Ngày 09-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Quen thuộc với điều gì nhất ?
Lm. Minh Anh
00:34 09/05/2022

QUEN THUỘC VỚI ĐIỀU GÌ NHẤT?
“Chiên sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Một người Mỹ du lịch Syria, thấy ba người chăn chiên dẫn đoàn chiên của mình đi chung trên một con đường. Một lúc sau, người thứ nhất hô to, “Men ah! Men ah!”, tiếng Ả Rập là “Hãy theo ta!”. Chiên của anh tách khỏi đàn, theo anh lên một ngọn đồi. Người thứ hai cũng làm như thế, chiên của anh đi theo anh. Người Mỹ nói với người thứ ba, “Vui lòng cho tôi mang mũ, gậy và đồ đạc của anh, tôi sẽ gọi, xem chiên có theo tôi không?”; người ấy sẵn sàng. Người Mỹ gọi, “Men ah! Men ah!”, chẳng con nào ngẩng lên! “Thế chiên không nghe ai khác, chỉ trừ anh thôi sao?”. Người chăn chiên trả lời, “Ồ! Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện thú vị từ xứ Syria bất ngờ đặt một câu hỏi khi chúng ta đối diện với Lời Chúa hôm nay. Bạn ‘quen thuộc với điều gì nhất’ trong cuộc sống? Nói cách khác, tiếng nói nào vang lên trong tâm trí bạn hầu hết thời gian? Chúng ta thường nghe rất nhiều điều vốn ảnh hưởng đến mình; một số tốt và một số không tốt! Chúa Giêsu muốn chúng ta là những con chiên tỉnh táo, “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Có lẽ chúng ta thường hay tự trấn an rằng, “tiếng nói” hoặc những gì gặp phải hàng ngày không ảnh hưởng mấy đến tôi! Thế nhưng, tiếng nói của truyền thông, của văn hoá đại chúng, tình cảm, tiền bạc, danh tiếng, dục vọng và nhiều hơn thế… lại ảnh hưởng mạnh mẽ và áp lực lên chúng ta. Và dù tin hay không tin, chúng vẫn tác động! Tin Mừng hôm nay nói đến sự đối lập giữa tiếng của Giêsu Mục Tử với “tiếng người lạ”. Thường thì chiên dễ thuần thục khi được dạy dỗ để phản ứng có điều kiện; chiên học nghe tiếng của chủ chăn, chủ chăn thường nói chuyện với chiên. Khi đã quen với giọng của anh, chiên sẽ quay lại và đi theo anh khi nghe gọi.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Chúng ta sẽ đi theo giọng nói mà chúng ta quen thuộc nhất. Bất cứ điều gì mà chúng ta đắm mình trong đó mỗi ngày, sẽ lớn lên trong lòng và lôi kéo chúng ta làm theo, dù là vô thức! Điều này đặt ra câu hỏi, vậy thì bạn ‘quen thuộc với điều gì nhất?’. Lý tưởng là chúng ta dành đủ thời gian trong Lời Chúa, học ngôn ngữ, giọng điệu và tiếng nói của Ngài; lý tưởng là chúng ta dành một phần thời gian trong ngày, mỗi ngày, để im lặng đủ hầu chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Khi làm điều này, chúng ta xây dựng cho mình một thói quen nghe tiếng Chúa và trở nên dễ chịu, an ủi bởi tiếng của Ngài. Một khi thói quen này được hình thành, chúng ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc nhận ra tiếng Chúa bất cứ khi nào Ngài gọi giữa những bận rộn của mình. Chúng ta sẽ nhận ra đó là tiếng Chúa, và làm theo ngay!

Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ cho việc lắng nghe này. Phêrô bị những người đồng hương trách vì đã giao du với người ngoại. Thế nhưng, nhờ cầu nguyện và lắng nghe, Phêrô đã nhận ra ý Chúa nói với ông qua một câu chuyện dài mà ông đã kể cho họ, “Nghe xong, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng, ‘Vậy ra, Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống’”.

Anh Chị em,

“Chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Chúa Giêsu không bao giờ nghe ‘tiếng người lạ’, Ngài luôn hướng về Chúa Cha, quen với tiếng nói của Cha, để luôn làm điều đẹp lòng Cha. Ngài là khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta. Cũng thế, với chúng ta, đừng để những ‘tiếng người lạ’ trong thế giới lấn át tiếng nói của Chúa! Chúa Giêsu không bao giờ xa lạ; Ngài là bạn, là anh em. Vấn đề là chúng ta ‘quen thuộc với điều gì nhất?’. Nên biết, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra giọng của Ngài. Vì thế, hãy cẩn thận! Chúng ta luôn có nguy cơ bị phân tâm bởi tiếng của rất nhiều người lạ. Hôm nay, chúng ta được mời gọi đừng để mình là “chiên bị bệnh, sẽ đi theo bất cứ ai”, bất cứ sự giả tạo nào của thế gian! Hãy bước theo Mục Tử Giêsu, Đấng dẫn đường chắc chắn nhất vốn sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì giọng nói dịu dàng của Chúa là điều quen thuộc nhất của con. Xin đừng để con “đi theo bất cứ ai vì con đã hoá bệnh” lúc nào không biết!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Giới răn mới
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:40 09/05/2022

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
GIỚI RĂN MỚI
Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

Sứ điệp trung tâm của phụng vụ Lời Chúa tuần này là giới răn yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúa Giêsu lặp lại ba lần những lời này. Điều đó cho thấy đây là mạc khải quan trọng, Người gọi là giới răn mới. Nên trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của giáo huấn này.

1- Giới răn mới

Thực ra, Cựu Ước đã nói về giới răn yêu thương rồi. Từ xa xưa, sách Lêvi đã dạy giới răn yêu thương: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Ở đây, Cựu Ước lấy việc “yêu mình” làm chuẩn mực, bởi theo một mức độ nào đó, nếu ta yêu người như yêu mình, thì tình yêu đó cũng là tốt lắm rồi. Vì ai cũng muốn điều tốt cho chính mình. Tuy nhiên, yêu người như yêu chính mình vẫn là tình yêu giới hạn, nhiều lúc nặng tính ích kỷ, có điều kiện, chưa phải là tình yêu hoàn hảo.

Chúa Giêsu đã đi xa hơn khi nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” “Yêu như Thầy đã yêu” nghĩa là yêu thương theo cách thức của Chúa Giêsu. Đây chính là sự mới mẻ, là căn bản của Kitô Giáo. Quả vậy, Kinh Thánh Cựu Ước chỉ nói tới giới răn yêu thương mà không giới thiệu một khuôn mẫu cụ thể hoàn hảo nào của tình yêu. Ngược lại, trong Tân Ước, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như là khuôn mẫu tuyệt hảo và nguồn mạch của tình yêu.

Bởi lẽ, điều Chúa Giêsu nói và làm là một: Người là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi. Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người chấp nhận chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người sống lại và ban Thánh Thần cho chúng ta. Người đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.

Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì tình yêu đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đó là phục vụ, cảm thương, dịu dàng, tha thứ, hy sinh vì chúng ta.

Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì đó là một tình yêu hoàn toàn nhưng không, Người không tìm kiếm điều kiện để yêu, Người yêu cả những ai không xứng đáng, Người yêu cả những ai làm hại mình.

Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì Chúa Giêsu không nói: “Thầy đã yêu thương anh em, nên anh em hãy yêu thương Thầy và hãy phục vụ Thầy…” Nhưng Chúa nói: Thầy đã yêu thương anh em. Giờ anh em hãy yêu thương nhau và phục vụ lẫn nhau. Đó là sự mới mẻ và cao cả!

2- Dấu chỉ người môn đệ Chúa Kitô

Như thế, tình yêu Chúa Giêsu ở dạng thức cao cả nhất– agape – tình yêu hiến dâng hoàn toàn mà không hề có bóng dáng ích kỷ và chiếm hữu. Tình yêu Chúa là phổ quát, không giới hạn và vô điều kiện. Người yêu chúng ta trước khi chúng ta còn là tội nhân. Tình yêu đó là lớn lao.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Tình yêu Chúa là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo.

Chúa Giêsu còn nói thêm: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Như thế, qua câu nói trên, Chúa Giêsu muốn quả quyết rằng: Dấu chỉ mà người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô không phải vì chúng ta có chức vụ trong Giáo Hội, không phải vì chúng ta đeo thánh giá, tràng hạt, mặc áo tu, hay phẩm phục tôn giáo, đọc kinh nhiều, nhưng là tình yêu thương nhau.

Người môn đệ Chúa Kitô là người theo sát dấu chân của Người, học theo cung cách sống của Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người (sequela Christi). Như thế, dấu chỉ của người môn đệ đích thực yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tình yêu và lòng bác ái mà chúng ta dành cho nhau là bằng chứng hùng hồn chúng ta thực sự là môn đệ Chúa Kitô. Yêu thương là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Kitô. Như thế, rõ ràng theo logic này: Nếu chúng ta không sống yêu thương nhau thì chúng ta không phải là môn đệ Chúa. Nếu chúng ta làm cho người khác phải đau khổ, chúng ta không phải là môn đệ Người. Chúng ta thử hỏi: chúng ta có yêu thương nhau như Chúa dạy không?

3- Mọi sự sẽ thay đổi nhờ tình yêu

Câu chuyện sau đây diễn tả về đời sống cộng đoàn thay đổi khi họ biết yêu thương nhau:

Bề trên một tu viện Công Giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi Mã Lạp Sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.

Trước kia, tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng lời ca tiếng hát cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu. Vậy mà giờ đây, tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.

Cha bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người.”

Nhận được lời giải đáp, cha bề trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là hiện thân “Đấng Cứu Thế.”

Từ ngày ấy, mọi người kính trọng nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người quan tâm và phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuôn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng, được làm môn đệ Chúa Kitô là một niềm vui lớn lao; đồng thời chúng ta biết sống yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã nêu gương. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Ngày 10/05: Tôi và Cha tôi là một – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:18 09/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 09/05/2022

6. Những ai lần chuỗi Mân Côi sốt sắng và áp dụng các mầu nhiệm Mân Côi vào đời sống mình thì sẽ không bao giờ bị rủi ro. Chúa sẽ không trừng phạt họ trong cơn thịnh nộ của Ngài; họ sẽ không phải chết bất tử; nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn nghĩa của Chúa và trở nên xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 09/05/2022
74. CHUỒNG TRÂU NHẬN HỌ HÀNG

Trên sông ngân hà, Ngưu Lang cầm một vạn xâu tiền đồng, bỏ trên lưng trâu để trâu đưa qua đấu ngưu cung, nhưng con trâu len lén chạy xuống hạ giới, chu du khắp nơi.

Nó cảm thấy mặc dù mình xấu xí, nhưng trên lưng có nhiều tiền nên kết thân với kẻ có tiền có thế giá thì không khó, thế là đi đến đông hải bái kiến kỳ lân. Kỳ lân mắng trâu:

- “Mày là một con vật, làm sao có thể cùng với vương công quý tộc tụi tao nhập làm một chứ?”

Trâu đi đến Tây vực muốn bái kiến sư tử xanh, chưa kịp thông báo tên tuổi, sư tử xanh nhìn thấy con trâu rất xấu, bèn ác ý quăng xuống một bao phân và chạy mất.

Trâu lại đi tìm lừa tai dài là người bạn ngày trước đã kết bái làm anh em, lừa tai dài nói:

- “Ở Nam Sơn có Kim Tiền Báo, mặc dù ở ẩn trong núi, tôi có thể giới thiệu cho anh”.

Đi đến Nam Sơn, lừa tai dài bèn nói rõ cho Kim Tiền Báo biết lòng thành thật và nhu cầu của con trâu. Ban đầu Kim Tiền Báo từ chối, nhưng sau đó nhìn thấy trên lưng của con trâu có nhiều tiền, bèn nói:

- “Nhìn trên lưng anh, chúng ta có thể kết bạn thân thiết, gia tộc chúng tôi trên lưng đều có hoa văn tiền, anh không có, nhưng có thể thuê thợ làm được”.

Kim Tiền Báo nói xong thì lấy xâu tiền con trâu đang chở dán từng đồng từng đồng trên thân con trâu, làm thành những hoa văn màu sắc vằn vện. Lập tức toàn thân con trâu lấp lánh chớp sáng, giống như người bỏ tiền mua chức quan, đổi thành áo quan đẹp đẽ.

Lừa tai dài cười nói:

- “Thật bỏ tiền ra cũng không tiếc, xấu xí biến thành đẹp đẽ”.

Từ đó về sau, trâu tỏ vẻ đắc ý, thần khí ngạo mạn khinh người, nhưng mới được mấy ngày thì tất cả các đồng tiền trên lưng trâu lần lượt rơi hết, lại bày ra da và lông, Kim Tiền Báo thấy vậy thì lớn tiếng chửi trâu làm hoen ố nhơ danh dòng họ, nên đuổi trâu đi.

Con trâu chỉ có cách là trở về lại đấu ngưu cung, Ngưu Lang đem trâu ra đánh cho một trận, nói:

- “Súc sinh này, chúng nó nhìn thấy tiền nơi mày nên mới nhận họ hàng với mày.”

Nói xong thì dùng dây thừng xỏ vào lỗ mũi trâu đem nó cột vào trong chuồng. Cho nên người ta gọi nó là “chuồng trâu”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 74:

Ở đời, có những người chữ nghĩa không có, địa vị không có, nhưng dựa vào đồng tiền để khoác lác với người khác, và mua được cái danh để đồng bàn với các quan có máu mặt trong xã hội.

Ở đời, có những người thấy người khác có tiền, có địa vị thì kết làm anh em, nhận họ hàng, nhưng khi người anh em hết tiền hết bạc thì tìm cách xa tránh.

Người Ki-tô hữu có một suy nghĩ khác người là: ai nghèo khó, ai cô thế, ai bị hất hủi thì lại đến để nhận làm họ hàng anh em, nhận làm bạn bè để giúp đỡ và phục vụ mà không tính toán, bởi vì trong Đức Chúa Giê-su tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau, đó chính là tinh thần của Phúc Âm, tinh thần mà chính Đức Chúa Giê-su đã thực hiện bằng chính cuộc sống của Ngài khi còn ở thế gian.

Người khác chọn người có tiền có địa vị để kết thân, để nhận họ hàng thì mặc kệ họ; nhưng người Ki-tô hữu thì chỉ chọn Đức Chúa Giê-su mà thôi, bởi vì Ngài là Vua trên các vua, Chúa trên các Chúa, giàu có quyền uy vô cùng, bởi vì tất cả mọi thứ trên trời dưới đất đều là của Ngài.

Không chọn Đức Chúa Giê-su thì chọn ai nữa chứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con của sự khích lệ
Lm. Minh Anh
20:24 09/05/2022

CON CỦA SỰ KHÍCH LỆ
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

William Arthur Ward nói, “Hãy tâng bốc tôi, và tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, và tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, và tôi có thể không tha thứ cho bạn! Và hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”. Thú vị thay! Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người mà Hội Thánh và thế giới sẽ không bao giờ quên. Đó là Barnaba, một người được mệnh danh là ‘Con của sự khích lệ’ và Giêsu, một ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’.

Barnaba, xuất hiện trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất của Tân Ước. Barnaba theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Con của sự khích lệ”. Barnaba có tiếng là đã khích lệ mọi người ông gặp gỡ; điều này được thể hiện rất rõ qua trình thuật hôm nay. Một điều gì đó vừa xảy ra trong thành Antiôkia, khi những người ngoại giáo tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống để xem xét sự việc. Ông vui mừng với những gì mắt thấy và đã dành cho các anh em tân tòng một sự khích lệ lớn lao, giục giã họ tin yêu Chúa. Sau đó, Barnaba lập tức đến Taxô tìm Phaolô, một người mới tin Chúa; Barnaba khuyến khích Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột hàng đầu của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”. Hội Thánh được khích lệ, mừng vui; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”. Thật không sai, Barnaba được gọi là ‘Con của sự khích lệ!’.

Với bài Tin Mừng, chúng ta, đoàn chiên Chúa gặp được một sự khích lệ lớn lao nơi Giêsu Mục Tử, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong; không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”. Thật an ủi khi biết Chúa Giêsu hết lòng vì chúng ta; Ngài quan tâm đặc biệt đến hạnh phúc tối thượng là “sự sống đời đời” của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ là những con chiên thụ động vì “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi”; nghĩa là, chúng ta vẫn có một vai trò nhất định trong mối quan hệ của mình với Thiên Chúa! Chúa sẽ làm tất cả những gì có thể để gìn giữ chúng ta, nhưng mỗi người cũng có phần của mình trong ‘cuộc chơi!’. Chúng ta phải im ắng đủ để lắng nghe Ngài, qua Phúc Âm, toàn bộ Thánh Kinh, qua từng biến cố, qua từng con người. Bởi lẽ, ngày nay, có nhiều tiếng nói đang cạnh tranh sự chú ý của chúng ta, chúng ta phải nghe cho được sự khích lệ của Ngài, hầu làm theo Ngài, với niềm tin rằng, sự khích lệ tận tâm của Ngài cho hạnh phúc của chúng ta là vô điều kiện.

Anh Chị em,

Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta sống một phần của ơn gọi của mình như những người con ‘được gọi để khích lệ’. Chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau phát triển trong mối tương quan với Chúa, giúp nhau trung thành với ơn gọi làm con Chúa. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau... cùng nhau hiệp hành trên con đường mang tên Giêsu mà tiến về nhà Cha! Ước gì chúng ta có một trái tim lặng thinh đủ để nghe rõ ‘tiếng của lòng’ Thiên Chúa và ‘tiếng của lòng’ con người! Từ đó, dám hy sinh, dám dấn thân, trở nên những người ‘con của sự khích lệ’ cho những ai đang bủn rủn, và đầu gối rã rời! Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò quan trọng, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Hội Thánh trưởng thành và thế giới hiện đại ngày nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa yêu mến Chúa luôn nung đốt lòng con; để ai gặp con, họ gặp được sự khích lệ… để “không bao giờ quên” Chúa, nhưng muốn đến gần Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục Công Giáo ở Nigeria được thả 40 ngày sau khi bị bắt cóc
Đặng Tự Do
08:38 09/05/2022


Một giáo phận Công Giáo ở Nigeria đã thông báo “tin vui” về việc một linh mục bị giam cầm trong 40 ngày vừa được trả tự do.

Giáo phận Zaria ở bang Kaduna, miền bắc Nigeria, cho biết linh mục Felix Zakari Fidson đã được trả tự do vào ngày 3 tháng 5, ACI Africa, đưa tin.

Cha Patrick Adikwu Odeh, Chưởng ấn giáo phận cho biết: “Với trái tim ngập tràn niềm vui, chúng tôi thông báo sự trở lại của người anh em của chúng tôi, Cha Felix Zakari Fidson, người đã bị bắt cóc ngay sau khi rời khỏi nơi cư trú của mình tại nhà thờ Thánh Ann tại Zango Tama trên đường đến trụ sở chính của giáo phận vào hôm thứ Năm, ngày 24 tháng 3 năm 2022.”

Vụ bắt cóc Cha Zakari, mục tử của Giáo xứ Thánh Ann, ở Zango Taman, đã gây đau buốn cho giáo phận. Vào thời điểm đó, giáo phận đã đưa ra tuyên bố sau:

“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người nam nữ có thiện chí cầu nguyện cho sự giải thoát an toàn của Cha Felix Zakari Fidson và những người khác khỏi tay những kẻ bắt cóc họ, vào ngày Lễ Truyền tin này”

“Qua lời cầu bầu của Đức Maria, Mẹ của Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, xin cho người anh em của chúng ta là Cha Felix Zakari Fidson và những người khác trở về với chúng ta bình an vô sự”.

Trong một tuyên bố vào ngày 4/5, giáo phận bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Công Giáo đã không ngừng cầu nguyện để Cha Zakari được thả.

“Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho sự trở về nhanh chóng của người anh em thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho việc trả tự do cho những người vẫn còn nằm trong tay của những kẻ bắt cóc.”

Ngài cũng kêu gọi những lời cầu nguyện cho Nigeria, một quốc gia Tây Phi với dân số khoảng 206 triệu người, khoảng một nửa trong số đó là các tín hữu Kitô.

Nigeria được xếp hạng thứ bảy trong Danh sách Theo dõi Thế giới về việc đàn áp Kitô hữu do nhóm vận động Open Doors biên soạn.

Đất nước này rơi vào tình trạng mất an ninh kể từ năm 2009, khi một cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt đầu với mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo.

Kể từ đó, nhóm Hồi giáo đã tổ chức các cuộc tấn công khủng bố vào các mục tiêu bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị, cũng như dân thường.

Tình trạng mất an ninh càng trở nên trầm trọng hơn do sự tham gia của những người chăn gia súc chủ yếu là người Hồi giáo Fulani, còn được gọi là Dân quân Fulani.

Một báo cáo năm 2022 của Hiệp hội Pháp quyền và Tự do Dân sự Quốc tế (InterSociety) cho thấy chỉ riêng trong năm 2021, 25 linh mục Công Giáo ở Nigeria đã bị giết hoặc bị bắt cóc.
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Hoa Kỳ đóng cửa các văn phòng Catholic News Service
Đặng Tự Do
08:40 09/05/2022


Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là UCCB, đã thông báo hôm thứ Tư rằng các Giám Mục đã quyết định sẽ đóng cửa các văn phòng của Catholic News Service hay Dịch vụ Tin tức Công Giáo ở Washington và New York trong một cuộc chấn chỉnh các hoạt động truyền thông của cơ quan này.

Catholic News Service đưa tin rằng Giám đốc truyền thông của UCCB, James Rogers nói với các nhân viên tòa soạn rằng văn phòng Washington, DC sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

Được thành lập vào năm 1920, Dịch vụ Tin tức Công Giáo, gọi tắt là CNS, đóng vai trò là nguồn cung cấp tin tức về Vatican, các tin tức quốc gia và quốc tế liên quan đến Giáo Hội Công Giáo.

Theo CNS, phần lớn các giáo phận Công Giáo, cùng với các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới, đã ghi danh trả phí cho dịch vụ tin tức.

Văn phòng Dịch vụ Tin tức Công Giáo ở Rôma sẽ vẫn mở và tiếp tục đưa tin về Vatican. Dịch vụ này sẽ được cung cấp miễn phí cho các giáo phận bắt đầu từ năm 2023, CNS đưa tin.

Một tuyên bố từ USCCB chỉ ra rằng quyết định này dựa trên những lo ngại về tài chính và sự ghi nhận những thay đổi đã diễn ra trong thông tin liên lạc của giáo phận.

“Trong vài tháng tới, Ủy ban Truyền thông USCCB sẽ thực hiện một cuộc điều chỉnh lại đáng kể để sử dụng tốt hơn các nguồn lực mà anh chị em giáo dân đã giao phó cho Hội Đồng Giám Mục theo cách phù hợp với môi trường truyền thông ngày nay”.

“Đáng buồn là, điều này sẽ ảnh hưởng đến một số nhân viên. Chúng tôi biết ơn về thời gian và sự cống hiến của đội ngũ ký giả tận tụy tại USCCB những người phục vụ Giáo hội; Việc chuyển đổi công việc có thể khó khăn, và vì đây là vấn đề nhân sự nên sẽ không thảo luận chi tiết hơn vào lúc này,” tuyên bố cho biết.

USCCB cũng sẽ đóng cửa hoạt động của văn phòng xuất bản của mình, nơi nắm giữ quyền xuất bản đối với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Sách Giáo lý Người lớn của Hoa Kỳ cùng với các sách khác.

Một số người trên mạng xã hội cho rằng quyết định chấm dứt dịch vụ tin tức của USCCB có thể liên quan đến những vận lộn để tồn tại đang diễn ra trong các tòa báo cấp giáo phận và toàn quốc.

Đại dịch đã gây thiệt hại cho việc quyên góp của các nhà thờ nói chung. Việc quyên góp hàng năm cho Chiến dịch Truyền thông Công Giáo, là một nguồn tài trợ chính cho các ấn phẩm của các giáo phận, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì coronavirus.

Trong một tuyên bố liên quan đến việc gây quỹ hàng năm, các giám mục gọi tình huống này là một “cơn bão nghiêm trọng”:

“Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra 'cơn bão nghiêm trọng' với nhu cầu ngày càng tăng về sự hỗ trợ cho Chiến dịch Truyền thông Công Giáo trong khi hầu hết giáo dân không thể tham dự Thánh lễ do những hạn chế liên quan đến COVID vào cuối tuần xảy ra việc quyên góp cho các phương tiện truyền thông Công Giáo. Tình hình đó đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong các khoản quyên góp cho truyền thông, vốn đang có xu hướng giảm hơn một nửa”.

Một số ấn phẩm gặp khó khăn hơn những ấn phẩm khác. Sự khởi đầu của việc đóng cửa hàng loạt việc đình bản tờ The Pittsburgh Catholic, hoạt động từ năm 1844. Giáo phận Pittsburg buộc phải đóng cửa hoạt động của tờ báo vào năm 2020.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói Không thể thờ phượng Chúa trong khi biến phụng vụ trở thành chiến trường
Đặng Tự Do
08:40 09/05/2022


Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng phụng vụ không nên là “chiến trường” cho “các vấn đề lỗi thời”.

“Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng đời sống phụng vụ, và việc nghiên cứu nó, nên dẫn đến sự hiệp nhất trong Giáo hội lớn hơn, chứ không phải sự chia rẽ. Khi đời sống phụng vụ giống như một biểu ngữ của sự chia rẽ, thì ở đó có mùi hôi thối của ma quỷ, kẻ lừa dối,” Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lập trường trên tại Vatican vào ngày 7 tháng Năm.

“Không thể thờ phượng Thiên Chúa trong khi biến phụng vụ trở thành chiến trường cho những vấn đề không thiết yếu, thực sự là những vấn đề lỗi thời, và việc quyết định đứng về phía nào bắt đầu từ phụng vụ, với những ý thức hệ gây chia rẽ Giáo hội.”

Phát biểu tại một buổi tiếp kiến với Học viện Tòa Thánh về Phụng vụ trong điện Tông Tòa, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài tin rằng “mọi cuộc cải cách đều tạo ra sự phản kháng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại những cải cách do Đức Giáo Hoàng Piô XII thực hiện khi ngài còn nhỏ, đặc biệt khi Đức Piô XII giảm yêu cầu nhịn ăn trước khi rước lễ và giới thiệu lại Lễ Vọng Phục Sinh.

“Tất cả những điều này đã gây bất mãn cho những người có đầu óc hẹp hòi. Nó cũng xảy ra ngày hôm nay”

“Thật vậy, những người có đầu óc hẹp hòi như vậy sử dụng các khuôn khổ phụng vụ để bảo vệ quan điểm của họ. Sử dụng phụng vụ: đây là cảnh mà chúng ta đang trải qua trong các nhóm giáo hội đang xa rời Giáo hội, chất vấn Công đồng, thẩm quyền của các giám mục… nhằm bảo tồn truyền thống. Và phụng vụ được dùng cho việc đó”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với Học viện Tòa Thánh về Phụng vụ, một học viện ở Rôma mà trường phái phụng vụ đã có ảnh hưởng ngày càng tăng trong các quy tắc phụng vụ đến từ Vatican.

Vị tổng Thư ký và phụ tá của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đều xuất thân từ học viện này, được thành lập vào năm 1961 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII như một phần của Đại Học Giáo hoàng Thánh Anselmo.

Andrea Grillo, một trong những giáo sư thần học nổi bật nhất tại Đại Học Giáo hoàng Thánh Anselmo, đã là người bảo vệ mạnh mẽ cho Tự Sắc Traditionis Custodes do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào năm 2021, hạn chế các Thánh lễ được cử hành theo hình thức đặc biệt của Nghi thức Rôma.

Trong lời phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Phanxicô cảnh báo thêm về “sự cám dỗ của chủ nghĩa hình thức phụng vụ”, điều mà ngài nói có thể thấy ngày nay “trong những phong trào cố gắng lùi lại một chút và phủ nhận chính Công đồng Vatican II.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bài phát biểu trên xe lăn. Vị giáo hoàng 85 tuổi đã ra mắt công chúng trên xe lăn kể từ ngày 5 tháng 5 do bị rách dây chằng ở đầu gối phải.


Source:Catholic News Agency
 
Kirill cảm thấy cay đắng với danh xưng mới: cậu bé giúp lễ cho Putin
Đặng Tự Do
16:18 09/05/2022


Giáo Hội Chính thống Nga đã mạnh mẽ chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô vào hôm thứ Tư 4/5 vì điều họ cho là đã sử dụng giọng điệu sai trái sau khi ngài thúc giục Thượng phụ Kirill đừng trở thành “cậu bé giúp lễ cho Putin”, cảnh báo với Vatican rằng những nhận xét như vậy sẽ làm tổn hại đến cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với tờ Corriere Della Sera của Ý rằng Kirill, người đã ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đừng “trở thành cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Giáo Hội Chính thống Nga cho biết thật đáng tiếc là một tháng rưỡi sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Kirill, giáo chủ của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga, nói chuyện trực tiếp, Đức Giáo Hoàng đã thuật lại với một giọng điệu như vậy.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để truyền đạt nội dung của cuộc trò chuyện này,” Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết.

“Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại”.

Khi phát biểu với tờ báo Ý Corriere della Sera vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi đã nói chuyện với Kirill trong 40 phút qua Zoom. 20 phút đầu tiên ông ta cầm một lá sớ trên tay, ông ấy đã đọc cho tôi tất cả các lý do biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói với ỏ ta: Tôi không hiểu gì về việc này. Anh à, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.” Sau đó, ngài khuyên Thượng Phụ Kirill đừng là “cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Các bình luận của người Nga trên các mạng xã hội đã tỏ ra bất bình mạnh mẽ với cụm từ “cậu bé giúp lễ cho Putin”. Họ cho rằng cụm từ này gợi ý rằng Putin là “chủ tế”, là người lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, chứ không phải là Thượng Phụ Kirill. Một nhận xét như thế xúc phạm đến toàn bộ Chính Thống Giáo Nga, chứ không chỉ cá nhân ngài Kirill.

Kirill, 75 tuổi, một đồng minh thân cận của ông Putin, coi cuộc chiến như một bức tường thành chống lại một phương Tây mà ông coi là suy đồi, đặc biệt là về việc chấp nhận đồng tính.

Cho đến nay, Giáo Hội Chính thống Nga là Giáo Hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương, tách biệt với Kitô giáo Tây phương trong Đại Ly Giáo năm 1054. Ngày nay, Chính Thống Giáo Nga có khoảng 300 triệu tín hữu, riêng ở Nga có 100 triệu.

Ukraine có khoảng 30 triệu tín hữu Chính thống giáo, bao gồm Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Chính Thống Giáo Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ với Putin ở Mạc Tư Khoa để bàn về cuộc chiến Ukraine nhưng Điện Cẩm Linh đã chính thức bác bỏ đề nghị này trong bối cảnh một tâm tình bài Vatican sau nhận xét “cậu bé giúp lễ cho Putin” của Đức Giáo Hoàng.

Quan điểm của Nga và phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine rất khác nhau.

Mạc Tư Khoa gọi các hành động của mình là một “cuộc hành quân đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ Ukraine khỏi chủ nghĩa phát xít. Kyiv và những người ủng hộ ở phương Tây cho rằng tuyên bố Ukraine theo chủ nghĩa phát xít là vô lý và nói rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh vô cớ nhằm đe dọa sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia dân chủ, có chủ quyền.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dẫn lời Kirill nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 16 tháng 3 rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã không đưa tin chính xác về tình hình ở Ukraine. Đó là một lời phàn nàn thường xuyên của Nga.

Theo Kirill, xung đột ở Ukraine bắt đầu từ năm 2014 khi các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống thân Nga. Kirill nói đã có các cuộc đàn áp những người nói tiếng Nga ở thành phố cảng Odessa của Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận rằng không có bất kỳ cuộc đàn áp nào như vậy.

Kirill đôi khi cũng bày tỏ sự đau buồn về cuộc xung đột.

“Tất nhiên, tình huống này gắn liền với nỗi đau lớn đối với tôi. Đàn chiên của tôi ở cả hai phe đối đầu, họ hầu hết là những người Chính thống giáo.”

Tuy nhiên, trong một cử chỉ hết sức báng bổ đối với Đức Mẹ, Kirill đã trao một bức ảnh Đức Maria cho một tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho quân xâm lược Nga mau sớm giành được chiến thắng.
Source:Reuters
 
Đức Tổng Giám Mục Pezzi của Moscow kêu gọi để ngỏ cánh cửa đối thoại để người kia không bao giờ là kẻ thù của chúng ta
Đặng Tự Do
16:20 09/05/2022


Trong bối cảnh đang có những căng thẳng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga, sau khi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phản ứng trước một cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô với tờ báo Ý Corriere della Sera được công bố hôm 3 tháng 5. Trong cuộc phỏng vấn đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài khuyên Thượng Phụ Kirill đừng là “chú bé giúp lễ của Putin.”

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã rất tức giận đối với cụm từ “chú bé giúp lễ của Putin”, và bày tỏ nhiều nghi ngờ đối với động cơ của Đức Thánh Cha.

Đáp lại Đức Tổng Giám Mục Pezzi kêu gọi để ngỏ cánh cửa đối thoại để người kia không bao giờ là kẻ thù của chúng ta.

“Tôi nghĩ rằng những hy vọng đối thoại này là có cơ sở. Tôi cho rằng sự ngờ vực đó càng không có cơ sở.” Đây là những gì Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Công Giáo của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Fides.

Ngài đưa ra một số suy tư về sự cần thiết phải luôn mở cửa đối thoại, thể hiện qua những nỗ lực ngoại giao khác nhau của Vatican trong thời điểm hiện tại, là một hoàn cảnh đầy khó khăn.

Đối mặt với sự ngờ vực thường xuyên xảy ra trong các cuộc tranh luận hiện nay ở phương Tây về khả năng giải quyết xung đột qua thương lượng và đối thoại với chính phủ Nga, ngài nói: “Tôi tin rằng hy vọng của chúng tôi, nhưng có lẽ cũng là hy vọng của Đức Giáo Hoàng, dựa trên cơ sở cụ thể là người kia không bao giờ là kẻ thù: anh ta là 'người khác', 'không phải chúng ta', khác biệt và có lẽ cũng có những quan điểm hiện sinh khác nhau, nhưng anh ta vẫn là con của Chúa, một con người, một sinh vật được tạo dựng, là người đáng tìm kiếm đối thoại để giải quyết vấn đề”.

Giống như tất cả các cộng đồng trên thế giới, người Công Giáo ở Nga đã chờ đợi sự kết thúc của cuộc xung đột kể từ tháng Hai, tổ chức nhiều thời điểm cầu nguyện cho hòa bình, thời điểm phổ biến nhất là lễ thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Pezzi, nhấn mạnh sự cần thiết của một nền hòa bình lâu dài, không sống trong một kỳ vọng giới hạn trong lĩnh vực chính trị: “Cá nhân tôi sống những ngày này chính xác trong mong đợi, nhưng tôi phải thành thật nói rằng chúng tôi không sống quá nhiều trong kỳ vọng rằng tình hình quốc tế sẽ được cải thiện, nhưng với kỳ vọng tràn trề hy vọng có thể bắt đầu đối thoại và có thể đạt được hòa bình, qua một thỏa thuận lâu dài. Vì lý do này, tôi tin rằng “không thể tránh khỏi những gì chúng ta đã suy niệm trong Tuần Thánh, đó là chúng ta phải nhận ra sự bình an mà Chúa Kitô ban cho. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một nền hòa bình lâu dài”.
Source:Fides
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Sự man rợ của chiến tranh nên truyền cảm hứng cho sự hợp nhất mới của các Kitô hữu
Đặng Tự Do
16:21 09/05/2022


Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng “sự dã man của chiến tranh” nên truyền cảm hứng cho một sự thúc đẩy mới cho sự thống nhất của các Kitô hữu.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra bình luận trong một bài phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 6 tháng 5, ngày thứ 72 của cuộc chiến Nga-Ukraine.

Xung đột giữa hai quốc gia chủ yếu là Chính thống giáo đã thử thách mối quan hệ giữa Vatican và Giáo Hội Chính thống Nga, cũng như giữa các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các cộng đồng Kitô giáo cần phải nhận ra rằng họ đang trong hành trình đức tin cùng với các thành viên của các hệ phái Kitô khác.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng khi một cộng đồng cố gắng thực hiện mọi thứ một mình, nó có nguy cơ “tự cung tự cấp và tự tham chiếu, là những trở ngại nghiêm trọng đối với phong trào đại kết”.

“Và chúng ta đã thấy điều đó. Ở một số quốc gia, có một số cuộc phục hưng vị kỷ nhất định - có thể nói như vậy – trong đó một số cộng đồng Kitô giáo đang quay lưng lại và không thể tiến lên. Hôm nay, hoặc chúng ta cùng nhau tiến bước hoặc chúng ta không thể tiến lên. Nhận thức này là một chân lý và là một ân sủng của Chúa”.

Đức Giáo Hoàng đang phải sử dụng xe lăn do tình trạng đau đầu gối, nhớ lại rằng ngài thường mô tả các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 là “một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III từng phần”.

“Tuy nhiên, cuộc chiến này, tàn khốc và vô nghĩa như bất kỳ cuộc chiến nào, có tầm vóc lớn hơn và đe dọa toàn thế giới, và không thể không thử thách lương tâm của mọi Kitô hữu và mọi Giáo hội”.

Trích dẫn thông điệp Fratelli tutti năm 2020 của mình, Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Chúng ta phải tự hỏi mình: các Giáo hội đã làm gì và họ có thể làm gì để đóng góp vào 'sự phát triển của một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên thực hành của tình bạn xã hội trên một phần của các dân tộc và quốc gia'? Đó là một câu hỏi mà chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ “.

Đức Giáo Hoàng cho rằng những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa các Kitô hữu trong thế kỷ 20 được thúc đẩy một phần bởi nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới.

Ngài nhận xét rằng: “Ngày nay, trước sự tàn khốc của chiến tranh, niềm khao khát thống nhất này phải được nuôi dưỡng một lần nữa.

“Bỏ qua sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, dù vì thói quen hay vì cam chịu, là chấp nhận sự ô nhiễm của trái tim tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cuộc xung đột.”

“Việc công bố phúc âm hòa bình, phúc âm giải trừ quân bị, sẽ chỉ đáng tin hơn nếu các Kitô hữu công bố cuối cùng được hòa giải trong Chúa Giêsu, Hoàng tử của Hòa bình.”

Các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô hữu đã có mặt tại Rôma để tham dự cuộc họp toàn thể từ ngày 3 đến 6 tháng 5 với chủ đề ‘Hướng tới Lễ kỷ niệm Đại kết 1.700 năm sau Công Đồng Nicê thứ nhất 325-2025.”

Trong số các diễn giả có Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Ngài đã phát biểu từ xa với các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể về tình hình đại kết ở Ukraine trong bối cảnh chiến tranh.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng các thành viên của hội đồng giáo hoàng đã đưa ra một “đóng góp có giá trị” bằng cách phản ánh cách tổ chức lễ kỷ niệm Công đồng Nicê đầu tiên “theo cách thức đại kết” vào năm 2025.

Công Đồng, được tổ chức vào năm 325 sau Công nguyên, được hoàng đế Constantine kêu gọi để đối đầu với tà giáo Arian, vốn phủ nhận thần tính của Chúa Kitô. Công Đồng đã diễn ra kinh tin kính Nicê, vẫn được Chính thống giáo, Anh giáo và các giáo phái Tin lành khác chấp nhận.

Đức Thánh Cha nói: “Bất chấp những sự kiện rắc rối trong quá trình chuẩn bị và đặc biệt là thời gian dài tiếp nhận sau đó, công đồng đại kết đầu tiên là một sự kiện hòa giải cho Giáo hội, một công đồng tái xác nhận sự hiệp nhất của mình xung quanh việc tuyên xưng đức tin”.

“Phong cách và các quyết định của Công đồng Nicê phải khai sáng cuộc hành trình đại kết hiện tại và dẫn đến những bước cụ thể mới hướng tới mục tiêu khôi phục hoàn toàn sự hiệp nhất của các Kitô hữu.”

“Vì kỷ niệm 1.700 năm của Công đồng Nicê lần thứ nhất trùng với Năm Thánh, tôi hy vọng rằng việc cử hành Năm Thánh sẽ có một chiều kích đại kết đáng kể.”

Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, do Hồng Y Kurt Koch người Thụy Sĩ lãnh đạo, được thành lập từ năm 1960, khi Đức Giáo Hoàng Gioan 23 thành lập Ủy ban Cổ vũ Hiệp nhất Kitô”. Danh xưng hiện tại, Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra vào năm 1988.

Hội đồng giáo hoàng - tọa lạc trên Via della Conciliazione, con đường dẫn từ quảng trường Thánh Phêrô đến Lâu Đài Thiên Thần - sẽ được đổi tên thành Bộ Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo khi tông hiến mới của Vatican có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6.
Source:Catholic News Agency
 
Những Câu Truyện Từ Vatican 3
Vũ Văn An
22:56 09/05/2022

Laudato si’ vang vọng khắp các thung lũng Sardinia



Những Câu Truyện từ Vatican kỳ này được Cecilia Seppia tường thuật về tác động của Thông điệp môi sinh Laudato Si’ đối với các thung lũng vùng Sardinia của Ý.

Bảo vệ môi trường, tình liên đới và viễn kiến cho tương lai là trọng tâm của một dự án được hình thành giữa núi đồi Sardinia, trong khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất ở Ý của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới. Tại sao chúng tôi quyết định kể câu truyện về nơi này? Bởi vì nó đại diện cho một trong những trường hợp trong đó con người được biến đổi từ kẻ thù của thiên nhiên thành kẻ bảo vệ nó, tạo ra công ăn việc làm và cơ hội tái hòa nhập của những người dễ bị tổn thương.

Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, các vị thành niên bị lạm dụng, thanh niên khuyết tật, tù nhân, người tị nạn và những người phải di tản là các nhân vật chủ đạo của câu truyện này, trong khung cảnh của khu bảo tồn Động vật Hoang dã lớn nhất của Ý tọa lạc trên Núi Arcosu, ở trung tâm công viên tự nhiên Gutturu Mannu, cách thành phố Cagliari 20 km. Bốn nghìn mẫu tây vẻ đẹp không bị ô nhiễm, nơi những người nghèo, những người dễ bị tổn thương, những người bé nhỏ nhất theo nghĩa Tin Mừng, không những tìm được một "ngôi nhà" mà còn sống đắm mình trong đó, được bảo bọc trong tà áo trắng của mặt trăng, tà áo mà ở Sardinia, không ai biết tại sao, dường như vuốt ve cảnh quan giữa những con hươu, nai sừng tấm, heo rừng, các loài chim quý hiếm và hàng ngàn loài động vật và thực vật khác.

Từ Thung lũng Silicon đến những ngọn núi Sardinia

Người cho chúng ta biết thêm về dự án “Oasis of the Deer and Moon” [Ốc đảo của Hươu và Mặt trăng], đứa con tinh thần của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới và Domus de Luna [Nhà Mặt trăng], là Chủ tịch của Quỹ, Ugo Bressanello, một nhà quản lý viễn thông thành công, người đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đã quyết định từ bỏ mọi sự để cống hiến hết mình cho những người trẻ đang gặp khó khăn. Anh cho biết, điều khiến anh nhấn nút “khởi đầu lại” và rời bỏ công việc thoải mái với tư cách là Giám đốc Truyền thông tại Tiscali, là cuộc gặp gỡ đầy yêu thương của anh với đứa con nuôi đó, “mà cái nhìn thoáng qua đã khiến tôi hiểu rằng có một vũ trụ hoàn toàn mới để khám phá, tôi muốn trở nên hữu ích ở nơi khác và tôi có thể sử dụng tiền một cách khác để tạo cơ hội cho những người không còn cha còn mẹ”. Và vì vậy, tại Sardinia, nơi trước đây anh đã chuyển tới từ Thung lũng Silicon để làm việc, và cùng với vợ Petra và những đứa trẻ khác, anh bắt đầu mở những mái ấm cho trẻ em bị bỏ rơi, ngay khi chính phủ đóng cửa các trại mồ côi ở Ý. Từ bỏ bộ vest và cà vạt, Bressanello bỏ việc nói về các chiến lược tiếp thị và kế hoạch phát triển để xử lý thức ăn trẻ em, bình sữa và tã lót. Anh nói tiếp, "Khởi đầu tôi chỉ nghĩ đến việc lấy một năm nghỉ phép, và cống hiến hết mình cho thế giới này – nhưng sau đó tôi thấy thích nó, bởi vì nhìn thấy những khuôn mặt biến đổi từ buồn sang vui, làm bạn vui lây, mang lại cho bạn nhiều điều hơn những gì bạn cho đi, và gần hai mươi năm nay, đây là cuộc sống của tôi”.

Trong khoảng thời gian đó, cũng tận dụng các kỹ năng quản lý của mình, Bressanello đã cố gắng bảo đảm sự tiếp đón và chăm sóc cho trẻ em dưới ba tuổi và các bà mẹ tương lai hoặc phụ nữ có con mới sinh lâm các hoàn cảnh như ghiền ma túy, mãi dâm, bạo lực và nghèo đói. Sau đó, anh lưu ý đến các vị thành niên bị bỏ rơi vì gia đình có vấn đề; đến các cha mẹ của những đứa trẻ bị buộc phải nằm viện dài ngày ở nơi xa nhà; đến những đứa trẻ mắc bệnh tâm thần. Nhưng “tình liên đới đa quốc gia” của anh không dừng lại ở việc xây dựng những căn nhà này. Domus de Luna, thông qua Locanda dei Buoni e Cattivi (Quán trọ của Người Tốt và Người Hư), một biệt thự-nhà hàng ở thủ phủ Sardinia, cung cấp khả năng tái hòa nhập xã hội và thị trường việc làm cho những người trẻ tuổi, những bà mẹ được thả ra khỏi cộng đồng và những người được Trung tâm Tư pháp Vị thành niên chỉ định; nó đã thành lập Exmè, một nơi biểu tượng, một phương thức thay thế cho văn hóa đường phố. Vốn là một khu chợ dân sinh bị bỏ hoang ở một trong những khu phố xuống cấp nhất ở ngoại ô Cagliari thường xuyên được những kẻ buôn bán ma túy lui tới và là nơi diễn ra các cuộc cá cược và đá động vật bất hợp pháp, giờ đây những người trẻ tuổi có thể tụ tập để thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật và thể thao như một phương tiện phát biểu các khả thể giáo dục: là một phản ứng trước hiện tượng học sinh bỏ học tràn lan. Một cách cụ thể, từ khi bắt đầu đại dịch Covid, Domus de Luna đã giúp đỡ 5 nghìn gia đình gặp khó khăn, tặng túi thức ăn cho những người bị mất việc làm. Và chúng ta đang ở đây, vào năm 2019 tại Ốc đảo của Hươu và Mặt trăng.

Du khách cuốc bộ dọc những đường mòn vừa được dọn dẹp


Khu Bảo Tồn

Vào thập niên 1980, đây là một khu bảo tồn tư nhân, nơi hoạt động săn trộm và săn bắn hươu Sardinia, đe dọa sự tuyệt chủng của những loài vật này. Nhờ một chiến dịch gây quỹ lớn, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã có thể mua phần lớn khu vực này, cống hiến cho việc bảo vệ lãnh thổ, bắt đầu bằng việc lưu trữ vài chục mẫu động vật sau đó lên đến hơn 1,500 mẫu động vật, với những can thiệp quan trọng để bảo vệ môi trường sống cho chúng. Khu vực địa lý ở đây có hình thái không đồng đều lắm: nó được đặc trưng bởi các thung lũng dài, trong đó các dòng suối mãnh liệt chẩy xiết tạo ra nhiều hồ nước, nhưng khả năng của chúng bị giảm mạnh vào mùa hè. Hệ động vật hiện tại đang rất được quan tâm, trong khi theo quan điểm hệ thực vật, khu bảo tồn là cơ sở của một khu rừng Địa Trung Hải rộng lớn nổi bật nhờ cây sồi và cây bần và cây cối rậm rạp phong phú. Tuy nhiên, các nỗ lực to lớn của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã bị cuốn trôi trong chốc lát bởi trận lũ lụt đặc biệt năm 2018, một trận lũ lụt, ngoài việc gây ra chết chóc và thiệt hại cho nhiều nơi trong khu vực, đã phá hủy khu bảo tồn, xóa sổ tất cả các con đường và tàn phá thảm thực vật. Trước sự tàn phá này, một vài năm sau khi cơn bão Cleopatra dữ dội đi qua hòn đảo, một loại 'phép lạ' đã xảy ra. Nhân loại, trong số những thủ phạm chính của sự tàn phá môi trường một cách có hệ thống, kẻ bạo chúa chuyên gieo rắc cái chết, thay vào đó đã trở thành bác sĩ chữa bệnh. Thực thế, chính tại đây, sự hợp tác với Domus de Luna và Trung tâm Tư pháp Vị thành niên Cagliari đã được hình thành. Nhờ dự án này, các tù nhân trẻ tuổi của Nhà tù Uta và những người khác đang bị quản chế, được tham gia vào việc duy trì di sản thiên nhiên và bảo vệ tính đa dạng sinh học, với sự trợ giúp của kỹ thuật để bảo vệ và ngăn ngừa hỏa hoạn và lũ lụt mới, cũng như sự phát động các cơ cấu và hệ thống mới nhằm tiết kiệm năng lượng, được thiết kế để giảm thiểu tác động môi trường xuống mức số không.

Một con hươu đực trong loài hươu địa phương từng bị đe dọa diệt chủng


Vẻ đẹp của sự hội nhập

Nhưng không chỉ có thế. Bressanello giải thích: “Khoảng 80 thanh niên đến làm việc ở đây, chào đón và chăm sóc các du khách đến thăm. Họ được sử dụng tại các khu vực giải khát, nơi họ cung cấp thực phẩm truyền thống và rượu nho đặc trưng của Sardinia để cung ứng cho khách vãng lai một cuộc hành trình qua vùng đất của chúng tôi và cả qua vị giác nữa, nhưng họ cũng cống hiến cho nông nghiệp xã hội bằng cách thu hoạch và chế biến cây thuốc, sản xuất mật ong... Đó là một dự án kết hợp ba chữ: môi trường, dấn thân xã hội và tương lai, với mục đích mang lại việc làm và cứu vớt những người có những câu chuyện rất khác và đây có lẽ chính là điều đặc trưng cho dự án của chúng tôi: chúng tôi hoan nghênh các phụ nữ nạn nhân của bạo lực, thanh niên khuyết tật, hội chứng down hoặc tự kỷ, thanh niên có hoàn cảnh phạm tội, ghiền ma túy. Những người có những câu chuyện khác nhau để ngay ở 'thiên đường trần gian' này tìm được cơ hội làm việc với nhau, học các ngành nghề mới, thưởng thức khung cảnh tuyệt vời."

Các bữa ăn do các tù nhân trẻ và những người dễ bị tổn thương chuẩn bị là một trong các dịch vụ được Oasis cung cấp


Bressanello nói tiếp, “Sự gần gũi này, sự hòa nhập này tạo ra những trải nghiệm rất tích cực: người ta làm giàu cho nhau; họ học cách yêu thương nhau, họ thấy hy vọng sống dậy từ đống gạch vụn. Ban đầu, chỉ có những nam tù nhân đến với chúng tôi, và Oasis có vẻ giống một 'trại lính', với ngôn ngữ và cách cư xử không được lịch sự hay tinh tế; sau đó, với sự xuất hiện của phụ nữ và người khuyết tật, đã có một bước ngoặt. Một bầu khí thân quen, thanh tĩnh được tạo ra, đầy hiểu biết và tôn trọng, và đó là lý do tại sao chúng tôi tiến tới việc hòa lẫn mọi sự. Ở đây, các mối liên hệ sâu sắc được tạo ra và môi trường, thiên nhiên là căn bản; đó là chất keo dính! Đối với những người bạn tù, những người mà chúng tôi đón tiếp mỗi sáng bằng một chiếc xe buýt nhỏ, điều đó còn hơn thế nữa. Họ sống cả ngày trong nhà tù, bị bao bọc bởi bốn bức tường và hàng nghìn song sắt; rồi, khi đến lượt họ, họ đến đây và thấy mình đắm chìm trong khu vực vô tận và tươi đẹp này, nơi cung cấp cho họ một nơi nương náu khác, một ngôi nhà, nhưng ở bên ngoài giữa không khí thoáng mát, nơi họ có thể nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng nai kêu, gió thổi vào mặt. Trong những năm này, không ai trong số họ tạo vấn đề cho chúng tôi!" Domus de Luna cũng cung cấp các giảng khóa lý thuyết phù hợp với người nghe nhờ một nhóm các nhà giáo dục và nhà tâm lý học chuyên môn, những người đã kết hợp vào các bài trình bầy của họ các vấn đề và chủ đề về môi trường như lớn lên, lựa chọn cuộc sống, và khám phá những đam mê và tài năng mới.

Công cuộc bảo trì và phục hồi tại Oasis


Các chủ đề của Laudato si’

Bressanello nói đùa, “Tôi đã cộng tác với một số linh mục trong đời, trước hết và trên hết là với Don Mazzi, nhưng tôi không phải là người hiểu rõ về giáo lý, tuy thế tôi đã tận mắt chứng kiến những điều phi thường có thể xuất hiện từ cuộc gặp gỡ giữa thiên nhiên bị tổn thương và con người bị thử thách không kém. Có một tia sáng của sự sống mới được chủ thể này trao cho chủ thể kia, môi trường trao cho con người, và rồi trong sự thẩm thấu này, tôi nhận ra con đường dẫn đến Sự Thiện bằng một chữ 'T' viết hoa. Phần lớn những gì chúng tôi làm ở đây tại Oasis này đều được chứa đựng và nói đến trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đó không những là hệ sinh thái toàn diện. Đó còn là công lý, tình liên đới, lòng bác ái theo nghĩa đầy đủ nhất, mong muốn chăm lo cho di sản chung này bằng cách chống lại chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan, với những lựa chọn được đánh dấu bằng tinh thần liên đới, với việc đầu tư vào những điều sẽ tồn tại và điều đúng đắn là chúng vẫn còn nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau. Vượt quá luận lý học thỏa mãn tức khắc và hy sinh cho môi trường, vì biết rằng những người khác cũng hưởng được nó. Chúng tôi không cất cao giọng, ngược lại! Chúng tôi đã quen với tính kỳ diệu của sự im lặng ở đây, nhưng có lẽ thông qua dự án này, chúng tôi cũng có thể phát động lời kêu gọi để các chính trị gia đưa ra các lựa chọn có trách nhiệm theo hướng đó."

Những hồ nước như gương làm đẹp các thung lũng ở Oasis


Nước mắt biết ơn

Bressanello có hàng triệu câu chuyện để kể, nhưng có một giai thoại được anh tâm sự với chúng tôi. "Trong suốt những năm qua, tôi đã chứng kiến rất nhiều tình tiết đáng nhớ, đem lại cho tôi sức mạnh để tiếp tục đi trên con đường này. Có một người đàn ông trẻ tuổi, một tù nhân, đã đến Oasis từ rất lâu rồi. Anh ta không nói nhiều; anh ta khá nhút nhát. Với kỹ năng chế biến gỗ của anh ấy, lúc đầu, chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ để anh ấy khôi phục lại một khu vực bao vây bị hư hại bởi lũ lụt. Anh ấy bước vào, lấy dụng cụ của mình, bắt đầu cạo và liên tục lau mắt. Tôi nghĩ chắc do mùn cưa và tôi cũng lo lắng mùn cưa này sẽ làm tổn thương anh ấy, nhưng không phải, đó là những giọt nước mắt biết ơn: anh ấy cảm thấy mình có ích, anh ấy cảm thấy mình tự do. Và có một thanh niên khác, người vừa qua đời cách nay không lâu do một khối u, sau rất nhiều đau đớn và bồn chồn, nhiều năm ở trong và ngoài nhà tù, một cộng đồng cải huấn: ở đây anh đã tìm thấy bình yên và ngay trước khi chết - anh ấy gần như không thể đứng dậy - nhưng anh ấy vẫn đến làm việc: anh ấy kể cho người khác nghe về vẻ đẹp của nơi này, niềm vui khi có cơ hội này, và có lẽ cả điều này nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ nói đều là Laudato si'."

Tái thiết một trong các cấu trúc bị trận lụt năm 2018 làm hư hại
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Thánh Tâm Huế Với Tinh Dầu Tràm Huế
Minh Phương
08:49 09/05/2022
Dòng Thánh Tâm Huế Với Tinh Dầu Tràm Huế

Thao thức với những khó khăn của người nông dân vùng Thủy Yên, Thủy Cam thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là vùng quê nghèo có một nghề nấu Dầu Tràm truyền thống lâu đời, nhưng đến nay không còn hiệu quả do chất lượng kém và không có nơi tiêu thụ sản phẩm. Dòng Thánh Tâm Huế bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu thổ nhưỡng và cây giống để sản xuất Tinh Dầu Tràm cao cấp. Vùng đất Lộc Thủy-Phú Lộc hấp thu được tinh hoa của đất trời: Gió từ biển Đông vào cộng với nguồn nước suối từ núi Bạch Mã về tạo cho tinh dầu của cây Tràm có một lượng tinh dầu chất lượng cao.

Xem Hình

Phóng viên theo chân linh mục Phero Nguyễn Thái Công, người chịu trách nhiệm trong việc đầu tư sản xuất. Cùng đi có linh mục Giuse Phan Tấn Hồ, linh mục Anton Nguyễn Văn Đức. Về vùng đất thuộc hai giáo xứ Thủy Yên và Thủy Cam, thăm vườn ươm cây giống chuyên cung cấp cho các nhà vườn.

Hiện nay cây giống có hai loại: một loại là giống cây tràm bản địa có từ lâu đời và một loại được nhập giống từ Australia. Linh mục Phero Nguyễn Thái Công giao cho anh Cao Bá Tuấn chăm sóc vườn ươm cây giống để cung cấp cho người nông dân không phân biệt lương giáo trồng trên 150 hecta, mỗi năm thu hoạch 2 vụ. Ước tính mỗi hecta thu hoạch hàng năm chừng gần 20 tấn, nếu so với nông nghiệp thì thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Từ đó đời sống của người nông dân trở nên khá hơn trước.

Chúng tôi đi thăm những vườn Tràm mà nông dân đang canh tác và thu hoạch để thấy được thành quả mà họ hết sức phấn khởi thu hoạch.

Khu lò nấu với mỗi chiếc nồi bằng Inox dày, mỗi nồi có thể nấu được từ 300 đến 500kg tràm. Nếu cây tràm được thu hoạch về mùa nắng thì cứ chừng 300kg cho ra 1 lít tinh dầu tràm cao cấp. Vào mùa mưa thì phải 400-500kg mới có thể cho ra 1 lít tinh dầu tràm. Mỗi lít Tinh dầu Tràm cao cấp có giá trị từ 1.8-2 triệu đồng, sản phẩm được đăng ký thương hiệu và chất lượng. Tuy nhiên, mục tiêu của Dòng Thánh Tâm Huế là tạo công việc và thu nhập cho người nông dân, không phân biệt lương giáo. Đồng thời cũng là bảo tồn một nghề truyền thống không bị mai một, lưu lại một loại tinh dầu giá trị mà từ xa xưa ông cha đã sử dụng để chữa trị các chứng bệnh cảm cúm, đặc biệt cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.

Cũng chính tinh dầu tràm này đã giúp cho nhiều người vượt qua được đợt dịch Covid khủng khiếp vừa qua.

Minh Phương
 
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno California rước kiệu Kính Đức Mẹ
Magarita Nguyễn Phương Lan
09:01 09/05/2022
Cùng hòa chung niềm vui của toàn thể Giáo Hội bước vào tháng năm, tháng hoa kính Đức Mẹ. Chiều Chúa Nhật IV Phục Sinh, ngày 08/5/2022 Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang tại Fresno California đã long trọng tổ chức buổi rước kiệu Kính Đức Mẹ xung quanh khuôn viên Nhà Thờ trong lời ca tiếng hát và lần chuỗi tôn vinh Mẹ để Mẹ nâng đỡ, ủi an và gìn giữ Giáo Xứ trong bình an.

Xem Hình

Tháng hoa năm nay khác với những năm trước bởi những tác hại của dịch bệnh Covid-19. Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Fresno cũng không làm gì to lớn ngoài việc cùng nhau sốt sắng lần chuỗi tôn vinh Mẹ, dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng thánh thiện, những gương sáng, những việc lành, những nghĩa cử bác ái với tha nhân trong đời sống thường ngày và cũng không quên xin Mẹ dâng lên Chúa các linh hồn đã qua đời trong đại dịch này.

Hôm nay cũng là ngày lễ Hiền Mẫu (Mother’s Day), các em thiếu nhi đã nói lên lời tri ân cảm tạ ghi ơn đến các bà Mẹ hôm nay. Kế tiếp là những đó hoa tươi kèm theo lời nói “I Love You Mom”, đến từng người Mẹ của mình. Và cuối cùng, cộng đoàn và các em thiếu nhi cũng không quên thắp một nén hương để tưởng nhớ đến những người Mẹ đã khuất của mình.

Magarita Nguyễn Phương Lan
 
Tham luận: Giới trẻ - Đức Tin và Cuộc Sống
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:21 09/05/2022
 
VietCatholic TV
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐGH bày tỏ nỗi buồn: Nga bỏ bom vào trường học nơi 600 người ẩn náu
VietCatholic Media
02:41 09/05/2022

Chúa Nhật 8 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta mối liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng:

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng cho Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về mối dây liên kết hiện hữu giữa Chúa và mỗi người chúng ta (x. Ga 10:27-30). Khi đề cập đến mối liên kết này, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh dịu dàng, một hình ảnh đẹp về người mục tử ở lại với bầy chiên. Và Ngài giải thích điều đó bằng ba động từ: Chúa Giêsu nói “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (câu 27). Ba động từ: nghe, biết, theo. Chúng ta hãy xem xét ba động từ này.

Trước hết, bầy chiên nghe tiếng mục tử. Sáng kiến luôn đến từ Chúa. Mọi sự đều xuất phát từ ân sủng của Người: chính Người kêu gọi chúng ta hiệp thông với Người. Nhưng sự hiệp thông này chỉ có được nếu chúng ta biết mở lòng để lắng nghe. Nếu chúng ta điếc lác, Ngài không thể ban cho chúng ta sự hiệp thông này. Hãy mở lòng để lắng nghe, bởi vì lắng nghe bao hàm sự sẵn sàng, nó bao hàm sự ngoan ngoãn, nó bao hàm thời gian dành riêng cho đối thoại. Ngày nay, chúng ta đang ngập trong những ngôn từ và sự cấp bách phải luôn có điều gì đó để nói hoặc làm. Quá thường là khi hai người đang nói chuyện với nhau, thì một người không đợi người kia nói hết suy nghĩ, đã cắt ngang câu nói của người ấy, và trả lời…. Nhưng nếu chúng ta không cho phép người khác nói, thì sẽ không có sự lắng nghe. Đây là một căn bệnh của thời đại chúng ta. Ngày nay, chúng ta đang ngập trong những ngôn từ, bởi sự cấp bách phải luôn có điều gì đó để nói hoặc làm. Chúng ta sợ sự im lặng. Lắng nghe nhau mới khó làm sao! Hãy lắng nghe cho đến cùng, để người kia thể hiện mình, lắng nghe trong gia đình của chúng ta, lắng nghe ở trường học, lắng nghe ở nơi làm việc, và thậm chí trong Giáo hội! Nhưng trước hết cần phải lắng nghe Chúa, Đấng là Lời của Chúa Cha, và Kitô hữu là một đứa trẻ biết lắng nghe, được kêu gọi để sống với Lời Chúa. Ngày nay, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có phải là những đứa trẻ đang lắng nghe không, có dành thời gian cho Lời Chúa không, có dành không gian và sự chú ý cho anh chị em của mình không, có biết lắng nghe cho đến khi người kia nói xong, không cắt ngang điều gì người khác đang nói. Những ai lắng nghe người khác cũng biết cách lắng nghe Chúa, và ngược lại. Và họ cảm nghiệm được một điều rất đẹp, đó là chính Chúa lắng nghe - Ngài lắng nghe chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Ngài, khi chúng ta tâm sự với Ngài, khi chúng ta kêu cầu Ngài.

Do đó, lắng nghe Chúa Giêsu trở thành cách để chúng ta khám phá ra rằng Ngài biết chúng ta. Đây là động từ thứ hai liên quan đến người mục tử tốt lành. Người ấy biết những con chiên của mình. Nhưng điều này không chỉ có nghĩa là Ngài biết nhiều điều về chúng ta mà thôi. Biết theo nghĩa Kinh thánh cũng có nghĩa là yêu. Chúa, “trong khi đọc thấu tâm can chúng ta,” yêu thương chúng ta, và Ngài không lên án chúng ta. Nếu chúng ta lắng nghe Ngài, chúng ta khám phá ra điều này – đó là Chúa yêu thương chúng ta. Cách để khám phá tình yêu của Chúa là lắng nghe Ngài. Như vậy, mối quan hệ của chúng ta với Chúa sẽ không còn là khách quan, lạnh nhạt hay bình phong nữa. Chúa Giêsu đang tìm kiếm một tình bạn ấm áp, tin cậy, thân mật. Ngài muốn mang đến cho chúng ta một nhận thức mới và kỳ diệu - đó là biết rằng chúng ta luôn được Ngài yêu thương và do đó, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi một mình. Ở bên người mục tử tốt lành cho phép chúng ta sống kinh nghiệm mà Thánh Vịnh đã nói: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”(Tv 23: 4). Ngài nâng đỡ chúng ta trên tất cả trong những đau khổ, khó khăn, khủng hoảng của chúng ta – là những điều vốn đen tối - bằng cách cùng vượt qua những điều ấy với chúng ta. Và do đó, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta được Chúa biết đến và yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có cho Chúa biết tôi không? Tôi có dành chỗ cho Ngài trong cuộc đời mình không? Tôi có mang những gì tôi đang trải qua đến với Ngài không? Và tôi có ý tưởng gì về Người sau nhiều lần tôi trải nghiệm sự gần gũi, lòng trắc ẩn, dịu dàng của Người? Tôi có cảm nghiệm Chúa ở gần, Chúa là mục tử nhân lành không?

Cuối cùng, động từ thứ ba: chiên nào nghe và chiên nào khám phá ra mình được biết đến, thì theo vị mục tử: họ nghe, họ cảm nghiệm rằng họ được Chúa biết và họ đi theo Chúa là người chăn chiên của họ. Những người theo Chúa Kitô làm gì? Họ đi nơi Chúa đi, cùng một con đường, cùng một hướng. Họ đi tìm những người hư mất (x. Lc 15, 4), quan tâm đến những người ở xa, biết ghi khắc trong lòng hoàn cảnh của những người cùng khổ, biết khóc với những ai khóc, họ chìa tay ra cho người hàng xóm của họ, đặt họ trên vai họ. Và tôi? Tôi có để Chúa Giêsu yêu tôi, và bằng cách để Ngài yêu tôi, tôi có chuyển từ yêu Ngài sang bắt chước Ngài không? Xin Đức Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta biết lắng nghe Đức Kitô, luôn biết Người nhiều hơn và theo Người trên con đường phục vụ. Nghe Chúa, biết Chúa, theo Chúa.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua, tại San Ramon, Peru, María Agustina Rivas Lopez đã được phong chân phước. Được biết đến với cái tên Aguchita, cô là một nữ tu của Hội Nữ Tử Bác Ái Người Mục Tử Nhân Lành, và đã bị giết vì lòng thù hận đức tin vào năm 1990. Dù ý thức được rằng mình đang liều mạng, nhà truyền giáo anh hùng này luôn ở gần người nghèo, đặc biệt là phụ nữ bản địa, và nông dân, làm chứng cho Tin Mừng của công lý và hòa bình. Xin cho tấm gương của chị khơi dậy trong mọi người ước muốn phụng sự Chúa Kitô một cách trung thành và can đảm. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Hôm nay là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, với chủ đề là “Được kêu gọi xây dựng gia đình nhân loại”. Xin cho cộng đồng Kitô hữu trên mọi lục địa cầu xin Chúa ban ơn cho các ơn gọi linh mục, cho đời sống thánh hiến, cho sự lựa chọn làm nhà truyền giáo và hôn nhân. Đây là ngày mà nhờ phép rửa tội, tất cả chúng ta cảm thấy được mời gọi theo Chúa Giêsu, nói lời xin vâng với Người, noi gương Người để khám phá niềm vui hiến mạng sống mình, phục vụ Tin Mừng một cách vui tươi và hăng say. Trong bối cảnh đó, tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các tân linh mục của Giáo phận Rôma, những người vừa được phong chức sáng nay tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Ngay bây giờ, nhiều tín hữu đang tụ tập quanh ảnh Đức Mẹ được tôn kính trong Đền thờ Pompei, để cầu nguyện Lời cầu khẩn phát ra từ trái tim của Chân phước Bartolo Longo. Quỳ trong tâm hồn trước hình ảnh của Đức Trinh Nữ, tôi phó thác cho Mẹ niềm khát khao nhiệt thành về hòa bình của nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang phải gánh chịu thảm họa chiến tranh vô nghĩa. Đặc biệt, tôi trình bày những đau khổ và nước mắt của người dân Ukraine lên Đức Thánh Trinh Nữ. Trước sự điên cuồng của chiến tranh, xin hãy cho chúng con biết tiếp tục lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình mỗi ngày. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để họ có thể không đánh mất “nhịp đập của những người mong muốn hòa bình” và những người biết rõ rằng vũ khí không bao giờ đạt được điều đó, không bao giờ.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ nổ diễn ra tại một khách sạn lớn ở thủ đô Havana của Cuba. Xin Chúa Kitô Phục Sinh dẫn họ về nhà Cha và ban ơn an ủi cho thân nhân của họ.

Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ba Lan và Giáo phận Nantes bên Pháp. Tôi chào Gia đình Dòng Thương Khó, đang kỷ niệm Năm Thánh thứ ba trăm ngày thành lập; những người bị bệnh đau cơ xơ hóa, những người mà tôi hy vọng đang nhận được sự chăm sóc cần thiết; cũng như các tín hữu từ Naples, Pomigliano d'Arco, Reggio Calabria và Foggia; những đứa trẻ từ lớp Thêm sức của Zogno ở Bergamo, và những đứa trẻ từ San Ferdinando ở Rôma. Một lời chào đặc biệt tới nhóm người tị nạn Ukraine và các gia đình đón họ từ Macchie, gần Perugia. Tôi cũng chào các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Sant'Egidio từ Mỹ Châu Latinh.

Hôm nay là Ngày của Mẹ ở nhiều quốc gia. Chúng ta hãy trìu mến nhớ đến những người mẹ của chúng ta - một tràng pháo tay dành cho những người mẹ của chúng ta - những người không còn ở với chúng ta dưới thế này, nhưng là những người đang sống trong trái tim của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta, tình cảm của chúng ta và những lời chúc tốt đẹp nhất của chúng ta dành cho tất cả những người mẹ của chúng ta.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Chuyến thăm ngoạn mục của Thủ tướng Canada đúng ngày quân Nga chịu tổn thất quá nặng ở Donbas
VietCatholic Media
03:19 09/05/2022


1. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến thăm Ukraine, đến tận Irpin

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến thăm và làm việc tại Kyiv vào ngày 8 tháng 5 năm 2022. Trước cuộc gặp với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy, Trudeau cũng đã đến thăm Irpin, Vùng Kyiv.

Thị trưởng Irpin Oleksandr Markushyn cho biết như sau:

“Tôi vừa có vinh dự được nói chuyện với Thủ tướng Canada, Justin Trudeau. Anh ấy đến Irpin để tận mắt chứng kiến tất cả nỗi kinh hoàng mà những kẻ chiếm đóng Nga đã gây ra cho thành phố của chúng ta. Và, tất nhiên, anh ấy đã bị sốc. Anh ấy thấy rằng những nơi bị cháy và bị phá hủy hoàn toàn không phải là cơ sở quân sự, mà là nhà của cư dân Irpin, những người cho đến trước cuộc xâm lược của Nga vẫn tận hưởng cuộc sống và có kế hoạch riêng cho tương lai,” Markushyn nói.

Ông cảm ơn Trudeau về sự ủng hộ của Canada đối với Ukraine. Markushyn cũng lưu ý rằng ông tin tưởng vào sự hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong việc xây dựng lại các thành phố của Ukraine sau chiến thắng.

“Tôi hy vọng sự hỗ trợ của ông Justin Trudeau trong việc tổ chức các nỗ lực của cộng đồng người gốc Ukraine ở Canada để xây dựng lại các cơ sở hạ tầng ở Irpin. Irpin sẽ gửi các công văn tương ứng trong thời gian tới,” Markushyn nói thêm.

Canada sẽ cung cấp NLAW và các loại vũ khí chống tăng khác cho Ukraine, cũng như tài trợ cho các nỗ lực rà phá bom mìn trong các khu vực được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga.

Tuyên bố liên quan được Thủ tướng Canada Justin Trudeau đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv

“Chúng tôi sẽ cung cấp mọi thứ cần thiết và tài trợ cho các nỗ lực rà phá bom mìn,” Trudeau nói.

Trudeau cũng tuyên bố ý định tạm thời dỡ bỏ thuế quan thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu của Ukraine trong thời hạn một năm và Canada sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các nhà tài phiệt Nga và các cộng sự thân cận của chế độ Nga.

2. Quân đội Ukraine cho biết ngày Chúa Nhật 8 tháng 5 là ngày tang thương của quân Nga.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine đã bẻ gãy tất cả các nỗ lực chiếm thêm đất của các đơn vị Nga vào hôm Chúa Nhật.

Lực lượng chính của Nga đã xuất phát từ phía nam thị trấn Izium trong một nỗ lực nhằm bao vây quân đội Ukraine đang bảo vệ các phần của khu vực Luhansk.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết “đối phương đã tập hợp lại các đơn vị và bổ sung tiếp liệu để tăng cường cuộc tấn công, nhưng nỗ lực chiếm lãnh thổ mới đã bị bẻ gãy”.

Trong một dấu hiệu rõ ràng về sự chuyển đổi trọng tâm của Nga, Bộ Tổng Tham Mưu cho biết: “Quân xâm lược Nga không còn tiến hành một cuộc tấn công tích cực ở hướng Kharkiv nữa.”

Tuy nhiên, các khu vực trong khu vực tiếp tục bị pháo kích và đã xảy ra các cuộc giao tranh xa hơn về phía đông, rất gần với biên giới Nga, nơi các lực lượng Ukraine đang cố gắng tiến vào các tuyến tiếp tế của Nga.

Tại Luhansk, bộ tổng tham mưu nói rằng “kẻ thù đang chuẩn bị tấn công vào Severodonetsk và Lysychansk,” hai thị trấn mà quân Nga đã pháo kích trong nhiều tuần. Trong cùng khu vực, người Nga kiểm soát được một phần thị trấn Popasna, nhưng không đạt được tiến bộ nào vượt ra ngoài theo hướng Bakhmut về phía tây.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục kìm chân kẻ xâm lược trong khu vực kiểm soát của Nhóm tác chiến và chiến thuật phía Đông. Đặc biệt, trong ngày 8/5, quân đội phát xít Nga đã mở 4 đợt tấn công. Hơn 100 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.”

Quân đội Ukraine cũng phá hủy 15 xe tăng Nga, 12 xe chiến đấu bộ binh, 12 xe bọc thép chở quân, một xe chiến đấu bọc thép, một xe MT-LB, một khẩu đội súng cối, sáu xe kéo pháo hạng nặng, một thùng nhiên liệu và máy bay không người lái.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ước tính rằng, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 8 tháng 5 năm 2022, tổng thiệt hại khi chiến đấu của Nga tại Ukraine đã lên tới khoảng 25.500 quân.

Tại Mariupol, bộ tham mưu cho biết, cường độ của các hành động thù địch đã giảm bớt.

Một trong những khu vực tác chiến tích cực nhất trong những ngày gần đây là bờ Hắc Hải, Bộ Tư lệnh Không quân miền Nam của Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết họ đã bắn hạ một hỏa tiễn hành trình của Nga do một chiếc máy bay tiêm kích Su-35 của Nga phóng trên bầu trời Hắc hải.

3. Các nhà lãnh đạo G7 cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine sau cuộc họp ảo

Nhóm 7 nhà lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã gặp trực tuyến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và cam đoan với ông rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế “để giúp Ukraine bảo đảm tương lai tự do và dân chủ” và sẽ tăng cường tài chính viện trợ “trong những tuần tới”, theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7, do Tòa Bạch Ốc đưa ra.

“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ theo đuổi hỗ trợ quân sự và quốc phòng liên tục cho Các lực lượng vũ trang Ukraine, tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong việc bảo vệ các mạng Internet của mình trước các cuộc tấn công mạng và mở rộng hợp tác của chúng tôi, bao gồm cả về an ninh thông tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong việc tăng cường an ninh kinh tế và năng lượng,” tuyên bố viết.

Theo tuyên bố này, tổng thống Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo rằng Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình và “mục đích cuối cùng” của ông là Nga phải rút hoàn toàn khỏi Ukraine.

“Tổng thống Zelenskiy tuyên bố rằng mục đích cuối cùng của Ukraine là bảo đảm việc rút toàn bộ lực lượng và thiết bị quân sự của Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine và bảo đảm khả năng tự bảo vệ của mình trong tương lai và cảm ơn sự ủng hộ của các thành viên G7. Ukraine vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với các thành viên G7 để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô của Ukraine trước những thách thức do cuộc xâm lược toàn diện của Nga, đã phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng và làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển truyền thống vẫn được dùng cho hàng hóa xuất khẩu của Ukraine”.

G7 cũng cam kết sẽ “tăng cường” viện trợ tài chính ngắn hạn cho Ukraine trong những tuần tới, cũng như tiếp tục phát triển các lựa chọn cho quá trình tái thiết lâu dài của đất nước.

“Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính ngắn hạn một cách tập thể để giúp Ukraine thu hẹp khoảng cách tài chính và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, đồng thời phát triển các lựa chọn - làm việc với chính quyền Ukraine và các tổ chức tài chính quốc tế - để hỗ trợ lâu dài- trong suốt thời hạn phục hồi và tái thiết.”

Tuyên bố 17 điểm cũng thông báo rằng tất cả các nước G7 đồng ý loại bỏ dầu mỏ của Nga một cách “nhanh chóng và có trật tự” và cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin mang đến “sự xấu hổ cho nước Nga và những hy sinh lịch sử của người dân nước này”.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết hôm thứ Sáu rằng thời điểm các nhà lãnh đạo G7 họp trực tuyến vào hôm Chúa Nhật trước Ngày Chiến thắng của Nga là có chủ đích.

Ngày 9/5 là thời điểm một số quan chức Mỹ và phương Tây tin rằng Tổng thống Nga Putin có thể chính thức tuyên chiến với Ukraine và huy động đầy đủ lực lượng dự bị của mình.

“Tôi nghĩ rằng không nên đánh mất tầm quan trọng đối với bất kỳ ai, về thời điểm, thời điểm diễn ra cuộc họp G7 này, tức là một ngày trước Ngày Chiến thắng của Nga, điều mà Tổng thống Putin chắc chắn đã dự tính đánh dấu ngày đó, như một ngày mà ông ta tuyên bố chiến thắng Ukraine. Tất nhiên, ông ta chẳng có chiến thắng gì hết cả,” Psaki nói với các phóng viên.

Ngày 9 tháng 5 kỷ niệm vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Nó được đánh dấu hàng năm bằng một cuộc diễn hành quân sự ở Mạc Tư Khoa và một bài phát biểu của Putin. Cuối lễ duyệt binh, ông Putin sẽ đặt vòng hoa tại Lăng mộ Chiến sĩ Vô danh.

Psaki nói thêm: “Có cuộc gặp gỡ và trò chuyện vào Chúa Nhật này là cơ hội để cho thấy phương Tây thống nhất như thế nào trong cuộc đối đầu với cuộc xâm lược của Tổng thống Putin.”

4. Điều phối viên khủng hoảng của Liên hợp quốc và giám đốc UNICEF đưa ra các tuyên bố lên án quân Nga đánh bom nơi trú ẩn tại trường học Bilohorivka

Điều phối viên về Khủng hoảng của Liên Hiệp Quốc về Ukraine và Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đưa ra tuyên bố đáp trả vụ đánh bom một trường học được dùng làm nơi trú ẩn ở Luhansk, nói rằng vụ việc là “một lời nhắc nhở rõ ràng nữa về sự tàn khốc của cuộc chiến này”.

“Dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự phải được chừa ra trong thời kỳ chiến tranh; những nghĩa vụ này theo luật nhân đạo quốc tế là không thể thương lượng. Chúng ta càng sớm tìm kiếm một sự kết thúc hòa bình cho chiến tranh, thì càng tốt cho người dân ở Ukraine và mọi nơi trên thế giới”.

“UNICEF lên án mạnh mẽ một cuộc tấn công khác nhằm vào một trường học ở Ukraine trong bối cảnh báo cáo rằng dân thường, bao gồm cả trẻ em, đã tìm nơi trú ẩn trong boongke của trường,” Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật. “Chúng tôi vẫn chưa biết có bao nhiêu trẻ em có thể đã thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ đánh bom được báo cáo, nhưng chúng tôi lo ngại cuộc tấn công này đã làm tăng thêm hàng trăm trẻ em đã mất mạng trong cuộc chiến này.”

5. Phó thủ tướng Nga thăm Mariupol

Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin đã đến thăm Mariupol hôm Chúa Nhật. Đó là quan chức chính phủ cấp cao nhất từng đặt chân đến thành phố Ukraine sau nhiều tuần bị Nga bắn phá.

Trên kênh Telegram của mình, Khusnullin cho biết “Tôi đã đến thăm các vùng lãnh thổ đã được giải phóng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Tôi đã đến thăm Mariupol, Volnovakha, Luhansk và các thành phố khác và trò chuyện với người dân địa phương”.

“Ở các vùng này, việc khôi phục cuộc sống hòa bình bắt đầu - rất nhiều công việc. Chúng tôi sẽ giúp. Đặc biệt, cần thực hiện các công việc quy mô lớn để hỗ trợ nhân đạo”.

Video cho thấy Khusnullin gặp Denis Pushilin, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.

Đáp lại, ông Petro Andrushenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, nói rằng Khusnullin đã đến thăm cảng biển của Mariupol.

Andrushenko nói: “Ngoài việc cướp bóc tầm thường, những chuyến thăm như vậy ngày càng hướng tới nỗ lực tích hợp các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào Nga”.

6. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảm ơn tất cả các bên về nỗ lực di tản Mariupol

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hôm Chúa Nhật đã gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người tham gia vào cuộc di tản hơn 170 dân thường khỏi nhà máy thép Azovstal bị bao vây và các khu vực khác của Mariupol.

“Nhóm người di tản này đã đến Zaporizhzhia an toàn hôm nay, 8 tháng 5. Suy nghĩ của tôi là với họ và tất cả những người Ukraine đang phải chịu đựng trong cuộc chiến này,” António Guterres nói trong một tuyên bố.

“Tôi cảm ơn tất cả những người tham gia vào chiến dịch phức tạp này, bao gồm cả các nhà lãnh đạo ở Kyiv và Mạc Tư Khoa vì đã bảo đảm các hoạt động nhân đạo cần thiết. Tôi hoan nghênh quyết tâm và lòng dũng cảm của các đội Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự trên thực địa”.

Theo Guterres, hoạt động thông hành an toàn mới nhất nâng tổng số dân thường được di tản khỏi Azovstal và các khu vực khác của Mariupol lên hơn 600 người.

“Tôi kêu gọi các bên trong cuộc xung đột đừng bỏ qua những nỗ lực để bảo đảm hành lang an toàn cho tất cả những người muốn rời đi, theo bất kỳ hướng nào họ chọn, và viện trợ để tiếp cận những người cần sự giúp đỡ.”
 
Niềm vui vỡ òa: Linh mục Nigeria bị khủng bố bắt cóc xuất hiện khi giáo dân chuẩn bị làm lễ cầu hồn
VietCatholic Media
08:37 09/05/2022


1. Linh mục Công Giáo ở Nigeria được thả 40 ngày sau khi bị bắt cóc

Một giáo phận Công Giáo ở Nigeria đã thông báo “tin vui” về việc một linh mục bị giam cầm trong 40 ngày vừa được trả tự do.

Giáo phận Zaria ở bang Kaduna, miền bắc Nigeria, cho biết linh mục Felix Zakari Fidson đã được trả tự do vào ngày 3 tháng 5, ACI Africa, đưa tin.

Cha Patrick Adikwu Odeh, Chưởng ấn giáo phận cho biết: “Với trái tim ngập tràn niềm vui, chúng tôi thông báo sự trở lại của người anh em của chúng tôi, Cha Felix Zakari Fidson, người đã bị bắt cóc ngay sau khi rời khỏi nơi cư trú của mình tại nhà thờ Thánh Ann tại Zango Tama trên đường đến trụ sở chính của giáo phận vào hôm thứ Năm, ngày 24 tháng 3 năm 2022.”

Vụ bắt cóc Cha Zakari, mục tử của Giáo xứ Thánh Ann, ở Zango Taman, đã gây đau buốn cho giáo phận. Vào thời điểm đó, giáo phận đã đưa ra tuyên bố sau:

“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người nam nữ có thiện chí cầu nguyện cho sự giải thoát an toàn của Cha Felix Zakari Fidson và những người khác khỏi tay những kẻ bắt cóc họ, vào ngày Lễ Truyền tin này”

“Qua lời cầu bầu của Đức Maria, Mẹ của Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, xin cho người anh em của chúng ta là Cha Felix Zakari Fidson và những người khác trở về với chúng ta bình an vô sự”.

Trong một tuyên bố vào ngày 4/5, giáo phận bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Công Giáo đã không ngừng cầu nguyện để Cha Zakari được thả.

“Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho sự trở về nhanh chóng của người anh em thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho việc trả tự do cho những người vẫn còn nằm trong tay của những kẻ bắt cóc.”

Ngài cũng kêu gọi những lời cầu nguyện cho Nigeria, một quốc gia Tây Phi với dân số khoảng 206 triệu người, khoảng một nửa trong số đó là các tín hữu Kitô.

Nigeria được xếp hạng thứ bảy trong Danh sách Theo dõi Thế giới về việc đàn áp Kitô hữu do nhóm vận động Open Doors biên soạn.

Đất nước này rơi vào tình trạng mất an ninh kể từ năm 2009, khi một cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt đầu với mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo.

Kể từ đó, nhóm Hồi giáo đã tổ chức các cuộc tấn công khủng bố vào các mục tiêu bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị, cũng như dân thường.

Tình trạng mất an ninh càng trở nên trầm trọng hơn do sự tham gia của những người chăn gia súc chủ yếu là người Hồi giáo Fulani, còn được gọi là Dân quân Fulani.

Một báo cáo năm 2022 của Hiệp hội Pháp quyền và Tự do Dân sự Quốc tế (InterSociety) cho thấy chỉ riêng trong năm 2021, 25 linh mục Công Giáo ở Nigeria đã bị giết hoặc bị bắt cóc.
Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Hoa Kỳ đóng cửa các văn phòng Catholic News Service

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là UCCB, đã thông báo hôm thứ Tư rằng các Giám Mục đã quyết định sẽ đóng cửa các văn phòng của Catholic News Service hay Dịch vụ Tin tức Công Giáo ở Washington và New York trong một cuộc chấn chỉnh các hoạt động truyền thông của cơ quan này.

Catholic News Service đưa tin rằng Giám đốc truyền thông của UCCB, James Rogers nói với các nhân viên tòa soạn rằng văn phòng Washington, DC sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

Được thành lập vào năm 1920, Dịch vụ Tin tức Công Giáo, gọi tắt là CNS, đóng vai trò là nguồn cung cấp tin tức về Vatican, các tin tức quốc gia và quốc tế liên quan đến Giáo Hội Công Giáo.

Theo CNS, phần lớn các giáo phận Công Giáo, cùng với các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới, đã ghi danh trả phí cho dịch vụ tin tức.

Văn phòng Dịch vụ Tin tức Công Giáo ở Rôma sẽ vẫn mở và tiếp tục đưa tin về Vatican. Dịch vụ này sẽ được cung cấp miễn phí cho các giáo phận bắt đầu từ năm 2023, CNS đưa tin.

Một tuyên bố từ USCCB chỉ ra rằng quyết định này dựa trên những lo ngại về tài chính và sự ghi nhận những thay đổi đã diễn ra trong thông tin liên lạc của giáo phận.

“Trong vài tháng tới, Ủy ban Truyền thông USCCB sẽ thực hiện một cuộc điều chỉnh lại đáng kể để sử dụng tốt hơn các nguồn lực mà anh chị em giáo dân đã giao phó cho Hội Đồng Giám Mục theo cách phù hợp với môi trường truyền thông ngày nay”.

“Đáng buồn là, điều này sẽ ảnh hưởng đến một số nhân viên. Chúng tôi biết ơn về thời gian và sự cống hiến của đội ngũ ký giả tận tụy tại USCCB những người phục vụ Giáo hội; Việc chuyển đổi công việc có thể khó khăn, và vì đây là vấn đề nhân sự nên sẽ không thảo luận chi tiết hơn vào lúc này,” tuyên bố cho biết.

USCCB cũng sẽ đóng cửa hoạt động của văn phòng xuất bản của mình, nơi nắm giữ quyền xuất bản đối với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Sách Giáo lý Người lớn của Hoa Kỳ cùng với các sách khác.

Một số người trên mạng xã hội cho rằng quyết định chấm dứt dịch vụ tin tức của USCCB có thể liên quan đến những vận lộn để tồn tại đang diễn ra trong các tòa báo cấp giáo phận và toàn quốc.

Đại dịch đã gây thiệt hại cho việc quyên góp của các nhà thờ nói chung. Việc quyên góp hàng năm cho Chiến dịch Truyền thông Công Giáo, là một nguồn tài trợ chính cho các ấn phẩm của các giáo phận, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì coronavirus.

Trong một tuyên bố liên quan đến việc gây quỹ hàng năm, các giám mục gọi tình huống này là một “cơn bão nghiêm trọng”:

“Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra 'cơn bão nghiêm trọng' với nhu cầu ngày càng tăng về sự hỗ trợ cho Chiến dịch Truyền thông Công Giáo trong khi hầu hết giáo dân không thể tham dự Thánh lễ do những hạn chế liên quan đến COVID vào cuối tuần xảy ra việc quyên góp cho các phương tiện truyền thông Công Giáo. Tình hình đó đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong các khoản quyên góp cho truyền thông, vốn đang có xu hướng giảm hơn một nửa”.

Một số ấn phẩm gặp khó khăn hơn những ấn phẩm khác. Sự khởi đầu của việc đóng cửa hàng loạt việc đình bản tờ The Pittsburgh Catholic, hoạt động từ năm 1844. Giáo phận Pittsburg buộc phải đóng cửa hoạt động của tờ báo vào năm 2020.


Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha Phanxicô nói 'Không thể thờ phượng Chúa trong khi biến phụng vụ trở thành chiến trường'

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng phụng vụ không nên là “chiến trường” cho “các vấn đề lỗi thời”.

“Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng đời sống phụng vụ, và việc nghiên cứu nó, nên dẫn đến sự hiệp nhất trong Giáo hội lớn hơn, chứ không phải sự chia rẽ. Khi đời sống phụng vụ giống như một biểu ngữ của sự chia rẽ, thì ở đó có mùi hôi thối của ma quỷ, kẻ lừa dối,” Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lập trường trên tại Vatican vào ngày 7 tháng Năm.

“Không thể thờ phượng Thiên Chúa trong khi biến phụng vụ trở thành chiến trường cho những vấn đề không thiết yếu, thực sự là những vấn đề lỗi thời, và việc quyết định đứng về phía nào bắt đầu từ phụng vụ, với những ý thức hệ gây chia rẽ Giáo hội.”

Phát biểu tại một buổi tiếp kiến với Học viện Tòa Thánh về Phụng vụ trong điện Tông Tòa, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài tin rằng “mọi cuộc cải cách đều tạo ra sự phản kháng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại những cải cách do Đức Giáo Hoàng Piô XII thực hiện khi ngài còn nhỏ, đặc biệt khi Đức Piô XII giảm yêu cầu nhịn ăn trước khi rước lễ và giới thiệu lại Lễ Vọng Phục Sinh.

“Tất cả những điều này đã gây bất mãn cho những người có đầu óc hẹp hòi. Nó cũng xảy ra ngày hôm nay”

“Thật vậy, những người có đầu óc hẹp hòi như vậy sử dụng các khuôn khổ phụng vụ để bảo vệ quan điểm của họ. Sử dụng phụng vụ: đây là cảnh mà chúng ta đang trải qua trong các nhóm giáo hội đang xa rời Giáo hội, chất vấn Công đồng, thẩm quyền của các giám mục… nhằm bảo tồn truyền thống. Và phụng vụ được dùng cho việc đó”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với Học viện Tòa Thánh về Phụng vụ, một học viện ở Rôma mà trường phái phụng vụ đã có ảnh hưởng ngày càng tăng trong các quy tắc phụng vụ đến từ Vatican.

Vị tổng Thư ký và phụ tá của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đều xuất thân từ học viện này, được thành lập vào năm 1961 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII như một phần của Đại Học Giáo hoàng Thánh Anselmo.

Andrea Grillo, một trong những giáo sư thần học nổi bật nhất tại Đại Học Giáo hoàng Thánh Anselmo, đã là người bảo vệ mạnh mẽ cho Tự Sắc Traditionis Custodes do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào năm 2021, hạn chế các Thánh lễ được cử hành theo hình thức đặc biệt của Nghi thức Rôma.

Trong lời phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Phanxicô cảnh báo thêm về “sự cám dỗ của chủ nghĩa hình thức phụng vụ”, điều mà ngài nói có thể thấy ngày nay “trong những phong trào cố gắng lùi lại một chút và phủ nhận chính Công đồng Vatican II.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bài phát biểu trên xe lăn. Vị giáo hoàng 85 tuổi đã ra mắt công chúng trên xe lăn kể từ ngày 5 tháng 5 do bị rách dây chằng ở đầu gối phải.


Source:Catholic News Agency
 
Putin đọc bài diễn văn ấm ớ, chủ yếu chạy tội. Giờ chót hủy cuộc biểu diễn của không quân, e ngại có biến
VietCatholic Media
16:12 09/05/2022


1. Trong diễn văn Ngày Chiến thắng, Putin tìm cách chống chế cuộc xâm lược Ukraine, không đưa ra được một chiến thắng nào

Vladimir Putin đã nói với các binh sĩ Nga rằng họ đang “chiến đấu vì điều tương tự như cha và ông của họ đã làm” khi ông sử dụng bài phát biểu Ngày Chiến thắng của mình để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine.

Khi Putin tìm cách tập hợp đất nước của mình thông qua ký ức về chiến tranh thế giới thứ hai, tổng thống Ukraine, tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã phản bác luận điệu này trong bài phát biểu của chính mình. “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai thôn tính chiến thắng này, chúng tôi sẽ không cho phép nó bị chiếm đoạt,” ông nói.

Hai phát biểu đánh dấu một buổi lễ được theo dõi chặt chẽ ở Đông Âu. Putin tuyên bố rằng Nga đang chống lại chủ nghĩa phát xít để biện minh cho việc bắn phá các thành phố như Mariupol, và khởi động chiến dịch quân sự lớn nhất ở Ukraine kể từ những năm 1940.

Trước bài phát biểu, các quan chức nước ngoài đã nói rằng Putin có thể sử dụng nó để phát động toàn bộ quân đội Nga hoặc chính thức tuyên chiến ở Ukraine, nhưng người ta không thấy có bất kỳ thông báo chính sách lớn nào. Có lẽ Putin đã hết các sáng kiến khả thi đối với tình hình ở Ukraine.

Thay vào đó, ông ta gợi ý rằng Nga đã bị NATO “ép buộc” vào cuộc chiến và cam kết cung cấp viện trợ cho các gia đình của những người lính đã thiệt mạng trong cái mà Điện Cẩm Linh gọi là một “cuộc hành quân đặc biệt”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 77 năm ngày đánh bại Đức Quốc xã, Tổng thống Nga đã tìm cách bảo vệ cuộc chiến của mình ở Ukraine, cố tình làm cho người ta tin rằng Ukraine đang được phương Tây vũ trang, cho một cuộc tấn công sắp xảy ra vào Crimea, là bán đảo bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Putin nói: “Các nước NATO không muốn lắng nghe chúng tôi. Họ có những kế hoạch khác nhau, và chúng tôi đã thấy điều đó. Họ đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược vào các vùng đất lịch sử của chúng ta, bao gồm cả Crimea… Chúng ta đã đánh phủ đầu trước hành động xâm lược, đó là một quyết định bắt buộc, kịp thời và duy nhất. “

Putin đã không đưa ra chiến thắng cụ thể nào của Nga trong bài phát biểu của mình. Đã có những cố gắng chiếm cho được nhà máy Azovstal trước ngày 9 tháng 5, nhưng đã thất bại. Các cuộc hành quân ở Donbas cũng thất bại.

Nga hủy bỏ các cuộc biểu diễn máy bay trong Ngày Chiến thắng

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, các cuộc biểu diễn máy bay trong Ngày Chiến thắng đã được lên kế hoạch trước tại các địa điểm trên khắp nước Nga, bao gồm Mạc Tư Khoa, St. Petersburg đã bị hủy bỏ.

Quyết định này đã khiến các nhà phân tích quân sự nước ngoài phải chú ý khi xem lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai. Cuộc duyệt binh dự kiến có 77 chiến đấu cơ bay trên Quảng trường Đỏ của thủ đô, trong đó có 8 máy bay chiến đấu MiG-29 bay theo đội hình chữ “Z” để thể hiện sự ủng hộ đối với quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết các cuộc biểu diễn máy bay của Mạc Tư Khoa đã bị hủy bỏ do điều kiện thời tiết. Chi tiết này bị nhiều người phản bác vì trời nắng ráo, đến 12:30 trưa mới có mưa nhẹ.

2. Đại sứ Nga tại Ba Lan bị tạt sơn đỏ

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreev bị tạt sơn đỏ trong khi cố gắng đặt vòng hoa tại nghĩa trang của các binh sĩ Liên Xô ở Warsaw.

Theo RIA Novosti, người Ba Lan và Ukraine đã chặn đường nhà ngoại giao. Andreev được cảnh sát tháp tùng ra khỏi nghĩa trang. Anh ta sau đó nói rằng anh ta không bị thương.

Đề cập đến vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc qua rằng “những người hâm mộ chủ nghĩa tân Quốc xã đã một lần nữa lộ mặt - và điều đó thật đẫm máu”.

“Việc phá dỡ tượng đài các anh hùng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, xúc phạm các ngôi mộ, và bây giờ là sự phá bỏ nghi lễ đặt hoa vào một ngày kỷ niệm, được cử hành bởi mọi người tử tế, chứng tỏ điều hiển nhiên - phương Tây đã đặt ra một lộ trình cho sự tái sinh của chủ nghĩa phát xít, “cô ta nói.

Đại sứ quán Nga tại Ba Lan cho biết họ sẽ phản đối vụ tấn công đại sứ.

3. Tình báo Anh dự đoán trong thời gian tới lại có thêm một đợt tướng Nga thành liệt sĩ

Trong bản tin cập nhật mới nhất, Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Những khó khăn trong chỉ huy và kiểm soát, cũng như hiệu quả hoạt động của quân Nga trên tiền tuyến đang chùn bước, đã lôi kéo các chỉ huy cấp cao vào chiến trường, có khả năng phải đích thân lãnh đạo các cuộc hành quân. Các chỉ huy Nga hiếm khi giao quyền điều hành cho cấp dưới của họ, thành thử những cấp dưới ấy không có được kinh nghiệm lãnh đạo quan trọng.

Tuy nhiên, không rõ rằng liệu sự hiện diện của các chỉ huy này trên chiến trường có dẫn đến một khái niệm tác chiến được tinh chỉnh hoặc thay đổi hay không. Các giả định sai lầm trong việc lập kế hoạch và thất bại trong việc theo đuổi các kế hoạch ấy tiếp tục làm suy yếu các thành tựu của Nga.

Việc triển khai các chỉ huy về tuyến trên đã khiến họ gặp rủi ro đáng kể, dẫn đến việc con số các sĩ quan Nga bị thiệt hại là rất cao trong cuộc xung đột này. Điều này đã dẫn đến một lực lượng quân sự phản ứng rất chậm khi cần phải rút lui, và không thể thay đổi cách tiếp cận của mình trên chiến trường. Những vấn đề này có thể sẽ còn tồn tại do sự tương đối thiếu kinh nghiệm chỉ huy các cuộc hành quân của các sĩ quan được thăng cấp thay cho những người đã thiệt mạng.

4. Giải phóng Tsyrkuny của Vùng Kharkiv: Tội ác của Nga được ghi nhận, rà phá bom mìn đang được tiến hành

Tại ngôi làng Tsyrkuny, vùng Kharkiv, nơi vừa được Quân đội Ukraine giải phóng, các nhân viên thực thi pháp luật đang ghi lại tội ác của quân xâm lược Nga và tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Cục trưởng Cục Quản lý Quân sự Khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov.

“Kể từ những ngày đầu tiên Nga xâm lược toàn diện, Tsyrkuny đã nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. 'Thế giới Nga' chỉ mang lại đau khổ và tàn phá: nhà cửa và đường phố bị phá hủy. Hôm nay, cư dân địa phương, với những giọt nước mắt, đã chào mừng những người bảo vệ đã giải phóng ngôi làng”.

Theo lời của ông, các nhân viên thực thi pháp luật hiện đang làm việc trong làng để ghi lại những tội ác của quân đội Nga. Các chuyên gia chất nổ đang từng bước tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn.

Theo Syniehubov, các công việc khôi phục bên trong các cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ bắt đầu ngay khi quân đội cho phép.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 7 tháng 5 năm 2022, quân đội Nga đã mất quyền kiểm soát đối với Tsyrkuny của Vùng Kharkiv.

5. Chú chó nổi tiếng của Ukraine nhận giải thưởng từ tổng thống Zelenskiy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã vinh danh chú chó nổi tiếng nhất của đất nước, tên là Patron, vì những cống hiến của nó.

Patron, một giống chó săn Jack Russell, đã trở thành một hình ảnh nổi tiếng quốc gia kể từ cuộc xâm lược của Nga vì công việc của nó với các đội tìm kiếm bom mìn ở thành phố Chernihiv phía bắc.

Quân Nga thường bỏ mặc các xác chết của đồng đội. Đôi khi họ còn gài lựu đạn vào các tử thi. Patron được tường trình đã phát hiện ra khoảng 150 bom mìn khi làm việc cho Dịch vụ Khẩn cấp.

Tổng thống Zelenskiy đã trao tặng Patron và chủ sở hữu của anh ấy, Myhailo Iliev, giải thưởng nhà nước “Vì sự phục vụ tận tâm” tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Đội rà phá bom mìn Chernihiv đã sử dụng công nghệ của Canada trong công việc của mình.

Tại buổi lễ hôm Chúa Nhật, Thủ tướng Trudeau dường như cố lục trong túi để tìm xem có thứ gì tặng cho chú chó không - nhưng không thành công.

6. Fumio Kishida của Nhật Bản đồng ý với lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga “về nguyên tắc”

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ cấm vận nhập khẩu dầu thô của Nga “về nguyên tắc,” như một phần trong quyết định của G7 nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 hôm Chúa Nhật.

“Sự thống nhất của G7 là điều cần thiết vào thời điểm này và dựa trên tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7, chúng tôi quyết định thực hiện các biện pháp cấm vận dầu mỏ của Nga về nguyên tắc,” ông Kishida nói với các phóng viên hôm thứ Hai.

Ông cho biết đây là một “quyết định khó khăn” vì Nhật Bản “dựa vào nhập khẩu phần lớn các nguồn năng lượng của mình.”

Kishida không đưa ra mốc thời gian cho việc Nhật Bản cấm vận nhập khẩu dầu của Nga.

Nhật Bản đã nhập khẩu dầu thô của Nga - chiếm 3,6% lượng dầu thô nhập khẩu vào năm 2021 - để đa dạng hóa nguồn cung, theo dữ liệu công bố vào tháng 4 của Bộ Thương mại nước này.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda nói với các phóng viên rằng do Nhật Bản “có nguồn lực hạn chế”, rất khó để nước này liên kết ngay lập tức với Liên minh Âu Châu về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Cuộc họp G7 được tổ chức trực tuyến theo yêu cầu của Đức và có sự tham dự của các nhà lãnh đạo G7 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

7. Putin bây giờ chỉ có thể đối mặt với các loại thất bại khác nhau

Nhà phân tích quốc phòng Michael Clarke cho biết cuộc diễn binh Ngày Chiến thắng của Nga sẽ không phải là bất kỳ loại chiến thắng nào trước Ukraine, bất kể Tổng thống Vladimir Putin và Điện Kremlin cố gắng tuyên truyền nó như thế nào.

Cuộc chiến này là cuộc chiến mà Nga không thể chiến thắng theo bất kỳ nghĩa nào.

Những thành công quân sự ở nước ngoài của Putin trên thế giới sau năm 2008 đều đạt được nhờ sử dụng các đơn vị nhỏ gồm các lực lượng tinh nhuệ, lính đánh thuê và các nhóm dân quân địa phương cùng với lực lượng không quân Nga.

Điều này đã mang lại cho Mạc Tư Khoa một sức mạnh đáng kể với chi phí thấp trong các cuộc can thiệp ở Gruzia, Nagorno-Karabakh, Syria, Libya, Mali và hai lần ở Ukraine trong năm 2014, lần đầu là sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp và sau đó là tạo ra các chư hầu của Nga ở Luhansk và Donetsk.

Trong mọi trường hợp, Nga tấn công nhanh chóng và tàn nhẫn theo những cách mà thế giới phương Tây không kịp phản ứng, ngoại trừ thông qua các chế độ trừng phạt được ban hành sau đó vào lúc không còn gì có thể đảo ngược thực tế. Putin rất thành thạo trong việc tạo ra “những sự thật mới trên thực địa”.

Vào tháng 2, ông đã thử điều tương tự một lần nữa trên quy mô lớn nhất có thể ở Ukraine – là cướp chính quyền trong vòng 72 giờ tại quốc gia có 45 triệu dân, chiếm diện tích đất lớn thứ hai ở Âu Châu. Đó là một canh bạc đáng kinh ngạc và liều lĩnh, và nó đã thất bại hoàn toàn trong tuần quan trọng đầu tiên.

Putin hiện có một số rất ít những lựa chọn ngoài việc tiếp tục làm cho cuộc chiến này trở nên lớn hơn - lớn hơn ở Ukraine hoặc lớn hơn bằng cách tiến ra ngoài biên giới của Ukraine. Nếu việc leo thang được xây dựng trong tình hình hiện tại, thì Âu Châu sẽ đạt đến một thời điểm rất nguy hiểm trong lịch sử gần đây.

Thất bại với Kế hoạch A để giành chính quyền ở Kyiv trước khi lực lượng của Tổng thống Zelenskiy, hoặc thế giới bên ngoài, có thể phản ứng, Mạc Tư Khoa sau đó chuyển sang Kế hoạch B. Đây là một cách tiếp cận có tính cách thực tiễn về quân sự hơn là cách bao vây Kyiv. Putin dự định đánh vào các thành phố Ukraine khác như Chernihiv, Sumy, Kharkiv, Donetsk, Mariupol và Mykolaiv.

Điều này cũng không thành công. Kherson là thành phố lớn duy nhất nằm dưới sự kiểm soát của Nga và kể từ đó, người dân vẫn tiếp tục chống lại chính quyền của Nga. Thực tế là lực lượng của Nga quá nhỏ để có thể thống trị một quốc gia lớn như vậy; họ hoạt động rất kém vì nhiều lý do; họ bị lãnh đạo tồi và phân tán xung quanh bốn mặt trận riêng biệt, từ Kyiv đến Mykolaiv, không có chỉ huy tổng thể.

Và họ đã chống lại một đội quân Ukraine được đào tạo bài bản và kiên quyết, những người đã chiến đấu với họ trong một minh chứng kinh điển về chiến thuật “phòng thủ động” - không tổ chức một phòng tuyến mà là tấn công những kẻ xâm lược ở những điểm dễ bị tổn thương nhất.

Trong sự thất vọng, Nga hiện đã chuyển sang “kế hoạch C”, tức là từ bỏ Kyiv và miền bắc, thay vào đó tập trung toàn bộ lực lượng cho một cuộc tấn công lớn ở khu vực Donbas và trên toàn miền nam Ukraine, có thể là xa tới cảng của Odesa ở phía tây nam – như một cách hiệu quả để ngăn chặn tuyến hàng hải đất nước này.

Đây là chiến dịch mà chúng ta thấy đang được thực hiện ở phía đông xung quanh Izyum và Popasne, Kurulka và Brazhkivka.

Các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây Chiến dịch Lực lượng chung của Ukraine, gọi tắt là JFO) - khoảng 40% quân đội của nước này đã được bố trí chống lại các “cộng hòa” ly khai Luhansk và Donetsk kể từ năm 2014. Các mục tiêu chính của Nga là chiếm lấy Slovyansk và xa hơn một chút về phía nam, là Kramatorsk. Cả hai đều là những điểm chiến lược quan trọng để kiểm soát toàn bộ vùng Donbas.

Và cuộc chiến đã chuyển sang một giai đoạn quân sự khác - một cuộc chiến ở một đất nước thoáng đãng hơn, trong điều kiện thời tiết tốt hơn, với xe tăng, bộ binh cơ giới và trên hết là pháo binh - được thiết kế để tàn phá các tuyến phòng thủ của đối phương trước khi lực lượng thiết giáp tràn vào.

Nhưng quá trình này không đơn giản như vậy.

Cuộc tấn công của Nga đã có một khởi đầu đáng kinh ngạc và JFO của Ukraine đã tổ chức cuộc tấn công của Nga ở mức rất thấp so với điều mà các chỉ huy Nga mong đợi vào lúc này. Người Ukraine đã mua cho mình một khoảng thời gian quý giá. Một “cuộc đua của kim loại nặng” đang diễn ra khi mỗi bên cố gắng mang theo các thiết bị chiến đấu hạng nặng của mình trước khi trận chiến được tham gia đầy đủ. Chúng ta có thể mong đợi điều này sẽ phát triển trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Donbas chỉ mang đến cho Putin một sự lựa chọn giữa các kiểu thất bại khác nhau.

Nếu đến mùa thu mà trận chiến vẫn bế tắc, Putin sẽ chẳng có bao nhiêu để đưa ra với người dân Nga để bù cho quá nhiều mất mát và đau thương. Nếu động lực quân sự thay đổi và lực lượng của ông ta bị đẩy lùi, tình hình còn bi đát hơn thế nữa. Và ngay cả khi người Nga thành công trong việc đánh chiếm toàn bộ Donbas và toàn bộ miền nam, họ vẫn phải vật lộn với việc nắm giữ những vùng lãnh thổ đó trong một tương lai vô định trước hàng triệu người Ukraine không muốn họ ở đó.

Bất kỳ thành công quân sự quan trọng nào của Nga đều có thể tạo ra một cuộc nổi dậy lớn, và sẽ trở nên lớn hơn đối với mọi khu vực mà lực lượng Nga có thể tràn qua. Putin đã thất bại vào tháng 2 với Kế hoạch A. Sự thất bại của kế hoạch đó có nghĩa là các kế hoạch B, C hoặc bất kỳ kế hoạch nào tiếp theo vẫn khiến Nga bị phá sản.

Bằng cách này hay cách khác, Nga sẽ phải tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, chống lại người dân hoặc chống lại quân đội Ukraine, và có thể là cả hai cùng một lúc. Và chừng nào Kyiv vẫn giữ nguyên đường lối hiện tại là yêu cầu Nga rút quân trước khi có thể tính đến bất kỳ nhượng bộ nào, thì Putin không thể làm gì khác ngoài việc kiên quyết tiếp tục.

Các cường quốc phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Kyiv, và sẽ không sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga. Một khi sự phụ thuộc vào năng lượng của Âu Châu giảm đi đáng kể, Mỹ và Âu Châu sẽ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nước Nga với chi phí rất nhỏ đối với nền kinh tế của họ.

Không có đường lui đối với cá nhân Vladimir Putin và ông ta thậm chí có thể bị truy tố là tội phạm chiến tranh. Chiến lược chính trị duy nhất của ông là biến cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc chiến khác - một phần của cuộc đấu tranh vì sự sống còn của nước Nga chống lại “Đức Quốc xã” và “những đế quốc” của phương Tây, những người tận dụng cơ hội để hạ gục Nga.

Đó là lý do tại sao ông ta thích đùa giỡn với ý tưởng nguy hiểm rằng Nga đang đối mặt với một cuộc “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 2.0” với phần còn lại của Âu Châu. Chúng ta có thể sẽ nghe nhiều hơn về điều này trong Ngày Chiến thắng.
 
Cụm từ cậu bé giúp lễ cho Putin tiếp tục gây căng thẳng. Nhận định của nhà lãnh đạo Công Giáo Nga
VietCatholic Media
16:17 09/05/2022


1. Kirill cảm thấy cay đắng với danh xưng 'cậu bé giúp lễ cho Putin'

Giáo Hội Chính thống Nga đã mạnh mẽ chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô vào hôm thứ Tư 4/5 vì điều họ cho là đã sử dụng giọng điệu sai trái sau khi ngài thúc giục Thượng phụ Kirill đừng trở thành “cậu bé giúp lễ cho Putin”, cảnh báo với Vatican rằng những nhận xét như vậy sẽ làm tổn hại đến cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với tờ Corriere Della Sera của Ý rằng Kirill, người đã ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đừng “trở thành cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Giáo Hội Chính thống Nga cho biết thật đáng tiếc là một tháng rưỡi sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Kirill, giáo chủ của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga, nói chuyện trực tiếp, Đức Giáo Hoàng đã thuật lại với một giọng điệu như vậy.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để truyền đạt nội dung của cuộc trò chuyện này,” Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết.

“Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại”.

Khi phát biểu với tờ báo Ý Corriere della Sera vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi đã nói chuyện với Kirill trong 40 phút qua Zoom. 20 phút đầu tiên ông ta cầm một lá sớ trên tay, ông ấy đã đọc cho tôi tất cả các lý do biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói với ỏ ta: Tôi không hiểu gì về việc này. Anh à, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.” Sau đó, ngài khuyên Thượng Phụ Kirill đừng là “cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Các bình luận của người Nga trên các mạng xã hội đã tỏ ra bất bình mạnh mẽ với cụm từ “cậu bé giúp lễ cho Putin”. Họ cho rằng cụm từ này gợi ý rằng Putin là “chủ tế”, là người lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, chứ không phải là Thượng Phụ Kirill. Một nhận xét như thế xúc phạm đến toàn bộ Chính Thống Giáo Nga, chứ không chỉ cá nhân ngài Kirill.

Kirill, 75 tuổi, một đồng minh thân cận của ông Putin, coi cuộc chiến như một bức tường thành chống lại một phương Tây mà ông coi là suy đồi, đặc biệt là về việc chấp nhận đồng tính.

Cho đến nay, Giáo Hội Chính thống Nga là Giáo Hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương, tách biệt với Kitô giáo Tây phương trong Đại Ly Giáo năm 1054. Ngày nay, Chính Thống Giáo Nga có khoảng 300 triệu tín hữu, riêng ở Nga có 100 triệu.

Ukraine có khoảng 30 triệu tín hữu Chính thống giáo, bao gồm Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Chính Thống Giáo Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ với Putin ở Mạc Tư Khoa để bàn về cuộc chiến Ukraine nhưng Điện Cẩm Linh đã chính thức bác bỏ đề nghị này trong bối cảnh một tâm tình bài Vatican sau nhận xét “cậu bé giúp lễ cho Putin” của Đức Giáo Hoàng.

Quan điểm của Nga và phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine rất khác nhau.

Mạc Tư Khoa gọi các hành động của mình là một “cuộc hành quân đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ Ukraine khỏi chủ nghĩa phát xít. Kyiv và những người ủng hộ ở phương Tây cho rằng tuyên bố Ukraine theo chủ nghĩa phát xít là vô lý và nói rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh vô cớ nhằm đe dọa sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia dân chủ, có chủ quyền.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dẫn lời Kirill nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 16 tháng 3 rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã không đưa tin chính xác về tình hình ở Ukraine. Đó là một lời phàn nàn thường xuyên của Nga.

Theo Kirill, xung đột ở Ukraine bắt đầu từ năm 2014 khi các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống thân Nga. Kirill nói đã có các cuộc đàn áp những người nói tiếng Nga ở thành phố cảng Odessa của Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận rằng không có bất kỳ cuộc đàn áp nào như vậy.

Kirill đôi khi cũng bày tỏ sự đau buồn về cuộc xung đột.

“Tất nhiên, tình huống này gắn liền với nỗi đau lớn đối với tôi. Đàn chiên của tôi ở cả hai phe đối đầu, họ hầu hết là những người Chính thống giáo.”

Tuy nhiên, trong một cử chỉ hết sức báng bổ đối với Đức Mẹ, Kirill đã trao một bức ảnh Đức Maria cho một tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho quân xâm lược Nga mau sớm giành được chiến thắng.
Source:Reuters

2. Đức Tổng Giám Mục Pezzi kêu gọi để ngỏ cánh cửa đối thoại để người kia không bao giờ là kẻ thù của chúng ta

Trong bối cảnh đang có những căng thẳng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga, sau khi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phản ứng trước một cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô với tờ báo Ý Corriere della Sera được công bố hôm 3 tháng 5. Trong cuộc phỏng vấn đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài khuyên Thượng Phụ Kirill đừng là “chú bé giúp lễ của Putin.”

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã rất tức giận đối với cụm từ “chú bé giúp lễ của Putin”, và bày tỏ nhiều nghi ngờ đối với động cơ của Đức Thánh Cha.

Đáp lại Đức Tổng Giám Mục Pezzi kêu gọi để ngỏ cánh cửa đối thoại để người kia không bao giờ là kẻ thù của chúng ta.

“Tôi nghĩ rằng những hy vọng đối thoại này là có cơ sở. Tôi cho rằng sự ngờ vực đó càng không có cơ sở.” Đây là những gì Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Công Giáo của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Fides.

Ngài đưa ra một số suy tư về sự cần thiết phải luôn mở cửa đối thoại, thể hiện qua những nỗ lực ngoại giao khác nhau của Vatican trong thời điểm hiện tại, là một hoàn cảnh đầy khó khăn.

Đối mặt với sự ngờ vực thường xuyên xảy ra trong các cuộc tranh luận hiện nay ở phương Tây về khả năng giải quyết xung đột qua thương lượng và đối thoại với chính phủ Nga, ngài nói: “Tôi tin rằng hy vọng của chúng tôi, nhưng có lẽ cũng là hy vọng của Đức Giáo Hoàng, dựa trên cơ sở cụ thể là người kia không bao giờ là kẻ thù: anh ta là 'người khác', 'không phải chúng ta', khác biệt và có lẽ cũng có những quan điểm hiện sinh khác nhau, nhưng anh ta vẫn là con của Chúa, một con người, một sinh vật được tạo dựng, là người đáng tìm kiếm đối thoại để giải quyết vấn đề”.

Giống như tất cả các cộng đồng trên thế giới, người Công Giáo ở Nga đã chờ đợi sự kết thúc của cuộc xung đột kể từ tháng Hai, tổ chức nhiều thời điểm cầu nguyện cho hòa bình, thời điểm phổ biến nhất là lễ thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Pezzi, nhấn mạnh sự cần thiết của một nền hòa bình lâu dài, không sống trong một kỳ vọng giới hạn trong lĩnh vực chính trị: “Cá nhân tôi sống những ngày này chính xác trong mong đợi, nhưng tôi phải thành thật nói rằng chúng tôi không sống quá nhiều trong kỳ vọng rằng tình hình quốc tế sẽ được cải thiện, nhưng với kỳ vọng tràn trề hy vọng có thể bắt đầu đối thoại và có thể đạt được hòa bình, qua một thỏa thuận lâu dài. Vì lý do này, tôi tin rằng “không thể tránh khỏi những gì chúng ta đã suy niệm trong Tuần Thánh, đó là chúng ta phải nhận ra sự bình an mà Chúa Kitô ban cho. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một nền hòa bình lâu dài”.
Source:Fides

3. Đức Thánh Cha Phanxicô: 'Sự man rợ của chiến tranh' nên truyền cảm hứng cho sự hợp nhất mới của các Kitô hữu

Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng “sự dã man của chiến tranh” nên truyền cảm hứng cho một sự thúc đẩy mới cho sự thống nhất của các Kitô hữu.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra bình luận trong một bài phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 6 tháng 5, ngày thứ 72 của cuộc chiến Nga-Ukraine.

Xung đột giữa hai quốc gia chủ yếu là Chính thống giáo đã thử thách mối quan hệ giữa Vatican và Giáo Hội Chính thống Nga, cũng như giữa các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các cộng đồng Kitô giáo cần phải nhận ra rằng họ đang trong hành trình đức tin cùng với các thành viên của các hệ phái Kitô khác.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng khi một cộng đồng cố gắng thực hiện mọi thứ một mình, nó có nguy cơ “tự cung tự cấp và tự tham chiếu, là những trở ngại nghiêm trọng đối với phong trào đại kết”.

“Và chúng ta đã thấy điều đó. Ở một số quốc gia, có một số cuộc phục hưng vị kỷ nhất định - có thể nói như vậy – trong đó một số cộng đồng Kitô giáo đang quay lưng lại và không thể tiến lên. Hôm nay, hoặc chúng ta cùng nhau tiến bước hoặc chúng ta không thể tiến lên. Nhận thức này là một chân lý và là một ân sủng của Chúa”.

Đức Giáo Hoàng đang phải sử dụng xe lăn do tình trạng đau đầu gối, nhớ lại rằng ngài thường mô tả các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 là “một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III từng phần”.

“Tuy nhiên, cuộc chiến này, tàn khốc và vô nghĩa như bất kỳ cuộc chiến nào, có tầm vóc lớn hơn và đe dọa toàn thế giới, và không thể không thử thách lương tâm của mọi Kitô hữu và mọi Giáo hội”.

Trích dẫn thông điệp Fratelli tutti năm 2020 của mình, Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Chúng ta phải tự hỏi mình: các Giáo hội đã làm gì và họ có thể làm gì để đóng góp vào 'sự phát triển của một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên thực hành của tình bạn xã hội trên một phần của các dân tộc và quốc gia'? Đó là một câu hỏi mà chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ “.

Đức Giáo Hoàng cho rằng những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa các Kitô hữu trong thế kỷ 20 được thúc đẩy một phần bởi nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới.

Ngài nhận xét rằng: “Ngày nay, trước sự tàn khốc của chiến tranh, niềm khao khát thống nhất này phải được nuôi dưỡng một lần nữa.

“Bỏ qua sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, dù vì thói quen hay vì cam chịu, là chấp nhận sự ô nhiễm của trái tim tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cuộc xung đột.”

“Việc công bố phúc âm hòa bình, phúc âm giải trừ quân bị, sẽ chỉ đáng tin hơn nếu các Kitô hữu công bố cuối cùng được hòa giải trong Chúa Giêsu, Hoàng tử của Hòa bình.”

Các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô hữu đã có mặt tại Rôma để tham dự cuộc họp toàn thể từ ngày 3 đến 6 tháng 5 với chủ đề ‘Hướng tới Lễ kỷ niệm Đại kết 1.700 năm sau Công Đồng Nicê thứ nhất 325-2025.”

Trong số các diễn giả có Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Ngài đã phát biểu từ xa với các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể về tình hình đại kết ở Ukraine trong bối cảnh chiến tranh.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng các thành viên của hội đồng giáo hoàng đã đưa ra một “đóng góp có giá trị” bằng cách phản ánh cách tổ chức lễ kỷ niệm Công đồng Nicê đầu tiên “theo cách thức đại kết” vào năm 2025.

Công Đồng, được tổ chức vào năm 325 sau Công nguyên, được hoàng đế Constantine kêu gọi để đối đầu với tà giáo Arian, vốn phủ nhận thần tính của Chúa Kitô. Công Đồng đã diễn ra kinh tin kính Nicê, vẫn được Chính thống giáo, Anh giáo và các giáo phái Tin lành khác chấp nhận.

Đức Thánh Cha nói: “Bất chấp những sự kiện rắc rối trong quá trình chuẩn bị và đặc biệt là thời gian dài tiếp nhận sau đó, công đồng đại kết đầu tiên là một sự kiện hòa giải cho Giáo hội, một công đồng tái xác nhận sự hiệp nhất của mình xung quanh việc tuyên xưng đức tin”.

“Phong cách và các quyết định của Công đồng Nicê phải khai sáng cuộc hành trình đại kết hiện tại và dẫn đến những bước cụ thể mới hướng tới mục tiêu khôi phục hoàn toàn sự hiệp nhất của các Kitô hữu.”

“Vì kỷ niệm 1.700 năm của Công đồng Nicê lần thứ nhất trùng với Năm Thánh, tôi hy vọng rằng việc cử hành Năm Thánh sẽ có một chiều kích đại kết đáng kể.”

Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, do Hồng Y Kurt Koch người Thụy Sĩ lãnh đạo, được thành lập từ năm 1960, khi Đức Giáo Hoàng Gioan 23 thành lập Ủy ban Cổ vũ Hiệp nhất Kitô”. Danh xưng hiện tại, Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra vào năm 1988.

Hội đồng giáo hoàng - tọa lạc trên Via della Conciliazione, con đường dẫn từ quảng trường Thánh Phêrô đến Lâu Đài Thiên Thần - sẽ được đổi tên thành Bộ Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo khi tông hiến mới của Vatican có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6.
Source:Catholic News Agency