Ngày 10-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sứ điệp về ngôi mộ trống
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
00:28 10/04/2020

Chúa Nhật Phục Sinh

Không gian và biến cố trở nên lắng xuống sau cái chết của Đức Giêsu, người vô tội. Từ bối cảnh đó, việc bà Maria Madalena ra mộ Chúa không nhằm mục đích cảm tính thực dụng, bởi vì việc tẩm thuốc thơm đã được hai người đàn ông thực hiện vào áp ngày Sa-bat. Bà đến mộ trong tư thế làm chậm đi sự chia cách với người chết.

Sự hốt hoảng bắt đầu khởi sự khi thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mộ. Bà liền hối hả, chạy vội về báo tin cho các Tông đồ. Việc tảng đá lăn ra ở đây không được báo trước, nhưng đã được chuẩn bị từ trước giờ tử nạn. Chính ngôi mộ trống rỗng đã làm đầy các lời báo trước về cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa Giêsu.

Trước tin báo của Madalena, Phêrô và Gioan cũng đã vội vã “chạy” đến mộ Chúa để kiểm tra thực hư. Các ông kiểm tra mộ: xác đã biến mất, nhưng khăn vải liệm được gấp gọn ghẽ nên kết luận không có chuyện lấy trộm thi thể. Ngôi mộ trống đã làm chứng rằng thân xác Chúa đã không còn ở đó nữa. Ngôi mộ trống cũng đã khơi gợi một niềm hy vọng nơi các ông, khai mở một hành trình cảm nghiệm mới về sự Phục Sinh.
Có sự chênh lệch giữa Gioan và Phêrô khi chứng kiến khăn liệm sắp xếp gọn gàng. Gioan thấy và tin, còn Phêrô chỉ “thấy và ngạc nhiên”. Ngôi mộ “trống không”, nhưng “đầy” tín hiệu Chúa sống lại. Ngôi mộ đang nói với chúng ta về sự làm mới lòng tin. Tin để hiểu rằng trí óc con người chúng ta không thể hiểu hết được mầu nhiệm Phục Sinh, vì đây là việc của Thiên Chúa làm chứ không phải của con người.

Lời loan báo về Chúa Phục Sinh đã hoán cải các dân tộc, đã làm thay đổi thế giới, đã làm khai sinh Giáo Hội. Không phải vì lời loan báo ấy được giải thích và chứng minh theo khoa học, nhưng vì nó đã được công bố trong quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Cv 2). Ðây là một điều đã xảy ra cụ thể nhưng nhiều khi chúng ta không để ý cho đủ vì Chúa Giêsu Phục Sinh làm mới lòng tin mỗi người chúng ta bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thế giới và con người hôm nay đang rơi vào những cơn khủng hoảng niềm tin trên nhiều bình diện của đời sống: kinh tế tài chính, chính trị xã hội, những giá trị đạo đức, và ngay cả niềm tin tôn giáo… Thời đại mà con người chúng ta đang sống, ngay cả ở những cường quốc lớn tưởng chừng như rất yên ổn, hóa ra lại quá đỗi bấp bênh trước cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới.

Giữa một xã hội như thế, con người dường như đắm mình vào hưởng thụ, mất phương hướng, sống vội … Một số không nhỏ Kitô hữu cũng sống đức tin nửa vời, nhất là những khi gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc khi bệnh tật, ốm đau … cũng theo người ta “vái tứ phương” nơi “thầy này, bà nọ”. Họ vẫn chưa cảm, chưa hiểu, chưa nhận ra và trải nghiệm được niềm vui của Phục Sinh, của sự giải thoát, của một đức tin sẽ được sống lại với Chúa Giêsu.

Chính đức tin sẽ dẫn đưa những Kitô hữu chúng ta đến gần hơn với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, sẽ là mối dây thiêng liêng nối kết ta với Đấng Phục Sinh, trong Chúa Cha toàn năng và Thánh Thần sáng tạo qua mỗi ngày sống của mình. Nếu chưa thực sự sống và cùng chết với Chúa Kitô trong cuộc đời mình thì chưa có được cảm nghiệm về niềm vui của sự Phục Sinh. Do vậy, người Kitô hữu không thể loan báo Tin Mừng khi chính họ chưa có được một đức tin sâu xa, chưa sống thực sự với mầu nhiệm Phục Sinh.

Cần đẩy đi những tảng đá đang cản trở hành trình tìm kiếm, nhận ra gương mặt Chúa Phục Sinh trong tha nhân. Ngày nay vẫn còn rất nhiều ngôi mộ đang mọc lên từng giờ trên khắp thế giới và người ta đã muốn vùi lấp những con người là hiện thân của Đức Giêsu trong đó. Họ là những nạn nhân của sự bất công và đói khổ, của phản bội và lọc lừa, của các thủ đoạn chính trị cùng đủ loại tội ác. Họ đang chết dần chết mòn trong mộ tối, dưới đáy vực sâu của xã hội, và nhiều người đã thật sự chết.

Những ngôi mộ như vậy đang rất cần các môn đệ của Đức Giêsu như Maria Madalena, Phêrô, Gioan và nhiều người trong chúng ta can đảm “chạy” đến. Đến để hất tung những tảng đá ra khỏi cửa mồ và giải cứu các nạn nhân bằng một tình yêu mãnh liệt với Đức Giêsu. Chính khi đến với họ bằng tất cả lòng thương xót và tình yêu, chúng ta sẽ thấy quyền năng cứu độ vô biên của Chúa Giêsu Phục Sinh được chuyển thông sang ta để làm cho các ngôi mộ đó trống rỗng và các con người đang chết về thể xác cũng như tinh thần ấy được trỗi dậy.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, sứ điệp về ngôi mộ trống đã được gửi gắm cho chúng con từ hơn hai ngàn năm trước, nhưng hiện tại vẫn còn đó những nấm mồ đầy ắp những mảnh đời bất hạnh. Xin Người củng cố và kiên định niềm tin để chúng con có can đảm đến và cứu giúp những ai đang bị chôn sống trong những nấm mồ cuộc đời. Xin Người cho chúng con cảm nghiệm được sức mạnh và sự sống diệu kỳ của sự Phục Sinh để chúng con nhận ra Người luôn hiện diện sống động trong sứ mệnh loan truyền Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người. Amen. Alleluia.



 
Chúa Giêsu - Sự sống của loài người
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:35 10/04/2020

Mừng Chúa Phục Sinh

Phục sinh là công trình tạo dựng mới vì Chúa Giêsu, - đại diện cho một nhân loại mới, dứt khoát chọn lựa con đường của Thiên Chúa cho dẫu con đường ấy dẫn Người đến khổ nạn và thập giá - đưa cả nhân loại vào thông hiệp sức sống thần linh trong ơn phục sinh đời đời của Người.

Bằng quyết định thực hiện con đường của Thiên Chúa, mà hôm nay Chúa Giêsu đã Phục sinh, đã chiến thắng khải hoàn. Sự vâng phục mà Chúa Giêsu trao cho Thiên Chúa minh chứng rằng, Chúa Giêsu đã chọn lựa đúng. Từ nay, Chúa đi vào sự sống của chính Thiên Chúa.

Chúa Giêsu Phục sinh mặc lấy sự sống sung mãn đến nỗi sự chết không còn quyền gì ảnh hưởng tới Người. Chúa không còn bị bất cứ định luật tự nhiên nào có thể chi phối. Không còn có bất cứ mãnh lực nào, dù tự nhiên hay siêu nhiên, hữu hình hay vô hình, có thể bị hủy hoại hay bất hoại… có khả năng chi phối sự sống phục sinh của Chúa.

Chúa Giêsu là Đấng duy nhất trong nhân loại đã chiến thắng sự chết. Từ nay, Chúa Giêsu không chỉ là Đấng Sống mà còn là Đấng mở ra sự sống. Sự sống đã khải hoàn chiến thắng của Chúa trào tràn, tuôn đổ trên mỗi chúng ta. Từ nay, nhân loại tiếp tục đi trên con đường sống và đạt tới sự sống của chính Đấng hiến thân vì mình.

Biểu tượng nói lên sự sống mới mạnh mẽ là hình ảnh đêm Phục sinh, Hội Thánh cử hành nghi thức rửa tội cho các dự tòng, và sau khi được rửa tội, họ mặc tấm áo mới tượng trưng cho con người mới, tạo thành mới.

Chúa Kitô Phục sinh trở nên nguồn sự sống và là sự sống lại của chúng ta. Người cho chúng ta tham dự vào sự phục sinh của Người, như chính Người đã từng phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).

Chúng ta, từng cá nhân, hãy mang lấy chính tâm tư vỡ òa, vui mừng trước mầu nhiệm Phục sinh của thánh Gioan tông đồ, của cả Hội Thánh, của biết bao nhiêu anh chị em đồng đạo, dám băng mình trên mọi nẻo đời, công bố cách không mệt mỏi đức tin cao cả, quý trọng, độc nhất vô nhị của mình: CHÚA ĐÃ PHỤC SINH.

Niềm vui và đức tin phục sinh phải là lẽ sống, là tâm niệm sống, là định hướng sống của từng Kitô hữu.

Hãy để niềm vui và đức tin phục sinh hướng dẫn đời sống. Một đời sống mà biết để niềm vui và đức tin phục sinh hướng dẫn, sẽ là một đời sống phong phú, một đời sống không chỉ mang đậm niềm hạnh phúc, nhưng còn trào tràn hạnh phúc ấy ra mọi nơi, mọi hoàn cảnh mà đời sống ấy hiện diện.

Hãy để niềm vui và đức tin phục sinh đồng hành, giúp ta vững tâm bước qua tăm tối, chông gai, thử thách của đời sống mình. Qua tất cả những thăng trầm ấy, ta đóng đinh chính mình, đóng đinh tính xác thịt của mình vào thánh giá của Chúa, nhờ đó, ta sẽ cùng Chúa tiến vào cõi phục sinh vinh thắng.

Mùa phục sinh luôn luôn có hình ảnh cây nến. Nến phục sinh tượng trưng Chúa Kitô, Đấng đã thoát ly khỏi tối tăm của thế gian, mang lại ánh sáng phục sinh vô biên cho chính thế gian, phá tan bóng tối thế gian.

Như cây nến phải chịu tiêu hao mòn mỏi mới giữ được ánh sáng soi chiếu đêm tối, ta cũng phải phấn đấu với chính bản thân, quên mình, chịu chết cho tội lỗi, để sống một đời sống mới cho Chúa và trong Chúa.

Khi chiến đấu đẩy lùi bóng tối tội lỗi, ta thoát được ách ma quỷ và được sống trong ánh sáng của Chúa, trở nên con cái ánh sáng.
 
Thương khó thời Cô Vy: Hơi thở, khó thở, tắt thở
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:43 10/04/2020

1.Khó thở. Một triệu chứng nổi bật của người nhiễm Covid-19 là khó thở. Chúa Giêsu cũng đang khó thở vì chịu đóng đinh vào thập giá. Chúa bị treo trên thập giá nên sức nặng toàn thân ép lồng ngực gây khó thở. Chúa đang đồng cảm nỗi khó thở cùng nhân loại trong cơn đại dịch này.

2.Hơi thở. Ngay từ buổi ban đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã thở hơi trao sự sống cho con người. Một quà tặng quý giá nhất. Trong đời, chúng ta cứ mải mê kiếm đồ ăn đồ uống để sống mà không để ý rằng, hơi thở mới là điều thiết yếu nhất, và đó là quà tặng Chúa ban hoàn toàn miễn phí.

3.Tắt thở. Khi Chúa chết trên thánh giá, Kinh Thánh không bảo là tắt thở, mà bảo rằng Chúa trao hơi thở. Khi tạo dựng loài người Chúa mới trao một phần hơi thở, nhưng khi chịu chết thì Chúa đã trao toàn bộ hơi thở cho nhân loại.

Chúa khó thở cùng nhân loại, Chúa trao hơi thở cho nhân loại. Thế nên, khi Chúa tắt thở thì lại là lúc nhân loại bùng lên sự sống đời đời nhờ ơn Chúa cứu độ. Tạ ơn Chúa.

Chúa chết chưa hết chuyện !

Giữa cơn đại dịch gây nhiều chết chóc, những tiếng khóc nức nở và không thiếu những lời than trách cay đắng: “Chúa ơi, sao lại định bệnh cho con thế này!? Chúa ơi, sao lại lấy đi người thân yêu của con hả Chúa!?” Không. Đừng vu oan cho Chúa. Toàn bộ sách Tin Mừng, không thấy chỗ nào Chúa Giêsu gây bệnh và giết chết con người, ngược lại Chúa luôn là Đấng chữa lành và cứu sống. Có chết thì chính Chúa chịu chết để cứu con người mà thôi.

Tưởng niệm Chúa chịu chết giữa cơn đại dịch, cũng đã có những lời chế giễu buông ra: “Chính Chúa đã chết, mạng mình còn chả cứu nổi thì còn cứu sống được ai?!” Có thật thế không? Có thật là mạng mình không cứu nổi thì chẳng cứu được ai không? Sai rồi.

Hãy nhìn hàng triệu chiến sĩ đã tử trận. Chính nhờ cái chết của họ mà cứu được tổ quốc tự do.

Hãy nhìn hàng trăm y bác sĩ đã chết trong đại dịch. Chính nhờ cái chết của họ mà cứu sống được hàng ngàn bệnh nhân.

Hãy nhìn lên thánh giá Chúa chịu chết. Chính nhờ cái chết của Ngài mà nhân loại được cứu sống.

Những cái chết đã diễn tả 1 tình yêu lớn nhất đến độ dám hy sinh cả mạng mình để cứu người khác.

Hãy nhìn những hạt giống được gieo vào lòng đất đang thối mục đi. Chả ai tuyệt vọng than thở những hạt giống đang chết kia là thất bại, nhưng dạt dào hi vọng vào mùa thu hoạch tương lai. Cũng thế, nhiều người đã chết, Chúa cũng chết, nhưng đó không phải là thất bại, mà là đang hứa hẹn một sự sống mới phục sinh tuyệt vời.

Thế nên, Chúa chết chưa hết chuyện. Hãy đợi đấy!
 
Hiệu Quả Phát Sinh từ Cái Chết của Chúa Giêsu
Lm. Văn Minh, CSJB
20:42 10/04/2020
Hiệu Quả Phát Sinh từ Cái Chết của Chúa Giêsu

Nếu cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả là một tấm gương sáng ngời của sự hy sinh vì Tin Mừng và công lý, thì khi cái chết của Chúa Giê-su đem đến cho nhân loại sự cứu rỗi. Thần học gia Schillebeeckx chỉ ra rằng, truyền thống "bữa ăn tối sau cùng" hay bữa "tiệc ly" là điểm khởi đầu của sự giải thích của Kitô giáo về cái chết của Chúa Giê-su khi ngài tự hiến mình cho sự cứu rỗi nhân loại. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tuyên bố rằng Thánh giá chắc chắn trở thành biểu tượng của sự cứu rỗi, biểu tượng của sự sống. Qua Thập giá, chúng ta được hưởng sự cứu rỗi. Thánh giá trở thành dấu chỉ chiến thắng của Con Người. Qua dấu chỉ này, Chúa Giêsu đã đến như một người chiến thắng và bây giờ Ngài dẫn đường chúng ta đến với Thiên Chúa hằng sống. Do đó, Thập giá trở thành một dấu chỉ của sự cứu rỗi và thông qua Thập giá, chúng ta hợp nhất với Người. Việc Chúa Giê-su đã "yêu đến cùng" góp phần thanh tẩy chúng ta như câu thánh kinh: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên" (Kh. 7:14).

Chúa Giêsu là của lễ chuộc tội

Gerald H. Luttenberger đưa ra một số bằng chứng về Tân Ước để làm sáng tỏ sự chuộc tội của Chúa Giê-su. Tân Ước sử dụng nhiều hình ảnh và khái niệm để thể hiện quan điểm của mình. Những biểu hiện này nhằm xác nhận rằng chính Chúa Giêsu đang chuộc tội, và Người cứu chúng ta bằng máu của mình. Tất cả con người đã phạm tội và mất đi vinh quang của Chúa trong cuộc đời mình, nhưng họ được công chính hoá bằng món quà nhưng không của Chúa, đó chính là ân sủng của Ngài(Xem Rm 3:23). Phao-lô tuyên bố: "Họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin" (Rm 3: 24-25).[1]

Thập giá là một cách để cứu chuộc

Đối với Luttenberger, sự cứu chuộc hay cứu rỗi không được hiểu là "mua lại", nhưng nó truyền tải một ý nghĩa ẩn dụ. Người Do Thái thừa nhận chính xác rằng Thiên Chúa đã không mua lại họ từ vua Pharaoh. Thay vào đó, họ trải nghiệm rằng bây giờ họ đã thoát khỏi chế độ nô lệ. Họ đã có một trải nghiệm về hoàn cảnh mới của họ, trong đó tự do là món quà tuyệt vời nhất đến từ Thiên Chúa. Theo cách nói của Luttenberger: họ dự định diễn tả kinh nghiệm của họ hơn là đưa ra một lời giải thích theo nghĩa đen về bản chất của sự giải thoát cho họ hoặc về cách Thiên Chúa thực sự hoàn thành nó.[2]

Các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai đã hiểu sự cứu chuộc theo cách tương tự với ý nghĩa được đề cập ở trên. Họ đã trải nghiệm việc được cứu, được giải thoát, được Chúa nâng lên, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (Col 1: 12-14; Êph 1: 7-8). Tuy nhiên, Kitô hữu sử dụng thuật ngữ chuộc tội với một chiều kích nội tâm. Nó bày tỏ kinh nghiệm được giải thoát khỏi sự áp bức, vô thần và bất lực tâm linh. Nó diễn tả một cảm giác mạnh mẽ khi bị choáng ngợp trong những công việc tuyệt vời mà Chúa đã làm vì lợi ích của họ. Sự cứu rỗi đã đến như một món quà nhưng không hào phóng nhất của một Thiên Chúa Tình yêu siêu việt, Đấng đã đưa loài người trở lại một cuộc sống mà họ không còn có bất kỳ yêu sách nào nữa.[3]

Chuộc tội, một cách ban ơn cứu rỗi

Một thuật ngữ khác được sử dụng để diễn tả hiệu quả của Thập giá là chuộc tội. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Do Thái: kippur (chuộc tội). Nó có nghĩa là làm hài lòng Chúa. Đối với Israel, hành động này chủ yếu đề cập đến công việc của chính Chúa. Nó truyền đạt vai trò thiết yếu của Thiên Chúa trong việc thanh tẩy con cái của mình khỏi tội lỗi và ban ơn công chính hoá cho họ. Luttenberger lưu ý rằng thuật ngữ này không ngụ ý về việc xoa dịu một vị Thiên Chúa tức giận. Nó được sử dụng trong thư của Phao-lô gửi cho giáo đoàn Rô-ma (Rm 3:25) và Thư cho người Do Thái (Dt 2:17) với cùng ý nghĩa được đề cập ở trên. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ hành động cứu chuộc của Thiên Chúa qua Thập giá của Chúa Giêsu, mà nhờ đó các tín hữu đón nhận ơn tha thứ tội lỗi của mình. Khi nhận ra món quà này đến từ Thiên Chúa thông qua Chúa Giêsu, những người tin vào Chúa Giêsu muốn kết hợp với Ngài trong nỗ lực làm vui lòng Chúa Cha.[4]

Trong khi cố gắng để làm vui lòng Thiên Chúa, các Kitô hữu nhấn mạnh đến kinh nghiệm được cứu rỗi của họ. Khi sẵn sàng vác thập giá với niềm tín thác vào Chúa Cha và với tình yêu Ngài dành cho Cha, Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm vui lòng Thiên Chúa. Món quà tự hiến của Chúa Giê-su đã trở thành phương tiện cho các môn đệ làm vui lòng Chúa Cha. Nhờ đó, Thiên Chúa đã cho phép họ chia sẻ sự thánh thiện của Chúa Giê-su và sự thánh thiện của Thiên Chúa và nhờ đó Chúa đã xoá bỏ tội lỗi của họ. Nhận ra món quà của sự cứu rỗi, các Kitô hữu rất vui sướng trong cảm nghiệm được sống với Chúa Kitô mà nhờ đó thực sự làm đẹp lòng Chúa Cha.[5]

Hy tế trên thập giá

Kitô hữu sử dụng sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá là hình ảnh thứ ba để bày tỏ cái chết cứu rỗi của ngài. Thuật ngữ hy sinh hay hy tế có nghĩa là làm cho nên thánh. Nó diễn tả rằng một người mong muốn đạt được sự thánh thiện. Khái niệm này được thể hiện trong các nghi lễ nghi lễ của Israel. Nó bao gồm ba giai đoạn. Đầu tiên, một hy tế được dâng lên tượng trưng cho những người muốn hiến thân cho Chúa. Thứ hai, bàn thờ tượng trưng cho Chúa. Hành động đặt hy lễ lên bàn thờ thể hiện một cách tượng trưng rằng Israel tự hiến cho Thiên Chúa và sau đó Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của họ. Bằng hành động chấp nhận lễ vật, Chúa cho nạn nhân chia sẻ cuộc sống của Ngài. Cuối cùng, nạn nhân, theo nghĩa biểu tượng 'sống trong Chúa', sẽ bị ăn thịt. Hết thảy mọi người có thể chia sẻ một bữa ăn với Thiên Chúa, một dấu hiệu của sự hiệp thông với Thiên Chúa." Ăn thức ăn có nghĩa là được chia sẻ với sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm cho dân của Ngài nên thánh và để họ thông phần sự sống thần linh của mình. Kitô giáo sơ khai áp dụng hình ảnh biểu tượng này để mô tả cái chết của Chúa Giêsu[6]

Tương tự như vậy, Chúa Giêsu tự hiến mình cho Thiên Chúa Cha như là nạn nhân của tội lỗi con người. Với sự hy sinh mạng sống của mình trên Thập giá, Chúa Giêsu tràn đầy sự thánh thiện của Thiên Chúa. Những người chia sẻ lòng tin và sự trung tín của Chúa Giêsu cũng có thể chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cái chết của Chúa Giêsu trở thành một của lễ hoàn hảo, được Thiên Chúa chấp nhận khi Thiên Chúa cho Ngài sống lại từ cõi chết và đặt Ngài ngồi bên hữu Chúa Cha. Chỉ có hiến lễ của Chúa Giêsu là hiến lễ hoàn hảo; không cần bất kỳ hiến tế nào khác. bằng việc kết hợp với lễ vật của Chúa Giêsu, các tín hữu có thể chia sẻ sự thánh thiện của Chúa Kitô. Viễn cảnh này được thể hiện trong việc cử hành Kitô giáo về Bí tích Thánh Thể là bữa ăn hiến lễ của Lề luật mới. Điều này giúp các tín hữu tham dự vào sự hiệp thông với Chúa Kitô và Thiên Chúa. Càng hiệp thông với Thiên Chúa bao nhiêu, họ càng có thể chia sẻ sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu.[7]

Máu của Chúa Giêsu là nguồn cứu rỗi của chúng ta

Thánh Phao-lô tin rằng chúng ta được cứu bởi máu của Chúa Giê-su (Ep 1: 7). Nhờ máu này, Thiên Chúa ban ơn cứu chuộc cho những người tin vào Chúa Giê-su. Nhờ máu Chúa Giêsu, các tín hữu nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa (Rm 3:25). Thiên Chúa vui lòng hòa giải tất cả mọi thứ vì Chúa Giêsu: "cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Col 1: 19-20). Đối với Luttenberger, thông qua những thông điệp Thánh Kinh này, các tác giả nêu bật cách chết của Chúa Giêsu, sự đổ máu của Ngài. Điều này nhấn mạnh sự tàn bạo của cái chết mà Chúa Giêsu chịu. Sự lặp lại của hình ảnh này khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu đã hoàn thành việc cứu chuộc tội nhân qua việc đổ máu của mình[8]

Đối với người Do Thái, máu là nguồn mạch của sự sống. Do đó, khi chấp nhận lễ vật, Chúa làm cho nạn nhân được chia sẻ sự sống của chính mình. Máu của nạn nhân, một cách tượng trưng, trở thành người mang sự sống của Thiên Chúa. Những ai được rảy máu này sẽ nhận được hiệu quả của ơn cứu chuộc, và do đó có thể thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. Việc con người đoàn tụ với Thiên Chúa làm vui lòng Chúa Cha, và nhờ đó họ trở thành anh chị em ruột thịt của Chúa.[9]

Các Kitô hữu tiên khởi rất vui khi hiểu rằng hành động làm đẹp lòng Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa. Giao ước mới được đóng dấu bằng máu của Chúa Giêsu. Giao ước này là một lời cam kết trung thành và hiệp thông giữa Thiên Chúa và dân của Người. Các Kitô hữu vui mừng cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Chúa Giêsu đã đổ máu mình, máu ban cho họ sự tha thứ tội lỗi (Mt 26:28). Chúa Giêsu, một người mang sự sống của Thiên Chúa, không ngừng dâng mình như một món quà của Thiên Chúa để kết hợp tất cả mọi người với chính Thiên Chúa. Việc chia sẻ máu thịt của Chúa Giêsu tượng trưng cho sự duy trì và chứng thực của sự kết hiệp đó.[10]

Cái chết của Chúa Giêsu theo Karl Rahner

Luttenberger chỉ ra ba giai đoạn trong suy nghĩ của Karl Rahner về cái chết của Chúa Giê-su: cái chết như một sự kiện tự nhiên, cái chết là một sự kiện cá nhân, và cái chết là một hình phạt cho tội lỗi.

Thứ nhất, cái chết như một sự kiện tự nhiên.[11] Cái chết là một thời điểm cần thiết cho sự kết thúc của một người trong lịch sử nhân loại. Từ thời điểm này, con người có thể chuyển sang tồn tại xuyên thời gian.[12] Đối với Rahner, việc con người là sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần cho thấy rằng đương nhiên sẽ đi đến một thời điểm tách biệt giữa linh hồn và thể xác. Sự phân rã của mọi sinh vật tổng hợp là không thể tránh khỏi. Con người là thực thể tự nhiên, vì vậy sinh, lão, bệnh, tử và chia lìa thuộc về quá trình phát triển tự nhiên. Đỉnh cao của quá trình này là sự tách biệt giữa linh hồn và thể xác. Cơ thể không còn biểu hiện của sự sống nữa.[13]

Tuy nhiên, linh hồn không phải là tinh thần thuần túy, nó cần giữ mối quan hệ của nó với vật chất. Rahner tin rằng sau khi rời khỏi cơ thể, linh hồn con người không còn bị ràng buộc bởi sự giới hạn của không gian, thời gian và vật chất. Linh hồn bảo tồn sự giao tiếp với toàn thế giới.[14] Chết không phải là chấm dứt sự sống, nhưng là lúc linh hồn bắt đầu một cuộc sống trong tương quan rộng lớn hơn, một cuộc sống rộng mở hơn.[15]

Sau khi chết, nhân tính Chúa Giê-su không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa. Ngài đã hiện diện với toàn thể thế giới và với tất cả mọi người trong mọi lúc.[16] Theo lời của Luttenberger, sau khi chết, Chúa Giêsu có thể ở cùng với những ai đã trải nghiệm quyền năng cứu rỗi của Ngài để cầu nguyện, rao giảng Lời Chúa, cử hành Bí tích Thánh Thể; Ngài có thể được nhận ra trong sự hiện diện của mình với cuộc sống năng động của Giáo hội, như một dân tộc vừa hữu hình vừa vô hình. Dân tộc đó đã trở thành thân thể của Ngài.[17]

Thứ hai, cái chết là một sự kiện cá nhân. Cái chết tấn công ý thức và tự do của con người. Tự do và tự chủ của con người buộc phải chấp nhận cái chết. Cái chết đưa con người đến quyết định cuối cùng của cuộc đời họ, quyết định này được thực hiện bởi ý chí tự do của họ. Đây là thời điểm để chúng ta đúc kết toàn bộ những hành động trong suốt cuộc sống của chúng ta, thực sự đưa ra một tuyên bố vĩnh viễn về con người chúng ta thực sự là ai và đã trở thành người như thế nào. Cách chết phản ánh và tóm tắt lại toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã thực hiện một loạt các lựa chọn và từ chối một loạt các giá trị bởi ý chí tự do của chúng ta. Khi chúng ta sống cuộc sống của mình, chúng ta không ngừng củng cố ý chí tự do của mình trong việc tập trung vào các giá trị phù hợp và khẳng định lại chúng, thường là giá trị bản thân. Thời điểm của cái chết là khoảnh khắc để chúng ta hoàn thiện các giá trị mà chúng ta đã chọn lựa trong cuộc sống của mình. Hành động này được hoàn thành một lần cho cuộc sống trần gian của chúng ta[18].

Khi chết, Chúa Giê-su đã tóm kết toàn bộ tự do và cuộc đời trần thế của Ngài.[19] Chúa Giê-su đã đưa ra tất cả những quyết định cho việc chọn lựa những giá trị thích hợp theo ý chí tự do của Ngài. Ngài đã tín thác vào Chúa Cha; ngài đã sống cho tha nhân; Ngài đã yêu thương nhân loại và tha thứ cho những ai cần đến lòng thương xót của Ngài. Khi cận kề cái chết và khi chết, Ngài đã bày tỏ sự trung thành, tin tưởng, yêu thương và tha thứ một cách dứt khoát.[20] Trong lúc yêu thương và tin tưởng cho đến khi chết, Chúa Giêsu đã hoàn tất tình yêu và niềm tin của mình. Vào lúc chết, Chúa Giê-su đã khẳng định một cách vĩnh viễn những lựa chọn của Ngài, sự vị tha của Ngài trong tình yêu, niềm tin vững chắc của Ngài dành cho Chúa Cha.[21] Do đó, bây giờ Ngài có thể nói với các tín đồ của mình: "Này là mình thầy, sẽ bị nộp vì các con", và nói với Chúa Cha: "Cha ơi, trong tay Ngài, con xin phó thác linh hồn con." Vào lúc chết, không chỉ Chúa Giêsu, mà cả tất cả loài người đều vĩnh viễn tóm kết toàn bộ tự do của mình cho đến muôn đời. Cái chết là cách duy nhất mà Chúa Giêsu có được sự chung cuộc và viên mãn của đời mình, Đấng đã thể hiện sự thành tín và yêu thương cho mọi người qua mọi thời đại. Qua cái chết, Chúa Giêsu, trong nhân tính của mình, làm viên mãn chính mình, là Con trung thành của Chúa Cha, là hiện thân của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, và là món quà dễ được chấp nhận nhất đối với Chúa Cha mãi mãi.[22]

Thứ ba, cái chết bắt nguồn từ tội nguyên tổ A-đam.[23] Tội lỗi làm suy yếu đức tin và niềm tín thác. Quyết tâm đưa ra quyết định của tình yêu trở nên mong manh. Ý chí tự do của con người không chắc chắn và kiên vững đối với lòng trung thành. Con người sau đó tự hỏi không biết Thiên Chúa có chấp nhận hành động ăn năn của họ không? Tình trạng tương lai của con người sau khi chết trở nên tối tăm và mơ hồ. Họ tự hỏi liệu họ có thể đạt được sự cứu rỗi hay không? Bóng tối của cái chết này phải được hiểu là hậu quả của tội lỗi. Vì tội lỗi, A-đam và con cháu của ông đã phá vỡ mối quan hệ của họ với Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống của họ. Họ đã trở nên yếu đuối để có được một kết cục thành công cho cái chết của họ. Cái chết bao gồm bóng tối và nguy cơ chấm dứt những ham muốn và hy vọng của con người[24]

Hơn nữa, hậu quả của tội lỗi làm cho con người nhận ra rằng họ thiếu hụt sự trợ giúp đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đây là những gì Rahner hiểu là hình phạt cho tội lỗi. Vào thời điểm họ chết, con người trải nghiệm sự yếu đuối của họ trong việc đạt được mối tương giao hoàn hảo với Thiên Chúa, là nguồn trao ban sự sống đầy yêu thương duy nhất của đời họ. Hình phạt không phải là cái chết, tự nó, mà là cách chết mà họ phải đối mặt. Bóng tối và sự đe dọa bị mất phần rỗi là hình phạt của tội lỗi con người.[25]

Chúa Giêsu, với tư cách là một con người phải chịu cái chết và đối mặt với bóng tối của sự chết, không phải vì tội lỗi của Ngài (vì Ngài chưa bao giờ phạm tội), nhưng vì hậu quả của tội lỗi A-đam đã ảnh hưởng đến tất cả con cháu của ông.[26] Nhưng cách mà Chúa Giêsu đối mặt với cái chết và cách mà Thiên Chúa chấp nhận cái chết của Ngài đã biến đổi thực tại của con người về cái chết cho mọi thời đại.[27] Bóng tối và mối đe dọa bị kết án mãi mãi biến thành chiến thắng và sự cứu chuộc cuối cùng. Đối mặt với bóng tối trong lúc chết, Chúa Giê-su kết thúc cuộc đời mình trong sự "đầu hàng" đầy tín thác vào Chúa Cha. Hành động này làm cho thời gian chết của Chúa Giêsu trở thành thời gian của ánh sáng và sự sống. Mối đe dọa trong đó con người bị tách rời khỏi tự do, bị mất đi cuộc sống cá nhân và tình yêu đã biến thành cơ hội cho Chúa Giêsu và cho tất cả những người theo Ngài, đó là sử dụng tự do của họ để đạt được sự hiệp nhất với tất cả trong tình yêu và cuộc sống vĩnh cửu. Điều quan trọng mà chúng ta phải nhấn mạnh là Chúa Giêsu đã đối mặt với cái chết của mình với sự tôn kính, vâng phục và tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.[28]

Thần học gia P. De Letter chỉ ra rằng cái chết của Chúa Kitô "có nghĩa là từ bỏ thoả mãn trong tội lỗi của loài người: Sự dâng tặng cho Thiên Chúa một món quà quý giá hơn và một vinh quang lớn hơn mà đã bị tội lỗi của loài người từ chối. Bằng cái chết tự hiến xuất phát từ tình yêu giành cho Thiên Chúa và loài người, Chúa Kitô đã xứng đáng là sự cứu chuộc và nguồn mạch các ân sủng cho loài người chúng ta, bao gồm việc loại bỏ trở ngại cho ân sủng là tội lỗi. "[29] Khi chấp nhận đau khổ và cái chết, Chúa Kitô là người duy nhất có thể gánh lấy tội lỗi của chúng ta trong vai trò là người lãnh đạo mới của Giáo hội, và sau đó trao ban vinh quang chiến thắng. Ngài giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ của Satan, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết; biến cái chết của chính chúng ta thành một sự chia sẻ trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Khi khôi phục ân sủng và lời hứa cho tất cả các ân huệ nguyên thuỷ, Chúa Kitô sửa chữa lại bản tính dễ sa ngã của chúng ta và đem lại sự hòa giải giữa con người và Thiên Chúa Cha. Cái chết của Ngài trao ban sự cứu chuộc và hòa giải, nó cho thấy sự biến đổi bản chất của cái chết cho những người chết trong Chúa Kitô. Việc cử hành tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô được cử hành vĩnh viễn trong trong phụng vụ trên trời (xem Dt 7: 24-25) và trong việc cử hành Thánh Thể. Chết với Chúa Kitô là cách để ta tiếp cận vinh quang của Thiên Chúa.[30]

Ta hãy kết thúc bằng lời nguyện khai mạc trong cuộc cử hành cuộc thương khó của Chúa: "Lạy Chúa, từ lòng mẹ, chúng con đã phải mang án chết do tội A-đam truyền lại, nhưng nhờ mầu nhiệm Con Chúa chịu khổ hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết. Vậy giờ đây, xin Chúa ban ơn thánh hoá biến đổi chúng con nên giống hình ảnh A-đam mới là Đức Ki-tô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời." (Uỷ ban phụng tự trực thuộc hội đồng giám mục Việt Nam, Sách lễ Roma, 1992).

Lm. Văn Minh, CSJB

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle (Connecticut: Twenty-Third Publications, 2012), Kindle Locations 3062-64.

[2] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3083-84.

[3] Ibid., Kindle locations 3097-98.

[4] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3099-3104.

[5] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3013-3108.

[6] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3116-28.

[7] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3130-38.

[8] Gerard H. Luttenberger, kindle locations 3138-45.

[9] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3147-51.

[10] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3151-58.

[11] Karl Rahner, On the Theology of Death (New York: Herder & Herder, 1961), 21–34.

[12] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle location 3223.

[13] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3222-29.

[14] Karl Rahner, On the Theology of Death, 29–30.

[15] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle locations 3234.

[16] Karl Rahner, On the Theology of Death, 71-75. Cf. Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle (Connecticut: Twenty-Third Publications, 2012), Kindle Locations 3235-36.

[17] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle locations 3236-39.

[18] Karl Rahner, On the Theology of Death, 35–39. Cf. Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle (Connecticut: Twenty-Third Publications, 2012), Kindle Locations 3239-48.

[19] Cf. Karl Rahner, 69–71.

[20] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle location 3252.

[21] Gerard H. Luttenberger, Kindle Locations 3252-54.

[22] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3250-58.

[23] Karl Rahner, On the Theology of Death, 352–55.

[24] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle locations 3259-67.

[25] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3267-72.

[26] Karl Rahner, On the Theology of Death, 69.

[27] Gerard H. Luttenberger, An Introduction to Christology in the Gospel and Early Church, Kindle location 3274.

[28] Gerard H. Luttenberger, Kindle locations 3278-80.

[29] De Letter, “Jesus Christ (In Theology),” 824.

[30] De Letter, 824.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tất cả các sĩ quan cao cấp trong lực lượng đặc nhiệm tìm cách bách hại ĐHY Pell cần phải từ chức
Đặng Tự Do
06:18 10/04/2020
Ông Daniel Wild của Viện Công vụ Úc Đại Lợi nói rằng trước “sự thao túng công lý nghiêm trọng” ngay từ đầu trong vụ kiện Đức Hồng Y George Pell, “mọi sĩ quan cao cấp liên quan đến lực lượng đặc nhiệm cần phải từ chức”. Ông Wild cho biết việc thao túng công lý của hệ thống tư pháp ở Victoria và đài truyền hình ABC “đã là trọng tâm gây ra một vấn đề lớn như thế ở đất nước này”. “Điều này đang làm giảm niềm tin vào các tổ chức lớn của chúng ta cho dù đó là cảnh sát, quốc hội hay truyền thông. Tiếng tăm của đất nước chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề trên trường quốc tế”.

Ông nói với Andrew Bolt, một người dẫn chương trình của Sky News rằng “cuộc bách hại Đức Hồng Y George Pell một cách bi thảm như thế sẽ không bao giờ kết thúc” nếu không một ai bị trừng trị, và toàn bộ quá trình vừa qua là một “bản cáo trạng gây sốc đối với rất nhiều các định chế đáng quý của chúng ta”.

Theo Ông Daniel Wild, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Úc tất nhiên là “một bản cáo trạng dành cho rất nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là ABC, là những người đáng trách và đã thao túng dư luận trong toàn bộ quá trình này”.

Theo cha Frank Brennan, một linh mục dòng Tên, phán quyết đồng thanh bác bỏ các bản án chống lại Đức Hồng Y Pell của Tối Cao Pháp Viện cho thấy mức độ “kém cỏi về phẩm chất” của cả cảnh sát và Tòa án phúc thẩm Victoria.

Cha Brennan nói với Sky News rằng dù bạn “thích hay ghét” Đức Hồng Y Pell, luật pháp phải được áp dụng nhất quán ở Úc. “Đó là quy tắc tối thượng của pháp luật”, ngài nói.

“Nguyên tắc ấy là nhằm bảo vệ cuộc sống ở một đất nước mà bạn có thể tự hào nói rằng bất kể bạn là Hồng Y Pell, bất kể bạn là thổ dân ở vùng hẻo lánh, dù bạn là ai, bạn đều được hưởng công lý theo luật pháp.

“Người ta đã vi phạm nguyên tắc đó rất trầm trọng trong trường hợp này cho đến khi chúng ta phải đi đến Tòa án Tối cao Úc. Vì vậy, tôi hết lời khen ngợi tòa án cao nhất của đất nước này và tôi nghĩ rằng hành vi của các viên chức tư pháp cấp cao, các giám đốc công tố và của phó ủy viên cảnh sát Victoria là quá yếu kém, bất xứng.”


Source:SkyNews
 
Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh : Đức TGM Aupetit Cử Hành Nghi Lễ Tôn Thờ Mão Gai Chúa Kitô
Lê Đình Thông
08:57 10/04/2020
11 giờ 30 sáng thứ sáu Tuần Thánh (10/04/2020), Đức TGM Michel Aupetit, Tổng giám mục Paris đã cử hành nghi lễ tôn kính mão gai Chúa Giêsu tại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Chúa Kitô đã đội mão gai này vào lúc thụ nạn. Đây là thánh tích vô giá được cất giữ tại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Trong vụ hỏa hoạn ngày 15/04/2019, mão gai vẫn còn nguyên vẹn. Vua Thánh Louis đã mua báu vật này từ các vị hoàng đế phương Đông vào thế kỷ XIII. Nhà vua đi chân đất, thân hành cung nghinh mão gai thánh đến tận cung thánh Nhà Thờ Đức Bà Paris. Một số ít chiếc gai trên vương miện được lấy ra để tặng các vị hoàng đế ở Âu châu. Vào mội thứ sáu Tuần Thánh, chiếc mão gai của Chúa Giêsu được đặt trước cung thánh để các giáo hữu đến tôn thờ.


Vị Tổng giám mục Paris xuất thân là bác sĩ y khoa đã khẳng định ‘‘cuộc sống vẫn còn đây’’. Đây là nghi lễ lần thứ 2 được cử hành tại Vương cung Thánh đường Paris, sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 14 rạng ngày 15/04 năm ngoái. Khoảng 10 người được tham dự nghi lễ, trong số có cựu huynh trưởng đoàn Thiếu nhi Thánh thể Giáo xứ, hiện là chánh văn phòng Notre Dame de Paris : Jean-Pierre Lê Đình Thiên Ân. Đức TGM Aupetit và các cấp thẩm giáo phận đều đội mũ bảo hiểm trắng choàng lên mũ giám mục (calotte), có Đức Ông Patrick Chauvet, Viện chủ Vương cung Thánh đường, Đức Cha Denis Jachiet, Giám Mục Phụ Tá cùng cử hành nghi lễ. Các nghệ sĩ Judith Chemla, Philippe Torreton đã diễn ngâm các trích đoạn của Paul Claudel và Charles Péguy, nhạc sĩ Renaud Capuçon phụ họa vĩ cầm. Các nghệ sĩ đều mặc y phục bảo hộ và đi ủng trắng.

Đức TGM Aupetit đã dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu như sau : ‘‘Lạy Chúa, chúng con tập hợp trong ngôi giáo đường uy nghiêm này, năm ngoái còn bốc cháy khiến làm rung động lòng người; khắp nơi trên thế giới cùng tiếp tay vào việc trùng tu.’’
Kết thúc nghi lễ, nữ nghệ sĩ Judith Chemla đã đơn ca Ave Maria, nguyện xin Đức Bà giáng phúc cho kinh thành Paris và khắp nơi trên thế giới sớm thoát khỏi đại dịch.

Lê Đình Thông
 
Dịch Covid-19 có một hệ quả bất ngờ đưa Trung Quốc xích lại gần Vatican
Trọng Nghiã / RFI
11:50 10/04/2020
Dịch Covid-19 có một hệ quả bất ngờ là đưa Trung Quốc xích lại gần Vatican. Tòa Thánh đã nhận được trang bị y tế do Trung Quốc gởi đến vài tuần sau khi Vatican gởi khẩu trang đến Bắc Kinh. Theo số liệu của đại học Mỹ Johns Hopkins, Vatican bị 8 ca nhiễm virus corona, trong đó có 2 ca đã khỏi bệnh. Trong một thông cáo hôm qua, 09/04/2020, Tòa Thánh đã gởi lời cảm ơn đến Bắc Kinh.

Hơn 500.000 khẩu trang loại dùng một lần, 27.000 găng tay phẫu thuật, 8.000 bộ quần áo và 6.000 cặp kính bảo hộ : Nhà Thuốc (tức cơ quan dược phẩm) của Vatican trong những ngày này đầy ắp những món hàng đến từ Trung Quốc.

Chuyến hàng đầu tiên đến cách đây 15 ngày nhờ hoạt động quyên góp của những người Công Giáo Trung Quốc với sự trợ giúp của hội Chữ Thập Đỏ tại chỗ. Hiệp hội Tiến Đức Công Ích (Jinde Charities), mạng lưới các hội từ thiện gắn liền với Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, có vai trò trung gian trong việc này.

Trung Quốc và Vatican không còn quan hệ ngoại giao từ năm 1951, nhưng Bắc Kinh và Roma, trong những năm gần đây, và đặc biệt là từ thời giáo hoàng Phanxicô, đã có những bước xích lại gần nhau. Đại dịch Covid-19 có dấu hiệu làm hai bên càng gần nhau thêm. Vào đầu tháng 2, trong lúc Trung Quốc là tâm dịch chính, Nhà Thuốc của Vatican đã cho gửi hơn 600.000 khẩu trang sang Trung Quốc.

Lần này, khẩu trang đến từ Trung Quốc đã được phân phát cho các bệnh viện Ý. Tòa Thánh vào hôm qua, 09/04, đã hoan nghênh “một cử chỉ hào phóng” và cám ơn người Công Giáo Trung Quốc, các định chế và tất cả các công dân khác ở Trung Quốc về sáng kiến nhân đạo này. Vatican đồng thời xác nhận lòng tôn trọng và những lời cầu nguyện của giáo hoàng dành cho họ.
 
Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2020 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
J.B. Đặng Minh An dịch
14:57 10/04/2020
Lúc 6g chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Sau bài thương khó, cha Raniero Cantalamessa, dòng Phanxicô Capuchin, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài giảng sau đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


“Ta có kế hoạch cho phúc lợi của con chứ không phải cho những tai ương”

Bài thuyết giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2020 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Raniero Cantalamessa


Bản dịch Việt ngữ: J.B. Đặng Minh An

Thánh Grêgôriô Cả nói rằng Kinh Thánh “phát triển cùng với các độc giả của mình” cum legentibus crescit. [1] Kinh Thánh đưa ra những ý nghĩa luôn luôn mới tùy theo những câu hỏi mà mọi người có trong lòng khi đọc Kinh Thánh. Và năm nay, chúng ta đã đọc trình thuật Cuộc Thương Khó với một câu hỏi - đúng hơn là với một tiếng khóc - trong trái tim chúng ta đang nổi lên trên toàn trái đất. Chúng ta cần tìm kiếm câu trả lời mà Lời Chúa đưa ra.

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là lời tường thuật về một tội ác, khách quan mà nói, là thê thảm nhất đã phạm phải trên trái đất này. Chúng ta có thể nhìn nó từ hai góc độ khác nhau: từ phía trước hoặc từ phía sau, nghĩa là, từ nguyên nhân của nó hoặc từ tác động của nó. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những nguyên nhân lịch sử dẫn đến cái chết của Chúa Kitô, chúng ta bị nhầm lẫn và mọi người sẽ bị cám dỗ để nói, như Philatô đã làm, “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27:24). Thập tự giá được hiểu rõ hơn khi chúng ta chú ý đến tác động của nó hơn là nguyên nhân của nó. Hãy tự hỏi những hệ lụy từ cái chết của Chúa Kitô là gì? Bởi vì khi đã được nên công chính nhờ đức tin, được làm lành và bình an với Thiên Chúa, chúng ta sẽ đầy lòng cậy trông được hưởng sự sống đời đời. (xem Rom 5: 1-5).

Có một hiệu ứng mà tình hình hiện tại có thể giúp chúng ta nắm bắt cách đặc biệt. Thập giá của Chúa Kitô đã thay đổi ý nghĩa của đau đớn và sự khổ đau của con người đối với mọi loại đau khổ, thể xác và đạo đức. Đau khổ không còn là hình phạt, hay một lời nguyền. Nó đã được cứu chuộc tận gốc khi Con Thiên Chúa tự mình gánh lấy khổ đau. Đâu là bằng chứng chắc chắn nhất cho thấy thức uống mà ai đó đưa cho bạn không có thuốc độc trong đó? Thưa: đó là khi người ấy uống cùng một ly trước khi bạn uống. Đây là những gì Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Ngài đã uống, trước toàn thế giới, chén đau đớn đến tận cùng cặn bã của nó. Đây là cách Ngài cho chúng ta thấy nó không có độc, nhưng có một viên ngọc ở dưới cùng của nó.

Và không chỉ nỗi đau của những người có niềm tin, mà là nỗi đau của mỗi con người. Chúa Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Ngài nói: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Ngài kéo lên tất cả mọi người, chứ không chỉ một số! Thánh Gioan Phaolô II đã viết từ giường bệnh của mình, sau vụ mưu ám sát ngài, rằng “Chịu đau khổ có nghĩa là trở nên đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt mở ra cho hoạt động quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Chúa Kitô.” [2] Nhờ thập giá Chúa Kitô, đau khổ, theo cách riêng của nó, cũng đã trở thành một loại ‘bí tích phổ quát của ơn cứu độ’ cho loài người.

Tất cả những điều này chiếu dõi ánh sáng nào trên tình huống bi thảm mà nhân loại đang trải qua vào lúc này? Ở đây cũng vậy, chúng ta cần xem xét các tác động nhiều hơn là nguyên nhân, và không chỉ những tác động tiêu cực mà chúng ta nghe thấy hàng ngày trong các báo cáo đau lòng mà còn cả những tác động tích cực, mà phải có sự quan sát cẩn thận hơn, chúng ta mới nắm bắt được.

Đại dịch coronavirus đã bất thình lình đưa chúng ta ra khỏi mối nguy lớn nhất mà các cá nhân và cả loài người luôn dễ bị rơi vào: đó là ảo tưởng về sự toàn năng của mình. Một giáo sĩ Do Thái đã viết rằng chúng ta có cơ hội để mừng lễ vượt qua rất đặc biệt trong năm nay, đó là cuộc vượt qua “từ tình trạng lưu vong của ý thức” [3]. Một loại virus, đơn thuần là thành phần nhỏ nhất và vô hình nhất trong tự nhiên, đã đủ để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chỉ là phàm nhân, rằng sức mạnh và công nghệ quân sự không đủ để cứu chúng ta. Như một Thánh vịnh trong Kinh Thánh nói: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49:21). Điều đó thật chí lý dường nào!

Trong khi đang vẽ những bức bích họa trong Nhà thờ Thánh Phaolô ở Luân đôn, một lúc nào đó, danh họa James Thornhill đã rất phấn khích về bức bích họa của mình đến nỗi anh ta lùi lại để nhìn cho rõ hơn và không biết rằng anh ta sắp rơi xuống khỏi mép giàn giáo. Một người trợ lý kinh hoàng nhận ra rằng gào lên với anh ta trong lúc này chỉ là đẩy nhanh thêm thảm họa. Không suy nghĩ đến lần thứ hai, anh nhúng một cây cọ vào sơn và ném nó vào giữa bức bích họa. Người họa sư, kinh hoàng, lao về phía trước. Công việc của anh ta bị hủy hoại, nhưng anh đã được cứu.

Đôi khi Chúa làm điều này với chúng ta: Ngài phá vỡ các dự án của chúng ta và sự bình thản của chúng ta để cứu chúng ta khỏi vực thẳm mà chúng ta không thấy. Nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị lừa dối. Thiên Chúa không phải là người ném cây cọ vào bức bích họa lấp lánh của xã hội công nghệ chúng ta. Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, không phải là đồng minh của virus! Chính Người đã nói trong Kinh Thánh, “Ta có kế hoạch cho phúc lợi của con chứ không phải cho những tai ương” (Ger 29:11). Nếu những tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì sẽ không thể giải thích được tại sao cả người tốt lẫn kẻ xấu đều bị tấn công như nhau, và tại sao người nghèo thường lại phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ nhất. Phải chăng họ tội lỗi nhiều hơn những người khác?

Đấng đã từng khóc trước cái chết của Ladarô, ngày hôm nay cũng khóc vì tai họa đã giáng xuống nhân loại. Vâng, Thiên Chúa “đau khổ”, như mọi người cha và mọi người mẹ. Khi chúng ta phát hiện ra điều này vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ xấu hổ về tất cả những lời buộc tội chúng ta đã gán cho Ngài trong cuộc sống. Thiên Chúa tham gia vào nỗi đau của chúng ta để vượt qua nó. Thánh Augustinô đã viết “Thiên Chúa nhân lành tột đỉnh sẽ không cho phép bất kỳ điều ác nào xảy ra trong các kỳ công của Ngài, trừ khi trong sự toàn năng và tốt lành của Người, Thiên Chúa có thể đưa ra điều tốt lành từ cái ác.” [4]

Phải chăng Chúa Cha có lẽ đã mong muốn cái chết của Con Ngài để rút ra điều tốt đẹp từ đó? Không, không phải như thế, Ngài chỉ đơn thuần là cho phép tự do của con người diễn ra, tuy nhiên, Ngài làm cho nó phục vụ những mục đích của mình chứ không phải những mưu đồ của con người. Đây cũng là trường hợp đối với các thảm họa tự nhiên như động đất và dịch bệnh. Ngài không mang chúng đến. Ngài đã cho thiên nhiên một loại tự do, tất nhiên khác về phẩm chất so với tự do của con người, nhưng vẫn là một dạng tự do. Tự do phát triển theo những quy luật phát triển riêng của nó. Thiên Chúa đã không tạo ra một thế giới như một chiếc đồng hồ được lập trình, trong đó mọi chuyển động nhỏ nhất có thể dự đoán được. Một số người gọi tự do trong thiên nhiên là “tình cờ” nhưng Kinh Thánh gọi là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Thành quả tích cực khác của cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay là cảm giác liên đới. Trong ký ức của nhân loại, có khi nào người dân của tất cả các quốc gia lại cảm thấy mình rất đoàn kết, rất bình đẳng, ít xung đột hơn vào thời điểm đau đớn này không? Chưa bao giờ, như bây giờ, chúng ta cảm nhận được những sự thật trong những lời này của một trong những nhà thơ vĩ đại của chúng ta: “Hãy làm hòa với nhau, hỡi các dân tộc! Trái đất đang phủ phục trước một mầu nhiệm quá sâu xa”. [5] Chúng ta đã quên đi việc xây dựng các bức tường. Virus không biết biên giới là gì. Ngay lập tức, nó đã phá vỡ mọi rào cản và sự phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, sự giàu có và quyền lực. Khi thời điểm này qua đi, chúng ta không nên trở lại thời điểm trước đó. Như Đức Thánh Cha đã khuyên bảo, chúng ta không nên lãng phí cơ hội này. Chúng ta đừng cho phép quá nhiều đau đớn, rất nhiều cái chết, và rất nhiều sự tham gia anh hùng từ phía các nhân viên y tế trở nên vô ích. Quay trở lại với cách thức mọi thứ đã diễn ra trong quá khứ là một sự “suy thoái” mà chúng ta nên âu lo nhất.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. (Is 2: 4)


Đây là thời điểm để đưa vào thực hành những lời của tiên tri Isaia mà nhân loại đã trông mong từ lâu sự ứng nghiệm của những lời này. Chúng ta hãy nói “Đủ rồi!” đối với cuộc chạy đua vũ trang bi thảm. Hãy nói điều đó với tất cả khả năng của các bạn, những người trẻ tuổi, bởi vì trên hết, số phận của các bạn đang bị đe dọa. Chúng ta hãy dành những nguồn lực đang được chi ra một cách vô giới hạn cho vũ khí vào các mục tiêu mà chúng ta thấy là cần thiết và cấp bách nhất: đó là sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, cuộc chiến chống đói nghèo, chăm sóc thiên nhiên. Chúng ta hãy để lại cho thế hệ tiếp theo một thế giới nghèo hơn về hàng hóa và tiền bạc, nếu cần, nhưng giàu hơn về nhân tính.

Lời Chúa nói với chúng ta điều đầu tiên chúng ta nên làm vào những lúc như thế này là kêu lên với Chúa. Chính Chúa là Đấng đã đặt trên môi miệng của mọi người những lời kêu lên cùng Người, vào những thời điểm vang lên những lời than thở cay đắng đến mức hầu như là buộc tội: “Tỉnh thức mau! Tại sao lại ngủ, Chúa ơi? Dậy đi! Đừng khước từ chúng con mãi mãi! Hãy đứng dậy, giúp chúng con! Hãy cứu chúng con vì lòng thương xót Chúa” (Tv 44, 24, 27). “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “ (Mc 4:38).

Phải chăng Thiên Chúa muốn được cầu xin rồi mới ban phát các ơn ích của Ngài cho chúng ta? Phải chăng lời cầu nguyện của chúng ta có thể làm cho Thiên Chúa thay đổi kế hoạch của Người? Không, không phải thế đâu, nhưng có những điều mà Thiên Chúa đã quyết định ban cho chúng ta như hoa trái từ ân sủng của Ngài, và cả từ lời cầu nguyện của chúng ta, gần như là Ngài muốn chia sẻ công nghiệp với các tạo vật của mình đối với các ơn ích nhận được. [6] Thiên Chúa là Đấng nhắc nhở chúng ta phải làm điều đó. Chúa Giêsu nói “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7: 7).

Khi dân Do Thái bị rắn độc cắn trong sa mạc, Thiên Chúa truyền cho ông Môisê treo một con rắn bằng đồng lên một cây cột, và bất cứ ai nhìn vào nó sẽ không chết. Chúa Giêsu áp dụng biểu tượng này lên chính Người khi Người nói với ông Nicôđêmô, “Như ông Môisê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:14 -15). Tại thời điểm này, chúng ta cũng đã và đang bị một con “rắn” độc vô hình cắn. Chúng ta hãy dán mắt nhìn vào Đấng đã được ‘nâng lên’ cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta hãy tôn thờ Ngài nhân danh chính chúng ta và cả loài người. Những ai nhìn vào Người với đức tin sẽ không chết. Và dẫu có chết đi, người ấy sẽ đi vào cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã tiên báo “Sau ba ngày, Thầy sẽ sống lại” (x Mt 27:63). Chúng ta cũng vậy, sau những ngày này, những ngày mà chúng ta hy vọng sẽ chóng qua, sẽ sống lại và ra khỏi ngôi mộ, là nhà chúng ta. Tuy nhiên, không phải để trở về cuộc sống cũ như Ladarô, mà là một cuộc sống mới, như Chúa Giêsu. Một cuộc sống huynh đệ hơn, nhân bản hơn, và Kitô giáo hơn!

[1] Moralia in Job, XX, 1.
[2] John Paul II, Salvifici doloris [On the Meaning of Human Suffering], n. 23.
[3] https://blogs.timesofisrael.com/coronavirus-a-spiritual-message-from-brooklyn (Yaakov Yitzhak Biderman).
[4] x St. Augustine, Enchiridion 11, 3; PL 40, 236.
[5] Giovanni Pascoli, “I due fanciulli” [“The Two Children”].
[6] See St. Thomas Aquinas, Summa Theologicae, II-IIae, q. 83, a. 2.


Source:Vatican News
 
Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Đàng Thánh Giá tại Đền thờ Thánh Phêrô
Thanh Quảng sdb
17:43 10/04/2020
Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Đàng Thánh Giá tại Đền thờ Thánh Phêrô

(Tin Vatican)

Trước một quảng trường, trống rỗng vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Đàng Thánh Giá.

Một sự tương phản

Đàng Thánh Giá này thông thường được diễn ra tại Hí trường Colosseum với đông đảo dân chúng tham dự để tưởng nhớ lại những giây phút cuối cùng của Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự An táng của Chúa Giêsu Kitô. Năm nay, trước các biện pháp được ban hành hầu ngăn chặn sự lây lan của cơn đại dịch Covid-19, khiến cho nghi thức Đàng Thánh Giá được diễn ra mà không có dân chúng tham dự.

Suy tư của các chặng Đàng Thánh Giá được viết bởi các tù nhân ở trại tù Padua

Các bài suy niệm cho mười bốn chặng đàng Thánh Giá đã được viết bởi các tù nhân của trại tù Palazzi, nằm trong thành phố Padua, bắc Ý.

Mười bốn chặng đàng Thánh Giá được suy tư và viết bởi: Năm tù nhân, một gia đình của một mạn nhân giết người, một bởi người con gái của một ông bị kết án chung thân, một bởi người mẹ của một tù nhân, một người coi tù và một linh mục đã bị kết án vì một tội vu khống oan khiên nhưng cuối cùng ngài đã được trắng án! Họ là những người đã suy tư về nỗi khổ, niềm đau của họ trước tình yêu hiến thân của Chúa và làm cách nào họ đã chịu đựng được những thảm trạng ấy trong cuộc đời của chính họ.

Một con đường xuyên qua bóng tối

Với mỗi chặng được đánh dấu bằng đột lên bời những ngọn đuốc để đánh dấu 14 chặng Đàng Thánh Giá, một Thánh giá mầu đen được rước quanh Hí trường, và rước về Vương cung thánh đường. Thánh giá được các thành viên Tuyên úy của nhà tù Palazzi, và các thành viên của Ban bảo vệ Sức khỏe và An toàn của Tòa thánh Vatican hộ tống.

Phép lành của Đức Thánh Cha

Khi Thánh giá về đến trước tiền đường Đền thờ Thánh Phêrô, thì Thánh giá được trao cho Đức Thánh Cha cầm tới chặng thứ mười bốn và kết thúc.

Kết thúc Chặng Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha ban phép lành cho cho tất cả những người tham dự dù họ ở bất cứ nơi nào trên khắp thế giới…
 
Đức Giáo Hoàng tôn vinh các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu chống chữa hậu quả Covid-19
Vũ Văn An
18:39 10/04/2020
Các bản tin sáng nay tại Úc đều ca ngợi việc Đức Phanxicô tôn vinh các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, bằng cách gọi họ là “các thánh ở nhà bên cạnh”.



Đúng vậy, theo tạp chí Crux, khi cử hành Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô gần như trống rỗng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặc biệt tưởng niệm các linh mục từng sống và chết trong đại dịch coronavirus; ngài nói rằng cùng với các bác sĩ và y tá, các ngài là “các thánh ở nhà bên cạnh” trong cuộc khủng hoảng này.

Có lẽ chưa bao giờ, Đức Phanxicô có những lời tâm tình tha thiết với các linh mục như trong Thánh Lễ dành cho các linh mục mà đại đa số họ không thể đến với ngài vì Covid-19.

Ngài nói “Hôm nay, cha muốn gần gũi với các linh mục, mọi linh mục. Từ những linh mục mới chịu chức tới chính Giáo Hoàng, tất cả chúng ta đều là linh mục. Tất cả chúng ta đều được Chúa xức dầu, xức dầu để cử hành Phép Thánh Thể, xức dầu để phục vụ”.

Theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường cử hành Lễ Truyền Dầu (Chrism), trong đó, các loại dầu được sử dụng trong các bí tích của năm sắp tới được làm phép, cùng một ngày với Thánh Lễ Tiệc Ly. Thánh lễ Truyền dầu đặc trưng được dành riêng cho các linh mục và qui tụ mọi linh mục trong giáo phận, nhưng Thánh lễ này năm nay đã bị ngưng lại, chờ một ngày thuận lợi khác, vì các giới hạn đi lại và hội họp do coronavirus.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh ngài vẫn “không thể để Thánh lễ này qua đi mà không nhìn nhận các linh mục, những người hiện đang hiến mạng sống mình cho Chúa”.

Ngài tưởng nhớ các linh mục đã chết ở Ý do coronavirus, cho hay: nhiều vị chết vì nhiễm bệnh khi đang phục vụ các bệnh nhân. Ngài nói: các linh mục này “khi phục vụ quả đã hiến mạng sống mình”.

Con số gần đây nhất được tờ Avvenire, tờ báo chính thức của Hội Đồng Giám Mục Ý, ghi chép là 96 linh mục chết trong đại dịch, trong đó có một linh mục xuất thân từ Calabria, nam Nước Ý, gần đây chết tại New York.

Ngài lớn tiếng ngỏ lời với các linh mục ẩn danh đang trung thành phục vụ, tên tuổi không ai biết đến. Ngài nhắc đến một linh mục miền quê Ý: không những biết tên mọi người trong thị trấn “mà cả tên các con chó của họ nữa”. Đó là gương sáng cho thấy “sự gần gũi của linh mục, các ngài là những linh mục tốt lành”. Ngài nói với họ: “Hôm nay, cha mang các con trong trái tim cha và cha mang các con tới bàn thờ”.

Ngài không quên nhắc đến những linh mục con sâu làm rầu nồi canh, khi nói đến tha thứ. Ngài nhắc chúng ta nhớ tới “bi kịch ta đã sống với các linh mục làm những điều xấu xa” mà vì thế, nhiều linh mục không thể rời nơi cư trú mà không bị nhục mạ và chế giễu, nhưng vẫn tiếp tục thừa tác vụ.

Điều đáng lưu ý là chúng ta phải tha thứ cho cả các linh mục "làm những điều xấu xa" nữa. Ngài nói: “các linh mục tội lỗi, những linh mục cùng với các Giám Mục tội lỗi và Giáo Hoàng tội lỗi, không bao giờ ngưng cầu xin tha thứ, và họ không bao giờ ngưng tha thứ vì họ hiểu họ cần sự tha thứ để tha thứ”. Đức Phanxicô nhấn mạnh “tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội”.

Đối với ngài, tha thứ là “đấu đong theo đó chúng ta sẽ được phán xét”. Ngài bảo: “đừng sợ phải tha thứ. Đôi khi ta hoài nghi, nhưng hãy nhìn lên Chúa Kitô, Người tha thứ tất cả. Hãy can đảm, dù gặp nguy hiểm để tha thứ, để ủi an”.

Ở một khía cạnh khác của tha thứ, ngài bảo nếu một linh mục không thể ban bí tích hòa giải trong một lúc nhất định nào đó, thì “ít nhất hãy an ủi” và “để cửa rộng mở, để có thể trở lại”.
 
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cần chuẩn bị cho các thực tại hậu tột đỉnh giới hạn
Vũ Văn An
20:12 10/04/2020
Trước các giới hạn kể là nghiêm ngặt của các chính phủ hiện nay và sự cộng tác nhiệt tình của hàng giáo phẩm hoàn vũ đối với các biện pháp cần thiết ấy, không thiếu người Công Giáo sốt ruột và gần đến Tuần Thánh năm nay, thậm chí có cả các kiến nghị yêu cầu hàng giáo phẩm lên tiếng với các nhà cầm quyền để họa chăng có một nới rộng nào đó để các tín hữu tham dự các cử hành phụng vụ Phục Sinh bằng sự hiện diện thể lý của họ chứ không qua “trực tuyến”. Hay ít nhất cũng để các nhà cầm quyền hiểu rằng các buổi lễ tôn giáo mà tiếng Anh cũng dùng hạn từ “service” để diễn tả không hơn thì ít nhất cũng “essential” (chủ yếu) như các dịch vụ siêu thị, ngân hàng, bệnh viện, trường học...



Hàng giáo phẩm khắp thế giới dường như không ai nghĩ đến việc ấy. Thậm chí có vị giáo phẩm còn ngặt nghèo hơn cả ông thống đốc khi không cho mở cửa nhà thờ, trong khi ông thống đốc cho mở.

Charles Collins, giám đốc điều hành của tạp chí Crux, có cái nhìn dường như thanh thản và quân bình hơn. Ông cho rằng dù gì hàng giáo phẩm cũng phải nghĩ đến chuyện phải làm gì một khi “cao điểm giới hạn” qua đi. Việc này hình như rục rịch đang xẩy ra. Ở Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump dự định nới lỏng các giới hạn vào đầu tháng 5 này (chỉ còn hơn nửa tháng nữa thôi). Còn ở Úc, mặc dù chính phủ liên bang và các chính phủ tiểu bang vẫn nhấn mạnh phải duy trì các biện pháp hiện thời “cho tới khi có vắc-xin [18 tháng nữa!]”, nhưng cơ quan đầu não của Rugby League đã công bố chính thức rằng các trận thi đấu của họ tái diễn vào cuối tháng 5 [hơn 1 tháng nữa thôi]. Họ cho biết quyết định này được công bố sau khi đã tham khảo với chính phủ tiểu bang.

Collins cho hay dù các chính phủ có bắt đầu mở các xã hội của họ đi chăng nữa, việc cho phép các linh mục ban các bí tích sau cùng cho bệnh nhân vẫn là ưu tiên thứ yếu trên nghị trình của họ và nhất là việc mở cửa các nhà thờ mà hậu quả là những buổi tụ tập đông người tại những không gian đóng kín.

Thành thử, nếu chỉ hoàn toàn trông chờ vào các nhà cầm quyền để khởi diễn lại sinh hoạt phụng vụ, hàng giáo phẩm sẽ phải chờ đợi khá lâu. Lúc đó, hình ảnh sẽ hóa ra xấu nếu các thành phần khác trong khu phố như cửa hàng, tiệm ăn, và trường học, từ từ hồi sinh, trong khi các nhà thờ vẫn treo bảng “đóng cửa vô hạn định” ở ngoài cửa.

Ông bảo ngay bây giờ, các nhà lãnh đạo Giáo Hội nên nghĩ đến tình huống đó, nặn óc (brainstorming) với các nhà chuyên môn để tìm cách an toàn trả lại sinh hoạt bí tích cho hàng ngũ giáo dân, dù trong những điều kiện giới hạn. Cùng một lúc, hàng ngũ giáo dân phải ý thức rằng “việc thờ phượng thông thường” có thể còn lâu mới trở lại.

Bởi thế ông đề nghị những điểm sau, trong bối cảnh Giáo Hội Hoa Kỳ, dĩ nhiên, nhưng có những điểm, ở các nơi khác cũng có thể áp dụng được

1.Các nhà thờ nên có sát trùng tay (hand sanitizer) ở các lối ra vào, phải đeo khẩu trang, và triệt để giữ khoảng cách xã hội, dù là trong lúc cầu nguyện riêng.

2) Các nhượng bộ bất thường để có thể cử hành Thánh Lễ cách an toàn. Thêm vào đó, nên tiếp tục việc miễn chước bổn phận dự Thánh Lễ Chúa Nhật, và các buổi phụng vụ sẽ dành cho những người “có vé mà thôi” nghĩa là phát vé để người ta có thể tham dự Thánh lễ vào các ngày khác nhau trong tuần, bảo đảm việc tuân giữ khoảng cách xã hội. Các thực hành khác như hôn bình an, xin tiền nên được bỏ. (Riêng điểm xin tiền này, bản thân tôi có cách để đóng góp cho nhà thờ: trong website của giáo xứ Regina Coeli, có mục “support us” trong đó có chỗ an toàn cho tôi góp tiền hàng tuần).

3) Các linh mục nên được huấn luyện “các thực hành tốt nhất” để bảo đảm mọi thận trọng được tuân giữ để ngăn chặn việc lây lan Covid-19: phải phân phối Thánh Thể ra sao, phải tương tác với các giáo dân thế nào trước và sau Thánh Lễ.

4) Những người dễ bị thương tổn nhất, như người cao niên và những người mang sẵn bệnh tật khác, phải được đặc biệt chăm sóc về thiêng liêng vì họ là lớp người được khuyến khích kiểm dịch lâu dài hơn những người khác. Có thể giải tội cho họ qua một bức màn ở tại nhà, và ban Mình Thánh Chúa ở ngoài cửa.

5) Việc cử hành các bí tích khác cũng có thể được thích ứng: rửa tội có thể chỉ có bố mẹ; giải tội tại các tòa giải tội ở bên ngoài; hôn phối hạn chế người tham dự; xức dầu chỉ cho những người thật cần đến, với các biện pháp an tòan đòi hỏi; thêm sức có thể tạm ngưng.

6) Hàng giáo phẩm nên yêu cầu chính phủ nhìn nhận vai trò của các giáo sĩ phục vụ cộng đồng để bảo đảm quyền đi lại của các ngài và các ngài được ưu tiên thử nghiệm Covid-19.
 
Vị giảng thuyết phủ Giáo Hoàng: Coronavirus, cuộc đánh thức khỏi ảo giác toàn năng
Vũ Văn An
21:54 10/04/2020
Theo CNS, trong Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vương cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày 10 tháng Tư, 2020, Cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng đã nói rằng coronavirus không phải là một hình phạt Chúa gửi đến, nhưng là một biến cố bi thảm, giống mọi đau khổ khác trong đời, được Thiên Chúa dùng để đánh thức nhân loại.



Ngài nói: “đại dịch coronavirus bỗng chốc đánh thức ta khỏi nguy hiểm mà các cá nhân và cả nhân loại luôn có thể vướng phải: cơn ảo giác toàn năng. Chỉ cần một yếu tố nhỏ nhất, vô mô thức nhất của thiên nhiên, tức virút, cũng đủ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những kẻ tử sinh, sức mạnh quân sự và kỹ thuật không đủ để cứu chúng ta”.

Phụng vụ trên được chủ tế bởi Đức Phanxicô tại Bàn Thờ Tòa (Chair) Thánh Phêrô trong Vương cung Thánh đường dâng kính vị thánh này, ngôi thánh đường nay gần như trống trơn và hoàn toàn im lặng. Sau khi vào chỗ, vị Giáo Hoàng 83 tuổi, với sự giúp đỡ của 2 phụ tá, đã qùy rồi nằm sõng soài dưới sàn nhà thờ như dấu chỉ thờ lạy và đền tội. Đôi tay để dưới người, mắt nhắm lại, Đức Giáo Hoàng im lặng cầu nguyện trước tượng chịu nạn phủ vải đỏ.

Trong phụng vụ, Đức Giáo Hoàng và một cộng đoàn nhỏ khoảng chục người đứng trong khi 3 phó tế và ca đoàn thu nhỏ của Nhà Nguyện Sixtine hát trình thuật Khổ Nạn trích từ Tin Mừng Gioan. Như thường lệ, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng giảng lễ.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, Đức Phanxicô là người duy nhất tham dự việc tôn thờ Thập Giá. Sau khi cung kính hôn Thập Giá, ngài đứng phía sau nó trong khi các người tham dự qùy thờ lạy từ xa.

Trong bài giảng lễ, Cha Cantalamessa cũng nói rằng bài đọc Tin Mừng về cái chết của Chúa Kitô “là trình thuật tội ác lớn nhất một cách khách quan từng phạm trên mặt đất. Dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có thể được nhìn từ nhiều viễn tượng khác nhau, “thập giá được hiểu rõ hơn nhờ các hậu quả hơn là nhờ các nguyên nhân của nó”. Ngài bảo: thập giá Chúa Kitô thay đổi ý nghĩa của đau đớn và đau khổ nhân bản, bởi lẽ cả hai không còn bị nhìn như trừng phạt của Thiên Chúa hay một nguyền rủa nữa. Trái lại, đau khổ “được cứu chuộc tận gốc khi Con Thiên Chúa tự vác lấy nó vào thân”.

Cha Cantalamessa giảng thêm: “Đâu là bằng chứng chắc chắn nhất thức uống mà ai đó đưa cho bạn không bị chuốc độc? Chính là việc người đó uống từ cùng một chiếc chén trước khi bạn uống. Đó chính là điều Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Người đã uống, trước mặt toàn thế giới, chén đau đớn đến tận giọt cuối cùng. Đó là cách Người chỉ cho ta thấy nó không bị chuốc độc, nhưng bên dưới nó có trân châu bảo ngọc”.

Ngài giảng tiếp: dù khó tránh khỏi các hậu quả tiêu cực của virút, kể cả cái chết và bệnh tật của người thân, đại dịch hiện nay, giống như việc đóng đinh của Chúa Giêsu, nên được nhìn “từ các hậu quả tích cực hơn là từ các nguyên nhân của nó”. Một hậu quả tích cực nữa của đại dịch là cảm nhận được tình liên đới và hợp nhất khắp thế giới; cảm nhận này sẽ giảm dần nguy cơ chiến tranh và các tranh chấp có vũ trang. Điều quan trọng, theo ngài, là đừng để cho “biết bao đau đớn, biết bao chết chóc, và biết bao dấn thân anh hùng của các nhân viên y tế ra vô ích”.

Cha kết luận: “trở về cung cách các sự việc có trước đây là ‘một suy thoái’ ta nên sợ hơn cả. Chúng ta hãy dành các tài nguyên vô hạn vốn dành cho các vũ khí vào các mục đích hiện chúng ta nhận ra cần thiết và khẩn thiết hơn cả: sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, chiến đấu chống nghèo đói, quản lý môi trường. Chúng ta hãy để lại cho thế hệ sau một thế giới nghèo hơn về hàng hóa và tiền bạc, nếu cần, nhưng giầu hơn về tình người”.
 
Văn Hóa
Video nhạc phẩm: Thế Giới một niềm đau
Nhạc sĩ Châu Đình An
15:46 10/04/2020
Em ơi, em có nghe gì không? Ngoài kia đường phố vắng, từng đường phố không người, từng đường phố hoang tàn. Chưa bao giờ ta thấy, chưa bao giờ ta thấy đời tắt nụ cười… Em ơi, em có nghe gì không?
 
VietCatholic TV
LIVE: Truyền hình trực tiếp mão gai Chúa từ nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:29 10/04/2020


 
Hồng Y làm người hầu bàn. Phép lành trọng thể cho thủ đô Paris. Đức Tổng Giám Mục Huế chúc mừng Đức Hồng Y George Pell
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:40 10/04/2020
Noi gương yêu thương của thầy chí thánh, Đức Hồng Y Rainer Woelki đã làm người hầu bàn phục vụ người người nghèo. Đức Tổng Giám Mục Huế là một trong các Giám Mục đầu tiên chúc mừng Đức Hồng Y George Pell. Phép lành trọng thể cho thủ đô Paris.

Đó là các tin chính chúng tôi sẽ trình bày trong chương trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi các tin quan trọng liên quan đến tình hình Giáo Hội và thế giới trước đại họa coronavirus.

Tính đến chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 95,765 người, trong số 1,605,692 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có 7,234 ‬ người chết và thêm 85,589 ‬ người nhiễm coronavirus. Số người chết và số trường hợp nhiễm bệnh mới tăng lên rất nhanh chóng.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 16,697 người, trong số 468,895 trường hợp nhiễm coronavirus. Con số tử vong tại Hoa Kỳ trong 24 giờ qua là 1,900 người, chỉ giảm chút đỉnh so với ngày hôm trước. Hiện nay, tình trạng nghiêm trọng nhất là tại New York với 7,067 người thiệt mạng cho đến nay.

Newsweek báo cáo rằng theo một nghiên cứu mới, coronavirus đã được phát hiện trong nước thải tại Massachusetts ở mức cao hơn rất nhiều so với dự kiến, cho thấy trong thành phố New York hiện có nhiều bệnh nhân đã nhiễm coronavirus nhưng không biết hay chưa được chẩn đoán.

Eric Alm, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh rằng công chúng không có nguy cơ nhiễm virus từ các hạt trong nước thải, nhưng hàm lượng cao của coronavirus chỉ ra mức độ lan rộng của virus tại thành phố này.

Như chúng tôi đã loan tin, tại Ý, có ít nhất hai linh mục nguyên là các bác sĩ đã tình nguyện quay trở lại nghề y trong hoàn cảnh thiếu các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Tại Hoa Kỳ, cha Antôn Phạm Hữu Tâm cũng gia nhập đội ngũ các nhân viên y tế đang vất vả chống đỡ với dịch bệnh. Cha Antôn Phạm Hữu Tâm, sinh năm 1965, linh mục thuộc Tu hội Tận Hiến truyền giáo, hiện nay là Tổng Thư Ký của Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 15,447 người, trong số 153,222 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp tử vong trong 24 giờ qua tại quốc gia này là 655 người, là con số người thiệt mạng thấp nhất tại Tây Ban Nha trong 2 tuần qua.

Tử vong tại Ý vẫn đang dẫn đầu thế giới với 18,279 người, trong số 143,626 trường hợp nhiễm coronavirus, tức là có 610 người chết trong 24 giờ qua.

Tử vong tại Đức đã lên đến 2,607 người, trong số 118,235 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, thiệt hại nhân mạng tại Đức là 258 người, giảm nhiều so với con số tử vong 333 của ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Vị Hồng Y trở thành hầu bàn

Tại Köln, từ hôm 29 tháng Ba, Đức Hồng Y Rainer Woelki đã dùng một chủng viện làm nhà trọ cho những người vô gia cư. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục cho biết: “Tất cả các chủng sinh đang theo học đã được cho về nhà vì tình trạng dịch bệnh hiện nay. Ngôi nhà này của Chúa cần phải mở rộng vòng tay đón những người vô gia cư.”

Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy gương sáng của ngài. Vị Hồng Y 63 tuổi, được kể là tuổi dễ có nguy cơ tử vong khi nhiễm coronavirus đã đứng thường xuyên trước ngưỡng cửa. Ngài ân cần mời những người tìm đến xin giúp đỡ. Tự tay ngài bừng cà phê và bánh ngọt mời họ, như một người hầu bàn.

Với các anh chị em tín hữu có nhu cầu xưng tội, ngài niềm nở mời họ đến gặp gỡ ngài để hòa giải với Chúa trong Tuần Thánh này. Những hình ảnh quý vị và anh chị em có thể thấy đây là nhà nguyện luôn rộng mở cho các tín hữu đến cầu nguyện trước thánh thể với các biện pháp khử trùng thường xuyên để tránh lây lan virus.

Phép lành trọng thể cho thành phố Paris

Tử vong tại Pháp đã lên đến 12,210 người, trong số 117,749 trường hợp nhiễm coronavirus.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã ban phép lành trọng thể cho thành phố Paris từ đỉnh Montmartre vào sáng sớm ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong một buổi Chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này, và đặc biệt là linh hồn những người đã qua đời vì trận dịch quái ác này.

Trong cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 7 tháng Tư, một tuần trước ngày tưởng niệm một năm biến cố cháy nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit cho biết ngài sẽ trưng bày thánh tích Mão Gai của Chúa Kitô tại Nhà thờ Notre-Dame de Paris dù chưa sửa xong, để cho mọi người tôn kính qua một chương trình phát sóng trực tuyến vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư. Đây sẽ là lần đầu tiên thánh tích Mão Gai của Chúa Kitô được chính thức trao lại cho nhà thờ chính tòa Notre-Dame de Paris kể từ sau khi đám cháy phá hủy mái nhà và ngọn tháp vào Thứ Hai Tuần Thánh 15 tháng Tư năm 2019.

Cả hai sự kiện đều nhấn mạnh đến tình huống bất thường gây ra bởi coronavirus Trung Quốc. Ngoại trừ một số nhà thờ hiếm hoi ở Pháp nơi các linh mục vẫn đang cử hành thánh lễ công khai, cho phép không quá hai mươi tín hữu tham dự, tại hầu hết các thị trấn và làng mạc, các nhà thờ đều phải đóng cửa và các Thánh lễ bị đình chỉ.

Buổi Chầu Thánh Thể và ban phép lành cho Paris của Đức Tổng Giám Mục Aupetit là một sự kiện bán công khai, được diễn ra ở tiền đình Nhà thờ Thánh Tâm Montmartre, được xây dựng trên một ngọn đồi đã từng chứng kiến các hình thức thờ phượng ngoại giáo trước khi Kitô giáo đến với nước Pháp.

Trong chiến tranh với Đức vào năm 1870, Pháp bị mất vào tay quân Đức nhiều thành phố và làng mạc. Một lời khấn quốc gia để được đưa ra theo đó một đền thờ sẽ được xây trên núi này nhằm phạt tạ vì những bất trung và tội lỗi của người Pháp.

Đền thờ cuối cùng đã được thánh hiến sau Thế chiến thứ nhất, cụ thể là vào năm 1919. Kể từ đó, Chầu Thánh Thể đã diễn ra ở đền thờ này liên tục, cả ngày lẫn đêm, ngay cả trong các cuộc oanh tạc vào thời Thế chiến II.

Montmartre cũng là đỉnh núi của các vị tử đạo: chẳng hạn, Thánh Denis, giám mục đầu tiên của Paris, đã bị chặt đầu ở đây vào thế kỷ thứ 5.

Được bao quanh bởi một số giám mục và linh mục của giáo phận, tất cả đều đeo khẩu trang y tế, Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã chủ sự buổi lễ kéo dài nửa giờ bao gồm lời cầu nguyện thầm lặng trước Thánh Thể, kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu và một lời cầu nguyện xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh kinh hoàng này.

Trong lời nguyện, Đức Tổng Giám Mục nói:

“Giữa những lo lắng của chúng con, xin Chúa tăng thêm niềm tin của chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con đức tin kiên vững rằng Chúa yêu thương chúng con với một tình yêu vô hạn. Trong những thời điểm dịch bệnh kinh hoàng này, trong đó chúng con không thể tiếp nhận Chúa một cách bí tích, xin Chúa hãy đến thăm chúng con để làm cho chúng con mạnh mẽ hơn trong thử thách này. Là những kẻ yếu đuối và tội lỗi, chúng con vững dạ cậy trông vào lòng thương xót vô biên của Chúa. Hôm nay, cách riêng, chúng con muốn phó thác Paris cho Chúa, ở đây từ thánh đường này, nơi ngày và đêm, lòng thương xót Chúa tỏa sáng khắp thành phố, khắp nước Pháp và trên toàn thế giới trong Bí tích Thánh Thể.

Xin Chúa ban sức khỏe cho các bệnh nhân, sức mạnh cho các nhân viên y tế, an ủi các gia đình và ban ơn cứu rỗi cho tất cả những người đã chết. Xin Chúa cũng nâng đỡ những người cô đơn, những người vô gia cư đang rơi vào tình cảnh khốn cùng trong những ngày này.”

Sau đó, cộng đoàn đã hát kinh cầu Trái tim Chúa Kitô. Đức Giám Mục Aupetit đã hát bài Tantum ergo sacramentum sau đó, ngài di chuyển xuống các bậc thang của thánh đường và âm thầm ban phép lành cho Paris, trong khi nhiều người qua đường, đi dạo trong tiết xuân ấm áp, có thể theo dõi và thờ phượng từ những bậc thang xa hơn.

Dàn hợp xướng của các nữ tu ở Montmartre đã hát những bài hát quen thuộc trong sự kiện này.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chúc mừng Đức Hồng Y George Pell

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hoan nghinh Đức Hồng Y Pell được trắng án. Theo tin của UCA,News Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã mô tả việc bác bỏ bản án kết Đức Hồng Y Pell tội lạm dụng tình dục trẻ em là vô tiền khoáng hậu.

Vị đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng ca ngợi việc thả Đức Hồng Y George Pell khỏi nhà tù như một biến cố chưa từng thấy trong Giáo Hội Công Giáo.

Ngài viết trong một thông điệp gửi Đức Hồng Y Pell ngày 7 tháng 4: “cuối cùng, Đức Hồng Y đã được Tòa án Tối cao Úc đại lợi trả tự do. Đó là điều Dân Chúa khắp thế giới vẫn tin tưởng mong đợi kể từ ngay lúc khởi đầu vụ án”.

Đức Tổng Giám Mục Linh nói rằng việc thả tự do cho Đức Hồng Y Pell là kết quả việc cầu nguyện liên lỉ của Giáo Hội hoàn vũ, nhất là Giáo Hội Công Giáo ở Úc đại lợi và tổng giáo phận Sydney. Ngài nói thêm: Thiên Chúa thực sự đã đáp ứng lời cầu nguyện của con cái Người trong thời gian thử thách.

Trong thông điệp gừi cho Đức Hồng Y Pell, Đức Cha Linh cũng viết rằng “Chúng con tin chắc chắn rằng đây là giờ phút vĩ đại trong cuộc sống của Đức Hồng Y và là một biến cố có một không hai trong lịch sử Giáo Hội của chúng ta. Trong đại nạn Covid-19 và Tuần Thánh này, xem ra Đức Hồng Y đã sống lại và ca bài Alleluia trước cuộc Phục Sinh của Chúa chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Linh cũng xin Đức Hồng Y Pell, người trước đây là bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh trong các năm 2014-2018, cầu nguyện cho Giáo Hội địa phương. Đức Tổng Giám Mục viết thêm rằng ngài hy vọng được nghinh đón Đức Hồng Y ở Việt Nam một ngày gần đây.
 
Phụng vụ cảm động tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa Kitô chiều Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:18 10/04/2020
Lúc 6g chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Sau bài thương khó, cha Raniero Cantalamessa, dòng Phanxicô Capuchin, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài giảng sau đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


“Ta có kế hoạch cho phúc lợi của con chứ không phải cho những tai ương”

Bài thuyết giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2020 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Raniero Cantalamessa


Bản dịch Việt ngữ: J.B. Đặng Minh An

Thánh Grêgôriô Cả nói rằng Kinh Thánh “phát triển cùng với các độc giả của mình” cum legentibus crescit. [1] Kinh Thánh đưa ra những ý nghĩa luôn luôn mới tùy theo những câu hỏi mà mọi người có trong lòng khi đọc Kinh Thánh. Và năm nay, chúng ta đã đọc trình thuật Cuộc Thương Khó với một câu hỏi - đúng hơn là với một tiếng khóc - trong trái tim chúng ta đang nổi lên trên toàn trái đất. Chúng ta cần tìm kiếm câu trả lời mà Lời Chúa đưa ra.

