Ngày 10-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Nữ Bernadette
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:08 10/02/2020
Lộ Đức là trung tâm hành hương quốc tế. Cách đây mấy năm, tôi có đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Từ Rôma qua hướng Tây Ban Nha, vượt đỉnh Pyrênê đến miền Nam nước Pháp. Lộ Đức nằm ở một vị trí khá hẻo lánh, thuộc một tỉnh nhỏ. Nơi đây, từng giờ từng phút, khách thập phương tấp nập đổ về để dâng lễ, cầu nguyện và xin ơn với Đức Mẹ.

Khi bước vào Vương Cung Thánh Đường Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi thấy bên phải, có phiến đá cẩm thạch ghi lời tuyên bố long trọng của Đức Giám Mục Laurence về những lần hiện ra của Đức Mẹ: "Chúng tôi tuyên bố rằng Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous, ngày 11 tháng 02 năm 1858 và những ngày kế tiếp, tất cả là 18 lần, trong hang động Massabielle, gần thành Lộ Đức; rằng sự hiện ra này mang tất cả những tính cách của sự thật, và các giáo hữu đều đã tin là chắc chắn. Chúng tôi xin dâng cách khiêm nhượng sự phán đoán của chúng tôi cho Sự Phán Đóan của Đức Giáo Hoàng, Vị được giao trọng trách guồng lái Giáo Hội hoàn vũ ".

Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần tại Hang đá Lộ Đức, từ ngày 11 tháng 02 đến ngày 16 tháng 07 năm 1858.

Ngày 28 tháng 07 năm 1858, Đức Giám Mục địa phận Lộ Đức đã thiết lập Ủy Ban Điều Tra về những lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại hang đá Massabielle. Công việc điều tra kéo dài trong 4 năm.

Trang web: lourdes-france.com, cho biết công việc nghiên cứu điều tra tỉ mỉ và sự phân định sáng suốt, trong lời kinh nguyện. Sau 4 năm, ngày 18 tháng 01 năm 1862, Đức Giám Mục, nhân danh Giáo Hội, nhìn nhận những lần hiện ra là đích thực. Giáo Hội nhìn nhận chính thức những lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, dựa trên chứng từ xác quyết của cô Bernadette Soubirous.

Đức Thánh Cha Lêô XIII chấp thuận mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Thánh Cha Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này vào ngày 11.2 hàng năm.

Chúng tôi dâng lễ tại Hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra. Cạnh bàn thờ dâng lễ là mạch nước chảy không ngừng từ trong Hang Đá. Ngày nay, mạch suối này được dẫn xuôi theo Nhà thờ tới chân tháp để khách hành hương tới lấy nước và uống nước suối này. Tôi uống liền mấy ly và đem về 5 lít nước để tặng cho bà con giáo dân.

Hành hương về Lộ Đức, tôi được hiểu biết thêm nhiều về lịch sử và sứ điệp Đức Mẹ nhắn gửi qua thánh nữ Bernadette.

Bernadette là một cô bé 14 tuổi, không biết đọc, không biết viết, con một gia đình nghèo ở Lộ Đức. Gia đình cô tạm trú tại một nơi trước kia dùng làm nhà giam.Nơi tồi tàn này, cả gia đình gồm ông bà thân sinh và bốn chị em Bernadette làm nơi nương thân. Đức Mẹ muốn chọn một cô bé nơi nghèo hèn để làm sứ giả của Mẹ.

Theo lời kể của Bernadette. Hôm đó là ngày thứ năm, 11.02.1858, được nghỉ học, Bernadette xin phép mẹ đi nhặt củi. Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới tiến đến một hang động gần đó mà dân làng quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay nhặt củi, từ trong hang đá, một thiếu nữ diễm lệ xuất hiện và đứng trên một tảng đá, ánh sáng bao trùm cả hang Massabielle. Theo lời mô tả của cô, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ diễm lệ chỉ mỉm cười. Trong cơn xúc động, Bernadette lấy tràng chuỗi từ trong túi áo ra và bắt đầu đọc kinh Kính Mừng. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ làm hiệu cho cô tiến lại gần hơn. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn.

Cô về nhà kể lại biến cố ấy, nhưng chẳng ai tin cô. Chính cha mẹ cô cũng không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng như có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó khiến cô vẫn trở lại hang đá ấy.

Sau lần này, cô còn được trông thấy “người thiếu nữ diễm lệ” hiện ra 17 lần nữa.

Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 18.02.1958, người thiếu nữ ấy mới bắt đầu nói với cô: “Con có vui lòng đến đây liên tiếp 15 ngày nữa không? Ta không hứa sẽ làm cho con được sung sướng ở đời này, nhưng là ở đời sau.”.

Trong 15 ngày tiếp đó, người thiếu nữ đã nhắn nhủ và truyền cho Bernadette nhiều điều. Cô kể: “Bà dặn tôi nhiều lần rằng: Hãy sám hối, hãy nói với các linh mục xây một nhà nguyện ở đây, hãy đến uống và rửa ở suối này, phải cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn hối cải. Trong vòng 15 ngày ấy, Bà còn nói với tôi 3 điều và dặn tôi không được nói với ai. Tôi vẫn trung thành giữ kín. Sau ngày thứ 15, tôi hỏi Bà 3 lần liên tiếp: Bà là ai? Nhưng Bà chỉ mỉm cười. Tôi đánh bạo hỏi thêm lần thứ tư. Lúc ấy, Bà mới buông tay xuống, ngước mắt nhìn lên trời rồi vừa nói vừa chắp tay trước ngực: ‘QUE SOY ERA IMMACULADA COUNCEPTIOU’”. Đó là thổ âm của vùng Lộ Đức lúc bấy giờ, được dịch ra tiếng pháp là: ‘Je suis l’Immaculée Conception’, và dịch sang tiếng Việt Nam là: ‘Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội’.

Các bậc khôn ngoan chống đối, dân chúng xúc động, cảnh sát thẩm vấn Bernadette nhiều lần. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa. May mắn là cô không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn. Các nữ tu dạy học cũng tỏ ra bất bình, còn Bernadette vẫn luôn giữ được thái đô khiêm tốn lịch sự.

Ngày 25.2.1858, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadette đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rồi quì xuống. Theo lệnh của “người thiếu nữ diễm lệ”, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Dòng nước đó đến nay cứ chảy mãi, cứ 24 tiếng đồng hồ là có khoảng 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadette tới. Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa. Cuối cùng ông kết luận:

- Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ?

Nhưng Bernadette bình tĩnh trả lời cách rõ ràng.

- Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở tỏ ra nghi ngại, ngài cấm các linh mục không được tới hang. Khi Bernadette tới gặp ngài và thuật lại "“người thiếu nữ diễm lệ” nói: Ta muốn mọi người tổ chức rước kiệu tại đây".

Cha sở liền quở trách và gằn từng tiếng:

- Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ Đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à? Trước hết Bà phải cho biết Bà tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Dòng nước vẫn chảy thành suối. Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước.

Đã có những phép lạ nhãn tiền:

- Một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng.

- Một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục.

- Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ. Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một một cái quách. Người cha thở dài: - Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy. Không nói một lời nào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh. Dân chúng cho rằng bà khổ quá hóa điên. Sau khi tắm cho bé khoảng 15 phút, bà ẵm con về nhà. Sáng hôm sau, bé hết bệnh. Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Báo chí công kích dữ dội và cho rằng đó chỉ là ảo tưởng. Bernadette vẫn giản dị vui tươi tự nhiên. Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25.3, cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng rỡ nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt: - Bà nói: Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ được truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn:

- Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.

Ngày 8.12.1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Hơn ba năm sau, trong lần hiện ra ngày 25.3. 1858, Đức Mẹ tự xưng là: "Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.".

Vào năm 1866, Bernadette được gửi vào dòng Nữ Tu Ðức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15.4.1879, khi mới 35 tuổi. Sơ Bernadette được phong chân phước năm 1925, và được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1933. Lễ kính thánh nữ vào ngày 16.4 hàng năm.

Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhất là đức tin. Ðối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Ðó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.

Nhiều người đến Lộ Ðức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Ðức. Ðể nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ.".

Sứ điệp Đức Mẹ trao cho Bernadette có thể tóm lược trong ba lời mời gọi sau đây:

- Mời gọi cầu nguyện: Khi hiện ra lần thứ nhất, Mẹ đã dạy Bernadette làm dấu Thánh Giá và lần hạt cách sốt sắng. Mỗi lần hiện ra Mẹ đều làm như vậy. Mẹ còn dạy riêng cho Bernadette một kinh nguyện, rồi cuối cùng mới trao cho cô sứ điệp cầu nguyện: Con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn trở lại.

- Mời gọi sám hối: Đức Trinh Nữ lập lại với Bernadette ba lần: ‘Hãy sám hối, sám hối, sám hối’. Ngày 25-2-1858, Mẹ nói với Bernadette: ‘Con hãy đến uống và rửa ở suối này’. Mẹ chỉ cho cô tìm ra một giòng suối. Suối nước này ban đầu rất đục, sau đó bùn lắng xuống rồi trở thành suối nước trong lành. Đó là dấu hiệu cho sự sám hối. Nó tượng trưng cho sự lắng đọng trong tâm hồn tất cả những gì là vẩn đục hầu nên thanh sạch hơn.

- Mời gọi rước kiệu và xây nhà nguyện:“Con hãy nói với các linh mục xây nhà nguyện ở đây. Mẹ muốn người ta đến đây rước kiệu”. Nhà nguyện là nơi dân Chúa tụ họp để nghe lời Chúa và cử hành nhiệm tích Thánh Thể. Để đáp lại nguyện vọng của Đức Maria mà ba đại giáo đường và 2 Nhà thờ khá lớn lần lượt được xây dựng ở đây.“Người ta sẽ xây nhà nguyện cho con, và xây rất lớn”, cha sở Lộ Đức Peyramale đã nói với Bernadette như thế khi cô đến trình bày về lời yêu cầu của Đức Mẹ, hẳn cha đã không ngờ rằng mình nói rất đúng.Những Thánh đường này hằng ngày quy tụ từng đoàn người hành hương đến viếng thăm, chầu Thánh Thể và rước kiệu. Chính tại nơi đây, Thánh lễ cũng như các buổi rước kiệu Thánh Thể luôn được cử hành rất long trọng. Lộ Đức xứng với danh hiệu “Thành phố của nhiệm tích Thánh Thể”.

Hai buổi chiều, tôi dành thời giờ ngồi bên dòng sông Pau, đối diện với Hang Đá, ngắm nhìn Vương Cung Thánh Đường uy nghi xây vách đá, nơi Đức Mẹ hiện ra, nhìn dòng người không ngớt cầu nguyện dưới chân Mẹ. Tôi hiểu tại sao Giáo hội, trong dọc dài thời gian hơn hai ngàn năm qua vẫn luôn vững bền và phát triển cho dù trải biết bao thăng trầm dâu bể của lịch sử nhân loại. Nhờ Mẹ Maria luôn chở che Giáo hội như Mẹ đã bao bọc nâng đỡ các Tông Đồ sau Lễ Ngũ Tuần. Mẹ là dòng sông tưới mát cho nhân loại đang trên hành trình tìm về nguồn hạnh phúc bên Chúa.

Lộ Đức là địa chỉ của tình thương, là điểm hẹn của bình an nội tâm. Tạ ơn Đức Mẹ và xin Mẹ thương ban ơn cho các bệnh nhân.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:10 10/02/2020

19. Hành vi thánh thiện mới có thể kêu gọi con người ta trở thành người suy nghĩ thấu đáo trước mặt Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:18 10/02/2020
41. THÍ SINH VÔ TRI

Tạ Vô Dật học rộng thơ văn đều giỏi, nhưng hai lần đi thi đều không trúng tuyển, thế là không thèm làm quan nữa, sống đời nhàn cư, thích chơi với các hòa thượng, và rất không thích trò chuyện với các học trò.

Ngày nọ, có một thí sinh đến tiếp kiến, sau khi an vị thì nói với Tạ Vô Dật:

- “Mỗi khi tôi muốn hỏi ngài một câu chuyện, nhưng mới nghĩ đến thì lại quên mất tiêu, đúng là đến đi đều nhanh. Đã có nghe người ta nói đến Âu Dương Tu, quả thật có hạng người này sao?”

Tạ Vô Dật nghĩ thầm:“Sao lại có tên thí sinh không biết gì cả thế này?” nhưng nhìn cho kỷ người thì thấy anh ta rất là cẩn thận nghiêm túc, cho nên ông ta vừa hào khí vừa cười vui vẻ giải thích:

- “Âu Dương Tu trước đây là một thư sinh, về sau tham gia chính quyền làm đến thừa tướng”.

Thí sinh lại hỏi:

- “Ông ta có thể viết văn chương chứ?”

Tạ Vô Dật giận tức khí hơi thở bốc khói lỗ mũi, đường đường là một thí sinh mà ngay cả nhà đại văn học cũng không biết, vậy mà muốn lên kinh ứng thí, thật là nực cười, bèn cười nhạo nói:

- “Văn chương thì có thể làm được một chút”.

Thí sinh không biết đối phương đang nói trêu đùa mình, nhưng không ngờ đứa con trai bảy tuổi là Tôn Dã của Vô Dật nghe được, bèn len lén cười cho.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 41:

Học trò đi thi để làm quan mà không biết văn chương của một tể tướng nổi tiếng là chuyện đáng chê, lại hỏi tể tướng nổi tiếng ấy có biết làm văn chương không thì đúng là nên cho rớt trước khi thi...

Thời nay có những học trò đi thi đại học mà điểm trung bình chỉ có...một điểm, những học trò này khỏi cần thi cho đỡ tốn tiền của cha mẹ vì chưa thi mà đã rớt; có những thầy cô giáo chấm bài thi trình độ cũng chẳng thua gì...các học trò được điểm một, bởi vì những thầy cô giáo ấy chỉ dạy theo giờ đồng hồ chứ không theo giờ của lương tâm.

Người ta tin rằng trong số các thí sinh... được điểm một ấy chỉ có 1% là người Ki-tô hữu, và trong số các thầy cô chấm bài thi sai ấy chắc chắn không có ai là người Ki-tô hữu, bởi vì các thầy cô người Ki-tô hữu luôn có lương tâm và trách nhiệm khi dạy học trò, bởi vì các thầy cô giáo có đạo ấy luôn ý thức rằng mình đang thay mặt Thiên Chúa để không những truyền đạt kiến thức cho các em, mà còn dạy các em cách sống làm người tốt trong xã hội theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su.

Học trò Ki-tô hữu và thầy cô giáo Ki-tô hữu thì khác với các học trò và thầy cô giáo không phải là Ki-tô hữu ở chỗ: họ học và dạy học đều có tinh thần yêu thương, trách nhiệm và phục vụ của Đức Chúa Giê-su trong tâm hồn họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Công Giáo với dịch cúm Corona
Triết Giang
09:23 10/02/2020
Dịch cúm chủng mới nCOV-2019 bùng nổ ở Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12-2019 và số người nhiễm cũng như tử vong vì nhiễm virus Corona tăng lên từng ngày và lan ra nhiều quốc gia. Tính đến ngày 10-2-2020 đã có hơn 40.000 người bị nhiễm ở gần 30 quốc gia, riêng Việt Nam co 14 người dương tính với virus Corona. Con số người chết vì căn bệnh này đã lên tới 910 người. Các chuyên gia dự báo, đỉnh dịch vào tháng 2 tới thì con số bệnh nhân còn lớn gấp nhiều lần như hiện nay. Tổ chức WHO đã phải ra thông báo khẩn cấp toàn cầu và một số nước trong đó có Việt Nam cũng ra thông báo khẩn cấp về bệnh dịch này. Trước tình hình đó, Giáo Hội Công Giáo đã phản ứng ra sao?

