Ngày 12-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:29 12/02/2009
MỞ CỬA

N2T


Một đôi vợ chồng lo lắng mãi không thôi, bởi vì con của họ đã đi ngược lại tôn giáo truyền thống của gia tộc, vả lại nó còn tự nhận mình là chủ nghĩa tự do.

Đại sư nói: “Không cần phải lo lắng, nếu thằng nhỏ ấy thật có thể trung thành với suy nghĩ của mình, chánh khí trời đất tất nhiên vượng lên, bảo vệ nó đến biên giới của tiếng vọng.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Tín ngưỡng, tôn giáo là tự do của mỗi con người lựa chọn với tấm lòng chân thành, không một ai có thể ép buộc người khác đi theo tôn giáo của mình...

Tiếng vọng chính là tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu này được tỏ hiện nơi Chúa Giê-su là Đấng vì yêu thương mà giáng sinh xuống thế làm người, chịu đau khổ, chịu đóng đinh và chết trên thập giá, và sau ba ngày thì sống lại, đó chính là niềm tin của chúng ta: người Ki-tô hữu.

Cha mẹ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về đức tin của con cái mình, bởi vì đức tin của con cái được Chúa ban cho qua bí tích Rửa Tội và được sự ưng thuận của cha mẹ. Cho nên trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ không những nuôi nấng dạy dỗ con cái mình về phần xác, mà còn phải chăm sóc đến đức tin của con mình nữa...

Khi cha mẹ lãnh đạm với niềm tin của mình, thì đồng thời cha mẹ cũng mất đi uy lực dạy dỗ con cái đi theo tôn giáo mà chúng nó đã đón nhận qua sự bảo đảm của mình trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội, cho nên hãy tự vấn cuộc sống tâm linh của mình mỗi ngày, để hướng dẫn con cái đi đúng đường mà Giáo Hội đã dạy.

Khi cha mẹ nhiệt tình với niềm tin của mình, thì sẽ đốt cháy đèn đức tin trong lòng con cái của mình, và đó chính là mở ra cuộc sống tâm linh của con cái vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:31 12/02/2009
N2T


78. Chỉ có người nhận rõ chân lý và sống đời thánh thiện, thì mới có thể tìm được bình an chân chính trong tâm hồn.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:32 12/02/2009
N2T


22. Mục tiêu phấn đấu của chúng ta không phải là cố ý, nhưng là sống chính trực.

 
Câu chuyện đầy ý nghĩa.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 12/02/2009
TÌNH YÊU, CỦA CẢI VÀ THÀNH CÔNG

Có một phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì thấy có ba cụ già râu bạc trắng đứng trong sân, bà kinh ngạc nói: “Tôi nghĩ là tôi không quen biết các cụ, nhưng có lẽ các cụ đói rồi, xin mời các cụ vào nhà ăn chút gì chứ.”

Một trong ba cụ già hỏi: “Có ông chủ ở nhà không ?”

Bà ấy trả lời: “Ông ấy không có nhà, ông ấy đi rồi.”

- “Vậy thì chúng tôi không thể vào được.”


Mặt trời khuất sau núi, chồng bà đã trở về, và bà đem chuyện ấy nói lại cho chồng nghe, ông chồng rất vui vẻ nói: “Bà ra nói với họ là tôi có ở nhà, và mời họ vào nhà.”

Bà vợ bước ra khỏi cửa và nói với ba cụ già:

- “Xin mời các cụ vào nhà.”

- “Chúng tôi không thể vào nhà cùng một lúc được.”
một trong các cụ già nói.

- “Tại sao ?” người đàn bà muốn biết lý do nên hỏi.

- “Cụ già này tên là CỦA CẢI” một cụ chỉ một cụ già bên trái giải thích, và chỉ một cụ già khác đứng bên phải giới thiệu: “Cụ này tên là THÀNH CÔNG, còn tôi tên là TÌNH YÊU.” Sau đó cụ già nói thêm: “Bây giờ bà vào thảo luận với chồng bà xem sao, muốn mời ai trong chúng tôi đây vào nhà ?”

Người đàn bà vào nhà trình bày câu chuyện vừa rồi với chồng, ông chồng vui vẻ nói: “Vậy thì bà ra mời CỦA CẢI vào.”

Người đàn bà nói:

- ”Anh yêu, hay là chúng ta mời THÀNH CÔNG vậy.”

Người con dâu ngồi bên góc nhà nghe vậy thì góp ý:

- “Chúng ta mời TÌNH YÊU vào thì không tốt hơn sao ?”

Chủ nhà bèn nói với vợ: “Chúng ta nghe lời con dâu một lần đi, bà ra mời TÌNH YÊU vào.”

Người phụ nữ đi ra nói: “Chúng tôi xin mời vị nào tên là TÌNH YÊU ?”

TÌNH YÊU bước vào nhà, nhưng CỦA CẢI và THÀNH CÔNG cũng bước theo vào.

Người đàn bà kinh ngạc hỏi CỦA CẢI và THÀNH CÔNG: “Chúng tôi chỉ mời TÌNH YÊU, tại sao hai cụ cũng vào ?”

Cả ba cụ già cùng lên tiếng nói:

- “Nếu các người chỉ mời CỦA CẢI hay THÀNH CÔNG, thì hai người khác không vào được, nhưng nếu các người mời TÌNH YÊU thì CỦA CẢI và THÀNH CÔNG cùng vào. Bởi vì TÌNH YÊU đi đâu thì CỦA CẢI và THÀNH CÔNG theo đó, ở đâu có TÌNH YÊU thì ở đó có CỦA CẢI và THÀNH CÔNG.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa)

Suy tư:

Thiên Chúa là tình yêu, ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng toàn năng, không phải Ngài dựng nên của cải vật chất cho chúng ta hưởng dùng, và ban sự thành công cho người thành tâm kiên trì đó sao ?

- Gia đình có của cải thì thành công đứng ngoài cửa và tình yêu trốn mất.

- Gia đình thành công thì của cải đứng bên cửa nhưng tình yêu thì không có chổ đứng.

- Gia đình có tình yêu thì của cải trở thành đầy tớ thân thiện đắc lực, và thành công là đồ trang điểm làm cho họ thêm quý phái...

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mát-tít-gia và cuộc đấu tranh cho văn hóa sự sống
Vũ Văn An
03:59 12/02/2009
Mát-tít-gia và cuộc đấu tranh cho văn hóa sự sống

"Nào chúng ta đi ký kết giao ước với các dân tộc láng giềng, vì từ khi sống cách biệt họ, chúng ta gặp phải nhiều tai hoạ." (1 Ma-ca-bê 1:11)

Vào ngày có cuộc tuyển cử tổng thống Mỹ vừa qua, tôi cuồng nhiệt và hết sức tập chú đi tìm ơn soi sáng của Chúa. Và còn làm như thế hơn nữa vào một ngày sau, khi kết quả cuộc tuyển cử ấy được xác nhận. Các bài đọc Sách Nguyện, tức lời nguyện phụng vụ chính thức của Giáo Hội hôm ấy, trích từ Thánh Kinh vốn là Lời Chúa, đã nói với tôi và đem lại cho tôi một thứ ánh sáng thật chói lọi vào đúng lúc nghiêm trọng của trận chiến văn hóa này.

Bài đọc ấy là câu truyện trích từ Sách Macabê cuốn 1, chương 2 trong đó Mát-tít-gia và các anh em ông đứng lên chống lại sắc lệnh bất chính của ông vua ngoại đạo buộc họ phải bỏ đạo. Tôi được kể về cách Giuđa Macabê đã lãnh đạo trận chiến ra sao để bảo vệ Israel khỏi cự gây hấn của những dân tộc xung quanh. Các bài đọc này không kêu gọi ta cầm vũ khí nhưng chúng quả thông truyền cho ta một tinh thần hết sức cần thiết để ta đứng lên và tranh đấu cho nền Văn Hóa Sự Sống ngay trong giờ phút khó khăn, hết sức tuyệt vọng này. Đó là lời kêu gọi tin, can đảm và phúc âm hóa!

Thỏa hiệp lòng tin

"Nào chúng ta đi ký kết giao ước với các dân tộc láng giềng, vì từ khi sống cách biệt họ, chúng ta gặp phải nhiều tai hoạ." (1Macabê.1:11). Câu truyện của Mát-tít-gia và gia đình ông bắt đầu bằng một thỏa hiệp. Dân Do Thái lúc ấy đã từ bỏ đức tin và gia tài của họ. Sau khi Alexander Đại Đế hùng cứ được thế giới quanh Israel, các sĩ quan của ông phân chia Vương Quốc, bắt đầu cai trị và “gây ra nhiều tai họa”. Chẳng bao lâu sau, Giêrusalem bị cướp phá và Đền Thờ bị xâm phạm, lột sạch, phạm thánh và làm cho nhơ nhuốc. Cuộc tấn công này ác liệt đến nỗi người Do Thái phải chạy trốn và Giêrusalem trở thành sào huyệt của Dân Ngoại gây hấn. “Tang tóc bao trùm khắp cõi Ít-ra-en. Thủ lãnh, kỳ mục khóc than ai oán, thanh niên thiếu nữ yếu nhược suy tàn, người phụ nữ đâu còn vẻ đẹp” ( 1Macabê1: 25-26).

Hậu quả của cuộc chiến bại và chiếm đóng Thành Thánh Giêrusalem đã được mô tả như mất mát một điều trước đây vẫn được coi là niềm hãnh diện và vinh quang của dân tộc. “Thánh Điện nên sa mạc hoang vu, các ngày lễ hoá thành tang tóc, các ngày sa-bát trở nên nỗi nhục, vinh dự đã biến thành nhơ nhuốc. Xưa càng vinh nay càng nhục, xưa cao cả nay thấp hèn” (1Macabê 1:39-40). Các mô tả ấy có thể đã nói lên một cách tốt hơn điều phần lớn chúng ta cảm nhận sau ngày tuyển cử, hơn là nỗi sợ đơn giản không biết quốc gia mình sẽ được dẫn tới đâu. Chắc chắn xứ sở này vốn luôn là nơi ẩn náu (sanctuary) cho những người đi tìm tự do và cơ hội tốt để họ sống cuộc sống và đức tin của mình. Dạ mẹ cũng vốn luôn là nơi ẩn náu cho sự sống mỏng dòn của trẻ chưa sinh. Nay dường như cả hai nơi ẩn náu ấy đang bị đe dọa hơn bao giờ hết bởi những kẻ không biết nhìn nhận phẩm giá nguồn cội của mình.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là việc dựng lên ngữ cảnh cho những đoạn tiếp theo. Nhưng xin phép quí bạn cho tôi thêm một lời giáo đầu khác. Lời giáo đầu này nói về sự thất bại minh nhiên sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng khiếp đảm: “Chiếu theo chỉ dụ, phụ nữ nào làm phép cắt bì cho con thì chúng cột đứa bé vào cổ và đem xử tử. Cả gia đình cùng với những người đã làm phép cắt bì đều bị xử tử. Nhưng nhiều người trong dân Ít-ra-en vẫn kiên tâm vững chí, nhất định không ăn những thức ăn ô uế. Họ thà chết chẳng thà để cho mình ra ô uế vì thức ăn, vi phạm Giao Ước thánh. Cuối cùng họ đã chết. Một cơn thịnh nộ lớn đe doạ Ít-ra-en” (1Macabê.1:60-64). Hình ảnh các trẻ nhỏ bị cột vào cổ mẹ cho thấy một dọa nạt không bao giờ nên quên và tính trầm trọng của một tội ác nội tại từng giáng xuống chúng ta. Không còn gì xúc phạm hơn việc hủy diệt tuổi thơ vô tội. Điều ấy càng làm cho hình ảnh Đấng Cứu Thế vô tội bị treo trên thập giá thành mạnh mẽ hơn.

Đứng lên vì đức tin, gia đình và luật Chúa

Sự đối kháng của Mát-tít-gia và anh em ông với sĩ quan hoàng gia buộc họ phải bỏ đạo khiến ta nhớ đến thách thức mà mỗi Kitô hữu đang gặp phải trong cuộc đụng độ với văn hóa sự chết. Điều dễ dàng hơn, nhiều hứa hẹn mang lại thịnh vượng vật chất hơn là chịu để cho đức tin và các giá trị của ta bị thoả hiệp. Đứng lên tranh đấu cho các giá trị ấy đòi phải có lòng can đảm và sẵn sàng trả giá cao. Thực sự thế gian không muốn ta đứng lên, ít nhất cũng phải trong một thời gian dài. Một cách quyến rũ, nó luôn mời mọc ta thỏa mãn các dục vọng của mình. Nó tán tỉnh và hứa hẹn giầu sang (hay ít nhất cũng là giảm thuế) và nổi tiếng trên đời nếu ta nhượng bộ. Nó còn dám gợi ý các chính nghĩa kém hơn để ta tranh đấu (nghèo khó và chiến tranh chẳng hạn), làm thế để thoả mãn ý muốn tranh đấu vì một cái gì đó của ta. Nó khiến ta tập chú vào chính chúng ta chứ không vào các nhu cầu khẩn trương nhất và trầm trọng nhất của anh em mình.

“Các viên chức của vua lên tiếng nói với ông Mát-tít-gia rằng: ‘Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng trong thành này, lại được con cái và anh em ủng hộ.Vậy xin mời ông tiến lên làm người đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người Giu-đa và những người còn ở lại Giê-ru-sa-lem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc’" (1Macabê 2:17-18).

Nhưng xác tín, lòng can đảm và tài lãnh đạo đã là đặc điểm trong câu trả lời của Mát-tít-gia. Lòng tôn trọng con người đã bị lòng tôn trọng Thiên Chúa và Lề Luật của Người chiến thắng. Những lừa phỉnh và thách thức của thời đại đã không làm nhụt tinh thần họ, ngược lại đã gợi hứng và lên năng lực cho quyết tâm nhất định trung thành của họ.

“Ông Mát-tít-gia lớn tiếng đáp lại: ‘Cho dù tất cả các dân tộc trong vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của cha ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục ! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái."

(1Macabê 2:19-22).

Lòng nhiệt thành thực sự ra tay hành động

Lạ một điều, thái độ kiên tâm và bất chấp các đe doạ đối với mạng sống và tôn giáo của

Mát-tít-gia lại thúc đẩy người khác phô bày hơn việc họ từ bỏ giáo huấn và truyền thống cha ông. Họ muốn đi xuôi dòng và cảm thấy an toàn tuân giữ “điều mọi người khác đang làm”. Lẽ tất nhiên, Mát-tít-gia không thể hiểu được sự tùng phục đối với thế gian như thế.

“Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Mô-đin theo như chỉ dụ của vua. Trước cảnh tượng đó, ông Mát-tít-gia bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng: ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ” (1Macabê 2:23-25)

Dù hoàn cảnh ta còn xa mới dám nổi giận đùng đùng chính khí đến dùng bạo lực tấn kích, nhưng thất vọng và giận dữ cũng có thể vò nát tim ta. “Làm thế nào nhiều người Công Giáo và nhiều Kitô hữu tốt lành lại có thể không chịu đứng lên chống lại một tội ác rành rành đến thế?”; “Tính thánh thiêng của sự sống và sự gây hấn của phá thai là vấn đề trước mặt, ngoài tầm so sánh với các vấn đề luân lý của thời đại ta!” Đáp ứng của ta phải cứng rắn và cương quyết. Sức mạnh và chiến lược sử dụng để cổ vũ việc phá thai và chủ nghĩa tương đối luân lý phải được đáp ứng bằng bộ xương sống tinh thần đầy can đảm và cương nghị của Mát-tít-gia.

“Ông cháy bùng lòng nhiệt thành và trái tim ông sôi sục”. Lòng nhiệt thành tận đáy lòng sẽ sản sinh ra sự đáp ứng nơi một con người nhứt quyết bảo vệ và chiến đấu cho sự sống thánh thiêng và ngây thơ vô tội. Mát-tít-gia đang đứng sừng sững trước mặt bạn mà hỏi: “Hỡi người chiến binh Kitô hữu, lòng nhiệt thành của bạn ở đâu? Tâm hồn bạn có được đánh động trước hậu quả chính trị, trước nghị trình lạnh lùng và tính toán của tử thần và trác táng qủy ma, trước trạng huống tinh thần hiện nay của đất nước? Nếu thế, xin bạn hãy đứng vào hàng ngũ đức tin và hàng ngũ can đảm của tôi”.

Hãy thức giấc và đoàn kết lại

“Rồi ông Mát-tít-gia rảo khắp thành và hô lớn tiếng: ‘Ai nhiệt thành với Lề Luật và tuân giữ Giao Ước, hãy theo tôi !’ Sau đó, ông và các con trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản” (1 Macabê 2: 27-28).

Chúng ta được mời gọi bước ra, bước ra khỏi bóng tối của im lặng và của tôn giáo tư riêng để gióng lên tiếng nói, để giảng dạy và để phúc âm hóa. Chúng ta phải dấn bước theo những nhà lãnh đạo Kitô giáo và quay mặt khỏi các thỏa hiệp với chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu dùng và sợ dư luận con người. Chúng ta cũng cần phải sẵn sàng để lại phía sau chính những tiện nghi và dễ dãi của mình.

Trong các buổi nói truyện thiêng liêng, tôi thường mô tả cho người ta thấy một khung cảnh mà tôi tin là nói lên được thế giới ta đang sống và trận chiến văn hóa ta đang gặp. Bạn hãy tưởng tượng trong một buổi chiều mùa hạ ấm áp, bạn đang ngắm nghía thửa vườn sau nhà. Bỗng nhiên bạn thấy một cảnh tượng hãi hùng ở bên kia hàng cây và các mái nhà. Một bọn người man rợ đông đảo đang đáp xuống khu phố bạn. Họ mang các vũ khí phá hoại và gây chết chóc tàn ác. Bạn phải làm gì đây? Bạn phải có phản ứng gì đây? Liệu bạn có yên ổn tiếp tục ngồi trong chiếc ghế bành của bạn không? Liệu bạn có nhún vai mà nói: “ôi lo gì, đã có người khác đánh đuổi bọn chúng” không? Có phải bạn chỉ biết đóng cửa lại và không cho các con ra khỏi nhà ngày hôm ấy? Hay bạn sẽ đưa tin khẩn cấp ấy tới lân bang hàng xóm và tổ chức công việc phòng ngự? Bạn sẽ cầm vũ khí lên để bảo vệ gia đình, bè bạn và người lân bang của bạn? Bạn có lo lắng như thế hay không?

Quân dã man mọi rợ đang xuất hiện trong khu phố... Các giá trị chống lại Kitô Giáo đang được bơm vào đời sống chúng ta qua văn hóa khiêu dâm liên mạng, qua văn hóa tầm phào MTV, qua các ipod đầy những âm thanh khêu gợi và qua những thông tin loan truyền không bị cắt xén, là những cái đi thẳng vào trái tim và cuộc sống con cái bạn qua ngả không biết bao nhiêu siêu xa lộ của kỹ thuật cao… Nền văn hóa sự chết không nhằm tiêu diệt ta cho bằng nhằm đồng hóa ta, giống như Dân Ngoại từng cố gắng đồng hóa dân Do Thái. Mát-tít-gia kêu gọi ta hãy tiếp nhận cuộc thách thức với một lòng nhiệt tâm và yêu thương đối với mọi điều thánh thiêng. Lập trường này và cuộc chiến nó đòi hỏi cuối cùng sẽ chiến thắng.

Vinh dự được chiến đấu

Giuđa Macabê tiếp nhận quyền chỉ huy cuộc kháng chiến khi cha ông là Mát-tít-gia qua đời: “Tất cả anh em ông và mọi người thuộc phe của cha ông đều ủng hộ ông, và họ phấn khởi tham gia cuộc kháng chiến của dân Ít-ra-en. Ông đã làm cho dân mình được tiếng tăm lừng lẫy. Ông mặc áo giáp như một vị anh hùng, mình mang đầy võ khí. Ông giao tranh nhiều trận và vung gươm bảo vệ trại quân. Khi hành động, ông giống như sư tử, như sư tử con rống lên săn mồi” (1Macabê 3:2-4).

Dấu ấn Kitô hữu là niềm vui của họ. Các anh em và các đồng chí của những người anh em này “phấn khởi tham gia cuộc kháng chiến”vì tổ quốc. Thay vì tập chú vào những xáo trộn và tội ác của thời đại, cũng như các bách hại và bất công… những người của Thiên Chúa này nghĩ rằng họ được hồng ân chiến đấu cho Thiên Chúa và tổ quốc họ. Và họ chiến đấu trong hân hoan ngập lòng vì biết rằng điều họ đang làm là điều đúng.

Hãy trang bị vũ khí để chiến đấu

Ở đây, Thánh Kinh vẽ ra hình ảnh một chiến sĩ vĩ đại: “Ông mặc áo giáp như một vị anh hùng”. Áo giáp là mảnh binh giáp lớn nhất mà một chiến sĩ phải mang. Nó bảo vệ các cơ quan sinh tử của anh, nhất là tim và phổi. Trận chiến ngày nay đòi hỏi cả can đảm lẫn sức chịu đựng vĩ đại. Nhiều người từng chiến đấu anh dũng cho sự sống của các em chưa sinh ra đến nay đã 35 năm trường. Đây là một cuộc chiến dành các dân quyền, môộ cuộc chiến đòi hỏi nơi ta nhiều cố gắng hơn, nhiều óc sáng tạo hơn, nhiều năm tháng ngày giờ hơn. Ngã lòng thối chí không phải là một giải pháp. "Anh em hãy võ trang, hãy tỏ ra là những người can đảm” (1Macabê 3:58).

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, đã kêu gọi chúng ta tham dự trận chiến thiêng liêng: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Eph.6:12-14).

Cũng trong hơi văn ấy, ngài kêu gọi ta phải mang sợi dây lưng chân lý và áo giáp công chính. Trước nhất ta phải đứng về phía chân lý, một chân lý được Chúa Kitô bảo đảm ban cho Giáo Hội ( “các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” “khi Chúa Thánh Thần ngự đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con trong chân lý…”). Chân lý này giải phóng chúng ta để chúng ta sống công chính. Nếu ta chịu làm nhân chứng cho chân lý bằng chính cuộc sống mình, lời ta nói về chân lý sẽ trở nên đáng tin hơn.

Công chính là sống theo đường lối của Chúa, sống sự thánh thiện trong đời. Thánh Phaolô nối kết điều ấy với đức tin, vì công chính chỉ nhờ tin vào Chúa Kitô mà có (Rom.3). Trong trận chiến đấu này, việc phòng vệ và vũ khí hàng đầu (2Cor.6:4-8) phải là cuộc sống thánh thiện, một cuộc sống nhờ đức tin mà có. Một đức tin sinh động khiến ta đói khát sự công chính, khiến ta cam kết đối với chân lý và tìm cách truyền thông chân lý ấy một cách hữu hiệu sẽ duy trì được mọi cố gắng của ta. Cả thành công lẫn bách hại đều là những điều chắc chắn (Mt.5:6-10).

Lời kêu gọi canh tân trật tự trần thế

Trận chiến văn hóa có ý nói đến đức công chính (righteousness). Nó có ý nói đến ý Chúa, kế hoạch của Chúa, Nước Chúa. Thánh Phaolô rất đúng, vì trên hết, đây là trận chiến thiêng liêng, nhưng trên đời này, ta phải thở thần khí thánh thiện vào hành động của mình, vào truyện trò của mình và vào nền văn hóa của mình.

Giáo Hội dạy rằng “Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, dù chủ yếu liên quan tới sự cứu rỗi con người, nhưng cũng bao hàm việc canh tân toàn bộ trật tự trần thế. Do đó, sứ mệnh của Giáo Hội không phải chỉ là đem sứ điệp và ơn phúc của Chúa Kitô tới cho con người nhưng còn phải thấm nhiễm và hoàn bị hóa trật tự trần thế bằng tinh thần Phúc Âm… Trong cả hai trật tự ấy, người giáo dân, vốn đồng thời là tín hữu và công dân, phải liên tục được cùng một lương tâm Kitô giáo hướng dẫn” ( Sắc lệnh APOSTOLICAM ACTUOSITATEM về Tông Đồ Giáo Dân).

Nay là lúc ta phải sống lời mời gọi có tính tiên tri của Công Đồng Vatican II công bố gần 45 năm năm qua: “Trong thời đại ta, vì nhiều vấn đề mới đang nổi lên và rất nhiều sai lạc trầm trọng đang được luân lưu liều mình sẽ phá đổ các nền tảng của tôn giáo, của trật tự luân lý, và của chính xã hội nhân bản, nên thánh công đồng này khẩn khoản khuyên nhủ giáo dân, từng người một, tùy theo khả năng hiểu biết và học hỏi riêng, chuyên chăm hơn nữa trong việc thực hành điều họ có thể giải thích, bảo vệ và áp dụng thích đáng các nguyên tắc Kitô Giáo vào các vấn đề của thời đại ta phù hợp theo tâm trí Giáo Hội” (tài liệu đã dẫn).

“Phải giả thiết mình đang bị bao vây”

Sau tội trọng, kẻ thù đáng sợ nhất là việc ngã lòng. Ngày nay, ta thường cảm thấy mình bị thua xa về số lượng, bị suy yếu và ở thế cực kỳ bất lợi. Nhưng chính đó lại là lúc Chúa thực hiện các kỳ công của Người. Giống như vị đại úy trong “the Band of Brothers” (Toán Anh Em, một loạt phim mười đoạn của Steven Spielberg), người đã lên tiếng trả lời cho một binh sĩ bại trận vừa thoái lui vừa cảnh báo rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ bị bao vây. Viên đại úy ấy bảo: “bọn mình là lính nhẩy dù; đương nhiên lúc nào cũng phải giả thiết là mình bị bao vây chứ”.

Nhiều truyện trong Cựu Ước cho ta thấy Thiên Chúa thích chiến đấu và dành thắng lợi cho dân vô vọng của Người trong những hoàn cảnh tưởng chừng vô phương cứu chữa. Giuđa Macabê chẳng bao lâu sau phải đương đầu với một trận đánh như thế. Binh sĩ của ông thấy đại đội bé nhỏ của mình bị cả một quân đoàn địch quân thách thức. Họ lên tiếng trách móc kêu ca, y như chúng ta đang bị cám dỗ làm thế vào thời buổi này:

“Vừa thấy đoàn quân đến nghênh chiến với mình, những người này nói với ông Giu-đa: ‘Chúng ta chỉ có một nhúm người thì làm sao có thể đương đầu nổi với một số đông hùng mạnh như thế kia ? Chúng ta lại mệt lử, vì cả ngày nay chưa ăn uống gì.’ Ông Giu-đa nói: ‘Nhiều người mà bị rơi vào tay một ít người, chuyện đó cũng dễ thôi ! Vả lại, đối với Trời, dùng nhiều người hay ít người mà cứu thoát cũng chẳng khác nhau. Bởi vì người ta thắng trận không phải nhờ số quân đông đảo, nhưng là nhờ Trời ban sức mạnh cho. Chúng nó đến đánh chúng ta, thật bạo ngược gian tà, nhằm tiêu diệt chúng ta, và vợ con chúng ta, rồi cướp bóc chúng ta; còn chúng ta, chúng ta giao chiến để bảo toàn sinh mạng và các tập tục của chúng ta. Chính Trời sẽ nghiền nát chúng nó trước mặt chúng ta; vậy anh em đừng sợ !’" (1Macabê 3:17-22)

Ta phải làm nhiều hơn là chỉ bảo vệ chính mình, ta phải bước ra và chiến đấu. Ta phải ở thế tấn công bằng “gươm tinh thần, là chính Lời Thiên Chúa” (Eph.6:17). Ta phải biết Lời của Người (xem Thượng Hội Đồng tháng 10 năm 2008 tại Rome “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh Giáo Hội). Cầu nguyện và suy gẫm Lời Người sẽ đem lại sức mạnh để ta tập chú tư tưởng và lời nói của ta vào Chân Lý của Chúa, cũng như tìm ra cách để ta đi vào tâm trí những ai mình hy vọng vươn tới được. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

“Sức mạnh của ta do Trời ban cho”. Trách vụ của ta trước nhất là nhìn lên Trời là cầu nguyện, là “kêu lớn tiếng lên Trời” (1Macabê 3:50) rồi chiến đấu. Vâng, ta chiến đấu cho gia đình ta, cho xứ sở ta và nhất là cho con cháu ta. Ta chiến đấu cho cuộc sống ta và cho cuộc sống của họ. Ta chiến đấu cho lề luật Thiên Chúa. Nếu có đức tin, liệu ta có thể hoài nghi rằng Người sẽ thất bại không thể đè bẹp nền văn hóa thù địch ngay trước mắt ta trong khi Người từng tạo chiến thắng như thế cho Giuđa Macabê và dân Do Thái? Người còn làm hơn nữa cho Con Một Người bằng cách làm cho Người Con này chỗi dậy từ cõi chết. Người cũng sẽ vực chúng ta dậy như thế.

Phóng chuyển bài của Cha Edward Hopkins, LC, nguồn: Catholic.net
 
Biệt giam
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
05:14 12/02/2009
Chúa Nhật VI Thường Niên B

Con người là con vật có tính xã hội. Có thể nói rằng tính xã hội một cách nào đó chính là một trong những yếu tố cấu thành yếu tình của con người. Thiếu vắng tha nhân thì ta như không còn là ta. Đã có nhiều người phân tích dòng thơ đầu trong “Truyện Kiều” của văn hào Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta”. Có người thì mới có ta. Và có ta thì hẳn phải có người. Quả thật rất nhiều dã thú lẫn vật nuôi, nếu tách riêng, nuôi chúng một mình thì chúng vẫn lớn lên thành chúng. Trái lại, con người khi bị tách biệt khỏi xã hội từ thưở nhỏ thì sẽ không thể ohát triển thành người cách đúng nghĩa.

Một trong những mục đích mà các nhà nước pháp quyền khi sử dụng hình hình thức giam tù phạm nhân, đó là cách ly họ ra khỏi cộng đồng xã hội. Vi phạm pháp luật mà bị toà kết án tù ở là một thảm hoạ. Bị ở tù mà bị biệt giam thì đúng là đại hoạ. Henri Charierre trong tác phẩm nổi tiếng “Papillon, người tù khổ sai” đã từng kể lại chuyện nhiều tù nhân bị biệt giam đã phải chọn con đường tự vẩn, vì không chịu nổi cảnh bị tách biệt một mình.

Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật VI TN B, đặc biệt qua bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng xoáy sâu vào hình ảnh người bệnh phong hủi, đặc biệt là số phận bất hạnh của họ mà xã hội, qua các luật lệ, đã áp chế trên họ. Với hoàn cảnh xã hội cách đây trên hai nghìn năm, chúng ta có thể thông cảm với những thể chế, quy định áp dụng cho những người mắc bệnh phong hủi, một thứ bệnh truyền nhiểm được xem là nan y, bất trị, với thời bấy giờ. Thế nhưng khi đọc các khoản quy định như: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoả tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế ! Ô uế !’ Bao lâu còn mắc bệnh người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.” ( Lv 13,45-46 ), chúng ta không thể không xót xa.

Nổi bất hạnh đáng nói của người bị phong hủi là bị liệt vào hàng tội lỗi ghê gớm, bị cả Thiên Chúa chúc dữ, mặc dầu bản thân họ chưa hẳn là người có tội. Bênh cạnh nổi tủi nhục ấy thì người bị phong hủi lại bị tách biệt khỏi xã hội loài người. Sự tách biệt biệt này khiến cho họ không chỉ bị xem như là tội nhân mà còn như không phải là người. Ngay cả đến hôm nay, khi nền y học đã khống chế được căn bệnh phong hủi thì những người đã mắc bệnh này vẫn thường được nhà nước các quốc cho sống tập trung biệt riêng ra một nơi để ngăn ngừa sự lây lan và để chữa trị hữu hiệu. Dù với mục đích và ý hướng tốt cho người bệnh, nhưng cái hậu quả là gây mặc cảm tâm lý cho bệnh nhân, khi phải sống tách riêng, một cách nào đó vẫn tồn tại. Cái mặc cảm tâm lý này nhiều lúc gây ra sự bất cần đời và không muốn gặp mặt những người không mắc bệnh phong hủi, vì không muốn cần “sự thương hại” của những người “may mắn”.

Đã từng có mười người phong hủi xin Chúa Giêsu chữa bệnh, nhưng chỉ đứng xa xa mà kêu lớn tiếng ( x. Lc 17,12 ). Thế nhưng, vượt qua rào cản tâm lý tự ti, vượt qua cả quy định của lề luật bấy giờ, nguời phong hủi này đã đến gần Chúa Giêsu, nài xin Người chữa bệnh. Chúa Giêsu không chỉ phán lời chữa bệnh mà còn đặt tay trên người anh ta. Sức mạnh của tình yêu đã làm cho con người xích lại gần nhau và làm cho con người nên thanh sạch. Hơn nữa, chính tình yêu làm cho con người thành người trong cộng đoàn xã hội.

Con người thường thích biểu lộ tình yêu hay ý muốn của mình bằng uy quyền, còn Thiên Chúa lại thích biểu lộ ý muốn và quyền năng của Người bằng tình yêu. Uy quyền hay quyền năng vẫn luôn cần thiết cho cuộc sống xã hội, nếu không sẽ rất dễ đi đến tình trạng rối loạn kiểu “vô chính phủ”. Tuy nhiên quyền uy lại dễ khiến người ta xa cách nhau. Trái lại, với tình yêu và trong tình yêu thì kẻ sạch và người nhơ vẫn có thể chung sống, người công chính lẫn tội nhân đều có thể chung vai sát cánh.

Khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã biểu lộ uy quyền giúp Phêrô được một mẻ cá lạ lùng chất nặng hai thuyền gần chìm. Chứng kiến quyền uy của Chúa Giêsu, Phêrô đã khẩn khoản xin: “ Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” ( Lc 5,8 ). Thế nhưng sau ba năm chung sống với Thầy, nhất là khi cảm được cái tình của Thầy, thì cũng trước mẻ cá lạ lùng trên bờ hồ Giênêgiarét, Phêrô đã hăm hở khoác vội cái áo mà bơi vào với Thầy ( x.Ga 21,1-8 ).

Xã hội hôm nay đã tiến bộ nhiều mặt. Nền y học ngày càng hiện đại. Căn bệnh phong hủi không còn là bệnh nan y hay bất trị. Thế nhưng với “uy quyền” chữa bệnh, các y bác sĩ vẫn rất khó đưa những con người dù đã hết bệnh, hoà nhập với cộng đoàn xã hội. Thực tế cho thấy nhiều người bị phong hủi đã được chữa lành nhưng vẫn còn mang mặc cảm mình “chưa thực sự là người” như mọi người. Trái lại với con tim dạt dào tình yêu, mẹ Têrêxa thành Cancutta đã làm cho biết bao người bất hạnh được “trở lại làm người” trong cộng đoàn xã hội.

Vẫn có đó nhiều người không ở tù nhưng đang bị biệt giam. Người ta có thể bị biệt giam ngay giữa đời thường, giữa phố người đông đúc bằng sự phân biệt đối xử do thành kiến hay do chính kiến của người có quyền, có chức. Khi thể hiện ý muốn của mình bằng quyền uy, những người xây tháp Babel năm xưa đã tự chia rẽ và bị phân tán. Trái lại khi thể hiện quyền năng bằng tình yêu tự hiến, chịu chết trên thập giá, Chúa Kitô đã không chỉ chết cho toàn dân được nhờ mà còn để “quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” ( Ga 11,62 ). Chỉ trong tình yêu, với tình yêu của người anh cả, Giêsu Kitô, người ta mới thực sự là người, không còn là Do Thái hay Hy Lạp, không còn là nô lệ hay tự do…mà tất cả đều là anh em với nhau, con cùng một Cha trên trời.
 
Đức Giêsu chữa một người phong cùi
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
05:21 12/02/2009
Chúa Nhật 6 thường niên B (1,40-45)

1.- Ngử cảnh

Tác giả đã đặt câu truyện này vào thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ tại Galilê. Chúng ta chỉ biết tổng quát như thế nhờ c. 39. So sánh với hai tác giả nhất lãm kia (Mt 8,2-4; Lc 5,12-16), chúng ta cũng thấy bối cảnh không rõ ràng. Mỗi tác giả đã kể lại câu truyện này theo những bận tâm thần học của mình mà thôi. Trong TM Mc, với mẩu truyện cuối cùng này của ch. 1, hành động quyền lực của Đức Giêsu đã đạt tới đỉnh cao nhất, vì Người chữa lành được bệnh phong hủi.

2.- Bố cục

Bản văn này có ba phần:
1) Chữa lành người phong hủi (cc. 40-42);
2) Lệnh cấm nói và trình diện tư tế (cc. 43-44);
3) Biến cố được phổ biến và hậu quả (c. 45).

3.- Vài điểm chú giải

- người bị phong hủi (40): Sách Lêvi đã nói đến chứng bệnh này trong ch. 13–14: bệnh lây lan đặc biệt nguy hiểm, cũng là hình phạt dành cho tội lỗi. Chính vì thế, người ta không nói “chữa lành” nhưng là “được thanh tẩy (làm cho sạch)” khỏi bệnh phong hủi. Ta hiểu được một lối chơi chữ trên hai từ Híp-ri nâga? (“nó đánh”) và nega? (“đòn đánh”; “vết phong hủi”; “người mắc bệnh phong hủi”) (x. 2 V 15,5; 2 Sb 26,19-20; Is 53,4.8).

Người tôi tớ của Đức Chúa được mô tả như người phong hủi (Is 53,3-5). Nhìn thấy Người, dân chúng tưởng Người đã phạm tội (x. G 4,7tt; 8,13tt; 2,7-8). Vị ngôn sứ không phủ nhận nguyên nhân là tội, nhưng đây là tội của dân.

Từ đó, ta hiểu vì sao xử lý những ca bệnh phong hủi được dành cho các tư tế: các vị là những nhà chuyên môn phân biệt được các dạng bệnh, và chỉ các vị mới đưa người đã lành bệnh tái tháp nhập cộng đồng dân Chúa bằng nghi lễ thanh tẩy (x. Lv 13; 14,19; Đnl 24,8).

Tuy nhiên, nếu đúng là bệnh phong thì người ta coi là chỉ có Thiên Chúa mới chữa được, bởi vì cũng giống như gọi một người chết về lại với cuộc sống. Thiên Chúa cũng có ban quyền chữa bệnh phong cho những ngôn sứ lớn, như Môsê (Ds 12,9-14; x. Xh 4,6-8) và ngôn sứ Êlisa (2 V 5,9-14). Vậy, người ta còn có thể chờ đợi ai chữa bệnh phong hủi trong tương lai, nếu không phải là chờ đợi Đấng Mêsia (x. Mt 11,5)?

- Người chạnh lòng thương (41) (Hl. splanchnistheis, partic. aorist của động từ splanchnizomai do từ ta splanchna, lòng dạ): “bị rúng động”; “bị chuyển động trong lòng”.

- giơ tay đụng vào anh: Hành vi này là tiêu biểu của một cuộc chữa lành bằng uy quyền. “Đụng” đây không phải là vi phạm qui định của luật lệ Do-thái liên hệ đến sự trong sạch, nhưng là chuyển thông sức mạnh chữa lành.

- Người nghiêm giọng (“làm gắt”, NTT) (43): Động từ Hy-lạp embrimaomai, “khịt khịt” (ngựa); “phát tiếng hừ hừ do cơn giận dữ trong lòng” (người). Đức Giêsu cho hiểu rằng Người vừa làm một việc ngoại lệ là chữa bệnh công khai, ngược lại với quyết định của Người. Do đó, Người “đuổi” anh này đi ngay để người ta đừng hiểu sai sứ mạng của Người. Động từ embrimaomai không có từ tương đương trong ngôn ngữ Tây phương (TOB: s’irritant; BJ: en le rudoyant; NAB: warning him sternly; Mann: sent him away with the stern warning).

- để làm chứng cho người ta biết (“để làm chứng trước mặt họ”, NTT) (44): Có những người cho rằng câu này nhắm đến dân chúng (chẳng hạn, cha Lagrange: “pour l’attester au peuple”). Nhưng hiểu như thế có phần ép bản văn. Quả thật, Đức Giêsu bảo người phong đến trình diện tư tế và nhắc anh phải dâng một hy lễ đúng theo Lv 14,1-32, nhưng theo ý nghĩa minh nhiên của bản văn, đại danh từ qui về các tư tế. Việc chuyển đi từ số ít sang số nhiều được giải thích là: việc làm chứng sẽ vượt quá cá nhân vị tư tế chứng thực, để đến với toàn giai cấp tư tế. Như thế, Đức Giêsu đã giao cho anh này một sứ mạng phải thực hiện nơi các tư tế (x. Mc 5,19): việc chữa lành người phong hủi là một dấu chỉ thiên sai. Vì chiếu cố đến họ, Đức Giêsu đã miễn chuẩn lệnh truyền về bí mật thiên sai.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Chữa lành người phong hủi (40-42)

Với bài tường thuật Đức Giêsu chữa người phong hủi để kết thúc ch. 1, Mc đưa hành vi quyền lực của Đức Giêsu tới tuyệt đỉnh. Bệnh phong được người Do-thái coi như là một chứng bênh đặc biệt trầm trọng. Lời khẩn cầu của người bệnh chứng tỏ một niềm tin tưởng phi thường: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c. 40). Anh ta gán cho ý muốn của Đức Giêsu một quyền lực to lớn. Lời khẩn cầu này cũng vừa là một thách đố vừa chứng tỏ lối xử sự trước đây của Đức Giêsu đã gây ra ấn tượng nào và thức tỉnh những niềm chờ mong nào. Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa: chỉ cần Người muốn một điều là điều ấy được thực hiện. Người phong hủi được chữa lành tức khắc.

* Lệnh cấm nói và trình diện tư tế (43-44)

Đức Giêsu đã gửi anh đi trình diện với các tư tế, để các vị này ghi nhận bệnh đã lành và để cho kẻ trước đây bị loại trừ nay được chấp nhận vào lại trong cộng đồng mà chia sẻ cuộc sống và hiệp thông vào nền phụng tự của anh em mình. Đức Giêsu từ chối mọi thứ quảng cáo ầm ĩ và cấm người đã khỏi bệnh nói về chuyện mình được chữa khỏi.

* Biến cố được phổ biến và hậu quả (45)

Tuy nhiên, anh này không tuân theo lệnh của Đức Giêsu, anh đã rao truyền khắp nơi những gì đã xảy ra cho anh. Do đó, danh tiếng của Đức Giêsu càng lan rộng hơn nữa và tiếp tục làm gia tăng lòng tin tưởng vào Người: dân chúng từ khắp nơi tuôn đến với Người. Thật ra, các hành vi quyền lực của Đức Giêsu không có ý nghĩa tối hậu nơi sự kiện là có người bệnh nào đó được khỏi. Ý nghĩa của các hành vi đó là cho thấy rõ ràng quyền lực cao vời của Thiên Chúa, thấy rằng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, để mọi người có thể tin vào Người.

+ Kết luận

Chữa bệnh phong hủi là một dấu chỉ thiên sai. Mục tiêu Mc nhắm là cho thấy Đức Giêsu đến loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, làm chứng về quyền chúa tể của Thiên Chúa đang tìm cách cứ độ con người. Tuy nhiên, ơn cứu độ Người hứa ban không phải là một ơn cứu độ phi nhân, trái lại được gửi đến cho trọn vẹn con người. Thiên Chúa đã làm điều đó nơi Đức Giêsu, Đấng có một trái tim biết thương cảm.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Như người bệnh của bài Tin Mừng, chúng ta được lưu ý: không ép buộc Thiên Chúa luôn luôn phải sẵn sàng trợ giúp chúng ta và theo cách chúng ta qui định. Chúng ta cứ bày tỏ với Ngài tình cảnh khốn cùng của chúng ta, rồi để Ngài định liệu: ”Nếu Ngài muốn”.

2. Chúng ta học nơi Đức Giêsu sự kín đáo trong việc phục vụ. Như Đức Giêsu, người ki-tô hữu phục vụ, cứu chữa, vì lòng mình cảm thương sâu sắc nỗi khốn cùng của anh chị em mình, chứ không phải để chứng tỏ bản thân. Người ki-tô hữu phục vụ vì lòng chan hòa bác ái, chứ không phải vì thiếu thốn (đi tìm sự nể trọng của người khác).

3. Hôm nay, chúng ta cũng học nơi người phong thái độ mau mắn đi làm chứng để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đang liên tục ban muôn vàn ân sủng cho chúng ta. Muốn vậy, cần phải ý thức chúng ta đã và đang nhận được những ân huệ lớn lao nào.
 
Nguồn cội tình yêu
Hai Tê Miệt Vườn
14:13 12/02/2009
Tình yêu nguồn cội từ đâu?
Thưa từ Thiên Chúa nhiệm mầu Ba Ngôi.
Vì yêu Chúa dựng đất trời,
Với muôn thụ tạo, loài người dương gian.
Ngài là mạch suối chứa chan,
Thông ban sự sống đầy tràn khắp nơi.
Giúp cho nhân thế mọi thời,
Được làm con cái Chúa Trời yêu thương.
Chúa hằng dẫn lối đưa đường,
Cuộc đời người thế khỏi vương buồn phiền.
Nhờ luôn biết sống trung kiên,
Ơ trong sự thật suốt trên đường đời.
Mọi người tất cả về trời,
Nghìn thu vui sống bên Người Cha yêu.

“Thiên Chúa là tình yêu:
ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Kỷ niệm ngày Valentine
14-02-2009
 
Thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Co-rin-tô
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế, o.p.
14:42 12/02/2009
1. Giáo đoàn Co-rin-tô

Thánh Phao-lô đã rao giảng Tin Mừng ở Co-rin-tô 18 tháng từ năm 50-52 (Cv 18,1-11). Co-rin-tô bấy giờ có chừng hơn nửa triệu dân mà hai phần ba là nô lệ. Năm 146 trước Công nguyên, thành phố đã bị phá hủy, nhưng một trăm năm sau, Xê-da (César) đã xây dựng lại. Đó là một thành phố mới rất mực thịnh vượng nhờ ở vị trí địa dư và hai hải cảng: Xăng-cơ-rê (Cenchrée) nằm trên biển Ê-đê (Édée) và Lê-sê (Léchée) nằm trên biển A-ri-a-tích (Adriatique).

Co-rin-tô có đủ mọi đặc tính của các hải cảng lớn ở mọi thời: dân cư thuộc đủ màu da và tôn giáo, thủy thủ dễ sống bừa bãi và sa đọa, thích tìm lạc thú sau những ngày lênh đênh trên mặt biển. Vị thần được tôn thờ nhiều nhất ở Co-rin-tô bấy giờ là nữ thần Áp-rô-đi-tê (Aprodithée) giống như thần Vê-nút (Vénus) ở Rô-ma. Ngay từ thời thi sĩ A-rít-tô-phan (Aristophane) thế kỷ V, kiểu nói “sống theo lối Co-rin-tô” đã muốn nói gì rồi. Kết quả dĩ nhiên là chỉ có một thiểu số giầu có, còn đa số là nghèo khổ. Cuối cùng, tưởng cũng nên biết thêm là thành phố tứ chiếng ấy cũng là một trung tâm trí thức, mọi môn phái triết học đều có mặt ở đó. Ngay từ thế kỷ II, một nhà hùng biện đã ca ngợi Co-rin-tô là có đông đảo các môn phái, các triết gia và các văn sĩ. Ở bất cứ góc đường nào cũng có họ. Co-rin-tô còn là một trung tâm tôn giáo. Tại đây, các thứ tôn giáo huyền bí phát xuất từ Đông Phương lôi cuốn được nhiều người.

Giáo đoàn mà thánh Phao-lô đã thiết lập ở Co-rin-tô phản ánh trung thực bộ mặt của thành phố này: giầu có, nghèo có, nhưng người giầu chỉ là thiểu số, còn đa phần thuộc hạng bình dân và nô lệ, tức những thành phần không đáng kể.

Giáo đoàn Co-rin-tô sống động và sốt sắng, nhưng ở trong một tình trạng rất nguy hiểm cho đời sống đạo đức: luân lý suy đồi (6,12-20), cãi cọ, tranh chấp nội bộ (1,11-12; 6,1-11) bị cám dỗ chạy theo những triết thuyết đời có mầu sắc Ki-tô giáo (1,19-2,10) nhưng thực ra những thuyết này làm đảo lộn hẳn mọi nền tảng chắc chắn về đức tin (chương 15). Các tôn giáo huyền bí cũng tỏ ra rất hấp dẫn, khiến cho ngay trong các buổi cử hành phụng vụ của cộng đoàn cũng nảy ra những cuộc phát biểu bừa bãi (14, 26-38). Thân cây đức tin lành mạnh và cứng cát đấy, nhưng rễ của nó lại nằm trong một thứ đất ít thích hợp. Trong tình cảnh bất thường này, Thánh Thần đã tiếp sức, ban cho giáo đoàn nhiều ân sủng đặc biệt (12-14). Thánh Phao-lô cũng đã dùng thư từ để sửa sai, giúp cho thân cây non có đuợc một thứ đất Ki-tô giáo thích hợp hơn.

Đó là đặc tính của bức thư này. Nó cho ta thấy các vấn đề cụ thể mà đức tin Ki-tô giáo gặp phải, khi đi vào một môi trường ngoại giáo và cho thấy tác giả đã dùng những phương pháp nào để giải quyết các vấn đề kia.

2. Hoàn cảnh xui khiến có bức thư này

Sau đây là những biến cố xảy ra từ ngày thánh Phao-lô đến giảng đạo ở Co-rin-tô cho tới khi gửi bức thư này. Từ biệt Co-rin-tô nhưng ngài vẫn giữ liên lạc với giáo đoàn mới thành lập. Đoạn 5,9-13 cho thấy trước khi viết 1 Cr, thánh Phao-lô đã viết một thư khác. Thư này bị thất lạc không còn nũa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 2 Cr 6,14-7,1 là một đoạn của thư này, trong đó giao tiếp với hạng chơi bời là một trong các đề tài được bàn tới. Trong đọan thư, tác giả có ý trả lời về một vấn nạn của giáo đoàn Co-rin-tô.

Đàng khác, theo sách Công Vụ Tông Đồ (18,24-28) thì giáo đoàn Co-rin-tô đã được hân hạnh đón tiếp một nhà giảng thuyết Tin Mừng lỗi lạc là ông A-pô-lô, một người Do thái sinh trưởng tại A-lê-xan-ri-a (Alexandria). Ông này đã theo đạo qua trung gian của ông A-qui-la (Aquilla) và bà Pơ-rít-si-la (Priscilla). Hai ông bà này viết thư giới thiệu ông A-pô-lô với giáo đoàn Co-rin-tô. Sách Công Vụ còn cho biết thêm chi tiết là ông A-pô-lô rất lợi khẩu và thông thạo Kinh thánh. Ở Co-rin-tô ông đã giúp giáo đoàn rất nhiều, đặc biệt trong việc tranh luận với người Do thái. Có lẽ ông xuất sắc hơn cả thánh Phao-lô, vì thánh Phao-lô không mấy lợi khẩu (2 Cr 10,10. Vì thế mới có nhóm theo A-po-lô, nhóm theo Phao-lô. Chắc chắn ông A-po-lô không tán thành những nhóm như thế. Khi thánh Phao-lô viết thư này, ông A-pô-lô đang ở Ê-phê-xô và mặc dù thánh Phao-lô khuyên mời, nhưng ông vẫn nhất quyết không trở lại Co-rin-tô. Đối lập với phe A-pô-lô, có phe Phao-lô, phe Kê-pha, phe Ki-tô. Phe Phao-lô (có lẽ gồm những người ca tụng thánh nhân cách quá đáng). Phe Kê-pha thành hình, sau khi có người tự xưng là môn đệ của Tông đồ Phê-rô, đến Co-rin-tô. Có lẽ chính Phê-rô cũng đã đến Co-rin-tô, vì theo 1 Cr 9,5 ở Co-rin-tô người ta biết Phê-rô nhiều. Còn về phe Ki-tô thì có nhiều ý kiến khác nhau: người thì bảo đó là những người công nhận Đức Giê-su chỉ là Đấng Mê-si-a theo nghĩa Do thái giáo; người khác lại nghĩ đó là một nhóm theo thuyết Ngộ đạo chủ trương răng họ chỉ lệ thuộc vào Thần Khí của Đức Ki-tô và phủ nhận mọi tổ chức, mọi giáo đoàn. Cũng có thể chẳng có phe Ki-tô nào cả và câu “còn tôi, tôi thuộc về Đức Ki-tô” (1,12) chỉ là lời một người chép sách về sau đã thêm vào, hay là lời của thánh Phao-lô nói ra để chống lại phe nhóm kia. Họ chia rẽ như vậy có thể là vì Co-rin-tô bấy giờ có một thứ triết học thần bí đang thu hút nhiều người, khiến cho thánh Phao-lô gắn liền hai vấn đề chia rẽ nội bộ và triết học hão huyền với nhau. Thánh nhân đem cả hai đối chiếu với giáo thuyết khôn ngoan của Đức Ki-tô là sự khôn ngoan phát xuất từ Thánh giá.

Tình thế nguy ngập ở Co-rin-tô lot đến tai thánh Phao-lô khi ngài đang ở Ê-phê-xô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba (19). Trước hết, chính A-pô-lô báo tin, rồi người nhà của bà Cơ-lô-ê (Cloé) (1,11). Qua những nguời này, thánh Phao-lô còn nhận được nhiều tin đáng ngại khác: nào là chuyện loạn luân (5,1-13), nào là chuyện tín hữu kiện nhau ở tòa đời (6,1-11), chuyện dâm đãng (6,12-20), chuyện lộn xộn khi cử hành Thánh Thể (11,2-34) và nhiều điều sai lầm về việc kẻ chết sống lại (15). Đàng khác, chính tín hữu Co-rin-tô cũng gủi thư hỏi thánh Phao-lô về một số các vần đề. Chắc hẳn họ đã hỏi về vấn đề đồng trinh và hôn nhân (7,1). Họ cũng đã hỏi về vấn đề thịt cúng, được ăn hay không được ăn (8,1) hoặc về các ân huệ thần thiêng, phẩm trật thế nào, sử dụng ra sao. Bằng ấy yếu tố đã cung cấp cho thánh Phao-lô những dữ liêu để thảo ra bức thư này. Thánh nhân muốn sửa sai các lạm dụng, tái lập bình an và trật tự trong cộng đoàn, giải đáp những vấn nạn trong cuộc sống hàng ngày người Ki-tô hữu gặp phải ở Co-rin-tô

3. Những vấn đề chính được đề cập trong thư

Mọi vấn đề thánh Phao-lô đề cập trong thư đều phát xuất từ một nhận định căn bản này là Hội thánh phải giải quyết những chuyện nói trên ở mọi thời, đặc biệt trong sinh họat truyền giáo. Ngày nay vấn đề lại còn được đặt ra cách bức thiết hơn bao giờ hết. Đó là sự khác biệt về văn hóa và sự cần thiết phải du nhập nền văn hóa Ki-tô giáo vào một nền văn hóa khác và làm cho nó ăn sâu mọc rễ trong nền văn hóa ấy. Ở thời thánh Phao-lô, Ki-tô giáo phải chuyển từ văn hóa Do thái sang văn hóa Hy lạp vốn là văn hóa ngoại giáo. Nền văn hóa này có những động lực và cơ cấu khác hẳn, đến nỗi không những có thể làm sai lạc “sứ điệp” Tin Mừng mà sâu xa hơn nữa, còn có thể đồng hóa “sứ điệp” ấy với văn hóa Hy lạp, nên người ta dễ có khuynh hướng chỉ lựa chọn trong Ki-tô giáo những yếu tố phù hợp với mình và loại bỏ mọi yếu tố khác. Hiện tượng đó đã thường xảy ra, đặc biệt trong nhiều thuyết Ngộ đạo ở thế kỷ II và trải qua các thời đại, ở những xứ được truyền giáo cách vội vã, có đông người vào đạo mà tinh thần ngoại giáo vẫn tồn tại. Đứng trước vấn đề này, thánh Phao-lô tỏ ra vừa cương quyết lại vừa uyển chuyển: cương quyết đòi phải loại bỏ và lên án gắt gao các thái độ và lập trường không thể dung hòa được với Tin Mừng. Nhưng khi không có sự bất dung hòa ấy thì thánh nhân lại cởi mở. Trong viễn tượng ấy, xin lược qua các vấn đề chính được đề cập đến trong bức thư này.

3,1 Vấn đề chia rẽ và sự khôn ngoan

Về vấn đề chia rẽ trong cộng đoàn và sự khôn ngoan thật cũng như khôn ngoan giả, thì vì sống trong bầu không khí tôn giáo của nền văn minh Hy lạp, nên giáo dân Co-rin-tô hầu như không thể nào không bị cám dỗ muốn quan niệm dức tin của mình theo triết thuyết thời đó. Vì thế, người ta say mê các nhà giảng thuyết tầm cỡ như A-pô-lô, một người ăn nói hùng biện, xuất sắc như các`bậc thầy lỗi lạc thời đó. Và do đấy xẩy ra nhiều chia rẽ, người thì chạy theo thầy này, kẻ thì chạy theo thày kia. Phao-lô đã phản ứng mãnh liệt. Ngài cực lực phản đối tình trạng đó, vì ngài cho như vậy là muốn coi đức tin Ki-tô giáo cũng chỉ như một triết thuyết khiến cho có phe kia nhóm nọ.

3,2 Những vấn đề luân lý về sắc dục

Những vấn đề luân lý về sắc dục cũng đã được đặt ra, vì sự gặp gỡ giữa Ki-tô giáo và mội trường văn hóa ở đây. Môi trường này bị ảnh hưởng bởi hai phong trào: một phong trào buông thả muốn thỏa mãn mọi thú vui xác thịt, một phong trào nhiệm nhặt coi khinh thân xác, như nhiều phong trào triết học hồi đó chủ trương và cho việc không lập gia đình là một lý tưởng tuyệt đối. Thánh Phao-lô muốn trình bày đường lối chân chính, chống lại các chủ trương quá khích kia. Ngài lên án nghiêm khắc mọi hình thức bừa bãi về sắc dục, đề cao tính hợp pháp và giá trị của hôn nhân và ca tụng đức trinh khiết. Nguyên tắc hướng dẫn các phán quyết này được nêu rõ ở 6,12 và lặp lại trong 10,23: “Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích”, “được phép làm mọi sự nhưng không phải mọi sự đều có tính xây dựng”. Người tín hữu đã được giải thoát khỏi mọi kìm kẹp bên ngoài, ngay cả trong phạm vi luân lý, nhưng phải sử dụng sự tự do ấy để luôn luôn tìm kiếm những gì ích lợi nhất cho đời sống thiêng liêng.

Nguyên tắc vừa nêu cũng sẽ soi sáng cho vấn đề sau là vấn đề thịt cúng. Ở đây đức tin cũng phải lựa chọn thái độ hoặc bênh, hoặc chống chủ trương của nền văn hóa ngoại đạo. Một lần nữa, tín hữu lại phải áp dụng những nguyên tắc trên đây: tuyệt đối cấm những gì nghịch với đức tin, như tham dự các bữa ăn cúng thần (10,14-22). Nhưng đưa đồ đã cúng về nhà mà ăn hay ăn ở nhà người khác thì không sao (8,7-8). Tuy vậy, phải cẩn thận đừng làm cớ vấp phạm cho những người yếu kém lòng tin (8,9-13).

Những sự lộn xộn trong các buổi họp tôn giáo chứng tỏ Ki-tô giáo còn bị ảnh hưởng bởi các phong tục ngoại giáo, như cách cử hành tiệc Thánh Thể có những lệch lạc do ảnh hưởng của những bữa ăn cúng thần. Ngoài ra, còn có những yếu tố xuất thần giống như những buổi họp của các người ngoại giáo. Về những điểm này, lời dạy của thánh Phao-lô vẫn là không để cho phụng vụ nhiễm phải các lề thói ngoại giáo, nhưng phải phản ánh được mầu nhiệm cử hành là mầu nhiệm hợp nhất trong Đúc Ki-tô. Do đó phải giữ những luật căn bản nhằm lợi ích chung cho mọi người và xây dựng cộng đoàn (14,1-9) và nhất là bác ái (13,1-13).

3,3 Sự va chạm giữa “sứ điệp” Ki-tô giáo và não trạng ngoại giáo

Sau cùng, chương 15 còn cho thấy rõ hơn nữa sự va chạm giữa “sứ điệp” Ki-tô giáo và não trạng ngoại giáo. Người Do thái dễ tin việc kẻ chết sống lại, vì họ quen quan niệm con người như một thực tại duy nhất. Nhưng điều này lại không thích hợp trong môi trường Hy lạp, do ảnh hưởng của các triết thuyết nhị nguyên. Thánh Phao-lô có thể chịu thua trước thứ tâm lý đó, như tác giả sách Khôn ngoan đã làm trong những trường hợp tương tự, đó là cố tránh nói đến khía cạnh khó chấp nhận này và chỉ nhấn mạnh đến sự bất tử của linh hồn. Nhưng thánh Phao-lô đã mạnh mẽ khẳng định rằng kẻ chết sẽ sống lại. Ngài không tìm cách chứng minh bằng triết học mà chỉ quả quyết rằng nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Ki-tô cũng đã không sống lại (15,13.16) và như vậy đức tin của Ki-tô hữu là viển vông (15,14)

Kết luận

Có thể nói thư 1Cr là một bản mẫu về tình trạng phân hóa phức tạp của các tín hữu đến từ nhiều nguốc gốc, khác nhau về chủng tộc, văn hóa trong một hoàn cảnh xã hội đổi thay mới cũ, tốt xấu lẫn lộn. Sống trong một mội trường và hoàn cảnh như thế, thánh Phao-lô đã phải hết sức khó nhọc vừa đương đầu với các trao lưu không thuận hợp với Tin Mừng, vừa phải giáo dục, uốn nắn sửa chữa các lệch lạc về đức tin của các tín hữu. Phải là một người cao tay như ngài mới vượt qua sóng gió và ổn định đuợc tình thế. Tất cả sức mạnh đó, ngài đã kín múc được từ nơi nguồn ân sủng là Chúa Giê-su Ki-tô. Hoàn cảnh giảng đạo và sống đạo ngày nay ở nhiều nơi chắc cũng gặp phải nhiều nỗi éo le như thế. Điều ấy có thể khiến cho lòng nhiều người hoang mang lo lắng, và có khi không còn tin ở sức họat động âm thầm và mầu nhiệm của ơn thánh nữa. Vậy đây thiết tưởng là một dịp tốt để đọc lại thư 1 Cr cho hiểu và thấy được sức mạnh của ơn Chúa.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994, Cerf-Paris)
 
Những vấn nạn về hôn nhân để di dân hay định cư
LM. Joseph Thoại Lê
16:24 12/02/2009

Những vấn nạn về hôn nhân để di dân hay định cư



Câu hỏi 1: Con biết có một số người Công Giáo về VN làm thủ tục hôn nhân dân sự để mang người phối ngẫu chỉ trên giấy tờ nầy sang định cư. Nếu sau khi người kia đã sang định cư và họ thật sự yêu thương nhau và muốn cho tình yêu của họ được Thiên Chúa thánh hóa bằng Bí Tích Hôn nhân, họ sẽ phải làm gì? Nếu họ ly dị để đi đền một hôn nhân khác, thì họ phãi làm sao cho hợp luật đạo?

Trả lời: Theo Giáo Luật, Hôn nhân của hai người Công Giáo, hoặc chỉ có một người là Công Giáo và người kia là không Công Giáo, thì bị chi phối bởi Luật Thiên Chúa và Giáo Luật (GL.. 1059). Hôn nhân Công Giáo chỉ có giá trị khi được cử hành trước mặt Giám mục địa phương, hoặc là linh mục đại diện ngài (cha xứ hoặc cha phó của giáo xứ), hoặc là linh mục hay thầy sáu được sự ủy

quyền của Giám mục hoặc linh mục địa phương, với sự hiện diện của hai người làm chứng (Can 1108 §1). Trong trường hợp hai người phối ngẫu ở trong tình trạng nguy hiễm gần chềt, mà linh mục hay người đại diện giáo quyền không thể có mặt, thì họ được phép cử hành bí tích hôn phối trước mặt hai người nhân chứng (Can. 1116 §1).

Theo Giáo luật, tất cả mọi người đều được phép lập gia đình, ngoại trừ những người bị luật pháp nghiêm cấm (can. 1058). Như thế, khi hai người Công giao, hoặc một người Công Gíáo và một người không Công Giáo, không bị nghiêm cấm bởi luật pháp (luật đời củng như luật đạo), cử hành thủ tục hôn nhân trước Chính quyền địa phương, theo luật pháp của địa phương thì thủ tục hôn nhân này là thủ tục hôn nhân tự nhiên. Hôn nhân này có giá trị pháp lý dân sự, nhưng nó không có gía trị pháp lý trong Giáo hội. Như thế, trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội, họ vẫn chưa có thành hôn với nhau. Nhưng hôn nhân của họ là hôn nhân tự nhiên. Cũng theo Giáo Luật tất cả các hôn nhân cho dù là Công Giáo hay là hôn nhân tự nhiên đều có quyền được luật pháp bảo vệ, và trong trường hợp có sự nghi ngờ, tất cả các hôn nhân theo giáo luật hoặc theo luật tự nhiên, đều có gía tri trước pháp luật cho đến khi được chứng minh là vô hiệu (can. 1060).

Như thế, khi một người Vietnam đi về Việt Nam để làm hôn nhân trước chính quyền dân sự, thì hôn nhân của họ là hôn nhân theo luật tự nhiên. Ngay cả khi hôn nhân này được thực hiện để tiện cho việc di dân, trước mặt chính quyền, đó là môt hôn nhân hợp pháp. Khi một hôn nhân tự nhiên được cử hành theo đúng luật của chính quyền sở tại, hôn nhân này được luật pháp bảo vệ (GL. 1060). Nếu một người hay cả hai người là người Công Giáo, cho dù hôn nhân của họ không được Giáo hội công nhận, hôn nhân của họ cũng được luật pháp bảo vệ, cả luật đời cũng như luật đạo. Trước mặt chính quyền dân sự, nhửng người này đả có gia đình, và như thế tất cả chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ phép hôn nhân tự nhiên này.

Khi hai người này đã sang định cư tại Canada, và họ do ơn Chúa soi sáng đã yêu thương nhau thực sự, thì họ nên vào trình bày sự việc với cha xứ sở tại và bắt đầu xúc tiến để học giáo lý hôn nhân và chuẩn bị để đi vào đời sống hôn nhân. Cha xứ sẻ điều tra để xem họ có được tự do hoàn toàn để được lảnh nhận bí tích hôn nhân không. Nếu họ được tự do, và không có bị ràng buộc gì cả về đạo và đời, thì tình yêu của họ sẻ được Giáo Hội nâng lên hàng bí tích. Họ không còn phải lo lắng về mặt chính quyền nửa, vì theo luật dân sự, họ đả là vợ chồng.

Nếu đây chỉ là sự sắp sếp hôn nhân để tiện cho việc di dân, thì khi họ đã sang đến và ổn định cuộc sống ở Canada, họ phải ra trước mặt chính quyền dân sự để làm giấy ly dị cho hợp pháp. Sau đó họ nên vào gặp cha xứ sở tại để trình bày sự việc. Cha xứ sẻ giới thiệu họ đến Toà Án Hôn Phối của địa phận họ đang ở để được xúc tiến giải gỡ cho vấn đề của họ để họ sau này được tự do kết hôn một người khác theo luật hội thánh.

Tòa Án Hôn Phối sẽ có mấy cách để giải tỏa khùc mắc cho họ. Nếu họ là người Công Giáo nhưng họ làm thủ tục hôn nhân trước mặt chính quyền dân sự, và hôn nhân này chưa được Giáo quyền chấp nhận vì hôn nhân của họ không theo đúng luật Giáo Hội (lack of canonical form). Để giải tỏa cái khúc mắc này, người đệ đơn cần cung cấp mấy người nhân chứng. Nhửng nhân chứng này phải hứa sẽ nói sự thật, và làm chứng rằng hôn nhân này chỉ cử hành trước mặt chính quyền dân sự thôi, và chưa được cử hành theo luật Giáo hội. Những nhân chứng này là những người thân thuộc với người đệ đơn: Cha, mẹ, anh chị em ruột, hoặc những người có quan hệ gần gũi với người đệ đơn.

Nếu hai người này là hai người không Công Giáo, hôn nhân của họ là hôn nhân tự nhiên và được cả luật đời cũng như luật đạo bảo vệ. Nếu một trong hai người này, khi họ đả ly dị theo luật đời xong rồi, mà muốn học đạo để được rửa tội và trở thành người Công Giáo, để lấy một người Công Giáo hay một người không Công Giáo, thì họ sẻ được hưởng đặc ân của đức tin (Privilege of the Faith). Hôn nhân cũ của họ sẻ được tháo gở để họ có thể lập một gia đình mới. Người đệ đơn này cũng phải cung cấp những nhân chứng gần gủi và thân thuộc với họ như đã nói ở trên.

Nếu một trong hai người này, khi đã ly dị theo luật dân sự xong, người này không muốn theo đạo, nhưng muốn lập gia đình với một người Công Giáo, thì người này được hưởng đặc quyền của đức tin. Đặc quyền này được ban ra để giúp cho người Công Giáo không gặp sự khó khăn trong việc lập gia đình. Với đặc quyền này, Giáo hội cũng hy vọng là sau này người không có đạo sẽ cảm nhận được ơn Chúa và ơn của Giáo hội mà trở lại đạo. Nhân chứng cũng phải được cung cấp đầy đủ như trên.

Dù sao chăng nữa, những người này nên gặp cha xứ để được giới thiệu lên Toà án Hôn Phối của Địa phận nơi họ đang cư trú để được hướng dẫn một cách cụ thể hơn. Mỗi trường hợp của mỗi người đều khác nhau, và có hoàn cảnh khác nhau, nên không thể trả lời một cách chung chung được.

Câu hỏi 2: Ở Canada có nhiều toà án hôn phối, và nhiều hôn phối đã được cử hành trong nhà thờ vẫn được tuyên bố không thành và người trong cuộc sau đó được quyền lấy người khác. Con về VN mới đây và cha xứ con bảo: “Bên Tây loạn hết rồi! Chúa bảo “sự gì Chúa đã liên kết không ai được tháo gỡ!” Cũng là Giáo Hội Công Giáo La Mã, nhưng sao VN không tháo gỡ, còn bên này lại cho phép tháo gỡ?”

Trả lời: Đây là một câu hỏi rất tốt, nhưng để có một câu trả lời rõ ràng, câu hỏi này cần phải được chia ra thành nhiều câu hỏi phụ để có thể giải thích. Như thế câu hỏi này sẽ được chia ra như sau:

- Bí tích hôn nhân được hiểu theo Giáo luật như thế nào?

- Những yếu tố cần thiết nào để cho một hợp đồng hôn nhân có giá trị, được nâng lên hàng bí tích và được Giáo Hội công nhận?

- Quyết định tuyên bố bí tích hôn nhân vô hiệu và chức năng và quyền hạn của tòa án hôn phối?

Khi người đọc hiểu rỏ về bí tích hôn nhân theo Giáo luật, và nhửng yếu tố cần thiết để cho một hợp đồng hôn nhân trở thành một bí tích của hội thánh, củng như nhửng sự hiểu biết về những năng quyền của tòa án hôn phối, thì người đọc sẻ hiểu tại sao toà án hôn phối của địa phận lại tuyên bố một hôn phối không thành sự. Một khi toà án đả tuyên bố một hôn nhân không thành sự, thì nhửng người trong cuộc “có thể” được tự do để lập gia đình, bởi vì tất cả mọi người đều được phép lập gia đình nếu họ không bị nghiêm cấm bởi luật pháp (GL. 1058).[i]

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về bí tích hôn nhân theo sự hiểu biết của Giáo Luật. Khi nói về hôn nhân, theo bản chất tự nhiên của nó là một giao ước được ký kết giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ ý thức về trách nhiệm của mình, và được tự do hoàn toàn về tâm lý, tinh thần, và thể xác, nhằm mục đích sống yêu thương nâng đở trong tình yêu vợ chồng. Kế tiếp là việc sinh sản và giáo dục con cái trong trách nhiệm làm cha làm mẹ. Hôn nhân Công Giáo cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6).

Qua giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích (GL. 1055 §1).[ii]

Qua Bí tích hôn nhân, hai người nam và nữ thề hứa trước bàn thời Chúa, với dự hiện diện và minh chứng của Linh mục cũng như những chứng nhân. Qua đó, Thiên Chúa ban ân sủng của Ngài cho đôi tân hôn. Vì thế, thông qua các Bí tích được cử hành trong Giáo hội Thiên Chúa hành động và ban ân sủng. Thiên Chúa ban cho đôi hôn nhân ơn tự nhiên và siêu nhiên để họ chu toàn bổn phận trách nhiệm vợ chồng, cha mẹ trong đấng bậc của họ. Nhờ dòng suối ân sủng ấy, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân qua lời cầu nguyện và tham dự vào các Bí tích khác của Giáo hội.

Trong thông điêp Về Sự Sống Con Người (Humane Vitae), Đức Thánh Cha Phaolô VI nhấn mạnh rằng: “Trong hôn nhân, vợ chồng dâng hiến thân xác cho nhau bằng một cử chỉ đặc biệt và giới hạn giữa hai người, để kết hợp với nhau nên một, với mục đích giúp nhau phát triển con người và cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục những sự sống mới.” [iii]

Vậy có thể nói, Hôn nhân theo cái nhìn của Giáo Hội và Giáo Luật gồm có 2 mục đích chính: 1- Giúp nhau phát triển con người và cùng nhau hướng về thiện ích của đôi bạn. 2- Sinh sản và giáo dục con cái (can. 1055 §1).

Như thế khi hai người đả chịu phép rửa tội kết hôn với nhau, hôn ước của họ sẻ hửu hiệu và được nâng lên hàng bí tích (can. 1055 §2). Bí tích hôn nhân có hai đặc tính căn bản, đó là sự duy nhất và bất khả phân ly. Bởi vì đây là một bí tích, nên hai đặc tính này được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Kitô giáo (can. 1056).

1/ Duy nhất: Duy nhất hay còn gọi nhất phu nhất phụ là hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình; và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình. Đây là nét đặc thù của Hôn nhân Công giáo: Đơn hôn là duy nhất, trung tín, không chia sẻ.

2/ Bất khả phân ly: Một khi đã thề hứa yêu thương nhau trước bàn thờ Thiên Chúa với tất cả tự do và tôn trọng qua Bí tích Hôn nhân, đôi tân hôn được liên kết và đòi hỏi sự trung thủy yêu thương nhau cho đến trọn đời. Từ đó, không ai có thể tháo gỡ giây hôn nhân đó, dù là quyền lực dân sự hay tôn giáo. Nói tóm lại, đặc tính Bất khả phân ly mang tính cách vĩnh viễn, không ly dị: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không thể phân ly” (Mt 19,4-6).

Bí tích hôn nhân, được hiểu theo Giáo luật, thì rất là thực tế. Qua bí tích này, hai người nam và nữ sẻ hổ trợ lẩn nhau trong cuộc sống hằng ngày. Họ là hai người bạn đường giúp đở nhau, dìu dắt nhau trên con đường thăng tiến và thánh thiện. Hai đặc tính căn bản này giúp cho đôi vợ chồng thăng tiến trong đời sống hôn nhân và làm nhân chứng cho Đức Kitô trong ơn gọi gia đình của mình.

Như thế qua hai điều khỏan của Giáo Luật, điều 1055 và 1056, bí tích hôn nhân Công Giáo cần phải hội đủ những yếu tố sau đây:

Giao ước hôn phối là một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống giửa hai người nam và nử;

Giúp nhau phát triển con người và cùng nhau hướng về thiện ích của đôi bạn;

Sinh sản và giáo dục con cái;

Duy nhất;

Bất khả phân ly.

Năm yếu tố này không thể thiếu trong bí tích hôn nhân Công Giáo. Nếu một yếu tố này bị bỏ qua bất cứ vì lý do gì, thì đây không còn là hôn nhân Công Giáo, hay là một bí tích nữa. Hay nói một cách khác, nếu nhửng yếu tố này bị bỏ qua hoặc không được nhắc đến, thì hôn nhân này chỉ là một hôn nhân tự nhiên, hay là một hợp đồng có tính cách trao đổi thôi. Và khi hợp đồng này không còn có lợi cho một hoặc cho cả hai, họ có thể chấm dứt hợp đồng này.

Vì có giới hạn, nên bài viết này không thể trả lời quá dài. Đây chỉ là tóm gọn để trả lời câu hỏi thứ nhất: Hôn nhân Công Giáo theo hiểu biết của Giáo luật. Bài viết lần tới sẻ cố gắng trả lời câu hỏi thứ hai: Những yếu tố cần thiết nào để cho một hợp đồng hôn nhân có giá trị, được nâng lên hàng bí tích và được Giáo Hội công nhận? Còn câu hỏi cuối cùng sẻ được trả lời trong bài viết kế tiếp.

Rev. Joseph Thoại Lê, Vancouver Regional Tribunal

--------------------------------------------------------------------------------

[i] Các điều khoản của Giáo Luật được trích dẩn từ: Bản dịch việt ngữ của: Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh. Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia.

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/giaoluat/giaoluat.htm.

[ii] Chữ viết tắt: “can” có nghỉa là Điều… của giáo luật.

[iii] Humanae Vitae 8, Thông điệp: “Về Sự Sống Con Người” của ĐTC Phaolô VI, ban hành ngày 25.7.1968.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
20 năm sau cộng sản, Đức Thánh Cha kêu gọi phải truyền giáo
Bùi Hữu Thư
15:21 12/02/2009

20 năm sau cộng sản, Đức Thánh Cha kêu gọi phải truyền giáo



Ngài nói sứ mệnh của Giáo Hội vẫn không thay đổi

VATICAN ngày 11, tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói các giám mục của các quốc gia trước đây là cộng sản cần sốt sắng loan truyền Phúc Âm, và do đó có thể vượt thắng các trở ngại do chế độ cũ gây ra tại các quốc gia này.

Đây là lời kêu gọi được Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone gửi, nhân danh Đức Thánh Cha cho một hội nghị của các giám mục thuộc các quốc gia trước đây là cộng sản. Buổi họp này được tổ chức tại Croatia, chấm dứt ngày hôm nay. Đây là lần thứ ba các giám mục của các quốc gia này nhóm họp như vậy.

Ngày được lựa chọn trùng với ngày kỷ niệm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Alojzije Stepinac, và phần lớn các điểm được mang ra hội thảo chú trọng vào di sản tinh thần của vị Thánh này cũng như của các vị tử đạo khác dưới thời cộng sản.

Chân Phước Alojzije Stepinac


Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích, "Từ bản thể của Giáo Hội xuất phát sứ mệnh, và sứ mệnh này luôn luôn không thay đổi, như Thánh Phaolô đã nhắc nhớ chúng ta: ‘Loan báo Lời Chúa; kiên trì dù cho dễ dàng hay khó khăn; thuyết phục, quở trách, khuyến khích qua sự kiên nhẫn và giáo huấn.”

Đức Thánh Cha nhớ lại rằng "Muốn loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô 20 năm trước đây tại các nước miền Trung và Đông Âu hết sức khó khăn và nguy hiểm, nhất là đối với các chủ chiên của Giáo Hội.”

Điệp văn của Đức Thánh Cha đề cập đến Đức Hồng Y Stepinac, nói rằng ngài là “một trong những người bị hành quyết vì trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội,” và là “một người nổi tiếng nhất” của Giáo Hội tại Croatia, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định.

Đức Thánh Cha người Đức tiếp, “Việc tử đạo và chứng nhân của Chân Phước Stepinac thúc đẩy và khuyến khích chúng ta, bảo đảm rằng Giáo Hội vẫn tiếp tục hành hương ngay giữa những cuôc đàn áp của thế giới và với sự an ủi của Thiên Chúa, vẫn tuyên xưng cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Giêsu cho đến khi Người lại đến.”

Theo điệp văn của Đức Thánh Cha, “sau khi cộng sản sụp đổ, Giáo Hội phải đối phó với những thách đố mới, những vấn nạn mới, nhưng sứ mệnh vẫn không thay đổi: ‘Hãy đi khắp muôn phương thiên hạ mà loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân nước."'

Ngài tiếp, "Sự cộng tác hỗ tương giữa các chủ chăn và Hội Đồng Giám Mục hết sức quan trọng cho việc hoàn tất sứ mệnh này,” ngài nhận xét là buổi họp tại Croatia biểu dương cho “sức sống mạnh mẽ của Giáo Hội, [và đem lại] niềm hy vọng mới cho sự hữu hiệu của sứ mệnh tại Âu Châu và thế giới."
 
Các biểu tượng Công giáo tại Đại học Boston gây nhiều cảm ứng khác nhau
Phụng Nghi
18:19 12/02/2009
Boston (The Boston Club) – Trong công viên trước Hội Trường Higgins của Đại học Boston mới đặt một bức tượng Thánh Inhaxiô rất lớn, bàn tay đặt trên ngực và tà áo tung bay. Nơi chi nhánh Newton gần đó của trường, cũng đứng sững bức tượng lớn của Thánh Thomas More.

Còn mỗi bên của phòng đợi trong Hội trường Lyons là một bức tranh mới ghép bằng kiếng mầu, một bức mô tả bà Dorothy Day là người sáng lập phong trào công nhân Công giáo, còn bức tranh kia là Pedro Arrupe, cựu bề trên tổng quyền Dòng Tên.

Và trong tất cả 151 lớp học đều có một ảnh tượng Công giáo, phần lớn là tượng ảnh thánh giá treo trên khung cửa ra vào.

Các sinh viên và ban giảng huấn trở lại trường sau thời gian nghỉ mùa đông nhận ra trường Đại học Boston đã lẳng lặng hoàn thành – không có lời thông cáo hay khoa trương rầm rộ - một dự án 8 năm để làm tăng thêm đáng kể sự hiện diện của các biểu tượng Công giáo trong khuôn viên của trường. Những sự thay đổi này thật tinh tế nhưng đáng kể khi trường đại học này cùng tham gia với các cơ sở học vấn Công giáo khác khắp toàn quốc trong nỗ lực rõ rệt muốn lấy lại căn tính Công giáo của mình.

Ông Jack Dunn, người phát ngôn của trường Đại học Boston nói: “Nghệ thuật Kitô giáo phản ảnh niềm tự hào và lời cam kết của chúng tôi đối với di sản tôn giáo của trường.”

Phản ứng của các sinh viên nói chung đều có vẻ hỗ trợ sự thay đổi, nhưng tại một vài phân khoa đã có sự chia rẽ về tính cách thích hợp của bước tiến này. Một cuộc họp các trưởng khoa nghệ thuật và khoa học tháng trước trở thành buổi tranh luận sôi nổi về những biểu tượng treo trong các lớp học; một số rất ít phân khoa đã viết thư phản kháng lên ban điều hành, và một số đã không thành công trong việc lưu hành bản thỉnh cầu đòi rời bỏ đi những cây thánh giá treo trong lớp học.

Ông Maxim D. Shrayer, khoa trưởng khoa ngôn ngữ và văn chương Slave và Tây phương, trong một cuộc phỏng vấn có phát biểu rằng: “Tôi tin là việc trưng bày các dấu hiệu và biểu tượng tôn giáo, chẳng hạn như cây thánh giá, trong các lớp học là trái với văn bản và tinh thần của giảng huấn trí thức và cởi mở từng làm cho nền giáo dục có giá trị và phân biệt những trường đại học hạng nhất với những trường kém cỏi và ở các tỉnh nhỏ.”

Nhưng các phân khoa khác lại vui.

“Nơi đây đang và đã luôn luôn lan tràn các hình ảnh và các biểu tượng Kitô giáo.” Đó là lời cha John Paris, một linh mục Dòng Tên dạy môn đạo đức sinh học tại Đại học Boston. Cha nói ngài coi là có tính cách “công kích” cái ý niệm cho rằng một cây thánh giá lại có thể ngăn chận được khả năng của các sinh viên hay của một phân khoa không cho họ suy nghĩ chín chắn trong một lớp học, và ngài gọi lời chỉ trích là “suy tư hẹp hòi và kỳ cục của một ít người bất mãn.”

Cha nói thêm: “Đây là một vấn đề nhỏ đối với những người có đầu óc nhỏ hẹp, chứ không phải là một vấn đề gây tranh cãi nghiêm trọng.”

Việc treo thánh giá và đặt tượng cũng nhận được sự khen ngợi bằng những lời phê phán thận trọng của giới học thuật Công giáo. Một tổ chức có tên là Hiệp hội Hồng y Newman, thường xuyên chỉ trích các trường đại học Công giáo vì đi trật ra ngoài khuôn khổ chính thống, đã khen ngợi trường Đại học Boston, đồng thời tờ báo cánh tả National Catholic Register gọi việc treo các ảnh thánh giá là “một bước tiến không ngờ tại Đại học Boston.”

Một số người viết nhật ký trên mạng (blogger) bỗng nhiên cảm thấy thích thú đối với một cơ sở họ thường hay báng bổ. “Niềm hy vọng cho Đại học Boston” đó là nhan đề được sử dụng do Kelly Clark viết blog dưới tên "The Lady in the Pew." Và Thomas Peters, dưới tên blog là "the American Papist đã viết: “Tranh ảnh Công giáo tại trường Công giáo ư? Thật là một quan niệm cực đoan… Giờ thì hãy chờ xem người ta phản kháng.”

Đề tài căn tính Công giáo tại khuôn viên các trường đại học Công giáo đã là vấn đề thử thách suốt mấy thập niên qua, và nhiều truờng đại học, đáng kể nhất là Georgetown University, đã tung ra những nỗ lực công khai trong những năm vừa qua để làm gia tăng sự hiện diện của các biểu tượng Công giáo nơi khuôn viên trường.

Trong nhiệm kỳ làm chủ tịch Đại học Boston hiện nay của linh mục William P. Leahy, trường đã thực hiện nhiều giai đoạn nhằm đề cao tính chất Công giáo của mình, như củng cố mối liên lạc với Tổng giáo phận Boston, thành lập một học viện mới nghiên cứu về Đạo Công giáo trong thế kỷ 21, sát nhập trường Thần học Weston của Dòng Tên, và ngay cả hủy bỏ các giờ học một lần mỗi học kỳ mùa thu để tổ chức thánh lễ ngoài trời cho tất cả các phân khoa của trường.

Nhưng trường cũng nhấn mạnh đến tính cách đa dạng của mình, nên đã thành lập các môn học bổ túc nghiên cứu Do thái giáo và Hồi giáo.

Khoảng 70% sinh viên học trường Đại học Boston là người Công giáo. Các đại diện sinh viên được phỏng vấn đồng loạt ủng hộ việc mới gia tăng các biểu tượng Công giáo trong trường, và ông phát ngôn viên Dunn nói đã không thấy có những lời phàn nàn của các sinh viên theo học.

Ông Christopher Denice, chủ tịch điều hành các sinh viên chưa tốt nghiệp, phát biểu: “Trường có đặc quyền treo thêm các ảnh thánh giá, và tôi không thấy đó là điểm để cho người ta tranh cãi. Mọi người ở đây đều biết và hiểu rằng trường Đại học Boston là một trường Công giáo của Dòng Tên. Treo thêm các ảnh thánh giá không làm thay đổi gì hết.”

Patrick Fouhy, cựu biên tập báo The Heights của Đại học Boston nói rằng anh thấy các ảnh thánh giá mới được treo khi anh trở lại trường sau kỳ nghỉ mùa đông năm nay. Anh hài lòng, nói rằng căn tính Công giáo của trường đại học này là một trong những lý do khiến anh chọn theo học tại đây.

“Cá nhân tôi, tôi vui mừng khi thấy trường quyết định gia tăng số ảnh tượng thánh giá treo trong các lớp học. Trường Đại học Boston hoan nghênh các sinh viên, nhân viên ban giảng huấn và ban điều hành thuộc mọi tôn giáo, nhưng xét về mọi mặt thì đây là một học hiệu Công giáo của Dòng Tên và các ảnh thánh giá là điều nhắc nhở tốt đẹp sự kiện đó.”

Và Elissa Klein, giám đốc sinh hoạt Do thái giáo tại Đại học Boston nói: “Đêm nay tôi có nói truyện với nhiều sinh viên Do thái chưa tốt nghiệp đang học tại đây, họ đều tỏ ra thờ ơ với những ảnh tượng tôn giáo mới. Dường như có nhiều người còn không để ý thấy nữa. Còn những người khác thì cho đó là một thay đổi không đáng kể.”
 
Top Stories
Vietnam: Le gouvernement vietnamien annonce des négociations sur l’établissement de « relations » entre le Vatican et le Vietnam
Eglises d'Asie
14:45 12/02/2009
Après l’annonce, par des sources romaines, de la venue d’une délégation du Saint-Siège au Vietnam pour le 16 février prochain (1), une déclaration du porte-parole des Affaires étrangères vietnamien, Lê Dung, vient d’apporter de nouvelles informations dont on voit mal comment elles s’articulent avec les précédentes. Le communiqué du porte-parole affirme que, ce même 16 janvier, se réunira pour la première fois à Hanoi le « groupe mixte d’experts Vietnam-Vatican » en vue de négocier l’établissement de « relations » entre les deux Etats.

Le communiqué a été diffusé en premier lieu par l’Agence vietnamienne d’information (Thông Tâ Xa Viêt Nam), en langues anglaise et française, dans la soirée du 11 février. Il a été immédiatement repris par de nombreux journaux et sites Internet officiels vietnamiens. Le Nhan Dân titre: « Echanges concernant l’établissement de relations entre le Vatican et le Saint-Siège ». Le Journal électronique du Parti communiste, dans sa présentation, souligne l’importance du déplacement de la délégation du Saint-Siège à Hanoi. La plupart des journaux et des sites se contentent de reprendre, mot à mot, le communiqué du porte-parole gouvernemental.

Ce dernier a pris soin de mettre en relief les circonstances dans lesquelles va se dérouler cette réunion, à savoir « dans le cadre d’une politique étrangère d’indépendance, d’autonomie », marquée par « la multiplication et la diversification de ses relations internationales ». L’auteur du communiqué fait remarquer aussi que la proposition de cette rencontre a été faite par le Saint-Siège. Il est enfin annoncé que la délégation du Saint-Siège conduite par Mgr Parolin, sous-secrétaire d’Etat, rencontrera une délégation des Affaires étrangères vietnamiennes dirigée par Nguyên Quôc Cuong, vice-ministre des Affaires étrangères.

L’annonce du gouvernement vietnamien laisse subsister plusieurs points obscurs. On remarquera en premier lieu que, nulle part, il n’est question de l’établissement de relations « diplomatiques ». Le texte ne parle que de « relations » entre les deux pays, sans y ajouter de qualificatif. Par ailleurs, le Bureau des Affaires religieuses, qui, habituellement, joue un très grand rôle dans ces négociations annuelles entre le Saint-Siège et le Vietnam, n’est absolument pas mentionné.

La principale interrogation concerne la nature de ce « groupe mixte d’experts Vietnam-Vatican », dont il est question pour la première fois. Pour le moment, aucune information provenant du Saint-Siège n’a confirmé la création de cette commission. Les sources romaines annonçant le voyage de la délégation du Saint-Siège à Hanoi ont seulement mentionné la présence dans ce groupe du sous-secrétaire d’Etat, Mgr Parolin, et d’un prêtre membre de la Congrégation de l’évangélisation des peuples.

Depuis longtemps, il est question d’un groupe de travail chargé de préparer le programme conduisant à l’établissement de relations diplomatiques entre les deux pays. Lors de sa visite au pape Benoît XVI, le 25 janvier 2007, le Premier ministre Nguyên Tân Dung avait pris acte de la proposition faite par le Saint-Siège d’établir des relations diplomatiques classiques entre les deux parties. Il avait proposé de laisser aux bureaux diplomatiques des deux pays la tâche d’en discuter concrètement (2). Cette réponse avait déjà été donnée à d’autres occasions, notamment à l’époque où l’Eglise du Vietnam avait proposé au gouvernement d’inviter le pape Jean Paul II à visiter le Vietnam. Lors de la visite de la délégation romaine à Hanoi en juin de l’année dernière, les représentants du Vatican avaient proposé au Vice-Premier ministre Pham Gia Khiêm, de constituer le plus tôt possible un groupe de travail chargé d’établir le calendrier et le mode d’établissement de ces relations. Le conflit entre la communauté catholique et les autorités civiles de Hanoi n’avait pas permis de préciser les suites qui avaient été données à cette initiative.

On peut penser que cette insistance soudaine et exclusive sur la question des relations entre le Vietnam et le Saint-Siège pourrait permettre aux autorités vietnamiennes d’éviter de répondre aux questions que ne manqueront pas de poser les représentants romains au sujet des problèmes importants concernant les relations actuelles entre les catholiques et leur gouvernement.

(1) Voir dépêche EDA diffusée le 9 février 2009.
(2) Voir EDA 456.

(Source: Eglises d'Asie, 12 février 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa học về Linh Đạo – Đặc Sủng – Sứ Vụ của các Dòng Tu
Trần Hoàn Chỉnh
05:09 12/02/2009
SAIGÒN - Sáng nay, ngày 11.02.2009, tại hội trường Tỉnh Dòng Tên Việt Nam tại Thủ Đức, đã khai mạc khóa học về Linh Đạo – Đặc Sủng – Sứ Vụ của các Dòng tu do Liên Hiệp Bề Trên Thương Cấp Việt Nam tổ chức.

Có tất cả 246 tham dự viên thuộc 52 Dòng tu, Tu Hội, Tu Đoàn tông đồ trên toàn quốc về tham dự, trong đó có sự hiện diện của nhiều Bề Trên Tổng Quyền, Giám Tỉnh, Tổng Phụ Trách, Bề Trên các Tu Hội, Tu đoàn tông đồ, các vị phụ trách các giai đọan huấn luyện trong các Dòng tu.

Hai thuyết trình viên hướng dẫn khóa học là linh mục Gioan Phạm Hoàng Sinh, Dòng Đa-minh Việt Nam và linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Hạnh, Bề Trên Dòng Thánh Gia, thuộc Giáo Phận Long Xuyên.

Khóa học sẽ diễn ra trong ba ngày 11, 12 và 13 tháng 02 năm 2009. Mục đích khóa học nhằm giúp các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn tông đồ đào sâu căn tính của đời sống thánh hiến qua việc trở về nguồn linh đạo của Đấng sáng lập để khám phá ra những nét đặc trưng của đặc sủng của Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn. Từ đó, có thể nhận định về các sứ vụ hiện nay của mình phát xuất từ nền tảng linh đạo và đặc sủng này dưới ánh sáng của Kinh Thánh và các hướng dẫn của Công Đồng Vaticanô II.

Qua khóa học này, các tham dự viện sẽ thấy rõ hơn chiều kích đặc sủng cũng như tương quan giữa đặc sủng với hai chiều kích quan trọng khác trong đời sống tu trì, đó là Linh đạo và Sứ vụ. Đồng thời, nhờ chia sẻ và thảo luận chung với nhau, mỗi tham dự viên sẽ được thêm phong phú khi có dịp mở rộng tầm nhìn đến các linh đạo và đặc sủng khác trong vườn hoa muôn màu của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội.

Ánh Sao Xanh

HÌNH ẢNH VỀ KHÓA HỌC
Qúy vị có thể sử dụng đoạn code file flash dưới đây
Flash:




Hoặc hình ảnh tại đây
http://betrenthuongcap.net/modules.php?name=Albums&op=viewcat&catid=6
 
Ngày thế giới các bệnh nhân tại Đà Nẵng
Phạm cảnh Đáng
05:26 12/02/2009
“Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hảy ở Bên những bệnh nhân trên khắp thế giới.

Bên những bệnh nhân đã bất tỉnh và sắp chết,

Bên những người đang bước vào cơn hấp hối,

Bên những người đã mất hết hy vọng được khỏi bệnh,

Bên những ai đang rên xiết quằn quại trong đau đớn thể xác và tâm hồn,

Bên những người tiền mất tật mang, không còn khả năng chạy chữa vì gia cảnh túng thiếu

bần hàn. ..”


Đó là những lời kinh rất thành khẩn thiết tha, mà Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Đà Năng, Nhóm Tông Đồ Khuyết Tật GP. ĐN, Các bệnh nhân, cùng ĐGM giáo phận đã tin yêu phó thác dâng lên Mẹ Maria - Đức Mẹ Lộ Đức – nhân ngày Thế giới bệnh nhân, trong Thánh lễ đồng tế lúc 17 giờ chiều nay, tại Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Đà Nẵng.

Theo tinh thần Sứ điệp lần thứ 17 của ĐTC Bénédicte, nhân ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Thế giới các bệnh nhân, 11 tháng 2 hằng năm, ĐGM Giáo phận Đà Nẵng, cùng quí linh mục đã hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện cách riêng cho các bệnh nhân đang đau khổ về thể xác cũng như tinh thần, được: ” ơn sức mạnh để vượt qua số phận chính mình”.

Phục vụ thánh lễ hôm nay, từ việc hát lễ, dâng lễ, đọc sách... hoàn toàn do nhóm Tông đồ khuyết tật Giáo phận đảm nhận.

Sự hiện diện đầy tự tin và phó thác của các anh chị khuyết tật, các bệnh nhân, trong thánh lễ hôm nay, đã làm cho tôi, và nhiều người khác phải suy nghỉ: là chúng ta có cảm nhận được Hồng ân lớn lao mà Chúa đã ban cho chúng ta với thân xác lành lặng này không ?, và chúng ta đã làm gì với Hồng ân cao cả đó ? ( Chúng tôi sẽ giới thiệu về nhóm Tông đồ khuyết tật này trong những ngày tới)
 
Lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân tại giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai
Giuse Khổng Hữu Nguồn
14:19 12/02/2009
HỐ NAI - Chiều thứ Tư 11.2.2009, bầu trời Hố Nai bỗng dưng mưa nhẹ, đến trước 18 giờ là trời tạnh ráo hẳn, người nhà của 85 bệnh nhân trong xứ, bằng đủ mọi phương tiện di chuyển người bệnh của mình đến Thánh Đường để tham dự Thánh lễ.

Trước Thánh lễ, Cha chánh xứ Bắc Hải Đaminh Bùi Văn Án ngỏ lời: “ Kính thưa Cha cố, kính thưa cộng đoàn Phụng vụ, đặc biệt kính thưa quý cụ, quý ông bà và tất cả anh chị em bệnh nhân !.

Nhân ngày thế giới các bệnh nhân năm nay, ngày mùng 02.2 vừa qua, Đức Thánh Cha Benedicto 16 đã gởi cho tất cả thế giới một Sứ điệp, ‘ Sứ điệp ngày thế giới các bệnh nhân ‘. Ngay trong đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nhắc đến năm kính Thánh Phaolo và Ngài mượn lời thơ của Thánh Tông đồ Phaolo gởi tín hữu Corinto để chia sẻ với các bệnh nhân, ‘ Chúng ta đã thông phần vào cuộc đau khổ của Đức Giêsu Kito như thế nào, thì cũng chính nhờ Người mà chúng ta cũng sẽ được lãnh nhận sự an ủi tràn đầy ‘.

Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha năm nay đặc biệt nhắc chúng ta chú ý đến các trẻ em. Những trẻ em đang bị thương tích trong thân xác, tâm hồn, những trẻ em bị bỏ rơi, những trẻ em bụi đời, những trẻ em chết vì đói khát thiếu săn sóc y tế, những trẻ em di tản phải tị nạn, và Đức Thánh Cha nhắn nhủ với cộng đoàn chúng ta, ‘ Cộng đoàn Kito giáo không thể dửng dưng trước những tình trạng thê thảm như thế ‘.

Hôm nay nhân ngày quốc tế các bệnh nhân, cộng đoàn tín hữu chúng ta tụ họp nhau nơi đây, đặc biệt cùng với Cha cố Giuse của chúng ta, Ngài cũng là một người đang mang trong mình những thương tích của Chúa Giesu Kito, cộng đoàn chúng ta hiệp dâng thánh lễ này, cầu nguyện cho Ngài, cầu nguyện cho các bệnh nhân trong giáo xứ, cầu nguyện cho các người đau bệnh trên toàn thế giới.

Xin Chúa ban ơn nâng đỡ, cho những người đang săn sóc các bệnh nhân được ơn kiên trì, chịu khó chịu đựng để có thể đem lại niềm an ủi cho người bệnh.

Giờ đây chúng ta hiệp cùng với Cha cố chủ tế hôm nay, để xin Chúa ban phúc bình an cho chúng ta theo ý nguyện “.

Trong bài giảng lễ, Cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, dù hơi sức có phần kém hơn năm ngoái, nhưng Ngài phấn khởi vui tươi chia sẻ với cộng đoàn. “ Ông bà anh chị em thân mến, đặc biệt ông bà anh chị em là những bệnh nhân, đau ốm, tật nguyền, đang hiện diện trong thánh lễ hôm nay.

Người ta vẫn thường nói ! ‘ Đời là bể khổ ‘ mà trong bốn cái khổ của con người đó là: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Một trong bốn cái nỗi khổ đó, lớn hơn cả, đó là bệnh tật ! nhất là những bệnh nan y.

Trước hang đá Đức Mẹ tại miền nam nước Pháp, tôi đã từng đến đây hai lần, và đã dâng lễ trên bàn thờ Đức Mẹ Lộ Đức. Lần nào tôi cũng thấy đoàn lũ người bằng đủ mọi phương tiện, xe lăn, chống nạng, dắt nhau, bồng bế nhau, đủ mọi mầu da, đủ mọi tiếng nói, đến trước hang đá Đức Mẹ. Đoàn người khốn khổ này, với lòng tin, cậy trông, xin Đức Mẹ thương đoái.

Trước tình cảnh trên, ngày 11.2.1993, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã thiết lập ngày Quốc tế bệnh nhân, và cử các Hồng Y đặc sứ đại diện Ngài đến cử hành lễ Quốc tế bệnh nhân lần đầu tiên.

Và ngày 11.2 năm nay, kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, trong suốt 150 năm qua, bao phép lạ Đức Mẹ đã thi ân cho con cái loài người, ơn phần hồn, ơn phần xác.

Bác sỹ Alexis Carrel một bác sỹ thời danh lúc bấy giờ, đã phải cúi đầu nhìn nhận và thán phục các phép lạ Đức Mẹ đã làm cho các bệnh nhân của ông.

Nhân ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Quốc tế bệnh nhân hôm nay, chúng ta đặc biệt nhớ đến những người đau ốm, bệnh tật, yếu đuối đau khổ, vô phương đường về. Có những người mang trong thân xác hậu quả của bệnh làm cho tàn tật, có những người đang chiến đấu chống lại những căn bệnh mà ngày nay người ta không chữa được, có những người bị thương tích trong thân xác và trong tâm hồn, vì những cuộc xung đột và chiến tranh, có những người là nạn nhân của oán thù vô nghĩa, có những người thiếu hơi ấm của gia đình, có những người đáng kinh tởm đã xâm phạm sự ngây thơ trong trắng của người khác, tạo ra một thương tích tâm lý ảnh hưởng trên cuộc đời của họ.

Chúng ta không thể quên những người đói khát thiếu săn sóc về y tế, tất cả tiếng vang ấy ! kêu lên một tiếng kêu đau đớn âm thầm đòi hỏi lời đáp trả của lương tâm người công giáo chúng ta, chúng ta không thể dửng dưng trước thảm trạng như thế, mà phải giúp đỡ.

Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa, trong gia đình này, không thể có người nào phải chịu đau khổ về thiếu chăm sóc, vì thế trong ngày Quốc tế bệnh nhân hôm nay, mỗi người phải ý thức rằng mình là thành phần của gia đình Thiên Chúa, phải làm cho tình thương của Chúa lan tỏa đến tất cả mọi người, theo gương người Samaritano nhân hậu, chúng ta phải cúi xuống trên những người ốm đau bệnh tật và nâng đỡ họ, bằng tình liên đới cụ thể. Bệnh nhân và những đau khổ luôn có trước mắt chúng ta, chúng ta không thể quay mặt làm ngơ, đặc biệt những người đau khổ khốn cùng.

Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, trong thông điệp ngày Quốc tế bệnh nhân năm 2007 đã kêu gọi: ‘ Giờ đây tôi hướng về anh chị em, những người đang chịu những căn bệnh nan y vào giai đoạn cuối, anh chị em chăm chiêm ngắm những đau khổ của Chúa Giesu chịu đóng đinh và kết hợp với Người ‘.

Hãy hướng về Chúa Cha với niềm Tin yêu Phó thác trọn vẹn, hãy phó thác những đau khổ của anh chị em để luôn được kết hiệp với Chúa, những đau khổ của anh chị em sẽ sinh ích cho Hội Thánh và cho toàn thế giới.

Tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã bày tỏ tình Mẫu Tử cách đặc biệt cho những người chịu đau khổ, cũng như cho các bệnh nhân. Nếu vì tội nguyên tổ mà sự chết đột nhập vào thế gian, thì nhờ Mẹ Maria vô nhiễm, ơn cứu độ và sự sống sẽ đến được với chúng ta, nếu vì tội nguyên tổ con người phải chịu đau khổ, và sự chết, thì với Đức Maria vô nhiễm, đó lại là một dấu chỉ rõ rệt của lòng thương xót Chúa, có những người đau khổ tinh thần và thể xác, có thể tìm được nguồn an ủi lớn lao nơi tấm lòng Mẫu tử của Mẹ Maria, để có thể xác tín về quyền năng yêu thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi và sự chết.

Anh chị em thân mến ! Ngày Quốc tế bệnh nhân mang ý nghĩa tích cực. Phải thông cảm, chia sẻ và an ủi, Hội Thánh muốn mọi người ý thức hơn nữa vai trò của mình trên thực tế khổ đau của bệnh tật.

Là những bệnh nhân chúng ta ý thức thập giá và sứ mạng cao quý của mình, ngày quốc tế bệnh nhân Hội Thánh mời gọi tất cả mọi người chúng ta cùng chung chia nỗi khốn cùng và thực tại đau khổ của anh chị em bệnh nhân.

Hãy tự nguyện phục vụ giúp đỡ và đồng cảm trước thân phận kém may mắn, và cố gắng làm cho lòng nhân từ thương xót của Chúa, đừng để cho bệnh nhân nào cảm thấy mình bị bỏ rơi, vào lúc phải đương đầu với một giai đoạn tế nhị của cuộc sống. Xin cho họ được cảm thấy gần gũi thể chất và tinh thần của cộng đoàn trong tình thương của Mẹ Maria, niềm hy vọng của chúng ta Amen “.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha xứ một lần nữa dâng lời cảm ơn Cha cố, cộng đoàn phụng vụ và cầu chúc mọi người có được niềm vui nâng đỡ của Chúa và Đức Mẹ, của mọi người, nhất là những người thân và con cháu trong gia đình.

Các bệnh nhân ra về lòng đầy hoan hỉ ôm chặt lấy phần quà mà Cha xứ trao tặng, mong ước ngày này năm tới Chúa ban cho khỏe, đến nhà thờ để tham dự thánh lễ.
 
Thông báo Án Lệnh thu thập tài liệu phong Chân phước và phong Thánh cho tôi tớ Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Tòa Giám Quản Roma
14:36 12/02/2009
Tòa Giám quản Rôma

Vụ án Phong Chân phước và Phong Thánh cho Tôi Tớ Chúa
Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y Giáo Hội Rôma


THÔNG BÁO ÁN LỆNH

Ngày 16 tháng 9 năm 2002, Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y của Giáo Hội Rôma, đã chết tại Rôma.

Vị Tôi Tớ Chúa này, là một người có đức tin sâu xa vào Thiên Chúa và có lòng bác ái không giới hạn, là một vị rao giảng anh hùng Tin Mừng của Chúa Kitô, đã là một chứng chân đích thực của Niềm Hy Vọng, ngay cả trong những năm thật khó khăn trong khi thi hành sứ vụ linh mục và giám mục, thực hiện trong những đổ nát của chiến tranh tại Việt Nam, gồm cả 13 năm tù đầy, trong đó Lời Chúa đã chiếu sáng cuộc sống mà bên ngoài xem ra đúng là đêm tối, hoàn toàn sống trong cô lập, luôn làm tăng thêm sức mạnh của niềm hân hoan và hy vọng.

Với thời gian qua đi, danh thơm về sự thánh thiện tăng thêm mãi, và sau cùng có đơn xin bắt đầu mở án Phong Chân phước và Phong thánh cho Vị Tôi Tớ Chúa đây, và để thông báo cho Cộng đồng Giáo Hội của Chúa biết, chúng tôi mời gọi tất cả mọi người và từng người tín hữu hãy thông báo trực tiếp hay chuyển tới Tòa Án Giáo phận của Tòa Giám Quản Rôma (ngụ tại Piazza S. Giovanni in Laterano, 6, 00184, ROMA, Italia), tất cả những tin tức, mà nhờ đó Tòa Án có thể tìm hiểu sâu xa những yếu tố thuận hay nghịch lại với danh thơm thánh thiện của Vị Tôi Tớ Chúa đây.

Ngoài ra, theo các định liệu của luật lệ hiện hành, cũng phải thu tập các tác phẩm viết của Ngài, chúng tôi truyền lệnh, qua Thông báo án lệnh này, tất cả những ai lưu giữ các tác phẩm này, phải mau mắn nộp cho Tòa Án trên đây bất cứ tác phẩm nào có được, mà Tôi Tớ Chúa đây được coi là tác giả, nếu chưa trao nộp cho Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên vụ án.

Chúng tôi nhắc lại rằng với kiểu nói tác phẩm không chỉ hiểu là những tác phẩm đã được in ấn, và đã được thu tập lại, mà còn phải hiểu là những bản thảo, tập nhật ký, thư từ đủ loại và bất cứ một một loại bản viết riêng tư nào của Tôi Tớ Chúa. Những ai muốn giữ lại bản chính, có thể trao nộp bản sao được thị thực hợp pháp.

Sau cùng, chúng tôi chỉ thị rằng, Thông Báo Án Lệnh này, sẽ được treo nơi công cộng trong vòng hai tháng ở cửa của Tòa Giám Quản Rôma, và sẽ được công bố trong báo của Tòa Giám Quản “Rivista Diocesana” của Giáo phận Rôma, và trên nhật báo “L’Osservatore Romano” và nhật báo “Avvenire”.

Ban hành tại Rôma, từ Trụ Sở của Tòa Giám Quản, ngày 16-1-2009.

Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản
Giuse Gobbi, Lục Sự

(dịch theo bản tiếng Ý, trong Avvenire, ngày 10-2-2009, tr. 17).




 
Buôn làng Tầm Ngân vui mãi mùa Xuân
Lm Hải Sông Pha
15:07 12/02/2009
NHA TRANG - Mặc dù xuân Kỷ Sửu đã sang ngày thứ 16 nhưng buôn làng Tầm Ngân thuộc giáo xứ Sông Pha, hạt Ninh Thuận, giáo phận Nha Trang vẫn vang tiếng chuông, rộn tiếng cười hòa lẫn trong tiếng xe, tiếng máy…vì đấy là thời cao điểm khai móng xây dựng nhà thờ cho buôn làng và là điểm hẹn du xuân cho khách tham quan cho quý ân nhân…

Ngày 5.02.2009 nhằn\ngày 11 tháng Giêng Kỷ Sửu, Đức cha Phụ tá giáo phận Bùi Chu Phêrô Nguyễn Văn Đệ, đã ghé thăm Tâm Ngân trong thân tình là người đồng hương Dinh Cát, Quảng trị với cha quản xứ giáo xứ Sông Pha, cha Anrê Lê Văn Hải. Tầm Ngân vui cười phấn khởi chào đón Đức cha Phêrô như một người thân quen tự thuở nào, còn Đức cha thì rộng mở hồn mục tử thấy đâu cũng là nhà, ai ai cũng là con bằng cách sẻ chia những gói quà thắm đượm tình phụ tử…Sau những giây phút chào hỏi thân tình, những lời bảo ban an ủi, Đức cha tham quan công trình nhà xứ nhà giáo lý vừa khánh thành đồng thời tham quan khu đất xây dựng nhà thờ và chúc lành cho buôn làng Tầm Ngân. 10 giờ 30’ Đức cha cùng đoàn tham quan rời Tầm Ngân với bao luyến tiếc giữa kẻ ở người đi…

Niềm vui chưa kịp lắng đọng thì ngày 09.02. 2009 nhằm ngày 15 tháng Giếng Đức cha chính Giáo Phận Nha Trang Phaolô Nguyễn Văn Hòa lại về ăn tết với Tầm Ngân… Đây là thời điểm đoàn tụ có tính lịch sử không chỉ đối với Tầm Ngân là khánh thành nhà xứ, nhà giáo lý, động thổ xây dựng nhà thờ mà còn là thời điểm đáng trân trọng và ghi nhớ cho buôn làng Tầm Ngân tỏ lòng hiếu kính công ơn Đức cha chính Phaolô nhân dịp Ngài kỷ niệm 50 tuổi Linh Mục, 34 tuổi Giám Mục, quản cai Giáo phận Nha Trang và 77 năm tuổi đời đầy thăng trầm nhưng cũng lắm hồng ân …

Đức cha Phaolô đến với Tầm Ngân trong bầu khí dịu dàng của tiết xuân Kỷ Sửu khiến cho đoàn con vùng sâu vùng xa cảm thấy niềm an ủi thêm sâu lắng… Đức cha cùng mọi người dâng lời tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, ôn lại kỷ niệm lần đầu tiên đến thăm buôn Tâm Ngân ngày 13.7. 1992 được mọi người đón tiếp bằng cả gia sản của buôn làng là một chiếc xe kéo thô sơ do một con trâu và một con bò kéo qua sông mà xuýt nữa được “Chúa thương gọi về” vì nước sông quá lớn…

Cả buôn vui sướng lắng nghe lời chủ chăn như Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu năm xưa đến nỗi quên đi phận việc của Matta cho đến khi Đức cha trở lại bên kia bờ sông thì Già làng mới nhớ đến chuyện mời Đức cha uống nước… Sau những lời bảo ban, an ủi thắm tình và nhắc lại những dấu ấn tuyệt với ấy, Đức cha chia sẻ quà tết cho mọi người, tham quan công trình nhà xứ, nhà giáo lý, chúc lành cho công việc xây dựng nhà thờ và chụp hình lưu niệm…

Công ơn Đức cha lấy chi đền đáp cho cân xứng

Tình phụ tử Tầm Ngân mãi mãi nguyện khắc ghi
.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Suy nghĩ về cắt xén
Hạnh Nguyên
14:58 12/02/2009
Sáng nay nghe đài Veritas, phát thanh viên B.M có đọc bài, chuyện về ăn chặn tiền trợ cấp cho người nghèo ăn tết Kỷ Sửu. Và một bài khác nữa: sự kiện của cô gái người Ý tên Eluana Englaro vừa mới chết vì sự đồng ý của người cha, cho can thiệp, dùng phương pháp y tế để tạo "cái chết êm ái" cho con mình.

Tưởng chừng hai câu chuyện không liên quan gì đến nhau, nhưng riêng tôi, từ ngữ cắt xén vẫn bao trùm lên hai câu chuyện thương tâm này.

Trước Tết, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định trích ngân sách từ tiền dân đóng thuế, để gọi là lo cho dân nghèo ăn Tết. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cán bộ cấp cơ sở, thôn xã phường lại sử dụng phương pháp ăn chặn, cắt xén tràn lan. Khắp nơi, trên đất nước Việt, từ Bắc chí Nam, trong không khí xuân về Tết đến, cán bộ ta cứ vô tư, tha hồ xà xẻo tiền ăn Tết của dân nghèo. Đến Bà Mẹ VN Anh Hùng ở quê Nghệ An của Bác Hồ kính yêu, cán bộ cũng không tha.

Đã vậy, khi vỡ chuyện, còn dẻo miệng đạo đức, lớn tiếng dạy đời, mục đích là lo cho dân mà thôi...!

Tôi không biết được, truyền thống cắt xén này đã hình thành từ bao giờ.

Nhưng tôi chỉ biết, cắt xén hiện nay đã thành phong trào rộng khắp, được nhân rộng và vô cùng có hệ thống, bài bản.

Không còn là hiện tượng nữa đâu. Cắt xén như là một cái phải có và nó đang thi đua nở rộ trên miếng đất màu mở, dễ dàng thích nghi với nó để mà phát triễn.

Báo chí VN có đả phá chuyện cắt xén này, có nói về cán bộ ăn chặn tiền Tết dân nghèo, nhưng không thấy nói về phản ứng của người nghèo bị ăn chặn.

Sự "thấp cổ bé miệng" đeo đẳng người dân Việt đến bao giờ nữa đây!

Cắt xén tiền bão lụt, cắt xén tiền Tết dân nghèo, cắt xén tiền ngân sách, cắt xén tiền ODA. Con số không đủ, thậm chí cắt xén luôn lời nói.

Những người Việt Nam trong tháng đầu năm Kỷ Sửu này, ai lại không nhớ sự cắt xén kỳ lạ của toàn bộ hệ thống báo đài nhà nước, bài phát biểu của Đức TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt trước chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và các ban ngành UBND TP.Hà Nội, ngày 20/9/2008.

Còn nữa, mới đây thôi, lại cắt mất từ "chủ nghĩa cộng sản" và "Khe Sanh" trong bài diễn văn của Tân Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đọc trong ngày nhậm chức, 20/01/2009.

Ôi! Cán bộ của ta là vậy! Văn hóa của ta là vậy!

Có câu "Thượng bất chính, hạ tất lọan". Cuối cùng, nghĩ lại, thấy thương cho dân mình.

Cắt xén ở VN, rồi chuyện cắt đi mạng sống của cô gái Ý Eluana Englaro. Báo chí nước ngoài và cả báo chí VN, nói nhiều và bình luận đủ cách về cái chết thương tâm của cô.

Với tôi, Giáo huấn của Công đồng Vatican 2 và lời dạy của các Giáo Hòang về "Sự sống Con người" là cụ thể và nhất quán.

Tôi thích tính cách bảo vệ con người của Giáo Hội, các học thuyết đầy tính nhân bản và nhất là tiếng nói kịp thời để đấu tranh cho sự sống con người.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 nói:

"Sự sống con người, là quà tặng Chúa ban, là thiêng liêng và không thể xâm phạm. Vì vậy, không thể chấp nhận phá thai và làm cho Chết êm. Không những không được cất mạng sống, mà còn phải quan tâm cách yêu thương để bảo vệ nó. Xã hội phải tôn trọng, bảo vệ, và đề cao nhân phẩm của mọi người, mọi lúc, và mọi điều kiện của đời sống con người."

Mới đây, ngày 31/01/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 nhấn mạnh: "Cái chết êm ái là một giải pháp sai trái".

Tôi vẫn tâm niệm câu trích thân thương và gần gũi của Đức Giám mục nơi tôi ở: "Cho thì có phúc hơn là nhận".

Nhân đức "cho" thật thấm thía biết bao và còn phải đòi hỏi luyện tập hằng ngày.
 
Thông tin mới nhất về vụ các giáo dân kiện Cơ quan Truyền thông một chiều
CTV. C.Ss.R
15:13 12/02/2009
HÀ NỘI - Ngày 12/2/2009, theo lịch hẹn của Tòa Án Nhân Dân quận Ba Đình, từ sáng sớm, bà Ngô Thị Dung và Nguyễn Thị Việt đã có mặt tại giáo xứ Thái Hà với luật sư Lê Trần Luật, để cùng nhau đến TAND quận Ba Đình nhận trả lời đơn khiếu nại về những sai phạm trong những bản tin mà đài VTV1 đã đưa trong cái mà truyền thông nhà nước gọi là ‘’vụ việc Thái Hà’’.

Với tinh thần tôn trọng pháp luật, nhóm khiếu nại đã cố gắng thu xếp sớm để đến đúng giờ hành chính, phòng nạn tắc đường xảy ra thường xuyên ở thủ đô. Khi nhóm người vào đến cổng tòa án nhân dân quận Ba Đình các bảo vệ, thường trực đã mời họ đi lên tầng 2. Một bất ngờ xảy ra khi một trong những người bảo vệ chạy theo chặn nhóm người khiếu nại và yêu cầu tất cả phải quay lại phòng thường trực để xuất trình chứng minh thư. Thắc mắc về việc trình giấy chứng minh thư của nhóm người khiếu nại, được phòng bảo vệ gồm 4 người trong đó một cảnh sát trả lời rằng:

- Ngày thường thì không phải thế, nhưng hôm nay trong tòa án có buổi họp quan trọng cho nên ai ra vào đều phải xuất trình chứng minh thư nhân dân.

Thời gian xuất trình chứng minh thư kéo dài 15 phút, đủ để có người đứng bên trong tòa nhà dùng máy camera thu hình nhóm khiếu nại.

Nhóm người khiếu nại đến phòng tiếp nhận đơn, lúc này đã hơn 9 giờ sáng, nhưng các bàn làm việc đều không có người ngồi. Một nam nhân viên tòa án chạy loanh quanh từ phòng này sang phòng khác với vẻ mặt bối rối. Sau cùng anh ấy cũng mời mọi người liên quan vào phòng tiếp nhận hồ sơ, trả lời rằng:

- Đến 14 giờ chiều nay sẽ trả lời.

Các bà Dung, Việt đã rất buồn bực vì cho rằng để chờ đợi sự trả lời của cơ quan công lý nhà nước, từ khi trình đơn cho đến ngày hôm nay, họ đã phải trải qua những thủ tục đặc biệt mà ngày thường không có. Sau đó, đứng chờ gần tiếng đồng hồ chỉ để nhận câu trả lời như vậy. Trong khi ở phòng bên cạnh, một số nam nhân viên trẻ khỏe đang ngồi nhẩn nha đọc báo, nhắn tin điện thoại và thêm nữa là ném cái nhìn sắc lạnh về phía các giáo dân. Một nam nhân viên hình như đây là ngày làm việc đầu tiên trong căn nhà Tòa Án, anh ta đến cạnh nhóm người để tò mò đọc cái bảng chỉ dẫn của Tòa Án treo trên tường. Bảng chỉ dẫn chỉ dành cho công dân đến khiếu nại, khiếu kiện..

Nam nhân viên tòa án thoái thác mọi thắc mắc của nhóm người. Anh ta chỉ có đúng một việc là nhắc lại câu đến 14 giờ chiều nay toà án sẽ trả lời.

Nhóm khiếu nại rời khỏi Tòa Án Nhân Dân quận Ba Đình trong nỗi niềm thông cảm sâu sắc với những trường hợp công dân đã phải chịu trong quá trình đi đòi công lý, sự thật mà nhiều báo đài đã đưa tin. Họ rời cổng tòa án trong một ngày rất nhiều nắng và ánh sáng rọi xuống sân tòa.

Tiếp tục cuộc hành trình đi tìm lại sự thật, nhóm người đến tòa báo Hà Nội Mới. Tiếp nhóm là nữ phóng viên Vũ Sơn Trà trong ban Thư bạn đọc. Khá mềm mỏng và lịch thiệp. Phóng viên Sơn Trà cho biết, tòa báo Hà Nội Mới đã tiếp nhận đơn từ ngày 6-2-2009. Sau khi nhận đơn đã có cuộc họp nội bộ tòa báo từ tổng biên tập, các trưởng ban và các phóng viên liên quan. Tiếp đến ngày hôm nay tổng biên tập báo Hà Nội mới, hiện trong lúc này (trong lúc mà Sơn Trà đang tiếp chuyện với các giáo dân) đang họp với Ban Tuyên Giáo của thành ủy để có hướng giải quyết đơn kiện của mọi người. Căn cứ để giải quyết phải đợi kết quả chỉ đạo từ buổi họp này. Và kết quả như thế nào thì chưa chắc biết được là có ngay hay không. Cho nên phóng viên Sơn Trà một lần nữa thay mặt tòa báo Hà Nội Mới tiếp nhận đơn thư và hứa sẽ trả lời theo đúng trình tự khiếu nại của luật báo chí. Đại diện cho nhóm, luật sư Lê Trần Luật nhờ phóng viên Sơn Trà gửi lời nhắn đến Thành Ủy Hà Nội, Ban Tuyên Giáo thành ủy Hà Nội nhanh chóng có ý kiến chỉ đạo, tạo điều kiện cho ban biên tập báo Hà Nội Mới có cơ sở giải quyết đúng trình tự, pháp luật đối với đơn thư khiếu nại của nhân dân.

Cũng trong chiều cùng ngày (12/2/2009), theo lịch hẹn buổi sáng, hai giáo dân cùng các luật sư đã tới Tòa án Nhân dân quận Ba Đình để nhận kết quả thì được thư ký Tòa trả lại hồ sơ, kèm theo một công văn có nội dung tương tự như công văn Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã trả lại hồ sơ vụ kiện Báo Hà Nội mới, rằng: “Theo đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm do Bà Dung, Bà Việt xuất trình cho Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm, không thể hiện các bà đã gửi lời phát biểu bằng văn bản của mình cho Đài truyền hình Việt Nam…” và đề nghị các nguyên đơn về gửi lại đơn khiếu nại cải chính.

Việc khiếu nại các cơ quan truyền thông Nhà nước cải chính những thông tin sai sự thật (những sự thật đã rõ như ban ngày) tưởng đơn giản như luật pháp đã qui định, nhưng hóa ra không đơn giản chút nào!!!

Vấn đề nằm ở chỗ những thông tin sai sự thật này lại là những thông tin phát đi từ Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội. Nói cách khác, các báo đài được cấp trên chỉ đạo phải thông tin như thế. Do đo, nhiệm vụ cải chính các thông tin sai sự thật về vụ Thái Hà cũng cần phải được sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo thành ủy.

Vậy hãy chờ xem Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo gì???
 
Ngược dòng 'quan chức ra tòa'
BBC
16:49 12/02/2009
Ngược dòng 'quan chức ra tòa'

vụ án Năm Cam
Vụ Năm Cam có hàng nghìn trang hồ sơ về 150 bị cáo

Nhân vụ án PCI và những câu hỏi xung quanh vai trò của ông Huỳnh Ngọc Sĩ chỉ mới được bắt đầu làm rõ, BBC điểm lại các vụ án lớn những năm qua, liên quan đến các quan chức nhà nước tại Việt Nam.

Đường dây Năm Cam

Vụ Năm Cam hồi 2003 đã khiến hai quan chức cao cấp, ông Trần Mai Hạnh, ủy viên trung ương Đảng, và ông Bùi Quốc Huy, thứ trưởng Bộ Công an phải chịu án tù.

Dù bị xử chín năm trong vụ ‘đường dây mafia Năm Cam’, hồi tháng 10/2003 ông Hạnh, được đặc xá hồi 2/9/2005.

Là một trong những nhân vật cao nhất từ trước tới nay bị xử tù hình sự nhưng ông được tha sau khi thụ án chưa tới một phần tư thời gian hình phạt, và cũng chưa đủ tiêu chuẩn xem xét đặc xá, vì còn thiếu tới ba tháng ba ngày.

Nhà chức trách ý thức được việc này nên đã để cho tướng công an Lê Thế Tiệm trả lời rất gọn: “đây là trường hợp đặc biệt”, như “đặc biệt” cải tạo tốt và nộp tiền án phạt.

Người ta cũng chú ý yếu tố khác rằng ông Hạnh từng giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, và “có đóng góp cho cách mạng, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương.”

Các vị khác như nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Phạm Sĩ Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy cũng được đặc xá cùng đợt.

Mai Văn Dâu và con trai

Mai Văn Dâu
Nhưng trong thời gian các ông Hạnh và Huy ngồi tù thì Việt Nam đã lại chấn động ngay bởi một vụ án khác, lần này trong ngành thương mại.

Ông Mai Văn Dâu sau đó lại chung buồng giam và thành 'tri kỷ' với ông Lương Quốc Dũng

Hồi tháng 10/2004, Cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Vân Dâu bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ.

Cũng phải tới tháng 3/2007, Tòa mới xử được ông Dâu 14 năm tù.

Theo cáo trạng được báo chí Việt Nam đưa tin lại, nhà chức trách nói ông Dâu có tội trong việc nhận 6.000 đô la tiền hối lộ từ một số xí nghiệp may để xin quota hàng may xuất sang Mỹ.

Đặc biệt, nếu như vụ ông Trần Mai Hạnh và Bùi Quốc Huy mở màn cho hiện tượng ‘nhà báo và công an làm ăn với xã hội đen’, vụ Mai Văn Dâu có thêm tình tiết thu hút dư luận là vai trò của các

cậu ấm con quan trong hệ thống quyền và tiền Việt Nam.

Con trai của ông Dâu, Mai Thanh Hải, nhận năm năm tù giam vì hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và dùng bằng giả.

Cuộc hôn nhân nổi tiếng của Hải với một ‘người đẹp’ cũng là đề tài dư luận bàn thảo sôi nổi.

Cùng thọ án với bố con họ là 12 người nằm trong đường dây chạy quota tại Bộ Thương mại đã nhận các án tù khác nhau.

Cao nhất là Lê Văn Thắng, nguyên Vụ phó Vụ xuất Nhập khẩu, nhận 17 năm tù vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Quan thể thao Lương Quốc Dũng

Không chỉ chạy án, chạy quota xuất nhập khẩu, quan chức ở Việt Nam còn bị bắt và xử vì tội liên quan đến hành vi tình dục.

Lương Quốc Dũng
Hồi tháng 10/2004, ông Lương Quốc Dũng nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao Quốc gia Việt Nam (hàm Thứ trưởng), bị ra tòa với tội danh "hiếp dâm trẻ em"

Phiên tòa xử sáng 28/10 ở Hà Nội đã chuyển phần tuyên án đã được dời đến 29/10, khiến dư luận có thêm thời gian bàn thảo.

Ông Lương Quốc Dũng từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao Quốc gia

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, vụ ông Dũng “xâm hại tình dục” một em gái sinh năm 1990, mà vào thời điểm còn ở tuổi thiếu niên, đã khiến cho các vị lãnh đạo Ủy ban Thể dục Thể thao, như Bộ trưởng chủ nhiệm Nguyễn Danh Thái thốt lên là "bất ngờ và sốc".

Một vị lão thành cách mạng ở trong nước thì bức xúc đến nỗi đang ốm cũng phải ngồi dậy viết bài phản đối.

Nhưng ngay khi bị bắt hồi tháng Hai cùng năm, nhiều chi tiết ly kỳ đã được nói đến không chính thức.

Các tin không chính thức cho rằng xâm hại tình dục trẻ em chỉ là một trong nhiều sai phạm lớn của ông Lương Quốc Dũng, người từng giữ chức phó chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục - Thể thao từ năm 1998.

Ông đã nắm quyền phụ trách mảng tài chính và cơ sở vật chất cho Thế Vận hội Đông Nam Á SEA Games 2003.

Người ta cho rằng có cả hiện tượng chạy tội cho ông Dũng.

Sức ép lên cơ quan điều tra và báo chí là rất lớn vì như luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nói với BBC:

"Thực ra đây không phải là một vụ khó, nhưng lại có điểm nhạy cảm là nó liên quan tới một quan chức cao cấp,”

"Tất nhiên là có áp lực lên các luật sư bào chữa vụ này, và do vậy, chúng tôi phải thận trọng."

Một điểm nữa được báo chí Việt Nam nhắc tới là chuyện hai ông Lương Quốc Dũng và Mai Văn Dâu, từ cuối 2007 đã "chung buồng giam và trở thành tri kỷ" trong khi chờ đợt đặc xá tháng 1/2009.

Ma trận PMU18

Sang 2007, câu chuyện quan chức vi phạm pháp luật lại bùng lên với vụ xử ông Bùi Tiến Dũng, nguyên tổng giám đốc của dự án xây dựng PMU18.

Vụ án 'con bạc triệu đô' Bùi Tiến Dũng thu hút chú ý của dư luận

Hồi tháng 8, ông bị đề nghị mức án sáu đến bảy năm tù giam về tội đánh bạc và 16 đến 18 năm tù giam vì tội hối lộ.

Vụ PMU18 rất ‘ăn khách’ với báo chí quốc tế chính là ở chỗ, lần đầu tiên, một quan chức cao cấp của hệ thống đã dùng cả triệu đô-la tiền công đi cá độ bóng đá trong các trận cầu ở châu Âu.

Bị cáo Dũng cũng bị đề nghị tịch thu hơn hai tỷ đồng tiền bán ngôi nhà mà bị cáo này đem thế chấp vay tiền đánh bạc.

Theo AFP, các phóng viên nước ngoài không được tham dự phiên tòa trong vụ án được dư luận quốc tế cho là bước ngoặt về tham nhũng lớn tại Việt Nam.

Vụ xử cũng có vấn đề là một số luật sư biện hộ đã bỏ về, sau khi cho rằng họ không được phép thoải mái trình bày quan điểm.

Nhưng phiên tòa lần này chỉ xem xét tội danh đánh bạc và đưa hối lộ của các bị cáo mà không xét đến cáo buộc tham nhũng.

Như nhiều vụ án trước, công an cũng có mặt cả ở ghế bị cáo trong vụ PMU18.

Ông Nguyễn Đình Toản, nguyên Phó trưởng Công an phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội, bị đề nghị mức án tám đến chín năm tù giam vì tội đưa hối lộ.

Nhưng điều được nói đến nhiều chính là những hình bóng đằng sau vụ PMU18.

Nguyễn Việt Tiến
Cựu thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Tiến đã bị bắt rồi được thả, được phục hồi đảng tịch nhưng cuối cùng lại bị mất chức và cách hết các chức vụ trong Đảng.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được tha sau nhiều tháng tạm giam hồi 28/03/2008

Dư luận không chính thức cũng nói đến cả những nhân vật cao cấp hơn và thân nhân có liên quan trong khi giới tài trợ coi vụ này là dấu hiệu tham nhũng công quỹ và tiền viện trợ ODA đã lên tới mức báo động đỏ.

Con đường công danh, tưởng như sẽ tan của tướng công an Cao Ngọc Oánh thế rồi lại phục hồi.

Báo chí cũng 'trúng đạn' trong quá trình điều tra với vụ xử hai nhà báo điều tra và đưa tin về PMU18.

Giữa tháng 10/2008, nhà báo Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên bị kết án hai năm tù giam, còn nhà báo Nguyễn Văn Hải (tờ Tuổi Trẻ) chỉ nhận mức án 24 tháng tù treo.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến được đề cử giải thưởng báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) tại Paris hồi tháng 12 cùng năm.

Ông được thả trong dịp đặc xá nhân Tết Kỷ Sửu vừa qua nhưng dư âm của vụ việc và đặc biệt là các nỗ lực 'chỉnh đốn báo chí' lại là đề tài tiếp tục dư luận quan tâm tại Việt Nam.

Sợi dây xuyên suốt các vụ án là vai trò của báo chí và phản ứng khác nhau của các nhà lãnh đạo và cơ quan tư pháp.

Có thể coi liên tục có quan chức cao cấp ra tòa là dấu hiệu chính quyền kiên quyết chống tham nhũng và các tệ đoan trong bộ máy.

Nhưng cũng có thể nói đây là dấu hiệu rằng sự tha hóa đa dạng của nhiều quan chức đã trở thành hệ thống ở Việt Nam.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Subprimes và Liên Hiệp Âu Châu (2)
Hà Minh Thảo
00:04 12/02/2009
SUBPRIMES VÀ LIÊN HIỆP ÂU CHÂU (2)

C. PHÁP QUỐC.

Pháp-quốc đã giữ vai Chủ tịch Liên Âu trong Đệ nhị lục cá nguyệt 2008 với Tổng thống Nicolas Sarkozy rất linh động trong thời gian sáu tháng qua.

I. Trên bình diện thế giới.

Pháp quốc đã phản ứng trước cuộc khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ khá chậm trễ. Sự phá sản Lehman Brothers ngày 15.09.2008 đã gây thiệt cho các ngân hàng Pháp gần 4 tỷ euro (BNP Paribas, 405 triệu euro; la Société générale, 479 triệu euro; le Crédit agricole, 270 triệu euro) và Dexia (350 triệu euro ).

Cuộc khủng hoảng tài chánh từ Hoa kỳ bắt đầu lan rộng sang Âu châu và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Ngày 23.09.2008, tại khóa họp thứ 63 Đại Hội đồng Liên Hiệỉp Quốc, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đề nghị các quốc gia cùng chống khủng hoảng và yêu cầu trừng phạt những kẻ gây ra cuộc khủng hoảng ‘subprimes’.

Ngày 18.10.2008, trong phiên họp với Tổng thống Mỹ George Bush tại Camp David (Hoa Kỳ), Tổng thống Nicolas Sarkozy, đương kiêm Chủ tịch luân phiên Liên hiệp Âu châu, đề nghị Hoa kỳ tổ chức một hội nghị cấp cao để tìm cách khắc phục các ‘khó khăn mà kinh tế thế giới đang gặp phải’. Hội nghị quốc tế này cần bao gồm 8 nước công nghiệp phát triển G8 (Hoa kỳ, Gia nã đại, Nhật bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nga), 5 quốc gia đang vươn lên G5 (Trung quốc, Ấn độ, Ba tây, Mễ-tây-cơ và Nam phi) cùng Liên hiệp Âu châu để tránh con số 13. Sau đó, ngày 22.10.2008, Bạch Cung thông cáo cho biết ngày họp là 15.11.2008 và, cùng tham dự với các nước kể trên, còn có thêm 6 nước khác (Á căn đình, Úc, Nam hàn, Indonesie, Ả rập Xê út, Thổ nhĩ kỳ) để trở thành Hội nghị thượng đỉnh G20.

Để chuẩn bị tham dự Hội nghị này, ngày 20.10.2008, Tổng thống Sarkozy và thủ tướng Anh Gordon Brown cũng đã gặp nhau, trao đổi ý kiến, để có một lập trường... không đến nỗi chống nhau, trước cuộc nói chuyện thượng đỉnh với 25 thành viên khác trong Liên Âu tại Bruxelles (nước Bỉ). Sau đó, ngày 24.10.2008, tại Bắc Kinh, bên lề hội nghị thượng đỉnh Âu-Á Châu, Tổng thống Pháp cũng đã gặp riêng lãnh đạo của các quốc gia Trung quốc, Nhật bản và Nam hàn, những nước sẽ tham dự Hội nghị G20 này.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tỷ lệ 85% toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, vào ngày 15.11.2008 tại Washington cùng đồng ý một kế hoạch hành động để tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới đồng thời ngăn chặn khả năng xảy ra khủng hoảng tài chánh trong tương lai.

Phát biểu nhân dịp này, Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush tái khẳng định sự cần thiết của các nguyên tắc kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh sự cải tổ cần thiết đối với thị trường tài chánh và còn nhiều việc cần phải làm để khủng hoảng tài chánh không tái diễn, đồng thời các quốc gia đồng ý rằng, thị trường tài chánh cần phải minh bạch và có trách nhiệm nhiều hơn.

Lãnh đạo 20 quốc gia cùng đồng ý là các bộ trưởng tài chánh sẽ chịu trách nhiệm phát thảo các đề xuất trước ngày 31 tháng Ba, chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh tháng Tư.

Đặc điểm của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là sự hiện dịện của các quốc gia đang trỗi dậy về kinh tế, khởi đầu chiếm một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế như Trung quốc, Ấn độ, Ba tây, Mễ-tây-cơ và Nam phi, bên cạnh nhóm G7.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tái họp ngày 04.04.2009 tại Luân đốn (Anh quốc) sự điều hòa nền kinh tế toàn cầu mà ông Nicolas Sarkozy thường gọi là ‘sự tái lập chủ nghĩa tư bản’ với những sự thay đổi thật sự. Những sự thay đổi đó nói thì dễ trong thực hành. Những hứa hẹn của ông Sarkozy về sức mua và số thất nghiệp chỉ còn 5% người ở tuổi lao độâng năm 2012 không thể thực hiện được. Cũng với lời hứa ‘thay đổi’ khi tranh cử, Tổng thống Obama vừa bị Liên hiệp Âu châu và Gia nã đại phản đối điều khoản ‘Mua hàng Mỹ’ về việc xây cất trong kế hoạch cứu trợ kinh tế của Hoa kỳ có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

II. Trong nội địa Pháp quốc.

Trong đệ II lục cá nguyệt 2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy được giới quan sát coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Âu đối với Liên Âu cũng như trên trường thế giới. Nhưng ông Nicolas Sarkozy vẫn luôn nhớ là ông còn có các nghĩa vụ đối với người Pháp, những cử tri đã tín nhiệm ông làm Tổng thống Pháp quốc và ông sẽ là ứng cử viên Tổng thống mùa Xuân 2012. Do đó, ông đã phải có những kế hoạch để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đã lan sang kinh tế và, giờ đây là khủng hoảng xã hội, với niềm tin đã mất và một tương lai vô định… Vào tháng 06.2009, đảng UMP cần phiếu trong cuộc Tuyển cử Nghị viện Âu châu.

1.- Chương trình cứu nguy với 650 tỷ euro:

a) Hai chương trình cứu nguy tài chính:

- Ngày 13.10.2008, Tổng thống Pháp cho biết sẽ dành 40 tỷ euro để tăng vốn cho ngân hàng nào cần tới, với lãi suất 8%/năm. Số tiền này được giải ngân lần hồi nhờ vào số tiền sổ tiết kiệm A (livret A) qua Caisse des Dépôts (quỹ của Nhà Nước điều hành tiền tiết kiệm do dân chúng ký thác để cho vay xây cất nhà xã hội mà việc xây gia cư đang gặp khó khăn. Tiền không được để không mà phải làm sao để sinh lời) mà Nhà Nước đang trả lời cho người ký thác 4%/năm (từ ngày 01.02.2009, lãi suất xuống, chỉ còn 2,50%). 11,5 tỷ euro đã tháo khoán: 10.5 tỷ cho các ngân hàng Pháp (Crédit Agricole, 3 tỷ euro; BNP Paribas, 2,55 tỷ; Société Générale, 1,7 tỷ; Crédit Mutuel, 1,2 tỷ; Caisse d’Eùpargne, 1,1 tỷ; Banque Populaire, 950 triệu) và 1 tỷ cứu ngân hàng Dexia Pháp-Bỉ phá sản.

Chính phủ Pháp cho vay 10,5 tỷ với lãi suất là 8%, trong 5 năm. Sau thời hạn hy vọng ngân sách quốc gia sẽ lấy lại vốn và lời... Việc điều hành số nợ này được giao cho Société de Prise de Participation de l'Etat (SPPE), mới thành lập. SPPE phát hành trái khoản ngân khố (obligations assimilables du trésor, OAT) với lãi suất 4%/năm. Tiền lời phải trả (10,5 tỷ x 4% x 5) = 2,1 tỷ euro, tức 420 triệu euro mỗi năm.

Năm 2013, Chính phủ thu hồi 10,5 tỷ euro vốn với tiền lãi 8% là (10,5 tỷ x 4% x 5) = 4.2 tỷ euro. Trừ tiền lời phải trả OAT, ngân khố Pháp còn lời 2,1 tỷ euro với nghiệp vụ “cứu nguy hoạt động ngân hàng” này, nếu mọi việc suôn sẻ như lý thuyết.

- Trong cùng ngày, kế hoạch cứu nguy các ngân hàng cũng được Chánh phủ loan báo. Theo đó, Nhà Nước bảo đảm trên các số nợ mà ngân hàng A cho ngân hàng B theo thể thức tín dụng giữa các ngân hàng, với một chi phí phải trả. Nếu ngân hàng B bị phá sản thì Nhà Nước sẽ đứng ra trả số nợ đó cho ngân hàng A. Định mức cho kế hoạch này lên đến 320 tỷ euro nhằm để tạo sự tin cậy nơi nợ vay giữa các ngân hàng với nhau và tránh cho hệ thống tài chính mọi rũi ro. Các ngân hàng Pháp vẫn còn vững chắc, nhưng kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, những ngân hàng này dè dặt trong việc cho vay liên ngân hàng và siết chặt nguồn tín dụng đối với các cá nhân và doanh nghiệp. Tổng thống nói với người dân về sự kiện đó: « Quyết định của chúng tôi hôm nay mang tính cách ngoại lệ, trong những tình huống cũng ngoại lệ. Tôi xin nói với mọi người Pháp: đây là một kế hoạch duy nhất để bảo vệ việc làm, sự tiết kiệm (économies), mức thuế phải đóng của đồng bào. »

Lãnh đạo các ngân hàng có vay tiền của Nhà Nước hứa từ khước phần thưởng (bonus) hằng triệu euro cho tài khóa 2008.

b) Trợ giúp các xí nghiệp.

- 22 tỷ euro cho các xí nghiệp vay. 17 tỷ lấy từ Caisse des Dépôts (do tiền ký thác của người dân qua các sổ tiết kiệm đại chúng (LEP, livret d’épargne populaire) và sổ phát triển bền vững (livret de développement durable) và 5 tỷ từ ngân hàng Nhà Nước Oséo để trợ giúp các xí nghiệp trung và nhỏ (PME, petites et moyennes entreprises).

c) Tài trợ nền kinh tế:

- Ngày 23.10.2008, một ngân quỹ 175 tỷ euro trong ba năm để tài trợ nền kinh tế. Số tiền này không được xác định rõ, có thể từ ngân sách quốc gia hay từ ngân sách đía phương hoặc từ các quỹ tư.

- Một quỹ đầu tư ‘fonds souverain’ khoảng 100 tỷ euro cho các xí nghiệp có tính cách chiến lược, với tiền do Caisse des Dépôts đi vay bằng phát hành các công trái.

2.- Các chương trình cứu nguy khác:

a. Chương trình giúp đỡ các hảng xe hơi.

Từ tháng 10.2008, kỹ nghệ xe hơi ở Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc bán xe, nên phải giảm sản xuất khiến các công nhân phải rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật, chỉ được bồi thường khoảng 60% tiền lương bình thường.


- Để khuyến kích người ta mua xe hơi mới, Chánh phủ Pháp quyết định, kể từ 04.12.2009, tặng 1.000 euro nếu người mua xe chịu giao xe của mình đang xài trên 10 năm, dựa theo date de 1ère mise en circulation trên carte grise (thẻ chủ quyền), cho case (xí nghiệp thu hồi xe phế thải) và hóa đon mua xe mới phải ghi ngày 31.12.2009. Xe mới phải thả khói ít hơn 160 grammes CO2/km (Công báo ngày 20.01.2009).

Ngân sách quốc gia thua lỗ không ? Thưa: không.

Nếu chánh phủ Pháp không tặng 1.000 euro cho người mua xe mới, các hảng xe hơi không sản xuất một chiếc xe nào thì công nhân bị thất nghiệp. Nếu tặng 1.000 euro, khi bán một chiếc xe, Chánh phủ Pháp thu được TVA (Taxe sur la valeur ajoutée, Thuế trị giá gia tăng). Giá trung bình một chiếc xe mới hiện nay khoảng 12.000 euro. TVA là: 12000 x 19,60% = 2.352 euro và chánh phủ lời được: 2352 – 1000 = 1.352 euro.

Ngày 09.02.2009, trong ‘thỏa ước xe hơi’, chánh phủ Pháp cho các hảng xe hơi vay số tiền 6,5 tỷ euro để ‘chuẩn bị tương lai’, được chia như sau:
- hảng Renault (trong vốn có 15% của Nhà Nước) vay 3 tỷ euro;
- hảng PSA Peugeot Citroen vay 3 tỷ euro;
- hảng Renault Trucks, dưới nhản hiệu Volvo (Thụy điển) chuyên sản xuất xe hạng nặng vay 500 triệu euro.

Số tiền vay này phải trả tiền lời theo lãi suất 6%, kéo dài trong 5 năm.

Trái lại, lãnh đạo các hảng xe này hứa:
- những phần thưởng hằng năm cho họ cần có ý kiến chánh phủ;
- hạ thấp cổ tức (dividendes) phát cho các cổ đông;
- không đóng cửa các xưởng làm việc trong suốt thời gian vay nợ;
- tăng tiền bồi thường thất nghiệp kỹ thuật.

Ngoài ra, chánh phủ Pháp còn tài trợ 2 tỷ euro cho các cơ quan tài chính cung cấp tín dụng cho các hảng sản xuất xe hơi và 600 triệu euro cho các xí nghiệp gia công (sous-traitants), trong đó Nhà Nước góp 200 triệu và hai hảng xe hơi góp 200 triệu euro mỗi bên.

Nhà Nước cũng dành quyền tham ý các dự án xã hội (plans sociaux) để sa thải công nhân, nơi đặt các xuởng và dời xuởng đi nước khác, thiết lập các nơi nghiên cứu việc sản xuất xe chạy bằng điện.

Tuy nhiên, phát biểu trên đài RTL, sáng ngày 10.02.2009, chủ tịch PSA Peugeot Citroen Christian Streiff nói: ề Viện tượng bán xe của hảng thật bi đát… sẽ giảm đi 20%)

Chương trình cho vay này đang bị Liên Âu cứu xét vì không cho dời xuởng làm xe đi nước khác.

Ngoài ra, hôm nay, ngày 11.02.2009, chủ tịch PSA Peugeot Citroen Christian Streiff cho biết hảng xe bị lỗ 343 triệu euro trong tài khóa 2008 và dự trù bỏ bớt 11.000 việc làm (trong đó, có 7.000 ở Pháp). Sau đó, hảng xe cải chính không phải là sa thải công nhân mà những người về hưu sẽ không được thay thế.

b. Ngành báo viết cũng được trợ giúp 600 triệu euro.

Hôm 24.01.2009, khi vào chúc Tết dương lịch tại điện Elysée, giới báo chí được Tổng thống Sarkozy loan báo một kế hoạch 600 triệu euro trong 3 năm để giúp đỡ ngành báo viết đang gặp rất nhiều khó khăn tài chính, hầu đạt tới một nền báo chí và tạp chí bảo đảm tính đa nguyên vững mạnh và đến tay của đông đảo độc giả. Đồng thời, nhằm tăng cường sự cân bằng kinh tế của các nhà xuất bản trung bình.

Cuộc khủng hoảng kinh tài đưa tới sự sụt giảm quảng cáo và những chi phí ấn loát và phát hành tăng cao hơn mức trung bình ở Âu châu từ 30 đến 40%. Thêm vào đó, báo chí và tạp chí bị mất người mua do sự phát triển công nghệ kỹ thuật số và sự xuất hiện của một loại báo chí trên Internet.

Tuy nhiên, phát biểu trên đài RTL, sáng ngày 10.02.2009, chủ tịch PSA Peugeot Citroen Christian Streiff nói: ề Viện tượng bán xe của hảng thật bi đát… sẽ giảm đi 20% so với năm 2008).

c. Kế hoạch kích thích kinh tế bằng đầu tư vào các công trình công cộng.

Ngày 02.02.2009, tại Lyon, Thủ tướng François Fillon và 20 Tổng, Bộ trưởng đã trình bày chi tiết những dự án sẽ được thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch kích thích kinh tế 26 tỷ euro mà Tổng thống Sarkozy đã thông báo vào tháng 12.2008 và Quốc hội thông qua ngày 29.01.2009. Kế hoạch này còn có tên là ‘kế hoạch 1.000 dự án’.

Những dự án chính là:
- 870 triệu euro dành cho các phương tiện vận chuyển công cộng;
- 731 triệu euro cho ngành giáo dục;
- 620 triệu euro cho việc trùng tu các di sản văn hóa và kiến trúc;
- 3 triệu euro tái thiết Viện hóa học Le Bel (Strasbourg);
- 456 triệu euro tái thiết và xây dựng các gia cư tại Nancy;
- 35 triệu euro để an ninh hóa đường hầm Fréjus;
- 1,92 triệu euro để trùng tu nhà thờ chánh tòa Notre-Dame (Paris). ..

Mục dích của các kế hoạch là tạo công việc làm (150.000 trong năm 2009) cho những người thất nghiệp và hy vọng giúp tăng trưởng kinh tế Pháp thêm 0,6 % năm nay.

(còn tiếp)

 
Tin Đáng Chú Ý
Subprimes và Liên Hiệp Âu Châu (2)
Hà–Minh Thảo
05:07 12/02/2009
C. PHÁP QUỐC.

Pháp-quốc đã giữ vai Chủ tịch Liên Âu trong Đệ nhị lục cá nguyệt 2008 với Tổng thống Nicolas Sarkozy rất linh động trong thời gian sáu tháng qua.

I. Trên bình diện thế giới.

Pháp quốc đã phản ứng trước cuộc khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ khá chậm trễ. Sự phá sản Lehman Brothers ngày 15.09.2008 đã gây thiệt cho các ngân hàng Pháp gần 4 tỷ euro (BNP Paribas, 405 triệu euro; la Société générale, 479 triệu euro; le Crédit agricole, 270 triệu euro) và Dexia (350 triệu euro ).

Cuộc khủng hoảng tài chánh từ Hoa kỳ bắt đầu lan rộng sang Âu châu và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Ngày 23.09.2008, tại khóa họp thứ 63 Đại Hội đồng Liên Hiệỉp Quốc, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đề nghị các quốc gia cùng chống khủng hoảng và yêu cầu trừng phạt những kẻ gây ra cuộc khủng hoảng ‘subprimes’.

Ngày 18.10.2008, trong phiên họp với Tổng thống Mỹ George Bush tại Camp David (Hoa Kỳ), Tổng thống Nicolas Sarkozy, đương kiêm Chủ tịch luân phiên Liên hiệp Âu châu, đề nghị Hoa kỳ tổ chức một hội nghị cấp cao để tìm cách khắc phục các ‘khó khăn mà kinh tế thế giới đang gặp phải’. Hội nghị quốc tế này cần bao gồm 8 nước công nghiệp phát triển G8 (Hoa kỳ, Gia nã đại, Nhật bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nga), 5 quốc gia đang vươn lên G5 (Trung quốc, Ấn độ, Ba tây, Mễ-tây-cơ và Nam phi) cùng Liên hiệp Âu châu để tránh con số 13. Sau đó, ngày 22.10.2008, Bạch Cung thông cáo cho biết ngày họp là 15.11.2008 và, cùng tham dự với các nước kể trên, còn có thêm 6 nước khác (Á căn đình, Úc, Nam hàn, Indonesie, Ả rập Xê út, Thổ nhĩ kỳ) để trở thành Hội nghị thượng đỉnh G20.

Để chuẩn bị tham dự Hội nghị này, ngày 20.10.2008, Tổng thống Sarkozy và thủ tướng Anh Gordon Brown cũng đã gặp nhau, trao đổi ý kiến, để có một lập trường... không đến nỗi chống nhau, trước cuộc nói chuyện thượng đỉnh với 25 thành viên khác trong Liên Âu tại Bruxelles (nước Bỉ). Sau đó, ngày 24.10.2008, tại Bắc Kinh, bên lề hội nghị thượng đỉnh Âu-Á Châu, Tổng thống Pháp cũng đã gặp riêng lãnh đạo của các quốc gia Trung quốc, Nhật bản và Nam hàn, những nước sẽ tham dự Hội nghị G20 này.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tỷ lệ 85% toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, vào ngày 15.11.2008 tại Washington cùng đồng ý một kế hoạch hành động để tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới đồng thời ngăn chặn khả năng xảy ra khủng hoảng tài chánh trong tương lai.

Phát biểu nhân dịp này, Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush tái khẳng định sự cần thiết của các nguyên tắc kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh sự cải tổ cần thiết đối với thị trường tài chánh và còn nhiều việc cần phải làm để khủng hoảng tài chánh không tái diễn, đồng thời các quốc gia đồng ý rằng, thị trường tài chánh cần phải minh bạch và có trách nhiệm nhiều hơn.

Lãnh đạo 20 quốc gia cùng đồng ý là các bộ trưởng tài chánh sẽ chịu trách nhiệm phát thảo các đề xuất trước ngày 31 tháng Ba, chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh tháng Tư.

Đặc điểm của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là sự hiện dịện của các quốc gia đang trỗi dậy về kinh tế, khởi đầu chiếm một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế như Trung quốc, Ấn độ, Ba tây, Mễ-tây-cơ và Nam phi, bên cạnh nhóm G7.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tái họp ngày 04.04.2009 tại Luân đốn (Anh quốc) sự điều hòa nền kinh tế toàn cầu mà ông Nicolas Sarkozy thường gọi là ‘sự tái lập chủ nghĩa tư bản’ với những sự thay đổi thật sự. Những sự thay đổi đó nói thì dễ trong thực hành. Những hứa hẹn của ông Sarkozy về sức mua và số thất nghiệp chỉ còn 5% người ở tuổi lao độâng năm 2012 không thể thực hiện được. Cũng với lời hứa ‘thay đổi’ khi tranh cử, Tổng thống Obama vừa bị Liên hiệp Âu châu và Gia nã đại phản đối điều khoản ‘Mua hàng Mỹ’ về việc xây cất trong kế hoạch cứu trợ kinh tế của Hoa kỳ có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

II. Trong nội địa Pháp quốc.

Trong đệ II lục cá nguyệt 2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy được giới quan sát coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Âu đối với Liên Âu cũng như trên trường thế giới. Nhưng ông Nicolas Sarkozy vẫn luôn nhớ là ông còn có các nghĩa vụ đối với người Pháp, những cử tri đã tín nhiệm ông làm Tổng thống Pháp quốc và ông sẽ là ứng cử viên Tổng thống mùa Xuân 2012. Do đó, ông đã phải có những kế hoạch để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đã lan sang kinh tế và, giờ đây là khủng hoảng xã hội, với niềm tin đã mất và một tương lai vô định… Vào tháng 06.2009, đảng UMP cần phiếu trong cuộc Tuyển cử Nghị viện Âu châu.

1.- Chương trình cứu nguy với 650 tỷ euro:

a) Hai chương trình cứu nguy tài chính:

- Ngày 13.10.2008, Tổng thống Pháp cho biết sẽ dành 40 tỷ euro để tăng vốn cho ngân hàng nào cần tới, với lãi suất 8%/năm. Số tiền này được giải ngân lần hồi nhờ vào số tiền sổ tiết kiệm A (livret A) qua Caisse des Dépôts (quỹ của Nhà Nước điều hành tiền tiết kiệm do dân chúng ký thác để cho vay xây cất nhà xã hội mà việc xây gia cư đang gặp khó khăn. Tiền không được để không mà phải làm sao để sinh lời) mà Nhà Nước đang trả lời cho người ký thác 4%/năm (từ ngày 01.02.2009, lãi suất xuống, chỉ còn 2,50%). 11,5 tỷ euro đã tháo khoán: 10.5 tỷ cho các ngân hàng Pháp (Crédit Agricole, 3 tỷ euro; BNP Paribas, 2,55 tỷ; Société Générale, 1,7 tỷ; Crédit Mutuel, 1,2 tỷ; Caisse d’Eùpargne, 1,1 tỷ; Banque Populaire, 950 triệu) và 1 tỷ cứu ngân hàng Dexia Pháp-Bỉ phá sản.

Chính phủ Pháp cho vay 10,5 tỷ với lãi suất là 8%, trong 5 năm. Sau thời hạn hy vọng ngân sách quốc gia sẽ lấy lại vốn và lời... Việc điều hành số nợ này được giao cho Société de Prise de Participation de l'Etat (SPPE), mới thành lập. SPPE phát hành trái khoản ngân khố (obligations assimilables du trésor, OAT) với lãi suất 4%/năm. Tiền lời phải trả (10,5 tỷ x 4% x 5) = 2,1 tỷ euro, tức 420 triệu euro mỗi năm.

Năm 2013, Chính phủ thu hồi 10,5 tỷ euro vốn với tiền lãi 8% là (10,5 tỷ x 4% x 5) = 4.2 tỷ euro. Trừ tiền lời phải trả OAT, ngân khố Pháp còn lời 2,1 tỷ euro với nghiệp vụ “cứu nguy hoạt động ngân hàng” này, nếu mọi việc suôn sẻ như lý thuyết.

- Trong cùng ngày, kế hoạch cứu nguy các ngân hàng cũng được Chánh phủ loan báo. Theo đó, Nhà Nước bảo đảm trên các số nợ mà ngân hàng A cho ngân hàng B theo thể thức tín dụng giữa các ngân hàng, với một chi phí phải trả. Nếu ngân hàng B bị phá sản thì Nhà Nước sẽ đứng ra trả số nợ đó cho ngân hàng A. Định mức cho kế hoạch này lên đến 320 tỷ euro nhằm để tạo sự tin cậy nơi nợ vay giữa các ngân hàng với nhau và tránh cho hệ thống tài chính mọi rũi ro. Các ngân hàng Pháp vẫn còn vững chắc, nhưng kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, những ngân hàng này dè dặt trong việc cho vay liên ngân hàng và siết chặt nguồn tín dụng đối với các cá nhân và doanh nghiệp. Tổng thống nói với người dân về sự kiện đó: « Quyết định của chúng tôi hôm nay mang tính cách ngoại lệ, trong những tình huống cũng ngoại lệ. Tôi xin nói với mọi người Pháp: đây là một kế hoạch duy nhất để bảo vệ việc làm, sự tiết kiệm (économies), mức thuế phải đóng của đồng bào. »

Lãnh đạo các ngân hàng có vay tiền của Nhà Nước hứa từ khước phần thưởng (bonus) hằng triệu euro cho tài khóa 2008.

b) Trợ giúp các xí nghiệp.

- 22 tỷ euro cho các xí nghiệp vay. 17 tỷ lấy từ Caisse des Dépôts (do tiền ký thác của người dân qua các sổ tiết kiệm đại chúng (LEP, livret d’épargne populaire) và sổ phát triển bền vững (livret de développement durable) và 5 tỷ từ ngân hàng Nhà Nước Oséo để trợ giúp các xí nghiệp trung và nhỏ (PME, petites et moyennes entreprises).

c) Tài trợ nền kinh tế:

- Ngày 23.10.2008, một ngân quỹ 175 tỷ euro trong ba năm để tài trợ nền kinh tế. Số tiền này không được xác định rõ, có thể từ ngân sách quốc gia hay từ ngân sách đía phương hoặc từ các quỹ tư.

- Một quỹ đầu tư ‘fonds souverain’ khoảng 100 tỷ euro cho các xí nghiệp có tính cách chiến lược, với tiền do Caisse des Dépôts đi vay bằng phát hành các công trái.

2.- Các chương trình cứu nguy khác:

a. Chương trình giúp đỡ các hảng xe hơi.

Từ tháng 10.2008, kỹ nghệ xe hơi ở Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc bán xe, nên phải giảm sản xuất khiến các công nhân phải rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật, chỉ được bồi thường khoảng 60% tiền lương bình thường.


- Để khuyến kích người ta mua xe hơi mới, Chánh phủ Pháp quyết định, kể từ 04.12.2009, tặng 1.000 euro nếu người mua xe chịu giao xe của mình đang xài trên 10 năm, dựa theo date de 1ère mise en circulation trên carte grise (thẻ chủ quyền), cho case (xí nghiệp thu hồi xe phế thải) và hóa đon mua xe mới phải ghi ngày 31.12.2009. Xe mới phải thả khói ít hơn 160 grammes CO2/km (Công báo ngày 20.01.2009).

Ngân sách quốc gia thua lỗ không ? Thưa: không.

Nếu chánh phủ Pháp không tặng 1.000 euro cho người mua xe mới, các hảng xe hơi không sản xuất một chiếc xe nào thì công nhân bị thất nghiệp. Nếu tặng 1.000 euro, khi bán một chiếc xe, Chánh phủ Pháp thu được TVA (Taxe sur la valeur ajoutée, Thuế trị giá gia tăng). Giá trung bình một chiếc xe mới hiện nay khoảng 12.000 euro. TVA là: 12000 x 19,60% = 2.352 euro và chánh phủ lời được: 2352 – 1000 = 1.352 euro.

Ngày 09.02.2009, trong ‘thỏa ước xe hơi’, chánh phủ Pháp cho các hảng xe hơi vay số tiền 6,5 tỷ euro để ‘chuẩn bị tương lai’, được chia như sau:
- hảng Renault (trong vốn có 15% của Nhà Nước) vay 3 tỷ euro;
- hảng PSA Peugeot Citroen vay 3 tỷ euro;
- hảng Renault Trucks, dưới nhản hiệu Volvo (Thụy điển) chuyên sản xuất xe hạng nặng vay 500 triệu euro.

Số tiền vay này phải trả tiền lời theo lãi suất 6%, kéo dài trong 5 năm.

Trái lại, lãnh đạo các hảng xe này hứa:
- những phần thưởng hằng năm cho họ cần có ý kiến chánh phủ;
- hạ thấp cổ tức (dividendes) phát cho các cổ đông;
- không đóng cửa các xưởng làm việc trong suốt thời gian vay nợ;
- tăng tiền bồi thường thất nghiệp kỹ thuật.

Ngoài ra, chánh phủ Pháp còn tài trợ 2 tỷ euro cho các cơ quan tài chính cung cấp tín dụng cho các hảng sản xuất xe hơi và 600 triệu euro cho các xí nghiệp gia công (sous-traitants), trong đó Nhà Nước góp 200 triệu và hai hảng xe hơi góp 200 triệu euro mỗi bên.

Nhà Nước cũng dành quyền tham ý các dự án xã hội (plans sociaux) để sa thải công nhân, nơi đặt các xuởng và dời xuởng đi nước khác, thiết lập các nơi nghiên cứu việc sản xuất xe chạy bằng điện.

Tuy nhiên, phát biểu trên đài RTL, sáng ngày 10.02.2009, chủ tịch PSA Peugeot Citroen Christian Streiff nói: ề Viện tượng bán xe của hảng thật bi đát… sẽ giảm đi 20%)

Chương trình cho vay này đang bị Liên Âu cứu xét vì không cho dời xuởng làm xe đi nước khác.

Ngoài ra, hôm nay, ngày 11.02.2009, chủ tịch PSA Peugeot Citroen Christian Streiff cho biết hảng xe bị lỗ 343 triệu euro trong tài khóa 2008 và dự trù bỏ bớt 11.000 việc làm (trong đó, có 7.000 ở Pháp). Sau đó, hảng xe cải chính không phải là sa thải công nhân mà những người về hưu sẽ không được thay thế.

b. Ngành báo viết cũng được trợ giúp 600 triệu euro.

Hôm 24.01.2009, khi vào chúc Tết dương lịch tại điện Elysée, giới báo chí được Tổng thống Sarkozy loan báo một kế hoạch 600 triệu euro trong 3 năm để giúp đỡ ngành báo viết đang gặp rất nhiều khó khăn tài chính, hầu đạt tới một nền báo chí và tạp chí bảo đảm tính đa nguyên vững mạnh và đến tay của đông đảo độc giả. Đồng thời, nhằm tăng cường sự cân bằng kinh tế của các nhà xuất bản trung bình.

Cuộc khủng hoảng kinh tài đưa tới sự sụt giảm quảng cáo và những chi phí ấn loát và phát hành tăng cao hơn mức trung bình ở Âu châu từ 30 đến 40%. Thêm vào đó, báo chí và tạp chí bị mất người mua do sự phát triển công nghệ kỹ thuật số và sự xuất hiện của một loại báo chí trên Internet.

Tuy nhiên, phát biểu trên đài RTL, sáng ngày 10.02.2009, chủ tịch PSA Peugeot Citroen Christian Streiff nói: ề Viện tượng bán xe của hảng thật bi đát… sẽ giảm đi 20% so với năm 2008).

c. Kế hoạch kích thích kinh tế bằng đầu tư vào các công trình công cộng.

Ngày 02.02.2009, tại Lyon, Thủ tướng François Fillon và 20 Tổng, Bộ trưởng đã trình bày chi tiết những dự án sẽ được thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch kích thích kinh tế 26 tỷ euro mà Tổng thống Sarkozy đã thông báo vào tháng 12.2008 và Quốc hội thông qua ngày 29.01.2009. Kế hoạch này còn có tên là ‘kế hoạch 1.000 dự án’.

Những dự án chính là:
- 870 triệu euro dành cho các phương tiện vận chuyển công cộng;
- 731 triệu euro cho ngành giáo dục;
- 620 triệu euro cho việc trùng tu các di sản văn hóa và kiến trúc;
- 3 triệu euro tái thiết Viện hóa học Le Bel (Strasbourg);
- 456 triệu euro tái thiết và xây dựng các gia cư tại Nancy;
- 35 triệu euro để an ninh hóa đường hầm Fréjus;
- 1,92 triệu euro để trùng tu nhà thờ chánh tòa Notre-Dame (Paris). ..

Mục dích của các kế hoạch là tạo công việc làm (150.000 trong năm 2009) cho những người thất nghiệp và hy vọng giúp tăng trưởng kinh tế Pháp thêm 0,6 % năm nay.

(còn tiếp)
 
Văn Hóa
Nhà Bác nhà em
Phước Tuyền NQH
14:08 12/02/2009
Nhà Bác huy hoàng thật lớn lao,
Cổng ngoài kiên cố, quanh tường cao.
Hoa thơm cỏ lạ, sàn rau nhỏ,
Vườn đẹp cây xanh trái ngọt ngào.

Phòng khách trang trí trống đồng xưa,
Chôn mấy nghìn năm dưới nắng mưa,
Hình Bác treo cao trông uy dũng,
Mắt nhìn tưởng nhớ chiến trường xưa..

Tường bên trang trọng những bức hình,
Chắc là Các Mác với Lê Nin,
Hai tên đồ tể xô nhân loại,
Máu đổ xương rơi với ngục hình..

Công trình điêu khắc gắn cặp ngà,
Cao cấp ghế bàn chạm trổ hoa.
Tủ lạnh truyền hình đều đắt giá,
Người hầu kẻ hạ mãi vô ra..

Nhà em nghèo khổ, khác xa vời.
Vườn có giàn bầu, liếp hẹ tươi,
Cầu khỉ băng qua con lạch nhỏ,
Nối liền hai xóm cũng vui rồi.

Vách lá sườn cây, thấy nhẹ nhàng,
Mái che dừa nước lợp dàn ngang.
Đêm nằm lặng đếm sao trời được,
Bàng bạc trăng thanh ngập ánh vàng.

Trong nhà bàn Tổ đặt bên trên,
Ghế gổ giường tre loại rẻ tiền,
Mưa xuống vui nghe nhiều điệu nhạc,
Côn trùng cóc nhái tấu hoà lên.

Cuối ngõ đầu hè sáng tới đêm,
Không người canh gác vẫn êm đềm,
Tuy nghèo nghĩ lại vui nhiều thứ,
Không oán không thù sống lặng yên..

Xóm trên thôn dưới dọc kênh dài,
Tình nghĩa bà con chẳng nhạt phai.
Chỉ sợ quan trên mà chiếu cố,
Ruộng vườn cướp sạch, biết cầu ai..?

Bác thấy cuộc đời quá trái ngang.
Lang thang vất vưỡng đám dân oan,
Lăn lóc tất tưởi trên hè phố,
Bị bọn cường quyền đến dẹp tan..

Bác ạ, đời sao lắm phũ phàng,
Dân nghèo mạt rệp, quan giàu sang.
Giàu rồi lại muốn giàu hơn nữa,
Thủ đoạn gian manh áp dụng càn.

Có dịp, xin mời Bác lại chơi,
Cơm nhà dưa mắm, canh mồng tơi...
Rồi đây cảm thấy hồn lắng đọng,
Buông hết ưu phiền với nỗi trôi..

Có điều nhờ Bác giúp giùm thôi,
Can gián quan tham dạ hẹp hòi,
Cưởng chế cửa nhà mong kiếm lợi,
Dân tình điêu đứng, lắm chơi vơi...

Bác nhớ hôm nào ghé lại đây,
Vắng xa đô thị, nhiểm ô đầy.
Thả hồn bay bổng, nhìn sông nước,
Rồi ngắm tà dương, gió cuốn mây....

Tuổi Bác năm nay quá xế chiều,
Tháng ngày còn lại chẳng bao nhiêu,
Tử thần lấp ló ngoài song cửa,
Đợi lệnh Trên về, sẽ gọi kêu..

Nhà Bác nhà em, khác biệt nhiều,
Mặc dù nghèo khổ vẫn hoài yêu,
Đến giờ lâm tử, em thanh thản,
Bước nhẹ qua nhanh, chẳng vướng nhiều..,..

Xin Bác nhìn xa tận cuối đồi,
Mặt trời hấp hối, bóng chiều rơi....
Tuổi già như cảnh hoàng hôn xuống.....
Chúc Bác an vui cuối cuộc đời…

(Feb. 6, 2009, viết thay dân nghèo gửi Bác LKP, cựu TBT)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đi Giặt Nỗi Sầu
Nguyễn Ngọc Danh
19:37 12/02/2009

ĐI GIẶT NỖI SẦU



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh (Thượng nguồn sông Chò, Khánh Vĩnh, Nha Trang)

Mẹ ru Em ngủ bên cầu

Để mẹ đi giặt nỗi sầu trên sông

Mẹ ru Em giữa cánh đồng

Để mẹ gặt hái vun trồng cho Em

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền