Ngày 22-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không thể không tiếp tục
Lm. Minh Anh
02:31 22/05/2021
KHÔNG THỂ KHÔNG TIẾP TỤC
“Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một, thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra”.

Nhà văn Anh, David Barnett, nhận định, “Có hai loại người trên đời - những người chưa bao giờ biết Studio Ghibli, và những người ‘yêu phim’ bằng tất cả trái tim”. Nhật Bản nổi tiếng với phim hoạt hình, nhưng Ghibli là một thể loại đặc thù; hình ảnh Ghibli vẽ tay tuyệt đẹp đã hút khán giả, đến nỗi, khi đã bắt đầu, như với, “Vùng Đất Của Linh Hồn”, “Bạn ‘không thể không tiếp tục’ với những phim khác”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn không thể không tiếp tục” với Ghibli, vì thật sự Ghibli đã hút hồn người xem, họ được cuốn mình trong đó. Cũng thế, chúng ta ‘không thể không tiếp tục’ đào sâu mầu nhiệm Chúa Giêsu và hoạt động của Thánh Thần Ngài vì chúng ta cũng được cuộn mình trong đó; nói khác hơn, vì đó là sự sống của chúng ta. Một sự trùng hợp thú vị xem ra cố ý khi cả hai bài đọc hôm nay đều kết thúc với những câu cuối cùng trong hai cuốn sách của mình, vốn được đọc suốt mùa Phục Sinh. Gioan kết luận, “Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một, thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra”. Vì thế, nếu đã cầu nguyện và chiêm ngắm với Gioan suốt 50 ngày qua, chúng ta thực sự đã đắm mình với những mầu nhiệm trong Phúc Âm thánh thiện này.
Bài đọc thứ nhất, kết thúc sách Công Vụ Tông Đồ, nói đến sự xuất hiện của Phaolô ở Rôma với tư cách một tù nhân. Tuy nhiên, ngay cả khi bị quản thúc tại gia, Phaolô vẫn tiếp tục làm những gì đã làm, “Ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ”; Phaolô ‘không thể không tiếp tục’ sứ vụ đã nhận lãnh từ Chúa Phục Sinh! Mạnh dạn “thời thuận tiện cũng như không thuận tiện”, và cuối cùng, Phaolô đã hiến mạng sống cho Tin Mừng Ngài; vì biết rằng, “triều thiên vinh hiển đang chờ đợi” mình; và Phaolô sẽ được chiêm ngắm Đấng ngài rao giảng như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa!”.

Thứ đến, Tin Mừng Gioan, một Tin Mừng khác biệt so với ba Tin Mừng Nhất Lãm. Ngôn ngữ của Gioan thật bí nhiệm và đầy biểu tượng. Gioan trình bày bảy phép lạ như bảy ‘dấu lạ’ hoặc ‘dấu chỉ’, cho thấy thần tính của Chúa Giêsu, Đấng xưng mình “Ta Là”, “Con của Cha”, “Cây nho”, “Bánh ban sự sống”, “Ánh sáng thế gian”, “Ngôi Lời vĩnh cửu”… Gioan chỉ ra việc đóng đinh trên thập giá là giờ vinh quang của Con Thiên Chúa; trên đó, Ngài sẽ kéo mọi người lên cùng Cha, và đó cũng là giờ cứu rỗi cả nhân loại; bên cạnh đó, giáo huấn của Gioan về Bí tích Thánh Thể cũng vô cùng sâu sắc.

Gioan nói, lý do Gioan viết là “Để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài”. Rõ ràng, Gioan yêu mến, kết hiệp với Chúa Giêsu, không chỉ bằng những kinh nghiệm cá nhân nhưng còn qua cầu nguyện sâu sắc trong hàng chục năm. Chiều sâu của sự hiểu biết và kiến thức huyền bí của Gioan được truyền đạt theo cách mà người đọc dễ dàng bị cuốn hút vào sự hiểu biết và thần nghiệm của tác giả, một thánh sử được ví như phượng hoàng chấp cánh bay lên tận Ngôi Lời Vĩnh Cửu nơi cung lòng Cha.

Gioan kết thúc lời chứng của mình rằng, “Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một, thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra”. Chúng ta thử xem xét dòng này theo nghĩa đen! Nếu tuyên bố này đúng theo nghĩa đen, sự kiện này sẽ khiến chúng ta kinh ngạc! Bởi lẽ, những gì Chúa Giêsu đã làm trong mỗi tâm trí, mỗi trái tim mà Ngài chạm đến, thật sự không thể diễn tả được. Không bộ sách nào có thể mô tả chúng! Vì thế, muốn hiểu biết hơn tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, chúng ta ‘không thể không tiếp tục’ đào sâu mầu nhiệm Giêsu.

Anh Chị em,

“Cả thế giới này không thể chứa hết các sách viết ra”. Bởi lẽ, Tin Mừng Chúa Giêsu vẫn còn mãi hấp dẫn, còn mãi cuốn hút. Vậy mà Chúa Giêsu không chỉ có một môn đệ Ngài thương mến, nhưng thế giới sẽ mãi mãi, không bao giờ vắng bóng những môn đệ đầy tình yêu này; đó chính là bạn và tôi. Được kín múc mạch sống từ Chúa Giêsu và sức mạnh của Thánh Thần Ngài, chúng ta ‘không thể không tiếp tục’ sống sự sống của Ngài; ‘không thể không tiếp tục’ rao truyền tình thương của Ngài và cũng ‘không thể không tiếp tục’ dùng cả cuộc đời và ngay cả máu mình để cùng Gioan viết về Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hãy lấp đầy tâm trí và trái tim con bằng sự ‘thấu hiểu tâm linh’ sâu sắc của Gioan; để như Gioan, con cũng bị cuốn hút để ‘không thể không tiếp tục’ sống cho Ngài, yêu mến Ngài, và ‘viết’ về Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)

 
Đức Mẹ Hội Thánh, Cầu Cho Chúng Con
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:09 22/05/2021
Đức Mẹ Hội Thánh, Cầu Cho Chúng Con

Suy Niệm Lễ Đức Maria – Mẹ Hội Thánh

(St 3, 9-15.20; Ga 19, 25-27)

Thứ Hai, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh với niềm vui khôn tả.

Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan khi muốn thực hiện công việc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, “đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4), và Người Con đó “đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria” (Kinh Tin Kính).

Đức Mẹ Chúa Kitô

Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Giêsu Con Thiên Chúa không. Chẳng lẽ Đức Maria, Đấng đã hạ sinh Chúa Giêsu lại không phải là Mẹ Chúa Kitô?

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, có hồn có xác. Thánh Công đồng Nicêa dạy, chính Con duy nhất của Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và tất cả tồn tại trong Người, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể, làm người, chịu chết, đã sống lại, và Người sẽ lại đến trong vinh quan để phán xét; Công đồng tuyên phán: chỉ có Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, giống Chúa Cha. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi sánh sáng, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha… Nên Đức Maria được gọi là Mẹ Chúa Kitô.

Đức Maria đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế kỷ IV) khi nói : “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nên tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng : “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “ Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.

Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã tuyên dương Mẹ là “ Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ”. Như thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.

Đức Mẹ Hội Thánh

Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 53 của Công Đồng Vatican ô II viết : Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đã dâng Con lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

“Thật vậy, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a… được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc… Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Ki-tô’… bởi vì đã cộng tác bằng đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Ki-tô là Đầu của Hội Thánh. Đức Ma-ri-a,… Mẹ Đức Ki-tô, cũng là Mẹ… Hội Thánh” (x.GLHTCG số 963).

Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể này, Ðức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Ðầu, và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với lòng của người mẹ hiền.

Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống Giáo Hội lễ kính Mẹ

Việc sùng kính Mẹ vào thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ chúng ta rằng, sau khi Ðức Giêsu lên trời, Ðức Maria đã ở giữa các Tông đồ, như người Mẹ “giữa một đàn em đông đúc” của Ðức Giêsu (Rm 8,29), Con của Mẹ. Đức Mẹ cùng cầu nguyện với Hội Thánh sơ khai : “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1,14). Hơn nữa: “Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Người trong ngày Truyền Tin” (LG 59), và “ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2-4) trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau cuộc đời trần thế, Ðức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang thiên quốc. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ, và như vậy Mẹ là dấu chỉ báo trước và bảo đảm cho các Kitô hữu được sống lại với Chúa Kitô. Mẹ ở trên trên vẫn tiếp tục thiên chức làm mẹ bằng việc chuyển cầu cho tới khi Hội Thánh đạt tới quê trời (LG 62).

Hội Thánh luôn dành cho Ðức Maria lòng yêu mến và tôn kính rất đặc biệt, vượt trên các thiên thần và các thánh. Mẹ là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô" (GH 63). Là hình ảnh của Hội Thánh tại thế "Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng" (GH 8) hướng nhìn lên Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, một phần tử ưu tú của mình, đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân Chúa Kitô. Vì thế, Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian. "Ngày nay, trên trời Mẹ Ðức Giêsu đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr. 3,10).

