Ngày 29-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 29/03/2019

123. Bề trên trừng phạt thuộc hạ thì nên bắt chước bác sĩ khi cho con mình uống thuốc vậy, nên có tấm lòng yêu thương, trị khuyết điểm của họ, đừng làm tổn thương tâm hồn họ.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 29/03/2019
72. CẮN CHẶT RĂNG

Có hai cô cháu đều chết chồng mà trở thành góa bụa, bà cô thường nói với cháu dâu:

- “Làm góa bụa thì phải cắn chặt răng mà sống cho qua ngày đoạn tháng.”

Không lâu sau đó, bà cô tư thông với người khác cách mờ ám và bị cháu dâu phát hiện, cháu dâu bèn dùng lời nói của bà cô đã nói trước đây mà nói lại với bà cô.

Nào ngờ, bà cô lại há to cái miệng móm không có một cái răng nào cho cháu dâu coi và nói:

- “Con coi đây này, nếu cô có răng thì mới cắn chặt răng được chứ !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 72:

Bà cô góa chồng nói với cháu dâu cũng góa chồng: “Phải cắn chặt răng mà sống”, nhưng rồi chính bà ta cũng không “cắn chặt răng” bởi vì bà ta đã tư dâm một cách mờ ám, bởi vì bà ta đã không giữ được lời mình nói với cô cháu dâu.

Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rằng, những người ở trong hoả ngục phải “khóc lóc và nghiến răng”, khóc lóc và nghiến răng là bởi vì không giữ và không thực hành lời của Ngài trong cuộc sống của mình.

Người Ki-tô hữu có đức tin thì không cắn chặt răng để mà sống cho qua ngày đoạn tháng, nhưng chính họ sẽ luôn vui cười hớn hở đem tin yêu đến cho mọi người bằng đời sống lạc quan tin tưởng nơi tình yêu của Chúa, và khi họ đã làm được như thế thì họ không còn phải bị nghiến răng khóc lóc ở trong hoả ngục nữa.

Khi đã ở trong hỏa ngục hay luyện ngục thì dù có răng hay không có răng cũng đều bị lửa thiêu đốt, mà ngọn lửa này thì đau khổ hơn cả nghiến răng triệu triệu lần !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa là cha mà xót xa như mẹ
Lm Nguyễn Xuân Trường
09:13 29/03/2019
CHÚA LÀ CHA MÀ XÓT XA NHƯ MẸ

Thời buổi ngày nay đầy rẫy tin giả, kể cả trong đạo cũng có fake news. Xin được chia sẻ 3 tin giả về Chúa trong đời sống tôn giáo thường ngày, và 3 Tin Mừng về Chúa rút ra từ dụ ngôn Phúc Âm tuần này. Người cha trong dụ ngôn là hình ảnh thực sự về Thiên Chúa là cha mà như mẹ hết lòng thương con.

1. Thiên Chúa không phải là vị thần nghiêm minh trừng phạt, nhưng là cha tha thứ yêu thương. Người ta thường quan niệm: nếu phạm tội thì sẽ bị Chúa phạt. Không đúng. Dụ ngôn cho thấy người con chịu đau khổ không phải vì cha phạt, mà vì anh ta đã lựa chọn ích kỷ, xa rời tình cha. Còn khi con sám hối trở về, cha không trừng phạt, cha tha thứ hết. Cha chỉ nhìn thấy con chứ không thấy tội. Rồi với tất cả tình thương, cha ôm con vào lòng, mặc quần áo đẹp cho con. Ôi, cha mà như mẹ hết lòng thương con. Thế nên, tin giả đồn thổi Chúa nghiêm minh trừng phạt, nhưng Tin Mừng công bố Chúa là cha tha thứ yêu thương.

2. Thiên Chúa không phải là vị thần áp bức, mà là Đấng ban tặng tự do. Người ta thường nghĩ rằng: đi đạo phải tuân giữ đủ thứ luật lệ. Chúa như vị thần áp bức con người. Không đúng. Dụ ngôn cho thấy người con đòi chia gia tài, cha đồng ý. Người con bỏ nhà ra đi, cha tôn trọng lựa chọn của con. Thêm vào đó, dù mong con trở về, nhưng cha không đi tìm bắt con về, vì cha tôn trọng tự do của con. Thế nên, tin giả đồn thổi Chúa là vị thần áp bức, nhưng Tin Mừng công bố Chúa là Đấng ban tặng tự do.

3. Thiên Chúa không phải là vị thần gieo nỗi buồn, mà là Đấng đem niềm vui. Người ta thường nghĩ khi thờ phượng Chúa thì nét mặt phải nghiêm trang đượm buồn. Nhiều người sống đạo mà cứ buồn như mùa chay thương khó, chẳng có chút niềm vui Phục sinh. Dụ ngôn cho thấy, khi con trở về, cha làm tất cả để đem niềm vui cho con: nào là ôm hôn con, mặc quần áo đẹp cho con, và mở tiệc ăn mừng. Con thất bại trở về mà cha vẫn mở tiệc mừng công khai. Cha không sợ mất mặt, cha chỉ muốn con vui. Thế nên, tin giả đồn thổi Chúa là vị thần gieo nỗi buồn, nhưng Tin Mừng công bố Chúa là Đấng đem niềm vui.

Quả thật, Tin Mừng công bố rõ ràng: Thiên Chúa là Đấng yêu thương tha thứ, ban tặng tự do và đem niềm vui cho con người. Chúng ta hãy mang trong mình trái tim của Chúa, để sống thể hiện rõ hình ảnh Chúa là cha mà như mẹ hết lòng yêu thương. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
13:13 29/03/2019
Lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Sáu, 29 tháng Ba, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa, là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Năm nay là năm thứ sáu, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Tôi cũng không lên án chị đâu”. (Ga 8:11).

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót” (In Joh 33, 5). Thánh Augustinô đã tổng kết như thế về phần cuối của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Những kẻ đến để ném đá người phụ nữ hay để bắt lỗi Chúa Giêsu về Lề Luật đã bỏ đi, vì đối với họ không còn gì đáng quan tâm. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn ở lại. Ngài ở lại vì điều quý giá trong mắt Ngài vẫn còn: đó là người phụ nữ, là một nhân vị. Đối với Ngài, tội nhân đáng kể hơn tội lỗi. Trong trái tim Thiên Chúa tôi, bạn, mỗi người trong chúng ta đều đáng kể hơn so với những lỗi lầm, các luật lệ, những phán xét và các thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có cái nhìn như Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin để có quan điểm Kitô về cuộc sống. Chúng ta hãy nhìn với lòng mến trên những người tội lỗi vượt lên trên những lỗi lầm của họ, nhìn với tình yêu trên những người lầm đường lạc lối vượt lên những sai lầm của họ, và nhìn một con người vượt lên lịch sử của người đó.

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Đối với Chúa Giêsu, người phụ nữ bị bắt đang ngoại tình không tiêu biểu cho một đoạn trong Lề Luật, nhưng là một tình huống cụ thể mà Ngài can thiệp. Vì thế, Ngài ở lại đó với người phụ nữ, là người hầu như luôn đứng im lặng trong suốt câu chuyện này. Trong khi đó, Ngài làm một cử chỉ bí ẩn hai lần: Ngài lấy ngón tay viết trên đất (Ga 8:6,8). Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là một yếu tố quan trọng nhất: sự chú ý của Tin Mừng đặt nơi sự kiện là Chúa viết. Chúng ta nhớ đến câu chuyện ở núi Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các tấm bia Lề Luật bằng ngón tay của Ngài (xem Xh 31:18), như Chúa Giêsu đang làm đây. Sau đó, qua các tiên tri, Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên các tấm bia đá nữa, nhưng ghi khắc trực tiếp lên con tim (xem Gr 31:33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (xem 2 Cr 3:3). Với Chúa Giêsu, Đấng là lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể, đã đến lúc viết lên con tim của những người nam nữ; đã đến thời viên mãn để Ngài mang lại niềm hy vọng chắc chắn cho nỗi khốn khổ của con người: đó là không đưa ra quá nhiều lề luật bên ngoài, thường làm cho Thiên Chúa và con người xa cách nhau, nhưng mang đến luật của Thánh Thần là điều đi vào con tim và giải phóng nó. Đây là điều xảy ra với người phụ nữ, là người đã gặp Chúa Giêsu và tái tục cuộc sống mình bằng cách ra đi và không phạm tội nữa (xem Ga 8:11). Chính Chúa Giêsu, với quyền năng của Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bên trong chúng ta, khỏi tội lỗi mà Lề Luật có thể ngăn đe, nhưng không loại bỏ được.

Tội lỗi vừa mạnh, vừa có sức quyến rũ: nó thu hút, và mê hoặc con người. Nỗ lực riêng của chúng ta không đủ để thoát khỏi nó, chúng ta cần một tình yêu lớn hơn. Không có Thiên Chúa, chúng ta không thể chiến thắng được tội lỗi: chỉ có tình yêu của Ngài nâng chúng ta dậy từ bên trong, chỉ có sự dịu dàng của Ngài tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta mới làm cho chúng ta được tự do. Nếu chúng ta muốn được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, thì cần dành không gian cho Chúa, Đấng tha thứ và chữa lành. Và Ngài làm điều đó trước hết qua Bí tích mà chúng ta sắp cử hành. Xưng tội là một thông lộ đi từ sự khốn khổ đến lòng thương xót, là điều Chúa viết lên trái tim chúng ta. Trong tâm hồn chúng ta, chúng ta đọc thấy thường xuyên rằng chúng ta quý giá trong ánh mắt của Thiên Chúa, rằng Ngài là Cha và Ngài yêu thương chúng ta thậm chí còn hơn cả chúng ta yêu mình.

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Chỉ có hai điều đó. Đã bao lần chúng ta cảm thấy cô đơn và lạc lối trong cuộc sống. Đã bao lần chúng ta không biết làm thế nào để bắt đầu lại, thấy mình bị vùi chôn trong cố gắng làm thế nào để có thể chấp nhận chính mình. Chúng ta cần bắt đầu lại, nhưng chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Kitô hữu được sinh ra từ sự tha thứ đã được lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội. Họ luôn được tái sinh từ đó: từ sự thứ tha đáng kinh ngạc của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người khiến chúng ta được phục hồi. Chỉ qua việc được Chúa thứ tha, chúng ta mới có thể đứng dậy với niềm tự tin mới, sau khi trải nghiệm niềm vui được Chúa Cha yêu thương đến cùng. Chỉ qua sự tha thứ của Thiên Chúa, những điều mới mẻ trong chúng ta mới thực sự xảy ra. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa đã phán với chúng ta qua tiên tri Isaia: “Này, Ta sắp làm một việc mới” (Is 43:19). Sự tha thứ mang lại cho chúng ta một khởi đầu mới, làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới, cho chúng ta bắt đầu cuộc sống mới của mình. Sự tha thứ của Chúa không phải là một bản phôtôcôpi được tạo ra giống hệt như nhau mỗi khi chạy ngang qua tòa giải tội. Nhận được sự tha thứ tội lỗi thông qua vị linh mục luôn luôn là một kinh nghiệm mới mẻ, khác biệt và độc đáo. Từ tình trạng cô đơn trong những khốn khổ và trước những người cáo buộc, như người phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta tiến đến tình trạng được Chúa nâng dậy và khích lệ; và Ngài ban cho chúng ta một khởi đầu.

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Chúng ta phải làm gì để yêu mến lòng thương xót, để vượt qua nỗi sợ phải đi xưng tội? Chúng ta hãy đón nhận một lần nữa lời mời của tiên tri Isaia: “Các ngươi không nhận thấy sao?” (Is 43,19). Điều quan trọng là cảm nhận được sự tha thứ của Chúa. Thật là đẹp, nếu sau khi xưng tội, chúng ta vẫn ở lại như người phụ nữ, với ánh mắt dán chặt vào Chúa Giêsu, Đấng vừa giải thoát chúng ta: đừng nhìn về những nỗi khốn khổ chúng ta nữa nhưng hãy dán mắt vào lòng thương xót của Ngài. Hãy nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh và nói với sự ngạc nhiên: “Đó là nơi mà tội lỗi của tôi đã đưa đẩy đến. Ngài đã mang lấy chúng trên mình. Ngài đã không chỉ tay vào mặt con, nhưng Ngài mở rộng vòng tay và Ngài lại tha thứ cho con lần nữa”. Điều quan trọng là phải nhớ đến sự tha thứ của Chúa, nhớ đến sự dịu dàng Ngài, và nếm hưởng hết lần này sang lần khác sự bình an và tự do mà chúng ta đã trải nghiệm. Đây là trung tâm của Bí tích Hoà giải: không phải là tội lỗi mà chúng ta xưng ra, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta nhận lãnh và luôn luôn cần đến. Chúng ta có thể vẫn còn một ngờ vực: “xưng tội làm gì vô ích, vì tôi luôn phạm đi phạm lại những tội như thế”. Chúa biết chúng ta; Ngài biết rằng cuộc đấu tranh nội tâm là gian nan, rằng chúng ta yếu đuối và dễ sa ngã, thường rơi trở lại vào vòng tội lỗi. Và Ngài đề nghị chúng ta bắt đầu rơi trở lại vào điều tốt, rơi trở lại vào việc cầu xin lòng thương xót. Ngài sẽ nâng chúng ta dậy và biến chúng ta thành những thụ tạo mới. Chúng ta hãy bắt đầu lại, từ bí tích Hòa Giải, và trả lại cho bí tích này vị trí xứng đáng trong cuộc sống và trong việc mục vụ!

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Ngày hôm nay trong Bí tích Hoà Giải, chúng ta hãy kín múc sức sống từ cuộc gặp gỡ cứu độ này: chúng ta, với những khốn khổ và tội lỗi của chúng ta, gặp gỡ Chúa, Đấng biết rõ chúng ta, yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Chúng ta hãy tiến vào cuộc gặp gỡ này, và cầu xin ân sủng để tái khám phá quyền năng cứu độ của cuộc gặp gỡ ấy.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Bài giảng thứ ba Mùa Chay 2019 của Cha Raniero Cantalamessa, Vị Giảng Thuyết của Phủ Giáo Hoàng: Thờ ngẫu thần: Phản đề của Thiên Chúa hằng sống
Vũ Văn An
23:08 29/03/2019


Thờ ngẫu thần: Phản đề của Thiên Chúa hằng sống

Mỗi sáng, khi thức dậy, chúng ta có một trải nghiệm đặc biệt mà hầu như chúng ta không bao giờ lưu ý. Trong đêm, những thứ hiện hữu xung quanh chúng ta là cách chúng ta để chúng lại vào đêm hôm trước: giường, cửa sổ, căn phòng. Có lẽ mặt trời đã chiếu sáng bên ngoài, nhưng chúng ta không thấy nó vì mắt chúng ta đang nhắm và màn cửa kéo lại. Chỉ khi chúng ta thức giấc, mọi thứ mới bắt đầu hoặc trở lại hiện diện đối với tôi bởi vì tôi nhận thức được chúng, tôi mới nhận ra chúng. Trước đó, dường như những thứ này không hiện hữu.

Cũng một điều trên đúng với Thiên Chúa. Người luôn ở đó: Thánh Phaolô nói với người Athen “Trong Người, chúng ta sống và di chuyển và có hữu thể của mình” (Cv 17:28). Nhưng nói chung điều này xảy ra như trong giấc ngủ của chúng ta, chúng ta không nhận thức được nó. Ngoài ra còn có một sự thức tỉnh của tinh thần, một ý thức đột ngột bừng tỉnh. Đây là lý do tại sao Kinh thánh khuyên chúng ta thường xuyên thức tỉnh khỏi giấc ngủ của mình: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Eph 5:14); “Đã đến lúc anh em phải thức dậy (Rm 13:11).

Thờ ngẫu thần, cũ và mới

Thiên Chúa trong Kinh thánh được định nghĩa là “sống động” để phân biệt Người với những ngẫu thần là những thứ chết. Đây là cuộc đấu tranh xuất hiện trong tất cả các sách của Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta chỉ cần tình cờ mở một trang nào bất cứ từ các tiên tri và thánh vịnh cũng có thể tìm thấy dấu chỉ trận chiến sử thi này để bảo vệ vị Thiên Chúa duy nhất và độc nhất của Israel. Thờ ngẫu thần là phản đề nguyên tuyền của Thiên Chúa hằng sống. Một thánh vịnh nói về các ngẫu thần,

“Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành.

Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe.

Có hai tay, không sờ không mó; có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng” (Tv 115: 4-7)

Trái ngược với ngẫu thần, Thiên Chúa sống động xuất hiện như một vị Thiên Chúa “làm những gì Người muốn”, nói năng, nhìn xem, nghe thấy, một vị Thiên Chúa “thở hơi!” Hơi thở của Người có tên trong Kinh thánh, là Ruah Yahweh, Thần Khí của Thiên Chúa.

Thật không may, cuộc đấu tranh chống lại việc thờ ngẫu thần đã không kết thúc với việc kết thúc của chủ nghĩa ngoại giáo lịch sử; nó luôn luôn tiếp diễn. Các ngẫu thần đã thay đổi tên của chúng, nhưng chúng có mặt hơn bao giờ hết. Như chúng ta sẽ thấy, trong mỗi chúng ta, luôn hiện hữu một thứ ngẫu thần đáng sợ nhất. Do đó, đáng dừng lại giây lát trong vấn đề này như một vấn đề hiện thời, chứ không phải chỉ là vấn đề trong quá khứ.

Người đưa ra cuộc phân tích sáng suốt và sâu sắc nhất về việc thờ ngẫu thần là Thánh Tông đồ Phaolô. Chúng ta hãy để ngài hướng dẫn chúng ta khám phá ra “con bò vàng” vốn ẩn nấp đâu đó trong mỗi người chúng ta. Ở phần đầu của Thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta đọc điều này:

“Từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội” (Rm 1: 18-21).

Trong tâm trí những người từng nghiên cứu thần học, những lời lẽ đó được liên kết hầu như chuyên nhất với luận đề khả thể hiểu biết tự nhiên về sự hiện hữu của Thiên Chúa từ những điều Người đã tạo dựng nên. Do đó, một khi vấn đề này được giải quyết, hoặc sau khi nó đã không còn là mối quan tâm cấp bách như trong quá khứ nữa, những lời lẽ này rất hiếm khi được nhắc đến và đánh giá cao. Nhưng khả thể hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa, trong bối cảnh này, là một vấn đề khá ngoại vi. Lời lẽ của Thánh Tông đồ có nhiều điều hơn thế để nói với chúng ta; chúng chứa đựng một trong những “sấm sét của Thiên Chúa” có khả năng chẻ đôi cả những cây tuyết tùng Libăng.

Thánh Tông đồ có ý định chứng minh thân phận của loài người là gì trước Chúa Kitô và bên ngoài Người, nói cách khác, thời điểm trong đó diễn trình cứu chuộc bắt đầu. Nó không bắt đầu từ điểm Zero của thiên nhiên, nhưng từ điểm dưới Zero do tội lỗi. Mọi người đều đã phạm tội; không trừ một ai. Thánh Tông đồ chia thế giới thành hai loại Hy Lạp và Do Thái, nghĩa là ngoại giáo và tín hữu, và ngài bắt đầu bản cáo trạng của ngài chính xác nhằm chống lại tội lỗi của người ngoại giáo. Ngài xác nhận tội lỗi căn bản của thế giới ngoại giáo là sự vô thần và bất chính. Ngài nói rằng đó là một cuộc tấn công vào sự thật, không phải vì sự thật này hay sự thật nọ mà là sự thật nguyên ủy của mọi hiện hữu.

Tội lỗi căn bản, đối tượng hàng đầu của cơn thịnh nộ thần thánh, được xác nhận là asebeia, vô thần. Chính xác điều này muốn nói gì đã được Thánh Tông đồ giải thích ngay sau đó; ngài nói rằng nó hệ ở việc từ chối “tôn vinh” và “cảm tạ” Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là việc từ chối công nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, không dành cho Người sự kính trọng mà Người đáng được. Chúng ta có thể nói: Nó hệ ở việc “làm ngơ Thiên Chúa”, trong đó, “làm ngơ” ở đây không có nghĩa là không biết “Người hiện hữu”, mà là “hành động như thể Người không hiện hữu”.

Trong Cựu Ước, chúng ta nghe Môsê la to với mọi người, “Do đó, các ngươi hãy biết rằng Chúa, Thiên Chúa của các ngươi là Thiên Chúa” (Đnl 7: 9), và thánh vịnh gia tiếp nối tiếng la đó, đã nói rằng, “Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người” (Tv 100: 3). Rút gọn vào cốt lõi chính của nó, tội lỗi là từ chối việc “công nhận” đó; nó là mưu toan của một tạo vật nhằm hủy bỏ khoảng cách phẩm tính vô hạn vốn hiện hữu giữa họ và Đấng tạo dựng và từ khước phụ thuộc vào Người. Sự từ khước này trở thành hiện thân một cách cụ thể trong việc thờ ngẫu thần, trong đó người ta thờ phượng tạo vật thay cho Đấng Tạo Dựng (xem Rm 1:25). Người ngoại giáo, Thánh tông đồ nói tiếp, trở nên vô dụng trong suy nghĩ của họ, và tâm trí vô cảm của họ trở nên tối tăm. Tự nhận là khôn ngoan, họ trở thành kẻ ngu ngốc; và họ đổi vinh quang của Thiên Chúa bất tử lấy các hình ảnh giống như một con người tử sinh hoặc những con chim hoặc động vật bốn chân hoặc loài bò sát (Rm 1: 21-23).

Thánh Tông đồ không có ý nói: mọi người ngoại giáo, không trừ ai, đã đích thân sống trong loại tội lỗi này. (Ngài nói thêm, trong Rm 2: 14ff., Về những người ngoại giáo có thể được Thiên Chúa chấp nhận vì họ tuân theo luật của Thiên Chúa viết trên trái tim họ). Ngài có ý nói: tình huống khách quan nói chung của nhân loại trước Thiên Chúa sau khi phạm tội. Con người, được tạo ra “công chính” (cả ý nghĩa vật lý của việc đứng thẳng lẫn ý nghĩa đạo đức của công chính), đã trở thành một người “bị bẻ cong” vì tội lỗi, nghĩa là cong mình về phía mình, và trở thành “ngạo ngược” (perverse), nghĩa là hướng về chính họ thay vì hướng về Thiên Chúa.

Trong việc thờ ngẫu thần, một hữu thể phàm nhân không “chấp nhận” Thiên Chúa mà tự biến mình thành một Thiên Chúa. Các vai trò được đảo ngược: con người trở thành thợ gốm và Thiên Chúa trở thành chiếc nồi được lên khuôn tùy theo ý thích của họ (xem Rm 9: 20tt). Trong tất cả điều này có một sự ám chỉ, ít nhất là mặc nhiên, đối với trình thuật sáng thế (xem St 1: 26-27). Ở đó, có lời chép rằng Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh và họa ảnh của Người; ở đây, người ta nói rằng con người đã lấy hình ảnh và họa ảnh của con người mau hư thay thế cho Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Người, còn bây giờ con người tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh của mình. Vì con người là bạo lực, họ biến bạo lực thành một vị thần, Sao Hỏa (Mars); vì đầy dục vọng, họ biến dục vọng thành một vị thần, Sao Kim (Venus), vân vân. Bây giờ, họ đang biến Thiên Chúa thành một phóng chiếu của chính họ.

"Ngài là người đó!"

Thật dễ dàng để chứng minh rằng, xét một cách nào đó, đây vẫn là tình huống trong đó chúng ta ở phương Tây hiện hữu về phương diện tôn giáo; đây vẫn là tình huống từ đó chủ nghĩa vô thần hiện đại khởi đầu với câu nói nổi tiếng của Ludwig Feuerbach, “Thiên Chúa không tạo ra con người theo hình ảnh của Người; trái lại, con người tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh của mình” (1). Theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng câu khẳng định này đúng! Vâng, Thiên Chúa đang thực sự là một sản phẩm của tâm trí con người. Tuy nhiên, vấn đề là biết vị Thiên Chúa nào đang được nhắc đến. Đó chắc chắn không phải là vị Thiên Chúa sống động của Kinh thánh mà chỉ là người thay thế.

Chúng ta hãy tưởng tượng một người loạn trí hôm nay đập búa vào bức tượng David của Michelangelo đặt bên ngoài Palazzo della Signoria ở Florence, rồi bắt đầu la ó một cách thắng thế, “tôi đã phá hủy tượng David của Michelangelo! David của ông ta không còn hiện hữu nữa! David của ông ta không còn hiện hữu nữa!” Anh chàng điên dại khốn khổ này đâu có nhận ra rằng đó chỉ là một tượng đắp, một bản sao vội vàng cho các khách du lịch, vì bức tượng David thực sự của Michelangelo, vì một mưu toan như thế trong quá khứ, đã không còn được lưu chuyển và đã được lưu trữ an toàn trong Galleria dell'Accademia. Điều này song hành với những gì đã xảy ra với Friedrich Nietzsche khi, qua lời lẽ của một trong những nhân vật của ông ta, đã tuyên bố rằng, “chúng ta đã giết chết Thiên Chúa!” (2) Ông ta đâu có hiểu ra rằng ông ta không giết được Thiên Chúa đích thực mà chỉ giết được bản sao “thạch cao” của Người mà thôi.

Chúng ta chỉ cần một quan sát đơn giản để xác tín rằng thuyết vô thần hiện đại không liên quan gì đến Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo, mà chỉ liên quan tới một ý tưởng dị dạng về Người. Nếu ý tưởng về vị Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi đã được duy trì sống động trong thần học (thay vì nói về một “đấng tối cao” mơ hồ), thì lý thuyết của Feuerbach sẽ không dễ dàng thắng thế, một lý thuyết cho rằng Thiên Chúa chỉ là một phóng chiếu của chính con người và yếu tính của họ. Con người phàm nhân cần gì khi phải phân chia các Ngài thành ba Cha, Con và Thánh Thần? Đó là thứ duy thần chủ nghĩa mơ hồ bị phá hủy bởi chủ nghĩa vô thần hiện đại, không phải là đức tin vào Thiên Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi.

Nhưng chúng ta hãy chuyển sang một điều khác. Chúng ta không ở đây để bác bỏ chủ nghĩa vô thần hiện đại hoặc dự một lớp học về thần học mục vụ; chúng ta ở đây để thực hiện một hành trình hoán cải bản thân. Chúng ta đóng vai trò nào, chữ “chúng ta” ở đây tôi muốn nói các tín hữu, trong bản cáo trạng đáng sợ của Kinh thánh chống lại việc thờ ngẫu thần?

Theo những gì đã được nói cho đến bây giờ, có vẻ như trên thực tế, hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta đã đảm nhận vai trò những người tố cáo. Chúng ta hãy nghe những gì tiếp theo trong Thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma. Sau khi lột mặt nạ khỏi khuôn mặt thế giới, Thánh tông đồ, sau đó, cũng đã lột mặt nạ khỏi chúng ta và chúng ta sẽ thấy bằng cách nào.

Dù là ai, bạn vẫn không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để phán xét người khác; vì khi phán xét người khác, bạn lên án chính mình, bởi vì bạn, vị thẩm phán, cũng làm y những việc như thế. Bạn nói rằng, “chúng tôi biết sự phán xét của Thiên Chúa đối với những người làm những việc đó là đúng với sự thật”. Bạn có tưởng tượng, dù bạn là ai, khi bạn phán xét những người làm những việc đó và chính mình bạn cũng làm các điều đó, bạn sẽ thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa hay sao? (Rm 2: 1-3)

Kinh thánh cho chúng ta biết câu chuyện sau đây. Vua David đã phạm tội ngoại tình; để che đậy tội đó, ngài đã khiến chồng người đàn bà đó chết ngoài mặt trận, để vào thời điểm đó, việc ngài tự lấy người vợ của ông ta có thể được coi giống như một hành động hào phóng của nhà vua đối với người lính đã chết trong lúc chiến đấu thay cho mình. Đây là quả là một chuỗi tội lỗi thực sự. Rồi, tiên tri Nathan, được Thiên Chúa sai đến, đã tới gặp ngài và nói với ngài một dụ ngôn (nhưng nhà vua không biết đó là dụ ngôn). Nathan nói: Có một người rất giàu có trong thành phố, sở hữu nhiều đoàn cừu, và có một người nghèo chỉ có một con cừu rất thân thiết với ông ta, nhờ đó ông ta kiếm kế sinh nhai và ngủ trong nhà ông ta. Một vị khách tới nhà người giàu có, nên, tha chết cho con cừu của mình, người này đã lấy con cừu của người nghèo và cho giết nó để làm bữa tiệc đãi khách. Khi David nghe câu chuyện này, cơn thịnh nộ của ngài bừng lên đối với người đó và ngài nói, “Người làm điều đó đáng chết!” Lúc đó, Nathan, ngưng ngay dụ ngôn, chỉ ngón tay vào David, nói với ngài, “Ngài là người đó!” (xem 2 Sm 12: 1tt).

Đó là điều Thánh Tông đồ Phaolô muốn nói với chúng ta. Sau khi kéo chúng ta theo sau ngài trong sự phẫn nộ và kinh hoàng chính đáng trước sự vô thần của thế giới, khi chúng ta mở từ chương một đến chương hai trong lá thư của ngài, như thể bỗng nhiên, ngài quay về phía chúng ta và lặp lại câu, “anh em chính là người đó!” Vào thời điểm này, sự xuất hiện trở lại của cụm từ “không có lý do bào chữa” (anapologetos), được sử dụng trước đó đối với những người ngoại giáo, khiến chúng ta không còn nghi ngờ gì về ý định của Thánh Phaolô nữa. Ngài kết luận: khi phán xét người khác, bạn lên án chính mình. Nỗi kinh hoàng bạn quan niệm cho việc thờ ngẫu thần giờ đang quay lưng chống lại bạn.

Vị “phán xử” trong suốt chương thứ hai hóa ra là người Do Thái, người được hiểu ở đây là một hình tượng (type) nhiều hơn. “Người Do Thái” là người không phải Hy Lạp, không phải ngoại giáo (xem Rm 2: 9-10). Người này ngoan đạo, là một tín hữu, người có những nguyên tắc mạnh mẽ và sở đắc nền luân lý mặc khải, người phán xét phần còn lại của thế giới và, khi phán xét, cảm thấy an lòng. Theo nghĩa này, Người Do Thái là mỗi người chúng ta. Origen thực sự đã nói rằng trong Giáo hội, những người bị các lời lẽ này của Thánh tông đồ nhắm là các linh mục, tư tế và phó tế, nghĩa là, các người hướng dẫn, các nhà lãnh đạo (3).

Chính Thánh Phaolô đã trải nghiệm cú sốc này khi từ một người Biệt Phái trở thành một Kitô hữu, nhờ thế, giờ đây, ngài có thể nói một cách xác tín và chỉ cho các tín hữu con đường thoát khỏi chủ nghĩa Biệt Phái. Ngài phơi bày ảo tưởng kỳ dị vốn lặp đi lại rằng những người ngoan đạo và có lòng đạo được che chở khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chỉ vì họ có một ý tưởng rõ ràng về thiện và ác, họ biết lề luật và đôi khi biết cách áp dụng nó cho người khác. Tuy nhiên, khi đụng đến chính mình, họ nghĩ rằng đặc quyền được ở bên cạnh Thiên Chúa, hay dù gì, trong “lòng tốt” và “kiên nhẫn” của Thiên Chúa mà họ biết rõ, sẽ tạo ra ngoại lệ cho họ.

Chúng ta hãy tưởng nghĩ tới cảnh tượng này. Một người cha đang khiển trách một trong những đứa con trai của mình vì một sự vi phạm nào đó; Một người con trai khác, người đã phạm cùng một thứ tội, tin rằng sẽ giành được thiện cảm của cha mình và thoát khỏi sự khiển trách, cũng bắt đầu quở trách anh trai mình, trong khi người cha mong đợi một điều gì đó hoàn toàn khác hẳn.

Người cha hy vọng rằng nghe thấy ông la mắng anh trai mình và thấy lòng tốt và sự kiên nhẫn của ông đối với anh ta, đứa con trai thứ hai sẽ chạy đến xấp mình dưới chân cha, thú nhận rằng anh ta cũng phạm tội y hệt và hứa sẽ sửa mình.

Bạn có coi thường sự phong phú trong lòng tốt, chịu đựng và kiên nhẫn của ông không? Bạn không nhận ra rằng lòng tốt của Thiên Chúa có nghĩa sẽ dẫn bạn đến sự ăn năn đó sao? Nhưng với trái tim cứng cỏi và không ăn năn của mình, bạn đang tích góp cơn thịnh nộ cho chính mình vào ngày thịnh nộ, khi việc phán xét công bình của Thiên Chúa sẽ được mặc khải. (Rm 2: 4-5).

Thật là sốc biết bao, ngày bạn hiểu ra rằng lời của Thiên Chúa đang nói cách này chính xác là đang nói với bạn, “ngươi” ở đây là chính bạn! Đây là điều xảy ra khi một nhà luật học hoàn toàn tập chú vào việc phân tích một bản án nổi tiếng được ban hành trong quá khứ vốn có thẩm quyền, khi, quan sát kỹ hơn, bỗng nhiên ông ta nhận ra bản án cũng áp dụng cho ông ta và vẫn còn hiệu lực. Đột nhiên, nó thay đổi tình huống của người này, và ông ta không còn chắc chắn về bản thân mình nữa. Lời của Thiên Chúa được áp dụng ở đây một cách hữu hiệu thực sự; nó đảo lộn tình hình của người đang xử lý với nó. Ở đây, không có lối thoát: hoặc là chúng ta phải “bật khóc” mà nói như David, “tôi đã phạm tội chống lại CHÚA! '(2 Sm 12:13), hoặc cứng lòng thêm và việc không ăn năn được củng cố thêm. Khi nghe lời lẽ này từ Thánh Phaolô, người ta kết cục một là tự hoán cải hai là cứng lòng thêm.

Nhưng đâu là lời buộc tội chuyên biệt của Thánh Tông đồ đối với người “đạo hạnh”? Ngài nói: Chính là việc thực hiện “những điều y hệt” mà họ vốn phán xét nơi người khác. Cả theo nghĩa y hệt về thể lý? Ngài cũng muốn nói cả theo nghĩa ấy (xem Rm 2: 21-24), nhưng trên hết, ngài muốn nói “những điều y hệt” theo nghĩa bản chất, nghĩa là sự vô thần và thờ ngẫu thần. Thánh Tông đồ nêu bật điều này hay hơn trong phần còn lại của bức thư khi ngài tố cáo chủ trương tự cứu mình nhờ các việc làm và do đó biến mình thành chủ nợ và Thiên Chúa là con nợ. Ngài nói, nếu bạn tuân thủ lề luật và làm đủ thứ việc tốt, nhưng chỉ để khẳng định sự công chính của bạn, bạn đang đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Thánh Phaolô chỉ lặp lại bằng những lời lẽ khác điều Chúa Giêsu đã cố gắng nói trong Tin Mừng qua dụ ngôn Người Biệt phái và người thu thuế ở đền thờ và qua nhiều cách khác nữa.

Chúng ta hãy áp dụng tất cả những điều này vào chúng ta, các Kitô hữu, xét vì, như chúng ta đã nói, mục tiêu của Thánh Phaolô không hẳn là người Do Thái nói chung vì họ là người có lòng đạo mà là, trong trường hợp chuyên biệt này, những người được gọi là “Kitô hữu gốc Do Thái”. Có một thứ thờ ngẫu thần giấu ẩn đặt bẫy cho người có lòng đạo. Nếu thờ ngẫu thần là “thờ phượng các công trình của chính bàn tay mình” (xem Is 2: 8; Hs 14: 4), nếu thờ ngẫu thần là “đặt tạo vật vào vị trí của Thiên Chúa”, thì tôi là người thờ ngẫu thần khi đặt tạo vật, tạo vật của tôi, công trình bàn tay tôi, vào chỗ của Đấng Tạo Hóa. “Tạo vật” của tôi có thể là căn nhà hoặc nhà thờ mà tôi đang xây dựng, là gia đình mà tôi đang thiết lập, là con trai tôi đã mang vào thế giới (có biết bao bà mẹ, thậm chí bà mẹ Kitô giáo, vô tình biến con trai họ, đặc biệt nếu nó là con trai duy nhất, thành Thiên Chúa của họ!). Nó cũng có thể là định chế tôn giáo mà tôi đã thành lập, chức vụ mà tôi nắm giữ, tác phẩm tôi trình diễn, trường tôi chỉ đạo. Trong trường hợp của tôi, chính bài giảng tôi đang giảng cho qúy vị này!

Ở cốt lõi của mọi việc thờ ngẫu thần là tôn thờ bản thân, sùng bái bản thân, tự yêu mình, đặt mình vào vị trí trung tâm và ở vị trí đầu tiên trong vũ trụ, hy sinh mọi thứ khác cho điều đó. Chúng ta chỉ cần học cách lắng nghe chính mình khi chúng ta nói là đủ khám phá ra tên của ngẫu thần chúng ta, vì, như Thiên Chúa Giêsu đã nói, “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12:34). Chúng ta sẽ khám phá có biết bao câu trong số các câu chúng ta nói bắt đầu bằng chữ “Tôi”.

Kết quả luôn là sự vô thần, không tôn vinh Thiên Chúa, nhưng luôn luôn và chỉ tôn vinh chính mình, làm cho cả những điều tốt đẹp, bao gồm việc phục vụ chúng ta dành cho Thiên Chúa và chính Thiên Chúa phải phục vụ sự thành công và khẳng định chính chúng ta! Nhiều cây có thân cao chỉ có một rễ cái, rễ mẹ đâm thẳng xuống dưới thân cây và làm cho cây cứng cáp và không thể di chuyển. Miễn là chúng ta không đặt rìu vào gốc đó, chúng ta có thể chặt hết rễ bên nhưng cây sẽ không ngã. Nhưng không gian đó rất hẹp và không có chỗ cho hai người: hoặc là bản ngã tôi hoặc là Chúa Kitô.

Có lẽ trở về trong chính mình, vào thời điểm này, tôi sẵn sàng nhận ra sự thật này: cho đến nay tôi đã sống phần nào “cho chính tôi”, tôi cũng can dự vào mầu nhiệm vô thần. Chúa Thánh Thần “đã kết án tôi phạm tội”. Nay, phép lạ hoán cải luôn luôn mới mẻ có thể bắt đầu đối với tôi. Như Thánh Augustinô đã giải thích cho chúng ta, nếu tội lỗi hệ việc cong mình về phía chính mình, thì việc hoán cả triệt để nhất hệ ở việc “làm thẳng chính mình lên” và trở lại với Thiên Chúa. Chúng ta không thể làm điều này trong diễn trình một bài giảng hoặc trong một Mùa Chay; tuy nhiên, ít nhất, chúng ta có thể cương quyết nhất định sẽ làm điều đó, và điều này, xét theo một cách nào đó đối với Thiên Chúa, đã như thể chúng ta làm điều đó rồi.

Nếu tôi xếp hàng hoàn toàn về phía Thiên Chúa chống lại “cái tôi” của tôi, thì tôi sẽ trở thành đồng minh của Người; giờ đây có hai chúng tôi cùng nhau chiến đấu chống lại cùng một kẻ thù, thì chiến thắng là điều được bảo đảm. Giống con cá ra khỏi nước, bản ngã tôi vẫn có thể dẫy đành đạch và ngo ngoe chút ít, nhưng nhất định nó sẽ chết. Tuy nhiên, đó không phải là một cái chết mà là một sự ra đời: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:25). Bao lâu “con người cũ” chết đi, điều được tái sinh trong ta là con người mới, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện thực sự (Eph 4:24) – là người đàn ông hay đàn bà mà mọi hữu thể nhân bản đều thầm mơ ước trở thành.

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn nhận ra môt lần nữa nhiệm vụ đích thực của cuộc sống, đó là sự hoán cải của chúng ta.

Theo bản tiếng Anh của Marsha Daigle Williamson

1.Ludwig Feuerbach, “Bài thuyết giảng XX”, Các Bài thuyết giảng về yếu tính tôn giáo, Bản dịch tiếng Anh của Ralph Manheim (New York: Harper & Row, 1967), tr. 187.

2.Xem Friedrich Nietzsche, Khoa học đồng tính # 125, bản dịch tiếng Anh của Walter Kaufmann (New York: Vantage books, 1974), tr. 181.

3. Origen, Bình luận về Thư gửi tín hữu Rôma 1-5, 2, 2, bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Scheck, tập. 103, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2001), tr. 104; PG 14, tr. 873.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chứng Từ Của Một Mục Tử, với cường quyền
Vũ Văn An
04:18 29/03/2019
Với cường quyền



Ở trên đã nói về thái độ của Đức Cha Tạo đối với các chiên ghẻ. Chữ “chiên ghẻ” này chính ngài sử dụng. Còn chữ “cường quyền” dĩ nhiên ngài không dùng tới. Nhưng thái độ của ngài đối với chế độ Hà Nội chứng tỏ ngài coi chế độ ấy đúng là chế độ cường quyền hay bạo quyền.

Những ngày đầu vận động về Bắc Ninh và Hải Phòng của ngài phần nào đã nói lên bản chất chế độ này. Những năm tháng ngày giờ sau đó, dĩ nhiên, càng nói lên bản chất ấy hơn nữa.

Phi giai cấp

Trước nhất, cần nhấn mạnh: Đức Cha Tạo tuân hành mọi chỉ thị của chính quyền thành phố, quận huyện, xã thôn. Ngài chỉ về nhận chức tại hai giáo phận Bắc Ninh và Hải Phòng, sau khi đã có giấy cho phép của các nhà cầm quyền liên hệ. Việc ngài đi “kinh lược” cũng tôn trọng các qui định của họ. Đến đâu, ngài cũng lịch thiệp đến chào nhà cầm quyền địa phương.

Ngày đến nhậm chức tại hai giáo phận, ngài đều lên tiếng khuyên giáo hữu yêu người, yêu nước làm điều lợi dân ích nước, không hơn, chí ít cũng bằng người khác.

Chỉ có điều đã nói sự thật thì ngài nói sự thật đầy đủ, không phải thứ sự thật nửa vời hay trá nguỵ. Vì yêu nước mình không có nghĩa phải ghét nước khác. Yêu người vì họ là đồng bào của mình đã đành, nhưng còn là vì họ là người như mình nữa. Mà đã là người là mình phải yêu, bất chấp giai cấp của họ.

Khổ một điều lúc ấy là lúc cao điểm của đấu tranh giai cấp, một chiêu bài để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tô bóng chế độ, tô bóng chủ nghĩa ngoại lai họ vốn bám vào như lá chắn, như mặt nạ. Nên người Cộng Sản không thể dung thứ cho vị giám mục này được.

Bởi thế, như đã nói, ngày 19-4-1956, Ủy ban Hành chính Bắc Ninh đã cho gọi ngài tới để đả kích chủ trương phi giai cấp của ngài: “Tối hôm tới đây cụ có hô hào đoàn kết bất phân biệt giai cấp đang lúc Chính phủ đấu tranh giai cấp địa chủ?”.

Ngài dõng dạc trả lời: “Những người địa chủ có bóc lột cả đâu mà lên án người ta” Ngài cho rằng phần lớn do chịu khó làm ăn, chắt bóp mà “nên giầu có". Vả chăng họ giầu “lúc chưa có Chính phủ, lúc Chính phủ còn ở đâu đâu ấy, nay lại kết án cho người ta có tội. Giả sử Chánh phủ ban bố Hiến Pháp định rõ từ rày ai làm thế này thế nọ sẽ phạm pháp, dầu vậy, dân vẫn lỗi, làm trái pháp luật, bấy giờ người ta mới đáng tội, không oan. Chứ luật nào cũng chỉ có hiệu lực từ ngày ban bố về sau; chứ chẳng đời nào có giá trị đối với dĩ vãng, với quá khứ. Chánh phủ trước cho phép, Chánh phủ sau bắt tội. Ai khỏi tội được”.

Ngài nhấn mạnh thêm: “Cho rằng địa chủ có tội đi nữa, sau khi chịu phạt rồi nào họ không đáng thương ư? Trong gia đình có người lỗi, cha mẹ phạt đoạn, nào anh chị em có từ bỏ cắt đứt nhau ư?”

Trước phản biện như thế, họ chỉ còn biết đáp lại: “Điều đó cũ quá rồi! Không hợp chính sách, Chính phủ không cho đoàn kết với địa chủ!”

Về Hải Phòng cũng thế, tại Mặt Trận Tổ Quốc khu Tả Ngạn [gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình ngày nay], ngài bị phê phán: chủ trương trả của cho địa chủ, gọi Linh Mục Vũ Xuân Kỷ, chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công Giáo toàn quốc, là Luxiphe, đi đâu cũng không nói chi đến lòng yêu nước.

Ngài không ngần ngại cho họ hay: “đạo Công Giáo chúng tôi dậy không được [lấy] của ai, khi người ta không bằng lòng cho. Hẳn Chính phủ cũng bảo thế chứ, hay là Chính phủ cho phép lấy của người ta khi người ta không cho? Mặt trận, Chính phủ nào lại cho cướp của người ta như thế? Chúng tôi không dậy người với nguyên tắc đó. Ai lấy của, bất cứ thuộc quyền ai phải [trả] cho người ấy, dù người đó là địa chủ hay chăng không can chi”.

Tiện đây, xin nói về việc kết tội địa chủ một số linh mục, trong khi ai cũng biết, tài sản ở giáo xứ không thuộc sở hữu riêng các ngài. Cha già Đa Minh Lương ở Nam Am bị đấu tố vì tội này không rõ vào ngày nào, nhưng ngài chết rũ trong nhà tù ngày 10-7-1956 vì bị bỏ đói. Hơn ba tháng sau, tức ngày 30-10-1956, Đức Cha Tạo về “kinh lược” xứ đạo này, trách cứ giáo dân ở đây về biến cố ấy như sau: “họ nào cũng kêu đó là một số cá nhân gây nên sự việc đó. Người ta là cá nhân, mấy người là cá nhân, còn bao nhiêu người trong xứ là gì, là tôm nhân, cứ co cổ vào như con tôm ấy ư?”.

Tuy nhiên, nhờ thái độ kiên quyết của Đức Cha trước cường quyền, các giáo dân Nam Am đã “đến... xưng tội trống: Tối nào cũng có một số người đứng lên trước mặt mọi người, ngoài số giáo hữu ít ra mỗi tối độ 4.000.00 (bốn nghìn) còn cán bộ, bộ đội cốt cán cũng đến hằng nghìn con người, họ đến xem, đến nghe, đến trinh sát. Người nào cũng muốn thú tội mình trước cho xong mình, an tâm, có lúc đồng thời 2, 3, 4, đứng lên nói một trật, nên cha xứ lại bảo họ để một người nói đã, rồi lại đến người khác, kẻo tranh nhau nói, sinh ra mất trật tự. Công thức họ bắt chước người đầu tiên mà nói thế này:

“ ‘Lạy Đức Chúa Giời Ba Ngôi, lạy Đức Cha, các cha, các thày, thưa các ông các bà cùng anh chị em giáo hữu trong 7 xứ con là mỗ (ở đây họ kể tên thánh, tên gọi, chức phận và người họ nào) trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, con đã trót dại mà đấu cha xứ con. Thằng Đội Cải Cách nó ở nhà con, nó bắt con gọi cha xứ con là “thằng”, con dám vu khống [cha xứ] con đi đón Tây về đóng bốt... Con đổ oan cho cha xứ con bóc lột, cho con cấy ruộng nhà xứ mà thu tô lấy 2/3 số lúa gặt được... Con dám vu cho cha xứ con hủ hoá với con... Bây giờ thú tội con trước mặt Chúa, Đức Mẹ, Đức Cha, các cha, các thày, các ông bà, các anh chị em nhớn bé xin tha cho con, đừng ai dại dột nghe quân gian ác bắt chước con nữa, con xin hứa dốc lòng chừa cho đến chết, dầu phải máu chảy đầu rơi, con cũng quyết tâm không bao giờ dại như thế nữa’".

Và Đức Cha nhận định: “Nếu tôi có ở đấy nửa tháng, hẳn tối nào cũng có một số mấy người xưng tội trống như vậy”.

Còn về Linh mục Vũ Xuân Kỷ, Đức Cha cho họ hay ngài “không phí lời mà nói như vậy. Chỉ mong quý Ban điều tra cho chính xác thôi. Có thuê tiền tôi cũng không hơi đâu thốt ra những câu như vậy kẻo mắc tiếng ‘hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu’” (những người ngậm máu phun người, thì trước hết là họ tự làm bẩn miệng mình). Ngài cho hay: “Chúng tôi... Chỉ ghét cái khuyết điểm chớ không ghét người có khuyết điểm, chỉ giúp cho họ hết khuyết [điểm] mà trở nên con người thiện hảo thôi”.

Lòng yêu nước chân chính

Còn về lòng yêu nước, Đức Cha quả quyết: “Chúng tôi dám cương quyết rằng: chúng tôi luôn luôn giảng yêu nước đến nỗi, ai ngăn cản chúng tôi thi hành sứ mạng này hãy chặt đầu chúng tôi đi đã, chứ bao lâu còn mang đầu trên vai, chúng tôi còn giảng yêu nước. Chúng tôi khuyến khích đồng bào Công Giáo hãy tích cực yêu nước, nêu gương cho đồng bào không Công Giáo. Một khi thấy rõ sự gì ích nước lợi dân, giáo hữu hãy cố gắng làm theo kịp người, chẳng hơn ai thì chớ, ít nữa là bằng, đừng chịu thua mà mang tiếng mà hổ mặt”.

Nhưng yêu nước không có nghĩa là bài ngoại: “yêu nước mình chớ không được ghét nước người. Phải yêu nước khác nữa. Yêu nước mình trước nước khác, yêu nước mình hơn nước khác. Tôi ước sao nước Viêt Nam chúng ta giống như nước Thuỵ Sĩ ấy. Các nước có việc quốc tế thường đến họp ở đấy. Người nước nào đến đấy cũng được tay bắt mặt mừng. Người ở đấy đi đến đâu cũng được tiếp đón niềm nở. Chớ chi nước Việt Nam chúng ta chóng nên giống như thế, tất nhiên lợi về chính trị, kinh tế nữa”.

Giọng điệu đanh thép của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt sau này sao mà giống thế! Và cái “nước” đáng yêu hơn cả chứ không được ghét bỏ chính là Miền Nam Việt Nam. Đức Cha dõng dạc nói với họ: “Chúng tôi thấy... nước Viêt Nam chúng ta ngày nay Bắc nói xấu Nam, Nam bêu xấu Bắc. Chúng tôi làm người dân đâm bi quan thất vọng cuộc thống nhất... Người ngoài nghe thấy Nam Bắc chỉ toàn xấu, cả nước chẳng có gì hay thế này bao giờ bình an”.

Đức Cha rất quan tâm đến các biến cố diễn ra ở chính trường miền Nam như tin đồn Phật Giáo Miền Nam bị “chế độ Ngô Đình Diệm” đàn áp và “Ngày 1-11-1963 lễ Các Thánh. Miền Nam đảo chính. Trung tướng Dương Văn Minh lên nắm chính quyền, ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cả 2 anh em đều bị giết chết”.

Nhưng ngài không theo Mỹ. Thực vậy, ngày 17-9-1964, tại sở Công An Hải Phòng, khi bị tố cáo “không khích lệ đồng bào đứng lên chống Mỹ”, Đức Cha lớn tiếng cho họ hay: “... người Công Giáo chúng tôi làm được sự phải làm là cầu cho tổ quốc nhất là cho các nhà cầm quyền Bắc Nam sáng suốt vô tư, vô tư, vô tư, không ích kỷ, tư lợi, gia đình... (e xúc phạm lòng tự ái, Đức Cha không đụng chạm đến chủ nghĩa, đảng phái)”. Đức Cha tiếp: “Thưa các vị, có phải Nam cũng là đồng bào, Bắc cũng là đồng bào chứ? Về điểm này, các vị có đồng ý với chúng tôi chứ?... chúng tôi không thể trọng Bắc, khinh Nam. Ví như trong gia đình có 3 anh em, anh cả với em út không bình tình với nhau, anh thứ hai muốn dàn xếp, lẽ tất nhiên không thể nghiêng về anh hay về em, kẻo anh lại cho là mình đi với em, em lại coi mình bênh anh, thành thử chỉ thêm khó khăn hơn thôi. Phần tôi chưa gặp người Mỹ nào, nói chuyện với người Mỹ nào bao giờ”.

Với chính trị và nhà cầm quyền

Như đã thưa trên đây, Đức Cha Tạo luôn tỏ lòng tôn trọng các nhà cầm quyền, không hề có một nhận xét hay nhận định sai lệch, có tính tuyên truyền nào chống đối họ; ngài coi họ là nhà cầm quyền của ngài. Thậm chí, ngài chấp nhận quyết định “bất công” của nhà cầm quyền Hải Phòng, khi từ tháng Tư năm 1959 trở đi, “Nhà Chung không nhận số tiền nhà do Uỷ ban quản lý tài sản vẫn đưa trước đây, vì chính quyền nói Nhà Chung không đủ giấy tờ, tuy nhiên ai ai cũng vẫn biết các nhà đó là của Nhà Chung. Chính lý ra thì là của giáo sĩ Tây Ban Nha, theo Quốc tế Công pháp giáo sỹ Tây Ban Nha có đòi, Chính phủ phải trả cho họ. Lúc nào Nhà Chung có đủ giấy tờ hợp pháp, chốc ấy Chánh phủ sẽ trao cho Nhà Chung".

Tuy nhiên, họ luôn chỉ trích, coi ngài như người chống đối họ, qua việc không mời họ tham dự các lễ nghi tôn giáo, nhất là dịp Lễ Giáng Sinh, dù Ủy ban Hành chánh tỉnh Phúc Yên có ngỏ ý muốn tham dự. Trong cuộc gặp gỡ Ủy ban này ngày 23-12-1956, ngài giải thích “không dám mời” vì mấy duyên cớ sau đây:

“ 1. Vì tôn trọng tự do của các vị. Các vị vô thần, chúng tôi tin thờ Thiên Chúa. Mời, các vị không đến, tất nhiên chúng tôi không được hài lòng. Phía các vị, không tin thờ Thiên Chúa, hễ đến dự là chung góp phần vào việc phụng sự, như thế mất tự do của các vị”.

“2. Cuộc lễ nghi thường kéo dài lâu giờ, mà trầu không được ăn, thuốc không hút, rượu không được uống, chuyện không được nói. Quả là phiền”.

“3. Đã mời các vị không nhẽ xếp để các vị ở chỗ sau mọi người, hẳn phải để các vị lên hàng danh dự, hàng đầu. Có lúc ngồi, có lúc quỳ, có lúc đứng. Gặp chỗ đứng, các vị lại ngồi, gặp lúc quỳ các vị tự bảo mình: ‘Tôi có tin thờ chi đâu sao lại quỳ thờ lạy’ nên các vị cứ đứng hoặc cứ ngồi, gây thắc mắc phân tâm cho giáo hữu. Thế có phải bất tiện chăng?”

“4. Các cuộc lễ nghi Công Giáo, quen có bài giảng (diễn thuyết). Khi nói dẫn đến tín điều, đến bổn phận người Công Giáo, tin có thiên đàng, hoả ngục, ai theo giữ đạo, được lên thiên đàng, chẳng vậy phải sa hoả ngục. Các vị lại đánh giá cho rằng mời mình đến để mạt sát bảo mình phải sa hoả ngục. Như thế quả kính không bõ phiền!”

Còn về chính trị, ngày 29-12-1956, trước lời phê phán của Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh “các ông giảng cấm giáo dân gia nhập đoàn thể chính trị”, Đức Cha Tạo đã tuyên bố rằng: “Tôi cũng đã nói rõ, giáo dân có quyền tham gia hoạt động chính trị; hơn nữa về lợi ích của Tổ quốc, của Giáo hội, có trường hợp bó buộc phải tham gia nữa kia đấy. Nhưng nên nhớ, người Công Giáo lấy tư cách công dân, cá nhân mình mà hoạt động chính trị, mình gánh hoàn toàn trách nhiệm, chứ không phải mình đại diện cho Giáo hội. Giáo hội không liên quan gì, không gánh tý trách nhiệm nào về hoạt đông chính trị của họ. Lại nữa họ phải theo tôn chỉ Phúc Âm, ngược lại đó là lỗi luật Công Giáo. Hành vi hoạt động nào bất công vô nhân đạo là không được phép. Họ phải sáng suốt kẻo hại dân hại nước, hại đạo. Họ có bổn phận mưu ích nước lợi dân vinh danh Thiên Chúa cùng Giáo hội, mới tròn nhiệm vụ”.

Đức Cha Tạo ít khi nói đến chủ nghĩa Cộng Sản. Ngài chỉ đề cập đến nó khi bị cật vấn. Như hôm 7-1-1957, trước Ủy ban Hành chính Hải Phòng, được cật vấn, ngài xác nhận: “Có điểm này là lúc tiếp xúc với giáo dân, người ta có trình hỏi về cộng sản vô thần là thể nào? Chúng tôi giải thích cho họ rõ: Công sản không tin có thần thánh linh hồn thiêng liêng, chỉ nhận có vật chất thôi... là duy vật sử quan, duy vật biện chứng... Tôi không giảng bảo giáo dân rằng: ‘Cộng sản cấm đạo, Chính phủ cấm đạo, mà cho rằng có cấm đạo nữa chăng, bao lâu còn đầu trên vai, tôi còn giữ đạo, còn giảng đạo”.

Mấy năm sau, ngày 11-2-1964, trước Ủy ban Hành chính Hải Phòng, trước lời tố cáo “các cụ cứ cho là cộng sản, các cụ không cần nói tới chứ gì”, Đức Cha quả quyết: “Chúng tôi không hề có thành kiến thế đâu, chúng tôi chỉ nhận thức chính quyền bất cứ chính quyền ở trong tay ai. Xưa kia chính quyền có phải Công Giáo đâu, có khi các nhà cầm quyền là vua quan Phật giáo, Khổng giáo, Tam điểm; chúng tôi vẫn tôn trọng như người Công Giáo nắm chính quyền vậy chứ có kém chi”.

Tuy nhiên, chỉ mấy tuần lễ sau, ngày 18-4-1964, nhân nói với luật sư bào chữa cho cậu Hiển về tội lưu hành Thông Điệp Mẫu Sư (Mater et Magistra), sách báo tài liệu Công Giáo, Đức Cha Tạo không ngần ngại nói rõ: “Công Giáo tin có Thượng đế có thần linh, người Cộng sản không tin gì cả, chỉ nhận vật chất thôi; lẽ tất nhiên, ai là Công Giáo thời không là Cộng sản được, một người không thể vừa là Công Giáo vừa là cộng sản”.

Ra tòa

Người như Đức Cha Tạo không thể nào không ra tòa “công lý” của cộng sản, ngoài các hạch hỏi liên tục của Ủy ban Hành chính và Mặt trận Tổ quốc cũng như Công an Thành Phố.

“Ngày 16-8-1957, đúng 2 giờ chiều (14 giờ) tôi phải ra Toà Án Nhân dân thành phố Hải Phòng chịu tra hỏi về việc in văn bằng, bằng khen và tờ tuyên xưng đức tin” mà không xin phép.

Liên tiếp trong 3 ngày 16, 17 và 18, Đức Cha liên tục tự bào chữa: không xin phép “vì đó chẳng phải sách báo bán cho mọi người ai mua cũng được”. Không thấy Tòa kết án chi.

Tuy thế, ngày 24-8-1957, ngài lại đến Toà Án Nhân dân Hải Phòng một lần nữa. Lần này họ hạch hỏi về quyết nghị của các Bề Trên địa phận và Đức Khâm Sứ Toà Thánh ký ngày 12-3-1955 và việc Đức Cha nhận được bản sao ngày 16-9-1956. Đây là các văn kiện nói về Ủy ban Liên lạc Công Giáo.

Ngài xác nhận có nhận được các văn kiện trên và tống đạt cho thi hành. Nhưng không phải “dùng thần quyền ức nạt ai cả! Đạo chúng tôi hoàn toàn tự do, sáng người ta đi đạo, chiều người ta bỏ đạo cũng mặc. Chúng tôi không làm gì hại họ đâu. Ai theo đạo tức phải thi hành tôn chỉ đạo mới được quyền hưởng ân huệ của đạo, có tùng phục chúng tôi mới được đòi chúng tôi tác phúc cho. Ngược lại không tuân luật đạo, không phục tùng chúng tôi, chúng tôi sẽ không còn quyền chi với họ, không làm gì cho họ được ích nữa. Chúng tôi có làm chi chăng nữa họ cũng chẳng được hưởng thụ kết quả tới bởi việc chúng tôi làm theo ý họ”.

Đức Cha cho rằng việc ấy, trong một chế độ tự do tín ngưỡng, không có tội gì. Vì ngài có phạm đến tự do của ai đâu: “ai tin theo thì phải giữ đạo, không giữ đạo, tôi phải theo quyền tự do tín ngưỡng của tôi mà thi hành với người ấy”.

Ngài vặn hỏi: “Chính phủ có bảo vệ tự do tín ngưỡng của tôi không?”. Tòa trả lời: Có. Vậy thì “sao lúc tôi dùng quyền tự do tín ngưỡng của tôi để thi hành nhiệm vụ, chính quyền lại kết án cho tôi là lỗi?”

Ngoài ra, Đức Cha còn dựa vào nguyên tắc bất hồi tố của Luật để bác bỏ luận điểm của Tòa Án Nhân Dân Hải Phòng: “Lại nữa, văn kiện của tôi có trước sắc lệnh tự do hội họp. Quyết nghị các Bề Trên được ký từ 12-3-1955 mãi đến 14-6-1955 mới ban hành sắc lệnh ‘Tự do tín ngưỡng’. Quý toà thông cảm cho. Luật không bao giờ có giá trị lộn ngược (la loi n’a jamais la valeur rétrograde). Những quyết nghị đó không do tôi tạo ra, bèn đã ban bố trước, tôi có nhiệm vụ thi hành thôi”.

Cũng không thấy Tòa tuyên phán ra sao, chỉ thấy ngài ghi: “Quãng 11 giờ, người trong toà án đưa tôi đi lối cửa nách, không ra cửa chính”.

Và sau đây là phản ứng của “nhân dân” cả lương lẫn giáo: “Vừa trông thấy tôi, giáo hữu cùng với mọi người bên lương ở trước sân toà án hoặc những ai ngược xuôi qua gần đấy cùng chạy xô đến. Tôi phải dừng lại cho mấy người hôn nhẫn. Mọi người dân có đạo dù không đều quỳ giữa phố để tôi giơ tay làm phép cho.

“Thì ra được tin Toà Án đòi tôi, giáo hữu gần xa bỏ cửa nhà từ 10 cây số họ đến trước sân của toà án nghe xem sự việc ra sao. Lúc đó có nhân viên Uỷ Ban Quốc Tế Giám Sát Kiểm sát xem cùng chụp hình nhưng có công an đến can ngăn không cho chụp...”

Thực ra Đức Cha chỉ chống Ủy ban Liên lạc Công Giáo vì họ lạm dụng danh nghĩa Công Giáo mà thôi, chứ thực ra, ngài cho Trần Xuân Bách, Trưởng Ban Tôn giáo Trung ương ở Thủ tướng phủ, hay: “Uỷ ban Liên lạc Công Giáo cứ đứng lập đạo riêng ra là yên truyện, chúng tôi không đả động chi”.

Ngài cho biết thêm: “Ngày 3-11-1957, Ông Trần Xuân Bách phái ông Nguyễn Ngọc Thanh đem thư Latinh gửi cho tôi đại ý nói hãy tin tưởng ở ông... Tôi đáp lại bằng Latinh: tôi chỉ mong làm người công dân tốt, ước mối quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền tốt thêm lên”.

Nhưng nào có yên. “Ngày 3-12-1957, tôi lại bị giấy Toà Án đòi phải có mặt 7 giờ 30 ngày hôm sau 4-12-1957... Lần này tôi đến, cũng bị hỏi qua loa, chỉ nhấn mạnh hỏi tôi có chống lại Chính phủ và có nhận rằng quyết nghị của các Đấng Bề Trên địa phận có Đức Khâm Sứ là trái với sắc lệnh của Chánh phủ. Tôi trả lời không chống đối gì. Còn quý toà cho tôi là chống đối, mà xử thế nào tôi cũng vui lòng. Nếu tự do tín ngưỡng thời quyết nghị đó không trái, bằng chẳng vậy nó có trái nhưng nó có trước, còn sắc lệnh Chánh phủ ban bố sau. Không lý luận tội trước khi có luật...”

Phá thai, giáo dục, tuyên úy

Những phạm vi khác dĩ nhiên cũng đã được Đức Cha Tạo lưu ý. Lễ giáng sinh 1962, ngài đề cập tới nạn phá thai hợp pháp ở Việt Nam: “phong trào huỷ thai, nó vô nhân đạo, ác dữ hơn lang sói. Lang sói không giết con nó, cha mẹ giết con còn trong lòng, nó là con của ruột thịt mình, nó là của mình yêu đương lại đem giết đi. Chi ác dữ vô nhân bằng!”.

Người ngoại giáo khi nghe lời giảng ấy, đã phát biểu như sau: “Ông cụ đạo thế nào có ngày bị đưa ra Toà án chẳng khỏi. Người khác nói: Thế mới biết nhà đạo người ta hành động vì nhân dân, ngoài ra chỉ vì danh lợi ích kỷ thôi, chứ chả bảo làm cách mạng vì dân vì nước gì cả đâu; cách mạng thành công là tranh nhau ăn trên ngồi trốc cưỡi đầu cưỡi cổ người khác. Đàng này nhà đạo, ông cụ già đi tu, nói lên điều hữu ích cho dân nước, ông ấy chẳng được gì, nhưng có bị nạn chỉ mình ông ấy chịu thôi, ai biết đấy là đâu, ai ơn nghĩa chi trả cho ông ấy đâu. Đời thuở nào lại ủng hộ, kích thích huỷ diệt con trong bụng. Nào không phải cha mẹ tự giết con mình đấy ư?”

Về việc giáo dục ngày 29-12-1962, Mặt Trận Tổ Quốc hỏi “Sao trước kia trường nhà đạo, theo chương trình Chánh phủ, bây giờ lại không theo? Để nhân viên Chánh phủ dạy Sử và Khoa Học, sao Nhà Chung không muốn?.
Đức Cha đáp: Thực ra Chủng Viện trước đây không dậy theo chương trình Chính phủ. Chỉ ai muốn đi thi mới tự động học theo chương trình của Chánh phủ thôi. Còn việc “dạy chữ, dạy khoa học, nếu không gặp nhời giải thích, chỉ thuần tuý, chốc ấy ai biết mà dạy cũng tốt cả thôi. Linh mục dạy hay vị khác dạy cũng không có gì trở ngại. Nhưng góp ý kiến, giải thích, phê bình nó có lúc ngược lại với nhau đến 180 độ. Đơn cử như thuyết người bởi khỉ”.

Tại sở Công An Hải phòng ngày 17-9-1964, ngài được Sở cho nghe “bản thông tin 393 nói về sự mở trường tư thục phải theo chương trình nhà Nước: mở trường đào tạo người hoạt động trừ những môn riêng về tôn giáo, còn các môn khác phải theo sự chỉ đạo của Bộ quốc gia Giáo dục. Dạy giáo lý ngắn kỳ, kinh bổn phải xin phép. Cấm phòng không phải xin phép song phải báo với chính quyền trước. Thông tư này do phó thủ tướng Phan Kế Toại ký 10-12-1957. Rồi đọc đến thông tư bổ sung do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký 116-1964 tuyển học sinh vào trường tôn giáo phải được nhân dân nhận xét cho phép. Chịu chức phải có chính quyền xét duyệt tuỳ hoạt động nơi huyện, tỉnh hay khu gồm nhiều tỉnh, phải được huyện, tỉnh khu xét duyệt”.

Về vấn đề tuyên úy quân đội trước đây mà người ta vốn tố cáo là “quan ba, quan tư” đeo súng sát hại nhân dân mà vẫn được choàng áo làm lễ, Đức Cha cho biết: thực ra các ngài vào làm tuyên úy quân đội là để lo việc “phần hồn” cho các binh sĩ và gia đình họ, không hề cầm súng bắn giết ai. Nay nếu chính phủ cần người để lo cho phần hồn các binh sĩ và gia đình họ, các linh mục Công Giáo sẽ sẵn sàng đáp ứng, còn “lon lá” là điều phụ thuộc, không cần thiết. Ngài còn nhấn mạnh: Chính Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng từng làm tuyên úy quân đội.

Người ta cũng xa gần nói đến biến cố “theo tây” của Đức Cha Tạo khi bị người Pháp buộc phải về Tu Vũ với họ. Thậm chí có kẻ còn cho là ngài lập bót, sát hại đồng bào. Việc này dường như đè khá nặng lên tâm hồn Đức Cha, đến nỗi, nhân việc Lê Minh, Trưởng Công An Hải Phòng, ngày 17-9-1964, hứa sẽ cho phép một số linh mục ở giáo phận khác về làm giáo sư chủng viện Hải Phong “miễn là linh mục nào được đề nghị đến đây phải là linh mục tốt, chứ không phải những người đã đứng lập bốt, nợ máu phải trả nợ trước nhân dân", Đức Cha Tạo nhận định: " (nói đến đây, Đức Cha Tạo nghĩ đến cái thành kiến, nhiều lần người ta coi như Đức Cha Tạo, đã theo quân đội Liên Hiệp Pháp đi ở bốt Tu Vũ). Đức Cha làm thinh không thanh minh gì”.

Nhưng sau đó, ngài đã dành phần lớn chương 18 để nói về biến cố này. Và chương 18 là chương chót của cuốn “Chứng Từ Của Một Mục Tử”. Rất có thể ngài còn tiếp tục viết nữa, nhưng hiện nay, không biết những phần tiếp tục này đang lưu lạc phương nao.

Lời hứa hẹn của Lê Minh chỉ là một bánh vẽ vì những vị linh mục mà ngài muốn mời về giảng dạy cho các chủng sinh Hải Phòng chắc chắn sẽ không được hắn cho về. Cha Nguyễn Hân Quynh là một bằng chứng hùng hồn: quản chế hết 3 năm lại tiếp tục thêm 3 năm nữa vì không có “tiến bộ” nào.

Nói tóm lại cường quyền cộng sản luôn tìm cách gây trở ngại để ngài không thi hành được sứ mệnh. Việc họ xúi bẩy người của Ủy ban Liên lạc Công Giáo đến quấy phá Đức Cha và các cha tại tòa Giám Mục đã được chính những người này nói rõ. Thực vậy, ngày 18-1-1961, quấy phá không xong, bọn này nói với nhau “Thôi, hay là chúng ta kêu với chính quyền để chúng ta về nhà sản xuất vậy”. Và Đức Cha nhận định: “(Câu này chứng tỏ họ biết việc chính quyền làm và việc họ làm không phải họ tự động)”. Trước đó, ngày 19-1-1960, thấy đuối lý trước các giải thích của Đức Cha, một người trong bọn nói: “Ở nhà học như thế mà đến đây làm hỏng cả”.

Ngoài việc dùng Ủy ban Liên lạc Công Giáo để liên tiếp quấy rối, gây trở ngại, họ liên tục bắt ngài và các cộng sự ra Ủy Ban Hành Chánh, Mặt Trận Tổ Quốc, Sở công an Thành Phố Hải Phòng để hạch hỏi quanh quẩn cùng những vấn đề đã được ngài giải thích cặn kẽ. Ngoài ra, nơi ở của ngài cũng bị lục lọi, kiểm soát không ngừng. Có tháng đến hai ba lần. Khám phá một vi phạm nhỏ là phạt hành chánh thường là bắt nộp gạo, khiến nhiều ngày Đức Cha phải ăn cháo.

Tóm lại, họ “đánh” Đức Cha Tạo bằng nhiều đòn: chặt đứt “tay chân” bằng cách bắt giam người cộng sự thông minh, năng nổ; tấn công gân não qua các cuộc liên tiếp hạch hỏi, quấy phá nhằm làm kiệt quệ tinh thần và cả thể xác qua việc tước mất phiếu mua gạo trong một xã hội lấy gạo làm thước đo, như lời Thi Sơn, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Hải Phòng, nói với Cha Chính Hiệp trong bữa tiệc đãi phái đoàn Tiệp Khắc “Cụ sơi khoẻ đi, bữa hôm nay tiêu chuẩn mỗi người chúng ta 25 cân gạo đấy”. Đức Cha nhận xét: “Năm 1961, 1962, chúng tôi mỗi tháng được đong 13 cân vừa gạo, vừa ngô (bắp). Một bữa của mỗi vị dự tiệc bằng tiêu chuẩn mỗi người chúng tôi ăn được 2 tháng”.

Nhưng lẽ dĩ nhiên, Đức Cha Tạo vẫn vững tay lái điều khiển con thuyền Giáo Phận Hải Phòng, dù “quý toà cho là có tội, xử lý làm sao, tôi chịu vui lòng cả”.

Kỳ tới: Tấm lòng Mục tử
 
Văn Hóa
Ngày trở về
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:44 29/03/2019
Ngày trở về

Người nào đi xa cũng có lúc mong tới có ngày trở về nơi chốn quê cũ của mình.

Nghĩ đến ngày trở về niềm vui mừng mong chờ rộn lên trong tâm trí. Vì sắp gặp gỡ lại người thân yêu đã lâu ngày xa vắng, gặp sống lại những kỷ niệm nơi quê hương ngày xưa đã sống trải qua…

Trở về có niềm vui thành công trong đời sống từ khi đi xa quê nhà, càng làm cho ¤người ở quê nhà có thêm niềm vui.

Nhưng cũng có người ái ngại lo lắng cảm thấy nặng nề khi nghĩ đến ngày trở về. Vì hoàn cảnh hiện tại đời sống không đạt được thành công, không có mấy niềm vui…và không biết mình trở về có là sự khó chịu, khó nghĩ gánh nặng vướng trở cho người khác không? Và vì thế, có không ít người vướng vào hoàn cảnh này, nên rất ái ngại ngượng ngùng do dự về ngày trở về…

Trong đời sống những hòan cảnh tươmg tự như vậy không là hiếm hoi.

Một người trẩy đi xa với lòng phấn khởi đi lập sự nghiệp mới, nhưng chẳng may bước đường đời sống không thành công, vướng vào bước đường cùng…họ muốn quay trở về lại quê nhà cũ với cha mẹ, anh em, bạn bè, nhưng ái ngại. Vì lo âu sợ mất thể diện cho gia đình, cho bản thân nữa…

Bạn trẻ lớn lên xây dựng con đường đời sống chẳng may không đạt thành công về học hành, về nghề nghiệp, về hôn nhân gia đình…như lòng mong ước, như cha mẹ cầu mong ước nguyện. Bước đường trở về với gia đình không biết cha mẹ, anh chị nghĩ sao…Và nhiều cha mẹ gặp hoàn cảnh như thế cũng rất lo lắng ái ngại không biết phải đối xử ra sao nữa…

Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn chất chứa hình ảnh cho hoàn cảnh vừa thương tâm vì thất bại, vừa khó xử như thế: dụ ngôn người con hoang đàng trở về nhà. ( Lc 15,11-32).

Người con bỏ nhà ra đi sống một đời sống hoang đàng phung phí của cải, mà anh đã nhận được từ gia đình. Và sau cùng gặp khủng hoảng thất bại, đến độ trở thành người đói rách. Anh nghĩ đến nhà, muốn trở về, nhưng rất ái ngại không biết sẽ ăn nói với cha mình làm sao. Nhưng sau cùng anh can đảm trở về nhà, để cầu xin sự tha thứ của cha mình, vì đã phạm tội lỗi chống lại Trời và cha mình.

Anh ta là hình ảnh của một người gặp bước đường thất bại khốn cùng, và đã với lòng hối lỗi trở về nhà xin cha mình tha thứ cho. Đây là hình ảnh của con người vướng mắc vào tội lỗi trở về cùng Chúa xin ơn tha thứ.

Điều đã xảy ra khiến anh không ngờ được. Cha của anh ra đón anh trở về nhà. Ông không trách móc sao con lại ra nông nỗi thất bại khốn cùng như thế này.

Trái lại người cha cảm động xao xuyến hân hoan vui mừng đón con mình trở về với chan chứa tình yêu thương phụ tử. Ông không nói gì đến qúa khứ của người con, và còn cho tổ chức tiệc ăn mừng đón con trở về.

Người cha đây là hình ảnh chan chứa tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa.

„ Các Thánh Giáo phụ đã cắt nghĩa hiểu dụ ngôn: người con trở về là hình ảnh con người chúng ta như một „ Adong“ được Thiên Chúa đón nhận cho vào nhà của Ngài, sau khi đã phạm tội. Trong dụ ngôn người cha sai lấy áo choàng mặc cho người con trở về. Theo các Giáo phụ „áo choàng thứ nhất“, mà nguyên thủy con người từ khi được tạo dựng được mang mặc khi xưa, đã đánh mất vì phạm tội lỗi luật Thiên Chúa. Bây giờ tấm „áo choàng thứ nhất „ được trao ban lại cho, tấm áo choàng của Con Thiên Chúa.

Bữa tiệc ăn mừng là hình ảnh của lễ mừng đức tin, thánh lễ tạ ơn trọng thể.

Người cha ra đón con trở về „ ôm hôn con mình“ ( Lc 15,20) Thánh Augustino cắt nghĩa“ Bàn tay người cha là người con“. Và Thánh Irenaeus cắt nghĩa đôi tay của người cha đặt trên vai người con là hình ảnh nói về Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: tình yêu thương và ơn tha thứ… ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI. JESUS von Nazareth I., Herder2007, chương 7., trang 242-247).

Hình ảnh người cha nhân hậu đầy tình yêu thương với người con sống đi hoang phạm tội lỗi trở về trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, mời gọi mọi người tìm đến tham dự vào tiệc vui mừng sự sống , mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá đã tạo dựng ban cho mỗi người con đường đời sống.

Và phải chăng cung cách đối xứ của người cha đầy lòng nhân hậu tình yêu thương không xét đến qúa khứ, đến thể diện bên ngoài là hình ảnh gương mẫu, hay lời khuyên giải giúp cho con người chúng ta phải xử sự khi vướng gặp hoàn cảnh khúc mắc khó xử trong đời sống giữa con người với nhau.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha bác bỏ những chỉ trích nhắm vào ngài trong cử chỉ hôn nhẫn tại Loreto
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:12 29/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã đưa tin lúc 8g sáng thứ Hai 25 tháng Ba, Lễ Thiên thần Truyền tin cho Đức Bà Maria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi hành bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Vatican để bay đến Đền Thánh Đức Mẹ Loreto cách Vatican 280km về phía Đông Bắc.

Tại đây, lúc 9g45, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ trong Nhà Thánh.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ký Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, có tên là “Vive Cristo, esperanza nuestra”, có nghĩa là “Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta”.

Sau nghi thức này, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin trong đền thánh.

Các Giám Mục trong miền Marche, các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin, các nữ tu trong vùng và cả một số anh chị em giáo dân đã có dịp chào Đức Thánh Cha trong đền thánh từng người một. Khi tiến đến Đức Thánh Cha, theo truyền thống, những người may mắn có vinh dự này sẽ cúi xuống hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ đeo bên tay phải của ngài. Cử chỉ này là một hành động tôn kính không chỉ đối với bản thân Đức Thánh Cha, mà còn đối với Chúa Kitô và Thánh Phêrô mà ngài đại diện, và mang lại ân xá cho người thực hiện cử chỉ đó.

Một đoạn video kéo dài một phút do thông tấn xã Reuters tung lên Youtube cho thấy đôi khi Đức Thánh Cha dùng tay trái che lên tay có đeo nhẫn để ngăn không cho hôn nhẫn, thậm chí có khi ngài rụt tay về phía sau.

Catholic Herald, trong bản tin hôm 26 tháng Ba, cho biết “Reuters trích dẫn lời một phụ tá gần gũi với Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha cảm thấy ‘buồn cười’ trước cử chỉ này”.

Đoạn video do thông tấn xã Reuters tung lên được tán phát nhanh chóng trên Internet, từ chuyên môn gọi là “go viral”, với hàng triệu người xem trong vài giờ, và không ít những lời bình luận từ hoang mang cho đến công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng không có lòng tôn trọng các truyền thống và các tín hữu.

Sau khi Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh từ chối bình luận về chuyện này, đã xảy ra cả các tin giả cho rằng không phải một phụ tá gần gũi với Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha cảm thấy ‘buồn cười’ trước cử chỉ này; nhưng chính Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy ‘buồn cười’ trước cử chỉ đó. Tin giả này gây thêm nhiều hoang mang.

Vì thế, hôm thứ Năm, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã lên tiếng giải thích như sau theo tường thuật của ký giả Nicole Winfield của thông tấn xã AP.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh xác về lý do tại sao ngài che lại tay đeo nhẫn khi đám đông người xếp hàng tuần này để hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ của ngài: đó là vì sợ lây lan vi trùng.

Phát ngôn viên lâm thời của Vatican, Alessandro Gisotti, cho biết hôm thứ Năm rằng Đức Phanxicô quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Sau khi chào hỏi hàng chục người trong một hàng dài những người đến chào ngài hôm thứ Hai tại Loreto, ngài bắt đầu dùng tay trái che lên tay phải để ngăn mọi người hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ của mình.

Video về vụ việc đã lan truyền nhanh chóng trên Internet, trong đó các nhà phê bình bảo thủ giận dữ cho rằng Đức Giáo Hoàng thiếu lòng tôn trọng đối với truyền thống và đối với những tín hữu muốn tôn vinh truyền thống ấy.

Gisotti cho biết hôm thứ Năm, ông vừa nói chuyện với Đức Giáo Hoàng về điều đó, và Đức Phanxicô đã trả lời rằng không phải như thế đâu.

“Đức Thánh Cha nói với tôi rằng động lực của ngài rất đơn giản: đó là vấn đề vệ sinh,” ông Gisotti nói với các phóng viên. “Ngài muốn tránh nguy cơ lây bệnh cho người dân, chứ không phải cho ngài.”

Truyền thống hôn nhẫn của một Giám Mục hay của Đức Giáo Hoàng đã có từ hàng thế kỷ, như một dấu hiệu của sự tôn trọng và vâng phục.

Gisotti lưu ý rằng Đức Phanxicô rất hạnh phúc khi người ta hôn nhẫn ngài trong các nhóm nhỏ, nơi ít có khả năng lây lan vi trùng, như ngài vẫn thuờng làm trong các buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần, khi một số ít người xếp hàng ở cuối buổi triều yết chung có cơ hội chào đón ngài.

Một số người cúi xuống hôn chiếc nhẫn của ngài, và Đức Thánh Cha Phanxicô kiên nhẫn chờ đợi.

“Tất cả các bạn đều biết rằng ngài có niềm vui lớn trong việc gặp gỡ và ôm hôn mọi người, và được họ ôm ấp,” Gisotti nói thêm.

Đức Phanxicô được nhiều người yêu mến vì thường vui vẻ ôm hôn những đứa trẻ được trao cho ngài, và ngay cả những người khuyết tật với những hình hài khiến nhiều người phải tránh xa.

Tưởng cũng nên nói thêm, việc chào thăm Đức Thánh Cha từng người một của dòng người may mắn ở Loreto kéo dài đến hơn 13 phút chứ không phải chỉ có hơn một phút như trong đoạn video do thông tấn xã Reuters tung lên Youtube.

Theo thông tấn xã Catholic News Agency (CNA), phong tục hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục là một cử chỉ tôn kính trong Giáo hội có từ rất lâu đến mức không ai nhớ nổi bắt đầu từ lúc nào, nhưng có khả năng bắt đầu từ cuối thời Trung cổ. Cha Roberto Regoli, giáo sư lịch sử Giáo hội đương đại tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô cho biết như trên.

Ngài nhấn mạnh rằng việc hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng “thể hiện lòng sùng kính không phải đối với bản thân Đức Giáo Hoàng, nhưng cho những vị và những gì ngài đại diện: bao gồm sự kế thừa ngai tòa của người ngư dân Galilê xưa”, và nói lên “lòng trung thành và tình yêu đối với Giáo Hội.”

Cử chỉ hôn nhẫn này, người Ý thường gọi là “baciamano”, theo nghĩa đen có nghĩa là “hôn tay”. Tuy nhiên, cha giáo Regoli cho biết từ đó không chính xác, đúng ra là hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Giáo Hoàng.

Theo cha giáo Regoli, phong tục hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ bắt đầu rất sớm trong lịch sử Giáo Hội, và đã được hệ thống hóa vào thế kỷ 15 trong một văn bản về các nghi lễ giáo hoàng.

Theo thông lệ, các tín hữu hôn chiếc nhẫn của một giám mục, vì sự tôn kính đối với phẩm giá của ngài như là một người kế vị các thánh tông đồ, và hôn bàn tay của một linh mục, vì nó đã được xức dầu thánh hiến để dâng Thân thể Chúa Kitô cho giáo dân tôn kính trong các thánh lễ.

Chiếc nhẫn Ngư Phủ là một trong một số những chiếc nhẫn Đức Giáo Hoàng thường đeo bên tay phải. Nói là "một trong một số những chiếc nhẫn" vì có khi ngài đeo nhẫn giám mục của mình. Chiếc nhẫn có tên là “chiếc nhẫn Ngư Phủ” vì trên đó khắc hình ảnh của Thánh Phêrô như một ngư dân, như một thiết kế tiêu chuẩn vào giữa thế kỷ 15.

Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Tứ đã dùng chiếc nhẫn này làm con dấu sáp trong ít nhất là hai lá thư của ngài được ấn ký vào năm 1265 và 1266. Nhìn chung, chiếc nhẫn Ngư Phủ thường sử dụng làm con dấu sáp trong các thư riêng của Đức Giáo Hoàng thay cho con dấu chì chính thức được sử dụng cho các tài liệu giáo hoàng trang trọng.

Vào năm 1842, việc sử dụng nhẫn như con dấu sáp đã được thay thế bằng một con tem, nhưng đó chỉ là một nhiệm ý, các vị Giáo Hoàng vẫn có thể dùng chiếc nhẫn Ngư Phủ để đóng dấu. Vì thế, mỗi vị Giáo Hoàng vẫn nhận được một Chiếc nhẫn Ngư Phủ độc nhất cho riêng ngài khi bắt đầu triều giáo hoàng. Chiếc nhẫn sau đó bị phá hủy ngay sau khi ngài qua đời để tránh có người dùng nhẫn ấy để ngụy tạo các văn bản của vị Giáo Hoàng quá cố.

Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013, và sau khi ngài chấm dứt triều Giáo Hoàng của ngài hôm 28 tháng Hai, 2013, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, trong tư cách là Hồng Y Nhiếp Chính, đã cắt chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Bênêđíctô thành 115 miếng nhỏ, tương ứng với số 115 Hồng Y cử tri.

Vào đầu thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Piô X đã truyền ban ơn tiểu xá cho những ai hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ. Vì thế, truyền thống hôn Chiếc nhẫn Ngư Phủ đã trở nên thịnh hành.

Cha Regoli giải thích rằng truyền thống hôn Chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Giáo Hoàng còn trở nên thịnh hành hơn trước đó nữa sau khi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục loại bỏ các hình thức thể hiện sự tôn kính và vâng phục Đức Giáo Hoàng như hôn chân, vai và má của Đức Giáo Hoàng.

Cha Johannes Grohe, một giáo sư về lịch sử Giáo Hội tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, nói với CNA rằng cho đến nay cử chỉ kính chào một giám mục với việc hôn chiếc nhẫn của ngài để bày tỏ lòng tôn kính phẩm giá giám mục của ngài vẫn còn “khá phổ biến” trong Giáo Hội.

Trong quá khứ, “cử chỉ này được đi kèm với việc cúi đầu hoặc bái gối,” cha Grohe nói. Tuy nhiên, “trong khi việc hôn nhẫn giám mục trong một cử chỉ chào đón chính thức vẫn đang được sử dụng rộng rãi, việc bái gối rất ít xảy ra.”

Theo CNA, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như không đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ đó tại Loreto hôm 25 tháng 3. Cơ quan truyền thông Công Giáo này nhận xét rằng Đức Phanxicô thường chỉ đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ trong các nghi lễ được cử hành tại Đền Thờ hay Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài thường chỉ đeo chiếc nhẫn giám mục của ngài trong các dịp khác.


Source:AP
 
Đức Thánh Cha xưng tội trong buổi Phụng Vụ Thống Hối 24 giờ cho Chúa tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:09 29/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Sáu, 29 tháng Ba, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa, là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Năm nay là năm thứ sáu, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Tôi cũng không lên án chị đâu”. (Ga 8:11). Cử hành này sẽ được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng hình ảnh của Chúa Giêsu, không giống như đám đông tập hợp để phán xét và lên án người phụ nữ ngoại tình, nhưng Ngài đưa ra lòng thương xót vô hạn như một cơ hội cho ân sủng và cuộc sống mới.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa mời gọi cả thế giới đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Phụng Vụ Thống Hối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ bắt đầu sáng kiến tuyệt vời này. Từ khi bắt đầu ở Rôma, sáng kiến này giờ đây đã là một phần thiết yếu trong Mùa Chay tại các giáo phận trên khắp thế giới với mong muốn kết hợp thiêng liêng với Đức Thánh Cha nhằm đưa ra tất cả khả năng cho một kinh nghiệm cá vị về lòng thương xót Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đang làm dấu bắt đầu buổi cử hành Phụng Vụ.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Amen.

Xin lòng thương xót và bình an của Chúa Kitô ở cùng tất cả anh chị em.

Và ở cùng cha.

Anh chị em, thân mến hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu do lòng thương xót của Ngài đang nói những lời tha thứ cho chúng ta và mời gọi chúng ta hoán cải. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình để ân sủng của Thiên Chúa có thể hoạt động trong chúng ta. Chúng ta hãy giao phó anh chị em chúng ta cho Người, đặc biệt là những người đã rời xa Thiên Chúa, để trong hai mươi bốn giờ đặc biệt dành riêng cho việc tôn thờ này và hòa giải này trong toàn thể Giáo hội, họ có thể nghe thấy tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi: “Tôi cũng không lên án bạn đâu; hãy đi và từ giờ trở đi đừng phạm tội lỗi nữa.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây cộng đoàn đang yên lặng cầu nguyện.

Bài đọc Một.

Bài trích sách tiên tri Isaia

Đây là lời ĐỨC Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: - tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.

Người phán như sau: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.

Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?

Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.

Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.

Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.

Đó là Lời Chúa.

Đáp Ca:

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương.

Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương.

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương.

Người xử công minh cả với đời con cháu, cả những ai giữ giao ước của Người

và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.

Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm, quyền đế vương bá chủ muôn loài.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương.

Câu xướng trước Phúc Âm

Hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa của anh em,

bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương.

Tin Mừng

Chúa ở cùng anh chị em

Và ở cùng cha

Bài trích Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 8: 1-11)

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy.

Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người.

Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?”

Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.

Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?”

Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Đó là lời Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót” (In Joh 33, 5). Thánh Augustinô đã tổng kết như thế về phần cuối của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Những kẻ đến để ném đá người phụ nữ hay để bắt lỗi Chúa Giêsu về Lề Luật đã bỏ đi, vì đối với họ không còn gì đáng quan tâm. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn ở lại. Ngài ở lại vì điều quý giá trong mắt Ngài vẫn còn: đó là người phụ nữ, là một nhân vị. Đối với Ngài, tội nhân đáng kể hơn tội lỗi. Trong trái tim Thiên Chúa tôi, bạn, mỗi người trong chúng ta đều đáng kể hơn so với những lỗi lầm, các luật lệ, những phán xét và các thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có cái nhìn như Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin để có quan điểm Kitô về cuộc sống. Chúng ta hãy nhìn với lòng mến trên những người tội lỗi vượt lên trên những lỗi lầm của họ, nhìn với tình yêu trên những người lầm đường lạc lối vượt lên những sai lầm của họ, và nhìn một con người vượt lên lịch sử của người đó.

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Đối với Chúa Giêsu, người phụ nữ bị bắt đang ngoại tình không tiêu biểu cho một đoạn trong Lề Luật, nhưng là một tình huống cụ thể mà Ngài can thiệp. Vì thế, Ngài ở lại đó với người phụ nữ, là người hầu như luôn đứng im lặng trong suốt câu chuyện này. Trong khi đó, Ngài làm một cử chỉ bí ẩn hai lần: Ngài lấy ngón tay viết trên đất (Ga 8:6,8). Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là một yếu tố quan trọng nhất: sự chú ý của Tin Mừng đặt nơi sự kiện là Chúa viết. Chúng ta nhớ đến câu chuyện ở núi Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các tấm bia Lề Luật bằng ngón tay của Ngài (xem Xh 31:18), như Chúa Giêsu đang làm đây. Sau đó, qua các tiên tri, Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên các tấm bia đá nữa, nhưng ghi khắc trực tiếp lên con tim (xem Gr 31:33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (xem 2 Cr 3:3). Với Chúa Giêsu, Đấng là lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể, đã đến lúc viết lên con tim của những người nam nữ; đã đến thời viên mãn để Ngài mang lại niềm hy vọng chắc chắn cho nỗi khốn khổ của con người: đó là không đưa ra quá nhiều lề luật bên ngoài, thường làm cho Thiên Chúa và con người xa cách nhau, nhưng mang đến luật của Thánh Thần là điều đi vào con tim và giải phóng nó. Đây là điều xảy ra với người phụ nữ, là người đã gặp Chúa Giêsu và tái tục cuộc sống mình bằng cách ra đi và không phạm tội nữa (xem Ga 8:11). Chính Chúa Giêsu, với quyền năng của Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bên trong chúng ta, khỏi tội lỗi mà Lề Luật có thể ngăn đe, nhưng không loại bỏ được.

Tội lỗi vừa mạnh, vừa có sức quyến rũ: nó thu hút, và mê hoặc con người. Nỗ lực riêng của chúng ta không đủ để thoát khỏi nó, chúng ta cần một tình yêu lớn hơn. Không có Thiên Chúa, chúng ta không thể chiến thắng được tội lỗi: chỉ có tình yêu của Ngài nâng chúng ta dậy từ bên trong, chỉ có sự dịu dàng của Ngài tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta mới làm cho chúng ta được tự do. Nếu chúng ta muốn được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, thì cần dành không gian cho Chúa, Đấng tha thứ và chữa lành. Và Ngài làm điều đó trước hết qua Bí tích mà chúng ta sắp cử hành. Xưng tội là một thông lộ đi từ sự khốn khổ đến lòng thương xót, là điều Chúa viết lên trái tim chúng ta. Trong tâm hồn chúng ta, chúng ta đọc thấy thường xuyên rằng chúng ta quý giá trong ánh mắt của Thiên Chúa, rằng Ngài là Cha và Ngài yêu thương chúng ta thậm chí còn hơn cả chúng ta yêu mình.

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Chỉ có hai điều đó. Đã bao lần chúng ta cảm thấy cô đơn và lạc lối trong cuộc sống. Đã bao lần chúng ta không biết làm thế nào để bắt đầu lại, thấy mình bị vùi chôn trong cố gắng làm thế nào để có thể chấp nhận chính mình. Chúng ta cần bắt đầu lại, nhưng chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Kitô hữu được sinh ra từ sự tha thứ đã được lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội. Họ luôn được tái sinh từ đó: từ sự thứ tha đáng kinh ngạc của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người khiến chúng ta được phục hồi. Chỉ qua việc được Chúa thứ tha, chúng ta mới có thể đứng dậy với niềm tự tin mới, sau khi trải nghiệm niềm vui được Chúa Cha yêu thương đến cùng. Chỉ qua sự tha thứ của Thiên Chúa, những điều mới mẻ trong chúng ta mới thực sự xảy ra. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa đã phán với chúng ta qua tiên tri Isaia: “Này, Ta sắp làm một việc mới” (Is 43:19). Sự tha thứ mang lại cho chúng ta một khởi đầu mới, làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới, cho chúng ta bắt đầu cuộc sống mới của mình. Sự tha thứ của Chúa không phải là một bản phôtôcôpi được tạo ra giống hệt như nhau mỗi khi chạy ngang qua tòa giải tội. Nhận được sự tha thứ tội lỗi thông qua vị linh mục luôn luôn là một kinh nghiệm mới mẻ, khác biệt và độc đáo. Từ tình trạng cô đơn trong những khốn khổ và trước những người cáo buộc, như người phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta tiến đến tình trạng được Chúa nâng dậy và khích lệ; và Ngài ban cho chúng ta một khởi đầu.

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Chúng ta phải làm gì để yêu mến lòng thương xót, để vượt qua nỗi sợ phải đi xưng tội? Chúng ta hãy đón nhận một lần nữa lời mời của tiên tri Isaia: “Các ngươi không nhận thấy sao?” (Is 43,19). Điều quan trọng là cảm nhận được sự tha thứ của Chúa. Thật là đẹp, nếu sau khi xưng tội, chúng ta vẫn ở lại như người phụ nữ, với ánh mắt dán chặt vào Chúa Giêsu, Đấng vừa giải thoát chúng ta: đừng nhìn về những nỗi khốn khổ chúng ta nữa nhưng hãy dán mắt vào lòng thương xót của Ngài. Hãy nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh và nói với sự ngạc nhiên: “Đó là nơi mà tội lỗi của tôi đã đưa đẩy đến. Ngài đã mang lấy chúng trên mình. Ngài đã không chỉ tay vào mặt con, nhưng Ngài mở rộng vòng tay và Ngài lại tha thứ cho con lần nữa”. Điều quan trọng là phải nhớ đến sự tha thứ của Chúa, nhớ đến sự dịu dàng Ngài, và nếm hưởng hết lần này sang lần khác sự bình an và tự do mà chúng ta đã trải nghiệm. Đây là trung tâm của Bí tích Hoà giải: không phải là tội lỗi mà chúng ta xưng ra, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta nhận lãnh và luôn luôn cần đến. Chúng ta có thể vẫn còn một ngờ vực: “xưng tội làm gì vô ích, vì tôi luôn phạm đi phạm lại những tội như thế”. Chúa biết chúng ta; Ngài biết rằng cuộc đấu tranh nội tâm là gian nan, rằng chúng ta yếu đuối và dễ sa ngã, thường rơi trở lại vào vòng tội lỗi. Và Ngài đề nghị chúng ta bắt đầu rơi trở lại vào điều tốt, rơi trở lại vào việc cầu xin lòng thương xót. Ngài sẽ nâng chúng ta dậy và biến chúng ta thành những thụ tạo mới. Chúng ta hãy bắt đầu lại, từ bí tích Hòa Giải, và trả lại cho bí tích này vị trí xứng đáng trong cuộc sống và trong việc mục vụ!

“Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót”. Ngày hôm nay trong Bí tích Hoà Giải, chúng ta hãy kín múc sức sống từ cuộc gặp gỡ cứu độ này: chúng ta, với những khốn khổ và tội lỗi của chúng ta; gặp gỡ Chúa, Đấng biết rõ chúng ta, yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Chúng ta hãy tiến vào cuộc gặp gỡ này, và cầu xin ân sủng để tái khám phá quyền năng cứu độ của cuộc gặp gỡ ấy.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Thánh Ca
Thánh ca: Có bao giờ - Trình bày: ca sĩ Vũ Anh
VietCatholic network
20:20 29/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây