Ngày 23-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mục tử nhân lành
LM Đan Vinh
07:07 23/04/2012
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH B

Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18

1. LỜI CHÚA: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (GA 10,11).

2. CÂU CHUYỆN: MẸ CHẾT THAY CON

Trên một tờ báo y học ở Ac-hen-ti-na, bác sĩ Giăng Coóc-tê (Jean Cortez) đã kể lại trường hợp đặc biệt mà chính ông đã chứng kiến. Ông đang điều trị cho một bé gái tên là Ăng-gien (Angel). Em bị ung thư bao tử, một bệnh rất hiếm gặp thấy nơi trẻ em. Sau khi giải phẫu và điều trị đủ cách, ông đành phải báo tin buồn cho bà mẹ của bé sự bất lực của ông trước căn bệnh hiểm nghèo này, và cho biết bé Ang-gien đã chết! Bà Ma-ri-a mẹ em bé gần như hóa điên khi nghe tin dữ ấy. Bà nhất quyết không cho ai đụng vào thi thể của con, và quỳ cầu nguyện nhiều giờ bên giường con. Bác sĩ Coóc-tê rất xúc động khi nghe bà cầu xin để bà được chết thay cho con. Ông cùng mọi người im lặng ra ngoài để bà một mình với đứa con đã chết.

Nửa tiếng đồng hồ sau, mọi người lại vào phòng và rất ngạc nhiên khi thấy bé Ăng-gien bây giờ đã khỏe lại. Gương mặt em rạng rỡ vui vẻ như không có bệnh tật gì. Em đang ngồi trên giường, còn mẹ em thì nằm gục bên cạnh giường và sắp chết. Bà thều thào nói với bác sĩ rằng: “Thưa bác sĩ, tôi rất mừng được Chúa thương nhậm lời cầu của tôi là cho tôi được chịu bệnh thay cho con tôi!”. Bấy giờ bác sĩ Coóc-tê lập tức cho tái xét nghiệm và kết quả là bé Ăng-gien đã hoàn toàn bình phục, còn bà Ma-ri-a thì lại mắc chứng bệnh bao tử của em mà trước đó bà chưa hề mắc phải. Thân nhân xúm lại xung quanh bà Ma-ri-a để động viên an ủi bà và hứa sẽ nhận bé Ăng-gien làm con và sẽ chăm sóc nuôi dạy bé nên người tốt sau này. Vài giờ sau bà Ma-ri-a đã ra đi trong bình an. Bà được mọi người kính phục vì tình mẫu tử cao quý bà dành cho con. Bác sĩ Coóc-tê kết luận: “Tôi không thể giải thích tại sao lại có thể xảy ra như thế được! Vì rõ ràng trước đó cô bé Ăng-gien đã chết. Có thể đã có một tài năng siêu phàm nào đó tác động và hoán chuyển căn bệnh quái ác từ nơi đứa con sang cho bà mẹ!”.

3. NỘI DUNG TIN MỪNG: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tự ví mình như vị Mục Tử nhân lành. Sự nhân lành của người Mục Tử được biểu lộ qua 3 hành động sau: Một là biết rõ từng con chiên và cũng được chiên nhận biết và đi theo. Hai là quan tâm đến cả đoàn chiên, nhất là những con chiên bị đau ốm, thương tích hay lạc đàn. Ba là sẵn sàng thí mạng đương đầu với sói rừng để bảo vệ đoàn chiên.

4. SUY NIỆM: NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA LINH MỤC THỜI ĐẠI MỚI:

Linh mục là mục tử dẫn dắt dân Chúa về phần linh hồn.

- “LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?”: Văn hào Giu-ăng A-ri-a (Juan Arias) viết: “Lạy Chúa, Linh mục là ai? Đối với nhiều người: Ông ta là một người cô độc ích kỷ. Đối với nhiều người khác: Ông ta là thứ trai già vô tích sự, một nhân viên bàn giấy của tôn giáo”. Người nghèo tỏ vẻ bực bội khi thấy Linh mục hay tiếp xúc với người giàu có và rủa Linh mục là “đồ tư bản chết tiệt!”. Nếu linh mục hiến thân chuyên lo phục vụ cho người nghèo ít học, bệnh tật, cô đơn... thì người ta lại ganh ghét và gọi Linh mục là “Đồ tả khuynh bần tiện!”.

Làm Linh mục thời đại ngày nay thật không đơn giản chút nào!

“MỘT NGƯỜI LUÔN LUÔN SAI LẦM” (He is always wrong): Đây là tựa đề của một bài báo nhỏ nói lên sự cảm thông của các tín hữu đối với các Linh mục chủ chăn như sau:

* Giảng ngắn dưới 10 phút: “Ông Linh mục này lười không chịu dọn kỹ bài giảng!”.

* Giảng quá 20 phút: “Ông ta là người ưa nói dai và nói dài!”

* Nếu giảng hùng hồn: Ông ta la lối om sòm thật bất kính với Chúa đang ngự trong nhà chầu!

* Nếu giảng với giọng bình thường: “Ông ta có biệt tài dỗ ngủ cho người bệnh khó ngủ!”

* Nếu năng đến thăm các gia đình trong giáo xứ: “Ông ta chẳng có việc gì để làm, suốt ngày la cà hết nhà này sang nhà nọ để kiếm chác! chẳng mấy khi thấy ông ta có mặt ở nhà để tiếp xúc với các người cần gặp hay để đi kẻ liệt!”.

* Nếu ít đi thăm: “Ông ta chẳng quan tâm để biết con chiên của mình sống chết ra sao!”.

* Nếu linh mục còn trẻ: “Ông ta mới ra trường nên tay nghề còn non và chưa có kinh nghiệm mục vụ!”.

* Nếu đã cao niên: “Một lão già lẩm cẩm hủ lậu! Ông ta nên sớm về hưu đi là vừa!”

Thật đúng như người đời thường nói: “Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười ở hẹp người chê”. Làm Linh mục thật không dễ chút nào!.

5. CẦU NGUYỆN

- LẠY CHÚA GIÊSU. Thật hạnh phúc biết bao khi con biết rằng con đang được Chúa nâng niu bảo vệ. Chúa là Mục Tử tốt lành hằng yêu thương con. Chúa đã hy sinh chịu chết để đền tội thay cho con và không ngừng bảo vệ con khỏi bị ma quỉ tấn công. Xa-tan muốn cướp con khỏi bàn tay Chúa và biến con trở thành tay sai của chúng. Có những cám dỗ ngọt ngào, có những thách thức khổ đau. Xatan muốn con lạc xa tình thương của Chúa. Nhưng con tin rằng Chúa luôn nâng đỡ phù giúp con. Vì Chúa đã hy sinh mạng sống chịu chết đền tội thay cho con. nhiều lúc con đã từ chối tình thương của Chúa để phạm tội. Có lần con đã chán nản không muốn theo Chúa nữa. Con đã chọn lối sống tự do buông thả để cuối cùng phải lãnh lấy bao đau khổ bất hạnh. Xin cho con can đảm từ bỏ tội lỗi và bước theo con đường hẹp và đầy chông gai như Chúa khi xưa. Xin cho con luôn tuân giữ các giới răn, nhất là giới răn yêu người như Chúa đã dạy. Xin cho con luôn tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu, cậy trông phó thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Nhờ đó, con hy vọng sau này sẽ được hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời.- AMEN.
 
Đức Giê-Su phục sinh khác với Đức Giê-Su sinh thời ?!?
Jos. Duy Thạch
08:19 23/04/2012
ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH KHÁC VỚI ĐỨC GIÊ-SU SINH THỜI ?!?

Các sách Tin Mừng tường thuật lại nhiều lần Đức Giê-su hiện ra, với nhiều người thân thiết với Người sau khi Phục Sinh. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là không ai trong họ nhận ra Đức Giê-su ngay mà phải mất một khoảng thời gian họ mới nhận ra Người. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu dung mạo Đức Giê-su sau Phục Sinh và trước Phục Sinh có gì khác không? Khác thì khác thế nào? Giống thì tại sao không ai nhận ra? Đó là vấn nạn hầu hết các ki-tô hữu đặt ra khi tiếp xúc với các bản văn tường thuật về sự phục sinh của Đức Giê-su. Và thậm chí cả các sinh viên thần học cũng phải bóp trán, vò đầu lấy làm khó hiểu. Vậy, trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra một số phân tích và nhận định về một số bản văn của các sách Tin Mừng về những sự nhầm lẫn v? Đấng Phục Sinh để có thể đưa ra một lý giải “khiêm tốn” nào đó cho vấn nạn trên.

1. “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2)

Trước hết, bản văn nền tảng tường thuật về biến cố Phục Sinh chính là bản văn nói về “ngôi mộ trống”. Đây được xem như là chứng từ căn bản về sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Chính vì thế mà chúng ta không ngạc nhiên khi cả bốn tác giả sách Tin Mừng đều ghi lại sự kiện này (Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-10; Ga 20: 1-10 ). Bốn tác giả đều có những chi tiết ít nhiều khác nhau nhưng chung quy lại đều cho thấy việc xác Đức Giê-su đã không còn trong ngôi mộ và chỉ có Lu-ca cho thấy rằng các bà đã tin lời các Thiên Thần, nhớ lại lời Đức Giê-su đã dạy, và đã về nói lại cho “nhóm mười hai và những người khác”, nhưng họ cho là “chuyện vớ vẫn” và không tin (Lc 24,8-10). Mác-cô thì cho thấy “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi” (Mc 16,8). Còn Gio-an thì cho biết là các bà tưởng rằng ai đã ăn cắp xác Chúa: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu" (Ga 20,2). Các bản văn về “Ngôi mộ trống” chứng tỏ một điều rằng: thân xác Đức Giê-su đã thực sự sống lại, chứ không phải chỉ tinh thần Người sống lại rồi mặc một thân xác khác. Đối với các Thánh sử và cộng đoàn Ki-tô giáo thời ấy thì việc không có xác có nghĩa là đã sống lại. Chính vì thế mà các Thánh sử ghi lại rằng Thiên Thần bảo hãy “đến xem chỗ Người nằm” (Mt 28,6) để biết rằng Người không còn ở đây, Người đã chổi dậy. Nhưng vấn đề là hình dạng Người thế nào sau khi “chỗi dậy” mà gây ra những sự nhầm tưởng ly kỳ hấp dẫn đến thế.

2. Tưởng Đức Giê-su là người làm vườn.

Tin Mừng Gioan tường thuật lại việc Đức Giê-su hiện ra với riêng bà Ma-ri-a bên ngoài cửa mộ, nhưng Bà lại tưởng là người làm vườn, mãi đến khi Đức Giê-su gọi Ma-ri-a thì Bà mới nhận ra là Đức Giê-su (Ga 20,11-18) đang sống. Câu chuyện thật ly kỳ hấp dẫn và có nhiều chi tiết nhưng chỉ xin được dừng lại chi tiết là Bà Ma-ri-a tưởng Đức Giê-su là người làm vườn. Bà đã không nhận ra Người cho dù Người đã trực tiếp hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " (Ga 20,15). Tại sao vậy? tác giả không cho biết là tại sao bà không nhận ra Người. Tuy nhiên, có một chi tiết có thể lý giải điều này. Đó là, mối quan tâm của Ma-ri-a Mác-đa-la lúc bấy giờ. Điều bà quan tâm lúc bấy giờ là “xác Chúa” đã bị lấy mất. Mối quan tâm đến “xác Chúa” bị mất làm cho bà rất phiền não, nước mắt dàn dụa, Bà chỉ lo lắng làm sao tìm cho được “xác Chúa”. Điều này chứng tỏ rằng trong tâm trí Bà và trong lòng Bà không hề có một ý niệm về việc Đức Giê-su Phục Sinh, chứ đừng nói gì đến mong đợi gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Thương tiếc Chúa, rồi lại thương tiếc “xác Chúa”. Đức Giê-su có xuất hiện trong bộ dạng của một người làm vườn hay không? Bản văn không nói tới. Văn chỉ nói rõ ràng đến suy nghĩ của bà Ma-ri-a, tưởng (đokeồ) rằng Đức Giê-su là “người làm vườn”. Tưởng, hay nghĩ rằng, có nghĩa là không phải thực tế như thế nhưng do mình suy nghĩ như thế. Có lẽ Đức Giê-su không xuất hiện trong hình dáng của một người làm vườn nhưng bởi vì trong tâm trí của Ma-ri-a không hề tồn tại một ý niệm về hình ảnh Đức Giê-su Phục Sinh. Suy nghĩ của Bà chỉ dừng lại ở thái độ thương tiếc một xác chết bị đánh mất, và lo lắng làm sao tìm được xác chết ấy. Cộng đoàn đang chìm trong sự thương tiếc một Đức Giê-su chịu đau khổ mà không nhớ gì đến lời dạy của Người về đoạn sau của mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh. Cuộc đời nhập thể của Đức Giê-su trong tâm tư của Họ đã chấm dứt lúc Tử nạn. Ý niệm Phục Sinh vốn không tồn tại, ngay cả trong tưởng tượng. Chính vì thế mà họ nhầm tưởng.

3. Tưởng là người bộ hành

Đây cũng là một câu chuyện ly kỳ khác, tường thuật về việc Đức Giê-su hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên con đường về Emmaus (Lc 24, 13-35). Cậu chuyện này chỉ có một mình thánh sử Luc-ca thuật lại cách chi tiết. Trên đường đi “Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra” (Lc 24,14). Đức Giê-su tiến đến, cùng đồng hành với họ, tham gia câu chuyện của Họ, nhưng Họ không nhận ra Người. Lu-ca nói rõ lý do họ không nhận ra Người là do: “Mắt họ còn bị ngăn cản (krateồ), nên không nhận ra Người (mê epighinôskô)” (24,16). Động từ “epighinôskô” còn có nghĩa khác là biết một cách tỏ tường chứ không phải là nhận dạng, biết qua hình dáng bên ngoài. Sự ngăn cản không nằm ở lãnh vực thể lý thuộc thị giác nhưng sâu xa hơn là chính nơi cõi lòng của hai môn đệ này. Trong lòng họ đang mang một nỗi thất vọng ê chề, khủng hoảng nghiêm trọng. Họ đã hy vọng điều gì mà đã thất vọng? Họ đã hy vọng một Đức Giê-su Na-gia-rét, “một ngôn sứ có uy thế trong lời nói và hành động trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (24,19), sẽ “là Đấng cứu chuộc Ít-ra-en” (24,21). Đó là hy vọng chung của tất cả các môn đệ. Họ hy vọng một Đấng có quyền lực chính trị thể hiện qua việc: tranh luận xem ai là người lớn nhất nhỏ nhất; Gioan và Gia-cô-bê xin được ngồi bên tả bên hữu Đức Giê-su; Phê-rô cản lối Đức Giê-su khi Người tiên báo về cuộc thương khó…thế nhưng “mộng vàng tan mau”: Người đã chết ba ngày rồi, còn gì nữa mà mong, về Emmaus thôi. Tất cả nỗi niềm chất chứa trong lòng họ bây giờ chỉ là thương tiếc Thầy, buồn cho số phận và thất vọng, hụt hẫng khôn cùng vì mộng không thành. Tất cả những “ngăn cản” này xuất phát từ vấn đề rất lớn: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (24,25). “Không hiểu” và “chậm tin” vào lời các ngôn sứ về việc “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người” (24,27). Đối với họ, Đức Giê-su chết như thế là đã chấm hết, làm gì có chuyện Phục Sinh. Không có ý tưởng về Sự Phục Sinh, không mong đợi Đấng Phục Sinh, thì làm sao họ có thể nhận ra Đấng Phục Sinh. Cho nên muốn “nhận ra” Đấng Phục Sinh, thì “mắt họ” phải “mở ra” (24,31) qua việc hiểu Kinh Thánh và tin vào lời các ngôn sứ bắt đầu từ Ông Mô-sê, và qua nghi thức bẻ bánh do Đức Giê-su cử hành. Mắt chưa “mở ra” thì không thể nào nhận ra Người.

4. Tưởng là thấy ma (Lc 24,36-43)

Chuyện xảy ra khi các tông đồ và nhóm bạn hữu đang tụ họp với nhau. Họ đang kể cho nhau nghe những câu chuyện về việc Đức Giê-su hiện ra đó đây với người này người kia. Nhóm mười một và đồng bạn kể cho hai môn đệ trên dường Emmaus về việc Đức Giê-su hiện ra với ông Si-môn; còn hai môn đệ Emmaus thì tường thuật lại tất cả những gì đã xảy ra cho họ trên đường về Emmaus. Thế nhưng, khi Người hiện ra gặp họ thì họ “kinh hồn bạt vía” vì “tưởng (đokeồ) là thấy ma” (20,37). Tại sao vậy? Câu trả lời nằm trong lời chất vấn của Đức Giê-su. Sở dĩ họ hoảng hốt khi thấy Người vì họ “còn ngờ vực”: “Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (24,38) . Đó là nguyên do trực tiếp còn nguyên do sâu xa thì cũng giống như lý do của hai môn đệ trên đường Emmaus: họ chưa thực sự hiểu Kinh Thánh, không sẵn sàng chấp nhận việc Đấng Ki-tô phải qua khổ hình, chết và Phục Sinh. Đối với họ người trở về từ cõi chết chắc chắn là ma. Chính vì thế mà tiếp theo sau đó, Đức Giê-su lại bắt đầu chỉ dạy lại cho các Ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (24,44). Và quan trọng hơn: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (24,46). Việc Đức Giê-su Phục Sinh dường như nằm ngoài sức tưởng tượng của các Tông Đồ và ngoài sự mong đợi của họ. Chính vì thế mà mỗi lần xuất hiện là mỗi lần Đức Giê-su Phục Sinh lại phải “làm công tác tư tưởng”, nhắc nhớ cho các Ông, giúp các Ông đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Người.

5. “Chúa đó!” (Ga 21,7)

Câu chuyện Đức Giê-su hiện ra tại biển hồ Ti-bê-ri-a chỉ có trong Tin Mừng Gioan. Và theo tác giả Tin Mừng này thì đó là lần thứ ba Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi chỗi dậy từ cõi chết (Ga 21,14). Tuy thế, mặc dù trời sáng, Đức Giê-su mở lời nói chuyện với các Ông nhưng không ai nhận ra Người (21,11). Chỉ đến khi bắt được mẽ cá lạ lùng “đếm được một trăm năm mươi ba con” thì người môn đệ được Đức Giê-su thương mến mới nhận ra và nói: “Chúa đó” (21,7). Chương 21 của Tin Mừng Gioan do các môn đệ thuộc trường phái Gioan thêm vào sau này với phần kết luận thứ hai (21,24-25). Có rất nhiều ngôn từ trong chương này khác biệt so với ngôn từ của Tin Mừng Gioan. Ví dụ như cách xưng hô của Đức Giê-su với các Tông Đồ : “các chú” (21,5). Danh từ “paiđion” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đứa trẻ” – chưa từng xuất hiện trong Tin Mừng này trước đó. Tin Mừng Gioan lúc đầu chỉ có 20 chương, kết thúc với phần kết luận thứ nhất (20,30-31). Mặc dù xác định rằng đây là lần thứ ba Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra (phaneroồ) cho các môn đệ, nhưng hình như các Ông vẫn chưa thể nào nhận diện được Đấng Phục Sinh. Đây là kinh nghiệm cũng như khó khăn của cộng đoàn người tin vào cuối thế kỷ thứ nhất: làm sao để nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh, Đấng đã hứa “sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), vẫn đang hiện diện với họ trong thường nhật, đặc biệt trong suốt chặng đường loan báo Tin Mừng? Thực tế là Người vẫn hiện diện, hành động với họ, chỉ cho họ nơi phải thả “lưới người”. Tuy nhiên, cám dỗ muốn được thấy Chúa tỏ tường mỗi ngày như lúc còn sinh thời, muốn “thấy dấu đinh”, muốn “sỏ ngón tay vào lổ đinh”, và “đặt bàn tay vào cạnh sườn Người” (Ga 20,25) đè nặng lên tâm tư họ làm cho họ không quen với sự hiện diện cách vô hình của Đấng Phục Sinh.

Kết luận

Các bản văn Tin Mừng không đơn thuần kể lại những câu chuyện mang tính cách lịch sử về biến cố Phục Sinh. Đó là những bản “tuyên xưng Đức Tin” của cộng đoàn sau một thời gian trải nghiệm, và suy gẫm về biến cố này. Cũng nên biết rằng bản văn đầu tiên tường thuật về biến cố Phục Sinh là bản văn của Phao-lô (1 Cr 15,1-34) viết vào khoảng năm 50, chứ không phải các bản văn Tin Mừng. Chính vì thế mà các bản văn Tin Mừng mang dụng ý thần học nhiều hơn là về sự kiện lịch sử đơn thuần. Qua việc nghiên cứu các bản văn Tin Mừng trên, có thể rút ra những kết luận như sau:

Thân xác Đức Giê-su đã sống lại, với bằng chứng trong tường thuật về “ngôi mộ trống” và tường thuật về cuộc hiện ra với Ông Tô-ma. Vấn đề ở đây không phải là Người còn có hình dáng như lúc sinh thời nữa không, nhưng là cách thức hiện diện của Người. Trước biến cố Tử Nạn – Phục Sinh, Người hiện diện với các môn đệ cách hữu hình, sau biến có ấy Người hiện diện một cách vô hình. Thân xác của Người không còn hiện diện trong thời gian hay không gian nữa nhưng đã vượt không gian và thời gian. Người có thể vào căn nhà các môn đệ trong khi cửa vẫn đóng kín và cũng có thể xuất hiện, ăn cá nướng trước mặt họ.

Như vậy, vấn đề không còn là dung mạo Đấng Phục Sinh có khác lúc sinh thời hay không, nhưng là làm sao chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại, làm sao nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện trong cộng đoàn khi thị giác thể lý bị giới hạn? Đó là vấn đề của cộng đoàn thế kỷ thứ nhất và cũng là vấn đề của nhiều tín hữu qua mọi thời đại. Giải pháp cho họ chính là “lòng tin”. Tin vào lời Đức Giê-su trong Kinh Thánh. Vì nếu “chậm tin vào lời các Ngôn Sứ”, chậm hiểu “tất cả những gì đã nói về Người trong Sách Thánh” thì mắt họ bị ngăn cản và sẽ không nhận ra Chúa. Chính vì còn ở trong bóng tối của đức tin (vừa tảng sáng), nên Ma-ri-a Mác-da-la đã ngỡ rằng Đức Giê-su là “người làm vườn”, vì “hì hục” trong đêm tối đức tin mà các môn đệ không nhận ra Đức Giê-su trên bờ biển Ti-bê-ri-a.

Trong hoàn cảnh ấy Đức Giê-su mời gọi: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(mê ghinu apistos alla pistos) (Ga 20, 27) và “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Đức Giê-su vẫn hiện diện với những người tin “mọi ngày cho đến tận thế”. Tuy nhiên, Người không hiện diện như cách thức họ muốn thấy. Vì thế, một khi họ còn tìm Người qua thị giác thể lý họ sẽ không nhận ra Người dù cho Người ở giữa, trước mặt họ hay bên cạnh họ. Họ phải nhận dạng Người bằng “đức tin” bằng mối thân tình, tình yêu mà họ có đối với Người và với tha nhân. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chính là một mẫu Người như thế. Đó là một người thân tình với Chúa, nằm tựa đầu vào ngực Đức Giê-su. Chính vì thế mà Ông là người đầu tiên nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh trên bờ biển Ti-bê-ri-a. Ma-ri-a sống dậy cảm giác thân tình và nhận ra Người khi Người gọi tên Bà. Giả như Bà không có kinh nghiệm thân tình với Người trước kia thì khó lòng nhận ra Người.

Ngày nay, người Tín Hữu cũng rất dễ cảm xúc, thương cảm, đồng cảm với Đức Giê-su trong những Nghi Thức của Tuần Thánh. Họ có thể “thương Chúa” đến rơi nước mắt và thức với Chúa hàng giờ trước Thánh Thể trong đêm thứ năm Tuần Thánh. Thế nhưng, phải chăng đó chỉ là một cảm xúc bình thường của một con người, cảm xúc mà Đức Giê-su không muốn họ bày tỏ: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28). Và rồi quả thật, tâm tư, tình cảm, cảm xúc của họ cũng chỉ dừng lại nơi biến cố tử nạn ấy. Họ chỉ nghe kể về Đấng Phục Sinh còn “chính Người thì họ không thấy” (Lc 24,24). Như thế, cũng như một số các tín hữu sơ khai, có nguy cơ rằng, họ chưa sống trọn vẹn biến cố Tử Nạn – Phục Sinh. Họ hoang mang vì thiếu vắng Đấng Phục Sinh trong đời mình. Họ có thể vẫn tìm Đức Giê-su, nhưng họ vẫn mãi không gặp Người vì Người đã Phục Sinh còn họ thì loay hoay tìm “xác Người”…

Phục Sinh 2012,

Jos. Duy Thạch
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:15 23/04/2012
QUẠT XÁC CHẾT
N2T

Chồng chết, vợ ra sức quạt xác chết của chồng, hàng xóm nói:
- “E rằng chồng của chị sẽ bị lạnh, tại sao lại làm như thế ?”
Bà vợ nói với hàng xóm:
- “Chồng tôi trước khi chết có nói với tôi, nếu muốn tái giá thì nhất định phải chờ xác của ông ta lạnh đã !”

Suy tư:
Có một vài người Ki-tô hữu phạm hết tội trọng này đến tội trọng nọ, như ăn hối lộ, tham nhũng, vu khống anh chị em, ghét ghen kiêu ngạo với mọi người, đàn áp người nghèo.v.v…nhưng vẫn cứ không ăn năn hối cải đi xưng tội làm hòa với Thiên Chúa và với tha nhân, nhưng họ vẫn cứ đi rước lễ, vẫn cứ làm như không hề có chuyện gì xảy ra cho mình. Tại sao vậy ?
Thưa, vì họ lý luận rằng: đạo Chúa là đạo bác ái, cho nên dù phạm nhiều tội thì làm việc bác ái cho nhiều để được Chúa tha tội, do đó mà họ bỏ tiền ra giúp đỡ cho cha sở xây nhà thờ, bỏ tiền ra giúp hội từ thiện này hội bác ái nọ, họ hăng say dung việc làm từ thiện của mình như cái quạt để “quạt”cho linh hồn được mát chút ít, nhưng vô ích, linh hồn đã chết rồi khi họ đã phạm tội trọng, dù một tội trọng mà thôi.
Phải ăn năn thống hối trước rồi đi xưng tội làm hòa với Chúa trong bí tích giải tội, thì các việc làm bác ái từ thiện ấy mới giúp cho linh hồn mình mát được.
Ít người Ki-tô hữu hiểu được điều này, vì thời nay hình như người ta không còn cảm giác khi phạm tội nữa. Đáng sợ thật !
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:17 23/04/2012
N2T

8. Xin các bạn hãy đem bản thân mình phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, không nên sợ hãi, Ngài đã ủng hộ bạn đi đánh trận thì nhất định không bỏ rơi bạn, không để bạn thất bại.

(Thánh Augustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Thang Hán: Trung Quốc muốn gia tăng kiểm soát Giáo Hội chắc chắn sẽ không làm được!
Tiền Hô
08:50 23/04/2012
ĐHY Thang Hán: Trung Quốc muốn gia tăng kiểm soát Giáo Hội chắc chắn sẽ không làm được!

Hôm Chúa Nhật ngày 22 Tháng Tư 2012, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon 湯漢) của Hồng Kông đã nhận nhà thờ hiệu tòa của mình tại Rôma. Khi tiếp xúc với báo giới, ngài nói rằng ngài hy vọng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc (sắp được bầu vào cuối năm nay tại Bắc Kinh) sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại chân thành với Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh.

Vị giám mục của Hồng Kông nói: "Tôi hy vọng sẽ có được cuộc đối thoại. Không vấn đề nào được giải quyết nếu không thông qua đối thoại chân thành, nơi đó mới có thể đạt được một giải pháp làm hài lòng đôi bên. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện để cải thiện việc đối thoại với ban lãnh đạo mới".

Khi được đề cập đến việc có một vị giám mục đã bị vạ tuyệt thông nhưng vẫn tham gia vào lễ tấn phong giám mục mới của Nam Sung (tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc) vào ngày 19 Tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Thang Háng nói rằng việc này là "rất đáng tiếc".

"Chúng tôi phải luôn bảo vệ nguyên tắc của chúng tôi" - ngài giải thích: "Có hai yêu cầu quan trọng đối với việc tấn phong một giám mục Công giáo: thứ nhất, ứng viên chức giám mục phải có được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha để bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội; và thứ hai, tất cả các giám mục liên quan tới việc tấn phong cho một giám mục mới, họ không những đã chịu chức thành sự mà còn phải có tư cách hợp thức. Nói cách khác, họ phải vẫn còn trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng".

"Sự nhập nhằng giữa những người bất hợp thức và hợp thức là sai trái, không thể chấp nhận được". Ngài nói: "Tôi hy vọng trong tương lai điều này sẽ không xảy ra nữa, và bất cứ ai đã phạm sai lầm trong dịp này thì hãy nên ăn năn và trình một lời thỉnh cầu, xin Đức Thánh Cha tha thứ".

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán là vị hồng y người Trung Quốc thứ bảy, bây giờ trở thành một thành viên trong hàng giáo sĩ Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã giao phó cho ngài nhà thờ hiệu tòa Santa Maria Regina degli Apostoli alla Montagnola ("Đức Maria, Nữ Vương Các Tông Đồ"). Cách Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành không xa lắm, được Dòng Thánh Phaolô xây dựng vào đầu những năm 1950, nhà thờ này hiện là một tiểu vương cung thánh đường với trên 30.000 giáo dân.

Sau nghi lễ truyền thống là hôn thánh giá để vào nhà thờ, Đức Hồng Y Thang Hán đã được Cha Mario Conti - linh mục chánh xứ - chào đón rất nồng nhiệt. Sau đó, ngài cùng đồng tế thánh lễ bằng tiếng Latinh và tiếng Ý với các linh mục địa phương và phái đoàn đi cùng ngài từ Hồng Kông sang.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Thang Hán tự giới thiệu mình với khoàng 200 người tham dự, trong đó có nhiều nữ tu Dòng Thánh Phaolô và một ca đoàn hoành tráng. Ngài còn mô tả vắn tắt tiểu sử bản thân, từ khi sinh ra ở Hồng Kông vào năm 1939, cùng gia đình chuyển đến Trung Quốc đại lục khi quân Nhật chiếm đóng thành phố và thụ phong linh mục tại Rôma vào năm 1966, làm linh mục, giám mục và bây giờ là hồng y của Hồng Kông. Đặc biệt, ngài nhớ lại vào năm 1980, ngài được bổ nhiệm để thúc đẩy một chương trình của Giáo hội Hồng Kông "thể hiện sự quan tâm và giữ liên lạc với Giáo Hội lại đang được vực dậy ở Trung Quốc đại lục". Với công việc này, ngài đã hơn 100 lần tới thăm Giáo Hội tại đại lục.

Bốn quan tâm lớn:

Là giám mục Hồng Kông - một thành phố với 7 triệu dân, trong đó có 540.000 người Công giáo, và bây giờ là hồng y của Giáo Hội, vị tân hồng y cho biết ngài có bốn mối quan tâm lớn:

Mối quan tâm đầu tiên là truyền giáo. Ngài nhận thấy nhu cầu "hàng đầu" của Hồng Kông là "tái truyền giảng Tin Mừng", hy vọng Năm Đức Tin (2012-2013) sẽ cung cấp động lực mới cho sứ vụ của Giáo Hội địa phương, nơi có 6000 người mới được rửa tội mỗi năm (một nửa trong số ấy là người trưởng thành). Ngài cũng hy vọng sự tăng trưởng không chỉ ở số lượng mà còn "chất lượng" đức tin của họ.

Mối quan tâm thứ hai là thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì. Trong khi mối quan tâm thứ ba là cung cấp các hoạt động mục vụ cho người Công giáo Trung Quốc ở Hồng Kông (bao gồm cả nhiều người Phi Luật Tân), họ là những người cần có các Thánh Lễ bằng tiếng Anh và các nhu cầu khác.

Đức Hồng Y Thang Hán cũng muốn tập trung vào mối quan tâm thứ tư của ngài: Đó là "Giáo Hội trong lòng Giáo Hội". Gần đây, Đức Giáo Hoàng đã "ủy thác" cho Giáo Hội tại Hồng Kông "giữ vai trò là cầu nối giữa Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ", ngài cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđictô "khuyến khích tôi thực hiện vai trò này".

Ngài nói, kể từ khi Trung Quốc cởi mở với thế giới vào cuối những năm 1970, "nền kinh tế của họ đang chuyển động rất nhanh theo hướng tự do hơn và chúng ta có thể thấy sự tiến bộ của họ, nhưng các chính sách về tôn giáo vẫn còn nghiêm ngặt. Mặc dù chỉ có một Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, nhưng giáo hội vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn: nguyên nhân chính là "sự kiểm soát của chính phủ, sự giới hạn tự do hoạt động, và sự chia rẽ giữa các tín hữu".

Đức Hồng Y Thang Hán vẫn lặp lại những ý trong bài phát biểu của ngài trước Hồng Y Đoàn hồi Tháng Hai vừa qua, ngài mô tả tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc với ba tính từ đơn giản: "tuyệt vời, khó khăn và có thể".

"Tuyệt vời không chỉ về sức sống của Giáo Hội và sự phát triển về số lượng (từ 3 triệu tín hữu hồi năm 1949 lên 12 triệu tín hữu hiện nay), mà còn tuyệt vời về lòng can đảm và nhiệt thành của giáo dân trong quá khứ và hiện tại. Họ đã sống như thể đang trong các tình huống ở thời Giáo Hội sơ khai. Chúa Thánh Thần đã bổ sức tinh thần truyền giáo cho hai môn đệ Emmau và tinh thần can đảm làm chứng nhân của các tông đồ thời sơ khai".

"Khó khăn bởi vì Giáo Hội tại Trung Quốc đang phải sống trong các tình huống rất gian khó. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy hướng tới việc tạo ra một Giáo Hội tự trị quốc doanh, thông qua Hội Công Giáo Yêu Nước để cố gắng để đạt được mục tiêu này, ngay cả bằng phương cách bạo lực". Giáo Hội trong tình cảnh của Trung Quốc ngày nay "có vẻ đang mất hy vọng", đặc biệt là khi xuất hiện một số giám mục bất hợp thức, còn hàng chục vị giám mục và linh mục trung thành với Tòa Thánh thì vẫn phải ở tù. Tuy nhiên, "Giáo hội không tuyệt vọng, khi mà Chúa vẫn hiện diện và tác động".

Ngược lại, Giáo hội "có thể", bởi vì "Giáo Hội tại Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ khả năng phi thường". Ngài lạc quan như vậy là dựa trên "sự thôi thúc mạnh mẽ của Thiên Chúa trong nhiều người Công giáo, để họ bảo vệ đức tin của họ".

Đức Hồng Y Thang Hán tiết lộ: một vị giám mục bạn ngài ở đại lục - người đã phải chịu những sự "quấy rầy" từ năm 1951 đến 1979 - đảm bảo với ngài rằng những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm gia tăng sự kiểm soát Giáo Hội chắc chắn họ sẽ không làm được, vì điều đó sẽ khiến cho Giáo Hội thêm ý thức hơn, đoàn kết hơn. Vị giám mục này nói với ngài rằng:" Để tương lai tươi sáng, chúng ta phải thầm lặng chờ đợi Thiên Chúa ban ân sủng, thời gian cho việc này không phải là đang rất gần mà cũng không phải là quá xa vời".

Đức Hồng Y Thang Hán kết thúc bằng cách đề nghị các giáo dân nhà thờ hiệu tòa của mình cầu nguyện cho các tín hữu tại Trung Quốc "đau khổ ". Tất cả mọi người vỗ tay rất to. (La stampa, 23 Tháng Tư 2012)

Tiền Hô
 
Đức Thánh Cha yêu cầu các nhà hảo tâm Hoa Kỳ cầu nguyện cho tự do tôn giáo
Bùi Hữu Thư
09:10 23/04/2012
VATICAN (CNS) – Tiếp kiến một nhóm chính các nhà hảo tâm người Hoa Kỳ đang đóng góp cho các công trình bác ái Công Giáo, Đức Thánh Cha Benedict XVI yêu cầu họ cầu nguyện cho “sự tự do của các Kitô hữu để loan truyền Phúc Âm và đem ánh sáng Phúc Âm đến cho các vấn đề luân lý cấp bách của thời đại chúng ta."

Đức Thánh Cha đã gặp ngày 21 tháng 4 một nhóm khoảng 80 người của Qũy Giáo Hoàng (Papal Foundation), khi họ dâng lên ngài số tiền 8 triệu năm trăm ngàn Mỹ Kim, sẽ được dùng để tài trợ cho các học bổng và 105 dự án Công Giáo tại khoảng 50 quốc gia.

Các dự án bao gồm việc xây dựng năm trường học tại Ai Cập, nơi các nhà lãnh đạo Kitô giáo và các nhà tranh đấu cho nhân quyền đã có nhiều ưu tư về tự do tôn giáo trong khi quốc gia này đang chuyển tiếp sang một chế độ dân chủ.

Trong khi Đức Thánh Cha không đề cập đến một cuộc tranh đấu đặc biệt nào liên quan đến tự do tôn giáo, với nhóm người Hoa Kỳ, ngài có thể đã bàn đến những căng thẳng hiện thời tại Hoa Kỳ về quyền hành động của các Giám Mục và các cơ quan Công Giáo Hoa Kỳ để phù hợp với giáo huấn Công Giáo về các vấn đề phá thai và bảo hiểm sức khỏe.

Đức Thánh Cha Benedict cũng ngợi khen “vai trò lịch sử của các phụ nữ trong việc xây dựng Giáo Hội tại Hoa Kỳ,” như được thể hiện bởi Chân Phước Kateri Tekakwitha và Chân Phước Marianne Cope, là hai vị người Bắc Mỹ sẽ được phong thánh vào tháng 10.

Đức Thánh Cha đã nói ngay sau ba ngày Thánh Bộ Đức Tin tuyên bố ban hành lệnh cải tổ Hội Đồng Lãnh Đạo các Nữ Tu (the Leadership Conference of Women Religious),là tổ chức chính tại Hoa kỳ cho các bề trên của các hội dòng. Trong bản tuyên bố, Thánh Bộ nói, “Tòa Thánh công nhận với lòng biết ơn những đóng góp lớn lao của các nữ tu cho giáo hội Hoa Kỳ như đã thấy tại nhiều trường học, và các cơ quan yểm trợ cho người nghèo khó đã được thành lập và điều khiển bởi các nữ tu trong nhiều năm qua."

Đức Thánh Cha Benedict cám ơn các thành viên của Papal Foundation về sự hỗ trợ cho công trình của giáo hội về truyền giáo, giáo dục và phát triển.

Đức Giám Mục Joseph A. Pepe ở Las Vegas, thư ký của Uỷ Ban Điều Hành Papal Foundation, nói với Catholic News Service về mục tiêu của quỹ giáo hoàng được thành lập năm 1988, là để giúp Đức Thánh Cha trong việc yểm trợ người Công Giáo tại các quốc gia nghèo khó. “Mỗi năm, Đức Thánh Cha đã trao cho họ một danh sách những gì ngài mong muốn”, và Papal Foundation nghiên cứu việc đáp ứng các yêu cầu này.

Đa số các thành viên của Papal Foundation là “các lãnh đạo trong cộng đồng của họ.” Đức Thánh Cha nói: “Họ đã đóng góp rất quảng đại cho các giáo xứ và giáo phận của họ, nhưng họ cũng muốn trợ giúp cho các công trình hoàn vũ của giáo hội.”

Đức Cha Kevin J. Farrell ở Dallas, một thành viên của uỷ ban giám sát, nói các Nhà Quản Thủ của Thánh Phêrô (Stewards of St. Peter) mỗi người đã hứa đóng góp 1 triệu cho Qũy Giáo Hoàng và hứa trả hết trong vòng10 năm.

Đức Cha Farrell nói: "Thật ngạc nhiên khi thấy có biết bao nhiêu người tham gia vào công trình này, để giúp giáo hội cổ võ cho các chương trình truyền giáo trên khắp thế giới. Tôi tin rằng đây là một trong các câu chuyện quý giá về bác ái chưa hề được viết ra trong thời đại chúng ta, nhất là tại Hoa Kỳ.”
 
ĐHY Thang Hán: Trung Quốc muốn gia tăng kiểm soát Giáo Hội chắc chắn sẽ không làm được!
Tiền Hô
09:36 23/04/2012
HỒNG KÔNG - Hôm Chúa Nhật ngày 22 Tháng Tư 2012, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon 湯漢) của Hồng Kông đã nhận nhà thờ hiệu tòa của mình tại Rôma. Khi tiếp xúc với báo giới, ngài nói rằng ngài hy vọng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc (sắp được bầu vào cuối năm nay tại Bắc Kinh) sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại chân thành với Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh.

Vị giám mục của Hồng Kông nói: "Tôi hy vọng sẽ có được cuộc đối thoại. Không vấn đề nào được giải quyết nếu không thông qua đối thoại chân thành, nơi đó mới có thể đạt được một giải pháp làm hài lòng đôi bên. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện để cải thiện việc đối thoại với ban lãnh đạo mới".

Khi được đề cập đến việc có một vị giám mục đã bị vạ tuyệt thông nhưng vẫn tham gia vào lễ tấn phong giám mục mới của Nam Sung (tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc) vào ngày 19 Tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Thang Háng nói rằng việc này là "rất đáng tiếc".

"Chúng tôi phải luôn bảo vệ nguyên tắc của chúng tôi" - ngài giải thích: "Có hai yêu cầu quan trọng đối với việc tấn phong một giám mục Công giáo: thứ nhất, ứng viên chức giám mục phải có được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha để bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội; và thứ hai, tất cả các giám mục liên quan tới việc tấn phong cho một giám mục mới, họ không những đã chịu chức thành sự mà còn phải có tư cách hợp thức. Nói cách khác, họ phải vẫn còn trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng".

"Sự nhập nhằng giữa những người bất hợp thức và hợp thức là sai trái, không thể chấp nhận được". Ngài nói: "Tôi hy vọng trong tương lai điều này sẽ không xảy ra nữa, và bất cứ ai đã phạm sai lầm trong dịp này thì hãy nên ăn năn và trình một lời thỉnh cầu, xin Đức Thánh Cha tha thứ".

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán là vị hồng y người Trung Quốc thứ bảy, bây giờ trở thành một thành viên trong hàng giáo sĩ Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã giao phó cho ngài nhà thờ hiệu tòa Santa Maria Regina degli Apostoli alla Montagnola ("Đức Maria, Nữ Vương Các Tông Đồ"). Cách Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành không xa lắm, được Dòng Thánh Phaolô xây dựng vào đầu những năm 1950, nhà thờ này hiện là một tiểu vương cung thánh đường với trên 30.000 giáo dân.

Sau nghi lễ truyền thống là hôn thánh giá để vào nhà thờ, Đức Hồng Y Thang Hán đã được Cha Mario Conti - linh mục chánh xứ - chào đón rất nồng nhiệt. Sau đó, ngài cùng đồng tế thánh lễ bằng tiếng Latinh và tiếng Ý với các linh mục địa phương và phái đoàn đi cùng ngài từ Hồng Kông sang.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Thang Hán tự giới thiệu mình với khoàng 200 người tham dự, trong đó có nhiều nữ tu Dòng Thánh Phaolô và một ca đoàn hoành tráng. Ngài còn mô tả vắn tắt tiểu sử bản thân, từ khi sinh ra ở Hồng Kông vào năm 1939, cùng gia đình chuyển đến Trung Quốc đại lục khi quân Nhật chiếm đóng thành phố và thụ phong linh mục tại Rôma vào năm 1966, làm linh mục, giám mục và bây giờ là hồng y của Hồng Kông. Đặc biệt, ngài nhớ lại vào năm 1980, ngài được bổ nhiệm để thúc đẩy một chương trình của Giáo hội Hồng Kông "thể hiện sự quan tâm và giữ liên lạc với Giáo Hội lại đang được vực dậy ở Trung Quốc đại lục". Với công việc này, ngài đã hơn 100 lần tới thăm Giáo Hội tại đại lục.

Bốn quan tâm lớn:

Là giám mục Hồng Kông - một thành phố với 7 triệu dân, trong đó có 540.000 người Công giáo, và bây giờ là hồng y của Giáo Hội, vị tân hồng y cho biết ngài có bốn mối quan tâm lớn:

Mối quan tâm đầu tiên là truyền giáo. Ngài nhận thấy nhu cầu "hàng đầu" của Hồng Kông là "tái truyền giảng Tin Mừng", hy vọng Năm Đức Tin (2012-2013) sẽ cung cấp động lực mới cho sứ vụ của Giáo Hội địa phương, nơi có 6000 người mới được rửa tội mỗi năm (một nửa trong số ấy là người trưởng thành). Ngài cũng hy vọng sự tăng trưởng không chỉ ở số lượng mà còn "chất lượng" đức tin của họ.

Mối quan tâm thứ hai là thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì. Trong khi mối quan tâm thứ ba là cung cấp các hoạt động mục vụ cho người Công giáo Trung Quốc ở Hồng Kông (bao gồm cả nhiều người Phi Luật Tân), họ là những người cần có các Thánh Lễ bằng tiếng Anh và các nhu cầu khác.

Đức Hồng Y Thang Hán cũng muốn tập trung vào mối quan tâm thứ tư của ngài: Đó là "Giáo Hội trong lòng Giáo Hội". Gần đây, Đức Giáo Hoàng đã "ủy thác" cho Giáo Hội tại Hồng Kông "giữ vai trò là cầu nối giữa Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ", ngài cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđictô "khuyến khích tôi thực hiện vai trò này".

Ngài nói, kể từ khi Trung Quốc cởi mở với thế giới vào cuối những năm 1970, "nền kinh tế của họ đang chuyển động rất nhanh theo hướng tự do hơn và chúng ta có thể thấy sự tiến bộ của họ, nhưng các chính sách về tôn giáo vẫn còn nghiêm ngặt. Mặc dù chỉ có một Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, nhưng giáo hội vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn: nguyên nhân chính là "sự kiểm soát của chính phủ, sự giới hạn tự do hoạt động, và sự chia rẽ giữa các tín hữu".

Đức Hồng Y Thang Hán vẫn lặp lại những ý trong bài phát biểu của ngài trước Hồng Y Đoàn hồi Tháng Hai vừa qua, ngài mô tả tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc với ba tính từ đơn giản: "tuyệt vời, khó khăn và có thể".

"Tuyệt vời không chỉ về sức sống của Giáo Hội và sự phát triển về số lượng (từ 3 triệu tín hữu hồi năm 1949 lên 12 triệu tín hữu hiện nay), mà còn tuyệt vời về lòng can đảm và nhiệt thành của giáo dân trong quá khứ và hiện tại. Họ đã sống như thể đang trong các tình huống ở thời Giáo Hội sơ khai. Chúa Thánh Thần đã bổ sức tinh thần truyền giáo cho hai môn đệ Emmau và tinh thần can đảm làm chứng nhân của các tông đồ thời sơ khai".

"Khó khăn bởi vì Giáo Hội tại Trung Quốc đang phải sống trong các tình huống rất gian khó. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy hướng tới việc tạo ra một Giáo Hội tự trị quốc doanh, thông qua Hội Công Giáo Yêu Nước để cố gắng để đạt được mục tiêu này, ngay cả bằng phương cách bạo lực". Giáo Hội trong tình cảnh của Trung Quốc ngày nay "có vẻ đang mất hy vọng", đặc biệt là khi xuất hiện một số giám mục bất hợp thức, còn hàng chục vị giám mục và linh mục trung thành với Tòa Thánh thì vẫn phải ở tù. Tuy nhiên, "Giáo hội không tuyệt vọng, khi mà Chúa vẫn hiện diện và tác động".

Ngược lại, Giáo hội "có thể", bởi vì "Giáo Hội tại Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ khả năng phi thường". Ngài lạc quan như vậy là dựa trên "sự thôi thúc mạnh mẽ của Thiên Chúa trong nhiều người Công giáo, để họ bảo vệ đức tin của họ".

Đức Hồng Y Thang Hán tiết lộ: một vị giám mục bạn ngài ở đại lục - người đã phải chịu những sự "quấy rầy" từ năm 1951 đến 1979 - đảm bảo với ngài rằng những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm gia tăng sự kiểm soát Giáo Hội chắc chắn họ sẽ không làm được, vì điều đó sẽ khiến cho Giáo Hội thêm ý thức hơn, đoàn kết hơn. Vị giám mục này nói với ngài rằng:" Để tương lai tươi sáng, chúng ta phải thầm lặng chờ đợi Thiên Chúa ban ân sủng, thời gian cho việc này không phải là đang rất gần mà cũng không phải là quá xa vời".

Đức Hồng Y Thang Hán kết thúc bằng cách đề nghị các giáo dân nhà thờ hiệu tòa của mình cầu nguyện cho các tín hữu tại Trung Quốc "đau khổ ". Tất cả mọi người vỗ tay rất to. (La stampa, 23 Tháng Tư 2012)
 
Vatican và Nhật Bản: 60 năm thiết lập ngoại giao
Lã Thụ Nhân
11:03 23/04/2012
Vatican và Nhật Bản: 60 năm thiết lập ngoại giao

Tokyo (AsiaNews) - Sáng ngày 20 tháng Tư, khu vườn của Tòa Khâm Sứ ở Tokyo đông đúc các đại sứ và đại diện giới văn hóa đến đây theo lời mời của Đức Tổng Giám Mục Joseph Chennoth, Sứ thần Tòa Thánh tại Nhật Bản để kỷ niệm bảy năm triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Nhật Bản (1952-2012).

Trong số khách mời danh dự có 2 vị xứng đáng được đặc biệt đề cập đến là Ông Jun Yanagi, Giám đốc Bộ phận Âu Châu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản: ông đã đại diện khách mời đưa ra bài phát biểu tại sự kiện. Người thứ hai là nhà văn Sadako Ogata, nổi tiếng ở Nhật Bản và nước ngoài vì các hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao và văn học, quan trọng hơn, bà là chứng tá hữu hình của đức tin Công Giáo trong hơn 10 năm (1991-2000) khi là thành viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, một vai trò mà bà đã đeo đuổi không chỉ giới hạn ở văn phòng tại Geneva, mà còn thăm viếng các nhóm người tị nạn ở bất cứ nơi nào họ sinh sống, nhất là ở Phi Châu.

Chứng từ của Tổng Giám Mục Joseph Chennoth

Đức Tổng Giám Mục Joseph Chennoth trở thành Sứ thần Tòa Thánh tại Nhật Bản bởi ơn gọi hơn là chức vụ được bổ nhiệm. Ngày 11 tháng Ba năm ngoái, khi trận động đất - sóng thần phá hủy dữ dội, nhất là khu vực đông bắc rộng lớn, Chennoth, khi đó ngài ở Tanzania, nhìn thấy những hình ảnh thiên tai trên truyền hình và rất buồn bã. Ngài kể: "Suy nghĩ đầu tiên trong tâm trí tôi là một lời cầu nguyện: Xin Thiên Chúa cho tôi đến Nhật Bản để an ủi người dân. Ba tháng sau đó, dường như Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của tôi. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tôi làm sứ thần tại Nhật Bản và một vài ngày sau khi đến đây, tôi đến thành phố xảy ra thiên tai Ishinomaki cùng với các giám mục của Nhật Bản và Hàn Quốc để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ". Sau đó, ngài đã hỗ trợ mạnh mẽ những nỗ lực tái thiết.

Đức Cha Chennoth xem đó là "một vinh dự và đặc ân để phục vụ Giáo Hội ở đất nước phong phú về văn hóa và truyền thống này, giàu những giá trị tôn giáo và đạo đức, giữa một quốc gia tuyệt vời, mến khách, tôn trọng, quảng đại, và dấn thân làm việc chăm chỉ".

Đề cập đến kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Nhật Bản, Đức Sứ Thần hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục "mong muốn thúc đẩy các giá trị của hòa bình, công lý và hòa hợp ở Á Châu và các nơi khác".

Sự hợp tác của khiêm tốn

Trong bối cảnh của lễ kỷ niệm, Đức Tổng Giám Mục bày tỏ sự ghi nhận và lòng biết ơn đối với nhiều người vô danh đã cống hiến để Tòa Khâm Sứ thực hiện những công việc hữu ích trong nhiều thập kỷ. Trong số đó, ngài đã chú ý đến 2 người: Nữ tu Cecilia Matsumoto (Dòng Những Môn Đệ của Thầy Chí Thánh), hơn 10 năm đã thực hiện tất cả các công việc thư ký, và ông Dominic Enomoto, một người Công Giáo gốc Việt Nam đã đảm trách công việc tài xế hơn 20 năm. Cả hai người đã được tặng thưởng huy chương Giáo Hoàng.

Lã Thụ Nhân
 
Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi trao trả 200 tài sản và yêu cầu công nhận pháp lý
Lã Thụ Nhân
11:05 23/04/2012
Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi trao trả 200 tài sản và yêu cầu công nhận pháp lý

Istanbul (AsiaNews) - Giáo Hội Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng giành lại quyền sở hữu của 200 tài sản bị chính phủ Ankara tịch thu trong những năm 1930. Tuy nhiên, một số thành phần trong cộng đồng nghĩ rằng giáo hội nên tập trung nỗ lực vào việc công nhận pháp lý của cộng đồng.

Một vài ngày trước, một số giám mục Công Ggiáo, bao gồm Đức Cha Ruggero Franceschini, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã gặp gỡ Ủy ban Hoà giải của Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban đã làm việc để nghiên cứu việc trao trả tài sản bị tịch thu bởi chính phủ Ataturk đối với cộng đồng không Hồi giáo. Nhưng người Công Giáo không có trong danh sách "cộng đồng không Hồi giáo" bởi vì vào thời điểm đó họ được công nhận như là một cộng đồng "nước ngoài".

Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ trình một danh sách hơn 200 tài sản (nhà thờ, trường học, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, nghĩa trang, ...) dựa trên một danh sách được soạn thảo vào năm 1913 giữa Tể tướng của Đế chế Ottoman và Pháp, nước bảo vệ Giáo Hội Công Giáo thuở trước.

Vấn đề trả lại những tài sản này rất phức tạp: trước tiên, những tài sản này đã bị chuyền tay nhau và không chắc rằng chúng có thể được trả lại. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là thiếu tư cách pháp lý của Giáo hội Công Giáo trong luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ hiện hành. Cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ không thể sở hữu tài sản và chỉ có thể thực hiện việc trả cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ riêng rẽ (thường là giáo sĩ triều hoặc người được chỉ định liên quan đến Giáo Hội), với những hậu quả không lường.

Nhiều đảng chính trị và các tờ báo đã chụp lấy những yêu cầu của các giám mục, kết án họ là "tham lam". Yêu cầu đã làm bối rối các cộng đồng Kitô giáo khác.

Một số nhân vật Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh với Hãng thông tấn AsiaNews rằng vấn đề thực sự cần phải được giải quyết là được Nhà nước công nhận pháp lý. Các nguồn tin thân cận các giám mục tuyên bố rằng chủ đề này thậm chí đã không được giải quyết tại cuộc họp với Ủy ban Hoà giải.

Đức Cha Antonio Lucibello, Sứ thần Toàn Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay: "Về sự công nhận này, đã có cuộc hội đàm trù bị qua nhiều thập kỷ. Ngay cả Đức Giáo Hoàng, trong cuộc gặp tân đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến Vatican (07/10/2010), đã một lần nữa yêu cầu công nhận pháp lý của Giáo Hội Công Giáo. Sự công nhận phải được thừa nhận, vì một đất nước như Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh trong 60 năm và thực sự cần phải đưa ra sự công nhận này: nó sẽ là hệ quả hợp lý bởi vì Giáo Hội tại Thổ Nhĩ Kỳ mang ý nghĩa như là bắt nguồn của Tòa Thánh".

Theo các chuyên gia, cải cách hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới có thể dẫn đến mở cửa cho việc công nhận pháp lý của Giáo Hội Công Giáo.

Lã Thụ Nhân
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị quốc tế kỳ 7 về Mục vụ Du lịch
Lm. Trần Đức Anh OP
08:39 23/04/2012
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi bài trừ nạn du lịch tình dục đồng thời ngài cổ võ sử dụng ngành du lịch vào việc thăng tiến con người và tái truyền giảng Tin Mừng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 7 về mục vụ du lịch do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động tổ chức tại thành phố Cancún bên Mêhicô từ ngày 23 đến 27-4-2012 với chủ đề ”Ngành du lịch tạo nên sự khác biệt”.

Trong sứ điệp, sau khi đề cao những khía cạnh tích cực của du lịch, ĐTC cảnh giác về những nguy hiểm và những khía cạnh tiêu cực có thể xảy ra trong ngành này. Ngài viết: ”Đó là những tai ương cần phải cấp thiết đương đầu vì chúng làm thương tổn các quyền và phẩm giá của hằng triệu người nam nữ, nhất là những người nghèo, trẻ vị thành niên và người khuyết tật. Du lịch tình dục là một trong những hình thức đáng kinh tởm nhất của những sai trái tai hại ấy, xét về phương diện luân lý, tâm lý và y tế, đời sống của cá nhân, của bao nhiêu gia đình và nhiều khi cả cộng đoàn nữa.”

ĐTC cũng tố giác ”nạn buôn người vì lý do tình dục hoặc để thay ghép các cơ phận, cũng như nạn bóc lộc trẻ vị thành niên, bỏ mặc các em cho những người vô lương tâm, lạm dụng, tra tấn, xảy ra trong nhiều bối cảnh du lịch. Tất cả những điều đó phải thúc đẩy những người dấn thân trong thế giới du lịch vì lý do mục vụ hoặc vì sinh kế, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế, gia tăng sự cảnh giác, để phòng ngừa và chống lại những sai trái ấy”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC cổ võ một nền du lịch khác, có khả năng thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau thực sự, không loại bỏ không gian cho sự nghỉ ngơi và tiêu khiển lành mạnh. Ngài viết: ”Tôi mời gọi anh chị em làm sao để Hội nghị này góp phần phát triển một nền du lịch dần đưa tới sự khác biệt như vậy”.

ĐTC đề nghị 3 lãnh vực trong đó việc mục vụ du lịch cần tập trung sự chú ý:

- Trước tiên là soi sáng hiện tượng du lịch bằng giáo huấn xã hội của Hội Thánh, cổ võ một nền văn hóa du lịch hợp luân lý đạo đức và có tinh thần trách nhiệm, làm sao để đạt tới sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, và làm cho nền du lịch ấy vừa tầm tay mọi người, chính đáng, dài hạn và hợp môi sinh.

- Thứ hai là hoạt động mục vụ không bao giờ được quyên con đường thẩm mỹ (Via pulchritudinis). Nhiều biểu hiện gia sản lịch sử, văn hóa và tôn giáo thực là những con đường dẫn tới Thiên Chúa là vẻ đẹp tối cao, các gia sản đó là một trợ lực để gia tăng quan hệ với Thiên Chúa, trong kinh nguyện.

- Sau cùng là việc mục vụ du lịch phải tháp tùng các tín hữu Kitô trong việc hưởng những ngày nghỉ và thời gian rảnh rỗi, để có lợi cho sự tăng trưởng của họ về mặt tinh thần và nhân bản.

Ngoài ra, công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà tất cả chúng ta được mời gọi thực thi, đòi chúng ta phải hiện diện và sử dụng nhiều cơ hội mà hiện tượng du lịch mang lại cho chúng ta, để trình bày Chúa Kitô như câu trả lời tối thượng cho những vấn nạn của con người ngày nay”.

Hội nghị quốc tế kỳ 7 về mục vụ du lịch tại Cancún trong những ngày này bàn về 3 khía cạnh của vấn đề: trước tiên là ngành du lịch nói chung, tiếp đến là du lịch tôn giáo và sau cùng là việc du lịch của các tín hữu Kitô.
Ngoài ra những khía cạnh khác cũng được để ý tới như: du lịch xã hội, du lịch như một nguồn lợi kinh tế đối với các nước và như một phương thế để khắc phục nghèo đói; cuộc chiến chống nạn du lịch tình dục, những đề nghị phụng vụ và huấn luyện tại những vùng du lịch, gia sản văn hóa phục vụ việc truyền giảng Tin Mừng, sự quan tâm mục vụ đối với những người làm việc trong ngành du lịch, v.v.

Tham dự Hội nghị quốc tế này có các GM, LM, tu sĩ và giáo dân dấn thân trong việc mục vụ du lịch, cùng với những người đặc trách về sự di động của con người.

Bộ trưởng du lịch của Mêhicô, bà Gloria Rebeca Guevara Manzo và ông Roberto Borge Angulo, thống đốc bang Quintana Roo, cũng sẽ có mặt tại Hội nghị.

Về phía Giáo Hội có ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, cùng với một số chức sắc của Hội đồng, và nhiều vị lãnh đạo Công Giáo khác, đặc biệt là Đức Cha Chủ tịch HĐGM Mêhicô và Đức Cha đặc trách mục vụ du lịch của Giáo Hội tại nước này.

Tổng cộng có hơn 200 tham dự viên đến từ 40 quốc gia 5 châu trong số này có 6 nước Á châu. (SD 20-4-2012)
 
Thái độ trốn chạy Giáo Hội của các phụ nữ lứa tuổi 40
Linh Tiến Khải
13:30 23/04/2012
Phỏng vấn Linh Mục thần học gia Armando Matteo về thái độ trốn chạy Giáo Hội của các phụ nữ lứa tuổi 40

Trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc Âu châu ngày nay Giáo Hội đang phải đương đầu với một thách đố lớn: đó là thái độ trốn chạy Giáo Hội của lớp phụ nữ ở lứa tuổi 40. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị vả các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Armando Matteo, thần học gia, giáo sư tại đại học Urbaniana của Bộ Truyền Giáo về vấn đề này.

Cha Matteo cũng là giáo sư học viện thần học Calabria nam Italia. Cha còn là tuyên úy Liên hiệp sinh viên công giáo toàn quốc Italia. Cha là tác giả nhiều sách khá nổi tiếng như: ”Đức tin của giáo dân. Kitô giáo trước tâm thức thời hậu tân tiến”; ”Sự hiện diện bị đập tan. Đối thoại thời hậu tân tiến của Kitô giáo”. Sau cuốn ”Thế hệ thứ nhất không tin”, cha mới cho xuất bản cuốn ”Sự trốn chạy của các phụ nữ lứa tuổi 40. Tương quan khó khăn giữa nữ giới và Giáo Hội”. Sách đã bắt đầu được bán trong các nhà sách Italia từ ngày 18-4-2012.

Liên quan tới vấn đề rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ ngày nay, cha Matteo ghi nhận sự kiện tại Italia cũng như các nước âu châu khác, người trẻ chỉ tham gia các đại hội lớn trong một số trường hợp như Ngày quốc tế giới trẻ hay đại hội quốc gia. Các nhà thờ ngày càng trống vắng, hầu như không có người trẻ tham dự các buổi cử hành Thánh Thể hay các lễ nghi phụng vụ. Các bí tích như rửa tội và hôn nhân đạo ngày càng ít được lãnh nhận. Nhất là nền văn hóa kitô từ từ biến mất, tín hữu không thuộc và hiểu biết giáo lý nữa, và rất thường khi không biết Thánh Kinh. Chính tình trạng hiểu biết và sống đạo què quặt này khiến cho người trẻ xa rời việc sống đức tin và tránh né Giáo Hội. Sau khi chịu phép Thêm Sức số người trẻ tham dự các lớp giáo lý rất ít. Các hội đoàn và phong trào truyền thống không còn sức hấp dẫn người trẻ như xưa nữa.

Hỏi: Thưa cha Matteo, cha đã nhận ra rằng thế hệ các phụ nữ sinh năm 1970 là thế hệ tách rời khỏi Giáo Hội. Nghĩa là thời điểm gần với cuộc nổi loạn của giới trẻ năm 1968, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, cuốn sách của tôi nảy sinh từ hai nhận xét. Trong các cuộc gặp gỡ của tôi đó đây trong nước Italia giữa các giáo xứ, hiệp hội, giáo phận, tôi đã nhận ra sự vắng bóng của các phụ nữ lứa tuổi 40 trong cuộc sống Giáo Hội. Nhận thức này của tôi đã được minh xác bởi một cuộc thăm dò của nguyệt san Nước Trời, do hai ông Paolo Segatti và Gianfranco Brunelli thực hiện. Trong đó xuất hiện một dữ kiện có ý nghĩa: sau năm 1970 người ta không nhận ra sự khác biệt giữa số nam giới và nữ giới xa rời cuộc sống Giáo Hội. Nghĩa là nếu trước năm 1970 việc xa rời Giáo Hội đa số là từ phía nam giới, thì sau đó sự kiện không còn như thế nữa. Lý do có phải là vì họ thuộc lớp người gần cuộc nổi loạn của giới trẻ toàn thế giới hồi năm 1968 hay không? Không ai biết được. Chỉ biết rằng ngoài thời điểm trùng hợp, nơi lớp người 40 tuổi hiện nay có thể nhận ra các dấu chỉ của cuộc nổi loạn thời bấy giờ. Giới trẻ nổi loạn vì họ muốn có các thay đổi, thay đổi cả các từ thông thường như cha, mẹ, con cái và muốn tạo dựng mọi sự trở lại từ hư vô.

Hỏi: Như vậy thì sự kiện phụ nữ lửa tuổi 40 xa rời Giáo Hội có phải là lỗi tự Giáo Hội không thưa cha?

Đáp: Sự kiện hiện diện trong suy tư của tôi đó là các phụ nữ trẻ thuộc lứa tuổi 40 ngày nay đánh giá Giáo Hội thấp hơn đối với trước đó. Từ sự kiện này tôi đánh bạo đưa ra vài giải thich, mà không cho chúng là các giải thích rốt ráo. Trái lại tôi chỉ muốn là một góp phần vào suy tư chung. Vì thế tôi đón nhận tất cả các phản bác liên quan tới vấn đề này. Theo thiển ý tôi so sánh với thế giới ”hồng”, trong cộng đoàn tín hữu thiếu thái độ lắng nghe hòa giải. Nhất là trong giới tu sĩ còn tồn tại một loại bất động nào đó về sự tưởng tượng nữ tính. Rất thường khi người ta còn nghĩ tới người phụ nữ trong các phạm trù kiểu Đức: ”Kinder, con cái, Kueche bếp núc, Kirche nhà thờ”, là ba lãnh vực mà người ta cho là của nữ giới, hay cố ý giam cầm nữ giới trong đó. Trong Giáo Hội đã không luôn luôn có một thái độ tiếp đón cởi mở đối với tính cách chủ thể chiếm hữu được của phụ nữ trong kỷ nguyên hiện nay. Nền thần học và huấn quyền, nhất là từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở đi, đã thắng vượt mọi hình thức kỳ thị có thể có đối với nữ giới và đã minh giải các nghi ngờ và các hàm hồ không rõ ràng đối với phụ nữ. Trái lại trên bình diện Giáo Hội hạ tầng, tôi nghĩ tới việc đào tạo trong các chủng viện, xem ra vẫn còn vất vả ì ạch trong viếc ý thức đối với thế đứng mới của nữ giới trong xã hội.

Hỏi: Vậy từ phía chị em nữ giới thì có sự tự phê bình nào không thưa cha?

Đáp: Đây là một câu hỏi tế nhị. Có lẽ cần phải có ý thức lớn hơn liên quan tới vấn đề này, xét vì tại Tây Phương việc thông truyền đức tin là do các bà mẹ nhiều hơn là từ phía các người cha. Nhưng nếu chúng ta đánh mất đi sự trợ giúp nhau này thì sẽ còn lại cái gì trước mắt? Vấn đề đức tin gắn liền với gương mặt của phụ nữ trong hai chiều kích: chính các chị em phụ nữ đã là những người đầu tiên rao giảng Tin Mừng. Trong khi ngày nay họ chịu áp lực của một xã hội liên tục đặt để sứ điệp của Giáo Hội và của huấn quyền chống lại họ.

Hỏi: Thưa cha Matteo, trong sách cha ghi nhận một dấu chỉ hy vọng trong số các ơn gọi ổn định của các đan viện, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi tích cực đối với các dữ kiện ấy. Cuộc sống tôn giáo của nữ giới tại Italia không phải là điều dễ dàng. Nhưng trong các đan viện, nữ giới vẫn còn cầm cự được, vì có tới 7.000 chị. Một phần cuộc khủng hoảng của các dòng nữ truyền thống gắn liền với sự biến mất của vài tình trạng sống, chẳng hạn như cảnh nghèo túng hay không được học hành giáo dục, là các thực tại không còn đè nặng trên xã hội của chúng ta như ngày xưa nữa. Đàng khác, càc dòmg đan tu chú ý rất nhiều tới nền văn hóa và việc chuẩn bị tri thức cho nữ giới. Các dòng tu cổ điển gặp khó khăn trong xã hội hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội đã nhiều lần chỉ cho thấy một vài chinh phục của xã hội như việc cho thụ thai trong ống nghiệm, phá thai, lựa chọn trẻ em trước khi sinh đều là những điều chống lại nữ giới. Lam thế nào để tiếng nói của huấn quyền có thể vang lên như từ phía nữ giới?

Đáp: Theo thiển ý tôi, liên quan tới các vấn đề luân lý sinh học, một đàng cần phải trung thành với các đề tài và các giá trị mà qúy vị đã nêu lên, đàng khác cần phải có một thứ từ vựng ít trừu tượng hơn và gắn bó với cuộc sống cụ thể của nữ giới hơn. Rất thường khi kiểu nói của chúng ta như là Giáo Hội bị coi như là tới từ một thế giới nam tính, không nhìn vào cuộc sống cụ thể. Dầu sao đi nữa, có rất nhiều đề tài trong đó có thể có một liên minh mới giữa nữ giới và Giáo Hội. Chẳng hạn tôi nghĩ tới sự chống đối chủ thuyết duy nam giới thống trị xã hội của chúng ta ngày nay, là xã hội vẫn kỳ thị nữ giới, dùng hình ảnh thân thể nữ giới để quảng cáo trên truyền hình báo chí hạ nhục coi nữ giới như một đồ chơi. Trong khi đáng lý ra, xã hội chúng ta phải biết trân trọng phụ nữ vì thế đứng và phần đóng góp của họ cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội. Một vài dữ kiện và con số có thể giúp chúng ta thay đổi kiểu suy tư và hành xử của chúng ta đối với chị em phụ nữ: chẳng hạn như số phụ nữ có bằng tiến sĩ đông hơn số nam giới rất nhiều. Thế nhưng các chỗ dậy trong các đại học đa số đều dành cho nam giới, chứ nữ giới không được thu dụng. Ngoài ra còn có các vấn đề như số sinh giảm sút vì sự kiện sinh con có thể khiến cho nữ giới mất công ăn việc làm; phải hòa giải giữa công ăn việc làm và chức làm mẹ của nữ giới làm sao để mữ giới đi làm việc mà vẫn có thời giờ lo lắng cho con cái và săn sóc gia đình và nhất là có được đồng lương xứng đáng bình đẳng; địa vị của nữ giới trong lãnh vực chính trị. Đa số các giới chức trong các guồng máy chính quyền đều là nam giới, hay có nữ giới nắm vài trọng trách nhưng rất ít so với nam giới. Nói chung chị em phụ nữ vẫn bị kỳ thị, chịu rất nhiều thiệt thòi và bất công trong cuộc sống thường ngày. Tất cả đều là các vấn đề có thể tìm ra sự đồng thuận đễ tái lập và thực thi quyền của nữ giới trong xã hội và trong Giáo Hội.

(Avvenire 17-4-2012)
 
Đức Thánh Cha nói: Hãy chuẩn bị cho trẻ em rước lễ lần đầu với lòng nhiệt thành và tiết chế
Bùi Hữu Thư
15:32 23/04/2012
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Chuẩn bị cho trẻ rước lễ lần đầu phải được thực hiện với lòng nhiệt thành và tiết chế cao độ.

Đức Thánh Cha nói với các khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 22 tháng 4 cho việc đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng "Regina Coeli," một kinh cầu Đức Mẹ thường được đọc thay thế cho Kinh Truyền Tin từ Lễ Phục Sinh cho tới Lễ Chúa Thánh Thần HIện Xuống: Trên khắp thế giới, rất nhiều trẻ em được rước lễ lần đầu trong Mùa Phục Sinh.

Đức Thánh Cha yêu cầu "các linh mục, phụ huynh và giáo lý viên hãy chuẩn bị cho ngày Rước Lễ Lần Đầu này thật cẩn thận, với lòng nhiệt thành mạnh mẽ nhưng cũng cần có sự tiết chế."

Ngài nói và trích dẫn từ một tài liệu của ngài viết năm 2007 về Thánh Thể, "Sacramentum Caritatis" ("Bí Tích của Đức Ái "): "Đối với nhiều tín hữu, ngày này tiếp tục là một thời điểm đáng ghi nhớ như là lúc các trẻ em, một cách sơ khởi, hiểu biết được tầm quan trọng của một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu."

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rước lễ lần đầu và cầu xin Mẹ Maria giúp đỡ cho tất cả mọi người biết chú tâm lắng nghe Lời Chúa hơn, và "tham dự một cách xứng đáng" vào việc rước Mình Thánh để có thể trở nên "những chứng nhân cho một nhân loại mới."
 
Top Stories
Vatican and Japan, 60 years of dialogue
Pino Cazzaniga
08:17 23/04/2012
Anniversary of diplomatic relations and 7 years of pontificate Benedict XVI Celebrated in the nunciature. The nuncio close to people affected by the tsunami. Distinguished guests present.

Tokyo (AsiaNews) - On the morning of April 20, the garden of the Apostolic Nuncio in Tokyo was crowded with ambassadors and representatives from the world of culture at the invitation of Archbishop Joseph Chennoth, Apostolic Nuncio to Japan to celebrate the seven years of the pontificate Benedict XVI and 60 years of diplomatic relations between the Holy See and Japan (1952-2012).

Among the guests of honor Jun Yanagi and the writer Sadako Ogata deserve special mention. The first is Director of the Europe division of the Japanese Ministry of Foreign Affairs: he gave the keynote address at the event as a representative of the guests. The second is famous in Japan and abroad for her activities in the field of diplomacy and literature and, more importantly, for her visible witness of the Catholic faith for more than 10 years (1991-2000) she has served as United Nations High Commissioner for Refugees, a role she did not limit to taking up office in Geneva, but by visiting groups of refugees wherever they live, especially in Africa.

The testimony of Joseph Chennoth

Archbishop Joseph Chennoth became Apostolic Nuncio to Japan more than by vocation than appointment. On 11 March last year, when an earthquake - tsunami of particular violence destroyed vast areas of north-east of the country, Chennoth, then stationed in Tanzania, saw the television images of the disaster and was deeply saddened. "The first thought that went through my mind - he said - was a prayer: God let me go to Japan to console the people. Three months later it seems that God had heard my prayer. The pope's nuncio appointed me to Japan and a few days after my arrival, I went into the [disaster-struck] city of Ishinomaki, together with the bishops of Japan and Korea to pray for the victims and their families. " He then directed and vigorously supported the efforts for reconstruction.

Msgr. Chennoth considers it "a great honor and privilege to serve the Church in this great country rich in culture and traditions, with a wealth of religious and moral values, in the midst of a great nation, hospitable, respectful and generous, and committed to hard work. "

Referring to the 60th anniversary of the establishment of diplomatic relations between the Holy See and Japan, the Nuncio hopes that they will continue "in the desire to promote the values ​​of justice, peace and harmony in Asia and elsewhere."

The collaboration of the humble

In the context of the celebration the archbishop expressed recognition and gratitude to many people whose anonymous dedication has allowed the Nunciature to perform useful work for decades. Among them he has set apart two: Sister Cecilia Matsumoto (the congregation of the Disciples of Divine Master), who for over 10 years has done all the secretarial work, and Mr. Dominic Enomoto, a Catholic of Vietnamese origin who has been employed for over twenty years as a driver. Both were decorated with papal medals.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Vatican-and-Japan,-60-years-of-dialogue-24567.html)
 
Joseph Ratzinger Theologian and Pope
L’Osservatore Romano
10:31 23/04/2012
As a tribute to Benedict XVI on his 85th birthday and the seventh anniversary of his election as the Successor of Peter, the newspapers “Il Sole 24 Ore” and “L’Osservatore Romano” have prepared an 88 page book entitled, “Joseph Ratzinger teologo e pontefice”. The publication will be included free of charge in the daily edition of the Milanese newspaper on 24 April, the day on which Pope Benedict’s Pontificate was solemnly inaugurated seven years ago. The digital version will be available on the website of “Il Sole 24 Ore”, supplemented by multimedia content in English and Spanish. In the latter language, the book will be published on 26 April in Spain by “La Razón”, as an insert and on their daily edition’s website. Published here is a translation of the book’s preface written by our Editor-in-Chief.

When on 19 April 2005 the 78-year-old Joseph Ratzinger was elected Pope — in less than one day by the most numerous Conclave in history — many were surprised. For one reason, mainly because of the tenacious conservative etiquette, for the most part German, for a good 23 years with which he was dubbed as he had authoritatively directed the former Holy Office and if anything he seemed destined to play an important role as grand elector in the difficult succession to John Paul ii, who had called him to Rome and with whom Joseph had closely collaborated with.

There were predictions and expectations far from the facts, like the stereotyped image, unrealistically spread by many on no grounds. Certainly, the Cardinal, the Conclave elected as Pope, who had long been eager to retire to his native Bavaria to return to full-time studies, did not do anything so as to be elected. It was an unsought turning point, therefore, like the one in 1977 that left a mark on this brilliant 50-year-old theologian — who 15 years earlier had come to Rome to take part in the sessions of the Second Vatican Council as an advisor to one of the prominent members of the German Episcopate — the appointment as Archbishop of Munich and his almost instant creation as Cardinal by Pope Paul vi.

For Benedict XVI's 85th birthday, and for the beginning of his eighth year of Pontificate, the idea to combine and update in a tiny book some of his lesser known works: in a light but not superficial conversation between a mouse (Armando Massarenti) and an elephant (Giuliano Ferrara) on the laity and religion, as a suggestion for reading Ratzinger's works — not specialistic nor systematic, but intelligent and comprehensible — proposed by a historian (Lucetta Scaraffia), and finally with a chronological summary of the life of a theologian who became Pontiff.

This initiative promoted by two daily newspapers — Il Sole 24 Ore and L'Osservatore Romano — primarily seeks to introduce the person and then the works of an intellectual who has dedicated and dedicates his life to the research of endless and inexhaustible quest for the truth in a continuous dialogue between faith and reason, with an eloquence that speaks to all.

On this important occasion to which the hope of the Byzantine liturgy eis ete polla can be applied, in the succinct Latin wish ad multos annos: in simple words, to wish the Pope a Happy Birthday.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Thể dục Thể thao Sinh viên Công Giáo TGP Hà Nội
SVCG Hà Nội
07:14 23/04/2012
HÀ NỘI - Vào buổi sáng ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh tại khuôn viên sân đại chủng viện Cổ Nhuế đã diễn ra chương trình bế mạc đại hội TDTT lần 2 – Sinh viên Công Giáo TGP Hà Nội.

Xem hình ảnh

7h sáng, nhờ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho một ngày nắng đẹp. Trong không khí vui tươi, phấn khởi mong chờ cho một buổi bế mạc diễn ra thành công tốt đẹp thì đã có lác đác các bạn của một số nhóm tới tham gia đại hội. Thể hiện trên nét mặt từng người là một tinh thần với niềm tin chiến thắng vào từng đội chơi của mình.

8h, trên những ngả đường, tất cả các thành viên của các nhóm trong Hội SVCG TGP Hà Nội đang nô nức đổ về sân Đại Chủng Viện Cổ Nhuế. Trong khoảng thời gian này cũng đang diễn ra thánh lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ giáo xứ Cổ Nhuế. Khoảng thời gian thánh lễ kết thúc cũng là lúc tất cả anh chị em cùng nhau tề tựu về góc sân thể thao của Đại Chủng viện để chuẩn bị cho chương trình sắp diễn ra.

Không khí trở nên náo nhiệt hơn với những vũ điệu vui nhộn đầy chất sinh viên của các bạn cổ động viên, những cử điệu như tiếp thêm sức mạnh cho các bạn vận động viên thêm niềm tin và tinh thần để cùng nhau tranh tài.

Đúng 9h, chương trình bế mạc đã chính thức diễn ra sau lời phát biểu của anh Phao-lô Phạm Quốc Sử để động viên tinh thần cho các vận động viên.
Các vận động viên lần lượt ra sân tranh tài ở những trận bán kết và chung kết của 7 môn thể thao với một tinh thần quyết tâm giành chiến thắng và đem thành tích về cho nhóm mình.

Đỉnh điểm ngày hôm nay là trận tranh tài chung kết môn bóng đá nam giữa hai đội bóng mới nổi: SVCG Thái Bình – SVCG Công Nghiệp. Trận bóng đã thu hút một sự chú ý rất lớn từ các cổ động viên có mặt ngày hôm nay và tỉ số …… đã thuộc về SVCG Thái Bình.
Kết thúc muộn nhất trong ngày thi đấu là các môn cờ vua và cờ tướng thuộc các nội dung của cả nam và nữ. Sự cân não trong từng ván cờ quả thực đã khiến cho thời gian thi đấu trở nên dài hơn.

11h30, lễ trao giải được diễn ra tại sân khấu chính. Từng nhóm lên nhận bằng khen, huy chương ghi nhận thành tích của nhóm mình. Lời phát biểu của anh Giu-se Nguyễn Văn Chuyên, trưởng Hội SVCG TGP Hà Nội đã chính thức kết thúc hơn một tháng tranh tài trong khuôn khổ đại hội TDTT SVCG TGP Hà Nội lần thứ 2.

12h, giờ cơm trưa. Các nhóm tập trung trong niềm hân hoan cùng chung nhau những bữa cơm sinh viên đầy niềm vui, có niềm vui gặp gỡ xen lẫn niềm vui chiến thắng. Hẹn gặp lại đại hội TDTT lần thứ 3 tại nơi đây.
 
Nhân kỷ niệm Kim Khánh Linh mục: Thương tích của Chúa Phục Sinh và của người Linh Mục
LM. Phạm Bá Lãm
08:37 23/04/2012
THƯƠNG TÍCH CỦA CHÚA PHỤC SINH VÀ CỦA NGƯỜI LINH MỤC

Bài giảng Lễ Kim Khánh Linh Mục của Cha Antôn Nguyễn Tuế tại Nhà thờ Phát Diệm Phú Nhuận Chúa Nhật 22.04.2012 (Lc 24,35-48)

Cuộc xuất hiện của Chúa Phục Sinh giữa các môn đệ theo Tin Mừng Luca (Lc 24,35-48) và cuộc xuất hiện của cha Antôn Nguyễn Tuế mừng Kim Khánh Linh Mục hôm nay chắc hẳn có một mối tương quan. Đó là chan hoà niềm vui và bình an. Nhưng để được điều đó phải qua một quá trình.

Các môn đệ gặp Chúa tưởng được bình an, nhưng nhìn thương tích của Chúa chỉ toàn là ngộ nhận tưởng thấy ma, nghi ngờ có phải Chúa hay thần linh nào đó, hoang mang, hốt hoảng, sợ hãi. Tại sao Chúa đưa tay chân ra mà không lộ mặt ra. Tay chân của ai cũng giống nhau, khuôn mặt mới khác biệt, nên người ta nói là nhận diện, chứ đâu nhận tay chân. Tại sao Chúa không lộ khuôn mặt vinh hiển như ngày hiển dung trên núi cao: mặt ngài rực rỡ như mặt trời, để rồi nói với các môn sinh: Anh không chết đâu em !

Một chi thể cũng nói cả toàn thể, như ta nói: giúp tôi một bàn tay, hiểu là cả người. Chúa có lý do để đưa cạnh sườn và tay chân, đầy thương tích mà đầy thương yêu: đó là từ trái tim đến trái tim và từ trái tim đến bàn tay. Tình yêu đã mở ra một cách cụ thể. Chúa tỏ mình ra là một Thiên Chúa bị bầm dập mà không vùi dập người khác, bị bầm dập mà vẫn vui sống và sống dồi dào.

Chúa Giêsu phải kiên trì giải thích, trấn tĩnh thuyết phục bằng một thực tế: nghe không bằng thấy, thấy không bằng sờ. Thương tích của Chúa như một thông điệp: Chúa đã sống lại từ những tan nát của thân xác, thân xác đầy thương tích bất động trong mồ cũng là thân xác với thương tích đang sống động trước mắt các môn đệ. Các thương tích mở ra để cho biết đằng sau thương tích là bao nhiêu phản bội, bất công, gian ác: nay đã được tha thứ. Vì thế Chúa Phục Sinh đã không hỏi tội ai, kể cả các môn đệ. Quên đi tất cả, một bệnh quên dễ thương, bỏ qua tất cả, để khi gặp lại chỉ còn là vui mừng và bình an. Thương tích của Đấng sống lại để không bao giờ chết nữa nay đã trở thành chiến tích toàn thắng tội lỗi và thần chết, trở nên thành tích của ơn cứu độ hoàn tất, dấu tích của ơn tha thứ và chứng tích của tình yêu. Thương tích biểu hiện thương yêu, cũng giống như kiểu nói: thương yêu là chấp nhận thương đau.

Chúng ta phải cảm ơn về những phản biện của các tông đồ và cách ứng xử đặc biệt của Chúa, nhờ đó hôm nay chúng ta mới vui mừng xác tín: Chúa đã sống lại và ban bình an cho chúng ta.

Linh mục là Chúa Kitô khác hay Chúa Kitô thứ hai, cũng là một người phải mang thương tích, mới đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hoà vào nơi tranh chấp. Cha Antôn Nguyễn Tuế mừng Kim Khánh LM vui mừng và bình an: bên ngoài rạng rỡ, khoẻ mạnh, minh mẫn, đầy phong độ, nhưng bên trong chắc hẳn cũng giống Chúa Kitô đầy thương tích của 50 năm phục vụ.

Ngài đã giảng lễ mở tay năm 1971 của tôi và lễ mở tay năm 1974 của cha Phạm Trung Dong với nhận xét rất thực tế: những tưng bừng hoa lá của ngày chịu chức và mở tay với áo lễ đẹp, chén vàng, những lời chúc mừng và quà cáp rồi sẽ qua đi… sau đó là một đời sống vất vả làm việc, đau khổ hạnh phúc, vui buồn lẫn lộn… áo lễ sẽ bạc mầu, cảnh đời vẫn đen bạc, một mình đối diện với cuộc sống. Đời là thế !

Giảng cho chúng tôi tức là ngài đã có một trải nghiệm thực tế. Ngài từng làm Phó xứ Phúc Nhạc kiêm Giám Đốc trường học, chính xứ Đại An nhưng bất an vì chiến cuộc, chính xứ Định Quán và xây nhà thờ, chính xứ Phương Lâm: xây nhà thờ và nhà sinh hoạt giáo lý, hơn nữa còn làm Hạt Trưởng Phương Lâm nhiều năm. Bao công trình xây dựng nhà thờ và xây dựng cộng đoàn, bao công tác từ nơi nọ đến nơi kia làm hao tâm tổn sức người mục tử.

Thương tích của người Linh mục tức là mở cạnh sườn, mở trái tim ra để yêu thương mọi người, đưa bàn tay ra để giúp đỡ mọi người: nắm lấy tay cụ già và trẻ thơ, bước chân đi rao giảng Tin Mừng yêu thương.

Thương tích đã nói lên thành tích phấn đấu: cha Antôn rất cầu tiến hiếu học, chậm mà chắc: quyết tâm lấy bằng Tú tài trước năm 1975, mãi đến năm 1999 với 66 tuổi lấy bằng cử nhân Anh Văn, năm 2005 với 72 tuổi lấy bằng Thạc sĩ, và năm nay 79 tuổi lấy bằng Tiến sĩ về giáo dục: tất cả văn bằng đều là của nước Úc cấp phát, thật uy tín. Ngoài khả năng tiếng Anh, khi còn làm chính xứ Định Quán ngài đã học tiếng dân tộc thiểu số và làm lễ giảng lễ bằng tiếng của họ. Quả là tấm gương hiếu học hiếm có. Không lạ gì với tài hùng biện, ngài đã từng giảng tĩnh tâm năm cho các cha Gp. Xuân Lộc, từng thuyết trình trong Hội nghị về Giáo dục tại Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra ngài còn có tài năng về âm nhạc và hội hoạ: ngài trước tác bức hoạ thánh Giuse tặng cho cha bề trên Trần Thanh Khâm sau này làm Giám Mục Phụ Tá Sàigòn và bức hoạ Đức Mẹ Lên Trời, ngày xưa tôi từng được chiêm ngắm, nay không biết lưu lạc nơi đâu.

Không làm gì thì chẳng ai để ý. Nhưng có làm và làm được việc thì thường vẫn bị phê bình và chỉ trích. Đúng như lời Kinh Thánh: vì lòng nhiệt tâm nhà Chúa mà tôi phải thiệt thân. CG đã kiệt ngã và đầy thương tích là như thế đó. Người LM cũng phải làm việc hết mình, hết sức, có khi đến kiệt sức. Có người khen một LM: cha đã làm việc đến kiệt sức, thì được trả lời: làm LM mà không làm đến kiệt sức thì đâu phải là LM, tự bản chất LM là Mục Tử, theo cách cắt nghĩa nôm na: Mục là tan nát, Tử đích thị là chết. Đức Kitô đã sống chết với 2 chữ Mục Tử này rồi.

Có người nói về hành trình của đời Linh mục như sau: khi mới chịu chức thì như con nai vàng ngơ ngác, 5 năm sau thì như con nai vàng dáo dác, 5 năm sau nữa thì hốc hác, 5 năm sau nữa thì tan tác, 5 năm nữa thì xơ xác, thời gian cuối cùng là thối thác về Bình Hưng Hoà ! Người ta đã bôi bác đời LM làm cho chúng tôi buồn man mác ! Ngày trước thày Nguyễn Tuế đi giúp tại Đan Viện Phước Lý Xoài Minh, đã từng bị bọn cướp trói và trấn lột ngay trong nhà dòng. Sau đó, đời linh mục của ngài kinh qua bao biến động và gian khổ, nhưng cũng bao thành công, bao niềm vui khi thu phục các linh hồn. Hôm nay chúng ta chỉ nên đếm phúc chứ không đếm hoạ.

Không tan tác hay xơ xác, cha Antôn hôm nay có khác: vẫn đầy phong độ và hăng say làm việc, dù đã U80. Ngài sinh năm 1933 tại Gx.Phát Diệm miền Bắc, định cư cũng tại Gx. Phát Diệm Phú Nhuận, để gắn bó với Phát Diệm, xin chọn nơi này làm quê hương. Gx. Phát Diệm trong Nam và ngoài Bắc phải tự hào hãnh diện về người ưu tú của mình: tài năng, đức độ, uy tín, trí thức… Tuổi tây là 79, tuổi ta là 80, vậy phải mừng 2 trong 1: Kim Khánh LM và mừng thọ Bát Tuần, để ở nhà mát ăn bát vàng ! Yêu làm việc, yêu học tập, yêu cuộc sống, nên Chúa ban cho ngài khoẻ mạnh về thể xác lẫn tinh thần, đúng như châm ngôn la-tinh “Mens sana in corpore sano”: một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể mạnh khoẻ. Chắc chắn ngài có cái gen sống lâu sống khoẻ của Bà Cố của ngài. Bà Cố qua đời ngay tại Gx. Phát Diệm Phú Nhuận cách đây 6 năm vào năm 2006, hưởng thọ những 107 tuổi, một tuổi vô cùng hiếm có, từng được nhà nước truy tặng ngợi khen, nhưng nhất là được Thiên Chúa tưởng thưởng Nước Trời.

Cha Antôn mừng Kim Khánh LM còn khoẻ mạnh, vẫn tiếp tục làm Chính Xứ, Hạt Trưởng, làm công tác của Tiến sĩ về giáo dục, thật hiếm có. Trong khi đó tất cả các bạn cùng lớp đều đau yếu và về hưu hoặc rơi rụng: cha Trần Hoà hưu tại Nhà Vãng Lai Phát Diệm Phú Nhuận, cha Tô Ngọc Liên hưu tại Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, cha Phan Lâm nghỉ việc tại Oakland, California, sắp về hưu tại Việt Nam. Đáng tiếng hơn cả là cha Luca Trần Khánh Tích qua đời giữa năm ngoái tại Nhà hưu Chí Hoà và Đức Ông Đa Minh Vũ Văn Thiện qua đời cuối năm ngoái tại Rôma: hai vị này sớm ra đi không kịp mừng Kim Khánh Linh Mục. Cha Antôn hôm nay mừng cho mình và mừng thay cho anh em.

Tất cả là hồng ân, chúng ta cùng với cha Antôn tạ ơn Chúa, để xin ơn Chúa: ơn bình an mà tiếp tục phục vụ Giáo Hội cho đến cùng. Theo kiểu nói quảng cáo của truyền hình: cha Antôn Nguyễn Tuế 50 năm Linh Mục và 80 năm tuổi đời: chạy vẫn còn tốt ! Và sẽ chạy đến hết đường mà vẫn giữ vững đức tin (2 Tm 4,7).

Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Chính Xứ Hoà Hưng
 
Thánh Lễ nhận chức chính xứ Thanh Sơn của Cha Giuse Trần Đức Hạnh tại Cao Bằng
Giuse Trần Ngọc Huấn
08:08 23/04/2012
Thánh Lễ nhận chức chính xứ Thanh Sơn của Cha Giuse Trần Đức Hạnh tại Cao Bằng

Chiều Chúa nhật, 23 tháng 4 năm 2012, Cộng đồng Dân Chúa giáo xứ Thanh Sơn, giáo hạt Cao Bằng, hân hoan mừng lễ nhậm chức của cha tân chính xứ và cũng là cha tổng đại diện của Giáo phận, Giuse Trần Đức Hạnh. Hôm nay cũng là dịp thật cảm động để cộng đoàn giáo xứ tri ân cha nguyên chính xứ Giuse Nguyễn Văn Chung.

Xem hình lễ nhận chức

Khoảng 17 giờ chiều, đoàn xe của Đức Giám mục Giáo phận và Cha Giuse cùng quý Cha đã tới thánh đường giáo xứ Thanh Sơn. Đức cha và Cha tân chính xứ bước vào cổng nhà thờ Thanh Sơn trong tiếng vỗ tay và tâm tình yêu mến của cộng đoàn dân Chúa, của các nam nữ tu sỹ và Hội đồng mục vụ. Cha Giuse Nguyễn Văn Chung thay mặt cộng đoàn hiện diện vui mừng chào đón Đức cha, Cha Tổng đại diện và quý Cha đã đến với giáo xứ Thanh Sơn trong ngày đặc biệt này. Cộng đoàn cùng tiến vào ngôi Thánh đường để viếng Thánh Thể và cầu nguyện trong ít phút. Sau đó, mọi người cùng vào khuôn viên nhà xứ để cùng gặp gỡ và trò chuyện thân mật với Đức cha và cha xứ mới.

Cha Giuse Trần Đức Hạnh sinh ngày 19 tháng 3 năm 1944 tại Giáo phận Thái Bình. Trong những giai đoạn khó khăn, ngài lên Lạng Sơn để làm thợ. Từ năm 1964, ngài đã đi hầu hết các ngả đường của giáo phận, qua nhiều công việc khác nhau. Đời dâng hiến của ngài trải qua nhiều bước thăng trầm. Với ơn Chúa trợ giúp, ngài luôn tin tưởng và xác tín vào hành trình ơn gọi mà mình luôn theo đuổi.

Ngày 19 tháng 12 năm 1989, trong căn phòng nhỏ bé của nhà thờ giáo xứ Thất Khê, Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ đã đặt tay truyền chức cho ngài. Đây là linh mục đầu tiên và duy nhất được Đức cha Vinhsơn Phaolô đặt tay truyền chức. Vì nhiều khó khăn của thời cuộc, sau đó ngài trở về tiếp tục phục vụ giáo phận Thái Bình.

Năm 2001, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt đã đón ngài về lại Giáo phận và phục vụ tại Giáo xứ Thanh Sơn cùng miền Cao Bằng. Tháng 9 năm 2007, ngài được bổ nhiệm về làm chính xứ Mỹ Sơn, giáo hạt Lạng Sơn. Đến hôm nay, sau gần 5 năm, cha Giuse Trần Đức Hạnh lại được tái bổ nhiệm làm chính xứ Thanh Sơn, giáo hạt Cao Bằng.

Vào lúc 19g00, đoàn đồng tế từ nhà xứ tiến vào thánh đường để cử hành Thánh lễ trong tiếng chuông và tiếng trống rộn ràng. Thánh lễ nhận chức của cha Giuse Trần Đức Hạnh được cử hành long trọng với sự chủ tế của Đức Giám mục Giáo phận, Giuse Đặng Đức Ngân. Đồng tế với ngài có cha Đại diện giám mục Giuse Nguyễn ngọc Thể, cha quản hạt và nguyên chính xứ Thanh Sơn Giuse Nguyễn Văn Chung, cùng đông đảo quý cha trong giáo phận. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí phụng vụ thật sốt sắng, với sự tham dự của đông đảo mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài giáo xứ Thanh Sơn.

Cha Giuse Nguyễn Văn Chung, nguyên chính xứ Thanh Sơn, đã vui mừng chào đón sự hiện diện của Đức cha giáo phận, quý cha và quý khách, cùng toàn thể cộng đoàn trong ngày nhận xứ mới của Cha Tổng đại diện Giuse. Ngỏ lời với Cộng đoàn hiện diện, ngài cho biết ở trong Giáo hội, việc bổ nhiệm, thuyên chuyển linh mục là một việc làm bình thường và mỗi một lần thuyên chuyển thì bao giờ cũng nhắm vào lợi ích tốt nhất cho cộng đoàn dân Chúa. Việc thuyên chuyển các linh mục sẽ làm cho giáo dân có cơ hội được phong phú hoá đời sống đạo qua các đường hướng mục vụ khác nhau của các linh mục, nhưng hướng tới sự phát triển và bền vững của đời sống đức tin. Đón nhân cha xứ mới, giáo dân như được đón một luồng gió mới, để làm cho diện mạo của xứ đạo ngày một đổi mới, thăng tiến và hiệp nhất.

Mở đầu phần nghi thức nhậm chức chính xứ, cha Đại diện Giám mục Giuse Nguyễn Ngọc Thể đã công bố văn thư của Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm Cha Giuse Trần Đức Hạnh làm chính xứ Thanh Sơn, giáo hạt Cao Bằng. Cộng đoàn vỗ tay trong niềm vui hân hoan, tạ ơn Chúa. Sau đó, trước mặt Đức Giám mục và toàn thể Cộng đoàn Phụng vụ, cha Giuse tân chính xứ Thanh Sơn đã công khai tuyên xưng đức tin, hứa trung thành với Hội Thánh và sứ vụ mà mình được trao phó một cách xác tín và yêu mến

Tiếp đến là các nghi thức diễn nghĩa về các nhiệm vụ mà linh mục chính xứ sẽ thực hiện nơi giáo xứ mà mình được uỷ thác coi sóc và hướng dẫn trong thi hành mục vụ. Đầu tiên, Đức cha và cha Giuse tiến về phía cửa chính ở cuối Thánh đường. Đức cha trao chía khoá nhà thờ cho cha Giuse, để từ nay cha trở nên «người quản lý trung thành và khôn ngoan để ban phát lương thực thiêng liêng cho dân Chúa đúng nơi đúng lúc ».

Tiến tới tháp chuông của thánh đường, Đức cha trao dây chuông vào tay cha Giuse với lời mời gọi : "Cha hãy là tiếng chuông mời gọi giáo dân đến với Chúa, Cha hãy là tiếng chuông quy tụ giáo dân trong tình hiệp nhất yêu thương". Một cách trịnh trọng, cha Giuse đã kéo lên những hồi chuông đầu tiên, như báo hiệu một nhiệm kỳ chính xứ của ngài nơi giáo xứ Thanh Sơn đã được chính thức bắt đầu.

Cha Giuse được Đức cha đưa tới toà Giải Tội. Toà Giải Tội là nơi người mục tử thể hiện dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa với con người, và qua vị mục tử ngồi tòa giải tội, con người được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh nhận ơn phúc của Người. Cha Giuse được mời gọi hãy trở nên "vị thẩm phán công minh và đồng thời là một thầy thuốc nhân lành" cho đoàn chiên của Chúa được trao phó cho mình.

Sau đó là nghi thức trao ghế chủ toạ. Đức cha đưa cha Giuse ngồi vào ghế chủ tọa ở chính giữa Cung Thánh. Ghế chủ toạ thể hiện tư cách của vị mục tử coi sóc đoàn chiên được trao phó. Với vai trò chủ toạ Cộng đoàn, cha chính xứ sẽ hướng dẫn Dân Chúa trong các cử hành phụng vụ. Với sự hướng dẫn của ngài, đoàn chiên được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng dồi dào, và không ngừng dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng ngợi khen.

Phần sau cùng của nghi thức nhậm chức là trao Nhà Tạm. Cha Giuse nhận chìa khoá và mở cửa Nhà Tạm nơi đặt Mình Thánh Chúa. Đó là dấu chỉ của sự thi hành Thánh ý Chúa chăm sóc, nuôi dưỡng đoàn chiên của Ngài, và đó là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của vị mục tử. Trong nghi thức này, Đức cha Giuse nhấn mạnh: Thánh Thể là trung tâm đời sống của Kitô hữu, là trái tim của giáo xứ. Xin cho nguồn mạch ơn lành không ngừng tuôn đổ trên Cha và giáo xứ qua Bí tích Thánh Thể luôn được mọi người đến lãnh nhận.

Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, cha tân chính xứ Giuse đã long trọng công bố Tin Mừng cho cộng đoàn Phụng vụ.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse nói tới hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus mà Tin Mừng đã nhắc tới hôm nay. Ngài quảng diễn với cộng đoàn về ơn bình an và mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh. Đức cha Giuse cũng đã chia sẻ cho cộng đoàn được hiểu rõ hơn về những vai trò và trách nhiệm của một vị linh mục chính xứ, như một Chúa Kitô khác để giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Linh mục chính xứ được mời gọi trở nên hình ảnh Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên.

Linh mục đoàn được coi như tài nguyên thiêng liêng của giáo phận, cho nên nguồn tài nguyên quí giá ấy phải chia sẻ cho toàn thể giáo phận. Đó cũng chính là lý do vì sao linh mục không ở mãi trong một giáo xứ, một nhiệm sở, mà các cha chia sẻ cuộc đời mình cho mọi nẻo đường của miền đất truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng này.

Các linh mục cũng là một loại cán bộ nhưng không phải như những cán bộ ngoài xã hội. Các cha là những tông đồ nhiệt thành của Chúa Kitô mục tử. Các cha làm nên những công trình không vì lợi ích của riêng mình, nhưng vì lợi ích của cộng đoàn giáo hữu mà mình được trao phó để coi sóc và phục vụ. Thật là khó mà tìm trong xã hội ngày nay một loại cán bộ đặc biệt như các cha. Trong giáo phận truyền giáo, các ngài được ví như những thợ gặt giữa cánh đồng lúa chín vàng. Các ngài được mời gọi hy sinh trọn vẹn con người và cuộc đời của mình vì Nước Trời, vì sự cứu rỗi của các linh hồn. Các ngài có thể coi là phản chiếu tình yêu của Chúa Giêsu mục tử đối với đoàn chiên của mình. Các ngài đã trở nên hạt lúa chôn vùi, trở nên muối nên men giữa cuộc đời, nêu gương sáng tận tâm phục vụ. Đây là dịp để các linh mục nhìn lại trái tim mục tử của các ngài và hun đúc trái tim yêu mến nhiều hơn nữa, sống và thực hành trái tim mục tử của Đức Kitô – sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.

Sau bài giảng, cha Giuse tiến tới trước mặt Đức Giám mục giáo phận để lặp lại lời tuyên hứa của cha khi thụ phong linh mục. Nghi thức diễn ra cách cảm động và đầy ý nghĩa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Giuse Nguyễn Văn Chung, nguyên chính xứ Thanh Sơn, đã nói lên tâm tình của mình về thời gian phục vụ tại giáo xứ. Hơn bốn năm không phải là một quãng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để nói lên nhiệt tâm và sự tận tuỵ của người tông đồ nơi giáo xứ này. Vẫn còn có những thách đố, những khó khăn nhưng tin tưởng vào sự quan phòng và ơn của Chúa, giáo xứ sẽ bình an và phát triển hơn nữa. Ngài nói lời chào và xin mọi người cầu nguyện nhiều cho công việc mục vụ khi được sai đến nhiệm sở mới. Được biết, cha Giuse Nguyễn Văn Chung đã được bài sai làm chính xứ Bó Tờ.

Cha tân chính xứ Thanh Sơn Giuse Trần Đức Hạnh đã ngỏ lời với Cộng đoàn hiện diện. Cha Giuse cảm ơn Đức cha Giuse đã luôn yêu thương và quan tâm cách riêng tới bản thân ngài và tin tưởng để trao phó đoàn chiên nơi giáo xứ Thanh Sơn cho ngài coi sóc và hướng dẫn. Cha Giuse cũng cảm ơn cha xứ tiền nhiệm về những nhiệt thành và đóng góp to lớn của ngài cho giáo xứ Thanh Sơn trong suốt thời gian qua. Đó là những dấu ấn tốt đẹp không phai nơi mỗi người dân nơi đây. Cha Giuse bày tỏ sự vui mừng vì giáo xứ thực sự đã lớn mạnh và cơ cấu tổ chức ổn định cũng như đời sống đạo đức có nhiều điều đáng khích lệ. Cha coi giáo xứ Thanh Sơn như là nhà của mình và hứa quyết tâm phục vụ, yêu thương giáo xứ với hết con người của ngài. Ngài hy vọng mình có thể hoàn thành nhiệm vụ nhờ sự trợ lực của cộng đoàn cũng như tình thương của Chúa.

Thay mặt cho toàn thể cộng đoàn giáo dân giáo xứ Thanh Sơn, vị đại diện giáo xứ đã gửi những lời tri ân chân thành tới Đức Cha, tới quí cha và cách đặc biệt với cha cựu cũng như cha tân quản xứ. Dù là cha đã ra đi hay cha ở lại với Thanh Sơn thì dấu chân cha vẫn còn đó, những kỷ niệm vẫn ghi mãi trong tim mỗi con người nơi đây và giáo xứ xin hứa luôn luôn đồng hành và nhiệt thành cộng tác với các cha trong mọi công việc. Hi vọng rằng trong tình yêu của Chúa Kitô, và mẹ Maria, trong sự quan tâm, thương yêu của Đức Cha và giáo phận, giáo xứ Thanh Sơn sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, thăng tiến hơn về đời sống đạo và lòng nhiệt thành với nhà Chúa. “Cộng đoàn giáo xứ Thanh Sơn rất vui mừng khi được cha trở về làm Chính xứ, để tiếp tục coi sóc và hướng dẫn chúng con. Chúng con tin tưởng giáo xứ sẽ không ngừng vươn lên. Hội đồng Mục vụ cùng cộng đoàn giáo xứ sẽ cộng tác với cha trong mầu nhiệm hiệp Thông và chu toàn sứ vụ”.

Trong một huấn từ ngắn, Đức cha Giuse mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ Thanh Sơn hãy cùng cộng tác với nhau, cộng tác với cha xứ, cùng bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội, xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp. Với ơn của Chúa chắc chắn những nguyện ước tốt đẹp của ngày hôm nay sẽ thành hiện thực.

Chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho cha Tổng đại diện Giuse Trần Đức Hạnh trong cương vị mới và môi trường giáo xứ mà ngài được trao phó, để ngài luôn mạnh mẽ, khôn ngoan và làm cho giáo xứ Thanh Sơn được hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa và không ngừng phát triển về mọi phương diện./.

Cao Bình, ngày 23 tháng 04 năm 2012

Giuse Trần Ngọc Huấn
 
Buổi chia sẻ “Hạnh phúc cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt”
Nguyễn Xuân
09:12 23/04/2012
Buổi chia sẻ “Hạnh phúc cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt” do câu lạc bộ nói tiếng Anh tại Cung Văn hóa lao động chiều 22/042012.

Do lòng ưu ái đối với các em có nhu cầu đặc biệt, Giáo sư Alfonse Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm Câu lạc bộ Nói tiếng Anh và các thành viên đã tạo một sân chơi thật hấp dẫn dành cho các em học sinh trường Chuyên biệt Gia Định.

Trong khán phòng nhỏ bé đầy ắp tình người, các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng, giao tiếp xã hội, biểu diễn tài năng độc đáo riêng qua các màn diễn : Hip hop Boon Boon - Belly dance - Tik Tok - Michael Jackson 2 - Special fashion show. Các phụ huynh và giáo viên cũng rất vui và sinh động với Vũ điệu Cha cha cha khá điêu luyện.

Xem hình

Nhìn các em tự tin biểu diễn, các khách tham dự phải thốt lên “tài năng các em thật đặc sắc và ấn tượng”. Càng ấn tượng hơn, khi một bạn sinh viên biểu diễn màn vũ của riêng mình, đã có nhã ý mời một em học sinh vào biển diễn chung, em đã làm cho mọi người khâm phục vì em vũ rất ăn nhịp và những động tác của em cũng rất phù hợp khiến mọi người có thể nghĩ, là cặp biểu diễn này đã từng luyện tập chung với nhau, thật ra đó chỉ là một sự ngẫu hứng rất tuyệt vời. Em học sinh Thanh Trúc còn tự động nhập cuộc, và còn mượn micro để phụ họa theo điệu nhạc trông rất điêu luyện.

Giữa bầu khí vui nhộn này hai bạn sinh viên đã làm lắng đọng bầu khí và tạo sự thán phục nơi mọi người vì giọng ca rất phong phú của các bạn: Bài Ave Maria của Schubert và bài You raise me up. Lời của bài hát gợi nhớ đến mối tương quan với Mẹ Maria, với Chúa và với nhau.

Ngài nâng tôi lên. Vâng, ai cũng có thể nâng chúng ta lên khi chúng ta cần họ giúp đỡ và ngay những khi chúng ta giúp đỡ họ. Những gì ta chia sẻ với người khác dù thật nhỏ bé, cũng đều giúp chúng ta ngày càng tiến đến gần Chúa hơn.

Cô Hiệu trưởng Võ Thị Khoái thật xúc động trước những quả tim nhân ái dành cho các em. Thay mặt cho nhà trường, cô chân thành cám ơn mọi người đồng thời cô nói lên nguyện vọng của các giáo viên, các phụ huynh và chính các em: điều chính yếu có thể nâng dậy các em không hệ tại nơi sự giúp đỡ vật chất, nhưng những cảm thông chia sẻ và việc tạo điều kiện cho các em được hội nhập với xã hội đó là phương cách tốt nhất giúp bình thường hóa những mối tương quan mà bất cứ ai cũng đều mơ ước.

Cô cũng cám ơn về sự ủng hộ nhiệt tình của khách tham dự đã mua những sản phẩm thủ công do các em sản xuất dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Dịp này, giáo sư Phan Văn Trường chọn một chiếc ví nhỏ trị giá 70.000 đồng và ông ưu ái gửi đến nhà trường 1 triệu đồng. Theo ông số tiền này cũng chưa xứng với giá trị tinh thần, những cố gắng, tình yêu và nhiệt tình các giáo viên đã động viên các em làm ra sản phẩm này.

Đại diện cho câu lạc bộ, giáo sư Alfonse Tuấn bày tỏ lòng cảm kích trước những thành quả mà giáo xứ Gia Định và các giáo viên đã nỗ lực thực hiện cho các em, đặc biệt Cha cố sở Antôn đã thành lập ngôi trường này. Giáo sư đã tặng cho nhà trường tất cả tiền vé của buổi biểu diễn.

Bài hát Bảy sắc cầu vòng kết thúc cho buổi họp mặt. Ca từ của bài hát dẫn mọi người về thế giới thần tiên của tuổi thơ … Cầu vồng ơi! Tình yêu ơi! hãy bừng sáng lên…

Và cũng vì thế mọi người lưu luyến chia tay nhau, những giây phút thật cảm động.

Các thành viên của câu lạc bộ bày tỏ niềm hạnh phúc đã sống những giây phút thật ý nghĩa của buổi chiều hôm nay. Đây là dịp để các bạn trẻ hiểu biết thêm về hoàn cảnh đặc biệt của các em, đồng thời giúp các bạn thông cảm, yêu thương và quan tâm đến các em hơn. Thay vì lãng phí thời giờ ở các tụ điểm vui chơi nào đó, những giây phút ngắn ngũi bên các em đã giúp các bạn có cái nhìn tích cực về xã hội chung quanh, các bạn đã có một buổi chiều chủ nhật rất hữu ích cho các em và cho chính bản thân. “You raise me up”.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh giúp mọi người nhận ra Chúa nơi tha nhân để mọi người có thể tiến đến gần Chúa hơn bằng những cử chỉ đẹp trao cho nhau, những hy sinh quảng đại, phục vụ.

Nguyễn Xuân
 
Buổi chia sẻ “Hạnh phúc cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt” tại Gia Định
Nguyễn Xuân
09:34 23/04/2012
SAIGÒN - Buổi chia sẻ “Hạnh phúc cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt” do câu lạc bộ nói tiếng Anh tại Cung Văn hóa lao động chiều 22/042012.

Xem hình ảnh

Do lòng ưu ái đối với các em có nhu cầu đặc biệt, Giáo sư Alfonse Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm Câu lạc bộ Nói tiếng Anh và các thành viên đã tạo một sân chơi thật hấp dẫn dành cho các em học sinh trường Chuyên biệt Gia Định.

Trong khán phòng nhỏ bé đầy ắp tình người, các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng, giao tiếp xã hội, biểu diễn tài năng độc đáo riêng qua các màn diễn : Hip hop Boon Boon - Belly dance - Tik Tok - Michael Jackson 2 - Special fashion show. Các phụ huynh và giáo viên cũng rất vui và sinh động với Vũ điệu Cha cha cha khá điêu luyện.

Nhìn các em tự tin biểu diễn, các khách tham dự phải thốt lên “tài năng các em thật đặc sắc và ấn tượng”. Càng ấn tượng hơn, khi một bạn sinh viên biểu diễn màn vũ của riêng mình, đã có nhã ý mời một em học sinh vào biển diễn chung, em đã làm cho mọi người khâm phục vì em vũ rất ăn nhịp và những động tác của em cũng rất phù hợp khiến mọi người có thể nghĩ, là cặp biểu diễn này đã từng luyện tập chung với nhau, thật ra đó chỉ là một sự ngẫu hứng rất tuyệt vời. Em học sinh Thanh Trúc còn tự động nhập cuộc, và còn mượn micro để phụ họa theo điệu nhạc trông rất điêu luyện.

Giữa bầu khí vui nhộn này hai bạn sinh viên đã làm lắng đọng bầu khí và tạo sự thán phục nơi mọi người vì giọng ca rất phong phú của các bạn: Bài Ave Maria của Schubert và bài You raise me up. Lời của bài hát gợi nhớ đến mối tương quan với Mẹ Maria, với Chúa và với nhau.

Ngài nâng tôi lên. Vâng, ai cũng có thể nâng chúng ta lên khi chúng ta cần họ giúp đỡ và ngay những khi chúng ta giúp đỡ họ. Những gì ta chia sẻ với người khác dù thật nhỏ bé, cũng đều giúp chúng ta ngày càng tiến đến gần Chúa hơn.

Cô Hiệu trưởng Võ Thị Khoái thật xúc động trước những quả tim nhân ái dành cho các em. Thay mặt cho nhà trường, cô chân thành cám ơn mọi người đồng thời cô nói lên nguyện vọng của các giáo viên, các phụ huynh và chính các em: điều chính yếu có thể nâng dậy các em không hệ tại nơi sự giúp đỡ vật chất, nhưng những cảm thông chia sẻ và việc tạo điều kiện cho các em được hội nhập với xã hội đó là phương cách tốt nhất giúp bình thường hóa những mối tương quan mà bất cứ ai cũng đều mơ ước.

Cô cũng cám ơn về sự ủng hộ nhiệt tình của khách tham dự đã mua những sản phẩm thủ công do các em sản xuất dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Dịp này, giáo sư Phan Văn Trường chọn một chiếc ví nhỏ trị giá 70.000 đồng và ông ưu ái gửi đến nhà trường 1 triệu đồng. Theo ông số tiền này cũng chưa xứng với giá trị tinh thần, những cố gắng, tình yêu và nhiệt tình các giáo viên đã động viên các em làm ra sản phẩm này.

Đại diện cho câu lạc bộ, giáo sư Alfonse Tuấn bày tỏ lòng cảm kích trước những thành quả mà giáo xứ Gia Định và các giáo viên đã nỗ lực thực hiện cho các em, đặc biệt Cha cố sở Antôn đã thành lập ngôi trường này. Giáo sư đã tặng cho nhà trường tất cả tiền vé của buổi biểu diễn.

Bài hát Bảy sắc cầu vòng kết thúc cho buổi họp mặt. Ca từ của bài hát dẫn mọi người về thế giới thần tiên của tuổi thơ … Cầu vồng ơi! Tình yêu ơi! hãy bừng sáng lên…

Và cũng vì thế mọi người lưu luyến chia tay nhau, những giây phút thật cảm động.

Các thành viên của câu lạc bộ bày tỏ niềm hạnh phúc đã sống những giây phút thật ý nghĩa của buổi chiều hôm nay. Đây là dịp để các bạn trẻ hiểu biết thêm về hoàn cảnh đặc biệt của các em, đồng thời giúp các bạn thông cảm, yêu thương và quan tâm đến các em hơn. Thay vì lãng phí thời giờ ở các tụ điểm vui chơi nào đó, những giây phút ngắn ngũi bên các em đã giúp các bạn có cái nhìn tích cực về xã hội chung quanh, các bạn đã có một buổi chiều chủ nhật rất hữu ích cho các em và cho chính bản thân. “You raise me up”.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh giúp mọi người nhận ra Chúa nơi tha nhân để mọi người có thể tiến đến gần Chúa hơn bằng những cử chỉ đẹp trao cho nhau, những hy sinh quảng đại, phục vụ.
 
Tổ chức hoạt động Bác Ái tại giáo xứ Bố Sơn
Joseph Tô Đức Lân
09:42 23/04/2012
Caritas giáo xứ Bố Sơn: Đại Hội Lần Thứ I

Ngày 22/04/2012, vào Chúa Nhật III Phục Sinh, toàn thể anh chị em hội viên Caritas giáo xứ Bố Sơn đã tập trung về thánh đường giáo xứ để tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Tham dự đại hội có cha quản xứ Giuse Nguyễn Viết Nam, thầy giảng Giuse Tô Văn Toản và quý vị trong Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV) giáo xứ, các giáo họ và hơn 300 hội viên.

Xem hình ảnh

Được biết, Caritas giáo xứ Bố Sơn đã bắt đầu nhen nhóm và hình thành trong thời gian đã được 2 năm. Đến nay, Ban điều hành lâm thời nhận thấy cần phải có một bước nhảy vọt về đời sống cũng như ổn định lại con số hội viên; đồng thời bầu lại Ban Điều Hành (BĐH) mới nên quyết định tổ chức đại hội lần thứ nhất này.

BÁC ÁI LÀ SỨC SỐNG CỦA GIÁO HỘI . Quả thế, Giáo hội muốn sống và tồn tại phải thực thi bác ái. Về điểm này, Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã nói: “Hội thánh không bao giờ có thể miễn trừ khỏi việc thực thi bác ái như một hoạt động có tổ chức của các tín hữu”. Ý thức sâu xa về bản chất và nhiệm vụ của Giáo hội là thực thi bác ái, rất nhiều anh chị em giáo xứ Bố Sơn đã gia nhập vào hội đoàn này.

Qua cha quản xứ, chúng tôi được biết, trong số hơn 300 hội viên hiện có 55 hội viên đã viết đơn xin gia nhập hội viên Caritas Trung Ương và còn nhiều hội viên nữa sẽ nộp đơn trong tương lai. Con số này cho thấy người giáo dân đã có ý thức cao về nghĩa vụ thực thi bác ái trong đời sống làm chứng và rao truyền Phúc âm.

Đại hội lần thứ nhất này, cha quản xứ đã chỉ định ông trưởng ban HĐMV Giuse Nguyễn Trương Đạt làm trưởng hội Caritas. Và qua việc bỏ phiếu, Đại hội cũng đã bầu ra được những thành viên khác trong BĐH Caritas cấp giáo xứ:

1. Ông Giuse Đặng Thiên Mệnh.
2. Ông Phêrô. Nguyễn Ngọc Định.
3. Ông Phêrô Nguyễn Văn Miên.

BĐH cấp giáo họ do bốn ông chủ tịch HĐMV giáo họ làm trưởng ban. Các chức vụ khác do tổ chức Caritas giáo họ tự bầu chọn và đệ trình lên cha xứ và BĐH cấp giáo xứ.

Đại hội kết thúc vào lúc 10h30 phút cùng ngày. Các hội viên ra về mang trong lòng một thao thức lớn được góp phần và dấn thân nhiều hơn vào tổ chức từ thiện này của Giáo hội để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với tha nhân. “Xin Chúa dùng ơn Thánh Thần soi sáng dẫn dắt chúng con bước theo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ, tận tình phục vụ sự sống của đồng bào và đồng loại. Xin dạy chúng con biết san sẻ của cải vật chất và tinh thần cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khảo luận “Về Tình Yêu Chúa” của Thánh Bernard thành Clairvaux (2)
Vũ Văn An
17:10 23/04/2012
Lời Đề Tặng

Gửi Ngài trọng kính Haimeric, Hồng Y Phó Tế của Giáo Hội Công Giáo, Chưởng Ấn: Bernard, danh hiệu Viện Phụ Clairvaux, xin cầu chúc ngài trường thọ trong Chúa và được an nghỉ trong Chúa.

Cho đến nay, ngài vốn xin con cầu nguyện, chứ không giải quyết vấn đề; dù con coi mình thiếu thốn cả hai thứ này. Nghề nghiệp của con chứng tỏ điều ấy, chứ không phải chỉ là lời nói; và nói cho ngay, con thiếu cả sự chuyên cần lẫn tài năng, cả hai đều chủ yếu cả. Ấy thế nhưng con vẫn vui khi thấy ngài hướng về việc tìm kiếm lời khuyên linh đạo, thay vì bận bịu với các vấn đề xác thịt: có điều, con chỉ mong ngài đến với người được trang bị tốt hơn con thôi. Tuy nhiên, người học thức lẫn kẻ ngu hèn đều có cùng một lối thoái thác và ta khó nói được là do khiêm tốn hay do ngu muội, ngoại trừ việc vâng theo nhiệm vụ được chỉ định sẽ cho biết thế nào mà thôi. Do đó, xin ngài hãy nhận từ sự nghèo nàn của con điều con có thể dâng kính ngài, kẻo người ta lại bảo con đóng vai triết gia, do thái độ im lặng gây ra. Chỉ có điều, con không dám hứa sẽ trả lời các câu hỏi khác mà ngài có thể nêu ra. Với câu hỏi này về việc yêu Chúa, con sẽ trình bầy như Người dạy con vậy; vì tình yêu này dịu ngọt nhất, nên nó có thể được xử lý một cách an tâm, cũng như nó sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất. Còn các câu hỏi khác, xin ngài dành cho những người khôn ngoan hơn con.

Chương I: Tại sao ta phải yêu Chúa và yêu Chúa tới mức nào

Ngài muốn con cho ngài hay tại sao ta phải yêu Chúa và yêu Người đến mức nào. Con xin thưa: lý do phải yêu Chúa là chính Chúa; và mức độ tình yêu Người đáng được hưởng là vô lường. Điều ấy có hiển nhiên không? Chắc chắn hiển nhiên đối với người biết suy nghĩ; nhưng con cũng mang nợ đối với người không hiểu biết nữa. Đối với hiền nhân, một lời đã đủ; nhưng con phải cân nhắc cả những người chất phác nữa. Nên con rất hân hoan được giải thích cặn kẽ hơn điều con vừa viết.

Ta phải yêu Chúa vì chính Người, vì hai lý do: thứ nhất, không còn gì hợp lý bằng; thứ hai, không còn gì ích lợi hơn. Khi một ai đó hỏi: tại sao tôi nên yêu Chúa? chắc hẳn anh ta muốn nói: nơi Chúa, có điều gì đáng yêu? hay: tôi sẽ được lợi gì khi yêu Chúa? Cả hai trường hợp này đều có cùng một nguyên cớ đầy đủ, đó là, chính Thiên Chúa.

Trước hết, nói về việc Chúa có quyền đòi ta phải yêu Chúa. Liệu còn có quyền nào lớn hơn quyền này, khi Người hiến mình cho ta, những kẻ xấu xa không xứng đáng? Và trong tư cách Thiên Chúa, Người còn có hồng ân nào tốt hơn để ban cho ta cho bằng chính Người? Bởi đó, nếu có ai tìm hỏi về quyền Chúa đòi ta phải yêu mến Người thì đây là lý do chính yếu nhất: Vì Người đã yêu ta trước (1Ga 4:19).

Há Người lại không đáng được ta yêu mến trở lại khi ta biết ai yêu, Người yêu ai và Người yêu đến mức nào? Vậy ai là người yêu? Chính cũng là Đấng mà mọi thần trí đều làm chứng: “Ngài là Thiên Chúa của con: ngoài Ngài ra, chẳng còn chi tốt lành đối với con” (Tv 16:2 theo bản Phổ Thông). Và há tình yêu của Người không phải là thứ tình tuyệt diệu ‘không tìm tư lợi’ đó sao (1Cor 13:5)? Nhưng tình yêu khôn tả ấy được tỏ bầy cùng ai? Thánh Tông Đồ bảo ta: ‘Khi còn là thù nghịch, ta đã được hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Người’ (Rm 5:10). Bởi thế, chính Thiên Chúa là Đấng đã yêu ta, yêu ta một cách tự ý, và yêu ta ngay lúc ta còn là thù nghịch của Người. Và tình yêu ấy của Người vĩ đại ra sao? Thánh Gioan trả lời: ‘Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (Ga 3:16). Thánh Phaolô viết thêm: ‘Người không tha Con Một của Người, nhưng đã trao nộp Người Con đó vì mọi người chúng ta’ (Rm 8:32); còn Người Con đó thì nói về mình như thế này: ‘Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bằng hữu’ (Ga 15:13).

Đó chính là quyền của Thiên Chúa chí thánh, Thiên Chúa tối cao, Thiên Chúa toàn năng trên chúng ta, những kẻ ô uế, thấp hèn và yếu đuối. Một số người nhấn mạnh rằng điều đó chỉ đúng cho con người thôi, chứ không đúng cho thiên thần. Đúng thế, vì thiên thần có cần (biện giải) như thế đâu. Nhưng cũng chính Đấng cứu giúp con người trong lúc khốn cùng của họ đã gìn giữ để các thiên thần không cần điều ấy; và ngay lúc tình yêu của Người đối với con người tội lỗi thực hiện nhiều điều kỳ diệu nơi họ để họ hết còn là tội lỗi, thì cũng chính tình yêu ấy với cùng một mức độ đã được Người tuôn đổ trên các thiên thần để gìn giữ các vị khỏi phạm tội.

Chương II: Chúa đáng được con người yêu mến đến đâu để đền đáp các hồng ân của Người, cả vật chất lẫn tinh thần: và con người phải trân quí các hồng ân này ra sao mà vẫn không quên Đấng ban tặng.

Con chắc chắn rằng ai thừa nhận sự thật trong các điều con vừa nói trên đây hẳn biết rõ tại sao ta buộc phải yêu mến Chúa. Nhưng nếu những người không tin (infidel) bác bỏ điều ấy, thì sự vô ơn của họ sẽ lập tức bị đánh bại bởi vô vàn ơn phúc được Người hậu hĩnh ban cho loài người chúng ta, mà mọi giác quan đều có thể nhận ra một cách rõ ràng. Ai là người đã ban thực phẩm cho mọi xác phàm, ban ánh sáng cho mọi con mắt, ban không khí cho mọi loài biết thở? Liệt kê các ơn phúc này là điều điên khùng vì con vừa thưa là chúng vô vàn, không thể đếm xuể. Nhưng con cũng xin kể một số, vì đây là những ơn phúc đáng kể, thực phẩm, ánh sáng mặt trời và không khí; không phải vì đây là những hồng phúc vĩ đại nhất của Chúa, nhưng vì chúng là những hồng phúc chủ yếu đối với sự sống thân xác của con người. Đối với bản tính cao xa hơn của mình, con người phải đi tìm những hồng phúc cao cả nhất. Đó là: phẩm giá, khôn ngoan và nhân đức. Con hiểu phẩm giá đây chỉ ý chí tự do, nhờ đó, con người không những vượt trên mọi thụ tạo trần gian khác, mà họ còn thống trị chúng nữa. Khôn ngoan là khả năng nhờ đó con người nhận ra phẩm giá kia, đồng thời cũng nhận ra rằng phẩm giá đó không phải là thành tựu riêng của họ. Nhân đức thì thúc đẩy con người thiết tha đi tìm Đấng là nguồn cội của mình và bám riết lấy Người khi tìm ra.

Bây giờ, con xin thưa: cả ba hồng phúc trên, hồng phúc nào cũng có hai đặc điểm. Phẩm giá không những chỉ là một đặc quyền của loài người, nó còn là nguyên nhân khiến mọi thú vật trên trái đất phải kiêng nể, kính sợ con người. Khôn ngoan nhận thức rõ sự phân biệt này, nhưng thú nhận rằng giống mọi đức tính khác, dù ở trong ta, nó không phải là của ta. Và sau cùng, nhân đức thúc đẩy ta tha thiết đi tìm Tác Giả, và khi tìm thấy Người rồi, thì dạy ta biết cách bám chặt lấy Người một cách tha thiết hơn nữa. Xin ngài cũng xem sét việc này: phẩm giá mà không có khôn ngoan thì vô giá trị; và khôn ngoan mà không có nhân đức chỉ gây hại, như luận điểm sau đây đã chứng tỏ: có tài năng thiên phú (ơn phúc) mà không biết thì đâu có gì vẻ vang. Nhưng chỉ biết mình có tài năng thiên phú mà không biết rằng nó không phải là của mình, người có nó, thì chỉ là tự vênh vang, đâu phải là vẻ vang thực sự trong Chúa. Thánh Tông Đồ từng nói về những con người ở hoàn cảnh này như sau: ‘Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao bạn lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?’ (1Cor 4:7). Câu Thánh Tông Đồ hỏi ‘tại sao bạn lại vênh vang’ và thêm ‘như thể đã không nhận lãnh’ cho thấy lỗi lầm không phải ở chỗ vênh vang vì điều sở hữu, mà là vênh vang như thể đã không nhận lãnh. Quả thật cái vênh vang này phải được gọi là hư danh, vì nó không có nền tảng vững chãi trong sự thật. Các Tông Đồ chỉ cho ta cách biện phân giữa vẻ vang thực sự với vẻ vang giả tạo, khi các ngài bảo ta: ‘ai muốn vẻ vang hãy vẻ vang trong Chúa, nghĩa là, trong Sự Thật, vì Chúa ta là Sự Thật’ (1Cor 1: 31; Ga 14:6).

Như thế, ta cần biết ta là gì, và không phải do ta mà ta là điều ta đang là. Nếu không biết tường tận điều này, một là ta không nên vẻ vang gì cả, hai là vẻ vang của ta sẽ hư không. Sau cùng đã có lời chép rằng ‘nếu nàng không biết, thì hãy đi theo vết chân đàn cừu’ (Diễm Ca 1:8). Lời này rất đúng. Vì nếu người đang vẻ vang không biết gì về sự vẻ vang của mình, thì vì sự không biết này quả anh ta giống với thú vật hay chết. Không biết mình là loại thụ tạo khác với những loài vật không có lý trí vì mình có lý trí là bắt đầu đồng hóa với chúng vì, do không biết gì tới vẻ vang chân thực vốn có trong mình, con người bị tính tò mò xui khiến thành ra chỉ biết quan tâm tới những điều ở bên ngoài, thuộc cảm giới. Do đó, họ trở nên giống như các thụ tạo thấp hèn mà không biết rằng mình được phú ban cho những điều cao hơn chúng nhiều.

Ta cần cảnh giác trước sự ngu dốt trên. Ta không nên tự hạ quá thấp; đồng thời phải thận trọng hơn để đừng tự coi mình cao hơn điều mình nên nghĩ về mình, như từng xẩy ra khi ta dại dột tự gán cho mình bất cứ điều tốt nào có thể có trong ta. Nhưng trên cả hai điều ngu dốt này, ta cần ghét bỏ và xa lánh sự hợm hĩnh từng dẫn ta tới việc vênh vang về các điều tốt vốn không phải của ta, vì biết rằng chúng không phải của ta mà là của Chúa, và ta phải kính sợ, đừng cướp của Chúa vinh dự Người đáng được. Vì, trong trường hợp thứ nhất, ngu dốt không hề vẻ vang chút nào; trong trường hợp thứ hai, một mình khôn ngoan, tuy có vẻ vang đấy, nhưng không vẻ vang trong Chúa. Còn trường hợp thứ ba, con người phạm tội không phải vì ngu dốt mà là có ý, anh ta tước đoạt vẻ vang vốn thuộc về Chúa. Sự ngạo mạn này là một lỗi lầm nặng nề hơn và trầm trọng hơn là sự ngu dốt thứ hai, vì nó khinh mạn chính Thiên Chúa, trong khi sự ngu dốt kia không biết Người. Ngu dốt thuộc thú vật, ngạo mạn thuộc ma quỉ. Chỉ có ngạo mạn, vốn đứng đầu mọi tội lỗi, mới khiến ta coi các hồng ơn như thể là thuộc tính chính đáng trong bản nhiên ta, và dù nhận lãnh các ơn ích ấy, lại tước đoạt khỏi Đấng Ban Ơn sự vẻ vang của Người.

Vì thế, ngoài phẩm giá và khôn ngoan, ta cần thêm nhân đức, vốn là hoa trái của hai hồng phúc này. Nhân đức tìm kiếm và tìm ra Đấng vốn là Tác Giả, là Người Ban Phát mọi thiện ích và là Đấng cần được tôn vinh trong mọi sự; nếu không, kẻ biết điều đúng mà không làm sẽ bị đánh đòn (Lc 12:47). Ngài sẽ hỏi ‘tại sao?’ Tại vì người này đã không đem hiểu biết của mình ra làm điều tốt, trái lại chỉ biết bày chước độc mưu thâm trên giường (Tv 36:4); giống tên đầy tớ bất lương, người này chỉ xoay sở tìm cách tước đoạt vinh quang mà anh ta biết chắc chỉ thuộc về Chúa và là Chủ anh ta mà thôi. Cho nên, rõ ràng phẩm giá mà không có khôn ngoan là vô dụng còn khôn ngoan mà không có nhân đức là đáng nguyền rủa. Nhưng khi ta có nhân đức, thì khôn ngoan và phẩm giá không còn nguy hiểm nữa mà là điều phúc đức. Người như thế sẽ kêu danh Chúa và ca tụng Người, hết lòng xưng tụng rằng ‘Lạy Chúa, xin đừng vinh danh chúng con, xin đừng, nhưng hãy vinh danh Chúa’ (Tv 115:1). Nghĩa là: ‘Lạy Chúa, chúng con không đòi hiểu biết, không đòi trổi vượt cho chúng con; tất cả là của Chúa, vì mọi sự đều từ Chúa mà có’.

Nhưng ta đã lạc đề hơi xa chỉ vì muốn chứng minh rằng ngay những người không biết Chúa Kitô cũng đã được luật tự nhiên khuyên dạy đầy đủ, và nhờ các khả năng riêng của linh hồn và thân xác, mà yêu mến Thiên Chúa vì chính Người. Tóm lại, kẻ ngoại đạo nào lại không biết rằng mình nhận lãnh ánh sáng, không khí, thực phẩm, những điều thiết yếu cho sự sống thân xác anh ta, từ Đấng chỉ có Người mới ban thực phẩm cho mọi phàm nhân (Tv 136:25), chỉ có Người mới làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và ban mưa móc xuống người công chính lẫn kẻ bất lương (Mt 5:45). Còn ai vô đạo đến độ gán sự ưu việt đặc biệt của nhân loại cho mọi người khác chứ không cho Đấng từng phán trong Sách Sáng Thế ‘Ta hãy làm nên con người giống hình ảnh ta, như họa ảnh ta’ (St 1:26). Còn ai khác có thể ban phát nhân đức ngoại trừ Chúa của nhân đức?

Do đó, ngay những người ngoại đạo không biết Chúa Kitô nhưng ít nhất biết mình cũng buộc phải yêu mến Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa. Không thể nào tha thứ cho họ được nếu họ không yêu mến Chúa là Thiên Chúa của họ hết tâm hồn, hết linh hồn và hết trí khôn; vì sự công chính bẩm sinh và lương tri của riêng họ nói to ở bên trong họ,cho họ thấy họ hoàn toàn bó buộc phải yêu mến Thiên Chúa, mà từ Người, họ đã lãnh nhận mọi sự. Tuy nhiên, đối với người chỉ cậy nhờ vào sức mạnh riêng hay sức mạnh của ý chí tự do mà thôi, thì quả là khó, đúng hơn, quả là không thể nào trả lại cho Chúa mọi sự vốn phát xuất từ Người, nếu không giúp họ đừng chỉ nghĩ về mình, vì đã có lời chép rằng ‘ai nấy đều tìm lợi ích cho mình’ (Pl 2:21’ và ‘lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ’ (St 8:21).

Chương III: Để yên mến Chúa, Kitô hữu có những động lực nào lớn hơn người ngoại giáo

Tín hữu biết họ cần Chúa Giêsu và Đấng chịu đóng đinh biết bao nhiêu; nhưng dù họ chiêm ngưỡng và hân hoan trước tình yêu khôn tả được biểu lộ nơi Chúa Kitô, họ không nản lòng khi chỉ có một linh hồn nghèo nàn để đáp trả tình yêu cao cả và đầy hạ cố ấy. Họ càng yêu nhiều hơn, vì họ biết họ được yêu một cách quá đáng; còn kẻ nhận ít thì sẽ yêu ít (Lc 7:47). Cả người Do Thái lẫn dân ngoại đều không cảm thấy cái đau nhói của tình yêu bằng Giáo Hội, là người từng thưa ‘cho tôi mứt nho để tôi tìm lại sức, cho tôi táo để tôi được bồi dưỡng, vì tôi ốm liệt vì yêu’ (Dc 2:5). Giáo Hội nhìn ngắm Vua Salômôn của mình với vương miện mà mẹ Người đã đội cho Người vào ngày đính ước; Giáo Hội thấy Con Một Chúa Cha vác nặng Thánh Giá của Người; Giáo Hội thấy Chúa Tể mọi quyền lực và sức mạnh bị bầm dập và khạc nhổ, Đấng tạo ra sự sống và vinh quang bị đinh đâm thấu, bị đòng đâm thủng, bị nhạo cười quá sức, và sau cùng hy sinh mạng sống quí giá vì bằng hữu.

Chiêm ngắm cảnh tượng ấy, lưỡi gươm tình yêu cũng đâm thâu qua trái tim Giáo Hội và Giáo Hội la lên: “cho tôi mứt nho để tôi tìm lại sức, cho tôi táo để tôi được bồi dưỡng, vì tôi ốm liệt vì yêu”. Trái cây Hiền Thê hái từ Cây Sự Sống trong vườn Người Yêu chính là thạch lựu (Dc 4:13), mượn mùi vị từ Bánh trên trời và mượn mầu sắc từ Máu thánh Chúa Kitô. Giáo Hội thấy chết chóc đang hấp hối và tác giả của nó đang bị lật nhào: Giáo Hội thấy tù đầy đang dẫn tù nhân từ âm phủ lên trái đất và từ trái đất lên thiên đàng, để ‘khi nghe tên Giêsu, mọi đầu gối đều bái quì, dù là trên trời, dưới đất hay trong âm phủ’ (Pl 2:10). Trái đất dưới nguyền rủa xưa chỉ đâm gai cùng cỏ dại; nhưng giờ đây, Giáo Hội thấy nó đang cười dòn giữa hoa lá vì được tái sinh nhờ ơn thánh của chúc lành mới. Vừa ngâm ngợi ‘Trái tim tôi nhẩy mừng hân hoan, tôi sẽ ca ngợi Người bằng lời ca của tôi’, Giáo Hội vừa giải khát bằng trái cây Khổ Nạn của Người, mà Giáo Hội hái lượm được từ Cây Thánh Giá, và bằng những bông hoa Phục Sinh của Người, những bông hoa thơm phức khiến Phu Quân năng lui tới viếng thăm.

Đến độ Người phải reo vui ‘Người yêu anh hỡi, em đẹp dường bao, đúng, em đẹp dường nào: giường chúng ta là cánh đồng xanh ngát’ (Dc 1:16). Giáo Hội mong chờ Người tới và biết hy vọng vào đâu để được Người viếng thăm; không phải vì công phúc riêng của mình mà vì các bông hoa của thửa vườn được Thiên Chúa chúc phúc. Chúa Kitô, Đấng bằng lòng được dựng thai và được dưỡng dục tại Nadarét, thị trấn của lá cành, rất hân hoan trong cảnh đua nở ấy. Hài lòng với mùi thơm thiên giới trên, chàng rể vui mừng được viếng thăm nội thất tâm hồn khi Người thấy nó được trang trí nhiều hoa trái, nghĩa là nhiều suy niệm về mầu nhiệm Khổ Nạn hay về vinh quang Phục Sinh của Người.

Các biểu tượng Khổ Nạn được ta nhận dạng như hoa trái của thời đại đã qua, mọc vào thời viên mãn của ách tội lỗi và chết chóc (Gl 4:4). Nhưng chính trong vinh quang Phục Sinh, trong mùa xuân mới của ơn thánh tái sinh, các bông hoa mới của thời đại sau đã xuất hiện, đem lại cây trái vô vàn vào ngày phục sinh chung, lúc thời gian không còn nữa. Do đó, đã có lời chép rằng ‘mùa Đông đã qua, mưa đã ngưng, đã tạnh, hoa lá lại nở rộ khắp địa cầu’ (Dc 2:11-12); nghĩa là: mùa hè đã trở về cùng với Đấng biến chết chóc băng giá thành mùa xuân của sự sống mới, như lời Người từng nói: ‘Này đây, ta làm mọi sự ra mới’ (Kh 21:5). Thân xác được gieo trong mồ của Người đã bừng nở trong Phục Sinh (1Cor 15:42); và cũng thế, thung lũng và đồng nội của ta, trước đây vốn khô cằn hay băng giá như đã chết rồi, nay rạng rỡ với sức sống và sự ấm áp hồi sinh.

Cha của Chúa Kitô, Đấng làm mọi sự ra mới, rất đỗi hài lòng trước sự tươi mới của những hoa trái này và vẻ đẹp của đồng nội đang toả mùi hương thơm ngát như thiên đàng kia; và Người chúc lành mà phán ‘Xem này, mùi Con Trai Ta giống như mùi cánh đồng được Thiên Chúa chúc phúc’ (St 27:27). Quả là chúc phúc đến đầy tràn, vì ta được lãnh nhận mọi sự từ sự viên mãn của Người (Ga 1:16). Cô dâu được phép lui tới tùy thích để tha hồ hái trái lượm hoa đem về trang hoàng nơi sâu kín nhất của trái tim mình; để khi Chàng Rể tới, chàng được thấy nội thẳm trái tim Cô nức mùi thơm phức.

Cho nên, đối với ta, điều cần thiết là có được Chúa Kitô làm thượng khách thường xuyên để Người đổ đầy trái tim ta các suy niệm trung trinh về lòng xót thương được Người tỏ bày khi chết cho ta, và về quyền lực toàn năng khi Người sống lại từ cõi chết. Về điểm này, Đavít từng đề cập tới khi hát rằng ‘Chúa có nói một lần hay hai lần, tôi đều nghe như nhau, rằng quyền lực thuộc về Chúa và lạy Chúa, Chúa quả đầy xót thương’ (Tv 62:12). Chứng cớ thì ta có đủ và còn dư thừa nữa vì Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi ta và đã sống lại để công chính hóa ta, đã lên trời để có thể che chở ta từ trên cao, và sai Chúa Thánh Thần xuống để khích lệ ta. Sau đó, Người sẽ tái lâm để hoàn thành hạnh phúc của ta. Trong Cái Chết, Người tỏ bày Xót Thương, trong Phục Sinh, Người tò bày quyền lực; cả hai cộng lại để tò bày vinh quang của Người.

Cô dâu ước mong có mứt nho để tìm lại sức, có táo để được bồi dưỡng, vì Cô biết rằng sự ấm áp của tình yêu rất dễ tàn lụi, trở thành nguội lạnh; nhưng sự trợ giúp kia chỉ cần thiết cho tới lúc Cô đã bước vào phòng hoa chúc. Ở đó, Cô sẽ nhận được những vuốt ve bao lâu mong chờ của Chàng đến độ kêu lên ‘tay trái Chàng luồn dưới đầu tôi còn tay phải Chàng ôm ghì lấy tôi’ (Dc 2:6). Sau đó, Cô sẽ thấy cái ôm của tay phải kia vượt trên mọi dịu ngọt như thế nào, và cánh tay trái Chàng dùng vuốt ve lúc ban đầu không thể nào so sánh với nó được. Cô sẽ hiểu ra điều từng được nghe rằng ‘thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì’ (Ga 6:63). Cô sẽ chứng minh được điều từng đọc rằng ‘nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật, và được ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong’ (Hc 24:20). Còn câu viết ở một nơi khác, ‘nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng’ (Tv 145:7), chắc chắn nói tới những người mà Thánh Vịnh Gia đã vừa nhắc đến: ‘đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa và truyền tụng những chiến công của Ngài’ (Tv 145:4). Khi còn ở dưới thế, ta tưởng nhớ Người; nhưng trên Nước Trời, ta được hưởng Nhan Thánh Người. Nhan Thánh ấy là niềm vui của những ai đã đạt hạnh phúc; tưởng nhớ để an ủi ta lúc còn lữ thứ, trên hành trình về quê Cha.
 
Đức Giêsu Phục Sinh khác với Đức Giêsu sinh thời?
Jos. Duy Thạch, SVD
08:25 23/04/2012
ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH KHÁC VỚI ĐỨC GIÊ-SU SINH THỜI ?

Các sách Tin Mừng tường thuật lại nhiều lần Đức Giê-su hiện ra, với nhiều người thân thiết với Người sau khi Phục Sinh. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là không ai trong họ nhận ra Đức Giê-su ngay mà phải mất một khoảng thời gian họ mới nhận ra Người. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu dung mạo Đức Giê-su sau Phục Sinh và trước Phục Sinh có gì khác không? Khác thì khác thế nào? Giống thì tại sao không ai nhận ra? Đó là vấn nạn hầu hết các ki-tô hữu đặt ra khi tiếp xúc với các bản văn tường thuật về sự phục sinh của Đức Giê-su. Và thậm chí cả các sinh viên thần học cũng phải bóp trán, vò đầu lấy làm khó hiểu. Vậy, trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra một số phân tích và nhận định về một số bản văn của các sách Tin Mừng về những sự nhầm lẫn về Đấng Phục Sinh để có thể đưa ra một lý giải “khiêm tốn” nào đó cho vấn nạn trên.

1. “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2)

Trước hết, bản văn nền tảng tường thuật về biến cố Phục Sinh chính là bản văn nói về “ngôi mộ trống”. Đây được xem như là chứng từ căn bản về sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Chính vì thế mà chúng ta không ngạc nhiên khi cả bốn tác giả sách Tin Mừng đều ghi lại sự kiện này (Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-10; Ga 20: 1-10 ). Bốn tác giả đều có những chi tiết ít nhiều khác nhau nhưng chung quy lại đều cho thấy việc xác Đức Giê-su đã không còn trong ngôi mộ và chỉ có Lu-ca cho thấy rằng các bà đã tin lời các Thiên Thần, nhớ lại lời Đức Giê-su đã dạy, và đã về nói lại cho “nhóm mười hai và những người khác”, nhưng họ cho là “chuyện vớ vẫn” và không tin (Lc 24,8-10). Mác-cô thì cho thấy “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi” (Mc 16,8). Còn Gio-an thì cho biết là các bà tưởng rằng ai đã ăn cắp xác Chúa: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu" (Ga 20,2). Các bản văn về “Ngôi mộ trống” chứng tỏ một điều rằng: thân xác Đức Giê-su đã thực sự sống lại, chứ không phải chỉ tinh thần Người sống lại rồi mặc một thân xác khác. Đối với các Thánh sử và cộng đoàn Ki-tô giáo thời ấy thì việc không có xác có nghĩa là đã sống lại. Chính vì thế mà các Thánh sử ghi lại rằng Thiên Thần bảo hãy “đến xem chỗ Người nằm” (Mt 28,6) để biết rằng Người không còn ở đây, Người đã chổi dậy. Nhưng vấn đề là hình dạng Người thế nào sau khi “chỗi dậy” mà gây ra những sự nhầm tưởng ly kỳ hấp dẫn đến thế.

2. Tưởng Đức Giê-su là người làm vườn. (Ga 20,11-18)

Tin Mừng Gioan tường thuật lại việc Đức Giê-su hiện ra với riêng bà Ma-ri-a bên ngoài cửa mộ, nhưng Bà lại tưởng là người làm vườn, mãi đến khi Đức Giê-su gọi Ma-ri-a thì Bà mới nhận ra là Đức Giê-su (Ga 20,11-18) đang sống. Câu chuyện thật ly kỳ hấp dẫn và có nhiều chi tiết nhưng chỉ xin được dừng lại chi tiết là Bà Ma-ri-a tưởng Đức Giê-su là người làm vườn. Bà đã không nhận ra Người cho dù Người đã trực tiếp hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " (Ga 20,15). Tại sao vậy? tác giả không cho biết là tại sao bà không nhận ra Người. Tuy nhiên, có một chi tiết có thể lý giải điều này. Đó là, mối quan tâm của Ma-ri-a Mác-đa-la lúc bấy giờ. Điều bà quan tâm lúc bấy giờ là “xác Chúa” đã bị lấy mất. Mối quan tâm đến “xác Chúa” bị mất làm cho bà rất phiền não, nước mắt dàn dụa, Bà chỉ lo lắng làm sao tìm cho được “xác Chúa”. Điều này chứng tỏ rằng trong tâm trí Bà và trong lòng Bà không hề có một ý niệm về việc Đức Giê-su Phục Sinh, chứ đừng nói gì đến mong đợi gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Thương tiếc Chúa, rồi lại thương tiếc “xác Chúa”. Đức Giê-su có xuất hiện trong bộ dạng của một người làm vườn hay không? Bản văn không nói tới. Văn chỉ nói rõ ràng đến suy nghĩ của bà Ma-ri-a, tưởng (đokeồ) rằng Đức Giê-su là “người làm vườn”. Tưởng, hay nghĩ rằng, có nghĩa là không phải thực tế như thế nhưng do mình suy nghĩ như thế. Có lẽ Đức Giê-su không xuất hiện trong hình dáng của một người làm vườn nhưng bởi vì trong tâm trí của Ma-ri-a không hề tồn tại một ý niệm về hình ảnh Đức Giê-su Phục Sinh. Suy nghĩ của Bà chỉ dừng lại ở thái độ thương tiếc một xác chết bị đánh mất, và lo lắng làm sao tìm được xác chết ấy. Cộng đoàn đang chìm trong sự thương tiếc một Đức Giê-su chịu đau khổ mà không nhớ gì đến lời dạy của Người về đoạn sau của mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh. Cuộc đời nhập thể của Đức Giê-su trong tâm tư của Họ đã chấm dứt lúc Tử nạn. Ý niệm Phục Sinh vốn không tồn tại, ngay cả trong tưởng tượng. Chính vì thế mà họ nhầm tưởng.

3. Tưởng là người bộ hành

Đây cũng là một câu chuyện ly kỳ khác, tường thuật về việc Đức Giê-su hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên con đường về Emmaus (Lc 24, 13-35). Cậu chuyện này chỉ có một mình thánh sử Luc-ca thuật lại cách chi tiết. Trên đường đi “Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra” (Lc 24,14). Đức Giê-su tiến đến, cùng đồng hành với họ, tham gia câu chuyện của Họ, nhưng Họ không nhận ra Người. Lu-ca nói rõ lý do họ không nhận ra Người là do: “Mắt họ còn bị ngăn cản (krateồ), nên không nhận ra Người (mê epighinôskô)” (24,16). Động từ “epighinôskô” còn có nghĩa khác là biết một cách tỏ tường chứ không phải là nhận dạng, biết qua hình dáng bên ngoài. Sự ngăn cản không nằm ở lãnh vực thể lý thuộc thị giác nhưng sâu xa hơn là chính nơi cõi lòng của hai môn đệ này. Trong lòng họ đang mang một nỗi thất vọng ê chề, khủng hoảng nghiêm trọng. Họ đã hy vọng điều gì mà đã thất vọng? Họ đã hy vọng một Đức Giê-su Na-gia-rét, “một ngôn sứ có uy thế trong lời nói và hành động trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (24,19), sẽ “là Đấng cứu chuộc Ít-ra-en” (24,21). Đó là hy vọng chung của tất cả các môn đệ. Họ hy vọng một Đấng có quyền lực chính trị thể hiện qua việc: tranh luận xem ai là người lớn nhất nhỏ nhất; Gioan và Gia-cô-bê xin được ngồi bên tả bên hữu Đức Giê-su; Phê-rô cản lối Đức Giê-su khi Người tiên báo về cuộc thương khó…thế nhưng “mộng vàng tan mau”: Người đã chết ba ngày rồi, còn gì nữa mà mong, về Emmaus thôi. Tất cả nỗi niềm chất chứa trong lòng họ bây giờ chỉ là thương tiếc Thầy, buồn cho số phận và thất vọng, hụt hẫng khôn cùng vì mộng không thành. Tất cả những “ngăn cản” này xuất phát từ vấn đề rất lớn: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (24,25). “Không hiểu” và “chậm tin” vào lời các ngôn sứ về việc “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người” (24,27). Đối với họ, Đức Giê-su chết như thế là đã chấm hết, làm gì có chuyện Phục Sinh. Không có ý tưởng về Sự Phục Sinh, không mong đợi Đấng Phục Sinh, thì làm sao họ có thể nhận ra Đấng Phục Sinh. Cho nên muốn “nhận ra” Đấng Phục Sinh, thì “mắt họ” phải “mở ra” (24,31) qua việc hiểu Kinh Thánh và tin vào lời các ngôn sứ bắt đầu từ Ông Mô-sê, và qua nghi thức bẻ bánh do Đức Giê-su cử hành. Mắt chưa “mở ra” thì không thể nào nhận ra Người.

4. Tưởng là thấy ma (Lc 24,36-43)

Chuyện xảy ra khi các tông đồ và nhóm bạn hữu đang tụ họp với nhau. Họ đang kể cho nhau nghe những câu chuyện về việc Đức Giê-su hiện ra đó đây với người này người kia. Nhóm mười một và đồng bạn kể cho hai môn đệ trên dường Emmaus về việc Đức Giê-su hiện ra với ông Si-môn; còn hai môn đệ Emmaus thì tường thuật lại tất cả những gì đã xảy ra cho họ trên đường về Emmaus. Thế nhưng, khi Người hiện ra gặp họ thì họ “kinh hồn bạt vía” vì “tưởng (đokeồ) là thấy ma” (20,37). Tại sao vậy? Câu trả lời nằm trong lời chất vấn của Đức Giê-su. Sở dĩ họ hoảng hốt khi thấy Người vì họ “còn ngờ vực”: “Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (24,38) . Đó là nguyên do trực tiếp còn nguyên do sâu xa thì cũng giống như lý do của hai môn đệ trên đường Emmaus: họ chưa thực sự hiểu Kinh Thánh, không sẵn sàng chấp nhận việc Đấng Ki-tô phải qua khổ hình, chết và Phục Sinh. Đối với họ người trở về từ cõi chết chắc chắn là ma. Chính vì thế mà tiếp theo sau đó, Đức Giê-su lại bắt đầu chỉ dạy lại cho các Ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (24,44). Và quan trọng hơn: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (24,46). Việc Đức Giê-su Phục Sinh dường như nằm ngoài sức tưởng tượng của các Tông Đồ và ngoài sự mong đợi của họ. Chính vì thế mà mỗi lần xuất hiện là mỗi lần Đức Giê-su Phục Sinh lại phải “làm công tác tư tưởng”, nhắc nhớ cho các Ông, giúp các Ông đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Người.

5. “Chúa đó!” (Ga 21,7)

Câu chuyện Đức Giê-su hiện ra tại biển hồ Ti-bê-ri-a chỉ có trong Tin Mừng Gioan. Và theo tác giả Tin Mừng này thì đó là lần thứ ba Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi chỗi dậy từ cõi chết (Ga 21,14). Tuy thế, mặc dù trời sáng, Đức Giê-su mở lời nói chuyện với các Ông nhưng không ai nhận ra Người (21,11). Chỉ đến khi bắt được mẽ cá lạ lùng “đếm được một trăm năm mươi ba con” thì người môn đệ được Đức Giê-su thương mến mới nhận ra và nói: “Chúa đó” (21,7). Chương 21 của Tin Mừng Gioan do các môn đệ thuộc trường phái Gioan thêm vào sau này với phần kết luận thứ hai (21,24-25). Có rất nhiều ngôn từ trong chương này khác biệt so với ngôn từ của Tin Mừng Gioan. Ví dụ như cách xưng hô của Đức Giê-su với các Tông Đồ : “các chú” (21,5). Danh từ “paiđion” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đứa trẻ” – chưa từng xuất hiện trong Tin Mừng này trước đó. Tin Mừng Gioan lúc đầu chỉ có 20 chương, kết thúc với phần kết luận thứ nhất (20,30-31). Mặc dù xác định rằng đây là lần thứ ba Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra (phaneroồ) cho các môn đệ, nhưng hình như các Ông vẫn chưa thể nào nhận diện được Đấng Phục Sinh. Đây là kinh nghiệm cũng như khó khăn của cộng đoàn người tin vào cuối thế kỷ thứ nhất: làm sao để nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh, Đấng đã hứa “sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), vẫn đang hiện diện với họ trong thường nhật, đặc biệt trong suốt chặng đường loan báo Tin Mừng? Thực tế là Người vẫn hiện diện, hành động với họ, chỉ cho họ nơi phải thả “lưới người”. Tuy nhiên, cám dỗ muốn được thấy Chúa tỏ tường mỗi ngày như lúc còn sinh thời, muốn “thấy dấu đinh”, muốn “sỏ ngón tay vào lổ đinh”, và “đặt bàn tay vào cạnh sườn Người” (Ga 20,25) đè nặng lên tâm tư họ làm cho họ không quen với sự hiện diện cách vô hình của Đấng Phục Sinh.

Kết luận

Các bản văn Tin Mừng không dơn thuần kể lại những câu chuyện mang tính cách lịch sử về biến cố Phục Sinh. Đó là những bản “tuyên xưng Đức Tin” của cộng đoàn sau một thời gian trải nghiệm, và suy gẫm về biến cố này. Cũng nên biết rằng bản văn đầu tiên tường thuật về biến cố Phục Sinh là bản văn của Phao-lô (1 Cr 15,1-34) viết vào khoảng năm 50, chứ không phải các bản văn Tin Mừng. Chính vì thế mà các bản văn Tin Mừng mang dụng ý thần học nhiều hơn là về sự kiện lịch sử đơn thuần. Qua việc nghiên cứu các bản văn Tin Mừng trên, có thể rút ra những kết luận như sau:

Thân xác Đức Giê-su đã sống lại, với bằng chứng trong tường thuật về “ngôi mộ trống” và tường thuật về cuộc hiện ra với Ông Tô-ma. Vấn đề ở đây không phải là Người còn có hình dáng như lúc sinh thời nữa không, nhưng là cách thức hiện diện của Người. Trước biến cố Tử Nạn – Phục Sinh, Người hiện diện với các môn đệ cách hữu hình, sau biến có ấy Người hiện diện một cách vô hình. Thân xác của Người không còn hiện diện trong thời gian hay không gian nữa nhưng đã vượt không gian và thời gian. Người có thể vào căn nhà các môn đệ trong khi cửa vẫn đóng kín và cũng có thể xuất hiện, ăn cá nướng trước mặt họ.

Như vậy, vấn đề không còn là dung mạo Đấng Phục Sinh có khác lúc sinh thời hay không, nhưng là làm sao chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại, làm sao nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện trong cộng đoàn khi thị giác thể lý bị giới hạn? Đó là vấn đề của cộng đoàn thế kỷ thứ nhất và cũng là vấn đề của nhiều tín hữu qua mọi thời đại. Giải pháp cho họ chính là “lòng tin”. Tin vào lời Đức Giê-su trong Kinh Thánh. Vì nếu “chậm tin vào lời các Ngôn Sứ”, chậm hiểu “tất cả những gì đã nói về Người trong Sách Thánh” thì mắt họ bị ngăn cản và sẽ không nhận ra Chúa. Chính vì còn ở trong bóng tối của đức tin (vừa tảng sáng), nên Ma-ri-a Mác-da-la đã ngỡ rằng Đức Giê-su là “người làm vườn”, vì “hì hục” trong đêm tối đức tin mà các môn đệ không nhận ra Đức Giê-su trên bờ biển Ti-bê-ri-a.

Trong hoàn cảnh ấy Đức Giê-su mời gọi: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(mê ghinu apistos alla pistos) (Ga 20, 27) và “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Đức Giê-su vẫn hiện diện với những người tin “mọi ngày cho đến tận thế”. Tuy nhiên, Người không hiện diện như cách thức họ muốn thấy. Vì thế, một khi họ còn tìm Người qua thị giác thể lý họ sẽ không nhận ra Người dù cho Người ở giữa, trước mặt họ hay bên cạnh họ. Họ phải nhận dạng Người bằng “đức tin” bằng mối thân tình, tình yêu mà họ có đối với Người và với tha nhân. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chính là một mẫu Người như thế. Đó là một người thân tình với Chúa, nằm tựa đầu vào ngực Đức Giê-su. Chính vì thế mà Ông là người đầu tiên nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh trên bờ biển Ti-bê-ri-a. Ma-ri-a sống dậy cảm giác thân tình và nhận ra Người khi Người gọi tên Bà. Giả như Bà không có kinh nghiệm thân tình với Người trước kia thì khó lòng nhận ra Người.

Ngày nay, người Tín Hữu cũng rất dễ cảm xúc, thương cảm, đồng cảm với Đức Giê-su trong những Nghi Thức của Tuần Thánh. Họ có thể “thương Chúa” đến rơi nước mắt và thức với Chúa hàng giờ trước Thánh Thể trong đêm thứ năm Tuần Thánh. Thế nhưng, phải chăng đó chỉ là một cảm xúc bình thường của một con người, cảm xúc mà Đức Giê-su không muốn họ bày tỏ: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28). Và rồi quả thật, tâm tư, tình cảm, cảm xúc của họ cũng chỉ dừng lại nơi biến cố tử nạn ấy. Họ chỉ nghe kể về Đấng Phục Sinh còn “chính Người thì họ không thấy” (Lc 24,24). Như thế, cũng như một số các tín hữu sơ khai, có nguy cơ rằng, họ chưa sống trọn vẹn biến cố Tử Nạn – Phục Sinh. Họ hoang mang vì thiếu vắng Đấng Phục Sinh trong đời mình. Họ có thể vẫn tìm Đức Giê-su, nhưng họ vẫn mãi không gặp Người vì Người đã Phục Sinh còn họ thì loay hoay tìm “xác Người”…

Phục Sinh 2012
 
Văn Hóa
Nhạc Phẩm “Đi Về Mẹ Tapao”
Tuấn Kim
07:31 23/04/2012

Hân hạnh giới thiệu Nhạc Phẩm “Đi Về Mẹ Tapao” của NS Tuấn Kim

 
Thinh Lặng và Siêu Thoát trong thơ Hàn Mạc Tử
Đỗ Mạnh Tri
08:59 23/04/2012
Thinh Lặng và Siêu Thoát trong thơ Hàn Mạc Tử

LTS. Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam Paris mừng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Giáo Sư Đỗ Mạnh Tri, Giáo sư triết học tại Pháp, đã được mời thuyết trình về Hàn Mặc Tử. Ông đã chọn đề tài « THINH LẶNG và SIÊU THOÁT trong Thơ Hàn Mặc Tử ».

Đây là bài thư tư trong loạt 8 bài về « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, 1912-2012 ». Ba bài trước nói về : 1- Đức cha Hoàng Văn Đạt dâng lễ Lòng Chúa Thương Xót, cầu cho Hàn Mặc Tử. 2- Kỹ Sư Trần Anh Dũng Giới thiệu Ngày Văn Hóa kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử và mừng sinh nhật thứ 22 thư viện GXVN. 3- Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử Hàn Mặc Tử.


Giáo sư Đỗ Mạnh Tri
Thuyết trình tại Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris

Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử (1912-2012)

Sinh nhật thứ 22 Thư viện Giáo xứ Việt Nam Paris.

Trước khi vào đề, xin nhường lời cho Hàn Mặc Tử với bài thơ quen thuộc:

Đà Lạt Trăng Mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im

Cành lá in như đã lặng chìm

Hư thực làm sao phân biệt được

Sông Ngân hà nổi giữa màn đêm

Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng

Không một tiếng gì nghe đụng chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng


Hàn Mặc Tử chào đời năm 1912, lìa đời lúc 28 tuổi năm 1940, sau khoảng 4 năm bị bệnh phung hành hạ. Thi nhân đã để lại cho đời một sự nghiệp văn thơ kỳ diệu.

Thú thật, đối với nàng thơ, tôi là một người ngoại đạo, nhưng dù chỉ lân la trước ngõ vườn thơ giầu có một cách kinh dị của Hàn, cũng bị choáng ngợp. Đúng như thi nhân viết trong Tựa tập Đau Thương (Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên): "đã vào là (cô) sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh, không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh…". Bài Đà Lạt Trăng Mờ mở đầu tập thơ này. Vậy cũng xin vào đề với Đà Lạt Trăng Mờ .

Thiêng Liêng

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu (Có bản viết: Giây phút thiêng liêng…)

Theo tôi, thiêng liêng là cái mác của con người và thơ HMT. Từ này không thông dụng trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt, có thiêng hoặc linh thiêng theo nghĩa linh nghiệm, nói đến là thấy hiển hiện ngay. Tính từ thiêng liêng có được dùng cũng chỉ có nghĩa là cao quý, đáng trân trọng. Chẳng hạn yêu nước là một tình cảm thiêng liêng. Người công giáo việt nam dùng từ này trong bối cảnh đạo Công giáo. Và để hiểu ý nghĩa của từ này nơi người công giáo, có lẽ không gì bằng đọc thơ của Hàn.

Đọc Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu, ta tự hỏi: khi nào phút thiêng liêng khởi đầu? Có phải khi ngắm trăng lên? Không hẳn thế. Quang cảnh trời đất trong 4 câu đầu là mơ trong mơ. Trời mơ trong cảnh huyền mơ. Trăng sao cũng đắm đuối trong sương nhạt. Trăng mờ Đà Lạt thành trăng mơ của hồn. Trăng ngoài và trăng trong gặp nhau. Cảnh quyện với người. Và phút thiêng liêng khởi đầu khi thi nhân vượt qua cõi hư thực, sang bên kia bờ ảo mộng để 'đón từ xa một ý thơ'. Chính ý thơ làm nên quang cảnh trời đất trong 4 câu thơ đầu. Trời đất bao la như quỳ gối, nín thở, chờ đón. Không phải chờ đón gì trong trời đất, mà từ cao xa. Từ bên kia trời đất. Từ bên ngoài vụ trụ.

Dù không có hồn thơ như HMT, ta cũng dễ nhận ra rằng, mỗi khi ta thực sự nguyện cầu, thì phút thiêng liêng khởi đầu. Khi cầu nguyện, lòng ta vượt qua thế giới quanh ta để hướng về Đấng ta nguyện cầu. Khi cả một cộng đoàn cầu nguyện cũng thế, mọi thành phần của cộng đoàn cùng nhau hướng tới Đấng hiện diện ngay trong lòng thực tại nhưng không thuộc về thực tại, dù là thực tại trong mơ.

Như vậy phút thiêng liêng hàm chứa thinh lặng và siêu thoát. Cuối đoạn 2, câu Và để xem trời giải nghĩa yêu. Có bản viết hoa chữ trời. Có người hiểu trời là Thiên Chúa. Thiết nghĩ, trời ở đây vẫn là quang cảnh trời đất. Ý thơ mà trời đất chờ đợi có một nghĩa: nghĩa yêu. Nghĩa ấy không ở trong trời đất, nhưng đất trời, từ tinh tú trên kia cho đến cỏ cây hoa lá và mọi loài dưới này đều nói với ta về nghĩa yêu nếu ta biết thinh lặng và chiêm ngưỡng.

Thinh Lặng

Nhưng thế nào là thinh lặng? Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều. Bình thường, đã làm thinh thì không nói. Đã nói thì không làm thinh. Nhưng trong câu thơ này, làm thinh không có nghĩa là không nói. Nếu Hàn Mặc Tử không nói thì làm gì có Đà Lạt Trăng Mờ, làm gì có thơ Hàn Mặc Tử ? Nói, nhưng không nói nhiều. Nói, nhưng dành phần cho thinh lặng.

Thinh lặng đi đôi với lời. Thinh lặng là một cách nói và nói không xa rời thinh lặng. Nói kiểu súc miệng bằng lời (coi những cuộc cãi vã chính trị) khiến ta quên mình, quên người, có thể giải trí, tiêu khiển, nhưng không dẫn tới trao đổi, gặp gỡ. Thế quân bình giữa thinh lặng và tiếng nói cần thiết cho mọi cuộc trao đổi. Thinh lặng để nghe, kể cả nghe sự im lặng của người khác. Đồng thời nói. Nói để biểu lộ hay diễn tả nội dung của im lặng. Không nói là một cách đẩy người khác ra lề. Làm thinh và nói. Nhưng chớ nói nhiều. Thơ, Nhạc và mọi hình thức nghệ thuật đều nói một cách nào đó để dẫn ta vào im lặng.

Cũng như khi cầu nguyện có kinh, có lời ca tiếng hát giúp ta yên lặng. Dự thánh lễ, ta thấy có những người dẫn lễ, dẫn hát mộc mạc, nhưng lễ diễn ra sốt sắng. Họ nói một cách im lặng. Nói để đưa vào thinh lặng. Cũng có lúc người hát, ban hát khá tài năng, nhưng không mấy giúp ta cầu nguyện, vì thiếu thinh lặng.

Hàn Mặc Tử rất mê tiếng nói, với thanh âm, khí vị, mầu sắc của từng tiếng, từng lời, ngoài cả cái ý nghĩa của mỗi tiếng. Chẳng hạn, hai tiếng Phượng Trì cuối bài Ave Maria. Anh mê hai tiếng đó vì "nghe như bay lên cao, bay lên cao" . Hẳn vì mê chữ, mê lời, mà anh rất tiết kiệm lời. Tiếng nói trong thơ Hàn như được gói bằng thinh lặng. Ngay từ lúc 14, 15 tuổi khi còn làm thơ theo thể Đường luật đã có những câu như:

Nép mặt trong hoa nói thì thầm (Đàn Nguyệt)

Ấp úng không ra được nửa lời (Buồn Thu)

Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời (Nhớ Trường Xuyên)

Thinh lặng chẳng những cho phép ta nghe thấy nhau, nhận ra nhau, mà còn cho phép ta nghe được trời đất cỏ cây. Về điểm này thì HMT tuyệt siêu, thính giác và mọi giác quan của anh tinh nhậy đến độ khó tưởng tượng. Anh sờ được ánh trăng: Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối (Thức Khuya); anh Say mơ vướng phải mùi hương ướp (Âm Thầm) như hương là một loại tơ trăng. Và thường khi người đời không thấy hương, Hàn Mặc Tử lại thấy thơm: Thơm như tình ái của ni cô (Huyền Ảo); Mùi vị thơm tho một ái tình (Thời Gian). Trăng đối với anh cũng thơm và ấm áp: Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ (Ngủ với Trăng). Đặc biệt, anh hớp, anh nhả, ngậm: Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị / Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí (Ave Maria); Cả miệng ta trăng là trăng / Cả lòng ta vô số gái hồng nhan / Ta nhả ra đây một nàng (Một Miệng Trăng). Trở lại với thính giác, Hàn Mặc Tử nghe được tiếng run của tơ liễu, tiếng nước reo tận đáy hồ, tiếng vỡ của sao băng. Không một tiếng gì nghe đụng chạm/Dẫu là tiếng vỡ của sao băng. Từ Tiếng buồn trong sương đục / Tiếng hờn trong lũy tre của Tình Quê, (Gái Quê), Hàn lên tới lời câm của muôn vì sao áy náy (Trường Tương Tư) hay tiếng dội từ bên kia bờ ảo mộng:

Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm

Có thứ gì rơi giữa khoảng im

Rơi từ thượng tầng không khí xuống

Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim (Huyền Ảo).


Siêu thoát

Thinh lặng để đón từ xa một ý thơ, thì tự nó đã siêu thoát rồi. Siêu thoát theo nghĩa vươn tới cõi thiêng liêng, sáng láng, tinh khôi. Nhưng Hàn đi sâu hơn với câu: Và cả lòng tôi chẳng nói rằng. Thinh lặng là ắng tiếng lòng. Xét cho cùng, thinh lặng thâm sâu nhất, là thinh lặng của hồn, khi mình trở về với lòng mình. Không phải trở về như tự thu mình vào cõi u tịch riêng tư, mà là trở về như quay lưng lại những vẩn đục, xáo động để hướng hồn lên tới cõi siêu hình cao tột bức / Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao (Siêu Thoát). Hồi xưa lễ tiếng latinh (lúc nhỏ, Nguyễn Trọng Trí đi lễ mỗi ngày) hát 'sursum corda' (hãy nâng tâm hồn lên). Hai từ thôi, nhưng đã được HMT thi vị hóa dưới nhiều dạng. Trong Nguồn Thơm chẳng hạn, có những câu:

Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện

Đều dâng lên cho đến chín tầng mây



Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!

Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang

Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt

Đường thơ bay sáng láng như sao sa

Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc

Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa
.

Thinh lặng cô liêu và đơn độc.

Thiêng liêng, thinh lặng, siêu thoát… Toàn là Xuân Như Ý cả hay sao ? Thưa, không phải vậy. Mà cũng không phải không vậy. Vẫn tinh khôi, sáng láng, vẫn tứ thời xuân nhưng đồng thời cũng là Đau Thương, nghĩa là Mật đắng, Máu cuồng và Hồn Điên. Bài Đà Lạt Trăng Mờ mở đầu tập Đau Thương mặc dầu không có gì là đau thương. Hay bài Huyền Ảo, Đây Thôn Vĩ Giạ, Sáng láng cũng vậy. Ngược lại, trong tập Xuân Như Ý có những bài đau thương, thảm thiết như Say Chết Đêm nay, Phan Thiết! Phan Thiết!

Lời Tựa tập Xuân Như Ý viết: Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả… Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc… (…)

Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao Danh Cha cả sáng.

Và Loài người hãy cám ơn Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…

"Đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng". Nước mắt dọng cười theo nhau (Này đây lời ngọc song song). Nước mắt trộn với dọng cười. Hàn Mặc Tử sống trong siêu thoát, đồng thời phiêu dạt trong điên dại, khổ đau của một tâm hồn đơn côi, lạc lõng:

Đơn độc trong yêu đương:

Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió

Tưởng chừng như trong đó có hương

Của người mình nhớ mình thương

Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì (Muôn năm sầu thảm)

Hay đoạn này:

"Một khối tình nức nở giữa âm u

"Một hồn đau rã lần theo hương khói

"Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi

"Một lời run hoi hóp giữa không trung

"Cả niềm yêu ý nhớ cả một vùng

"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn." (Trường tương tư)

Cô đơn của người thơ.

Trong một bức thư gửi Hoàng Trọng Miên, HMT viết: Thi sĩ rớt xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. […] Vì thế, thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự.". Như thánh Augustinô! (Thánh nhân than thở: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con chỉ an nghỉ trong Chúa"). Ở một đoạn khác trong cùng là thư: "Bởi muốn cho loài thi sĩ ( 2 loài kia là thiên thần và loài người ta) làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, -nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người (Đức Chúa Trời) bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mạnh tàn khốc theo riết bên mình."(Chơi giữa mùa trăng, tr. 36, 35) . Hai trích dẫn trên chứng tỏ HMT biết rõ giá trị siêu việt của những tác phẩm mình sáng tác, và ý thức một cách bi đát về cái giá phải trả. Mà cái giá tàn khốc nhất là sự cô đơn.

Ở bài Siêu thoát, trong khi khoái lạc đến ngất ngư, điên rồ trên cõi siêu hình cao tột bực, thi nhân than thở:

Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm màu

Những hạt lệ của trích tiên đày đọa ?

Và trong Những Giọt Lệ thi nhân cảm thấy mình bị bỏ rơi, bơ vơ lạc lõng:

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?

Sao bông phượng nở trong màu huyết,

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?


Cô đơn trước cái chết:

Nhưng cô đơn trước hết là cô đơn trước cái chết. Thứ cô đơn này khiến HMT cũng giống như loài người chúng ta. Có khác nhau là khác ở mãnh lực cảm thụ của thi nhân.

Nghĩ tới cái chết của mình, Hàn tiếc nuối:

Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?

Bao giờ tôi hết được yêu vì,

Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng tôi cứng tợ si?

Nghĩ tới cái chết của người, Hàn đau đớn:

Họ đã đi rồi khôn níu lại

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. (Những giọt lệ)

Rồi chết thật, chết cô đơn:

Máu đã khô rồi thơ cũng khô

Tình ta chết yểu tự bao giờ!



Ta trút linh hồn giữa lúc đây

Gió sầu vô hạn nuối trong cây

Còn em sao chẳng hay gì cả? (Trút linh hồn)


Tôi là ai ?

Chính vì cái chết mà Hàn đặt nghi vấn về mình, nói tới mình như một người xa lạ:

Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện

Trong lòng và đang tắm máu sông ta

Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện

Để nhìn xem sắc mặt với làn da

Rõ là mình, nhưng không phải mình. Mình đang hiển hiện ngoài kia nhưng lại ở ngay trong lòng mình. Ở ngay trong lòng mình, nhưng mình cũng chẳng biết mặt mũi ra sao!

Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại

Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta.(Biển hồn ta)

Vậy có bao nhiêu mình ?

Ai đi lẳng lặng trên làn nước

Với lại ai ngồi khít cạnh tôi

Một người ngoài kia đi trên làn nước, một người ngồi khít cạnh. Thi nhân hoảng sợ:

Không nói không rằng nín cả hơi

Chao ôi ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời (Cô liêu)

Thế thì hồn là ai? Tôi là ai?

Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến

Thịt da tôi sượng sần và tê điếng

Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm

Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực.



Hồn là ai, là ai tôi không hay

Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay

Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc. (Hồn là ai)


Hồn là hồn của xác, cào cấu nhai nghiến xác. Cũng là hồn giúp xác thắng vượt khổ đau, bệnh tật và biến đau khổ thành thơ. Nhưng biến thành thơ còn là đau khổ. Hồn mệt mà xác thì chết lên chết xuống.

Để bớt nỗi thê lương, thi nhân cho một hồn siêu thoát, mà thi nhân gọi là hồn ngoài :

Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng

Chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây

Rồi khuyên dụ hồn quên hết nỗi đau thương

Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng

Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong


Để thi nhân hết phải bận tâm đến cái thân tàn ma dại. Và nhờ hồn ngoài tiếp sức, biết đâu cái xác tử thi này chẳng hóa thân trong hoa hương, sáng láng ?

Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn

Ngấm vào trong cơ thể những hoa hương

Và sẽ thở ra toàn hơi thở sáng

Để trên cao hồn khỏi lộn màu sương

Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã

Nhưng thê lương vẫn hoàn thê lương:

Nhưng khốn nỗi xác ta thành câm tiếng

Hồn đi rồi không nhập xác thê lương (Hồn lìa khỏi xác)


Hồn trong, hồn ngoài, một hồn, nhiều hồn ? Chẳng biết. Tôi và tôi ngồi khít cạnh tôi, tôi và tôi đang đi trên làn nước ngoài kia.. bao nhiêu tôi tất cả? Nói như Hamlet: To be or not to be hay như Hàn Mặc Tử: Ta là ta hay không phải là ta ? (Siêu thoát). Chẳng sao. Ta cũng biết đâu là trả lời của Hàn. Có điều sau khi ôn lại những câu hỏi đầy bi thương của Hàn, ta càng thấy siêu thoát thuộc cõi thiêng liêng, cõi của lòng tin. HMT còn gọi là cõi siêu hình.

Trước khi chấm hết, xin trân trọng đọc lại bài

Siêu Thoát

Mới hay cõi siêu hình cao tột bực,

Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.

Xa lắm rồi, xa lắm hãi dường bao

Ai tới đó chẳng mê man thần trí,

Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị

Của tình yêu rung động lớp hào quang

Những cù lao trôi nổ xứ mênh mang

Sẽ qui tụ, thâu về trong một mối

Và tư tưởng không bao giờ chắp nối

Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng.


Tư tưởng chắp nối là tư tưởng của lý luận. Lý luận chỉ làm cho kém thiêng liêng. Nếu cứ lý luận thì khẳng định rằng đời có nghĩa cũng có lý, hay đời vô nghĩa cũng có lý; rằng ta là ta hay không phải là ta đều có thể. Nhưng khi hết phô triết lý, khi chấp nhận cõi thiêng liêng mà ta không hiểu nổi, trí ta sẽ mở rộng tới vô cùng:

Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên

Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.

Trời bát ngát không cần phô triết lý.

Thơ láng lai chấp chóa những hàng châu.

Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu

Những hạt lệ của trích tiên đày đọa.


Cái trí lý luận của ta hạn chế, chẳng hiểu chi trong áng gió nhiệm màu, nếu chấp nhận cõi thiêng liêng, nói khác đi, nếu tin, thì sẽ lan nghĩ rộng vô biên, sẽ hiểu hết những anh hoa huyền bí, sẽ rưng rưng hạt lệ nhận ra rằng ta là trích tiên đày đọa, lưu lạc chốn khách đày, nhưng cứu cánh của đường trần ta đang đi là cõi siêu hình cao tột bực. Vậy:

A ha hả! say sưa chê chán đã.

Ta là ta hay không phải là ta?

Có gì đâu, cả thể với cao xa,

Như cội rễ của trăm ngàn đạo hạnh.

Hớp rượu mạnh, máu càng hăng sức mạnh.

Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.

Thương là thương lòng mình giận chưa nư.

Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ.


Ta là ta hay không phải là ta? Ta hiểu rồi: cả thể với cao xa mới là cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh. Vô biên mới thật là nơi ta hướng tới, nơi ta chờ đợi và nơi đợi chờ ta. Vô biên, nơi ta hò hẹn, nơi làm cho mê man thần trí, nơi của tình yêu rung động lớp hào quang. Ý nghĩ ấy khiến HMT thốt lên: Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.

Kết

Thiêng Liêng, Thinh Lặng, Siêu Thoát, Đau thương, Khổ lụy, Đơn côi. Trầm luân trong cuộc sống chết, con người khổ đau vô vọng, tuyệt vọng hay hy vọng ? Hàn Mặc Tử hy vọng. Tôi muốn nói, HMT của Đức Tin. Hy vọng của Đúc Tin không như hy vọng những ngày mai tươi sáng. Tin ở đây là tin yêu và trông cậy. Đức Tin mở lòng trí con người ra tới cõi vô cùng của Tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, tưởng cũng nên nhặc lại: Hàn-Mặc-Tử- trong-Thơ-Hàn-Mặc-Tử là thi sĩ và trước hết là thi sĩ. Như anh thú nhận:

Ta không nhấp rượu,

Mà lòng ta say…

Vì lòng nao nức muốn

Ghì lấy đám mây bay…

Té ra ta vốn làm thi sĩ,

Khát khao trăng gió mà không hay! (Ngủ với Trăng).


Vì thấm nhuần Đức Tin, hồn thơ của Hàn rộng rinh, vô bờ bến. Nhưng Đạo khác, Thơ khác. Đạo có thể thành thơ nhưng Thơ không phải là Đạo. Và Đạo cũng không phải là Thơ. Với Hàn, Đạo đã thành thơ. Là người công giáo, Hàn không làm thơ công giáo. Hàn làm thơ, thế thôi. Vì thơ là hơi thở, nhịp sống của Hàn.

Giữa vũng cô liêu cũ vạn đời, Hàn Mặc Tử sống như đã siêu thoát. Đối với Hàn, Ý Thơ từ cao xanh có một nghĩa, Nghĩa Yêu. Nên Hương mến yêu là lộc của lời thơ (Nguồn Thơm). Nhưng Yêu gắn với Khổ đau. Đau như Đau Thương. Có thương mới đau. Cõi đời là cõi thương đau. Siêu thoát rồi nhưng vẫn còn trong cõi đau thương, chờ ngày siêu thoát. Vậy bao lâu còn sống, hãy yêu, hãy mến và ca tụng với Hàn Mặc Tử:

Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu ? (Ave Maria).


Cám ơn!

Đỗ Mạnh Tri 15.04.2012.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Làng Xưa
Nguyễn Ngọc Liên
21:37 23/04/2012
LÀNG XƯA
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Tôi yêu quê tôi .
Là yêu cái nét hiền hoà .
Con sông uốn khúc, mái nhà lợp tranh.
Rào thưa, bầu mướp leo quanh..
(Trích thơ của Ngô Chí Tự)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền