Ngày 23-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tích cực cộng tác với Chúa thi hành sứ vụ thiên sai
Lm Đan Vinh
01:31 23/01/2019
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10 ; 1 Cr 12,12-30 ; Lc 1,1-4; 4,14-21

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21

(1) Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. (2) Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. (3) Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài. (4) Mong ngài sẽ nhận thức được rằng: giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. (4,14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. (16) Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: (18) “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố một năm hồng ân của Chúa. (20) Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CÔNG BỐ VỀ NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA

Tin Mừng hôm nay gồm có bài tựa mở đầu sách Tin Mừng thứ ba, nêu ra lý do khiến Lu-ca viết Tin Mừng dựa vào truyền thống và có tính khoa học, và việc Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với một chương trình hành động cụ thể. Đây là điều đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm trước đó khá lâu.

3. CHÚ THÍCH:

-C 1-2: +Ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính: Thê-ô-phi-lô là một người giàu có và đáng kính thời bấy giờ. Ông này đã được tác giả Lu-ca gửi tặng cuốn Tin Mừng, để nhờ ông bảo trợ sao chép ra nhiều cuốn sách được viết trên các tấm da thuộc, hầu có thể phổ biến đi nhiều nơi.
-C 3-4: +Cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự: Vì Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ đã đi theo Đức Giê-su ngay từ đầu, nên ông phải tra cứu đầu mối căn nguyên về cuộc đời và Tin Mừng của Người rồi ông viết lại. +Tuần tự viết ra: Ông viết Tin mừng theo thứ tự văn chương và các đề tài giảng huấn, chứ không theo thứ tự thời gian đã xảy ra.
-C 14-15: +Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy: Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ thử thách. Giờ đây Thần Khí lại thúc đẩy Người trở về Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. +Người giảng dạy trong các hội đường của họ: Hội đường là nơi người Do thái đến hội họp, cầu nguyện và nghe giảng Kinh thánh vào các ngày Sa-bát. Ở mỗi làng trong khắp xứ Pa-lét-tin hoặc những nơi có người Do thái cư ngụ đều có hội đường.
-C 17b-19: +Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Chữ gặp ở đây cho thấy Đức Giê-su đã không lựa chọn trước, nhưng mở ra đã gặp ngay một đoạn sách phù hợp cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa,. +Thần Khí Chúa ngự trên tôi...: Đoạn văn được trích trong sách I-sai-a (x. Is 61,1-2) nói về việc một ngôn sứ được xức dầu tấn phong (x. 1 V 19,16), nhưng đã được Đức Giê-su ứng dụng vào Người : Người mới được nhận Thần Khí khi đến chịu phép rửa của ông Gio-an, và Người coi điều này là nguồn gốc phát sinh các hoạt động của Người. +Công bố một năm hồng ân của Chúa: Năm Hồng Ân hay năm Toàn Xá của Thiên Chúa. Theo Luật Mô-sê, cứ năm mươi năm lại cử hành Năm Toàn Xá một lần (x Lv 25,10-13). Đây là hình thức mở rộng của Năm Sabát được cử hành cứ bảy năm một lần (Đnl 15: 1-11). Năm này tiêu biểu lý tưởng công bình xã hội cách thiết thực cụ thể. Đây là tin mừng giải thoát cho những người nghèo, những kẻ cô thân cô thế bị chèn ép áp bức, dưới bất kỳ hình thức nào, đến nỗi phải mất nhà cửa đất đai, trở nên nghèo khổ và đem thân làm nô lệ cho những kẻ giàu có quyền thế. Đó cũng là năm mời gọi hết mọi người hãy ăn năn sám hối, vì đã lỡ góp phần vào sự bất công hay đã nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại.
-C 20-21: +Hôm nay: Chữ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Lu-ca, để nhấn mạnh tính cách hiện tại của ơn cứu độ. Chẳng hạn: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11) ; “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22) ; “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21) ; “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5b) ; “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9) ; “Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì ba lần anh đã chối không biết Thầy” (Lc 22,34.61) ; “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

4. CÂU HỎI:

1) Lu-ca đã viết lời tựa sách Tin Mừng gửi cho ông Thê-ô-phi-lô nhằm mục đích gì ?
2) Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ. Vậy ông đã làm gì để có thể viết chính xác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su được ?
3) Hội đường Do thái là gì và được dùng để làm gì ?
4) Câu trích trong sách ngôn sứ I-sai-a được Đức Giê-su đọc tại hội đường Na-da-rét đã ứng nghiệm vào sứ mệnh cứu thế của Người như thế nào ?
5) Bạn hãy kể ra 5 câu Kinh thánh có chữ “hôm nay” trong Tin mừng Lu-ca.

II SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHÚA NÓI VỚI CHÚNG TA BẰNG CÁCH NÀO?

Cách đây khá lâu, một vở kịch mang tựa đề là “Hoàng Gia đi săn mặt trời” kể lại cuộc chinh phục của người Tây ban nha đối với dân da đỏ ở Pê-ru. Trong đó có một màn kịch kể lại câu chuyện về một người Tây ban nha đã tặng cho viên tù trưởng của bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và nói với viên tù trưởng rằng : “Đây là Lời Chúa. Ngài nói với chúng ta trong cuốn sách này”. Viên tù trưởng cầm lấy cuốn Thánh Kinh, xem xét thật kỹ và sau đó áp cuốn sách vào một bên tai nghe ngóng. Nhưng dù đã cố gắng hết sức mà ông ta cũng chẳng nghe thấy có tiếng nói nào phát ra từ cuốn sách. Cử chỉ ngây thơ của viên tù trưởng khiến những người Tây ban nha có mặt cười ồ lên. Viên tù trưởng nghĩ mình bị mấy người ngoại quốc kia chơi khăm, liền nổi giận và ném mạnh cuốn Kinh Thánh xuống mặt bàn trước mặt !

2) THIÊN CHÚA TIẾP TỤC CỨU THẾ QUA CHÚNG TA:

Sau khi nghe giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Chúa đầy lòng yêu thương, một thính giả không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như:
Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Ngài nhắm mắt làm ngơ trước cảnh biết bao nhiêu người nghèo khổ, tuyệt vọng, mất phương hướng phải sống trong sầu đau mà không ban cho họ một tin mừng, một tia hy vọng?

Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Cha nhân ái khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù vật chất, trong sự trói buộc của các đam mê mà Ngài không ra tay giải thoát?
Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Ngài để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý.
Và bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm sao Chúa không giải thoát họ?

Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, ông chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của đêm trường:
– Ta đã ra tay rồi đó, sao con còn trách Ta?
– Ngài ra tay lúc nào đâu? Ngài đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?
– Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta mà hành động. Thế sao còn trách Ta?

Mỗi người chúng ta chính là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Ngài luôn thực hiện mọi việc qua chúng ta: Gia tăng số người trên mặt đất qua các đôi vợ chồng; giáo dục trẻ em nên người tốt qua cha mẹ và thầy cô.

Trước đây Chúa Cha đã nhờ Chúa Giê-su để loan Tin Mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù tối, trả tự do cho người bị áp bức thế nào, thì hôm nay, Ngài cũng muốn thực hiện công việc cứu nhân độ thế đó qua chúng ta.

3) TRỞ NÊN NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG:

DAN CLACK kể lại một câu chuyện như sau: Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một bé trai khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần nhìn vào gian hàng trưng bày quần áo trước một cửa hàng sang trọng. Em đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ tơi tả, trông như một mảnh giẻ rách. Một bà sang trọng đi ngang qua trông thấy và đọc được ước muốn trong đôi mắt của em. Bà liền đến cầm tay em dẫn vào tiệm và mua cho em một đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.
Sau đó, khi cả hai bước ra ngoài phố, người đàn bà tốt bụng liền nói với cậu bé :
- Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
Cậu bé trố mắt nhìn người vừa cho quà và hỏi :
- Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?
Bà cúi xuống mỉm cười vỗ nhẹ vào vai cậu và trả lời :
- Con ơi, không phải đâu, ta chỉ là một trong những đứa con của Chúa thôi !
Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ :
- Cháu đã sớm biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà.
Câu nói của cậu bé trong câu chuyện trên cho thấy: Chính lối sống yêu thương vị tha là dấu chỉ giúp tha nhân nhận biết chúng ta là môn đệ thực sự của Chúa Giê-su (x. Ga 13,35), và việc thực hành yêu thương cũng làm cho chúng ta trở nên con cái trong đại gia đình của Chúa như Người đã nói: ”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 6,21). Quả thật, người phụ nữ trong câu chuyện trên đã thực hành lời dạy quảng đại yêu thương của Chúa: ”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em bằng cái đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Vậy mỗi người chúng ta trong những ngày này sẽ làm gì cụ thể giúp đỡ tha nhân để nên con cái Thiên Chúa và nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su?

4) MẸ TÊ-RÊ-SA NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG ĐÃ TRỞ NÊN MẸ CỦA NGƯỜI BẤT HẠNH:

Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã trở nên mẹ của những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong thánh lễ phong chân phước cho Mẹ, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã đề cao mẹ như là một chứng nhân phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giê-su. Ngài nói: "Mẹ Tê-rê-sa không những đã chọn chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa như một người mẹ của những người nghèo. Người nghiêng mình xuống trên những người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ".

Mẹ đã dấn thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị sang hèn, giai cấp. .. Chính Mẹ đã từng nói: "Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa". Mẹ còn muốn cho công việc của Mẹ được nhân rộng thêm lên, Mẹ đã thành lập hội dòng Thừa Sai Bác Ái với ước nguyện: "Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Người đối với người nghèo".

3. THẢO LUẬN:

Một gia trưởng kia muốn mọi người trong gia đình thực hành Lời Chúa, nên đã treo một tấm bảng trên bức tường trong phòng ăn. Mỗi Chúa Nhật ông sai cô con gái lớn trong nhà viết lên bảng một câu Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật và một lời nguyện quyết tâm thực hành Lời Chúa bằng một việc làm cụ thể. Trước mỗi bữa ăn và trong giờ kinh tối gia đình, các thành viên sẽ đọc chung lời nguyện hoặc một người sẽ cầu nguyện tự phát ngắn gọn, kết thúc bằng lời thưa Amen của mọi người. Theo bạn, cách làm này có dễ thực hiện không? Có giúp cho mọi người trong gia đình bạn thực hành được Lời Chúa không? Tại sao?

4. SUY NIỆM:

1) Đức Giê-su công bố Tin Mừng về sứ vụ Thiên Sai:

Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ khắp miền Ga-li-lê, danh tiếng Đức Giê-su đã lan truyền khắp nơi, Người trở về thăm quê hương Na-da-rét. Vào ngày sa-bat, Người đến hội đường cầu nguyện theo thông lệ, viên trưởng hội đường đưa cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở trúng ngay đọan nói về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sau đó gấp sách lại, Người ngồi xuống và tuyên bố: ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-19).

2) Đừng quên người nghèo? :

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thường nhắc nhở các tín hữu “đừng quên người nghèo”, bằng những việc làm cụ thể như sau:
- Là cố gắng giúp người nghèo cách tế nhị và quảng đại, tùy theo khả năng của mình.
- Là gần gũi với những trẻ em nghèo, những người già yếu, bệnh tật, những cô gái lỡ lầm, những người bị xã hội khinh thường.
- Là có một lối sống đơn giản, không xa cách người nghèo. Điều này không cấm chúng ta sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng cần tránh tiêu xài cách xa hoa lãng phí không cần thiết.
- Là cố gắng dạy đạo lý cách đơn sơ dễ hiểu cho mọi người, nhất là những người nghèo ít học.
- Là luôn lắng nghe những lời kêu cứu của những bệnh nhân đau liệt và thân cô thế cô.
- Là tìm hiểu lý do nhiều người bỏ đạo, rồi dùng tình thương giúp họ quay về với Chúa.
- Là ân cần tiếp xúc với những người tội lỗi, nghèo khó, để giúp họ làm lại cuộc đời.
- Là yêu thương người nghèo theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su trong Thánh Kinh. “Đừng quên người nghèo” là một lựa chọn vừa mang tính thần học lại vừa mang tính tiên tri. Có thể tính tiên tri vượt nổi hơn. Các vị mục tử nơi nào biết quan tâm đến người nghèo thì nền tảng đạo đức nơi đó sẽ ngày càng phát triển vững mạnh. Còn các vị mục tử ở nơi nào bỏ quên người nghèo thì nền tảng đạo đức ở nơi đó sẽ ngày một bị biến chất và tiến đến chỗ bị hủy diệt. Đó chính là một lời tiên báo mà chúng ta hôm nay không nên coi thường.

3) Thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo:

Loan báo Tin Mừng cho người nghèo cụ thể là gì ?
Là cho những kẻ đang bị giam cầm trong lao tù biết họ sắp được tha, cho người đang làm nô lệ cho các thói hư tật xấu biết họ sắp được ơn giải thoát.
Là góp phần chữa lành những người mù về thể xác được sáng mắt, đang lầm lạc về đức tin sớm thoát vòng u mê tối tăm, khai mở Năm Toàn Xá ban ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Hôm nay mỗi Ki-tô hữu chúng ta có sứ vụ tiếp nối công việc của Chúa Giê-su bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần, an ủi những người cô thế cô thân, xoa dịu chữa lành các vết thương, loại trừ sợ hãi, giải thoát những ai đang bị áp bức... Mỗi tín hữu chúng ta cần thi hành sứ vụ đã được Đức Ki-tô trao phó, là góp phần làm cho sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a sớm được thực hiện, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa và tích cực góp phần làm cho Nước Trời mau đến bắt đầu từ trong gia đình, khu xóm, giáo xứ rồi đến môi trường xã hội chúng ta đang sống.

4) Làm chứng cho Chúa bằng lối sống quảng đại chia sẻ và khiêm nhường phục vụ:

Là Ki-tô hữu, chúng ta phải trở thành cánh tay nối dài của Đức Giê-su. Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác để làm bùng lên ngọn lửa tin yêu mà Người đã đem xuống trần gian, bằng việc thực thi giới luật yêu thương. Đó chính là con đường nên thánh, là chìa khoá mở cửa thiên đàng cho chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói: “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy là vì những thầy dạy này cũng là những chứng nhân”. Thực vậy, lời giảng suông thường khó thuyết phục người khác bằng gương sáng, như người ta thường nói: ”Trăm nghe không bằng một thấy”. Lời giảng mà thiếu gương sáng sẽ trở thành vô ích và có khi còn phản tác dụng: làm cho người ta ghét đạo Chúa hơn. Các tín hữu cần thực hành theo lời khuyên được chủ tế đọc trong lễ phong chức linh mục như sau: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Cần áp dụng lời Chúa khi suy nghĩ, nói năng và ứng xử giữa đời thường.
Mỗi người chúng ta cần sống hiệp nhất yêu thương noi gương các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).

5. NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con nhận ra Thánh Thần Chúa vẫn đang hoạt động giữa thế giới và trong lòng mọi người. Thế giới hôm nay tuy còn nhiều tội lỗi, nhưng vẫn chan hòa ánh sáng tin yêu nơi các gia đình tín hữu, trong các xóm đạo, nơi các cộng đoàn học sống Lời Chúa. Ngày nay người ta đã biết ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp và tìm kiếm hòa bình; Các tổ chức quốc tế thường hợp tác với nhau để chống lại sự kỳ thị chủng tộc, mầu da, tôn giáo, phái tính, bệnh tật; Các cơ quan đoàn thể đã biết hợp tác để chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác... Xin cho các tín hữu chúng con cũng biết hợp tác với tha nhân để góp phần làm cho môi trường sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn và công bình nhân ái hơn.

-LẠY CHÚA. Xin cho chúng con được Thánh Thần tác động để sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân : nở nụ cười thân thiện với một người chưa quen, dấn thân phục vụ dân nghèo ở vùng sâu vùng xa... Xin cho không còn đau khổ, không còn nước mắt và thù hận, nhưng chỉ còn tình thương thể hiện qua việc mọi người biết quan tâm chia sẻ và phục vụ lẫn nhau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại
Trà Lũ
10:21 23/01/2019
Nên công chính và hiệp nhất trong Chúa Kitô

Kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, Giáo hội cử hành lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại. Nói đến thánh Phaolô là nói đến mầu nhiệm ơn gọi tông đồ cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên cuộc đời sứ vụ của ông.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một chàng có tên gọi là Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, có thể nói ông là người đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem, nhiệt thành đến nỗi, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Nói đến Phaolô là nói đến sử cải đạo của ông.

Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của Ý Trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180 độ. Và con đường đó cũng đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng của lịch sử nhân loại.

Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết.

Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại.

Rõ ràng là ý Trời, Trời đã can thiệp vào cuộc đời của Saolô bằng Tình yêu đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã nói qua miệng ông Khanania, và Phaolô sau này lập đi lập lại nhiều lần. Thiên Chúa đã tuyển chọn Saolô một người duy nhất giữa muôn người. Cú ngã ngựa trên đường Đamat, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mạng làm “Tông đồ Dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô. Và từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Ý Trời, hay ý muốn của Chúa Giêsu, Người mà ông đã ghét cay ghét đắng, căm thù đến tận xương tủy, khi chưa có dịp gặp, mà chỉ nghe nói đến do những kẻ thù của Chúa. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giêsu, tất cả đều thay đổi.

Chúa Kitô Phục Sinh đã đổi mới tư tưởng và trái tim của Phaolô. Không biết Đức Giêsu tại thế, Phaolô đã ghét cay ghét đắng và sát hại không thương tiếc các môn đệ của Người. Giờ đây trái tim của Phaolô được Chúa Giêsu chiếm lĩnh như chiếm đoạt trái tim của người yêu ( Pl 3, 12 ). Và Phaolô trở nên như một “người tình” của Chúa Giêsu, đến nỗi Phaolô phải thú nhận: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).

Đúng như Phaolô viết : “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), tất cả nhiệt tình nơi con người và cuộc đời Phaolô đều phát xuất từ mối tình đó: Tình yêu của Chúa Kitô là “chủ thể yêu thương Phaolô”, Tình yêu Chúa Kitô là “đối tượng mà Phaolô yêu mến”. Tâm trí của Phaolô đã hoàn toàn mở ra cho Chúa Kitô, và vì thế có khả năng mở rộng cho mọi người, Phaolô trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9, 12), sẵn sàng làm mọi sự cho “Tin mừng Tình yêu” mà người rao giảng.

Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9,3-18; 2 Cr11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm và ra vào tù nhiều lần.

Nói đên Phaolô là nói đến vị Tông đồ của mọi thời đại.

Phaolô đã trở thành vị “Tông đồ của mọi thời đại”. Là Do thái với người Do thái, Hy lạp với người Hy lạp, là người tự do, nhưng trở thành nô lệ của mọi người để phục vụ mọi người ( 1 Cr 9, 19 – 21 ), Phaolô cũng có thể là Việt Nam với người Việt Nam, là Thái với người Thái, Phi với người Phi, Hàn quốc với người Hàn quốc.

Không những là “con người của Tình yêu”, Phaolô còn là “con người của chân lý”. Đối với Phaolô, chân lý là “Tin mừng Chúa Giêsu Kitô” “Chân Lý về một Tình Yêu mạnh hơn sự chết”, đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, trở thành nơi hội tụ của toàn thể nhân loại, toàn thể thế giới thụ tạo của Thiên Chúa.

“Các ngươi hãy cố gắng trở thành người công chính đích thực” (Đnl 16, 18-20) là chủ đề của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất năm nay 2019, làm cho chúng ta nhớ lại lời cầu xin của Chúa Giêsu cùng Chúa Cha cho môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Chúng ta hối hận vì những bất công gây ra chia sẽ và trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng tin nơi quyền năng của Chúa Kitô, Đấng tha thứ và chữa lành.

Tất cả chúng ta được mời gọi cầu xin Thiên Chúa để chiến đấu chống lại bất công, và cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với những tội lỗi đã gây ra sự chia rẽ nơi chúng ta. Sự hiệp nhất các Kitô hữu là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa và chúng ta cần mở lòng để đón nhận với con tim quảng đại và sẵn sàng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm Chúa Nhật III TN C
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:24 23/01/2019
Ngài Xức Dầu Cho Tôi, Sai Tôi Đi…

SUY NIỆM Chúa Nhật III THƯỜNG NIÊN – C

(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Tiếp tục sứ vụ công khai của mình là đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành những người ốm đau bệnh tật, xua trừ ma quỉ, kêu gọi người ta hoán cải, hoàn tất lời các tiên tri đã loan báo: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).

Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng các phép lạ tại Cana (x. Ga 2,1-12), Galilêa và Giêrusalem (Ga 2, 23). Chúa chọn thêm một số môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, Người bắt đầu giảng dạy tại đây. Ngày Sabát đầu tiên Chúa vào hội đường Nagiarét đọc sách và giảng dạy ở đó, khiến mọi người chăm chú lắng nghe và không ngớt lời ca tụng (Lc 1, 1-4).

Được Chúa Cha xức Dầu và sai đi…

Lời của ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu công bố trong hội đường áp dụng vào chính bản thân mình :"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối... trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng" (Lc 4, 14-18). Như thế, Chúa Giêsu loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt, khởi đầu một thời kỳ hoàn toàn mới, thời Đấng Cứu Thế xuất hiện, thời Đấng Messia là chính Người.

Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giêsu một cách rất tự nhiên: "Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21). Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, được Chúa Cha xức Dầu và sai xuống trần gian để thể hiện lòng xót thương qua việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa con người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm mang hạnh phúc, niềm vui, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa đến cho loài người. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ thần linh, thần linh hoá nhân loại, cho nhân loại được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được trở nên con cái của Thiên Chúa trong Thần Khí. Người không được sai đến với những ai tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa là cứu độ và giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.

Như thế, khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Giêsu tự mô tả về con người và sứ mạng của mình, bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng rất uy nghi, đến nỗi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: "Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người"(Lc 4, 20). Cung cách dạy dỗ của người hoàn toàn khác với các thầy dạy luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.

Giáo hội được Chúa sai đi

Nếu như Chúa Giêsu được Chúa Cha xức Dầu hoan Thánh Thần, sai đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người, khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại, thì đến lượt mình, Người cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo hội: "Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em" (Ga 20,21). Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi. Người cũng ban tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: "Hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội, là Chúa Giêsu nối dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể và sứ vụ của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.

Ngày hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội và đã được xức Dầu, Giáo hội muốn chúng ta trung thành sống và thực hành giáo huần của Chúa. Đây là dịp tốt để mỗi người cùng với Chúa Giêsu lặp lại những lời của tiên tri Isaia được công bố trong Phúc Âm như sau: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi..." (Lc 4, 18).

Người Kitô hữu được truyền phải sống Lời Chúa

Như thế, chúng ta được xức Dầu khi chịu Phép Rửa tội và Phép Thêm Sức, được "thánh hiến" cho Thiên Chúa và được sai đi loan báo Tin Mừng. Sống đạo là bước theo Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên con đường yêu thương hiếu thảo đối với Chúa Cha, con đường yêu thương tự hiến cho tha nhân, con đường trở nên hoàn hảo trong tình yêu. Rập khuôn thầy Giêsu, điều đó chúng ta không làm nổi, nhưng với khả năng Chúa ban, chúng ta đủ sức thực thi những việc tha nhân đang cần bằng tất cả đời sống.

Lời Chúa hôm nay rất thiết thực đối với mỗi người. Vậy:

Hãy là đôi chân cho người già yếu, giúp họ đến nhà thờ, đi thăm bà con.

Hãy là đôi tai cho những bạn trẻ đang mong bạn lắng nghe những nỗi lòng của họ.

Hãy là tin mừng cho người đang u sầu bằng những lời chia sẻ ủi an, khích lệ khôn ngoan.

Và hãy đem ánh sáng cho những ai đang lầm đường lạc lối, bằng sự hướng dẫn ân cần đầy thương yêu.

Với ước mong những người xấu số thiệt phận được chúng ta yêu thương, nhất là liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống đời bác ái yêu thương họ là chúng ta thi hành sứ mạng người kitô hữu của mình, những người được xức Dầu. Có thế, đời sống Đạo của chúng ta mới có ý nghĩa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 3 Mùa Thường Niên C 27.1.2019
Lm Francis Lý văn Ca
17:07 23/01/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Đời sống của người tín hữu chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống và Bánh Thánh Thể. Chúng ta là thành phần của thân thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô, tức là Giáo Hội.

Hôm nay, chúng ta theo chân Đức Kitô về làng Nazarét. Ngài vào Hội Đường Dothái Giáo theo như thói quen. Ngài đọc Lời Chúa, áp dụng lời đó cho sứ mệnh của Ngài: Ngài chính là Con Thiên Chúa, được sai đến, sống khó nghèo và rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó. Chúng ta cùng đi với Chúa, cùng học nơi Ngài sứ mệnh Chúa đến trần gian để đem Tin Mừng cho người nghèo khó, yếu đuối.

Học nơi Chúa: tìm Chúa nơi anh chị em bị khinh chê, nghèo khó, bị xã hội ruồng bỏ... Họ là ai? Cũng là người như chúng ta, đã được sinh ra, được Chúa hứa ban phúc trường sinh, họ cũng sẽ được ơn cứu độ, được nâng đỡ, được sống đúng phẩm giá con người như chúng ta... Nếu chúng ta thực hiện được điều trên thì thế giới chúng ta đang sống, mỗi ngày sẽ biến đổi nhiều hơn và đầy tình người.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Đền thờ là trung tâm của đời sống Công Giáo. Mọi sinh hoạt tôn giáo về phụng tự, đều bắt nguồn từ Đền Thờ. Chúng ta có năng đến Đền Thờ Chúa để tham dự việc phụng tự và gặp gỡ anh chị em không?

TRƯỚC BÀI II:
Để xây dựng và phát huy Giáo Hội, đòi hỏi phải có sự hiệp nhất. Đối với Cộng Đoàn cũng thế, muốn cho các hội đoàn được lớn mạnh thì sự hiệp nhất phải là điều đáng lưu tâm hơn hết.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Cùng với Chúa Kitô trở về làng cũ mà Ngài đã sống hơn 30 năm thuở thiếu thời. Nhân ngày Sabbat, Chúa vào hội đường để tham dự ngày lễ theo luật buộc. Anh Chị em chúng ta, ngày hôm nay có còn tuân giữ luật của ngày Chúa Nhật cách nghiêm chỉnh không?



Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đón nhận Lời Chúa làm của ăn cho cuộc sống trần thế. Giờ đây, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho nhu cầu của Cộng Đoàn dân Chúa:

1. Xin cho chúng ta trong cuộc sống cộng đoàn qua những sinh hoạt đoàn thể sẽ giúp chúng ta hiệp nhất nên một trong Đức Kitô. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn phát triển: môt tâm hồn Việt Nam, một nền luân lý Việt Nam, một sự giáo dục, sống đạo theo truyền thống Việt Nam. Xin đừng để những quyến rũ, cạm bẫy của thế giới nầy chôn vùi, những gì chúng ta đã cưu mang, được dạy dỗ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Để bảo tồn và phát huy những đức tính cao đẹp của Mẹ Việt Nam, xin cho chúng ta biết gặp gỡ nhau trong những sinh hoạt tôn giáo với những sắc thái đặc thù của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho những bậc làm cha mẹ, ông bà luôn ưu tư đến thế hệ trẻ, luôn hướg dẫn con cái về những đức tính cao đẹp như: * Tôn kính ông bà cha mẹ. * Thảo hiếu * Tình bằng hữu. * Lòng bác ái. * Đoàn kết. * Yêu thương và sống đùm bộc lẫn nhau. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục
Lạy Cha, là Chủ Tể của mọi dân tộc và thời đại, chúng con cùng quy tụ về đây từ khắp các nẻo đường, để cử hành mầu nhiệm yêu thương. Xin cho chúng con được trở nên nhân chứng của tình yêu Một Chúa Ba Ngôi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 
Thêm Sách Sử Thánh
Lm Vũdình Tường
22:05 23/01/2019
Thánh Luca thánh sử xác nhận có nhiều tác giả viết về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Những vị tiền nhiệm đó tường thuật sự việc; chứng nhân, những người đã nghe thuật lại cuộc đời rao giảng công khai của Đức Kitô và cuộc khổ nạn của Ngài. Thánh Luca xem xét nguồn tài liệu đó cẩn thận, và đúc kết thành nguồn tư liệu cho riêng Ngài. Điểm khác biệt chính trong sách của Ngài là Ngài sắp xếp sự việc theo lớp lang, thứ tự.

'Sau khi đã tra cứu đầu đuôi mọi sự,thiết tưởng cũng tuần tự viết ra' Lk 1,2.

Khi có nhiều nguồn tài liệu khác nhau, người đọc có nhiều tự do trong việc chọn lựa nhưng chọn lựa tự nó cũng có vấn đề vì không biết chọn thứ nào, bỏ thứ nào. Thánh Luca sắp xếp sự việc góp phần vào việc giúp chọn lựa. Thánh Luca xác nhận những bài viết về Đức Kitô rất chính xác và Ngài làm công việc sắp xếp giúp Kitô hữu nhìn rõ hơn, mạch lạc hơn về con người Đức Kitô và công trình cứu chuộc của Ngài.

Đức Kitô nhận phép rửa từ thánh Gioan và Thánh Thần Chúa xuống ngự trên Ngài. Điều này cho biết Ngài là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, đóng Ấn Tín. Đức Kitô về quê và thường sinh hoạt trong hội đường. Người ta đưa cho Ngài sách. Mở sách ra Ngài đọc đoạn tiên tri Isaiah viết: 'Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi'. Đức Kitô nhận Thần Khí Chúa trong ngày Ngài chịu phép rửa vì thế không còn nghi ngờ gì nữa đoạn sách tiên tri Isaiah tiên đoán trên chính là tiên đoán về sứ mạng công khai rao giảng của Đức Kitô. Cách nào đó chính Đức Kitô xác định điều đó khi Ngài nói: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe' Lk 4,21.

Sứ mạng trần thế của Đức Kitô là mang Tin Mừng đến cho mọi người, bắt đầu từ người nghèo khó. Nghèo khó đây không nhất thiết là thiếu ăn, thiếu mặc. Nghèo khó còn mang í nghĩa tinh thần như đói khát sự công chính, nghèo lòng bác ái, từ bi, tha thứ. Với sức mạnh của Thánh Thần, Đức Kitô giải thoát kẻ bị áp bức, giam cầm do tội lỗi gây ra. Giải thoát họ khỏi xiềng xích tội lỗi và chết phần tâm linh. Ngài là sự sáng chiếu dọi vào cõi u tối cuộc đời con người để mang ánh sáng chân lí cho muôn dân. Tất cả những điều trên tóm gọn trong 'Năm Hồng Ân' của Thiên Chúa. Không giống như 'Năm Hồng Ân' dân Do thái công bố mỗi 50 năm. Trong 'Năm Hồng Ân' món nợ vật chất, của cải được tha, xoá bỏ; 'Năm Hồng Ân' của Thiên Chúa có nghĩa Thiên Chúa đến cứu dân Người khỏi xiềng xích tội lỗi, xoá bỏ tội họ đã phạm và cho họ tái sinh trở thành con cái Chúa. Một khi người đó nhận ơn tái sinh, ân sủng Chúa luôn gần bên giúp họ thay đổi lối sống trở thành con cái của sự sống. Thay đổi bắt đầu từ trong tâm hồn và thể hiện cụ thể qua hành động, lời nói đi đôi với việc làm là dấu chỉ của thay đổi trong tâm hồn.

Đức Kitô nhận Thánh Thần Thiên Chúa khi Ngài nhận phép rửa của Gioan, nơi sông Giođan. Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy được chia sẻ Thánh Thần của Đức Kitô. Điều này cũng cùng nghĩa Kitô hữu cùng chia sẻ sứ mạng của Đức Kitô, có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân cho Đấng Cứu thế giữa trần gian. Ba sứ mạng của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương quyền. Kitô cũng chia sẻ ba sứ mạng đó của Đức Kitô. Chúng ta xin ơn luôn làm tròn sứ mạng- tư tế, tiên tri và vương quyền, hứa khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy.

TiengChuong.org

Different Stories

There are many different accounts about the life and death of one man, Jesus, and every single account makes the claim that it is authentic. When there are several options to choose from, one has choices but choosing what is best is not an easy task. St Luke made the task easier by putting the accounts of the life and death of Jesus in a right order.

After carefully going over the whole story from the beginning, said Luke, he decided to write an ordered account Lk 1,2.

When the account is put in a right order it would help us to see a clearer picture. John baptized Jesus in the Jordan River. The Holy Spirit descended upon him like a dove, and Jesus was filled with the Holy Spirit. It confirmed that Jesus is the Anointed One. Jesus went home and that he regularly worshipped in the synagogue. One day they handed him the scroll to read and he found the passage:

The Spirit of the Lord has been given to me, for he has anointed me.

The passage that Jesus read was taken from the prophet Isaiah. It referred to 'the Anointed One' and Jesus is 'the Anointed One'. 'The Anointed One' has a mission to fulfil. It is the public ministry or the mission of Jesus. We are certain of it because Jesus himself said to the people at the synagogue that that: This text is being fulfilled today even as you listen Lk. 4,21.

Jesus' mission is to bring the good news to everyone, beginning with 'the poor". It is not necessarily 'poor' in poverty but all who are thirsty for what is right and just are spiritual poor. Jesus has received God's Spirit at his baptism and God's Spirit is working on him and with him. Jesus is going to set free all afflicted and the oppressed by sin. He will liberate his people from evil's power and spiritual death. His Light will shine and conquer the power of darkness and he will bring hope to the hopeless. All these activities are tied together in the "year of the Lord's favour'. Unlike the jubilee year the Jews celebrates every fifty years. On that year all debts will be cancelled. The 'year of the Lord's favour' will cancel all our sins. It will liberate us from the power of darkness and adopt us to the children of the Light. The 'year of the Lord's favour' means God never leaves his people where he finds them. Once a person encounters with the divine, God's grace always accompanies that person and his/ her life will change towards God. Authentic change happens when one listens to the teaching of Jesus. Authentic change happens from within, from the heart and this changes their way of life. As soon as that person listens to the word of Jesus, change starts and that person would never be the same again. Authentic change is visible through his/her actions and words.

Through baptism we receive the Spirit of the Lord and that means we share the Spirit of 'the Anointed One' and we share also the same mission that Jesus had handed down to his disciples and those who believe in Him. We are called to do the mission, the same kind of work Jesus did when he was on earth. We are called to practice our baptismal promises and that is to be an active agent of God's love for the world.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 11 năm nay
Nguyễn Long Thao
11:38 23/01/2019
Trên chuyến bay từ Roma đi Panama tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận với các ký giả rằng Ngài sẽ tông du Nhật Bản vào tháng 11 năm nay.

Theo tin từ Vatican, ĐGH đã chào đón các ký giả tháp tùng Đức Giáo Hoàng trong chuyến bay đi Panama tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Nhân dịp này, một ký giả hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản hỏi ĐGH rằng liệu Ngài có sẽ thăm Nhật Bản trong năm 2019 không? ĐGH đã trả lời “Tôi đã sẵn sàng, sẽ đi Nhật Bản vào tháng 11 năm nay”

Tuy nhiên, phát ngôn viên tạm thời của ĐGH là ông Alessandro Gisotti, trong một bản tuyên bố đưa ra vào ngày 23 tháng 1, nói rằng chuyến đi của ĐGH đến Nhật Bản đang trong giai đoạn nghiên cứu

ĐGH cũng muốn viếng thăm Iraq nhưng các Giám Mục điạ phương cũng như Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin cho biết điều kiện an ninh chưa cho phép ĐGH viếng thăm Iráq vào lúc này.

Nguyễn Long Thao
 
Những con số thống kê tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
Đặng Tự Do
16:20 23/01/2019
Trong thông cáo báo chí gởi cho các ký giả tham gia tường thuật Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34 diễn ra tại Panama, ban tổ chức cho biết:

Tính cho đến 7 giờ tối ngày 22 tháng Giêng năm 2019, hơn 100,000 người hành hương từ 156 quốc gia đã ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

480 Giám Mục đã ghi danh, nhưng cho đến nay chỉ mới có 48% các vị hiện diện tại Panama. Trong khi đó, theo dự trù 380 Giám Mục sẽ phụ trách các lớp giáo lý tại 137 trung tâm giáo lý, bằng 25 ngôn ngữ.

20,000 tình nguyện viên Panama và 2,445 tình nguyện viên quốc tế đang phục vụ.

Các quốc gia có số lượng tình nguyện viên quốc tế nhiều nhất là Colombia, Brazil, Costa Rica, Mễ Tây Cơ và Ba Lan.

2,500 nhà báo tham gia tường thuật Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.


Source: Ban tổ chức WYD Panama Official figures of the World Youth Day
 
WYD Panama: Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Panama và Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu
Thanh Quảng sdb
17:28 23/01/2019
WYD Panama: Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Panama và Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu

Đối với hàng ngàn người trẻ thì sự xuất hiện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Panama vào chiều thứ Tư đánh dấu sự khởi đầu thực sự của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34.
Có nhiều người chờ đợi ở sân bay cả ngày dù thời tiết nóng 33 ° C và không khí thì ẩm ướt khủng khiếp.
Nhiều người đã thực tập các điệu múa trong nhiều tháng cho sự kiện này. Nhiều người đã sáng tạo ra những trang phục và quốc phục đặc biệt cho dịp này nói lên màu sắc và văn hóa Panama trong biến cố lịch sử này.
1983
Lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đặt chân xuống tông du đất nước Panama 36 năm trước, đó là ngày 5 tháng 3 năm 1983 và vị Giáo hoàng đó là Thánh Giáo hoàng John Paul II.
Thế giới vẫn bị thống trị bởi các siêu cường Bắc Mỹ và Liên Xô, và Công ty Motorola lúc đó vừa ra mắt một loại điện thoại di động đầu tiên, rất khác với điện thoại mà chúng ta đang xử dụng để đọc hoặc nghe báo cáo WYD bây giờ.
2019
Thời gian bay từ Rome đến Thành phố Panama chưa tới 13 giờ, nhưng giờ giấc sai biệt là 6 tiếng. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô trông có vẻ mệt mỏi khi Ngài bước xuống các bậc thang của máy bay Alitalia và được Tổng thống Panama Juan Carlos Varela Rodríguez và Đệ nhất phu nhân chào đón. Đầu cúi, Ngài chăm chú lắng nghe các bài quốc ca của Tòa thánh và Panama, và bắt tay các chính khách hiện diện.
Sau đó, các nhân viên an ninh tháp tùng ĐTC tới một chiếc xe đã chờ sẵn, ĐTC vẫy tay chào đám đông đang hoan hô nồng nhiệt chào đón ĐTC.
Khi nhìn thấy những khuôn mặt tươi cười, đỏ ửng và phấn khởi chào đón mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quên hết mệt nhọc, Ngài tiến tới ôm hôn các em bé và vẫy tay, chúc lành cho tất cả với nụ cười rạng rỡ niềm vui.
Ngày mai (thứ Năm)
Vào thứ Năm, một chương trình dầy đặc dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, bắt đầu bằng cuộc tiếp tân tại Dinh Tổng thống, để thăm viếng Tổng thống và gặp gỡ các Chính khách và Ngoại giao đoàn. Sau đó ĐTC sẽ gặp gỡ các Giám mục vùng Trung Mỹ trước khi dùng bữa trưa.
Nhưng cao điểm của ngày thứ Năm là cuộc gặp gỡ các bạn trẻ trong lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới tại Quảng trường Santa Santa di Antigua chạy dọc theo ven biển.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Giáo phận Hà Tĩnh: Chào mừng Đức Giám Mục tiên khởi và Thánh lễ Tất Niên 2018
LM. Giuse Trần Văn Học
22:35 23/01/2019
Như chúng ta đã biết, vào lúc 12 giờ trưa (giờ Rôma) tức 18 giờ (giờ Việt Nam) thứ Bảy, ngày 22 tháng 12 năm 2018, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh và bổ nhiệm Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục Chính tòa tiên khởi Giáo phận Hà Tĩnh.

Vào lúc 09h00’ thứ Ba, ngày 22 tháng 01 năm 2019, tại Nhà thờ Chính toà Xã Đoài, Đức cha Phaolô đã dâng Thánh lễ tạ ơn, kết thúc sứ vụ mục tử tại Giáo phận Vinh, cũng chính là lúc khởi đầu một sứ vụ mới tại Tân Giáo Phận Hà Tĩnh.

Xem Hình

Đúng 9h00’ thứ Tư, ngày 23 tháng 01 năm 2019, đoàn xe đón Đức cha Phaolô đã từ từ tiến vào khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Văn Hạnh trong tiếng trống kèn rộn rã, những tràng pháo tay hân hoan của cộng đoàn dân Chúa chào đón vị Cha chung tiên khởi về với Tân Giáo phận nhà Hà Tĩnh.

Việc đầu tiên, Đức cha Phaolô tiến vào nhà thờ quỳ trước Thánh Thể Chúa, như một cử chỉ bày tỏ tâm tình cảm tạ tri ân và kính dâng Giáo phận cho Thiên Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, quan thầy của Giáo phận, xin Chúa gìn giữ chở che Giáo phận trong những bước đầu dựng xây.

Sau đó Đức cha ban phép lành cho cộng đoàn tín hữu hiện diện.

Thánh lễ Tất Niên diễn ra tiếp theo sau đó, đồng tế với Đức cha Phaolô có Đức Giám Mục Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh cùng quý cha của hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh. Thánh lễ còn có sự tham dự của quý chủng sinh, tu sĩ nam nữ cùng hàng ngàn tín hữu thuộc hai Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh.

“Đây là một ngày đặc biệt, ngày chúng ta cử hành thánh lễ tất niên nhằm để tri ân, cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân mà Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta, cho gia đình chúng ta… trong suốt một năm qua” – Đức cha Phaolô, trong lời khai lễ, đã ngỏ với cộng đoàn hiện diện trong thánh lễ cùng đông đảo khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ.

Trong bài giảng, Đức cha Phaolô cũng đã gợi lên những tâm tình của vị chủ chăn tiên khởi tại Giáo phận thứ 27 của Giáo Hội Việt Nam: “Giáo phận Hà Tĩnh, một mảnh đất có thể gọi là cái nôi của văn hóa Việt Nam, bởi nơi đây, trên mảnh đất này, đã sinh ra những đại thi hào, những nhà văn tên tuổi của Việt Nam”. Là một người am hiểu nhiều về đời sống văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, Đức cha Phaolô đã lý giải nguồn cội sâu xa đưa đến nét đặc trưng trên của Hà
Tĩnh, theo ngài, “Hà có nghĩa là sông, Tĩnh là êm đêm. Hà Tĩnh là một dòng sông êm đềm. Từ khúc ruột Miền Trung, tân Giáo phận Hà Tĩnh nằm trọn trên mảnh đất khắc nghiệt, gió lào và cát trắng, thế nhưng, cha ông chúng ta, con người Hà Tĩnh đã biến cái khắc nghiệt, khô cằn ấy thành một dòng sông êm đềm. Từ vùng đất sỏi đá khô cằn cũng đã hóa thành yêu thương”.

Cuối thánh lễ, Cha Phanxicô Hoàng Sĩ Hướng thay lời cho đoàn con cái Giáo phận Vinh có lời chào tạm biệt Đức cha Phaolô, cha Phanxicô nói: “Để sinh ra người con Hà Tĩnh, mẹ Giáo phận Vinh đã cưu mang trên 170 năm, và đã chuyển sinh suốt 30 năm. Bất cứ cuộc hạ sinh nào cũng có công lao, có đau đớn. Bất cứ cuộc chia ly nào cũng chất chứa những bùi ngùi, tiếc xót. Nhưng sinh ra là để phát triển, chia tách là để trưởng thành và lớn mạnh. Đó là quy luật muôn thuở của sự phát triển. Mặc dù hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh đã tách nhưng không chia để xa rời”.

Tiếp đến, với tâm tình của một người kế vị và trong vai trò Giám mục Giáo phận Vinh, Giáo phận mẹ, Đức cha Anphongsô có lời chúc mừng chia vui với Đức cha Phaolô. Ngài nói: Sự kiện hôm nay chỉ như bông hoa mới hé nụ để bung nở rực rỡ trong ngày đầu xuân, mồng 7 Tết Kỷ Hợi, ngày đánh dấu sự trưởng thành của người con Hà Tĩnh. Tuy hai Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh ngăn cách bởi dòng sông Lam, nhưng Đức cha Anphongsô ước mong hai bên sẽ thăm viếng nhau “mỗi ngày một lần”, và rồi sẽ có những người con của hai Giáo phận kết duyên với nhau, cùng nhau loan báo Tin Mừng của Chúa, từ đó Vinh và Hà Tĩnh sẽ liền một dải chứ không chia tách bởi đôi bờ của dòng sông Lam mà được nối liền bởi cây cầu Bến Thủy.

Và cuối cùng, bằng hình ảnh bờ vai, điểm tựa cho người khác, cha Phêrô Trần Phúc Chính trong bài cám ơn cuối thánh lễ, đã phác họa nên bức chân dung của vị mục tử nhân lành – Đức cha Phaolô – người đã hơn 8 năm gánh vác những trọng trách nặng nề trong vai trò Giám mục của Giáo phận Vinh, Giáo phận mẹ, trong quảng thời gian có nhiều biến động về mặt xã hội. Người mục tử ấy đã lấy câu khẩu hiệu “Sự thật và Tình yêu” làm phương châm hành động cho công tác mục vụ của mình. Quả thật, Tình yêu mà không có sự thật là tình yêu mù quáng nhưng Sự thật không có yêu thương chỉ là “não bạt phèng la” (1Cr 13, 1). Nhưng sự thật nhiều khi làm mất lòng người như cha ông ta thường nói: Trung ngôn nghịch nhĩ hay thẳng mực tàu đau lòng gỗ. Tuy nhiên, có đau, có trái ý thì cũng phải chấp nhận vì chỉ có “sự thật mới giải thoát anh em” (Ga 8,23) và “thuốc đắng mới dã được bệnh tật”.

Quả thật, hơn 8 năm, bằng đôi bờ vai Sự thật và Tình yêu vị cha chung khả kính đã là điểm tựa cho đoàn con cái Giáo phận Vinh giữa một thời buổi nhiều biến động, có lúc tưởng như nghiêng đổ và rã tan trước sức mạnh của bạo quyền. Nhưng bằng sức mạnh của niềm tin, ngài đã vượt thắng tất cả và kiến tạo một Giáo phận Vinh với tầm vóc lớn mạnh như hôm nay.

Ước mong rằng, trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và nơi những con người đậm tính nhân văn của vùng đất Hà Tĩnh – Quảng Bình, cùng với Lời Chúa là nền đá vững chắc và khẩu hiệu Giám mục “Sự thật và Tình yêu” là châm ngôn hành động của Đức cha Phaolô, sẽ là nguồn sức mạnh và là viên đá góc để xây nên tòa nhà Đức Tin cho Giáo phận Hà Tĩnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ, Phần 3, Chương 3
Vũ Văn An
18:49 23/01/2019
Chương III: Một đà truyền giáo mới

Một số thách thức cấp bách

144. Tính đồng nghị (synodalité) là phương pháp nhờ đó Giáo hội có thể đối đầu với các thách thức cũ và mới, bằng cách tập hợp và đem vào đối thoại các ơn phúc của mọi thành viên của mình, bắt đầu từ giới trẻ. Nhờ công việc của Thượng hội đồng, trong phần thứ nhất của Tài liệu này, chúng ta đã chỉ ra một số môi trường, trong đó cấp thiết phải phát động hoặc canh tân đà hành động của Giáo hội để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa Kitô đã giao phó, và ở đây, chúng ta tìm cách đương đầu một cách cụ thể hơn.

Sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số

145. Môi trường kỹ thuật số đặt ra một thách thức đối với Giáo hội trên các bình diện khác nhau; do đó, điều cần thiết là đào sâu sự hiểu biết các năng động tính của nó và tầm quan trọng của nó theo quan điểm nhân học và đạo đức học. Nó đòi hỏi không những sống trong đó và phát huy các tiềm năng truyền thông của nó nhằm việc công bố Kitô Giáo, mà còn đem sắc thái Tin Mừng vào các nền văn hóa và động lực của nó. Nhiều thí nghiệm theo hướng này đang được tiến hành và cần được khuyến khích, đào sâu và chia sẻ. Ưu tiên mà nhiều người gán cho hình ảnh như một phương tiện truyền thông sẽ không thể không tra vấn các phương thức thông truyền đức tin dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và đọc Thánh Kinh. Như các người trẻ ở độ tuổi của họ, các Kitô hữu trẻ, những người được sinh ra trong môi trường kỹ thuật số, tìm thấy ở đây một sứ mệnh đích thực, trong đó một số người đã dấn thân. Vả lại, chính những người trẻ tuổi cũng yêu cầu được đồng hành trong việc biện phân các khuôn mẫu sống trưởng thành, trong một môi trường kỹ số hóa cao hiện nay, giúp họ nắm bắt cơ hội trong khi xa tránh được các rủi ro.

146. Thượng hội đồng hy vọng rằng trong Giáo hội, nên thiết lập, ở các bình diện thích đáng, các văn phòng và cơ cấu dành cho văn hóa và truyền giảng Tin Mừng bằng kỹ thuật số, với sự đóng góp không thể thiếu của người trẻ, khuyến khích các hành động và suy tư giáo hội trong môi trường này. Trong số các chức năng của chúng, ngoài việc tạo điều kiện cho việc trao đổi và phổ biến các thực hành tốt ở bình diện cá nhân và cộng đồng, và phát triển các phương tiện thỏa đáng về giáo dục kỹ thuật số và truyền giảng Tin Mừng, chúng cũng có thể quản lý các hệ thống chứng nhận các trang mạng Công Giáo, để ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo liên quan đến Giáo hội, hoặc tìm các cách để thuyết phục các cơ quan công quyền phát huy các chính sách và phương tiện luôn khắt khe hơn để bảo vệ trẻ vị thành niên trên Internet.

Di dân: hạ các bức tường và bắc các cây cầu

147. Nhiều di dân là những người trẻ tuổi. Sự hiện diện lan tỏa khắp nơi của Giáo hội mang lại cơ hội tuyệt vời để Giáo Hội bắc cầu đối thoại giữa các cộng đồng nơi họ đi và những nơi họ đến, giúp vượt qua nỗi sợ hãi và sự ngờ vực và củng cố các dây nối kết mà di dân có thể mất đi. "Chào đón, bảo vệ, cổ vũ và tích nhập", bốn động từ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tóm tắt trong các đường hướng hành động có lợi cho di dân là các động từ có tính đồng nghị. Đưa chúng ra thực hành đòi phải có hành động của Giáo hội, ở mọi bình diện, và liên quan đến mọi thành viên của các cộng đồng Kitô giáo. Về phần mình, các di dân, được đồng hành kịp thời, sẽ có thể cung ứng nhiều tài nguyên tinh thần, mục vụ và truyền giáo cho các cộng đồng đón tiếp họ. Cam kết văn hóa và chính trị là điều đặc biệt quan trọng; cần phải điều hướng việc này bằng cách áp dụng mềm dẻo các cơ cấu thích ứng để chống lại việc phổ biến tinh thần bài ngoại, phân biệt chủng tộc và khước từ di dân. Các tài nguyên của Giáo Hội Công Giáo là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống nạn buôn người, như đã được nhấn mạnh qua sự cam kết và hành động rõ ràng của nhiều nữ tu. Vai trò của Nhóm Santa Marta, nhằm liên kết các tu sĩ có trách nhiệm và các lực lượng giữ trật tự, là điều chủ yếu và nói lên một thực hành tốt đẹp mà ta có thể lấy cảm hứng. Cũng không nên làm ngơ các nỗ lực để bảo đảm quyền hữu hiệu được ở lại đất nước của mình đối với những người không muốn di cư nhưng bị buộc phải làm như vậy cả việc hỗ trợ các cộng đồng Kitô giáo mà việc di cư đe dọa sẽ làm mất dân cư.

Phụ nữ trong Giáo hội đồng nghị

148. Một Giáo hội tìm cách sống phong cách đồng nghị sẽ không thể không suy tư về thân phận và vai trò của phụ nữ giữa lòng mình và do đó, cả trong xã hội nữa. Các phụ nữ trẻ và nam thanh niên đang đòi hỏi điều này một cách mạnh mẽ. Các suy tư đã được khai triển đòi phải được đem ra thi hành bởi một công trình hoán cải văn hóa can đảm và thay đổi trong thực hành mục vụ hàng ngày. Một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề này là lãnh vực hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan giáo hội ở mọi bình diện, nhất là trong các chức năng có trách nhiệm, và sự tham gia của phụ nữ vào diễn trình ra quyết định của giáo hội, trong việc tôn trọng vai trò của thừa tác vụ thụ phong. Đây là một nghĩa vụ của công lý, lấy cảm hứng cả từ cách Chúa Giêsu giao tiếp với những người đàn ông và đàn bà thời ấy, lẫn tầm quan trọng trong vai trò của một số nhân vật nữ trong Thánh Kinh. trong lịch sử cứu độ và trong đời sống của Giáo hội.

Tính dục: một từ ngữ rõ ràng, phóng khoáng, chân chính

149. Trong bối cảnh văn hóa hiện nay, Giáo hội đang khổ công truyền tải vẻ đẹp của viễn kiến Kitô giáo về tính thể xác và tính dục, như được phản ánh trong Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền của các Giáo hoàng mới đây. Do đó, việc tìm kiếm các phương tiện thích ứng hơn tỏ ra khẩn thiết, bằng cách tự diễn dịch cụ thể qua việc khai triển chi tiết các nẻo đường huấn luyện mới mẻ. Cũng cần phải cung cấp cho người trẻ một nhân học về cảm giới và tính dục có khả năng mang lại giá trị đích thực cho đức trong sạch, bằng cách chứng tỏ một cách hợp khôn ngoan sư phạm ý nghĩa chân thực nhất của nó đối với sự phát triển của con người trong tất cả các bậc sống của họ. Nghĩa là đánh cuộc trên việc lắng nghe đầy thấu cảm(empathique), đồng hành và biện phân, trong đường hướng mà Huấn quyền gần đây đã xác định. Muốn được thế, cần phải cẩn thận lưu ý tới việc đào tạo các tác nhân mục vụ sao cho họ đáng tin cậy, bắt đầu từ sự trưởng thành trong các chiều kích cảm giới và tính dục của họ.

150. Có những câu hỏi liên quan đến cơ thể, cảm giới và tính dục cần một khai triển nhân học sâu sắc hơn, trên bình diện thần học, mục vụ, một khai triển phải được thực hiện theo phương thức thỏa đáng và ở các bình diện thích đáng nhất (từ địa phương đến hoàn vũ). Trong số này, có phương thức khác biệt và hài hòa giữa bản sắc nam tính và nữ tính và phương thức các xu hướng tính dục. Về phương diện này, Thượng hội đồng tái khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi người và Giáo hội cũng như vậy, bằng cách đổi mới cam kết của mình chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực liên quan đến xu hướng tính dục. Giáo hội cũng tái khẳng định tầm quan trọng nhân học xác định ra sự khác biệt và hỗ tương giữa người đàn ông và người đàn bà, và coi là giản lược việc xác định căn tính người ta chỉ dựa vào "xu hướng tính dục" của họ (Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc chăm sóc mục vụ đối với các người đồng tính, ngày 1 tháng 10 năm 1986, số 16).

Trong nhiều cộng đồng Kitô giáo, đã có những nẻo đường đồng hành trong đức tin của những người đồng tính: Thượng hội đồng khuyến cáo việc khuyến khích những nẻo đường này. Trên những nẻo đường này, người ta được giúp đỡ để đọc lại lịch sử của họ, trung thành một cách tự do và có trách nhiệm với ơn gọi rửa tội của họ, nhìn nhận ước nguyện thuộc về và đóng góp vào cuộc sống của cộng đồng, biện phân các hình thức tốt hơn để thể hiện ước nguyện này. Theo cách này, cần phải cho phép mỗi người trẻ, không trừ ai, luôn tích hợp nhiều hơn chiều kích tính dục vào nhân cách họ, bằng cách lớn mạnh hơn trong phẩm chất các mối tương quan hệ và hướng tới việc hiến mình.

Kinh tế, chính trị, việc làm, ngôi nhà chung

151. Giáo hội dấn thân vào việc cổ vũ đời sống xã hội, kinh tế và chính trị dưới hiệu lệnh công lý, liên đới và hòa bình, như người trẻ đã yêu cầu một cách mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự can đảm để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói bên cạnh các nhà lãnh đạo thế giới, bằng cách tố cáo tham nhũng, chiến tranh, buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy và bóc lột các tài nguyên thiên nhiên, và mời những người chịu trách nhiệm đối với nó hoán cải. Trong viễn tượng toàn bộ, điều đó không thể tách rời khỏi cam kết ủng hộ việc hoà nhập những người dễ bị tổn thương nhất, nhờ các diễn trình cho phép họ, không những tìm được giải đáp cho các nhu cầu của họ, mà còn góp phần của họ vào việc xây dựng xã hội.

152. Ý thức rằng "việc làm tạo ra chiều kích căn bản của sự tồn tại của con người trên trái đất" (Thánh Gioan Phaolô II, Laborem exercens, Số 4) và thiếu việc làm là điều nhục nhã đối với nhiều người trẻ, Thượng hội đồng khuyến cáo các Giáo hội địa phương tạo điều kiện và đồng hành việc hội nhập người trẻ vào thế giới này, nhất là bằng cách hỗ trợ các sáng kiến chuyên nghiệp dành cho người trẻ. Các kinh nghiệm trong đường hướng này phần lớn đã hiện diện trong nhiều giáo hội địa phương và cần được nâng đỡ và củng cố.

153. Việc cổ vũ công lý cũng liên quan đến việc quản lý tài sản của Giáo hội. Người trẻ cảm thấy như ở nhà trong một Giáo hội, trong đó, kinh tế và tài chính được điều hành trong sự minh bạch và nhất quán. Các lựa chọn can đảm trong viễn ảnh phát triển bền vững, như đã được thông điệp Laudato si ' chỉ ra, là những điều cần thiết, bao lâu việc thiếu tôn trọng môi trường phát sinh ra nhiều cảnh nghèo đói mới, mà người trẻ vốn là các nạn nhân đầu tiên. Các hệ thống cũng có thể được thay đổi bằng cách chỉ rõ việc có thể sống chiều kích kinh tế và tài chính một cách khác. Giới trẻ đang thúc đẩy Giáo hội trở thành tiên tri trong lĩnh vực này, bằng lời nói, nhưng trên hết bằng các lựa chọn có thể cho thấy điều này: một nền kinh tế thân thiện với con người và môi trường là điều có thể. Với họ, chúng ta có thể làm điều đó.

154. Liên quan đến các câu hỏi sinh thái, điều quan trọng là cung ứng các đường hướng hướng dẫn việc đưa thông điệp Laudato si’ vào ứng dụng thực tế trong các thực tại giáo hội. Một số lớn các góp ý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung ứng cho người trẻ một nền đào tạo về tham gia chính trị xã hội và về học thuyết xã hội của Giáo hội, vốn là một tài nguyên tuyệt vời về phương diện này. Những người trẻ tham gia chính trị phải được hỗ trợ và khuyến khích làm việc cho một sự thay đổi thực sự các cơ cấu xã hội bất công.
Trong các bối cảnh liên văn hóa và liên tôn giáo.

155. Đa nguyên văn hóa và tôn giáo là một thực tại đang phát triển trong đời sống xã hội của những người trẻ tuổi. Các Kitô hữu trẻ cung ứng một chứng từ đẹp đẽ cho Tin Mừng, khi họ sống đức tin của họ một cách có thể thay đổi cuộc sống và hành động hàng ngày của họ. Họ được kêu gọi mở lòng mình ra cho những người trẻ tuổi của các truyền thống tôn giáo và tâm linh khác, và duy trì với họ những mối liên hệ chân chính nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hàn gắn các thiên kiến và định kiến. Do đó, họ là những người tiên phong của một hình thức đối thoại liên tôn và liên văn hóa mới, giúp giải phóng các xã hội của chúng ta khỏi chính sách loại trừ, chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa cực đoan, cũng như việc thao túng tôn giáo cho các mục đích phe phái hoặc dân túy. Là các chứng tá của Tin Mừng, những người trẻ này, cùng với các người đồng tuổi, trở thành những người tự tay tạo ra một loại công dân biết hòa nhập sự đa dạng và một thứ dấn thân tôn giáo có trách nhiệm về phương diện xã hội và biết cổ vũ các mối liên hệ xã hội và hòa bình.

Gần đây, chính theo đề nghị của người trẻ, các sáng kiến đã được phát động nhằm cung ứng cơ hội để cảm nghiệm sự chung sống giữa những người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác nhau, để mọi người, trong bầu không khí thân hữu và việc tôn trọng các tín ngưỡng liên hệ, nên trở thành các tác nhân của một dấn thân chung và được chia sẻ trong xã hội.

Giới trẻ vì đối thoại đại kết

156. Liên quan đến con đường hòa giải giữa mọi Kitô hữu, Thượng hội đồng rất biết ơn đối với lòng ước muốn của nhiều người trẻ trong việc làm phát triển sự hợp nhất giữa các cộng đồng Kitô giáo bị chia rẽ. Bằng cách dấn thân vào đường hướng này, người trẻ rất thường đào sâu nguồn gốc đức tin của họ và trải nghiệm một sự cởi mở thực sự đối với những gì người khác có thể hiến tặng. Họ hiểu rằng Chúa Kitô vốn đã kết hợp chúng ta, mặc dù vẫn còn một số khác biệt. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định nhân dịp viếng thăm Thượng phụ Bartholomew năm 2014, chính những người trẻ "ngày nay đang yêu cầu chúng ta thực hiện các bước tiến để hiệp thông trọn vẹn. Và điều này không phải vì họ bỏ qua tầm quan trọng của những khác biệt vẫn còn phân rẽ chúng ta, nhưng vì họ biết cách nhìn xa hơn, họ có thể thu thập những điều thiết yếu vốn đã kết hợp chúng ta "(Đức Phanxicô, Lên tiếng nhân dịp Phụng vụ thánh, Nhà thờ Thượng phụ Thánh George, Istanbul, ngày 30 tháng 11 năm 2014).

Kỳ sau: Chương IV: Đào tạo toàn diện
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Bên Cầu
Tấn Đạt
09:21 23/01/2019
TRĂNG BÊN CẦU
Ảnh của Tấn Đạt
Ngắm trăng viễn xứ bên cầu
Nhớ về quê cũ thương cầu tre xưa.
(bt)
 
VietCatholic TV
Tưng bừng Khai Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:28 23/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 5g chiều thứ Ba 22 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta, của tổng giáo phận thủ đô Panama đã chủ sự thánh lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Campo Santa María la Antigua, nghĩa là Cánh Đồng Đức Mẹ Cố Hương, thuộc vành đai duyên hải Cinta Costera I.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói:


Chúng tôi vô cùng vui mừng vì sự hiện diện của các bạn. Hôm nay, Panama tiếp đón các bạn với một trái tim và vòng tay mở rộng. Cảm ơn các bạn đã chấp nhận lời mời gọi đến gặp chúng tôi tại quốc gia nhỏ bé này, một trong những nơi đức tin đã đến được nhờ bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Santa Maria la Antigua (Đức Mẹ Cố Hương). Đất nước Panama đã làm hết sức mình để mỗi người trong các các bạn có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Chúng tôi là giáo phận đầu tiên trên “Tierra Firme” [nghĩa là Miền Đất Lớn, là danh xưng người Tây Ban Nha dùng để chỉ vùng đất mới chinh phục được bao gồm những miền đất chung quanh biển Caribê và vịnh Mễ Tây Cơ – chú thích của người dịch], và từ đây, Tin Mừng chiếu tỏa rạng ngời lên phần còn lại của Mỹ châu, luôn luôn dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ luôn đồng hành cùng chúng ta; đó là lý do tại sao không lạ lùng chút nào khi nói rằng trong cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, chính Đức Maria là người đã khuyến khích và tiếp tục khuyến khích chúng ta hướng tới việc cử hành sự kiện lịch sử này, trong đó, chúng ta, những người trẻ trên thế giới, sẽ sống chung với nhau.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho phép chúng tôi được là nước chủ nhà của Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên trong đó Đức Maria, “ngôi sao truyền giáo” được đề nghị với các bạn như là mẫu gương cho sự dũng cảm và lòng can đảm. Mẹ sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa trong dự án mà Mẹ đã quyết định dấn thân thực hiện, và lời đáp của Mẹ là chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ này: “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38).

Cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã tin tưởng chúng tôi và cho chúng tôi cơ hội được tổ chức một cuộc gặp gỡ cho các thanh niên thuộc những vùng ngoại vi hiện sinh và địa lý. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ là một hương liệu xức lên những tình hình khó khăn trong đó nhiều người trong số họ sống mà không có hy vọng, đặc biệt là các thanh niên bản địa và các thanh niên gốc Phi Châu, cũng như các thanh niên di dân là những người gần như chẳng nhận được chút hồi đáp nào từ quê hương bản quán của mình trước các khó khăn, đến mức họ phải tìm hy vọng nơi các nước khác, dù cho họ có thể trở thành những nạn nhân của nạn buôn bán ma túy, buôn bán người, các loại tội phạm, và nhiều tệ nạn xã hội khác.

Đối với Giáo Hội Công Giáo tại Panama, cũng như Giáo Hội tại các nước khác, trong tình hiệp thông với Liên Hội Đồng Giám Mục Trung Mỹ, bao gồm tất cả các giám mục của khu vực, các bạn rất quan trọng. Toàn bộ một cơ cấu nhân loại đã cố gắng tổ chức để các bạn có thể có những điều kiện cần thiết nhất để sống một cuộc hành hương ở quốc gia nhỏ bé này. Các bạn, những người hành hương thân yêu của các quốc gia khác nhau trên hành tinh của chúng ta, sẽ gặp gỡ một phần thu nhỏ của toàn bộ thế giới ở Panama này. Chúng tôi được phục vụ các bạn, được trở thành một điểm gặp gỡ, hiệp nhất trong đa dạng, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc, tuổi tác, giới tính; là một phúc lành cho đất nước chúng tôi.

Cảm ơn các bạn đã hiện diện trên đất nước này, mà bắt đầu từ bây giờ, là thủ phủ của thanh niên toàn thế giới, nơi mà, với sự ấm áp của tình huynh đệ và khí hậu của mùa này, các điều kiện thuận lợi được tạo ra để các bạn có thể cùng chung vui với anh chị em của mình, chia sẻ các ước mơ, hy vọng và các dự án, và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, cam kết đem lại một cuộc cách mạng của tình yêu, là điều sẽ không dễ dàng, nhưng không phải là không thể nếu chúng ta đặt niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa.

Những người hành hương sẽ thấy đất nước này như thế nào?

Những người đã có kinh nghiệm về những ngày thăm viếng các giáo phận ở cả Panama và Costa Rica đã có một ví dụ về cuộc sống của người hành hương trên đất nước nhỏ bé này.

Người dân của chúng tôi sẵn sàng đón tiếp các bạn, chia sẻ truyền thống của họ, sự phong phú đa sắc tộc và đa văn hóa, nhưng đặc biệt là chia sẻ niềm vui của đức tin vào cùng một Thiên Chúa, Đấng đang hành động giữa chúng ta, trong lịch sử cá nhân và cộng đồng của chúng ta.

Các giáo xứ và nhà ở đã có sự chuẩn bị cần thiết để đưa ra những gì tốt nhất của chúng tôi: đó là tình cảm, sự gần gũi, tình huynh đệ, để đón nhận các bạn như trong một gia đình thực sự, gia đình của Thiên Chúa.

Sự cởi mở để lắng nghe tiếng Chúa.

Trong những ngày của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, các bạn sẽ có cơ hội được học giáo lý với các vị Giám Mục của các quốc gia khác nhau (các bạn có thể mong đợi một sự huấn giáo thú vị). Khu vườn Tha thứ sẽ có những không gian để xưng tội, để hòa giải chính mình với Thiên Chúa; Liên hoan Thanh niên nơi nhiều tài năng từ nhiều quốc gia sẽ mang đến cơ hội làm sống dậy tinh thần của bạn; và cuộc gặp gỡ đặc biệt nhất với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, là phần lương thiêng liêng của chúng ta để đối phó với những thử thách của cuộc sống.

Cuộc gặp gỡ này, giữa những người trẻ tuổi và Chúa Giêsu Kitô sẽ giúp các bạn gặp gỡ với chính mình và nhận ra sự nhồi sọ của cái hệ thống phản giá trị đang thịnh hành khi con người tìm kiếm hạnh phúc giả tạo. Nó quá phù du đến nỗi mang đến bao nhiêu những tuyệt vọng và cơ man những tấn kích vào tâm trí và tinh thần của chúng ta; và, tối hậu, chẳng lấp đầy được sự trống rỗng hiện sinh trong lòng người.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng duy nhất có thể đưa ra lời mời gọi như thế, vẫn còn đó, kiên nhẫn, mãnh liệt, đầy sự dịu dàng. Có lẽ với tư cách là một Giáo Hội, chúng ta đã không thể truyền tải điều này với một sự minh bạch đúng mức bởi vì đôi khi người lớn chúng tôi nghĩ rằng những người trẻ không muốn lắng nghe, rằng họ điếc đặc và trống rỗng về đàng thiêng liêng. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Các bạn cần sự hướng dẫn và đồng hành của chúng tôi, nhưng trên hết chúng tôi cần lắng nghe các bạn.

Chúng tôi biết rằng bạn không dễ bị thuyết phục. Những câu nói, những bài phát biểu kịch tính và những khẩu hiệu được thiết kế để kích động cảm xúc không có tác dụng.

Chúng ta biết rằng cũng giống như trong thời Chúa Giêsu, những người trẻ tuổi tìm kiếm các chứng tá, các điểm tham chiếu có nội dung thực sự và đầy kinh nghiệm, của những người đã đi trước vạn dặm trên con đường bằng đôi chân của mình, chứ không tìm kiếm những nhà thông thái về Thiên Chúa. Các bạn tìm kiếm ai đó để chỉ cho các bạn thấy Chúa qua cuộc sống của họ chứ không phải ai đó nói về Chúa.

Những người trẻ tuổi, nhân vật chính thực sự của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Giáo Hội chúng ta đang chờ đợi mùa xuân tươi trẻ này. Chúng tôi tin tưởng vào các bạn, chúng tôi có rất nhiều kỳ vọng nơi các bạn, bởi vì các bạn hoàn toàn tin rằng những nhân vật chính thực sự cho sự thay đổi và biến đổi mà nhân loại và Giáo Hội cần đến đang nằm trong tay các bạn, trong khả năng của các bạn, trong tầm nhìn của các bạn về một thế giới tốt đẹp hơn.

Để thực hiện thử thách lớn này, các bạn phải chuẩn bị lương tâm của mình, biết rõ cá nhân, gia đình, xã hội và văn hóa của các bạn, nhưng trên hết là đức tin của các bạn. Chỉ lúc đó, khi được truyền lại từ bàn tay của ông bà và những người lớn tuổi, các bạn mới có thể biến đổi những tình huống bất công và bất bình đẳng đang làm tổn thương xã hội bằng niềm vui của Tin Mừng.

Đức Trinh Nữ Maria và chủ đề Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này

Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ trẻ thành Nagiarét, là một mẫu gương đáng tin cậy để noi theo vì sự cởi mở của Mẹ và sự sẵn sàng tuân theo thánh ý Chúa. Đó là người phụ nữ trẻ dám đưa ra tiếng “Xin Vâng” đối với kế hoạch của Thiên Chúa, mà không sợ hãi, bất chấp những hệ quả của điều đó, giữa chập chùng những rủi ro mà điều này có thể mang lại trong những khoảnh khắc đó. Nhưng bất kể những điều này, Mẹ nói tiếng “Xin Vâng”, bởi vì Mẹ biết lời hứa mà Thiên Chúa đã thực hiện với dân Người, rằng Chúa sẽ gửi Đấng Cứu Độ đến trong thế gian. Cuộc sống đức tin của Mẹ đã đem đến cho Mẹ sức mạnh và niềm tin vào Thiên Chúa, để đón nhận sứ mạng làm mẹ của Thiên Chúa hóa thành nhục thể.

Trong mắt của Đức Maria, mỗi thanh niên có thể khám phá lại vẻ đẹp của sự sáng suốt; trong trái tim Mẹ, các bạn có thể trải nghiệm sự dịu dàng, thân mật, và can đảm trong chứng tá và sứ vụ của Mẹ.

Do đó, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này đã được phó thác cho Đức Maria. Phó thác vào Đức Maria không chỉ là xin Mẹ giúp chúng ta hoặc cầu bầu cho chúng ta trong mọi chuyện. Phó thác vào Đức Maria còn có nghĩa là hành động như Mẹ. Chúng ta hãy bắt chước sự cởi mở của Mẹ trong phục vụ, như Mẹ đã làm cho người chị họ Elizabeth. Chúng ta có dám bắt chước Mẹ mở rộng tâm hồn mình đủ lớn để một lưỡi gươm có thể đâm vào trái tim như đã từng xảy ra với Đức Maria khi Mẹ đồng hành cùng Con Mẹ trong cuộc thương khó và kiên nhẫn chờ đợi niềm vui Phục sinh không?

Trong tiến trình chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, chúng ta đã thấy và phát hiện ra trong Giáo Hội chúng ta có những người trẻ có khả năng hiến thân cho người khác. Tài năng trẻ và khả năng lãnh đạo đã xuất hiện trong việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này, họ đã trao ban chính mình bất kể thời gian. Đây là một minh chứng đầy thuyết phục cho thấy các bạn có thể đảm nhận các dự án không thể tưởng tượng được.

Thanh niên bản địa hữu hình và thanh niên gốc Phi

Cũng đã có một trải nghiệm tuyệt vời với thanh niên bản địa và thanh niên gốc Phi. Họ đã có những cuộc gặp gỡ trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới để thực tế cụ thể của họ trở thành một phần của ngày hội này. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vì lần đầu tiên, họ có một không gian cụ thể.

Ngày Giới trẻ Thế giới ở khu vực này sẽ không thể thực hiện được nếu không thể hiện tình trạng của họ một cách cụ thể vì họ đại diện cho một số lượng đáng kể dân số của đại lục này. Họ là những thanh niên sống trong tình huống bị loại trừ và phân biệt đối xử, luôn thấy mình sốngbên lề xã hội và trong nghèo đói.

Trong Diễn đàn Hậu duệ Châu Phi của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, các nhà lãnh đạo trẻ của các tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau đã cho thấy khả năng đưa ra câu trả lời cho các tình huống bị phân biệt đối xử và loại trừ của họ, đồng thời yêu cầu phải có các chính sách công cộng trong khuôn khổ công lý, giáo dục, công ăn việc làm và sự bình đẳng của phụ nữ về văn hóa và sắc tộc, cả trong không gian xã hội và tôn giáo. Tầm quan trọng của việc khôi phục ký ức lịch sử về ông bà và người lớn tuổi cũng có tầm quan trọng sống còn đối với các thanh niên gốc Phi.

Giới trẻ bản địa đã có cuộc gặp gỡ thế giới của họ, nơi họ cũng tập trung vào ký ức sống động về các dân tộc của mình, cuộc chiến để duy trì sự hòa hợp với Đất mẹ từ sự phong phú của các nền văn hóa của họ dưới ánh sáng của thông điệp Laudato Si và tầm quan trọng của việc dự phần xây dựng của một thế giới tốt đẹp hơn. Đối với giới trẻ bản địa, thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô thật là đáng khích lệ.

Một công cụ để đào tạo: DOCAT

Cùng với các bài giáo lý trong khuôn khổ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, chúng tôi đề nghị các bạn tìm hiểu Học thuyết xã hội của Giáo Hội, thông qua một công cụ công nghệ nhằm tăng cường khả năng lãnh đạo của người trẻ. Đây là một giấc mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô mà chúng tôi cũng muốn các bạn trẻ hành hương, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc khu vực Trung Mỹ, bởi vì một cách để đối phó với những nghịch cảnh từ đức tin của chúng ta là chúng ta phải biết về tư tưởng xã hội của Giáo Hội, để biến cuộc cách mạng tình yêu và công lý thành một thực tại.

Món quà của Đức Thánh Cha dành cho giới trẻ Trung Mỹ là Sách DOCAT và chương trình ứng dụng DOCAT sẽ được trao tặng trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và là một cơ hội để các bạn có thể đón nhận vai trò lãnh đạo của mình một cách có trách nhiệm.

Các Thánh bảo trợ

Trong tông huấn Gaudete et exsultate, bàn về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự thánh thiện có những rủi ro, thách thức và cơ hội. Bởi vì “Đức Kitô đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Êph 1: 4).

Và nên thánh không có nghĩa là có khuôn mặt như các nhân vật trong hình các vị thánh mà chúng ta mua ở bất cứ đâu. Không, anh chị em thân mến, các bạn trẻ thân mến. Tất cả chúng ta đều có thể nên thánh: ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng sự tồn tại của chúng ta không có giá trị vì tất cả những tội lỗi chúng ta đã phạm. Tất cả chúng ta có thể sống và đạt đến sự thánh thiện.

Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng để trở thành một vị thánh, các bạn phải đi ngược lại với trào lưu. Các bạn phải biết cách khóc, phải biết để lại sau lưng luận lý “ngăn chặn đau khổ” bằng cách “dồn hết năng lượng vào chuyện trốn chạy những tình huống khổ đau”. Nên thánh là vượt thoát khỏi sự băng hoại về tinh thần và vật chất, và vượt thắng tất cả những nguyên nhân khiến chúng ta xấu xa và xúc phạm đến Chúa.

Nên thánh là bảo vệ những người bất lực: những thai nhi chưa chào đời, và cả những người phải chào đời trong bất hạnh. Nên thánh là bảo vệ những người di cư, những người tìm kiếm công lý, cầu nguyện, sống và yêu thương cộng đồng của mình, vui vẻ và có khiếu hài hước, luôn đấu tranh, thoát khỏi sự tầm thường, sống trong lòng thương xót của Chúa và chia sẻ với người lân cận.

Trở thành một vị thánh không phải là một huyền thoại. Đó là một thực tế hữu hình. Cuộc đời của các vị thánh bảo trợ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là bằng chứng về điều này: Thánh Martin de Porres, Thánh Rôsa thành Lima, Thánh Juan Diego, Thánh José Sánchez del Río, Thánh Gioan Bosco, Chân Phước Nữ Tu María Romero Meneses, Thánh Óscar Romero, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tất cả đều cho chúng ta thấy rằng một cuộc sống thánh thiện là điều có thể trong mọi nền văn hóa và dân tộc, không phân biệt giới tính, cũng như tuổi tác. Sự tự hiến hào phóng cuộc đời họ cho Chúa và người lân cận đã khiến họ đạt đến sự thánh thiện.

Đừng sợ, các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm trở thành những vị thánh trong thế giới ngày nay. Các bạn không phải từ bỏ tuổi trẻ hay niềm vui của bạn vì điều này. Trái lại, chúng ta có thể hài lòng và hạnh phúc với những điều đơn sơ bé mọn, bởi vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng là lý do cho niềm vui của chúng ta, đã dành sẵn cho chúng ta sự sống đời đời với sự Phục sinh của Người.

Các bạn trẻ đã chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới thân mến, tôi mời gọi các bạn hãy cởi mở với cuộc sống, từ thời điểm này trở đi, với sự khiêm nhường và sự sẵn sàng của những tín hữu đã trải nghiệm lịch sử tại eo biển Panama này, nơi đức tin đã đến hơn 500 năm trước. Chúng tôi hy vọng rằng hôm nay bạn có thể nói vào cuối Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới rằng chúng ta đã sai các môn đệ mới của Chúa Giêsu Kitô đến trong thế gian để tỏa ra niềm vui của Tin Mừng trên toàn thế giới. Tin Mừng về lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa.

Trong những ngày này, Thành phố Panama sẽ là một “ngôi nhà cầu nguyện và quảng bá đức tin Kitô” tuyệt vời. Lời Chúa sẽ vang lên mọi lúc và mọi nơi trên Panama.

Mọi thứ đã sẵn sàng để sống lễ hội tình yêu này vì Chúa ở giữa chúng ta. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chính Đức Maria là người dắt tay chúng ta đến đây và Đức Thánh Cha Phanxicô, với tư cách là Đại diện của Chúa Kitô, sẽ củng cố và tái khẳng định chúng ta trong đức tin.


Source:WYD Panama - HOMILY OF THE MASS WELCOMING THE PILGRIMS
 
WYD - Lễ nghi đón tiếp trọng thể Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Tocumen, Panama
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:54 23/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha đã rời phi trường quốc tế Fumicino của Rôma lúc 9 giờ 30 sáng thứ Tư, 23 tháng Giêng để sang Panama chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Sau 13 giờ bay, ngài đã tới phi trường Tocumen của thủ đô Panama vào lúc 4 giờ 30 chiều cùng ngày, theo giờ địa phương.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Tocumen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Panama từ 23-27 tháng Giêng là chuyến tông du thứ 26 của ngài bên ngoài nước Ý. Trong chuyến thăm này, ngài sẽ đọc 7 diễn từ, và 4 bài giảng trong các Thánh Lễ và trong một buổi phụng vụ sám hối.

Ra đón Đức Thánh Cha chúng tôi thấy có tổng thống Juan Carlos Varela và phu nhân, Đức Tổng Giám Mục Mirosław Adamczyk, là sứ thần Tòa Thánh tại Panama, Đức Tổng Giám Mục Jose Domingo Ulloa Mendieta của tổng giáo phận thủ đô Panama và đông đảo các vị Giám Mục khác cùng với các vị trong chính quyền dân sự Panama.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tổng thống Juan Carlos Varela sinh ngày 13 tháng 12 năm 1963 là một chính trị gia người Panama và là Tổng thống Panama từ năm 2014. Ông Varela từng là Phó Tổng thống Panama từ năm 2009 đến 2014. Trước đó, ông từng từ Bộ trưởng Ngoại Giao từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 8 năm 2011. Ông cũng từng là Chủ tịch của đảng Panameñistas là đảng chính trị lớn thứ ba ở Panama, từ năm 2006 đến 2016.

Tổng thống Juan Carlos Varela là một người Công Giáo nhiệt thành và là thành viên của phong trào Opus Dei. Ông là con của một gia đình giầu có vào bậc nhất tại Panama và đã từng theo học kỹ sư tại Hoa Kỳ. Năm 1992, ông kết hôn với nữ ký giả Lorena Castillo. Hai người đã có 3 người con.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tổng thống Juan Carlos Varela đang giới thiệu các thành viên trong nội các với Đức Thánh Cha.

Panama theo chế độ dân chủ lập hiến, trong đó tổng thống Panama vừa là lãnh đạo quốc gia vừa là lãnh đạo chính phủ, và đồng thời là tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Cơ quan hành pháp gồm có Tổng thống, và 2 Phó Tổng thống, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Nội các được chỉ định bởi Tổng thống.

Cơ quan lập pháp bao gồm Quốc hội lập pháp lưỡng viện gồm 71 thành viên được bầu cử với nhiệm kỳ 5 năm.

Cơ quan tư pháp bao gồm Tối Cao Pháp Viện gồm 9 thẩm phán được chỉ định với nhiệm kỳ 10 năm; 5 tòa án tối cao, và 3 tòa thượng thẩm.

Panama có tên gọi gọi chính thức là nước Cộng hoà Panama, là một quốc gia ở Trung Mỹ. Quốc gia này có biên giới với Costa Rica về phía tây, Colombia về phía đông nam, biển Caribê về phía bắc và Thái Bình Dương về phía nam. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Panama City, đó là một đại đô thị và là nơi cư trú của hơn 2 triệu dân trong tổng số 4 triệu dân của nước này.

Trước khi người Tây Ban Nha đến vào thế kỷ 16, Panama là vùng đất của các bộ lạc bản địa người da đỏ. Panama tách khỏi Tây Ban Nha vào năm 1821 và gia nhập một liên hiệp mang tên Cộng hoà Đại Colombia. Đến khi Đại Colombia giải thể vào năm 1831, Panama trở thành Cộng hoà Colombia. Do được Hoa Kỳ giúp đỡ, Panama ly khai từ Colombia vào năm 1903, và cho phép Hoa Kỳ xây dựng kênh đào Panama từ năm 1904 đến 1914. Năm 1977, một hiệp định được ký kết theo đó Hoa Kỳ chuyển giao toàn bộ kênh đào cho Panama cho quốc gia này vào ngày 31 tháng 12 năm 1999.

Doanh thu từ thuế kênh đào tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong GDP của Panama. Tuy nhiên, thương mại, ngân hàng và du lịch cũng là các lĩnh vực đang phát triển và mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho quốc gia này. Năm 2015, Panama đứng thứ 60 thế giới về chỉ số phát triển nhân bản. Kể từ năm 2010 đến nay, Panama giữ vững vị trí là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh thứ nhì tại Mỹ Latinh.

Rừng rậm bao phủ 40% diện tích đất liền Panama, tại đó có nhiều loài động thực vật nhiệt đới, một số không thấy được ở những nơi khác.

Sau nghi thức tiếp đón, Đức Thánh Cha đã về nghỉ tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh.