Ngày 13-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhớ về gốc rễ cội nguồn
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:17 13/02/2010
Hằng năm mùa Xuân năm mới theo chu kỳ tuần hoàn trong vũ trụ trở về với đất trời, với lòng người. Chu kỳ tuần hoàn thời tiết đã được khắc ghi trong thiên nhiên như một chiếc máy tự động cứ đến thời điểm đó là hiển thị ra những điều, mà Đấng tạo Hóa đã tạo dựng khắc ghi từ thuở tạo thiên lập địa.

Đây là một kỳ công lạ lùng của thiên nhiên, như lời Thiên Chúa đã nói khi sáng tạo hoàn tất một công trình: Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra là tốt đẹp! (St 1,31)

Công trình sáng tạo thiên nhiên được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, tạo dựng, như cây cỏ thú vật con người, cũng đều có giới hạn về tuổi thời gian sinh sống tươi tốt trên mặt đất. Nhưng dẫu vậy chúng không bị tàn lụi biến mất xóa bỏ khỏi công trình thiên nhiên. Trái lại dòng giống hậu duệ của chúng vẫn còn tiếp tục nẩy sinh phát triển từ đời này sang đời khác.

Sở dĩ chúng vẫn tồn tại phát triển luôn mãi trong dòng thời gian cùng không gian vũ trụ được là vì chúng có gốc rễ ăn sâu, cùng hạt giống mang chứa mầm sức sống nòi giống luôn có nơi mỗi chủng loại. Và từ gốc rễ hạt giống đó dòng giống sự sống của các loài đã được tạo dựng tiếp tục truyền sinh nối tiếp.

Nơi thời tiết thiên nhiên cùng cây cối thảo mộc và thú động vật thì như thế, còn nơi sự sống con người thì sao?

Quan sát một cây nho mọc lên cành lá hoa trái tươi tốt trồi trên mặt đất là do những chùm rễ cây của nó ăn sâu xuống lòng đất cả hành tấc thước cung cấp thức ăn nuôi dưỡng. Những chùm rễ cây đó thẩm hút chất dinh dưỡng chạy lên nuôi thân cây cành lá hoa trái được phát triển xanh tươi chín mọng. Những chùm rễ cây ăn sâu dưới lòng đất đá giữ cho cây được đứng vững trải qua những cơn đợt nóng lạnh mưa gió. Từ trong vùng đất tối tăm yên tĩnh sức sống được thu tích cho cây nho phát triển vươn lên.

Nền đất càng cứng rắn chắc, rễ cây càng phải cố phát triển luồn lạch qua khe bò lan sâu xuống. Rễ cây càng ăn sâu xuống lòng đất, gốc cây càng vững chắc.

Đời sống của con người tuy hai chân đứng trên nền mặt đất di chuyển nơi này đến nơi khác dễ dàng nhanh lẹ, nhưng dẫu vậy họ cũng có gốc rễ.

Gốc rễ đời sống con người là dòng máu gia đình, theo cung cách định nghĩa khoa học y khoa là tế bào DNA, mà cha mẹ lưu truyền lại cho con cái từ khi thành hình sự sống trong cung lòng mẹ cha.

Gốc rễ con người là nền đào tạo giáo dục do cha mẹ khắc ghi vào đời sống con cái từ khi mở mắt chào đời.

Gốc rễ của con người là những thói quen thu tập học được trong tương quan với môi trường đời sống xã hội đất nước nơi sinh ra, nơi lớn lên và nơi làm việc sinh sống.

Những gốc rễ này của một con người làm cho đời sống họ phát triển lớn lên.

Trong suốt dọc đời sống, người nào có đời sống phải trải qua nhiều chông gai thử thách khó khăn, họ bắt buộc càng phải cố gắng vượt qua. Và như thế rễ cây đời sống của họ càng ăn sâu lan rộng ra cùng có thêm kinh nghiệm phấn đấu. Do đó đời sống họ càng thêm vững chãi trưởng thành.

Khi cây mọc trồi lên mặt đất, ta thấy cây cùng cành lá hoa trái của chúng, nhưng không nhìn thấy rễ cây ẩn khuất bên dưới lòng đất. Trong đời sống con người cũng có gốc rễ không nhìn thấy được bằng con mắt thường, không khảo nghiệm được qua thí nghiệm khám xét, nhưng chỉ có thể cảm nghiệm được thôi. Tựa như ban ngày ánh sáng mặt trời chiếu sáng, ta không nhìn thấy những vì sao trên nền trời, dù chúng vẫn có đó. Nhưng nếu để con mắt qua ống khói lò sưởi hướng lên trời, sẽ có thể quan sát nhìn thấy chúng giữa ban ngày.

Tương tự như vậy chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng là gốc rễ của đời sống con người luôn có mặt bên cạnh. Nhưng khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bị đe dọa, vướng vào cảnh buồn sầu đau khổ trong đời sống, lúc đó tâm hồn cảm nghiệm được sự gần gũi hiện diện của Ngài.

Rễ cây có thể định nghĩa là con số căn bản cho ẩn số lũy thừa như số 4 rút tỉa từ số 16 mà ra.

Nếu rễ cây là căn bản cho cây, cho đời sống con người thì không phải cây hay thân xác con người mang đỡ rễ. Nhưng rễ cây mang đỡ làm nên thân cây, xây dựng vun xới cho thân xác đời sống con người.

Tiên tri Geremia đã dùng hình ảnh một cây bén rễ sâu lan tỏa tới mạch nguồn nước để diễn tả về rễ cây lòng tin vào Thiên Chúa của một con người:

„'Phúc thay người đặt niềm tin vào Chúa, và có Chúa làm chốn nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, chẳng sợ chi khi mùa nóng đến, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi; gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, và không ngừng trổ sinh hoa trái.“ ( Geremia 17, 5-8).

Năm mới Canh Dần là khu vườn thời gian Thiên Chúa ban cho con người đang mở ra để chúng ta đi vào. Đi vào khu vườn thời gian năm mới với lòng tin tưởng cùng vui mừng hân hoan, nhưng không quên nhớ đến gốc rễ cội nguồn của mình.

Xin thắp sáng cây nến nguốn gốc rễ cho cây đời sống con người trong năm mới Canh Dần. Từ gốc rễ lành mạnh đó cây đời sống phát triển tươi tốt trong khu vườn sáng tạo của Thiên Chúa nơi trần gian.
 
Con đường ta đi
Thanh Thanh
10:33 13/02/2010
Con đường ấy là xây dựng con người trưởng thành, sẵn sàng cùng với Giáo hội dấn thân vào đời, gieo mầm tin yêu, thánh hoá cuộc sống, kiến tạo hoà bình, thiết lập gia đình của tình thương.

Con đường ấy là thái độ của người con ngoan hiền, hiếu thảo, là luôn tạ ơn Chúa, cám ơn nhau, hiếu thảo với cha mẹ.

Con đường ấy là sẵn sàng sám hối trở về, dù tình trạng là vui hay buồn, thánh thiện hay tội lỗi.

Khuôn mẫu giáo dục

Ta không nghe biết Mẹ Maria và thánh Giuse đã dạy con thế nào. Ngoài việc nhìn vào kết quả là: “Trẻ Giêsu ngày càng thêm khoẻ mạnh, đầy khôn ngoan, hằng được ân sủng cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Thêm khoẻ mạnh ở đây là nói về thân xác. Khôn ngoan là nói về trí thức. Còn ân sủng là nói về đạo đức.

Đức Giêsu đã được chuẩn bị thật kỹ lưỡng những yếu tố cần thiết để đến thời đến buổi, đi vào đời xây dựng thế giới tình thương.

Có sức khoẻ để hăng say tích cực cộng tác, làm việc, dấn thân.

Có trí thức để hiểu biết, suy xét, cân nhắc, chọn lựa và quyết định chính xác, đúng lúc, kịp thời.

Có đạo đức để biết rõ xấu tốt, thiện ác, và làm theo lương tâm ngay chính, đúng sự thật, công bằng, hợp ý Chúa. Đạo đức là chiếc bánh lái của con thuyền giúp nó có thể cặp bến một cách an toàn.

Đây chính là ba tiêu chuẩn để mỗi người phấn đấu, chuẩn bị, cùng là để đánh giá ai, hoặc gia đình nào có giáo dục con cái tốt hay chưa.

Gieo gì năm nay

Mùa xuân của ngày Tết tuy ngắn mà còn cần thiết, thì mùa xuân của tâm hồn càng cần thiết hơn. Bởi mùa xuân luôn giúp con người sống trong hy vọng. Hy vọng ngày mai tươi sáng, và giúp cho ta phấn đấu nhiều hơn, cũng như biểu lộ thái độ sống tích cực hơn như cởi mở chân thành, bác ái, chia sẻ, tha thứ, bao dung. Nếu lòng ta lúc nào cũng có mùa xuân, thì mỗi ngày sống trong đời ta chính là những ngày Tết nối tiếp nhau.

Hôm nay ta ra sao, là do chọn lựa của ta hôm qua thế nào. Tương lai ta thế nào, tuỳ thuộc vào chọn lựa của hôm nay ra sao?

Vậy năm mới, năm thánh này ta gieo gì? Gieo sự sống hay sự chết, tình yêu hay oán thù, đoàn kết hay chia rẽ, bình an hay bất hoà, cảm thông hay lên án, hoà bình hay chiến tranh, chia sẻ hay thu góp.

Vậy ta hãy,
Gieo thành thật, sẽ gặt lòng tin. Gieo lòng tốt, sẽ gặt thân thiện.
Gieo khiêm tốn, sẽ gặt cao thượng. Gieo kiên nhẫn, sẽ gặt chiến thắng.
Gieo cẩn trọng, sẽ gặt hoà thuận. Gieo chăm chỉ, sẽ gặt thành công.
Gieo chịu đựng, sẽ gặt thân thiện. Gieo nhẫn nhục, sẽ gặt cộng tác.
Gieo niềm tin, sẽ gặt hy vọng. Gieo hy vọng sẽ gặt vượt khó.
Gieo tình yêu, sẽ gặt sự sống. Gieo an bình, sẽ gặt bình an.
Gieo tha thứ, sẽ gặt thứ tha.
Nhưng nếu,
Gieo dối trá, sẽ gặt ngờ vực. Gieo ích kỷ, sẽ gặt cô đơn.
Gieo kiêu căng, sẽ gặt huỷ diệt. Gieo đố kỵ, sẽ gặt phiền muộn.
Gieo lười biếng, sẽ gặt ngu muội. Gieo cay đắng, sẽ gặt cô lập.
Gieo tham lam, sẽ gặt tổn hại. Gieo tầm phào, sẽ gặt kẻ thù.
Gieo lo lắng, sẽ gặt âu lo. Gieo lỗi tội, sẽ gặt tội lỗi.

Thái độ sống đẹp

Thái độ đẹp năng động, dấn thân, đầu tư. Đầu tư cho tương lai bằng cách bắt đầu từ hôm nay.

Thái độ đẹp là luôn tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh vui buồn cuộc sống, biết hiếu thảo với mẹ cha và cám ơn mọi người.

Thái độ đẹp của người con ngoan hiền luôn làm Chúa vui thích và cha mẹ hài lòng.

Thái độ khôn ngoan là cậy dựa ơn Thánh Thần, rồi dùng trí khôn ngoan với lòng đạo đức mà hành xử với nhau qua những nghĩa cử thân ái, cao đẹp, thánh thiện.

Thái độ đẹp này luôn là niềm an ủi cho Chúa và mẹ cha, người khác thì thích thú.

Thái độ đẹp này tạo ra một sức hấp dẫn, là chìa khoá thành công, là làm cho người khác thích gần gũi, thích giao lưu, trao đổi, tin tưởng và nhờ cậy. Bởi nó toát lên cái từ tâm phúc hậu, toát lên cái mát mẻ không phải của gió chiều, mà mát dạ mát lòng.

Thái độ đẹp là thể hiện các giá trị siêu nhiên qua cách thế tự nhiên. Như an uống, ngủ nghỉ, làm việc, gặp gỡ... Giá trị đời sau được bắt đầu từ đời này, hôm nay.

Trở về

Một gia đình kia được đánh giá là có nề nếp, có giáo dục. Nhưng người con lại cho đó là bị chèn áp, mất tự do, nên tìm cách thoát ra khỏi nhà.

Cô đi làm hết công ty này đến xí nghiệp kia, văn phòng này nhà máy nọ, làm ở đâu cũng không được lâu. Bởi cô cho rằng mọi người khống chế, bó buộc, nên muốn làm gì thì làm. Vui làm buồn nghỉ, cần thì đến không cần thì thôi…

Và, đến lúc cô không còn có thể sống ở chỗ nào được, nên đành phải trở về nhà. Cô vào nhà thoải mái, vì cửa không đóng.

Mẹ ơi, con đã về. Nhà mình đóng không đóng cửa, con sợ trộm vào lấy đồ đạc, con lo quá.

Mẹ cô mừng rỡ chạy ra, và ôn tồn trả lời: Không phải đâu. Từ khi con đi, cửa nhà chưa bao giờ đóng. Vì Mẹ sợ bất cứ lúc nào trở về thì không vào nhà được!

[Câu truyện: Cửa không đóng]

Con đường sám hối trở về là cơ hội để thăng tiến. Nhờ vậy, ta luôn được biến đổi đời sống mọi mặt: nhân bản, trí thức, đạo đức. Nhất là ơn kính sợ Chúa.

Thiên Chúa luôn mở rộng cửa trời để đón con người. Thập giá tình yêu đã minh chứng. Chúa Giêsu lúc nào cũng giang rộng cánh tay. Ngài không bao giờ khép kín từ tâm, càng không đóng cửa lòng lại với bất cứ ai cậy dựa và trở về với Ngài.

Nhưng điều quan trọng là ai trở về?

Nếu ta nhận ra Thiên Chúa, Giáo hội, Cha mẹ, gia đình, cộng đoàn, luôn yêu thương mình thì việc sám hối trở về không khó chút nào.

Hãy nhớ, Thiên Chúa luôn vui mừng khi ta trở về, dù tình trạng trong sáng hay đen tối, hanh phúc hay thất vọng. Ta cứ nhìn thẳng về Ngài mà tiến bước, mà ra khơi thả lưới tinh thương, và cũng luôn sẵn sàng trở về với bất cứ giá nào.
 
Vâng lời Thầy con xin thả lưới
lykhách
10:36 13/02/2010
Vâng lời Thầy con xin thả lưới
Dù cả đêm chẳng bắt được mẻ nào
Thuyền nhẹ tênh nhưng lòng buồn rười rượi
Biết mai này sẽ sinh sống làm sao?!

Vâng lời Thầy con xin thả lưới
Dù trắng đêm mệt mỏi vô cùng
Bên phải mạn thuyền vừa tung xuống dưới
Cá đâu chui đầy lưới sắp rách tung?

Leo lên bờ vội vàng mặc áo
Thấy lỗi vô cùng nghi ngại lưới gieo
Thầy mỉm cười rồi Thầy lại bảo
Bỏ lưới theo Thầy, con cũng liều

Vâng lời Thầy con xin bỏ lưới
Lưới cá chưa xong, Thầy lại bảo lưới người!
Xác thì khỏe nhưng hồn con yếu đuối
Nhưng quyết theo Thầy dù chưa biết chốn nơi

Rồi cứ thế con đi Thầy ạ
Bỏ biển lên bờ, bỏ hàng họ, tương lai
Nhưng có lần Thầy hỏi làm con buồn quá
Nếu bỏ Thầy giờ con biết theo ai?

Con hỏi thế, nhưng không phải là hỏi lại
Vì trong con, Thầy đã biết câu trả lời
Con bộc trực nghĩ sao nói vậy
Nhưng Thầy biết con thương Thầy lắm Thầy ơi!

Có lần Thầy chợt hỏi mọi người
“Thầy là ai?” con thảng thốt trả lời:
Thầy là con Thiên Chúa Trời hằng hữu
Thầy lại khen con: “chính Cha ta chọn ngươi!”

Dù là tin nhưng lắm phen yếu đuối
Có một lần Thầy đi trên biển khơi
Con tưởng là ma, nhưng nếu thực là Thầy cho con đi với
Đi được mấy bước con đã sắp chìm rồi!

Lần Thầy ngủ trên biển đêm sóng gió dữ
Thuyền sắp chìm Thầy vẫn ngủ, tàu nghiêng
Thức Thầy dậy, Thầy quát cho sóng gió
Lặng như tờ, rồi mắng con thiếu đức tin!

Rồi lần Thầy muốn vào Giê-ru-sa-lem
Nơi Thầy biết chắc sẽ bị đau khổ kiếm tìm
Con cản Thầy đừng đi, Thầy quay lại nghiêm:
“Sa-tan, lui lại đằng sau…” con đành im!

Biết thế, Thầy vẫn giao con chìa khóa
Cửa trên trời dưới đất con cầm canh
Thầy bảo giữ, thì con cố giữ đó
Nhưng lắm lo bao chuyện chẳng đặng đành!

