Ngày 25-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
26/04: Làm Môn Đệ của Chúa thì phải liều lĩnh và chịu thiệt thòi –Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:19 25/04/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

Đó là lời Chúa
 
Đức Thánh Cha dành ra ngày thứ Sáu để kiểm tra y tế
Đặng Tự Do
05:21 25/04/2022


“Hôm nay Đức Giáo Hoàng đã giảm tốc các hoạt động của mình vì ngày hôm nay ngài cần phải kiểm tra y tế”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên hôm 22 tháng 4. Trong những ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng 85 tuổi đã đi lại rất khó khăn.

Một số cuộc hẹn được lên lịch vào sáng thứ Sáu 22 tháng Tư đã bị hủy bỏ. Theo trang tin Ton Digital của Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng đã lên kế hoạch gặp ngoại trưởng Á Căn Đình, Santiago Cafiero, vào buổi sáng.

Ông Matteo Bruni chỉ nói với các phóng viên rằng Đức Giáo Hoàng đang làm chậm các hoạt động của mình để kiểm tra y tế. Không có thông tin nào khác đã được công bố. Không biết liệu các xét nghiệm có liên quan đến chứng đau đầu gối phải của ngài hay không.

Trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có vẻ yếu đi khi ngài tiếp tục bị đau ở chân. Thứ Bảy tuần trước, ngài đã ủy nhiệm Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn chủ tọa Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Trong suốt Tuần Thánh, ngài tránh đứng quá lâu và rõ ràng là hạn chế đi bộ đến mức tối thiểu. Trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó Chúa vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã không nằm phủ phục trước bàn thờ vào lúc đầu lễ.

Tuy nhiên, vào Sáng Chúa Nhật Phục sinh, ngài đã có thể chủ sự Thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngày hôm sau, trước hàng chục nghìn thanh niên Ý, Đức Giáo Hoàng dường như đã lấy lại được chút năng lượng.

Vào đầu tháng 4, trong chuyến đi tới Malta, ngài đã xác nhận với các nhà báo rằng đầu gối của ngài vẫn tiếp tục gây ra vấn đề cho ngài và ngài đã phải dùng thang máy để lên máy bay khi rời Malta.

“Sức khỏe của tôi hơi thất thường, vì tôi gặp vấn đề với đầu gối khiến khả năng vận động, đi lại trở nên khó khăn. Tuy hơi mệt nhưng mọi thứ có lẽ sẽ tốt hơn,” ngài nói.

Vào tháng 7 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật đại tràng của mình. Nhập viện 10 ngày sau khi gây mê toàn thân, ngài giải thích sau đó rằng các bác sĩ đã cắt bỏ 33 cm ruột.

Vào tháng 8, ngài đã bác bỏ tin đồn về việc từ chức vì lý do sức khỏe mà một số phương tiện truyền thông Ý đã đưa ra.
Source:Aleteia
 
Sứ điệp Tin mừng Phục Sinh
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:14 25/04/2022

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
SỨ ĐIỆP TIN MỪNG PHỤC SINH
Cv 5,27b-32. 40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19

Hôm nay, cộng đoàn chúng ta cử hành Chúa Nhật III Phục Sinh. Trong thánh lễ này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về chủ đề niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh qua ba điểm: Tin là gặp gỡ Đấng Phục Sinh; Tin là yêu mến Người, và cuối cùng tin là làm chứng cho Người.

1- Tin là gặp gỡ Đấng Phục Sinh

Toàn bộ sứ điệp Tin Mừng được viết lại dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh. Kitô Giáo khởi đi từ biến cố này. Quả thế, khi chứng kiến Chúa Giêsu chết trên thập giá, các Tông Đồ nghĩ rằng: Mọi sự kết thúc nơi nấm mồ. Họ tản mác và về quê tìm nghề sinh sống. Nhưng biến cố phục sinh đã làm thay đổi mọi sự.

Chúa Kitô hiện ra với các Tông Đồ để củng cố đức tin cho họ. Ban đầu, thấy Chúa họ cứ tưởng là ma. Sau những lần gặp gỡ trực tiếp, xem thấy tay chân và các dấu đinh Chúa, họ mới nhận ra: “Chúa đó.” Từ kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ đã gắn bó và dấn thân cho Người.

Như thế, đức tin chính là gặp gỡ và gắn bó với Đấng Phục Sinh. Ngày hôm nay, Người tiếp tục hiện diện và tỏ mình ra cho chúng ta qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta có thể đến để gặp gỡ và sống thân tình với Đấng Phục Sinh.

2- Tin là yêu mến Đấng Phục Sinh

Trong Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Chúa Giêsu không đòi hỏi gì ngoài lòng yêu mến. Người hỏi ông đến ba lần. Điều này cho thấy tình yêu là điều kiện tiên quyết, là quan trọng nhất để làm Tông Đồ của Chúa. Tin vào Đấng Phục Sinh là yêu mến Người trên hết mọi sự, với một tình yêu hiến dâng, quảng đại, không tính toán và vô điều kiện.

Lòng yêu mến đó phải được thể hiện qua việc tín thác vào Chúa và làm theo Lời Chúa dạy. Thật vậy, sau một đêm vất vả mà không thu được kết quả gì, Đức Kitô bảo các ông: “Cứ thả lưới bên phải thuyền, thì sẽ bắt được nhiều cá.” Vâng lời Thầy, Phêrô và các môn đệ thả lưới. Phép lạ đã xảy ra; họ “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá.” Phép lạ này là kết quả của sự tín thác vào Chúa. Như thế, nếu không có Chúa, mọi cố gắng của con người chỉ là “công dã tràng xe cát biển đông.” Ai tín thác vào Chúa, người đó sẽ gặt hái những hoa quả tốt đẹp.

Thánh Phêrô trong bài đọc I cho chúng ta một nguyên tắc để phân định và tín thác vào Chúa. Đó là nguyên tắc: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người phàm” (Cv 5,29). Đây là tiêu chuẩn giúp chúng ta hành xử khi sống trong một xã hội vô thần, nếu luật dân sự trái nghịch với luật tự nhiên và Thiên luật, chúng ta có bổn phận khước từ và chống lại luật dân sự để tuân theo luật tự nhiên và Thiên luật. Ví dụ như luật về hôn nhân, gia đình, phá thai, chết êm dịu…

3- Tin là làm chứng cho Đấng Phục Sinh

Tất cả những ai đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh đều đã cảm thấy nhu cầu và bổn phận loan báo Người cho kẻ khác.

Các người phụ nữ là những người đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh, họ đã trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên của Người.

Hai môn đệ Emmaus sau khi gặp và nhận ra Đấng Phục Sinh, họ đã mau mắn quay trở lại báo tin cho các bạn biết.

Các Tông Đồ khác cũng thế, sau khi gặp Đấng Phục Sinh, mỗi người một phương, bất chấp bạo quyền và khó khăn, họ hăng say rao giảng Tin Mừng.

Cũng thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho người khác trong môi trường sống hôm nay. Cánh đồng truyền giáo còn mênh mông, trên thế giới cứ ba người, thì có hai người chưa biết Chúa. Trên đất nước Việt Nam, người Công Giáo chỉ có khoảng 8-9% dân số. Như thế, còn rất nhiều người chưa biết Chúa. Lời mời gọi truyền giáo trở thành cấp thiết. Chúng ta có bổn phận truyền giáo cho những người chưa nhận biết Chúa. Truyền giáo phải trở thành nhu cầu thiết yếu của người Kitô hữu và chúng ta phải có xác tín như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16)!

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta một đức tin vững vàng, trung kiên và nhất là biến đổi chúng ta trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành cho Chúa Kitô Phục Sinh. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Bài học từ mẻ cá kỳ diệu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:16 25/04/2022
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

BÀI HỌC TỪ MẺ CÁ KỲ DIỆU

Cv 5,27b-32. 40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19

Cha Antony de Mello có kể câu chuyện như sau: ngày nọ, một người băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đồn đãi của vị Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?” Người môn đệ đó trả lời: “Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi thánh ý Thượng Đế!”

Nếu nói phép lạ là khi một người thực thi thánh ý Thượng Đế, thì trình thuật “mẻ cá kì diệu” của thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay có thể được coi là “phép lạ của việc thực thi thánh ý Chúa.” Trình thuật này gợi cho chúng ta những bài học quý giá đáng suy gẫm. Xin được gợi ý hai điểm:

1- “Đêm hôm đó, họ chẳng bắt được gì cả”

Trước hết, đó là sự kiện các môn đệ đánh cá suốt đêm nhưng họ chẳng bắt được gì cả.

Thánh Gioan cho chúng ta biết: sau khi chứng kiến biến cố Thầy mình bị giết và treo trên thập giá cách đau đớn, các môn đệ thất vọng, bỏ cuộc, họ trở về Galiêa và tiếp tục nghề đánh cá. Lúc đó, có bảy môn đệ của Chúa Giêsu ở biển hồ Tibêria. Các ông rủ nhau đi đánh cá.

Theo kinh nghiệm của người ngư phủ thời đó, người ta thường đánh cá vào ban đêm thì sẽ bắt được nhiều cá. Nhưng lần này, họ đã vất vả suốt đêm và không bắt được gì (x. Ga 21,3). Bởi vì, đêm hôm đó, Chúa Giêsu không hiện diện với các ông. Các ông tự mình làm việc mà không có sự giúp đỡ của Chúa Giêsu.

Đây là một ghi nhận đáng lưu ý đối với mỗi người chúng ta. Cũng vậy, trong cuộc sống hằng ngày, đã nhiều lần chúng ta trải nghiệm nhiều thất bại giống như các Tông Đồ. Có nhiều lúc chúng ta dốc hết sức, dồn hết lực làm việc, phải mất ăn, mất ngủ vì công việc, nhưng kết cục, mọi sự “dã tràng xe cát biển đông.” Cuối cùng không mang lại kết quả gì. Tại sao? Xin thưa: vì chúng ta làm việc mà không cần đến ơn Chúa đồng hành. Chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mình mà không cần đến Chúa. Chúng ta làm việc mà không có ơn Chúa trợ giúp. Kết quả là không được gì cả!

2- “Vâng Lời Thầy, con thả lưới”

Sau một đêm vất vả mà không thu được kết quả gì, Đức Kitô Phục Sinh hiện ra và bảo các ông: “Cứ thả lưới bên phải thuyền, thì sẽ bắt được nhiều cá.”

Nếu xét về kinh nghiệm nghề nghiệp, các Tông Đồ chắc chắn hơn hẳn Chúa Giêsu. Các ông là những tay ngư phủ lành nghề, biết phải đi giờ nào, đánh chỗ nào và đánh như thế nào thì bắt được cá. Còn Chúa Giêsu chỉ là con bác thợ mộc, đâu có kinh nghiệm gì về đánh cá và biển cả. Thế nhưng, vâng lời Thầy, Phêrô và các môn đệ thả lưới. Quả thật, phép lạ đã xảy ra: họ “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá.”

Sự kiện này nói lên một bài học quan trọng: Phêrô và các môn đệ không còn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, ý riêng và tài cán của mình nữa, nhưng là dựa vào “Lời Thầy,” tin vào quyền năng của Thầy. Đây là thái độ đức tin, một thái độ giúp các ông vượt lên giới hạn của mình, đi xa hơn những kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, để tiến tới một sự vâng phục, tín thác hoàn toàn và làm theo ý Chúa muốn.

Như thế, phép lạ mẻ cá kỳ lạ là kết quả của ơn Chúa và là phần thưởng cho những ai biết tín thác vào quyền năng Thiên Chúa. Phép lạ này cho thấy: Ai tin vào Chúa, sẽ thành công. Ai tín thác vào Chúa, sẽ gặt hái những hoa quả tốt đẹp. Ai cậy dựa vào Chúa, sẽ không bao giờ làm việc mà không có kết quả.

Đây là bài học quý báu cho mỗi người chúng ta: Tất cả chúng ta được mời gọi từ bỏ ý riêng, không cậy dựa vào khả năng mình, nhưng tín thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa, và nhất là thực thi theo thánh ý Người. Lúc đó phép lạ sẽ xảy ra cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết chọn lựa như các Tông Đồ: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người phàm” (Cv 5,29), biết chọn ý Chúa hơn ý riêng, biết lắng nghe Lời Chúa và hành động theo sự hướng dẫn của Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Sinh lại bởi trên
Lm. Minh Anh
20:50 25/04/2022

SINH LẠI BỞI TRÊN
“Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”.

Tại một buổi thuyết trình, Paul Brand nói về chủ đề “Toả sáng Chúa Kitô”. Trước bục, ông đặt một ngọn đèn, bấc cháy từ đĩa dầu. Bỗng đèn hết dầu, bấc cháy khô và khói làm ông ho. Brand tận dụng cơ hội, “Một số trong chúng ta khác nào ngọn bấc này, toả sáng Chúa Kitô; nhưng bỗng nhiên, chúng ta bốc mùi khét lẹt. Điều này xảy ra khi chúng ta lấy mình làm nhiên liệu thay vì Chúa Thánh Thần! Bấc có thể tồn tại vô thời hạn, cháy sáng và dễ chịu, nếu nhiên liệu Thánh Thần được cung cấp liên tục. Tôi muốn nói đến việc ‘sinh lại bởi Thánh Thần’, ‘sinh lại bởi trên!’”.
Kính thưa Anh Chị em,

Chủ đề của Paul Brand được Tin Mừng hôm nay lặp lại. Lần đầu tiên, Chúa Giêsu nói đến việc ‘sinh lại bởi Thánh Thần’, ‘sinh lại bởi trên’. Thật thú vị, Chúa Giêsu cũng nói khích! Tuy nhiên, Ngài nói khích không để chê bai, nhưng để khích lệ một sự hiểu biết về một phương thế cứu rỗi. Ngài khích Nicôđêmô, “Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”.

Nicôđêmô, một trong những thầy dạy hàng đầu của Israel, nhưng ông lại âm thầm đến thụ giáo với Chúa Giêsu; bởi lẽ, nơi Chúa Giêsu có một điều gì đó quan trọng mà ông không có. Quả thế, ông thông thạo các quy tắc và lề luật; nhưng trong kiến thức của ông, vẫn còn một lỗ hổng! Ông không biết Chúa Thánh Thần, không biết ‘một sự tồn tại mới’ mà một người sẽ lãnh nhận khi được sinh ra bởi “nước và thần khí”. Một cách nào đó, ông không có lỗi, vì Chúa Giêsu chưa tiết lộ điều này! Tuy nhiên, qua đó, chúng ta thấy, để trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần đáng tin cậy, kiến thức tâm linh của một người thật quan trọng biết bao! Là những người Công Giáo dấn thân, chúng ta cần dẫn dắt người khác đến với đức tin sâu sắc hơn; nhưng liệu chúng ta có làm như vậy với mức độ xác tín cao về đức tin và đang sống đức tin đó trong lòng không?

Thật cần thiết để được ‘sinh ra bởi trên!’. Ấy thế, không ít lần, như những người duy vật thực dụng, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của cuộc sống hàng ngày, đến nỗi, không mảy may quan tâm đến thế giới tinh thần, một điều gì đó lớn hơn vô cùng so với thế giới vật chất, vốn tiêu tốn tất cả sự chú ý của chúng ta. Qua phép Rửa, chúng ta được đánh dấu cho những gì thuộc về trên trời; in trong tâm hồn chúng ta một dấu ấn không thể xoá nhoà, một dấu ấn tuyên bố với vũ trụ rằng, chúng ta là con Thiên Chúa, mang hình ảnh Ngài. Mỗi khi hít thở thần khí, nhìn lên trời, chúng ta ‘làm mới sự sinh lại’ trong Thánh Thần; qua đó, Thiên Chúa tuyên bố chúng ta là của Ngài. Vì thế, đừng bao giờ dành quá một phút để sống như một người duy vật thực dụng!

Khi nói, “Chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy”, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành nhân chứng về “những thực tại trên trời” cho thế giới. Bằng chứng lớn nhất là hạnh phúc và lòng bác ái! Vui vẻ, bác ái, bình an là phong thái rất riêng, là dấu cho thấy đức tin của chúng ta là đích thực. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay dẫn chứng điều đó, “Các tín hữu thời bấy giờ chỉ một lòng một ý”, “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn”; qua đó, Thiên Chúa được ngợi khen; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc thiên oai tựa cẩm bào!”.

Anh Chị em,

“Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”. Chuyện gì? Chuyện ‘sinh lại bởi trên’. Chúng ta được một lần sinh ra trong thể xác và một lần sinh ra trong Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa Tội. Như thể xác cần được nuôi dưỡng bởi cơm bánh và khí trời; linh hồn cũng được hít thở bằng Thánh Thần, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thịt Máu Ngài. Ân sủng của Thiên Chúa tựa hồ một đĩa dầu không bao giờ vơi, một giếng nước không bao giờ cạn. Từ đĩa dầu này, giếng nước này, chúng ta thường xuyên được nuôi dưỡng và được đổi mới để sống đúng phẩm giá mà chúng ta được kêu gọi để sống; nhờ nguồn thánh sủng đó, chúng ta vui sống như những con trai, con gái của Cha trên trời. Hãy cảm tạ Chúa về những ân huệ Thánh Thần, ân huệ Thánh Thể, và các Bí tích như nhiên liệu để “bấc có thể tồn tại vô thời hạn, cháy sáng và dễ chịu”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, con được ‘sinh lại bởi trên’, xin hướng lòng con lên những thực tại trên cao. Xin đừng bao giờ để con sống như một người duy vật thực dụng, dù chỉ một phút!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:06 25/04/2022

4. Làm gương tốt là phương pháp tốt nhất để truyền giáo.

(Thánh Joseph Rosil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:09 25/04/2022
60. MỘT MÓN ĐỦ RỒI

Thầy giáo mở hội quán dạy học, chủ nhà thết tiệc chúc mừng.

Bởi vì lần thứ nhất mời thầy giáo nên giết một con ngỗng làm thức ăn. Lúc ăn cơm, thầy giáo nói với chủ nhà:

- “Từ này về sau còn làm phiền thêm nhiều ngày nữa”.

Không đợi chủ nhà nói, thầy giáo lại chỉ vào thịt ngỗng trong dĩa nói:

- “Mỗi ngày ăn một món này cũng đủ rồi, không cần phải thêm nhiều món khác”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 60:

Ở đời, có một vài thầy giáo dạy kèm (gia sư) lợi dụng lòng tốt của chủ nhà để dạy hư con của họ, họ đã làm mất đi vẻ đẹp của người thầy giáo.

Ở đời, có một vài thầy giáo lợi dụng chức vụ cao quý của mình để bắt ép học trò làm việc đồi bại với mình, họ đã đem danh dự bản thân và danh dự thầy giáo của mình dìm xuống bùn đen của tội lỗi.

Ở đời, có một vài người Ki-tô hữu sống như những người không biết Thiên Chúa là ai, sống như không phải là người Ki-tô hữu, họ chỉ cần “một món” là đủ để che lấp con mắt người đời tội lỗi của mình, đó là đi rước lễ, họ lợi dụng việc rước lễ để làm tội ác, để làm “hoa mắt” người khác, để bịp những người Ki-tô hữu đạo đức thơ ngây, nhưng hỡi ôi, họ không làm “hoa mắt” Thiên Chúa được.

Những người bên lương nói Ông Trời có con mắt, còn người Ki-tô hữu thì nói Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, hãy coi chừng đấy, đừng dùng “độc chiêu” rước lễ để che mắt Ông Trời….

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong Thông điệp Phục sinh, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói Chúng tôi đứng về phía Ukraine
Đặng Tự Do
05:22 25/04/2022


Trong thông điệp Phục sinh của ngài, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đề cập đến cuộc chiến và những đau khổ và tàn bạo do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine gây ra.

“Chúng tôi sát cánh và đau khổ cùng với những người dân Ukraine ngoan đạo và can đảm đang chịu đựng thập giá nặng nề. Chúng tôi cầu nguyện và nỗ lực cho hòa bình và công lý cũng như cho tất cả những người đang bị tước đoạt. Không thể tưởng tượng nổi những người Kitô hữu chúng ta không thể nào im lặng trước sự chà đạp nhân phẩm quá sức khủng khiếp như thế này,” Đức Thượng phụ viết.

Ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thượng phụ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể leo thang thành chiến tranh thế giới thứ ba. Ngài nhấn mạnh rằng vũ khí không phải là giải pháp và chỉ có thể mang lại “chiến tranh và bạo lực, đau buồn và chết chóc”.

Chúng ta thất vọng trước bạo lực nhiều mặt, bất công xã hội và vi phạm nhân quyền trong thời đại của chúng ta. “Thông điệp rạng rỡ về sự phục sinh” và tiếng kêu của chúng ta “Chúa Kitô đã Phục sinh!” ngày nay vang dội cùng với âm thanh khủng khiếp của vũ khí, tiếng kêu thảm thiết của những nạn nhân vô tội do quân xâm lược gây ra và hoàn cảnh của những người tị nạn, trong đó có rất nhiều trẻ em vô tội. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến tất cả những vấn đề này trong chuyến thăm gần đây của chúng tôi đến Ba Lan, nơi phần lớn người tị nạn Ukraine đã chạy trốn. Chúng tôi sát cánh và đau khổ bên cạnh những người dân Ukraine ngoan đạo và can đảm đang chịu đựng thập giá nặng nề. Chúng tôi cầu nguyện và nỗ lực cho hòa bình và công lý cũng như cho tất cả những người đang bị tước đoạt phẩm giá và quyền sống. Thật không thể tưởng tượng được nếu có những Kitô Hữu trong chúng ta lại có thể im lặng trước sự chà đạp phẩm giá con người”.


Source:greekreporter.com
 
Những Câu Truyện Từ Vatican
Vũ Văn An
20:05 25/04/2022
Trang mạng của Tòa Thánh, Vatican News, ngoài các thông tin liên quan đến sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các bộ sở giáo triều, còn có rất nhiều mục đề cập đến tác động gần xa của các sinh hoạt này, trong đó có mục “Stories” tường trình các sáng kiến khắp thế giới nhằm thi hành, quảng diễn các dự án của Đức Giáo Hoàng nói riêng và của Tòa Thánh nói chung, nhất là trong hai lãnh vực môi trường và tình huynh đệ nhân bản (Laudato si’ và Fratelli Tutti). Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy một số Câu Truyện này, tạm gọi là Những Câu Truyện Từ Vatican. Câu truyện đầu tiên là câu truyện về đại dịch do Giada Aquilino trình bầy.

Phục hồi sau đại dịch kêu gọi trách nhiệm hoàn cầu



Trong gần ba mươi năm, Quỹ Vatican “Centesimus Annus pro Pontifice” (Năm Thứ Một Trăm Cho Đức Giáo Hoàng) đã tập trung vào việc nghiên cứu, xem xét và áp dụng các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Theo 'thông điệp Laudato Si' của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tổ chức này đã bắt đầu đối thoại với các doanh nghiệp trên khắp thế giới để đánh giá cao hơn việc thực hiện cụ thể các nguyên tắc của thông điệp. Tổng thư ký, Eutimio Tiliacos nói với Vatican News rằng đó là vấn đề "trách nhiệm với toàn thế giới".

Trong thời đại đại dịch này, những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato si' của ngài về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta càng cấp thiết hơn khi đối diện với "sự phát triển kỹ thuật to lớn" mà trong những năm qua "đã không đi kèm với việc phát triển trách nhiệm, giá trị và lương tâm con người" và sự hiểu biết về cách sử dụng quyền lực đúng đắn (Laudato si', 105). Tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice, một tổ chức của Vatican được thành lập thông qua một văn kiện viết tay (chirograph) của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1993, cam kết nghiên cứu, hiểu và áp dụng các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội trong mọi bối cảnh của thế giới hiện đại, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính.

Môi trường và con người

Hiện tại, Quỹ này, do Anna Maria Tarantola làm chủ tịch, đang theo đuổi sáng kiến "Một cho nhiều" (one to many), nhằm làm mọi người biết các thực tại kinh doanh, học thuật, giáo dục, chính trị và lĩnh vực thứ ba đang thực hiện cụ thể như thế nào các nguyên tắc được đề ra trong Thông điệp riêng của Đức Giáo Hoàng công bố năm 2015. Điều này cũng đã được thảo luận tại hội nghị quốc tế năm 2021 do Centesimus Annus tổ chức vào tháng 10 và dành riêng cho các chủ đề liên đới, hợp tác và trách nhiệm như cơ sở để xây dựng một thế giới hòa nhập hơn. Các cuộc hội họp đã được tổ chức với các công ty năng lượng Enel, Eni, Snam, cũng chuyên phát triển kỹ thuật liên quan đến tính bền vững môi trường và chuyển đổi năng lượng.

Anna Maria Tarantola tại Lễ Phát Giải Economy and Society năm 2019


Eutimio Tiliacos, tổng thư ký của Centesimus Annus pro Pontifice, cho biết: “Đại dịch đã nêu bật giới hạn của kỹ thuật và mối quan hệ của nó với con người. Ông giải thích, kỹ thuật "đặt ra những vấn đề rất mạnh mẽ về bản chất đạo đức và mối quan hệ với đạo đức: chúng được khẳng định trong Laudato si' và được tiếp nối mạnh mẽ trong Fratelli tutti ....”. Ông lưu ý, “một cách đặc biệt, chủ đề trung tâm liên kết hai điều này là trách nhiệm của con người đối với việc sử dụng kỹ thuật, việc sử dụng điều một mặt mang lại lợi ích và mặt khác có thể nêu lên vấn đề, vì chúng ta không chỉ thay đổi môi trường, nhưng trong các trường hợp cực đoan, thay đổi cả con người bởi hành động của chúng ta. "

Một cách đặc biệt, Quỹ xem xét Laudato si' không “chỉ " từ quan điểm "xanh" mà còn là "một thông điệp xã hội”... Tiliacos nhắc lại, “Đức Thánh Cha nhấn mạnh một cách rất mạnh mẽ rằng không chỉ có khủng hoảng môi trường hay xã hội mà thôi, chúng còn là hai khía cạnh của cùng một vấn đề. Để làm điều này, điều rõ ràng là chúng ta cần can thiệp vào cách mọi người suy nghĩ, vào não trạng, vào tinh thần của mỗi cá nhân và đặc biệt của những người có trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh, cả từ quan điểm chính trị lẫn kinh tế ở bình diện hoàn cầu, ở bình diện quốc gia mà nghiêm ngặt hơn ở cả bình diện địa phương nữa. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến Qũy ngày 8 tháng 7, 2019


Ông nói thêm, con đường tiếp theo là tiếp nhận "phương pháp trao trách nhiệm cho cá nhân để họ có thể can thiệp vào những gì không hoàn hảo, sai lầm hoặc đã làm trong quá khứ, nhằm khắc phục các tình huống trong quá khứ ấy." Nói cách khác, một phương pháp "không nên giới hạn ở việc ghi nhận các hiệu quả của những gì người ta làm trong tương lai tức khắc, khi tiếp xúc với những người mà với họ người ta có mối quan hệ và những tình huống cụ thể, nhưng - như Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta làm - dựa trên quan điểm rộng hơn về trách nhiệm đối với toàn thế giới, với nhân loại nói chung. Điều này bao gồm cả những người mà chúng ta không nhìn thấy và sẽ không bao giờ nhìn thấy vì họ sống ở những nơi khác nhau trên thế giới nhưng phải chịu những hiệu quả của những gì chúng ta làm, y hệt như chúng ta có thể chịu ảnh hưởng bởi những gì người khác làm ".

Một cuộc hội họp của Qũy Centesimus Annus với công ty năng lượng Snam


Tiliacos giải thích thêm, từ quan điểm này, "chủ đề bền vững là chủ đề đưa chúng ta trở lại mối quan hệ giữa cá nhân và các bên thứ ba, nơi các bên thứ ba không phải là vợ, con của chúng ta hoặc đồng nghiệp của chúng ta, mà là toàn thể nhân loại. " Ông lưu ý rằng "không có biên giới, hay rào cản chính trị hoặc xã hội nào cho phép chúng ta tự cô lập mình", như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại trong thông điệp, và cũng vì lý do đó "càng ít chỗ hơn cho việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ" (Laudato si', 52).

Một vấp ngã mà từ đó chúng ta phải chỗi dậy

Từ viễn ảnh này, các nỗ lực mới cũng đang được tập trung vào việc giải quyết tình trạng khẩn cấp do coronavirus đang diễn ra mà Quỹ đã huy động để khuyến khích các hình thức bác ái cụ thể. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến chúng trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Tarantola vào năm ngoái, cảm ơn bà "vì bà đã sẵn lòng đáp ứng cụ thể với đại dịch bằng cách tìm cách hỗ trợ, đồng hành và kích thích các dự án giúp chống lại" cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19.

Một bức ảnh về đại dịch


Trong Thánh lễ Chúa nhật Hiện xuống năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng “tệ hơn cuộc khủng hoảng này” chính là “thảm kịch lãng phí nó”. Paolo Garonna, giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Luiss Guido Carli và là thành viên của ủy ban khoa học của Quỹ Centesimus Annus, nhận định, trong Laudato si', "chúng ta tìm thấy ý tưởng này là trong thiên nhiên và trong các quá trình sản xuất tự nhiên và nhân bản và việc phân phối của cải, mọi thứ đều có thể được sử dụng, mọi thứ đều có ý nghĩa: đó là một tầm nhìn có tính quan phòng, thậm chí mang tính cánh chung, về các diễn trình kinh tế và xã hội nhằm mời gọi chúng ta bác bỏ nền kinh tế lãng phí và một nền kinh tế phần nào chỉ nhìn xem ai là kẻ mạnh và đang thắng thế. "

Ông nói thêm "chúng ta cũng có thể học hỏi từ thất bại, do đó, ngay cả thất bại cũng có thể coi là cú vấp ngã mà từ đó chúng ta phải chỗi dậy, nó được coi là cuộc khủng hoảng mà từ đó chúng ta cần học cách cố gắng nắm bắt mọi cơ hội." Giáo sư Garonna cũng nhận định rằng "cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đến những kiểu sản xuất mới, kiểu tổ chức xã hội mới và cách sống chung mới. Nó sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ. Và trên hết, nó sẽ đòi hỏi những nền tảng đạo đức cho các diễn trình chung sống xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta được củng cố, và nếu thiếu nó, chúng ta không thể định hướng và điều hành tương lai "mà không có nguy cơ bị "áp đảo bởi sự không chắc chắn".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Mừng Đai lễ kinh Lòng Thương Xót Chuá
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
08:25 25/04/2022
Hòa cùng niềm vui của cả Giáo hội hoàn vũ trong ngày mừng kính LTXC – Chúa nhật II Phục sinh vào lúc 15g ngày 24/04/2022, đông đảo bà con giáo xứ Tân Việt, cách riêng anh chị em trong cộng đoàn LTXC, đã hiện diện trong ngôi thánh đường thân yêu để cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Xem Hình

Trước đó, khởi đầu từ ngày thứ sáu tuần Thánh, cộng đoàn LTXC của giáo xứ đã tổ chức tuần cửu nhật thật sốt sáng nhằm giúp mọi người chuẩn bị tâm hồn mừng ngày đại lễ.

Đầu lễ, Linh mục chủ tế đã nhắn nhủ: Chiều hôm nay cộng đoàn LTXC d0a4 dâng Thánh lễ mừng kính LTXC. Cùng với giáo hội, chúng ta dâng lên Chúa lời chúc tụng, tạ ơn vì tình thương Chúa đã chịu chết và chuộc tội cho chúng ta.

Qua bản văn Tin mừng, linh mục chủ tế đã chia sẻ giúp chúng ta cảm nghiệm rõ nét hơn vè Lòng thương xót Chúa. Trong suốt những năm qua, từ khi cộng đoàn LTXC hiện diện ở giáo xứ. Dặc biệt qua những giờ kinh lúc 3 giờ chiều hằng ngày, đời sống đức tin của nhiều anh chị em trong giáo xứ đã có những thay đổi tích cực. Và chắc chắn, những lời kinh, tiếng hát đơn sơ nhưng chân thành được lien lỉ dâng lên Chúa ấy, mà biết bao ơn lành Chúa đã thương ban xuồng từng gia đình và toàn thể cộng đoàn giáo xứ thân yêu. Cảm nghiệm được tình thương của Chúa qua từng biến cố của cuộc sống sẽ giúp chúng ta tiếp tục thưa lên cùng Chúa:” Lay Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Thánh lễ kết thúc lúc 16g, mọi người đều cảm thấy bình an và hân hoan trong Chúa. Vì đó là điều Chúa đã hứa ban cho những ai tín thác vào LTXC của Ngài.

VInh sơn Trần văn Đẩu
 
Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót 2022 tại giáo xứ VN Seattle.
Nguyễn An Quý
17:02 25/04/2022
Tukwila: Cao nguyên tình xanh lại có những ngày khá đẹp trời vào những ngày Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót năm 2022 tại giáo xứ CTTĐVN thuộc Tổng Giáo Phận Seattle. Đại Hội được cử hành trong ba ngày từ chiều thứ sáu ngày 22 đến hết Chúa Nhật ngày 24 tháng 4 năm 2022 do linh mục Giuse Đinh Văn Nghị phụ trách giảng phòng.

Xem Hình

Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót do cha Giuse Đinh Văn Nghị giảng tĩnh tâm từ chiều thứ sáu ngày 22 tháng 4 và suốt ngày thứ Bảy 23 tháng 4 với Chủ Đề: " Về Đây Nghe Em " qua những đề tài mang tính hồn thơ, đầy ắp tình yêu thương của đời thường như: Khóc một dòng sông – Khung trời của kỷ niệm- Bến bờ của miền xót thương. Qua những đề tài trong các giờ tĩnh tâm xem ra rất là đời thường trong cuộc sống, nhưng cha Nghị đã có lối trình bày khá bình dân và thực tế nên đã đưa mọi người hiện diện trở về với Lòng Chúa Thương Xót một cách thâm sâu.

Khi liên tưởng đến chủ đề: "Về Đây Nghe Em" người viết nhớ lại bài hát " Về đây nghe em" là một bài hát nổi tiếng trước 1975 do nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc từ bài thơ của A Khuê trích trong tập thơ Vàng Bay xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Bài hát có những câu mang tinh thần ý thơ nhưng cách trình bày của Cha Nghị lại gợi ý cho một sự trở về với Lòng Chúa Thương Xót. Bài hát có đoạn…(Chở lòng mình trở về quê hương- Chở hồn mình về dòng suối mát.- Chở thật thà vào lòng dối trá.) Vâng, cha Nghị đã gợi ý nếu chúng ta biết nương tựa vào lòng Chúa thương xót, ắt chúng ta sẽ được Chúa thương cho trở về nơi quê hương nước trời và được Chúa cho hưởng dòng suối mát trong một thế giới đầy ắp tình yêu thương thật thà, không còn dối trá.

Trong suốt các giờ tĩnh tâm qua những đề tài nêu trên, Cha Nghị đã đưa mọi người cùng nhau suy niệm cho một sự trở về Lòng Chúa Thương Xót. Đông đảo giáo dân đã tham dự các giờ và lắng nghe một cách sốt sắng.

Cao điểm của ngày Đại Hội là cuộc rước kiệu kính Lòng Chúa Thương Xót và Thánh Lễ Đại Trào được bắt đầu vào sáng Chúa Nhật lúc 9 giờ 30.

Đúng 9:30 am, MC thông báo cuộc rước kiệu bắt đầu. Linh mục Đoàn tiến vào nhà thờ và dừng lại trước bàn kiệu Lòng Chúa thương xót. Cha chủ tế đọc lời nguyện mở đầu buổi Rước Kiệu: “Lạy Chúa Giêsu vô cùng thương xót. Xin Chúa nhân từ, thương xót và tha thứ cho chúng con. Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, vì chúng con tín thác vào lòng thương xót bao la của Chúa. Xin đón nhận chúng con vào Thánh Tâm rất nhận lành của Chúa và xin đừng khi nào để chúng con rời khỏi Thánh Tâm Chúa. Chúng con nài xin vì tình yêu Chúa đã liên kết Chúa với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu. Xin thương cả loài người, nhất là những kẻ có tội, đang tìm nương thân trong Thánh Tâm đầy tràn thương xót của Chúa Giêsu. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu. Xin Chúa tỏ lòng Chúa thương xót Chúa cho chúng con, để chúng con ca tụng quyền năng lòng thương xót Chúa bây giờ và cho đến muôn đời Amen.”

Sau lời nguyện cha chủ sự xông hương trước Tượng Lòng Chúa Thương Xót và cuộc rước kiệu bắt đầu với Thánh Giá nến cao, chiêng trống và các đoàn thể. Xe kiệu lòng Chúa Thương Xót do các anh Đoàn Liên Minh Thánh Tâm phụ trách khá trang nghiêm. Xe kiệu được di chuyển sau linh mục đoàn và nghi đoàn. Đoàn kiệu di hành chung quanh nhà thờ sau hơn nửa tiếng đồng hồ. Đông đảo giáo dân trong các Giáo Đoàn, Hội Đoàn và các Cộng Đoàn bạn đã hiện diện trong ngày bế mạc đại hội. Khi đoàn kiệu trở về nhà thờ phần diễn nguyện được bắt đầu. Ban diễn nguyện đã trình bày hoạt cảnh về Đời sống đạo khá phóng phú. Phần diễn nguyện kết thúc với tràng pháo tay dài.

Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội được cử hành đồng tế. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành Chủ tế Thánh Lễ, cùng đồng tế có cha Trần Hữu Lân, Cha Đinh Văn Nghị và thầy Phước phó tế phụ tế Thánh Lễ.

Đúng 10 giờ 30, Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ, linh mục đoàn cùng với nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh.

Mở đầu Thánh Lễ cha chủ tế giới thiệu qúy linh mục dâng lễ và cám ơn Cha Nghị đã giúp giáo xứ có những giờ tĩnh tâm khá sốt sắng. Ngài nói tiếp: Xin cho một tràng pháo tay cám ơn cha Nghị và cùng chào đón nhau trong ngày Đại hội kính Lòng Chúa Thương Xót ( tiếng vỗ tay kéo dái khá lâu)

Thánh Lễ được tiếp tục qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật II Phục Sinh. Tin mừng hôm nay Thánh Gio-an giới thiệu câu chuyện Cha Giêsu hiện ra với các Tông với đọan hình ảnh có sự hiện diện của Toma: “ Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !...”

Cha Nghị phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về Lòng Chúa Thương Xót đối với nhân lại và chúng ta nên đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Đặc biệt ngài nhắc lại Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị là vị đã đưa vào phụng vụ của Giáo Hội một cách đặc biệt lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh mà giáo xứ mừng một cách trọng thể hôm nay.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, cha chánh xứ đã ân cần cám ơn Cha Nghị một cách trang trọng ngài nói: một lần nữa chúng con cám ơn Cha đã giúp giảng tĩnh tâm trong những ngày Đại Hội kính Lòng Chuá Thương Xót, cha đã mang lại cho chúng con món ăn tinh thần rất giá trị. Lời kết thúc với tràng pháo tay dài.

Thánh lễ được kết thúc lúc 11 giờ 40 với phép lành trọng thể mà cộng đoàn hiện diện được đón nhận ơn toàn xá do Đức Giáo Hoàng Phanxico ban hành. Mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
VietCatholic TV
Phóng sự đặc biệt: Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại Vatican Chúa Nhật 24/4/2022
VietCatholic Media
02:22 25/04/2022

Lúc 10g sáng Chúa Nhật 24 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, cũng là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng trong thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Chúa Nhật này đánh dấu kỷ niệm 22 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 22 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch coronavirus vùng phát, thánh lễ này được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Theo dự trù ban đầu, lẽ ra Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này, nhưng vì ngài đau đầu gối phải, nên thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Tòa Thánh Tân Phúc Âm hóa cử hành. Đức Thánh Cha chỉ giảng trong thánh lễ.

Lễ này do thánh Gioan Phaolô II thiết lập cách đây 21 năm, và ấn định vào Chúa nhật thứ II sau Phục sinh. Chúa Giêsu đã giao phó cho thánh nữ Faustina Kowalska sứ mạng phổ biến sự tôn kính lòng Chúa xót thương và những chỉ dẫn để thực hiện bức ảnh diễn tả lòng thương xót của Người. Trong nhật ký, thánh nữ ghi lại lời Chúa nói: “Cha muốn có một lễ kính Lòng Thương Xót. Cha muốn một ảnh mà con sẽ vẽ bằng bút, được long trọng làm phép vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục sinh. Chúa nhật này sẽ là lễ kính Lòng Thương Xót”.

Thánh nữ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1993 và tôn phong hiển thánh vào năm 2000.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:



Hôm nay, Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Đối với những người đã bỏ rơi Ngài, Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót và cho thấy các vết thương. Những lời Người nói với họ được làm nổi bật với lời chào mà chúng ta nghe ba lần trong Tin Mừng: “Bình an cho anh em!” (Ga 20: 19.21.26). Bình an cho anh em! Đây là những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh khi Người gặp phải mọi yếu đuối và lỗi lầm của con người. Chúng ta hãy suy ngẫm về ba lần Chúa Giêsu nói những lời đó. Trong những lời ấy, chúng ta sẽ khám phá ra ba khía cạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Những lời nói đó, trước hết, mang lại niềm vui, sau đó là sự tha thứ và cuối cùng là sự an ủi trong mọi khó khăn.

Thứ nhất, lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui khi biết rằng chúng ta đã được tha thứ một cách nhưng không. Vào buổi tối Lễ Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe Ngài nói lần đầu tiên: “Bình an cho anh em”, họ vui mừng (câu 20). Họ bị nhốt sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự khép vào chính mình, bị đè nặng bởi cảm giác thất bại. Họ là những môn đệ đã bỏ Thầy mình; tại thời điểm Thầy bị bắt, họ đã bỏ chạy. Thánh Phêrô thậm chí đã chối Thầy ba lần, và một trong số họ - một trong số họ! - đã phản bội Ngài. Họ có lý do chính đáng để cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn vô dụng; họ đã thất bại. Trong quá khứ, chắc chắn, họ đã có những lựa chọn can đảm. Họ đã theo Thầy với lòng nhiệt thành, tận tâm và quảng đại. Vậy mà cuối cùng, mọi thứ đã diễn ra quá nhanh. Sự sợ hãi đã chiếm ưu thế và họ đã phạm tội lớn: họ đã bỏ mặc Chúa Giêsu vào giờ phút bi thảm nhất của Ngài. Trước Lễ Phục sinh, họ đã nghĩ rằng họ đã được tiền định cho sự vĩ đại; họ tranh luận về việc ai sẽ là người lớn nhất trong số họ… Bây giờ họ đã chạm đến bùn đen.

Trong bầu không khí này, lời đầu tiên họ nghe thấy, “Bình an cho anh em!” Các môn đệ lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ, nhưng họ lại vui mừng. Tại sao? Thưa: Bởi vì nhìn thấy khuôn mặt và nghe lời chào của Chúa Giêsu, họ đã hướng sự chú ý của họ ra khỏi họ và hướng về Ngài. Như Phúc Âm cho chúng ta biết, “các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa” (câu 20). Họ được đưa ra khỏi bản thân mình, cũng như những thất bại của họ, và bị thu hút bởi ánh mắt của Ngài, ánh mắt không phải nghiêm khắc mà là ánh mắt xót thương. Chúa Giêsu Kitô không khiển trách họ về những gì họ đã làm, nhưng cho họ thấy lòng nhân hậu thường hằng của Ngài. Và điều này làm họ hồi sinh, lấp đầy trái tim họ với sự bình yên mà họ đã đánh mất và khiến họ trở thành những con người mới, được thanh lọc bởi một sự tha thứ hoàn toàn không đáng có.

Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại. Đó là niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Ngài. Bản thân chúng ta biết những môn đệ đó đã cảm thấy gì vào Lễ Phục sinh, qua những sai sót, tội lỗi và thất bại của chính chúng ta. Những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng không thể làm được gì. Tuy nhiên, đó chính xác là khi Chúa làm mọi thứ. Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, qua một lời xưng thú chân thành, qua lời nói của một người gần gũi chúng ta, qua sự an ủi bên trong của Thánh Linh, hoặc qua một số sự kiện bất ngờ và đáng ngạc nhiên… Bằng nhiều cách thế đa dạng, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài muốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự bao bọc của lòng thương xót của Ngài, niềm vui được sinh ra khi nhận được “sự tha thứ và hòa bình”. Niềm vui Chúa ban quả thực được sinh ra từ sự tha thứ. Niềm vui ấy mang đến cho chúng ta an bình. Đó là niềm vui nâng chúng ta lên, mà không làm chúng ta bẽ mặt. Cứ như thể Chúa không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đã nhận được; mỗi người trong chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Chúng ta hãy đặt ký ức về vòng tay ấm áp của Chúa lên trước ký ức về những sai lầm và thất bại của chính chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ phát triển trong niềm vui. Mọi thứ sẽ không giống như trước, đối với bất cứ ai đã cảm nghiệm được niềm vui của Thiên Chúa! Đó là một niềm vui biến đổi chúng ta.

Bình an cho anh em! Chúa nói những lời này lần thứ hai và nói thêm, “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (câu 22). Sau đó, Ngài ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần để biến họ thành những tác nhân của sự hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (câu 23). Không chỉ các môn đệ nhận được lòng thương xót; họ trở thành người phân phát lòng thương xót mà chính họ đã nhận được. Họ nhận được sức mạnh này không phải do công lao hay sự học tập của họ, mà là một món quà thuần túy của ân sủng, tuy nhiên điều ấy dựa trên kinh nghiệm của họ về việc bản thân họ đã được tha thứ. Bây giờ tôi đang nói với anh em, những nhà truyền giáo của lòng thương xót: nếu anh em không cảm thấy được tha thứ, đừng thực hiện công việc của mình như một nhà truyền giáo của lòng thương xót cho đến khi anh em cảm nhận được sự tha thứ đó. Lòng thương xót mà chúng ta đã nhận được cho phép chúng ta phân phát rất nhiều lòng thương xót và sự tha thứ. Ngày nay và mọi ngày, trong Giáo hội, sự tha thứ phải được đón nhận theo cùng một cách tương tự như vậy, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của một người giải tội nhân từ, người coi mình không phải là người nắm giữ quyền lực nào đó nhưng là một kênh của lòng thương xót, người ban cho người khác sự tha thứ mà bản thân người ấy nhận được trước đó. Từ đó nảy sinh khả năng tha thứ mọi thứ vì Chúa luôn tha thứ mọi thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ nhưng Ngài luôn tha thứ. Anh em phải là kênh của sự tha thứ đó thông qua kinh nghiệm của chính anh em về việc được thứ tha. Không cần phải làm khổ các tín hữu khi đến với Tòa Giải tội. Cần phải hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe, tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để họ có thể tiến lên. Chúa tha thứ mọi thứ và chúng ta không được đóng cánh cửa đó lại với con người.

“Nếu anh em tha thứ tội lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha thứ họ”. Những từ này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không chỉ như thế. Chúa Giêsu đã biến toàn thể Giáo hội trở thành một cộng đoàn lan tràn lòng thương xót, một dấu chỉ và khí cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Anh chị em, mỗi người chúng ta, khi rửa tội, đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần để trở thành người nam hay người nữ của sự hòa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trải nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và thất bại của mình; Bất cứ khi nào chúng ta biết tận mắt ý nghĩa của việc tái sinh sau một tình huống tưởng chừng như vô vọng, chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ tấm bánh của lòng thương xót với những người xung quanh. Chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi đến điều này. Và chúng ta hãy tự hỏi: ở nhà, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng của tôi, tôi có nuôi dưỡng tình hiệp thông không? Tôi có phải là người kiến tạo hòa bình, hòa giải không? Tôi có cam kết xoa dịu xung đột, mang lại sự tha thứ thay cho hận thù, và hòa bình thay cho oán hận không? Tôi có tránh làm tổn thương người khác bằng cách không nói chuyện phiếm không? Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành chứng nhân của Người trước thế giới với những lời đó: Bình an cho anh em!

Bình an cho anh em! Chúa nói những lời này lần thứ ba khi, tám ngày sau, Ngài hiện ra với các môn đệ và củng cố đức tin của Thánh Tôma cho vững vàng. Thánh Tôma muốn nhìn thấy và chạm vào. Chúa không bị xúc phạm bởi sự nghi ngờ của Tôma, nhưng đã đến giúp đỡ người môn đệ này: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy” (câu 27). Đây không phải là những lời nói thách thức mà những lời nói từ lòng thương xót. Chúa Giêsu hiểu khó khăn của Tôma. Ngài không đối xử thô bạo với Tôma, và người môn đệ vô cùng cảm động trước lòng nhân hậu này. Từ một người không tin, Tôma trở thành một tín hữu, và tuyên xưng đức tin đơn giản nhất và tốt đẹp nhất: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (câu 28). Đây là những lời đẹp đẽ. Chúng ta có thể biến những lời ấy thành của riêng mình và lặp lại những lời ấy suốt cả ngày, đặc biệt là khi, giống như Tôma, chúng ta gặp phải những nghi ngờ và khó khăn.

Câu chuyện của Thánh Tôma trên thực tế là câu chuyện của mọi tín hữu. Có những lúc khó khăn khi cuộc sống tưởng chừng như phủ nhận niềm tin, có những lúc khủng hoảng khi chúng ta cần phải chạm vào và nhìn thấy. Giống như Tôma, chính trong những giây phút đó, chúng ta khám phá lại thánh tâm Chúa Kitô, lòng thương xót của Chúa. Trong những tình huống đó, Chúa Giêsu không đến gần chúng ta trong sự đắc thắng và với những bằng chứng choáng ngợp. Ngài không thực hiện những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng thay vào đó Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu ấm lòng về lòng thương xót của Ngài. Người an ủi chúng ta giống như cách Người đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay: Người đem đến cho chúng ta những dấu chỉ ấm áp của lòng thương xót. Chúng ta không được quên sự thật này. Để đáp lại tội lỗi của chúng ta, Chúa luôn hiện diện để ban cho chúng ta những vết thương của Người. Trong thừa tác vụ của chúng ta với tư cách là người giải tội, chúng ta phải cho dân chúng thấy rằng giữa tội lỗi của họ, Chúa đã ban vết thương của Người cho họ. Những vết thương của Chúa mạnh hơn tội lỗi.

Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn thấy những vết thương của anh chị em chúng ta. Giữa những khủng hoảng và khó khăn của chính chúng ta, lòng thương xót Chúa thường làm cho chúng ta ý thức được những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang trải qua những nỗi đau không thể chịu đựng được và những tình huống đau khổ, và chúng ta đột nhiên phát hiện ra rằng những người xung quanh chúng ta đang âm thầm chịu đựng những điều thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu chúng ta quan tâm đến những vết thương của người lân cận và đổ lên trên họ sự thương xót, chúng ta thấy được tái sinh trong chúng ta một niềm hy vọng có thể an ủi chúng ta trong sự mệt mỏi của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình liệu chúng ta có muộn màng trong việc giúp ai đó đang đau khổ về tinh thần hay thể xác; liệu chúng ta đã mang lại sự bình yên cho ai đó đang đau khổ về thể xác hay tinh thần; liệu chúng ta có dành một khoảng thời gian để lắng nghe, hiện diện hay mang lại cảm giác thoải mái cho người khác. Vì bất cứ khi nào chúng ta làm những điều này, chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Từ con mắt của tất cả những người đang bị đè nặng bởi những thử thách của cuộc sống, Ngài nhìn ra chúng ta với lòng thương xót và nói: Bình an cho anh em! Về vấn đề này, tôi nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ với các thánh Tông đồ. Tôi cũng nhắc lại rằng chúng ta kính nhớ Mẹ là Mẹ của Giáo Hội vào ngày sau Lễ Hiện Xuống; và kính nhớ Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Mong Đức Mẹ giúp chúng ta tiến lên trong thánh chức của mình.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Sáng nay, Tổng kho nhiên liệu Nga giáp với Ukraine nổ tung, sáng rực bầu trời, dân di tản khẩn cấp
VietCatholic Media
04:29 25/04/2022


1. Tổng kho nhiên liệu của Nga gần biên giới Ukraine nổ tung, sáng rực bầu trời

Lúc 2g sáng thứ Hai 25 tháng Tư, tức là 6g sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam, tổng kho nhiên liệu của Nga ở thành phố Bryansk đã nổ tung và bốc cháy dữ dội.

RT, một kênh truyền hình và là một thông tấn xã được điện Cẩm Linh ủng hộ cho biết Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga đã xác nhận vụ cháy tại tổng kho xăng dầu thành phố Bryansk, sau khi có các bài đăng trên mạng xã hội cho biết có một đám cháy lớn tại kho.

RT viết:

Cư dân địa phương báo cáo rằng đã nghe thấy tiếng nổ. Có thể nghe thấy tiếng còi báo động trong các video trên mạng xã hội.

Theo người dân địa phương, các vụ nổ và hỏa hoạn đã xảy ra ở một số quận của Bryansk. Theo báo cáo chưa được kiểm chứng, ngọn lửa thứ hai bắt nguồn từ khu vực đóng quân của đơn vị quân đội 120 thuộc Tổng cục Hỏa Tiễn và Pháo binh Bộ Quốc phòng.

Các dịch vụ khẩn cấp bắt đầu di tản cư dân của những ngôi nhà gần kho dầu đang bốc cháy.

Các quan chức vẫn chưa đưa ra bình luận về nguyên nhân vụ cháy, RT đưa tin.

Thông tin thêm về vụ cháy ở Bryansk: Hãng thông tấn Nga Tass đang đưa tin rằng các thùng dầu đã bốc cháy tại kho chứa dầu của thành phố, dẫn lời chính quyền khu vực.

“Bộ Tình trạng Khẩn cấp đã xác nhận có hỏa hoạn,” văn phòng báo chí của chính phủ cho biết. “Cũng có một xác nhận rằng đó là các thùng nhiên liệu.”

Theo thông tấn xã Tass, Bộ Tình trạng Khẩn cấp ở Bryansk cho biết họ nhận được báo cáo hỏa hoạn vào lúc 2 giờ sáng theo giờ Mạc Tư Khoa.

Không có thêm thông tin về nguyên nhân của các vụ cháy.

Cũng không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy vụ hỏa hoạn có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù, theo Reuters, các quan chức Nga tuần trước cho biết trực thăng Ukraine đã bắn trúng các tòa nhà dân cư và khiến 7 người trong khu vực bị thương.

Dịch vụ giám sát hỏa hoạn của NASA, gọi tắt là FIRMS, đã phát hiện ra các vụ cháy kho dầu được báo cáo ở Bryansk, theo bản đồ trên trang web của họ.

2. Viện nghiên cứu quốc phòng của Nga chìm trong ngọn lửa

Hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin, số người chết vì một vụ hỏa hoạn kinh hoàng, tại viện nghiên cứu quốc phòng của Nga ở Tver, phía tây bắc Mạc Tư Khoa, đã tăng lên đến 17 người.

Dẫn lời một nguồn tin từ các dịch vụ khẩn cấp, thông tấn xã Tass cho biết công tác đào bới hiện trường vụ cháy đang tiếp diễn.

“Khi các mảnh vỡ tiếp tục được dọn sạch, sáu thi thể khác đã được tìm thấy. Số người chết vì vụ cháy đã lên đến 17 người”,

30 người khác bị thương trong vụ hỏa hoạn bùng phát hôm thứ Năm, nhấn chìm ba tầng trên của tòa nhà và buộc những người bên trong phải nhảy từ cửa sổ. Ngọn lửa cũng khiến mái nhà bị sập.

Thông tấn xã Tass cho biết hôm Chúa Nhật rằng đám cháy đã ảnh hưởng đến một khu vực rộng 2,5 km vuông. Hãng tin này giải thích vụ cháy là “do trục trặc ở lưới điện khẩn cấp”. Tuy nhiên, hãng tin này thừa nhận là không thể giải thích được tại sao các nhân viên cứu hỏa được gọi đến quá muộn, dẫn đến số thương vong cao. Đặc biệt, nhiều người phải nhảy từ trên lầu xuống đất. Không có trường hợp nào sống sót.

Cho đến nay, người ta không thể loại bỏ nguyên nhân là chính quân đội Nga đã đốt cháy tòa nhà để thiêu hủy các chứng cứ liên quan đến việc hoạch định cuộc chiến tại Ukraine, mà cho đến nay đã được chứng minh là một thất bại tai hại.

3. Các nhà lãnh đạo thế giới chúc mừng Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Pháp

Các nhà lãnh đạo thế giới đã chúc mừng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử và đánh bại nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật.

Chiến thắng của Macron đã khiến các đồng minh nhẹ nhõm vì họ mừng rằng, giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine đang hết sức căng thẳng, sức mạnh vũ trang hạt nhân sẽ không đột ngột chuyển hướng khỏi các nỗ lực của Liên minh Âu Châu và NATO nhằm trừng phạt và kiềm chế chủ nghĩa bành trướng quân sự của Nga.

Nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm đối với vị tổng thống mới 44 tuổi đã giúp Pháp và Âu Châu thoát khỏi cơn địa chấn gây ra bởi nhà dân túy Le Pen.

Tuy nhiên, Le Pen đã ghi nhận số phiếu cao nhất của cô ta, và sau kết quả, Macron đã cam kết thống nhất đất nước vốn đang “chứa đựng quá nhiều nghi ngờ, quá nhiều chia rẽ”.

Phản ứng trước kết quả cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói:

“Pháp là đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi và là đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Tôi mong muốn chúng ta tiếp tục hợp tác chặt chẽ - bao gồm hỗ trợ Ukraine, bảo vệ nền dân chủ và chống biến đổi khí hậu.”

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng chúc mừng Macron. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Pháp trong các thách thức toàn cầu, làm nền tảng cho Liên minh và tình hữu nghị lâu dài và bền vững của chúng tôi.”

Thủ tướng Boris Johnson gọi Pháp là “một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của chúng tôi”. Johnson,, cho biết ông mong “tiếp tục làm việc cùng nhau về các vấn đề quan trọng nhất đối với hai quốc gia của chúng ta và đối với thế giới”.

Thủ tướng Úc Đại Lợi, Scott Morrison cho biết chiến thắng của Macron là một “biểu hiện tuyệt vời của nền dân chủ tự do trong hành động vào những thời điểm bất định của thế giới. Chúng tôi chúc bạn và Pháp mọi thành công, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của bạn ở Âu Châu và là đối tác quan trọng của Úc Đại Lợi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”

Thủ tướng Justin Trudeau của Canada cho biết ông “mong được tiếp tục hợp tác với nhau về các vấn đề quan trọng nhất đối với người dân Canada và Pháp - từ bảo vệ nền dân chủ, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế cho tầng lớp trung lưu”.

Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Âu Châu, nói: “Chúng ta có thể tin tưởng vào Pháp trong 5 năm nữa.”

“Tôi rất vui khi có thể tiếp tục sự hợp tác tuyệt vời của chúng ta,” chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen đã viết trên Twitter.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người đã nói chuyện với Macron nhiều lần kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24 tháng 2, đã chúc mừng tổng thống Pháp qua điện thoại.

Trên Twitter, Zelenskiy gọi Macron là “người bạn thực sự của Ukraine”. “Tôi chúc anh ấy thành công hơn nữa vì lợi ích của người Pháp. Tôi đánh giá cao sự ủng hộ của anh ấy và tôi tin chắc rằng chúng ta đang cùng nhau hướng tới những thắng lợi chung mới”

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết cử tri Pháp “đã gửi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mạnh mẽ ở Âu Châu ngày hôm nay. Tôi rất vui vì chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác tốt đẹp. “

4. Báo cáo của tình báo Anh

Trong báo cáo tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đang lên kế hoạch cho một “cuộc trưng cầu dân ý được dàn dựng nhằm mục đích biện minh cho sự chiếm đóng của mình”.

Bộ Quốc Phòng cho biết: “Thành phố này là mấu chốt cho mục tiêu của Nga trong việc thiết lập một cây cầu trên bộ tới Crimea và thống trị miền nam Ukraine”.

Bộ Quốc Phòng lưu ý rằng trước đó Nga đã tổ chức một “cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” để biện minh cho cuộc xâm lược Crimea trước đó vào năm 2014.

“Các cuộc bầu cử trong nước của chính Nga đã bị phủ đầy với những cáo buộc gian lận phiếu bầu và đã khiến các nhà lãnh đạo đối lập bị ngăn chặn ra tranh cử”

5. Tình hình chiến sự tại Ukraine trong ngày Chúa Nhật 24 tháng Tư

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng quân Nga đang xuống tinh thần tại miền Đông Ukraine. Trong suốt ngày 24 tháng 4, quân đội Nga đã thực hiện một cuộc tấn công duy nhất với một kết quả bi thảm.

Quân đội Ukraine tiêu diệt ít nhất 100 quân xâm lược, phá hủy 3 xe tăng, máy bay không người lái ở miền đông đất nước

Tại khu vực Kharkiv, quân Nga đã phải rút lui sau khi hứng chịu các tổn thất nghiêm trọng.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, quân phòng thủ Ukraine đã loại bỏ khoảng 21.800 quân Nga tính đến ngày 24 tháng 4. Nga cũng mất 873 xe tăng chiến đấu chủ lực, 2.238 xe chiến đấu bọc thép, 408 hệ thống pháo, 147 hệ thống MLR, 69 hệ thống phòng không, 179 máy bay, 154 trực thăng, 1.557 phương tiện cơ giới, 8 tàu thuyền chiến đấu, 76 tàu chở nhiên liệu, 191 UAV cấp chiến thuật và hoạt động, 28 đơn vị thiết bị đặc biệt và 4 bệ phóng hỏa tiễn chiến thuật.

Tại khu vực Mariupol, Nga tiếp tục pháo kích và giao tranh trong khu vực của nhà máy thép Azovstal. Kẻ thù mở các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng dân sự. Quân Nga đã mở các cuộc tấn công tại quận Vremivka, bị tổn thất và rút lui về các vị trí đã chiếm đóng trước đó.
 
Hoan hô: Đức Thánh Cha hủy bỏ cuộc họp với Thượng Phụ Kirill. ĐTP Bácthôlômêô: Chúng tôi đứng về phía Ukraine
VietCatholic Media
05:20 25/04/2022


1. Đức Thánh Cha dành ra ngày thứ Sáu để kiểm tra y tế

“Hôm nay Đức Giáo Hoàng đã giảm tốc các hoạt động của mình vì ngày hôm nay ngài cần phải kiểm tra y tế”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên hôm 22 tháng 4. Trong những ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng 85 tuổi đã đi lại rất khó khăn.

Một số cuộc hẹn được lên lịch vào sáng thứ Sáu 22 tháng Tư đã bị hủy bỏ. Theo trang tin Ton Digital của Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng đã lên kế hoạch gặp ngoại trưởng Á Căn Đình, Santiago Cafiero, vào buổi sáng.

Ông Matteo Bruni chỉ nói với các phóng viên rằng Đức Giáo Hoàng đang làm chậm các hoạt động của mình để kiểm tra y tế. Không có thông tin nào khác đã được công bố. Không biết liệu các xét nghiệm có liên quan đến chứng đau đầu gối phải của ngài hay không.

Trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có vẻ yếu đi khi ngài tiếp tục bị đau ở chân. Thứ Bảy tuần trước, ngài đã ủy nhiệm Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn chủ tọa Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Trong suốt Tuần Thánh, ngài tránh đứng quá lâu và rõ ràng là hạn chế đi bộ đến mức tối thiểu. Trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó Chúa vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã không nằm phủ phục trước bàn thờ vào lúc đầu lễ.

Tuy nhiên, vào Sáng Chúa Nhật Phục sinh, ngài đã có thể chủ sự Thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngày hôm sau, trước hàng chục nghìn thanh niên Ý, Đức Giáo Hoàng dường như đã lấy lại được chút năng lượng.

Vào đầu tháng 4, trong chuyến đi tới Malta, ngài đã xác nhận với các nhà báo rằng đầu gối của ngài vẫn tiếp tục gây ra vấn đề cho ngài và ngài đã phải dùng thang máy để lên máy bay khi rời Malta.

“Sức khỏe của tôi hơi thất thường, vì tôi gặp vấn đề với đầu gối khiến khả năng vận động, đi lại trở nên khó khăn. Tuy hơi mệt nhưng mọi thứ có lẽ sẽ tốt hơn,” ngài nói.

Vào tháng 7 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật đại tràng của mình. Nhập viện 10 ngày sau khi gây mê toàn thân, ngài giải thích sau đó rằng các bác sĩ đã cắt bỏ 33 cm ruột.

Vào tháng 8, ngài đã bác bỏ tin đồn về việc từ chức vì lý do sức khỏe mà một số phương tiện truyền thông Ý đã đưa ra.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha giảng trong thánh lễ Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót

Hôm Chúa nhật 24 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng trong thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, vào lúc 10 giờ tại Đền thờ thánh Phêrô.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch coronavirus vùng phát, thánh lễ này được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Theo dự trù ban đầu, lẽ ra Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này, nhưng vì ngài đau đầu gối phải, nên thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Tòa Thánh Tân Phúc Âm hóa cử hành. Đức Thánh Cha chỉ giảng trong thánh lễ.

Trong hai năm qua, vì đại dịch, ngài chỉ cử hành thánh lễ riêng tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia, một thánh đường nhỏ cách Quảng trường thánh Phêrô khoảng 300 mét, được chọn làm Đền thánh Kính Lòng Chúa Thương xót tại Roma, từ năm 1994.

Lễ này do thánh Gioan Phaolô II thiết lập cách đây 21 năm, và ấn định vào Chúa nhật thứ II sau Phục sinh. Chúa Giêsu đã giao phó cho thánh nữ Faustina Kowalska sứ mạng phổ biến sự tôn kính lòng Chúa xót thương và những chỉ dẫn để thực hiện bức ảnh diễn tả lòng thương xót của Người. Trong nhật ký, thánh nữ ghi lại lời Chúa nói: “Cha muốn có một lễ kính Lòng Thương Xót. Cha muốn một ảnh mà con sẽ vẽ bằng bút, được long trọng làm phép vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục sinh. Chúa nhật này sẽ là lễ kính Lòng Thương Xót”.

Thánh nữ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1993 và tôn phong hiển thánh vào năm 2000.

Chúa Giêsu cũng nói rằng: “Cha muốn Lễ kính Lòng Thương Xót là nơi nương náu cho tất cả các linh hồn và đặc biệt cho những kẻ có tội... Linh hồn nào xưng tội và rước lễ, thì lãnh nhận ơn tha thứ hoàn toàn các tội lỗi và hình phạt”.

3. Đức Giáo Hoàng cho biết cuộc họp vào tháng 6 với nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga đã bị hủy bỏ

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã từ bỏ kế hoạch gặp gỡ vào tháng 6 với Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thượng Phụ Kirill đã nồng nhiệt ủng hộ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine với nhiều sáng kiến đáng kinh ngạc.

Đức Phanxicô, người đã nhiều lần ngầm chỉ trích Nga và Putin về cuộc chiến, nói với tờ La Nacion của Á Căn Đình trong một cuộc phỏng vấn rằng ngài lấy làm tiếc vì kế hoạch phải bị “đình chỉ” vì các nhà ngoại giao Vatican khuyên rằng một cuộc gặp như vậy “có thể gây ra nhiều ngộ nhận tại thời điểm này”.

Tại Mạc Tư Khoa, hãng thông tấn RIA dẫn lời Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính thống Nga, cho biết cuộc họp đã bị hoãn lại vì “các sự kiện trong hai tháng qua” sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị.

Reuters đưa tin vào ngày 11 tháng 4 rằng Vatican đang xem xét kéo dài chuyến đi của Giáo hoàng đến Li Băng trong hai ngày 12, và 13 tháng 6 để thêm một ngày nữa cho Đức Giáo Hoàng có thể gặp Kirill vào ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem

Kirill, 75 tuổi, đã công khai chúc lành cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Quan điểm của ông đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và gây ra một cuộc nổi loạn nội bộ mà các nhà thần học và học giả cho là chưa từng có.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, đã sử dụng các thuật ngữ như gây hấn và xâm lược phi lý trong các bình luận công khai của ngài về cuộc chiến, và than thở về những hành động tàn bạo đối với dân thường.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn tại sao ngài chưa bao giờ nêu đích canh Nga hay Putin trong những lời chỉ trích của mình, Đức Phanxicô nói: “Một giáo hoàng không bao giờ nêu tên một nguyên thủ quốc gia, càng không nêu đích danh một quốc gia là điều còn cao hơn nguyên thủ của nó”.

Putin, một thành viên của Giáo Hội Chính thống Nga, đã mô tả các hành động của Mạc Tư Khoa là một “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine nhằm mục đích phi quân sự hóa và “phi Quốc Xã hóa” đất nước này. Mạc Tư Khoa đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường

Đức Phanxicô đã bác bỏ thuật ngữ của Nga một cách cụ thể, gọi đó là một cuộc chiến gây ra “những dòng sông máu”.

Một nguồn tin của Vatican quen thuộc với kế hoạch cho trạm dừng chân Giêrusalem cho biết hôm thứ Sáu rằng kế hoạch đã được triển khai đến giai đoạn chót, thậm chí địa điểm cho cuộc gặp với Kirill đã được chọn.

Cuộc gặp gỡ này, nếu xảy ra, là cuộc gặp gỡ thứ hai của Đức Thánh Cha và Thượng Phụ Kirill. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra tại Cuba vào năm 2016, là lần đầu tiên giữa một giáo hoàng và một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống giáo Nga kể từ khi xảy ra cuộc đại ly giáo chia Kitô Giáo thành các nhánh Đông phương và Tây phương vào năm 1054.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang xem xét một chuyến đi đến Kyiv. Ngài nói với các phóng viên trên chuyến bay đến Malta vào ngày 2 tháng 4 rằng nó đã “ở trên bàn”. Ngài đã được mời bởi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Ukraine.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Á Căn Đình tại sao ngài vẫn chưa thực hiện chuyến đi, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi không thể làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho các mục tiêu cao hơn, đó là chấm dứt chiến tranh, đình chiến hoặc ít nhất là một hành lang nhân đạo. Đức Giáo Hoàng đến Kyiv sẽ có ích gì nếu chiến tranh tiếp tục vào ngày hôm sau?”


Source:Reuters

4. Trong Thông điệp Phục sinh, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói “Chúng tôi đứng về phía Ukraine”

Trong thông điệp Phục sinh của ngài, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đề cập đến cuộc chiến và những đau khổ và tàn bạo do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine gây ra.

“Chúng tôi sát cánh và đau khổ cùng với những người dân Ukraine ngoan đạo và can đảm đang chịu đựng thập giá nặng nề. Chúng tôi cầu nguyện và nỗ lực cho hòa bình và công lý cũng như cho tất cả những người đang bị tước đoạt. Không thể tưởng tượng nổi những người Kitô hữu chúng ta không thể nào im lặng trước sự chà đạp nhân phẩm quá sức khủng khiếp như thế này,” Đức Thượng phụ viết.

Ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thượng phụ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể leo thang thành chiến tranh thế giới thứ ba. Ngài nhấn mạnh rằng vũ khí không phải là giải pháp và chỉ có thể mang lại “chiến tranh và bạo lực, đau buồn và chết chóc”.

Chúng ta thất vọng trước bạo lực nhiều mặt, bất công xã hội và vi phạm nhân quyền trong thời đại của chúng ta. “Thông điệp rạng rỡ về sự phục sinh” và tiếng kêu của chúng ta “Chúa Kitô đã Phục sinh!” ngày nay vang dội cùng với âm thanh khủng khiếp của vũ khí, tiếng kêu thảm thiết của những nạn nhân vô tội do quân xâm lược gây ra và hoàn cảnh của những người tị nạn, trong đó có rất nhiều trẻ em vô tội. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến tất cả những vấn đề này trong chuyến thăm gần đây của chúng tôi đến Ba Lan, nơi phần lớn người tị nạn Ukraine đã chạy trốn. Chúng tôi sát cánh và đau khổ bên cạnh những người dân Ukraine ngoan đạo và can đảm đang chịu đựng thập giá nặng nề. Chúng tôi cầu nguyện và nỗ lực cho hòa bình và công lý cũng như cho tất cả những người đang bị tước đoạt phẩm giá và quyền sống. Thật không thể tưởng tượng được nếu có những Kitô Hữu trong chúng ta lại có thể im lặng trước sự chà đạp phẩm giá con người”.


Source:greekreporter.com
 
Rừng Siberia cháy lớn cứu Ukraine. Mánh lới Putin: Vợ bé, chỉ đáng tuổi con, giữ của chìm cho ông ta
VietCatholic Media
16:13 25/04/2022


1. Hoa Kỳ dự định tung ra các biện pháp trừng phạt đối với một cộng sự rất thân thiết của Putin: Vợ bé của ông ta

Đã vài tuần trôi qua kể từ khi Mỹ và các đồng minh lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty lớn nhất của Nga cũng như các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị của nước này, cho tới tận Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong một quyết định được đưa ra vào phút cuối cùng, một người đã được chừa ra: đó là Alina Kabaeva, người phụ nữ mà chính phủ Hoa Kỳ tin là vợ bé của Putin, và là mẹ của ít nhất ba đứa con của ông ta.

Alina Kabaeva, vợ bé có 3 đứa con với Putin

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, bà Kabaeva, 38 tuổi, cựu vận động viên thể dục nhịp điệu vô địch Olympic, nổi tiếng trong môn thể thao này nhờ sự dẻo dai cực độ, và cũng khét tiếng vì một vụ tai tiếng quốc tế khi sử dụng chất kích thích khi thi đấu, bị nghi ngờ có vai trò che giấu tài sản cá nhân của ông Putin ở nước ngoài.

Các quan chức Mỹ đang tranh luận về động thái này. Họ tin rằng việc trừng phạt bà Kabaeva sẽ được coi là một đòn đánh vào cá nhân ông Putin, đến mức nó có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa giữa Nga và Mỹ.

Hôm 6 tháng Tư, một đại diện của nhà lãnh đạo đối lập Nga bị bỏ tù Alexei Navalny đã thúc giục các nhà lập pháp Hoa Kỳ, hãy áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt đối với bà Kabaeva, cho rằng bà bị cáo buộc đã giúp che giấu tài sản cá nhân của ông Putin.

Chính phủ Ukraine đã tăng cường kêu gọi phương Tây theo đuổi các hành động chống lại bà Kabaeva. Quốc hội Ukraine trong tháng này đã viết thư cho chính phủ Thụy Sĩ, yêu cầu họ cấm Kabaeva ra khỏi đất nước, và thu giữ bất kỳ bất động sản nào mà bà ta sở hữu. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ không có dấu hiệu cho thấy bà ta đang ở Thụy Sĩ.

Thách thức hiện nay là đoán xem hệ quả nào, sẽ đến từ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà Kabaeva, các quan chức Hoa Kỳ cho biết chính phủ tiếp tục cân nhắc trong vấn đề này. Một quan chức từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho tờ Wall Street Journal biết cần phải áp đặt vào đúng thời điểm để Putin tê tái nhất; nhưng cũng phải dè chừng ông ta “phản ứng lại một cách hung hăng”.

2. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken cho biết, ông và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã dành khoảng 3 giờ đồng hồ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, và nhóm cấp cao của ông tại thủ đô Kyiv.

“Đó là toàn bộ trọng tâm của chuyến thăm của chúng tôi. Chúng tôi muốn tập trung vào công việc cần phải làm trong việc xem xét kế hoạch hành động mà chúng tôi có, cách chúng tôi tiến về phía trước, trên tất cả các nỗ lực khác nhau này,” Blinken nói với các phóng viên từ một địa điểm không được tiết lộ ở Ba Lan gần biên giới Ukraine.

Khi được một phóng viên hỏi họ đã nhìn thấy gì trên đường đến thủ đô Kyiv, Blinken cho biết họ đã bắt chuyến tàu từ tây nam Ba Lan đến Kyiv.

“Chúng tôi không nhìn thấy nhiều thứ, ngoại trừ những gì nhìn ra từ cửa sổ xe lửa. Tại Kyiv, chúng tôi đã đến ngay dinh tổng thống “.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết, “không có nhiều cơ hội để nói chuyện với những người dân thường Ukraine.”

Chúng tôi chắc chắn đã nhìn thấy mọi người trên đường phố ở Kyiv - bằng chứng về thực tế là trận chiến đã giành được chiến thắng cho Kyiv”.

Ông nói, bề ngoài, có những dấu hiệu về “cuộc sống bình thường” ở các khu vực của thành phố.

“Nhưng điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra ở các khu vực khác của Ukraine, ở phía nam và phía đông, nơi mà sự tàn bạo của Nga đang gây ra những điều khủng khiếp đối với con người mỗi ngày,” Ngoại Trưởng Blinken nói.

Khi ở Kyiv, Ngoại Trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gặp tổng thống Zelenskiy, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov và Bộ trưởng Nội vụ Denys Monastrysky trong một cuộc gặp song phương mở rộng.

3. Cháy rừng ở Siberia bùng cháy không được kiểm soát vì các đơn vị quân đội Nga thường chiến đấu với chúng đang chiến đấu bên Ukraine

Các đám cháy rừng vẫn chưa được kiểm soát ở Siberia vì các đơn vị quân đội Nga thường được huy động để chống cháy rừng đã bị chuyển đến chiến đấu ở Ukraine.

Những vụ cháy lớn ngày càng trở nên phổ biến trong khu vực từ mùa xuân đến mùa thu.

Bởi vì chúng thải ra một lượng lớn carbon dioxide vào khí quyển Bắc Cực, chúng là nguyên nhân chính gây ra mối lo ngại về biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã nhiều lần nói rằng các đám cháy này cần phải được dập tắt càng sớm càng tốt.

Nhưng năm nay, một số đám cháy được cho là vẫn còn cháy vì nhiều đơn vị quân đội chịu trách nhiệm giải quyết chúng đã bị điều động vào cuộc xâm lược Ukraine.

Tiết lộ được đưa ra ba ngày sau khi The Independent đưa tin về một vụ cháy kinh hoàng ở vùng Tyumen, Tây Siberia: một video gây sốc cho thấy bầu trời đầy khói màu cam và một gia đình nai có những chiếc sừng đốm đang chạy trốn khỏi cuộc tàn sát.

Jessica McCarty, một nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Miami, Ohio, nói với trang web Axios: “Bởi vì những đám cháy lớn nhất thường cần máy bay quân sự phát hiện và xác minh các báo cáo của vệ tinh hoặc cộng đồng, hỗ trợ và chiến đấu ở Siberia, nên không chắc rằng Nga có năng lực để làm điều này trong mùa hè nếu chiến tranh cứ tiếp tục”.

“Vì vậy, hoặc sẽ có nhiều đám cháy hơn... hoặc những máy bay và binh sĩ này phải được đưa khỏi mặt trận phía tây và đưa đến Siberia.”

Tổ chức Hòa bình xanh Nga cho biết diện tích cháy rừng hiện tại ở nước này đã gấp đôi so với thời điểm tháng 4/2021.

Tin tức này đặc biệt đáng lo ngại vì cháy rừng là một phần của vòng lặp phản hồi nguy hiểm ở Siberia, nằm trong Vòng Bắc Cực.

Các đám cháy làm tan băng các lớp băng vĩnh cửu, giải phóng khí thải carbon dioxide và mêtan vào bầu khí quyển. Khí mêtan nói riêng có tác động gây nóng nhà kính đặc biệt mạnh trong ngắn hạn.

Nhiệt độ đất ở Vòng Bắc Cực đạt mức kỷ lục 48 độ C trong một “đợt nắng nóng dai dẳng” ở Siberia vào mùa hè năm ngoái.

Ngoài sự tàn phá đang diễn ra ở Ukraine vì sự xâm lược của Nga, cuộc xung đột có thể có tác động lớn đến biến đổi khí hậu nếu cháy rừng ở Nga không được khắc phục.

Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng Nga sẽ để mặc cho cháy rừng – là một nguồn phát thải carbon chính – để sử dụng máy bay quân sự của mình cho cuộc xâm lược.

Trong một dòng Tweet, Lesia Volodymyrivna, Thứ trưởng Nhân dân Ukraine, cho biết: “Câu hỏi đặt ra là Putin sẽ chọn điều gì: ít hỏa hoạn hơn ở Nga hay ít tấn công hơn vào Ukraine?”

4. Tổng thống Zelenskiy cảm ơn Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden về sự lãnh đạo của ông trong việc hỗ trợ Ukraine.

“Hai tháng toàn quốc anh dũng kháng chiến của Ukraine trước sự xâm lược của Nga đã trôi qua. Tôi biết ơn Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người dân Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc ủng hộ Ukraine”, tổng thống Zelenskiy nói.

Ông cũng nói thêm rằng ngày nay “nhân dân Ukraine đoàn kết và mạnh mẽ, và tình hữu nghị và quan hệ đối tác Ukraine-Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết!”

Hôm 24 tháng Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Putin.

Vào ngày 21 tháng 4, Biden thông báo khởi động một chương trình mới, Đoàn kết cho Ukraine, sẽ xúc tiến quá trình nhập cư vào Hoa Kỳ cho những người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga.

Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 5 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện của Nga.

Tổng thống Tayyip Erdoğan đã có cuộc điện đàm với tổng thống Zelenskiy trong một cuộc điện đàm hôm Chúa Nhật, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ mọi khả năng trong quá trình đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Zelenskiy cho biết ông và Erdoğan đã thảo luận về nhu cầu khẩn cấp phải di tản dân thường ngay lập tức khỏi thành phố cảng Mariupol phần lớn do Nga chiếm đóng, và việc trao đổi các quân nhân Ukraine đang bị bao vây trong nhà máy Azovstal với các tù binh Nga hiện đang bị Ukraine giam giữ.

5. Tổn thất về phía Nga tính đến hết ngày 25 tháng Tư

Trong cuộc họp báo chiều ngày thứ Hai 25 tháng Tư, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết phía Nga đã thiệt mất 22.000 binh sĩ, 895 xe tăng, 2.278 xe thiết giáp, 418 hệ thống pháo, 151 dàn phóng hỏa tiễn hàng loạt, 69 hệ thống phòng không, 183 máy bay, 154 máy bay trực thăng, 1.575 xe cơ giới các loại, 76 xe chở nhiên liệu, 211 máy bay không người lái chiến thuật, 8 tàu thuyền, 29 xe công binh và 4 hệ thống bắn hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn SRBM di động.

6. Nga cho biết họ đã bắt đưa sang Nga gần một triệu người Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 951.000 người Ukraine đã bị bắt đưa sang Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Mikhail Mizintsev, người có biệt danh là đồ tể thành Mariupol, cũng là người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, cho biết.

“Trong 24 giờ qua, không có sự tham gia của chính quyền Ukraine, 16.838 người đã được di tản đến Nga từ các khu vực nguy hiểm của Ukraine, một số khu vực nhất định của vùng Donetsk và Lugansk, bao gồm tổng cộng 1.402 trẻ em. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã có 951.329 người, trong đó có 174.689 trẻ em được đưa sang Nga.”

Mizintsev cũng tuyên bố rằng phía Ukraine được cho là đang chuẩn bị một cuộc khiêu khích với “nhiệm vụ tấn công cơ sở hạ tầng dân sự” gần cảng Pivdennyi của Odessa, điều này sẽ dẫn đến rò rỉ “hóa chất”.

Các thông tin trước đó cho biết, lúc 22h ngày 23 tháng Tư, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ hai hỏa tiễn hành trình của Nga bay theo hướng cảng Pivdennyi ở vùng Odessa.

7. Nga tấn công năm ga đường sắt ở miền trung và miền tây Ukraine

Oleksandr Kamyshin, Chủ tịch của Ukrzaliznytsia - công ty đường sắt quốc gia của Ukraine - cho biết hôm thứ Hai rằng các lực lượng Nga đã tấn công 5 ga đường sắt ở miền trung và miền tây Ukraine.

“Quân đội Nga tiếp tục phá hủy cơ sở hạ tầng đường sắt một cách có hệ thống,” ông nói trong một tuyên bố. “Sáng nay, chỉ trong vòng một giờ, năm ga đường sắt ở miền trung và miền tây Ukraine đã bị tấn công.”

Kamyshin cho biết ít nhất 16 chuyến tàu chở khách sẽ bị đình trệ. Ông nói thêm rằng đã có thương vong, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Trong một tuyên bố khác, công ty hỏa xa Ukrzaliznytsia cho biết không có điện các tuyến Shepetivka - Koziatyn, Zhmerynka - Koziatyn và Koziatyn - Fastiv, nên các chuyến tầu buộc phải trì hoãn.

Maksym Kozytskyy, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Lviv, đã đưa ra thông tin chi tiết trước đó vào ngày thứ Hai về một cuộc tấn công của Nga làm hư hại một nhà ga đường sắt ở miền tây Ukraine.

Ông nói: “Hôm nay, vào khoảng 08:30 sáng ngày 25 tháng 4, do hậu quả của một cuộc tấn công hỏa tiễn, một vụ nổ đã xảy ra tại một trạm biến áp của ga đường sắt Krasne. “Các đơn vị của Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang đang làm việc tại hiện trường và dập tắt đám cháy.”

Kozytskyy cho biết không có thông tin về thương vong trong giai đoạn này.

Theo Kozytskyy, một trong những vũ khí bay tới đã bị bắn hạ bởi các đơn vị hỏa tiễn phòng không của Bộ Tư lệnh Phòng không phía Tây của lực lượng không quân Ukraine. Ông cho biết các hỏa tiễn đã được phóng vào Ukraine từ phía đông nam, đồng thời cho biết các lực lượng Nga có thể đã phóng chúng từ các máy bay ném bom chiến lược.
 
Rơi lệ: Các bà mẹ ở Mariupol kêu cứu cùng Đức Giáo Hoàng. Đức Giám Mục phản đối vụ bắt giam 55 Kitô hữu Ấn Độ
VietCatholic Media
16:16 25/04/2022


1. Công tố viên hàng đầu của Ukraine cáo buộc Putin tra tấn, hãm hiếp và hành quyết thường dân Ukraine

Nói với Sky News, Iryna Venediktova cho biết nhóm của cô đang giải quyết gần 8.000 trường hợp tội phạm chiến tranh từ khắp Ukraine, bao gồm các vụ hành quyết tập thể, bạo lực tình dục và buộc trục xuất trẻ em sang Nga.

Venediktova cho biết “có một số lượng lớn các trường hợp quân đội Nga giết người Ukraine chỉ vì những người Ukraine này không thích chúng”.

Chỉ riêng tại khu vực Kyiv, nhóm của cô đã có thông tin về hơn 1.000 dân thường thiệt mạng tại các khu vực bị quân Nga chiếm đóng trước đây, mặc dù tổng số có thể cao hơn.

Khi được hỏi liệu cô ấy có nghĩ rằng việc bắn thường dân, theo kiểu hành quyết, đã được Nga lên kế hoạch trước trước cuộc xâm lược hay không, Venediktova nói:

Tôi nghĩ đó là một chiến lược của tổng tư lệnh của họ, bởi vì chúng tôi thấy chiến lược tương tự ở các nước khác.

Họ có Kế hoạch A: các thành phố phải đầu hàng, nếu một thành phố không đầu hàng thì họ quay sang Kế hoạch B, đó là khiến dân số này sợ hãi ở mức tối đa. Giết, hãm hiếp, tra tấn, và những thứ tàn bạo khác.

Đó là một chiến lược chiến tranh của người Nga.

Một chiến lược chiến tranh của người Nga là vấn đề xua đuổi người Ukraine chạy sang các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu.

Thật vậy, khi mới bắt đầu cuộc xâm lược, Nga chỉ tấn công vào các khu dân cư, ít khi tấn công vào các cơ sở hạ tầng giao thông. Hôm 25 tháng Ba, tại một cuộc họp báo ở Brussels sau phiên họp chung của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell nhận xét rằng:

“Tôi tin rằng Putin đang sử dụng người tị nạn như một công cụ, như một vũ khí. Gửi càng nhiều càng tốt. Họ đã không phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông; mà họ chỉ phá hủy các thành phố để khiến dân thường khiếp sợ và khiến họ chạy trốn” sang các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu. Qua đó, Putin khiến Liên Hiệp Âu Châu phải gánh chịu chi phí trong việc giúp đỡ người tị nạn Ukraine.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine trong thời gian gần đây cho thấy Nga đã đổi chiến thuật. Sau khi xua đuổi 7,7 triệu người Ukraine chạy ra nước ngoài, giờ đây họ tấn công các cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine để chặn đường tiếp tế cho các đơn vị quân đội Ukraine ở phía Đông, cũng như đường viện trợ từ các nước khác.

Nga đã phong tỏa Hắc Hải, khả năng tiếp tế cho Ukraine bằng đường thủy không còn nữa. Nếu khả năng tiếp tế cho Ukraine bằng đường bộ cho Ukraine cũng mất luôn thì hầu chắc cuộc chiến tại Ukraine sẽ lan rộng khi NATO và Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác là viện trợ cho Ukraine bằng đường hàng không.
Source:The Guardian

2. Một giám mục Công Giáo Ấn Độ lên án vụ bắt giam 55 Kitô hữu trong Tuần thánh

Đức Cha Gerald Matthias, Giám mục Công Giáo của Giáo phận Lucknow thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, lên án vụ nhà cầm quyền bắt giam 55 tín hữu Kitô tại Fatehpur, thuộc huyện Harihar Ganj ở bang này, vì cho rằng các tín hữu này vi phạm luật cấm cải đạo.

Đức Cha Matthias nói rằng “vụ bắt giam các tín hữu Kitô vừa nói là điều bất hợp pháp và hoàn toàn đáng lên án. Các tín hữu đó chỉ tham dự một lễ nghi Tuần thánh, chứ không phải là một cuộc trở lại đạo. Việc cáo buộc các tín hữu ấy cải đạo là điều tuyệt đối vô căn cứ”.

Đức Cha nói với hãng tin Asia News rằng: “lời cáo buộc các tín hữu Kitô ấy là điều hoàn toàn dựng đứng do những thành phần Ấn giáo cực đoan. Những tín hữu Kitô bị bắt sau đó đã được trả tự do vì lời cáo buộc hiển nhiên là giả dối”.

Đức Cha Matthias cho biết những thành phần Ấn giáo cuồng tín thường đi tuần như những kẻ canh chừng để gọi là “thi hành công lý”. Khoảng 100 tín hữu thuộc Giáo hội Tin lành Ấn Độ đã tập họp trong một nhà thờ ở Fatehpur để cử hành Tuần thánh. Họ bị những người Ấn giáo khóa cửa lại từ bên ngoài. Khi cảnh sát đến, các tín hữu ấy bị tra hỏi về lời cáo buộc là đang cố gắng hoán cải dân chúng.

Sau khi giam các tín hữu ấy một đêm, cảnh sát rút lại lời cáo buộc vi phạm luật cấm cải đạo.

Ông Jeff King, Chủ tịch tổ chức quốc tế quan tâm bảo vệ nhân quyền, nói rằng: “Điều đáng buồn là Uttar Pradesh là một trong những bang vi phạm tự do tôn giáo một cách ngặt nghèo nhất Ấn Độ. Khi nhà cầm quyền củng cố những hành vi của một nhóm bạo động chống lại một nhóm nạn nhân, tức là họ gửi tới một tín hữu nói rằng hành vi tội ác được chính quyền chấp thuận khi những hành động này nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số. Vụ này càng làm cho bầu không khí tự do tôn giáo trở nên tồi tệ và gia tăng thế yếu của các Kitô hữu, họ càng trở thành nạn nhân của bạo lực”.

Ông King nói thêm rằng: “Luật chống cải đạo rất chủ quan và vì thế nó hoàn toàn hạn chế quyền của các tín hữu Kitô trong việc công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình”.

Các thống kê của Diễn đàn Kitô thống nhất ở Ấn cho thấy bang Uttar Pradesh có một trong những cuộc bách hại tôn giáo hung bạo nhất, với 105 vụ tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số trong năm ngoái 2021.

3. Ukraine: Các bà mẹ ở Mariupol xin Đức Thánh Cha Phanxicô giúp đỡ

Đức Hồng Y y Michael Czerny, tổng trưởng tạm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đã chuyển một bức thư gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô bởi một nhóm phụ nữ bị mắc kẹt ở thành phố Mariupol của Ukraine.

Khi giao tranh tiếp tục diễn ra dữ dội ở thành phố Mariupol bị bao vây, trong khi các binh sĩ Ukraine vẫn đang chống cự trong khu liên hợp nhà máy thép Azovstal, chính quyền Ukraine đã thông báo rằng họ hy vọng sẽ tiếp tục các nỗ lực di tản để đưa khoảng 6.000 dân thường ra khỏi thành phố cảng bị chiến tranh tàn phá vào hôm thứ Tư.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết trong một tuyên bố rằng có một thỏa thuận “sơ bộ” để hình thành một hành lang nhân đạo hướng tới thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát. Nó sẽ áp dụng cho phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi từ chiều thứ Tư.

120.000 vẫn bị mắc kẹt ở Mariupol

Là nơi sinh sống của 400.000 người trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, Mariupol đã chứng kiến trận giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc chiến. Trong bảy tuần bị bao vây và bắn phá, thành phố cảng chiến lược trên Biển Azov đã bị san bằng, với hàng nghìn dân thường thiệt mạng, và ước tính khoảng 120.000 người vẫn bị mắc kẹt mà không có thức ăn, điện, nước uống, cũng như thuốc men cho người bị thương.

Ukraine cáo buộc Nga đã cản trở việc di tản khỏi thành phố hoặc nổ súng dọc theo tuyến đường đã thỏa thuận, thường chỉ dành cho những người sử dụng phương tiện cá nhân.

Trước tình hình gay cấn này, một nhóm phụ nữ Ukraina ở Mariupol đã gửi một bức thư tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu sự hỗ trợ của ngài, để thường dân và thương binh được di tản.

Bức thư dài hai trang có chữ ký của “những người mẹ, người vợ và con cái của những người bảo vệ Mariupol” đã được nhà báo Saken Aymurzaev của kênh truyền hình nhà nước Ukraine “UATV-Channel” chuyển cho Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Đức Hồng Y Czerny nói với Vatican Media rằng nó “cung cấp thêm bằng chứng cho những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói kể từ đầu” về cuộc chiến, đặc biệt là trong Thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, “khi ngài nói rõ ràng về sự phi lý của chiến tranh tổng lực”.

Cầu mong có hòa bình cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, đã bị thử thách rất nhiều bởi bạo lực và sự tàn phá của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa mà quốc gia này đã bị kéo vào. Trong đêm đen đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu mong một tia sáng hy vọng mới sẽ sớm xuất hiện! Hãy có một quyết định cho hòa bình. Cầu mong chấm dứt tình trạng gồng các cơ bắp trong lúc người ta đang khổ sở. Làm ơn, đừng để chúng ta quen với chiến tranh! Tất cả chúng ta hãy cam kết cầu xin hòa bình, từ những ban công và trên các đường phố của chúng ta! Cầu mong các nhà lãnh đạo của các quốc gia nghe thấy lời cầu xin hòa bình của mọi người. Mong họ lắng nghe câu hỏi đầy âu lo được đặt ra bởi các nhà khoa học gần 70 năm trước: “Chúng ta sẽ đặt một dấu chấm hết cho loài người, hay loài người sẽ từ bỏ chiến tranh?” (Tuyên ngôn Russell-Einstein, ngày 9 tháng 7 năm 1955).

Tôi ôm chặt trong trái tim mình tất cả những nạn nhân Ukraine, hàng triệu người tị nạn và những người phải di dời nội bộ, những gia đình bị chia cắt, những người già bơ vơ, những cuộc đời tan nát và những thành phố tan hoang. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của những đứa trẻ mồ côi chạy trốn khỏi chiến tranh. Khi nhìn vào chúng, chúng ta không thể không nghe thấy tiếng kêu đau đớn của chúng, cùng với tiếng kêu đau đớn của tất cả những đứa trẻ khác đang phải chịu đựng trên khắp thế giới của chúng ta: những đứa trẻ đang chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế, những nạn nhân của lạm dụng và bạo lực, và những thai nhi bị từ chối quyền được chào đời.

Bức thư của những người mẹ kể lại những đau khổ và thống khổ của thành phố bị tàn phá, nơi mà những người phụ nữ Ukraine nói, đã “biến thành tro tàn” sau nhiều tuần bị oanh tạc không ngừng và đã trở thành tâm điểm của “một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Âu Châu thế kỷ 21”.

Những người ký tên lưu ý rằng thảm họa này một lần nữa đặt ra vấn đề về sự “không thể chấp nhận được” của cuộc bao vây các thành phố, cũng như “các cuộc tấn công bừa bãi”, sự tàn phá phi lý và đau khổ khôn lường cho những người cần được bảo vệ bởi luật nhân đạo quốc tế.

Do đó, các bà mẹ kêu gọi sự can thiệp của Đức Thánh Cha Phanxicô để thường dân, cũng như những binh lính bị thương không thể điều trị, được phép di tản khỏi thành phố càng sớm càng tốt.

“Lời thỉnh cầu tuyệt vọng này cũng được gửi đến tất cả những ai có thể giúp mở các hành lang nhân đạo, với một lệnh ngừng bắn, đó là chính xác những gì tình hình đòi hỏi ngay bây giờ,” Đức Hồng Y Czerny nhận xét.
Source:Vatican News