Ngày 22-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/02: Điều kiện để theo Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:31 22/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

Đó là lời Chúa
 
Cám dỗ trong đời
Lm. Thái Nguyên
04:42 22/02/2023

SUY NIEM VA CAU NGUYEN CN 1 MC NAM A
https://www.youtube.com/watch?v=tuzXknKepf8


CÁM DỖ TRONG ĐỜI
Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm A : Mt 4, 1-11

Suy niệm

Chẳng ai mà không bị ma quỉ cám dỗ, không chỉ bị cám dỗ từ ma quỉ mà còn từ tha nhân; không chỉ bị cám dỗ từ bên ngoài mà còn bị cám dỗ từ bên trong: từ đòi hỏi do bản năng tự nhiên của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, nhưng phận người lại cao cả vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ bằng một lựa chọn đầy tự do. Nhìn lại ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, ta thấy ba phương diện của đời sống: về của ăn vật chất, về danh giá quyền hành, và về sự ỷ lại vào quyền năng Thiên Chúa. Đức Giêsu chiến thắng cả ba loại cám dỗ bằng cách dựa vào Kinh Thánh để vạch trần âm mưu của ma quỉ.

Thứ nhất là cám dỗ về của ăn vật chất. Khi biết Đức Giêsu đã đói vì những ngày chay tịnh, tên cám dỗ nói với Ngài hãy biến hóa những hòn đá thành bánh mà ăn. Đây là thứ cám dỗ sử dụng khả năng Chúa ban chỉ nhằm lợi ích cho bản thân. Như vậy, ơn Chúa ban bị độc chiếm cách ích kỷ. Khi cám dỗ ta ham mê vật chất, giàu có, ma quỉ nhằm triệt hạ đời sống tinh thần, làm cho ta quên đi sức mạnh của Lời Chúa. Với cám dỗ đầu tiên này, ma quỉ đã hạ gục ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng. Dù chẳng đói khát gì nhưng vì ham muốn của ngon vật lạ. Đây là loại cám dỗ hiệu quả nhất, phù hợp với chủ nghĩa thực dụng đang bành trướng. Trước cám dỗ này Đức Giêsu cho thấy:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Những no thỏa vật chất không thể lấp đầy sự đói khát tinh thần.

Thua keo này gầy keo khác. Tên cám dỗ bố trí cuộc tấn công thứ hai, là thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ trên nóc đền thờ. Và nó dùng chính lời Kinh Thánh là: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” (Tv 91,11). Khi cám dỗ chúng ta ham hố danh giá bằng cách làm những việc ngoạn mục để thu hút dân chúng, hoặc lợi dụng quyền lực và uy thế của mình để sống trên người khác, ma quỉ làm cho chúng ta quên mất mình là con cái Thiên Chúa, khiến ta trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Không có Lời Chúa định hướng và làm nguyên tắc cho đời sống, ta dễ chạy theo thế gian, sống theo thế gian. Chỉ có Lời Chúa mới kịp thời cảnh tỉnh ta, để khỏi rơi vào mê hồn trận của ma quỉ. Vì thế trước cám dỗ này, Đức Giêsu cũng dùng chính Kinh Thánh để đối lại: “Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Dnl 6, 16). Thử Chúa là một thái độ ngông cuồng. Cứ lao mình vào chỗ nguy hiểm, hoặc hành động cách cẩu thả, liều lĩnh, rồi trông chờ Chúa cứu là việc làm dại dột.

Thật ra cám dỗ thứ ba mới là một đòn chí mạng, vì nó nhằm đến sự khoái lạc, một sự kích thích đam mê mạnh mẽ nhất trong con người, thuộc bản năng sinh tồn. Để làm chuyện này, quỷ đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc của nó, Ngài sẽ được tất cả nếu Ngài sấp mình bái lạy nó. Đúng là một chiêu thức độc hại: được ăn cả ngã về không. Thật ra đây là một cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nếu Đức Giêsu đến nhằm thu phục thế gian, thì ở đây chỉ cần Ngài thỏa thuận theo đề nghị của ma quỷ, là Ngài sẽ được sở hữu tất cả một cách dễ dàng, mà không cần phải qua con đường thập giá theo ý định của Chúa Cha. Chiến thuật điều đình của ma quỉ thật hấp dẫn, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì Đức Giêsu quyết một mực tuân hành Ý Cha. Ngài trích Kinh Thánh để đòi tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Dnl 6, 13).

Cả ba cám dỗ đều có một mẫu số chung là nhằm tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa để quy về chính mình. Khi đặt mình là trung tâm, là tất cả, thì người ta trở nên nô lệ cho chính mình, và cuối cùng là đánh mất chính mình. Biểu tượng của ba cám dỗ trên là giàu sang, quyền lực và khoái lạc, vẫn luôn là cái bẫy khó thoát cho đời nhân thế. Vật chất không xấu nhưng còn là điều mà người ta phải làm nên để góp phần cho cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với phẩm giá con người. Nhưng chỉ dừng lại ở đó sẽ đánh mất ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời mình.

Thiên Chúa mới là tất cả chứ mọi sự khác không là gì cả, vì mọi sự cũng chỉ là tạm thời, là phương tiện nhất thời, để làm nên cái đời đời. Điều đó mời gọi chúng ta hãy ra khỏi cái tôi của mình để trao hiến, để làm giàu đời sống tinh thần. Cần đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái, siêng năng thánh lễ. Như Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, nếu ta sống gắn bó với Chúa và thực thi Lời Ngài (x. Mc 14,38).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa chấp nhận thân phận làm người thế,
nên cũng đã chấp nhận mọi cám dỗ,
để cho thấy đường lối ơn cứu độ,
và rồi Chúa đã chiến thắng tất cả,
khi dám lựa chọn hy sinh tất cả,
luôn một lòng theo thánh ý Chúa Cha.
Nếu đời con có đầy những lựa chọn,
thì cũng đầy những cám dỗ không ngơi,
luôn xảy ra trong mọi lúc mọi thời,
bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cạm bẫy,
chỉ cần thiếu thận trọng là sa sẩy,
không khôn ngoan con sẽ nhuốm bùn lầy.
Không chỉ những cám dỗ ở bên ngoài
mà còn là những cám dỗ bên trong:
cám dỗ sống khoái lạc cho thân xác;
cám dỗ vô tình và kiêu hãnh con tim;
cám dỗ quyền hành và độc tôn lý trí,
cám dỗ phân bì và bất chấp lương tri.
Cám dỗ nào cũng khiến con khép kín,
xa dần Chúa và quy hướng về mình,
và mất đi tình nghĩa với anh em.
Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,
nhưng cám dỗ có chỗ trong bản đồ của Chúa,
khi con vượt thắng bằng lựa chọn rất tự do.
Xin cho con bản lãnh Thầy chí thánh,
để vượt qua những cám dỗ trong đời,
bằng cầu nguyện và chay giới không ngơi,
dù sai phạm và bao lần vấp ngã,
vẫn đứng lên tiếp tục cuộc hành trình,
cho tới ngày gặp được Chúa hiển vinh. Amen.
 
Đồi Hoa Golgotha – Luke 9:22-25
Nguyễn Trung Tây
05:18 22/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Đồi Hoa Golgotha – Luke 9:22-25


“Từ bỏ và vác thánh giá hằng ngày theo ta” (Luke 9:23) – Đọc xong hàng chữ này, ai cũng vậy, muốn đọc lướt qua, quên đi thật nhanh. Từ bỏ mình thì chỉ có Đức Giêsu, thánh Phanxicô Assisi, và một vài người được gọi là thánh. Còn vác thập giá hằng ngày thì lại càng viễn tưởng. Vác thánh giá khoảng một canh giờ là thiên hạ mệt cầm canh rồi. Trần gian có mấy ai muốn vác thánh giá, ngoại trừ Đức Giêsu.

Chưa hết, lại còn vụ vác thập giá để rồi đi theo chân Đức Giêsu. Vụ này thì lại càng thôi, xin nhường lại cho các thánh. Con người trần, mê man đủ thứ. Con đi lễ ngày Chúa Nhật thôi. Vậy là cũng đủ vui cho con và cho Giáo hội rồi.

Nhưng trong bầu không khí yên lặng sa mạc của mùa Chay, con lại được linh ứng tới đích điểm của cây thánh giá năm xưa. Đó chính là Núi Sọ, nơi đó Người chết đi lặng lẽ. Xác Người xanh xao. Xác Người im lìm. Một đám tang tội nhân bị đóng đinh. Một đám tang vội vã.

Nhưng, bởi Từ Bỏ thiên tính (Philippians 2:6-7),
Nhưng, bởi Vác Thánh Giá lên đồi Golgotha,
Nhưng, bởi Chết Đi,
Hoa Phục Sinh bật tung nụ vào một giây phút không ai trên thế giới có thể ngờ, nghĩ tới.

Thế đấy, mùa Chay 40 ngày nhắc nhở, khi tôi từ bỏ, vác thánh giá, tôi rồi cũng sẽ đi tới đích điểm của cây thánh giá đời. Khi đó, tôi cũng sẽ bừng nở nụ hoa phục sinh cá nhân.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con từ bỏ và vác thánh giá đi theo Ngài trong những ngày mùa Chay!
(Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
Quỷ Kế Tinh Ranh
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:19 22/02/2023
Quỷ Kế Tinh Ranh

(Chúa Nhật I Mùa Chay A)

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha khiến chúng ta không thể xao lãng và xem thường chước cám dỗ, nhất là khi chước cám dỗ ấy lại do chính thần dữ chủ mưu gây ra. Bước vào Chúa Nhật thứ nhất của mùa Chay thánh, qua ba bài đọc Lời Chúa, giáo hội cho chúng ta trực diện với chước cám dỗ để nhận rõ sự thâm độc của thần dữ để rồi bền bỉ chiến đấu đến cùng.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế tường thuật câu chuyện tiên tổ loài người thất bại trước chước cám dỗ của Satan. Thế nhưng bài tin mừng cho thấy Satan đã phải chuốc lấy thất bại trước Chúa Giêsu. Thánh Phaolô qua bài đọc thứ hai đã làm một so sánh mang tính đối nghịch giữa sự thất bại của tổ tiên loài người với sự chiến thắng của Chúa Kitô chỉ muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát của công trình cứu độ của Đấng làm người.

Xin được mạo muội vạch trần một nét tinh ranh của Satan trong chước cám dỗ của nó và mong sao chúng ta thêm phần cảnh giác. Đã là quỷ thì kế mưu cám dỗ của nó hẳn là tinh ranh và xảo quyệt khó lường. Sự thường nếu lấy điều xấu mà cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Chính vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để cám dỗ loài người chúng ta. Với tổ tiên loài người thì nó dụ dỗ họ tìm biết sự thiện sự ác. Phân biệt điều lành điều dữ, là điều đáng làm và là việc phải làm cho đúng với phận người. Nỗ lực tìm biết điều lành, điều dữ quả thật là việc làm đáng khen, vì đó là việc rất tốt, việc chính đáng và phải đạo, đạo làm người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu thì ma quỷ cám dỗ Người tìm sự thành công trong công cuộc cứu độ nhân trần. Thực thi công trình cứu độ đạt kết quả là một điều tốt, đáng ước mong, vì đó là mục đích của việc nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Có thể nói rằng quỷ kế của Satan là đề ra một việc tốt, một việc phải làm và đáng làm nhưng rồi lại khôn khéo dẫn dụ chúng ta thực hiện việc ấy bằng những phương thế sai lạc, nghĩa là trái với đuờng lối của Thiên Chúa. Luân lý Công Giáo khẳng định rõ nguyên tắc “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Để đạt một đích tốt phải phải sử dụng những phương tiện tốt hoặc mang tính trung dung nghĩa là tự chúng không xấu. Chủ trương của ngài Đặng Tiểu Bình: “Mèo đen hay mèo trắng cũng được, miễn là bắt được chuột” không phù hợp với luân lý Công Giáo.

Satan đâu có cám dỗ tổ tiên loài người làm điều xấu, nó chỉ xúi giục tiên tổ nỗ lực tìm biết sự lành sự dữ theo cách thế nó bày ra. Cái tinh quái của nó là ở chỗ xúi giục tiên tổ lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình làm tiêu chí để phân biệt điều tốt xấu, lành dữ. Chi tiết này được trình bày qua dữ kiện là sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội thì thấy mình trần truồng. Người ta thấy mình trần truồng là khi hướng cái nhìn vào bản thân mình.

Phải xác định rằng chỉ có nhà sản xuất mới có khả năng và thẩm quyền khẳng định sản phẩm mình làm ra là tốt hay xấu vì chính họ đặt ra tiêu chuẩn kỷ thuật sản phẩm. Chúng ta nhận ra hiện thực này qua những lần thu hồi xe hơi lỗi kỷ thuật của nhiều nhà sản xuất như Honda, Toyota… Như thế, chỉ có mình Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật mới có thẩm quyền xác định các sự vật hiện tượng, các hành vi nào là tốt hay xấu, lành hay dữ. Như thế con người chúng ta chỉ có thể tìm biết điều lành điều dữ cách chuẩn xác dựa vào thánh ý Thiên Chúa, dựa vào chương trình và ý định của Người.

Cái sai lầm của tổ tiên loài người là lấy bản thân mình, lấy lợi ích riêng của mình làm tiêu chí để thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Khi nghiêng chiều theo chước cám dỗ này thì sự lành dữ, tốt xấu không còn mang tính khách quan. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa và được mùa lúa thì úa mùa xoài…là những điều như hiển nhiên. Như thế một dữ kiện có thể tốt với người này và xấu với người kia. Nếu nhân loại cứ theo sự chủ quan để chọn lựa và hành xử thì sẽ sinh ra hỗn độn.

Satan khi cám dỗ Chúa Giêsu cũng thực hiện chiêu trò này. Nó không cám dỗ Người từ bỏ công cuộc cứu độ nhân loại nhưng nó lại cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng của Người chứ không theo thánh ý Cha trên trời. Cám dỗ thứ nhất: Sử dụng của cải vật chất, cơm áo gạo tiền thì dễ thành công lắm chứ, vì có thực mới vực được đạo, có tiền thì mua tiên cũng được mà. Cám dỗ thứ hai: Sử dụng quyền năng phi thường thì dễ lôi cuốn lòng người và nói gì người ta cũng dễ nghe theo. Cám dỗ thứ ba: Thoả hiệp với mãnh lực sự xấu. Chỉ là tận dụng nó hay là lợi dụng nó mà thôi, có gì đâu phải ầm ỉ. Chúng quả thật là tinh vi và xảo quyệt.

Để chiến thắng chước mưu ma quỷ thì Chúa Giêsu đã phải chiến đấu trong sự tỉnh thức và nỗ lực hết mình. Để có được động thái hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trên trời qua lời thân thưa: “…Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, thì Chúa Giêsu đã phải tuôn mồ hôi pha lẫn cả máu đào.

Xây cất nhà thờ là một điều tốt, thành lập một giáo xứ mới cũng có thể là điều tốt, thuyên chuyển nhân sự dễ dàng cũng có thể là điều tốt… tuy nhiên để đạt được những điều tốt ấy thì không thể thoả hiệp với sự dữ, không thể sử dụng những phương thế làm cớ cho những tâm hồn bé mọn vấp phạm… Quỷ kế của Satan luôn tinh quái và chước mưu cám dỗ của nó vẫn còn đó dưới nhiều hình thái tinh vi. Và chúng ta cần phải bền chí khẩn cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Thiên Chúa không hề cám dỗ bất cứ một ai, và Người cũng chẳng thể để mặc chúng ta sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa để nhận biết thánh ý Người. Chắc chắn qua lời cầu xin trên, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta hãy cẩn trọng với chước mưu ma quỷ cám dỗ và hãy biết lánh xa dịp tội. Biết mình yếu thi đừng ra đầu gió. Chuyện đơn giản mà thực ra không mấy dễ dàng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Phương thế chống lại Tên Cám Dỗ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:21 22/02/2023
Phương thế chống lại Tên Cám Dỗ

Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay - A
(Mt 4, 1-11)

Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa mà Giáo hội một thời ăn chay suốt cả Mùa trừ ngày Chúa nhật. Đến nay chỉ còn giữ chay hai ngày (thứ tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh), với lý do Chúa Kitô đã bị bắt ngay từ đêm thứ Ba rạng ngày thứ Tư và Người đã tử nạn vào ngày thứ Sáu.

Mùa Chay còn được gọi là "Mùa Tứ Tuần" hoặc "Mùa 40 ngày" (qua dragesima, carême). Gợi nhớ 40 năm dân Israel trong sa mạc. Môsê đã ở trên núi 40 đêm ngày trước khi ban Luật pháp cho dân. Êlia, 40 ngày trên đường đi gặp Thiên Chúa. Chúa Giêsu, 40 đêm ngày trong sa mạc chịu Ma Quỷ cám dỗ.

Giáo hội quen gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí để chống trả chước cám dỗ. Bài đọc I trích sách Sáng Thế thuật lại cảnh Ađam và Evà bị Satan cám dỗ, ông bà đã quị ngã cách thảm thương, "và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12). Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại cảnh Satan không chỉ cám dỗ Chúa Giêsu một phen mà ba phen, nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng. Đây là bài học cho mỗi người chúng ta.

Ađam và Evà bị cám dỗ thì sa ngã

Trình thuật chương đầu tiên của sách Sáng thế cho thấy nguyên tổ của chúng ta đã khước từ thánh ý Chúa. Nguyên nhân này nảy sinh từ "Con Rắn ", Ma Quỷ hay còn gọi là Satan. Con Rắn muốn thực hiên ý định dụ dỗ Ađam và Evà không theo ý Chúa mà theo ý mình, tự sức mình, lập luật cho mình và trở nên Thiên Chúa, mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Ađam là "Người"; Evà là "Bà". Ađam-Evà là đàn ông và đàn bà được Thiên Chúa dựng nên, đặt vào vườn địa đàng, hưởng niềm vui bất tận, vì trong đó có cây hằng sống. Chỉ có một điều là con người phải nhớ đây là tình trạng ân huệ nhưng không, lệ thuộc vào lòng tốt của Thiên Chúa, luôn kết hợp với Ngài và yêu mến Ngài. Con Rắn đã đảo lộn lời Chúa, nó nói với Evà : "Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?" (St 2,) Đang khi Chúa dạy : "Các ngươi được ăn hết mọi trái cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ ". Rắn xuyên tạc ý nghĩa lệnh truyền : "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh"(St 3,).

Lời nói dối thuần túy trên đưa con người đến chỗ làm theo ý mình, không làm theo ý Chúa, bóp nghẹt ý muốn hiệp thông với sự sống thần linh của Ađam và cắt đứt mạch sống với Thiên Chúa, dẫn đến diệt vong "do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian" (Rm 5,12).

Chúa Giêsu bị cám dỗ, Người chiến thắng

Nếu như nguyên tổ Ađam và Evà bị Satan ba lần dùng các chiến thuật cám dỗ với mục đích làm cho ông bà nguyên tổ cố tình làm theo ý mình, không theo ý Thiên Chúa. Tệ hơn nữa, Satan làm cho Ađam và Evà hiểu lầm rằng, nó đã làm điều tốt nhất cho ông bà. Nay Satan cũng ba lần tấn công vào tình cha con giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, cùng mục đích là khiến Chúa Giêsu không làm theo ý Chúa Cha.

Cám dỗ thứ nhất:

"Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói" (Mt 4,1-2). Đói là nhu cầu hiện tại chính đáng. Ma quỷ đến gần và đề nghị "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh!" (Mt 4,3). Khiến đá thành bánh ra để ăn là việc làm trong tầm tay của Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu không làm, Người đã trích sách Đệ Nhị Luật để phản ứng : "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do ​​miệng Thiên Chúa phán ra". Thật rõ ràng, điều quan trong đối với chúng ta không phải là của ăn vật chất, ý riêng mình, nhưng là làm theo ý Chúa.

Cám dỗ thứ hai :

Satan đặt Chúa Giêsu vào trong tình trạng đã rồi khi đưa Người lên nóc Đền thờ và đề nghị : "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng : Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay" (Tv 91,11). Thực ra, những điều ma quỷ yêu cầu Chúa Giêsu, không gì khác hơn ngoài việc cám dỗ Chúa buộc Chúa Cha phải làm một phép lạ, bắt Thiên Chúa phải phục vụ. Chúa Giêsu không làm. Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu thấy ngay lập tức và chiến đấu với nó bằng đoạn khác của Kinh Thánh: "Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi" (Đnl 6,16).

Cám dỗ thứ ba :

Satan đem Chúa Giêsu lên Thành Thánh và nói: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi. " Chúa Giêsu đáp trả mạnh mẽ : " Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa người "(Đnl 6,13). Satan đặt ra cho Chúa Giêsu ba lần "nếu". Nó muốn Chúa Giêsu chẳng những không vâng lời Chúa Cha mà còn bỏ Chúa Cha đi thờ nó.

Noi gương Chúa Giêsu làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

Các chiêu Ma Quỷ dùng để cám dỗ Ađam va Evà, nó cũng dùng cám dỗ Chúa Giêsu và cả chúng ta ngày hôm nay nữa. Môi trường chúng ta đang sống là nơi diễn ra cuộc chiến đấu thực sự về tâm linh. Một cuộc chiến chống lại ma quỷ, chống lại kẻ luôn gây chia rẽ, tên nói dối " Tin Mừng gọi nó là cha đẻ của những kẻ nói dối ", tiếng Do Thái gọi là " Sa-tan " kẻ thù của Thiên Chúa và kẻ thù của con người. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, cuộc chiến này không thể thắng được, nếu không có sự trợ giú của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta làm theo ý Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến thường ngày, nhất là bước vào trận chiến thiêng liêng trong Mùa Chay Thánh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Chọn lấy sự cao cả
Lm Minh Anh
14:18 22/02/2023
CHỌN LẤY SỰ CAO CẢ
Hãy chọn lựa sự sống, để anh em và dòng dõi anh em được sống!”.

Alcazar, một pháo đài tọa lạc uy nghiêm trên một đỉnh đồi ở Toledo, Tây Ban Nha. Trong cuộc nội chiến, Alcazar là một chiến trường đẫm máu được những người theo Chủ Nghĩa Quốc Gia bảo vệ. Trong một trận đánh khốc liệt, nhà lãnh đạo nhận được một cuộc điện thoại từ con trai, người đã bị bắt bởi nhóm Trung Thành. Nội dung: “Nếu không giao nộp pháo đài, họ sẽ giết con trai ông”. Người cha đã cân nhắc các lựa chọn suốt nhiều tiếng đồng hồ; sau đó, dừng lại với một trái tim nặng trĩu, ông nói, “Hãy chọn lấy sự cao cả! Con hãy chết như một người đàn ông!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy chọn lấy sự cao cả!”. Đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Qua bài đọc Đệ Nhị Luật, Môisen đưa ra những chọn lựa cho dân; từ bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra những chọn lựa cho các môn đệ. Chọn Thiên Chúa, chọn sự sống; chọn bỏ mình, ‘chọn lấy sự cao cả’.

Môisen đưa ra những chọn lựa cho Israel dân Chúa: Thiên Chúa hay thần ngoại, chúc lành hay chúc dữ, sự sống hay sự chết, hạnh phúc hay bất hạnh, đất hứa hay lưu đày? Và ông kết luận, “Vậy hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em!”. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu, cũng đưa ra những chọn lựa cho những ai theo Ngài: bỏ mình hay tìm mình, cứu mạng hay mất mạng, được cả thế giới hay đánh mất chính mình? Và Ngài kết luận, “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?”. Ngài đề nghị hãy ‘chọn lấy sự cao cả!’. Đó là chọn lựa của những con người “đặt niềm tin cậy vào Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca xác tín.

Bản thân Chúa Giêsu, Ngài cũng đã chọn lựa, “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ khai trừ và giết chết”; thế nhưng, ở đây, có một chi tiết then chốt mang tính quyết định liên quan đến niềm tin Kitô, “Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Qua đó, Ngài quyết định ôm lấy thập giá đời mình với sự tự tin và lòng can đảm. Chọn lựa của Ngài là một chọn lựa mang tính cứu độ, tình yêu của Ngài đòi buộc Ngài chọn lấy những gì tốt nhất cho người mình yêu, bất biết giá cả, bất chấp khó khăn, bất kể rủi ro. Tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu dành cho nhân loại mạnh mẽ đến nỗi Ngài được thúc đẩy tiến về phía cái chết đang chờ Ngài với một dũng khí kiên cường, một ý chí kiên định; để từ đó, hiến dâng mạng sống cho nhân gian, và không một điều gì có thể cản ngăn Ngài chối từ sứ mệnh. Ngài đã không chỉ “chết như một người đàn ông”, nhưng còn chết như một vị Thiên Chúa!

Anh Chị em,

“Hãy chọn lựa sự sống, để anh em và dòng dõi anh em được sống!”. Chính Chúa Giêsu đã chọn sự sống qua việc chấp nhận chết, “để anh em” của Ngài và “dòng dõi” của Ngài; trong đó, có chúng ta được sống. Ngài cứu cả nhân loại, chứ không chỉ cứu một pháo đài. Còn hơn người cha kia, Chúa Cha cũng đã nói với Ngài, “Con hãy chết như một vị Thiên Chúa!”. Đó chính là chọn lựa vĩ đại nhất, một chọn lựa được lặp đi lặp lại mỗi ngày trên các bàn thờ để cứu lấy ‘muôn triệu lâu đài’ của Thiên Chúa là linh hồn những kẻ tin yêu Ngài. Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói, “Giá mà chúng ta biết trước những gì mình sẽ nhận khi từ bỏ mọi sự!”. Chúa Giêsu biết Ngài sẽ nhận được gì, nên Ngài dám từ bỏ mọi sự. Hôm nay, Ngài nói cho chúng ta bí mật ấy; bí mật ấy là bỏ mình, ôm lấy thập giá đời mình. Bỏ mọi sự mà không bỏ mình, vẫn chưa bỏ gì cả; đó vẫn là chọn lựa hơn thua, không phải là chọn lựa của tình yêu; cũng không phải là ‘chọn lấy sự cao cả’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Mùa Chay, mùa chọn lựa; xin ban cho con ân sủng và sức mạnh để con luôn đủ sức hầu luôn chọn làm theo ý Chúa, chọn bỏ mình; và như thế, con ‘chọn lấy sự cao cả!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:59 22/02/2023

5. Năm dấu thương tích của Đức Chúa Giê-su là năm giòng sông thánh sủng lớn sau khi Ngài sống lại, là để cho chúng ta nhận rất nhiều ơn sủng từ năm giòng sông thánh sủng này.

(Thánh Sibyllina of Pavia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 22/02/2023
69. THẬT THẬT GIẢ GIẢ

Ở thôn Lê Khâu có một con quỷ, thích giả làm con cháu, anh em của người ta để chọc ghẹo người.

Trong thôn có một ông già đi họp chợ và uống ruợu say, đang lắc la lắc lư trở về nhà, con quỷ thôn Lê Khâu nọ hoá giả làm đứa con trai của ông lão, đứng bên đường dìu ông về nhà và lớn tiếng thoá mạ ông.

Về đến nhà, ông vừa tỉnh rượu thì lớn tiếng chửi con:

- “Tao là ba của mày, lẽ nào yêu thương mày không đủ? Khi tao say xỉn trên đường, thì mày lại mắng chửi tao, tại sao vậy?”

Đứa con trai khấu đầu, khóc:

- “Chuyện này thật không có, ba có thể đi hỏi người hàng xóm thì sẽ rõ.”

Ông già chợt tỉnh nói:

- “Ờ, nhất định là tên quỷ quái ấy gậy lộn xộn.”

Ngày hôm sau, ông già lại cố ý đi uống rượu say, và muốn giết quách tên qủy quỷ ấy. Ông ta say lúy túy trở về nhà, đứa con trai sợ ông đi không nổi, bèn bước lại gần để dìu ông, bất thình lình ông ta rút kiếm giết chết đứa con trai mình.

( Lữ thị xuân thu )

Suy tư 69:

Trong cuộc sống chúng ta cũng thường gặp rất nhiều ma qủy giả dạng, nhưng không phải giả dạng người khác để chọc ghẹo người ta, mà giả nhân giả nghĩa để lấy lòng người khác, để xu nịnh và thủ lợi cho mình.

Hạng ma quỷ này xét cho cùng cũng là con đẻ của ma quỷ chính cống của hoả ngục, nó dùng cử chỉ khiêm tốn với người trên, dùng lời nói nhẹ nhàng để mị người ngang hàng, nó dùng những lời an ủi rất hay ho để đánh động lòng người gặp chuyện không may, nhưng hể đụng chạm đến quyền lợi cá nhân thì mắt trợn ngược, môi bậm lại và chửi toáng lên.

Hạng ma quỷ này khi đã có chức có quyền thì lại coi ai không ra gì, luôn phê phán người này kẻ nọ, đi đến đâu thì dương dương bộ mặt hách dịch lên trời, nói năng trịch thượng ra vẻ ta đây cũng có uy thế và có quyền như ai !? Hạng ma quỷ này ở đâu cũng có và thời nào cũng có, mà có nhiều nhất là trong cộng đoàn giáo xứ, và nơi các cộng đoàn tu trì.

Dấu hiệu để cho chúng ta thấy loại ma quỷ này là họ hách dịch với anh chị em, ngổ ngáo với bề trên, và khi không đạt được mục đích của mình thì phê bình bề trên và người khác trong cộng đoàn.

Nói tắt cho dễ hiểu là “ quỷ kiêu ngạo”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Los Angeles treo cờ rũ thương tiếc Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles
Đặng Tự Do
04:25 22/02/2023


Một người đàn ông gốc Tây Ban Nha 65 tuổi quê quán ở Torrance, California, là người có mối liên hệ công việc với Đức Cha David O'Connell, đã bị bắt vào ngày 20 tháng 2 với tư cách là nghi phạm chính trong vụ sát hại Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles.

Cảnh sát trưởng quận Los Angeles Robert Luna đã thông báo trong một cuộc họp báo rằng nghi phạm Carlos Medina đã đầu hàng và bị bắt giam tại nhà riêng vào khoảng 8:15 sáng ngày 20 tháng 2 sau khi giằng co với chính quyền.

Vợ của Medina là quản gia của Đức Cha O'Connell, và trước đây anh ta cũng từng làm việc tại dinh thự của Đức Cha O'Connell, Luna nói. Cảnh sát trưởng sau đó đã làm rõ rằng mặc dù Medina có thể đã làm việc cho Đức Cha O'Connell, nhưng họ “vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem mối quan hệ này là gì.”

“Ưu tiên của chúng tôi trước 8:00 sáng nay là bắt được nghi phạm này, và chúng tôi đã làm được, nhờ một số công việc thám tử tuyệt vời,” Luna nói. “Ưu tiên tiếp theo của chúng tôi là truy tố anh ta.”

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cũng đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20 tháng 2, nơi việc bắt giữ Medina được công bố. Ngài đề cập đến hơn 40 năm phục vụ Los Angeles của Đức Cha O'Connell và nhớ đến ngài như một “người hòa bình” trong cộng đồng.

“Hàng ngày Đức Cha O'Connell làm việc để thể hiện lòng trắc ẩn đối với người nghèo, người vô gia cư, người nhập cư và tất cả những người sống bên lề xã hội,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói. “Ngài ấy là một linh mục tốt, một giám mục tốt, và một con người của hòa bình, và chúng ta rất buồn khi mất ngài.”

“Trong khoảnh khắc buồn và đau đớn đối với tất cả chúng ta, một lần nữa xin cảm ơn quý vị đã quan tâm và kính trọng, và xin vui lòng, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Đức Cha Dave và gia đình của ngài, và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho các quan chức thực thi pháp luật của chúng ta khi họ tiếp tục điều tra”.

Đức Cha O'Connell được tìm thấy đã chết tại ngôi nhà ở Hacienda Heights vào ngày 18 tháng 2. Ngài được chính quyền phát hiện trong phòng ngủ của mình, với ít nhất một vết thương do súng bắn vào phần trên cơ thể. Vụ việc đã trở thành một cuộc điều tra giết người vào sáng hôm sau sau khi các nhà điều tra vụ án giết người có mặt tại hiện trường, Luna nói.

Cuối buổi sáng hôm đó, các thám tử phát hiện ra đoạn phim giám sát cho thấy một chiếc xe đã tấp vào đường lái xe của Đức Cha, dừng lại một lúc rồi rời đi. Sau đó, họ nhận được một lời báo cáo của người dân đã dẫn họ đến gặp Medina, người đã lái một chiếc SUV tương tự như chiếc được mô tả, và người báo cáo lưu ý rằng “họ lo lắng vì Medina đã hành động kỳ lạ, phi lý và đưa ra những nhận xét về việc vị giám mục nợ tiền anh ta,” theo Luna.

Cảnh sát trưởng sau đó đã làm rõ rằng anh ta không chắc chắn về bất kỳ tranh chấp nào giữa Medina và Đức Cha O'Connell, nhưng nói rằng đó là điều mà “các thám tử sẽ điều tra.” Một động cơ vẫn chưa rõ ràng, Luna nói thêm.

Sau khi xác định Medina là nghi phạm, nhà chức trách đã nhận được lệnh bắt giữ anh ta và đến nơi ở của anh ta vào sáng sớm ngày 20 tháng 2. Sau một thời gian từ chối lời kêu gọi đầu hàng của chính quyền, Medina đã rời khỏi nơi cư trú của anh ta vào khoảng 8:15 sáng và bị bắt mà không có thêm sự việc nào khác, Luna nói.

Luna cho biết thêm, hai khẩu súng và các bằng chứng khác có thể liên kết Medina với tội ác đã được thu hồi. Các loại súng sẽ được nhà chức trách kiểm tra và thử nghiệm để xác định xem một trong hai loại súng này có được sử dụng trong vụ giết người hay không.

Một số sự thật vẫn chưa được biết, bao gồm thời gian chết chính xác của Đức Cha O'Connell, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng và chính xác bằng cách nào Medina vào nhà của O'Connell. Luna cũng lưu ý rằng cho đến nay quản gia của O'Connell, vợ của Medina, đã hợp tác với các nhà điều tra, nhưng anh ta không loại trừ khả năng buộc tội cô ấy trong tương lai, nói rằng “ tại thời điểm này trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. '

Phát biểu sau Luna, Janice Hahn, thành viên của Hội đồng Giám sát của Quận Los Angeles, thông báo rằng Los Angeles sẽ treo cờ rũ để vinh danh Đức Cha O'Connell, gọi trái tim của ngài là “vô bờ bến”.

Hahn nói: “Los Angeles đã mất đi một đối tác trong công việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, và thế giới đã mất đi một lực lượng vì lòng tốt. Thật không thể tưởng tượng được cuộc đời của ngài lại kết thúc một cách bi thảm như vậy.”

Sinh ra ở County Cork, Ireland vào năm 1953, Đức Cha O'Connell được thụ phong để phục vụ tại Tổng giáo phận Los Angeles vào năm 1979, và đã ở đó kể từ đó nổi tiếng là người kiến tạo hòa bình trong cộng đồng, người đã tiếp cận với tất cả những người ở bên lề xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá vào năm 2015.

Hai ngày sau khi ngài bị sát hại, những lời tưởng nhớ đến Đức Cha O'Connell vẫn tiếp tục từ khắp nơi trên thế giới Công Giáo.

Đức Cha Fintan Gavin của Cork và Ross, Ái Nhĩ Lan - giáo phận quê hương của Đức Cha O'Connell - cho biết tin tức này đã gây ra “làn sóng chấn động” khắp cộng đồng.

“Thay mặt cho người dân, các linh mục và tu sĩ của Giáo phận Cork và Ross, và nhân danh cá nhân tôi, tôi muốn bày tỏ sự cảm thông và hỗ trợ bằng lời cầu nguyện tới gia đình Đức Cha O'Connell ở Cork, tới Đức Tổng Giám Mục José H Gomes và mọi người., các linh mục và tu sĩ của Tổng giáo phận Los Angeles,” Gavin nói.

“Chúng ta sẽ cầu nguyện cho Đức Giám Mục David trong Thánh lễ khắp Giáo phận Cork và Ross trong những ngày tới để xin Chúa an ủi gia đình, đồng nghiệp và tất cả tang quyến của ngài. Đức Giám Mục David đã làm việc không mệt mỏi vì hòa bình và hòa hợp trong các cộng đồng; giờ đây cầu xin cho ngài có thể yên nghỉ trong bình an của Chúa”.

Đức Cha Robert Barron, người đã được tấn phong làm Giám Mục Phụ Tá cho Tổng giáo phận Los Angeles cách đây bảy năm cùng với Đức Cha O'Connell trước khi ông được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Winona-Rochester vào tháng Sáu năm ngoái.

“Ngay từ khi gặp ngài, tôi đã có ấn tượng sâu sắc bởi lòng tốt, sự tử tế, tinh thần cầu nguyện và tấm lòng đơn sơ của ngài. Trong suốt những năm tôi ở Tổng giáo phận Los Angeles, Đức Cha Dave là nguồn hỗ trợ, khuyến khích và hài hước thường xuyên,” Đức Cha Barron nói.

“Ngài đã cống hiến chức linh mục của mình để phục vụ người nghèo. Tôi có thể thành thật nói rằng ngài là một trong những người giống Chúa Kitô nhất mà tôi từng biết. Cầu xin ngài có thể nghỉ ngơi trong hòa bình.”
Source:Crux
 
Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nói chuyến thăm của Biden tạo ra hy vọng mới
Đặng Tự Do
04:27 22/02/2023


Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của Ukraine cho biết chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Hai đã mang đến cho người dân nước này hy vọng mới nhân kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược.

Phát biểu qua Zoom với một số nhà báo Ý, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cho biết “quân đội Nga đã kết án tử hình chúng tôi theo đúng nghĩa đen”, nhưng trước đây đã có nhiều chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia tới Kyiv, và bây giờ bao gồm cả chuyến viếng thăm của tổng thống Joe Biden, cho chúng tôi hy vọng rằng bản án này sẽ không được thi hành.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết, tình đoàn kết được thể hiện qua những chuyến thăm này mang đến cho người dân Ukraine niềm hy vọng “rằng chúng tôi không chỉ có thể tồn tại mà còn có thể tự bảo vệ mình và xây dựng một xã hội tự do và dân chủ”.

“Một năm trước, vào thời điểm này, tất cả các đại diện ngoại giao đã rời Kyiv. Chính người Mỹ đã kêu gọi đồng bào của họ rời khỏi lãnh thổ Ukraine,” Shevchuk nói, đồng thời lưu ý rằng khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, chỉ có hai đại diện ngoại giao ở lại Kyiv: đặc phái viên của Vatican, Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, và đại sứ Ba Lan.

“Tất cả những người khác đã chạy trốn. Một năm sau, không chỉ mọi người quay trở lại mà thậm chí cả tổng thống Hoa Kỳ cũng đã đến,” Đức Cha Shevchuk nói, đồng thời đưa ra lời cầu xin tới cộng đồng quốc tế: “Đừng bỏ rơi chúng tôi, xin đừng bỏ rơi chúng tôi.”

Với việc cuộc chiến đã đi đến mốc một năm, nó đã mất đi phần lớn sức hấp dẫn của tin tức nhưng đồng thời Đức Tổng Giám Mục bày tỏ hy vọng rằng “Chúa nghe thấy tiếng máu kêu gào từ đất Ukraine đến các tầng trời” và rằng “thế giới không nhắm mắt trước những vết thương và sự đau khổ của người dân Ukraine.”

“Chúng tôi hy vọng rằng những tiếng khóc của người dân chúng tôi sẽ không bị lãng quên và những người lắng nghe chúng ta sẽ không thờ ơ, bởi vì chúng tôi đã trải nghiệm rằng sự dối trá và sự thờ ơ thực sự giết chết, thực sự, chúng dẫn đến nạn diệt chủng,” ngài nói.

Biden đã có chuyến thăm không báo trước tới thủ đô Kyiv của Ukraine hôm thứ Hai, nơi ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy để thể hiện tình đoàn kết của phương Tây với quốc gia đang có chiến tranh.

Trong hơn năm tiếng đồng hồ viếng thăm ở Kyiv, Biden đã dừng lại nhiều lần, tham khảo ý kiến của Zelenskiyy về các động thái tiềm năng tiếp theo, bày tỏ lòng kính trọng đối với những người lính đã ngã xuống và thăm nhân viên tại đại sứ quán Hoa Kỳ.

Trong một bài phát biểu trước công chúng, Biden cho biết Ukraine vẫn đang chiến đấu với “một cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa”, nhưng lưu ý một cách thách thức rằng bất chấp cuộc xâm lược của Nga vào năm ngoái và cuộc tấn công tiếp tục của họ, “một năm sau, Kyiv vẫn đứng vững. Ukraine đứng vững. Dân chủ đứng vững. Người Mỹ đứng về phía các bạn, và thế giới đứng về phía các bạn.”

Hoa Kỳ là một trong những người ủng hộ lớn nhất của Ukraine trong suốt cuộc chiến, đã hỗ trợ quân sự hơn 3,75 tỷ đô la cho Ukraine và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đang diễn ra, với giao tranh dự kiến sẽ sớm gia tăng với các cuộc tấn công mùa xuân mới.

Zelenskiyy đã thúc ép các đồng minh đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí quân sự và yêu cầu phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, một yêu cầu mà Biden cho đến nay đã từ chối. Zelenskiyy cũng đã yêu cầu các hệ thống pháo binh tầm xa cho phép quân đội của ông tấn công các mục tiêu Nga ở xa tiền tuyến.

Khi ở Kyiv, Biden cũng công bố khoản hỗ trợ bổ sung nửa tỷ đô la của Hoa Kỳ cho Ukraine, được sử dụng để mua đạn pháo, hỏa tiễn chống tăng, radar giám sát trên không và các hình thức viện trợ khác, nhưng không có vũ khí tiên tiến mới.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là không có bất kỳ nghi ngờ nào, không có bất kỳ điều gì, về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine trong cuộc chiến,” Biden nói về chuyến thăm của mình, “Cái giá mà Ukraine phải gánh chịu là vô cùng cao. Và những hy sinh đã quá lớn, nhưng cuộc chiến chinh phục của Putin đang thất bại.”

Khi Nga lần đầu tiên xâm lược vào năm ngoái, nhiều người nghĩ rằng sẽ chỉ còn vài ngày, hoặc nhiều nhất là vài tuần, cho đến khi Kyiv thất thủ, nhưng người Ukraine đã tỏ ra kiên cường đến mức khó tin, và một năm sau, thủ đô vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine, bất chấp đạn pháo đang diễn ra và các cuộc tấn công hỏa tiễn.

Điều này không chỉ nhờ vào quyết tâm của quân đội Ukraine, mà còn nhờ vào sự hỗ trợ quốc phòng quân sự mà Ukraine đã nhận được từ các đồng minh quốc tế.

Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có phù hợp hay không là một chủ đề tranh luận về mặt đạo đức trong Giáo Hội Công Giáo.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan vào tháng 9 rằng việc trang bị vũ khí cho Ukraine là “một quyết định chính trị”, có thể mang tính đạo đức trong những điều kiện phù hợp, và rằng “Tự vệ không chỉ là quyền, mà còn là một hành động của tình yêu quê hương.”

Tuy nhiên, ngài nói rằng việc cung cấp vũ khí là vô đạo đức nếu nó được thực hiện “với ý định kích động thêm chiến tranh hoặc bán vũ khí”.

Trong bài phát biểu của mình hôm thứ Hai, được đăng trên trang tin tức SIR của Ý, cơ quan thông tấn chính thức của hội đồng giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng đã cân nhắc về điểm này, nói rằng việc sử dụng vũ khí tự nó “cho thấy sự bất lực của xã hội hiện đại trong việc ngăn chặn và ngừng chiến tranh.”

Đức Cha Shevchuk cho biết ngài đã cố gắng cảnh báo nhiều người và tổ chức vào cuối năm 2021 rằng chiến tranh có khả năng nổ ra, “nhưng thật không may, cả cơ chế của luật pháp quốc tế cũng như bản thân cuộc đối thoại đàm phán đều không thể ngăn chặn thảm kịch này.”

Ngài nói: “Cả thế giới ngày nay cảm thấy bất lực trước cuộc chiến mù quáng, phi lý và báng bổ này, đồng thời cho biết việc sử dụng bom và các loại vũ khí khác của Nga hiện “cao hơn nhiều” so với “mức độ hỏa lực” mà Ukraine đang đáp trả.

“Khả năng tự vệ của Ukraine vẫn chưa tương xứng với số lượng và khả năng của người Nga tấn công chúng tôi,” ông nói, đồng thời cho biết chính vì lý do này mà Hội đồng các Giáo Hội Toàn Ukraine đã coi việc gửi vũ khí đến Ukraine là “có thể chấp nhận được về mặt đạo đức” để Ukraine “tăng cường khả năng tự vệ”.

“Những vũ khí này là để phòng thủ, không phải là để tiến công.”

Đức Cha Shevchuk cũng ca ngợi vai trò của Giáo Hội giữa cuộc xung đột trong việc cung cấp nhu cầu tinh thần của người dân và cung cấp viện trợ cho tuyến đầu, lưu ý rằng ở Kharkiv, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thực phẩm và các viện trợ khác được Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương phân phát cho những người ở tuyến đầu hàng ngày.

“Mỗi giáo xứ của chúng tôi đã trở thành một trung tâm phục vụ xã hội. Tôi tự hào về các giám mục và linh mục, tu sĩ nam nữ của mình,” ngài nói, nhưng lưu ý rằng nhiều người “cảm thấy mất tinh thần trước những đám tang bất tận của các nạn nhân dân sự và quân sự mà họ cử hành.”

Ngài cũng đang cầu nguyện cho hai linh mục – Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta – đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái tại Berdyansk, và vẫn đang bị Nga giam giữ, cũng như một linh mục và một nữ tu đã bị thương khi chuyển hàng viện trợ nhân đạo gần Kharkiv.

Tuy nhiên, bất chấp những lúc nản lòng, Giáo Hội “là một tia sáng hy vọng nhỏ nhoi. Tình đoàn kết Kitô giáo này, tình yêu này, và sự phó thác hoàn toàn này cho Chúa cho chúng ta khả năng hy vọng,” ngài nói.
Source:Crux
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ ngày Thứ Tư Lễ Tro 22/2/2023
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:00 22/02/2023


Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối. Năm nay, do đau đầu gối, cuộc rước thống hối đã do Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân giải Tối cao, chủ sự.

Trong đoàn rước, có gần hai mươi Hồng Y, bốn giám mục, đông đảo tu sĩ Dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có hai vị Bề trên Tổng quyền của hai dòng.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Này là thời thuận lợi; này là ngày cứu độ!” (2 Cô-rinh-tô 6:2). Với những lời này, Thánh Tông đồ Phaolô giúp chúng ta đi vào tinh thần của Mùa Chay. Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để rũ bỏ tất cả những gì đè nặng chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa của Chúa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn của nhân tính yếu đuối của chúng ta. Hãy quay về với những gì là thiết yếu. Đó là mùa ân sủng khi chúng ta thực hành điều Chúa yêu cầu chúng ta ở đầu bài đọc một hôm nay: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Jl 2:12). Hãy trở lại với điều thiết yếu: đó là Chúa.

Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về. Nghi thức này khuyến khích chúng ta làm hai điều: trở về với sự thật về chính chúng ta; và trở về với Chúa và anh chị em của chúng ta.

Thứ nhất, hãy trở về với sự thật về chính chúng ta. Tro nhắc nhở cho chúng ta nhận rõ chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu. Tro tàn đưa chúng ta trở lại với sự thật thiết yếu của cuộc sống chúng ta: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là công trình của bàn tay Người. Đó là sự thật về con người chúng ta. Chúng ta có sự sống, và Thiên Chúa là sự sống. Ngài là Đấng Tạo Hóa, trong khi chúng ta là đất sét mỏng manh do tay Ngài nặn ra. Chúng ta đến từ đất và chúng ta cần thiên đường; chúng ta cần Ngài. Có Chúa, chúng ta sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, nhưng không có Người, chúng ta chỉ là cát bụi. Khi chúng ta khiêm tốn cúi đầu để nhận tro, chúng ta được nhắc nhở về sự thật này: chúng ta thuộc về Chúa; chúng ta thuộc về Người. Vì Thiên Chúa “lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2:7); chúng ta tồn tại bởi vì Người đã thổi vào chúng ta hơi thở của sự sống. Là một người Cha dịu dàng và hay thương xót, Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay, vì Ngài quan tâm đến chúng ta; Ngài đợi chúng tôi; Người đang chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Và Ngài không ngừng thúc giục chúng ta đừng tuyệt vọng, ngay cả khi chúng ta sa ngã trong bụi đất yếu đuối và tội lỗi, vì “Ngài biết chúng ta đã được dựng nên như thế nào; Ngài nhớ rằng chúng ta là cát bụi” (Tv 103:14). Chúng ta hãy nghe lại những lời ấy: Ngài nhớ rằng chúng ta là cát bụi. Chúa biết điều này; nhưng chúng ta thường quên điều đó, và nghĩ rằng chúng ta tự túc, mạnh mẽ và bất khả chiến bại khi không có Ngài. Chúng ta khoác lên mình bộ mặt đánh phấn thoa son và nghĩ rằng chúng ta giỏi hơn thực chất của chúng ta. Chúng ta chỉ là cát bụi.

Vì vậy, Mùa Chay là thời gian để nhắc nhở chúng ta ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo. Đã đến lúc công bố rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa, bỏ đi sự giả vờ tự túc và nhu cầu đặt mình vào trung tâm của mọi sự, đứng đầu tầng lớp, để nghĩ rằng bằng khả năng của mình, chúng ta có thể thành công trong cuộc sống và biến đổi thế giới xung quanh chúng ta. Bây giờ là thời điểm thuận lợi để hoán cải, ngừng nhìn vào bề ngoài của mình và bắt đầu nhìn vào thẳm sâu của chính mình. Có bao nhiêu phiền nhiễu và những chuyện vặt vãnh khiến chúng ta sao nhãng khỏi những điều thực sự quan trọng! Biết bao lần chúng ta bị cuốn vào những mong muốn và nhu cầu của chính mình, đánh mất tầm nhìn cốt lõi của vấn đề và không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của cuộc sống chúng ta trên thế giới này! Mùa Chay là thời gian của sự thật, là thời để bỏ đi những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo mỗi ngày nhằm trở nên hoàn hảo trong con mắt của thế giới. Đây là thời điểm, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng, để bác bỏ sự dối trá và đạo đức giả: không phải của những người khác, mà của chính chúng ta: Chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực chất và hoán cải.

Tuy nhiên, có một bước thứ hai: tro cũng mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Một khi chúng ta trở lại với sự thật về bản thân và nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không tự đầy đủ, chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ tồn tại thông qua các mối quan hệ: mối quan hệ nguyên thủy của chúng ta với Chúa và mối quan hệ quan trọng của chúng ta với những người khác. Tro tàn mà chúng ta nhận được tối nay cho chúng ta biết rằng mọi giả định về sự tự mãn là sai lầm và sự tôn thờ bản thân là sự phá hoại, giam cầm chúng ta trong sự cô lập và cô đơn: chúng ta hãy thôi nhìn vào gương và tin rằng mình hoàn hảo, là trung tâm của thế giới. Thay vào đó, cuộc sống là một mối quan hệ: chúng ta nhận được nó từ Thiên Chúa và từ cha mẹ chúng ta, và chúng ta luôn có thể làm sống lại và đổi mới cuộc sống nhờ Chúa và những người Ngài đặt bên cạnh chúng ta. Vì vậy, Mùa Chay là mùa ân sủng khi chúng ta có thể xây dựng lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa và với tha nhân, mở rộng tâm hồn chúng ta trong sự thinh lặng cầu nguyện và thoát ra khỏi pháo đài của sự tự mãn. Mùa Chay là thời gian thuận lợi khi chúng ta có thể phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập của chúng ta, đồng thời tái khám phá, qua gặp gỡ và lắng nghe, những người bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình mỗi ngày. Và học cách yêu thương họ một lần nữa như anh chị em.

Làm thế nào chúng ta có thể làm điều này? Thưa: Để thực hiện cuộc hành trình này, để trở về với sự thật về chính mình và trở về với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta được thúc giục đi theo ba con đường lớn: đó là bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Đây là những cách truyền thống, và không cần sự mới lạ. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó không phải là những nghi thức đơn thuần bên ngoài, mà phải là những hành động thể hiện sự đổi mới của tâm hồn chúng ta. Bố thí không phải là một cử chỉ vội vàng được thực hiện để xoa dịu lương tâm của chúng ta, để bù đắp cho sự mất thăng bằng nội tâm của chúng ta; đúng hơn, đó là một cách chạm đến những đau khổ của người nghèo bằng chính đôi tay và trái tim của chúng ta. Cầu nguyện không phải là một nghi thức, nhưng là một cuộc đối thoại chân thật và yêu thương với Chúa Cha. Ăn chay không phải là một hình thức giữ đạo kỳ lạ, mà là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở chúng ta điều gì thực sự quan trọng và điều gì chỉ là phù du. Chúa Giêsu đưa ra “lời khuyên vẫn giữ được giá trị bổ ích cho chúng ta: những cử chỉ bên ngoài phải luôn đi đôi với một trái tim chân thành và cách cư xử nhất quán. Thật vậy, việc xé áo của chúng ta có ích gì nếu lòng chúng ta vẫn xa cách Chúa, nghĩa là xa rời lòng nhân từ và công lý?” (BENEDICT XVI, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, ngày 1 tháng 3 năm 2006). Thông thường, những cử chỉ và nghi thức của chúng ta không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta; chúng vẫn còn hời hợt. Có lẽ chúng ta thực hiện chúng chỉ để đạt được sự ngưỡng mộ hoặc quý trọng của người khác. Chúng ta hãy nhớ điều này: trong cuộc sống cá nhân của chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo hội, những biểu hiện bên ngoài, những phán xét của con người và sự chấp thuận của thế giới chẳng là gì cả; điều duy nhất thực sự quan trọng là sự thật và tình yêu mà chính Chúa nhìn thấy.

Nếu chúng ta khiêm tốn đứng trước cái nhìn của Ngài, thì việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay sẽ không chỉ là những biểu hiện bề ngoài, nhưng sẽ bày tỏ con người thật của chúng ta: là con cái Thiên Chúa, là anh chị em của nhau. Bố thí, bác ái sẽ là dấu chỉ lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người khốn khó, và giúp chúng ta trở về với tha nhân. Cầu nguyện sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là được gặp Chúa Cha, và sẽ đưa chúng ta trở lại với Người. Ăn chay sẽ là nơi rèn luyện tâm linh, nơi chúng ta vui vẻ từ bỏ những thứ thừa thãi đang đè nặng chúng ta, lớn lên trong tự do nội tâm và trở về với sự thật về chính mình. Gặp gỡ Chúa Cha, tự do nội tâm, cảm thương.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cúi đầu, nhận tro và làm cho tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng. Chúng ta hãy lên đường trên con đường bác ái. Chúng ta sẽ có bốn mươi ngày, một “thời điểm thuận lợi” để nhắc nhở bản thân rằng thế giới rộng lớn hơn những nhu cầu cá nhân hạn hẹp của chúng ta, và để khám phá lại niềm vui, không phải là tích lũy của cải vật chất, mà là quan tâm đến những người nghèo và đau khổ. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu con đường cầu nguyện và sử dụng bốn mươi ngày này để khôi phục lại vị trí tối cao của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và đối thoại với Ngài từ tận đáy lòng, chứ không chỉ trong những lúc rảnh rỗi. Chúng ta hãy bắt đầu con đường chay tịnh và sử dụng bốn mươi ngày này để kiểm điểm bản thân, giải phóng bản thân khỏi chế độ độc tài của những lịch trình dày đặc, những chương trình nghị sự dày đặc và những nhu cầu hời hợt, đồng thời chọn những điều thực sự quan trọng.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng lơ là ân sủng của mùa thánh này, nhưng hãy hướng mắt về thánh giá và lên đường, quảng đại đáp lại những thúc giục mạnh mẽ của Mùa Chay. Ở cuối cuộc hành trình, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa của sự sống với niềm vui lớn lao hơn, chúng ta sẽ gặp được Người, Đấng duy nhất có thể vực dậy chúng ta từ đống tro tàn.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Đà Nẵng Khai Mạc Mùa Chay 2023
Trương văn Ân
11:14 22/02/2023
Giáo Phận Đà Nẵng Khai Mạc Mùa Chay 2023

Sáng thứ Tư Lễ Tro ( 22/2/2023) Cộng đoàn Giáo phận Đà Nẵng hành hương về đồi Sọ, thuộc Giáo xứ An Ngãi – Giáo phận Đà Nẵng, cùng ngắm Đàng Thánh Giá Trọng thể, khai mạc Mùa Chay năm 2023.

Chương trình Khai mạc Mùa Chay, với chủ đề: “CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG”, được bắt đầu lúc 7g30, do Cha Martino Porres Phan Văn Luận,CRM- Phụ tá Giáo xứ An Ngãi, Chủ sự Đàng Thánh Giá.

Xem Hình

Trong tiết trời se lạnh, mưa nhỏ, có lúc nặng hạt, nhưng đoàn hành hương vẫn cần mẫn di chuyển trong trật tự, một dòng người râm ran lời Kinh, ca vang tiếng hát trên con đường mòn, mỗi lúc càng lên dốc vòng quanh từ chân đồi. Cộng đoàn suy ngắm, tưởng niệm cuộc thương khó Chúa Giê-su đã chịu, để đền tội lỗi mỗi người. Đồng thời xin Chúa củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa. Con đường hiệp hành, chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo Hội.

Từ Chặng thứ nhất, nơi có bức tượng Chúa Giêsu trong vườn Dầu lên tới đỉnh đồi, Chặng thứ 15 nơi có đặt đài Đức Mẹ. Nhiều người lớn tuổi vẫn cố gắng đi lên tới đỉnh đồi cầu nguyện dưới chân tượng Mẹ, Ai nấy dù thấm mệt, nhưng khuôn mặt tràn đầy an vui, như muốn bày tỏ ước nguyện được tiếp tục kết hiệp mọi Thánh giá của cuộc đời vào Thánh Giá Chúa Ki-tô, cùng hiệp thông – hiệp hành trong Giáo Hội.

Ngay sau đàng Thánh giá, tại lễ đài dưới chân đồi Sọ, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh Lễ Tro, đồng tế với hơn 50 linh mục giáo phận. Đức Cha chào bình an cộng đoàn, Ngài nói đến ý nghĩa của việc Tín hữu xức tro, “xé tâm hồn, chứ đừng xé áo” đó là sự khiêm nhường, đồng cảm với anh chị em để bao bọc yêu thương, thực thi đức bác ái, xé sự kiêu ngạo hận thù, những cám dỗ quyền lực, áp đặt và vật chất, sự khinh mạn anh em… và cũng xé đi những điều làm chúng ta mất tình yêu thương. Đức Cha mời gọi mỗi người cảm nhận được đức tin sống động và hiệp nhất, cùng hiệp hành, cùng sống đức tin và loan báo Tin Mừng

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Bonaventura Mai Thái- Tổng Đại diện, Đại diện cộng đoàn tham dự cám ơn Đức Giám Mục Giáo phận, quý Cha Đồng tế, quý Tu sĩ, Cha Quản xứ, Cha phụ tá và các ban Ngành của Giáo xứ An Ngãi. Cha đã cám ơn các giáo xứ có cộng tác trong các phần vụ phụng vụ và Thánh lễ. Ngài cũng không quên cám ơn Chính Quyền và tất cả những người đã góp công sức cho ngày hành hương khai mạc Mùa Chay 2023 được tốt đẹp, và hẹn gặp trong dịp khai mạc Mùa chay năm tới.

Trước lúc kết thúc Thánh lễ, Đức Cha Chủ tế đã Ban Phép lành Tòa Thánh với Ơn Toàn xá. Cộng đoàn rất vui mừng vì sau 3 năm bị gián đoạn hành hương tại đây, do dịch Covid-19, Nay được hành hương trở lại bình thường.

Xin Chúa cho chúng con biết hoán cải, biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định phù hợp với ý Chúa, để chúng con cùng nhau sống đức tin, và xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô.

Cần biết thêm: Đồi Sọ tại Giáo xứ An Ngãi do Cha Phê-rô Nguyễn Đức Mân chọn đặt 14 chặng Đàng Thánh Giá vào năm 1964. Năm 2000, Cha Gioakim Trần Kim Thượng xây lễ đài để phục vụ cho Thánh Lễ khai mạc Mùa Chay Năm Thánh 2000. Lễ đài được trùng tu từ ngày 10/10/2013, Bên trên lễ đài dưới chân đồi là bức tượng “Chúa Giê-su đang cầu nguyện” màu trắng, cao hơn 6m, phần chân tượng rỗng bên trong dùng làm phòng áo cho vị chủ sự các nghi thức Phụng vụ. Ngay sát chân tượng, có một cây Thánh Giá lớn; và cách lễ đài về bên phải chừng 40m là một bia đá khắc 10 điều răn của Chúa. Ngay giữa sân bên phải là một bia đá khắc câu Lời Chúa “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” ( Lc 21.31).

Tôma Trương Văn Ân
 
VietCatholic TV
Diễn văn hiếu chiến của Putin: Hình ảnh khôi hài lan nhanh. Biden lên án đích danh Putin đến 10 lần
VietCatholic Media
03:03 22/02/2023


1. Biden nêu đích danh Putin 10 lần trong bài phát biểu ở Ba Lan

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ trích đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin 10 lần trong bài phát biểu từ Warsaw, trực tiếp chỉ trích nhà lãnh đạo Nga khi ông tập hợp thế giới ủng hộ Ukraine.

Ngược lại, Putin đã không nhắc tên Biden một lần nào trong bài phát biểu hiếu chiến dài đến 1 giờ 45 phút của mình từ Mạc Tư Khoa vào đầu ngày.

Biden cho biết Putin đã tung ra một “cuộc tấn công giết người”, điều xe tăng vào Ukraine và cố gắng bỏ đói thế giới.

Ông nói: “Sự ham muốn điên cuồng về đất đai và quyền lực của Tổng thống Putin sẽ thất bại, và tình yêu của người Ukraine đối với đất nước của họ sẽ thắng thế”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết hôm thứ Ba rằng “Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga,” khi ông phát biểu trước đám đông ở Warsaw, Ba Lan, đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.

“Đối với những người tự do từ chối sống trong một thế giới vô vọng và bạn biết đấy, đây là một năm phi thường theo mọi nghĩa,” Biden nói. “Sự tàn bạo phi thường của các lực lượng và lính đánh thuê Nga. Họ đã phạm tội đồi bại, tội ác chống lại loài người mà không hề xấu hổ hay ăn năn.”

Nói một cách rõ ràng, tổng thống đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hành động tàn ác và nói rằng nỗ lực của ông ta nhằm khuất phục một quốc gia có chủ quyền sẽ không thành công.

“Tham vọng điên cuồng về đất đai và quyền lực của Tổng thống Putin sẽ thất bại,” ông nói, một trong 10 lần riêng biệt ông chỉ đích danh nhà lãnh đạo Nga trong bài phát biểu của mình.

Nhận xét của ông được đưa ra một ngày sau khi ông có chuyến đi bất ngờ tới thủ đô Ukraine.

2. Hình ảnh đồng minh của Putin ngủ gật trong bài phát biểu dài dòng của Vladimir Putin lan truyền nhanh trên mạng xã hội

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Appears to Fall Asleep at Speech, Photo Shows”, nghĩa là “Hình ảnh cho thấy Đồng minh của Putin xem ra ngủ gật trong bài phát biểu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dường như ngủ gật trong bài phát biểu liên bang bị trì hoãn của Vladimir Putin hôm thứ Ba.

Hình ảnh của Medvedev, một đồng minh của Putin, lan truyền trên mạng xã hội khi tổng thống Nga phát biểu trước khán giả gồm các nhà lập pháp, quan chức nhà nước và binh lính từng chiến đấu ở Ukraine, trong Bài phát biểu của ông trước Quốc hội Liên bang ở Mạc Tư Khoa.

“Dmitry Medvedev, đồng minh thân cận của Putin và cựu tổng thống Nga, người sáu tuần trước đã dự đoán chiến tranh giữa Đức và Pháp, và Elonmusk trở thành tổng thống Hoa Kỳ, đã ngủ gật trong bài phát biểu quan trọng của Putin sáng nay,” Keith Olbermann, một nhà thể thao người Mỹ và nhà bình luận chính trị, đã tweet.

Francis Scarr, một nhà báo của BBC chuyên theo dõi truyền thông nhà nước Nga, cũng chia sẻ trên Twitter một bức ảnh của Medvedev từ sự kiện này. Ông viết: “Dmitry Medvedev đã gặp khó khăn khi Putin thậm chí còn chưa xuất hiện”.

Trong bài phát biểu của mình, lẽ ra diễn ra vào năm ngoái, Putin đã chỉ trích phương Tây, nhưng không đề cập đến một chiến thắng nào của Nga trong cuộc chiến kéo dài gần một năm.

“Chính họ, phương Tây, đã khơi mào chiến tranh. Và chúng ta đang sử dụng vũ lực để chấm dứt nó,” ông Putin nói.

Medvedev đã ngủ gật nhiều lần trong các bài phát biểu quan trọng của Putin - nhiều đến mức đó là điều mà các nhà quan sát để ý một chút là thấy.

“Có vẻ như Medvedev thực sự chìm vào giấc ngủ. Mọi thứ vẫn bình thường,” Max Seddon, trưởng văn phòng tại Mạc Tư Khoa của The Financial Times, đã tweet vào tháng 12 năm 2016 trong một bài phát biểu khác của Putin.

Putin đã vi phạm các yêu cầu của hiến pháp trong bối cảnh cuộc xâm lược thất bại ở Ukraine khi ông hủy bỏ bài phát biểu quan trọng trước quốc hội vào năm ngoái.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã thông báo vào tháng 12 rằng bài phát biểu về Tình trạng Quốc gia năm 2022 của Putin trước Quốc hội Liên bang sẽ không diễn ra. Theo hiến pháp của đất nước, tổng thống Nga phải có bài phát biểu trước cơ quan lập pháp hàng năm.

Bài phát biểu trước quốc hội cuối cùng của ông trước bài phát biểu hôm thứ Ba là vào tháng 4 năm 2021.

Peskov cho biết Putin đã không tham khảo ý kiến của Tòa án Hiến pháp Nga về việc không tổ chức bài phát biểu của ông vào năm 2022.

Putin dường như tránh phát biểu trước công chúng trong bối cảnh ông phải chịu một loạt thất bại quân sự nhục nhã trong cuộc chiến ở Ukraine, và khi sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc xung đột tiếp tục giảm sút.

Hai tháng sau, Nga vẫn chưa giành được lợi ích lớn đầu tiên nào ở Ukraine kể từ mùa hè năm 2022.

Phát biểu trước quốc hội, Putin cho rằng phương Tây thừa nhận rằng “không thể đánh bại Nga trên chiến trường” và do đó đã phát động “các cuộc tấn công thông tin tích cực”. “Chúng ta đang bảo vệ cuộc sống của mọi người, gia đình của chúng ta. Và phương Tây đang phấn đấu cho một sự thống trị không giới hạn.”

3. Tổng thống Ba Lan: Nhờ chủ nghĩa anh hùng của Ukraine và sự ủng hộ của đồng minh, Kyiv đã không thất thủ

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm thứ Ba đã cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Hoa Kỳ và Quốc hội Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ukraine trong bài phát biểu bên ngoài Lâu đài Hoàng gia ở Warsaw, Ba Lan.

“Khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu, mọi người đều nghĩ rằng Ukraine sẽ thất thủ trong vòng 72 giờ, trong vòng ba ngày,” ông nói, cảm ơn “chủ nghĩa anh hùng của những người bảo vệ Ukraine” và “sự hỗ trợ của thế giới tự do dành cho Ukraine. “

Duda đang phát biểu trước một đám đông sau cuộc hội đàm với Biden ở thủ đô Ba Lan, khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục chuyến công du khu vực trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược tàn bạo và vô cớ của Nga vào Ukraine.

“Chúng ta đoàn kết với Ukraine, và chúng ta sẽ luôn luôn đoàn kết với Ukraine,” ông nói.

“Ukraine tự do muôn năm. Liên minh của Cộng hòa Ba Lan với Hoa Kỳ muôn năm, NATO muôn năm, thế giới tự do muôn năm, Ba Lan muôn năm. Không có tự do nếu không có sự đoàn kết,” Duda nói thêm.

4. Bộ Ngoại giao cho biết: Ba Lan sẽ giao 14 xe tăng Leopard 2 cho Kyiv trong vài tuần tới

Ba Lan sẽ giao 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine trong “hai hoặc ba tuần tới” sau khi quá trình huấn luyện của quân đội Ukraine hoàn tất, Bộ Ngoại giao nước này cho biết hôm thứ Ba.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Ba Lan, nói rằng Warsaw ủng hộ việc gửi máy bay chiến đấu tới Kyiv và có một số cách để đạt được sự đồng thuận giữa các nước NATO.

“Giống như với xe tăng, chúng ta hy vọng rằng liên minh này sẽ đủ lớn để hỗ trợ người dân Ukraine ngày càng nhiều hơn. Máy bay phản lực rất hữu ích trong chiến tranh Ukraine. Tôi rất lạc quan”

“Nhưng chúng ta là thành viên của NATO và chúng ta muốn đạt được thỏa thuận trong tất cả các vấn đề như vậy để cùng tham gia vào việc này vì liên minh sẽ mạnh hơn khi chúng ta ở cùng nhau”.

5. Tổng thống Tiệp gọi chuyến thăm Ukraine và Ba Lan của Biden là “tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ”

Tổng thống tân cử Tiệp Petr Pavel hôm thứ Ba gọi chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Kyiv và Warsaw là một “tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ” về cam kết của Washington với Ukraine và các đồng minh Âu Châu.

Cựu chỉ huy quân đội Tiệp, người được bầu làm lãnh đạo mới của đất nước vào Tháng Giêng, đã cảnh báo không nên đàm phán với Nga, nói rằng các nước Đông Âu là một phần của hiệp ước phòng thủ Hiệp ước Warsaw thời Liên Xô đã nhận thức rõ về khả năng của Nga.

“Chúng tôi không có ý tưởng lý tưởng nào về hướng đi của Nga, về khả năng đàm phán với Nga. Chúng tôi đều biết rằng Nga nắm rõ quyền lực,” Pavel nói với CNN. “Đối với chúng tôi, sức mạnh đến từ sự đoàn kết. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất rõ ràng về đường lối thống nhất của tất cả các nước Liên Hiệp Âu Châu và NATO chống lại sự xâm lược của Nga”.

Ông nói rằng người Nga đã mắc phải một số “sai lầm chết người” ở Ukraine nhưng cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp Mạc Tư Khoa.

Pavel đã đưa ra lưu ý thận trọng về vấn đề cung cấp máy bay quân sự cho Ukraine, vì phải mất ít nhất nửa năm để đào tạo phi công và các đội hỗ trợ và mặt đất. “Việc huấn luyện kíp xe tăng và pháo binh dễ dàng hơn nhiều.”

6. Biden gặp tổng thống Moldova sau khi Mỹ bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc chiến của Nga

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp Tổng thống Moldova Maia Sandu tại Warsaw hôm thứ Ba.

Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về những nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn cho chính phủ Moldova. Sandu tuần trước cũng nói rằng Nga đang âm mưu đảo chính ở Moldova.

Trong cuộc họp, Biden nhấn mạnh sự hỗ trợ liên tục của Hoa Kỳ nhằm “giúp Moldova tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và chính trị, bao gồm chương trình cải cách dân chủ và an ninh năng lượng, đồng thời giải quyết các tác động của cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine”.

Một số bối cảnh: Moldova, nằm giữa Ukraine và Rumani, trước đây là một phần của Liên Xô vào cuối Thế chiến II. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, một số khu vực “xung đột đóng băng” ở Đông Âu đã nổi lên, bao gồm một dải đất dọc biên giới Moldova với Ukraine được gọi là Transnistria.

Lãnh thổ này tự tuyên bố là một nước cộng hòa Xô viết vào năm 1990, phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Moldova nhằm trở thành một quốc gia độc lập hoặc sáp nhập với Rumani. Khi Moldova giành được độc lập vào năm sau, Nga nhanh chóng đưa mình vào cái gọi là “lực lượng gìn giữ hòa bình” ở Transnistria, gửi quân tới để hỗ trợ phe ly khai thân Mạc Tư Khoa ở đó.

Trong bối cảnh chiến tranh ngày nay, vùng đất ly khai do Nga hậu thuẫn ở rìa phía tây nam của đất nước giờ đây có thể trở thành điểm tựa tiềm tàng cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga về phía tây từ khu vực Donbas phía đông Ukraine.

7. Biden tuyên bố Mỹ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO 2024

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố hôm thứ Ba rằng Hoa Kỳ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới, một cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra trong bối cảnh tương lai không chắc chắn, nhưng có khả năng xảy ra bạo lực, đối với cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

“Năm tới, tôi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm 2024 của mọi thành viên NATO tại Hoa Kỳ. Cùng nhau, chúng ta sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh phòng thủ mạnh nhất trong lịch sử thế giới: NATO,” Biden nói trong bài phát biểu tại Warsaw, Ba Lan, nhân kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược.

Ông nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với NATO và Điều 5, nguyên tắc thành lập của nhóm rằng một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả.

“Không còn nghi ngờ gì nữa: cam kết của Hoa Kỳ với liên minh của chúng ta và Điều 5 là vững chắc. Và mọi thành viên của NATO đều biết điều đó và Nga cũng biết điều đó: một cuộc tấn công chống lại một người là cuộc tấn công chống lại tất cả. Đó là một lời thề thiêng liêng,” Tổng thống Joe Biden nói.

Ông cam kết rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác “sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine khi nước này tự bảo vệ mình”.

8. Biden ca ngợi Ba Lan vì đã tiếp đón nồng hậu người tị nạn Ukraine kể từ khi cuộc chiến của Nga bắt đầu

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đoàn kết với hàng triệu người Ukraine đã chạy trốn khỏi đất nước khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga và ca ngợi những nỗ lực của Ba Lan và người dân Ba Lan đã tiếp nhận họ.

“Chúng ta sát cánh với hàng triệu người tị nạn trong cuộc chiến này, những người đã được chào đón ở Âu Châu và Hoa Kỳ, đặc biệt là ở Ba Lan,” ông nói trong một bài phát biểu tại Warsaw. “Các doanh nghiệp Ba Lan, xã hội dân sự, các nhà lãnh đạo văn hóa, bao gồm cả đệ nhất phu nhân Ba Lan — người có mặt ở đây tối nay — đã lãnh đạo bằng trái tim và quyết tâm, thể hiện tất cả những gì tốt đẹp về tinh thần nhân loại.”

Ông kể lại chuyến viếng thăm Ba Lan năm ngoái để gặp gỡ những người tị nạn, và nói rằng ông sẽ không bao giờ quên chuyến đi này.

“Nhìn thấy khuôn mặt của họ, kiệt sức và sợ hãi, ôm chặt con cái của họ, lo lắng rằng chúng có thể không bao giờ gặp lại cha, chồng hoặc anh chị em của mình nữa. Trong thời khắc đen tối nhất của cuộc đời họ, người dân Ba Lan đã mang đến cho họ sự an toàn và ánh sáng. Bạn đã ôm lấy họ, bạn đã ôm lấy họ theo đúng nghĩa đen.”

9. Phó thị trưởng Lviv nói Trung Quốc nên tránh xa việc cung cấp vũ khí cho Nga

Serhiy Kiral, phó thị trưởng thành phố Lviv, cho biết Trung Quốc nên tránh tham gia vào cuộc chiến Ukraine khi được hỏi về các báo cáo rằng Bắc Kinh đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

“Thông điệp của tôi gửi tới Bắc Kinh là hãy tiếp tục là Bắc Kinh, là Trung Quốc như đã tồn tại hàng nghìn năm. Trung Quốc nên ở lại và quan tâm đến công việc kinh doanh và lợi ích quốc gia của riêng họ, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hòa bình và an ninh trên toàn thế giới, ít nhất như câu chuyện mà họ đã nói ra trong nhiều năm. Họ nên đứng ngoài khả năng hỗ trợ này cho Nga,” Kiral nói với Bianna Golodryga của CNN hôm thứ Ba.

Ông nói thêm, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã nói rõ rằng “bất kỳ sự leo thang nào bằng cách cung cấp vũ khí sát thương cho Nga sẽ dẫn đến việc vượt qua các giới hạn đỏ và gây ra những hậu quả thực sự khó lường đối với nền kinh tế Trung Quốc và tương lai của Trung Quốc”.

Một số bối cảnh: Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột và không biết trước về ý định xâm lược Ukraine của Nga, nhưng họ đã từ chối lên án Mạc Tư Khoa và lặp đi lặp lại các đường lối của Điện Cẩm Linh đổ lỗi cho NATO vì đã kích động cuộc xung đột. Và trong khi luận điệu thân Nga của Bắc Kinh dường như đã dịu đi trong những tháng gần đây, thì sự ủng hộ của họ dành cho Mạc Tư Khoa – khi được đo lường bằng hoạt động thương mại hàng năm, các cam kết ngoại giao và lịch trình tập trận quân sự chung – đã tăng lên trong năm qua.

10. Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, đã đến Kyiv

Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, đã đến Kyiv để gặp tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, và nhắc lại sự ủng hộ của Ý đối với đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Chuyến đi hôm thứ Ba được coi là một trong những chuyến đi quan trọng nhất của Meloni kể từ khi bà lên nắm quyền vào tháng 10. Chuyến thăm của bà mang ý nghĩa biểu tượng, vì nó diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, thực hiện chuyến đi bất ngờ tới thủ đô Ukraine.

Sofia Ventura, giáo sư chính trị tại Đại học Bologna, cho biết: “Đây là một chuyến đi thực sự quan trọng đối với Meloni, vì cô ấy cần thể hiện sự tin cậy của mình với Zelenskiy, nhưng hơn thế nữa là với các đối tác Mỹ và Âu Châu của cô ấy. Và cô ấy cần làm điều này khi biết rằng hai đồng minh của mình không đáng tin cậy do có quan hệ với Nga.”

Meloni đã buộc phải nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của Ý đối với Ukraine vào tuần trước sau khi Berlusconi, cựu thủ tướng có tình bạn lâu dài với Putin, nói rằng nếu ông vẫn còn lãnh đạo chính phủ, ông sẽ không tìm cách gặp Zelenskiy, lập luận rằng nếu Tổng thống Ukraine đã “ngừng tấn công hai nước cộng hòa tự trị Donbas” thì chiến tranh đã không xảy ra.

Nhận xét của ông đã gây ra một làn sóng chỉ trích. Những bình luận của Berlusconi cũng khiến đảng Nhân dân Âu Châu, mà Forza Italia là thành viên, hủy bỏ một sự kiện đã được lên kế hoạch ở Napoli vào tháng Sáu.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera của Ý hôm thứ Hai, Zelenskiy cho biết ông rất biết ơn Ý vì đã gửi vũ khí và tin tưởng vào khả năng của Meloni trong việc duy trì sự ủng hộ của chính phủ đối với đất nước của bà. Đề cập đến việc Berlusconi khoe khoang vào tháng 9 năm ngoái rằng Putin đã gửi cho ông những chai vodka nhân dịp sinh nhật lần thứ 86 của ông, Zelenskiy nói đùa: “Có lẽ chúng ta nên gửi cho ông ấy một chút gì đó… chúng ta có rượu vodka Ukraine chất lượng tuyệt vời”.

Hơn nữa, Meloni phải theo dõi đồng minh Matteo Salvini, lãnh đạo của Liên đoàn, người trước đây đã hết lời khen ngợi Putin và đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Âu Châu đối với Nga.

Lorenzo Castellani, giáo sư chính trị tại Đại học Luiss ở Rome, cho biết: “Thực tế là chuyến thăm của Meloni tới Kyiv diễn ra một ngày sau khi Biden báo hiệu một quan điểm của chính phủ Mỹ rằng sẽ rất khó để quay lại. Nó cũng mang lại cho cô ấy tầm nhìn quốc tế mạnh mẽ hơn trong khi dồn Berlusconi và Salvini vào chân tường.”

Meloni đang chấp nhận rủi ro chính trị với sự ủng hộ vững chắc của bà đối với Ukraine, do hơn 50% người Ý phản đối việc gửi vũ khí đến nước này và nghi ngờ các biện pháp trừng phạt. Nhưng với việc đảng Huynh Đệ Ý của bà chiếm hơn 30% trong các cuộc thăm dò dư luận so với dưới 10% của cả hai đồng minh, bà có thể chấp nhận rủi ro.

11. Chiến thắng của Ukraine trên chiến trường là cách duy nhất để đàm phán hòa bình

Con đường duy nhất dẫn đến “các cuộc đàm phán hòa bình thực sự” liên quan đến nhiều chiến thắng hơn của Ukraine trên chiến trường, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại phủ tổng thống ở Kyiv.

Sau bài phát biểu hiếu chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba, tổng thống cho biết Ukraine cần hỗ trợ quân sự nhiều hơn để chấm dứt chiến tranh.

“Ukraine nhận được vũ khí cần thiết càng nhanh thì chiến tranh càng sớm kết thúc”.

Bài phát biểu của Putin được đưa ra cùng ngày với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tái khẳng định cam kết của ông với Ukraine trong một bài phát biểu tại Ba Lan hôm thứ Ba.

Hôm thứ Hai, trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, Biden đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá nửa tỷ đô la, cho biết gói hỗ trợ này sẽ bao gồm nhiều thiết bị quân sự hơn, chẳng hạn như đạn pháo, nhiều sống chống tăng Javelin và lựu pháo. Ông cũng cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng đối với Mạc Tư Khoa vào cuối tuần này.

12. Đệ nhất phu nhân Jill Biden nói rằng bà chỉ biết về chuyến đi của tổng thống tới Ukraine “ngay trước khi ông khởi hành”

Đệ nhất phu nhân Jill Biden hôm thứ Ba nói với các phóng viên rằng bà đã biết về chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Joe Biden “ngay trước khi ông ấy khởi hành,” đồng thời nói thêm rằng bà bày tỏ một số lo ngại về chuyến đi bí mật hôm thứ Hai.

“Anh ấy nói với tôi, ngay trước khi khởi hành và tôi nói, 'Cái gì? Anh sẽ đi đâu?'“, đệ nhất phu nhân cho biết như trên trước khi lên máy bay để bắt đầu chuyến đi sáu ngày tới Namibia và Kenya. Bà nhắc lại rằng bà chỉ biết “ngay trước khi ông ấy khởi hành vì bạn biết đấy, đó là bí mật.”

Khi được hỏi liệu bà ấy có lo lắng về việc Biden sẽ đến Ukraine không, bà ấy nói, “Tất nhiên là có!” Biden cho biết bà không nhớ liệu tổng thống có thông báo cho bà về chuyến thăm Ukraine trong buổi hẹn ăn tối cuối tuần gần đây của họ ở Washington hay không.

Biden cũng cho biết bà đã nói chuyện với tổng thống một vài lần trong khi chuyến đi của ông tới Ukraine và Ba Lan đang diễn ra.

“Ông ấy cảm thấy mọi việc diễn ra tốt đẹp và ông ấy rất vui vì đã đến Ukraine,” đệ nhất phu nhân nói, sau đó nói thêm rằng bà không thấy bài phát biểu gần đây của ông tại Warsaw vì bà đang giảng dạy.

“Tôi không thấy bất kỳ báo chí nào vì tôi ở trong lớp suốt thời gian đó. Nhưng tôi sẽ đi lên lầu xem một số. Nhưng tôi nghe nói bài phát biểu ở Ba Lan thật tuyệt vời,” bà nói.
 
Nghi phạm sát hại ĐGM OConnell đã bị bắt. Los Angeles treo cờ rũ thương tiếc vị GM của người nghèo
VietCatholic Media
04:23 22/02/2023


1. Nghi phạm trong vụ sát hại Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles đã bị bắt

Một người đàn ông gốc Tây Ban Nha 65 tuổi quê quán ở Torrance, California, là người có mối liên hệ công việc với Đức Cha David O'Connell, đã bị bắt vào ngày 20 tháng 2 với tư cách là nghi phạm chính trong vụ sát hại Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles.

Cảnh sát trưởng quận Los Angeles Robert Luna đã thông báo trong một cuộc họp báo rằng nghi phạm Carlos Medina đã đầu hàng và bị bắt giam tại nhà riêng vào khoảng 8:15 sáng ngày 20 tháng 2 sau khi giằng co với chính quyền.

Vợ của Medina là quản gia của Đức Cha O'Connell, và trước đây anh ta cũng từng làm việc tại dinh thự của Đức Cha O'Connell, Luna nói. Cảnh sát trưởng sau đó đã làm rõ rằng mặc dù Medina có thể đã làm việc cho Đức Cha O'Connell, nhưng họ “vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem mối quan hệ này là gì.”

“Ưu tiên của chúng tôi trước 8:00 sáng nay là bắt được nghi phạm này, và chúng tôi đã làm được, nhờ một số công việc thám tử tuyệt vời,” Luna nói. “Ưu tiên tiếp theo của chúng tôi là truy tố anh ta.”

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cũng đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20 tháng 2, nơi việc bắt giữ Medina được công bố. Ngài đề cập đến hơn 40 năm phục vụ Los Angeles của Đức Cha O'Connell và nhớ đến ngài như một “người hòa bình” trong cộng đồng.

“Hàng ngày Đức Cha O'Connell làm việc để thể hiện lòng trắc ẩn đối với người nghèo, người vô gia cư, người nhập cư và tất cả những người sống bên lề xã hội,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói. “Ngài ấy là một linh mục tốt, một giám mục tốt, và một con người của hòa bình, và chúng ta rất buồn khi mất ngài.”

“Trong khoảnh khắc buồn và đau đớn đối với tất cả chúng ta, một lần nữa xin cảm ơn quý vị đã quan tâm và kính trọng, và xin vui lòng, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Đức Cha Dave và gia đình của ngài, và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho các quan chức thực thi pháp luật của chúng ta khi họ tiếp tục điều tra”.

Đức Cha O'Connell được tìm thấy đã chết tại ngôi nhà ở Hacienda Heights vào ngày 18 tháng 2. Ngài được chính quyền phát hiện trong phòng ngủ của mình, với ít nhất một vết thương do súng bắn vào phần trên cơ thể. Vụ việc đã trở thành một cuộc điều tra giết người vào sáng hôm sau sau khi các nhà điều tra vụ án giết người có mặt tại hiện trường, Luna nói.

Cuối buổi sáng hôm đó, các thám tử phát hiện ra đoạn phim giám sát cho thấy một chiếc xe đã tấp vào đường lái xe của Đức Cha, dừng lại một lúc rồi rời đi. Sau đó, họ nhận được một lời báo cáo của người dân đã dẫn họ đến gặp Medina, người đã lái một chiếc SUV tương tự như chiếc được mô tả, và người báo cáo lưu ý rằng “họ lo lắng vì Medina đã hành động kỳ lạ, phi lý và đưa ra những nhận xét về việc vị giám mục nợ tiền anh ta,” theo Luna.

Cảnh sát trưởng sau đó đã làm rõ rằng anh ta không chắc chắn về bất kỳ tranh chấp nào giữa Medina và Đức Cha O'Connell, nhưng nói rằng đó là điều mà “các thám tử sẽ điều tra.” Một động cơ vẫn chưa rõ ràng, Luna nói thêm.

Sau khi xác định Medina là nghi phạm, nhà chức trách đã nhận được lệnh bắt giữ anh ta và đến nơi ở của anh ta vào sáng sớm ngày 20 tháng 2. Sau một thời gian từ chối lời kêu gọi đầu hàng của chính quyền, Medina đã rời khỏi nơi cư trú của anh ta vào khoảng 8:15 sáng và bị bắt mà không có thêm sự việc nào khác, Luna nói.

Luna cho biết thêm, hai khẩu súng và các bằng chứng khác có thể liên kết Medina với tội ác đã được thu hồi. Các loại súng sẽ được nhà chức trách kiểm tra và thử nghiệm để xác định xem một trong hai loại súng này có được sử dụng trong vụ giết người hay không.

Một số sự thật vẫn chưa được biết, bao gồm thời gian chết chính xác của Đức Cha O'Connell, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng và chính xác bằng cách nào Medina vào nhà của O'Connell. Luna cũng lưu ý rằng cho đến nay quản gia của O'Connell, vợ của Medina, đã hợp tác với các nhà điều tra, nhưng anh ta không loại trừ khả năng buộc tội cô ấy trong tương lai, nói rằng “ tại thời điểm này trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. '

Phát biểu sau Luna, Janice Hahn, thành viên của Hội đồng Giám sát của Quận Los Angeles, thông báo rằng Los Angeles sẽ treo cờ rũ để vinh danh Đức Cha O'Connell, gọi trái tim của ngài là “vô bờ bến”.

Hahn nói: “Los Angeles đã mất đi một đối tác trong công việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, và thế giới đã mất đi một lực lượng vì lòng tốt. Thật không thể tưởng tượng được cuộc đời của ngài lại kết thúc một cách bi thảm như vậy.”

Sinh ra ở County Cork, Ireland vào năm 1953, Đức Cha O'Connell được thụ phong để phục vụ tại Tổng giáo phận Los Angeles vào năm 1979, và đã ở đó kể từ đó nổi tiếng là người kiến tạo hòa bình trong cộng đồng, người đã tiếp cận với tất cả những người ở bên lề xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá vào năm 2015.

Hai ngày sau khi ngài bị sát hại, những lời tưởng nhớ đến Đức Cha O'Connell vẫn tiếp tục từ khắp nơi trên thế giới Công Giáo.

Đức Cha Fintan Gavin của Cork và Ross, Ái Nhĩ Lan - giáo phận quê hương của Đức Cha O'Connell - cho biết tin tức này đã gây ra “làn sóng chấn động” khắp cộng đồng.

“Thay mặt cho người dân, các linh mục và tu sĩ của Giáo phận Cork và Ross, và nhân danh cá nhân tôi, tôi muốn bày tỏ sự cảm thông và hỗ trợ bằng lời cầu nguyện tới gia đình Đức Cha O'Connell ở Cork, tới Đức Tổng Giám Mục José H Gomes và mọi người., các linh mục và tu sĩ của Tổng giáo phận Los Angeles,” Gavin nói.

“Chúng ta sẽ cầu nguyện cho Đức Giám Mục David trong Thánh lễ khắp Giáo phận Cork và Ross trong những ngày tới để xin Chúa an ủi gia đình, đồng nghiệp và tất cả tang quyến của ngài. Đức Giám Mục David đã làm việc không mệt mỏi vì hòa bình và hòa hợp trong các cộng đồng; giờ đây cầu xin cho ngài có thể yên nghỉ trong bình an của Chúa”.

Đức Cha Robert Barron, người đã được tấn phong làm Giám Mục Phụ Tá cho Tổng giáo phận Los Angeles cách đây bảy năm cùng với Đức Cha O'Connell trước khi ông được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Winona-Rochester vào tháng Sáu năm ngoái.

“Ngay từ khi gặp ngài, tôi đã có ấn tượng sâu sắc bởi lòng tốt, sự tử tế, tinh thần cầu nguyện và tấm lòng đơn sơ của ngài. Trong suốt những năm tôi ở Tổng giáo phận Los Angeles, Đức Cha Dave là nguồn hỗ trợ, khuyến khích và hài hước thường xuyên,” Đức Cha Barron nói.

“Ngài đã cống hiến chức linh mục của mình để phục vụ người nghèo. Tôi có thể thành thật nói rằng ngài là một trong những người giống Chúa Kitô nhất mà tôi từng biết. Cầu xin ngài có thể nghỉ ngơi trong hòa bình.”


Source:Crux

2. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nói chuyến thăm của Biden tạo ra hy vọng mới

Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của Ukraine cho biết chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Hai đã mang đến cho người dân nước này hy vọng mới nhân kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược.

Phát biểu qua Zoom với một số nhà báo Ý, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cho biết “quân đội Nga đã kết án tử hình chúng tôi theo đúng nghĩa đen”, nhưng trước đây đã có nhiều chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia tới Kyiv, và bây giờ bao gồm cả chuyến viếng thăm của tổng thống Joe Biden, cho chúng tôi hy vọng rằng bản án này sẽ không được thi hành.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết, tình đoàn kết được thể hiện qua những chuyến thăm này mang đến cho người dân Ukraine niềm hy vọng “rằng chúng tôi không chỉ có thể tồn tại mà còn có thể tự bảo vệ mình và xây dựng một xã hội tự do và dân chủ”.

“Một năm trước, vào thời điểm này, tất cả các đại diện ngoại giao đã rời Kyiv. Chính người Mỹ đã kêu gọi đồng bào của họ rời khỏi lãnh thổ Ukraine,” Shevchuk nói, đồng thời lưu ý rằng khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, chỉ có hai đại diện ngoại giao ở lại Kyiv: đặc phái viên của Vatican, Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, và đại sứ Ba Lan.

“Tất cả những người khác đã chạy trốn. Một năm sau, không chỉ mọi người quay trở lại mà thậm chí cả tổng thống Hoa Kỳ cũng đã đến,” Đức Cha Shevchuk nói, đồng thời đưa ra lời cầu xin tới cộng đồng quốc tế: “Đừng bỏ rơi chúng tôi, xin đừng bỏ rơi chúng tôi.”

Với việc cuộc chiến đã đi đến mốc một năm, nó đã mất đi phần lớn sức hấp dẫn của tin tức nhưng đồng thời Đức Tổng Giám Mục bày tỏ hy vọng rằng “Chúa nghe thấy tiếng máu kêu gào từ đất Ukraine đến các tầng trời” và rằng “thế giới không nhắm mắt trước những vết thương và sự đau khổ của người dân Ukraine.”

“Chúng tôi hy vọng rằng những tiếng khóc của người dân chúng tôi sẽ không bị lãng quên và những người lắng nghe chúng ta sẽ không thờ ơ, bởi vì chúng tôi đã trải nghiệm rằng sự dối trá và sự thờ ơ thực sự giết chết, thực sự, chúng dẫn đến nạn diệt chủng,” ngài nói.

Biden đã có chuyến thăm không báo trước tới thủ đô Kyiv của Ukraine hôm thứ Hai, nơi ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy để thể hiện tình đoàn kết của phương Tây với quốc gia đang có chiến tranh.

Trong hơn năm tiếng đồng hồ viếng thăm ở Kyiv, Biden đã dừng lại nhiều lần, tham khảo ý kiến của Zelenskiyy về các động thái tiềm năng tiếp theo, bày tỏ lòng kính trọng đối với những người lính đã ngã xuống và thăm nhân viên tại đại sứ quán Hoa Kỳ.

Trong một bài phát biểu trước công chúng, Biden cho biết Ukraine vẫn đang chiến đấu với “một cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa”, nhưng lưu ý một cách thách thức rằng bất chấp cuộc xâm lược của Nga vào năm ngoái và cuộc tấn công tiếp tục của họ, “một năm sau, Kyiv vẫn đứng vững. Ukraine đứng vững. Dân chủ đứng vững. Người Mỹ đứng về phía các bạn, và thế giới đứng về phía các bạn.”

Hoa Kỳ là một trong những người ủng hộ lớn nhất của Ukraine trong suốt cuộc chiến, đã hỗ trợ quân sự hơn 3,75 tỷ đô la cho Ukraine và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đang diễn ra, với giao tranh dự kiến sẽ sớm gia tăng với các cuộc tấn công mùa xuân mới.

Zelenskiyy đã thúc ép các đồng minh đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí quân sự và yêu cầu phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, một yêu cầu mà Biden cho đến nay đã từ chối. Zelenskiyy cũng đã yêu cầu các hệ thống pháo binh tầm xa cho phép quân đội của ông tấn công các mục tiêu Nga ở xa tiền tuyến.

Khi ở Kyiv, Biden cũng công bố khoản hỗ trợ bổ sung nửa tỷ đô la của Hoa Kỳ cho Ukraine, được sử dụng để mua đạn pháo, hỏa tiễn chống tăng, radar giám sát trên không và các hình thức viện trợ khác, nhưng không có vũ khí tiên tiến mới.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là không có bất kỳ nghi ngờ nào, không có bất kỳ điều gì, về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine trong cuộc chiến,” Biden nói về chuyến thăm của mình, “Cái giá mà Ukraine phải gánh chịu là vô cùng cao. Và những hy sinh đã quá lớn, nhưng cuộc chiến chinh phục của Putin đang thất bại.”

Khi Nga lần đầu tiên xâm lược vào năm ngoái, nhiều người nghĩ rằng sẽ chỉ còn vài ngày, hoặc nhiều nhất là vài tuần, cho đến khi Kyiv thất thủ, nhưng người Ukraine đã tỏ ra kiên cường đến mức khó tin, và một năm sau, thủ đô vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine, bất chấp đạn pháo đang diễn ra và các cuộc tấn công hỏa tiễn.

Điều này không chỉ nhờ vào quyết tâm của quân đội Ukraine, mà còn nhờ vào sự hỗ trợ quốc phòng quân sự mà Ukraine đã nhận được từ các đồng minh quốc tế.

Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có phù hợp hay không là một chủ đề tranh luận về mặt đạo đức trong Giáo Hội Công Giáo.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan vào tháng 9 rằng việc trang bị vũ khí cho Ukraine là “một quyết định chính trị”, có thể mang tính đạo đức trong những điều kiện phù hợp, và rằng “Tự vệ không chỉ là quyền, mà còn là một hành động của tình yêu quê hương.”

Tuy nhiên, ngài nói rằng việc cung cấp vũ khí là vô đạo đức nếu nó được thực hiện “với ý định kích động thêm chiến tranh hoặc bán vũ khí”.

Trong bài phát biểu của mình hôm thứ Hai, được đăng trên trang tin tức SIR của Ý, cơ quan thông tấn chính thức của hội đồng giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng đã cân nhắc về điểm này, nói rằng việc sử dụng vũ khí tự nó “cho thấy sự bất lực của xã hội hiện đại trong việc ngăn chặn và ngừng chiến tranh.”

Đức Cha Shevchuk cho biết ngài đã cố gắng cảnh báo nhiều người và tổ chức vào cuối năm 2021 rằng chiến tranh có khả năng nổ ra, “nhưng thật không may, cả cơ chế của luật pháp quốc tế cũng như bản thân cuộc đối thoại đàm phán đều không thể ngăn chặn thảm kịch này.”

Ngài nói: “Cả thế giới ngày nay cảm thấy bất lực trước cuộc chiến mù quáng, phi lý và báng bổ này, đồng thời cho biết việc sử dụng bom và các loại vũ khí khác của Nga hiện “cao hơn nhiều” so với “mức độ hỏa lực” mà Ukraine đang đáp trả.

“Khả năng tự vệ của Ukraine vẫn chưa tương xứng với số lượng và khả năng của người Nga tấn công chúng tôi,” ông nói, đồng thời cho biết chính vì lý do này mà Hội đồng các Giáo Hội Toàn Ukraine đã coi việc gửi vũ khí đến Ukraine là “có thể chấp nhận được về mặt đạo đức” để Ukraine “tăng cường khả năng tự vệ”.

“Những vũ khí này là để phòng thủ, không phải là để tiến công.”

Đức Cha Shevchuk cũng ca ngợi vai trò của Giáo Hội giữa cuộc xung đột trong việc cung cấp nhu cầu tinh thần của người dân và cung cấp viện trợ cho tuyến đầu, lưu ý rằng ở Kharkiv, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thực phẩm và các viện trợ khác được Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương phân phát cho những người ở tuyến đầu hàng ngày.

“Mỗi giáo xứ của chúng tôi đã trở thành một trung tâm phục vụ xã hội. Tôi tự hào về các giám mục và linh mục, tu sĩ nam nữ của mình,” ngài nói, nhưng lưu ý rằng nhiều người “cảm thấy mất tinh thần trước những đám tang bất tận của các nạn nhân dân sự và quân sự mà họ cử hành.”

Ngài cũng đang cầu nguyện cho hai linh mục – Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta – đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái tại Berdyansk, và vẫn đang bị Nga giam giữ, cũng như một linh mục và một nữ tu đã bị thương khi chuyển hàng viện trợ nhân đạo gần Kharkiv.

Tuy nhiên, bất chấp những lúc nản lòng, Giáo Hội “là một tia sáng hy vọng nhỏ nhoi. Tình đoàn kết Kitô giáo này, tình yêu này, và sự phó thác hoàn toàn này cho Chúa cho chúng ta khả năng hy vọng,” ngài nói.


Source:Crux
 
Kho đạn Nga ở Mariupol nổ suốt đêm, Wagner nửa đêm bỏ chạy cũng không thoát. Đài Nga làm dân hết hồn
VietCatholic Media
16:47 22/02/2023


1. Hàng loạt các tỉnh và thành phố Nga sát biên giới với Ukraine báo động không kích, tạo thành một cảnh hỗn loạn chưa từng có

Thống Đốc Belgorod là ông Vyacheslav Gladkov cho biết sáng thứ Tư 22 tháng Hai, tại các khu vực Bryansk, Kursk, Voronezh, và Belgorod, nhiều cảnh hỗn loạn đã diễn ra. Tại thị trấn Grayvoron, trong khu vực Belgorod, nơi có khoảng 6.000 dân, dân chúng nhốn nháo tìm chỗ tránh hỏa tiễn. Trong khi đó, tại thành phố Verigovka, người lái xe đi làm đã tấp vào lề đường, ngơ ngác nhìn lên bầu trời; nhiều người khác lại quay đầu xe vòng về nhà.

Cảnh hỗn loạn kéo dài gần cả buổi sáng cho đến khi Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết các đài phát thanh thương mại ở các vùng của Nga đã phát sai tin tức về cảnh báo không kích và khả năng tấn công bằng hỏa tiễn sau khi máy chủ của họ bị điện tặc tấn công.

Tin tức về cảnh báo sai đã lan truyền trên mạng xã hội vào sáng thứ Tư. Nhiều người thậm chí còn thêm mắm thêm muối cho biết chính mắt thấy hoả tiễn của Ukraine bắn vào các thành phố. Không rõ ai đứng sau vụ hack bị cáo buộc.

Theo Vyacheslav Gladkov, “Do một cuộc tấn công của tin tặc vào máy chủ của một số đài phát thanh thương mại ở một số vùng của đất nước, thông tin sai lệch đã được phát trên sóng về một cảnh báo không kích và mối đe dọa tấn công hỏa tiễn”

Ông khẳng định “Thông tin này là giả mạo và không tương ứng với thực tế. Chúng tôi yêu cầu các bạn theo dõi các tin nhắn trong các nguồn chính thức; và không tung ra các thông tin sai lệch.”

2. Quân Wagner nửa đêm bỏ trốn cũng không thoát, 620 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 8 xe tăng và 7 xe thiết giáp.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 22 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi bảy cuộc tấn công của kẻ thù, trong đó có một cuộc gần Bakhmut.

Trong 24 giờ, quân Nga đã tung ra 59 đợt tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Do hành động tội ác của quân xâm lược Nga, các tòa nhà dân cư đã bị phá hủy và hư hại, một số người bị thương và thiệt mạng. Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Có nguy cơ lớn về các cuộc không kích và tên lửa của Nga trên khắp Ukraine”.

Quân xâm lược tiếp tục tập tấn công ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtar. Tuy nhiên, mức độ có chậm lại. Có lẽ quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề. Cũng có lẽ là các tướng lãnh Nga nhận thức rằng các cuộc tấn công nhằm chiếm một thành phố nào đó trước khi Putin đọc bài diễn văn về tình trạng Liên Bang Nga đã thất bại; và họ không cố gắng nữa.

Gần thành phố Bakhmut, trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin, đã cáo buộc Bộ Quốc Phòng Nga phạm tội phản quốc khi không cung cấp đạn pháo, cũng chẳng bắn yểm trợ cho họ tấn công hay rút lui. Sau khi quân Wagner đã mất khoảng 400 quân khi tấn công Vasiukivka, cách thành phố Bakhmut 22 km về phía Bắc, nhằm cắt đứt xa lộ T0513; họ đã tìm cách bỏ trốn vào ban đêm, nhưng vẫn đạp phải mìn khiến quân trú phòng Ukraine nhận ra và tấn công cả bằng súng cá nhân lẫn pháo binh từ xa.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong 24 giờ qua, Nga đã mất thêm 620 binh sĩ, 8 xe tăng, 7 xe thiết giáp và 7 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 22 Tháng Hai, 145.060 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Thiệt hại của quân xâm lược còn bao gồm 3.334 xe tăng, 6.569 xe thiết giáp, 2.345 hệ thống pháo, 471 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 243 hệ thống tác chiến phòng không, 299 máy bay chiến đấu, 287 máy bay trực thăng, 2.026 máy bay không người lái chiến thuật, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.212 xe chuyển quân và nhiên liệu; và 226 thiết bị đặc biệt.

3. Kho đạn của Nga ở Mariupol bị phá hủy, nổ long trời suốt đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 22 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tại Mariupol, một kho đạn của quân đội Nga đã bị phá hủy gần sân bay.

Hội đồng thành phố Mariupol và ông Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, đã xác nhận tin tức và kết quả của các vụ nổ xảy ra ở Mariupol sau 22 giờ đêm ngày 21 tháng 2.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, “Có tổng cộng 12 tiếng nổ đã được nghe thấy. Trong số đó, hai cú chắc chắn là kết quả của hệ thống phòng không của quân xâm lược. Một kho đạn tại sân bay Mariupol đã bị trúng đạn và những tiếng nổ thứ cấp đã xảy ra sau đó. Một căn cứ của quân xâm lược trên lãnh thổ của Xưởng gang thép Ilyich cũng bị tấn công.”

Theo ông, quân xâm lược đã phải khẩn cấp di tản máy bay. Ngay trong đêm, người ta nghe thấy tiếng súng máy và sự di chuyển của thiết bị địch cũng được phát hiện”.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo ngày 22 tháng Hai, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 21 tháng 2 năm 2023, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu về Tình trạng Quốc gia đầu tiên kể từ năm 2021. Ông nói rõ rằng ông có ý định tiếp tục 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine.

Ông mô tả giới tinh hoa phương Tây là đã “trở thành biểu tượng của những lời nói dối hoàn toàn vô nguyên tắc” và đình chỉ Nga khỏi hiệp ước START mới.

Putin tiếp tục giọng điệu hiếu chiến mà ông đã áp dụng trong các bài phát biểu trong sáu tháng qua nhưng không tiết lộ bất kỳ biện pháp thiết thực nào có thể giải tỏa tình thế bế tắc hiện tại của Nga trên chiến trường.

Putin tiếp tục trình bày một câu chuyện mâu thuẫn về cuộc đấu tranh sinh tồn, trong khi khẳng định mọi thứ ở Nga vẫn ổn và đang được lên kế hoạch. Điều này làm cho cả hai thông điệp của ông trở nên vô hiệu.

5. Ukraine cho biết: Nga mất 3 máy bay không người lái quan trọng để bảo vệ tiền tuyến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 3 Drones Key to Defending Its Front Lines: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết: Nga mất 3 máy bay không người lái quan trọng để bảo vệ tiền tuyến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Quân đội Kyiv hôm thứ Ba cho biết Nga đã mất 3 máy bay không người lái vốn là chìa khóa để bảo vệ tiền tuyến trước những bước tiến của Ukraine, khi cuộc chiến Nga-Ukraine sắp tròn một năm.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã viết trong một bản cập nhật hoạt động vào sáng sớm thứ Ba rằng quân đội của họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Nga, được gọi là máy bay không người lái ZALA Lancet, vào ngày thứ Hai. Những máy bay không người lái này cung cấp cho Nga cả khả năng do thám, lẫn khả năng và tấn công, đồng thời đánh dấu tổn thất mới nhất mà quân đội Mạc Tư Khoa phải gánh chịu chỉ ba ngày trước lễ kỷ niệm.

“Trong ngày, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành 16 cuộc không kích nhằm vào các điểm tập trung binh lính và thiết bị quân sự của Nga, bao gồm cả một cuộc tấn công vào tổ hợp hỏa tiễn phòng không ở vị trí khai hỏa của nó. Hơn nữa, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ 3 máy bay không người lái loại Lancet”.

“Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công gấp 2 lần các vị trí của hệ thống phòng không đối phương và khẩu đội hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt của Nga”.

Tổn thất mới nhất của Nga xảy ra gần một năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, ban đầu nhằm giành chiến thắng nhanh chóng và sâu rộng trước nước láng giềng Đông Âu vốn được cho là có quân đội tương đối yếu hơn.

Nhưng Ukraine đã phản ứng lại cuộc xâm lược của Nga bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến, được hỗ trợ bởi hàng tỷ đô la viện trợ quân sự của phương Tây đã làm giảm bớt lợi ích quân sự của Nga. Ukraine đã phát động cuộc phản công của riêng mình vào mùa thu năm ngoái, chiếm lại hàng ngàn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây.

Khi Ukraine tiếp tục cản bước tiến của Nga, Nga đã trải qua những khó khăn trên chiến trường, trong đó có việc quân đội thiếu động lực. Ukraine cũng tuyên bố đã phá hủy một lượng đáng kể thiết bị quân sự của Nga trong suốt cuộc xung đột, bao gồm cả việc bắn hạ ba máy bay không người lái mũi mác này.

Máy bay không người lái ZALA Lancet là gì?

Máy bay không người lái ZALA Lancet là một máy bay không người lái do Nga sản xuất, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2019, theo Military Today. Chúng di chuyển với tốc độ tối đa khoảng 186 dặm hay 300 km một giờ và được sử dụng cho cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công.

Nga lần đầu tiên tuyên bố sử dụng máy bay không người lái ở Ukraine vào tháng 6 năm 2022 và đã sử dụng nó để tấn công các mục tiêu của Ukraine, bao gồm cả các hệ thống phòng không, Military Today đưa tin.

Theo Starshe Eddy, một kênh Telegram ủng hộ chiến tranh của Nga, Lancet đóng “vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phòng thủ” đối với Nga trên tiền tuyến Svatovo-Kremennaya ở miền đông Ukraine.

Theo Starshe Eddy, Nga đã sử dụng Lancet để thực hiện các chuyến bay phản pháo và hạ gục “hàng chục” hệ thống pháo của Ukraine.

Ukraine trước đó đã tuyên bố bắn hạ các máy bay không người lái Lancet khác. Vào tháng 12, Lữ đoàn phòng thủ chống khủng bố số 121 của tỉnh Kirovohrad đã chia sẻ những bức ảnh cho thấy hai máy bay không người lái Lancet bị bắn rơi.

Nga đã mất bao nhiêu máy bay không người lái trong cuộc chiến Ukraine?

Trong suốt cuộc chiến, Ukraine đã cung cấp các ước tính hàng ngày về số lượng thiết bị của Nga mà họ đã phá hủy, nhưng những con số này chưa được Nga xác nhận và chưa được xác minh độc lập.

Tính đến ngày 21 tháng Hai, Ukraine tuyên bố họ đã phá hủy 2.023 máy bay không người lái cấp tác chiến-chiến thuật, theo Bộ Quốc phòng Ukraine. Hiện vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu máy bay không người lái còn lại trong kho vũ khí của Nga. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã nhận được sự hỗ trợ từ Iran, quốc gia đã cung cấp cho quân đội nước này các máy bay không người lái Shahed-136.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine, cũng như các nhà phân tích quân sự để bình luận.

6. Phản ứng của Bộ Quốc Phòng Nga sau khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin cáo buộc họ tội 'phản quốc'.

Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga cho biết các chỉ huy quân sự của Mạc Tư Khoa đang từ chối cung cấp đạn dược cho nhóm này và đang tìm cách tiêu diệt nhóm này, cáo buộc họ là “phản quốc”, trong một cuộc khẩu chiến leo thang giữa các quan chức cấp cao của Nga và quân đội tư nhân do ông ta làm chủ.

Lực lượng lính đánh thuê của Yevgeny Prigozhin, được tuyển mộ từ các nhà tù trên khắp nước Nga để củng cố hàng ngũ, đang đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chiếm thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine. Trận chiến đã phơi bày căng thẳng giữa nhóm Wagner và quân đội Nga, mặc dù Điện Cẩm Linh phủ nhận bất kỳ sự rạn nứt nào.

“Tổng tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng đưa ra mệnh lệnh trái và phải mà không cung cấp đạn dược cho PMC Wagner, họ cũng còn không hỗ trợ vận tải hàng không,” Prigozhin nói trong một tin nhắn được chia sẻ bởi dịch vụ báo chí của ông vào hôm thứ ba.

“Có sự phản đối trực tiếp đang diễn ra, đó không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm tiêu diệt Wagner. Điều này có thể bị coi là tội phản quốc cao độ,” ông ta nói thêm.

Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận việc hạn chế vận chuyển đạn dược cho các tình nguyện viên ở mặt trận, nhưng không đề cập đến quân đội tư nhân của nhóm Wagner hoặc các cáo buộc của Prigozhin.

“Tất cả các yêu cầu về đạn dược cho các đơn vị tấn công đều được đáp ứng càng sớm càng tốt,” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh, hứa hẹn sẽ giao hàng mới vào thứ Bảy và tố cáo các báo cáo về tình trạng thiếu hụt là “hoàn toàn sai sự thật”.

“Nỗ lực tạo ra sự chia rẽ trong cơ chế tương tác và hỗ trợ chặt chẽ giữa các đơn vị của các nhóm chiến đấu của Nga là phản tác dụng và chỉ hoạt động vì lợi ích của đối phương,”

7. Biden gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhóm 'Bucharest Nine' ở Ba Lan

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vẫn đang ở Ba Lan, nơi ông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhóm “9 nước Bucharest”, là các thành viên Đông Âu của Nato và người đứng đầu Nato Jens Stoltenberg.

Bucharest Nine, hay B9, được thành lập vào năm 2015 để đáp trả sự gây hấn của Nga ở Ukraine. Các thành viên của nhóm bao gồm Ba Lan, Rumani, Bulgaria, Cộng hòa Tiệp, Lithuania, Estonia, Hung Gia Lợi, Latvia và Slovakia.

Biden dự kiến sẽ trở lại Washington vào tối thứ Tư.

Hôm thứ Ba, ông đã có một bài phát biểu tại Warsaw, trong đó ông tập hợp các đồng minh, nói rằng, “Khi Nga xâm lược, không chỉ Ukraine bị thử thách. Cả thế giới phải đối mặt với một thách thức lâu đời.”

8. Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi tăng tốc gởi đạn pháo Ukraine

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng tốc vận chuyển đạn dược từ kho dự trữ của họ tới Ukraine “như một vấn đề cấp bách”.

Dựa trên các bình luận tại hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua và tại trụ sở của Nato vào hôm thứ Ba, Borrell cho biết Liên Hiệp Âu Châu đang “xem xét vấn đề mua sắm chung “ đạn dược và “làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu”.

Trong một bức thư gửi các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu mà Guardian được xem, ông hứa hẹn các đề xuất trước cuộc họp ở Stockholm trong hai ngày 7 và 8 tháng 3. Ủy ban Âu Châu dự định hoàn trả cho các quốc gia thành viên số đạn dược được gửi đến Ukraine và thực hiện việc mua sắm chung thông qua Cơ sở Hòa bình Âu Châu, một quỹ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu. Quỹ này đã phát hành 3,6 tỷ euro để thanh toán thiết bị quân sự cho Ukraine trong 12 tháng qua.

Borrell viết “Vì vấn đề cấp bách, tôi kêu gọi tất cả các bạn đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược mà bạn có thể cung cấp từ kho dự trữ của mình... Tương lai của Ukraine đang bị đe dọa.”

9. Quốc hội Nga bỏ phiếu rút khỏi hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, một ngày sau khi ông Vladimir Putin tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ trong một bài phát biểu quan trọng, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu đình chỉ việc nước này tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START.

Theo TASS, việc đình chỉ đã được nhất trí tại Duma. Sự chấp thuận của Quốc hội chỉ là một hình thức sau quyết định của Putin rằng Nga sẽ chính thức ngừng tham gia.

Hiệp ước đặt ra giới hạn về số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa được triển khai mà cả Mỹ và Nga có thể sở hữu. Lần cuối cùng nó được gia hạn là vào đầu năm 2021 trong 5 năm, nghĩa là hai bên sẽ sớm cần bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác.

Theo hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng, cả Hoa Kỳ và Nga đều được phép tiến hành kiểm tra các địa điểm vũ khí của nhau.

Mặc dù Nga không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước, nhưng dường như nước này đang chính thức hóa lập trường hiện tại của mình; Trong nhiều tháng, các quan chức Mỹ đã thất vọng về việc Nga thiếu hợp tác với thỏa thuận.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gọi quyết định của Putin hôm thứ Ba là “vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm.”

10. Trung Quốc bác bỏ lo ngại NATO có thể hỗ trợ sát thương cho Nga

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết nước này không xem xét gửi hỗ trợ sát thương cho Mạc Tư Khoa để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, cáo buộc Hoa Kỳ và NATO lan truyền thông tin sai lệch về vai trò tiềm năng của Bắc Kinh trong cuộc xung đột.

Hôm thứ Tư, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết: “Mỹ và các nước NATO khác hiện đang liên tục lan truyền rằng Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí cho Nga, đây là một mánh khóe đã được sử dụng và bị phá vỡ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Bình luận của ông Vương được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba cho biết liên minh này “ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch hỗ trợ nguy hiểm cho cuộc chiến của Nga”.

Trong bài phát biểu của mình hôm thứ Tư, ông Vương cho biết Trung Quốc kêu gọi NATO “ngừng bôi nhọ Trung Quốc bằng những suy đoán vô căn cứ về Ukraine, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh cũ về trò chơi có tổng bằng không và đối đầu theo khối, đồng thời ngừng xúi giục đối đầu”.

Vương cũng tuyên bố Mỹ và các nước NATO khác là “nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho chiến trường Ukraine”.

Một số bối cảnh: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Bảy và cảnh báo “về những tác động và hậu quả” nếu Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga, theo một tuyên bố của Hoa Kỳ về cuộc họp.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Trung Quốc không ủng hộ Nga, nói rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới khác.

11. Tờ Wall Street Journal đưa tin Tập Cận Bình có kế hoạch gặp Putin tại Mạc Tư Khoa

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa trong “những tháng tới”, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với kế hoạch này.

Tạp chí cho biết, việc sắp xếp cho chuyến đi đang ở “giai đoạn đầu” và thời gian chưa được hoàn thiện, trích dẫn những người quen thuộc với chuyến thăm, đồng thời cho biết thêm rằng ông Tập có thể tới Nga vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã trích dẫn báo cáo của tờ Wall Street Journal, cho biết ông Tập “có thể sớm” thăm Nga.

Putin đã gửi lời mời tới Tập trong cuộc điện đàm cuối năm theo thông lệ giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch nào.

Quan hệ đối tác “không giới hạn”: Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố trung lập đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng họ đã từ chối lên án Mạc Tư Khoa và lặp đi lặp lại các đường lối của Điện Cẩm Linh đổ lỗi cho NATO vì đã kích động cuộc xung đột.

Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vẫn thân thiết hơn bao giờ hết kể từ khi các nhà lãnh đạo của họ tuyên bố về tình bạn “không giới hạn” một năm trước – một phần do sự thù địch chung của họ đối với Hoa Kỳ. Và khi Mỹ và các đồng minh tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và tăng cường viện trợ quân sự, thì mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga đã dấy lên hồi chuông cảnh báo ở các thủ đô phương Tây.
 
Phóng sự đặc biệt: Cuộc rước thống hối ngày Thứ Tư Lễ Tro 22/2/2023 tại Vatican
VietCatholic Media
21:53 22/02/2023

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối. Năm nay, do đau đầu gối, cuộc rước thống hối đã do Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân giải Tối cao, chủ sự.

Trong đoàn rước, có gần hai mươi Hồng Y, bốn giám mục, đông đảo tu sĩ Dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có hai vị Bề trên Tổng quyền của hai dòng.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Này là thời thuận lợi; này là ngày cứu độ!” (2 Cô-rinh-tô 6:2). Với những lời này, Thánh Tông đồ Phaolô giúp chúng ta đi vào tinh thần của Mùa Chay. Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để rũ bỏ tất cả những gì đè nặng chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa của Chúa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn của nhân tính yếu đuối của chúng ta. Hãy quay về với những gì là thiết yếu. Đó là mùa ân sủng khi chúng ta thực hành điều Chúa yêu cầu chúng ta ở đầu bài đọc một hôm nay: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Jl 2:12). Hãy trở lại với điều thiết yếu: đó là Chúa.

Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về. Nghi thức này khuyến khích chúng ta làm hai điều: trở về với sự thật về chính chúng ta; và trở về với Chúa và anh chị em của chúng ta.

Thứ nhất, hãy trở về với sự thật về chính chúng ta. Tro nhắc nhở cho chúng ta nhận rõ chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu. Tro tàn đưa chúng ta trở lại với sự thật thiết yếu của cuộc sống chúng ta: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là công trình của bàn tay Người. Đó là sự thật về con người chúng ta. Chúng ta có sự sống, và Thiên Chúa là sự sống. Ngài là Đấng Tạo Hóa, trong khi chúng ta là đất sét mỏng manh do tay Ngài nặn ra. Chúng ta đến từ đất và chúng ta cần thiên đường; chúng ta cần Ngài. Có Chúa, chúng ta sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, nhưng không có Người, chúng ta chỉ là cát bụi. Khi chúng ta khiêm tốn cúi đầu để nhận tro, chúng ta được nhắc nhở về sự thật này: chúng ta thuộc về Chúa; chúng ta thuộc về Người. Vì Thiên Chúa “lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2:7); chúng ta tồn tại bởi vì Người đã thổi vào chúng ta hơi thở của sự sống. Là một người Cha dịu dàng và hay thương xót, Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay, vì Ngài quan tâm đến chúng ta; Ngài đợi chúng tôi; Người đang chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Và Ngài không ngừng thúc giục chúng ta đừng tuyệt vọng, ngay cả khi chúng ta sa ngã trong bụi đất yếu đuối và tội lỗi, vì “Ngài biết chúng ta đã được dựng nên như thế nào; Ngài nhớ rằng chúng ta là cát bụi” (Tv 103:14). Chúng ta hãy nghe lại những lời ấy: Ngài nhớ rằng chúng ta là cát bụi. Chúa biết điều này; nhưng chúng ta thường quên điều đó, và nghĩ rằng chúng ta tự túc, mạnh mẽ và bất khả chiến bại khi không có Ngài. Chúng ta khoác lên mình bộ mặt đánh phấn thoa son và nghĩ rằng chúng ta giỏi hơn thực chất của chúng ta. Chúng ta chỉ là cát bụi.

Vì vậy, Mùa Chay là thời gian để nhắc nhở chúng ta ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo. Đã đến lúc công bố rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa, bỏ đi sự giả vờ tự túc và nhu cầu đặt mình vào trung tâm của mọi sự, đứng đầu tầng lớp, để nghĩ rằng bằng khả năng của mình, chúng ta có thể thành công trong cuộc sống và biến đổi thế giới xung quanh chúng ta. Bây giờ là thời điểm thuận lợi để hoán cải, ngừng nhìn vào bề ngoài của mình và bắt đầu nhìn vào thẳm sâu của chính mình. Có bao nhiêu phiền nhiễu và những chuyện vặt vãnh khiến chúng ta sao nhãng khỏi những điều thực sự quan trọng! Biết bao lần chúng ta bị cuốn vào những mong muốn và nhu cầu của chính mình, đánh mất tầm nhìn cốt lõi của vấn đề và không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của cuộc sống chúng ta trên thế giới này! Mùa Chay là thời gian của sự thật, là thời để bỏ đi những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo mỗi ngày nhằm trở nên hoàn hảo trong con mắt của thế giới. Đây là thời điểm, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng, để bác bỏ sự dối trá và đạo đức giả: không phải của những người khác, mà của chính chúng ta: Chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực chất và hoán cải.

Tuy nhiên, có một bước thứ hai: tro cũng mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Một khi chúng ta trở lại với sự thật về bản thân và nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không tự đầy đủ, chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ tồn tại thông qua các mối quan hệ: mối quan hệ nguyên thủy của chúng ta với Chúa và mối quan hệ quan trọng của chúng ta với những người khác. Tro tàn mà chúng ta nhận được tối nay cho chúng ta biết rằng mọi giả định về sự tự mãn là sai lầm và sự tôn thờ bản thân là sự phá hoại, giam cầm chúng ta trong sự cô lập và cô đơn: chúng ta hãy thôi nhìn vào gương và tin rằng mình hoàn hảo, là trung tâm của thế giới. Thay vào đó, cuộc sống là một mối quan hệ: chúng ta nhận được nó từ Thiên Chúa và từ cha mẹ chúng ta, và chúng ta luôn có thể làm sống lại và đổi mới cuộc sống nhờ Chúa và những người Ngài đặt bên cạnh chúng ta. Vì vậy, Mùa Chay là mùa ân sủng khi chúng ta có thể xây dựng lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa và với tha nhân, mở rộng tâm hồn chúng ta trong sự thinh lặng cầu nguyện và thoát ra khỏi pháo đài của sự tự mãn. Mùa Chay là thời gian thuận lợi khi chúng ta có thể phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập của chúng ta, đồng thời tái khám phá, qua gặp gỡ và lắng nghe, những người bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình mỗi ngày. Và học cách yêu thương họ một lần nữa như anh chị em.

Làm thế nào chúng ta có thể làm điều này? Thưa: Để thực hiện cuộc hành trình này, để trở về với sự thật về chính mình và trở về với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta được thúc giục đi theo ba con đường lớn: đó là bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Đây là những cách truyền thống, và không cần sự mới lạ. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó không phải là những nghi thức đơn thuần bên ngoài, mà phải là những hành động thể hiện sự đổi mới của tâm hồn chúng ta. Bố thí không phải là một cử chỉ vội vàng được thực hiện để xoa dịu lương tâm của chúng ta, để bù đắp cho sự mất thăng bằng nội tâm của chúng ta; đúng hơn, đó là một cách chạm đến những đau khổ của người nghèo bằng chính đôi tay và trái tim của chúng ta. Cầu nguyện không phải là một nghi thức, nhưng là một cuộc đối thoại chân thật và yêu thương với Chúa Cha. Ăn chay không phải là một hình thức giữ đạo kỳ lạ, mà là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở chúng ta điều gì thực sự quan trọng và điều gì chỉ là phù du. Chúa Giêsu đưa ra “lời khuyên vẫn giữ được giá trị bổ ích cho chúng ta: những cử chỉ bên ngoài phải luôn đi đôi với một trái tim chân thành và cách cư xử nhất quán. Thật vậy, việc xé áo của chúng ta có ích gì nếu lòng chúng ta vẫn xa cách Chúa, nghĩa là xa rời lòng nhân từ và công lý?” (BENEDICT XVI, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, ngày 1 tháng 3 năm 2006). Thông thường, những cử chỉ và nghi thức của chúng ta không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta; chúng vẫn còn hời hợt. Có lẽ chúng ta thực hiện chúng chỉ để đạt được sự ngưỡng mộ hoặc quý trọng của người khác. Chúng ta hãy nhớ điều này: trong cuộc sống cá nhân của chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo hội, những biểu hiện bên ngoài, những phán xét của con người và sự chấp thuận của thế giới chẳng là gì cả; điều duy nhất thực sự quan trọng là sự thật và tình yêu mà chính Chúa nhìn thấy.

Nếu chúng ta khiêm tốn đứng trước cái nhìn của Ngài, thì việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay sẽ không chỉ là những biểu hiện bề ngoài, nhưng sẽ bày tỏ con người thật của chúng ta: là con cái Thiên Chúa, là anh chị em của nhau. Bố thí, bác ái sẽ là dấu chỉ lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người khốn khó, và giúp chúng ta trở về với tha nhân. Cầu nguyện sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là được gặp Chúa Cha, và sẽ đưa chúng ta trở lại với Người. Ăn chay sẽ là nơi rèn luyện tâm linh, nơi chúng ta vui vẻ từ bỏ những thứ thừa thãi đang đè nặng chúng ta, lớn lên trong tự do nội tâm và trở về với sự thật về chính mình. Gặp gỡ Chúa Cha, tự do nội tâm, cảm thương.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cúi đầu, nhận tro và làm cho tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng. Chúng ta hãy lên đường trên con đường bác ái. Chúng ta sẽ có bốn mươi ngày, một “thời điểm thuận lợi” để nhắc nhở bản thân rằng thế giới rộng lớn hơn những nhu cầu cá nhân hạn hẹp của chúng ta, và để khám phá lại niềm vui, không phải là tích lũy của cải vật chất, mà là quan tâm đến những người nghèo và đau khổ. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu con đường cầu nguyện và sử dụng bốn mươi ngày này để khôi phục lại vị trí tối cao của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và đối thoại với Ngài từ tận đáy lòng, chứ không chỉ trong những lúc rảnh rỗi. Chúng ta hãy bắt đầu con đường chay tịnh và sử dụng bốn mươi ngày này để kiểm điểm bản thân, giải phóng bản thân khỏi chế độ độc tài của những lịch trình dày đặc, những chương trình nghị sự dày đặc và những nhu cầu hời hợt, đồng thời chọn những điều thực sự quan trọng.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng lơ là ân sủng của mùa thánh này, nhưng hãy hướng mắt về thánh giá và lên đường, quảng đại đáp lại những thúc giục mạnh mẽ của Mùa Chay. Ở cuối cuộc hành trình, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa của sự sống với niềm vui lớn lao hơn, chúng ta sẽ gặp được Người, Đấng duy nhất có thể vực dậy chúng ta từ đống tro tàn.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana