Ngày 26-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 27/02: Ngày Phán Xét Chung – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:09 26/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Đó là lời Chúa
 
Cỏ Sẽ Mọc Lại Thôi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:03 26/02/2023
Cỏ Sẽ Mọc Lại Thôi

(Thứ Hai sau Chúa Nhật I Mùa Chay)

Bài đọc thứ nhất: Lời Chúa trong sách Lêvi khuyên dạy dân Chúa rất nhiều “cái đừng”: “Đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng thề gian; đừng nhục mạ, hà hiếp kẻ khác, đừng làm điều bất công, đừng mưu sát; đừng thù ghét, báo oán....” Và kết ở câu “Hãy yêu bạn hữu như chính mình” (x.Lv 19,1-2;11-18).

Kinh nghiệm nông gia: Đến mùa thì trước hết phải dọn đất. Dọn đất thì phải làm sạch cỏ. Trong đời sống đức tin thì đây như những “cái đừng” mà sách Lêvi trình bày ở trên. Không nông gia nào làm cỏ chỉ để đát sạch cỏ nhưng để trồng thứ cây hữu ích gì trên đó. Và câu kết: “Hãy yêu bạn hữu như chính mình” có thể xem là thứ cây hữu ích sẽ được trồng trên thuở đất ấy.

Làm cỏ mà chỉ để sạch đất thì một thời gian sau đó cỏ sẽ mọc lại. Nếu chỉ biết giữ “những cái đừng” thì chưa đủ. Vì với thời gian và với sự mỏng mah yếu đuối của phận người thì đâu cũng lại hoàn đấy. Cây hữu ích mọc lên tươi tốt thì sẽ hạn chế cỏ dại mọc lại cách nào đó. Việc lành, việc tốt là điểm tới của sự ăn năn thống hối, chừa cải tội lỗi.

Bài Tin Mừng tường thuật lời Chúa Giêsu minh định rõ những việc lành, việc tốt cần phải thực thi không giới hạn trong phạm vi “bạn hữu” nhưng phải đến với những kẻ bé mọn. Đó là những người yếu đuối, bất hạnh, cô thân, kém phận... Và đây chính là tiêu chí mọi người phải trả lẽ trước Đấng Toàn Năng trong ngày giả từ dương thế này (x.Mt 25,31-46).

Luyện tập nhân đức là một cách thế diệt trừ nết xấu hữu hiệu. Không ai làm cỏ chỉ để đất sạch có. Không trồng thứ cây hữu ích thì cũng sẽ hoài công vì rồi cỏ sẽ mọc lại thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –Ban Mê Thuột
 
Linh hồn của sự thánh thiện
Lm Minh Anh
13:48 26/02/2023

LINH HỒN CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”.

Moody nói, “Những ngọn hải đăng không bao giờ hụ còi, chúng chỉ toả sáng! Cũng thế, các Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm; nơi họ, bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các Kitô hữu thánh thiện thường ít nói, họ chỉ làm”; đồng tình với Moody, Lời Chúa hôm nay bất chợt cho biết, sự thánh thiện cũng có một linh hồn; linh hồn của nó có tên “Bác Ái”. Nói cách khác, bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’. Vậy mà, thánh thiện đích thực lại chỉ bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng hôm nay nói với dân, “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”.

Sự thánh thiện, về căn bản, là tìm kiếm điều tốt cho người khác! Giáo Lý Hội Thánh dạy, “Bác ái là ‘linh hồn của sự thánh thiện’ mà mọi người được kêu gọi đạt tới: nó hướng dẫn, nắn đúc và hoàn thiện mọi phương tiện giúp nên thánh”; giáo lý còn trích lời của chị Têrêxa Lisieux, “Nếu Hội Thánh là thân thể gồm những bộ phận khác nhau, nó không thể thiếu bộ phận cao quý nhất trong tất cả các bộ phận. Đúng! Nó phải có một trái tim, một trái tim cháy bỏng tình yêu! Và tôi nhận ra rằng, chỉ tình yêu này mới là ‘động lực thực’ giúp các thành viên của Hội Thánh hành động; nếu nó ngưng hoạt động, các tông đồ sẽ quên rao giảng Phúc Âm, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ân thưởng Nước Trời cho “chiên đứng bên phải”, những ai đã làm điều tốt cho người khác; ngược lại, Ngài cũng gửi đến lời nguyền vĩnh viễn cho “dê đứng bên trái”, những ai đã không làm gì để giúp đỡ người khác. Họ là ai? Là tất cả những người chúng ta phục vụ! Người tội lỗi, yếu đuối, bệnh tật; những người mất khả năng lao động, người đói và vô gia cư; cũng không loại trừ, họ là những người trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, những người không làm ra tiền, không thể tự phục vụ… Vậy mà, họ là con cái Chúa, vốn có một phẩm giá cao quý mà chúng ta phải triệt để tôn trọng. Cụ thể, sách Lêvi hôm nay nói, ‘Các ngươi đừng nhục mạ, hà hiếp, nguyền rủa, thiên tư, gièm pha, mắng nhiếc hay báo oán’. Được như thế, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, Đấng cho biết, không sự thánh thiện đích thực nào ngoài sự triệt để hướng đến lợi ích tinh thần và vật chất của tha nhân. Nói cách khác, đường dẫn đến thánh thiện là yêu thương; yêu thương là ‘linh hồn của sự thánh thiện!’.

Anh Chị em,

“Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”. Đây là một đề nghị; đúng hơn, một mệnh lệnh bất di bất dịch vốn định hướng đời sống của tất cả những ai được gọi là môn đệ Chúa Giêsu, những ai đang dõi bước theo Ngài. Như thế, sự thánh thiện không phải là nên làm, hay không được làm điều này, điều kia; nhưng chính là tình yêu dành cho Thiên Chúa và lòng kính sợ Ngài, một Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh, nhưng chỉ vì quá yêu thương, lại hoá nên một tội nhân để có thể cứu mọi tội nhân! Thiên Chúa là Tình Yêu, là bác ái, là ‘linh hồn của sự thánh thiện’ vậy! Hôm nay, những ngày Mùa Chay, bạn và tôi lắng nghe Lời Chúa, vì “Lời Chúa là thần khí và là sự sống” như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắn nhủ, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể như “những ngọn hải đăng không bao giờ hụ còi nhưng âm thầm toả sáng” với một trái tim vì Chúa, cho Chúa, để nên giống Chúa, và thuộc trọn về Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘linh hồn của sự thánh thiện’; đừng để con bỏ qua một cơ hội nào để thể hiện bác ái đối với tha nhân; cho con biết chia sẻ, không chỉ cơm bánh, mà còn cả Lời Chúa nữa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lòng Từ Tâm - Matt 25:31-46
Nguyễn Trung Tây
13:54 26/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Lòng Từ Tâm - Matt 25:31-46


Theo như thánh sử Matthew, vào ngày cuối đời, Thiên Chúa sẽ chất vấn những người đứng bên tay trái và bên tay phải của Ngài đúng một câu hỏi, “Khi xưa ta đói, các con có cho Ta ăn? Ta khát, các con có cho Ta uống? Ta là khách lạ, các con có tiếp rước? Ta trần truồng, các con có cho Ta mặc? Ta đau yếu, các con có thăm viếng? Ta ngồi tù, các con có hỏi thăm?” (Matt 25:35-36).
Dựa vào Matt 25:31-46, chúng ta kinh ngạc khám phá ra một điều, theo như thánh sử Mátthêu, vé vào cửa Thiên Đàng sẽ được đóng mộc bởi một và chỉ một con dấu mà thôi, con dấu của lòng từ tâm.

Ngày xưa, khi bị Thiên Chúa chất vấn, “Em con đâu rồi?”, Cain nhún vai nói, “Con không biết. Con có phải là người chăm sóc em con hay không?” (Genesis 4:9). Giavê Thiên Chúa không chấp nhận câu trả lời này. Mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đều là con cái của Chúa, bởi vì vào ngày thứ Sáu trong tuần nhân loại đã được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa (Genesis 1:27).

Bởi thần đề căn bản này, mọi người trên trái đất đều có nhiệm vụ phải săn sóc và bảo vệ những người kém may mắn hơn mình. Câu hỏi Giavê Thiên Chúa hỏi Cain thuả xưa, “Em con đâu rồi” (Genesis 4:9), Ngài sẽ hỏi lại tôi một lần nữa, khi tôi đứng trước mặt Tòa Án Tối Cao trên Nước Trời. Tùy theo câu trả lời, tôi sẽ được đứng bên tay phải hay tay trái của Thiên Chúa. Nếu giàu từ tâm, tôi đứng bên phía của ông Lazarô. Nếu thiếu từ tâm, tôi xếp hàng với ông nhà giàu vô danh.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con giàu lòng từ tâm, nhạy bén tới nỗi đau của tha nhân, và của muôn loại thụ tạo được Chúa tạo dựng.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 26/02/2023

2. Kính yêu Đức Mẹ thì nhất định có thể đạt tới sự bền chí.

(Thánh Bernard of Montjour)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 26/02/2023
72. KHÓC KHI CÂU ĐƯỢC CÁ LỚN

Ngụy vương cùng ngồi trên thuyền câu cá với Long Dương Quân, một nam nhân mặt mày đẹp đẽ mà ông ta rất sủng ái. Long Dương Quân câu được mười con cá thì khóc rống lên, Nguỵ vương hỏi tại sao khóc? Long Dương quân trả lời:

- “Tôi khóc vì câu được cá. Lúc bắt đầu câu tôi rất thích thú, nhưng về sau cá câu được càng lúc càng lớn, để đến nỗi tôi phải bỏ những con cá câu được trước tiên. Nếu như hôm nay tôi xấu xí thế này, mà lại có thể kề cận đại vương, được rất nhiều sủng ái, tước vị của tôi xấp xỉ ngang nhà vua, mọi người nhìn thấy đều phải ùn ùn tránh né. Nhưng, người có bộ mặt xinh đẹp trong thiên hạ thì rất nhiều, nghe nói tôi được sự nuông chiều của đại vương, thì sẽ đến xu nịnh, gần gũi đại vương, thì lúc đó tôi sẽ như những con cá câu đầu tiên, cũng sẽ bị bỏ đi. Nghĩ đến đây tôi rất đau lòng nên rơi nước mắt.”

Ngụy vương nói:

- “Nhà ngươi có cách suy nghĩ như thế, tại sao không nói sớm cho ta biết chứ?”

