Ngày 17-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sám hối thay đổi lối nhìn
Lm Nguyễn Xuân Trường
00:33 17/03/2023

SÁM HỐI THAY ĐỔI LỐI NHÌN
Người ta bảo: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thế nên, trong đời có nhiều bài thơ, bài hát diễn tả về đôi mắt rất đẹp:

“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
Để nhìn đời và để làm duyên.
Mẹ cho em đôi mắt màu đen,
Để thương để nhớ, để ghen để hờn.”

Thế mà, Lời Chúa tuần này lại nói về những đôi mắt mù: mù thể lý, mù tinh thần.

1. . Mù thì không thấy. Mù mắt không nhìn thấy sự vật. Mù tinh thần thấy vật chất mà không thấy tinh thần, thấy bên ngoài mà không thấy bên trong, nên không nhìn thấy bản chất, giá trị, ý nghĩa của sự việc, của cuộc đời. Mù mắt hỏng thị giác, nhưng thường lại có thính giác, xúc giác rất tốt. Còn mù tinh thần thì hỏng hết như Chúa nói: họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, vì lòng dạ họ bị chai đá rồi. Mù mắt thì biết rõ mình bị mù, còn mù tinh thần lại không nhận ra mình mù. Thế nên, mù tinh thần tai hại hơn nhiều.

2. Sáng. Chúa đã chữa cho người mù được sáng mắt. Cần để ý điều này: Mắt muốn nhìn thấy thì cần có ánh sáng. Dù mắt có tinh đến mấy mà không có ánh sáng thì cũng không nhìn thấy. Con mắt tinh thần cũng cần phải có ánh sáng của lý tưởng, tình yêu, hệ giá trị, và trên hết là Lời Chúa soi dẫn thì mới thấy đường đi nước bước trong đời như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”

Câu chuyện Phúc Âm cho thấy cảnh đối nghịch: Người mù mắt lại sáng tâm hồn khi nhìn thấy Đức Giêsu là Ngôn Sứ, tin nhận Ngài là Chúa Cứu Thế, còn những người sáng mắt lại mù quáng khi họ nhìn người mù và cả Chúa Giêsu là những kẻ tội lỗi! Thế nên, điều cốt lõi của sám hối là thay đổi lối nhìn. Khi bắt đầu có cái nhìn giống Chúa, bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, thì những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp, chan chứa tin yêu. Amen.
 
Ngày 18/03: Thái độ cầu nguyện của người Pharisiêu và người thu thuế – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
02:57 17/03/2023

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Đó là lời Chúa
 
Khởi đi từ vực thẳm bất xứng
Lm Minh Anh
14:47 17/03/2023

KHỞI ĐI TỪ VỰC THẲM BẤT XỨNG
“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”.

A. Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Thiên Chúa, là cây cầu bắc qua mọi vùng vịnh, giúp bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của một linh hồn dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của một linh hồn!”. Đúng thế, lời cầu của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay, “Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là kẻ có tội!” là một trong những lời cầu đó; nó cũng là cao điểm của dụ ngôn Tin Mừng này.

Thật trùng hợp, qua bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người; Ngài chỉ muốn một điều, tình yêu, “Ta muốn tình yêu, chớ không cần lễ tế. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thánh Vịnh đáp ca cũng chỉ lặp lại ngần ấy!

Khác với điều Thiên Chúa muốn, người biệt phái trong dụ ngôn đã làm điều ngược lại; ông quá nặng về ‘lễ tế’. Ông nghĩ, ông đã đến đúng nơi, quy về đúng hướng, và đang làm điều đúng đắn! Thế nhưng, lời cầu của ông đã bị bóp méo, bởi ông chỉ độc thoại, mà không đối thoại. Ông kể công với Chúa; tệ hơn, coi Ngài như ‘Con Nợ’ của mình; tệ hơn nữa, ông lấy ‘kỳ tích’ của bản thân để so sánh và khinh dể kẻ khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện; đó là diễn văn! Dẫu ông không phải là người xấu; ông không phạm tội trọng, ông thuỷ chung và rộng lượng... nhưng chỉ có một điều, lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm tha nhân. Ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu nguyện ông là ‘vô trùng’, khi ông quên rằng, Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần lễ tế!”.

Đang khi nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ, một người thu thuế! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”, Chúa Giêsu đã tiết lộ! Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm hạ nhận ra rằng, mình đã làm những điều sai trái! Lời cầu của ông ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ trước một Đấng Vĩ Đại Toàn Thánh. Và có lẽ, ông đã nghe những gì người biệt phái tố cáo, và điều này càng làm ông tê tái hơn; từ đó, ông chìm vào đáy vực linh hồn khốn khổ của mình, và bòn chút tàn hơi, ông đấm ngực van vỉ, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”. Lạ thay, điều này đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài thích thú với nó!

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”; “Chúa không cần những con người vĩ đại, Ngài cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”. Nhìn nhận mình tội lỗi là chứng tỏ sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng cần tình yêu, lòng thống hối và quyết tâm chừa lỗi! Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn!”. Đến gần Chúa, chúng ta nhận biết sự vĩ đại và tốt lành của Ngài; đồng thời, nhận ra tội lỗi yếu hèn của bản thân. Đây là điều làm cho lời cầu của chúng ta có kết quả; vì chỉ những ai tự nhận mình không có gì mới có thể nhận được tất cả; chỉ những ai trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa bạn và tôi nhìn lên thập giá Chúa Kitô; đồng thời, nhìn xuống lòng mình, ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn, và chân thành thưa lên, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn cả con biết con! Mỗi khi con cầu nguyện, cho con không ‘khởi đi từ cái tôi dị hợm’ của con, nhưng ‘khởi đi từ vực thẳm bất xứng’ của linh hồn mình!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 17/03/2023

19. Sự chúc phúc của Đức Mẹ Ma-ri-a chính là Mẹ ban cho chúng ta ơn thánh sủng.

(Thánh Wenceslaus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 17/03/2023
5. HOA

Một hôm, Lục Dịch cùng với hai đứa em gái đang vui đùa trong vườn hoa, chúng nó dừng lại trước một cây hoa hồng, Lục Dịch nói:

- “Anh cảm thấy hoa hồng là một loại hoa đẹp nhất trên thế giới.”

Lục Lâm rất nhanh nói tiếp ý kiến của nó:

- “Anh sai rồi, loại hoa bách hợp trong nhà đó không phải cũng đẹp như hoa hồng sao? Em cảm thấy hai loại hoa này chính xác là rất đẹp, các loại hoa khác không giống như chúng nó, đơn giản là không muốn nhìn.”

Tiểu Lục em gái nhỏ có chút giân dỗi xen vào nói:

- “Cái gì, hoa lan tím dễ thương này không xứng đáng để xem sao? Chúng nó mới thật là đẹp ! Mùa xuân năm ngoái, nó khiến chúng ta rất phấn khởi mà.”

Mẹ của chúng nó đứng bên nghe chúng nó nói chuyện như vậy, thì nói với các con:

- “Đây là ba loại hoa mà các con đặc biệt yêu thích, đều tượng trưng cho ba phẩm chất cao đẹp và trân quý, hoa lan tím nở ra nhè nhẹ, đại diện cho sự khiêm tốn; mà hoa bách hợp là ngọc bích không tì vết tượng trưng cho sự thuần khiết; hoa hồng thì tràn đầy nhiệt huyết như lửa, nó dùng ngôn ngữ của mình để nói với các con, tâm hồn của các con nên lấy thiện mỹ và tình yêu để tiếp cận Thiên Chúa. Ba quà tặng trân quý nhất của tuổi trẻ là khiêm tốn, lương thiện và thuần khiết.”

(Một trăm câu chuyện)

Suy tư ngắn 5:

Đẹp nhất vả để lại ấn tượng nhất của con người là tuổi thanh xuân, cho nên đừng để tuổi trẻ qua đi trong thỏa mãn dục vọng để rồi hối tiếc trong vô vọng.

Gió, không khí và mặt trời cần thiết cho con người và vạn vật như thế nào, thì khiêm tốn, lương thiện và thuần khiết cũng cần thiết cho tuổi trẻ như vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:13 17/03/2023
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

Tin mừng: Ga 9, 1.6-9. 13-17. 34-38

“Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được”.


Bạn thân mến,

Theo truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật thứ tư mùa chay là chúa nhật của vui mừng và hy vọng, vui mừng là vì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Đức Chúa Giê-su trong đêm phục sinh của Ngài, và hy vọng chờ ngày Ngài đến trong vinh quang phục sinh. Do đó mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chia sẻ nổi vui mừng với người mù đã được Đức Chúa Giê-su làm cho sáng mắt và được nhìn thấy.

Là Ki-tô hữu, chúng ta đều biết rằng, ngoài con mắt xác thịt ra thì chúng ta còn có thêm “con mắt đức tin” nữa, con mắt xác thịt thì chúng ta nhìn thấy mọi sự theo xác thịt và cai tôi của chúng ta; con mắt đức tin thì nhìn mọi sự theo sự hướng dẫn của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội.

Có một câu chuyện nhỏ như thế này:

Có con sâu róm đi ngang qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn:

- ”Trời ạ, nó xấu quá”.

Đấng tạo hóa nói:

- “Không, nó rất đẹp”.

- “Ngài cảm thấy nó đẹp ư?”

Con trâu nghi ngờ và cảm thấy ghét, nói tiếp:

- “Ngài coi, toàn thân nó toàn lông là lông, béo phệ ụt ịt, nhìn thấy tởm lợm”.

Đấng tạo hóa nói:

- “Này con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta, Ta nhìn vẻ bên trong của nó !”.


Bạn thân mến,

Con trâu nhìn vẻ bên ngoài của con sâu róm bằng con mắt xác thịt, nên nó thấy con sâu róm rất xấu và tởm lợm muốn nôn mửa, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vẻ bên trong của con sâu róm, nên Ngài thấy nó rất đẹp, bởi vì vẻ xấu xí bên ngoài của con sâu róm chỉ là tạm thời, và không lâu sau đó nó sẽ trở thành một con bướm có nhiều màu sắc rực rỡ đẹp đẽ.

Có rất nhiều lần chúng ta nhìn vẻ bên ngoài của người anh em chị em bằng con mắt xác thịt, nên chúng ta chỉ thấy họ toàn là những người xấu, những người tội lỗi đáng bị gạt ra bên ngoài xã hội, cho nên chúng ta không thèm qua lại với họ, thế là chúng ta đã tự mình xây một bức tường ngăn cách giữa chúng ta với tha nhân, giữa Thiên Chúa với chúng ta; con mắt xác thịt chính là những thành kiến nặng nề của mình, nó cũng là những kiêu ngạo và những suy nghĩ thiên vị của chúng ta trong cuộc sống đời thường.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Đã xuất bản tại Saigòn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lời Kinh Dở Hơi - Luke 18:9-14
Nguyễn Trung Tây
17:50 17/03/2023
Nguyễn Trung Tây
Lời Kinh Dở Hơi - Luke 18:9-14


Ở nhà nhất mẹ, nhì con… Hồi đó còn nhỏ xí xi, bố tôi là nhất, nhất là khi được dẫn đi ăn phở thơm lừng lỗ mũi. Hồi đó còn nhỏ tí ti, mẹ tôi là nhất, nhất là khi mẹ đi chợ về đưa cho bao chè nước dừa.

Lớn lên, bước ra khỏi ngõ hẻm, đi học xa, bố và mẹ vẫn nhất, nhưng tôi bắt đầu nhận ra, còn nhiều cái nhất mình chưa thấy. Sinh ra tại Sài Gòn, tôi đã từng tin Sài Gòn là nhất Việt Nam. Về sau mới thấy, ơi sao ngớ ngẩn thằng mõ, cám lợn dở hơi!

Dòng thời gian đẩy tới, tôi lạc qua Mỹ, sống tại Thung Lũng Điện tử San Jose, tôi nghĩ Silicon Valley là nhất. Tạ ơn ân sủng thiên đàng ban tặng, tôi chấm dứt dòng tư tưởng thiển cận khi đặt chân tới Phố Gió Chicago, chặng đầu của hành trình dài truyền giáo Ngôi Lời.

Thầy Pharisee trong Tin Mừng Luca 18:9-14 đã được diễn tả như một người có đầu óc thiển cận. Qua những lời kinh nguyện trong Đền Thờ, ông tuyên bố “thật thà” và thẳng thừng với Chúa và đương nhiên với chính ông rằng, “Ôi Lạy Chúa và lạy Tôi, tôi là một người công chính.” Ơi, đúng là một lời kinh cám lợn dở hơi! Trong ngôn ngữ đương thời, người công chính Pharisee khẳng định rằng ông là một người tốt nhất thế giới, đứng đầu trên hết mọi danh. Ơi! Tôi “yêu” ông biết bao, hỡi người “công chính tốt lành”. Mong rằng cuộc đời sẽ bớt đi những người như thế…

Càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra những điểm yếu kém của mình.

Càng đặt chân tới nhiều thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới, tôi lại càng nhận ra mỗi thành phố mình ghé vào thăm hỏi đều sở hữu những nét duyên dáng đặc biệt của riêng thành phố đó.

Càng sống đời sống đức tin Kitô, tôi lại càng nhận ra mình tội lỗi biết bao (Về chuyện này, đương nhiên tôi biết mình không phải là người duy nhất, chắc chắn là như thế).

Chẳng lạ chi, sau Dấu Thánh Giá và Lời Chào Bình an trong thánh lễ, người Công Giáo đều cúi đầu khiêm nhường đọc lời kinh, “Xin Chúa thương xót chúng con.”

Ơi, tôi yêu biết bao nhiều lời kinh Thương Xót, bởi lời kinh thật sự đã nhắc nhở Cộng đoàn dân Chúa về lòng từ bi độ lượng và tình yêu bao la của Thiên Chúa. Vâng, chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng lạ thay Thiên Chúa chưa bao giờ làm mặt ngơ với phàm nhân yếu đuối. Và bất cứ khi nào tôi khiêm nhường hướng về Chúa, Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm cung. Câu chuyện của người thu thuế trong Tin Mừng Luca 18:9-14 là một bằng chứng hùng hồn cho mệnh đề niềm tin này.

Lạy Chúa xin mở mắt con, để con thấy!
 
Vạch mặt kẻ phản bội
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
21:29 17/03/2023

VẠCH MẶT KẺ PHẢN BỘI
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A

Thiên Chúa luôn tìm cách để gần gũi, để nên một với con người. Ngài không ngừng yêu thương tỏ mình cho con nguời. Chính Chúa Kitô là bằng chứng lớn lao cho tình yêu ấy.

Về phía con người, lẽ ra phải khát khao, phải vui mừng đón nhận, và đón nhận bằng tất cả niềm hạnh phúc của một thụ tạo được Đấng Tạo Hóa cúi xuống đoái thương, thì ngược lại, họ lại phản bội, lại ghanh ghét, chối từ, lắm lúc muốn thay quyền Thiên Chúa...

Chẳng hạn, ngày Chúa Giêsu giáng sinh, khi nhận được mạc khải từ các đạo sĩ, các cố vấn Kinh Thánh, và chính nguồn mạc khải thế giá không gì bằng là Lời Chúa trong Kinh Thánh, thay vì đón nhận, cảm tạ, thờ lạy và mang trong mình nỗi mừng vui không thể tả vì được Đấng Cứu Độ đến thăm, thì Hêrôđê và cả hoàng triều của ông lại thẳng tay xuống đao để giết chết Ngài. Dù không thể giết Thiên Chúa làm người, họ đã giết hàng loạt trẻ con Do thái.

Cũng vậy, câu chuyện Chúa chữa lành đôi mắt cho người mù từ khi mới sinh trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cho thấy điệp khúc của việc bưng tai, bịt mắt trước tình yêu, quyền năng của Thiên Chúa vẫn lặp lại.

Thay vì nhận ra Thiên Chúa nơi dấu lạ sáng mắt của anh mù, người biệt phái lại cho đó là hành vi của tội lỗi. Họ nói về Chúa Giêsu: “Chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”, và nói về anh mù được chữa lành: “Mày sinh ra trong tội”!

Còn bản thân họ? Khẳng định người khác tội lỗi, người Dothái để lộ một khẳng định về chính họ: Kẻ trong sạch! Người thuộc về Thiên Chúa! Miệng họ nói điều đó: “Chúng ta là môn đệ của Môisen. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môisen, còn người đó, chúng ta không biết bởi đâu mà đến”.

Nhưng ngay trong chính lời khẳng định mình là “môn đệ của Môisen”, là kẻ thuộc về Thiên Chúa, đã cho thấy chính họ mới là những kẻ đui mù trầm trọng: không thể biết Chúa Giêsu!

Đúng là nghịch lý. Nghịch lý đến mức mâu thuẫn lớn. Người “tội lỗi” lại có thể làm nên những điều kỳ diệu quá tốt đẹp mà từ xưa chưa một ai làm nổi: mở mắt người mù từ khi chưa biết nói, biết cười.

Còn “người sinh ra trong tội” lại thừa hưởng những điều kỳ diệu ấy cũng lớn lao không kém.

Trong khi kẻ “vô tội” lại không bao giờ có thể chữa lành cho ai, càng không thể làm nổi một dấu lạ, dù nhỏ nhất.

Đó mới thực sự là điều mỉa mai đầy đau xót. Nỗi đau xót ấy mới chính là bài học vô giá dạy ta biết ý thức mình, ý thức thân phận mong manh của một con người đầy giới hạn, để ngay bây giờ, luôn đón nhận anh chị em bằng tất cả êu thương, chia sẻ, cảm thông.

Hóa ra mù mà lại sáng, còn kẻ sáng lại mù!

Anh mù được chữa lành có đôi mắt tâm hồn sáng, rất sáng. Đó chính là đức tin mà anh đón nhận từ Chúa Giêsu. Đôi mắt đức tin của người mù giúp anh nhìn thấu đáo về người chữa cho mình: “Đó là một tiên tri”. Khi đối diện với Chúa, anh tuyên xưng: “Lạy Thầy, tôi tin”.

Khẳnh định về Chúa, anh đồng thời vạch trần đui mù của biệt phái: “Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó ở đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”.

Lời của anh mù được chữa lành đơn sơ quá, nhưng đẹp quá, hay quá. Lý luận của anh chắc quá. Giá mà những người biệt phái mềm lòng một chút, chỉ cần một chút thôi, đã có thể gặp gỡ Chúa và đón nhận Chúa.

Nhưng nơi anh mù, đâu chỉ có những lời đầy can đảm như trên. Đứng trước quyền lực tôn giáo và xã hội thời ấy, đôi mắt đức tin cho anh lòng kiên trung không chút sợ sệt. Anh khẳng khái lên tiếng dứt khoát, mạnh mẽ dẫu biết mình sẽ nguy hiểm, cuộc sống không còn bình an. Anh nói: “Nếu đó là người tội lỗi, tôi không biết, tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy”; “Hay các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng”...

Chúa đâu có hẹp hòi, chỉ có lòng người hẹp hòi. Chúa đâu có đòi điều gì cao xa, vượt quá sức. Chúa chỉ cần một chút thiện chí của ta thôi là đã có thể trở thành điều kiện tốt để Chúa đến với ta.

Chúa đâu có chối bỏ ai, chỉ con người mới chối bỏ Chúa. Chúa luôn dung thứ và tha thứ, chỉ có ta là kẻ vô tâm trước tình yêu của Chúa. Chúa mời gọi và ngỏ lời với ta, chỉ có ta khép chặt lòng mình để khỏi đón nhận mạc khải của Chúa. Chúa vẫn là Thiên Chúa trung thành, chỉ có ta không ngừng phản bội.

Chúng ta mượn lời thánh Augustinô, xin Chúa ban cho mình thoát tình trạng mù lòa tâm hồn, để có thể nhận ra Chúa nơi chính mình và nơi anh chị em:

"Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hảm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen".
 
Cộng Tác
Lm Vũđình Tường
23:43 17/03/2023
Truyện người mù từ lúc mới sinh là hành trình đức tin của một người dù mắt mù không nhìn thấy Đức Kitô, nhưng anh không điếc; tai anh nhận biết Ngài, nghe được tiếng Ngài. Đây cũng là câu chuyện của một người biết vâng phục Thiên Chúa. Sau khi tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, anh bị lãnh đạo hội đường làm khó dễ; chất vấn, xỉ vả và cuối cùng trục xuất anh khỏi hội đường. Dù gặp khó khăn, chống đối, anh vẫn can đảm tuyên xưng niềm tin của mình. Sau khi bị đuổi khỏi hội đường, Đức Kitô tìm gặp, hỏi anh có tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa không? Anh mạnh dạn, dõng dạc tuyên xưng con tin Ngài là Con Thiên Chúa, mặc dù con chưa nhìn thấy Ngài. Đức Kitô đáp với anh,

'Anh đã thấy Ngài, chính Ngài đang nói với anh' Gn 9,37. Anh đáp, 'Thưa Ngài, con tin'.
Anh liền sấp mình thờ lậy Ngài.

Mắt mù ngăn cảnh anh nhìn thấy Đức Kitô, nhưng tai anh nghe được. Đức tin nơi anh thể hiện qua hành động vâng lời Thiên Chúa. Đức Kitô lấy đất pha nước miếng bôi vào mắt anh. Ngài sai anh đi rửa tại hồ Siloam. Anh đi rửa mắt; lạ lùng thay, mắt anh sáng ra, anh nhìn thấy rõ ràng.

Có sự liên kết chặt chẽ giữa tội và mù tâm linh, bởi tội giống như làn khói dầy đặc che khuất tầm nhìn con mắt tâm linh, khiến người đó không nhìn thấy sự thật. Nếu có thấy cũng thấy rất mờ ảo, và từ đó đem lòng ngờ vực, từ đó dẫn đến chối bỏ tình yêu Thiên Chúa. Hoá chất mang tính kích thích cha mẹ dùng chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi. Tuy nhiên, tội không phải là nguyên nhân dẫn đến tàn tật như một số người lầm tưởng. Tội không gây tác hại thể lí. Tội tấn công, gây tác hại nặng nề tâm linh. Môn đệ Đức Kitô hỏi Ngài về điều này, và Ngài giải thích cho các ông biết. Người mạnh khoẻ cũng như người tàn tật; tất cả, không trừ ai, đều có cơ hội làm vinh danh Thiên Chúa.

Người mù mắt được sáng thay đổi nhiều đến độ người từng quen biết anh không dám chắc đây là anh. Một số giải thích nói là ai đó trông giống anh. Chính anh xác định rõ, 'Chính là tôi đây'. Điều xác quyết trên trở thành đại hoạ cho anh. Giới thẩm quyền hội đường đòi anh đến gặp họ để giải thích anh là ai, và ai làm cho anh được sáng mắt. Họ đã định sẵn trong đầu ai đó chữa lành mắt anh đều là kẻ tội lỗi vì phạm điều cấm làm trong ngày hưu lễ. Quyết định này bị chính đồng nghiệp họ phản đối. Họ lí luận kẻ tội lỗi không thể làm điều vừa tốt lành, vừa kì lạ ngoài sức tưởng. Vì thế có chia rẽ nội bộ. Họ chất vấn anh và anh xác định. Người làm việc lạ lùng đó phải là một đại tiên tri. Lời xác quyết trên không phải là câu trả lời lãnh đạo hội đường tìm kiếm. Câu trả lời họ tìm kiếm là câu: 'Đức Kitô là kẻ tội lỗi'. Họ quay lại đòi cha mẹ anh với hy vọng hai ông bà sẽ cho họ câu trả lời họ muốn. Cha mẹ anh chấp nhận sự thật. Thực tế, nó là con chúng tôi. Nó bị mù từ lúc mới sinh. Bây giờ mắt nó sáng. Tất cả đều là sự thật. Hai ông bà, vì sợ bị khai trừ khỏi công đoàn, không dám xác định chính Đức Kitô mở mắt sáng cho con bà. Họ trả lời nhóm lãnh đạo hội đường. Nó lớn rồi, các vị đi hỏi nó thì chính đáng hơn. Không vừa í với câu trả lời trên họ cho đòi anh mù mắt được sáng đến để điều tra thêm. Bị vặn tới, vặn lui chỉ có một điều. Anh mù không còn rụt rè, kiêng nể như trước, anh nói với họ,

'Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không nghe. Tại sao còn muốn nghe thêm một lần nữa. Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?' Gn 9,27.

Anh mù mắt được sáng bị lãnh đạo hội đường dồn vào chân tường. Họ không ngờ, anh phản kháng dồn họ vào chân tường. Lãnh đạo hội đường phản kháng bằng cách kết án anh là người tội lỗi và dùng quyền trục xuất anh khỏi hội đường. Điều này có nghĩa anh không còn là thành viên cộng đoàn. Họ cũng nói cho anh biết,

'Chúng tôi không biết ông Giêsu ấy từ đâu đến' Gn 9,29.

Họ đâu ngờ, chính họ tự thú, xác nhận lời anh mù mắt được sáng nói với họ

'các ông không nghe'.

Anh mù nhưng tai không điếc, trong khi lãnh đạo hội đường, mắt sáng, nhưng tai điếc bởi không biết Đức Kitô từ đâu đến. Điều này cho biết lãnh đạo hội đường mắt thể lí sáng, nhưng mắt tâm linh mù, bởi không nhìn nhận Đức Kitô là Thiên Chúa. Sau khi bị đuổi khỏi hội đường, anh mù mắt được sáng đang bơ vơ, lạc lõng; Đức Kitô đến với anh. Ngài hỏi anh,

'Anh có tin vào Con Người không?'. Anh đáp, 'Thưa Ngài, tôi tin'.

Nhưng tôi chưa nhìn thấy Ngài. Đức Kitô nói với anh,

'Anh đã thấy Người, chính Người đang nói với anh' Gn 9, 38.

Anh liền phủ phục thờ lậy Người.

Có vài ba trùng hợp tư tưởng giữa người mù mắt sáng và Đức Kitô. Trùng hợp thứ nhất thể hiện khi anh mù đáp lại đám đông, 'Chính là tôi'. Đức kitô cũng xác định với anh mù, 'Chính Người đang nói với anh'.

Trùng hợp thứ hai xảy ra khi anh mù nói với lãnh đạo hội đường,

'Tôi đã nói với các ông mà các ông không chịu nghe'.

Đức Kitô nói với nhóm Pharasiêu,

'Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại lên đui mù'. Gn 9,39.

Theo anh mù mắt được sáng nhận xét nhóm Pharisiêu bị điếc; Đức Kitô xác định nhóm Pharisiêu bị đui mù tâm linh.

Trùng hợp thứ ba xảy ra khi nhóm Pharisiêu kết án anh mù mắt được sáng là kẻ tội lỗi,

'Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? Gn 9,34.

Đức Kitô nói với nhóm Pharisiêu,

'Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Các ông xác định 'Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn' Gn 9,41.

Nhóm Pharisiêu không nhìn thấy phép lạ, bởi tâm linh họ mù tối. Không chấp nhận sai trái, không thể thay đổi. Anh mù biết mình mù nên được mắt sáng, nhóm Pharisiêu không biết tâm linh họ mù tối, nên không thay đổi.

TiengChuong.org

Conformity

The story of a man born blind from birth is the story of a man who had found faith in Jesus. After professing Jesus as his Lord, he becomes the victim of the faith in which he believes. Being confronted by the local synagogue's authority, he fearlessly gives witness to Jesus. Because of his faith in Jesus; the authorities excommunicate him from his own community. Later on, Jesus found the man and asks him if he believed in the Son of Man. The man replied that he believed in Jesus, but had not yet seen him. Jesus told the man,

'You are looking at him; he is speaking to you'.

The man replied,

'Lord, I believe, and worshipped him'. Jn 9,37.

Blindness prevents the man from seeing Jesus, but not from hearing Jesus. His faith in Jesus is demonstrated through his conformance. Jesus put a paste on his eyes and asked him to go and wash at the Pool of Siloam. He washed and he could see clearly. There is a connection between sin and spiritual blindness; because sin creates a smoke screen, that blurs our spiritual eyes to see the truth. There is a link between human substance consumption and birth deficiency. Being born with a physical disability is not the direct result of sin as people believe. Jesus told his disciples that it is not the blind man's own sin nor that of his parents; but that through his blindness, God's glory is being proclaimed.

After being healed, the man becomes a new person that confuses his people. Some say that it is someone who looks like him; others say it is him. The man himself asserts: I am the man. This assertion lands him in deep trouble. The Pharisees and Jews question him at length. They come to the pre-conceived judgment that whoever healed him can't be a good man. This causes a division amongst them. They argue that a person who performs such a miracle must be God's agent. The man himself proclaimed that Jesus is a prophet. The authority fails to get the answer they want from the blind man; they turned to his parents in the hope of achieving a favourable answer. His parents accept the reality; that he is our son, who was blind from birth. However, out of fear, they denied knowing how he was healed. They reply; we don't know. He is an adult, ask him. Again, the authority fails to get the answer they want. They interrogate the man again. Having told the whole story for a second time; the man accuses the authority of lacking listening skills. He wonders: you can't listen to the voice of a man; how can you listen to God's voice? What stops you from becoming his disciples? The man challenges the authority. They turned to violence, by hurling the man out of the synagogue, and then declaring that they don't know where Jesus came from. This statement alone confirms the man's opinion; that the authorities lack listening skills. It also underlines that they are spiritually blind.

It is interesting to notice to some identical ideas between Jesus and the man. The first one is self-identification. The man tells the public: 'I am the man'. Jesus told the man: You are looking at him, he is talking to you. Jesus confirms the man can see, and hear.

The second one is the man's opinion about authority. 'I have told you once, and you wouldn't listen'; while Jesus told them they are spiritually blind. 'It is for judgement that I have come into this world, so that those without sight may see and those with sight turn blind.

The third identical idea happens between Jesus and the Pharisees. They judged the man,

'Are you trying to teach us,...You are a sinner through and through, since you were born' Jn 9,34;

while Jesus told them, 'Since you say 'We see', your guilt remains'. Jn 9,49.

The Pharisees fail to see the miracle. Instead, they only see darkness. Without accepting of deficiency, change is impossible. The blind man accepts his blindness and is ready for the change; the Pharisees deny their spiritual blindness; and darkness rules.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phiên họp cấp châu lục Trung Đông tại Libăng về tính đồng nghị: Ở Đông phương, chúng ta hoặc cùng là Kitô hữu hoặc không
Vu Van An
13:11 17/03/2023

Theo trang mạng https://www.synod.va - media@synod.va, sáng thứ Hai, ngày 13 tháng 2 năm 2023, Phiên họp cấp Châu lục về tính Đồng nghị của Trung Đông đã bắt đầu tại Bethany – Harissa, Libăng.



Sau khi cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất xảy ra ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cha Khalil Alwan, tổng thư ký của Hội đồng Thượng phụ Công Giáo Đông phương và là điều hợp viên chung của Thượng Hội đồng, đã khai mạc phiên họp bằng cách nhắc lại Thông điệp Mục vụ mà vào năm 1992, các Thượng phụ Công Giáo Đông phương đã gửi cho các tín hữu của họ ở Trung Đông và những người sống rải rác khắp thế giới, với tựa đề: "Sự hiện diện của Kitô hữu ở Đông phương, nhân chứng và thông điệp". Đối với Cha Alwan, "bức thư này vạch ra con đường của các Giáo Hội Công Giáo ở Đông phương và tóm tắt bản sắc và tương lai của họ bằng hạn từ 'hiện diện'. 'Sự hiện diện' này được thể hiện một cách hữu hiệu và chân thực, theo gương Chúa Kitô và Giáo hội của Người, trong ngôn ngữ Ả Rập và di sản mà chúng ta là những người xây dựng và trong nền văn minh Ả Rập mà chúng ta đã giúp thiết lập. Sự hiện diện của chúng ta cũng là sự hiện diện phục vụ con người mà không có sự phân biệt hay kỳ thị. Đó là sự hiện diện đại kết để hợp tác chung; đó là sự hiện diện đối thoại với những người có thiện chí, người Hồi giáo và người Do Thái; và cuối cùng, đó là sự hiện diện có tính chất hoàn cầu, nhờ vào con cái của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới, bởi vì đó là sự hiệp thông của đức tin, tình yêu và sự thống thuộc công dân dù chúng ta ở đâu”.

Cha nói tiếp: "Ba mươi năm sau 'lộ trình' này, bảy Giáo Hội Công Giáo đang nhóm họp ngày hôm nay: Copts, Syriacs, Maronites, Melkites, Chaldeans, Armenians và Latins. Chúng ta đến từ Đất Thánh, Jordan, Libăng, Syria, Ai Cập, Iraq và Armenia, để lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội và cùng nhau cầu nguyện và suy tư về những mối quan tâm chung của chúng ta và chia sẻ những khát vọng tương lai của chúng ta với một niềm hy vọng không làm thất vọng. Nhiều điều hợp nhất chúng ta, chúng ta hợp nhất bởi các điều kiện của các quốc gia của chúng ta, nơi mà tất cả chúng ta thường thiếu tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do cho phụ nữ và tự do cho trẻ em. Tất cả chúng ta đều cố gắng, tùy theo năng lực của mình, chống tham nhũng trong chính trị và kinh tế. Tất cả chúng ta đều tìm cách thực hành sự minh bạch trong các định chế tôn giáo và xã hội, và mong muốn thực hành quyền công dân một cách có trách nhiệm và đấu tranh chống nghèo đói và thiếu hiểu biết. Tất cả chúng ta đều chịu cảnh con cháu chúng ta di cư, những người thấy đời sống xứng đáng của họ bị thu nhỏ, dẫn tới việc các cộng đồng và nhân chứng của chúng ta ở vùng đất mà Chúa đã chọn làm nơi cư ngụ của Người này trở nên nhỏ bé dần. Tuy nhiên, chúng ta, những người con của Giáo hội, không chỉ liên kết với nhau bởi những trăn trở và khó khăn của cuộc sống, mà chúng ta còn được liên kết với nhau bởi một phép rửa, một đức tin, một tình yêu và một niềm hy vọng. Trên cơ sở này, vốn hợp nhất chúng ta, chúng ta triệu tập Thượng hội đồng của chúng ta vào tuần này để kết thúc giai đoạn thứ hai của việc ‘Cùng nhau bước đi’ của chúng ta, tức giai đoạn lục địa. Chúng ta bảo đảm rằng cuộc họp của chúng ta sẽ diễn ra như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn”. Sau đó, cha Alwan kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách lặp lại những gì các Thượng phụ đã viết cách đây ba mươi năm trong lá thư mục vụ của họ và vẫn còn nói với Thượng Hội đồng này ngày hôm nay. “Các Giáo hội của chúng ta ở Đông phương nổi bật bởi sự cổ kính, di sản phong phú, sự đa dạng trong các biểu thức phụng vụ, tính độc đáo của linh đạo và các chân trời thần học, và sức mạnh của chứng từ qua nhiều thế kỷ, và thường dẫn đến mức tử đạo anh dũng, và chúng ta mang điều này trong trái tim mình và nó là nguồn kích thích niềm hy vọng lớn lao, nguồn tự tin và kiên định để tiến tới tương lai. Tính đa dạng là đặc điểm chính của Giáo Hội phổ quát và của Kitô giáo ở Đông phương. Tính đa dạng này luôn là nguồn phong phú cho toàn thể Giáo hội khi chúng ta sống nó trong sự hiệp nhất của đức tin và trong tinh thần yêu thương. Nhưng, tiếc thay, nó đã trở thành chia rẽ và chia rẽ vì tội lỗi của con người và vì họ xa rời Thần Khí Chúa Kitô.Tuy nhiên, điều hợp nhất chúng ta quan trọng hơn điều ngăn cách chúng ta và không ngăn cản chúng ta gặp gỡ và cộng tác. Bất chấp các chia rẽ, Kitô giáo Đông phương tạo được một sự hợp nhất không thể chia cắt trong nền tảng của mình. Chúng ta là các Kitô hữu với nhau lúc tốt và lúc xấu. Một ơn gọi, một chứng từ, một định mệnh. Vì vậy, chúng ta được kêu gọi cộng tác với nhau, bằng nhiều cách thức và phương tiện khác nhau, để củng cố gốc rễ của các tín hữu đã được trao phó cho chúng ta, trong tinh thần huynh đệ và yêu thương, trong nhiều lĩnh vực mà lợi ích chung của tất cả các Kitô hữu cũng thúc đẩy chúng ta bước vào, cũng như các nguyện vọng của tất cả các tín hữu của các Giáo hội Kitô giáo khác nhau, những người đặt hy vọng cao nhất của họ vào sự hợp tác và gần gũi của chúng ta. Ở Đông phương, hoặc chúng ta là Kitô hữu với nhau hoặc không. Và nếu các mối liên hệ giữa các Giáo hội Đông phương không phải lúc nào cũng tốt đẹp vì nhiều lý do, bên trong và bên ngoài, thì đã đến lúc chúng ta phải thanh tẩy ký ức Kitô giáo của mình khỏi những lớp lang tiêu cực của quá khứ, dù chúng có thể đau đớn đến đâu, để cùng nhau nhìn về tương lai theo tinh thần của Chúa Kitô và dưới sự hướng dẫn của Tin Mừng và lời dạy của các Tông đồ của Người.

Sau đó, cuộc họp tiếp tục với bài phát biểu của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Phiên họp Toàn thể thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, người đã nhắc lại các giai đoạn của hành trình cho đến nay. "Tôi đặc biệt vinh dự được có mặt ở Trung Đông, nơi mà tính đồng nghị đã có truyền thống lâu đời, và tôi mong muốn được trải nghiệm và học hỏi từ anh chị em. Nhờ sự đóng góp quý giá của anh chị em, tôi hoàn toàn tin chắc rằng Giáo hội hoàn vũ có thể trở nên đồng nghị hơn, và nó có thể mở rộng không gian trong lều của nó".

Đức Hồng Y Hollerich nói tiếp, “Như chúng ta đã biết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biến tính đồng nghị, được hiểu là 'cùng nhau đồng hành' bằng cách lắng nghe Chúa Thánh Thần, trở thành tập chú chính trong triều giáo hoàng của ngài. Và bây giờ khi chúng ta quy tụ tại đây ở Beirut, trong hợp tác với các phiên họp lục địa khác và trên cơ sở tài liệu làm việc và các truyền thống đồng nghị lâu đời ở Trung Đông, chúng ta đóng góp để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi căn bản vốn hướng dẫn toàn bộ hành trình đồng nghị: Làm thế nào đạt được việc 'Cùng nhau bước đi' này, một việc giúp Giáo hội công bố Tin Mừng, theo sứ mệnh được trao phó cho nó, và phải được hoàn thành ngày hôm nay ở các bình diện khác nhau? Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta thực hiện những bước nào khác để lớn lên như một Giáo hội đồng nghị?”

Đức Hồng Y Hollerich nói thêm: "Chúng ta biết rằng 'đồng hành cùng nhau' là một khái niệm dễ diễn đạt bằng lời, nhưng không dễ đưa vào thực hành. 'đồng hành cùng nhau' này là cần thiết ở Trung Đông, nơi cử hành thực tại của nhiều tôn giáo và tín phái, và sự đa dạng này tự nó là một sự phong phú và một cơ hội tuyệt vời giúp cho tính đồng nghị trở thành khả hữu, vì đây là vấn đề cùng nhau bước đi chứ không phải bước đi một mình”. Tổng tường trình viên của Phiên họp Toàn thể thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục đã kết thúc bài phát biểu của ngài bằng cách bày tỏ niềm xác tín của ngài rằng “hành trình của Thượng hội đồng Giám mục là công việc của Chúa, và chúng ta phải để cho Thần Khí của Người hướng dẫn chúng ta, Người là nhân vật chủ đạo thực sự của Thượng Hội đồng Giám mục. Tôi cũng muốn mời gọi chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong các cuộc họp khác nhau của Phiên họp này ở Beirut, để tinh thần đồng nghị có thể được thể hiện nơi chúng ta như là 'phong cách tông đồ' của Giáo hội, để đối diện với những thách thức của thế giới đương thời”.

Sau đó, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã tập chú vào hai điều kiện cần thiết để tiến trình Thượng Hội Đồng thành công. Vấn đề thứ nhất liên quan đến sự cần thiết phải có sự tham gia tích cực của dân Chúa và các mục tử, “bởi vì cách thực hành đúng đắn của Thượng Hội đồng không bao giờ đặt hai chủ thể này cạnh tranh với nhau, nhưng giữ chúng trong mối liên hệ thường xuyên, cho phép cả hai hoàn thành chức năng của mình. Tham khảo trong một số Giáo hội đã cho phép dân Chúa thực hiện cách thức tham gia thích hợp đó vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, được thể hiện trong cảm thức đức tin của tất cả những người đã được rửa tội. Quả thực, chúng ta có thể coi tính năng động của sự hiệp thông này như hoa trái của kinh nghiệm tập thể, một điều xua tan nhiều lo ngại lúc ban đầu. Việc tham gia tích cực của dân Chúa vào đời sống của Giáo hội không lấy mất điều gì khỏi việc phục vụ của phẩm trật, trái lại, nó củng cố và chứng tỏ chức năng không thể thiếu của phẩm trật này trong đời sống Giáo hội”.

Đức Hồng Y Grech nói tiếp: Điều kiện thứ hai liên quan đến tầm quan trọng của việc lắng nghe. Đó là vấn đề lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội. "Câu nói cho rằng 'Giáo hội đồng nghị là Giáo hội lắng nghe' không thể và không được giản lược thành một cụm từ tu từ hoa mỹ. Trong tài liệu chuẩn bị, chúng ta đã yêu cầu lắng nghe mọi người, ngay cả những người ở xa, bởi vì chúng ta hiểu mọi người là mọi người, không loại trừ ai. Về vấn đề này, tôi cảm thấy cần phải nhấn mạnh rằng, bắt đầu từ giai đoạn lục địa đặc biệt này, chúng ta phải chú ý hơn đến những tiếng nói 'bên trong' Giáo hội, đặc biệt là những tiếng nói thường làm xáo trộn cơ thể giáo hội. Chúng ta được kêu gọi, trong lương tâm, đưa ra câu trả lời của chúng ta: từ những người tin tưởng sâu sắc qua những người vẫn còn nghi ngờ đến những người công khai không đồng ý. Không ai bị cấm nói. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban nhiều can đảm hơn để nói, làm cho niềm xác tín của chúng ta hoàn toàn rõ ràng, nhưng cũng lắng nghe đầy đủ tiếng nói của người khác. Và các Phiên họp châu lục, vốn là hành vi thâm hậu hóa Giáo Hội hơn nữa, có thể đóng vai trò quyết định trong vấn đề này. Đây là việc biện phân mà Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng chờ đợi từ giai đoạn châu lục để có thể, trên cơ sở các tài liệu do bảy Hội đồng châu lục ban hành, tập hợp lại thành công cụ làm việc cho Phiên họp Toàn thể, vốn thực sự là một biểu thức nói lên sự hiệp thông giáo hội".

Để kết luận, Đức Hồng Y Mar Bechara Boutros Al-Rahi, Thượng phụ Giáo hội Maronite, nhắc nhở cam kết “sống như một Giáo hội đồng nghị” có nghĩa là cam kết trở thành “một Giáo hội học hỏi từ việc lắng nghe lời Chúa và đọc các dấu chỉ của thời đại, canh tân sứ mạng của mình bằng việc loan báo Tin Mừng và loan báo mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô để cứu độ thế giới”.

Thượng phụ Maronite tiếp tục nói rằng “chúng ta không được bỏ qua câu hỏi căn bản về con đường đồng nghị, vốn có hai mặt: làm thế nào việc ‘cùng nhau đồng hành’ này có thể giúp Giáo hội loan báo Tin Mừng theo sứ điệp đã được truyền đạt cho Giáo Hội, được thực hiện ngày hôm nay, tại địa phương và trên hoàn cầu? Và rồi Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta thực hiện những bước nào nữa để phát triển như một Giáo hội đồng nghị? Tuy nhiên, tôi xin nói ngay rằng chủ đề này không phải là chuyện hoàn toàn học thuật, mà còn đặt căn bản trên việc cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa và tinh thần sám hối và hoán cải, và do đó lắng nghe lẫn nhau, đối thoại và biện phân. Nhiệm vụ của chúng ta trong phiên họp châu lục này là xác định các ưu tiên sẽ được nghiên cứu trong Phiên họp Toàn thể sắp tới. Chúng ta đặt việc làm của phiên họp này dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần và sự chuyển cầu của Mẹ chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo hội và Đức bà Libăng, và cầu xin cho nó thành công và sinh hoa trái nhờ ân sủng Thiên Chúa, để hoàn thành những mong muốn và ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
Cùng nhau bước đi’ nằm ở trung tâm Thượng Hội Đồng Trung đông về tính đồng nghị
Vu Van An
13:24 17/03/2023

Theo tạp chí mạng The National Catholic Register, với mục đích và nghị bàn, trong bầu khí cầu nguyện, Phiên họp Thượng Hội đồng Lục địa của Trung Đông đã nhóm họp từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 2 tại Libăng.



Phiên họp quy tụ đại diện của bảy Giáo Hội Công Giáo Đông phương — Maronite, Melkite, Syriac, Chaldean, Coptic, Armenian cũng như Latinh — đến từ Ai Cập, Syria, Jordan, Thánh địa, Iraq, Libăng và các quốc gia vùng Vịnh.

120 người tham dự, nhóm họp tại Trung tâm Hội nghị Bethany gần đền thánh Harissa, Đức Bà Libăng, bao gồm tất cả các thượng phụ của bảy nghi lễ cũng như các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Phát biểu với tờ Register trong cuộc họp mặt, Thượng phụ Công Giáo Syriac Ignace Joseph III Younan, một trong 15 thành viên của hội đồng chuẩn bị của thượng hội đồng, đại diện cho các Giáo Hội Công Giáo ở Đông phương, cho biết “chúng ta đang đi đúng đường về tính đồng nghị này.

“Tuy nhiên, chúng ta phải rất cẩn thận để nó không chỉ là ‘cùng nhau bước đi’. Đi đâu?” Ngài hỏi như thế.

Thượng phụ Công Giáo Syriac nhấn mạnh, “Chúng ta phải có một mục tiêu cuối cùng: Đó là Chúa Giêsu Kitô, là chi thể của thân thể Người, và là những người truyền giáo. Nếu không, chúng ta biến Giáo hội thành một loại hiệp hội của các đảng phái chính trị hoặc nghiệp đoàn của những người lao động. Chúng ta là thành viên của Nhiệm thể Chúa Kitô”.

Sau chuyến thăm mục vụ tới Iraq, Thượng phụ Younan đã từ Syria trở lại tòa thượng phụ ở Libăng một ngày trước thượng hội đồng, nơi ngài đặc biệt đến thăm Aleppo, nơi bị tàn phá bởi trận động đất 7.8 độ richter tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6 tháng Hai.

Tại Aleppo, Thượng phụ cho biết ngài đã chứng kiến “sự hiệp thông giữa tất cả mọi người - Kitô hữu và Hồi giáo - để giúp đỡ, mở cửa nhà cho tất cả những người hiện không có nơi ở, và các Giáo Hội cũng như các định chế của họ cung cấp tất cả những gì các nạn nhân cần như sự trợ giúp nhân đạo. ”

Đức Hồng Y Hollerich đã đến Phiên họp Trung Đông sau khi bế mạc Phiên họp Châu Âu ở Praha; ngài đến Libăng lúc 4 giờ sáng, kịp giờ để khai mạc hội nghị lúc 9 giờ sáng, và khi kết thúc hội nghị, dự kiến sẽ tham dự phiên họp cấp châu lục ở Bangkok, Thái Lan.

Ngài nói với Register rằng Thượng hội đồng Trung Đông liên quan đến một “sự phức tạp hơn, sự đa dạng hơn”.

Đức Hồng Y Hollerich nói “Đó là vẻ đẹp của thượng hội đồng, mỗi lục địa có thể đóng góp một điều gì đó của riêng mình cho Giáo hội hoàn vũ”. Đối với Trung Đông, một khu vực mà ngài nói được đặc trưng bởi “sự đau khổ vô cùng”, sự đóng góp đó bao gồm “đối thoại với các tôn giáo, chủ nghĩa đại kết và một thông điệp hòa bình”.

Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, Pierbattista Pizzaballa, nói với tờ Register tại thượng hội đồng rằng đối với các Giáo Hội Công Giáo ở Trung Đông, “thật không may, điều đoàn kết chúng ta lại là sự chia rẽ chính trị, chia rẽ tôn giáo, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa bộ lạc và các loại xung đột khác nhau”.

Ngài lưu ý: “Ở các nước phương Tây, chúng ta không thể nói về Chúa. Nhưng ở đây, ở Trung Đông, Thiên Chúa rất hiện diện, đối với cả người Do Thái lẫn người Hồi giáo. Thiên Chúa là nguồn của mọi quyết định. Nhưng có vẻ như Chúa đang 'nói' những điều khác nhau” với người Do Thái và người Hồi giáo.

Ngài lưu ý, thách thức là “làm thế nào để sống, trong cuộc xung đột này với tư cách là những Kitô hữu”.

Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói, “Người dân của chúng tôi, đặc biệt là giới trẻ, muốn cảm thấy mình là một phần trong đời sống của Giáo hội. Đây là thách thức chính, và điều này cũng sẽ củng cố cảm thức cộng đồng”.

Các nhóm làm việc trong phiên họp đều bao gồm những người phát xuất từ nhiều quốc gia và nghi lễ Công Giáo khác nhau, với những người tham gia từ thượng phụ tới giáo dân.

Ngay từ đầu, Linh mục Dòng Tên Dany Younes, giám tỉnh Trung Đông, đã hướng dẫn những người tham gia cách thức “đối thoại tâm linh”, dựa trên mô hình của Thánh Inhaxiô, như một cách tiếp cận để nói và lắng nghe từ trái tim.

Sawsan Bitar, một nữ giáo dân Nghi lễ Latinh từ Giêrusalem, nói với Register sau một buổi làm việc, “Tôi rất lạc quan. Nó rất mạnh mẽ. Tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần ở với chúng tôi.” Đặc biệt, bà lưu ý rằng việc nghe trực tiếp từ hàng giáo phẩm của Giáo hội “có nghĩa là biết chính xác những gì đang diễn ra trên thực địa. Họ đang thực sự tìm kiếm một sự thay đổi, và đó là tất cả những gì mà thượng hội đồng hướng tới.”

Bà nói, một trong những vấn đề chính được thảo luận trong những buổi làm việc của bà là “gia đình và tầm quan trọng của việc đào tạo cho những người trẻ tuổi, cũng như các linh mục”.

Linh mục nghi lễ Melkite người Libăng, Gabriel Hachem, chủ tịch ủy ban tâm linh và phụng vụ của Phiên họp Lục địa Trung Đông, đã cho tờ Register biết, “Chúng tôi là các Giáo hội tông truyền, và chúng tôi vừa là các Giáo hội đồng nghị vừa là các Giáo Hội thượng phụ. Điểm đặc biệt của chúng tôi là chúng tôi đang mang truyền thống tông đồ này trong khi sống trong những điều kiện khó khăn ở mọi bình diện.”

“Chúng tôi là một Giáo hội đang đau khổ, nhưng chúng tôi cũng luôn hy vọng,” Cha Hachem nói như thế, đồng thời lưu ý rằng “di cư là một nguồn đau khổ lớn cho tất cả chúng tôi.”

“Chúng tôi có kinh nghiệm về sự đa dạng và cách quản lý sự đa dạng, bất chấp mọi áp lực và điều kiện khắc nghiệt mà chúng tôi phải đối diện. Vì vậy, có những điều chúng tôi có thể đóng góp vào tiến trình hoàn cầu” về tính đồng nghị, ngài nói thế, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi luôn phải rất khiêm tốn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, cuộc sống của mình”.

Thánh lễ được cử hành mỗi ngày trong suốt thượng hội đồng theo một nghi lễ khác nhau.

Cử hành Thánh lễ khai mạc tại Vương cung thánh đường Đức Bà Harissa, Đức Hồng Y người Libăng Bechara Rai, thượng phụ Maronite, cho biết Giáo hội đồng nghị là “con tàu đi trên biển của thế giới này, gặp nhiều khủng hoảng của chiến tranh và những tai họa của chúng.”

Cuối tuần đó, Thượng phụ Công Giáo Coptic Ibrahim Isaac Sedrak, trong bài giảng Thánh lễ tại nhà thờ Trung tâm Hội nghị Bethany đã thừa nhận, “Kể từ khi bắt đầu quá trình chuẩn bị cho thượng hội đồng, chúng ta cảm thấy mình lạc lối. Có lẽ bởi vì chúng ta đang bước đi một cách khác thường, và chúng ta đang suy nghĩ về một chủ đề vốn là bản chất của Giáo hội trong yếu tính của nó. Những vấn đề như vậy đòi hỏi thời gian, lòng can đảm, sự hối cải và cởi mở với Chúa Thánh Thần, và do đó với nhau, và lắng nghe những gì đằng sau lời nói.”

Tuy nhiên, Thượng phụ Ai Cập đã khẳng định: “Vì vậy, chúng ta cảm thấy dường như càng đi sâu vào đại dương này, khả năng bơi lội và đi vào độ sâu của chúng ta càng lớn hơn”.

Trong tuyên bố bế mạc ngày 17 tháng 2, Phiên họp cho biết cuộc họp của họ “diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn đối với khu vực của chúng tôi,” đặc biệt là về kinh tế và nhân đạo, đặc biệt là “trận động đất kinh hoàng đã tấn công những người anh em của chúng tôi ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuyên bố cho biết những người tham gia “dừng lại trước sự kiện đau đớn và đau lòng này và dâng lời cầu nguyện hàng ngày theo ý của các nạn nhân, những người bị thương và những người phải di tản trong các khu vực bị ảnh hưởng”.

Trong tuyên bố kết thúc gồm 13 điểm của họ, những người tham gia đã tái khẳng định các hằng số căn bản của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm:

Tuyên bố cho biết: “Chủ nghĩa đồng nghị là một trong những yếu tính của di sản các Giáo hội Đông phương của chúng tôi”. Nó trưng dẫn “sự hiện diện và tài năng của giáo dân trong việc phục vụ Nhiệm thể Chúa Kitô, đặc biệt là vai trò của những người trẻ tuổi, khả năng của họ và kỳ vọng của họ đối với một Giáo hội đổi mới phản ảnh những thách thức mà họ phải đối diện và tầm quan trọng của vai trò và sứ mệnh của phụ nữ trong Giáo Hội và sự tham gia của họ vào việc ra quyết định và phục vụ.”

“Phụng vụ là sự sống của chúng tôi,” tuyên bố nói thế, thừa nhận rằng “lời kêu gọi đổi mới phụng vụ tương ứng với nguyện vọng của giới trẻ chúng tôi trong khi vẫn bảo tồn yếu tính và các biểu tượng của nó.”

Tuyên bố kêu gọi “một chủ nghĩa đại kết sáng tạo và đổi mới và khuyến khích đối thoại đại kết,” cũng như “Giáo hội cởi mở với những người khác biệt về giáo hội và tôn giáo, bằng cách lắng nghe, đối thoại và đoàn kết, cùng chung sống, đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, nhằm biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa duy nhất.”

Họ cũng khẳng định “sứ mệnh, chứng tá và các cơ cấu đổi mới của một Giáo hội đồng nghị hơn” và “các phụ nữ mục vụ chuyên môn hóa trong gia đình, phụ nữ và giới trẻ”.

“Chúng tôi là con cái của Sự Phục Sinh,” họ khẳng định trong tuyên bố của mình như thế, đồng thời nhấn mạnh “những điều tích cực sâu sắc hợp nhất các Giáo hội của chúng tôi … với tư cách một Giáo hội của hy vọng ở các quốc gia Trung Đông, bất chấp sự hiện diện của họ ở giữa lòng của nghịch cảnh.”
 
Ortega đóng cửa Caritas Nicaragua
Đặng Tự Do
17:00 17/03/2023


Bộ Nội vụ đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của Caritas Nicaragua, tổ chức viện trợ của Giáo Hội Công Giáo hỗ trợ những người gặp khó khăn nhất trong nước.

Chính sách bịt miệng những tiếng nói bất đồng ở Nicaragua một lần nữa nhắm trực tiếp vào Giáo Hội Công Giáo.

Trong 5 năm qua, Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã trải qua hơn 190 vụ tấn công và xúc phạm, trong đó có vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ chính tòa Managua, trục xuất các Thừa sai Bác ái, bỏ tù Đức Giám Mục Rolando Álvarez, lưu đày và tước bỏ quyền công dân của hơn 222 cựu tù nhân chính trị, linh mục, giám mục và chủng sinh, bao gồm việc cấm các cuộc rước kiệu Công cộng theo truyền thống tại tất cả các giáo xứ trong cả nước trong Mùa Chay và Lễ Phục sinh, và đóng cửa bảy trường đại học – hai trong số đó có quan hệ với Giáo Hội Công Giáo, Đại học Công Giáo John Paul II và Đại học Kitô giáo tự trị. Giờ đây, chế độ của Ortega đã giải tán Caritas Nicaragua – tổ chức viện trợ của Giáo Hội Công Giáo hỗ trợ những người gặp khó khăn nhất trong nước.

Tờ báo chính thức của chính phủ La Gaceta đã đưa tin vào cùng ngày các trường đại học bị đóng cửa rằng Bộ Nội vụ đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của Caritas Jinotega và Caritas Nicaragua. Đây là động thái pháp lý tương tự đã dẫn đến việc trục xuất các Thừa sai Bác ái năm ngoái.

Caritas là tổ chức viện trợ chính thức của Giáo hội, với các văn phòng địa phương trên khắp thế giới. Tại Hoa Kỳ, văn phòng địa phương của nó được gọi là Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo.

Các nguồn tin Nicaragua địa phương giải thích rằng những trở ngại mà chế độ của Ortega áp đặt lên Caritas Nicaragua, chẳng hạn như từ chối cho phép họ nhận quyên góp từ các tổ chức khác bao gồm cả rượu để thánh hiến trong Thánh lễ, cuối cùng đã buộc họ phải giải thể.
Source:Aleteia
 
Nicaragua: Đức Cha Álvarez bây giờ ở đâu?
Đặng Tự Do
17:01 17/03/2023


Sau khi từ chối rời đi cùng với 222 tù nhân chính trị bị lưu đày sang Mỹ, Đức Cha Rolando Álvarez của Nicaragua đã bị kết án 26 năm tù ở Nicaragua. Theo các phương tiện truyền thông được NPR trích dẫn, “Đức Cha Álvarez đã dừng lại ở cầu thang dẫn lên máy bay đến Mỹ và nói, 'Hãy để những người khác được tự do. Tôi sẽ chịu đựng sự trừng phạt của họ.'“

Trong một bài phát biểu xác nhận việc trả tự do cho 222 tù nhân chính trị, chính Ortega nói rằng giám mục Nicaragua đã bị đưa đến Cárcel La Modelo, một nhà tù nơi giam giữ hầu hết các tù nhân chính trị chống lại chế độ của Ortega. Theo các báo cáo địa phương của Nicaragua, ngài bị đưa đến cách ly trong phòng giam số 300, còn được gọi là “infiernillo”, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “địa ngục nhỏ”, một phòng giam được bảo vệ tối đa.

Các nguồn tin liên kết với Giáo hội nói với Despacho 505, một dịch vụ tin tức độc lập của Nicaragua, rằng “những người từ trung tâm nhà tù đã nói rằng ngài đã bị đưa đến đó, nhưng ngài bị giam trong phòng giam số 300, hoàn toàn bị cô lập.”

Nguồn tin cũng nói rằng ngài bị biệt giam để ngăn không cho ngài tiếp xúc với bất kỳ tù nhân chính trị nào khác.

Nhưng, theo bài báo của Jaime Septién trong ấn bản tiếng Tây Ban Nha của tờ Aleteia, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng nhân viên nhà tù đã nói với em gái của Đức Cha Álvarez, là cô Vilma, rằng ngài không có ở đó.

Septién giải thích rằng đây có thể chỉ là một cách khác để giữ Đức Cha trong sự cô lập nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bài báo cho biết, Lesther Alemán chính trị Nicaragua lưu vong đã báo cáo những gì lính canh đã nói.

“Doña Vilma đã đến cổng chính của 'La Modelo' để mang nước cho anh trai cô ấy, nhưng nhân viên nhà tù không nhận và giải thích rằng ngài không có ở đó,” Alemán đã tweet.

Alemán cũng yêu cầu các tổ chức quốc tế như Hội Hồng Thập Tự Quốc tế đến thăm nhà tù để bảo đảm rằng Giám mục Álvarez không chỉ ở đó mà còn có sức khỏe tốt.
Source:Aleteia
 
Nhật Ký Trừ Tà số 231: Ma Quỷ Nhục Nhã
Đặng Tự Do
17:02 17/03/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #231: Demons of Shame”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 231: Ma Quỷ Nhục Nhã”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“Jane” bị bao vây bởi những suy nghĩ nhục nhã. Những suy nghĩ này miêu tả toàn bộ cuộc đời cô là một thất bại thảm hại. Cô cảm thấy mình thật bệnh hoạn và đáng ghê tởm. Cô ấy không thể tưởng tượng được Chúa hay bất cứ ai khác yêu thương cô ấy hoặc thậm chí muốn nhìn cô ấy. Cô ấy nói, “Tôi cảm thấy như đang bước đi trong sự nhục nhã ê chề.”

Jane bị ảnh hưởng bởi một nỗi ám ảnh ma quỷ nghiêm trọng. Nó không chỉ đơn giản là những lời độc thoại tiêu cực mà rất nhiều người trong chúng ta mắc phải. Trường hợp của cô ấy đặc biệt mạnh mẽ và nó hành hạ cô ấy hàng ngày. Nó đập vào não cô ấy dường như không ngừng. Đôi khi, sự xấu hổ lấn át suy nghĩ và khiến cô tê liệt cảm xúc.

Sự khiêm tốn đích thực bắt nguồn từ sự thật. Vâng, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Tất cả chúng ta đều có tội và đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng điều này không giống như sự nhục nhã. Sự nhục nhã ê chề tấn công ý thức về bản thân và giá trị bản thân của chúng ta. Chúng ta được tạo ra để nghĩ rằng chúng ta vô giá trị. Một số nhà thần bí nói rằng những con quỷ trong địa ngục hành hạ người chết với những suy nghĩ xấu hổ như vậy. Ma quỷ tấn công họ với lời buộc tội rằng họ vô giá trị và Chúa không quan tâm.

Bất chấp cảm giác tội lỗi và những tội lỗi của chúng ta, chúng ta không vô giá trị. Thay vào đó, chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và do đó có giá trị vô giá. Chúng ta được yêu thương vô cùng và tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Chúng ta được cứu bởi Ngài. Những ý nghĩ nhục nhã và tự bôi nhọ bản thân không đến từ Thiên Chúa.

Với những người bị ám ảnh bởi sự nhục nhã do ma quỷ gây ra, tôi thường giúp họ trải qua nhiều lần từ bỏ “những con quỷ nhục nhã”. Tôi hướng dẫn họ hãy nói: “Tôi từ bỏ ma quỷ nhục nhã. Tôi từ chối chúng; Tôi quở trách chúng; Tôi từ bỏ chúng. Nhân danh Chúa Giêsu, tôi đuổi chúng đi. Nhân danh thánh của Ngài, tôi đuổi chúng ra ngoài!

Họ cũng nên nói thêm: “Tôi là con của Thiên Chúa và tôi được tạo nên xinh đẹp theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi được Chúa Cha yêu thương vô hạn.” Sau đó tôi sẽ nói: “Nguyện Thiên Chúa đầy yêu thương của chúng ta vòng tay ôm lấy bạn. Có thể bạn biết rằng bạn được yêu thương vô hạn. Hãy biết rằng bạn sẵn sàng hiện hữu bởi tình yêu ngay từ giây phút đầu tiên bạn được thụ thai. Bạn được kêu gọi và được định sẵn cho Nước Trời.”

