Ngày 10-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mục Tử Tốt Lành
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:14 10/05/2011
Chúa Nhật 4 sau Phục Sinh A

Chúa Giêsu nói: ‘Ta là cửa chuồng chiên” (Ga10,9); “Ta là mục tử tốt lành” (Ga10,11.14).

Sách GLCG số 754 giải thích hình ảnh này như sau: “Giáo Hội là chuồng chiên với Chúa Kitô, là cửa vào độc nhất và cần thiết. Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã công bố rằng Ngài sẽ là mục tử, và những con chiên, dầu có những mục tử loài người dẫn dắt, nhưng chúng luôn luôn có chính Chúa Kitô hướng dẫn va nuôi dưỡng, vì Ngài là chủ chăn tốt lành và là Ông Hoàng của các chủ chăn. Ngài đã thí mạng sống mình vì các chiên của Ngài”.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:

- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.

- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.

- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10,9.16 ).

Chúa Giêsu là Mục Tử Tốt Lành đã luôn luôn hiện diện, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ các môn đệ tiếp nối sứ mạng mục tử của Ngài. Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và ơn gọi tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Các mục tử của Giáo Hội đều được mời gọi sống theo mẫu gương Mục Tử Giêsu Tốt Lành là “Ông Hoàng của các chủ chăn” (GLCG # 754).

ĐGM Bùi Tuần đưa ra những đặc tính của người mục tử tốt lành.

1. Mục tử tốt lành là người nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao.

Lương thực thứ nhất là Lời Chúa. Chúa Giêsu phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Chúa phán ra” (Mt 4,4). Lời Chúa là hạt giống mang sự sống thiêng liêng (Lc 8,11).

Lương thực thứ hai là Phép Thánh Thể. Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh trường sinh… là bánh bởi trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 5,48-51).

Lương thực thứ ba là thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu phán: “Lương thực của ta là thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34).

Mục tử không tự mình làm ra những lương thực thiêng liêng này, và không được phân phát ra một cách máy móc, nhưng phải cộng tác chặt chẽ với Chúa Giêsu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, là mục tử tốt lành đứng đầu các mục tử.

2. Mục tử tốt lành là người kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu do đã gặp gỡ Ngài và sống với Ngài thực sự.

Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhânh lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11).

Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.

3. Mục tử tốt lành là người luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần

Để biết phân định sự thực và sự không thực về thánh ý Chúa Cha, người mục tử tốt lành rất cần ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu phán: “Khi nào Thần Khí chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật vẹn toàn” (Ga 16,13).Thần Khí chân lý là Chúa Thánh Linh. Khi Ngài đến, Ngài sẽ giúp cho mục tử làm mục vụ một cách rất mới, có hồn, đầy uy tín. Bởi vì Thánh Thần sẽ cho mục tử nếm được phần nào mùi vị ngọt ngào của sự sống Thiên Chúa trong Lời Chúa. Ngài sẽ cho mục tử nhìn thấy phần nào dung mạo đẹp đẽ của Thiên Chúa trong Phép Thánh Thể. Ngài sẽ cho mục tử cảm được phần nào lửa nồng nàn của tình xót thương Chúa ẩn tàng trong thánh ý Chúa. Những lúc đó, người mục tử sẽ phục vụ đoàn chiên với tất cả tâm hồn hòa tan trong quyền lực Thánh Linh, như thánh Phaolô xưa: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run tẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn. Nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Linh và quyền năng Thiên Chúa”. (1Cor 2,3-5).

Thời nay người mục tử rất cần ơn Thánh Thần. Như ơn sáng suốt khôn ngoan trong phân định việc nên làm với cách nên làm, và việc không nên làm với cách không nên làm, ơn tiên liệu, ơn đối thoại, ơn đào tạo, ơn biết an ủi nâng đỡ đoàn chiên.

Tôi cho là rất quan trọng, đó là ơn biết quên mình, biết cởi gỡ mình khỏi mọi nô lệ tội lỗi, biết sống tự do thực sự nội tâm, để đón nhận Nước Trời, ơn biết xây dựng sự hiệp nhất yêu thương trong sự trọng kính những khác biệt. Đặc biệt, tôi khát khao ơn cầu nguyện, ơn biết xót thương đoàn chiên và đồng bào mình, và biết giới thiệu Tin Mừng qua những diễn tả mới mẻ, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Làm sao để khi gặp linh mục và thấy linh mục làm mục vụ và việc xã hội, ngay cả khi thấy ngài thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài, và qua ngài mà Đấng ấy đang đến với lịch sử hôm nay.Với Đấng thiêng liêng ấy, linh mục hiện diện và đến như một tình thương, một hy vọng, một sức mạnh đổi mới trong dáng vẻ tu thân hiền từ và khiêm tốn.

Nghĩ tới đây, tôi cảm thấy vui, khi thoáng nhìn các mục tử trong Hội Thánh. Bản thân các ngài có rất nhiều giới hạn, kể cả tội lỗi. Nhưng các ngài đáng được chúng ta kính trọng yêu thương, nhất là rất đáng mọi người chúng ta chân thành giúp đỡ bằng lời cầu nguyện. Nhận thức đó do đức tin, vượt qua những sự bề ngoài, sẽ đưa chúng ta đến vô vàn lợi ích, Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót sẽ ban thưởng cho chúng ta. (x. Thao Thức 3, trang 147-153, ĐGM Bùi Tuần).

4. Mục tử tốt lành luôn cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN mời gọi các mục tử: “…Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn. Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Ý thức về thân phận tội lỗi của mình, các tín hữu cần khiêm nhường thống hối và đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa, để xứng đáng là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Bí tích Giao Hòa vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựngtình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa. Ước mong các mục tử luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận bí tích Giao Hòa. (Số 12).

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành.

Xin cho đoàn chiên của Chúa có thêm nhiều mục tử giống như Chúa. Amen.

LỜI CẦU NGUYỆN DÀNH CHO CHA SỞ

Lạy Chúa, trước hết, chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã cho có những người bằng lòng nhận trở thành cha sở của chúng con. Nếu ngẫu nhiên, các vị ấy đã thích có một đời sống êm ả hơn bên cạnh vợ con, dưới một mái ấm gia đình, thì phải nói là chúng con rất nản.

Chúa ơi, xin cám ơn Chúa đã cho các vị ấy dám có can đảm hy sinh, nhờ vậy mà chúng con được nuôi bằng Bánh ban Sự Sống, tạo lập được những gia đình vững chắc, được tẩy rửa linh hồn và được chết bình an.

Cám ơn Chúa vì những tật xấu của các cha sở chúng con. Nếu các vị ấy mà là người hoàn toàn thì các ngài sẽ khó mà chịu đựng nổi sự yếu đuối. Còn nếu các vị ấy lúc nào cũng khỏe mạnh thì chắc chắn các ngài sẽ thường hay khinh rẻ những người đau yếu. Lạy Chúa, Chúa nhìn thấy rõ hơn chúng con.

Các cha sở thật là những con người kỳ lạ. Các ngài vừa phải là các nhà sư phạm đối với trẻ em, vừa phải là nhà chuyên môn về các vấn đề liên quan đến gia đình đối với các đôi vợ chồng trẻ, vừa là những chuyên viên tâm lý đối với thanh niên, vừa là người kiệt xuất về sự hiểu biết và tính tế nhị trong tòa hòa giải.

Trong các buổi họp với nam giới, các ngài phải bàn về Hội Thánh như một giáo sư Thần Học; còn trong các buổi họp với nữ giới, các ngài phải mở sách Tin Mừng ra như những nhà chú giải Kinh Thánh. Khi đi thăm các gia đình có học thức, các ngài phải biết đôi chút về cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản để có thể trao đổi với họ, nếu không muốn bị họ coi là người kém văn hóa.

Ðối với người thích khuynh hướng xã hội, các ngài phải nói được khá tỉ mỉ về sự đối chọi giữa tư bản và lao động. Ðối với những người không phải là Công Giáo, các ngài phải là những nhà Thần Học vừa cương quyết vừa cởi mở, và là những nhà sử học chín chắn. Và đối với biết bao hạng người khác nữa, nếu kể ra e sẽ không bao giờ hết.

Con còn quên rằng, các ngài phải chào lại người ta khi được người ta chào hỏi ở đầu đường cuối phố. Bên ngoài, các ngài vẫn niềm nở cho dù trong lòng đang phải ngậm đắng nuốt cay. Con cũng quên mất rằng, mỗi Chúa Nhật, các ngài phải là những nhà hùng biện, là một người lĩnh xướng thay ca đoàn, và đôi khi là cả một nhạc công nữa. Rồi trong tuần, có khi các ngài còn kiêm luôn thợ điện, thợ mộc, thợ sơn và người nấu bếp...

Lạy Chúa, xin cho các nhà chuyên môn bách khoa này được chúng con xét đoán một cách khoan hồng, một sự khoan hồng đích đáng chỉ dành cho những người phải thi hành một chương trình không ăn khớp với nhau và vô nhân đạo như thế !

Xin làm cho chúng con hiểu rằng: nếu đối với 14 món chuyên môn vừa kể trên, vị Linh Mục của chúng con chỉ thành công có một nửa, hay chỉ một phần tư mà thôi, thì chúng con cũng đã lấy làm mãn nguyện rồi !

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tha thứ cho những sự nóng nảy và nhầm lẫn của cha sở chúng con, cho chúng con hiểu rằng, chúng con chỉ phải chịu đựng có mỗi một mình cha sở, trong khi cha sở chúng con thì phải gánh trên vai mọi con chiên trong Giáo Xứ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỏ cho cha sở chúng con thấy rằng, chung quanh ngài, không phải chỉ có sự thờ ơ lãnh đạm. Xin nhắc nhở chúng con biết luôn cầu nguyện cho các Linh Mục, cầu nguyện cho có thêm nhiều ơn kêu gọi mới nữa. Có lẽ đó là điều tốt hơn cả. Amen. (Theo Nội San của Giáo Xứ Thánh Antôn, Paris 5.1992).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 10/05/2011
ĐỐT LỬA BA NGÀY

N2T


Thời nhà Tống, ở huyện Nam Cung có một quan huyện tên là Điền Đăng田登, ông ta rất kiêng kỵ người khác nói đến tên của mình, thậm chí ngay cả đồng âm với tên của ông ta thì cũng không được nói đến. Do đó, khi người ta nói hai chữ “điểm đăng點燈”(1) thì sợ phạm húy tên Điền Đăng, nên đổi thành “điểm hỏa點火”(2).

Khi sắp đến ngày mười lăm tháng năm, huyện phủ theo thông lệ đưa ra thông cáo mừng “tiết đăng燈節”(3), nhưng, nhưng các viên thuộc lại không dám viết chữ “đăng”, bèn quanh co vòng vèo đưa lên bẩm báo trang thông cáo, để Điền Đăng phê chuẩn, cũng là để coi Điền Đăng làm thế nào phê chuẩn chữ “đăng燈” của tiết hoa đăng ?

Điền Đăng coi trình văn xong thì cầm bút phê sáu chữ: “Theo lệ “đốt lửa放火”(4) ba ngày”.

Suy tư:

Thắp đèn và đốt lửa thì khác nhau xa chừng chừng, thắp đèn là để chiếu sáng cả nhà, mà đốt lửa thì có thể đốt cháy nhà, đốt rừng, đốt cháy những thứ khác.v.v… cho nên làm một quan huyện thì không nên vì cái tên cúng cơm của mình mà làm cho mình mất cả danh giá.

Có những người giận dữ khi nghe người khác kêu tên cha mẹ mình, có những người khi nghe người khác lấy tên cha mẹ mình ra mà chửi bới làm nhục thì tức khí đánh họ và và làm náo loạn lên, bởi vì đó là một sự khinh dể và sỉ nhục cho mình.

Điều răn thứ hai của Đức Chúa Trời dạy con người không được kêu tên Chúa cách vô cớ, vô cớ là khi không có lý do, vô cớ là khi muốn làm nhục các Ki-tô hữu, vô cớ là khi thề dối thề gian.v.v… Giáo Hội Công Giáo có ba tên rất thánh rất trọng, đó là tên Giê-su Ki-tô, đó là tên Đức Mẹ Maria, đó là tên thánh cả Giu-se. Ba tên rất thánh này là sự chở che hữu hiệu cho người hấp hối chống trả với ma quỷ trong giờ sau hết, ba tên rất thánh này là niềm an ùi và vui mừng cho những người Công Giáo khi gặp gian truân, cho nên họ sẽ rất buồn khi có những người Công Giáo lạm dụng thánh danh của Chúa Giê-su, Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giu-se để làm điều hại đến tha nhân như thề gian thề dối.

Quan huyện muốn mình trở thành quyền uy tuyệt đối trên người dân trong huyện mình, nên cấm người khác nói đến tên mình, đó là điều quái gỡ của những người kiêu ngạo, độc tài, bất tài và hãm tài…

Ai hiểu thì hiểu !

(1) 登đăng là trèo, lên…

(2) 燈đăng là đèn, bóng. Đồng âm với “đăng 登” khác nghĩa.

(3) Lễ hội đốt đèn.

(4) Phóng hỏa放火là đốt lửa, “điểm đăng點燈” là thắp đèn, quan huyện sợ trùng tên mình là “đăng登”, nên đổi hai chữ “thắp đèn” thành “đốt lửa”.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 10/05/2011
N2T

52. Tội ác giống như sương mù che lấp lý trí, khiến cho toàn bộ con ngưởi nội tại bị giam cầm trong bóng tối hắc ám.

(Thánh Augustine)
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
19:49 10/05/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời

“Nghe tiếng thời gian âm thầm đưa,
ngẩn ngơ thương nhớ đến cung đàn xưa…”
(Hoàng Trọng – Một Thuở Yêu Đàn)
(2 Th 3: 13-14/2Th 2: 13-17)
Ở đời thường, người nghệ sĩ luôn hát thế. Cũng không lạ. Chỉ hơi lạ, là ở nơi Hội thánh, giáo dân mình rày xử khác. Khác, trong nghĩ suy, tư duy. Hành xử. Khác nữa là, cũng tin và yêu, không chỉ mỗi cung đàn, dù “ngẩn ngơ”, “thương nhớ” chiên bầy lớn/nhỏ, của Hội thánh.
Tin, yêu và nhớ cũng rất nhiều. Nhớ, đến người bạn viết mang tên Flannery O’Connor ở đâu đó, vẫn từng nói: “Chúng ta khổ sở không ít vì Hội thánh hôm nay tràn ngập những thắc mắc/ưu tư từ bạn bè/người thân vẫn cứ bảo: sao bạn lại vẫn tin vào Hội thánh, đến như thế?”
Hôm nay, ngồi ở đây bên này, bần đạo hèn là tôi, chứ không phải bạn, những bạn đạo thân quen trong Hội thánh, suy nghĩ rất “lung” về phản ứng với phản hồi cũng không nhỏ khi tưởng nhớ vị cha già giáo chủ nay được phong làm Chân Phước, rất Gioan Phaolô II.
Gọi là phản ứng với phản hồi rất hăng say, khác nào nghệ sĩ khi xưa vẫn cứ hát:

“Ai biết thương nhớ không bao giờ nguôi,
lạnh lùng trong cánh lá khô nhẹ rơi,
tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi
đêm đêm dõi bóng một ngưới
Tôi đi tìm thuở xa xôi.”
(Hoàng Trọng – bđd)

Hát theo đuôi người nghệ sĩ, mà lại bảo “đêm đêm dõi bóng một người, tôi đi tìm thuở xa xôi”, thì các vị thân cận với thánh nhân nhà Đạo mới làm thế, chứ bần đạo bọn tôi nay chẳng dám múa bút cùng viết mực, mà nhi nhô những điều rất “sáo ngữ” hầu ca tụng tình thương của nhà Đạo tỏ bày với Đức Chúa, mới gần đây.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, rằng: mới gần đây, truyền thông/báo đài lại đã ca tụng đấng bậc rất vị vọng nhà Đạo vừa trở thành Đấng Chân Phước cũng rất thánh ở cõi trên, bần đạo đây dám xin ngả mũ chào, rồi nhào vô a dua, nói leo và nói trèo bằng đôi câu hát, rất lạc giọng. Lạc cả cung đàn, để theo đóm ăn tàn, bằng câu kết được nghệ sĩ viết:

“Tiếng xưa còn đó,
Gió trăng còn đó,
Thấy đâu người xưa.”
(Hoàng Trọng – bđd)

Cũng chẳng biết “người xưa” của nghệ sĩ họ Hoàng, tìm đâu thấy. Chứ, người xưa và cũng là người nay rất nổi cộm của thế kỷ, nay đã thành thánh nhân thời đại, được người người đề cao, bằng lời lẽ rất tốt đẹp không để đâu cho hết.
Và hôm nay, trong vui say tản mạn với ý/lời quyết nâng cao niềm đạo hạnh, bần đạo có ý định tìm đến lời “thơ” hôm trước của thánh Phaolô từng nhắc bảo người anh em đồng Đạo rằng:

“Thật vậy,
tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt,
và không có gì phải loại bỏ,
nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ,
vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hoá những thứ đó.”
(1Tm 4: 4-6)

Hôm nay, bần đạo là tay khờ khạo chẳng dám múa hót điều gì cao siêu nhiệm mầu, mà chỉ dám xin trích dẫn đôi lời rất “thơ” của Hội thánh ở Úc, chung quanh vụ án phong chân phước cho đấng bậc vị vọng của Giáo hội. Trước nhất, là lời của Đức đương kim Giáo Tông:

“Anh Chị Em thân mến,
Cách đây sáu năm, chúng ta tập trung tại Quảng trường này để cử hành thánh lễ an táng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Niềm đau của chúng ta vì mất ngài thật sâu sắc, và càng lớn hơn nữa, đó là tâm tình tri ơn vô bờ của chúng ta bao trùm cả thành Rôma và toàn thế giới: niềm tri ơn ấy, cách nào đó, chính là hoa quả từ toàn thể cuộc đời vị tiền nhiệm của tôi, cách riêng từ chứng tá đau khổ của ngài, và bằng nhiều cách Dân Chúa đã bày tỏ niềm tôn kính ngài. Vì vậy, với tất cả sự tôn trọng các chuẩn mực về phong thánh của Giáo Hội, tôi đã mong muốn tiến trình phong Chân Phước cho ngài được xúc tiến nhanh chóng một cách hợp tình, hợp lý. Và hôm nay, ngày mong đợi đã đến; ngày này đến nhanh bởi vì đây là điều đẹp lòng Chúa: Gioan Phaolô II đuợc chúc phúc!” (x. Bài Giảng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong thánh lễ phong chân phước Đức Gioan Phaolô II, Thiên Phong dịch từ trang www.vatican.va, đăng trên www.conggiaovietnam.net ngày 2.5.2011)

Rõ ràng là, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nêu lý do tại sao Hội thánh lại nhanh chóng thực hiện tiến trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, là điều rất phải. Nên, dân con nhà Đạo nói chung cũng chẳng có gì, để thắc mắc. Thắc mắc, mà làm gì khi Đức Thánh Cha đã nói thật và nói rõ: “Ngày này đến nhanh, bởi vì đây là điều đẹp lòng Chúa”. Xem thế thì, đa số dân con và đấng bậc trong Hội thánh Công giáo, đều đồng lòng và cảm thông với “điều làm đẹp lòng Chúa”, như thế.
Cảm thông nhiều hơn, còn thấy rõ nơi một số vị như đấng bậc, rất thân quen với độc giả của tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney đã có ý kiến, rất an bình như sau:

“Hẳn là nhiều người trong chúng ta còn nhớ: trong các biểu ngữ được dương cao ở Quảng trường thánh Phêrô vào ngày Đức Gioan Phaolô II nằm xuống, đã thấy xuất hiện nhiều giòng chữ ghi rõ: “Santo subito”, tức: ”Hãy mau mau phong thánh cho ngài!” Biểu ngữ ấy, cho thấy tâm tình của nhiều người thương mến ngài đến như thế. Nhưng, Hội thánh không phong chân phước hoặc hiển thánh cho vị nào đó chỉ vì quần chúng đòi hỏi mạnh mẽ đến vậy.

Quả rất đúng, án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II được xúc tiến nhanh hơn các trường hợp bình thường, điều đó là do niềm tin của các giới chức, ở khắp nơi. Tin, vào sự thánh thiện của Đấng Chân Phước. Chính vì mình tin, nên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã châm chước cho qui định đòi phải kéo dài tiến trình phong chân phước ít là 5 năm, sau khi đấng ấy qua đời, mới khởi sự. Do đó, có điều đặc biệt là: Đức Gioan Phaolô II đã được phong Chân phước chỉ mới sáu năm trời sau khi ngài mất, thôi…

Cũng nên biết, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không chỉ là vị Giáo hoàng trổi trang, có uy thế, nhưng ngài còn là đấng thánh. Chính vì lý do này, Hội thánh mới phong chân phước cho ngài, sớm sủa hơn. Chứng cứ hiển nhiên của sự thánh thiện nơi ngài, là lòng quảng đại đặc biệt ngài luôn cho đi những gì mình đang có, để giúp đỡ người nghèo. Cáo Thỉnh Viên Slawomir Oder, người chuyên trách vụ án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, có ghi trong sách “Sao ngài lại là vị thánh?” đã từng viết: “Có một lần, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn làm linh mục ở Ba Lan, ngài đến nhà thờ dâng lễ trễ hơn mọi khi. Tìm hiểu nguyên nhân, ông từ nhà thờ ấy bèn tìm đến nơi ngài trú ngụ để xem chuyện gì khiến ngài trễ đến thế, sau đó mới biết là ngài đã cho đi đôi giày độc nhất ngài vẫn đi vào những ngày trước, nên phải đi chân không. Ông từ, mới tặng ngài đôi khác để ngài có giày mà dâng lễ cho chỉnh tề.

Một lần khác, khi thấy linh mục Karol không có áo ấm để mặc vào mùa đông, các chị nữ tu mới đan cho ngài tấm áo len để mặc, thì ít ngày sau đã thấy ngài lại cho người khác, mất tuột. Cáo thỉnh viên Oder còn cho biết: cả đến quần áo cụt mặc ở trong, ngài cũng mặc suốt cho kỳ rách chứ không mua mới.

Một bằng chứng khác về sự thánh thiện của ngài là việc luôn quan hệ mật thiết với Đức Kitô. Và, Cáo Thỉnh Viên Oder còn cho biết thêm, là: khi điều tra về cuộc sống thực tế của ngài, ông thấy: “có điều xuất hiện ngay trước mắt rất chắc chắn: ngài là nhà chiêm niệm luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Điều đó có nghĩa: ngài luôn là người được Chúa hiện diện, ở cạnh bên. Và, ngài được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, suốt ngày chỉ chuyện vãn với Chúa. Bằng chứng là những ai cùng làm việc hoặc gần gũi ngài, đều nhận thấy nơi ngài động thái mê say chuyện trò sâu lắng với Chúa đến độ mọi người phải đứng phía sau chờ ngài sống giờ phút linh thiêng ấy xong mới tiếp xúc…” (x. Lm John Flader, Question time, The Catholic Weekly, 1/5/2011, tr. 18)

Do vụ án phong chop ngài làm chân phước được xúc tiến nhanh hơn các trường hợp đặc biệt nào khác, nên nhiều bạn Đạo ở Úc, thấy chưa được thuyết phục cho lắm, mới tỏ bày:

“Qua trao đổi với một số bạn bè về việc phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II chúng tôi thấy có vài quan ngại nơi một số người Công giáo, sống ở đây. Họ tỏ ý cho biết: Giáo Hội mình có lẽ hơi hấp tấp khi đẩy nhanh tiến trình điều tra phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Giáo hội làm thế phải chăng do áp lực của quần chúng, vốn quá yêu thương Đức Gioan Phaolô II nên mới vậy? Trước sự việc như thế, chúng tôi chẳng biết nên đối đáp sao cho phải.” (x. The Catholic Weekly ngày 1/5/2011, bđd)

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với các phản ứng khác biệt này, còn thấy ở đâu đó, nơi đất miền ởm bán cầu cũng rất Úc, lại cũng có vài ý kiến phản bác như sau:

“Chúng tôi là linh mục thuộc thế hệ “Vui Mừng và Hy Vọng” theo Vatican II. Khi gia nhập chủng viện, chúng tôi đạt sĩ số cao nhất từ trước tới nay. Nội hai thập niên từ 1955 đến 1975 thôi, giáo phận chúng tôi đã có số tân chức gia tăng gấp hai yêu cầu của giáo xứ. Là, thế hệ thầm lặng so với thế hệ nổ bùng cùng sinh đẻ, chủ trương của chúng tôi khi ấy là đưa vào tâm can mọi người, tinh thần cốt tủy của Công đồng Vatican II, còn nóng sốt. Cùng lúc ấy, tinh thần đại kết đã trở thành cung cách suy nghĩ rất thường tình, của chúng tôi. Nói nôm na, thì: đời sống thừa sai linh mục luôn là cội nguồn cho mọi trải nghiệm bất thường, là niềm vui chung của chúng tôi.

Nhưng, mọi sự không phải không có cái giá của nó. Nghĩa là, chúng tôi cũng trải nghiệm đủ mọi hình thức: từ những thức tỉnh vào thập niên 60, tới những thích thú đến kích động vào những năm ’70, rồi đến thập niên 80 gồm đầy những nghi nan, để rồi với thập niên 90 là hiện tượng trầm cảm, nổ bùng vào mười năm đầu thiên niên kỷ thứ 3. Suốt những năm tháng kéo dài hồi thập niên 80, chúng tôi nhận ra được một số sự việc đang trở nên tồi tệ. Số linh mục chịu chức đột nhiên giảm sút, chúng tôi thấy nhiều giáo dân lúc đầu đã rời xa bỏ đi lễ, sau đó bỏ luôn cả hội thánh. Cả hai hiện tượng này đều bắt nguồn từ nguyên nhân từ xã hội mà ra.

Tệ hơn nữa, là các quyết định gây tranh cãi phát xuất từ các vị Giáo hoàng. Bắt đầu bằng Đức Phaolô đệ Lục với chuyện khiết trinh linh mục, dù gặp bất đồng rất cao độ, nhưng Đức Phaolô Đệ Lục vẫn cương quyết áp đặt, không bàn cãi. Kế đến là thông điệp “Đời Sống Con Người” làm mọi con dân trong Đạo nản lòng nản chí đến phẫn nộ. Đa số chúng tôi đều không chấp nhận chuyện ấy. Nhưng, Đức Phaolô đệ Lục còn tiến xa hơn bằng cách bổ nhiệm các giám mục nào vốn dĩ chống đối hay phản lại đặc trưng của Công đồng.

Tiếp đến, là Đức Gioan Phaolô II, một nhân vật có biệt tài thường xuất hiện trước ống kính truyền hình. Ngài lại tỏ ra xuất chúng về ngôn ngữ, nhưng ngài là đấng bậc ít tiếp cận với Thánh kinh, lại rất hạn chế về thần học, ít chịu lắng nghe ai. Đã thế, ngài lại cứ tin tưởng rất vững chắc rằng mình là người được Chúa chọn để giải quyết định mệnh của Giáo hội. Toàn bộ cuộc đời ngài trải dài nhiều năm tháng với Giáo hội ở đất nước Ba Lan chịu nhiều bách hại, nên đã tạo nên não trạng giáo hội của thành trì kiên cố đến độ đông cứng.

Tiếp đến là hiện tượng nhũng lạm quyền bính. Ngay sau ngày nhậm chức Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II để lộ cho thấy ngài có tham vọng quyến bính đến mức lạ thường. Không tin tưởng một ai, nên ngài không chấp nhân quan điểm của bất cứ người nào ngoài mình ra và loại trừ các vị có chánh kiến đối lập, chống giáo huấn và lập trường
của ngài. Ngài dùng Thánh bộ Truyền Giáo Đức Tin do Đức Hồng Y Ratzinger cầm đầu, làm hậu thuẫn để áp đặt tư tưởng của mình lên mọi người. Và, đó là lúc giáo triều Rôma nhảy vào nhập cuộc, để tiếp sức…

Đức Gioan Phaolô II cũng đã áp đặt lối sùng kính sốt sắng theo kiểu riêng tư của ngài lên toàn bộ Hội thánh. Bất chấp tinh thần và đường lối của Công đồng Vatican II đã áp dụng rộng khắp, ngài đã ngăn chặn một cách hữu hiệu nghi thức thứ ba về sám hối hoà giải, bẻ quặt ngược nền thần học về Tiệc Thánh rất năng động đang nở rộ bằng vào tập trung nhấn mạnh việc sùng kính Thánh Thể coi như Đức Chúa đang hiện diện thực thụ của Đức Chúa, buộc giáo dân sùng kính một cách méo mó Đức Maria dựa trên thần học theo thuyết triệt để và nhất là đưa thêm nhiều lối sùng kính kiểu dân gian như Tôn Sùng Lòng Chúa Xót Thương của nữ tu Faustina rồi đưa vào thánh lễ cho toàn thể giáo dân, cắt bỏ đi ý nghĩa Phục Sinh vốn là cao điểm của Phụng vụ.

Cung cách lạm dụng quyền bính của Đức Gioan Phaolô II còn tệ hại hơn nữa, là cung cách bổ nhiệm giám mục nào dễ bảo. Các vị được bổ nhiệm phải hoàn toàn rập theo khuôn khổ hoàn toàn đồng ý với lập trường của ngài. Điều này làm giảm suy khả năng lãnh đạo của các vị cầm cân nảy mực trong Hội thánh. Hàng ngũ các giám mục nay có tầm mức rất thấp về tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo, về học vấn và cả trí thông minh nữa. Phần đông các vị này xuất từ tổ chức Opus Dei, tức hàng ngũ phản động, độc đoán và dứt khoát không có sáng kiến nào mới mẻ.

Hàng ngũ giáo dân có đầu óc mới mẻ đã đưa ra các thắc mắc về đường lối/chính sách của Hội thánh, nhưng chẳng nhận được hồi đáp nào hết. Tại sao phụ nữ lại không thể trở thành lãnh đạo trong Hội thánh? Tại sao linh mục lại phải sống đời độc thân? Có gì xấu xa trong chuyện ngừa thai? Tại sao các tiến bộ về khoa học luôn bị nghi ngờ là có ác ý của sự dữ? Sao ta không nhận thức được thực tại của khuynh hướng đồng tính luyến ái và các hệ lụy về xã hội do khuynh hướng ấy đem lại? Ta không học được bài học về trường hợp Galilêo và cung cách xử sự với Lm Teilhard de Chardin, nhà cổ sinh vật học nổi tiếng của Pháp? Liệu ta có thể ra khỏi não trạng Giáo trình đầy Sai sót ấy?

Như Năm Thánh Dành Cho Linh mục ấn định cho năm 2009. Làm sao Rôma có thể kêu gọi các linh mục hãy biết sám hối, trong khi chính mình lại vẫn cố chấp. Vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc chấp nhận rằng mình đã thất bại trong các sự việc có liên quan đến chính mình? Làm sao các ngài lại tỏ ra nghiêm túc đủ để có thể nhấn mạnh được tầm quan trọng của vai trò linh mục với tư cách là các nhà giải tội, trong khi rõ ràng là chuyện xưng tội nay đã biến mất trong cuộc sống của Hội thánh? Làm sao ta cứ ép buộc phải lập Giờ Thánh để sùng kính Thánh Thể trong khi các linh mục đã chuyển nền thần học khô cứng về Mình Thánh Chúa sang nền thần học năng động có ánh sáng Công Đồng Vatican II soi lối dẫn đường? Làm sao Giáo hội lại cứ thúc giục các linh mục cầu nguyện cho liên lỉ trong khi các ngài chẳng mảy may tỏ dấu hiệu đã đổi thay tâm can hoặc thái độ để chứng minh rằng việc cầu nguyện có tác dụng và cần thiết?

Nói tóm lại, dù tình hình của Hội thánh hồi thập niên 60 nay đổi ngược. Nhưng với tinh thần Công đồng Vatican II, chúng ta đã có khí cụ trong tay khả dĩ đương đầu với tình hình mới. Phần lớn các linh mục hôm nay vẫn sẵn sàng giáp mặt với thách thức ấy. Nhưng, các ngài không có cơ hội để làm thế. Vì lệnh trên đã ban hành là phải rút khỏi tháp ngà phòng ngự và hát lại bài hát cũ xưa. Thay vì mặc vào mình khí thế mới, các ngài lại để mất đi nhiều cơ hội ngàn vàng đến độ ra khô cứng, rất nản lòng.

Ở trời Tây, các linh mục vẫn đạt chỉ số cao qua các cuộc khảo sát về sự hài lòng với công việc mình làm. Nói chung, các linh mục vẫn vui thích với công việc của mình và thực thi công tác rất tốt đẹp. Điều đó là do các ngài hài lòng với thân phận đặt để cho mình. Nhưng hầu hết đã cảm thấy là Giáo hoàng và các giám mục đã phản bội họ. Nếu có ai hỏi linh mục các ngài nghĩ sao về quyền bính ở trên cao và mọi sự đi về đâu, thì hẳn là mọi người sẽ nhận được câu trả lời rất khác biệt.” (x.Eric Hodgens, Melbourne Reflections on an Ordination Golden Anniversay, nguồn: www.theswag.org.au 2.5.2011)

Nói gì thì nói, vẫn là như “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Bàn gì thì bàn, bần đạo lúc này ít chịu nói cho bằng cứ thích nghe. Và, một khi đã lắng nghe, thì thế nào cũng “bị” đưa vào tai những âm thanh có tần só “khá nhức nhối”. Từ đó, bắt buộc bần đạo phải quay về với trạng thái “thằng bé ầm thầm đi vào ngõ nhỏ”, có Kinh thánh làm nguồn trợ lực. May thay, bần đạo bắt gặp được lời lẽ của thánh nhân tông đồ từng kinh qua nhiều đợt tranh và cãi rất nóng bỏng về thần học, đã từng có những lời đanh thép, như sau:

“Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến,
chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em,
vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu,
để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hoá và nhờ lòng tin vào chân lý.
Chính vì thế mà Người đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo
mà kêu gọi anh em,
để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta
là Đức Giêsu Kitô.
Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống
chúng tôi đã dạy cho anh em,
bằng lời nói hay bằng thư từ.
Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô,
và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,
Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng
mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,
xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh,
để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”
(2Th 2: 13-17)

Nói và làm những điều tốt lành ư, thưa thánh nhân? Phải chăng đó còn là lời dạy mà Thầy Chí Ái từng ban bố: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy thương yêu anh em…” Để cho tâm hồn bạn và tôi được thả lòng đôi chút, nay bần đạo xin đề nghị bạn và tôi, ta đi vào truyện kể nhỏ mà vui, rằng:

“Có cụ bà đạo đức nọ, thấy bạn bè/người thân, dân mình thiếu thông tin xác đáng về lời răn và cung cách xử sự với cộng đoàn nhà Đạo lại quá tệ, bèn nảy ý định ra bưu điện gửi ít Sách thánh về quê miền dân dã, gặp ngay quan chức nhà nước thấy lạ và hỏi:
-Thưa cụ, ở trong này có đồ gì là quốc cấm, dễ bể hoặc làm phiền chúng nhân không?
Phần vì lãng tai, lại hay nói chữ, cụ bà liền phán:
-Ông yên tâm. Ngàn năm nay, bọn tôi vẫn cứ thế mà sống, chẳng chết thằng Tây nào cả. Phiền hay không, chỉ những người cứ là hay kiếm chuyện này nọ mới làm phiền thôi…”

Thật ra thì, trong sống đời đi Đạo hoặc sống Đạo ở đời, vẫn có ngày tháng dài dân con bạn hiền mình cứ phải đối đầu với tình trạng không mấy nhẹ nhàng, gọn gàng và thông suốt. Thông, chuyện Đạo. Thông, cả việc đời. Chẳng thế mà, bà con văn nghệ sĩ cứ lặng lẽ hát “lời buồn thánh” rất ê a, thế này:

“Tôi vẫn tha thiết yêu ngày xưa
Ngày nao say đắm với cung đàn mơ
Ngày nao hai đứa dưới trăng mùa thu
Hôm nao hát khúc tạ từ
Hôm nay sầu lắng tâm tư.”
(Hoàng Trọng – bđd)

“Ngày xưa” đây, với tôi và với bạn, phải chăng là tình người thời xưa? Thời, của thế hệ “nổ bùng cùng sinh đẻ”, hay thế hệ người trẻ chỉ biết những chữ “thương yêu”, “tha thứ”, và “quên đi”! Thương nhớ và quên đi, tất cả những gì làm mình bận tâm, giận dữ. Thương nhớ và quên đi, như người nghệ sĩ hôm nào từng hát::

“Hãy để trôi qua đi bao nhiêu tháng năm,
đừng bận tâm dẫu đắng cay ngọt bùi.
Cuộc đời như cơn mê ru ta ngất ngây,
hãy cùng nhau sống hết bao hôm nay.
Cuộc đời không chen đua không mua tước danh,
để còn say với gió thơm ruộng đồng.
Một ngày sao cho xong cho qua hết đi,
buồn làm chi ước với mơ làm gì?
(Lê Hựu Hà – Phiên Khúc Mùa Đông)

Mùa Đông, có những phiên khúc, rất thúc giục. Thúc và giục, rồi bảo: hãy cứ quên! Quên đi, những gì làm mình bận tâm. Oán ghét. Và nhớ thật nhiều những gì cần nhớ. Rất thương. Mà thôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn xin được nhớ và thương
những con đường
của đời người luôn cần nhớ
và cũng thương.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hãy đem lại một bộ mặt mới mẻ cho quê hương ở trần thế
Pt Huỳnh Mai Trác
06:46 10/05/2011



Trở về từ Castelgandolfo bằng máy bay trực thăng cho cuộc tiếp kiến chung ở Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các giáo hữu , công dân của một thành trì khác , hằng ngày hãy bước theo một con đường dẫn đến một mục đích cho cuộc sống ở trần thế.

“Đức Kitô đã sống lại từ những người chết là căn bản của đức tin của chúng ta, lan tỏa ra trong phụng vụ của Giáo Hội mang lại đầy đủ tất cả mọi ý nghĩa.. . Sự sống lại của Đức Kitô đem lại một đời sống mới không còn bị hư mất với thời gian, nhưng một đời sống chìm đắm trong cỏi trường sinh của Thiên Chúa”.

“Trong cuộc sống lại của Chúa Giêsu bắt đầu một tình trạng hoàn toàn mới mẻ cho thân phận con người, soi sáng và biến đổi con đường hằng ngày và mở ra một tương lai hoàn toàn mới và thay đổi toàn thể nhân loại. Trong thư gởi cho người Colôsiens, thánh Phao lồ viết: Nếu ngươi sống lại với Đức Kitô, hãy tìm kiếm những gì trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, hãy hướng tâm trí về những điều ở trên trời chứ không phải những gì dưới đất.

“Nhưng vị tông đồ mời gọi mỗi người chúng ta những Kitô hữu đi xa hơn nữa là vượt ra ngoài thế giới mà Chúa đã đặt để chúng ta. Đúng như thế chúng ta là công dân của một thành trì khác, ở đó chúng ta tìm thấy quê hương thật nhưng chúng ta phải hằng ngày bước đi trên đường trần thế để đến đích. Ngay từ bây giờ phải chia sẻ sự sống với Chúa Kitô sống lại, chúng ta phải sống như những con người mới ở dưới thế này, ở giữa thế giới chúng ta đang sống.”

“Đây la con đường , Đức Bênêđictô XVI tiếp tục, chúng ta không chỉ biến đổi chúng ta mà thôi, nhưng thay đổi toàn thế giới, để biến thế giới chúng ta đang sống một bộ mặt mới mẻ giúp đỡ phát triển con người và xã hội hợp lẽ phải và trong tình tương thân tương trợ, có lòng nhân ái, và kính trọng nhân phẩm của mọi người.

“ Mùa Phục Sinh đem lại một giai đoạn mới sâu rộng và bao trùm một đời sống dưới ách nô lệ của tội lỗi bằng một đời sống tự do, thúc đẩy bằng tình yêu, một sức mạnh xô ngã tất cả mọi chứng ngại vật và tạo dựng một sự hòa hợp mới trong tâm hồn và trong sự giao tiếp với kẻ khác và cùng vớí sự vật.


Nếu mỗi người Kitô hữu, cũng như mỗi cọng đoàn, sống với kinh nghiệm của giai đoạn Phục Sinh, họ sẽ là chất men mới của thế giới, cho đi mà không hề tìm kiếm một lợi ích nào chỉ vì đó là chính đáng và công bình, như các đấng thánh đã chứng tá trong mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh.

“Thời đại chúng ta cũng có nhiều mong đợi: chúng ta những người Kitô hữu, tin tưởng một cách chắc chắn sự sống lại của Chúa Kitô đã đổi mới con người mà không làm gián đoạn lịch sử của con người. Chúng ta phải là những chứng nhân trong sáng của đời sống mới mà Lễ Phục Sinh đã mang lại cho chúng ta.

“Phục Sinh là một món quà mà chúng ta đón nhận trong niềm tin sâu xa, để hành động trong mọi trạng huống, với ân sủng của Chúa Kitô, theo như ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của Tình Yêu.” (Nguồn tin: VIS)


 
Malaysia: Kitô hữu bị buộc tội vận động hành lang cho “Nhà nước Kitô giáo”
Phạm Kim An
08:29 10/05/2011
Malaysia: Kitô hữu bị buộc tội vận động hành lang cho “Nhà nước Kitô giáo”

Các lãnh đạo Kitô giáo tại Malaysia đã bác bỏ cáo buộc của người Hồi giáo viết blog và một tờ báo của chính phủ Malaysia, khi những người này cho rằng Kitô hữu đang vận động hành lang để Malaysia được tuyên bố là một Nhà nước Kitô giáo.

Bộ trưởng Nội vụ Hishammuddin Tun Hussein, nói rằng Malaysia đã là chính thức một nước Hồi giáo – “một qui chế bất khả xâm phạm và không bao giờ buộc phải đặt lại vấn đề”.

Linh mục Lawrence Andrew, biên tập viên của “Tuần báo Công giáo” (Catholic Weekly), nói: “Bộ trưởng Nội vụ đã không thận trọng, [nói] rằng đây là một lời ám chỉ nghiêm trọng, và [rằng chính phủ] sẽ có hành động".

Ngài nói: “Các quan chức chính phủ cảm thấy họ đang mất đi sự nổi tiếng mà họ đã từng hưởng. Và bởi vì họ đang mất đi sự nổi tiếng, họ sẽ được hưởng sự lo lắng, vốn có thể sẽ tạo ra sự hỗn loạn – và sự hỗn loạn có thể tạo ra sự sợ hãi - trong nhân dân".

60% trong 28 triệu người dân Malaysia là người Hồi giáo, 19% là người Phật giáo, 6% là người Ấn giáo, 6% là người Tin lành và 3% là người Công giáo. (Catholic Culture 10-5-2011)

Phạm Kim An
 
Ấn Độ: Ngân hàng giáo dân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập
Phạm Kim An
08:32 10/05/2011
Ấn Độ: Ngân hàng giáo dân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập

Mangalore – Một ngân hàng, do người Công Giáo khởi xướng và thành lập, ở Ấn Độ hiện là một doanh nghiệp lớn với 16 chi nhánh và nhiều chương trình đặc biệt.

16 trưởng chi nhánh thắp 16 ngọn nến kỷ niệm

Ngày 8-5, Ngân hàng Hợp tác xã Công giáo Mangalore (MCCB) kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Nhân dịp này ngân hàng mở nhiều chương trình đặc biệt để giúp các Kitô hữu nghèo. Đặc biệt Ngân hàng phát động chương trình “Sở hữu một ôtô” dành cho các tài xế Kitô hữu.

Các tài xế Kitô hữu có kinh nghiệm có thể tận dụng chương trình này, miễn là họ có thể trả trước được 20% giá chiếc xe, theo phó chủ tịch ngân hàng Edward Nazareth.

Ông nói thêm rằng ngân hàng sẽ thu phần tiền còn lại qua các lần trả góp dễ dàng với mức lãi 2%/ năm.

Ông Nazareth cho biết hơn 70 phần trăm kinh doanh của họ là từ người Công giáo.

Chủ tịch ngân hàng Melwyn D'Cunha cho biết ngân hàng khởi đầu với 76 cổ đông Công giáo vào năm 1912. Hiện giờ nó có 16 chi nhánh tại hai khu vực với tổng số tiền gửi là 1,7 tỉ rupi (37,8 triệu USD).

Ông nói thêm rằng chính người Công giáo ở Mangalore đã đi tiên phong trong việc giúp ngân hàng tồn tại, trong cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên qua.

Ngoại trừ các thợ kim hoàn, tất cả 107 nhân viên ngân hàng đều là người Công giáo và hơn 60% là phụ nữ. 50% trưởng chi nhánh ngân hàng cũng là phụ nữ.

Ông Ronald Culaso, một doanh thương liên kết với các ngân hàng trong nhiều năm, cho biết thật là "kỳ diệu" khi một ngân hàng tư nhân đã tồn tại gần 100 năm tại Mangalore, nơi được biết đến như là "cái nôi của các ngân hàng" ở Ấn Độ.

Ít nhất năm ngân hàng quốc hữu hóa hàng đầu ở Ấn Độ phát sinh từ Mangalore, một thành trì Công giáo ở bang Karnataka.

Đề cập đến sự phát triển của MCCB, ông Culaso nhận xét: "Một hạt giống nhỏ bé đã trở thành một liên doanh ngân hàng lớn".

Ngân hàng đã có kế hoạch mở nhiều dự án và chương trình khác để mừng 100 năm ngày thành lập.

Chương trình "Cảm nhận tiền gửi bách chu niên an toàn” trao lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng gửi hơn 100.000 rupi trong hai tháng tiếp theo.

Ngân hàng có kế hoạch khởi động một chiến dịch để giúp mỗi gia đình Công giáo ở Mangalore mở một tài khoản.

Một kế hoạch bách chu niên khác là tổ chức các buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng, bằng các ngôn ngữ địa phương ở vùng nông thôn.

Ngân hàng cũng có kế hoạch tổ chức các chương trình "Gặp gỡ khách hàng" ở các chi nhánh trong năm kỷ niệm bách chu niên. Chương trình này sẽ cho phép các cổ đông gặp gỡ Hội đồng các giám đốc, để đưa ra các gợi ý giúp ngân hàng phát triển. (UCA News 10-5-2011)

Phạm Kim An
 
Peru: Một người khủng bố hoán cải nhờ Chân phước Gioan Phaolô II
Nguyễn Trọng Đa
08:39 10/05/2011
Peru: Một người khủng bố hoán cải nhờ Chân phước Gioan Phaolô II

Lima - Một lá thư do ĐTC Gioan Phaolô II gửi năm 1991 cho một tù nhân ở Lima, Peru, đã làm gia tăng đức tin của tù nhân ấy và cảm hứng cho ông "tiếp tục các nỗ lực truyền giáo của mình ở trong nhà tù”.

Ông Carlos Villanueva Turrin đã ngồi tù 10 năm vì tội khủng bố tại nhà tù Castro Castro ở Lima, Peru.

Turrin, người được trả tự do năm 1999, nói với hãng tin CNA rằng nhiều tháng trước khi ông nhận được lá thư của ĐTC, ông đã viết thư cho Ngài mà không mong nhận được hồi âm. Turrin nói: “Tôi biết là Ngài quá bận rộn và nhận được quá nhiều lá thư, đến nỗi tôi không hề nghĩ rằng Ngài sẽ quan tâm đến một tù nhân”.

Trong thư trả lời, ĐTC cám ơn Turrin đã viết thư cho Ngài, và dâng lời cầu nguyện rằng “nhờ lời cầu cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa sẽ ban sức mạnh cho con trong đức tin, và ban cho con sự bình an liên lỉ và sự phồn thịnh Kitô giáo". Ngài cũng ban phép lành cho Turrin và các người thân yêu của ông.

Turrin nhớ lại các khó khăn khi sống đời Kitô hữu và làm việc truyền giáo trong nhà tù. Ông nói: “Vào thời điểm đó, khoảng năm 1989-1990, những người duy nhất có thể kiểm soát và quản lý khối người tù của chúng tôi trong trại giam là nhóm Con Đường Sáng, và chúng tôi là kẻ thù".

Tổ chức Con Đường Sáng là một tổ chức khủng bố chịu trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công chống chính phủ trong suốt các thập niên 1980 và 1990.

Ông nói: “Các người đứng đầu các cộng đồng Kitô hữu nhỏ của chúng tôi là mục tiêu của các mối đe dọa giết chết, đe dọa tâm lý, tấn công thể lý và lạm dụng. Hầu như mọi người chúng tôi đều bị lạm dụng về thân xác và tâm lý, nhưng đây là cái giá cho sự hoán cải của mình, và chúng tôi chấp nhận nó".

Nhóm khủng bố càng không hài lòng với công tác hoán cải tù nhân của Turrin, khi số thành viên của cộng đồng Kitô giáo tăng từ 15 người lên 100 người.

Ông kể tiếp: “Đã có thời gian tù nhân rao giảng Tin Mừng cho tù nhân; chúng tôi đảm nhận việc lãnh đạo này vì có những lúc hầu như các linh mục và tu sĩ không thể vào thăm nhà tù được. Cuối cùng, 12 cộng đồng Kitô hữu đã được thành lập, mỗi khối nhà tù có một cộng đồng. Hàng năm nhiều tù nhân tự tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria. Rồi chúng tôi đã có thể tổ chức lễ hội vì sự sống và hòa bình, các hoạt động đó là mạnh mẽ và chưa từng nghe thấy vào thời gian đó, khi chúng tôi đang sống dưới một chế độ hà khắc”.

Ông nhận định: “Tuy nhiên, Chúa đã cho phép tất cả các sự kiện ấy diễn ra - như thể chúng tôi đang được tự do – với nhiều giải thưởng, cuộc thi..."

Ông nói rằng việc ông được nhìn thấy lễ phong Chân phước cho ĐTC Gioan Phaolô II “là một kinh nghiệm sâu sắc, bởi vì trong thâm tâm tôi đã nghĩ về cách thức mà vị Giáo hoàng này, con người dễ mến đã viết thư cho tôi, sẽ được phong Chân phước ngày nay”.

Ông Turrin kể lại: “Tôi đã đọc tác phẩm của Ngài trong tù, và chúng tôi luôn nói với nhau rằng Ngài là một vị thánh”.

Người cựu tù nhân này đã tiếp tục việc truyền giáo trong ba cơ sở ở Lima. (CNA 9-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức TGM Fernando Filoni, tân Tổng trưởng Bộ truyền giáo
LM Trần Đức Anh OP
10:29 10/05/2011
VATICAN - Ngày 10-5-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã nhận đơn từ chức vì lý tuổi tác của ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và đã cử người kế nhiệm là Đức TGM Fernando Filoni, cho đến nay là Phụ Tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Đồng thời ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Giovanni Angelo Becciu, cho đến nay là Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba, làm tân Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

ĐHY Ivan Dias, người Ấn Độ, năm nay 75 tuổi, nguyên là một nhà ngoại giao của Tòa Thánh, đã làm Sứ thần tại các nước Ghana, Benin, Togo, Đại Hàn và Albani, trước khi được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Mumbai Ấn Độ hồi tháng 11 năm 1996 và thăng Hồng Y 5 năm sau đó (21-2-2011). Cách đây 5 năm, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ truyền giáo. Trong những năm gần đây ngài bị bệnh tiểu đường khá nặng.

Đức TGM Fernando Filoni, người Italia, gốc tỉnh Taranto, năm nay 65 tuổi (15-4-1946), nguyên là nhà ngoại giao phục vụ tại Brazil, Sri Lanka, Hong Kong, trước khi thăng TGM Sứ thần Tòa Thánh tại Irak rồi tại Phi luật tân và được bổ nhiệm làm Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh cách đây gần 4 năm (9-6-2007). Trong tư cách là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, cũng gọi là Bộ truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc, ngài giúp ĐTC phối hợp, liên hệ và trợ giúp lối 1.080 giáo phận thuộc các xứ truyền giáo, trong đó có 26 giáo phận tại Việt Nam.

Sáng ngày 10-5-2011, ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tháp tùng Đức TGM Filoni đến trụ sở Bộ truyền giáo, và giới thiệu vị tân Tổng trưởng với toàn thể các chức sắc của Bộ này. Như vậy hai vị lãnh đạo của Bộ này đều là người “mới”: Vị Tổng thư ký là Đức TGM Savio Hàn Đại Huy SDB, 61 tuổi, bắt đầu nhiệm vụ từ khoảng đầu tháng 2 năm nay, và nay đến lượt Đức TGM Tổng trưởng.

Đức TGM Giovanni Angelo Becciu người đảo Sardegna, Italia, năm nay 63 tuổi (2-6-1948), thuộc ngành ngoại giao Tòa Thánh, đã phục vụ tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Anh quốc, Pháp, Hoa Kỳ, và thăng TGM năm 2001 làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Angola, São Tomé và Principe. Từ năm 2009 ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba. Ngài thông thảo tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Bồ đào nha.

Vị Phụ Tá Quốc Vụ Khanh được coi là nhân vật thứ 3 tại Tòa Thánh và thường được giới báo chí coi như tương đương với “Bộ trưởng Nội Vụ” của Tòa Thánh, cùng với ĐHY Quốc vụ khanh, ngài thuộc vào số các cộng tác viên thân cận nhất của ĐTC. (SD 10-5-2011)
 
Về hai bổ nhiệm quan trọng của Đức Giáo Hoàng tại Giáo Triều Rôma
Tiền Hô
11:36 10/05/2011
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã thực hiện hai bổ nhiệm quan trọng:

1- Đức Tổng Giám mục Fernando Filoni, đang đảm nhiệm chức "sostituto" (Phụ tá Quốc Vụ Khanh) nay được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo. Ngài thay thế cho Đức Hồng Y Ivan Dias, được chấp thuận nghỉ hưu ở tuổi 75.

2- Đức Tổng Giám Mục Giovanni Becciu Angelo, đang làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba nay đảm nhiệm chức "sostituto".

Cả hai việc bổ nhiệm này đã được dự đoán vào cuối tháng trước bởi ký giả Andrea Tornielli của hãng tin La Stampa, người vốn nổi tiếng trong việc đưa ra những thông tin chính xác về các kế hoạch của Vatican.

Đức Tổng Giám Mục Filoni là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Vatican, ngài đã từng phục vụ tại Sri Lanka, Iran, Brazil, Phi Luật Tân và Iraq. Trong khi làm sứ thần Tòa Thánh tại Iraq, ngài đã nhận được sự ngưỡng mộ đặc biệt vì ngài đã khước từ việc rời khỏi Baghdad như những nhà ngoại giao khác đã làm để tránh khỏi chiến dịch ném bom của Hoa Kỳ khi chiến tranh nổ ra. Nhận chức Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, ngài sẽ giám sát công việc của Giáo Hội trong lãnh thổ truyền giáo. Vị tổng trưởng Thánh Bộ này có quyền lực rất đáng kể, cho nên đôi khi được gọi là "Vị Giáo Hoàng Mũ Đỏ" vì ngài có sức ảnh hưởng to lớn trong việc bổ nhiệm các giám mục, đặc biệt Á Châu và Phi Châu.

Đức Hồng Y Ivan Dias đã đệ đơn từ chức theo luật định vì ngài đã đến tuổi 75 vào Tháng Tư vừa qua. Thường thì Đức Giáo Hoàng sẽ không chấp nhận cho từ chức ngay, nhưng trong trường hợp này, có lẽ vì sức khỏe của vị Hồng Y người Ấn Độ này đã kém đi nên việc bổ nhiệm thay thế diễn ra một cách nhanh chóng.

Về phần Đức Tổng Giám Mục Filoni, khi đã từng giữ chức "sostituto", ngài là một trong những vị trí quan trọng nhất trong Giáo Triều Rôma. Bởi vì, Phủ Quốc Vụ Khanh được chia thành hai phân bộ, mỗi phân bộ do một vị Phụ tá Quốc Vụ Khanh đứng đầu:

- Phân bộ thứ nhất (tương đương với Bộ Ngoại Giao) xử lý các vấn đề đối ngoại do vị Ngoại trưởng Quan hệ với các quốc gia đứng đầu: hiện nay Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti đang giữ chức này.

- Phân bộ thứ hai (tương đương Bộ Nội Vụ) xử lý các công việc nội bộ của Giáo Triều, dưới sự giám sát của vị "sostituto". Cơ quan này xử lý văn kiện, giấy tờ trong Giáo Triều. Vị "Sostituto" thường gặp Đức Thánh Cha mỗi ngày để điều phối các công việc của Vatican, và vị trí của ngài có thể được so sánh giống như chánh văn phòng Nhà Trắng vậy.

Vị "sostituto" phải báo cáo các vấn đề trực tiếp lên Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh. Mặt khác, theo thể nghi của Giáo Hội thì chức Hồng Y chỉ báo cáo lên Đức Giáo Hoàng mà thôi, cho nên vị "sostituto" không bao giờ là một Hồng Y. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành chức vụ này, một vị "sostituto" thường sẽ sớm được phong làm Hồng Y Tổng Trưởng một Thánh Bộ nào đó của Giáo Triều Rôma. Vì thế, người tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Filoni là Đức Hồng Y Leonardo Sandri, ngài đã được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, và vị "sostituto" trước đó nữa là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giám mục cho tới khi nghỉ hưu vào năm ngoái. Thế kỷ 20 đã chứng kiến hai vị "sostituto" về sau đăng ngôi giáo hoàng: Bênêđictô XV và Phaolô VI.

Để bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Becciu, người Ý, 62 tuổi, ngài từng làm ngoại giao cho Vatican ở Tân Tây Lan, Anh Quốc, Pháp Quốc và Hoa Kỳ trước khi trở thành sứ thần Tòa Thánh ở Angola và sau đó là Cuba. Trong hoạt động ngoại giao gần đây nhất, ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán do Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino dẫn đầu, kết quả là hàng chục tù nhân chính trị Cuba được thả. (CatholicCulture, 10 Tháng Năm 2011)
 
Tây Ban Nha: Hơn 340.000 người đã ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Tiền Hô
11:37 10/05/2011
Madrid, Tây Ban Nha, 9 Tháng Năm 2011 (CNA / Europa Press) - Khoảng 340.000 bạn trẻ đến từ hơn 170 quốc gia đã ghi danh tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) tại Madrid.

Mục tiêu chính của sự kiện này, theo giám đốc điều hành của Đại Hội cho biết, là "khiến cho giới trẻ cảm nghiệm được về sự hiếu khách của thành phố Madrid và những ngày họ ở đây sẽ không thể nào quên".

Sự kiện được lên kế hoạch diễn ra từ ngày 16 đến 21 Tháng Tám năm nay, trọng tâm là buổi canh thức cầu nguyện và thánh lễ đại trào do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cử hành.

Ông Yago de la Cierva - Giám đốc điều hành Đại Hội lần này cho biết, giai đoạn lập kế hoạch đã kết thúc vào Tháng Giêng năm 2011. Sau đó, ban tổ chức đã làm việc với Tòa Thánh và các cơ quan của thành phố Madrid để thực hiện các công tác theo như kế hoạch ấy. Một đội ngũ thiện nguyện viên và cộng tác viên lớn đã được tuyển mộ để quản lý hậu cần.

Ông giám đốc cho biết thêm, nền văn hóa và đức tin của Tây Ban Nha sẽ là trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Ông nhấn mạnh rằng, "tất cả mọi thứ kể trên đã được cắm rễ sâu vào truyền thống Công giáo ở đất nước này suốt 20 thế kỷ qua".

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ bắt đầu vào ngày 16 Tháng Tám bằng một Thánh Lễ khai mạc, sau đó là các sự kiện khác nhau sẽ diễn ra, đến ngày 18 Tháng Tám, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ được chào đón tại quảng trường Cibeles, còn ngày hôm sau sẽ diễn ra buổi nguyện Đàng Thánh Giá. Những sự kiện cuối tuần sẽ tổ chức tại phi trường Cuatro Vientos, nơi đó sẽ có một buổi canh thức cầu nguyện vào tối Thứ Bảy và Thánh Lễ bế mạc sáng Chúa Nhật.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng sẽ gặp gỡ với các giáo sư đại học, nữ tu, chủng sinh, các thiện nguyện viên, những người khuyết tật và bệnh nhân.

Các hoạt động văn hóa của Đại Hội sẽ lấp đầy những tuyến phố của thủ đô Tây Ban Nha, với hơn 300 điểm tổ chức khác nhau dành cho những bạn trẻ. Các buổi dạy giáo lý truyền thống sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 18 Tháng Tám tại hơn 200 giáo xứ trên toàn thành phố Madrid, do giám mục từ khắp nơi trên thế giới chủ trì.
 
Top Stories
Muong Nhe: les troubles auraient cessé mais la plus grande incertitude règne quant au déroulement des événements
Eglises d'Asie
08:07 10/05/2011
Eglises d'Asie, 10 mai 2011 - La presse officielle du 10 mai 2011 a rapporté les déclarations du vice premier ministre, Truong Vinh Trong, annonçant la fin des affrontements entre les forces de l’ordre et les quelque 5 000 H’mongs venus manifester dans le district de Muong Nhe à la frontière du Laos et de la Chine. Ce haut personnage dépêché sur le lieu des troubles depuis trois jours a déclaré : ...

... « Malgré les troubles causés par ce rassemblement très important, tout a été réglé pacifiquement. Tous nos compatriotes qui avaient été entraînés par manipulation sont maintenant repartis dans leurs villages » (1).

L’apparente limpidité des déclarations du vice-premier ministre n’a cependant pas permis de lever le voile qui recouvre encore la réalité des faits. La presse officielle filtre soigneusement toutes les informations concernant l’affrontement des H’mongs avec les forces de l’ordre, un affrontement qui a commencé le 30 avril dernier. De plus, l’accès à la région est interdit aux journalistes. Il est donc encore extrêmement difficile de juger de la nature et de la gravité des troubles qui ont éclaté dans cette région de la province de Diên Biên, au nord-ouest du Vietnam.

Selon des informations non confirmées émanant de l’institut Center for Public Policy Analysis (CPPA) dont le siège est à Washington, des forces importantes, dont des hélicoptères, auraient été mobilisées pour disperser le rassemblement. Ce même institut estimait à une trentaine le nombre de manifestants tués, puis plus tard à 49 et enfin à 63 (2). Plus de 1 000 protestataires auraient été arrêtés. Selon des sources recueillies par la BBC (émissions en vietnamien) deux membres des forces de l’ordre auraient été tués au cours de la bataille avec les manifestants. Cependant une récente dépêche diffusée par l’agence de presse allemande DPA rapporte les déclarations d’un membre du parti communiste affirmant qu’il n’y avait eu aucun manifestant tué par les forces de l’ordre. Jusqu’à présent aucun témoignage précis n’est venu confirmer ou infirmer ces informations.

Après avoir gardé le silence pendant les premiers jours, la presse officielle a diffusé à partir du 5 mai, une version des événements très particulière ; selon les déclarations du porte-parole de la province de Diên Biên (3), de « mauvais éléments » auraient répandu une rumeur parmi les montagnards, selon laquelle une force surnaturelle allait apparaître dans le district de Muong Nhe, les premiers jours du mois de mai. Cette apparition devait marquer le début d’une ère de bonheur, de richesse et de prospérité pour les montagnards. Durant cette période, serait fondé un royaume h’mong indépendant. Le porte-parole a ajouté qu’un grand nombre de montagnards ont cru à ces prédictions et se sont rassemblés à Muong Nhe, provoquant de graves troubles publics et obligeant les forces de l’ordre à intervenir. Le 7 mai, dans une déclaration reprise par la presse officielle (4), le président du Comité populaire de la province de Diên Biên, reprenait cette version des faits sans ajouter de détails concrets et annonçait qu’à partir du 7 mai, la situation était revenue à la normale dans la région.

L’organe des forces frontalières, le journal Bien Phong (5) avait annoncé le 8 mai que la veille, le vice-premier ministre Truong Vinh Trong était venu rencontrer l’état-major et les cadres des forces militaires, ainsi que la population du district de Muong Nhe. Il s’est rendu dans un certain nombre de lieux et se serait même adressé à la population. En fait, le ministre spécialiste du règlement des troubles et manifestations populaires, a été dépêché sur place afin d’examiner la situation et de prendre les décisions nécessaires.

Ce n’est pas la première fois que le gouvernement réprime des manifestations h’mongs en affirmant que ces derniers veulent créer un royaume indépendant. Si la volonté d’autonomie n’est pas à écarter des motivations qui ont provoqué cet affrontement, la plupart des observateurs cependant pensent que les revendications des H’mongs concernent davantage la liberté religieuse. La répression religieuse en milieu montagnard qui n’a jamais cessé jusqu’à présent, a été dénoncée tout dernièrement lors des débats de la dernière assemblée des évêques du Vietnam (6). Il est difficile pour le moment de préciser quelle a été la participation des chrétiens à ces manifestations. On sait seulement que dans le district de Muong Nhe, où la majorité des chrétiens appartiennent à des confessions protestantes, il existe un millier de catholiques répartis en quatre communautés, recevant rarement la visite de prêtres et pratiquant leur religion dans une quasi-clandestinité.

(1) VNexpress, 10 mai 2011. http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/05/vu-viec-o-muong-nhe-duoc-giai-quyet-trong-hoa-binh/
(2) voir Radio Free Asia, 9 mai 2011. http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/babies-die-at-protest-camp-05092011143301.html
(3) http://www.baomoi.com/Tin-don-nham-gay-mat-an-ninh-huyen-Muong-Nhe/144/6196592.epi
(4) http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/www.vietnamplus.vn/Hoat-dong-lua-gat-o-Muong-Nhe-la-bat-hop-phap/6208722.epi
(5) http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/pho-thu-tuong-truong-vinh-trong-tham-can-bo-chien-si-don-bp-nam-ke-va-nhan-dan-tren-dia-ban/42457.051.html
(6) Voir le journal de l’Assemblée (3) http://hdgmvietnam.org/nhat-ky-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i-nam-2011-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-25–2942011-3/2858.63.8.aspx

(Source: Eglises d'Asie, 10 mai 2011)
 
Amnesty International: Urgent Action - Health fears for detained Vietnamese Blogger (Điếu Cầy)
Amnesty International
08:10 10/05/2011
Amnesty International:
URGENT ACTION
HEALTH FEARS FOR DETAINED VIETNAMESE BLOGGER


The lawyer and family of popular Vietnamese blogger Nguyen Hoang Hai, alsoknown as Dieu Cay, have not been allowed to visit him in prison for sixmonths. There are concerns for his health, as they have also been preventedfrom sending him food and medicine. Despite completing a 30-month prisonsentence in October 2010, he was detained for further investigation oncharges of “conducting propaganda” against the state.

Nguyen Hoang Hai, who isaround 60 years old, was last seen by his son at Xuan Loc prison, DongNai province in southeast Viet Nam on 19 October 2010. He had almost completeda two and a half year prison sentence for tax fraud, a charge believedto be politically motivated. However, instead, the authorities continuedto detain him and the police informed his family that he was being investigatedunder Article 88 of the 1999 Penal Code for “conducting propaganda” againstthe state.

The lawyer and family of NguyenHoang Hai have made 13 requests to visit him since October. They have alsoattempted to deliver extra provisions for him, including food, medicinesand a small amount of money. The police have rejected all the requests.It is not known where he is now being held, how he is being treated orhis state of health. His family and friends fear for his safety.

Prison conditions in Viet Namare generally harsh, with poor food and limited health care; prisonersare reliant on additional supplies from their families. In 2009 NguyenHoang Hai was held incommunicado for several months after being transferredto a prison further from his home in Ho Chi Minh City, making it difficultfor his family to visit him. Political prisoners held incommunicado areparticularly vulnerable to torture and ill-treatment.

Nguyen Hoang Hai is the co-founderof the independent Free Vietnamese Journalists’ club, formed in 2007,and has written articles critical of China’s foreign policies with regardto Viet Nam and taken part in peaceful protests. He had publicly criticizedgovernment policies before his arrest in April 2008 and spoke out for humanrights in Viet Nam in his blogs.

In May 2009, the UN WorkingGroup on Arbitrary Detention deemed his detention arbitrary, with no basisunder international law. Nguyen Hoang Hai is a prisoner of conscience.

Additional Information

Freedom of expression and associationis strictly controlled in Viet Nam. Repression against dissidents has intensifiedin the last two years, characterized by arrests and trials of politicaland human rights activists. At least 30 prisoners of conscience are currentlyserving long prison terms for their peaceful activities. At least 13 peacefuldissidents are known to be detained and awaiting trial.

Bloggers who are critical ofgovernment policies are among those activists targeted by the authorities,as well as supporters of Bloc 8406, an internet based pro-democracy movement,and other unauthorized political groups.

The authorities use vaguelyworded provisions of the national security section of the 1999 Penal Codeto criminalize peaceful dissent. Political activists are commonly chargedwith “spying”, “conducting propaganda” against the state, and “activitiesaimed at overthrowing” the state. As well as receiving long prison terms,on release dissidents are also sentenced to periods of up to five years’house arrest or probation.

PLEASE WRITE IMMEDIATELYin English, Vietnamese or your own language:
Demanding thatthe authorities release Nguyen Hoang Hai immediately and unconditionally;
Calling on theauthorities to allow Nguyen Hoang Hai immediate access to his family, lawyer,and a doctor;
Urging that heis not tortured or ill-treated in detention.

PLEASE SEND APPEALS BEFORE 21 JUNE 2011 TO: Minister of Public Security
Le Hong Ha
Ministry of Public Security
44 Yet Kieu Street
Ha Noi
VIET NAM
Fax: + 844 3942 0223
Salutation: Dear Minister

Minister of Foreign Affairs
Pham Gia Khiem
Ministry of Foreign Affairs
1 Ton That Dam Street
Ba Dinh District, Ha Noi
VIET NAM
Fax: + 844 3823 1872
Email: bc.mfa@mofa.gov.vn
Salutation: Dear Minister
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Thanh Hóa đã tổ chức khám mắt và mổ mắt miễn phí cho người nghèo
LM Antôn Trịnh Đình Thiệu
08:04 10/05/2011
Được sự giúp đỡ của Quý vị Ân nhân qua tay chị Nam và chị Nhung trong Hội Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận Thanh hóa, UBBAXH – Caritas Thanh Hóa đã tổ chức khám mắt và mổ mắt miễn phí cho người nghèo ở 21/51 Giáo xứ trong Giáo Phận Thanh hóa gồm cả lương cả giáo.

Xem hình ảnh

Từ ngày 21.04 đến ngày 27.04.2011, UBBAXH – Caritas Thanh Hóa tổ chức đi khám lọc tại các Giáo xứ và chọn được 592 người cần phải mổ mắt.

Từ ngày 28.04 đến ngày 05.05.2011, UBBAXH – Caritas Thanh Hóa đã mổ miễn phí cho số người đã chọn lọc tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh hóa. Sở Y-tế Thanh hóa và Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh hóa đã tạo điều kiện giúp đỡ tận tình cho công tác từ thiện này để đem lại lợi ích cao nhất có thể cho người nghèo.

Thống kê chính xác số bệnh nhân được mổ trong dịp này là 574 người, trong đó có: 316 người phải thay đục tinh thể và 258 người cắt mộng mắt. Đây là những cao niên người thuộc vùng dân tộc thiểu số, những người thuyền chài sống trên sông nước và những người thôn quê nghèo khổ. Những bệnh nhân này đã tưởng chừng như không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng, thế mà nay họ lại được nhìn thấy những cảnh vật xung quanh, họ hết sức vui mừng.

Trong Giáo Phận Thanh hóa vẫn còn rất nhiều người nghèo đau, hỏng mắt cần được khám, chữa, mổ nhưng họ chưa được mổ trong dịp vừa qua, kính xin Quý vị Ân nhân vui lòng tiếp tục giúp đỡ để UBBAXH – Caritas Thanh Hóa có thể tổ chức những đợt mổ mắt khác nữa, hầu có thể đem lại ánh sáng cho rất nhiều người đang còn phải ngồi trong bóng tối.

UBBAXH – Caritas Thanh Hóa chân thành ghi ơn Quý vị Ân nhân đã hy sinh giúp đỡ người nghèo tại Thanh hóa, nhất là thay lời cho 574 bệnh nhân mắt đã được khám, chữa mắt dịp này xin tri ân lòng hảo tâm của Quí vị.

UBBAXH – Caritas Thanh Hóa hết lòng cảm ơn Sở Y-tế Thanh hóa và bệnh viện đa khoa thành phố Thanh hóa đã tạo điều kiện giúp đỡ tận tình cho công tác từ thiện này hầu có thể đem lại lợi ích cao nhất cho người nghèo trong thời gian qua.

Xin chân thành cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeurs, các thành viên của Caritas và các bạn sinh viên Y khoa Thanh Hóa, đã cộng tác tích cực cho công việc khám và chữa mắt đạt kết quả cao.

Kính xin Quý vị nhận nơi chúng tôi lòng biết ơn chân thành nhất. Nguyện xin Chúa trả công bội hậu và chúc lành cho tất cả Quý vị.

Chủ tịch UBBAXH – Caritas Thanh Hóa
 
Ngày Hành Hương Thánh Mẫu Liên Quốc Gia: Bỉ, Đức, Hòa Lan tại Banneux Vương quốc Bỉ
Nguyễn TG
08:31 10/05/2011
Ngày hội Dân Việt

BANNEUX, Bỉ - Khung cảnh se lạnh dưới bầu trời trong xanh của trung tâm Thánh Mẫu Banneux sáng nay không còn giữ được sự tĩnh lặng cố hữu. Từ sáng sớm, từng đoàn xe ca, xe nhà từ khắp mọi miền các nước Bỉ, Hoà Lan, Đức, cả Pháp và Anh nữa, đã lũ lượt kéo về mang theo từng đoàn người dân Việt thuộc đủ mọi thành phần, rộn ràng cờ xí, bảng hiệu, râm ran tiếng chào thăm tay bắt mặt mừng cùng tiến vào điểm hẹn. Khu đất thánh được mang tên Trung Tâm Hành Hương Quốc tế, dường như hôm nay đã trở thành mảnh đất quê hương chỉ dành riêng cho những người con Việt Nam tản mát.

Xem hình ảnh

Ôi không vui sao được khi bao năm từng sống thật gần nhau, cùng một ngôn ngữ Việt, cùng mang một một màu da tiếng nói, cùng một đức tin, cùng chia xẻ thân phận cuộc đời tha hương nơi đất khách, mà chỉ vì những đường biên giới quốc gia vô hình mà đã phải xa nhau, thì nay họ đang phá tung thứ biên giới vô nghĩa mà tìm đến nhau, mà gặp gỡ nhau, mà nâng đỡ đời sống và đức tin cho nhau.

Không vui sao được khi bao kỷ niệm yêu thương của một phần đời năm xưa nơi quê nhà, nơi xứ đạo xa xăm, chiều chiều trong tháng hoa, quây quần bên Thánh Tượng Mẹ, bên hang đá làm việc kính Đức Mẹ, để thổn thức bên Mẹ, để tâm sự với Mẹ, một truyền thống tưởng như đã phải để lại nơi quê nhà, thì hôm nay, dẫu chỉ một ngày đến với Mẹ, bao truyền thống, tâm tình gắn bó, lòng yêu mến Mẹ như nao nao bừng sống dậy.

Không vui sao được khi còn hơn thế nữa, đây không chỉ là đài Đức Mẹ, không chỉ là hang đá nơi sân nhà thờ xứ đạo năm xưa, mà nơi đây, Banneux, còn là nơi chính Mẹ đã chọn lưu dấu bước chân mình, lưu dấu một sự hiện diện bằng xương bằng thịt khi hiện ra nhiều lần với những thiếu nữ nghèo khổ, để trở thành dấu chỉ một sự hiện diện hữu hình muôn thuở, hầu để củng cố đức tin cho những người con người con nghèo khổ, đặc biệt những người con Việt Nam hiện diện hôm nay. Hôm nay về đây, họ muốn đặt dưới chân Mẹ để phó thác cho Mẹ sự nghèo khổ của những khó khăn đời sống, của cuộc đời tha hương lắm cô quạnh, của những đổ vở gia đình, của tương lai các thế hệ con cháu trước muôn ngàn cạm bẫy, của niềm khắc khoải ngày ngày vọng nhớ về quê xưa...

Không vui sao được khi chỉ một lát nữa đây, họ sẽ vâng theo lời chỉ bảo của Mẹ năm xưa mà nhúng đôi tay mình vào nguồn nước mát trong, nguồn nước do chính Mẹ ban để thanh tẩy tâm hồn mình khỏi biết bao vẩn đục của cuộc sống, của tội lỗi, của sự thờ ơ nguội lạnh, của sự buông xuôi theo những quyến rũ cuộc đời; nguồn nước của sự chỗi dậy, tăng thêm sinh lực trong cuộc lữ hành trần gian.

Và sau nữa, không vui sao được khi tại nơi hội tụ bên Mẹ Banneux này, họ sẽ được gần gũi bao người đồng hương, ở gần bên nhau mà vẫn xa nhau; được gặp gỡ và gặp lại bao người đã gần nhau mà phải xa nhau, vắng bặt tin nhau...

Hành Trình cuộc đời bên Mẹ

"Xin mời các phái đoàn chuẩn bị nhập đoàn rước kiệu, xin mời đoàn...".

Đến giờ, tiếng loa phóng thanh vang lên lời mời của cha Đaminh Nguyễn Ngọc Long, vị linh mục đã dày công chuẩn bị, tổ chức và phối trí toàn cuộc Rước Kiệu, đã làm xao động cả một góc trời. Thật đẹp mắt và ý nghĩa biết bao khi nhìn vào cảnh tượng rừng người đang tản mát đứng ngồi trò chuyện, chỉ trong giây phút, đã trật tự lớp lang xếp hàng nhập vào đoàn kiệu. Bao dấu hiệu phân biệt, giờ đây đã bị lu mời, chỉ nhường lại cho một hình ảnh thật vĩ đại và cảm động biết bao của vô vàn những mái đầu đen làm thành đoàn người bất tận, đang thinh lặng chờ đợi, mắt hướng về Thánh Tượng Mẹ uy nghi nhân từ trong khung kiệu lộng lẫy, rồi khoan thai cất bước lên đường trong lời ca tiếng hát.

Nhìn hình ảnh đoàn Rước Kiệu này, khó ai không khỏi nghĩ đến hình ảnh Giáo Hội trần thế như một đoàn người lữ hành thuộc đủ mọi thành phần, như hôm nay – đông đảo Linh mục, Nam Nữ Tu Sĩ, Chủng Sinh, Giáo Dân, cùng đặt niềm tin nơi Chúa Kitô Phục sinh, đang hân hoan bước đi giữa giòng đời tiến về Thiên Quốc, trong sự hiện diện và đồng hành của Mẹ Maria.

Cũng thế, ai đã nhập đoàn bước đi trong đoàn kiệu này, sẽ không cảm thấy đức tin mình cô lẻ, nhưng đang ở trong gia đình Giáo Hội Thánh, đang dự phần vào đời sống Giáo Hội.

Cuộc đi Kiệu này cũng nhắc nhớ rằng, đời thường mỗi người tín hữu vẫn là một cuộc hành trình riêng, nhưng luôn có Mẹ cùng đồng hành trong cuộc lữ thứ gian như sự đồng hành của Mẹ hôm nay..

Nhờ Mẹ đến với Chúa

Từng đợt vỗ tay của đông đảo Con Dân Việt Nam quây quần đã làm vang dội ngôi đại thánh đường 5000 chỗ gần như kín mít, khi cha trưởng Ban Tổ Chức Fx. Nguyễn Xuyên, cũng đồng thời là Chủ Tế, trong lời chào đón mở đầu Thánh Lễ Đồng Tế, sau khi chào đón và giới thiệu các phái đoàn về tham dự, đã mời cộng đoàn hiện diện dành cho Mẹ Maria vinh tước Hiền Mẫu, trước khi chúc mừng và bày tỏ lòng tri ân dành cho các bà mẹ hiện diện trong ngày "Lễ Mẹ" hôm nay. Cha đã ví von lấy lại những hình ảnh đẹp từ lộ trình cuộc Rước Kiệu đã đi qua: tất cả để Mẹ dẫn đến sự gặp gỡ Chúa Kitô nơi Lời và Thánh Thể Ngài. Đó là thiên chức của Mẹ Maria cho nhân loại và cũng là sứ vụ cao quý của mỗi người mẹ gia đình. Gặp gỡ Chúa Kitô trong Thánh Lễ và kết hiệp với Ngài, phải chăng là cách biểu lộ lòng biết ơn sâu đậm nhất, ý nghĩa nhất và đẹp nhất dành cho Mẹ và cho thân mẫu mình, dù họ còn sống hay đã qúa vãng.

Nhưng đến với Chúa, không chỉ qua những buổi lễ cử hành, Mẹ Maria còn dẫn đoàn con cái Mẹ trở lại gặp gỡ Chúa Kitô trên con đường Thánh Giá của Ngài, nơi đường đời của mỗi người, đường mà chính Mẹ đã hiện diện, thông phần đau khổ và đồng công vác với con mình. Cuộc đi Đàng Thánh Giá vào buổi chiều thật thật ý nghĩa do cha Giuse Trần Đức Hưng hướng dẫn đã đánh động bao người khi chính nơi đây, nơi Thánh Giá Chúa Kitô, khách hành hương nhận ra bao thánh giá của đời mình. Từ đó, họ xác tín nhận ra, một lát nữa đây, khi trở về cuộc sống đời thường, có Chúa Kitô cùng vác và Mẹ Maria cùng đồng hành với họ.

Chúng con hết lòng tạ ơn Chúa và Mẹ Maria và cám ơn quý cha trong Ban Tổ Chức đã tạo cơ hội cho chúng con cơ hội được sống một ngày thật trọn vẹn niềm vui bên Mẹ Banneux.
 
Sinh viên Công giáo Hà Nội tiếp sức Mùa Thi năm 2011
Terexa Trần Thị Kiều
20:02 10/05/2011
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
HỘI SINH VIÊN CÔNG GIÁO


Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2011

CHƯƠNG TRÌNH TIẾP SỨC MÙA THI NĂM 2011

I. Mục đích:
- Tạo tâm lý thoải mái cho các em thí sinh khi đi thi
- Giảm bớt kinh tế cho các gia đình ở những vùng quê nghèo
- Tạo tình liên đới giữa anh em đồng đạo trong các giáo phận miền Bắc

II. Thời gian tiếp sức:
- Tiếp sức trong 2 đợt thi đại học
Đợt 1: Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 7
Đợt 2: Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 7

III. Địa điểm tiếp sức:
- Khu vực chính: Hà Nội.

IV. Thời gian đón thí sinh
- Tại bến xe Giáp Bát
Đợt 1: Từ 6h30 đến 12h30 ngày 2 tháng 7
Đợt 2: Từ 6h30 đến 12h30 ngày 7 tháng 7
- Tại bến xe Mỹ Đình và Gia Lâm
Đợt 1: Từ 7h00 đến 15h ngày 2 tháng 7
Đợt 2: Từ 7h00 đến 15h ngày 7 tháng 7

V. Đặc điểm:
Có băng zôn in dòng chữ “ Hội SVCG TGP Hà Nội ”.

VI. Chi phí:
400.000 đ/ 1 thí sinh/ 1 đợt thi.
- Các chi tiêu cụ thể cho mỗi đợt thi :
Tiền ăn , uống sinh hoạt.
Đi lại.
Phòng trọ , điện nước.
Chi phí khác và phát sinh…
Xin Quý cộng đoàn đăng ký danh sách trước ngày 10 tháng 6 năm 2011

Địa Chỉ Liên Hệ: Terexa Trần Thị Kiều - 0916001759
Email: hoi.svcgtgphanoi@gmail.com
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhân vụ Thẩm Phán kiện thủ tướng Đức - Nghĩ về vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
Hà Long
15:52 10/05/2011
Một thẩm phán kiện nữ thủ tướng Đức ra tòa

Hamburg - Một đất nước tự do dân chủ được xây dựng với thượng tôn pháp luật: già trẻ lớn bé, kẻ sang người hèn đều được bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước cầm quyền đất nước và người dân có thể kiểm soát hoạt động của chính quyền.

Chẳng phải những gì nhà nước ra quyết định điều hành quốc gia đều đúng cả, đều hợp lòng dân, chẳng hạn tại Anh quốc trong tuần vừa qua, ngày 06 tháng 5, cuộc trưng cầu ý kiến chống lại cuộc cải cách bầu cử đã đạt được thắng lợi lớn lao. Dân chúng Anh đã bỏ phiếu cho 68 phần trăm chống lại hệ thống bầu cử mới này. Nhà nước Anh phải nghe theo đa số quần chúng biểu quyết. Đây là sự thất bại của đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền.

Tại Đức, sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công vào ngày 29/4 nhằm tiêu diệt kẻ chỉ huy al-Qaida là Bin Laden đang ẩn náu tại Abbottabad. Cuộc tấn công chớp nhoáng giết được Bin Laden và sau đó được thông báo qua báo chí, truyền hình bởi tổng thống Mỹ: "Chào quý vị! Tối nay, tôi thông báo đến quốc dân Hoa Kỳ và thế giới rằng Hoa Kỳ đã thực hiện một kế hoạch tiêu diệt Osama bin Laden, thủ lãnh al Qaida và là kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về việc giết hại hàng ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ em vô tội", thì bên trời Tây nữ thủ tướng Angela Mrekel bày tỏ qua cuộc họp báo với câu nói hớ hênh hoặc vì phấn khởi quá đỗi: "Tôi rất vui mừng về sự thành công giết chết Bin Laden" – ("Ich freue mich darüber, dass es gelungen ist, Bin Laden zu töten").

Câu nói này đang làm cho bà thủ tướng Đức gặp nhiều khó khăn tại chính trường Đức trong những ngày vừa qua và chịu nhiều sự chỉ trích vì: không một ai được vui mừng về một người bị giết. Sự chống đối này đến từ phe đối lập, công chúng, tôn giáo và thậm chí ngay cả người trong đảng của bà thủ tướng.

Cường độ chống đối cho câu nói này đã gia tăng khi một thẩm phán tại Hamburg chính thức đưa đơn kiện bà thủ tướng vào ngày 06/5/2011 vì "công khai chấp nhận một vụ giết người có chủ ý."

Đây là quan điểm của người tố cáo được đánh giá "như muốn chấp nhận một hành vi phạm tội giết người", vị phát ngôn viên của Công tố viện Hamburg, ông Wilhelm Moeller cho biết khi nhận được đơn kiện thủ tướng. Công tố viện Hamburg sẽ bàn giao vụ án cho Công tố viện tại thủ đô Berlin để xem xét điều tra vì "nơi phạm tội" nằm trong thẩm quyền của họ.

Theo luật hình sự Đức, điều khoản 140 thì đây là một loại phát biểu công khai có thể làm nhiễu loạn "hòa bình công cộng".

Nữ thủ tướng Merkel đã cố gắng sửa sai và nhận ra rằng lời tuyên bố của bà đã được coi là không phù hợp trong cách diễn tả này. Bà Merkel đã chỉ muốn bày tỏ rằng: "thế giới đang hy vọng có một chút an toàn hơn," phát ngôn viên chính phủ, ông Steffen Seibert trả lời với báo chí.

Nơi phương Tây, đúng là người dân đang hưởng một nền luật pháp nghiêm minh. Ai cũng có thể thưa kiện chính phủ đến nơi đến chốn, và dĩ nhiên chẳng bao giờ bị kết tội "diễn biến" hoặc đưa vào tội danh "tuyên truyền chống đối nhà nước".

Nhìn về Việt Nam, đã có một ví dụ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đã xảy ra ở Đức được nêu trên qua luật sư tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (SN 1957) - Tiến sĩ Luật đại học Sorbonne (Paris).

2 đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của luật sư tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

1. Ngày 11/6/2009, Ls Cù Huy Hà Vũ gửi đơn khởi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng Bauxit ở Tây Nguyên. Một dự án được đông đảo quần chúng, đặc biệt là tầng lớp trí thức quan tâm đặc biệt. Ls Cù Huy Hà Vũ cho rằng khi ra quyết định phê duyệt dự án này mà không thông qua Quốc hội, ông Dũng đã vi phạm pháp luật Việt Nam: trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa, luật quốc phòng, và luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì việc các công ty Trung Quốc khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên chỉ là "trá hình" cho việc Trung Quốc xâm lược cả “mềm” lẫn “cứng” lãnh thổ của Việt Nam.

2. Ngày 14/9/2010, Ls Cù Huy Hà Vũ lại gửi đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi "ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với hiến pháp và pháp luật".

Ngày 6/11/2010, Cơ quan an ninh điều tra – Bộ công an họp báo cho biết Ls Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt vì tội "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam", trong đó các đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có "tài liệu đi kèm", chứng cứ cho hành vi "bịa đặt, xuyên tạc sự thật lãnh đạo và quản lý của nhà nước, chính phủ, gây hoang mang trong nhân dân, kích động, cổ súy, hô hào chống nhà nước" và "vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, chính quyền".

Ngày 15/11/2010, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật hình sự. Chiều 17/12/2010, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố ông về tội danh trên.

Vào ngày 04/4/2011, phiên tòa xét xử Ls Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội đã tuyên án "bản án ô nhục" 7 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương.

Nhìn chung

Cách hành xử và thực thi luật pháp của chính quyền Đức đúng là đứng về lẽ phải. Ai làm sai luật thì bị trừng phạt cho dù là thủ tướng.

Ngược lại tại VN luật pháp đang bị lèo lái chỉ nhằm bảo vệ cho người nắm quyền, nói đúng ra bảo vệ nhà nước và đảng csVN. Người dân không có một quyền nào để "kiểm soát" và "giám sát" chính phủ, bởi thế mới có Vinashin, PMU-18, Bauxit ở Tây Nguyên, và rất nhiều vụ cảnh sát công an đánh dân, giết dân, v.v…

Và cuối cùng hiến pháp VN chỉ đẻ ra các vị quan tòa "ngoan ngoãn" như ông thẩm phán Nguyễn Hữu Chính tại Hà Nội vào ngày 04/4/2011.

Hà Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khóc Mẹ
Diệp Hải Dung Australia
22:00 10/05/2011
KHÓC MẸ
Ảnh của Diệp Hải Dung Australia
Mẹ Già khuất nẻo chân mây
Đau lòng nước mắt vơi đầy trong tim
Phương xa con trẻ vội tìm
Một vành khăn trắng lặng im khấn cầu
Hình mẹ con mãi khắc sâu.
(Trích thơ của Trúc Quỳnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền