Ngày 03-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/02: Hãy nghỉ ngơi bên Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
01:54 03/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Đó là lời Chúa
 
Là muối, là ánh sáng
Lm Thái Nguyên
02:25 03/02/2023

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYEN CN 5 TN A
https://www.youtube.com/watch?v=Ttyh9GtLroQ&t=1s


LÀ MUỐI, LÀ ÁNH SÁNG
Chúa Nhật 5 Thường Niên : Mt 5,13-16

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã xác quyết với dân Chúa: việc chay tịnh làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn hết là cho kẻ đói được ăn, cho kẻ trần trụi được mặc, và cho kẻ bơ vơ vất vưởng được có nơi nương tựa, nói chung đó là những việc lành phúc đức. Tất cả những hành động đó như một thứ ánh sáng bừng lên trong đêm tối, để thiên hạ nhận ra Thiên Chúa nơi những người tin. Đến bài Tin Mừng, Đức Giêsu nêu lên hai hình ảnh để xác định về đời sống của người môn đệ Chúa như sau:

Thứ nhất: Anh em là muối ướp cho đời. Đây là một định nghĩa tuyệt vời về người Kitô hữu. Như muối mặn thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi bị hư và thêm hương vị đậm đà, nó còn dùng để sát trùng, giúp tiêu hóa, lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật... thì trên phương diện tinh thần, đời sống Kitô hữu khi sống hòa mình với mọi người cũng tạo nên sự tốt lành như vậy, nhờ vị mặn nồng là tình yêu mến của mình. Vị mặn là bản chất của muối, thì sự thánh thiện cũng là bản chất đời Kitô hữu. Khi đánh mất bản chất của mình, muối thành vô dụng như thế nào, thì đời Kitô hữu cũng trở nên vô nghĩa như thế.

Thứ hai: Anh em là ánh sáng cho trần gian. Đây là một định nghĩa tuyệt vời hơn nữa về người Kitô hữu. Đèn thì phải cháy sáng, đèn mà không cháy sáng thì chỉ còn là đồ vô dụng. Thật ra, chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Đức Giêsu, con Thiên Chúa mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Thế nhưng Chúa Giêsu lại áp dụng điều đó cho chính chúng ta. Sách Giáo lý Công Giáo số 1216 xác định: “Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng”, và chính bản thân họ là “ánh sáng”. Tuy nhiên, nếu chúng ta không liên tục đón nhận “Ánh sáng-Lời Chúa” soi dẫn, cuộc sống chúng ta không thể tiếp tục chiếu sáng được.

Ông Gandhi, một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Ấn, được người tặng cho biệt hiệu là Mahatma, nghĩa là “thánh”. Ông được hỏi vì sao không theo đạo Công Giáo khi ông rất mê say Phúc Âm Chúa? Ông trả lời: Phúc Âm Chúa rất tốt lành, nhưng người Công Giáo đã không sống Phúc âm, nên không hơn gì chúng tôi. Ông còn nói thẳng với người Công Giáo nước Anh thời đó rằng, các ông khỏi cần phải lao nhọc truyền giáo cho đất nước Ấn độ chúng tôi, chỉ cần các ông sống sâu sát với Lời Chúa Giêsu dạy, tức khắc cả đất nước chúng tôi theo đạo.
Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nghiêm túc đặt lại đời sống mình trước Lời Chúa. Vì tôi chưa sống Lời Chúa, nên ngọn đèn đức tin của tôi chưa thể chiếu sáng, vì vậy thế giới còn nhiều bóng tối. Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này đã trở thành vô vị và hôi tanh,“chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp”. Không lạ gì mà người Kitô hữu đã từng bị khinh chê, bị chỉ trích và thậm chí có khi còn bị lên án. Thế nên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lần công khai xin lỗi mọi người trên thế giới. Nhân loại sẽ mang bộ mặt mới, nếu chúng ta thật sự là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian.

Muối và ánh sáng là hai hình ảnh riêng biệt, nhưng thực ra cùng diễn tả một thực tại duy nhất: đó là sự sống của Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta. Chính Ngài đang hành động qua đời sống yêu thương, chân thật, hiền lành, khiêm tốn và dấn thân phục vụ của mỗi người chúng ta. Chính Ngài đang đổi mới thế giới qua sự đổi mới bản thân chúng ta từng ngày. Vì thế, chúng ta cần được ướp lại vị mặn nồng của Đức Giêsu qua việc cầu nguyện hằng ngày, ngọn đèn đức tin của ta cần được đổ thêm dầu của Thần khí Chúa bằng việc vâng theo tác động của Ngài, để chúng ta không đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình.

Theo triết lý Á Đông, mục tiêu hàng đầu của việc tu thân là minh Minh Đức, tức là làm sáng lên cái Đức Sáng, còn được gọi là chân tâm, hay chân lý thường hằng. Đối với chúng ta, chân lý thường hằng đó chính là Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đang sống động trong tâm hồn chúng ta. Suốt cuộc đời chúng ta dù là ai, dù là gì hay làm gì, dù ở đâu hay trong tình cảnh nào thì cũng đều chung một ơn gọi duy nhất là làm sáng lên toàn thể con người Đức Kitô trong cuộc đời mình. Nhờ thánh lễ hằng ngày, xin cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, để làm sáng lên cuộc đời chúng ta ở trong Ngài, hay nói cách khác làm sáng lên khuôn mặt và tính cách của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Ước chi chúng ta sống được kinh nghiệm của thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đặt con làm muối ướp cho đời,
để cho trần gian này luôn tươi mới,
và là ánh sáng soi vào thế giới,
để làm cho cuộc sống được đẹp ngời.
Nhưng bóng tối như mây mù vây phủ,
ở bên ngoài và ở cả bên trong,
khiến tâm con vẫn u hoài thổn thức,
và đời con vẫn day dứt không ngơi.
Thật ra chỉ có Chúa là Ánh Sáng,
nhưng Chúa lại áp dụng cho chúng con,
nên chúng con chỉ có thể chiếu sáng,
khi ở trong ánh sáng của Lời Ngài.
Muối và ánh sáng tuy vẫn là hai,
nhưng thực ra diễn tả một thực tại,
là sự sống của Chúa ở trong con,
và khi con biết sống ở trong Ngài.
Nên đời con phải cậy dựa vào Chúa,
cứ phải luôn sống gắn bó với Ngài,
vì thiếu Chúa muối đời con sẽ nhạt,
và ánh sáng đời con sẽ lụi tàn,
dễ dàng bị ô nhiễm bởi thế gian,
khiến cuộc sống thêm lầm than khốn khổ.
Để có thể bước đi trong ánh sáng,
Chúa đòi con ra khỏi bóng tối tăm,
dù nhức nhối bởi tội lỗi phơi trần,
nhưng an vui trong tinh thần chân thật,
nên con phải dám sống như mình là,
không giả vờ giả bộ để cho qua.
Xin cho con luôn đặt mình trong Chúa,
sống với Ngài trong mọi lúc mọi nơi,
để con là muối mặn ướp cho đời,
và là đèn sáng cho người thế gian. Amen.
 
Sống đời tỏa sáng mặn mà dễ thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:13 03/02/2023

SỐNG ĐỜI TỎA SÁNG MẶN MÀ DỄ THƯƠNG
Chúa Giêsu bảo: Các con phải là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian nghĩa là gì?

1. Gương sáng tốt đẹp. Muối và ánh sáng có chung đặc điểm là xóa xấu tăng tốt. Muối vừa giữ đồ ăn khỏi hư, vừa giúp đồ ăn thêm ngon. Không có muối thì dù là sơn hào hải vị cũng nhạt phèo. Ánh sáng vừa xua tan tăm tối, vừa chiếu sáng làm đẹp cuộc đời. Không có ánh sáng thì dù là hoa hậu cũng mờ tối như bóng ma. Hơn thế nữa, muối và ánh sáng đều hy sinh quên mình. Muối tan biến hết để làm cho đồ ăn ngon, và người ta chỉ khen các món ăn chứ không ai khen muối. Ánh sáng làm cảnh vật lung linh, nhưng người ta chỉ khen cảnh vật đẹp quá chứ không ai khen ánh sáng. Cũng thế, chúng ta làm gương sáng tốt đẹp không phải để thiên hạ ca ngợi mình, nhưng là để tôn vinh Thiên Chúa.

2. Mặn mà dễ thương. Muối và ánh sáng trong đời chính là tình yêu. Tình yêu mang vị mặn mà như muối trong lời ca dao: “Tay bưng đĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.” Sống yêu thương, thực thi những nghĩa cử yêu thương làm cho đời mình trở nên mặn mà dễ thương, thêm vào đó, tình yêu cũng như muối, có khả năng chữa lành những vết thương.

3. Tỏa sáng yêu thương. Bài Đọc 1 nhấn mạnh khi thực thi những nghĩa cử yêu thương, thì “ánh sáng anh em sẽ bừng lên như rạng đông.” Muối và ánh sáng có mặt trong cuộc đời này luôn vì những cái khác. Thế nên khi chúng ta là muối và ánh sáng thì phải sống vì người khác, phải tỏa sáng yêu thương. Do đó, thay vì hỏi: Tin Chúa tôi được gì? thì sẽ hỏi: Tin Chúa tôi phải làm gì? Tôi phải làm gì cho gia đình, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, cho Giáo Hội, cho quê hương, cho dân tộc, cho thế giới tốt đẹp lên.

Chúa là ánh sáng thế gian. Hãy đến với Chúa để nhận ánh sáng đem lại sự sống bởi vì: “gần đèn thì sáng”. Amen.
 
Chọn lựa gián đoạn
Lm. Minh Anh
14:14 03/02/2023
CHỌN LỰA GIÁN ĐOẠN

“Hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

Đang đi nghỉ ở Ireland, nhà sản xuất xe hơi, Henry Ford, được yêu cầu đóng góp cho một trại mồ côi. Ford ký một tấm check trị giá 2.000 bảng, và thông tin đó đã xuất hiện trên các báo. Oái oăm thay, biên tập viên đã bất cẩn đăng món quà là 20.000 bảng. Giám đốc trại mồ côi lo lắng điện thoại xin lỗi Ford, “Tôi sẽ gọi và yêu cầu biên tập viên sửa lại”, giám đốc nói. “Không cần phải như vậy!”, Ford trả lời; và ông nhanh chóng viết thêm tấm check 18.000 bảng bổ sung.

Kính thưa Anh Chị em,

“Không cần phải như vậy!”, Henry Ford đã đón nhận sự bất tiện cách vui lòng. Với Tin Mừng hôm nay, cư xử hào hiệp của Ford có một tên gọi khác, một ‘chọn lựa gián đoạn!’. Chúa Giêsu cũng đã chọn lựa như thế khi Ngài có một kiểu đi nghỉ khác thường dành cho các môn đệ của mình; một kiểu đi nghỉ kiến tạo và phục hồi nơi họ một con tim cứu độ và xót thương, một con tim dám ‘chọn lựa gián đoạn!’.

Trở về sau những ngày rao giảng, các môn đệ không tài nào giấu được sự mệt mỏi bởi đôi mắt tinh tường của Thầy. Và họ không ngạc nhiên khi nghe Ngài bảo, “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”; rồi họ xuống thuyền, chèo tới một nơi hẻo lánh. Ấy thế, khi thuyền vừa cập bến, đã có một đám rất đông đợi ở đó. Kìa, một đám người mà lòng họ đang khát khao mãnh liệt được ở gần Ngài! Phải chăng đây là cách đám đông ‘nghỉ ngơi’, cũng là cách mà Chúa Giêsu muốn bạn và tôi ‘nghỉ ngơi?’. Lạ thay! Ngài không bực nhọc; thay vào đó, “chạnh lòng thương”; Ngài giữ cho mình một con tim cứu độ và xót thương ngay trong khoảng trời riêng của mình. Ngài chấp nhận thay đổi kế hoạch vì người khác, Ngài ‘chọn lựa gián đoạn!’.

Trong cuộc sống, sau khi tận tuỵ phục vụ, ai trong chúng ta cũng muốn nghỉ ngơi; Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế. Vậy mà, có một điều đã cho phép Ngài gián đoạn chương trình của Ngài chính là sự khát khao của những con người muốn ở bên Ngài, được nuôi dưỡng bởi Lời. Vì thế, Ngài sẵn sàng gác lại mọi chương trình để thoả mãn mong ước của họ. Ở Chúa Giêsu, xem ra không có ‘vacation’, kỳ nghỉ; chỉ có ‘salvation’, cứu độ! Cũng thế, với bất cứ bậc sống nào, bạn có quyền và có thể nghĩ đến một kỳ nghỉ; nhưng, đôi khi bác ái buộc phải chọn lựa một cách khác. Bạn và tôi hãy làm như Chúa Giêsu: ‘chọn lựa gián đoạn!’; nghĩa là chọn cho mình con tim cứu độ và xót thương ở bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả kỳ nghỉ và giờ nghỉ.

Chìa khoá để có một con tim như thế chính là sự sẵn sàng; sẵn sàng với thời gian, của cải và sức lực. Khi điều này xảy ra, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai; Ngài ban những ơn bạn không bao giờ ngờ tới để mỗi người có thể rộng rãi trao ban. Và tuyệt vời hơn, chính trong những thời điểm ngặt nghèo ‘bất tiện’ nhất này, khi vui tươi làm những gì chợt đến, thì Thiên Chúa lại thường cho bạn gặt hái những hoa trái mà đôi lúc suốt nhiều tháng, nhiều năm, chúng ta vất vả mà luống công. Thư Do Thái hôm nay nói, “Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng với những của lễ như thế”; Thánh Vịnh đáp ca thì bảo đảm phần phúc, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!”.

Anh Chị em,

Dẫu bị quấy rầy giữa kỳ nghỉ, nhưng Ford đã có một tấm lòng nhân ái đáng trân trọng. Với chúng ta, được ‘vacation’ bên Chúa Giêsu, nên giống Ngài, con tim chúng ta đầy sự cứu rỗi, ‘salvation’ hơn Henry Ford biết bao! Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, với một Kitô hữu, việc nghỉ ngơi không mâu thuẫn với việc nghĩ đến và phục vụ tha nhân. Trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu luôn hoạt động, cả khi Ngài nghỉ ngơi, Ngài vui lòng hiến mình cho những ai cần Ngài. Ngài sẵn sàng ‘chọn lựa gián đoạn!’. Ước gì trái tim của bạn và tôi cũng nên giống trái tim Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn vui tươi, sẵn sàng ‘chọn lựa gián đoạn’ khi lòng bác ái đối với tha nhân đòi hỏi. Có như thế, con tim của con mới có thể mới mẻ như con tim Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:30 03/02/2023

20. Lạy Chúa, nếu ai yêu Chúa mà còn yêu những thứ khác thì yêu không được nhiều.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:32 03/02/2023
53. TỰ MÂU THUẪN

Có người bán hai loại binh khí: cây xà mâu (giáo dài) và cái thuẫn (cái mộc) rồi khoe khoang nói:

- “Cây xà mâu của tôi rất bén nhọn, bất kỳ cái gì của anh dù là cứng chắc đến đâu cũng đều bị đâm thủng.”

Qua một lúc sau, lại phô trương:

- “Cái thuẫn của tôi rất bền chắc, bất cứ đồ gì của anh cũng không thể đâm thủng.”

Có người cười nói:

- “Cầm cây xà mâu của anh mà đâm cái thuẫn của anh rồi xem như thế nào?”

Người ấy câm miệng không trả lời được !

(Hàn Phi tử)

Suy tư 53:

Tự mâu thuẫn, theo nghĩa đen thì do câu chuyện trên mà ra: tự có nghĩa là mình; mâu có nghĩa là cái giáo dài; thuẫn có nghĩa là khiêng mộc; tự mâu thuẫn theo nghĩa bóng là tự mình chống lại với mình, ngôn hành bất nhất.

Người tự mâu thuẫn với mình là người nói một đàng làm một nẻo, là người ra lệnh mà không tuân theo lệnh, là người coi trọng mục đích cá nhân hơn mục đích của cộng đoàn. Ở đâu có loại người “tự mâu thuẫn” thì người ở đó cảm thấy bất an, vì họ luôn bị quấy rầy làm ngược lại với kế hoạch chung đã định, họ gây xáo trộn cho mọi sinh hoạt và phá tan bầu khí thân thiện của mọi người.

Người luôn tự mâu thuẫn với mình thì không thể là người lãnh đạo, vì người lãnh đạo trước khi lên kế hoạch thì tự đưa ra những vấn nạn cho các vấn đề; đúng hay sai, nếu sai thì phải làm sao, khắc phục thế nào, phương án khắc phục 1, khắc phục 2… đến khi rốt ráo thì đưa ra ban cố vấn bàn thảo cái ưu cái khuyết và quyết định, như thế thì không còn tự mâu thuẫn được mà chỉ có quyết tâm.

Nước Trời cũng phải có quyết tâm mới dành được ( Mt 11, 12), người tự mâu thuẫn thì khó mà giành được Nước Trời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 03/02/2023
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 5, 13-16.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.


Anh chị em thân mến,

Người Ki-tô hữu được gọi là ánh sáng cho đời và là muối ướp đời, bởi vì chính những người Ki-tô hữu –qua bí tích Rửa Tội- đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su, đó là cùng chết cho tội lỗi và cùng sống lại với Ngài.

Đốt đèn lên thì đặt trên cao để soi sáng cho cả nhà, và nhờ có ánh sáng mà người ta mới nhìn thấy mọi sự để hoàn tất công việc mình đang làm, cũng như mới có thể thấy đường mà đi, đó là một sự thật mà ai cũng biết.

1. Ánh sáng chính là hành động bác ái.

Người Ki-tô hữu là ánh sáng cho đời khi chúng ta biết hành động theo lương tâm, và hết lòng yêu mến tha nhân trong cuộc sống của mình, chúng ta không đốt đèn rồi đội trên đầu để chiếu sáng mọi người, nhưng chúng ta thắp đèn bằng lửa yêu mến của Đức Chúa Giê-su ở trong lòng chúng ta, rồi từ tấm lòng nhân hậu ấy mà mọi hành động và thái độ của chúng ta khi tiếp xúc trò chuyện với tha nhân, chính là ngọn đèn sáng chiếu soi cho mọi người thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời.

Có nhiều loại ánh sáng: ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời và ánh sáng của các vì sao; có loại ánh sáng bằng đèn điện cũng như có loại ánh sáng bằng đèn dầu, nhưng tất cả những loại ánh sáng ấy được sáng lên theo thời gian của ban ngày hoặc ban đêm. Nhưng ánh sáng phát xuất từ tâm hồn của người Ki-tô hữu thì không phân biệt ngày đêm, giàu nghèo, thời tiết lạnh nóng.v.v... bất kỳ ở đâu và lúc nào, thì người Ki-tô hữu cũng có thể chiếu sáng tinh thần Phúc Âm cho mọi người thấy, để qua ánh sáng là việc làm bác ái cụ thể ấy, mà người ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài trên con người chúng ta...

2. Muối là bảo quản và chữa thương.

Muối cũng vậy, rất cần thiết cho thân thể của con người, cũng như rất cần thiết cho việc bảo quản thịt cá tươi, bởi vì nó mặn.

Người Ki-tô hữu chúng ta không chỉ là muối ướp cho tình cảm giữa người với nhau thêm mặn nồng, nhưng còn có bổn phận bảo quản gìn giữ những tình cảm ấy ngày càng gắn chặt hơn, bởi vì sẽ không có gì bảo đảm cho một tình cảm, nếu không có sự chân thành và sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa.

Muối thì rất mặn, và vì mặn nên mới có thể giữ cho thịt cá được tươi, cuộc sống của người Ki-tô hữu vốn là bác ái và phục vụ, tức là muối mặn vừa giữ cho tình cảm giữa người với nhau được đầm ấm, vừa là rửa sạch vết thương lòng của tha nhân khi họ bị người khác hiểu lầm, vu cáo, hãm hại. Là mẫu gương làm cho người tội lỗi phải xét lại đời sống phóng túng của mình, bởi vì đời sống yêu thương và phục vụ của người Ki-tô hữu chính là muối xát mạnh rát tận tâm hồn của họ.

Anh chị em thân mến,

Ở đời, ai cũng mong được làm lãnh đạo chỉ huy người khác, nhưng ít người muốn trở thành ánh sáng và muối cho tha nhân, bởi vì ai cũng thích ánh sáng nhưng không thích làm ánh sáng, ai cũng thích ăn thịt cá tươi ngon nhưng không ai muốn làm muối ướp đời...

Chúng ta là Ki-tô hữu, nghe theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy bảo, chúng ta phải trở nên ánh sáng cho đời và nên muối mặn ướp tình tha nhân, bằng chính cuộc sống bác ái, hy sinh và phục vụ của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phnxicô với giới trẻ và các giảng viên giáo lý Congo
Vu Van An
00:33 03/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, vào ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ và các giảng viên giáo lý tại Sân vận động Tử Đạo ở Thủ đô Kinshasa. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Cảm ơn các con đã bày tỏ tình âu yếm, điệu nhảy và chứng từ của các con! Cha rất vui mừng được gặp mặt trực tiếp các con, để chào đón các con và chúc lành cho các con khi các con giơ tay lên trời để mừng vui.

Bây giờ cha muốn yêu cầu các con, trong giây lát, đừng nhìn vào cha mà hãy nhìn vào đôi bàn tay của các con. Mở lòng bàn tay của các con. Hãy nhìn chúng thật kỹ. Các con thân mến, Chúa đã đặt hồng phúc sự sống, tương lai của xã hội và tương lai của đất nước vĩ đại này vào tay các con. Em trai, em gái thân mến, đôi tay của các em có vẻ nhỏ bé và yếu ớt, trống rỗng và không phù hợp với một nhiệm vụ lớn lao như vậy phải không? Để tôi nói cho các em biết điều này: bàn tay của các em trông giống nhau, nhưng không có cái nào hoàn toàn giống nhau. Không ai có bàn tay giống như của các em, và đó là dấu hiệu cho thấy các em là một kho báu độc nhất vô nhị, không thể lặp lại và không thể so sánh được. Không ai trong lịch sử có thể thay thế các em. Vì vậy, hãy tự hỏi, tay của tôi để làm gì? Để xây dựng hay để phá hoại, để cho đi hay để giành lấy, để yêu hay để ghét? Hãy lưu ý các em có thể xiết chặt bàn tay, nắm lại thành nắm đấm ra sao. Hoặc các em có thể mở nó ra, để dâng nó cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó luôn là sự lựa chọn căn bản mà chúng ta phải thực hiện, kể từ thời cổ đại, kể từ ngày mà Abel hào phóng cống hiến thành quả lao động của mình, trong khi Cain “ra tay hại em mình… và giết chết em mình” (St 4:8). Hỡi các bạn trẻ, hãy mơ về một tương lai khác: từ bàn tay của các bạn, ngày mai có thể được sinh ra; từ bàn tay của các bạn, hòa bình rất thiếu trong thế giới này cuối cùng có thể xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta phải làm gì một cách cụ thể? Tôi muốn đề nghị một số “nguyên liệu cho tương lai”: năm nguyên liệu trong số đó, mỗi nguyên liệu tương ứng với một ngón tay trên bàn tay của các bạn.

Ngón tay cái, ngón tay gần trái tim nhất của chúng ta, tượng trưng cho sự cầu nguyện, vốn là động lực trong cuộc sống của chúng ta. Cầu nguyện có vẻ giống như một điều gì đó không thực tế và khác xa với những vấn đề cụ thể của chúng ta. Tuy nhiên, cầu nguyện là thành tố chính, thành tố căn bản cho tương lai, bởi vì nếu chỉ có một mình, chúng ta không thể tiến xa được. Chúng ta không toàn năng và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng mình là thế, chúng ta sẽ thất bại thảm hại. Hãy nghĩ về một thân cây, nếu chúng ta lấy đi gốc rễ của nó. Ngay cả khi cái cây đó lớn và mạnh mẽ, nó không thể tự đứng vững. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đâm rễ sâu vào việc cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa. Cầu nguyện là điều cho phép chúng ta lớn lên sâu sắc, từng ngày, đơm hoa kết trái và biến bầu không khí ô nhiễm mà chúng ta đang hít thở thành khí oxy mang lại sự sống. Mỗi cây cần một yếu tố đơn giản và căn bản nếu nó muốn phát triển. Yếu tố đó là nước. Cầu nguyện là “nước cho linh hồn”: nó ẩn giấu, không nhìn thấy được, nhưng nó mang lại sự sống. Những người cầu nguyện phát triển nội tâm; họ có thể ngước nhìn lên cao và nhớ rằng chúng ta được tạo ra cho thiên đàng.

Em trai, em gái thân mến, chúng ta cần cầu nguyện, một việc cầu nguyện sống động. Đừng nói chuyện với Chúa Giêsu như một người xa lạ gieo rắc sự kính sợ và sợ hãi, nhưng với tư cách là người bạn tốt nhất của các em, một người đã hy sinh mạng sống vì các em. Chúa Giêsu biết các em, Người tin các em và Người luôn yêu thương các em. Khi các em chiêm ngưỡng Người bị treo trên thập giá vì sự cứu rỗi của các em, các em sẽ thấy các em quý giá biết bao đối với Người. Các em có thể phó thác cho Người những thánh giá, những sợ hãi, những lo âu của các em, ném chúng lên thập giá của Người. Người sẽ ôm lấy chúng tất cả. Người đã làm điều này hai nghìn năm trước; thập giá mà các em đang vác hôm nay đã là một phần của thập giá Người. Vậy thì đừng sợ, hãy cầm lấy thánh giá trong tay, đặt nó vào trái tim của các em, và trao tất cả những giọt nước mắt của các em cho Chúa Giêsu. Và đừng quên chiêm ngắm khuôn mặt của Người, khuôn mặt của một vị Thiên Chúa trẻ trung, sống động và sống lại! Vâng, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ; Người đã dùng thập giá của Người làm cây cầu dẫn đến phục sinh.

Vì vậy, hãy giơ tay lên với Người hàng ngày, ca ngợi Người và chúc tụng Người. Nói với Người những hy vọng trong trái tim các em, chia sẻ với Người những bí mật sâu kín nhất của cuộc đời các em: người mà các em yêu thương, những tổn thương các em mang trong mình, những giấc mơ các em ôm trong trái tim. Kể cho Người nghe về những người hàng xóm, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp của các em; nói với Người về đất nước của các em. Thiên Chúa yêu thích kiểu cầu nguyện sống động, cụ thể và chân thành này. Nó cho phép Người can thiệp, đi vào cuộc sống hàng ngày của các em một cách đặc biệt, đến với “quyền năng bình an” của Người. Sức mạnh đó có tên. Các em có biết đó là ai không? Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, Đấng Ban Sự Sống. Chúa Thánh Thần là động lực của hòa bình, là sức mạnh đích thực của hòa bình. Đó là lý do tại sao cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất. Nó mang đến cho các em niềm an ủi và hy vọng phát xuất từ Thiên Chúa. Nó luôn mở ra những khả năng mới và giúp các em vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Vâng, lời cầu nguyện chiến thắng nỗi sợ hãi và giúp chúng ta nắm lấy tương lai của mình trong tay. Các em có tin điều này không? Các em có muốn biến cầu nguyện thành bí quyết của các em, như nước giải khát cho linh hồn, như một thứ vũ khí các em mang theo, như một người bạn đồng hành trên hành trình mỗi ngày?

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào ngón thứ hai, ngón trỏ. Chúng ta sử dụng ngón trỏ của mình để chỉ mọi thứ cho người khác. Những người khác, cộng đồng: đây là thành tố thứ hai. Các bạn thân mến, đừng hủy hoại tuổi trẻ của mình bằng cách trở nên cô lập và khép kín trong chính mình. Hãy suy nghĩ về điều này thường xuyên và các bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc, bởi vì cộng đồng là cách giúp chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân và trung thành với ơn gọi thực sự của mình. Đi một mình có vẻ hấp dẫn, nhưng cuối cùng nó chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng lớn lao. Hãy nghĩ tới ma túy: cuối cùng các bạn che giấu bản thân khỏi những người khác, khỏi một cuộc sống đích thực, để có cảm giác toàn năng; nhưng cuối cùng các bạn thấy mình bị tước đoạt mọi thứ. Cũng hãy nghĩ đến việc nghiện những điều huyền bí và phù thủy. Hình thức phụ thuộc này giam cầm chúng ta trong sợ hãi, báo thù và giận dữ. Đừng đầu hàng trước những ảo tưởng hứa hẹn hạnh phúc, những lâu đài cát được xây dựng dựa trên vẻ bề ngoài, tiền bạc dễ kiếm hay những hình thức tôn giáo méo mó.

Hãy coi chừng cám dỗ những muốn chỉ tay vào một người nào đó, loại trừ một người khác vì họ khác biệt; cảnh giác đối với chủ nghĩa khu vực, chủ nghĩa bộ lạc hoặc bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy an toàn trong nhóm của mình, nhưng đồng thời lại không quan tâm đến cuộc sống của cộng đồng. Các bạn biết điều gì sẽ xảy ra: đầu tiên, các bạn tin vào những định kiến về người khác, sau đó các bạn biện minh cho hận thù, sau đó là bạo lực, và cuối cùng, các bạn thấy mình đang ở giữa một cuộc chiến. Nhưng hãy để tôi hỏi các bạn điều này. Cac bạn đã bao giờ nói chuyện với những người từ các nhóm khác hay các bạn luôn giữ cho riêng mình? Đã có bao giờ các bạn nghe những câu chuyện của người khác hoặc đến gần những đau khổ của họ chưa? Chắc chắn là dễ lên án người ta hơn là hiểu họ; nhưng phương pháp của Chúa để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn là đón nhận những người mà chúng ta nghĩ là “những người khác”, để đồng nhất với họ, để kết nối như một cộng đồng. Đó là ý nghĩa của việc xây dựng Giáo hội: mở rộng tầm nhìn của chúng ta, coi người khác như những người thân cận của chúng ta và quan tâm đến họ. Các bạn có thấy ai cô đơn, đau khổ hay bị bỏ rơi không? Hãy tiếp cận anh ấy hoặc cô ấy. Không phải vì các bạn muốn người đó thấy các bạn là một người tốt như thế nào, mà là để chia sẻ nụ cười của các bạn và bày tỏ tình bạn của các bạn.

Này Đavít, con đã đề cập rằng những người trẻ tuổi muốn được kết nối với những người khác, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội đó thường khiến con bối rối. Đúng vậy, ảo thôi chưa đủ, chúng ta không thể bằng lòng khi chỉ giao tiếp với những người ở xa và đôi khi thậm chí không có thật. Cuộc sống không chỉ là chạm vào màn hình bằng một ngón tay. Thật buồn khi thấy những người trẻ tuổi dành hàng giờ để dán mắt vào điện thoại; sau đó, nếu bạn nhìn vào khuôn mặt của họ, bạn sẽ thấy rằng họ không cười, trông họ có vẻ mệt mỏi và buồn chán. Không gì và không ai có thể thay thế năng lực mà chúng ta có được khi ở bên nhau, ánh sáng lấp lánh trong mắt chúng ta, niềm vui khi trao đổi ý kiến! Nói chuyện, lắng nghe nhau là điều cần thiết: trên màn hình, mọi người cuộn xuống để xem những gì họ thấy thú vị. Vì vậy, hãy cố gắng dành thời gian cho nhau và trải nghiệm vẻ đẹp của việc để người khác làm bạn ngạc nhiên với những câu chuyện và trải nghiệm của họ.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng cảm nhận thật cụ thể ý nghĩa của việc xây dựng cộng đồng. Chỉ trong giây lát, hãy nắm tay người ở bên cạnh bạn. Hãy tưởng tượng mình là một Giáo hội, một dân tộc duy nhất. Nhận ra rằng phúc lợi của chính bạn phụ thuộc vào phúc lợi của người khác, phúc lợi này được nhân lên gấp bội. Hãy hiểu ý nghĩa của việc được bảo vệ bởi anh chị em của bạn, bởi một người chấp nhận con người bạn và quan tâm đến bạn. Và hãy biết rằng bạn có trách nhiệm với những người khác, là một phần quan trọng của một mạng lưới huynh đệ tuyệt vời, trong đó mọi người hỗ trợ những người khác, và bạn là người không thể thiếu. Vâng, bạn là người không thể thiếu và có trách nhiệm đối với Giáo hội và đất nước của bạn. Bạn là một phần của lịch sử vĩ đại hơn, lịch sử kêu gọi bạn đóng vai trò tích cực như một người xây dựng sự hiệp thông, một nhà vô địch của tình huynh đệ, một người mơ mộng bất khuất về một thế giới thống nhất hơn.

Bạn không đơn độc trong cuộc phiêu lưu này: toàn thể Giáo hội, trên khắp thế giới, đang cổ vũ bạn. Đó là một thách thức khó khăn? Đúng, nhưng bạn có thể vươn tới nó. Bạn cũng có một số người bạn trên khán đài đang khuyến khích bạn hướng tới những mục tiêu này. Bạn có biết họ là ai không? Các thánh trên trời. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, Chân phước Marie-Clémentine Anuarite, và Thánh Kizito và các bạn đồng hành của ngài. Họ là những chứng nhân của đức tin, những vị tử đạo không bao giờ khuất phục trước luận lý của bạo lực, nhưng bằng chính cuộc sống của họ, họ đã công bố sức mạnh của tình yêu và sự tha thứ. Tên của họ, được ghi trên thiên đường, sẽ tồn tại lâu dài trong lịch sử, trong khi đầu óc hẹp hòi và bạo lực sẽ luôn chống lại những người thực hành chúng. Tôi biết các bạn đã nhiều lần chứng tỏ rằng, dù phải hy sinh nhiều, các bạn vẫn sẵn sàng đứng lên bảo vệ nhân quyền và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người trong nước. Tôi cảm ơn các bạn vì điều này và tôi tôn vinh ký ức về tất cả những người - và họ rất đông - những người đã mất mạng sống hoặc sức khỏe của họ vì những mục đích cao cả này. Và tôi khuyến khích các bạn hãy cùng nhau tiến lên, không sợ hãi, như một cộng đồng!

Cầu nguyện và cộng đồng; chúng ta đến ngón thứ ba, ngón cao hơn các ngón khác, như để nhắc nhở chúng ta về một điều gì đó thiết yếu. Nó là thành tố quan trọng cho một tương lai xứng đáng với những kỳ vọng to lớn của chúng ta. Và đó là: sự trung thực! Làm Kitô hữu là làm chứng cho Chúa Kitô. Cách đầu tiên để làm điều này là sống đạo đức, như Chúa Kitô mong muốn. Điều này có nghĩa là không bị vướng vào cạm bẫy của đồi bại. Kitô hữu không thể không trung thực; nếu không, họ phản bội danh tính của họ. Không trung thực, chúng ta không phải là môn đệ và chứng nhân của Chúa Giêsu; chúng ta là những kẻ ngoại giáo, những kẻ thờ thần tượng, những kẻ tôn thờ cái tôi của mình hơn là Thiên Chúa, những kẻ lợi dụng người khác hơn là phục vụ họ.

Tuy nhiên, tôi tự hỏi – làm thế nào để chúng ta ngăn chặn sự lây lan của đồi bại, thứ dường như không bao giờ ngừng bành trướng? Thánh Phaolô giúp chúng ta một cụm từ đơn giản và thông minh mà các bạn có thể nói đi nói lại với chính mình cho đến khi học thuộc lòng. Đó là: “Đừng để điều ác khuất phục; nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rm 12:21). Đừng khuất phục trước điều ác. Đừng để bản thân các bạn bị thao túng bởi những cá nhân hoặc nhóm cố gắng sử dụng các bạn để giữ đất nước của các bạn trong vòng bạo lực và bất ổn, để họ có thể tiếp tục kiểm soát nó mà không trả lời bất cứ ai. Nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác. Mong cho các bạn trở thành những người biến đổi xã hội, những người biến điều ác thành điều thiện, biến hận thù thành yêu thương, biến chiến tranh thành hòa bình. Các bạn có muốn trở thành người như vậy không? Nếu bạn muốn, thì có thể. Bạn có biết tại sao không? Bởi vì mỗi người trong các bạn đều có một kho báu mà không ai có thể đánh cắp được. Đó là sức mạnh của các bạn trong việc quyết định. Thực thế, các bạn các quyết định mà các bạn đã đưa ra và các bạn luôn có thể chọn làm điều đúng đắn. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Đừng để cuộc sống của các bạn bị kéo theo dòng chảy của đồi bại. Đừng để mình bị cuốn trôi như những cành khô trong dòng sông ô nhiễm. Hãy phẫn nộ, nhưng đừng bao giờ đầu hàng trước những cám dỗ đầy thuyết phục nhưng độc hại của đồi bại.

Tôi nghĩ đến lời chứng của một người trẻ tuổi như các bạn, Floribert Bwana Chui, mười lăm năm trước, khi mới 26 tuổi, đã bị giết ở Goma vì đã chặn đường vận chuyển thực phẩm hư thối có thể gây hại cho sức khỏe của mọi người. Anh có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ; không ai có thể phát hiện ra, và thậm chí kết cục anh ta có thể còn được tiến thân là đàng khác. Nhưng, vì anh là một Kitô hữu, anh đã cầu nguyện. Anh nghĩ đến người khác và anh chọn con đường lương thiện, nói không với sự nhơ nhuốc của sự thối nát. Đó là ý nghĩa của việc giữ cho bàn tay của các bạn trong sạch, vì những bàn tay buôn bán dễ dàng sẽ vấy máu. Nếu ai đó đưa hối lộ cho các bạn, hoặc hứa hẹn cho các bạn những ân huệ và rất nhiều tiền, đừng rơi vào bẫy. Đừng để bị lừa dối; không bị hút vào đầm lầy của cái ác. Đừng khuất phục trước điều ác! Đừng tin tưởng những kế hoạch tài chính mờ ám khiến bạn chìm trong bóng tối. Trung thực là tỏa sáng như ban ngày; đó là chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa. Đó là sống mối phúc công bằng: lấy thiện thắng ác!

Bây giờ chúng ta đã đến ngón tay thứ tư, ngón đeo nhẫn, trên đó đeo nhẫn cưới. Ngẫm ra thì ngón áp út cũng là ngón yếu nhất, khó nhất để chúng ta nâng lên. Nó nhắc nhở chúng ta rằng những mục tiêu mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn lớn nhất trong cuộc sống, trên hết là tình yêu, bao gồm sự yếu đuối, mệt mỏi và khó khăn. Những điều này phải được chấp nhận, đương đầu một cách kiên nhẫn và tin tưởng, mà không để bản thân bị đè nặng bởi sự nhỏ nhen, chẳng hạn như khi tính biểu tượng đẹp đẽ của của hồi môn bị giản lược hoàn toàn thành một thỏa thuận tài chính. Trong sự yếu đuối và trong những lúc khủng hoảng của chúng ta, sức mạnh nào khiến chúng ta tiến lên? Sự tha thứ. Bởi vì tha thứ có nghĩa là có thể bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ; nó có nghĩa là từ chối lặp lại nó. Tha thứ là thay đổi tiến trình của lịch sử. Đó là vực dậy những ai đã sa ngã. Đó là chấp nhận quan điểm rằng không ai hoàn hảo và tất cả mọi người, không chỉ riêng tôi, đều có quyền bắt đầu lại.

Các bạn thân mến, để tạo ra một tương lai mới, chúng ta cần cho đi và tiếp nhận sự tha thứ. Đó là điều Kitô hữu làm: họ không chỉ yêu thương những người yêu thương họ, nhưng họ chọn ngăn chặn vòng xoáy trả thù cá nhân và bộ tộc bằng sự tha thứ. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, người anh em của các bạn, người đã bị tra tấn dã man vì không chịu che giấu lòng mộ đạo của mình và đề xuất Kitô giáo cho những người trẻ tuổi khác. Ngài không bao giờ khuất phục trước cảm giác thù hận và khi từ bỏ mạng sống của mình, ngài đã tha thứ cho kẻ đã tra tấn mình. Những người tha thứ đưa Chúa Giêsu đến cả những nơi mà Người không được chào đón; họ mang tình yêu đến những nơi tình yêu bị từ chối. Những người tha thứ xây dựng tương lai. Nhưng làm thế nào để chúng ta trở nên có khả năng tha thứ? Trước hết hãy để cho mình được Chúa tha thứ. Mỗi khi chúng ta xưng tội, chúng ta nhận được trong tâm hồn mình sức mạnh thay đổi lịch sử. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, luôn luôn và tự do! Và sau đó chúng ta được bảo, như Tin Mừng nói: “hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:37). Ra đi không oán hận, không cay độc, không hận thù. Hãy tiến lên và biến đường lối của Thiên Chúa thành đường lối của riêng các bạn, vì chỉ mình Người có thể đổi mới lịch sử. Tiến lên và tin rằng chúng ta luôn có thể bắt đầu lại với Thiên Chúa. Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại, chúng ta luôn có thể tha thứ!

Cầu nguyện, cộng đồng, trung thực, tha thứ. Bây giờ chúng ta đã đến ngón tay cuối cùng và nhỏ nhất. Bạn có thể muốn nói: Nhưng tôi còn quá nhỏ, và bất cứ điều gì tốt tôi có thể làm đều chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng chính sự nhỏ bé, quyết định trở nên nhỏ bé của chúng ta, đã thu hút Thiên Chúa. Chìa khóa ở đây là phục vụ. Ai phục vụ thì tự biến mình thành bé nhỏ. Giống như một hạt giống nhỏ bé, dường như chúng bị nuốt chửng trong lòng đất, nhưng chúng vẫn đơm hoa kết trái. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng phục vụ là sức mạnh biến đổi thế giới. Vì vậy, câu hỏi nhỏ mà các bạn có thể đặt ra mỗi ngày là: Tôi có thể làm gì cho người khác? Nói cách khác, làm thế nào tôi có thể phục vụ Giáo hội, cộng đồng của tôi, đất nước của tôi? Olivier, con đã nói với chúng tôi rằng, ở một số vùng hẻo lánh, con, những giáo lý viên, hàng ngày phục vụ các cộng đồng đức tin và, trong Giáo hội, đây phải là “việc của mọi người”. Đó là sự thật, và thật là một điều tuyệt vời khi phục vụ người khác, quan tâm đến họ, làm một điều gì đó mà không mong đợi bất cứ điều gì được đền đáp, như Chúa đã làm với chúng ta. Các giáo lý viên thân mến, Tôi xin cảm ơn anh chị em: đối với rất nhiều cộng đoàn, anh chị em quan trọng như nước; luôn giúp họ phát triển bằng sự chính trực trong lời cầu nguyện và sự phục vụ của anh chị em. Phục vụ không phải là ngồi yên; đó là đứng dậy và đi. Nhiều người đứng dậy và ra đi vì họ muốn theo đuổi sở thích riêng của mình. Anh chị em đừng sợ theo đuổi điều thiện, đầu tư vào điều thiện và loan báo Tin Mừng, chuẩn bị cho mình một cách nhiệt tình và thích hợp, và khởi xướng những dự án dài hạn. Và đừng ngại để tiếng nói của anh chị em được lắng nghe, bởi vì trong tay anh chị em không chỉ là tương lai, mà cả hiện tại nữa. Hãy ở trung tâm của thời điểm hiện tại!

Các bạn thân mến, tôi đã để lại cho các bạn năm hạn từ để giúp các bạn nhận ra, giữa rất nhiều thông điệp hấp dẫn mà các bạn nghe, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Vì trong cuộc sống, cũng như trong việc lái xe, tình trạng mất trật tự và lộn xộn thường tạo ra những vụ tắc đường không cần thiết làm lãng phí thời gian và năng lực của chúng ta, đồng thời châm ngòi cho sự tức giận. Thay vào đó, chúng ta làm tốt, ngay cả trong bối cảnh bối rối, để cho trái tim và cuộc sống của mình rõ ràng, lập kế hoạch thực tế và có các điểm tham chiếu ổn định, để bắt đầu một tương lai khác, từ chối chú ý đến những lời hứa hão của chủ nghĩa cơ hội. Các bạn, các bạn trẻ và các giáo lý viên thân mến, tôi cảm ơn các bạn về những gì các bạn làm và về con người của các bạn. Cảm ơn các bạn vì sự nhiệt tình, ánh sáng và hy vọng của các bạn! Bây giờ tôi muốn nói với các bạn một điều cuối cùng: đừng bao giờ nản lòng! Chúa Giêsu tin tưởng vào các bạn và Người sẽ không bao giờ để các bạn bị mắc kẹt. Giữ chặt niềm vui mà các bạn cảm thấy ngày hôm nay; không bao giờ để nó phai mờ. Như Floribert đã nói với những người bạn của mình khi họ cảm thấy chán nản: “Hãy cầm lấy Tin Mừng và đọc nó. Nó sẽ an ủi bạn; nó sẽ mang lại cho bạn niềm vui”. Tất cả các bạn hãy cùng nhau bỏ lại phía sau sự bi quan làm tê liệt. Cộng hòa Dân chủ Congo mong đợi từ bàn tay của các bạn một tương lai khác, vì tương lai đó nằm trong tay các bạn. Xin cho đất nước của các bạn một lần nữa trở thành, nhờ các bạn, một khu vườn của tình huynh đệ, trái tim của hòa bình và tự do ở Châu Phi! Cảm ơn các bạn!
 
Bàn thờ 5,4 triệu đô la cho Ngày Giới trẻ Thế giới gây tranh cãi ở Bồ Đào Nha
Đặng Tự Do
05:18 03/02/2023


Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô chưa chính thức xác nhận sự hiện diện của ngài, nhưng Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon đã gây ra tranh cãi về mức giá 5,4 triệu đô la cho khu vực bàn thờ mà ngài dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ bế mạc.

Tuần trước, các quan chức thành phố Lisbon đã công bố chi tiết về khu vực sân khấu và bàn thờ rộng 54.000 foot vuông hay 5016 mét vuông, với chi phí 4,2 triệu Euro cộng với VAT, hay thuế giá trị gia tăng, sẽ đẩy tổng chi phí lên gần 5,4 triệu USD. Hợp đồng đã được trao cho công ty xây dựng lớn nhất của Bồ Đào Nha, Mota-Engil.

Khoản chi phí này đã tạo ra sự chỉ trích trên báo chí địa phương và từ các chính trị gia đối lập, những người đã yêu cầu Thị trưởng Carlos Moedas của Lisbon trình diện trước quốc hội để trả lời các câu hỏi về việc trao hợp đồng.

“Nếu cuộc khủng hoảng nhà ở là bàn thờ cho Ngày Giới trẻ Thế giới, thì nó đã được giải quyết rồi,” Fabian Figueiredo, thuộc đảng Cánh tả, cho biết trên Twitter. “Vấn đề không phải là thiếu tiền mà là ưu tiên chi tiêu.”

“Là một người Công Giáo và một người có đức tin, tôi rất buồn trước sự phô trương xa hoa không cần thiết này vào thời điểm khó khăn như vậy,” người dùng Twitter Manuel Barbosa viết khi được hãng tin Reuters trích dẫn.

Trong một nỗ lực rõ ràng để tránh tranh cãi, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni đã nói với các hãng tin rằng việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 là vấn đề địa phương và trách nhiệm về ngân sách thuộc về hội đồng thành phố.

Tuy nhiên, Moedas đã nói với các phóng viên rằng kế hoạch cho bàn thờ và sân khấu đã được vạch ra trong các cuộc họp với ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới cũng như đại diện của cả Giáo Hội ở Bồ Đào Nha và cả Vatican.

Sân khấu bàn thờ được thiết kế để chứa tới 2.000 người, bao gồm cả Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng của ngài, 1.000 giám mục và 300 vị đồng tế khác, một ca đoàn 200 thành viên, 30 phiên dịch viên sang ngôn ngữ ký hiệu, và một dàn nhạc gồm 90 thành viên, cùng với khách mời, nhân viên và kỹ thuật viên.

Các quan chức thành phố cho biết công việc sẽ hoàn thành trong khoảng 150 ngày và sân khấu sẽ vẫn còn và có thể được sử dụng cho các sự kiện khác trong tương lai, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc và mít tinh ngoài trời.

Đáp lại những lời chỉ trích về chi phí, Đức Giám Mục Phụ Tá Américo Aguiar của Lisbon đã nói rằng một cuộc họp sẽ được tổ chức trong tuần này với Hội đồng Thành phố Lisbon cũng như Hiệp hội Phục hồi Đô thị địa phương, chịu trách nhiệm về dự án, để cố gắng giảm chi phí xuống càng nhiều càng tốt.

Lisbon đã được chọn vào năm 2019 để tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, ban đầu được ấn định vào năm 2022 nhưng bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19.
Source:Crux
 
Linh mục Mễ Tây Cơ kể lại lời thú tội đáng kinh ngạc của nạn nhân vụ tai nạn mà ngài đã dừng lại để giúp đỡ
Đặng Tự Do
05:19 03/02/2023


Sau khi chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng trên đường cao tốc ở Mễ Tây Cơ, một linh mục Công Giáo có mặt tại hiện trường đã đến gặp một thanh niên là người đưa ra một yêu cầu đáng ngạc nhiên: “Tôi muốn xưng tội”.

Cha Salvador Nuño, một linh mục Dòng Chúa Kitô phục vụ tại Monterrey, Mễ Tây Cơ, đã chia sẻ câu chuyện trên Facebook vào ngày 27 tháng Giêng.

“Hôm nay tôi đang đi trên đường cùng bố mẹ và anh trai Alex thì có một chiếc xe hơi bắt đầu vượt qua chúng tôi. Đột nhiên, người lái xe mất kiểm soát và bắt đầu quay trong không trung. Nó gần như rơi xuống đầu chúng tôi,” vị linh mục người Mễ Tây Cơ kể lại.

“Chúng tôi dừng lại để hỗ trợ anh ta xem anh ta có cần giúp gì không. Chúng tôi đã gọi 911 và đưa người thanh niên ra khỏi xe, anh ta vô cùng sợ hãi, mặt tái nhợt,” vị linh mục kể lại.

Cha Nuño nói tiếp: “Tôi nói với anh ấy: 'Tôi là một linh mục và anh này là bác sĩ. Anh có cần gì không?' “Con muốn xưng tội,” anh trả lời. Một cuộc xưng tội tuyệt vời đã diễn ra.”

Cha Nuño cho biết ngài rất cảm động vì khi xảy ra tai nạn, điều đầu tiên mà người thanh niên này quan tâm là phần rỗi linh hồn của mình.

Cha Nuño viết: “Chúa đã cho anh ấy được tái sinh. “Anh ấy đã nhận được phước lành và cũng có một cuộc hẹn miễn phí với bác sĩ chấn thương. Không có gì tồi tệ hơn xảy ra sau đó.”

“Tôi hy vọng chúng ta không bao giờ quên phó mình cho Chúa và Đức Trinh Nữ trước bất kỳ chuyến đi nào,” vị linh mục khuyến khích.

Cha Nuño kết luận câu chuyện của mình: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, bác sĩ và tất cả những người cung cấp dịch vụ của họ với tư cách là những người Samaritanô nhân hậu.
Source:Catholic News Agency
 
Sydney vĩnh biệt Đức Hồng Y George Pell: Một con sư tử của Giáo hội
Vu Van An
15:59 03/02/2023

Về tang lễ của Đức Hồng Y George Pell tại Sydney, điều buồn là các tờ báo thế tục, ngay ngày 2 tháng 2, 2023, tức ngày tang lễ, đã có bài tường thuật đầy ác ý về ngài, thì báo chí Công Giáo, kể cả tờ Catholic Weekly, tức tờ tuần báo chính thức của tổng giáo phận Sydney, mãi một ngày sau, tức ngày 3 tháng 2, mới có bài tường thuật.



Theo tờ Catholic Weekly, Giáo Hội Công Giáo ở Sydney đã tiễn biệt cựu Tổng Giám mục của mình, Đức Hồng Y George Pell, trong một tang lễ lúc thì long trọng, tôn kính, lúc thì thách thức và đau buồn, xen lẫn với sự hài hước châm biếm của người Úc, với sự tham dự của những người chịu tang từ mọi tầng lớp xã hội.

Đức Hồng Y vẫn là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn cho đến phút cuối cùng. Những tiếng la hét “George Pell, hãy xuống địa ngục” của những người biểu tình có thể nghe thấy rõ ràng bên trong Nhà thờ St Mary ở một số điểm, và cộng đoàn nổ ra những tràng pháo tay tự phát và những tiếng hô “nghe, nghe” trong các bài giảng và điếu văn.

Sau Thánh lễ An táng Kitô giáo vào ngày 2 tháng 2 tại nhà thờ mẹ của Úc, hài cốt của Đức Hồng Y được an táng trong hầm mộ nhà thờ cùng với những người tiền nhiệm của ngài.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP, người kế nhiệm Đức Hồng Y với tư cách là Tổng Giám mục Sydney, đã mô tả ngài như “con sư tử của Giáo hội”, một “người khổng lồ với tầm nhìn lớn”, người đã loan báo Tin Mừng “một cách không hổ thẹn, mạnh mẽ, can đảm cho đến cùng".

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói, “Ngài cũng có một trái tim bao la, đủ mạnh mẽ để đấu tranh cho đức tin và chịu đựng sự ngược đãi, nhưng cũng đủ mềm mỏng để chăm sóc các linh mục, giới trẻ, người vô gia cư, tù nhân và các Kitô hữu bất toàn,”.

“Cuối cùng, trái tim đó đã ra đi, nhưng chỉ sau hơn 80 năm dần dần nên giống với Thánh Tâm Chúa Giêsu.”

Em trai của Đức Hồng Y Pell, David Pell, đã đọc điếu văn chính, mô tả ngài là “hoàng tử của Giáo hội, một người tốt và thánh thiện, và là một người Úc đáng tự hào”.

Ông Pell nói với những người dự tang lễ về sự thiệt hại mà “chiến dịch không ngừng nhằm bôi nhọ cuộc đời của George” đã giáng xuống gia đình ông và lên tiếng lần cuối để bênh vực cho anh trai mình; ông nói rằng “việc ngài thường bị tường trình thiếu thiện cảm với các nạn nhân đơn giản là sai sự thật”.

Ông nói, “Chúng tôi có thiện cảm với những nạn nhân hợp pháp và hoàn toàn ghê tởm bọn tội phạm. Chính gia đình chúng tôi cũng không tránh khỏi tội ác này.”

Ông Pell cũng nói khá dài về 404 ngày biệt giam của Đức Hồng Y và cuối cùng được tuyên bố trắng án, ca ngợi cả lính canh và tù nhân tại trung tâm tạm giam Barwon vì cách đối xử đàng hoàng của họ đối với anh trai ông.

Ông Pell nói: “Vào thời điểm George và nhóm của anh ấy tìm thấy 1.2 tỷ Euro chưa được hạch toán, số phận của anh ấy đã được an bài". Ông khẳng định anh trai mình là “bạn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, người đã được Đức Giáo Hoàng chào đón nồng nhiệt với đoàn tùy tùng Vệ binh Thụy Sĩ khi trở về Rome.

Ông Pell nói, “Một giám mục đương nhiệm của Úc, khi thảo luận về George với Đức Thánh Cha, đã bị ngài thúc vào ngực và nói: ‘Ông ấy là một người trung thực’”.

Ông Pell có lời nhắn nhủ sau đây, có thể ngụ ý những người như Thủ Hiến Victoria, Daniel Andrews,: “Những bình luận gia, chuyên viên và nhân vật công được gọi là “Công Giáo” có lẽ từng được giáo dục bởi Giáo Hội Công Giáo... chúng tôi nài nỉ các ông tự cởi bỏ cái thứ giải thuật hồi tỉnh sai sự thật, nửa sự thật, và hoàn toàn dối trá đang bị biến thành trường cửu. Hãy tự tìm tòi đi. Hãy nói với các bậc trưởng thượng đi” (Ghi chú của người dịch)

Buổi lễ kéo dài gần bốn giờ đồng hồ, đủ thời gian để ca đoàn Nhà thờ St Mary biểu diễn một dàn nhạc tuyệt vời được lựa chọn với sự tôn trọng đặc biệt đối với ý muốn của Đức Hồng Y Pell đối với thánh nhạc.

Nhà soạn nhạc Công Giáo đáng kính Sir James MacMillan đã sáng tác một bài hát dâng lễ đặc biệt cho tang lễ, dựa trên đoạn văn của sách Khôn Ngoan 3:1-4 và phương châm của Đức Hồng Y, “Đừng sợ.”



Buổi phụng vụ kéo dài và cái nóng mùa hè oi ả ở Sydney không làm nản lòng những người tiếc thương và ủng hộ Đức Hồng Y; họ đã lấp đầy Nhà thờ St Mary, với khoảng 2,000 người đã bất chấp cái nóng ở sân trước của Nhà thờ từ 7:30 sáng để cố gắng giành được một chỗ ngồi bên trong.

Khoảng 30 giám mục, 220 linh mục và hàng chục chủng sinh đã tham dự, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Charles Balvo, Sứ thần Tòa Thánh tại Úc, Cha Frank Brennan SJ, một trong những người ủng hộ công khai mạnh mẽ nhất của Đức Hồng Y trong suốt thời gian thử thách của ngài, và Cha Joseph Hamilton, thư ký gần đây nhất của Đức Hồng Y.

Anh trai của Đức Hồng Y là David và vợ là Judith được tháp tùng bởi các con cháu, họ hàng và bạn bè của họ.

Trong những cảnh chưa từng thấy ở Úc kể từ Ngày Giới trẻ Thế giới ở Sydney năm 2008, các linh mục và giám mục rời Nhà thờ Chính tòa để cho hàng ngàn người Công Giáo đứng chật kín sân trước rước lễ.

Cộng đoàn tham dự tang lễ bao gồm hàng chục nữ tu từ các Nữ tu Bác ái, Dòng Đa Minh, Nữ tu Lòng Thương Xót và các dòng khác được Đức Hồng Y hỗ trợ; những người đàn ông và phụ nữ từ David's Place, một cộng đồng có trụ sở tại Sydney dành cho những người vô gia cư và những người bị thiệt thòi; các nhà thần học, giáo dục hàng đầu và người đứng đầu các cơ quan Công Giáo; gia đình trẻ và bà mẹ tương lai; Người Úc bản địa, người Công Giáo gốc Ái nhĩ lan và Anh và những người di cư gần đây từ người Libăng, người đảo Thái Bình Dương, người Việt Nam và các cộng đồng khác đã trở thành trụ cột của Giáo hội Sydney.

Thủ tướng, Thủ hiến NSW và Lãnh đạo phe đối lập – tất cả đều là người Công Giáo – đã không thể tham dự và cử các nghị sĩ tín hữu được Giáo hội quen biết làm đại diện thay cho họ.

Lãnh đạo phe đối lập liên bang, Peter Dutton, và các cựu Thủ tướng John Howard và Tony Abbott, đã đích thân đến tiễn biệt Đức Hồng Y.



Trong bài điếu văn gửi tới người bạn, người cố vấn và người cha tinh thần của mình, ông Abbott đã gọi Đức Hồng Y Pell là “người Công Giáo vĩ đại nhất mà nước Úc từng tạo ra, và là một trong những người con vĩ đại nhất của đất nước chúng ta”.

Ông nói rằng Đức Hồng Y đã bị coi là vật tế thần cho Giáo hội và không bao giờ nên bị điều tra, chứ đừng nói đến việc kết án.

Ông Abbott cũng gọi Đức Hồng Y là “một vị thánh của thời đại chúng ta” và nói đùa rằng ngài đã làm nhiều phép lạ.

Ông Abbott nói: “Khi tôi nghe tiếng hô vang ‘Đức Hồng Y Pell nên xuống Địa Ngục’, tôi nghĩ, ‘À ha!, ít nhất nay họ cũng đã tin có đời sau!’ Có lẽ đây là phép lạ đầu tiên của Thánh George Pell”.

Cả cộng đoàn đều cười hoan hô vang dội trước nhận định của Tony Abbott, khiến Đức Tổng Giám Mục Fisher, khi cám ơn lời phát biểu của cựu Thủ Tướng, đã nói đùa: “tôi nghĩ tôi nghe có tiếng từ trong quan tài nói: đừng phong thánh vội chứ!” (ghi chú của người dịch)

Bất chấp việc các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực rộng rãi và bầu không khí căng thẳng trước khi diễn ra buổi phụng vụ, cuộc biểu tình theo kế hoạch đã không làm gián đoạn diễn trình tang lễ. Một nhóm nhỏ nhưng lớn tiếng của người biểu tình đã đụng độ với những người chịu tang bên ngoài Nhà thờ lớn, với cảnh sát bước vào để trấn an đám đông.

Khoảng 150 người phản đối quan điểm bảo thủ của nhà thờ về quyền LGBT và phản ứng với cuộc khủng hoảng lạm dụng trẻ em đã hô vang “Pell, cút xuống địa ngục”. Khoảng bốn hoặc năm người chịu tang đã trở nên tức giận trước những người biểu tình, với cảnh sát đứng giữa hai nhóm. Chỉ có một vụ bắt giữ được thực hiện, một người đàn ông mang ô cầu vồng kích động các tín đồ.

Nhóm biểu tình chỉ diễn hành chừng mấy phút, rồi im bặt sau đó, có thể họ chỉ được trả tiền có thế (Ghi chú của người dịch)

Người Công Giáo từ khắp nước Úc đã đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Hồng Y, chia sẻ những kỷ niệm và suy tư về Giáo hội.



Cha James Kerr, chánh xứ Holy Family, Đông Bắc Mallee thuộc tiểu bang Victoria – bao gồm cả Swan Hill, nơi mà cha trẻ George Pell được bổ nhiệm sau khi chịu chức – nói với The Catholic Weekly rằng ngài rất vui mừng được đại diện cho giáo xứ nơi Đức Hồng Y vẫn còn được nhiều giáo dân lớn tuổi tưởng nhớ.

Cha Kerr nói: “Ngài đến đó với tư cách là một linh mục phụ tá ngay sau khi học xong và họ có những kỷ niệm đẹp về việc ngài chơi quần vợt và các thứ khác. “Cá nhân tôi, giống như nhiều linh mục trẻ khác, tôi nhớ khi còn đi học, tôi ngưỡng mộ nhân vật này, người sẵn sàng lên tiếng cho những gì chúng tôi tin tưởng. Ngài có ảnh hưởng lớn đến tôi.”

Cha Conor Power từ Dòng Nguyện Đường ở Brisbane đến tham dự tang lễ, mô tả Đức Hồng Y là “một người can đảm đã ảnh hưởng đến nhiều người”.

Cha Power nói: “Đức tin của tôi trở nên sống động tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở đây vào năm 2008. Và Đức Hồng Y Pell chịu trách nhiệm về điều đó.

“Rất nhiều người, kể cả tôi, đã tin chắc rằng họ đã nhìn thấy và gặp được một con người can đảm trong tình yêu thương của ngài đối với Chúa Kitô. Ngài đã chia sẻ tình yêu đó theo những cách gây ấn tượng rất lớn đối với tôi và bạn bè của tôi.”

Maribel Escamilla cho biết cô đã có mặt tại thánh đường từ 9 giờ sáng. Cô nói, “Thật tuyệt khi thấy sự ủng hộ của rất nhiều người tại nhà thờ chính tòa. Chúng tôi chỉ cầu nguyện hết tràng hạt này đến tràng hạt khác khi xếp hàng đợi để được vào”.

Marija Kovac là thành viên của một nhóm đã gặp nhau để lần hạt Mân Côi ở sân trước trước Thánh lễ lúc 10 giờ sáng.

Cô nói, “Chúng tôi đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Hồng Y vĩ đại của chúng tôi, nhà lãnh đạo vĩ đại của giáo hội chúng tôi tại Úc. Một người bảo vệ đức tin tuyệt vời. Thật choáng ngợp khi được ở đây. Đó là một phần quan trọng của lịch sử Công Giáo Úc và tôi cảm thấy may mắn khi được ở đây.”
 
Đức Thánh Cha nói chuyện với giời trẻ Congo: Sứ điệp năm ngón tay cho người trẻ ở Congo
Thanh Quảng sdb
16:18 03/02/2023
Đức Thánh Cha nói chuyện với giời trẻ Congo: Sứ điệp năm ngón tay cho người trẻ ở Congo

Theo Thông tấn ANS của Salesian ở Kinshasa tường thuật – Những cái ôm chào nồng ấm của những người trẻ dành cho Đức Phanxicô tại Sân vận động Các Thánh Tử đạo ở Kinshasa đã khai mạc ngày thứ ba của chuyến tông du thứ 40 đến Cộng hòa Dân chủ Congo, vào ngày Thứ Năm, ngày 2 tháng 2 năm 2023.

Đây là một lễ hội được đánh dấu bằng âm nhạc, dàn hợp xướng, những lời tung hô trong Sân vận động Liệt sĩ đầy ắp người ở Kinshasa. Nhiều cánh tay giơ cao tung hô Đức Thánh Cha giữa sân vận động đông đúc cả hơn 65 nghìn người hiện diện, trong đó có nhiều bạn trẻ thuộc Gia đình Salêdiêng. Một cuộc họp cũng được đánh dấu bằng lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Thánh Cha đừng đầu hàng trước cám dỗ, hãy chọn điều tốt, đừng “để mình bị xa lầy trong sự dữ độc!”.

Âm nhạc và tiếng vỗ tay, tiếng gõ và một rừng cờ đầy màu sắc tung hô sự xuất hiện của Đức Thánh Cha trên chiếc xe “Pope-mobile”. Giới trẻ Congo cùng với các giáo lý viên tuôn về cuộc họp mặt này, đã được chờ đợi từ lâu vì bị hoãn lại từ tháng 7 năm ngoái. Các bạn trẻ đã trình bày với Đức Thánh Cha về cuộc sống, những kỳ vọng, những vấn đề và khao khát được sống lương thiện và tốt lành. "Chúng con mong muốn hòa bình cho Congo (DRC)," một số biểu ngữ của họ đã dương cao như thế.

Đức Thánh Cha khuyến khích những người có mặt bằng kể một câu chuyện về những "Chàng trai trẻ, từ chính bàn tay họ có thể kiến tạo hòa bình cho đất nước mà họ mong chờ."

Câu chuyện năm ngón tay

Với những ngón tay của bàn tay, Đức Thánh Cha liên kết năm yếu tố khác nhau để xây dựng một tương lai hòa bình. ĐTC gợi ý rằng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út có thể hướng dẫn chúng ta xác định các ưu tiên trong cơn hoang mang hoặc hỗn loạn: cầu nguyện, cộng đồng, trung thực, tha thứ và phục vụ. Năm thành phần để xây dựng hòa bình và một tương lai sáng lạn…

Đối với ngón tay cái, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, mặc dù nó có vẻ trừu tượng, nhưng Đức Phanxicô lưu ý, cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất.

Nói về ngón trỏ, qua đó chúng ta chỉ điều gì đó cho người khác, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn với lời mời gọi hãy luôn tự nghĩ mình làm gì để cùng nhau xây dựng hạnh phúc, đừng để sự cô đơn và khép kín hủy hoại tuổi trẻ các con. Hãy mạnh mẽ làm điều tốt và quyết tâm không để sa vào đầm lầy của sự dữ là: tham nhũng, ma túy, thuyết huyền bí, phù thủy, chủ nghĩa bộ lạc, bạo lực, chiến tranh.

Đối với ngón giữa, ngón giữa vươn cao hơn những ngón khác "như để nhắc nhở chúng ta về một điều gì đó không thể tránh khỏi", Đức Giáo Hoàng ám chỉ "thành phần cơ bản cho một tương lai sống theo mong đợi của bạn: sự trung thực! Là một tín hữu có bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô, cách đầu tiên để làm điều đó là sống ngay chính, như Chúa muốn.”

Ngón áp út, ngón tay của đức tin, nhưng cũng là ngón tay yếu ớt nhất, nhắc nhở chúng ta về sự tha thứ: "trong những yếu đuối của chúng ta, trong những khủng hoảng, sức mạnh nào giúp chúng ta tiếp tục, nếu không là Tha thứ. Bởi vì tha thứ có nghĩa là bắt đầu lại. Để tha thứ không phải là quên đi quá khứ, nhưng chấp nhận sự thật xảy ra. Đó là thay đổi tiến trình lịch sử. Đó là vực dậy những người đã ngã xuống."

Cuối cùng, đối với ngón út, Đức Thánh Cha nhắc lại động lực phục vụ: “Câu hỏi nhỏ mà bạn có thể gán cho ngón tay của mình mỗi ngày là: Tôi, tôi có thể làm gì cho người khác? Làm thế nào tôi có thể phục vụ Giáo hội, cộng đồng của tôi, đất nước của tôi?"

Để kết thúc, Đức Thánh Cha khuyến khích và trao quyền cho các bạn trẻ: "Cộng hòa Dân chủ Congo đang chờ đợi một tương lai tươi sáng từ tay các con, vì tương lai nằm trong tay chúng con. Xin cho đất nước chúng con một lần nữa trở thành, qua và nhờ các con, một khu vườn huynh đệ, của những trái tim hòa bình và tự do ở châu Phi!"
 
Đảng Cộng sản cách chức Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn … một lần nữa
Đặng Tự Do
17:06 03/02/2023


Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民), Giám Mục Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang lại mất tích. Các nguồn tin địa phương nói với AsiaNews rằng chính quyền đã bắt giữ vị Giám Mục và thư ký của ngài, là Cha Tưởng Tô Niên (Jiang Sunian, 蒋苏年), người cũng là chưởng ấn của giáo phận, để ngăn cản các ngài tham dự tang lễ của Cha Trần Nãi Lượng (Chen Nailiang, 陈乃亮) là vị linh mục cao niên vừa qua đời vào hôm Chúa Nhật ở tuổi 90.

Giống như giám mục đầu tiên của Ôn Châu, Đức Cha Lâm Hi Li (Lin Xili, 林希丽) Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn thường là đối tượng của các buổi tẩy não nhằm buộc ngài phải gia nhập Giáo hội “chính thức” do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Giám mục Thiệu Chúc Mẫn được Đức Giáo Hoàng công nhận nhưng Đảng cộng sản tuyên bố có quyền đối với tất cả các hoạt động tôn giáo, đã không công nhận.

Kitô hữu chiếm hơn 10% dân số ở Chiết Giang. Giống như Giám mục Thiệu Chúc Mẫn, Cha Trần Nãi Lượng thuộc cộng đồng “thầm lặng”; vì lý do này, chính quyền đã cấm tất cả các tu sĩ thầm lặng tham dự tang lễ hoặc cử hành Thánh lễ. Ba linh mục từ giáo xứ Thụy An (Ruian 瑞安)sẽ cử hành tang lễ cho vị linh mục quá cố.

Cha Trần Nãi Lượng, từng là cha xứ ở Bình Dương (Pingyang, 平阳), được cộng đoàn yêu mến. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bách hại ngài kể từ khi ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, bỏ tù ngài và gửi ngài đến các trại lao động để “cải tạo” trong vài năm.

Giám mục Thiệu Chúc Mẫn cũng đã phải chịu đựng sự ngược đãi của bọn cầm quyền; ngài cũng đã bị bắt và giam giữ nhiều lần, lần cuối cùng vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, khi bọn cầm quyền đưa ngài đi nơi khác bằng máy bay, có lẽ để ngăn cản ngài cử hành các nghi lễ trong Tuần Thánh, đặc biệt là Thánh Lễ Truyền Dầu.

Vài tháng trước đó, vào ngày 25 tháng 10 năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ ngài, với lý do là “du lịch” khỏi nơi cư trú mà không xin phép. Ngài được thả khoảng hai tuần sau đó.

Trong một trường hợp tương tự, cảnh sát đã đưa Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn và Cha Tưởng Tô Niên đi “chu du” từ ngày 23 tháng 8 đến ngày 8 tháng 10 năm 2016 để các ngài không tham dự tang lễ của Đức Cha Chu Vệ Phương (Zhu Weifang, 朱卫芳) là vị tiền nhiệm của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn ở Giáo phận Ôn Châu.

Sự đàn áp của chính phủ đối với người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là các thành viên của Giáo hội thầm lặng, vẫn tiếp tục bất chấp Thỏa thuận năm 2018 của Vatican về việc bổ nhiệm giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020 và 2022.

Ngoài Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn, Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) cũng bị giam giữ, quản thúc tại gia. Các giám mục khác, như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进), đã bị quấy rối hoặc buộc phải tham gia các phiên họp chính trị, bao gồm cả Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Chế độ cộng sản cũng đã nhiều lần quản thúc tại gia Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰) của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化). Các năm trước, vào dịp Tết Nguyên Đán Đức Cha Thôi Thái được trả tự do để về nhà đón Tết với người chị đã rất già của mình, sau Tết lại đi tù tiếp. Năm nay, cộng sản không trả tự do cho ngài nhưng cho người nhà vào thăm ngài trong tù.
Source:Asia News
 
Linh mục lưu vong nói giám mục bị xét xử ở Nicaragua đã thành lập văn phòng nhân quyền bí mật
Đặng Tự Do
17:07 03/02/2023


Linh mục Nicaragua lưu vong Uriel Vallejos kể lại cách giám mục Rolando Álvarez của Matagalpa, người đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày 19 tháng 8, đã thành lập một văn phòng nhân quyền bí mật để ghi lại cuộc đàn áp của chế độ độc tài Daniel Ortega.

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Công Giáo Tây Ban Nha Alfa y Omega được xuất bản vào ngày 26 Tháng Giêng, vị linh mục đầu tiên làm rõ rằng không có lệnh bắt giữ quốc tế nào đối với ngài.

“Bạn sẽ không tin đâu, nhưng đó là một trò lừa bịp của chính phủ. Họ nói rằng họ đã yêu cầu Interpol bắt giữ tôi, nhưng một người liên lạc bên trong Liên Hiệp Quốc đã xác nhận với tôi rằng chế độ Ortega chưa chính thức đưa ra bất kỳ yêu cầu nào chống lại tôi,” vị linh mục nói với tuần báo tại một địa điểm không được tiết lộ.

Vallejos giải thích rằng cả Đức Cha Álvarez và vị linh mục “đều bị buộc tội âm mưu phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời tung tin giả gây bất lợi cho Nhà nước.”

Trong một phiên điều trần được tổ chức vào ngày 10 Tháng Giêng giữa những khiếu nại về những bất thường trong thủ tục tố tụng, tòa án đã quyết định rằng vụ án của vị giám mục sẽ được đưa ra xét xử.

Ba ngày sau, hệ thống tư pháp đưa ra một danh sách nhân chứng “bịa đặt” chống lại vị Giám Mục, một số người không liên quan gì đến vụ án và thậm chí còn không biết trước rằng tên của họ có trong danh sách đó.

Vallejos nói rằng cuộc đàn áp chống lại Giáo Hội Công Giáo trở nên tồi tệ hơn với các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2018, khi các giám mục và linh mục phản ứng bằng cách “nói sự thật về những gì đang xảy ra và đứng về phía người dân”.

Vị linh mục giải thích: Lúc đó, mọi người bắt đầu đến nhờ Giáo Hội giúp đỡ.

Chẳng hạn, vị linh mục nói “một người con trai của họ bị cầm tù, người khác bị giết, người thứ ba phải đi đày”.

Trước tình hình đó, Đức Cha Álvarez đã tập hợp các linh mục của mình lại và nói với họ rằng ngài sẽ mở một văn phòng nhân quyền bí mật để giúp đỡ những người này và công khai vụ việc của họ.

“Tại cuộc họp đó, ngài đã hỏi ai là người tự do muốn tham gia và cảnh báo rằng bất kỳ ai làm như vậy đều có thể bị bỏ tù hoặc bị lưu đày.”

Vị linh mục nói rằng tại giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót của ngài ở Sébaco thuộc Giáo phận Matagalpa, binh lính đã đến để ghi lại các bài giảng của ngài để sau này sử dụng chống lại ngài.

Ngài cũng là tổng giám đốc của Đài phát thanh và kênh Công Giáo Sébaco, hoạt động trong khuôn viên giáo xứ. Đài phát thanh đã bị chế độ độc tài đóng cửa vào ngày 1 tháng 8 năm 2022. Cảnh sát chống bạo động đã ngăn không cho Cha Vallejos và một nhóm tín hữu rời khỏi nhà xứ.

Cảnh sát “tiến vào nhà nguyện và điện của chúng tôi bị cắt. Chúng tôi cũng không có thức ăn,” vị linh mục kể lại. Giáo xứ vẫn bị bao vây trong ba ngày cho đến ngày 4 tháng 8, khi Cha Vallejos bị bắt và bị giải đi.

“Chủ tịch hội đồng giám mục nói với tôi rằng chính phủ muốn tôi vào tù, nhưng Đức Cha Rolando Álvarez bắt đầu thương lượng và khiến họ chấp nhận cho tôi đến chủng viện ở Managua để đổi lấy sự im lặng của tôi,” vị linh mục bị lưu đày kể lại.

Ngay sau đó, vị linh mục trốn khỏi đất nước đến Costa Rica, nơi ngài nhận được sự giúp đỡ từ Giáo hội địa phương.

“Tôi không thể bịt miệng sự thật, mặc dù tôi sợ rằng vì cuộc phỏng vấn này mà họ có thể tra tấn các linh mục đang ở trong tù,” Cha Vallejos kết luận.
Source:Catholic News Agency
 
Điện tặc Nga tấn công các trang web của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, và các bệnh viện ở Hoa Kỳ và Đức
Đặng Tự Do
17:09 03/02/2023


Các tin tặc Nga đã đánh sập một số trang web của Đức, Hoa Kỳ và Ukraine bằng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ gọi tắt là DdoS, nhằm đáp trả quyết định của Berlin và Washington triển khai xe tăng tới Ukraine để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tại Ukraine, trang web của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã không thể truy cập được trong khoảng 24 giờ trước khi các chuyên viên kỹ thuật phục hồi được. Một số trang web của chính phủ Ukraine cũng bị ảnh hưởng. Killnet, một nhóm tin tặc Nga, đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công.

Trong một ví dụ điển hình khác về việc chiến tranh mạng bước vào đấu trường cùng với chiến tranh truyền thống, nhóm hack Killnet đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công DDoS vào các trang web, ngân hàng và sân bay của chính phủ Đức, các báo cáo cho biết. Cơ quan an ninh mạng BSI của Đức cho biết các cuộc tấn công phần lớn không hiệu quả. Killnet tự nhận mình là một nhóm “hacktivist” đã tích cực tấn công vào những người phản đối cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Các tin tặc như Killnet và một nhóm đồng minh có tên XakNet được cho là quan tâm đến việc bảo vệ các mục tiêu xã hội và chính trị hơn là lợi ích tài chính.

Các chuyên gia an ninh mạng từ lâu đã lo lắng về việc Điện Cẩm Linh thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các quốc gia đã hỗ trợ Ukraine cung cấp vũ khí và sử dụng các nhóm không gian mạng do nhà nước bảo trợ để thực hiện các cuộc tấn công. Mối quan hệ của Killnet với Mạc Tư Khoa không rõ ràng. XakNet, một nhóm tin tặc thân Nga đã hoạt động được khoảng một năm, trước đây đã phủ nhận mọi liên kết với chính phủ Nga.

Các quan chức an ninh mạng của Đức cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tấn công Killnet không đạt được bất kỳ thành công đặc biệt nào ngoại trừ việc ngăn cản truy cập đến các trang Web trong một khoảng thời gian.

“Hiện tại, một số trang web không thể truy cập được. Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy tác động trực tiếp đến dịch vụ tương ứng và theo đánh giá của BSI, những điều này sẽ không xảy ra nếu các biện pháp bảo vệ thông thường được thực hiện,” BSI cho biết trong một tuyên bố.

Canada trong danh sách bị tấn công.

Killnet đã đe dọa các quốc gia khác đã hỗ trợ vũ khí cho Kyiv. Tuần trước, các quan chức mạng Canada đã kêu gọi “tăng cường cảnh giác” trước nguy cơ tấn công mạng trả đũa từ các tin tặc có liên kết với Nga vào ngày 26 Tháng Giêng sau khi Ottawa gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine.

Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Truyền thông, gọi tắt là CSE, cho biết cơ quan này “biết các báo cáo về sự gia tăng các nhóm tin tặc liên kết với nhà nước Nga đang tìm cách phá hoại các đồng minh liên kết với Ukraine, để đáp lại việc họ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Ukraine.”

Trung tâm An ninh mạng Canada đã cảnh báo cộng đồng an ninh mạng Canada, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng và những người bảo vệ mạng công nghiệp quốc phòng nâng cao nhận thức và bảo vệ họ trước các mối đe dọa mạng độc hại, Tập đoàn Phát thanh Canada đưa tin.

Các bệnh viện Hoa Kỳ bị tấn công

Killnet cũng bị nghi ngờ trong một số cuộc tấn công vào các trang web của 13 bệnh viện Hoa Kỳ vào hôm thứ Hai 30 Tháng Giêng.
Source:msspalert.com
 
Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám Mục Congo
Vu Van An
19:05 03/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, vào ngày thứ tư và là ngày chót trong chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các Giám Mục của nước này tại trụ sở Hội Đồng Giám Mục Congo. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với các vị Giám Mục, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em Giám mục thân mến, chào anh em buổi sáng!

Tôi rất vui được gặp anh em và tôi gửi đến anh em lòng biết ơn chân thành vì sự chào đón nồng nhiệt của anh em. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Utembi Tapa vì những lời chúc tốt đẹp nhân danh anh em. Tôi biết ơn về cách mà anh em đã can đảm loan báo niềm an ủi của Chúa, đi giữa dân tộc của anh em và chia sẻ những gian khổ và hy vọng của họ.

Tôi rất vui khi được trải qua những ngày này tại đất nước của anh em, nơi có khu rừng rộng lớn, tượng trưng cho “trái tim xanh” của châu Phi, là lá phổi cho toàn thế giới. Tầm quan trọng của di sản thiên nhiên này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi bảo vệ vẻ đẹp của sáng thế và bảo vệ nó khỏi những vết thương gây ra bởi lòng tham và sự ích kỷ. Khoảng không bao la xanh tươi này là khu rừng của anh em cũng là một hình ảnh nói lên đời sống Kitô hữu của chúng ta. Là một Giáo hội, chúng ta cần hít thở bầu không khí trong lành của Tin Mừng, để xua tan bầu không khí nhơ nhớp của thế gian, để bảo vệ trái tim trẻ trung của đức tin. Đó là cách tôi hình dung về Giáo hội Châu Phi và đó là cách tôi nhìn Giáo hội Congo này: một Giáo hội trẻ trung, năng động và vui tươi, được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành truyền giáo, bởi tin mừng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Chúa Giêsu là Chúa. Giáo Hội của anh em là một Giáo hội hiện diện trong lịch sử sống động của dân tộc này, bắt nguồn sâu xa trong cuộc sống hàng ngày của họ và đi đầu trong hoạt động bác ái. Đó là một cộng đồng có khả năng thu hút những người khác, tràn đầy lòng nhiệt tình dễ lây lan và do đó, giống như những khu rừng của anh em, có rất nhiều “oxy”. Cảm ơn anh em, vì anh em là lá phổi giúp Giáo hội hoàn vũ thở!

Mở đầu đoạn văn bằng hạn từ “buồn” là điều không tốt, nhưng tôi vẫn phải làm! Buồn thay, tôi biết rằng cộng đồng Kitô giáo của vùng đất này cũng có một bộ mặt khác. Thật vậy, khuôn mặt trẻ trung, sáng ngời và cao quý của anh em cũng lộ rõ sự đau đớn và mệt mỏi, đôi khi sợ hãi và nản lòng. Đó là khuôn mặt của một Giáo hội đau khổ vì dân tộc của mình, một trái tim trong đó cuộc sống của dân tộc, với những niềm vui và thử thách, đập một cách lo lắng. Một Giáo Hội là dấu chỉ hữu hình của Chúa Kitô, Đấng thậm chí ngày nay vẫn còn bị bác bỏ, lên án và sỉ nhục nơi nhiều người bị đóng đinh trên thế giới của chúng ta; một Giáo hội khóc bằng nước mắt của họ, và giống như Chúa Giêsu, cũng muốn lau khô những giọt nước mắt đó. Một Giáo hội quan tâm đến việc ôm lấy những vết thương vật chất và tinh thần của con người và làm cho nước hằng sống và chữa lành từ cạnh sườn Chúa Kitô chảy tràn trên họ.

Anh em thân mến, cùng với anh em, tôi thấy Chúa Giêsu đau khổ trong lịch sử của dân tộc này, một dân tộc bị đóng đinh và áp bức, bị tàn phá bởi bạo lực tàn nhẫn, bị hủy hoại bởi những đau khổ vô tội, buộc phải sống với dòng nước nhơ nhuốc của tham nhũng và bất công làm ô nhiễm xã hội, và để chịu cảnh nghèo đói ở rất nhiều con cái của nó. Tuy nhiên, đồng thời, tôi thấy một dân tộc không mất hy vọng, nhưng nhiệt thành đón nhận đức tin và hướng về các mục tử của mình. Tôi thấy một dân tộc có thể quay về với Chúa và phó thác trong tay Người, để nền hòa bình mà họ mong mỏi, mặc dù bị bóp nghẹt bởi sự bóc lột, ích kỷ đảng phái, nọc độc của xung đột và thao túng sự thật, cuối cùng cũng có thể đến như một hồng phúc từ trên cao.

Điều này nêu ra câu hỏi: làm thế nào chúng ta thi hành thừa tác vụ của mình trong hoàn cảnh này? Khi tôi nghĩ về anh em, những người chăn chiên của Dân thánh Thiên Chúa, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của Giêrêmia. Giêrêmia là một ngôn sứ được kêu gọi thi hành sứ mệnh của chính mình vào một thời điểm đầy kịch tính trong lịch sử Israel, giữa những bất công, những tập tục ghê tởm và đau khổ. Ông đã dành cả cuộc đời để tuyên bố rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân tộc của Người và theo đuổi các kế hoạch hòa bình ngay cả trong những tình huống dường như mất mát và không thể cứu vãn được. Tuy nhiên, trước hết, chính Giêrêmia đích thân cảm nghiệm được lời công bố đức tin đầy an ủi này; ông là người đầu tiên cảm nghiệm được sự gần gũi Thiên Chúa. Chỉ bằng cách này, ông mới có thể mang đến cho người khác một lời tiên tri dũng cảm về hy vọng. Thừa tác vụ giám mục của anh em cũng được thực hiện giữa hai thực tại mà giờ đây tôi muốn nói đến: sự gần gũi Thiên Chúa lời tiên tri cho dân chúng.

Điều đầu tiên tôi muốn nói là, hãy để cho mình được xúc động và an ủi bởi sự gần gũi của Thiên Chúa. Người ở gần chúng ta. Điều đầu tiên Chúa nói với Giêrêmia là: “Trước khi tạo nên con trong lòng mẹ, Ta đã biết con” (Grm 1:5). Đây là lời tỏ tình mà Thiên Chúa đã viết vào trái tim của mỗi người chúng ta, một lời tỏ tình không ai có thể xóa nhòa và, giữa những giông tố của cuộc đời, là nguồn an ủi. Điều quan trọng đối với chúng ta, những người đã được kêu gọi trở thành mục tử của dân Chúa, phải trông cậy vào sự gần gũi này của Chúa, “để hình thành con người của mình trong lời cầu nguyện”, và dành nhiều thời gian trước nhan Người. Chỉ bằng cách này, những người được ủy thác cho chúng ta mới đến gần Vị Mục Tử Nhân Lành hơn và chỉ bằng cách này, chính chúng ta mới trở thành mục tử, vì không có Người, chúng ta chẳng làm được gì (x. Ga 15:5). Nếu không, chúng ta sẽ là những doanh nhân, những “ông chủ”, nhưng không đi theo tiếng gọi của Chúa. Không có Người, chúng ta không thể làm gì được. Chớ gì chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình tự túc, càng không nên nhìn trong chức giám mục một cơ hội để thăng tiến trong xã hội và thi hành quyền lực của nó. Đó là tinh thần xấu xí của “chủ nghĩa nghề nghiệp”. Trên hết, mong sao chúng ta đừng bao giờ mở cửa cho tinh thần thế gian, vì điều này khiến chúng ta diễn giải chức vụ theo các tiêu chuẩn có lợi cho mình. Nó khiến chúng ta trở nên lạnh lùng và xa cách trong việc quản lý những gì được giao phó. Nó khiến chúng ta sử dụng vai trò của mình để phục vụ chính mình thay vì phục vụ người khác, và bỏ qua một mối quan hệ quan trọng, đó là việc cầu nguyện khiêm tốn và hàng ngày. Chúng ta hãy nhớ rằng tính thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, điều tồi tệ nhất. Tôi luôn xúc động ở phần cuối cuốn sách của Đức Hồng Y De Lubac về Giáo Hội, ba hay bốn trang cuối, nơi ngài viết như thế này: tinh thần thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thậm chí còn tồi tệ hơn cả thời các Giáo Hoàng trần tục và có vợ lẽ. Đó là điều tồi tệ nhất. Và tính trần tục luôn rình rập. Vì vậy, chúng ta hãy cẩn thận!

Anh em Giám mục thân mến, chúng ta hãy trân trọng sự gần gũi của chúng ta với Chúa, để trở nên những chứng nhân đáng tin cậy và hùng hồn cho Người và tình yêu của Người giữa dân tộc chúng ta. Chính nhờ chúng ta mà Người muốn xức dầu an ủi và hy vọng cho họ! Anh em là tiếng nói mà Thiên Chúa muốn nói với dân tộc Congo: “Các ngươi là một dân thánh đối với Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Đnl 7:6). Loan báo Tin Mừng, làm sống động đời sống mục vụ và thực thi vai trò lãnh đạo không thể trở thành những ý tưởng ít liên quan đến thực tại cuộc sống hàng ngày. Thay vào đó, chúng phải chạm đến những vết thương và truyền đạt sự gần gũi của Thiên Chúa, để mọi người có thể nhận ra phẩm giá của họ là những người con yêu dấu của Người và học cách ngẩng cao đầu bước đi, không bao giờ hạ thấp mình trước sự sỉ nhục và áp bức. Nhờ anh em, dân tộc này có ân sủng được nghe, bây giờ nói với họ, chính những lời mà Chúa đã nói với Giêrêmia: “Các ngươi là một dân tộc có phúc: trước khi tạo thành các ngươi trong lòng mẹ, Ta đã nghĩ đến các ngươi, biết các ngươi và yêu mến các ngươi". Khi chúng ta trân trọng sự gần gũi với Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy bị thu hút bởi người dân của chúng ta và sẽ luôn cảm thấy thương xót những người được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Thái độ cảm thương không phải là một cảm xúc; nó là đau khổ với họ. Được Chúa khuyến khích và củng cố, chúng ta hãy trở thành những máng chuyển an ủi và hòa giải cho người khác, chữa lành vết thương của những người đau khổ, xoa dịu nỗi đau của những người khóc lóc, nâng đỡ người nghèo và giải thoát mọi người khỏi các hình thức nô lệ và áp bức đa dạng. Tóm lại, sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa khiến chúng ta trở thành những ngôn sứ cho dân chúng, những người gieo lời cứu độ của Người trong lịch sử đầy thương tích của đất nước họ.

Để xem xét điểm thứ hai, lời tiên tri cho dân chúng, một lần nữa chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm của Giêrêmia. Sau khi nhận được lời yêu thương và an ủi của Thiên Chúa, ngài được mời gọi trở thành “ngôn sứ cho muôn dân” (x. Grm 1:5), được sai đi đem ánh sáng vào bóng tối, làm chứng nhân trong một môi trường bạo lực và băng hoại. Giêrêmia, người đã nghiền ngẫm lời Chúa, lời đã trở thành niềm vui và niềm hân hoan của tâm hồn ông (x. Grm 15:16), cho chúng ta biết rằng chính lời ấy đã khơi dậy trong ông một sự bồn chồn không thể kiềm chế và khiến ông vươn tới những người khác để họ cũng sẽ cảm động trước sự hiện diện của Chúa. Ông viết: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Grm 20:9). Chúng ta không thể giữ lời Chúa cho riêng mình, chúng ta không thể hạn chế sức mạnh của lời Chúa: đó là ngọn lửa đốt cháy sự thờ ơ của chúng ta và khơi dậy trong chúng ta ước muốn soi sáng những người ngồi trong bóng tối. Lời Chúa là ngọn lửa đốt cháy bên trong và thúc đẩy chúng ta tiến bước! Vì vậy, đây là những gì chúng ta là trong tư cách giám mục: những người được đốt cháy bởi lời Chúa, được sai đi với lòng nhiệt thành tông đồ hướng tới dân Chúa!

Tuy nhiên – chúng ta có thể tự hỏi – lời công bố mang tính tiên tri này, niềm đam mê cháy bỏng này, đòi hỏi điều gì? Chúa phán với tiên tri Giêrêmia: “Này, Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Hãy xem, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Grm 1:9-10). Đó là những động từ mạnh mẽ: nhổ lên và hủy bỏ, rồi xây dựng và trồng trọt. Chúng liên quan đến việc hợp tác trong một chương mới của lịch sử mà Thiên Chúa muốn thực hiện giữa một thế giới đầy đồi trụy và bất công. Anh em được mời gọi để tiếp tục làm cho tiếng nói tiên tri của anh em được lắng nghe, để lương tâm có thể cảm thấy bị thách thức và mỗi người có thể đóng một vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng một tương lai khác. Do đó, chúng ta được kêu gọi nhổ bỏ những cây độc của hận thù và ích kỷ, tức giận, oán giận và bạo lực; để phá bỏ các bàn thờ được dựng lên cho tiền bạc và tham nhũng; để xây dựng một sự chung sống dựa trên công lý, sự thật và hòa bình; và cuối cùng là gieo mầm tái sinh, để Congo ngày mai thực sự là điều Chúa hằng mơ ước: một miền đất may mắn và hạnh phúc, không còn bị bóc lột, áp bức và đẫm máu.

Đồng thời, chúng ta hãy cẩn thận: chúng ta không nói về hoạt động chính trị. Lời tiên tri của Kitô giáo trở thành hiện thân trong rất nhiều hoạt động chính trị và xã hội, tuy nhiên điều đó nói chung không phải là trách vụ của các Giám mục và mục tử là rao giảng Lời Chúa, đánh thức lương tâm, tố cáo sự dữ và khích lệ những tâm hồn tan nát và thiếu hy vọng. “Hãy an ủi, an ủi dân của Ta”: chủ đề này xuất hiện lặp đi lặp lại là một lời mời từ Chúa: Hãy an ủi người dân. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”. Đó là một lời loan báo không chỉ bằng lời nói mà còn qua sự gần gũi và chứng tá bản thân. Trước hết là sự gần gũi với các linh mục, vì các linh mục là những người gần gũi nhất với Giám mục, quan tâm đến những người làm công tác mục vụ và khuyến khích cộng tác với nhau trong tinh thần đồng nghị. Và làm chứng, vì các mục tử của Giáo hội trước hết phải đáng tin cậy, nhất là trong công việc cổ vũ sự hiệp thông, trong đời sống luân lý và trong việc quản lý của cải. Về vấn đề này, điều cần thiết là tạo ra sự hòa hợp, không đứng trên bệ cao hoặc tỏ ra gay gắt, nhưng bằng cách nêu gương tốt trong việc hỗ trợ và tha thứ cho nhau, và cùng nhau làm việc như những mô hình của tình huynh đệ, hòa bình và sự đơn giản của Tin Mừng. Mong rằng đừng bao giờ xảy ra trường hợp, trong khi những người khác đang phải chịu đói, người ta có thể nói về anh em: “họ không quan tâm; kẻ thì ra đồng, kẻ thì lo việc riêng” (x. Mt 22:5). Không, làm ơn, chúng ta hãy bỏ công việc kinh doanh ra khỏi vườn nho của Chúa! Một người chăn chiên không thể là một doanh nhân, họ không thể như thế! Chúng ta hãy là những mục tử và tôi tớ của dân Thiên Chúa, không phải là người quản lý sự việc, không phải là doanh nhân mà là mục tử! Việc cai trị của Giám mục phải là của một mục tử; đi trước đoàn chiên, đi giữa đoàn chiên và đi sau đoàn chiên. Đi trước đoàn chiên để chỉ đường; ở giữa đoàn chiên để có mùi chiên và không để mất nó; đi sau đoàn chiên để giúp đỡ những con đi chậm hơn, và cũng để yên đoàn chiên một lúc để xem có thể tìm đồng cỏ tốt ở đâu cho chúng. Người chăn cừu phải di chuyển theo ba hướng này.

Anh em Giám mục thân mến, tôi đã chia sẻ với anh em những gì tôi cảm thấy trong lòng. Hãy nuôi dưỡng sự gần gũi của chính anh em với Chúa để anh em có thể trở thành những dấu chỉ tiên tri về lòng cảm thương của Người đối với dân tộc của anh em. Tôi kêu gọi anh em đừng sao nhãng việc đối thoại với Thiên Chúa hoặc để ngọn lửa tiên tri bị dập tắt bởi một mối quan hệ mơ hồ với các quyền lực hiện có, hoặc bởi một cuộc sống tự mãn và thường lệ. Trong những hoàn cảnh bất công và đau khổ, Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta mạo hiểm khi lên tiếng đáp lại những gì Chúa yêu cầu chúng ta. Một trong những người anh em của anh em đã làm như vậy, Tôi Tớ Chúa là Đức Tổng Giám Mục Christophe Munzihirwa, một mục tử can đảm và có tiếng nói tiên tri, người đã bảo vệ dân của mình bằng cách hy sinh mạng sống của mình. Một ngày trước khi qua đời, ngài đã loan đi một thông điệp trên đài phát thanh tới mọi người rằng: “Những ngày này chúng ta còn có thể làm gì? Chúng ta hãy vững vàng trong đức tin. Chúng ta tin tưởng rằng Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta và một tia hy vọng nhỏ nhoi nào đó sẽ lóe lên cho chúng ta ở đâu đó. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta cam kết tôn trọng sự sống của những người thân cận, bất kể họ thuộc sắc tộc nào”. Ngày hôm sau ngài bị giết ở quảng trường thành phố, nhưng những hạt giống ngài gieo trên mảnh đất này, cùng với nhiều người khác, sẽ đơm hoa kết trái. Thật tốt để tưởng nhớ với lòng biết ơn các vị mục tử vĩ đại đã ghi dấu ấn trong lịch sử của đất nước và Giáo hội của anh em, những người đã rao giảng Tin Mừng cho anh em và đi trước anh em trong đức tin. Anh em thân mến, họ là những gốc rễ vững chắc củng cố anh em trong lòng nhiệt thành truyền giáo. Ở đây tôi nghĩ tới lợi ích đích thân tôi nhận được từ việc biết Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya.

Anh em thân mến, đừng sợ trở thành những tiên tri của niềm hy vọng cho dân, là những tiếng nói đồng thanh an ủi của Chúa, là chứng nhân và là sứ giả vui mừng của Tin Mừng, là tông đồ của công lý, là người Samaria của tình liên đới. Anh em hãy là chứng nhân của lòng thương xót và hòa giải giữa bạo lực không chỉ do khai thác tài nguyên và xung đột sắc tộc, bộ lạc, mà còn do quyền lực đen tối của ma quỷ, kẻ thù của Thiên Chúa và nhân loại. Đồng thời, đừng bao giờ nản lòng: Chúa chịu đóng đinh đã sống lại, Chúa Giêsu đã chiến thắng và đã chiến thắng thế gian (x. Ga 16:33). Bây giờ Người muốn tỏa sáng trong anh em, trong công việc quý giá của anh em, trong việc gieo bình an hữu hiệu của anh em! Anh em thân mến, tôi muốn cảm ơn anh em vì thừa tác vụ, lòng nhiệt thành mục vụ và chứng tá của anh em.

Và bây giờ, khi kết thúc cuộc hành trình của mình, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới anh em và tất cả những người đã làm việc để chuẩn bị cho nó. Anh em đã đủ kiên nhẫn để chờ đợi một năm trời, anh em thật tốt! Cảm ơn vì điều này! Anh em đã phải làm việc chăm chỉ gấp đôi vì chuyến thăm đầu tiên đã bị hủy bỏ, nhưng tôi biết rằng anh em sẽ tha thứ cho Đức Giáo Hoàng! Cảm ơn anh em vì mọi thứ! Tháng Sáu tới, anh em sẽ cử hành Đại hội Thánh Thể Toàn quốc tại Lubumbashi. Chúa Giêsu thực sự hiện diện và hoạt động trong bí tích Thánh Thể; trong đó Người hòa giải và chữa lành, an ủi và hợp nhất, soi sáng và biến đổi; trong đó, Người truyền cảm hứng và duy trì thừa tác vụ của anh em và làm cho nó có hiệu quả. Xin sự hiện diện của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết, biến đổi đất nước vĩ đại này và luôn là niềm vui và niềm hy vọng của anh em! Tôi ban phước lành cho anh em với tất cả trái tim của tôi.

Tôi xin nói thêm một điều nữa: tôi đã nói “hãy thương xót”. Thương xót. Luôn luôn tha thứ. Khi một tín hữu đến xưng tội, họ đến để xin ơn tha thứ, để tìm kiếm sự âu yếm của Chúa Cha. Và chúng ta, chỉ ngón tay buộc tội, nói: “Bao nhiêu lần? Và con đã làm điều đó như thế nào?...”. Không, không phải điều này. Tha thứ. Luôn luôn. “Nhưng con không biết…, vì giáo luật cho con biết…”. Chúng ta phải tuân thủ quy tắc, bởi vì nó quan trọng, nhưng trái tim của người chăn còn vượt xa hơn thế nữa! Mạo hiểm. Hãy mạo hiểm đứng về phía tha thứ. Luôn luôn. Luôn luôn tha thứ trong Bí Tích Hòa Giải. Bằng cách này, anh em sẽ gieo sự tha thứ cho toàn xã hội.

Tôi ban phước lành cho anh em với tất cả trái tim của tôi. Và xin anh em tiếp tục cầu nguyện cho tôi, vì công việc này hơi khó! Nhưng tôi phó thác bản thân mình cho những lời cầu nguyện của anh em. Cảm ơn anh em.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh ánh sáng cho trần gian
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:36 03/02/2023
Hình ảnh ánh sáng cho trần gian

Ánh sáng cũng như nước rất quan trọng cần thiết cho sự sống, cho các sinh hoạt trong đời sống được nẩy sinh, phát triển duy trì, không chỉ cho con người, mà cả cây cối thảo mộc cùng thú động vật nữa.

Trong niềm tin tôn giáo ánh sáng xưa nay diễn tả hình ảnh mầu nhiệm linh thiêng thần thánh. Vì thế, trong các nơi thờ tự…những cây nến to nhỏ thường được đốt thắp chiếu sáng ngày đêm, để biểu lộ lòng tin và tâm tình cầu nguyện khấn xin.

Trên bước đường rao giảng nước Thiên Chúa cho con người, Chúa Giêsu Kitô đã dùng hình ảnh ánh sáng nhắn nhủ: “ Anh em là ánh sáng cho trần gian!” ( Mt 5, 14).

Vậy hình ảnh ánh sáng cho trần gian là gì?

Trong thánh đường thờ tự cũng như tại nhà riêng luôn có những cây nến được đốt thắp chiếu sáng với nhiều mục đích khác nhau. Có những cây nến, như Nến Chúa Phục sinh, Nến Rửa tội, Cây nến ngày thành hôn… được đúc cùng vẽ chạm khắc những hình ảnh mầu sắc trên đó trang trí rất đẹp, thơ mộng thi vị… Nhưng cây nến khi được đốt thắp lên, ngọn lửa sẽ từ từ thiêu đốt làm cho cây nến dần tan chảy tiêu tan, và sau cùng không còn gì nữa rồi bị cạo vứt bỏ!

Có lẽ cây nến, và có khi cả chủ nhân của nó cũng có tâm sự đau buồn hoài nghi cùng phản đối tại sao lại làm như thế cho cây nến đẹp thi vị bị hao mòn tiêu tan. Hành động như thế mang lại lợi ích gì?

Ngọn Lửa như hiểu đọc được tâm sự phản kháng hoài nghi đau buồn của cây Nến nói ngay:“ Này Bạn Nến, nhiệm vụ của tôi là đốt thắp Bạn lên để cho chiếu sáng!”

Cây Nến hốt hoảng la lên:” Nhưng khi Bạn đốt thắp tôi lên, tôi không chỉ bị nóng bỏng, nhưng tôi sẽ bị thiêu hủy. Vẻ đẹp mỹ miều thơ mộng nơi thân xác của tôi không còn nữa. Tất cả những hình ảnh mầu sắc nơi thân thể tôi bị đốt cháy tiêu tan thành chất vứt bỏ. Đời sống tôi không còn nữa. Ôi thật đau buồn!”

Ngọn lửa cũng cùng thông cảm với cây Nến và nói:” Vâng, Bạn nói đúng. Nhưng nếu Bạn không muốn để cho được đốt thắp chiếu sáng lên, vậy nhiệm vụ đời sống của Bạn là gì vậy? Bạn nên biết rằng chẳng có sự gì muôn năm vĩnh cửu, không có ngày tận cùng. Bạn không thể mãi mãi muôn đời tồn tại đâu..!”

Cây nến vươn mình lên tiếng đối lại: “Nhưng tôi đau lòng tiếc xót muốn gìn giữ vẻ đẹp của tôi mà! “

Ngọn Lửa qủa quyết hơn: ” Bạn muốn làm gì với vẻ đẹp thân xác của Bạn, khi Bạn luôn luôn đứng trên trụ cao, rồi ngày tháng những bụi bặm bay bám cuộn chung quanh thân xác đẹp của Bạn, hay Bạn chỉ muốn nằm yên trong hộp kín dưới đáy hòm tủ chất chứa nơi tối tăm!

Nếu Bạn không được đốt thắp lên, Bạn sẽ không chiếu sáng ra được. Đời sống Bạn rồi ra sẽ có ngày kết thúc. Bạn phải chết mà không làm nhiệm vụ sống đời sống mình!...

Chúa Giêsu Kitô muốn tất cả con người sống đời sống mình, nhưng họ chỉ sống, khi chiếu sáng lên. Chính vì thế, Ngài đã nhắn nhủ : Anh em là ánh sáng cho trần gian! Và để cho khỏi bị hiểu sai nhầm, Ngài đã nói rõ thêm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt con người nơi trần gian…(Mt 5, 14.16).

Chúa Giêsu qua đó không cho là quan trọng cây Nến bị tiêu tan chết với những hình thù đẹp chạm vẽ khắc trên thân nó, nhưng là ánh sáng. Với ánh sáng cây nến trở nên đẹp, và chỉ khi được đốt thắp chiếu sáng lên, cây nến mới có ý nghĩa hoàn thành nhiệm vụ đời sống của nó.

Mỗi người là công trình tác phẩm của Thiên Chúa tạo thành trong trần gian, v-à có giới hạn về mọi khía cảnh. Trong đời sống trên trần gian mỗi người là một cây nến được Đấng Tạo Hóa trang điểm phú ban cho thân xác hình hài, khả năng trí khôn tinh thần, điều kiện sinh sống có mức độ, nghề nghiệp ơn gọi dáng vẻ khác nhau. Nhưng đều có nhiệm vụ đời sống là chiếu sáng theo cung cách hoàn cảnh văn hóa đời sống nơi xã hội sinh sống.

Nói cách khác, đó là hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đời sống của mình giữa lòng xã hội trần gian. Và như thế là sống đời sống mình, như Chúa Giêsu Kitô nhắn bảo: Anh em là ánh sáng cho trần gian!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo về hiểm họa TQ
VietCatholic Media
01:51 03/02/2023

Diễn từ của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khiến Bắc Kinh nổi giận

Các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đã mở hết công suất để tấn công Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về một bài diễn văn tại Đại học Keio. Ông ấy đã nói những gì? Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Cảm ơn giáo sư Itoh, giáo sư Tsuruoka. Chào buổi sáng tất cả mọi người. Thật tuyệt khi được ở đây tại Đại học Keio. Và để tham gia với tất cả các bạn ở đây tại Đại học Keio này. Nhật Bản là một nhân tố toàn cầu quan trọng. Tích cực thúc đẩy hòa bình. Và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây cũng là những gì NATO đại diện cho. Và trong gần 75 năm, NATO đã bảo đảm hòa bình ở khu vực Âu Châu-Đại Tây Dương. Cho phép dân chủ, tự do và thịnh vượng phát triển. Nhưng ngày nay, trật tự toàn cầu đã phục vụ chúng ta rất tốt trong nhiều thập kỷ đang bị đe dọa. Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đang đi đầu trong một cuộc đẩy lùi độc đoán. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu. Triều Tiên tiếp tục đe dọa an ninh quốc tế thông qua các vụ thử hỏa tiễn liều lĩnh. Và những thách thức toàn cầu khác đang gia tăng: Từ khủng bố đến biến đổi khí hậu, các mối đe dọa mạng và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đây là thực tế an ninh mới của chúng ta. Một thực tế kết nối tất cả chúng ta, những người ủng hộ hòa bình, tự do và dân chủ. Và một thực tế mà chúng ta cần phải cùng nhau đối mặt. Âu Châu và Bắc Mỹ cùng tham gia NATO, hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác của chúng ta trên toàn cầu. Bao gồm cả ở đây, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tháng 6 năm ngoái, tôi vinh dự được đón Thủ tướng Kishida tới dự Hội nghị thượng đỉnh NATO của chúng ta tại Madrid. Đây là lần đầu tiên ông và các nhà lãnh đạo từ các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác của chúng ta – Australia, New Zealand và Hàn Quốc – cùng nhau tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Một bằng chứng cho mối quan hệ ngày càng tăng của chúng ta.

Chúng ta có thể cách xa nhau cả đại dương. Nhưng an ninh của chúng ta được kết nối chặt chẽ. Và chúng ta chia sẻ những giá trị, lợi ích và mối quan tâm giống nhau. Điều này bao gồm việc hỗ trợ cho Ukraine.

Gần một năm trước, Tổng thống Putin đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, để chiếm đất nước này, và lấy đi tự do của con người.

Cuộc chiến này không chỉ là một cuộc khủng hoảng Âu Châu. Đó là một thách thức đối với an ninh toàn cầu và sự ổn định toàn cầu. Đáp lại, NATO, Đồng minh và các đối tác của chúng ta trên khắp thế giới, bao gồm cả Nhật Bản, đã lên án cuộc chiến phi pháp và phi lý này.

Và chúng ta đã và đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Tôi muốn cảm ơn Nhật Bản vì sự hỗ trợ đáng kể của các bạn. Hôm qua, tôi đã đến thăm Căn cứ Không quân Iruma và tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay chở hàng của Nhật Bản vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân Ukraine.

Sự hỗ trợ của chúng ta tạo ra sự khác biệt thực sự cho người Ukraine. Giúp họ không chỉ sống sót mà còn đẩy lùi quân xâm lược Nga và giải phóng lãnh thổ của họ. Ukraine cần sự hỗ trợ liên tục của chúng ta bao lâu còn cần thiết. Bởi vì nếu Putin thắng, thông điệp gửi tới Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh sẽ là họ có thể đạt được những gì họ muốn thông qua vũ lực.

Điều này sẽ khiến cả thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Và chúng ta dễ bị tổn thương hơn.

Đồng thời khi chúng ta hỗ trợ Ukraine, ưu tiên chính của NATO là bảo vệ một tỷ người dân của chúng ta và từng inch lãnh thổ của Đồng minh. Để làm được điều này, chúng ta đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, đặc biệt là ở phía đông của Liên minh. Chúng ta có thêm quân trong tình trạng báo động cao. Sẵn sàng di chuyển, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào cần thiết. Phòng thủ mạnh hơn không phải để kích động xung đột với Nga. Nhưng để ngăn chặn một cuộc xung đột. Và gìn giữ hòa bình.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ. Và học những bài học có thể ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai của nó.

Những gì đang xảy ra ở Âu Châu hôm nay có thể xảy ra ở Đông Á vào ngày mai. Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO. Nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng và các chính sách cưỡng chế của nó có những hậu quả. Vì an ninh của các bạn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và của chúng ta ở Âu Châu – Đại Tây Dương.

Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn nạn đó.

Bắc Kinh đang xây dựng đáng kể lực lượng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, mà không có bất kỳ sự minh bạch nào. Nó đang cố gắng khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông và đe dọa Đài Loan.

Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng, kể cả ở các nước NATO. Đàn áp công dân của mình thông qua công nghệ tiên tiến. Và lan truyền thông tin sai lệch của Nga về NATO và cuộc chiến ở Ukraine.

Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hai nước huấn luyện và hoạt động quân sự cùng nhau nhiều hơn. Tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không cũng trong vùng lân cận của Nhật Bản. Hợp tác kinh tế của họ cũng đang gia tăng.

Và Trung Quốc đã không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Một năm trước, lần đầu tiên Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga rằng NATO đóng cửa với các quốc gia thành viên mới. Nhưng cánh cửa của NATO vẫn mở. Chẳng bao lâu nữa, hai quốc gia mới – Phần Lan và Thụy Điển – sẽ gia nhập Liên minh. Điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ. Bạo lực và đe dọa không có tác dụng. Đây là một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn. An ninh của chúng ta không phải là khu vực, mà là toàn cầu. Vì vậy, điều cần thiết là có bạn bè. Trong số các đối tác của NATO, không có đối tác nào gần gũi hơn hoặc có khả năng hơn Nhật Bản.

Tôi rất vui vì tình bạn lâu dài của chúng ta ngày càng bền chặt.

Trong quá khứ, chúng ta đã làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề từ chống khủng bố đến chống cướp biển. Trong tương lai, chúng ta sẽ cùng nhau làm nhiều hơn nữa. Hôm qua, Thủ tướng Kishida và tôi đã nhất trí về một tuyên bố chung. Nó đặt ra kế hoạch của chúng ta nhằm đẩy mạnh hợp tác NATO-Nhật Bản trong các lĩnh vực như phòng thủ mạng, công nghệ mới, chống lại các mối đe dọa hỗn hợp và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tôi cũng nói với Thủ tướng rằng tôi rất hoan nghênh Chiến lược An ninh Quốc gia mới mang tính lịch sử của Nhật Bản. Và tôi rất vui vì Nhật Bản đang có kế hoạch đạt được tiêu chuẩn của NATO là 2% GDP dành cho quốc phòng.

Điều này chứng tỏ Nhật Bản coi trọng an ninh quốc tế. Nó làm cho các bạn trở thành một đối tác mạnh mẽ hơn cho hòa bình. Vì vậy, tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác của chúng ta. Trong một thế giới nguy hiểm hơn, Nhật Bản có thể tin tưởng vào NATO để sát cánh cùng các bạn trong việc thúc đẩy hòa bình, bảo vệ an ninh chia sẻ của chúng ta, và bảo tồn một hệ thống toàn cầu dựa trên các chuẩn mực và giá trị. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
 
Từng bị bắn gãy chân trong vụ mưu sát, vị Giám Mục đi bộ 50km để gặp gỡ Đức Thánh Cha
VietCatholic Media
01:52 03/02/2023
 
Kyiv xóa sổ Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga. Mỹ cho Ukraine thêm 2,2 tỷ USD, với món quà hay hơn F16
VietCatholic Media
02:57 03/02/2023


1. Quân Nga khựng lại tại thành phố Bakhmut, sau khi các lực lượng Dù chịu tổn thất đáng kể

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu mùng 3 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong ngày qua, tình hình tại thành phố Bakhmut vẫn còn sôi động nhưng đã có các dấu hiệu khựng lại, sau cuộc tổng công kích thất bại vào hôm mùng 1 tháng Hai.

Trong 24 giờ qua, đã có 12 cuộc tấn công lẻ tẻ. 127 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc giao tranh.

Trong một cuộc tấn công quy mô cấp đại đội, lính Dù Nga được xe tăng yểm trợ đã mở cuộc tấn công vào phía Đông Bắc thành phố. Họ đã rút lui sau khi hai chiếc xe tăng đi đầu bị bắn cháy.

“Quân xâm lược chịu tổn thất rất nặng nề. Ở hướng Bakhmut chỉ trong một ngày, tính đến 11 giờ ngày 2 tháng 2, đối phương đã thiệt mất 127 người chết và 137 người bị thương”.

Theo nhận định của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, sau một cuộc tấn công cục bộ vào đầu Tháng Giêng, các lực lượng Nga đã chiếm được thị trấn Soledar gần đó, cách Bakhmut 20 km về phía bắc, vào ngày 16 Tháng Giêng. ISW đã coi việc chiếm được Soledar là cơ hội cho các lực lượng Nga tiến vào Bakhmut từ phía bắc, mặc dù họ đánh giá rằng quân Nga sẽ cần phải kiểm soát đường cao tốc T0513 Siversk-Bakhmut, nằm cách các vị trí của Nga gần Soledar 7 kilômét về phía tây, để cắt đứt các tuyến tiếp tế của Ukraine tới Bakhmut.

Đến ngày 20 Tháng Giêng, cả Bộ Quốc phòng Nga và lực lượng Wagner đều tuyên bố đã chiếm được Klishchiivka, một ngôi làng cách Bakhmut 9 kilômét về phía tây nam. Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng Klishchiivka đổi chủ. Lữ Đoàn Dù 108 của Nga đã bỏ chạy khỏi Klishchiivka vào ngày 26 Tháng Giêng. Họ quay trở lại trong cố gắng tái chiếm Klishchiivka trong hai ngày sau đó nhưng đều không thành công. Trong ngày 2 tháng Hai, họ đã cố gắng tấn công một lần nữa. Giao tranh vẫn đang diễn ra.

Theo cựu chỉ huy Nga Igor Girkin, người đang bị Hà Lan truy nã về tội bắn rớt máy bay MH17 của Malaysia Airlines, quyết tái chiếm Klishchiivka, quân Nga đã đẩy “làn sóng thịt” lên trước để phát hiện các vị trí khai hỏa của quân phòng thủ Ukraine, và làm cho họ cạn kiệt đạn dược. Làn sóng thịt, còn được gọi là biển người, trong trường hợp này là Lữ đoàn Slavyansk số 1, của cái gọi là quân đội Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, do chính ông ta thành lập và chỉ huy từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 14 tháng 8 năm 2014. Lữ Đoàn Dù Nga đẩy họ lên trong các đợt tấn công đầu tiên trước khi họ xung phong.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, các lực lượng tấn công của Nga chủ yếu bao gồm các lính đánh thuê chuyên nghiệp của Wagner và các cựu tù nhân mới gia nhập Tập đoàn Wagner, cũng như quân tiếp viện từ các tiền tuyến khác ở Ukraine và những tân binh mới được huy động mà người Ukraine gọi là mobiks. Một số nhà quan sát đã ví chiến thuật của Nga giống như các cuộc tấn công làn sóng người kiểu Liên Xô, liên tục tấn công các vị trí của Ukraine bằng các đợt xung phong bộ binh. Wagner đã sử dụng những cựu tù nhân được tuyển dụng của mình làm “con mồi nhử” trong làn sóng đầu tiên để tiết lộ các vị trí của Ukraine. Những người từ chối tiến lên sẽ bị đe dọa “hành quyết” bằng cách xử bắn tại chỗ. Những người bị thương trong các cuộc tấn công thường không được giải cứu. Nga cũng đã tấn công vào Bakhmut bằng máy bay không người lái do Iran sản xuất sau khi 450 chiếc trong số đó được gửi đến Nga vào giữa tháng 10 năm 2022.

Tờ New York Times nhận định rằng việc Ukraine sử dụng các đơn vị Bộ binh và Vệ binh Quốc gia được đào tạo bài bản để chống lại lực lượng Wagner được đào tạo kém đã giúp Ukraine ngăn chặn một cách hiệu quả các cuộc tấn công của quân Nga. Tuy nhiên, vào cuối Tháng Giêng, Nga bắt đầu thay thế các đơn vị Wagner bằng Lực lượng Vệ binh Quốc gia Rosgvardia và các Lữ Đoàn Dù được đào tạo tốt hơn. Điều này giúp họ có thể đạt được những bước tiến xa hơn trong khu vực Bakhmut từ tuần lễ cuối cùng của Tháng Giêng. Những thành công sơ khởi này nâng cao tinh thần của người Nga đến mức họ quyết định rằng ngày 1 tháng Hai là ngày mở cuộc tổng công kích chiếm thành phố Bakhmut. Kế hoạch này cho đến nay xem ra đã thất bại.

Lực lượng phòng thủ Ukraine bao gồm một “tập hợp các đơn vị”, ban đầu bao gồm Lữ đoàn cơ giới 93 và Lữ đoàn cơ giới 58, sau đó được tăng cường bởi nhiều đơn vị khác - bao gồm cả Lữ Đoàn Dù số 71, Lữ Đoàn Tác Chiến số 3 của Vệ Binh Quốc Gia, Lữ Đoàn pháo binh 44 biệt lập, Lực Lượng Đặc Biệt và các đơn vị Địa Phương Quân - để lấp đầy khoảng trống do thương vong nặng nề. Các đơn vị cũng được luân chuyển liên tục để tránh mệt mỏi khi chiến đấu.

Trong 24 giờ qua, 610 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Thương vong nặng nề nhất là tại Vuhledar, nơi tàn quân của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 của Nga và các lực lượng Dù của Nga giao tranh với Lữ đoàn cơ giới số 72, cùng với Lữ đoàn Jaeger số 68 của Ukraine. Theo tin sơ khởi vào chiều ngày thứ Năm 2 tháng Hai, quân Nga bỏ chạy để lại 5 hệ thống pháo không kịp phá hủy.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 2 tháng Hai, 129.030 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã tiêu diệt 3.211 xe tăng Nga, 6.382 xe thiết giáp, 2.212 hệ thống pháo, 458 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 222 hệ thống phòng không, 293 máy bay chiến đấu, 284 máy bay trực thăng, 1.951 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.064 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 200 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

2. Thủ tướng Ba Lan 'sẵn sàng gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine'

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine nếu quyết định được đưa ra cùng với các đồng minh NATO.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức, được xuất bản hôm thứ Năm 2 tháng Hai, ông nói:

Nếu đây là quyết định của toàn bộ NATO, tôi sẽ gửi những máy bay chiến đấu này.

Ông nhấn mạnh rằng đánh giá của mình “dựa trên những gì các quốc gia NATO cùng nhau quyết định” và quyết định này đòi hỏi “sự cân nhắc chiến lược của toàn bộ” liên minh.

Ông nói thêm, các đồng minh phương Tây nên phối hợp cung cấp máy bay chiến đấu “vì đây là một cuộc chiến rất nghiêm trọng và chỉ có Ukraine đơn độc chiến đấu, Ba Lan không tham gia vào cuộc chiến này, NATO cũng không tham gia”.

Mỹ, Anh và Đức đã loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu trong những ngày qua.

Pháp, quốc gia tự chế tạo máy bay chiến đấu, dường như có suy nghĩ cởi mở hơn. Tổng thống Elyanuel Macron hôm thứ Hai cho biết việc cung cấp của họ không phải là điều cấm kỵ miễn là nó không thể bị coi là leo thang và họ không được sử dụng để tấn công vào “đất nước Nga”.

3. Thay vì máy bay, Hoa Kỳ sẽ cung cấp hỏa tiễn tầm xa. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cam kết không tấn công lãnh thổ Nga nếu bị đồng minh cung cấp hỏa tiễn tầm xa

Các quan chức hàng đầu của Ukraine đang vận động các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, lập luận rằng họ cần chúng khẩn cấp để bảo vệ các xe tăng vừa mới được các đồng mih hứa trao tặng, và phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Tuy nhiên, lập trường của Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh là các máy bay chiến đấu “cực kỳ tinh vi và mất hàng tháng để học cách bay”, đồng thời nói thêm rằng việc cung cấp chúng cho Ukraine là “không thực tế” vì hàng phòng không dày đặc của đối phương.

Thay vào đó, trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine các hỏa tiễn tầm xa. Lo ngại lớn nhất vẫn là Ukraine sẽ dùng các hỏa tiễn tầm xa để tấn công sâu vào các lãnh thổ Nga nhằm đánh phủ đầu vào các phi trường nơi xuất phát các máy bay ném bom của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết nước này sẽ bảo đảm rằng họ sẽ không tấn công Nga nếu nhận được các hỏa tiễn tầm xa mà họ đã yêu cầu các đồng minh của mình cung cấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết: “Vì Ukraine cần các hỏa tiễn tầm xa không cho phép đối phương duy trì hệ thống phòng thủ và buộc chúng phải thua cuộc, nên Ukraine sẵn sàng phối hợp tấn công với các đối tác”.

Reznikov kêu gọi các nước khác giúp Ukraine thiết lập năng lực phòng thủ hỏa tiễn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hệ thống Patriot và SAMP/T ngay khi có cơ hội, cùng với nhiều IRIS-T và NASAMS, cả hai đều là hệ thống phòng không.

“Nếu chúng tôi có cơ hội tấn công ở cự ly 300 km, quân đội Nga sẽ không thể duy trì khả năng phòng thủ và buộc phải thua cuộc. Ukraine sẵn sàng đưa ra bất kỳ bảo đảm nào rằng vũ khí của các bạn sẽ không tham gia vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Chúng tôi có đủ mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine tạm thời bị xâm lược và sẵn sàng phối hợp tấn công các mục tiêu với các đối tác của chúng tôi”, ông nói.

Ông nói thêm, Ukraine cũng cần tăng số lượng pháo, đạn pháo và vũ khí có khả năng vượt qua và tiêu diệt các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga. Ukraine sẽ nhận được xe tăng chiến đấu của phương Tây sau một cuộc đàm phán dài và đang tìm kiếm máy bay chiến đấu để đẩy lùi các lực lượng Nga và thân Mạc Tư Khoa.

4. Các nguồn tin cho biết Mỹ dự kiến đưa hỏa tiễn tầm xa vào gói viện trợ mới trị giá 2,2 tỷ USD cho Ukraine

Theo một quan chức chính quyền cấp cao và nhiều quan chức Mỹ, Mỹ dự kiến sẽ đưa các hỏa tiễn tầm xa vào gói an ninh mới trị giá khoảng 2,2 tỷ USD cho Ukraine.

Gói này sẽ bao gồm cam kết cung cấp cho Ukraine bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, một hỏa tiễn dẫn đường có tầm bắn 90 dặm, hai quan chức cho biết.

Mặc dù các hỏa tiễn này sẽ tăng gấp đôi tầm bắn của vũ khí Ukraine một cách hiệu quả, nhưng gói này sẽ không bao gồm hỏa tiễn ATACMS được săn lùng từ lâu với tầm bắn vượt quá 200 dặm hay 321km. Hoa Kỳ đã liên tục từ chối các yêu cầu của Ukraine về hệ thống đó vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong Nga.

Đây là gói an ninh đầu tiên kể từ khi Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine xe tăng M-1 Abrams tiên tiến vào Tháng Giêng - một quyết định được đưa ra cùng với các nước Âu Châu cung cấp xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Gói hỗ trợ, có thể được công bố sớm nhất vào thứ Sáu, sẽ được phân chia giữa 500 triệu đô la vũ khí và thiết bị lấy trực tiếp từ kho hàng của Hoa Kỳ và khoảng 1,7 tỷ đô la vật tư mua từ các nhà thầu quân sự, được gọi là Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, gọi tắt là USAI.

Thông tin chi tiết về gói được báo cáo đầu tiên bởi Reuters.

Một số thông tin cơ bản: Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, được bắn từ bệ phóng hỏa tiễn HIMARS, có tầm bắn hiệu quả khoảng 90 dặm hay 145km, theo Saab, công ty phát triển vũ khí này cùng với Boeing.

Đó là hơn hai lần tầm bắn của đạn GMLRS mà Ukraine hiện đang phóng từ bệ phóng hỏa tiễn HIMARS. Sau đó, hỏa tiễn tầm xa mở rộng các cánh nhỏ và sử dụng động cơ hỏa tiễn để bay về phía mục tiêu.

Nhưng loại vũ khí mới sẽ không đến Ukraine ngay lập tức, vì nó sẽ không trực tiếp đến từ kho hàng của Hoa Kỳ. Thay vào đó, Mỹ sẽ ký hợp đồng với các nhà sản xuất vũ khí để cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine, một quá trình có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.

Gói này cũng bao gồm đạn dược cho pháo và HIMARS, cũng như các hệ thống và thiết bị hỗ trợ cho hệ thống hỏa tiễn Patriot, một quan chức cho biết. Các lực lượng Ukraine chưa hoàn thành khóa huấn luyện về hệ thống Patriot tại Fort Sill, Oklahoma - nhưng Mỹ đang bảo đảm hậu cần và bảo trì được thực hiện tốt trước khi khẩu đội Patriot đầu tiên đi vào hoạt động ở Ukraine, quan chức này cho biết.

Trong tháng trước, Hoa Kỳ đã công bố ba trong số các gói viện trợ lớn nhất cho Ukraine trong một dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ đang diễn ra khi cuộc chiến gần tròn một năm.

5. Liên Hiệp Âu Châu cam kết tăng gấp đôi chương trình viện trợ quân sự cho Ukraine

Phát biểu khi bắt đầu chuyến công du kéo dài hai ngày tới Kyiv, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, nhắc lại rằng Liên Hiệp Âu Châu đặt mục tiêu áp dụng gói biện pháp trừng phạt thứ mười chống lại Nga trước ngày 24 tháng 2, ngày kỷ niệm một năm cuộc xâm lược do Vladimir Putin phát động.

“Chúng ta đang khiến Putin phải trả giá cho cuộc chiến tàn bạo của ông ta,” bà nói với các phóng viên, trong chuyến thăm có 15 ủy viên Liên Hiệp Âu Châu tháp tùng, lần đầu tiên có nhiều quan chức Liên Hiệp Âu Châu đến thăm một vùng chiến sự như vậy.

Ngày nay, Nga đang phải trả giá đắt khi các biện pháp trừng phạt của chúng ta đang làm xói mòn nền kinh tế của nước này, đẩy lùi nước này cả một thế hệ.

Với lời hứa “tiếp tục gia tăng áp lực”, Von der Leyen cũng nhắc lại rằng Liên Hiệp Âu Châu sẽ áp đặt giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, như một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của G7 nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ dành cho cỗ máy chiến tranh của Điện Cẩm Linh. G7 và Liên Hiệp Âu Châu đã thống nhất mức giá đối với dầu thô có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái và theo Von der Leyen, Nga đã mất đi 160 triệu euro hay 175 triệu USD mỗi ngày.

27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu vẫn chưa đồng ý về mức giá dầu mới nhất. Các cuộc thảo luận tiếp tục về đề xuất đặt mức cao nhất là 100 đô la một thùng đối với các sản phẩm xăng dầu cao cấp và 45 đô la một thùng đối với các sản phẩm giảm giá. Một nguồn tin ngoại giao cho biết họ tin tưởng về một thỏa thuận trước ngày 5 tháng 2.

Von der Leyen và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, đã đến Kyiv trong tình trạng an ninh chặt chẽ hôm thứ Năm để gặp chính phủ Ukraine, cùng với 14 ủy viên Liên Hiệp Âu Châu khác.

Chuyến thăm mang tính biểu tượng không chỉ nhằm mục đích thể hiện sự ủng hộ mà còn là sự khích lệ khi Ukraine xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu với tốc độ chưa từng có. Chính phủ Ukraine đã bày tỏ hy vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trong vòng hai năm, nhưng hầu hết các quốc gia thành viên cho rằng quá trình này sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng chục năm.

Von der Leyen sẽ ở lại Kyiv vào thứ Sáu để tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine, lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược của Nga.

Giữa vô số thông báo, Von der Leyen cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ cung cấp cho Ukraine 35 triệu bóng đèn LED, 2.400 máy phát điện trên tổng số 3.000 máy đã được giao và hứa tài trợ cho các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho các tòa nhà công cộng của đất nước. Theo các quan chức Brussels, các tổ chức Liên Hiệp Âu Châu và 27 quốc gia thành viên đã hỗ trợ Ukraine trị giá 50 tỷ euro, cộng với 10 tỷ euro cho 8 triệu người tị nạn chạy sang Âu Châu.

6. Những tiết lộ kinh hoàng của cựu sĩ quan Nga về cảnh tra tấn tù binh Ukraine

Tờ Guardian có bài tường trình nhan đề “Former Russian soldier reveals he saw Ukrainian prisoners of war tortured”, nghĩa là “Cựu quân nhân Nga tiết lộ anh ta thấy các tù binh chiến tranh người Ukraine bị tra tấn.” Báo cáo này đang gây sốc về sự tàn bạo của người Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trung úy thâm niên quân ngũ của Nga bỏ trốn sau khi phục vụ ở Ukraine đã mô tả cách quân đội nước ông tra tấn các tù nhân chiến tranh và đe dọa cưỡng hiếp một số người.

Konstantin Yefremov rời Nga vào tháng 12 sau khi trải qua ba tháng ở các vùng phía nam Zaporizhzhia, nơi bị tạm chiếm trong cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin.

“Cá nhân tôi đã chứng kiến quân đội của chúng tôi tra tấn binh lính Ukraine,” Yefremov, quân nhân Nga cấp cao nhất từng lên tiếng phản đối chiến tranh, nói với Guardian trong một cuộc điện thoại từ Mễ Tây Cơ, nơi ông hiện đang xin tị nạn. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng tôi cũng có thể lên tiếng về những điều tôi đã thấy.”

Yefremov là một trong số ngày càng nhiều những người lính đã và đang trốn khỏi nước Nga và lên tiếng phản đối chiến tranh. The Guardian trước đó đã phỏng vấn Pavel Filatyev và Nikita Chibrin, hai binh sĩ hợp đồng người Nga cũng lên án chiến tranh tương tự.

Yefremov trước đây đóng tại Chechnya trong Sư đoàn Súng trường Cơ giới số 42 của quân đội Nga, nơi anh tham gia rà phá bom mìn. Vào đầu tháng 2 năm ngoái, hai tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, anh được cử cùng đơn vị của mình đến Crimea để tham gia những gì anh ta nói là tập trận quân sự.

Anh đã cố gắng chạy trốn ngay khi nhận ra mình sẽ được gửi đến chiến đấu ở Ukraine. “Tôi bỏ lại súng, tìm chiếc taxi đầu tiên và bỏ chạy. Tôi muốn trở về căn cứ của mình ở Chechnya và nộp đơn từ chức vì tôi phản đối cuộc chiến khủng khiếp này.”

Tuy nhiên, theo Yefremov, anh ta đã bị cấp trên đe dọa 10 năm tù vì tội đào ngũ và anh ta quyết định trở lại đơn vị của mình. “Đó là một sai lầm, lẽ ra tôi nên cố gắng hơn nữa để bỏ chạy,” anh nói.

Chẳng bao lâu sau, đơn vị của anh được điều động đến Melitopol đã bị xâm lược, nơi anh đóng quân trong hầu hết ba tháng sau đó.

Câu chuyện của Yefremov lần đầu tiên được BBC đưa tin vào hôm thứ Năm 2 tháng Hai.

Yefremov nói với tờ Guardian rằng anh đã đích thân chứng kiến cách cấp trên của mình tra tấn ba binh sĩ Ukraine bị bắt ở thị trấn Bilmak, phía đông bắc Melitopol, vào tháng Tư. “Trong các cuộc thẩm vấn, họ bị đánh đập suốt cả tuần, hàng ngày, đôi khi cả ban đêm,” anh nói.

Theo Yefremov, các chỉ huy của anh đặc biệt quan tâm đến một trong ba binh sĩ tự nhận mình là lính bắn tỉa trong quân đội Ukraine. “Khi họ phát hiện ra anh ta là một tay bắn tỉa, họ đánh tới tấp. Họ đánh anh ta bằng gậy gỗ, cuối cùng bắn vào tay và chân anh ta.”

“Viên Đại Tá đã gần như mất trí. Hắn đánh anh ta, kéo quần của người Ukraine xuống và hỏi anh ta đã kết hôn chưa.”

“'Đã kết hôn', tù nhân trả lời. 'Vậy thì ai đó mang cho tôi một cây lau nhà', viên đại tá nói. 'Tao sẽ biến mày thành một cô gái và gửi cho vợ mày đoạn video này.'“

Một lần khác, cũng viên đại tá này đã yêu cầu một tù nhân kể tên tất cả những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong đơn vị của ông ta.

“Người Ukraine không hiểu câu hỏi. Anh ta trả lời rằng những người lính là bộ binh hải quân của lực lượng vũ trang Ukraine. Vì câu trả lời đó, họ đã đánh gãy vài chiếc răng của anh ta.”

Điện Cẩm Linh muốn người Nga tin rằng, ở Ukraine, Nga đang chiến đấu chống phát xít, tân phát xít và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Câu chuyện sai sự thật này nhằm hạ thấp nhân tính của người Ukraine trong mắt công chúng và quân đội Nga.

Yefremov nói rằng hầu hết các tù nhân Ukraine đã bị bịt mắt. Trong một trường hợp “Viên đại tá dí súng lục vào trán tù nhân và nói 'Tao sẽ đếm đến ba và sau đó bắn bể sọ mày'“.

“Anh ta đếm và sau đó bắn chỉ vào tai của anh ta, ở cả hai bên. Viên đại tá bắt đầu hét vào mặt anh ta buộc người tù binh phải khẩn khoản van xin. Tôi nói: 'Thưa đồng chí đại tá! Anh ta không thể nghe thấy đồng chí, đồng chí đã làm anh ta điếc tai rồi!'“

Yefremov mô tả cách viên đại tá ra lệnh rằng người Ukraine không được cung cấp thức ăn bình thường - chỉ có nước và bánh quy giòn. Nhưng anh ấy nói: “Chúng tôi đã cố gắng cho họ trà nóng và thuốc lá.”

Để các tù nhân không ngủ trên đất trống, Yefremov nói một số lính Nga còn chút lương tâm ném cỏ khô cho họ - “vào ban đêm, để không ai nhìn thấy chúng tôi”.

Trong một cuộc thẩm vấn khác, Yefremov nói viên đại tá đã bắn một tù nhân vào cánh tay - và vào chân phải dưới đầu gối, khiến vết thương trúng xương. Anh nói rằng người của anh ta đã băng bó cho tù nhân và đến gặp các chỉ huy Nga khác - “không phải với Đại tá, ông ta bị điên” - và nói rằng tù nhân cần phải đến bệnh viện, nếu không anh ta sẽ chết vì mất máu.

“Chúng tôi mặc cho anh ta bộ đồng phục Nga và đưa anh ấy đến bệnh viện. Chúng tôi nói với anh ấy: 'Đừng nói rằng anh là tù binh chiến tranh Ukraine, bởi vì hoặc các bác sĩ sẽ từ chối điều trị cho anh, hoặc những người lính Nga bị thương sẽ nghe thấy và bắn anh và chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn họ.”

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận các trường hợp ngược đãi tù nhân trong cuộc chiến ở Ukraine. Nó đã phỏng vấn hơn 400 tù binh - cả người Ukraine và người Nga.

Matilda Bogner, người đứng đầu nhóm giám sát của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Ukraine, cho biết: “Nếu chúng ta so sánh các hành vi vi phạm, thì việc tra tấn hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh Ukraine có xu hướng xảy ra ở hầu hết các giai đoạn giam giữ. Và phần lớn, điều kiện giam giữ rất tồi tệ ở nhiều khu vực của Nga hoặc của Ukraine bị tạm chiếm. “

Bà Bogner cho biết những hình thức tra tấn hoặc đối xử tồi tệ nhất đối với các tù nhân chiến tranh Ukraine thường xảy ra trong quá trình thẩm vấn. Họ có thể bị điện giật và một loạt các phương pháp tra tấn kể cả treo người lên và đánh đập họ.

“Khi họ đến những nơi bị giam giữ, thường có cái gọi là đánh đập chào đón. Họ cũng thường phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống,” cô nói thêm.

Các tù nhân chiến tranh Nga cũng cho biết họ bị đánh đập và bị điện giật.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của BBC.

Tờ Guardian không thể xác nhận độc lập cáo buộc tra tấn của Yefremov. Tuy nhiên, chúng phù hợp với các báo cáo của các chuyên gia nhân quyền quốc tế về cách đối xử với binh lính và dân thường Ukraine bị giam giữ, bao gồm các báo cáo về đánh đập dã man và bạo lực tình dục.

Yefremov nói rằng trong thời gian phục vụ ở Zaporizhzhia bị xâm lược, anh ấy cũng đã chứng kiến lính Nga cướp bóc “mọi thứ từ hộp thức ăn đến máy giặt và xe đạp”, chứng thực cho các tài khoản khác về việc lính Nga cướp bóc trên diện rộng ở Ukraine.

Anh ấy nói rằng vào ngày 23 tháng 5, anh ấy đã tìm cách rời khỏi đơn vị của mình và từ chức.

BBC đã xác minh bằng chứng hình ảnh do Yefremov cung cấp cho thấy anh ta ở vùng Zaporizhzhia, bao gồm cả thành phố Melitopol, và xem xét các tài liệu chứng minh lời giải thích của anh ta về việc rời khỏi lực lượng vũ trang Nga.

Sau khi rời lực lượng vũ trang Nga, Yefremov cho biết anh gặp khó khăn trong việc tìm việc làm và sợ rằng mình sẽ bị gửi đến Ukraine sau khi Putin tuyên bố huy động toàn quốc vào tháng 9.

“Tôi bị tố cáo là kẻ phản bội vì tôi không muốn tham gia vào cuộc chiến khủng khiếp này, nhưng tôi biết rằng là một người có kinh nghiệm, họ sẽ cố gắng bắt tôi trở lại Ukraine.”

Anh cho biết đã quyết định bỏ trốn và liên lạc với nhóm nhân quyền Gulagu.net, tổ chức đã giúp anh rời khỏi Nga. Bây giờ anh ấy hy vọng có thể làm chứng về những điều anh ấy đã chứng kiến ở Ukraine.

Hơn hết, anh ấy nói, anh ấy rất tiếc vì đã chiến đấu ở Ukraine. Ông nói: “Tôi vô cùng xin lỗi toàn thể người dân Ukraine vì đã đến nhà của họ với một khẩu súng. Lẽ ra tôi nên chọn nhà tù thay vì đến Ukraine, nhưng lúc đó tôi là một kẻ hèn nhát.

“Tạ ơn Chúa là tôi không làm hại ai. Tôi không giết ai cả.”
 
Diễn tiến mới nhất vụ ném hàng triệu đô la ra đường. Lời khai gây sốc của sĩ quan Nga vừa đào thoát
VietCatholic Media
05:16 03/02/2023


1. Luật sư cảnh báo những ai lượm tiền trên đường cao tốc Roe của thành phố Perth có thể bị truy tố nếu không giao nộp cho cảnh sát

Cảnh sát vẫn giữ im lặng về việc tiền giấy mệnh giá cao rơi xuống từ một chiếc xe. Số tiền nhiều đến mức trắng xóa cả một khúc đường trên một xa lộ ở phía đông nam của Perth. Hàng trăm tài xế đã dừng xe lại và nhào xuống đường lượm tiền. Nhưng một luật sư đã cảnh báo bất cứ ai dừng lại để nhặt nó phải trả lại hoặc có nguy cơ bị truy tố.

Cảnh sát đã đưa ra lời kêu gọi công chúng cung cấp thông tin vào cuối tuần qua, sau khi một tiền bị rơi hoặc bị ném từ một phương tiện di chuyển về phía Tây trên Xa lộ Roe tại cầu vượt Kenwick Link vào khoảng 11 giờ 30 sáng Thứ Bảy 29 Tháng Giêng.

Một trang mạng xã hội do WA Incident Alerts quản lý đã tuyên bố rằng các thành viên của công chúng đã dừng lại để lượm tiền, một người được cho là đã lượm được 10.000 đô la.

Nhưng cảnh sát đã từ chối tiết lộ số tiền này là bao nhiêu, thuộc về ai và tại sao lại nằm đầy trên đường như thế.

Luật sư nổi tiếng của Perth là ông John Hammond kêu gọi bất kỳ ai dừng lại để lượm tiền hãy trả lại cho cảnh sát, vì hành động này tương đương với hành vi ăn cắp.

Ông nói: “Vì nó rõ ràng là số tiền này bị rớt ra do nhầm lẫn, và không thể chắc chắn rằng sẽ không có người yêu cầu bồi thường, nên theo luật thì hành động này là ăn cắp.”

“Những người lượm được tiền có nghĩa vụ trả lại tiền cho Cảnh sát Tây Úc hoặc có nguy cơ bị truy tố.”

“Đó là một tội có hình phạt tối đa là bảy năm tù.”

“Tôi không thể tưởng tượng được hình phạt sẽ nghiêm trọng như vậy, nhưng tôi chắc chắn sẽ đề nghị những người lượm được tiền hãy mang trả lại cho cảnh sát.”

Bất kỳ ai có thông tin hoặc muốn giao nộp tiền mặt được khuyến khích gọi cho Đường dây phòng chống tội phạm theo số 1800 333 000.
Source:WAToday

2. Bàn thờ 5,4 triệu đô la cho Ngày Giới trẻ Thế giới gây tranh cãi ở Bồ Đào Nha

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô chưa chính thức xác nhận sự hiện diện của ngài, nhưng Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon đã gây ra tranh cãi về mức giá 5,4 triệu đô la cho khu vực bàn thờ mà ngài dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ bế mạc.

Tuần trước, các quan chức thành phố Lisbon đã công bố chi tiết về khu vực sân khấu và bàn thờ rộng 54.000 foot vuông hay 5016 mét vuông, với chi phí 4,2 triệu Euro cộng với VAT, hay thuế giá trị gia tăng, sẽ đẩy tổng chi phí lên gần 5,4 triệu USD. Hợp đồng đã được trao cho công ty xây dựng lớn nhất của Bồ Đào Nha, Mota-Engil.

Khoản chi phí này đã tạo ra sự chỉ trích trên báo chí địa phương và từ các chính trị gia đối lập, những người đã yêu cầu Thị trưởng Carlos Moedas của Lisbon trình diện trước quốc hội để trả lời các câu hỏi về việc trao hợp đồng.

“Nếu cuộc khủng hoảng nhà ở là bàn thờ cho Ngày Giới trẻ Thế giới, thì nó đã được giải quyết rồi,” Fabian Figueiredo, thuộc đảng Cánh tả, cho biết trên Twitter. “Vấn đề không phải là thiếu tiền mà là ưu tiên chi tiêu.”

“Là một người Công Giáo và một người có đức tin, tôi rất buồn trước sự phô trương xa hoa không cần thiết này vào thời điểm khó khăn như vậy,” người dùng Twitter Manuel Barbosa viết khi được hãng tin Reuters trích dẫn.

Trong một nỗ lực rõ ràng để tránh tranh cãi, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni đã nói với các hãng tin rằng việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 là vấn đề địa phương và trách nhiệm về ngân sách thuộc về hội đồng thành phố.

Tuy nhiên, Moedas đã nói với các phóng viên rằng kế hoạch cho bàn thờ và sân khấu đã được vạch ra trong các cuộc họp với ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới cũng như đại diện của cả Giáo Hội ở Bồ Đào Nha và cả Vatican.

Sân khấu bàn thờ được thiết kế để chứa tới 2.000 người, bao gồm cả Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng của ngài, 1.000 giám mục và 300 vị đồng tế khác, một ca đoàn 200 thành viên, 30 phiên dịch viên sang ngôn ngữ ký hiệu, và một dàn nhạc gồm 90 thành viên, cùng với khách mời, nhân viên và kỹ thuật viên.

Các quan chức thành phố cho biết công việc sẽ hoàn thành trong khoảng 150 ngày và sân khấu sẽ vẫn còn và có thể được sử dụng cho các sự kiện khác trong tương lai, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc và mít tinh ngoài trời.

Đáp lại những lời chỉ trích về chi phí, Đức Giám Mục Phụ Tá Américo Aguiar của Lisbon đã nói rằng một cuộc họp sẽ được tổ chức trong tuần này với Hội đồng Thành phố Lisbon cũng như Hiệp hội Phục hồi Đô thị địa phương, chịu trách nhiệm về dự án, để cố gắng giảm chi phí xuống càng nhiều càng tốt.

Lisbon đã được chọn vào năm 2019 để tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, ban đầu được ấn định vào năm 2022 nhưng bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19.
Source:Crux

3. Linh mục Mễ Tây Cơ kể lại lời thú tội 'đáng kinh ngạc' của nạn nhân vụ tai nạn mà ngài đã dừng lại để giúp đỡ

Sau khi chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng trên đường cao tốc ở Mễ Tây Cơ, một linh mục Công Giáo có mặt tại hiện trường đã đến gặp một thanh niên là người đưa ra một yêu cầu đáng ngạc nhiên: “Tôi muốn xưng tội”.

Cha Salvador Nuño, một linh mục Dòng Chúa Kitô phục vụ tại Monterrey, Mễ Tây Cơ, đã chia sẻ câu chuyện trên Facebook vào ngày 27 tháng Giêng.

“Hôm nay tôi đang đi trên đường cùng bố mẹ và anh trai Alex thì có một chiếc xe hơi bắt đầu vượt qua chúng tôi. Đột nhiên, người lái xe mất kiểm soát và bắt đầu quay trong không trung. Nó gần như rơi xuống đầu chúng tôi,” vị linh mục người Mễ Tây Cơ kể lại.

“Chúng tôi dừng lại để hỗ trợ anh ta xem anh ta có cần giúp gì không. Chúng tôi đã gọi 911 và đưa người thanh niên ra khỏi xe, anh ta vô cùng sợ hãi, mặt tái nhợt,” vị linh mục kể lại.

Cha Nuño nói tiếp: “Tôi nói với anh ấy: 'Tôi là một linh mục và anh này là bác sĩ. Anh có cần gì không?' “Con muốn xưng tội,” anh trả lời. Một cuộc xưng tội tuyệt vời đã diễn ra.”

Cha Nuño cho biết ngài rất cảm động vì khi xảy ra tai nạn, điều đầu tiên mà người thanh niên này quan tâm là phần rỗi linh hồn của mình.

Cha Nuño viết: “Chúa đã cho anh ấy được tái sinh. “Anh ấy đã nhận được phước lành và cũng có một cuộc hẹn miễn phí với bác sĩ chấn thương. Không có gì tồi tệ hơn xảy ra sau đó.”

“Tôi hy vọng chúng ta không bao giờ quên phó mình cho Chúa và Đức Trinh Nữ trước bất kỳ chuyến đi nào,” vị linh mục khuyến khích.

Cha Nuño kết luận câu chuyện của mình: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, bác sĩ và tất cả những người cung cấp dịch vụ của họ với tư cách là những người Samaritanô nhân hậu.
Source:Catholic News Agency

4. Những tiết lộ kinh hoàng của cựu sĩ quan Nga về cảnh tra tấn tù binh Ukraine

Tờ Guardian có bài tường trình nhan đề “Former Russian soldier reveals he saw Ukrainian prisoners of war tortured”, nghĩa là “Cựu quân nhân Nga tiết lộ anh ta thấy các tù binh chiến tranh người Ukraine bị tra tấn.” Báo cáo này đang gây sốc về sự tàn bạo của người Nga.

Một trung úy thâm niên quân ngũ của Nga bỏ trốn sau khi phục vụ ở Ukraine đã mô tả cách quân đội nước ông tra tấn các tù nhân chiến tranh và đe dọa cưỡng hiếp một số người.

Konstantin Yefremov rời Nga vào tháng 12 sau khi trải qua ba tháng ở các vùng phía nam Zaporizhzhia, nơi bị tạm chiếm trong cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin.

“Cá nhân tôi đã chứng kiến quân đội của chúng tôi tra tấn binh lính Ukraine,” Yefremov, quân nhân Nga cấp cao nhất từng lên tiếng phản đối chiến tranh, nói với Guardian trong một cuộc điện thoại từ Mễ Tây Cơ, nơi ông hiện đang xin tị nạn. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng tôi cũng có thể lên tiếng về những điều tôi đã thấy.”

Yefremov là một trong số ngày càng nhiều những người lính đã và đang trốn khỏi nước Nga và lên tiếng phản đối chiến tranh. The Guardian trước đó đã phỏng vấn Pavel Filatyev và Nikita Chibrin, hai binh sĩ hợp đồng người Nga cũng lên án chiến tranh tương tự.

Yefremov trước đây đóng tại Chechnya trong Sư đoàn Súng trường Cơ giới số 42 của quân đội Nga, nơi anh tham gia rà phá bom mìn. Vào đầu tháng 2 năm ngoái, hai tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, anh được cử cùng đơn vị của mình đến Crimea để tham gia những gì anh ta nói là tập trận quân sự.

Anh đã cố gắng chạy trốn ngay khi nhận ra mình sẽ được gửi đến chiến đấu ở Ukraine. “Tôi bỏ lại súng, tìm chiếc taxi đầu tiên và bỏ chạy. Tôi muốn trở về căn cứ của mình ở Chechnya và nộp đơn từ chức vì tôi phản đối cuộc chiến khủng khiếp này.”

Tuy nhiên, theo Yefremov, anh ta đã bị cấp trên đe dọa 10 năm tù vì tội đào ngũ và anh ta quyết định trở lại đơn vị của mình. “Đó là một sai lầm, lẽ ra tôi nên cố gắng hơn nữa để bỏ chạy,” anh nói.

Chẳng bao lâu sau, đơn vị của anh được điều động đến Melitopol đã bị xâm lược, nơi anh đóng quân trong hầu hết ba tháng sau đó.

Câu chuyện của Yefremov lần đầu tiên được BBC đưa tin vào hôm thứ Năm 2 tháng Hai.

Yefremov nói với tờ Guardian rằng anh đã đích thân chứng kiến cách cấp trên của mình tra tấn ba binh sĩ Ukraine bị bắt ở thị trấn Bilmak, phía đông bắc Melitopol, vào tháng Tư. “Trong các cuộc thẩm vấn, họ bị đánh đập suốt cả tuần, hàng ngày, đôi khi cả ban đêm,” anh nói.

Theo Yefremov, các chỉ huy của anh đặc biệt quan tâm đến một trong ba binh sĩ tự nhận mình là lính bắn tỉa trong quân đội Ukraine. “Khi họ phát hiện ra anh ta là một tay bắn tỉa, họ đánh tới tấp. Họ đánh anh ta bằng gậy gỗ, cuối cùng bắn vào tay và chân anh ta.”

“Viên Đại Tá đã gần như mất trí. Hắn đánh anh ta, kéo quần của người Ukraine xuống và hỏi anh ta đã kết hôn chưa.”

“'Đã kết hôn', tù nhân trả lời. 'Vậy thì ai đó mang cho tôi một cây lau nhà', viên đại tá nói. 'Tao sẽ biến mày thành một cô gái và gửi cho vợ mày đoạn video này.'“

Một lần khác, cũng viên đại tá này đã yêu cầu một tù nhân kể tên tất cả những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong đơn vị của ông ta.

“Người Ukraine không hiểu câu hỏi. Anh ta trả lời rằng những người lính là bộ binh hải quân của lực lượng vũ trang Ukraine. Vì câu trả lời đó, họ đã đánh gãy vài chiếc răng của anh ta.”

Điện Cẩm Linh muốn người Nga tin rằng, ở Ukraine, Nga đang chiến đấu chống phát xít, tân phát xít và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Câu chuyện sai sự thật này nhằm hạ thấp nhân tính của người Ukraine trong mắt công chúng và quân đội Nga.

Yefremov nói rằng hầu hết các tù nhân Ukraine đã bị bịt mắt. Trong một trường hợp “Viên đại tá dí súng lục vào trán tù nhân và nói 'Tao sẽ đếm đến ba và sau đó bắn bể sọ mày'“.

“Anh ta đếm và sau đó bắn chỉ vào tai của anh ta, ở cả hai bên. Viên đại tá bắt đầu hét vào mặt anh ta buộc người tù binh phải khẩn khoản van xin. Tôi nói: 'Thưa đồng chí đại tá! Anh ta không thể nghe thấy đồng chí, đồng chí đã làm anh ta điếc tai rồi!'“

Yefremov mô tả cách viên đại tá ra lệnh rằng người Ukraine không được cung cấp thức ăn bình thường - chỉ có nước và bánh quy giòn. Nhưng anh ấy nói: “Chúng tôi đã cố gắng cho họ trà nóng và thuốc lá.”

Để các tù nhân không ngủ trên đất trống, Yefremov nói một số lính Nga còn chút lương tâm ném cỏ khô cho họ - “vào ban đêm, để không ai nhìn thấy chúng tôi”.

Trong một cuộc thẩm vấn khác, Yefremov nói viên đại tá đã bắn một tù nhân vào cánh tay - và vào chân phải dưới đầu gối, khiến vết thương trúng xương. Anh nói rằng người của anh ta đã băng bó cho tù nhân và đến gặp các chỉ huy Nga khác - “không phải với Đại tá, ông ta bị điên” - và nói rằng tù nhân cần phải đến bệnh viện, nếu không anh ta sẽ chết vì mất máu.

“Chúng tôi mặc cho anh ta bộ đồng phục Nga và đưa anh ấy đến bệnh viện. Chúng tôi nói với anh ấy: 'Đừng nói rằng anh là tù binh chiến tranh Ukraine, bởi vì hoặc các bác sĩ sẽ từ chối điều trị cho anh, hoặc những người lính Nga bị thương sẽ nghe thấy và bắn anh và chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn họ.”

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận các trường hợp ngược đãi tù nhân trong cuộc chiến ở Ukraine. Nó đã phỏng vấn hơn 400 tù binh - cả người Ukraine và người Nga.

Matilda Bogner, người đứng đầu nhóm giám sát của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Ukraine, cho biết: “Nếu chúng ta so sánh các hành vi vi phạm, thì việc tra tấn hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh Ukraine có xu hướng xảy ra ở hầu hết các giai đoạn giam giữ. Và phần lớn, điều kiện giam giữ rất tồi tệ ở nhiều khu vực của Nga hoặc của Ukraine bị tạm chiếm. “

Bà Bogner cho biết những hình thức tra tấn hoặc đối xử tồi tệ nhất đối với các tù nhân chiến tranh Ukraine thường xảy ra trong quá trình thẩm vấn. Họ có thể bị điện giật và một loạt các phương pháp tra tấn kể cả treo người lên và đánh đập họ.

“Khi họ đến những nơi bị giam giữ, thường có cái gọi là đánh đập chào đón. Họ cũng thường phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống,” cô nói thêm.

Các tù nhân chiến tranh Nga cũng cho biết họ bị đánh đập và bị điện giật.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của BBC.

Tờ Guardian không thể xác nhận độc lập cáo buộc tra tấn của Yefremov. Tuy nhiên, chúng phù hợp với các báo cáo của các chuyên gia nhân quyền quốc tế về cách đối xử với binh lính và dân thường Ukraine bị giam giữ, bao gồm các báo cáo về đánh đập dã man và bạo lực tình dục.

Yefremov nói rằng trong thời gian phục vụ ở Zaporizhzhia bị xâm lược, anh ấy cũng đã chứng kiến lính Nga cướp bóc “mọi thứ từ hộp thức ăn đến máy giặt và xe đạp”, chứng thực cho các tài khoản khác về việc lính Nga cướp bóc trên diện rộng ở Ukraine.

Anh ấy nói rằng vào ngày 23 tháng 5, anh ấy đã tìm cách rời khỏi đơn vị của mình và từ chức.

BBC đã xác minh bằng chứng hình ảnh do Yefremov cung cấp cho thấy anh ta ở vùng Zaporizhzhia, bao gồm cả thành phố Melitopol, và xem xét các tài liệu chứng minh lời giải thích của anh ta về việc rời khỏi lực lượng vũ trang Nga.

Sau khi rời lực lượng vũ trang Nga, Yefremov cho biết anh gặp khó khăn trong việc tìm việc làm và sợ rằng mình sẽ bị gửi đến Ukraine sau khi Putin tuyên bố huy động toàn quốc vào tháng 9.

“Tôi bị tố cáo là kẻ phản bội vì tôi không muốn tham gia vào cuộc chiến khủng khiếp này, nhưng tôi biết rằng là một người có kinh nghiệm, họ sẽ cố gắng bắt tôi trở lại Ukraine.”

Anh cho biết đã quyết định bỏ trốn và liên lạc với nhóm nhân quyền Gulagu.net, tổ chức đã giúp anh rời khỏi Nga. Bây giờ anh ấy hy vọng có thể làm chứng về những điều anh ấy đã chứng kiến ở Ukraine.

Hơn hết, anh ấy nói, anh ấy rất tiếc vì đã chiến đấu ở Ukraine. Ông nói: “Tôi vô cùng xin lỗi toàn thể người dân Ukraine vì đã đến nhà của họ với một khẩu súng. Lẽ ra tôi nên chọn nhà tù thay vì đến Ukraine, nhưng lúc đó tôi là một kẻ hèn nhát.

“Tạ ơn Chúa là tôi không làm hại ai. Tôi không giết ai cả.”
Source:The Guardian
 
Tư Lệnh TQLC Nga ở Kherson có thể đã tử trận. Madrid có thể cho Kyiv hàng trăm xe tăng Leopard 2
VietCatholic Media
15:56 03/02/2023


1. Tư Lệnh Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga ở Kherson có thể đã tử trận

Một quan chức hàng đầu của Kherson cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine đang “làm việc rất hiệu quả” để chống lại các vụ pháo kích ngày càng tăng vào các khu dân cư ở thành phố miền nam Ukraine.

Theo Yurii Sobolevskyi, phó chủ tịch thứ nhất của Hội đồng khu vực Kherson, hai người đã thiệt mạng và bảy người bị thương do pháo kích qua đêm từ thứ Tư đến thứ Năm. Sobolevskyi cho biết trên một đài truyền hình quốc gia Ukraine hôm thứ Năm rằng tất cả những người bị thương hiện đang ở trong bệnh viện.

“Đối phương tiếp tục bắn phá hầu hết các khu dân cư — các hộ gia đình tư nhân và các khu vực có chung cư cao tầng. Đó chắc chắn không phải là mục tiêu quân sự,” ông nói thêm.

Ông từ chối suy đoán liệu việc tăng cường pháo kích có thể liên quan đến kế hoạch khả thi của Nga nhằm thực hiện một cuộc tấn công vào ngày 24 tháng 2 hay không.

“Theo yêu cầu của quân đội chúng ta, chúng tôi đang giữ im lặng trước sự di chuyển của lực lượng xâm lược, cũng như sự tích tụ lực lượng của họ. Chúng tôi thấy một số chuyển động, một số tập trung. Nhưng tôi chắc chắn rằng các lực lượng vũ trang của chúng ta nhận thức rõ những gì đang xảy ra và sẵn sàng cho mọi kịch bản”, ông nói thêm.

Ông nhấn mạnh rằng các lực lượng Ukraine đang “làm việc rất hiệu quả” để tiêu diệt các mục tiêu quân sự ở bờ đông sông Dnipro và chống lại các nhóm có ý định tiến vào lãnh thổ Ukraine.

Theo các bloggers quân sự Nga, Trung Tá Gasparyan Andranik Sarkisovich Tư Lệnh Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga 126 của Nga trực thuộc Hạm Đội Hắc Hải đang trấn đóng ở phía Đông sông Dnipro có thể đã bị bắn chết hay bị bắt sống từ hôm thứ Ba. Yurii Sobolevskyi đã từ chối bình luận về tin tức này.

Bản nhận định của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, vào ngày 15 tháng Mười, 2022, cho biết về Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 như sau:

“Một đoạn video được đăng lên mạng xã hội vào ngày 13 tháng 10 cho thấy các quân nhân của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 của Hạm đội Hắc Hải ở một địa điểm không xác định trong vùng Kherson phàn nàn rằng họ đã chiến đấu trong khu vực kể từ khi bắt đầu chiến tranh mà không được nghỉ ngơi hoặc luân chuyển quân. Các quân nhân khẳng định rằng họ đang bị lực lượng Ukraine “đè bẹp” và nhấn mạnh rằng họ có một xe bọc thép chở quân cho mỗi 80 người, điều này hạn chế rất nhiều khả năng cơ động của họ. Sau khi video được lan truyền, một kênh Telegram trực thuộc Tập đoàn Wagner đã thông báo vào ngày 14 tháng 10 rằng ban lãnh đạo Tập đoàn Wagner đã quyết định chuyển bốn phương tiện chuyển quân cho Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 để hỗ trợ những nỗ lực của họ nhằm trấn giữ tiền tuyến ở Kherson”.

2. Hoa Kỳ có thể bảo vệ Đài Loan—với cái giá phải trả là rất nhiều tàu ngầm

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The United States Could Defend Taiwan—At The Cost Of A Lot Of Submarines”, nghĩa là “Hoa Kỳ có thể bảo vệ Đài Loan—với cái giá phải trả là rất nhiều tàu ngầm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Nếu và khi Trung Quốc tấn công Đài Loan, các tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ có thể là lực lượng bảo vệ đầu tiên tấn công hạm đội xâm lược của Trung Quốc, như tôi đã giải thích trong video mới nhất của mình.

Một chiến dịch tàu ngầm thành công của Mỹ có thể giúp đưa chiến tranh kết thúc nhanh chóng, bảo vệ nền độc lập của Đài Loan và dập tắt tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Ngược lại, một chiến dịch dưới biển thất bại có thể dẫn đến sự thống trị của Trung Quốc đối với Đài Loan và toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, dù thắng hay thua, Hải quân Hoa Kỳ cũng nên chuẩn bị tinh thần cho những tổn thất nặng nề. Ngay cả một hạm đội tàu ngầm chiến thắng của Hoa Kỳ cũng có thể chịu tổn thất đáng kinh ngạc trong trận chiến với hải quân Trung Quốc xung quanh Đài Loan.

3. Ukraine thành lập các lữ đoàn tấn công để giải phóng lãnh thổ, bộ trưởng nội vụ nói

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết trong một tuyên bố, Ukraine đã bắt đầu tập hợp các lữ đoàn tấn công với mục tiêu giải phóng lãnh thổ do Nga chiếm giữ.

“Quyết định thành lập các lữ đoàn tấn công được đưa ra bởi những công dân của chúng ta, những người có đủ sự giận dữ để đánh bại đối phương. Nhiều anh em quân nhân bảo vệ Tổ quốc đã chủ động tuyển người vào các đơn vị như vậy. Vì vậy, chúng tôi quyết định rằng tất cả những ai có nguyện vọng, những người yêu nước, những người mất nhà cửa, người thân vì chiến tranh, nên đoàn kết trong những lữ đoàn như vậy. Chúng tôi đã bắt đầu thành lập các đơn vị nhằm giải phóng lãnh thổ của chúng ta,” Ihor Klymenko, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết trong tuyên bố hôm thứ Năm.

Theo Klymenko, các đơn vị sẽ bao gồm “cảnh sát dã chiến, lính biên phòng và vệ binh quốc gia”.

Ông nói thêm: “Các đơn vị sẽ chỉ bao gồm các tình nguyện viên được thúc đẩy bởi lòng yêu nước và có rất nhiều người như vậy ở đất nước chúng ta. Tuyên bố cho biết ứng viên phải vượt qua hội đồng y tế quân sự và bài kiểm tra tâm lý và thể chất, và quá trình đào tạo sẽ kéo dài vài tháng.

“Lúc đầu, nó sẽ là cá nhân, sau đó - là một phần của đơn vị. Khi chỉ huy thấy rằng đơn vị đã sẵn sàng, họ sẽ tiến hành các nhiệm vụ chiến đấu”, tuyên bố cho biết thêm.

4. Nga cảnh báo sẽ 'sử dụng đầy đủ hơn tiềm năng sẵn có' để đáp trả việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine

Nga đã cảnh báo rằng họ có “tiềm năng” đáp trả việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, và tiềm năng đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Trận chiến Stalingrad, Vladimir Putin dường như ám chỉ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga trong khi đề cập đến viện trợ quân sự mà các đồng minh Âu Châu và Mỹ hứa hẹn với Ukraine.

Putin nói:

Những người mong đợi chiến thắng trên chiến trường dường như không hiểu rằng một cuộc chiến tranh hiện đại với Nga sẽ hoàn toàn khác đối với họ. Chúng ta không phải là những người gửi xe tăng của chúng ta đến biên giới của họ.

Ông nói thêm:

Nhưng chúng ta có cách để đối phó, và nó sẽ không chỉ giới hạn trong việc sử dụng xe bọc thép. Mọi người nên hiểu điều này.

Khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của nhà lãnh đạo Nga, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết:

Điều này có nghĩa là Nga có tiềm năng và khi vũ khí mới do phương Tây cung cấp xuất hiện, Nga sẽ sử dụng đầy đủ hơn tiềm năng sẵn có của mình để đáp trả.

5. Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết các nhà cung cấp vũ khí của Nga sẽ tăng “đáng kể” việc cung cấp phần cứng quân sự của họ trong năm 2023.

Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh đầy quyền lực và giám sát một ủy ban của chính phủ về sản xuất vũ khí, cho biết:

Lực lượng vũ trang của ta thường xuyên được tiếp tế đầy đủ hỏa tiễn các loại. Việc cung cấp tất cả các loại phần cứng quân sự sẽ tăng đáng kể vào năm 2023.

Ông nói, nguồn cung cấp mới sẽ giúp Nga gây ra “thất bại nặng nề” cho Ukraine trên chiến trường. Nhiều quan sát viên chỉ ra rằng nguồn cung cấp mới mà Medvedev đề cập đến có thể là từ Iran Trung Quốc hay Bắc Hàn.

Bàn về Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng đất nước của ông đang giúp đỡ Ukraine bằng cách ngăn chặn việc sản xuất vũ khí ở Iran. Ông nói: “Tôi sẽ không đi vào chi tiết, nhưng Israel đang hành động theo một cách nào đó chống lại việc sản xuất vũ khí của Iran được sử dụng để chống lại Ukraine.”

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong một diễn biến có thể khiến cuộc chiến tại Ukraine lan rất nhanh sang các nước khác, một vụ nổ long trời đã diễn ra tại nhà máy chế tạo máy bay không người lái của Iran. Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc Phòng Iran cho rằng vụ nổ không ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng các nhân chứng cho biết có những tiếng nổ long trời kéo dài trong nhiều giờ, và từ cách đó hàng chục cây số vẫn có thể thấy những cụm khói bốc lên.

Cho đến nay, không nước nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Câu Ông Netanyahu nói: “Tôi sẽ không đi vào chi tiết, nhưng Israel đang hành động theo một cách nào đó chống lại việc sản xuất vũ khí của Iran được sử dụng để chống lại Ukraine,” được nhiều người xem là cách gián tiếp Israel nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Cho đến nay, Nga vẫn ráo riết đổ cho Hoa Kỳ gây ra vụ tấn công. Hoa Kỳ đã thẳng thừng bác bỏ.

6. Ba Lan và các nước vùng Baltic lên án nỗ lực của IOC trong việc cho phép các vận động viên Nga và Belarus thi đấu

Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan đã lên án những nỗ lực của Ủy ban Olympic Quốc tế nhằm cho phép các vận động viên Nga và Belarus trở lại thi đấu quốc tế sau khi cấm họ khi Nga xâm chiếm Ukraine một năm trước.

Trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm, các bộ trưởng thể thao của bốn quốc gia cáo buộc IOC đã tạo ra các miễn trừ đặc biệt để cho phép các vận động viên từ Nga và Belarus tham gia “các cuộc thi thể thao quốc tế bao gồm Thế vận hội Olympic ở Paris năm 2024, cho phép thể thao được sử dụng để hợp pháp hóa và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine.”

“Nỗ lực đưa các vận động viên Nga và Belarus trở lại thi đấu thể thao quốc tế dưới bức màn trung lập là một thủ đoạn nhằm hợp pháp hóa các quyết định chính trị và tuyên truyền rộng rãi mà các quốc gia này cũng thông qua việc sử dụng thể thao như một sự phân tâm khỏi hành động xâm lược bất hợp pháp chống lại Ukraine”.

Các bộ trưởng cũng kêu gọi các cơ quan thể thao quốc tế hành động theo tôn chỉ của họ. “Chúng tôi đánh giá cao tất cả các tổ chức và liên đoàn thể thao quốc tế đã loại bỏ các vận động viên và đại diện của Nga và Belarus khỏi các cuộc thi và tổ chức quốc tế và chúng tôi kêu gọi họ đừng thay đổi lập trường cho đến khi Nga và Belarus ngừng gây hấn với Ukraine.”

Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã khen ngợi IOC vì đã cho phép các vận động viên cá nhân từ Nga và Belarus tham gia các cuộc thi thể thao quốc tế với tư cách là “vận động viên trung lập”.

“Chúng ta kêu gọi IOC thông qua quyết định theo hướng đó và tiến xa hơn, bảo đảm không phân biệt đối xử với bất kỳ vận động viên nào dựa trên quốc tịch của họ,” văn phòng của ủy ban nhân quyền cấp cao cho biết trong một tuyên bố.

Hôm thứ Năm, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền Hoa Kỳ không phản đối việc cho phép các vận động viên từ Nga hoặc Belarus tham gia Thế vận hội Mùa hè 2024 và Thế vận hội Mùa đông 2026 – miễn là “hoàn toàn rõ ràng” rằng họ đồng ý thi đấu với tư cách cá nhân chứ không đại diện cho đất nước của họ,

Bà nhắc lại rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga và Belarus phải được giữ nguyên.

7. Các thượng nghị sĩ kêu gọi Biden trì hoãn việc bán máy bay phản lực F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi Phần Lan và Thụy Điển được phép gia nhập NATO

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đang kêu gọi Tổng thống Joe Biden trì hoãn việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi Ankara đồng ý cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Thụy Điển và Phần Lan đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận gia nhập NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên. Các nguồn tin của Quốc hội trước đây đã nói với CNN rằng chính quyền Biden đang chuẩn bị yêu cầu các nhà lập pháp phê chuẩn việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đây sẽ là một trong những thương vụ bán vũ khí lớn nhất trong nhiều năm.

Tuy nhiên, nhóm 27 thượng nghị sĩ đã viết trong bức thư của họ hôm thứ Năm rằng Quốc hội “không thể xem xét hỗ trợ trong tương lai cho Thổ Nhĩ Kỳ,” bao gồm cả việc bán máy bay phản lực F-16, cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ “hoàn thành việc phê chuẩn các giao thức gia nhập”.

“Việc không phê chuẩn các giao thức hoặc trì hoãn mốc thời gian phê chuẩn sẽ đe dọa sự thống nhất của Liên minh vào thời điểm quan trọng trong lịch sử, khi Nga tiếp tục cuộc xâm lược vô cớ vào Ukraine,” bức thư viết. “Mối quan hệ an ninh song phương hiệu quả và cùng có lợi với Thổ Nhĩ Kỳ là vì lợi ích của Hoa Kỳ, và chúng ta đang chờ chính phủ Ankara phê chuẩn các giao thức gia nhập NATO cho Thụy Điển và Phần Lan.”

Một số thông tin cơ bản: Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào mùa hè năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vào thời điểm đó cho biết ông sẽ từ chối nỗ lực này, cáo buộc hai nước “giống như nhà nghỉ của các tổ chức khủng bố”.

Những căng thẳng đó đã tiếp tục. Mới tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi hoãn cuộc gặp giữa ba nước sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu cho rằng chính phủ Thụy Điển đồng lõa trong việc đốt kinh Koran trong một cuộc biểu tình ở Stockholm. Một hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng cuộc họp đã bị hủy do “môi trường chính trị không lành mạnh”.

8. Zelenskiy nói rằng Ukraine xứng đáng bắt đầu các cuộc đàm phán hội nhập Liên Hiệp Âu Châu trong năm nay

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã đạt được “sự hiểu biết chung quan trọng” với chủ tịch Ủy ban Âu Châu về nỗ lực gia nhập Liên minh Âu Châu của Ukraine.

Zelenskiy cho biết ông đã có những cuộc nói chuyện hữu ích với lãnh đạo ủy ban, Ursula von der Leyen, và các thành viên của Ủy ban Âu Châu hôm thứ Năm.

Các cuộc đàm phán cho thấy rằng tất cả các bên đều hiểu “thực tế là Ukraine cần sự hỗ trợ liên tục và đầy đủ để phòng thủ chống lại Nga,” tổng thống Ukraine cho biết trong bài phát biểu tối thứ Năm.

“Và về thực tế là sự hội nhập hơn nữa của chúng ta sẽ mang lại năng lượng và động lực cho người dân của chúng ta để chiến đấu bất chấp mọi trở ngại và mối đe dọa. Tôi tin rằng Ukraine xứng đáng bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu ngay trong năm nay,” ông nói thêm.

Zelenskiy cảm ơn von der Leyen và các đồng nghiệp của bà ở Liên Hiệp Âu Châu vì sự hỗ trợ về quân sự, tài chính và xã hội cho Ukraine “trên con đường hội nhập”.

Kyiv đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine lần thứ 24 vào hôm thứ Sáu. Các nhà lãnh đạo Âu Châu có kế hoạch thảo luận về hỗ trợ tài chính và quân sự cho cuộc kháng chiến của Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.

Thông tin cơ bản khác: Ủy ban Âu Châu là cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Âu Châu, bao gồm một nhà lãnh đạo từ mỗi quốc gia thành viên, chịu trách nhiệm đề xuất và thực thi pháp luật.

Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine, bắt đầu quá trình xem xét chính thức việc trao tư cách thành viên cho quốc gia này.

Có thể phải mất nhiều năm nữa Ukraine mới có thể gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Quá trình này kéo dài và cần có sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên ở hầu hết các giai đoạn. Điều này có nghĩa là có nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên sử dụng quyền phủ quyết của họ như một con bài thương lượng chính trị. Theo nhóm chuyên gia cố vấn Vương quốc Anh, trong một Âu Châu đang thay đổi, thời gian trung bình để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu thường là dưới 5 năm,. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên ở Đông Âu đã phải đợi tới 10 năm.

Zelenskiy cho biết chính phủ của ông đang thực hiện những cải cách mới sẽ giúp Ukraine trở nên “nhân bản, minh bạch và hiệu quả hơn” khi ông chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tiếp theo về khả năng nước này gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Điều đó bao gồm một nỗ lực để giải quyết tham nhũng.

Phát ngôn nhân của ủy ban cho biết vào tháng trước rằng các biện pháp chống tham nhũng là “một khía cạnh quan trọng của quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu”.

9. Liên Hiệp Âu Châu cho biết trung tâm quốc tế truy tố “tội ác xâm lược” ở Ukraine sẽ được thành lập tại The Hague

Nhà lãnh đạo Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen thông báo hôm thứ Năm rằng một trung tâm quốc tế truy tố “tội ác xâm lược” ở Ukraine sẽ được thành lập tại The Hague.

“Nga phải chịu trách nhiệm trước tòa về những tội ác ghê tởm của mình. Các công tố viên từ Ukraine và Liên minh Âu Châu đã làm việc cùng nhau. Chúng tôi đang thu thập bằng chứng, và ở bước đầu tiên, tôi vui mừng thông báo rằng một trung tâm quốc tế truy tố tội xâm lược ở Ukraine sẽ được thành lập tại The Hague,” Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu cho biết tại Kyiv, khi phát biểu cùng với nhà lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Liên Hiệp Quốc đã định nghĩa hành vi gây hấn là “việc một quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một quốc gia khác, hoặc theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

“Trung tâm này sẽ điều phối việc thu thập bằng chứng, sẽ được đưa vào nhóm điều tra chung được hỗ trợ bởi cơ quan Hợp tác Tư pháp Hình sự của Liên minh Âu Châu, gọi tắt là Eurojust” von der Leyen nói.

“Chúng tôi sẽ sẵn sàng triển khai công việc rất nhanh chóng với Eurojust, với Ukraine, với các đối tác trong nhóm điều tra chung của chúng ta cũng như với Hà Lan,” bà nói thêm.

Các lời kêu gọi khác về tòa án đặc biệt: Thông báo này được đưa ra sau khi Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Âu Châu vào tuần trước đã bỏ phiếu nhất trí “yêu cầu” thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga và Belarus “về tội gây hấn ở Ukraine”.

Đầu tháng này, các chính trị gia Anh cũng kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra “tội ác xâm lược” của Nga ở Ukraine.

Một tuyên bố đăng trên trang web của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown hôm thứ Sáu đề xuất “thành lập một tòa án đặc biệt tập trung vào tội ác xâm lược” để bổ sung cho cuộc điều tra do Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, tiến hành về cuộc chiến của Nga và các tội ác chiến tranh ở Ukraine

Tuyên bố cho biết ICC không thể điều tra tội xâm lược nếu hành động xâm lược được thực hiện bởi một quốc gia không tham gia quy chế Rôma đã thành lập nên tòa án này, trừ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đề cập đến vấn đề đó. Vì Nga chưa phê chuẩn quy chế Rôma và có khả năng sẽ “thực hiện quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an”, ICC đã không thể “điều tra tội ác xâm lược Ukraine”.

10. Tây Ban Nha có rất nhiều xe tăng Leopard 2 cũ hỏng. Số lượng nước này có thể gửi đến Ukraine phụ thuộc vào số lượng có thể sửa chữa.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Spain’s Got A Lot Of Old, Broken Leopard 2 Tanks. How Many It Sends To Ukraine Depends On How Many It Can Repair.”, nghĩa là “Tây Ban Nha có rất nhiều xe tăng Leopard 2 cũ hỏng Số lượng nước này có thể gửi đến Ukraine phụ thuộc vào số lượng có thể sửa chữa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tây Ban Nha cuối cùng có thể trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất số xe tăng Leopard 2 dư thừa cho Ukraine - hoặc là một trong những nhà tài trợ nhỏ nhất.

Sự không chắc chắn về cam kết xe tăng của Madrid chỉ ra một số vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn trong nỗ lực tăng cường của Kyiv nhằm thành lập một lữ đoàn gồm khoảng 100 chiếc Leopard 2 bằng cách kết hợp các xe tăng cũ từ các nước đồng minh trên khắp Âu Châu và Bắc Mỹ.

Nói tóm lại, có rất nhiều Leopard 2 cũ trong kho vũ khí của Âu Châu. Nhưng hầu hết trong số chúng đã cũ hàng chục năm và một số cần được sửa chữa rất nhiều. Trong khi tám quốc gia NATO đã cam kết — hoặc ám chỉ rằng họ sẽ cam kết — có tới 134 chiếc Leopards 2 do Đức thiết kế, số lượng xe tăng mà Ukraine thực sự có thể triển khai có thể sẽ thấp hơn nhiều nếu quá nhiều xe tăng đã hết hạn sử dụng..

Các xe tăng Leopard 2 của Tây Ban Nha là một mô hình thu nhỏ của một vấn đề rộng lớn hơn. Trên lý thuyết, ngay cả những chiếc Leopard 2A4 cũ hơn từ những năm 1980 cũng là những chiếc xe tăng tuyệt vời. Chúng có hỗn hợp thi61t giáp chắc chắn, súng 120 ly mạnh mẽ với hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số, hệ thống quang học sắc nét và động cơ 1.500 mã lực có thể đẩy xe tăng 70 tấn đi 45 dặm hay 72km một giờ trên đường.

Nhưng một chiếc Leopard 2A4 đã 35 tuổi có thể trở thành đồ bỏ đi nhanh chóng nếu để trong kho—đặc biệt là ở ngoài trời và không được bảo dưỡng thường xuyên. Một chiếc xe tăng giống như bất kỳ phương tiện diesel nào được hưởng lợi từ việc sử dụng thường xuyên.

Điều gì xảy ra với một chiếc xe tăng bị bỏ quên? Hệ thống quang học có thể bị nhiều mây. Gioăng cao su có thể khô và trở nên giòn. Hệ thống dây điện có thể bị ăn mòn.

Tất cả cũng có thể xảy ra nhanh chóng. Hãy xem xét số lượng xe tăng T-72 và T-80 tương đối non trẻ mà Nga có thể rút khỏi kho để bù đắp tổn thất ở Ukraine. Xe tăng bị hỏng nhanh chóng trong thời tiết Âu Châu ẩm ướt và lạnh giá.

Về lý thuyết, quân đội Tây Ban Nha sở hữu 327 xe tăng: 108 chiếc Leopard 2A4 mua lại từ kho dự trữ dư thừa của Đức vào năm 1998 và 219 chiếc Leopard 2E do công ty Tây Ban Nha Santa Barbara Sistemas sản xuất theo giấy phép bắt đầu từ năm 2002.

A4 không còn hoạt động. Tất cả chúng đều được lưu trữ tại Trung tâm Hậu cần Casetas ở Zaragoza. Theo truyền thông Tây Ban Nha, 53 chiếc xe tăng cũ có thể sửa chữa được, nhưng 33 chiếc trong số đó đòi hỏi công việc kéo dài có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng. Madrid cho đến nay chỉ cam kết quyên góp từ 4 đến 6 trong số 20 chiếc A4 mà truyền thông địa phương mô tả là ở “tình trạng tốt”.

Bốn, năm hoặc sáu chiếc Leopard 2A4 của Tây Ban Nha ban đầu sẽ cùng với 14 chiếc Leopard 2A6 của Đức, 14 chiếc Leopard 2A4 của Ba Lan và 4 chiếc Leopard 2A4 của Canada đại diện cho các cam kết chính thức, vững chắc. Đó là ít nhất 36 chiếc Leopard 2 mà Ukraine có thể tin tưởng ngoài 14 xe tăng Challenger 2 và 31 M-1A2 mà Anh và Mỹ đã cam kết.

Nhưng Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói rõ rằng đất nước của ông muốn có cả một lữ đoàn Leopard 2. Đó phải là khoảng 100 xe tăng trong ba tiểu đoàn nhỏ.

Na Uy, Hà Lan, Phần Lan và Bồ Đào Nha sẵn sàng quyên góp cho Ukraine một số chiếc Leopard 2 của riêng họ—có lẽ là 35 chiếc tất cả. Và Đức có thể tăng gấp đôi cam kết xe tăng của mình, có khả năng tăng số lượng tồn kho ban đầu của Ukraine lên ít nhất 85 chiếc Leopard 2 thuộc một số biến thể. Giống như ở Tây Ban Nha, những cam kết này phụ thuộc vào số lượng xe tăng cũ được lưu kho có thể sửa chữa được.

Một lữ đoàn trăm xe tăng sẽ cần ít nhất một vài phương tiện dự phòng để huấn luyện kíp lái, thay thế những tổn thất trong chiến đấu và cung cấp phao bảo trì. Một mình Tây Ban Nha có thể thu hẹp khoảng cách giữa những chiếc Leopard 2 mà Ukraine có khả năng nhận được và những chiếc Leopard 2 mà nước này cần để thành lập một lữ đoàn đầy đủ.

Nhưng điều đó phụ thuộc vào số lượng những chiếc A4 cũ của Tây Ban Nha có thể sửa chữa được trong một khoảng thời gian hợp lý.

Không có gì bí mật khi người Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công vào đầu năm 2023. Theo các quan chức Ba Lan, thường mất vài tháng — ít nhất là 5 tuần — để huấn luyện kíp lái Leopard 2 gồm bốn người. Một vài chiếc Leopard 2 đầu tiên đang trên đường đến Ukraine, vì vậy việc huấn luyện sẽ sớm bắt đầu.

Đồng hồ đang điểm đến ngày mà các tiểu đoàn Leopard 2 đầu tiên của Ukraine, mỗi tiểu đoàn có khoảng 30 xe tăng, sẵn sàng hỗ trợ các cuộc tấn công. Việc Ukraine ban đầu trang bị hai tiểu đoàn Leopard 2 hay ba tiểu đoàn, có thể phụ thuộc vào Tây Ban Nha.
 
Điện tặc Nga tấn công web của Công Giáo Ukraine, ngân hàng, và các bệnh viện ở Hoa Kỳ và Đức
VietCatholic Media
17:04 03/02/2023


1. Đảng Cộng sản cách chức Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn … một lần nữa

Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民), Giám Mục Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang lại mất tích. Các nguồn tin địa phương nói với AsiaNews rằng chính quyền đã bắt giữ vị Giám Mục và thư ký của ngài, là Cha Tưởng Tô Niên (Jiang Sunian, 蒋苏年), người cũng là chưởng ấn của giáo phận, để ngăn cản các ngài tham dự tang lễ của Cha Trần Nãi Lượng (Chen Nailiang, 陈乃亮) là vị linh mục cao niên vừa qua đời vào hôm Chúa Nhật ở tuổi 90.

Giống như giám mục đầu tiên của Ôn Châu, Đức Cha Lâm Hi Li (Lin Xili, 林希丽) Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn thường là đối tượng của các buổi tẩy não nhằm buộc ngài phải gia nhập Giáo hội “chính thức” do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Giám mục Thiệu Chúc Mẫn được Đức Giáo Hoàng công nhận nhưng Đảng cộng sản tuyên bố có quyền đối với tất cả các hoạt động tôn giáo, đã không công nhận.

Kitô hữu chiếm hơn 10% dân số ở Chiết Giang. Giống như Giám mục Thiệu Chúc Mẫn, Cha Trần Nãi Lượng thuộc cộng đồng “thầm lặng”; vì lý do này, chính quyền đã cấm tất cả các tu sĩ thầm lặng tham dự tang lễ hoặc cử hành Thánh lễ. Ba linh mục từ giáo xứ Thụy An (Ruian 瑞安)sẽ cử hành tang lễ cho vị linh mục quá cố.

Cha Trần Nãi Lượng, từng là cha xứ ở Bình Dương (Pingyang, 平阳), được cộng đoàn yêu mến. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bách hại ngài kể từ khi ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, bỏ tù ngài và gửi ngài đến các trại lao động để “cải tạo” trong vài năm.

Giám mục Thiệu Chúc Mẫn cũng đã phải chịu đựng sự ngược đãi của bọn cầm quyền; ngài cũng đã bị bắt và giam giữ nhiều lần, lần cuối cùng vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, khi bọn cầm quyền đưa ngài đi nơi khác bằng máy bay, có lẽ để ngăn cản ngài cử hành các nghi lễ trong Tuần Thánh, đặc biệt là Thánh Lễ Truyền Dầu.

Vài tháng trước đó, vào ngày 25 tháng 10 năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ ngài, với lý do là “du lịch” khỏi nơi cư trú mà không xin phép. Ngài được thả khoảng hai tuần sau đó.

Trong một trường hợp tương tự, cảnh sát đã đưa Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn và Cha Tưởng Tô Niên đi “chu du” từ ngày 23 tháng 8 đến ngày 8 tháng 10 năm 2016 để các ngài không tham dự tang lễ của Đức Cha Chu Vệ Phương (Zhu Weifang, 朱卫芳) là vị tiền nhiệm của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn ở Giáo phận Ôn Châu.

Sự đàn áp của chính phủ đối với người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là các thành viên của Giáo hội thầm lặng, vẫn tiếp tục bất chấp Thỏa thuận năm 2018 của Vatican về việc bổ nhiệm giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020 và 2022.

Ngoài Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn, Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) cũng bị giam giữ, quản thúc tại gia. Các giám mục khác, như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进), đã bị quấy rối hoặc buộc phải tham gia các phiên họp chính trị, bao gồm cả Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Chế độ cộng sản cũng đã nhiều lần quản thúc tại gia Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰) của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化). Các năm trước, vào dịp Tết Nguyên Đán Đức Cha Thôi Thái được trả tự do để về nhà đón Tết với người chị đã rất già của mình, sau Tết lại đi tù tiếp. Năm nay, cộng sản không trả tự do cho ngài nhưng cho người nhà vào thăm ngài trong tù.
Source:Asia News

2. Linh mục lưu vong nói giám mục bị xét xử ở Nicaragua đã thành lập văn phòng nhân quyền bí mật

Linh mục Nicaragua lưu vong Uriel Vallejos kể lại cách giám mục Rolando Álvarez của Matagalpa, người đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày 19 tháng 8, đã thành lập một văn phòng nhân quyền bí mật để ghi lại cuộc đàn áp của chế độ độc tài Daniel Ortega.

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Công Giáo Tây Ban Nha Alfa y Omega được xuất bản vào ngày 26 Tháng Giêng, vị linh mục đầu tiên làm rõ rằng không có lệnh bắt giữ quốc tế nào đối với ngài.

“Bạn sẽ không tin đâu, nhưng đó là một trò lừa bịp của chính phủ. Họ nói rằng họ đã yêu cầu Interpol bắt giữ tôi, nhưng một người liên lạc bên trong Liên Hiệp Quốc đã xác nhận với tôi rằng chế độ Ortega chưa chính thức đưa ra bất kỳ yêu cầu nào chống lại tôi,” vị linh mục nói với tuần báo tại một địa điểm không được tiết lộ.

Vallejos giải thích rằng cả Đức Cha Álvarez và vị linh mục “đều bị buộc tội âm mưu phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời tung tin giả gây bất lợi cho Nhà nước.”

Trong một phiên điều trần được tổ chức vào ngày 10 Tháng Giêng giữa những khiếu nại về những bất thường trong thủ tục tố tụng, tòa án đã quyết định rằng vụ án của vị giám mục sẽ được đưa ra xét xử.

Ba ngày sau, hệ thống tư pháp đưa ra một danh sách nhân chứng “bịa đặt” chống lại vị Giám Mục, một số người không liên quan gì đến vụ án và thậm chí còn không biết trước rằng tên của họ có trong danh sách đó.

Vallejos nói rằng cuộc đàn áp chống lại Giáo Hội Công Giáo trở nên tồi tệ hơn với các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2018, khi các giám mục và linh mục phản ứng bằng cách “nói sự thật về những gì đang xảy ra và đứng về phía người dân”.

Vị linh mục giải thích: Lúc đó, mọi người bắt đầu đến nhờ Giáo Hội giúp đỡ.

Chẳng hạn, vị linh mục nói “một người con trai của họ bị cầm tù, người khác bị giết, người thứ ba phải đi đày”.

Trước tình hình đó, Đức Cha Álvarez đã tập hợp các linh mục của mình lại và nói với họ rằng ngài sẽ mở một văn phòng nhân quyền bí mật để giúp đỡ những người này và công khai vụ việc của họ.

“Tại cuộc họp đó, ngài đã hỏi ai là người tự do muốn tham gia và cảnh báo rằng bất kỳ ai làm như vậy đều có thể bị bỏ tù hoặc bị lưu đày.”

Vị linh mục nói rằng tại giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót của ngài ở Sébaco thuộc Giáo phận Matagalpa, binh lính đã đến để ghi lại các bài giảng của ngài để sau này sử dụng chống lại ngài.

Ngài cũng là tổng giám đốc của Đài phát thanh và kênh Công Giáo Sébaco, hoạt động trong khuôn viên giáo xứ. Đài phát thanh đã bị chế độ độc tài đóng cửa vào ngày 1 tháng 8 năm 2022. Cảnh sát chống bạo động đã ngăn không cho Cha Vallejos và một nhóm tín hữu rời khỏi nhà xứ.

Cảnh sát “tiến vào nhà nguyện và điện của chúng tôi bị cắt. Chúng tôi cũng không có thức ăn,” vị linh mục kể lại. Giáo xứ vẫn bị bao vây trong ba ngày cho đến ngày 4 tháng 8, khi Cha Vallejos bị bắt và bị giải đi.

“Chủ tịch hội đồng giám mục nói với tôi rằng chính phủ muốn tôi vào tù, nhưng Đức Cha Rolando Álvarez bắt đầu thương lượng và khiến họ chấp nhận cho tôi đến chủng viện ở Managua để đổi lấy sự im lặng của tôi,” vị linh mục bị lưu đày kể lại.

Ngay sau đó, vị linh mục trốn khỏi đất nước đến Costa Rica, nơi ngài nhận được sự giúp đỡ từ Giáo hội địa phương.

“Tôi không thể bịt miệng sự thật, mặc dù tôi sợ rằng vì cuộc phỏng vấn này mà họ có thể tra tấn các linh mục đang ở trong tù,” Cha Vallejos kết luận.
Source:Catholic News Agency

3. Điện tặc Nga tấn công các trang web của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, và các bệnh viện ở Hoa Kỳ và Đức

Các tin tặc Nga đã đánh sập một số trang web của Đức, Hoa Kỳ và Ukraine bằng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ gọi tắt là DdoS, nhằm đáp trả quyết định của Berlin và Washington triển khai xe tăng tới Ukraine để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tại Ukraine, trang web của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã không thể truy cập được trong khoảng 24 giờ trước khi các chuyên viên kỹ thuật phục hồi được. Một số trang web của chính phủ Ukraine cũng bị ảnh hưởng. Killnet, một nhóm tin tặc Nga, đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công.

Trong một ví dụ điển hình khác về việc chiến tranh mạng bước vào đấu trường cùng với chiến tranh truyền thống, nhóm hack Killnet đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công DDoS vào các trang web, ngân hàng và sân bay của chính phủ Đức, các báo cáo cho biết. Cơ quan an ninh mạng BSI của Đức cho biết các cuộc tấn công phần lớn không hiệu quả. Killnet tự nhận mình là một nhóm “hacktivist” đã tích cực tấn công vào những người phản đối cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Các tin tặc như Killnet và một nhóm đồng minh có tên XakNet được cho là quan tâm đến việc bảo vệ các mục tiêu xã hội và chính trị hơn là lợi ích tài chính.

Các chuyên gia an ninh mạng từ lâu đã lo lắng về việc Điện Cẩm Linh thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các quốc gia đã hỗ trợ Ukraine cung cấp vũ khí và sử dụng các nhóm không gian mạng do nhà nước bảo trợ để thực hiện các cuộc tấn công. Mối quan hệ của Killnet với Mạc Tư Khoa không rõ ràng. XakNet, một nhóm tin tặc thân Nga đã hoạt động được khoảng một năm, trước đây đã phủ nhận mọi liên kết với chính phủ Nga.

Các quan chức an ninh mạng của Đức cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tấn công Killnet không đạt được bất kỳ thành công đặc biệt nào ngoại trừ việc ngăn cản truy cập đến các trang Web trong một khoảng thời gian.

“Hiện tại, một số trang web không thể truy cập được. Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy tác động trực tiếp đến dịch vụ tương ứng và theo đánh giá của BSI, những điều này sẽ không xảy ra nếu các biện pháp bảo vệ thông thường được thực hiện,” BSI cho biết trong một tuyên bố.

Canada trong danh sách bị tấn công.

Killnet đã đe dọa các quốc gia khác đã hỗ trợ vũ khí cho Kyiv. Tuần trước, các quan chức mạng Canada đã kêu gọi “tăng cường cảnh giác” trước nguy cơ tấn công mạng trả đũa từ các tin tặc có liên kết với Nga vào ngày 26 Tháng Giêng sau khi Ottawa gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine.

Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Truyền thông, gọi tắt là CSE, cho biết cơ quan này “biết các báo cáo về sự gia tăng các nhóm tin tặc liên kết với nhà nước Nga đang tìm cách phá hoại các đồng minh liên kết với Ukraine, để đáp lại việc họ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Ukraine.”

Trung tâm An ninh mạng Canada đã cảnh báo cộng đồng an ninh mạng Canada, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng và những người bảo vệ mạng công nghiệp quốc phòng nâng cao nhận thức và bảo vệ họ trước các mối đe dọa mạng độc hại, Tập đoàn Phát thanh Canada đưa tin.

Các bệnh viện Hoa Kỳ bị tấn công

Killnet cũng bị nghi ngờ trong một số cuộc tấn công vào các trang web của 13 bệnh viện Hoa Kỳ vào hôm thứ Hai 30 Tháng Giêng.
Source:msspalert.com