Ngày 17-02-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 18/2/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:52 17/02/2018
Bài Ðọc I: St 9, 8-15

"Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt".

Trích sách Sáng Thế.

Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: "Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa". Và Thiên Chúa phán: "Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!"

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 18-22

"Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mc 1, 12-15

"Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Ðó là lời Chúa.
 
Suy niệm Chúa nhật I Mùa Chay năm B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:08 17/02/2018
Chống Trả Tên Cám Dỗ

(Mc 1, 12-15)

Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay Thánh. Phúc âm trình bày cho chúng ta một cuộc chiến đấu làm theo ý Chúa Cha hay là theo ý của Satan. Quả thật, trước khi sứ vụ cứu thế khai mào, Chúa Giêsu đã vào hoang địa, ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và ở đó chịu Satan cám dỗ.

Satan lợi dụng thời gian này để tấn công và cám dỗ Chúa đi khác đường lối của Chúa Cha, đây cũng là cám dỗ bất tuân giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam. Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn làm chủ. Vì là con người, Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mc 1,13).

Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta phải ý thức rằng, những quỉ kế mà ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay.

Satan là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Có người không tin có Satan, họ cho rằng, Satan là một sản phẩm do trí tưởng tượng của con người hoặc là sự dữ trừu tượng pha trộn trong con người và thế giới. Không!

Kinh thánh nói nhiều lần về Satan như một hữu thể cụ thể và có thực. Hắn là một thiên thần sa ngã. Chúa Giêsu khẳng định khi nói : "Hắn là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá" (Ga 8,44). Thánh Phêrô ví ma quỉ như con sử tử gầm thét : "Đối thủ của anh em là ma quỉ như sư tử rống, nó lượn rình tìm sao nuốt được một ai" (1Pr 5,8). Và Chân phước Phaolô VI, Giáo hoàng dạy chúng ta : "Ma quỉ là kẻ thù số một, nó cám dỗ rất tinh vi. Chúng ta biết rằng nhân vật tối tăm và phá rối này thực sự tồn tại và tiếp tục hành động".

Nó làm thế nào? Thưa, nó nói dối, lừa dối chúng ta. Baudelaire viết : "Chiến thắng lớn nhất của ma quỉ là làm cho chúng ta tin rằng ma quỉ không hiện hữu". Nó nói dối chúng ta thế nào? Hắn trình bày hành động xấu như thể là tốt, hắn thúc giục chúng ta làm điều xấu, hắn gợi lên những lý do để biện minh cho tội lỗi của chúng ta. Sau khi lừa dối chúng ta rồi, hắn làm cho chúng ta lo lắng và buồn bã. Hỏi chúng ta có bao giờ cảm thấy điều đó không?

Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và đã vâng phục cho đến chết ; sự bất tuân ấy được diễn tả như thế nào ? Nội dung của sự cám dỗ ấy là gì ? Chúa Giêsu là con người hoàn toàn như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, nên những thử thách mà Người phải đương đầu, những cám dỗ Người phải chịu, cũng là những thử thách, những cám dỗ của nhân loại hôm nay. Cám dỗ ấy là cám dỗ về vật chất tư lợi, uy quyền danh vọng, và về hưởng thụ thỏa mãn các đam mê trần tục.

Tiền bạc và của cải vật chết là một cám dỗ lớn, mãnh liệt, không trừ một ai, từ em bé mới có trí khôn cho đến người già sắp lìa cõi thế, từ người buôn bán giữa chợ cho đến vị bậc vị vọng ở nơi nhà thờ. Tự bản chất, tiền bạc không xấu ; xã hội phải làm ra của cải thì mới tồn tại và phát triển được; con người phải có tiền bạc tối thiểu mới có thể sống. Nhưng tiền là một người đầy tớ tốt, và là một ông chủ xấu. Biết sử dùng và làm chủ tiền bạc, chúng ta có thể làm rất nhiều việc, kể cả những việc ích Nước lợi Dân. Trái lại, khi nô lệ tiền bạc, để tiền bạc làm chủ, nó sẽ hủy hoại tất cả những giá trị đạo đức, từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, cho mẹ con cái, cho đến những giá trì về công bằng xã hội, về đạo đức và tôn giáo.

Danh vọng là một cám dỗ cũng mạnh không kém. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng lẫn lộn danh dự với danh vọng. Thực ra danh dự thì ai cũng cần ; có danh dự thì mới có thể sống vui, sống xứng đáng là con người. Mất hết danh dự, con người nhiều khi không còn thiết sống nữa. Nhưng danh vọng thì khác ; danh vọng thường phát xuất từ một địa vị cao, hoặc một đời sống giầu có, hoặc từ sự thành công được nhiều người biết đến và khen ngợi. Người ham mê danh vọng là người thích được người khác vỗ tay đề cao, thích được nổi bật giữa đám đông. Có người ham mê danh vọng đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh cả những giá trị đạo đức, chạy theo danh vọng nhiều khi là thả mồi bắt bóng và dẫn tới những sụp đổ bi đát nhất.

Cám dỗ thứ ba là quyền lực. Ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Thường khi đã có tiền và danh vọng, điều mà người ta ao ước là có quyền trên những người khác, điều khiển người khác. Các tranh chấp về quyền hành làm nảy sinh những biến động xã hội rất tai hại, có khi còn phát sinh giặc giã chiến tranh và gieo rắc đau khổ tan tóc trên nhiều người. Có những người đang nắm quyền cố gắng giữ chặt quyền bính bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn bất chính và phi nhân.

Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan ; nên Người được các thánh Giáo phụ gọi là Ađam mới, sinh ra một nhân loại mới, sống bằng sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ mình là con người mới được tái sinh nhờ Phép rửa, được kêu mời sống ơn gọi đó. Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đập vỡ đầu con rắn độc ác, giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ mỗi ngày. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Để chiến thắng ma quỷ cám dỗ.
Lm. Đan Vinh
20:28 17/02/2018
CN I MÙA CHAY B

St 9,8-15 ; 1 Pr 3,18-22 ; Mc 1,12-15

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 1,12-15.

(12) Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (16) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi được tấn phong làm Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), Đức Giê-su đã được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ thử thách cám dỗ và Người đã dùng vú khí Lời Chúa để chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ. Đến khi Gio-an Tẩy Giả bị bắt, thì Đức Giê-su mới bắt đầu thi hành sứ mạng Thiên Sai, bằng việc Người đi khắp miền Ga-li-lê để kêu gọi người ta ăn năn sám hối tội lỗi và tin vào Tin Mừng Nước Thiên Chúa do Người sắp thiết lập.

3. CHÚ THÍCH:

- C 12-13: + Thần Khí liền đẩy Người: Khi chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su đã được Thánh Thần lấy hình chim câu đậu xuống trên mình, để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Thiên Sai. Từ đây Người luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hành động mà việc đầu tiên là vào trong sa mạc ăn chay cầu nguyện và chiến thắng ma quỷ cám dỗ. + Vào hoang địa (sa mạc): Khi giải thoát con cháu Gia-cóp khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, Đức Chúa đã đưa họ “vào sa mạc” 40 năm, để ký một giao ước công nhận họ là dân riêng của Người, thanh luyện họ khỏi tội tôn thờ tà thần. Đây cũng là thời gian thử thách lòng trung tín của họ đối với Người. Đến thời các ngôn sứ, Hô-sê đã diễn tả đúng ý nghĩa của sa mạc khi ông trình bày Đức Chúa yêu thương dân Ít-ra-en giống như một người chồng yêu vợ, đã dẫn đưa dân này vào sa mạc để sống thân mật với Người (x. Hs 2,16). + Đức Giê-su “vào sa mạc”: Sau khi được công nhận là Con Yêu Dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha và được đầy Thần Khí, Đức Giê-su đã được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc, để sống thân tình với Chúa Cha bằng việc cầu nguyện và ăn chay suốt 40 ngày. Đây cũng là thời gian Người chịu ma quỉ thử thách. Nhờ luôn chọn làm theo lời Chúa Cha, Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan cám dỗ, và chứng minh lòng trung thành với sứ mạng Thiên Sai được Cha trao phó. + Bốn mươi ngày: Con số 40 tượng trưng cho một thời gian dài. Chẳng hạn: Trong Đại Hồng Thủy, ông No-e đã mở cửa sổ tàu sau khi nước rút được 40 ngày (x. St 8,6); Trong cuộc Xuất Hành, Mô-sê đã lên núi tiếp xúc với Đức Chúa suốt 40 ngày đêm (x. Xh 34,28); Dân Ít-ra-en phải lưu lạc trong sa mạc suốt 40 năm trường (x. Ds 14,34); Vua Đa-vít đã cai trị trong thời gian 40 năm (x 2 Sm 5,4); Ngôn sứ Ê-li-a đã chạy trốn lên núi Khô-rếp mất 40 ngày đêm (x. 1V 19,8); Đức Giê-su đã vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày (x. Mc 1,13). + Xa-tan: Xa-tan nghĩa là “kẻ thù”, “kẻ chống đối”, hay còn được gọi là “ma quỉ” hay Di-a-bo-los nghĩa là “kẻ kiện cáo”, “kẻ vu khống”. Đây là nhân vật vô hình có hai hoạt động là: nhập vào một người để bắt họ nói hay làm theo ý của nó và cám dỗ, xúi giục họ phạm tội chống lại Thiên Chúa. + Cám dỗ: Cơn cám dỗ của ma quỉ gồm 3 giai đoạn như sau: Một là gợi lên trong đầu người ta một hình ảnh hợp với nhu cầu của họ. Hai là làm cho người ta vui thích với hình ảnh ấy hoặc ước muốn làm điều xấu xa. Ba là người bị cám dỗ sẽ quyết định chiều theo hay không theo sự xúi giục của ma quỉ. Quyết định làm theo ma quỉ là đã phạm tội. Đối với Đức Giê-su, Xa-tan chỉ có thể cám dỗ ở giai đoạn thứ nhất, nghĩa là gợi lên trong tâm trí Người một tư tưởng hay một hình ảnh phù hợp với nhu cầu. + Sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người: Đức Giê-su đã chiến thắng cơn thử thách cám dỗ của Xa-tan. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng ấy là Người đã được Thiên Chúa che chở để sống hòa hợp với dã thú và còn được các thiên thần đến hầu hạ phục vụ (x. Tv 91,11-13). Đây là quang cảnh của thời Thiên Sai: một thời kỳ thái bình và đầy tình yêu thương huynh đệ, trong đó mọi loài vật sẽ sống hòa hợp với nhau và sẽ không có chỗ cho sự ganh ghét hận thù nhau (x. Is 11,6-9 ; 65,25).

- C 14-15: + Sau khi Gio-an bị nộp: Việc Gio-an bị bắt nói lên sứ mạng của ông là tiền sứ hay tiền hô của Đấng Thiên Sai đã chấm dứt, để chuyển sang thời kỳ Đức Giê-su thực hiện ơn cứu độ. + Ga-li-lê: Ga-li-lê là miền Bắc nước Do Thái, nơi đây có nhiều dân ngoại sống lẫn lộn với dân Do Thái. Đức Giê-su đã bỏ miền Giu-đê đến Ga-li-lê để bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. + Lời rao giảng của Đức Giê-su: được tóm kết trong 3 tư tưởng sau: Một là: Thời kỳ đã mãn: Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ là thời hiện tại và thời cánh chung. Giờ đây Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã kết thúc để bắt đầu một thời kỳ mới cánh chung, trong đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Hai là: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến Vương Quyền của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en là dân riêng của Người (x. Is 43,15 ; Tv 47,3). Từ đó, dân Ít-ra-en luôn trông chờ Thiên Chúa sẽ sớm thiết lập Vương Quyền của Người. Giờ đây, Đức Giê-su đã khẳng định rằng: Nơi Người, Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Ba là: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối hay Mê-ta-noi-a, một từ Hy lạp có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, Sám Hối chính là thay đổi hướng đi, triệt để từ bỏ tội lỗi để quay về với Giao Ước, và bước vào một đời sống mới. Ngoài ta còn phải tin vào Tin Mừng Đức Giê-su rao giảng nữa.

4. CÂU HỎI: 1) Trong cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã hành động theo sự thôi thúc hướng dẫn của ai? 2) Thời kỳ Xuất Hành. Đức Chúa đã hạ lệnh cho Mô-sê đưa dân Do thái vượt qua biển Đỏ vào trong sa mạc suốt thời gian 40 năm để làm chi? Còn Đức Giê-su được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc làm gì? 3) Đức Giê-su đã dùng phương thế thiêng liêng nào để chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ? 4) Hãy kể một số sự kiện trong Thánh Kinh có liên quan đến con số 40? 5) Xa-tan là ai? 6) Ma quỷ thường cám dỗ người ta qua mấy giai đoạn? 7) Sau khi chiến thắng ma quỷ, Đức Giê-su đã làm gì để mặc khải các đặc điểm về thời Thiên Sai mà Người muốn thiết lập? 8) Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa từ lúc nào? 9) Ga-li-lê là miền đất có đặc điểm thế nào? 10) Nội dung những lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm gọn trong ba điều chính yếu nào? 11) Sám hối nghĩa là gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỐNG LÀ CHIẾN ĐẤU KHÔNG NGỪNG:

Vào một buổi tối, cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng như sau:

- Hôm nay từ sáng đến giờ thầy làm gì?

Tu sĩ trả lời rằng:

– Hôm nay cũng như mọi ngày, con bận bịu với công việc mà nguyên sức con sẽ không thể làm nổi, nếu không được Chúa trợ giúp. Mỗi ngày con đều phải trông chừng hai con chim ưng, kềm giữ hai con nai, kiểm soát hai con diều hâu, điều khiển một con cá sấu, trừng trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.

Cha bề trên cười hỏi lại :

– Con nói gì lạ thế? Những con vật mà con vừa nói trong tu viện của chúng ta làm gì có?

– Thưa cha bề trên, thật đúng như vậy: Hai con chim ưng chính là hai con mắt của con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để chúng tự do thu nhận những hình ảnh xấu vào đầu. Hai con nai tức là đôi chân của con, con phải luôn trông chừng chúng trong từng bước đi, để chúng luôn đi trong nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay con, con phải luôn bắt chúng làm việc hữu ích. Còn cá sấu là cái lưỡi trong miệng con, con phải kiềm chế để nó khỏi thốt ra những lời lẽ thâm độc hại người. Con gấu chính là trái tim con, con phải coi chừng để nó khỏi mắc thói ích kỷ và thích phô trương công đức để tìm tiếng khen. Còn bệnh nhân chính là thân xác con, con phải canh phòng để cho xác thịt khỏi trỗi dậy và luôn khỏe mạnh.

Cuộc sống của chúng ta luôn phải chiến đấu với ba kẻ thù nguy hiểm là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Trong ba kẻ thù đó thì nguy hiểm nhất lại chính là xác thịt mình, vì nó ở ngay trong lòng mình. Mùa chay là thời kỳ chúng ta hãm mình đền tội và tập sống tinh thần nghèo khó của Chúa Giê-su. Trong thời gian này luật dạy chúng ta ăn chay hai ngày đầu và cuối Mùa Chay là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sau Tuần Thánh. Khi ăn chay, chúng ta giảm ăn và tránh ăn những món ngon, để cộng tác với ơn Chúa làm chủ bản thân, tập sống tiết độ như kinh Cải Tội Bảy Mối đã dạy: « Kiêng bớt chớ mê ăn uống ». Ăn chay là hãm mình đền tội và để có điều kiện chia sẻ cơm áo cho những kẻ nghèo đói và tích cực góp phần phục vụ các việc công ích với Hội Thánh.

2) BỊ CÁM DỖ HAY KHÔNG LÀ TÙY SỰ CẦU NGUYỆN, ĂN CHAY VÀ LÀM VIỆC NHIỀU ÍT:

Một hôm Thánh Ephrem nằm mơ thấy một thành phố kia rất đông người qua lại, nhưng ở cổng thành, ngài chỉ thấy có một tên quỉ đang ngồi ngáp ngủ. Rồi ngài lại thấy mình có mặt tại một khu rừng vắng chỉ có một vị ẩn sĩ đang sống, nhưng chung quanh vị này lại có cả một bầy quỉ rất đông đang tìm đủ cách tấn công vị tu sĩ. Bấy giờ thánh nhân liền la mắng lũ quỷ như sau: “Lũ quỷ các ngươi thật không biết xấu hổ khi kéo cả bầy đến tấn công một người. Còn trong thành phố kia có rất đông người thì các ngươi lại chỉ bố trí có một tên đứng không và còn ngáp đứng ngáp ngồi nghĩa là làm sao?”

Tên quỷ đầu đàn liền trả lời như sau: “Thành phố tuy đông người nhưng chẳng cần lũ quỷ chúng ta phải ra tay cám dỗ mà chúng vẫn phạm hết tội này đến tội khác, nên chỉ cần một tên đứng canh là đủ. Còn tại khu rừng vắng này dù chỉ có một tên tu sĩ, nhưng hắn ta lại rất kiên cường chiến đấu. Đến nay sau nhiều ngày tấn công cám dỗ mà chúng ta vẫn chưa cám dỗ được hắn ta phạm tội, vì hắn luôn ăn chay cầu nguyện, năng đọc Kinh Thánh và chăm chỉ làm việc”.

Thánh Phêrô dạy các tín hữu như sau: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9).

3) MỘT MẪU GƯƠNG THỰC LÒNG SÁM HỐI:

PI-RI TÔ-MÁT (Piri Thomas), từ một tên tội phạm đang thi hành án trong nhà tù, một con nghiện ma túy đã từng nhúng tay vào tội ác giết người... cuối cùng đã sám hối trở thành một tín hữu đạo đức thánh thiện đầy lòng nhân ái như sau: Một đêm nọ, Pi-ri đang nằm trong một phòng giam đặc biệt, cùng chung giường với một tên tội phạm biệt hiệu là “Thằng Ròm”, đột nhiên anh suy nghĩ về tình trạng tội lỗi của mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt phải trỗi dậy cầu nguyện với Chúa. Nhưng lúc đó anh lại đang nằm chung giường với một bạn tù là “Thằng Ròm”. Do đó, chờ cho “Thằng Ròm” ngủ say, anh mới từ từ bò ra khỏi giường, quì gối xuống nền nhà bằng bê-tông lạnh ngắt. Rồi anh say sưa nói với Chúa như đứa con thưa chuyện với cha mình.

Về sau anh đã thuật lại tiến trình trở lại của anh như sau: “Khi ấy tôi bày tỏ với Chúa những gì chất chứa trong lòng tôi. Tôi thưa với Ngài bằng những lời đơn sơ mộc mạc. Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những lầm lỗi thiếu sót của tôi, những hy vọng và thất vọng. Lúc đó tôi cảm thấy xúc động đến nỗi suýt bật khóc, một sự xúc động mà trước đây chưa bao giờ tôi cảm thấy. Khi kết thúc lời cầu nguyện, bỗng tôi nghe thấy có tiếng đáp: “Amen”. Thì ra đó là tiếng của “Thằng Ròm”. Lúc đó hắn đang nằm sấp trên giường, trán tựa trên hai cánh tay khép lại. Sau một lúc lâu im lặng, rồi “Thằng Ròm” nói nhỏ với tôi: “Này Pi-ri, tớ cũng tin Chúa!” Rồi tôi leo lên giường và hai đứa chúng tôi tiếp tục nói chuyện về niềm tin từ hồi còn thơ ấu của mình. Trước khi ngủ tiếp, tôi đã nói với “Thằng Ròm”: “Chúc Chi-co ngủ ngon nhé! Tớ nghĩ rằng: Thiên Chúa vẫn luôn ở với chúng ta. Chỉ có chúng ta là không muốn ở với Ngài mà thôi!”

4) BÉ ĂN CẮP MỘT QUẢ TRỨNG, LỚN ĂN CẮP CẢ CON BÒ :

Một tên cướp nhà băng kia đã dùng súng giết chết một viên cảnh sát và sau đó hắn bị bắt và bị tòa kết án tử hình. Bây giờ hắn đang bị cột vào chiếc ghế điện trong nhà tù Sing Sing chờ tới giờ thi hành án. Trên đầu hắn có đeo một chiếc vòng bằng kim loại cột nhiều thanh sắt. Khi cho dòng điện mạnh chạy qua là hắn sẽ lập tức bị chết ngay. Người thi hành án hỏi tử tội xem có muốn nhắn gửi điều gì trước khi chết không? Bấy giờ hắn mới tâm sự với giọng điệu đầy hối hận muộn màng như sau: ”Tất cả tội lỗi lớn lao của tôi hôm nay chỉ bắt đầu từ việc ăn cắp một đồng năm xu trong túi áo của mẹ tôi hồi còn nhỏ. Rồi khi đi học tôi tiếp tục ăn cắp các vật dụng của chúng bạn như bút vở, nhặt được đồ đánh rơi không trả cho người bị mất, đi xe buýt hay xe lửa trốn không mua vé. Rồi khi lớn khôn tôi bắt đầu sa vào các thói hư chơi bời hút xách bài bạc. Do thua cá độ một món tiền lớn, tôi và hai thằng bạn thân rủ nhau đi cướp giật túi xách người đi đường, rồi lên kế hoạch cướp nhà băng. Một ngày kia khi thực hiện việc cướp này và bị cảnh sát truy đuổi, tôi đã dùng súng bắn chết một viên cảnh sát và bị tòa kết án tử hình. Như vậy, tội cướp của giết người dẫn đến cái chết của tôi hôm nay chỉ bắt đầu từ việc ăn cắp một đồng bạc năm xu” (A. Tonne).

Tin Mừng hôm nay cho thấy khi cám dỗ Đức Giê-su, ma quỉ cũng áp dụng một chiến thuật tương tự. Nó không xúi Người tôn thờ nó ngay, mà yêu cầu Người hãy biến những viên đá cuội trở thành bánh mì mà ăn, nhằm thỏa mãn nhu cầu cơm áo vật chất thường ngày. Rồi tiếp đến nó xúi Người nhảy từ nóc đền thờ xuống để được khen, thỏa mãn các ước muốn về danh vọng chức quyền trần gian. Cuối cùng nó xúi Người sấp mình thờ lạy nó, để được nó ban cho của cải giàu sang. Đối với loài người chúng ta cũng thế: “Bé ăn cắp một quả trứng, lớn ăn cắp cả con bò”. Do đó, chúng ta đừng coi thường những lỗi nhỏ, vì từ một lỗi nhỏ hôm nay sẽ biến thành tội ác chối bỏ Thiên Chúa và làm hại tha nhân sau này.

5) LÒNG THAM LAM TIỀN BẠC LÀM MỜ MẮT LINH HỒN:

Ngày xưa, có người ở nước Tề có lòng say mê vàng bạc. Một hôm đi chợ, khi tới gần cửa hàng bán vàng bạc, anh nhìn thấy một thỏi vàng để trong quầy, liền chạy tới đập bể tủ kính chộp lấy thỏi vàng mang đi. Khi bị nhân viên cửa hàng đuổi theo bắt lại và bị hạch hỏi: “Tại sao ở giữa chốn đông người ban ngày ban mặt mà anh lại dám công khai cướp vàng là làm sao?”

Anh ta liền thú nhận: “Khi nhìn thấy thỏi vàng, thì tôi không còn thấy bất cứ người nào khác, mà chỉ thấy thỏi vàng trong quầy cần lấy bằng được với bất cứ giá nào!”

Đồng tiền liền khúc ruột nên nhiều người sẵn sàng lao vào lửa, bất chấp mọi khó khăn, không từ bất cứ thủ đoạn nào, miễn sao chiếm đoạt được nó mới thôi.

3. THẢO LUẬN: 1) Qua câu chuyện trên, bạn thấy vị tu sĩ đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ nhờ dùng các phương thế nào? 2) Bạn sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư tật xấu quan trọng nhất của bạn trong mùa chay này?

4. SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay đã ghi lại lời Đức Giê-su rao giảng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ăn năn sám hối (Mê-ta-noi-a) nghĩa là “cải thiện đời sống”, “cải tà qui chánh”. Là nhìn nhận những điều xấu xa tội lỗi trong đời sống của mình và quyết tâm trừ khử. Nói cách khác: Sám hối là nhận ra thân phận tội nhân của mình và thực lòng hoán cải, bằng cách làm những việc tốt trái ngược với các thói hư như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy.

1) MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẢI CHỊU MA QUỶ CÁM DỖ:

Đức Giê-su là Đấng Thánh vô tội, nhưng mang thân phận loài người giống như chúng ta, nên Người muốn chịu ma quỷ cám dỗ để nêu gương chống trả cho chúng ta. Qua việc bị ma quỷ cám dỗ, Chúa muốn dạy chúng ta rằng: Mọi người ai cũng đều phải trải qua các cơn cám dỗ của ma quỷ, và càng thánh thiện người ta lại càng bị cám dỗ nặng hơn để chứng tỏ lòng mến Chúa nhiều hơn. Thánh Grê-gô-ri-ô khi đã bước sang tuổi 90 đã chia sẻ kinh nghiệm như sau: "Ở tuổi này mà tôi vẫn thường xuyên bị ma quỷ cám dỗ giống như lúc tôi đang còn trong tuổi đôi mươi ! "

Đức Cha Ti-a-mer Toth cũng nói: "Ma quỉ đã dám đụng đến cả thủ lãnh Giê-su... thì chắc chắn chúng cũng sẽ không buông tha cho các đồ đệ của Người là chúng ta".

2) PHƯƠNG DIỆN TÍCH CỰC CỦA CƠN CÁM DỖ:

a) "Lửa thử vàng - Gian nan thử đức":

Sống trên đời, chúng ta không thể tránh được các cơn cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên cám dỗ cũng có mặt tích cực của nó là giúp củng cố đức tin của chúng ta hầu mang lại lợi ích cho tâm hồn. Cám dỗ giống như phương thế tập luyện giúp chúng ta nên người lính thiện chiến, một lực sĩ mạnh mẽ của Thiên Chúa, có khả năng chiến đấu và chiến thắng ma quỷ cám dỗ.

Ta có thể ví cám dỗ giống như một mũi chích ngừa bệnh để bạch huyết cầu của chúng ta có dịp chiến thắng những vi trùng yếu, tiết ra kháng thể giúp chúng ta miễn dịch và sẽ dễ dàng chiến thắng các vi trùng mạnh hơn về sau.

b) “Ơn Thầy đủ cho con”:

Cần ý thức rằng: Chúa luôn ban đủ ơn để giúp ta chiến thắng ma quỷ cám dỗ, miễn là luôn có Chúa ở trong lòng ta. Thánh nữ Ca-ta-ri-na một hôm bị một cơn cám dỗ rất nặng. Sau đó được Chúa Giê-su hiện ra an ủi. Vừa gặp Chúa, thánh nữ liền hỏi: “Lạy Chúa. Khi con bị cám dỗ thì Chúa ở đâu?”. Người trả lời: “Ta ở ngay trong lòng con đó”. Về phần thánh Phao-lô Tông đồ có lần đã xin Chúa cất khỏi cơn cám dỗ của ma quỷ luôn quấy rầy, giống như một cái dằm đâm vào cơ thể làm cho đau đớn. Ngài còn bị một thủ hạ của Xa-tan đến vả mặt rất khó chịu và nhiều lần ngài xin Chúa giúp thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Chúa đã an ủi Phao-lô như sau: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Về sau Phao-lô còn viết như sau: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9).

c) Về các loại cám dỗ của ma quỷ: Có nhiều loại cám dỗ nhưng quan trọng nhất là cám dỗ của ma quỷ về lòng tham tiền bạc. Thực vậy, tình cảm gia đình cũng có thể bị đảo lộn vì bị đồng tiền chi phối: Cha mẹ có thể từ bỏ con cái, con cái có thể bỏ rơi cha mẹ; Vợ có thể tố cáo chồng, chồng có thể ruồng rẫy vợ; Anh em bạn bè có thể chém giết nhau vì tranh chấp của cải như một căn nhà, mảnh vườn hay thùng quà người thân gửi về… Thật đúng như người ta thường nói về giá trị của đồng tiền: "Còn tiền còn bạc còn đệ tử - Hết tiền hết gạo hết ông tôi" hoặc như câu tục ngữ : "Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên - Ba ông đứng lại, ông tiền cao hơn".

3) VÀO MÙA CHAY LÀ BƯỚC VÀO SA MẠC LÒNG MÌNH:

Dù đang sống cuộc sống đời thường hằng ngày nhưng chúng ta vẫn có thể sống tinh thần Mùa Chay bằng cách :

a) Kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ của ma quỷ, luôn vững tin vào Chúa dù gặp bao thử thách gian nan.

b) Bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực thi theo ý Chúa Cha, dù phải chịu đau khổ, bị thiệt thòi, như Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha: ”Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22,42 b).

c) Sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn gặp phải trong cuộc sống: Dù bị đói nghèo nhưng tâm hồn vẫn tự do, không chịu khuất phục làm nô lệ cho của cải vật chất.

d) Giữ tâm hồn luôn bình an nhờ năng cầu nguyện với Chúa Cha: Nhờ đó chúng ta sẽ trở nên “Con yêu dấu” luôn làm vui lòng Cha như Đức Giê-su.

Nếu trong Mùa Chay chúng ta quyết tâm vào sa mạc để thanh luyện bản thân, thì tâm hồn chúng ta sẽ nên vững mạnh; Sẽ có khả năng chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ; Sẽ quyết tâm dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân không quản ngại bất cứ khó khăn gian khổ nào; Sẽ tập thành thói quen bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa hầu nên con thảo của Chúa Cha noi gương Đức Giê-su.

4) CÁC PHƯƠNG THẾ GIÚP CHÚNG TA CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ:

a) Năng ăn chay và cầu nguyện: Nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, Đức Giê-su đã được tăng sức mạnh để đương đầu và chiến thắng ma quỷ cám dỗ. Hội Thánh dạy chúng ta hãy cầu nguyện và ăn chay để hãm mình đền tội trong Mùa Chay như phương thế hữu hiệu gia tăng nội lực thiêng liêng hầu giúp ta đủ sức chống trả và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ.

b) Năng học sống Lời Chúa: Lời Chúa như thanh gươm hai bên đều là lưỡi sắc bén để giúp chúng ta chống lại ma quỷ. Noi gương Đức Giê-su khi bị ma quỷ cám dỗ, đã sử dụng Lời Chúa làm phương thế chống trả và đã chiến thắng ma quỷ. Ba câu Lời Chúa ấy như sau: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4); “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của Ngươi” (Mt 4,7); “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).

c) Tham dự các buổi tĩnh tâm và năng lãnh nhận các phép bí tích: Dự tĩnh tâm để được nghe biết cách chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ. Xét mình xưng tội và dọn mình rước lễ sốt sắng, để luôn có Chúa ở cùng. Cầu xin Chúa giúp trừ khử các thói hư bằng việc quyết tâm tập các nhân đức đối lập theo kinh Cải Tội Bảy Mối đã dạy. Nhờ ơn Chúa giúp và nhờ nỗ lực phấn đấu của bản thân, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng ma quỷ cám dỗ và sẽ ngày một nên hoàn thiện hơn.

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp chúng con ý thức rằng: Xưa Chúa đã vào sa mạc để gặp gỡ và sống thân tình với Chúa Cha. Mùa Chay chính là thời kỳ thuận tiện để chúng con vào sa mạc với Chúa. Xin cho chúng con mỗi ngày dành ra ít phút thinh lặng để tâm sự với Chúa Cha, cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa dạy trong giờ kinh tối gia đình, và các buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay tại nhà thờ. Nhờ Thần Khí Chúa thôi thúc, chúng con quyết tâm thực thi ăn chay hãm mình đền tội trong Mùa Chay này. Xin cho chúng con biết chu toàn các việc bổn phận hằng ngày đối với Chúa và tha nhân, biết chủ động đi bước trước làm hòa với những ai đang bất bình với con... để mỗi ngày con được Thần Khí thanh luyện và được biến đổi nên người mới trong Mùa Phục Sinh sắp tới.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH- HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cảnh báo: Cộng sản muốn bắt Giáo Hội làm nô lệ
Đặng Tự Do
17:20 17/02/2018
Trong một phản kháng mới nhất chống lại thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cảnh báo rằng cộng sản Trung Quốc muốn bắt Giáo Hội làm nô lệ cho chúng.

Trong một bài phân tích được đăng trên tờ Asia-News để trình bày quan điểm của ngài đối với cuộc phỏng vấn trước đó mà Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, dành cho tờ Vatican Insider về cách tiếp cận của Vatican đối với cuộc đàm phán với Trung Quốc, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cho rằng Đức Hồng Y Parolin đã bỏ qua những nguy hiểm do sự thống trị của đảng cộng sản Trung Quốc trên cộng đoàn công khai.

Ngài nhận xét rằng: “Cộng sản không còn cảm thấy cần phải che đậy. Các hình ảnh cho thấy rằng chính Nhà nước đang quản lý Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, đó không còn là một Giáo Hội Công Giáo nữa nhưng là giáo hội Trung Quốc, một thứ ly giáo. Các phiên họp của Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước và của cái gọi là ‘Hội Đồng Giám Mục’ luôn được chủ trì bởi một quan chức chính phủ”.

Từ những gì chúng ta có thể thấy được, Tòa Thánh đang muốn chấp nhận một thực tại không thể chấp nhận được này. (Có thực sự chắc chắn rằng điều này là vì lợi ích của Giáo Hội không?)”

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân phàn nàn rằng Hồng Y Parolin đã quá “tôn sùng chính sách ngoại giao Ostpolitik” của người tiền nhiệm là Đức Hồng Y Casaroli (Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ năm 1979 đến năm 1990, là người đã thúc đẩy đối thoại với khối Xô Viết) đến mức xem thường chứng tá đức tin của những người trung thành với Giáo Hội.

“Chúng tôi thấy rằng ngài đã quá tôn sùng chính sách ngoại giao Ostpolitik của sư phụ Casaroli và khinh bỉ đức tin chân chính của những người bảo vệ vững chắc Giáo hội do Chúa Giêsu thành lập trên các Tông Đồ khỏi bất cứ sự can thiệp nào của các thế lực trần thế.

“Tôi sẽ không bao giờ quên được sự kinh ngạc của mình khi đọc một bài báo trên tờ Quan Sát Viên Rôma cách đây vài năm về một bài phát biểu trong đó ngài đã mô tả các anh hùng trong đức tin của chúng ta ở các nước Trung Âu dưới chế độ cộng sản (Đức Hồng Y Wyszynsky, và Đức Hồng Y Beran, mà không nhắc đến tên họ) như là các ‘võ sĩ’, những ‘người phản đối chính phủ một cách có hệ thống và háo hức muốn xuất hiện trên sân khấu chính trị’”

Đức Hồng Y bày tỏ âu lo rằng đối thoại với chế độ cộng sản Trung Quốc là hoang tưởng vì chế độ độc tài ấy lật lọng và Tòa Thánh không phải là một thực tại chính trị kinh tế có khả năng buộc Trung Quốc phải thực thi các cam kết đã ký.

“Để một cuộc đối thoại là chân thật, nó phải bắt đầu từ một vị thế bình đẳng. Không có đối thoại thực sự giữa cai ngục và tù nhân, giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại. Nhưng vị thế của chính chúng ta dường như đã được bắt đầu một cách rất yếu thế. Nguồn tin đáng tin cậy nói rằng phái đoàn Tòa Thánh không thể thảo luận về trường hợp của Đức cha Giacôbê Tô Chí Dân, là người đã bị nhà cầm quyền giam giữ trong hơn hai mươi năm qua, bởi vì những người đối thoại đã từ chối thảo luận. Theo tôi, phái đoàn chúng ta nên rời khỏi bàn đàm phán và trở về nhà. Chấp nhận sự từ chối của họ cũng giống như quỳ gối xuống trước mặt họ ngay từ ban đầu.”

Trong khi Tòa Thánh được tin là sẽ chấp nhận 7 “giám mục” được tấn phong trái phép và đã từng bị vạ tuyệt thông, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân hỏi:

“Còn các Giám mục hợp pháp theo giáo luật của Hội Thánh nhưng không được Nhà nước công nhận thì sao? Họ có được [nhà nước Trung Quốc] ‘chấp nhận’ không?”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Đây là vấn đề lương thiện, và công lý. Chúng tôi cần được biết và phải được cho biết là chúng ta muốn đạt đến điều gì, nghĩa là, lương tâm của chúng ta mong đợi một kết quả đối thoại ra sao. Trong trường hợp của chúng tôi, rõ ràng chúng tôi muốn: ‘một nền tự do tôn giáo thật sự không chỉ không làm tổn hại mà còn đem lại thiện ích thực sự cho đất nước’.

Chúng ta có thể đạt được một cuộc đối thoại như thế không? Có hy vọng thành công không? Có một nền tảng tối thiểu nào để hy vọng không trong tình hình hiện nay khi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh hơn bao giờ và hung hăng hơn bao giờ hết? Khi cả lời nói và hành động của họ đều biểu lộ một cách rõ ràng sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn tất cả mọi tôn giáo, cách riêng là những tôn giáo mà họ gọi là ‘ngoại quốc’.

Trong khi ủng hộ nhu cầu đối thoại bên ngoài với chính quyền [Trung Quốc], Vatican đã bóp nghẹt đối thoại trong nội bộ Giáo hội. Trong một cử chỉ rất thô bạo, Ủy ban Giáo hoàng về Giáo hội ở Trung Quốc được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bị giải tán mà không có một lời giải thích nào. Tiếng nói có thẩm quyền của Trung Quốc ở Vatican, là Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy, bị điều đi làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.”

Đi xa hơn nữa, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã buộc tội Hồng Y Parolin “cắt cúp” nhằm bóp méo thông điệp mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã gửi cho Giáo hội Trung Quốc.

“Trong chương 4 Đoạn 7: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói: ‘Giải pháp cho các vấn đề hiện tại không thể theo đuổi thông qua xung đột đang diễn ra với các cơ quan dân sự hợp pháp; tuy nhiên, sự vâng phục các cơ quan này là không thể chấp nhận được khi họ can thiệp một cách quá mức vào các vấn đề về đức tin và kỷ luật của Giáo Hội.. ”

Trong đoạn 6, trích dẫn ‘Deus caritas est’, Đức Bênêđíctô XVI nói nguyên văn ‘Giáo hội không thể và không được thay thế Nhà nước, nhưng đồng thời không thể và không được đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý..

Trong cả hai trích dẫn, Hồng Y Parolin chỉ lợi dụng câu đầu, cắt mất một nửa còn lại, làm mất đi sự cân bằng trong suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.”

Đức Hồng Y Trung Hoa kết luận rằng những người Công Giáo Hoa Lục trung thành sẽ không chấp nhận thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Vatican.

“Ân thưởng kẻ phản bội sao? Lẽ nào lại đi khiển trách những người trung thành? Sao lại buộc một giám mục hợp pháp phải nhường chỗ cho một kẻ bị vạ tuyệt thông? Có khác gì là xát muối vào những vết thương vẫn còn đang mở?”
Source: Asia News
Card. Zen: I still don’t understand why they are in dialogue with China
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm các thành viên Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em
Đặng Tự Do
19:26 17/02/2018
Trong một thông báo đưa ra hôm thứ Bẩy 17 tháng 2, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm 16 thành viên Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em, trong đó có 9 vị là người mới và 7 người từng là thành viên cũ được tái bổ nhiệm.

Các thành viên mới là:

Giáo sư Benyam Dawit Mezmur (Ethiopia)
Sr. Arina Gonsalves, RJM (Ấn Độ)
Ông Neville Owen (Úc)
Bà Sinalelea Fe'ao (Tonga)
GS. Myriam Wijlens (Hà Lan)
Giáo sư Ernesto Caffo (Ý)
Sơ Jane Bertelsen, FMDM (Anh)
Bà Teresa Kettelkamp (Hoa Kỳ)
Ông Nelson Giovanelli Rosendo Dos Santos (Brazil)

Trong số những vị này cũng có những người từng bị lạm dụng tính dục, nhưng các nạn nhân này quyết định không tiết lộ công khai sự việc này và sẽ chỉ được tiết lộ trong nội bộ của Ủy ban.

Các thành viên được tái bổ nhiệm là:

Tiến sĩ Gabriel Dy-Liacco (Philippines)
Đức Cha Luis Manuel Alí Herrera (Colombia)
Cha Hans Zollner, SJ (Đức)
Giáo sư Hannah Suchocka (Ba Lan)
Nữ tu Kayula Lesa, RSC (Zambia)
Nữ tu Hermenegild Makoro, CPS (Nam Phi)
Đức Cha Robert Oliver (Hoa Kỳ)

Đức Thánh Cha cũng tái bổ nhiệm Đức Hồng Y Sean O'Malley, dòng Capuchino, Tổng Giám Mục Boston, Hoa Kỳ, trong nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban này.

Buổi họp đầu tiên của ủy ban sẽ diễn ra vào tháng Tư.

Hồng Y O'Malley nói: “Vị Cha Chung của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã cầu nguyện nhiều khi xem xét việc đề cử các thành viên này. Các thành viên mới được bổ nhiệm sẽ tăng thêm tính hoàn vũ của Ủy ban trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.

Đức Thánh Cha đã đảm bảo sự liên tục trong công việc của Ủy Ban chúng tôi, nhằm hỗ trợ các giáo hội địa phương trên khắp thế giới trong nỗ lực bảo vệ tất cả trẻ em, thanh thiếu niên và những người lớn dễ tổn thương khỏi bị tổn hại.”


Source: Cathlic Herald Pope Francis restores Pontifical Commission for the Protection of Minors
 
Gặp gỡ tuổi trẻ tiền Thượng Hội Đồng
Vũ Văn An
21:19 17/02/2018
Theo tin Tòa Thánh, ngày 16 tháng Hai vừa qua, tại Vatican, đã có cuộc họp báo nói về cuộc Gặp Gỡ tiền Thượng Hội Đồng từ ngày 19 tới ngày 24 tháng Ba, để chuẩn bị cho Kỳ Họp Thường Lệ Lần Thứ 15 của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười tới.



Trên bàn chủ tọa, người ta thấy có Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, tổng thư ký Thượng Hội Đồng, Đức Cha Fabio Fabene, phó tổng thư ký Thượng Hội Đồng, Stella Marilene Nishimwe, một phụ nữ từ Burundi và Filippo Passantino, một người trẻ Ý.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Baldisseri cho hay ngày 4 tháng Mười năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã loan báo sẽ triệu tập cuộc gặp gỡ nói trên. Ngài nói rằng “với cuộc hành trình này, Giáo Hội muốn lắng nghe tiếng nói, các mẫn cảm, đức tin và cả một số nghi ngại và chỉ rich của người trẻ nữa, ta phải lắng nghe người trẻ. Đây là lý do tại sao các kết luận của cuộc gặp gỡ tháng Ba sẽ được truyền đạt tới các nghị phụ của Thượng Hội Đồng”.

Và trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Maipú, Chile, Đức Phanxicô cho biết ý hướng của cuộc gặp gỡ tháng Ba: “ở đó, các con sẽ là những người chủ đạo, tất cả người trẻ chúng con từ khắp thế giới, Công Giáo và không Công Giáo, Kitô hữu và người trẻ thuộc các tôn giáo khác, và cả những người trẻ không biết họ tin hay không tin. Tất cả, để lắng nghe chúng con, nghe chúng con cách trực tiếp, vì điều quan trọng là các con lên tiếng, đừng để các con bị bịt miệng ”.

Mục tiêu của cuộc Gặp Gỡ tiền Thượng Hội Đồng

Theo Đức Hồng Y, cuộc gặp gỡ nói trên có các mục tiêu sau đây:

1. Đây là 1 biến cố trong đó, người trẻ là các tác nhân và người chủ đạo. Ta sẽ không nói về “họ”, mà chính họ sẽ nói, bằng ngôn ngữ của họ, các hứng khởi của họ và sự mẫn cảm của họ. Và Thượng Hội Đồng sắp tới thực sự không chỉ là Thượng Hội Đồng “về” người trẻ và “vì” người trẻ, mà còn là Thượng Hội Đồng “của” người trẻ” và “với” người trẻ.

2. Chữ chủ yếu, được chính Đức Phanxicô nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là “lắng nghe”. Trong cuộc Gặp Gỡ này, ta sẽ lắng nghe người trẻ cách trực tiếp để hiểu hoàn cảnh của họ tốt hơn: họ nghĩ gì về họ và về người lớn, họ sống đức tin của họ ra sao và họ gặp những khó khăn gì trong việc làm Kitô hữu, họ đặt kế hoạch cho đời họ thế nào và họ có những khó khăn gì khi biện phân ơn gọi, họ coi Giáo Hội ngày nay ra sao và họ muốn Giáo Hội nên như thế nào…

3. Trong số các người trẻ ta muốn lắng nghe, sẽ đặc biệt có những người gặp hoàn cảnh khó khăn, phát xuất từ “các khu ngoại vi hiện sinh”, những người trẻ thường không có cơ hội được lắng nghe, được làm cho hoàn cảnh và các hoài mong của họ được biết đến. Rồi còn các người trẻ không Công Giáo, không Kitô Giáo và không tin nữa, mọi người phải được nghe, “360 độ”.

4. Thượng Hội Đồng, theo định nghĩa, vốn là một “cuộc hành trình với nhau” nên chúng ta muốn chứng minh nó cùng đi với tuổi trẻ, mọi người trẻ không trừ ai.

5. Bước đi với người trẻ cũng có nghĩa nhận diện những con đường mục vụ chuyên biệt giúp các cộng đồng Kitô Giáo củng cố các dự án mục vụ tuổi trẻ, thích ứng các dự án này theo nhu cầu của người trẻ hiện nay.

6. Tại cuộc Gặp Gỡ này, cùng với tuổi trẻ, một số phụ huynh, nhà giáo dục, linh mục, nhân viên và chuyên gia mục vụ thuộc thế giới tuổi trẻ sẽ tham dự, để lắng nghe những người sống cạnh tuổi trẻ và có “các dụng cụ” để giải thích hoàn cảnh của họ từ bên trong và một cách sâu sắc.

7. Nhờ thế, chúng ta cũng sẽ đề xuất phương pháp trao đổi và hợp tác liên thế hệ, khuyến khích đối thoại giữa người trẻ và người lớn, những người đôi khi thấy khó khăn trong việc thông đạt với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

8. Cuộc Gặp Gỡ này nhằm gợi hứng cho tính năng động tham dự, đặt căn bản trên cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, điều kiện sống, các niềm tin và môn học, khai triển một mô thức có thể được lặp lại trong các thực tại khác nhau của Giáo Hội.

9. Ta cũng sẽ tự hỏi mình có thể giúp người trẻ như thế nào để họ tìm tòi và tìm ra ý nghĩa của đời họ, dưới ánh sáng viễn ảnh ơn gọi chuyên biệt mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn đem lại cho Thượng Hội Đồng.

10. Sau cùng, cuộc Gặp Gỡ này sẽ đúc kết một văn kiện chung để đệ trình Đức Giáo Hoàng vào Chúa Nhật Lễ Lá 25 tháng Ba và sẽ được lồng vào Instrumentum laboris (Tài Liệu Làm Việc) để các nghị phụ Thượng Hội Đồng nghiên cứu.

Một giai đoạn tiến tới Thượng Hội Đồng

Cuộc Gặp Gỡ Tiền Thượng Hội Đồng đã từng được tổ chức trước đây, ít nhất hai lần: trước Kỳ Họp Thường Lệ lần thứ 7 năm 1987 về ơn gọi và sứ mệnh người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới; và trước Phiên Đặc Biệt lần thứ nhất về Âu Châu năm 1991.

Hơn nữa, nó không phải là 1 biến cố riêng rẽ, mà là 1 giai đoạn trong hành trình Thượng Hội Đồng tháng Mười: một hành trình khởi đầu với việc tuyên bố triệu tập Thượng Hội Đồng ngày 6 tháng Mười năm 2016, việc công bố Tài Liệu Chuẩn Bị và Bảng Câu Hỏi liên hệ ngày 13 tháng 1 năm 2017. Trong gian đoạn vừa kể, nhiều bộ phận trong Giáo Hội như các hội đồng giám mục, các giáo phận, các hiệp hội và phong trào đã tích cực đóng góp đủ loại sáng kiến. Như Hội Nghị Chuyên Đề của Liên Hội Đồng Các Giám Mục Âu Châu tại Barcelona tháng Ba năm 2017; Hội Thoại Quốc Tế về Tuổi Trẻ Phi Châu tại Dakar tháng trước; các cuộc gặp gỡ của tuổi trẻ Ý hồi tháng Tám, và cuộc tụ tập đại kết người trẻ tại Taizé, buổi canh thức cầu nguyện của tuổi trẻ do Cộng Đồng Shalom tổ chức tại Nhà Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, và các “tiểu Thượng Hội Đồng” hàng tuần tại Lộ Đức để hành hương kính Đức Mẹ.

Trong năm qua, các câu trả lời cho Bảng Câu Hỏi liệt kê trong Tài Liệu Chuẩn Bị đã vận động sự tham dự của mọi giáo hội đặc thù và các thực tại khác nhau trong Giáo Hội như trường học, đại học, hiệp hội và các phong trào giáo dân. Tất cả các đóng góp này, được thu thập và tóm lược bởi các hội đồng giám mục và các Thượng Hội Đồng của các giáo Hội Đông Phương, đã tới và còn đang tới Rôma, cộng với các câu trả lời của các bộ, sở Vatican và các nhận định của các nhóm và cá nhân, phần lớn là người trẻ.

Để giới trẻ dễ dàng tham gia, nhất là những người ở xa các cơ sở Giáo Hội, một trang mạng đã được khai trương năm ngoái dành cho Thượng Hội Đồng năm 2018, trong đó, có bảng câu hỏi đặc biệt dành cho giới trẻ. Hiện đã có 221,000 người tham dự Bảng Câu Hỏi, trong đó, 100,500 người trả lời mọi câu hỏi: 58,000 là con gái và 42,500 là con trai. Khoảng 51,000 trong số những người trả lời mọi câu hỏi (tức 50.6%) là những người tuổi từ 16 tới 19, cho thấy những người trẻ nhất tự chứng tỏ mình nhậy cảm hơn đối với sáng kiến này. Lục địa có nhiều đại diện nhất là Âu Châu với 56.4%, tiếp theo là Trung và Nam Mỹ với 19.8% và Phi Châu với 18.1%. Trong số những người trả lời Bảng Câu Hỏi, 73.9% tuyên bố mình là người Công Giáo coi tôn giáo là điều quan trọng, trong khi phần còn lại là người Công Giáo nhưng không coi tôn giáo là điều quan trọng (8.8%), không là người Công Giáo coi tôn giáo là điều quan trọng (6.1%) và không Công Giáo coi tôn giáo là điều không quan trọng (11.1%).

Một biến cố khác chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng là Cuộc Hội Thảo Quốc Tế về thân phận người trẻ, tổ chức hồi tháng Chín và các tài liệu từ cuộc hội thảo này đang được in ấn. Mục đích của cuộc hội thảo này là cung cấp một sự hỗ trợ khoa học cho việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng. Thực vậy, các nhà xã hội học, tâm lý gia, triết gia và thần học gia có nhiều điều nói về tuổi trẻ, giúp ta giải thoát “ngôn từ về giới trẻ” khỏi các ước chừng, khuôn mẫu định sẵn và các thiên kiến thường không giúp người lớn biết giới trẻ và không giúp giới trẻ hiểu chính họ. Cũng nên ghi nhận rằng trong Cuộc Hội Thảo, một số người trẻ thuộc một số vùng trên thế giới và kinh nghiệm sống khác nhau đã được mời tới Rôma. Sự đóng góp của họ gây hứng khởi, đại lượng và có khả năng, đem đến cho ta một mùi vị nếm trước đối với biến cố vào tháng tới.

Tham dự trực tuyến và Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá



Theo Đức Hồng Y Baldisseri, tuổi trẻ ngày nay sử dụng liên mạng, nhất là mạng lưới xã hội, làm một “Areopagus” tự nhiên để gặp nhau, thông đạt và phát biểu ý kiến. Do đó, có ý tưởng mở rộng việc tham dự vào Cuộc Gặp Gỡ Tiền Thượng Hội Đồng qua các phương tiện truyền thông xã hội: người trẻ khắp thế giới không những có thể theo dõi Cuộc Gặp Gỡ này từ xa cùng một lúc, mà còn tương tác qua lại với bạn bè cùng trang lứa với mình đang có mặt tại Rôma và gửi các đóng góp của mình, và các đóng góp này sẽ được tổng hợp vào văn kiện sau cùng. Nói tóm lại, nhờ các kỹ thuật truyền thông hiện đại, Cuộc Gặp Gỡ Tiền Thượng Hội Đồng nhằm mục đích mở rộng “cử tọa” người trẻ bao nhiêu có thể, để không một ai cảm thấy bị loại bỏ.

Ngày giờ của Cuộc Gặp Gỡ Tiền Thượng Hội Đồng được chọn để giúp người trẻ có dịp tới Rôma tham dự việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33 với chủ đề “Hỡi Maria, đừng sợ, vì Bà có nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Chính dịp Lễ này, mà hoa trái của Cuộc Gặp Gỡ sẽ được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

________________________________________

[1] Đức Phanxicô, Bài Giáo Lý, Yết Kiến Chung, 4 tháng 10, 2017.

[2] Đức Phanxicô, Diễn văn với giới trẻ tại Đền Thánh Tòan Quốc ở Maipú, Chile, 17 tháng 1, 2018.
 
Khủng bố tấn công Đại Hội Thánh Mẫu dưới chân tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới ở Bolivia
Đặng Tự Do
22:38 17/02/2018
Đức Tổng Giám Mục Jesús Juárez của tổng giáo phận Sucre, là Tổng Thư ký Hội nghị Giám mục Bolivia đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan dân sự thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng về những vụ khủng bố nhắm vào Đại Hội Thánh Mẫu gần đây ở thành phố Oruro khiến 12 người thiệt mạng và ít nhất 60 người bị thương.

“Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và bày tỏ tình liên đới của chúng tôi với những người thân của những người đã chết trong hai vụ nổ ở Oruro trong các ngày lễ hội kính Đức Mẹ. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các sự kiện đáng tiếc này”. Hội Đồng Giám Mục Bolivia đã cho biết như trên trong tuyên bố ngày 14 tháng 2.

Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào Thứ Bảy 10 tháng 2 trong một cuộc diễu hành tôn vinh Đức Mẹ. Tám người chết và 40 người bị thương. Một vụ nổ khác đã xảy ra vào ngày 13 tháng 2, làm 4 người thiệt mạng, và 20 người khác bị thương.

Đại Hội Thánh Mẫu được bắt đầu từ hôm 2 tháng Hai vừa qua kéo dài trong 2 tuần với sự tham dự của 28,000 vũ công, 10,000 nhạc công, 150 ban nhạc và 400,000 khách hành hương.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ chúc thọ quý cụ Mùng Hai Tết Mậu Tuất Tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne.
Trần Văn Minh
05:44 17/02/2018
Melbourne, vào lúc 6.00 Ngày 17/2/2018. Nhằm ngày Mùng Hai Tết Mậu Tuất, Ngày Giáo Hội Việt Nam dành riêng để kính nhớ tổ tiên ông bà trong ngày linh thiêng đầu năm mới. Tại Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, đã tổ chức Thánh lể tạ ơn Thiên Chúa và chúc thọ cho quý cụ cao niên trong cộng đoàn, và cầu cho tổ tiên ông bà trong Thánh lễ Mùng Hai Tết.

Xem hình

Trong một buổi chiều thời tiết tốt, cái nắng chiều còn lưu luyến rọi chiếu tia nắng xuống nửa sân và trên lễ đài. Từ rất sớm, quý cụ ông, quý cụ bà đã được con cháu chở đến trung tâm. Ai cũng mặc đẹp. Quý cụ ông mặc âu phục và áo thụng xanh cổ truyền dân tộc với khăn đóng, quý cụ bà cũng áo dài truyền thống đủ mầu. Phần đông, mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” tuổi 70 trở lên, nhưng vẫn còn đi đứng được. Mọi người tề tựu trước lễ đài tại khuôn viên Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm để dâng lễ cảm tạ Thiên Chúa, cùng mừng lễ chúc thọ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà người thân đã qua đời.

Trước khi cử hành thánh lễ là phần xông hương, Cha quản nhiệm xông hương trên bàn thờ, trong khi các vị quan viên áo thụng đến dâng hương tại Đài Thánh bổn mạng Vinh Sơn Liêm và núi Đức Mẹ nơi Vườn Phục Sinh.

Trong bài giảng, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn đã nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo mà Thiên Chúa đã dậy con người phải thực hiên, để nhớ đến công lao của các đấng sinh thành, qua công ơn khó nhọc đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người, được gói gọn trong “cù lao chín chữ.” Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, thì Điều Răn Thứ Bốn là thảo kính cha mẹ, chỉ đứng sau ba điều răn kính mến Thiên Chúa. Và lại được Giáo hội cho chúng ta kính nhớ tổ tiên vào các Thánh lễ Mùng Hai Tết, là ngày thiêng liêng nhất trong năm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam chúng ta. Một câu chuyện nói về một người con thiếu mẹ mình một lời xin lỗi, đã là một minh họa cho mọi người biết bổn phận làm con của mình.

Ngoài việc xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời, cộng đoàn cũng tổ chức Thánh lễ chúc mừng thọ ông bà, cha mẹ đang còn tại thế, để con cháu học được và noi theo. Và buổi lễ chúc thọ của cộng đoàn đã được giao cho Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Ca đoàn Vô Nhiễm phụ trách Thánh ca, đã chọn các bài hát nói lên lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Các cháu thiếu nhi thật giỏi, đã hoàn thành xuất sắc buổi “lễ tế tổ” lễ gia tiên thật đáng khen ngợi với trang phục cổ truyền thật đẹp, nhịp nhàng, lời văn xúc tích, lễ vật ý nghĩa, đi kèm là những bản Thánh ca nói lên lòng hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ, khiến các cụ cũng cảm động, khi được con cháu tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ngay khi còn hiện tiền.

Sau Thánh lễ, các cụ mới lên hàng 68 và toàn thể quý cụ hiện diện nhận qùa mừng của cộng đoàn. Một chút qùa tượng trưng, nhưng chắc chắn các cụ rất vui vì đã được nhớ đến trong một Thánh lễ riêng, để nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Buổi lễ có sự tham dự đông đảo của cộng đoàn.

Cuối lễ, năm nay đặc biệt có đoàn lân của các cháu Thiếu Nhi Thánh Thể múa để chung hưởng niềm vui chung của tất cả cộng đoàn, và hai phong pháo dài nổ dòn dã mừng Xuân, mừng thọ, mừng tuổi nhau đã được mọi người mừng vui vỗ tay tán thưởng. Ra về, trên nét mặt các cụ rạng rỡ đi bên con cháu và chụp những tấm hình kỷ niệm ngày lễ kính nhớ tổ tiên ông bà năm mới Mậu Tuất.
 
Thánh Lễ Mồng Hai Tết Tại Nghĩa Trang Giáo Xứ Bắc Hải
Xứ Bắc Hải
09:55 17/02/2018
Trong tiết xuân Mậu Tuất, lúc 6 giờ sáng ngày Mồng Hai Tết 17/2/2018, cộng đoàn giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai tề tựu về nghĩa trang giáo xứ, cùng nhau sốt sắng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Cùng dâng lễ với Cha xứ Đaminh, Cha phó Vinh Sơn, có quý Cha đồng hương hiện ở trong và ngoài nước cũng về với gia đình trong dịp tết đến xuân về.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, Cha xứ Đaminh Bùi Văn Án dâng lời chào mừng quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh, quý cộng đoàn, quý khách và mọi người hiện diện trong nghĩa trang giáo xứ sáng ngày mồng hai tết hôm nay. Với tâm tình đạo hiếu, trong những ngày tết xum họp gia đình, thì có lẽ mỗi người chúng ta cũng không quên nhớ đến những người thân yêu đã qua đời. Khi các ngài còn sống, chúng ta chăm lo săn sóc, và khi các ngài qua đời, chúng ta có bổn phận xin lễ, cầu nguyện cho các ngài.

Trong bài giảng lễ, Cha Giuse Huỳnh Công Hạnh, người gốc giáo họ Hội Am, Ngài từ Đức về thăm gia đình trong dịp tết này, Ngài chia sẻ bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, với chủ đề “Hãy Thảo Kính Cha Mẹ”.

Bằng kinh nghiệm phục vụ các cộng đoàn nhiều nơi ở hải ngoại, và điều ngài muốn chia sẻ với cộng đoàn tại quê nhà của mình hôm nay là “cái tình nghĩa con người được thể hiện nơi nghĩa trang giáo xứ hàng năm, với sự hiện diện rất đông đảo của mọi người trong các ngày lễ như mồng 2 tháng 11, và ngày mồng 2 tết, những hình ảnh chan chứa nghĩa tình này khó mà có được nơi xứ lạ quê người”.

Với chất giọng trầm ấm, lời giảng rõ ràng, quyện với không gian tĩnh lặng, hương trầm nghi ngút, những bông hoa vạn thọ tươi thắm, với ánh nến lung linh nơi các phần mộ trong nghĩa trang ngày tết.

Và có lẽ ngài xúc động khi nhắc về bà cố, người mẹ ruột của mình mới an nghỉ nơi đất thánh này, từ tâm tình đó, ngài giúp cộng đoàn lắng đọng tâm hồn, suy tư hơn về đạo hiếu, và tha thiết hiệp dâng lễ thánh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và cầu bình an cho các bậc sinh thành vẫn đang còn hiện diện với chúng ta trong cuộc sống này.

Trước khi nhận phép lành của đoàn đồng tế, một lần nữa, Cha xứ Đaminh ngỏ lời cảm ơn và chúc mừng xuân đến quý cha, quý tu sĩ, quý chủng sinh, quý chức và cộng đoàn hiện diện.

Tuy sáng sớm ngày tết, ngày đầu năm mới, nhưng thánh lễ diễn ra trong trang nghiêm trật tự, sốt sắng, và đặc biệt như lời Cha xứ Đaminh nói “Thánh lễ sáng nay rất đông người, số người rước lễ hết gần 18 bình bánh lễ”.

Kết thúc thánh lễ, nhiều người, nhiều gia đình ở lại quây quần bên phần mộ những người thân yêu đọc kinh cầu nguyện và chụp hình lưu niệm.

Ban Truyền thông Giáo xứ Bắc Hải
 
Chuyến đi của nhóm Bông Hồng Xanh ''Đem Mùa Xuân vào Mùa Chay''
Maria Vũ Loan
13:30 17/02/2018
Sáng ngày 14/2/2018, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi có một chuyến đi mang ý nghĩa “3 trong 1”; nghĩa là chúng tôi tặng quà tết Nguyên Đán Mậu Tuất cho bà con nghèo tại một giáo xứ; đồng thời vào đúng ngày lễ Tro, cũng là chia sẻ Mùa Chay; và ngày 14/2 là ngày Tình Nhân, (một số người trong chúng tôi chỉ có một tình yêu chung dành cho người cùng khổ) thế nên cho phép chúng tôi coi người nghèo là “tình nhân”! Như vậy chúng tôi có một chuyến đi “đem Mùa Xuân vào Mùa Chay” với một tình yêu đẹp!

Xem Hình

Đoàn chúng tôi có năm người và một cháu gái. Đường đi đến Bến Tre hiện nay rất thuận lợi không phải qua phà Rạch Miễu hay Hàm Luông mà chỉ cần đi thẳng tuột qua hai cái cầu có cái tên Rạch Miễu, Hàm Luông đó. Đường đi thông thoáng vì ngày 29 Tết thì sự chuẩn bị đón tết gần như đã xong. Những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ... hai bên đường làm cho “bầu khí Tết” thật rõ ràng; quang cảnh hai bên đường có bóng dáng của những cây dừa làm chúng tôi thấy vui vui một màu xanh đẹp mắt.

Trước khi đến nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, thuộc giáo phận Vĩnh Long, ở huyện Mỏ Cày Bắc (bên cạnh còn có huyện Mỏ Cày Nam), chúng tôi phải đi ghe một cây số trên sông Cổ Chiên, số quà phải mang vác lần này không nhiều, chủ yếu là phong bao tiền lì xì có “giá trị cao”. Một ki-lô-mét đường sông được ngồi trên ghe khiến cho “dân thành thị” như chúng tôi thấy thú vị. Đây là chuyến đi do ý muốn của các thành viên Bông Hồng Xanh trưởng thành (các bạn có trên dưới 20 năm thiện nguyện) và cùng chung tay đóng góp, nên trưởng nhóm hớn hở “chiều theo” ý của các bạn và quyên góp thêm để đủ điều kiện cho chuyến đi.

Đường vào nhà thờ sạch đẹp, ngôi nhà thờ hiện ra dưới tán lá dừa. Chúng tôi được đón tiếp chu đáo khi vào nhà xứ dùng cơm trưa cùng với vài vị trong “Ban quới chức” ở đây. Bữa cơm chay đúng nghĩa với canh chua và trứng chiên vẫn làm chúng tôi thấy ngon và kết thúc bữa ăn bằng múi bưởi ngọt ngào thơm miệng.

Giữa cái nắng chang chang của ngày Tết, chúng tôi nghỉ trưa được mười lăm phút thì đã thấy bà con đến hành lang trường học giáo lý của nhà thờ, nơi tập trung để phát quà. Những người đến sớm, đó có thể là một cụ già hay một thanh niên khuyết tật.... Đất của nhà thờ không rộng lắm nên không gian tập trung bà con cũng có phần chật hẹp, gần hai mươi người phải đứng ngoài hành lang. Ban hành giáo có mặt đầy đủ và điều hành trật tự với danh sách 120 gia đình cả “lương và giáo”. Cha chánh xứ trẻ chụp một tấm hình kỷ niệm rồi “ẩn mình” cho quí ông biện làm việc. Mở đầu, trưởng nhóm nói lời chúc Tết chân thành, ngắn gọn và lời cảm ơn bà con đã đến nhận quà. Việc trao tặng được thực hiện nhịp nhàng, vui vẻ. Mười gia đình bệnh nhân được Ban hành giáo đưa đến tận nhà. Quí ông biện cũng được phong bao lì xì cho thêm phần thân thiện.

Bà con ở huyện Mỏ Cày Bắc này chủ yếu sinh sống bằng việc trồng dừa và chăn nuôi heo nên chỉ “vừa đủ sống”; những gia đình có nhiều đất mới khá hơn. Vùng này trồng xoài cũng cho nhiều lợi tức nhưng xịt thuốc nhiều cũng bị ảnh hưởng sức khỏe. Cha chánh xứ tặng chúng tôi một giỏ xoài đầy, mang về cân thử, mỗi trái nặng đến một ký lô; ông biện ghé tai chúng tôi nói: “Xoài có màu xanh nhưng ăn không có chua đâu cô!”, chúng tôi mới thấy được đất vùng này, ngoài dừa ra còn trồng xoài rất tốt.

Ít có ai biết, ở vùng sâu giao thông khó khăn này lại có một nhà thờ được thành lập từ năm 1848, với hơn mười linh mục làm cha sở. Ban đầu họ đạo có tên là Rạch Rập, sau đổi thành Rạch Dầu. Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời chính là họ đạo Rạch Dầu, trước năm 1975 có 2.500 giáo dân, hiện nay có 1.763 giáo dân với đời sống đức tin rất vững mạnh. Ngày trước, Rạch Dầu là xứ nghèo, giao thông cách trở, khó sinh sống nên một số người bỏ xứ ra đi theo cách vượt biển. Ngày nay, chính những người con xa quê đó lại quan tâm trợ giúp giáo xứ khi họ là việt kiều các nước. Ở đây, các cha sở chăm sóc giáo xứ thường quan tâm đến vấn đề giáo dục.

Khi ra về, chúng tôi không lên ghe về đường cũ mà đi xe ôm theo con đường nhỏ, hai bên là dừa nước với tán lá đẹp; rồi đi qua một cái phà nhỏ, người địa phương gọi là “trẹt”, mới thấy quang cảnh ở đây còn đậm chất thôn dã. Cái trẹt nhỏ vẫn đủ cho xe chở heo sang bên kia chợ cùng với xe gắn máy và một số người đi bộ. Nhưng qua bên kia phà là “sắc diện” của nhà phố - nhà san sát nhau, đường tráng xi măng. Chúng tôi đi qua một cái chợ hơi nhỏ; dù là ngày Tết, vẫn phảng phất một nét chợ quê. Trước khi lên xe ra về, chúng tôi thăm một nhà thờ giáo họ có tên là Thom, được xây đã gần xong, cũng do cha xứ nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời coi sóc. Giáo dân ở đây có khoảng 500 người nhưng cuộc sống khá giả hơn một chút.

Khi trở về thì trên xe chúng tôi có những chậu hoa cúc rất đẹp, một cây ớt kiểng xinh xinh có trái nhiều màu khác nhau, như tấm lòng mỗi người chúng tôi trên xe sau một chuyến đi.

Mùa xuân năm nay, trước khi thăm Bến Tre, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi còn trao quà xuân đến tận tay những bệnh nhân ở bệnh viện Chợ Rẫy với tâm tình cảm thông và phong bao lì xì đỏ chót; và còn vui tươi đến tham dự thánh lễ cầu cho bệnh nhân tại giáo xứ Vinh Sơn 3 nữa.

Đọc những bản tin trên VietCatholic – Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo – thì rõ ràng một MÙA XUÂN - CHAY TỊNH - YÊU THƯƠNG đang lan tỏa trong Giáo Hội, trên quê hương và đến với người Việt Công Giáo khắp nơi trên thế giới nữa.
 
Phóng sự và hình ảnh Lễ Tết tại Cộng Đoàn bé nhỏ CTTD Largo-St Petersburg Florida
Trần Mạnh Trác
14:59 17/02/2018
Xem hình ảnh

Cách đây trên 1 năm, chúng tõi đã giới thiệu một cộng đoàn VN nhỏ bé và âm thầm ở vùng St Petersburg Florida, là cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do LM Nguyễn Vũ Việt quản nhiệm.

Chúng tõi trở lại đây nhân dịp Tết Mậu Tuất này và thực sự bỡ ngỡ trước một sự thay đổi ngoài dự kiến.

Ngôi đền thánh màu trắng nhỏ bé với một tượng đài ĐM Lavang xinh xinh vẫn còn ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’, chả có gì thay đổi cả, dù cho phải trải qua một cơn bão lịch sử kinh hoàng, là bão Irma tàn phá toàn vùng Florida hồi năm ngoái,

Nhưng ngôi nhà thờ thì đã chật rồi, chật lắm rồi…Ngày thứ tư Lễ Tro trước Tết 2 ngày, lễ tối 7giờ, mà người ta đi lễ đầy nhà thờ, dầy sảnh đường, đầy cả cái mái hiên dựng ở trước cửa…có những gia đình còn phải đứng ở ngoài sân cỏ.

“Đất lành chim đậu”, tôi tự nghĩ thế và cảm thấy thật là vui, vui như ngày Tết mặc dù đáng lẽ tôi phải có cái tâm tình thông hối ăn năn…vì là ngày Lễ Tro mà!

Nói đến Tết thì tôi được biết cộng đoàn sẽ tổ chức lớn lắm tại hý viện Coliseum cuả thành phố vào Chuá Nhật 18 tháng 2 này, sẽ có đức tân Giám Mục tới tham dự, và dĩ nhiên có đầy đủ mọi trò ‘linh tinh’ cuả một chợ Tết truyền thống.

Và có lẽ vì mọi nhân sự đều phải đổ dồn nỗ lực vào hý trường Coliseum, cho nên việc trang trí vào thứ sáu lễ Tết trong nhà thờ thì đơn giản, chỉ có một số hoa cúc vàng đơn sơ.

Nhưng nếu thứ tư Lễ Tro đã mang lại cho chúng tôi một sự ngạc nhiên thích thú vì có sự đối chọi giữa cơ sở khiêm nhường và số giáo dân đông đảo, thì buổi lễ Minh Niên cũng cho thấy việc trang trí bề ngoài không biểu lộ cái tinh thần ‘gia đình thắm thiết’ cuả cộng đoàn ở đây, người ta đã ở lại rất lâu sau lễ để cùng nhau vui xuân …



Trong lúc chúc Tết, cha Vũ Việt đã ‘xuất khẩu’ tặng một bài thơ ‘con chó’ ngộ nghĩnh như sau:

Năm gâu gâu

Xin chúc nhau

Sống lâu lâu

Có đi đâu

Hãy về mau

Để nguyện cầu

Chuá cho mau

Ít lo âu

Không âu sầu

Lòng không đau

Phát tài mau

Biết làm giáu

Đi năm Châu

Thương mến nhau.


Chúng tôi sẽ có tường trình về ngày lễ cuả ĐGM và hội chợ Tết ở hý trường Coliseum trong một phóng sự sắp tới.

Xem hình ảnh lễ cuả ĐGM và hội chợ Tết
 
Thánh lễ Mùng 2 tết kính nhớ tổ tiên tại nghĩa trang Giáo xứ Thánh Tâm Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
20:36 17/02/2018
Theo truyền thống đạo hiếu của dân tộc Việt Nam, Giáo hội dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người có công sinh thành dưỡng dục, thông truyền sự sống và thông truyền đức tin cho chúng ta. Tại Giáo xứ Thánh Tâm Ban Mê Thuột, trong Thánh lễ mùng 2 tết Mậu Tuất ban sáng, Cha quản xứ đã long trọng cử hành nghi thức mừng thọ 204 cụ cao niên trong xứ, tuổi từ 80 trở lên, có cụ đã hơn trăm tuổi.

Thánh lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà, những người đã qua đời, vào lúc 16g00 chiều nay, tại nghĩa trang Giáo xứ, do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, (Giám Mục Phụ Tá Toronto, Canada, người con của Ban Mê Thuột về thăm quê); Cha quản xứ Giuse Trịnh Văn Hân; Quý Cha phó xứ: Cha Phaolô Maria Lê Văn Quyền (CSsR), Cha GB. Nguyễn Ngọc Sang, Cha Vinh Sơn Nguyễn Hữu Mạnh; và Cha Phanxico Salêsio Lê Văn La Vinh (OP), người con của Giáo xứ. Số người tham dự Thánh lễ gồm Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Chức và đông đảo tín hữu đứng xen lẫn trong các phần mộ ngập tràn hoa cúc, hoa vạn thọ vàng tươi, khói hương nghi ngút, dưới trời xanh lộng gió và dưới bóng mát những hàng dương cao vút.

Xem Hình

Thánh lễ nơi nghĩa trang, trong ngày mồng Hai Tết Nguyên Đán, kính nhớ và cầu nguyện cho ông bà tiên tổ mang tâm tình hân hoan vui tươi của sắc phục màu trắng với ý nghĩa diễn đạt sự Phục sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này nơi bàn tiệc Thiên quốc.

Trước khi dâng thánh lễ, Đức Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chân thành. Tuy ở nghĩa trang không đủ tiện nghi cho mọi người tham dự Thánh lễ, nhưng chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với những người đã khuất, chúng ta cảm thấy ranh giới giữa người còn sống và người chết như thu nhỏ lại. Xin Chúa thương ban cho những người đã yên nghỉ được hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Xin Chúa thương ban cho những vị đang còn sống nơi trần gian được mạnh hồn khỏe xác, luôn đón nhận được sự chăm sóc và tấm lòng yêu thương quý trọng của lũ cháu đàn con.

Sau bài Tin Mừng, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chia sẻ: Trong cả 3 bài đọc hôm nay đều nhắc nhở chúng về bổn phận con cái đối với cha mẹ và bổn phận cha mẹ đối với con cái. Trong tình yêu gia đình, không phải chỉ như giòng nước chảy xuôi không bao giờ chảy ngược, nhưng phải có sự tương hợp, thông cảm giữa người cha, người mẹ với con cái. Trong ngày kính nhớ ông bà tổ tiên, chúng ta bày tỏ tấm lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ qua nén hương thắp cho những người đã khuất, qua lời mừng tuổi, những món quà đơn sơ cho những người còn sống và đừng bao giờ quên bày tỏ lòng yêu mến kính trọng. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, những người con hiếu thảo, bởi vì: của dâng cho cha sẽ không bị rơi vào quên lãng, của biếu cho mẹ như nhận được một kho tàng.

Trước khi kết lễ, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ Tá Toronto, Canada, người con của Ban Mê Thuột về thăm quê, cũng bày tỏ tâm tình: Mặc dù người thân của chúng ta khi đã qua đời, không còn hiện hữu trên trần thế này thì vẫn còn hiện hữu trong bàn tay của Thiên Chúa, nơi khoảng không gian khác. Những ngày qua, khi thăm viếng mộ phần ông bà cố của ngài tại nghĩa trang Giáo xứ Thánh Tâm này, ngài cảm nhận được tâm tình rất gần gũi với ông bà tổ tiên, với những người đã khuất của người tín hữu Việt Nam chúng ta. Ngày hôm nay, chứng kiến đông đảo ông bà đến tham dự Thánh lễ, đó là nét văn hóa tốt đẹp của người tín hữu Việt Nam chúng ta. Xin mọi người duy trì nét đẹp đó, làm gương và lưu truyền cho con cháu chúng ta.

Sau Thánh lễ, trời đã về chiều, nhiều người còn nán lại bên ngôi mộ người thân yêu của mình thắp nén nhang trầm tạo nên khung cảnh mờ ảo diệu kỳ. Khói hương nghi ngút tỏa lên cao quyện quanh hàng dương xanh thẫm hòa với màu mây trời bàng bạc nối kết đất – trời, nối kết người sống – kẻ chết trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Giáo Lý Thứ 10 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Phụng Vụ Lời Chúa III – Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Tín Hữu
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:46 17/02/2018
Bài Giáo Lý Thứ 10 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Phụng Vụ Lời Chúa III – Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Tín Hữu

“Được toàn thể cộng đồng đọc, Tín Biểu bày tỏ lời đáp trả chung cho những gì đã nghe từ Lời Chúa…”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 7 tháng 2, 2018 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Kinh Tin Kính là Lời Nguyện Tín Hữu trong Phụng Vụ Lời Chúa: “Tín Biểu… nhắc nhở chúng ta rằng các Bí Tích chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đức tin của Hội Thánh…” và trong Lời Nguyện Tín Hữu: “dân chúng, thực thi chức tư tế khi rửa tội của họ, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho việc cứu rỗi mọi người".

[Lời chào mừng người bệnh ở Đại Sảnh Phaolô VI: Cảm ơn sự viếng thăm của anh chị em. Tôi ban phép lành cho tất cả mọi người. Tôi sẽ ra quảng trường và các anh chị em có thể theo dõi buổi triều yết ở quảng trường tại đây. Từ quảng trường họ sẽ thấy anh chị em, eh! Anh chị em sẽ thấy quảng trường và quảng trường sẽ thấy anh chị em. Và điều này thật đẹp. Chúng ta hãy đọc một Kinh Kính Mừng dâng Đức Mẹ.

Sau khi đọc Kinh Kính Mừng và Phép Lành: Và cầu nguyện cho tôi! Đừng quên, eh! Nghe cho tốt. Hẹn gặp lại anh chị em]


* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúc anh chị em một buổi sáng tốt, ngay cả khi thời tiết hơi xấu. Nhưng nếu linh hồn hân hoan thì luôn luôn là một ngày tốt. Vì vậy, chúc anh chị em một buổi sáng tốt! Buổi triều yết hôm nay gồm có hai nhóm: một nhóm nhỏ bệnh nhân đang ở trong sảnh đường, vì thời tiết, và chúng ta đang ở đây. Nhưng chúng ta thấy họ và họ thấy chúng ta trên màn ảnh lớn. Chúng ta hãy chào đón họ bằng một tràng pháo tay.

Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Việc lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh, được kéo dài trong bài giảng, đáp lại điều gì? Nó đáp lại một quyền: quyền thiêng liêng của Dân Thiên Chúa để nhận được cách dồi dào kho tàng Lời Chúa (xem Dẫn Nhập vào Sách Bài Đọc, 45). Khi đi dự Thánh lễ, mỗi người trong chúng ta có quyền nhận được cách dồi dào Lời Chúa được đọc hoàn chỉnh, được nói và rồi, được giải thích trong bài giảng. Đó là một quyền! Và khi Lời Chúa không được đọc cách hoàn chỉnh, không được các Phó Tế, Linh Mục hay Giám Mục giảng với lòng nhiệt thành, thì làm mất quyền của các tín hữu. Chúng ta có quyền lắng nghe Lời Chúa. Chúa nói với mọi người, các Mục Tử và các tín hữu. Ngài gõ cửa tâm hồn của những người tham dự Thánh Lễ, mỗi người trong điều kiện sống, tuổi tác và tình trạng của mình. Chúa an ủi, mời gọi, làm nảy sinh các mầm của đời sống mới và được hòa giải. Và Ngài làm điều này qua Lời Ngài. Lời Ngài gõ cửa tâm hồn và thay đổi các tâm hồn!

Vì thế, sau bài giảng, một thời gian im lặng cho phép hạt giống đã nhận được lắng đọng trong linh hồn, ngõ hầu phát sinh ra quyết tâm gắn bó với những gì mà Chúa Thánh Thần đã gợi ý cho mỗi người. Sự im lặng sau bài giảng, một phút im lặng tuyệt vời phải được thực hiện ở đó và mọi người đều phải suy nghĩ về điều mình đã nghe.

Sau phút im lặng này, Thánh Lễ tiếp tục như thế nào? Đáp trả của cá nhân về đức tin là một phần của việc tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, được diễn tả trong "Kinh Tin Kính". Tất cả chúng ta đều đọc "Kinh Tin Kính" trong Thánh Lễ. Được toàn thể cộng đồng đọc, Tín Biểu bày tỏ lời đáp trả chung cho những gì đã nghe từ Lời Chúa (x Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 185-197). Có một mối dây liên kết sống còn giữa việc lắng nghe và đức tin. Chúng kết hợp với nhau. Thật ra, đức tin này không nảy sinh từ sự tưởng tượng của trí óc con người, nhưng, như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, "đến từ điều đã được nghe, và điều được nghe đến từ lời rao giảng về Ðức Kitô." (Rm 10:17). Vì vậy, đức tin được nuôi dưỡng nhờ lắng nghe và dẫn đến Bí Tích. Do đó, việc đọc "Kinh Tin Kính" làm cho cộng đoàn phụng vụ "quay lại việc suy niệm và tuyên xưng các mầu nhiệm cao cả của đức tin, trước việc cử hành của họ trong Thánh Thể" (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Roma (GIRM), 67).

Tín Biểu nối kết Bí Tích Thánh Thể với Bí Tich Rửa Tội, đã nhận được "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", và nhắc nhở chúng ta rằng các Bí Tích chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đức tin của Hội Thánh.

Sau đó, việc đáp trả Lời Chúa được nhận bằng đức tin được diễn tả trong lời nguyện chung, gọi là Lời Nguyện Phổ Quát, bởi vì nó bao gồm các nhu cầu của Hội Thánh và thế giới (xem GIRM, 69-71; Dẫn Nhập vào Sách Bài Đọc, 30-31). Nó cũng được gọi là Lời Nguyện Tín Hữu.

Các Nghị Phụ của Công Đồng Vaticanô II muốn phục hồi lời nguyện này sau bài Tin Mừng và bài giảng, đặc biệt là vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, ngõ hầu "với sự tham gia của dân chúng, lời nguyện được dâng lên để cầu cho Hội Thánh, cho những người cai trị chúng ta, cho những người có các nhu cầu khác nhau, cho mọi người và cho phần rỗi của toàn thế giới "(Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 53;. X. 1Tm 2,1-2). Do đó, dưới sự hướng dẫn của linh mục, người mở đầu và kết thúc, "dân chúng, thực thi chức tư tế khi rửa tội của họ, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho việc cứu rỗi mọi người" (GIRM, 69). Và sau từng ý chỉ, được Phó Tế hay một người đọc đề nghị, cộng đồng hợp lời cầu xin: "Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con.”

Thực ra, chúng ta hãy nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn xin điều gì, các con cũng sẽ nhận được" (Ga 15:7). "Tuy nhiên, chúng ta không tin điều này, bởi vì chúng ta yếu lòng tin". Nhưng nếu chúng ta có đức tin - như Chúa Giêsu nói – giống một hạt cải, chúng ta sẽ nhận được mọi sự. "Hãy xin bất cứ điều gì các con muốn, và sẽ được ban cho các con". Và trong giây phút Cầu Nguyện Phổ Quát này sau Kinh Tin Kính, lúc dành để cầu xin Chúa cho những điều quan trọng nhất trong Thánh Lễ, những điều chúng ta cần, những điều chúng ta muốn. "Nó sẽ được ban cho các con"; bằng cách này hay cách khác, nhưng "Nó sẽ được ban cho các con". Chúa nói: "Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Người mà Chúa đã nói những lời này - mọi sự đều có thể đối với những người tin - đã trả lời thế nào? Ông thưa: "Lạy Chúa, con tin. Xin giúp đức tin bé nhỏ của con". Chúng ta cũng có thể nói, "Lạy Chúa, con tin. Xin giúp đức tin bé nhỏ của con". Và chúng ta phải cầu nguyện các ước muốn theo lý lẽ thế trần không lên được đến Thiên Đàng, cũng như các lời cầu xin chỉ quy về mình sẽ chẳng được nghe (x. Gc 4:2-3). Những ý chỉ mà các tín hữu được mời cầu nguyện phải nói lên các nhu cầu cụ thể của cộng đồng Hội Thánh và thế giới, tránh sử dụng các công thức thông thường và thiển cận. Lời nguyện "phổ quát", là lời nguyện kết thúc Phụng Vụ Lời Chúa, khuyến khích chúng ta nhận cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc tất cả con cái của Ngài, làm cái nhìn của mình.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180214_udienza-generale.html
 
Văn Hóa
Với lòng cậy trông bước vào mùa Xuân năm mới
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:47 17/02/2018
Hằng năm theo phong tục tập quán nếp sống văn hóa Á Đông, dù bây giờ ở xa quê hương Việt Nam, chúng ta vẫn sống giữ nếp phong tục văn hóa mừng ngày Tết Nguyên Đán đầu mùa Xuân mới.

Nếp sống phong tục văn hóa này đã in khắc sâu vào đời sống tinh thần tâm trí con người Việt Nam chúng ta.

Cung cách đón mừng ngày Tết Nguyên Đán có thể khác với thời gian những năm tháng ngày xưa. Nhưng tâm tình tinh thần nếp sống văn hóa ngày Tết thiết tưởng không thành ra khác.

Vui đón mừng mùa Xuân mới, đón mừng ngày Tết Nguyên Đán, nhưng không quên tâm tính cám ơn Trời Đất. Với người Công Giáo chúng ta cám ơn Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên trời đất, nên thời giờ tứ thời bát tiết cho con người sinh sống trong vũ trụ.

Như nếp sống người Công Giáo Việt Nam có tập tục từ thời các Vị Thừa Sai sang truyền giáo đã lập ra dành ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán là ngay kính thờ tạ ơn Thiên Chúa.

Con người chúng ta cám ơn Tổ tiên, Ông Bà, cha mẹ, những người đã sinh thành đào tạo dậy dỗ chúng ta nên người ở đời. Vào ngày mừng Tết Nguyên Đán, con cháu mang qùa lễ vật tết mừng tuổi Ông Bà cha mẹ mình.

Dịp mừng Tết Nguyên Đán cũng là dịp tốt gia đình anh chị em tụ họp bên Ông Bà Cha Mẹ mừng tuổi năm mới cho nhau. Dịp này cũng còn là cơ hội bạn bè gặp lại nhau, học trò nhớ đến thầy cô giáo cùng những người đã sống làm ơn cho ta trong đời sống.

Sống tâm tình vui mừng, nhưng cũng không quên nhớ đến những người thân yêu trong đời sống mà nay đã ra đi trước về đời sau. Người còn đang sinh sống trên trần gian và người đã ra đi thành người thiên cổ vẫn hằng liên kết nhớ đến nhau trong tâm tình lòng nhớ nhung biết ơn nhau.

Hướng về thời gian tương lai năm mới đang đến, chúng ta vui mừng, nhưng cũng phần nào có ưu tư suy nghĩ. Vì không ai biết trước được tương lai sẽ như thế nào.

Tư lự suy nghĩ, nhưng không vì thế mà bi quan đầu hàng bỏ cuộc. Trái lại vẫn sống tâm tình niềm hy vọng cậy trông.

Hy vọng cậy trông vào Chúa, Đấng là nguồn sự sống cùng mọi niềm hy vọng của con người.

Hy vọng cậy trông vào Chúa, Đấng là người sắp đặt nuôi dưỡng công trình ngài tạo dựng nên, trong đó có con người chúng ta.

Hy vọng cậy trông vào Chúa, Đấng là chủ thời gian năm tháng biên cương thế kỷ.

Nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Lavang, năm nay cũng kỷ niệm 220 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lavang (1798- 2018), của Đức Mẹ Lourdes, năm năm kỷ niệm 160 năm ( 1958-2018), cùng với niềm tin tưởng vào Chúa chúng ta tiến bước vào đường đời sống thời gian năm mới Mậu Tuất.

Nhờ lời bầu cử của các Thánh tử đạo Việt nam, mà năm nay mừng kỷ niệm 30 năm các Ngài - 117 Vị - được tôn phong lên hàng Hiển Thánh của Giáo hội (1988-2018), chúng ta lòng cậy trông phó thác vào bàn tay quan phòng của Chúa, bước sang năm mới Mậu Tuất hân hoan phấn khởi sống đức tin người Công Giáo giữa lòng thế giới trong những tương quan ràng buộc và trong những thử thách, niềm vui có và cả đau khổ cay đắng cũng không ít.

Năm mới mở ra thời gian tương lai cho kiến tạo vươn lên.

Và đời sống năm mới cũng thúc đẩy đòi buộc chúng ta sống hy sinh cố gắng. Có thế đời sống mới có ý nghĩa, nhất là trong tương quan chiều thẳng đứng vươn lên tới Thiên Chúa trên trời cao.

Mừng Xuân Mậu Tuất, 2018.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Con chỉ là cát bụi
Nguyễn Kim Ngân
20:26 17/02/2018
Thế là ông cụ tôi mất đã được 100 ngày. Dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh vừa qua, và nay là Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, những đại lễ làm dịp sum họp cho gia đình chúng tôi lần đầu tiên vắng bóng cụ. Tưởng là không ảnh hưởng gì mấy, bởi chỉ vắng đi có một người. Thế mà trái lại, vắng cụ, tự nhiên ai cũng cảm thấy thiêu thiếu, hụt hẫng thế nào ấy. Thì ra, lúc nào cụ cũng vẫn là một chỗ dựa tinh thần không thể thay thế cho cả gia đình chúng tôi. Một trăm ngày, khoảng thời gian đủ chín muồi để những dòng này được viết ra không quá trĩu nặng những cảm xúc như những ngày cụ mới ra đi.

Suốt ba năm dòng dã, tôi thấm thía đậm đà nỗi buồn của Trịnh Công Sơn qua bài “Chiều Chúa Nhật Buồn,” tuy tâm trạng của tôi không hề giống tâm trạng của nhạc sĩ chút nào, có chăng là giọt buồn ấy lặng lẽ nhỏ xuống trùng vào mỗi buổi chiều Chúa Nhật. Đó là lúc tôi đưa ông cụ từ nhà trở lại viện an dưỡng Manor Care tại thành phố Sunnyvale, theo đúng lịch trình tôi tự đặt ra cho mình, sau một thời gian thử nghiệm để cho cuộc sống thường ngày của cụ trở thành nề nếp tại nơi ở mới. Tất cả khởi đi từ một cú tai biến mạch máu não khiến cụ gục xuống trên bàn ăn trong lúc đang dùng bữa trưa tại nhà hàng gần nhà để mừng đứa cháu vừa lập gia đình. Khi chiếc xe cứu thương chở cụ đi bệnh viện Stanford thì nó cũng đưa cụ vĩnh viễn giã từ cuộc sống chung với gia đình mà cụ đã trải qua từng ngày suốt gần 90 năm cuộc đời. Chính cái nếp sống lâu bền và đặc quánh chất gia đình đã hành hạ cụ từ đó cho đến khi nhắm mắt. Nó cũng cùng lúc dằn vặt tôi suốt hơn ba năm trời thăm viếng, đưa đón cụ đi đi về về mỗi dịp cuối tuần. Và cũng từ đó chiều Chúa Nhật nào cũng đều là những buổi chiều Chúa Nhật buồn. Đẩy cụ vào trong phòng, giúp cụ nằm xuống giường, đắp mền, tắt điện xong xuôi, miệng thì lí nhí: “Thôi ba nằm nghỉ, con về đây, tuần tới con vào,” là tôi đi thẳng ra ngoài, mặc cho cụ nói với theo câu: “Nhớ vào đây sớm, càng sớm càng tốt,” nghe như một điệp khúc u uẩn và chán chường, y hệt gương mặt của tuyệt đại đa số những cư dân nơi này, cho dù mỗi người mỗi vẻ. Từ khi cụ qua đời đến nay, “chiều Chúa Nhật buồn,” với tôi, được thay thế bằng “Chúa Nhật Buồn,” một bài hát của Hung Gia Lợi được Phạm Duy viết lời Việt: “Chúa Nhật buồn đi lê thê, cầm một vòng hoa đê mê: bước chân về với gian nhà, với trái tim còn nặng nề…”

Cụ tôi ra đi sau ba lần bị chứng tai biến mạch máu hành hạ, lần sau cùng nó làm cho cụ bán thân bất toại. Giờ cụ ra đi được xác nhận là vào lúc 4:25 sáng sớm hôm 9 tháng 11 năm 2017. Có thể là trước đó nữa không chừng, nhưng đó là theo ghi nhận của cô điều dưỡng viên trong nhà an dưỡng. Điều chúng tôi vẫn lấy làm tiếc là không ai có mặt trong phút giây cuối cùng cuộc đời cụ, cho dù niềm an ủi còn lại là việc cụ ra đi êm ái, như là chỉ thiếp đi trong một giấc ngủ thật sâu.

Tuy tuổi đời trải dài gần 90 năm, nhưng nếu viết tiểu sử về cụ, không biết có thể gom được đủ một trang giấy hay không. Tại sao? Lý do dễ hiểu là đời sống của cụ quá đơn giản, nhịp sống của cụ khá đều đặn, và dòng đời của cụ khá phẳng lặng. Nói một cách nôm na, cuộc sống của cụ chẳng lên voi mà cũng chẳng xuống chó. Hay nói theo lối quảng cáo ngày nay thì “Cụ Vincentê là người Việt Nam, sinh ra là để làm giáo chức, và chỉ làm giáo chức mà thôi!”

Như vậy, xét về thành tích, thì với hơn 30 năm sống đời giáo chức, từ trước khi di cư 1954 cho đến tháng 4 năm 1975, cũng giống như quý vị sống đời giáo chức khác, đóng góp lớn nhất của cụ là giúp đào tạo các mầm non cho thế hệ tương lai của nước nhà. Trường Tiểu Học Công Lập Nghĩa Hòa là ngôi trường mà nhiều người sống ở vùng Sao Mai, Nghĩa Hoà, Lộc Hưng, Nam Hòa, Chí Hoà, vùng Ngã Ba Ông Tạ đều biết. Hiện tại, học trò của Thầy Xuyến cũng có mặt đây đó tại California, cả Bắc lẫn Nam.

Nhưng nếu xét về mặt vật chất thì ai cũng biết: làm giáo chức thì chỉ có nước “dức cháo” mà thôi. Hình như ai làm nghề giáo cũng đều nghèo cả. Trong xứ Sao Mai có một số quý vị đồng nghiệp với cụ, như Ông giáo Toàn, Ông giáo Thủy, Ông giáo Tuân. Ngoại trừ trường hợp ông giáo Cảnh, nhà ở ngay tháp chuông cuối nhà thờ Sao Mai là người giầu có. Hỏi ra thì mới biết thầy Cảnh giầu không phải vì làm giáo chức, mà là vì thầy trúng số độc đắc (bạc triệu thời Cụ Ngô--nền Đệ Nhất Cộng Hoà—rất là lớn!) Tóm lại các vị giáo chức thì nghèo bền cả vậy. Cho dù thiên hạ có thương tình sử dụng các mỹ từ như “thanh bạch,” “đạm bạc,” thì cũng chỉ là để giữ chút ít thanh cao cho nghề giáo, và làm giảm nhẹ cái thực tế phũ phàng của cái nghèo trong đời giáo chức mà thôi.

Cái oái oăm là gia đình chúng tôi thuộc diện đông con. Nhà nghèo con đông, đông con nhà nghèo, đúng là một cái vòng lẩn quẩn. Chỉ lo ăn thôi cũng đủ bở hơi tai. Tháng nào bà cụ tôi cũng kéo về cả tạ gạo thì mới đủ “nhiên liệu” cho một đoàn gồm 11 chiếc “tầu há mồm” tiếp tục ra khơi. May mà có bà thím, tức Bà Bài, (thân mẫu của Chú Anh Dũng võ bị Đà Lạt), là đại lý gạo. Thế nên nếu chẳng may gạo khan hiếm hay lên giá vì các ông nằm vùng đắp mô chặn đường tiếp tế từ miền Tây về Sài Gòn, thì bà cụ tôi vẫn có chỗ để xoay sở, vay mượn tạm chút ít gạo về để cứu…đói.

Đó là mới nói tới chuyện ăn uống. Chưa nói gì đến ăn mặc, sắm sửa, giải trí, nhất là đào đâu ra tiền cho lũ con ăn học? Cực kỳ khó khăn, cực kỳ vất vả! Ấy thế mà Chúa vẫn lo liệu một cách hết sức kỳ diệu. Ông cụ cứ sáng nhà thờ, chiều nhà thánh (đi chầu), tối thì đọc kinh. Đời sống như một cái máy, đều đặn, không thay đổi. Đôi khi thấy bết bát quá, mấy đứa lớn trong nhà chỉ nghe cụ nói: “Thôi thì cứ vững tin cầu xin, rồi Chúa sẽ lo liệu.” Mà Chúa lo liệu thật! Anh chị em chúng tôi may mắn, ai cũng khỏe mạnh, lại được ăn học đầy đủ. Quả đúng là đến chim trời, cây cỏ ngoài đồng mà Chúa còn dưỡng nuôi chăm sóc, huống chi con người? Đoạn kinh thánh từ Tin Mừng Luca (12:22-31) chính là đoạn mà cụ suốt đời tâm đắc.

Nói đến việc học, tôi cảm thấy như có được một ưu ái đặc biệt từ ông cụ tôi. Trong khi còn đang đi học tiểu học tại trường Nghĩa Hòa—năm tôi lên 8, và là con trai lớn--ông cụ tôi đã gửi tôi theo học trường Khải Minh, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, khu Tân Định, là một trường chuyên dậy Anh Ngữ hiếm hoi vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, với tiền học phí khá cao, không phải gia đình nào cũng có thể kham nổi vào thời buổi ấy. Rất có thể đây là do sáng kiến, hay đúng hơn, là viễn kiến của Ông Nội tôi, tức Ông Cửu Xuyên, do đó tiền học được Ông đài thọ, một phần hay tất cả. Hoặc cũng có thể vào thời gian ấy, gia đình tôi vì còn ít người và ít nhu cầu, nên ông cụ tôi có thể dùng chút ít tiền dành dụm để dốc vào việc đầu tư kiến thức cho tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấy biết ơn cả hai vị này.

Rồi biến cố 1975 xẩy đến: không lon, không lá, không sở Mỹ, không quan chức chính quyền, chỉ là “nhà giáo quèn” (ông cụ tôi hay nói vậy), thế mà cụ tôi đã đem được toàn thể gia đình đến phần đất quê hương thứ hai một cách an toàn. Cứ y như là phép lạ! Tât cả đều là hồng ân Chúa. Chúa Quan Phòng đã an bài: nhờ ông chú tôi là cấp chỉ huy Hải Quân trong vùng Nhà Bè, Cát Lái vào thời điểm đó. Thế là trên chuyến hải hành cuối cùng, toàn thể gia đình chúng tôi ở trong số những người đầu tiên đến được bến bờ tự do sau khi Sàigòn thất thủ. Nếu kẹt lại, không biết gia đình chúng tôi lúc này ra sao? Bao nhiêu chuyến vượt biên mới xuể? Nhưng “đầu tiên” mới là vấn đề: đào đâu ra vàng mà đi?

Tiễn đưa cụ về với lòng đất lạnh giữa mùa lễ Tạ Ơn, ngày lễ tuyệt vời nhất của đất nước Hoa Kỳ, tưởng không còn thời điểm nào tốt đẹp hơn. Đây là mùa để đếm từng mỗi ơn lành hồn xác mà Thượng Đế đã ban cho mỗi người và cho cả đất nước này. Hơn ai hết, gia đình chúng tôi phải muôn đời cảm tạ tri ân Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban xuống cho gia đình chúng tôi một cách đặc biệt: đông con, nhưng ai nấy đều mạnh khỏe, không bị khuyết tật thể xác hay trì chậm về mặt tâm thần; và tuy cuộc đời dẫu đầy dẫy những bước thăng trầm, “ba chìm bẩy nổi, chín cái lênh đênh,” nhưng nói chung vẫn được bình an cho tới hôm nay.

Từ khi còn trẻ cho đến những ngày tháng cuối đời, cụ tôi rất chăm đi lễ, bất chấp thời tiết nắng mưa, kể cả ngập lội, là cảnh tượng rất thường xẩy ra ở trại Sao Mai trong mùa mưa bão. Nếu định nghĩa người Công Giáo là người hay đi lễ, thì cái định nghĩa ấy có thể áp dụng đúng cho cụ tôi. Thế nhưng trong tổng cộng khoảng hơn kém 30 ngàn Thánh Lễ mà cụ đã tham dự trong 90 năm cuộc đời, tưởng không có buổi lễ nào long trọng và sốt sắng cho bằng Thánh Lễ An Táng, Thánh Lễ cuối cùng của cụ trên nơi dương thế. Những bài hát Latinh vang lên như làm sống lại trước mắt những Thánh Lễ cụ đã tham dự trong tư cách của một ca viên Ca Đoàn Thiên Ca tại nhà thờ Sao Mai, Chí Hòa, dưới sự cai quản của Linh Mục Chánh Xứ Phaolô Lê Nguyên Kỷ ngày nào.

Phúc Âm hôm ấy nói đến Tám Mối Phúc Thật, mở đầu bằng câu: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:1-12). Tôi bỗng thấy lời này áp dụng không sai cho trường hợp ông cụ. Ông đúng là một người nghèo, không chỉ nghèo vật chất, mà quan trọng hơn, nghèo trong tinh thần, nghĩa là chỉ biết phó thác và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa. Nếu vì lòng thương xót Chúa mà cụ được ơn cứu độ, thì quả đúng là “lòng tin của cụ đã cứu cụ.” Nghe như phảng phất câu Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ bị chứng rong huyết mà Ngài chữa lành (xem Lc 8:48).

Đành rằng chẳng ai trong anh chị em chúng tôi “bố bảo cũng không dám” bắt chước cụ về cái khoản sản xuất ra gần một tiểu đội vừa trai, vừa gái. Mà làm gì có đủ khả năng để dám với chẳng dám! Nhưng kỷ vật cụ để lại còn quý giá hơn nhiều, đó là: “Cứ tin cậy ở Chúa, Ngài sẽ lo liệu hết.” Kỷ vật này, hay cái di sản tinh thần này, xem ra thật đơn sơ, nhưng cũng đầy thách đố: liệu chúng tôi có đủ lòng tin và niềm phó thác trọn vẹn nơi Chúa như cụ hay không? Liệu chúng tôi có được tâm tình cảm tạ tri ân Chúa một cách sâu xa như cụ đã có trong suốt cuộc đời hay chăng? “Lậy Chúa, xin gia tăng đức tin vốn còn quá yếu nơi chúng con” (xem Lc 17:5).

Viết những dòng này trong bối cảnh Thứ Tư Lễ Tro, mở đầu mùa Chay Thánh, bất giác trong tôi chợt vang lên lời kinh êm ái, có ý nghĩa rất đẹp, viết bởi một con người đại đảm, từng “đánh đông dẹp bắc”, nhưng lại mang trong mình một tâm hồn hết sức hiền hậu và khiêm nhu, ý thức sâu xa về sự bé nhỏ và tầm thường của mình trước mặt Chúa: đó chính là (Tướng Công) General de Sonis (1825—1887) mà tôi đã một lần vay mượn dệt thành ca khúc. Quả vậy, mỗi người chúng ta đây chỉ là một hạt cát trước mặt Chúa, có được chút gì, làm được điều chi, thì cũng đều nhờ ở Ngài. Điều kỳ diệu là hạt cát vô giá trị ấy lại được chính Tạo Hóa thương yêu, tác thành, nâng lên hàng nghĩa tử, và nhất là được Ngài cứu chuộc bằng chính giá máu mình, để rồi sẽ còn được chung hưởng hạnh phúc trường sinh với Ngài.

Vâng, lậy Chúa, cũng như cụ ông Vincentê, thân con chỉ là hạt cát, và đây là lời kinh con xin dâng lên Chúa, xin Ngài lắng nghe LỜI NGUYỆN CỦA HẠT CÁT:

1) Lậy Chúa, con đây trước mặt Ngài: nghèo hèn, bé nhỏ, trụi trơ.

Con không là chi, con không có gì, con ở đây trước nhan Ngài, mịt mù hư vô…

Con muốn có điều gì đó dâng lên Ngài, nhưng con chỉ là (con chỉ là) cát bụi thôi.

Chúa (Chúa) là tất cả đời con; Chúa (Chúa) là mạch suối muôn hồng ân.

Lậy Chúa, nhưng từ hư không…Ngài cất tiếng gọi kêu con, để mạch sống đầy trong con

được ứ tràn. Ngài tác sinh ra con, cho trở thành tạo vật dễ thương.

Trong toà nhà xây, đừng kể con là viên đá quý, láng sạch trong tay thợ nề

Mà cho con chỉ như hạt cát vãi vương, khuất lấp ven đường…

2) Lậy Chúa hôm nay con ở đây: một niềm tin tưởng cậy trông

Thân con bụi tro, tung bay khuất mờ, như phù du sớm nở rộ, chiều về hoang vu…

Con xin đến để tận hiến trót xác hồn. Chúa hãy thương nhận như một lần tác thành con.

Ôi thân phận tội lỗi ngàn muôn, con chẳng hề xứng đáng Chúa dủ thương.

Lậy Chúa, xin cảm tạ Chúa: Dù khốn khó, dù âu lo, dù nhục nhã, dù đau thương, dù thất vọng,

Bởi chính trong tai ương, con thấy được tình Chúa mến thương.

Chính từ hạt cát, từ bụi tro, từ trong hư vô, chính từ yếu đuối buông tuồng

Mà con mới ngẫm ra tình Chúa vẫn luôn tha thiết khôn lường.

Nhân lễ Giỗ 100 ngày cụ Ông Vincentê Nguyễn Ngọc Xuyến.

Mùng 1 Tết Nguyên Đán Mậu Tuất

02/16/2018

Nguyễn Kim Ngân