Đây là lời cầu nguyện của tôi cho tất cả các bạn:

Bạn cũng có thể biết rằng bạn đã được yêu thương sẵn sàng ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai. Nguyện xin Cha vòng tay yêu thương ôm lấy bạn. Cầu mong bạn cảm nhận được hơi ấm, tình yêu và sự bình an của Ngài. Nhân danh Chúa Giêsu, bạn được chữa lành. Nhân danh Chúa Giêsu, bạn được bình an.
Source:Catholic Exorcism
 
Tĩnh tâm Mùa Chay 2023 cùng Giáo triều Rôma – Bài thứ Ba: Thiên Chúa là tình yêu
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:42 17/03/2023


Tóm lược

Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 17 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài giảng Tĩnh tâm Mùa Chay thứ ba trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài là trọng tâm của bài giảng này.

“Để an ủi quý vị và tôi, thưa Đức Thánh Cha, các Cha đáng kính, và anh chị em, buổi suy niệm này sẽ hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa. Diễn ngôn về Thiên Chúa, tức là thần học, không thể xa lạ với thực tại của Thượng Hội đồng, cũng như không thể xa lạ với bất kỳ thời điểm nào khác của đời sống Giáo hội,” Đức Hồng Y Cantalamessa đã bắt đầu như trên.

Vị Hồng Y dòng Phanxicô nhận xét rằng “Nếu không có thần học, đức tin sẽ dễ dàng trở thành sự lặp lại chết chóc và sẽ thiếu công cụ chính của nó để hội nhập văn hóa”.

Sự gần gũi của Thiên Chúa

Tuy nhiên, ngài gợi ý rằng để hoàn thành nhiệm vụ này, chính thần học, “cần một sự đổi mới sâu sắc”.

“Điều mà dân Chúa cần là một nền thần học thấm nhuần cuộc sống, không phải lúc nào cũng nói về Chúa 'ở ngôi thứ ba', với những phạm trù thường vay mượn từ hệ thống triết học đương đại, không thể hiểu được bên ngoài một nhóm nhỏ 'người trong cuộc'.”

Thay vào đó, ngài thúc giục, chúng ta phải nhìn thấy Chúa một cách gần gũi, dễ hiểu.

“Nhưng tôi xin lỗi vì đã thất hứa ban đầu. Tôi không định khai triển ở đây một diễn từ về việc đổi mới thần học. Tôi sẽ không có trình độ để làm điều đó. Thay vào đó, tôi muốn cho thấy thần học, hiểu theo nghĩa vừa được phác thảo, có thể góp phần trình bày sứ điệp Tin Mừng một cách có ý nghĩa như thế nào cho nhân loại ngày nay và mang lại sức sống mới cho đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta.”

Thiên Chúa yêu mến anh chị em

Tin tốt đẹp nhất mà Giáo hội có nhiệm vụ loan báo cho thế giới, tin mà mọi trái tim con người thổn thức mong đợi được nghe, đó là: “Thiên Chúa yêu mến anh chị em!”

Ngài nhấn mạnh, xác tín này phải xóa bỏ và thế chỗ cho niềm tin mà chúng ta luôn mang trong mình: “Thiên Chúa đang phán xét bạn!”

Ngài nhấn mạnh rằng chân lý “Thiên Chúa là tình yêu” phải đi kèm, giống như một nốt trầm, mọi lời loan báo Kitô giáo, ngay cả khi những đòi hỏi thực tế của tình yêu này phải được nhắc lại, như Tin Mừng đã làm.

Sau đó, Đức Hồng Y giải thích thêm về các mầu nhiệm đức tin, chiều sâu và ý nghĩa đằng sau Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể và Thương Khó, và nói rằng chúng ta phải xem chân lý mà chúng ta đã chiêm ngắm trong những mầu nhiệm này dưới ánh sáng của khẳng định “Thiên Chúa là tình yêu” sẽ thay đổi như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.

Ngài lập luận rằng sự biến đổi cuộc sống của chúng ta, thông qua các mầu nhiệm, tạo nên “tin mừng” “không bao giờ thiếu khi chúng ta cố gắng đào sâu kho tàng đức tin Kitô giáo”. Ngài nói thêm rằng “Tin tốt lành là nhờ được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu xứng đáng với Ngài!”

Tràn đầy tình yêu thiêng liêng

“Tình yêu đã tuôn đổ vào chúng ta là tình yêu mà Chúa Cha đã luôn yêu mến Chúa Con, không phải là một tình yêu khác! Đó là sự tràn đầy tình yêu thiêng liêng từ Chúa Ba Ngôi đối với chúng ta.”

Thánh Gioan Thánh Giá viết: Thiên Chúa truyền đạt cho linh hồn, “chính tình yêu mà Ngài truyền đạt cho Chúa Con, ngay cả khi điều này không xảy ra tự nhiên, như trong trường hợp của Chúa Con, nhưng bằng sự kết hiệp.”

Ngài lưu ý rằng hệ quả là chúng ta có thể yêu mến Chúa Cha bằng tình yêu mà Chúa Con yêu mến Ngài, và chúng ta có thể yêu mến Chúa Giêsu bằng tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ngài.

Ngài nói, tất cả những điều này là nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng chính là tình yêu đó.

Đức Hồng Y hỏi “Vậy thì điều gì chúng ta dâng lên Thiên Chúa là của riêng chúng ta khi chúng ta nói với Ngài, 'Con yêu mến Chúa '? Không có gì ngoài tình yêu mà chúng ta nhận được từ Ngài! Như thế, hoàn toàn không có gì về phía chúng ta chăng? Phải chăng tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa không gì khác hơn là một sự “bật ngược trở lại” về phía Ngài chính tình yêu của Ngài, phải chăng nó chỉ giống như tiếng vọng đưa âm thanh trở lại nguồn của Ngài? Thưa: Không phải đâu! Tiếng vang trở lại với Thiên Chúa từ thẳm sâu trái tim của chúng ta, nhưng với một điều mới lạ là tất cả dành cho Thiên Chúa: hương thơm của tự do và lòng biết ơn hiếu thảo của chúng ta! Tất cả những điều này được thực hiện một cách mẫu mực trong bí tích Thánh Thể. Trong đó, chúng ta dâng lên Chúa Cha, như “của lễ của chúng ta,” điều mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta trước, đó là Chúa Giêsu Con của Người.

“Chúng ta có thể nói với Chúa Cha trong lời cầu nguyện của mình: “Lạy Cha, con yêu mến Cha bằng tình yêu mà Con Cha là Chúa Giêsu yêu Cha!” Và chúng ta có thể thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa bằng tình yêu mà Cha trên trời yêu mến Chúa!” Và xác tín rằng tất cả những điều này không phải là một ảo ảnh ngoan đạo trong trí tưởng tượng của chúng ta!

Toàn văn bài giảng Tĩnh tâm Mùa Chay thứ ba trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.

Chúng ta cần Thần học!

Để an ủi quý vị và tôi, thưa Đức Thánh Cha, các Cha đáng kính, và anh chị em, buổi suy niệm này sẽ hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa. Diễn ngôn về Thiên Chúa, tức là thần học, không thể xa lạ với thực tại của Thượng Hội đồng, cũng như không thể xa lạ với bất kỳ thời điểm nào khác của đời sống Giáo hội. Không có thần học, đức tin sẽ dễ dàng trở thành sự lặp lại chết chóc và sẽ thiếu đi công cụ chính của nó để “hội nhập văn hóa”.

Tuy nhiên, để chu toàn nhiệm vụ này, chính thần học cần phải đổi mới sâu sắc. Điều dân Chúa cần là một nền thần học thấm nhuần cuộc sống, không phải lúc nào cũng nói về Thiên Chúa “ở ngôi thứ ba,” với những phạm trù thường vay mượn từ hệ thống triết học đương đại, không thể hiểu được bên ngoài vòng tròn nhỏ “những người trong cuộc”. Người ta viết rằng “Ngôi Lời đã trở nên nhục thể,” nhưng trong thần học, thường thì Ngôi Lời chỉ là ý tưởng! Karl Barth hy vọng về sự ra đời của một nền thần học “có khả năng thuyết giảng”, nhưng hy vọng này dường như còn lâu mới được thực hiện. Thánh Phaolô đã viết:

Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa…Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ nhưng không Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. (1Cr 2:10-12).

Nhưng bây giờ chúng ta có thể tìm thấy ở đâu một nền thần học dựa vào Chúa Thánh Thần để biết “những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” hơn là dựa vào các phạm trù khôn ngoan của con người? Đối với điều này, cần phải dùng đến những gì được gọi là các trường phái “tùy chọn”: tức là “Thần học linh đạo,” và “Thần học mục vụ” nếu người ta muốn một nền thần học có khả năng được rao giảng. Henri de Lubac đã viết: “Thừa tác vụ rao giảng không phải là sự bình dân hóa sự giảng dạy tín lý về một hình thức trừu tượng hơn, vốn có trước và cao siêu hơn nó. Ngược lại, đó chính là sự giảng dạy tín lý, ở dạng cao nhất. Điều này đúng với sự rao giảng đầu tiên về Kitô giáo, của các tông đồ, và nó cũng đúng với lời rao giảng của những người kế tục họ trong Giáo hội: các Giáo phụ, các Tiến sĩ và các mục tử của chúng ta vào thời điểm hiện tại.”

Tôi tin chắc rằng không có nội dung đức tin nào, dù cao siêu đến đâu, lại không thể hiểu được đối với mọi trí thông minh mở ra cho sự thật. Một điều chúng ta có thể học được từ các Giáo phụ là bạn có thể sâu sắc mà không mù mờ. Thánh Grêgôriô Cả nói rằng Kinh Thánh “đơn giản và sâu sắc, giống như một dòng sông, có thể nói, chiên con có thể đi và voi có thể bơi.” Thần học của chúng ta nên được lấy cảm hứng từ mô hình này. Mọi người sẽ có thể tìm thấy trong đó bánh mì cho răng của họ: đối với người đơn sơ đó là thức ăn của họ, và đối với người có học thức đó là đồng cỏ của họ. Đó là chưa kể đến việc nó thường được tiết lộ cho “những kẻ bé mọn” những điều còn ẩn giấu “đối với những người khôn ngoan và uyên bác”.

Nhưng tôi xin lỗi vì đã thất hứa ban đầu. Tôi không có ý định khai triển ở đây một bài diễn văn về canh tân thần học. Tôi sẽ không đủ trình độ để làm điều đó. Đúng hơn, tôi muốn cho thấy thần học, hiểu theo nghĩa vừa được vạch ra, có thể góp phần trình bày sứ điệp Tin Mừng một cách có ý nghĩa như thế nào cho nhân loại ngày nay và mang lại sức sống mới cho đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta.

Tin tốt đẹp nhất mà Giáo hội có nhiệm vụ loan báo cho thế giới, tin mà mọi trái tim con người thổn thức đợi chờ được nghe, đó là: “Thiên Chúa yêu thương anh chị em!” Xác tín này phải xóa bỏ và thế chỗ cho niềm tin mà chúng ta luôn mang trong mình: “Chúa đang phán xét bạn!” Chân lý “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8) phải đi kèm, giống như một nốt trầm, trong mọi lời loan báo Kitô giáo, ngay cả khi những đòi hỏi thực tế của tình yêu này phải được nhắc lại, như Tin Mừng thực hiện.

Khi cầu xin Chúa Thánh Thần, kể cả dịp Thượng Hội đồng Giám mục hiện nay, trước hết chúng ta hay nghĩ đến Chúa Thánh Thần như ánh sáng soi sáng chúng ta trong từng hoàn cảnh và gợi ý những giải pháp đúng đắn. Chúng ta ít coi Chúa Thánh Thần là tình yêu. Nhưng trái lại, đây là hoạt động đầu tiên và thiết yếu nhất của Thần Khí mà Giáo hội cần đến. Chỉ có bác ái mới gây dựng được; kiến thức – ngay cả kiến thức thần học và giáo hội – thường chỉ thổi phồng và chia rẽ. Nếu chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta lại quá háo hức muốn biết (và ngày nay, rất phấn khích trước triển vọng của trí tuệ nhân tạo!) mà lại ít quan tâm đến việc yêu thương, thì câu trả lời rất đơn giản: kiến thức biến thành sức mạnh, tình yêu thương biến thành sự phục vụ!

Cũng chính Henri de Lubac đã viết: “Thế giới phải biết: sự mặc khải của Thiên Chúa như là Tình yêu làm đảo lộn mọi thứ mà thế gian đã quan niệm về thần tính.” Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành (và sẽ không bao giờ) rút ra tất cả những hậu quả từ cuộc cách mạng truyền giáo về Chúa này. Trong bài suy niệm này, tôi muốn cho thấy làm thế nào, bắt đầu từ mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, các mầu nhiệm chính của đức tin chúng ta được soi sáng bằng ánh sáng mới: Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể và Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, và nó trở nên bớt khó khăn hơn để làm cho mọi người hiểu được những điều này. Khi Thánh Phaolô định nghĩa các thừa tác viên của Chúa Kitô là “những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4:1), ngài muốn nói đến những mầu nhiệm đức tin này, ngài không đề cập đến một số nghi thức hay thậm chí chủ yếu đến các bí tích.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Hãy bắt đầu với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tại sao Kitô hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là một và ba ngôi? Trong nhiều dịp, tôi đã rao giảng lời Chúa cho các Kitô hữu sống ở các quốc gia có đa số người Hồi giáo, ở đó, dẫu sao, vẫn có sự khoan dung tương đối và khả năng đối thoại, chẳng hạn như ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Những Kitô hữu đó, chủ yếu là người nhập cư và làm công nhân, đôi khi nhờ tôi giúp họ trả lời một câu hỏi mà họ thường được hỏi ở nơi làm việc: “Tại sao các Kitô hữu các bạn lại nói rằng các bạn là những người độc thần nếu các bạn không tin vào một Thiên Chúa duy nhất?”

Tôi lặp lại ở đây câu trả lời mà tôi đã gợi ý cho họ bởi vì đó cũng là câu trả lời mà chúng ta nên đưa ra cho chính mình và cho những người đang vật lộn với cùng một vấn đề. Người Kitô hữu chúng ta tin Thiên Chúa Ba Ngôi vì chúng ta tin Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả mọi tình yêu đều là tình yêu về một ai đó hoặc một cái gì đó; không có tình yêu “hư vô”, không có đối tượng, cũng như không có tri thức nào không phải là tri thức về một ai đó hay về một điều gì đó. Bây giờ, Thiên Chúa yêu ai, để được gọi là tình yêu? Nhân loại chăng? Vũ trụ chăng? Nếu vậy, thì Ngài chỉ là tình yêu trong vài tỷ năm, nghĩa là kể từ khi vũ trụ vật chất và loài người ra đời. Trước đó, Thiên Chúa yêu ai để được gọi là tình yêu, vì Thiên Chúa không thể thay đổi và bắt đầu trở thành điều mà trước đây Ngài không phải là? Các nhà tư tưởng Hy Lạp, quan niệm Thiên Chúa trên hết là Trí tuệ (Nous), có thể trả lời: Thiên Chúa nghĩ về chính mình; Ngài là “tư duy thuần túy.” Nhưng điều này không còn khả thi nữa khi người ta nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì “tình yêu thuần túy cho chính mình” sẽ chỉ là sự ích kỷ và tự ái.

Và đây là câu trả lời của mặc khải, được định nghĩa tại Công Đồng Nicê năm 325. Thiên Chúa luôn luôn là tình yêu – ab aeterno – bởi vì ngay cả trước khi có một đối tượng bên ngoài chính mình để yêu, thì Ngài đã có Ngôi Lời, “Con Một” mà Ngài đã yêu bằng tình yêu vô hạn, nghĩa là “trong Chúa Thánh Thần”.

Tất cả những điều này không giải thích được làm thế nào mà sự hiệp nhất lại có thể đồng thời là ba ngôi, một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết được vì điều đó chỉ xảy ra nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó giúp chúng ta hiểu tại sao, nơi Thiên Chúa, hiệp nhất cũng phải là hiệp thông và đa nguyên. Thiên Chúa là tình yêu, vì thế Người là Ba Ngôi! Một Thiên Chúa là tri thức thuần túy hoặc luật pháp thuần túy, hoặc quyền năng tuyệt đối, sẽ không cần phải là ba ngôi. Điều này thực sự sẽ làm phức tạp mọi thứ. Không có “tam đầu chế” và cũng chẳng có “nhị đầu chế” nào tồn tại lâu dài trong lịch sử!

Do đó, các tín hữu Kitô cũng tin vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa và là những người theo thuyết độc thần; tuy nhiên, đó là một sự hiệp nhất, không phải toán học và số học, mà là tình yêu và sự hiệp thông. Nếu có điều gì đó mà kinh nghiệm của lời loan báo này cho thấy vẫn có khả năng giúp con người ngày nay, nếu không phải là để giải thích, thì ít nhất là để có được ý niệm về Chúa Ba Ngôi, thì tôi xin nhắc lại, điều này chính là điều xoay quanh tình yêu. Thiên Chúa là một “hành động thuần túy” và hành động này là một hành động của tình yêu bao hàm, đồng thời và tuyệt đối, một người yêu, một người được yêu và chính tình yêu.

Tôi tin rằng mầu nhiệm của các mầu nhiệm không phải là Chúa Ba Ngôi; nhưng đó là hiểu được tình yêu thực sự là gì! Vì tình yêu thương chính là bản chất của Thiên Chúa nên chúng ta sẽ không được ban cho để biết đầy đủ tình yêu thương là gì, ngay cả trong cuộc sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, một cái gì đó tốt hơn là biết nó sẽ được trao cho chúng ta, đó là sở hữu nó và hài lòng với nó mãi mãi. Bạn không thể ôm lấy đại dương, nhưng bạn có thể đi vào trong nó!

Mầu nhiệm nhập thể

Chúng ta hãy chuyển sang một mầu nhiệm cao cả khác được tin tưởng và công bố cho thế giới: đó là sự Nhập Thể của Ngôi Lời. Tôi xin được thứ lỗi nếu trong phần này, có lẽ tôi yêu cầu một nỗ lực chú ý nhiều hơn những gì được yêu cầu hợp pháp đối với người nghe một bài giảng, nhưng tôi tin rằng nỗ lực đó đáng để thực hiện ít nhất một lần trong đời.

Hãy bắt đầu với câu hỏi nổi tiếng của Thánh Anselmô (1033-1109): “Tại sao Chúa xuống thế làm người?” – Cur Deus homo? Câu trả lời của thánh nhân là bởi vì chỉ có một người vừa là con người vừa là Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Trên thực tế, với tư cách là một con người, Ngài có thể đại diện cho toàn thể nhân loại, và với tư cách là Chúa, những gì Ngài làm có giá trị vô hạn, tương xứng với món nợ mà con người đã mắc phải với Chúa khi phạm tội.

Câu trả lời của Thánh Anselmô là hợp lệ, nhưng nó không phải là câu trả lời duy nhất có thể, cũng không phải là câu trả lời hoàn toàn thỏa đáng. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa đã nhập thể “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta,” nhưng sự cứu rỗi của chúng ta không chỉ giới hạn ở việc xóa bỏ tội lỗi thôi, càng không phải là một tội lỗi cụ thể, là tội nguyên tổ. Do đó, có chỗ cho việc đào sâu đức tin.

Đây là điều mà Chân phước Duns Scotus (1265-1308) đã cố gắng thực hiện. Ngài nói, Thiên Chúa đã xuống thế làm người vì đây là kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, trước cả chính sự sa ngã, để thế giới – được tạo dựng “nhờ Đức Kitô và cho Người” (Cl 1:16) – có thể tìm thấy nơi Người “vào thời viên mãn” vương quyền của Ngài và sự quy tụ muôn loài của Ngài (Ê-phê-sô 1:10). Scotus viết, “Trước hết, Chúa yêu chính mình;” sau đó Ngài “muốn được yêu bởi một người yêu Ngài ở mức độ cao nhất có thể ngoài bản thân Ngài;” do đó, Ngài “nhìn thấy trước sự kết hợp với bản chất phải yêu Ngài ở mức độ cao nhất.” Người yêu hoàn hảo này không thể là bất kỳ tạo vật nào hữu hạn, mà chỉ có thể là Ngôi Lời vĩnh cửu, do đó, Ngôi Lời sẽ nhập thể “dù không có ai phạm tội”. Tội lỗi của Adong quyết định phương thức Nhập thể (tức là sự chuộc tội qua cuộc khổ nạn và cái chết), không phải là bản thân sự kiện.

Đối với Scotus, thật không may, ngay từ đầu mọi sự, vẫn còn một Thiên Chúa được yêu mến, chứ không phải một Thiên Chúa yêu thương. Đó là tàn tích của tầm nhìn triết học về Chúa như một “động lực bất động”, người có thể được yêu, nhưng không thể yêu. Aristotle đã viết: “Thiên Chúa di chuyển thế giới bằng cách được yêu thương”, nghĩa là với tư cách là đối tượng của tình yêu chứ không phải với tư cách là người yêu thương. Phù hợp với tầm nhìn của phương Tây về Chúa Ba Ngôi, bản chất thần thánh, chứ không phải chính Chúa Cha, là điểm khởi đầu của diễn ngôn về Chúa. Và thiên nhiên, không giống như con người, không phải là một chủ thể có khả năng yêu thương! Về điều này, những người anh em Chính thống giáo của chúng ta, những người thừa kế của các Giáo phụ Hy Lạp, có tầm nhìn tốt hơn những người Latinh chúng ta.

Chính xác về điểm này, Kinh thánh kêu gọi chúng ta tiến lên một bước, ngay cả với sự kính trọng dành cho Scotus, hãy luôn ý thức rằng những lời khẳng định của chúng ta về Thiên Chúa chẳng qua chỉ là những dấu ngón tay thoáng qua trên mặt đại dương. Chúa Cha quyết định việc Ngôi Lời Nhập Thể không phải vì Ngài muốn có một ai đó bên ngoài Ngài yêu Ngài một cách xứng đáng với Ngài, nhưng vì Ngài muốn có một ai đó bên ngoài Ngài để yêu một cách xứng đáng với Ngài! Không phải để nhận được tình yêu, mà để tuôn đổ tình yêu. Khi giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới, trong Bí Tích Rửa Tội và Biến Hình, Chúa Cha trên trời phán: “Đây là Con Ta yêu dấu” (Mc 1:11; 9:7); Ngài không nói “Đây là Con yêu mến Ta.”

Chỉ có Chúa Cha trong Thiên Chúa Ba Ngôi (và trong toàn thể vũ trụ!), không cần được yêu thương để hiện hữu; Ngài chỉ cần yêu thôi. Chúa Con hiện hữu nhờ Chúa Cha; Chúa Cha hiện hữu không nhờ ai. Đây là điều bảo đảm vai trò của Chúa Cha như là cội nguồn và nguồn gốc duy nhất của Ba Ngôi đồng thời bảo đảm sự bình đẳng về bản chất của ba ngôi chí thánh. Ở căn nguyên của mọi sự là trực giác chói lọi của thánh Augustinô và trường phái do ngài khai sinh, xác định Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu và Chúa Thánh Thần là tình yêu kết hợp Chúa Cha và Chúa Con. Về điểm này, người Latinh chúng ta cũng có một cái gì đó quý giá và cần thiết để cống hiến cho một tổng hợp đại kết. Một sự hòa giải giữa hai nền thần học dường như không còn quá khó khăn và xa vời; và đó sẽ là một bước tiến quyết định trong sự hiệp nhất giữa hai Giáo hội.

Mầu nhiệm cuộc thương khó

Chúng ta đến với mầu nhiệm cao cả thứ ba: cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành trong Lễ Phục Sinh. Chúng ta hãy xem, bắt đầu từ mạc khải về Thiên Chúa là tình yêu, mầu nhiệm này cũng được soi sáng như thế nào bằng một ánh sáng mới. “Nhờ vết thương của Người mà anh em được chữa lành” – với những lời này, nói về Tôi Tớ của Yavê (Is 53:5-6), đức tin của Giáo Hội đã diễn tả ý nghĩa cứu độ của cái chết của Chúa Kitô (1 Pr 2:24). Nhưng liệu những vết thương, thập giá và đau đớn – những sự thật tiêu cực và vì thế chỉ là sự loại bỏ điều thiện – có thể tạo ra một thực tại tích cực là sự cứu rỗi của cả nhân loại không? Sự thật là chúng ta không được cứu bởi sự đau khổ của Chúa Kitô, nhưng bởi tình yêu của Ngài! Chính xác hơn, bằng tình yêu được thể hiện trong sự hy sinh bản thân. Từ một tình yêu bị đóng đinh!

Đối với Abelard, người vào thời của ông, đã thấy ý tưởng về một Thiên Chúa “vui lòng” trước cái chết của Con Ngài là một điều đáng ghê tởm, Thánh Bernard trả lời: “Không phải cái chết của Con Ngài làm Ngài hài lòng, mà là ý chí tự do của Con Ngài chết cho chúng ta cách nhưng không.”

Nỗi đau của Chúa Kitô vẫn giữ nguyên giá trị của nó và Giáo hội sẽ không bao giờ ngừng suy niệm về điều đó: tuy nhiên, tự nó không phải là nguyên nhân của ơn cứu độ, nhưng là dấu chỉ và bằng chứng của tình yêu: “Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương của Người đối với chúng ta qua sự kiện là, đang khi chúng ta còn là người có tội, thì Đức Kitô vì chúng ta đã chịu chết” (Rm 5:8).

Điều này sẽ lấy đi khỏi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô một hàm ý luôn khiến tôi bối rối và không hài lòng: đó là ý tưởng về một cái giá và một khoản tiền chuộc phải trả cho Thiên Chúa (hoặc tệ hơn nữa là cho ma quỷ!), hoặc về một sự hy sinh để xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa. Trên thực tế, chính Thiên Chúa đã hy sinh cao cả khi ban Con của Người cho chúng ta – không tiếc “con”, giống như Ápraham đã hy sinh không tiếc con mình là Isaác (St 22:16; Rm 8:32). Thiên Chúa là chủ thể hơn là người thụ hưởng hy lễ thập giá!

Một tình yêu xứng đáng với Chúa

Bây giờ chúng ta phải xem chân lý mà chúng ta đã chiêm ngắm trong các mầu nhiệm – Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô – thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Và ở đây đang chờ đợi chúng ta “tin mừng” không bao giờ thiếu khi chúng ta cố gắng đào sâu kho tàng đức tin Kitô giáo. Tin mừng là nhờ được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu xứng đáng với Người! Lời khẳng định của Thánh Phaolô: “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta” (Rm 5:5), không thể được hiểu đầy đủ nếu không được xem xét dưới ánh sáng của những lời Chúa Giêsu nói với Chúa Cha: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con… để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17:23,26).

Tình yêu đã tuôn đổ vào chúng ta là tình yêu mà Chúa Cha đã luôn yêu mến Chúa Con, không phải là một tình yêu khác! Đó là sự tràn đầy tình yêu thiêng liêng từ Chúa Ba Ngôi cho chúng ta. Thánh Gioan Thánh Giá viết, Thiên Chúa truyền đạt cho linh hồn “chính tình yêu mà Người truyền đạt cho Chúa Con, ngay cả khi điều này không xảy ra tự nhiên, như trong trường hợp của Chúa Con, mà là do sự kết hiệp.” Kết quả là chúng ta có thể yêu Chúa Cha bằng tình yêu mà Chúa Con yêu mến Người và chúng ta có thể yêu Chúa Giêsu bằng tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Người. Và tất cả những điều này nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng chính là tình yêu đó.

Vậy thì, chúng ta dâng gì của chính chúng ta cho Thiên Chúa khi chúng ta nói với Ngài: “Con yêu mến Chúa!” Không có gì ngoài tình yêu chúng ta nhận được từ Ngài! Như thế, hoàn toàn không có gì về phía chúng ta chăng? Phải chăng tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa không gì khác hơn là một sự “bật ngược trở lại” về phía Ngài chính tình yêu của Ngài, phải chăng nó chỉ giống như tiếng vọng đưa âm thanh trở lại nguồn của Ngài? Thưa: Không phải đâu! Tiếng vang trở lại với Thiên Chúa từ thẳm sâu trái tim của chúng ta, nhưng với một điều mới lạ là tất cả dành cho Thiên Chúa: hương thơm của tự do và lòng biết ơn hiếu thảo của chúng ta! Tất cả những điều này được thực hiện một cách mẫu mực trong bí tích Thánh Thể. Trong đó, chúng ta dâng lên Chúa Cha, như “của lễ của chúng ta,” điều mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta trước, đó là Chúa Giêsu Con của Người.

Chúng ta có thể nói với Chúa Cha trong lời cầu nguyện của mình: “Lạy Cha, con yêu Cha bằng tình yêu mà Con Cha là Chúa Giêsu yêu mến Cha!” Và chúng ta có thể thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa bằng tình yêu mà Cha trên trời yêu mến Chúa!” Và hãy xác tín rằng tất cả những điều này không phải là ảo ảnh ngoan đạo trong trí tưởng tượng của chúng ta!

Mỗi lần trong khi cầu nguyện, tôi cố gắng tự mình làm điều này, tôi nhớ lại câu chuyện Giacóp đến gặp cha mình là Isaác, giả làm anh cả của ông, để nhận lời chúc phúc (St 27:1-23). Và tôi cố gắng tưởng tượng điều mà Chúa Cha có thể đang nói với chính tôi vào lúc đó: “Tiếng nói này không thực sự là tiếng nói của Con đầu lòng của Ta; nhưng bàn tay, bàn chân và toàn bộ cơ thể đều giống như Con của Ta đã mặc lấy trên trái đất và đưa lên thiên đàng đây.” Và tôi chắc chắn rằng Ngài chúc phúc cho tôi, cũng như Isaác đã chúc phúc cho Giacóp! Và Ngài chúc lành cho tất cả quý vị, quý Cha đáng kính, quý anh chị em. Đó là vẻ huy hoàng của đức tin Kitô giáo của chúng ta. Chúng ta hy vọng có thể truyền lại một số mảnh vỡ của nó cho những người nam nữ của thời đại chúng ta, những người khao khát tình yêu nhưng lại bỏ qua nguồn gốc của nó.

1.H. de Lubac, Exégèse médièvale, I, 2, Parigi 1959, p. 670.

2.Gregory the Great, Moralia in Job, Epist. Missoria, 4 (PL 75, 515).

3.Henri de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Paris 1950, cap. V.

4.Aristotle, Metaphysics, XII,7 1072b.

5.Duns Scotus, Opus Parisiense, III, d. 7, q. 4 (Opera omnia, XXIII, Parigi 1894, p. 303).

6.Augustine, De Trinitate, VIII, 9,14; IX, 2,2; XV,17,31; Richard of St. Victor, De Trin. III,2.18; Bonaventure, I Sent. d. 13, q.1.

7.Bernard of Clairvaux, Against the errors of Abelardi, VIII, 21-22: “Non mors, sed voluntas placuit sponte morientis”.

8.John of the Cross, Spiritual canticle A, str. 38, 4.


Source:Cantalamessa
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha khi cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa chiều Thứ Sáu 17/3
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
19:04 17/03/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, vào lúc 4g30 chiều thứ Sáu, 17 tháng Ba, tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc” ở khu vực Trionfale, gần Vatican. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Năm nay là năm thứ chín, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), lấy ý từ đoạn Phúc Âm dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế.

Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:9-14)

Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi” (Pl 3:7). Đó là điều mà Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất. Và nếu chúng ta tự hỏi đâu là những thứ mà thánh nhân không còn coi là quan trọng trong cuộc sống của mình, và thậm chí sẵn sàng đánh mất để tìm thấy Chúa Kitô, thì chúng ta nhận ra rằng đó không phải là của cải vật chất, mà là một quỹ tài sản “tôn giáo”. Phaolô là người mộ đạo và sốt sắng, công bình và có trách nhiệm (xem các câu 5-6). Tuy nhiên, chính sự mộ đạo này, vốn có thể là nguồn gốc của niềm tự hào và công đức, lại là một trở ngại đối với ngài. Thánh Phaolô nói tiếp rằng: “Tôi đành chịu mất tất cả, coi chúng như rơm rác, để được Chúa Kitô” (c. 8). Mọi thứ đã cho ngài một uy tín nào đó, một danh tiếng nào đó... hãy quên đi, vì đối với tôi, Chúa Kitô quan trọng hơn”.

Những người cực kỳ giàu có về trí óc, và tự hào về những thành tựu tôn giáo của mình, thường tự cho mình là tốt hơn những người khác – điều này xảy ra thường xuyên như thế nào trong một giáo xứ: “Tôi đến từ Công Giáo Tiến hành; Tôi thường xuyên giúp các linh mục; Tôi quyên góp... tất cả là về tôi, tôi, tôi”; quá thường biết bao là mọi người tin rằng mình tốt hơn những người khác; mỗi chúng ta, trong thâm tâm, nên suy ngẫm xem điều này đã từng xảy ra chưa – họ cảm thấy hài lòng vì họ đã tạo được một hình ảnh tốt về mình. Họ cảm thấy thoải mái, nhưng họ không có chỗ cho Chúa vì họ cảm thấy không cần đến Ngài. Và nhiều khi “người Công Giáo tốt”, những người cảm thấy ngay thẳng vì họ tham gia giáo xứ, đi lễ Chúa nhật và khoe mình là người công chính, nói: “Không, tôi không cần gì cả, Chúa đã cứu tôi rồi”. Chuyện gì xảy ra vậy? Họ đã thay thế Thiên Chúa bằng cái tôi của chính họ, và mặc dù họ đọc kinh và thực hiện các việc đạo đức, nhưng họ chưa bao giờ thực sự đối thoại với Thiên Chúa. Họ độc thoại thay cho đối thoại và cầu nguyện. Kinh thánh nói với chúng ta rằng chỉ có “lời cầu nguyện của những người khiêm nhường mới thấu đến các tầng mây” (Hc 35:1), bởi vì chỉ những ai có tâm hồn nghèo khó, và ý thức mình cần được cứu độ và tha thứ, mới được vào diện kiến Thiên Chúa; họ đến trước mặt Ngài mà không khoe khoang công lao của mình, không giả vờ hay tự phụ. Vì không có gì nên họ tìm được tất cả, vì họ tìm thấy Chúa.

Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta giáo huấn này trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe (x. Lc 18:9-14). Đó là câu chuyện về hai người đàn ông, một người Pharisêu và một người thu thuế, cả hai đều lên Đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ một người đạt đến trái tim của Thiên Chúa. Ngay cả trước khi họ làm bất cứ điều gì, thái độ thể lý của họ rất hùng hồn: Tin Mừng cho chúng ta biết rằng người Pharisêu cầu nguyện “một mình” ngay phía trước, trong khi người thu thuế “đứng đằng xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời” ( câu 13), vì xấu hổ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về những thái độ này.

Người Pharisêu đứng một mình. Anh ta chắc chắn về bản thân, đứng thẳng một cách kiêu hãnh, giống như một người được tôn trọng vì những thành tựu của mình, giống như một hình mẫu. Với thái độ này, anh ta cầu nguyện với Chúa, nhưng thực ra anh ta tự cử mừng chính mình. Tôi đến đền thờ, tôi giữ Luật, tôi bố thí… Hình thức, và lời cầu nguyện của anh ấy là hoàn hảo; công khai, anh ta tỏ ra ngoan đạo và mộ đạo, nhưng thay vì mở lòng với Chúa, anh ta lại che đậy những điểm yếu của mình bằng thói đạo đức giả. Quá thường biết bao là chúng ta tạo ra một mặt tiền cho cuộc sống của mình. Người Pharisêu này không chờ đợi sự cứu rỗi của Chúa như một món quà nhưng không, nhưng trên thực tế anh ta đòi hỏi ơn cứu độ như một phần thưởng cho công trạng của mình. “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bây giờ tôi yêu cầu phần thưởng của mình”. Người đàn ông này sải bước thẳng đến bàn thờ của Thiên Chúa và ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng cuối cùng anh ta đã đi quá xa và đặt mình lên trước cả Thiên Chúa!

Trái lại, người thu thuế đứng xa. Anh ấy không đẩy mình lên phía trước; anh ấy ở lại phía sau. Tuy nhiên, khoảng cách đó, vốn diễn tả tình trạng tội lỗi của anh ấy trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, lại giúp anh cảm nghiệm được vòng tay yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa Cha. Chúa có thể đến với anh chính là vì, bằng cách đứng xa, anh đã nhường chỗ cho Chúa. Anh ta không nói gì về mình, anh ta nói với Chúa và cầu xin sự tha thứ. Điều này đúng biết bao, cũng như đối với các mối quan hệ của chúng ta trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo hội! Đối thoại thực sự diễn ra khi chúng ta có thể duy trì một khoảng không gian nhất định giữa mình và người khác, một không gian lành mạnh cho phép mỗi người hít thở mà không bị hút vào hoặc choáng ngợp. Chỉ khi đó, đối thoại và gặp gỡ mới có thể thu hẹp khoảng cách và tạo ra sự gần gũi. Điều đó xảy ra trong cuộc đời của người thu thuế: đứng ở phía sau Đền thờ, anh ta nhận ra sự thật rằng anh ta, một kẻ tội lỗi, đứng trước mặt Thiên Chúa như thế nào. “Xa xa”, và bằng cách này, Thiên Chúa có thể đến gần anh ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa đến với chúng ta khi chúng ta lùi bước khỏi cái tôi tự phụ của mình. Chúng ta hãy suy ngẫm: Tôi có tự phụ không? Tôi có nghĩ rằng tôi tốt hơn những người khác không? Tôi có nhìn ai đó với một chút khinh thường không? “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã cứu con và con không giống như những người không hiểu biết; Con đi nhà thờ, con tham dự thánh lễ; Con đã kết hôn, kết hôn trong nhà thờ, trong khi họ là những kẻ tội lỗi đã ly hôn…”: trái tim anh chị em có như thế này không? Đó là con đường dẫn đến diệt vong. Tuy nhiên, để đến gần Chúa hơn, chúng ta phải nói với Chúa: “Con là kẻ tội lỗi nhất, và nếu con không sa vào ô uế tồi tệ nhất, đó là vì lòng thương xót của Chúa đã nắm lấy tay con. Nhờ Chúa, con còn sống; Nhờ Chúa, con đã không tự hủy diệt mình vì tội lỗi”. Thiên Chúa có thể rút ngắn khoảng cách bất cứ khi nào, với sự trung thực và chân thành, chúng ta trình bày những yếu kém của mình trước mặt Ngài. Chúa đưa tay ra và nâng chúng tôi lên bất cứ khi nào chúng ta nhận ra mình đang “chạm đáy” và chúng ta quay lại với Ngài với tấm lòng chân thành. Chúa là như vậy. Ngài đang chờ đợi chúng ta, trong thâm tâm, vì trong Chúa Giêsu, Ngài đã chọn “xuống vực sâu” bởi vì Ngài không sợ đi xuống ngay cả những vực thẳm nội tâm của chúng ta, chạm đến những vết thương trên xác thịt của chúng ta, ôm lấy sự nghèo khó của chúng ta, chấp nhận những thất bại của chúng ta trong cuộc sống và những sai lầm chúng ta mắc phải do yếu đuối và cẩu thả, mà tất cả chúng ta đều đã mắc phải. Ở đó, trong thâm tâm, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, và Ngài chờ đợi chúng ta cách đặc biệt trong bí tích Sám Hối, khi chúng ta hết sức khiêm tốn đi xin ơn tha thứ, như chúng ta làm hôm nay. Chúa đang đợi chúng ta ở đó.

Thưa anh chị em, hôm nay mỗi người chúng ta hãy xét mình, vì người Pharisêu và người thu thuế đều ở sâu trong chúng ta. Chúng ta đừng trốn đằng sau vẻ giả hình bề ngoài, nhưng hãy phó thác cho lòng thương xót của Chúa bóng tối, lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về những khốn khổ, những lỗi lầm của chúng ta, cả những điều mà chúng ta cảm thấy không thể chia sẻ vì xấu hổ, điều đó không sao cả, nhưng với Chúa, chúng phải lộ diện. Khi đi xưng tội, chúng ta đứng “xa”, ở phía sau, giống như người thu thuế, để nhìn nhận khoảng cách giữa ước mơ của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta và thực tế chúng ta là ai trong cuộc sống hàng ngày: chúng ta là những người tội lỗi đáng thương. Vào lúc đó, Chúa đến gần chúng ta; Ngài thu hẹp khoảng cách và đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình. Vào lúc đó, khi chúng ta nhận ra mình lõa lồ, Người sẽ mặc cho chúng ta bộ lễ phục. Đó là, và đó phải là, ý nghĩa của bí tích Hòa giải: một cuộc gặp gỡ lễ hội chữa lành trái tim và để lại cho chúng ta sự bình an nội tâm. Không phải là tòa án của con người để tiếp cận với sự sợ hãi, mà là vòng tay thiêng liêng để tìm thấy sự an ủi.

Một trong những khía cạnh đẹp đẽ nhất của cách Chúa chào đón chúng ta là cái ôm dịu dàng của Ngài. Nếu chúng ta đọc câu chuyện khi người con hoang đàng trở về nhà (x. Lc 15:20-22) và bắt đầu ấp úng nói, người cha không cho phép nói, ông ôm lấy anh ta khiến anh ta không thể nói được. Một cái ôm nhân từ. Ở đây, tôi ngỏ lời với các anh em giải tội của tôi: xin anh em tha thứ mọi sự, luôn luôn tha thứ, không đè nặng lên lương tâm con người; hãy để họ nói về chính họ và chào đón họ như Chúa Giêsu, với cái nhìn âu yếm của anh em, với sự thấu hiểu thầm lặng. Hãy nhớ rằng, bí tích Sám Hối không phải để hành hạ nhưng để ban bình an. Hãy tha thứ tất cả, vì Chúa sẽ tha thứ cho anh em tất cả. Mọi thứ, mọi thứ, mọi thứ.

Trong Mùa Chay này, với tâm hồn thống hối, chúng ta hãy lặng lẽ nói như người thu thuế: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” (câu 13). Chúng ta hãy cùng nhau làm như vậy: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Lạy Chúa, khi con quên Chúa hay thờ ơ với Chúa, khi con thích lời của con và của thế gian hơn lời của Chúa, khi con tự cho mình là công chính và khinh thường người khác, khi con nói xấu người khác, xin Chúa thương xót con, một kẻ tội lỗi! Khi con không quan tâm đến những người xung quanh, khi con dửng dưng trước người nghèo và người đau khổ, kẻ yếu đuối và bị ruồng bỏ, xin Chúa thương xót con là kẻ tội lỗi! Vì những tội lỗi của con chống lại sự sống, vì gương xấu của con đã làm hoen ố khuôn mặt đáng yêu của Mẹ Giáo hội, vì tội lỗi của con chống lại tạo vật, Chúa ơi, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi! Vì sự giả dối của con, sự hai lòng của con, sự thiếu trung thực và chính trực của con, Lạy Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi! Vì những tội lỗi thầm kín của con, mà không ai biết, vì những cách mà con đã vô tình làm hại người khác, và vì những điều tốt lành con có thể làm nhưng lại không làm, Chúa ơi, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!

Trong thinh lặng, chúng ta hãy lặp lại những lời này trong giây lát, với tâm hồn sám hối và tín thác: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Và trong hành động sám hối và tín thác này, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận niềm vui của một ân sủng thậm chí còn lớn hơn: đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

 
VietCatholic TV
Đại bản doanh đặc vụ Nga FSB nổ tung. Ba Lan giao ngay cho Ukraine Mig 29, bất kể bị đe dọa tấn công
VietCatholic Media
03:00 17/03/2023


1. Mỹ tin rằng Nga đã vớt được một số mảnh vỡ nhỏ từ máy bay không người lái bị bắn rơi, quan chức Mỹ nói

Mỹ tin rằng Nga đã thu hồi một số mảnh vỡ ở Hắc Hải từ máy bay không người lái thám thính của Mỹ bị bắn rơi, một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này nói với CNN. Quan chức này mô tả đống đổ nát được thu hồi là những mảnh sợi thủy tinh hoặc mảnh nhỏ của máy bay không người lái MQ-9 Reaper.

CNN đưa tin hôm thứ Tư rằng Nga đã tiếp cận vị trí nơi máy bay không người lái thám thính của Mỹ bị rơi ở Hắc Hải, cách Crimea khoảng 70 đến 80 dặm về phía tây nam, trong khu vực không phận quốc tế.

Nhưng chính quyền Biden đã đánh giá thấp tầm quan trọng của mảnh vỡ máy bay không người lái hoặc khả năng thu thập bất kỳ thông tin tình báo nhạy cảm nào từ phần còn lại của máy bay.

John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với CNN: “Chúng tôi khiến họ không thể thu thập bất cứ thứ gì có giá trị tình báo từ tàn tích của chiếc máy bay không người lái đó, bất kể tàn dư nào có thể có trên mặt nước.”

Sau vụ va chạm giữa máy bay không người lái của Mỹ và máy bay chiến đấu của Nga vào sáng sớm thứ Ba, những người điều khiển máy bay không người lái đã thực hiện các bước để xóa phần mềm nhạy cảm của máy bay không người lái trước khi nó rơi xuống Hắc Hải, theo các quan chức Mỹ.

“Bất cứ thứ gì còn lại… những thứ nổi lên đó có thể sẽ là bề mặt điều khiển chuyến bay, đại loại như thế. Có lẽ không có gì có giá trị nội tại thực sự đối với họ về mặt tái cấu trúc hoặc bất cứ thứ gì tương tự,” Kirby nói.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng máy bay không người lái đã hạ cánh xuống vùng nước có thể sâu gần một dặm.

“Đó là tài sản của Hoa Kỳ và chúng ta sẽ để nó ở đó vào thời điểm này, nhưng nó có thể đã bị vỡ vụn. Thành thật mà nói, có lẽ không có nhiều thứ để phục hồi,” ông nói.

2. Trụ sở Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, nổ tung ở thành phố Rostov-on-Don

Thống đốc khu vực Vasily Golubev đã lên truyền hình trấn an dân chúng rằng vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà của Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, ở thành phố Rostov-on-Don của Nga là do chập điện.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy khói bốc lên trong không trung, đã được định vị địa lý là một tòa nhà do FSB sử dụng.

Nguyên nhân vụ cháy “là do chập mạch hệ thống dây điện bên trong tòa nhà”. Ông Golubev cho biết ngọn lửa lan rộng đã gây ra vụ nổ các thùng chứa nhiên liệu và dầu nhờn.

Ngọn lửa lan rộng trên diện tích 800 mét vuông, dẫn đến sự sụp đổ của hai bức tường.

Ông cho biết một nạn nhân đã phải nhập viện với những vết thương nhẹ.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết vụ hỏa hoạn “chỉ rõ rằng đây là biểu hiện của sự hoảng loạn, sự suy yếu trong kiểm soát quyền lực của Liên bang Nga, đang chuyển sang một cuộc xung đột nội bộ lớn”.

3. Tổng thống Ba Lan tuyên bố giao ngay 4 chiếc MiG-29 trong một vài ngày tới cho Ukraine

Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, vừa tuyên bố rằng Ba Lan sẽ gửi cho Ukraine ít nhất bốn máy bay chiến đấu MiG-29 trong một vài ngày tới.

Phát biểu với các phóng viên báo chí, tổng thống Duda cho biết Warsaw sẽ bàn giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 trong những ngày tới.

Ông nhấn mạnh rằng, thứ nhất, theo đúng nghĩa đen trong một vài ngày tới, chúng tôi sẽ bàn giao, theo như tôi nhớ, là bốn chiếc máy bay đang trong tình trạng hoạt động tốt cho Ukraine. Phần còn lại đang được tu bổ để nâng cấp.

Thông báo của tổng thống Duda đưa Ba Lan trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên đáp ứng các yêu cầu ngày càng cấp bách của Kyiv về máy bay chiến đấu. Nhà lãnh đạo Ba Lan hy vọng các nước khác sẽ có hành động tương tự.

Ukraine đã khẩn khoản xin các nước viện trợ máy bay F16. Tuy nhiên, loại máy bay siêu cấp này cần thời gian huấn luyện. Một giải pháp tạm thời mà Hoa Kỳ và Ba Lan ủng hộ là giao các chiến đấu cơ MiG-29 từ thời Liên Xô mà các phi công Ukraine quen sử dụng, sau khi gắn thêm các hệ thống phóng hỏa tiễn không đối không. Dù vẫn không thể bằng các chiếc F16 nhưng không quân Ukraine có thể sử dụng được ngay.

Tổng thống Duda nói rằng vũ khí hiện đại là “chìa khóa” để tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine trước Nga.

4. Zelenskiy thảo luận về viện trợ quân sự và nỗ lực gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine trong cuộc gặp với thủ tướng Latvia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gặp Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins tại Kyiv hôm thứ Năm.

Phủ tổng thống cho biết Zelenskiy cảm ơn Latvia vì “sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị, quốc phòng, tài chính và nhân đạo kể từ những ngày đầu tiên khi Nga xâm lược toàn diện”.

“Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2014, khi cuộc chiến này thực sự bắt đầu, các bạn đã cho thấy rằng các bạn ở bên chúng tôi, các bạn ủng hộ chủ quyền của chúng tôi, người dân của chúng tôi, xã hội của chúng tôi, và sự toàn vẹn lãnh thổ,” ông Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine ghi nhận việc chính phủ Latvia gần đây thông qua gói hỗ trợ quân sự mới. Theo văn phòng của Zelenskiy, hỗ trợ quốc phòng do Latvia cung cấp cho Ukraine đã đạt tới 1% GDP của quốc gia Âu Châu nhỏ bé này.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình ở tiền tuyến và Zelenskiy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các nỗ lực giữa các đồng minh của Ukraine để bảo đảm quân đội của Kyiv được cung cấp vũ khí cần thiết trong cuộc chiến.

Các bên cũng thảo luận về các cuộc đàm phán để Ukraine gia nhập Liên minh Âu Châu và công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius.

Phủ tổng thống cho biết ông Zelenskiy ca ngợi chủ trương của Latvia trong việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để trừng phạt Nga vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và tìm cách bồi thường cho nước này “về những thiệt hại do Nga gây ra”.

Đầu ngày thứ Năm, Karins đã gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal.

5. Kyiv báo cáo Nga mất 12 xe tăng, 11 xe bọc thép và 1.040 binh sĩ trong một ngày

Khả năng Nga chiếm được thành phố Bakhmut đang nhạt nhòa sau các tổn thất kinh hoàng. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 12 Tanks, 11 Armored Vehicles and 1,040 Troops in a Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv báo cáo Nga mất 12 xe tăng, 11 xe bọc thép và 1.040 binh sĩ trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, các lực lượng Nga tiếp tục chịu tổn thất lớn về binh lính và trang thiết bị trong cuộc xâm lược Ukraine.

Trong một bản cập nhật hôm thứ Năm, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết 1.040 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong 24 giờ trước đó. Điều này đưa ước tính tổng số tổn thất của quân đội Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh lên tới 162.560.

Bản cập nhật cũng cho biết trong 24 giờ trước đó, Nga đã mất 12 xe tăng và 11 xe bọc thép. Điều này đưa tổng số tổn thất xe tăng lên 3.504 trong suốt cuộc chiến và số tổn thất xe bọc thép là 6.810, theo Kyiv.

Kyiv lần đầu tiên bắt đầu báo cáo hơn 1.000 ca tử vong hàng ngày của Nga vào tháng Hai, một con số đã bị vượt qua nhiều lần. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi tắt là CSIS, hồi tháng 2 cho biết trong năm đầu tiên của cuộc chiến, ít nhất 70.000 người Nga đã thiệt mạng trong chiến đấu.

Con số của think tank bao gồm các binh sĩ thiệt mạng từ nhiều nhánh khác nhau của lực lượng vũ trang Nga, chẳng hạn như binh lính chính quy, những người từ lực lượng vệ binh quốc gia Rosgvardiya, Dịch vụ An ninh Liên bang và Dịch vụ Bảo vệ Liên bang.

Các binh sĩ chiến đấu cho các lực lượng dân quân thân Nga, chẳng hạn như Dân quân Nhân dân Donetsk và Dân quân Nhân dân Luhansk cũng như các công ty quân sự tư nhân như Tập đoàn Wagner không được đưa vào con số này. Mạc Tư Khoa đã không cập nhật ước tính chính thức của mình kể từ tháng 9, khi có thông tin cho rằng gần 6.000 binh sĩ của họ đã thiệt mạng.

Các số liệu mới nhất của Ukraine, mà Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email, chưa được xác minh độc lập. Nhưng chúng được đưa ra trong bối cảnh có những báo cáo về tổn thất đáng kể của Nga cả về nhân sự và thiết bị khi cuộc chiến ác liệt kéo dài nhiều tháng giành lấy thành phố Bakhmut của Donetsk tiếp tục diễn ra ác liệt.

Ian Stubbs, một cố vấn quân sự cấp cao trong phái đoàn Anh tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu (OCSE), nói với hãng tin Ukraine Ukrinform hôm thứ Tư rằng chỉ tính riêng ở xung quanh thành phố Bakhmut, kể từ tháng 5 năm 2022, đã có tới 30.000 Wagner và các lực lượng chính quy bị giết và bị thương.

Ông mô tả đây là “sự thiệt hại lớn về nhân mạng so với phần lãnh thổ ít oi chỉ khoảng 25 kilômét”.

Trong một diễn biến khác, hôm thứ Năm, Mỹ đã công bố đoạn phim cho thấy khoảnh khắc khi một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga va chạm với máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trên Hắc Hải hai ngày trước đó. Hoa Kỳ cho biết thiệt hại đối với máy bay không người lái rất lớn đến mức nó phải được đưa xuống vùng biển gần Crimea. Nga phủ nhận chiếc phản lực cơ đã làm hỏng cánh quạt máy bay không người lái.

6. Nguy cơ đối đầu trực tiếp Mỹ-Nga trong vụ Nga hạ gục máy bay không người lái của Mỹ

Đoạn video tuyệt đẹp ghi lại cảnh một máy bay phản lực của Nga vo ve và sau đó dường như đâm vào một máy bay không người lái của Mỹ trên Hắc Hải cho thấy rõ ràng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát như thế nào.

Rõ ràng, cuộc đối đầu, dẫn đến những lời lẽ giận dữ giữa Washington và Mạc Tư Khoa nhưng không hơn không kém, sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu máy bay không người lái Reaper của Mỹ là máy bay có người lái.

Cả hai bên xem ra đã điều chỉnh ngôn ngữ của mình để tránh leo thang, nhưng dư âm của vụ việc vẫn có thể để lại hậu quả kéo dài.

Mỹ và các đồng minh đang bơm hàng tỷ đô la đạn dược và vũ khí tinh vi vào Ukraine để chống lại các lực lượng Nga, làm dấy lên lo ngại rằng một tính toán sai lầm hoặc một sự việc nóng nẩy có thể gây ra đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng của Nga và NATO.

Và một trong những khía cạnh đáng báo động nhất của vụ bắn rơi máy bay không người lái là nó diễn ra trong không phận quốc tế - không phải trên lãnh thổ hay chiến trường của Nga - và do đó nhấn mạnh cách các lực lượng của Hoa Kỳ và Nga có thể tiếp xúc ngay cả bên ngoài khu vực chiến tranh.

Natasha Bertrand và Kylie Atwood của CNN đưa tin hôm thứ Tư, trích dẫn hai quan chức Mỹ quen thuộc với thông tin tình báo về vụ việc, cho biết các quan chức quốc phòng cấp cao của Nga và cả chính Putin đã phê chuẩn việc phi công Nga tấn công máy bay không người lái của Mỹ.

Vì vậy, rất có thể sự leo thang này là một quyết định có chủ ý nhằm gửi một loại thông điệp nào đó tới Mỹ, hoặc để cố gắng ngăn chặn hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ gần Ukraine.

Nga đã phàn nàn rằng máy bay không người lái của Mỹ đã vi phạm các quy tắc hàng không tự tuyên bố của họ trên Hắc Hải. Nhưng đây là một lập trường nguy hiểm của Nga, xét đến sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế với một cuộc xâm lược vô cớ vào một quốc gia có chủ quyền.

Bất chấp điều đó, cảnh quay về cuộc đụng độ trên không tốc độ cao cho thấy chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn - và phương Tây còn tham gia, thậm chí là gián tiếp - thì khả năng leo thang khiến cuộc xung đột mở rộng một cách thảm hại sẽ luôn tồn tại.

Người ta cũng không thể loại trừ khả năng Putin muốn leo thang cuộc chiến để kéo dài tuổi thọ của mình. Hãy thử tưởng tượng nếu cuộc chiến này chấm dứt ngay ngày hôm nay, ông ta có gì để trình cho người dân Nga nhằm biện minh cho cái chết và thương tật của ít nhất là 200.000 tử sĩ và thương binh, và sự sụp đổ của nền kinh tế Nga? Nếu cuộc chiến này kết thúc ngày hôm nay, số phận của ông ta sẽ như trường hợp của nhà độc tài Lybia, Muammar Gaddafi.

7. Đồng minh của Putin Ramzan Kadyrov đáp trả tin đồn về sức khỏe

Ramzan Akhmadovich Kadyrov sinh ngày 5 tháng 10 năm 1976, là một chính trị gia người Nga, hiện là người đứng đầu Cộng hòa Chechnya. Ông ta được Putin phong làm Đại Tướng trong quân đội Nga. Kadyrov là con trai của cựu Tổng thống Chechnya Akhmad Kadyrov, người đã đổi phe trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai khi thuần phục Vladimir Putin ở Nga, quay súng chống lại phong trào đòi độc lập và trở thành tổng thống Chechnya năm 2003. Chỉ một năm sau đó, Akhmad Kadyrov bị đặc vụ Nga FSB bắn chết vào tháng 5 năm 2004, vì bị nghi ngờ vẫn còn những mối liên hệ với phong trào đòi độc lập. Ngay sau khi cha chết, Ramzan Kadyrov bay ngay sang Mạc Tư Khoa để bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Putin, như một cách để tự cứu mạng mình.

Tháng 2 năm 2007, Ramzan Kadyrov lên làm tổng thống, ngay sau khi bước sang tuổi 30, là tuổi tối thiểu để giữ chức vụ này. Ông ta khét tiếng tàn bạo và thẳng tay tàn sát các thành phần đối lập. Vì thế, liên tục có các tin đồn ông ta sắp chết đến nơi để đáp ứng khát vọng của người Chechnya muốn thấy hắn biến mất trên cõi đời này.

Từ đầu tuần này, đã có các tin đồn cho rằng hung thần Ramzan Kadyrov sắp từ giã cõi đời, thậm chí ngay cả trước Putin vì bệnh tật rất nặng nề. Trước những tin đồn này, nhà độc tài sắt máu người Chechnya đã lên tiếng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Ramzan Kadyrov Responds To Health Rumors”, nghĩa là “Đồng minh của Putin Ramzan Kadyrov đáp trả tin đồn về sức khỏe.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ramzan Kadyrov, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đã phản hồi những tin đồn rằng ông bị bệnh nặng với các vấn đề nghiêm trọng về thận.

Kadyrov, một đồng minh trung thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã dập tắt những tin đồn trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình vào thứ Tư.

Đầu tháng này, nhà báo người Kazakhstan Azamat Maytanov, trích dẫn nguồn tin của mình, nói rằng Kadyrov có thể bị bệnh nan y và bác sĩ Yassin Ibrahim El-Shahat, trưởng khoa Thận tại Bệnh viện Burjeel ở Abu Dhabi, đã đến Grozny, thủ đô của Chechnya, để điều trị cho anh ta.

“Lĩnh vực chuyên môn của anh ấy là thận học, lọc máu, cấy ghép, viêm cầu thận và suy thận cấp tính. Kadyrov được cho là trong tình trạng rất xấu và có vấn đề nghiêm trọng về thận,” Maytanov viết trên kênh Telegram của mình.

Đáp lại, Kadyrov vừa tung ra một video trong đó ông ta nói: “Đối với những người tự an ủi mình với hy vọng rằng tôi bị bệnh nan y, tôi xin lỗi đã làm bạn buồn,” Kadyrov trả lời.

Kadyrov, người lãnh đạo Cộng hòa Chechnya từ năm 2007, cho biết ông “khỏe mạnh” và “tràn đầy năng lượng”.

Ông viết: “Như trước đây, tôi tham gia thể thao, lên núi, đi bộ đường dài và giải quyết các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của nước cộng hòa.

Kadyrov nói thêm: “Đối với tôi, có vẻ như các tác giả của những phiên bản giả tưởng này cần một bác sĩ. Một cái gì đó với tâm lý của bạn, hay các bạn, hãy liên hệ với các chuyên gia. Chà, chúng ta sẽ tiếp tục tiêu diệt mọi linh hồn xấu xa và phát triển nền cộng hòa của chúng ta.”

Maytanov, trích dẫn Akhmed Zakayev, cựu thủ tướng hiện đang lưu vong của Cộng hòa Chechnya Ichkeria, báo cáo rằng Kadyrov bị “ốm” và đã trở thành một “con nghiện ma túy”. “Zakayev tuyên bố rằng một số loại thuốc năng lượng trước đây đã hỗ trợ cho hoạt động quá mức của người đứng đầu Chechnya.”

Kadyrov đã lên tiếng ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Vào ngày 2 tháng 3, ông đã đưa ra một cảnh báo đáng ngại sau khi Nga cáo buộc “những kẻ phá hoại” người Ukraine vượt biên vào khu vực Bryansk phía nam của Nga và bắt giữ con tin.

“ Cần phải đối phó với tất cả những người tham gia cuộc xuất kích đến vùng Bryansk theo cách nghiêm khắc nhất, gay gắt và thậm chí tàn nhẫn nhất có thể,” Kadyrov viết trên kênh Telegram của mình.

“Hãy bắn chết hết,” Kadyrov viết. “Không chỉ đối phó với họ mà còn đưa gia đình họ ra trước công lý, những người có thể sống ở Nga.”

“Không ve vãn bọn khủng bố. Đừng để họ rời đi, trừng phạt họ tại chỗ và vô hiệu hóa họ mãi mãi, sau đó thực hiện các biện pháp trả đũa chống lại Kyiv. Chỉ cần đánh bom tất cả các điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc tấn công này”, ông nói. “Và bạn không cần phải để ý rằng có thể có các vật thể dân sự ở gần đó hay không.”

8. Cựu Giám đốc tình báo NATO nói: Các quan chức của Putin đang bí mật chống lại cuộc chiến Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Officials Are Secretly Against Ukraine War, Ex-Spy Chief Says”, nghĩa là “Cựu Giám đốc tình báo nói: Các quan chức của Putin đang bí mật chống lại cuộc chiến Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một cựu giám đốc tình báo NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường nỗ lực xâm lược Ukraine, trái với mong muốn của ít nhất một số quan chức cấp cao và các nhà tài phiệt có ảnh hưởng của ông.

Mikk Marran, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Estonia từ Tháng Giêng năm 2016 đến tháng 10 năm 2022, nói với Newsweek rằng quyền lực của Putin vẫn còn mạnh mẽ, ngay cả khi một số người dưới quyền ông hoàn toàn phản đối cuộc chiến ở Ukraine.

Marran, người hiện là Giám đốc điều hành của Trung tâm Quản lý Lâm nghiệp Quốc gia Estonia, giải thích: “Tôi nghĩ rằng trong những ngày tôi còn phục vụ và thậm chí cả bây giờ, Putin đã nắm giữ quyền lực khá tốt.”

“Nhưng không phải tất cả đều là màu hồng đối với nhà lãnh đạo Nga, người đã sử dụng cuộc xâm lược Ukraine của mình để thắt chặt kiểm soát đối với những người bất đồng chính kiến trong nước cũng như các đồng minh.”

“Tôi nghĩ rằng căng thẳng đang gia tăng; chắc chắn, chúng ta có thể thấy một số dấu hiệu ở đó,” Marran nói. “Đã có những quan chức trong chính quyền thẳng thừng chỉ trích hoặc phản đối chiến tranh. Tôi không thể cho bạn biết tên của họ, nhưng đã và đang có những quan chức bên trong Cẩm Linh hoàn toàn phản đối chiến tranh.”

Một quan chức cấp cao của Nga đã công khai bác bỏ chiến tranh. Cựu đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vladimir Bondarev, đã từ chức vào tháng 5 và tuyên bố rằng ông “xấu hổ về đất nước của mình”. Ngay cả trước chiến tranh, nhà ngoại giao hàng đầu của Mạc Tư Khoa, Ngoại trưởng Sergei Lavrov “đã nhiều lần xin phép nghỉ hưu”, theo nhà quan sát kỳ cựu về nước Nga Mark Galeotti.

Tờ Washington Post đưa tin vào tháng 12 rằng “những người xung quanh ông ấy rất thất vọng”, trích lời một tỷ phú người Nga giấu tên có liên hệ với các quan chức cấp cao.

“Putin rõ ràng không biết phải làm gì,” nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, những người trong cuộc không hài lòng dường như cam kết vượt qua cơn bão, hoặc ít nhất là chờ đợi thời điểm tốt hơn để hành động.

Marran cho biết những nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp Nga không hài lòng. Hôm thứ Tư, các báo cáo nổi lên rằng 15 doanh nhân hàng đầu đã rút khỏi Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga, tổ chức dự kiến gặp Putin vào cuối tuần này. Trong số đó, theo RBC, có các tỷ phú Araz Agalarov, Leonid Fedun và Alisher Usmanov.

Marran nói: “Cũng có những nhà tài phiệt không hài lòng lắm với chiến tranh. “Chúng ta nhận thấy một số căng thẳng, nhưng tôi sẽ không nói rằng họ có thể khuấy động con thuyền quá nhiều vào thời điểm này. Con thuyền đang lắc lư, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Putin nắm giữ quyền lực khá tốt.”

Marran nói về những người bất đồng chính kiến im lặng: “Dĩ nhiên là ở nơi công cộng, họ không nói gì cả. “Đây sẽ là một bản án tử hình cho họ và cho sự nghiệp của họ. Nó sẽ không phải là một điều để nói công khai. Nhưng trong các cuộc trò chuyện riêng tư, trong các nhóm nhỏ hơn, họ khá lớn tiếng”.

Marran nói, hầu hết quyền lực, vẫn nằm trong Điện Cẩm Linh hơn là giữa các đối tác đầu sỏ quyền lực của nó. Những nhân vật có ảnh hưởng như Yevgeny Prigozhin đã tận dụng chiến tranh để mang lại lợi ích chính trị cho riêng mình, nhưng hầu hết các tỷ phú Nga quan tâm nhiều hơn đến sự giàu có của họ.

Marran nói: “Tôi muốn nói rằng giới quyền lực của Điện Cẩm Linh có nhiều tác động hơn những người kinh doanh. Các nhà tài phiệt có thể không hài lòng nhưng họ vẫn là doanh nhân, lo lắng cho công việc kinh doanh của họ là chủ yếu.”

“Trong trường hợp chúng ta có thêm áp lực từ bên trong Điện Cẩm Linh, từ các cơ quan tình báo, thì chúng ta có thể thấy điều gì đó đang hình thành chống lại Putin. Nhưng tại thời điểm này, tôi không thấy điều đó xảy ra trong tương lai gần.”

Newsweek đã liên hệ với văn phòng tổng thống qua email để yêu cầu bình luận.
 
Cảnh sát Áo cảnh giác nguy cơ khủng bố các nhà thờ. ĐHY Woelki phản đối việc chúc lành cho tội lỗi
Giáo Hội Năm Châu
05:40 17/03/2023


1. Cảnh sát Áo cảnh báo về các mối đe dọa có thể xảy ra đối với những nơi thờ phượng ở Vienna

Cảnh sát Áo đã cảnh báo hôm thứ Tư về một “cuộc tấn công có động cơ Hồi giáo” có thể xảy ra ở Vienna nhằm vào các nhà thờ và những nơi thờ phượng khác, trích dẫn thông tin không được tiết lộ mà cơ quan tình báo nước này nhận được.

Cảnh sát ở Vienna đã tweet rằng họ đã tăng cường an ninh trước một số tòa nhà và tăng cường sự hiện diện của các sĩ quan ở thủ đô của Áo.

“Có một mối đe dọa không cụ thể về một cuộc tấn công nhằm vào các nhà thờ,” cảnh sát Vienna cho biết. Như một biện pháp phòng ngừa... các điểm quan tâm đã được tăng cường bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát hoạt động chính quy và đặc biệt.”

Cảnh sát cho biết thêm: “Nếu có mối nguy hiểm cụ thể đối với người dân tại một địa điểm cụ thể, cảnh sát Vienna sẽ cảnh báo ngay lập tức thông qua tất cả các kênh có sẵn”.

Sau đó vào thứ Tư, cảnh sát Vienna đã làm rõ trong một thông báo khác rằng cảnh báo về mối đe dọa không chỉ bao gồm các nhà thờ mà còn cả những nơi thờ phượng khác.

“Các biện pháp phòng ngừa của chúng tôi không chỉ ảnh hưởng đến các nhà thờ Kitô Giáo mà còn cả những nơi thờ phượng của nhiều tôn giáo khác.” Tuy nhiên, họ không nói rõ những cộng đồng tôn giáo nào khác có thể bị ảnh hưởng.

Sở cảnh sát cho biết họ không thể dự đoán các biện pháp an ninh của họ sẽ được áp dụng trong bao lâu.

“Các viên chức cảnh sát được trang bị mũ chống đạn, áo vest và súng trường tấn công. Họ sẽ thực hiện các hoạt động giám sát và kiểm tra giao thông đường bộ”, phát ngôn viên cảnh sát Markus Dittrich nói với đài phát thanh địa phương Radio Wien.

Ông không cung cấp thêm chi tiết về bối cảnh của mối đe dọa nhưng cho biết thêm nhiều cảnh sát sẽ tuần tra ở khu vực lân cận các nhà thờ. Cảnh sát yêu cầu mọi người không đăng hình ảnh hoặc video về các sĩ quan cảnh sát được triển khai trên phương tiện truyền thông xã hội.

Người phát ngôn của Tổng giáo phận Vienna nói với hãng tin AP rằng các nhà thờ Công Giáo dường như không phải là mục tiêu chính.

Michael Prueller nói: “Chúng tôi dường như không bị ảnh hưởng chính. “Mặc dù chúng tôi đã được cảnh sát thông báo về mối đe dọa chung, nhưng chúng tôi cũng được cho biết rằng không có mối nguy hiểm sắp xảy ra đối với người Công Giáo. Vì vậy, chúng tôi quyết định vẫn mở cửa các nhà thờ cho công chúng và tổ chức tất cả các buổi lễ của nhà thờ theo kế hoạch trong thời điểm hiện tại.”

Hơn một nửa dân số Áo theo Công Giáo La Mã, khiến Công Giáo trở thành tôn giáo lớn nhất của đất nước. Ngoài ra còn có các cộng đồng Kitô hữu Lutheran nhỏ hơn, các nhóm nhập cư xác định là Kitô hữu Chính thống, cũng như người Hồi giáo và người Do Thái.

Vào năm 2020, một người đàn ông trước đây đã cố gắng gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nổi cơn thịnh nộ ở Vienna được trang bị một khẩu súng trường tự động và một chiếc áo khoác tự sát giả, bắn chết 4 người trước khi bị cảnh sát bắn chết.

2. Đức Hồng Y Woelki chờ đợi Tòa Thánh lên tiếng về chúc lành hôn nhân đồng phái

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Köln /cơn/, là giáo phận lớn nhất tại Đức, cho biết ngài chờ đợi tuyên ngôn của Tòa Thánh, sau vụ Tiến Trình Công Nghị tại Đức bỏ phiếu chấp thuận việc Giáo hội chúc lành cho những cặp đồng phái.

Đề nghị chúc lành cho các cặp đồng phái mang tựa đề là: “Các lễ nghi chúc lành cho những cặp yêu nhau” đã được bỏ phiếu trong khóa họp, từ ngày 09 đến ngày 11 tháng Ba vừa qua trong cuộc họp cuối cùng của Tiến Trình Công nghị, nhóm tại thành phố Frankfurt. Trong số 58 giám mục bỏ phiếu, 38 vị bỏ phiếu ủng hộ việc chúc lành, 9 vị bỏ phiếu chống, 11 giám mục bỏ phiếu trắng. 176 giáo dân đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Koelnische Rundschau”, ra ngày 14 tháng Ba ở thành Köln, Đức Hồng Y Woelki cho rằng Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức Georg Bätzing sẽ phải giải thích vấn đề này tại Rôma, trong khi chờ đợi ý kiến của Tòa Thánh.

Ngày 15 tháng Ba năm 2021, Bộ Giáo lý đức tin công bố thông cáo khẳng định rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho sự kết hiệp của những người đồng phái, và vì thế, việc làm phép chúc lành như vậy là điều bất hợp pháp.

Về phần Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn ở Roma, hôm 14 tháng Ba vừa qua, ngài nói: “Vấn đề chúc lành cho các cặp đồng phái, Tòa Thánh đã bày tỏ lập trường rõ ràng”. Đức Hồng Y cho biết “sẽ có cuộc tiếp tục đối thoại trong Con đường Công nghị của Giáo hội hoàn vũ”. Và Đức Hồng Y kết luận rằng: “Một Giáo hội địa phương không thể đưa ra một quyết định như vậy có liên hệ tới kỷ luật của Giáo hội hoàn vũ”.
 
Đại đội Dù Nga xấu số, trực thăng đến cứu nổ tung. Nga báo động ở Crimea. Ba Lan bắt ổ gián điệp Nga
VietCatholic Media
15:04 17/03/2023


1. Đại đội lính Dù Nga xấu số khi vượt sông Bakhmutka, trực thăng Nga bị bắn rơi

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 17 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, đối phương đang tập trung nỗ lực chính vào các khu vực Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Shakhtarsk.

Trong ngày qua, đối phương đã phát động hơn 70 cuộc tấn công vào các địa điểm. Quân xâm lược đã phóng 5 hỏa tiễn và thực hiện 18 cuộc không kích, cũng như 73 cuộc tấn công sử dụng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Một vụ pháo kích khác vào Kostiantynivka ở khu vực Donetsk đã khiến 6 dân thường bị thương và làm hư hại hơn 20 ngôi nhà, một trường học và các cơ sở hạ tầng dân sự.

Ông lưu ý rằng, thông thường, quân Nga thực hiện trên 100 cuộc tấn công mỗi ngày. Tiêu biểu là vào ngày 6 tháng Ba, quân Nga đã mở hơn 130 cuộc tấn công. Con số 70 cuộc tấn công cho thấy có sự giảm sút đáng kể sau những thiệt hại rất nặng về quân số và khí tài chiến tranh.

Tại thành phố Bakhmut, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tất cả các lực lượng Dù của Nga được điều động tấn công thành phố Vuhledar đã được điều sang đánh thành phố Bakhmut sau các thất bại liên tục tại Vuhledar. Con số lính Dù được tung vào chiến trường thành phố Vuhledar rất lớn vì Bộ Quốc Phòng Nga dự đoán quân Wagner sẽ chiếm được thành phố Bakhmut, nên họ cấp tốc đánh thành phố Vuhledar để cạnh tranh với trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin. Mộng không thành, nay họ dồn hết lính Dù ở Vuhledar sang Bakhmut, chỉ để lại các Sư Đoàn quân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk.

Do đó, quân số của đối phương rất đông tại thành phố Bakhmut. Chính vì thế, ông nhìn nhận rằng, ở một số điểm quân Nga đã vượt được sông Bakhmutka, sang bờ phía Tây, nơi quân Ukraine đang phòng thủ. Cần lưu ý rằng ở chỗ hẹp nhất, từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ có 5m.

Dù vậy, sông Bakhmutka vẫn là một trở ngại tự nhiên đối với quân Nga trong hầu hết chiều dài con sông trong địa giới của thành phố Bakhmut. Thật vậy, toàn bộ một đại đội Dù của Nga đã thiệt mạng khi cố gắng vượt sông Bakhmutka. Một chiếc trực thăng Ka-52 trợ chiến cho lính Dù Nga cũng đã bị bắn rớt.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công 5 sở chỉ huy của quân đội Nga, 5 khu tập trung quân nhân và thiết bị, 2 hệ thống radar, một trạm tác chiến điện tử và một hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết không quân Ukraine đã oanh kích trúng một kho chứa hỏa tiễn và đạn pháo trong khu vực Zaporizhzhia. Cuộc tấn công đã xảy ra sau khi quân Ukraine có tin tình báo cho thấy quân Nga vừa nhập một số lớn hỏa tiễn và đạn pháo từ Nga qua ngã Mariupol. Khói bốc lên cao bằng ngôi nhà 5 tầng. Những tiếng nổ kinh hoàng đã buộc quân Nga phải di tản khỏi kho đạn vừa bị phá hủy.

Trong cuộc họp báo, Đại Tá Yurii Ihnat nhấn mạnh rằng để giành được ưu thế trên không trước đối phương, quân phòng thủ Ukraine cần đến các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện đại của phương Tây.

Ông nói: “Để giành ưu thế trên không trước đối phương và thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ vào các mục tiêu trên mặt đất, Ukraine ngày nay rất cần các máy bay đa năng, hiện đại, thế hệ thứ tư của phương Tây như F-16”.

Đánh giá về sự sẵn sàng và thiện chí của các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Ba Lan, trong việc chuyển giao máy bay MiG-29 của Liên Xô cho Ukraine, ông cho rằng đó là một sáng kiến đáng được tri ân.

“Ở một mức độ nào đó, điều này sẽ tăng khả năng chiến đấu của chúng ta. Đây chính xác là loại máy bay thực hiện các chuyến bay hàng ngày của chúng ta và tất nhiên, vì điều đó, cơ số máy bay của chúng ta liên tục bị hao mòn. Nhưng người ta không nên quên rằng đây vẫn là những chiếc máy bay hiện đại của Liên Xô chứ không phải phương Tây. Do đó, theo nghĩa tổng quát, dù có thêm một số máy bay này vẫn chưa có khả năng một điều gì đó sẽ thay đổi hoàn toàn ở tiền tuyến,” Ihnat nói.

Trong 24 giờ qua, 760 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 2 xe tăng, 13 xe thiết giáp, 13 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và một máy bay trực thăng.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Ba, lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 163.320 binh sĩ Nga. Quân phòng thủ Ukraine cũng đã phá hủy của quân xâm lược 3.506 xe tăng chiến đấu chủ lực, 6.823 xe thiết giáp, 2.552 hệ thống pháo, và 504 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Đối phương cũng mất 265 hệ thống tác chiến phòng không, 305 máy bay chiến đấu, 290 máy bay trực thăng, 2.145 máy bay không người lái chiến thuật, 907 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.401 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 258 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất được công bố vào chiều 17 tháng Ba, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong những ngày gần đây, các lực lượng của Nga và Tập đoàn Wagner đã giành được chỗ đứng ở phía tây sông Bakhmutka trong khu vực trung tâm thị trấn Bakhmut đang tranh chấp ở Donbas. Trong tuần trước, dòng sông đã đánh dấu giới tuyến. Lực lượng Vũ trang Ukraine tiếp tục bảo vệ phía tây thị trấn.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn trên toàn chiến tuyến, Nga đang tiến hành một số hành động tấn công cục bộ với tỷ lệ thấp nhất kể từ ít nhất là Tháng Giêng năm 2023. Điều này rất có thể là do các lực lượng Nga đã tạm thời bị cạn kiệt sức mạnh chiến đấu của các đơn vị được triển khai đến mức ngay cả các hành động tấn công cục bộ hiện cũng không thể duy trì nổi.

Các nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tìm cách tái tạo tiềm năng tấn công của lực lượng này một khi nhân sự và kho vũ khí được bổ sung. Trong khi chờ đợi, các chỉ huy có thể sẽ buộc phải lựa chọn giữa tiến hành các hoạt động tấn công hay tiến hành một chiến thuật phòng thủ toàn tuyến đáng tin cậy.

3. Trong một thái độ thách thức, Điện Cẩm Linh cho biết quân đội quyết định thu hồi máy bay không người lái Reaper của Mỹ bị bắn rơi từ Hắc Hải

Điện Cẩm Linh cho biết quyết định có thu hồi máy bay không người lái Reaper của Mỹ bị bắn rơi từ Hắc Hải hay không sẽ do Bộ Quốc phòng Nga quyết định.

Đây là đặc quyền của quân đội. Nếu họ tin rằng điều đó là cần thiết vì lợi ích và an ninh của chúng ta ở Hắc Hải, thì họ sẽ làm điều đó”, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn.

Peskov cho biết ông không biết Bộ Quốc Phòng Nga đã quyết định làm gì nhưng các không ảnh cho thấy các chiến hạm Nga đã đổ xô đến nơi xảy ra vụ hạ gục chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ.

Mạc Tư Khoa và Washington đã liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao sau vụ việc.

4. Thủ tướng Đức nói: “Rất quan trọng” là phải bảo đảm cung cấp đạn dược nhanh chóng cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng điều quan trọng là phải khẩn cấp cung cấp đạn dược mới cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga.

“Điều rất quan trọng là chúng ta nhanh chóng cung cấp đạn dược cần thiết cho Ukraine và làm điều đó một cách nhanh chóng,” Scholz nói với các nhà lập pháp tại hạ viện Đức hôm thứ Năm, hứa hẹn hành động tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Âu Châu vào tuần tới.

Cùng với các đối tác Âu Châu của chúng ta, chúng ta sẽ tiếp tục bảo đảm rằng Ukraine nhận được vũ khí và thiết bị để tự vệ và cầm cự'', Scholz nói.

Ông nói: “Tại Hội đồng Âu Châu, chúng ta sẽ quyết định các biện pháp tiếp theo cùng với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu của mình để đạt được nguồn cung liên tục, tốt hơn nữa,” đồng thời cho biết thêm rằng “chúng ta cũng sẵn sàng mở các phương thức mua sắm của mình với các quốc gia khác”.

Scholz nói rằng trong 12 tháng qua, Đức đã hỗ trợ Ukraine gần 15 tỷ đô la để giúp chống lại cuộc xâm lược của Nga, đó là “một khoản tiền đáng kể - nhưng nó phù hợp với đất nước của chúng ta,” ông nói.

Scholz cho biết: “Và sau đó là sự tham gia của Đức vào hỗ trợ toàn diện của Liên minh Âu Châu dành cho Ukraine - chẳng hạn như dưới hình thức viện trợ ngân sách trực tiếp - là 18 tỷ euro (hơn 19 tỷ USD) chỉ riêng trong năm nay”.

Gói trừng phạt của Âu Châu ''tiếp tục gây khó khăn hơn cho Nga trong việc theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược của họ - và chúng ta sẽ tiếp tục gây áp lực trừng phạt'', Scholz nói thêm rằng ''chúng ta sẽ cùng nhau bảo đảm rằng các nước bên thứ ba không tìm thấy kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt này.''

Scholz cho biết 27 nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ thảo luận về các vấn đề như khả năng cạnh tranh và năng lượng, cũng như cuộc chiến ở Ukraine, tại Brussels vào thứ Năm và thứ Sáu tới.

5. Nga tăng cường phòng thủ Crimea khi các đồng minh phương Tây nóng lòng vượt qua lằn ranh đỏ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Bolsters Crimea Defenses As Western Allies Warm to Crossing Red Line”, nghĩa là “Nga tăng cường phòng thủ Crimea khi các đồng minh phương Tây nóng lòng vượt qua lằn ranh đỏ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Quân đội Nga được cho là đang củng cố hệ thống phòng thủ ở Crimea trong bối cảnh có thông tin cho rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine đang có thiện cảm với việc nước này tái chiếm Crimea sau gần một thập kỷ dưới sự xâm lược của Nga.

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm thứ Năm, Vadym Skibitskyi, đại diện của Tổng cục Tình báo của Lực lượng Vũ trang Ukraine, tuyên bố tình báo quân sự trong khu vực cho thấy các lực lượng trên bán đảo vẫn đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu liên tục trong khi, ở một số khu vực, lực lượng Nga đã được nhìn thấy đang đào bới chiến hào trên các bãi biển nơi họ tin rằng một chiến dịch đổ bộ của hải quân có thể diễn ra.

“Tổng cục Tình báo liên tục thám thính mọi thứ liên quan đến hoạt động của nhóm quân sự ở Crimea tạm thời bị xâm lược. Quân xâm lược đang thực sự chuẩn bị cho các hành động phòng thủ trên lãnh thổ của bán đảo,” Skibitsky nói.

“Cơ sở hạ tầng được duy trì ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu,” ông nói thêm. “Đây là những thành phần không quân và bộ binh mạnh mẽ nằm trên lãnh thổ của Crimea. Đây là những máy bay chiến đấu - khoảng 90, khoảng 60 máy bay trực thăng chiến đấu, được bố trí trên lãnh thổ Crimea.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để bình luận. Tuy nhiên, một số trong những tuyên bố này đã được khẳng định vào hôm thứ Tư bởi Viện Nghiên cứu Chiến tranh. Tổ chức này đã khảo sát hình ảnh vệ tinh và nhận ra các lực lượng Nga đang tiếp tục xây dựng các công sự phòng thủ ở miền nam Ukraine, dọc theo biên giới Crimea.

“Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các lực lượng Nga đã tăng số lượng hàng rào và hào dọc theo các con đường ở khu vực Kherson dẫn vào Crimea bị xâm lược trong vài tháng qua,” báo cáo viết.

Tuyên bố của Skibitskyi được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Ukraine tuyên bố rằng các quan chức trong số các đồng minh phương Tây của Ukraine đang nóng lòng với ý tưởng Ukraine vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Nga Vladimir Putin để lấy lại Crimea, một khu vực tranh chấp của Ukraine đã bị Nga xâm lược kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine năm 2014.

Đầu tuần này, Tamila Tasheva, đại diện của Ukraine tại Crimea, nói với Daily Beast rằng ông tin rằng nỗ lực chiếm lại bán đảo sẽ không gây ra những vấn đề mà một số người lo ngại – chẳng hạn như việc Nga dùng đến vũ khí hạt nhân. Những lo ngại như thế đã bắt đầu giảm bớt sau hơn một năm xảy ra cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine.

“Chúng ta đã nghe từ các nhà lãnh đạo phương Tây rằng... nếu chúng ta quay trở lại Crimea, thì sẽ có một sự leo thang không thể tránh khỏi, thậm chí có thể kích động một cuộc xung đột hạt nhân,” Tasheva nói. “Luận điệu này đã thay đổi kể từ khi chúng ta giải thích ngày càng rõ hơn Crimea là gì, ý nghĩa của nó đối với Nga và cách mọi thứ được kết nối xung quanh Crimea.”

Các hoạt động quân sự cũng bắt đầu leo thang trong khu vực. Vào ngày 1 tháng 3, các quan chức quân đội Nga tuyên bố lực lượng Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “quy mô lớn” của Ukraine ở Crimea trong khi các nhân vật như Alexander Bogomaz, thống đốc vùng Bryansk của Nga, đã tuyên bố trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình vào đầu tuần này rằng quân đội Ukraine đã tấn công quận Klimovsky và “Những kẻ phá hoại đã bắn vào một chiếc xe hơi đang di chuyển.”

6. Zelenskiy và Sunak của Vương quốc Anh thảo luận về tình hình ở tiền tuyến

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói chuyện với Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak hôm thứ Năm về tình hình mới nhất ở tiền tuyến xung quanh thành phố Bakhmut phía đông, Zelenskiy cho biết trong một bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức của mình.

“Như mọi khi, chúng tôi có kết quả cụ thể trong việc tăng cường hỗ trợ quốc phòng và kinh tế cho Ukraine. Đánh giá cao vị thế vững chắc của Vương quốc Anh,” ông nói thêm.

7. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan bắt 9 người tình nghi làm gián điệp cho Nga

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan, Mariusz Kamiński, thông báo hôm thứ Năm rằng 9 người thuộc một đường dây gián điệp bị tình nghi “cộng tác” với cơ quan mật vụ Nga FSB đã bị bắt giữ trong những ngày gần đây.

Ông cho biết những người bị bắt giữ là “người nước ngoài từ bên kia biên giới phía đông”. “Các nghi phạm đã tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Ba Lan và chuẩn bị các hành động phá hoại theo yêu cầu của tình báo Nga.”

Kamiński cho biết văn phòng công tố đã buộc tội sáu người về tội gián điệp và tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức.

Ông nói, tòa án đã quyết định tạm giam trước khi xét xử sáu người, đồng thời cho biết thêm rằng các thủ tục tố tụng đang chờ giải quyết đối với ba người khác bị giam giữ hôm thứ Tư.

“Bằng chứng cho thấy nhóm đã thám thính các tuyến đường sắt. Nhiệm vụ của nó bao gồm nhận dạng, thám thính và ghi lại các chuyến vận chuyển vũ khí được chuyển đến Ukraine”, Bộ trưởng cho biết. “Các nghi phạm cũng được cho là đang chuẩn bị cho các hoạt động phá hoại nhằm làm tê liệt việc cung cấp thiết bị, vũ khí và viện trợ cho Ukraine.”

8. Quân đội Ukraine cho biết Nga đã tăng cường sự hiện diện của các tàu ở Hắc Hải

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 17 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Nga đang tăng cường hiện diện ở Hắc Hải với “số lượng tàu khá bất thường”.

Số lượng tàu tăng lên, bao gồm 21 chiếc, có thể nhằm mục đích “thể hiện sự thống trị trên biển” sau khi máy bay chiến đấu Nga bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ hôm thứ Ba.

Hoa Kỳ cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp để bảo đảm máy bay không người lái sẽ không rơi vào tay kẻ xấu.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Ukraine không loại trừ khả năng “người Nga đang tiến hành một chiến dịch tìm kiếm”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở Hắc Hải cũng đồng nghĩa với mối đe dọa lớn hơn về các cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine.

Các tin tình báo của quân đội Ukraine cho biết sự hiện diện của 5 tàu sân bay hỏa tiễn ở Hắc Hải, trong đó có 2 tàu dưới nước, “làm gia tăng mối đe dọa hỏa tiễn lên rất nhiều”.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các tàu này có thể mang tới 32 hỏa tiễn hành trình loại Kalibr. “Đừng bỏ qua các báo động không kích,” ông nói.

9. Các cuộc đàm phán về khả năng đối thoại Zelenskiy và Tập Cận Bình đang diễn ra, cố vấn tổng thống Ukraine nói

Các cuộc đàm phán về khả năng có một cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang diễn ra, nhưng còn quá sớm để nói liệu một cuộc trò chuyện có thực sự diễn ra hay không, theo một cố vấn của tổng thống Ukraine.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trên truyền hình quốc gia: “Chúng tôi không thể nói chắc chắn, bởi vì các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Tổng thống Ukraine cũng sẵn sàng đối thoại với các nhà lãnh đạo khác, không chỉ ông Tập, “để giải thích bản chất của cuộc chiến và nói lý do tại sao, nếu không tính đến lập trường của Ukraine, cuộc chiến này không thể kết thúc,” Podolyak nói.

Ông nói thêm: “Nếu chỉ ủng hộ phía Nga, thứ nhất sẽ không dẫn đến kết thúc chiến tranh, và thứ hai, nó sẽ không ghi điểm cho Trung Quốc với tư cách là một bên tham gia toàn cầu hiểu bản chất của chiến tranh và hiểu cách chấm dứt nó”..

Trước đó vào thứ Năm, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. Kuleba cho biết trong một bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng hai người đã thảo luận về kế hoạch hòa bình của Ukraine và “tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ”.

Các quan sát viên nhận định rằng Ukraine thực ra không trông đợi gì vào cái gọi là kế hoạch hòa bình của Tập Cận Bình, tất cả các cố gắng của họ là làm sao bảo đảm Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga.

10. Blinken nói rằng Ba Lan đã đưa ra quyết định có chủ quyền gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng quyết định mà các quốc gia đưa ra để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine là “quyết định có chủ quyền”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Ba Lan tuyên bố hôm thứ Năm rằng nước này sẽ gửi 4 máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine trong những ngày tới.

“Liên quan đến quyết định của Ba Lan cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine, chúng tôi xem đây là những quyết định có chủ quyền đối với các quốc gia, khi họ đưa ra những gì họ sẽ cung cấp cho Ukraine để giúp tự vệ trước sự xâm lược của Nga,” Blinken nói trong một cuộc họp báo ở Niger. “Tất nhiên, chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với hàng chục quốc gia về những vấn đề này, nhưng các quốc gia khác nhau đang làm những việc khác nhau để đáp ứng những gì họ có và những gì họ nhận thức về nhu cầu của Ukraine.”

Blinken không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy quyết định của Ba Lan sẽ thay đổi lập trường của chính quyền Biden trong việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine ngay bây giờ.

“Trọng tâm của chúng ta là làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng Ukraine có những gì họ cần, những gì họ có thể sử dụng và những gì họ đặc biệt cần trong thời điểm này, khi đối phó với cuộc tấn công mà chúng ta đang chứng kiến từ Nga, ở phía đông. Và xa hơn, để chuẩn bị cho các hành động của chính họ trong những tuần và tháng tới khi họ tìm cách lấy lại nhiều lãnh thổ hơn mà Nga đã chiếm giữ của họ,” Blinken nói.

Blinken cho biết việc tập trung vào bất kỳ hệ thống vũ khí nào tại một thời điểm là một sai lầm. Ông nói về bản chất rộng lớn của các nguồn lực quân sự mà Ukraine cần bao gồm hệ thống phòng không, pháo binh, đạn dược và xe bọc thép.

“Bạn biết đấy, Bộ trưởng Austin đã lãnh đạo một quá trình rất, rất thành công trong việc tập hợp hàng chục quốc gia lại với nhau để giúp tìm kiếm và điều phối sự hỗ trợ đó,” ông nói thêm.

11. Cảnh quay “hoàn toàn xác nhận” vụ va chạm giữa máy bay không người lái của Mỹ và máy bay phản lực Nga, quan chức cấp cao của Mỹ cho biết

Đoạn phim do Bộ Tư lệnh Âu Châu của Mỹ công bố vào sáng thứ Năm về cuộc chạm trán kịch tính giữa một máy bay không người lái của Mỹ và máy bay chiến đấu của Nga trên Hắc Hải “xác nhận hoàn toàn” rằng đã có một vụ va chạm vật lý và đổ nhiên liệu, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN.

Tuy nhiên, đoạn video không xác nhận ý định của phi công Nga.

Câu hỏi quan trọng là liệu phi công Nga có thực sự có ý định tấn công cánh quạt của máy bay không người lái Mỹ hay không. Khi đâm vào chiếc máy bay không người lái của Mỹ, chiếc máy bay Nga cũng có khả năng gặp rủi ro cho nên người ta không biết liệu phi công Nga có cố ý làm như thế hay chỉ vì thiếu năng lực.

Quan chức này nói rằng không nghi ngờ gì về việc đoạn phim xác nhận rằng các máy bay chiến đấu của Nga đang thực hiện “các chuyến bay hung hăng” và “liều lĩnh”, lặp lại những gì các quan chức Mỹ khác đã nói một cách nhất quán trong vài ngày qua.

Theo hai quan chức Mỹ quen thuộc với tình báo, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga đã ra lệnh cho các máy bay chiến đấu Nga quấy rối máy bay không người lái của Mỹ trên Hắc Hải ngay trong không phận quốc tế trong tuần này.

Các quan chức Hoa Kỳ và những người đồng cấp Nga của họ đã có một cuộc tranh cãi công khai về những gì đã xảy ra dẫn đến việc một máy bay không người lái của Hoa Kỳ bị bắn hạ trên Hắc Hải.

12. Các đường liên lạc mở giữa Mỹ và Nga rất quan trọng sau sự việc máy bay không người lái, quan chức Nga nói

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, theo hãng thông tấn nhà nước TASS, điều quan trọng là phải giữ cho các đường dây liên lạc giữa Washington và Mạc Tư Khoa luôn mở sau sự việc máy bay không người lái hôm thứ Ba.

“Chúng ta tin rằng điều quan trọng là để mở các đường dây liên lạc, và đó là những gì chúng ta đang làm,” bà ta nói.

Bà Zakharova nhắc lại rằng Nga không tìm kiếm một cuộc đối đầu và ủng hộ sự hợp tác thực chất vì lợi ích của người dân cả hai nước.

“Điều đó nói rằng, chúng ta có khả năng bảo vệ những lợi ích này,” Zakharova nói thêm.

Một số thông tin cơ bản: Mạc Tư Khoa và Washington đã liên lạc qua các kênh quân sự và ngoại giao sau vụ việc.

Các quan chức Mỹ và những người đồng cấp Nga của họ đã có một cuộc tranh cãi công khai về nguyên nhân dẫn đến việc một máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ trên Hắc Hải ngay trong không phận quốc tế. Hoa Kỳ đã khẳng định rằng các máy bay chiến đấu của Nga đã đổ nhiên liệu vào máy bay không người lái trước khi cắt cánh quạt của nó và buộc nó phải hạ cánh; Người Nga đã phủ nhận rằng có sự tiếp xúc vật lý giữa một máy bay phản lực của Nga và máy bay không người lái của Hoa Kỳ.
 
Thách thức Tòa Thánh, độc tài Ortega đóng cửa Caritas. Nhà trừ tà: Cảnh giác trước ma quỷ nhục nhã
VietCatholic Media
16:58 17/03/2023


1. Ortega đóng cửa Caritas Nicaragua

Bộ Nội vụ đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của Caritas Nicaragua, tổ chức viện trợ của Giáo Hội Công Giáo hỗ trợ những người gặp khó khăn nhất trong nước.

Chính sách bịt miệng những tiếng nói bất đồng ở Nicaragua một lần nữa nhắm trực tiếp vào Giáo Hội Công Giáo.

Trong 5 năm qua, Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã trải qua hơn 190 vụ tấn công và xúc phạm, trong đó có vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ chính tòa Managua, trục xuất các Thừa sai Bác ái, bỏ tù Đức Giám Mục Rolando Álvarez, lưu đày và tước bỏ quyền công dân của hơn 222 cựu tù nhân chính trị, linh mục, giám mục và chủng sinh, bao gồm việc cấm các cuộc rước kiệu Công cộng theo truyền thống tại tất cả các giáo xứ trong cả nước trong Mùa Chay và Lễ Phục sinh, và đóng cửa bảy trường đại học – hai trong số đó có quan hệ với Giáo Hội Công Giáo, Đại học Công Giáo John Paul II và Đại học Kitô giáo tự trị. Giờ đây, chế độ của Ortega đã giải tán Caritas Nicaragua – tổ chức viện trợ của Giáo Hội Công Giáo hỗ trợ những người gặp khó khăn nhất trong nước.

Tờ báo chính thức của chính phủ La Gaceta đã đưa tin vào cùng ngày các trường đại học bị đóng cửa rằng Bộ Nội vụ đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của Caritas Jinotega và Caritas Nicaragua. Đây là động thái pháp lý tương tự đã dẫn đến việc trục xuất các Thừa sai Bác ái năm ngoái.

Caritas là tổ chức viện trợ chính thức của Giáo hội, với các văn phòng địa phương trên khắp thế giới. Tại Hoa Kỳ, văn phòng địa phương của nó được gọi là Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo.

Các nguồn tin Nicaragua địa phương giải thích rằng những trở ngại mà chế độ của Ortega áp đặt lên Caritas Nicaragua, chẳng hạn như từ chối cho phép họ nhận quyên góp từ các tổ chức khác bao gồm cả rượu để thánh hiến trong Thánh lễ, cuối cùng đã buộc họ phải giải thể.
Source:Aleteia

2. Nicaragua: Đức Cha Álvarez bây giờ ở đâu?

Sau khi từ chối rời đi cùng với 222 tù nhân chính trị bị lưu đày sang Mỹ, Đức Cha Rolando Álvarez của Nicaragua đã bị kết án 26 năm tù ở Nicaragua. Theo các phương tiện truyền thông được NPR trích dẫn, “Đức Cha Álvarez đã dừng lại ở cầu thang dẫn lên máy bay đến Mỹ và nói, 'Hãy để những người khác được tự do. Tôi sẽ chịu đựng sự trừng phạt của họ.'“

Trong một bài phát biểu xác nhận việc trả tự do cho 222 tù nhân chính trị, chính Ortega nói rằng giám mục Nicaragua đã bị đưa đến Cárcel La Modelo, một nhà tù nơi giam giữ hầu hết các tù nhân chính trị chống lại chế độ của Ortega. Theo các báo cáo địa phương của Nicaragua, ngài bị đưa đến cách ly trong phòng giam số 300, còn được gọi là “infiernillo”, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “địa ngục nhỏ”, một phòng giam được bảo vệ tối đa.

Các nguồn tin liên kết với Giáo hội nói với Despacho 505, một dịch vụ tin tức độc lập của Nicaragua, rằng “những người từ trung tâm nhà tù đã nói rằng ngài đã bị đưa đến đó, nhưng ngài bị giam trong phòng giam số 300, hoàn toàn bị cô lập.”

Nguồn tin cũng nói rằng ngài bị biệt giam để ngăn không cho ngài tiếp xúc với bất kỳ tù nhân chính trị nào khác.

Nhưng, theo bài báo của Jaime Septién trong ấn bản tiếng Tây Ban Nha của tờ Aleteia, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng nhân viên nhà tù đã nói với em gái của Đức Cha Álvarez, là cô Vilma, rằng ngài không có ở đó.

Septién giải thích rằng đây có thể chỉ là một cách khác để giữ Đức Cha trong sự cô lập nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bài báo cho biết, Lesther Alemán chính trị Nicaragua lưu vong đã báo cáo những gì lính canh đã nói.

“Doña Vilma đã đến cổng chính của 'La Modelo' để mang nước cho anh trai cô ấy, nhưng nhân viên nhà tù không nhận và giải thích rằng ngài không có ở đó,” Alemán đã tweet.

Alemán cũng yêu cầu các tổ chức quốc tế như Hội Hồng Thập Tự Quốc tế đến thăm nhà tù để bảo đảm rằng Giám mục Álvarez không chỉ ở đó mà còn có sức khỏe tốt.
Source:Aleteia

3. Nhật Ký Trừ Tà số 231: Ma Quỷ Nhục Nhã

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #231: Demons of Shame”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 231: Ma Quỷ Nhục Nhã”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“Jane” bị bao vây bởi những suy nghĩ nhục nhã. Những suy nghĩ này miêu tả toàn bộ cuộc đời cô là một thất bại thảm hại. Cô cảm thấy mình thật bệnh hoạn và đáng ghê tởm. Cô ấy không thể tưởng tượng được Chúa hay bất cứ ai khác yêu thương cô ấy hoặc thậm chí muốn nhìn cô ấy. Cô ấy nói, “Tôi cảm thấy như đang bước đi trong sự nhục nhã ê chề.”

Jane bị ảnh hưởng bởi một nỗi ám ảnh ma quỷ nghiêm trọng. Nó không chỉ đơn giản là những lời độc thoại tiêu cực mà rất nhiều người trong chúng ta mắc phải. Trường hợp của cô ấy đặc biệt mạnh mẽ và nó hành hạ cô ấy hàng ngày. Nó đập vào não cô ấy dường như không ngừng. Đôi khi, sự xấu hổ lấn át suy nghĩ và khiến cô tê liệt cảm xúc.

Sự khiêm tốn đích thực bắt nguồn từ sự thật. Vâng, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Tất cả chúng ta đều có tội và đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng điều này không giống như sự nhục nhã. Sự nhục nhã ê chề tấn công ý thức về bản thân và giá trị bản thân của chúng ta. Chúng ta được tạo ra để nghĩ rằng chúng ta vô giá trị. Một số nhà thần bí nói rằng những con quỷ trong địa ngục hành hạ người chết với những suy nghĩ xấu hổ như vậy. Ma quỷ tấn công họ với lời buộc tội rằng họ vô giá trị và Chúa không quan tâm.

Bất chấp cảm giác tội lỗi và những tội lỗi của chúng ta, chúng ta không vô giá trị. Thay vào đó, chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và do đó có giá trị vô giá. Chúng ta được yêu thương vô cùng và tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Chúng ta được cứu bởi Ngài. Những ý nghĩ nhục nhã và tự bôi nhọ bản thân không đến từ Thiên Chúa.

Với những người bị ám ảnh bởi sự nhục nhã do ma quỷ gây ra, tôi thường giúp họ trải qua nhiều lần từ bỏ “những con quỷ nhục nhã”. Tôi hướng dẫn họ hãy nói: “Tôi từ bỏ ma quỷ nhục nhã. Tôi từ chối chúng; Tôi quở trách chúng; Tôi từ bỏ chúng. Nhân danh Chúa Giêsu, tôi đuổi chúng đi. Nhân danh thánh của Ngài, tôi đuổi chúng ra ngoài!

Họ cũng nên nói thêm: “Tôi là con của Thiên Chúa và tôi được tạo nên xinh đẹp theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi được Chúa Cha yêu thương vô hạn.” Sau đó tôi sẽ nói: “Nguyện Thiên Chúa đầy yêu thương của chúng ta vòng tay ôm lấy bạn. Có thể bạn biết rằng bạn được yêu thương vô hạn. Hãy biết rằng bạn sẵn sàng hiện hữu bởi tình yêu ngay từ giây phút đầu tiên bạn được thụ thai. Bạn được kêu gọi và được định sẵn cho Nước Trời.”

Đây là lời cầu nguyện của tôi cho tất cả các bạn:

Bạn cũng có thể biết rằng bạn đã được yêu thương sẵn sàng ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai. Nguyện xin Cha vòng tay yêu thương ôm lấy bạn. Cầu mong bạn cảm nhận được hơi ấm, tình yêu và sự bình an của Ngài. Nhân danh Chúa Giêsu, bạn được chữa lành. Nhân danh Chúa Giêsu, bạn được bình an.
Source:Catholic Exorcism