Ngày 28-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Bẩy 29/5: Nhìn nhận sự thật và thay đổi. Suy niệm của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:43 28/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 28-May-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Mc 11, 27-33

“Ông lấy quyền nào làm sự đó?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?” Chúa Giêsu đáp: “Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi”. Họ liền bàn riêng với nhau rằng: “Nếu chúng ta trả lời “Bởi trời”, ông ấy sẽ nói: “Vậy sao các ông không tin Người?” Nhưng nếu chúng ta nói “Bởi người ta”, chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không biết”. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó”.

Đó là lời Chúa.
 
Ba Ngôi - Kiểu mẫu của tình yêu hiệp thông
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:59 28/05/2021
BA NGÔI - KIỂU MẪU
CỦA TÌNH YÊU HIỆP THÔNG

Tự bản tính, tình yêu nội tại cung lòng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần đã là tình yêu hiệp nhất. Bởi sự liên hệ trong tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con tròn đầy đến nỗi phát sinh Ngôi Thánh Thần. Còn Thánh Thần, Đấng liên hệ và nối kết đậm đặc, bền chặt, duy nhất giữa Ngôi Cha và Ngôi Con.

Chính trong tình yêu hiệp thông cao cả như vậy, ta mới có thể hiểu phần nào Ba Ngôi mà lại một Chúa: Ba mà Một - Một nhưng vẫn là Ba.

1. Trong giáo huấn của Chúa Giêsu.

Tình yêu hiệp thông chẳng những không bao giờ lỏng lẻo, mà còn đầy đặn vĩnh cửu ấy, được Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Hoặc: "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (Ga 17, 20).

Tình yêu hiệp thông trong chiều kích Ba Ngôi khắng khít đến nỗi: Chúa Thánh Thần "không tự mình mà nói, nhưng Ngài nghe gì thì sẽ nói vậy... Ngài sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Ngài sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con". (Ga 16, 13-15).

Tình yêu hiệp thông nơi cung lòng Thiên Chúa còn trọn vẹn đến nỗi một Ngôi là biểu hiện của cả Ba Ngôi: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Trong giáo huấn về mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi trao đổi cho nhau, Chúa Giêsu còn cho biết: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Ngài” (Ga 3, 35). Hay:“Con yêu Cha nên Con làm mọi sự đúng như Cha đã truyền dạy” (Ga 14, 31) cho dù phải “vâng lời (Chúa Cha trong mọi sự) cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2, 8).

Chỉ trong tương quan tình yêu, mới khả dĩ cắt nghĩa được khía cạnh ngôi hiệp trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

2. Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi.

Tin tưởng và trung thành rao giảng mầu nhiệm Ba Ngôi, Hội Thánh luôn khẳng định và tuyên xưng: Chúa Thánh Thần "bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài được phụng thờ với Chúa cha và Chúa Con" (kinh Tin kính).

Hội Thánh chúc tụng tình yêu hiệp nhất của Ba Ngôi: "Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời" (Vinh tụng ca).

Hội Thánh luôn luôn cầu nguyện nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi: "Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Người hằng sống hằng trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời".

Hội Thánh khắc ghi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Ga 17,21), để duy trì và luôn hướng đời sống, sinh hoạt của mình trong tình yêu hiệp thông của mầu nhiệm ba Ngôi.

3. Sống tình yêu hiệp thông theo khuôn mẫu tình yêu Ba Ngôi.

- Chúng ta hiệp thông với Chúa Ba Ngôi bằng chính lòng yêu mến và đức tôn thờ của mình. Tấm gương của Christophe Colombus, nhà hằng hải nổi tiếng của Tây Ban Nha, và là người khám phá châu Mỹ, là kiểu mẫu cho chúng ta về sự gắn mình với Thiên Chúa.

Christophe Colombus có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh”.

Trong cuộc khởi hành thứ 3 vào năm 1498, Christophe thề hứa sẽ dâng Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad” (đảo Chúa Ba Ngôi).

Như ông, ta đặt Thiên Chúa làm chủ và gia nghiệp của cuộc đời mình, để bất cứ làm việc gì, suy nghĩ gì, hành động gì, dự án gì, tương quan nào..., ta cũng đều đặt chúng trong ánh nhìn của Thiên Chúa. Sẵn sàng hiến dâng Thiên Chúa và quy về Thiên Chúa mọi kết quả của đời mình.

Hãy nhân danh Ba Ngôi và dâng hiến cho Ngài tất cả mọi chiều kích, mọi thời gian, mọi hoàn cảnh của chính mình và của những ai có ảnh hưởng tới mình hay mình ảnh hưởng trên họ.

- Đời sống thường ngày, ta biết đặt tinh thần hiệp nhất lên trên tất cả mọi nỗ lực, mọi ý hướng để luôn cộng tác với anh chị em xung quanh trong sự tôn trọng và yêu thương, để làm việc và xây dựng Nước Chúa nơi môi trường, hay hoàn cảnh cụ thể mà mình đang hiện diện.
Biết từng chút, kiên nhẫn gọt giũa cái tôi cồng kềnh của bản thân để hợp lực cùng nhau phát triển Hội Thánh, là tác phẩm độc đáo của Thiên Chúa ngày càng sinh động, ngày càng uyển chuyển và tràn đầy sức sống của đức tin mạnh mẽ, kiên cường.

Từng Kitô hữu hãy dâng hiến bản thân, ý thức việc cho đi, biết chia sẻ, biết bỏ ý riêng và sống chan hoà tình bác ái. Tất cả mọi thành viên trong cùng một cộng đoàn đức tin hãy quyết tìm thánh ý Chúa để mưu cầu sự thánh thiện và ân huệ của Thiên Chúa cho từng cá nhân trong cộng đoàn của mình.

Chúng ta hãy luôn cầu nguyện, nài xin Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần yêu thương, sẵn lòng tha thứ cho những bất toàn của từng cá nhân. Xin Thánh Thần của Ngài kiến tạo mỗi cá nhân thành khuôn mẫu của sự thánh thiện mà Ngài luôn mời gọi hướng tới.
 
Dẫn Nhập Vào Thánh Lễ & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B.30.5.2021
Lm Francis Lý văn Ca
15:19 28/05/2021
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đã chuẩn bị thánh lễ với những lời kinh nguyện diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội mừng kính hôm nay: Dấu thánh giá, kinh Chúa Thánh Thần...

Tất cả những kinh chúng ta đọc, những dấu thánh giá, những gì linh mục sẽ cử hành trong thánh lễ đều nói lên mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Thánh lễ Giáo Hội mừng kính hôm nay, không phải để chúng ta học hỏi, hay tìm hiểu thêm về mầu nhiệm trọng đại nầy, vì đã nói là mầu nhiệm thì chắc chắn vượt trí hiểu của loài người, nhưng với đức tin, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm nầy.

Xin Thiên Chúa, ban muôn tình yêu để phong phú hóa lòng mến yêu Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta. Đồng thời thể hiện tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi nơi tha nhân chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Nếu được vậy, thế giới nhỏ bé chúng ta đang sống sẽ được tràn đầy tình thương của mầu nhiệm chúng ta cùng Giáo Hội mừng kính mỗi năm.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ mừng kính Một Chúa Ba Ngôi với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Môisen nhắc dân Dothái những biến cố từ cổ chí kim, thêm vào đó, việc Chúa cứu thoát họ khỏi những sự dữ. Ước chi trong cuộc sống, chúng ta nhận ra bàn tay của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn dắt dìu chúng ta đi.

TRƯỚC BÀI II:
Tất cả chúng ta đều nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần và trở nên nghĩa tử. Chúng ta gọi Chúa là Cha. Chính Ngài đã ban cho chúng ta phúc làm con cái, qua sự nhập thể và nhập thế của Đức Kitô.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa Kitô trước khi về trời, đã truyền dạy các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân và làm phép rửa cho họ. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi linh mục cử hành khi rửa tội cho tân tòng hay trẻ em.






Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian nên sai Con Một xuống thế làm người, Ngôi Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và điều khiển Giáo Hội cách nhiệm mầu. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội những nhu cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho những nhà truyền giáo, đã chọn nhưng quốc gia nghèo đói, kém mở mang, để đem Tin Mừng của Chúa đến những quốc gia nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho thế hệ chúng ta đang sống cũng tiếp tục xuất hiện những nhà truyền giáo cho chính thời đại hôm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho các Cộng Đoàn dân Chúa, luôn biết sống yêu thương và hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa trong tình tương thân tương ái. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin đốt lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến, để những ai gặp gỡ chúng ta trên đường đời, đều cảm thấy như gặp gỡ chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho những tín hữu của Chúa đã qua đời, đặc biệt những linh hồn đã yên nghỉ do Covid-19 mà chúng ta nhớ đến cách riêng trong tháng nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Xin Chúa luôn hiện diện bên chúng con, biến chúng con thành đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Với ơn Chúa ban, chúng con sẽ trở nên những dụng cụ của Chúa dùng để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho thế giới nhỏ bé của chúng con đang sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 28/05/2021

8. Con người ta nếu thường xuyên nghĩ đến sự đau khổ trong hỏa ngục, thì khi chết không phải xuống địa ngục.

(Thánh Bernad)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:19 28/05/2021
59. QUÊN TẾT ĐOAN NGỌ

Tết đoan ngọ, thầy giáo không nhận được quà tặng thì hỏi học trò tại sao như thế, học trò chạy về hỏi cha mình xong thì quay lại nói với thầy giáo:

- “Cha của con quên rồi.”

Thầy giáo nói:

- “Ta xuất ra câu đối, nếu mày đối không được thì bị đánh.”

Câu đối của ông là:

- “Nhà Hán có tam kiệt: Trương Lương, Hàn Tín và Úy Trì công.”

Học trò đối không được, bị đánh, khóc chạy về báo cho cha mình biết. Ông cha nói:

- “Chữ đối sai rồi, Úy Vệ công là đời nhà Đường chứ không phải đời nhà Hán.”

Học trò bẩm cáo lại với thầy giáo, thầy giáo cười nói:

- “Cha của mày nhớ rất rõ ràng chuyện ngàn năm trước, tại sao hôm qua tết đoan ngọ thì lại không nhớ hử?!”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 59:

Có một thời, học trò chỉ việc đến trường học hành vô tư vì không có chuyện thầy cô giáo “vòi vĩnh” với phụ huynh; có một thời học sinh phải “điên đầu” với chuyện học ở trường, học ở nhóm, học ở tổ và học thêm với các thầy cô dù các em học rất khá…

Chuyện ngàn năm trước thì nhớ nhưng chuyện hôm qua thì quên vì hai chuyện không giống nhau, chuyện ngàn năm trước nhớ vì nó không tốn tiền mua lễ vật, chuyện hôm qua lại quên vì nó tốn tiền mua lễ vật.

Có những người Ki-tô hữu chuyện Đức Chúa Giê-su sinh ra trong máng cỏ, bị đóng đinh chết trên thập giá và sống lại hai ngàn năm trước thì không quên, nhưng chuyện đi dâng thánh lễ để thông phần hạnh phúc vĩnh cữu với Ngài thì lại quên, họ quên không phải vì sợ tốn tiền, nhưng sợ mất việc làm, sợ mất buổi nhậu, sợ mất buổi hẹn hò, sợ mất sức khỏe.v.v…cho nên trong đời sống tín ngưỡng họ đã trở thành miếng mồi ngon cho ma quỷ và những đệ tử của nó.

Chuyện quên và nhớ quà cáp lễ vật không hệ tại…trí óc, nhưng hệ tại cái bao tử và túi tiền.

Chuyện có những người Ki-tô hữu quên Chúa quên Mẹ cũng không phải do trí óc, nhưng là do bao tử của họ ngày càng lớn vì hưởng thụ, mà bao tử lớn thì trí óc cũng như tâm hồn phải nhỏ lại, đó là…quy luật quên và nhớ, ơn và oán, hưởng thụ và khắc chế vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi (CN 9 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 28/05/2021
CHÚA NHẬT

LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI


Tin Mừng: Mt 28, 16-20.

“Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Thiện Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta luôn nhớ đến tình yêu cao cả mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, và mời gọi tất cả con cái mình đem hết tâm hồn, trí óc, ý chí, sức lực để tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì nơi Thiên Chúa Ba Ngôi không có một loại thụ tạo nào chen vào, và không một nguyên tố vật chất nào cấu tạo thành Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa là Đấng tự hữu hằng có đời đời. Trong niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi chia sẻ với bạn hai điểm này:

1. Thiên Chúa Ba Ngôi, một khối tình yêu.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha, ngôi thứ hai là Đức Chúa Con và ngôi thứ ba là Đức Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất thánh thiện, toàn năng, không phân biệt lớn nhỏ nhưng như nhau, không tách biệt nhưng mỗi ngôi vị là một hữu thể thông ban ơn cứu độ cho nhân loại: Đức Chúa Cha tạo dựng nên vũ trụ, Đức Chúa Con (Đức Chúa Giê-su) xuống thế chuộc tội nhân loại, Đức Chúa Thánh Thần thánh hóa nhân loại, như lời của thánh A-tha-na-xi-ô giám mục dạy: “Các ơn mà Đức Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người, đều do Đức Chúa Cha ban cho qua Ngôi Lời, vì mọi sự của Đức Chúa Cha cũng là của Đức Chúa Con, và như vậy các ơn được Đức Chúa Con ban trong Đức Chúa Thánh Thần cũng thật là các ơn của Đức Chúa Cha.”

Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con, và tình yêu này phát sinh ra Đức Chúa Thánh Thần, tình yêu Ba Ngôi là một khối không tách lìa, nhưng thông ban cho nhân loại từng người một; không ứ đọng, nhưng tuôn chảy tràn lan trong vũ trụ, từ những côn trùng nhỏ xíu dưới đất đến những tinh tú khổng lồ trên trời cao, và những loài sinh sống trong biển cả; không giữ lại nhưng cho đi và làm cho mọi loài ngày càng tốt đẹp hơn...

2. Tình yêu nhân loại phải phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gioan tông đồ đã khẳng định như thế, và ngài mời gọi chúng ta hãy sống thật với tình yêu của mình, ngài nói: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 1, 8) Chúng ta có thể hiểu câu nói của ngài như thế này:

- Trong tình yêu giữa vợ chồng với nhau mà không có tình yêu của Thiên Chúa, thì tình yêu ấy sẽ không tìm thấy hạnh phúc.

- Trong tình yêu bạn hữu với nhau mà không có tình yêu của Chúa, thì đó là sự lợi dụng nhau và sẽ đi đến phản bội nhau khi không còn lợi dụng nhau được nữa.

- Trong tình yêu nam nữ, nếu không thấy được tình yêu của Chúa qua người mình yêu, thì đó là tình yêu hoàn toàn để thỏa mãn xác thịt, và những ham muốn khác.

- Khi phục vụ tha nhân mà không có tình yêu Chúa, thì sự phục vụ ấy chỉ là khoe khoang đánh bóng bản thân mình mà thôi, và khi người khác phê bình chỉ trích thì nóng giận và không thèm phục vụ nữa...


Bạn thân mến,

Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất trong đạo Công Giáo chúng ta, lớn lao vì nó vượt quá trí hiểu của con người, lớn lao là vì nó chính là căn nguyên của vạn vật vũ trụ, cho nên như thánh Augustino dạy chúng ta hãy lấy đức tin mà tin và thờ lạy, mọi việc sẽ sáng tỏ khi chúng ta diện kiến với Thiên Chúa trên thiên đàng.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi tuy là cao cả lớn lao, nhưng rất gần gủi với bạn và tôi trong cuộc sống, nơi đâu trong vũ trụ này, ngay bên cạnh bạn và tôi, chúng ta đều thấy được mầu nhiệm này, đó là chính là Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho bạn và cho tôi.

Và tôi nhắc lại với bạn: để yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi lần bạn làm Dấu Thánh Giá thì nên khoan thai, cung kính và yêu mến mà làm dấu, vì đó chính là lúc bạn tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và cứ dấu ấy mà người ta nhận biết bạn và tôi là người Ki-tô hữu, là con của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Làm hoan lạc tâm can
Lm. Minh Anh
21:46 28/05/2021
LÀM HOAN LẠC TÂM CAN
“Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can”.

Ngày kia, một chàng trai kiêu hãnh tìm đến Socrates; anh thưa, “Hỡi Socrates vĩ đại, tôi đến với ngài để học sự khôn ngoan!”. Socrates dẫn anh ra tắm ở một dòng sông; bất ngờ, nhà triết học cơ bắp dìm đầu anh xuống nước một hồi lâu; kéo anh lên, ông hỏi, “Anh muốn gì?”; chàng trai thưa, “Khôn ngoan”. Socrates lại dìm anh lần thứ hai, lâu hơn; kéo lên, ông hỏi, “Anh muốn gì?”, “Khôn ngoan”. Lần thứ ba, dìm anh rất lâu; ông lại kéo lên, “Anh muốn gì?”; người ấy ngắc ngoải thưa, “Không khí”. Socrates nói, “Khi nào anh cần khôn ngoan như cần không khí, anh sẽ khôn ngoan!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chàng trai trẻ kiêu hãnh tìm kiếm Socrates để học sự khôn ngoan; chúng ta tìm kiếm chính Đấng Khôn Ngoan, Thiên Chúa, để yêu mến Ngài, nên giống Ngài. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên tín, “Giới răn Chúa chính trực, ‘làm hoan lạc tâm can’”; như vậy, ai tìm kiếm Thiên Chúa, bước theo Ngài, sẽ là người khôn ngoan, học lấy sự chính trực của Ngài và nhất định, tâm can người ấy sẽ hoan lạc!

Bài đọc Huấn Ca hôm nay là một áng văn tuyệt vời ca ngợi sự khôn ngoan. Tác giả coi mình như một người đi tìm sự khôn ngoan, “Tôi đã công khai tìm kiếm sự khôn ngoan trong khi cầu nguyện; trước đền thờ, tôi đã xin sự khôn ngoan, và tôi sẽ còn tìm nó cho đến ngày cuối đời”. Vậy sự khôn ngoan tác giả tha thiết tìm kiếm là gì? Rõ ràng, đó chính là Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan; và đó còn là nhận biết ý muốn của Ngài để sống sao cho phù hợp, “Tôi sẽ tôn vinh Đấng ban cho tôi sự khôn ngoan”. Tác giả chân nhận Thiên Chúa, Đấng ban khôn ngoan, chính trực; Đấng ‘làm hoan lạc tâm can’ cho ai kiếm tìm Ngài, “Tâm hồn tôi vui sướng, chân tôi bước đi trên đường ngay nẻo chính”.

Một trùng hợp thú vị khi Tin Mừng hôm nay cũng nói đến sự khôn ngoan và chính trực. Sự việc xảy ra vì bối cảnh ngày hôm trước; Chúa Giêsu vào đền thờ, thấy người ta xúc phạm nhà Thiên Chúa; Ngài đã lấy roi xua đuổi, xô đổ bàn ghế của những người buôn bán, đổi tiền. Điều này đã khiến các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão phẫn nộ, đến nỗi, họ bàn tính với nhau để tìm cách giết Ngài. Hôm nay, họ kéo đến hỏi Ngài, “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền ấy cho ông?”. Chúa Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi cũng là điều kiện để Ngài nói cho họ biết, quyền đâu Ngài làm những việc đó. Ngài hỏi họ, “Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta?”. Thật khôn ngoan!

Câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho họ thực ra là một hành động rất thương xót; ở đây, Ngài cho họ một cơ hội để ăn năn. Chỉ cần họ trả lời Ngài với lòng chính trực, họ có thể cứu được linh hồn mình. Hãy tưởng tượng, nếu câu trả lời của họ đúng đắn, ‘Phép lạ của Gioan là bởi trời’, thì họ đã tin nhận Gioan đến từ Thiên Chúa; từ đó, họ đón nhận Ngài, và như vậy, đời sống đức tin chân chính của họ có thể đã bắt đầu. Sau đó, nhờ sự dạy dỗ của Ngài, họ tin Ngài và được Ngài ban ơn cứu độ; bấy giờ, hẳn Ngài cũng sẽ ‘làm hoan lạc tâm can’ của họ. Thế nhưng, chỉ vì thiếu chính trực, thiếu lòng thành và thiếu khôn ngoan… các nhà lãnh đạo tôn giáo ấy đã không vượt qua được. Họ cố chấp, vì họ không thừa nhận họ đã sai; họ đã khoá chặt trái tim trước Chúa Giêsu như đã đóng kín nó trước Gioan. Vì thế, sau khi suy tính, họ đưa ra một câu trả lời rất ‘chính trị’, “Chúng tôi không biết”; dĩ nhiên, Chúa Giêsu đã không trả lời cho họ, và chắc chắn, tâm can Ngài chẳng có chút hoan lạc nào.

Anh Chị em,

Không phải lúc nào chúng ta cũng khôn ngoan. Chớ gì, như tác giả sách Huấn Ca, chúng ta nhận thức sự thiếu hiểu biết của mình; để từ đó, đêm ngày cầu xin và tìm kiếm sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ở đây là chính Chúa Thánh Thần, Ngài phải là điểm khởi đầu của chúng ta. Chúng ta khiêm tốn thừa nhận, chúng ta chưa có đủ sự khôn ngoan của Thánh Thần để biết ý muốn của Thiên Chúa, và từ đó, sống sao cho phù hợp với thánh ý Ngài. Từ nhận thức ấy, lời cầu nguyện tha thiết sẽ mở ra nơi chúng ta một tâm hồn sẵn sàng đón nhận sự khôn ngoan Thiên Chúa muốn ban. Với sự khôn ngoan này, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu thương của Ngài trong cuộc sống, trong các bí tích, trong Lời Chúa, trong tha nhân và nhất là biết Ngài muốn chúng ta làm gì. Từ đó, trong mọi đấng bậc, chúng ta sống ơn gọi của mình một cách khôn ngoan, trung tín và tin yêu; bấy giờ, đời sống Kitô hữu, đời sống người môn đệ của chúng ta sẽ ngập tràn hạnh phúc, vì Chúa đã ‘làm hoan lạc tâm can’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết sống ngay lành và liêm chính. Xin ban cho con sự khôn ngoan của Thánh Thần Chúa mỗi ngày, hầu con chu toàn ý muốn của Chúa đã dành cho con, “Vì chính Chúa là tuổi xuân xanh con”, cũng là Đấng ‘làm hoan lạc tâm can’ của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sau khi 9 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở San Jose
Đặng Tự Do
06:57 28/05/2021


Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân Văn vừa đưa ra tuyên bố nhận định rằng vụ xả súng bi thảm tại một cơ sở tu bổ hỏa xa ở San Jose, California, “nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng có điều gì đó đã bị bẻ gãy về cơ bản trong xã hội của chúng ta và chúng ta cần can đảm kiểm tra và giải quyết các vấn đề của nền văn hóa chúng ta”.

Vụ xả súng khiến 9 người chết và nhiều người bị thương xảy ra lúc 6:48 sáng tại một cơ sở tu bổ hỏa xa của Cơ quan Vận tải Thung lũng San Jose. Trong cuộc họp chuẩn bị cho công việc vào sáng sớm, Sam James Cassidy, 57 tuổi, một kỹ thuật viên tại cơ sở này, bắt đầu bắn vào đồng nghiệp của mình và sau đó tự sát. Cho đến cuối ngày thứ Tư, các nhà chức trách cho biết vẫn chưa xác định được động cơ của vụ nổ súng, nhưng nói rằng vụ thảm sát được xác định là một vụ nổ súng vì bất hòa tại nơi làm việc.