Giáo hoàng Phanxicô trong buổi đọc kinh thứ tư hàng tuần tại điện Vatican ngày 20-1-2020 đã lên tiếng cầu nguyện cho các nạn nhân, cầu mong giới khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị và cầu nguyện cho các y, bác sĩ biết hy sinh cứu giúp người bị bệnh. Rất nhiều quốc gia có đông người Công Giáo, Giáo hội đều có hướng dẫn mục vụ cho giáo dân đối phó với nạn dịch nguy hiểm này. Theo phát biểu của linh mục Sơn Nhân (Shan Ren Shen Fu) ở ngay Vũ Hán với đài Vatican, thì các thánh lễ đêm giao thừa hay đón chào năm mới ở các nhà thờ Công Giáo ở Vũ Hán đã bị hủy bỏ để tránh lây lan dịch bệnh. Tổ chức Junde (Tình yêu thăng tiến) của đạo Công Giáo hoạt động theo tôn chỉ của Caritas quốc tế ở Trung Quốc đã kêu gọi giới Công Giáo trên thế giới ủng hộ các vật tư, thiết bị y tế để chống lại dịch bệnh vì do số bệnh nhân đông nên Vũ Hán thiếu hụt trầm trọng các thiết bị này. Tòa thánh đã ủng hộ ngay 600.000 khẩu trang y tế cho Trung Quốc. Số khẩu trang này được mua nhờ sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm trong đó có người Công Giáo gốc Hoa đang sống ở Italia (ảnh trên). Tổ chức Jinde cũng nhận được hơn 6 triệu nhân dân tệ, 10.000 bộ quần áo bảo hộ, 100 máy trợ thở và 30 tấn hoá chất khử trùng. Nữ tu Giám đốc Bệnh viện Công Giáo thuộc dòng Hy vọng Thánh ở giáo phận Hiến Huy, tỉnh Hà Bắc nói với hãng thông tấn Fides : Các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân chúng tôi đang phải đối diện với nguy cơ nhiễm virus Corona nhưng chúng tôi tin rằng Chúa không bỏ rơi chúng tôi nên chúng tôi cũng không bỏ mặc người bệnh bất kể tôn giáo. Chúng tôi cũng giành một cơ sở để cách ly người bệnh và cố gắng chăm sóc cho họ tốt nhất có thể để cho thấy họ không bi bỏ rơi.

Hàn Quốc cũng đã có 23 người bị nhiễm virus Corona, nên tất cả giáo phận như Seoul, Incheon, Jienju, Sawon…đều in nhiều tờ rơi thông tin về bệnh dịch nCOV-2019. Giáo hội cũng đề nghị hạn chế dùng bình nước thánh ở cửa nhà thờ, không bắt tay và ôm hôn bình an trong thánh lễ để hạn chế lây lan bệnh. Đức TGM Kim He Juong- Chủ tịch HĐGM Hàn Quốc kêu gọi giáo dân cầu nguyện, lần hạt và cộng tác với Chính phủ để ngăn chặn nạn dịch nguy hiểm này.

Tại Philippin, Giám mục Brolerick Soncuaco Pabillo- Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Manila và là Chủ tịch Ủy ban giáo dân của Philippin (CBCP) đã yêu cầu mọi người nhất là cơ quan báo chí phải loan tin khách quan, đúng sự thật không gây hoang mang lo lắng, hoảng loạn cho người dân nhưng cũng không được chủ quan, tự mãn. Đồng thời hết sức tránh suy luận rằng đấy là nhân quả mà Chúa phạt quốc gia này, quốc gia khác vì Chúa vốn nhân từ và hay thương xót.

Tại Việt Nam, nhiều điểm thăm quan như nhà thờ Đà Nẵng, Nha Trang đã tạm dừng cho khách du lịch thăm quan để phòng dịch bệnh. Nhiều chương trình hành hương đầu năm như viếng Đức Mẹ Tà Pao, hay các lễ kỷ niệm thành lâp các giáo xứ, xây dựng các nhà thờ…đã bị hoãn. Hội đồng GMVN có thông báo ngày 2-2-2020 và Tòa TGM Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Thông báo Mục vụ ngày 5-2-2020 do TGM Giuse Nguyễn Năng ký (xem báo Người Công Giáo VN số 6 ngày 9-2-2020) mời gọi mọi người làm tuần cầu nguyện 9 ngày từ 9 đến 17-2-2020 để xin Chúa cứu vớt nhân loại qua nạn dịch này. Cầu xin cho các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị căn bệnh, xin cho các thày thuốc tận tình giúp đỡ bệnh nhân và xin cho các bệnh nhân sớm vượt qua được bệnh tật. Bản thông báo cũng đề nghị, giáo dân nào nghi nhiễm bệnh có thể ở nhà, chịu lễ thiêng liêng mà không cần đến nhà thờ. Khi chịu lễ, nên dùng tay chứ không dùng hình thức rước lễ bằng miệng… Tạm hoãn hay dừng các cuộc lễ, hành hương đông người để ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng. Bản Thông báo viết: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho cộng đồng nhân loại biết yêu thương nhau, quảng đại hy sinh giúp đỡ nhau trong những giờ phút khó khăn, đừng vì tham lam ích kỷ mà trục lợi trên sự đau khổ của tha nhân. Xin Chúa thứ tha ban cho các nhà lãnh đạo quốc gia được ơn khôn ngoan để tìm ra những giải pháp hữu hiệu phục vụ người dân trong sự thật và tình thương”. Đáp lại lời kêu gọi đó, nhiều nhà hảo tâm đã mua khẩu trang để phục vụ người đi lễ. Một số dòng tu, nhà thờ đã tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong lúc mặt hàng này khan hiếm và được đẩy gía lên cao ở nhiều cửa hàng y tế. Nhiều giáo phận như Hà Tĩnh, Xuân Lộc, Phát Diệm cũng có Thư mục vụ hướng dẫn chi tiết các thành phần dân Chúa đối phó với nan dịch cúm nguy hiểm này. Kinh cầu Tổng lãnh Thiên thần Rafael và thánh Roco hay chữa bệnh nhân được đọc nhiều nhất dịp này.
 
Thảm trạng của giáo dân tại Vũ Hán. Con số tử vong vì virus tăng phi mã tại Trung Quốc.
Đặng Tự Do
15:22 10/02/2020
Số người chết vì dịch coronavirus tiếp tục tăng đến chóng mặt. Vào lúc 10 giờ sáng thứ Hai 10 tháng Hai, con số chính thức do bọn cầm quyền Bắc Kinh đưa ra là 909 người chết. Chỉ con số này thôi đã vượt quá tổng số người chết vì Sars là 813 người trong hai năm 2002 và 2003.

Chỉ riêng ngày Chúa Nhật 9 tháng Hai, đã có 97 người chết, là số người chết cao nhất trong một ngày cho đến nay. Các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận cũng đã tăng lên đến 40,235 người; và số người bị nghi ngờ nhiễm bệnh tăng đến 23,589 người. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết có 3,283 bệnh nhân đã được điều trị thành công.

Tuy nhiên, nguồn tin của Giáo Hội địa phương nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại rằng những con số này không đúng sự thật. Không chỉ riêng tại Vũ Hán mà thôi, nhưng khắp 34 tỉnh và đặc khu của Trung Quốc đều rơi vào tình trạng thiếu các bộ dụng cụ để xác minh. Nhiều người tìm đến các bệnh viện khi thấy có các triệu chứng đáng âu lo lập tức bị đuổi về với một lời khuyên chung chung là hãy tự cô lập trong nhà. Những người như thế không thể nằm trong các con số thống kê của nhà nước.

Riêng tại Vũ Hán, còn có một tình trạng bi đát hơn nữa là thiếu các vật liệu y tế dành cho các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện như khẩu trang, áo bảo hộ, kính… vân vân, dẫn đến tình trạng các nhân viên y tế né tránh không muốn tiếp xúc với các bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không thấy được ai chăm sóc, quyết định bỏ về tìm cách khác xoay sở.

Trong tình trạng thiếu thốn các vật liệu y tế, và cả các nhân viên y tế, nhiều người âu lo rằng chỉ có những người nào có địa vị hay có nhiều tiền trong xã hội mới được chăm sóc. Còn những người khác thì bọn cầm quyền quay lưng lại với họ. Một khi họ bị nhiễm bệnh, bọn cầm quyền coi như họ đã chết rồi.

Thành phố Vũ Hán là nơi đặt tòa Tổng Giám Mục Hán Khẩu (Hankou - 漢口) với dân số Công Giáo ước lượng khoảng 50,000 anh chị em. Chính xác có bao nhiêu người Công Giáo tại đây là chuyện vô phương mà biết được vì chúng ta bị bách hại nặng nề ở đây, và do đó, người Công Giáo ở địa phương này chủ yếu là người Công Giáo thầm lặng.

Cố nhiên, trong tình trạng bị bách hại như thế, hầu chắc anh chị em tín hữu ở đây không có hân hạnh được điều trị như bọn cán bộ chủ chốt. Cho nên, nguồn tin của Giáo Hội địa phương kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho họ. Trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, đó là hy vọng cuối cùng của họ.

Thiết tưởng cũng nên nói thêm, Tổng giáo phận Hán Khẩu hiện nay đang trống tòa. Tòa Thánh đã từng mật phong Tổng Giám Mục cho Cha Antôn Dương Thiểu Hoài (Yang shaoai - 楊少懷). Đến khi ngài qua đời vào năm 1998, Tòa Thánh lại mật phong cho Cha Victô Lưu Hòa Đức (Liu He-Tak -劉和德) làm Tổng Giám Mục. Ngài lại qua đời vào năm 2001. Trước lời cầu xin của Giám Mục trái phép Bênađinô Đổng Quan Thanh (Dong guangqing - 董光清), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải vạ cho vị này và công nhận chức Giám Mục. Tuy nhiên, đến năm 2007 thì vị này cũng qua đời. Năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mật phong cho Cha Giuse Thẩm Quốc An (Shen Guo’an - 沈国安) làm Giám Quản Tông Tòa nhưng bọn cầm quyền chỉ coi ngài là một linh mục.

Hôm Chúa Nhật, Quách Văn Quý (Guo Wengui - 郭文贵), nguyên là Giám Đốc một công ty lớn của Trung Quốc đang xin tị nạn ở Mỹ để tránh bị bắt, vì bị bọn cầm quyền Trung Quốc kết tội ông ta tham nhũng, đã lên tiếng với các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ rằng ông ta có tin tức trực tiếp từ Vũ Hán. Và theo nguồn tin của ông này, số người chết ít nhất là 50,000 và hơn 1,5 triệu người Trung Quốc bị nhiễm bệnh. Bọn cầm quyền, theo Quách Văn Quý, đã đốt các xác chết để che giấu mức độ thực sự của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Hôm thứ Hai 10 tháng Hai, kỳ nghỉ Tết kéo dài đã chấm dứt, mọi người quay lại làm việc trên khắp Trung Quốc, ngoại trừ ở Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh. Kỳ nghỉ năm mới đã được kéo dài thêm một tuần vì dịch bệnh và để tránh các tiếp xúc có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Theo truyền thông nhà nước, 50% số người thường đón các xe điện để đi làm đã có mặt vào sáng thứ Hai trên các toa tàu điện ngầm.


Source:Asia News
 
Pha trộn niềm tin và khoa học qua những phép lạ tại Lộ Đức
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
18:55 10/02/2020
Kể từ khi Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra tại Lộ Đức với Bernadette Soubirous vào năm 1858, Lộ Đức đã giải quyết hàng ngàn trường hợp liên quan đến các việc khỏi bệnh không giải thích được. Hàng ngàn người hành hương viếng thăm Thánh đường Đức Mẹ Lộ Đức vì họ muốn chứng thực rằng họ đã được chữa lành một cách kỳ diệu. Trong chuyến thăm gần đây tới Lộ Đức, nhà sản xuất Record là Joshua Low, đã nói chuyện với bác sĩ Alessandro de Franciscis, Chủ tịch Văn phòng Quan sát Y khoa và Hiệp hội Y khoa Quốc tế Lộ Đức, để tìm hiểu thêm về công việc diễn ra sau hậu trường có liên quan đến việc điều tra các phép lạ tại đền thánh.

Ông là Chủ tịch đầu tiên không phải là người Pháp, Tiến sĩ de Franciscis hiện đã phụ trách văn phòng khoảng 11 năm. Ông bắt đầu đến Lộ Đức với tư cách là một tình nguyện viên từ năm 17 tuổi. “ Tôi nghĩ rằng tôi biết Lộ Đức khá tốt, nhưng tôi đã phát hiện ra một khía cạnh hoàn toàn khác như là bác sĩ tại đền thánh. Tôi muốn nói rằng tôi là bác sĩ duy nhất mà mọi người thực sự không cần, bởi vì họ chỉ đến với tôi sau khi họ được khỏi bệnh” bác sĩ de Franciscis nói đùa. “Tuy nhiên, tôi đã rất vinh dự, thú vị nhất và tác động đến cảm xúc nhất trong công việc của tôi là lắng nghe những cuộc sống cá nhân và những câu chuyện rất riêng tư đã làm Lộ Đức thay đổi hoàn toàn. Đôi khi tôi được người khác hỏi về phương thuốc hay điều tuyệt vời nhất đã xảy ra ở Lộ Đức là gì, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng điều ngoạn mục nhất ở đây là gặp gỡ những người đến từ các nền văn hóa khác nhau và lục địa khác nhau, với những ngôn ngữ khác nhau và khám phá ra điều đó bởi vì về tình thương của Đức Mẹ Lộ Đức, cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn, tách biệt với việc chữa bệnh. Bởi vì tại Lộ Đức, họ phát hiện ra tình mẫu tử của Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu,” ông nói.

Tiến sĩ de Franciscis đã mở đầu về các khía cạnh thực tế của công việc, bắt đầu với lịch sử của Văn phòng Quan sát Y khoa được thành lập vào năm 1883 bởi Bác sĩ Georges-Fernand Dunot de Saint-Maclou, theo yêu cầu của Linh mục Giám đốc đầu tiên của đền thánh là Rémi Sempé. “Khoảng 20 năm sau khi công nhận những lần Đức Mẹ hiện ra và bảy phép lạ đầu tiên, số người bệnh tuyên bố được khỏi bệnh vì Lộ Đức gia tăng. Văn phong được thành lập dựa trên ý tưởng hướng về y học, yêu cầu các bác sĩ thẩm định và phán quyết trước khi bắt đầu quá trình thẩm định tôn giáo và giáo luật về một phép lạ,” tiến sĩ de Franciscis nói. Vào năm 2019, chúng tôi đã nhận được hơn 4000 chuyên gia y tế dành thời gian ở Lộ Đức và thông báo cho chúng tôi rằng họ sẵn sàng hợp tác trong nghiên cứu, thảo luận và sửa đổi các hồ sơ khỏi bệnh. Với phương pháp nghiên cứu nhóm, chúng tôi đã nghiên cứu khoảng 7500 trường hợp dự trên nền tảng của Văn phòng từ năm 1905, Bộ Phong thánh đã dùng cùng phương pháp,” ông nói thêm.

Đó là bảy tiêu chí được thiết lập do Đức Hồng Y Lambertini, Tổng Giám mục Bologna - sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Benedict XIV - trong tác phẩm quan trọng của người được gọi là De Servorum Dei Beatificatione et Beatorum Canonizatione (Về việc Tôn phong Chân phước cho các Tôi tớ Chúa và tuyên Thánh cho các Chân phước) trong đó cũng mô tả các cách để nhận ra việc khỏi bệnh có thể là phép lạ.

Tiến sĩ de Franciscis đã giải thích bảy tiêu chí và quy trình điều tra nghiêm ngặt như sau: Hai tiêu chí đầu tiên liên quan đến bệnh. Đối với chúng tôi, điều bắt buộc là chúng tôi phải đối mặt với một căn bệnh mà chúng tôi đã mô tả rằng chúng tôi có một chẩn đoán chắc chắn và thứ hai là diễn biến nghiêm trọng. Bốn tiêu chí có liên quan đến việc chữa bệnh. Việc chữa trị phải xảy ra một cách bất ngờ không có dấu hiệu báo trước, một cách tức thời, một cách trọn vẹn và trong một cách lâu dài. Cuối cùng, chúng tôi có một tiêu chí thứ bảy và cuối cùng. Việc khỏi bệnh là không thể giải thích được theo kiến thức y khoa hiện tại. Trong một số trường hợp, chúng tôi tìm thấy một lời giải thích, như với số lượng lớn người đến khai được khỏi bệnh ung thư, trước khi chúng tôi phát hiện ra họ đã điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, hóa trị liệu, xạ trị, v.v. Tuy nhiên, có những trường hợp hiếm hoi khác, trong đó chúng tôi có thể định nghĩa một việc khỏi bệnh là không thể giải thích được theo kiến thức y khoa hiện tại; về cơ bản những gì chúng ta gọi trong y học hàn lâm, hồi quy tự phát của một căn bệnh nghiêm trọng, trong đó chúng ta chắc chắn rằng người đó đã bị bệnh và đã được chữa khỏi theo cách mà chúng ta không có lời giải thích. Không thể nói tất cả các khỏi bệnh và chữa lành khác có thể là phép lạ, nhưng để một sự chữa lành được tuyên bố chính thức là phép lạ, tất cả các giải thích khoa học phải bị loại bỏ.

Đây là cách chúng tôi làm việc ít hay nhiều - với phương pháp này, hàng ngàn trường hợp đã được nghiên cứu và 63 trường hợp nữa được công nhận là phép lạ, cùng với 7 trường hợp đầu tiên được giám mục công nhận tại thời điểm xuất hiện, với lần cuối cùng là vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, tổng cộng 70 trường hợp chính thức được tuyên bố là phép lạ. Tiến sĩ de Franciscis hy vọng tầm quan trọng của nơi này có thể truyền cảm hứng cho nhiều người hơn để trải nghiệm sự chữa lành được tìm thấy ở Lộ Đức. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có một nhu cầu rất lớn trong cộng đồng Kitô giáo và trong Giáo Hội Công Giáo để tái khám phá kinh nghiệm rõ ràng về bệnh tật và sự thoải mái và hỗ trợ của đức tin Kitô giáo của chúng tôi có thể mang lại cho điều đó,” ông nói.

Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta đang quên bằng cách nào đó sự can thiệp mạnh mẽ mà Chúa Giêsu có thể ban cho, và tầm quan trọng của các bí tích như Xức dầu Bệnh nhân. Vì vậy, tôi tin rằng Lộ Đức vẫn còn rất nhiều để dạy, và nó có thể vẫn là một nơi mà những người hành hương bệnh tật cảm thấy được chào đón như những vị khách danh dự. Lộ Đức vẫn là nơi chữa lành trong Giáo Hội Công Giáo cho đến ngày nay.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Source: The Record
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther
Vũ Văn An
17:50 10/02/2020
Giữa trưa ngày Hallowe’en năm 1517, Martin Luther cho dán tờ giấy lớn lên cửa nhà thờ ở lâu đài Wittenberg. Trên đó là “95 Luận Đề” hay “Cuộc Tranh Luận về Năng Quyền và Hiệu Lực của Ân Xá”. Phần lớn người Thệ Phản cho rằng ngày 31 tháng Mười năm 1517 ấy chính là ngày khai sinh của Phong Trào Cải Cách. Tuy nhiên, dù từ thời điểm đó trở đi, sự ly cách giữa Luther và Đức Giáo Hoàng là điều không thể tránh được nữa, nhưng sự ly cách này chỉ chính thức và không thể nào hoà giải được từ ngày 3 tháng Giêng năm 1521, khi Đức Giáo Hoàng công bố sắc lệnh tuyệt thông Luther.



Giữa khoảng 3 năm ấy, Luther cho xuất bản một số trước tác quan trọng của ông. Trong đó, có ba cuốn được coi như Các Khảo Luận Cải Cách: Thư Ngỏ Gửi Giới Qúi Tộc Của Quốc Gia Đức, Cảnh Tù Đầy Babylon của Giáo Hội, và Sự Tự Do Của Kitô Hữu. Cả 3 cuốn sách này đều được xuất bản trong năm 1520 sau khi Đức Giáo Hoàng ra chỉ dụ kết án các lý thuyết của Luther. Giọng điệu trong các trước tác đó, vì thế, phần lớn có tính đấu tranh và đả kích, dù cuốn Sự Tự Do Của Kitô Hữu có giọng hơi hoà giải một chút. Thí dụ, ông mào đầu khảo luận này bằng một lá thư ngỏ gửi Đức Lêô X. Nói chung, đây là lá thư thân ái, bảo đảm với Đức Giáo Hoàng rằng ông không có ý định tấn công ngài. Tuy nhiên, cũng chính lá thư này cho thấy rõ phạm vi thay đổi của ông: ông không còn là một đan sĩ Dòng Augustinô nữa. Ông nói với Đức Giáo Hoàng như người ngang hàng, cho ngài lời cố vấn và không hề mang dáng dấp của một hối nhân. Cả lá thư và khảo luận đều viết bằng tiếng La Tinh, và sau này, được ông dịch sang tiếng Đức để đề tặng thị trưởng Zwickau.

Một khảo luận nhỏ như Sự Tự Do Của Kitô Hữu không thể nói lên hết nền thần học của Luther, nhưng nó có hai điểm hết sức quan trọng đối với học thuyết Thệ Phản: Thứ nhất, tầm quan trọng trên hết của đức tin đối với ơn cứu rỗi của con người. Mọi sự đều tùy thuộc nơi đức tin. Có nó, con người không thể không được cứu rỗi; không có nó, con người không thể nào được cứu rỗi cả. Quan niệm cho rằng “việc làm tốt”, tức các hành động vốn có tính đạo hạnh, có thể giúp con người đạt được ơn cứu rỗi, chỉ là một ảo tưởng. Việc làm mà không có đức tin sẽ bị tội lỗi làm cho ra xấu xa và do đó vô dụng; còn khi con người đã có đức tin, thì việc làm không còn cần thiết nữa.

Điểm thứ hai là học thuyết cho rằng mọi Kitô hữu đều là linh mục: “Bởi thế, tất cả chúng ta, những người tin vào Chúa Kitô, đều là linh mục...” (tr.387). Mỗi một Kitô hữu đều có các chức năng của một linh mục: “Là linh mục, chúng ta xứng đáng xuất hiện trước mặt Thiên Chúa để cầu nguyện cho người khác và dạy dỗ nhau những điều về Chúa” (tr.388).

Cả hai học thuyết trên đều đã trở thành những viên đá tảng của nền thần học Thệ Phản từ đó.

Martin Luther sinh ngày 10 tháng Mười Một năm 1483, tại Eisleben, một thị trấn nhỏ của Đức cách tây bắc Leipzig chừng 50 dặm. Cha mẹ Luther thuộc giai cấp nông dân, và mặc dù sau đó, trở nên khấm khá đôi chút, cha ông vẫn phải vất vả lắm mới chu cấp đủ cho một gia đình mỗi ngày một đông thêm.

Luther được nuôi dạy trong một bầu khí nghiêm ngặt và đạo hạnh. Giống các trẻ em khác, cậu được dạy các niềm tin tôn giáo cũng như nhiều mê tín bình dân khác của thời đại. Lên 7, cậu bắt đầu chịu kỷ luật khắt khe của trường La Tinh sở tại. Qua tuổi 14, cậu được gửi tới Magdeburg học với các thày thuộc Huynh Đoàn Sống Chung, một hội dòng nổi tiếng về giáo dục và tinh thần cải cách. Để đủ tiền ăn học trong thời kỳ này, Luther buộc phải đi hát dạo ngoài đường.

Ba năm sau đó, Luther sống tại Eisenach. Tại đây, nhờ sự giúp đỡ của một người giầu có, cậu đã có thể chuyên tâm học lên cao. Mùa xuân năm 1501, cậu vào trường Đại Học Erfurt nổi tiếng và lấy cử nhân năm 1502 và cao học năm 1505 tại đó.

Nhờ 4 năm học tại Erfurt, Luther thông thạo triết lý kinh viện hiện hành. Ông theo triết lý duy danh (nominalist) của Nhà Kinh Viện người Anh William Occam (khoảng 1280-1349), được coi là “hiện đại” lúc ấy, chứ không theo trường phái duy thực (realist) xưa cũ hơn đại biểu cho quan điểm của Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) và của Gioan Duns Scotus (1265-1308).

Sau khi lấy được cao học, Luther bắt đầu học Luật vào tháng Năm, 1505, một việc cha ông rất thích, vì lúc nào cũng muốn ông theo nghề luật sư. Ấy thế nhưng, chỉ hai tháng sau đó, Luther bỗng nhiên từ bỏ thế gian để gia nhập đan viện Augustinô tại Erfurt. Dù các người viết tiểu sử ông bất đồng về lý do của hành động này, chính Luther thì gán quyết định bất ngờ này cho nỗi sợ chết do một cơn sét đánh gây ra. Ông thề hứa sẽ trở thành một đan sĩ và cảm thấy bị trói buộc bởi lời thề hứa này dù không hề thích cuộc sống của một đan sĩ. Cha ông thì thất vọng ê chề.

Sau một năm nhà tập, Luther khấn các lời khấn vâng lời, nghèo khó và khiết tịnh, và được thụ phong linh mục năm 1507. Năm sau, ông chuyên cần dọn thi tiến sĩ thần học (đậu năm 1512) và giảng dạy. Năm 1508, ông được di chuyển về đan viện Wittenberg.

Luther tuân giữ luật dòng từng li từng tí và áp dụng những hình thức khổ tu rất nghiêm ngặt, nhưng không tìm được bình an cho tâm hồn. Ông bị ám ảnh bởi mối nghi ngại không được cứu rỗi và do đó phải kinh qua nhiều ngày giờ trầm cảm. Giải thoát chỉ đến với ông khi suy niệm đoạn Thư Rôma 1:16-17. Nhờ việc này, ông đúc kết được cho mình điều sau này sẽ trở thành nguyên tắc chính của Thệ Phản: công chính hóa chỉ nhờ một mình đức tin mà thôi. Theo quan điểm này, Thiên Chúa phán xét kẻ có tội không theo công lao của họ, mà theo sự công chính Người ban cho họ qua ơn thánh và được họ tiếp nhận bằng đức tin.

Luther phát biểu quan điểm trên trong nhiều buổi thuyết trình trong các năm từ 1512 tới 1517. Tuy nhiên, điều khiến ông chống lại Giáo Hội lại thuộc phạm vi thực hành. Ông lo ngại tập tục “bán” ân xá trong Giáo Hội. Người ta cho rằng nhờ trả một số tiền nào đó, họ có thể giảm nhẹ hay loại bỏ được hình phạt tạm thời của tội nhẹ; sau đó, hiệu quả của ân xá còn được nới rộng thêm vì cho rằng nó có thể giảm hay loại bỏ được cả hình phạt luyện ngục nữa. Những người bán ân xá, vì muốn quyên được những món tiền khổng lồ, nên không bao giờ nói rõ cho người ít học hiểu rằng ân xá chỉ áp dụng cho các hình phạt đền tội, đòi hỏi nơi tội nhân trên dương thế (hay trong luyện ngục, nếu việc đền tội này chưa làm trọn nơi dương thế). Trong vai trò mục tử và người giải tội, Luther thấy việc bán ân xá có quá nhiều lạm dụng lớn lao, nên đã lên tiếng chống lại nó trong 95 Luận Đề. Các chỉ trích của ông đặc biệt nhắm vào John Tetzel, một linh mục Dòng Đa Minh, người bị tố cáo bán ân xá để quyên tiền tái thiết Nhà Thờ Thánh Phêrô tại Rôma.

Sau khi 95 Luận Đề được công bố, các biến cố mau chóng lên cao điểm. John Tetzel và các nhà thần học khác trả lời các tố giác của Luther; và được Luther hồi âm. Chẳng bao lâu, chính Đức Giáo Hoàng, người vẫn cho rằng đây chỉ là trò tranh luận giữa các tu sĩ Augustinô và các tu sĩ Đa Minh, cũng nhập cuộc. Luther được yêu cầu rút lại các quan điểm của mình, nhưng ông bác bỏ lời yêu cầu và cho rằng chỉ chịu rút lại nếu được chứng minh bằng Thánh Kinh rằng chúng sai lạc. Bất chấp nhiều cố gắng hòa giải, nhưng bất thành, vào mùa xuân 1520, 41 sai lạc trong học thuyết của Luther bị Đức Giáo Hoàng kết án bằng chỉ dụ Exsurge Domine. Luther vẫn không thay đổi các quan điểm của mình; ngược lại, ông còn công khai đốt chỉ dụ của Đức Giáo Hoàng vào ngày 10 tháng Mười Hai, năm 1520. Hành vi khinh thường ấy đã khiến Luther bị vạ tuyệt thông vào tháng Giêng, 1521.

Dưới sự bảo đảm của hoàng đế, tháng Tư năm 1521, Luther xuất hiện tại Nghị Viện Worms. Ông nhìn nhận tư cách tác giả của các cuốn sách ông viết. Nhưng khi được yêu cầu rút lại các quan điểm phát biểu trong đó, ông đã tranh biện suốt 24 tiếng đồng hồ để rồi đưa ra lời tuyên bố sau: “Ngoại trừ được thuyết phục bằng chứng từ Thánh Kinh hay bằng lý lẽ hiển nhiên, vì tôi không tin tưởng ở cả giáo hoàng lẫn hội đồng, bởi điều chắc chắn là họ thường hay sai lầm và tự mâu thuẫn với chính mình, tôi sẽ nhờ Thánh Kinh do tôi diễn dịch mà đứng vững, và lương tâm tôi sẽ nhờ Lời Chúa mà được cầm giữ, nên tôi sẽ không thể cũng như sẽ nhất định không rút lại bất cứ điều gì, khi thấy rằng hành động ngược với lương tâm là điều không an toàn và không đúng. Xin Thiên Chúa giúp đỡ tôi. Amen”

Một ngày sau, Luther rời Worms; do xếp đặt từ trước, ông bị một nhóm kị sĩ chặn bắt tại một cánh rừng và bí mật đưa tới lâu đài Wartburg. Ông ở lại đây một năm, dưới sự che chở của Frederick, ông hoàng xứ Saxony. Trong thời gian này, ông dịch Tân Ước từ Hy Ngữ qua Đức Ngữ, với sự trợ giúp của người phụ tá là Philipp Melanchthon. Trong các năm sau đó, Luther còn phiên dịch Cựu Ước qua Đức Ngữ nữa. Năm 1525, Luther kết hôn với cựu nữ tu Catherine von Bora, người sinh cho ông 3 trai, 2 gái.

Phong trào Thệ Phản phát triển rất nhanh ngay lúc Luther còn sống. Tuy nhiên, trong cuộc Nổi Dậy Của Nông Dân, vì có quan điểm chính trị bảo thủ, Luther đã đứng về phía các ông hoàng và phe qúi tộc, chống lại nông dân. Việc này khiến nhiều nông dân thất vọng cay đắng đối với các nhà cải cách mà họ vốn tin tưởng xưa nay. Trục trặc lớn thứ hai xẩy ra cho Phe Cải Cách khi Luther và nhà cải cách người Thụy Sĩ là Huldreich Zwingli không làm sao đạt được thỏa thuận về học lý Tiệc Ly. Luther nhấn mạnh tới lối giải thích chiểu tự đối với lời Chúa Giêsu phán rằng “Đây là mình ta” trong khi Zwingli hiểu những lời này theo nghĩa bóng.

Luther trước tác rất nhiều. Bộ sưu tập Weimar gồm trọn các trước tác của ông, bắt đầu thực hiện từ năm 1883, gồm hơn 90 cuốn. Thêm vào đó, khi phiên dịch Thánh Kinh, ông còn soạn phần chú giải cho các sách này nữa. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài tranh luận, nhiều thánh ca, rất nhiều thư từ. Ông qua đời ngày 18 tháng Hai, năm 1546, tại Eisleban, nơi ông ra đời.

Kỳ sau: Xác minh của Tòa Thánh về học lý công chính hóa
 
VietCatholic TV
Suy Niệm 11/02/2020: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:37 10/02/2020
Trong loạt bài giáo lý về các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng Thánh Matthêu, hôm 5 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bàn đến lời công bố thứ nhất trong tám lời công bố: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5: 3).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng tường thuật của Thánh Mathêu, khác của Thánh Luca khi nói về người có tâm hồn hay tinh thần nghèo khó. Ở đây, chữ “tinh thần” nhắc lại hơi thở sự sống mà Thiên Chúa ban cho ông Adong, và đề cập đến phần sâu thẳm nhất của con người chúng ta. Người có tâm hồn nghèo khó cảm nhận được sự nghèo túng và lệ thuộc của họ vào Thiên Chúa ở mức độ sâu thẳm này, trong khi người kiêu căng coi mình như tự túc tự cường, không ưa bất cứ điều gì nhắc nhở họ về sự mong manh của tình trạng con người. Nghèo khó về tinh thần là ý thức được sự yếu đuối của mình, chấp nhận những sai lầm của mình và có thể xin người khác tha thứ. Như thế, nó trở nên một dịp cho ân sủng dẫn chúng ta đến Nước Thiên Chúa. Trái ngược với sức mạnh của thế gian, sức mạnh của Thiên Chúa được thấy trong lòng trắc ẩn yêu thương. Chính Đức Kitô đã cho thấy điều này bằng cách mong muốn sự tốt lành cho người khác, thậm chí đến mức đổ máu cho chúng ta. Chúng ta sẽ được chúc phúc nếu chúng ta chấp nhận sự nghèo khó của bản thân mình, và cố gắng noi gương sự nghèo khó của Chúa Giêsu để phục vụ tha nhân.

Mở đầu bài huấn đức trong buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Hôm nay chúng ta đối diện với phúc thật thứ nhất trong Tám Mối Phúc Thật của Tin Mừng Thánh Matthêu. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng con đường hạnh phúc của Người bằng một công bố nghịch lý: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”(5:3). Một con đường đáng kinh ngạc và một đối tượng kỳ lạ của hạnh phúc, sự nghèo khó.

Chúng ta phải tự hỏi: “nghèo khó” ở đây có nghĩa gì? Nếu Thánh Matthêu chỉ sử dụng từ này, thì nó chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế, tức làám chỉ những người có ít tiền của hoặc không có phương tiện nuôi thân và cần sự giúp đỡ của người khác.

Nhưng Tin Mừng Thánh Mathêu, khác Tin Mừng Thánh Luca, nói về “tâm hồn nghèo khó”. Điều ấy có nghĩa gì? Tinh thần, hay tâm hồn, theo Thánh Kinh, là hơi thở sự sống mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Ađam; đó là chiều kích sâu thẳm nhất của chúng ta, tức là chiều kích tâm linh, sâu thẳm nhất, chiều kích lảm cho chúng ta trở thành những con người, cốt lõi sâu xa của con người chúng ta. Như thế, “người có tâm hồn nghèo khó” là những người nghèo và cảm thấy nghèo, những người ăn xin trong tận đáy lòng của con người họ. Chúa Giêsu tuyên bố họ có phúc, vì Nước Trời thuộc về họ.

Đã bao lần chúng ta được người ta bảo ngược lại! Bạn phải là một cái gì đó trong đời, bạn phải trở nên một nhân vật nào đó... Bạn phải làm cho mình nổi danh... Đó chính là nguồn gốc của sự cô đơn và bất hạnh: nếu tôi phải là “một nhân vật nào đó”, thì tôi phải cạnh tranh với người khác và sống trong nỗi lo âu ám ảnh về cái tôi của mình. Nếu tôi không chấp nhận nghèo khó, thì tôi ghét mọi điều nhắc nhở tôi vềsự mong manh của mình. Bởi vì sự mong manh này ngăn cản tôi trở nên một nhân vật quan trọng, giàu có, không những chỉ về tiền của mà còn về danh vọng và mọi sự.

Tất cả mọi người, trước chính mình, đều biết rõ rằng, dù cố gắng đến đâu đi nữa, mình luôn hoàn toàn không đầy đủ và dễ bị tổn thương. Không có sự hoá trang nào có thể che đậy tình trạng bất lực này. Mỗi người chúng ta đều dễ bị tổn thương bên trong. Chúng ta phải thấy ở đâu. Nhưng nếu bạn chối từ những giới hạn của mình thì bạn sẽ sống khổ sở như thế nào! Bạn sống khổ sở. Giới hạn không bị tiêu hóa, nó vẫn ở đó. Những kẻ kiêu căng không xin người khác giúp đỡ, họ không thể xin người khác giúp đỡ, họ không xin người khác giúp đỡ vì họ phải tự chứng minh rằng mình tự túc tự cường. Và có bao nhiêu người trong họ cần sự giúp đỡ, nhưng tính kiêu ngạo ngăn cản họ xin giúp đỡ.

Và thật khó biết bao khi nhận lỗi và xin được tha thứ! Khi tôi khuyên các cặp vợ chồng mới cưới, là những cặp hỏi tôi làm cách nào để sống tốt đời sống hôn nhân của họ, tôi bảo họ: “Có ba lời thật kỳ diệu: làm ơn, cảm ơn và xin lỗi”. Đây là những lời xuất phát từ tâm hồn nghèo khó. Bạn không cần phải bắt người khác chịu đựng mình, nhưng xin phép: “Làm điều này có vẻ tốt không?”, như thế có đối thoại trong gia đình, cô dâu và chú rể đối thoại. “Anh đã làm điều này cho em, cảm ơn anh.” Sau đó, bạn luôn sai lỗi, bạn lỡ phạm: “Xin lỗi”. Và các cặp vợ chồng, các cặp tân hôn, những người ở đây và nhiều người khác, thường nói với tôi: “Điều thứ ba là điều khó nhất”, xin lỗi, xin người khác tha thứ. Bởi vì những kẻ tự cao tự đại không thể làm điều ấy. Anh ấy không thể xin lỗi: anh ấy luôn luôn đúng. Đó không phải là có tâm hồn nghèo khó. Thay vào đó, Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ; vô phúc thay, chính chúng ta là những người mệt mỏi trong việc xin được tha thứ (xem Kinh Truyền Tin, ngày 17 tháng 3 năm 2013). Sự mệt mỏi trong việc cầu xin sự tha thứ: đây là một căn bệnh tồi tệ!

Tại sao khó xin tha thứ? Bởi vì nó làm nhục hình ảnh đạo đức giả của mình. Tuy nhiên, sống trong khi nỗ lực che đậy những thiếu sót của mình là điều làm cho mình mệt mỏi và khổ sở. Đức Chúa Giêsu Kitô bảo chúng ta: nghèo khó là dịp cho ân sủng; và chỉ cho chúng ta cách thoát ra khỏi nỗ lực này. Chúng ta được Chúa ban cho quyền nghèo khó về tinh thần, vì đây là con đường của Nước Thiên Chúa.

Nhưng có một điều cơ bản cần được nhắc lại: chúng ta không phải biến đổi mình thành người nghèo về tinh thần, chúng ta không phải làm bất cứ biến đổi nào vì chúng ta đang nghèo! Chúng ta nghèo... hoặc rõ ràng hơn: chúng ta “nghèo” về tinh thần! Chúng ta cần tất cả mọi sự. Tất cả chúng ta đều nghèo về tinh thần, chúng ta là những kẻ ăn mày. Đó là tình trạng của con người.

Nước Thiên Chúa thuộc về những người có tâm hồn nghèo khó. Có những người có vương quốc của thế gian này: họ có của cải và tiện nghi. Nhưng đó là những vương quốc sẽ chấm dứt. Sức mạnh của con người, ngay cả của những đế quốc vĩ đại nhất, cũng qua đi và biến mất. Nhiều lần chúng ta thấy trên tin tức hoặc báo chí rằng nhà lãnh đạo quyền uy này, hoặc chính phủ nọ đã có ngày hôm qua và ngày hôm nay không còn nữa đã sụp đổ. Sự giàu sang của thế gian này không còn nữa, và tiền của cũng vậy. Các bậc lão thành dạy chúng ta rằng tấm vải liệm không có túi. Đó là sự thật. Tôi chưa bao giờ thấy một chiếc xe vận tải di chuyển đằng sau một đám tang: không ai mang theo được bất cứ gì. Những sự giàu có này có vẫn còn ở đây.

Nước Thiên Chúa thuộc về những người có tâm hồn nghèo khó. Có những người có vương quốc của thế gian này, có của cải và có tiện nghi. Nhưng chúng ta biết họ kết thúc ra sao. Những người biết yêu sự tốt lành thật hơn chính mình là những người thực sự cai trị. Và đó là quyền năng của Thiên Chúa.

Đức Kitô chứng tỏ quyền năng của Người bằng điều gì? Bởi vì Người đã có thể làm điều mà các vua chúa trần gian không làm: hiến mạng sống mình cho nhân loại. Và đây là sức mạnh thực sự. Sức mạnh của tình huynh đệ, sức mạnh của lòng bác ái, sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của lòng khiêm nhường. Điều này Đức Kitô đã làm.

Đây là sự tự do thực sự: bất cứ ai có sức mạnh này của lòng khiêm nhường, phục vụ và tình huynh đệ thì người ấy được tự do. Phục vụ cho sự tự do này là sự nghèo khó được Bát Phúc ca ngợi.

Bởi vì có một sự nghèo khó mà chúng ta phải chấp nhận, đó là sự nghèo khó của chúng ta và sự nghèo khó mà chúng ta phải tìm kiếm, một điều cụ thể, từ những điều của thế giới này, để được tự do và có thể yêu thương. Chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm sự tự do của tâm hồn, là tự do bắt nguồn từ sự nghèo khó của chính mình
 
Đức Thánh Cha đau buồn về vụ thảm sát kinh hoàng tại Thái Lan, quốc gia hiền hòa ngài vừa viếng thăm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:43 10/02/2020
Con số thương vong trong vụ thảm sát tại Thái Lan đã tăng lên đến 30 người chết. 43 người bị thương nặng vẫn còn phải nằm trong bệnh viện.

Dân chúng và các phương tiện truyền thông Thái đã bày tỏ bất bình về lý do tại sao việc khống chế hung thủ phải mất gần 15 giờ đồng hồ.

Cảnh sát thừa nhận không lường trước được ở quốc gia hiền hòa này, lại có thể xảy ra một cuộc thảm sát ở nơi công cộng như thế, nên đã phản ứng lúng túng. Ngay cả một đặc công của biệt đội cảnh sát tinh nhuệ nhất Thái Lan cũng bị bắn chết, trong khi tìm cách khống chế hung thủ.

Để trấn an dân chúng, các đài truyền hình nhà nước đã chiếu cảnh các nhân viên cảnh sát bắt đầu thực tập các phương án phản ứng lại các tình huống tương tự.

Quân đội cũng bị chất vấn tại sao một người lính đơn độc lại có thể cướp vũ khí gồm 3 khẩu tiểu liên, một số lựu đạn và 700 viên đạn từ một căn cứ quân sự để gây ra vụ thảm sát khiến 30 người chết ở Nakhon Ratchasima cuối tuần qua.

Đáp lại, các quan chức quân đội Thái cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp an ninh bổ sung tại các căn cứ quân sự để ngăn chặn một vụ xả súng hàng loạt như thế. Hung thủ được báo cáo là có mâu thuẫn về tiền bạc với người chỉ huy của mình. Trong lúc tranh cãi, anh ta rút súng trong người ra bắn chết viên chỉ huy và mẹ vợ của viên chỉ huy này, 63 tuổi. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng nói vụ tranh cãi diễn ra ngay trước kho súng. Trong lúc bất ngờ, ba lính gác kho súng bị đã bị hung thủ bắn bị thương. Đó là lý do tại sao y có thể lấy cắp vũ khí.

Ngay buổi chiều Chúa Nhật, dưới ánh trăng rằm, hàng ngàn người đã tập trung quanh một tượng đài quan trọng nhất của thành phố. Đó là một bức tượng của Thao Suranari, người có công cứu người Thái khỏi tay một vị vua Lào xâm lược quốc gia này đầu thế kỷ 19.

Mọi người tụng kinh cầu nguyện cùng với một nhóm các tu sĩ Phật giáo hướng dẫn các nghi thức tang lễ. Một tay họ cầm nến, còn tay kia, chỉ lên trời. Đó là một cử chỉ người Phật tử Thái tin là để hướng dẫn các linh hồn lên thiên đàng.

Báo chí ghi nhận có một trường hợp cả gia đình đang đi mua sắm đã bị giết không còn ai sống sót. Cũng có trường hợp một học sinh học cấp hai đang chạy xe đạp đã bị hung thủ bắn chết.

Thai Catholic News tường thuật một buổi lễ cầu nguyện cho linh hồn những người thiệt mạng, những người bị thương và gia đình họ đã được Đức Cha Joseph Chusak Sirisut, Giám Mục giáo phận Nakhon Ratchasima, cử hành tại nhà thờ Đức Mẹ núi Camêlô vào hôm thứ Hai.

Dịp này ngài cho biết đã nhận được một bức điện tín của Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ thảm sát này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực vô nghĩa này.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ giết người hàng loạt tại quốc gia ngài vừa viếng thăm từ 20 đến 23 tháng 11 năm ngoái, 2019.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan quân sự, và dân sự đặc biệt là các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

Thái Lan nổi tiếng là quốc gia hiền hòa với những nụ cười. Trong chuyến tông du vừa qua, Đức Thánh Cha nhận xét rằng rằng người Thái “sống một lối sống đạm bạc dựa trên sự chiêm niệm, sự thoát đời, làm việc chăm chỉ và kỷ luật. Những đường nét này nuôi dưỡng đặc điểm khác biệt của người Thái như một ‘dân tộc tươi cười’”.

Khi đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa các nhà truyền giáo và dân tộc Thái, Đức Thánh Cha nói:

“Nếu không có cuộc gặp gỡ đó, Kitô giáo sẽ thiếu đi khuôn mặt của anh chị em. Kitô giáo sẽ thiếu các bài hát và điệu nhảy miêu tả nụ cười của người Thái, rất điển hình ở vùng đất này của anh chị em.”