Lạy Mẹ Hội Thánh, trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, đầy đau khổ và lo lắng đang bao trùm cả thế giới vì đại dịch, chúng con cầu xin Mẹ, chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan khốn khó, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy.

Đức Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Vị Khách Thầm Lặng
LM. Giuse Trương Đình Hiền
15:34 22/05/2021
VỊ KHÁCH THẦM LẶNG

(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2021)

Nếu dựa vào khúc “Thi Kinh” Ca Tiếp Liên trong Phụng vụ chính ngày Lễ Hiện Xuống để tìm một “định nghĩa” về Chúa Thánh Thần, thì tôi thích định nghĩa nầy: Chúa Thánh Thần “là khách trọ hiền lương của tâm hồn” (dulcis hospes animae - the soul's delightful guest ).

Lý do cũng đơn giản thôi: Hình ảnh “Khách trọ hiền lương” cho tôi cái cảm giác gần gũi, thân thương; cái cảm giác của sự hội ngộ, gặp gỡ luôn mới mẻ, tình cờ…

Riêng Thánh Giáo phụ Augustino, như trưng dẫn của sách Giáo lý Youcat, thì cho rằng: “Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của tâm hồn. Muốn cảm nghiệm được sự hiện diện của Người cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài” (Youcat, số 120).

“Hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” phải chăng, đó chính là những phẩm chất, hoạt động, là đường đi nước bước… của Vị Thiên Chúa Ngôi Ba !

- Ngài “hiền lương thầm lặng, êm đềm…” khi “rợp bóng trên người thôn nữ Maria” nơi thôn nghèo Nadarét; và một tiếng “xin vâng” lặng lẽ, êm đềm đã cất lên để Ngôi Hai Thiên Chúa chính thức bước vào trần gian, mặc lấy xác thịt con người. (Lc 1,35-38).

- Ngài “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” khi lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên chàng thợ mộc Giêsu đến từ Nadarét; một cuộc “xức dầu tấn phong” âm thầm lặng lẽ để Con Người vừa lội xuống dòng sông Giođanô để ông Gioan làm phép rửa (Mc 1,9-11) sẽ bước lên đĩnh đạc dấn thân xuôi ngược rao giảng Tin Mừng cho tới những ngày khổ nạn, phục sinh, lên trời...

- Ngài “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” khi “gõ cửa tâm hồn” của những người như: người phụ nữ Samari “lộn chồng” bên thành giếng Giacop”, nhà trí thức biệt phái Nicôđêmô giữa đêm thâu, tay ty trưởng thuế vụ Giakê trên cành cây sung, cô Maria tai tiếng khắp thành, tên trộm bị đóng đinh bên hữu…; và sau những cuộc gặp gỡ “thầm lặng, êm đềm trong tâm hồn đó”, một “dòng nước hằng sống tuôn chảy dạt dào trong tâm hồn họ”, dòng nước Thánh Thần (Ga 7,38-39) đã biến đổi hoàn toàn để tất cả nên những con người mới, những “điện thờ của Thánh Linh” (1 Cr 6,19).

- Ngài “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” khi Đấng Phục Sinh hiện đến nơi Nhà Tiệc Ly vào “Ngày Thứ Nhất trong tuần” và “thổi hơi trên các môn sinh”, để những kẻ đang co ro sợ hãi, đóng cửa cài then… tìm lại sức trẻ lên đường, “chèo ra chỗ nước sâu mà buông câu thả lưới…”.

- Và hôm nay, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, lễ kỷ niệm Giao Ước Sinai và Tạ ơn Mùa gặt mới của Do Thái giáo, Ngài lại đến trong “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” nơi “Nhà Tiệc Ly”, nơi mà suốt “10 ngày” sau khi Chúa Lên Trời, các môn đệ Chúa Kitô cùng với Mẹ Maria đã sốt sắng, tĩnh tâm, cầu nguyện và đợi chờ. Vâng, một cuộc “Hiện xuống” sâu thẳm và huyền diệu, một cuộc biến đổi nhiệm mầu và dứt khoát được biểu hiện qua sức mạnh của “gió” và “lửa” để khai sinh một Giao Ước mới, để tạ ơn một Mùa Gặt Mới: Giao ước mới để chính thức khai trương Hội Thánh trên trần gian và mùa gặt mới để Hội Thánh ra đi loan báo Tin Mừng, quy tụ muôn dân thành một Dân Mới hiệp nhất, như Kinh Tiền Tụng đã hát lên: “Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin”.

Và suốt con đường dài thăm thẳm 2000 năm qua, Chúa Thánh Linh vẫn “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” như thế để “canh tân bộ mặt thế giới” qua những con người như “Phaolô ngã ngựa”, như Anê, Agata, Goretti, liễu yếu đào tơ; như linh mục Maximilien Kolbe, Giám mục Oscar Romero, Anrê Phú Yên… sẵn sàng “chết vì một tình yêu lớn”; như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, như Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như chàng thiếu niên Acutis… sẵn sàng “đập bể bình dầu thơm cuộc đời” để ngôi nhà Hội Thánh được ướp hương thơm của Tin Mừng; hay như theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, được trỗ sinh những hoa quả của Thánh Thần: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. (Gl 5,22-23).

Như thế, chúng ta có thể nói được rằng: đường đi nước bước của Thần Khí thật quá khác xa với những chọn lựa của trần gian: trần gian chọn sức mạnh ồn ào kinh thiên động địa của “hoả tiển Hamas”, của “Vòm sắt Israel”…; của “chiến tranh đối đầu”, của “hận thù bạo lực…”. Đó là cái cách “gieo” nghịch với Chúa Thánh Thần”, mà Thánh Phaolô gọi là gieo xuống trong xác thịt: “ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát.” (Gl 6,8).

Vì thế, hơn lúc nào hết, lời cầu xin của Giáo Hội với Chúa Thánh Linh hôm nay (nơi Ca Tiếp Liên), với Vị Khách Trọ Hiền Lương cần phải được vang lên nhiều hơn nữa, khẩn thiết hơn nữa: “Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,/ và chữa cho lành nơi thương tích./ Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,/ chỉnh đốn lại chỗ trật đường….”; và nối tiếp dòng tâm tư cầu nguyện đó, mỗi người chúng ta cũng có thể thưa riêng với Ngài:

Hồn đã mở, Khách Hiền Lương ngự trị,

Kẻ lầm than, đem vào nghỉ an vui;

Lệ tràn mi, xin yên ủi lau khô,

Chỗ lạnh lùng, mang lửa hồng sưởi ấm…

Mẹ trái đất muôn ân hồng thấm đẫm,

Gương mặt địa cầu tươi thắm canh tân;

Hoan hỉ dường bao “Bảy nguồn phúc Linh n”,

Một lần nữa, “xin Thánh Thần lại đến” !

Hỡi “Ngọn Gió dịu êm”, mùa đã đến,

Hỡi “Ngọn lửa linh thiêng” hẹn lên rồi !

Hỡi “Ngọn nước tinh trong” mau về thôi,

Bởi thế giới đang đợi chờ khao khát !

Trương Đình Hiền (Hiện Xuống 2021)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:10 22/05/2021

2. Nếu con không thể chấp nhận những đau khổ lớn, thì đau khổ của luyện ngục con làm sao chấp nhận được chứ?

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 22/05/2021
53. DÙNG KHÔNG HẾT

Có một người đến chùa miếu để xin ngủ qua đêm, nói:

- “Tôi có rất nhiều đồ vật, đời nọ đến đời kia dùng không hết, xin tặng quý chùa.”

Hòa thượng rất phấn khởi mời ông ta ngủ lại trong chùa, và rất cung kính lịch sự với ông ta.

Sáng sớm hôm sau, hòa thường hỏi người ấy đó là những thứ gì, người ấy chỉ cái mành đã mục nát trước tượng bồ tát và nói:

- “À, đem cái thứ ấy xuống róc nhỏ để đốt đèn thì đời nọ đến đời kia dùng cũng không hết hay sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 53:

Ở đời, không có gì là đời đời bất biến, không có gì là dùng mãi không hết: mạch dầu dưới biển, lâm sản trong rừng, vàng bạc như núi.v.v…thì rồi cũng có một ngày cạn kiệt hoặc mất đi.

Nhưng ơn thánh của Thiên Chúa ban cho thì đời đời dùng cũng không hết nếu chúng ta ở trong tình trạng gắn bó với Ngài, nhưng ơn thánh sẽ mất đi khi chúng ta cố tình phạm tội trọng và sống trong tội. Cho nên, người có lòng khiêm tốn nhiều thì nhận được ơn thánh nhiều, như Đức Mẹ Ma-ri-a đã để lòng mình ra không trước mặt Thiên Chúa, nên ơn của Thiên Chúa càng dồi dào trong tâm hồn Mẹ hơn…

Ai là người sử dụng cả đời không hết ơn thánh? Thưa, đó là những người luôn để mình ra không trước mặt Thiên Chúa, tức là biết hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Ngài, họ là những người mà ơn thánh càng sử dụng thì càng đầy tràn…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiểu luận của Đức Cha James Sean Wall: Vì phần rỗi các linh hồn
J.B. Đặng Minh An dịch
00:14 22/05/2021

Một số chính trị gia Hoa Kỳ luôn tự hào mình là người Công Giáo rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai quyết liệt hơn cả những người không Công Giáo. Trước gương mù tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự định trong kỳ họp khoáng đại vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh đưa ra một tuyên bố về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai cũng như “phò” nhiều vấn đề khác mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Hội Thánh.

Đức Cha James Sean Wall, giáo phận Gallup có bài nhận định nhan đề “For the Care of Souls” nghĩa là “Vì sự chăm sóc cho các linh hồn”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong vài tháng qua, một số giám mục Công Giáo đã đưa ra tuyên bố đối với câu hỏi liệu có nên công khai từ chối Bí tích Thánh Thể đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai hay không. Tôi biết ơn tất cả các giám mục anh em của tôi, những người đã can đảm lên tiếng về chủ đề hóc búa này. Khi các giám mục chia sẻ theo lương tâm của mình và lắng nghe quan điểm của người khác, họ thúc đẩy đối thoại chân chính — là một bước cần thiết trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất.

Do đó, tôi muốn trả lời bài luận gần đây của Đức Cha Robert McElroy. Ngài nói rằng: “Bí tích Thánh Thể đang được dùng như một vũ khí vì mục đích chính trị. Điều này không được xảy ra”. Tiêu đề của ngài gợi ý rằng các động cơ chính trị đang thúc đẩy cuộc thảo luận hiện tại của các giám mục về các chính trị gia ủng hộ phá thai và sự tiếp nhận xứng đáng bí tích Thánh Thể. Mặc dù tôi không giả định là mình biết điều gì trong tâm trí và trái tim của các giám mục anh em của tôi, bản thôi tôi không bị thúc đẩy bởi các mục đích chính trị, và cả những người mà tôi đã thảo luận về chủ đề này với họ cũng vậy. Mối quan tâm của chúng tôi không phải là chính trị mà là mục vụ; là nhằm cứu rỗi các linh hồn. Vấn đề này có thể có những hệ quả chính trị, nhưng không vì thế mà chúng ta phải trốn tránh vào thời điểm quan trọng này.

Đức Cha McElroy cũng lo ngại rằng việc loại trừ các chính trị gia ủng hộ phá thai ra khỏi tình hiệp thông Thánh Thể sẽ làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Giêsu cầu nguyện rằng tất cả các Kitô hữu có thể nên một (Ga 17:21), và đây là nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nói, “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Đôi khi việc nói ra sự thật dường như tạo ra sự chia rẽ, nhưng thường thì nó chỉ đơn giản là phơi bày sự chia rẽ đã tồn tại rồi. Nếu người Công Giáo không thể đồng ý về việc bảo vệ những đứa trẻ vô phương tự vệ, thì sự hiệp nhất của chúng ta nói nhẹ nhàng một chút là hời hợt, còn nói tệ hơn thì đó là ảo tưởng.

Đức Cha McElroy sau đó phê bình cái mà ngài gọi là “thần học về sự không xứng đáng”. Ngài lập luận rằng những người từ chối không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đang áp dụng một thử nghiệm “cực kỳ tùy tiện” khi “áp dụng các biện pháp trừng phạt rất có chọn lọc và không nhất quán”. Tôi tự hỏi có đúng như thế không?

Giáo luật quy định: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, nếu chưa đi xưng tội” (Giáo luật 916). Vì phá thai là một trong số những tội lỗi mang vạ tuyệt thông tiền kết (xem Giáo luật 1398), nên chắc chắn rằng một chính trị gia tích cực bảo vệ việc phá thai và cố gắng làm cho nó dễ tiếp cận hơn rất có nguy cơ đối với phần rỗi linh hồn. Chắc chắn không phải là quá “tùy tiện” khi xếp tệ nạn này vào loại các tội nghiêm trọng.

Thật công bằng khi đặt vấn đề liệu chúng ta có chọn lọc không khi chỉ tập trung vào việc phá thai. Tại sao chúng ta không tìm kiếm các biện pháp trừng phạt thánh thể đối với các tệ nạn khác đang tràn lan trong xã hội? Câu trả lời là mặc dù có nhiều tội trọng làm giảm đi sự xứng đáng của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ những tội trọng nhất mới dập tắt hoàn toàn sự xứng đáng đó. Với tư cách là một nhóm các giám mục, chúng tôi đã đọc “những dấu chỉ của thời đại” (Gaudium et Spes), và nhận ra rằng phá thai là một tệ nạn lớn trong nền văn hóa của chúng ta, và đã gọi nó như vậy trong nhiều thập kỷ. Trở lại năm 1998, Hội Đồng Giám Mục của chúng tôi đã nêu đích danh phá thai là “mối đe dọa hàng đầu” và vào năm 2019, chúng tôi tái khẳng định rằng “mối đe dọa phá thai vẫn là âu lo hàng đầu của chúng tôi vì nó tấn công trực tiếp vào chính sự sống”. Các nhà lãnh đạo chính trị ủng hộ phá thai đã không chú ý đến những lời kêu gọi này, và bây giờ chúng tôi tìm cách áp dụng phương án chữa bệnh cuối cùng và nghiêm khắc nhất mà chúng tôi có: đó là các biện pháp trừng phạt thánh thể.

Đức Cha McElroy khi xem xét các lý lẽ từ chối không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đã đặt câu hỏi “Có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo của hai đảng có thể vượt qua được bài kiểm tra đó?” Tôi cho rằng đây là câu hỏi sai. Chúa Giêsu không quan tâm đến những con số, nhưng đến sự cứu rỗi các linh hồn. Một câu hỏi hay hơn có thể là “Liệu tôi đã làm hết tất cả những gì một Giám Mục có thể làm để cố gắng đưa tất cả các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai trong đàn chiên của tôi trở lại tình trạng ân sủng hay chưa?”
Source:First Things
 
Giáo phận Brooklyn đang yêu cầu cảnh sát tăng cường hiện diện sau hai vụ phá hoại trong ba ngày liên tiếp tại các nhà thờ
Đặng Tự Do
15:44 22/05/2021


Cuối tuần qua, một bức tượng mô tả Đức Mẹ bồng Chúa hài nhi đã bị phá hoại bên ngoài các văn phòng hành chính của Tòa Giám Mục. Kẻ phá hoại đã chặt đầu tượng Chúa hài nhi. Trong khi đó, hôm thứ Sáu, một cây thánh giá có tượng chịu nạn bên ngoài giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn đã bị lật nhào, và một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ bị đốt cháy.

“Chúng tôi lo ngại rằng có một trào lưu tội ác căm thù đối với người Công Giáo đang diễn ra ở đây,” Anthony Hernandez, người điều hành các văn phòng giáo phận cho biết như trên, trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Hernandez nói rằng các nhà thờ sẽ được thông báo về tình trạng này để đề cao cảnh giác đối với các hành vi phá hoại, và giáo phận đang yêu cầu cảnh sát New York, gọi tắt là NYPD tuần tra các khu vực xung quanh các nhà thờ.

“Thù hận và bất khoan dung với đức tin Công Giáo, hay bất kỳ niềm tin nào, đều không có chỗ đứng ở đây”, ông nói.

Hai hành vi phá hoại đang được điều tra là tội ác thù hận đức tin. Các văn phòng hành chính của giáo phận được đặt tại khu vực Windsor Terrace của Brooklyn, trong khi giáo xứ Thánh Athanasiô nằm ở khu vực Bensonhurst của Brooklyn.

Giáo phận Brooklyn cho biết, một cây thánh giá được lắp đặt bên ngoài nhà thờ vào năm 2010 đã bị lật đổ và nằm úp mặt xuống đất. Đức Ông Cassato phát hiện ra vụ phá hoại vào sáng ngày 14 tháng 5. Cây thánh giá này đã được lắp đặt để tưởng nhớ mẹ ngài.

“Đây thực sự là một hành động thù hận và hôm nay là ngày buồn nhất trong hai mươi năm của tôi tại giáo xứ này”, Đức ông David Cassato, cha sở của giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn, New York, cho biết trong một thông cáo báo chí của giáo phận ngày 14 tháng Năm. Một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ cũng bị đốt cháy.

“Tôi đã đến và nói chuyện với các học sinh trong trường về những gì đã xảy ra, và nói với họ rằng thù hận không bao giờ thắng”. Cha Cassato nói trong thông cáo báo chí. “Chúng ta đang và phải là một cộng đồng tiếp tục chia sẻ thông điệp của Lễ Phục sinh, đó là tình yêu, hy vọng và sự tha thứ”.

Một người quản lý cơ sở Tòa Giám Mục đã phát hiện ra bức tượng bị chặt đầu bên ngoài văn phòng của giáo phận, và báo cáo vụ việc cho cảnh sát. Giáo phận cho biết họ đang làm việc để sửa chữa bức tượng theo hình thức hiện tại, trong khi giáo xứ nói rằng họ có ý định sửa chữa và lắp đặt lại cây thánh giá ở cùng một vị trí.

Một buổi lễ cầu nguyện được tổ chức vào tối thứ Sáu bên ngoài Thánh Athanasiô; giáo xứ cho biết rằng hàng trăm người đã tham dự, và đã cầu nguyện cho thủ phạm của vụ phá hoại.

Đài truyền hình WABC cho biết giáo xứ Thánh Đa Minh, giáp ranh với giáo xứ Thánh Athanasiô, cũng là mục tiêu của các vụ phá hoại nhỏ.

Các giáo xứ ở các tiểu bang khác cũng đã bị phá hoại trong những tuần gần đây.
Source:Catholic News Agency
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Dòng nước, hình ảnh Chúa Thánh Thần
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:11 22/05/2021
Dòng nước, hình ảnh Chúa Thánh Thần

Trong kinh Tin Kính có lời tuyên xưng: „Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.“

Và Đức Chúa Thánh Thần được định nghĩa là Ngôi thứ ba Thiên Chúa, là thần khí hơi thở của Thiên Chúa, là Đấng không có hình hài mầu sắc.

Vậy làm sao có thể diễn tả về Ngài được?

Xưa nay hằng có những suy tư với những hình ảnh khác nhau diễn tả về Ngài. Nhưng một hình ảnh gần gũi với đồng sống con người hằng ngày đó là dòng nước.

Thánh Gioan viết phúc âm Chúa Giêsu Kitô đã dùng hình ảnh dòng nước diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần (Ga 7,37-39).

Từ lúc thức dậy buổi sáng cho tới buổi chiều tối khi đi ngủ, con người luôn cần có nước. Nước là nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt đời sống con người cho ăn uống, cho tắm giặt lau chùi rửa …

Mọi người ai cũng đều đã có kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự phấn khởi tươi mát mang đến năng lực cho đời sống. Lúc khát nước hay khi gặp trời nóng nực mà nhận được ly nước uống vào, ngay tức thì cơn khát được hạ dịu bớt, sức sống phấn khởi bừng lên trong thân thể nơi làn da thớ thịt, cùng nơi tâm trí. Lúc đó ly nước mát quan trọng qúy gía biết chừng nào!

Vào mọi thời đại và ở nơi nơi, nước luôn là yếu tố căn bản cho phát triển cho cây cối ở rừng núi ruộng vườn ngoài thiên nhiên; cho nhu cầu ăn uống,vệ sinh sạch sẽ của con người cùng của thú động vật.

Dòng nước chảy trong dòng suối, khe lạch, nơi sông ngòi đến đâu mang chất phân bón phù sa cho cây cỏ, ruộng vườn được phát triển tươi tốt. Và dòng nước là vùng, là ngôi nhà chỗ ẩn thân sinh sống cho mọi loài sinh vật sống trong đó như các loài tôm, cá…Trong dòng nước chúng sinh sản lớn lên phát triển làm thức ăn dinh dưỡng nuôi sống con người từ ngàn xưa.

Hình ảnh so ví làn nước diễn tả về Đức Chúa Thánh gợi nhắc nhớ đến kênh đào của Vua Hiskija ngày xưa ở thành Jerusalem bên nước Do Thái. Theo Kinh thánh cùng sử sách nghiên cứu thuật lại, vào năm 701 trước Chúa giáng sinh, trong khi bị bao vây, Vua Hiskija đã cho đào đục con kênh ngầm dười lòng đất đá để dẫn nguồn nước từ thung lũng Ghidon từ bên ngoài thành Jerusalem vào dòng suối Schiloach bên trong thành. Và nhờ có nước chảy vào thành, nhà vua và dân thành thoát khỏi nạn khan hiếm nước lúc bị quân thù bao vây bên ngoài thành.

Con kênh đào ngầm Hiskija đó dài khoảng nửa cây số, bề ngang rộng chỉ vừa đủ lọt cho thân thể một người đi qua, và độ sâu có chỗ nước ngập tới trên mắt cá chân, chỗ sâu nhất nước ngập tới khoảng trên đầu gối.

Dòng nước từ con kênh ngầm Hiskija đó đã mang lại sự sống còn, sự tươi mát nhuệ khí cho dân thành hăng hái phấn khởi vươn lên chiến đấu.

Hình ảnh dòng nước sự sống tươi mát phấn khởi Chúa Giêsu Kitô, khi đứng trong đền thờ Jerusalem giảng dậy ngày bế mạc Lễ Lều của người Do Thái, như đã liên tưởng tới và nói lời kêu mời:

"Ai khát nước hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông“.( Ga 7,37-38).

Đức Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa, tựa như làn nước làm cho sức sống sự xanh tươi chảy thông cuồn cuộn bừng lên.

Chúng ta nhìn thấy hình hài của nước. Nhưng Thiên Chúa, Đấng dựng nên nước, ký thác sự bí ẩn mầu nhiệm sức sống trong đó, khiến mắt ta không nhìn thấy sức mạnh ẩn dấu trong nước.

Bằng đôi mắt thường chúng ta quan sát dòng nước chảy. Nhưng tâm trí, dù có thể dùng phương pháp khoa học thực nghiệm phân tích chất chứa trong nước, cũng không hiểu được mầu nhiệm thâm sâu ẩn chứa sức sống của nước do Trời cao tạo dựng nên.

Sức sống ẩn chứa trong dòng nước mang lại không chỉ sự tươi mát cho da thịt, mà còn sức mạnh cho tâm hồn lẫn gân cốt bắp thịt, sự phấn khởi tỉnh táo cho tâm trí suy nghĩ biểu hiện qua nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, trên ánh mắt con người.

Giống như mầu nhiệm sức sống ẩn chứa trong dòng nước, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh cho sự sống đức tin vào Thiên Chúa thể hiện theo nhiều phương cách, mà tâm trí ta không sao nhìn thấu cùng thông hiểu nổi, hay không như ta chờ đợi mong muốn.

Đức Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu hứa ban gửi đến cho Giáo Hội luôn hằng có mặt trong Giáo Hội. Ngài là Đấng vô hình, nhưng không phải là một „bóng ma thánh“.

Ngài là dòng nước mang sức sống đến cho đời sống tâm linh của Giáo Hội.

Dòng nước chảy mang đến sức sống cùng sự đổi mới. Dòng nước sức sống Đức Chúa Thánh Thần tác động âm thầm tiệm tiến trên sự đổi mới trong lòng sự sống Giáo Hội.

Chúng ta chỉ có thể tìm cách cắt nghĩa diễn tả Đức Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh, như Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh dòng nước là nguồn sức sống nói về Thần linh Thiên Chúa, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu với tâm trí con người.

Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giáo lý ngày 08.05. 2013 đã có suy tư:

„ Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy!

Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Văn Hóa
Chúa Thánh Thần Nguồn Ơn Sủng Tình Yêu
Đinh Văn Tiến Hùng
10:26 22/05/2021
Chúa Thánh Thần Nguồn Ơn Sủng Tình Yêu

( Lễ trọng 23/5/21)

“ Ta cầu xin Đức Chúa Cha, Người sẽ ban Đấng khác từ trời xuống với các con và ở cùng các con luôn, vì đó là Đấng Thánh Linh “ ( Yn.14: 16 )
Lạy Chúa toàn năng, Đấng tạo thành, Đã sai Con Một cứu sinh linh, Và ban Thần Khí cho Giáo Hội, Ngàn Ánh vinh quang muôn đời muôn thuở ! ( Kinh Phụng Vụ )

Ôi ! Tình yêu Chúa vô cùng cao cả,
Về trời không để con lại bơ vơ,
Nhắn nhủ yêu thương qua các môn đồ,
Thày sẽ xin Chúa Thánh Thần ngự xuống.

Nhìn Hội Thánh trải qua bao tình huống,
Chúa Thánh Linh luôn nâng đỡ ủi an,
Ban sức mạnh Giáo Hội vượt nguy nan,
Để hoàn tất bao công trình Chúa định.

Elizabeth tuổi già đáng kính,
Vững lòng tin nên được Chúa yêu thương,
Sinh Gioan Đấng Tiền Hô mở đường,
Từ lòng mẹ đã tràn đầy Thần Khí.

Thánh Giuse luôn tuân hành Thánh ý,
Trong chiêm bao được Thiên Sứ báo tin,
Bạn đính hôn Maria dịu hiền,
Đang mang thai bởi Thánh Linh quyền phép.

Này đây nơi làng nhỏ Nazareth,
Maria vâng phục lời Chúa truyền,
Sẽ sinh Ngôi Hai cứu thế ân thiêng,
Do quyền năng Chúa Thánh Thần mầu nhiệm.

Trên sông Jordan Bồ Câu xuất hiện,
Khi Chúa nhận phép rửa từ Gioan,
Cửa trời mở tiếng vọng từ Thiên đàng:
‘Đây Con Chí ái ! Người Ta yêu mến !’

Bốn mươi ngày cầu nguyện trong sa mạc,
Ba lần bị cám dỗ bởi Sa-tan,
Chúa đã khuất phục dục vọng gian tham,
Vì Thần Khí ở cùng Ngài chiến thắng.

Đức tin phải chứng minh bằng hành động,
‘Các con hãy đi rao giảng khắp nơi,
Dạy mọi điều ta đã truyền các con,
Để nhận lấy ơn Thánh Thần thanh tẩy.’

‘Nếu ngày nào các con bị tù tội,
Đừng lo âu trước phải nói những gì,
Đừng thất vọng vì khắc khoải nghĩ suy,
Thần Khí sẽ thay các con mọi việc.’
Trong phòng kín các môn đồ xao xuyến,
Chúa hiện đến giơ tay chúc bình an,
‘Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần !’
Lửa bừng cháy trong tâm hồn từ đấy.

Phúc cho kẻ vững tin dù không thấy,
Tội lỗi con người sẽ được thứ tha,
‘Hãy ghi nhớ phải tuân giữ lới Ta:
Chẳng được tha, lộng ngôn phạm Thần Khí !’

Cảm tạ Tình Chúa yêu thương tuyệt mỹ,
Con quyết tâm vâng giữ lời Chúa truyền,
Xin Chúa Thánh Linh đổ xuống ơn thiêng,
Và hướng dẫn cuộc đời con mãi mãi.

Chúa hằng hiển trị trong vinh quang,
Lượng cả đỡ nâng kẻ tín thành,
Xin ngự đến thăm và tuôn đổ,
Bảy nguồn on huệ của Thánh Linh’

(Thánh thi Phụng vụ)
*Lời nguyện.
- Chúng con cảm tạ vì Thiên chúa đã ban Đức Giêsu cho chúng con để yêu thương dạy dỗ và cứu chuộc chúng con.
- Chúng con tạ ơn Chúa Con từ thuở đời đời, trong ngày chúng con được tạo dựng và được tái sinh.
- Chúng con tạ ơn Đức Chúa Thánh Thần từng giây phút trong cuộc dời chúng con, Chúa đã thánh hóa và giúp chúng con được sống hạnh phúc – Amen-

Đinh Văn Tiến Hùng
 
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô Giáo, Các khía cạnh đặc thù của nền hộ giáo Pascal
Vũ Văn An
20:42 22/05/2021

Các khía cạnh đặc thù của nền hộ giáo Pascal

Đi vào những điểm đặc thù, trước nhất Pascal nói đến nghịch lý trong bản tính con người. Rick Wade (https://probe.org/blaise-pascal-an-apologist-for-our-times) cũng tin rằng Pascal là nhà hộ giáo của thời nay, theo nghĩa ông không bắt đầu và dừng lại ở lãnh vực ý niệm. Trái lại ông bắt đầu tìm hiểu thân phận con người và sử dụng cái hiểu này như khởi điểm và điểm tiếp xúc của khoa hộ giáo.



Tiến sĩ Fernandes thì cho rằng theo Pascal, chỉ có Kitô giáo mới có thể giải thích đúng đắn bản chất con người, một bản chất nghịch thường. Con người vừa hèn hạ vừa cao cả. Nhiều tôn giáo nhìn nhận sự cao cả của con người, không thấy sự hèn hạ của họ. Đó là trường hợp của Phong trào Tân Đại (New Age); con người là Thượng Đế, tội lỗi là ảo tưởng. Các tôn giáo khác thừa nhận sự hèn hạ của con người nhưng làm ngơ sự cao cả của họ. Những nhà duy nhân bản hiện đại coi con người như thú vật; những người duy tác phong (Behaviorists) coi con người như bộ máy. Chỉ có Kitô giáo mới coi con người như họ thực sự là; họ vừa hèn hạ vừa cao cả.

Pascal tin rằng các học lý về tạo dựng và sa ngã mà thôi đủ để giải thích nghịch lý trên của con người: họ cao cả do sự kiện họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; họ hèn hạ vì đã sa ngã, xa rời Đấng Tạo Dựng. Ông cho rằng con người chỉ có thể hiểu được sự khốn cùng của mình khi nhớ lại sự cao cả họ đã đánh mất khi sa ngã.

Pascal viết: “con người chỉ là cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng họ là cây sậy biết suy nghĩ. Chẳng cần toàn bộ vũ trụ phải cầm khí giới để đè bẹp họ: một chút hơi, một giọt nước cũng đủ sát hại họ. Nhưng cho dù vũ trụ có thể đè bẹp họ, họ vẫn cao thượng hơn kẻ sát hại họ, vì họ biết họ sắp chết, và lợi điểm vũ trụ có hơn họ. Vũ trụ không hề biết việc đó. Như thế, mọi phẩm giá của ta hệ ở tư tưởng” (mảnh 200).

Sự cao cả của con người phát xuất từ việc biết họ hèn hạ. Như thế hèn hạ là biết mình hèn hạ, nhưng có sự cao cả ở chỗ biết mình hèn hạ (mảnh 114).

Mọi điển hình hèn hạ đều chứng mình sự cao cả của họ. Nó là sự hèn hạ của một ông chúa cao cả, sự hèn hạ của một ông vua mất ngôi (mảnh 116).

Sự cao cả và hèn hạ của con người hiển nhiên đến nỗi tôn giáo chân thực nhất thiết phải dạy chúng ta rằng nơi con người có một nguyên lý vĩ đại nào đó về sự cao cả và một nguyên lý nào đó về sự hèn hạ (mảnh 149).

Câu bất hủ của Pascal mà nhiều người thuộc làm lòng là: “con người không phải là thiên thần mà cũng không phải là thú dữ” (mảnh 678).

Do đó, trong đức tin, có hai chân lý trường cửu như nhau. Một là con người, trong trạng thái được tạo dựng hay trong trạng thái ơn thánh, được hiển dương trên toàn bộ thiên nhiên, được tạo dựng giống như Thiên Chúa và được chia sẻ thần tính của Người. Hai là trong tình trạng sa đoạ và tội lỗi, họ đã xa rời trạng thái thứ nhất và trở thành giống thú dữ... (mảnh 131).

Thành thử, muốn chân thực, một tôn giáo phải biết bản chất ta; nó phải biết sự cao cả và nhỏ hèn của nó, và lý do cho cả hai. Tôn giáo nào ngoài Kitô giáo biết điều đó? (mảnh 215).

Thế lưỡng nan của con người, tức việc họ vừa cao cả vừa hèn hạ, rất dễ chứng tỏ bằng tài liệu. Hố phân cách giữa thú vật và con người quá lớn đến nỗi việc biến hóa không thể giải thích một cách thỏa đáng. Không loài vật nào đã tạo ra được một Platông hay một Aristốt bao giờ. Ấy thế nhưng, sự độc ác của con người chống lại con người chưa bao giờ nghe thấy trong thế giới động vật. Không loài động vật nào đã sản xuất ra một Hitler hay một Stalin.

Đối với Pascal, chỉ có Kitô giáo với học lý tạo dựng và sa ngã mới giải thích thỏa đáng cả hai khía cạnh của con người.

Ông cũng nhấn mạnh đến phận người: tối hậu, họ chỉ có con đường một chiều dẫn đến cái chết. Ai cũng biết thế, nhưng lại sống như thể mình không bao giờ chết. Nhờ đâu họ có thể sống như thế?

Nhờ giải khuây, dửng dưng và tự đánh lừa. Thay vì nhìn nhận sự khốn cùng và cái chết để tìm phương giải cứu, chúng ta lại làm ngơ phận người và tự lừa dối chính mình.

Về giải khuây, Pascal viết: “Không có khả năng cứu chữa sự chết, sự khốn cùng và dốt nát, con người quyết định không nghĩ đến những thứ ấy, để được hạnh phúc” (mảnh 133). Nếu thân phận ta thực sự hạnh phúc, ta đâu có cần phải giải khuây để không nghĩ đến nó (mảnh 70). Chúng ta lơ đễnh lao vào hố thẳm sau khi đã đặt trước mình một thứ gì đó để khỏi nhìn thấy hố thẳm này (mảnh 166). “Tôi có thể thấy rõ điều làm một người hạnh phúc là giải khuây để khỏi suy nghĩ những khốn cùng riêng của họ bằng cách làm họ không lưu tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài nhẩy nhót cho khéo...” (mảnh 137).

Nhất là xã hội hiện đại, họ có không biết bao nhiêu hình thức giải khuây: truyền thanh, truyền hình, kịch trường, biến cố thể thao, ngay nghề nghiệp cũng là cách khiến ta bận bịu đến quên sự chết và lẽ khốn cùng của mình. Pascal cho rằng con người nhờ các vui chơi tạm thời che khuất các sự thật họ muốn làm ngơ.

Dửng dưng là cách khác để con người tránh đối đầu với cái chết đang tới của họ. Pascal viết:

“Tính bất tử của linh hồn là một điều hết sức quan trọng đối với chúng ta, ảnh hưởng sâu đậm đến chúng ta, đến nỗi ai đó hẳn mất hết mọi cảm xúc mới không lưu tâm đến việc biết các sự kiện của vấn đề... Do đó, sự kiện có những người dửng dưng trước việc đánh mất hữu thể mình và nguy cơ đời đời khốn cùng hoàn toàn đi ngược lại bản nhiên. Đối với mọi điều khác, họ rất khác; họ sợ những điều tầm phào nhất, tiên báo và cảm nhận chúng; và cùng một con người biết bao đêm ngày nổi sùng và thất vọng vì mất chức vụ hay tưởng tượng bị làm mất danh dự của mình cũng là người biết rằng mình sắp sửa mất hết mọi sự qua cái chết nhưng chẳng cảm thấy lo âu hay xúc động gì. Quả là quái đản khi thấy cùng một trái tim vừa nhậy cảm đến thế đối với những sự việc nhỏ mọn đồng thời vừa vô cảm cách lạ lùng đối với những sự việc trọng đại nhất” (mảnh 427).

Con người không những làm ngơ sự khiếp đảm đối với sự khốn cùng và cái chết sắp tới của mình nhờ giải khuây và dửng dưng. Họ còn tự lừa dối mình và lừa dối người khác trong mưu toan che dấu sự thật: “Tự ái. Bản chất tự ái và bản ngã nhân bản này là chỉ yêu mình và chỉ lưu ý tới mình... Nó hết sức quan tâm đến việc che dấu các lỗi lầm phát xuất từ chính nó và người khác, và không chịu đựng được việc chúng bị phơi bầy hoặc lưu ý... Vì há không đúng là chúng ta ghét sự thật và những người nói với chúng ta sự thật và chúng ta thích họ bị đánh lừa để có lợi cho ta và muốn họ qúy mến ta vì con người khác với con người thực sự của chúng ta đó sao?... người ta thận trọng hơn để không xúc phạm đến những người mà tình bạn của họ hữu ích cho ta và sự thù nghịch của họ nguy hiểm nhất đối với ta. Ông hoàng có thể là trò cười của Âu Châu và là người duy nhất không biết gì về điều đó” (mảnh 978).

Theo Tiến sĩ Fernandes “Blaise Pascal thấy rằng sử dụng lý trí không thôi sẽ dẫn rất ít người tới Chúa Giêsu. Ông biết con người bị thống trị bởi đam mê nhiều hơn lý trí. Nên phương pháp hộ giáo của ông tập chú vào việc đánh thức con người khỏi sự dửng dưng và loại bỏ tính ưa giải khuây của họ. Nền hộ giáo của ông nhắc nhở con người rằng các vấn đề vĩnh cửu đáng giá nhiều hơn gấp bội các vấn đề chỉ có tính tạm bợ. Ông không tìm cách lý luận để người ta hướng tới nước Thiên Chúa; ông cố gắng thuyết phục để ý chí họ tin rằng Kitô giáo chân thật. Ông khuyến khích họ tha thiết đi tìm Thiên Chúa của Kinh Thánh...

“Lập luận trừu tượng không lôi cuốn phần lớn người ta. Pascal cho rằng đúng hơn, con người thích thảo luận những chuyện cụ thể của đời sống hàng ngày. Cho nên, Pascal khởi đầu nền hộ giáo của ông ở điểm phần lớn người ta cảm thấy thoải mái nhất với chính con người của họ. Sau đó, ông mới cố gắng bứng con người ra khỏi vùng êm ái của họ bằng cách cho họ thấy các sự thật dấu ẩn và không lôi cuốn về con người, như sự khốn cùng, cái chết, và tự đánh lừa. Tất cả các điều này được thực hiện để đánh thức người ta ra khỏi cái nông cạn của đời này và hướng tới những điều vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Nói tóm lại, Pascal không phải là một nhà hộ giáo truyền thống, vì ông bác bỏ các lập luận truyền thống trong việc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng như trên đã nói, ông không phải là một nhà duy tín (fideist) mà cũng không phải là một nhà duy giả định (presuppositionalist), cả hai phái đều không cung cấp được các chứng cớ lịch sử cho đức tin Kitô giáo.

Về chứng cớ trên, Ông viết:

“Các lời tiên tri. Nếu một người đơn độc viết một cuốn sách báo trước thời gian và cách Chúa Giêsu xuống thế gian và Chúa Giêsu quả đã xuống thế gian đúng như các lời tiên tri này, thì hẳn người này có tầm quan trọng vô tận. Nhưng ở đây, còn hơn thế nữa. Có một sự nối tiếp nhau của những con người suốt hơn 4,000 năm qua, nhất quán đến rồi đi không gián đoạn, tiên đoán cùng một việc xuất hiện; có cả một dân tộc để công bố nó, hiện hữu cả 4,000 năm nay để cùng nhau làm chứng cho sự chắc chắn họ từng cảm nhận về nó, điều mà họ không bao giờ sao lãng bất kể họ phải chịu các đe dọa hay bách hại nào. Đây quả thuộc một thứ bậc quan trọng khác hẳn” (mảnh 332).

Về dân tộc Do Thái, Pascal viết: “Các lợi điểm của dân tộc Do Thái... Dân tộc này không những có tính cổ xưa đáng kể nhưng còn kéo dài trong một thời gian hết sức lâu, liên tục trải dài từ nguồn gốc của nó cho đến ngày nay. Vì trong khi nhiều dân tộc của Hy Lạp và Ý, của Sparta, Athens, Rome, và các nước khác, tuy đến sau nhiều hơn, nhưng đã tiêu vong từ lâu, thì dân tộc này vẫn hiện hữu, bất chấp các cố gắng của rất nhiều ông vua hùng cường mưu toan hàng trăm lần nhằm xóa bỏ họ...Tuy nhiên, họ luôn được bảo toàn, và việc bảo toàn của họ đã được tiên báo” (mảnh 451).

Họ được bảo toàn để làm chứng cho lời đã hứa: Chúa Giêsu xuống thế gian. Về Chúa Giêsu, Pascal dựa vào chứng cớ lịch sử là các tông đồ. Ông viết: “Các chứng cớ về Chúa Giêsu Kitô. Giả thiết cho rằng các tông đồ bất lương là điều hoàn toàn phi lý. Các bạn hãy theo dõi câu truyện cho tới đoạn kết và tưởng tượng ra cảnh 12 người đàn ông này họp nhau sau cái chết của Chúa Giêsu và toa rập tạo ra câu truyện Người đã sống lại từ cõi chết. Điều này có nghĩa tấn công mọi quyền lực có thể có. Trái tim con người đặc biệt dễ bất định, thay đổi, dễ bị ảnh hưởng bởi hứa hẹn, đút lót. Một người trong số họ chỉ cần bác bỏ câu truyện ấy dưới những động lực xui khiến ấy hay tệ hơn nữa do đe dọa ngồi tù, tra tấn và chết chóc, thì tất cả sẽ tiêu vong. Các bạn hãy theo dõi điều đó” (mảnh 310).

Ở chỗ khác, ông viết: “các tông đồ một là những người bị lừa hai là những người đi lừa. Cả hai giả thiết đều khó có thể có, vì không thể có việc tưởng tượng một người sống lại từ cõi chết. Trong khi Chúa Giêsu còn ở với họ, Người có thể nâng đỡ họ, nhưng sau đó, nếu Người không còn hiện ra với họ, ai làm họ hành động?” (mảnh 322).

Pascal không nói với người không tin “hãy tin đi”. Ông trình bầy với họ chứng cớ chứng minh sự thật của Kitô giáo, chứng cớ này không nói với lý trí mà thôi, mà nói với toàn bộ con người.

Đánh cuộc của Pascal

Tiến sĩ Fernandes cho rằng cao điểm của nền hộ giáo Pascal là việc đánh cuộc (wager): đánh cuộc đời ta bằng Thiên Chúa. Ông viết:

“... ta hãy nói: ‘một là có Thiên Chúa hai là không có Thiên Chúa’. Nhưng ta nghiêng về quan điểm nào? Lý trí không thể quyết định vấn đề này. Sự hỗn mang vô tận phân cách chúng ta. Ở tận cùng khoảng cách vô tận này, một đồng tiền được tung lên sẽ rơi xuống thành ngửa hay sấp. Bạn sẽ đánh cuộc như thế nào? Lý trí không thể giúp bạn chọn lựa, lý trí cũng không thể chứng minh sai... Đúng, nhưng bạn phải đánh cuộc. Không có chọn lựa nào khác, bạn đã can dự vào rồi. Như thế bạn phải chọn bên nào?... Ta hãy cân đo phần được phần thua khi chọn ngửa nghĩa là có Thiên Chúa. Ta hãy lượng định hai trường hợp: nếu bạn thắng, bạn sẽ thắng mọi sự, còn nếu bạn thua, bạn không thua bất cứ điều gì. Như thế bạn đừng do dự gì nữa; bạn hãy đánh cuộc rằng Người quả hiện hữu... Và như thế, vì bạn buộc phải chơi, bạn phải từ bỏ lý trí nếu bạn trân trọng gìn giữ đời bạn hơn là đánh cuộc nó lấy một cái thắng vô tận, cũng như có thể xẩy ra một cái thua nhưng chẳng mất điều gì... Do đó, lập luận của chúng ta mang theo một sức nặng vô tận, khi tiền đánh cuộc có tính hữu hạn trong một trò chơi trong đó, có các may rủi thắng thua như nhau và có thể thắng giải vô tận” (mảnh 418).

Pascal muốn nói với người đọc: ta phải đánh cuộc đời ta bằng việc Thiên Chúa hiện hữu hay Thiên Chúa không hiện hữu. Vì các giới hạn của nó, lý trí không thể quyết định cho ta. Mà chúng ta cũng không thể tránh phải chọn; vì không đánh cuộc cũng tương đương như đánh cuộc chống Thiên Chúa.

Nếu bạn đánh cuộc bằng Thiên Chúa, chỉ có thể có hai kết quả. Nếu Người hiện hữu, bạn thắng cuộc sống vĩnh cửu. Nếu Người không hiện hữu, bạn đâu mất gì.

Tuy nhiên, nếu bạn đánh cuộc Thiên Chúa không hiện hữu, cũng có thể có hai hậu quả. Nếu Người không hiện hữu, bạn không mất gì. Nhưng nếu Người quả hiện hữu, bạn mất mọi sự. Cho nên, vì không mất điều gì và được mọi điều, người khôn ngoan đương nhiên sẽ đánh cuộc rằng Thiên Chúa hiện hữu.

Robert Velarde (https://www.equip.org/article/more-than-a-wager-blaise-pascal-and-the-defense-of-the-faith) cho rằng đánh cuộc có lẽ là lập luận triết lý nổi tiếng nhất của Pascal, nhưng cũng là lập luận gây tranh cãi nhiều hơn cả. Được ca ngợi là lỗi lạc, bị bác bỏ như lầm lẫn, việc đánh cuộc của Pascal tiếp tục gây ra nhiều cuộc tranh luận cả học thuật lẫn bình dân. Theo chiều hướng này, ít nhất, nó vẫn là một lập luận khiến người ta tham dự vì cảm thấy hứng thú.

Một điều cần thừa nhận là lập luận đánh cuộc này thường bị trình bày và giải thích sai. Điều này một phần do chính sự kiện Pascal chưa bao giờ khai triển trọn vẹn lập luận này, cộng thêm việc rất khó sắp xếp mảnh này cho có thứ tự dễ hiểu. Bất chấp đây là một trong những mảnh khá dài, các nhận định về việc đánh cuộc ít đưa đến một giải thích đơn nhất. Theo một tác giả (Douglas Groothuis, On Pascal), “Nó được viết ở cả 4 cạnh của một tờ giấy gấp. Một số đoạn được lồng vào bản văn chính, các câu khác được viết theo chiều dọc đến tận lề, và có những phần được viết ngược trên cùng trang giấy”. Không lạ gì các học giả và nhà chú giải khó sắp xếp thứ tự của mảnh này theo ý định của Pascal.

Vả lại, trong cố gắng hộ giáo toàn diện, không rõ Pascal muốn đặt lập luận đánh cuộc vào chỗ nào. Phần lớn cho rằng Pascal không có ý định biến đánh cuộc thành một lập luận hoàn bị, đứng một mình, tách biệt khỏi các lập luận hộ giáo khác, nhưng không ít người lại cho đó là ý định của Pascal. Các học giả như A.J. Kraisheimer chẳng hạn nghĩ rằng đánh cuộc xuất hiện mãi về sau so với phương thức tổng quát của Pascal, dùng làm một thứ “bản lề” sau khi “người không tin đã sẵn sàng bằng lòng thử Kitô giáo” (Pascal, tr. 57).

Dù là thành phần của một khoa hộ giáo tổng thể hay như một lập luận độc lập, đánh cuộc một lần nữa cho thấy phương thức của Pascal là ngoài lý trí ra, ông muốn vận động toàn diện con người của người không tin, nhất là ý chí của họ để dẫn họ tới gặp gỡ Chúa Kitô. Đánh cuộc chính là để nói với ý chí người không tin. Douglas Groothuis, trong On Pascal, chương 9, cho rằng qua lập luận này, Pascal muốn người không tin dấn thân vào một trải nghiệm sùng kính rất có thể sẽ dẫn họ tới đức tin tự nhiên và ơn cứu rỗi.

Nói tóm lại, Pascal dựa vào chính bản nhiên con người với những nghịch lý hết sức hiển nhiên của nó để đánh động ý chí người không tin, khiến họ phải đi tìm lý do của những nghịch lý này. Chính Pascal viết: “Nỗi khát khao này, và nỗi bất lực này còn công bố điều gì khác hơn là có lần nơi con người đã có một hạnh phúc đích thực, một hạnh phúc nay chỉ còn lại dấu và vết trống rỗng? Con người cố gắng vô vọng trong việc lấp đầy khoảng trống này bằng mọi sự có xung quanh họ, tìm trong những sự vật không có ở đấy sự giúp đỡ họ không thể tìm thấy trong những sự vật có ở đó, dù không sự vật nào giúp được, vì cái hố thẳm vô tận này chỉ có thể lấp đầy bằng một đối tượng vô tận và bất khả đổi thay; nói cách khác là bằng Thiên Chúa” (mảnh 148, 428).

Tiến sĩ Fernandes cho rằng phương pháp hộ giáo của Pascal rất thích hợp với con người thời nay, những chủ thể hết sức quan tâm tới trải nghiệm hiện sinh của họ. Nhiều người đang đi tìm ý nghĩa cho đời sống họ; họ muốn các khát vọng sâu sắc nhất của họ được thỏa mãn. Đồng thời, rất nhiều người thấy các khát vọng ấy không được như lòng họ mong muốn.

Pascal muốn họ nhìn vào chính họ, nhận ra bản chất thực của họ cũng như các nghich lý bao hàm trong đó để đi tìm nguyên do và nguyên do đó chỉ có thể là bản chất đó tốt đẹp khi được dựng nên, sau đó, bị chính ta làm ra khốn cùng do sa ngã. Nguyên do đó chỉ có Kitô giáo kiên trì rao giảng và do đó là mới tôn giáo đích thực.

Các kỳ tới: Chuyển ngữ trọn Phần Hai cuốn Penseés của Pascal về Hộ giáo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Cánh Chim Chiều
Lê Trị
14:49 22/05/2021
NHỮNG CÁNH CHIM CHIỀU
Ảnh của Lê Trị

Nghe tiếng chim chiều về gọi gió
như tiếng tơ lòng người bạc phước
nhắp chén men say còn vương bóng quê hương
dừng bước tha hương lòng đau.
(Trích ca khúc của Hoàng Giác)
 
VietCatholic TV
Đáng lo: Giữa phố xá Brooklyn, New York tấp nập, tượng Chúa Hài Nhi ở ngay Tòa Giám Mục bị chặt đầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:37 22/05/2021


1. Giáo phận Brooklyn đang yêu cầu cảnh sát tăng cường hiện diện sau hai vụ phá hoại trong ba ngày liên tiếp tại các nhà thờ.

Cuối tuần qua, một bức tượng mô tả Đức Mẹ bồng Chúa hài nhi đã bị phá hoại bên ngoài các văn phòng hành chính của Tòa Giám Mục. Kẻ phá hoại đã chặt đầu tượng Chúa hài nhi. Trong khi đó, hôm thứ Sáu, một cây thánh giá có tượng chịu nạn bên ngoài giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn đã bị lật nhào, và một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ bị đốt cháy.

“Chúng tôi lo ngại rằng có một trào lưu tội ác căm thù đối với người Công Giáo đang diễn ra ở đây,” Anthony Hernandez, người điều hành các văn phòng giáo phận cho biết như trên, trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Hernandez nói rằng các nhà thờ sẽ được thông báo về tình trạng này để đề cao cảnh giác đối với các hành vi phá hoại, và giáo phận đang yêu cầu cảnh sát New York, gọi tắt là NYPD tuần tra các khu vực xung quanh các nhà thờ.

“Thù hận và bất khoan dung với đức tin Công Giáo, hay bất kỳ niềm tin nào, đều không có chỗ đứng ở đây”, ông nói.

Hai hành vi phá hoại đang được điều tra là tội ác thù hận đức tin. Các văn phòng hành chính của giáo phận được đặt tại khu vực Windsor Terrace của Brooklyn, trong khi giáo xứ Thánh Athanasiô nằm ở khu vực Bensonhurst của Brooklyn.

Giáo phận Brooklyn cho biết, một cây thánh giá được lắp đặt bên ngoài nhà thờ vào năm 2010 đã bị lật đổ và nằm úp mặt xuống đất. Đức Ông Cassato phát hiện ra vụ phá hoại vào sáng ngày 14 tháng 5. Cây thánh giá này đã được lắp đặt để tưởng nhớ mẹ ngài.

“Đây thực sự là một hành động thù hận và hôm nay là ngày buồn nhất trong hai mươi năm của tôi tại giáo xứ này”, Đức ông David Cassato, cha sở của giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn, New York, cho biết trong một thông cáo báo chí của giáo phận ngày 14 tháng Năm. Một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ cũng bị đốt cháy.

“Tôi đã đến và nói chuyện với các học sinh trong trường về những gì đã xảy ra, và nói với họ rằng thù hận không bao giờ thắng”. Cha Cassato nói trong thông cáo báo chí. “Chúng ta đang và phải là một cộng đồng tiếp tục chia sẻ thông điệp của Lễ Phục sinh, đó là tình yêu, hy vọng và sự tha thứ”.

Một người quản lý cơ sở Tòa Giám Mục đã phát hiện ra bức tượng bị chặt đầu bên ngoài văn phòng của giáo phận, và báo cáo vụ việc cho cảnh sát. Giáo phận cho biết họ đang làm việc để sửa chữa bức tượng theo hình thức hiện tại, trong khi giáo xứ nói rằng họ có ý định sửa chữa và lắp đặt lại cây thánh giá ở cùng một vị trí.

Một buổi lễ cầu nguyện được tổ chức vào tối thứ Sáu bên ngoài Thánh Athanasiô; giáo xứ cho biết rằng hàng trăm người đã tham dự, và đã cầu nguyện cho thủ phạm của vụ phá hoại.

Đài truyền hình WABC cho biết giáo xứ Thánh Đa Minh, giáp ranh với giáo xứ Thánh Athanasiô, cũng là mục tiêu của các vụ phá hoại nhỏ.

Các giáo xứ ở các tiểu bang khác cũng đã bị phá hoại trong những tuần gần đây.
Source:Catholic News Agency

2. Cộng đồng Công Giáo tiên khởi tại Niger bị tấn công.

Ngôi làng nơi có cộng đồng Công Giáo đầu tiên tại nước Niger, bên Phi châu đã bị quân khủng bố tấn công hôm 13 tháng 5 năm 2021, làm cho ít nhất năm người chết và thánh đường bị xúc phạm.

Cha Mauro Armanino, thuộc Hội Thừa sai Phi châu, hoạt động tại thủ đô Niamey của Niger, kể với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, truyền đi hôm 14 tháng 5 năm 2021 rằng làng Fangio, cách Niamey khoảng 300 cây số, thuộc vùng Songhay-Zerma đã bị tấn công. Tại đây có những cộng đồng Công Giáo đầu tiên tại Niger, nơi tín hữu Niger đầu tiên được rửa tội, là ông Antoine Douramane. Chính ông đã thành lập cộng đoàn Fangio.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 2021, một toán người võ trang đi xe máy, đến tấn công làng Fangio và giết chết năm người, làm bị thương hai người khác. Làng bị cướp phá và một tín hữu tên là Joseph thuộc số những người bị giết. Bọn khủng bố cũng xúc phạm đến thánh đường: tượng Ðức Mẹ, các đồ trang hoàng bàn thờ và nhiều sách phụng vụ bị đốt. Văn phòng ông hiệu trưởng trường học cũng bị phá hủy.”

Hãng tin Fides cho biết vùng biên giới ba nước là Mali, Burkina Faso và Niger là nơi hoành hành của các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Cho đến nay đã có hàng trăm người bị các tên khủng bố và đảng cướp giết hại. Hàng ngàn người phải chạy về thủ đô Niamey tị nạn để tìm an ninh. Người ta ước lượng có một triệu người di tản nội địa và ngày càng cần các tổ chức từ thiện giúp đỡ. Các tín hữu Kitô phải sống đạo âm thầm vì sợ bị trả thù.
Source:Catholic News Agency

3. Kitô hữu Ðan Mạch liên đới với Miến Điện.

Vào ngày 22 tháng 5 năm 2021, các tổ chức bác ái của các Giáo hội Ki-tô ở Ðan Mạch, trong đó có Caritas Ðan Mạch, sẽ tham gia cuộc tuần hành vì hòa bình “Mayday Myanmar” tại thủ đô Copenhagen, để tỏ tình liên đới và ủng hộ của các Giáo hội ở Ðan Mạch với người dân và các Giáo hội ở Miến Điện.

Các nhà tổ chức giải thích về sáng kiến rằng: “Là một cộng đoàn Giáo hội, chúng tôi muốn thể hiện tình liên đới của mình với các Giáo hội và người dân Miến Điện. Ðây là lý do tại sao chúng tôi sẽ cùng nhau đi bộ, mang theo những ngọn nến và cầu nguyện cho những người đau khổ ở Miến Điện”.

Ðoạn đường dài khoảng 4 km, từ Faelledparken đến quảng trường tòa thị chính. Tại đây sẽ có việc trình bày chứng từ và cuối cùng sẽ có cầu nguyện chung để kết thúc cuộc tuần hành.

Cùng với cuộc tuần hành vì hòa bình, một cuộc gây quỹ sẽ được tổ chức để hỗ trợ “những nỗ lực quan trọng của các Giáo hội ở Miến Điện” và giúp “lan tỏa hy vọng và niềm tin ở một quốc gia đang gặp khó khăn”.

Hơn ba tháng sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 năm 2021, các cuộc đàn áp vẫn tiếp tục, bất chấp nhiều lời kêu gọi từ các Giáo hội và các nhà lãnh đạo tôn giáo và những nỗ lực trên bình diện ngoại giao để đưa ra con đường đối thoại và đưa đất nước trở lại con đường dân chủ đang gặp khó khăn. Ngay cả sự can thiệp của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á vào tháng 4 năm ngoái cũng không có kết quả cụ thể.

Hiện nay đã có 800 người chết và 5,000 người bị bắt, trong đó hơn 3,800 người vẫn đang ở trong tù, trong khi bóng ma của một cuộc nội chiến ngày càng trở nên đe dọa.
Source:Denmark Mission

4. Ðức Thượng phụ Pizzaballa phê bình “chiến dịch bảo vệ tường thành”.

Ðức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Jerusalem phê bình chiến dịch của Israel gọi là “bảo vệ tường thành”, thay vì dựng những cây cầu giữa hai dân tộc Arập và Do thái để có hòa bình.

Từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, Israel đang tấn công miền Gaza để trả đũa những vụ lực lượng Hamas bắn hàng ngàn tên lửa vào lãnh thổ Israel. Cuộc hành quân của Israel gọi là “Những người bảo vệ tường”. Ðức Thượng phụ Pizzaballa nhận xét rằng “với tình hình đang diễn biến, bạo lực được đưa vào những vụ này mạnh mẽ hơn mọi khi. Nó sẽ tạo nên nhưng vết thương đòi nhiều thời gian hơn nữa để chữa lành. Tình hình căng thẳng mà chúng tôi đang sống trong những ngày này, đặc biệt tại các thành thị của Israel với dân chúng vừa là người Arập vừa là Do thái, chính là kết quả của những năm theo chính sách coi rẻ người Arập, mà phong trào Do thái cực hữu ngày càng khuyến khích. Nếu các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo không bắt đầu thay đổi những thái độ đó, thì tình trạng sẽ trầm trọng hơn. Sự khinh rẻ chỉ có thể tạo nên bạo lực”!

Trong bối cảnh trên đây, Ðức Thượng phụ Pizzaballa nói rằng: “Chúng tôi vẫn còn ở xa viễn tượng hòa bình lâu bền, hòa bình này không phải chỉ là một cuộc đình chiến hoặc một tình trạng không rõ rệt về chính trị. Dầu vậy, chúng tôi sẽ không đầu hàng. Có nhiều người và nhiều lãnh vực trong xã hội Arập và Israel, người có thể thể xây dựng những cây cầu với nhau”.

Trả lời câu hỏi tại sao cộng đồng quốc tế không phản ứng, khi phía Israel trục xuất các gia đình Arập ra khỏi khu vực Sheikh Jarrah, ở mạn đông thành Jerusalem, khiến cho vụ này trở thành cơ hội làm bùng nổ xung đột hiện nay, Ðức Thượng phụ Pizzaballa nói: “Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế không phản ứng về vụ đó, vì trong lúc này họ có những ưu tiên khác so với những vấn đề trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Ðại dịch Covid-19, những cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị đang gia tăng khắp nơi và quốc tế không muốn can dự vào cuộc xung đột tại Thánh địa”
Source:Terra Santa