Thế rồi, bèn ra lệnh cho người dân trong toàn quốc:

- “Từ nay về sau, nếu có ai dám ca tụng và tiến cử nam nhân có mặt mày xinh đẹp, thì sẽ bị phạt tru di cả họ.”

( Chính Quốc sách )

Suy tư 72:

Chỉ một hành động hợp lý, một lời giải thích chính đáng mà Long Dương Quân đã đạt được mục đích là được nhà vua mãi mãi sủng ái; cũng vậy, chỉ một giọt nước mắt cá sấu của Long Dương Quân mà Nguỵ Vương đã nói ra một lệnh cực kỳ hết sức kỳ quặc.

Một tình yêu chung thuỷ sắt son, không những phải trung thực mà còn phải vị tha với nhau: không những yêu thích những ưu điểm của nhau, mà cần phải chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Bởi vì trong sách ông Gióp đã nói: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” ( G2, 10). Bởi tình yêu như một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, nó không phải là một món qùa được tặng trong ngày sinh nhật, cũng không phải một món quà được biếu trong ngày thành hôn, bởi vì những món qua đó sẽ hư đi, và sẽ bị quăng vào sọt rác! Nhưng có một tình yêu đích thực thì giống như viên ngọc quý, càng mài càng dũa thì càng chói lọi ánh sáng, cũng có nghĩa là, càng chấp nhận những khuyết điểm của nhau, thì càng thấy tình yêu muôn màu muôn vẻ, rực lên trong cuộc sống lứa đôi.

Tình yêu đối với Thiên Chúa cũng thế, khi Ngài ban tặng cho tôi điều lành, điều tốt, thì tôi cười ha ha đón nhận với tất cả niềm hân hoan. Vậy thì tại sao tôi không hát lên bài alleluia- tạ ơn chúa, khi Ngài đem tặng cho tôi những cay đắng khiến cho tôi phải buồn phiền?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay
J.B. Đặng Minh An dịch
18:27 26/02/2023


Chúa Nhật 26 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay.

Tin mừng Chúa Giêsu Ki tô theo thánh Mátthêu.

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng của Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong hoang địa, bị ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Từ “Ma Quỷ”, “Diavolo” có xuất xứ từ “divisore”, nghĩa là kẻ gây chia rẽ. Ma quỷ luôn muốn gây chia rẽ, và đó là mục đích mà nó thực hiện khi cám dỗ Chúa Giêsu. Vậy chúng ta hãy xem ma quỷ muốn chia rẽ Ngài với ai và nó cám dỗ Ngài như thế nào.

Ma quỷ muốn chia rẽ Chúa Giêsu với ai? Sau khi lãnh nhận Phép Rửa từ ông Gioan ở sông Giođan, Chúa Giêsu được Chúa Cha gọi là “Con yêu dấu của Ta” (Mt 3:17), và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (x. câu 16). Như vậy, Tin Mừng trình bày cho chúng ta Ba Ngôi Thiên Chúa được kết hợp trong tình yêu. Rồi chính Chúa Giêsu sẽ nói rằng Người đến thế gian để làm cho chúng ta cũng được thông phần vào sự hiệp nhất giữa Người và Chúa Cha (x. Ga 17,11). Vì thế, ma quỷ làm điều ngược lại: nó bước vào hiện trường để chia rẽ Chúa Giêsu với Chúa Cha và đánh lạc hướng Người khỏi sứ mệnh hiệp nhất của Người đối với chúng ta. Ma quỷ luôn chia rẽ.

Bây giờ chúng ta hãy xem nó cố gắng làm điều đó như thế nào. Ma quỷ muốn lợi dụng thân phận con người yếu đuối của Chúa Giêsu, vì Ngài đã nhịn đói bốn mươi ngày (x. Mt 4,2). Kẻ ác sau đó cố gắng tiêm vào người Ngài ba loại “thuốc độc” mạnh mẽ, để làm tê liệt sứ mệnh hiệp nhất của Ngài. Những chất độc này là sự dính bén, ngờ vực và quyền lực. Đầu tiên và trên hết, chất độc của sự dính bén với của cải vật chất, với nhu cầu; bằng những lý lẽ đầy sức thuyết phục, ma quỷ cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu: “Ông đói, sao ông phải ăn chay? Hãy lắng nghe nhu cầu của bạn và thỏa mãn nó, bạn có quyền và sức mạnh: hãy biến đá thành bánh”. Sau đó là chất độc thứ hai, sự nghi ngờ: “Bạn có chắc là Chúa Cha muốn điều tốt cho bạn không? Hãy kiểm tra Ngài, hãy đe dọa Ngài! Hãy ném mình xuống từ đỉnh cao nhất của ngôi đền và bắt Ngài làm những gì bạn muốn”. Cuối cùng, là quyền lực: “Bạn không cần đến Cha mình làm gì! Tại sao phải chờ đợi những ân sủng? Hãy theo tiêu chí của thế gian, giành lấy mọi thứ cho mình, và bạn sẽ có quyền lực!”. Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng luôn sống giữa những cám dỗ này. Thật khủng khiếp, nhưng nó cũng là như vậy đối với chúng ta: ham muốn vật chất, ngờ vực và khao khát quyền lực là ba cám dỗ phổ biến và nguy hiểm, mà ma quỷ dùng để chia rẽ chúng ta khỏi Chúa Cha và khiến chúng ta không còn cảm thấy như anh chị em với nhau nữa, và dẫn chúng ta đến sự cô độc và tuyệt vọng. Hắn muốn làm điều này với Chúa Giêsu, hắn muốn làm điều đó với chúng ta: dẫn chúng ta đến tuyệt vọng.

Nhưng Chúa Giêsu chiến thắng những cám dỗ. Và làm thế nào để Ngài đánh bại những cám dỗ ấy? Thưa: Bằng cách tránh thảo luận với ma quỷ và trả lời bằng Lời Chúa. Điều này rất quan trọng: anh chị em không thể tranh luận với ma quỷ, anh chị em không thể trò chuyện với ma quỷ! Chúa Giêsu đối diện với Ngài bằng Lời Chúa. Ngài trích dẫn ba câu trong Kinh Thánh nói về sự tự do khỏi của cải (x. Đnl 8:3), tin tưởng (x. Đnl 6:16), và phụng sự Thiên Chúa (x. Đnl 6:13), ba câu trái ngược với chước cám dỗ. Ngài không bao giờ đối thoại với ma quỷ, Ngài không thương lượng với nó, nhưng Ngài đẩy lùi những lời bóng gió của nó bằng những Lời có ích của Kinh thánh. Đó cũng là một lời mời gọi đối với chúng ta; người ta không thể đánh bại ma quỷ bằng cách thương lượng với nó, ma quỷ mạnh hơn chúng ta. Chúng ta đánh bại ma quỷ bằng cách chống lại hắn trong đức tin với Lời Chúa. Bằng cách này, Chúa Giêsu dạy chúng ta bảo vệ sự hiệp nhất với Thiên Chúa và giữa chúng ta khỏi sự tấn công của những kẻ chia rẽ. Lời Chúa là câu trả lời của Chúa Giêsu trước sự cám dỗ của ma quỷ.

Và chúng ta tự hỏi: Lời Chúa có vị trí nào trong cuộc đời tôi? Tôi có hướng về Lời Chúa trong những cuộc đấu tranh tâm linh của mình không? Nếu tôi có một tật xấu hoặc một cám dỗ thường xuyên, tại sao tôi không nhận được sự giúp đỡ bằng cách tìm kiếm một câu trong Lời Chúa để đáp lại tật xấu đó? Sau đó, khi sự cám dỗ đến, tôi đọc Lời Chúa, tôi cầu nguyện với Lời Chúa, tin tưởng vào ân sủng của Chúa Kitô. Chúng ta hãy cố gắng, Lời Chúa sẽ giúp chúng ta trong cơn cám dỗ, Lời Chúa sẽ giúp chúng ta rất nhiều, để giữa những tiếng nói đang khuấy động trong chúng ta, tiếng nói có ích của Lời Chúa sẽ vang lên. Xin Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận Lời Chúa và với sự khiêm tốn của Mẹ đã chiến thắng tính kiêu căng của kẻ chia rẽ, đồng hành với chúng ta trong cuộc đấu tranh thiêng liêng trong suốt Mùa Chay.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Những tin tức đau buồn tiếp tục đến từ Thánh Địa: nhiều người thiệt mạng, thậm chí cả trẻ em… Làm sao có thể ngăn chặn vòng xoáy bạo lực này? Tôi lặp lại lời kêu gọi của mình để làm cho đối thoại chiến thắng hận thù và báo thù, và tôi cầu Chúa cho người Palestine và người Israel, để họ có thể tìm thấy con đường dẫn đến tình huynh đệ và hòa bình, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Tôi cũng rất lo ngại về tình hình ở Burkina Faso, nơi các cuộc tấn công khủng bố vẫn tiếp diễn. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho người dân của đất nước thân yêu đó, để bạo lực mà họ phải gánh chịu không làm họ mất niềm tin vào con đường dân chủ, công lý và hòa bình.

Sáng nay, tôi đau buồn biết tin về vụ đắm tàu ngoài khơi bờ biển Calabria, gần Crotone. Bốn mươi người chết đã được tìm thấy, trong đó có nhiều trẻ em. Tôi cầu nguyện cho từng người trong số họ, cho những người mất tích và cho những người di cư còn sống sót khác. Tôi cảm ơn những người đã cứu trợ và những người đang cung cấp nơi trú ẩn. Xin Đức Mẹ nâng đỡ những anh chị em này của chúng ta. Và chúng ta đừng quên thảm kịch chiến tranh ở Ukraine; chiến tranh đã tiếp tục hơn một năm qua. Và chúng ta đừng quên những đau khổ của người dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ do trận động đất.

Tôi gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi chào những người hành hương đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mễ Tây Cơ và Croatia. Tôi chào các tín hữu của Palermo, Montelepre, Termini Imerese và Riese Pio X; các sinh viên của Chủng viện liên vùng Campania ở Napoli; thanh thiếu niên từ các giáo xứ khác nhau của giáo phận Milan; các ứng viên trẻ cho Bí Tích Thêm Sức từ Cavaion và Sega, Verona; nhóm từ Limbadi và các trẻ em sắp được Rước Lễ Lần Đầu, từ Sant'Aurea ở Ostia Antica.

Tôi hoan nghênh Hiệp hội những người hiến tạng Ý đang tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập: Tôi cảm ơn các bạn vì cam kết đoàn kết xã hội và tôi kêu gọi các bạn tiếp tục thúc đẩy sự sống thông qua việc hiến tạng. Xin gửi lời chào đặc biệt đến những người đã đến nhân Ngày Thế giới về Bệnh hiếm gặp, sẽ diễn ra vào ngày mốt; Tôi nhắc lại lời khích lệ của tôi đối với các Hiệp hội bệnh nhân và thân nhân của họ; ước gì sự gần gũi của chúng ta không bao giờ thiếu, nhất là với trẻ em, để chúng cảm nhận được tình yêu và sự dịu dàng của Chúa.

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
VietCatholic TV
Tổng kho Nga Mariupol nổ suốt đêm. Zelenskiy nói Putin sẽ sớm có kết thúc bi thảm. Mỹ bác đề nghị TQ
VietCatholic Media
03:12 26/02/2023


1. Doanh trại Nga gần Mariupol bị tấn công, nổ lớn suốt đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 26 tháng Hai, ông Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol nói qua cầu truyền hình rằng một kho đạn dược của Nga đã bị phá hủy ở Mariupol đã phát nổ từ đêm thứ Bảy.

Andriushchenko, cho biết một số xe thiết giáp của Nga đã bị phá hủy và 50 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong cuộc tấn công.

Các tài khoản mạng xã hội cho rằng người ta còn nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn hơn nữa ở thành phố do Nga xâm lược. Có rất nhiều lực lượng và thiết bị của Nga tập trung trong thành phố.

Những tiếng nổ được ghi nhận đã vang lên tại địa điểm tập trung đông quân nhân Nga ở quận Mariupol tạm thời bị xâm lược. Ông Petro Andriushchenko cho biết:

“Những âm thanh của vụ nổ dọc theo làng Yalta và làng Yuryivka, nơi tập trung đông quân xâm lược, ở quận Mariupol đã được báo cáo. Chúng tôi đã xác minh các báo cáo. Cảnh báo không kích đã vang lên trong nhiều giờ ở thành phố Mariupol, miền đất của Ukraine, nhưng quân xâm lược Nga bị tấn công. Đó là một xu hướng tốt”

Kyiv Post đưa tin rằng các lực lượng vũ trang Ukraine trong những ngày gần đây đã tuyên bố tấn công Mariupol. Thành phố này trước đó được cho là nằm ngoài tầm bắn hiệu quả của hỏa tiễn Ukraine.

Nataliya Humeniuk, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết:

Ở giai đoạn này, chúng tôi chỉ có thể nói rằng không thể tiếp cận là một khái niệm rất tương đối. Những gì được coi là xa xôi đến mức không thể với tới được, không phải lúc nào cũng như vậy. Hướng Mariupol không còn hoàn toàn là không thể tiếp cận được đối với chúng ta.

2. Zelenskiy dự đoán rằng Vladimir Putin sẽ bị hạ sát bởi vòng tròn bên trong của chính mình

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chính thức bác bỏ tuyên bố 12 điểm của Tập Cận Bình, đồng thời cảnh báo Tập về việc cung cấp vũ khí cho cỗ máy chiến tranh của Điện Cẩm Linh. Người đứng đầu Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cũng đưa ra phản ứng lạnh lùng đối với tuyên bố của Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng nếu Nga đã khen ngợi tuyên bố của Tập Cận Bình thì khỏi cần bàn đến giá trị của tuyên bố ấy. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Zelenskiy tin rằng chiến tranh vẫn có thể được kết thúc nhanh chóng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Vladimir Putin Will Be Killed by His Own Inner Circle, Zelensky Predicts”, nghĩa là “ Zelenskiy dự đoán rằng Vladimir Putin sẽ bị hạ sát bởi vòng tròn bên trong của chính mình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng sẽ bị giết bởi chính các đồng minh thân cận của ông ta.

Nhận xét của Zelenskiy bắt nguồn từ bộ phim tài liệu có tựa đề “Year”, nghĩa là “Năm”, do nhà báo Dmytro Komarov sản xuất và phát hành vào hôm thứ Sáu trùng với kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine. Tổng thống Ukraine dự đoán rằng thời kỳ “suy nhược” trong sự lãnh đạo của Putin cuối cùng sẽ đến, khiến các đồng minh hành động chống lại ông.

“Chắc chắn sẽ có lúc người ta cảm nhận được sự mong manh của chế độ Putin ở Nga,” Zelenskiy nói. “Rồi loài ăn thịt sẽ ăn thịt loài ăn thịt. Nó rất quan trọng, và họ sẽ cần một lý do để biện minh cho điều này. Họ sẽ nhớ lại những lời của Komarov, của Zelenskiyy...Họ sẽ nhớ. Họ sẽ tìm ra lý do để hạ thủ, điều đó sẽ xảy ra không? Chắc chắn. Khi nào? Tôi không biết.”

Những báo cáo về sự thất vọng được cho là của những người thân cận của Putin đã xuất hiện thường xuyên trong những tháng gần đây, khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục kéo dài với việc quân đội Nga chịu những tổn thất thảm khốc trong lịch sử và chiến thắng chung cuộc cho cả hai bên vẫn chưa thấy đâu. Vào tháng 12, Tờ Washington Post đưa tin rằng các đồng minh thân cận nhất của tổng thống Nga ngày càng thất vọng với ông ta, cho rằng họ không biết ông đang làm gì và không có kế hoạch vững chắc nào cho tương lai ở Ukraine.

Những thất vọng đặc biệt được đề cập trong báo cáo tập trung vào quyết định của Putin trong việc hủy bỏ bài diễn văn Thông điệp Quốc Gia vào đêm giao thừa hàng năm của ông ta, với báo cáo tìm thấy suy đoán rằng truyền thống đã bị hủy bỏ do thực tế là ông sẽ không có tin tức tích cực nào để đưa ra về Ukraine và không có kế hoạch để chia sẻ. Bài phát biểu thường dài và kỹ lưỡng, đi kèm với bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga, sau đó là cuộc gặp gỡ báo chí kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Suy đoán từ các chuyên gia tình báo thường nhấn mạnh khả năng Putin sẽ bị lật đổ bởi những người thân cận nhất của ông. Nói chuyện với Daily Beast vào mùa hè, cựu quan chức CIA Daniel Hoffman nói rằng việc Putin bị các đồng minh lật đổ sẽ phải là một động thái đột ngột và bí mật.

Hoffman giải thích: “Những kẻ sẽ làm điều đó sẽ giữ bí mật về nó, để Putin không tìm thấy họ và giết họ trước. Nó sẽ phải xảy ra đột ngột. Và ông ta phải chết.”

Điện Cẩm Linh chưa bao giờ đề cập đến những tin đồn dai dẳng về sự bất mãn giữa các đồng minh thân cận của Putin, trái lại họ vẫn duy trì quan điểm tích cực về cuộc xâm lược Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để bình luận.

3. Đối phương tấn công Avdiivka bằng pháo, xe tăng, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, tiến hành không kích

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 26 tháng Hai, Đại Tá Georgi Gleba cho biết hôm thứ Bẩy 25 tháng Hai, thị trấn Avdiivka thuộc vùng Donetsk đã phải hứng chịu hỏa lực dày đặc của quân Nga. Ít nhất một người bị thương.

“Avdiivka đã và đang bị địch bắn dữ dội. Ngày hôm qua, người Nga đã hai lần nã pháo vào thị trấn, một lần bằng xe tăng, và không kích; và đối phương cũng tấn công thị trấn bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Đạn và hỏa tiễn dội xuống các khu dân cư và một khu công nghiệp, khiến ít nhất một người bị thương”

Ông lưu ý rằng người Nga đã phá hủy trường học thứ 2 trong vùng trong một cuộc không kích. Ông ngậm ngùi nói: “Đây là một trường trung tâm mà chúng ta chỉ mới khánh thành vào năm 2021 sau khi xây dựng lại hoàn toàn. Chính phủ Lithuania đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc cải tạo, phân bổ hơn 700.000 euro cho các thiết bị mới nhất. Ngôi trường từng là một trong những trường tốt nhất trong vùng, và giờ nó đã bị hủy hoại hoàn toàn”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong 24 giờ trước đó, quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi khoảng 70 cuộc tấn công của quân xâm lược Nga trên các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk; quân Putin đã mất 12 xe tăng, 9 xe thiết giáp và 10 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 25 Tháng Hai, 147.470 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 3.375 xe tăng, 6.609 xe thiết giáp, 2.373 hệ thống pháo, 475 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống tác chiến phòng không, 299 máy bay, 288 trực thăng,, 2.035 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.235 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Syrskyi thăm các đơn vị quân Ukraine đang bảo vệ thành phố Bakhmut

Chỉ huy Cụm lực lượng phía Đông, Đại tướng Oleksandr Syrskyi đã đến thăm các đơn vị quân đội của Lực lượng Phòng vệ bảo vệ Bakhmut và các con đường dẫn đến thành phố.

Đại Tá Georgi Gleba cho biết: “Chỉ huy Cụm lực lượng phía Đông đã kiểm tra tình hình ở các đơn vị trực thuộc, nghe chỉ huy các đơn vị báo cáo những vấn đề còn vướng mắc, hỗ trợ giải quyết và động viên quân nhân đẩy lùi các đợt tiến công của địch”

Syrskyi cảm ơn tất cả những người bảo vệ, ghi nhận sự kiên cường và khí phách anh hùng phi thường của họ, đồng thời tặng những người giỏi nhất những món quà có giá trị.

Bộ Tư lệnh Lực lượng Lục Quân nhấn mạnh rằng đối phương không ngừng cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ và đánh chiếm Bakhmut: Các trận chiến đang diễn ra xung quanh thành phố và trên các con đường dẫn vào thành phố.”

Như đã đưa tin, Tư lệnh Lực lượng Liên hợp các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Trung tướng Serhiy Nayev tuyên bố rằng các trận chiến khó khăn và mệt mỏi ở Avdiivka và Bakhmut đang đưa Ngày Chiến thắng được chờ đợi từ lâu đến gần hơn.

5. Thụy Điển gửi 10 xe tăng Leopard tới Ukraine

Thụy Điển đang tham gia “liên minh xe tăng” quốc tế, thông báo ý định gửi 10 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine.

Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết: “Thụy Điển đang gia nhập 'gia đình Leopard' để hỗ trợ Ukraine, thông qua xe tăng Leopard 2 của Thụy Điển. Gói quân sự ngày nay cũng bao gồm các thành phần phòng không khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến”.

Chính phủ Thụy Điển cho biết nước này sẽ cung cấp tới 10 xe tăng Leopard 2 và hệ thống phòng không HAWK như một phần của gói hỗ trợ quốc phòng thứ 11, Reuters viết.

“Xe tăng Thụy Điển củng cố đóng góp của Leopard 2 mà các nước Âu Châu khác đã làm. Việc phối hợp hỗ trợ đang diễn ra với các đối tác quốc tế tài trợ Leopard 2 hoặc các loại xe tăng khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson phát biểu tại một cuộc họp báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đang ở giai đoạn căng thẳng và Thụy Điển sẽ “làm tất cả những gì có thể để gửi khoản viện trợ quân sự này càng sớm càng tốt”.

Trước đó, Ba Lan đã giao 4 xe tăng Leopard 2 A4 cho Ukraine, trong khi Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv vào hôm thứ Sáu rằng phần còn lại của lô 14 chiếc MBT đã hứa sẽ đến trong thời gian ngắn..

6. Nga ca ngợi kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây vì thiếu đàm phán

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu đánh giá cao đề xuất hòa bình của Trung Quốc liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, nói rằng Mạc Tư Khoa sẵn sàng đạt được các mục tiêu của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Trong tuyên bố mới được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối của nước này đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi chia sẻ quan điểm của Bắc Kinh,” Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova gọi “sự từ chối bằng văn bản” của Kyiv đối với các cuộc đàm phán là “trở ngại chính” đối với một giải pháp hòa bình.

Đề xuất 12 điểm của Trung Quốc đã vấp phải sự hoài nghi của các đồng minh của Ukraine vì nước này từ chối thừa nhận bản chất của cuộc xung đột – cho đến nay nước này vẫn tránh gọi đó là một cuộc “xâm lược”. Trung Quốc cũng né tránh đề cập đến sự hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao của nước này đối với Mạc Tư Khoa.

Nga ca ngợi “mong muốn chân thành” của Trung Quốc trong việc đóng góp vào việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Bà Zakharova nói rằng Mạc Tư Khoa chia sẻ mối quan ngại với các đồng nghiệp Trung Quốc về “cạnh tranh không lành mạnh và chiến tranh kinh tế” được tung ra để chống lại Nga.

Tuyên bố của Nga cho biết triển vọng hòa bình một phần sẽ dựa trên việc ngừng cung cấp vũ khí của phương Tây vào Ukraine và “dựa trên việc công nhận các thực tế lãnh thổ mới”, trong một ám chỉ rõ ràng về việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine bất chấp luật pháp quốc tế. pháp luật.

Đề xuất của Trung Quốc nói gì: Trong kế hoạch mới được công bố, Trung Quốc nhắc lại lời kêu gọi giải quyết chính trị cho cuộc xung đột Ukraine, trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Hoa Kỳ và các đồng minh về mối quan hệ đối tác ngày càng tăng với Mạc Tư Khoa.

“Xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho ai. Tất cả các bên phải duy trì lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát,” tuyên bố của Trung Quốc viết.

“Đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine,” đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ đóng một “vai trò mang tính xây dựng”.

“An ninh của một khu vực không nên đạt được bằng cách củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia phải được thực hiện nghiêm túc và giải quyết đúng đắn”

7. Biden bác đề xuất của Trung Quốc về đàm phán hòa bình Nga-Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bác bỏ lời kêu gọi đàm phán hòa bình của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine, cho rằng việc thực hiện điều này sẽ chỉ có lợi cho Nga.

“Nếu Putin đang hoan nghênh nó, thì làm sao nó có thể tốt được?” Biden nói với các phóng viên báo chí vào hôm thứ Sáu. Ông nhấn mạnh rằng: “Tôi không đùa đâu. Tôi đang rất nghiêm túc đấy.”

“Tôi không thấy điều gì trong kế hoạch cho thấy rằng có điều gì đó có lợi cho bất kỳ ai khác ngoài Nga nếu kế hoạch của Trung Quốc được tuân theo,” Biden nói.

Ngoài những lời chỉ trích về đề xuất 12 điểm của Trung Quốc, Biden thẳng thừng bác bỏ ý tưởng Trung Quốc đứng ra làm trung gian đàm phán cho kết quả cuối cùng trong cuộc xâm lược hiện nay.

Biden nói: “Ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ đứng ra đàm phán về kết quả của một cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa đối với Ukraine là vô nghĩa.”

Biden cũng cân nhắc về khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, điều mà các quan chức Mỹ đã cảnh báo trong những ngày gần đây.

Biden từ chối nêu hậu quả của việc Trung Quốc trang bị vũ khí cho Nga, nhưng gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với “các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc” giống như bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào khác đã cung cấp vũ khí cho Nga.

Một số thông tin cơ bản: Hoa Kỳ có thông tin tình báo rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét cung cấp cho Nga máy bay không người lái và đạn dược để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, ba nguồn tin quen thuộc với tình báo nói với CNN.

Các nguồn tin cho biết, có vẻ như Bắc Kinh chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về giá cả và phạm vi của thiết bị đang diễn ra.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng nước này thực hiện “đường lối có trách nhiệm” đối với xuất khẩu quân sự và không cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi một hãng truyền thông Đức tuyên bố Bắc Kinh đang đàm phán với Mạc Tư Khoa để cung cấp máy bay không người lái.

8. Liên minh Âu Châu thông qua vòng trừng phạt thứ 10 đối với Nga

Liên minh Âu Châu đã thông qua vòng trừng phạt thứ 10 đối với Nga, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Âu Châu Thụy Điển cho biết hôm thứ Sáu.

“Đã một năm kể từ cuộc xâm lược tàn bạo và bất hợp pháp của Nga vào Ukraine, hôm nay, Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 của Nga,” tổng thống viết trên Twitter.

Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu của Thụy Điển cho biết thêm gói trừng phạt mới đã áp đặt “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sâu rộng nhất từ trước đến nay nhằm giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến”.

Gói bao gồm:

Các biện pháp hạn chế có mục tiêu chống lại các cá nhân và tổ chức hỗ trợ chiến tranh, truyền bá tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng trong chiến tranh

Các biện pháp chống lại thông tin sai lệch của Nga

Các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn liên quan đến công nghệ và sử dụng kép

“Liên Hiệp Âu Châu luôn đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine. Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, chừng nào còn cần thiết”

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã tweet rằng ông hoan nghênh thỏa thuận của Liên Hiệp Âu Châu về vòng trừng phạt thứ 10.

Ông viết: “Để duy trì sự đoàn kết ủng hộ Ukraine là ưu tiên số một của Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu Thụy Điển.

9. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu dự đoán nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng trong năm thứ hai của cuộc xâm lược

Khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai, Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell cho biết nền kinh tế Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do Âu Châu cắt giảm phần lớn khí đốt của Nga và tiếp tục các biện pháp trừng phạt.

“Năm ngoái, Nga có thể thất thu rất nhiều vì giá năng lượng cao và chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga,” Borrell nói hôm thứ Sáu. “Nhưng chuyện đó đã qua rồi, Âu Châu không còn tiêu thụ khí đốt của Nga nữa. Chúng ta đã phụ thuộc 40%, bây giờ chúng ta chỉ còn phụ thuộc 6%. Không có dầu của Nga.”

“Từ quan điểm kinh tế, Nga sẽ phải trả giá đắt cho cuộc chiến này. Các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, nhưng chúng có tác dụng chậm”.

Khi chiến tranh ở Nga nổ ra, các nước phương Tây đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm trừng phạt Mạc Tư Khoa và gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin. Kết quả là nền kinh tế Nga đã suy yếu, nhưng cũng cho thấy khả năng phục hồi. Khi nhu cầu về dầu của Nga giảm ở Âu Châu, Mạc Tư Khoa đã chuyển hướng các thùng dầu của mình sang Á Châu.

Liên minh Âu Châu - đã chi hơn 100 tỷ đô la cho nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2021 - đã đạt được những bước tiến lớn trong việc loại bỏ dần việc mua nhiên liệu.

Khối này, đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào năm ngoái, và đã chính thức cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển vào tháng 12. Liên Hiệp Âu Châu đã ban hành các biện pháp tương tự đối với các sản phẩm dầu tinh chế trong tháng này.

10. Tình báo Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc đang nghiêng về việc gửi máy bay không người lái và đạn dược tới Nga

Tình báo Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét cung cấp cho Nga máy bay không người lái và đạn dược để sử dụng ở Ukraine, ba nguồn thạo tin nói với CNN.

Các nguồn tin cho biết, có vẻ như Bắc Kinh chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về giá cả và phạm vi của thiết bị đang diễn ra.

Các nguồn tin cho biết, kể từ khi xâm lược Ukraine, Nga đã nhiều lần yêu cầu máy bay không người lái và đạn dược từ Trung Quốc, và giới lãnh đạo Trung Quốc đã tích cực tranh luận trong vài tháng qua về việc có gửi viện trợ sát thương hay không.

Các quan chức Hoa Kỳ đã thu thập thông tin trong những tuần gần đây cho thấy Trung Quốc đang nghiêng về việc cung cấp thiết bị.

Các quan chức Mỹ cho biết tuần trước, Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu công khai cảnh báo về khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga trong nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh ủng hộ Nga và cung cấp trở thành một kẻ bị gạt ra ngoài lề của thế giới.

Các nguồn tin cho biết, việc cung cấp máy bay không người lái và đạn dược - có thể sẽ dành cho các loại vũ khí nhỏ như vũ khí cầm tay chứ không phải là trọng pháo - sẽ đánh dấu sự leo thang đáng kể về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga, vốn cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn ở các công ty Trung Quốc cung cấp vũ khí không người lái, và các thiết bị phi sát thương như mũ bảo hiểm, áo chống đạn và hình ảnh vệ tinh.

Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận, và CNN đã yêu cầu các đại sứ quán Trung Quốc và Nga ở Washington đưa ra bình luận.

Ấn phẩm Der Spiegel của Đức lần đầu tiên đưa tin rằng Trung Quốc có thể cung cấp máy bay không người lái tấn công cho Nga.

Những gì Trung Quốc đã nói công khai: Khi được hỏi hôm thứ Sáu về khả năng bán thiết bị sát thương cho Nga, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết, “Trung Quốc luôn thực hiện đường lối thận trọng và có trách nhiệm đối với xuất khẩu quân sự và không cung cấp bất kỳ giao dịch bán vũ khí nào cho các khu vực xung đột.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, hồi đầu tuần này đã đáp lại những cáo buộc của Hoa Kỳ, nói rằng lập trường của Trung Quốc đối với Ukraine “đơn giản là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.”

Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố lập trường hôm thứ Sáu kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc chiến Ukraine, điều mà các quan chức Mỹ vẫn rất hoài nghi.

Ông Vương Nghị đã đến thăm Nga trong tuần này và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa trong những tháng tới.

Mạc Tư Khoa đã mua rất nhiều máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí từ Iran trong những tháng gần đây nhưng đang đốt cháy chúng một cách nhanh chóng bằng các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng và khu vực dân sự của Ukraine.

Và các máy bay chiến đấu của Nga đang cạn kiệt đạn dược đến mức Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, đã công bố những bức ảnh trong tuần này về hàng chục chiến binh Wagner đã chết và công khai đổ lỗi cái chết của họ là do Bộ Quốc phòng Nga không thể cung cấp đủ đạn dược cho họ.
 
Vụ sát hại vị GM biết bao người yêu mến: Công tố viên cho biết nghi phạm đã nhận tội sát hại ngài
VietCatholic Media
05:21 26/02/2023

1. Công tố viên nói: Nghi phạm thừa nhận đã hạ sát Đức Cha Phụ Tá Los Angeles

Theo các công tố viên, nghi phạm bị bắt liên quan đến cái chết của Giám mục Los Angeles David G. O'Connell hôm thứ Bảy đã thừa nhận giết vị linh mục được nhiều người yêu mến.

Carlos Medina, 61 tuổi, chồng của quản gia của Đức Cha O'Connell, đã bị buộc tội giết người.

Biện lý quận Los Angeles George Gascón cho biết trong một cuộc họp báo rằng Medina đã thừa nhận vụ giết người với các nhà điều tra, tờ Los Angeles Times đưa tin.

Ông Gascón cho biết Medina, một người thợ thủ công đã từng làm việc tại Tòa Giám Mục, cũng phải đối mặt với cáo buộc đặc biệt về việc sử dụng súng trong khi gây án. Nếu bị kết án về cả hai tội danh, anh ta có thể phải đối mặt với án tù từ 35 năm đến chung thân.

“Tôi biết đây là một cú sốc đối với cộng đồng của chúng ta,” Gascón nói. “Đây là một hành động bạo lực tàn bạo đối với một người đã cống hiến cả cuộc đời mình để làm cho các khu phố của chúng ta an toàn hơn, khỏe mạnh hơn và luôn phục vụ bằng tình yêu thương.”

Đức Cha O'Connell được tìm thấy đã chết trong ngôi nhà ở Hacienda Heights hôm thứ Bảy với nhiều vết thương do đạn bắn. Los Angeles Times trích dẫn các nguồn thực thi pháp luật giấu tên nói rằng khẩu súng liên quan là vũ khí cỡ nòng nhỏ và rằng “vết thương của Đức Cha O'Connell không thể nhìn thấy rõ ràng đối với vị phó tế, người đầu tiên phát hiện ra thi thể của vị giám mục.” Một phó tế đã đến gặp vị giám mục khi vị giám mục không có mặt trong cuộc hẹn vào ngày hôm đó.

“Theo các nguồn tin, vị giám mục đã bị bắn năm lần,” tờ Times cho biết.

Tờ báo cho biết Medina đã xuất hiện một thời gian ngắn trước tòa vào chiều thứ Tư, nơi Thẩm phán Armenui Amy Ashvanian ấn định số tiền bảo lãnh tại ngoại là 2,3 triệu USD. Phiên tòa xét xử anh ta được ấn định vào ngày 22 tháng 3.

Các báo cáo ban đầu nói rằng Medina đã lẩm bẩm với một người về việc vị giám mục nợ anh ta tiền, nhưng các nhà điều tra vẫn chưa nói nhiều về động cơ. Một cuộc điều tra đang diễn ra, bao gồm cả việc kiểm tra vũ khí được tìm thấy trong nhà của Medina.

Trung úy Michael Modica của sở cảnh sát Los Angeles cho biết tại cuộc họp báo rằng khi Medina được phỏng vấn, anh ta đã đưa ra một số lý do dẫn đến vụ giết người, nhưng “không lý do nào hợp lý đối với các nhà điều tra.”

Ông nói: “Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ giá trị nào với lời khai nợ tiền”.

Ricardo Garcia, Luật sư Công của Quận Los Angeles nói với tờ Times rằng cho đến nay theo luật pháp Mỹ, Medina vẫn “được cho là vô tội và có quyền được bào chữa.”

“Chúng tôi rất nhạy cảm với tác động của vụ án này đối với cộng đồng của chúng tôi, nhưng đồng thời cũng thận trọng trước bất kỳ phán quyết vội vàng nào, bởi công chúng hoặc giới truyền thông, cho đến khi tất cả các sự kiện được xác lập tại tòa án,” tuyên bố cho biết.

Tờ Times đưa tin các chi tiết khác về nghi phạm, nói rằng anh ta có một lịch sử lâu dài về các vụ bắt giữ và kết án sử dụng ma túy từ năm 2005 đến 2017. Các thám tử đang điều tra xem liệu anh ta có sử dụng ma túy vào thời điểm giết Đức Cha O'Connell hay không.

Tờ Times cho biết Medina không có tiền sử bị bắt giữ bằng bạo lực.

Tờ báo cho biết: “Trong khu phố chưa hợp nhất Torrance, nơi Medina và vợ thuê một ngôi nhà trát vữa màu vàng hai phòng ngủ, những người hàng xóm cho biết cặp đôi này có cuộc sống yên tĩnh, bình thường và thân thiện với những người hàng xóm của họ.

“Ông ấy chưa bao giờ nói điều gì xúc phạm,” Francisco Medina Lopez, 74 tuổi, một người hàng xóm thân thiện với Medina, nói. "Nó thật kì lạ."

Tờ báo viết tiếp rằng những người hàng xóm cho biết Medina, người đi khập khiễng, thường được nhìn thấy đang mày mò sửa chữa xe hơi hoặc làm việc trong sân nhà. Vợ ông là nhân vật quen thuộc trong khu phố, người thường xuyên được quan sát thấy đang dắt một con chó lớn màu trắng mà cư dân cho rằng đó là của vị giám mục.

Hai người hàng xóm thỉnh thoảng uống bia với anh ta hoặc chia sẻ bữa ăn cùng nhau, trò chuyện trong khi nghe nhạc ranchera.

Mặc dù vợ của Medina làm việc cho Đức Giám Mục, Medina Lopez cho biết hai vợ chồng này có vẻ không đặc biệt sùng đạo và không đề cập đến tôn giáo trong các cuộc trò chuyện. Họ cũng không trang trí nhà cửa bằng các đồ vật và hình ảnh Công Giáo.

Nhưng Medina Lopez cho biết anh luôn nghĩ tốt về người hàng xóm của mình, người thỉnh thoảng sẽ chở anh đến buổi gặp gỡ trao đổi hoặc các cửa hàng gần đó.

Luis Lopez, người sống trong một ngôi nhà phía sau nhà của gia đình Medinas cho biết: “Anh ấy là một người đàn ông lớn tuổi bình thường, luôn nói nhiều và có tâm trạng tốt. Anh ấy có vẻ là một người bình thường.”

2. Ngoại trưởng Tòa Thánh giải thích lập trường của Đức Thánh Cha về Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 23 tháng Hai vừa qua, nhân kỷ niệm một năm bắt đầu chiến tranh tại Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Gallagher cho biết Tòa Thánh hy vọng có những cuộc thương thuyết để đạt tới hòa bình. Ngài nói: “Ngoại giao Tòa Thánh trước tiên được những sáng kiến của Đức Thánh Cha hướng dẫn và thúc đẩy, trong các kinh nguyện cũng như các diễn văn của ngài, trong những buổi tiếp kiến chung, cũng như những buổi đọc kinh Truyền tin mỗi trưa Chúa nhật. Ngài luôn kêu gọi hòa bình cho Ukraine và chúng tôi hướng theo ngài, luôn nghĩ đến những tàn ác của chiến tranh và tìm cách hành động: luôn bày tỏ sự sẵn sàng đối với các tác nhân trong cuộc chiến về sự sẵn sàng giúp thương thuyết để chấm dứt chiến tranh kinh khủng ngày. Tôi tin rằng đó là vai trò của chúng tôi. Cả khi điều đó là khó khăn đối với Ukraine và nhiều người khác, nói về đối thoại và hòa bình, hòa giải, nhưng đó là điều mà Giáo hội, Tòa Thánh, và Đức Thánh Cha có thể và phải làm. Điều cơ bản là luôn giữ cho giấc mơ hòa bình được hiện diện. Chúng tôi hiểu rằng trong thời điểm đau khổ này, đối với nhiều người thật khó nghĩ đến hòa bình, nhưng vẫn phải có người nào đó nghĩ đến hòa bình, vì cuối cùng, cuộc chiến này cũng phải kết thúc, và chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm kết thúc”.

Trả lời câu hỏi: đứng trước cuộc xâm lăng của Nga, Đức Tổng Giám Mục có nghĩ: bao nhiêu nhân dân Ukraine có thể chiến đấu cho nền hòa bình mà Đức Giáo Hoàng không ngừng kêu gọi? Đức Tổng Giám Mục Gallagher đáp:

“Tôi không nghi ngờ về việc mọi người Ukraine đều mơ ước hòa bình, đó là điều rất bình thường. Khi những người cha người mẹ nhìn con cái của họ, họ hy vọng chúng có thể tăng trưởng trong hòa bình. Họ phải bảo tồn giấc mơ đó, mặc dù những đau khổ, khó khăn, mặc dù những tương quan rõ ràng nhiên là đau thương với Nga và người Nga hiện nay. Nhưng bạn cũng phải nghĩ đến tương lai với một niềm lạc quan. Có lẽ bạn nghe đến những năm tự do, những năm hòa bình mà Ukraine đã được hưởng sau khi độc lập, và cố gắng bắt đầu nghĩ ngay từ bây giờ tới việc tái thiết đất nước này. Có rất nhiều điều phải được tái thiết và hòa giải tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Ukraine Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halych đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 7 tháng 11 tại Vatican, đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp kể từ khi Nga bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng Hai, mặc dù hai vị đã nói chuyện qua điện thoại nhiều lần. Đức Tổng Giám Mục nói với các phóng viên báo chí rằng lập trường của Tòa Thánh đã thay đổi rất nhiều sau cuộc gặp gỡ nói trên.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trao cho Đức Giáo Hoàng “một mảnh vỡ của một quả mìn Nga đã phá hủy mặt tiền của nhà thờ Công Giáo Ukraine ở thị trấn Irpin, gần Kyiv, vào tháng Ba. Đó là một món quà rất mang tính biểu tượng, không chỉ vì Irpin là một trong những 'thị trấn tử vì đạo' đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine, mà còn vì những mảnh mìn tương tự được lấy ra từ thi thể của binh lính, dân thường và trẻ em Ukraine, là một dấu chỉ hữu hình của sự tàn phá và chết chóc mà chiến tranh mang lại mỗi ngày. “

Trở về Vatican từ Bahrain vào ngày 6 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên đi cùng ngài rằng Vatican “thường xuyên chú ý” đến những gì đang xảy ra ở Ukraine và rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp tục làm những gì có thể và đã làm việc ở hậu trường để giúp sắp xếp trao đổi tù nhân.

Đức Giáo Hoàng cũng nói với các phóng viên rằng ngài nghĩ sự tàn khốc của các cuộc tấn công vào Ukraine và dân thường của quốc gia này là do những người lính đánh thuê, không phải người Nga, những người là “một dân tộc vĩ đại” và có một “chủ nghĩa nhân đạo” mạnh mẽ. Thực ra, những người lính đánh thuê cũng chủ yếu là người Nga và các cuộc pháo kích nhắm vào các cơ sở hạ tầng và dân thường Ukraine là do các tướng lĩnh Nga quyết định. Tất cả những điều này vượt quá xa thẩm quyền của những người lính đánh thuê.

Gặp Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vào ngày hôm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cam kết của Tòa Thánh trong việc chấm dứt chiến sự và tìm cách đạt được “một nền hòa bình công bằng”.

“Cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến thuộc địa, và những đề xuất hòa bình đến từ Nga là những đề xuất nhằm bình định thuộc địa”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đức Giáo Hoàng. Những đề xuất này liên quan đến việc phủ nhận sự tồn tại của người dân Ukraine, lịch sử, văn hóa của họ và thậm chí cả Giáo hội. Đó là sự phủ nhận chính quyền tồn tại của nhà nước Ukraine, được cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Đức Tổng Giám Mục cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì tất cả những lời cầu nguyện và nỗ lực của ngài “để ngăn chặn chiến tranh và đạt đến hòa bình, giải phóng con tin và tù nhân và tổ chức sự đoàn kết toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo thay mặt cho những người dân Ukraine đang đau khổ”
 
Trùm Wagner chọc quê lính Dù Nga nhát gan để mất 93 chiến xa. Putin lạnh lùng đe dọa dùng hạt nhân
VietCatholic Media
16:12 26/02/2023


1. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine bác bỏ tuyên bố của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin

Trong một tuyên bố khoe khoang được đưa ra vào sáng Chúa Nhật 26 tháng Hai, trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã lên tiếng chê bai quân chính quy Nga đang liên tục tháo chạy tại thành phố Vuhledar và phía Nam thành phố Bakhmut. Đồng thời, tuyên bố rằng một ngày trước đó, vào hôm thứ Bẩy 25 tháng Hai, nhóm Wagner của ông ta đã chiếm được làng Yahidne, cách thành phố Bakhmut 4.7km về phía Bắc dọc theo xa lộ T0513.

Đáp lại, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 26 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các cuộc giao tranh chung quanh làng Yahidne vẫn đang diễn ra, quân Ukraine vẫn còn đang làm chủ được ngôi làng. Tuy nhiên, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng nhìn nhận rằng tình hình tương đối khó khăn hơn so với những ngày trước đó. Tình hình xung quanh Bakhmut dường như trở nên nguy hiểm hơn đối với quân phòng thủ Ukraine trong 24 giờ qua.

Các lực lượng Nga đã cố gắng chiếm thành phố Bakhmut hiện đã tan hoang trong bảy tháng giao tranh.

Theo lời kể từ khu vực Bakhmut, trong khi lực lượng Nga sa lầy ở phía nam thành phố, thì ở phía bắc, họ đã tiến được hơn một km vào vùng ngoại ô Yahidne. Các cuộc tấn công lớn cũng được báo cáo về phía tây nam tới Ivanivske theo hướng đường cao tốc T0504 với mục đích cắt đường vào thành phố từ phía tây.

Quân đội Ukraine trong thị trấn báo cáo rằng chiến thuật của Nga dường như là một chiến thuật quen thuộc, là chiến thuật biển người. Quân Nga ném các nhóm quân lớn vào các tuyến phòng thủ của người Ukraine.

Bình luận về chiến thuật hiện tại của Nga vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh cho biết mục đích của Nga là làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Ukraine bằng số lượng lớn các tân binh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là người Nga phải chịu thương vong rất lớn.

Với tình hình ở Bakhmut được mô tả là khó khăn, chỉ huy Lục Quân Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, đã đến khu vực này vào thứ Bảy để tham khảo ý kiến của các chỉ huy.

Khu vực Bakhmut là một trong sáu khu vực mà các lực lượng Nga đã tăng cường nỗ lực trong ba tuần qua như một phần của cuộc tấn công dọc theo mặt trận phía đông trước thềm kỷ niệm một năm cuộc xâm lược. Tuy nhiên, trong cả 6 khu vực, người Nga vẫn chưa đạt được bất kỳ thành tựu đáng kể nào.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng việc chiếm được Bakhmut sẽ được Điện Cẩm Linh khai thác tối đa như một chiến thắng tuyên truyền. Tuy nhiên, khả năng quân Nga chiếm được thành phố này còn rất mong manh và nếu quân Putin có chiếm được đi nữa thì sự thất thủ của thành phố này cũng chẳng mang lại một lợi thế đáng kể nào cho quân Nga.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, tại phía Nam thành phố Bakhmut, và tại thành phố Vuhledar, quân Nga vẫn tiếp tục tháo chạy, bỏ lại các khí tài chiến tranh quan trọng. Trong 24 giờ qua, Nga đã mất 660 quân, 6 xe tăng, 6 xe thiết giáp, và 7 hệ thống pháo. Nhiều phương tiện bị bắn cháy nhưng cũng có nhiều phương tiện khác vẫn còn dùng được.

Theo báo cáo ngày 25/2, quân Putin đã mất 12 xe tăng, 9 xe thiết giáp và 10 hệ thống pháo. Một ngày trước đó, quân Nga cũng mất tinh thần lũ lượt bỏ chạy, mất 13 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 11 hệ thống pháo. Một ngày trước đó nữa, tình hình còn thê thảm hơn khi Putin mất một con số kỷ lục 16 xe tăng và 24 xe thiết giáp, và 7 hệ thống pháo. Tính chung trong 4 ngày qua, Nga đã mất 47 xe tăng, 46 xe thiết giáp và 35 hệ thống pháo.

Cựu chỉ huy Nga, Igor Girkin ngậm ngùi than thở rằng Nga giờ đây là nước cung cấp xe tăng nhiều nhất cho Ukraine.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 26 Tháng Hai, 148.130 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3.381 xe tăng, 6.615 xe thiết giáp, 2.380 hệ thống pháo, 475 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống tác chiến phòng không, 299 máy bay, 288 trực thăng, 2.037 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.242 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt

2. Tổng thống Vladimir Putin đe dọa sử dụng khả năng hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tính đến việc đối phó với khả năng hạt nhân của NATO khi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách đánh bại Nga.

Trong một chương trình được phát sóng vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Hai, Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 rằng: “Trong điều kiện ngày nay, khi tất cả các quốc gia hàng đầu của NATO đều tuyên bố mục tiêu chính của họ là gây thất bại chiến lược cho chúng ta, để người dân của chúng ta phải chịu đau khổ như họ nói, làm sao chúng ta có thể bỏ qua khả năng hạt nhân của họ trong những điều kiện này?”

Putin tuyên bố phương Tây muốn loại bỏ nước Nga. “Họ có một mục tiêu: giải tán Liên Xô cũ và phần cơ bản của nó - Liên bang Nga”, ông Putin nói, theo Tass.

Ông nói, phương Tây là đồng lõa gián tiếp với “tội ác” do Ukraine gây ra.

3. Trung Quốc thông báo chuyến thăm của Lukashenko vài giờ sau khi Zelenskiy triệu tập cuộc họp

Phản ứng trước đề nghị 12 điểm của Tập Cận Bình về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bác bỏ đề nghị này. Ông nói: “Nếu Putin đang hoan nghênh nó, thì làm sao nó có thể tốt được?” Ông nhấn mạnh rằng: “Tôi không đùa đâu. Tôi đang rất nghiêm túc đấy.”

“Tôi không thấy điều gì trong kế hoạch cho thấy rằng có điều gì đó có lợi cho bất kỳ ai khác ngoài Nga nếu kế hoạch của Trung Quốc được tuân theo”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng không hoan nghênh kế hoạch của Bắc Kinh và chỉ ra rằng, Trung Quốc, về bản chất cũng là một quốc gia xâm lược.

Tuy vậy, trong tinh thần thêm bạn bớt thù, Tổng thống Zelenskiy tuyên bố rằng ông sẵn sàng đến Bắc Kinh để thảo luận thêm với Tập Cận Bình về đề nghị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng như thế nào trước thiện chí của Ông Zelenskiy?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Announces Lukashenko Visit, Hours After Zelensky Called for Meeting”, nghĩa là “Trung Quốc loan báo chuyến viếng thăm của Lukashenko, chỉ vài giờ sau khi Zelenskiy kêu gọi gặp gỡ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Vladimir Putin, sẽ đến thăm Trung Quốc trong tuần này khi Bắc Kinh cố gắng thể hiện mình là một nhà môi giới tiềm năng cho hòa bình trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tin tức về chuyến thăm của Lukashenko được đưa ra sau thông báo của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng ông dự định thảo luận về các đề xuất của Bắc Kinh nhằm chấm dứt chiến tranh.

Mặc dù không cam kết đất nước mình đóng vai trò trực tiếp trong cuộc chiến của Putin, Lukashenko đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để hỗ trợ cuộc xâm lược. Kyiv đã cảnh báo rằng sự can dự của Minsk vào cuộc chiến có thể sâu hơn, với quân đội và thiết bị của Nga đóng tại quốc gia giáp ranh giữa hai bên.

Chuyến thăm của Lukashenko từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3, được công bố vào sáng sớm thứ Bảy, sau tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang, 秦刚) rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ chính trị với Minsk.

Tần Cương nói với Ngoại trưởng Belarus Sergei Aleinik rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ Minsk trong việc phản đối các động thái của “các thế lực bên ngoài” nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của họ hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp”.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Lukashenko đã gặp nhau tại thành phố Samarkand của Uzbekistan, nơi họ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao Trung Quốc và Belarus để xin bình luận.

Bắc Kinh đã không đáp lại lời kêu gọi của Zelenskiy về một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đã đệ trình một tài liệu 12 điểm nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin để đưa Mạc Tư Khoa và Kyiv đến bàn đàm phán. Hôm thứ Sáu, Zelenskiy nói rằng kế hoạch này cho thấy “có sự tôn trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta” và cuộc gặp với ông Tập “sẽ có lợi cho các quốc gia của chúng ta và cho an ninh trên thế giới.”

Mặc dù Zelenskiy hoan nghênh đề xuất của Bắc Kinh, nhưng cố vấn của ông, Mykhailo Podolyak, đã mô tả kế hoạch này là “không thực tế”.

“Bạn không đặt cược vào một kẻ xâm lược đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua trong cuộc chiến,” ông viết trên Twitter hôm thứ Bảy.

Zelenskiy đã đề xuất kế hoạch hòa bình của riêng mình, bị Mạc Tư Khoa từ chối, bao gồm việc quân đội Nga rời khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà nước này xâm lược.

Trung Quốc tỏ ra trung lập về vấn đề xâm lược Ukraine của Putin nhưng với tư cách là một đồng minh của Nga mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn, họ được coi là một bên tham gia quan trọng có thể chấm dứt các hành động thù địch.

Tuy nhiên, tuần này Mỹ cho biết Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, mặc dù Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia G20 duy nhất tham gia cùng Nga trong việc ngăn chặn một thông cáo lên án cuộc xâm lược của Putin. Bộ trưởng tài chính Đức Christian Lindner gọi quyết định của Bắc Kinh là “đáng tiếc”.

4. Quan chức Ukraine chỉ trích Trung Quốc 'đặt cược vào một kẻ xâm lược'

Mykhailo Podolyak, một chính trị gia Ukraine cố vấn cho Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã chỉ trích Trung Quốc vì “đặt cược vào một kẻ xâm lược” sau khi Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Nếu bạn tuyên bố là một nhân tố toàn cầu, bạn không đưa ra một kế hoạch phi thực tế,” ông nói.

“Bạn không đặt cược vào một kẻ xâm lược đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua trong cuộc chiến.”

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố 12 điểm đối với cuộc chiến tại Ukraine, trong đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhấn mạnh sự phản đối của nước này đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương, một sự chỉ trích rõ ràng đối với các biện pháp mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Nga sau khi Putin xâm lược Ukraine.

Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình là người trung lập trong cuộc xung đột, nhưng cho đến nay vẫn tránh gọi đây là một cuộc xâm lược và tiếp tục hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho Mạc Tư Khoa.

Zelenskiy cho biết hôm thứ Sáu Ukraine “sẽ làm việc với Trung Quốc” nếu họ thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ”. Tổng thống Ukraine cho biết ông muốn tổ chức một cuộc gặp song phương với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng “cho đến nay” không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã hỗ trợ quân sự cho Nga ở Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng sẽ gây ra hậu quả kinh tế cho Bắc Kinh.

5. Trong một động thái leo thang căng thẳng, Nga cắt nguồn cung cấp dầu cho Ba Lan

Daniel Obajtek, Giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ lớn nhất của Ba Lan, PKN Orlen, cho biết đã ngừng nhận được dầu qua đường ống Druzhba từ Nga.

Ông nói: “Chúng tôi đang bảo đảm nguồn cung cấp một cách hiệu quả. Nga đã ngừng cung cấp cho Ba Lan, điều mà chúng tôi đã chuẩn bị.”

Orlen cho biết họ có thể cung cấp đầy đủ cho các nhà máy lọc dầu của mình qua đường biển và người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng.

Đường ống dẫn dầu Druzhba, cung cấp dầu cho Ba Lan và Đức, cũng như Hung Gia Lợi, Cộng hòa Tiệp và Slovakia, đã được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu để giúp các quốc gia có ít lựa chọn vận chuyển thay thế.

Dầu của Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung của Ba Lan sau khi Warsaw cắt giảm nhập khẩu sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

6. Một quan chức quân sự Ukraine cho biết một nỗ lực mới để chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ được lên kế hoạch vào mùa xuân

Một quan chức quân sự Ukraine cho biết một nỗ lực mới nhằm chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ đã được lên kế hoạch vào mùa xuân, đồng thời khẳng định lực lượng của Kyiv sẽ “không dừng lại cho đến khi chúng ta đưa đất nước trở lại đường biên giới năm 1991”.

Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, nói với một nhóm báo Đức vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Hai rằng:

“Một trong những mục tiêu quân sự chiến lược của chúng tôi là cố gắng tạo một cái nêm vào mặt trận của Nga ở phía nam, giữa Crimea và lãnh thổ Nga”.

Ngoài ra, ông nói, “mục tiêu phản công của chúng tôi là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Ukraine, bao gồm cả Crimea”.

Reuters cũng đưa tin rằng Skibitsky đã nêu ra khả năng Ukraine sẽ tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai vào “các kho vũ khí hoặc thiết bị quân sự trên lãnh thổ Nga, ví dụ xung quanh thành phố Belgorod, nơi các cuộc tấn công vào Ukraine được phát động”.

7. Lính nghĩa vụ được đưa từ Nga đến lập công sự phòng thủ ở Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 26 tháng Hai, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết đông đảo các tân binh Nga đã được đưa đến bán đảo Crimea để đào các công sự phòng thủ đề phong quân Ukraine tấn công giải phóng bán đảo này vào mùa Xuân tới đây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố sẽ “giải phóng” toàn bộ lãnh thổ của đất nước bao gồm cả Crimea, nơi đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.

Khi được hỏi về các cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói rằng: “Hoa Kỳ coi Crimea là lãnh thổ của Ukraine, bị Nga biến thành một căn cứ quân sự khổng lồ và sẽ không phản đối các quyết định của phía Ukraine tấn công các cơ sở quân sự của Nga trên bán đảo.”

“Tôi sẽ không phán xét người Ukraine chọn chiến đấu ở đâu hay cách họ chọn đối phó với Crimea trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Chúng tôi công nhận Crimea là của Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.

Bà lưu ý rằng khi chính quyền chiếm đóng của Nga chiếm được Crimea, họ ngay lập tức sử dụng các biện pháp vi phạm nhân quyền quy mô lớn, đàn áp người Tatar ở Crimea và những người khác không đồng tình với việc chiếm đóng. Ngoài ra, Nga đã biến bán đảo này thành một cơ sở quân sự khổng lồ, được sử dụng cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào phần còn lại của Ukraine.

Do đó, theo Nuland, các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea nên được coi là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

“Những cơ sở quân sự của Nga ở Crimea là những mục tiêu hợp pháp, Ukraine đang tấn công chúng và chúng tôi ủng hộ điều đó,” quan chức này nói.

Đồng thời, Nuland lưu ý rằng Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea được phi quân sự hóa đến mức tối thiểu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng Washington đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraine không chỉ các loại vũ khí cần thiết trên chiến trường để giành chiến thắng lúc này mà còn cả các loại vũ khí để răn đe Liên bang Nga sau khi chiến tranh kết thúc.

Đáp lại các tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng Mỹ đang kích động Ukraine tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga.

Bà Zakharova nói: “Một lần nữa, chúng ta phải nêu rõ sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine. Họ cung cấp vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo, tham gia trực tiếp vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự, và huấn luyện các đơn vị vũ trang Ukraine”.

“Giờ đây, những kẻ hiếu chiến của Mỹ còn đi xa hơn: họ đang kích động chế độ Kiev leo thang hơn nữa, nhằm chuyển chiến tranh sang lãnh thổ nước ta. Như thế, đây là tấn công trực tiếp. Đây là những gì chúng ta đã cảnh báo trước đây, và những gì chúng ta buộc phải khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt. Bây giờ họ, các quan chức Hoa Kỳ, đang nói về nó một cách cởi mở.”

Nga gọi thủ đô của Ukraine là Kiev, trong khi người Ukraine gọi là Kyiv.

8. Bộ Trưởng tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên án mạnh mẽ Mạc Tư Khoa

Bộ Trưởng tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên án mạnh mẽ Mạc Tư Khoa vì cuộc chiến với Ukraine, chỉ có Trung Quốc và Nga từ chối ký một tuyên bố chung vào hôm thứ Bảy.

Ấn Độ, với tư cách là chủ tịch của Nhóm 20 nền kinh tế đang tổ chức một cuộc họp tại thành phố Bengaluru, đã miễn cưỡng nêu vấn đề chiến tranh nhưng các quốc gia phương Tây khẳng định họ không thể ủng hộ bất kỳ kết quả nào mà không bao gồm sự lên án cuộc chiến tại Ukraine.

Việc thiếu sự đồng thuận giữa các thành viên G20 có nghĩa là Ấn Độ phải đưa ra một “tài liệu tóm tắt và kết quả của chủ tịch”, trong đó nước này chỉ đơn giản tóm tắt hai ngày đàm phán và ghi nhận những điểm bất đồng.

Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu,” viện dẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, rủi ro đối với sự ổn định tài chính và tiếp tục mất an ninh lương thực và năng lượng.

“Có những quan điểm khác và đánh giá khác về tình hình và các biện pháp trừng phạt,” tài liệu viết, khi đề cập đến các biện pháp được Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và các nước khác đưa ra để trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược và cắt giảm doanh thu của nước này.

Kết quả này cũng tương tự như hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái khi nước chủ nhà Indonesia cũng ra tuyên bố cuối cùng thừa nhận những khác biệt.

9. Igor Girkin nhận định rằng Nga có thể 'trần như nhộng' nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia May Be Left 'Naked and Barefoot' Without Chinese Help: Igor Girkin”, nghĩa là “Igor Girkin nhận định rằng Nga có thể trần như nhộng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Blogger quân sự Nga và cựu chỉ huy Igor Girkin đã nói rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc là cần thiết để Mạc Tư Khoa có được bất kỳ thành công nào trong cuộc chiến ở Ukraine.

Cựu sĩ quan FSB đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Nga sáp nhập Crimea và trong cuộc chiến ở Donbas trước cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Kể từ đó, ông đã nhiều lần chỉ trích nỗ lực chiến tranh của Điện Cẩm Linh và chỉ trích các chỉ huy quân sự của nước này.

Trong những bình luận mới nhất trên kênh Telegram của mình, một đoạn clip được Francis Scarr của BBC Monitor đăng trên Twitter, Girkin nói rằng Trung Quốc “là quốc gia duy nhất có thể cho chúng ta vay để tiếp tục cuộc chiến này với bất kỳ mức độ thành công nào”. Ông cho biết hợp đồng cho mượn này cần bao gồm đạn dược, đạn pháo và thuốc phóng pháo “đang thiếu trầm trọng”.

Nếu không có sự hợp tác này từ Bắc Kinh, ông tin rằng Nga “sẽ không thể chiến đấu lâu như chúng ta muốn – chúng ta có thể chỉ đơn giản là thấy mình trần truồng và đi chân không theo mọi nghĩa chống lại đối phương sớm nhất là vào giữa hoặc cuối năm nay.”

Tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các công ty Trung Quốc đang cung cấp “sự hỗ trợ phi sát thương” cho Nga và họ có thể sớm cung cấp “sự hỗ trợ sát thương”. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc.

Girkin, người còn có tên là Strelkov, than thở về việc không có đủ nguồn cung cấp cho các tiểu đoàn được huy động và các đơn vị khác trong lực lượng của Nga và đến một lúc nào đó “chúng ta thậm chí sẽ không thể thay thế các hệ thống pháo binh mà chúng ta đã mất. “

Ông cũng nhắm vào các tướng Nga “do tên khốn nạn Valery Gerasimov chỉ huy,” ám chỉ người đứng đầu chiến dịch Ukraine do Vladimir Putin bổ nhiệm vào tháng trước. Ông nói rằng họ đang “đốt và vứt bỏ thiết bị với số lượng lớn đến mức ngành công nghiệp quốc phòng không thể chịu nổi”.

Girkin cũng nói rằng 450 xe thiết giáp đã bị bỏ lại gần Izyum, một con số “có thể so sánh với tổn thất của quân Đức trong Trận Kursk”. Tưởng cũng nên biết thêm: Trận Kursk là trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử diễn ra trong Thế chiến II ở Liên Xô.

Hôm thứ Sáu, khi thế giới kỷ niệm một năm cuộc chiến, Girkin đã nhắm vào Putin trong một bài đăng trên Telegram, trong đó ông đổ lỗi cho hành động của Putin trong bối cảnh Nga đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường.

Bài đăng của Girkin nói rằng tổng thống Nga có “khả năng phân liệt đáng kinh ngạc” để bắt đầu bất kỳ “công việc kinh doanh” nào, nhưng không hoàn thành nó.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Ngoại giao Trung Quốc để xin bình luận.
 
Nguy cơ ly giáo của Tiến Trình Công Nghị Đức. Tình trạng Kitô Hữu tại Israel
VietCatholic Media
17:09 26/02/2023

1. 300 nhà khoa học tôn giáo Israel liên đới với các Kitô hữu

Khoảng 300 chuyên gia về tôn giáo và linh đạo tại các đại học và trường cao đẳng ở Israel liên đới với các cộng đoàn Kitô tại nước này, đứng trước thái độ thù nghịch và các cuộc tấn công của các nhóm Do thái giáo cực đoan.

Trong thư ngỏ được hãng tin Công Giáo Đức KNA truyền đi hôm 20 tháng Hai vừa qua, các chuyên gia vừa nói khẳng định rằng: “Chúng tôi cấp thiết kêu gọi chính quyền Israel quyết liệt chống lại những kẻ có trách nhiệm về các tội phạm và bảo vệ mọi tôn giáo chống lại oán ghét, sự u mê và bạo lực”.

Những người ký tên vào lá thư ngỏ nhấn mạnh sự đánh giá cao đối với các truyền thống lâu đời, liên kết các tín hữu Kitô với đất nước Israel, cũng như gia sản phong phú của Kitô giáo. Thư có đoạn viết: “Sự hiện diện lâu đời của các tín hữu Kitô ở Giêrusalem và các nơi khác rất quan trọng đối với chúng ta”.

Lá thư ngỏ bằng tám thứ tiếng, mang chữ ký của các giáo sư thuộc nhiều đại học và trường cao đẳng ở Israel, cùng với một số tổ chức khác, như Bảo tàng viện Israel ở Giêrusalem, Đại học Israel ở Tel Aviv, Bar-Ilan và Haifa.

Trong số các phụ nữ ký tên, có bà Yesica Harani, người đã được giải thưởng ‘Núi Sion” về đối thoại, do Đan viện Biển Đức Dormitio của Công Giáo Đức ở Giêrusalem trao tặng hồi năm 2013.

2. Bốn nữ đại biểu nổi bật tuyên bố rời bỏ Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức

Bốn nữ đại biểu tuyên bố rời bỏ Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức, vì nó làm cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức xa lìa Giáo hội hoàn vũ.

Trong thư được đăng trên báo “Die Welt”, Thế giới, ra ngày 22 tháng Hai vừa qua, ở Đức, bốn nữ đại biểu (Katharina Westerhorstmann, Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, Dorothea Schmidt và Marianne Schlosser) thuộc Tiến Trình Công Nghị, từ năm 2019, viết rằng: Mục đích của Tiến Trình Công Nghị mà người ta tuyên bố là để cứu xét những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo Hội Công Giáo Đức. “Nhưng trong hành trình này, các giáo huấn và xác tín nòng cốt của Công Giáo bị đặt lại vấn đề. Vì thế, chúng tôi không thể tiếp tục con đường này, qua đó chúng tôi thấy rằng Giáo hội tại Đức ngày càng xa lìa Giáo hội hoàn vũ”.

Bốn phụ nữ cho biết chính vì thế họ quyết định không tham dự khóa họp toàn thể, từ ngày 09 đến ngày 11 tháng Ba tới đây và rời bỏ Con đường này. Họ nói: “Chúng tôi từ nhiệm”.

Bốn phụ nữ nhận xét rằng: Tiến Trình Công Nghị Đức cố tình không biết đến những can thiệp nhiều lần và sự minh xác của các vị hữu trách ở Vatican và Đức Giáo Hoàng. “Vì thế, tiếp tục tham dự con đường này có nghĩa là ủng hộ một tiến trình hiển nhiên kéo Giáo hội tại Đức xa lìa Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Chúng tôi không thể và không muốn chia đồng trách nhiệm về vấn đề này”. Những nghị quyết trong ba năm qua do Tiến Trình Công Nghị đề ra không những đặt lại vấn đề những nền tảng thiết yếu của Thần học, nhân loại học và đường lối thực hành của Giáo Hội Công Giáo, nhưng trong một số trường hợp còn hoàn toàn thay đổi chúng. Người ta không thấy rõ một lập luận thần học có giá trị. Những vấn nạn bênh vực đạo lý giá trị hiện nay của Giáo hội, Tiến Trình Công Nghị hầu như không để ý tới.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục bao gồm 230 đại biểu, trong đó có các giám mục thuộc 27 giáo phận ở Đức cùng với Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức; mục đích là để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Chiêu bài của Tiến Trình Công Nghị Đức là tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết tội lỗi lạm dụng tính dục cần phải cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tại sao phải chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, tái định nghĩa lại hôn nhân? Hay tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Hơn thế nữa, tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

3. Chiến dịch “Ngày chay gia đình” ở Áo

Các giám mục và các vị lãnh đạo các tiểu bang ở Áo ủng hộ chiến dịch “Ngày chay gia đình”, do Phong trào phụ nữ Công Giáo khởi xướng để lạc quyên tài trợ 70 dự án giúp đỡ phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới.

Chiến dịch này được phát động vào mỗi Mùa chay trong các giáo xứ tại Áo và được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo cấp cao nhất, như Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Vienne, và bà Doris Schmidbauer, Phu nhân Tổng thống Áo.

Hằng năm, trong Mùa chay ở Áo, có truyền thống gọi là “cháo mùa chay” do Phong trào phụ nữ Công Giáo phát động để quyên góp giúp đỡ các phụ nữ nghèo tại một số nước. Hai vị cùng với nhiều người khác sẽ tham dự bữa súp, tổ chức lúc 5 giờ chiều ngày 03 tháng Ba tới đây, tại Bộ Ngoại giao ở Vienne, và quốc gia được chọn làm chủ đề năm nay là Phi Luật Tân, và qui trọng tâm vào những công nhân di dân làm việc trong lãnh vực săn sóc sức khỏe và người già.

Các bữa ăn tương tự cũng được tổ chức tại vùng thủ đô trong những tuần tới đây. Ví dụ, thứ Tư Lễ Tro, ngày 22 tháng Hai này, lúc 12 giờ trưa, một bữa ăn bác ái được tổ chức tại Tháp thành phố Innsbruck, với Đức Cha Hermann Glettler, Giám mục sở tại, và ông Anton Mattle, Thống đốc miền Tyrol, đồng thời tại trụ sở của bang ở thành phố Bregenz có bữa tương tự với Đức Cha Benno Elbs và Thống đốc Markus Wallner.

Tại hội trường các giáo xứ trên toàn nước Áo, các bữa cháo Mùa chay cũng được tổ chức, đặc biệt sau thánh lễ Chúa nhật. Năm ngoái, ngân khoản lạc quyên được trong các bữa ăn này là một triệu 600.000 Euro.

Số người Phi Luật Tân di cư làm việc tại nước này hiện chiếm khoảng 9% dân số toàn quốc, và họ gửi tiền về nước để giúp đỡ gia đình. Phần lớn các phụ nữ Phi Luật Tân làm công việc giúp việc nhà cho các gia đình hoặc trông coi con cái cho chủ nhà.