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là lời tường thuật về một tội ác, khách quan mà nói, là thê thảm nhất đã phạm phải trên trái đất này. Chúng ta có thể nhìn nó từ hai góc độ khác nhau: từ phía trước hoặc từ phía sau, nghĩa là, từ nguyên nhân của nó hoặc từ tác động của nó. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những nguyên nhân lịch sử dẫn đến cái chết của Chúa Kitô, chúng ta bị nhầm lẫn và mọi người sẽ bị cám dỗ để nói, như Philatô đã làm, “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27:24). Thập tự giá được hiểu rõ hơn khi chúng ta chú ý đến tác động của nó hơn là nguyên nhân của nó. Hãy tự hỏi những hệ lụy từ cái chết của Chúa Kitô là gì? Bởi vì khi đã được nên công chính nhờ đức tin, được làm lành và bình an với Thiên Chúa, chúng ta sẽ đầy lòng cậy trông được hưởng sự sống đời đời. (xem Rom 5: 1-5).

Có một hiệu ứng mà tình hình hiện tại có thể giúp chúng ta nắm bắt cách đặc biệt. Thập giá của Chúa Kitô đã thay đổi ý nghĩa của đau đớn và sự khổ đau của con người đối với mọi loại đau khổ, thể xác và đạo đức. Đau khổ không còn là hình phạt, hay một lời nguyền. Nó đã được cứu chuộc tận gốc khi Con Thiên Chúa tự mình gánh lấy khổ đau. Đâu là bằng chứng chắc chắn nhất cho thấy thức uống mà ai đó đưa cho bạn không có thuốc độc trong đó? Thưa: đó là khi người ấy uống cùng một ly trước khi bạn uống. Đây là những gì Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Ngài đã uống, trước toàn thế giới, chén đau đớn đến tận cùng cặn bã của nó. Đây là cách Ngài cho chúng ta thấy nó không có độc, nhưng có một viên ngọc ở dưới cùng của nó.

Và không chỉ nỗi đau của những người có niềm tin, mà là nỗi đau của mỗi con người. Chúa Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Ngài nói: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Ngài kéo lên tất cả mọi người, chứ không chỉ một số! Thánh Gioan Phaolô II đã viết từ giường bệnh của mình, sau vụ mưu ám sát ngài, rằng “Chịu đau khổ có nghĩa là trở nên đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt mở ra cho hoạt động quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Chúa Kitô.” [2] Nhờ thập giá Chúa Kitô, đau khổ, theo cách riêng của nó, cũng đã trở thành một loại ‘bí tích phổ quát của ơn cứu độ’ cho loài người.

Tất cả những điều này chiếu dõi ánh sáng nào trên tình huống bi thảm mà nhân loại đang trải qua vào lúc này? Ở đây cũng vậy, chúng ta cần xem xét các tác động nhiều hơn là nguyên nhân, và không chỉ những tác động tiêu cực mà chúng ta nghe thấy hàng ngày trong các báo cáo đau lòng mà còn cả những tác động tích cực, mà phải có sự quan sát cẩn thận hơn, chúng ta mới nắm bắt được.

Đại dịch coronavirus đã bất thình lình đưa chúng ta ra khỏi mối nguy lớn nhất mà các cá nhân và cả loài người luôn dễ bị rơi vào: đó là ảo tưởng về sự toàn năng của mình. Một giáo sĩ Do Thái đã viết rằng chúng ta có cơ hội để mừng lễ vượt qua rất đặc biệt trong năm nay, đó là cuộc vượt qua “từ tình trạng lưu vong của ý thức” [3]. Một loại virus, đơn thuần là thành phần nhỏ nhất và vô hình nhất trong tự nhiên, đã đủ để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chỉ là phàm nhân, rằng sức mạnh và công nghệ quân sự không đủ để cứu chúng ta. Như một Thánh vịnh trong Kinh Thánh nói: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49:21). Điều đó thật chí lý dường nào!

Trong khi đang vẽ những bức bích họa trong Nhà thờ Thánh Phaolô ở Luân đôn, một lúc nào đó, danh họa James Thornhill đã rất phấn khích về bức bích họa của mình đến nỗi anh ta lùi lại để nhìn cho rõ hơn và không biết rằng anh ta sắp rơi xuống khỏi mép giàn giáo. Một người trợ lý kinh hoàng nhận ra rằng gào lên với anh ta trong lúc này chỉ là đẩy nhanh thêm thảm họa. Không suy nghĩ đến lần thứ hai, anh nhúng một cây cọ vào sơn và ném nó vào giữa bức bích họa. Người họa sư, kinh hoàng, lao về phía trước. Công việc của anh ta bị hủy hoại, nhưng anh đã được cứu.

Đôi khi Chúa làm điều này với chúng ta: Ngài phá vỡ các dự án của chúng ta và sự bình thản của chúng ta để cứu chúng ta khỏi vực thẳm mà chúng ta không thấy. Nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị lừa dối. Thiên Chúa không phải là người ném cây cọ vào bức bích họa lấp lánh của xã hội công nghệ chúng ta. Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, không phải là đồng minh của virus! Chính Người đã nói trong Kinh Thánh, “Ta có kế hoạch cho phúc lợi của con chứ không phải cho những tai ương” (Ger 29:11). Nếu những tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì sẽ không thể giải thích được tại sao cả người tốt lẫn kẻ xấu đều bị tấn công như nhau, và tại sao người nghèo thường lại phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ nhất. Phải chăng họ tội lỗi nhiều hơn những người khác?

Đấng đã từng khóc trước cái chết của Ladarô, ngày hôm nay cũng khóc vì tai họa đã giáng xuống nhân loại. Vâng, Thiên Chúa “đau khổ”, như mọi người cha và mọi người mẹ. Khi chúng ta phát hiện ra điều này vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ xấu hổ về tất cả những lời buộc tội chúng ta đã gán cho Ngài trong cuộc sống. Thiên Chúa tham gia vào nỗi đau của chúng ta để vượt qua nó. Thánh Augustinô đã viết “Thiên Chúa nhân lành tột đỉnh sẽ không cho phép bất kỳ điều ác nào xảy ra trong các kỳ công của Ngài, trừ khi trong sự toàn năng và tốt lành của Người, Thiên Chúa có thể đưa ra điều tốt lành từ cái ác.” [4]

Phải chăng Chúa Cha có lẽ đã mong muốn cái chết của Con Ngài để rút ra điều tốt đẹp từ đó? Không, không phải như thế, Ngài chỉ đơn thuần là cho phép tự do của con người diễn ra, tuy nhiên, Ngài làm cho nó phục vụ những mục đích của mình chứ không phải những mưu đồ của con người. Đây cũng là trường hợp đối với các thảm họa tự nhiên như động đất và dịch bệnh. Ngài không mang chúng đến. Ngài đã cho thiên nhiên một loại tự do, tất nhiên khác về phẩm chất so với tự do của con người, nhưng vẫn là một dạng tự do. Tự do phát triển theo những quy luật phát triển riêng của nó. Thiên Chúa đã không tạo ra một thế giới như một chiếc đồng hồ được lập trình, trong đó mọi chuyển động nhỏ nhất có thể dự đoán được. Một số người gọi tự do trong thiên nhiên là “tình cờ” nhưng Kinh Thánh gọi là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Thành quả tích cực khác của cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay là cảm giác liên đới. Trong ký ức của nhân loại, có khi nào người dân của tất cả các quốc gia lại cảm thấy mình rất đoàn kết, rất bình đẳng, ít xung đột hơn vào thời điểm đau đớn này không? Chưa bao giờ, như bây giờ, chúng ta cảm nhận được những sự thật trong những lời này của một trong những nhà thơ vĩ đại của chúng ta: “Hãy làm hòa với nhau, hỡi các dân tộc! Trái đất đang phủ phục trước một mầu nhiệm quá sâu xa”. [5] Chúng ta đã quên đi việc xây dựng các bức tường. Virus không biết biên giới là gì. Ngay lập tức, nó đã phá vỡ mọi rào cản và sự phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, sự giàu có và quyền lực. Khi thời điểm này qua đi, chúng ta không nên trở lại thời điểm trước đó. Như Đức Thánh Cha đã khuyên bảo, chúng ta không nên lãng phí cơ hội này. Chúng ta đừng cho phép quá nhiều đau đớn, rất nhiều cái chết, và rất nhiều sự tham gia anh hùng từ phía các nhân viên y tế trở nên vô ích. Quay trở lại với cách thức mọi thứ đã diễn ra trong quá khứ là một sự “suy thoái” mà chúng ta nên âu lo nhất.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. (Is 2: 4)


Đây là thời điểm để đưa vào thực hành những lời của tiên tri Isaia mà nhân loại đã trông mong từ lâu sự ứng nghiệm của những lời này. Chúng ta hãy nói “Đủ rồi!” đối với cuộc chạy đua vũ trang bi thảm. Hãy nói điều đó với tất cả khả năng của các bạn, những người trẻ tuổi, bởi vì trên hết, số phận của các bạn đang bị đe dọa. Chúng ta hãy dành những nguồn lực đang được chi ra một cách vô giới hạn cho vũ khí vào các mục tiêu mà chúng ta thấy là cần thiết và cấp bách nhất: đó là sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, cuộc chiến chống đói nghèo, chăm sóc thiên nhiên. Chúng ta hãy để lại cho thế hệ tiếp theo một thế giới nghèo hơn về hàng hóa và tiền bạc, nếu cần, nhưng giàu hơn về nhân tính.

Lời Chúa nói với chúng ta điều đầu tiên chúng ta nên làm vào những lúc như thế này là kêu lên với Chúa. Chính Chúa là Đấng đã đặt trên môi miệng của mọi người những lời kêu lên cùng Người, vào những thời điểm vang lên những lời than thở cay đắng đến mức hầu như là buộc tội: “Tỉnh thức mau! Tại sao lại ngủ, Chúa ơi? Dậy đi! Đừng khước từ chúng con mãi mãi! Hãy đứng dậy, giúp chúng con! Hãy cứu chúng con vì lòng thương xót Chúa” (Tv 44, 24, 27). “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “ (Mc 4:38).

Phải chăng Thiên Chúa muốn được cầu xin rồi mới ban phát các ơn ích của Ngài cho chúng ta? Phải chăng lời cầu nguyện của chúng ta có thể làm cho Thiên Chúa thay đổi kế hoạch của Người? Không, không phải thế đâu, nhưng có những điều mà Thiên Chúa đã quyết định ban cho chúng ta như hoa trái từ ân sủng của Ngài, và cả từ lời cầu nguyện của chúng ta, gần như là Ngài muốn chia sẻ công nghiệp với các tạo vật của mình đối với các ơn ích nhận được. [6] Thiên Chúa là Đấng nhắc nhở chúng ta phải làm điều đó. Chúa Giêsu nói “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7: 7).

Khi dân Do Thái bị rắn độc cắn trong sa mạc, Thiên Chúa truyền cho ông Môisê treo một con rắn bằng đồng lên một cây cột, và bất cứ ai nhìn vào nó sẽ không chết. Chúa Giêsu áp dụng biểu tượng này lên chính Người khi Người nói với ông Nicôđêmô, “Như ông Môisê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:14 -15). Tại thời điểm này, chúng ta cũng đã và đang bị một con “rắn” độc vô hình cắn. Chúng ta hãy dán mắt nhìn vào Đấng đã được ‘nâng lên’ cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta hãy tôn thờ Ngài nhân danh chính chúng ta và cả loài người. Những ai nhìn vào Người với đức tin sẽ không chết. Và dẫu có chết đi, người ấy sẽ đi vào cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã tiên báo “Sau ba ngày, Thầy sẽ sống lại” (x Mt 27:63). Chúng ta cũng vậy, sau những ngày này, những ngày mà chúng ta hy vọng sẽ chóng qua, sẽ sống lại và ra khỏi ngôi mộ, là nhà chúng ta. Tuy nhiên, không phải để trở về cuộc sống cũ như Ladarô, mà là một cuộc sống mới, như Chúa Giêsu. Một cuộc sống huynh đệ hơn, nhân bản hơn, và Kitô giáo hơn!

[1] Moralia in Job, XX, 1.
[2] John Paul II, Salvifici doloris [On the Meaning of Human Suffering], n. 23.
[3] https://blogs.timesofisrael.com/coronavirus-a-spiritual-message-from-brooklyn (Yaakov Yitzhak Biderman).
[4] x St. Augustine, Enchiridion 11, 3; PL 40, 236.
[5] Giovanni Pascoli, “I due fanciulli” [“The Two Children”].
[6] See St. Thomas Aquinas, Summa Theologicae, II-IIae, q. 83, a. 2.


Source:Vatican News
 
Thánh Ca
Video thánh ca: Đức Mẹ Dưới Chân Thập Tự
Nhạc LM Trọng Khẩn -- Ca sĩ Lệ Hằng
11:31 10/04/2020
 
Video nhạc Con đường nào Chúa đã đi qua
Lm. Văn Chi - Lệ Hằng
21:21 10/04/2020