Ngày 03-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:28 03/05/2020

14. Thánh Giá là hy vọng của người vâng theo lời dạy bảo, là sự phục sinh của kẻ chết, là cứu viện của người thất vọng, là sự an ủi của người ưu phiền.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 03/05/2020
10. TIỂU THƯƠNG BÁN BÁNH NGỌT

Có một tiểu thương men theo phố kêu bán:

- “Bánh ngọt thơm ! Bánh ngọt thơm.”

Tiếng rao vừa nhỏ vừa khàn.

Có người hỏi ông ta:

- “Âm thanh sao lại nhỏ như vậy?”

Tiểu thương đáp:

- “Tôi đói bụng rồi?”

Người ấy nói:

- “Bụng đói à, tại sao không ăn bánh ngọt?“

Tiểu thương nhẹ tiếng trả lời:

- “Vì nó đã bị thiu rồi.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 10:

Hình như có rất ít vị thánh làm nghề buôn bán, bởi vì buôn bán thì thường là đụng đến tiền và sự công bằng.

Đem bánh thiu rao bán thì không những là người không có đạo đức, mà còn là người có lòng tham và là người có tâm địa độc ác; thời nay cũng có rất nhiều người “treo đầu dê bán thịt chó” làm ăn không thành thật, chỉ muốn túi mình đầy tiền còn ai chết mặc bây.

Có những gia đình nghèo cam lòng ăn những sản phẩm xấu do mình làm ra, và đem bán những sản phẩm tốt kiếm tiền lo cho gia đình con cái; có những người thà ăn khổ cực và bán những cái bánh ngon thơm cho khách để giữ uy tín, đó là những người có tâm hồn trong sạch và lương tâm nghề nghiệp đạo đức...

Thời nay nỗi sợ hãi hàng giả và thức ăn độc đang đè nặng trên người tiêu dùng, bởi vì có rất nhiều hàng giả và thức ăn thức uống đầy hóa chất độc bày bán chế tạo cách tinh vi để lừa dối người tiêu dùng, những tiểu thương, những công ty xí nghiệp này đang bán mất lương tâm của mình cho ma quỷ vì chút lợi nhuận ở đời này, nhưng phải khốn nạn đời sau trong ngày phán xét của Thiên Chúa...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ lỗi đức công bằng là tội như thế nào: là tội phải bị phạt cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Đó là lời của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 3/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các linh mục và các bác sĩ
Đặng Tự Do
01:20 03/05/2020
Lúc 7 sáng Chúa Nhật 3 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư mùa Phục sinh tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ này là thánh lễ thứ 50 được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta kể từ ngày 9 tháng Ba như một dấu chỉ cho sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Dân Chúa, ở nhiều nơi trên thế giới không thể đi tham dự các Thánh lễ vì đại dịch coronavirus kinh hoàng. Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và bác sĩ liều mạng sống lo cho người khác.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Ba tuần sau khi Chúa phục sinh, hôm nay Giáo hội cử hành Chúa Nhật Phục sinh thứ tư, cũng là Chúa Nhật kính Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành. Điều này khiến tôi nghĩ đến nhiều mục tử đã hy sinh mạng sống của mình cho các tín hữu trên thế giới, ngay cả trong đại dịch này, rất nhiều, hơn 100 linh mục ở tại Ý này đã qua đời. Tôi cũng nghĩ đến những người khác chăm sóc tốt cho mọi người, là các bác sĩ. Chỉ ở Ý, 154 bác sĩ đã qua đời, trong khi tận tình chăm sóc các bệnh nhân. Cầu xin cho tấm gương của các linh mục và các bác sĩ này là gương sáng cho chúng ta biết chăm sóc cho Dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1 Pt 2: 20b-25), trong đó vị tông đồ nói rằng nhờ vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta đã được chữa lành. Ngài cũng đề cập đến bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10: 1-10) trong đó Chúa Giêsu khẳng định ngài là cửa chuồng chiên.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

“Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

PHÚC ÂM: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô, mà chúng ta vừa nghe, là một lá thư được viết trong thanh thản khi Thánh Phêrô nói về Chúa Giêsu: “Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.”

Chúa Giêsu là mục tử - như Phêrô nhận xét – là Đấng đến cứu những con chiên lạc: là chúng ta. Và trong Thánh Vịnh 22 mà chúng ta vừa lặp đi lặp lại: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” trước sự hiện diện của Chúa như người chăn chiên, như mục tử của đàn chiên. Và Chúa Giêsu, trong chương 10 Phúc Âm theo Thánh Gioan, mà chúng ta vừa nghe, tự giới thiệu mình là người chăn chên. Trên thực tế, không chỉ là người chăn chiên, nhưng còn là “cửa” mà qua đó có thể đi vào bầy chiên. Tất cả những ai đến nhưng không đi qua cánh cửa mà vào đều chỉ là những tên trộm hoặc những tên tội phạm hoặc những kẻ muốn lợi dụng đàn chiên: những kẻ chăn chiên giả. Và trong lịch sử của Giáo hội đã có nhiều người khai thác đàn chiên. Những người ấy không quan tâm đến đàn chiên mà chỉ quan tâm đến sự nghiệp, chính trị hay tiền bạc. Nhưng đàn chiên biết họ, luôn biết họ và đang tìm kiếm Chúa trên đường phố.

Nhưng khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên. Phong cách của Chúa Giêsu phải là phong cách mà người chăn chiên tốt lành phải bắt chước. Phong cách ấy được Thánh Phêrô đề cập đến trong thư thứ nhất của ngài: “Ðức Kitô đã lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh.”

Một trong những dấu chỉ nổi bật của người chăn chiên tốt là sự hiền lành. Người chăn chiên tốt là người ôn hòa. Một mục tử không ôn hòa không phải là một mục tử tốt. Sự hiền lành có một cái gì đó ẩn giấu, nó được thể hiện một cách nhẹ nhàng. Người chăn chiên dịu dàng thì có sự gần gũi, biết rõ từng con chiên và chăm sóc từng con như thể nó là con chiên duy nhất, đến mức khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ấy nhận ra rằng anh nhớ một con chiên, liền ra ngoài đồng một lần nữa để tìm con chiên ấy và mang vác nó trên vai. Đây là vị mục tử tốt lành, đây là Chúa Giêsu, đây là người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc sống, đến với mọi người. Và ý tưởng này về người chăn chiên, về đàn chiên và các con chiên, là một ý tưởng được lặp lại nhiều lần trong lễ Phục Sinh. Trong tuần bát nhật lễ Phục Sinh Giáo Hội hát bài thánh ca đẹp chúc mừng những người mới được rửa tội: “Đây là những con chiên mới”. Đó là một ý tưởng về cộng đồng, về sự dịu dàng, tử tế, hiền lành thể hiện tâm tình Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng bảo vệ Giáo hội.

Chúa Nhật này là một ngày Chúa Nhật đẹp trời, đó là một ngày Chúa Nhật của bình an, một ngày Chúa Nhật của sự dịu dàng, bởi vì mục tử của chúng ta đang chăm sóc chúng ta. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”


Source:Vatican News
 
Tình hình dịch bệnh tại tiểu bang Minnesota - Chỉ dẫn cần thiết cho người Việt
Vietnamese Social Service in Minnesota
02:02 03/05/2020
THÔNG TIN TỪ VĂN PHÒNG THỐNG ĐỐC TIỂU BANG VÀ BỘ Y TẾ DO CƠ QUAN XÃ HỘI VIỆT NAM CHUYỂN TIẾP

Tính đến ngày Chúa Nhật 3 tháng 5, tại Minnesota đã có 6,228 người lây nhiễm COVID-19, trong số này đã có 395 người thiệt mạng.

Vào ngày 29 tháng Tư, thống đốc Tim Walz đã ra một tuyên ngôn, chính thức công nhận tháng Năm là "Tháng Di sản Của Người Châu Á Thái Bình Dương tại Minnesota" nhằm bảo đảm rằng "văn hoá, lịch sử và những câu chuyện kể của cộng đồng này phải được nghe và thấy" (1)

Cùng ngày, chính quyền tiểu bang cũng đã ký hợp đồng thuê mướn cơ sở Tin Lành Presbyterian ở Roseville nhằm giúp giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện trong trường hợp quá tải với số người lây nhiễm COVID-19.

Hiện tại, tiểu bang Minneota vẫn đang tiến hành kế hoạch đạt mức xét nghiệm lên đến 20 ngàn người mỗi ngày. Một số địa điểm xét nghiệm rải rác khắp nơi trên toàn tiểu bang đã được chỉ định để những ai có triệu chứng đến xét nghiệm. Xin liên lạc với bác sĩ gia đình, hoặc gọi cho CQXH VN nếu cần giúp tìm biết những địa điểm này (2)

Ngày 30 tháng Tư, thống đốc Walz đã ban hành Lệnh Hành Pháp 20-48, gia hạn Lệnh Ở Nhà cho đến ngày 18 tháng Năm 2020, nhằm mục đích làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Pháp lệnh ghi rõ:

Bắt đầu từ ngày thứ Hai, 4 tháng Năm, để giúp cho 30 ngàn người dân Minnesota có thể trở lại làm việc, các cửa hàng bán lẻ và các doanh nghiệp không quan trọng khác chỉ được phép kinh doanh bằng cách giao-nhận hàng ngoài cửa tiệm. Những cơ sở này phải tuân thủ những quy định sau:

• Phải đặt ra và công bố kế hoạch mở cửa một cách an toàn.

• Áp dụng hình thức tính phí trên mạng bất cứ khi nào có thể.

• Nhân viên và khách hàng phải đeo khẩu trang và những dụng cụ bảo vệ thích hợp.

• Quy định về cách ly xã hội phải được áp dụng khi giao-nhận hàng ở lề đường. Nếu có thể, khách hàng không nên ra khỏi xe của mình.

• Khi giao hàng, các món hàng nên được đặt bên ngoài nơi cư trú của khách hàng.

Đặc biệt sau buổi họp với Bộ Y tế ngày 30 tháng 4, Hội Đồng Thẩm Mỹ Tiểu Bang Minnesota cũng gởi cho CQXHVN những thông tin bổ sung về những điều kiện cụ thể cho việc tái mở cửa của cho các tiệm nail như sau:(3)

1.Không cho phép khách hàng vào tiệm.

2. Phải có một Kế Hoạch Chuẩn Bị toàn diện của riêng tiệm, nhưng phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y Tế và của OSHA.

3. Phải thực hiện những biện pháp bảo đảm sức khoẻ và an toàn theo chỉ thị của Pháp Lệnh Thống Đốc 20-48, đặc biệt là sàng lọc triệu chứng lây nhiễm của nhân viên.

Nói cách khác, những cơ sở kinh doanh như tiệm móng tay, tiệm cắt tóc chỉ được bán các mặt hàng bán lẻ liên quan đến công việc của mình bên ngoài cửa tiệm nhưng không được cung cấp dịch vụ trực tiếp trên người khách hàng, cho đến khi có lệnh mới của chính quyền địa phương. Các dịch vụ giữ trẻ cũng chưa được hoạt động trở lại.

Sources:

(1) Audel Shokohzadeh | Governor’s Office https://mn.gov/governor/assets/05.01.20%20Asian%20Pacific%20Minnesotans%20Month_tcm1055-430558.pdf

(2) https://mn.gov/governor/news/?id=1055-430501%20View%20entire%20list#/list/appId/1/filterType//filterValue//page/1/sort/Date/order/descending

(3) https://mn.gov/boards/assets/MBC_HelpfulResources%204.30.2020_tcm21-424809.pdf
 
Tòa Thánh Vatican kêu gọi Hồi giáo và Kitô giáo bảo vệ các nơi thờ phượng
Thanh Quảng sdb
06:21 03/05/2020
Tòa Thánh Vatican kêu gọi Hồi giáo và Kitô giáo bảo vệ các nơi thờ phượng

Hội đồng Đối thoại Liên tôn Tòa thánh đã công bố một Thông cáo thường niên nhân tháng Ramadan của người Hồi giáo, và khích lệ mọi người hãy bảo vệ các nơi thờ phượng.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Thông điệp được phát hành vào thứ Sáu, khởi đầu tháng Ramadan và ngày lễ Eid al-Fitr, Hội đồng Liên tôn Tòa thánh về Đối thoại Liên tôn nói lên trọng tâm của tháng này đối với người Hồi giáo.

Đây là thời gian chữa lành và thăng tiến tâm linh, nâng đỡ những người nghèo, củng cố tình đoàn kết với những người thân quen bạn bè…

Hội đồng cầu chúc tất cả anh chị em Hồi giáo những lời chúc tốt đẹp nhất và nồng nhiệt nhất.

Không gian cầu nguyện

Thông điệp năm nay tập trung vào những nơi thờ phượng. Đối với Kitô hữu và Hồi giáo, thánh đường và đền thờ Hồi giáo là nơi dành riêng để cầu nguyện, cá nhân cũng như cộng đòan. Chúng được xây dựng và trang trí, thoát lên một cõi năng tĩnh giúp cho con người dễ đi vào thế giới suy tư và thiền định.

Tiên tri Ê-sai gọi đây là ngôi nhà cầu nguyện

Hội đồng Liên tôn cho các nơi thờ phượng này là không gian dành cho đời sống tâm linh, các mốc điểm quan trọng như đám cưới, đám tang và các lễ hội của cộng đồng.

Dấu hiệu hòa hợp

Thông điệp Ramadan cũng nhắc lại một Tài liệu về tình huynh đệ của con người, được ký kết bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Giáo trưởng Imam của Al-Azhar.

Thông điệp trích dẫn một phần Tài liệu nêu rõ: Gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ ở những nơi cầu nguyện là một dấu chỉ hùng mạnh, một dấu chứng hài hòa giữa các tôn giáo, cùng nhau xây dựng dựa trên những mối quan hệ cá nhân và thiện chí của các vị hữu trách...

Mục tiêu loại bỏ đi những bạo lực vô lương

Hội đồng Liên tôn sau đó đã lên án các cuộc tấn công gần đây vào các nơi thờ phượng như: nhà thờ, đền thờ và hội đường bởi những kẻ vô nhân, muốn tàn phá các nơi thờ phượng như là mục tiêu bá quyền cách mù quáng và vô nhân của họ.
 
Video đẹp mê hồn: "Roma tĩnh lặng trong cơn dịch"
Luigi Palumbo
14:42 03/05/2020
 
Niềm vui vỡ òa của người Ý: Ngay giữa cơn đại dịch, phép lạ máu Thánh Gennariô hóa lỏng vừa xảy ra!
Đặng Tự Do
16:48 03/05/2020

“Anh chị em thân mến, tôi có một tin vui cần thông báo: ngay cả trong thời gian đại dịch coronavirus kinh hoàng này, máu Thánh Gennariô đã hóa lỏng!” Đức Hồng Y Crescenzio Sepe xúc động nói trong thánh lễ 7 giờ tối thứ Bẩy ngày 2 tháng Năm.

Tin phép lạ máu Thánh Gennariô hóa lỏng vừa xảy ra là tin tức được loan tải nhiều nhất và nhanh nhất tại Ý trong ngày Chúa Nhật 3 tháng Năm, khi con số tử vong vì virus Tầu độc địa đã lên đến 28,884 người trong tổng số 210,717 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trong 24 giờ qua, Ý phải gánh chịu thêm 474 trường hợp tử vong, và 1,900 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Đó là con số trường hợp nhiễm bệnh thấp nhất trong 24 giờ từ hôm 19 tháng Ba đến nay.

Đức Hồng Y Sepe, Tổng Giám mục của Napoli, đã dâng một Thánh lễ trực tuyến từ Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngay trong thánh lễ, phép lạ đã diễn ra, và sau đó Đức Hồng Y đã dùng thánh tích này để ban phép lành cho thành phố.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói:

“Anh chị em hãy vững dạ cậy trông. Đã biết bao lần, vị thánh của chúng ta đã can thiệp để cứu chúng ta khỏi dịch bệnh như bệnh dịch tả. Thánh Gennariô là linh hồn thực sự của thành phố Napoli.”

Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosius, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.

Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennariô. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh Gennariô thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”

Trong bài giảng hôm thứ Bẩy 2 tháng Năm, Đức Hồng Y đã ca ngợi các nhân viên y tế đang phục vụ những người bị nhiễm coronavirus trong thành phố. Napoli là tiếng Ý, tiếng Anh gọi là Naples, là thủ phủ của vùng Campania, nơi tính đến Chúa Nhật 3 tháng 5 đã có 4,459 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

“Tuy nhiên, có một dịch bệnh khác đang làm tôi lo lắng diễn ra những khu vực nguy hiểm nhất trong thành phố,” Đức Hồng Y Sepe nói khi đề cập đến Camorra, là nhóm mafia tại Napoli.

“Có những người giỏi kiếm tiền trong thời kỳ dịch bệnh. Chúng ta phải hành động, phải can thiệp ngay lập tức, vì thế giới đen tối này hoạt động nhanh hơn bộ máy quan liêu của chúng ta. Camorra không chờ đợi. Chúng ta phải loại bỏ tất cả các tổ chức tội phạm. Chúng ta phải vượt qua và khẳng định quyền được hy vọng,” Đức Hồng Y nói.

Trong bối cảnh cô lập tại Ý, các chuyên gia chống mafia đã cảnh báo rằng các tổ chức tội phạm của Ý có thể tận dụng sự chuyển hướng của các tài nguyên cảnh sát và thu lợi từ gói kích thích kinh tế của chính phủ, có thể vô tình lại tài trợ cho các ngành công nghiệp do mafia kiểm soát.

Việc cô lập vì coronavirus cũng ngăn cản cuộc rước kiệu truyền thống khi phép lạ của Thánh Gennariô diễn ra. Ngay cả trong thế chiến thứ hai, cuộc rước kiệu này vẫn được diễn ra ở Napoli.

Các thánh lễ có công chúng tham dự đã bị đình chỉ ở Ý trong tám tuần qua theo sau lệnh cô lập để chận đứng sự lây lan coronavirus tại Ý.

Hôm thứ Bẩy 2 tháng 5, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, là Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti cho biết các giám mục đã đạt được thỏa thuận với chính phủ, và ngài hy vọng các Thánh lễ công khai sẽ tiếp tục lại trong tuần tới nếu không có các đột biến trong số ca nhiễm bệnh.

“Là một Giáo Hội, chúng ta chắc chắn đã chia sẻ những chịu đựng do lệnh hạn chế được áp đặt để bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích: Đề nghị cho rước lễ từ túi take-away là phạm thánh và điên rồ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:39 03/05/2020


1. Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự chỉ trích sáng kiến kinh ngạc Mình Thánh Chúa take-away

Khi các giám mục Công Giáo trên khắp Âu châu và tại Hoa Kỳ thảo luận về việc mở lại các Thánh lễ cho các tín hữu và suy tư về các biện pháp an toàn trong việc phân phát Mình Thánh Chúa, mà nhiều người quan ngại là có thể gây ra một nguy cơ lây nhiễm cao, Đức Hồng Y Robert Sarah của Ghana, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cảnh báo rằng câu trả lời đối với vấn đề này không thể là một sự mạo phạm Thánh Thể.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng các linh mục không thể từ chối ban bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể, ngay cả khi các tín hữu không thể tham dự thánh lễ. Nếu một linh mục được yêu cầu, ngài bắt buộc phải ban các bí tích này cho các tín hữu.

Trong những ngày này, Hội Đồng Giám Mục Ý và chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte đang tiếp tục đàm phán sau khi công bố giai đoạn 2 của lệnh cô lập, theo đó các hạn chế sẽ nới lỏng dần, mặc dù ngày chính thức tái tục các Thánh lễ vẫn chưa được công bố.

Nhật báo La Stampa của Ý cho biết một trong những vấn đề đang được hai bên xem xét là cách thức trao Mình Thánh Chúa. Đề xuất của phía chính phủ Ý là các bánh thánh được đặt trong những túi nhựa sẽ được các linh mục thánh hiến và để trên kệ để mọi người tự lấy.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Nuova Bussola Quotidiana vào hôm thứ Bẩy mùng 2 tháng Năm, Đức Hồng Y Sarah nói: “Không, không, không, không thể được. Tuyệt đối là không thể được, Chúa phải được tôn trọng, bạn không thể đặt Ngài vào một cái túi. Tôi không biết ai nghĩ ra điều phi lý này. Không được rước Mình Thánh Chúa chắc chắn là một điều đau khổ, nhưng không thể vì thế mà người ta có thể thương lượng về cách thế rước lễ. Chúng ta phải đón nhận Mình Thánh Chúa một cách trang nghiêm, xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta.”

“Bí tích Thánh Thể phải được đón nhận với đức tin, chúng ta không thể đón nhận Mình Thánh Chúa như là một vật tầm thường, chúng ta đang ở trong nhà thờ không phải đang ở trong siêu thị. Đề nghị này hoàn toàn là điên rồ.”

