Ngày 16-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cuộc sống và cái chết thuộc về Thiên Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
06:39 16/02/2010
... Trong tất cả các nơi tôi trải qua trong cuộc đời Linh Mục Truyền giáo cho đến ngày hôm nay, nơi nào người dân cũng có thói quen dành đêm 31 tháng 12 rạng ngày Mồng Một Tháng Giêng (dương lịch) để ăn cái gì thật đặc biệt, để uống và để khiêu vũ, nhảy múa. Riêng nơi đây, tại một thôn làng nghèo khổ hẻo lánh của nước Zambia này, chúng tôi kết thúc năm 2008 nơi nhà nguyện.

Chúng tôi hiệp ý cầu cho linh hồn các Cha Mẹ quá cố của 30 cô nhi đang sống trong nhà xứ chúng tôi. Ngay sáng ngày 31-12, Ernest - một trong những cô nhi lớn tuổi nhất - nới với tôi:

- Thưa Cha, 31 tháng 12 là ngày tưởng niệm Ba con được ”chôn vào lòng đất”. Kể từ đó, cứ mỗi lần canh thức đón giao thừa là mỗi lần con buồn và nhớ Ba con vô cùng!

Thế là chúng tôi quyết định dâng Thánh Lễ đêm giao thừa để cầu cho tất cả Cha Mẹ quá cố của các cô nhi, đặc biệt là cầu cho thân phụ của Ernest. Thật là Thánh Lễ đón Năm Mới 2009 cảm động. Với lòng tri ân chân thành Ernest nói với tôi:

- Kể từ ngày Ba con qua đời, đây là lần đầu tiên con trải qua một đêm canh thức tràn đầy niềm vui và ý nghĩa!

Rồi chàng thanh niên âu yếm ôm hôn tôi trước khi lên giường ngủ.

Vài ngày sau Tết dương lịch 2009, Brian - cô nhi 14 tuổi - đến xin phép được tháp tùng tôi trong chuyến đi dâng Thánh Lễ nơi quê sinh của cậu. Đây là lần viếng thăm mục vụ tôi vẫn làm hàng tháng. Trong lúc tôi hội họp với các vị bô lão trong làng thì Brian biến mất. Cậu bé chỉ xuất hiện độ nửa giờ sau đó, trong tay mân mê một bảo vật. Khi tôi hỏi thì cậu bé sung sướng đưa tôi xem tấm hình một phụ nữ trẻ tuổi. Brian hãnh diện nói:

- Bà rất đẹp phải không Cha??? Mẹ con đó!!! Đây là người đàn bà đẹp nhất mà con biết!

Brian liền kể cho tôi nghe câu chuyện Mẹ cậu bị giết chết thảm thương như thế nào chỉ vỏn vẹn vài tháng sau cái chết của Ba. Cậu bé lại bị ông chú hành hung và đánh đập khiến cậu phải tìm đường ẩn trốn. . Tấm di ảnh đã cũ đã mòn. Khi về đến nhà xứ, tôi tìm cách chụp lại và in lớn ra trên giấy mới. Tôi đóng khung tấm di ảnh và tặng cho Brian như món quà đầu năm mới. Cậu bé sung sướng vỗ tay reo hò và nhảy múa theo điệu Phi châu trước di ảnh của hiền mẫu. Brian cảm động thì thầm vào tai tôi:

- Cha biết không, người đàn bà này không bao giờ lìa xa con!

Tôi liền thông báo cho Brian biết là thân mẫu của một người bạn tôi vừa qua đời. Khi Brian muốn biết tuổi thọ của người quá cố thì tôi nhanh nhẹn trả lời:

- Ồ, hình như bà cụ khoảng 85 tuổi!

Brian ngạc nhiên kêu lên:

- Bà sống thọ đến thế sao??? Ở đây, người ta chỉ sống đến 35 tuổi là cùng!

Và đúng như lời Brian nói, tại nước Zambia này, người ta chỉ hy vọng sống đến 37 tuổi. Cái chết là cái gì thật bình thường và người chết tiếp tục ở bên người còn sống mà không tạo nên vấn đề gì. Cái chết là bạn đồng hành trung tín của người dân.

Cách đây không lâu, Maman Kalebuka - Má Kalebuka, nữ giáo viên mới đến dạy học tại Mulungushi, thôn làng có cứ điểm truyền giáo của chúng tôi. Ở nước Zambia này, các giáo viên cũng chịu số phận y như các binh lính: nghĩa là trong thời gian hành nghề, các giáo viên bị thuyên chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, có khi cách xa nhau hàng ngàn cây số. Bà giáo Kalebuka này đến từ làng Icisamba nghĩa là cách đây 150 cây số. Vài ngày sau, bà đến thăm tôi nơi nhà xứ và bày tỏ ước nguyện trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Bà giải thích:

- Thưa Cha, con là góa phụ. Nhưng trước khi lập gia đình, con là tín hữu Công Giáo. Chồng con là tín hữu Tin Lành. Và để tỏ lòng trung tín với chồng, con thường tháp tùng chồng tham dự các buổi cử hành tin lành. Giờ đây chồng con qua đời, con ao ước tham dự tích cực vào các sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo. Xin Cha giúp con hội nhập trở lại với Hội Thánh.

Lúc đó là một tuần trước lễ Giáng Sinh. Tôi tìm một người đáng tin cậy để giúp bà giáo Kalebuka chuẩn bị trở về với Giáo Hội Công Giáo. Và đêm Lễ Giáng Sinh 24-12-2008 bà sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Trông bà giống như một công chúa. Bởi lẽ, bà mặc chiếc áo đẹp nhất và đôi mắt long lanh ngời sáng như ánh Ngôi Sao Lạ Bétlêhem năm xưa.

Sau lễ Giáng Sinh bà giáo tiếp tục đến nhà xứ thăm tôi và kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời bà. Vào năm 2006, trong cùng một tháng, bà mất đi đứa con trai, người chồng và thân phụ. Chỉ vài giờ trước khi chồng tắt thở bà mới khám phá ra là ông bị mắc bệnh Sida. Sau đám tang chồng, bà đến nhà thương khám nghiệm và kết quả cho thấy bà cũng bị cùng chứng bệnh Sida như chồng. Ở vào địa vị bà, nhiều người khác hẳn bị rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng hoặc bị điên loạn. Nhưng bà Kalebuka là một phụ nữ khác thường với một Đức Tin vững mạnh, mặc dầu mới chỉ trên dưới 35 tuổi. Thay vì khép kín vào nỗi buồn riêng, bà rộng mở con tim đón nhận người khác. Bà rước về nhà để chăm sóc đứa em trai mồ côi cha và nuôi một đứa cháu gái.

Mỗi ngày bà giáo Kalebuka tới nhà xứ thăm viếng các trẻ mồ côi và chú ý cách riêng các cô nhi bị bệnh. Sáng nay bà đến gặp tôi cùng với một nữ giáo viên khác cũng mắc bệnh Sida. Bà nói với tôi:

- Thưa Cha, con thuyết phục bà giáo này đến đây với con. Con nghĩ rằng phương thế tốt nhất để sống khi người ta bị ”lưỡi hái tử thần treo lủng lẳng trên đầu” là thăm viếng các bệnh nhân khác và đồng hành với họ trong nỗi đau đớn.

Vừa nói bà vừa nở nụ cười rạng rỡ trên đôi môi. Bà nói tiếp:

- Cuộc sống chúng ta nằm trong tay THIÊN CHÚA và cả cái chết nữa. Thật ra đối với tín hữu Công Giáo thì cái chết không hiện hữu hay nói đúng hơn, Cái Chết là Hiền Tỷ mở rộng cánh cửa đưa chúng ta vào Nhà Cha.

Đúng như lời bà giáo Kalebuka nói. Nơi cứ điểm truyền giáo mênh mông này, không một nhà nào mà không bị thần chết gỏ cửa. Nhưng thay vì buồn sầu áo não, người dân tiếp tục vui sống. Tôi tự hỏi lý do nào khiến họ có thể bình thản như thế và tôi đã tìm ra câu trả lời nơi Đức Tin vừa đơn sơ vừa sâu sắc của người dân nghèo ở đây. Thật thế, bất cứ đàn ông hay đàn bà nào mỗi lần đến nhà xứ thì cử chỉ đầu tiên là kính cẩn quỳ trước Bức Tượng Đức Mẹ MARIA. Họ kính cẩn chào Đức Mẹ và thân thưa với Đức Mẹ với trọn lòng con thơ phó thác. Rồi họ lẩm nhẩm đọc Kinh Kính Mừng hay lần hạt Mân Côi. Các buổi cử hành Phụng Vụ, các Thánh Lễ không bao giờ quá dài hoặc quá lâu đối với người dân nghèo ở đây. Họ còn cầu nguyện trước Thánh Lễ và cầu nguyện sau Thánh Lễ. Đó là lý do giúp tôi hiểu rằng:

- Cái Chết là Hiền Tỷ và Người Chết đồng hành với Người Sống trên mọi nẻo đường đời nơi trần gian này.

Chứng từ của Cha Pierre Ruquoy Thừa Sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Scheut người Bỉ làm việc mục vụ bên nước Zambia, Phi Châu.

... Người Pharisêu nói với Đức Chúa GIÊSU: ”Ông làm chứng cho chính mình, lời chứng của Ông không thật!” Người trả lời: ”Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của Tôi vẫn là chứng thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và đi đâu. Các ông xét đoán theo kiểu người phàm, phần Tôi, Tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu Tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của Tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình Tôi, nhưng có Tôi và Đấng đã sai Tôi. Trong lề luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa CHA là Đấng đã sai Tôi cũng làm chứng cho Tôi” (Gioan 8,13-18).

(”CHRONICA CICM”, Bulletin mensuel - 79è Année - No 7 - Septembre/Octobre 2009, trang 230-233)
 
Sứ điệp của tro
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:49 16/02/2010
Sứ điệp của tro

Lễ Tro mọi người tín hữu tiếp nhận tro xức trên trán, trên đỉnh đầu. Ðây là tập tục tôn giáo đạo đức có từ thời xa xưa trong Cựu ước.

Nhưng tro nói lên dấu chỉ ý nghĩa gì cho đời sống niềm tin đạo giáo?

1. Sau buổi lửa trại một đống củi được đốt thắp sáng lên lúc chiều tối, sáng hôm sau chỉ còn lại một nắm tro tàn nguội.

Ngày tháng đời sống con người cũng như vậy. Những lời chân tình trao cho nhau như than hồng nồng cháy, những ước vọng nhiệt huyết hăng say làm sưởi ấm lòng người, sau cùng cũng biến thành tro tàn.

Lời kinh Thánh nhắn nhủ: Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro!

2. Tro tàn còn lại sau trận hỏa hoạn

Tro tàn từ đống sách báo bị thiêu đốt hủy diệt.

Tro tàn sau trận chiến chém giết nhau bên Sarajevo, bên Irak, bên Haiiti, bên Congo, bên Hiroshima, bên Afghanistan...

Tro tàn gắn liền với lịch sử đời sống con người: tro tàn của tội lỗi.

Và tro tàn cũng do tội lỗi, thiếu xót của lịch sử từng cá nhân còn lưu lại: một tâm hồn tan hoang chán chường thất vọng, đổ vỡ không còn muốn nhìn về đằng trước. Vì niềm tin, niềm hy vọng đã cạn, như lời Ðức Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi!

Lời kinh Thánh nhắn nhủ. Hỡi người hãy nhớ mình là người tội lỗi. Tội lỗi là đống tro tàn trong tâm hồn đời sống.

3. Sau mùa gặt hái, rơm rạ cây khô cỏ dại ngoài đồng ruộng được đốt cháy chỉ còn lại tro bụi. Bụi tro đó thẩm thấu xuống lòng đất, và biến thành chất phân bón sức sống cho cây lúa, cho hạt giống nẩy mầm đời sống mới của mùa gieo trồng kế tiếp.

Trong lò lửa, than củi bị đốt cháy, tạo nên sức nóng cực mạnh làm nung chảy vàng bạc kim loại và từ đấy lọc tẩy ra, đúc thành khuôn mẫu hình thù mới.

Ðời sống con người cũng bị thử thách trôi luyện như vậy, để trở thành một „người mới khác“.

Hỡi người hãy biết mình được tạo dựng sinh ra cho sự sống, cho tốt lành thiện hảo. Hãy trở về với niềm tin và đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, Ðấng là nguồn sự sống đời mình!

Thứ Tư lễ Tro
 
Thứ Tư Lễ Tro: Hoa và Rác
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
09:11 16/02/2010
HOA VÀ RÁC

THỨ TƯ LỄ TRO


Những ngày gần Tết, hoa và cây cảnh được bày bán khắp mọi nẻo đường phố thị. Đủ mọi loại hoa kiểng, lắm màu hương sắc. Gia đình nào cũng mua hoa chưng Tết. Tôi cũng mua cây mai nhiều nụ và mấy chậu hoa hồng hoa cúc để làm đẹp phòng khách. Nâng niu, chăm sóc thật kỹ lưỡng. Hôm nay Mồng Ba Tết, hoa đã héo rụng đầy phòng. Phải quét rác thôi, gom cả mai cả hoa đi đốt. Ôi Hương sắc của hoa! Hôm qua tươi đẹp, hôm nay héo tàn rụng úa. Hôm qua “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hôm nay quét bỏ như rác rưởi.

Mồng Bốn Tết nhằm ngày Thứ Tư Lễ Tro, nghĩ về hoa và rác như nghĩ về thân phận tro bụi của kiếp người theo lời Thánh Vịnh 102:

Đời sống con người giống như hoa cỏ

Như bông hoa nở trên cách đồng

Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi

Nơi nó mọc không còn mang vết tích.

Đời người cũng tựa đời hoa. Khi tươi nở, hoa rực rỡ khoe sắc, hoa ngào ngạt toả hương, ai cũng yêu cũng quý. Khi ủ rũ héo tàn, hương sắc của hoa rụng úa tàn tạ, chỉ mau vứt vào thùng rác. Hôm trước nâng niu, hôm sau vứt bỏ. Một đời hoa chóng tàn phai như lời sách Giảng viên:

“Phù hoa nối tiếp phù hoa,

chi chi chăng nữa cũng là phù hoa” (Gv 1,2).


Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi ông vừa phạm tội. Giáo Hội cũng sẽ lặp lại những lời ấy trong phần xức tro đễ nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.

Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra. Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

Sách Giảng Viên viết rằng: "Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân. Văn chương Việt nam khi nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, thường dùng hình ảnh bọt bèo:

"Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau" (Nguyễn Du).

Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định:

”Lênh đênh duyên nổi phận bèo.

Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi” (Ca dao).

“Bèo dạt, mây trôi đành với phận” (Chu Mạnh Trinh)


Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến ?

Cuộc đời tuy có là bèo bọt. Phận người dù phù hoa, mau chóng tàn phai trở về bụi đất. Con người bởi đất nhưng con người không bằng đất, con người có sinh khí, có hơi thở. Con người là hoạ ảnh và hình ảnh của Đấng dựng nên mình. Sự cao cả của con người là bắt nguồn từ chính Đấng là Sự Sống, Đấng Hằng Sống, con người là hình ảnh và hoạ ảnh của Đấng vô thuỷ vô chung, nên sự sống con người mang hình thái bất diệt, vượt xa các loài được tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không dựng nên con người, theo cái bên ngoài của Thiên Chúa, nhưng cho con người mang hoạ ảnh và hình ảnh của Người. Theo quan niệm của Nho Giáo, con người là sự tích tụ của tinh thần và khí chất nên con người có sự sáng suốt để hiểu các sự vật. Là hoạ ảnh và hình ảnh của Thiên Chúa, con người có một phẩm giá trổi vượt trên các loài được tạo dựng, con người một phần giống Thiên Chúa bởi quyền cai quản trên vạn vật và bởi con người có trí khôn, tự do.

Ba việc đạo đức được nhắc nhở rất nhiều trong mùa chay là: Bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Đây là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình; không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa. (x.Mt 6,1-6).

Ăn chay và kiêng thịt, chịu tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của mùa chay. Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn. Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, nói xấu, lười biếng việc đạo đức là điều phải thực hành.

Nói một cách hình tượng, thì con người của Mùa Vọng là một con người ÐI, con người hành hương, lòng tràn trề hy vọng đang tiến về cùng đích tối hậu của cuộc đời; con người của Mùa Phục Sinh là một con người ÐỨNG, tự do, chủ động và tự tín đối diện với thế giới, còn con người của Mùa Chay thì NGỒI trong thái độ chiêm nghiệm, trầm tư. (Đức Giuse Vũ Duy Thống).

Ngay đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: "Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi". Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy anh lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui..., anh nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng v.v. nhưng khi chết đến, anh mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho anh? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời anh?

Có ba quan niệm sống có thể tạo ra một thái độ tiêu cực trước cuộc đời. Một là cho rằng chết là hết, không còn gì tồn tại. Nếu quả thực mọi sự sẽ chấm dứt với cái chết, nếu số phận người tốt kẻ xấu đều sẽ như nhau sau khi chết, thì người ta sẽ có lý mà lập luận rằng: Ta hãy ăn uống, vui chơi, hãy hưởng thụ giây phút hiện tại cho thoả thích, vì chết rồi sẽ chẳng còn gì ! Hai là tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là tin rằng mọi sự đã được an bài sẵn và số phận của mỗi người đã được thần thánh định đoạt. Nếu thế thì con người chẳng cần và chẳng có thể làm gì nữa, mọi cố gắng đều vô ích. Ba là tin vào thuyết luân hồi, cuộc sống là một vòng luân chuyển, hết kiếp này qua kiếp khác. Nếu kiếp này chưa đạt cõi phúc thì sẽ chờ kiếp sau, khi được đầu thai lại, luân hồi theo vòng nghiệp chướng. Dĩ nhiên thuyết luân hồi không đương nhiên dẫn tới tiêu cực, nhưng dù sao cũng không dành cho cuộc sống hiện tại một giá trị và tầm quan trọng quyết định đối với số phận mỗi người.

Khác với ba quan niệm trên, Kitô giáo dạy rằng: Thiên Chúa thực sự giao cho ta chịu trách nhiệm về thế giới này và về sự thành công của cuộc đời chúng ta. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu. Chúa Giêsu khuyên chúng ta “phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách “ Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức của Mùa Chay.

Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về: tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Tỉnh thức để đợi chủ về. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ. Dụ ngôn người quản gia trung thành. Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa.Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn.Vì thế người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử.

Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường.

Biết mình đang đi về đâu, người có lòng tin không vì thế mà đương nhiên hết còn cảm nhận tính bi đát của cuộc đời “ phù vân, bèo bọt” vì họ vẫn là con người như mọi người, nhưng họ có một niềm hy vọng giúp họ giữ được thái độ lạc quan và an bình.

Biết rằng mình được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Kitô, người Kitô hữu luôn có đựơc điểm tựa an toàn cho hạnh phúc đích thực.

Con người là “hoa” và cũng là “rác”, nhưng với tình yêu Chúa Kitô, con người không còn là bèo bọt, không là phù hoa mà là con người của thần khí, trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Làm việc thiện, luôn bình an, thư thái, tự chủ. Nhờ đó, chúng ta sống một Mùa Chay thánh thiện.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:17 16/02/2010
KHÔNG ĐƯỢC ĐẠP LÊN THẢM CỎ

N2T


Trong bữa tiệc cooktail, một phụ nữ hỏi một thanh niên trẻ: “Xin hỏi, anh bạn làm nghề gì để sống ?”

- “Tôi là một người lính nhảy dù.”

- “Nhảy dù nhất định là rất đáng sợ.”

- “Chuyện đó thì khó mà tránh khỏi.”

- “Xin anh cho tôi biết một vài kinh nghiệm đáng sợ ấy của anh.”


- “À,” người thanh niên lên tiếng, nói: “Tôi nghĩ là khi hạ xuống trên thảm cỏ, sau đó nhìn thấy một tấm bảng hiệu viết như sau: “Không được đạp lên thảm cỏ !”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Hạnh phúc nhất là khi nhảy dù xuống trên thảm cỏ êm như thảm nhung, nhưng đau khổ nhất là khi dù gần rơi xuống thảm cỏ mà nhìn thấy chữ: “không được đạp lên thảm cỏ”, bởi người có lòng tự trọng và văn hóa thì sẽ không đạp lên thảm cỏ trong công viên hoặc nơi chỗ có bảng cấm.

Niềm vui và hạnh phúc của người Ki-tô hữu chính là phục vụ tha nhân, nhưng đau khổ nhất chính là bị người khác hiểu lầm khi mình phục vụ tha nhân, không phải có nhiều thánh nhân đã từng bị hiểu lầm như thế hay sao ?

“Không được đạp lên thảm cỏ” cũng là lời nhắc nhở chúng ta: “Không được đạp lên lương tâm của mình.”

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:20 16/02/2010
N2T


28. Nơi người nghèo, con cho Chúa Giê-su áo mặc; nơi người bệnh, con thăm hỏi Chúa Giê-su; nơi người đói khổ, con phụng dưỡng Chúa Giê-su; nơi người không có nhà cửa, con đón tiếp Ngài. (Thánh Jerome)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 16/02/2010
N2T


369. Anh có thể giúp đỡ bạn bè, nhưng không thể đem gánh nặng của bạn bè chất thêm trên thân mình.

 
Mùa Chay - Tuần Thánh - Những Tập Tục và Truyền Thống
LM. Lê Công Đức
21:46 16/02/2010
MÙA CHAY, TUẦN THÁNH – NHỮNG TẬP TỤC VÀ TRUYỀN THỐNG

Mùa Chay là mùa “nhập hạ,” mùa tịnh tâm của Giáo Hội. Mùa Chay bắt đầu khoảng một tháng rưỡi sau Mùa Giáng Sinh. Đây là một cuộc tĩnh tâm thường niên, cuộc canh tân tinh thần để đón mừng mầu nhiệm nền tảng nhất của Kitô giáo: Chúa Giêsu được Phục Sinh từ cõi chết và hôm nay Ngài đang là Đấng Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, nếu không hướng tới Lễ Phục Sinh, tới cuộc sống mới, Mùa Chay sẽ mất ý nghĩa. Từ những thế kỷ đầu, Kitô giáo đã hình thành nhiều tập tục, truyền thống sống động về Mùa Chay để thể hiện những ý nghĩa chính yếu này:

* Mầu nhiệm Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

* Mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh đối với người sửa soạn lãnh Phép Rửa.

* Cuộc hoán cải trong đức tin.

Thời điểm

Mùa Chay diễn ra trong mùa xuân, thời gian ngày dài hơn đêm từ sau ngày đông chí.

Thế kỷ thứ hai, các tín hữu đã ăn chay hai ngày để chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh mỗi năm.

Thuở đó họ nóng lòng đợi chờ Chúa lại đến, nên hai ngày chay tịnh trước Lễ Phục Sinh là thời điểm thích hợp để chuẩn bị cho thời gian thánh thiêng nhất: ngày Chúa lại đến. Thế kỷ thứ ba, thời gian chay tịnh trải dài cả Tuần Thánh. Tới thế kỷ thứ tư Lễ Phục Sinh được chuẩn bị bằng cả một Mùa Chay đầy ý nghĩa.

Mùa Chay và Phép Rửa

Mùa Chay đặc biệt nhấn mạnh chủ đề Phép Rửa. Khoảng từ thế kỷ thứ ba, Phép Rửa gắn liền với đêm Canh Thức mừng Chúa Phục Sinh (Vọng Phục Sinh). Những thế kỷ đầu việc chuẩn bị cho Phép Rửa trải dài nhiều năm. Thuở đó những người trưởng thành muốn gia nhập Giáo Hội thì không thể gia nhập ngay. Họ cần tới ba năm thử thách. Trong thời gian này họ được hướng dẫn, nâng đỡ để từ bỏ nếp sống lương dân và tập sống nếp sống mới. Sau đó, họ được nhận vào làm ứng viên bí tích Phép Rửa. Cuối cùng, vào một thời điểm đặc biệt, sau này gọi là Mùa Chay, họ được học hỏi sâu rộng hơn, được lãnh nghi thức trừ tà, tham dự một số các nghi thức khác, giữ chay tịnh Thứ Sáu, Thứ Bảy Thánh và được lãnh Phép Rửa vào đêm Phục Sinh. Khi cuộc bắt đạo tại Rôma chấm dứt vào năm 313, Giáo Hội bắt đầu xác định rõ ràng hơn tiến trình cử hành công khai thời gian dự tòng (Katechein: giảng dạy), tiến trình đón nhận các dự tòng nhập đạo. Và giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để lãnh Phép Rửa luôn bao gồm một giai đoạn chay tịnh để củng cố nếp sống mới.

Ban đầu, theo nghi thức, thời gian chuẩn bị Lễ Phục Sinh là thời gian đặc biệt chỉ dành cho các dự tòng; về sau, trở thành phổ thông. Mọi tín hữu đều dự vào truyền thống chay tịnh. Đầu thời Trung Cổ, những nghi thức dự tòng cũ biến mất để lại truyền thống bốn mươi ngày Mùa Chay, mùa chuẩn bị Lễ Phục Sinh.

Sám hối

Thế kỷ thứ tư, việc chuẩn bị cho dự tòng lãnh Phép Rửa được kết hợp với việc chay tịnh và những thực hành sám hối khác trước Lễ Phục Sinh, để chuẩn bị cho những hối nhân phạm tội công khai hay phạm tội ác được lãnh ơn tha thứ. Những thực hành này cũng mở rộng dần tới các tín hữu khác và vào thời Trung Cổ đã lan cả Giáo Hội. Thời này nghi thức sám hối nhấn mạnh tới tội riêng tư. Do đó trong phụng vụ, Mùa Chay là “mùa tím,” tím màu sám hối, nên Lời ngợi khen Alleluia và Kinh Vinh Danh bị hủy bỏ. Phụng vụ cũng cấm cử hành những cuộc cưới xin trong Mùa Chay. Ở vài nơi còn có cả nghi thức “chôn táng” bài ngợi ca Alleluia.

40 ngày chay tịnh

Thuở đầu Mùa Chay kéo dài suốt 40 ngày dành cho các dự tòng. Sau, mọi Kitô hữu khác cũng ăn chay 40 ngày để bắt chước Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong sa mạc (Mt 4,2). Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp 40 ngày của Môsê trên núi Sinai (Xh 34,28), 40 ngày của Êlia trên núi Horeb (1 V 19,8) và 40 năm dân Chúa lang thang trong sa mạc. Từ ngữ chính thức của Giáo Hội chỉ Mùa Chay là Quadragesima (Mùa 40).

