Ngày 21-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Chúa Nhật Thứ 2 Phục Sinh Năm A - Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót - 2nd Easter Sunday Year A - Divine Mercy
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tham dự Lễ Phục Sinh tại Mã Lai
Vũ Văn An
08:50 21/04/2014
Kuala Lumpur - Có dịp dự Chầu Thánh Thể vào Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đài Bắc năm 2011 và dự Vọng Phục Sinh và Lễ Phục Sinh năm nay (2014) tại Mã Lai Á, tôi thấy rõ tính Công Giáo của Giáo Hội Rôma. Cũng một cử hành ấy, cũng những thừa tác viên và phẩm phục ấy, cũng mầu sắc lúc ảm đạm, lúc hân hoan ấy, cũng những bái gối, chắp tay, đứng ngồi. Mọi người đồng nhịp đem cả con người của mình vào phụng vụ. Mọi người đồng nhịp cất lời ca tiếng hát, kinh cầu. Mọi người lúc “tôi”, lúc “chúng tôi” thật ăn ý nói lên cả hai chiều kích cá nhân và tập thể. Tôi nhớ lại lời ông Nguyễn Khắc Dương, cựu khoa trưởng khoa văn Đại Học Đà Lạt trước năm 1975, một người tân tòng, nhận định về hai chiều kích này: dù là người hoàn toàn sống trong cộng đoàn tu trì, người Kitô Hữu vẫn “một mình” đứng trước Thiên Chúa, không ai thay thế họ được, và cũng chẳng quyền lực nào đứng án ngữ giữa họ và Thiên Chúa. Họ vẫn là họ hay nói đúng hơn, nhờ sống trong cộng đoàn, cái tôi của họ trở thành đầy đủ, trở thành hoàn hảo.

Rời bỏ Sài Gòn đúng Thứ Ba Tuần Thánh, tôi theo đoàn du lịch qua Thị Quốc Singapore. Đất của cụ Lý Quang Diệu có tiếng ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự, đâu ra đó, điều gì cũng được qui định trước, điều gì cũng có trong đầu cụ trước khi đem ra thi hành. Điều đặc biệt là trong cái động não ghê gớm này có phần đóng góp đáng kể của phu nhân Kha Ngọc Chi. Hình Bát Quái trên đồng tiền một đồng chứng tỏ điều này. Người ta kể lại Lý Tiên Sinh rất mê phong thủy, ông muốn có hình bát quái khắp nơi, nhưng sợ đụng tới người Ấn Độ và Mã Lai không tin biểu tượng và triết lý này, nên suy nghĩ hoài không tìm ra kế sách. Cái ông chồng vĩ đại này hóa ra chẳng vĩ đại chút nào. Có chi đâu mà khó sử, phu nhân Kha Ngọc Chi bảo chồng như thế: cứ in hình bát quá trên đồng tiền là hình bát quái hiện diện khắp nơi, khắp hang cùng ngõ hẻm, với người thật giầu sang, với kẻ thật bần cùng… Đồng tiền có chỗ nào mà không đến được, có ai mà dám chống đối, có ai mà nỡ khước từ! Đồng tiền vượt thắng mọi nhậy cảm tôn giáo, triết lý, chính trị, kinh tế, xã hội.

Nghĩ cho cùng Lý Phu Nhân cao tay ấn hơn hẳn Philatô Phu Nhân. Phu Nhân sau chỉ dựa vào một cảm xúc bản thân, một thứ cảm tính mơ hồ, nên không đủ sức thuyết phục một đức ông chồng thiếu quả quyết và chắc chắn ít động não hơn Lý Tiên Sinh nhiều lắm. Kết quả: Chúa Giêsu bị ông này trao cho luật Do Thái kết án bằng hình phạt Rôma: đóng đinh vào thập tự giá và lý hình chính là binh lính Rôma. Một vụ sử thật nhiêu khê và một vụ thi hành án sử thật hỗn hợp. Người Công Giáo trước đây quá chú trọng tới vai trò của “quân Du Dêu” mà cố tình làm lơ vai trò của Rôma. Dần dần họ đã nhận ra vai trò không nhỏ của Đế Quốc Rôma.

Trưa Thứ Năm Tuần Thánh, chúng tôi vượt biên giới bằng xe búyt qua Mã La Á. Không đến nỗi khác nhau như lúc từ San Diego của Mỹ vượt biên qua Tijuana của Mễ, nhưng khung cảnh của Mã vẫn cho thấy một nét gì đó thiếu qui hoạch hơn Singapore. Ngoài đường cao tốc Bắc Nam và những đồn điền trồng cây cọ chiến lược ra, không có gì khác đáng lưu ý.

Đường cao tốc Nam Bắc đưa chúng tôi tới Melaka (Malacca) vào thăm khu phố Hòa Lan, lớp người ngoại quốc thứ hai vào khai thác đất Mã. Quảng Trường ghi nhớ họ hiện còn một tháp nước, một đồng hồ và Nhà Thờ Chúa Kitô đóng cửa im lìm của Tin Lành. Ngoại trừ tháp nước, tất cả đều được sơn mầu đỏ. Rời khu vực đó, chúng tôi tới thăm khu di tích của lớp người ngoại quốc đầu tiên tới khai thác Mã Lai Á, đó là người Bồ Đào Nha. Leo đồi gần một trăm bậc, chúng tôi tới Nhà Thờ Thánh Phaolô. Vị đầu tiên gặp trên đỉnh đồi là Bức Tượng cao bằng người thật, mầu trắng, đặt trên một bệ cao, được giữ gìn tươm tất. Người ta bảo đó là Thánh Phanxicô Xaviê, vị tông đồ vĩ đại tại Viễn Đông thế kỷ 16, người gieo vãi hạt giống đức tin trên một vùng bao la từ Ấn Độ qua Nhật Bản. Đàng sau ngài là ngôi nhà thờ xây bằng gạch, đã tróc hết mái, chỉ còn trơ trơ những bước tường đã tróc hết vữa, chỉ còn lại những viên gạch bất hủ cấu kết với nhau chống trả mưa gió mà tiếp tục “sinh tồn”.

Bước vào bên trong, nhà thờ hoàn toàn trống vắng, mọi cửa ra vào và cửa sổ đều không còn nữa, bàn thờ cũng không. Nơi mà trước đây là bàn thờ, hay gian cung thánh, hiện còn lại một chiếc hố nông được che phủ bằng một dàn sắt chữ nhật có chóp như mái nhà, phía trước ghi vỏn vẹn mấy chứ JHS, vốn là huy hiệu của Dòng Tên, Dòng của Thánh Phanxicô Xaviê và của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô. Lòng nhà thờ có một số mộ huyệt của người Bồ Đào Nha, chôn theo kiểu Lawn Cemetry của Úc nghĩa là bằng với mặt phẳng của lòng nhà thờ bằng đá, với phiến đá ghi danh tính dựng phía đầu mộ huyệt một đầu tựa vào tường. Tất cả toát ra một mầu hoang phế giữa cảnh bao la đất trời lồng lộng. Tuy nhiên, ngay trong nhà thờ và bên ngoài một chút vẫn có ba bàn bày bán đủ thứ, chủ yếu là đồ kỷ niệm.

Không biết nếu thi hài Thánh Phanxicô Xaviê không rời về Goa mà tiếp tục ở lại Nhà Thờ Thánh Phaolô này thì cục diện sẽ ra sao? Cảnh hoang phế này có thể xẩy ra chăng? Theo một đường dốc khác, chúng tôi rời khỏi nơi chôn cất thứ hai (sau Quảng Đông và trước Goa) của Thánh Phanxicô Xaviê. Dưới chân đồi là một pháo đài Bồ Đào Nha với khoảng 5 hay 6 súng đại bác chĩa ra theo hình rẻ quạt. Đạo có lúc đã phải nhờ tới sức mạnh quân đội mới sống còn được! Quanh khu vực này và khu vựa Hòa Lan là những chiếc xe xích lô đặc biệt với người đạp ngồi đàng trước và được trang trí sặc sỡ với 3 tán hoa nhân tạo; phía sau, đặt một hệ thống âm thanh ầm ĩ phát ra một điệu nhạc Ấn Độ rất “bù tai”. Nhìn kỹ lại, người đạp xe đa phần là con cháu Thánh Gandhi.

Vì là khu phố cổ được UNESCO liệt vào hàng Di Sản Thế Giới như Hội An của Việt Nam, nên nhà cửa Melaka tương đối thấp, không được tự ý tu bổ, và do đó, trông xấu xí. Tuy nhiên, khách sạn ba sao, nơi chúng tôi cư ngụ qua đêm, tương đối mới. Và một điều ở đây hơn hẳn Singapore là cung cấp wifi miễn phí cho du khách. Giầu có là thế, nhưng khách sạn 3 sao ở Singapore không cung cấp dịch vụ này, mỗi 15 phút dùng internet ở đấy phải trả 2 dollars Singapore, tương đương với 6 ringgit (Mã kim). Qui hoạch gì thì qui hoạch, vô qui hoạch trong trường hợp này được lòng du khách hơn!

Bỏ Melaka, vẫn theo đường cao tốc Nam Bắc, chúng tôi tới thăm Putrajaya. Đây là một thành phố được xây dựng theo kế hoạch, nằm cách Kuala Lumpur 25 cây số về hướng Nam, để thay thế Kuala Lumpur trong vai trò thủ đô hành chánh. Thủ đô này được rời từ Kuala Lumpur về đây năm 1999, nhưng Kuala Lumpur vẫn là thủ đô quốc gia với cung điện Nhà Vua, trụ sở quốc hội và trung tâm thương mại và tài chánh. Cũng như nhiều công trình vĩ đại khác, đây là kết quả tim óc của Mahathir Mohammad, thủ tướng thứ 4 của quốc gia, người được tôn vinh gần như Lý Tiên Sinh của Singapore. Năm 2001, nó trở thành Lãnh Thổ Liên Bang, giống Kuala Lumpur và Labuan.

Nhà vòm xanh là Dinh Thủ Tướng
Các viên chức đầu tiên rời về Putrajaya năm 1999 là 300 nhân viên của Phủ Thủ Tướng. Các viên chức chính phủ thuộc các bộ sở khác rời về đây năm 2005, và đến năm 2007, dân số thành phố lên tới 30,000 người phần đông là công chức. Các viên chức này được hưởng nhiều trợ cấp của chính phủ. Hướng dẫn viên du lịch người Mã hơi cường điệu khi “phán” rằng họ được ở miễn phí trong các căn hộ khang trang với đầy đủ mọi tiện nghi hiện đại! Anh ta giải thích: như thế để họ khỏi ăn hối lộ, không như ở VN, lương không đủ sống, nên người ta phải xoay. Hướng dẫn viên này người Mã gốc Hoa, nói tiếng Việt rất sõi.

Tới năm 2012, hầu hết các bộ của chính phủ đều rời về đây, ngoài ba bộ: giao thương và kỹ nghệ quốc tế, quốc phòng và công chánh. Điều đáng nói là sự sóng đôi giữa chính phủ và Hồi Giáo tại Putrajaya: bên cạnh dinh đồ sộ của thủ tướng là ngôi đền thờ cũng vĩ đại không kém của Hồi Giáo. Lẽ dĩ nhiên không có nhà thờ Kitô Giáo nào cả vì theo thống kê năm 2010, người Hồi Giáo chiếm 97.4%, người Ấn Độ Giáo chiếm 1%, người Kitô Giáo chiếm 0.9%, người Phật Giáo chiếm 0.4% dân số Putrajaya.

Thủ Đô Kuala Lumpur có khác, nó là thành phố đa văn hóa, nên có sự hiện diện của nhiều tôn giáo khác nhau. Chúng tôi có đi thăm chùa Ấn Độ Giáo ở Động Batu, cách bắc Kuala Lumpur 13 cây số, với Động Đền (Temple Cave) ở độ cao 100 mét trên lưng núi mà muốn lên tới nơi, bạn phải trèo 275 bậc. Ngay dưới chân núi ở đầucác bậc thang là tượng thần Murugan cao 42.7 mét, hiện cao nhất thế giới, đúc từ Thái Lam đem qua năm 2006. Thần này là thần chiến tranh, chiến thắng, khôn ngoan và yêu thương, thống lãnh các vị thần, và là con của hai thần Shiva và Parvati.

Đến Kuala Lumpur đúng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng vì thời khóa biểu của “tour” quá xít xao, chúng tôi không thể tới Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Gioan để tham dự Nghi Thức Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh cũng như đi Đường Thánh Giá. Bù lại, chúng tôi “ngắm” Mười Bốn Chặng Đường Thánh Giá dựa vào bản kinh cũ của các giáo phận “dòng”, không quên đọc đủ phần phụng vụ Lời Chúa gồm Bài đọc 1 Is 52,13 -- 53,12; Đáp ca Tv 30,2 và 6.12-13.15-16.17 và 25 (Đ. Lc 23,46); Bài đọc 2 Dt 4,14-16; 5,7-9; Tung hô Tin Mừng Pl 2,8-9; và Bài Thương Khó theo Tin Mừng Ga 18,1 -- 19,42. Sau đó, là phần cầu nguyện long trọng: cầu cho Hội Thánh, cho Đức Thánh Cha, cho hàng giáo sĩ và giáo dân, cho dự tòng, cho mọi tín hữu được hợp nhất, cho người Do Thái, cho người ngoài Kitô Giáo, cho người vô thần, cho những nhà lãnh đạo quốc gia, cho những người đau khổ.

Khỏi nói, ai cũng hiểu lời cầu nguyện sau cùng được cảm kích hơn hết. Một phần vì chúng tôi đang khoác trên mình thân phận “lữ khách” mà lời cầu xin là “gìn giữ…được bình an”. Một phần vì đất nước Malaysia đang đắm chìm trong thảm cảnh MH370. Khắp đất nước chỗ nào cũng có những bảng lớn ngoài đường giục người ta cầu nguyện cho MH370, đến nay đã ngoài 40 ngày rồi mà vẫn biệt tăm âm tích! Ở các siêu thị, các trung tâm buôn bán tráng lệ, đều có những tấm giấy treo tỏ lòng nhớ thương những đồng bào xấu số. Phần lớn vẫn hẹn gặp lại họ trong vòng tay thân ái. Ôi tiếc thương vô vàn. Họ vẫn cứ mãi mãi trên đường lữ thứ biết bao giờ trở “về xứ sở”.

Chúng tôi cũng không quên kiêng thịt, dù không dám ăn chay vì sợ xỉu dọc đường. Bạn đồng hành lấy làm lạ: mọi hôm đánh thịt ngon ơi, sao nay, lại không chịu động đũa. Hỏi ra mới hay: anh chị này kiêng thịt nghe đâu vì ngày lễ lớn trong đạo! Được một điều kiêng thịt không khó, vì món rau sào, rau luộc, tầu hủ thường, tầu hủ ky và cá tôm tiệm người Hoa không thiếu.

Sáng ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, chúng tôi dậy sớm, dùng IPAD đọc Kinh Sáng tại phòng khách sạn. Đủ cả Thánh Vịnh 94 với đáp ca: Đức Kitô đã chịu khổ hình, chịu mai táng để cứu độ ta, nào ta hãy đến bái thờ Người”, rồi Thánh Thi kể lể “trên thập tự, Ngài dang tay phá đổ sức qủy ma từng bao kiếp tự hào… Ngài chẳng nệ xuống âm ty cõi chết để thân hành cứu độ các vong nhân” thì xá chi cõi đất Mohammad mà Người không đến tha thứ hai kẻ lữ thứ ham vui! Thánh Vịnh 63 “khóc than Người như khóc than con một đã chết” vì kẻ thù dùng lời thâm độc như mũi tên “bắn trộm người vô tội”. Nhưng Thiên Chúa “lại bắn tên vào chúng, thình lình chúng đã bị trúng thương”. Thành thử “người công chính sẽ vui mừng trong Chúa”.

Thánh ca Isaia 38: 10-14, 17-20 vẫn dạy chúng tôi cầu cứu “Xin cứu con, lạy Chúa, khỏi quyền lực âm ty”. Rồi Thánh Vịnh 150 đánh thức chúng tôi khỏi chốn âm ty mà bảo “Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, Ta nắm quyền thống trị tử thần và âm phủ”. Cái điệp khúc “xé nát thân ta, nhưng rồi lại chữa lành” được tóm gọn trong Lời Chúa theo Sách Hôsê 6:1-3a.

Điệp ca sau đó nhắc lại chủ đề: phục tùng cho đến chết và chết trên thập giá, Người được siêu tôn và ban cho danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Thánh Ca Tin Mừng Benedictus được đọc lên với đáp ca “xin rủ thương phù trợ”. Nay đang an ổn chốn này, mai lên máy bay, nghĩ tới MH370 mà rụng rời, đường đi của MHH370 chúng con sẽ họa lại!

Điệp khúc “xin rủ lòng thương xót chúng con” được lặp lại trong Lời Cầu. Lời nguyện kết thúc có âm điệu hân hoan hơn: “Này tất cả chúng con là những tín hữu đã cùng được mai táng với Người khi lãnh nhận bí ích thánh tẩy, xin cho chúng con cũng đạt tới nguồn sống muôn đời cùng với Người là Đấng Phục sinh”.

Với tâm nguyện ấy, chúng tôi đã đi mua sắm theo chương trình. “Tour” này giá tương đối hạ, nhưng bù lại, đi mua sắm hơi nhiều. Mà mua sắm thì chúng tôi thiếu kỹ năng nên ít muốn thi hành. Các nhân viên bán hàng tỏ ra rất thông cảm: mặc dù xùi nước bọt ra chào mời, chúng tôi vẫn chỉ “just looking”, mà họ vẫn không giận. Nhưng đến lúc tới Genting, ngọn núi cao gần 2 nghìn mét, có sòng bài duy nhất tại Malaysia, thì hết “just looking”. Chúng tôi bấm máy lia lịa với một hạn định rõ ràng: 100 ringgit thôi! Chỉ trong vòng hơn một giờ với bàn máy 2 xu Mã, với phối hợp giữa nhiều “lines” và nhiều “plays”, có lúc thắng có lúc thua, nhưng cuối cùng, 100 ringgit cũng biếu không cho gia đình thương gia tỷ phú Tan Sri Lim Goh Tong, một gia đình Mã gốc Hoa, hiện vẫn sống tại đỉnh núi này. Họ sở hữu trọn vẹn mọi cơ sở trên ngọn núi này. Ngoài ra còn là chủ nhân của các công ty mang tên Genting như Genting Berhad (MYX:3182) và các công ty con như Genting Malaysia Berhad(MYX:4715), Genting Plantations Berhad(MYX:2291), Genting Singapore Plc(SGX:G13) và Genting Hong Kong Limited(HKEX:678).

Chúng tôi cam kết cũng sẽ biếu cùng số tiền ấy cho Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Gioan khi tham dự nghi thức Vọng Phục Sinh tối nay vào lúc 8 giờ 30. Đường từ Genting trở lại Kuala Lumpur gặp mưa và nhiều xe cộ nên mãi gần 8 giờ mới đưa chúng tôi trở lại khách sạn, hai vợ chồng vội vã đi cất đồ rồi xuống nhờ concierge của khách sạn gọi taxi. Anh ta loay hoay thế nào gọi không được, chúng tôi đành ra đầu đường hy vọng vời được một chiếc. Không ngờ, nhiều taxi chạy qua, nhưng không dừng lại, có thể họ đi đón khách đã đặt trước. Hai tài xế dừng lại nhưng khi nghe tên St John’s Cathedral, họ lắc đầu nguầy nguậy: “don’t know”. Tài xế thứ ba, một người Hoa, chịu chạy nhưng nói trước “20 ringgit”! Mừng húm, dự tính đến 50 ringgit cũng ừ, huống chi 20 ringgit!

Đến nhà thờ trước giờ cử hành vọng phục sinh chừng 10 phút. Nhưng nhà thờ đã chật ních cả trong lẫn ngoài. Số hàng ghế dài trong nhà thờ phải tới hàng trăm. Số ghế chiếc cuối nhà thờ và hai bên nhà thờ cũng đến hàng trăm. Thân phận thiểu số bao giờ cũng làm con người cấu kết với nhau, tha thiết gặp nhau, nhất là gặp nhau để tôn thờ Đấng làm chủ muôn loài mà sót sa thay muôn loài lại làm ngơ không kể đến. Người Công Giáo Kuala Lumpur làm vợ chồng tôi có cảm tình ngay ở hình ảnh ban đầu này.

Chúng tôi cố gắng len lỏi vào hàng ghế giữa nhà thờ từ dưới tính lên và từ hai bên tính vào. Thoạt đầu, chưa thấy gì “hấp dẫn”: màn ảnh lớn lúc có hình lúc không hình; được một điều, sách bài đọc và sách thánh ca đủ dùng cho số người hàng nghìn này. Rồi đèn nhà thờ tắt đi. Tiếng linh mục chủ tế vang lên “Christ yesterday and today” (Chúa Kitô hôm qua và hôm nay)… rồi “The Light of Christ” (ánh sáng Chúa Kitô) và cộng đoàn: “Thanks be to God” (tạ ơn Chúa”. Lúc đèn nhà thờ sáng lên cũng là lúc sáng lên tình người, tình con một Chúa. Người đàn bà trẻ ngồi trước chúng tôi một hàng ghế, quay lại, không thấy chúng tôi có nến sáng, bèn nhường cho chúng tôi cây nến sáng của bà, hân hoan chia sẻ cây nến còn lại với người con gái ngồi bên cạnh.

Bài Exultet được trầm bổng cất lên bởi một thanh niên Ấn Độ hay Châu Phi gì đó, vì anh ta bận đồ trắng càng làm nổi nước đa đen nhánh và hàm răng trắng toát. Lòng anh chắc không đen mà cũng chẳng trắng, thuần một mầu đỏ yêu thương của trái tim nồng ấm. Rồi tới các bài đọc và các bài đáp ca được “nhẩn nha” đọc hay hát. Người đọc người hát chậm rãi tiến lên bàn thờ, không một chút hối hả, sợ mất thì giờ, không bớt một bài đọc, không giảm bất cứ đáp ca nào. Linh mục chủ tế cũng thế, cứ nhẩn nha sốt sắng đọc như muốn kéo dài buổi phụng thờ Thiên Chúa. Tại sao lại vội vã, tại sao lại sợ mất thì giờ. Tại sao lại muốn rời bỏ Thánh Đường, Nhà Chúa, càng sớm càng tốt?

Bài ca nào cũng được toàn bộ cộng đồng tham gia. Cứ tưởng tượng hai nghìn người cùng cất tiếng ca một lúc, thì đến đá cũng phải rung động cất tiếng hát theo, chứ đừng nói hai người lữ khách mệt mỏi sau một ngày ngược xuôi mua sắm và chơi bài tại Genting Casino! Chúng tôi say sưa cùng hát với họ, hát đến chẩy nước mắt.

Đêm nay vọng Phục Sinh. Phục Sinh cũng là tái sinh. Phép Rửa vì thế không thể nào thiếu. Cộng đoàn tín hữu có tồn tại chăng là nhờ những người được tái sinh trong Phép Rửa. Còn lúc nào cử hành bí tích này ý nghĩa hơn là trong đêm cực thánh này, đêm giao hòa giữa cái chết và sự sống lại của Con Thiên Chúa. Chính vì thế Linh mục chủ tế mời các tân tòng tiến lên rồi ngài diễn tiến vừa vắn tắt giảng giải vừa cử hành đầy đủ mọi cử chỉ của nghi thức thánh tầy người lớn. Cứ từ từ, cứ trang trọng đọc mọi lời và làm mọi cử chỉ cần thiết. Không hề sợ giáo dân “sốt ruột”. Thật khác xa với cộng đồng nơi vợ chồng tôi sinh hoạt. Họ bớt đầu bớt đuôi buổi Vọng Phục Sinh này, loại hẳn phần cử hành phép rửa, dù năm nào, cộng đồng này cũng có ít ra một chục dự tòng! Có thể một phần để dành giờ cho các bài diễn văn cám ơn hay cho các chương trình vận động gây quỹ?

Chưa hết, tới phần tuyên xưng đức tin, linh mục chủ tế yêu cầu các tân tòng thắp nến cho toàn bộ cộng đoàn. Các tân tòng chia nhau tới các hàng ghế, đốt nến cho các bậc anh chị của mình trong đức tin. Nhìn kỹ có cả những người trên 60 tuổi. Cùng với nến tân tòng, mọi ngọn nến tín hữu đều đã được thắp sáng. Và họ cùng nhau tuyên xưng đức tin dưới ánh sáng cùng phát ra từ Cây Nến Phục Sinh duy nhất. Cộng đoàn này không tiếc rẻ thì giờ với Chúa. Nghi thức Vọng Phục Sinh của Nhà Thờ Chính Toà Thánh Gioan tại Kuala Lumpur, vì thế, kéo dài hơn 2 tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 tới gần 12 giờ đêm. Ra về, lòng thật nhẹ nhàng thênh thang. Nhiều người vẫn nấn ná ở lại. Phần chúng tôi thì mắt đã rã, phải vội tìm đường trở lại khách sạn.

Lần về khách sạn cũng thế, vời biết bao taxi, không chiếc nào ngừng, có chiếc ngừng rồi lắc đầu nguầy nguậy. May được một tài xế trẻ trung người Mã thuận chở về. Anh ta rất “lịch thiệp”: cho đồng hồ xe chạy đàng hoàng. Đến khách sạn, kim chỉ 6 ringggit 40. Chúng tôi trao cho anh tờ 10 ringgit với lời cám ơn rối rít, không đòi thối lại!

Một Vọng Phục Sinh đáng đồng tiền bát gạo, đáng ghi nhớ không quên.
 
LM Phê rô Phan Đình Cho đắc cử chức Phó Chủ Tịch Hội Thần Học Gia Hoa Kỳ
Bùi Hữu Thư
10:02 21/04/2014
Hoa Thịnh Đốn, 21 tháng 4, 2014: Sau đây là trích dẫn lá thư của tổng thư ký Hội Thần Học Hoa Kỳ gửi cho Viện Trưởng Đại Học Georgetown, Hoa Thịnh Đốn, (Dean Chester L. Gillis, Georgetown College, Georgetown University) để chúc mừng một giáo sư của đại học đắc cử chức phó chủ tịch của Hội Thần Học.

Trong buổi họp thường niên của Hội Thần Học Hoa Kỳ - American Theological Society - (Thành phần gồm nhiều tôn giáo và cũng có thần học gia Cộng giáo) Giáo Sư Linh mục Phêrô Phan Đình Cho, thủ đắc Ghế Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo tại Đại Học Georgetown, Hoa Thịnh Đốn, (Dr. Peter C. Phan, The Ignacio Ellacuria, S.J. Chair of Catholic Social Thought, Department of Theology, Georgetown University, đã được bầu làm Phó Chủ Tịch của Hội Thần Học Hoa Kỳ.

Hội được thành lập năm 1912, với trên 100 thành viên hoạt động. Mặc dầu đa số các thành viên tự coi mình là các thần học gia tín lý hay suy diễn đóng góp (systematic or constructive theologians), các hội viên khác cũng bao gồm các học giả Thánh Kinh, các sử gia, tâm lý học, đạo đức học và thần học mục vụ, (biblical scholars, historians, philosophers, ethicists, and practical theologians).

Khởi thủy hội gồm có các thần học gia Tin Lành, nhưng trong các thập niên gần đây đã bao gồm các thần học gia Công Giáo, cũng như các học giả thuộc các giáo phái Tin Lành khác nhau, Chính Thống Đông Phương và Do Thái giáo. Hội nhóm họp hàng năm vào một cuối tuần để duyệt xét và thảo luận về các bài viết của các thành viên về các vấn đề thần học có ích lợi chung; để đón nhận và hồi đáp diễn từ của vị chủ tịch; để khuyến khích các học giả trên toàn quốc tham gia vào các cuộc đàm thoại bán chính thức trong các bữa ăn và giải khát. Các chủ tịch trong quá khứ gồm có các vị nổi danh như Douglas Clyde Macintosh (1919–1920), John Baillie (1930–1931), Paul Tillich (1943–1944), H. Richard Niebuhr (1946–1947), Reinhold Niebuhr (1947–1948), and Wilhelm Pauck (1962–1963). Chủ tịch đương nhiệm là Giáo Sư M. Douglas Meeks của trường Vanderbilt Divinity School. Là Phó Chủ Tịch, Giáo Sư Phan Đình Cho là chủ tịch kế vị.

Hội Thần Học Hoa Kỳ không mời gọi việc ghi danh tham gia hội. Các thành viên được đề cử hay được bầu cử bằng phiếu kín, dựa trên quá trình đóng góp vào lãnh vực nghiên cứu về thần học.
 
ĐTC: Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới
Linh Tiến Khải
10:23 21/04/2014
Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Đó là lời cầu Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và thế giới trưa Chúa Nhật 20-4-2014.

Trước đó lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới. Quảng trường thánh Phêrô đầy kín tín hữu. Những ai không tìm ra chỗ phải theo dõi thánh lễ tại quảng trường Pio XII và đại lộ Hòa Giải. Thánh lễ đã được trực tiếp truyền đi trên các hệ thống truyền hình âu châu và quốc tế. Trong số các người tham dự thánh lễ, ngoài các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục hiên diên tại Roma, có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Thềm Đền Thờ thánh Phêrô được trang hoàng bằng 35.000 cây cảnh và nhiều loại hoa khác nhau, trong đó có 12.000 hoa Tulip mầu đỏ, vàmg, da cam, trắng, hồngg và tím; 6.000 hoa Thủy tiên nhiều mầu, và 2.500 huệ dạ hương. Ngoài ra còn có 8.000 hoa Thủy tiên vàng. Chung quanh bàn thờ có 2.500 bông hồng trắng. Tất cả đều được trồng bến Hòa Lan cho dịp này, và do nhóm 30 chuyên viên Hòa Lan trưng bầy dưới sự điều động của ông Charles van der Voort, em ruột của ông Nic van der Voort, và sự cộng tác của các nhân viên làm vườn của quốc gia thành phố Vaticăng.

Truyền thống tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng trong dịp lễ Phục Sinh và buổi đọc sứ điệp và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới đã do các nhà trồng hoa Hòa Lan bắt đầu năm 1986. Năm 1985 chuyên viên trồng hoa Nic van der Voort đã xin sang Roma để trang hoàng hoa trong lễ phong Chân phước cho linh mục Titus Brandsma người Hòa Lan. Ông đã nảy sinh ra sáng kiến tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng và gửi phái đoàn chuyên viên sang trưng bầy hoa vào năm sau đó. Và truyền thống tốt đẹp này đã dươc duy trì trong 29 năm qua.

Sau lời chào mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thấn mến, chúng ta hãy khẩn nài phước lành của Thiên Chúa Cha chúng ta, để lễ nghi rảy nước này làm sống dậy trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta đã được dìm mình trong cái chết cứu độ của Chúa hầu sống lại với Người trong cuộc sống vĩnh cửu. Ca đoàn Sistina đã hát thánh ca ”Tôi đã thấy nước vọt ra từ đền thánh của Thiên Chúa”.

Các bài sách Thánh đã được đọc trong tiếng Tây Ban Nha và Anh. Thánh vịnh và Tin Mừng đã được hát và công bố bằng tiếng Latinh và Hy lạp. Năm nay lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương trùng ngày với lễ Phục Sinh của Giáo Hội Đông Phương, nên sau phần công bố Tin Mừng băng tiếng Hy lạp, ca đoàn đông phương đã hát các câu thánh ca của phụng vụ Bisantin, xưa kia vẫn được hát trước Đức Giáo Hoàng trong ngày lễ Phục Sinh.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Hindi, Pháp, Hoa, Đức, và Đại Hàn cầu cho các nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và gia đình nhân loại. Xin Chúa phục sinh hiện diện và nâng đỡ Giáo Hội; xin cho mọi thụ tạo và mọi người biết tôn thờ Chúa, đặc biệt xin cho các niềm hy vọng của các dân tộc được hiện thực; cho con người biết chấm dứt các ích kỷ, tham lam chiếm hữu và chay theo quyền bính kiêu căng; xin Chúa thoa dịu các vết thương của khổ đau, nghèo đói, âu lo và cô đơn; xin Chúa xót thương các con cái Người bị ghi dấu bởi sự giòn mỏng và tội lỗi và cho họ được tràn xầy lòng thương xót của Người. Một trăm năm mươi Linh Mục đã cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Sau thánh lễ xe díp đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để chào tín hữu. Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

Đội cận vệ Thụy sĩ và đại diện các lực lượng binh chủng Italia đã dàn hàng chào danh dự, và ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và Italia.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha đã duyệt qua các tình hình căng thẳng, khổ đau và nóng bỏng hiện nay trên thế giới. Mở đầu sứ điệp ngài chúc mừng lễ mọi người và nói: Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em lễ Phục Sinh tốt lành thánh thiện! ”Chúa Kitô đã sống lại, anh chị em hãy đến và hãy nhìn xem!” Lời thiên thần loan báo cho các phụ nữ vang lên trong Giáo Hội tản mác khắp thế giới: ”Này các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu chịu đóng đanh. Người không ở đây. Người đã sống lại... hãy đến và nhìn xem nơi Người đã nằm” (Mt 28,5-6). Đức Thánh Cha nói:

Đó là tột đỉnh của Phúc Âm, là Tin Mừng tuyệt diệu: Đức Giêsu đấng bị đóng đinh đã sống lại! Biến cố này là nền tảng đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, Kitô giáo sẽ mất đi giá trị của nó; toàn sứ mệnh của Giáo Hội sẽ mất sự thúc đẩy, bởi vì chính từ đó nó đã khởi hành và luôn luôn tái khởi hành. Sứ điệp mà tín hữu kitô đem đến cho thế giới là điều này: Đức Giêsu Tình yêu nhập thể đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho người sống lại và đã đặt Người làm Chúa của sự sống và sự chết. Nơi Đức Giêsu, Tình Yêu đã chiến thắng thù hận, lòng thương xót đã chiến thắng tội lỗi, sự thiện chiến thắng sự dữ, chân lý chiến thắng dối trá, sự sống chiến thắng sự chết. Vì thế chúng ta nói với tất cả mọi người: ”Hãy đến và hãy xem!”. Trong mọi trạng huống của con người, bị ghi dấu bới sự giòn mỏng, tội lỗi và cái chết, Tin Mừng không chỉ là một lời nói, nhưng là một chứng tá tình yêu nhưng không và trung thành: đó là ra khỏi chính mình để đi gặp gỡ tha nhân, đó là gần gũi những ai bị thương tích bởi cuộc sống, chia sẻ với người thiếu thốn những gì cần thiết, ở lại bên cạnh người đau yếu, già cả hay bị loại trừ... ”Hãy đến và hãy xem!”: Tình Yêu mạnh hơn, Tình Yêu trao ban sự sống, tình yêu làm nở hoa niềm hy vọng trong sa mạc. Với niềm vui chắc chắn này trong tim hôm nay chúng con hướng lên Ngài, lậy Chúa phục sinh! Xin hãy giúp chúng con tìm Chúa để tất cả có thể gặp gỡ Chúa, biết rằng chúng con có một người Cha và không cảm thấymồ côi, rằng chúng con có thỂ yêu Chúa và thờ phượng Chúa.

Xin hãy giúp chúng con đánh bại nạn đói đang trở thành trầm trọng hơn bởi các xung khắc và các phung phí vô biên mà chúng con là đồng lõa. Xin làm cho chúng con có khả năng che chở những người không được bênh đỡ, nhất là các trẻ em, phụ nữ người già, đôi khi trở thành đối tượng của khai thác bóc lột và bỏ rơi. Xin làm cho chúng con có thể săn sóc các anh chị em bị bệnh dịch abola bên Guinea Conacry, Sierra Leone và Liberia, cũng như các người bị biết bao nhiêu bệnh tật khác đang lan tràn vì không được săn sóc và vì nghèo túng cùng cực. Xin an ủi những ai hôm nay không thể cử hành lễ Phục sinh với người thân vì bị giật mất khỏi tình yêu thương của họ một cách bất công, cũng như nhiều người, các linh mục tu sĩ và giáo dân bị bắt cóc tại nhiều nơi trên thế giới. Xin an ủi những người đã rời bỏ quê hương để di cư tới các nơi mà họ có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, để sống cuộc đời mình với phẩm giá, và nhiều khi để tự do tuyên xưng đức tin. Đức Thánh nói thêm trong lời cầu dâng lên Chúa phục sinh:

Lậy Chúa Giêsu vinh hiển, chúng con xin Chúa chấm dứt mọi chiến tranh, mọi thù nghịch lớn nhỏ, cũ mới! Chúng con đặc biệt khẩn nài Chúa cho dân nước Siria thân yêu để tất cả những ai phải khổ đau vì các hậu qủa của cuộc xung đột có thể nhận được các trợ giúp nhân đạo cần thiết, và để các phe phái liên hệ không sử dụng bạo lực để giao rắc chết chóc nữa, nhất là chống lại người dân vô tội, nhưng táo bạo thương thuyết hòa bình, được chờ đợi qúa lâu rồi! Chúng con xin Chúa an ủi các nạn nhân của các cuộc chiến huynh đệ tương tàn bên Irak, và nâng đỡ các niềm hy vọng được dấy lên bởi việc tái thương thuyết giữa người Israel và người Palestin. Chúng con nài xin Chúa chấm dứt các xung đột tại Cộng hòa Trung Phi và và ngưng các vụ khủng bố trong vài vùng của nước Nigeria và các bạo lực bên Nam Sudan. Chúng con xin cho các tâm hồn hướng tới sự hòa giải và hòa hợp huynh đệ bên Venezuela. Vì sự Phục Sinh của Chúa, mà năm nay chúng con cùng nhau cử hành với các Giáo Hội theo lịch Giuliano, chúng con xin Chúa soi sáng và gợi hứng cho các sáng kiến hòa giải bên Ucraina, để tất cả các phe phái liên hệ, được cộng đoàn quốc tế trợ giúp, làm tất cả mọi nỗ lực hầu ngăn cản bạo lực và xây dựng tương lai đất nước trong tinh thần hiệp nhất và đối thoại. Cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất, lậy Chúa, chúng con cầu xin: Chúa là Đấng đã chiến thắng sự chết, xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, xin ban cho chúng con hòa bình của Chúa! ”Chúa đã sống lai. Hãy đến và xem! Anh chị em thân mến, xin chúc mừng lễ Phục Sinh anh chị em.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, đẳng trưởng phó tế đã báo cho mọi người biết Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới, cho tất cả những ai theo dõi lễ nghi trên đài phát thanh truyền hình. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha trường thọ để dẫn dắt Giáo Hội và ban hòa bình và hiệp nhất cho Giáo Hội và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha đã đọc công thức ban phép lành toàn xá: xin hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô mà chúng ta tin tưởng nơi quyền năng của các vị, bầu cử cho chúng ta bên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Thánh Trinh Nữ Maria, tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả, các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và tha thứ tội lỗi cho tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa họ tới cuộc sống vĩnh cửu. Ngài nói thêm: Xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi ban cho anh chị em ơn toàn xá, tha thứ mọi tội lỗi của anh chị em, ban cho anh chị em một thời gian sám hối đích thật và phong phú, một con tim luôn sẵn sàng và sửa đổi cuộc sống, ơn thánh và sự ủi an của Chúa Thánh Thần và sự kiên trì sau cùng trong các việc thiện.
Tiếp đến Đức Thánh Chã ban phép lành cho mọi người.

Sau phép lành toàn xá Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến. một lần nữa tôi xin chúc lễ Phục Sinh tốt lành tất cả anh chị em đến từ nhiều nơi trên thế giới hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài cũng gửi lời mừng lễ tới tất cả những ai theo dõi buổi đọc sứ điệp qua các phương tiện truyền thông. Xin anh chị em đem lời loan báo tới các gia đình và cộng đoàn của anh chị em tin vui Chúa Kitô, sự bình an và niếm hy vọng của chúng ta, đã sống lại. Xin cám ơn sự hiện diện, lời cầu nguyện và chứng tá đức tin của anh chị em. Ngài cũng cám ơn các hiệp hội trồng hoa Hòa Lan đã tặng các hoa rất đẹp cho buổi lễ, rồi nói: xin chúc tất cả mọi người một lễ Phục Sinh tươi vui an lành.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ ra mắt Câu Lạc Bộ F.X Nguyễn Văn Thuận tại Thái Hà, Hà Nội
Paul Nguyễn Hoàng Đức
10:19 21/04/2014
HÀ NỘI - Niềm hân hoan “Chúa đã sống lại thật rồi” vẫn còn âm vang trong tâm hồn cũng như đang tươi dấu khải hoàn ca theo chân những tín đồ lũ lượt đến nhà thờ Thái Hà từ Lễ Vọng Phục Sinh chiều và tối thứ bảy, qua lễ sáng và lễ chiều Chúa Nhật ngày 20/04/2014, thì một sự kiện thật có ý nghĩa mang cả chiều cao lẫn chiều sâu đã diễn ra tại lầu ba nhà giáo lý xứ Thái Hà, vào lúc 18.00h, Cha bề trên Mathieu Vũ Khởi Phụng đã trịnh trọng bước lên diễn đàn long trọng tuyên bố về lễ ra mắt “Câu lạc bộ Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận” với lý do làm sáng danh cho “một tôi tớ xuất sắc của Chúa” – người mà Đức Thánh Cha Phanxico đã nhìn nhận và gọi là “Đấng Đáng Kính”, sau sự kiện ngày 05/07/2014, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Roma đã chủ tọa buổi lễ kết thúc cuộc điều tra ở cấp giáo phận trong án phong chân phước cho Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận.

Hình ảnh

Cha bề trên M. Vũ Khởi Phụng, cũng là Chủ nhiệm câu lạc bộ đã ôn lại những ngày ngài còn là tu sinh, đã được gặp Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, lúc ngài đang còn là một linh mục trẻ măng, rất năng động, hóm hỉnh, thông minh, cẫn mẫn và nhân từ, rồi mãi sau này khi ngài trở thành Hồng Y (2001) trong cương vị Chủ Tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình (1998), thì ngài vẫn giữ nguyên được những đặc tính thông minh, hóm hỉnh, dễ gần, dễ hiểu từ cái ngày xa xưa đã để lại ký ức không bao giờ phai dấu trong đầu người tu sinh Vũ Khởi Phụng đang háo hức bước vào con đường của Đức tin.

Tiếp theo, Cha Jean Nguyễn Ngọc Nam Phong, Phó chủ nhiệm đã lên trình bày về cấu trúc, nhân sự, mục đích của câu lạc bộ… Cha trình bày 4 mục đích chính sau:

1- Cổ võ sứ điệp Hy vọng của Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận
2- Phổ biến học thuyết Xã hội Công Giáo
3- Cầu nguyện cho tiến trình phong Chân phước và phong thánh cho Đức Hồng Y.
4- Tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề của Học thuyết Xã hội Công Giáo

Bằng một tình thần hào hứng, nhiệt huyết vui tươi của lễ Phục Sinh, cha Jean Phong đã nói về sự cần thiết của Giáo Huấn Xã hội Công Giáo, mở màn như “lập hiến” của Giáo Hội Hoàn vũ nhắm bước vào con đường tình yêu nhập thế với cuộc đời. Ngài dẫn ra Tông Huấn của Phúc Âm số 183 và 184 mà Giáo Hoàng Phanxico đã nhắn gửi các tín hữu trên khắp toàn cầu rằng:

“Tất cả các Ki-tô hữu, kể cả các mục tử, được mời gọi để chăm lo cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.

Và Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã có rất nhiều công lao, cũng như tổ chức biên soạn Giáo huấn Xã hội Công Giáo. Ngài là tôi tớ xuất sắc của Chúa, đã trải qua con đường dấn thân nhắm đường Hy vọng đằng đẵng chông gai, với án cầm tù 13 năm “không có án”, giờ đây Tòa Thánh đã và đang mở án phong thánh cho ngài, ngay tại trung tâm châu Âu, Giáo Hội Roma đang phát động phong trào cầu nguyện cho tiến trình phong chân phước của ngài. Ngay tại quê hương Việt Nam, nơi ngài sinh ra, lớn lên, vào dòng tu, trở thành linh mục tuấn tú, giám mục xuất sắc, rồi khổ ải chịu đựng bất công, rồi bị lưu đầy xa xứ, mang sứ điệp Hy vọng đi khắp thế giới, được Tòa Thánh đánh giá cao, được phong chức Hồng Y, được mời giảng tĩnh tâm mùa chay cho Giáo triều Roma năm 2000… Chẳng lẽ chúng ta là những tín đồ cùng quê hương, gần gũi với ngài nhất, hiểu ngài hơn ai hết, hiểu cái thực trạng bị giam cầm và cách ly khỏi Giáo Hội của ngài, hiểu cả không khí và môi trường xã hội chịu o ép tứ bề mà ngài chung sống với chúng ta, mà chúng ta không làm gì để cho ngài được hưởng Công lý, cho dù chỉ là thứ công lý phía sau cuộc sống của ngài? Đó chính là lý do chúng ta nên có một Câu lạc bộ mang tên ngài, để cầu nguyện cho ngài, để hỗ trợ cho ngài nhiều hơn, mong cho Giáo Hội Việt Nam có thêm một vị thánh xứng đáng như ngài.

Cha J. Phong kêu gọi mọi người ngẫm nghĩ kỹ lưỡng thận trọng làm đơn xin gia nhập câu lạc bộ. Điều đó có nghĩa rằng: câu lạc bộ là nơi chia xẻ những việc làm có ích của Hội Thánh, mang ý nghĩa thiết thực cho đức tin, công việc bác ái, từ thiện, đòi hỏi sự lao khổ nhất định. Rất cần nhiều người chung tay gánh vác, nhưng cũng đòi hỏi đó phải là những tâm hồn tự giác sâu sắc.

Buổi lễ có sự tham gia của nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh, cũng là người được mời làm thành viên Ban cố vấn, với sự sốt sắng thường thấy, J.B Vinh dẫn chương trình thật mau lẹ và trơn tru. Anh mời nhà văn Nguyễn Hoàng Đức lên chia sẻ về thời gian làm chứng bên Đức cố Hồng Y khi ngài bị cầm cố tại Hà Nội.

Vì thời gian không cho phép, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức chỉ nói vắn tắt về buổi đầu gặp mặt Đức Hồng Y Phanxico. Và một câu chuyện mà nhà văn nhớ mãi. Trước lúc Đức Hồng Y được thả, ngài có đem khoe đôi giày mới nhận của cha mẹ ngài từ Úc gửi về. Ngài định khoe đôi giầy da xịn kiểu dáng đẹp chăng? Không! Ngài bảo “đó là cặp đôi sẽ làm chứng cho tôi, khi tôi bước qua cánh cửa tù đầy. Bởi vì khi tôi bước vào đây, bị bịt mắt dẫn vào trong đêm tối, không ai thấy cả, cũng chẳng ai làm chứng, những người bắt mình thì họ không thể làm chứng cho chính họ. Vậy khi tôi ra, cũng sẽ bị bịt mắt trong đêm, ai sẽ làm chứng cho tôi đây, nếu không phải đôi giầy này, chúng chỉ là giầy thôi, vậy mà sẽ là những người làm chứng cho bước chân tự do đầu tiên của tôi khi bước qua ranh giới tù đầy”.

Rồi sau đó, tôi chiêm niệm rằng: Một vị thánh mà trong đầu, trong tim chúng ta, trong cả con đường ngài dấn thân trên dọc hành trình làm chứng cho tình yêu vô bờ của Chúa Jesus đối với anh em đồng tộc và nhân loại. Hành trình đó đang cán đích, và nó có tên là con đường của thánh muốn thánh hóa cho tình yêu. Các vận động viên điền kinh chạm dây căng ngang, người ta gọi là cán đích. Nhưng cái dây đó không phải là con đường, cũng như không phải là cái đích trên đường, mà nó chỉ là cái biểu tượng cho đích đến. Cũng vậy, con đường phong thánh cho Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, không ai khác ngoài chính ngài đã tận lực vận động và đến đích. Còn sợi dây là biểu tượng cho “hành chính” kia, sẽ là sự có mặt góp sức làm chứng của chúng ta, những người ít hay nhiều đã sinh ra, lớn lên và làm việc cùng ngài, chẳng lẽ lại cam chịu làm chứng cho tự do và công lý giống như hai chiếc giầy không thể nói?! Chúa Jesus nói “Không gì bưng bít mà không bị lộ tẩy, không có gì dấu diếm mà chẳng bị vạch trần. Điều gì Thầy nói với chúng con trong bóng tối hãy công bố nơi sáng sủa. Sự gì nghe thì thầm trong tai hãy nói trên mái nhà” ( Kinh Matheus). Vậy thì với mong muốn thành lập câu lạc bộ F.X Nguyễn Văn Thuận chẳng phải cách mà chúng ta sẽ tham dự vẫy cờ hoa, và tung hô làm chứng khi Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã cán đích rồi sao?!

Sau lễ ra mắt câu lạc bộ, Cha bề trên M. Vũ Khởi Phụng, và cha J. Phong cùng đồng tế Lễ Phục Sinh trong tiếng hoan ca “Chúa đã sống lại rồi!”

Cuối lễ, anh Giu-se Nguyễn Tiến Đạt người được bầu làm thư ký câu lạc bộ, mời mọi người liên hoan nhẹ để trò chuyện, chia sẻ tiếp tục với nhau về niềm vui Chúa sống lại cùng với những đề tài mà buổi ra mắt đã đề ra.

Mọi người chào nhau tạm biệt vui vẻ theo cách được thừa hưởng từ Ngôi Lời đã nhập thể trên đôi môi trần thế của mình, một đôi môi mà Chúa Jesus đã từng ngước lên trời cầu nguyện cách chua xót “Lạy cha xin cất cho con khỏi chén đắng này…” May may mắn thay cho chúng ta, chúng ta đã không phải chào nhau, hay làm chứng cho nhau theo cách của những đôi giầy.
 
Lễ Vọng Phục Sinh 2014 tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle.
Nguyễn An Quý
13:30 21/04/2014
SEATTLE. Hôm nay Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle cùng với Giáo Hội hoàn vũ bước vào ngày thứ ba Tam Nhât Vượt Qua, tức thứ bảy Tuần Thánh, ngày vọng Chúa Phục Sinh. Trời Seattle hôm nay lại đổ cơn mưa suốt ngày và khá nặng hạt, đúng là xứ mưa nhiều. Mới hơn 4 giờ chiều, các con đường dẫn vào nhà thờ tấp nập xe cộ cộng thêm từng đoàn người kéo nhau đi bộ băng qua đường dẫn vào nhà thờ sau khi đã đậu xe ở các khu thương mại bên kia đường trước mặt nhà thờ.

Xem Hình

Nhiều giáo dân đi khá sớm như muốn có chỗ đậu xe thoải mái. Khoảng 4 giờ 30, các ghế ngồi trong nhà thờ trên 800 chỗ ngồi đã đầy kín, anh em LMTT bắt đầu xếp ghế ở khu vực hội trường để giáo dân có chỗ ngồi hầu tham dự thánh lễ một cách sốt sắng, tất cả các vị trí đều có màn ảnh rộng trực tiếp truyền hình suốt thời gian cử hành các nghi thức phụng vụ cũng như thánh lễ. Vì nhu cầu giáo dân đông đảo nên những ngày Tam Nhật Vượt Qua giáo xứ đều có 2 thánh lễ được cử hành vào lúc 5 giờ và 7 giờ 30 tối. Thánh lễ Vọng Phục Sinh lúc 7 giờ 30, các anh chị em Tân Tòng được đón nhận các Bí Tích để chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội.

Đúng 5 giờ, ngoài trơì đã dứt cơn mưa, cha phụ tá Nuyễn Sơn Miên chủ tế Thánh lễ bắt đầu cử hành nghi thức phụng vụ Vọng Phục Sinh. Mở đầu là nghi thức làm phép lửa. Trước cửa nhà thờ một số giáo dân cùng với nghi đoàn gồm các em ban lễ sinh và các vị Thừa Tác Viên Thánh Thể đã tập trung chung quanh một chậu lửa khá lớn. Ngọn lửa vừa bùng cháy, Cha Chủ Sự bắt đầu đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã nhờ Con Chúa mà ban cho các tín hữu lửa vinh quang của Chúa, xin Thánh hóa lửa mới này và xin nhờ tuần lễ Phục Sinh này, cho chúng con được sốt sắng ao ước những sự trên trời, để chúng con đạt tới ngày lể sáng láng vĩnh cửu với tâm hồn trong sạch. Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.(mọi người thưa Amen). Đoạn cha chủ tế lấy lửa đốt nến Phục Sinh và bắt đầu làm phép cây Nến Phục Sinh.”. Sau khi làm phép Lửa, vị thừa tác viên cầm cây nến lớn tiến đến vị chủ tế và cha chủ tế bắt đầu cử hành nghi thức làm phép Nến Phục Sinh. Trước tiên cha chủ tế kẻ hình Thánh Giá trên cây nến với các động tác như khi kẻ hàng dọc ngài đọc Chúa Kitô hôm qua và hôm nay, kẻ hàng ngang thì đọc: Nguyên thủy và cùng đích, phía đỉnh hàng dọc là Alpha, phía dưới là Omêga. Bốn góc của hình Thập giá được ghi niên hiệu của năm 2014 theo thứ tự bốn số 2,0,1,4 từ trái sang phải ở phần trên và phần dưới hàng dọc của hình Thập Giá.

Kết thúc phần nghi thức làm phép Lửa và Nến Phục Sinh, sau đó là buổi rước Nến Phục Sinh, biểu tượng của ánh sáng Chúa Kitô. Vị Thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh đi vào cửa chính của Thánh Đường, khi bước vào cửa chính thì cha chủ tế hát câu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi giáo hữu đều cất tiếng: “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được tiến lên gian Cung Thánh cùng với nghi đoàn. Đoàn rước tiến lên khoảng giữa Thánh Đường, cha chủ tế cất lên tiếng hát lần thứ hai: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi giáo dân thưa " Tạ ơn Chúa" Nến Phục tiếp tục tiến lên cung thánh, cha chủ tế hát lần thứ ba: "Ánh sáng Chúa Kitô" mọi người cùng đáp lại: “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được dừng lại và một số các em giúp lễ liền đốt nến từ Nến Phục Sinh và chuyền đi để đốt toàn bộ các cây nến mà mọi giáo hữu hiện diện đang cầm trong tay. Sau khi toàn bộ đèn cầy của giáo dân đã được đốt cháy từ Ánh Sáng Nến Phục Sinh xong, nghi đoàn về vị trí, cha chủ tế bước lên Cung Thánh và đọc lời nguyện mở đầu nghi thức canh thức Phục Sinh: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và miệng lưỡi chúng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố tin mừng phục sinh của Chúa: Nhân danh Cha và Con và Thánhh Thần”. cộng đoàn thưa Amen

Khi lời nguyện của cha chủ tế kết thúc, Thừa tác viên đem Nến Phục Sinh cắm vào chân đèn. Cha Nguyễn Sơn Miên tiến về vị trí để công Bố tin mừng Phục Sinh, và hát: ” Hãy vui lên, hỡi ca đoàn Thiên sứ, hãy vui lên, hỡi những mầu nhiệm thánh. Tiếng loa cứu độ, hãy vang khúc mừng Vua Cả khải hoàn. Vui lên hỡi trái đất rực rỡ trong ánh sáng huy hoàng….”Kết thúc lời công bố tin mừng Phục Sinh, toàn bộ đèn cầy của giáo dân cầm trong tay đều được tắt để bắt đầu nghi thức canh thức Phục Sinh qua phần phụng vụ Lời Chúa. Mở đầu là Bài đọc I: trích sách Sáng Thế (St 22:1-18 ) kể lại câu chuyện Chúa dựng nên trời đất và cuối cùng là Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài có Nam có Nữ với lời phán: Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, hãy thống trị tất cả mọi loài …”Bài đọc II: trích Sách Xuất Hành (Xh 14,15 15-15,1) mô tả việc Chúa cho Mosê dẫn toàn dân Irael vượt giữa lòng biển để tránh quân Ai Cập truy bắt. Bài Đọc III: trích sách Tiên tri Isaia (Is 54: 5-14): với đoạn: “Hãy đến cùng Ta và hồn các ngươi sẽ được sống”. kế đến là Đọc IV: bài trích sách tiên tri Baruc (Br 3: 9-15, 32-4,4) nói lên ý nghĩa: "Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới". Kết thúc phần cựu ước, đèn trong nhà thờ được mở sáng và ca đoàn hát kinh Vinh Danh, bức màn che trên cung thánh được từ từ hạ xuống, hình ảnh Chúa Phục Sinh được từ từ bày tỏ cùng với tiếng chiêng trống ngân vang mở đầu dấu hiệu biều tỏ sự vui mừng của toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đang hiện diện cùng nhau đón mừng Chúa Phục Sinh một cách long trọng. Phần vụ lời Chúa được tiếp nối với bài Thánh Thư của Thánh Phaolô ( Rm 6,3-11) gởi tín hữu Rôma: "Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa". sau đó cha chủ tế công bố Bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

Thánh lễ kết thúc vào khoảng gần 6 giờ 45 tối sau lời chúc mừng lễ Phục Sinh đến mọi người và mọi gia đình trong giáo xứ của cha chủ tế, đoạn ngài ban Phép Lành đặc biệt cho giáo dân để kết thúc Thánh Lễ. Mọi người ra về trong niềm vui của Chúa Phục Sinh. Đông đảo giáo dân cũng đã có mặt ở ngoài nhà thờ, chờ vào dâng Thánh Lễ tiếp theo lúc 7 giờ 30.

Nguyễn An Quý
 
Gia đình Khôi Bình Cồn Phước giáo phận Long Xuyên khánh thành Nhà Máy Nước
Minh Hiền
20:34 21/04/2014
Gia đình Khôi Bình Cồn Phước giáo phận Long Xuyên khánh thành Nhà Máy Nước

Cuối tuần qua, Ban Quản Gia Khôi Bình Việt Nam gồm 4 người đã đến thăm gia đình Khôi Bình giáo xứ Cồn Phước, giáo phận Long Xuyên. Khôi bình là tiếng phiên âm tên của chân phước Adolph Kolping là người đã sáng lập Tổ chức Khôi Bình có linh đạo giúp giáo dân nên thánh bằng cách “Thăng Tiến Xã Hội”, làm cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp hơn về ba phương diện: Tâm linh, Tinh thần và Vật chất.

Đoàn đến Cồn Phước vào buổi chiều được gia đình anh gia trưởng tiếp đón vô cùng trọng thị. Sau khi nghĩ ngơi một lát, anh chia sẻ cho chúng tôi về vùng đất này – vốn là quê hương anh. Cồn Phước là một cù lao nhỏ, được bao quanh bởi dòng sông Tiền hiền hòa. Chính nơi đây, Cha Francic Xavie Trương Bửu Diệp được sinh ra. Hiện tại nơi đây vẫn còn ngôi nhà của gia đình Cha. Hơn thế, giáo xứ Cồn Phước vừa khánh thành một linh đài Cha trong khuôn viên nhà thờ, với hy vọng, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm hành hương linh thiêng.

Sau đó, chúng tôi được anh Phêrô Nguyễn Ngọc Hài – thư ký cộng đoàn Khôi Bình giáo phận Long Xuyên, kiêm gia trưởng gia đình Khôi Bình giáo xứ Cồn Phước – đưa đi tham quan một vòng quanh Cồn Phước, và cù lao kế bên – Cù Lao Giêng. Trên mảnh đất Cù Lao Giêng ấy, có hai cơ sở dòng tu, một của Dòng Chúa Quan Phòng, và một của Dòng Phan Sinh – chính đây là nơi đất mẹ tại Việt Nam khi hai dòng này đến loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Chúng tôi rất tiếc khi không được phép vào bên trong khuôn viên Dòng Chúa Quan Phòng, do các dì đang tĩnh tâm. Tuy nhiên, khi đứng quan sát bên ngoài, chúng tôi cũng cảm nhận được vẻ trầm mặc, và thiêng liêng rất đặc biệt tỏa ra từ nhà dòng. Các dãy nhà trong tu viện đã 250 tuổi, đậm rêu phong theo dòng thời gian, nhiều nơi đã hư hại nhiều. Hiện tại các Dì đang cố gắng tu sửa lại các khối nhà mục nát theo kiến trúc ban đầu. Tại Dòng Phan Sinh cũng thế, chúng tôi như ngỡ ngàng khi bước vào khuôn viên nhà dòng, một bầu khí vô cùng thiêng liêng bao trùm chúng tôi. Thêm vào đó, các kiến trúc cổ xưa của nhà Dòng càng góp phần tạo nên sự lắng đọng trong tâm hôn chúng tôi.
Sáng Chúa Nhật hôm sau, sau thánh lễ sớm, chúng tôi vui mừng gặp gỡ các thành viên trong gia đình Khôi Bình của giáo xứ Cồn Phước. Chúng tôi đứng trò chuyện trong cái lạnh dịu nhẹ nơi khuôn viên nhà thờ - mọi người như một gia đình lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, nói cười rộn ràng. Sau đó, cả gia đình kéo nhau vào nhà xứ, chào cha chánh xứ, và cha phó. Các cha đánh giá rất cao gia đình Khôi Bình, và những hoạt động của Khôi Bình trong giáo xứ.

Điểm nhấn rất ấn tượng với đoàn chúng tôi, 9 giờ sáng, tất cả các thành viên trong gia đình Khôi Bình của giáo xứ tập trung về nhà sinh hoạt trong khuôn viên sân nhà thờ, dường như ai nấy đều mặc bộ đồ đẹp nhất của mình. Mọi người tụm năm tụm ba, lại tiếp tục rộn ràng cười nói, một bầu khí huynh đệ đúng nghĩa. Không thể không nhắc tới sự hiện diện của đại diện đến từ các cộng đoàn Khôi Bình giáo phận Long Xuyên, gia đình Khôi Bình giáo xứ Lạng Sơn, gia đình Khôi Bình giáo xứ Cái Đôi, gia đình Khôi Bình giáo xứ Bò Ót. Sau đó, mọi người tập trung lại, cùng nghe một vài chia sẻ của anh gia trưởng Khôi Bình Việt Nam. Sự hiện diện ấy nói lên một tinh thần rất Khôi Bình – hiệp thông. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi biết hai anh đại diện gia đình Khôi Bình giáo xứ Lạng Sơn đã chạy xe trên một quãng đường gần 70km, dưới cái nắng gay gắt và oi nồng, để đến thăm chúng tôi.

Các thành viên Khôi Bình trong buổi chia sẻ

Trong phần chia sẻ của mình, anh gia trưởng nhắc lại linh đạo Khôi Bình. Cách cụ thể là sống ngay thẳng, thật thà, dám nói thật dù bị mất lòng. Anh cũng không quên khẳng định, những điều trên là rất khó. Bởi vì xu hướng chung của xã hội bây giờ là gian dối, là thỏa hiệp. Nếu sống linh đạo Khôi Bình có thể nói là đi ngược lại so với thời cuộc - dưới con mắt người đời. Anh hoan hô gia đình Khôi Bình giáo xứ Cồn Phước vừa quy tụ thêm 4 thành viên mới. Anh nói vui, họ như như những con cá tự chui vào rọ.

Anh còn chia sẻ thêm về ơn gọi hôn nhân gia đình. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng sống ơn gọi gia đình khó hơn nhiều so với ơn gọi thánh hiến. Một cách cụ thể là số lượng các cặp gia đình, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, ly dị rất nhiều, nhiều gia đình tan vỡ, con cái tan đàn xẻ nghé, bi kịch gia đình xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, anh gia trưởng cũng đề cập đến việc Đức Thánh Cha đã chọn năm nay là Năm Gia Đình, với những mục tiêu cụ thể và sống động nhằm thánh hóa đời sống gia đình và đào sâu đức tin. Anh rút lại thành những điểm chính cho mọi người dễ nhớ, dễ thuộc:
+ Gia đình cầu nguyện,
+ Gia đình yêu thương – mà đỉnh cao là sự hy sinh, phục vụ trong âm thầm,
+ Kế đến là Gia đình bảo vệ sự sống – các cụ thể là không được nạo phá thai, dùng các biện pháp ngừa thai,
+ Và cuối cùng là Gia đình truyền giáo.

Anh nhấn mạnh ở điểm Gia đình truyền giáo. Các thành viên Khôi Bình hãy cố gắng sống tốt trong vai trò là người vợ, người chồng, chu toàn bổn phận với tâm thế một Kitô hữu. Qua đó là tấm gương sáng cho các thành viên trong nhà, để rồi họ được cảm phục, yêu mến, và cuối cùng là gia nhập gia đình Khôi Bình. Hay nói các khác, đây là cách phát triển Khôi Bình trong chính gia đình của mình.

Sau đó, mọi người tập trung về nhà máy nước vừa mới được xây dựng – cũng trong sân nhà thờ. Đây là công trình của Khôi Bình Việt Nam đầu tư, nhằm giúp người dân địa phương, lương cũng như giáo, có được nguồn nước sạch - đảm bảo vệ sinh - sử dụng hằng ngày. Công trình được làm phép và chúc lành bởi Cha Vincent Lê Văn Bằng – Lm. Đồng hành cộng đoàn Khôi Bình giáo phận Long Xuyên, kiêm Quản hạt Chợ Mới. Cha cũng nhắn gởi, hy vọng qua công trình này, mọi người có thể cảm nhận được sự quan phòng, yêu thương của Chúa qua những công cụ của Người - gia đình Khôi Bình. Để rồi từ đó, mọi người sống gắn kết với nhau hơn trong ân nghĩa Chúa.

Cha Vincent Lê Văn Bằng thánh hóa nhà máy nước

Tiếp đến, các thành viên cùng chung vui với nhau qua bữa cơm đạm bạc ngay trong nhà sinh hoạt của họ đạo. Tiếng nói, tiếng cười lại rộn rã…

Một điều khó phai nhạt trong chúng tôi, đó là trước và sau bữa cơm trưa, chúng tôi có dịp tâm sự riêng với khá nhiều anh chị em Khôi Bình. Chúng tôi cảm nhận được nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền, về cuộc sống thường nhật,…của anh chị em nơi đây. Cái nghèo, cái khổ hiện lên rất rõ trên khuôn mặt mỗi người. Thế nhưng, vâng, thế nhưng, họ vẫn rất vui tươi – niềm vui bắt nguồn từ một tâm hồn bình an sâu thẳm. Cái bình an ấy không dễ kiếm được nơi cuộc sống ba đào này….

Chúng tôi về lại Sài Gòn khi trời vẫn còn rất nắng. Tạm biệt Cồn Phước. Tạm biệt vùng đất hiền hòa. Tạm biệt những con người chân chất và mộc mạc…
Và chuông nhà thờ chuẩn bị đổ cho thánh lễ chiều…


Bài: Minh Hiền
Ảnh: Nghĩa Hiệp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn
Joseph Ngọc Phạm
22:21 21/04/2014
BẠN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn.
(Ca dao)