Khi phóng viên chỉ ra rằng phương pháp này đã được sử dụng ở một số nhà thờ ở Đức, Đức Hồng Y Sarah nói rằng ngài rất buồn khi biết tin đó và nói thêm rằng “thật không may là nhiều việc được thực hiện ở Đức không theo các chuẩn mực Công Giáo, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể bắt chước họ.”

Đức Hồng Y Sarah nói rằng gần đây ngài đã nghe một giám mục gợi ý rằng trong tương lai, sẽ không còn cộng đoàn Thánh Thể - nghĩa là các Thánh lễ không có Bí tích Thánh Thể, mà chỉ có Phụng vụ Lời Chúa: “Đây là Tin Lành,” ngài trả lời vị giám mục.

Theo Đức Hồng Y người Guinea, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích từ năm 2014, Bí tích Thánh Thể không phải là một quyền hay một nghĩa vụ mà là một ân sủng do Thiên Chúa ban tặng, và phải được đón nhận với sự tôn kính và tình yêu.

Người Công Giáo tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể sau khi các bánh thánh đã được linh mục thánh hiến. Theo Đức Hồng Y Sarah, Chúa hiện diện trong hình bánh, và không ai có thể chào đón Thiên Chúa mà họ yêu thương trong một cái túi hoặc một cách không xứng đáng.

“Phản ứng lại việc không được đón nhận Bí tích Thánh Thể vì đại dịch kinh hoàng này không thể là một sự mạo phạm. Đây thực sự là một vấn đề của đức tin, nếu chúng ta tin thật Chúa hiện diện trong hình bánh, chúng ta không thể hành xử một cách không xứng đáng.”

Liên quan đến các Thánh lễ được phát trực tuyến trên Internet hay trên TV trong thời đại dịch này, Đức Hồng Y Sarah nói rằng người Công Giáo không nên “quen dần với điều này” bởi vì “Thiên Chúa đã nhập thể, Người là máu thịt, chứ không phải là một thực tại ảo. Hơn nữa, nhiều linh mục đã hiểu lầm, các ngài phải nhìn vào Thiên Chúa trong Thánh lễ chứ không phải chăm chăm nhìn ống kính máy quay phim, như thể phụng vụ chỉ là một buổi trình diễn.”



2. Pakistan: Không tin gì hết thì bị bách hại, tin 50% thì bị chặt đầu

Bộ trưởng Pakistan về các vấn đề quốc hội đã kêu gọi chặt đầu những người phạm tội báng bổ.

“Chặt đầu là hình phạt thích đáng duy nhất cho những người nhạo báng Tiên tri Muhammad,” Ali Muhammad Khan đã tweet bằng tiếng Urdu.

Khan đã đưa ra hàng loạt những bình luận gây tranh cãi để đáp lại các báo cáo mâu thuẫn rằng những người Hồi Giáo Ahmadis đã được quyền cử đại diện vào một Hội đồng Các Nhóm Thiểu số mới thành lập.

Những người Hồi Giáo Ahmadis là đối tượng bị bách hại bởi cả người Hồi Giáo Sunni lẫn người Hồi Giáo Shiite vì họ không tin rằng Muhammad là nhà tiên tri cuối cùng.

Rabwah Times, một ấn phẩm truyền thông kỹ thuật số độc lập chuyên đăng các phúc trình về các nhóm thiểu số tại Pakistan, lần đầu tiên báo cáo rằng Thủ tướng Imran Khan đã đồng ý cho những người Hồi Giáo Ahmadis có đại diện trong hội đồng.

Báo cáo này, cũng được phát sóng bởi các kênh truyền hình địa phương, đã gây ra các chiến dịch truyền thông hận thù nhắm vào cộng đồng thiểu số Ahmadi.

Nhiều tweets trên Twitter lên án chính phủ vì đã đưa người Ahmadis vào hội đồng. Nhiều người yêu cầu những người Hồi Giáo Ahmadis phải bị tuyên bố là những kẻ bội giáo.

Trong một tuyên bố trên truyền hình vào ngày 30 tháng Tư, Thủ tướng Imran Khan đã bác bỏ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông rằng người Ahmadis sẽ có đại diện trong Hội đồng Các Nhóm Thiểu số.

“Không có quyết định nào như vậy đã được đưa ra bởi nội các.” Imran Khan bác bỏ tin này và nói thêm rằng đó là một “chủ đề nhạy cảm không nên chạm vào.”

Hôm 28 tháng Tư, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã đưa Pakistan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì các hành vi xâm phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 4, USCIRF cho biết họ quan ngại đặc biệt trước các báo cáo rằng viện trợ lương thực đã không đến tay những người theo Ấn Giáo và Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ở Pakistan. Đa số người dân Pakistan không có công ăn việc làm ổn định. Họ sống theo kiểu tay làm hàm nhai, không có bất cứ một thứ an sinh xã hội nào. Tình trạng cô lập trong suốt tháng Tư đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh đói kém. Các tổ chức phi chính phủ và cả các tổ chức chính phủ đã tận dụng tình hình này để buộc các tín hữu thiểu số phải cải đạo sang Hồi Giáo nếu không muốn chết đói.



Thánh lễ tại Santa Marta 3/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các linh mục và các bác sĩ

Lúc 7 sáng Chúa Nhật 3 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư mùa Phục sinh tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ này là thánh lễ thứ 50 được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta kể từ ngày 9 tháng Ba như một dấu chỉ cho sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Dân Chúa, ở nhiều nơi trên thế giới không thể đi tham dự các Thánh lễ vì đại dịch coronavirus kinh hoàng. Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và bác sĩ liều mạng sống lo cho người khác.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Ba tuần sau khi Chúa phục sinh, hôm nay Giáo hội cử hành Chúa Nhật Phục sinh thứ tư, cũng là Chúa Nhật kính Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành. Điều này khiến tôi nghĩ đến nhiều mục tử đã hy sinh mạng sống của mình cho các tín hữu trên thế giới, ngay cả trong đại dịch này, rất nhiều, hơn 100 linh mục ở tại Ý này đã qua đời. Tôi cũng nghĩ đến những người khác chăm sóc tốt cho mọi người, là các bác sĩ. Chỉ ở Ý, 154 bác sĩ đã qua đời, trong khi tận tình chăm sóc các bệnh nhân. Cầu xin cho tấm gương của các linh mục và các bác sĩ này là gương sáng cho chúng ta biết chăm sóc cho Dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1 Pt 2: 20b-25), trong đó vị tông đồ nói rằng nhờ vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta đã được chữa lành. Ngài cũng đề cập đến bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10: 1-10) trong đó Chúa Giêsu khẳng định ngài là cửa chuồng chiên.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

“Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

PHÚC ÂM: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô, mà chúng ta vừa nghe, là một lá thư được viết trong thanh thản khi Thánh Phêrô nói về Chúa Giêsu: “Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.”

Chúa Giêsu là mục tử - như Phêrô nhận xét – là Đấng đến cứu những con chiên lạc: là chúng ta. Và trong Thánh Vịnh 22 mà chúng ta vừa lặp đi lặp lại: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” trước sự hiện diện của Chúa như người chăn chiên, như mục tử của đàn chiên. Và Chúa Giêsu, trong chương 10 Phúc Âm theo Thánh Gioan, mà chúng ta vừa nghe, tự giới thiệu mình là người chăn chên. Trên thực tế, không chỉ là người chăn chiên, nhưng còn là “cửa” mà qua đó có thể đi vào bầy chiên. Tất cả những ai đến nhưng không đi qua cánh cửa mà vào đều chỉ là những tên trộm hoặc những tên tội phạm hoặc những kẻ muốn lợi dụng đàn chiên: những kẻ chăn chiên giả. Và trong lịch sử của Giáo hội đã có nhiều người khai thác đàn chiên. Những người ấy không quan tâm đến đàn chiên mà chỉ quan tâm đến sự nghiệp, chính trị hay tiền bạc. Nhưng đàn chiên biết họ, luôn biết họ và đang tìm kiếm Chúa trên đường phố.

Nhưng khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên. Phong cách của Chúa Giêsu phải là phong cách mà người chăn chiên tốt lành phải bắt chước. Phong cách ấy được Thánh Phêrô đề cập đến trong thư thứ nhất của ngài: “Ðức Kitô đã lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh.”

Một trong những dấu chỉ nổi bật của người chăn chiên tốt là sự hiền lành. Người chăn chiên tốt là người ôn hòa. Một mục tử không ôn hòa không phải là một mục tử tốt. Sự hiền lành có một cái gì đó ẩn giấu, nó được thể hiện một cách nhẹ nhàng. Người chăn chiên dịu dàng thì có sự gần gũi, biết rõ từng con chiên và chăm sóc từng con như thể nó là con chiên duy nhất, đến mức khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ấy nhận ra rằng anh nhớ một con chiên, liền ra ngoài đồng một lần nữa để tìm con chiên ấy và mang vác nó trên vai. Đây là vị mục tử tốt lành, đây là Chúa Giêsu, đây là người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc sống, đến với mọi người. Và ý tưởng này về người chăn chiên, về đàn chiên và các con chiên, là một ý tưởng được lặp lại nhiều lần trong lễ Phục Sinh. Trong tuần bát nhật lễ Phục Sinh Giáo Hội hát bài thánh ca đẹp chúc mừng những người mới được rửa tội: “Đây là những con chiên mới”. Đó là một ý tưởng về cộng đồng, về sự dịu dàng, tử tế, hiền lành thể hiện tâm tình Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng bảo vệ Giáo hội.

Chúa Nhật này là một ngày Chúa Nhật đẹp trời, đó là một ngày Chúa Nhật của bình an, một ngày Chúa Nhật của sự dịu dàng, bởi vì mục tử của chúng ta đang chăm sóc chúng ta. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”


Source:Vatican News
 
Thế giới bừng tỉnh trước thực tế phũ phàng từ Trung cộng
Giáo Hội Năm Châu
16:43 03/05/2020
Hôm 30 tháng Tư, ký giả Therese Shaheen của tờ National Review có bài tường thuật nhan đề “The World Is Awaking to the Ugly Realities of the Chinese Regime” – “Thế giới bừng tỉnh trước thực tế phũ phàng từ Trung cộng”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ của Emily Nguyễn.

Đầu tháng này, nhà hàng McDonald tại Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, đã buộc phải gỡ bỏ tấm biển cấm người da đen không được phép vào. Khi gỡ bỏ tấm biển, McDonald, đã nói với NBC News trong một tuyên bố rằng biển báo đó “không tiêu biểu cho những giá trị bao gồm mọi người của chúng tôi.”

Lời tuyên bố này nghe giống như một điều chắc chắn phải có: đó là một sản phẩm từ phòng truyền thông của công ty đã được mời tới để sửa chữa thiệt hại. Và mặc dù chúng ta có thể chấp nhận rằng bản thân tập đoàn McDonald có thể không phân biệt chủng tộc, nhưng biển cấm này, chẳng may thay, lại tiêu biểu cho các giá trị của Trung Quốc.

Như ký giả Jim Geraghty của National Review đã ghi nhận, sự việc này là một thí dụ về nạn bài ngoại và kỳ thị chủng tộc hiện đang được phơi bày tại Trung Quốc. Hiện tượng này không phải là mới đối với Trung Quốc, nhưng chính quyền tại đây hiện có thêm động lực để dựa vào nó, bởi vì nó hỗ trợ cho chiến dịch phối hợp của nhà nước để làm chệch hướng việc thiên hạ đổ lỗi cho quốc gia này trong đại dịch coronavirus toàn cầu.

Có khá nhiều bằng chứng về hiện tượng này. Một phúc trình gần đây của hãng Reuters ghi nhận rằng Bộ Ngoại giao số nước Phi châu gần đây đã mời các đại sứ Trung Quốc đến để bày tỏ sự quan ngại đối với việc công dân của họ đang bị ngược đãi ở Trung Quốc. Có những người mang hộ chiếu từ các nước Phi châu hiện vẫn bị Trung Quốc chặn xét một cách quá đáng. Nhiều người âm tính với coronavirus vẫn bị buộc phải cách ly 30 ngày. Người nước ngoài từ một loạt các quốc gia với hồ sơ bệnh lý tốt vẫn bị từ chối không cho vào các cửa hàng buôn bán và các cơ sở khác chỉ vì họ là người nước ngoài.

Phần lớn những chuyện này đang diễn ra tại Quảng Châu, nơi có những khu vực gọi là “Tiểu Phi” vì có lượng người nhập cư Phi châu lớn nhất tại Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, di dân từ Phi châu vào Trung Quốc vốn là sản phẩm phụ do nỗ lực của Tập Cận Bình trong việc xây dựng một mạng lưới đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu, mang lại cho chế độ một lợi thế địa chính trị thấy rõ là hơn hẳn các nước phương Tây tại các nước đang phát triển. Người Ghana, Nigeria và những di dân khác khi đến Trung Quốc đều hí hửng tận dụng cơ hội trong công ăn việc làm và giáo dục mà Trung Quốc cung cấp. Nhưng nhiều người trong số họ đã học được một bài học đắt giá về lòng tốt có giới hạn của đất nước.

Trên thực tế, sự ngược đãi của Trung Quốc đối với những nhóm dân thiểu số nước ngoài đã phản ảnh cách chính phủ Trung Quốc đối xử với công dân của mình. Người Duy Ngô Nhĩ tức nhóm thiểu số Hồi giáo đang bị giam giữ trong những nhà giam khổng lồ được gọi một cách hoa mỹ là các trại cải tạo nhằm mục đích tước bỏ bản sắc tôn giáo và sắc tộc của họ. Có nhiều người phải chịu lao động cưỡng bức. Ở Tây Tạng, nơi bị Trung Quốc áp bức kể từ khi cộng sản bắt đầu lên nắm quyền vào năm 1949, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn dưới thời Tập Cận Bình: Năm ngoái, tổ chức Freedom House đã gọi Tây Tạng là lãnh thổ ít có tự do thứ hai trên khắp trái đất, chỉ sau xứ sở hoang tàn sau chiến tranh là Syria.

Lẽ đương nhiên, sự phân biệt đối xử như vậy chính là hậu quả đáng tiếc do sự thống trị của người Hán, hiện chiếm hơn 90% dân số Trung Quốc cũng là nhóm thống trị xã hội. (Nếu so sánh, nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ chẳng hạn, chiếm ít hơn 1 phần trăm dân số Trung Quốc). Dân tộc Hán, với 1.3 tỷ người, là nhóm thiếu số lớn nhất không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới. Sự ác cảm, áp bức và phân biệt đối xử đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở một quốc gia bởi nhóm đa số chiếm ưu thế như vậy quả là đáng tiếc nhưng không đáng ngạc nhiên, và không phải là điều khác thường đối với Trung Quốc.

Phản ứng của Bắc Kinh đối với những người chí trích, là cho rằng tất cả những lối đối xử này là những nỗ lực nhằm nhấn chìm họ, trong khi vận dụng mọi cách để làm nổi bật lịch sử phân biệt chủng tộc của chính nước Mỹ. Nhưng đó là điểm chính: Những tội lỗi trong lịch sử của chúng ta được ghi chép kỹ lưỡng và điều này cho biết mọi khía cạnh của chính sách công cộng của chúng ta. Nền tự do báo chí và các tổ chức khác giương cao những hành động của chúng ta cho thế giới nhìn biết. Không có gì bí ẩn về cách đất nước chúng ta tiếp tục đối phó với những ảnh hưởng của sự phân biệt đối xử được thể chế hóa đã tồn tại gần hai thế kỷ sau khi thành lập đất nước, và trong suốt một thế kỷ sau khi chúng ta chiến đấu để chấm dứt nạn kỳ thị.