Chợt trong bữa ăn Thầy đòi rửa chân cả bọn
Thầy rửa ai cũng mặc, nhưng nhất định không con!
Thầy bảo không cho Thầy rửa tức là con không muốn
Chung phần với Thầy! thôi thì rửa cả đầu, tay luôn!

Thầy nhớ không sau buổi ăn tối sau cùng
Hát thánh vịnh xong, lên núi Ô-liu chung
Con hứa không bỏ Thầy, Thầy bảo ba lần đúng
Con chối Thầy trước gà gáy bình minh!

Đêm cuối cùng có ai mà biết được
Ngoài riêng mình Thầy trong thổn thức khổ đau
Chúng con ngủ mê, Thầy gọi thức, lại ngủ
Chúng con bỏ Thầy trong giờ phút cuối sau

Rồi chúng đến giữa đêm đen với khí giới
Có Giu-đa dẫn lối tìm bắt Thầy
Hắn ôm hôn Thầy! ôi nụ hôn giả dối!
Con muốn cứu Thầy cùng chạy thoát khỏi đây…

Con rút kiếm chém đứt tai một đứa nào
Thầy bảo con hãy xỏ kiếm vào bao
“Kẻ dùng kiếm sẽ chết vì lưỡi kiếm”
Nhìn chúng bắt Thầy đi mà thổn thức nghẹn ngào!

Rồi chúng con đứa nào cũng chạy trốn
Con theo Thầy chỉ khuất bóng xa xa
Ơi hỡi Thầy ơi giờ Thầy trong nguy khốn
Nước mắt con cứ ứa xuống nhạt nhòa!

Nửa đêm hôm con theo vào dinh tòa
Dù giả vờ nhưng có đứa nhận ra
Chúng hỏi ba lần con chối cả
Và Thầy ơi con nghe tiếng canh gà!

Thầy nhìn con mắt buồn không trách móc
Con ra ngoài ngồi một mình khóc lóc
Vừa hứa với Thầy chỉ vào chiều hôm trước
Giờ lại chối Thầy mặt trời chưa kịp mọc!

Thôi thế thôi bây giờ thôi hết
Con theo chân Thầy lên đồi chết
Trở về đời bơ vơ con không biết
Sẽ làm gì cho hết kiếp Thầy ơi!

Nhưng sau ba ngày Thầy chợt phục sinh
Mộ đá kia khăn liệm còn nguyên bên
Con chạy ra không thấy Thầy yêu kính
Về Ga-li-lê Thầy hiện đến nguyên hình!

Thầy hỏi con mấy lần Thầy có nhớ
“Có yêu Thầy không?” con bảo yêu Thầy
Lần thứ ba con nghẹn buồn tiếng thở
Thầy bảo con hãy chăm sóc chiên bầy

Vâng,
Vâng lời Thầy con xin thả lưới
Dù đời con trôi góc biển chân trời
Con xin theo Thầy từ ban đầu đến cuối
Và học Thầy yêu để sống chết vì người!

Vâng,
Vâng lời Thầy con xin thả lưới
Hay Thầy bảo con làm gì đi nữa Thầy ơi!
 
Xin và tìm hạnh phúc nơi Chúa - Chúa Nhật Thứ 6 TN- Năm C
Phó tế GB. Maria Nguyễn văn Định
14:14 13/02/2010
A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau: (Reflections)

Bài đoc 1: Giêrêmia (17:5-8). Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương tựa.” (câu 7)

1/ Tại sao tôi không đặt tin tưởng vào người đời, mà tin vào Chúa?

2/ Khi đời sống bạn nương tựa vào Chúa, sẽ thấy gia đình thế nào?

Bài đọc 2: 1 Cor (15:12;16-20). “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (câu 19)

1/ Chia sẻ những hy vọng nơi Chúa khi tôi gặp đau khổ và thử thách?

2/ Chiến tranh, khủng bố, lụt lội… giúp bạn có ý niệm sống thế nào?

Tin Mừng: Luca (6:17; 20-26). “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ và xỉ vả và bị xóa tên…” (câu 22)

1/ Cho biết hạnh phúc tôi khi bị người ta oán ghét, vu oan vì Chúa?

2/ Bốn phúc và bốn họa trong bài Tin Mừng Chúa muốn nói về gì?

3/ Tại sao những đau khổ ở đời này lại giúp bạn có hạnh phúc thật?

B- Ý Chúa Thánh Linh muốn dạy tôi qua ba bài đọc trên:

1- Ích lợi khi tin Chúa: Nếu bạn tin hết vào người đời thì thật đáng nguyền rủa, vì tất cả mọi sự sẽ qua đi như hoa cỏ, bạn sẽ như buị cây trong bãi sa mạc, chẳng thấy được gì! như sống trong một đồng cháy. Còn khi bạn tin vào Chúa sẽ như một cây trồng bên dòng nước, chẳng sợ hạn hán và nóng nực, lúc nào cũng trổ hoa lá xanh tươi.

2- Đời sống mới trong Chúa: Cái hủy diệt được tội lỗi chính là đời sống đổi mới của bạn, đã tham dự vào sức sống lại của Đức Kitô. Vì nếu Ngài không sống lại thì tội lỗi vẫn còn nguyên, vậy sống lại là hoàn toàn đổi mới con người cũ. Người đời cho chết rồi là hết, cứ hưởng thụ đi. Nhưng Chúa là Đấng công bằng, có thưởng có phạt.

3- Chân dung người Tín hữu: Chúa dạy các môn đệ xưa là cho chính bạn hôm nay, về chân dung của người Tín hữu chân chính gồm bốn phúc và bốn hoạ. Bạn đã lãnh nhận ơn Chúa thì phải lấy tình yêu quảng đại mà đáp lại tình Chúa thương, vì những lời chúc mừng này đã được Chúa ban cho những ai đang đón nhận sứ điệp của Người.

4- Chuyện kể mẫu người tin tưởng và hy vọng: Corie Ten Boom sống sót qua quãng đời hỏa ngục của những ngày trong trại tập trung Đức Quốc Xã, đa số nơi đây mọi người đều mất hy vọng. Bà được sống sót kể lại đời mình trong một niềm tin không nao núng và hy vọng nắm chặt trong Chúa. Bà nhìn thấy gương mặt gian ác thật kề cận và riêng tư, bà chứng kiến một số hành động nhẫn tâm nhất mà con người đã làm đối với con người, Và khi thoát khỏi cảnh đó, bà nói: “Nếu nhìn vào thế giới, bạn sẽ đau đớn; nhưng nếu nhìn vào Đức Kitô, bạn sẽ được tràn trề bình an và hy vọng.” Lời Chúa trong sách Tiên tri Isaia nói: “Kẻ nào để trí mình nương tựa nơi Ngài, thì ngài cho kẻ ấy sự bình an trọn vẹn, vì kẻ ấy cậy nhờ Ngài.”.(Is 26,3)

* Bạn đang nhìn vào đâu? Bạn đang chú ý vào thế gian và những nguy hiểm của nó chăng? Bạn đang chú ý nhìn bản thân để hy vọng tìm ra lời giải đáp riêng chăng? Hay bạn đang nhìn vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng cuối cùng của đức tin bạn? (x. Do thái 12,1-2)

Ngày Tết Việt nam, Năm Mới người đời hay chúc nhóm từ: “mọi sự như ý, hay là “xin gì được nấy”. Tôi thấy, họ đã không chúc theo Lời Chúa dạy, vì nếu không được vừa ý, xin không được thì sao?

C- Câu Kinh Thánh đánh động bạn và tôi chọn Sống tuần này:

PHÚC CHO ANH EM KHI VÌ CON NGƯỜI MÀ BỊ NGƯỜI TA ÓAN GHÉT, KHAI TRỪ, XỈ VẢ VÀ BỊ XOÁ TÊN… (C.22)

(Blest shall you be when men hate you, when they ostracize you, insult you and proscribe your name as evil because of the Son of Man)

D- Bạn và tôi cùng dựa vào Lời Chúa Cầu nguyện và Sống:

Lạy Cha, Đức Kitô đã nói: Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải khóc. Xin dạy con biết chịu đựng vu oan, bỏ vạ, hiểu lầm, lên án vì Chúa, trong khi thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Xin mẹ Maria giúp con hoàn thành sứ vụ như Mẹ đã làm.

Hoa thơm cỏ lạ: HÃY CẬY NHỜ CHÚA RỜI NÚI CHO BẠN, NHƯNG HÃY TIẾP TỤC LEO./ Trust God to move your mountain, but keep on climbing.

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI. (Ga 3, 30)
 
Người Ăn Xin Cuối Năm Kỷ Sửu - Đầu Năm Canh Dần
Lm Francis Lý văn Ca
15:58 13/02/2010
Người Ăn Xin Cuối Năm Kỷ Sửu - Đầu Năm Canh Dần

Chiều nay, sau giờ họp Ban Phụng Vụ, để chuẩn bị chương trình cho Mùa Chay sắp đến, vừa đưa bài lên Vietcatholic vừa đọc những bài viết dịp cuối năm…. Tôi cảm nghiệm được những cái nghèo của Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam… trong những ngày cuối năm nầy qua nhiều bài viết thật xúc tích và cảm động.

Hình ảnh cụ già trên 80 tuổi mình quấn bằng những bao nylon chống lạnh, giữa đêm khuya gió buốt đi mò tôm mò cá bán để sống qua ngày… Nhìn những em bé gầy còm trên miền Cao Nguyên thuộc những vùng sâu, ngoài cái đen thui thủi do thiên nhiên, thế thời còn tạo thêm những cái nghèo nghiệt ngã.

Rồi từ miền Cao Nguyên - Trung Nguyên xuôi xuống miền Lục Tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long Giang…. đâu đâu cũng thấy cái nghèo của Dân Việt… Tôi lại được biết, có những em đệ tử, tu sinh từ miền Bắc vào miền Trung hay Nam tu học… những ngày cuối năm nầy, muốn về quê vui Tết bên mái ấm gia đình, làng nước, giáo xứ mà khốn thay những ‘du học sinh nầy’ lại nghèo, kèm thêm những nghiệt ngã của những chuyến xe ‘Xuyên Việt’ cuối năm; các bác tài, phụ xế càng ‘chặt-chém đẹp và thêm nhồi-nhét’ nữa… đã không có tiền để mua vé xe về quê Vui Xuân với gia đình thì làm gì có tiền để mua ‘Quà Xuân’ biếu ông bà, cha mẹ cha tỏ lòng thảo hiếu, cho em cho anh một chút hương vị của người về từ phương xa...

Trong những ngày nầy, tôi đọc nhiều bài viết về Xuân Dân Tộc - Mùa Xuân của Giáo Hội. Mỗi cách thức chuẩn bị đón Xuân khác nhau từ nhà giàu đến nhà nghèo, từ thành đển tỉnh. Từ phạm vi của Đất Nước đến vòng tròn của Giáo Hội. Tình cờ, hôm nay, tôi đọc thấy câu chuyện sau đây, cũng hay hay, thế là tôi mượn lại để đưa vào bài viết, có lẽ phần nào cũng ám hạp với tựa đề mà tôi đã chọn để viết về hình ảnh ‘Người Ăn Mày’ cuối năm Kỷ Sửu và đầu năm Canh Dần. Người Khất Sĩ đó vẫn còn đang đi Ăn Mày trong những ngày cuối năm nầy....

Cha Taulère thuộc Dòng Đaminh rất đạo đức và thông thái đã nài xin Thiên Chúa một điều là cho ai chỉ dạy cho cha con đường hoàn thiện. Sau 8 năm, Ngài được ơn soi sáng, "Hãy tới thánh đường... con sẽ gặp". Khi tới trước cửa thánh đường, nơi tiền đường ông gặp một người ăn mày đói rách tiều tụy, cha cất tiếng chào: "Chào ông, chúc ông may mắn!". Người ăn mày đáp lại: "Thưa cha, con đâu thấy con khổ bao giờ đâu". Cha Taulère liền nói: "Vậy tôi chúc ông sống hạnh phúc!" Người ăn mày mỉm cười đáp lại: "Con vẫn hạnh phúc khôn tả mà!". Cha hỏi lại người ăn mày: "Tôi chưa hiểu rõ ông nói gì?". Ngưòi ăn xin từ tốn cắt nghĩa: "Cha hãy chu toàn bổn phận, muốn mọi sự xảy ra như Chúa muốn: yêu mến, cảm tạ Chúa trong mọi sự xảy đến đó là hạnh phúc thật nơi trần gian". Cha Taulère hỏi lại người ăn mày: "Ông đã học bí quyết nầy ở đâu?". Ông trả lời: "Ở nơi Chúa, trong khi xa lánh tạo vật để cầu nguyện, lo lắng duy nhất là luôn kết hợp với Chúa. Đó là “Phúc Thật” Chúa hứa ban cho những người đặt niềm tin cậy vào Ngài".

Hình ảnh người ăn mày mà cha Taulère gặp ở một nhà thờ nọ làm tôi nhớ đến một người cũng đi ăn mày... mà tôi được gặp trong những ngày cuối năm nầy tại giáo xứ Chúa Chiên Lành ở Lockrigde... Câu chuyện được bắt đầu qua cuộc điện đàm như sau:

“Thưa Cha, con là.... đây... có một Linh Mục từ Việt Nam sang Perth, Ngài muốn đến thăm Cha được không?”

Tôi trả lời “Anh cứ đưa Ngài đến...” Khoảng một thời gian không lâu sau đó... người đã điện thoại cho tôi trước đây đã đến Nhà Xứ và cùng đi với anh, có một người mặc một bộ đồ màu đen giản dị.. tóc bạc hoa râm... vai mang 1 chiếc bị nhỏ, chân mang đôi giầy săn đan cũng già theo năm tháng... thật đúng như là một “Khất Sĩ”... dáng dấp đơn sơ, bình dân, mộc mạc...

Qua câu chuyện xã giao đôi phút, tôi được biết vị Linh Mục nầy là một Đan Sĩ thuộc Dòng Xitô - Đan Viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh, Thôn Rôn, Vĩnh Kim, Trà Vinh, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long. Tôi có hỏi Ngài lý do qua Perth nói riêng và đi một vài nơi khác thăm bà con hay thân nhân nói chung có phải vậy không? Ngài nói với tôi là: “Con đi ăn mày cha ạ!”. “Con đi ăn mày cho nhà Dòng của con”. Lòng tôi đăm chiêu suy nghĩ về người Linh Mục đang ngồi trước mặt tôi đây... Trong những ngày Người Lữ Khách nầy lưu trú tại Perth, nhà xứ của tôi được hân hạnh làm chỗ dừng chân của Ngài và cùng đồng tế với chúng tôi trong những thánh lễ thường ngày và chia sẻ tình anh em Linh Mục trong những buổi cơm đạm bạc. Mỗi ngày, sau thánh lễ sáng, ‘Đan Sĩ-Khất Sĩ’ tiếp tục hành trình Khất Thực cho Đại Gia Đình Xitô Thánh Mẫu Phước Vĩnh.

Ngày từ giã chúng tôi để đi ăn mày tiếp những nơi khác, trong chiếc áo dòng của Đan Viện Xitô, tôi nhìn thấy nơi Ngài hình ảnh của một vị Ẩn Tu thì đúng hơn. Với tu phục của Dòng Xitô, Ngài vào nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa và chào Cha già Daniel đang đọc kinh sáng trong Nhà Nguyện Thánh Thể với một cung cách khiêm hạ, khiến tôi chạnh lòng, là Ngài quỳ xuống xin phép lành của cha già Daniel trước khi đi Khất Thực tiếp phương xa.

Trước khi tôi đưa Ngài ra phi trường để đi Adelaide, Ngài để trên bàn làm việc của tôi lá thư của Đức Giám Mục Bản Quyền Vĩnh Long... một hàng chữ giới thiệu đã làm tội giật mình Lm Gioan Maria Vianey.... Bề Trên Dòng Xitô... và với tấm bưu thiếp nhỏ... Đan Viện Thánh Mẫu... tôi suy nghĩ miên man về Người Khất Sĩ đã ở trọ nhà của chúng tôi mấy ngày qua? Giờ tôi mới được biết Ngài là ai?

Trên đường ra phi trường, trong khoảnh khắc yên lặng, tôi suy nghĩ là có nên hỏi Người Khất Sĩ nầy vài câu hỏi hay không? Trong thâm tâm, tôi hiểu là Bề Trên của một Đan Viện sẽ được gọi là “Đan Viện Trưởng hay Đan Viện Phụ”... “Cha.... có thể cho con biết cha có Mũ và Gậy không?”. Trong khiêm tốn, ngập ngừng đôi chút, Ngài từ tốn đáp: “Ở Nhà Dòng thì con có Mũ và Gậy, cha ạ”. Đúng vậy, bất cứ một Đan Viện Phụ hay Đan Viện Trưởng nào cũng có Mũ và Gậy như Giám Mục nhưng “KHÔNG CÓ CHỨC GIÁM MỤC”

Sau khi Người Khất Sĩ đi rồi anh em Linh Mục chúng tôi mới nói với nhau.... Đúng ra là chúng tôi xin Người Khất Sĩ chúc lành cho anh em chúng tôi, hơn là Ngài xin một trong anh em chúng tôi ban phép lành cho Ngài.

Nhìn vào thực trạng của xã hội, nhân loại còn chia đôi: Người giàu và kẻ nghèo, trong đó bối cảnh xã hội xung khắc sâu xa. Trong bài giảng đầu tiên, Chúa đưa ra Bản Hiến Chương Nước Trời làm tan nát lòng người. Bát Phúc Chúa đưa ra đảo lộn hệ thống các giá trị trong cuộc sống hiện tại mà tiêu chuẩn và chiều kích không nằm trong những suy nghĩ của trần gian, nhưng là của một nước khác: Đó là Nước Trời. Tin Mừng chúng ta nghe cuối tuần nầy “Bát Phúc”, có lẽ nhiều người trong chúng ta thuộc nằm lòng ngay từ nhỏ. Đó là "Kim Chỉ Nam" Chúa dạy chúng ta biết sống đời tín hữu công giáo "Hạnh Phúc Thật" ở giữa trần gian, như câu chuyện người ăn mày chúng ta nghe hôm nay và câu chuyện “Khất Thực” của Đan Sĩ Dòng Xitô âm thầm Khất Thực cho anh em Đan Sĩ của mình cho dù năm cũ sắp hết Ngài vẫn còn trên đường Khất Thực...

Trong những ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Xứ của chúng tôi cũng tổ chức ‘Ăn Xin’ những đồ chơi, búp bê, gấu gòn, Kangaroo, Koala, trò chơi điện tử.... đủ loại trong Giáo Xứ để làm quà cho Các Em Khuyết Tật nơi Quê Nhà. Nhờ lòng quảng đại của giáo dân chúng tôi đã gởi 19 thùng đồ nầy qua hãng máy bay Qantas Air Cargo với giá ‘thương lượng nghĩa tình’. Các Chị Đa Minh Thánh Tâm Hố Nai đã cực khổ suốt một ngày làm mọi ‘thủ tục’ để lãnh những kiện hàng nầy cho dù là những quà cáp ‘không là mới’ nhưng phải ‘khai là mới’ để có thể lãnh ra kịp đem về phân phát cho các em Khuyết Tật trong dịp Mừng Xuân Canh Dần nầy. Trong những ngày nầy lòng quảng đại của giáo dân trong giáo xứ vẫn còn tiếp tục trao ban cho chúng tôi quà cáp. Chúng tôi sẽ sắp xếp để chuyển tiếp vào một thời gian nào khác thuận lợi.

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như những người con để Ngài yêu thương. Ngài đưa ra những nguyên tắc để chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài đối với anh em đồng loại... Đối với những người công giáo, Hiến Chương Nước Trời là một lời cảnh tỉnh người tin vào Thiên Chúa, tin có đời sau phải biết khôn ngoan vượt lên những kiềm tỏa của vật chất, của đồng tiền để xây dựng Nước Trời hôm nay ngay tại thế và mai sau là biết chia sẻ với anh chị em đồng loại, nếu Chúa ban cho chúng ta có điều kiện để chia sẻ.

Mùa Chay sắp đến trong tuần lễ nầy, Giáo Hội mời gọi con cái khắp nơi sống tinh thần Phúc Âm, như thánh Gioan đề nghị là sám hối tội mình. Do đó, phụng vụ của Mùa Chay sẽ nhắc nhở chúng ta ý nghĩa của phép rửa tội. Ý nghĩa đó đối với những ai đã được chịu phép rửa tội phải luôn sống đúng danh hiệu là Kitô hữu.

Mùa Chay là lúc Giáo Hội muốn kêu gọi con cái bốn phương - hãy canh tân cuộc sống và sống tinh thần Phúc Âm. Như thế, Mùa Chay đến không trừ một ai, đều được kêu mời trở về với Chúa, từ ngữ mà tôi rất thích dùng đó là “Dâng Hiến” lại cuộc đời của ta cho Chúa, ngay cả những yếu đuối của chúng ta. Hãy trở về với Chúa, nối kết lại cuộc đời chúng ta với Chúa, hãy xa lánh những gì có thể làm cho chúng ta xa cách Chúa, nhất là cuộc sống của xã hội hôm nay. Phải sống khiêm nhường, nhìn nhận cái yếu đuối của mình. Xin Chúa thứ tha những lầm lỗi và những thời gian xa cách Chúa và quyết tâm bắt đầu lại. Xây dựng lại tương lai và thương mến anh chị em theo tinh thần Chúa dạy. Đây cũng là ý nghĩa nền tảng của cuộc sống con người chúng ta. Như tinh thần tôi đã trình bày cho anh chị em trong bài viết nầy; đó là Tình Yêu Mến Quê Hương Dân Tộc, Hiếu Nghĩa Mẹ Cha. Tinh thần người Việt Nam dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều thực thi tinh thần Hiếu Đễ. Sự Hiếu Đễ đó cũng thể hiện qua lòng Bái Ái đối với Linh Mục Tu Sĩ, Giáo Xứ trong những nguồn trợ lực tài chánh hoặc công sức đóng góp vào những sinh hoạt Mục Vụ trong Đại Gia Đình Giáo Xứ.

Người Việt Nam có một đạo hiếu đặc biệt, không phải do Khổng Mạnh, nhưng do tự bản tính Việt Nam, thì chúng ta cũng sống đạo theo đức tính đó, đối với Chúa cũng như đối với anh chị em. Nói cách khác, từ con tim, từ cuộc sống mà chúng ta chu toàn chữ Hiếu Đễ. Nếu cuộc sống thực tế chúng ta áp dụng tinh thần Hiếu Đễ Việt Nam vào lãnh vực đức tin và đời sống tôn giáo thì tôi tin chắc sự sống đạo trong thế giới hôm nay sẽ không nặng nề và khó khăn. Nếu được như vậy thì tinh thần ăn năn sám hối của Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta làm phong phú hoá Đạo Hiếu Đễ của Nhà Việt Nam.

Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức để áp dụng trong Mùa Chay năm nay. Đó là: ăn chay, hãm mình, cải thiện đời sống, thực thi bác ái, chia sẻ và nâng đỡ người khốn khổ cơ bần, những ai kém may mắn hơn chúng ta.

Mượn một vài tư tưởng trong câu chuyện ‘Tấm Lòng Vàng’ của Thiên-Phúc (1995) để thay lời kết của bài viết nầy.

”Thế giới mỗi ngày có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói. Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói vì thiếu lương thực cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại.

Những người dư dật nhưng không biết san sẻ thì họ đang chết dần trong sự ích kỷ.

Con người cần có cơm bánh để sống. Nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống. Bởi vì ai sống trong tình yêu người ấy sống trong Thiên Chúa”.


Lời Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con khao khát gì trong cuộc sống nếu không phải là hạnh phúc và bình an. Xin cho chúng con ý thức rằng hạnh phúc và niềm vui ấy không nằm ngoài tầm tay của chúng con, mà trong mỗi lần chúng con chia sẻ và trao ban cho tha nhân. Amen.

Giao Thừa Kỷ Sửu-Canh Dần

13-14.2.2010
 
Lời Nguyện Năm Mới Canh Dần 2010, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
23:30 13/02/2010
Chủ tế:

Quý Ông Bà và Anh Chị Em Rất Thân Mến,

Năm cũ đã qua và năm mới đến, chúng ta hãy dành những giây phút quý báu đầu tiên của năm Canh Dần này để chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã thương ban cho chúng ta trong năm qua. Và giờ đây, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa Xuân những ý nguyện cầu cho năm mới, xin Ngài thương ban cho chúng ta.

1. Xin cho Đức Thánh Cha Bênêđictô, hàng Giám mục, quý Linh mục và Tu sĩ nam nữ được một năm mới dồi dào ân sủng và bình an của Chúa Xuân, để các ngài luôn hăng say trong sứ vụ Phúc Âm hóa và hướng dẫn Giáo hội sống theo chân lý của Chúa.

2. Xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam thân yêu của chúng ta, trong năm mới này biết dẹp bỏ sự thù hận, bất công và bạo động để xây dựng đất nước sống yêu thương, công lý và hòa bình đích thực theo tinh thần Giáo Hội mời gọi cầu nguyện và sống trong Năm Thánh này.

3. Xin cho Giáo Hội Việt Nam trong Năm Thánh này, được tiếp tục kín múc những ân sủng và ơn lành do Thiên Chúa và Mẹ La Vang ban cho, để phát triển và thăng tiến mọi mặt trong sự Hiệp Nhất và Yêu Thương.

4. Xin cho các vụ việc ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và Đồng Chiêm và những nơi khác có được hướng giải quyết tích cực, công bằng và hợp lý, cũng như cho các nạn nhân bị lăng mạ, kết án, trù dập, hay bị đánh đập thương tích trầm trọng sớm hồi phục, ổn định tinh thần và cuộc sống.

5. Xin cho mọi Kitô hữu trong năm mới này ý thức trách nhiệm và vai trò của mình là: Không chỉ xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn biết thánh hóa môi trường Giáo Hội và Xã hội ngày càng vững mạnh và thịnh vượng hơn.

6. Xin cho anh chị em trong Giáo Xứ/Cộng đoàn chúng ta, trong năm mới luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa và với mọi người. Nhờ đó, chúng ta luôn sống đoàn kết, thương yêu nhau và làm chứng cho Thiên Chúa bằng chính đời sống Đức tin, Đức cậy và Đức mến của mình.

7. Xin cho chúng ta luôn biết kính trọng và thảo hiếu với ông bà, cha mẹ của chúng con đã dầy công sinh thành dưỡng dục. Xin Chúa chúc lành và ban cho các ngài được hồn an xác mạnh để sống đầm ấm và an vui với con cháu trong năm mới này.

8. Xin cho mọi người chúng con cũng biết sốt sắng tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân, ân nhân đã qua đời và các linh hồn mồ côi. Xin Chúa thương nhận tất cả các linh hồn vào hưởng Mùa Xuân vĩnh cửu trên thiên đàng với Chúa.

Chủ tế:

Lạy Cha là Chúa của Mùa Xuân trường cửu, xin thương ban cho chúng con cuộc sống bình an và hạnh phúc mà chúng con luôn chúc cho nhau nhân dịp đầu năm mới. Xin Chúa cũng thương nhận những lời nguyện của chúng con và rộng ban muôn ơn lành hồn xác cho chúng con trong năm mới này. Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Giêsu Kitô, Amen!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lời Chúc Tết và Phép Lành của ĐTGM Barry James Hickey Tổng Thư Ký HĐGM Úc dành cho độc giả VietCatholic
+ Archbishop Barry James Hickey
03:22 13/02/2010
VietCatholic xin trân trọng giới thiệu với quý vị độc giả Đức Tổng Giám Mục Barray James Hickey của tổng giáo phận Perth, thư ký Hội Đồng Giám Mục Úc.

Trước thềm năm mới, ngài chúc mừng Tết đến hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam và đặc biệt ngài gởi đến quý vị độc giả của VietCatholic lời Chúc Mừng Năm Mới và Phép Lành.


Dear VietCatholic Network and viewers, The Church of Vietnam, Cardinals, Archbishops, Bishops, Priests, Religious and my dear Catholic people Chúc Mừng Năm Mới – Happy New Year.

I am privileged to have been asked by VietCatholic Network to deliver this short New Year Message and Blessing for 2010.

As the Archbishop of Perth, I have been very fortunate to have known the faith and support of the Vietnamese Catholics for many years.

In the late 1970’s, my first contact with the Vietnamese people was through assisting many refugees fleeing Vietnam.

Many of these refugees were Catholics. You brought with you a faith soaked and enlivened in the blood of the Vietnamese martyrs of centuries past and of more recent times.

The Archdiocese of Perth, as with other dioceses in Australia, has been abundantly blessed by the presence of Vietnamese Catholics. You have paid dearly for your freedom and are noted for your generosity.

This generosity can be seen in the witness of many young Vietnamese men and women who have left everything to follow the call of Christ to be priests and religious.

In recent times, the generosity of Vietnamese Catholics has been evident here in Perth through your financial support towards the completion of St. Mary’s Cathedral.

I wish to take this opportunity to express my sincere appreciation for your generosity.

New Year is the time to gather with family and wish them security, good health, and prosperity. So may I say to you in Vietnamese An Khang Thịnh Vượng (security, good health, and prosperity).

And may Almighty God bless you all, the Father, the Son and the Holy Spirit. Amen.

Mạng lưới VietCatholic và quý vị độc giả thân mến, Giáo Hội tại Việt Nam, các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và anh chị em giáo dân rất thân mến.

Chúc Mừng Năm Mới.

Tôi rất vinh dự được mạng lưới VietCatholic mời gởi lời Chúc Mừng Năm Mới 2010 và Phép Lành đến anh chị em.

Với cương vị Tổng Giám Mục Perth, trong nhiều năm qua tôi đã may mắn nhận thấy nơi người Việt Công Giáo đức tin và sự nâng đỡ của họ.

Tiếp xúc đầu tiên của tôi với người Việt Nam xảy ra vào cuối thập niên 1970 qua việc trợ giúp những người Việt tỵ nạn.

Nhiều người Việt tỵ nạn là người Công Giáo. Anh chị em mang đến mảnh đất Úc Châu một đức tin ướt đẫm và được làm cho sống động bằng máu các vị tử đạo Việt Nam qua hàng bao nhiêu thế kỷ cho đến gần đây.

Tổng giáo phận Perth cũng như các giáo phận trên toàn cõi Úc Châu được chúc phúc dồi dào bởi sự hiện diện của người Việt Công Giáo. Anh chị em đã trả giá đắt cho tự do của mình và mọi người nhận thấy sự quảng đại nơi anh chị em.

Sự quảng đại này có thể thấy nơi chứng tá của nhiều thanh niên nam nữ người Việt đã bỏ lại sau lưng họ mọi thứ để nghe theo tiếng gọi của Chúa Kitô trở nên các linh mục và tu sĩ.

Gần đây, sự quảng đại của người Việt Công Giáo còn được thể hiện rõ nơi đây, tại thành phố Perth này, qua sự nâng đỡ tài chính cho việc hoàn thành Vương Cung Thánh Đường Đức Bà.

Tôi muốn nhân cơ hội này để bày tỏ lòng tri ân chân thành trước sự quảng đại của anh chị em.

Năm Mới là thời gian để xum vầy với gia đình và cầu chúc cho họ một năm an bình, dồi dào sức khoẻ và thịnh vượng. Vì thế, xin cầu chúc anh chị em bằng tiếng Việt: An Khang Thịnh Vượng.

Xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc phúc cho anh chị em, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
 
Quyết tâm đầu năm âm lịch của các nhà lãnh đạo tôn giáo Hong Kong
Phụng Nghi
08:08 13/02/2010
HONG KONG (Zenit.org).- Giám mục Tong Hon giáo phận Hong Kong và các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương tuyên bố rằng các tôn giáo nên chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Những nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo tại địa phương, gồm Phật, Khổng, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo và Lão giáo, đã khẳng định điều đó trong một thông điệp nhân ngày Tết âm lịch được cử hành vào Chủ nhật 13 tháng 2.

Trong thông điệp, Giám mục Tong nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo nên cổ võ “sự phát triển tâm linh, dựa trên đức tính khiêm tốn, lòng biết ơn, sự tha thứ và tình yêu thương. Khi củng cố được đức tin tôn giáo, chúng ta hy vọng rằng con người sẽ từ bỏ lối sống tội lỗi và cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho nhân loại.”

Thông điệp đề ngày 8 tháng 2 và sẽ được phổ biến vào dịp Tết nguyên đán.

Các nhà lãnh đạo đã xác định mối quan tâm chung về “giới trẻ, đang sống một cuộc sống buông thả…, có hạnh kiểm tồi tệ, chẳng hạn sa vào vòng nghiện ngập ma túy và do đó hủy hoại cả tương lai, bán cả bạn bè để lấy tiền mà không chút hổ thẹn, và khuyến khích việc tự tử hàng loạt qua Internet.”

Hội nhập văn hóa

Tết âm lịch cũng mang lại cho Giáo hội địa phương một bài học về hội nhập văn hóa.

Vì Thứ Tư Lễ Tro năm nay rơi vào ngày mùng 4 Tết (17 tháng 2 dương lịch), nên Giáo hội Hong kong miễn cho giáo dân khỏi phải ăn chay và kiêng thịt vào ngày đó. Tuy nhiên họ phải chọn các hình thức đền tội thích hợp hay thực hiện một vài việc bác ái, theo đúng tinh thần đền bù tội lỗi của mùa Chay.

Cũng vì lý do có các lễ lạc đầu năm âm lịch, nghi thức xức tro ở Hong Kong cũng được hoãn cho tới ngày 24 tháng 2 (trong thánh lễ) hoặc ngày 26 tháng 2 (trong lúc đi Đường Thánh giá).
 
Ngày các Bệnh Nhân: Thánh tích Thánh Bernadette viễn du tại Vatican
Bùi Hữu Thư
16:24 13/02/2010
Rôma, Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010, (Le Monde vu de Rome) – Ngày bệnh nhân quốc tế được cử hành ngày 11 tháng 2 và chấm dứt bằng cuộc hành hương cổ truyền với các bệnh nhân của Unitalsi (Hiệp hội quốc gia Ý về việc chuyển vận các bệnh nhân tới Lộ Đức và các linh địa quốc tế), tại Đường Via della Conciliazione ở Rôma, trước sự hiện diện của các thánh tích của Thánh Bernadette Lộ Đức (xem Zenit, 5 tháng 2, 2010.) Hàng vạn người bệnh và tình nguyện viên đã tham dự vào cuộc rước đuốc này, theo nhịp bài Ave Maria của Lộ Đức. Cuộc rước này chấm dứt tại quảng trường Thánh Phêrô với một lời chào mừng ngắn gọn của Đức Thánh Cha Benedict XVI, theo bản tin của Radio Vatican.

Đức Thánh Cha khẳng định trước khi nói với các bệnh nhân và ban phép lành cho họ: “Xin cảm ơn các kinh nguyện của quý vị, cám ơn tình thương quý vị dành cho các bệnh nhân, và cho Thiên Chúa!”

Cuộc rước đã chấm dứt với hàng loạt pháo bông rực rỡ chiếu sáng cả quảng trường Thánh Phêrô.

Được thành lập năm 1903, Unitalsi là một hiệp hội các tín hữu nhờ các công trình bác ái, muốn cổ võ cho đời sống con người và đời sống tâm linh của các thành viên, để phát triển một hoạt động truyền giáo và mục vụ, cho các bệnh nhân và người khuyết tật.

Ngày nay, Unitalsi có trên 100.000 thành viên. Họạt động chính là tổ chức các cuộc hành hương tại các nơi thánh điạ như tại Lộ Đức, Fatima, Banneux, và Đất Thánh, là nơi các tham dự viên, những người mạnh khỏe phụ giúp, và cả những người bệnh và khuyết tật có thể chung sống và có chung cảm nghiệm về đức tin.

Từ nhiều năm nay, tổ chức Ý này đã thực hiện ngoài các cuộc hành hương, nhiều sáng kiến có tầm vóc thiêng liêng và xã hội to lớn. Các sự yểm trợ tại tư gia, những trại hè và trại mùa đông, các dự án dịch vụ dân sự, các dự án có tính chất xã hội liên quan đến việc bảo vệ dân sự; đây là một số các hoạt động được tổ chức trên toàn lãnh thổ nước Ý với mục đích vượt thắng mọi hình thức loại ra ngoài lề xã hội, và kỳ thị những ai sống trong các hoàn cảnh thiếu thốn trên bình diện xã hội, văn hóa, thể chất và tài chánh.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn CGVN khu vực Miền Tây Melbourne dự Thánh lễ đón giao thừa
Trần Văn Minh
08:52 13/02/2010
MELBOURNE - Vào lúc 21 giờ Ngày 13 Tháng 2 Năm 2010, tức 30 âm lịch. Cộng đoàn Công giáo Việt Nam thuộc hai Giáo xứ Our Lady và Saint Martino De Porres đã dự Thánh lễ đón giao thưà mừng Năm mới Canh dần tại nhà thờ Giáo xứ Thánh Martino.

Hình ảnh Melbourne đêm giao thưà Xuân Canh Dần 2010

Buổi lễ rất long trọng với tám linh mục Úc Việt nam cùng đồng tế. Trên cung Thánh, chúng tôi nhận thấy có linh mục Chánh xứ Thánh Martino cha Tony, Cha tuyên úy cộng đoàn Lê Văn Sơn, cùng với các cha khách là quý cha Lê Văn Hưởng, cha Lê Thành Nhân, cha Bình, cha Sang, cùng hai cha Tâm và Toàn.

Trong phần chia sẻ lời Chuá. Linh mục Lê Văn Hưởng là cha linh hướng Đại chủng viện cuả TGP Melbourne đã dí dỏm ví von biểu tượng con cọp cuả năm mới Canh Dần, với lời chúc cổ truyền dân tộc, đầy yêu thương bác ái cuả dân con Chuá đối với tha nhân, cùng những lời chúc lành, những ân sủng Chuá thương ban cho mọi người trong năm mới.

Phần Thánh ca do liên ca đoàn hai giáo xứ đã làm buổi lễ thêm long trọng với những bản hát Xuân dâng lên Thiên Chuá, Chuá cuả muà Xuân, nhiều bản được tập luyện công phu với những âm hưởng dân ca thật đặc sắc. Với tiếng đàn và Violon thật điêu luyện được chen kẽ những tiếng pháo điện làm cho muà Xuân cuả những người xa xứ cảm nhận cái tết dân tộc gần gũi và ấm cúng hơn.

Sau những lời chúc mừng Xuân mới tới quý Cha và Cộng đoàn, lời chúc mừng cuả Cha tuyên uý đến mọi người và dâng quà tết đến quý cha đồng tế. Đây là lúc mà mọi người đón nhận và rước lời Chuá qua lộc Xuân về với gia đình. Lời Chuá sẽ hiện diện và ở với các gia đình trong năm mới Canh Dần với nhiều hy vọng và ơn an bình luôn mãi.

Để đánh dấu kỷ niệm mừng năm mới trong Thánh lễ đón giao thưà Năm Canh Dần. Sau Thánh lễ, cộng đoàn tổ chức một buổi văn nghệ và tiệc nhẹ mừng Xuân do các thành viên trong ca đoàn phụ trách, rất nhiều tiết mục đặc sắc như hợp ca, đơn ca, cả phần táo quân, đặc biệt là táo bà do ca viên Trúc với áo mão cân đai cẩn thận, giúp cho buổi văn nghệ thật hào hứng.

Ngoài ra cũng có muá lân do con em các ca viên tự biên tự diễn, với đầy đủ lân và ông điạ tự làm, biến buổi văn nghệ mừng Xuân vui như Tết.

Mọi người tham dự đã cùng đóng góp chia sẻ thức ăn, thức uống, vui thưởng thức văn nghệ và đây cũng là dịp để mọi người chào hỏi, thăm nhau nơi hội trường, chúc mừng năm mới trong tình thân mến cuả muà Xuân trong hồng ân Thiên Chuá.
 
Thánh lễ Giao Thừa Tết Canh Dần 2010 tại Sydney
Diệp Hải Dung
09:01 13/02/2010
SYDNEY - Tối thứ Bảy 13/02/2010 (30 Tết Âm Lịch) thời tiết Sydney mưa suốt nguyên ngày, nhưng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney vẫn tổ chức Thánh lễ Giao Thừa tạ ơn và mừng Xuân Canh Dần 2010 tại công viên Paul Keating Park - Bankstown.

(Xem hình Thánh lễ Giao Thừa)

Khai mạc Thánh lễ Cha Tuyên Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi và Cha Mai Đào Hiền đến trước bàn thờ Tổ Quốc Việt Nam có Hài Cốt của Các Thánh Tử Đạo dâng lên nén hương kính nhớ các bậc Tổ Tiên và các Tiền Nhân Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Sau đó Cha Tuyên úy Trưởng ngỏ lời chúc mừng Năm Mới đến với mọi người, Cha nói rất cảm kích mọi người đã không quản ngại mưa gió đã đến đây che dù tham dự Thánh lễ và Thánh lễ hôm nay xin mọi mọi người hiệp ý cầu bình an cho Thê Giới và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa.

Sau đó quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ, vì thời tiết mưa gió giáo dân đứng che dù dưới mưa nên phần thuyết giảng được miễn và trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Hoàng Đức Tính Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời chúc mừng Năm Mới và cáo lỗi với mọi người hôm nay vì lý do thời tiết nên màn đốt Pháo và bắn Pháo Bông mừng Xuân tạm hủy bỏ xin hẹn vào dịp Thánh lễ khác. Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng ngỏ lời cám ơn khen ngợi Ca đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị Giáo đoàn Fairfield và Ca đoàn Giới Trẻ Hồng Ân đã hát rất hay tạo cho Thánh lễ hôm nay thêm long trọng và sốt sắng.

Thánh lễ kết thúc, quý Cha rời Lễ đài đến mới mọi người vừa chúc Tết vừa phát Lộc Thánh đầu năm rất vui tươi và niềm nở trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô “Chúa của Mùa Xuân.”
 
Phóng sự Giao Thừa Canh Dần tại Adelaide
Jos. Vĩnh SA
17:17 13/02/2010
CĐCGVN -Nam Úc, Thánh Lễ Đón Giao Thừa, Tết Canh Dần

Tối thứ Bảy ngày 13 tháng 02 Dương Lịch, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc đã tổ chức Thánh Lễ đón Giao Thừa, mừng Tết Canh Dần.

Thánh Lễ do Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế, cùng đồng tế có Lm. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm, Lm. Lee Jong Jin Tuyên Uý cho người Đại Hàn và Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm đang tu nghiệp tại San Francisco, Hoa kỳ, về ăn Tết với gia đình cùng đến tham dự Tết Nguyên Đán với Cộng Đồng Việt Nam, và cũng có thêm các nữ tu Việt Nam và Úc đang phục vụ trong TGP Adelaide, cùng với một vài nữ tu Dòng Đa Minh từ Việt Nam sang Úc du học cũng hiện diện trong Thánh Lễ.

Vì là Thánh Lễ Đêm Giao Thừa và tối thứ Bảy cuối tuần, nên giáo dân tới rất đông. Có khoảng trên 2,000 người đến tham dự. Giáo dân đã ngồi chật cứng trong Hội Trường tràn ra cả phía ngoài.

Mở đầu Thánh Lễ đoàn đồng tế gồm có các bô lão, vận áo tấc khăn đóng và chủ tế đoàn, từ cuối hội trường tiến lên trước bàn thờ, sau đó ban tế lễ Cộng Đồng do Đức ông Minh Tâm chánh tế đến trước bàn thờ Tổ Tiên dâng nhang, tế lễ quốc tổ.

Ban Tế Lễ
Trước khi kết thúc Thánh Lễ ông Chủ Tịch Cộng Đồng đã lên chúc Tết Ban Tuyên Úy, quí Cha khách, quí tu sĩ nam nữ và toàn thể Cộng Đồng. Sau đó Ban Mục Vụ và Cộng Đồng đã tiến Lỡi chúc Tết chủ tế đoàn và các tu sĩ nam nữ, mỗi người một tấm bánh chưng Việt Hương để mừng Xuân.

Sau Thánh Lễ Đức Ông Minh Tâm làm phép cây Lộc Xuân, rồi Ngài tiến tới cây Lộc Xuân, hái 3 quả Lộc Xuân: Một cho Cộng Đồng, một cho chính cho Đức Ông và một cho Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson (vì ĐTGM đang họp ở Roma, Ngài không về kịp).

Các Lộc Xuân được thực hiện bằng những câu Kinh Thánh song ngữ Anh và Việt, để làm kim chỉ nam cho mỗi cá nhân trong suốt năm..

Sau khi Đức Ông Minh Tâm hái Lộc Xuân, Ngài mở ra và công bố Lộc Xuân của Cộng Đồng:

"Hạnh phúc thay cho những người kính sợ Chúa và ăn ở theo đường lối của Người".

"Happy is everyone who fears the Lord, who walks in his ways". (Tv 128, 1)

Sau đó Đức Ông Minh Tâm hái Lộc Xuân cho chính Đức Ông, rồi đến các Cha khách và tu sĩ nam nữ cũng lần lượt lên hái Lộc Xuân. Các Cha khách sau khi hái Lộc Xuân đã tự mở và công bố trước Cộng Đồng.

Riêng Lộc Xuân của Đức Tổng Mục, do Đức ông Minh Tâm hái giùm đã được giữ kín và gửi về Toà Tổng Giám Mục, đợi tới khi Đức Cha về, Ngài sẽ tự mở.

Sau Thánh Lễ mọi người lên hái Lộc Xuân và sau đó ra sân giải lao Cánh Buồn uống cà phê, trà đàm và đón Xuân, trao đổi những lời chúc Tết với nhau.


Tiếng Trống Khai Xuân


Tiếng Chiêng Đón Tết
;

Chủ Tế Đoàn


Ban Tế Lễ


Chủ Tế Đoàn và Ban Tế Lễ
 
Thánh lễ giao thừa Xuân Canh Dần tại Giáo xứ Vinh Sơn hạt Chí Hòa
Maria Vũ Loan
18:03 13/02/2010
SAIGÒN - Vào tối ngày 30 tháng chạp năm Kỷ Sửu, hầu hết các nhà thờ ở Việt Nam đều cử hành thánh lễ trong tâm tình tạ ơn và xin ơn trước một thời khắc đáng nhớ mà con người chọn: phút giao thừa, và một khoảnh thời gian sống 365 ngày.

(Xem hình ảnh Lễ giao thừa)

Giáo xứ Vinh Sơn 3, hạt Chí Hòa, Sài Gòn cũng cử hành thánh lễ giáo thừa như nhiều nhà thờ khác song có những nét riêng của một cộng đoàn có nhiều giáo dân biết yêu thương và phục vụ.

Trước thánh lễ,vị phó Hội Đồng Mục Vụ là ông Tạ Đình Nha thay mặt cộng đoàn nói lên tâm tình thiết tha trước những gì đã qua, những điều sẽ đến trước một Thiên Chúa yêu thương và thân thiện với mọi người. Một vẻ trịnh trọng quen thuộc từ cách đọc, cách diễn đạt cảm xúc toát ra từ ông trùm này; có lẽ đây là sự trịnh trọng cần thiết trong những phút giây linh thiêng nơi thánh đường. Những lời ông đọc không phải là một “sớ Táo Quân” báo cáo lên thiên đình những việc giáo xứ đã làm trong năm qua, nhưng mọi người ngầm hiểu hết các công trình của giáo xứ về vật chất cũng như tinh thần như sơn quét nhà thờ, làm việc bác ái xã hội, đào tạo giáo lý viên, chăm sóc thiếu nhi…

Nghi thức cử hành thánh lễ vẫn bình thường. Khi kinh Vinh Danh được cha chủ tế và cộng đoàn cất lên thì tiếng chuông nhà thờ cũng vang dội; người giáo dân nào dự lễ cũng cảm thấy một chút gì đó xúc động, một chút gì đó phấn khởi, một chút gì đó hy vọng… trong tấm lòng của mình. Đêm hôm nay, tuy các hàng ghế không đông đúc bằng các ngày lễ trọng khác nhưng một sự ấm cúng lan tỏa nối kết mọi người như trong một gia đình thân thiết, mà có lẽ linh mục chánh xứ cảm thấy ấp áp hơn cả khi quây quần với một cộng đoàn mà Chúa trao trách nhiệm.

Chính vì thế mà trong bài giảng, cha chánh xứ Giuse Nguyễn Minh Khôi đã nói lên ý nghĩa của bài Tám Mối Phúc Thật rất hay với các tiểu đoạn nói về tinh thần nghèo khó, thái độ của người ta đứng trước sự may mắn hay rủi ro trong đời sống thường ngày. Có hai chuyện thời sự được cha đề cập đến: người được coi là giàu có nhất hiện nay là ông Bill Gate, đã muốn khi qua đời sẽ hiến tặng cho người nghèo 95% tài sản của mình. Một hành động tuyệt vời trong khi trên thế giới nhiều người tham lam cố vơ vét thật nhiều cho mình. Phải chăng Thiên Chúa đã trao số của cải lớn nhất vào tay một con người có tâm hồn “nhân bản” nhất?

Kèm theo lời khen tặng, ngưỡng mộ những nhóm, những cá nhân biết chia sẻ cho người cùng khổ trong dịp Tết này, cha còn kể câu chuyện thứ hai, về một người cha vì quá bận rộn nên đã xích đứa con lại một chỗ để làm nốt công việc của mình giữa bao lời phê phán về hành vi đó. Cha nhấn mạnh về sự may mắn của những người có đủ điều kiện, thời gian để đến tham dự thánh lễ giao thừa, hưởng giây phút giao thừa trong khi còn có biết bao người vẫn đang lo toan vất vả ngoài đường phố hay nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Thánh lễ khép lại với lời chúc Tết chân thành của ông chủ tịch HĐMV Nguyễn Văn Hồng. Và đoàn múa lân của các em Thiếu Nhi Thánh Thể đã làm cho bầu khí trong lòng nhà thờ rộn rã hẳn lên. Con Lân chào Chúa, tiến qua chào Đức Mẹ và cả thánh Vinh Sơn quan thầy xứ đạo. Cha xứ lì xì cho đoàn Lân trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn.

Dù các giáo xứ có cách tổ chức thánh lễ giao thừa khác nhau thì cũng chỉ nằm trong ý nghĩa tạ ơn và cầu mong cho cộng đoàn ngày càng thánh đức, an lành, hạnh phúc. Giáo xứ Vinh Sơn 3 cũng hân hoan đón Tết trong niềm vui và hy vọng.

Thời gian là của Chúa. Thiên Chúa thì mãi mãi và vô cùng, còn con người thì giới hạn chóng qua. Nhờ ơn Chúa hy vọng mọi người tận hưởng giây phút sống trong sự thánh thiện và yêu thương, kể cả những ai không biết cội nguồn của yêu thương là Thiên Chúa.
 
Hái lộc thánh giao thừa tại giáo xứ Tân Lộc hạt Cửa Lò
Antôn Hoàng Cảnh Hồng
18:10 13/02/2010
VINH - Xuân lại về trên mọi miền quê hương nuớc Việt, hoà cùng với đất trời, với muôn người giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò, giáo phận Vinh tổ chức hái Lộc Thánh đầu xuân trong thánh lễ đón giao thừa đêm 30 tết.

Hình ảnh hái lộc thánh đầu năm

Mới 21h bà con trong toàn giáo xứ thuộc các giáo họ Mai Lĩnh, Yên Trạch, Đức Xuân lũ lượt tập trung về giáo đường giáo xứ để tham dự thánh lễ tạ ơn, đón giao thừa và hái Lộc Thánh rước Lời Chúa về nhà mình trong giây khắc đầu năm. Đây là lần thứ 2 giáo xứ được cha Martinô Nguyến Xuân Hoàng tổ chức cho giáo dân hái Lộc Thánh đầu năm.

Vì các giáo họ theo truyền thống của mình đêm giao thừa phải tổ chức đọc kinh tại nhà thờ giáo họ để cảm tạ, tri ân Thiên Chúa, nên thánh lễ đón giao thừa tại giáo xứ phải được trù tính làm sao cho bà con các giáo họ về kịp tổ chức đón giao thừa tại nhà thờ của giáo họ minh theo truyền thống cha ông để lại. Năm nay thời tiết xuân thật đẹp, trước đó mãi đến ngày 29 tháng chạp trời còn nóng nắng, các bậc lão thành có kinh nghiệm ai ai cũng lo vì sợ nếu trời cứ nắng như thế trong những ngày đầu xuân thì thật “độc địa”. Thế mà sáng ngày 30 tháng chạp Thiên Chúa đã làm cho thời tiết trở lạnh, mưa dầm xuân lất phất bay, làm cho muôn người thở phào nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa đã mang đến một mùa xuân thật sự tuyệt vời.

Thánh lễ diễn tiến thật sốt mến, khai lễ cha và đại diện Hội đồng Mục vụ, các thầy tu sinh ra trước bàn thờ Chúa niệm hương, một cử chỉ hiếu thảo của con cái đối với Thiên Chúa và ông bà tổ tiên, toát lên truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Vào phần phụng vụ lời Chúa mỗi gia đình cử đại diện một người lên hái Lộc Thánh Lời Chúa, hơn một nghìn người đại diện cho hơn một nghìn gia đình trên 6000 nhân danh lần lượt lên bàn Lộc Thánh hái rước Lời Chúa về nhà mình trong giây phút đầu tiên của năm mới. Dự tính lượng người tham dự thánh lễ đêm giao thừa khoảng hơn 4.000 người.

Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, Lộc Thánh trên tay được vị đại diện gia đình rước dần về nhà mình trong một tâm tình suy nghĩ tìm tòi bâng khuâng và hy vọng; Chúa nhắc mình cả năm nay phải sống thế nào? mình có thực hiện được Lời Chúa nói với gia đình mình không? v v. Có người tâm sự: Nhờ có Lộc Thánh Lời Chúa trong ngày đầu xuân, cả gia đình năm ấy như có chiếc “định vị lý tưởng” cho mình, để an tâm hướng tới trên con đường đi về quê trời, trong lúc cuộc sống phải thực hiện hằng hà sa số công việc trần thế, những việc bổn phận trần thế này nếu không có “định vị” chỉ mách thì rất dễ lạc vào cạm bẩy giăng đầy chờ sẵn của “ba thù”. Lạy Chúa Xuân, chúng con cảm tạ Ngài vì chúng con luôn có Chúa đồng hành trong mọi sự, xin giúp chúng con phấn đấu thực hiện Lời Chúa đã linh ứng cho chúng con trong ngày đầu năm mới này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cung chúc tân xuân
Lm Trần Đức Phương
16:09 13/02/2010
CUNG CHÚC TÂN XUÂN

Kính chào toàn thể qúy vị,

Hôm nay nhân dịp những ngày Đầu Năm Mới, những ngày Tết thiêng liêng của Dân Tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, chúng tôi xin hiệp cùng Qúy Vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo, các vị trưởng thượng, các vị Lãnh Đạo các Đoàn Thể trong các Cộng Đồng, xin gửi lời Chúc Mừng Năm Mới Canh Dần tốt đẹp nhất đến toàn thể Qúy Vị và Qúy Quyến.

Xin Chúa là Cha nhân từ ban muôn Ơn Lành Năm Mới cho toàn thể Qúy Vị và Qúy Quyến.

Kính Thưa Qúy Vị,

Trong khi chúng ta đang được hưởng những ngày Tết trong bình an và tự do tại các nơi trong Thế Giới Tự Do, thì tại Việt Nam quê hương thân yêu của chúng ta, vẫn còn đang gặp bao khó khăn, đau khổ vì thiếu nhân quyền, tự do thật sự, nhất là Tự Do Tôn Giáo.

Nhiều nhà lãnh đạo đấu tranh cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam bị đe dọa, đàn áp, và đưa ra tòa xử án bất công. Các Tôn Giáo bị bách hại cách này hay cách khác; nhiều nơi Thờ Phưọng bị xâm chiếm; các tín hữu và các vị lãnh đạo Tôn Giáo cũng bị đe dọa, đánh đập, trục xuất ra khỏi các nơi Thờ Tự. Nhiều nơi Thờ Tự bị xâm chiếm và phá hủy; đặc biệt nhất là vụ phá hủy Thánh Giá trên Núi Thờ ở Xứ Đạo Đồng Chiêm vừa qua.

Trong tinh thần liên đới với đồng bào đang đau khổ ở Việt Nam, liên đới với các nhà đang đấu tranh cho nhân quyền, và các vị lãnh đao các Tôn Giáo ở quê hương, chúng ta hãy vì quyền lợi chung của Dân tộc, can đảm bỏ qua những dị biệt gây chia rẽ, để đoàn kết thành một khối, và cùng chung tiếng nói và hành động để kêu gọi các Tổ Chức bảo vệ Nhân Quyền quốc tế, các chính phủ trong Thế Giới Tự Do, lên án chế độ độc tài và độc đảng tại Việt Nam. Trong tinh thấn đoàn kết chặt chẽ, chúng ta cùng nhau đấu tranh để đem lại nhân quyền, tự do, nhất là tự do Tôn Giáo cho Dân Tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Ước mong Năm Mới Canh Dần sẽ là một “Năm Đổi Mới” cho đời sống của Đồng Bào đang đau khổ ở quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, Nhân Quyền và Tự Do được tôn trọng và bảo vệ cho mọi người dân.

Trân trọng kính chào toàn thể Qúy Vị cùng với lời cầu chúc Năm Mới tốt đẹp nhất đến qúy vị và qúy quyến, cũng như cho quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
 
Trong Đêm Giao Thừa, giáo xứ Trang Nứa hiệp thông cầu nguyện cho Đồng Chiêm
Joseph Nguyễn Văn Thống
18:17 13/02/2010
VINH - Trang Nứa là chứng nhân của sự bách hại và sống mầu nhiệm hiệp thông cùng Đồng Chiêm trong đêm giao thừa.

Hình ảnh Trang Nứa cầu nguyện cho Đồng Chiêm trong đêm giao thừa

Giáo xứ Trang Nứa thuộc giáo phận Vinh, tọa lạc trong một địa lý hết sức đặc biệt cách toà giám mục xã đoài 2km. Trước khi thành lập giáo phận Vinh vào năm 1846, Giáo xứ Trang Nứa là một xứ đạo thuộc cử điểm truyền giáo của địa phận Tây Đàng Ngoài và có bề dày lịch sử về đời sống Đức Tin mạnh mẽ, kiên trung.

Hòa mình trong dòng chảy lịch sử của giáo hội Việt Nam, giáo xứ Trang Nứa đã đuợc nếm mùi vị của lịch sử giáo hội chịu thương đau.

Trang Nứa và đồng Chiêm cùng Chịu chung đau thương

Nhìn lại lịch sử giáo phận Vinh bị bách hại đạo hơn 300 năm qua, chúng ta phải nhắc đến biến cố đau thương của giáo xứ Trang Nứa hay còn gọi là "Vụ Trang Nứa"

Biến cố đau thương của giáo xứ Trang Nứa được mọi người khắp thế giới biết đến, khi nhà cầm quyền cộng sản dùng bộ đội chính quy đàn áp, làm cho Trang Nứa trở nên "Vũng Máu"trong lòng giáo hội vào ngày 24-11-1952. Kết quả của vụ Trang nứa là có 5 linh mục, 2 chủng sinh, 45 giáo dân bị kết án tử hình hoặc bị tù giam nhiều năm và án treo.

Những con nguời ấy, mãnh đất ấy thì nay vẫn còn đó, nhưng dường như những kỷ ức đau thương, người ta không muốn nhắc đến.

Sự thật đó, chính tôi được thấy khi đến thăm một cụ già tại Trang Nứa, năm nay ông đã gần 100 tuổi, trên đầu ông đã bạc phơ. Khi đựợc hỏi về biến cố lịch sử cách đây gần 50 năm. Tôi nhận thấy trong mắt ông một nỗi đau không thể diễn tả được, một nỗi sợ hãi không thể nói bằng lời. Tôi không giám hỏi ông thêm điều gì. Qua thông tin, tôi tìm hiểu về lịch sử giáo xứ, và chính tôi được gặp trực tiếp ông là nạn nhân của chế độ cộng sản một thời. Tôi mới cảm nghiệm được sự tàn khốc mà chính thế chế này đã gieo xuống mảnh đất bình yên, và nỗi sợ hãi ấy đã theo ông suốt cả một kiếp người.

Tại Đồng Chiêm, đau thương cũng đã đến với làng quê nghèo, hiền lành; khi nhà cầm quyền kéo đến cả gần một ngàn cảnh sát cơ động và đủ thử các loại vũ khí: Dùi cui, roi điện, chó nghiệp vụ.... vào rạng sáng ngày 6/1 để triệt hạ cây Thánh Giá là biểu tượng linh Thánh của người tin vào Thiên Chúa. Đau thương đến với Đồng Chiêm, họ quặn đau vì anh em mình bị đánh đập, họ đau vì Chúa mình bị xúc phạm.

Hành động đập phá Thánh Giá của nhà cầm quyền Hà Nội trong thời gian qua là kết quả của chuỗi dài lich sử giáo hội Việt Nam bị bách hại.

Thánh Giá Đồng Chiêm bị triệt hạ, Giáo xứ Trang Nứa hiệp thông cầu nguyện trong đêm giao thừa.

Trong tâm tinh hiệp thông sẻ chia với nỗi đau của anh chị em tại Đồng Chiêm sau hơn một tháng bị nhà cầm quyền Hà Nội triệt hạ Thánh Giá và dùng những chiêu bài trấn áp giáo dân trong suốt thời gian qua.

Hơn ai hết, giáo xứ Trang Nứa thống hiểu được nỗi đau mà anh chị em mình phải gòng mình chịư đựng trước sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam.

Tối nay lúc 20h30p ngày 30/12/2009 âm lịch, Cha quản xứ Giuse Trần Đức Ngợi đã tổ chức một buôỉ cầu nguyện suy tôn Thánh Giá hết sức sốt sắng và long trọng, để hiệp thông cùng nỗi đau của anh chi em mình tại Đông Chiêm.

Việc suy tôn Thánh Giá của Giáo xứ Trang Nứa trong thời khắc đêm giao thừa hết sức đặc biệt. Nói lên rằng, giáo xứ Trang Nứa đang sống mầu nhiệm Năm Thánh theo lời mời của giáo hội Việt Nam: Mầu nhiệm, hiệp thông. sứ vụ.

Trong suốt năm qua, bao biến cố xảy đến với giáo hội Việt Nam từ sự kiện Tòa khâm sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan lý và đến nay là sự kiện Đồng Chiêm mới nhất.

Giáo xứ Trang Nứa dứói sự dẫn dắt đầy khôn ngoan và can đảm của Cha quản xứ noi gương vị Cha Chung Giáo Phận là Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, một con nguời của mầu nhiệm hiệp thông nên đã tạo ra một tinh thần sống liên đới và hiệp thông mạnh mẽ khi giáo hội bị bách hại. Đặc biệt là cây Thánh Giá bị xúc phạm và triệt hạ tại Đồng Chiêm.

Đêm giao thừa, thời khắc đặc biệt giao duyên giữa năm cũ và năm mới. Giáo xứ đã đặt mình trước cây Thánh Giá để ngẫm suy về mầu nhiệm Thập Giá. Phải chăng vị chủ chăn đã muốn gửi đến cho cộng đoàn một thông điệp về sự sống, về tình yêu đó là nơi cây Thánh Giá củă Đưc Kittô. Bởi vì, Thánh Giá chính là biểu tượng của sự sống và tình yêu đích thực.

Lạy Chúa, Mùa xuân lại về trên quê hương Đất Việt, nhớ lại bao biến cố đau thương xảy đến cho giáo hội Việt Nam. Chúng con xin Chúa cũng tăng thêm nghị lực, lòng can đảm cho mỗi người. Nhờ đó, chúng con biết sống theo tinh thần Năm Thánh: sống mầu nhiệm hiệp thông để làm cho giáo hội ngày càng phát triển và làm cho cho con người sớm có được sự công bằng, bác ái và sự thật

Đêm giao thừa 30-11-2009
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chặng Đàng Thánh Giá 2010: Chặng Thứ Mười Ba
Lm Phêrô Nguyễn Văn Toàn
03:50 13/02/2010
Chặng thứ Mười Ba

Chúa Giêsu chết trên thánh giá

Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”.

Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này thực là người công chính! "


(Lc 23:44-47)

Suy Niệm:

Lúc bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, màn đêm đã buông xuống trên thành Giêrusalem; giờ đây bóng tối của nhật thực trải dài như chiếc khăn liệm trên đồi Gôngôtha. “Quyền năng của tối tăm” [39] dường như che kín mảnh đất nơi Thiên Chúa đang hấp hối. Vâng, Con Thiên Chúa, để biến thành phàm nhân và huynh đệ thực sự với chúng ta, cũng phải uống chén sự chết, cái chết đã thực sự ghi dấu trên mỗi một hậu duệ của Ađam. Và vì thế Chúa Kitô “đã trở nên giống anh em của Người trong mọi phương diện” [40]; Ngài trở nên hoàn toàn như một người trong chúng ta, đứng bên phía chúng ta ngay cả trong cuộc vật lộn cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Một cuộc vật lộn có lẽ ngay lúc này đây đang xảy đến cho một người nam hay nữ nào đó trong thành phố Rôma này, và trong vô số những thành phố và làng mạc khắp nơi trên thế giới.

Đây không còn là một Thiên Chúa Hy Lạp và La Mã, vô cảm và xa cách, như một hoàng đế biệt cư trong những khung trời mạ vàng trong Thành Đô của mình. Trong Chúa Kitô đang hấp hối, Thiên Chúa giờ đây được tỏ lộ như một Đấng yêu thương tha thiết tạo vật của mình, ngay cả đến độ tự giam cầm mình trong biên giới tranh tối tranh sáng của khổ đau và cái chết. Thập giá vì thế trở thành một dấu chỉ nhân loại phổ quát nói lên sự cô đơn của cái chết, sự bất công và sự dữ. Nhưng đó cũng chính là một dấu chỉ thiên linh phổ quát cho hy vọng được thỏa mãn các trông đợi của mỗi một viên đại đội trưởng, nghĩa là của mỗi một người không nghỉ yên và đang kiếm tìm.

Trên thập giá ngút cao, lúc đang hấp hối trên giá treo ấy, Chúa Giêsu, trong lúc đang thở hắt ra những hơi thở cuối cùng, vẫn không ngừng là Con Thiên Chúa. Như vậy, vào giờ phút đó, mọi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được Thiên Chúa đón nhận lấy. Mỗi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được phủ bằng hào quang của sự bất tử, một mầm mống của sự sống đời đời được cấy vào trong nó, rạng ngời một ánh sáng thiên linh.

Như thế, dù không mất đi tính chất bi thảm của nó, cái chết giờ đây hé mở một khuôn mặt mới đầy bất ngờ: nó có chính đôi mắt của Thiên Chúa Cha trên trời. Chính vì thế trong giờ sau hết Chúa Giêsu đã bật lên một lời cầu đánh động con tim: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Chúng ta cũng hãy khẩn nài lời thỉnh cầu này cho chính mình như trong một bài thơ đầy tính nguyện cầu của một nữ thi sĩ: [41] “Lạy Cha, xin những ngón tay Cha cũng khép những bờ mi con lại/ Cha là một người Cha của con, hãy nhìn con như một người Mẹ hiền / bên giường của đứa con hiền đang say ngủ / Lạy Cha, xin hãy đến cùng con và ẳm con trong cánh tay Cha”.

[39] Lc 22:53.

[40] Dt 2:17.

[41] Marie Noel, Bài Ca và Thời Khắc (1930).
 
Chặng Đàng Thánh Giá 2010: Chặng Thứ Mười Bốn
Phó tế Đỗ Huy Nhật Quỳnh
04:00 13/02/2010
Chặng thứ Mười Bốn

Táng xác Chúa Giêsu trong mồ

Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành Arimathêa, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày Sabát bắt đầu ló rạng.

(Lc 23:50-54).

Suy Niệm:

Được bọc trong “khăn liệm”, thân xác bị đóng đanh bầm dập của Chúa Giêsu từ từ tuột khỏi đôi bàn tay yêu thương và nhân ái của ông Giuse thành Arimathêa để được đặt trong mồ đục sẵn trong núi đá. Trong các giờ thinh lặng sau đó, Chúa Giêsu sẽ thực sự giống như mọi người nam nữ đang đi vào bóng tối của cõi chết, của sự cứng đờ tứ chi, của chung cục. Tuy nhiên trong buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đó đã có cái gì đó trên không trung. Thánh Sử Luca ghi nhận rằng “ngày Sabát bắt đầu ló rạng”; đèn đã nhấp nháy bên trong cửa sổ nhiều ngôi nhà trong thành Giêrusalem.

Đêm vọng, được người Do Thái tuân giữ trong ngôi nhà của họ, đã thực sự là một biểu tượng của hy vọng cho những người phụ nữ, cho người môn đệ bí mật của Chúa Giêsu là ông Giuse thành Arimathêa, và các môn đệ khác. Một trông đợi giờ đây dâng lên làm ấm cúng trong lòng mỗi tín hữu, những người đang đứng trước một ngôi mộ hay đang cảm thấy bàn tay lạnh lẽo của bệnh tật hay cái chết sờ vào mình. Đó là một trông đợi cho một rạng đông mới mẻ và khác hẳn mà chỉ trong một vài giờ nữa, khi ngày Sabát đã đi qua, sẽ hiện ra trước mắt chúng ta, những đôi mắt của những người theo Chúa.

Khi ngày đó mở ra, trên con đường trước nấm mồ chúng ta sẽ gặp gỡ một thiên thần, người sẽ nói với chúng ta: “Tại sao các ngươi tìm người sống giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” [42]! Và khi chúng ta trở về nhà, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ đến gần và cùng đi với chúng ta, sẽ lưu ngụ cùng nhà với chúng ta và bẻ bánh tại bàn với chúng ta[43]. Rồi chúng ta cũng sẽ cầu nguyện với những lời đầy lòng tin trong bài cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu do một trong những nhạc sĩ tài danh nhất nhân loại sáng tác: [44]

“Dù tim con ứa lệ vì Chúa Giêsu nói lời ly biệt, nhưng di chúc của Người ban cho con niềm vui. Người để lại trong tay con một kho tàng vô giá, Mình và Máu Người. Ôi Chúa Cứu Thế của con, con muốn dâng lên Người tim con để Người ngự xuống đó! Con muốn chìm sâu trong Ngài! Nếu thế giới quá nhỏ với Chúa thì với con, chỉ Chúa thôi đã quá nhiều hơn cả thế giới và trời cao”.

[42] Lc 24:5-6.

[43] Lc 24:13-32.

[44] Johann Sebastian Bach, Cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu, BWV 244, Nos. 18-19.
 
Chặng Đàng Thánh Giá 2010: Chặng Thứ Ba
Lm. Nhạc Sĩ Văn Chi
05:37 13/02/2010
Chặng thứ Ba

Đức Giêsu bị Thượng Hội Đồng Do Thái kết án

Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi: "Ông có phải là Đấng Mêsia thì nói cho chúng tôi biết! "

Người đáp: "Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng."

Mọi người liền nói: "Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? "

Người đáp: "Đúng như các ông nói, chính tôi đây."

Họ liền nói: "Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói! "


(Lc 22:66-71)

Suy Niệm:

Bình minh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vươn lên từ Núi Cây Dầu, sau khi chiếu sáng các thung lũng sa mạc miền Giuđa. Bẩy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa, cơ chế cao nhất của Do Thái, đã tập trung thành một vòng bán cung chung quanh Chúa Giêsu. Phiên xử khai mạc với thủ tục thông thường của tòa án: kiểm tra lý lịch của bị cáo, đưa ra những lý do để buộc tội, và nghe các nhân chứng. Việc xét xử một vấn đề tôn giáo thuộc về thẩm quyền của tòa án này. Điều này được biểu lộ từ hai câu hỏi chủ yếu: “Ông có phải là Đấng Kitô? Ông có phải là con Thiên Chúa không?”

Câu trả lời của Chúa Giêsu khởi đầu từ một căn bản hầu như thất vọng: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời”. Ngài biết rằng nghi ngại, ngờ vực và hiểu lầm đang vây quanh Ngài. Ngài có thể thấy mình đang bị vây quanh bởi bức tường của nghi kỵ và thù địch, và cảm thấy nặng nề hơn bởi bức tường đó được dựng lên bởi chính cộng đồng tôn giáo và quốc gia của Ngài. Vịnh gia đi trước Ngài đã có một kinh nghiệm chán chường như thế: “Nếu sự lăng mạ cho ta đến từ một kẻ thù, ta có thể chịu được; nếu kẻ cạnh tranh với ta nổi lên chống lại ta, ta có thể tránh né. Nhưng chính là ngươi, bạn đồng hành của ta, bạn thiết của ta! Tình nghĩa chúng ta thân thiết là dường nào. Chúng ta đã không từng tiến bước thuận thảo trong nhà Thiên Chúa đó sao?”[6].

Thế nhưng, mặc dù có sự nghi kỵ ấy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại công bố mầu nhiệm nơi Ngài, mầu nhiệm mà từ giờ phút đó sẽ được tỏ lộ như một sự hiển linh. Sử dụng ngôn từ của Thánh Kinh, Ngài tuyên xưng mình là “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Vinh quang của Đấng Cứu Thế được Israel trông đợi giờ đây hiển thị nơi người tù này. Thật vậy, đó chính là con Thiên Chúa, Đấng mà giờ đây, oái oăm thay lại xuất hiện dưới hình dạng của một người bị kết án. Câu trả lời của Chúa Giêsu – “Tôi là” – thoạt đầu nghe có vẻ là lời tự thú của một bị cáo, nhưng thực tế là một lời tuyên xưng trang trọng về thần tính của Ngài. Trong Thánh Kinh, hai chữ “Tôi là” chính là tên gọi và là danh xưng của chính Thiên Chúa[7].

Lời cáo buộc, mà tối hậu dẫn đến một án tử, vì vậy trở nên một mạc khải, và cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người bị cáo ấy, bị hạ nhục bởi một nhóm kiêu căng, một phiên tòa kiêu hãnh, bởi một bản án đã được đóng dấu sẵn, nhắc nhở chúng ta nghĩa vụ chứng tá cho sự thật. Một chứng tá phải được mạnh mẽ đưa ra vang dội ngay cả khi ta bị cám dỗ mạnh mẽ muốn che đậy, cam chịu, hay chiều theo ý kiến đang thịnh hành. Nói theo một phụ nữ trẻ Do Thái bị kết án phải chết trong một trại tập trung[8]: “ đối lại với mỗi trò kinh tởm hay một tội ác mới, chúng ta phải đưa ra một mảnh mới của sự thật và điều thiện chất chứa trong chúng ta. Chúng ta có thể phải đau khổ nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.

[6] Tv 55(54): 12-15.

[7] x. Xh 3:14.

[8] Etty Hillesum, Nhật Ký 1941-1943 (3/7/1943).
 
Chặng Đàng Thánh Giá 2010: Lời Mở Đầu
Lm. Gioan Trần Công Nghị
05:49 13/02/2010
Lời mở đầu:

Kính thưa anh chị em,

Tư tưởng chính của 14 Chặng Đàng Thánh Giá xuất hiện ngay vào lời nguyện mở đầu và xuất hiện lần nữa nơi Chặng Thứ Mười Bốn. Đó là những lời của Chúa Giêsu trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24)

Nói lên điều này, Thiên Chúa so sánh quá trình cuộc sống của Người nơi trần thế với sự sống của một hạt lúa, mà chỉ có chết đi mới sinh ra hạt. Người làm sáng tỏ cuộc sống trần thế của người, cái chết của Người và sự phục sinh của người từ quan điểm của Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh. Tóm lại là toàn thể mầu nhiệm của Người. Người đã trải qua cái chết của Người như một hành động tự hiến thân. Người là Ngôi Lời Nhập Thể giở đây trở nên lương thực cho chúng ta, của ăn dẫn đến cuộc sống chân thật, đời sống vĩnh cửu. Lời Vĩnh Cửu, quyền lực phát sinh nên sự sống đến từ trời chính là bánh manna thật, bánh được ban tặng cho con người trong đức tin và trong bí tích.

Như thế Chặng Đàng Thánh Giá là một con đường dẫn đến trung tâm mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể. Lời nguyện của Chặng Đàng Thánh Giá là một con đường dẫn tới sự hiệp thông tâm linh sâu xa với Chúa Giêsu.

Cái nhìn này tương phản với sự diễn tả hoàn toàn đa cảm tới Chặng Đàng Thánh Giá. Nơi Chặng Thứ Tám khi Chúa nói lên sự nguy hiểm này với phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương cho Người. Chỉ có đa cảm thôi thì không bao giờ đủ. Chặng Đàng Thánh Giá phải là một trường học đức tin, đức tin từ ngay bản chất “hành động qua đức ái” (Gl 5:6). Điều này không nói rằng đa cảm đó không có chỗ đứng thích hợp của nó. Các Nghị Phụ đã coi tâm hồn chai đá là thói hư tật xấu chính của người tà giáo, và họ đã thỉnh cầu tiên tri Ezekiel, là người đã loan báo cho dân Israel lời hứa của Thiên Chúa để cất đi trái tim chai đá của họ và ban cho họ những trái tim bằng thịt (x Ed 11:19). Chặng Đàng Thánh Giá mà chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa chia sẻ những thống khổ của con người, một Thiên Chúa không hững hờ và xa cách, nhưng đến giữa chúng ta, ngay cả cam chịu cái chết trên cây thập tự (x Pl 2:8).

Thiên Chúa chia sẻ sự đau khổ của chúng ta, Thiên Chúa xuống làm người để mang thánh giá của chúng ta, người muốn biến đổi những trái tim chai đá; Người mời gọi chúng ta chia sẻ sự đau khổ của người khác. Người muốn cho chúng ta một “trái tim bằng thịt”, mà nó sẽ không còn vô tình trước sự đau khổ của người khác, nhưng nó có thể cảm xúc dẫn đến tình yêu để hàn gắn và hồi phục. Một lần nữa ở đây, chúng ta trở về với những lời của Chúa Giêsu về hạt lúa, mà chính Người đã nằm xuống như một chân lý căn bản cho đời sống Kitô hữu ”Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25, x Mt 16:25, Mc 8:35, Lc 9:24 và câu Lc 17:33: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”.

Chúng ta cũng nhận thấy rõ ràng ý nghĩa của những lời mà Phúc Âm Nhất Lãm đưa trước lời kết luận sứ điệp của Chúa Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chính Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ cho chúng ta “Chặng Đàng Thánh Giá”; Người đã dạy chúng ta cầu nguyện và tuân theo thể nào: Chặng Đàng Thánh Giá là con đường tự chịu thua thiệt, là con đường tình yêu chân thật. Trên con đường này Người đã đi trước chúng ta, trên con đường này Người dạy chúng ta cách cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá. Một lần nữa chúng ta trở về với hạt lúa, trở về với Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh, trong đó những hoa trái của cái chết và Phục Sinh của Chúa Kitô được tiếp tục hiện diện giữa chúng ta. Torng Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu bước đi bên cạnh chúng ta, như Người đã đi cùng với những môn đệ thành Emmau, chính Người bắt đầu lại lần nữa một phần cho lịch sử chúng ta.

Lời nguyện khai mạc:

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì lợi ích cho chúng con mà Chúa đã trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi, để nó sinh nhiều hoa trái (Ga 12: 24). Chúa mời gọi chúng con theo Chúa trên con đường mà Chúa đã nói với chúng con là “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25). Vâng chúng con gắn bó với cuộc đời chúng con và không muốn bỏ rơi nó; chúng con muốn tự giữ lấy cho chính mình. Chúng con muốn giữ chặt nó, không chịu cho đi. Nhưng Chúa đi trước chúng con, Chúa tỏ cho chúng con thấy rằng chỉ bằng cách cho đi cuộc sống chúng con mà chúng con có thể cứu nó. Khi chúng con cùng đi với Chúa theo Chặng Đàng Thánh Giá, Chúa dẫn chúng con dọc chặng đường của hạt lúa, chặng đường sinh sôi nhiều hoa trái tới sự vĩnh cửu. Thánh giá -- tự hiến thân - đè nặng trên chúng con. Dọc theo chính Chặng Đàng Thánh Giá của Chúa, Chúa đã mang lấy thánh giá của chúng con. Vì tình yêu thương của Chúa tiếp tục đồng hành với chúng con mọi lúc trong cuộc đời, chúng con đã không gánh vác trong quá khứ cho dù chỉ một khoảng khắc,. Hôm nay chúng con mang thánh giá đó với con và vì con, và kinh ngạc thay Chúa muốn con giống như ông Simon thành Cyrênê, để theo Chúa cùng vác thập giá cho Chúa. Chúa muốn chúng con đi bộ với Chúa và tự hiến cho Chúa trong sự phục vụ cứu rỗi cho thế giới.

Xin ban cho chúng con để chặng Đàng Thánh Cha của chúng con không chỉ là một lòng đạo đức thoáng qua. Xin giúp tất cả chúng con để cùng đồng hành với Chúa không chỉ bằng những tư tưởng cao thượng, nhưng với tất cả tâm hồn chúng con và với tất cả mọi bước đi mỗi ngày trong cuộc đời. Xin giúp chúng con triệt để phát họa ra chặng Đàng Thánh Giá và kiên trì trên con đường của Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi sự sợ hải của Thập Tự, khỏi sự sợ hải của phường nhạo báng, khỏi sự sợ hãi để cuộc đời chúng con thoát khỏi sự níu kéo nếu chúng con cứ khăng khăng bám víu mọi sự đến với chúng con.

Xin giúp chúng con lột trần tất cả những cám dỗ đó mà nó hứa mang lại cuộc sống, mà cuối cùng chỉ mang đến cho chúng con sự hão huyền và giả trá của nó. Xin giúp chúng con đừng chiếm lấy cuộc sống nhưng biết cho đi. Như Chúa đồng hành với chúng con trên chặng đường của hạt lúa; trong sự “mất đi mạng sống chúng con”, xin giúp giúp con biết khám phá ra con đường tình yêu, con đường mang lại cho chúng con sự sống chân thật và sự sống dồi dào. (x Ga 10:10).
 
Lời tri ân của ban biên soạn videos 14 Chặng Đàng Thánh Giá
Lm. Gioan Trần Công Nghị
06:14 13/02/2010
VietCatholic đã hoàn thành xong videos Chặng Đàng Thánh Giá với sự cộng tác của đông đảo quý cha, quý tu sĩ nam nữ, và anh chị em giáo dân nhiều nơi trên thế giới, từ Los Angeles, Sydney, Melbourne, Adelaide cho tới Perth.

Trước thềm năm mới xin gởi đến quý cha, quý tu sĩ nam nữ, và anh chị em tham gia trong đề án này lời tri ân chân thành và lời cầu chúc Năm Mới hạnh phúc, an bình, thịnh đạt và muôn sự như ý.

Xin Thiên Chúa là Cha toàn năng trả công bội hậu cho quý cha, quý tu sĩ nam nữ, và anh chị em đã hy sinh thời gian, công sức giúp VietCatholic hoàn thành chương trình này.

Ngày thứ Tư Lễ Tro chúng tôi sẽ chính thức “trình làng” một chương trình trên Net chạy bằng Silverlight với toàn bộ 14 Chặng Đàng Thánh Giá. Tuy nhiên, nếu quý vị độc giả muốn xem qua thì có thể xem thử tại đây bằng cách nhấn vào các dòng links.

1) Video 1: Lời nguyện khai mạc – Lm Gioan Trần Công Nghị Giám Đốc VietCatholic Network, Claremont, California

2) Video 2: Chặng thứ Nhất – Lm Francis Lý Văn Ca – Chánh Xứ Lockridge, Perth, Australia

3) Video 3: Chặng thứ Hai – Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng – Phó Giám Đốc VietCatholic – Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu, Melbourne, Australia,

4) Video 4: Chặng thứ Ba – Lm Nhạc Sĩ Văn Chi – Phó Giám Đốc VietCatholic, Sydney, Australia

5) Video 5: Chặng thứ Tư – Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm – Quản Nhiệm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Nam Úc, Adelaide, Australia

6) Video 6: Chặng thứ Năm – Lm Phêrô Nguyễn Minh Thúy – Chánh xứ St. Columban, Bayswater, Perth, Australia

7) Video 7: Chặng thứ Sáu – Lm Giuse Đồng Văn Vinh – Chánh xứ Greenwood, Perth, Australia

8) Video 8: Chặng thứ Bẩy – Lm Francis Lý Văn Ca – Chánh Xứ Lockridge, Perth, Australia

9) Video 9: Chặng thứ Tám - Lm Phêrô Nguyễn Văn Toàn, Dòng Đaminh, Perth, Australia

10) Video 10: Chặng thứ Chín - Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng – Phó Giám Đốc VietCatholic – Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu, Melbourne, Australia,

11) Video 11: Chặng thứ Mười – Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm – Quản Nhiệm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Nam Úc, Adelaide, Australia

12) Video 12: Chặng thứ Mười Một – Lm Giuse Đồng Văn Vinh – Chánh xứ Greenwood, Perth, Australia

13) Video 13: Chặng thứ Mười Hai – Lm Phêrô Nguyễn Minh Thúy – Chánh xứ St. Columban, Bayswater, Perth, Australia

14) Video 14: Chặng thứ Mười Ba - Lm Phêrô Nguyễn Văn Toàn, Dòng Đaminh, Perth, Australia

15) Video 15: Chặng thứ Mười Bốn – Phó Tế Đỗ Huy Nhật Quỳnh, Greenwood, Perth, Australia

Chúng tôi chân thành cám ơn quý anh: Đồng Văn Vượng (Perth), Huy Hoàng (Melbourne), Xuân Minh (Sydney), Anh Vĩnh (Adelaide), Anh Công (Adelaide) và Anh Hoa (Claremont – California) đã giúp quay video.
 
Văn Hóa
Tín hiệu năm Canh Dần
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:15 13/02/2010
Tín hiệu năm Canh Dần

Vào dịp lễ mừng như cưới hỏi, sinh nhật, kỷ niệm hôn phối, lễ Gíang sinh, dịp đầu năm mới…chúng ta thường viết thiệp chúc mừng nhau.

Đây là cung cách sống vừa có văn hóa cao đẹp, vừa sống động tình nghĩa con người nhớ đến nhau, và cũng nói lên lòng biết ơn nhau nữa.

Lẽ tất nhiên ngày nay, thời đại điện tử, thay vì viết thiệp gửi qua đường bưu điện tem thư, càng ngày người ta viết thiệp nhiều hơn gửi qua đường email internet vừa nhanh lẹ, vừa tiết kiệm được nhiều thời giờ cùng tiền bạc. Nhưng lối viết gửi thư kiểu này xem ra có vẻ như thiếu hay ít cá nhân mật thiết!

Mùa Xuân năm mới Canh Dần đang về với đất trời và lòng người, năm nay vào ngày14.02.2010. Tấm thiệp chúng ta viết cho nhau những lời chúc Năm Mới tốt đẹp thắm thiết tình tự con người, trong đó có gói ghém chút ít suy nghĩ về Năm Mới nữa.

Chúng ta có suy nghĩ gì về Năm Mới Canh Dần?

Viết cánh thiệp chúc mừng Năm Mới Canh Dần, ta cũng muốn thu lượm những gì năm mới Canh Dần nói với chúng ta. Năm tháng ngày giờ đâu có để lại lời hay viết chữ nghĩa nào gửi đi cho con người chúng ta. Nhưng nó lại nhắn gửi đi nhiều tín hiệu.

Tín hiệu thứ nhất là tên của năm mới. Năm mới Dương lịch có tên theo con số, như năm nay có tên 2010. Đang khi năm mới Âm lịch, cách tính thời gian theo Mặt Trăng con nước, có tên theo truyền thuyết tập tục văn hóa khác, mỗi năm có một con thú vật đứng chủ trì cho năm đó.

Năm âm lịch vừa qua con Trâu - Kỷ Sửu - đứng tên cho cả năm.

Năm mới âm lịch có con Dần, là chú Hổ, hay còn gọi là Cọp - đứng tên cho cả năm. Và con Hổ có thêm tên đệm chữ Canh đứng đàng trước thành Canh Dần.

Tín hiệu thứ hai là lối sống của con Dần. Hổ là loài thú vật dữ ăn thịt tươi sống như Nai, hưu,chuột, chó sói con, heo rừng. .. Chúng sống trong vùng núi cao, rừng rậm và được gọi là chúa của vùng đồi núi. Loài thú dữ này chạy rất nhanh, răng nhọn nanh vuồt sắc bén, đôi mắt sáng nhìn trời tối ban đêm rất tinh, tai thính, mũi ngửi mùi rất bén nhậy. Chúng chạy nhảy chuyền lượn lẹ làng nhẹ nhàng thoăn thoắt từ chỏm núi đá này sang chỏm núi đá bên kia. Chú Hổ được kể xếp vào loài mèo rừng.

Tuy được xếp vào loại giống mèo, nhưng chú Hổ có thân hình to lớn, nó có thể chạy nhảy phóng bay xa từ 2 mét tới 8 mét khi săn đuổi con mồi. Con Hổ mái có trọng lượng nặng tới gần 200 kýlô; con Hổ trống có sức cân nặng đến hơn 300 kýlô.

Loài Hổ sống tụ tập bên vùng rừng rậm Indonesia, bên Ấn Độ, bên Trung quốc, bên Tây bá lợi Á. Mầu lông da của Hổ có nhiều vân rằn ri đẹp lắm. Ngày nay người ta chế biến kiểu mầu quần áo rằn ri đốm khoang đen trắng hay vàng giống như kiểu lông con Hổ, rất hấp dẫn khách hàng.

Tín hiệu thứ ba là biểu tượng giống tính của con Dần. Loài Hổ là loài thú vật biểu tượng của sức mạnh, yếu tố giống đực. Nhưng loài Hổ có da lông mầu trắng lại là biệu tượng loài thú vật giống cái.

Theo truyền thuyết của văn hóa xưa nay trong cách tính phân chia Âm lịch, con Hổ đứng hàng thứ ba trong vòng 12 con thú vật của Âm lịch.

Tín hiệu thứ tư là nhiệm vụ của hình ảnh năm Dần. Hình ảnh con Hổ được sơn hay vẽ dán ở trên cửa hay bên đố cửa nhà với ý nghĩ mong muốn để canh giữ cửa nhà chống lại thần dữ, sự xấu.

Tín hiệu thứ năm là đặc tính của Hổ trong đời sống. Con Hổ có lối sống hung bạo, nhưng lại có đặc tính can đảm và rất thương con của nó. Đặc tính này cần thiết cho con người trong đời sống. Ai cũng đã đang và sẽ còn trải qua những khúc đường đời sống phức tạp khó khăn. Những khi gặp vướng vào hòan cảnh như thế, lòng can đảm kiên trì cùng lòng thương người rất cần thiết giúp giữ vững ý chí vượt qua khó khăn. Có thế mới đạt tới đích điểm mong muốn.

Lòng can đảm không phải là tính cứng nhắc hay nhu nhược mềm yếu. Trái lại là lối sống âm thâm chịu đựng, biết tự trọng, không để cho con đường đời sống của mình bị ngoại cảnh chi phối làm lung lạc, một khi đã xác tín là tốt, là đúng cho đời mình rồi. Chả thế mà dân gian có ca dao ngạn ngữ làm phương châm cho đời sống:

„Dù ai nói ngả nói nghiêng,

Thì ta cứ vững như kiềng ba chân.“

Trong đời sống đức tin Chúa Giêsu đã từng nhắn nhủ: “ Thầy nói với anh em, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” ( Phúc âm Thánh Gioan 16, 33).

Một đời sống can đảm cũng nói lên lòng trung thành với lý tưởng, với người mình dấn thân gắn bó yêu mến. Nhiều vợ chồng từ khi còn trẻ mới lập mái ấm gia đình với nhau, họ cùng can đảm chia sẻ với nhau bước đường chật vật thiếu thốn, có khi cả bệnh tật nữa, nhất là trong thời gian có con còn nhỏ thơ bé. Chính lòng cảm đảm chấp nhận khó khăn của người vợ hay của người chồng chịu đựng phấn đấu trải qua gian nan, đã giúp gia đình họ đứng vững trung thành với nhau. Và từ căn bản đó họ có niềm vui hạnh phúc.

Thánh Phao lo ngày xưa vượt biển đi truyền giáo gặp giông bão. Ông và đoàn tùy tùng bối rối lo sợ, nhưng khi cập bến cảng bình an găp các tín hữu Chúa Giêsu ra đón tiếp, Ông vui mừng tạ ơn Thiên Chúa và lấy lại can đảm. ( Công vụ Tông đồ 28, 11-16).

Đường đời sống trong năm Mới Canh Dần đang mở ra phía trước, và không ít những gian nan phức tạp về mọi mặt đức tin đạo giáo cũng như đời thường nhật sẽ xảy đến. Nhưng lòng can đảm là nhịp cầu cần thiết giúp duy trì lòng trung thành và ý chí vươn lên.

Chúc mừng năm mới Canh Dần!

Lm. Nguyễn ngọc Long
 
Hoa hồng nhân ngày lễ Valentine
Jos. Tú Nạc, NMS
10:30 13/02/2010
Thật hi hữu, Ngày Valentine năm nay lại trùng với Ngày Nguyên Đán. Có lẽ bên cạnh những cành mai, cành đào mừng xuân cũng có sự hiện diện của hoa hồng, biểu tượng của tình yêu. Vì mỗi loài hoa đều có tiếng nói riêng của nó.

Flower Power
A gentleman entered a busy florist shop that displayed large sign that read “Say It with Flower.”
- “Wrap up one rose,” he told the florist.
- “Only one?” the florist asked.
-“Just one,” the customer replied. “I’m a man of few words.”

Hoa Hồng, Loài Hoa Của Tình Yêu
Hoa hồng trắng tượng trung cho sự trong trắng ngây thơ, tinh thần và trinh tiết, được dâng lên Đức Mẹ Maria Đồng Trinh. Thoạt đầu, người Ki-tô giáo không chấp nhận điều này vì nó liên quan với thần Vệ Nữ - vị nữ thần của tình yêu nhục dục. Nhưng dần nó được lấy làm biểu tượng của tình yêu tuyệt mỹ và niềm vui tuyệt trần.

Hoa hồng, trong tất cả các loài hoa, thì có lẽ là hoa mang nhiều huyền thoại và biểu tượng nhất. Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần các loài hoa, Chloris, một ngày nọ đã tìm thấy thi thể của một nữ thần xinh đẹp và yêu cầu sự giúp đỡ của Ba Thần Mỹ Nữ tạo ra một loài hoa thật đặc biệt từ tử thi của thần nữ này.
Những Thần Mỹ Nữ này đã cho loài hoa ấy niềm vui, tươi sáng và duyên dáng. Sau đó bà lại xin Aphrodite nữ thần của tình yêu cho loài hoa này vẻ đẹp. Dionysus thần rượu thêm một loại mật đặc biệt để tạo ra một loại nước hoa quyến rũ, và Zephir thần gió thổi những đám mây để loài hoa quí này có thể mở các cánh của nó đón nhận ánh sáng mặt trời. Vì lẽ đó, hoa hồng được sinh ra và được đội vương miện Nữ Hoàng Muôn Hoa và là biểu tượng của Thần Vệ Nữ, biểu trưng của tình yêu.

Sự hoàn hảo của hoa hồng đã tượng trưng cho tất cả những gì là ý tưởng và đến từ thiên đường. Nó cũng là biểu tượng của trái tim hoặc trung tâm huyền bí của sự sống.

Từ những ngày xa xưa, hoa hồng đã được tán dương không đơn thuần là vẻ đẹp và hương thơm của nó mà còn là vì các tính năng dược liệu của nó.

Hoa hồng đỏ là biểu tượng của tình yêu. Hoa hồng đỏ làm tăng sự tự tin đối với những ai mang mặc cảm tình dục của họ và cho những ai đau khổ về cảm giác thẹn thùng hoặc nhút nhát khi nghĩ về thể chất của mình. Nó giúp bạn cởi mở để đón nhận yêu thương và mang những ước muốn của mình trở thành hành động.
Hoa hồng trắng êm đềm tạo một cảm giác sinh động và mạnh mẽ, hồi phục nghị lực và niềm vui trong cuộc sống của bạn. Nụ hồng trắng có thể được tặng cho các bé sơ sinh và trẻ em để giúp chúng được lớn lên, duy trì một cảm giác của thiên đường trái đất.
Hoa hồng dại là phương thuốc của tính độc lập. Theo truyền thống nó nói lên ý nghĩa “khoái lạc và đau khổ” vì nó đem lại niềm vui cho ánh mắt và con tim khi được thấy chúng hé nở nơi hoang dã, nhưng đau đớn từ những gai nhọn nếu bạn cố hái nó. Hoa hồng dại sưởi ấm tâm hồn và tạo sự êm ái những xúc động mang đến một cảm giác lâng lâng để tăng cường cảm giác đê mê:

Anh nhớ em
Em hỡi, ngày đêm anh nhớ em
Như hướng dương ngóng bình minh ló rạng
Như chim kia mong tìm về tổ ấm
Như áng mây vương vấn trời xanh
Như mùa xuân tương tư hoa lá
Như ngọn núi thương thầm đá cuội
Như người yêu nhung nhớ người yêu
Như hạ hồng khắc khoải mặt trời
Như thu vàng ngậm ngùi lá úa
Như cá kia thiết tha dòng chảy
Hỡi em yêu, em có nhớ anh chăng?
Như đông buồn nhớ tuyết
Như rạng đông dan díu ánh thái dương
Như loài chim ấp ủ nẻo đường bay
Em yêu dấu, hãy mau đến cùng anh
Cả núi cùng sông cũng vô vàn nhung nhớ
Đến đi em, anh khắc ghi thề hứa
Mãi bên nhau, ta sống với yêu thương. (Mượn)
(Rose – The Flower of Love)
 
Khai bút
Lykhách
10:34 13/02/2010
Ngày tắt, tháng sắp cùng, năm đến tận
Nhìn lại đời có thay đổi gì đâu
Vài sợi tóc đen giận đời tự vận
Soi gương ừ, thêm khá nhiều râu!

Tân Xuân, Tân Xuân rồi Tân Xuân
Qua đi đếm đủ mấy mươi lần
Đầu tắt, mặt tối, cày cứ vẫn
Nghèo hoàn nghèo, chưa chịu nên thân

Phải làm sao đây hỡi giời ơi
Ăn phải ăn, nhưng đã chừa chơi
Yêu thương cũng nén dù nhức nhối
Tu tâm không nhẹ bớt sầu đời

Đêm khuya thắp nến đợi năm sang
Năm cũ đi buồn như đám tang
Đón Tân Xuân giữa lòng Đông lạnh
Kỷ niệm về theo tháng năm tàn…

Nhớ ngày mới lớn vừa biết yêu
Nhớ mẹ cha xa tuổi về chiều
Nhớ bạn bè thân thời niên thiếu
Nhớ càng thêm vui bớt, buồn nhiều

Đời qua theo mấy cuộc tình qua
Yêu thương cho lắm rồi cũng xa
Nhân tình xin ví như nước lũ
Sức con người bơi ngược bao xa?

Một lần yêu là lần biết ơn
Xa rồi thì biết nói gì hơn
Duyên nợ nên không nơi số kiếp
Thêm khổ nhau chi những giận hờn

Đôi khi trong vất vả ngược xuôi
Chợt nhớ mẹ cha đến ngậm ngùi
Nuôi con, con lớn con đi mất
Tuổi chiều ba mẹ có gì vui?

Xuân sang ba có nhặt lá mai
Ai chùi lư hương dọn trong ngoài
Tay mẹ già run ai gói bánh
Pháo xuân có lấp tiếng thở dài?

Nhiều Xuân đời trống vắng tình xuân
Xuân đến rồi đi chẳng lại gần
Cười khóc xuôi theo ngày lận đận
Tống cựu nghinh tân cũng cóc cần

Có lẽ gọi dăm thằng bạn gần
Lâu rồi đời cũng thiếu tình thân
Có đứa giận đời về ở ẩn
Có thằng đời phú quý đưa chân

Tội cho mấy thằng bạn xa xôi
Vất vả miếng ăn đến đứng ngồi
Hóa già mau hơn thời gian đổi
Vợ gầy con yếu cứ ỉ ôi !

Ai có về ăn Tết quê xa
Đừng chỉ về nơi đô thị phồn hoa
Ghé hộ viếng thăm một mái lá
Hỏi xem Tết có đến mọi nhà?

Nếu có ngang qua một nghĩa trang
Nơi từng chôn những người lính Việt Nam
Dừng lại đôi giây bên mộ quạnh
Thắp giùm cả nước một nén nhang

Xuân xưa là ngày để cho nhau
Để yêu, để vui tạm gác sầu
Xuân nay một ngày quên sống vội
Để xót đời và xót cả cho nhau

Đêm sáng, tháng cùng, năm đã mới
Tân Xuân khai bút đã không vui
Chờ Xuân biết bao giờ Xuân tới
Thôi ta dừng bút kẻo Xuân xui!
 
Xuân Tình Chúa
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
14:23 13/02/2010
Mùa xuân về thêm hồng tươi ngày tháng

Như tình Ngài ươm thắm cuộc đời con

Từng khoảnh khắc dệt ước mộng vuông tròn

Hoa lý tưởng nở bên hồn xanh ngát

Mùa xuân vui trong lời kinh tiếng hát

Nắng mưa đời son sắt vẹn tin yêu

Chúa đỡ nâng che chở con sớm chiều

Chân sải bước giữa bao nhiêu lộc thánh

Mùa xuân gọi đi tung gieo tình thánh

Giữa lòng đời cây nhân ái trổ tươi

Ngày rộng mở say trao ban phúc hạnh

Cho yêu thương xanh thắm giữa muôn người
 
Tết, đôi dòng tâm sự
Nguyễn Kim Ngân
14:35 13/02/2010
Tết, đôi dòng tâm sự

Tết: một thứ “all-in-one”

Có lẽ không có dân tộc nào lại có lối ‘mừng’ Tết—không, ‘ăn’ Tết—rình rang như Việt Nam mình. Bởi lẽ, với dân Việt, Tết không phải là một ngày lễ như những ngày lễ khác. Nó là ngày lễ đặc biệt nhất, trọng đại nhất, và thiêng liêng nhất. Âu cũng là một nét văn hoá tuyệt vời. Dọn dẹp nhà cửa, trưng bông, làm mứt, gói bánh, đi Tết các ân nhân, họ hàng, trang hoàng bàn thờ tiên tổ, tổ chức tất niên, đưa ông Táo, đón ông bà, cúng giao thừa, đốt pháo, xông đất, xin xâm, hái lộc, chúc tuổi, lì xì, múa lân, lắc bầu cua…thôi thì chẳng thiếu thứ gì, cứ vậy cho đến hết tháng Giêng (Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà). Tết là dịp chúc thọ ông bà, mừng tuổi cha mẹ và tất cả mọi người, lì xì cho con cháu. Tết là ngày tưởng niệm tổ tiên và các đấng sinh thành. Tết còn là dịp tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hoà, mùa màng phong nhiêu và cây trái dồi dào. Tết còn là dịp họp mặt, gặp gỡ thân nhân bè bạn, trao cho nhau những lời cầu chúc may mắn tốt đẹp nhất. Như vậy phải chăng Tết là một tổng hợp độc đáo của lễ sinh nhật, lễ Ông Bà, lễ Song Thân, lễ Hiền Phụ và Hiền Mẫu, lễ các Đẳng, lễ Tình Nhân, lễ Tạ Ơn, lễ Bằng Hữu…Một kiểu “all-in-one” của Mỹ. Nhưng dù làm gì chăng nữa, tất cả đều khởi đi từ trong khung cảnh gia đình.

Tết: có một chốn nào để trở về

Buổi chiều hôm ấy, khi trời đang còn trong đợt mưa bão mùa đông, điện thoại tay của tôi reo vang. Tên cô con gái xuất hiện trên màn hình. Có chuyện gì rồi đây. Tiếng mếu máo nghe nửa được nửa không: “Bố ơi, con bị đụng xe; xe con húc vào phía sau xe của ông già kia rồi; đụng nhẹ thôi, con và ông già đã ra khỏi xe để nói chuyện, cả hai xe đều không sao cả, nhưng ông già cứ kêu đau cổ.” Tôi hỏi thêm chi tiết để tạm lượng định tình hình. Con gái tôi mới cầm tay lái được vài tháng nay. Nó vốn ngại lái xe; đi đâu cũng chỉ thích có người chở, dù có bằng lái đã mấy năm nay. Nhưng ra trường rồi, kiếm được việc làm thì bó buộc phải lái xe thôi. Làm gì mà có tài xế nào cho quá giang đi hoài được! Tôi trấn an con gái: “Thôi, con cứ bình tĩnh, trao đổi giấy tờ với ông ấy đi, nhất là giấy tờ bảo hiểm. Sáng mai, bố sẽ gọi điện thoại nói chuyện với cô Trúc ở văn phòng Thầy Nhựt. Họ sẽ lo hết cho mình!”

Cứ mỗi khi bà xã cằn nhằn là tại sao sắm điện thoại cho con cái trong lúc xa nhà mà chẳng thấy chúng nó gọi về thăm hỏi, là tôi lặp đi lặp lại: “Em cứ yên tâm, chúng nó không gọi là tốt, bởi vì “no news” tức là “good news” mà! Hôm nay được dịp, tôi bồi them: “Em thấy chưa? Cứ mong nó gọi, hôm nay nó gọi đấy!” Bất giác, câu chuyện “Cây Táo” mà tôi đọc được ở đâu đó lại trở về trong trí nhớ để có thể hầu bạn nhân dịp Tết năm nay.

Có một cây táo mọc xum xuê bên vệ đường, nặng trĩu những trái tươi ngon. Thằng bé đi qua, thích quá, liền đến chơi ở dưới tàn cây. Và rồi hằng ngày cứ thế, nó đến chơi, ăn trái, nằm ngủ dưới bóng cây râm mát.

Thời gian lặng trôi, thằng bé nay đã lớn khôn, cậu không còn đến chơi thường xuyên dưới bóng cây táo nữa. Những bỗng một hôm, cậu bé trở về, đứng dưới gốc cây, dáng vẻ tư lự buồn bã. Thấy thế, cây táo hỏi: “Sao cậu không lại đây chơi với tôi nữa?” Cậu bé uể oải đáp lại: “Lớn rồi, đến đây chơi làm gì nữa? Tôi đang cần tiền để mua các thứ đồ chơi khác.” Cây táo đáp lại: “Rất tiếc tôi không có tiền cho cậu, nhưng cậu cứ đến đây hái trái trên cây, đem đi bán, là có tiền ngay.” Cậu bé mùng húm, leo vội lên cây, hái lấy hái để những trái táo thơm ngon, rồi vui vẻ ra đi. Nhưng cũng từ đó, không thấy cậu trở lại nữa.

Cây táo bỗng thấy buồn…Đến một hôm kia, cậu bé—nay là chàng thanh niên—lại thấy trở về, khiến cho cây táo hứng khởi hẳn lên. Nó lên tiếng mời mọc: “Đến đây chơi với tôi đi, anh thanh niên ơi!” Nhưng chàng hờ hững đáp lại: “Làm gì có thời giờ nữa mà chơi; lo cho gia đình muốn bở hơi tai ra đây nè!. Lại còn phải đi kiếm nhà cho vợ con ở nữa!” Cây táo tiu nghỉu đáp: “Rất tiếc, tôi không có nhà cửa gì để cho cậu, nhưng cậu cứ đốn cành, cắt nhánh cây này lấy gỗ làm nhà mà ở.” Thế là chàng thanh niên hí hửng mang cưa mang rìu đến đốn cành cây táo lấy gỗ dựng nhà cho mình, rồi lại vui vẻ ra đi. Cây táo cũng thấy vui lây với chàng. Thế nhưng chàng không thấy trở về nữa.

Cây táo lại đứng một mình cô đơn, buồn tủi. Một ngày hè nóng bức, chàng thanh niên bỗng lại xuất hiện, khiến cho cây táo chộn rộn hẳn lên. Nó lên tiếng mời mọc: “Anh ấy ơi, lại đây chơi với tôi đi.” Người đàn ông đáp lại: “Già rồi, buồn lắm cơ!. Bây giờ tôi chỉ muốn có một chiếc thuyền buồm đi chơi cho thảnh thơi cuộc đời.” Cây táo buồn bã đáp: “Rất tiếc, tôi chẳng cho ông được chiếc thuyền buồm, nhưng tôi còn cái thân to lớn này, ông cứ cưa đi lấy gỗ mà làm thuyền.” Thế là người đàn ông liền cưa cụt thân cây để lấy gỗ đóng thuyền. Và rồi lại hí hửng ra đi, không bao giờ trở lại.

Chẳng biết là bẵng đi bao nhiêu năm sau, người đàn ông đó một hôm lại mò về. Cây táo nghẹn ngào nói: “Bây giờ thì tôi chẳng còn gì cho ông nữa, hết cả nạc, hết cả mỡ, hết luôn cả xương… Họa chăng chỉ còn một cái gốc trơ trọi và một mớ rễ già cỗi đang chết dần chết mòn.” Người đàn ông cũng trả lời yếu xìu: “Thực ra, tôi cũng chẳng cần gì nữa, có chăng là một nơi để nghỉ chân. Mệt lắm rồi, sau bao nhiêu tháng năm dong duổi nổi trôi.” Gốc táo vui vẻ trả lời: “Nếu vậy thì được quá, cái gốc cây mòn và mớ rễ cỗi đúng là cái chỗ lý tưởng còn lại cho ông nghỉ ngơi thoải mái.” Và người đàn ông ngồi xuống. Gốc táo bỗng trào lệ mừng vui.”

xxx

Câu chuyện buồn nhưng có hậu. Nó phản ảnh cuộc đời của bạn và tôi. Cây táo kia phải chăng là ông bà hay cha mẹ ta? Lúc còn trẻ, ta thích chơi với bố, với mẹ. Khi lớn rồi, ta chỉ thích đi xa, Và rồi chỉ trở về khi thấy thật cần một thứ gì đó, hay khi lâm vào cảnh gian nan khổ sầu. Đúng là nước mắt chảy xuôi. Bởi lẽ, lúc nào cũng thế, ở đó, trước ngưỡng cửa của mái ấm gia đình, cũng vẫn có cha, cũng vẫn có mẹ, sẵn sàng giang rộng vòng tay mừng đón người con trở về, cho dù có khi với thân tàn ma dại. Ông bà vẫn ở đó; cha mẹ ta cũng vẫn ở đó. Luôn luôn ân cần. Vẫn mãi chiều chuộng.

Phải, Tết là lúc ta ôn lại bài học cũ, bài học làm người, bài học làm con. Và gia đình vẫn luôn là một nơi chốn để trở về, để ở lại!

Tết: bạn có “nghe” thấy mùi hương gì không?

Đó không phải chỉ là mùi mứt Tết, mùi bánh chưng xanh, hay mùi hương hoa quả. Đó là mùi hương của một trái tim yêu thương như câu chuyện sau đây.

Cơn gió lạnh tháng Ba tràn tới cùng bóng đêm dầy quánh phủ xuống vùng trời Dallas khi bác sĩ bước vào phòng bà Diana Blessing, vẫn còn đang lâng lâng choáng váng sau ca mổ.

Cầm chặt tay vợ, David, lặng lẽ nhưng căng thẳng, ôn lại những gì vừa mới xẩy đến. Chiều ngày 10 tháng 3 năm 1991, do biến chứng, người sản phụ mới có thai được 24 tuần đã phải nhập viện để được giải phẫu khẩn cấp lấy cháu gái sơ sinh Dana ra khỏi bụng mẹ. Chỉ dài 12 phân anh và cân nặng chỉ một cân anh, họ biết cháu Dana đã được sinh thiếu tháng một cách hết sức nguy hiểm.

Tiếng vị bác sĩ nhỏ nhẹ nhưng nặng như cả một tấn bom: “Không biết cháu bé có qua khỏi không! Chỉ có 10 phần trăm cơ may sống sót qua đêm nay. Nhưng dù có qua khỏi chăng nữa, tương lai của cháu cũng không lấy gì làm sáng sủa.” Hình như cháu sẽ không đi được, sẽ không nói được, rất có thể sẽ mù loà, rồi còn bao nhiêu thứ khác sẽ khiến cháu trở thành trì trệ tâm trí. Càng nghe, càng nản! “Thôi đủ rôì!” tiếng bà Diana nấc lên nghẹn ngào.

Nàng và David, với cháu trai Dustin 5 tuổi, đang mong có thêm được một bé gái, cho có nếp có tẻ, thành một gia đình bốn người lý tưởng. Giấc mơ đơn sơ nhỏ bé ấy đang như tàn lụi dần. Lại nữa, qua được mấy ngày, một cơn hấp hối khác tràn về: hệ thống thần kinh của bé Dana yếu đến nỗi ngay cả một cái hôn phớt và cái ve vuốt nhẹ cũng làm cho cháu không thoải mái, thành ra cha mẹ cháu, dù có thương đến mấy cũng không thể làm những cử chỉ âu yếm nhất cho cháu. Họ chỉ còn biết cầu nguyện, phó thác Diana cho Chúa, trong lúc nhìn cháu đang phấn đấu bám lấy sức sống mỏng manh dưới dòng ánh sáng của tia cực tím, vớiđủ loại dây rợ quấn quanh tấm thân bé bỏng. Thế mà như một phép lạ: vài tuần sau, cháu từ từ tăng triển về trọng lượng và sức khỏe. Sau cùng, sau hai tháng sống sót, cha mẹ cháu có thể ôm ẵm cháu lần đầu tiên như các em bé khác. Để rồi phép lạ lại tiếp tục trong hai tháng kế tiếp, trước khi cháu được rời bệnh viện về nhà. Năm năm sau, phép lạ như vẫn còn đó, khi cháu không hề biểu lộ một dấu hiệu tàn phế nào, cả về thể lý lẫn tâm lý. Thế nhưng, cái kết thúc hạnh phúc này chưa phải là chấm dứt câu chuyện của cháu.

Một buổi chiều hè oi ả năm 1996, tại Irving, Texas, nơi Dana sống với cha mẹ. Khi đó, cháu đang ngồi trên lòng mẹ, thường thì cháu cười nói huyên thuyên, nhưng hôm ấy cháu đột nhiên im lặng. Cháu đưa hai cánh tay ôm lấy lồng ngực, rồi bỗng lên tiếng hỏi: “Mẹ có ngửi thấy mùi gì không?” Mẹ cháu nhìn ra ngoài trời, thấy mây đen vần vũ, sấm chớp chập chùng. Bà nhướng mũi lên, rồi trả lới: “Mẹ ngửi thấy mùi trời mưa.” Dana nhắm nghiền mắt, rồi hỏi tiếp: “Mẹ có ngửi thấy mùi ấy không?” Một lần nữa mẹ cháu lại trả lời: “Có, mẹ thấy như sắp ướt. Mẹ ngửi thấy mùi mưa.” Nhựng, vẫn đặt tay trên ngực, Dana lắc đầu, lấy tay mơn trớn bờ vai gầy, rồi dõng dạc nói: “Không, con nghe như có mùi của Chúa. Con “nghe” thấy mùi hương của Chúa khi ngả đầu vào ngực Ngài.” Với những lời ấy, Diana và cả nhà cảm nhận sâu xa thêm những phúc lành đã nhận được từ bàn tay quan phòng của Chúa. Thì ra trong những tuần lễ đầu đời, khi những giây thần kinh của Dana còn quá nhậy cảm khiến không ai đụng được đến cháu, thì Chúa đã luôn ôm cháu vào long. Và từ lồng ngực chan chứa yêu thương của Ngài, tỏa ra một mùi hương ngây ngất mà cháu không thể nào quên.

xxx

Mùa xuân đang về ngoài kia. Những cánh hoa đào đang nhẹ bay trong gió. Tết này, sau cả năm trời nhận lãnh muôn vàn phúc lành của Chúa, cho dù hôm nay, trong hoàn cảnh nào chăng nữa, bạn có nghe thấy mùi hương của Ngài không?

XUÂN CANH DẦN

Nguyễn Kim Ngân
 
Xuân đồng quê ( Ý của Tagor)
Ngô xuân Tịnh
16:00 13/02/2010
Mưa xuân gội láng đồng quê

Nắng hồng chói lọi đường về thôn trang

Rung rinh lấp lánh tre làng

Luống cày xới đất mênh mang thơm nồng

Ướp làn không khí sạch trong

Thợ cày tay khỏe cõi lòng hân hoan

Niềm vui tuôn chảy ngập tràn

Lao công vất vả ngày tàn nghỉ ngơi

Ý thơ nhảy nhót liên hồi

Bên bờ xanh cỏ chân đồi xa xa

Nắng buông tơ óng chiều tà

Con tim nhịp sóng ruộng đà vàng ươm

Đất trời rộn rã hân hoan

Những đêm vằng vặc trăng vàng ngát thơ

Sau ngày vất vả từng giờ

Nông gia hưởng trọn tràn bờ niềm vui