Ngày 13-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Học yêu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
03:04 13/03/2024
HỌC YÊU
(Chúa Nhật V Mùa Chay B)

“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta” (Gr 31,33). Chắc hẳn Lề luật mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).

Một trong những khao khát đượm tính hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với các vua chúa xưa lẫn nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”(Ga 12,25 ). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.

Quy luật của tình yêu đã được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hoà bình: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chắc hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Đã là quy luật thì có tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh nhiên dễ thấy, dễ nhận ra. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,9), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là yêu thương.

Yêu thương không hẳn chỉ là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy người điếc được nghe… Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, nếu chỉ cho đi những gì mình có bằng khả năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.

Yêu thương cách đích thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể: “Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực thi ý Người” (x.Tv 40). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai, Đấng từ trời mà xuống, để sống kiếp “không chỗ tựa đầu”(x.Lc 9,58). Vì yêu thương Chúa Giêsu đã đau xót tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân phận Con Thiên Chúa của mình bằng cái án bất công và cái chết ô nhục trên thập giá. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”(Lc 23,37). Người vẫn ở đó, trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.

Mất những tất cả gì mình có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi cái điều tồi tệ ấy khi được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt hình thành.

Đã yêu là phải tuân thủ quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình lẫn kẻ bách hại mình.

Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:11 13/03/2024

21. Người siêng năng rước lễ là người thanh bạch vô tội, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần họ có sự tiến triển rất lớn.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:15 13/03/2024
2. KHÔNG LÀM QUAN ĐỤC

Vào thời Minh Huệ Tông, Dương thái thú châu phủ Nhữ Ninh làm quan rất thanh liêm, bá tánh rất yêu mến, mà Lưu tri huyện của Nhữ Dương là huyện sở tại thuộc quyền cai trị của Dương thái thú thì lại rất tham lam bủn xỉn, bá tánh rất căm giận.

Một đêm nọ, Dương thái thú mặc thường phục cải trang tuần tra, đến một gia đình nông gia rất nghèo khó.

Có một bà lão dệt vải ban đêm nhìn thấy người lạ đến bèn kêu con gái ra mời rượu, đứa con gái vâng mệnh đem rượu ra, trong bình rượu không còn nhiều nên thấy đáy bình.

Con gái nhà nghèo rót một ly rượu, nói:

- “Ly rượu này là Dương thái gia !”

Rồi lại rót ly nữa, dốc hết rượu cặn đục, trong bình ra và nói:

- “Ly này là Lưu thái gia !”

Việc này về sau truyền ra bên ngoài, có người làm một bài thơ như sau:

- “Nhắn (người) làm quan nên làm quan, không làm ly thứ hai của nhân gian.”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 2:

Thanh liêm là thanh bạch liêm chính, nghĩa là không nhúng tay vào những đồng tiền dơ bẩn cũng không hà khắc bắt dân phục vụ mình, đó là vị quan thanh liêm.

Làm vị quan thanh liêm thì rất được dân chúng yêu mến, làm một linh mục mà biết đặt phần hồn của giáo dân lên trên mọi ích lợi và việc cá nhân của mình, thì không những được mọi người yêu mến mà lại còn được Thiên Chúa thưởng công bội hậu ở đời này cũng như ở đời sau: đời này thì có nhiều người tin và theo Đức Chúa Giê-su do cuộc sống gương mẫu của mình, đời sau thì sẽ không hổ thẹn trước mặt bàn dân thiên hạ trong ngày phán xét, vì mình đã làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa giao phó cách xuất sắc...

Vì quý trọng vị quan thanh liêm mà cô gái đã đề cao bằng ly rượu thứ nhất không cặn bả; người giáo dân sẽ tặng cho vị linh mục yêu quý của mình bằng tất cả sự kính trọng và yêu thương, khi họ cảm nhận được tình yêu phục vụ vô vị lợi của các ngài đối với Giáo Hội và đối với cộng đoàn dân Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đức Giêsu, Đấng kiện toàn giao ước
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
03:22 13/03/2024
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – B
(Gr 31,31-34; Ga 12, 20 – 33)

Đức Giêsu, Đấng kiện toàn giao ước

Lịch sử cứu độ là bản trường ca vô tận diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính tình yêu của Ngài, Đấng tác tạo mọi sự, đã làm nên lịch sử thánh. Toàn bộ Kinh Thánh được tóm kết trong hai chữ “Tình Yêu”, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Giao ước tình yêu

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng của Chúa. Không những thế, Chúa còn ký kết với dân Ngài một Giao Ước Tình Thương được tạc vào đá qua trung gian Môsê. Trong Giao ước ấy, mỗi bên đều có nghĩa vụ và quyền lợi của mình: về phía Thiên Chúa, Chúa nhận dân là dân riêng của Chúa và hứa sẽ bảo vệ giữ gìn; về phía dân, họ nhận Chúa là Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ Mười Điều Răn Chúa truyền.

Sở dĩ gọi là Giao Ước Tình Thương là vì dân Israel đã thường xuyên vi phạm giao ước ấy, quay lưng lại với Thiên Chúa, thờ bò vàng (x. Xh 32), dẫn đến hậu quả là nước mất, nhà tan, dân chúng lâm cảnh lưu đày. Vì yêu thương và thành tín, Chúa vẫn giữ lời giao ước. Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật là bằng chứng : “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ trọn lời hứa với cha ông anh em, mà Chúa đã ra tay uy quyền giải thoát và đưa anh em ra khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. Và anh em sẽ biết rằng Đức Chúa, Chúa của anh em, mới thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành : cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ trọn lời giao ước, và tỏ lòng nhân nghĩa đối với những ai yêu mến Người và tuân hành các giới luật Người ban” (Đnl 7,6.8-9”.

Giao ước mới

Thiên Chúa không đành phá vỡ giao ước, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu là lý do Chúa lại trao ban cho dân một giao ước mới. Giêrêmia là người duy nhất nói về “giao ước mới”, ông tuyên sấm: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng”. Họ đã bất trung, lỗi lời giao ước, chạy theo các thần ngoại mà thờ, không tuân giữ các điều Chúa truyền dạy, sống bất công và vô luân. Chúa là Thiên Chúa tình thương, vấn vương khi tạo dựng, lòng thành tín của Chúa trải muôn ngàn đời, không hề lỗi lời giao ước. Thay vì chia tay để con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một giao ước mới khi tuyên sấm: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng”.

Giao ước mới này sẽ được ký kết với toàn thể dân Chúa là Israel và Giu-đa, và sẽ vững bền mãi mãi. Thiên Chúa sẽ in sâu vào trái tim con người sự hiểu biết và tình yêu của Ngài mà không đòi hỏi điều kiện gì khả dĩ có thể trở nên vô hiệu lực khi điều kiện đó không tuân giữ được: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 34).

Nếu Luật của Thiên Chúa trước kia được khắc vào đá và Môisen phải đọc và truyền cho dân, dân đã lỗi phạm do vô tình hay hữu ý, khiến Chúa nổi giận. Nay Chúa trao ban Luật cho dân với một cách thức và công thức mới là ghi tạc vào lòng con cái Israel (x. Gr 31, 33). Mỗi người sẽ nhận được trực tiếp và cá nhân với Chúa (x. Gr 31, 34) không qua trung gian: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em ” (Gr 31, 34). Theo nghĩa Kinh Thánh là hiệp thông với Chúa cách sâu xa nhất. Công thức của hai bên: “Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 34), đây là nét đặc trưng của giao ước kể từ khi Xuất hành (x. Xh 6, 7) sẽ được áp dụng cho từng người trong dân. Một giao ước “khiến mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Chúa, vì Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho dân” (Gr 31, 34). Giao ước mới này sẽ được Đức Kitô thực hiện và hoàn tất trong “giai đoạn” vượt qua.

Giao ước được kiện toàn nơi Đức Giêsu

Trong lịch sử cứu độ; các giao ước được sắp xếp theo chiều từ thấp lên cao như những mắt xích, mà đỉnh điểm tối hậu là Giao Ước Mới, giao ước được thiết lập trong máu Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa thực hiện một lần thay cho tất cả; nghĩa là nơi Con Một yêu dấu, Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh viễn với con người.

Bằng một ẩn dụ về hạt lúa mì, Chúa Giêsu dùng với hình ảnh giầu biểu cảm về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự biến đổi từ cõi chết qua cõi sống.

Ðể chứng minh giao ước này là giao ước đời đời không hề thay đổi, Đức Giêsu đã trao ban bánh và rượu trong Lễ Vượt Qua, tượng trưng cho thịt và máu của Người, làm dấu chỉ giao ước hữu hình ở lại luôn mãi với loài người chúng ta (x. Ga 6,53-56, Mt 26,17-28).

Chúng ta phải khẳng định rằng, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã phải chịu chết cách đau đớn và nhục nhã trên Thánh Giá. Cũng vì tội lỗi loài người, và để tha tội cho chúng ta mà Chúa Giêsu đã lấy chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới như lời Chúa nói trong bữa tiệc lý : “Máu Giao Ươc Mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (x. Mt 14,24; Lc 20,22; 1Cr 11,25).

Dân chúng thời Cựu Ước được ơn tha tội nhờ máu chiên bò, nhưng đến thời Tân Ước, họ được ơn tha tội nhờ Máu Chúa Giêsu đổ ra (x.1 Cor 5,7). Trong giao ước mới này, muôn người được ơn tha tội nhờ bửu huyết châu báu Chúa Kitô.
 
Ngõ tắt nên thánh
Lm. Minh Anh
15:50 13/03/2024
NGÕ TẮT NÊN THÁNH
“Tôi không cần người đời tôn vinh!”.

“Khiêm tốn là điều bạn và tôi nên thường xuyên cầu nguyện, nhưng đừng bao giờ tạ ơn vì nó! Hãy quên mọi việc tử tế ngay khi vừa làm xong; quên những lời khen khi vừa giành được. Đó là ngõ tắt nên thánh!” - M. R. De Haan.

Kính thưa Anh Chị em,

Khiêm tốn, một trong các chủ đề của Lời Chúa hôm nay. “Hãy quên mọi việc tử tế ngay khi vừa làm xong; quên những lời khen khi vừa giành được!”. Bởi lẽ, vinh quang và danh dự không thuộc về bạn, nó thuộc về Chúa! Biết điều này, bạn biết ‘ngõ tắt nên thánh’.

Người đời thường hay tìm kiếm lời khen của nhau, đang khi Thánh Kinh nói, “Hãy dâng Chúa vinh quang xứng Danh Ngài!”; Chúa Giêsu thì bảo, “Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Tại sao? Vì chỉ Thiên Chúa mới xứng với muôn lời hoan chúc. Ý thức điều này, bạn đã lần bước trên đường thánh đức! Vì phải ăn mày khen lao của con người, chúng ta hì hục lao vào công việc cốt chỉ để được chấp nhận; vậy mà khi làm thế, chúng ta tự tạo cho mình một chiếc máy chém! Vì thế, một khi nhất mực thanh tẩy những ý định quy ngã - quên đi bản thân - để tôn vinh chỉ một mình Thiên Chúa qua mọi lời nói, hành động và suy nghĩ… thì trước hết, bạn và tôi sẽ tràn trề bình an và niềm vui; từ đó, nhiều linh hồn và chính chúng ta được kín múc ân sủng Chúa, và đó là ‘ngõ tắt nên thánh’.

Đối lập với sự chấp nhận của con người là sự khước từ của nó. Chúa Giêsu đã trải nghiệm sự khước từ này mà cao điểm là cái chết thập giá của Ngài. Tuy nhiên, ngay tại khoảnh khắc mất hết sự chấp nhận của con người, Chúa Giêsu vẫn được Chúa Cha ưng nhận. Hậu kết là Chúa Cha đã cho Ngài sống lại từ cõi chết; qua đó, mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài cho thấy, việc bị con người từ chối không nhất thiết có nghĩa là không có sự chấp nhận của Thiên Chúa! Như vậy, được Thiên Chúa chấp nhận và khen lao sẽ quý hơn vạn lần so với được chấp nhận và khen thưởng bởi thế gian.

Thật thú vị, ngay cả Thiên Chúa cũng không được chấp nhận! Oái oăm thay, Ngài bị từ chối bởi chính dân Ngài, dân được Ngài cứu thoát. Họ cũng không tôn thờ Ngài như Ngài đáng được tôn thờ. Họ đã đúc một con bò vàng, quỳ xuống thờ lạy nó - bài đọc một. Thánh Vịnh viết, “Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng bò ăn cỏ”. Và điều đó khiến Thiên Chúa nổi giận đến nỗi Ngài nhất tâm tru diệt họ; và Môsê, một lần nữa, đứng ra, xin Ngài thương tha. Thật xúc động, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài”; và Thiên Chúa lại xiêu lòng - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Đó là lập trường và tiêu chí hành động của Chúa Giêsu. Với Ngài, Chúa Cha là ưu tiên số một nên Ngài ra sức làm điều Chúa Cha muốn. Thế giới đang chứng kiến những tang thương kéo theo bao khó khăn do các cuộc chiến tàn khốc của những kẻ ‘tham nhũng quyền lực’ và ‘đói khát nó’ một cách bệnh hoạn, bạn và tôi được mời gọi trở nên những Giêsu, những Môsê, những con người của cầu nguyện, hy sinh và quên mình, hầu khấn xin Thiên Chúa thương xót nhân loại khốn cùng này. Hãy dâng những hy sinh âm thầm nhỏ bé mỗi ngày, cốt chỉ để Thiên Chúa nhìn thấy và tôn vinh Ngài. Đó là những lối đi thật nhỏ, thật ngắn; ngõ “Giêsu”, ‘ngõ tắt nên thánh!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo huyễn danh, sống kiếp ăn mày. Giúp con chỉ tìm làm điều đẹp lòng Chúa mỗi ngày và từng ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 11. Hành động nhân đức
Vũ Văn An
14:34 13/03/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 13 tháng 3 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về hành động nhân đức.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Sau khi kết thúc phần tổng quan của chúng ta về những thói hư, bây giờ là lúc chúng ta nhìn vào hình ảnh phản chiếu, đối lập với trải nghiệm về cái ác. Trái tim con người có thể chiều theo những đam mê xấu xa, nó có thể chú ý đến những cám dỗ có hại được ngụy trang dưới lớp vỏ thuyết phục, nhưng nó cũng có thể chống lại tất cả những điều này. Dù điều này có khó khăn đến đâu, con người được tạo ra vì sự tốt lành, điều này thực sự làm họ thỏa mãn, và cũng có thể thực hành nghệ thuật này, khiến một số khuynh hướng trở nên thường trực trong họ. Suy gẫm về khả năng kỳ diệu này của chúng ta tạo thành một chương cổ điển trong triết học đạo đức: chương về nhân đức.

Các triết gia La Mã gọi nó là virtus, người Hy Lạp gọi là aretè. Thuật ngữ Latinh trước hết nhấn mạnh rằng người nhân đức là người mạnh mẽ, can đảm, có khả năng kỷ luật và khổ hạnh: do đó, việc thực thi các nhân đức là kết quả của quá trình nảy mầm lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và thậm chí cả đau khổ. Thay vào đó, từ Hy Lạp, aretè, chỉ điều gì đó vượt trội, điều gì đó nổi bật, khơi gợi sự ngưỡng mộ. Do đó, người nhân đức không bị biến dạng bởi sự xuyên tạc mà vẫn trung thành với ơn gọi của mình, nhận thức đầy đủ về chính mình.

Chúng ta sẽ lạc lối nếu nghĩ rằng các vị thánh là ngoại lệ của loài người: một loại nhóm hạn chế gồm những nhà vô địch sống vượt quá giới hạn của loài người chúng ta. Từ góc nhìn chúng ta vừa giới thiệu về các nhân đức, các vị thánh đúng hơn là những người trở thành chính mình một cách trọn vẹn, hoàn thành ơn gọi riêng của mỗi người nam hay nữ. Thật là một thế giới hạnh phúc nếu công lý, sự tôn trọng, lòng nhân từ lẫn nhau, tinh thần cởi mở và hy vọng là những điều bình thường được chia sẻ chứ không phải là một điều bất thường hiếm gặp! Đây là lý do tại sao chương về hành động nhân đức, trong thời kỳ đầy bi kịch này của chúng ta, nơi chúng ta thường phải đối diện với những điều tồi tệ nhất của nhân loại, cần được mọi người khám phá lại và thực hành. Trong một thế giới méo mó, chúng ta phải nhớ đến hình dáng mà chúng ta đã được tạo dựng, hình ảnh của Chúa mãi mãi in sâu vào chúng ta.

Nhưng chúng ta có thể định nghĩa khái niệm nhân đức ra sao? Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cống hiến cho chúng ta một định nghĩa chính xác và súc tích: “Nhân đức là một khuynh hướng thường xuyên và vững chắc để làm điều tốt” (số 1803). Vì vậy, nó không phải là một món hàng ngẫu hứng hay có phần ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống một cách rời rạc. Lịch sử cho chúng ta thấy ngay cả những kẻ tội phạm, trong những lúc tỉnh táo cũng đã làm được việc tốt; chắc chắn những việc làm này đã được ghi vào “sách của Chúa”, nhưng đức hạnh lại là một điều khác. Đó là sự tốt đẹp bắt nguồn từ sự trưởng thành chậm rãi của con người, đến mức trở thành một đặc tính bên trong. Đức hạnh là thói quen của tự do. Nếu chúng ta được tự do trong mọi hành động và mỗi khi phải lựa chọn giữa thiện và ác thì đức hạnh chính là điều giúp chúng ta có xu hướng lựa chọn đúng đắn.

Nếu nhân đức là một món quà đẹp đẽ như vậy thì ngay lập tức nảy sinh một câu hỏi: làm sao có thể có được nó? Câu trả lời cho câu hỏi này không đơn giản, nó phức tạp.

Đối với người Kitô hữu, sự trợ giúp đầu tiên là ân sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta là những người đã chịu phép rửa, tác động trong tâm hồn chúng ta để dẫn nó đến một đời sống nhân đức. Biết bao Kitô hữu đã đạt đến sự thánh thiện qua nước mắt, nhận ra rằng họ không thể vượt qua được một số điểm yếu của mình! Nhưng họ trải nghiệm rằng Chúa đã hoàn thành công việc tốt lành đó mà đối với họ chỉ là một bản phác thảo. Ân sủng luôn đi trước cam kết luân lý của chúng ta.

Hơn nữa, chúng ta không bao giờ được quên bài học rất phong phú từ túi khôn của người xưa, dạy rằng nhân đức sẽ phát triển và có thể trau dồi. Và để điều này xảy ra, ơn đầu tiên cầu xin Chúa Thánh Thần chính là sự khôn ngoan. Con người không phải là một lãnh thổ tự do để chinh phục những thú vui, cảm xúc, bản năng, đam mê mà không thể làm bất cứ điều gì để chống lại những thế lực này, đôi khi hỗn loạn, ngự trị bên trong. Hồng phúc vô giá mà chúng ta sở hữu là một tâm trí cởi mở, đó là sự khôn ngoan có thể học hỏi từ những sai lầm để điều hướng cuộc sống cách tốt đẹp. Sau đó, cần có thiện chí: khả năng lựa chọn điều tốt, rèn luyện bản thân bằng cách thực hành khổ hạnh, tránh xa những điều thái quá.

Anh chị em thân mến, đây là cách chúng ta bắt đầu hành trình nhân đức, trong vũ trụ thanh bình đầy thử thách nhưng có tính quyết định đối với hạnh phúc của chúng ta
 
Kitô giáo và Nho giáo: Vatican và các chuyên gia địa phương thảo luận về các hướng dẫn đối thoại
Vũ Văn An
14:44 13/03/2024

Ngày 10 tháng 3, 2024, AsiaNews loan tin: Hai sáng kiến quan trọng nhằm gặp gỡ truyền thống tôn giáo và tư tưởng Đông Á đã được Diễn đàn Đối thoại Liên tôn Đài Loan-Hồng Kông tham gia trong những ngày này.

Hội thảo quốc tế có chủ đề “Các Ki-tô hữu cổ vũ đối thoại với Nho giáo: các hướng dẫn và viễn cảnh” đã được tổ chức vào ngày 8 và 9 tháng 3 tại Tân Đài Bắc, Đài Loan. Sáng kiến được thúc đẩy với sự cộng tác của Khoa Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Công Giáo Phụ Nhân- là một phần của lộ trình nhằm xây dựng các hướng dẫn chính thức cho người Công Giáo tham gia đối thoại với những người theo Nho giáo.

Vào ngày 15 tháng 1 vừa qua, Bộ Đối thoại Liên tôn đã triệu tập một nhóm nghiên cứu trực tuyến, do Giáo sư Umberto Bresciani, một người Ý đã có hơn 50 năm sống ở Đài Loan, chủ trì và đã theo đuổi suy tư này tại Đại học Công Giáo Phụ Nhân một thời gian. Cuộc thảo luận đầu tiên đó có sự tham gia của các học giả và những người thực hành đối thoại liên tôn sống hoặc có nguồn gốc, ngoài Đài Loan, ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ở Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Ý và Hoa Kỳ.

Đức cha Indunil Kodithwakuu Kankanamalage, thư ký của Bộ, khai mạc cuộc họp đó đã giải thích rằng nhóm nghiên cứu này là một phần của truyền thống được thực hiện bởi cơ quan Vatican, vốn đã phát triển các hướng dẫn đối thoại với Phật giáo, Ấn Độ giáo và các tôn giáo truyền thống châu Á. Bây giờ, ngài nói thêm, “một nhu cầu mới đã xuất hiện để phát triển một cuộc đối thoại chính thức với các nhà Nho”. Ngài kết luận: “Và khi chúng ta nỗ lực xây dựng trên ‘hạt giống’ đã được gieo trồng, chúng ta hãy luôn nhớ rằng ‘Chúa là Đấng làm cho nó lớn lên’”.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức những ngày này tại Tân Đài Bắc là một bước tiến đáng kể trong hành trình này, thu hút sự tham gia của đông đảo khán giả quan tâm đến việc thúc đẩy đối thoại Nho giáo-Kitô giáo.

“Việc soạn thảo các hướng dẫn”, Bộ Đối thoại Liên tôn giải thích trong một tuyên bố, “sẽ được thực hiện theo quy trình xem xét cuối cùng và dự kiến sẽ phục vụ như một nguồn tài nguyên quý giá cho các cá nhân, tổ chức và cộng đồng cả trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo đang tìm cách tham gia đối thoại với những người theo Nho giáo.

Mặt khác, bắt đầu từ ngày mai - cũng Bộ Đối thoại Liên tôn sẽ tham gia tại Hồng Kông vào Cuộc Đối thoại Kitô giáo-Đạo giáo lần thứ ba, được thúc đẩy với sự cộng tác của Giáo phận Công Giáo Hồng Kông và Hiệp hội Đạo giáo Hồng Kông. Sáng kiến – sẽ tiếp tục cho đến ngày 13 tháng 3 năm 2024 – có chủ đề “Xây dựng một xã hội hòa hợp thông qua đối thoại liên tôn”. Hội nghị sẽ có sự tham dự của các tín đồ và học giả Kitô giáo và Đạo giáo từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Hồng Kông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Ý, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Singapore.

Những người tham gia sẽ suy gẫm về các chủ đề sau: "Nền tảng Kinh thánh của Ki-tô giáo và Đạo giáo để vun trồng một xã hội hòa hợp", "Vun trồng sự hòa hợp thông qua thờ cúng và phụng vụ", "Đạo/Con đường và sự Xấu xa/Đức hạnh trong đối thoại và thực hành", "Sự thánh thiện trong Đạo giáo và Ki-tô giáo,” và “Truyền tải đức tin và giá trị tôn giáo trong một thế giới hoàn cầu hóa.”

Bộ Đối thoại Liên tôn giải thích thêm: “Hội thảo này sẽ cung cấp một nền tảng cho cả Kitô hữu và Đạo giáo để hiểu sâu sắc hơn về nhau, để hiểu sự bất hòa tạo ra đau đớn và đau khổ như thế nào, và cùng nhau làm việc để hàn gắn thế giới bị chia cắt ngày nay.
 
Việt Nam liệt các nhóm người Thượng có trụ sở ở Hoa Kỳ là khủng bố
Vũ Văn An
14:48 13/03/2024

Trên AsiaNews ngày 8 tháng 3 năm 2024, Steve Suwannarat tường trình rằng Việt Nam liệt các nhóm người Thượng có trụ sở tại Hoa Kỳ vào danh sách tổ chức khủng bố.



Theo ký giả này, Chính phủ đổ lỗi cho Tập đoàn Hỗ trợ Người Thượng và Tổ chức Công lý Người Thượng có trụ sở tại Hoa Kỳ về các cuộc tấn công vào trụ sở Đảng Cộng sản ở khu vực Đăk Lăk. Bất chấp những nỗ lực gần đây, cộng đồng Kitô giáo thiểu số ở Việt Nam vẫn là nạn nhân và bị bác hại.
Biến cố này thêm bằng chứng cho thấy người Thượng vẫn là cái gai đối với chính phủ Việt Nam.

Nhóm Hỗ trợ Người Thượng (MSGI) và Tổ chức Công lý Người Thượng (MSFJ) đã bị quy trách nhiệm về các vụ tấn công vào tháng 6 năm ngoái nhằm vào trụ sở Đảng Cộng sản ở khu vực Đắc Lắc khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 sĩ quan cảnh sát và quan chức đảng địa phương.

Được sự khuyến khích của chính quyền trong nước, các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam ngay lập tức liên kết các sự kiện ở Đắc Lắc với các nhóm “khủng bố” ở nước ngoài, bao gồm Cứu Thuyền nhân (SOS) và Tổ chức Công lý Người Thượng, phát động một chiến dịch căm thù chống lại các cộng đồng thiểu số.

Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Châu Á, cho biết: “Truyền thông nhà nước Việt Nam có lịch sử lâu dài về thành kiến mang tính phân biệt đối xử và tạo ra những câu chuyện hoang đường chống lại các dân tộc thiểu số”.

Mặc dù thiếu bất cứ bằng chứng nào chống lại các nhóm người Thượng ở nước ngoài bị nhắm mục tiêu và các nhà lãnh đạo của họ, thường được coi là “phản động”, cơ quan tình báo Việt Nam cáo buộc họ dàn dựng các cuộc tấn công và có một chương trình nghị sự ly khai, cả hai đều phủ nhận cáo buộc.

Giống như các nhóm khác, Nhóm Hỗ trợ Người Thượng và Tổ chức Công lý Người Thượng bị cáo buộc đào tạo và hướng dẫn các thành viên người dân tộc thiểu số “thực hiện các hoạt động khủng bố, kích động biểu tình, giết hại quan chức và dân thường, phá hoại tài sản nhà nước và cố gắng thành lập nhà nước của riêng họ”.

Những tố cáo như vậy mang lại hậu quả nặng nề và có thể được áp dụng đối với bất cứ ai nhận tiền từ bất cứ nhóm có trụ sở ở nước ngoài nào.

Ngoài cáo buộc khủng bố đối với các nhóm như vậy, Việt Nam cũng đã công bố danh sách các cá nhân liên quan đến vận động nhân quyền, chủ yếu có trụ sở tại Hoa Kỳ và Thái Lan.

Chính quyền Việt Nam đã đe dọa nhắm vào bất cứ ai có liên quan tới bất cứ ai mà họ coi là có nguy cơ đối với an ninh quốc gia.

Người Thượng vẫn bị nghi ngờ vì họ ủng hộ miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và hầu hết Ki-tô hữu, một yếu tố bản sắc mà họ đã bảo tồn bất chấp áp lực và hàng thập niên bách hại.

Tuy nhiên, cách đối xử người Thượng không khác mấy so với cách đối xử các nhà hoạt động và các nhóm tìm kiếm quyền tự do dân sự, nhân quyền lớn hơn và sự tham gia vào một đất nước đã trải qua tiến bộ kinh tế ngoạn mục và thể hiện sự linh hoạt nhất định trước các yêu cầu về tự do và tự do tôn giáo nhiều hơn.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn nằm dưới quyền lực không thể tranh cãi của Đảng Cộng sản trong khi thể hiện sự khác biệt đáng kể về tiến bộ xã hội và văn hóa.
 
VIỆT NAM - Món quà âm nhạc, món ăn tinh thần cho trẻ mồ côi
Vũ Văn An
14:59 13/03/2024
Hãng tin Fides, ngày 9 tháng 3 năm 2024, tường trình một dự án rất hữu ích trong việc giáo dục trẻ mồ côi diễn ra tại Sài Gòn.

Đó là việc cha Đa Minh Nguyễn Văn Lâm, một linh mục 39 tuổi đến từ giáo phận Bình Dương, miền Nam Việt Nam, đã tin tưởng và ủng hộ một hình thức chăm sóc và “từ thiện tâm linh” rất đặc biệt dành cho trẻ mồ côi ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh, nơi vị linh mục sống và nghiên cứu thần học Kinh thánh. Sau khi biết đến Tổ chức Dàn nhạc Trẻ Thế giới (WYO) dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng người Ý Damiano Giuranna, ngài cam kết bảo đảm rằng các em nhỏ “không chỉ nhận được dinh dưỡng vật chất mà còn có cơ hội phát triển tài năng của mình”, để phát biểu tâm hồn của họ và chữa lành những vết thương mà họ mang trong mình từ một cuộc đời và tuổi thơ đầy đau khổ”.

“Thức ăn” cho tâm hồn và tinh thần này,” vị linh mục giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Fides, “là âm nhạc.” Bằng cách này, hơn một trăm trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi đã bắt đầu tham dự các buổi hội thảo để học một nhạc cụ (guitar, piano, trống, violin và các nhạc cụ địa phương) và tích lũy kinh nghiệm hợp xướng sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2024 nhờ dự án hợp tác “WYO4Children”, chương trình giáo dục âm nhạc dành cho trẻ em Việt Nam.

Nhạc trưởng đại tài Giuranna giải thích: “Mục đích là thúc đẩy sự phát triển về cảm xúc, cá nhân và xã hội, con người và tinh thần của họ thông qua âm nhạc và nghệ thuật.” Sáng kiến này bao gồm một chương trình học hàng tuần, trong đó trẻ em - thông qua các giáo viên trẻ người Việt Nam được Quỹ WYO lựa chọn, trả lương và điều phối - học những kiến thức cơ bản ban đầu về âm nhạc, học chơi các nhạc cụ cổ điển và truyền thống Việt Nam, tham gia vào một " hợp xướng cộng đồng" và phát triển kỹ năng giao tiếp của các em thông qua các trò chơi xã hội.

Điều quan trọng để thực hiện dự án là sự hỗ trợ của Dòng Thừa Sai Bác Ái Bình Dương, những người đã cung cấp một cơ sở cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng một giờ để giúp đỡ những trẻ em nghèo nhất. Cha Dominic nói: “Cơ sở do các nữ tu của Mẹ Teresa Calcutta điều hành được gọi là 'Ngôi nhà Chăm sóc và Yêu thương của Mẹ'. Chúng tôi theo đuổi con đường chăm sóc những đứa trẻ này thông qua ngôn ngữ âm nhạc và nghệ thuật, mang lại hoa trái đặc biệt: niềm vui tỏa sáng từ đôi mắt của các em. Đó là niềm vui mà tôi cảm nhận được hàng tuần khi được gặp và ôm các em. Các em là những đứa trẻ chưa bao giờ nhận được sự quan tâm này, ‘thức ăn’ này trước đây”.

Vị linh mục nói: “Tôi chắc chắn rằng loại hình giáo dục này rất có giá trị đối với cuộc sống của những đứa trẻ đến từ một lịch sử bị đánh dấu bởi bạo lực, bị bỏ rơi và nghèo đói”. Ngài nói: “Đó là một cách để yêu thương họ và chữa lành trái tim họ. Đó là sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong tình huynh đệ và niềm vui mà mỗi người hít thở trong cộng đồng, tình yêu của Chúa Giêsu hiện diện”.

Dự án "WYO4Children", mà quốc gia mẫu vào năm 2024 là Việt Nam - trong khi các quốc gia Địa Trung Hải hoặc Trung Đông khác là trọng tâm trong quá khứ - là một phần của dự án "Suoni di fratellanza"[ Âm thanh của tình anh em] rộng hơn được tài trợ bởi “Quỹ Dàn nhạc Trẻ Thế giới” với sự hỗ trợ của “Fondazione Cassa Depositi e Prestiti” [Quỹ ngân hàng ký thác và cho vay] (CDP) của Ý và sự đóng góp của công ty luật “LCA Studio Legale” [Công ty Luật LCA) có trụ sở tại Rome và Milan. Hoạt động đầu tiên trong ba năm được lên kế hoạch ở Đông Nam Á vào năm 2024 nhằm tăng cường hợp tác văn hóa nghệ thuật với Việt Nam, phát triển ngôn ngữ nghệ thuật, âm nhạc và sân khấu của truyền thống địa phương và hỗ trợ các nghệ sĩ Việt Nam.

"Một dự án đầy tham vọng như 'WYO4Children' chỉ có thể thành hình nếu thành công trong việc tạo ra sự kết nối chặt chẽ với cơ cấu xã hội địa phương. Sự hỗ trợ của các Thừa sai Bác ái Bình Dương mà chúng tôi cảm ơn là rất quý giá vì nó khiến cộng đồng địa phương trở thành một cộng đồng năng động." một phần của sáng kiến này”, Damiano Giuranna giải thích. Chương trình bao gồm các buổi hòa nhạc nhỏ hai tháng một lần cũng như sự kiện cuối cùng vào tháng 9 tới, nơi các em có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình không chỉ với âm nhạc mà còn với nhau.
 
Tân Hồng Y Salesian sẽ được tấn phong Tổng Giám mục cùng với một Tổng Giám mục Salesian khác
Thanh Quảng sdb
17:04 13/03/2024
Tân Hồng Y Salesian sẽ được tấn phong Tổng Giám mục cùng với một Tổng Giám mục Salesian khác.

(ANS – Rome) – Hai Giám mục thuộc Tu hội Salesian Don Bosco mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sẽ cùng được tấn phong giám mục vào ngày 20 tháng 4 tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rome, Đức Hồng Y Emil Paul Tscherrig, Sứ thần Tòa Thánh ở Ý và tại Cộng hòa San Marino, sẽ thánh hiến Đức Hồng Y Ángel Fernández Artime, Bề trên Bề trên cả Dòng Salêdiêng Don Bosco, lên chức Tổng Giám mục Hiệu tòa Ursona, và Đức Tổng Giám Mục Giordano Piccinotti, Tổng Giám mục Hiệu tòa Gradisca, Chủ tịch Quản lý gia sản Tòa thánh (APSA).

Với tư cách là những người cùng dòng, hai tân chức Salêdiêng, cũng sẽ có: Đức Hồng Y Cristóbal López Romero, SDB, Tổng Giám mục Rabat, Maroc; và Đức Giám Mục Lucas Van Looy, SDB, Giám mục danh dự của Tổng giáo phận Gent, Bỉ.

Đức Hồng Y Angel Artime là người Tây Ban Nha, xuất thân từ Asturias, một làng chài nhỏ Luanco, Ángel Fernández Artime là Bề trên Tỉnh ở León, Tây Ban Nha, từ năm 2000 đến 2006, và Bề trên Tỉnh miền Nam Argentina, từ năm 2009 đến năm 2014. Được bầu làm Bề trên Cả trong cùng năm đó. Sau khi mãn nhiệm kỳ I, Ngài được tái cử lại vào năm 2020, ngài được bổ nhiệm làm Hồng Y vào ngày 9 tháng 7 năm 2023, và được tấn phong Hồng Y trong Công nghị ngày 30 tháng 9 sau đó.
Hai tân chức Salesian Hồng Y Artime và TGM Piccinotti

Đức Tông Giám mục Giordano Piccinotti, sinh năm 1975, tại Manerbio, Lombardy, Ý. Là một kinh tế gia của một số công cuộc Salêdiêng, cũng như của Tỉnh Lombard-Emiliano (ILE) từ năm 2011-2017, ngài là Giám đốc hoặc Kiểm sát viên của một số công cuộc Salêdiêng, đồng thời là Thủ quỹ của tổ chức phi chính phủ Salêdiêng VIS (Tình nguyện viên Phát triển Quốc tế). Vào năm 2023, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ngài làm Thứ trưởng đầu tiên và sau đó là Chủ tịch APSA, và cuối cùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Quỹ Y tế Công Giáo.

Lễ tấn phong giám mục cho các ứng viên Don Bosco, đặc biệt Bề Trên Cả phụ trách Tu hội Salêdiêng, là một sự kiện thu hút sự chú ý và tham gia của toàn thể Gia đình Salêdiêng.

Những người muốn có mặt trực tiếp tại buổi lễ, việc tham gia cử hành phải được xác nhận trước ngày 10 tháng 4 bằng cách điền vào một trong các mẫu: LINH MỤC - TÔN GIÁO VÀ GIÁO DÂN hoặc bằng cách gửi e-mail về: ordazione@apsa.va

Đối với những người không thể tham dự phụng vụ trực tiếp, sẽ bắt đầu lúc 3:30 chiều (UTC+2), nghi lễ sẽ được phát sóng trực tiếp trên ANSChannel, kênh YouTube của Cơ quan iNfo Salesiana.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tất cả chỉ là Hư Vô
Đinh văn Tiến Hùng
16:21 13/03/2024
* Tất cả chỉ là Hư Vô *

+ Bài trích sách Giảng Viên.

Giảng Viên đã dạy rằng: hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không.
Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao.
Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?
+ Đời người đổi thay theo biến cố xoay vần như cơn đại hồng thủy cuốn trôi tất cả-
Đang sống sang giàu gặp đại họa sản nghiệp tan theo mây khói-
Vơ chồng hạnh phúc đong đầy bỗng một người bạo bệnh giã từ trần thế.
Cuộc đời như là hòn đá ném xuống mặt hồ thành những vòng tròn mở rộng lung linh sắc mầu dưới ánh chiêu dương, rồi cũng lặng lẽ tan biến không lưu lại vết tích gì.
Kinh doanh thất bại, cờ bạc tiêu tan, con cháu hoang đàng…
Hãy tự hỏi bao nhiêu năm miệt mài khổ lụy ta đã tích lũy được gì?

+ Tiên Vàn, Hãy Tìm Kiếm Nước Chúa

Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa fnmKỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu trâm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?
- Charles Schwab, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.

- -Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túị.
- Huard Hopson, giám đốc-Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túị.
-Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.

- ------Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng.
Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.

+ THẾ TRẦN HƯ VÔ

Đời người là một giấc mơ
Đời người là một bóng mờ vút qua
Cánh chim trốn tuyết rời xa
Dòng sông cuộn chảy biết là về đâu
Người viễn khách dạ buồn sầu
Nào ai hiểu được nông sâu nỗi lòng
Chiều đông thiếu phụ chờ mong
Hôn phu biền biệt đi không hẹn về
Con trâu gặm cỏ bờ đê
Lâng lâng tiếng sáo hồn quê lắng buồn
……………………………………….
Thế trần lạc lối ru hồn
Con đường lỡ bước bồn chồn thế nhân
Sinh Ký Tử Qui một lần
Sống là quán trọ đợi gần Chúa hơn
Trăm năm chỉ một kiếp người
Giã biệt trần thế về nơi Vĩnh Hằng
Cảnh vật khơi dậy nỗi buồn
Lòng ta chìm lắng hoàng hôn xuống dần
Phải chăng ta đã lỗi lầm
Bao nhiêu cảnh tỉnh bao lần làm ngơ

Chúa ơi !
Tội lỗi tràn ngập thế trần
Lòng con thống hối muôn phần đớn đau
Dâng lên theo ý nguyên cầu
Đứa con phung phá quay đầu xin Cha (*)
Chúa ơi !
Hoàng hôn đã ngả sau đồi (*)
Xin Chúa dừng bước kịp thời con theo.

(*) Ghi chú; Mượn ý truyện người con phung phá và lời 2 môn đệ đi cùng Chúa trên đường Emau trong Phúc Âm.

+ Phụ dẫn : Tóm lược Truyện ông Gióp

Gióp: vững vàng trong sự thử rèn của Chúa
Ông Gióp là một người giàu có và “lớn hơn hết trong cả dân Đông Phương”. Ông có bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều. Trong gia đình, ông có mười người con, bảy con trai và ba con gái (Gióp 1:2-3).

Về nếp sống tin kính, ông Gióp nổi bật là người “trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác” (Gióp 1:1,8; 2:3). Ông luôn dìu dắt con mình giữ sự thánh sạch và tin kính trước mặt Chúa (Gióp 1:4-6). Vì vậy, Chúa rất đẹp lòng về sự tin kính của ông và ban phước dư dật trên đời sống cùng mọi công việc tay ông làm (Gióp 1:10).

Người yêu kính Chúa như ông Gióp sẽ luôn là mục tiêu của thế lực tối tăm. Ma quỷ đã luôn tìm mọi cách để phá hủy đức tin của ông Gióp nên thường kiện cáo ông trước mặt Chúa (Gióp 1:9-11; 2:4-5). Vì vậy, vào một ngày kia, trong sự cho phép của Chúa để thử nghiệm đức tin của ông Gióp, ma quỷ được quyền đụng đến mọi vật thuộc về Gióp ngoại trừ thân thể ông (Gióp 1:12). Ông Gióp từ một người đang rất thành công và giàu có, bỗng nhiên mất hết tất cả. Bò và lừa bị dân Sê-ba cướp sạch; chiên bị lửa từ trời giáng xuống thiêu hết; lạc đà bị quân Canh-đê cướp; các tôi tớ bị giết và bị thiêu chết ngoài đồng; các con của ông đang ăn uống thì bị đè chết vì nhà sập (Gióp 1:13-19). Khi nghe những tin tức đó chắc chắn ông Gióp không khỏi hốt hoảng và đau buồn. Trong tình cảm con người, ông Gióp sẽ rất đau lòng vì mất hết con cái và cuộc sống hoàn toàn đảo lộn. Tuy nhiên, dầu hoàn cảnh trước mắt rất tồi tệ nhưng nó không làm lung lay đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời.

Ông vẫn vững tin nơi quyền tể trị của Đức Chúa Trời mà nói rằng: “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Chúa đã ban cho, và lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Chúa” (Gióp 1:21). Trong cảnh khốn cùng, ông Gióp hoàn toàn không nói một lời than vãn, oán trách hay lằm bằm (tham chiếu Gióp 1:22). Trái lại, ông còn cất cao tiếng hát ngợi khen Chúa. Đây là điều không dễ làm trong hoàn cảnh đó nhưng ông Gióp đã làm được. Chúa đã rất hài lòng về sự bền đỗ của ông (Gióp 2:3).

Chúng ta thấy, những sự thử rèn Chúa cho phép xảy ra trên ông Gióp thật quá lớn, quá đau đớn và quá khổ tâm. Nhưng trong mọi sự, ông Gióp vẫn một lòng tin cậy nơi Chúa, đức tin ông càng thêm lên khi ông nói rằng: “Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng” (Gióp 23:10). Chính nhờ sự bền đỗ của ông nơi Chúa đã giúp ông kinh nghiệm được sự giải cứu kỳ diệu của Chúa trong chỗ đau thương nhất. Khi mọi thứ mất hết và mọi người quay lưng thì Chúa đã lên tiếng để bênh vực cho ông bởi tấm lòng trọn lành của ông với Ngài (Gióp 38:1-2; 42:7-9). Chúa đã đem ông ra khỏi cảnh khốn cùng và ban lại cho ông gấp đôi mọi tài sản mà ông có lúc trước. Chúa cũng ban cho ông có lại bảy người con trai và ba người con gái (Gióp 42:10-15).

Đức tin cùng sự bền đỗ của ông Gióp trong những sự hoạn nạn thử thách thật đáng khích lệ cho chúng ta ngày nay trên bước đường theo Chúa. Đời sống chúng ta chắc chắn cũng sẽ đối diện nhiều thử thách và khó khăn. Chúa Giê-su khẳng định rằng: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian”. Tông đồ Phêrô viết rằng “…. vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình”. Không ai được miễn trừ khó khăn và nghịch cảnh. Những sự thử thách đến cách thình lình và bất ngờ như lời Chúa đã nói “… sự thử thách trăm bề thoạt đến…”. Dầu vậy, Lời Chúa cũng bày tỏ cho chúng ta biết rằng Chúa cho phép mọi sự thử thách để chúng ta được lớn lên và tăng trưởng đức tin nơi Ngài ( Rô-ma 8:28). …………….
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp
 
VietCatholic TV
ĐTGM Shevchuk: Nga dừng lại, chiến tranh kết thúc; Ukraine dừng lại, Ukraine kết thúc
VietCatholic Media
05:16 13/03/2024


1. Phái đoàn Công Giáo Ukraine Đông phương viếng thăm các cơ quan Mỹ

Hôm mùng 07 tháng Ba vừa qua, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm tại Mỹ, Phái đoàn Công Giáo Ukraine Đông phương đã viếng thăm Quốc hội Lưỡng viện và Bộ Ngoại giao nước này để vận động hỗ trợ Ukraine trong tình trạng chiến tranh hiện nay.

Phái đoàn do Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, hướng dẫn và có Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, của Giáo phận Philadelphia ở Mỹ, bốn giám mục khác. Các vị đã gặp Thượng nghị sĩ Mỹ Đặc trách về các nhóm thiểu số, ông Mitch McConnell, thuộc Đảng Cộng hòa. Các giám mục cho biết với tư cách là thành phần xã hội Ukraine, các vị nói thay cho những người dân thường, và sứ điệp nòng cốt là Ukraine bị thương nhưng kiên trì, Ukraine mệt mỏi, kiệt quệ, nhưng bền chí, và tại sao Ukraine đang thắng.

Còn Thượng nghĩ sĩ McConnell đáp lại rằng: “Điều quan trọng nhất chúng tôi có thể làm ngay bây giờ là trợ giúp Ukraine”.

Trong các cuộc gặp gỡ, các vị lãnh đạo Công Giáo Ukraine Đông phương và các nhà chính trị Mỹ thảo luận về những vấn đề liên quan đến tình hình hiện nay ở Ukraine và những thách đố đang gặp để đạt tới chiến thắng trên kẻ xâm lăng cũng như đạt được hòa bình công chính, kể cả tự do tôn giáo.

Đoàn cũng gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Mike Johnson, và thỉnh cầu Mỹ những trợ giúp cần thiết, giúp Ukraine bảo vệ sự sống con người. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cần được giúp đỡ để sống còn. Mỗi ngày, cái giá phải trả vì trợ giúp trễ cho Ukraine là sinh mạng con người bị Nga tước mất một cách tàn bạo”.

Về phần Đức Tổng Giám Mục Gudziak, người Ukraine ở Mỹ, nhắc lại rằng Ukraine đã tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân cách đây 30 năm, vì tin nơi sức mạnh của công pháp quốc tế và Hoa Kỳ là một trong những nước bảo đảm an ninh cho mình hồi đó.

Đoàn Giám mục Ukraine cũng gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách về Đông Âu, ông Christopher Smith và ông Jason Mcinerney, Phó Giám đốc Văn phòng tự do tôn giáo quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao ở Washington. Trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói về các hoạt động mục vụ và xã hội của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương trong thời chiến tranh, qui trọng tâm vào giúp săn sóc các gia đình Ukraine bị thương. Ngài kêu gọi giúp các linh mục Công Giáo Đông phương được trả tự do. Các vị hiện đang bị Nga giam giữ. Ngài cũng nói về những vi phạm tự do tôn giáo tại các lãnh thổ Ukraine bị Nga xâm lược, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga là đối phương của tự do tôn giáo.

2. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Ukraine gây áp lực lên Quốc Hội Hoa Kỳ về các cuộc tấn công vào nhà thờ của Nga

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết, cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đang tiêu diệt quyền tự do tôn giáo, báo hiệu sự quay trở lại của Mạc Tư Khoa với mức độ đàn áp tín ngưỡng thời Liên Xô.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã có mặt ở Washington DC tuần này cùng với một phái đoàn gồm các nhân vật cao cấp trong Giáo Hội của ngài để bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đối với Kyiv cho đến nay, trong điều mà ngài mô tả là trận chiến “David chống lại Goliath” giữa Ukraine và Nga trong hơn hai năm chiến tranh.

Tuy nhiên, khi kêu gọi Mỹ hỗ trợ thêm cho Ukraine, với gói tài trợ bị đình trệ tại Quốc hội Hoa Kỳ bởi một số thành viên Quốc Hội, Đức Cha Shevchuk cho biết ngài rất lo ngại về việc phá hủy các tòa nhà tôn giáo cũng như các vụ bắt giữ và sát hại các nhà lãnh đạo tôn giáo.

“Ngày nay, trên lãnh thổ bị tạm chiếm, không có một linh mục Công Giáo nào. Tất cả các linh mục của tôi, thậm chí cả các linh mục Công Giáo Rôma, đều bị trục xuất hoặc bỏ tù”, Đức Cha Shevchuk nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn. Giáo hội mà ngài đứng đầu có sự hiệp thông hoàn toàn với Vatican và là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn thứ hai.

Đức Cha Shevchuk nói: “Khoảng 50 mục tử bao gồm mục sư Tin lành, linh mục Chính thống giáo, linh mục Công Giáo đã bị bỏ tù hoặc bị giết”. Ngài nói thêm rằng Nga đang quay trở lại “thời Liên Xô, nơi tất cả các tôn giáo đó đều bị cấm hoặc bị kiểm soát quá mức, hoặc đơn giản là bị tiêu diệt.

Đức Cha Shevchuk, người bắt đầu được đào tạo linh mục tại một chủng viện hầm trú ở Liên Xô, nói thêm: “Ở Liên Xô, nhà độc tài Joseph Stalin đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ của chúng tôi, bỏ tù tất cả các giám mục và tất cả các linh mục của chúng tôi, những người không ký thỏa thuận trở thành Chính thống giáo”.

“Ngay cả ở những vùng lãnh thổ mà Nga không thể đến và xâm lược, gần 600 nhà thờ, nơi thờ phượng, giáo đường Do Thái đã bị phá hủy.”

Viện Tự do Tôn giáo, gọi tắt là IRF, có trụ sở tại Kyiv cho biết vào tháng 2 năm 2023 rằng, trong 12 tháng đầu của cuộc chiến, quân đội Nga đã phá hủy, làm hư hại hoặc cướp bóc ít nhất 494 tòa nhà tôn giáo, cơ sở thần học và các địa điểm linh thiêng, cùng với con số ước tính ngày nay sẽ cao hơn.

Đức Cha Shevchuk nói: “Đối với người Công Giáo, Tin lành Chính thống, người Do Thái, người theo đạo Hồi, Ukraine có nghĩa là tự do, tự do tôn giáo, nơi nào Nga đã đến, họ tiêu diệt tất cả các tôn giáo khác ngoài Giáo hội Chính thống Nga được kiểm soát tốt và được trang bị vũ khí”. Nhà lãnh đạo tổ chức này, Thượng phụ Kirill, đã bị cộng đồng quốc tế lên án, bao gồm cả các nhân vật trong giáo hội của ông ở nước ngoài, vì ủng hộ cuộc chiến của Putin.

Đức Cha Shevchuk nói rằng, trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, đã có sự hợp tác giữa các tín ngưỡng khác nhau, và điều này đã tạo ra “một phong cách mới của phong trào đại kết ở Ukraine.

“Chúng ta phải là nhân vật chính trong cuộc chiến nhân đạo nhưng không rơi vào sự cám dỗ giống như Giáo hội Chính thống Nga đã rơi vào và trở thành công cụ của sự thù hận.”

Đức Cha Shevchuk cho biết thông điệp mà ngài cố gắng truyền tải tại Washington trong tuần này là Ukraine cần sự giúp đỡ từ Mỹ “Người dân Ukraine bị thương nhưng không bị tổn thương. Chúng tôi mệt mỏi nhưng chúng tôi kiên cường. Không ai ở Ukraine, ngay cả trong những suy nghĩ thầm kín nhất của mình, lại nói: 'Hãy dừng cuộc chiến của chúng ta lại'. Hãy từ bỏ thôi.”

3. Lời nói cuối cùng của Thánh Tôma Aquinô trước khi qua đời cách đây 750 năm

Abel Camasca thuộc ACI Prensa, ngày 7 tháng 3 năm 2024, viết rằng ngày 7 tháng 3 đánh dấu kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Tôma Aquinô, vị thánh bảo trợ của nền giáo dục Công Giáo, người đã thốt ra những lời có tính tiên tri cuối cùng và một lời cầu nguyện đầy cảm xúc trước khi về trời. Ngoài ra, vị thánh còn viết lời cho một bài thánh ca hay hiện vẫn còn được hát khắp Giáo Hội Công Giáo.

Trình thuật về cái chết của Thánh Tôma Aquinô được viết bởi Thầy Guillermo de Tocco, người viết tiểu sử về vị thánh, được xuất bản bởi trang web tomasdeaquino.org do Viện Ngôi Lời Nhập Thể điều hành, kể lại việc Vị Tiến sĩ Thiên Thần đang trên đường đến Rôma nhưng gặp vấn đề về sức khỏe.

Đi ngang qua gần Đan viện Fossanova của các đan sĩ Xitô ở phía nam Rôma, ngài đồng ý ở lại đó để lấy lại sức.

Trong đan viện, ngài nói lời tiên tri sau đây với người bạn đồng hành của mình: “Reginaldo, con trai của ta, đây sẽ là nơi yên nghỉ của ta mãi mãi, ở đây ta sẽ sống vì ta đã mong muốn điều đó.” Lúc này, các tu sĩ Đa Minh đi cùng ngài bắt đầu bật khóc.

Ngày tháng trôi qua, tình trạng của Thánh Tôma Aquinô nằm liệt giường ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một số tu sĩ nhận thấy thời điểm của ngài đang đến gần nên yêu cầu ngài ban cho họ một biểu hiện của tài học hỏi uyên bác của ngài. Bất chấp tình trạng của mình, Thánh Tôma Aquinô vẫn không ngừng trở thành một nhà giáo dục vĩ đại và đã cho họ suy gẫm ngắn gọn về Diễm ca, một cuốn sách trong Cựu Ước với những bài hát và bài thơ về tình yêu.

Sau đó, Thánh Tôma Aquinô xin được rước lễ. Khi nhìn thấy Mình Thánh Chúa đến, ngài không quan tâm đến tình trạng của mình và quỳ xuống sàn nhà với đôi mắt đẫm lệ để rước Chúa.

Sau khi rước lễ, người ta hỏi ngài có tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể không. Giữa những giọt nước mắt, ngài đã trả lời bằng một lời tuyên xưng đức tin sâu sắc.

Thánh Tôma trả lời, “Nếu ở đời này người ta có thể hiểu biết bí tích này lớn hơn bí tích đức tin, thì trong đức tin đó tôi đáp lại rằng tôi tin chắc và không chút nghi ngờ rằng Người là Thiên Chúa thật và là người thật, Con Thiên Chúa Cha và Mẹ Trinh Nữ. Và vì vậy tôi tin hết lòng và miệng thú nhận tất cả những gì vị linh mục (người đã hỏi ngài) đã khẳng định về Bí tích Cực Thánh này”.

Thầy Tocco kể lại rằng thánh nhân “đã thốt ra những lời khác đầy sùng kính, mà những người hiện diện không thể nhớ được nhưng người ta tin rằng đó là những lời này: 'Adoro te devote’”, dòng mở đầu của bài thánh ca tuyệt vời “Adoro Te Devote” (Con sùng kính tôn thờ Ngài) được viết bởi Thánh Tôma thường được hát trong giờ chầu Thánh Thể.

Lời cầu nguyện của Thánh Tôma trước khi chết

Sau đó, vị thánh đến gần Mình Thánh Chúa và dâng lời cầu nguyện này: “Con đón nhận Chúa, giá cứu chuộc linh hồn con, con đón nhận Chúa, của ăn của cuộc hành hương của con. Vì tình yêu của Ngài, con đã nghiên cứu, con đã canh thức và đã tiêu hao chính mình con; Con đã giảng về Ngài, con đã dạy về Ngài và con chưa bao giờ bày tỏ bất cứ điều gì chống lại Ngài, và nếu điều đó xảy ra thì con đã vô ý làm điều đó và con không cố duy trì quan điểm đó. Và nếu con có nói điều gì sai trái về Bí tích này hay bất cứ điều gì khác, con hoàn toàn chịu sự sửa dạy của Thánh Giáo hội Rôma, mà giờ đây trong sự vâng phục Giáo hội này, con lìa cõi thế.”

Cuối cùng, Thánh Tôma sốt sắng xin được ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân vào ngày hôm sau. Ít lâu sau, vào ngày 7 tháng 3 năm 1274, ngài bình tĩnh phó linh hồn chao Chúa, lúc mới 49 tuổi.
 
Lâu đài bên bờ Hắc Hải lâm nguy, Putin sa thải Tư lệnh Hải quân. Tổng tấn công ở miền Nam nước Nga
VietCatholic Media
16:08 13/03/2024


1. Putin sa thải Tư lệnh Hải quân Nga trong bối cảnh tổn thất gây tê liệt

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Sacks Russian Navy Chief Amid Crippling Losses”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ Tqua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các cơ quan truyền thông Nga cho biết Vladimir Putin đã thay thế nhà lãnh đạo Hải quân của ông trong một động thái diễn ra sau một loạt các cuộc tấn công mạnh mẽ của Ukraine vào Hạm đội Hắc Hải.

Tờ Izvestia được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn cho biết, Đô đốc Nikolai Yevmenov, người giữ chức Tư lệnh Hải quân Nga từ ngày 3/5/2019, đã “bị cách chức và sẽ được thay thế” bởi Đô đốc Aleksandr Moiseyev.

Câu chuyện ba đoạn trong bài báo đưa ra một số chi tiết về động thái này ngoại trừ việc đề cập đến một cuộc cải tổ lãnh đạo cao cấp khác vào tháng 4 năm 2023, khi Đô đốc Sergei Avakyants được thay thế làm tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương bởi Tư lệnh Hạm đội Baltic, Đô đốc Viktor Liina.

Hãng tin St. Petersburg Fontanka đưa tin Moiseyev, “anh hùng nước Nga” đã được bổ nhiệm làm “quyền tổng tư lệnh Hải quân Nga và chức vụ này sẽ sớm trở thành vĩnh viễn. Về Yevmenov, “ý kiến của Bộ Hải quân là rõ ràng - ông ấy sẽ không quay trở lại vị trí của mình.”

Moiseyev giám sát việc mở rộng Hạm đội Hắc Hải ở Sevastapol mà ông phụ trách vào năm 2018 và vào tháng 5 năm 2019, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Hạm đội Phương Bắc, nơi ông từng là kỹ sư trong bộ phận tác chiến điện tử của hạm đội này.

Việc bổ nhiệm mới nhất của ông diễn ra sau các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Kyiv vào Hạm đội Hắc Hải trong quá trình xâm lược toàn diện của Putin.

Viện nghiên cứu Hudson nói với Newsweek rằng Ukraine “đang trên đà loại bỏ một nửa Hạm đội Hắc Hải hùng mạnh một thời của Nga vào năm 2025” và rằng “Ukraine đã đánh chìm hoặc gây hư hại nặng khoảng 30% hạm đội kể từ khi chiến tranh bắt đầu”.

Tàu tuần dương chủ lực Moskva bị đánh chìm vào tháng 4 năm 2022 và một cuộc tấn công vào trụ sở của hạm đội ở Sevastopol, Crimea, được cho là đã giết chết hơn 30 sĩ quan.

Thuyền không người lái của hải quân đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets của Nga vào tháng trước và tấn công thành công các tàu đổ bộ của Nga, bao gồm cả Caesar Kunikov, gần thành phố Alupka phía nam Crimea, phía đông nam Sevastopol.

Vào ngày 5 tháng 3, tàu tuần tra Sergey Kotov của Hạm đội Hắc Hải đã bị trúng đạn và bị phá hủy trong một cuộc tấn công qua đêm mà cơ quan tình báo quân sự Ukraine tuyên bố.

Atesh, một phong trào du kích Ukraine, hôm Chúa Nhật báo cáo rằng các cuộc tấn công thành công của Ukraine đã buộc Nga phải vận chuyển động cơ tàu từ Crimea bị tạm chiếm đến căn cứ hải quân ở Novorossiysk, thuộc vùng Krasnodar của Nga.

“Chúng tôi tin tưởng rằng Hạm đội Hắc Hải sẽ biến thành một đội tàu đầm lầy trên sông. Hoặc nó sẽ bị phá hủy hoàn toàn”, bài đăng của Atesh trên Telegram cho biết.

2. Nga cảnh báo Ukraine tấn công tài sản quý giá của Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Raises Alarms About Ukraine Attacking Putin's Prized Possession”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một hãng thông tấn nhà nước Nga đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc tấn công sắp tới vào Crimea.

Tass, một cơ quan truyền thông do Điện Cẩm Linh kiểm soát, đã đưa ra cảnh báo dựa trên những bình luận gần đây của Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR.

Phát biểu trong một bộ phim tài liệu phát hành hôm Chúa Nhật, Budanov cho biết các cuộc tấn công gần đây vào các vị trí của Nga ở Crimea là sự chuẩn bị cho một “chiến dịch nghiêm chỉnh” sẽ được tiến hành trên bán đảo.

Putin đã xâm chiếm và sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine hiện tại của ông bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, bán đảo này đã trở thành tâm điểm thảo luận chính. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết một trong những mục tiêu của ông trong cuộc xung đột là đòi lại Crimea và 4 khu vực khác mà Putin sáp nhập vào tháng 9 năm 2022.

Về phần mình, Putin vẫn khẳng định Crimea thuộc về Nga và các quan chức Điện Cẩm Linh đã nhiều lần tuyên bố rằng việc trả lại lãnh thổ cho Ukraine sẽ không được đưa vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể xảy ra.

Crimea không chỉ có giá trị biểu tượng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vì bán đảo này đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho các lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

Năm vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng tần suất các cuộc tấn công của Ukraine ở Crimea. Một trong những cuộc tấn công nổi bật hơn nhằm vào hải quân của Putin trong khu vực xảy ra vào ngày 5 tháng 3 khi một nhóm thuyền không người lái Magura V5 của Ukraine phá hủy tàu tuần tra Sergey Kotov trị giá 65 triệu Mỹ Kim.

Trong bộ phim tài liệu dài một giờ “Cuộc chiến vì biển: Từ Dnipro đến Crimea”, phát sóng trên truyền hình Ukraine, Budanov đã thảo luận về các cuộc tấn công như vậy vào lực lượng vũ trang Nga như đặt nền móng cho một sứ mệnh lớn hơn.

Ông nói: “Đây là tất cả sự chuẩn bị cho một hoạt động nghiêm chỉnh ở Crimea”.

Quan chức quân sự Kyiv nói thêm: “Đây là cuộc kiểm tra tính chính xác trong tuyên bố của chúng tôi về đường lối tái chiếm Crimea. Đây cũng là một thông điệp tốt cho những người dân đã sống dưới sự xâm lược trong 10 năm. Nhiều người trong số họ tin rằng họ đã bị lãng quên.”

Phim tài liệu “Cuộc chiến vì biển: Từ Dnipro đến Crimea” cũng có các cuộc phỏng vấn với những người lính GUR đã tham gia các nhiệm vụ chiến đấu chống lại các mục tiêu của Nga, đặc biệt là Hạm đội Hắc Hải, ở Crimea trong suốt hơn hai năm chiến tranh.

Khi đưa ra những bình luận của Budanov về bộ phim, Tass lưu ý rằng GUR đã đăng thông điệp của Budanov về một “hoạt động nghiêm chỉnh” trên kênh Telegram của mình. Theo thông lệ cơ quan truyền thông quốc doanh này của Putin cũng không quên đề cập rằng Budanov có tên trong danh sách những kẻ khủng bố và cực đoan bị chính phủ Nga truy nã.

3. Những người đào thoát Putin thề sẽ 'giải phóng nước Nga' khi xe tăng lăn bánh từ Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Defectors Vow To 'Liberate Russia' As Tanks Roll in From Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Các đơn vị quân đội do người Nga thành lập đã tấn công lãnh thổ bên trong nước Nga, ba ngày trước khi các cuộc bỏ phiếu bắt đầu trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ chứng kiến Vladimir Putin giữ quyền lực.

Các nguồn tin Ukraine và Nga cho biết các nhóm vũ trang có thể đã tiến vào khu vực Belgorod và Kursk của Nga bằng xe thiết giáp được hỗ trợ bởi hỏa lực súng cối và pháo binh, theo kênh War Gonzo Telegram.

Kênh này dẫn nguồn tin an ninh Nga cho biết, đơn vị có khoảng 50 người, sau khi pháo kích từ phía Nga, họ rút lui về vị trí ban đầu.

Các nhóm dân quân Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn tình nguyện Nga, cả hai đều ủng hộ Kyiv chống lại sự xâm lược của Mạc Tư Khoa, hôm thứ Ba cho biết họ đang “tấn công”. Trong một tuyên bố bằng video, một thành viên giấu tên của Quân đoàn Tự do Nga cho biết: “Chúng tôi không đến để giết, xóa bỏ hay trừng phạt… chúng tôi đến để giải phóng các bạn khỏi nghèo đói”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Cả hai nhóm đều công bố video lên Telegram cho thấy các chiến binh của họ cùng với các phương tiện vũ trang tiến vào các thị trấn ở ít nhất một trong các khu vực biên giới, trong một video có tiếng súng vang lên. Không rõ video được quay ở đâu và khi nào.

Quân đoàn Tự do Nga cho biết trên Telegram rằng lực lượng của họ đã “phá hủy” một xe quân sự bọc thép của Nga tại làng Tyotkino ở vùng Kursk.

Được đăng trên kênh mạng xã hội của mình là cảnh quay ở ghế lái được quay trong bóng tối của một chiếc xe vũ trang đang di chuyển. Bài viết viết: “Xe tăng không sợ bùn”. “Vượt qua Rubicon, vượt qua biên giới.”

Thống đốc khu vực Kursk, Roman Starovoit, cho biết trong một tin nhắn video trên Telegram, cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Tetkino, nằm cạnh biên giới Nga với Ukraine. Ông nói: “Một nhóm phá hoại và trinh sát đã cố gắng đột phá. Có đấu súng nhưng không có đột phá.”

Các nhà chức trách ở vùng Belgorod chưa xác nhận bất kỳ cuộc xâm nhập nào qua biên giới khi báo cáo một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái qua đêm của Ukraine trên khắp khu vực.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga phủ nhận thông tin các nhóm dân quân có vũ trang đã tìm cách xâm nhập vào khu vực Kursk và Belgorod, nói rằng họ đã “ngăn chặn một số nỗ lực xâm phạm biên giới quốc gia” kể từ Chúa Nhật, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.

Andriy Yusov, phát ngôn viên của cơ quan tình báo quân sự Ukraine GUR, nói với truyền thông Ukraine rằng các nhóm tình nguyện viên Nga không hành động theo lệnh của Kyiv và rằng “trên lãnh thổ Liên bang Nga, họ hành động hoàn toàn tự chủ và theo đuổi các mục tiêu xã hội và các nhiệm vụ phù hợp với chương trình nghị sự chính trị của mình.”

Mùa hè năm ngoái, các cuộc tấn công xuyên biên giới của các chiến binh vũ trang thân Ukraine đã được báo cáo, vụ nguy hiểm nhất xảy ra tại thị trấn Shebekino thuộc vùng Belgorod vào tháng 6.

4. Ukraine tổng tấn công vào Nga bằng hỏa tiễn, máy bay không người lái và xe thiết giáp

Ukraine hôm thứ Ba đã tấn công các mục tiêu ở Nga bằng hàng chục máy bay không người lái và hỏa tiễn trong một cuộc tấn công sâu rộng gây thiệt hại nghiêm trọng cho một nhà máy lọc dầu lớn và tìm cách xuyên thủng biên giới đất liền của cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới bằng các lực lượng vũ trang người Nga chiến đấu cho phía Ukraine.

Nga và Ukraine đều đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, các cơ sở quân sự và nơi tập trung quân trong cuộc chiến kéo dài hơn hai năm của họ, trong đó Kyiv đã tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở năng lượng của Nga trong những tháng gần đây.

Nga cho biết quân giải phóng Nga mà họ gọi là “lực lượng ủy nhiệm của Ukraine” đã tìm cách vượt qua biên giới Nga trong ít nhất bảy cuộc tấn công mà lực lượng Nga đã đẩy lùi. Tuy nhiên, Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, thừa nhận ít nhất một thị trấn đã lọt vào tay quân giải phóng.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết Ukraine đã mở một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào Nga cho đến nay. Ông ta cho rằng Nga đã bắn hạ 25 máy bay không người lái của Ukraine trên các khu vực của Nga bao gồm Mạc Tư Khoa, Leningrad, Belgorod, Kursk, Bryansk, Tula và Oryol. Nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác đã được báo cáo sau đó.

Các quan chức Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm vào hàng loạt cơ sở năng lượng, đã gây ra các vụ hỏa hoạn bao gồm vụ cháy tại nhà máy lọc dầu NORSI của Lukoil. Gleb Nikitin, thống đốc vùng Nizhny Novgorod, đã đăng hình ảnh một chiếc xe cứu hỏa bên cạnh nhà máy lọc dầu NORSI và cho biết các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc để dập tắt đám cháy ở đó.

Anh ta nói trên Telegram:

Một cơ sở phức hợp nhiên liệu và năng lượng bị máy bay không người lái tấn công.

Các nguồn tin trong ngành nói với Reuters với điều kiện giấu tên rằng đơn vị chưng cất dầu thô chính tại NORSI đã bị hư hại trong cuộc tấn công, điều đó có nghĩa là ít nhất một nửa sản lượng của nhà máy lọc dầu bị dừng lại.

Theo các nguồn tin trong ngành, NORSI lọc khoảng 15,8 triệu tấn dầu thô của Nga mỗi năm, tương đương 5,8% tổng lượng dầu thô đã tinh chế.

Việc tấn công các cơ sở dầu mỏ của Nga là một vấn đề đối với Tổng thống Vladimir Putin khi ông phải đối mặt với phương Tây về Ukraine, với giá xăng trong nước nhạy cảm trước cuộc bầu cử tổng thống từ ngày 15 đến 17 tháng Ba.

Trong một diễn biến khác, một máy bay không người lái bị phá hủy ở ngoại ô thị trấn Kirishi, nhưng nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Nga đang bốc cháy.

5. Thành viên NATO gợi ý về việc đưa bộ binh vào Ukraine

Tổng thống Cộng hòa Tiệp Petr Pavel cho biết, không có gì ngăn cản NATO triển khai quân đội của mình trên đất Ukraine để thực hiện vai trò huấn luyện và hỗ trợ, khi một cuộc tranh luận gay gắt về những hạn chế của liên minh liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đang gia tăng.

Pavel - một cựu tướng trước đây từng giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - đã phát biểu với đài truyền hình Tiệp hôm thứ Hai và nói rằng ông không phản đối việc triển khai chính thức quân đội liên minh tới Ukraine, một ý tưởng gần đây được nêu ra ở Pháp và được một số quốc gia Đồng minh NATO vùng Baltic ủng hộ.

Euractiv dẫn lời ông Pavel nói: “Từ quan điểm của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, sẽ không có gì ngăn cản quân đội của các quốc gia thành viên NATO - cũng như dân thường hỗ trợ cho việc bảo vệ Ukraine”.

Pavel lưu ý rằng NATO đã thành lập một phái đoàn huấn luyện trên đất Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea và kích động cuộc nổi dậy ly khai ở khu vực phía đông Donbas vào năm 2014.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc triển khai quân mới hay không, tổng thống trả lời: “Tôi chắc chắn sẽ không từ chối một cuộc tranh luận về vấn đề này.

“Ví dụ, nếu chúng ta có thể đồng ý với các đồng minh rằng, thay vì huấn luyện binh lính Ukraine trên lãnh thổ các quốc gia thành viên NATO và vận chuyển hàng ngàn binh sĩ đến Ba Lan hoặc Cộng hòa Tiệp, thì việc vận chuyển một số quân chừng vài chục người hướng dẫn đến lãnh thổ Ukraine và huấn luyện binh lính Ukraine ở đó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước đã khiến một số đồng minh NATO lo lắng khi ông đề nghị gửi quân đồng minh tới Ukraine với vai trò hỗ trợ và cố vấn. Những rò rỉ thông tin tình báo sau đó từ Đức cho thấy nhân viên Anh và Pháp có thể đã có mặt ở Ukraine để giúp Kyiv chỉ đạo các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow/SCALP.

Các đồng minh dè dặt lo ngại rằng việc NATO triển khai tới Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa. Điện Cẩm Linh từng tuyên bố rằng việc gửi quân đồng minh tới nước này sẽ khiến một cuộc xung đột như vậy là không thể tránh khỏi.

Pavel – người được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo diều hâu hơn của liên minh đối với Nga – đã bác bỏ sự khác biệt giữa viện trợ vật chất khổng lồ của phương Tây và “khởi động trên mặt đất”.

“Ngày nay, chúng ta không chỉ cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nhẹ mà còn cung cấp xe tăng, máy bay, hỏa tiễn hành trình tầm trung nhưng chưa có cuộc tấn công nào vào lãnh thổ NATO như người Nga thường xuyên đe dọa”.

Pavel nói thêm: “Nga biết rất rõ rằng cuộc xâm lược này là hành vi vi phạm luật pháp ở mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Giúp đào tạo và bảo trì thiết bị ở một quốc gia có chủ quyền không phải là chiến đấu.”

Pavel đã đưa ra nhận xét tương tự trong cuộc họp báo với Macron vào tuần trước. Sau đó, Tổng thống Tiệp nói rằng bất kỳ nhiệm vụ nào của NATO đều phải “nằm trong giới hạn tham gia phi chiến đấu”.

Các quốc gia lớn của NATO chỉ trích nhiều hơn đề xuất của Macron rằng quân đội đồng minh có thể được gửi đến Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Sẽ không có lực lượng bộ binh, không có binh sĩ nào trên đất Ukraine được các nước Âu Châu hoặc các nước NATO gửi đến đó”. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cũng đồng tình với quan điểm này và nói thêm rằng việc triển khai như vậy “không phải là một lựa chọn đối với Đức”.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn: “Sẽ không có quân đội Mỹ trên bộ chiến đấu bên trong Ukraine”.

“Và bạn biết những gì? Tổng thống Volodymyr Zelenskiy không yêu cầu điều đó,” Kirby nói thêm. “Ông ấy chỉ yêu cầu các công cụ và khả năng. Ông ấy chưa bao giờ yêu cầu quân đội nước ngoài chiến đấu cho đất nước của mình.”

Đầu tháng này, một quan chức ngoại giao Âu Châu - người phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép công khai - nói với Newsweek: “Tôi nghi ngờ bạn có thể thay đổi tính toán của Nga chỉ bằng cách cử giảng viên đến Ukraine”.

Một quan chức thứ hai, người cũng yêu cầu giấu tên để nói chuyện thẳng thắn, nói với Newsweek rằng sự phẫn nộ trước đề xuất của Macron cho thấy phương Tây “bị tê liệt vì sợ hãi”. Ông ấy nói thêm: “Cho đến nay, tất cả 'ranh giới đỏ' mà chúng ta đã vượt qua vẫn chưa gây ra trận Armageddon mà chúng ta rất sợ hãi”.

6. Tất cả các trường học ở Kursk đóng cửa sau khi xe thiết giáp của quân giải phóng Nga tấn công thành phố Kursk

Các trường học ở thành phố Kursk của Nga đang chuyển sang lớp học trực tuyến sau khi quân giải phóng Nga tấn công vào khu vực, hãng tin TASS dẫn lời chính quyền địa phương cho biết.

Các nhóm vũ trang Nga có trụ sở tại Ukraine hôm thứ Ba tuyên bố họ đã vượt biên giới vào khu vực Kursk và Belgorod của Nga, trong khi Nga cho biết họ đã ngăn chặn những cuộc xâm nhập như vậy. Khu vực Kursk cũng bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công trong đêm.

7. Phản ứng của Liên Hiệp Âu Châu trước các bằng chứng cho thấy Tehran chuẩn bị chuyển hỏa tiễn đạn đạo sang Nga để sử dụng chống lại Ukraine

Các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp mới và quan trọng chống lại Iran trong bối cảnh có thông tin cho rằng Tehran có thể chuyển hỏa tiễn đạn đạo sang Nga để sử dụng chống lại Ukraine, dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào tuần tới cho biết như trên.

Văn bản dự thảo, được Reuters xem, cho biết:

Hội đồng Âu Châu kêu gọi các bên thứ ba ngừng ngay lập tức hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga.

Thông tin cho rằng Iran có thể chuyển hỏa tiễn đạn đạo và công nghệ liên quan sang Nga để sử dụng chống lại Ukraine là rất đáng lo ngại.

Liên minh Âu Châu sẵn sàng phản ứng nhanh chóng và phối hợp với các đối tác quốc tế, bao gồm cả các biện pháp mới và quan trọng chống lại Iran.

Sáu nguồn tin nói với Reuters rằng Iran không phải chỉ đang chuẩn bị mà thực sự đã cung cấp cho Nga một số lượng lớn hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất uy lực, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước, vốn đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Kết luận cũng cho biết các nhà lãnh đạo sẽ kêu gọi Đại diện cao cấp Josep Borrell và Ủy ban chuẩn bị các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Belarus, Bắc Hàn và Iran.

8. Lực lượng xâm lược của Trung Quốc có thể phải đối mặt với hàng trăm USV phát nổ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China's Invasion Force Could Face Hundreds of Exploding Sea Drones”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các kế hoạch được cho là đang được tiến hành ở Đài Bắc, các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc phải băng qua eo biển Đài Loan trong kịch bản xâm lược trong tương lai có thể sẽ phải đối mặt với hàng trăm thuyền không người lái của hải quân, mỗi chiếc đều chứa đầy chất nổ chết người.

Tờ Liberty Times của Đài Loan ngày 9/3 cho biết việc sử dụng các tàu mặt nước không người lái hay USV trong cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra đã thu hút sự quan tâm của hải quân Đài Loan, đặc biệt là quân đội của nước này, lực lượng có thể đặt hàng hơn 200 chiếc.

Tờ báo cho biết thêm, Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn, nhà phát triển vũ khí thuộc sở hữu nhà nước của Đài Loan, đã được trao hợp đồng cung cấp nguyên mẫu USV, dự kiến sẽ được đánh giá trong hai năm tới.

Một chuyên gia về chủ đề này nói với Newsweek rằng USV và các hệ thống tự động hoặc điều khiển từ xa khác dự kiến sẽ thống trị chiến tranh hiện đại trong những năm tới. Trong trường hợp của Đài Loan, chúng cũng phù hợp với yêu cầu về cái gọi là vũ khí bất đối xứng – những khả năng rẻ tiền, cơ động và có khả năng sống sót cao mà các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ cho rằng chính phủ hòn đảo này nên ưu tiên.

Ở Âu Châu, quân đội Ukraine đã sử dụng các tàu được điều khiển từ xa để liên tục tấn công Hạm đội Hắc Hải của Nga, đạt được những thành tựu nổi bật mà một quốc gia không có hải quân thông thường không thể ngờ tới. Các tàu robot – thường được trang bị camera và các cảm biến khác – cũng được sử dụng để giám sát, tuần tra và thu thập thông tin tình báo, giúp giảm thiểu đáng kể sự hao hụt nhân lực của Kyiv.

Mối quan tâm cụ thể của Đài Loan trong việc tái tạo những thành công của Ukraine lần đầu tiên xuất hiện vào mùa thu năm ngoái giữa những tin đồn về chương trình USV trị giá 25,8 triệu Mỹ Kim, được nghĩ ra để chống lại tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr do Liên Xô thiết kế của quân đội Trung Quốc và đội tàu cuộn, cuộn ngày càng tăng của nước này. ra khỏi tàu chở hàng.

Sáng kiến này nằm trong số những hiểu biết có ý nghĩa mà hòn đảo đã thu thập được từ cuộc xung đột kể từ những tuần đầu.

Theo Liberty Times, Đài Bắc đang tìm kiếm hai mẫu nguyên mẫu USV, mỗi mẫu có kích thước và trọng tải nổ khác nhau. Các tàu tấn công không người lái – với tầm hoạt động xa hơn 40 dặm và giảm tín hiệu radar để tránh bị phát hiện – có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2026 sau những đánh giá chính thức.

Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn từ chối bình luận về kế hoạch mật và chuyển Newsweek tới Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Một phát ngôn viên quốc phòng Đài Loan nói với Newsweek rằng hệ thống vũ khí của Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn được phát triển “phù hợp với hướng dẫn chiến lược của Bộ Quốc phòng và nhu cầu hoạt động của các quân chủng”.

Phát ngôn nhân từ chối bình luận về chương trình USV, được mô tả là “vấn đề quốc phòng nhạy cảm”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không thể đưa ra bình luận.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là của riêng mình bất chấp việc Đài Bắc nhiều lần bác bỏ khẳng định chủ quyền này. Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực chống lại hòn đảo. Tuy nhiên, để kiểm soát nó một cách hiệu quả, lực lượng xâm lược sẽ cần phải vượt qua eo biển Đài Loan dài 110 dặm bằng đường hàng không hoặc đường biển.

Tô Từ Vân, nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Quốc phòng Đài Bắc, cho biết USV “rất phù hợp” để bảo vệ Đài Loan.

Ông Tô nói với Newsweek: “Các hệ thống tự hành không người lái sẽ là ngôi sao tương lai của chương trình”. Ông nói, trước cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ, các quan chức hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất kế hoạch phát triển những hệ thống như vậy nhằm làm xói mòn lợi thế về số lượng của các nền tảng truyền thống của Trung Quốc.

“Chiến lược của Đài Loan là một trong những cuộc chiến phòng thủ, do đó, USV tầm ngắn, chi phí thấp có thể kết hợp với hỏa tiễn chống hạm trên đất liền và mìn để tạo thành A2/AD của Đài Loan, khiến việc đổ bộ lên Đài Loan trở nên khó khăn hơn”, ông Tô nói đề cập đến chiến lược “chống truy cập/từ chối khu vực” nhằm ngăn chặn đối thủ tự do hoạt động trong một khu vực địa lý cụ thể.

Quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng của mình để triển khai thành công các biện pháp A2/AD—chủ yếu là hệ thống hỏa tiễn—chống lại các lực lượng của Mỹ và đồng minh, những lực lượng có thể muốn can thiệp thay mặt Đài Loan bên trong chuỗi đảo thứ nhất.

Theo ông Tô, USV có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân nhằm đổ bộ hoặc phong tỏa Đài Loan. Trong tay quân đội Đài Loan, chúng có thể được sử dụng cho chiến tranh chống đổ bộ, trong khi hải quân nước này có thể triển khai chúng từ tàu chiến để tấn công bất ngờ.

Trong chiến tranh hiện đại, Ukraine có lẽ là ví dụ điển hình nhất về phát triển và ứng dụng USV. Tuần trước, cơ quan an ninh của nước này đã công bố những hình ảnh về chiếc máy bay không người lái hải quân “Sea Baby” mới nhất của họ, có thể bao phủ hơn 600 dặm mặt nước với tốc độ tối đa 56 dặm một giờ.

Các quan chức của Kyiv nói với hãng tin AP trong buổi ra mắt rằng Sea Baby có giá khoảng 221.000 Mỹ Kim nhưng chúng có thể đánh chìm hoặc làm hư hại các tàu chiến Nga trị giá hàng trăm triệu Mỹ Kim.

9. Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Thụy Sĩ về việc Quốc hội Thụy Sĩ phê chuẩn đề nghị cho phép chính phủ tìm cách tịch thu và chuyển giao tài sản của Nga để tài trợ cho việc bồi thường cho Ukraine.

Nga đã triệu tập Đại sứ Krystyna Marty Lang để phản đối các động thái được thông qua trong gang tấc của Thụy Sĩ, trong đó ủy quyền cho chính phủ Thụy Sĩ nỗ lực tạo ra cơ chế bồi thường trong luật pháp quốc tế đối với một quốc gia bị tấn công bất hợp pháp.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết:

Nga lên án mạnh mẽ bước đi này của chính quyền Thụy Sĩ, vi phạm trắng trợn các nguyên tắc và chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế liên quan đến quyền miễn trừ quốc gia.

Bất kỳ hành vi xâm phạm tài sản nhà nước nào của Nga dưới vỏ bọc của bất kỳ 'cơ chế bồi thường' xa vời nào cũng sẽ không khác gì hành vi trộm cắp ở cấp nhà nước.

Zakharova cho biết thêm Nga sẽ trả đũa nếu kế hoạch của Thụy Sĩ được thực hiện. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Thụy Sĩ năm ngoái cho biết họ đã đóng băng khoảng 7,7 tỷ franc Thụy Sĩ hay 8,81 tỷ Mỹ Kim là tài sản tài chính thuộc về người Nga theo các lệnh trừng phạt được thiết kế để trừng phạt Mạc Tư Khoa vì hành động xâm lược Ukraine.

10. Bộ Ngoại giao Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 347 người ở Latvia, Lithuania và Estonia mà họ cho là “những nhân vật thù địch”.

Cuối ngày thứ Ba, 12 Tháng Ba, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng:

Chính sách thù địch của các nước vùng Baltic đối với Nga, việc Latvia, Lithuania và Estonia tích cực vận động hành lang để áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại đất nước chúng tôi, can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, đàn áp người dân nói tiếng Nga, một chiến dịch dã man nhằm phá hủy hàng loạt các di tích đối với những người lính giải phóng Liên Xô, việc viết lại lịch sử, tôn vinh chủ nghĩa Quốc xã, cũng như đường dây tội phạm đang theo đuổi nhằm cung cấp vũ khí cho chế độ Kyiv đòi hỏi các biện pháp trả đũa những kẻ liên quan đến những hành động tàn bạo này.

Cụ thể, 347 người ở Latvia, Lithuania và Estonia mà Zakharova gọi họ là “những nhân vật thù địch” đã bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.
 
GH Công Giáo Đông phương Ukraine: Đầu hàng hay đàm phán với Putin là đưa cả dân tộc đến diệt vong
VietCatholic Media
17:22 13/03/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Năm Tuần Thứ Tư Mùa Chay

THỨ NĂM 14/3/2024

Xh 32:7-14

Thánh Vịnh 105(106):19-23

Ga 5:31-47

Người đàn ông mà Chúa đã chọn, đang đứng trước mặt Người (Tv 105:23)

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng mà chúng ta đang hành trình đến trong Mùa Chay và Phục Sinh, Đấng gắn kết mọi sự lại với nhau và hòa giải mọi sự trong và với Người (Col 1:17,20). Sao điều đó lại quan trọng? Thưa: Bởi vì, giống như tư thế của Môsê, chúng ta cũng có thể, vào những thời điểm đã định, được kêu gọi đứng trước những lỗi lầm: bắt chước tư thế này và để cho sự hòa giải và thống nhất của kinh nghiệm sống diễn ra bên trong chúng ta, mà chung cuộc diễn ra trong Chúa Giêsu Kitô. Đây là một tư thế quan trọng để đứng, và một tư thế đòi hỏi sự vâng phục Chúa Thánh Thần và sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong chúng ta, khi chúng ta bắt chước Người.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đứng vững một chân trong thế giới và chân kia trong Tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Tư thế này thường thích hợp cho việc cầu bầu đích thực, thậm chí đôi khi việc cầu bầu có tính chất tiên tri, nơi chúng ta hòa hợp sâu sắc với trái tim của Thiên Chúa. Khi chúng ta đảm nhận tư thế này, như ngôn sứ Isaia đã tuyên bố: “Các ngươi sẽ được gọi là những người sửa chữa vết nứt” (Is 58:12).

Và lời cầu bầu đầy quyền năng và mang tính tiên tri này có phải là điều Chúa Giêsu làm mẫu trong Vườn Cây Dầu khi Ngài cầu nguyện cho chúng ta không? Không chỉ cho những môn đệ trong lịch sử, mà còn cho những môn đệ như chúng ta, cho đến muôn đời. Và lời cầu nguyện cứu độ này, một mạc khải về trái tim Thiên Chúa dành cho chúng ta, đang được “thực hiện” trong cuộc sống của chúng ta khi Chúa Giêsu tiếp tục cầu bầu cho chúng ta.

Đứng trước những lỗi lầm là một lời kêu gọi được Thiên Chúa soi dẫn: hãy cầu nguyện bằng trái tim của Chúa cho những gì ở trong trái tim của Chúa, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và lời nói không phải là cách cầu nguyện duy nhất - có lẽ lúc này chúng ta có thể nhìn lên Thập Giá, như trời chạm đất. Lạy Cha, con cầu xin ơn chuyển cầu tiên tri dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi ân sủng này được đổ ra, xin cho sự tự do tuôn chảy từ sự phục sinh của Chúa Giêsu được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống của chúng con. Amen.

2. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh minh định lập trường Tòa Thánh về Ukraine

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã minh định lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh Ukraine và Nga, và kêu gọi giải quyết bằng đường lối ngoại giao.

Trong những ngày vừa qua, có nhiều phản ứng tiêu cực từ phía chính phủ Ukraine và một số nhân vật khác, cả Hội đồng Giám mục Đức, về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho đài truyền hình Thụy Sĩ-Ý. Họ cho rằng ngài kêu gọi Ukraine đầu hàng, “giương cờ trắng”, chỉ nói về một phía, mặc dù có lời giải thích ngay của Phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Matteo Bruni về vấn đề này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người Đưa Tin Chiều”, Corriere della sera, ra ngày 12 tháng Ba vừa qua ở Ý, Đức Hồng Y Parolin nói rằng: “Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha [trong cuộc phỏng vấn] là hãy tạo điều kiện để có một giải pháp ngoại giao cho cuộc tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền”. Theo nghĩa đó, hiển nhiên là việc kiến tạo những điều kiện như thế không phải chỉ từ một phía, nhưng là cả hai, và điều kiện đầu tiên, theo tôi nghĩ, là chấm dứt sự gây hấn, xâm lăng. Không bao giờ được quên bối cảnh, và trong trường hợp này, bối cảnh là câu hỏi được đưa ra với Đức Thánh Cha, và khi trả lời, ngài đã nói về cuộc thương thuyết, đặc biệt là can đảm thương thuyết, chứ không bao giờ là một sự đầu hàng. Tòa Thánh theo đường hướng này và tiếp tục kêu gọi “ngưng chiến”, và việc ngưng chiến trước tiên phải là những người gây hấn, rồi tiếp đó là mở cuộc thương thảo. Đức Thánh Cha giải thích rằng thương thuyết không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh. Không phải là đầu hàng, nhưng là can đảm. Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải coi trọng hơn sinh mạng con người, đối với hàng trăm ngàn người đã bị hy sinh trong cuộc chiến giữa lòng Âu châu này. Đó là những lời có giá trị đối với Ukraine cũng như cho Thánh địa, và các cuộc xung đột khác đang làm thế giới đẫm máu”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Parolin cũng bày tỏ “lo âu của Tòa Thánh về nguy cơ lan rộng chiến tranh, nâng cao mức độ xung đột, làm bùng lên những cuộc đụng độ võ trang mới, chạy đua vũ trang, đó là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo âu, theo nghĩa đó. Lan rộng chiến tranh có nghĩa là có thêm những đau khổ mới, tang tóc mới, tàn phá mới, thêm vào những điều mà nhân dân Ukraine, nhất là các trẻ em, phụ nữ, người già, và các thường dân, đang phải chịu, trả giá quá đắt đỏ cho cuộc chiến bất công này”.

Về chiến tranh giữa Israel và Hamas, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cho biết ngài đặc biệt lo âu vì sự oán ghét đang bành trướng. “Bao giờ người ta mới có thể chữa lành những vết thương sâu rộng như vậy?” Sau cùng, ngài nói đến nguy cơ chết chóc vì “hạt nhân” không phải là không có. “Chỉ cần xem một số đại diện chính quyền thường xuyên đưa ra những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đó chỉ là một thứ tuyên truyền chiến lược chứ không phải là một lời cảnh giác về một điều thực sự có thể. Về sự lo sợ sâu đậm của Tòa Thánh, tôi tin rằng lo sợ này là nhiều tác nhân gây ra tình trạng thê thảm này đi tới độ ngày càng khép kín trong những lợi lộc riêng tư và không làm điều họ có thể để đi tới một nền hòa bình công chính và vững bền”.

Những hiểu lầm lời Đức Thánh Cha

Trong số những người hiểu lầm về những lời tuyên bố của Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn, đứng đầu là chính phủ Ukraine. Ngoại trưởng nước này đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv đến và nêu các vấn nạn trên đây, đặc biệt là thành ngữ “giương cờ trắng”. Đức Sứ thần giải thích rằng “Cụm từ ‘giương cờ trắng’ là ở trong câu hỏi của ký giả Thụy Sĩ, trong câu trả lời, Đức Thánh Cha nhắc lại thành ngữ đó là để nói rằng “Thương thuyết không bao giờ là đầu hàng”. Giả sử ký giả hỏi Đức Giáo Hoàng về Nga, câu trả lời của ngài có thể sẽ là: “Anh không được giết hại, và không được gửi binh sĩ, bắn các hỏa tiễn và máy bay không người lái đến tấn công Ukraine!”

Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc lại rằng vấn đề thương thuyết mà Đức Giáo Hoàng nói đến cũng đã được thảo luận trong giới chính trị và xã hội ở Ukraine. “Tại nước này, dân chúng đặt câu hỏi đâu là một con đường khác thay vì phải hy sinh lớn hơn. Từ lịch sử của mình, người Ukraine biết rằng sự tùng phục [Nga] như vậy phải trả giá đắt đỏ thế nào. Điều này bao gồm đau khổ bản thân, nhưng cả thảm hại tập thể Holodomor, toàn dân Ukraine chịu cảnh chết đói do Stalin gây ra. Chính vì thế, dân Ukraine đang tự hỏi: “Phải chăng sẽ có thêm nhiều người chết nếu chúng ta tiếp tục chống lại kẻ xâm lăng, hay là có nhiều người chết hơn nếu chúng ta đạt tới một thỏa hiệp? Và nếu chọn giải pháp thứ hai này, thì chọn thỏa hiệp thế nào? Đó không thể là một sự tùng phục”.

Đức Tổng Giám Mục Kulbokas nói thêm rằng sứ mạng của Tòa Thánh là mời gọi đối thoại. “Chúng tôi mời gọi cởi mở và đối thoại giữa các dân nước và Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh khía cạnh này. Đối thoại là con đường vượt thắng cả những chướng ngại lớn nhất”.

3. Tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương về cuộc phỏng vấn cờ trắng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Năm vị Tổng Giám Mục và Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã ra tuyên bố sau.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tuyên bố của Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine sau cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đài Truyền Thanh và Truyền Hình Thụy Sĩ thực hiện

Chúng tôi vẫn chưa có phiên bản đầy đủ của cuộc phỏng vấn do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cho RTS (Radio Télévision Suisse) dường như sẽ chỉ được công bố vào ngày 20 tháng 3. Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, việc đề cập đến “cờ trắng” trong cuộc phỏng vấn là lời kêu gọi đàm phán chứ không phải là đề nghị Ukraine đầu hàng. Trong cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha không chỉ nói về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine mà còn về cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Như đã nhiều lần thực hiện, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bằng thương lượng.

Về vấn đề này, chúng tôi muốn đưa ra những suy nghĩ không phải dựa trên tuyên bố của Đức Thánh Cha mà là quan điểm của các nạn nhân trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Điều quan trọng là phải hiểu lập trường của hầu hết người Ukraine.

Đối với bất kỳ ai ở Ukraine, điều rõ ràng như chúng tôi đã nêu trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Giáo Hội, chính trị gia Hoa Kỳ và cộng đồng người hải ngoại ở Washington, DC, Philadelphia và thành phố New York, là các công dân Ukraine “đã bị thương”, nhưng họ không mệt mỏi và vẫn kiên cường.” Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với tự sát. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và dễ thấy. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Mục tiêu đề ra được thể hiện bằng hành động cụ thể.

Trong suy nghĩ của Putin, không có những thứ như Ukraine, lịch sử Ukraine, ngôn ngữ và đời sống cũng như Giáo Hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tế mà chỉ là một “ý thức hệ”. Theo Putin, ý thức hệ về bản sắc Ukraine là “Đức Quốc xã”.

Bằng cách gọi tất cả người Ukraine (những người từ chối là người Nga và chấp nhận sự cai trị của Nga) là “Đức Quốc xã”, Putin đã phi nhân tính hóa họ. Đức Quốc xã không có quyền tồn tại, vì thế một khi bị coi là Đức Quốc Xã, người Ukraine không có quyền tồn tại. Họ cần phải bị tiêu diệt, bị giết. Các tội ác chiến tranh ở Bucha, Irpin, Borodianka, Izium và ở những nơi khác bị lực lượng Nga xâm lược đã minh họa cho người Ukraine (và cho tất cả những người có thiện chí) thấy rõ mục đích rõ ràng của cuộc chiến này: đó là loại bỏ Ukraine và người Ukraine. Điều đáng nói là mọi sự xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều dẫn đến việc tiêu diệt các Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và bất kỳ mọi Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập nào, đồng thời đàn áp các tôn giáo khác cũng như mọi thể chế và biểu hiện văn hóa không ủng hộ quyền bá chủ của Nga.

Người Ukraine sẽ tiếp tục tự vệ. Họ cảm thấy họ không có sự lựa chọn. Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào. Ukraine đã đàm phán loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 1994, lúc đó là kho vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, lớn hơn cả Pháp, Anh và Trung Quốc cộng lại. Đổi lại Ukraine nhận được những bảo đảm an ninh liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm cả Crimea) và nền độc lập, là điều mà Putin có nghĩa vụ phải tôn trọng. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 được Nga, Mỹ và Anh ký kết không có giá trị bằng tờ giấy. Vì vậy, điều đó sẽ xảy ra với bất kỳ thỏa thuận nào được “đàm phán” với nước Nga của Putin.

Bất chấp những đề xuất về nhu cầu đàm phán đến từ đại diện của các quốc gia khác nhau, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha, người Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng. Họ tin vào tự do và phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng. Họ tin vào sự thật, sự thật của Chúa. Họ tin chắc rằng chân lý của Chúa sẽ thắng thế.

Các giám mục của Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, họp tại Hoa Kỳ:

+ Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk,

Tổng Giám mục Trưởng của Kyiv-Halych

Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

+ Đức Cha Borys Gudziak,

Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine Philadelphia

+ Đức Cha Włodzimierz Juszczak,

Giám mục Giáo phận Wrocław—Koszalin

+ Đức Cha Bohdan Dzyurakh,

Giám mục Tông tòa ở Đức và Scandinavia

+ Đức Cha Josaphat Moshchych,

Giám mục Chernivtsi

Ngày 10 tháng 3 năm 2024


Source:UGCC