Đức Tổng Giám Mục Coakley nhận xét chua chát rằng “Điều đặc biệt bi thảm là tại một thành phố được đặt tên để tôn vinh Thánh Giuse, người bảo vệ đáng yêu của Thánh Gia, chúng ta không thể bảo vệ đồng bào của chúng ta khỏi sự tàn phá của bạo lực súng đạn”.

“Là người Mỹ, chúng ta phải hiểu tại sao những vụ bạo lực khủng khiếp này vẫn tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta, và sau đó hành động không do dự để giải quyết tận gốc nguyên nhân của những tội ác như vậy. Trong nhiều năm, Hội Đồng Giám Mục của chúng tôi đã kêu gọi các hình thức quản lý hợp lý nhưng hiệu quả đối với các loại vũ khí nguy hiểm này. Chúng tôi cũng kêu gọi tăng cường tiếp cận các dịch vụ và sức khỏe tâm thần để xác định và điều trị các xung đột tiềm ẩn trước khi chúng trở thành những sự cố bi thảm”

Tuyên bố kết luận nhắc nhở rằng “cần phải có hành động để cố gắng giảm tần suất của những hành vi ghê tởm này thông qua luật pháp và đào tạo. Tôi kêu gọi người Công Giáo trên khắp đất nước cầu nguyện cho những người đã chết và những người bị thương, cũng như ơn chữa lành trong cộng đồng. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng khôn ngoan và hướng dẫn mà chúng ta đã cử hành vào Chúa Nhật vừa qua trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mang lại ơn an ủi và sức mạnh vào thời điểm mất mát lớn lao này.”

Trước đó trong ngày, Đức Cha Oscar Cantú, Giám mục San Jose, đã đưa ra một tuyên bố: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ xả súng sáng nay trong sân tàu điện nhẹ VTA ở San Jose. Xin Chúa an ủi gia đình và những người thân yêu của họ và mang lại sự chữa lành. Chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả những người phản ứng đầu tiên và các nhân viên thực thi pháp luật. Mong sự bàng hoàng và đau buồn nhường chỗ cho ân sủng và quyết tâm, khi chúng ta làm việc cùng nhau để bảo vệ những người vô tội và ngăn chặn những hành động vô nghĩa như vậy trong tương lai, để hòa bình có thể tồn tại trong trái tim và cộng đồng của chúng ta.”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Giám Mục mở ngay khóa Những chiêu lừa đảo dưới tháp chuông sau khi một linh mục bị lừa nửa triệu Mỹ Kim
Đặng Tự Do
17:14 28/05/2021


Đức Cha Claudio Cipolla của Padua đã công bố một khóa đào tạo mới của giáo phận sau khi một linh mục lớn tuổi điều hành một hiệp hội bác ái bị lừa hơn 450,000 đô la. Ngài nhấn mạnh rằng đây không phải là trường hợp duy nhất các linh mục bị lừa gạt tại Ý.

Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 5, Đức Cha Cipolla cho biết vụ việc liên quan đến vị linh mục lớn tuổi, ở độ tuổi 80, “chúng tôi rất đau đớn, và âu lo cho cả cá nhân ngài lẫn hiệp hội mà ngài điều hành. Chúng tôi đặc biệt biết ơn Cảnh sát Tài chính vì cuộc điều tra mà họ đã thực hiện.”

Hôm 18 tháng 5 Cảnh sát Tài chính Ý thông báo họ đã bắt giữ 11 người liên quan đến vụ lừa đảo, diễn ra trong khoảng thời gian hai năm khi vị linh mục lớn tuổi còn phụ trách tổ chức bác ái.

Theo Cảnh sát Tài chính, cuộc điều tra của họ cho thấy những kẻ lừa đảo “đã phát triển một kịch bản có cơ sở rõ ràng bao gồm những lời nói dối, chẳng hạn như những bất hạnh trong gia đình, tai nạn và những thay đổi bất thường trong lĩnh vực tư pháp nhằm mục đích khiến vị linh mục đem lòng trắc ẩn, và vì tình bác ái muốn giúp đỡ người khác, mà tin rằng giải pháp khả thi duy nhất là quyên góp một khoản tiền lớn cho họ”.

Các đoạn băng nghe lén của cảnh sát cho thấy bọn tội phạm đã gọi điện cho linh mục khoảng 14,000 lần trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 7 năm 2020, phát minh ra một cách có hệ thống các nhu cầu “hoàn toàn không tồn tại” để từ đó có thể nhận được các khoản quyên góp bằng tiền mặt; hoặc được cho dùng thẻ tín dụng trả trước với hứa hẹn sẽ hoàn trả tiền.

Khi vị linh mục về hưu, không còn quyền truy cập vào tiền của hiệp hội, ngài đã bị chúng đe dọa và vì thế đã phải nhờ đến cảnh sát.

“Chúng tôi biết rằng lĩnh vực bác ái là mục tiêu thường bị nhắm đến của những kẻ gian”, Đức Cha Cipolla nói trong tuyên bố của ngài, đồng thời cho biết giáo phận của ngài trong nhiều năm đã “đặc biệt cảnh giác trước các tình huống lừa đảo khác nhau nhắm vào các linh mục”.

Để ngăn chặn những tình huống tương tự có thể lặp lại, ngài cho biết giáo phận hiện đang cộng tác với Cảnh sát Tài chính trong nỗ lực “ngăn chặn sự xuất hiện của những trường hợp như vậy càng nhiều càng tốt” thông qua các khóa đào tạo dành cho hàng giáo sĩ của giáo phận, với mục tiêu bảo đảm số tiền được định sẵn là dành cho việc từ thiện “cuối cùng không nằm trong tay những người làm bộ nghèo hoặc các băng nhóm có tổ chức”.

Vào ngày 14 tháng 4, Giáo phận Padua đã tổ chức một khóa học được phát trực tiếp với tiêu đề “Những chiêu lừa đảo dưới tháp chuông”, bao gồm một số chuyên gia, trong đó có cả cảnh sát tài chính, là những người đã nói về các dấu hiệu lừa đảo hoặc tống tiền và tầm quan trọng của việc cảnh giác. Các nguồn bổ sung đã được xuất bản trên tờ báo hàng tuần của giáo phận, La Difesa del Popolo.

Trong phát biểu của ngài trong khóa học được phát trực tiếp, Đức Cha Cipolla lưu ý rằng vụ việc liên quan đến vị linh mục lớn tuổi của hiệp hội bác ái không phải là một trường hợp cá biệt.
Source:Crux
 
Linh mục chống phá thai tại La Crosse nói rằng ngài sẽ phản đối yêu cầu từ chức của giám mục bản quyền
Đặng Tự Do
17:15 28/05/2021


Hôm Chúa Nhật 23 tháng 5, Cha James Altman, một linh mục gây nhiều tranh cãi tại Giáo phận La Crosse, là người đã đưa ra một video lan truyền vào năm ngoái cho rằng người Công Giáo không thể là đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết giám mục của ngài đã yêu cầu ngài từ chức cha sở.

“Nói thẳng ra, gia đình thân mến, Đức Cha William Patrick Callahan đã yêu cầu tôi từ chức cha sở, kể từ thứ Sáu vừa qua, hai ngày trước, vì tôi gây chia rẽ và kém hiệu quả”, Cha Altman, cha sở của giáo xứ St. James the Less ở La Crosse, Wisconsin, cho biết trong bài giảng được đăng trực tuyến vào ngày 23 tháng 5, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

“Họ muốn đầu tôi trên một cái đĩa, họ muốn cái đầu của tôi ngay bây giờ, vì đã nói ra sự thật”.

Cha Altman nói rằng luật sư giáo luật của ngài đã yêu cầu giáo phận biện giải cho yêu cầu từ chức, cũng như xem xét hồ sơ của ngài tại Tòa Giám Mục. Cha James Altman nói rằng ngài đang phản đối yêu cầu này.

Cha Altman đã gây tranh cãi vì nhiều tuyên bố công khai mà ngài đưa ra vào năm 2020 và 2021 về chính trị, phân biệt chủng tộc, nữ quyền và đại dịch coronavirus.

Trong video lan truyền được đăng trực tuyến ngày 20 tháng 8 năm 2020, Cha Altman nói rằng không người Công Giáo nào có thể trở thành đảng viên Dân chủ vì sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng đối với việc phá thai.

Trong video dài mười phút được xem hơn 1,2 triệu lần trên YouTube, Fr. Altman nói, “ Sẽ có 60 triệu trẻ sơ sinh bị phá thai đứng ở cổng thiên đường ngăn cản lối vào của mọi đảng viên Đảng Dân chủ.” Ngài lưu ý đến cam kết của Đảng Dân chủ trong việc quyết liệt bảo vệ luật phá thai. Ngài cũng chỉ trích “trò lừa bịp biến đổi khí hậu” và than thở về tình trạng người nước ngoài sống bất hợp pháp trên đất Mỹ gây ra các tội hình sự.

Đức Cha Callahan nói rằng Cha Altman đã gây ra một “vết thương” cho Giáo Hội và nói rằng ngài sẽ sửa chữa vị linh mục một cách riêng tư.

“Tôi đã bắt đầu quá trình này, không phải dưới ánh sáng rực rỡ của đấu trường công cộng, nhưng như Phúc âm chỉ dẫn, một cách riêng tư,” Đức Cha Callahan hôm 9 tháng 9, năm ngoái 2020.

“Giáo luật chỉ ra rằng trước khi các hình phạt được đưa ra, chúng ta cần bảo đảm rằng sự sửa chữa, quở trách trong tình huynh đệ hoặc các biện pháp mục vụ khác phải được sử dụng trước nhưng vẫn không đủ để sửa chữa vụ tai tiếng,” Đức Cha Callahan nói, khi tham chiếu đến điều 1341 của Bộ Giáo luật.

Tuy nhiên, Đức Giám Mục Joseph Strickland của Giáo phận Tyler, Texas đã lên tiếng ủng hộ Cha Altman trong một tweet ngày 5 tháng 9. Ngài nói:

“Cha James Altman đang gặp rắc rối khi nói ra sự thật. Ban đầu tôi ủng hộ ngài khi nói lên sự thật một cách táo bạo trong cuộc bầu cử. Tôi tiếp tục ủng hộ ngài vì đã nói sự thật trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài truyền cảm hứng cho nhiều người giữ vững đức tin trong những ngày đen tối này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài,” Đức Cha Strickland tuyên bố.
Source:Catholic News Agency
 
Cựu ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc vẫn tiến hành nghiên cứu dịch bệnh như trước khi có COVID
Đặng Tự Do
17:16 28/05/2021


Trung Quốc tiếp tục tiến hành nghiên cứu dịch bệnh trong phòng thí nghiệm của họ giống như họ đã làm trước đại dịch COVID-19, vì vậy Hoa Kỳ có trách nhiệm yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ những gì họ biết về loại virus chết người và sự khởi đầu của nó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rõ điều gì đã xảy ra ở đây và nó bắt đầu từ đâu,” Ông Pompeo, hiện là cộng tác viên của Fox News, nói trong chương trình “American Newsroom”. “Điều này thật nguy hiểm. Chúng ta có thể lại phải đối diện với một cái gì đó tương tự như thế này một lần nữa, khi họ gieo rắc trên toàn thế giới”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi một báo cáo tình báo chưa được tiết lộ trước đó của Mỹ được công bố vào cuối tuần rằng ba nhà nghiên cứu từ Viện Vi rút học Vũ Hán của Trung Quốc đã phải vào bệnh viện vào tháng 11 năm 2019, vài tháng trước khi Trung Quốc tiết lộ sự bùng phát COVID-19.

Ông Pompeo chỉ ra rằng ông, và các thành viên khác của chính quyền Trump và những người bảo thủ đang cảnh báo về khả năng coronavirus mới đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này và vào tháng Giêng, chúng tôi đã có thể giải mật rất nhiều tài liệu mà tôi đã biết trước đó rất sớm”, ông nói thêm. “Thật là phẫn nộ khi thấy các nhà khoa học, thậm chí cả chính phủ, và các nhà khoa học của chính phủ Hoa Kỳ hiện nay phủ nhận điều này khi họ chắc chắn đã xem qua các thông tin giống như tôi đã từng thấy. Điều này bao gồm cả Bác sĩ Anthony Fauci. Chúng ta cần biết những gì đã xảy ra ở đây”.

Ông Pompeo nói rằng cuối cùng sẽ có câu trả lời thẳng thắn về việc đại dịch bắt đầu như thế nào, nhưng nó sẽ không đến sớm.

“Sẽ có ai đó từng làm việc trong phòng thí nghiệm này và quyết định rằng họ có thể lẻn ra khỏi Trung Quốc và nói sự thật, tôi tin là như thế. Đáng buồn thay, khi điều đó xảy ra thì đã quá trễ”.

Trong khi đó, ông nhấn mạnh động thái tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới của chính quyền Biden là “phần thưởng cho người Trung Quốc”, khi chính quyền mới đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump.

“Họ đã thông đồng để giữ thông tin này ngoài tầm với của thế giới”, Ông Pompeo nói. “Có nhiều điều mà chính phủ Hoa Kỳ có thể làm để áp lực lên Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến khi họ trở nên minh bạch về vấn đề này. Chúng tôi biết họ đã che đậy loại virus này. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy bằng chứng phù hợp với một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm và đó là những gì chúng ta sẽ thấy. Nếu tôi sai, tôi hy vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến ra và chứng minh tôi chỉ là một kẻ ngu ngốc”.

Ông Pompeo nhớ lại rằng vào đầu tháng Giêng năm 2020, chính quyền khi đó đã làm việc “rất chăm chỉ” để có được thông tin “khi chúng tôi đang cố gắng tìm ra những gì sắp xảy ra với thế giới”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn chìm trong bóng tối”, Ông Pompeo nói. “Họ không nhận điện thoại hoặc trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi đã gửi yêu cầu. Chúng tôi không thể nhận được một câu trả lời thẳng thắn. Đại sứ của chúng tôi không thể nhận được câu trả lời thẳng thắn”.

Ông nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc “biết họ có vấn đề và không muốn thế giới biết. Họ vẫn có một số vấn đề và họ vẫn không muốn chúng ta biết.”
Source:Reuters
 
Cuộc phỏng vấn sâu rộng của CNA: Các thành viên LGBT vẫn có thể sống trong lòng Giáo hội không cần thay đổi xu hướng của họ
Vũ Văn An
18:11 28/05/2021

Có thể nào vừa là người đồng tính vừa là người Công Giáo không? Sau nhiều cuộc phỏng vấn sâu rộng, hãng tin CNA đã phát hiện ra rằng đối với đa số thầm lặng, câu trả lời là một lời 'có' vang dội. Đối với những người bị hấp dẫn đồng tính và muốn sống phù hợp với các giáo huấn của Giáo Hội, có những hoạt động tông đồ, nhóm hỗ trợ và nhà trị liệu cung cấp lời khuyên về sự kết hợp giữa linh đạo và tình dục để sống trọn vẹn trong hiệp thông như một người Công Giáo ngoan đạo.



Tuy nhiên, điều thường được trình bày trong các không gian thế tục và một số không gian đặt nền tảng trên đức tin là hạnh phúc gắn liền trực tiếp với việc phát biểu tình dục của con người một cách không kiềm chế, và bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn cản việc phát biểu tình dục đều có hại.

Các chuyên gia nói với CNA rằng, từ các bài báo như bài viết gần đây của Eve Tushnet trên tạp chí America, người ta thấy thiếu sự hiểu biết có sắc thái về những hồng phúc của Thiên Chúa như tình dục, sự thân mật và việc phát biểu tình dục của con người.

Hudson Byblow, một nhà tư vấn và diễn giả Công Giáo về tình dục của con người, cho biết, “Bài báo trên có thể là một cơ hội tốt đẹp để tiết lộ niềm vui và sự tự do trong đức khiết tịnh — một nhân đức được Giáo hội đề nghị (chứ không áp đặt) cho tất cả mọi người trong mọi bậc sống, và có thể giúp ta nhận thức được rằng những người cảm nghiệm các lôi cuốn đồng tính không tự động bị loại ra khỏi ơn gọi sống thánh thiện”.

Nhưng thay vào đó, Tushnet cho rằng cuộc sống bị hấp dẫn bởi đồng tính trong Giáo Hội, nhẹ nhất, cũng khốn khổ khi phải sống mà không có hôn nhân, và tệ nhất là bị chấn thương khi tìm cách hiểu các thèm muốn của chính mình. Bà cố ý đưa ra một lưỡng phân (dichotomy) sai lầm trong đó các giải pháp một là chọn tính dục của bạn và từ bỏ việc sống hiệp thông với Giáo hội, hai là chọn đức tin của bạn và bỏ qua hạnh phúc.

Philip M. Sutton, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, một nhân viên xã hội lâm sàng và nhà tâm lý học có giấy phép hiện nay, cho biết, “Những người Công Giáo cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính muốn sống theo giáo huấn của Giáo hội có thể bị tổn hại một cách vô trách nhiệm bởi sự lên án tổng quát của giới chăm sóc chuyên nghiệp đối với việc bị hấp dẫn đồng tính không mong muốn”.

Không thấy có trong bài báo của Tushnet, là điều nhiều người gọi là “cách khả thi thứ ba” để sống với sự hấp dẫn đồng tính mà vẫn phù hợp với Giáo hội.

Sutton cho biết, “Bất cứ phương thức để thỏa mãn tình dục nào ngoài hôn nhân hoặc kiêng cữ khiết tịnh - bao gồm bậc sống độc thân - đều bị coi là không thể chấp nhận được, trái với luật tự nhiên và sự triển nở chân chính của con người, cuối cùng gây thất vọng cho an bình và niềm vui chân chính mà con người luôn tìm kiếm và cần đến”.

Avera Maria Santo viết về việc sống với sự hấp dẫn đồng tính như một tín hữu Công Giáo trung thành và đã đưa ra chứng từ của bà tại Hội nghị Chân lý và Tình yêu, Hội nghị Quốc tế Can đảm, và với nhiều tổ chức hoạt động tông đồ khác.

Santo nói, “Tôi ước mong mọi người nhìn thấy điều này là cảm nghiệm bị hấp dẫn đồng tính cũng giống như bất cứ hấp dẫn nào khác — đây là một hoàn cảnh của cuộc sống tôi — và nếu không phải là điều này, thì sẽ là một điều khác. Trong kinh nghiệm của tôi, tôi đã tiến tới chỗ biết Thiên Chúa một cách rất thực chất. Tôi mong ước mọi người nhìn thấy vẻ đẹp, nhất là vẻ đẹp của đức hy sinh, tình yêu tự hy sinh”.

Trọng tâm của cuộc đàm đạo là ý tưởng cho rằng có sự khác biệt giữa việc cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính và các hành vi dựa trên những cảm nghiệm đó, trong đó điều đầu được phép nhưng điều sau vi phạm các giáo huấn luân lý của Giáo hội.

Cha Philip G. Bochanski, giám đốc điều hành của Courage International, một hình thức tông đồ dành cho những người nam nữ cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính nhưng cam kết sống khiết tịnh, cho biết: “Giáo Hội Công Giáo không dạy rằng việc cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính là tội lỗi. Cả Giáo hội lẫn Courage International đều không đặt ra bất cứ nghĩa vụ hay kỳ vọng nào đối với một người phải ‘trở nên sống thẳng [straight]’, có thể nói như thế, hoặc xóa bỏ sự hấp dẫn đồng tính của họ”.

Hành động do bị hấp dẫn đồng tính thì bị coi là tội lỗi vì nó giản lược tình dục của con người thành khoái cảm mà thôi. Cha Bochanski nói, mục đích chân thực của tình yêu gợi dục hoặc tình dục là sinh sản.

Cha Bochanski nói với CNA: “Thiên Chúa có kế hoạch rõ ràng cho hôn nhân và sự thân mật tình dục, vốn được bày tỏ trong Lời Thiên Chúa (cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền) và đã được Giáo hội giảng dạy nhất quán qua nhiều thời đại. Kế hoạch hay ‘sự sắp đặt’ tình dục này là sự thân mật tình dục chỉ thuộc mối liên hệ độc chiếm, suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và mối liên hệ tình dục của họ luôn mở cửa đón nhận con cái”.

Tuy nhiên, ý tưởng này không kết án những người cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính phải có cuộc sống đau khổ hoặc không viên mãn.

Santo nói, “Tôi cảm thấy như mọi người nhìn tôi mà nghĩ rằng tôi sống những ngày tháng khổ sở, héo hon vì muốn có một mối liên hệ, nhưng tôi còn có quá nhiều việc phải làm, không để mình bị cuốn hút vào điều đó. Có quá nhiều ơn thánh để nhận lãnh, quá nhiều niềm vui để tỏa rạng, quá nhiều sự sống để sống hơn là bị mắc kẹt ở chỗ khao khát một quà phúc chưa bao giờ là của tôi để bắt đầu với".

Đối với Santo, cam kết sống khiết tịnh và không ngừng theo đuổi Chúa Kitô đã trở thành tiêu điểm cuộc đời cô.

Cô nói, “Chữa lành xẩy đến khi biết rằng tôi được yêu thương, tôi không có gì sai cả, tôi không bị Thiên Chúa trừng phạt hay dày vò, nhưng đây là hoàn cảnh của cuộc sống mà giữa đó, Thiên Chúa vẫn nắm lấy tay tôi”.

Khiết tịnh là điều tốt

Một số người trong số những người được CNA phỏng vấn và tự xác nhận là LGBT thắc mắc tại sao khiết tịnh lại không được nhắc đến trong bài báo của Tushnet, bất luận liên quan đến những người độc thân hay những cặp vợ chồng đã kết hôn.

Austin, 23 tuổi, cho biết: “Là một người cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính, bản sắc Công Giáo của tôi làm con của Cha vẫn y nguyên, dù quan điểm về khiết tịnh và chữa lành có khác nhau ra sao. Điều đó cho thấy một vài thách thức mới, nhưng cũng có rất nhiều cách độc đáo từng được Chúa Giêsu theo đuổi trong cầu nguyện mà có lẽ nhiều người không cảm nghiệm được”.

Theo Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, khiết tịnh là “sự tích nhập thành công tính dục bên trong con người và do đó sự hợp nhất nội tâm của con người trong hữu thể thân xác và tinh thần của họ”. Như thế, khiết tịnh vừa là ý nghĩ vừa là hành động, trong đó, một số người “khấn giữ đức đồng trinh hoặc đời sống thánh hiến độc thân, giúp họ hiến mình cho một mình Thiên Chúa với trái tim không phân chia một cách đáng kể”.

Cha Bochanski nói, “Chúng ta thường nghe mọi người cho rằng giáo huấn của Giáo hội phần nào kết án những người cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính phải sống một cuộc sống cô đơn, không có tình yêu. "Điều này phát xuất từ sự hiểu lầm về bản chất của chính tình yêu".

Cha Bochanski nói, tình yêu tình dục hay gợi dục là một phần quan trọng của cảm nghiệm con người vì nó hướng dẫn việc hình thành và phát triển gia đình nhân loại, nhưng nó không phải là kiểu tình yêu duy nhất chân chính và có ý nghĩa.

Ngài nói, “Tình âu yếm mà chúng ta cảm thấy đối với các thành viên trong gia đình, tình yêu bác ái thần thiêng giúp chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và yêu Thiên Chúa và những người khác, và, một cách đặc biệt, tình yêu bằng hữu thường bị lãng quên, tất cả đều là các phần cần thiết của một đời sống Kitô hữu trọn vẹn”.

Ngài nói thêm, “Khi Giáo hội yêu cầu những người cảm nghiệm sự hấp dẫn tình dục với một người cùng giới tính — hoặc, đúng hơn, với bất cứ ai không thể là vợ / chồng của mình — phải hy sinh tình yêu gợi dục, là để người đó có thể tự do sống những lối yêu thương khác một cách tự do và chân chính”.

John cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính khi sống ở thành phố New York. Một gợi ý mà anh từng được nghe là hãy tìm một người bạn trai và duy trì đơn hôn để thỏa mãn lòng mong muốn sống một cuộc sống khiết tịnh. Anh nói, điều này được nhắc đến như một ngoại lệ đối với việc tuân theo các giáo huấn của Giáo hội, và anh rất kinh hoàng. Anh không hề lưu ý đến việc sống cách đó là sống ngoài sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội.

John nói: “Khiết tịnh dành cho mọi người, bất kể bạn đã kết hôn hay chưa kết hôn, đồng tính hay dị tính. Nếu cộng đồng người đồng tính muốn sống một lối sống đồng tính, thì có một cuộc xung đột cố hữu ngay trong đó. Tôi không muốn dự phần vào điều đó".

John tham gia Courage khi anh ngoài 30 tuổi. Anh cũng đi trị liệu để giải quyết những chấn thương và những biến động phức tạp trong gia đình từ thời trẻ. Trước khi họ kết hôn, John đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với vợ tương lai, nàng cho rằng việc tìm kiếm sự hỗ trợ vừa dũng cảm vừa ngoan đạo. Anh vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc gặp gỡ Courage cả 30 năm sau đó.

Kỳ tới: Trị liệu
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi một nữ tu Hoa Kỳ vì công việc sơ thực hiện cho người di cư
Thanh Quảng sdb
18:33 28/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi một nữ tu Hoa Kỳ vì công việc sơ thực hiện cho người di cư

ĐTC Phanxicô gửi một thông điệp video tới Sơ Norma Pimentel, MJ, bày tỏ lòng biết ơn sơ về các công việc sơ làm, để chào đón những người di cư Mỹ Latinh vào Hoa Kỳ.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Sơ Norma Pimentel đã gửi cho Đức Thánh Cha một lá thư ngày 3 tháng 5, mô tả công việc của các Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande, nằm ở biên giới phía nam Hoa Kỳ và Mexico.

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới sơ người Mỹ gốc Mexico và ca ngợi những việc làm của sơ.

ĐTC nói: “Cha cảm ơn con vì những gì con và tổ chức của con đang làm, cám ơn các con đã chào đón và tiếp nhận những người di cư đang đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một số đi tìm kiếm sự thăng tiến vươn lên, trong khi những người khác chạy trốn khỏi các địa ngục trần gian”.

Chào đón những người di cư gốc Mỹ Latinh

ĐTC tiếp tục khẳng định rằng những người di cư “phải được chào đón, tức là họ phải được bảo vệ, đồng hành và hòa nhập”.

“Bốn điều này,” Đức Thánh Cha đã từng nhấn mạnh: "Được chào đón, bảo vệ, đồng hành và hòa nhập."

ĐTC nói nhóm của Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở biên giới phía nam của Texas đang giúp những người “mong muốn được hỗ trợ để cuộc sống họ có phẩm giá hơn”.

ĐTC kết luận: “Cha đồng hành với các con. "Cha cầu nguyện cho con và cho tất cả những người đang cộng tác trong công cuộc của con."

Trong khi ban phép lành cho sơ Norma và tổ chức của sơ, Đức Thánh Cha cũng xin họ cầu nguyện cho ngài.

Sơ Norma là một nữ tu Dòng Truyền giáo Chúa Giêsu, sơ là giám đốc điều hành Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande.

Sơ được Hội Từ Thiện Quốc Tế (Caritas Internationalis) và một số tổ chức gần biên giới Hoa Kỳ / Mexico, bao gồm cả Trung tâm cứu trợ nhân đạo McAllen, Texas hỗ trợ.

Theo trang web của tổ chức, thì trung tâm đã “cung cấp nơi ở cho nhiều người nam nữ, trẻ em và các bé sơ sinh có chỗ dừng chân, có những bữa ăn nóng, được tắm rửa và có quần áo sạch sẽ, cũng như thuốc men và các vật dụng khác, trước khi họ tiếp tục cuộc hành trình của họ ”.

Hơn 23.000 người đã được giúp đỡ kể từ năm 2015, khi Trung tâm của Dòng Thánh Tâm được thành lập.

Tổ chức từ thiện Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn, chương trình hỗ trợ khẩn cấp và tư vấn cho các bà mẹ mang thai, cùng các dịch vụ khác.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh con người là con Thiên Chúa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:52 28/05/2021
Hình ảnh con người là con Thiên Chúa

Sự sống, thân xác hình hài, tính tình của mỗi người không do chế biến tạo ra. Nhưng được tạo thành do Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa.

Như trong Kinh Thánh thuật lại: „Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.“ ( Sáng thế ký 1, 26).

Như thế con người không chỉ là công trình tạo dựng của Thiên Chúa trong vũ trụ như bao công trình khác, nhưng là người con của Ngài.

Vậy hiểu thế nào là hình ảnh người con Thiên Chúa?

Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô mừng kính trọng thể lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ mừng kính nhắc nhớ cho con người đến hơi thở Thần linh Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.

Đó là hơi thở thần khí sự sống giúp tâm trí tinh thần có sức mạnh can đảm.

Đó là hơi thở thần khí mang đến sự tự do cho thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi.

Đó là hơi thở thần khí hướng dẫn sống cởi mở có lòng khoan dung nhân hậu.
Hơi thở thần khí này con người cần thiết trong đời sống, để phần nào hiểu biết chút ít về mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.

Như trong Kinh Thánh thuật lại: „ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.“ ( Sáng Thế 2,7)

Thánh Phaolô viết thuật lại chúng ta tất cả đã lãnh nhận hơi thờ thần khí của Thiên Chúa. Hơi thở thần khí đó không làm ra người hèn nhát sợ hãi, không đè bẹp chèn ép thành người yếu đuối. Nhưng hơi thở thần khí đó mang đến cơ,hội giúp phát triển lớn mạnh thêm, có được tự do trong suy nghĩ. Hơi thở thần khí đó mang đến niềm vui phấn khởi kêu cầu gọi Thiên Chúa là người cha của mình.

Điều to lớn cao cả đó chúng ta chỉ có thể được trao ban tặng do Đấng to lớn cao cả xa hơn điều chúng ta có thể mường tượng. Thiên Chúa to lớn bao la cao cả hơn không chỉ là một người đàn ông hay một người phụ nữ, hơn một người cha hay một người người con, cao cả nhiều hơn hơi thở sức mạnh. Ngài lớn hơn và nhiều hơn tất cả những điều khác.

Điều này con người chúng ta không có thể hiểu thấu được. Tâm trí chúng ta chỉ có thể tin tưởng trông cậy thôi. Như một em bé trước hết tin tưởng cậy trông vào cha mẹ em. Cha mẹ em cũng không biết hết tất cả và cũng không thể tất cả. Nhưng sau này em sẽ hiểu ra. Điều này xảy diễn ra cho cả cha mẹ và em bé.

Thiên Chúa với tầm tâm trí suy hiểu của chúng ta như một người cha đầy tình yêu thương, hay như một người mẹ có trái tim tâm hồn chan chứa tình mẫu tử âu yếm lo cho con cái, như một người anh lớn hay một người chị vững chãi với những kinh nghiệm đời sống. Thiên Chúa là nguồn năng lượng và sức mạnh.

Những khuôn mặt đặc tính của Ngài thể hiện nơi mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Tựu trung chính yếu nói lên, Thiên Chúa gặp gỡ con người cùng chạnh lòng thương cảm con người qua nhiều cách thế trong đời sống.

Con người chúng ta tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa, đấng tạo dựng nuôi sống mình ở trần gian bằng hơi thở thần linh sự sống của chính Ngài là Đức Chúa Thánh Thần.

Và Ngài đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian cùng sinh sống mang cứu chuộc linh hồn con người khỏi hình phạt tội lỗi cho đời sống mai sau, được cùng về sống bên Thiên Chúa, khi quãng đường hành trình trên trần gian chấm dứt.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi.
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
VietCatholic TV
Biến chuyển lớn tại Vatican. Tuyên bố của các Giám Mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát kinh hoàng ở San Jose
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:53 28/05/2021


1. Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ sau khi 9 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở San Jose: “Một cái gì đó về cơ bản đã bị phá vỡ trong xã hội của chúng ta”

Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân Văn vừa đưa ra tuyên bố nhận định rằng vụ xả súng bi thảm tại một cơ sở tu bổ hỏa xa ở San Jose, California, “nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng có điều gì đó đã bị bẻ gãy về cơ bản trong xã hội của chúng ta và chúng ta cần can đảm kiểm tra và giải quyết các vấn đề của nền văn hóa chúng ta”.

Vụ xả súng khiến 9 người chết và nhiều người bị thương xảy ra lúc 6:48 sáng tại một cơ sở tu bổ hỏa xa của Cơ quan Vận tải Thung lũng San Jose. Trong cuộc họp chuẩn bị cho công việc vào sáng sớm, Sam James Cassidy, 57 tuổi, một kỹ thuật viên tại cơ sở này, bắt đầu bắn vào đồng nghiệp của mình và sau đó tự sát. Cho đến cuối ngày thứ Tư, các nhà chức trách cho biết vẫn chưa xác định được động cơ của vụ nổ súng, nhưng nói rằng vụ thảm sát được xác định là một vụ nổ súng vì bất hòa tại nơi làm việc.

Đức Tổng Giám Mục Coakley nhận xét chua chát rằng “Điều đặc biệt bi thảm là tại một thành phố được đặt tên để tôn vinh Thánh Giuse, người bảo vệ đáng yêu của Thánh Gia, chúng ta không thể bảo vệ đồng bào của chúng ta khỏi sự tàn phá của bạo lực súng đạn”.

“Là người Mỹ, chúng ta phải hiểu tại sao những vụ bạo lực khủng khiếp này vẫn tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta, và sau đó hành động không do dự để giải quyết tận gốc nguyên nhân của những tội ác như vậy. Trong nhiều năm, Hội Đồng Giám Mục của chúng tôi đã kêu gọi các hình thức quản lý hợp lý nhưng hiệu quả đối với các loại vũ khí nguy hiểm này. Chúng tôi cũng kêu gọi tăng cường tiếp cận các dịch vụ và sức khỏe tâm thần để xác định và điều trị các xung đột tiềm ẩn trước khi chúng trở thành những sự cố bi thảm”

Tuyên bố kết luận nhắc nhở rằng “cần phải có hành động để cố gắng giảm tần suất của những hành vi ghê tởm này thông qua luật pháp và đào tạo. Tôi kêu gọi người Công Giáo trên khắp đất nước cầu nguyện cho những người đã chết và những người bị thương, cũng như ơn chữa lành trong cộng đồng. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng khôn ngoan và hướng dẫn mà chúng ta đã cử hành vào Chúa Nhật vừa qua trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mang lại ơn an ủi và sức mạnh vào thời điểm mất mát lớn lao này.”

Trước đó trong ngày, Đức Cha Oscar Cantú, Giám mục San Jose, đã đưa ra một tuyên bố: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ xả súng sáng nay trong sân tàu điện nhẹ VTA ở San Jose. Xin Chúa an ủi gia đình và những người thân yêu của họ và mang lại sự chữa lành. Chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả những người phản ứng đầu tiên và các nhân viên thực thi pháp luật. Mong sự bàng hoàng và đau buồn nhường chỗ cho ân sủng và quyết tâm, khi chúng ta làm việc cùng nhau để bảo vệ những người vô tội và ngăn chặn những hành động vô nghĩa như vậy trong tương lai, để hòa bình có thể tồn tại trong trái tim và cộng đồng của chúng ta.”


Source:Catholic News Agency

2. Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về quyết định bổ nhiệm Tân tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Trưa thứ Năm 27 tháng 5 theo giờ Rôma, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Đức Tổng Giám Mục Roche, hiện là thư ký của Bộ này, sẽ kế nhiệm Đức Hồng Y Robert Sarah, là vị đã giữ chức tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trong sáu năm cho đến khi Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của ngài vào tháng Hai vừa qua khi qua tuổi 75.

Tòa thánh Vatican đã công bố việc bổ nhiệm tổng giám mục người Anh vào ngày 27 tháng 5, cùng với việc đề cử Đức Cha Vittorio Francesco Viola của giáo phận Tortona làm tổng thư ký Bộ và Đức Ông Aurelio García Marcías người Tây Ban Nha làm phụ tá thư ký.

Đức Tổng Giám Mục Roche, năm nay 71 tuổi, đã làm việc tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích kể từ khi được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm vào năm 2012.

Đức Cha Arthur Roche sinh tại Batley Carr, Yorkshire, bên Anh. Ngài đạt được bằng thần học tại Đại học Giáo hoàng Comillas. Khi trở về Anh Quốc, ngài được Đức Cha William Wheeler truyền chức linh mục vào ngày 19 tháng 7 năm 1975.

Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm cha phó tại Nhà thờ Holy Rood ở Barnsley cho đến năm 1978, khi ngài trở thành thư ký riêng cho Đức Cha William Gordon Wheeler. Ngài được bổ nhiệm làm Phó Chưởng Ấn của giáo phận vào năm 1979.

Năm 1991, ngài theo học tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô, lấy bằng Tiến Sĩ Thần học. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales vào tháng 4 năm 1996 và được trao tước hiệu Đức ông.

Ngày 12 tháng 4 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Cha Roche làm Giám Mục Phụ Tá của Westminster. Một năm sau, ngày 16 tháng 7 năm 2002 ngài được bổ nhiệm Giám mục phó tại giáo phận Leeds. Ngài trở thành giám mục thứ chín của Leeds khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Konstant vì lý do sức khỏe vào ngày 7 tháng 4 năm 2004.

Vào tháng 7 năm 2002, trong khi vẫn tiếp tục làm giám mục Leeds, Đức Cha Roche được bầu làm chủ tịch Ủy ban Quốc tế về tiếng Anh trong Phụng vụ, là cơ quan giám sát việc dịch các bản văn phụng vụ Latinh sang tiếng Anh. Trước đó, Ủy ban đã không giành được sự xác nhận của Tòa thánh về bản dịch Sách lễ năm 1998, và việc bổ nhiệm Đức Cha Roche, cùng với việc thay thế hàng loạt các nhân viên, là một phần trong tiến trình bảo đảm bản dịch chính xác hơn mà ngày càng nhiều giám mục và quan chức Vatican mong muốn. trong những năm qua.

Với tư cách là chủ tịch của Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ, Đức Cha Roche được giao nhiệm vụ giám sát các giai đoạn cuối cùng của công việc và sau đó thông báo rằng bản dịch Sách Lễ mới sang tiếng Anh đã sẵn sàng. Tiếp theo là một kết quả tích cực là tất cả các hội đồng giám mục nói tiếng Anh trên khắp thế giới bỏ phiếu về bản văn. Bản dịch mới này của Sách Lễ Rôma đã được đưa vào các giáo xứ Công Giáo ở Vương quốc Anh vào tháng 9 năm 2011.

Trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài là người đi giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Sarah trong các vấn đề phụng vụ. Ngài được giao phó viết bài bình luận cho Tự Sắc Magnum Principium – Nguyên tắc Chính yếu, trong đó chuyển giao trách nhiệm dịch các bản văn phụng vụ cho các hội đồng giám mục khu vực và quốc gia. Bản nhận xét này được đưa ra cùng với việc công bố Tự Sắc.

Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Roche làm thành viên của nhóm xem xét các kháng cáo về delicta graviora, tức là những tội ác nghiêm trọng thuộc trách nhiệm phán quyết của Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm cả tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Sarah vào ngày 20 tháng 2. Vị Hồng Y người Guinea, đã bước sang tuổi 75 vào tháng 6 năm 2020 và là giám mục người Phi cao cấp nhất tại Vatican, được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận phụng vụ vào năm 2014.

Tòa thánh Vatican cũng thông báo vào ngày 27 tháng 5 rằng các sửa đổi đối với Quyển VI của Bộ Giáo luật sẽ được công bố trong một cuộc họp báo vào ngày 1 tháng Sáu.


Source:Catholic News Agency

3. Công đồng toàn quốc Úc Đại Lợi

Chúa nhật Lễ Hiện Xuống 23 tháng 5 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của giáo phận Brisbane, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc Đại Lợi đã ký sắc lệnh chính thức triệu tập Công đoàn toàn quốc Úc Đại Lợi lần thứ 5, sau ba năm chuẩn bị.

Dự án triệu tập công đồng này được sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha hồi tháng Ba năm 2018, tiếp đó là việc thông qua qui chế và qui luật điều hành. Tài liệu làm việc của công đồng đã được công bố hồi tháng Hai năm nay, với tựa đề: “Tiếp tục hành trình”. Mới đây chương trình nghị sự đã được thông qua và sẽ được công bố vào đầu tháng Sáu tới đây, và khóa họp đầu tiên sẽ khởi sự ngày 3 tháng Mười tới đây.

Công đồng toàn quốc Úc Đại Lợi lần thứ IV đã được tiến hành cách đây 80 năm. Trước đây, công đồng thứ 5 này dự tính sẽ tiến hành từ tháng Mười năm 2020, rồi tháng Tư năm 2021, nhưng vì đại dịch, nên cả hai thời điểm bị dời lại. Trước tiên, từ ngày 3 đến 10 tháng 10 năm nay tại thành phố Adelaide, rồi từ ngày 4 đến 9 tháng 7 năm tới, 2022 tại thành phố Sydney. Trong công đồng này, Giáo hội tại Úc Đại Lợi sẽ thảo luận về tương lai của Giáo hội, qua một tiến trình lắng nghe cởi mở, đối thoại và bao gồm, trong một thời điểm có nhiều thách đố như hiện nay.

Hồi tháng Ba năm ngoái, 2020, Hội đồng Giám mục Úc Đại Lợi đã công bố danh tánh hơn 250 đại biểu tham dự, gồm các giám mục, linh mục, giáo dân và phụ nữ.
Source:Catholic Outlook
 
Xót xa: Mafia lừa một cha nửa triệu Mỹ Kim. Đức Giám Mục mở ngay khóa: Những chiêu lừa đảo dưới tháp chuông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:10 28/05/2021

1. Đức Giám Mục mở khóa đào tạo để bảo vệ các linh mục khỏi những trò gian lận tài chính

Đức Cha Claudio Cipolla của Padua đã công bố một khóa đào tạo mới của giáo phận sau khi một linh mục lớn tuổi điều hành một hiệp hội bác ái bị lừa hơn 450,000 đô la. Ngài nhấn mạnh rằng đây không phải là trường hợp duy nhất các linh mục bị lừa gạt tại Ý.

Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 5, Đức Cha Cipolla cho biết vụ việc liên quan đến vị linh mục lớn tuổi, ở độ tuổi 80, “chúng tôi rất đau đớn, và âu lo cho cả cá nhân ngài lẫn hiệp hội mà ngài điều hành. Chúng tôi đặc biệt biết ơn Cảnh sát Tài chính vì cuộc điều tra mà họ đã thực hiện.”

Hôm 18 tháng 5 Cảnh sát Tài chính Ý thông báo họ đã bắt giữ 11 người liên quan đến vụ lừa đảo, diễn ra trong khoảng thời gian hai năm khi vị linh mục lớn tuổi còn phụ trách tổ chức bác ái.

Theo Cảnh sát Tài chính, cuộc điều tra của họ cho thấy những kẻ lừa đảo “đã phát triển một kịch bản có cơ sở rõ ràng bao gồm những lời nói dối, chẳng hạn như những bất hạnh trong gia đình, tai nạn và những thay đổi bất thường trong lĩnh vực tư pháp nhằm mục đích khiến vị linh mục đem lòng trắc ẩn, và vì tình bác ái muốn giúp đỡ người khác, mà tin rằng giải pháp khả thi duy nhất là quyên góp một khoản tiền lớn cho họ”.

Các đoạn băng nghe lén của cảnh sát cho thấy bọn tội phạm đã gọi điện cho linh mục khoảng 14,000 lần trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 7 năm 2020, phát minh ra một cách có hệ thống các nhu cầu “hoàn toàn không tồn tại” để từ đó có thể nhận được các khoản quyên góp bằng tiền mặt; hoặc được cho dùng thẻ tín dụng trả trước với hứa hẹn sẽ hoàn trả tiền.

Khi vị linh mục về hưu, không còn quyền truy cập vào tiền của hiệp hội, ngài đã bị chúng đe dọa và vì thế đã phải nhờ đến cảnh sát.

“Chúng tôi biết rằng lĩnh vực bác ái là mục tiêu thường bị nhắm đến của những kẻ gian”, Đức Cha Cipolla nói trong tuyên bố của ngài, đồng thời cho biết giáo phận của ngài trong nhiều năm đã “đặc biệt cảnh giác trước các tình huống lừa đảo khác nhau nhắm vào các linh mục”.

Để ngăn chặn những tình huống tương tự có thể lặp lại, ngài cho biết giáo phận hiện đang cộng tác với Cảnh sát Tài chính trong nỗ lực “ngăn chặn sự xuất hiện của những trường hợp như vậy càng nhiều càng tốt” thông qua các khóa đào tạo dành cho hàng giáo sĩ của giáo phận, với mục tiêu bảo đảm số tiền được định sẵn là dành cho việc từ thiện “cuối cùng không nằm trong tay những người làm bộ nghèo hoặc các băng nhóm có tổ chức”.

Vào ngày 14 tháng 4, Giáo phận Padua đã tổ chức một khóa học được phát trực tiếp với tiêu đề “Những chiêu lừa đảo dưới tháp chuông”, bao gồm một số chuyên gia, trong đó có cả cảnh sát tài chính, là những người đã nói về các dấu hiệu lừa đảo hoặc tống tiền và tầm quan trọng của việc cảnh giác. Các nguồn bổ sung đã được xuất bản trên tờ báo hàng tuần của giáo phận, La Difesa del Popolo.

Trong phát biểu của ngài trong khóa học được phát trực tiếp, Đức Cha Cipolla lưu ý rằng vụ việc liên quan đến vị linh mục lớn tuổi của hiệp hội bác ái không phải là một trường hợp cá biệt.
Source:Crux

2. Linh mục chống phá thai tại La Crosse nói rằng ngài sẽ phản đối yêu cầu từ chức của giám mục bản quyền

Hôm Chúa Nhật 23 tháng 5, Cha James Altman, một linh mục gây nhiều tranh cãi tại Giáo phận La Crosse, là người đã đưa ra một video lan truyền vào năm ngoái cho rằng người Công Giáo không thể là đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết giám mục của ngài đã yêu cầu ngài từ chức cha sở.

“Nói thẳng ra, gia đình thân mến, Đức Cha William Patrick Callahan đã yêu cầu tôi từ chức cha sở, kể từ thứ Sáu vừa qua, hai ngày trước, vì tôi gây chia rẽ và kém hiệu quả”, Cha Altman, cha sở của giáo xứ St. James the Less ở La Crosse, Wisconsin, cho biết trong bài giảng được đăng trực tuyến vào ngày 23 tháng 5, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

“Họ muốn đầu tôi trên một cái đĩa, họ muốn cái đầu của tôi ngay bây giờ, vì đã nói ra sự thật”.

Cha Altman nói rằng luật sư giáo luật của ngài đã yêu cầu giáo phận biện giải cho yêu cầu từ chức, cũng như xem xét hồ sơ của ngài tại Tòa Giám Mục. Cha James Altman nói rằng ngài đang phản đối yêu cầu này.

Cha Altman đã gây tranh cãi vì nhiều tuyên bố công khai mà ngài đưa ra vào năm 2020 và 2021 về chính trị, phân biệt chủng tộc, nữ quyền và đại dịch coronavirus.

Trong video lan truyền được đăng trực tuyến ngày 20 tháng 8 năm 2020, Cha Altman nói rằng không người Công Giáo nào có thể trở thành đảng viên Dân chủ vì sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng đối với việc phá thai.

Trong video dài mười phút được xem hơn 1,2 triệu lần trên YouTube, Fr. Altman nói, “ Sẽ có 60 triệu trẻ sơ sinh bị phá thai đứng ở cổng thiên đường ngăn cản lối vào của mọi đảng viên Đảng Dân chủ.” Ngài lưu ý đến cam kết của Đảng Dân chủ trong việc quyết liệt bảo vệ luật phá thai. Ngài cũng chỉ trích “trò lừa bịp biến đổi khí hậu” và than thở về tình trạng người nước ngoài sống bất hợp pháp trên đất Mỹ gây ra các tội hình sự.

Đức Cha Callahan nói rằng Cha Altman đã gây ra một “vết thương” cho Giáo Hội và nói rằng ngài sẽ sửa chữa vị linh mục một cách riêng tư.

“Tôi đã bắt đầu quá trình này, không phải dưới ánh sáng rực rỡ của đấu trường công cộng, nhưng như Phúc âm chỉ dẫn, một cách riêng tư,” Đức Cha Callahan hôm 9 tháng 9, năm ngoái 2020.

“Giáo luật chỉ ra rằng trước khi các hình phạt được đưa ra, chúng ta cần bảo đảm rằng sự sửa chữa, quở trách trong tình huynh đệ hoặc các biện pháp mục vụ khác phải được sử dụng trước nhưng vẫn không đủ để sửa chữa vụ tai tiếng,” Đức Cha Callahan nói, khi tham chiếu đến điều 1341 của Bộ Giáo luật.

Tuy nhiên, Đức Giám Mục Joseph Strickland của Giáo phận Tyler, Texas đã lên tiếng ủng hộ Cha Altman trong một tweet ngày 5 tháng 9. Ngài nói:

“Cha James Altman đang gặp rắc rối khi nói ra sự thật. Ban đầu tôi ủng hộ ngài khi nói lên sự thật một cách táo bạo trong cuộc bầu cử. Tôi tiếp tục ủng hộ ngài vì đã nói sự thật trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài truyền cảm hứng cho nhiều người giữ vững đức tin trong những ngày đen tối này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài,” Đức Cha Strickland tuyên bố.
Source:Catholic News Agency

3. Cựu ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc vẫn tiến hành nghiên cứu dịch bệnh như trước khi có COVID

Trung Quốc tiếp tục tiến hành nghiên cứu dịch bệnh trong phòng thí nghiệm của họ giống như họ đã làm trước đại dịch COVID-19, vì vậy Hoa Kỳ có trách nhiệm yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ những gì họ biết về loại virus chết người và sự khởi đầu của nó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rõ điều gì đã xảy ra ở đây và nó bắt đầu từ đâu,” Ông Pompeo, hiện là cộng tác viên của Fox News, nói trong chương trình “American Newsroom”. “Điều này thật nguy hiểm. Chúng ta có thể lại phải đối diện với một cái gì đó tương tự như thế này một lần nữa, khi họ gieo rắc trên toàn thế giới”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi một báo cáo tình báo chưa được tiết lộ trước đó của Mỹ được công bố vào cuối tuần rằng ba nhà nghiên cứu từ Viện Vi rút học Vũ Hán của Trung Quốc đã phải vào bệnh viện vào tháng 11 năm 2019, vài tháng trước khi Trung Quốc tiết lộ sự bùng phát COVID-19.

Ông Pompeo chỉ ra rằng ông, và các thành viên khác của chính quyền Trump và những người bảo thủ đang cảnh báo về khả năng coronavirus mới đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này và vào tháng Giêng, chúng tôi đã có thể giải mật rất nhiều tài liệu mà tôi đã biết trước đó rất sớm”, ông nói thêm. “Thật là phẫn nộ khi thấy các nhà khoa học, thậm chí cả chính phủ, và các nhà khoa học của chính phủ Hoa Kỳ hiện nay phủ nhận điều này khi họ chắc chắn đã xem qua các thông tin giống như tôi đã từng thấy. Điều này bao gồm cả Bác sĩ Anthony Fauci. Chúng ta cần biết những gì đã xảy ra ở đây”.

Ông Pompeo nói rằng cuối cùng sẽ có câu trả lời thẳng thắn về việc đại dịch bắt đầu như thế nào, nhưng nó sẽ không đến sớm.

“Sẽ có ai đó từng làm việc trong phòng thí nghiệm này và quyết định rằng họ có thể lẻn ra khỏi Trung Quốc và nói sự thật, tôi tin là như thế. Đáng buồn thay, khi điều đó xảy ra thì đã quá trễ”.

Trong khi đó, ông nhấn mạnh động thái tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới của chính quyền Biden là “phần thưởng cho người Trung Quốc”, khi chính quyền mới đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump.

“Họ đã thông đồng để giữ thông tin này ngoài tầm với của thế giới”, Ông Pompeo nói. “Có nhiều điều mà chính phủ Hoa Kỳ có thể làm để áp lực lên Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến khi họ trở nên minh bạch về vấn đề này. Chúng tôi biết họ đã che đậy loại virus này. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy bằng chứng phù hợp với một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm và đó là những gì chúng ta sẽ thấy. Nếu tôi sai, tôi hy vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến ra và chứng minh tôi chỉ là một kẻ ngu ngốc”.

Ông Pompeo nhớ lại rằng vào đầu tháng Giêng năm 2020, chính quyền khi đó đã làm việc “rất chăm chỉ” để có được thông tin “khi chúng tôi đang cố gắng tìm ra những gì sắp xảy ra với thế giới”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn chìm trong bóng tối”, Ông Pompeo nói. “Họ không nhận điện thoại hoặc trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi đã gửi yêu cầu. Chúng tôi không thể nhận được một câu trả lời thẳng thắn. Đại sứ của chúng tôi không thể nhận được câu trả lời thẳng thắn”.

Ông nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc “biết họ có vấn đề và không muốn thế giới biết. Họ vẫn có một số vấn đề và họ vẫn không muốn chúng ta biết.”
Source:Reuters

4. Chúc lành và báng bổ - Nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller

Trong một cử chỉ được xem là nổi loạn chống lại Tòa Thánh, hôm 10 tháng 5, hơn một trăm linh mục Công Giáo trên khắp nước Đức, và cả các Giám Mục Đức, bao gồm cả Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã chủ sự các buổi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Diễn biến này được xem là một hành động nổi loạn chống lại một tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin hồi tháng Hai, theo đó Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi.

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 24 tháng 5.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Blessing and Blasphemy -

by Gerhard Ludwig Müller

Chúc lành và báng bổ


Vào ngày 10 tháng 5, hơn một trăm linh mục Công Giáo trên khắp nước Đức đã thực hiện các buổi ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới. Đây là phản ứng của họ đối với một tuyên bố vào tháng Hai của Bộ Giáo lý Đức tin tái khẳng định rằng Giáo hội không thể chúc lành cho các kết hiệp như vậy. Về mặt thần học, việc dàn dựng các chúc lành giả tạo cho các cặp nam hoặc nữ đồng tính luyến ái là một sự báng bổ - một chế giễu đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã viết thư cho các tín hữu thành Thêsalônica rằng Thiên Chúa không muốn gì khác hơn là “anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa” (1 Tx 4: 3–5).

Nơi hợp pháp và thiêng liêng cho sự kết hợp thể xác của người nam và người nữ là hôn nhân, hay bí tích phu phụ tự nhiên. Bất kỳ hoạt động tình dục được lựa chọn tự do nào ngoài hôn nhân đều là vi phạm nghiêm trọng thánh ý của Thiên Chúa (Dt 13: 4). Tội lỗi chống lại sự khiết tịnh thậm chí còn lớn hơn nếu cơ thể của một người cùng giới tính là công cụ để kích thích ham muốn tình dục. “Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Chẳng lẽ anh em không biết rằng thân thể của anh em là một đền thờ của Chúa Thánh Thần sao?” (1 Cr 6:18-19).

Những tội lỗi nghiêm trọng chống lại Mười Điều Răn, được tóm tắt trong điều răn yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, sẽ làm mất đi ân sủng thánh hóa và sự sống đời đời, nếu chúng ta không ăn năn những tội lỗi đó trong lòng, xưng tội với linh mục và lãnh nhận ơn xá giải giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và Giáo hội. “Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6: 9-10).

Trong Kinh Thánh, phúc lành của Thiên Chúa lần đầu tiên được đề cập đến khi con người được tạo ra theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Định chế hôn nhân chia sẻ sự thật rằng sự sáng tạo của chúng ta với tư cách là những người nam và người nữ (St 1:27) thể hiện sự tốt lành tự bả chất của Thiên Chúa. Khi một người nam và một người nữ tự do đồng ý và trong hôn nhân trở thành “một xương một thịt” (St 2:24; Mt 19: 5), lời hứa của Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu sẽ áp dụng cho họ: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều’” (St 1:28).

Thiên Chúa đã xác định số lượng những người, bởi công việc sáng tạo của cha mẹ họ, sẽ được sinh ra trong cuộc sống này, và là những người, với tư cách là những cá nhân độc nhất, được tiền định “theo thánh ý và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.” (Ep 1: 5). Mỗi cá nhân được cha và mẹ sinh ra và nâng niu là một sự mặc khải về vinh quang của Thiên Chúa, và điều này cho thấy rằng sự khác biệt được tạo ra giữa nam và nữ và sự hiệp thông trong hôn nhân của họ là những phước lành cho họ, cho Giáo hội của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cho tất cả nhân loại.

Lời chúc hôn phối của linh mục trong nghi thức hôn nhân Công Giáo kêu cầu lòng nhân lành được bày tỏ của Thiên Chúa và cầu xin ơn trợ giúp của Người trong lời cầu nguyện chuyển cầu của Giáo hội (ex opere operantis). Điều đó cũng thông báo cho đôi vợ chồng ân sủng thánh hóa của hôn nhân thông qua lời thề vợ chồng của họ (ex opere operato). Đây là lý do tại sao tiềm năng về thể xác và tinh thần cho sự sống trong hành vi vợ chồng và sự cởi mở của hành vi ấy đối với con cái, là những người mà Thiên Chúa muốn bày tỏ vinh quang và ơn cứu rỗi của Ngài, không chỉ tự nó là tốt và không phải là tội lỗi, mà còn là một hành động sinh sản có công, được tính vào cuộc sống vĩnh cửu (x. Thomas Aquinas, Bình luận về 1 Cr 7, lectio 1; Summa Contra Gentiles IV, Cap. 78).

Lời chúc hôn phối được liên kết chặt chẽ với hôn nhân như một định chế cho sự sáng tạo và là một bí tích do Chúa Kitô thiết lập. Lời chúc hôn phối là lời cầu nguyện mạnh mẽ của Giáo hội dành cho cô dâu và chú rể để họ có thể tham gia vào ơn cứu rỗi: để hôn nhân của họ có thể xây dựng Giáo hội và thúc đẩy thiện ích của vợ chồng, con cái và xã hội (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 11).

Lời chúc hôn phối không giống như các phúc lành và các cử hành thánh hiến khác. Nó không thể tách rời khỏi mối liên hệ cụ thể của nó với bí tích hôn nhân; và không được áp dụng cho các mối quan hệ đối tác chưa kết hôn, hoặc tệ hơn, bị lạm dụng để biện minh cho những kết hợp tội lỗi.

Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 22 tháng Hai đơn giản bày tỏ điều mà mọi tín hữu Công Giáo đã được hướng dẫn về những điều cơ bản trong đức tin mà chúng ta đều biết: Giáo hội không có thẩm quyền chúc lành cho các kết hiệp cùng giới tính.

Thật khó tin khi các giám mục và các nhà thần học đột nhiên nhấn mạnh vào sự cấp bách mục vụ trong việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái ở những khu vực mà trong nhiều tháng qua các tín hữu đã bị tước mất sự an ủi và ân sủng của các bí tích trong thời kỳ coronavirus. Sự kiện này cho thấy nền tảng giáo lý, luân lý và phụng vụ đã chìm xuống thấp đến mức nào. Trong khi các giám mục thản nhiên cấm tham dự Thánh lễ, cấm thăm viếng người bệnh và cấm đám cưới trong nhà thờ vì nguy cơ lây nhiễm bệnh, thì họ lại tuyên bố rằng cần phải chúc lành khẩn cấp cho các cặp đồng tính. Thật khó tin biết chừng nào.

Vì vậy, vụ tai tiếng ở Đức không chỉ liên quan đến cá nhân và lương tâm của họ. Nó cũng không chỉ báo hiệu mối nguy cho an sinh của họ ở đời tạm này và phần rỗi vĩnh cửu của họ. Thay vào đó, những gì chúng ta đang chứng kiến là sự phủ nhận có tính cách dị giáo đối với đức tin Công Giáo trong bí tích hôn nhân và phủ nhận chân lý nhân chủng học rằng sự khác biệt giữa nam và nữ thể hiện ý muốn của Thiên Chúa trong việc tạo dựng.

Chủ nghĩa bài Công Giáo từ lâu đã ghi dấu trong nền văn hóa Đức ở nền tảng, cũng như sự thù địch ngu xuẩn đối với Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô. Tinh thần người Đức có khuynh hướng đi theo chủ nghĩa lý tưởng hóa, tin rằng tinh thần và đạo đức của nó vượt quá giới hạn của những gì mang tính bí tích và hữu hình, và trên cả những hình thái được Rôma xác định nhưng bị coi chỉ là do con người tạo ra từ đầu đến cuối. Cuối cùng, tính kiêu ngạo này dẫn trở lại nơi giam cầm cơ thể và bản năng không thể cứu rỗi của nó. Vì nhiều người tin rằng “chống lại Rôma” là một dấu chỉ của sự thật, những kẻ kích động cố gắng áp đặt quan điểm của họ, ngay cả khi nó đe dọa sự hợp nhất của Giáo hội và mâu thuẫn với giáo huấn của các Tông đồ. Trộn lẫn “kinh nghiệm sống” với mặc khải có một lịch sử đáng buồn ở Đức. Dù được chấp nhận một cách ngây thơ hay tự nguyện, sự tách biệt sai lầm này thúc đẩy tinh thần Kitô hướng tới một nền ngoại giáo mới chỉ được ngụy trang mỏng manh dưới lớp áo phụng vụ Kitô Giáo.

Vào đầu những năm 1930, hàng triệu người đã bị biến thái bởi sự chống đối Giáo Hội Công Giáo, và cả sự phản đối “tính chính thống” của Giáo Hội Tin lành. Nhà tuyên truyền của Đức Quốc xã Alfred Rosenberg đã phỉ báng Giáo Hội tại Đức là chịu khuất phục trước quyền lực của Rôma và đang xiển dương “các luật lệ, mặc khải, giáo đường và tín ngưỡng ngày nay như những giáo điều cao hơn nhu cầu thiết yếu của người dân Đức đang đấu tranh cho tự do bên trong và bên ngoài”.

Trên thực tế, sự sống và chân lý là một trong Chúa Kitô (Ga 14: 6). Và tình yêu không phải là thứ làm cho ta hạnh phúc, thỏa mãn bản năng của ta, làm tê liệt ta trong chủ nghĩa hư vô, và tạm thời xoa dịu căn bệnh tâm hồn của ta. “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2:15-17)

Các giám mục và những nhà thần học người Đức này coi dân chúng như những kẻ ngu ngốc; họ tuyên bố có kiến thức chú giải thần bí cho phép họ giải thích những câu Kinh thánh lên án những điều trái với tự nhiên một cách nào đó lại tương thích với những khẳng định về sự kết hợp đồng giới. (Điều này được thực hiện bằng cách chia nhỏ tình yêu vợ chồng thành các khía cạnh riêng lẻ, và một số trong đó được áp dụng cho các kết hợp đồng giới.) Nhưng các luật lệ phò đồng tính được vận động bởi một nhóm đồng tính nam có trong tay hàng tỷ đô la không thể phá hủy sự thật về bản chất con người. Phúc lành của Thiên Chúa chỉ có thể được truyền đạt bởi Giáo hội của Ngài.

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” Phước lành này là sức mạnh hữu hiệu của tình yêu thương, giúp giải thoát chúng ta khỏi lòng tự ái để chúng ta có thể trở thành anh chị em với nhau, và liên kết chúng ta với nhau như con cái của Thiên Chúa. Nguyên tắc này là tối quan trọng: “Đừng dùng sự tự do của mình làm cơ hội cho xác thịt, nhưng hãy nhờ tình yêu thương mà trở thành tôi tớ của nhau” (Gal 5:13).

Cảnh tượng của những buổi chúc phúc đồng giới không chỉ đặt vấn đề về tính ưu việt của thẩm quyền giáo huấn của ngai tòa Phêrô, vốn dựa trên mặc khải, mà còn đặt câu hỏi về thẩm quyền của chính sự mặc khải của Thiên Chúa. Điều mới mẻ trong nền thần học quay trở lại với ngoại giáo này là sự khăng khăng trâng tráo tự gọi mình là Công Giáo, gây hiểu lầm rằng người ta có thể gạt bỏ Lời Chúa trong Thánh Kinh và Truyền thống Tông đồ, và coi những điều đó chỉ là quan điểm ngoan đạo và những biểu hiện của cảm xúc và lý tưởng tôn giáo có thời hạn nhất định cần phải tiến hóa và phát triển cho phù hợp với những trải nghiệm, nhu cầu và tinh thần mới. Ngày nay, chúng ta được biết rằng việc giảm lượng khí thải CO2 còn quan trọng hơn việc tránh xa những tội lỗi chết người khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa mãi mãi.

Tiến Trình Công Nghị không được giáo luật của Giáo Hội Công Giáo công nhận. Nó được thúc đẩy bởi các định kiến chống giáo sĩ: như cho rằng các linh mục và giám mục bị ám ảnh bởi quyền lực; những người giữ lời thề độc thân thì bị cho là có xu hướng tình dục đồi bại; hay cho rằng hàng giáo sĩ cố tình ngăn cản phụ nữ khỏi các nhóm nam giới của họ và bác bỏ việc phong cho phụ nữ những danh hiệu cao trong Giáo Hội.

Vì chân lý Phúc Âm và sự hiệp nhất của Giáo hội, Rôma không được im lặng theo dõi, hy vọng rằng mọi thứ sẽ không trở nên quá tệ, hoặc cho rằng người Đức có thể được vỗ về bằng những chiến thuật khôn khéo và những nhượng bộ nhỏ. Chúng ta cần một tuyên bố rõ ràng về nguyên tắc với những hệ quả thực tế. Điều này là cần thiết để sau năm trăm năm chia rẽ, tàn dư của Giáo Hội Công Giáo ở Đức không bị tan rã, gây ra những hậu quả tàn khốc cho Giáo hội hoàn vũ.

Quyền tối thượng được trao cho Giáo hội Rôma không chỉ vì các đặc quyền của Ngai Tòa Phêrô, mà người nắm giữ có thể thực thi theo ý mình, nhưng hơn thế nữa vì nhiệm vụ nghiêm trọng của Đức Giáo Hoàng, được Chúa Giêsu giao cho ngài, là bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội hoàn vũ trong đức tin được mặc khải.

Tại Lễ Trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng Lêô Cả đã nói về thử thách về sự kiên định cần có của tất cả các Tông đồ trong cuộc Khổ nạn: “Tuy nhiên, Chúa đặc biệt quan tâm đến Thánh Phêrô và đặc biệt cầu nguyện cho đức tin của Phêrô (Lc 22:32), như thể những người khác sẽ kiên định hơn nếu lòng dũng cảm của người lãnh đạo không bị lung lay. Nơi sức mạnh của Thánh Phêrô, tất cả mọi người đều được củng cố, vì sự trợ giúp của ân sủng thiêng liêng được coi là sức mạnh ban cho Phêrô sẽ truyền qua ngài đến các Tông đồ” (Bài giảng 83: 3).
Source:First Things
 
7g tối thứ Bẩy 29/5, lần hạt với đền thánh Đức Mẹ Nagasaki trước tình cảnh sinh tử Giáo Hội tại Ấn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:18 28/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 29-May-2021 theo giờ Việt Nam


Trong Thế chiến II, Nagasaki là nơi xảy ra vụ tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, ba ngày sau khi quả bom nguyên tử Little Boy được ném xuống thành phố Hiroshima.

Vào lúc 11g 2 phút sáng ngày 9 tháng 8 năm 1945, một quả bom nguyên tử đã được ném xuống ngay ngôi nhà thờ chính tòa Urakami. Khối đá nguyên khối màu đen ở trước cửa nhà thờ vẫn còn đó để đánh dấu tâm chấn của vụ nổ.

Gió bụi mịt mù dữ dội, những tia nắng nóng lên tới vài ngàn độ và bức xạ chết người do vụ nổ nghiền nát, đốt cháy và giết chết mọi thứ trong tầm nhìn và làm toàn bộ khu vực này thành một đống đổ nát cằn cỗi.

Khoảng một phần ba thành phố Nagasaki đã bị phá hủy và 150,000 người thiệt mạng hoặc bị thương và vào thời điểm đó. Thêm vào đó, khu vực này sẽ không có thảm thực vật trong 75 năm.

6.7 triệu mét vuông chung quanh ngôi nhà thờ chính tòa bị san bằng thành bình địa.

11,574 ngôi nhà bị đốt cháy hoàn toàn:

1,326 ngôi nhà không cháy nhưng bị sụp đổ.

5,509 ngôi nhà bị hư hỏng nặng:

73,884 người chết ngay lập tức

74,909 người bị thương và chết trong vòng một tháng sau đó.

Tổng cộng có 148,793 người chết ngay lúc đó hoặc chỉ trong vòng một tháng sau.

Điều đáng nói là Urakami, và toàn bộ thành phố Nagasaki, đã từng là một trung tâm Công Giáo ở Nhật Bản trong hơn bốn thế kỷ. Người Công Giáo sống quây quần chung quanh ngôi nhà thờ chính tòa hình thành các xóm đạo để bảo vệ nhau chống lại các cuộc bách hại.

Chính vì thế, khi quả bom được thả xuống, 8,500 người Công Giáo trong tổng số 12,000 người Công Giáo đã bị giết ngay lập tức.

Ngày nay, Nagasaki là Tổng giáo phận lớn thứ hai tại Nhật với 62,265 người Công Giáo trong tổng số 1.3 triệu dân. Tức là chiếm 4.5% dân số. Tổng giáo phận có 132 linh mục, 60 nam tu sĩ không có chức linh mục và 704 nữ tu. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 72 giáo xứ.

Vào ngày 4 tháng Giêng năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Cha Mitsuaki Takami làm Tổng Giám mục Nagasaki và được tấn phong vào ngày 14 tháng Giêng năm 2003.

Tại địa điểm đã bị san thành bình địa trong cuộc tấn công hạt nhân năm 1945 vào Nagasaki, mà từ chuyên môn của giới báo chí gọi là Nagaski Ground Zero, hôm nay trong buổi cầu nguyện do Đức Cha Mitsuaki Takami chủ sự, Giáo Hội tại Nhật Bản hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thế giới cầu nguyện cho đại dịch coronavirus kinh hoàng này sớm chấm dứt, cho sự an nghỉ đời đời của những nạn nhân đã thiệt mạng, ơn an ủi và chữa lành cho các thân nhân những người bị thiệt mạng, cho các nhân viên y tế và những ai đang trên tuyến đầu chống chọi với đại dịch quỷ quái này.