Ngày 10-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/02: Đức Giêsu chạnh lòng thương – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:48 10/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Trong những ngày ấy, lại có rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến." Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?" Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc." Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

Đó là lời Chúa
 
Mở ra không gian
Lm Minh Anh
13:55 10/02/2023

MỞ RA KHÔNG GIAN
“Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?”; “Các con có bao nhiêu bánh?”.

Bertrand Russell từng là Kitô hữu; nhưng về sau, ông đã công khai trở thành một nhà vô thần. Con gái ông, Katharine Tait nói, “Đã một thời, tận trong đáy sâu thẳm tâm hồn của cha tôi, có một khoảng trống từng được Chúa lấp đầy; ông đã từng ‘mở ra không gian’ cho Ngài. Nhưng, một khi đã tống Ngài ra, ông không bao giờ tìm được bất cứ một thứ gì khác để đặt vào đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Russell từng có một khoảng không gian cho Chúa. Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay cũng đề cập khoảng không gian đó qua hai câu hỏi thú vị; một của các môn đệ, một của Chúa Giêsu. Câu hỏi thứ nhất, một câu hỏi khép kín không gian, “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?”; câu hỏi thứ hai, một câu hỏi ‘mở ra không gian’, “Các con có bao nhiêu bánh?”.

Mặc dù câu hỏi thứ nhất rất nhân bản; nhưng xét cho cùng, nó tiết lộ một sự nghèo nàn thiêng liêng vì các môn đệ xem ra không đặt niềm tin vào Thầy. Đó là một câu hỏi bi quan, hơi hướng mùi tuyệt vọng. Với loại câu hỏi này, một nếp nghĩ, một tầm nhìn thiển cận sẽ hình thành khi chúng ta tự co rút để cam chịu một hoàn cảnh, một số phận; cách đặt vấn đề khá ủ dột này sản sinh một loạt câu hỏi, biện minh cho sự bất khả trước bao vấn đề. Nhiệm vụ là bất khả thi, tại sao tôi cố gắng? Lực bất tòng tâm, tại sao tôi mất thời giờ? Lối nghĩ này ngăn cản chúng ta mạo hiểm làm những điều tuyệt vời cho Chúa; và ngược lại, khiến chúng ta không mong đợi điều tuyệt vời đến từ Ngài!
Không ‘mở ra không gian’ cho Chúa, chúng ta ‘vui hưởng’ thú đau thương trước những tình huống dường như vô vọng; như thể, Thiên Chúa không toàn năng!

“Các con có bao nhiêu bánh?”; ngược lại, là một câu hỏi hoàn toàn khác. Đây là loại câu hỏi tích cực, tiềm tàng một niềm hy vọng và lạc quan; vì lẽ, nó luôn ‘mở ra không gian’ cho Thiên Chúa. Qua đó, Chúa Cha có thể thực hiện một phép lạ để chứng thực quyền năng của Ngài. Chỉ cần một chút những gì sẵn có, cả khi chúng dường như ‘không đủ đến vô vọng’, “bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ” trao cho Chúa Giêsu; với cái ít ỏi đó, Ngài sẽ nhân lên để nuôi sống cả ngàn người. Phaolô từng nói, “Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để làm nhiều điều lớn lao hơn tất cả những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới”; dĩ nhiên, với điều kiện, mỗi người biết hào phóng cho đi những gì mình có, dù chúng có vẻ nhỏ nhoi.

Thật thú vị, bài đọc Sáng Thế hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa cũng ‘mở ra không gian’ cho Ngài; đúng hơn, Ngài mở ra sự xót thương ngay trong cơn giận khi đuổi nguyên tổ khỏi địa đàng, “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó”; đó là “tiền Tin Mừng!”. Rồi đây, con cháu nguyên tổ sẽ nhận ra điều này, “Thân lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ.

Anh Chị em,

“Các con có bao nhiêu bánh?”, Chúa Giêsu tiếp tục hỏi chúng ta như thế! Mỗi ngày, đến với Thánh Thể, chúng ta ‘mở ra không gian’ linh hồn cho Ngài ngự vào, một không gian chật hẹp, và đôi khi, rất tăm tối; thế nhưng, Ngài vẫn đoái thương hạ cố. Cũng ở đó, cùng một câu hỏi, Ngài tiếp tục hỏi và chờ đợi phần ‘bánh và cá’ còm cõi của bạn và tôi; để từ đó, Ngài có thể tiếp tục nhân lên, nhân lên… hầu nuôi sống bao nhiêu anh chị em khác. Ước mong sao, đền thờ tâm hồn chúng ta ngày càng sạch trong, xứng đáng cho Chúa Giêsu chiếm ngự; và ước mong sao, chúng ta biết dâng phần ít ỏi của mình vào tay Ngài, để Ngài có thể mở ra những không gian mới cho Vương Quốc của Cha qua chính chúng ta, những nhà tạm di động của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con đoạn tuyệt với những ràng buộc rối loạn với các tạo vật, để bám rễ vững chắc vào Đấng Tạo Thành! Nhờ đó, con tiếp tục ‘mở ra không gian’ cho Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đổi mới đời tấn tới
Lm Nguyễn Xuân Trường
14:08 10/02/2023

ĐỔI MỚI ĐỜI TẤN TỚI

Đổi mới là quy luật của phát triển. Trong thiên nhiên, cây cối luôn nảy sinh những chồi lộc mới. Ngoài xã hội, các hãng thường xuyên tung ra những sản phẩm mới. Phúc Âm tuần này Chúa cũng tuyên bố làm mới Lề Luật để con người sống công chính hơn.

1. Luật mới. Dịp Tết vừa qua người ta có nhiều thứ mới: quần áo mới, đầu tóc mới, người yêu mới, tiền lìxì mới… Mới khiến đời phơi phới niềm vui. Vui hơn nữa khi Chúa đem đến cho chúng ta Luật mới, lối sống mới. Chúa cứ lặp đi lặp lại: Anh em đã nghe Luật xưa dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em phải sống thế này… Chúa kiện toàn, Chúa đổi mới Luật để con người sống hoàn hảo hơn, tốt đẹp hơn.

2. Đời tấn tới. Mới làm cho người ta vui thích vì cái mới hơn cái cũ. Được hơn là mong muốn của con người. Người ta mong muốn giàu hơn, giỏi hơn, cao hơn, đẹp hơn… Mong muốn hơn này làm cho cuộc sống tiến lên không ngừng. Thật là mừng khi “con hơn cha là nhà có phúc.” Nhưng hơn cái gì? Thế hệ con cháu có sống tử tế hơn, đạo đức hơn, sốt mến hơn thế hệ cha ông không? Chúa nhấn mạnh đến cái hơn này: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

Chúa làm mới Luật để con người sống hoàn hảo. Luật xã hội chỉ chi phối những hành động bên ngoài, Luật Chúa còn để ý cả trong tâm trí. Luật Chúa là luật lòng để con người đẹp từ trong ra ngoài, đẹp cả hồn lẫn xác, đẹp toàn diện. Cũng cần để ý điều này: chúng ta thường thấy khó chịu khi phải tuân giữ luật, nhưng thực ra, Luật Chúa lại đem hạnh phúc cho ta lời Đáp ca: “Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời.” Hạnh phúc bởi vì Luật Chúa là luật tình yêu. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 10/02/2023

26. Đức ái theo bản chất của nó mà nói là nguồi gốc của đức tin, là sâu thẳm của đức nhẫn nại, là đại dương của đức khiêm nhường.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 10/02/2023
59. TRỪNG TỬ TÌM ÁO

Trừng Tử người nước Tống làm mất tiêu cái áo màu đen, bèn đi tìm trên đường.

Đột nhiên nhìn thấy một người đàn bà mặc áo màu đen, bèn đuổi theo kéo lại không buông ra, kêu lên:

- “Hôm nay tôi mới mất một cái áo màu đen.”

Người đàn bà nổi giận nói:

- “Ông mất cái áo màu đen, nhưng cái áo mà tôi đang mặc đây là do tôi tự may lấy.”

Trừng tử nói:

- “Bà nên nhanh chóng trả lại cái áo cho tôi, cái áo mà tôi làm mất là áo kép, mà bà bây giờ lại mặc áo đơn, lấy áo đơn đổi áo kép, lẽ nào bà không chiếm phần bở hơn tôi sao?”

(Lữ thị xuân thu)

Suy tư 59:

Thời nay người ta rất cẩn thận không để áo mình bị mất trộm, nhưng có những người Ki-tô hữu đem áo kép của mình đi đổi lấy vài thú vui chóng qua, người ta đem áo của mình bán đi để mua lại những thứ không dùng được lâu dài. Áo kép đây chính là chiếc áo trắng mà họ đã lãnh là bí tích Rửa Tội.

Chiếc áo trắng ngày Rửa Tội không phải chỉ đơn thuần là chiếc áo màu trắng nho nhỏ, xinh xinh, nhưng cái quý giá của nó chính là đã được Máu Thánh Đức Chúa Ki-tô rửa sạch để họ được trở thành con cái Thiên Chúa, đem bán nó đi tức là bán mình làm nô lệ cho ma quỷ, cho của cái vật chất và cho tội lỗi.

Thường thì cái gì mất rồi khó mà tìm lại được, hoặc đồ quý mà bán đi rồi thì khó mà chuộc lại. Nhưng nhờ cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập giá mà chúng ta được chuộc lại những gì mà chúng ta đã bán cho ma quỷ, cho thế gian, đó là ân sủng của bí tích Rửa Tội và bí tích Giải Tội, và chỉ có bí tích Giải Tội mới làm cho chúng ta chuộc lại chiếc áo trắng của ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 6 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 10/02/2023
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 5, 20-22a.27-28.33-34a.37

“Anh em đã nghe luật dạy người xưa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết.


Bạn thân mến,

Đã có nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta khen ngợi các linh mục là những người tài giỏi đáng để chúng ta học hỏi, nhưng Đức Chúa Giê-su lại bảo cho chúng ta biết, nếu chúng ta không ăn ở công chính hơn những người kinh sư và biệt phái thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

1. Công chính thì khác với tài giỏi.

Có những linh mục rất tài giỏi đa năng, vừa viết nhạc vừa hát hay lại vừa làm diễn viên thu hình, những tài hoa này không làm cho những linh mục ấy trở nên người công chính, những tài hoa này không làm cho các ngài được vào Nước Trời, nếu các ngài không có đời sống kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, không làm tròn bổn phận mục tử của mình, thì tài năng chỉ thêm gây phiền phức cho đời sống nội tâm của các ngài mà thôi, bởi vì chính đời sống nội tâm của người linh mục mới làm cho họ trở nên người công chính trước mặt người đời và trước mặt Thiên Chúa.

Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu rất giỏi về luật Môi-sê, những chính các ông ấy đã bị Đức Chúa Giê-su nhiều lần khiển trách vì trở nên cớ vấp phạm cho người khác, khi chính họ không thực hành lề luật.

Người công chính là người tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, là người biết chu toàn bổn phận của mình cách trọn hảo dù cho tài năng của mình xuất chúng, nhưng không vì tài năng, không vì tiếng khen ngợi của mọi người mà quên đi bổn phận mục tử của mình. Tài hoa là phương tiện giúp cho mục đích của đời mục tử, chứ không phải tài hoa là mục đích của đời sống linh mục.

2. Luật cũ và luật mới chỉ khác nhau chữ Tâm.

Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu cũng biết giữ lề luật của Môi-sê, nhưng họ không dùng cái tâm để giữ và thực hành, họ chỉ dùng cái vẻ đạo mạo bên ngoài để làm cho người khác phải ca ngợi mình với áo thụng dây tua, với cung cách bệ vệ mà thôi, cho nên họ không không thể dẫn dắt người khác vào Nước Trời.

Thời nay có những mục tử cũng biết giữ luật Chúa như những kinh sư và người Pha-ri-siêu, tức là họ không dùng cái tâm để giữ, mà chỉ dùng cái mã tốt tướng đạo mạo bên ngoài để giữ, những mục tử này thì rất dễ thấy trong xã hội ngày nay, đó là:

- Khi các ngài đứng trên tòa giảng để răn đe giáo dân đừng uống rượu, nhưng lễ xong thì các ngài uống rượu nhiều gấp mấy giáo dân, các mục tử này chỉ nói cho sướng miệng chứ không nói bằng cái tâm.

- Khi các ngài đứng trên tòa giảng nói về sự công bằng bác ái, nhưng chính các ngài lại cho giáo dân vay tiền lấy lãi nặng hơn cả các chủ nợ khác. Các mục tử này chỉ nói cho sướng miệng chứ các ngài không thực hành bằng cái tâm.

- Khi các ngài đứng trên tòa giảng dạy giáo dân phải thảo kính cha mẹ, kính trên nhường dưới, nhưng chính các ngài ăn nói thô lỗ cộc cằn, ngạo mạn với các đấng bậc lớn tuổi hơn mình. Các mục tử này chỉ nói cho sướng cái miệng chứ các ngài không hề dùng cái tâm để giảng dạy.


Bạn thân mến,

Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu đã bị Đức Chúa Giê-su nhiều lần khiển trách, không phải vì Ngài ghét họ, nhưng vì Ngài muốn cho họ trở nên những bậc thầy thánh thiện gương mẫu, và bởi vì chính họ mỗi khi làm gương xấu thì ảnh hưởng to lớn và tai hại vô cùng cho dân Ngài.

Sự công chính được phát xuất từ một tâm hồn biết yêu thương thật sự, chứ không phải phát xuất từ tài năng, thông luật hay giỏi Thánh kinh. Bởi vì nếu không yêu thương thật sự, thì tất cả chỉ là hình thức giả tạo đáng ghét bên ngoài mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Giết người có mấy cách ?
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
23:25 10/02/2023
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM A

GIẾT NGƯỜI CÓ MẤY CÁCH?

Khi Chúa Giêsu dạy đừng lên án, đừng khinh thường, đừng oán ghét, đừng gây thù, đừng giết hại anh em, nhưng hãy yêu thương và tha thứ cho mọi người, thì chính Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu, sự tôn trọng dành cho chúng ta một cách hết sức hoàn bị nơi chính bản thân Chúa.

Chúa không hề nổi giận trước bất cứ hành vi tội lỗi, hành vi chống lại lề luật của Chúa, thậm chí chống lại chính Chúa của chúng ta.

Ngược lại, Chúa sẵn sàng hiến mình để sống, chết, sống lại vì ta. "Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5, 8).

Ở đời, sự thể hiện trong tương quan của người đời, mãi mãi vẫn chỉ là “không có gì chắc chắn”. Bởi biết bao nhiêu lần chúng ta hoặc chứng kiến, hoặc đã từng là nạn nhân của thói “ngôn hành bất nhất”, hay nay nói lời yêu thương, mai trở mặt thành thù hận.

Chỉ có Chúa Giêsu, Đấng kiện toàn lề luật bằng chính cuộc sống yêu thương chân thành, yêu thương đến cùng, yêu thương đến quên mình mặc cho sự phản bội, mặc cho tình đời đen tối, mặc cho tất cả những thao túng bỉ ổi và đê hèn nhất mà con người có thể nghĩ ra để trút lên chính mạng sống của Ngài.

Nói cách khác, bằng những thể hiện nơi chính bản thân, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật là đưa lề luật trở về đặt bên dưới luật yêu thương.

Không có yêu thương, luật sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi bất cứ lúc nào người ta cũng đều có thể lạm dụng luật, dùng luật để "đè" đối thủ, dùng luật để biện minh hay che lấp hành vi sai trái, nhất là khi nắm quyền trong tay, người ta khuynh đảo và điều khiển lề luật theo hướng có lợi cho mình, bỏ mặc những thiệt hại xảy ra cho muôn người...

Mục đích ban dầu của lề luật và của việc đề ra lề luật là nhằm phục vụ sự sống, phục vụ lợi ích và bảo đảm an ninh của sự sống con người, nhưng thực tế, biết bao nhiêu lần luật bị nhào nặn thành phương tiện hại nhau, tranh đoạt quyền lợi, chèn ép, đẩy nhau xuống đáy sự sống, thậm chí giết chết nhau...

Bởi không có gì an toàn cho bằng hại người bằng luật. Chính Chúa Giêsu là nạn nhân của hành vi kết án nhân danh lề luật. Những kẻ kết án tử cho Chúa từng thẳng thừng tuyên bố: "Chúng tôi có lề luật; và chiếu theo lề luật, thì nó phải chết" (Ga 19, 7).

Cũng vậy, ở giữa đời, người ta dễ dàng ném cho ai đó một án tù thật nặng bằng cách giáng trên họ một vi phạp trong điều luật thật nặng. Người ta cũng từng quăng trên mạng sống của ai đó mà họ không ưa, hoặc che dấu tội lỗi của kẻ lắm chức nhiều quyền bằng cái án tử hình trên đầu nạn nhân hòng bịt đầu mối, bóp nghẹt tiếng nói...

Cắt đứt lề luật khỏi mục đích thăng tiến đời sống, thăng tiếng giá trị làm người, bảo vệ sự sống, bảo vệ lẽ sống, sẽ biến lề luật thành sự dữ, biến kẻ thực thi lề luật thành kẻ man rợ, tàn bạo, vô nhân tính và là đồng bạn của satan.

Người Kitô hữu có Lời Chúa dạy, có tấm gương của chính Chúa Giêsu để giúp bản thân kiện toàn lề luật. Nếu Chúa kiện toàn lề luật bằng việc đặt mọi thứ luật bên dưới luật yêu thương, thì chúng ta cũng phải sống yêu thương mọi nơi, mọi lúc, nhất quyết không bao giờ, không có bất cứ khoảnh khắc nào loại trừ bất cứ hình ảnh của ai ra khỏi trái tim mình.

Nên nhớ, trước khi có hành vi ngoại tình hay những hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi. Trước khi người ta có thể bới xấu ai, vu vạ cho ai, giết chết ai..., họ đã loại bỏ người ấy ở trong lòng mình rồi.

Nói cách khác, trước khi thi hành điều ác cho bất kỳ ai, chúng ta đã giết chết người ất nơi chính nội tâm của mình.

Để thi hành lề luật cách đúng đắn nhất, luôn trong một lương tâm không chỉ ngay chính mà còn thánh thiện, thì bên trong cõi lòng từng người phải luôn luôn chất chứa tình yêu với anh chi em, không bao giờ loại trừ ai, dù đó là người thù địch, ghét bỏ mình, đối lập với mình.

Có lẽ cả một đời, chúng ta không bao giờ vi phạm lề luật "chớ giết người". Nhưng có thật, chúng ta hoàn toàn không giết chết ai?

Cõi lòng ta còn đầy giận hờn, ghét ghen, hiềm khích với anh chị em, muốn trả thù, muốn nổi loạn với ai đó, là ta đã loại trừ anh chị em, cũng có nghĩa là đã chớm giết chết hình ảnh anh chị em trong lòng dạ mình.

Nhất là khi ta dùng miệng lưỡi, lời nói cố tình hại ai, làm ô danh ai, gây tai họa có thể nhất thời, có thể lâu dài cho ai..., ta đã chạm đến luật giết người mà Chúa dạy. Sách Huấn Ca từng nói: "Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?" (Hc 28, 18).

Hãy luôn ghi nhớ: CHÚA KIỆN TOÀN LỀ LUẬT BẰNG CÁCH ĐẶT MỌI LUẬT BÊN DƯỚI LUẬT YÊU THƯƠNG.

Từ đó, chúng ta ra sức sống Lời Chúa dạy cho thật chu đáo: "Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình".

Và phải hết sức nêu cao sự thật trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc: "Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ".
 
Có-Không, Không-Có - Matt 5:37
Nguyễn Trung Tây
23:46 10/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Có-Không, Không-Có - Matt 5:37


Có một thời tự nhiên thấy thiên hạ, nhất là các bạn trẻ, rộn ràng hát vang, “Con gái nói có thành không, nói không thành có.”

Con gái nói có thành không, không thành có. Trong trường hợp này là con gái đang lậm men yêu. Nhưng thật thà thú nhận, thẳng thắn phê bình, chân thành bày tỏ, con trai cũng vậy thôi, đã yêu rồi thì gái cũng như trai, “ra đường dối chú, về nhà dối cha.” Chuyện tình yêu từ ngàn năm về trước cho tới ngàn năm về sau, vẫn thế thôi.

Chẳng trách chi, Việt Nam có câu ca dao,

Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.


Nói láo cỡ này là còn nhẹ. Còn có những thứ bạo hơn nhiều. Thì đã hẳn, yêu mà. Cứ thế, nói không thành có, nói có thành không.

Nhưng nếu không ở trong tình yêu, mà lại cố tình nói có thành không, nói không thành có, nói trắng ra đen, nói đen ra trắng, cố tình biến muối ra đường, nói thêm nói bớt, theo như Đức Giêsu, những trường hợp này đều bắt nguồn từ ma quỷ (Matt 5:37).

Suy Niệm
Câu kết luận của Đức Giêsu về nguồn gốc của hiện tượng “có nói không, không nói có,” là một câu kết có khả năng gây sốc, choáng váng mặt mày!

Nhưng thiết nghĩ, thuốc đắng đả tật, đòn đau nhớ đời. Bởi tôi bị đau, tôi bị choáng váng, tôi xây xẩm mặt mày, tôi phải ngồi xuống, ôm ngực thở. Bởi được ngồi xuống để thở, tôi mới có cơ hội nghỉ ngơi, để mà đặt vấn đề, tự hỏi tôi, tại sao lại nói có thành không, nói không thành có.

Riêng cá nhân con, khi con xét mình, ơi lạy Chúa, trăm lần đều là cả trăm, con đều khám phá ra, bởi vì những ích kỷ, tham lam, ghen ghét, con đã thêu dệt thêm thêm bớt bớt.

Hiện tượng cố tình nói có thành không, nói không thành có, cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý. Bởi cá nhân tôi mặc cảm và bởi tôi ghen tị, tôi thêu dệt thêm thêm bớt bớt.

Cũng có thể bởi là một thói quen, tôi chỉ nói cho vui, nửa đùa nửa thật. Nhưng “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.” Một lời nói đã thốt ra, bốn con ngựa đuổi theo cũng không kịp.

Lời “có-không, không-có” của tôi trở thành một hòn đá xanh, một viên đạn đồng. Cả hai bay thẳng tới, trúng trái tim một người, danh dự người đó bị bôi bẩn, hoen ố, rách toang!

Hoặc cũng có thể bởi tôi cố tình!

Hoặc bởi những lý do gì đó chỉ có riêng tôi biết, khiến tôi cứ thế “có-không, không-có.”

Lời Nguyện
Lạy Chúa! Xin ban ơn để con canh gác cửa ngỏ tâm hồn. Xin cho con biết dùng lời để ca tụng danh Chúa, và chỉ danh Chúa mà thôi□
(Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Công Giáo lớn nhất của Ukraine chuyển lễ Giáng Sinh sang ngày 25 tháng 12 để giảm các ảnh hưởng của Nga
Đặng Tự Do
17:24 10/02/2023


Giáo Hội Công Giáo lớn nhất của Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ sẽ chuyển sang một lịch mới, theo đó lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 thay vì ngày 7 Tháng Giêng, trong bối cảnh các tổ chức Ukraine đang nỗ lực phá vỡ các liên kết văn hóa với Nga.

Động thái của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã được Bộ trưởng Văn hóa Oleksandr Tkachenko hoan nghênh. Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có số tín hữu chiếm khoảng 10% là Giáo Hội Công Giáo lớn nhất tại Ukraine.

“Quyết định này phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta và dư luận,” ông viết trên Facebook, trích dẫn kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến quốc gia do chính phủ thực hiện.

Cuộc thăm dò đó, được tổ chức vào tháng 12 năm 2022, cho thấy 59% trong số hơn 1,5 triệu người được hỏi ủng hộ việc chuyển lễ Giáng Sinh sang ngày 25 tháng 12, khi lễ này được tổ chức ở Tây Âu.

Tháng trước, Tkachenko bày tỏ hy vọng rằng tất cả các Giáo Hội của Ukraine sẽ đồng ý tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.

Thông báo hôm thứ Hai của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã làm cho Giáo Hội này trở thành Giáo Hội đầu tiên ở Ukraine làm như vậy.

Cho đến nay, tất cả các Giáo Hội lớn ở Ukraine có đa số dân theo Chính thống giáo đều theo lịch Giulianô, kỷ niệm lễ Giáng Sinh vào ngày 7 Tháng Giêng. Đó cũng là ngày mà Nga tổ chức lễ này.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho đến nay là một trong số ít các Giáo Hội trên toàn thế giới công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng đồng thời lại tuân theo lịch Giulianô, mà Vatican đã thay thế bằng lịch Grêgôriô sửa đổi vào năm 1582.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nói rằng các ngày lễ cố định như Giáng Sinh sẽ chuyển sang lịch mới, nhưng các ngày lễ có thể thay đổi như Lễ Phục sinh vẫn sẽ được tổ chức theo lịch cũ.
Source:Reuters
 
Trong động thái mới trong tranh chấp thuế với Vatican, Israel đóng băng tài khoản khách sạn Notre Dame
Đặng Tự Do
17:26 10/02/2023


Trong tình tiết mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Israel và Tòa thánh, chính quyền thành phố Giêrusalem hôm thứ Hai đã yêu cầu Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem thuộc sở hữu của Vatican phải trả khoản thuế bất động sản thành phố quá hạn 18 triệu NIS hay 5 triệu USD. Đồng thời, chính quyền cũng phong tỏa tài khoản ngân hàng của trung tâm cho đến khi Giáo Hội trả hết nợ.

Các tổ chức tôn giáo ở Israel, bao gồm nhà thờ và tu viện, được miễn nộp thuế tài sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Israel đã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Vatican để đánh thuế các doanh nghiệp thương mại thuộc sở hữu của Giáo hội - như khách sạn và quán cà phê.

Theo tổng giám đốc của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem, Yousef Barakat, ngay trước Giáng Sinh, các luật sư của thành phố đã viết thư cho Isracard và Visa, yêu cầu họ chặn các quỹ của Notre Dame.

“Chúng tôi không có tiền trong tay,” Barakat nói với tờ The Times of Israel vào tối thứ Hai. “Đây là một vấn đề chính trị cần được giải quyết giữa Israel và Vatican.”

Trung tâm Notre Dame, bao gồm nhà thờ và nhà khách, đã làm việc với Vatican để giải quyết vấn đề.

Ngay sau khi Vatican và Israel ký Thỏa thuận cơ bản thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào năm 1993, các bên đã tham gia đàm phán để giải quyết các vấn đề về thuế và quyền tài sản còn tồn đọng.

Những cuộc đàm phán lặp đi lặp lại đó đã không đi đến hồi kết trong nhiều thập kỷ sau đó.

Lập trường của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem là vì các bên chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng, nên thỏa thuận hiện tại trong đó không có tài sản nào bị đánh thuế sẽ vẫn có hiệu lực.

Nhà nước đã không chống lại yêu sách này, nhưng vào năm 2018, chính quyền thành phố Giêrusalem đã quyết định rằng quyền miễn trừ đối với các Giáo Hội chỉ áp dụng cho các tài sản được sử dụng “để cầu nguyện, giảng dạy về tôn giáo, hoặc cho các nhu cầu phát sinh từ đó.”

Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem lập luận rằng nhà khách hoạt động như một tổ chức tôn giáo và nên được miễn thuế. Trung tâm chỉ ra các tiền lệ trong thời kỳ Ottoman, Anh và Jordan, đồng thời tự coi mình được bảo vệ bởi Thỏa Ước Nguyên Trạng của Ottoman năm 1852. Trung tâm cũng khẳng định r r quyền miễn trừ đã được hệ thống hóa trong luật Ủy trị của Anh năm 1934 và 1938.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội tuyên bố rằng các tổ chức tôn giáo duy trì các cơ sở giáo dục, phúc lợi và bác ái phục vụ người dân địa phương, và rằng họ giúp thực hiện vai trò của nhà nước một cách hiệu quả trong các khu vực, do đó nhà nước nên hỗ trợ họ hơn là đánh thuế họ.

Tuy nhiên, thành phố coi trung tâm là một thực thể thương mại có nghĩa vụ phải nộp thuế tài sản kinh doanh thông thường.
Source:Times Of Israel
 
Đại biểu Ba Lan cảnh báo về cám dỗ ‘xây dựng một số Giáo hội khác’ tại Thượng hội đồng
Đặng Tự Do
17:28 10/02/2023


Thượng hội đồng về tính đồng nghị phải tránh “sự cám dỗ xây dựng một Giáo Hội khác”, một đại biểu Ba Lan nói với hội đồng lục địa Âu Châu hôm thứ Ba.

Phát biểu vào ngày 7 tháng 2, ngày thứ ba của cuộc họp kéo dài một tuần tại Praha, Giáo Sư Aleksander Bańka nói rằng mục đích của cuộc họp vào tháng 10 của các giám mục thế giới tại Rôma là đào sâu “linh đạo đồng nghị” trong Giáo hội như đã được Chúa Kitô thiết lập..

“Mục tiêu của cuộc thảo luận tại cuộc họp thượng hội đồng đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 không phải là khuất phục trước cám dỗ xây dựng một số Giáo Hội khác, mà là tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nhận ra linh đạo của tính đồng nghị trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô, với cấu trúc phẩm trật của nó,” vị giáo sư triết học giáo dân, là một trong bốn đại diện của Giáo hội Ba Lan đưa ra lập trường trên tại cuộc họp kéo dài từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Hai.

Ông phát biểu một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đức kêu gọi những người tham gia cân nhắc việc thông qua các mục tiêu của “Tiến Trình Công Nghị” gây tranh cãi của Đức.

Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức, nói với các đại biểu vào ngày 6 tháng 2 rằng Giáo hội cần những thay đổi cơ cấu sâu rộng để đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Ba Lan và Đức đã công khai bất đồng về Tiến Trình Công Nghị của Đức, vốn đã phải đối mặt với một loạt những can thiệp của Vatican kể từ khi nó được đưa ra vào năm 2019.

Trong một diễn biến khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, Giám Mục Georg Bätzing đã tung ra một hướng dẫn gọi là hướng dẫn về 'tính đa dạng tính dục' trái ngược hoàn toàn với giáo lý Công Giáo.

Hướng dẫn này yêu cầu các tổ chức giáo phận và giáo xứ tôn trọng các lối sống khác nhau và “tích cực cổ vũ” việc đánh giá cao “tính đa dạng trong bản sắc và khuynh hướng tính dục”.

Hướng dẫn nói, “Tình dục không chỉ giữa nam và nữ. Nhưng cũng giữa phụ nữ và phụ nữ. Hoặc giữa người nam với người nam. Hoặc giữa những người cảm thấy không thích phụ nữ cũng không thích đàn ông”.

Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải chấp nhận tất cả các sắp xếp khác nhau này, và cho biết cần phải chào đón tất cả các cặp vợ chồng theo nghĩa rộng mong muốn được chúc phúc cho mối quan hệ chung sống của họ.

Hướng dẫn nói rằng các nhà giáo dục Công Giáo nên khuyến khích mọi người “trong quyền tự quyết về tình dục của họ, điều mà mọi người đều có quyền.”

Nó nói thêm, “Quyền tự quyết có nghĩa là một người quyết định điều gì đó cho chính mình”.

Hướng dẫn nói rằng thanh thiếu niên có kinh nghiệm tình dục lần đầu tiên “cần được hỗ trợ trong việc phát triển bản sắc của họ, trong các vấn đề về giáo dục, tránh thai, mang thai ngoài ý muốn và tránh lây truyền các bệnh tình dục”.
Source:Pillar Catholic
 
Cuộc họp báo lịch sử trên chuyến bay từ Nam Sudan về Rôma của các đức Phanxicô, Welby và Greenshields
Vu Van An
17:53 10/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, trên chuyến bay từ Nam Sudan trở về Rôma Chúa nhật 5 tháng 2, 2023, ba đức Phanxicô, Welby và Greenshields đã thực hiện cuộc họp báo lịch sử. Sau đây là nguyên văn cuộc họp báo này, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Tổng giám mục Welby

Xin chào và cảm ơn các bạn rất nhiều. Và, thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài. Vào tháng 1 năm 2014, vợ tôi và tôi đã đến thăm Nam Sudan như một phần của một loạt các chuyến đi vòng quanh Cộng đồng Anh giáo. Và khi đến nơi, chúng tôi được Đức Tổng Giám Mục, Đức Tổng Giám Mục Anh giáo, yêu cầu đi lên một thị trấn tên là Bor. Cuộc nội chiến đã diễn ra trong khoảng năm tuần vào thời điểm đó và rất khốc liệt. Khi đến Bor, chúng tôi lên một chiếc máy bay một động cơ và hạ cánh xuống một sân bay vắng vẻ với những thi thể đầu tiên ở cổng sân bay. Có 3,000 thi thể chưa được chôn cất ở Bor vào thời điểm đó và đã có 5,000 thi thể tất cả. Có một số quân đội Liên Hiệp Quốc và rất nhiều quân đội xung quanh. Chúng tôi đến nhà thờ chính tòa nơi tất cả các giáo sĩ đã bị sát hại, các giáo sĩ Anh giáo, vợ của họ đã bị hãm hiếp và sau đó bị sát hại. Đó là một tình huống khủng khiếp.

Trên đường về, cả tôi và vợ tôi đều cảm thấy có một sự thôi thúc sâu sắc rằng chúng tôi phải làm gì đó để hỗ trợ người dân Nam Sudan. Và từ đó, trong một trong những cuộc gặp gỡ thường kỳ mà tôi có vinh dự được dự với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi đã nói rất nhiều về Nam Sudan và khai triển ý tưởng về một cuộc tĩnh tâm tại Vatican. Nhóm của tôi tại Lambeth, cùng với Vatican, từ khoảng năm 2016, đã đi thăm Nam Sudan trong hầu hết các tháng và dành thời gian thực địa và làm việc với các nhà lãnh đạo để cố gắng tổ chức chuyến thăm này. Vợ tôi lại đi làm việc với vợ của các giám mục và các nữ lãnh đạo, những người mà chính họ cũng phải chịu áp lực rất lớn, và chúng tôi đã đến thăm các nhà lãnh đạo đang sống lưu vong ở Uganda.

Năm 2018, điều trở nên rõ ràng là có khả thể xảy ra một chuyến thăm vào đầu năm 2019 và chúng tôi đã đã lo liệu được việc này. Đó quả là một phép lạ đã xảy ra. Một trong những phó tổng thống bị quản thúc tại gia ở Khartoum. Và tôi nhớ một ngày trước chuyến thăm - tôi đã bay đến Rome rất sớm vào sáng hôm sau cho chuyến thăm. Đó là 36 giờ ngày hôm trước - tôi đứng trong bãi đậu xe của một trường học ở Nottingham, Anh, gọi điện cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để nhờ ông ấy mở đường, điều mà ông ấy đã làm rất xuất sắc và cấp thị thực cho phó tổng thống, vị này đáp chuyến bay cuối cùng ra khỏi Khartoum ngay trước khi không phận bị đóng cửa vì đảo chính.

Đỉnh cao của hội nghị năm 2019 rõ ràng là cảnh tượng khó quên khi Đức Giáo Hoàng quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo và nói: 'Tôi xin các bạn hãy làm hòa' trong khi họ cố gắng ngăn cản ngài. Các bạn nghĩ ngay đến chương 13 của Tin Mừng Gioan. Đó là khoảnh khắc đáng chú ý nhất.

Chúng tôi đã có một số cuộc đối thoại rất khó khăn, và tại một thời điểm, các phó tổng thống đã đi đến một cuộc họp riêng, khá căng thẳng, nhưng cuối cùng họ đã cam kết gia hạn thỏa thuận hòa bình. Và tôi nghĩ rằng thời điểm đó của Đức Giáo Hoàng là thời điểm quan trọng, là bước ngoặt.

Nhưng như một cựu huấn luyện viên bóng đá ở Anh đã nói, bạn chỉ giỏi như trận đấu tiếp theo. Và COVID đã trì hoãn trận đấu tiếp theo một cách rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ kết quả của việc đó là sự mất đà trong tiến trình hòa bình. Và khi chúng tôi đến dự chuyến viếng thăm này, các đội vẫn tiếp tục đi tiếp nhưng kém tự tin hơn so với năm 2019.

Vì vậy, tôi đã kết thúc chuyến thăm này với một cảm thức khích lệ sâu sắc, không quá nhiều đến mức có một bước đột phá, nhưng có một cảm thức trái tim nói với trái tim, như một cụm từ quá khứ của Đức Giáo Hoàng. Không phải ở bình diện trí thức mà có được sự tiếp xúc, như các bạn có thể nhận thấy ở các cuộc tụ họp khác nhau, nơi có các bài phát biểu. Trái tim đã nói với trái tim. Và chúng tôi... Có một động lực ở bình diện giữa và ở cấp cơ sở. Và những gì chúng ta cần bây giờ là một sự thay đổi cõi lòng nghiêm túc từ ban lãnh đạo. Họ phải đồng ý với một diễn trình sẽ dẫn đến sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Họ đã được nói điều này một cách công khai. Chúng tôi đã nói điều đó với họ. Phải chấm dứt tham nhũng, buôn lậu súng ống và tích trữ số lượng lớn vũ khí. Điều đó sẽ đòi hỏi phải làm việc thêm với Vatican và Lambeth, nhưng trên hết với các chính phủ, bộ ba, để biến cánh cửa đang mở này, vốn không mở rộng như tôi muốn, đang mở, thành mở toang, mở ra và thực sự đạt được tiến bộ. Về căn bản, chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là đến cuộc bầu cử, cuối năm '24. Chúng tôi cần tiến bộ nghiêm túc vào cuối năm '23. Tôi xin nhường cho Điều hợp viên nói đôi lời.

Điều hợp viên Greenshields

Xin cảm ơn Đức Tổng Giám Mục. Kinh nghiệm của tôi rõ ràng là rất khác với Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục, ở chỗ đây là lần đầu tiên tôi đến Nam Sudan. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên của Giáo Hội tôi ở Nam Sudan bởi vì một Vị Điều hợp trước đó đã đi vào điều mà theo ước tính của ngài là một tình huống cực kỳ dễ bị tổn thương. Hòa giải, tha thứ, là trọng tâm của cuộc trò chuyện và đối thoại diễn ra sau đó vào năm 2015. Mọi người được mời đến Scotland để suy tư và huấn luyện và quay trở lại Nam Sudan. Bây giờ việc đó nằm trong thẩm quyền Giáo Hội Trưởng lão của Nam Sudan.

Tôi sẽ lặp lại những gì bạn tôi đã nói ở đó, rằng những lời mạnh mẽ đã được nói lên. Sự thật đã được nói lên. Đối với trái tim cũng như đối với tâm trí. Tôi nghĩ tình hình bây giờ rõ ràng là thế này: hành động mạnh hơn lời nói. Chúng tôi được chính phủ và các Giáo Hội mời đến đó như một người bạn mời các bạn vào phòng của họ, vào nhà của họ. Và lời mời đó là lời mời trong đó chúng tôi được yêu cầu giúp đỡ bằng mọi cách có thể để tạo ra sự khác biệt trong tình huống đó, gặp gỡ các đối tác của chúng tôi, cố gắng bằng mọi cách có thể để nói chuyện với những người có quyền lực. Điều đó đã được thực hiện. Giờ đây, tùy những người có thể tạo ra sự khác biệt khẩn trương bắt đầu diễn trình. Và đó là những gì chúng tôi yêu cầu trong chuyến thăm này.

Câu hỏi: Jean-Baptiste Malenge (RTCE-Radio Catolique Elikya ASBL)

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã mong mỏi được đến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo... ngài đã thấy niềm vui... Ngài gán tầm quan trọng nào cho thỏa thuận được ký kết vào năm 2016 giữa Tòa thánh và Cộng hòa Dân chủ Congo về giáo dục và y tế?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tôi không quen thuộc với thỏa thuận đó; tuy nhiên, Quốc vụ khanh có thể đưa ra ý kiến. Tôi biết gần đây đã có một thỏa thuận đang được tiến hành, nhưng tôi không thể trả lời điều đó. Thậm chí, tôi không biết sự khác biệt giữa thỏa thuận mới đang trên đường. Những vấn đề này được xử lý bởi Quốc Vụ Khanh, bởi Đức Tổng Giám Mục Gallagher, và họ rất giỏi trong việc đưa ra các thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người. Tôi đã thấy ở Cộng hoà Dân chủ Congo một khát khao lớn lao để tiến lên phía trước và rất nhiều nền văn hóa. Trước khi đến đây, tôi đã có một cuộc họp Zoom vài tháng trước với một nhóm sinh viên đại học châu Phi rất thông minh. Các bạn có những người thông minh tuyệt vời – đây là một trong những sự giàu có của các bạn: những người trẻ tuổi thông minh và không gian phải được tạo ra cho họ, thay vì đóng cửa. Có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên thu hút mọi người đến và bóc lột Congo – thứ lỗi cho từ ngữ này– ý tưởng này hiện đang tồn tại: 'Châu Phi phải bị bóc lột.' Một số người nói - tôi không biết có đúng không - rằng các đế quốc thuộc địa cũ đã trao độc lập từ mặt đất lên, nhưng không phải dưới lòng đất, vì vậy họ đến để lấy khoáng sản. Nhưng chúng ta phải loại bỏ ý tưởng cho rằng châu Phi ở đó để bị bóc lột. Và nói về sự bóc lột làm tôi kinh ngạc; những vấn đề ở phía đông khiến tôi đau đớn. Tôi đã có thể gặp gỡ những nạn nhân của cuộc chiến đó, những người bị thương, thậm chí bị cụt tay. Có nỗi đau lớn, và tất cả chỉ vì mục đích chiếm đoạt của cải. Điều này không tốt. Không tốt chút nào. Congo có rất nhiều khả thể.

Tổng giám mục Welby

Tôi không biết rõ về phía tây Congo. Vợ tôi có đến đó, làm việc với những người phụ nữ sống trong cảnh xung đột. Nhưng tôi đã... Tôi đã đi du lịch rất nhiều ở phía Đông vào lần cuối cùng vào năm 2018, ngay trước COVID. Và tôi muốn hoàn toàn đồng ý với những gì Đức Thánh Cha nói. Chúng ta cần phải rõ ràng. Congo không phải là sân chơi của các cường quốc hay cho sự cướp đoạt các công ty khai thác nhỏ. Các công ty ở đó hành động vô trách nhiệm với việc khai mỏ thủ công, bắt cóc - sử dụng binh lính trẻ em, hãm hiếp trên quy mô lớn và họ chỉ đơn giản là cướp bóc đất nước. Đất nước đó phải là một trong những nước giàu có nhất trên hành tinh. Một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho phần còn lại của châu Phi. Nó đã bị hành hạ. Nó được trao độc lập chính trị về mặt kỹ thuật, nhưng không có độc lập về kinh tế.

Và tất cả kinh nghiệm của miền Đông - tôi đã ở đó lần cuối trong thời gian xảy ra Ebola, ngay giữa khu vực dân quân, và chúng tôi đang đào tạo các mục sư cách làm việc với các loại Ebola… Các Giáo Hội đang làm công việc phi thường ở đó. Nhóm làm việc duy nhất, đặc biệt, thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội Công Giáo Rôma, làm việc tuyệt vời. Dự án Hòa bình Great Lakes, do Giáo Hội Công Giáo Rôma lãnh đạo, thật tuyệt vời, nhưng các cường quốc hẳn phải thốt lên: 'Châu Phi và Congo nói riêng nắm giữ quá nhiều quặng, kim loại, khoáng sản và tài nguyên mà chúng ta khắp thế giới đang cần tới, nếu nền kinh tế thế giới phải trở nên xanh hơn và cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu.' Và cách duy nhất có thể được thực hiện theo cách bàn tay của chúng ta không vấy máu là các cường quốc tìm kiếm hòa bình cho Congo chứ không chỉ đơn thuần là sự thịnh vượng của họ.

Điều hợp viên Greenshields

Tôi không muốn nói thêm quá nhiều vì tôi nghĩ đó là một câu trả lời rất xuất sắc cho nó. Nhưng đó là một lời cảnh báo, đúng không, đối với những người trong chúng ta, những người có của. Nhưng tôi nghĩ điều mà Đức Giáo Hoàng muốn đề cập ở đây là về giới trẻ. Những người trẻ có trí tuệ sáng suốt, giỏi giang xứng đáng có cơ hội phát triển. Giờ đây, từ kinh nghiệm của bản thân tôi ở những nơi khác trên thế giới, những phụ nữ trẻ có trí tuệ sáng suốt xứng đáng có quyền được hưởng những cơ hội giống như bất cứ ai khác ở bất cứ quốc gia nào, nhưng đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Và đó sẽ là lời khẩn khoản của tôi. Quyền của phụ nữ và phụ nữ trẻ nói riêng phải được công nhận là tối quan trọng.

Câu hỏi: Jean-Luc Mootosamy (CAPAV) Xuất thân từ Mauritius và cũng đưa tin cho Đài phát thanh Nam Sudan, vốn đang bị lưu đày ở Nairobi.

Ở cả Cộng hòa Dân chủ Congo lẫn Nam Sudan, bạo lực lan rộng bất chấp sự hiện diện của hai phái bộ Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập niên. Làm thế nào qúy vị, như một, có thể giúp đề xuất một mô hình can thiệp mới, trước sự cám dỗ ngày càng tăng của nhiều quốc gia châu Phi đang thất vọng trong việc chọn các đối tác khác làm các đối tác an ninh của họ, những người có thể không tôn trọng luật pháp quốc tế? Như các công ty tư nhân của Nga, các tổ chức ở vùng Sahel chẳng hạn. Xin cảm ơn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Bạo lực là một chủ đề hàng ngày. Chúng tôi vừa thấy nó ở Nam Sudan. Thật đau đớn khi thấy bạo lực bị khiêu khích như thế nào. Một trong những vấn đề là việc bán vũ khí. Đức Tổng Giám Mục Welby cũng đã nói đôi điều về điều này. Buôn bán vũ khí: Tôi nghĩ đây là tai họa lớn nhất trên thế giới. Việc kinh doanh... buôn bán vũ khí. Một người am hiểu những vấn đề này đã nói với tôi rằng nếu không bán vũ khí trong vòng một năm thì nạn đói trên thế giới sẽ chấm dứt. Tôi không biết nếu đó là sự thật. Nhưng đứng đầu hiện nay là việc bán vũ khí. Và không chỉ giữa các cường quốc. Ngay cả với những người nghèo này... họ gieo rắc chiến tranh với họ. Thật độc ác. Họ bảo họ, ‘Hãy ra trận!’ và họ đưa cho họ vũ khí. Vì đằng sau đó là những lợi ích kinh tế để bóc lột đất đai, khoáng sản, của cải. Đúng là chủ nghĩa bộ lạc ở Châu Phi không giúp được gì. Bây giờ tôi thực sự không biết tình hình ở Nam Sudan như thế nào. Tôi nghĩ nó cũng thế. Nhưng cần phải có sự đối thoại giữa các bộ lạc khác nhau. Tôi nhớ khi tôi ở Kenya trong sân vận động đầy người. Mọi người đứng lên và nói không với chủ nghĩa bộ lạc, không với chủ nghĩa bộ lạc. Mọi người đều có lịch sử của riêng mình, có những kẻ thù cũ, những nền văn hóa khác nhau. Nhưng cũng đúng khi bạn kích động cuộc chiến giữa các bộ lạc bằng cách bán vũ khí và sau đó bạn khai thác cuộc chiến của cả hai bộ lạc. Quả là ma quỷ. Tôi không thể nghĩ ra một chữ nào khác. Đây là hủy diệt: hủy diệt sáng thế, hủy diệt con người, hủy diệt xã hội. Tôi không biết điều đó có xảy ra ở Nam Sudan hay không nhưng nó có xảy ra ở một số quốc gia: các cậu bé được tuyển dụng để trở thành một phần của lực lượng dân quân và chiến đấu với những cậu bé khác. Tóm lại, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là sự háo hức muốn lấy của cải của đất nước đó - coltan, lithium, những thứ này - và thông qua chiến tranh, họ bán vũ khí, họ cũng bóc lột trẻ em.

Điều hợp viên Greenshields

Tôi nghĩ một trong những vấn đề nảy sinh liên quan đến vấn đề này, đó là mức độ mù chữ cao tồn tại trong các quốc gia, trong trường hợp này, mọi người không hiểu rõ họ là ai và họ đang ở đâu để đưa ra những lựa chọn có học thức. Đó là một điều. Chúng ta chắc chắn phải thách thức cuộc chạy đua vũ trang, nơi mọi người kiếm được nhiều tiền hơn nhờ đó so với thế giới và có thể là bất cứ thứ gì khác. Cách chúng ta làm điều đó là thông qua thuyết phục và cách chúng ta vượt qua sự chia rẽ là thông qua đối thoại.

Tôi chỉ muốn kể cho các bạn một câu chuyện nhỏ về Scotland, đất nước mà tôi xuất phát, là một đất nước bị chia rẽ sâu sắc về mặt tôn giáo, nơi chúng tôi có những điều khủng khiếp xảy ra, bạo lực khủng khiếp, chia rẽ khủng khiếp trong quốc gia của chúng tôi. Sau đó, bắt đầu một quá trình đối thoại giữa chúng tôi, Giáo hội Scotland và Giáo Hội Công Giáo ở Scotland, đến mức vào năm ngoái chúng tôi đã ký một tuyên bố về tình bạn, nơi chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua những khác biệt của mình, nhưng cũng đồng ý với những điều mà chúng tôi đồng ý với. Và chỉ khi bạn có thể đi đến giai đoạn đối thoại đó và gặp gỡ người khác thì bạn mới bắt đầu phá bỏ những bức tường đó. Và đó là những gì chúng tôi nhận thấy ở Scotland. Và những gì khi tôi còn trẻ, là một đất nước bị chia cắt sâu sắc và đang thay đổi. Và giáo dục cũng giúp làm được điều đó.

Tổng giám mục Welby

Tôi muốn thực hiện một chiến thuật khác vì đó là một câu hỏi rất hay, rất hữu ích. Nó không phải là Liên Hiệp Quốc hoặc những thứ khác. Nó là chữ 'và.' Luôn luôn là chữ 'và' thay vì chữ 'hoặc'.

Những gì các Giáo Hội mang lại không chỉ là các mạng lưới chức năng nơi người ta hầu như không bị tham nhũng. Và vì vậy khi bạn đưa viện trợ vào, nó sẽ đến được với những người ở thực địa; và các mạng lưới của họ vượt qua các chiến tuyến, và mọi thứ khác. Vào thứ Bảy, tổng giám mục của chúng tôi ở Kajo Keji đã chôn cất hai mươi người. Ngài đi thẳng xuống đó. Ngài đã trở lại vào tối thứ bảy. Ngài đã tạo ra một sự khác biệt lớn. Đó là sự thay đổi của trái tim. Và đó là trọng điểm của chuyến thăm này.

Một trăm ba mươi năm trước, một trăm năm trước, người Nuer và người Dinka thường xuyên xảy ra chiến tranh. Đó là một nền văn hóa trả thù. Đặc biệt, người Nuer cũng có chiến tranh giữa các thị tộc với nhau. Cướp bóc gia súc. Sự khác biệt đã không được thực hiện bởi chính quyền thuộc địa. Nó được tạo ra bởi các Giáo Hội và sự thay đổi của trái tim, khi mọi người tiếp nhận niềm tin vào Chúa Kitô và nhận ra rằng có một cách mới để sống.

Vì vậy, lời cầu nguyện của tôi khi kết thúc chuyến thăm này không chỉ là có nhiều hoạt động, mà còn là Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa mang đến một tinh thần hòa giải và chữa lành mới cho người dân Nam Sudan.

Câu hỏi: Claudio Lavanga (NBC NEWS)

Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi ngài, vì Đức Tổng Giám Mục Welby đã nhắc lại khoảnh khắc đáng kinh ngạc đó vào năm 2019 khi ngài quỳ gối trước các nhà lãnh đạo của Nam Sudan để yêu cầu hòa bình. Thật không may, trong hai tuần nữa, sẽ là lễ kỷ niệm đầu tiên của một cuộc xung đột khủng khiếp khác, cuộc xung đột ở Ukraine, và câu hỏi của con là: Ngài có sẵn sàng thực hiện cử chỉ tương tự với Vladimir Putin nếu ngài có cơ hội gặp ông ấy không, kể từ khi những lời kêu gọi hòa bình của ngài cho đến nay đã bị bỏ ngoài tai? Và con muốn hỏi cả ba vị xem các vị có muốn đưa ra lời kêu gọi chung cho hòa bình ở Ukraine không, vì đây là khoảnh khắc hiếm hoi khi cả ba vị [cùng hiện diện với nhau]?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tôi sẵn sàng gặp cả hai tổng thống: Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga – tôi sẵn sàng gặp gỡ. Nếu tôi chưa đi Kyiv là vì lúc đó không thể đi Moscow; nhưng tôi đã đối thoại. Thực thế, vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đã đến Đại sứ quán Nga để nói rằng tôi muốn đến Moscow để nói chuyện với Putin, với điều kiện có một cơ hội nhỏ để đàm phán. Sau đó, Bộ trưởng Lavrov trả lời rằng ông ấy đang cân nhắc điều này nhưng [đã nói], ‘Để xem sau.’ Cử chỉ đó là điều mà tôi nghĩ, ‘Tôi đang làm điều đó cho ông ấy’. Nhưng cử chỉ của cuộc họp năm 2019, tôi không biết nó diễn ra như thế nào; nó không được nghĩ trước, và bạn không thể lặp lại những điều không được nghĩ trước – chính Chúa Thánh Thần đưa bạn đến đó. Không thể giải thích được, chấm hết. Và tôi cũng đã quên nó. Đó là một việc phục vụ, tôi là một công cụ của một xung lực bên trong nào đó, không phải là một điều đã được lên kế hoạch.

Hôm nay chúng ta đang ở thời điểm này, nhưng đó không phải là cuộc chiến duy nhất. Tôi muốn thực thi công lý: Syria đã có chiến tranh trong mười hai đến mười ba năm, Yemen đã có chiến tranh trong hơn mười năm; hãy nghĩ đến Myanmar, đến những người Rohingya nghèo khổ đi khắp thế giới vì họ bị đuổi khỏi quê hương. Ở khắp mọi nơi, ở Mỹ Latinh… có biết bao nhiêu là điểm nóng của chiến tranh! Vâng, có nhiều cuộc chiến quan trọng hơn vì tiếng ồn mà chúng tạo ra, nhưng, tôi không biết, cả thế giới đang có chiến tranh và đang tự hủy diệt. Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc: đó là tự hủy diệt. Chúng ta phải dừng lại đúng lúc, bởi vì một quả bom đòi bạn trả đũa bằng một quả lớn hơn, và [sau đó] một quả lớn hơn nữa, và trong tình trạng leo thang, bạn không biết mình sẽ kết thúc ở đâu. Chúng ta cần phải có một cái đầu bình thản.

Sau đó, cả Tổng Giám mục Welby lẫn Điều hợp viên Greenshields đều nói về phụ nữ. Tôi đã thấy những người phụ nữ ở Nam Sudan: họ sinh con, đôi khi họ ở một mình, nhưng họ có sức mạnh để tạo dựng một đất nước; phụ nữ thật tuyệt. Đàn ông ra trận, họ ra trận, và những người phụ nữ này với hai, ba, bốn, năm đứa con tiến lên phía trước. Tôi đã thấy họ ở Nam Sudan. Và nói về phụ nữ, tôi muốn nói một lời với các nữ tu, những nữ tu dấn thân vào những gì đang xảy ra – tôi đã thấy một số họ ở đây tại Nam Sudan, và rồi trong Thánh Lễ hôm nay các bạn đã nghe thấy tên của họ. nhiều nữ tu đã bị giết... Chúng ta hãy quay trở lại với sức mạnh của phụ nữ. Chúng ta phải xem xét họ một cách nghiêm túc và không sử dụng họ như một quảng cáo mỹ phẩm: làm ơn, đây là một sự xúc phạm đối với phụ nữ; phụ nữ là dành cho những điều lớn lao hơn! Về điểm khác, tôi đã nói với các bạn rồi, hãy nhìn vào các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới.

Tổng Giám mục Welby:

Tôi đã nói về nước Nga, Tổng thống Putin và Ukraine khi tôi ở đó vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Tôi thực sự không có gì để thêm vào, ngoại trừ việc nói rằng việc chấm dứt cuộc chiến này nằm trong tay của Tổng thống Putin. Ông ta có thể kết thúc nó bằng việc rút quân và ngừng bắn, sau đó đàm phán về giải pháp lâu dài. Nhưng không thể... Đó là một cuộc chiến kinh hoàng và khủng khiếp.

Nhưng tôi muốn đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Còn rất nhiều cuộc chiến khác. Tôi nói chuyện vài tuần một lần với người đứng đầu Giáo Hội của chúng tôi ở Myanmar. Tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Nigeria – 40 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Katsina ngày hôm qua. Tôi nói chuyện với nhiều người trên khắp thế giới. Tôi hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha. Và không có cuộc chiến nào kết thúc mà không có sự tham gia của phụ nữ và những người trẻ tuổi vì chính những lý do mà ngài đã nói.

Câu hỏi: Bruce De Galzain (Đài phát thanh Pháp)

Thưa Đức Thánh Cha, trước khi khởi hành chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã tố cáo việc hình sự hóa đồng tính luyến ái, điều không được các gia đình ở Nam Sudan hay Congo chấp nhận. Tuần này ở Kinshasa, con đã gặp năm người đồng tính luyến ái, mỗi người trong số họ đã bị từ chối và thậm chí bị trục xuất khỏi gia đình của họ. Họ giải thích với con rằng việc bác bỏ họ xuất phát từ sự giáo dục tôn giáo của cha mẹ họ – một số người trong số họ được đưa đến các linh mục trừ tà vì gia đình họ tin rằng họ bị ám bởi những linh hồn ô uế. Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con là: Ngài nói gì với các gia đình ở Congo và Nam Sudan, những người vẫn từ chối con cái của họ, và ngài nói gì với các linh mục, với các giám mục?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tôi đã nói về vấn đề này trong hai chuyến đi: thứ nhất, khi trở về từ Batây: “Nếu một người có khuynh hướng đồng tính luyến ái là một tín hữu và đang tìm kiếm Chúa, thì tôi là ai mà dám phán xét họ?” Tôi đã nói điều này trong chuyến đi đó. Thứ hai, trong chuyến trở về từ Ái Nhĩ Lan – đó là một chuyến đi hơi rắc rối vì ngày hôm đó người thanh niên đó đã công bố một lá thư… – ở đó, tôi đã nói rõ ràng với các bậc cha mẹ: “Những đứa trẻ có khuynh hướng này có quyền ở nhà; anh chị em không thể ném chúng ra khỏi nhà; chúng có quyền về việc này”. Và gần đây tôi đã nói điều gì đó – tôi không nhớ chính xác từng chữ một của mình – trong cuộc phỏng vấn với Associated Press.

Việc hình sự hóa đồng tính luyến ái là một vấn đề không thể coi thường. Người ta ước tính rằng, ít nhiều 50 quốc gia, cách này hay cách khác, dẫn đến việc hình sự hóa này. Một số người nói nhiều hơn, ta hãy nói ít nhất năm mươi quốc gia. Và một số trong số này - tôi nghĩ là mười - thậm chí còn có án tử hình, ít nhiều công khai. Điều này không chính đáng. Những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu họ. Thiên Chúa đồng hành với họ. Đúng là một số người rơi vào tình trạng này vì nhiều tình huống khác nhau không phải do họ lựa chọn, nhưng kết án một người như thế này là một tội lỗi; hình sự hóa những người có khuynh hướng tình dục đồng tính là một sự bất công. Tôi không nói về các nhóm, nhưng về các cá nhân. Có thể nói “Nhưng họ có những nhóm gây ồn ào…” Các cá nhân. Các vận động hành lang là một điều khác. Tôi đang nói về các cá nhân. Và tôi nghĩ rằng trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo có một câu [nói rằng] không được gạt họ ra bên lề xã hội. Tôi nghĩ rằng điểm này là rõ ràng.

Tổng giám mục Welby

Bạn có thể hoàn toàn nhận thấy rằng, trong Giáo hội Anh, chúng tôi đã nói về điều này “qua loa một chút” gần đây, bao gồm rất nhiều cuộc tranh luận trong Nghị viện và đủ thứ. Tôi muốn nói rằng tôi ước mong nói được một cách hùng hồn và rõ ràng như Đức Giáo Hoàng. Tôi hoàn toàn đồng ý với mọi lời ngài nói ở đó. Việc hình sự hóa – Giáo hội Anh, Hiệp thông Anh giáo – đã thông qua các nghị quyết tại hai hội nghị Lambeth chống lại việc hình sự hóa, nhưng nó không thực sự thay đổi suy nghĩ của nhiều người.

Trong bốn ngày tới tại Thượng Hội đồng của Giáo hội Anh, đây là chủ đề thảo luận chính của chúng tôi, và tôi chắc chắn sẽ trích dẫn lời Đức Thánh Cha. Ngài nói rất hay và chính xác.

Điều hợp viên Greenshields

Chỉ một nhận xét rất ngắn: Không có chỗ nào trong bốn sách Tin Mừng tôi đọc mà tôi thấy Chúa Giêsu xua đuổi bất cứ ai. Không có nơi nào trong bốn sách Tin Mừng mà tôi thấy điều gì khác ngoài việc Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương với bất cứ ai Người gặp. Và với tư cách là Kitô hữu, đó là cách diễn đạt duy nhất mà chúng ta có thể dành cho bất cứ con người nào trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Câu hỏi: Alexander Hecht (Truyền hình ORF)

Một câu hỏi dành cho Đức Giáo Hoàng: trong những ngày gần đây đã có nhiều cuộc nói chuyện về sự hiệp nhất. Cũng đã có một buổi biểu lộ về sự hiệp nhất Kitô giáo ở Nam Sudan, và cả sự hiệp nhất trong chính Giáo Hội Công Giáo. Tôi muốn hỏi ngài rằng ngài có cảm thấy điều này sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI không: công việc và sứ vụ của ngài có khó khăn hơn đối với ngài không, vì những căng thẳng giữa các cánh khác nhau của Giáo Hội Công Giáo đã trở nên mạnh mẽ hơn?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Về điểm này, tôi muốn nói rằng tôi đã có thể nói về mọi thứ với Đức Bênêđictô, và trao đổi ý kiến, và ngài luôn ở bên cạnh và hỗ trợ tôi; và nếu ngài gặp khó khăn gì, ngài đều nói với tôi như vậy, và chúng tôi sẽ nói chuyện và không có vấn đề gì.

Có lần tôi nói với ngài về hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái, về thực tế rằng hôn nhân là một bí tích và chúng ta không thể tạo ra một bí tích, nhưng có khả thể bảo vệ tài sản thông qua luật dân sự. Điều này bắt đầu ở Pháp – tôi không nhớ nó được gọi là gì… [nhưng] bất cứ người nào cũng có thể thành lập một cuộc kết hợp dân sự, không nhất thiết phải là một cặp vợ chồng, những phụ nữ lớn tuổi đã nghỉ hưu [có thể] tham gia vào một kết hợp dân sự…, v.v. Một người tự coi mình là một nhà thần học vĩ đại đã đến gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thông qua một người bạn của ngài và khiếu nại chống lại tôi. Đức Bênêđíctô không ngạc nhiên; ngài gọi bốn Hồng Y là những nhà thần học hạng nhất và nói, "Hãy giải thích điều này cho tôi", và họ đã làm như vậy. Và thế là câu chuyện kết thúc.

Đây là một giai thoại cho thấy Đức Bênêđíctô đã hành động như thế nào mỗi khi có lời phàn nàn. Một số câu chuyện xung quanh việc Đức Bênêđíctô khó chịu với những gì tân Giáo hoàng làm là “những lời thì thầm của Trung Quốc”. Trên thực tế, tôi đã tham khảo ý kiến Đức Bênêđíctô về một số quyết định sẽ được đưa ra và ngài đã đồng ý.

Tôi nghĩ rằng cái chết của Đức Bênêđíctô đã bị người ta lợi dụng để trục lợi. Những người bằng cách này hay cách khác khai thác một người tốt lành như vậy, một người của Thiên Chúa như vậy, người mà tôi gần như gọi là Thánh giáo phụ của Giáo hội, những người đó là vô đạo đức, thuộc đảng phái chứ không thuộc giáo hội… Đâu đâu người ta cũng thấy xu hướng biến các quan điểm thần học thành các đảng phái và sau đó kết thúc theo cách này. Đủ rồi. Những thứ này sẽ tự sụp đổ, hoặc một số sẽ không sụp đổ mà vẫn tiếp tục, như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử của Giáo hội. Tôi muốn nói rõ Đức Bênêđíctô là ai; ngài không buồn.

Câu hỏi: Jorge Barca Antelo (RNE)

Thưa Đức Thánh Cha, con xin chào Đức Thánh Cha buổi sáng. Hôm nay chúng ta trở về từ hai quốc gia là nạn nhân của điều mà ngài gọi là hoàn cầu hóa lòng thờ ơ. Ngài đã nói về điều này từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài và kể từ chuyến đi của ngài đến Lampedusa. Một cách nào đó, một vòng tròn đã được khép lại trong tuần này. Ngài vẫn đang nghĩ đến việc mở rộng bán kính của vòng tròn này, đến việc đi nơi khác, đến thăm các quốc gia bị lãng quên khác? Ngài đang nghĩ đến những nơi nào? Và sau hành trình dài và gian khổ này, ngài mạnh khỏe thế nào? Ngài vẫn cảm thấy mạnh mẽ chứ? Ngài có cảm thấy sức khỏe của mình đủ tốt để đi hết những nơi này không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Có việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ ở khắp mọi nơi. Trong một nước, nhiều người đã quên nhìn đồng bào, đồng bào mình, gạt họ sang một bên để không nghĩ đến họ. Để nghĩ rằng vận may lớn nhất trên thế giới đều nằm trong tay của một thiểu số. Và những người này không nhìn vào cảnh khốn cùng, trái tim của họ không mở lòng ra để giúp đỡ.

Về hành trình: Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ là tiếp theo, vào năm tới. Vào ngày 29 tháng 9 tôi sẽ đến Marseilles, và có khả năng từ Marseilles tôi sẽ bay đến Mông Cổ, nhưng điều đó vẫn chưa được quyết định. Nó có thể. Tôi không nhớ một chuyến đi khác trong năm nay. Lisbon.

Tiêu chuẩn là: Tôi đã chọn đến thăm các quốc gia nhỏ nhất ở Châu Âu. Mọi người sẽ nói: “Nhưng ngài từng đến Pháp,” không, tôi đã đến Strasbourg; Tôi sẽ đến Marseilles, không phải đến Pháp. Những nơi nhỏ, những nơi nhỏ. [Tiêu chuẩn là] để biết một chút về Châu Âu ẩn giấu, phần Châu Âu có rất nhiều nền văn hóa nhưng không được biết đến. Đồng hành với các nước, chẳng hạn Albania, nước đầu tiên và là nước chịu ách độc tài tàn ác nhất, dã man nhất trong lịch sử. Sau đó, sự lựa chọn của tôi là thế này: cố gắng không rơi vào việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ.

[Trả lời câu hỏi về sức khỏe của ngài:] Bạn biết [câu nói] rằng cỏ dại sẽ không bao giờ chết! Nó không giống như lúc đầu của triều giáo hoàng, nhưng thực sự cái đầu gối này thật khó chịu, nhưng nó đang khá từ từ, vì vậy hãy xem. Xin cảm ơn.

Đối với hai điều còn lại: ngài có muốn tham gia cùng nhau trong một chuyến đi khác với Giáo hoàng không?

Tổng giám mục Welby

Vâng, nếu Đức Thánh Cha cảm thấy tôi thêm được bất cứ giá trị nào, hoặc Đức Tổng Giám Mục trong tương lai đã thêm bất kỳ giá trị nào, thì đó luôn là một đặc ân to lớn. Nó phụ thuộc vào chỗ nào và liệu chúng tôi sẽ là một trở ngại hay một sự giúp đỡ.

Điều hợp viên Greenshields

Chúng tôi chắc chắn sẽ rất vui khi làm điều gì đó như thế này một lần nữa.

Điều dè dặt duy nhất mà tôi muốn thêm vào đó là tôi sẽ hoàn thành vai trò của mình vào ngày 20 tháng 5 và một phụ nữ rất có năng lực sẽ đảm nhận vị trí Điều hợp viên của Giáo Hội Scotland, nhưng bà ấy sẽ rất vui khi được làm y việc này!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giám mục GP Vinh ‘rất ngạc nhiên’ Hồ Hữu Hòa thụ phong linh mục ở Philippines
Người Việt
13:45 10/02/2023
Giám mục GP Vinh ‘rất ngạc nhiên’ Hồ Hữu Hòa thụ phong linh mục ở Philippines

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – “Vào ngày 20 Tháng Giêng, anh GB [Gioan Baotixita] Hồ Hữu Hòa đến gặp tôi và thông báo anh đã được phong chức linh mục ở Philippines và được nhập tịch vào Giáo Phận Maasin. Tôi rất ngạc nhiên về việc này…”

Đoạn nêu trên được trích dẫn từ “thư minh định,” do Giám Mục Nguyễn Hữu Long, giám mục Giáo Phận Vinh, phát đi vào buổi tối 10 Tháng Hai.

Ông Hồ Hữu Hòa trong buổi lễ thụ phong linh mục diễn ra tại Giáo Phận Maasin, Philippines, hôm 7 Tháng Mười Hai, 2022. (Hình: Chụp qua màn hình)

Vài giờ trước đó, mạng xã hội dấy lên tranh cãi quanh việc ông Hồ Hữu Hòa, 39 tuổi, một thầy bói, thầy phong thủy, dính vụ án liên quan ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm,” bỗng nhiên khoác áo linh mục và hiện diện trong một buổi lễ tại giáo xứ Tân Lộc, Giáo Phận Vinh.

Tại phiên tòa xử ông Vũ “Nhôm” diễn ra hồi Tháng Mười Một, 2021, bị cáo Hồ Hữu Hòa được tuyên trả tự do ngay tại tòa, sau khi ông này bị tạm giam hai năm tám tháng với cáo buộc “môi giới hối lộ.”

“Thư minh định” của Giám Mục Nguyễn Hữu Long, giám mục Giáo Phận Vinh, phát đi hôm 10 Tháng Hai. (Hình: Chụp qua màn hình)

Theo báo VNExpress thời điểm đó, ông Hòa đóng vai trò “kết nối” ông Vũ “Nhôm” và ông Nguyễn Duy Linh, cựu tổng cục phó Tổng Cục Tình Báo, Bộ Công An Việt Nam.

Ông Hòa được biết là cháu của ông Hồ Mẫu Ngoạt, cựu trợ lý phụ trách Văn Phòng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Sự việc ông Hòa, một người mang tiền án, chưa từng là chủng sinh của Đại Chủng Viện, cũng như không phải là thầy dòng của bất cứ dòng tu nào, bỗng nhiên trở thành linh mục được công luận chú ý sau khi mạng xã hội lan truyền tấm ảnh cho thấy ông này hiện diện ngay hàng ghế đầu dành riêng cho các linh mục của Giáo Phận Vinh.

Bị cáo Hồ Hữu Hòa được tuyên trả tự do ngay tại phiên tòa xử ông Vũ “Nhôm” hồi Tháng Mười Một, 2021, sau khi ông Hòa bị tạm giam 2 năm 8 tháng với cáo buộc “Môi giới hối lộ.” (Hình: Dân Việt)

Công luận đặt câu hỏi tại sao ông Hòa có thể “cấp tốc” trở thành linh mục trong lúc ông này mới ra tù chưa được bao lâu, trong lúc tiến trình trở thành linh mục của một tu sĩ Công Giáo thường phải mất từ bảy đến hơn 10 năm.

Trong “thư minh định,” Giám Mục Nguyễn Hữu Long bác bỏ cáo buộc ông là người ký thư ủy nhiệm cho giám mục Giáo Phận Maasin, Philippines, để tấn phong linh mục cho ông Hồ Hữu Hòa.

“Linh Mục” Hồ Hữu Hòa (bìa trái) hiện diện tại Thánh Lễ ở giáo xứ Tân Lộc hôm Mùng Năm Tết Quý Mão. (Hình: Facebook Hai Nguyen Hong)

Vị giám mục chủ chăn Giáo Phận Vinh viết thêm trong văn bản nêu trên: “…Linh Mục Giêrađô Nguyễn Nam Việt, chánh văn phòng, chưởng ấn của Giáo Phận Vinh, xin tôi đi Philippines ba ngày [hồi Tháng Mười Hai năm ngoái], với lý do cá nhân, chứ không phải với tư cách được tôi ủy thác để giới thiệu, chứng nhận anh GB Hồ Hữu Hòa lên chức linh mục.”

Giám Mục Long kết luận rằng “sự việc cho đến nay vẫn đang được tiếp tục điều tra.” (N.H.K) [đ.d.]
 
VietCatholic TV
Nhật tuyên bố: 20 Tướng Nga đã tử trận ở Ukraine. Zelenskiy chiếm trọn cảm tình Nghị Viện Âu Châu
VietCatholic Media
03:17 10/02/2023


1. Quân Nga có thể đã mở cuộc tổng tấn công bất kể không có điều kiện chuẩn bị và thương vong rất cao

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 10 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ trước đó, quân Nga mất đến 910 quân, 2 xe tăng, 10 xe thiết giáp và 8 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 4 hệ thống phòng không.

“Bị tổn thất lớn về nhân lực, đối phương vẫn đang tiếp tục các hoạt động tấn công ở các hướng Kreminna, Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka,” Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Trong ngày, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành bốn cuộc tấn công vào các cụm đối phương. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng 2 sở chỉ huy, 2 vị trí phòng không và 3 cụm đối phương.

Trên hướng Bakhmut, quân Nga đánh vào khu vực 18 khu định cư đặc biệt là tại Klishchiivka. Ngôi làng này đã đổi chủ rất nhiều lần. Lữ Đoàn Dù 108 của Nga đã phải bỏ chạy vào ngày 26 Tháng Giêng và quay trở lại tấn công liên tục từ đó đến nay.

Theo cựu chỉ huy quân đội Nga Igor Girkin, quyết tái chiếm Klishchiivka, quân Nga đã đẩy “làn sóng thịt” lên trước để phát hiện các vị trí khai hỏa của quân phòng thủ Ukraine, và làm cho họ cạn kiệt đạn dược. Làn sóng thịt, còn được gọi là biển người, trong trường hợp này là Lữ đoàn Slavyansk số 1, của cái gọi là quân đội Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, do chính ông ta thành lập và chỉ huy từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 14 tháng 8 năm 2014. Lữ Đoàn Dù Nga đẩy họ lên trong các đợt tấn công đầu tiên trước khi họ xung phong.

Trong 24 giờ qua, Lữ Đoàn Dù 108 của Nga đã mất 2 xe thiết giáp trong một nỗ lực bất thành để tái chiếm Klishchiivka.

Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết quân Wagner đã ngưng các cuộc tấn công mạnh tại thành phố Vuhledar. Mìn bẫy vào pháo binh đã làm quân Wagner và quân chính quy Nga chấm dứt dùng chiến thuật biển người. Quân Putin đã thực hiện hơn 300 cuộc tấn công bằng súng cối và pháo binh trong ngày hôm qua nhưng không có các cuộc tấn công bằng bộ binh.

Thâm ý của quân Putin là chọc thủng hàng phòng thủ của quân Ukraine tại Vuhledar và tiến tới các khu vực Pokrovsk và Dobropillia. Và mục tiêu của tất cả các hành động gây hấn theo hướng này, và theo hướng Bakhmut, là chiếm Donbas của Ukraine.

Theo Igor Girkin, do số xe tăng của Nga bị bắn cháy rất nhiều, quân Nga phải dùng đến hạ sách là chiến thuật biển người, nhưng quân số không phải là bất tận nên chiến thuật này coi như thất bại.

Những xe tăng bị bắn cháy tại miền Đông Ukraine chủ yếu là xe tăng T90 tiên tiến của Nga vừa được đưa sang chiến trường Ukraine. Trong mùa Đông thiết bị quang nhiệt trong những xe tăng này bị ẩm mốc, đặc biệt với những xe tăng để trong kho, không được dùng đến. Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho việc thay thế các thiết bị quang nhiệt này ngày càng khó khăn. Vì thế, theo Igor Girkin, xe tăng Nga đánh ban đêm gần như là mù.

Tưởng cũng nên biết thêm: Trong khi xe tăng Nga chỉ có thiết bị quang nhiệt cho xạ thủ, loại xe tăng Abrams M1A2 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine vừa có thiết bị quang nhiệt cho xạ thủ lại vừa có thiết bị quang nhiệt độc lập cho người chỉ huy cho phép họ xác định mục tiêu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 9 Tháng Hai, quân Nga đã thiệt mất 135.010 binh sĩ tử trận. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch còn bao gồm 3.253 xe tăng, 6.458 xe thiết giáp, 2.236 hệ thống pháo, 461 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 228 hệ thống tác chiến phòng không, 295 máy bay, 285 máy bay trực thăng, 1.961 máy bay không người lái, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.112 xe chuyển quân và nhiên liệu và 211 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Tình Báo Nhật Bản tuyên bố 20 Tướng Nga đã tử trận trong cuộc chiến tại Ukraine

Trong tuần này, một tư lệnh sư đoàn Dù, là Thiếu tướng Dmitry Ulyanov, 44 tuổi, đã tử trận trong một cuộc đọ súng ngắn ngủi tại Donbas.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Generals Killed in War 'Unbelievably High': Japanese Intelligence”, nghĩa là “Tình Báo Nhật Bản tuyên bố số Tướng Nga đã tử trận trong cuộc chiến tại Ukraine là quá cao một cách đáng kinh ngạc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Vladimir Putin đã mất nhiều chỉ huy hàng đầu của mình trong cuộc chiến ở Ukraine hơn so với báo cáo trước đây, theo tình báo Nhật Bản và phương Tây.

Ước tính số tướng Nga thiệt mạng đã tăng lên đến 10 người trong tuần này sau khi Thiếu tướng Dmitry Ulyanov, 44 tuổi, được tường trình đã thiệt mạng trong một cuộc đọ súng ở vùng Donbas. Là một sĩ quan Dù hàng đầu và là Tư Lệnh của Sư đoàn Dù cận vệ 98 tinh nhuệ, cái chết của Ulyanov là cái chết đầu tiên của các tướng lĩnh Nga được báo cáo trong vài tháng qua.

Các nguồn tin Ukraine tuyên bố vào tháng 7 rằng 14 tướng lĩnh Nga đã bị giết mặc dù một số tuyên bố đã bị Nga bác bỏ. Mặc dù không có báo cáo nào về việc Putin mất tướng trong vài tháng qua, nhưng quy mô tổn thất của các sĩ quan cấp cao như vậy là rất hiếm.

Tuy nhiên, Nhật Bản ước tính rằng 20 tướng lĩnh của Putin đã thiệt mạng trong cuộc chiến, dựa trên thông tin tình báo do Tokyo hợp tác với Hoa Kỳ và Âu Châu thu thập.

Tướng về hưu Kiyofumi Iwata, cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Lục Quân Nhật Bản, mô tả con số này là “cao đáng kinh ngạc”, khi nói chuyện với Nikkei Asia, đặc biệt là khi so sánh với Mỹ, quốc gia gần như không có sĩ quan nào được tường trình tử vong trong các cuộc chiến.

Ông nói: “Cái chết của một vị tướng làm suy yếu tinh thần quân đội.”

Các hãng tin cho biết một giả thuyết cho tổn thất cao như vậy là Ukraine đã xác định được vị trí của các chỉ huy bằng cách theo dõi tín hiệu từ điện thoại di động của họ, được sử dụng do thiếu các phương tiện liên lạc trong thời kỳ đầu của cuộc xâm lược, nhưng sau đó đã bị cấm.

Iwata tin rằng khả năng chiến tranh mạng của các lực lượng Ukraine đã cho phép Kyiv tìm ra vị trí của các tướng lĩnh, những người thường được cử đến chiến trường.

Một quan chức tình báo Nhật Bản nói với Nikkei rằng một lý do khác khiến tung tích của các tướng lĩnh bị tiết lộ là do “những người cung cấp thông tin” ở Donetsk và Luhansk, phần lớn do Nga kiểm soát.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

“Điều thú vị không phải là họ đang bị giảm sút phẩm chất, nhưng điều họ đang mất đi là những người mà có thể tin được bởi vì các vị tướng đã tiến xa đến chức vụ đó bởi vì họ trung thành và quen bắt nạt mọi người,” Glen Grant, một nhà phân tích quân sự của Tổ chức An ninh Baltic, nói với Newsweek.

“Trớ trêu là chuyện mất đi nhiều tướng lãnh như thế thực sự có thể có tác động tích cực đối với Nga. Bạn đánh mất những người được chọn không phải vì khả năng của họ, mà vì lòng trung thành của họ.”

Anh ấy nói thêm: “Có thể có những người đến sau các sĩ quan này là những người tốt hơn và ít bị dính dầu mỡ hơn.”

3. Bài diễn văn xúc động của Tổng thống Zelenskiy tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu

Như chúng tôi đã đưa tin, sau một ngày ở Vương quốc Anh, Zelenskiy đã bay từ Luân Đôn đến Paris để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào chiều thứ Tư. Sáng hôm sau, ông đã đi cùng tổng thống Pháp sang Brussels, Bỉ, để phát biểu hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu.

Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola đã giới thiệu Tổng thống Ukraine Voloydymyr Zelenskiy trước bài phát biểu của ông.

“Chúng tôi hỗ trợ bạn,” Metsola nói với Zelenskiy. “Tự do sẽ thắng thế.”

Zelenskiy đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ông bước vào phòng của Nghị viện Âu Châu tại Brussels hôm thứ Năm.

“Ukraine thuộc về Âu Châu và tương lai của quốc gia bạn là ở Liên minh Âu Châu,” Metsola nói khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu, khi cô đứng cạnh Zelenskiy.

Cô ấy nói: “Chúng ta sẽ ở bên bạn cho đến chừng nào còn cần thiết”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra lời kêu gọi chân thành để đất nước của ông trở thành một phần của Liên minh Âu Châu trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp Liên Hiệp Âu Châu.

“Đây là Âu Châu của chúng ta, đây là quy tắc của chúng ta, đây là cách sống của chúng ta. Và đối với Ukraine, đó là một con đường về nhà, một con đường trở về quê hương của họ,” Zelenskiy nói, đề cập đến mục tiêu gia nhập Liên minh Âu Châu của Ukraine.

Ông nói thêm: “Tôi ở đây để bảo vệ đường về nhà của người dân chúng tôi.”

Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng Ukraine chia sẻ các giá trị với Âu Châu chứ không phải với Nga, quốc gia mà ông cho rằng đang cố gắng đưa Ukraine quay ngược thời gian.

Đó là một thông điệp đầy cảm xúc để cố gắng kết nối với các nghị sĩ Liên Hiệp Âu Châu.

4. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga phản đối việc Ukraine giật sập tượng Tướng Vatutin

Hôm thứ Sáu 10 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền thành phố Kyiv giật sập bức tượng của Tướng Nga Nikolai Vatutin. Bức tượng của Nikolai Vatutin đã bị giật sập vào hôm thứ Năm trước những tiếng hò reo vui mừng của người dân Ukraine, những người đã rất chướng mắt đối với bức tượng được dựng từ thời cộng sản.

Nikolai Fyodorovich Vatutin sinh ngày 16 tháng 12 năm 1901 và qua đời vào ngày 15 tháng 4 năm 1944. Ông là một chỉ huy quân đội Liên Xô trong Thế chiến II, người chịu trách nhiệm về nhiều hoạt động của Hồng quân tại Ukraine với tư cách là Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam, và của Mặt trận Voronezh trong Trận Kursk. Trong cuộc tấn công của Liên Xô nhằm chiếm lại hữu ngạn Ukraine, Vatutin đã lãnh đạo Phương diện quân Ukraine số 1, chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công của Hồng quân về phía tây và tây nam Kyiv và cuối cùng là giải phóng thành phố.

Vào ngày 28 tháng 2 năm 1944, Vatutin, tập hợp quân lại cho một chiến dịch mới và hướng đến Slavuta. Tại đây, ông đã bị quân nổi dậy Ukraine phục kích ở phía sau chiến tuyến gần làng Mylyatyn ở quận Ostroh. Ông ta không chống chọi được với nhiễm trùng huyết do vết thương gây ra, nên đã qua đời tại một bệnh viện ở Kyiv sáu tuần sau đó. Các anh trai của Vatutin, là Afanasy Fyodorovich và Semyon Fyodorovich, đã tử trận vào tháng 2 và tháng 3 năm 1944. Mẹ của họ, Vera Yefimovna, đã phải chôn cất ba người con trai của mình trong hai tháng. Nikolai Vatutin được tổ chức quốc tang tại Kyiv và được kế vị bởi Georgy Zhukov.

Trong khi Nga coi Nikolai Vatutin là một danh tướng, vào ngày thứ Năm 9 tháng 2, tờ Ukrainska Pravda tuyên bố rằng người Ukraine không nghĩ như thế. Đối với họ “sự lãnh đạo quân đội kém cỏi của Vatutin đã dẫn đến những tổn thất to lớn của quân Nga.”

5. Zelenskiy: Ukraine cần xe tăng hiện đại, hỏa tiễn tầm xa và máy bay chiến đấu hiện đại

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra lời kêu gọi đầy cảm xúc để đất nước của ông trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu trong chuyến thăm Brussels, nhấn mạnh các giá trị chung giữa Kyiv và khối.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm cho biết nước ông cần xe tăng hiện đại, hỏa tiễn tầm xa và máy bay chiến đấu hiện đại để bảo vệ an ninh của mình, đồng thời nói thêm rằng an ninh của Ukraine cũng là an ninh của Âu Châu.

“Chúng tôi cần súng pháo, đạn dược, xe tăng hiện đại, hỏa tiễn tầm xa và máy bay chiến đấu hiện đại,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu tại Hội đồng Âu Châu. “Hãy tăng cường sự năng động trong hợp tác của chúng ta” và hành động “nhanh hơn kẻ xâm lược”.

Trong năm “khủng khiếp” vừa qua, Zelenskiy cho biết Âu Châu đã đưa ra những quyết định mạnh mẽ bất chấp những nghi ngờ và thảo luận.

“Sự hợp tác an ninh này đã tạo ra một ví dụ lịch sử cho bất kỳ kẻ xâm lược nào,” Zelenskiy nói. “Những người lính dũng cảm của chúng tôi đang chiến đấu chống lại sự khủng bố của nước Nga với sự hỗ trợ của các bạn.”

Ông Zelenskiy cũng cho biết sẽ có một số cuộc gặp gỡ song phương tại Brussels để thảo luận về vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

“Bây giờ tôi sẽ có một số cuộc đàm phán song phương và chúng tôi đang làm để nêu vấn đề về máy bay chiến đấu và các loại máy bay khác,” ông nói trong một cuộc họp báo, sau cuộc họp của Hội đồng Âu Châu vào đầu ngày thứ Năm.

Zelenskiy nói rằng các cuộc thảo luận mà ông đã có cho đến nay ở thủ đô của Bỉ là “khá cụ thể”.

“Tôi rất cảm kích trước tuyên bố của các bạn rằng Âu Châu sẽ ở bên chúng tôi cho đến chiến thắng. Tôi đã nghe điều đó từ một số nhà lãnh đạo Âu Châu và tôi rất biết ơn họ vì điều này”, ông Zelenskiy nói.

Anh ấy nói thêm rằng trong các cuộc họp hôm thứ Năm, “chúng tôi đã nói về an ninh, chúng tôi nói về việc cứu mạng sống và sự ổn định, chúng tôi nói về sự trở lại của công lý.”

Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, cho biết trong một cuộc họp báo rằng tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 đầu tiên do các đồng minh phương Tây chuyển giao có thể đến Ukraine vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay.

6. Một số nước Liên Hiệp Âu Châu sẵn sàng cung cấp máy bay cho Ukraine – Zelenskiy

Một số nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu cho biết họ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine tất cả các loại vũ khí cần thiết, bao gồm cả máy bay chiến đấu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại Brussels hôm thứ Năm, ngày 9 tháng Hai.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi được truyền cảm hứng nhiều nhất bởi những tuyên bố rằng Âu Châu sẽ ở bên chúng tôi cho đến chiến thắng. Và hôm nay tôi đã nghe từ các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Âu Châu rằng họ sẵn sàng cung cấp cho chúng tôi những vũ khí cần thiết, bao gồm cả máy bay,” ông nói.

Ông nói thêm rằng vào thứ Năm, ông cũng sẽ tổ chức một loạt cuộc gặp song phương tại Brussels, “nơi chủ đề máy bay chiến đấu sẽ được chú ý nhất”.

Zelenskiy cũng nói về cách tổ chức một cuộc họp kín của Hội đồng Âu Châu.

“Cuộc họp của Hội đồng Âu Châu vừa kết thúc. Tất nhiên, nó đã bế mạc, nhưng tôi muốn bạn hiểu ý nghĩa của những gì chúng tôi đã nói và làm. Ý nghĩa này đã được xây dựng rõ ràng bởi một trong những nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Âu Châu. Ông cho rằng một nền hòa bình lâu dài ở Âu Châu sẽ chỉ được thiết lập khi Ukraine giành chiến thắng và trở thành thành viên của Liên Hiệp Âu Châu và NATO. Đây là loại đoàn kết mà chúng ta tìm cách xây dựng ngày hôm nay. Sự thống nhất là Liên Hiệp Âu Châu sẽ ở bên chúng ta cho đến khi Ukraine giành chiến thắng và Ukraine sẽ là một phần của Liên minh Âu Châu”, ông nói.

7. Binh sĩ Ukraine đến Bỉ huấn luyện vận hành thuyền không người lái dưới nước

Một nhóm quân nhân Ukraine đã đến Bỉ trong khuôn khổ nhiệm vụ huấn luyện của Liên minh Âu Châu. Các binh sĩ sẽ học cách vận hành thuyền không người lái dưới nước. Việc chuyển giao các chiếc tàu không người lái đã Bỉ đã công bố vào tháng 11.

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho biết:

“Hôm nay chúng tôi chào đón các binh sĩ Ukraine tại Bỉ như một phần của sứ mệnh EUMAM. Họ sẽ trải qua khóa huấn luyện về các hệ thống dưới nước do Bỉ chuyển giao cho Ukraine. Tôi đã bày tỏ với họ sự ủng hộ sâu sắc của mình và ca ngợi lòng can đảm đã được thể hiện trong gần một năm nay”

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 27 Tháng Giêng vừa qua, Chính phủ Bỉ đã quyết định phân bổ gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine với số tiền lên tới 92 triệu EUR. Đặc biệt, nó sẽ bao gồm hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tăng, súng máy, lựu đạn, đạn dược, xe tải và SUV bọc thép.

8. Quân đội Ukraine tiêu diệt xe thiết giáp Terminator của Nga gần Kreminna

Quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng Terminator của Nga, gần Kreminna của khu vực Luhansk.

Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, đã cho biết như trên. Haidai nói rằng các nhà tuyên truyền trên truyền hình Nga gần đây đã khoe khoang xe chiến đấu Terminator của Nga là không thể bị phá hủy.

Haidai đã đăng ảnh xe thiết giáp Terminator bị phá hủy trên kênh Telegram của ông.Ông cũng đã thêm một video tuyên truyền của Nga, cho thấy chính chiếc xe đó và phi hành đoàn của nó trước khi chúng bị quân phòng thủ Luhansk phá hủy.

Trong 24 giờ qua, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương gần 19 khu định cư ở các vùng Luhansk, Donetsk và Zaporizhzhia.

9. Zelenskiy cảm ơn các công dân Liên Hiệp Âu Châu đã cung cấp nơi ẩn náu cho người Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Năm, ông biết ơn tất cả sự hỗ trợ mà đất nước ông đã nhận được từ Liên minh Âu Châu cho đến nay, nhưng cho biết ông đặc biệt cảm ơn các công dân Liên Hiệp Âu Châu đã cung cấp nơi trú ẩn cho công dân Ukraine.

“Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn, tôi muốn cảm ơn các công dân của Liên minh Âu Châu vì tất cả sự hỗ trợ của các bạn. Vì cách bạn hỗ trợ người dân của chúng ta, vì đã cho chúng ta nơi ẩn náu và nơi trú ẩn cho những công dân Ukraine đang cố gắng bảo vệ con cái của họ khỏi bom đạn”, ông Zelenskiy nói trong một cuộc họp báo ở Brussels sau cuộc họp của Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu.

“Hàng triệu công dân của chúng tôi hiện đang được hỗ trợ ở Âu Châu và tôi hy vọng công dân của các bạn có thể thấy rằng các giá trị của Âu Châu là có thật. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì điều này, cảm ơn các bạn vì tất cả những điều này”, anh nói.
 
Tình huống éo le: Chỉ huy người Chechnya bị Ukraine tầm nã được Putin bổ nhiệm là trưởng đoàn bác ái cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ
VietCatholic Media
05:38 10/02/2023


Số người chết trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã vượt qua 16.000. Theo các quan chức, ít nhất 12.873 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ít nhất 3.162 người thiệt mạng ở Syria. Có những lo âu rằng con số thương vong còn cao hơn nữa khi các công cuộc đào bới tiếp diễn.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 9 tháng Hai, Artem Dekhtiarenko, phát ngôn nhân của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết trong một tình huống cực kỳ éo le, Putin đã bổ nhiệm một hung thần người Chechnya đang bị Ukraine tầm nã vì các tội ác chiến tranh làm trưởng đoàn bác ái cứu trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. CNN có bài tường trình về biến cố này nhan đề “Former Chechen commander wanted by Ukraine for alleged war crimes leading Russian quake relief in Turkey”, nghĩa là “Cựu tư lệnh Chechnya bị Ukraine tầm nã vì tội ác chiến tranh được Putin bổ nhiệm là trưởng đoàn bác ái cứu trợ của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Cựu chỉ huy Chechnya bị Ukraine truy nã vì các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh khi lãnh đạo quân đội Nga ở Ukraine đang cứu trợ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một cựu chỉ huy người Chechnya bị Ukraine truy nã vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh vào năm ngoái đang lãnh đạo nỗ lực cứu trợ động đất của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Daniil Martynov đã từng đóng quân ở một số địa điểm tại Ukraine vào năm ngoái trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược do Putin phát động. Anh ta được cho là thân cận với nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov và đã xuất hiện trong một số video trên kênh Telegram chính thức của Kadyrov.

Trong những ngày gần đây, ông ta đã trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông Nga từ vùng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi được bổ nhiệm làm cố vấn trong Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga.

Tháng 8 năm ngoái, cơ quan an ninh Ukraine, SBU, cáo buộc rằng Martynov đã phạm một loạt tội ác chiến tranh ở thị trấn Borodianka, phía bắc Kyiv.

SBU mô tả Martynov là Phó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Cộng hòa Chechnya và cho biết ông “chịu trách nhiệm huấn luyện các chi tiết an ninh cá nhân của Kadyrov.”

SBU cáo buộc rằng Martinov đã chiếm giữ bệnh viện tâm thần Borodianka vào tháng Ba. Họ nói rằng theo lệnh của anh ta “gần 500 người đã bị bắt làm con tin bao gồm bệnh nhân, nhân viên và cư dân địa phương, trong đó có hơn một trăm bệnh nhân nằm liệt giường”.

SBU cáo buộc rằng bệnh viện đã bị “biến thành nơi xử bắn của quân xâm lược” và nói rằng Martynov bị buộc tội “vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh, đồng thời lạm dụng tù nhân chiến tranh hoặc dân thường.”

Không có hồ sơ nào về việc Martynov trả lời các cáo buộc của Ukraine. Khi bác bỏ các cáo buộc của SBU vào tháng 8 năm ngoái, Kadyrov nói: “Đối với Martynov, anh ta không làm việc cho chúng tôi. Anh ấy đang làm việc với Bộ Tình trạng Khẩn cấp.”

Martynov đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xử phạt vào năm 2020 vì “lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng ở Nga.” Hoa Kỳ nói rằng anh ta là “cố vấn an ninh cá nhân cho Kadyrov, và đã hành động hoặc có ý định hành động cho hoặc thay mặt, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho Kadyrov.”

CNN đang liên hệ với Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga, cũng như Cơ quan An ninh Ukraine để xin bình luận về vai trò của Martinov.

Người Ukraine có thể bắc cóc hay bắn chết Martynov, nhưng phát ngôn nhân SBU nói rằng họ sẽ không làm như thế trên địa bàn một quốc gia khác, và đặc biệt trong trường hợp Martynov đang làm một công việc bác ái, họ không thể ra tay
 
Nga tổng tấn công, cả nước Ukraine tìm chỗ nấp. TT Zelenskiy đang ở đâu? Nga thiêu tử sĩ để giấu bớt
VietCatholic Media
15:39 10/02/2023


1. Cả nước Ukraine được kêu gọi chạy tìm chỗ ẩn nấp khi Nga mở cuộc tấn công tàn bạo chưa từng thấy. Tổng thống Zelenskiy hiện nay ở đâu?

Cảnh báo không kích đã được ban bố trên toàn lãnh thổ Ukraine sáng thứ Sáu 01 tháng Hai khi các quan chức cảnh báo khả năng Nga sẽ tấn công bằng hỏa tiễn, kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn.

“Có một mối đe dọa lớn về cuộc tấn công hỏa tiễn. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa - đừng bỏ qua còi báo động trên không”, Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Kyiv cho biết.

Cố vấn tổng thống Ukraine Anton Gerashchenko cũng lo lắng về “các mối đe dọa về một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn của Nga” và kêu gọi mọi người ở trong các nơi trú ẩn.

Bộ Quốc phòng Moldova đã xác nhận rằng một hỏa tiễn đã bay qua không phận nước này sáng nay. Trong một tuyên bố Bộ Quốc Phòng nước này nói:

Vào lúc 10h18, một hỏa tiễn đã bay qua không phận của Cộng hòa Moldova, bay qua thị trấn Mocra ở vùng Transnistria và sau đó là thị trấn Cosauți ở quận Soroca, hướng tới Ukraine.

Bộ Quốc phòng cùng với các cơ quan có trách nhiệm trong nước theo dõi chặt chẽ tình hình trong khu vực và lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm không phận Cộng hòa Moldova của Nga.

Moldova đã triệu tập đại sứ Nga để phản đối vì vụ phóng hỏa tiễn này.

Hai hỏa tiễn của Nga đã bay vào không phận Rumani và Moldova trước khi vào Ukraine hôm thứ Sáu. Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết hai hỏa tiễn Kaliber phóng từ Hắc Hải đã đi vào không phận Moldova, sau đó bay vào không phận Rumani, trước khi quay trở lại Ukraine tại điểm giao nhau của biên giới ba nước.

Hãng truyền thông Ukrainska Pravda dẫn lời phát ngôn nhân lực lượng không quân nói rằng Ukraine có khả năng bắn hạ hỏa tiễn nhưng đã không làm như vậy vì không muốn gây nguy hiểm cho dân thường ở các nước khác.

Ukraine cho biết Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái “quy mô lớn” chưa từng có vào thứ Sáu, một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đến thăm một số nước Âu Châu để thúc đẩy vũ khí tầm xa.

Vào sáng thứ Sáu, “đối phương đã tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng”, lực lượng không quân cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng 7 máy bay không người lái “kamikaze” do Iran sản xuất đã được phóng từ Biển Azov và 6 hỏa tiễn hành trình Kalibr từ Hắc Hải.

Nga cũng thực hiện một cuộc tấn công “quy mô lớn” với “lên đến 35 hỏa tiễn dẫn đường phòng không” nhắm vào khu vực Kharkiv ở phía đông và khu vực Zaporizhzhia ở phía nam.

Thống đốc Oleg Sinegubov cho biết tại Kharkiv, “các cơ sở hạ tầng và cơ sở quan trọng đã trở thành mục tiêu” dẫn đến các đám cháy được dập tắt “nhanh chóng”. Ông cho biết không ai bị thương nhưng một số khu vực của thành phố bị mất điện.

Quan chức địa phương Anatoly Kurtev cho biết “cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghiệp” bị hư hại ở Zaporizhzhia, khiến nhiều khu vực trong thành phố không có điện.

Kurtev cho biết 17 cuộc tấn công đã được ghi nhận trong vòng một giờ, “con số lớn nhất” kể từ khi Nga xâm chiếm gần một năm trước.

Nhà điều hành năng lượng Ukrenergo của Ukraine cho biết “một số cơ sở điện cao thế” đã bị ảnh hưởng ở các khu vực phía đông, phía tây và phía nam của Ukraine, dẫn đến mất điện ở một số khu vực.

Ukrenergo cho biết Nga cũng tấn công vào “các nhà máy điện và cơ sở hệ thống truyền tải”, đồng thời cho biết thêm rằng việc cắt điện khẩn cấp đã được đưa ra.

Quân đội Nga đã bắn số lượng hỏa tiễn S-300 kỷ lục vào Ukraine vào đêm qua, trong đó có tới 35 quả vào khu vực Zaporizhzhia và Kharkiv.

Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết điều này trên truyền hình Ukraine vào sáng hôm thứ Sáu.

“Người Nga đã bắn tới 35 hỏa tiễn phòng không vào khu vực Zaporizhzhia và Kharkiv vào ban đêm. Đây có lẽ là một cuộc tấn công kỷ lục. Họ sử dụng những vũ khí này như khủng bố. Trong khi chúng ta bắn hạ hỏa tiễn của đối phương bằng S-300, thì Nga lại phóng S-300 vào các thành phố đông dân cư. Và vị trí phóng của những hỏa tiễn này càng xa thì chúng càng đánh trúng các mục tiêu tiềm năng của đối phương một cách thiếu chính xác hơn,” Ihnat nói.

Ông nói thêm rằng Ukraine có mọi quyền trả đũa và phá hủy các bệ phóng ở bất cứ nơi nào chúng được đặt.

“Các máy bay chiến đấu của chúng ta tấn công các hệ thống hỏa tiễn phòng không này bằng hỏa tiễn chống radar HARM mỗi ngày. Nhưng bây giờ điều này là không đủ. Chúng ta cần nhiều vũ khí mạnh hơn và một phản ứng thích đáng với đối phương đang khủng bố dân thường,” Ihnat nói.

Tổng thống Zelenskiy đã gặp tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Rzeszow cách biên giới Ukraine 98km, và cách thủ phủ Lviv 170km.

Theo văn phòng tổng thống Ba Lan, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các chuyến thăm gần đây của Zelenskiy tới các thủ đô Âu Châu, tình hình ở tiền tuyến, cũng như sự phối hợp chung trong các hành động tiếp theo.

“Tổng thống Ukraine đã nói về các hoạt động ngoại giao gần đây của ông tại Brussels và các thủ đô Âu Châu khác. Các cuộc hội đàm giữa hai vị cũng liên quan đến an ninh trong khu vực,” báo cáo cho biết.

Theo báo cáo, Zelenskiy và Duda đã thảo luận về tình hình hiện tại ở mặt trận, tình hình an ninh trong khu vực và sự cần thiết phải có thêm các hành động chung liên quan đến hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

2. Ukraine cho biết quân đội Nga hỏa thiêu các binh sĩ tử trận của chính họ để che giấu tổn thất lớn

Sau khi Hoa Kỳ, Đức và một số quốc gia Tây Âu đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine, Putin đã ra lệnh tấn công trên toàn bộ giới tuyến, trước khi quân Ukraine có các phương tiện chiến tranh hiện đại hơn. Quân Nga đã tấn công, bất kể chưa được chuẩn bị. Vì thế, liên tiếp trong mấy ngày qua, con số tử vong hàng ngày gần hay hơn 1,000 người cứ mỗi 24 giờ.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Army Burning Their Own Dead to Hide Massive Losses: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết quân đội Nga hỏa thiêu các binh sĩ tử trận của chính họ để che giấu tổn thất lớn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các quan chức quân sự Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng quân đội Nga đang thiêu những xác chết của binh sĩ mình để che giấu quy mô tổn thất chiến đấu, làm lu mờ thêm những ước tính vốn đã không đáng tin cậy về thương vong của Nga cho đến nay trong cuộc chiến.

Tuyên bố, được đăng lên một trang Facebook của quân đội Ukraine, cho biết các lực lượng Nga đã thiết lập một lò hỏa táng di động bên ngoài Tokmak, một thành phố nhỏ với khoảng 32.000 dân nằm trên sông Molochna ở đôngnam Ukraine.

Thành phố này nằm dưới sự xâm lược của Nga kể từ tháng 3 năm ngoái và là mục tiêu của các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của lực lượng Ukraine kể từ mùa hè năm ngoái, bao gồm một cuộc tấn công vào Tháng Giêng dẫn đến khoảng 80 thương vong cho phía Nga, theo The Kyiv Independent.

Tuy nhiên, tổng số người chết có thể bị che khuất. Các quan chức quân đội Ukraine cho biết đã nhìn thấy một lò hỏa táng di động được thiết lập trong thành phố, khiến số người chết rất khó xác định.

Theo báo cáo của quân đội Ukraine, dấu hiệu chính là mùi.

“Người dân địa phương phàn nàn về mùi hôi thối của xác chết liên tục ở phía đông nam của thành phố, đặc biệt là vào ban đêm,” các quan chức Ukraine viết hôm thứ Năm trên Facebook.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nga để bình luận.

Với những thi thể bị đốt cháy, có vẻ như con số thực sự duy nhất về người Nga thiệt mạng là do chính người Nga tính toán, và vẫn là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Các ước tính của Ukraine cũng không thể xác minh, và có thể cao hơn tổng số thương vong nói chung.

Trong một bản cập nhật hôm thứ Năm, lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố Nga đã mất 910 binh sĩ hôm thứ Tư, nâng tổng số người Nga thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến lên 135.010, bao gồm 2.850 trong ba ngày qua, sau khi vượt mốc 100.000 vào năm ngoái.

Trong khi đó, các quan chức phương Tây ước tính rằng Nga đang có gần 200.000 thương vong - bao gồm cả thiệt mạng và bị thương - kể từ khi cuộc chiến chính thức bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái.

Số người chết ngày càng tăng diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chỉ trích công khai về cuộc chiến và các mục tiêu của nó trên truyền hình nhà nước Nga khi mức viện trợ của phương Tây bắt đầu tăng lên. Hoa Kỳ gần đây đã cam kết bổ sung xe tăng cho Ukraine, trong khi tổng thống của họ, Volodymyr Zelenskiy, tiếp tục chuyến công du tới các đồng minh của nước này ở Tây Âu trong nỗ lực tìm kiếm thêm viện trợ.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn tiếp tục chịu hỏa lực không ngừng từ các lực lượng Nga tại thành phố tranh chấp Bakhmut, trong khi một đánh giá do Viện Nghiên cứu Chiến tranh công bố hôm thứ Tư cho biết Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị cho “cuộc tấn công lớn tiếp theo” vào khu vực Luhansk của Ukraine, vốn đã được kiểm soát phần lớn bởi các lực lượng Nga.

3. Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã ngăn chặn các kế hoạch của cơ quan mật vụ Nga nhằm tiêu diệt Moldova.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu tại Brussels, Zelenskiy cho biết gần đây ông đã nói với tổng thống Moldova, Maia Sandu, về kế hoạch của mật vụ Nga nhằm tiêu diệt Moldova.

Phát biểu thông qua một phiên dịch viên, tổng thống nói:

Tôi đã thông báo với cô ấy rằng chúng tôi đã bắt được kế hoạch hủy diệt Moldova của tình báo Nga.

Zelenskiy cho biết kế hoạch này rất giống với kế hoạch do Nga nghĩ ra để tiếp quản Ukraine. Ông cho biết các tài liệu cho thấy “ai, khi nào và như thế nào” kế hoạch này sẽ “phá vỡ nền dân chủ của Moldova và thiết lập quyền kiểm soát đối với Moldova”.

Ông nói thêm rằng ông không biết liệu cuối cùng Mạc Tư Khoa có ra lệnh thực hiện kế hoạch đó hay không.

Giám đốc Dịch vụ An ninh và Thông tin của Moldova, gọi tắt là SIB, Alexandru Musteață, cũng đưa ra một nhận định tương tự và lưu ý rằng kho đạn dược lớn nhất ở Âu Châu, nằm ở Kolbasna thuộc vùng Transnistrian, được quân đội Nga bảo vệ rất kỹ lưỡng. Theo một trong những giả định của quan chức này, Nga có kế hoạch sử dụng những loại vũ khí này trong một cuộc xâm lược vào Moldova để từ đó tấn công Ukraine.

Transnistria là một phần của Moldova nhưng khu vực này có đông đảo con cháu người Nga di dân sang.

Ngày 2 tháng 9 năm 1990, đám con cháu người Nga nổi loạn đòi thành lập nước Transnistria. Giao tranh giữa chính quyền Moldova và phiến quân Transnistria bắt đầu từ tháng 3 năm 1992 và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào tháng 7 năm đó. 1.500 quân Nga vẫn đang đồn trú trong vùng Transnistria là mối đe dọa cho Moldova.

Cho đến nay, Transnistria vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Moldova. Nó chỉ nhận được sự công nhận ngoại giao từ ba quốc gia không được quốc tế công nhận là Abkhazia, Nam Ossetia và Artsakh.

Trước nguy cơ bị xâm lược, nữ tổng thống Maia Sandu tính sao? Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và một loạt vụ nổ ở Transnistria, bà Maia Sandu đã tuyên bố vào ngày 27 tháng 4 rằng quân đội Moldova đã bị bỏ mặc phần lớn trong ba thập kỷ và họ không thể bảo vệ Moldova khi đối mặt với nguy hiểm. Bà cho biết quân đội Moldova sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa trong tương lai.

Một trong những bước đi có thể của bà Maia Sandu là tái thống nhất với Rumani, một quốc gia NATO, có đường biên giới phía Tây với Moldova.

Sự thống nhất của Moldova và Rumani là một khái niệm phổ biến ở hai quốc gia bắt đầu từ cuối những năm 1980, trong cuộc Cách mạng năm 1989. Cách mạng Rumani năm 1989 và nền độc lập của Moldova năm 1991 đã góp phần vào sự phát triển của phong trào thống nhất của hai quốc gia cùng nói tiếng Rumani. Vấn đề thống nhất được nhắc đi nhắc lại trong công chúng của hai nước, trong thời gian gần đây.

Mặc dù về mặt lịch sử, sự ủng hộ của người Rumani đối với việc thống nhất là rất cao, nhưng một cuộc khảo sát năm 2022 trong Chiến tranh Nga-Ukraine chỉ ra rằng chỉ có 11% dân số Rumani ủng hộ một thống nhất ngay lập tức, trong khi hơn 42% cho rằng chưa phải lúc. Họ sợ phải cưu mang Moldova.

Đa số người dân ở Moldova tiếp tục phản đối việc thống nhất. Tuy nhiên, sự ủng hộ ở Moldova đối với việc thống nhất đã tăng lên đáng kể, với các cuộc thăm dò hỏi “nếu một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào Chúa Nhật tới về việc thống nhất Cộng hòa Moldova và Rumani, bạn sẽ bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối việc thống nhất?” số người ủng hộ tăng từ 20% vào năm 2015, lên 44% vào tháng 11 vừa qua.

4. Sau cuộc gặp với Zelenskiy tại Brussels, thủ tướng Hà Lan cho biết các cuộc đàm phán về máy bay chiến đấu đang diễn ra

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu của phương Tây đang diễn ra “sau những cánh cửa đóng kín” và từ chối đưa ra một dấu hiệu mạnh mẽ nào về khả năng nước ông gửi máy bay.

“Tôi không thể nói liệu điều đó có xảy ra hay không,” Rutte nói với RTL News, chi nhánh của CNN bên lề cuộc gặp gỡ với tổng thống Ukraine ở Brussels. “Nhưng đó là những cuộc thảo luận đang diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín. Và đó không phải là điều mà bạn có thể làm ở nơi công cộng.”

Hà Lan là quốc gia đi đầu trong số các quốc gia nói rằng họ sẵn sàng vui vẻ tặng máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc họp báo với Rutte ở The Hague vào tháng trước, đã nói rằng “về nguyên tắc, không có gì là vượt quá giới hạn”.

“Chúng tôi không nói không,” Rutte nói hôm thứ Năm. “Chúng tôi cũng chưa nói không với các hệ thống vũ khí khác. Chúng tôi thậm chí còn hơi nghiêng về phía trước… khi nói đề cập đến các chiến đấu cơ.”

Ông nhắc lại lập trường của mình rằng Hà Lan “không có điều cấm kỵ nào” về việc cung cấp vũ khí, chỉ có “lằn ranh đỏ” duy nhất là cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO-Nga.

5. Thủ tướng Bồ Đào Nha nói không có “lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa cho biết Liên Hiệp Âu Châu và NATO không nên quá lo ngại trong việc cung cấp các chiến đấu cơ cho Ukraine.

“Đó không phải là ranh giới đỏ,” Costa nói với các nhà báo khi đến Brussels để tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Âu Châu vào hôm thứ Năm.

Bồ Đào Nha vận hành tổng cộng 27 máy bay chiến đấu F-16 AM nhưng Costa nói rằng chúng đã bị ràng buộc với một số cam kết của NATO.

Ông nói: “Đó là lĩnh vực mà chúng tôi đơn giản là không có khả năng cung cấp cho Ukraine, vì các phương tiện chúng tôi có đều được phân bổ cho các nhiệm vụ mà chúng tôi không thể thực hiện nếu không có”.

Costa cho biết Bồ Đào Nha đã làm hết sức mình để hỗ trợ Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhấn mạnh cam kết gần đây gửi ba xe tăng Leopard 2 của họ.

Ông nói thêm rằng các nguồn cung cấp cho Ukraine có mục tiêu cuối cùng là đạt được hòa bình, nhưng theo các điều kiện của Ukraine.

Ông nói: “Hòa bình là mục tiêu của chúng ta. “Chiến tranh là một phương tiện để đạt được hòa bình và cần nhắc lại rằng cuộc chiến này không phải do Ukraine gây ra, Ukraine là nạn nhân của chiến tranh.

“Hiện tại, các điều khoản và điều kiện cho hòa bình chỉ có thể được xác định bởi Ukraine,” ông nói thêm.

6. Thủ tướng Estonia đề xuất Liên Hiệp Âu Châu mua vũ khí cho Ukraine

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã đề xuất một hệ thống tương tự như hệ thống mua vắc-xin của Liên Hiệp Âu Châu để tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Phát biểu trước cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Âu Châu tại Brussels, Kallas cho biết động thái này sẽ đẩy nhanh việc giao hàng cho Ukraine.

“Tất cả chúng ta đã xem xét các nhà kho và xem chúng ta có những gì có thể tặng cho người Ukraine, nhưng chúng ta nên làm nhiều hơn nữa. Chúng ta nên đưa ra một tín hiệu rõ ràng để ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu sản xuất nhiều hơn”, Kallas nói với các nhà báo.

“Chúng ta có thể sử dụng một cơ chế tương tự như chúng ta đã làm với vắc xin Covid. Các nước Âu Châu sẽ cung cấp kinh phí, Ủy ban Âu Châu sẽ mua sắm và sau đó sẽ được gửi trực tiếp đến Ukraine.”

Cô ấy nói thêm: “Tổn thất nhân mạng của người Ukraine tăng lên với mỗi lần chúng ta trì hoãn, với mỗi lần chúng ta do dự. Thành ra, phải đẩy nhanh quá trình này hết sức có thể”.

7. Các chuyên gia cấp cứu Ukraine đã mang kỹ năng của họ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Các chuyên gia cấp cứu Ukraine đã vận dụng các kỹ năng của họ để giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất lớn ở hai quốc gia này. Họ giúp tìm kiếm những người sống sót trong các tòa nhà bị san phẳng, dựng lều và cấp cứu, Reuters đưa tin.

Oleksandr Khorunzhyi, phát ngôn viên của Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine cho biết:

Có chiến tranh ở đất nước chúng tôi, nhưng chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải giúp đỡ, và sự giúp đỡ này là nghĩa vụ của tình nhân loại.

Kyiv đã gửi 88 người tới Thổ Nhĩ Kỳ để giúp khắc phục thảm họa đã giết chết 19.000 người trên khắp miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria. Nhóm bao gồm các chuyên gia trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, bác sĩ, người huấn luyện chó và lính cứu hỏa.

Trong một diễn biến thật éo le, Artem Dekhtiarenko, phát ngôn nhân của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là SBU, nói trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 9 tháng Hai rằng Putin đã bổ nhiệm một hung thần người Chechnya đang bị Ukraine tầm nã vì các tội ác chiến tranh làm trưởng đoàn bác ái cứu trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. CNN có bài tường trình về biến cố này nhan đề “Former Chechen commander wanted by Ukraine for alleged war crimes leading Russian quake relief in Turkey”, nghĩa là “Cựu tư lệnh Chechnya bị Ukraine tầm nã vì tội ác chiến tranh được Putin bổ nhiệm là trưởng đoàn bác ái cứu trợ của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cựu chỉ huy Chechnya bị Ukraine truy nã vì các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh khi lãnh đạo quân đội Nga ở Ukraine đang cứu trợ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một cựu chỉ huy người Chechnya bị Ukraine truy nã vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh vào năm ngoái đang lãnh đạo nỗ lực cứu trợ động đất của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Daniil Martynov đã từng đóng quân ở một số địa điểm tại Ukraine vào năm ngoái trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược do Putin phát động. Anh ta được cho là thân cận với nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov và đã xuất hiện trong một số video trên kênh Telegram chính thức của Kadyrov.

Trong những ngày gần đây, ông ta đã trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông Nga từ vùng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi được bổ nhiệm làm cố vấn trong Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga.

Tháng 8 năm ngoái, cơ quan an ninh Ukraine, SBU, cáo buộc rằng Martynov đã phạm một loạt tội ác chiến tranh ở thị trấn Borodianka, phía bắc Kyiv /ki díp/.

SBU mô tả Martynov là Phó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Cộng hòa Chechnya và cho biết ông “chịu trách nhiệm huấn luyện các chi tiết an ninh cá nhân của Kadyrov.”

SBU cáo buộc rằng Martinov đã chiếm giữ bệnh viện tâm thần Borodianka vào tháng Ba. Họ nói rằng theo lệnh của anh ta “gần 500 người đã bị bắt làm con tin bao gồm bệnh nhân, nhân viên và cư dân địa phương, trong đó có hơn một trăm bệnh nhân nằm liệt giường”.

SBU cáo buộc rằng bệnh viện đã bị “biến thành nơi xử bắn của quân xâm lược” và nói rằng Martynov bị buộc tội “vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh, đồng thời lạm dụng tù nhân chiến tranh hoặc dân thường.”

Không có hồ sơ nào về việc Martynov trả lời các cáo buộc của Ukraine. Khi bác bỏ các cáo buộc của SBU vào tháng 8 năm ngoái, Kadyrov nói: “Đối với Martynov, anh ta không làm việc cho chúng tôi. Anh ấy đang làm việc với Bộ Tình trạng Khẩn cấp.”

Martynov đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xử phạt vào năm 2020 vì “lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng ở Nga.” Hoa Kỳ nói rằng anh ta là “cố vấn an ninh cá nhân cho Kadyrov, và đã hành động hoặc có ý định hành động cho hoặc thay mặt, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho Kadyrov.”

CNN đang liên hệ với Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga, cũng như Cơ quan An ninh Ukraine để xin bình luận về vai trò của Martinov.

Người Ukraine có thể bắc cóc hay bắn chết Martynov, nhưng phát ngôn nhân SBU nói rằng họ sẽ không làm như thế trên địa bàn một quốc gia khác, và đặc biệt trong trường hợp Martynov đang làm một công việc bác ái, họ không thể ra tay

8. Rheinmetall đàm phán với Kyiv về việc cung cấp xe tăng Panther

Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đang đàm phán với Kyiv về việc cung cấp những chiếc xe tăng hiện đại nhất của họ và không loại trừ khả năng thành lập một nhà máy để sản xuất chúng ở Ukraine.

Giám đốc điều hành của tập đoàn, Armin Papperger, nói điều này với trang tin kinh doanh Handelsblatt.

“Chúng tôi đang đàm phán với Kyiv về việc xuất khẩu Panther,” Papperger nói.

Ông lưu ý rằng Ukraine cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến xe chiến đấu bộ binh Lynx mới. Theo ông, Lynx và Panther hiện là “xe bọc thép chở quân và xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất”.

Hiện tại, chỉ có một mô hình trình diễn của xe tăng Panther. Tuy nhiên, Papperger hứa hẹn sẽ giao hàng “trong vòng 15 đến 18 tháng”.

Ông cho biết những chiếc xe tăng này có thể được sản xuất tại Đức hoặc Hung Gia Lợi.

Đồng thời, Papperger không loại trừ khả năng thiết lập sản xuất tại Ukraine trong tương lai.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng thành lập một nhà máy sản xuất Panther ở Ukraine,” Papperger nói, đồng thời giải thích rằng điều này có thể thực hiện được sau khi chiến tranh kết thúc và các giấy phép cần thiết được chính phủ liên bang cấp.

Sự chấp thuận của chính phủ liên bang là một thủ tục cần thiết. Papperger ước tính cơ hội xin được giấy phép là tốt. Ông nói: “Ukraine phải cầm cự cuộc chiến này - và khi nó kết thúc, đất nước cần được bảo đảm an ninh.

Rheinmetall đã ra mắt chiếc Panther tại một cuộc triển lãm ở Paris vào mùa hè năm ngoái và quảng cáo nó là xe tăng chiến đấu mạnh nhất thế giới. Nếu quyết định được thông qua, Ukraine sẽ trở thành khách hàng đầu tiên.

9. Binh sĩ Ukraine tiêu diệt Msta-B, xe chiến đấu bộ binh và lựu pháo của địch gần Soledar

Các binh sĩ thuộc lữ đoàn pháo binh biệt lập số 45 của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã tiêu diệt thành công một ổ pháo của quân xâm lược Nga gần Soledar, vùng Donetsk. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Năm 10 tháng Hai.

Lữ đoàn pháo binh biệt lập số 45, được thành lập vào năm 2014 như một phần của quân đoàn dự bị, là một đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng lục quân của Ukraine. Nơi đặt căn cứ tạm thời của nó là vùng Yavoriv, Lviv.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu, lữ đoàn và tiểu đoàn của nó đã anh dũng bảo vệ các vùng Kyiv, Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk và Kharkiv, đồng thời gây tổn thất cho địch ở các vùng Donetsk, Luhansk và Kherson.
 
Ba Lan cảnh báo về cám dỗ muốn xây dựng một Giáo Hội Công Giáo khác tại Thượng hội đồng
VietCatholic Media
17:22 10/02/2023


1. Giáo Hội Công Giáo lớn nhất của Ukraine chuyển lễ Giáng Sinh sang ngày 25 tháng 12 để giảm các ảnh hưởng của Nga

Giáo Hội Công Giáo lớn nhất của Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ sẽ chuyển sang một lịch mới, theo đó lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 thay vì ngày 7 Tháng Giêng, trong bối cảnh các tổ chức Ukraine đang nỗ lực phá vỡ các liên kết văn hóa với Nga.

Động thái của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã được Bộ trưởng Văn hóa Oleksandr Tkachenko hoan nghênh. Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có số tín hữu chiếm khoảng 10% là Giáo Hội Công Giáo lớn nhất tại Ukraine.

“Quyết định này phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta và dư luận,” ông viết trên Facebook, trích dẫn kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến quốc gia do chính phủ thực hiện.

Cuộc thăm dò đó, được tổ chức vào tháng 12 năm 2022, cho thấy 59% trong số hơn 1,5 triệu người được hỏi ủng hộ việc chuyển lễ Giáng Sinh sang ngày 25 tháng 12, khi lễ này được tổ chức ở Tây Âu.

Tháng trước, Tkachenko bày tỏ hy vọng rằng tất cả các Giáo Hội của Ukraine sẽ đồng ý tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.

Thông báo hôm thứ Hai của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã làm cho Giáo Hội này trở thành Giáo Hội đầu tiên ở Ukraine làm như vậy.

Cho đến nay, tất cả các Giáo Hội lớn ở Ukraine có đa số dân theo Chính thống giáo đều theo lịch Giulianô, kỷ niệm lễ Giáng Sinh vào ngày 7 Tháng Giêng. Đó cũng là ngày mà Nga tổ chức lễ này.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho đến nay là một trong số ít các Giáo Hội trên toàn thế giới công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng đồng thời lại tuân theo lịch Giulianô, mà Vatican đã thay thế bằng lịch Grêgôriô sửa đổi vào năm 1582.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nói rằng các ngày lễ cố định như Giáng Sinh sẽ chuyển sang lịch mới, nhưng các ngày lễ có thể thay đổi như Lễ Phục sinh vẫn sẽ được tổ chức theo lịch cũ.
Source:Reuters

2. Trong động thái mới trong tranh chấp thuế với Vatican, Israel đóng băng tài khoản khách sạn Notre Dame

Trong tình tiết mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Israel và Tòa thánh, chính quyền thành phố Giêrusalem hôm thứ Hai đã yêu cầu Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem thuộc sở hữu của Vatican phải trả khoản thuế bất động sản thành phố quá hạn 18 triệu NIS hay 5 triệu USD. Đồng thời, chính quyền cũng phong tỏa tài khoản ngân hàng của trung tâm cho đến khi Giáo Hội trả hết nợ.

Các tổ chức tôn giáo ở Israel, bao gồm nhà thờ và tu viện, được miễn nộp thuế tài sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Israel đã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Vatican để đánh thuế các doanh nghiệp thương mại thuộc sở hữu của Giáo hội - như khách sạn và quán cà phê.

Theo tổng giám đốc của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem, Yousef Barakat, ngay trước Giáng Sinh, các luật sư của thành phố đã viết thư cho Isracard và Visa, yêu cầu họ chặn các quỹ của Notre Dame.

“Chúng tôi không có tiền trong tay,” Barakat nói với tờ The Times of Israel vào tối thứ Hai. “Đây là một vấn đề chính trị cần được giải quyết giữa Israel và Vatican.”

Trung tâm Notre Dame, bao gồm nhà thờ và nhà khách, đã làm việc với Vatican để giải quyết vấn đề.

Ngay sau khi Vatican và Israel ký Thỏa thuận cơ bản thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào năm 1993, các bên đã tham gia đàm phán để giải quyết các vấn đề về thuế và quyền tài sản còn tồn đọng.

Những cuộc đàm phán lặp đi lặp lại đó đã không đi đến hồi kết trong nhiều thập kỷ sau đó.

Lập trường của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem là vì các bên chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng, nên thỏa thuận hiện tại trong đó không có tài sản nào bị đánh thuế sẽ vẫn có hiệu lực.

Nhà nước đã không chống lại yêu sách này, nhưng vào năm 2018, chính quyền thành phố Giêrusalem đã quyết định rằng quyền miễn trừ đối với các Giáo Hội chỉ áp dụng cho các tài sản được sử dụng “để cầu nguyện, giảng dạy về tôn giáo, hoặc cho các nhu cầu phát sinh từ đó.”

Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem lập luận rằng nhà khách hoạt động như một tổ chức tôn giáo và nên được miễn thuế. Trung tâm chỉ ra các tiền lệ trong thời kỳ Ottoman, Anh và Jordan, đồng thời tự coi mình được bảo vệ bởi Thỏa Ước Nguyên Trạng của Ottoman năm 1852. Trung tâm cũng khẳng định r r quyền miễn trừ đã được hệ thống hóa trong luật Ủy trị của Anh năm 1934 và 1938.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội tuyên bố rằng các tổ chức tôn giáo duy trì các cơ sở giáo dục, phúc lợi và bác ái phục vụ người dân địa phương, và rằng họ giúp thực hiện vai trò của nhà nước một cách hiệu quả trong các khu vực, do đó nhà nước nên hỗ trợ họ hơn là đánh thuế họ.

Tuy nhiên, thành phố coi trung tâm là một thực thể thương mại có nghĩa vụ phải nộp thuế tài sản kinh doanh thông thường.
Source:Times Of Israel

3. Đại biểu Ba Lan cảnh báo về cám dỗ ‘xây dựng một số Giáo hội khác’ tại Thượng hội đồng

Thượng hội đồng về tính đồng nghị phải tránh “sự cám dỗ xây dựng một Giáo Hội khác”, một đại biểu Ba Lan nói với hội đồng lục địa Âu Châu hôm thứ Ba.

Phát biểu vào ngày 7 tháng 2, ngày thứ ba của cuộc họp kéo dài một tuần tại Praha, Giáo Sư Aleksander Bańka nói rằng mục đích của cuộc họp vào tháng 10 của các giám mục thế giới tại Rôma là đào sâu “linh đạo đồng nghị” trong Giáo hội như đã được Chúa Kitô thiết lập..

“Mục tiêu của cuộc thảo luận tại cuộc họp thượng hội đồng đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 không phải là khuất phục trước cám dỗ xây dựng một số Giáo Hội khác, mà là tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nhận ra linh đạo của tính đồng nghị trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô, với cấu trúc phẩm trật của nó,” vị giáo sư triết học giáo dân, là một trong bốn đại diện của Giáo hội Ba Lan đưa ra lập trường trên tại cuộc họp kéo dài từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Hai.

Ông phát biểu một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đức kêu gọi những người tham gia cân nhắc việc thông qua các mục tiêu của “Tiến Trình Công Nghị” gây tranh cãi của Đức.

Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức, nói với các đại biểu vào ngày 6 tháng 2 rằng Giáo hội cần những thay đổi cơ cấu sâu rộng để đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Ba Lan và Đức đã công khai bất đồng về Tiến Trình Công Nghị của Đức, vốn đã phải đối mặt với một loạt những can thiệp của Vatican kể từ khi nó được đưa ra vào năm 2019.

Trong một diễn biến khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, Giám Mục Georg Bätzing đã tung ra một hướng dẫn gọi là hướng dẫn về 'tính đa dạng tính dục' trái ngược hoàn toàn với giáo lý Công Giáo.

Hướng dẫn này yêu cầu các tổ chức giáo phận và giáo xứ tôn trọng các lối sống khác nhau và “tích cực cổ vũ” việc đánh giá cao “tính đa dạng trong bản sắc và khuynh hướng tính dục”.

Hướng dẫn nói, “Tình dục không chỉ giữa nam và nữ. Nhưng cũng giữa phụ nữ và phụ nữ. Hoặc giữa người nam với người nam. Hoặc giữa những người cảm thấy không thích phụ nữ cũng không thích đàn ông”.

Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải chấp nhận tất cả các sắp xếp khác nhau này, và cho biết cần phải chào đón tất cả các cặp vợ chồng theo nghĩa rộng mong muốn được chúc phúc cho mối quan hệ chung sống của họ.

Hướng dẫn nói rằng các nhà giáo dục Công Giáo nên khuyến khích mọi người “trong quyền tự quyết về tình dục của họ, điều mà mọi người đều có quyền.”

Nó nói thêm, “Quyền tự quyết có nghĩa là một người quyết định điều gì đó cho chính mình”.

Hướng dẫn nói rằng thanh thiếu niên có kinh nghiệm tình dục lần đầu tiên “cần được hỗ trợ trong việc phát triển bản sắc của họ, trong các vấn đề về giáo dục, tránh thai, mang thai ngoài ý muốn và tránh lây truyền các bệnh tình dục”.
Source:Pillar Catholic
 
Chấn động Hoa Kỳ: Thêm một cú khí cầu bay lạc, Mỹ phơ ngay lập tức. TQ tuyên bố cúp đường dây nóng
VietCatholic Media
22:15 10/02/2023


1. Thêm một cú khí cầu đi lạc nữa. Hoa Kỳ vừa bắn hạ ngay lập tức trên bầu trời Alaska.

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “US shoots down another high-altitude ‘object’ that was the ‘size of a small car’ over Alaska”, nghĩa là “Hoa Kỳ bắn hạ một vật thể bay ở tầm cao có kích thước bằng chiếc xe hơi nhỏ trên bầu trời Alaska.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Hoa Kỳ đã bắn hạ một “vật thể” khác đang bay ở tầm cao trên vùng biển ngoài khơi Alaska vào chiều thứ Sáu – sáu ngày sau khi một máy bay chiến đấu hạ gục khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina – một chiến dịch mà Tổng thống Biden coi là “thành công”.

Vật thể mới nhất, được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, đã bị bắn rơi theo lệnh của Biden lúc 1:45 chiều, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết như trên.

Ryder cho biết Mỹ vẫn chưa xác định được “khả năng, mục đích hoặc nguồn gốc” của vật thể. Các quan chức hy vọng sẽ trả lời những câu hỏi đó sau khi họ phục hồi và phân tích nó.

Ryder cho biết vật thể này lần đầu tiên được phát hiện trên radar mặt đất vào hôm thứ Năm, khiến quân đội phải điều động các máy bay chiến đấu để quan sát nó từ trên không. Các phi công xác định vật thể này không có người lái và sau đó đã sử dụng một chiếc F-22 để bắn hạ nó sau khi tổng thống cho phép.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc rằng ở độ cao 40.000 feet hay 12,2 km, vật thể “gây ra mối đe dọa hợp lý đối với sự an toàn của các chuyến bay dân sự”. Không giống như thiết bị đầu tiên, vật thể bị chặn hôm thứ Sáu dường như không có “khả năng cơ động” giống như vậy và đang di chuyển “hầu như theo ý muốn của gió”.

“Nó nhỏ hơn nhiều so với khinh khí cầu gián điệp mà chúng ta đã hạ xuống hôm thứ Bảy tuần trước,” ông nói. “Đối với tôi, nó được mô tả là có kích thước gần bằng một chiếc xe hơi nhỏ, trái ngược với trọng tải tương đương với kích thước của hai hoặc ba chiếc xe buýt của khinh khí cầu đã bị bắn hạ, và không có trọng tải đáng kể nào, có thể nói như thế.”

Kirby cho biết vẫn chưa rõ liệu vật thể này có khả năng do thám hay không. Mặc dù khí cầu do thám tuần trước đến từ Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn chưa liên lạc được với Bắc Kinh để hỏi xem vật thể mới có phải của họ hay không.

“Chúng tôi gọi đây là một vật thể bay, bởi vì đó là mô tả tốt nhất mà chúng ta có ngay bây giờ. Chúng tôi không biết ai sở hữu nó,” phát ngôn nhân cho biết. “… Chúng tôi hy vọng có thể thu hồi các mảnh vỡ vì nó không chỉ rơi xuống không gian lãnh thổ của chúng ta mà còn rơi xuống nơi mà chúng ta tin là nước đóng băng.”

Ryder không loại trừ khả năng vật thể này là một khinh khí cầu, và nói rằng ông không muốn “mô tả đặc điểm” của nó cho đến khi nó được thu hồi và phân tích.

Trong khi phải mất cả tuần để xác định, công khai và hạ gục khinh khí cầu gián điệp đầu tiên, các quan chức chỉ mất chưa đầy một ngày để bắn hạ vật thể mới xuống khỏi bầu trời.

Vụ bắn hạ thứ hai diễn ra sau khi Quốc hội tỏ ra bất mãn với các quan chức quốc phòng hôm thứ Năm về quyết định của họ cho phép thiết bị do thám của Trung Quốc đi vòng quanh Alaska, qua không phận Canada và xuyên lục địa Hoa Kỳ trước khi bắn hạ nó ngoài khơi Myrtle Beach vào ngày 4 tháng 2.

NORAD cho biết họ không tin khinh khí cầu do thám trước đó gây ra mối đe dọa quân sự khi lần đầu tiên được xác định và các cuộc đàm phán với Tổng thống Biden về việc liệu có nên bắn hạ chiếc khinh khí cầu này đã không bắt đầu cho đến khi nó được phát hiện bay lơ lửng trên Montana vào ngày 1 tháng Hai.

Tại phiên điều trần của Tiểu ban Phân bổ về Quốc phòng hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski của Đảng Cộng Hòa tiểu bang Alaska đã nổi giận chống lại lời kêu gọi không hạ khinh khí cầu do thám khi nó lần đầu tiên được phát hiện đang tiến đến bang quê hương của bà vào ngày 28 Tháng Giêng.

“Là một người Alaska, tôi rất tức giận. Tôi muốn dùng những từ khác, nhưng tôi sẽ không làm thế,” cô nói. “Nếu bạn sắp bị Nga tấn công, nếu bạn sắp bị Trung Quốc tấn công, thì chúng ta biết chính xác họ đến như thế nào: Họ sẽ đến và đi qua Alaska.”

Ryder phủ nhận rằng những lời chỉ trích của quốc hội đã ảnh hưởng đến quyết định nhanh chóng liên quan đến vật thể mới nhất, thay vào đó nhắc lại rằng độ cao thấp hơn của nó gây ra rủi ro lớn hơn cho giao thông hàng không so với khinh khí cầu do thám, bay ở độ cao khoảng 60.000 feet hay 18,2km– vào to gần gấp đôi so với máy bay phản lực trung bình.

2. Bất kể các căng thẳng, Trung Quốc cúp hoàn toàn đường dây nóng sau khi vật thể mới bị bắn hạ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Says No Communication with China's Military After New Object Shot Down”, nghĩa là “Hoa Kỳ nói rằng không có liên lạc nào với quân đội Trung Quốc sau khi vật thể mới bị bắn hạ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tòa Bạch Ốc cho biết vẫn chưa liên lạc được với quân đội Trung Quốc sau khi một máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn hạ một vật thể không xác định bay qua Alaska.

Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Sáu, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Thiếu Tướng John Kirby xác nhận rằng Hoa Kỳ đã bắn hạ một vật thể chưa xác định bay khoảng 40.000 feet hay 12,2km trên không phận Alaska theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Vật thể này được cho là đã gây ra mối đe dọa đối với giao thông hàng không dân sự khi nó bay theo hướng đông bắc về phía Bắc Cực.

Kirby cho biết vật thể này đã được phát hiện hôm thứ Năm và các phi công Mỹ đã xác định rằng nó không có người lái trước khi tổng thống ban hành chỉ thị bắn hạ.

Mặc dù không có mối liên hệ nào được thiết lập với Trung Quốc, nhưng vụ bắn hạ diễn ra chưa đầy một tuần sau khi một khinh khí cầu mà các quan chức Hoa Kỳ tường trình là thiết bị do thám của Trung Quốc đã bị bắn hạ trên bờ biển Nam Carolina, sau lần đầu tiên được tiết lộ cho công chúng vài ngày trước đó ở Montana. Các quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng khinh khí cầu đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng gọi nó là một công cụ nghiên cứu dân sự đã bay chệch hướng và phản đối quyết định của Hoa Kỳ dùng vũ lực hạ gục nó sau khi nó bay qua đất liền Hoa Kỳ.

Khi được hỏi hôm thứ Sáu về tình trạng liên lạc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Kirby nói rằng “chắc chắn” hai quốc gia đã liên lạc ở cấp độ ngoại giao vì “chúng ta có một đại sứ quán ở Bắc Kinh” và “các cuộc thảo luận ngoại giao thường xuyên diễn ra.”

Nhưng về chủ đề của các kênh giữa quân đội với quân đội, ông nói rằng, “đáng buồn thay, các kênh quân sự dường như không được mở ngay bây giờ.”

Trung Quốc đã đình chỉ một số đường dây liên lạc với Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi tới hòn đảo tranh chấp Đài Loan vào tháng 8.

Kirby nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thực hiện một “nỗ lực thiện chí” để thiết lập lại liên lạc với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhưng thiện chí này “đã bị từ chối.”

“Và điều đó thật không may, đặc biệt là khi, vào những thời điểm như thế này, bạn muốn giữ các đường dây liên lạc cởi mở nhất có thể,” Kirby nói.

Newsweek đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, DC và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) để xin bình luận.

Sau nhận xét của Kirby, Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder cho biết sự kiện bắn hạ mới nhất nhắm vào một vật thể “có kích thước bằng một chiếc xe hơi nhỏ, vì vậy không giống về kích thước hoặc hình dạng với khinh khí cầu do thám tầm cao đã bị bắn hạ” ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.

Như trong vụ việc trước đó, Mỹ đã bắn vật thể này bằng hỏa tiễn AIM-9X do máy bay chiến đấu F-22 Raptor bắn đi.

Ryder cũng xác nhận rằng Austin đã không liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sau vụ việc gần đây nhất. Ông cũng cho biết không có nỗ lực nào được thực hiện để liên lạc với quân đội Trung Quốc trước khi quyết định bắn hạ vật thể được đưa ra vì nguồn gốc của nó vẫn chưa được xác định.

Trước thông tin về vụ việc mới nhất, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi đã đáp lại sự thất vọng của Hoa Kỳ về việc thiếu thông tin liên lạc về vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc.

Ông Phi nói: “Mỹ khăng khăng sử dụng vũ lực để tấn công các khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc, điều này vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế và tạo tiền lệ xấu. Xét rằng việc làm vô trách nhiệm và sai lầm nghiêm trọng này của phía Hoa Kỳ đã không tạo ra bầu không khí đối thoại, trao đổi thích hợp giữa quân đội hai nước, Trung Quốc không chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.”

“Về bản chất của sự việc khí cầu không người lái,” ông nói thêm, “Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố công khai rằng Trung Quốc bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để giải quyết các tình huống tương tự.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tiếp tục chỉ trích các hành động của Hoa Kỳ vào thứ Sáu, trước khi có tin tức về vụ bắn hạ mới nhất, đặc biệt là sau nghị quyết của Hạ viện lên án Bắc Kinh về khinh khí cầu.

“Phía Trung Quốc đã nhiều lần chia sẻ thông tin và nêu quan điểm của mình về việc tàu bay dân sự không người lái của Trung Quốc xâm nhập ngoài ý muốn vào không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng,” Mao Ninh nói. “Nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ hoàn toàn là nhằm ghi điểm chính trị và kịch tính hóa toàn bộ sự việc.”

“Trung Quốc lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối điều đó,” bà nói thêm.

Sự việc khinh khí cầu Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đáng kể ở Washington kể từ khi Ngũ Giác Đài lần đầu tiên tiết lộ nó bay qua Billings, Montana vào ngày 2 tháng 2 và sau đó bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina khoảng hai ngày sau đó.

Vụ việc thậm chí còn được đưa vào bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Biden vào thứ Ba, trong đó tổng thống nói: “Đừng nhầm lẫn về điều đó: Như chúng ta đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng ta, chúng ta sẽ hành động để bảo vệ đất nước của mình. Và chúng ta đã làm được.”

Nhưng chính quyền Biden đã phải đối mặt với sự chỉ trích, chủ yếu là từ các đảng viên Cộng hòa, về quyết định không hành động sớm hơn khi khinh khí cầu lần đầu tiên được báo cáo ở Montana, hoặc thậm chí ở Alaska nới dân cư thưa thớt hơn, nơi vật thể gần đây nhất cuối cùng đã bị phá hủy.

Các quan chức Ngũ Giác Đài đã bảo vệ hành động của họ trong phiên điều trần hôm thứ Năm của Tiểu ban Quốc phòng thuộc Ủy ban Ngân sách Thượng viện, tại đó họ khẳng định rằng việc bắn hạ khinh khí cầu trên đất liền Hoa Kỳ tỏ ra quá rủi ro đối với sự an toàn của thường dân bên dưới và làm như vậy đối với Alaska sẽ không khả thi để phục hồi.

Khi các nỗ lực hiện đang diễn ra để thu hồi vật thể mới nhất bị vũ lực bắn rơi trong không phận Hoa Kỳ, Ryder đã bác bỏ quan điểm cho rằng những lời chỉ trích của các nhà lập pháp đã ảnh hưởng đến quyết định của Tòa Bạch Ốc hoặc Ngũ Giác Đài trong việc loại bỏ vật thể bay chưa xác định này sớm hơn nhiều.

“Chúng ta sẽ đánh giá từng đối tượng này theo giá trị riêng của nó,” Ryder nói trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

3. Trung Quốc bí mật mua đất gần các căn cứ không quân. Tổng số đất rộng gấp đôi thành phố New York

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Owns U.S. Land About Twice the Size of New York City”, nghĩa là “Trung Quốc sở hữu đất Mỹ rộng gấp đôi thành phố New York.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã sở hữu đất ở Mỹ tương đương gần gấp đôi diện tích của Thành phố New York, trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng mua các lô đất gần các căn cứ Không quân.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, gọi tắt là USDA, về quyền sở hữu đất đai của người nước ngoài ở Mỹ, từ năm 2021, 146 nhà đầu tư Trung Quốc đã nắm giữ 383.935 mẫu Anh—gần gấp đôi diện tích 193.700 mẫu Anh của Thành phố New York.

Báo cáo của USDA cho biết 366 lô đất chiếm chưa đến 1% diện tích đất do nước ngoài nắm giữ, với tổng giá trị là 2,1 tỷ đô la.

Vấn đề sở hữu đất đai của Trung Quốc ở Mỹ đã được khơi lại trong những ngày gần đây. Andrew Hunter, một trợ lý thư ký của Bộ Không quân, đã gửi một bức thư vào ngày 27 Tháng Giêng tới Thượng nghị sĩ bang North Dakota John Hoeven.

Hunter phản đối đề xuất của Tập đoàn Phù Phon (Fufeng, 扶风) một nhà sản xuất sinh học Trung Quốc, xây dựng một nhà máy xay xát ngô ướt, cách căn cứ Không quân Grand Fork 12 dặm ở phía đông bắc của tiểu bang.

Trong thư, Hunter viết: “Quan điểm của Bộ không quân là rõ ràng: dự án được đề xuất là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia cả những rủi ro ngắn hạn và dài hạn về tác động đáng kể đến hoạt động của chúng tôi trong khu vực.”

Hunter lưu ý rằng Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ đã kết luận rằng họ không có thẩm quyền. Ông nói thêm rằng căn cứ Không quân “là trung tâm của các hoạt động quân sự liên quan đến cả hoạt động trên không và vũ trụ”.

“Chúng tôi tin rằng thành phố nên ngừng dự án Phù Phong và thay vào đó chúng ta nên hợp tác để tìm một công ty Mỹ phát triển dự án nông nghiệp,” thượng nghị sĩ Hoeven và Kevin Cramer, cả hai đều thuộc Đảng Cộng hòa, viết trong một tuyên bố ngày 31 Tháng Giêng.

Bức thư đã thúc đẩy những lời kêu gọi mới về một luật mới phải được thông qua nhằm ngăn chặn việc mua đất của Hoa Kỳ gần các cơ sở quân sự.

“Cần phải có một đạo luật được thông qua bởi cả hai viện, được ký bởi tổng thống, để giám sát điều này hoặc nói rằng nó không thể được thực hiện gần các căn cứ không quân trong một khoảng cách nhất định, nhưng Quốc hội không có hành động nào,” Michael Pillsbury, giám đốc của Trung tâm về Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson, nói với Fox News hôm thứ Hai.

“Phải có hành động pháp lý được thực hiện,” ông nói thêm. “Ví dụ, đó phải là một tội ác khi làm một số việc đang được thực hiện để giúp đỡ Trung Quốc ở đất nước chúng ta. Không có dấu hiệu nào đang xảy ra cả; đó là điều tôi quan tâm nhất.”

“ Nên có luật pháp quốc gia,” Kathleen McFarland, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, nói với kênh tin tức. “Họ không được phép mua đất nông nghiệp của Mỹ, đặc biệt là gần các cơ sở quân sự quan trọng.”

Trong khi đó, Randy Feenstra, một nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho Iowa, đã tweet vào hôm thứ Ba: “Trung Quốc phải bị cấm mua đất nông nghiệp BẤT CỨ NƠI NÀO trên đất nước chúng ta, đặc biệt là gần các căn cứ quân sự của chúng ta.”

Một số dự luật đã được đưa ra trong những năm gần đây nhằm hạn chế hoặc cấm đầu tư nước ngoài vào đất Mỹ, nhưng không dự luật nào được thông qua.

Vào tháng 8 năm 2022, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Arizona Tom Cotton đã đưa ra một dự luật—do thượng nghị sĩ Tommy Tuberville của Alabama và Roger Marshall của Kansas, cả hai đều thuộc đảng Cộng hòa, đồng bảo trợ—để “yêu cầu Tổng thống thực hiện các hành động cần thiết để cấm mua bất động sản công hoặc tư do Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tư tại Hoa Kỳ.”

“Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào đất nông nghiệp của Mỹ khiến an ninh lương thực của chúng ta gặp rủi ro và tạo cơ hội cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhằm vào các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta,” Cotton cho biết vào thời điểm đó.

“Có hai điều khiến quyền sở hữu của Trung Quốc đối với đất nông nghiệp của chúng ta đặc biệt đáng lo ngại,” Ralph Norman, một nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho Nam Carolina, đã viết trong một blog sau khi dự luật được giới thiệu.

“Đầu tiên, các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc chịu sự kiểm soát hoàn toàn và tuyệt đối của nhà nước cộng sản Trung Quốc. Và thứ hai, chính phủ đó ngày càng trở nên thù địch với Mỹ.”

Những lo ngại về hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã gia tăng kể từ khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm thứ Bảy. Nó bay qua lục địa Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc kiên quyết nói rằng chiếc khí cầu này là một khinh khí cầu thời tiết.

Với thế đa số ở Hạ viện và đa số mỏng manh của đảng Dân chủ ở thượng viện, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa giờ đây có thể xem xét đưa ra luật mới trong kỳ họp quốc hội này để hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào đất đai Hoa Kỳ.