách khám phá trong đó một bản chất bí tích [11]. Điều này cho phép chúng ta đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về bí tích như một chiều kích cấu tạo ra nó. Việc bàn tới tính bí tích như vậy tự nó đòi hỏi việc đào sâu đức tin, do đó, làm nổi bật mối liên kết qua lại giữa đức tin và tính bí tích và, cụ thể hơn, cả giữa đức tin và các bí tích nữa. Chúng ta kết thúc phần này với một bản tóm lược các trục cấu thành nhiệm cục bí tích hết sức đặc trưng trong trình bầy của chúng ta. Điều này soi sáng, trước tiên, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích. Trong phần thứ hai, chúng ta tạm dừng lại để xem xét đức tin, một mặt, và các bí tích đức tin đúng nghĩa, mặt khác, tuy nhiên cho thấy, trong cả hai trường hợp, mối liên kết hiện hành mật thiết giữa đức tin và các bí tích. Đức tin được xếp đặt như một thành phần cấu tạo ra việc cử hành bí tích. Bản chất đối thoại của các bí tích kêu gọi một đức tin thỏa đáng trong việc cử hành chúng. Cả hai phần của chương này đều có một chiều hướng bổ sung cho nhau, giúp chúng ta trình bầy cả chiều rộng lẫn chiều sâu của tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích, với những hệ luận khác nhau. Chương này kết thúc bằng một kết luận ngắn gọn.

2.1. Thiên Chúa Ba Ngôi: Nguồn và cùng đích của nhiệm cục bí tích

a) Nền tảng Ba Ngôi của tính Bí tích

16. [Tính bí tích: khái niệm]. Thuộc luận lý học bí tích là mối tương quan qua lại không thể tách biệt giữa một thực tại quan trọng, với một chiều kích hữu hình bên ngoài, tức nhân tính toàn diện của Chúa Kitô, và một ý nghĩa nữa có đặc tính siêu nhiên, vô hình, có sức thánh hóa, tức thần tính của Chúa Kitô [12]. Khi chúng ta nói tới tính bí tích, chúng ta có ý nói đến mối tương quan không thể tách rời này, theo cách biểu tượng bí tích chứa đựng và thông truyền thực tại được biểu tượng. Điều này giả thiết: mọi thực tại bí tích đều bao gồm trong chính nó một mối tương quan không thể tách rời với Chúa Kitô, nguồn cứu rỗi, và với Giáo hội, kho chứa và phân phát ơn cứu rỗi của Chúa Kitô.

17. [Thiên Chúa Ba Ngôi: nguồn gốc]. Sự hiểu biết luận lý học bí tích đòi có sự hiểu biết về cách thức hoạt động của nhiệm cục cứu rỗi, vốn xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, tức sự hiệp thông của những ngôi vị khác biệt nhau trong sự hợp nhất của một bản thể thần linh duy nhất, và từ việc phập thể đầy cứu chuộc, trong đó Ngôi Lời vĩnh cửu, trong khi không gây hại gì cho thần tính không giới hạn của Người, mặc lấy nhân tính của chúng ta với tất cả mọi hậu quả của nó. Khuôn khổ này khẳng định rõ ràng sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời được Chúa Cha sai đến, Đấng đã nhập thể từ Đức Trinh Nữ Maria bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Cuộc gặp gỡ với nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Thánh Thần xức dầu để thi hành sứ mệnh công khai của Người, nhờ đức tin, là một cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời nhập thể. Chính với những chìa khóa này, chúng ta hiểu được làm thế nào một lời ta cảm thấy, có tính bí tích, được con người chúng ta tri nhận được, đồng thời lại là lời chân thật của Thiên Chúa. Con người phàm nhân chỉ có khả năng tri nhận, trải nghiệm và truyền đạt theo cách “con người”, cả để có thể bước vào mối tương quan với Thiên Chúa. Làm thế nào các dấu hiệu bí tích hoặc những lời thánh thiêng của Kinh thánh không chỉ là những sáng tạo của con người mà còn chứa đựng sự hiện diện của chính Thiên Chúa? Để có được sự truyền đạt thực sự, việc gửi một sứ điệp là điều không đủ; còn cần có sự tiếp nhận nữa. Nếu Thiên Chúa Cha đã nói chuyện với chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô và không ai từng nghe được sứ điệp (đức tin) của Người, thì sự thông đạt giữa Thiên Chúa và nhân loại sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, theo lời chứng của Tân Ước, bất cứ ai bước vào mối tương quan với con người Giêsu đều có tương quan với chính Thiên Chúa, với Ngôi Lời nhập thể. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động theo cách Lời của Thiên Chúa, dù bị giới hạn bởi nhân tính của Chúa Giêsu, vẫn được các tín hữu tri nhận là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô thành Nazianzus đã phát biểu thực tại này như sau: "Từ ánh sáng là Chúa Cha, chúng ta hiểu Chúa Con trong ánh sáng, điều này hiện hữu trong Chúa Thánh Thần". Và ngài nói thêm: "[đó là nền] thần học ngắn gọn và đơn giản về Thiên Chúa Ba Ngôi” [13].

18. [Đức tin như một tiếp nhận mặc khải bí tích trong đối thoại]. Do đó, không những có việc không thể tách rời nhân tính của Chúa Giêsu với Lời của Thiên Chúa, mà còn có việc các tín hữu tiếp nhận (đức tin) Lời này như là thần linh nhờ sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Luận lý học bí tích nằm ở chính đó, nhờ thế, chính Thiên Chúa tự hiến mình Người trong các bí tích. Tính bí tích đệ nhất đẳng của Chúa Giêsu Kitô, một tính bí tích xuất phát từ Giáo hội và tính bí tích của bảy bí tích được đặt cơ sở trên đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Chỉ khi nào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, Người mới có thể mặc khải cho chúng ta bộ mặt của Thiên Chúa. Nhưng trong trường hợp này, hiệp thông bí tích với Chúa Giêsu Kitô là hiệp thông bí tích với Thiên Chúa. Nếu Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa thật, thì Người có thể mở lòng chúng ta đón nhận Thiên Chúa và dẫn chúng ta vào sự sống thần linh qua các dấu chỉ bí tích [14].

19. [Triển khai tính bí tích]. Vì sự mặc khải xảy ra theo cách bí tích, nên yếu tố bí tích phải thẩm thấu vào mọi hiện hữu tin và chính đức tin. Thực thế, tính bí tích của mặc khải, của ơn thánh và của Giáo hội được tiếp theo sau bởi tính bí tích của đức tin, hiểu như một việc chào đón và đáp lại sự mặc khải này (DV 5). Đức tin được phát sinh, được vun đắp, lớn lên và tự phát biểu trong tính bí tích, trong cuộc gặp gỡ đó với Thiên Chúa hằng sống qua các phương tiện nhờ đó Người tự ban chính mình Người. Như vậy, tính bí tích là nhà của đức tin. Nhưng trong tính năng động này, đức tin cũng tự tỏ mình như cánh cửa (xem Công vụ 14:27) để tiếp cận thể bí tích: để gặp gỡ và tương quan với Thiên Chúa Kitô trong sáng thế, trong lịch sử, trong Giáo hội, trong Kinh thánh [15], trong các bí tích. Không có đức tin, các biểu tượng của bản chất bí tích không hiện thực hóa được ý nghĩa của chúng, chúng hoàn toàn câm lặng. Tính bí tích ngụ ý sự thông đạt và sự hiệp thông bản vị giữa Thiên Chúa và tín hữu qua Giáo hội và các trung gian bí tích.

20. [Tương quan qua lại của tính bí tích với nhân học]. Con người là một tinh thần nhập thể [16]. Con người chúng ta không chỉ là vật chất vô tri vô giác hay tinh thần không có thân xác như thiên thần. Điều xác định chính xác nhất cho chúng ta là sự kết hợp bổ sung giữa thân xác - vật chất, hữu hình và tinh thần-không thân xác, vốn không tách rời khỏi vật chất và được biết đến nhờ vật chất. Trường hợp khuôn mặt bản thân, vốn là biểu thức của một thân xác vật chất, nói lên một cách tuyệt vời sự kết hợp này giữa hữu thể vật chất của chúng ta, tức khuôn mặt, và thực tại tinh thần, tức trạng thái của tâm trí và nhân dạng bản thân. Khuôn mặt phát biểu toàn bộ con người. Cấu trúc bí tích của mặc khải thần linh nhắc nhớ thực tại chân thực nhất của chúng ta [17]. Nó rất ăn khớp với hữu thể căn để nhất của chúng ta, tức năng lực và cách chúng ta tương quan lại với nhau trong các chiều kích thông đạt sâu xa nhất. Những cuộc gặp gỡ sâu sắc nhất giữa những con người nhân bản luôn có tính chất liên bản vị trong bản chất. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tham dự vào bản chất này: đó là cuộc gặp gỡ bản vị với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tự tỏ mình ra trong Kinh thánh, trong Giáo hội và trong các dấu bí tích.

21. [Tính bí tích của Đức tin]. “Tính bí tích của đức tin”, xét về mặt căn bản, lặp lại những gì đã được nói về đức tin Kitô giáo, bởi vì trọn đức tin Kitô giáo là đức tin bí tích nhờ sự trung gian của Giáo hội khi chúng ta hành hương về quê hương thiên đàng. Đức tin là việc tiếp nhận và đáp ứng sự mặc khải bí tích của Thiên Chúa; và đức tin tự phát biểu và nuôi dưỡng chính nó một cách bí tích, không thể không làm như vậy để trở thành một đức tin Kitô giáo thực sự. Từ quan điểm này, các bí tích, về mặt căn bản, được hiểu như một hành vi đức tin của giáo hội. Đức tin của Giáo hội đi trước, tạo ra, duy trì và nuôi dưỡng đức tin của Kitô hữu. Về phần nó, đức tin không xa lạ với bí tích, nhưng được cấu thành trong chính bản chất của nó bằng sự thấm đượm và luận lý học bí tích. Do đó, trong mối tương quan giữa đức tin và các bí tích, hai yếu tố cùng bước vào hành động một cách hết sức hỗ tương: các bí tích, vốn giả thiết và nuôi dưỡng đức tin bản thân và đức tin giáo hội; và sự phát biểu đức tin cần thiết bằng bí tích. Các bí tích, do đó, được cấu hình như một loại biểu tượng truy niệm (anamnestic) nhằm cập nhật và làm cho đức tin hiển thị.

b) Tính bí tích của sáng thế và lịch sử

22. [Thiên Chúa Đấng Tạo Thế]. Theo chứng tá Kinh Thánh, sáng thế (xem St 1-2) là bước đầu tiên của nhiệm cục thần linh. Kitô giáo chủ trương đặc tính tự do của sáng thế. Thiên Chúa không sáng tạo vì cần thiết hoặc thiếu một điều gì đó, vì nếu như thế, Người đâu còn là Thiên Chúa nữa; nhưng chỉ vì tình yêu dư tràn mà Người vốn là, để phân phát ơn ích của nó cho những hữu thể có khả năng tiếp nhận chúng và đáp ứng bằng một luận lý học yêu đương vốn chủ trì trên sáng thế [18].

23. [Tính bí tích của sáng thế]. Chúa Cha thực hiện thiết kế sáng tạo qua Ngôi Lời và Ngôi Thánh Thần. Vì lý do này, chính sáng thế cũng chứa đựng dấu vết được định hình bởi Ngôi Lời và được Ngôi Thánh Thần hướng dẫn đến chỗ viên mãn trong cùng một Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa định hình dấu ấn của Người lên sáng thế, nên thần học đã nói tới một "tính bí tích của sáng thế" nào đó, theo nghĩa loại suy, miễn là, trong chính nó, trong hữu thể cấu thành tạo vật của chính nó, có sự qui chiếu tới Đấng tạo ra nó (xem Kn 13: 1-9; Rm 1: 19-20; Cv 14: 15-17; 17: 27-28), một điều cho phép nó sau đó được nâng cao và thành toàn trong công trình cứu chuộc mà không có sự áp đặt miễn cưỡng từ bên ngoài. Theo nghĩa này, người ta nói nó là cuốn sách thiên nhiên [19].

24. [Con người: Các đáp trả đối với Thiên Chúa]. Trong sáng thế hữu hình, con người nổi bật vì đã được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (St 1:26). Thánh Phaolô nhấn mạnh chiều kích Kitô học của hình ảnh này: chính Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1:15; 2 Cr 4: 4), vì Ađam đầu tiên là hình tượng của Đấng sắp tới (xem Rm 5:14). Điều này làm cho con người trở thành một hữu thể trong đó việc Thiên Chúa tự hiến mình Người trong sáng thế có thể tìm được một đáp ứng bản vị và tự do. Vì, trong hình ảnh của Thiên Chúa, con người càng thể hiện một cách thâm hậu chính hữu thể (bản sắc) của mình, họ càng tự hiến chính mình trong mối tương quan yêu đương (tính hướng về người khác).

25. Thực tại phong phú của con người nhân bản như imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa) bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó, nhờ giống Thiên Chúa, khả năng đáp ứng Thiên Chúa được nêu bật, vì được đồng hóa hữu thể mình với hữu thể thần linh [20]. Trong số các khía cạnh này, việc hiệp thông và phục vụ là những điều nổi bật [21]. Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi, trong yếu tính, là mối tương quan hiệp thông và liên bản vị, thì con người nhân bản, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, đã được tạo ra để sống trong hiệp thông và mối tương quan liên bản vị. Điều này đã được phát biểu một cách tuyệt vời trong sự khác biệt giới tính: "Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của chính Người, trong hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã tạo ra họ, Người đã tạo ra họ có nam có nữ " (St 1:27). Do đó, con người nhân bản đạt được hữu thể riêng của mình khi họ triển khai tính tương quan và khả năng hiệp thông của họ: với những con người nhân bản khác, với sáng thế và với Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu Kitô, việc thực hiện năng động tính này của hiệp thông và tương quan tỏa sáng trong sự viên mãn của nó. Cuộc sống hiếu thảo được tỏ hiện nơi họ biểu lộ chiều cao trong ơn gọi nhân bản (x. GS 10, 22, 41).

26. Là một sinh vật có tương quan được tạo ra để hiệp thông, con người nhân bản có thể được định nghĩa bằng ngôn ngữ. Bây giờ, ngôn ngữ là một thực tại thuộc trật tự biểu tượng, một trật tự, một mặt, chỉ rõ việc phát biểu thực tại tự nó là gì (sáng thế của Thiên Chúa), và mặt khác, chỉ rõ việc thông đạt liên bản vị (hiệp thông). Là một hữu thể biểu tượng, được tạo ra giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người đạt tới thực tại chân thực nhất của mình khi họ lồng việc hiện thực hữu thể mình vào phạm vi chuyên biệt của phát biểu tượng trưng, trong đó, trọn sự phong phú của hữu thể họ được khai triển: như một hữu thể tạo dựng, như một hữu thể liên bản vị và như một hữu thể được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Một cách trung thực và hữu hiệu, các bí tích tập hợp, diễn tả, phát triển và củng cố khuôn khổ phong phú này.

27. Như một dấu hiệu hùng hồn chỉ phẩm giá và tình bạn của mình với Thiên Chúa, con người cũng có nhiệm vụ thi hành việc ủy quyền cai quản sáng thế (St 2:15; xem 1:28; Kn 9: 2), đặt tên cho tất cả các tạo vật khác (St 2: 19-20) và chăm sóc chúng theo kế hoạch của Thiên Chúa [22]. Vì lý do này, hoạt động của con người trên thế giới hướng tới việc tôn vinh Thiên Chúa, thừa nhận trong đó dấu ấn của Đấng Tạo Hóa (x. GS 34). Theo cách này, con người nhân bản dẫn dắt sáng thế thông qua một loại "chức linh mục vũ trụ" hướng tới mục đích thực sự của nó: biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa.

28. [Tính bí tích của lịch sử]. Ý Thiên Chúa ước ao thông truyền các ơn phúc của Người không bị hạn chế ở việc để lại dấu ấn tình yêu của Người trong sáng thế. Câu chuyện dân Israel như một toàn thể có thể được coi một cách thích đáng như một câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Trong lịch sử này, một số biến cố đặc biệt nổi bật, dự kiến các khía cạnh chủ yếu, cho thấy mối tương quan bí tích của Thiên Chúa với dân của Người, mối tương quan sẽ đạt đến đỉnh cao nơi Chúa Kitô. Trong tất cả các biến cố này, có việc có thể tri nhận một cách hữu hình cách thức Thiên Chúa liên hệ với dân của Người, ban ơn thánh cho họ. Do đó, một loại ngữ pháp đầu tiên cho việc cấu thành ngôn ngữ bí tích Sensu stricto (theo nghĩa hẹp) sau này đã được phát hiện trong chúng. Trong số những biến cố này, những biến cố có thể được chúng ta đọc một cách bí tích, ta thấy: việc chọn Ápraham, Đavít và dân Do Thái, và hồng phúc Lề Luật, vốn sẽ trở thành nền tảng của mọi ngôn từ bí tích; nhiều liên minh, trong một thiết kế thần linh duy nhất, trong đó một mối tương quan mới được thiết lập giữa Thiên Chúa và nhân loại, và trong đó, tính bí tích hoạt động một cách đặc biệt; việc giải phóng Dân Do Thái khỏi Ai Cập, việc lưu đầy và trở về Giêrusalem, trong đó, ơn cứu rỗi tương lai của Chúa Kitô được dự đoán một cách mới mẻ, khi chức năng bí tích của Giáo hội được trình bầy bằng hình tượng (Typos=tiên trưng); sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người trong Nhà tạm và trong Đền thờ, một sự hiện diện sẽ nhận được một nồng độ đặc biệt nơi Chúa Kitô và các bí tích Kitô giáo. Israel sẽ ghi nhớ và hiện thực hóa nồng độ hiện diện này của Thiên Chúa qua các nghi thức thờ phượng khác nhau (thí dụ: các hy lễ), các dấu hiệu thánh thiêng (thí dụ: cắt bì) và ngày lễ (thí dụ, Lễ Vượt Qua), luôn được soi sáng bằng việc đọc Lời Chúa. Thần học Kitô giáo gọi các thực tại này là các bí tích của Luật cũ và gán cho chúng một đặc tính cứu rỗi bằng cách qui chiếu chúng vào Chúa Kitô [23] và theo tỷ lệ với đức tin của những người cử hành chúng (ex opere operantis). Do đó, người ta phát hiện ra rằng chính lịch sử cứu rỗi cũng đã có tính chất bí tích nào đó rồi [24]. Thông qua các biến cố lịch sử, các dấu hiệu và lời nói, liên kết chặt chẽ với nhau, chính Thiên Chúa đến gần với dân Người và truyền đạt cho họ ý chí, tình yêu, sự sủng ái của Người, cùng một lúc với việc Người chỉ cho họ thấy con đường làm bạn với Thiên Chúa và cuộc sống chân thật nhất của con người.

29. [Tội lỗi]. Trong suốt lịch sử, nhiều tín hữu của mọi thời đại đã sống trong tình bạn với Thiên Chúa, chấp nhận hồng phúc của Người và đáp lại một cách quảng đại lòng thương xót và lòng trung thành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều cũng đúng là, bất chấp sự nài nỉ của Thiên Chúa, con người không phải lúc nào cũng chấp nhận lời đề nghị yêu thương này. Ngay từ đầu, không những có cơn cám dỗ bỏ qua con đường tình bạn với Thiên Chúa, như là phương tiện tốt nhất để thể hiện điều thực sự con người là, mà cả lời đề nghị của Người cũng bị bác bỏ (St 3). Lịch sử Israel và lịch sử của nhân loại, có thể được hiểu như một cuộc tìm cách háo hức để Thiên Chúa tái chinh phục tình bạn thân thiết với con người khi nó bị đánh mất (xem: Edk 16). Từ điều này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc này: nhiều dấu hiệu văn hóa trong trật tự cứu độ của Cựu Ước chứa đựng ý nghĩa của đền tội hoặc hòa giải với Thiên Chúa (thí dụ: lễ thanh tẩy chay, lễ hiến sinh).

Kỳ sau: c) Nhập thể: Trung tâm, đỉnh cao và chìa khóa dẫn vào nhiệm cục bí tích
 
Thánh lễ tại Santa Marta 4/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện sao cho các gia đình có hòa bình và Giáo Hội có sự hiệp nhất
Đặng Tự Do
01:05 04/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Hai 4 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong những ngày qua, báo chí tại Ý nói nhiều đến vấn đề bạo lực trong gia đình, các cuộc gây gỗ vì tình trạng cô lập làm gia tăng các căng thẳng trong gia đình xuất phát từ các âu lo về kinh tế, dịch bệnh, những thay đổi về thói quen…Tình hình này xuất hiện tại hầu như khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu là tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tù nhân được tha bổng để tránh tình trạng lây lan trong các nhà tù đã giết chết đứa con ruột mới 9 tuổi của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra khỏi nhà giam.

Chính vì thế, trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cách riêng các gia đình có hòa bình và rộng lớn hơn cho Giáo Hội có sự hiệp nhất.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình ngày hôm nay: trong thời gian cách ly này, gia đình phải đóng cửa ở nhà, cầu xin cho họ cố gắng làm nhiều điều mới, nhiều sáng tạo với trẻ em, với mọi người, để tiếp tục sống theo thánh ý Chúa; đặc biệt là tránh vấn đề bạo lực gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình tiếp tục sống chung hòa bình với sự sáng tạo và kiên nhẫn trong thời gian cách ly này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư về Bài Đọc Một hôm nay trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 11: 1-18), trong đó Phêrô, bị các anh em của mình quở trách ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ. Trong Tin Mừng (Ga 10: 11-18) Chúa Giêsu nói rằng Ngài còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Chúa Giêsu cũng phải đưa chúng về chung một đàn chiên.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Khi Thánh Phêrô đi lên Giêrusalem, các tín hữu trách ngài vì đã vào nhà của những người không chịu cắt bì và cùng ăn với họ, với những kẻ ngoại đạo: điều đó là không thể, đó là một tội lỗi. Sự tinh khiết của pháp luật đã không cho phép điều này. Nhưng Thánh Phêrô đã làm điều đó bởi vì đó là Thần Khí Chúa đưa thánh nhân đến đó. Chuyện trách móc như thế luôn có trong Giáo hội, đặc biệt là trong Giáo hội sơ khai, bởi vì mọi sự không rõ ràng – có một não trạng rất thịnh hành cho rằng “chúng ta là người công chính, những kẻ khác là những kẻ tội lỗi”. Những từ ngữ “chúng ta” và “những người khác” tạo ra những chia rẽ. “Chúng ta có ưu thế trước mặt Chúa”. Còn “những người khác” là những người “bị kết án”. Và đây là một căn bệnh của Giáo hội, một căn bệnh phát sinh từ ý thức hệ hoặc từ não trạng phe phái trong tôn giáo. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này là vào thời Chúa Giêsu, ít nhất là đã có bốn phe phái tôn giáo: phe của người Pharisêu, phe của người Sađốc, phe của những người quá khích và phe của người Essen, và mỗi phe giải thích lề luật theo ý tưởng riêng của mình, theo các cảm giác rất trần tục của mình. Chúa Giêsu đã từng bị khiển trách vì vào nhà của những người thu thuế - những người, mà theo họ là những kẻ tội lỗi, và thậm chí Ngài còn dám ăn uống với họ, với những người tội lỗi, bởi vì sự trong sạch về luật pháp không cho phép điều đó và Ngài đã không rửa tay trước bữa trưa. Nhưng những lời trách móc luôn luôn tạo nên sự chia rẽ: đây là điều quan trọng, mà tôi muốn nhấn mạnh.

Có những ý tưởng, những quan điểm tạo nên sự chia rẽ, đến mức sự chia rẽ đó trở nên quan trọng hơn cả sự hiệp nhất. Ý tưởng của tôi quan trọng hơn những gì Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Có một vị Hồng Y về hưu đang sống ở đây, tại Vatican này. Ngài là một mục tử tốt lành, thường nói với các tín hữu rằng: “Anh chị em có biết rằng Giáo Hội cũng giống như một dòng sông không? Một số phần có thể quan trọng hơn những phần này, phần khác nhưng điều quan trọng là mọi người đều ở bên trong cùng một dòng sông”. Đây là sự hiệp nhất của Giáo hội. Không có ai bên ngoài, mọi thứ bên trong. Cũng có những đặc thù khác biệt: nhưng những điều ấy không thể gây chia rẽ, không phải là ý thức hệ. Những điều như thế là hợp pháp. Nhưng tại sao Giáo hội lại có chiều rộng của dòng sông? Thưa: Đó là vì Chúa rất muốn điều đó.

Trong bài Tin Mừng này, Chúa cho chúng ta biết: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Chúa nói: “Tôi có chiên ở khắp mọi nơi và tôi là mục tử của tất cả”. Cụm từ “tất cả” trong câu nói của Chúa Giêsu rất quan trọng. Hãy nghĩ đến dụ ngôn về tiệc cưới, khi các vị khách được mời đã không muốn đến đó: một ông vì mới mua ruộng, ông khác mới lập gia đình... tất cả mọi người đều lý do để không đi. Và chủ tiệc cưới đã tức giận và nói: “Hãy đi đến ngã tư đường và đưa mọi người đến bàn tiệc. Tất cả, lớn nhỏ, giàu nghèo, tốt xấu, mời hết. Tất cả. Cái “tất cả” này cách nào đó phản ảnh viễn kiến của Chúa, Đấng đã xuống thế làm người vì tất cả và đã chết cho tất cả. “Nhưng liệu ngài có chết cho tên bất lương là kẻ đã làm cho cuộc sống của tôi vô cùng khốn khổ như thế này không?” Chúa Giêsu cũng chết vì kẻ ấy. “Còn tên cướp đó thì sao?” Chúa Giêsu cũng đã chết vì tên cướp ấy. Ngài chết cho tất cả mọi người, cho cả những người không tin vào Người, và cả những người thuộc về các tôn giáo khác: Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Người đã chết cho mọi người, để công chính hóa tất cả mọi người.

Chúng ta chỉ có một Đấng Cứu chuộc, chỉ có một sự hiệp nhất: Chúa Kitô đã chết cho tất cả. Có một sự cám dỗ chia rẽ mà ngay cả Thánh Phaolô cũng phải chịu đựng điều đó: “Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô”, và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông Apôlô”. Chúng ta cũng nghĩ về chúng ta, năm mươi năm trước, sau Công đồng có những chia rẽ mà Giáo hội phải chịu đựng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều. Đó là sự trách móc của Dân Chúa đối với Phêrô vì ông đã vào nhà của những người ngoại giáo. Điều thứ hai là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta Ngài có chiên ở khắp mọi nơi và Ngài là mục tử của tất cả khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Đó là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người, bởi vì tất cả những người nam nữ, tất cả chúng ta đều cùng thuộc về một Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tâm lý chia rẽ, bè phái và giúp chúng ta thấy điều tuyệt vời này của Chúa Giêsu, đó là trong Người, tất cả chúng ta là anh em và Người là Mục Tử của tất cả chúng ta. Cầu mong sao cho cụm từ “Mọi người, tất cả mọi người!” đồng hành với anh chị em trong ngày hôm nay.


Source:Vatican News
 
Những nhận định chung quanh cuốn tiểu sử Cuộc Đời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16
J.B. Đặng Minh An dịch
15:43 04/05/2020


Hôm thứ Hai 4 tháng Năm, nhà xuất bản Droemer Knaur đã cho ra mắt cuốn “Benedikt XVI - Ein Leben”- “Cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16”. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài nhận định sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Xã hội hiện đại đang hình thành một “tín ngưỡng bài Kitô” và trừng phạt những ai chống lại nó bằng một thứ “vạ tuyệt thông xã hội”. Đức Bênêđíctô XVI đã nói như trên trong một cuốn tiểu sử mới, xuất bản ở Đức hôm thứ Hai 4 tháng Năm.

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề ở phần cuối của cuốn sách dầy 1,184 trang, được viết bởi tác giả người Đức Peter Seewald, Đức Giáo Hoàng danh dự nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo Hội là một “chế độ độc tài trên toàn thế giới với các ý thức hệ có vẻ là chủ nghĩa nhân văn.”

Đức Bênêđíctô XVI, thoái vị vào năm 2013, đưa ra nhận định trên để đáp lại một câu hỏi về những gì ngài muốn nói trong lễ nhậm chức sứ vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh vào năm 2005, khi ngài kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho ngài “để tôi có thể không chạy trốn vì sợ những con sói.”

Ngài nói với Seewald rằng ngài đã không đề cập đến các vấn đề trong nội bộ Giáo Hội, chẳng hạn như vụ tai tiếng “Vatileaks”, dẫn đến phán quyết đối với người quản gia của ngài, là Paolo Gabriele, vì tội ăn cắp tài liệu mật của Vatican.

Trong một bản xem trước của cuốn “Benedikt XVI - Ein Leben”, nghĩa là “Cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16”, được gởi đến Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói: “Tất nhiên, các vấn đề như ‘Vatileaks’ đang được thổi phồng và trên hết, là không thể hiểu được và gây hoang mang cho người dân trong thế giới rộng lớn.”

“Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với Giáo Hội, và do đó đối với sứ vụ Phêrô không hệ tại ở những chuyện như thế, nhưng hệ tại ở chế độ độc tài trên toàn thế giới của các ý thức hệ có vẻ là chủ nghĩa nhân văn, mà bất cứ sự phản kháng nào với chúng đều tạo thành một loại trừ khỏi sự đồng thuận cơ bản của xã hội.”

Ngài giải thích thêm như sau: “Một trăm năm trước đây, tất cả mọi người đều nghĩ rằng thật là nực cười khi nói về hôn nhân đồng tính. Ngày nay, bất cứ ai phản đối nó đều bị xã hội loại trừ. Điều tương tự cũng áp dụng cho phá thai và việc sản xuất con người trong phòng thí nghiệm.”

“Xã hội hiện đại đang trong tiến trình xây dựng một ‘tín ngưỡng bài Kitô giáo’, và chống lại nó sẽ bị trừng phạt bởi vạ tuyệt thông xã hội. Do đó, nỗi sợ hãi về sức mạnh tâm linh này của chủ nghĩa bài Kitô là rất tự nhiên, và nó thực sự cần những lời cầu nguyện của cả một giáo phận và cả Giáo Hội hoàn vũ để chống lại nó.”

Cuốn tiểu sử mới, được phát hành bởi nhà xuất bản Droemer Knaur có trụ sở tại Munich, chỉ mới có bản tiếng Đức. Bản dịch tiếng Anh, nhan đề “Benedict XVI, The Biography: Volume One,” sẽ được công bố tại Mỹ vào ngày 17 Tháng Mười Một.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng danh dự 93 tuổi xác nhận rằng ngài đã viết một bản di chúc tâm linh, có thể được công bố sau khi ngài qua đời, như trong trường hợp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Bênêđíctô nói rằng ngài đã đẩy nhanh án tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô II vì “mong muốn rõ ràng của các tín hữu” cũng như vì các gương sáng nhân đức anh hùng của vị Giáo Hoàng người Ba Lan, là người mà ngài đã làm việc chặt chẽ trong hơn hai thập kỷ ở Rôma.

Ngài nhấn mạnh rằng việc thoái vị của ngài “hoàn toàn không có liên quan” gì đối với các diễn biến liên quan đến Paolo Gabriele, và giải thích rằng chuyến thăm năm 2010 của mình đến lăng mộ Đức Giáo Hoàng Celestine Đệ Ngũ, là vị Giáo Hoàng cuối cùng thoái vị trước Đức Bênêđíctô XVI, chỉ là “trùng hợp ngẫu nhiên”. Ngài cũng bảo vệ danh hiệu ‘danh dự’ cho một vị giáo hoàng nghỉ hưu.

Đức Bênêđíctô XVI than thở về phản ứng trước những bình luận công khai khác nhau của mình kể từ khi ngài thoái vị, chẳng hạn như những lời chỉ trích về điếu văn của ngài được đọc tại tang lễ của Đức Hồng Y Joachim Meisner vào năm 2017, trong đó ngài nói rằng Chúa sẽ ngăn cản không để con tàu của Giáo Hội bị lật. Ngài giải thích rằng những lời của ngài đã “được lấy gần như từng chữ một trong bài giảng của Thánh Grêgôriô Cả.”

Seewald đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng danh dự bình luận về “dubia” do bốn Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y Meisner, gởi cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016 liên quan đến việc giải thích của Tông huấn Amoris Laetitia.

Đức Bênêđíctô nói rằng ngài không muốn bình luận trực tiếp về vấn đề này, nhưng ai muốn hiểu ý kiến của ngài có thể tham khảo nội dung bài huấn đức trong buổi triều yết chung cuối cùng của ngài, vào ngày 27 tháng Hai năm 2013.

Tóm tắt thông điệp của mình ngày hôm đó, Đức Bênêđíctô nói: “Trong Giáo Hội, giữa tất cả những vất vả của nhân loại và sức mạnh khó hiểu của tinh thần ma quỷ, ta sẽ luôn luôn có thể phân định được đâu là sức mạnh tinh tế xuất phát từ sự tốt lành của Thiên Chúa.”

“Bóng tối của các giai đoạn lịch sử liên tiếp sẽ luôn luôn ngăn trở niềm vui thuần khiết được trở nên Kitô hữu. Nhưng luôn có những khoảnh khắc trong Giáo Hội và trong đời sống cá nhân Kitô hữu, trong đó ta cảm thấy sâu sắc rằng Chúa yêu thương chúng ta, và tình yêu này là niềm vui, là ‘hạnh phúc’”.

Đức Bênêđíctô nói rằng ngài trân trọng ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Đức Tân Giáo hoàng tại Castel Gandolfo và tình bạn cá nhân của ngài với người kế vị đã tiếp tục phát triển.

Tác giả Peter Seewald đã thực hiện bốn cuộc phỏng vấn dài được viết thành sách với Đức Bênêđíctô XVI. Cuốn đầu tiên, “Salt of the Earth,” – “Muối cho đời”, được xuất bản vào năm 1997, khi vị Giáo hoàng tương lai đang là Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tiếp theo là cuốn “God and the World” – “Thiên Chúa và thế giới” vào năm 2002, và “Light of the World” - “Ánh sáng thế gian”, vào năm 2010.

Năm 2016, Seewald đã xuất bản cuốn “Last Testament” – “Giao ước cuối”, trong đó Đức Bênêđíctô XVI trình bày các suy tư trên quyết định thoái vị của ngài.

Nhà xuất bản Droemer Knaur nói rằng Seewald đã dành nhiều giờ để nói chuyện với Đức Bênêđíctô về cuốn sách mới, cũng như nói chuyện với anh trai của ngài, là Đức Ông Georg Ratzinger và thư ký riêng của ngài, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein.

Trong một cuộc phỏng vấn với Die Tagespost ngày 30 tháng 4, Seewald nói rằng ngài đã cho vị Giáo Hoàng danh dự xem một vài chương của cuốn sách trước khi xuất bản. Đức Bênêđíctô XVI đã ca ngợi chương nói về thông điệp “Mit brennender Sorge” – “Với mối quan tâm cháy bỏng”, công bố năm 1937 của Đức Giáo Hoàng Piô thứ XI.


Source:Catholic News Agency
 
Chúa nhật 31/05 : Các nhà thờ tại Pháp sẽ cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lê Đình Thông
15:50 04/05/2020
Chúa Nhật 31/05 : Các nhà thờ tại Pháp sẽ cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Các thánh đường trên nước Pháp sẽ cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào Chúa Nhật 31/05/2020. Trong cuộc điều trần trước các thượng nghị sĩ vào sáng nay (04/05), thủ tướng Édouard Philippe đã cho biết như vậy. Quyết định này được đưa ra sau cuộc trao đổi điện thoại giữa Đức TGM de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, và Tổng trưởng Nội vụ Christophe Castaner.

Trong diễn đàn ‘‘Tự do Thờ phượng’’ của nhật báo Le Figaro, 67 nghị sĩ, dân biểu cho rằng tự do thờ phượng là quyền tự do căn bản, dường như chính phủ đã lãng quên.

Hội đồng Giám mục Pháp cho biết kể từ 31/05/2020, việc cử hành thánh lễ sẽ tuân theo các quy định y tế hiện hành : trong nhà thờ, mỗi tín hữu ngồi cách nhau 1 mét; trên mặt đất sẽ có các đường kẻ hướng dẫn. Mỗi thánh lễ chỉ có 1/3 giáo dân dự lễ.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được cử hành vào ngày thứ năm mươi, tính từ lễ Phục sinh. Tên hy lạp là πεντηκοστὴ ἡμέρα (tiếng Pháp : Pentecôte - tiếng Anh : Pentecost) có nghĩa là ngày thứ 50, nên cũng được là lễ Ngũ Tuần.

Lê Đình Thông
 
Kim Chính Ân tái xuất hiện
Đặng Tự Do
16:40 04/05/2020
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân vừa tái xuất hiện sau 3 tuần vắng bóng để tham dự lễ khánh thành nhà máy phân bón ở Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng. KCNA, cơ quan truyền thông của Bắc Triều Tiên cho biết như trên, phá vỡ sự im lặng về số phận và sức khỏe của Kim.

Những hình ảnh trong sự kiện này cho thấy Kim đang mỉm cười, trong trang phục Mao-ít, cắt một dải ruy băng đỏ trong lễ khánh thành. Tất cả những công nhân viên chức tham gia trong buổi lễ đều đeo khẩu trang y tế nhưng Kim và những thành viên cao cấp khác thì không.

Bên cạnh Kim là em gái Kim Dữ Chính hay còn gọi là Kim Yo-jong, được nhiều người coi là người kế vị được chỉ định của Kim Chính Ân trong trường hợp anh ta tử vong.

Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của Kim Chính Ân kể từ ngày 11 tháng 4. Sự vắng mặt của anh ta trong lễ kỷ niệm sinh nhật của ông nội Kim Nhật Thành đã gây ra những suy đoán về sức khỏe của anh ta. Một hãng tin Nam Hàn, và sau đó là CNN, thậm chí đã báo cáo rằng anh ta bị bệnh nặng, gần như sắp chết.

Ba nguồn tin của các quan sát viên thạo tin về quốc gia này cho biết Trung Quốc đã phái một nhóm các chuyên gia y tế tới Bắc Hàn để tư vấn cho Kim Chính Ân.

Kim Chính Ân là thế hệ thứ ba lên nắm quyền sau cái chết của cha mình vào năm 2011, theo kiểu cha truyền con nối. Việc Kim không có người kế vị rõ ràng ở một quốc gia vũ trang hạt nhân có thể gây ra các rủi ro quốc tế rất lớn.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá thấp các báo cáo cho rằng Kim đang trong tình trạng nguy tử. “Tôi cho rằng các báo cáo như thế không chính xác,” ông Trump nói với các phóng viên, nhưng từ chối cho biết có phải ông đã liên lạc với các quan chức Bắc Hàn hay không.

Tổng thống Trump đã gặp Kim ba lần trong nỗ lực thuyết phục ông từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa nước Mỹ cũng như các nước láng giềng châu Á. Dù các cuộc đàm phán bị đình trệ, tổng thống vẫn thường đề cập đến Kim như một người bạn.

Hôm thứ Hai, Daily NK, một trang web có trụ sở tại Hán Thành chuyên đưa tin về Bắc Hàn, đã trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Kim đã trải qua điều trị y tế tại khu nghỉ mát Hương Sơn, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Daily NK cho rằng Kim đã hồi phục sau khi trải qua một cuộc giải phẩu tim mạch vào ngày 12 tháng Tư.

Kim, được báo cáo đang ở độ tuổi 36, đã biến mất trên các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn từ 11 tháng Tư. Vào năm 2014, anh ta đã biến mất hơn một tháng và truyền hình nhà nước Bắc Hàn sau đó cho thấy anh ta đi khập khiễng.

Suy đoán về sức khỏe của Kim thường thấy trên các phương tiện truyền thông vì anh ta hút thuốc nhiều, tăng cân rõ rệt kể từ khi nắm quyền lực và gia đình có tiền sử về các vấn đề tim mạch.


Source:Asia News
 
Tín hữu Ba Lan dâng lên Đức Mẹ Częstochowa lời nguyện xin tha thiết
Đặng Tự Do
16:43 04/05/2020


Hàng triệu người Ba Lan đã theo dõi trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia nghi thức tái thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra, hay còn gọi là Częstochowa vào lúc 11g trưa Chúa Nhật 3 tháng Năm. Đó là những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Tờ Częstochowa Wyborcza tường thuật trước đó mấy ngày mưa tầm tã nhiệt độ xuống thấp chỉ còn 4 độ C. Sáng sớm ngày Chúa Nhật, trời như muốn đổ mưa lớn nhưng quang đãng dần và nắng đẹp trong suốt nhiều giờ liên tục khi các Giám Mục từ khắp đất nước đổ về đây cử hành nghi thức trọng thể tái thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ. Nhiều người rất cảm động và tin rằng đó là dấu chỉ Đức Mẹ nhận lời con cái Mẹ đang nài xin tha thiết trong hoàn cảnh khó khăn này.

Tính đến thứ Hai 4 tháng Năm, Ba Lan có 13,693 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trong đó có 678 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm bệnh tuy không cao như các nước láng giềng, tuy nhiên, sau thời kỳ cộng sản, Ba Lan tập trung toàn lực vào việc vực dậy nền kinh tế, nên hệ thống y tế của nước này khó lòng đương đầu nổi nếu dịch bệnh bùng phát kinh hoàng như tại Ý hay tại Đức.

Ba Lan đã bắt đầu cô lập từ ngày 13 tháng Ba, và phải quyết tâm dỡ bỏ các hạn chế trước ngày 10 tháng Năm là ngày bầu cử.

Trong lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Poznań, và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói:

“Chúng ta cầu xin sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ vương Ba Lan, rằng xin Mẹ giúp chúng con đứng vững trên đôi chân mình, gia đình chúng con không bị vùi dập, nền kinh tế không hư hại, nền văn hóa chúng con không bị bại hoại và cũng không có những thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ Giáo Hội chúng con.”

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục đã nêu ra sáu điểm quan trọng các Giám Mục nước này muốn dâng lên Trái Tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ Nữ vương Ba Lan trong năm nay là những âu lo về ảnh hưởng của đại dịch coronavirus, kỷ niệm ngày ban bố hiến pháp dân chủ 3 tháng 5 sau một thời gian gần nửa thế kỷ chìm đắm trong chế độ cộng sản, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, lễ tuyên Chân Phước cho Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và vai trò của Đức Mẹ Nữ vương Ba Lan trong trận chiến Warsaw.

Trong số những người tham dự Thánh lễ có bà Elżbieta Witek, Chủ tịch Quốc Hội Ba Lan, nhiều vị đại diện của chính quyền Ba Lan và cả Liên Hiệp Âu Châu.

Trong những năm gần đây Ba Lan liên tiếp đạt được các thành quả kinh tế và xã hội rất quan trọng, theo kịp các nước tiên tiến khác ở Âu Châu. Âu lo lớn nhất hiện nay là những thiệt hại to lớn vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này có thể giáng một dòn chí mạng vào đất nước vừa thoát ra khỏi đại họa cộng sản này.

Tất cả các nghi thức thánh hiến đã diễn ra tại Tu viện Jasna Góra.

Tưởng cũng nên nói thêm là Tu viện Jasna Góra tại Częstochowa là một ngôi đền nổi tiếng bậc nhất Ba Lan được dành để kính viếng Đức Trinh Nữ Maria và đây là địa điểm hành hương quan trọng nhất của cả nước, hàng năm, hàng triệu người tới đây kính viếng. Hình ảnh tiêu biểu của ngôi đền này là tượng Đức Mẹ Đen, Black Madonna hay còn được gọi là Đức Mẹ Częstochowa. Các tín hữu tấp nập hành hương quanh năm vì nhiều người nhận được những ơn lạ hồn xác sau khi kính viếng tượng ảnh Đức Mẹ tại đây. Địa điểm này chính thức được coi là di sản quốc gia từ ngày 16 tháng 10 năm 1994.

Chính tại đây, từ ngày 10 đến 15 tháng 8 năm 1991, một triệu sáu trăm ngàn người trẻ đã cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ hoàn toàn tại Đông Âu.

Đan viện Jasna Góra này tọa lạc cách Krakow khoảng 144km. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1991 với một diễn từ làm rung động hàng triệu con tim những bạn trẻ Đông Âu vừa thoát ra khỏi chế độ cộng sản.

Sau khi nhắc lại những lời trích từ thư Rôma đoạn 8 từ câu 15 đến câu 17,

“Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi! “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.”

Vị Giáo Hoàng Ba Lan nói:

“Với tất cả các bạn trẻ, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, tôi nói: hãy nhận lấy Thánh Thần và hãy mạnh mẽ trong đức tin! ‘Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ’ (2 Tim 1: 7).

Các con đã nhận lãnh Thần Khí làm cho chúng con nên nghĩa tử. Các con là con cái Thiên Chúa, là những người nam nữ được tái sinh trong bí tích Rửa Tội và được củng cố trong phép Thêm Sức, các con hãy là những người đầu tiên để xây dựng một nền văn minh mới, nền văn minh của sự thật và tình yêu, các con hãy là ánh sáng của thế giới và là muối của trái đất này.

Cha đang nghĩ đến những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên thế giới. Đối với nhiều người các cánh cửa được mở tung ra cho hy vọng về một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá của họ, và nhân bản hơn. Trong mối liên hệ này, cha nhớ lại những lời thực sự có tính tiên tri của Công đồng Vatican II: ‘Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng với sự quan phòng kỳ diệu đang hướng dẫn lịch sử và canh tân bộ mặt trái đất, đang hiện diện trong diễn trình tiến hóa này’ (Vui mừng và Hy Vọng, 26)”

Không ít các bạn trẻ Đông Âu, những người vừa được hưởng tự do sau một thời gian dài sống trong chế độ cộng sản đã rưng rưng ngấn lệ.


Source:Częstochowa Wyborcza
 
Một số Giám mục Úc đề xuất chương trình mở cửa lại nhà thờ
Thanh Quảng sdb
18:27 04/05/2020
Một số Giám mục Úc đề xuất chương trình mở cửa lại nhà thờ

Mười tám Giám mục Úc đề xuất một chương trình gồm bốn giai đoạn để mở lại các nhà thờ lên cho bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến Tiểu bang NSW.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Trong một chương trình đề nghị lên Thủ hiến, Gladys Berejiklian, một số Giám mục Công Giáo Úc đã đề nghị một kế hoạch gồm bốn giai đoạn cho việc mở lại các nhà thờ. 18 Giám mục, bao gồm cả Tổng Giám mục Sydney, Tổng Giám mục Anthony Fisher OP, đề nghị.

Các Giám mục lưu ý rằng sự xa cách xã hội và các hạn chế khác đã gây ra một tổn thất lớn về tâm lý và tinh thần trên dân chúng. Vì lý do này, lúc đầu, các nhà thờ nên được mở cho tín hữu đến cầu nguyện và xưng tội riêng, nhưng phải tuân thủ một số luật lệ, vì lợi ích cộng đồng...

Các Giám mục cũng yêu cầu Thủ tướng cho phép ít ra là 10 người tham dự các nghi thức rửa tội và đám cưới. Các ngài cũng yêu cầu cho nhiều người được tham dự các dịch vụ tang lễ và chôn cất.

Bốn giai đoạn

Trong giai đoạn đầu: các cộng đoàn cần áp dụng việc khử trùng để rửa tay và giữ khoảng cách xã hội theo yêu cầu của chính quyền...

Trong giai đoạn hai: các Giám mục đề nghị các Thánh lễ và các bí tích hay nghi lễ phụng vụ được cử hành ngoài trời như bãi đỗ xe với số lượng người tham dự hạn chế. Sẽ không dùng sách hay giấy hát, cũng như không truyền các túi và giỏ quyên góp đi chung quanh nhưng dùng một hình thức nào đó thích hợp hơn, không chúc bình an bằng bắt tay hay ôm hôn. Việc rước lễ sẽ được trao một cách an toàn.

Giai đoạn ba: sẽ dâng Thánh lễ và các nghi lễ trong nhà thờ...

Giai đoạn cuối cùng: là trở lại bình thường trong một tâm thức mới được rút tỉa ra từ những bài học trong cơn đại dịch Covid-19.

Vi khuẩn corona tại Úc

Vào tháng 1 năm nay, Úc đã ghi nhận trường hợp nhiễm coronavirus được đầu tiên. Vào tháng 3, nước Úc đã đóng cửa biên giới không cho phép những người nước ngoài được vào Úc và chính quyền cũng áp đặt các quy tắc khoảng cách xã hội. Tuy nhiên, gần đây, với tình trạng Covid-19 được chặn đứng ở nhiều tiểu bang, nước Úc đã nới lỏng một số hạn chế xã hội…

Hiện tại Úc có 6.825 trường hợp nhiễm coronavirus, 95 tử vong và 5,859 bệnh nhân đã hồi phục.
 
Quyết định chung cuộc của Bộ Giáo Lý Đức Tin sau 3 năm đối thoại bất thành với các bệnh viện của Tu Hội Bác Ái ở Bỉ
Đặng Tự Do
19:34 04/05/2020
Bộ Giáo lý Đức tin đã ra lệnh cho 15 bệnh viện tâm thần ở Bỉ thuộc Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ không được xưng mình là tổ chức Công Giáo nữa sau 3 năm đối thoại bất thành với ban quản lý các bệnh viện này, từ khi họ cho phép thực hiện các ca an tử và trợ tử cho các bệnh nhân vào năm 2017.

Các bệnh viện này được quản lý bởi một tập đoàn phi lợi nhuận dân sự do Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ quản lý.

Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã được thông báo trong một lá thư đề ngày 30 tháng Ba, và được công bố hôm 4 tháng Năm, nói rằng “với nỗi buồn sâu sắc”, Bộ Giáo Lý Đức Tin quyết định rằng “các bệnh viện tâm thần do Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ quản lý không còn có thể coi mình là các tổ chức Công Giáo nữa.”

Trong một tuyên bố đáp lại quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái nói rằng “với một trái tim nặng nề”, tu hội “phải từ bỏ các trung tâm tâm thần của mình ở Bỉ.”

Sư Huynh Stockman chỉ ra rằng “thật đau đớn” khi các trung tâm tâm thần của Tu Hội ở Bỉ đã mất tư cách Công Giáo, trước một thực tế lịch sử là tu hội “là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Bỉ.”

Đồng thời, sư huynh Stockman nói ngài nhận ra rằng “Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái không có lựa chọn nào khác ngoài việc trung thành với đức bác ái, là điều không thể tương hợp với việc thực hành trợ tử cho các bệnh nhân tâm thần.”

Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin chấm dứt ba năm đối thoại giữa Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái và tập đoàn quản lý các bệnh viện của họ ở Bỉ.

Vài nét về Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ được thành lập vào năm 1807 tại thành phố Ghent, bởi Cha Peter Joseph Triest. Án phong chân phước cho ngài đã được khai mở vào năm 2001. Đây là một dòng với đặc sủng chuyên biệt là phục vụ cho người cao tuổi và bệnh tâm thần.

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngày nay được coi là tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần quan trọng nhất ở vùng Flanders của Bỉ,với hơn 5,000 bệnh nhân một năm.

Khoảng 12 bệnh nhân tâm thần thuộc diện chăm sóc của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái được cho là đã yêu cầu được kết liễu mạng sống trong năm 2016, và hai người đã được các sư huynh chuyển đến nơi khác để nhận được các mũi tiêm chấm dứt cuộc đời của họ.

Tháng Ba 2017, các thành viên trong ban quản trị 15 nhà điều dưỡng tâm thần của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã công bố chính sách ủng hộ an tử. Họ nói rằng họ muốn hài hoà các hoạt động của trung tâm với luật an tử của Bỉ đã được thông qua năm 2003, một năm sau khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên cho phép an tử.

Về mặt lý thuyết, trợ tử vẫn là một hành vi phạm tội ở Bỉ. Luật pháp chỉ bảo vệ các bác sĩ khỏi bị truy tố khi họ tuân theo các tiêu chuẩn cụ thể, trong đó bao gồm sự ưng thuận của các bệnh nhân và thân quyến của họ. Nhưng ngày càng có nhiều các trường hợp tử vong nơi những người tàn tật, những người bị chứng sa sút trí tuệ và bệnh tâm thần; là những người có khả năng chịu áp lực phải chết để tránh là gánh nặng cho gia đình và các nhân viên chăm sóc y tế. Kể từ năm 2014, trẻ em bị bỏ rơi hay vì một lý do nào đó không có người giám hộ cũng đủ điều kiện để xin trợ tử.

Tối hậu thư của Tòa Thánh

Sự thay đổi trong chính sách của ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã xảy ra khoảng một năm sau khi một nhà điều dưỡng của họ ở thành phố Diest, bị phạt 6,600 đô la vì từ chối trợ tử cho một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi.

Sư huynh René Stockman đã yêu cầu ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngưng ngay chính sách trợ tử được họ thông qua vào tháng Ba 2017 nhưng thất bại. Ban quản trị các trung tâm y tế này cố nhiên bao gồm các sư huynh và còn có các chuyên gia y tế khác không thuộc về Tu Hội.

Tháng Sáu 2017, Hội Đồng Giám Mục Bỉ cũng đã can thiệp và tuyên bố rằng các ngài không thể chấp nhận các ca trợ tử có thể được thực hiện trong các cơ sở y tế Công Giáo. Sự can thiệp của các Giám Mục Bỉ cũng không thay đổi được tình hình.

Ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái cũng đã phớt lờ một tuyên bố về giáo huấn của Giáo Hội cấm trợ tử, được Đức Hồng Y Gerhard Müller, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin viết và ký tên gửi cho các thành viên.

Do đó, Sư huynh René Stockman đã thỉnh cầu sự trợ giúp của Tòa Thánh.

Vatican trước tiên yêu cầu ban quản trị đang điều hành 15 trung tâm thần trên khắp nước Bỉ, phải đảo ngược chính sách, chậm nhất là vào cuối tháng Tám, 2017.

Các sư huynh là thành viên trong hội đồng quản trị cũng phải ký tên vào một bức thư chung gởi cho bề trên Tu Hội của họ tuyên bố rằng họ “ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo là luôn khẳng định rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ trong kể từ thời điểm thụ thai cho đến kết thúc tự nhiên của nó”.

Những người nào từ chối ký tên sẽ bị trừng phạt theo luật tu hội, và thậm chí có thể bị trục xuất ra khỏi Giáo hội

Tiến trình đối thoại đầy kiên nhẫn

Vatican cũng đã triệu tập các thành viên trong ban quản trị các nhà thương và cơ sở điều dưỡng của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ và yêu cầu từng vị giải thích với Tòa Thánh tại sao họ khăng khăng chống lại giáo huấn của Giáo Hội về trợ tử và đề ra một chính sách cho phép các bác sĩ giết các bệnh nhân tâm thần trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo.

Các viên chức cao cấp của Tòa thánh đã lắng nghe từng người một vì sao các thành viên quản trị các cơ sở này khăng khăng chống lại quyết định của Bề Trên Tu Hội và quyết liệt áp dụng một chính sách mới ủng hộ việc trợ tử.

Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã mạnh mẽ phản đối chính sách ủng hộ trợ tử của các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, tiếng nói của ngài không được lắng nghe. Nhiều người phê bình ngài thiếu khả năng lãnh đạo, không thuyết phục được các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, chính các vị thẩm quyền của Tòa Thánh nói, họ cũng chẳng nghe.

Thật vậy, với sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô, bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một tối hậu thư yêu cầu ban quản trị các cơ sở y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái này phải hủy bỏ chính sách mới trước cuối tháng Tám 2017 vì nó trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự thánh thiêng của mạng sống con người.

Nhưng hai tuần sau đó, các thành viên quản trị đã công khai bác bỏ tối hậu thư của Tòa Thánh. Một thành viên trong ban quản trị là Herman van Rompuy, người từng là chủ tịch Hội đồng Âu châu, còn đi xa đến mức tuyên bố trên Twitter rằng “thời đại ‘Roma locuta causa finita’, nghĩa là ‘Rôma đã lên tiếng thì là chung cuộc’, đã là quá khứ”.

Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể thấy trước từ năm 2017, nhưng chỉ được đưa ra sau 3 năm nhẫn nại đối thoại bất thành với những kẻ lòng chai dạ đá.


Source:Catholic News Agency
 
Liên Hiệp Quốc thúc đẩy việc tôn trọng người cao niên trong đại dịch Covid-19
Vũ Văn An
19:35 04/05/2020
Theo VaticanNews, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, ngày 1 tháng 5 vừa qua, đã phát động sáng kiến mới về chính sách tôn trọng người cao niên trong và sau thời gian đại dịch Covid-19.



Nhận định rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra những nỗi sợ hãi và niềm đau chưa từng có cho người cao niên khắp thế giới, Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres kêu gọi việc đáp ứng của nhân loại đối với đại dịch phải bao gồm việc tôn trọng các quyền lợi và phẩm giá của người cao niên.

Những người trên 80 tuổi có nguy cơ bị Covid-19 cao hơn

Trong một thông điệp video để phát động sáng kiến của Liên Hiệp Quốc tựa là “Tác động của Covid-19 trên những người cao niên”, ông nói rằng “ Tử xuất đối với người cao niên xét chung cao hơn, và cho những người trên 80, tử xuất này cao hơn tử xuất trung bình hoàn cầu đến 5 lần”.

Một tường trình của Tổ Chức Y Tế Liên Hiệp Quốc (WHO) đầu tháng 4 nhấn mạnh rằng tại 30 quốc gia hàng đầu trên thế giới với phần trăm lớn nhất về người cao niên, trên 95% cái chết do Covid-19 xẩy tới cho những người trên 60 tuổi. Hơn 50% mọi vụ tử vong liên quan đến những người 80 tuổi và cao niên hơn.

Guterres nhận định rằng ngoài tác động tức khắc về sức khỏe, “đại dịch đang đặt người cao niên vào nguy cơ lớn hơn là nghèo đói, bị kỳ thị và cô lập, với tác động tàn phá một cách đặc biệt đối với người cao niên tại các nước đang phát triển”.

Ở tuổi 70, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc này vẫn còn trách nhiệm phải chăm sóc người mẹ già của mình. Bởi thế, ông “hết sức quan tâm đến đại dịch trên bình diện bản thân” và hậu quả của nó đối với các cộng đồng và xã hội.
Chính sách của Liên Hiệp Quốc được phát động ngày 1 tháng 5 vừa qua, theo Ông, cung cấp các phân tích và khuyến cáo để giải quyết các thách thức nói trên. Nó bao gồm 4 sứ điệp chính.

Tôn trọng quyền lợi và phẩm giá mọi người

Ông Guterres nhấn mạnh rằng trước nhất “không ai, trẻ hay già, đáng bị hy sinh”. Ông nói thêm “Người có tuổi hơn cũng có cùng những quyền sống và y tế như mọi người khác... Các quyết định khó khăn quanh việc chăm sóc y tế cứu sống phải tôn trọng các nhân quyền và phẩm giá mọi người”.

Thứ hai, dù gián cách xã hội là điều chủ yếu trong việc chống lây lan, người ta cần “cải tiến việc nâng đỡ xã hội và các cố gắng thông minh hơn nhằm vươn tới người cao niên nhờ kỹ thuật kỹ thuật số”

Văn kiện của Liên Hiệp Quốc thúc giục “mọi đáp ứng xã hội, kinh tế và nhân đạo” phải xem xét đầy đủ các nhu cầu của người cao niên: từ việc bảo hộ y tế phổ quát đến việc bảo vệ xã hội, việc làm và tiền hưu xứng đáng.

Phần lớn người cao niên là phụ nữ

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng “đa số người cao niên là phụ nữ, những người có xác suất cao bước vào thời kỳ này của cuộc đời trong nghèo nàn và không được chăm sóc y tế”. Do đó, “các chính sách phải nhắm việc thỏa mãn các nhu cầu của họ”.

Cuối cùng, sáng kiến của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng không nên đối xử với người cao niên như “những người vô hình và bất lực”. Về phương diện này, Ông Guterres nhấn mạnh rằng “Nhiều người cao niên lệ thuộc một thu nhập và đã hoàn toàn dấn thân vào việc làm, vào đời sống gia đình, vào việc dạy dỗ và học hành, và vào việc trông nom người khác”. Do đó, tiếng nói và tài lãnh đạo của họ phải được lưu ý.

Cần tình liên đới của mọi người

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi phải“gia tăng tình liên đới hoàn cầu và quốc gia”, khuyến khích mọi người, kể cả người cao niên, đóng góp, nhằn tạo ra “các xã hội bao gồm hơn, bền vững hơn và thân thiện với tuổi tác hơn; các xã hội này thích đáng hơn cho tương lai”

Theo Đại Học Johns Hopkins, Đại Học từng theo dõi Covidd-19 khắp thế giới, hơn 3.5 triệu người đã được tường trình là lây nhiễm Covid-19 kể từ ngày các trường hợp đầu tiên được khám phá tại Trung Hoa vào tháng 12. Trong khi ấy, số tử vong khắp thế giới đã lên tới gần 1 phần 4 triệu người.
 
Trước cơn đại dịch, các Giám mục châu Á hoãn Đại hội Liên Hội Đồng Giám mục lại
Thanh Quảng sdb
21:42 04/05/2020
Trước cơn đại dịch, các Giám mục châu Á hoãn Đại hội Liên Hội Đồng Giám mục lại

Các thành viên của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) đã rời hội nghị chung tháng 11 lại...

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Liên hiệp Hội đồng các Giám mục châu Á (FABC) đã quyết định, vì tình hình của cơn đại dịch, nên Đại hội các Hội đồng Giám mục Á châu, dự tính họp vào các ngày 3 đến 20 tháng 11 tại Baan, Phu Waan, Thái Lan, đã được rời vô thời hạn...

Cuộc họp của Ủy ban Trung ương và Văn phòng Liên hiệp Hội đồng các Giám mục Châu Á (FABC) dự tính được tổ chức vào tháng 6 này cũng được hoãn lại.

Các thông báo đã được các Đức Hồng Y Charles Maung Bo, chủ tịch của FABC, ký từ Thủ đô Yangon, nước Myanmar và Đức Hồng Y Oswald Gracias, từ Bombay, Ấn Độ ấn ký.

Ý thức về sự liên đới và niềm tin trong cơn đại dịch

Mặc dù trên thực tế, hầu hết các quốc gia của các thành viên đang bị cô lập, nhưng bức thư ngày 2 tháng 4 cho hay các Giáo mục cảm thấy có một tình cảm nối kết thân tình với nhau trong thời điểm đen tối này.

Các nhà lãnh đạo FABC cho hay trong những khoảnh khắc như thế này, tất cả cảm nghiệm được sự phụ thuộc lớn lao vào Chúa và niềm tin của chúng ta được củng cố.

Các ngài hy vọng mọi người được bình an, qua được cơn khủng hoảng này và đạt được nhiều ý thức và cảm nghiệm sâu sắc về tâm linh tôn giáo.

Bất chấp những giới hạn do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trên toàn khu vực châu Á đang áp đặt, một số kế hoạch của FABC và các cuộc họp khu vực sửa soạn cho đại hội quan trọng này vẫn được xúc tiến...

Lạc quan giữa cơn biến động

Các Đức Hồng Y Bo và Gracias lưu ý rằng mặc dù các thành viên trong Liên hiệp các Hội đồng Giám mục, gần đây không thể đi lại, nhưng qua các phương tiện truyền thông: video, điện toán nhiều cuộc họp và thảo luận viễn liên đã được tổ chức... Tuy nhiên, tình hình của anh chị em giáo dân thì bất ổn, nên chúng tôi cũng chưa biết tương lai sẽ ra sao?! Tuy nhiên các ngài bày tỏ sự lạc quan rằng cuộc sống bình thường sẽ sớm được vãn hồi...

Kỷ niệm 70 năm của FABC

Liên hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) là một liên đoàn bao gồm 19 Hội đồng Giám mục và 8 thành viên khác được liên kết với nhau từ các vùng Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á nhằm mục đích thúc đẩy tình đoàn kết và đồng trách nhiệm giữa các thành viên, nhằm phúc lợi và công ích cho Giáo hội và xã hội trong lục địa.

Năm nay Liên đoàn đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập

Liên đoàn được thành lập vào tháng 11 năm 1970, khi 180 Giám mục vùng Á châu qui tụ lại thủ đô Manila, Phi nhân chuyến viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Paul VI viếng thăm châu lục... Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các giám mục toàn vùng Á Châu vào ngày 28 tháng 11 năm 1970.

Trong chuyến viếng thăm Thái Lan vào tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gặp các giám mục của Liên hiệp FABC tại Bangkok. Đức Thánh Cha lưu ý rằng dịp kỷ niệm 50 năm là một dịp thích hợp để đào sâu và tìm hiểu về cội nguồn các dấu ấn truyền giáo trong vùng đất này… Đức Thánh Cha khuyến khích Liên hội hãy nhìn về một tương lai mà chính Liên hiệp mơ ước, giúp phát triển và kiến tạo ra". Theo viễn kiến này, Đức Thánh Cha cho hay, cả Giáo hội và xã hội châu Á sẽ được hưởng phúc lợi từ việc truyền giáo và thăng tiến đổi mới… (Nguồn: CBCPNEWS)
 
Tình hình mở lại các nhà thờ trong đại dịch Covid-19
Vũ Văn An
22:45 04/05/2020
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đang nới lỏng các hạn chế từng được áp đặt lên dân chúng nhân đại dịch Covid-19. Và trong các nới lỏng này, phần lớn không nhắc gì tới các buổi lễ tôn giáo. Nhiều hội đồng giám mục đã chính thức lên tiếng với các chính phủ, thậm chí phê phán nữa, như trường hợp Ý. Nhưng cũng có những trường hợp ôn hòa thương lượng. Thiển nghĩ phương thức cuối cùng vừa nhắc là thượng sách hơn hết.



Trường hợp đầu tiên dường như là của Hòa Lan. Thực vậy, theo tạp chí Crux, tại nước này, theo một cuộc thăm dò của tuần báo Công Giáo Katholiek Nieuwsblad, gần 60 phần trăm người tham dự cuộc thăm dò cho hay họ nghĩ nay là lúc cử hành lại các Thánh Lễ công cộng. Nhưng chính phủ Hòa Lan hình như không nghĩ thế. Hiện có lệnh cấm các buổi lễ tôn giáo quá 30 người tham dự, ít nhất cho tới ngày 20 tháng 5. Nhưng theo Daniëlle Woestenberg, có thể lâu hơn. Bà vốn là thư ký của cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ (CIO), một cơ quan đại diện cho quyền lợi của khoảng 30 Giáo Hội, trong đó, có Giáo Hội Công Giáo, trước chính phủ Hòa Lan.

Không như tại các nước như Đức và Pháp, nơi các Giám Mục phát biểu nhiều lời chỉ trích nặng nề đối với các nhà lãnh đạo chính trị vì đã duy trì việc đóng cửa các nhà thờ quá lâu một cách không cần thiết, các Giáo Hội Hòa Lan chọn lối ngoại giao thầm lặng. Dù sao, người Hòa Lan cũng nổi tiếng về điều họ gọi là “polder model” (khuôn mẫu quyết định dựa trên đồng thuận), một khuôn mẫu không những được áp dụng trong chính quyền mà cả trong tương quan nhà nước và các giáo hội.

Woestenberg cho rằng “tương quan làm việc của chúng tôi với Bộ Tư Pháp và An Ninh hết sức tuyệt vời. Hàng tuần, chúng tôi tổ chức các cuộc họp phi chính thức”.

Bộ trưởng tư pháp Ferd Grapperhaus không ngần ngại cho hay dù sẽ có nhiều nới lỏng hơn nữa, nhưng không dành cho các Giáo Hội.

Dù, theo Woestenberg, cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ cố gắng hết sức nói rõ với chính phủ tầm quan trọng của “hai diễn trình sinh tử của các Giáo Hội”: một đàng là việc thờ phượng, đàng khác là việc trợ giúp những người dễ bị tổn thương và cô đơn.

Tuy nhiên, Woestenberg cho hay bà hiểu lý do tại sao chính phủ có quan điểm khác. Bà nói: “trái với niềm tin đại chúng, không hẳn ‘tất cả là vì tiền bạc’. Tôi thực sự tin rằng đối với các chính trị gia ở The Hague, tầm quan trọng của sức khỏe công cộng vượt xa ích lợi kinh tế. Thành thử bất cứ chúng ta nghĩ gì, các xem xét chính trị vẫn có tính thực tiễn: tuổi trung bình của những người đi nhà thờ khá cao; những người này thường là nhóm dễ bị lây nhiễm. Điều hiển nhiên là các nhà thờ sẽ không đứng hàng đầu khi nói đến việc nới lỏng”.

Có điều, các Giáo Hội không nên ngồi chờ nhà nước ban lệnh cho bằng tự chuẩn bị những bước cần thiết để có thể mở cửa lại. Bởi thế, Woestenberg nhấn mạnh: “tôi nghĩ điều thích đáng đối với mối tương quan nhà nước và nhà thờ của chúng ta là: sẽ không có chiêu thức (protocol) nào được áp đặt lên các Giáo Hội bởi chính phủ. Đó là lý do tại sao ở cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ, chúng tôi cũng đã thông tri để các hội đồng quản trị các Giáo Hội chịu trách nhiệm đối với các chiêu thức này. Họ phải soạn thảo lấy các chiêu thức và chứng tỏ thiện chí của mình”.

Tuần trước, cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ đã gửi các khái niệm đầu tiên như một hướng dẫn để các Giáo Hội soạn thảo chiêu thức như trên cho Bộ Tư Pháp. Văn kiện này đề cập đến những điều như số người tham dự được phép vào các nơi thờ phượng, việc thông gió (ventilation) tại các nơi này, việc sử dụng ca đoàn, đánh dấu chỗ ngồi chỗ đứng v.v...

Giáo Hội Công Giáo Hòa Lan đang dựa vào đấy để soạn chiêu thức riêng của mình. Trong khi ấy, hoàn toàn tuân theo các giới hạn do chính phủ ấn định để tránh cái nhìn lệch lạc của thế giới duy tục cho rằng Giáo Hội gồm toàn những cá nhân kỳ cục tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ che chở họ khỏi Coronavirus chứ không phải các biện pháp của chính phủ.

Đó cũng là chủ trương của các Giám Mục Úc, ít nhất, tại tiểu bang New South Wales. Thực thế, theo VaticanNews, 18 Giám Mục Úc đã trình kế hoạch 4 giai đoạn để mở cửa lại các nhà thờ lên Thủ Hiến Gladys Berejiklian.

Các Giám Mục trên nhận định rằng “việc gián cách xã hội và các giới hạn khác đang tạo ra một thiệt hại nặng nề về tâm lý và tâm linh cho người ta”. Vì thế, “việc mở cửa lại các nhà thờ, thoạt đầu chỉ để cầu nguyện riêng và xưng tội và với các chiêu thức nghiêm ngặt có sẵn, sẽ là một lợi ích quan trọng cho nhiều người trong cộng đồng, đem an ủi lại cho tín hữu và hy vọng cho người lo âu xao xuyến”.

Các vị giáo phẩm cũng kêu gọi Thủ Hiến cho phép các buổi rửa tội và đám cưới diễn ra với các thừa tác viên và 10 người tham dự. Các ngài cũng yêu cầu một số người lớn hơn được phép dự các đám tang và nghi thức ở phần mộ.

Bốn giai đoạn

Ở giai đoạn thứ nhất, các giám sát viên sẽ giám sát việc dùng các chất sát trùng tay (hand sanitizers) và khoảng cách vật lý.

Trong giai đoạn hai, các ngài đề nghị các Thánh Lễ và nghi lễ được tổ chức ở bên ngoài như bãi đậu xe với số người tham dự có giới hạn. Sẽ không có việc quyên tiền hay phân phối sách hát, không bắt tay hay nắm tay, việc rước lễ sẽ “được trao ban và lãnh nhận cách an toàn”.

Giai đoạn ba, các Thánh Lễ và nghi lễ sẽ được chuyển vào trong nhà thờ.

Giai đoạn chót sẽ trở về với “sinh hoạt bình thường mới với các bài học từ đại dịch Covid-19”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hạt Phú Thọ: Gia đình PTTT chia sẻ bác ái mùa Covid 19
Văn Minh
08:30 04/05/2020
“Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,16).

Hưởng ứng lời Kinh Thánh trên đây, vào lúc 9g00 sáng thứ Hai ngày 04.05.2020, đại diện Ban Chấp hành (BCH) Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTTCG) giáo hạt Phú Thọ gồm có 05 người khởi hành từ giáo xứ Tân Phước đi thực thi bác ái.

Xem Hình

Sau 15 phút khởi hành đi bằng xe máy, anh em BCH đã có mặt tại nhà hưu đưỡng các linh mục Chí Hòa. Tại đây, ông Giuse Phạm Quang Thúy, Trưởng ban, trao cho soeur Agathe Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện nhận số tiền là 10.000.000đ (mười triệu đồng).

Vì trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, các linh mục hạn chế đi ra ngoài và tránh tiếp súc trực tiếp với mọi người. Vì vậy, anh em trong BCH không thể gặp trực tiếp và trò chuyện với các ngài như trước đây được.

Được biết hiện nay, nhà hưu dưỡng Chí Hòa hiện có 17 linh mục lớn tuổi về nghỉ hưu cùng với có 3 soeur phục vụ.

Sau khi chia tay nhà hưu dưỡng Chí Hòa, anh em BCH đến thăm cơ sở Nuôi dưỡng hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng số: 266/5 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM, do Soeur Maria Nguyễn Thị Hoàng, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, quản lý, cùng với 4 soeur và 2 phụ giúp. Cơ sở hiện nuôi dạy 50 em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn đến từ các nơi trong cả nước, không phân biệt tôn giáo (chỉ có 01 em người dân tộc Ba Na là người Công Giáo), tuổi từ 5 đến 20, để trao số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng). Sau cuộc trò chuyện, soeur Maria Nguyễn Thị Hoàng, hướng dẫn anh em BCH lên phòng nơi các soeur đang dạy cho các em học trực tuyến online trên máy vi tính, soeur Maria cho nói: kể từ khi có dịch bệnh đến nay, cơ sở đã phải cho một số em về quê để tránh tập chung nơi đông người, mặt khác cũng cơ sở cũng khó khăn về tài chính vì không có người đến thăm tặng quà hay giúp đỡ về tiền mặt.

Ngoài ra, đại diện BCH cũng gởi trao cho soeur Nguyễn Thị Chiến, Dòng Saint Paul Kon Tum 5.000.000đ, tô cháo từ thiện Phạm Ngọc Thạch 5.000.000đ, và một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại giáo xứ Tân Phước số tiền 6.000.000đ.

Tổng số tiền của GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ thực thi bác ái trong Mùa Chay 2020 được 36.200.000đ, là do các xứ đoàn trong GĐPTTTCG và quý ân nhân trong giáo hạt Phú Thọ cùng nhau đóng góp.
 
Văn Hóa
Ngài Đã Chọn Tôi Như Thế
Nữ tu Gioan Maria Vianney Thuỳ
08:40 04/05/2020
Ngài Đã Chọn Tôi Như Thế

(Một thoáng suy tư và cảm nhận về ơn gọi tu trì)

Hằng năm vào Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh- ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ, nhiều nơi, nhiều cộng đoàn thường tổ chức “Ngày ơn gọi”, nhằm học hỏi, cầu nguyện và quảng bá ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đây cũng là thời khắc đưa tâm trí tôi tìm về ơn gọi của chính mình….; và thường ý nghĩ đầu tiên chợt về trong tôi đó lại là tự hỏi:“Làm sao một đứa trẻ nhút nhát, dại khờ, nơi vùng quê nghèo, xa xôi cách trở, lại có thể trở thành một nữ tu của Chúa?”…

Khi nhìn lại quảng đời đã qua, tôi mới “ngộ” ra rằng: ơn gọi sống đời thánh hiến của tôi đã khởi sự từ cái “nôi gia đình”.

Thật vậy, tôi đã được sinh ra và lớn lên trong một thời và một nơi thuộc vùng đất nghèo miền tây Quảng Ngãi với muôn vàn khắc nghiệt về kinh tế cũng như xã hội. Riêng trong đời sống đức tin, tôi gần như bị thua thiệt trăm chuyện khi gia đình phải sống ở một nơi hẻo lánh, cách xa nhà thờ, cách biệt cộng đoàn tín hữu. Nhưng bù lại, Chúa đã dun dủi cho gia đình tôi có được một người bà rất đạo đức, một Kitô hữu thuần thành trung kiên.

Một điều ấn tượng nhất, cũng là điều cơ bản nhất nuôi dưỡng đức tin cho tôi đó chính là mỗi ngày sáng tối luôn có những giờ kinh chung của gia đình. Mỗi sáng thức dậy bà đều dạy cho tôi mau mắn và đơn sơ dâng ngày mới cho Chúa, cảm ơn Chúa qua một đêm an lành. Khi đêm về, bà thường tập cho tôi đọc những kinh đơn giản và những lời cầu nguyện vắn tắt dâng lên Chúa trước khi đi ngủ; xin Ngài gìn giữ mọi người qua đêm được bình an. Trước khi vào giường ngủ, bà không quên rảy Nước Thánh quanh phòng để Thiên Chúa thánh hoá, giữ gìn và xua trừ mọi đe doạ của bóng tối, quỷ ma...

Những lời kinh đơn sơ, những thực hành đạo đức bình dân của một bà già, một người tín hữu nhà quê Việt Nam, cách nào đó, đã ghi dấu ấn đức tin sâu đậm trong tâm hồn thơ bé của tôi, và có lẽ, của nhiều trẻ em Công Giáo khác. Chính những việc đạo đức cơ bản và đơn sơ ấy được lặp đi lặp lại từng ngày, để rồi trở thành một thói quen, một sinh hoạt niềm tin “máu thịt” không thể tách lìa trong nhịp sống đời thường của các gia đình Công Giáo Việt Nam.

Tôi còn nhớ rất rõ, khi tôi được chừng ba đến bốn tuổi, đêm nào cũng phải đọc kinh cả tiếng đồng hồ, nhất là những dịp ngày mùa đi làm về trễ, giờ kinh tối chung thường diễn ra khá muộn; những lúc như thế, vừa đọc được vài ba kinh là tôi đã ngủ gà ngủ gật. Dù vậy, bà vẫn không tha. Bà thường bắt tôi ra ngoài rửa mặt cho tỉnh táo rồi vô đọc tiếp cho xong giờ kinh mới được đi ngủ. Những lúc như thế, phản ứng của trẻ con đang mê ngủ mà, không tránh khỏi cái mặt méo xệch, cái miệng lầm bầm…, và con mắt thì…gần như không mở được !

Một lần kia, khi đang học lớp 5, giáo xứ tổ chức cho cộng đoàn đi hành hương Đại Hội Đức Mẹ La Vang. Trong dịp đặc biệt nầy, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một thánh lễ có rất đông người; nhất là lần đầu được chiêm ngưỡng đông đảo các Đức Giám Mục, Linh Mục và tu sĩ nam nữ. Đây cũng là lần đầu tôi thấy được và cảm nhận được sự lớn mạnh, rộng khắp của Giáo Hội Công Giáo; đó là chưa kể, có được một cơ hội hiếm có để tiếp xúc, gặp gỡ các nữ tu và các linh mục mà chắc chắn nơi vùng quê hẻo lánh của tôi, sẽ không bao giờ có được !

Một hình ảnh đã ghi đậm trong tâm trí tôi: đó là sự thánh thiện và trìu mến trong cung cách tiếp đón của các ngài… Tôi vẫn nhớ như in…., sau chương trình diễn nguyện của đêm vọng trước lễ, đang một mình lang thang cầu nguyện, tôi gặp một cha, mà theo ngài cho biết, đang làm việc tại tòa giám mục giáo phận Đà Nẵng. Qua vài câu thăm hỏi, ngài buộc miệng hỏi tôi: “Sau này lớn lên con có thích đi tu không?”. Khi ấy tôi buột miệng trả lời ngay: “dạ có”. Một câu trả lời “đột xuất, vu vơ”, khi tôi không hề biết và chưa có khái niệm gì về chuyện tu trì…. Nghe vậy, Ngài cười, gõ nhẹ vào đầu tôi, và nói: “Cha sẽ cầu nguyện cho con, xin Chúa chúc lành…”. Tôi chỉ biết cười và cảm ơn Ngài…

Nhưng thánh ý Chúa thật nhiệm mầu, tôi không sao hiểu thấu ! Đi tu ư? Khó quá ! Một đứa trẻ sống xa nhà thờ, gần như mỗi tháng chỉ đi lễ Chúa Nhật được một lần, chẳng bao giờ được tham gia các sinh hoạt khác của cộng đoàn giáo xứ. Trong khi đó, các khoá trình giáo lý Xưng tội Rước lễ, Thêm sức mà tôi cần được dạy dỗ…, gần như đều phải mua sách về nhà tự học thuộc rồi xuống cha sở khảo bài mỗi tháng. Khi nào ngài khảo thuộc xong mới được lãnh nhận các phép bí tích. Đó là chưa kể, trẻ con mà, mỗi lần gặp cha sở thì sợ xanh mặt. Đã có không ít lần ngồi trả bài giáo lý, vì sợ nên đọc nhanh đến độ muốn hụt hơi, tiếng được tiếng mất, khiến “cha giám khảo” không nghe kịp, buộc phải nổi nóng đập bàn và nói: “Đọc chậm lại, đọc như ăn cướp không nghe kịp”… Thường sau những lần khảo bài như thế, suốt một thời gian khá lâu, tôi không còn đủ can đảm vác mặt tới gặp cha để trả bài giáo lý nữa; và rồi, phải nhờ mẹ lẫn bà dỗ dành chua ngọt đủ điều, sau đó mới “cắn răng tiếp tục”….

Một lần khác đặc biệt hơn, đó là năm tôi lên lớp 6, nhân dịp đi dự lễ truyền chức Giám mục của Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn (hiện ngài đang nghỉ hưu tại Toà Giám Mục Qui Nhơn); đây cũng là biến cố góp phần tiếp tục khơi dậy lòng yêu mến đời sống ơn gọi tu trì trong tôi. Cho tới bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ như in những lời của bài ca hiệp lễ trong Thánh lễ hôm ấy: “Từ đó vâng từ đó Chúa đã gọi con,.. một phút trao… lời ước giao muôn vạn thuở,… từ đây vâng từ đây Chúa đã chọn con,… ấn tín trao tay là lời hứa sắt son….”. Âm thanh, giai điệu cũng như những lời thâm thuý dịu vợi của bài thánh ca đã khiến lòng tôi như dậy sóng, tràn trề cảm xúc linh thiêng hạnh phúc, và khơi dậy trong sâu thẳm trái tim tôi niềm khao khát được sống cuộc đời tu. Từ giây phút xa xôi huyền diệu ấy, tôi đã nghe vang vọng trong tâm hồn niềm ước vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ được Chúa gọi để được dấn thân trong đời tu trì !

Và rồi từ đó, niềm khát vọng “đi tu” cứ lớn dần trong tôi, cho đến mãi sáu năm sau, ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Tôi đã sẵn sàng cho một “chuyến phiêu lưu”, rời xa mái ấm gia đình để được đón nhận vào Hội dòng Đa Minh Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi Monteils vào ngày 14 tháng 8 năm 2005. Tôi hoàn toàn ý thức rằng: đây chính là một bước khởi đầu của một cuộc hành trình mới, một thách đố mới…! Vâng, Ngài đã chọn tôi như thế đó, như cách cảm nhận của những lời của bài ca “Ngài đã chọn con” của nhạc sĩ Hoàng Thy:

Chẳng phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài chọn con trước đó.

Chẳng phải con đã yêu Chúa, nhưng chính Ngài yêu con từ trước.

Từ lúc con chưa biết yêu Ngài, từ lúc con chưa nhận biết Ngài.

Ngài yêu con giữa muôn người Ngài đã chọn con…

Khi chính thức bước chân vào môi trường dòng tu, tôi vẫn còn nhớ mãi những cảm giác buâng khuâng, lạ lẫm của “một thuở ban đầu”. Rồi thời gian cứ thế trôi đi, cùng với bao trăn trở, xuyến xao lẫn mệt mỏi, khó khăn đồng hành cùng tôi theo năm tháng..…Chính từ môi trường cộng đoàn nầy, tôi từng bước được hướng dẫn, đào tạo để chín mùi và trưởng thành hơn trong quyết tâm từ bỏ những gì thuộc “thế gian” để từng ngày đáp trả tiếng gọi của Chúa theo tinh thần và linh đạo của Hội dòng. Sự nhiệt thành theo lý tưởng, tình bác ái huynh đệ cộng đoàn và lòng hăng say dấn thân hoạt động tông đồ… của các chị em luôn là động lực thúc đẩy tôi thăng tiến mỗi ngày trong ơn gọi thánh hiến.

Mỗi tháng ngày trôi qua theo từng giai đoạn huấn luyện, tôi được trau dồi rất nhiều kiến thức qua những môn học căn bản như giáo lý, nhân bản, kinh thánh, tu luật…, cũng như những môn trong chương trình cử nhân thần học của học viện. Nhờ những giờ học hỏi và nghiên cứu Kinh thánh, đọc và suy niệm Lectio Divina, tôi được mở mang kiến thức thiêng liêng, lòng yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn và cố gắng mỗi ngày trở nên hoàn thiện để đáp trả lời mời gọi thánh hiến cuộc đời.

Cùng với những ưu ái và thuận lợi đó, bước đường ơn gọi của tôi cũng không thiếu những khó khăn và gian nan thử thách. Sống chung mà ! Làm sao tránh khỏi những va chạm, khác biệt về phong tục, văn hóa, ngôn ngữ, kiến thức; về phong cách sống, học tập và làm việc…. Có những lần va chạm, đối nghịch bị đẩy tới tình trạng căng thẳng đến độ làm cho tôi nhụt chí trên con đường theo Chúa. Cũng không thiếu những lúc khô khan nguội lạnh, những suy nghĩ bốc đồng, nông cạn, hoài nghi: “Không biết mình có thể bền đỗ theo Chúa hay không? Không biết Hội dòng này có phải là địa chỉ cuối cùng để mình gắn bó và chôn chặt cuộc đời?...”. Dẫu biết rằng, con đường theo Chúa không phải lúc nào cũng mượt êm nhung lụa, đầy cỏ lạ hoa thơm, mà là con đường của chông gai và thử thách. Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn tôi: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo ta" (Mc 9,34); và luôn là động lực giúp tôi quyết tâm bước đi theo Chúa mỗi ngày với lòng tự nguyện đáp trả.

Qua suốt chặng đường ơn gọi, tôi luôn cảm nhận tình thương Chúa trải dài bao bọc cuộc đời. Lòng nhân hậu và tình thương của Ngài đã giữ gìn và trợ giúp để tôi có thể vượt qua những lỗi lầm, yếu đuối, bế tắc; vươn lên từ những mỏi mệt, tối tăm nhất của cuộc đời. Khi đối diện với những giới hạn của phận người, đôi lúc tôi tưởng rằng bỏ cuộc tháo lui. Nhưng rồi, nhờ những lời cầu nguyện, hy sinh của cả nhiều người, mọi sự cũng dần qua đi, và tôi lại tiếp tục bước đi với niềm tin yêu phó thác.

Tôi luôn cảm nghiệm sâu sắc rằng: chỉ có Chúa là người mà tôi luôn tin tưởng và phó thác tuyệt đối. Chỉ nơi Ngài, tôi có thể thân thưa mọi chuyện. Qua những giây phút thinh lặng nguyện cầu, tôi có thể bộc bạch chia sẻ với Ngài mọi niềm vui nỗi buồn, mọi xuyến xao ước nguyện; nhờ đó mà tôi tìm thấy sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn và có thêm nghị lực thiêng liêng để vượt qua những ươn hèn cám dỗ. Và cũng chỉ qua con đường tâm linh nầy, tôi mới cảm nhận cách sâu sắc được Ngài luôn đồng hành bên tôi trong suốt chặn đường đã qua.

Tôi luôn xác tín rằng: nếu người tu sĩ thiếu đời sống cầu nguyện chẳng khác gì cá sống thiếu nước, nó sẽ chết bất cứ lúc nào. Vì thế, tôi luôn tự nhủ rằng mình phải luôn cố gắng, quyết tâm tự huấn luyện mỗi ngày cả về tri thức lẫn đạo đức; và luôn phó thác ơn gọi của mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, vì "Không có gì mà Thiên Chúa không làm được" (Lc 1,37).

Vâng, Thiên Chúa là tình yêu, và Người hằng ban cho những ai nguyện một lòng, một trí sống trung thành gắn bó với Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa luôn đồng hành và dẫn dắt con bước đi trên con đường của Chúa, Đấng là nguồn và là mẫu mực của mọi ơn gọi. Xin giúp con can đảm chấp nhận, ngày càng nhiệt tâm đáp trả và sống cuộc đời thánh hiến dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, noi theo cung cách sống và hành xử của chính Chúa trong sứ mạng yêu thương và phục vụ: “Tôi đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), ngõ hầu cho danh Chúa được tỏa rạng khắp hoàn cầu. Amen.

Nữ tu Gioan Maria Vianney Thuỳ (Đaminh Monteils)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Đẹp Vào Xuân/Early Spring
Robert Helfman
21:14 04/05/2020
NGÀY ĐẸP VÀO XUÂN/EARLY SPRING
Ảnh của Robert Helfman

Hôm nay ngày đẹp dịu dàng
Trời trong nắng ấm nhẹ nhàng vào xuân
(bt)
 
VietCatholic TV
Chết 67 năm vẫn còn gây được khó khăn cho Chính Thống Nga. ĐTC cầu nguyện cho các gia đình hòa thuận
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:13 04/05/2020


1. Chết 67 năm vẫn còn gây được khó khăn cho Chính Thống Giáo Nga

Đang có những đột biến nguy hiểm trong tình trạng dịch bệnh tại Nga. Tính đến thứ Hai 4 tháng Năm, tử vong tại Nga lên đến 1,280 người, trong số 134,687 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật 3 tháng Năm, Nga đã chứng kiến con số kỷ lục 10,633 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, là con số cao nhất từ trước đến nay tại quốc gia này.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã được chẩn đoán mắc coronavirus, ông nói trong cuộc họp video với Tổng thống Vladimir Putin phát trên kênh truyền hình Rossiya 24 do nhà nước điều hành vào hôm thứ Năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải mở rộng tình trạng cô lập đến 11 tháng Năm khi Nga tiếp tục chứng kiến sự gia tăng kinh hoàng trong các trường hợp nhiễm trùng coronavirus mới trong những ngày gần đây.

Tám container lạnh để lưu trữ thi thể của các bệnh nhân chết vì coronavirus đã được lắp đặt tại các bệnh viện ở St. Petersburg để phòng ngừa trường hợp số người chết tăng lên quá cao đến mức các nhà xác không còn đủ chỗ.

Trong một diễn biến hết sức đáng quan ngại, linh mục trưởng coi sóc nhà thờ chính tòa thủ đô Mạc Tư Khoa đã chết chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ sau khi bị nghi ngờ nhiễm coronavirus. Cha Alexander Ageykin đã qua đời vào ngày 21 tháng Tư, bắt đầu một loạt các đồn thổi và tranh cãi trong Chính Thống Giáo Nga.

Trước hết, có sự quan tâm đến tình trạng sức khỏe của Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga là người vài ngày trước đó vẫn thường xuyên đồng tế với Cha Ageykin.

Kế đến là lệnh treo chén đối với linh mục thần học gia Chính Thống Giáo Andrei Kurayev được đưa ra vào hôm 29 tháng Tư. Trong một chương trình truyền hình trước đó, thần học gia này cáo buộc vị linh mục quá cố Ageykin là người có “tham vọng nghề nghiệp điên cuồng”.

Trong sắc lệnh treo chén, Đức Thượng Phụ Kirill cho biết:

“Bởi vì anh đã công khai sỉ nhục ký ức về linh mục Ageykin, và vì các khiếu nại mà tôi đã nhận được về các hành vi trước đây của anh, anh bị cấm không được cử hành các nghi thức Phụng Vụ.”

Cha Kurayev sẽ bị cấm cử hành Thánh lễ cho đến khi một tòa án giáo hội xét xem ngài có thể bị huyền chức hay không, Đức Thượng Phụ Kirill cho biết như trên trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Phản ứng lại chuyện treo chén này, cha Kurayev mô tả lệnh cấm này là một “chuyện nhỏ”.

“Bạn chưa thể gọi tôi là một linh mục bị buộc hoàn tục vì chưa ai dám huyền chức tôi”, cha nói với kênh tin tức Podyom của Mạc Tư Khoa.

Trong chương trình này, cha Kurayev cáo buộc một chuyện gây xao xuyến rất lớn đối với các tín hữu Chính Thống Giáo Nga.

Một nhà thờ Chính thống khổng lồ nằm ở công viên quân sự Yêu Nước bên ngoài thủ đô Nga dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 9 tháng Năm để ăn mừng chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai. Bên cạnh chiến thắng của Liên Xô chống Quốc Xã Đức vào năm 1945, ngôi nhà thờ này cũng ca ngợi “những chiến công khác của lực lượng vũ trang Nga” bao gồm với Mạc Tư Khoa chiếm Crimea vào năm 2014.

Cao 96 mét và được trang hoàng với sáu mái vòm vàng, đây sẽ nhà thờ Chính Thống Giáo lớn thứ ba của Nga. Dự án chưa từng có này đã mang đậm tính biểu tượng. Chiều cao của tháp chuông là 75 mét - tượng trưng cho kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã.

Phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết xe tăng và máy bay của Đức Quốc xã đã được nấu chảy để xây dựng các bậc thang của nhà thờ.

Ngay cả trước khi được khánh thành chính thức vào ngày 9 tháng Năm, nhà thờ đã trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích và chế giễu dữ dội. Người mạnh miệng chế diễu nhất là Cha Kurayev, người vừa bị treo chén. Ngài tiết lộ rằng đây sẽ là lần đầu tiên, Giáo hội Chính thống Nga buộc phải đồng ý để hình ảnh của Stalin – kẻ bách hại tàn bạo Chính Thống Giáo và các tôn giáo khác - được chưng trong nhà thờ.

Cha Kurayev còn đi xa đến mức tố cáo Đức Thượng Phụ Kirill từng làm mật vụ cho cộng sản Nga. 67 năm sau khi đã chết, Stalin lại một lần nữa đang làm khốn đốn Chính Thống Giáo Nga.



Thánh lễ tại Santa Marta 4/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện sao cho các gia đình có hòa bình và Giáo Hội có sự hiệp nhất

Lúc 7 sáng thứ Hai 4 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong những ngày qua, báo chí tại Ý nói nhiều đến vấn đề bạo lực trong gia đình, các cuộc gây gỗ vì tình trạng cô lập làm gia tăng các căng thẳng trong gia đình xuất phát từ các âu lo về kinh tế, dịch bệnh, những thay đổi về thói quen…Tình hình này xuất hiện tại hầu như khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu là tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tù nhân được tha bổng để tránh tình trạng lây lan trong các nhà tù đã giết chết đứa con ruột mới 9 tuổi của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra khỏi nhà giam.

Chính vì thế, trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cách riêng các gia đình có hòa bình và rộng lớn hơn cho Giáo Hội có sự hiệp nhất.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình ngày hôm nay: trong thời gian cách ly này, gia đình phải đóng cửa ở nhà, cầu xin cho họ cố gắng làm nhiều điều mới, nhiều sáng tạo với trẻ em, với mọi người, để tiếp tục sống theo thánh ý Chúa; đặc biệt là tránh vấn đề bạo lực gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình tiếp tục sống chung hòa bình với sự sáng tạo và kiên nhẫn trong thời gian cách ly này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư về Bài Đọc Một hôm nay trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 11: 1-18), trong đó Phêrô, bị các anh em của mình quở trách ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ. Trong Tin Mừng (Ga 10: 11-18) Chúa Giêsu nói rằng Ngài còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Chúa Giêsu cũng phải đưa chúng về chung một đàn chiên.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Khi Thánh Phêrô đi lên Giêrusalem, các tín hữu trách ngài vì đã vào nhà của những người không chịu cắt bì và cùng ăn với họ, với những kẻ ngoại đạo: điều đó là không thể, đó là một tội lỗi. Sự tinh khiết của pháp luật đã không cho phép điều này. Nhưng Thánh Phêrô đã làm điều đó bởi vì đó là Thần Khí Chúa đưa thánh nhân đến đó. Chuyện trách móc như thế luôn có trong Giáo hội, đặc biệt là trong Giáo hội sơ khai, bởi vì mọi sự không rõ ràng – có một não trạng rất thịnh hành cho rằng “chúng ta là người công chính, những kẻ khác là những kẻ tội lỗi”. Những từ ngữ “chúng ta” và “những người khác” tạo ra những chia rẽ. “Chúng ta có ưu thế trước mặt Chúa”. Còn “những người khác” là những người “bị kết án”. Và đây là một căn bệnh của Giáo hội, một căn bệnh phát sinh từ ý thức hệ hoặc từ não trạng phe phái trong tôn giáo. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này là vào thời Chúa Giêsu, ít nhất là đã có bốn phe phái tôn giáo: phe của người Pharisêu, phe của người Sađốc, phe của những người quá khích và phe của người Essen, và mỗi phe giải thích lề luật theo ý tưởng riêng của mình, theo các cảm giác rất trần tục của mình. Chúa Giêsu đã từng bị khiển trách vì vào nhà của những người thu thuế - những người, mà theo họ là những kẻ tội lỗi, và thậm chí Ngài còn dám ăn uống với họ, với những người tội lỗi, bởi vì sự trong sạch về luật pháp không cho phép điều đó và Ngài đã không rửa tay trước bữa trưa. Nhưng những lời trách móc luôn luôn tạo nên sự chia rẽ: đây là điều quan trọng, mà tôi muốn nhấn mạnh.

Có những ý tưởng, những quan điểm tạo nên sự chia rẽ, đến mức sự chia rẽ đó trở nên quan trọng hơn cả sự hiệp nhất. Ý tưởng của tôi quan trọng hơn những gì Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Có một vị Hồng Y về hưu đang sống ở đây, tại Vatican này. Ngài là một mục tử tốt lành, thường nói với các tín hữu rằng: “Anh chị em có biết rằng Giáo Hội cũng giống như một dòng sông không? Một số phần có thể quan trọng hơn những phần này, phần khác nhưng điều quan trọng là mọi người đều ở bên trong cùng một dòng sông”. Đây là sự hiệp nhất của Giáo hội. Không có ai bên ngoài, mọi thứ bên trong. Cũng có những đặc thù khác biệt: nhưng những điều ấy không thể gây chia rẽ, không phải là ý thức hệ. Những điều như thế là hợp pháp. Nhưng tại sao Giáo hội lại có chiều rộng của dòng sông? Thưa: Đó là vì Chúa rất muốn điều đó.

Trong bài Tin Mừng này, Chúa cho chúng ta biết: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Chúa nói: “Tôi có chiên ở khắp mọi nơi và tôi là mục tử của tất cả”. Cụm từ “tất cả” trong câu nói của Chúa Giêsu rất quan trọng. Hãy nghĩ đến dụ ngôn về tiệc cưới, khi các vị khách được mời đã không muốn đến đó: một ông vì mới mua ruộng, ông khác mới lập gia đình... tất cả mọi người đều lý do để không đi. Và chủ tiệc cưới đã tức giận và nói: “Hãy đi đến ngã tư đường và đưa mọi người đến bàn tiệc. Tất cả, lớn nhỏ, giàu nghèo, tốt xấu, mời hết. Tất cả. Cái “tất cả” này cách nào đó phản ảnh viễn kiến của Chúa, Đấng đã xuống thế làm người vì tất cả và đã chết cho tất cả. “Nhưng liệu ngài có chết cho tên bất lương là kẻ đã làm cho cuộc sống của tôi vô cùng khốn khổ như thế này không?” Chúa Giêsu cũng chết vì kẻ ấy. “Còn tên cướp đó thì sao?” Chúa Giêsu cũng đã chết vì tên cướp ấy. Ngài chết cho tất cả mọi người, cho cả những người không tin vào Người, và cả những người thuộc về các tôn giáo khác: Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Người đã chết cho mọi người, để công chính hóa tất cả mọi người.

Chúng ta chỉ có một Đấng Cứu chuộc, chỉ có một sự hiệp nhất: Chúa Kitô đã chết cho tất cả. Có một sự cám dỗ chia rẽ mà ngay cả Thánh Phaolô cũng phải chịu đựng điều đó: “Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô”, và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông Apôlô”. Chúng ta cũng nghĩ về chúng ta, năm mươi năm trước, sau Công đồng có những chia rẽ mà Giáo hội phải chịu đựng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều. Đó là sự trách móc của Dân Chúa đối với Phêrô vì ông đã vào nhà của những người ngoại giáo. Điều thứ hai là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta Ngài có chiên ở khắp mọi nơi và Ngài là mục tử của tất cả khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Đó là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người, bởi vì tất cả những người nam nữ, tất cả chúng ta đều cùng thuộc về một Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tâm lý chia rẽ, bè phái và giúp chúng ta thấy điều tuyệt vời này của Chúa Giêsu, đó là trong Người, tất cả chúng ta là anh em và Người là Mục Tử của tất cả chúng ta. Cầu mong sao cho cụm từ “Mọi người, tất cả mọi người!” đồng hành với anh chị em trong ngày hôm nay.


Source:Vatican News


 
Toàn dân Ba Lan hướng về linh địa Częstochowa, tha thiết xin Mẹ chữa lành dịch bệnh kinh hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:46 04/05/2020

1. Tín hữu Ba Lan dâng lên Đức Mẹ Częstochowa lời nguyện xin tha thiết

Hàng triệu người Ba Lan đã theo dõi trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia nghi thức tái thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra, hay còn gọi là Częstochowa vào lúc 11g trưa Chúa Nhật 3 tháng Năm. Đó là những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Tờ Częstochowa Wyborcza tường thuật trước đó mấy ngày mưa tầm tã nhiệt độ xuống thấp chỉ còn 4 độ C. Sáng sớm ngày Chúa Nhật, trời như muốn đổ mưa lớn nhưng quang đãng dần và nắng đẹp trong suốt nhiều giờ liên tục khi các Giám Mục từ khắp đất nước đổ về đây cử hành nghi thức trọng thể tái thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ. Nhiều người rất cảm động và tin rằng đó là dấu chỉ Đức Mẹ nhận lời con cái Mẹ đang nài xin tha thiết trong hoàn cảnh khó khăn này.

Tính đến thứ Hai 4 tháng Năm, Ba Lan có 13,693 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trong đó có 678 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm bệnh tuy không cao như các nước láng giềng, tuy nhiên, sau thời kỳ cộng sản, Ba Lan tập trung toàn lực vào việc vực dậy nền kinh tế, nên hệ thống y tế của nước này khó lòng đương đầu nổi nếu dịch bệnh bùng phát kinh hoàng như tại Ý hay tại Đức.

Ba Lan đã bắt đầu cô lập từ ngày 13 tháng Ba, và phải quyết tâm dỡ bỏ các hạn chế trước ngày 10 tháng Năm là ngày bầu cử.

Trong lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Poznań, và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói:

“Chúng ta cầu xin sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ vương Ba Lan, rằng xin Mẹ giúp chúng con đứng vững trên đôi chân mình, gia đình chúng con không bị vùi dập, nền kinh tế không hư hại, nền văn hóa chúng con không bị bại hoại và cũng không có những thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ Giáo Hội chúng con.”

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục đã nêu ra sáu điểm quan trọng các Giám Mục nước này muốn dâng lên Trái Tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ Nữ vương Ba Lan trong năm nay là những âu lo về ảnh hưởng của đại dịch coronavirus, kỷ niệm ngày ban bố hiến pháp dân chủ 3 tháng 5 sau một thời gian gần nửa thế kỷ chìm đắm trong chế độ cộng sản, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, lễ tuyên Chân Phước cho Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và vai trò của Đức Mẹ Nữ vương Ba Lan trong trận chiến Warsaw.

Trong số những người tham dự Thánh lễ có bà Elżbieta Witek, Chủ tịch Quốc Hội Ba Lan, nhiều vị đại diện của chính quyền Ba Lan và cả Liên Hiệp Âu Châu.

Trong những năm gần đây Ba Lan liên tiếp đạt được các thành quả kinh tế và xã hội rất quan trọng, theo kịp các nước tiên tiến khác ở Âu Châu. Âu lo lớn nhất hiện nay là những thiệt hại to lớn vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này có thể giáng một dòn chí mạng vào đất nước vừa thoát ra khỏi đại họa cộng sản này.

Tất cả các nghi thức thánh hiến đã diễn ra tại Tu viện Jasna Góra.

Tưởng cũng nên nói thêm là Tu viện Jasna Góra tại Częstochowa là một ngôi đền nổi tiếng bậc nhất Ba Lan được dành để kính viếng Đức Trinh Nữ Maria và đây là địa điểm hành hương quan trọng nhất của cả nước, hàng năm, hàng triệu người tới đây kính viếng. Hình ảnh tiêu biểu của ngôi đền này là tượng Đức Mẹ Đen, Black Madonna hay còn được gọi là Đức Mẹ Częstochowa. Các tín hữu tấp nập hành hương quanh năm vì nhiều người nhận được những ơn lạ hồn xác sau khi kính viếng tượng ảnh Đức Mẹ tại đây. Địa điểm này chính thức được coi là di sản quốc gia từ ngày 16 tháng 10 năm 1994.

Chính tại đây, từ ngày 10 đến 15 tháng 8 năm 1991, một triệu sáu trăm ngàn người trẻ đã cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ hoàn toàn tại Đông Âu.

Đan viện Jasna Góra này tọa lạc cách Krakow khoảng 144km. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1991 với một diễn từ làm rung động hàng triệu con tim những bạn trẻ Đông Âu vừa thoát ra khỏi chế độ cộng sản.

Sau khi nhắc lại những lời trích từ thư Rôma đoạn 8 từ câu 15 đến câu 17,

“Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi! “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.”

Vị Giáo Hoàng Ba Lan nói:

“Với tất cả các bạn trẻ, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, tôi nói: hãy nhận lấy Thánh Thần và hãy mạnh mẽ trong đức tin! ‘Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ’ (2 Tim 1: 7).

Các con đã nhận lãnh Thần Khí làm cho chúng con nên nghĩa tử. Các con là con cái Thiên Chúa, là những người nam nữ được tái sinh trong bí tích Rửa Tội và được củng cố trong phép Thêm Sức, các con hãy là những người đầu tiên để xây dựng một nền văn minh mới, nền văn minh của sự thật và tình yêu, các con hãy là ánh sáng của thế giới và là muối của trái đất này.

Cha đang nghĩ đến những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên thế giới. Đối với nhiều người các cánh cửa được mở tung ra cho hy vọng về một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá của họ, và nhân bản hơn. Trong mối liên hệ này, cha nhớ lại những lời thực sự có tính tiên tri của Công đồng Vatican II: ‘Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng với sự quan phòng kỳ diệu đang hướng dẫn lịch sử và canh tân bộ mặt trái đất, đang hiện diện trong diễn trình tiến hóa này’ (Vui mừng và Hy Vọng, 26)”

Không ít các bạn trẻ Đông Âu, những người vừa được hưởng tự do sau một thời gian dài sống trong chế độ cộng sản đã rưng rưng ngấn lệ.



Kim Chính Ân tái xuất hiện
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân vừa tái xuất hiện sau 3 tuần vắng bóng để tham dự lễ khánh thành nhà máy phân bón ở Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng. KCNA, cơ quan truyền thông của Bắc Triều Tiên cho biết như trên, phá vỡ sự im lặng về số phận và sức khỏe của Kim.

Những hình ảnh trong sự kiện này cho thấy Kim đang mỉm cười, trong trang phục Mao-ít, cắt một dải ruy băng đỏ trong lễ khánh thành. Tất cả những công nhân viên chức tham gia trong buổi lễ đều đeo khẩu trang y tế nhưng Kim và những thành viên cao cấp khác thì không.

Bên cạnh Kim là em gái Kim Dữ Chính hay còn gọi là Kim Yo-jong, được nhiều người coi là người kế vị được chỉ định của Kim Chính Ân trong trường hợp anh ta tử vong.

Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của Kim Chính Ân kể từ ngày 11 tháng 4. Sự vắng mặt của anh ta trong lễ kỷ niệm sinh nhật của ông nội Kim Nhật Thành đã gây ra những suy đoán về sức khỏe của anh ta. Một hãng tin Nam Hàn, và sau đó là CNN, thậm chí đã báo cáo rằng anh ta bị bệnh nặng, gần như sắp chết.

Ba nguồn tin của các quan sát viên thạo tin về quốc gia này cho biết Trung Quốc đã phái một nhóm các chuyên gia y tế tới Bắc Hàn để tư vấn cho Kim Chính Ân.

Kim Chính Ân là thế hệ thứ ba lên nắm quyền sau cái chết của cha mình vào năm 2011, theo kiểu cha truyền con nối. Việc Kim không có người kế vị rõ ràng ở một quốc gia vũ trang hạt nhân có thể gây ra các rủi ro quốc tế rất lớn.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá thấp các báo cáo cho rằng Kim đang trong tình trạng nguy tử. “Tôi cho rằng các báo cáo như thế không chính xác,” ông Trump nói với các phóng viên, nhưng từ chối cho biết có phải ông đã liên lạc với các quan chức Bắc Hàn hay không.

Tổng thống Trump đã gặp Kim ba lần trong nỗ lực thuyết phục ông từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa nước Mỹ cũng như các nước láng giềng châu Á. Dù các cuộc đàm phán bị đình trệ, tổng thống vẫn thường đề cập đến Kim như một người bạn.

Hôm thứ Hai, Daily NK, một trang web có trụ sở tại Hán Thành chuyên đưa tin về Bắc Hàn, đã trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Kim đã trải qua điều trị y tế tại khu nghỉ mát Hương Sơn, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Daily NK cho rằng Kim đã hồi phục sau khi trải qua một cuộc giải phẩu tim mạch vào ngày 12 tháng Tư.

Kim, được báo cáo đang ở độ tuổi 36, đã biến mất trên các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn từ 11 tháng Tư. Vào năm 2014, anh ta đã biến mất hơn một tháng và truyền hình nhà nước Bắc Hàn sau đó cho thấy anh ta đi khập khiễng.

Suy đoán về sức khỏe của Kim thường thấy trên các phương tiện truyền thông vì anh ta hút thuốc nhiều, tăng cân rõ rệt kể từ khi nắm quyền lực và gia đình có tiền sử về các vấn đề tim mạch.


Source:Asia News