Nói cách khác, có một sự khác biệt về chất trong khuôn mẫu hành xử của Trung Quốc vượt quá cả vấn đề sắc tộc. Dĩ nhiên, sự phân biệt chủng tộc của người Trung cộng là điều khủng khiếp rồi. Nhưng điều này cho thấy một vấn đề xa hơn nữa là chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, đang nổi lên như là đặc điểm xác định kỷ nguyên Tập Cận Bình.

Ở Hồng Kông, dân tộc Hán chiếm tỷ lệ dân số tương đương như trên đại lục, và chiếm 97% dân số Đài Loan. Cả người Hồng Kông lẫn Đài Loan đều phải chịu đựng những đau khổ không kém dưới bàn tay của họ Tập vì điều đó.

Và 400 triệu người đa số là người Hán hiện sống với dưới 5 đô la một ngày ở những vùng ngoại biên của các siêu đô thị Trung Quốc. Họ là những người phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tàn tệ từ giới tinh hoa đô thị. Họ cũng phải chịu đựng một thứ chủ nghĩa sô-vanh không kém phần ác liệt.

Theo một nghĩa nào đó, khoảng cách giữa người giàu ở thành phố và người nghèo ở khu vực nông thôn tại Trung Quốc đã được thể chế hóa thông qua hệ thống đăng ký “hộ khẩu” nội bộ vốn có từ bấy lâu nay, giúp ngăn chặn việc di chuyển giữa các khu vực và tạo ra không gì khác hơn là một hệ thống giai cấp về kinh tế. Mặc dù Tập Cận Bình đã dành ưu tiên cho việc cải cách hộ khẩu để tạo cơ hội lớn hơn cho việc di dân và thịnh vượng hoá đô thị, hệ thống này vẫn tiếp tục củng cố sự phân hoá giữa những gì thành phố có và nông thôn không có. Khi nhóm cư dân thành thị trở nên giàu có hơn và hội nhập toàn cầu theo quan điểm của họ, sự khinh thường mà họ thường thể hiện đối với những người khác biệt với họ- dù là từ Phi Châu hay nông thôn Trung Quốc - đều trở nên rõ rệt hơn.

Chủ nghĩa Sô-vanh thời Tập Cận Bình đang bắt đầu tạo ra một phản ứng nghịch trên toàn thế giới. Một thí dụ là sự nguội lạnh đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường, là nỗ lực của họ Tập- như đã nói ở trên- nhằm cố giành cho được chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Nhiều dự án đã khiến cho các nước bản địa gánh nợ quá mức. Trong một thí dụ khác, hải cảng chiến lược ở Sri Lanka đã phải nhượng lại cho Trung Quốc khi gánh nặng nợ nần trở nên quá cao. Các chính trị gia ở Sri Lanka, Malaysia và nhiều quốc gia khác đã thay đổi lập trường ủng hộ sáng kiến trước đó vì những gì họ thấy chỉ là chiến thuật ngoại giao trên những món nợ quá kỳ thị của Trung Quốc.

Phản ứng nghịch này đang xuất hiện ngay cả ở các nước Âu châu trước đây đã từng cho rằng Trung Quốc là đối thủ đầy tiềm năng của chính quyền Trump. Thí dụ như tại Thụy Điển, có vài thành phố đã chấm dứt quan hệ kết nghĩa chị em với các đối tác Trung Quốc, và nước này đã đóng cửa các Học viện Khổng Tử, giáng một đòn quyết liệt vào một trong những hoạt động tuyên truyền cho quyền lực mềm của Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Âu châu, kể cả tổng thư ký NATO Jens Stoltenburg và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng đã kêu gọi làm rõ hơn về cách Bắc Kinh xử lý đại dịch coronavirus và đẩy lùi chiến dịch Trung Quốc tung ra nhắm làm chệch hướng việc quy lỗi cho họ.

Nói tóm lại, thế giới cuối cùng dường như đang hồi phục sau mối quan hệ nồng thắm kéo dài hàng mấy thập niên với Trung Quốc, với đỉnh cao là sự trỗi dậy của Tập Cận Bình, kẻ ban đầu được xem là một nhà cải cách, người sẽ đưa Trung Quốc lên sân khấu quốc tế như một diễn viên có trách nhiệm và bình đẳng. Bản chất thực sự của chế độ cộng sản này đang trở nên minh bạch hơn và nhân loại trên thế giới không thích những gì họ đang nhìn thấy: sự đối xử khủng khiếp đối với các dân tộc thiểu số và người nghèo ở nông thôn; sự can thiệp rõ rệt vào cuộc bầu cử tổng thống gần đây của Đài Loan; thái độ hung hãn đối với Hồng Kông trong lúc thoả thuận “một quốc gia, hai hệ thống” bị gỡ bỏ một cách có hệ thống và những nhà lãnh đạo dân chủ bị bắt giữ hoặc biến mất; sự bạo ngược của nền kinh tế mới nổi thông qua chính sách ngoại giao cho vay nợ; và bây giờ rất có thể là một đại dịch toàn cầu đã gây ra bởi sự cẩu thả của Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 30 năm về trước, thế giới đã thức tỉnh trước những thực tại xấu xa này, và nếu có bất cứ điều gì tốt đẹp nảy sinh từ kỷ nguyên địa chính trị đầy chao đảo này, thì có thể là chỉ có như thế thôi. Từ đây hy vọng rằng một hành động quyết liệt hơn để chống lại Bắc Kinh sẽ đến.


Source:National Review