Từ đầu, 40 ngày ăn chay được tính ngược từ chiều Thứ Năm Thánh (ngày đầu trong Tam Nhật Vượt Qua) – nghĩa là ngày đầu tiên trúng vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay. Tuy nhiên, tín hữu không bao giờ ăn chay trong những Chúa Nhật Mùa Chay, vì Chúa Nhật được kể là ngày tưởng nhớ Chúa Phục Sinh (còn được gọi là Lễ Phục Sinh nhỏ). Do đó khoảng thế kỷ thứ bảy, Mùa Chay sáu tuần lễ tính sớm hơn: từ thứ tư Lễ Tro, và gồm cả Thứ Năm và Thứ Sáu Thánh, để tròn 40 ngày ăn chay. Giáo Hội Đông Phương không kể ngày thứ Sáu và Thứ Bảy Thánh là ngày chay, nên Mùa Chay bắt đầu sớm hơn một tuần.

Phụng vụ Chúa Nhật Mùa Chay luôn duy trì tiến trình của thời gian dự tòng, nhấn mạnh cuộc hành trình vào bí tích Phép Rửa. Năm 1972, Giáo Hội công bố “Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo Cho Người Trưởng Thành,” làm sống lại thời gian dự tòng thuở trước.

Theo đó, cả hai thành phần, dự tòng và tín hữu, được hướng tới hành trình của Phép Rửa gồm: nghi thức tuyển chọn, cử hành Tin Mừng, tuyên xưng đức tin, kinh Lạy Cha, công bố từ bỏ ma quỷ (thay thế việc trừ quỷ ngày xưa). Việc di chuyển tân tòng (sau bài giải thích Lời Chúa) tới một nơi khác trong nhà thờ để được hướng dẫn đặc biệt về bài đọc Thánh Kinh của ngày hôm ấy.

Cũng như lòng mộ mến của các tín hữu, phụng vụ Mùa Chay gắn bó với nỗi đau và cái chết của Chúa Giêsu.

‘Thứ Ba Béo’

Ngay trước Mùa Chay, tuy không có trong niên lịch Giáo Hội, nhưng theo thói quen, dân chúng có ngày “thứ ba béo,” ngày vui vẻ hội hè. Đó là “cuộc vui” cuối cùng trước khi bước vào mùa ăn chay kiêng thịt nhiệm nhặt từ hôm sau, Thứ Tư Lễ Tro. Thói tục này tuy không được Giáo Hội khuyến khích nhưng vẫn lưu truyền trong dân chúng với mục đích thực tế. Hồi đó, những thức ăn mà luật chay tịnh nghiêm ngặt của Giáo Hội cấm là những thức ăn cần ướp lạnh. Vì kỹ thuật ướp lạnh đã không hề được phát minh mãi cho tới thế kỷ XIX nên thật ý nghĩa việc dân chúng mang ra ăn hết những thức ăn nào sẽ bị hư, nếu để qua sáu tuần lễ ăn chay. Đồng thời họ chia sẻ những thức ăn này với gia đình khác. Vì thế những bữa ăn chung vào Thứ Ba trước Lễ Tro mang không khí vui vẻ của ngày lễ hội. Thế kỷ 14, ngày “thứ Ba Béo” đã được tổ chức khá phổ biến. Lễ hội này cũng phản ảnh những cuộc chè chén, hóa trang và những thói tục lương dân mừng mùa xuân hay ngày xuân phân. Phải chăng vì Giáo Hội cấm những cuộc truy hoan trong suốt Mùa Chay nên dân chúng dễ bù trừ bằng một lễ hội “vọng chay”?

Thứ Ba xá giải

Ngày trước Thứ Tư Lễ Tro còn mệnh danh là Thứ Ba xá giải. Nhóm từ này xuất phát từ tập tục xưa: giáo hữu thường tới lãnh bí tích xá giải để chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh.

Thứ Tư Lễ Tro

Thứ Tư Lễ Tro chính thức đưa tín hữu vào Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Theo thói quen, tro được đốt từ những cành lá trong Lễ Lá năm trước còn lại. Tro này sẽ được bỏ trên trán các tín hữu. Việc đổ tro lên đầu và mặc áo nhặm là nghi thức sám hối chung trong dân Do Thái xưa (Giôna 3,5-9 / Giêrêmia 6,26 / Matthêu 11,21. ..).

Thuở đầu, nghi thức xức tro cùng với ý nghĩa Thánh Kinh không có trong nghi thức mở đầu Mùa Chay. Sớm nhất là vào những năm 300, nghi thức này được một số Giáo Hội địa phương áp dụng trong việc ra vạ tuyệt thông tạm thời hoặc trục xuất các tội nhân đã phạm tội hoặc gây gương mù công khai như chối đạo, lạc đạo, giết người, ngoại tình.

Vào thế kỷ 7 nghi thức xức tro lan rộng. Trước nhất, hối nhân phải xưng thú cá nhân. Tiếp theo họ được giới thiệu với đức giám mục và được ghi nhận vào thành phần những người sám hối để chuẩn bị lãnh bí tích Hòa Giải vào Thứ Năm Thánh. Sau việc đặt tay và xức tro, họ bị đuổi khỏi cộng đoàn. Việc xua đuổi này mô phỏng Ađam và Eva bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Hối nhân bị xua đuổi cùng với lời nhắn nhủ rằng sự chết là hình phạt do tội: “Hãy nhớ người là tro bụi, người sẽ trở về với bụi tro” (Sáng Thế 3,19). Họ phải sống tách rời gia đình, họ đạo trong 40 ngày Mùa Chay (quarantine). Khi mặc áo nhặm và xức tro, họ được mọi người nhận ra là hối nhân trong cộng đoàn, đôi khi họ phải đứng trên những bậc thềm, trên lối vào nhà thờ. Những hình phạt chung chung dành cho họ là kiêng thịt, rượu, không được tắm gội, hớt tóc, cạo râu, quan hệ vợ chồng và giao dịch buôn bán. Tùy mỗi địa phận hình phạt có thể kéo dài nhiều năm, có khi trọn đời! Thời Trung Cổ, tội riêng được chú ý hơn tội công khai. Do đó, những tập tục về ngày Thứ Tư Lễ Tro đỡ khắc nghiệt hơn và được thực hiện phổ thông cho mọi tín hữu trưởng thành trong họ đạo. Những truyền thống tương tự như thế được tuân giữ trong toàn Giáo Hội từ thế kỷ 11. Gần đây Giáo Hội đưa ra công thức xức tro khác, có ý nghĩa tích cực hơn về Mùa Chay: “Hãy từ bỏ tội lỗi và trung thành với Tin Mừng (Máccô 1,15). Công thức mới này, trước đây lã được sử dụng trong một tu viện ở Giáo Hội Celtic thuộc Anh từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 8. Đây là công thức sám hối riêng tư dành cho tội nhẹ có vẻ thích hợp với diễn biến của bí tích Hòa Giải hơn là nghi thức xức tro.

Có ba loại truyền thống xác định ý nghĩa Mùa Chay:

-Truyền thống giữ bầu khí chay tịnh trầm buồn.

-Truyền thống thực hành sám hối đặc biệt là ăn chay kiêng thịt.

-Những việc đạo đức tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu thương khó.

Những truyền thống này, nối kết với những truyền thống mới, mang lại cho Mùa Chay những chiều kích tích cực hơn.

Bầu khí chay tịnh

Bầu khí chay tịnh mang sắc thái trầm buồn. Trong phụng vụ, lời ca Alleluia và Kinh Vinh Danh bị tạm bỏ. Màu tím được sử dụng trong phụng vụ và trong những hình thức trang trí thánh đường. Mọi sự trang trí cách long trọng trong cung thánh được tháo gỡ. Tiếng nhạc cũng trầm lắng.

Gần đây trong Giáo Hội có thói quen che các ảnh tượng và tượng Chịu Nạn bằng tấm màn tím thẫm như tín hiệu u buồn khóc than. Khoảng đầu năm 900 tại một số Giáo Hội địa phương, từ đầu Mùa Chay nhà thờ treo một tấm màn lớn ngăn cách bàn thờ và giáo dân. Việc này nhằm tạm thời che khuất vinh quang thiên quốc minh họa do các ảnh tượng. Đồng thời, tấm màn che cũng tượng trưng việc tách rời tội nhân khỏi bàn thờ, giống như các tội nhân công khai bị tuyệt thông. Từ những năm 1600 việc che màn chỉ còn thực hiện từ Chúa nhật thứ năm Mùa Chay - ngày xưa gọi là “Chúa Nhật Vượt Qua.” Vào Chúa nhựt này, bài Tin Mừng kết thúc với câu sau đây:

“Lúc đó họ lượm đá ném Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã ẩn mình và lướt qua khỏi hành lang đền thờ (Ga 8,59) (bây giờ đoạn Tin Mừng này chỉ còn trong chu kỳ năm B).

Kiêng thịt

Ăn chay và kiêng thịt luôn nối kết nhau. Nhưng có những quy định riêng. Ăn chay là ăn ít hay không ăn gì. Kiêng thịt là hạn chế một số loại lương thực - thí dụ thịt. Ăn chay là hình thức đạo đức phổ thông ngay từ Giáo Hội sơ khai. Việc từ chối một nhu cầu nhân bản trong một giai đoạn, mang nhiều ý nghĩa khác nhau: ăn chay để chuẩn bị cho một ngày đại lễ, để tự kềm chế bản thân, để nâng đỡ lời cầu nguyện. Ăn chay cũng giúp thanh tẩy bản thân khỏi những lạm dụng và tội lỗi. Những ý nghĩa này thành động lực đưa tới truyền thống chay tịnh trong Mùa Chay. Một động lực khác cũng góp phần trong truyền thống chay tịnh là: làm phước. Làm phước là trao tặng cho người thiếu thốn những gì ta dành dụm được nhờ ăn chay và kiêng thịt, hoặc cho đi phần thặng dư.

Ăn chay và kiêng thịt thuở đầu là những thực hành tự nguyện. Sau dần thành nghiêm nhặt và thành quy định của Giáo Hội. Từ những năm 400 tới 800. Giáo dân chỉ ăn một bữa mỗi ngày thường vào buổi chiều tùy tập tục địa phương. Phải cữ những thức ăn như thịt, cá tươi, rượu. Nhiều nơi giáo dân phải cữ cả trứng và những sản phẩm từ sữa. Từ đầu thế kỷ 10, giáo dân có thói quen khi ăn chay chỉ ăn bữa trưa. Thế kỷ 14, giáo dân được ăn thêm một bữa nhẹ vào buổi chiều. Thời Trung Cổ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa bị hủy bỏ.

Quy chế ăn chay kiêng thịt khá nhiệm nhặt còn hiệu lực mãi tới 1966. Giáo dân từ 21 đến 59 tuổi chỉ được ăn một bữa chính suốt cả Mùa Chay, trừ ngày Chúa nhật. Tuy nhiên ta cũng được phép dùng hai bữa phụ khác không có thịt, để có đủ sức khỏe; nhưng hai bữa này cộng lại phải kém hơn một bữa ăn no đủ. Việc ăn chay đi kèm với kiêng thịt, nước cốt thịt, thịt xay vào Thứ Tư Lễ Tro và tất cả các thứ Sáu (luật kiêng thịt áp dụng với giáo dân từ 7 tuổi trở lên). Vào những ngày thường trong Mùa Chay, chỉ được ăn thịt trong bữa chính.

Những việc sám hối phổ thông

Những hình thức sám hối khác không được Giáo Hội quy định nhưng đã phổ thông trong nhiều thế kỷ nay. Phần lớn là những hình thức tư riêng trong các gia đình nhưng đang được nhiều tín hữu thực hành: không ăn món tráng miệng, kẹo bánh, nước ngọt, rượu. Ngoài ra, còn việc để dành tiền tặng người nghèo, hạn chế xem phim ảnh, truyền hình cũng là thái độ chay tịnh tốt đẹp.

Đàng Thánh Giá

Mùa Chay, giáo dân thường đi đàng thánh giá. Ngược dòng lịch sử, ta biết vào thời Thập Tự Quân (1095-1270) nhiều giáo dân có thói quen đi hành hương Đất Thánh và đi bộ theo bước chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê. Trong hai thế kỷ tiếp theo, sau khi người Hồi giáo tái chiếm Đất Thánh, những cuộc hành hương tại đây rất nguy hiểm. Thời gian này, để thay thế việc hành hương, khắp Âu Châu giáo dân thiết lập những chặng đàng thánh giá ngoài trời, những chặng này nêu lên những biến cố thương đau dựa theo Thánh Kinh hay truyền thống về con đường thập giá của Chúa Giêsu. Giữa thế kỷ 18, những chặng đàng thánh giá được phép thiết lập ngay bên trong nhà thờ và thành nét đặc trưng của các nhà thờ Công Giáo. Vào những năm 1960, các nhà thờ thường thêm vào chặng thứ 15: Chúa Phục Sinh.

Đầu thập niên 60, Giáo Hội chú trọng tới mặt tích cực của quy luật Mùa Chay và những công trình bác ái, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức chuẩn nhận chiều hướng này qua Tông Huấn Paenitemini. Theo đó, tín hữu chỉ buộc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và các thứ Sáu trong Mùa Chay. Việc ăn chay chỉ buộc vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Thánh. Các tín hữu cần lưu ý các hình thức chay tịnh tự nguyện. Những định hướng chung trong tinh thần Mùa Chay vẫn đề cao ý nghĩa bí tích Phép Rửa, cuộc trở về của bản thân, sám hối và sống mầu nhiệm thương khó, tử nạn của Chúa Giêsu.

Tuần lễ Thánh

Ý nghĩa và nghi thức trong tuần lễ Thánh theo sát những biến cố lịch sử. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương mệnh danh đây là tuần lễ của Ơn Cứu độ. Tên gọi này cũng làm nổi bật ý nghĩa của Tuần Thánh.

Tuần Thánh là trung tâm năm phụng vụ. Những nghi lễ chính thức và những truyền thống của Giáo Hội nhắc nhớ và hiện thực hóa cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu: đi qua cái chết nhục nhằn để đạt tới cuộc sống mới vinh quang. Theo đó, con người và mọi tạo vật cũng được vượt qua với Ngài.

Những nghi thức chính yếu, trước tiên được cử hành ở Giêrusalem. Ở đây các tín hữu được sống giữa khung cảnh thực nơi xảy ra các biến cố lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu, cuộc thương khó, cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài. Năm 313 khi đạo Chúa được công khai thừa nhận, các tín hữu đã thanh tẩy công khai về tụ họp tại Giêrusalem hoặc gần Giêrusalem trong ngày kỷ niệm những biến cố trọng đại, tại chính nơi theo truyền thống là những “nơi thánh.” Họ cảm nghiệm sống động những biến cố đó. Họ hát, tuyên đọc những truyện tích (kể lại bài thương khó), đi rước kiệu và canh thức. Nhiều truyền thống tôn giáo cổ xưa về Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh được Egeria viết lại chi tiết trong nhật ký của chị. Chị là một lữ khách hành hương từ miền Tây Bắc Tây Ban Nha tới Đất Thánh vào năm 381-384. Những nghi thức Tuần Thánh được phổ biến khắp Châu Âu thời đó, qua những khách hành hương Đất Thánh như Egeria. Với thời gian, những nghi thức này được Giáo Hội đón nhận và trở nên nghi thức chính thức của Giáo Hội: nghi thức “Tuần Thánh”!

Mầu nhiệm Vượt Qua

Ban đầu Giáo Hội cử hành Lễ Vượt Qua như một mầu nhiệm thống nhứt, gồm mầu nhiệm cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Giáo Hội không phân chia từng ngày trong Tam Nhật Vượt Qua để tưởng niệm riêng từng mầu nhiệm. Ngày lễ Vượt Qua trọng đại nhất trong Kitô giáo liên kết chặt chẽ với lễ Vượt Qua, lễ trọng đại nhất của Do Thái. Dân Do Thái xưa được giải thoát khỏi cảnh nô lệ khi thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tiêu diệt các con trai đầu lòng của người Ai Cập. Do đó việc tưởng niệm hoạt động giải phóng của Thiên Chúa trở thành kinh nghiệm sâu sắc và nền tảng nhất của dân Do Thái.

Lễ Vượt Qua của Do Thái là một hòa trộn hai lễ hội cổ Do Thái. Lễ hội mùa xuân để dâng con chiên hy tế mùa xuân cho Thiên Chúa trong thời gian du mục. Lễ hội bánh không men vào thời gian sau lưu đày ở Aicập. Vào thế kỷ 7 trước Chúa Giáng sinh. Khi Giêrusalem trở thành thánh cung duy nhất của dân Do Thái, hai lễ hội này hòa làm một đại lễ: lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua được mừng ngày 14 tháng Nisan (tên gọi một tháng trong năm theo lịch Do Thái) gồm nghi thức tế chiên trong đền thờ và bữa tiệc thánh tại các gia đình.

Chính vào dịp lễ Vượt qua của Do Thái, Chúa Giêsu đã vượt qua cuộc thương khó và sự chết để đạt tới cuộc sống mới. Cuộc vượt qua này cũng là hoạt động thần linh của Chúa để cứu cả nhân loại và các thụ tạo khỏi trầm luân trong vực thẳm của sự chết.

Tam Nhật Vượt Qua

Thuở Giáo Hội sơ khai chưa có Tuần Lễ Thánh, mầu nhiệm Vượt Qua được mừng trong một ngày: Canh Thức Phục Sinh. Lễ mừng bắt đầu từ lúc hoàng hôn ngày Sa-bát và kéo dài đến bình minh ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhựt). Tới thế kỷ 5, mầu nhiệm được tưởng niệm trong ba ngày như nghi thức được cử hành ở Giêrusalem. Ba ngày tưởng niệm này mệnh danh là Tam Nhật Vượt Qua từ Thứ Sáu Thánh đến sáng Chúa Nhựt Phục Sinh. Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm cái chết, cuộc mai táng và biến cố Phục Sinh. (Thời gian từ Thứ Sáu tới Chúa Nhựt được tính là ba ngày theo lối tính của Do Thái: một ngày tính từ lúc mặt trời lặn của buổi chiều hôm trước). Về sau Thứ Năm Thánh cũng được nhập vào Tam Nhật Vượt Qua.

Sau cuộc bách hại Kitô giáo, các hoàng đế theo đạo đã cấm làm việc và vui chơi dưới mọi hình thức trong Tuần Thánh. Thuở đó cũng có tập tục ân xá, phóng thích các tù nhân vào dịp này. Với các Kitô hữu, Tam Nhật Vượt Qua được coi như những ngày linh thánh nhất trong năm.

Chúa Nhật Lễ Lá

Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá, ngày nay Giáo Hội gọi là Chúa Nhật Thương Khó. Trong phụng vụ Chúa Nhật này, phần đầu lễ có nghi thức làm phép lá và rước lá để nhớ ngày Chúa Giêsu bước vào Giêrusalem vinh quang. Tại đây dân chúng cầm cành lá tung hô Chúa. Tiếp theo trong thánh lễ, là phần tuyên đọc bài thương khó. Rõ ràng phụng vụ ngày lễ lá muốn chú trọng cuộc thương khó của Chúa Giêsu hơn cuộc tiếp đón mà dân Giêrusalem dành cho Chúa. Nhìn chung, Giáo Hội muốn chú trọng tới ý nghĩa của Tuần Thánh hơn là giới thiệu một tiến trình lịch sử chính xác của những biến cố cứu độ. Ngày lễ lá được coi là bước đầu trong chặng đường vượt qua của Chúa.

Riêng tại Do Thái, vào Lễ Lá dân chúng thường xếp hàng đi kiệu trên con đường từ ngôi làng nhỏ Bêtania vào thành phố Giêrusalem theo vết chân Chúa xưa. Họ đi rước, tay mang tàu lá thiên tuế hoặc một nhánh ô-liu, một loài cây thường gặp nhất ở vùng Palestin (Mat 21,18) (ngày nay, tùy địa phương, giáo dân có thể cầm nhành dương liễu, cành đào, lá dừa, nhánh thông... để đi kiệu lá).

Những ngày chuẩn bị

Thứ hai, ba, tư trong Tuần Thánh là những ngày chuẩn bị cho Tam Nhật Vượt Qua. Theo truyền thống, vào những ngày này, giáo dân thường tìm đến tòa cáo giải lãnh bí tích Hòa Giải để tâm hồn bình an bước vào những ngày đại lễ.

Xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh

Thời Trung Cổ, xuất hiện khuynh hướng từ chối đón nhận bí tích Thánh Thể. Họ suy nghĩ Thánh Thể quá cao sang, con người chỉ nên chiêm ngắm và tôn thờ hơn là “cầm lấy mà ăn.” Do đó nhiều người trở thành xa cách Thánh Thể. Công Đồng Latêranô 1215 dạy giáo dân phải rước lễ ít là một lần mỗi năm vào Chúa Nhựt Phục Sinh. Từ giáo huấn này, hôm nay Giáo Hội đòi các tín hữu phải rước lễ mùa Phục Sinh (mùa Phục Sinh kéo dài từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay đến Lễ Chúa Ba Ngôi).

Lãnh bí tích Hòa Giải cũng là bổn phận của người tín hữu trong mùa Phục Sinh. Giáo Luật hiện hành qui định (khoản 989): mọi tín hữu tới tuổi trưởng thành ít nhất phải xưng thú tội nặng một năm ít nhất một lần. Rõ ràng vào thế kỷ 8 đã hình thành việc xưng thú cá nhân trong bí tích Hòa Giải. Thời này, có việc xá giải cho các hối nhân phạm tội công khai.

Thứ Năm Thánh

Thứ Năm Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua. Ban đầu, Tam Nhật chỉ gồm Thứ Sáu Thánh và Thứ Bảy Thánh (theo cách tính của người Do Thái là ba ngày). Sang thế kỷ 4 gồm thêm ngày Thứ Năm Thánh. Trước đó Thứ Năm Thánh có tên là thứ năm Lễ Tiệc Ly. Ngày này tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa và kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Và thứ năm này cũng có tên khác là thứ năm của giới răn mới: “Thày ban cho anh em một giới răn mới” (Ga 13,34). Trong nghi lễ thứ năm có nghi thức rửa chân, để nhớ mãi giới luật tình yêu Chúa đã dạy trong đêm tiệc ly này.

Nguyên thủy Thứ Năm Thánh chỉ là ngày chuẩn bị lễ mừng mầu nhiệm Vượt Qua. Vào ngày này, các hối nhân được xá giải và tái nhập vào cộng đoàn để họ được tham dự vào lễ Vượt Qua. Từ hôm nay, dầu thánh cũ bị hủy bỏ, các nhà thờ sẽ sử dụng dầu thánh mới để cử hành bí tích Thánh Thể và Thêm Sức vào đêm Phục Sinh.

Truyền thống cử hành nghi thức Lễ Tiệc Ly tại Giêrusalem, là địa điểm và thời điểm tiến hành bữa tiệc ly của Chúa theo tương truyền. Về sau cả Giáo Hội đã áp dụng nghi thức Thứ Năm Thánh tương tự truyền thống ở Giêrusalem. Thứ Năm Thánh tưởng niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Màu sắc, khung cảnh hôm nay rất rực rỡ. Kinh Vinh Danh đã vắng lặng từ Thứ Tư Lễ Tro nay lại vang lên rộn rã. Nhà tạm được để trống sau Thánh Lễ. Bánh thánh được truyền phép nhiều hơn để giáo dân rước lễ hôm nay và hôm sau. Để tưởng niệm cuộc thương khó nhục nhã, đớn đau, kể từ sau Kinh Vinh Danh ngày thứ năm, tất cả đờn chuông sẽ vắng lặng. Tập tục này có từ thế kỷ 9.

Nghi thức rửa chân

Nghi thức rửa chân trong Thánh Lễ hôm nay được chính chủ tế cử hành để học và sống bài học khiêm nhu, phục vụ của Chúa trong bữa tiệc ly. Nghi thức này được cử hành rải rác tại một vài địa phương hồi thế kỷ 5 và đến thế kỷ 12 đã phổ biến trong toàn Giáo Hội. Theo tập tục chung sẽ có 12 người được chọn rộng rãi trong giáo dân hoặc chọn trong những người đứng đầu các xóm họ để được “rửa chân.” Một số nơi chọn “người được rửa chân” từ những người nghèo hèn, những người bị xã hội bỏ rơi...

Nhà tạm suy tôn Thánh Thể

Cuối Thánh Lễ, Mình Thánh Chúa còn lại sau rước lễ sẽ được đưa tới nhà tạm suy tôn Thánh Thể. Theo truyền thống, các giáo hữu sẽ thay nhau cầu nguyện và tôn thờ trước Thánh Thể tới nửa đêm.

Lễ truyền dầu

Từ rất sớm Thánh Lễ Truyền Dầu đã cử hành trong nhiều địa phận. Hôm nay ngày Thứ Năm Thánh, khắp các địa phận, tại nhà thờ chính tòa hoặc một nhà thờ trong giáo phận, đức giám mục địa phận cùng với các linh mục, giáo sĩ, tu sĩ và đại diện giáo dân tụ họp để cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu theo một nghi thức long trọng. Có ba thứ dầu được thánh hiến để sử dụng trong một số bí tích tại các nhà thờ:

1/ dầu dự tòng: dùng để xức cho dự tòng khi họ được chuẩn bị lãnh bí tích Phép Rửa.

2/ dầu bệnh nhân: dùng trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

3/ dầu rửa tội và thêm sức: dùng trong bí tích Phép Rửa và Thêm Sức.

Thứ Sáu Thánh

Thứ Sáu Thánh là ngày kỷ niệm cái chết của Đức Giêsu trên thập giá ngoài thành Giêrusalem. Những khoảnh khắc hôm nay sẽ được hoàn thành trọn vẹn vào ngày hôm sau - khi đêm tối Thứ Bảy nhường chỗ cho ngày Chủ nhật và khi sự chết chuyển hóa thành cuộc Phục Sinh. Nói “Thứ Sáu Thánh” là nhằm để nhấn mạnh giá trị cứu độ của biến cố lịch sử là cái chết thập giá của Đức Giêsu. Trong suốt giòng lịch sử của nó, ngày Thứ Sáu Thánh bao giờ cũng mang sắc thái trầm lặng u buồn và thương tiếc Đức Giêsu chịu đóng đanh và chịu chết.

Đây là ngày duy nhất trong năm không có cử hành Bí Tích Thánh Thể. Trong các thế kỷ đầu tiên, người ta không cử hành Thánh Thể vào những ngày trong tuần. Tập tục này càng mang ý nghĩa đặc biệt đối với Thứ Sáu Thánh khi mà chiều kích hy tế của Thánh Lễ bắt đầu được nhấn mạnh. Việc không cử hành Thánh Thể nhằm nêu bật hành vi hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Vì vậy, Giáo Hội nhấn mạnh một phụng vụ Lời Chúa bao gồm một trình thuật khổ nạn và những thánh vịnh tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu.

Phụng vụ Thứ Sáu Thánh của Giáo Hội diễn ra trong khoảng giữa buổi chiều. Đây là thời gian lý tưởng nhất để đọc kinh thần vụ trong các nhà thờ xứ đạo hồi cổ thời - khi chưa có thói quen dâng Thánh Lễ hằng ngày. Trọng tâm của cử hành được tập trung vào việc đọc Thánh Kinh và cầu nguyện. Các bài đọc, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, xoáy vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Các lời nguyện vốn xuất phát từ những lời nguyện chung cổ xưa, nay trở thành một phần của mọi Thánh Lễ - tức Lời Nguyện Tín Hữu.

Suy tôn thánh giá

Vào cuối thế kỷ 4, việc suy tôn thánh giá được đưa vào truyền thống Thứ Sáu Thánh ở Giêrusalem. Truyền thuyết kể rằng trước kia bà Helen, mẹ của Constantine, vị hoàng đế Kitô hữu đầu tiên, đã khám phá thấy tại khu vực Giêrusalem chính cây thập tự mà người ta đã dùng để đóng đanh Đức Giêsu trên đó. Thế là hằng năm, tại Giêrusalem, thánh tích này được đưa ra để các tín hữu đến hôn kính và suy tôn. Về sau, cả thánh tích lẫn thói quen này được phổ biến rộng ra khắp đế quốc Rôma. Việc thực hành này được đưa vào phụng vụ Rôma hồi thế kỷ 8. Một giòng người nối đuôi nhau chầm chậm tiến lên hôn kính một cây thánh giá trên tay vị thừa tác viên, đó là hình ảnh vẫn còn mang nét đặc thù của việc cử hành ngày Thứ Sáu Thánh trong thời đại chúng ta hôm nay. Cho đến gần đây, người ta vẫn còn duy trì thói quen bước tới hôn kính thánh giá bằng chân trần, bái gối nhiều lần trước khi đến chỗ thánh giá và cung kính hôn nó.

Thánh Lễ không có truyền phép Thánh Thể

Trong thời Trung Cổ, việc rước lễ (chỉ thuần túy rước lễ thôi) của phụng vụ Thứ Sáu Thánh đã chuyển biến thành “Thánh Lễ” không có truyền phép Thánh Thể (tức “Thánh Lễ” với bánh đã được truyền phép ngày hôm trước). Nghi thức này bắt chước một dạng Thánh Lễ được cử hành không có kinh nguyện Thánh Thể. Ban đầu, giáo dân ngưng không rước lễ trong các cử hành Thứ Sáu Thánh. Vì vậy, chỉ có linh mục được rước lễ vào ngày này. Năm 1955, nghi thức truyền thống được tái lập lại: bắt đầu là phụng vụ Lời Chúa, rồi suy tôn thánh giá và sau đó cả cộng đoàn rước lễ.

Việc giữ chay

Việc giữ chay Thứ Sáu Thánh diễn tả sự đền tội cá nhân và nỗi đau buồn về cái chết của Đức Giêsu. Ngay từ thế kỷ thứ 2, truyền thống chay tịnh (đôi khi kiêng hết mọi thức ăn thức uống) đã được thực hành trong bốn mươi tiếng đồng hồ. Việc giữ chay này chuẩn bị cho niềm vui Phục Sinh và luôn luôn là một đặc nét của ngày Thứ Sáu Thánh. Tại nhiều nơi trong Giáo Hội, việc giữ chay này được thực hành rất nghiêm ngặt, nghiêm ngặt hơn cả sự qui định chính thức của Giáo Hội. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy rất rõ các dấu vết của truyền thống nghiêm ngặt ấy. Trong ngày hôm nay, một số gia đình không chỉ kiêng thịt (như qui định của Giáo Hội) mà còn kiêng cả những thức ăn thông thường khác như sữa, bơ, phô mai... Một số tập tục kỳ lạ - đối với con mắt của người không quen - vẫn còn rất phổ biến đến tận thời nay, chẳng hạn, bánh được cố tình nướng đến cháy khét.

Trong nhiều gia đình, một bầu khí thinh lặng phủ trùm. Người ta nhịn xem tivi, nhịn nghe radio, nhịn thưởng thức nhạc đời. Cho đến gần đây, người tín hữu vẫn coi trọng tinh thần ngày Thứ Sáu Thánh trên mọi sắc thái văn hóa thế tục. Phần lớn các cơ sở buôn bán làm ăn đều đóng cửa từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều. Ngày nay tập tục này chỉ còn được nhận thấy ở rải rác vài nơi.

Ba Giờ tưởng niệm

Nhiều tín hữu vẫn còn nhớ việc cử hành Ba Giờ Tưởng Niệm của ngày Thứ Sáu Thánh trong nhà thờ xứ đạo của mình. Truyền thống này đã được hội nhập vào phụng vụ chính thức của ngày Thứ Sáu Thánh và được kéo dài trong ba giờ, tương ứng với khoảng thời gian mà Đức Giêsu đã trải qua trên cây thánh giá. Việc cử hành này bao gồm việc đọc kinh nguyện chung và các việc đạo đức như đi đàng thánh giá, lần hạt Mân Côi, suy niệm về những lời nói cuối cùng của Đức Giêsu trước khi tắt thờ. Những việc đạo đức này vẫn còn khá phổ biến tại nhiều giáo xứ. Xuất phát từ Lima, Pêru vào năm 1732, truyền thống này đã lan đến các quốc gia Mỹ la tinh khác, rồi đến Anh, Ý và Hoa Kỳ. Còn các nơi khác trên thế giới, thực hành này không mấy phổ biến.

So với các tập tục ở các nơi khác, truyền thống cử hành Ba Giờ Tưởng Niệm xem ra nhẹ và thoáng hơn nhiều. Ở một số nước, nhất là ở Mỹ la tinh, người ta có thói quen tổ chức một đám táng vào ngày Thứ Sáu Thánh này. Thi hài được khiêng đi là một bức tượng di hài của Đức Giêsu. Điểm đến là một “mồ huyệt,” nơi người ta sẽ tiếp tục đến viếng như thể viếng một người thân của mình mới qua đời.

CANH THỨC PHỤC SINH

Từ giữa màn đêm mới vừa buông xuống, một ánh lửa bén lên bên ngoài thánh đường. Ngọn lửa ấy được dùng để thắp cây Nến Phục Sinh, một cây nến đính các dấu biểu hiệu của con số chỉ năm dương lịch hiện tại, của thần tính Đức Kitô và của cuộc khổ nạn vinh quang của Ngài. Cây nến được trịnh trọng đem vào giữa đám đông đang qui tụ. Tại đây, cây nến được giới thiệu bằng lời ca hân hoan: “Ánh sáng Chúa Kitô... Tạ ơn Chúa.” Hàng trăm cây nến của các tín hữu tham dự được thắp sáng lên từ ngọn lửa của một cây nến duy nhất này, cho đến khi cả thánh đường chan hòa ánh sáng mới. Đứng trước cây Nến Phục Sinh đang bùng cháy, người lĩnh xướng cất tiếng hát bài Exultet - một bài ca cổ điển và hùng tráng công bố Tin Mừng Phục Sinh. Tiếp theo là các bài đọc Thánh Kinh đầy ấn tượng về nước và về công cuộc sáng tạo mới. Kinh Cầu Các Thánh được hát lên trong khi giếng nước Phục Sinh được làm phép bằng dầu thánh mới được thánh hiến chỉ vài hôm trước. Những người dự tòng bước tới, tuyên hứa các lời hứa Phép Rửa hòa trong tiếng nói đồng tình của toàn thể cộng đoàn vây quanh họ; và Phép Rửa được cử hành. Chuông bắt đầu đổ liên hồi. Hoa đèn rực rỡ cung thánh. Bài ca Alleluia uy phong vút lên sau sáu tuần lễ im bặt. Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết!

Không một khoảnh khắc nào khác của năm phụng vụ uy hùng và súc tích ý nghĩa cho bằng Đêm Canh Thức Vọng Phục Sinh này. Đây là đêm mẹ của mọi đêm. Đây là trái tim của Kitô giáo. Chúa đã sống lại trong đêm này.

Những giờ khắc ban ngày của ngày Thứ Bảy Thánh tiếp nối bầu khí mặc niệm của Thứ Sáu Thánh - và ngay từ những thế kỷ đầu, những giờ khắc ấy được xem như thời gian để thinh lặng và chay tịnh. Bản thân ngày Thứ Bảy Thánh không có phụng vụ hay truyền thống tôn giáo nào. Tất cả bầu khí nhằm sửa soạn để đón màn đêm buông xuống và cuộc cử hành mừng Chúa sống lại.

Canh thức Phục Sinh

Ngay từ thế hệ Kitô hữu đầu tiên, đã có việc cử hành hằng năm mừng Chúa sống lại. Trong suốt ba thế kỷ đầu, đây là lễ hội duy nhất được ghi nhận trong Giáo Hội. Việc cử hành nguyên thủy - tiền thân của Lễ Phục Sinh sau này - được thực hiện bằng hình thức một cuộc canh thức (vigilia trong tiếng La tinh có nghĩa là “sự tỉnh thức” hay “đợi chờ”). Thật dễ hiểu tại sao các Kitô hữu đã chọn những giờ khắc của ban đêm để cử hành cảm nghiệm tôn giáo của mình về cuộc khải thắng của Đức Kitô trên sự chết và tội lỗi - đồng thời đó cũng là cuộc khải thắng của chính họ, cùng với Đức Kitô. Chính trong những giờ khắc của đêm tối trước ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) mà mầu nhiệm này đã diễn ra. (Matthêu 28,11; Máccô 16,1; Luca 24,1; Gioan 20,1).

Vào thời Giáo Hội sơ khai, có một niềm tin rất phổ biến rằng Chúa Phục Sinh sẽ trở lại trong chính những giờ khắc đêm tối này của Đêm Canh Thức Phục Sinh. Vì vậy, điều đương nhiên là tất cả mọi người cùng có mặt và chờ đợi. Đây sẽ là sự trở lại cuối cùng trong vinh quang của Người, và ngày nay trong mỗi Thánh Lễ, lời loan báo về sự cáo chung của thời gian vẫn còn vang lên để xác tín: “Đức Kitô đã chết, đã sống lại và sẽ đến!”.

Ngoại trừ một số thay đổi, nhất là thay đổi về thời lượng, nghi thức đã được canh tân ngày nay phản ảnh rõ chính nghi thức của những thế kỷ ban đầu. Vừa khi sao hôm xuất hiện trên bầu trời, các nghi thức bắt đầu được cử hành và kéo dài suốt cả đêm. Những khoảnh khắc đầu tiên dành cho việc đọc các bài đọc Thánh Kinh và những lời nguyện. Các bài đọc Thánh Kinh - thường gồm 12 bài - nhấn mạnh ý nghĩa tiên tri về một công cuộc sáng tạo và cứu độ mới bằng nước. Đó là những bản văn nói về cuộc tạo dựng ban đầu, sự sa ngã, trận lụt hồng thủy, câu chuyện sát tế Isaac, biến cố các thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tàn sát các con trai đầu lòng của người Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ và hành trình tiến vào Đất Hứa.

Khi bóng tối đã trùm kín không gian cũng là lúc chủ đề nói trên được thể hiện bằng nghi thức sáng tạo mới qua nước của Phép Rửa, nhất là Phép Rửa cho người trưởng thành. Vốn là một nét đặc trưng của Đêm Canh Thức Phục Sinh, nghi thức này bắt đầu với việc làm phép nước Phục Sinh một cách trọng thể. Trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, cây Nến Phục Sinh cháy sáng được cắm vào nước, và dầu thánh cũng được chế vào hòa lẫn với nước. Giờ đây, những người dự tòng - thường đã được chuẩn bị từ vài năm trước - sẽ tuyên hứa từ bỏ mọi ảnh hưởng của Satan trên con người cũ của mình; họ tuyên xưng đức tin, lãnh nhận Phép Rửa, được xức dầu và mặc áo trắng. Vào thế kỷ thứ 5, trong Giáo Hội Rôma có thực hiện việc xức dầu lần thứ hai do đức giám mục - và đây chính là dạng ban đầu của bí tích Thêm Sức.

Trong những thế kỷ đầu tiên, người ta có thói quen trao sữa và mật ong đã được làm phép cho những người mới lãnh nhận Phép Rửa. Cử chỉ này có ý nghĩa rằng người mới lãnh Phép Rửa là người còn non nớt trong đức tin, gọi là tân tòng. Cử chỉ ấy cũng ám chỉ rằng họ vừa mới tiến vào miền Đất Hứa mới “chảy tràn sữa và mật ong”. Việc thực hành nói trên, có tầm vóc đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong cả đời sống, vốn là một thực hành được vay mượn từ các thần thoại ngoại giáo.

Cuối cùng, gần lúc tờ mờ sáng, những người mới lãnh Phép Rửa sẽ rước Thánh Thể lần đầu - cùng với cộng đoàn tín hữu.

Lửa Phục Sinh

Nghi thức làm phép và thắp lửa Phục Sinh đầy ấn tượng, vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay để bắt đầu mỗi đêm Vọng Phục Sinh, vốn không hề được nhận thấy trong nghi thức cổ thời. Trước kỷ nguyên Kitô giáo, người Germanic đã có thói quen đốt lửa tôn vinh thần minh để loan báo mùa xuân đã bắt đầu, và để cầu xin cho mùa màng được bội thu. Khi Kitô giáo được truyền bá đến với các sắc dân này, Giáo Hội cấm việc đốt lửa đầu xuân vì cho rằng đó là một thực hành ngoại giáo. Tuy nhiên, trong các thế kỷ 6 và 7, các nhà thừa sai người Ailen đã mang vào lục địa châu Âu một truyền thống làm Phép Rửa bên ngoài thánh đường vào tối Thứ Bảy Thánh. Truyền thống này đầu tiên do thánh Patrick khai mào để phản ứng lại ảnh hưởng của tập tục đốt lửa đầu xuân đang phổ biến giữa các tăng lữ vùng Celtic. Rồi truyền thống này trở thành quen thuộc trong đế quốc Caroling, lan tràn đến Rôma, và cuối cùng được đưa vào phụng vụ Đêm Canh Thức Phục Sinh.

Nến Phục Sinh

Việc thắp Nến Phục Sinh dường như bắt nguồn từ nghi thức Lucernare được thực hiện hằng ngày hồi cổ thời (“lucernare” có nghĩa là “thắp đèn”) mỗi khi màn đêm buông xuống. Còn truyền thống thắp nến trên tay những người hiện diện thì bắt đầu ở Rôma trong các thế kỷ đầu tiên. Bóng tối của Đêm Canh Thức được tràn ngập bởi áng sáng muôn ngọn nến tượng trưng cho Đức Kitô sống lại.

Trong vương quốc Frankish, nhiều ý nghĩa biểu tượng được gán thêm vào cho cây Nến Phục Sinh và tiếp tục đến ngày hôm nay, tùy theo sự thẩm định của vị mục tử. Một dấu thánh giá được khắc hay vẽ lên cây nến, kèm theo lời công bố: “Đức Kitô hôm qua và hôm nay, nguyên thủy và cùng đích,” rồi hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hi Lạp được khắc lên: “Alpha và Omega.” Các con số chỉ năm dương lịch hiện tại được ghi nơi bốn góc tạo ra bởi hình thánh giá: “Thời gian là của Chúa, và mọi thế hệ là của Chúa; vinh quang và quyền lực là của Chúa qua mọi thế hệ đến muôn đời. Amen.” Bốn hạt trầm hương đính sẵn với những chiếc đinh bằng sáp màu đỏ được gắn lên bốn đỉnh thánh giá, hạt thứ năm được đính vào chỗ tréo ngang - với lời nói kèm theo: “Nhờ các dấu thương tích thánh và vinh hiển của Ngài... xin Chúa Kitô. .. gìn giữ.... và bảo toàn chúng con. Amen.”

Phụng vụ buổi sáng Thứ Bảy Thánh

Khoảng đầu thế kỷ thứ 5, con số người lớn lãnh Phép Rửa giảm dần và việc rửa tội trẻ em trở thành điều thông thường. Vì Đêm Canh Thức Phục Sinh không còn cần quá nhiều giờ như trước nữa, nên vào thế kỷ 6 việc cử hành Thánh Thể được bắt đầu trước lúc nửa đêm, đến giữa thế kỷ 8 thì việc cử hành này được lui về sớm hơn nữa - ngay sau khi trời sập tối. Trong thế kỷ thứ 6, một Thánh Lễ cử hành vào buổi sáng Chủ Nhật Phục Sinh đã trở thành thông thường. Càng về sau, việc canh thức càng được cử hành sớm hơn nữa. Trong Lễ Qui của Đức Piô V (1570), luật Giáo Hội qui định việc Canh Thức thành một phụng vụ sáng Thứ Bảy Thánh, lưu giữ nguyên hình thức nguyên thủy của nó, chỉ trừ có việc cử hành Phép Rửa. Vì dài dòng - thường là vài tiếng đồng hồ - và cũng vì đã đánh mất ý nghĩa gốc của nó là cử hành mừng Chúa Phục Sinh, việc Canh Thức Phục Sinh không được mấy tín hữu tham dự. Không phải là chuyện quá xa lạ việc các giáo hữu tà tà đến vào lúc sắp vãn các nghi thức, đem theo bình chứa để lấy một ít nước Phục Sinh mới về nhà sử dụng như một á bí tích. Phần đông giáo hữu xem Thánh Lễ sáng Chủ nhật Phục Sinh là việc cử hành chính yếu mừng Chúa sống lại.

Canh tân việc Canh Thức Phục Sinh

Ngày nay, việc Canh Thức Phục Sinh đã lấy lại chỗ đứng xứng đáng của nó như nghi thức quan trọng bậc nhất của cả năm và như cuộc cử hành thứ nhất để mừng Chúa sống lại. Đầu tiên, vào năm 1951, sự canh tân này được áp dụng thử nghiệm. Đến năm 1955, nó được thiết định dứt khoát. Đêm Canh Thức Phục Sinh trong hình thức canh tân cũng gần giống hoàn toàn với hình thức nguyên thủy của nó trong các thế kỷ ban đầu, ngoại trừ là các nghi thức giờ đây chỉ kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ thay vì suốt cả đêm. Các nghi thức bao gồm bốn phần rõ rệt: nghi thức làm phép và rước Nến Phục Sinh, phụng vụ Lời Chúa, cử hành Phép Rửa, và cử hành Thánh Thể.

Sự canh tân việc Canh Thức Phục Sinh đã đem lại ấn tượng cơ hồ như có hai Lễ Phục Sinh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi năm càng có nhiều tín hữu ý thức cuộc canh thức Phục Sinh theo nguồn gốc của nó hơn: đây là đêm mẹ của mọi đêm và là cuộc cử hành thứ nhất để mừng Chúa sống lại. Sự canh tân trong việc dạy giáo lý cho người lớn dự tòng ở các giáo xứ cũng đã tái lập một nét đặc biệt cho Đêm Canh Thức Phục Sinh sau nhiều thế kỷ bị đánh mất: đó là việc cử hành Phép Rửa cho người trưởng thành. Đối với nhiều giáo hữu khác, Thánh Lễ sáng Chủ Nhật Phục Sinh vẫn là dịp chính để mừng Chúa sống lại.

Để có được những nghi thức mạch lạc và trang trọng cho đêm Canh Thức Phục Sinh, cần phải có sự chuẩn bị rộng rãi của những người hữu trách trong giáo xứ và của nhiều giáo hữu khác. Phải chuẩn bị sẵn lửa củi, nước, trầm hương, dầu thánh và các thứ trang hoàng thánh đường; nghi thức phụng vụ phải được dợt đi dợt lại. Còn những người lớn dự tòng thì bước vào những khoảnh khắc cuối cùng của quá trình sửa soạn lãnh nhận Phép Rửa.

Cho tới những thập niên gần đây, ngày Thứ Bảy Thánh là ngày giữ chay và kiêng nhịn một phần (chỉ được ăn thịt trong bữa ăn chính thôi) để sửa soạn đón mừng lễ trọng nhất trong năm. Quy định giữ chay này vẫn được duy trì ngay cả vào thời mà cuộc Canh Thức Phục Sinh long trọng được cử hành vào sáng ngày Thứ Bảy Thánh, và do đó đã tràn ngập bầu khí vui mừng của Lễ Phục Sinh rồi. Điều ấy cho thấy rằng mầu nhiệm Phục Sinh vẫn gắn kết chặt chẽ với những giờ khắc của buổi tối hôm trước và buổi sáng sớm ngày Chúa Nhựt.

Trong những năm gần đây, truyền thống giữ chay này đã được tái lập cùng với sự canh tân việc dạy giáo lý dự tòng cho người lớn. Những người lớn dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa trong đêm Canh Thức Phục Sinh thường dành ra một thời gian để tĩnh tâm kèm với việc giữ chay và cầu nguyện trước khi đi vào với cuộc Canh Thức Phục Sinh.

Làm phép giỏ thức ăn Phục Sinh

Các truyền thống phổ biến của ngày Thứ Bảy Thánh thường gắn liền, cách nào đó, với việc sửa soạn mừng lễ hội Phục Sinh. Vào ngày này hoặc trong suốt những ngày trước đó nữa, người ta chuẩn bị các thứ thức ăn. Việc làm phép những thức ăn đặc biệt mừng Lễ Phục Sinh hiện vẫn còn là một truyền thống phổ biến, nhất là đối với những người gốc Ba Lan. Người ta mang các giỏ thức ăn đến nhà thờ và chúng sẽ được cha sở ban phép lành.

Phục Sinh

Sáu tuần lễ trôi qua thật căng thẳng. Tiếng gọi hoán cải vang lên dồn dập. Một mùa đền tội, chẳng có chi là “thú vị” lắm! Mọi hình thức trang trí đều bị khống chế. Các nghi thức trong Tuần Thánh vừa qua đầy ắp tính biểu tượng. Những cành lá thiên tuế xếp lại, nhường chỗ cho tấn kịch đau thương. Bữa Tiệc Vượt qua rộn ràng rồi cũng đến hồi tàn, nhường chỗ cho thập giá. Và đêm qua, thập giá nhường chỗ cho lửa mới, dầu mới, nước mới - và sự sống mới.

Rõ ràng là một điều gì đó thật tuyệt diệu đã xảy ra khi người ta bước vào bên trong thánh đường. Họ được chào đón bởi một thánh đường lộng lẫy những dấu hiệu của sự sống mới: những sắc màu rực rỡ và những đóa huệ Phục Sinh xinh tươi. Điệp khúc Alleluia vang vọng dập dìu. Buổi sáng Phục Sinh đã đến rồi!

Đối với nhiều tín hữu - nếu không nói là đa số - đây là cuộc cử hành chính mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, trong nhiều giáo xứ, cuộc cử hành chính đã diễn ra tối hôm trước với các nghi thức Canh Thức Phục Sinh. Thánh Lễ Phục Sinh vào sáng Chủ Nhật đã xuất hiện trong lịch sử khi cuộc Canh Thức mừng Chúa sống lại được dời lui về buổi sáng ngày Thứ Bảy Thánh.

Bầu khí của buổi sáng Phục Sinh cũng âm vang lại bầu khí của đêm Canh Thức tối hôm trước. Trong buổi sáng này, người ta tưởng niệm và cử hành chính nền tảng của Kitô giáo: Đức Giêsu đã được Phục Sinh từ cõi chết và Ngài là Chúa. Những ai tin và nhận lãnh Phép Rửa đều thông dự vào cuộc Phục Sinh này để hướng tới sự sống mới. Tiêu điểm này sẽ tiếp tục trong năm mươi ngày tiếp theo - tức mùa Phục Sinh.

Thật dễ hiểu tại sao ngay tự ban đầu các Kitô hữu đã xem khoảnh khắc này là khoảnh khắc linh thánh. Đây chính là khoảnh khắc kỷ niệm buổi sáng hôm nào khi họ cảm nghiệm được rằng Ngài đã sống lại và đang hiện diện giữa họ. Ngài đã chết vào dịp đại lễ Vượt Qua. Và sự sống lại của Ngài đã hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa của lễ Vượt Qua theo nhận thức của họ trong tư cách là người Do Thái. Đó là một cuộc xuất hành, một chuyến đi bỏ lại sau lưng ách nô lệ xưa cũ để tiến đến với sự tự do đích thực của tâm hồn. Giêsu, Con Chiên Vượt Qua, đã bị sát tế để đạt đến tự do này.

Sự sống lại của Đức Kitô là dấu chỉ của những khởi đầu mới: một mùa xuân. Ý nghĩa này vốn đã được ghi nhận trong lịch sử của lễ Vượt Qua từ rất lâu trước cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập. Tổ tiên của người Do Thái đã cử hành lễ hội mừng hoa quả đầu mùa bằng việc dâng tiến bánh và ngũ cốc, và mừng lứa con đầu tiên của đàn súc vật bằng việc sát tế chiên con. Theo sự chỉ dẫn của Môsê, những lễ hội này được kết hợp lại trong một cuộc tưởng niệm hằng năm về cuộc trốn thoát lạ lùng của họ ra khỏi Ai Cập, và tưởng niệm biến cố thiên thần tru diệt đã vượt qua chứ không ghé vào nhà họ. Ngót 3000 năm và mãi đến hôm nay, người Do Thái vẫn còn cử hành cuộc giải cứu kỳ diệu này bằng việc nhắc lại câu chuyện ngày xưa ấy qua các bài ca, bài đọc và những thức ăn đầy tính biểu tượng: bữa tiệc Chiên Vượt Qua. Ngày nay, cũng như trong suốt giòng lịch sử vẫn thế, nghi thức này diễn ra vào buổi chiều ngày mười bốn tháng Nisan theo lịch Do Thái.

Truyền thống Ngày Chủ Nhật

Chính trong bữa tiệc Chiên của lễ Vượt Qua này mà Đức Giêsu đã cùng với các bạn hữu Ngài cử hành buổi tối trước cuộc khổ nạn, với lời yêu cầu rằng biến cố ấy sẽ được cử hành lại bằng một cách thức mới mẻ để tưởng nhớ Ngài. Và họ đã thực hiện lời yêu cầu ấy trong dịp kỷ niệm hằng tuần cuộc Phục Sinh của Ngài: ngày thứ nhất trong tuần, hay Chủ Nhật. Đương nhiên là dịp kỷ niệm hằng năm sẽ dành được sự nhấn mạnh nhiều hơn, với sự trang trọng đặc biệt.

Ngày Lễ Phục Sinh

Vào thời sơ khai của Kitô giáo có nảy lên một cuộc tranh luận về việc thiết định ngày Lễ Phục Sinh hằng năm. Một số người, thuộc khuynh hướng Quartodecimans (từ La ngữ có nghĩa là “thứ mười bốn”) cho rằng nên chọn đúng ngày Vượt Qua của Đức Giêsu trong lịch sử tức ngày 14 tháng Nisan - và như vậy sẽ thường rơi vào một ngày trong tuần thay vì là Chủ Nhật. Những người khác thì cương quyết bảo vệ quan điểm rằng đó phải luôn luôn là một ngày Chủ Nhật, vì Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết vào ngày thứ nhất trong tuần. Cuộc tranh luận này đã trở thành điểm ưu tiên trong chương trình nghị sự tại Công Đồng Nicêa do Hoàng Đế Constantine triệu tập vào năm 325. Cuối cùng, ngày đó được quyết định là ngày Chủ Nhật tiếp theo sau ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày xuân phân. Ở Tây phương, chỉ có Giáo Hội Celtic tại Anh là từ chối không chấp nhận quyết định ấy cho đến năm 664.

Sự phong phú, phì nhiêu - một ý nghĩa

Ngay từ thuở ban đầu, Phép Rửa cho các Kitô hữu mới đã diễn ra trong nghi thức cử hành hằng năm này. Việc thực hành này xuất hiện do có mối liên hệ thâm sâu giữa cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu trong sự sống mới và cuộc tái sinh của những người lãnh nhận Phép Rửa. Ý nghĩa về sự sống mới này của Lễ Phục Sinh có liên quan tới ý nghĩa về sự phong phú, phì nhiêu. Khi Kitô giáo bắt đầu được truyền bá, cũng có một phong trào tôn giáo được phổ biến trong đế quốc Rôma. Phong trào này liên quan tới những thần thoại ngoại giáo về năng lực sinh sản phong phú. Không có mấy chứng cứ về việc Kitô giáo đã chủ ý vay mượn các điều tin tưởng và các thực hành từ những truyền thống này. Dẫu sao, điều tự nhiên là Kitô giáo đã nhận ảnh hưởng từ các truyền thống ấy - cũng như nó vẫn luôn luôn chịu tác động bởi thế giới thực tế xung quanh nó.

Một ví dụ về chủ điểm năng lực sinh sản phong phú được ghi nhận trong nghi thức Canh Thức Phục Sinh: sự nhấn mạnh được dành cho lửa và nước. Đây có lẽ là một ảnh hưởng từ lễ hội xuân mừng lửa và nước của người Rôma thời bấy giờ, một lễ hội đầy âm hưởng đề cao năng lực sinh sản dồi dào: lửa tượng trưng cho nam tính và nước tượng trưng cho nữ tính. Người ngoại giáo có cử hành một nghi thức trong đó một ngọn đuốc đang cháy bùng được cắm vào nước. Cho tới thời gần đây, việc làm phép giếng nước Phục Sinh của Giáo Hội vẫn có bao gồm ba lần cắm cây Nến Phục Sinh đang cháy vào trong nước. Sau đó, nước sinh sự sống này được dùng để tái sinh những người lãnh Phép Rửa. Hiện nay, cử chỉ cắm cây nến vào nước không còn có tính bắt buộc nữa.

Thánh Lễ Chủ Nhật Phục Sinh

Trong Giáo Hội sơ khai không hề có việc cử hành Lễ Phục Sinh vào ngày Chủ Nhật. Việc cử hành mà ngày nay chúng ta gọi là mững Lễ Phục Sinh đã diễn ra trong đêm trước Chủ Nhật, tức đêm Canh Thức Mừng Chúa Sống Lại. Thật vậy, Chủ Nhật Phục Sinh chính là Chủ Nhật thứ nhất của mùa Phục Sinh, bởi lẽ Lễ Phục Sinh tự nó đã diễn ra rồi. Thánh Lễ Chủ nhật Phục Sinh chỉ xuất hiện khi cuộc Canh Thức Phục Sinh được cử hành sớm vào buổi sáng ngày Thứ Bảy Thánh. Không có nghi thức đặc biệt nào gắn riêng với Thánh Lễ Chủ Nhật Phục Sinh ngoại trừ những gì đã được cử hành hết sức trang trọng trong cuộc Canh Thức tối hôm trước: cũng là những bài ca Mừng Chúa Phục Sinh (nhất là điệp khúc Alleluia), cũng là việc cử hành Phép Rửa và nhắc lại lời tuyên hứa Phép Rửa, cũng là việc rảy nước thánh trên cộng đoàn, cũng là cờ quạt trùng giăng và những đoá huệ Phục Sinh mơn mởn.

Không phải tất cả các truyền thống tôn giáo gắn liền với Lễ Phục Sinh đều có nguồn gốc Kitô giáo. Nhưng đa số các truyền thống ấy trải qua các thế kỷ đã nhận được một sự diễn dịch theo tinh thần Kitô giáo. Sắc thái của mùa này rõ ràng khác với sắc thái của Mùa Giáng sinh. Tuy nhiên, niềm vui cũng rộn ràng không kém; bởi vì đất trời đã vào xuân, bỏ lại sau lưng những tháng mùa đông lạnh giá; bởi vì người ta cảm nghiệm được sự sống lại của riêng mình sau những nỗ lực sống mùa chay tịnh; cũng bởi vì Mùa Chay đầy căng thẳng đã trôi qua

Con Chiên Phục Sinh

Con Chiên bị sát tế là biểu tượng chính yếu của bữa ăn Vượt Qua. Nó tiếp tục là biểu tượng của Đức Giêsu, Con Chiên Thiên Chúa, bị hành quyết và được Phục Sinh từ cõi chết để đem lại tự do cho tất cả những ai ở trong vòng nô lệ của tội lỗi và của sự mê muội về mặt tinh thần. Con Chiên Phục Sinh đã trở thành một biểu tượng quan trọng trong nghệ thuật Kitô giáo. Việc đưa biểu tượng này vào các kiểu trang hoàng Lễ Phục Sinh và việc nướng bánh Phục Sinh trong hình dạng con chiên cũng đã trở nên một truyền thống quen thuộc.

Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Lễ Phục Sinh không chấm dứt một cách bất thần. Nó mở ra một mùa. Cũng như mọi đại lễ khác trong năm phụng vụ, Lễ Phục Sinh được mừng với một Tuần Bát Nhật, một lễ hội kéo dài cả tuần lễ. Trong những thế kỷ đầu những người lãnh Phép Rửa trong đêm Canh Thức Phục Sinh sẽ qui tụ lại với nhau hằng ngày trong suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh để được hướng dẫn thêm trong đời sống đức tin Kitô giáo. Những sự hướng dẫn đặc biệt này được gọi là mystagogia (truyền bí pháp). Ngày nay, việc “truyền bí pháp” này được khôi phục lại ở các giáo xứ. Một lần nữa, nó trở thành một nếp quan trọng trong hành trình đức tin của những người lớn mới lãnh nhận Phép Rửa.

Lm. Lê Công Đức tổng hợp,

theo Catholic Customs & Traditions của Greg Dues,
do Twenty-Third Publications xuất bản.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chúc cho các dân tộc Á châu duy trì truyền thống gia đình nhân dịp Tết
Bình Hòa
00:38 16/02/2010
Cũng như những năm trước đây, nhân dịp Đầu năm Âm lịch, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thăm các dân tộc Ấ đông trong buổi đọc kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô sau khi ban phép lành Tòa thánh, với những lời như sau:

Các bạn thân mến

Tại vài quốc gia Á châu, tôi nghĩ đến nước Trung Hoa và Việt nam, và tại nhiều cộng đồng rải rắc khắp nơi trên thế giới, hôm nay là ngày đầu năm Âm lịch. Đây là đại lễ, cơ hội độc đáo để thắt chặt mối tình trong gia đình và giữa các thế hệ. Tôi cầu chúc cho tất cả mọi người biết duy trì và tăng cường gia sản phong phú của các giá trị tinh thần và luân lý đã đâm rễ sâu trong nền văn hoá của các dân tộc.

Trong lịch phụng vụ phổ quát, hôm qua là lễ kính hai thánh Cyrillô và Mêtôđiô, quan thầy của châu Âu, cách riêng của các dân mạn Đông thuộc chủng tộc slave. Trong lời chào bằng tiếng Ba lan, đức Bênêđictô XVI có nhắc đến hai vị thánh đã mang các giá trị của Tin mừng để xây dựng xã hội và nhắn nhủ nhân dân lục địa châu Âu đừng quên cội nguồn Kitô giáo của mình. Dù sao bài huấn dụ được dựa theo đoạn Tin mừng được tuyên đọc trong Thánh Lễ với chủ đề là các mối phúc. Như mọi người đã biết, bài giảng các mối phúc trong Tin mừng thánh Luca có vài nét đặc trưng khác với thánh Matthêu. Điều khác biệt thứ nhất là về địa điểm. Trong Tin mừng theo thánh Matthêu, bài giảng được đặt ở trên núi, nơi Thiên Chúa mặc khải ý định của Ngài giống như cho ông Môisen trước đây trong Cựu ước; còn thánh Luca thì muốn dành núi làm nơi cầu nguyện, vì thế khi rao giảng sứ điệp các mối phúc thì Chúa Giêsu xuống núi đến bình nguyên. Sự khác biệt nữa là thánh Matthêu nói đến tám mối phúc, còn thánh Luca nói đến bốn “chân phúc” và bốn cái “vô phúc”. Tất cả được nhìn dưới nhãn giới của “công lý của Thiên Chúa”, khác xa với công lý của người đời, bởi vì là công lý của tình thương. Các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi thực thi công lý này hướng đến những người nghèo đói, những người sống bên lề xã hội. Một cách cụ thể, trong năm nay được dành Cộng đồng châu Âu dành cho chiến dịch xoá đói giảm nghèo, vào buổi sáng đức thánh cha đã đến thăm một cơ sở bác ái của cơ quan Caritas đặt gần nhà ga Termini, từ gần 30 năm nay, dành cho những người vô gia cư, để gặp gỡ không những là các khách trọ mà cả những người thiện nguyện đang phục vụ. Phục vụ công lý của Thiên Chúa cũng là đề tài của sứ điệp Mùa Bốn mươi (quen gọi là mùa chay) bắt đầu từ thứ tư sắp đến. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Năm phụng vụ là một lộ trình đức tin mà Giáo hội thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh nữ Maria. Trong các chúa nhật Thường niên, hành trình của năm nay được đánh dấu bởi các bài đọc Tin mừng thánh Luca. Hôm nay chúng ta được dẫn đến “bình nguyên” (Lc. 6, 17), nơi mà Chúa Giêsu dừng lại cùng với nhóm Mười Hai, và trước mặt là đám đông gồm các môn đệ khác và dân chúng từ khắp nơi đến nghe Chúa giảng. Bài công bố các mối phúc được đặt trong bối cảnh đó (Lc 6,20-26; x. Mt 5,1-12). Nhìn các môn đệ, Chúa nói: “Phúc cho các bạn, những người nghèo. .. phúc cho các bạn, những người đói … phúc cho các bạn đang khóc than … phúc cho các bạn … khi bị người đời thoá mạ” vì tôi. Tại sao họ được gọi là có phúc? Bởi vì công lý của Thiên Chúa sẽ làm cho họ được sung túc, hoan hỉ, đền bù các lời bêu xấu, nói tắt một lời, bởi vì Thiên Chúa đón tiếp họ vào vương quốc của ngài ngay từ bây giờ. Các mối phúc đặt nền tảng trên công lý của Thiên Chúa, nâng dậy kẻ bị hạ nhục cách bất công và triệt hạ kẻ tự tâng cao (x. Lc 14,11). Thực vậy, Tin mừng thánh Luca, sau bốn mối phúc đã thêm bốn lời cảnh cáo: “khốn cho các người, những kẻ giàu có … khốn cho các người, những kẻ đang no nê … khốn cho các người, những kẻ đang cười” và “khốn cho những kẻ được thiên hạ tâng bốc”, bởi vì, như Chúa nói, tình thế sẽ bị lật ngược, kẻ ở cuối sẽ lên đầu và kẻ ở đầu sẽ trở thành cuối (x. Lc 13,30).

Công lý và các phúc này được thực hiện trong “Vương quốc của trời”, hay “Vương quốc của Chúa”, tuy sẽ được thành tựu vào thời tận cùng nhưng đã hiện hữu ngay trong lịch sử. Ở đâu mà người nghèo được an ủi và được đưa vào bàn tiệc của cuộc sống, thì ở công lý của Thiên Chúa được biểu lộ. Đây là một nghĩa vụ mà các môn đệ của Chúa được mời gọi thực thi ngay trong xã hội hiện nay. Tôi nghĩ đến nhà trọ của cơ quan Caritas Roma ở nhà ga Termini mà tôi đến thăm viếng sáng nay: tôi hết lòng khuyến khích những ai đang hoạt động trong cơ sở đáng quý này, và những ai trên khắp thế giới đang tình nguyện dấn thân trong các chương trình của công lý và bác ái.

Tôi đã dành sứ điệp Mùa Chay năm nay, bắt đầu từ thứ tư lễ tro sắp đến, cho đề tài công lý. Vì thế hôm nay tôi muốn trao cho anh chị em sứ điệp này và mời hãy đọc và suy nghĩ. Tin Mừng Chúa Kitô đáp ứng cách tích cực lòng khao khát công lý của con nguời, nhưng với một cách thức bất ngờ và vô lường. Chúa Giêsu không đề ra một cuộc cách mạng chính trị xã hội, nhưng là cuộc cách mạng tình thương mà ngài đích thân thực hành bằng Thập giá và cuộc Phục sinh của mình. Các mối phúc được đặt nền ở trên đó, mở ra một viễn tượng mới về công lý, khởi đi từ cuộc Phục sinh, nhờ vậy mà chúng ta có thể trở nên công chính và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh nữ Maria. Mọi thế hệ tuyên bố Mẹ thật là có phúc, bởi vì đã tin vào Tin mừng mà Con của Mẹ đã loan báo (x. Lc 1,45,48). Chúng ta hãy để cho Mẹ dìu dắt trên hành trình mùa Bốn Mươi, ngõ hầu chúng ta được giải thoát khỏi cái ảo giác tự mãn, và biết nhìn nhận rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa, cần đến lòng thương xót của Ngài, và nhờ vậy, chúng ta được gia nhập Vương quốc công lý, tình thương và bình an.
 
Tai nạn xe lửa trầm trọng tại Vương Quốc Bỉ
LM. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:13 16/02/2010
Tai nạn xe lửa trầm trọng tại Vương Quốc Bỉ

Một tan nạn nghiêm trọng đã xảy ra vào sáng thứ hai ngày 15/02 tại một sân ga của Vương Quốc Bỉ, và ngay lập tức các giám mục của vương quốc này đã gửi điện thư bày tỏ sự đỡ nâng những người bị liên lụy trong bi kịch này và đề nghị các tín hữu cầu nguyện cho họ.

Hai chiếc xe lửa chuyên chở hành khách đã đâm vào nhau lúc 8h30 sáng thứ hai ngày 15/02 tại sân ga của thành phố Flandre, nằm về phía Tây Nam thủ đô Bruxelles. Theo bản tổng kết chính thức, tạm thời có 18 người chết, 125 người bị thương. Vào lúc xảy ra tai nạn, trên hai xe lửa có khoảng 250 đến 300 hành khách.

« Tại nạn xe lửa trầm trọng này xảy ra trên đất nước chúng ta làm trào dâng trong lòng mỗi người nỗi niềm cảm xúc và đau buồn. Nhân danh các giám mục Bỉ, chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với tất cả những ai bị tấm thảm kịch này đụng chạm, cũng như toàn thể các gia đình liên hệ », Đức Hồng Y Godfried Danneels, cựu Tổng Giám Mục Malines-Bruxelles và Tổng Giám Mục mới được bầu, đức cha André-Joseph Léonard nói trong bản thông cáo.

Trong bức điện thư có đoạn viết: « Chúng ta tín thác nơi Thiên Chúa tất cả những nạn nhân qua đời, đồng thời cũng kêu xin Người ban cho các nạn nhân bị thương và những người chịu tang tóc sức mạnh và lòng can đảm để đối diện với thử thách lớn lao này ».

Hàng Giám Mục mời gọi người Công Giáo Bỉ « cưu mang tất cả các nạn nhân của thảm kịch này trong cầu nguyện ».

http://zenit.org/article-23524?l=french
 
ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các linh mục và tu sĩ nêu chứng tá cuộc sống gương mẫu
LM . Trần Đức Anh, OP
09:38 16/02/2010
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các linh mục và tu sĩ nêu chứng tá cuộc sống gương mẫu như một phương thức tốt đẹp để khơi dậy ơn gọi nơi tâm hồn người trẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp nhân Ngày Thế lần thứ 47 cầu cho ơn gọi sẽ được cử hành vào chúa nhật thứ 4 Phục sinh - chúa nhật Chúa Chiên Lành, 25-4-2010.

Sau khi nhắc đến nhiều tấm gương trong Kinh Thánh và lịch sử Giáo Hội, ĐTC khẳng định rằng: ”Thiên Chúa dùng chứng tá của các linh mục, trung thành với sứ mạng, để khơi dậy những ơn gọi mới linh mục và tu sĩ phục vụ Dân Chúa”. Ngài nêu bật 3 yếu tố thiết yếu để chứng tá của linh mục tu sĩ được hữu hiệu: trước tiên là linh mục tu sĩ cần sống tình bạn với Chúa Kitô; thứ hai là hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa, và thứ ba là sống hiệp thông yêu thương nhau.

ĐTC viết: ”Linh mục phải là con người hiệp thông, cởi mở đối với mọi người, có khả năng làm cho toàn thể đoàn chiên tiến bước trong hiệp nhất, đoàn chiên mà lòng từ nhân Chúa đã ủy thác cho linh mục, giúp họ vượt thắng những chia rẽ, hàn gắn những rạn nứt, và san bằng những xung khắc và hiểu lầm, tha thứ những xúc phạm.”

ĐTC nhắc lại rằng hồi tháng 7 năm 2005, khi gặp gỡ hàng giáo sĩ miền Aosta, tôi đã nói rằng nếu người trẻ thấy các linh mục lẻ loi và buồn bã, thì chắc chắn họ sẽ không cảm thấy được khích lệ noi gương các vị ấy. Và Đức Gioan Phaolô 2, cũng đã từng nói: ”Chính đời sống của các linh mục, lòng tận tụy vô điều kiện của các vị đối với đoàn chiên Chúa, chứng tá yêu thương phục vụ Chúa và Giáo Hội của Chúa.. sự hòa thuận huynh đệ của các linh mục với nhau và lòng nhiệt thành của các vị đối với việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới, chính là yếu tố thứ nhất và có sức thuyết phục nhât mang lại nhiều ơn gọi” (Pastores dabo vobis, 41). thể nói rằng ơn gọi nảy sinh từ sự tiếp xúc với các linh mục, như thể một gia sản quí giá được thông truyền bằng lời nói, gương lành và toàn thể cuộc sống.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Mỗi linh mục, mỗi người thánh hiến nam nữ, trung thành với ơn gọi của mình, đều thông truyền niềm vui phụng sự Chúa Kitô, và mời gọi mọi Kitô hữu đáp lại ơn gọi nên thánh của tất cả mọi người. Vì thế, để cổ võ ơn gọi linh mục va đời sống thánh hiến, để làm cho việc loan báo ơn gọi trở nên mạnh mẽ và quyết liệt hơn, cần có tấm gương của những người đã thưa ”xin vâng” đối với Thiên Chúa và dự phóng cuộc sống mà Chúa dành cho mỗi người.” (SD 16-2-2010)
 
Đức Thánh Cha gặp Hội đồng Giám Mục Ai Len về vấn đề lạm dụng tính dục
LM . Trần Đức Anh, OP
09:39 16/02/2010
Đức Thánh Cha gặp Hội đồng Giám Mục Ai Len về vấn đề lạm dụng tính dục

VATICAN. Trong hai ngày, 15 và 16-2-2010, ĐTC Biển Đức 16 gặp gỡ 24 GM thuộc HĐGM Ai Len để bàn về vấn đề xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục tại tổng giáo phận Dublin, làm rúng động Giáo Hội tại nước này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, một phúc trình của chính phủ Ai Len, gọi là ”Murphy Commission Report”, tố giác một số GM đã che đậy hành động của một số LM lạm dụng tính dục trẻ em trong khoảng thời gian 30 năm. 4 GM đã đệ đơn từ chức sau đó.

Cuộc gặp gỡ ban sáng tại dinh Tông Tòa diễn ra từ 9 giờ rưỡi đến 1 giờ trưa, sau đó vào ban chiều từ 4 giờ rưỡi đến 7 giờ tối. Hiện diện tại khóa họp còn có ĐHY Quốc vụ khanh và vị Phụ Tá là Đức TGM Fernando Filoni, Đức TGM Ngoại trưởng Dominique Mamberti, Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ai Len, Giuseppe Leanza, cùng với các vị HY tổng trưởng các bộ liên hệ: Giáo lý đức tin, Giám Mục, Giáo Sĩ, Dòng Tu, Giáo dục Công Giáo, và sau cùng là Đức TGM Francesco Coccopalmiero, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật.

Trước khi gặp ĐTC, các GM Ai len đã đồng tế thánh lễ lúc 8 giờ sáng với ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cạnh mộ Thánh Phêrô, dưới hầm đền thờ.

Trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh, đặc biệt mời gọi các GM giữ hai thái độ: khiêm tốn và tín thác nơi Chúa, theo tinh thần bài thư thánh Giacôbê Tông Đồ. Ngài nói: ”Đối với Giáo Hội, những thử thách đó thể đến từ bên ngoài hoặc bên trong. Cả hai đều đau thương, nhưng những thử thách từ bên trong dĩ nhiên là cam go và gây tủi nhục nhiều hơn. Đó là thử thách nặng nề mà các cộng đồng của anh em đang trải qua trong lúc này, vì một số người của Giáo Hội đã can dự vào những hành vi thật là đáng lên án... Nhưng thánh Giacôbê quả quyết rằng ”mọi thứ thử thách có thể trở thành động lực thanh tẩy và thánh hóa cho cộng đoàn tín hữu, miễn là họ được đức tin soi sáng”.

ĐHY Quốc vụ khanh đề cao tâm hồn khiêm tốn và nói rằng ”chỉ khi nào ta đạt tới lòng khiêm tốn chân chính và thành thực, thì ơn Chúa mới có thể tác động trong chiều sâu và thực hiện một sự tái sinh đích thực.

ĐHY Bertone nhắc đến hoạt động của ma quỷ chống lại Giáo Hội, và nhận định rằng ”đáng tiếc là cả các tín hữu Kitô, tuy được kết hiệp với Chúa Kitô nhờ phép rửa tội và Thánh Thể, cũng như được hưởng những ơn đầu mùa của Thánh Linh, nhưng họ vẫn bị hoạt động của ma quỉ tấn công và có thể rơi vào tội lỗi. Nhưng ma quỷ còn đề ra một cám dỗ khác, dưới mắt hắn, cám dỗ này càng quan trọng hơn, nghĩa là làm cho tín hữu mất tin tưởng nơi Thiên Chúa, thúc đẩy họ rơi vào vòng nản chí và tuyệt vọng”.

Từ đó, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi Giáo Hội tại Ai Len gia tăng niềm tín thác nơi Chúa. Ngài nhắc đến bão tố vùi dập con thuyền của Chúa Giêsu và các Tông Đồ trên hồ Galilea, và nhận định rằng ”Bão tố làm cho sợ hãi. Cả những bão tố vùi dập con thuyền Hội Thánh vì lỗi các phần tử của mình. Nhưng từ phong ba bão táp ấy, nhờ ơn Chúa Kitô, có thể có ơn hoán cải và một niềm tin vững mạnh hơn: khi mà tất cả những an ninh của chúng ta bị suy giảm và chúng ta cảm thấy bị mất hút, chúng ta càng dễ tín thác hoàn toàn nơi Chúa.”

Và ĐHY kết luận rằng ”Anh em đáng kính trong hàng GM, khiêm tốn và tín thác, đó là điều Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, ĐHY Sean Brady, TGM Armgeh, Giáo Chủ Công Giáo Ai Len cho biết ĐTC rất lo lắng về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại đảo này. Cuộc gặp gỡ hiện nay chỉ là một bước trên con đường rất dài. Chúng tôi hy vọng, khi chúng tôi trở về Ai Len, con đường này được thể hiện qua tiến trình thống hối, canh tân và hòa giải, để mưu ích cho tất cả mọi người”.

Phúc trình của Ủy ban Murphy hồi năm ngoái đã trình bày vụ trong 3 thập niên, 46 LM thuộc giáo phận Dublin đã lạm dụng hơn 300 trẻ em. Các GM liên hệ biết những vụ này nhưng im lặng, hoặc chỉ thuyên chuyển kẻ có tội đến một nhiệm sở khác. (SD 15-2-2010)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Ai Len giải quyết vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục
LM . Trần Đức Anh, OP
09:41 16/02/2010
Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Ai Len giải quyết vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục

VATICAN. ĐTC mời gọi các GM Ai Len quyết liệt giải quyết vấn đề lạm dụng của giáo sĩ về tính dục trong quá khứ, đồng thời thẳng thắn và can đảm đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trên đây là nội dung thông cáo chung kết công bố trưa hôm 16-2-Jerusalem, sau cuộc gặp gỡ giữa 24 GM Ai Len với ĐTC và một số vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh ngày 15 và 16-2 tại Vatican về cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo tại Ai Len. Thông cáo viết:

”Trong khóa họp, các vị đã cùng nhau cứu xét sự thiếu sót của các vị lãnh đạo Giáo Hội Ai Len qua bao năm trời, không hành động hữu hiệu để đối phó với những vụ một số giáo sĩ và tu sĩ Ai Len lạm dụng tính dục người trẻ. Tất cả những vị hiện diện đều nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng trầm trọng này đưa tới sự mất tín nhiệm nơi hàng lãnh đạo Giáo Hội và làm thương tổn chứng tá của Giáo Hội cho Tin Mừng và giáo huấn luân lý của Hội Thánh.

”Cuộc gặp gỡ diễn ra trong tinh thần cầu nguyện và tình huynh đệ đoàn thể, và bầu không khí thẳng thắn và cởi mở mang lại sự hướng dẫn và nâng đỡ các GM trong nỗ lực đối phó với tình trạng trong mỗi giáo phận liên hệ.

Thông cáo cho biết rằng ngày 15-2-2010, sau lời dẫn nhập ngắn của ĐTC, mỗi GM Ai Len đã trình bày những nhận xét và đề nghị của mình. Các GM chân thành nói tới tâm tình đau đớn và phẫn nộ, sự phản bội, gương xấu và sự tủi hộ mà những người bị lạm dụng đã bày tỏ với các vị trong nhiều trường hợp. Nơi giáo dân, linh mục và tu sĩ cũng có một cảm thức đau buồn phẫn nộ về vấn đề này.

Các GM Ai Len cho biết hiện nay đang có hàng ngàn giáo dân thiện nguyện và tận tụy được huấn luyện ở cấp giáo xứ để bảo đảm an ninh cho trẻ em trong mọi hoạt động của Giáo Hội. Các vị nhấn mạnh rằng mặc dù đã có những sai lầm trong phán đoán và thiếu sót nơi trọng tâm cuộc khủng hoảng, nhưng nhiều biện pháp quan trọng đã được đề ra để bảo đảm an toàn cho trẻ em và người trẻ. Các vị cũng nhấn mạnh quyết tâm cộng tác với chính quyền Nam và Bắc Ai Lan, cũng như với Ủy ban toàn quốc bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo ở Ai Len để đảm bảo cho các tiêu chuẩn, chính sách và thể thức của Giáo Hội được thực thi đúng đắn trong lãnh vực này.

Về phần ĐTC, ngài xác quyết rằng lạm dụng tính dục trẻ em và người trẻ không những là một tội ác kinh tởm, nhưng còn là một tội trọng xúc phạm đến Thiên Chúa và làm thương tổn phẩm giá con người được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. ĐTC nhận xét rằng tuy tình trạng đau thương hiện nay sẽ không được giải quyết mau lẹ, nhưng ngài kêu gọi các GM hãy quyết tâm đối phó với các vấn đề này, và đương đầu với tình trạng hiện tại trong sự thẳng thẳn và can đảm. Ngài cũng bày tỏ hy vọng khóa họp này giúp đoàn kết các GM và để các vị nói cùng một tiếng nói, trong việc đề ra những giai đoạn cụ thể nhắm chữa lành những người bị lạm dụng, khích lệ sự canh tân đức tin nơi Chúa Kitô và tái lập uy tín tinh thần và luân lý của Giáo Hội.

ĐTC cũng nói đến cuộc khủng hoảng đức tin chung trong Giáo Hội và ngài nhận định rằng sự thiếu tôn trọng con người, sự suy yếu đức tin là một yếu tố quan trọng góp phần gây ra hiện tượng lạm dụng tính dục trẻ vịt hành niên. Ngài nhấn mạnh nhu cầu cần có một suy tư thần học sâu xa về toàn thể vấn đề, đồng thời kêu gọi cải tiến việc chuẩn bị về nhân bản, tu đức, trí thức và mục vụ cho các ứng sinh tiến lên chức linh mục và đời sống thánh hiến, và cả những người đã được thụ phong hoặc khấn dòng.

Trong khóa họp, các GM Ai Len đã cứu xét và thảo luận về dự thảo Lá Thư Mục Tử ĐTC sẽ gửi các tín hữu Công Giáo Ai Len. Thư này sẽ được ngài hoàn tất và công bố trong mùa chay này (SD 16-2-2010)
 
Các Ðức giám mục Phi luật tân lên án việc chính phủ cổ võ xử dụng bao cao su và quan hệ tính dục thiếu trách nhiệm.
Chu Văn
09:43 16/02/2010
Các Ðức giám mục Phi luật tân lên án việc chính phủ cổ võ xử dụng bao cao su và quan hệ tính dục thiếu trách nhiệm.

Manila [Asianews 15/2/2010] - Các Ðức giám mục Phi luật tân lên án việc chính phủ cổ võ việc xử dụng bao cao su và quan hệ tính dục thiếu trách nhiệm.

Ðức cha Theodore Bacon, nguyên Giám mục Novaliches, ngoại ô Manila, nêu lên câu hỏi: liệu việc quảng bá bao cao su có phải là một phương thế để phòng ngừa bệnh Sida hay chỉ là một cách để cổ võ qua hệ tính dục thiếu trách nhiệm?

Theo vị Giám mục này, chỉ có tiết dục mới có thể ngăn ngừa được bệnh dịch này.

Ðược biết, do sáng kiến của ông Eric Tayag, người đứng đầu phòng y tế và dịch bệnh Manila, chính quyền địa phương đã bắt đầu chiến dịch phân phát bao cao su hôm 13 tháng 2 năm 2010. Các nhân viên của phòng y tế Manila đã phân phát bao cao su tại các khu phố Manila và cảnh cáo dân chúng về những nguy hiểm của việc giao hợp không có bao cao su. Quyết định trên đây đã được đưa ra sau khi quốc hội nước này ngưng thảo luận về dự luật "y tế sản sinh". Từ nhiều năm nay, dự luật này hổ trợ cho việc xử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh Sida và kiểm soát dân số.

Ông Tayag nói rằng với sáng kiến này, chính phủ không phải trả đồng nào, bởi vì đã có các công ty tư nhân và công ty dược tài trợ. Ông nhấn mạnh rằng chương trình này không nhằm mục đích cổ võ ngừa thai mà chỉ muốn khuyến khích có quan hệ tính dục một cách an toàn.

Nhưng các Ðức giám mục Phi luật tân cho rằng bệnh Sida không thể được ngăn ngừa chỉ bằng việc phân phát bao cao su. Theo các ngài, bao cao su chỉ cổ võ quan hệ tình dục bất chính nơi giới trẻ mà thôi.

Cha Melvin Castro, thư ký ủy ban về sự sống gia đình của Hội đồng Giám mục Phi luật tân nói rằng chiến dịch phân phát bao cao su xem thường ý nghĩa của tính dục và tình yêu, do đó đáng bị toàn dân lên án.

Về phần mình, Ðức hồng y Gaudencio Rosales, Tổng giám mục Manila, nói rằng bao cao su và quan hệ tình dục bừa bãi không phải là phương cách để chuẩn bị cho tương lai. Ngài kêu gọi sống tiết dục và thủy chung.
 
Người Công giáo thuộc mọi lứa tuổi tại Hoa kỳ nhìn nhận sự sa sút về luân lý tại nước này.
Chu Văn
09:44 16/02/2010
Người Công giáo thuộc mọi lứa tuổi tại Hoa kỳ nhìn nhận sự sa sút về luân lý tại nước này.

Washington [CNS 15/2/10]- Người Công giáo thuộc mọi lứa tuổi tại Hoa kỳ nhìn nhận có sự sa sút về luân lý tại nước này.

Theo kết quả của một cuộc thăm dò, mặc dù tự nhận là "phóng khoáng", những người Công giáo trẻ nhứt tại Hoa kỳ cho rằng các giá trị luân lý tại nước này đã đi lạc hướng. Hơn ai hết, 82 phần trăm những người Công giáo trẻ, tuổi từ 18 đến 29, nói rằng sự chung thủy trong hôn nhân đã không được đánh giá cao tại Hoa kỳ.

79 phần trăm những người Công giáo thuộc thế hệ X, tức từ 30 đến 44 tuổi và 77 phần trăm những người thuộc hệ sinh sau thời đệ nhị thế chiến cũng đều đồng ý như thế.

Cuộc thăm dò dư luận do hội Hiệp sĩ Columbus thực hiện và cho công bố hôm 11 tháng 2 năm 2010 cũng cho biết ý kiến của người Công giáo Mỹ về một số vấn đề liên quan ý thức hệ, thực hành tôn giáo, mục đích của cuộc sống cũng như đạo đức chức nghiệp và tương lai đất nước.

Ðược hỏi "liệu các giá trị luân lý tại Hoa kỳ có đi đúng hướng không", 67 phần trăm cho rằng các giá trị này đang đi lạc hướng và tỷ lệ những người nghĩ như thế ngày càng gia tăng.
 
Tòa thánh sẽ cho công bố các văn khố mật trong thời đệ nhị thế chiến.
Chu Văn
09:46 16/02/2010
Tòa thánh sẽ cho công bố các văn khố mật trong thời đệ nhị thế chiến.

Vatican [Zenit 15/2/2010] - Tòa thánh sẽ cho công bố trên mạng lưới Internet các văn khố mật trong thời đệ nhị thế chiến.

Ðáp lại đề nghị của Sáng hội "Pave the Way" [mở ra con đường], Tòa thánh sẽ hệ thống hóa và đưa lên mạng trên 5 ngàn tài liệu thuộc văn khố mật của Tòa thánh từ năm 1939 đến năm 1945.

Ông Gary Krupp, sáng lập viên và chủ tịch của Sáng hội "Pave the Way" đã chính thức loan báo với hãng tin Zenit rằng "các văn kiện và tài liệu của Tòa thánh liên quan đến thời đệ nhị thế chiến sẽ được đưa lên mạng Internet để nghiên cứu mà không cần phả trả phí tổn nào".

Sáng hội "Pave the Way" là một tổ chức được khai sinh để tháo gỡ những trở ngại giữa các tôn giáo, thăng tiến sự cộng tác và chấm dứt việc xử dụng tôn giáo cho các mục đích chính trị.

Ông Gary Krupp, một người Do thái hiện đang sống tại New York, Hoa kỳ, cho biết như sau: "Trong khi thực thi sứ mệnh, chúng tôi nhận thấy rằng triều đại của đức Pio XII trong thời đệ nhị thế chiến là một duyên cớ gây căng thẳng ảnh hưởng đến trên cả tỷ người trên thế giới. Cuộc tranh cãi phát xuất từ giả thiết cho rằng vị giáo hoàng này đã không làm đủ để ngăn ngừa cuộc sát tế người Do thái do đức quốc xã chủ xướng".

Nhưng theo ông Krupp, cuộc nghiên cứu của Sáng hội "Pave the Way" cho thấy 5 năm sau khi đức Pio XII qua đời, chính cơ quan mật vụ KGB của Liên Xô đã có âm mưu nhằm hạ giảm uy tín của Giáo hội Công giáo mà đế quốc này xem như kẻ thù không đội trời chung của mình. Dựa theo vở kịch có tựa đề "kẻ đại diện" được văn sĩ Rolf Hochhuth sáng tác hồi năm 1963, thủ đoạn đê tiện này nhằm lên án đức Pio XII vì điều gọi là sự thinh lặng của ngài trước cuộc sát tế người Do thái.

Năm 1964, đức Phaolo VI đã ủy thác cho một nhóm sử gia gồm 3 linh mục Dòng Tên nhiệm vụ nghiên cứu các tài liện liên quan đến giai đoạn chiến tranh, được lưu giữ trong văn khố mật của Tòa thánh. Kết quả cuộc nghiên cứu đã được thu thập thành 11 bộ sưu tập và bộ sưu tập thứ nhứt đã được cho công bố hồi năm 1965 và bộ sưu tập cuối cùng ra đời năm 1981.

Tòa thánh phải mất nhiều thời gian để hoàn tất việc phân loại và sắp xếp các tài liệu liên quan đến thời đệ nhị thế chiến, bởi vì tổng cộng có khoảng 16 triệu tài liệu.
 
Lào: 48 Kitô hữu bị bắt tháng giêng vẫn còn bị giam giữ
Bùi Hữu Thư
12:02 16/02/2010
Điều lo ngại của các tổ chức bảo vệ nhân quyền

Rôma, Thứ Ba 16 tháng 2, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Cơ quan truyền thông Công Giáo Ucanews cho hay: Một nhóm 48 Kitô hữu bị bắt giữ từ tháng giêng vừa qua tại tỉnh Salavan, vùng Hạ Lào, sẽ không được trả tự do cho đến khi họ chối bỏ đức tin của họ.

Giới hữu trách của chính phủ tại quận Ta-Oyl đã ra lệnh bắt giữ họ sau một biến cố xẩy ra tháng qua, khi 100 cảnh sát của quận sách nhiễu một nghi lễ ngày chúa nhật tại điạ phương Katin.

Hai tổ chức Human Rights Watch for Lao Religious Freedom (HRWLRF) và International Christian Concern (ICC) đều đã tố cáo việc bắt bớ này.

Trong cuộc ruồng bố ngày 10 tháng giêng, các cảnh sát quận đã chĩa mũi súng vào đầu các tín hữu khi bắt giữ 48 người trong bọn họ.

Tổ chức ICC tố cáo: Các sở hữu của họ đã bị tịch thu và 6 căn nhà của họ đã bị phá hủy. Họ không được phép trở về làng của họ, và phải tạm trú trong một ruộng lúa, nơi họ phải nằm màn trời chiếu đất và thiếu thức ăn.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh là các kitô hữu từ chối lệnh buộc họ phải chối bỏ đức tin.

Vũ khí chĩa vào đầu họ

Tổ chức HRWLRF cho hay các chức quyền gồm có viên xã trưởng, là một công chức phụ trách các vấn đề tôn giáo, 3 cảnh sát quận và 15 dân vệ.

Một bản tin của HRWLRF cho hay: “các tín hữu bị dí súng vào đầu đã chỉ mang theo được chút ít vật dụng. Họ không có ánh sáng, không có thức ăn và nước trong sạch, nếu không có một con suối nhỏ gần bên.”

Giới chức điạ phương tại làng Katin đã tuyên bố là việc thờ kính các thần linh là hình thức duy nhất được chấp nhận để thờ phượng tại cộng đồng này.

Tổ chức ấy cũng nhấn mạnh là người ta đã tịch thu các gia xúc trong các làng Kitô hữu, và ngày 11 tháng 7, đã triệu tập một buổi họp đặc biệt cho tất cả mọi dân cư, để tuyên bố là “đức tin Kitô giáo bị cấm,’ trong làng của họ.

Một sư đe dọa đối với Cộng Sản

Tại Lào, 65% dân số là Phật tử, 1.5% kitô giáo trong đó có 40.000 người Công Giáo. Các giới chức Cộng Sản đã kết án các kitô hữu là đã tuân theo các niềm tin quan trọng khiến cho hệ thống chính trị của họ bị đe dọa.

Vậy mà, các điều khoản 6 và 30 của hiến pháp bảo đảm cho các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, được quyền thực hành tôn giáo họ lựa chọn mà không bị kỳ thị hay trừng phạt.

Đây là một sự đi dật lùi, từ những cuộc đàn áp chống Kitô giáo thập niên 90, đã được vượt thắng sau những áp lực quốc tế và sự nguy hiểm bị mất đi các tài trợ quốc tế.

Ngày nay, chính phủ đã có những liên hệ chặt chẽ với các quốc gia chuyên chế láng giềng, như Trung Quốc. vì vậy các chức quyền lại bắt đầu đán áp các Kitô hữu.
 
Sứ điệp Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Gọi: ba khía cạnh thiết yếu cho chứng tá linh mục
Nguyễn Hoàng Thương
12:23 16/02/2010
Sứ điệp Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Gọi: ba khía cạnh thiết yếu cho chứng tá linh mục

Vatican (AsiaNews) – Chứng tá cá nhân của những ai đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, các linh mục và tu sĩ đã trở nên hết sức quan trọng trong việc cổ võ ơn gọi, như đã được thể hiện trong cuộc đời của Thánh Gioan Maria Vianney, Cha Sở họ Ars, người đã "chủ yếu giảng dạy qua chính chứng tá của cuộc đời ngài". Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta như thế qua Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 47 được công bố hôm 16/02, và sẽ được cử hành vào ngày 25 tháng Tư.

Suy tư về chủ đề của Ngày Ơn Gọi: "Chứng nhân Thức tỉnh Ơn Gọi", Đức Thánh Cha cho hay: "sự tự do và lòng nhân từ của Thiên Chúa bước đầu chạm trán và thách đố trách nhiệm của con người nơi tất cả những ai chấp nhận lời mời gọi của Ngài để trở thành, qua chứng tá của bản thân họ, khí cụ của ơn gọi thiêng liêng. Điều này xảy ra ngay trong Giáo Hội ngày nay: Chúa dùng chứng tá của các linh mục, những người trung thành với sứ vụ của mình nhằm thức tỉnh ơn gọi linh mục và tu sĩ mới để phục vụ Dân Chúa". Đó là lý do tại sao sứ điệp đề cập đến ba khía cạnh của đời sống của vị linh mục, vốn "thiết yếu cho chứng tá linh mục thực sự":

1. "Một yếu tố cơ bản, người ta có thể nhìn thấy nơi mỗi ơn gọi thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến, là sống tình bằng hữu với Chúa Kitô. Chúa Giêsu không ngừng sống trong hiệp nhất với Chúa Cha và đây là những gì làm cho các môn đệ thiết tha có được trải nghiệm tương tự; từ Ngài họ đã học được cách sống trong hiệp thông và đối thoại không ngừng với Thiên Chúa. Nếu linh mục là “người của Thiên Chúa”, con người thuộc về Thiên Chúa và giúp người khác biết và yêu thương Chúa, linh mục không thể không nuôi dưỡng sự mật thiết thâm sâu với Thiên Chúa, không lay chuyển trong tình yêu của Ngài và chừa chỗ để nghe Lời Ngài. Cầu nguyện hình thức trước tiên của chứng tá vốn thức tỉnh ơn gọi".

2. Một khía cạnh khác của đời sống thánh hiến nơi linh mục và tu sĩ chính là "tự hiến thân hoàn toàn cho Chúa". Điều này có nghĩa là "nhập tâm theo Chúa Giêsu, người dành trọn đời mình để làm theo thánh ý Chúa Cha, ngay cả quà tặng cuối cùng là chính bản thân mình trên Thập Giá. Ở đây, lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện bằng tất cả sự viên mãn của nó; một tình yêu khoan dung vượt thắng đêm tối của sự ác, tội lỗi và sự chết". Nhân vật Chúa Giêsu tại Bữa Tiệc Ly, rửa chân cho các Tông Đồ "thể hiện ý thức phục vụ và món quà biểu thị trong toàn bộ sự sống của Ngài, trong sự vâng phục thánh ý Cha (x. Ga 13,3-15). Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người được mời gọi sống đời thánh hiến đặc biệt phải làm hết sức mình để làm chứng rằng mình đã hoàn toàn dâng chính bản thân cho Chúa". "Câu chuyện của mỗi ơn gọi là hầu như luôn luôn hòa quyện với chứng tá của một linh mục hân hoan sống bằng quà tặng của bản thân cho anh chị em mình vì lợi ích của Vương quốc Thiên Chúa. Điều này là do sự hiện diện và lời nói của một linh mục có khả năng đặt ra câu hỏi và thậm chí dẫn đến quyết định dứt khoát về ơn gọi (x.Gioan Phaolô II, Tông Huấn Dabo Vobis, 39).

3. "Khía cạnh thứ ba nhất thiết biểu thị đặc điểm linh mục và người tận hiến là một đời sống của sự hiệp thông". "Một cách cụ thể, các linh mục phải là một con người của hiệp thông, cởi mởi đối với tất cả mọi người, có khả năng quy tụ đoàn chiên mà lòng nhân từ của Chúa đã trao phó cho vị linh mục, giúp vượt thắng mọi chia rẽ, để hàn gắn những rạn nứt, để giải quyết mọi xung đột và hiểu lầm, và tha thứ mọi lỗi phạm. Vào tháng 7 năm 2005, trong cuộc nói chuyện với hàng giáo sĩ miền Aosta, tôi lưu ý rằng nếu những người trẻ thấy các linh mục biểu lộ xa cách và buồn bã, họ sẽ cảm thấy khó mà được khuyến khích noi gương đó. Họ sẽ vẫn do dự nếu trong đầu họ đang nghĩ rằng đây là đời sống của một linh mục. Thay vào đó, họ cần được thấy các mẫu gương về sự hiệp thông của đời sống vốn có thể tỏ lộ cho họ được vẻ đẹp của một linh mục. Chỉ khi đó, người trẻ sẽ nói rằng: "Vâng, đây có thể là tương lai của tôi, tôi có thể sống như thế này" (Insegnamenti I, [2005], 354).
 
Một thế hệ đặt hôn nhân lên ưu tiên hàng đầu
Phụng Nghi
12:34 16/02/2010
NEW HAVEN, Connecticut (Zenit.org).- Trong sự nghiệp lớn lao còn để lại, ĐGH Gioan Phaolô II chắc sẽ được tưởng nhớ về nỗ lực tiếp cận với những người trẻ tuổi. Việc thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế giới, một truyền thống đến nay vẫn được Benedict XVI duy trì, đã chứng tỏ là một cơ hội giảng dạy mang tính cách viễn kiến, một đường lối để đến được với thế hệ sắp tới của những bậc cha mẹ Công giáo, linh mục và tu sĩ.

Cuộc thăm dò do Hội Hiệp sĩ Columbus (Knights of Columbus) cộng tác với Viện Marist thực hiện mới đây, đã chứng tỏ tầm quan trọng thực sự trong nhu cầu phải tìm cách tiếp cận với thế hệ sắp tới của người Công giáo. Kết quả cuộc thăm dò những người trẻ Hoa kỳ (sanh trong khoảng những năm từ 1978 đến 2000) đã tiết lộ cho thấy có cả niềm hy vọng lẫn những địa hạt đáng quan ngại đối với Giáo hội Công giáo. Đó là những điều rất hữu ích cho những ai đang rao giảng Tin mừng Công giáo – giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ – đặc biệt là những người phụ trách giới trẻ.

Điều đáng khích lệ là cuộc thăm dò cho thấy trong số những người trẻ tự nhận mình theo đạo Công giáo – không chỉ riêng những người Công giáo sống đạo mà thôi – có tới 85% tin ở Thiên Chúa. Ưu tiên hàng đầu của họ là lập gia đình và kết hợp gần gũi với Chúa. Khoảng 82% nghĩ rằng hôn nhân hiện nay bị coi thường, và trên 60% nghĩ rằng phá thai và an tử là những điều sai phạm về luân thường đạo lý.

Đó là những tin đáng mừng. Nhưng điều thật đáng lo là có tới 61% tin rằng người Công giáo có thể cùng lúc thực thi một hay nhiều tôn giáo khác. Gần 2 phần 3 nghĩ rằng họ chỉ có tính cách tâm linh (spiritual) chứ không sùng đạo (religious), và 82% coi những vấn đề luân lý đạo đức chỉ có tính cách tương đối.

Những khó khăn này không còn chỉ là suy đoán – mà là sự kiện có thật. Và đó là một sự kiện thực tế đã được Benedict XVI tiên đoán và nói lên khoảng 5 năm trước đây.

Trong đám tang ĐGH Gioan Phaolô II, chỉ mấy ngày trước khi được bầu chọn làm giáo hoàng, Hồng y Joseph Ratzinger lúc đó đã cảnh giác thế giới rằng một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đang hoành hành.

Ngài nói: “Ngày nay, ai có một niềm tin rõ rệt đặt căn bản trên Kinh Tin Kính của Giáo hội thì lại được dán cho nhãn hiệu là đi theo chủ thuyết cơ bản (fundamentalism). Trong khi đó, chủ thuyết tương đối (relativism), nghĩa là để cho mình “rơi vào hết chỗ này đến chỗ khác, cuốn đi theo mỗi luồng gió giáo điều”, dường như là thái độ duy nhất để có thể đương đầu với thời đại tân tiến. Chúng ta đang xây dựng một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, đã không công nhận bất cứ cái gì là xác thực, và mục tiêu tối hậu chỉ gồm có bản ngã và dục vọng riêng tư.”

Một mục tiêu khác

Trái ngược lại với nhãn quan lệch lạc như thế đối với thế giới, ngài đưa ra điều này: “Một mục tiêu khác: Con Thiên Chúa, con người thật. Người là thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân chính. Một đức tin “trưởng thành” không phải là một đức tin theo khuynh hướng thời thượng và theo điều gì mới mẻ nhất; một đức tin trưởng thành ăn rễ sâu xa trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Đó là một mối tình kết hợp mở ra cho chúng ta tất cả những gì là tốt đẹp và cho chúng ta một tiêu chuẩn để phân biệt giữa điều đúng điều sai, giữa sự giả trá và chân lý.”

Ngài cũng còn đưa ra cho chúng ta một giải pháp: “Chúng ta phải phát triển đức tin trưởng thành này; chúng ta phải dẫn dắt đàn chiên của Chúa Kitô hướng đến niềm tin này. Và chính đức tin này – chỉ có đức tin mà thôi – mới có thể tạo nên hiệp nhất và được thực hiện trong tình yêu.”

Thế hệ này đang đi tìm tình yêu. Họ muốn có hôn nhân – tức là tình yêu đích thực -- hơn bất cứ điều gì khác. Họ thấy tình yêu trong hôn nhân bị đánh giá thấp, bị coi thường.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới truyền thông nước Đức năm 2006, ĐGH Benedict XVI đã trình bầy chính xác cách thức để thực hiện được giải pháp cần thiết. Ngài nói: Điều cần thiết là trình bầy mặt tích cực, trình bầy niềm hạnh phúc mà Kitô giáo sống động cống hiến cho con người:

“Kitô giáo, Công giáo, không phải là một tập hợp những điều cấm kỵ: mà đó là một chọn lựa tích cực. Điều rất quan trọng là chúng ta cần nhìn lại bởi vì ý tưởng này ngày nay đã gần như biến mất. Chúng ta đã nghe quá nhiều về những điều không được phép làm, nên nay là lúc nói lên: chúng tôi có một tư tưởng tích cực để đưa ra, đó là người nam và người nữ đã được tạo dựng cho nhau, và thang độ tính dục, tức là tình yêu xác thịt (eros), tình yêu xả kỷ (agape) là các cấp độ của tình yêu, và chính trong chiều hướng đó mà hôn nhân phát triển, trước nhất, như là một cuộc giao kết hân hoan và tràn đầy hạnh phúc giữa một người nam và một người nữ, và sau đó đến gia đình, để bảo đảm sự tiếp nối của các thế hệ, và qua đó các thế hệ được hòa giải với nhau và cũng là nơi các nền văn hóa có thể gặp gỡ. Vì thế, trước nhất điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến điều chúng ta mong muốn.”

Tháng này, ngài nhắc lại thông điệp đó cho các giám mục nước Scotland, và nói thêm điều này: “Hãy cố trình bầy giảng huấn này cách nào để có thể nhận ra đó là một thông điệp hy vọng.”

Đối với một nhóm người coi hôn nhân là ưu tiên hàng đầu, và thấy hôn nhân bị xã hội coi thường, thì một Giáo hội yểm trợ và tuyên dương vẻ đẹp trong ý nghĩa Kitô giáo của hôn nhân, là một Giáo hội sẽ trình bầy được một thông điệp có tiếng vang dội cho thế hệ kế tiếp của những bậc cha mẹ Công giáo.

Con đường Benedict XVI vạch ra đúng là con đường sẽ có tiếng vang dội đối với thế hệ này.

Sẽ có một số người cho rằng họ chẳng lắng nghe đâu. Nhưng hãy để ý sự kiện này: gần 2 phần 3 đang rất mực hay phần nào quan tâm đến vấn đề học hỏi thêm về đức tin của mình.

Đó là lý do tại sao công việc soạn thảo tài liệu về hôn nhân, đang được Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình chuẩn bị, là điều rất quan trọng. Công trình này nay được hưởng lợi từ tiến trình thần học và mục vụ của các giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI

Còn lại là phần chúng ta phải trình bầy niềm tin này sao cho có ý nghĩa đối với cuộc sống của người trẻ Công giáo, và không chỗ nào tốt đẹp hơn để khởi sự, bằng cách chứng tỏ cho những thanh niên nam nữ này cách thức xây dựng những cuộc hôn nhân hạnh phúc, lành mạnh, và nhất là thánh thiện, dựa trên gia tài phong phú lớn lao về tiến độ thần học và mục vụ của cả hai Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI.

Nguồn: Carl Anderson/Zenit.org.

Carl Anderson là chủ tịch Hội Hiệp sĩ Columbus.
 
Cựu nữ thể tháo gia trượt băng Olympic đi tu dòng Franciscan
Trần Mạnh Trác
20:44 16/02/2010
Sơ Catherine Holum (trái) với Sơ Jacinta Pollard, Sơ Felicity Bouchard và Sơ Mary Pietà Geier
Leeds, Anh Quốc: Một cựu nữ thể tháo gia trượt băng tốc độ cao Olympic, bây giờ là một Sơ Franciscan, đã nói rằng Sơ "không hề hối tiếc" về quyết định của mình để phục vụ Thiên Chúa và người nghèo.

Cô Kirstin Holum lúc tuổi 17 đã đứng hàng thứ sáu khi đua trợt tuyết tốc độ cao hạng 3.000 mét tại Thế vận hội Mùa đông 1998 ở Nagano, Nhật Bản. Những nhà bình luận đã dự báo một tương lai sáng lạn cho cô Holum, mẹ cuả cô đã từng đoạt huy chương vàng năm 1972.

Nhưng dù có quyến luyến với môn thể thao, cô tâm sự, "Tôi đã cảm thấy ơn gọi thật mãnh liệt và nhận ra rằng đây là lúc phải đi vào một con đường khác trong cuộc sống."

Cô đã quyết định đi tu trong chuyến hành hương đến Fatima, Bồ Đào Nha.

Cô Holum bây giờ được gọi là Sơ Catherine và là một thành viên của Franciscan Sisters of the Renewal, nhiệm vụ là làm việc và truyền giáo cho người nghèo và người vô gia cư.

"Bây giờ mỗi khi suy nghĩ về cuộc sống khác nhau của tôi, tôi cảm thấy vui vui (funny)", Sơ nói với Yahoo Sport. "Tôi đã có một đặc ân tuyệt vời là có cơ hội làm một Olympian, và bây giờ tôi lại được ơn phước để có thể phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ những người kém may mắn."

Đầu tiên Sơ phục vụ tại New York, làm việc ở quận Bronx với trẻ em nghèo ở các vùng có băng đảng. Vào mùa thu năm 2009, Sơ Catherine đã được gửi đi với ba chị em khác đến Leeds, Anh Quốc, để truyền giáo cho người dân trong khu vực.

Sơ Lucille, bề trên nhà dòng Bronx cho biết Sơ Catherine có một lòng nhân hậu "như của một thiên thần."

"Thật là tuyệt vời khi thấy những khuôn mặt rạng rỡ cuả những người nghe Sơ Catherine kể chuyện thi đua trượt băng," Sơ Lucille nói. "Sơ ấy không bao giờ tự hào về việc ấy nhưng Sơ ấy cũng đã nhận ra rằng chúng tôi đang vô cùng tự hào về Sơ và được may mắn có Sơ là một phần của gia đình cuả chúng tôi. "

Sơ Catherine nói với Yahoo Sport, rằng Sơ cầu chúc "những điều tốt nhất" cho các thể tháo gia "trượt băng” tại Thế vận hội, mà nhiều người đã từng thi đua với Sơ.

"Mỗi khi nghĩ rằng tôi vẫn có thể tham dự Thế vận hội một lần nữa thì trong lòng cũng cảm thấy là lạ, nhưng đó không phải là con đường Chúa chọn cho tôi và tôi không hề hối tiếc."

Để tìm hiểu thêm về Franciscan Sisters of the Renewal, xin truy cập: http://www.franciscansisterscfr.com/.
 
Tuyển cử hội đồng vùng Pháp Quốc 2010
Hà Minh Thảo
21:05 16/02/2010
TUYỂN CỬ HỘI ÐỒNG VÙNG PHÁP QUỐC 2010

45 triệu cử tri người Pháp được mời gọi tham gia các cuộc bầu cử Hội đồng Vùng (Conseil régional) sẽ cùng diễn ra hai vòng vào ngày 14 và 21.03.2010, chiếu theo Nghị định 2010-119 của Bộ Nội vụ ngày 04.02.2010.

I. VÀI DÒNG LỊCH SỬ.

Các nghị viên vùng (conseillers régionaux) được người dân cử qua cuộc phổ thông đầu phiếu (quyền bầu cử được chấp thuận cho mọi công dân trưởng thành), trực tiếp và kín ngày 16.03.1986.

Năm 1986, cuộc tuyển cử phổ thông đầu phiếu lần đầu chỉ có một vòng và số ghế chia theo tỷ lệ giữa các liên danh thu được ít nhất 5% số phiếu hợp lệ. Thứ sáu kế tiếp ngày bầu cử (thường là chúa nhật), các nghị viên vùng họp thành Hội đồng Vùng để bầu Chủ tịch Hội đồng Vùng. Trong 22 vùng nội địa (métropolitaine), RPR (Rassemblement pour la République - Tập hợp vì Nền Cộng hoà, hữu phái) chiếm ghế Chủ tịch Hội đồng tại 6 vùng; UDF (Union Démocratique Français, Liên hiệp Dân chủ Pháp, trung hữu) tại 14 vùng và PS (Parti Socialiste, đảng Xã hội, tả phái) tại 2 vùng.

Năm 1992, ngày 22.03.1992, cuộc tuyển cử một vòng đưa đến kết quả: RPR chiếm ghế Chủ tịch Hội đồng tại 7 vùng, UDF 10 vùng, PS 1 vùng, đảng Xanh (Verts) 1 vùng và 1 vùng do Mouvement des Réformateurs điều khiển.

Trong thời gian đó, từ năm 1981, sau khi ông François Mitterand (PS) đắc cử Tổng thống, nền kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn, số người thất nghiệp gia tăng, đề tài ngoại kiều được đề cập đến và đảng Font National (Mặt trận Quốc gia, cực hữu) do ông Jean-Marie Le Pen lãnh đạo lớn dần. Trong cuộc tuyển cử lập pháp (élections législatives) ngày 16.03.1986, lần đầu tiên và duy nhất, nhờ chủ trương của đảng Xã hội, Font National, với 6,1% số phiếu bầu hợp lệ và chiếm 35 trên 577 ghế tại Quốc hội. Sau đó, Ông Jean-Marie Le Pen ứng cử Tổng thống lần lượt thu được 14,38% (năm 1988), 15% (năm 1995) và 16,86% (năm 2002) số phiếu bầu hợp lệ và đánh bại ứng cử viên PS Lionel Jospin để vào vòng nhì với đương kiêm Tổng thống Jacques Chirac.

Do đó, trong cuộc bầu cử Hội đồng vùng ngày 15.03.1998, đảng Font National đã chiếm được số ghế để làm thay đổi chức vụ Chủ tịch Vùng, đã làm cho các Vùng khó có một đa số rõ rệt để chấp chính. Các liên danh thuộc đảng RPR hay UDF không thể liên kết với Font National vì ‘e ngại’ dư luận, trong khi đảng Xã hội được phép đứng chung hàng ngũ với Cộng sản (đệ tam, theo Staline, hay đệ tứ Troskyste).

Công bình mà nói, trong một quốc gia dân chủ, khi một đảng được phép hoạt động hợp pháp, nên để cho đảng đó được đối xử như tất cả các đảng khác, hưởng quyền lợi và chịu trách nhiệm như nhau. Muốn loại trừ Mặt trận Quốc gia, các đảng khác thay vì chửi rũa Jean-Marie Le Pen, Chủ tịch đảng đó, các đảng khác chỉ cần tạo thêm uy tín nơi các cử tri. Sự thật hiển nhiên là, vì các ông Chirac và Jospin đã không thực hiện lời hứa với người dân Pháp trong nhiều năm dài. Do đó, khi cơ hội đến, như cách đây gần hai năm, ngày 21.04.2002, cử tri Pháp đã nghiêm khắc cảnh cáo Tổng Thống lẫn Thủ Tướng đương quyền, bằng cách đưa ông Jean-Marie Le Pen vào vòng hai: cuộc ‘địa chấn chánh trị’ đã xảy ra. Bởi thế, các cuộc chuẩn bị trước đó cho cuộc tranh cử ‘đối diện’ giữa các ông Chirac và Jospin bị bãi bỏ… vì ứng cử viên Chirac từ chối tranh luận với ông Le Pen.

Trong nhiệm kỳ bắt đầu năm 1998, đảng RPR điều khiển 3 vùng, UDF 8 vùng, PS 7 vùng và MDR 3 vùng.

Để có được đa số tuyệt đối tại các Hội đồng Vùng, lần đầu tiên, một cuộc bầu cử cấp Vùng năm 2004 tại Pháp đãõ diễn ra hai vòng. Sự cải tổ nầy, được qui định bởi Luật ngày 09.04.2002.

II. TUYỂN CỬ HAI VÒNG.

Cử tri bầu các nghị viên Vùng có nhiệm kỳ 6 năm từ những liên danh theo một hệ thống bầu cử kết hợp tuyển cử đa số và đại diện tỉ lệ, bằng một hay hai vòng đầu phiếu phổ thông và kín.

A.- Vòng Một (Chúa nhật ngày 14.03.2004).

1. Làm sao các ứng viên ra ứng cử ?

Liên danh mang tính danh các Vùng, nhưng các ứng cử viên được chia ra ứng cử trong những Tỉnh (département, được gọi là sections départementales. Để đơn giản hóa, chúng ta tạm dùng Tỉnh để phân biệt với Vùng). Trong mỗi liên danh, bắt buộc phải xen kẻ một Nam và một Nữ ứng cử viên.

Thí dụ, tại Vùng Alsace, những phiếu bầu sẽ ghi tên một trong hai Tỉnh: Bas-Rhin với 29 ứng cử viên (trong đó có 2 dự khuyết) và Haut-Rhin với 22 ứng cử viên (trong đó có 2 dự khuyết). Số ứng cử viên trên lá phiếu phù hợp với số nghị viên mà mỗi Tỉnh sẽ gởi để họp thành Hội đồng Vùng (47 ghế).

2. Việc phân chia các ghế nghị viên ?

Nếu có liên danh đạt được đa số tuyệt đối (ít nhất 50% số phiếu hợp lệ) ở vòng một nầy. Cuộc bầu cử ngưng tại đây và bắt đầu tính số ghế chia cho mỗi liên danh. Liên danh có đa số tuyệt đối được thưởng ngay 25% số ghế trong Hội đồng Vùng. Số ghế còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ.

Thí dụ đơn giản: Hội đồng Vùng R có 101 nghị viên (luôn là số lẻ). Có 4 liên danh ra ứng cử và đạt được những tỉ lệ như sau: liên danh A 50%; liên danh B 24%; liên danh C: 23,50% và liên danh D được 2,50% tổng số phiếu hợp lệ. Kết quả: liên danh D bị loại lập tức. Liên danh A được chia 63 ghế nghị viên; liên danh B được 19; và liên danh C được 19.

Số nghị viên được chia theo cấp Vùng nầy sẽ được phân chia lại theo cấp Tỉnh. Thí dụ, một liên danh được chia 10 ghế ở cấp Vùng sẽ được phân phát như sau: liên danh đó đạt được 50% số phiếu trong Tỉnh A, 30% trong Tỉnh B và 30% trong Tỉnh C. Như thế, số nghị viên sẽ được chia ra như sau: 5 trong tỉnh A; 3 trong tỉnh B và 2 cho tỉnh C.

Nếu không có liên danh nào đạt được đa số tuyệt đối, thì phải tiến hành vòng hai.

Cử tri đặt lá phiếu vào thùng, trong vòng một, đáp ứng theo tiếng gọi của con tim, tức chọn liên danh nào mình thích nhất. Nhưng, khi đầu phiếu, trong vòng hai, cử tri đầu phiếu theo lý trí, tức chọn liên danh nào có thể đem Công ích cho toàn dân hơn.

B. Vòng Hai (Chúa nhật ngày 21.03.2010)

1.- Các liên danh nào được phép tham dự ?

Được tham dự vòng nầy, các liên danh đạt được ít nhất là 10% số phiếu hợp lệ ở vòng một. Các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ được phép xóa bỏ liên danh củ để, chung nhau, thành lập một liên danh mới.

2.- Việc phân chia các ghế nghị viên ?

Liên danh về nhất sẽ được thưởng ngay 25% số ghế trong Hội đồng Vùng. Số ghế còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ.

TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT: CORSE

Cách thức bầu cử có những điểm khác biệt. Không có sự phân chia cấp Tỉnh. Trong một liên danh, mỗi nhóm 6 ứng cử viên mà số ứng viên Nam và Nữ phải bằng nhau nhưng không buộc phải xen kẻ nhau. Nếu không liên danh nào đạt được đa số tuyệt đối ở vòng Một, thì các liên danh chỉ cần đạt 5% số phiếu hợp lệ để có thể tham dự vòng Hai. Liên danh thu phiếu nhiều nhất chỉ được thưởng 3 ghế (trên tổng số 51), chứ không là 25% như các Vùng khác.

III. VẤN ĐỀ TÀI CHÁNH CÁC ĐẢNG CHÁNH TRỊ.

A. Những chi tiêu thường nhật.

Cũng như các Hiệp hội, thành lập theo luật ngày 01.07.1901, các chánh đảng phải đối đầu với những chi tiêu đủ loại như thuê trụ sở và các văn phòng trực, những chi phí về văn phòng, trả lương nhân viên… Tại quốc gia dân chủ như Pháp, đảng cầm quyền không thể lấy ngân sách quốc gia chi xài cho đảng. Vì là quốc gia đa đảng, các đảng đối lập, qua các Viện lập pháp, kiểm soát chi tiêu từ ngân sách.

B. Những nguồn thu của các chánh đảng.

Để cân bằng ngân quỹ, các chánh đảng có hai nguồn thu chính:

1. Nguồn thu tư nhân.

a. Như các Hiêp hội, các chánh đảng được quyền nhận niên liễm của các đảng viên. Tuy nhiên số tiền thu nầy không đáng kể nên các chánh đảng yên cầu những đảng viên giữ một (hay nhiều) chức vụ dân cử đóng một số tiền đáng kể hơn.

b. Các chánh đảng chỉ được phép nhận tiền biếu từ các thể nhân, nhưng cấm từ những pháp nhân trong giới hạn 7.500 euro/năm/người (điều 16 luật ngày 19.01.1995). Các số tiền biếu cũng như niên liễm có thể được trừ thuế 66% những số tiền này trong giới hạn 20% lợi tức tính thuế với điều kiện số tiền phải trả qua trương mục ngân hàng, tức bằng chi phiếu, chuyển trương,…

2. Nguồn thu từ ngân sách.

Việc làm chánh trị là một quyền của người dân làm chủ đất nước mình, không bị đe dọa, bắt bớ. Những vĩ nhân biết làm chánh trị nhằm phục vụ cho Công Ích cho toàn xã hội luôn được lịch sử ghi danh. Do đó, Nhà nước dùng ngân sách quốc gia để giúp, một cách công bình, các chánh đảng hầu đạo tạo thêm các chánh trị gia mới.

Những dự trù trong các luật năm 1988 và sau đó về việc tài trợ các chánh đảng theo hai tiêu chuẩn:

a. Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions) trong 577 đơn vị và phải đạt 1% số phiếu hợp lệ, chiếu theo luật ngày 20.02.1993.

b. Tỉ lệ theo số dân biểu và nghị sĩ thuộc từng chính đảng theo luật ngày 19.01.1995. Số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt nếu đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau. Năm 2008, ngân sách quốc gia đã chi giúp về khoản nầy là 71.777.018 euro.

3. Bồi hoàn chi phí vận động tranh cử.

Những liên danh được cử tri tín nhiệm ít nhất 5% số phiếu hợp lệ và tôn trọng các qui định về kế toán cùng mức chi tiêu tối đa ấn định được bồi hoàn chi phí vận động bầu cử. Mục đích giảm bớt các liên danh không có tính cách đại diện.

IV. LINH TINH.

1. Hiện nay, đảng viên Xã hội đang giữ ghế Chủ tịch tại 20 trên 22 Vùng (trừ Alsace và Corse) và bà Martine Aubry, Đệ nhất bí thư, tuyên bố đảng Xã hội sẽ toàn thắng 22 Vùng. Điều đó khó có thể xảy ra vì tại Vùng Languedoc-Roussillon mà Chủ tịch Hội đồng Vùng đương nhiệm (và nhiều hy vọng được tái cử) là ông Georges Frêche đã rút bị đảng tịch. Ông cho là bà Aubry ghét ông vì ông không ủng hộ bà ứng cử Tổng thống. Nhiều đảng viên Xã hội cho là ông Frêche không kiểm lời nói. Tuy nhiên, các cử tri trong Vùng cho là ông nói thẳng thừng.

2. Thăm dò dân ý. Theo thăm dò Viện Sofres thực hiện ngày 1 và 2.02.2010 cho biết 53,5% số người được hỏi (1.000 khắp nước, trên 18 tuổi) trả lời sẽ bầu ‘tả phái’ và 39,5% sẽ bầu cho ‘hữu phái’.

Đi vào chi tiết, thì các liên danh Font National thu được 8,5% người có ý định bầu; các liên danh ‘Đa số Tổng thống’ (majorité présidentielle) về đầu với 30% và 1% cho hữu phái khác (Divers droite). MoDem (trung phái) chỉ được 4%. Bên ‘tả phái’, Xã hội 28%, Xanh 13%, Mặt trận tả phái 6%, Chống tư bản 3,5%, Lutte ouvrière 3%.

Các liên danh ‘Đa số Tổng thống’ có thể về đầu ở vòng đầu tại nhiều Vùng, nhưng khó thắng ở vòng nhì vì không có số phiếu sẳn sàng kết hợp.

3. Tuyển cử nghị viên Hội đồng Vùng lần chót ?

Dự luật cải cách chính quyền địa phương đã được thông qua tại Hội đồng Tổng trưởng ngày 21.10.2009 qui định bãi bỏ chức vụ nghị viên Vùng mà gọi là nghị viên lãnh thổ (conseiller territorial). Các cuộc bầu cử đầu tiên các cố vấn nghị viên lãnh thổ sẽ được tổ chức vào năm 2014.

Như vậy, các nghị viên Hội đồng Vùng đắc cử trong cuộc tuyển cử năm nay chỉ có nhiệm kỳ 4 năm.

HÀ–MINH THẢO
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Giao Thừa tại Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Seattle.
Nguyễn An Qúy
00:05 16/02/2010
Thánh Lễ Giao Thừa tại Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Seattle.

Seattle- Những người Công giáo Việt Nam cư ngụ chung quanh thành phố Seattle, qua ba tuần lễ bận rộn với công việc gói bánh chưng, bánh tét để chuẩn bị đón xuân Canh Dần theo truyền thống Dân tộc Việt Nam, khi đang sống xa quê hương. Tối thứ bảy ngày 13 tháng 02 năm 2010 cũng là đêm 30 Tết, Thánh Lễ Giao Thừa được cử hành tại nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle lúc 7 giờ tối một cách trọng thể theo nghi thức cổ truyền rất Việt Nam.

Bước vào nhà thờ, người ta đã thấy một bàn thờ tổ tiên được bày trí đơn giản nằm phía trước bên phải bàn thánh,. Bàn thờ có hai câu đối đỏ được viết theo dạng chữ vuông tròn: “Xuân về Chúa xuống muôn ơn hồng phúc- Tết đến Mẹ ban hưởng lộc an hoà”, chính giữa là hình bản đồ Việt Nam nền vàng với ba sọc đỏ và những hoa quả, bánh chưng, lư, đèn…tất cả nói lên tâm tình của những người Việt đang sống xa quê cha đất tổ nhưng vẫn luôn vọng về cố hương bằng sự nguyện cầu. Chủ tế Thánh Lễ là linh mục Quản xứ Hoàng Phượng, có cha khách Nguyễn Hiệp nhân chuyến về thăm gia đình trong mấy ngày Tết, và thầy sáu Nguyễn Đức Mậu cùng Đồng tế.

Giáo dân đến dâng lễ hôm nay khá đông đảo, nhà thờ đầy kín cả các ghế ngồi, có người phải đứng ngay trên các lối ra vào.

Đúng 7 giờ, Thánh Lễ Giao Thừa bắt đầu bằng nghi thức Niệm Hương trước bàn thờ tổ tiên. Mở đầu là ba hồi chiêng trống, tiếng chiêng trống vừa dứt ba hồi thì đoàn dâng hương lần lượt tiến lên niệm hương theo từng giới chức đại diện cho các tầng lớp trong Cộng đồng Công giáo Việt Nam nơi đây như: Tuổi thơ, Giới trẻ, người có Gia đình, các vị Cao niên, giới Tu sĩ và Quý cha. Mỗi giới dâng hương đều có lời nguyện cầu Tạ ơn Chúa qua giọng đọc rất cảm động của chị Ngọc Bền. Xin trích dẫn lời diễn nguyện khi dâng hương của các vị đại diện cho các giới như sau:

- Đại diện tuổi Thơ là 2 em nhỏ từ từ tiến lên trước bàn thờ tổ tiên với lời diễn nguyện:Tạ ơn Chúa, cám ơn mẹ, cha đã cho con vào đời. Theo năm tháng chúng con khôn lớn dần, thêm tuổi mới khi Xuân về. Nhang tuổi thơ mong được bay vút lên toà Chúa với ước nguyện: Xin giữ hồn chúng con luôn trong trắng, đơn sơ, ngoan hiền, nên giống Chúa Giêsu và càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan.

- Đại diện giới trẻ gồm 2 vị thanh niên năm nữ tiến lên niệm hương với lời diễn nguyện: Khói hương của những người trẻ luôn khắc ghi trong lòng lời nhắn nhủ đầy tự tin của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô đệ nhị: “Đừng sợ!”. Vâng, Lạy Chúa, xin cho chúng con thêm lòng can đảm để vững tâm tiến lên đấu tranh những bất công, những nghịch lý của cuộc sống. Xin thêm lòng trông cậy, tin yêu cho những yếu đuối trong cuộc đời chúng con. Thiết thực hơn xin cho thế hệ tiếp nối chúng con sẵn sàng dấn thân cho những chương trình hữu ích của Giáo Hội và xã hội. Cách riêng cho công cuộc phát triển cộng đồng nơi mà cha ông chúng con đã dầy công gầy dựng trong 35 năm qua.

- Đaị diện giới đã lập Gia Đình gồm 1 cặp nam nữ tiến lên niệm hương với lời diễn nguyện: Trong giây phút thiêng liêng tĩnh mịch của đêm giao thừa, nén hương dâng lên như lời nguyện ca gia đình trầm bổng bay lên từ mái ấm nào ấy: “Mãi mãi cho anh tươi sáng niềm tin, mãi mãi cho em thơm ngát ân tình ….”.hay “ Xin cho cha mẹ con sống mãi tình son … của Chúa Trời … ” Lạy Chúa, chúng con tin từ câu kinh ấy đang bay theo hương trầm lên tới tòa Chúa và Chúa sẽ thương nhận, ban xuống cho mỗi gia đình trong cộng đồng chúng con năm mới Canh Dần được thánh thiện, yêu thương, và hạnh phúc.

- Đaị diện giới Cao Niên là cụ ông và cụ bà khá cao tuổi tiến lên niệm hương: Như những gốc cội của trầm hương, các cụ cao niên đã từng bao năm lan toả hương thơm phúc đức cho con cháu noi theo. Chuẩn bị bước sang năm mới, tạ ơn Chúa ban cho các cụ thêm tuổi thọ. Xin Chúa tiếp tục chúc phúc cho các bậc cao niên, là những vị đã từng gắn bó với cộng đồng chúng con trong suốt 35 năm qua, luôn được phúc lộc chan hòa.

- Đại diện giới Tu Sĩ nam nữ tiến lên niệm hương: Huơng trầm dâng lên với lời nguyện cầu Lạy Chúa, này con dấn thân để thực thi ý Chúa, xin Chúa luôn gìn giữ, chở che các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhất là trong năm linh mục này. Trong Năm Thánh Kỷ Niệm 350 năm Tin mừng của Chúa đến với đất nước Việt Nam và 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, nguyện xin Chúa ban phúc lành dồi dào cho Giáo Hội và đất nước Việt Nam.

- Phần cuối là Quý Cha đồng tế tiến lên niệm hương: Hương trầm trong đêm giao thừa lần thứ 35 năm viễn xứ trên tay vị chủ chăn của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Seattle dâng lên, là những lời cảm tạ, tri ân dạt dào vì bao hồng ân Chúa đã ban xuống cho cộng đồng trong 35 mùa xuân xa xứ. Dù những ước mơ chưa tròn của xứ đạo, nhưng chúng con vẫn luôn tin tưởng Chúa sẽ chúc lành cho những dự kiến phát triển cộng đồng về mọi mặt trong tương lai. Ước mong năm mới đến với sự bình an, đầy yêu thương, và hiệp nhất trong cộng đồng, cộng đoàn, các hội đoàn, mỗi gia đình và từng tâm hồn của mỗi người. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng con tưởng nhớ đến linh hồn các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, linh hồn các vị trong cộng đồng đã ra đi trước chúng con. Chúng con cùng hiệp nhớ đến linh hồn các đồng bào ruột thịt đã chết trong rừng sâu biển cả và trên vạn nẻo đường đi tìm “tự do”, tưởng nhớ vong linh các chiến sĩ đã hy sinh đấu tranh cho nền độc lập, tự do, dân chủ Việt Nam.

Buổi niệm hương trong nghi thức tưởng nhớ tổ tiên của đêm giao thừa theo truyền thống tiển đưa năm Kỷ Sử để đón chào năm Canh Dần đầy cảm động được kết thúc bằng nhạc điệu trầm buồn do ca đoàn Cung Chiều cử hành.

Sau phần niệm hương là phần Thánh lễ Giao Thừa theo phụng vụ của Giáo Hội Việt Nam. Đi vào phần Thánh lễ, Cha Chủ Tế đã nhắc lại truyền thống cổ truyền của dân tộc Việt về ngày Tết Nguyên Đán, cha nói: “Dù đang sống nơi xứ lạ quê người, song chúng ta cũng cùng với Giáo Hội Việt nam cử hành Thánh lễ đêm Giao Thừa để cùng tạ ơn Chúa và cùng tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc trong đêm thiêng liêng này, đây là truyền thống tốt đệp của người Công Giáo Việt Nam dù ở nơi đâu và cũng để nhắc nhở con cháu cũng như các thế hệ mai sau tiếp tục nhớ đến cội nguồn và những truyền thống của Việt Nam khi mỗi lần đón xuân…”

Cha Nguyễn Văn Hiệp phụ trách phần chia sẻ lời Chúa trong thánh lễ. Đặc biệt, lời Chúa hôm nay lại gởi đến Cộng Đồng dân Chúa Việt Nam qua bài Tin mừng nói về 8 mối phúc thật. Cha Hiệp đã đề cập đến những ân phúc mà Chúa đã ban cho mỗi người trong năm qua, nhất là khi ngài nói đến các mối phúc thật mà tin mừng đã đề cập hôm nay, ngài nhấn mạnh: phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai biết vui nhận sự bách hại vì công chính…” Mọi người đều có những suy nghĩ về giá trị của Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay để cùng suy niệm trong cuộc sống khi bắt đầu sống trong năm mới Canh Dần.

Thánh Lễ Giao Thừa chấm dứt lúc 8 giờ 20 phút, mọi người ra về để tiếp tục đón Giao thừa trong niềm vui của mái ấm gia đình nơi đất khách quê người của mỗi gia đình.

Nguyễn An Quý
 
Vẻ vang một Người Việt Nam tại vùng đất lạ Costa Rica
LM Trần Công Nghị
19:22 16/02/2010
SAN JOSE - Costa Rica có nghĩa là “bờ đại dương giầu có” là tên quốc gia ở Trung Mỹ Châu La Tinh. Một quốc gia độc lập và dân chủ sớm và lâu đời nhất tại lục địa này.

Costa Rica như nhiều người vẫn quảng cáo là một nước có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những rừng mưa nhiệt đới, thác nước xinh đẹp, núi lửa và động vật hoang dã, những bãi biển nước trong như thạch bích… Có người đã nói đây chính là vườn địa đàng nơi trần thế.

Tuy nhiên tôi đến thăm Costa Rica không phải chỉ muốn thưởng lãm phong cảnh đẹp nhưng cốt ý để thăm một người Việt Nam rất nổi tiếng và được qúi trọng và yêu mến ở quốc gia này, đó là Đức TGM Pierre Nguyễn Văn Tốt, hiện từ hơn một năm rưỡi nay đang làm Sứ Thần Tòa Thánh, đại diện cho Đức Thánh Cha tại Costa Rica thanh bình và phong cảnh rất đẹp.

Tôi đến phi trường Santamaria của San Jose, thủ đô của Costa Rica vào chiều ngày mồng 2 Tết và tôi hân hạnh được Đức Tổng ra đón tại phi trường đưa về Tòa Khâm Sứ của Ngài nghỉ ngơi. Tuy tôi mới gặp Ngài năm ngoái tại Washington DC khi được mời làm điều hợp viên cho cuộc thuyết trình của Ngài, nhưng tôi vẫn náo nức muốn đến tận nơi Ngài làm việc để chứng kiến xem một vị đại sứ Tòa Thánh thì phải làm những công tác ra sao và cũng nhân tiện trong khi có chút thì giờ nghỉ ngơi, tôi muốn thăm lại người mà tôi hân hạnh được biết rất nhiều vì trong nhiều năm, chúng tôi cùng học chung một mái trường Giáo hoàng Học viện tại Roma.

Về đến Tòa Khâm Sứ trước bữa ăn chiều, tôi đã mang theo vài món ăn mùi vị quê hương đến với Trung Mỹ để cùng ăn Tết, có cả bánh téc, giò lụa, thịt chà bông… vì biết rằng chắc ở phương trời xa xôi này "người đại diện Việt Nam" của chúng ta sẽ rất nhớ nó. Trong bữa ăn Tết muộn màng tối hôm qua, tôi thật bỡ ngỡ vì hai nữ tu giúp việc ở đây cũng biết nấu món miến gà, trên bàn không thiếu món nước mắn của dân tộc. Tôi có hỏi thì đưọc biết Đức Tổng đã chỉ họ họ làm, và trên bàn có đủ loại hoa trái thơm ngon miền nhiệt đới. Đức Tổng và đức ông Julien Kaboré thuộc Tòa Khâm sứ, và linh mục bí thư cùng thưởng thức món ăn Việt Nam.

Sáng hôm nay tôi cùng đồng tế với Đức Tổng và lại bỡ ngỡ thêm là có chừng 50 giáo dân đến Tòa Khâm Sứ tham dự thánh lễ rất sốt sắng. Sau tôi được biết từ khi Đức Tổng về làm Khâm Sứ tại đây Ngài đã mở toang cánh cửa đón tiếp mọi người, ngày nào cũng có đông người ngồi chật nhà nguyện tham dự thánh lễ và cầu nguyện với vị Khâm Sứ Tòa Thánh.

Tiếp theo là bữa ăn sáng có vài vị khách qúi mà như Đức Tổng giới thiệu một người thiện nguyện thường đến Tòa Khâm Sứ để lo trang trí “khu nhà và góc vườn Việt Nam” trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ.

Bà chính là một người thành đạt và giờ đây chuyên vẽ kiểu trang trí cao cấp. Vì cảm mến tấm lòng Đức Tổng thân thiện dành cho người Costa Rica, nên bà cũng muốn tạo nên một phong cách đưa một chút hương sắc và hồn quê hương vào khung cảnh Tòa Khâm Sứ ở Costa Rica.

Thật là xúc động khi ghé thăm ngôi vườn Việt Nam với đầy đủ cổng chào, dậu tre, lồng đèn, hoa cúc, lan, mão gà và nhiều hình ảnh cũng như nét đặc trưng được thể hiện nơi khung trời dấu yêu này. Đặc biệt nữa có cả một “vườn trồng rau” ngay tại Tòa Khâm Sứ.

Khi tôi hỏi bà, làm sao bà biết được những nét đặc biệt Việt Nam đó để tạo nên khung cảnh mến yêu thân thương này cho Đức Tổng? Bà nói bà phải mất nhiều giờ khảo sát tìm tòi tài liệu, rồi kiếm chất liệu và nhiều công sức mới tạo nên cảnh trí này và bà rất hãnh diện đã làm được như thế. Bà nói thêm: Đức Khâm Sứ rất thích thiên nhiên, thích hoa và chim muông, Ngài cũng có một tâm hồn bình dân và thanh thản nên tôi tạo nên một chút gì đưa thiên nhiên vào trong khung viên Tòa Khâm Sứ để ngài thưởng ngoạn và được gần với thiên nhiên.

Sau khi viếng khu “Vườn Việt Nam”, Đức Tổng đã dàn xếp để tôi có cuộc thăm chớp nhoáng một vòng thành phố cho biết qua cảnh sắc và con người Costa Rica. Thủ đô San Jose là một thành an bình, không có nhiều xe cộ và người ở đây vũng không bon chen hay tấp nập như nhiều nơi tôi đã thăm viếng.

Thành phố có nhiều kiến trúc cổ cả 150 năm và mang rất nhiều ảnh hưởng kiến trúc của Tây Ban Nha: duyên dáng, bề thế và cân đối: nhà hát lớn, thư viện quốc gia, bảo tàng viện, nhà thờ chính tòa… tất cà thể hiện sự uy nghi nhưng không lộng lẫy mà khiêm tốn. Điểm đặc biệt là có rất nhiều công viên cho dân chúng đến giải trí và vui chơi.

Costa Rica từ năm 1949 quyết định là không có quân đội, dân chúng sống trong thanh bình không muốn tranh chấp và đối với toàn cõi Trung và Nam Mỹ thì đây quốc gia dân chủ lâu đời nhất, và chính quyền được dân cử. Họ mới vừa có nữ Tổng thống đầu tiên.

Với dân số trên 4 triệu người, trong đó Công giáo chiếm 80% và như lời Đức Tổng cho biết: lòng đạo của dân chúng còn rất tốt. Các trường công lập vẫn có lớp dậy giáo lý cho các học sinh để cho các em được Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức. Hiện tại có 8 giáo phận và số linh mục chừng 1000 vị. Có rất nhiều Dòng tu ngoại quốc còn phục vụ trong công tác giáo dục và bệnh viện nơi đây là chính đó cũng là 2 mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội sau việc giúp thăng tiếng sống đức tin.

Tôi được dịp nói chuyện với một số vị làm việc tại Tòa Khâm Sứ và một vài giáo dân, họ cho biết họ rất ngưỡng mộ và qúi mến Vị Khâm Sứ người Việt Nam của chúng ta. Ngài dành hết tấm lòng và hết mình với họ. Từ ngày Ngài về làm việc tại đây Ngài đã mở tung cánh cửa tiếp đón mọi người. Ai muốn đến thăm hay hỏi công việc gì cũng đều được Ngài tiếp đón hết, dù là đến đề bàn việc linh hồn, xưng tội, hay chỉ là thăm và muốn chụp hình với Ngài, hay là muốn nói chuyện này chuyện kia Ngài đều tiếp họ hết.

Mà thực vậy trước khi tôi đi Tour thăm thành phố thì đã thấy 2 Soeurs Dòng Mẹ Têrêsa đang chờ gặp Ngài, sau khi đi phố về, tôi lại thấy mấy người đang chờ gặp Ngài.

Tôi có dịp hỏi Ngài, bất kì ai gọi muốn gặp thì Đức Tổng cũng tiếp hay sao? Ngài nói: Đúng vậy, nếu có giờ tôi tiếp họ tất cả. Tôi cũng thấy vui gặp họ và họ cũng được vui vì thổ lộ được công truyện của mình.

Tôi hỏi Ngài tiếp vậy thường thì Đức Tổng ra ngoài thăm các giáo phận hay giáo xứ thường xuyên ra sao?

Ngài nói có tuần đi 2 hay 3 lần, có khi chỉ là đi dâng thánh lễ, xứ này xứ kia mời, hay đi làm phép rửa tội cho con cái bổn đạo, đi cho Rước Lễ lần đầu hay đi làm phép Thêm Sức. Ngài cũng nói đùa rằng “tôi bây giờ có khi làm như giám mục phụ tá giúp cho các giám mục ở dây, giúp họ các công việc như vậy nên các vị cũng rất thích, và tôi cũng thấy gần dân chúng và được phục vụ cho họ hơn là chỉ ngồi bàn giấy…”

Ngài giải thích thêm: chính một số giám mục thấy tôi không từ nan giúp dân chúng như vậy nên các Ngài khuyến khích các cha sở họ đạo và giáo dân khi có việc gì cứ mời Khâm Sứ.

Tôi ôn lại với Đức Tổng năm cùng chung ở Tiểu chủng viện Saigòn và nói rằng khi đó may chăng một năm mới có một lần thấy Vị Khâm Sứ ngồi uy nghi tại nhà thờ chính tòa Saigòn chứ có bao giờ được gặp đâu. Ai cũng nghĩ vai trò và chức vị Khâm Sứ cao sang… làm sao mà có giờ cho dân chúng. Nhưng không vị Khâm Sứ người Việt Nam của chúng ta rất gần gũi và thân tình với giáo dân, coi ai cũng như trong gia đình. Tôi nói với Ngài chắc Đức Tổng rất hãnh diện vì có thể sống cuộc sống vừa là Khâm Sứ nhưng cũng là Vị Mục Tử thật sự thường xuyên làm mục vụ gần kề với giáo dân. Ngài đã nở nụ cười hiền từ và đắc ý.

Tôi gợi ý: Thưa Đức Tổng gần kề đây sắp sửa có nhiều vị sẽ được phong làm hồng y, với kinh nghiệm đã phục vụ trong ngành ngoại giao trong 25 năm qua và từng phục vụ 10 nhiệm sở trên khắp thế giới, với kinh nghiệm qúi hóa đó chắc lần này Đức Thánh Cha sẽ gọi Đức Tổng về lại Roma trao mũ và đặt Ngài làm việc trong thánh bộ nào đó chứ? Ngài tâm sự rằng Ngài thực sự yêu mến làm việc với dân chúng và có dịp tiêp xúc với giáo dân linh mục và mọi người hơn là phải về đó lo việc bàn giấy và công tác nội bộ…

Ngày mai thứ Tư Lễ Tro đài truyền hình Công giáo thời danh Hoa kỳ là EWTN của Mẹ Angelica sẽ đến Tòa Khâm Sứ phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục, trong đó có mục đọc kinh tiếng Việt Nam và Đức Tổng có mời tôi cùng đọc kinh.

Kế đến thứ Năm, Ngài sẽ chủ sự Lễ tại Đại Chủng Viện San Jose và có cuộc tôn kính Đức Mẹ có giám mục địa phương và đông đảo giáo dân tham dự. Ngài mời tôi đồng tế và tôi rất vui mừng được dịp chứng kiến lòng sùng mộ và đức tin của giáo dân nơi đây.

VietCatholic cũng sẽ cuộc phỏng vấn video với Đức Tổng trong một này gần đây và trong thời gian ở Trung Mỹ, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và cảm nhận về Giáo hội nơi đây. Tạm thời xin được ngưng và sẽ tái ngộ qúi độc giả lần sau.

(còn tiếp)
 
Tết Canh Dần tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Viện Nam Arlington, Virginia
Bùi Hữu Thư
19:56 16/02/2010
Arlington, VA ngày 16, tháng 2, 2010: Mặc dầu tuyết chất cao như núi, và trời lạnh lẽo, giáo xứ CTTĐVN Arlington vẫn tổ chức thánh lễ trẻ em, thánh lễ giao thừa, tiệc tất niên, Hội Chợ Tết và Tiệc Tân Niên tại nhà hàng.

Đêm giao thừa Thứ Bẩy, thánh lễ 6 giờ cho trẻ em cũng rất đông. Trẻ em được các cha lì xì, và người lớn thì lên hái lộc trên hai cành mai sau thánh lễ. Thánh lễ giao thừa 9 giờ tối cũng khá đông. Sau khi hái lộc sau lễ, mọi người kéo nhau sang Hội Trường Giáo Dục để tham dự bữa tiệc tất niên Kỷ Sửu. Như thông lệ, năm nào cũng có màn Sớ Táo Quân, và các phần trình diễn ca nhạc của cử tọa. Thức ăn cũng dư thừa, nào là 2 con dê nấu cà ri, mấy chục cái bánh chưng, dưa món và chả luạ, 300 cái chả giò, 5 khay xôi, rồi gà quay, bánh cam, gỏi cuốn, cháo gà tây của cha phó Phó Quốc Luân, 8 chai rượu vang của các hội đoàn và nhà hảo tâm dâng cúng. Sau khi dọn dẹp thì đã quá nửa đêm khiến cho một số quý vị ở laị phải tự mình xông đất nhà mình khi về đến nhà khoảng 2 giờ sáng.

Ngày Chúa Nhật 14/2 cũng là ngày Valentine Day giáo xứ có Hội Chợ Tết tại Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang tại Reston. Chợ Tết này được dự trù vào thứ bẩy trước nhưng phải hoãn lại chủ nhật sau vì bão tuyết tuần trước trong khi tất cả các Hội Chợ Tết của cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn đều phải hủy bỏ.

Ngày thứ hai, 15/2 tiên đoán thời tiết cho biết sẽ có từ 3 đến 10 inches tuyết đổ xuống từ chiều cho đến sáng. Đúng là được Chúa thương cho tuyết rơi lưa thưa từ trưa cho đến chiều thì ngừng hẳn khiến cho bữa tiệc tại nhà hàng Harvest Moon đã diễn tiến thành công với trên 400 thực khách. Ông chủ nhà hàng đã đề nghị hoãn lại tới ngày thứ bẩy 20/2, nhưng cha xứ Vượng có đức tin hết sức vững mạnh, ngài cương quyết không đổi. Nhờ thế mà ba ca sĩ Quang Lê, Trúc Lam và Trúc Linh không phải đổi chương trình.

Ngoài ba ca sĩ, phần giúp vui có hai màn múa của ban vũ Văn Lang, hai con lân của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Tâm, và bài hợp ca cuả ca đoàn Nhóm Ca Trưởng trình diễn bài Hát Mừng Xuân do nhạc sĩ Nguyễn Đức Vượng sáng tác và điều khiển.

Đêm qua là lần đầu tiên thực khách ở lại cho tới nửa đêm để nghe Quang Lê hát. Các bài Hò Huế của anh đã chấm dứt chương trình văn nghệ khi tất cả cử tọa lên sân khấu để cùng anh và cha xứ hát bài Ly Ruợu Mừng.

Cha xứ Vượng đang giảng trong TL giao thừa


CĐ Phanxicô với CT Văn Duy Tùng


Giáo dân hái lộc sau Thánh Lễ


Trẻ em đang được cha xứ lì xì


Quang cảnh bữa tiệc tất niên


Màn sớ Táo Quân


Các thiếu nhi trình diễn thời trang


Sớ Táo Quân tại Reston


Ban vũ Ca Đoàn Thánh Linh


Một con lân Thiếu Nhi


Cha xứ đang chúc Tết cộng đoàn


CĐ Nhóm Ca Trưởng do cha xứ điều khiển tại nhà hàng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo họ Thuợng Thôn và giáo xứ Thượng Lộc suy tôn Thánh Giá, hiệp thông với Đồng Chiêm
Jos. Nguyễn Văn Thống
09:23 16/02/2010
Giáo họ Thuợng Thôn và giáo xứ Thượng lộc suy tôn Thánh Giá, hiệp thông với Đồng Chiêm

Vinh_Tại Thánh đưòng Giáo họ Thượng Thôn, Xứ Trang Nứa, Giáo phận Vinh. Lúc 20h tối nay, ngày mùng 3 têt đã diễn ra một buổi cung nghinh Thánh Giá rất long trọng với sự tham dự đông đảo của các bạn trẻ trong toàn Giáo xứ và đặc biệt được sự hiệp thông suy tôn mầu nhiệm Thập Giá của các bạn trẻ giáo xứ Thượng Lộc đến tham dự, để cầu nguyện cho anh chị em giáo xứ Đồng Chiêm.

Hình ảnh GX Thượng Thôn và Thượng Lộc suy tôn Thánh Giá hiệp thông với Đồng Chiêm

Giáo họ Thượng Thôn là một trong những họ đạo xa xôi nhất của Giáo Xứ Trang Nứa. Nằm trong một vị trí hết sức đặc biệt cách Trung tâm Tòa Giám mục Xã đoài 6km, và cách giáo xứ 4km. Những người dân xung quanh họ đạo này hầu như toàn tòng. Đây là sứ mênh truyền giáo cho giáo dân giáo họ Thưọng Thôn trong Năm Thánh 2010.

Giáo họ Thuợng Thôn là một họ đạo có số giáo dân ít nhất thuộc giáo xứ Trang Nứa. Nhưng có bề dày lịch sử và có truyền thống đức tin mạnh mẽ và kiên trung. Noi gương vị mục tử có đờì sống hiệp thông là Cha Giuse Trần Đức Ngợi và vị cha chung của giáo phận là Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên là những chứng nhân của sứ vụ mầu nhiệm hiệp thông, nên suốt thời gian qua, giáo họ luôn có một đời sống đức tin kiên cường để làm chứng cho Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa trong môi trường truyền giáo.

Đêm thắp nến cầu nguyện hiệp thông với Đồng Chiêm và suy tôn mầu nhiệm Thập Giá trong ngày mùng 3 tết của giáo họ Thượng Thôn và giáo xứ Thượng Lộc, làm chúng ta suy ngẫm. Theo lich phụng vụ giáo hội thì hôm nay là ngày thánh hóa công ăn việc làm. Phẳi Chăng, cộng đoàn giáo họ Thượng Thôn và giáo xứ Thượng Lộc muốn dâng mọi sự lên Thiên Chúa trong năm mới này qua cây Thập Giá Đức Kitô đã chết và sống lại? Bởi giáo họ Thuợng Thôn và xứ Thượng Lộc không chỉ mong có công việc làm ăn tốt và mọi điều tốt lành trong năm mới nhưng cộng đoàn còn muốn có những điều cao hơn cả vật chất nữa là sự tự do tôn giáo, đời sống Đức Tin của họ đựơc bảo đảm và công bằng bác ái đến với dân tộc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, cộng đoàn xác tín rằng chỉ duy nơi Thập Giá Đức Kitô mới đem lại cho họ những điều họ mong ước.

Sau buổi cầu nguyện và suy tôn Thánh Giá, ông AnTôn Nguyễn Công Lương_ Chủ tich hội đồng mục vụ giáo họ đã đại diện cho cộng đoàn lấy lửa cho các bạn trẻ từ cây nến phục sinh để khai mạc buổi giao lưư. Các bạn trẻ bước vào buổi gặp gỡ giao lưu bên đống lửa trại rất vui tươi, trong tình thần hiệp nhất của giáo họ Thượng Thôn và giáo xứ Thượng Lộc kết nghĩa anh em. Qua đây cũng nói lên mối tình hiệp thông sâu xa trong giáo hội Công Giáo.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa xuân, đem sắc Xuân xuống tưới gội trên quê hương Việt Nam. Đặc biệt, Cho Giáo hội được hiệp nhất với nhau nên một. Nhờ đó, không có một thế lực ma quỷ nào có thể đến đem đau thuơng cho con cái Chúa như đã từng gieo rắc cho giáo hội trong năm qua, qua các sự kiện Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan ly và gần đây nhất là Đồng Chiêm.

Vinh, Ngày mùng 3/1/2010 âm lịch
 
Nhất nhật tại tù?
lykhách
21:35 16/02/2010
Nhất nhật tại tù?

“ “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”
Lời người xưa nói đâu có sai!” ”
Bác than thế, đàn em bác lại
Mở cửa tù nhốt bất kỳ ai

Bốn năm tù cho một cô gái mảnh mai
Án tội vì ngồi trong nhà với dòng chữ khẳng khái:
“Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam mãi mãi”
Chả nhẽ nhà nước này Tàu cho làm tay sai?

Thơ của bác chẳng có gì vĩ đại
Chữ nghĩa của bác chỉ xếp loại đại khái
Tư tưởng bác phần nhiều sao chép lại
Chủ nghĩa ngoại bang mang về sinh quái thai!

Ngày nào tư tưởng bác còn sống mãi
Ngày ấy non sông còn họa tai!
Ngày nào lời bác còn nhai đi nhai lại
Thì đất nước này còn bí lối tương lai!

Báo chí bị buộc chỉ đi lề phải
Đi hướng ngược nên nói toàn lẽ trái
Như loài động vật loài ăn cỏ nhai lại
Lúc nhai lúc nhả, kín nhốt nhả lại nhai!

Sự nghiệp bác vĩ đại cỡ Tào Tháo?
Thà giết lầm hơn bỏ sót đứa nào
Không chính đạo mà chính là tà đạo
Cai trị dân bằng họng súng và côn đao

Chơi với Tàu bác đảng cứ luôn: “hảo! hảo!”
Tàu cầm đằng cán, đảng bác cầm đằng dao
“Mười sáu chữ vàng” như kim cô hia mão
Tàu niệm chú liền cả bác đảng lao đao!

Bốn ngàn năm chưa học được chữ “Tàu”
Chưa biết tàu lạ tàu quen là tàu nào?
Đến vẽ cờ cũng nhuộm màu đỏ máu
Bắt chước một sao theo kiểu năm sao!

Chủ nghĩa xã hội là con đường tàn bạo
Vô gia đình, vô tổ quốc, vô đồng bào
Cõi tam vô ấy lại thêm vô tôn giáo
Nên buổi đổi đời vô độ biết chừng nào!

Tham nhũng thế thì cướp tương lai con cháu
Sống trên mồ hôi nước mắt của đồng bào
Ai sẽ trả? chính là xương máu
Của dân khi đứng lên đòi lại biển đất giá cao!

Hỏi cổ kim xưa nay có thời nào
Đảng đuổi dân đi cướp giật đất dăm sào
Đảng đem bán giá cao, đền bù giá bèo
Giải phóng thế ư? cách mạng của bầy heo!

Hỏi nên đối thoại hay phải đối đầu?
Chủ lại là tớ, tớ chính làm chủ đối đằng đâu?
Lương tâm có có mới cào cấu
Nhân tình không không mới xót nhau

Bên cạnh kẻ vô gia cư là nhà lầu
Bên cạnh đói rách là những siêu sao
Bên cảnh khốn khổ là những xe sang mới tậu
Vàng ít chẳng nhiều phải trộn quá nhiều thau!

Bởi thế pha ít tốt nhiều xấu
Non nước này biết sẽ đi về đâu
Kẻ cầm quyền thì chỉ chuyên nói láo
Kẻ cầm bút chẳng dám ngẩng cao đầu

Kẻ cầm súng chẳng dám giữ đất biển
Kẻ cầm hồn thì chỉ biết cầm riêng
Kẻ cầm canh thì bị cầm tù phản biện
Kẻ cầm thú thì lại cầm lắm tiền

Ôi, ôi! “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại!”
Lời người xưa thật đúng chẳng sai
Thơ của bác ví chừng như ba phải:
Chỉ xót cho mình mà bác đảng cứ sửa sai!

Sai lại sửa, sửa lại càng sai
Sửa sai nhỏ thành sai vĩ đại
Sửa sai tạm thời thành sai mãi mãi
Biết bao giờ mới xóa bàn làm lại?!

Nghĩ mà thương cho người con gái
Yêu nước non giờ phải bốn năm tù
Cộng ba năm bị quản thúc tại gia tư
Chỉ vì tội nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam mãi mãi”
Đúng chẳng sai! nhưng đảng lại muốn Việt Nam câm điếc đui mù!


lykhách
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Maria Qua Các Thời Đại (17)
Vũ Văn An
20:28 16/02/2010
Chương mười sáu: Người Phụ Nữ Muôn Mùa – Và Muôn Lẽ

Vì này từ nay mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc

-Lu-ca 1:48


Gần suốt 20 thế kỷ qua, những lời trên của Kinh Ngợi Khen không ngớt trở thành sự thật, và chỉ có những kẻ xấu tính mới dám coi là không đúng. Nhìn trở lui nhiều đề mục và chủ đề của sách này, ta sẽ thấy nhiều phạm vi của lịch sử trong đó vai trò trung tâm của đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã là chìa khóa giải thích không thể thiếu được. Tầm quan trọng của Ngài như là chìa khóa ấy không tùy thuộc lòng tin hay không tin của người quan sát; vì ngay những người không có, hay không thể có lòng tin, chỉ cần nắm được đức tin của các thời đại khác cũng đủ để hiểu các thời đại này.

Không thể hiểu được lịch sử linh đạo và sùng kính của Phương Tây nếu không chú ý đến chỗ đứng của đức Trinh Nữ Ma-ri-a. “Lịch sử xã hội” của nhiều thời đại và nhiều nơi chốn khác nhau đã lôi cuốn được sự chú ý của rất nhiều sử gia quan trọng và có năng xuất nhất thuộc một hay hai thế hệ vừa qua. Bởi thế, thời ta là thời người ta quan tâm rất nhiều tới lịch sử cuộc sống hàng ngày và do đó tới “tôn giáo bình dân”. Các học giả từng cuồng nhiệt đi tìm một phương pháp luận có thể vượt lên trên sự thống trị của thứ “văn hóa cao cấp” để khám phá ra các niềm tin và thực hành nơi những con người đơn sơ và ít chữ nghĩa. Nhìn kỹ, một phương pháp luận như thế đã tự chứng tỏ là một vấn đề tế vi hơn là mới thoạt nhìn. Làm sao người ta có thể đọc ra chứng cớ sống sót, mà phần lớn chỉ tồn tại dưới dạng chữ viết, để dò tìm ra những tư liệu ẩn tàng (có khi còn dấu kín nữa) mà chứng cớ kia chứa đựng, nói về các giai cấp hạ đẳng cũng như các thành viên khác của đa số thầm lặng? Thí dụ, nhà sử học xã hội phải đọc các luật lệ của các thời đại khác ra sao? Việc lặp lại các ngăn cấm đối với một số thực hành có nhất thiết hàm nghĩa là các thực hành ấy được người dân thường vẫn còn tuân giữ, hay việc lặp lại ấy chỉ là bằng chứng cho thấy cái khuynh hướng cố hữu của luật pháp cứ để cho mình bám trụ trong sách khi các nhu cầu về nó đã biến mất và lý do đòi nó hiện hữu đã bị quên lãng? Bởi vì, trong trường hợp Giáo Hội, thành tố chính trong lịch sử tạo ra luật lệ thường mang hình thức phụng vụ, tuyên tín và tín điều, nên không biết các sử gia thuộc các thế hệ sau có nên tự động cho rằng điều các công đồng ấn định thành tín điều hay phụng tự thực sự có phải là điều những người dân thường vốn tin, giống như các nhà thần học và sử gia chính thống thường có khuynh hướng nghĩ như vậy hay không? Hay ngược lại, phải chăng như các sử gia thế tục hiện đang thường tự ý giả thiết, và chắc cũng chẳng hay hơn gì, rằng điều người bình dân thực sự tin chắc chắn rất khác với các tín điều và các tuyên tín và do đó, “ý nghĩa thực sự” của tôn giáo bình dân phải được tìm trong các phạm trù giòng giống, giai cấp, phái tính hay ở một nơi nào khác chứ không ở trong các tuyên tín và phụng vụ? Một trong các trách vụ chủ yếu đặc biệt đặt lên vai thứ lịch sử xã hội kia hình như cũng là đặt câu hỏi, và nếu có thể, ít nhất một phần trả lời cho các câu hỏi liên quan đến việc chuyển dịch các ý niệm và thực hành theo chiều ngược lại, nghĩa là từ niềm tin của người bình dân dẫn vào phụng vụ, tuyên tín và tín điều.

Ít nhất bên trong lịch sử Kitô Giáo, khó mà nghĩ được một chủ đề nào khác thích đáng hơn để thăm dò thái độ của nó đối với các vấn đề trên bằng đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Tại sao Ngài đã duy trì được ảnh hưởng của mình đối với phần lớn thế giới Phương Tây ngay trong thời tục hóa và ngay cả lúc đối diện với phong trào tuyên truyền bài bác tôn giáo và bách hại thẳng thừng thời Cộng Sản ở Đông và Trung Âu? Chắc chắn không phải vì Ngài là đối tượng của những công bố tín điều và tuyên tín long trọng kể từ những công đồng đầu tiên của Kitô Giáo, kể cả việc một vị giáo hoàng vừa công bố tín điều chính thức trước đó vào ngày 1 tháng 11 năm 1950. Một giải thích quan trọng hơn nhiều là: Ngài vốn là “người đầu hết trong trái tim đồng loại mình”, như câu nói thời danh của “Con Ngựa Nhẹ” Harry Lee nói về George Washington năm 1799. Các sử gia và những người theo chủ nghĩa so sánh (comparativists), ấy là chưa kể những nhà tuyên truyền và những chuyên viên bách hại, vẫn thường nhận xét về tính liên tục và dai dẳng của lòng sùng kính bình dân kéo dài từ thời này qua thời nọ, kể cả cái dai dẳng trong việc duy trì lòng sùng kính bên ngoài trong khi chính lòng sùng kính ấy đã chết từ lâu. Cũng không khôn ngoan nếu làm ngơ các thay đổi tế vi nhưng sâu sắc đối với ý nghĩa của ngôn từ và hành động trong các điều liên tục trên. Ta đã thấy, về khía cạnh này, lòng sùng kính đối với đức Ma-ri-a cung cấp cho ta khá nhiều thí dụ rõ rệt.

Xưa nay, hình thức sùng kính đặc biệt đối với đức Trinh Nữ Ma-ri-a vẫn là huyền nhiệm học. Ta hãy tạm để qua một bên cái vấn nạn còn đang được tranh cãi một cách sâu sắc là liệu hình thức sùng kính và ngôn ngữ huyền nhiệm kia có chỗ đứng hợp lẽ trong đức tin Kitô Giáo hay không. Nhưng nếu hợp lẽ, thì quả nó đã tìm được một số biểu thức sâu sắc nhất trong các lời cầu nguyện và thi ca dâng kính đức Nữ Trinh. Giống như nhà huyền nhiệm luôn có hoài bão vươn từ thể hữu hình lên Thể Vô Hình và từ sự vật trần gian lên sự vật thiên quốc thế nào, thì các lời cầu nguyện ngỏ cùng đức Ma-ri-a cũng khởi đi từ con người lịch sử đơn hèn và cuộc sống trần gian khiêm hạ của Ngài để vươn tới chỗ đứng đặc biệt của Ngài trong vương quốc Thiên Chúa cũng như vai trò độc nhất vô nhị của Ngài trong vũ trụ. Hơn nữa, cái nhìn huyền nhiệm về đức Ma-ri-a này không phải chỉ nhằm tới một hưởng thụ thụ động nhưng người ta tin rằng nó mang theo một sức mạnh biến đổi, làm những con người từng được diễm phúc nhìn ngắm Nữ Vương Thiên Đàng trở thành những kẻ hiến đời mình phục vụ Ngài. Trong chiều hướng ấy, Gerard Manley Hopkins, qua bài thơ đầy sức sống “Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Ví Như Không Khí Ta Thở”, đã nói về

Những Thành Nadarét Mới trong chúng con,

Nơi Mẹ vẫn đang tượng thai Người

Sáng, trưa, chiều tối,

Những Bêlem Mới, nơi Người sinh ra

Chiều, trưa, mai sáng –

Bêlem hay Nadarét,

Người trần gian hít Chúa Kitô

Như hơi thở và dẹp tan sự chết;

Đấng, sinh ra đã thế, để trở thành

Chân thân mới và làm con

Qúy phái hơn, trong mỗi người,

Trong từng người, khi mọi sự hoàn tất

Con cả Chúa lẫn Mẹ Ma-ri-a
(1)

Ở đây sự kết hiệp với Chúa Kitô mà thánh Phaolô từng đề cập tới khi ngài nói “tôi đã chịu đóng đinh với Chúa Kitô: nên tuy sống mà không phải tôi sống song Chúa Kitô sống trong tôi” (2) đã được mở rộng thành sự kết hiệp cả với Mẹ Ngài nữa, dù dưới hình thức quy Kitô cao độ. Vì cái khuynh hướng “bá láp tâm lý” (psychobabble) ngay nơi các nhà khoa bảng hiện nay, nên ta cần phải nói thêm điều này là thứ huyền nhiệm học về đức Ma-ri-a nói trên không hề giới hạn vào những người đàn ông độc thân như Gerard Manley Hopkins mà thôi, nhưng nó đã được cả đàn ông lẫn đàn bà, người có gia đình hay không, vun sới xưa nay.

Nhận xét trên có thể là bối cảnh thích hợp để ta xem sét ý nghĩa tâm lý học của đức Ma-ri-a. Và việc đầu tiên là xem sét tầm quan trọng của Ngài đối với phụ nữ. Như các giáo sĩ thuộc mọi hệ phái từng ghi nhận, phụ nữ là những người đầu tiên phục vụ Chúa Kitô vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh – và họ cũng cố gắng chứng tỏ là phụ nữ tiếp tục làm như thế vào mỗi sáng Chúa Nhật sau đó. Nhiều phụ nữ có quyền thế trong thời Trung Cổ được ta biết tới, chủ yếu và đôi khi duy nhất, là nhờ những điều nam giới ghi xuống từ họ hay viết về họ. Như các thị kiến của thánh nữ Birgitta Thụy Điển, mà trước đây ta đã nhấn mạnh, đã được lưu truyền bằng chữ La Tinh, và trong một ấn bản nhằm mục đích chứng minh việc Ngài xứng đáng được phong thánh. Hay hai điển hình thời thế kỷ thứ Tư... Đó là Thánh Macrina, chị ruột hai nhà thần học quan trọng nhất của Hy Lạp Phương Đông, tức các thánh Basil Caesarea và thánh Gregory Nyssa, người được thánh Gregory xưng tụng là adelphe kai didaskalos, “chị và thầy của chúng tôi” về triết học và thần học; và thánh Monica, thân mẫu thánh Augustinô, người đã dạy dỗ và chịu đựng các phá phách thời niên thiếu của vị thánh này, cho đến lúc thánh Ambrosiô thành Milan, người đã rửa tội cho chàng thanh niên Bắc Phi này, nói với thánh nữ rằng đứa con của bao nhiêu nước mắt ấy không thể nào hư mất được. Nếu ta có thể làm cho hàng triệu phụ nữ thầm lặng thời Trung Cổ lên tiếng được, thì chứng cớ do số bút tích ít ỏi cung cấp kia hẳn sẽ nói với ta rằng nhiều người trong số hàng triệu phụ nữ ấy luôn đồng hóa mình với khuôn mặt đức Ma-ri-a – với sự khiêm hạ của Ngài, đã đành, mà còn cả với sự thách thức và sự chiến thắng của Ngài nữa: “Chúa đã hạ bệ kẻ quyền thế, và hiển dương người khiêm nhường; cho kẻ đói khát no đầy, đuổi người giầu khó ra về tay không”. Và Chúa còn làm như thế một lần nữa.

Vì vai trò mà Ngài từng đóng trong lịch sử suốt 20 thế kỷ qua ấy, hơn bất cứ người phụ nữ nào trong lịch sử Phương Tây, đức Trinh Nữ Ma-ri-a trở thành chủ đề của nhiều suy nghĩ và thảo luận quanh vấn đề người đàn bà có nghĩa là gì. Tuy một số người cố tình bỏ qua, nhưng các giải thích về đức Ma-ri-a hay các mô tả bằng lời hay bằng tranh về Ngài quả có cho ta biết nhiều điều về ý niệm thế nào là một “người đàn bà”. Cùng với E-và, người mà Ngài thường được tương phản với, như E-và Thứ Hai, Ngài đã cung cấp chủ đề cho nhiều tác phẩm hay nhất cũng như tệ hại nhất trong lịch sử thăng trầm kia...Vì Đức Ma-ri-a là người Đàn Bà tuyệt hảo đối với phần lớn lịch sử Phương Tây, nên các nét tinh tế cũng như phức tạp trong việc giải thích con người và việc làm của Ngài đều chủ yếu đối với việc nghiên cứu vị trí người đàn bà trong lịch sử, một cuộc nghiên cứu hiện đang thu hút chú ý của cả giới bác học lẫn bình dân. Tuy nhiên, rất nhiều tư liệu qúy giá đã bị lãng quên.

Phần quan trọng nữa trong ý nghĩa tâm lý của đức Ma-ri-a là chức năng của Ngài như biểu tượng của các đức tính vốn được truyền thống coi là của người nữ. Mặc dù ngày nay người ta có thói quen đề cập đến Do Thái Giáo và Kitô Giáo như hai tôn giáo có tính “tổ phụ” (patriarchal) về luân lý cũng như về cách sống, nhưng trong hình dung của họ về Thiên Chúa, suy tư nghiêm chỉnh nhất thực ra lại vượt lên trên lối nhìn ấy. Vì, như thánh Gregory thành Nyssa từng nói, “quyền năng Thiên Chúa dù vượt xa bản tính ta và không có cách gì ta vươn tới được, nhưng cũng như người mẹ dịu hiền luôn dự phần vào những tiếng líu lo của con thơ, Người cũng ban cho bản tính ta những gì nó có khả năng tiếp thu được; và nhờ thế, qua nhiều lần tự mạc khải cho nhân loại, Thiên Chúa đã vừa thích ứng với con người vừa nói với họ bằng ngôn ngữ của chính họ” (3). Nhân vật mang chiều kích này trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa với nhân loại chính là con người đức Ma-ri-a. Điều ấy cũng làm Ngài trở thành nổi bật trong mối liên hệ giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác. Trong việc đối chất với các tôn giáo khác vốn coi trọng các thần minh cũng như các thần nữ, Kitô Giáo tìm thấy nơi đức Ma-ri-a một phương thế vừa khẳng định vừa sửa lại điều các thần nữ kia biểu tượng cho. Một biểu tượng rõ rệt nhất cho thấy Ngài thực hiện điều trên ra sao có lẽ đã xẩy ra tại thành Êphêsô như đã nhắc trên đây (4). Theo Tông Đồ Công Vụ, việc rao giảng của thánh Phaolô tại Êphêsô đã đem đến một đe dọa đối với các thợ bạc trong thành phố, là những người vốn kiếm sống bằng việc trang trí cho các đền thờ dâng kính nữ thần Artemis. Để chống lại thứ thần minh mới không có mặt mũi này, các thợ bạc trên đã khích động dân nổi loạn bằng cách hô to: “Điana Vĩ Đại của người Êphêsô!” (5). Và cũng chính tại thành phố Êphêsô này, năm 431, gần 4 thế kỷ sau, Công Đồng Chung Thứ Ba của toàn thể Giáo Hội đã long trọng ra sắc chỉ ấn định rằng Đức Ma-ri-a phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa, Theotokos.

Cũng còn một chiều kích nữa trong ý nghĩa tâm lý nơi đức Ma-ri-a, đó là chiều kích sư phạm. Trong hầu hết lịch sử giáo dục Kitô Giáo, ít nhất cho tới thời Cải Cách, cuộc đời các thánh luôn được dùng như khuôn mẫu đào tạo tính tình, và trong số các cuộc đời ấy, cuộc đời đức Ma-ri-a chiếm một vị trí độc đáo, tương hợp với vị thế độc đáo của Ngài trong kế hoạch Thiên Chúa. Mỗi nhân đức đặc trưng Kitô Giáo – hay “nhân đức đối thần” như người ta thường nói – từng được xác định trong Tân Ước là “tin, cậy, và mến” (6) và mỗi nhân đức cổ điển – hay “nhân đức chính” như người ta thường nói - vốn được Plato xác định và sau đó được bao gồm vào Sách Khôn Ngoan của Salômôn là “tiết độ và khôn ngoan, công bình và can đảm” (7) đều được thể hiện cách đặc biệt nơi đức Ma-ri-a. Gộp chung lại, bẩy nhân đức trên trở thành nền tảng cho giáo huấn luân lý. Nhưng nơi các thánh, và nhất là nơi đức Trinh Nữ Ma-ri-a, các nhân đức trên không phải để chiêm ngưỡng và trân qúy mà là để bắt chước làm theo. Các biến cố riêng rẽ trong Phúc Âm, nơi Ngài chỉ được nhắc sơ qua, vẫn có thể được khai triển thành những hướng dẫn để đào tạo tác phong làm vui lòng Chúa. Trên hết, Ngài là khuôn mẫu của nhân đức khiêm nhường, vốn được coi là nhân đức nền tảng cho Kitô hữu, và nhất là cho các các đan sĩ. Bản Phổ Thông bằng tiếng La Tinh dịch (hay cố tình dịch sai) lời Đức Ma-ri-a nói trong Kinh Ngợi Khen như sau: “Quia respexit humilitatem ancillae suae = Vì Người đã đoái nhìn đến sự khiêm nhường của tôi tớ Người”, (8). Còn bản New Revised Standard Version (có thể đúng hơn) đã dịch câu ấy như sau:”For he has looked with favor on the lowliness of his servant = Người đã thương nhìn đến phận thấp kém của tôi tớ”. Tuy nhiên dịch sai hay không, chữ humilitatem của bản Phổ Thông đã tạo cơ hội cho nhiều thăm dò sâu sắc nhất về ý niệm khiêm nhường này – không phải theo nghĩa qua đó Uriah Heep trong David Copperfield của Charles Dickens cho rằng “Tôi ý thức rõ tôi là người khiêm nhường nhất đang sống… Mẹ tôi cũng là người khiêm nhường. Chúng tôi sống trong ngôi nhà khiêm nhường”, mà theo nghĩa của thánh Augustinô khi ngài cho hay “Mọi sức mạnh đều có trong khiêm nhường, vì mọi kiêu căng đều mềm yếu mỏng dòn. Người khiêm nhường giống như tảng đá: xem ra nó nằm thấp dưới đất mà thực ra hết sức vững vàng” (9).

Đức Ma-ri-a quan trọng không phải về phương diện luân lý và cuộc sống mà thôi. Như một đảo ngược ngoạn mục nhất trong lịch sử ý niệm, cô gái quê khiêm nhường vùng Nadarét này đã trở thành chủ đề cho một cuộc suy luận thần học tuyệt vời và không tiếc lời nhất chưa từng có, mà một phần đáng kể đã được trình bày trong các trang của sách này. Một câu hỏi hấp dẫn cần đặt ra là vì lý do gì và bằng cách nào một chủ đề đặc thù nào đó đã “trở thành giáo thuyết”. Lý do không đơn giản chỉ vì nó được nhắc đến trong Thánh Kinh: có hàng trăm lời nhắc đến “núi non” trong Thánh Kinh và hàng trăm lời nhắc đến cỏ cây thú vật tại vùng Cận Đông; thế nhưng đã có ai dám nghiêm chỉnh gợi ý là vì thế mà cần phải có một ”học thuyết” về chim chóc, cỏ cây hay núi đồi đâu. Một trong những tiêu chuẩn có tính quyết định vì thế có thể là mối liên hệ giữa một chủ điểm đặc thù nào đó với các chủ đề cốt lõi của sứ điệp Thánh Kinh. Bởi đó, các thiên thần đã là học thuyết không phải chỉ vì các ngài được nhắc đến trong Thánh Kinh hay được nhận dạng là tạo vật của Thiên Chúa nhưng là vì: từ vị thiên thần được phái đến án ngữ tại cửa ra vào Vườn Địa Đàng đến vị thiên thần được sai đến an ủi Chúa Kitô trong Vườn Diệtsimani vào đêm trước khi Ngài chịu chết (10), các vị không những là sứ giả mà còn là các diễn viên, những dramatis personae, trên sân khấu Thánh Kinh; hai mảnh vườn, Địa Đàng và Diệtsimani, chỉ là phân cảnh tương phản trong cùng một vở kịch.

Những lời trong Tân Ước rõ ràng nhắc đến đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su, quả là ít ỏi về số lượng, và phần lớn hết sức vắn vỏi. Ngay cả nếu dùng hình tượng học hay biểu tượng học mà áp dụng vào Ngài những câu khác trong Thánh Kinh đi chăng nữa, thì số lượng kia tương đối cũng chẳng nhiều hơn bao nhiêu. Tuy nhiên, từ những minh chứng ít ỏi ấy, tư tưởng Kitô Giáo, hầu như ngay từ buổi đầu, đã được thúc đẩy để suy tư về các ý nghĩa ẩn tàng và nằm thật sâu cũng như các hệ luận tiềm ẩn của chúng. Các phương pháp suy tư này rất nhiều và đa dạng, nhưng trong cốt lõi, đều tạo thành một cố gắng đi tìm và lên công thức cho vị thế của Ngài bên trong các chủ đề của sứ điệp Thánh Kinh. So sánh với bất cứ con người phàm nhân nào khác, kể cả các tiên tri lẫn tông đồ và các thánh, ta thấy chưa ai được một phần nhỏ các suy tư sâu sắc về thần học như đã được dành cho con người đức Trinh Nữ Diễm Phúc Ma-ri-a. Như ta đã đọc qua suốt tác phẩm “Đức Ma-ri-a Qua Các Thế Kỷ” này, câu hỏi liên tiếp được đặt ra là tại sao và làm thế nào đã có chuyện từ một số tư liệu ít ỏi do Thánh Kinh Cựu và Tân Ước cung cấp kia lại đã được khai triển để trở thành cả một nền thánh mẫu học hoàn bị đến thế. Ngược lại, người ta cũng tự hỏi điều gì đã xẩy ra trong các hệ thống thần học kia, như các nền thần học của Thệ Phản kể từ thời Cải Cách chẳng hạn, trong đó, dù không bác bỏ tính cách độc đáo của việc Hạ Sinh Đồng Trinh ra Đức Kitô, nhưng chính con người đức Ma-ri-a đúng nghĩa lại không dành được một ý nghĩa đặc biệt nào. Vì kỳ cục thay, cả các hệ thống ấy cũng vẫn là một thành phần trong tầm ảnh hưởng không bao giờ bị đứt đoạn mà Ngài hằng liên tục tác động trên trí tưởng tượng của Phương Tây.

Dĩ nhiên, trí tưởng tượng ấy, trước nhất, đã tự phát biểu qua vị thế của đức Trinh Nữ trong lịch sử nghệ thuật, như đã được mô tả một cách đầy biểu tượng trong dạ khúc của dàn đại hòa tấu thiên thần do Bậc Thầy người Flamand thế kỷ 15 của Huyền Thoại Thánh Lucia sáng tạo ra một cách đáng yêu và sâu sắc. Từ rất nhiều tác phẩm từng được trích dẫn hay ám chỉ trên đây, ba tác phẩm sau đây cũng đủ để kết luận rồi. Trong số hàng trăm những dàn dựng đáng yêu về thể tài Kính Mừng Ma-ri-a, dàn dựng của Franz Schubert có lẽ là dàn dựng quen thuộc và được yêu mến hơn cả. Các tranh vẽ với chủ đề Đức Bà và Con Trẻ thường được thực hiện đến độ người ta có thể viết cả một cuốn lịch sử về ý niệm trẻ thơ dựa theo các tranh ảnh ấy. Và một trong những thánh đường vĩ đại nhất của Phương Tây chính là Nhà Thờ Đức Bà Cả ở Roma, được xây dựng như một đáp trả trực tiếp đối việc Công Đồng Êphêsô vào năm 431 tuyên bố rằng Ngài phải được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa. Như thế, quả còn phổ quát hơn điều Goethe muốn nói, “Người Nữ Muôn Thuở đã dẫn chúng ta hướng lên cao” (11).

_______________________________________________________________________________________________________________

Ghi Chú

1. W.H. Gardner chủ biên, Poems of Gerard Manley Hopkins, ấn bản thứ 3 (New York: Oxford University Press, 1948), 101.

2. Gl 2:20.

3. Thánh Grêgôriô thành Nyssa, Against Eunomium II.419.

4. Theodora Jenny-Kappers, Muttergottin und Gottesmutter in Ephesos: Von Artemis zu Maria (Zurich: Daimon, 1986).

5. Cv 19:23-41.

6. 1Cor 13:13.

7. Khôn Ngoan 8:7; Plato, Laws I.631C.

8. Lc 1:48 (Bản Phổ Thông).

9. Thánh Augustinô, Expositions on the Book of Psalms XCII.3.

10. St 3:24; Lc 23:43.

11. Faust, 12104-11.
 
Văn Hóa
Slideshow Nhạc Phẩm Người Là Bụi Tro của NS Phạm Đức Huyến và Vũ Đình Ân
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ớt Và Khổ Qua
Lê Trị
23:13 16/02/2010

ỚT VÀ KHỔ QUA



Ảnh của Lê Trị

Tục lệ Miền Nam của xứ ta

Tết đến nhà nhà canh khổ qua

Vì năm cũ gặp điều khổ quá

Mong Xuân này may chóng khổ qua!

(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền