Ngày 06-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vì Nhân? Vì Luật? - Mark 7:1-13, 2:23-28
Nguyễn Trung Tây
00:25 06/02/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Vì Nhân? Vì Luật? - Mark 7:1-13, 2:23-28


Khi được gửi tới giáo xứ, nhà lãnh đạo đối mặt một câu hỏi đơn giản: “Tôi ở vị thế này để phục vụ tha nhân? Hay cho luật lệ? Hay đơn thuần chỉ cho lợi ích của bản thân?”

Đối với Đức Giêsu, câu trả lời không quanh co, không rào trước đón sau, nhưng rõ ràng minh bạch: “Tôi đến để phục vụ” (Mark 10:45). Đối tượng của phục vụ trong trường hợp này chính là Thiên Chúa và tha nhân. Bởi thế, đối với Đức Giêsu, luật vị nhân sinh, chứ không phải ngược lại. Cũng bởi lập trường kiên định này, Đức Giêsu nhiều lần đụng độ với các nhà lãnh đạo Do Thái, những người chủ trương nhân sinh vị luật. Bài Tin Mừng Mark 2:23-28, hoặc Mark 7:1-13 là một trong những lần chủ trương phục vụ “luật vị nhân sinh” của Đức Giêsu gặp gỡ chủ trương “nhân sinh vị luật” của những nhà lãnh đạo Do Thái.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có câu trả lời tương tự với câu trả lời của Đức Giêsu. Xuất thân từ vùng ngoại vi Châu Mỹ La Tinh, Pope Phanxicô chọn lựa thiết lập mối tương quan với con chiên qua hình ảnh mục tử và đàn chiên của Tin Mừng. Bởi đàn chiên là gia sản tạo nên mục tử, Đức Giáo Hoàng đề nghị linh mục của Mục Tử Kitô không ngồi thoải mái dưới bóng râm, để bảo vệ bản thân khỏi cái nóng thiêu đốt. Nhưng họ phải đi ra ngoài và đi với đàn chiên như Đức Giêsu. Bởi hiệp hành với đàn chiên, Đức Thánh Cha nói, “Mục tử đích thực sẽ đậm mùi của đàn chiên.” Qua hình ảnh đậm mùi chiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu bật lên một điều cốt lõi của lãnh đạo trong Giáo hội. Đó là, các linh mục bước lên bàn thánh bởi lợi ích của dân Chúa, linh mục vị dân.

Một lần nữa, vị lãnh đạo Giáo hội tái khẳng định một tiền đề: linh mục là một ơn gọi để phục vụ đoàn chiên được Chúa Chiên Lành trao ban, chứ không phải phục vụ điều gì khác. Bởi thế, đối với Pope Phanxicô, con người-tín hữu là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội.

Vì dân Chúa là đối tượng của ơn cứu độ, Đức Thánh Cha thúc giục Giáo hội bước ra khỏi vùng an toàn, lên đường tìm kiếm những con chiên lạc (Evangeli Gaudium 46) và cả những người chưa đón nhận Chúa Kitô nhưng được Thần Khí tác động (EG 47, 48), để rồi họ cũng sẽ được nhận được ơn cứu độ.

Lãnh đạo Giáo hội dưới lăng kiếng vị nhân sinh, Đức Giáo Hoàng đang bước những bước chân theo Đức Giêsu, Đấng đã từng khẳng định, “Luật vị nhân sinh,” chứ không phải “nhân sinh vị luật” (Mark 2:28, 7:1-13).□
( Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
Ngày 07/02: Sạch ngoài không sạch trong – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:42 06/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.
Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”
 
Một sự thật khó nghe
Lm Minh Anh
14:11 06/02/2023

MỘT SỰ THẬT KHÓ NGHE
Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.

Năm 1886, Benz lái chiếc xe đầu tiên qua các đường phố Munich; ông gọi nó là Mercedes theo tên con gái. Cỗ máy khiến chủ các xe ngựa tức giận. Họ vận động các quan chức giới hạn tốc độ cho “cỗ xe không ngựa” này là 5km/giờ, nội thành; và 11km /giờ, ngoại thành. Với Benz, đó là ‘một sự thật khó nghe!’. Ngày kia, ông mời thị trưởng thử xe. Benz sắp xếp một xe sữa đứng đợi; khi Benz và thị trưởng tới, con ngựa già vượt xe họ. Thị trưởng tức giận, yêu cầu Benz vượt; Benz xin lỗi, “Dẫu luật vô lý, nhưng tôi không được phép chạy nhanh”. Ít lâu sau, luật thay đổi!

Kính thưa Anh Chị em,

Như Karl Benz, các biệt phái trong Tin Mừng hôm nay cũng phải nghe ‘một sự thật khó nghe!’ từ Chúa Giêsu, dẫu Ngài biết rõ, điều này hẳn sẽ tạo thêm căng thẳng giữa họ với Ngài. Ngài muốn nói, họ là những kẻ giả hình, những kẻ mà qua Isaia, Ngài trích dẫn, “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta!”.

“Lòng chúng ở xa Ta!”, đó là lời thở than của một Thiên Chúa muôn trùng cao cả, Đấng dựng nên muôn loài; trong đó, con người là đỉnh cao của tạo thành. Bài đọc Sáng Thế hôm nay viết, “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài”. Vì thế, lẽ ra Thiên Chúa phải được con người tôn thờ và yêu mến “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”; và lẽ ra, ai ai cũng phải thưa lên rằng, “Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu!” như lời Thánh Vịnh đáp ca; thì đàng này, Ngài chỉ được kính tôn ngoài môi miệng! Đó là một sự thật Chúa Giêsu phải nói, dẫu là ‘một sự thật khó nghe’.

Xót xa thay! Sự thật này không được nói cho ai khác, nhưng trước hết, cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Ngài. Vậy nếu ‘sự thật’ này được đón nhận và những người biệt phái biết hoán cải thì điều gì sẽ xảy ra? Chúa Giêsu sẽ nói sao về họ một khi họ được biến đổi? Có lẽ Ngài sẽ nói thế này, ‘Sự tôn thờ của các ngươi đối với Thiên Chúa thật là thánh thiện vì các ngươi đã thực sự đón nhận ý muốn thiêng liêng của Ngài; lời ngợi khen các ngươi trao về Chúa phát xuất từ một đôi môi chân thành, một tấm lòng thuần khiết, kính tin và yêu mến’.
Vậy Lời Chúa hôm nay nói gì với bạn và tôi? Trước hết, Lời Chúa nói, lề luật được coi là ý muốn của Thiên Chúa, nó phải trở thành cơ sở và nền tảng cho đời sống; yêu mến là linh hồn của lề luật. Thứ đến, việc đón nhận lề luật và ý muốn cụ thể của Thiên Chúa sẽ làm cho sạch trong, giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc vụ hình thức vốn thường được thêm thắt hay giải thích cốt theo chiều hướng có lợi cho một số người, kể cả những có lợi thiêng liêng như tỏ ra mình là công chính. Được như thế, Thiên Chúa sẽ được phụng thờ bằng cả trái tim chân thành của những ai yêu mến Ngài, họ sẽ trào tuôn lời ngợi khen Ngài qua lời nói và hành động.

Anh Chị em,

“Lòng chúng ở xa Ta!”. ‘Sự thật khó nghe’ này hôm nay cũng được nói với bạn và tôi! Lòng chúng ta có thể thiếu sự thờ phượng thật. Phụng vụ của Giáo Hội và việc cầu nguyện của bạn và tôi phải chuyển từ các hành động bên ngoài sang việc thờ phượng bên trong. Chuyển động mà không có lòng yêu mến là vô nghĩa. Hãy để Thiên Chúa hành động trên chúng ta, trong chúng ta khi chúng ta cử hành các Bí Tích. Điều Chúa muốn là sự thờ phượng thuần khiết và chân thành. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu mến Ngài bằng một lòng sùng kính nội tâm sâu xa; Ngài muốn chúng ta cầu nguyện, lắng nghe và phục vụ thánh ý Cha với tất cả sức mạnh của linh hồn. Và điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta biết thờ phượng và cầu nguyện như Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con và toàn thể Giáo Hội luôn biết nội tâm hoá các hành vi thờ phượng bên ngoài bằng một sự hoán cải bên trong. Có như thế, con mới có thể yêu mến Chúa thực!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 06/02/2023

22. Ai không yêu mến anh chị em thì không thể trở thành người anh dũng tử đạo.

(Thánh Sibyllina of Pavia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 06/02/2023
55. TUYÊN VƯƠNG BẮN CUNG

Châu Tuyên vương rất thích bắn cung, thích nghe người khác nói về sức mạnh của mình vượt qua người khác là có thể sử dụng loại cung rắn chắc. Thật ra cái cung mà ông ta đang sử dụng, chỉ cần dùng một phần ba sức mạnh là có thể kéo ra.

Một hôm, ông ta đem cái cung của mình giao cho tả hữu thị vệ truyền nhau xem, thị vệ chỉ kéo cung ra một nửa bèn giả vờ kéo không nổi, bèn cùng nhau lớn tiếng khen ngợi:

- “Đúng là cái cung cứng rắn hiếm có, nặng ít nhất cũng là chín thạch, nếu không phải thần lực của đại vương thì ai có thể kéo ra được cái cung này chứ?”

Tuyên vương dương dương đắc ý, cho đến khi chết thì cũng cứ cho rằng cái cung của mình cứng rắn nặng đến chín thạch.

(Doãn văn tự )

Suy tư 55:

Ở đời ai cũng thích được người ta khen mình, từ nhà vua cho đến người dân ngu khu đen ai cũng muốn được khen, có người dùng phương pháp khen để khích lệ người khác; có người khi nghe ai khen mình hay giỏi thì quên mất tiêu mình là ai, chỉ biết được khen là thoả mãn lắm rồi.

Đức Chúa Giê-su rất ít khi khen ai, trong Phúc Âm, hình như Ngài chỉ khen có năm lần mà thôi, cũng có nghĩa là toàn bộ cuộc đời của Ngài, Ngài chỉ có khen năm lần trong năm trường hợp khác nhau, mà trường hợp nào cũng đáng cho chúng ta bắt chước khi muốn khen người khác:

- Ngài khen ông Gio-an tẩy giả: “Tôi nói thật với anh em, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọn hơn ông Gio-an Tẩy giả” ( Mt 11, 11)

- Ngài khen ông Phê-rô khi ông tuyên xưng ngài là Đức Chúa Giê-su Ki-tô: “Này anh Si-mon con ông Gio-an: anh thật là người có phúc…” ( Mt ( 16, 17)

- Ngài khen cô Ma-ri-a: “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” ( Lc 11,4)

- Ngài khen những người nghe và giữ lời Ngài: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” ( Lc 11, 28)

- Ngài khen người đàn bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng: “Thầy bảo thật anh em, bà góa nghèo này bỏ vào thùng nhiều hơn hết…”( Mc 12, 43; Lc 21, 3)

Ngài không khen ông Gio-an Tẩy giả học giỏi thông minh xuất chúng, nhưng khen ông vì ông được diễm phúc thấy được những điều mà các tiên tri muốn thấy cũng không được; ngài không khen ông Phê-rô là người nhanh nhẹn, mau miệng, nhưng vì ông đã được Thần Khí soi sáng tuyên xưng Ngài là Đức Ki-tô; Ngài cũng không khen cô Ma-ri-a là mỹ mữ đẹp tuyệt vời, nhưng khen cô vì cô chọn cho mình phần tốt nhất; Ngài không khen những người nói giảng thao thao bất tuyệt, mà chỉ khen ngợi những ai nghe và biết thực hành Lời Chúa; và Ngài cũng chẳng khen những người giàu có của cải tích trữ đầy kho để rồi ăn chơi xả láng, mà Ngài chỉ khen người đàn bà góa nghèo nhưng lòng hảo tâm thì giàu có hơn người.

Đúng là những lời khen có giá trị ngàn đời vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Czerny phát biểu tại Thượng Hội đồng Châu Đại Dương: Hãy dám ước mơ
Thanh Quảng sdb
15:34 06/02/2023
Đức Hồng Y Czerny phát biểu tại Thượng Hội đồng Châu Đại Dương: 'Hãy dám ước mơ'

Đức Hồng Y Michael Czerny, SJ, đã đọc bài diễn văn khai mạc Đại Hội Đồng của Liên Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Châu Đại Dương, Ngài nêu bật hai chủ đề cơ bản của đại hội: biến đổi khí hậu và tính đồng nghị.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Hồng Y Đức Hồng Y Michael Czerny, SJ, Chủ tịch của Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn diện, đã khai mạc Đại hội đồng Liên Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương tại Fiji, vào Chủ nhật 5/2/2023, ĐHY cử hành Thánh lễ khai mạc và sau đó sẽ đọc diễn văn khai mạc.

Hội nghị, với chủ đề “Cứu đại dương để cứu mẹ trái đất,” cũng là một chủ đề của Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Hai chủ đề biến đổi khí hậu và tính đồng nghị là những chủ đề chính được Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc của ngài. “Biến đổi khí hậu thuộc phạm vi ‘quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta’, mà ở đây [ở Châu Đại Dương] cũng có nghĩa là quan tâm đến đại dương.”

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong khi thừa nhận rằng đại dương là “cái nôi của sự sống” và thừa nhận sự cần thiết phải tôn trọng tạo vật, Đức Hồng Y cũng nêu ra nhiều căng thẳng ảnh hưởng đến khu vực – bao gồm việc khai thác không bền vững các nguồn tài nguyên của đại dương, nạn buôn người, di cư và các cuộc cạnh tranh chính trị.

Ngài nói, để đối phó với những căng thẳng này, Giáo hội đề xuất “sự phát triển con người toàn diện”. Theo Đức Thánh Cha Phaolô VI, Đức Hồng Y Czerny đã liên kết sự phát triển toàn diện của con người với “sự sống dồi dào” mà Chúa Giêsu đã nói đến trong các Tin Mừng, và thúc giục Giáo hội chú ý đến những gì mà sự sống và sự phát triển đó đang bị đe dọa.

Giáo hội được kêu gọi không chỉ lên tiếng về sự phát triển của con người, mà còn can thiệp vào lịch sử nhân loại, “làm phong phú hiện tại bằng những điều tốt đẹp”. Ngài nói, để làm được điều này, Giáo hội phải đồng hành với mọi người, điều phải bắt đầu bằng việc lắng nghe họ.

Hành trình đồng nghị

Đức Hồng Y Czerny suy tư về chủ đề tính đồng nghị. Ngài giải thích rằng Giáo hội phải học cách “cùng nhau bước đi” – tính đồng nghị – “điều đang đổi mới Giáo hội cho sứ mệnh của Giáo hội trong Thiên niên kỷ thứ ba.

Điều này có nghĩa là lắng nghe tất cả mọi người, bao gồm cả người dân bản địa của Châu Đại Dương. Trích lời các nhà lãnh đạo Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh rằng “chúng ta được kêu gọi vạch ra một lộ trình chung bắt đầu với sự đóng góp của tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng tiến trình thượng hội đồng này phải bắt đầu bằng “sự hoán cải thực sự”, bao gồm cả việc thừa nhận “sự đồng lõa của cá nhân và tập thể chúng ta trong việc làm suy thoái môi trường, và những hậu quả thảm khốc của việc đó đối với các cộng đồng nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội”.

“Giấc mơ chung của chúng ta”

Cuối cùng, Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh rằng công việc đang được thực hiện ở Châu Đại Dương không được thực hiện một cách biệt lập: “Trong hành trình khám phá và biến đổi này, bạn không ở ngoài đại dương một mình. Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo triều Rôma, Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng, Bộ Cổ vũ Sự Phát triển Con người Toàn diện đều ở bên các bạn”.

Ngài giải thích rằng công việc của các cơ quan đó, trước hết là “công nhận và hỗ trợ công việc mà các Giám mục làm cho Tin Mừng và Giáo hội”, cũng như đưa ra lời khuyên cho những nỗ lực của họ nhằm đảm bảo “các dân tộc có thể có cuộc sống sung túc” trong Chúa Kitô.”
 
Những quan ngại đối với Con đường Đồng nghị Đức
Vu Van An
21:05 06/02/2023

Bất chấp các phê phán của hai vị Hồng Y đứng đầu hai bộ quan trọng của giáo triều là Bộ Giám Mục và Bộ Giáo lý Đức tin, cũng như của Đức Hồng Y George Pell trước khi qua đời, đối với Con đường Đồng nghị Đức, hai biến cố gần đây liên quan xa gần tới Con đường này tiếp tục gây quan ngại đó là hướng dẫn của một giáo phận Đức về “tính đa dạng tính dục” và tin đồn Đức Phanxicô sẽ cử nhiệm một Giám Mục gây tranh cãi Đức đứng đầu thánh bộ Giáo lý Đức tin.



Hướng dẫn của giáo phận Đức về 'tính đa dạng tính dục' trái ngược hoàn toàn với các văn bản của Vatican

Michelle La Rosa của tập san The Pillar ngày 20 tháng 1, 2023 cho hay: Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, Đức, năm ngoái đã ban hành một hướng dẫn mục vụ về giáo dục giới tính trong giáo phận của mình, trong đó kêu gọi sự chấp nhận và chúc phúc cho các cặp đồng tính, và hoàn toàn trái ngược với hướng dẫn gần đây của Vatican về cùng chủ đề.

Hướng dẫn của giáo phận Limburg đề ngày 17 tháng 5 năm 2022 nhưng được công bố trong tuần này.

Nó hướng dẫn các tổ chức giáo phận và giáo xứ tôn trọng các lối sống khác nhau và “tích cực cổ vũ” việc đánh giá cao “tính đa dạng trong bản sắc và khuynh hướng tính dục”.

Hướng dẫn nói, “Tình dục không chỉ giữa nam và nữ. Nhưng cũng giữa phụ nữ và phụ nữ. Hoặc giữa người nam với người nam. Hoặc giữa những người cảm thấy không thích phụ nữ cũng không thích đàn ông”.

Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải chấp nhận tất cả các sắp xếp khác nhau này, và cho biết Giáo phận Limburg chào đón tất cả các cặp vợ chồng mong muốn được chúc phúc cho mối quan hệ chung sống của họ.

Hướng dẫn nói rằng các nhà giáo dục Công Giáo nên khuyến khích mọi người “trong quyền tự quyết về tình dục của họ, điều mà mọi người đều có quyền.”

Nó nói thêm, “Quyền tự quyết có nghĩa là một người quyết định điều gì đó cho chính mình”.

Hướng dẫn nói rằng thanh thiếu niên có kinh nghiệm tình dục lần đầu tiên “cần được hỗ trợ trong việc phát triển bản sắc của họ, trong các vấn đề về giáo dục, tránh thai, mang thai ngoài ý muốn và tránh lây truyền các bệnh tình dục”.

Tài liệu lặp lại một đề xuất thất bại của “Con đường Đồng nghị”, vốn kêu gọi “xác định lại tầm quan trọng của giáo huấn tình dục của Giáo hội ở một mức độ đáng kể”. Đề xuất thất bại lập luận, trong số những điều khác, rằng hoạt động tình dục đồng tính không nên được coi là vô đạo đức cố hữu.

Trong khi hướng dẫn Limburg nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải chào đón và chấp nhận trong các cuộc thảo luận xung quanh tính dục, nó không bao gồm lời dạy của Sách Giáo lý rằng “Tính dục được quy định cho tình yêu vợ chồng của người nam và người nữ” và “chỉ được thực hiện một cách thực sự nhân bản nếu nó là một phần không thể thiếu của tình yêu mà một người nam và một người nữ cam kết hoàn toàn với nhau cho đến chết.”

Các hướng dẫn của Limburg hoàn toàn trái ngược với “Nam và Nữ Người đã tạo ra họ”, một tài liệu năm 2019 do Bộ Giáo dục Công Giáo của Vatican ban hành.

Tài liệu của Vatican đưa ra hướng dẫn cho các nhà giáo dục Công Giáo về các vấn đề phái tính và tính dục, đồng thời cảnh cáo chống lại những sai lệch khỏi tín lý Công Giáo.

Bản văn cảnh cáo chống lại cách hiểu theo thuyết tương đối trong đó “cả bản sắc tính dục lẫn gia đình đều trở thành đối tượng của cùng một ‘tính linh động’ và ‘tính lưu động’ vốn lên đặc điểm cho các khía cạnh khác của nền văn hóa hậu hiện đại”.

Tài liệu viết, “Rõ ràng là nếu chúng ta muốn cung cấp các chương trình giáo dục có cấu trúc tốt, phù hợp với bản chất thực sự của con người (nhằm hướng dẫn họ thực hiện đầy đủ căn tính tính dục của mình trong bối cảnh ơn gọi tự hiến), không thể đạt được điều này nếu không có một nền nhân chủng học rõ ràng và thuyết phục mang lại nền tảng có ý nghĩa cho tính dục và cảm giới”.

Các hướng dẫn của giáo phận Limburg, vốn kêu gọi “việc chúc lành cho sự kết hợp” trong các nghi lễ, xem ra cũng mâu thuẫn với lời giải thích rõ ràng của Bộ Giáo lý Đức tin vào năm 2021 rằng Giáo hội không thể ban phép lành cho các cặp đồng tính, vốn “không nằm trong kế hoạch của Đấng Tạo Hóa”.

Bộ Giáo lý Đức tin cho biết, “Để phù hợp với bản chất của các bí tích, khi một phép lành được khẩn cầu cho các mối liên hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phép lành phải được sắp xếp một cách khách quan và tích cực để nhận và phát biểu ân sủng, theo các thiết kế của Thiên Chúa được khắc ghi trong sáng thế”.

“Vì lý do này, không được phép ban phép lành cho các mối liên hệ, hoặc kết đôi, dù ổn định, nhưng liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (tức là, bên ngoài sự kết hợp bất khả phân ly của một người nam và một người nữ tự cởi mở đón nhận việc truyền sinh), như các trường hợp kết hợp giữa những người cùng giới tính.

Đức Phanxicô có thể cử vị Giám mục người Đức gây tranh cãi đứng đầu Bộ giáo lý của Vatican

Trong khi đó, trên tạp chí mạng National Catholic Register ngày 23 tháng 1, 2023, Jonathan Liedl cho hay Đức Giám Mục Heiner Wilmer, người đã lên tiếng ủng hộ các đề xuất gây tranh cãi nhất của Con đường Đồng nghị Đức, được cho là sự lựa chọn 'có thể xảy ra' của Đức Thánh Cha Phanxicô để đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin.

Chỉ vài tuần trước, việc bổ nhiệm một giám mục người Đức gây tranh cãi vào vai trò có ảnh hưởng làm bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã bị các Hồng Y có liên quan ngăn chặn; các vị này đã thúc giục Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại việc bổ nhiệm. Nay, Đức Giám Mục Heiner Wilmer một lần nữa lại được tường trình là được Đức Thánh Cha chọn đứng đầu bộ giáo lý của Vatican.

Đức Giám Mục Wilmer, người đứng đầu Giáo phận Hildesheim của Đức và đã ta thán cách đây 4 tháng rằng Con đường Đồng nghị Đức đã không thông qua bản văn kêu gọi các thay đổi căn bản đối với giáo huấn của Giáo hội về tình dục, được cho là được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cân nhắc kỹ lưỡng để kế vị Đức Hồng Y Luis Ladaria làm tổng trưởng cho Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 12. Nhưng một sự can thiệp từ một số giáo phẩm cấp cao, mà theo tường trình, bao gồm cả cố Hồng Y George Pell, đã đặt câu hỏi về tính đúng đắn về mặt giáo lý của Giám mục Wilmer, và được cho là đã ngăn cản Đức Giáo Hoàng tiến hành lựa chọn - ít nhất là tạm thời.

Giờ đây, theo trang mạng duy truyền thống Messa In Latino của Ý, tư cách ứng viên của Đức Giám Mục Wilmer một lần nữa đang được Đức Thánh Cha cân nhắc kỹ lưỡng. Một bức thư ngỏ từ ban biên tập của trang mạng gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả việc bổ nhiệm Giám mục Wilmer là “có thể xảy ra”.

Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô được báo cáo liên quan đến Giám mục Wilmer diễn ra trong bối cảnh Vatican đang tiếp tục đối đầu với hàng giám mục Đức về Con đường Đồng nghị gây tranh cãi, một tiến trình không ràng buộc trong Giáo Hội Công Giáo Đức nhằm tìm kiếm những thay đổi bất chính thống đối với việc quản trị giáo hội, truyền chức bí tích và giáo huấn về tình dục.

Tại cuộc họp giữa những người đứng đầu các văn phòng giáo triều Vatican và các giám mục Đức vào tháng 11 năm 2022, Đức Hồng Y Ladaria đã chỉ trích các đề xuất của Con đường Đồng nghị về việc “giản lược mầu nhiệm Giáo hội thành một cơ quan quyền lực đơn thuần... phải được đặt dưới sự giám sát của những viên siêu kiểm soát càng sớm càng tốt. Các viên chức Vatican đã kêu gọi một “lệnh đình chỉ” đối với Con đường Đồng nghị, nhưng đã bị hàng giám mục Đức nhanh chóng bác bỏ.

Theo biên bản cuộc họp, Đức Giám Mục Wilmer đã ủng hộ mọi bản văn của Con đường Đồng nghị được đề xuất tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 9 năm 2022, bao gồm cả những bản văn kêu gọi thành lập một Hội đồng Đồng nghị thường trực, việc phong chức cho phụ nữ và sự chấp nhận về mặt luân lý liên hệ tình dục giữa các thành viên cùng giới tính.

Liên quan đến bản văn kêu gọi thay đổi phi chính thống giáo huấn của Giáo hội về tính dục, điều mà Đức Hồng Y Ladaria ngụ ý đem lại “ấn tượng chung” rằng “không có gì có thể cứu vãn được” trong giáo huấn chính thống của Giáo hội, và “tất cả phải được thay đổi,” Đức Giám Mục Wilmer không chỉ ủng hộ biện pháp này mà còn ta thán rằng nó đã không nhận được đủ sự ủng hộ từ các giám mục Đức tại hội đồng tháng 9 để được chính thức thông qua.

Vị giám mục 61 tuổi người Đức cho biết sau cuộc bỏ phiếu thất bại: “Tôi đã bỏ phiếu cho bản văn chính sách về cải cách giáo dục giới tính của Công Giáo và tôi rất buồn vì 2/3 số giám mục đã không đạt được. Đây là một sự cản trở thực sự đối với tất cả những ai đang làm việc để đổi mới Giáo Hội của chúng ta vì đức tin. Tôi hiểu và chia sẻ sự thất vọng của nhiều người Công Giáo về sự thất bại của bản văn trong cuộc bỏ phiếu”.

Giám mục Wilmer nói thêm rằng “việc cải cách giáo huấn về giới tính của Giáo hội đang và vẫn là một chủ đề rất quan trọng. Việc một số ít giám mục bác bỏ bản văn chính sách không làm thay đổi điều đó. Tôi hết lòng ủng hộ bản văn và chắc chắn rằng, bất chấp sự bác bỏ, nó sẽ được đón nhận rộng rãi và thảo luận sôi nổi. Tôi đảm bảo với các tín hữu trong Giáo phận Hildesheim rằng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đổi mới nền luân lý tình dục Công Giáo. Việc mọi người bị tổn thương hoặc phân biệt đối xử bởi sự dạy dỗ của Giáo Hội là không thể chấp nhận được. Đó không phải là tinh thần của Chúa Giêsu Kitô.”

Sự ủng hộ của Giám mục Wilmer đối với những đòi hỏi cấp tiến của Con đường Đồng nghị không phải là lần đầu tiên ngài ủng hộ những ý tưởng thần học gây tranh cãi.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, ngài tuyên bố rằng “việc lạm dụng quyền lực nằm trong DNA của Giáo hội,” điều này không còn có thể bị coi là “ngoại vi”, mà sẽ dẫn đến việc “suy nghĩ lại một cách triệt để” về giáo hội học. Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ngài cũng mô tả nhà thần học người Đức có tính luận chiến, Cha Eugen Drewermann là “một nhà tiên tri của thời đại chúng ta.” Cha Drewermann đã bị tổng giám mục cấm thi hành năng quyền linh mục của mình vào những năm 1990 vì những chỉ trích của ngài về bậc sống giáo sĩ, và trước đó đã đặt câu hỏi về sự ra đời đồng trinh của Chúa Kitô và sự phục sinh thể xác của Chúa Giêsu từ cõi chết.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn, Giám mục Wilmer cũng đặt câu hỏi về thẩm quyền giảng dạy của Huấn quyền Giáo hội.

“Đôi khi tôi nghĩ: Ai thực sự xác định thế nào là Công Giáo? Chúng tôi vẫn hành động như thể đó là phẩm trật; như thể các giám mục chúng ta có quyền đối với nhãn hiệu Công Giáo. Sai!... Chúng ta phải là người tiếp nhận, lắng nghe, học hỏi, trong cuộc trò chuyện với người Công Giáo, cũng như với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác và những người ngoại đạo.”

Vào tháng 4 năm 2020, trong bối cảnh COVID-19, Giám mục Wilmer đã chỉ trích các Thánh lễ trực tuyến như một điển hình cho thấy việc quá “chăm chú” vào Bí tích Thánh Thể. Ngài đã hạ thấp sự hiện diện đặc biệt trong Thánh Thể của Chúa Kitô, rõ ràng trái ngược với giáo huấn của Thánh Phaolô VI trong Mysterium Fidei và của Thánh Gioan Phaolô II trong Ecclesia De Eucharista.

Vào năm 2022, khi bắt đầu tiến trình Thượng Hội đồng hoàn cầu trong giáo phận của mình, trong bài giảng của mình, ngài nói rằng Giáo hội cần “tư duy mới” về tính dục và thừa tác vụ của linh mục.

“Chúng ta cần một cái nhìn mới về giới tính — việc tham gia đúng đắn của mọi người trong Giáo hội, nam cũng như nữ,” ngài nói như thế trong Thánh lễ, được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Hildesheim.

Giám mục Wilmer cũng đã giám sát việc thực hiện các hướng dẫn về “ngôn ngữ nhạy cảm về phái tính” trong giáo phận của mình. Chẳng hạn, thay vì nói “Chúa là Cha của chúng ta”, bản văn năm 2021 đề xuất “Chúa nhân lành, Đấng là mẹ và cha của chúng ta”.

Bên cạnh những câu hỏi về tính chính thống trong các cam kết của Giám mục Wilmer, còn có những câu hỏi liên quan đến những tiêu chuẩn căn bản của ngài để đứng đầu một văn phòng quan trọng như Bộ Giáo lý Đức tin. Ngài mới chỉ là giám mục kể từ năm 2018, và không giống như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và Đức Hồng Y Gerhard Mueller, hai vị giáo phẩm người Đức trước đây giữ chức vụ đứmg đầu Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Giám Mục Wilmer không có kinh nghiệm đáng kể với tư cách là một nhà thần học cấp cao. Mặc dù ngài đã lấy bằng tiến sĩ trong lĩnh vực này, viết luận án về chủ nghĩa huyền bí và Maurice Blondel, nhưng các chức vụ giảng dạy của ngài bao gồm trường trung học ở Đức và lịch sử và tiếng Đức tại Trường Dự bị Fordham ở Bronx từ năm 1997-1998.

Theo Hội đồng Giám mục Đức, trước đây là thành viên của Dòng do Cha Léon Dehon thành lập tức Tu hội Linh mục Thánh Tâm, Wilmer phục vụ với tư cách bề trên tổng quyền của tu hội từ năm 2015 cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục của Hildesheim, một giáo phận ở miền Bắc nước Đức, với tỷ lệ tham dự Thánh lễ hàng tuần chỉ là 2.8%.

Một người ngưỡng mộ các nhà thần học bất đồng chính kiến, một giám mục thiếu kinh nghiệm và một người kiên quyết ủng hộ các yêu cầu gây tranh cãi nhất của Con đường Đồng nghị. Tất cả những điều này mô tả chính xác Giám mục Wilmer. Nhưng nếu tin đồn là sự thật, vị giám mục người Đức có thể sớm có một chức danh khác để bổ sung vào lý lịch của mình: Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin.
 
VietCatholic TV
Putin tê tái: Tất cả lính Nga giả làm Ukraine để đánh úp đã tử trận. Nga ca ngợi TQ vụ khinh khí cầu
VietCatholic Media
03:09 06/02/2023


1. Quân Nga giả làm quân Ukraine để đánh úp, tất cả các diễn viên của Putin tử trận

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 6 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, cho biết trong ngày qua quân Nga tấn công trên toàn tuyến biên giới.

Tại thành phố Bakhmut, quân Nga đã gánh chịu các thương vong kinh hoàng trong mấy tuần qua. Do đó, giờ đây chiến thuật của quân xâm lược không phải là lăn vào các ổ kháng cự của quân Ukraine, nhưng quay sang bao vây thành phố. Tuy nhiên, cô Maliar cho biết các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát hầu hết các tuyến đường hậu cần.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, cho biết như sau: “Các lực lượng Nga đã đạt được những tiến bộ nhỏ trong tuần qua trong nỗ lực bao vây Bakhmut,

Hai xa lộ M03 và H32 là hai con đường chính vào thành phố dành cho quân phòng thủ Ukraine hiện có khả năng đều bị đe dọa bởi hỏa lực trực tiếp, sau những bước tiến của Nga.

Ngoài ra, vào đầu tuần, lực lượng bán quân sự Wagner rất có thể đã chiếm được một tuyến đường phụ nối Bakhmut với thị trấn Siversk.

Trong khi vẫn có nhiều tuyến đường cung cấp khác cho các lực lượng Ukraine xuyên qua các vùng nông thôn thì Bakhmut ngày càng bị cô lập.

Nhìn chung, giao tranh ở thành phố Bakhmut có phần bớt lại, mặc dù, ở khu vực phía Đông Bắc của thành phố đã xảy ra giao tranh trên đường phố, thậm chí trong cùng một tòa nhà từ tầng này sang tầng khác.

Tình hình được ghi nhận là căng thẳng nhất tại thành phố Kreminna, nơi Tập Đoàn Quân xe tăng số Một của quân Nga đang quay lại Ukraine để phục hận, sau khi đã bị đánh hai trận tơi bời ở Chernihiv và Kharkiv.

Sau khi Soledar thất thủ, các lực lượng Nga tiếp tục các chiến dịch tấn công tại Bilohorivka vào ngày 16 Tháng Giêng. Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga trong vùng lân cận cách Soledar 24 km về phía bắc tại Verkhnokamyanska, Spirna, Krasnopolivka, Sil và Bilohorivka. Hình ảnh định vị địa lý cho thấy các lực lượng Nga đã đạt được tiến bộ nhỏ ở phía bắc Bilohorivka. Vào ngày 25 Tháng Giêng, các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công trên bộ dữ dội hơn để giành lại các vị trí đã mất gần Kremena và loại bỏ mối đe dọa có thể xảy ra về một cuộc tấn công của Ukraine từ phía nam qua sông Donets. Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Nga gần Bilohorivka, trong khu vực Lugansk, cách Kreminna 12 km về phía đông nam.

Vào ngày 29 và 30 Tháng Giêng, các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ vào Dibrova, cách Kreminna 5 km về phía tây nam, và Bilohorivka, cách Kreminna 12 km về phía nam. Tham gia các cuộc tấn công này có hai sư đoàn của Nga là Sư đoàn Dù Cận vệ 76, và Sư đoàn Cơ giới 144, cùng với Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ 4 của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk. Tất cả các cuộc tấn công đều bị đập tan.

Sau khi được tăng viện bởi Tập Đoàn Quân số Một, quân đội Nga đã gia tăng các cuộc tấn công vào khu vực định cư Bilohorivka nhằm xác định những điểm yếu trong khả năng phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết các lực lượng Nga đã cải trang thành bộ binh Ukraine để tấn công các vị trí của Ukraine gần Bilohorivka. Cô Maliar tố cáo Nga vi phạm Công ước Geneva về Tội ác Chiến tranh, trong đó nghiêm cấm “việc sử dụng sai phù hiệu quân sự và đồng phục của đối phương”.

Từ ngày 3 tháng 2, một số blogger Nga thông báo rằng các lực lượng Ukraine đã bắt đầu rút lui khỏi Bilohorivka về phía Siversk, và các lực lượng Nga đã tiến vào Bilohorivka. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết tất cả các diễn viên của Putin giả làm quân Ukraine đã bị bắn chết hết khi lọt vào phía Bắc Bilohorivka. Cô đã nhắc lại tuyên bố của Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai: “Quân đội của chúng ta vẫn ở vị trí của họ, không ai chiếm được Bilohorivka, không ai vào đó, không có đối phương nào ở đó.”

Cô Maliar cho biết Tập Đoàn Quân số Một của Nga đang gánh chịu các thương vong nặng nề quanh thành phố Kreminna với 2 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo, và 2 hệ thống phòng không. Trong 24 giờ trước đó, quân Nga đã thiệt mất hơn 700 người.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 5 Tháng Hai, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 131.290 binh sĩ Nga. Hơn nữa, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.220 xe tăng Nga, 6.405 xe thiết giáp, 2.226 hệ thống pháo, 460 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 227 hệ thống phòng không, 294 máy bay, 284 máy bay trực thăng, 1.958 máy bay không người lái chiến thuật, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.091 phương tiện và xe chở nhiên liệu, cùng 203 thiết bị đặc biệt.

2. Lực lượng Ukraine tấn công hai khu tập trung quân Nga, và các kho đạn

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 6 tháng Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết: “Quân đội Nga đang tập trung nỗ lực trong năm khu vực, trong khi quân xâm lược tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở các khu vực giáp biên giới Ukraine”.

Trong 24 giờ qua, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công hai khu vực tập trung quân đội Nga và một kho đạn dược. Kho đạn của quân Nga mới vừa được chuyển đến Krasnopolivka đã bị pháo binh bắn trúng nổ liên tiếp trong nhiều giờ.

Trong ngày, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện 9 đợt không kích vào các khu vực tập trung quân của Nga. Một cuộc không kích được tường trình là nhằm tấn công cá nhân Trung Tướng Sergei Kisel, Tư Lệnh Tập Đoàn Quân Số Một đã không thành công vì ông ta không có ở đó. Tuynhiên, một số sĩ quan cao cấp từ Sư Đoàn 144 Súng Trường Cơ Giới đã tử trận thay cho ông ta.

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân đội Nga hôm Chúa Nhật đã tiến hành bốn cuộc tấn công bằng hỏa tiễn. Hai trong số chúng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở Kharkiv. Một tòa nhà năm tầng của một cơ sở giáo dục đại học đã bị phá hủy hoàn toàn và năm dân thường bị thương.

Hai quả hỏa tiễn khác của Nga rơi xuống Druzhkivka, vùng Donetsk, làm hư hại 4 khu chung cư và một trường mẫu giáo. Pháo kích của đối phương khiến bốn thường dân bị thương.

Ngoài ra, những kẻ xâm lược đã tiến hành hơn 40 cuộc tấn công bằng cách sử dụng nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn, đặc biệt là vào các mục tiêu dân sự ở Kherson. Đối phương pháo kích làm hư hại các tòa nhà dân cư, với thương vong dân sự được ghi nhận.

Bộ Tổng tham mưu cho biết, mối đe dọa về việc các lực lượng Nga tiến hành thêm các cuộc không kích và hỏa tiễn trên khắp Ukraine vẫn còn cao.

Theo Bộ Tổng tham mưu, do tổn thất nặng nề ở Ukraine, những kẻ xâm lược tiếp tục thu hút nhân viên y tế từ Nga. Tại Pokrovske, vùng Luhansk, một bệnh viện dã chiến với các nhân viên y tế và bác sĩ phẫu thuật người Nga đã được triển khai tại trạm y tế địa phương.

Tại thành phố Tokmak, vùng Zaporizhzhia tạm thời bị chiếm giữ, quân đội Nga đang cưỡng chế đuổi dân thường ra khỏi nhà của họ để chứa những cộng tác viên địa phương ủng hộ chính phủ xâm lược và làm việc như một phần của các cơ quan thực thi pháp luật giả của đối phương. Các chủ sở hữu được lệnh rời khỏi nhà của họ và bị ném ra đường.

Tại khu định cư Krynky, vùng Kherson, những kẻ xâm lược đang tiến hành các cuộc đột kích nhằm đánh cắp thuyền, động cơ và các thiết bị khác của dân thường.

3. Bakhmut vẫn là một thành trì, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết thành phố Bakhmut ở miền đông “vẫn là một thành trì”. “Đó vẫn là một biểu tượng,” Reznikov nói trong cuộc họp báo ở Kyiv.

Việc Ukraine tiếp tục chiếm giữ thành phố được coi là biểu tượng cho sự phản kháng của đất nước. Trong chuyến công du tới Washington DC vào tháng 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng “cuộc chiến giành Bakhmut sẽ thay đổi câu chuyện bi thảm về cuộc chiến giành độc lập và tự do của chúng ta”.

Các cuộc bắn phá dữ dội đã khiến thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn, Zelenskiy nói rằng “từng tấc đất đó đều thấm đẫm máu”.

Người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga, Yevgeny Prigozhin cũng cho biết qua Telegram hôm Chúa Nhật rằng lực lượng phòng thủ thành phố của Ukraine vẫn đang vững chắc với “những trận chiến khốc liệt giành từng con phố, từng ngôi nhà, từng cầu thang”.

Reznikov nói thêm rằng quân đội Nga đã cố gắng kiểm soát khu vực ở vùng Donbas kể từ mùa hè, cáo buộc rằng họ mất khoảng 500 người mỗi ngày khi xông vào đó. CNN không thể xác minh độc lập con số đó.

Trong gần sáu tháng, các lực lượng Ukraine đã chiến đấu chống lại sự xâm lấn của Nga để giữ quyền kiểm soát lãnh thổ bị bao vây nằm giữa các thành phố ly khai Donetsk và Luhansk.

4. Người sáng lập Wagner thừa nhận người Ukraine không rút lui khỏi Bakhmut

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết tình hình ở tiền tuyến ở phía đông đất nước, đặc biệt là tại thành phố Bakhmut, đang trở nên khó khăn hơn và Nga đang tung thêm nhiều quân vào trận chiến này để cố giành cho được một chiến thắng trước ngày kỷ niệm một năm cuộc xâm lược do Putin phát động vào ngày 24 tháng Hai, 2022. Dù tình hình căng thẳng nhưng quân Ukraine vẫn tỏ ra quyết tâm giữ vững pháo đài này.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Founder Admits Ukrainians Not Retreating From Bakhmut”, nghĩa là “Người sáng lập Wagner thừa nhận người Ukraine không rút lui khỏi Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Người sáng lập Tập đoàn Wagner, một đơn vị bán quân sự của Nga, hôm Chúa Nhật thừa nhận rằng quân đội Ukraine không lùi bước trước những bước tiến của Nga ở thành phố Bakhmut.

“Tôi làm rõ tình hình. Lực lượng vũ trang Ukraine không rút lui ở bất cứ đâu. Lực lượng Vũ trang Ukraine đang chiến đấu đến người cuối cùng. Ở khu vực phía bắc của Artemovsk, có những trận chiến khốc liệt để giành từng con phố, từng ngôi nhà, từng cầu thang,” Yevgeny Prigozhin cho biết trong một bài đăng trên Telegram. Tất nhiên, thật vui khi giới truyền thông muốn quân Ukraine rút lui, nhưng điều này không xảy ra ở các khu vực phía bắc, phía nam hay phía đông.”

Bakhmut, thuộc khu vực Donetsk của Ukraine, là tâm điểm của các cuộc tấn công của Nga trong nhiều tháng, hứng chịu nhiều vụ pháo kích. Kiểm soát Bakhmut là mục tiêu của Nga, nhưng quân đội của họ đã không thể tuyên bố chiến thắng dứt khoát mặc dù có báo cáo về những thành tựu đạt được sau sự sụp đổ của thành phố Soledar gần đó.

Theo một báo cáo hôm Chúa Nhật từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, quân đội Nga “tiếp tục các hoạt động tấn công xung quanh Bakhmut và Vuhledar nhưng đã làm chậm tốc độ tấn công của họ dọc theo vùng ngoại ô phía tây của Thành phố trong vùng Donetsk này”.

“Các lực lượng thông thường, lực lượng dự bị và lực lượng Wagner của Nga đã đưa hàng chục nghìn quân vào nỗ lực chiếm Bakhmut, được cho là đã chịu hàng nghìn thương vong trong nỗ lực đó. Bakhmut có dân số trước chiến tranh hơn 70.000 người một chút,” ISW cho biết thêm trong báo cáo của mình.

Rajan Menon, giám đốc chương trình Chiến lược lớn về các Ưu tiên Quốc phòng, nói với Newsweek vào hôm Chúa Nhật rằng, “Sự kết hợp giữa Wagner và các lực lượng chính quy của Nga đã cố gắng chiếm Bakhmut và Soledar, gần đó và nhỏ hơn, đã phải kéo dài trong nhiều tháng nay bất chấp ưu thế về quân số và hỏa lực, đặc biệt là về pháo binh. Gần đây họ mới có thể chiếm được Soledar sau biết bao tổn thất”.

Ông nói thêm: “Hoàn toàn không thể coi là một màn thể hiện tốt từ quốc gia từng được ca ngợi là siêu cường thứ hai thế giới. Thêm vào đó, Wagner nói riêng đã gánh chịu thương vong lớn, đặc biệt là những tù nhân bất hạnh mà Prigozhin tuyển mộ để chiến đấu với những lời hứa ân xá.”

Menon kết luận, “Hiện tại quân Nga dường như đã bao vây Bakhmut từ 3 phía? Vậy tại sao quân Ukraine vẫn tiếp tục? Mục đích của họ là làm cho quân Nga tốn kém nhất có thể và cũng để trói chân quân Nga ở đó để họ không thể được sử dụng ở nơi khác, hay đẩy xa hơn về phía tây vào vùng Donbas do quân Ukraine kiểm soát. Đó là một trận chiến đẫm máu nhưng nó nhấn mạnh tinh thần của quân Ukraine và sự kém cỏi của quân đội Nga.”

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu phương Tây viện trợ quân sự nhiều hơn để giúp chống lại sự xâm lược của Nga. Hôm thứ Sáu, ông cảm ơn Tổng thống Joe Biden về một gói viện trợ mới đang hướng đến đất nước bị chiến tranh tàn phá của mình.

“Cảm ơn tổng thống Hoa Kỳ về gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 2,2 tỷ đô la. Điều quan trọng là phải củng cố Lực lượng Phòng vệ Ukraine. Cùng với Hoa Kỳ, chúng ta chống khủng bố! Vũ khí tầm xa của chúng ta càng cao và quân đội của chúng ta càng linh hoạt thì hành động xâm lược tàn bạo của Nga sẽ càng sớm kết thúc”, ông Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine đã liên tục vận động để mua các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất kể từ khi Nga xâm lược. Tuy nhiên, Biden đã nhắc lại với các phóng viên vào thứ Hai tuần trước rằng ông không có kế hoạch gửi cho Zelenskiy bất kỳ máy bay chiến đấu F-16 nào.

Phát biểu của Biden diễn ra sau khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với các phóng viên rằng nước ông sẽ chỉ chuyển giao máy bay cho Ukraine nếu động thái này được sự nhất trí của các nước NATO khác. Morawiecki nói thêm rằng Ba Lan cũng sẽ “phối hợp đầy đủ” với bất kỳ yêu cầu nào như vậy.

Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, đã đăng lên Telegram vào thứ Hai, cho biết: “Công việc vận động F-16 đang được tiến hành. Chúng ta có những tín hiệu khả thi từ Ba Lan, nước này sẵn sàng chuyển chúng cho chúng ta với sự phối hợp của NATO.”

5. Truyền hình Nhà nước Nga cổ vũ Khinh khí cầu Gián điệp Trung Quốc đã làm Mỹ 'điên đảo'

Nga đã tỏ ra rất vui mừng trước màn phối hợp ngoạn mục của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khinh khí cầu của Trung Quốc sau một tuần lang thang trên đất Mỹ đã bị bắn hạ, nhưng Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Cộng hòa cấp cao trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết hôm Chúa Nhật rằng Trung Quốc cố tình thả khinh khí cầu gián điệp qua Hoa Kỳ để gửi thông điệp rằng nước Mỹ đang “suy tàn” và ưu tiên lớn nhất hiện nay của Hoa Kỳ là phải lo củng cố an ninh của chính mình. Trong viễn tượng đó, các khoản viện trợ dành cho Ukraine sẽ khó được thông qua hơn.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Cheers Chinese Spy Balloon for Turning U.S. 'Upside Down'“, nghĩa là “Truyền hình Nhà nước Nga cổ vũ Khinh khí cầu Gián điệp Trung Quốc đã làm Mỹ 'lộn tùng phèo'“ Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Trong một chương trình phát sóng gần đây, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Margarita Simonyan đã cổ vũ khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám cho Trung Quốc bay khắp nước Mỹ trong tuần này, vì đã khiến nước Mỹ “lộn tùng phéo”.

Khinh khí cầu, lần đầu tiên được phát hiện ở Billings, Montana, vào thứ Tư, đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người Mỹ trong tuần qua, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu chính quyền Biden có nên bắn nó khỏi bầu trời nhanh hơn hay không. Thiết bị do thám đã bị bắn rơi trên Đại Tây Dương vào chiều thứ Bảy.

Simonyan, tổng biên tập của Russia Today, gọi tắt là RT, người thường xuyên xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga, đã ca ngợi Trung Quốc đã đưa khinh khí cầu vào không phận Mỹ – mặc dù Trung Quốc khẳng định rằng đó chỉ là một khinh khí cầu thời tiết bị thổi lệch hướng, không có mục đích xấu xa. Video về nhận xét của Simonyan đã được dịch và đăng lên Twitter vào hôm Chúa Nhật bởi nhà báo Julia Davis, người sáng lập Russian Media Monitor.

Simonyan nói: “Tuần này tôi rất thích thú với cuộc đối đầu xuất sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Một lần nữa, tôi rất khâm phục Trung Quốc vì đã làm điều đó một cách tuyệt vời.”

Cô ta than thở về số lượng lớn phương tiện truyền thông đưa tin về khinh khí cầu, đặc biệt là CNN.

“Nếu bạn đến CNN quốc tế, tất cả các tin tức đều nói về điều đó. Một chút về cô gái Úc bị cá mập cắn. Một cái gì đó khác về thanh thiếu niên Bắc Triều Tiên. Và phần còn lại về khinh khí cầu, khinh khí cầu, và khinh khí cầu,” Simonyan nói. “Khi nào và như thế nào nó đã bị bắn hạ, và khinh khí cầu thứ ba bị Venezuela hoặc Guatemala bắt được.”

Simonyan ca ngợi Trung Quốc, mà cô ấy nói rằng “đã làm đảo lộn cả nước Mỹ.” Bà ta cũng nói thêm rằng việc đưa tin về khinh khí cầu bị nghi là gián điệp đã thu hút sự chú ý khỏi cuộc chiến Nga-Ukraine, sẽ đánh dấu một năm vào cuối tháng này.

Bà ấy cũng phàn nàn rằng hãng tin Mỹ không “biết gì” về cuộc xung đột. Tuy nhiên, truyền hình nhà nước Nga đã đóng vai trò là bộ máy tuyên truyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chiến tranh, khi Điện Cẩm Linh đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Nga vào năm ngoái.

Bất chấp những nhận xét bôi bác về khinh khí cầu, sự hiện diện của nó đã vi phạm luật pháp quốc tế cũng như không phận của Mỹ, đồng thời làm căng thẳng quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau khi phát hiện ra nó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn một cuộc gặp ngoại giao tới Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ trích quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công ty có liên quan, đồng thời bảo lưu quyền thực hiện các hành động đáp trả tiếp theo”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố sau khi nó bị loại khỏi bầu trời.

Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh hạ khinh khí cầu vào thứ Bảy, sau khi nó đi qua những vùng đất rộng lớn của đất nước và đang bay lơ lửng trên Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina. Ông Joe Biden phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã không bắn hạ nó sớm hơn, nhưng Ngũ Giác Đài cảnh báo rằng thiệt hại có thể xảy ra đối với dân thường trên mặt đất lớn hơn bất kỳ thông tin tình báo tiềm năng nào mà Trung Quốc sẽ nhận được.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

6. Thiếu tướng Kyrylo Budanov sẽ được thăng làm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov dự kiến sẽ được thay thế trong một cuộc cải tổ, theo một nhà lập pháp cấp cao của Ukraine. David Arakhamia, lãnh đạo phe quốc hội của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã chia sẻ tin tức trong một tuyên bố Telegram vào hôm Chúa Nhật.

Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov đã chịu áp lực trong vài tuần sau vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Quốc phòng.

“Chiến tranh quyết định chính sách nhân sự,” Arakhamia nói. “Thời gian và hoàn cảnh đòi hỏi phải củng cố và tập hợp lại. Điều này đang xảy ra bây giờ và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.”

Arakhamia cho biết Thiếu tướng Kyrylo Budanov, một quan chức tình báo hàng đầu trong Bộ Quốc Phòng Ukraine, đã được đề bạt trở thành bộ trưởng quốc phòng tiếp theo của Ukraine. Ông nói rằng động thái này là “hoàn toàn hợp lý trong thời chiến.”

Một số bối cảnh: Bộ Quốc Phòng của Reznikov đã sa lầy vào một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến chi tiêu quân sự trong những tuần gần đây. Ukraine đang đẩy mạnh chống tham nhũng khi nước này cố gắng gia nhập Liên minh Âu Châu.

Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine đang điều tra “các báo cáo nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng” theo đó Bộ Quốc phòng đã mua các nguồn cung cấp quân sự, bao gồm cả thực phẩm cho quân đội, với giá tăng cao.

Reznikov vừa công bố một cuộc kiểm tra nội bộ các lực lượng vũ trang của đất nước liên quan đến mua sắm trước tin tức về việc ông bị cách chức vào hôm Chúa Nhật.

Thứ trưởng quốc phòng của ông đã từ chức vào cuối tháng trước sau khi các cáo buộc xuất hiện trên truyền thông Ukraine.

Quan chức, Viacheslav Shapovalov, đã đệ đơn từ chức sau một “chiến dịch cáo buộc liên quan đến việc mua sắm thực phẩm cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine,” theo một tuyên bố từ Bộ Quốc Phòng, trong đó mô tả các cáo buộc là “vô căn cứ và vô căn cứ. “

7. Ukraine đang kiểm toán quân đội trong bối cảnh đẩy mạnh chống tham nhũng, bộ trưởng quốc phòng nói

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, các quan chức Ukraine sẽ tiến hành kiểm toán nội bộ toàn bộ các hoạt động mua sắm do lực lượng vũ trang nước này thực hiện sau một loạt cuộc truy quét chống tham nhũng gần đây.

“Chúng ta đã triển khai một cuộc kiểm toán nội bộ để kiểm tra tất cả các hệ thống mua sắm. Nó vẫn đang được tiến hành”, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết. “Và tôi nghĩ rằng trong vòng một tuần nữa, họ phải chính thức hoàn thành việc kiểm toán tất cả các thủ tục cho tháng Hai. Sau đó, họ sẽ kiểm toán mọi thứ. Và sau đó, nó sẽ được 'đặt lên bàn cân' để có những quyết định phù hợp.”

Một số bối cảnh: Nỗ lực chống tham nhũng gần đây của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy được coi là một bước quan trọng để Ukraine có thể gia nhập Liên minh Âu Châu.

Ana Pisonero, phát ngôn viên của Ủy ban Âu Châu, cho biết vào ngày 24 Tháng Giêng. Diệt tận gốc tham nhũng là “một khía cạnh quan trọng của quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu”.

Các nhà chức trách Ukraine đã phát hiện ra những kho tiền mặt, cũng như đồng hồ và xe hơi sang trọng, trong các cuộc truy quét được thực hiện trên khắp đất nước vào tháng trước.

Trong số những người bị cuốn vào cuộc điều tra có người đứng đầu cơ quan thuế Kyiv, người bị cáo buộc là một phần của kế hoạch bỏ qua số tiền trị giá 1,2 tỷ USD chưa nộp thuế.
 
Congo: LM và 5 sinh viên bị bắt vì hô hào chống tổng thống. Nam Sudan: Tổng thống ân xá 36 tử tội
VietCatholic Media
05:23 06/02/2023


1. Linh mục, 5 sinh viên bị bắt vì hô hào chống tổng thống sau sự kiện với Đức Thánh Cha Phanxicô ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Một linh mục Công Giáo và năm sinh viên đã bị bắt sau một sự kiện vào sáng thứ Năm với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cộng hòa Dân chủ Congo, vì bị cáo buộc chỉ trích tổng thống nước này.

Các sinh viên và Cha Guy Julien Muluku, một thành viên Congo của Dòng Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, đã bị giam giữ gần 34 giờ trước khi được thả ngay trước 10 giờ tối ngày 3 tháng Hai.

Việc bắt giữ và thả tự do sau đó đã được xác nhận với CNA bởi Tu hội các Hiến sĩ Truyền giáo Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Sáu người đã bị cơ quan tình báo của tổng thống bắt vào khoảng 12 giờ trưa sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ giới trẻ Congo tại Sân vận động các vị Tử Đạo ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, vào ngày 2 tháng Hai.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu chống tham nhũng trong sự kiện ngày 2 tháng 2, một phần đám đông đã xông vào hô vang bằng ngôn ngữ Lingala nhắm vào tổng thống của đất nước và nói rằng nhiệm vụ của ông đã kết thúc, theo Associated Press.

Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, ông Felix Tshisekedi, người nhậm chức vào tháng 1 năm 2019, sẽ tái tranh cử vào tháng 12.

Cha Jean Baptiste Malenge, một đại biểu của hội đồng giám mục Congo và là thành viên của Dòng Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nói với EWTN News rằng một nhóm sinh viên từ Học viện Saint Eugène de Mazenod ở Kinshasa đã hát một bài hát mà họ đã học được từ Đức Hồng Y Congo Laurent Monsengwo đã quá cô: “tham nhũng, chúng tôi từ chối tham nhũng, tên trộm, hãy cẩn thận.”

Cha Muluku, tổng thư ký học thuật của trường sau đại học, đã bị bắt cùng với năm sinh viên này khi ngài cố gắng bảo vệ họ trong vụ bắt giữ.

2. Tổng thống Nam Sudan ân xá 36 tử tội

Tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir, đã ân xá cho 36 tử tội, bị giam tại nhà tù trung ương ở thủ đô Juba.

Sắc lệnh ân xá của Tổng thống đã được đọc trên đài SSBC, tối thứ Sáu, ngày 03 tháng Hai vừa qua. Trong số các tử tội được ân xá, có 4 phụ nữ.

Tổng thống Kiir cũng ân xá có 35 tù nhân bị kết án vì không trả tiền bồi thường hoặc bị án phạt của tòa án.

Sắc lệnh này được Tổng thống Kiir ký vài giờ, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới đến Juba để viếng thăm.

Theo điều số 285 của bộ hình luật Nam Sudan, Tổng thống có quyền tha trọn hoặc tha một phần án phạt.

3. Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các nhà cầm quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Chiều ngày 03 tháng Hai vừa qua, sau khi gặp riêng Tổng thống Salva Kiir của Nam Sudan tại Phủ Tổng thống, Đức Thánh Cha Phanxicô còn hội kiến trong vòng nửa tiếng đồng hồ với năm vị Phó Tổng thống thuộc các lực lượng đối lập, đứng đầu là ông Riek Machar. Rồi tiến ra khuôn viên của Phủ Tổng thống để gặp gỡ các giới chức chính quyền, các vị lãnh đạo tôn giáo, ngoại giao đoàn và đại diện các tầng lớp xã hội Nam Sudan, tổng cộng 250 người.

Sau diễn văn chào mừng của Tổng thống Kiir, Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, và Mục sư Jain Greenshields, Chủ tịch Đại Hội đồng của Giáo hội Tin lành Trưởng lão Ecosse, lần lượt phát biểu.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha qua phần trình bày của Túy Vân.

Thưa Tổng thống

Thưa các Phó Tổng thống

Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa các thẩm quyền tôn giáo và dân sự ưu tú,

Thưa quý vị Đại diện Xã hội Dân sự và Thế giới Văn hóa,

Thưa quý bà và quý ông,

Thưa Tổng thống, tôi cảm ơn ngài vì những lời lẽ tốt đẹp của ngài. Tôi rất vui khi được đến đất nước này, nơi có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi biết ơn ngài, thưa Tổng thống, vì sự chào đón của ngài, và tôi gửi lời chào thân ái tới từng qúy ngài, và thông qua qúy ngài, tới tất cả những người đàn ông và đàn bà đang sống trên đất nước trẻ trung và thân yêu này. Tôi đến đây như một người hành hương hòa giải, với hy vọng được đồng hành với qúy vị trên con đường hòa bình. Đó là một hành trình quanh co, nhưng là một hành trình không thể trì hoãn được nữa. Tôi cũng không ở đây một mình, vì trong hòa bình cũng như trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều đồng hành cùng với nhau. Vì vậy, tôi đã đến với hai người anh em, Tổng Giám mục Canterbury và vị điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland, những người mà tôi cảm ơn vì tất cả những gì họ sẽ nói với chúng ta. Cùng nhau, dang rộng đôi tay, chúng tôi tự trình diện với qúy vị và với dân tộc này nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Hoàng tử Hòa bình.

Chúng tôi đã thực hiện cuộc hành hương đại kết vì hòa bình này sau khi nghe lời cầu xin của toàn thể một dân tộc khóc thương, một cách rất có nhân phẩm, cho tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng, tình trạng thiếu an ninh kéo dài, tình trạng nghèo đói và những thảm họa thiên nhiên mà họ đã trải qua. Nhiều năm chiến tranh và xung đột dường như không bao giờ kết thúc và gần đây, thậm chí ngày hôm qua, đã có những cuộc đụng độ gay gắt. Đồng thời, quá trình hòa giải dường như bị đình trệ và lời hứa hòa bình chưa được thực hiện. Cầu mong sự đau khổ kéo dài này không vô ích; cầu mong sự kiên nhẫn và hy sinh của người Nam Sudan, dân tộc trẻ trung, khiêm tốn và can đảm này, thách thức tất cả mọi người và giống như những hạt giống gieo vào đất mang lại sự sống cho cây cối, giúp hòa bình đơm hoa kết trái. Thưa các anh chị em, đây là thời gian cho hòa bình!

Trái cây và thảm thực vật phong phú ở đây, nhờ có con sông lớn chảy qua đất nước. Điều mà nhà sử học cổ đại Herodotus đã nói về Ai Cập, tức là, nó có thể được gọi là “hồng phúc của sông Nile” cũng áp dụng cho Nam Sudan. Thực vậy, như qúy vị thường nói, đây là một “vùng đất trù phú”. Tôi muốn dùng hình ảnh của dòng sông vĩ đại này chảy ngang qua đất nước, một quốc gia non trẻ nhưng có một lịch sử lâu đời. Trong nhiều thế kỷ, các nhà thám hiểm đã mạo hiểm đến khu vực này để đi ngược dòng sông Nile Trắng nhằm tìm kiếm nguồn gốc của con sông dài nhất thế giới. Chính từ việc tìm kiếm cội nguồn cuộc sống chung của chúng ta mà tôi muốn bắt đầu cuộc hành trình của tôi với qúy vị. Mảnh đất này, vốn dư dật trong rất nhiều của cải, thổ nhưỡng nhưng trên hết là ở tấm lòng và khối óc của người dân, ngày nay cần được tưới mát trở lại bằng những nguồn suối trong lành và mang lại sự sống.

Qúy vị, những nhà lãnh đạo ưu tú, chính là những dòng suối này: những dòng suối tưới mát cuộc sống của cộng đồng, những người cha, người mẹ của non nước trẻ trung này. Qúy vị được mời gọi đổi mới đời sống xã hội như những nguồn thịnh vượng và hòa bình thuần túy, rất cần thiết cho những người con trai và con gái của Nam Sudan. Họ cần những người cha, không phải lãnh chúa; họ cần những bước phát triển vững chắc chứ không phải những sự sụp đổ triền miên. Cầu mong thời gian tiếp sau sự ra đời của đất nước, tuổi thơ đau thương của nó, dẫn đến một sự trưởng thành hòa bình: đã đến lúc (phải làm như thế). Các nhà cầm quyền thân mến, những “con trai và con gái” đó, và chính lịch sử, sẽ nhớ đến qúy vị nếu qúy vị làm việc vì lợi ích của dân tộc mà qúy vị được kêu gọi phục vụ này. Các thế hệ tương lai hoặc sẽ tôn kính tên của qúy vị hoặc triệt tiêu ký ức của họ, dựa trên những gì qúy vị làm bây giờ. Vì giống như sông Nile rời nguồn để bắt đầu dòng chảy của nó, thì dòng lịch sử cũng sẽ bỏ lại phía sau những kẻ thù của hòa bình và mang lại danh tiếng cho những người kiến tạo hòa bình thực sự. Thật vậy, như Kinh Thánh cho chúng ta biết, “người có hòa bình sẽ có hậu duệ” (x. Tv 37:37).

Ngược lại, bạo lực quay ngược dòng lịch sử. Chính Herodotus đã nói về sự gián đoạn giữa các thế hệ do chiến tranh gây ra, khi con cái không còn chôn cất cha mẹ chúng, mà cha mẹ chôn cất con cái của họ (x. Histories, I, 87). Để mảnh đất này không biến thành nghĩa địa, mà trở thành một khu vườn sum suê một lần nữa, tôi hết lòng nài xin qúy vị chấp nhận bốn hạn từ đơn giản: không phải lời của tôi, mà là lời của Chúa Kitô. Chính Người đã nói chúng trong một khu vườn, vườn Diệtsimani, khi nói với một môn đệ của Người, môn đệ đã rút gươm, Người kêu lớn: “Thôi, ngừng lại!” (Lc 22:51). Thưa Tổng thống và các Phó tổng thống, nhân danh Thiên Chúa, Thiên Chúa mà chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện ở Rôma, Thiên Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11:29), Thiên Chúa mà rất nhiều người của đất nước thân yêu này tin vào, bây giờ là lúc để nói “Thôi, hãy ngừng lại”, không có “nếu” hay “nhưng”. Không còn đổ máu, không còn xung đột, không còn bạo lực và buộc tội lẫn nhau về việc ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, không còn để cho người dân của qúy vị khao khát hòa bình. Không còn phá hủy nữa: đã đến lúc xây dựng! Hãy bỏ thời gian chiến tranh lại phía sau và để thời gian hòa bình ló rạng ở bình minh! Và về vấn đề này, thưa Tổng thống, tôi nhớ cuộc trò chuyện buổi tối mà chúng ta đã có nhiều năm trước ở Uganda: ước mong hòa bình của ngài đã ở đó... Chúng ta hãy tiến tới vấn đề này!

Chúng ta hãy nghĩ lại về các cội nguồn của dòng sông, đến những dòng nước tượng trưng cho sự sống. Nguồn gốc của đất nước này, và đường chẩy do người dân Nam Sudan thực hiện vào ngày 9 tháng 7 năm 2011, gợi nhớ đến một hạn từ khác: Cộng hòa. Tuy nhiên, trở thành một nền Cộng hòa, một res publica có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là xem mình thực sự là “công cộng”, “của dân”; nó tuyên bố rằng nhà nước thuộc về tất cả mọi người; và do đó, những người được giao phó những trách nhiệm lớn hơn, chủ trì và điều hành nó, có nhiệm vụ phục vụ công ích. Đó là mục đích của quyền lực: phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, luôn có sự cám dỗ sử dụng quyền lực vì lợi ích của chúng ta. Vì vậy, chỉ đơn giản được gọi là Cộng hòa là không đủ; nó cần phải là một nền cộng hòa thực sự, bắt đầu từ của cải đệ nhất hạng. Các nguồn tài nguyên dồi dào mà Thiên Chúa đã ban phước cho vùng đất này không nên chỉ giới hạn cho một số ít, mà được công nhận là di sản của tất cả mọi người, và các kế hoạch phục hồi kinh tế phải trùng khớp với các đề xuất phân phối của cải một cách công bằng.

Sự phát triển của một nền dân chủ lành mạnh là điều cần thiết cho cuộc sống của một nền Cộng hòa. Nó duy trì sự phân biệt lành mạnh về quyền hạn một cách mà, chẳng hạn, những người thực thi công lý có thể làm như vậy mà không có sự can thiệp từ những người lập pháp hoặc cai trị. Ngoài ra, dân chủ giả định việc tôn trọng các quyền con người, được duy trì bởi luật pháp và việc áp dụng luật pháp, đặc biệt là quyền tự do tự phát biểu. Cần ghi nhớ rằng không có hòa bình nếu không có công lý (x. Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp cử hành Ngày Hòa bình Thế giới, 1 tháng 1, 2002), nhưng cũng không có công lý nếu không có tự do. Do đó, mọi công dân nên được tạo điều kiện để tận dụng tối đa hồng phúc độc đáo và không thể lặp lại của cuộc đời mình, đồng thời được cung cấp những phương tiện phù hợp để làm điều đó. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII: “Mọi người đều có quyền sống, quyền toàn vẹn về thân thể và quyền có những phương tiện cần thiết để phát triển đúng đắn cuộc sống” (Pacem in Terris, 11).

Sông Nile, rời nguồn và đi qua một số địa hình không bằng phẳng tạo ra thác nước và ghềnh, đi vào đồng bằng Nam Sudan và gần Juba, trở nên có thể điều hướng được, trước khi đi vào các khu vực lầy lội hơn. Tương tự như vậy, tôi tin tưởng rằng con đường dẫn đến hòa bình của nền Cộng hòa sẽ không diễn ra gập ghềnh, nhưng, bắt đầu từ thủ đô này, sẽ đi theo một lộ trình có thể điều hướng và không bị sa lầy bởi quán tính. Các bạn thân mến, đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động. Đã đến lúc lật sang trang mới: đây là lúc cam kết thực hiện một sự biến đổi khẩn cấp và rất cần thiết. Tiến trình hòa bình và hòa giải đòi hỏi một khởi đầu mới. Mong sao đạt được sự hiểu biết và đạt được tiến bộ trong việc tiến lên phía trước với Hiệp định Hòa bình và Bản đồ Lộ trình! Trong một thế giới đầy rẫy chia rẽ và xung đột, đất nước này đang tổ chức một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, một điều hiếm thấy; nó đại diện cho một sự thay đổi hướng đi, một cơ hội để Nam Sudan tiếp tục chèo thuyền trong vùng nước lặng, tiến hành đối thoại, không có sự hai lòng và chủ nghĩa cơ hội. Cầu mong cho mọi người có dịp làm sống lại niềm hy vọng, không chỉ cho chính phủ, mà cho tất cả mọi người. Hãy để mỗi người dân hiểu rằng đã đến lúc không còn bị cuốn theo dòng nước ô nhiễm của hận thù, chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa khu vực và sự khác biệt sắc tộc. Anh chị em thân mến, đã đến lúc cùng nhau chèo thuyền hướng tới tương lai! Cùng nhau. Chúng ta không được quên từ này: cùng nhau.

Dòng chảy của dòng sông lớn cũng có thể gợi ý một cách để tiến về phía trước. Trên đường đi, sông Nile hợp lưu với một con sông khác ở Hồ No, tạo thành cái gọi là sông Nile Trắng. Lúc đó, nó là vùng nước trong suốt, phát sinh từ một cuộc gặp gỡ. Anh chị em thân mến, đây là con đường phải đi: tôn trọng nhau, tìm hiểu nhau và tham gia đối thoại. Đằng sau mọi hình thức bạo lực, đều có sự tức giận và oán giận, và đằng sau mọi hình thức giận dữ và oán giận, là ký ức không lành về những vết thương, sự sỉ nhục và sai trái. Theo đó, cách duy nhất để thoát khỏi những điều này là gặp gỡ, văn hóa gặp gỡ: bằng cách chấp nhận người khác như anh chị em của chúng ta và nhường chỗ cho họ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là lùi một bước. Thái độ này, vốn cần thiết cho bất cứ tiến trình hòa bình nào, cũng không thể thiếu hữu ích cho sự phát triển gắn kết của xã hội. Trong quá trình quá độ từ sự đối đầu man rợ sang một nền văn hóa gặp gỡ sống còn, những người trẻ tuổi đóng một vai trò quyết định. Do đó, họ nên được cung cấp những không gian gặp gỡ cởi mở để gặp nhau và thảo luận. Cầu mong họ không sợ hãi nắm giữ tương lai vốn là của họ! Sau đó, những người phụ nữ, những người mẹ hiểu rõ sự sống được tạo ra và bảo vệ như thế nào, cần phải ngày càng được tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị và các quá trình ra quyết định. Phụ nữ cần được tôn trọng, vì bất cứ ai có hành vi bạo lực đối với phụ nữ là phạm tội đó với Thiên Chúa, Đấng đã lấy xác thịt từ một người phụ nữ.

Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, đã dạy chúng ta rằng chúng ta càng trở nên nhỏ bé, bằng cách nhường chỗ cho người khác và đón nhận mọi người lân cận như anh chị em, thì chúng ta càng trở nên cao cả hơn trước mắt Chúa. Lịch sử non trẻ của đất nước này, bị xâu xé bởi các xung đột sắc tộc, cần khám phá ra sự huyền bí của cuộc gặp gỡ, ân sủng của toàn thể. Cần phải nhìn xa hơn các nhóm và các khác biệt để hành trình như một dân tộc, giống như ở sông Nile, được làm giàu nhờ sự đóng góp của các nhánh khác nhau của nó. Hơn một thế kỷ trước, chính nhờ dòng sông mà những nhà truyền giáo đầu tiên đã đến những bờ biển này, tiếp theo, với thời gian, là nhiều nhân viên nhân đạo. Tôi muốn cảm ơn họ tất cả vì những công việc có giá trị mà họ đã làm. Đồng thời, tôi nghĩ đến những nhà truyền giáo, phải nói là rất buồn, đã gặp phải cái chết trong khi gieo rắc sự sống. Chúng ta đừng quên họ và đừng quên bảo đảm cho họ và cho những người làm công tác nhân đạo sự an toàn và hỗ trợ cần thiết cho các công việc bác ái của họ, để dòng sông thiện hảo có thể tiếp tục chảy.

Tuy nhiên, một dòng sông lớn đôi khi có thể tràn bờ và gây ra thảm họa. Đáng thương thay, đây là kinh nghiệm của nhiều nạn nhân lũ lụt ở đất nước này. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với họ và kêu gọi để họ đừng thiếu sự giúp đỡ cần thiết. Các thiên tai kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một thiên nhiên bị vùi dập và tổn thương, từ chỗ là nguồn sống có thể biến thành mối đe dọa chết người. Chúng ta cần có tầm nhìn xa để quan tâm đến sáng thế, vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự cần thiết phải chống nạn phá rừng do trục lợi.

Để ngăn chặn một dòng sông bị lũ lụt, lòng sông phải được giữ sạch sẽ. Bỏ lại đằng sau những ẩn dụ, sự làm sạch cần thiết của dòng chảy cuộc sống trong xã hội được thể hiện bằng cuộc chiến chống tham nhũng. Sự phân phối các quỹ không công bằng, những kế hoạch bí mật để làm giàu, những thỏa thuận bảo trợ, sự thiếu minh bạch: tất cả những điều này làm ô nhiễm lòng sông của xã hội loài người; chúng chuyển hướng nguồn lực khỏi những điều cần thiết nhất. Trước hết, cần phải chống lại sự nghèo đói, là mảnh đất màu mỡ trong đó hận thù, chia rẽ và bạo lực bén rễ. Nhu cầu cấp thiết của bất cứ quốc gia văn minh nào là quan tâm đến công dân của mình, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất. Ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến hàng triệu người tản cư đang sống ở đây: biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ, và giờ đây thấy mình bị đẩy ra bên lề cuộc sống do hậu quả của các cuộc xung đột và buộc phải di tản!

Để các vùng nước mang lại sự sống không biến thành nguồn nguy hiểm chết người, điều cần thiết là dòng chảy của sông phải được kiểm soát bằng các bờ kè phù hợp. Điều này cũng đúng đối với sự chung sống của con người. Trên hết, cần phải kiểm soát dòng vũ khí, bất chấp lệnh cấm, vẫn tiếp tục đến nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Nam Sudan: nhiều thứ cần thiết ở đây, nhưng chắc chắn không phải là có nhiều vũ khí tử thần hơn! Các hình thức xây kè khác là cần thiết để kiểm soát dòng chảy lành mạnh của đời sống xã hội. Ở đây, tôi muốn đề cập đến việc xây dựng các chính sách chăm sóc sức khỏe phù hợp, nhu cầu về cơ sở hạ tầng quan trọng và đặc biệt mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy xóa mù chữ và giáo dục, cách duy nhất để trẻ em của vùng đất này có thể tự nắm lấy tương lai của mình. Giống như tất cả trẻ em của lục địa này và trên thế giới, chúng có quyền lớn lên được cầm trên tay những cuốn vở và đồ chơi, chứ không phải vũ khí và công cụ lao động.

Cuối cùng, sông Nile Trắng rời khỏi Nam Sudan, đi qua các quốc gia khác, nhập vào sông Nile Xanh rồi đổ ra biển. Những dòng sông không có biên giới; chúng kết nối các lãnh thổ khác nhau. Tương tự như vậy, để đạt được sự phát triển phù hợp, hơn bao giờ hết, điều cần thiết là phải thúc đẩy các mối quan hệ tích cực với các quốc gia khác, bắt đầu từ những quốc gia trong khu vực. Ở đây, tôi cũng nghĩ đến sự đóng góp quý báu của cộng đồng quốc tế đối với đất nước này, và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa giải và phát triển. Tôi tin rằng, để những đóng góp đó có kết quả, thì sự hiểu biết thực sự về các quá trình và vấn đề xã hội là điều cần thiết. Phân tích và báo cáo về chúng từ xa là không đủ; cần phải tham gia trực tiếp, với sự kiên nhẫn và quyết tâm, và nói chung, để chống lại sự cám dỗ áp đặt các mô hình được thiết lập sẵn xa lạ với thực tại địa phương. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói ba mươi năm trước ở Sudan: “Các giải pháp của Phi Châu phải được tìm ra cho các vấn đề của Phi Châu” (Diễn văn tại Lễ chào mừng, 10 tháng 2 năm 1993).

Thưa Tổng thống, thưa các nhà chức trách đáng kính, khi lần theo dòng chảy của sông Nile, tôi muốn mạo hiểm đi dọc theo con đường của đất nước này, ngay khi nó còn trẻ. Tôi nhận ra rằng một số điều tôi nói có vẻ thẳng thừng và trực tiếp, nhưng xin vui lòng biết rằng điều này xuất phát từ tình cảm và mối quan tâm mà tôi dành cho cuộc sống của đất nước qúy vị, cùng với những người anh em của tôi, những người mà tôi đã cùng đến đây với tư cách là những người hành hương của hòa bình. Chúng tôi muốn gửi đến qúy vị những lời cầu nguyện chân thành và sự hỗ trợ của chúng tôi để Nam Sudan có thể trải nghiệm sự hòa giải và thay đổi hướng đi. Ước gì con đường sống còn của nó không còn bị tràn ngập bởi bạo lực, bị sa lầy trong đầm lầy tham nhũng và bị ngăn chặn bởi sự tràn ngập của nghèo đói. Xin Chúa trên trời, Đấng yêu thương mảnh đất này, ban cho nó một mùa mới bình an và thịnh vượng. Xin Chúa phù hộ Cộng hòa Nam Sudan! Cảm ơn qúy vị.
 
Sư đoàn tăng Nga đại bại mất 11 xe tăng, 10 thiết giáp. Đức hào phóng cho Kyiv thêm 88 tăng Leopard
VietCatholic Media
15:36 06/02/2023


1. Sư đoàn xe tăng Nga đại bại, 11 xe tăng bị bắn cháy cùng với 10 xe thiết giáp

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 6 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, đã có các cuộc giao tranh ác liệt chung quanh thành phố Kreminna. Quân Nga đã mất đến 11 xe tăng và 10 xe thiết giáp, cùng với hàng trăm binh sĩ.

Vào ngày 6 tháng 9 năm 2022, các lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tổng phản công giải phóng. Ba ngày sau, quân đội Ukraine giải phóng Izyum, Balakliia và các khu định cư khác. Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 9, người Ukraine tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến 2.850 lính Nga và phá hủy tới 590 thiết bị quân sự, bao gồm 86 xe tăng, 158 xe xe thiết giáp, 106 hệ thống pháo, 159 phương tiện và 46 hệ thống thiết bị khác. Đơn vị chịu thiệt hại nặng nhất của quân Nga là là Sư Đoàn Xe Tăng Cận Vệ Số 4, mặc dù đơn vị này đóng quân cách biên giới Ukraine và Nga chỉ có 25 dặm hay 40km.

Sư Đoàn Xe Tăng Cận Vệ Số 4 là một trong số các đơn vị trực thuộc Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Anh, vào thời điểm quân đội Nga rút lui về Belarus và miền nam nước Nga, một đơn vị khác của Tập Đoàn Quân này là Sư đoàn súng trường cơ giới số 2 cũng đã chịu “tổn thất lớn”.

Sau một thời gian dưỡng quân và bổ sung thêm các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một đã quay lại chiến trường Ukraine và đang giao tranh với quân Ukraine xung quanh thành phố Kreminna.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong 24 giờ trước đó, Sư Đoàn Xe Tăng Cận Vệ Số 4 đã mất đến 11 xe tăng, 10 xe thiết giáp. Quân Nga tháo chạy bỏ lại cả 5 hệ thống pháo không kịp phá hủy.

Ước tính sơ bộ cho đến ngày 6 tháng Hai, Nga đã mất 132.160 quân nhân.

2. Bộ trưởng Quốc phòng cho biết: Quân đội Ukraine đã bắt đầu huấn luyện xe tăng Leopard vào hôm thứ Hai

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov thông báo quân đội Ukraine sẽ bắt đầu huấn luyện với xe tăng Leopard từ thứ Hai.

Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Kyiv, ông nói: “Chúng ta đang tích lũy lực lượng dự trữ và làm việc để đào tạo thêm nhân sự, mua vũ khí của phương Tây”.

Reznikov cũng cảnh báo về một cuộc tấn công sắp tới của Nga. “Chúng tôi nhận định rằng sẽ có một cuộc tấn công. Bây giờ là tháng Hai và người Nga yêu thích biểu tượng. Chúng tôi đã chuẩn bị trước áp lực này của họ, và chúng tôi đã sẵn sàng,” ông nói.

Nhưng xe tăng không phải là vũ khí duy nhất mà Ukraine cần để tự vệ trước các cuộc oanh tạc của đối phương. Theo Reznikov, Ukraine cần vũ khí tầm xa đạt tới 150 km “hiệu quả và chủ động hơn”. Tầm bắn tối đa của loại pháo hiện nay do phương Tây cung cấp là 144 km.

Hôm thứ Năm, các quan chức Mỹ cho biết Mỹ dự kiến sẽ công bố gói an ninh mới cho Ukraine trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó sẽ bao gồm các hỏa tiễn tầm xa lần đầu tiên dành cho nước này.

Nhưng những điều này sẽ không đạt được khoảng cách mà Ukraine đang yêu cầu vì lo sợ các vũ khí tầm xa hơn - như hỏa tiễn ATACMS đang được săn đón - sẽ được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga, là điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov đã bác bỏ.

Ông khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi hứa với các đối tác của mình sẽ không sử dụng các hệ thống tầm xa để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, mà chỉ trên lãnh thổ Ukraine mà người Nga xâm lược”.

Nói về khoản viện trợ quân sự mà Ukraine đã nhận được, ông Reznikov cho biết họ đã được cung cấp “gần như mọi thứ” về vũ khí ngoại trừ máy bay chiến đấu, là thứ mà ông chắc chắn rằng họ sẽ nhận được.

Ukraine không phải là thành viên NATO, nhưng trong cuộc chiến này đã trở thành một “quốc gia NATO trên thực tế”, ông nói, nhận vũ khí, tiêu chuẩn và hệ thống kỹ thuật số. Reznikov nói thêm: “Điều duy nhất còn lại phải làm là được chấp nhận vào liên minh theo luật định”.

3. Đức hào phóng cung cấp thêm cho Ukraine 88 xe tăng Leopard. Đan Mạch cũng cho 20 chiếc.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Good Gun, Thin Armor: The Ukrainian Army Is Getting Leopard 1 Tanks”, nghĩa là “Súng Tốt, Lớp Giáp Mỏng: Quân Ukraine Đang Nhận Được Các Xe Tăng Leopard 1”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Đức đã cam kết cung cấp cho Ukraine 88 xe tăng Leopard 1A5. Những chiếc Leopard 1 cũ của Đức, kết hợp với 20 xe tăng khác cùng kiểu mà Đan Mạch dự định tặng, có thể trang bị cho cả một lữ đoàn xe tăng Ukraine.

Leopard 1A5 cổ điển của thập niên 1980, do Rheinmetall thiết kế và sản xuất, không phải là xe tăng hiện đại nhất thế giới. Nhưng nó gần như cùng thời với Leopard 2A4—và thực sự chia sẻ nhiều hệ thống phối thuộc với người anh em lớn hơn, nặng hơn nó.

Quan trọng nhất, Leopard 1A5 có hệ thống quang học và khả năng kiểm soát hỏa lực khá tốt cũng như một khẩu súng chính rất hiệu quả— là khẩu Royal Ordnance L7 105 ly. Quân đội Ukraine đã quen thuộc với L7, vì khẩu súng trường này cũng trang bị cho 28 xe tăng M-55S siêu nâng cấp mà Slovenia tặng cho họ vào năm ngoái.

Người Ukraine cũng đã quen thuộc với thân, động cơ, hộp số và hệ thống treo của Leopard 1. Quân đội Ukraine vận hành 38 xe công binh cũ của Đức có khung gầm Leopard 1.

Điểm yếu lớn nhất của chiếc Leopard 1A5 nặng 40 tấn chở được 4 người là nó được bọc thép mỏng theo tiêu chuẩn hiện đại. Giáp bảo vệ bổ sung, cùng với súng chính lớn hơn, là yêu cầu chính thúc đẩy sự phát triển của Leopard 2 nặng 70 tấn.

Nhưng có hàng trăm chiếc Leopard 1A5 đang được cất giữ trên khắp Âu Châu, bao gồm—và điều này rất quan trọng—vài trăm chiếc trong các nhà kho của Rheinmetall và công ty vũ khí Đức FFG Flensburger. Cả hai công ty đã giữ những chiếc xe tăng cũ trong tình trạng tốt.

Những chiếc Leopard 1 mà Đức đã cam kết với Ukraine sẽ đến từ kho của Rheinmetall. Đan Mạch trong khi đó có kế hoạch mua ít nhất 20 và có thể là 40 chiếc Leopard 1 từ FFG Flensburger để chuyển nhượng trong tương lai.

Tóm lại, Ukraine sẽ nhanh chóng có được những chiếc Leopard 1 có giá trị bằng cả một lữ đoàn — có khả năng nhanh hơn khả năng nó có thể ghép thành một lữ đoàn gồm những chiếc Leopard 2 nặng hơn. Và nhanh hơn rất nhiều so với những chiếc xe tăng M-1A2 mới do Mỹ sản xuất.

Nếu lính xe tăng Ukraine thông minh, họ sẽ triển khai những chiếc Leopard 1A5 của mình theo cách tận dụng điểm mạnh của xe tăng trong khi giảm thiểu điểm yếu của chúng.

Điều đó có nghĩa là sử dụng những chiếc Leopard 1 làm hỏa lực hỗ trợ cho bộ binh cơ giới di chuyển nhanh. Khi bộ binh chạy vào cứ điểm của quân Nga, họ sẽ gọi xe tăng đến để bắn vài viên đạn 105 ly vào vị trí của quân Nga.

Điều đó có nghĩa là không nên đưa xe tăng chiến đấu trực tiếp với xe tăng Nga, những loại xe có pháo chính 125 ly sẽ xuyên thủng lớp giáp mỏng của Leopard 1.

4. Nga chế tạo hàng chục phương tiện phòng không cho chiến tranh ở Bắc Cực sau đó gửi chúng đến Ukraine để nổ tung.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russia Built A Dozen Air-Defense Vehicles For War In The Arctic. Then Sent Them To Ukraine To Get Blown Up”, nghĩa là “Nga chế tạo hàng chục phương tiện phòng không cho chiến tranh ở Bắc Cực sau đó gửi chúng đến Ukraine để nổ tung”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Nga đã chế tạo hàng chục phương tiện phòng không đặc biệt chuyên dùng để bắn hạ máy bay chiến đấu của đối phương trong cái lạnh khắc nghiệt của vùng Bắc Cực đầy tuyết. Nhưng Tor-M2DT đã có trận chiến đấu mở màn ở Ukraine, cách Bắc Cực 3.000 dặm về phía nam.

Tình hình xảy ra thê thảm. Trong hai tháng kể từ khi những chiếc Tor-M2DT đầu tiên xuất hiện ở Ukraine, lực lượng Ukraine đã phá hủy ít nhất hai chiếc trong số đó. Một chiếc Tor-M2DT đã có một kết thúc tồi tệ ngay sau khi truyền thông Nga giới thiệu phương tiện này trong một chương trình TV.

Phương tiện phòng không Tor cơ bản được đưa vào sử dụng năm 1986. Đây là một hệ thống tầm ngắn, khép kín với vai trò chính là bảo vệ các tiểu đoàn chiến đấu gần tiền tuyến.

Vào Tháng Giêng năm 2020, một chiếc Tor của Iran đã bắn hạ một máy bay chở khách của Ukraine trên bầu trời Iran sau khi nhầm nó với một máy bay chiến đấu tấn công. Toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Có một số biến thể Tor, nhưng tất cả đều bao gồm một xe trên đó gắn radar và bệ phóng hỏa tiễn có thể phóng tối đa 16 hỏa tiễn 400 cân anh, mỗi hỏa tiễn có tầm bắn 7 dặm. Chiếc xe này phát hiện mục tiêu bằng radar tích hợp, rồi phóng hỏa tiễn—thông qua liên kết vô tuyến—có tính đến sự thay đổi vị trí của mục tiêu. Đó là một quá trình được gọi là “hướng dẫn mệnh lệnh.”

Trong 40 năm, công ty vũ khí Almaz-Antey đã sản xuất các phương tiện Tor được tối ưu hóa cho điều kiện Âu Châu. Mùa đông lạnh giá, mùa hè ôn hòa, mặt đất, nếu có tuyết rơi, chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

Nhưng khi biến đổi khí hậu làm ấm Bắc Cực, mở ra các tuyến thương mại và tài nguyên khoáng sản mới, Điện Cẩm Linh bắt đầu tổ chức các lực lượng đặc biệt để chiến đấu ở cực bắc. Almaz-Antey đã lắp đặt radar và hỏa tiễn Tor trên máy kéo DT-30. Đường ray rộng và trọng lượng nhẹ của DT-30 giúp nó vượt qua băng tuyết.

Điện Cẩm Linh lần đầu tiên thử nghiệm Tor-M2DT vào năm 2019. Almaz-Antey đã sản xuất 12 chiếc ban đầu. Khi tổn thất của Nga ngày càng sâu sắc trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh rộng lớn hơn của Nga với Ukraine bắt đầu từ một năm trước — Điện Cẩm Linh đã mất gần 100 hệ thống phòng không — Tor-M2DT đã tiến về phía nam để bù đắp.

Không phải các vùng của Ukraine không lạnh và không có tuyết vào mùa đông. Nhưng người Nga đã triển khai Tor-M2DT của họ cùng với Lữ đoàn súng trường cơ giới Bắc Cực số 80 tới khu vực Kherson ở miền nam Ukraine, nơi gần đây không có tuyết.

Mặc dù đúng là áp suất mặt đất thấp của DT-30 có thể giúp Tor-M2DT di chuyển trong đầm lầy Kherson, nhưng những chiếc Tor-M2DT có vẻ... lạc lõng. Điều đó không ngăn được đài truyền Zvezda News ăn mừng việc triển khai Tor-M2DT trong chương trình tháng 12.

Sáu tuần sau, các máy bay không người lái thuộc Lữ đoàn pháo binh 406 của quân đội Ukraine đã lần ra những chiếc Tor-M2DT ở khu vực Kherson. Các xạ thủ được cho là đã bắn đạn Excalibur dẫn đường bằng GPS để tiêu diệt hai trong số các hệ thống phòng không Bắc Cực Tors chỉ cách nhau vài ngày vào cuối Tháng Giêng hoặc đầu tháng 2.

Cuộc tấn công đầu tiên là ấn tượng nhất. Sau khi một hỏa tiễn Excalibur đốt cháy Tor, những người lính Nga đã chạy đến với một bình chữa cháy cầm tay và cố gắng dập tắt ngọn lửa trong vô vọng. “Bình chữa cháy không giúp được gì,” Bộ Quốc phòng Ukraine châm biếm. Một quả đạn thứ hai đã kết thúc trò hề của lính Nga.

5. Reznikov cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết ông nghĩ rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine.

“Luôn có rủi ro như vậy, nhưng tôi luôn tự đặt câu hỏi: nếu họ muốn sử dụng nó vũ khí hạt nhân, thì mục tiêu của họ là gì? Nó có vẻ rõ ràng - để khiến chúng ta khuỵu gối và ngăn phương Tây giúp chúng ta. Tuy nhiên, mỗi khi người Nga làm điều gì đó cực kỳ khủng khiếp - Bucha, Irpin, Mariupol - phương Tây bắt đầu hỗ trợ nhiều hơn cho chúng ta, bởi vì các đối tác hiểu rằng người Nga phải bị ngăn chặn. Nếu họ không bị chặn lại ở Ukraine, họ sẽ tiến xa hơn và họ sẽ phải bị chặn lại ở Âu Châu. Tôi nghĩ người Âu Châu đã hiểu rằng người Nga phải bị chặn đứng trên chiến trường ở Ukraine, với chiến thắng của Ukraine,” ông Reznikov nói.

Theo ông, nếu Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở tiền tuyến, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho quân đội của chính họ, và nếu họ làm như vậy ở các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho người dân mà người Nga cho là đến để “bảo vệ.”

“Làm điều đó bên trong Ukraine để chứng tỏ rằng họ rất quyết tâm ư? Nó có thể ở bất cứ đâu. Và nó sẽ mang lại cho họ những gì? Nó sẽ đưa ra bằng chứng lớn nhất rằng tòa án được bảo đảm cho tất cả bọn họ, bởi vì Ukraine không phải là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và theo đó, chúng ta không gây ra mối đe dọa hạt nhân. Và khái niệm chung về sử dụng vũ khí hạt nhân là vũ khí răn đe,” ông nói.

Đồng thời, Reznikov nói rằng Điện Cẩm Linh đã nhận được tín hiệu không sử dụng vũ khí hạt nhân từ cái gọi là đồng minh của mình, Trung Quốc và Ấn Độ.

“Đó là lý do tại sao tôi vẫn là một người lạc quan và nghĩ rằng điều đó sẽ không xảy ra,” ông kết luận.

6. Trong năm qua, khoảng 200.000 người Nga đã bỏ quê hương đến Serbia

Trong năm qua, khoảng 200.000 người Nga đã bỏ quê hương đến Serbia; một quốc gia vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa nhưng vẫn lên án cuộc xâm lược Ukraine.

AP báo cáo rằng quốc gia Slavic là đồng minh Âu Châu thân cận nhất của Mạc Tư Khoa, với các mối quan hệ lịch sử, tôn giáo và văn hóa được củng cố bởi các chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị của Cẩm Linh. Nga ủng hộ yêu sách của Serbia đối với tỉnh Kosovo cũ của nước này, nơi đã tuyên bố độc lập vào năm 2008 với sự hỗ trợ của phương Tây. Và Serbia đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa vì cuộc xâm lược.

Đồng thời, Serbia muốn gia nhập Liên minh Âu Châu. Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của nước này, Aleksandar Vučić, đã lên án cuộc xâm lược và khoảng 200.000 người Nga đã tràn vào nước này trong năm qua, trong đó nhiều người đang tìm kiếm một cuộc sống mới ở một vùng đất anh em không có sự áp bức của Điện Cẩm Linh. Anastasia Demidova, người đến quốc gia Balkan từ Mạc Tư Khoa ba tháng trước, nói với hãng tin:

Ở Belgrade này, chúng tôi không phải gánh chịu những thái độ thù địch, và điều đó có ý nghĩa rất lớn. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người Serbia ở đây và những người nước ngoài khác. Khi họ hỏi tôi 'bạn đang làm gì ở đây', tôi nói: 'Chúng tôi chống lại Putin và chiến đấu cho một nước Nga dân chủ và rõ ràng là chúng tôi chống lại cuộc chiến ở Ukraine”.

Những người khác nói rằng họ chạy trốn để tránh bị nhập ngũ hoặc vì lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của họ hoặc tước đi công việc của họ. Nhà sử học Aleksej Timofejev cho biết, nhưng họ đang duy trì các mối liên hệ với quê hương, bao gồm cả các mối quan hệ tài chính. Anh ấy nói, không giống như những tiền bối của họ vào đầu thế kỷ 20, họ không thể đi về phía tây vì các lệnh trừng phạt và vẫn cần thị thực để đi đến các nước giàu có hơn ở Âu Châu.

Họ không chọn đất nước này mà đến đây vì đó là nơi duy nhất chứa chấp họ.

7. Tổng số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng lên hơn 650 người

Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter tấn công miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria vào sáng sớm thứ Hai đã giết chết ít nhất 641 người, với con số dự kiến sẽ tăng thêm. Hàng trăm người được cho là vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát khi các nhân viên cấp cứu tìm kiếm đống đổ nát ở các thành phố và thị trấn trên khắp khu vực.

Associated Press báo cáo rằng cục thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ và cơ quan quản lý khẩn cấp cho biết ít nhất 284 người đã thiệt mạng ở bảy tỉnh Thổ Nhĩ Kỳ. Các cơ quan này cho biết 440 người bị thương.

Theo truyền thông nhà nước Syria, số người chết tại các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria đã tăng lên 245 với hơn 630 người bị thương. Ít nhất 147 người đã thiệt mạng trong các khu vực do phiến quân kiểm soát.

Các tòa nhà được báo cáo là đã sụp đổ trong một khu vực xuyên biên giới kéo dài từ các thành phố Aleppo và Hama của Syria đến Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 330km về phía đông bắc.

Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Otkay cho biết gần 900 tòa nhà đã bị phá hủy ở các tỉnh Gaziantep và Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết một bệnh viện đã bị sập ở thành phố Iskanderoun ven biển Địa Trung Hải, nhưng thương vong chưa được xác định ngay lập tức.

“Thật không may, cùng lúc đó, chúng ta cũng đang phải vật lộn với điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt,” Oktay nói với các phóng viên.

8. Một người bị thương do pháo kích của Nga ở Kherson

Theo chính quyền quân sự của khu vực, một ngôi làng ở Kherson đã hứng chịu “đám cháy lớn” vào sáng sớm Chúa Nhật.

Chính quyền cho biết trên Telegram hôm Chúa Nhật, ngôi làng Chornobaivka ở phía tây bắc đã bị trúng đạn pháo của Nga, làm hư hại 6 tòa nhà dân cư. Một người bị thương phải nhập viện.

Một số bối cảnh: Kherson đã được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga vào tháng 11 năm ngoái, nhưng chiến thắng của Ukraine chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các cuộc tấn công của đối phương vào khu vực diễn ra không ngừng. Chỉ trong vài ngày qua, nó đã vượt qua hơn 130 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, pháo, súng cối và hỏa lực xe tăng qua sông Dnipro từ các lực lượng Nga.

9. Bốn người thiệt mạng, 11 người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga vào khu vực Donetsk

Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự của khu vực, Pavlo Kyrylenko, cho biết 4 người đã thiệt mạng sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo kích của Nga vào khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, và 11 người khác bị thương.

Các dịch vụ khẩn cấp đã giải cứu chín người khỏi một tòa nhà năm tầng đã bị phá hủy bởi cuộc tấn công

Bốn tòa nhà cao tầng và một trường mẫu giáo đã bị hư hại sau hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Druzhkivka, một số ngôi nhà và tòa nhà đã bị phá hủy do pháo kích ở những nơi khác trong khu vực.

Hai hỏa tiễn của Nga đã tấn công thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine hôm Chúa Nhật, làm bị thương bốn người, Oleg Sinegubov, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kharkiv cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm Chúa Nhật.

Ông cho biết một phụ nữ 54 tuổi đã phải nhập viện với vết thương do mảnh bom gây ra và hai người đàn ông 51 tuổi và 55 tuổi đã được điều trị tại hiện trường. Sinegubov cho biết một nhân viên bảo vệ cũng bị thương tại một cơ sở giáo dục đại học nơi cuộc tấn công hỏa tiễn thứ hai được thực hiện.

Theo thị trưởng thành phố Ihor Terekhov, hai hỏa tiễn được phóng vào thành phố được cho là hỏa tiễn S-300.

Một hỏa tiễn đã đánh trúng một tòa nhà dân cư, nơi đám cháy bùng phát. Cơ quan khẩn cấp nhà nước đang làm việc tại địa điểm xảy ra vụ tấn công để dọn dẹp đống đổ nát và tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Hôm thứ Năm, các hỏa tiễn của Nga đã tấn công thành phố Kramatorsk ở miền đông, làm bị thương ít nhất 5 người.
 
Cậu bé gây ngạc nhiên cho cả sân vận động trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha. Lịch sử do thám của TQ trên đất Mỹ
VietCatholic Media
17:43 06/02/2023


1. Cậu bé gây ngạc nhiên cho cả sân vận động trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Congo

Vài ngày đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo. Hàng trăm bức ảnh và video tràn ngập mạng xã hội, cho thấy lòng sùng kính và lòng nhiệt thành phổ biến của cộng đồng Công Giáo tại quốc gia đó.

Vào ngày 2 tháng 2, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động Các Thánh Tử đạo ở Kinshasa để gặp gỡ các bạn trẻ Công Giáo và các giáo lý viên. Hình ảnh gần 65.000 tín hữu lắng nghe Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu lan truyền ngay lập tức.

Tại một thời điểm nào đó, trong khi Đức Giáo Hoàng đưa ra thông điệp của mình cho những người tham dự, hình ảnh của một đứa trẻ đã gây ấn tượng cho toàn bộ sân vận động.

Chương trình phát sóng tập trung vào một cậu bé ăn mặc như một Hồng Y ban phước lành cho những người tham dự từ trung tâm của sân vận động.

Danh tính của đứa trẻ vẫn chưa được biết, nhưng vài phút sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với giới trẻ, hình ảnh của cậu bé bắt đầu lan truyền.

Một người dùng cười và nói: “Congo thật may mắn và đầy tài năng.”

Một người dùng khác nói, “Hồng Y trẻ nhất thế giới.”

Người dùng này nói thêm: “Hiện tại, người thanh niên Congo này xuất hiện trong tâm trí của tôi thường xuyên hơn cả Đức Giáo Hoàngs. Và tôi đang theo dõi cả đống nhà báo đang ở cùng với Đức Giáo Hoàng ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Cậu bé vẫn còn quá nhỏ. Chỉ trong vòng chưa đầy 70 năm nữa, cậu ấy biết đâu lại có thể được cân nhắc cho chức vụ giáo hoàng”.

2. Dòng Phanxicô tại Thánh địa phản đối vụ phá hoại tượng Chúa Giêsu

Các vị lãnh đạo Dòng Phanxicô phản đối và lên án vụ xúc phạm và phá hoại tượng Chúa Giêsu tại Nhà thờ Chúa Chịu Đánh Đòn, tọa lạc tại Chặng thứ I trên chặng đường Thánh Giá ở Cổ thành Giêrusalem, sáng ngày 02 tháng Hai vừa qua, do một người Do thái cực đoan thực hiện.

Thông cáo cho biết, thủ phạm đã đập tượng Chúa và bôi bẩn mặt tượng, trước khi bị người coi cổng Đền thánh bắt giữ và sau đó cảnh sát đến bắt thủ phạm giải đi.

Đây là vụ phá hoại và xúc phạm thứ năm xảy ra trong những tuần lễ gần đây. Trong tuần qua, một số du khách đã bị một nhóm người Do thái giáo cuồng tín tấn công. Nhóm này đi vào Cửa Mới, gần trụ sở Dòng Phanxicô và phá hoại, quăng các bàn ghế và ly tách, biến khu vực Kitô thành một bãi chiến trường.

Cách đây khoảng hai tuần, nghĩa trang Kitô giáo ở Giêrusalem đã bị xúc phạm và phá hoại. Thủ phạm đã viết câu: “Hãy giết chết Kitô Hữu” trên tường một đan viện ở khu vực của người Armeni và phá hoại nơi được dùng như nhà thờ, tại trung tâm Ma’alot của các tín hữu Maronit.

Thông cáo mang chữ ký của cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, cha Alberto Joan Pari, Tổng thư ký của dòng tại đây. Hai vị khẳng định rằng: “Chúng tôi lo âu theo dõi và mạnh mẽ lên án sự gia tăng những hành vi oán ghét và bạo lực chống cộng đoàn Kitô tại Israel. Không phải tình cờ mà việc hợp thức hóa sự kỳ thị và bạo lực trong dư luận quần chúng và trong bối cảnh chính trị của Israel được biểu lộ, của những vụ oán ghét và bạo lực chống cộng đoàn Kitô.

“Chúng tôi chờ đợi và yêu cầu chính phủ Israel cũng như lực lượng an ninh hành động quyết liệt để bảo đảm an ninh cho mọi cộng đoán, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, và để bài trừ nạn tôn giáo cuồng tín, những hiện tượng bất bao dung trầm trọng này, những tội ác oán ghét, những hành vi phá hoại trực tiếp chống các Kitô hữu tại Israel”.

3. Nhìn lại lịch sử gián điệp của Trung Quốc ở Mỹ

Thông tấn xã CNN có bài tường trình nhan đề “A look at China’s history of spying in the US” nghĩa là “Nhìn lại lịch sử gián điệp của Trung Quốc ở Mỹ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Khinh khí cầu Trung Quốc vi phạm không phận Mỹ trong tuần này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao với việc hoãn chuyến đi dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh.

Nhưng hai nước có một lịch sử lâu dài về hoạt động gián điệp của nhau.

Hoa Kỳ đã tìm cách thu thập thông tin tình báo của riêng mình về chính phủ Trung Quốc, sử dụng các phương pháp bao gồm bay máy bay giám sát trên các đảo tranh chấp mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nguồn nhân lực và các công nghệ chặn tín hiệu.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã tìm cách phân biệt các hành động của Mỹ với những gì họ nói là hoạt động gián điệp trắng trợn hơn đang được thực hiện bởi chính phủ Trung Quốc.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh sử dụng mọi công cụ có sẵn để đạt được lợi thế chiến lược trước Hoa Kỳ, là đối thủ địa chính trị chính yếu của họ. Nhưng các quan chức Trung Quốc cũng nói một điều tương tự – Bắc Kinh trong quá khứ đã nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ hoạt động gián điệp.

Trung Quốc phủ nhận rằng khinh khí cầu hiện đang ở phía trên nước Mỹ có liên quan đến bất kỳ loại hoạt động gián điệp nào, cho rằng đó là một “khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học” đã bị thổi bay.

Khinh khí cầu và vệ tinh

Mặc dù khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện trên bầu trời nhiều tiểu bang của Mỹ trong tuần này đã khiến các đảng viên Cộng hòa cũng như Dân chủ phản ứng dữ dội, nhưng đây không phải là lần đầu tiên loại hoạt động này được quan sát thấy.

Một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu đã có những sự việc tương tự xảy ra ở Hawaii và Guam trong những năm gần đây, trong khi một quan chức khác hôm thứ Năm cho biết, “Các trường hợp của hoạt động này đã được quan sát thấy trong vài năm qua, kể cả trước chính quyền này.”

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết đường bay của khinh khí cầu mới nhất, lần đầu tiên được phát hiện ở Montana hôm thứ Năm, có khả năng đưa nó đến “một số địa điểm nhạy cảm”. Họ nói rằng họ đang thực hiện các bước để “bảo vệ chống lại việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài”.

Điều chưa rõ ràng là tại sao các điệp viên Trung Quốc muốn sử dụng khinh khí cầu thay vì vệ tinh để thu thập thông tin.

Sử dụng kinh khí cầu làm phương tiện gián điệp đã có từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Peter Layton, một thành viên tại Viện Á Châu Griffith ở Úc và là cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc, cho biết kể từ đó, Hoa Kỳ đã sử dụng hàng trăm chiếc khinh khí cầu để theo dõi các đối thủ của mình.

Nhưng với sự ra đời của công nghệ vệ tinh hiện đại cho phép thu thập dữ liệu tình báo từ không gian, việc sử dụng khinh khí cầu giám sát đã lỗi thời.

Những tiến bộ gần đây trong việc thu nhỏ thiết bị điện tử có nghĩa là các nền tảng tình báo nổi có thể đang quay trở lại trong bộ công cụ gián điệp hiện đại.

Layton cho biết: “Trọng tải của khinh khí cầu giờ đây có thể nặng hơn và do đó, khí cầu có thể nhỏ hơn, rẻ hơn và dễ phóng hơn” so với các vệ tinh.

Tháp điện thoại di động

Bên ngoài Căn cứ Không quân Malmstrom ở trung tâm Montana, trải rộng trên 13.800 dặm vuông đồng bằng rộng mở, hơn 100 hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa sẵn sàng, được chôn sâu dưới lòng đất trong các hầm chứa hỏa tiễn. Những hỏa tiễn Minuteman III này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cách xa ít nhất 6.000 dặm và là một phần của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn của nước này.

Ẩn mình giữa những hầm chứa này là các cụm tháp điện thoại di động do một nhà cung cấp dịch vụ không dây nhỏ ở nông thôn vận hành. Theo hồ sơ của Ủy ban Truyền thông Liên bang, những tháp di động đó sử dụng công nghệ Trung Quốc mà các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo trong những năm gần đây có thể cho phép Trung Quốc thu thập thông tin tình báo đồng thời có khả năng thực hiện các cuộc tấn công mạng ở các khu vực xung quanh tháp này và các cơ sở quân sự nhạy cảm khác.

Gián điệp Trung Quốc bị cáo buộc tìm cách chiêu mộ tài sản, cản trở điều tra Huawei của Mỹ

Huawei, công ty Trung Quốc sản xuất công nghệ tháp, bị các nhà mạng không dây lớn của Mỹ và chính phủ liên bang xa lánh vì những lo ngại về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, công nghệ của nó được triển khai rộng rãi bởi một số nhà mạng không dây nhỏ, được liên bang trợ cấp mua phần cứng rẻ hơn do Trung Quốc sản xuất để đặt trên đỉnh tháp di động của họ. Trong một số trường hợp, các mạng di động đó cung cấp vùng phủ sóng độc quyền cho các vùng nông thôn gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, CNN đã đưa tin trước đây.

Năm 2018, người đứng đầu các cơ quan tình báo lớn của Hoa Kỳ – bao gồm FBI và CIA – đã cảnh báo người Mỹ không nên sử dụng các thiết bị và sản phẩm của Huawei. Các chuyên gia bảo mật nói rằng việc triển khai công nghệ của họ quá gần kho vũ khí ICBM của quốc gia có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều.

Mua đất

Vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã đề nghị chi 100 triệu đô la để xây dựng một khu vườn Trung Quốc được trang trí công phu tại Vườn ươm Quốc gia ở Washington, DC. Hoàn chỉnh với những ngôi đền, gian hàng và một ngôi chùa trắng cao 70 foot, dự án khiến các quan chức địa phương vô cùng phấn khích, những người hy vọng nó sẽ thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm.

Nhưng khi các quan chức phản gián Hoa Kỳ bắt đầu tìm hiểu chi tiết, họ đã tìm thấy rất nhiều dấu hiệu đỏ. Họ lưu ý rằng ngôi chùa sẽ được đặt ở vị trí chiến lược trên một trong những điểm cao nhất ở Washington, chỉ cách Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ hai dặm, một địa điểm hoàn hảo để thu thập tín hiệu tình báo, nhiều nguồn tin nói với CNN vào năm ngoái.

Các quan chức Trung Quốc muốn xây dựng ngôi chùa bằng các vật liệu được vận chuyển đến Hoa Kỳ trong các túi ngoại giao, mà các quan chức Hải quan Hoa Kỳ bị cấm kiểm tra, các nguồn tin cho biết thêm.

Các quan chức liên bang đã lặng lẽ giết chết dự án trước khi bắt đầu xây dựng.

Khu vườn bị hủy bỏ chỉ là một trong những dự án đã lọt vào mắt xanh của FBI và các cơ quan liên bang khác trong thời gian mà các quan chức an ninh Hoa Kỳ cho là sự leo thang đáng kể của hoạt động gián điệp Trung Quốc trên đất Mỹ trong thập kỷ qua.

Kể từ năm 2017, các quan chức liên bang đã điều tra các vụ mua bán đất của Trung Quốc gần cơ sở hạ tầng quan trọng, đóng cửa một lãnh sự quán khu vực mà chính phủ Hoa Kỳ cho là điểm nóng của các điệp viên Trung Quốc và ngăn chặn những gì họ coi là nỗ lực cài đặt thiết bị nghe lén gần các cơ sở quân sự và chính phủ nhạy cảm.

Một số điều mà FBI đã phát hiện ra liên quan đến thiết bị Huawei do Trung Quốc sản xuất trên đỉnh các tháp di động gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở vùng nông thôn Trung Tây.

Theo nhiều nguồn tin, FBI xác định thiết bị này có khả năng bắt giữ và làm gián đoạn thông tin liên lạc của Bộ Quốc phòng được bảo mật cao, bao gồm cả những thiết bị được sử dụng bởi Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, cơ quan giám sát vũ khí hạt nhân của đất nước.

Sinh viên, doanh nhân và nhà khoa học

CNN cũng đã báo cáo rằng Bắc Kinh đã dựa vào các nhà khoa học, doanh nhân và thậm chí cả sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ, theo các quan chức tình báo hiện tại và trước đây của Hoa Kỳ, các nhà lập pháp và một số chuyên gia.

Đã có một số vụ bắt giữ. Vào Tháng Giêng, một cựu sinh viên tốt nghiệp ở Chicago đã bị kết án 8 năm tù vì làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc bằng cách thu thập thông tin về các kỹ sư và nhà khoa học ở Hoa Kỳ.

Quý Siêu Quần (Ji Chaoqun, 季超群) một công dân Trung Quốc đến Mỹ để học ngành kỹ thuật điện tại Học viện Công nghệ Illinois vào năm 2013 và sau đó gia nhập Lực lượng Dự bị của Quân đội Hoa Kỳ, đã bị bắt vào năm 2018.

Bộ Tư pháp cho biết hoạt động gián điệp của Quý Siêu Quần là một phần trong nỗ lực của tình báo Trung Quốc nhằm tiếp cận các công nghệ vệ tinh và hàng không vũ trụ tiên tiến.

Kỹ sư Trung Quốc bị Mỹ kết án 8 năm tù vì làm gián điệp

Người đàn ông 31 tuổi này đã bị kết án vào tháng 9 năm ngoái vì hành động bất hợp pháp với tư cách là đặc vụ của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, gọi tắt là MMS, và đưa ra tuyên bố sai sự thật về Quân đội Hoa Kỳ.

Theo Bộ Tư pháp, Quý Siêu Quần được giao nhiệm vụ cung cấp cho một sĩ quan tình báo thông tin tiểu sử của các cá nhân để tuyển dụng tiềm năng làm gián điệp Trung Quốc. Các cá nhân bao gồm công dân Trung Quốc đang làm kỹ sư và nhà khoa học ở Mỹ, một số người làm việc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Bộ Tư pháp cho biết hoạt động gián điệp của Quý Siêu Quần là một phần trong nỗ lực của tình báo Trung Quốc nhằm tiếp cận với các công nghệ vệ tinh và hàng không vũ trụ tiên tiến đang được phát triển bởi các công ty Mỹ.

Quý Siêu Quần đang làm việc theo chỉ đạo của Từ Ngạn Quân (Xu Yanjun, 徐彦军) phó giám đốc bộ phận tại chi nhánh tỉnh Giang Tô của MMS, tuyên bố của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết.

Từ Ngạn Quân, một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp, đã bị kết án 20 năm tù vào năm ngoái vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ. Từ Ngạn Quân cũng là điệp viên Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử, sau khi bị giam giữ ở Bỉ vào năm 2018 sau cuộc điều tra của FBI.


Source:CNN
 
TQ lên tiếng kêu gọi bình tĩnh sau các phát hiện mới của Hoa Kỳ. Bề dày lịch sử do thám Mỹ của TQ
VietCatholic Media
22:08 06/02/2023


1. Trung Quốc lên tiếng kêu gọi bình tĩnh sau các phát hiện mới của Hoa Kỳ

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh đã nhìn nhận khinh khí cầu thứ hai trên bầu trời Mỹ La tinh là của Trung Quốc. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề ““, nghĩa là “China Speaks Out After Another Spy Balloon Discovered”, nghĩa là “Trung Quốc lên tiếng sau khi một khinh khí cầu thứ hai bị phát hiện”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cho biết khinh khí cầu thứ hai được phát hiện bay qua Mỹ Latinh là của Trung Quốc, nhằm mục đích sử dụng dân sự và đã bị trôi chệch hướng.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo rằng khinh khí cầu đã đi chệch khỏi lộ trình dự kiến và đang lang thang ở khu vực Mỹ Châu Latinh và Caribe.

Mao Ninh nói rằng: Khinh khí cầu trôi dạt vào các quốc gia Mỹ Latinh là “do nhầm lẫn”, và do điều kiện thời tiết.

“Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm. Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã thông báo cho tất cả các bên liên quan và giải quyết tình huống một cách thích hợp, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ quốc gia nào”.

“Chúng tôi đã tìm hiểu và xác minh rằng khí cầu không người lái có liên quan đến từ Trung Quốc. Nó được sử dụng cho mục đích dân sự và được sử dụng cho các chuyến bay thử nghiệm”.

“Bị ảnh hưởng bởi thời tiết và do khả năng tự kiểm soát hạn chế, khinh khí cầu này đã đi lệch hướng nghiêm trọng so với lộ trình đã định và vô tình đi vào không gian của Mỹ Châu Latinh và Caribe.”

Hôm thứ Bảy, lực lượng không quân Colombia cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã phát hiện một vật thể trong không phận của mình vào ngày 3 tháng 2, bay ở độ cao khoảng 55.000 feet hay 16764km.

Vật thể này có “đặc điểm tương tự như một khinh khí cầu” và lực lượng không quân đã theo dõi vật thể này cho đến khi nó rời khỏi không phận Colombia.

Lực lượng không quân cho biết họ xác định vật thể này không gây rủi ro cho an ninh quốc gia, nhưng đang điều tra việc nhìn thấy.

Hôm thứ Sáu, các quan chức quân sự Hoa Kỳ cho biết một khinh khí cầu thứ hai đã được nhìn thấy ở Mỹ Latinh khác với một khinh khí cầu Trung Quốc bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào hôm thứ Bẩy.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder nói: “Chúng tôi đang xem các báo cáo về một khinh khí cầu đi qua Mỹ Latinh. Bây giờ chúng tôi đánh giá đó là một khinh khí cầu do thám khác của Trung Quốc”

Hôm thứ Bảy, một máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Không quân Hoa Kỳ đã bắn hạ “khinh khí cầu do thám tầm cao”, theo một tuyên bố bằng văn bản của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Tổng thống Joe Biden đã cho phép bắn hạ, Austin cho biết, nhưng lệnh này đã bị “trì hoãn” cho đến khi khinh khí cầu đi qua vùng nước ven biển.

“Khinh khí cầu được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Hoa Kỳ, đã bị hạ xuống trên lãnh hải Hoa Kỳ,” Austin nói.

Khinh khí cầu được các quan chức Hoa Kỳ phát hiện lần đầu tiên vào ngày 28 Tháng Giêng và đi qua Canada và Alaska trước khi quay trở lại không phận Hoa Kỳ qua Idaho.

Bộ trưởng Quốc phòng gọi sự hiện diện của khinh khí cầu là “sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của chúng ta” và bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng vật thể này là một khinh khí cầu thời tiết.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc vào thứ Sáu vì vụ việc.

Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cho biết đây là một “khí cầu dân sự của Trung Quốc được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng.”

Bộ này cho biết nó đã “đi chệch hướng xa so với lộ trình dự kiến”, đồng thời cho biết thêm “phía Trung Quốc lấy làm tiếc về việc phi thuyền này đã vô tình xâm nhập không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng”.

2. Khinh khí cầu do thám Trung Quốc được thu hồi chưa? Hải quân làm việc để tìm hiểu bí mật của nó. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gởi công hàm phản đối Mỹ bắn hạ khinh khí cầu.

Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã được vớt lên chưa? Đó là câu hỏi của nhiều người. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Was the Chinese Spy Balloon Recovered? Navy Working to Learn Its Secrets”, nghĩa là “Khinh khí cầu do thám Trung Quốc được thu hồi chưa? Hải quân làm việc để tìm hiểu bí mật của nó.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị quân đội Mỹ bắn hạ vào cuối tuần sau khi bay qua một vùng lãnh thổ rộng lớn của Mỹ và Canada.

Vật thể bay ở tầm cao này được phép di chuyển trong không phận Hoa Kỳ khi Tổng thống Joe Biden chấp nhận khuyến nghị không bắn hạ khi nó vẫn còn ở trên đất liền, trong bối cảnh lo ngại về an toàn cho những người trên mặt đất. Một hoạt động thu hồi đang được tiến hành để bảo vệ và đánh giá các mảnh vỡ sau khi nó bị bắn hạ khỏi bầu trời Đại Tây Dương.

Khinh khí cầu lần đầu tiên được phát hiện ở phía bắc quần đảo Aleutian vào ngày 28 Tháng Giêng, sau đó nó di chuyển qua Alaska và đến phía tây Canada vào ngày 30 Tháng Giêng. Kế đó, nó quay trở lại lãnh thổ Hoa Kỳ vào hôm thứ Ba, trước khi được nhìn thấy ở Montana—quê hương của một trong ba nhà máy hạt nhân của Hoa Kỳ nơi có các dàn phóng hỏa tiễn-vào hôm thứ Tư. Mô hình cho thấy nó trôi dạt qua Thái Bình Dương từ Trung Quốc đại lục.

Nó đã bị một máy bay chiến đấu F-22 bắn thủng vào lúc 2:39 chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ vào hôm thứ Bảy, cách bờ biển Myrtle Beach ở Nam Carolina khoảng 6 hải lý, các quan chức của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, gọi tắt là NORAD, cho biết. Nó đã bay ở độ cao khoảng 18.000 mét hay 60.000 feet.

Tướng Glen VanHerck, chỉ huy NORAD, cho biết trong một tuyên bố rằng theo chỉ đạo của tổng thống, Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ, mà ông cũng phụ trách, đã bắn hạ khinh khí cầu xuống “trong không phận có chủ quyền của Hoa Kỳ và trên lãnh hải Hoa Kỳ để bảo vệ thường dân trong khi tối đa hóa khả năng của chúng ta trong nỗ lực phục hồi nó.”

Các mảnh vỡ của khinh khí cầu ở tầng bình lưu đã hạ cánh ở độ sâu 47 feet nước trên một khu vực dài bảy dặm. Các quan chức nói với Associated Press rằng việc phục hồi sẽ được hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn và những gì còn sót lại của con tàu dự kiến sẽ được mang đi phân tích thêm tại phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia.

NORAD cho biết hôm Chúa Nhật rằng các nhân viên của Lực lượng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ “đang làm việc để thu hồi khinh khí cầu và những gì nó mang theo”.

Tom Shugart, một trợ lý cao cấp tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ và là một quân nhân hải quân trong hơn 25 năm, nói với Newsweek rằng ông đã nhìn thấy các tin nhắn trên Hệ thống Nhận dạng Tự động - được sử dụng để theo dõi các tàu - cho thấy một tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoa Kỳ “dường như đang hướng tới địa điểm nơi khinh khí cầu bị bắn rơi vào thời điểm nó bị bắn hạ” cũng như một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ “đang hoạt động ở tốc độ chậm cách bờ biển Nam Carolina khoảng 30 dặm” vào sáng hôm sau.

Trong một tuyên bố vào tối thứ Bảy, Cảnh sát North Myrtle Beach xác nhận quân đội Hoa Kỳ đang thu thập các mảnh vỡ, đồng thời nói thêm rằng “có khả năng một số mảnh vỡ đó có thể dạt vào bờ biển”.

“Không nên chạm vào, di chuyển hoặc loại bỏ các mảnh vỡ. Những vật phẩm như vậy là một phần của cuộc điều tra liên bang và việc động chạm đến chúng có thể cản trở cuộc điều tra đó,” lực lượng này cho biết.

Các quan chức quốc phòng trước đây nói rằng họ tin rằng khinh khí cầu được thiết kế để thu thập thông tin về các địa điểm quân sự ở Hoa Kỳ, nhưng nó không cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo ngoài những gì họ có thể thu được thông qua các phương tiện khác—cho thấy mục đích chính của khinh khí cầu này là gây căng thẳng.

Việc phân tích mảnh vỡ có thể sẽ không chỉ tập trung vào thiết kế của chiếc máy bay mà còn cả loại thiết bị mà nó mang theo, và do đó nó có thể thu thập thông tin gì. Newsweek đã liên hệ với NORAD để xin bình luận.

Shugart nói: “Có một số lý do mà đống đổ nát sẽ hữu ích. Rõ ràng, phía Hoa Kỳ có một số lợi ích tình báo khi có ý tưởng tốt hơn về loại thiết bị, khả năng có trong thiết bị đó, loại dữ liệu nào có thể đã được khai thác từ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đó trong quá trình bay qua Mỹ”

Ông cho rằng có khả năng khinh khí cầu có hệ thống liên lạc có thể truyền thông tin mà nó đang thu thập theo thời gian thực. Lưu ý đến những câu chuyện mâu thuẫn được đưa ra bởi các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc về bản chất của khinh khí cầu, Shugart nói thêm: “Nếu chính phủ có thể thu thập bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng đó là một nền tảng do thám chứ không phải một thiết bị khí tượng thì có thể là một số thông điệp ở đó để phơi bày sự gian dối của chính phủ Trung Quốc.”

Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu bị nghi do thám là một vật thể bay dân sự đã vô tình trôi dạt qua Mỹ. Hôm thứ Hai, Trung Quốc nói rằng Mỹ đã “gây ảnh hưởng nghiêm trọng và làm tổn hại đến nỗ lực và tiến bộ của cả hai bên trong việc ổn định quan hệ Trung-Mỹ” bằng cách sử dụng vũ lực.

Tạ Phong (Xie Feng, 谢峰), thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, cho biết ông đã gửi khiếu nại chính thức tới Đại sứ quán Hoa Kỳ vào hôm Chúa Nhật về vụ bắn hạ khinh khí cầu mà ông ta gọi là một “cuộc tấn công” của Hoa Kỳ vào tài sản của Trung Quốc.

Các quan chức Ngũ Giác Đài công khai xác nhận khinh khí cầu đã ở trong không phận Hoa Kỳ hôm thứ Năm. Theo hãng tin AP, cả Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, và các quan chức Mỹ đều nói rằng sau thông báo này, khinh khí cầu đã thay đổi hướng đi.

Điều này phản bác tuyên bố của Trung Quốc cho rằng khinh khí cầu chỉ có khả năng điều hướng hạn chế và đã bị lệch hướng. Nói cách khác, từ Trung Quốc người Tầu có thể điều khiển nó bay theo ý muốn của họ.