Ngày 22-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/01: Đạo Hiếu – Mùng 2 Tết Quý Mão – Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên – Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:52 22/01/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

Đó là lời Chúa
 
Làm Con Phải Lấy Chữ Hiếu Làm Đầu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:28 22/01/2023
Làm Con Phải Lấy Chữ Hiếu Làm Đầu

Suy Niệm Lễ Mùng Hai Tết 2023

Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày Mồng Một Tết, là Ngày cầu cho thế giới được hòa bình, quốc thái dân an, gia đình ấm êm hạnh phúc.

Hôm nay Ngày Mồng Hai Tết, ngày kính nhớ tổ tiên ông bà, cha mẹ, những người đã cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục chúng ta thành người.

Thứ bốn thảo kính cha mẹ

Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Ý tưởng của Lời ca nhập lễ nhắc nhớ chúng ta : “Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân...”. Lời nguyện tiến lễ mới đẹp làm sao : “Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài”.

Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là bổn phận của kẻ làm con. Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Ước muốn sống lâu, sống hạnh phúc trên địa cầu này là lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới, bởi ai cũng mơ sống hạnh phúc, khang an và trường thọ. Chúa dạy : “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Ngoài việc sống vui sống hạnh phúc, kẻ tôn kính mẹ cha còn được tha thứ tội lỗi : “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm” (Hc 3,2). Được nhận lời khi cầu xin: “Ai hiếu thảo với cha mẹ, khi cầu xin họ sẽ được lắng nghe” (Hc 3,5b). Được con cái báo đền : “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái” (Hc 3,5a). Vì “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đấy”. Người bất hiếu với cha mẹ sẽ bị con cái đối xử tàn tệ hơn. Người có hiếu với cha mẹ cũng sẽ được con cái đối xử tốt đẹp. Được ơn lành tích trữ trong kho tàng : “Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,4).

Triết lý chữ hiếu qua chiếc bánh chưng xanh

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha.

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ VI là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: ”Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như: thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được. Chỉ gói gọn trong chiếc bánh chưng xanh thôi là cả một Đạo Hiếu đáng ghi nhớ. Nó đã thoát khỏi đơn thuần là vật chất, móm ăn bình thường nhưng chứa đựng một triết lý sâu sắc đạo làm người.

Làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu

Từ lâu nhân loại đã luôn ca tụng về những tấm gương hiếu hạnh. Có thể thấy, dù ở thời đại nào, con người vẫn đề cao sự hiếu kính và báo đáp công ơn nuôi dưỡng của các đấng sinh thành.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”.

Mỗi lần nhắc tới ơn cha nghĩa mẹ, thì y như rằng ta có lớn, có già lụm cụm cũng vẫn là trẻ con trước mắt mẹ cha, rồi nước mắt ngắn dài, cha thương mẹ xót. Thương vì cái ơn quá lớn chưa có đền đáp được bao nhiêu, xót vì có lúc nghịch ngợm, và có khi đã từng là... nghịch tử, cãi cha mắng mẹ! Người ta nói xã hội xuống cấp về đạo đức, lòng người trở nên vô cảm, lạnh lùng, nhưng nếu quả tình họ vô cảm, lạnh lùng với cả cha mẹ mình thì... chẳng còn gì để nói.
Làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu, nếu không mọi việc làm tốt đều vô nghĩa. Thờ không phải chỉ lúc chết mới cúng giỗ linh đình mà phải thương, kính ngay từ thuở người còn sống. Kính vì ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục ví tựa “Thái sơn”, tựa “nước trong nguồn chảy ra”. Đỗ Trung Quân thì khẳng khái ví quê hương như là mẹ. Và mỗi người chỉ một, nên phải nhớ, nhớ để “lớn thành người”.

Tôn kính Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết kính thờ song thân.”

Phụng dưỡng Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Khi cha mẹ qua đời

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mùng Hai Tết: Tổ Abraham, Tổ Lộc Tục
Nguyễn Trung Tây
15:36 22/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Mùng Hai Tết: Tổ Abraham, Tổ Lộc Tục


Mùng Hai Tết là ngày người tín hữu nhớ tới tổ tiên, ông bà cha mẹ, tất cả những người đã sinh thành ra mình, cho mình dòng máu đỏ, và nuôi dưỡng mình trở nên thành người.

Người Việt Nam có câu tục ngữ, “Chim có tổ, người có tông”, ý muốn nói làm người phải biết tổ biết tông.

Tổ của người Do Thái, theo như Sáng Thế Ký 11:28, là tổ phụ Abraham, một người xuất phát từ vùng đất Ur, Chaldeans, nay thuộc về Iraq. Từ tổ Abraham sinh ra tổ Isaac. Từ tổ Isaac sinh ra tổ Giacóp, và Mười Hai chi tộc. Người thứ tư của Mười Hai chi tộc là Giuđa. Từ Giuđa kéo xuống thêm mấy đời nữa là vua Đavít. Từ vua Đavít của những năm 1000 B.C. kéo xuống là tổ phụ thợ mộc Giuse của thôn xóm Nazareth, cha nuôi của Đức Giêsu, người đã hạ sinh tại thành phố Bethlehem vào những năm 6-4 B.C.

Tổ của người Việt Nam theo như sách sử ghi lại chính là Lộc Tục Kinh Dương Vương xuất phát từ vùng đất Xích Quỷ, phía Nam núi Ngũ Lĩnh, nay thuộc về Trung Hoa. Từ tổ Lộc Tục năm 2879 B.C. sinh ra Lạc Long Quân. Từ tổ Lạc Long Quân sinh ra Mười Tám đời Hùng Vương của thời Hồng Bàng. Sau thời Hồng Bàng là An Dương Vương với Thành Cổ Loa, và rồi Triệu Đà, Hai Bà Trưng. Tiếp nối dòng lịch sử dựng nước là Tiền Lý với Lý Nam Đế năm 544, Ngô với Ngô Quyền năm 939 kéo xuống tới năm 1945, khi đó Vua Bảo Đại của họ Nguyễn thoái trào.

Cả hai tổ phụ, tổ phụ Abraham và tổ phụ Lộc Tục đều đã được tạo nặn từ bùn đất, được sinh ra, phát nguồn từ Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên trời và đất làm nơi cho con người cư ngụ. Qua Đức Giêsu, một người Do Thái sinh ra tại thành phố Bethlehem vào đầu thiên niên kỷ thứ Nhất Công Nguyên, người Kitô hữu Việt Nam trở thành hậu duệ của tổ phụ Abraham. Bởi huyết thống Việt Nam, tín hữu Việt Nam chính là hậu duệ của tổ phụ Lộc Tục, cháu bốn đời Vua Thần Nông thời kỳ Tam Hoàng (Thiên Hoàng Toại Nhân, vua phát minh ra lửa; Nhân Hoàng Phục Hy, vua chăn nuôi; và Địa Hoàng Thần Nông, vua nông nghiệp).

Ngày Mùng Hai Tết là ngày người tín hữu tưởng nhớ tới tổ tiên. Bởi thế, vào ngày Mùng Hai Tết, người tín hữu Việt Nam cũng sẽ nhớ tới công đức của tổ phụ Lộc Tục, tổ phụ Lạc Long Quân, và tổ phụ Hùng Vương của thời kỳ xây dựng thủ đô Phong Châu. Trong Thánh Lễ của Mùng Hai Tết, người tín hữu cũng không quên cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam những ông tổ của một thời đã đặt nền móng, xây dựng nên những trang sử thiên anh hùng ca của làm người, người Việt Nam, máu đỏ da vàng.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong ngày Mùng Hai Tết, cùng với cộng đồng Việt Nam khắp nơi trên thế giới, con xin dâng lên Thiên Chúa, Chúa của tổ phụ Lộc Tục, tổ phụ Lạc Long Quân, và tổ phụ Hùng Vương, những lời tạ ơn cho những trang lịch sử uy hùng của một thời kỳ xây dựng quê hương Việt Nam.□
(Trích Suy Niệm Người Ra Nương Đồng sẽ xuất bản năm 2023)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 22/01/2023

9. Cha trên trời yêu mến sự thánh thiện, vì để cứu chuộc linh hồn người tôi tớ hèn mọn mà giao phó Thánh Tử của Ngài.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 22/01/2023
42. BA BA KHÁT NƯỚC

Ở huyện Trịnh có người tên là Bốc Tử, đi chợ mua một con ba ba đem về nhà.

Lúc ngồi thuyền qua sông Dinh Thủy, thấy hình dáng con ba ba khô quắt thì nghĩ rằng nó khát nước, thế là thả nó xuống sông để nó uống nước, kết quả, ngay cả một tiếng chào hỏi của ba ba cũng không có, đúng là giòng nước tốt lành.

( Hàn Phi Tử)

Suy tư 42:

Trong đời sống thiêng liêng, cũng có những lúc chúng ta làm việc “thả hổ về rừng”, “ thả ba ba ra biển” mà chúng ta vô tình không biết, đó chính là chúng ta thường hay coi nhẹ những tội nhỏ (tội nhẹ) và lơ đãng với những thói quen xấu của mình.

Tội nhẹ tuy không làm cho chúng ta mất linh hồn, nhưng trước khi phạm một tội trọng thì chúng ta đã trăm lần phạm tội nhẹ, có nghĩa là chúng ta phạm tội nhẹ quen rồi, đến nỗi lương tâm không áy náy thì rất dễ dàng phạm tội trọng. Thói quen xấu thường là bạn bè thân thiết của việc phạm tội nhẹ, bởi vì chúng ta thường hay phán đoán rộng rãi cho tội nhẹ nên cũng rất dễ thông cảm cho thói quen xấu: thói quen ngủ gật trong khi đọc kinh, dâng lễ; thói quen cãi bướng, thói quen châm chọc người khác, thói quen ăn cắp vặt; thói quen mê ăn, thói quen thích coi và mê hình ảnh khiêu dâm…

Thói quen chính là trải thảm nhung cho tội ác bước đi, thói quen cũng chính là “thả hổ về rừng” “ thả ba ba ra biển”.

Mỗi ngày tôi cần học cách chế ngự thói quen xấu của mình, để có thể tấn tới trên đường trọn lành.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chuyển trao sự sống
Lm Minh Anh
19:19 22/01/2023

CHUYỂN TRAO SỰ SỐNG
“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”.

Rudyard Kipling, một nhà thơ người Anh, nói, “Thiên Chúa không thể có mặt ở khắp mọi nơi; vì thế, Ngài đã tạo nên các bà mẹ!”.
 
Anh Chị em,

Rudyard Kipling không chỉ nói đến các bà mẹ, nhưng nói đến ‘người mẹ’ của tất cả mọi loài, ngay cả động vật và thảo mộc. Nói đến mẹ là nói đến sự sống; nói đến sự sống là nói đến Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự sống. Hôm nay, mồng hai Tết, Giáo Hội cho con cái dành một ngày để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên; đó là những con người chuyển trao; các ngài đón nhận mầm sống từ Thiên Chúa, làm cho những mầm ấy trổ sinh, nhân lên và trao về lại cho Ngài. Tắt một lời, các ngài là những con người được gọi để ‘chuyển trao sự sống’, chuyển trao đức tin!

Một cách hình tượng, thánh Augustinô đã viết về sự chuyển trao cũng như sự kế thừa của các thế hệ như thế này, “Hỡi các bạn! Các thế hệ trên mặt đất như những chiếc lá luôn xanh tươi trên cành; trái đất mang những con người như những thân cây mang đầy những chiếc lá. Địa cầu đầy đặc những con người kế tiếp nhau, người này khóc chào đời, người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ chiếc áo xanh của mình, nhưng xin các bạn hãy nhìn xuống gốc. Các bạn đang dẫm lên một tấm thảm vàng úa đầy những chiếc lá khô mục!”.

Sách Huấn Ca hôm nay gọi các ngài là những vĩ nhân, “Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ, các ngài đã sinh ra các vĩ nhân và các thánh nhân. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính mẹ cha!”. Chúa Giêsu cũng nhắc lại luật Cựu Ước vốn khá khắt khe trong Tin Mừng hôm nay, “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, phải bị xử tử!”. Bởi lẽ, các ngài nhận trách nhiệm ‘chuyển trao sự sống’ từ Thiên Chúa.

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhắc lại một tập tục không mấy quen thuộc với người Kinh mà một số đồng bào thượng vẫn giữ, đó là tục “Bỏ mả”. Chẳng hạn người Êđê. Khi trong nhà có người chết, gia đình con cháu hàng ngày mang cơm nước ra mộ; cho đến khi có điều kiện, họ làm lễ bỏ mả. Đó là một bữa tiệc linh đình với heo bò; sau đó, họ vĩnh viễn chia tay người chết và không quan tâm đến ngôi mộ mà họ đã san bằng. Họ tin linh hồn người chết đã siêu thoát, không còn vướng bận cõi trần. “Bỏ mả”, “bãi mả” là tập tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng kính nhớ các ngài như những vĩ nhân của các vĩ nhân, những con người ‘chuyển trao sự sống’.

Anh Chị em,

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Công đức của ông bà cha mẹ chúng ta góp phần làm nên những gì chúng ta là và chúng ta có! Các ngài không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin để chúng ta có được sự sống ân sủng của con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta phải yêu thương kính trọng; đúng hơn, phải nâng niu, trân quý các ngài khi sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất núi. Xin Chúa thứ tha mọi bất xứng và vô tâm của chúng ta. Thánh Phaolô nói, “Hãy gánh lấy tuổi già của cha con!”. Gánh lấy tức là gánh cái nặng, không ai gánh cái nhẹ. Và chúng ta đừng quên làm gương sáng cho con cái trong việc kính trọng và kính nhớ các ngài; bởi lẽ, không tập cho con cái ngay từ bây giờ, bạn đừng ngạc nhiên với tục bỏ mả mai ngày của con cái!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa cho con có mẹ có cha; cho con biết quý trọng sự sống và đức tin Chúa ban qua các ngài; đừng để con phụ lòng ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’ đã ‘chuyển trao sự sống’ của Chúa cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha lên án bạo lực ở Myanmar, Peru và Ukraine
Thanh Quảng sdb
16:39 22/01/2023
Đức Thánh Cha lên án bạo lực ở Myanmar, Peru và Ukraine

Sau bài diễn văn trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô lên án bạo lực ở Ukraine, Peru và Myanmar, nơi một nhà thờ Công Giáo bị phá hủy.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, nơi mà Giáo Hội Công Giáo đã và đang bị phá hủy.

Sau bài huấn từ trong Kinh Truyền Tin Chúa Nhật trước các tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô lạnh giá, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau buồn về các sự kiện bi thảm đang diễn ra ở Myanmar, đặc biệt nhắc lại các cuộc tấn công vào những nơi thờ phượng, bao gồm cả vụ đốt phá một Nhà thờ Công Giáo gần đây, nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Chan Thar, một trong những nơi thờ phượng lâu đời và quan trọng nhất trong cả nước.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài gần gũi với dân chúng, những người đang chịu nhiều đau khổ ở nhiều thành phố, và ngài cầu nguyện cho cuộc xung đột sớm kết thúc và một thời gian mới mở ra bằng sự tha thứ, tình yêu và hòa bình. Sau đó, ĐTC mời tất cả những người có mặt tại Quảng trường cùng đọc kinh Kính mừng cầu nguyện cho Myanmar.

Bạo lực ở Myanmar

Trước sự bạo tàn, phá hoại nhà thờ gần đây của quân đội Miến Điện, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Myanmar, bao gồm cả Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon, đã phát động một “lời kêu gọi tha thiết cho hòa bình”, rằng “tất cả chúng ta cần phải thực hiện cuộc hành hương của hòa bình.”

Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021 lật đổ chính phủ dân cử dân chủ, quốc gia Đông Nam Á này đã phải hứng chịu một loạt khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế, đồng thời rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021 lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ.

Cầu nguyện cho Peru, Ukraine và Cameroon

Đức Thánh Cha cũng lên án bạo lực ở Ukraine và Peru, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các bước hướng tới hòa bình có thể tiếp tục được thực hiện từ Cameroon.

Đức Thánh Cha cho biết ngài quan ngại về tình hình nguy cấp ở Peru, đồng thời kêu gọi đối thoại và hòa giải hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Đức Thánh Cha đã hiệp thông tiếng nói của mình với tiếng nói của các Giám mục Peru khi phát biểu "Hãy nói không với bạo lực từ bất luận hoàn cảnh nào! Hãy nói không với sự chết!"

Tại Peru, các cuộc biểu tình tiếp tục gia tăng tại thủ đô Lima, khi ngày càng có nhiều người biểu tình đến từ vùng Andean đòi Tổng thống từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử ngay lập tức.

Đức Thánh Cha nói hãy cầu nguyện cho đất nước Mỹ Latinh.


Đức Thánh Cha cũng đưa ra một lời kêu gọi chân thành cho hòa bình ở Ukraine, nhắc lại nỗi đau to lớn mà người dân Ukraine đang phải gánh chịu, khi chiến tranh tiền miên trong gần một năm qua. ĐTC cầu xin Chúa ban cho họ sự an ủi và nâng đỡ.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha hướng sự chú ý của mình đến Cameroon, nơi ngài ghi nhận những phát triển tích cực mang lại hy vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột ở các khu vực nói tiếng Anh. Ngài khuyến khích tất cả những người tham gia thực hiện các thỏa thuận tìm kiếm hòa bình hãy kiên trì theo con đường đối thoại và tìm hiểu lẫn nhau, vì chỉ khi gặp gỡ nhau thì tương lai mới có thể được cùng nhau xây dựng.

Tại Cameroon, chính phủ quốc gia và một số phe ly khai ở các khu vực nói tiếng Anh của đất nước đã đồng ý tham gia vào một quá trình nhằm giải quyết cuộc xung đột đã giết hại hơn 6.000 người.
 
Linh mục mô tả cuộc tấn công mới khủng khiếp vào người Công Giáo ở Nigeria khiến ít nhất 11 người bị thiệt mạng và bị chặt đầu
Đặng Tự Do
17:06 22/01/2023


Cha Aondover cho biết các cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 9 giờ tối thứ Năm tại một ngôi làng gần Makurdi, thủ phủ của Bang Benue, nơi có một trại tị nạn.

Một số nạn nhân của vụ tấn công đang phải nằm bệnh viện ở Agan và Makurdi, bang Benue, Nigeria.

Ít nhất 11 người, hầu hết là người Công Giáo, đã thiệt mạng vào ngày 19 Tháng Giêng khi những người chăn gia súc Fulani tấn công một ngôi làng gần trại tị nạn ở Giáo phận Makurdi của Nigeria, một quan chức giáo phận cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Phi Châu, Cha Moses Aondover Iorapuu, tổng đại diện của giáo phận, đã kể lại cuộc bách hại “khủng khiếp” mà người Công Giáo phải chịu trong cuộc tấn công.

“Những hình ảnh về vụ tấn công thật kinh hoàng, và tôi luôn nói rằng ngay cả IS cũng không thể thực hiện hành vi tàn bạo như vậy. Sau khi giết người, những kẻ này đã chặt đầu một số người và lấy các bộ phận đó đi để làm bằng chứng trình cho những người đã sai họ đến đó.”

“Tính đến tối nay, 11 người đã thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, và nhiều người bị thương trong bệnh viện.”

“Hầu như tất cả các nạn nhân” của cuộc tấn công đều là người Công Giáo, ngài nói thêm: “Những kẻ tấn công là người Fulani, những kẻ đã xâm lược một số ngôi làng và đốt phá trong các cuộc đột kích trước đó.”

Cha Aondover chỉ trích phản ứng chậm trễ của các binh sĩ an ninh. Ngài nói: “Phản ứng của cảnh sát và quân đội như mọi khi: đến hiện trường quá muộn là bình thường, và những kẻ tấn công vẫn chưa được xác định danh tính.”

Nigeria rơi vào tình trạng mất an ninh kể từ năm 2009 khi cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt đầu với mục đích biến đất nước này thành một quốc gia Hồi giáo.

Kể từ đó, nhóm này, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Phi Châu, đã tung ra các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi vào nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị cũng như dân thường.

Tình hình mất an ninh ở quốc gia Tây Phi càng trở nên phức tạp hơn do có sự tham gia của những người chăn gia súc Fulani chủ yếu theo đạo Hồi, còn được gọi là Dân quân Fulani, những người thường xuyên xung đột với nông dân theo Kitô Giáo để tranh giành đất chăn thả gia súc.

Cha Aondover cho biết cuộc tấn công vào ngôi làng vào ngày 19 Tháng Giêng đã chứng kiến cư dân “bị những người chăn gia súc này đuổi ra khỏi nhà một cách mtàn bạo,” Cha Aondover nói, đồng thời than thở về “các cuộc tấn công không ngừng mà không có một vụ bắt giữ nào và chẳng có một phản ứng có ý nghĩa từ chính phủ.”

Ngài nói: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và bị bỏ rơi bởi chính phủ của chúng tôi và cộng đồng quốc tế.
Source:National Catholic Register
 
Nhà xuất bản Ý phát hành tập tiểu luận của Đức Thánh Cha Bênêđictô
Đặng Tự Do
17:06 22/01/2023


Trong khi Công đồng Vatican II trao cho Giáo Hội Công Giáo một tài liệu “tuyệt đẹp” về chức tư tế, “Công Đồng đã không đề cập đến vấn đề cơ bản” về sự khác biệt giữa cách hiểu của người Công Giáo và Tin lành về thừa tác vụ được phong chức, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết như trên trong một bài tiểu luận xuất bản sau khi ngài qua đời.

Một lời giải thích về các khía cạnh của “của lễ hy sinh và đền tội” trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể và do đó, trong vai trò của linh mục Công Giáo là trọng tâm của hai trong số các tiểu luận mới có trong cuốn sách “Kitô giáo là gì?” -- một cuốn sách chỉ mới được phát hành bằng tiếng Ý vào cuối tháng Giêng bởi nhà xuất bản Mondadori.

Đức Bênêđíctô ghi ngày cho lời nói đầu của cuốn sách là ngày 1 tháng 5 năm 2022, và kèm theo lệnh không được xuất bản nó cho đến sau khi ngài qua đời.

Chỉ mới có bốn trong số 16 tiểu luận được xuất bản trong cuốn đầu tiên. Tất cả chúng đều được viết từ năm 2014 đến tháng 3 năm 2022.

Bài tiểu luận về “Chức vụ Linh mục Công Giáo” là bản sửa đổi hoàn chỉnh và mở rộng đóng góp mà Đức Bênêđíctô đã gửi cho Đức Hồng Y Robert Sarah để đưa vào cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” xuất bản năm 2020. Mục đích chính của cuốn sách là bảo vệ luật độc thân linh mục, nhưng Đức Bênêđíctô không muốn được liệt kê như là đồng tác giả của cuốn sách và khẳng định ngài chỉ đóng góp những ghi chú để mở rộng thành một chương.

Elio Guerriero, người đã giúp Đức Bênêđíctô biên soạn các tiểu luận trong cuốn “Kitô giáo là gì?” cho biết cuộc tranh cãi về cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” là nguyên nhân khiến Đức Bênêđíctô quyết liệt chỉ cho phép xuất bản tuyển tập các bài luận cho đến sau khi ngài qua đời.

“Tôi không muốn công bố bất cứ điều gì khác trong đời mình,” Đức Bênêđíctô đã nói với Guerriero. “Sự giận dữ của những nhóm chống lại tôi ở Đức mạnh đến mức chỉ cần tôi nói bất kỳ lời nào là lập tức kích động một cuộc hỗn chiến từ phía họ. Tôi muốn tha cho bản thân mình và cho Kitô Giáo không phải chịu điều này”.

Phiên bản mới của bài tiểu luận bảo vệ sự độc thân của linh mục như là cách diễn tả thích hợp nhất về sự hiến dâng hoàn toàn của một linh mục cho Thiên Chúa và như một điều kiện để có được sự trong sạch theo nghi thức phù hợp với chức tư tế của người Israel. Nhưng phiên bản mới tập trung nhiều hơn vào mối liên hệ với chức tư tế cổ xưa và việc dâng lễ vật hy sinh hơn là tình trạng độc thân.

Bài tiểu luận trong cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” và các bài luận trong cuốn sách mới được xuất bản đều không đề cập đến việc tiếp tục phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cũng như các trường hợp ngoại lệ được Thánh Gioan Phaolô II và chính Đức Bênêđictô ban cho đối với các cựu mục sư của Anh giáo đã kết hôn, và các thừa tác viên của các giáo phái Kitô giáo khác khi họ gia nhập Công Giáo.

Một tiểu luận mới về “Ý nghĩa của việc rước lễ,” đã nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa cách hiểu của người Công Giáo về chức tư tế và cách hiểu của người Luther về thừa tác vụ; cũng như giữa cách hiểu của người Công Giáo về Thánh lễ và cách hiểu của người Luther về Bữa Tiệc Ly của Chúa.

Ngài viết, sự khác biệt “không phải là hời hợt và ngẫu nhiên mà cho thấy sự khác biệt cơ bản trong việc hiểu mệnh lệnh của Chúa Kitô” trong bữa tiệc ly khi ngài nói với các môn đệ của mình, “Hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy.”

Đức Bênêđíctô viết, sự khác biệt đó phải được tính đến khi các nhà lãnh đạo Công Giáo xem xét việc mở rộng lòng hiếu khách Thánh Thể đối với người Luther ngoài những dịp đặc biệt được giáo luật cho phép.
Source:National Catholic Register
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tĩnh tâm Mùa Chay riêng vào năm 2023
Đặng Tự Do
17:08 22/01/2023


Giống như hai năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma sẽ lại thực hiện kỳ tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm của Vatican trên cơ sở cá nhân.

Vatican cho biết hôm thứ Sáu rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các Hồng Y sống ở Rôma và những người đứng đầu các bộ tham gia các cuộc linh thao “một cách cá nhân” trong suốt tuần đầu tiên của Mùa Chay từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 3 tháng 3.

Trong tuần đó, tất cả các cuộc hẹn của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bị hủy bỏ, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 1 tháng Ba.

Đức Thánh Cha yêu cầu các bề trên của Giáo triều Rôma đình chỉ các hoạt động công việc của họ và sử dụng năm ngày để cầu nguyện.

Đây là năm thứ ba các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay, trước đây được tổ chức như một khóa tĩnh tâm theo nhóm, sẽ diễn ra một cách riêng tư.

Vào năm 2021 và 2022, Vatican viện dẫn đại dịch COVID-19 là lý do cho sự thay đổi.

Vào năm 2020, một đợt cảm lạnh đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tham gia cùng các Hồng Y và các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma tại một nhà tĩnh tâm bên ngoài Rome.

Thông lệ Đức Thánh Cha đi tĩnh tâm Mùa Chay với các vị đứng đầu các thánh bộ của Vatican đã bắt đầu từ khoảng 90 năm trước dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XI. Các cuộc tĩnh tâm được tổ chức tại Vatican, nhưng bắt đầu từ Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn tổ chức tĩnh tâm tại Ariccia, cách Rôma khoảng 16 dặm về phía đông nam.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ đại trào Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ tư 22/1/2023
J.B. Đặng Minh An dịch
18:11 22/01/2023

Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 22 tháng Giêng năm 2023, tức là mùng Một Tết Quý Mão, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân dịp Chúa nhật Lời Chúa lần thứ tư, với sự tham dự của khoảng 6.000 tín hữu.

Chúa nhật Lời Chúa, năm nay có chủ đề là một câu trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan: “Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy” (1 Ga 1: 3).

Đồng tế với Đức Thánh Cha, có hơn 20 Hồng Y và giám mục cùng với khoảng 150 linh mục. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức trao ban tác vụ giáo lý viên, đọc sách, giúp lễ cho 8 giáo dân nam nữ, đến từ các nước Ý, Congo, Phi Luật Tân, Mễ Tây Cơ và xứ Wales, Anh quốc.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu rời bỏ cuộc sống thầm lặng và ẩn dật của Nazareth và di chuyển đến Capernaum, một thành phố cảng nằm dọc theo Biển hồ Galilêa, nơi giao thoa của các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Công bố Lời Chúa là động lực cấp bách thúc đẩy Ngài, Lời Chúa phải được đem đến cho mọi người. Thật vậy, trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa mời gọi mọi người hãy hoán cải và kêu gọi các môn đệ đầu tiên để họ cũng có thể rao truyền ánh sáng Lời Chúa cho người khác (x. Mt 4:12-23). Chúng ta hãy đánh giá cao sự năng động này, là điều sẽ giúp chúng ta sống Chúa nhật Lời Chúa: Lời dành cho mọi người, Lời kêu gọi mọi người hoán cải, Lời làm cho chúng ta trở thành sứ giả.

Lời Chúa dành cho tất cả mọi người. Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu luôn luôn di chuyển, trên đường đến với tha nhân. Không có dịp nào trong cuộc đời công khai của mình, Ngài cho chúng ta ý tưởng rằng Ngài là một thầy dậy đứng yên, một giáo sư ngồi trên ghế; ngược lại, chúng ta nhìn thấy Ngài như một người lữ hành, chúng ta thấy Ngài như một người hành hương, đi qua các thị trấn và làng mạc, bắt gặp những khuôn mặt và câu chuyện của họ. Đôi chân của Người là đôi chân của sứ giả loan báo tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa (x. Is 52:7-8). Bản văn ghi nhận rằng tại Galilêa Dân Ngoại, trên hải trình, bên kia sông Giođan, nơi Chúa Giêsu rao giảng, có một dân tộc chìm trong bóng tối: dân ngoại, đúng thế dân ngoại, nam nữ từ các vùng và các nền văn hóa khác nhau (x. Mt 4: 15-16). Bây giờ họ cũng có thể nhìn thấy ánh sáng. Và như thế Chúa Giêsu “mở rộng ranh giới”: Lời Chúa, là Lời chữa lành và vực dậy, không chỉ dành cho những người công chính Israel, mà còn cho tất cả mọi người; Ngài muốn đến với những người ở xa, Ngài muốn chữa lành bệnh tật, Ngài muốn cứu vớt những kẻ tội lỗi, Ngài muốn quy tụ những con chiên lạc và nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi và bị áp bức. Nói tóm lại, Chúa Giêsu 'vươn tay' ra để nói với chúng ta rằng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Chúng ta đừng quên điều này: Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mọi người, cho mỗi người chúng ta. Mỗi người có thể nói: “Lòng thương xót của Chúa dành cho tôi”.

Khía cạnh này cũng là cơ bản đối với chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Ngôi Lời là ân sủng dành cho mọi người; do đó, chúng ta không bao giờ có thể hạn chế lĩnh vực hoạt động của Lời Chúa, vì ngoài mọi tính toán của chúng ta, Lòng Thương Xót phát sinh một cách tự phát, bất ngờ và không đoán trước được (x. Mc 4:26-28), theo cách thức và thời điểm mà Chúa Thánh Thần biết trước. Hơn nữa, nếu ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, kể cả những người xa cách và lạc lối nhất, thì việc loan báo Lời Chúa phải trở thành ưu tiên chính của cộng đồng giáo hội, như đã từng dành cho Chúa Giêsu. Xin đừng để xảy ra việc chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa với trái tim rộng mở, nhưng lại trở thành một Giáo hội với trái tim khép kín – tôi dám nói rằng điều này sẽ là một tai họa; xin đừng xảy ra việc chúng ta rao giảng ơn cứu độ cho mọi người, nhưng lại làm cho con đường tiếp nhận nó trở nên phi thực tế; ước gì chúng ta không nhận ra mình trong tình trạng được kêu gọi loan báo Nước Trời, nhưng lại sao nhãng Lời Chúa, đánh mất chính mình trong quá nhiều hoạt động hoặc thảo luận thứ yếu. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu để đặt Lời Chúa ở trung tâm, mở rộng ranh giới của chúng ta, cởi mở với mọi người và cổ vũ những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, nhận ra rằng Lời Chúa “không gói gọn trong những công thức trừu tượng hoặc tĩnh lặng nhưng có một sức mạnh năng động trong lịch sử được tạo thành từ những con người và sự kiện, lời nói và hành động, diễn biến và căng thẳng”. [1]

Bây giờ chúng ta hãy đến khía cạnh thứ hai: Lời Chúa, được ngỏ với mọi người, kêu gọi mọi người hoán cải. Thực vậy, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong lời rao giảng của Người: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần “ (Mt 4:17). Điều này có nghĩa là sự gần gũi của Thiên Chúa không phải là không quan trọng, sự hiện diện của Ngài không bỏ mặc mọi sự như chúng vốn có, không ủng hộ một cuộc sống yên lặng. Ngược lại, Lời của Người lay động chúng ta, làm chúng ta bối rối, thúc đẩy chúng ta thay đổi, hoán cải. Lời Người đẩy chúng ta vào tình trạng khủng hoảng vì Lời Chúa “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12) Như một lưỡi gươm, Lời xuyên thấu vào cuộc sống, giúp chúng ta phân biệt được những cảm xúc và suy nghĩ của con tim, nghĩa là giúp chúng ta nhìn thấy đâu là chỗ cho ánh sáng của sự tốt lành và đâu là bóng tối dày đặc của những tệ nạn và tội lỗi để chúng ta có thể chống lại. Khi nhập vào chúng ta, Lời biến đổi tâm trí chúng ta; thay đổi chúng ta và đưa dẫn chúng ta hướng cuộc đời mình về Chúa.

Đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã đến gần anh chị em; hãy nhận ra sự hiện diện của Ngài, nhường chỗ cho Lời Người, và anh chị em sẽ thay đổi cách nhìn của mình về cuộc sống. Tôi cũng có thể diễn đạt như thế này: hãy đặt cuộc đời anh chị em dưới Lời Chúa. Đây là con đường Giáo Hội chỉ cho chúng ta. Tất cả chúng ta, ngay cả các mục tử của Giáo hội, đều ở dưới thẩm quyền của Lời Chúa. Không phải theo sở thích, khuynh hướng và ý thích riêng của chúng ta, nhưng dưới Lời Chúa duy nhất uốn nắn chúng ta, hoán cải chúng ta và mời gọi chúng ta hiệp nhất trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô. Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi: Cuộc sống của tôi tìm thấy phương hướng ở đâu, nó rút ra định hướng từ đâu? Từ nhiều “lời” mà tôi nghe được, từ các ý thức hệ, hay từ Lời Chúa hướng dẫn và thanh tẩy tôi? Những khía cạnh nào trong tôi đòi hỏi phải thay đổi và hoán cải?

Cuối cùng – bước thứ ba – Lời Chúa, được ngỏ với mọi người và kêu gọi chúng ta hoán cải, biến chúng ta thành những sứ giả. Thật vậy, Chúa Giêsu đi dọc bờ biển Galilê và gọi Simon và Anrê, hai anh em làm nghề đánh cá. Với Lời của Người, Chúa mời gọi họ đi theo Người, nói với họ rằng Người sẽ biến họ thành “những tay đánh lưới người” (Mt. 4,19): không còn chỉ là những chuyên gia về thuyền, lưới và cá, mà còn là những chuyên gia tìm kiếm người khác. Và cũng giống như khi chèo thuyền và đánh cá, họ đã học cách rời bờ biển và thả lưới xuống vực sâu, giống như cách họ sẽ trở thành những tông đồ có khả năng chèo thuyền trên biển cả của thế giới, ra ngoài gặp gỡ anh chị em của họ, và loan báo niềm vui Tin Mừng. Tính năng động của Lời Chúa lôi kéo chúng ta vào “tấm lưới” tình yêu của Chúa Cha và làm cho chúng ta thành những tông đồ được thúc đẩy bởi một ước muốn không thể dập tắt là đưa tất cả những người chúng ta gặp vào thuyền Nước Trời. Đây không phải là chiêu dụ tín hữu vì chính Lời Chúa kêu gọi chúng ta, không phải lời của chính chúng ta.

Hôm nay chúng ta cũng lắng nghe lời mời gọi hãy trở thành những tay đánh lưới người: chúng ta hãy cảm nhận rằng chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta công bố Lời của Người, làm chứng cho Lời ấy trong cuộc sống hàng ngày, sống Lời ấy trong công bằng và bác ái, được mời gọi để “mang lại xương thịt” cho Lời ấy bằng cách dịu dàng quan tâm đến những người đau khổ. Đây là sứ mệnh của chúng ta: hãy trở thành những người tìm kiếm những ai lạc lối, bị áp bức và nản lòng, không phải để mang lại cho họ chính chúng ta, nhưng là niềm an ủi của Lời Chúa, lời loan báo đột phá của Thiên Chúa, Đấng biến đổi cuộc sống, hãy mang lại niềm vui được biết rằng Ngài là Cha của chúng ta và Ngài nói với mỗi người chúng ta, hãy mang đến vẻ đẹp của câu nói: “Anh chị em ơi, Thiên Chúa đã đến gần anh chị em, hãy lắng nghe và anh chị em sẽ tìm thấy trong Lời của Người một món quà tuyệt vời!”

Thưa anh chị em, tôi muốn kết thúc bằng cách cảm ơn những người làm việc để bảo đảm rằng Lời Chúa được chia sẻ, công bố và đặt ở trung tâm cuộc sống của chúng ta. Xin cảm ơn những người nghiên cứu và đào sâu vào sự phong phú của Lời Chúa. Xin cảm ơn các nhân viên mục vụ và tất cả các Kitô hữu tham gia vào công việc lắng nghe và truyền bá Lời Chúa, đặc biệt là các thầy đọc sách và giáo lý viên. Hôm nay tôi sẽ trao các chức vụ này cho một số anh chị em. Xin cảm ơn những người đã chấp nhận nhiều lời mời mà tôi đã đưa ra để mang Phúc Âm theo họ khắp mọi nơi và đọc nó mỗi ngày. Và cuối cùng, tôi đặc biệt cảm ơn các phó tế và linh mục của chúng ta. Xin cảm ơn anh em thân mến, vì anh em đã không để cho dân thánh của Chúa bị tước mất sự nuôi dưỡng của Lời Chúa. Cảm ơn anh chị em đã dấn thân suy gẫm về Lời Chúa, sống Lời Chúa và công bố Lời Chúa. Cảm ơn anh chị em vì sứ vụ của anh chị em và sự hy sinh của anh chị em. Ước gì niềm vui ngọt ngào được loan báo Lời cứu độ là niềm an ủi và phần thưởng cho tất cả chúng ta.

[1] Lời Chúa trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, Tài liệu làm việc cho Đại hội Thường kỳ lần thứ XII của Thượng Hội đồng Giám mục, 2008, số. 10.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
George Weigel: Đức Hồng Y George Pell, Người khuyến khích
Vu Van An
18:31 22/01/2023

Trên tạp chí mạng The First Things ngày 18 tháng 1 năm 2023, George Weigel cho biết đã ở bên cạnh Đức Hồng Y George Pell ít nhất cả hai tuần lễ, từ lúc viếng thi hài Đức Bênêđíctô XVI, dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Hưu trí và sau đó ít nhất dự tang lễ của Đức Hồng Y Pell. Ông thuật lại như sau:



Hôm thứ Ba, ngày 3 tháng 1, khi Đức Hồng Y George Pell và tôi đến kính viếng thi hài Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI, đang long trọng quàn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, tôi không thể không chú ý đến sự tôn kính của những người cấp nhỏ của vương cung thánh đường, những Sanpietrini, khi họ chào người Úc cao lớn đang chống gậy đi chậm chạp. Những người chỉ chỗ và canh giữ này đã quen với các vị vọng của giáo hội, nhưng có một điều gì đó khác biệt trong sự tôn trọng và tình cảm rõ ràng của họ dành cho Đức Hồng Y Pell. Đây là một con người từng chịu nhiều đau khổ vì Giáo hội và sự thật. Đây là một "vị tử đạo trắng." Sự chú ý cần được chứng tỏ. Và nó đã được chứng tỏ.

Chúng tôi cầu nguyện mười lăm phút tại quan tài trước bàn thờ cao nơi Đức Giáo Hoàng hưu trí yên nghỉ, và sau đó tại mộ của Thánh Gioan Phaolô II, trước khi rời vương cung thánh đường bằng cửa sau, nơi xe của Đức Hồng Y đang đợi chúng tôi. Tôi chỉ biết việc đi lại khó khăn như thế nào đối với người bạn 55 năm của tôi khi ngài yêu cầu được tựa vào cánh tay tôi khi chúng tôi đi xuống một con dốc nhỏ dẫn đến cửa. Bên ngoài, chúng tôi nhìn thấy Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký lâu năm của Đức Giáo Hoàng Hưu trí đã qua đời, đang đi vào Nhà thờ Thánh Phêrô cùng với một nhóm nhỏ. Chúng tôi trao đổi lời chia buồn, trong khi đó Đức Tổng Giám Mục nói với Đức Hồng Y rằng cuốn sách cuối cùng được Đức Bênêđíctô đọc là tập đầu tiên của Nhật ký Nhà tù của Đức Hồng Y Pell (mà tôi có vinh dự được đóng góp lời nói đầu).

Tối hôm trước, Đức Hồng Y Pell và tôi đã thưởng thức bữa tối với khoảng 50 chủng sinh giáo tỉnh Milwaukee tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, được chủ trì bởi vị đứng đầu Vương cung Thánh đường (và là người gốc Milwaukee), Đức Hồng Y James Harvey. Họ là một nhóm người đầy ấn tượng và theo dõi từng lời mà vị hồng xuất sắc nói trong bài phát biểu ngắn gọn sau bữa tối. Đức Hồng Y Pell nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng can đảm trong chức linh mục: lòng can đảm truyền giáo, lòng can đảm đối đầu với những cơn gió ngược văn hóa, lòng can đảm đặt niềm tin hoàn toàn vào Chúa.

Và trong những giờ phút ngay sau cái chết bất ngờ, gây sửng sốt của ngài vào ngày 10 tháng 1, qua màn sương mù tinh thần và thiêng liêng của một nỗi đau buồn sâu sắc, tôi chợt nhận ra rằng, trong những nhận xét ngắn gọn đó, George Pell đã vô tình nhưng hoàn toàn chân thực viết văn bia của mình: Ngài là một người can đảm, người đã “làm người khác can đảm [khuyến khích]”—người đã cho người khác lòng can đảm, hoặc có lẽ tốt hơn, rút ra từ người khác lòng can đảm mà họ không biết vốn nằm trong họ.

Tôi biết có rất ít, nếu không muốn nói là không có, những nhân vật công đã biểu lộ lòng dũng cảm đạo đức mà George Pell từng biểu lộ trong nhiều thập niên khi ngài bảo vệ và thúc đẩy chân lý của đức tin Công Giáo trước một chiến dịch truyền thông ác độc và không ngừng của Úc nhằm tiêu diệt ngài. Theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã can đảm bắt tay vào việc làm sạch Kho bạc cực kỳ khó khăn của Vatican và đang đạt được tiến bộ quan trọng trong nhiệm vụ cự kỳ thách đố đó khi sự hỗ trợ mà ngài trông đợi đã tan ra mây khói. Biết rằng mình vô tội trước những cáo buộc vô lý mà lần đầu tiên ngài bị kết án, ngài đã can đảm biến 404 ngày trong tù thành một cuộc tĩnh tâm kéo dài, trong thời gian đó ngài đã viết ba tập suy tư đã mang lại sự an ủi và khích lệ tinh thần cho độc giả trên khắp thế giới. Trở về Rôma sau khi được Tòa án tối cao của Úc minh oan, ngài đóng một vai trò thầm lặng nhưng hữu hiệu ở hậu trường, khuyến khích những người bảo vệ tính chính thống của Công Giáo suy nghĩ thấu đáo những điều kiện cần thiết cho một tương lai Công Giáo sôi động hơn.

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng ở Rome trong tuần cuối cùng của cuộc đời ngài. Và trong thời gian đó, chúng tôi đã thảo luận rất lâu về bản chất của cuộc khủng hoảng mà Giáo Hội Công Giáo phải đối đầu vào năm 2023: chắc chắn là ở Đức, nơi mà Con đường Đồng nghị đang hướng tới sự bội giáo, nhưng cũng ở khắp Giáo hội thế giới, khi các việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị Tháng 10 năm 2023 có nguy cơ tước bỏ thẩm quyền của các giám mục và biến Giáo hội thành một câu lạc bộ thảo luận của những người cấp tiến (woke). Chúng tôi đồng ý rằng đó là một cuộc khủng hoảng về tính tông truyền: Liệu những lời dạy của Chúa Giêsu, được truyền lại cho chúng ta bởi một truyền thống tông đồ có thẩm quyền, bắt nguồn từ nhóm tông đồ nguyên thủy, có tiếp tục được dạy trong thế kỷ hai mươi mốt không? Liệu các sự thật của mặc khải Thiên Chúa, do truyền thống các sứ đồ truyền bá, có tiếp tục được giảng dạy, gìn giữ, trân trọng và sống không?

Trả lời những câu hỏi đó bằng một tiếng “có” mạnh mẽ đòi hỏi loại can đảm mà Đức Hồng Y George Pell đã biểu lộ trong hơn tám thập niên, cho đến ngày ngài qua đời. Những người khác trong giới lãnh đạo của Giáo hội, những người được phong chức và giáo dân, giờ đây phải biểu lộ cùng sự can đảm đó, củng cố lòng can đảm của nhau trong những tháng hứa hẹn đầy khó khăn, sóng gió sắp tới.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22/1. Đức Thánh Cha chúc Tết Quý Mão
J.B. Đặng Minh An dịch
18:54 22/01/2023
Chúa Nhật 22 Tháng Giêng, mùng một Tết Quý Mão, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm, cũng là Chúa Nhật Lời Chúa.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát thêu.

Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay (Mt 4:12-23) thuật lại lời kêu gọi của các môn đệ đầu tiên, những người dọc theo Biển Hồ Galilê đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Ngài đã gặp một số người trong số họ, nhờ Gioan Tẩy Giả, và Thiên Chúa đã đặt hạt giống đức tin nơi họ (x. Ga 1:35-39). Vì vậy, bây giờ, Chúa Giêsu quay trở lại để tìm kiếm nơi họ đang sống và làm việc. Chúa luôn tìm kiếm chúng ta. Chúa luôn đến gần chúng ta, luôn luôn. Lần này, Người mở rộng lời mời gọi trực tiếp với họ: “Hãy theo tôi!” (Mt 4:19). Và “lập tức họ bỏ lưới mà theo Người” (c. 20). Chúng ta hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về cảnh này. Đây là thời điểm của cuộc gặp gỡ quyết định với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ mà họ sẽ ghi nhớ suốt đời và sẽ được đưa vào Tin Mừng. Từ đó trở đi, họ đi theo Chúa Giêsu. Và để đi theo Ngài, họ bỏ lại mọi thứ.

Bỏ lại mọi thứ để theo Chúa. Và nó luôn luôn như vậy với Chúa Giêsu. Nó có thể bắt đầu theo một cách nào đó với cảm giác bị thu hút, có lẽ do những người khác. Sau đó, nhận thức có thể trở nên cá nhân hơn và có thể thắp lên ánh sáng trong trái tim. Nó trở thành một điều gì đó đẹp đẽ để chia sẻ: “Bạn biết đấy, đoạn Tin Mừng đó đã đánh động tôi…. Cơ hội phục vụ đó đã đến với tôi…” – điều gì đó chạm đến trái tim của anh chị em. Đây là điều đã xảy ra với các môn đệ đầu tiên (x. Ga 1,40-42). Nhưng sớm muộn gì cũng đến lúc cần phải bỏ lại mọi thứ để theo Chúa (x. Lc 11:27-28). Đó là lúc cần phải đưa ra quyết định: Tôi sẽ bỏ lại sau lưng một số điều chắc chắn và dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, hay tôi sẽ giữ nguyên như vậy? Đây là thời điểm quyết định đối với mọi Kitô hữu vì ý nghĩa của mọi thứ khác đang bị đe dọa ở đây. Nếu ai đó không tìm thấy can đảm để bắt đầu cuộc hành trình, thì rủi ro của người ấy là tiếp tục làm khán giả cho cuộc sống của chính mình, và sống đức tin nửa vời.

Do đó, để có thể ở lại với Chúa Giêsu đòi hỏi can đảm ra đi, can đảm lên đường. Chúng ta phải bỏ lại những gì? Chắc chắn là tật xấu và tội lỗi của chúng ta giống như những cái neo giữ chúng ta lại và ngăn cản chúng ta ra khơi. Để bắt đầu ra đi, chúng ta nên bắt đầu bằng cách cầu xin sự tha thứ – tha thứ cho những điều không đẹp đẽ. Tôi để lại những điều này phía sau để tiến về phía trước. Nhưng cũng cần phải bỏ lại đằng sau những gì cản trở chúng ta sống trọn vẹn, chẳng hạn như sự sợ hãi, những tính toán ích kỷ, những bảo đảm đến từ việc sống an toàn, sống nửa vời. Nó cũng có nghĩa là từ bỏ thời gian lãng phí vào rất nhiều việc vô bổ. Thật tuyệt vời biết bao khi rời bỏ tất cả những điều này để trải nghiệm, chẳng hạn như sự mạo hiểm mệt mỏi nhưng bổ ích khi phục vụ, hoặc dành thời gian cho việc cầu nguyện để lớn lên trong tình bạn với Chúa. Tôi cũng đang nghĩ đến một gia đình trẻ bỏ lại cuộc sống bình lặng phía sau để mở lòng đón nhận cuộc phiêu lưu đẹp đẽ và không thể đoán trước của tình mẫu tử và thiên chức làm cha. Đó là một sự hy sinh, nhưng tất cả chỉ cần nhìn vào một đứa trẻ để hiểu rằng việc bỏ lại phía sau những nhịp điệu và sự thoải mái nhất định để có được niềm vui này là một lựa chọn đúng đắn. Tôi cũng đang nghĩ đến một số chuyên gia, chẳng hạn như bác sĩ hoặc nhân viên y tế, những người dành nhiều thời gian rảnh rỗi để học tập và chuẩn bị cho bản thân, và những người làm việc tốt, cống hiến nhiều giờ ngày đêm, và dành rất nhiều thể chất và tinh thần, cũng như năng lực cho người bệnh. Tôi nghĩ đến những người lao động bỏ lại tiện nghi, những người làm việc để có thức ăn trên bàn. Tóm lại, để sống cuộc đời, chúng ta cần chấp nhận thử thách để ra đi. Hôm nay, Chúa Giêsu mở rộng lời mời gọi này cho mỗi người chúng ta.

Vì vậy, tôi để lại cho anh chị em một câu hỏi về điều này. Trước hết: Tôi có thể nhớ lại “thời điểm mạnh mẽ” mà tôi đã gặp Chúa Giêsu không? Mỗi người chúng ta có thể nhớ lại câu chuyện của chính mình – trong cuộc đời tôi, đã có khoảnh khắc quan trọng nào khi tôi gặp gỡ Chúa Giêsu chưa? Và, có điều gì đẹp đẽ và ý nghĩa đã xảy ra trong cuộc đời tôi mà nhờ đó tôi đã bỏ đi những thứ kém quan trọng hơn không? Và hôm nay, có điều gì mà Chúa Giêsu yêu cầu tôi phải từ bỏ không? Đâu là những của cải vật chất, cách suy nghĩ, thái độ mà tôi cần bỏ lại phía sau để thực sự nói “xin vâng”? Xin Mẹ Maria giúp chúng ta đáp lại lời “xin vâng” hoàn toàn với Thiên Chúa, như Mẹ đã làm, để biết bỏ lại những gì ngõ hầu có thể theo Người tốt hơn. Đừng sợ buông bỏ nếu muốn theo Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ luôn thấy rằng chúng ta tốt hơn.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Chúa Nhật III Mùa Thường Niên này được dành riêng một cách đặc biệt cho Lời Chúa. Chúng ta hãy kinh ngạc khám phá lại sự kiện Thiên Chúa nói với chúng ta, đặc biệt là qua Kinh Thánh. Chúng ta hãy đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh, suy gẫm về Kinh Thánh, cầu nguyện với Kinh Thánh. Chúng ta hãy đọc một đoạn Kinh Thánh mỗi ngày, đặc biệt là Tân Ước. Chúa Giêsu nói với chúng ta ở đó, Người soi sáng cho chúng ta, Người hướng dẫn chúng ta. Và tôi nhắc anh chị em về một điều mà tôi đã nói vào những lần khác: Hãy có một cuốn Kinh Thánh nhỏ, một cuốn Kinh Thánh bỏ túi, để anh chị em luôn mang theo trong túi xách của mình, luôn ở bên chúng ta. Và khi có thời gian trong ngày, hãy đọc một điều gì đó trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta. Vì vậy, một Kinh Thánh bỏ túi khổ nhỏ phải luôn ở bên chúng ta.

Hôm nay tôi muốn bày tỏ mong ước hòa bình và mọi điều tốt lành đến với tất cả những người ở Viễn Đông và ở nhiều nơi trên thế giới đang mừng Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, trong dịp vui mừng này, tôi không thể không nói đến sự gần gũi thiêng liêng của tôi với những người đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch coronavirus, với hy vọng rằng những khó khăn hiện tại sẽ sớm được vượt qua. Cuối cùng, tôi hy vọng rằng lòng tốt, sự nhạy cảm, tình đoàn kết và sự hòa hợp đang được trải nghiệm trong các gia đình đoàn tụ trong những ngày này theo thông lệ, có thể ngày càng thấm nhuần và đặc trưng cho các mối quan hệ gia đình và xã hội của chúng ta để sống một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc. Chúc mừng năm mới!

Đáng buồn thay, tôi đặc biệt nghĩ đến Miến Điện, nơi có Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Làng Can Thar – một trong những nơi thờ phượng cổ kính và quan trọng nhất của đất nước – đã bị đốt cháy và phá hủy. Tôi gần gũi với những thường dân bất lực đang chịu những thử thách khắc nghiệt ở nhiều thành phố. Xin Chúa cho cuộc xung đột này sớm chấm dứt, mở ra một thời kỳ mới của sự tha thứ, yêu thương và hòa bình. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Đức Mẹ cho Miến Điện.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Tôi cũng mời anh chị em cầu nguyện để các hành động bạo lực ở Peru có thể chấm dứt. Bạo lực dập tắt hy vọng về một giải pháp công bằng cho các vấn đề. Tôi khuyến khích tất cả các bên liên quan thực hiện con đường đối thoại với tư cách là anh em cùng một quốc gia, hoàn toàn tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Tôi cùng với các Giám mục Peru nói: ¡No a la violencia, venga de donde venga! ¡Đã quá đủ rồi! [Hãy nói không với bạo lực cho dù nó đến từ đâu! Không còn cái chết nào nữa!] Tôi thấy có những người Peru ở Quảng trường….

Những dấu hiệu tích cực đang đến từ Cameroon mang lại hy vọng về tiến trình giải quyết xung đột ở các khu vực nói tiếng Anh. Tôi khuyến khích tất cả các bên đã ký Hiệp định kiên trì trên con đường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, vì chỉ thông qua gặp gỡ, tương lai mới có thể được thiết kế.

Tôi gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người đến từ Ý và các quốc gia khác. Tôi chào những người hành hương từ Spalato, Warsaw – có rất nhiều người Ba Lan mà tôi nhìn thấy nhờ những lá cờ – và Mérida-Badajoz, Tây Ban Nha, cũng như những người từ Ascoli Piceno, Montesilvano và Gela; nhóm từ trường Thiên Thần Hộ Thủ, Alessandria; những người trong Hiệp Hội Gioventù Ardente Mariana, hay Tuổi trẻ nhiệt thành của Đức Mẹ, từ Rôma; và các thành viên của Hiệp hội các nhà tâm lý học Công Giáo.

Trong những ngày này, khi chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho sự hiệp nhất hoàn toàn của tất cả các Kitô hữu, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho hòa bình ờ Ukraine bị chiến tranh tàn phá. Xin Chúa an ủi và nâng đỡ những người đang đau khổ quá nhiều! Họ đang phải chịu đựng rất nhiều!

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Chào những bạn trẻ của Immaculata. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Giao thừa Quý Mão 2023 tại Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne
Trần Văn Minh
00:59 22/01/2023
Xem hình

Thánh lễ đồng tế do:
Linh mục Dominico Vũ Kim Quyền SJ. Giám Tỉnh Dòng Tên Úc Châu chủ tế.
Quý Linh Mục Phạm Minh Ước SJ tuyên úy cộng đoàn
Linh mục Phạm Văn Ái SJ tuyên úy cộng đoàn
Linh mục Bùi Ngọc Thắng (cha khách đến từ Đài Loan.)
Và Linh mục Vũ Nhật Thăng, Chánh xứ Saint Brenden, Flemington đồng tế.
Ca đoàn Cecilia phụng vụ thánh ca xuất sắc cho Thánh lễ giao thừa năm nay.
 
Nam Úc: Thánh Lễ Tất Niên & Mừng Năm Mới tại giáo xứ Ottoway
Jo. Vĩnh SA
05:14 22/01/2023
Giáo xứ Ottoway:




Hội Ái Mộ Cha Px Trương Bửu Diệp phối hợp với các giáo dân đồng hương Việt Nam thuộc Gx Ottoway tổ chức thánh lễ Tất Niên và Mừng Xuân Mới, lúc 6 giờ 30 chiều, ngày 29 Tết ta cuối năm (ngày 20 Jan 2023) tại nhà thờ Thánh Maximillian Kolbe thuộc TGP Adelaide, Nam Úc.
Thánh lễ do Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ phó xứ nhà thờ chánh toà St Francis Xavier, TGP Adelaide chủ tế. Cùng đồng tế có cha Marek P’tak chánh xứ giáo xứ Ottoway, kiêm tuyên úy cộng đồng người Ba Lan.
Kết thúc thánh lễ hai cha đã làm phép cây Lộc Xuân được đặt trước tượng Cha Diệp trên gian Cung Thánh, kế bên bàn thờ
Sau đó BTC đã mời đã Cha Marek P’Tak lên hái Lộc Xuân cho chính ngài và một Lộc Xuân cho Gx. Ottoway
Cha chủ tế Trần Trọng Mỹ hái một Lộc Xuân cho Ngài
Nữ tu Nguyễn Thị Phương Liên dòng Pasionist nữ, khách từ VN sang thăm thân nhân cũng được mời lên hái Lộc Xuân
Bà Jola chánh văn phòng giáo xứ, đại diện cho CĐ Ba Lan lên hái Lộc Xuân, cho CĐ nói tiếng Ba Lan
Ông Hội Trưởng Hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp đại diện đã hái Lộc Xuân cho Hội
Năm nay cây Lộc Xuân của Hội Ái Mộ Cha Px Trương Bửu Diệp được in các câu kinh thánh bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh và Ba Lan

XEM HÌNH HÁI LỘC XUÂN

Cha chánh xứ Marek P'Tak đã yêu cầu BTC dành lại 120 Lộc thánh, treo tiếp trên cây Lộc Xuân để cho cộng đoàn giáo xứ Ottoway sẽ lên hái vào thánh lễ tiếng Anh, được cử hành lúc 6.30pm tối, thứ Bảy 21st, Jan, 23 và thánh lễ sáng Chúa Nhật được cử hành vào lúc 10.00am, ngày 22.Jan.2023 tức là ngày Mồng Một Tết Âm Lịch cho tất cả giáo dân Gx Ottoway không phân biệt sắc tộc cùng hái Lộc Xuân
Như vậy Tết Qúy Mão, Âm Lịch năm nay, không chỉ dành riêng cho CĐ người Việt tại Nam Úc mà còn cho cả cộng đồng người Ba Lan và CĐ nói tiếng Anh, Úc nữa.
Sau khi các chức sắc được BTC mời lên hái Lộc Thánh, họ đã tự đọc và công bố “Lộc Xuân Lời Chúa” bằng 3 ngôn ngữ trước Cộng Đoàn để tất cả giáo dân trong giáo xứ tham dự đều biết rõ, để làm kim chỉ nam cho cuộc sống trong năm Quý Mão 2023.

Kế tiếp toàn thể cộng đoàn giáo dân tham dự thánh lễ, được mời xếp hàng lên hái Lộc Thánh cho chính cá nhân mình, đem về để trên đầu giường, mỗi tối đọc kinh cầu nguyện, thực thi Lời Chúa trong năm 2023.
Con cái cha Diệp
 
VietCatholic TV
Chấn động: TT Zelenskiy nói Putin có thể đã tắt thở. Chỉ huy NATO tiết lộ: Gerasimov rất tàn bạo
VietCatholic Media
03:28 22/01/2023


1. Tổng thống Ukraine Zelenskiy nói rằng Vladimir Putin có thể đã băng hà trong một bài phát biểu gây chấn động

Ký giả Ryan Fahey của tờ The Mirror có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Ukraine President Zelensky says Vladimir Putin could be dead in bombshell speech”, nghĩa là “Tổng thống Ukraine Zelenskiy nói rằng Vladimir Putin có thể đã chết trong một bài phát biểu gây chấn động.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Sau khi những tin đồn về sức khỏe của Vladimir Putin tạm lắng, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã khơi lại cuộc tranh luận - gợi ý rằng bạo chúa thậm chí có thể đã chết.

Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, kêu gọi các đồng minh gửi thêm vũ khí cho quân đội của ông trước các cuộc tấn công mới của Nga

Lời kêu gọi của ông được đưa ra trong bối cảnh các thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa; và bình luận về “thảm kịch” trực thăng ở Brovary, trong đó 18 người thiệt mạng.

Trong khi Kyiv không đổ lỗi cho Nga về vụ tai nạn máy bay trực thăng, Zelenskiy cho biết “không có tai nạn” trong thời gian xung đột.

Nhưng có lẽ những lời bình luận đáng chú ý nhất trong bài phát biểu của ông được đưa ra khi ông cân nhắc về cái chết của vị tổng thống chuyên chế.

Ông cho biết: “Hiện giờ tôi không hiểu tôi đang thương thảo cùng ai. Tôi không chắc liệu tổng thống Nga có còn sống hay không.”

“Tôi không chắc ông ta vẫn còn sống, và chính ông ta là người đưa ra các quyết định.”

Mặc dù tin đồn về bệnh tật của Putin đã được chia sẻ rộng rãi, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông ta đã chết hay mắc bệnh nan y.

Các chuyên gia về Nga cho rằng trong nỗ lực bám lấy quyền lực, một số tay chân của ông ta có thể muốn che đậy cái chết của ông ta.

Tuy nhiên, các thuyết âm mưu về một thế thân thay thế Putin đã tồn tại ít nhất một thập kỷ, cũng như các báo cáo về sức khỏe ngày càng suy giảm của ông ta.

Một số người tin rằng Putin đã bị giết và thay thế bằng một người trông giống ông vào đầu những năm 2000. Họ tin rằng người này đã điều hành nước Nga kể từ đó.

Các giả thuyết cho rằng người đàn ông mà chúng ta nghĩ là Putin chỉ đơn giản là một bù nhìn, chỉ đơn giản là người bị giật dây bởi các nhà tài phiệt giàu có và các chính trị gia quan trọng khác.

Tin đồn về việc ông Putin bị đột quỵ bắt nguồn từ những ngày đầu ông làm tổng thống vào khoảng năm 2008.

Trong cùng năm đó, Ngũ Giác Đài đã biên soạn một nghiên cứu tuyên bố rằng nhà độc tài mắc chứng Asperger. Vài năm sau, sức khỏe tâm thần của ông ta đã bị nghi ngờ cùng với việc ông ta rõ ràng đã sử dụng Botox sau khi người ta quan sát thấy một con mắt thâm đen của ông ta.

Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hoãn chuyến thăm Nga với lý do “vấn đề sức khỏe” của Putin, tin đồn lại bùng phát vào năm 2012.

Nhưng đã có nhiều báo cáo chắc chắn hơn liên quan đến những lo ngại về sức khỏe trong những tuần và tháng gần đây kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Các báo cáo ấy có thể đáng tin cậy hơn.

Đầu năm nay, giám đốc tình báo quốc phòng Ukraine tuyên bố bạo chúa đã chiến đấu với căn bệnh ung thư trong một “thời gian dài” và rằng ông ta sẽ chết “rất nhanh”.

Kyrylo Budanov, Cục trưởng Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, cho biết các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Điện Cẩm Linh xác nhận ông Putin, 70 tuổi, đang mắc bệnh ung thư.

Ông Budanov cho biết tổng thống Nga đã bị ốm trong “một thời gian dài” và sẽ sớm qua đời.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Putin hủy bỏ hai sự kiện công khai vào cuối năm ngoái, bao gồm bài phát biểu cấp nhà nước thường niên và chuyến thăm một nhà máy sản xuất xe tăng.

Phần lớn suy đoán xuất phát từ khuôn mặt sưng húp của Putin khi xuất hiện trước công chúng, mà một số người cho rằng là do điều trị ung thư hoặc steroid.

Vào cuối tháng 12, một nhà tài phiệt Nga có quan hệ chặt chẽ với Điện Cẩm Linh đã được ghi âm nói rằng ông ta “bị bệnh ung thư máu rất nặng” và rằng ông ta đã phẫu thuật trước khi ra lệnh xâm lược Ukraine.

Bất chấp những tuyên bố liên tục về tình trạng sức khỏe suy yếu của ông ta, Điện Cẩm Linh đã nhiều lần phủ nhận bất cứ điều gì không ổn với ông và nói rằng ông có sức khỏe tốt.

2. Đánh lớn tại Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Chúa Nhật 22 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết giao tranh đang diễn ra ác liệt tại cả 3 mặt trận Donetsk, Luhansk và Zaporizhzhia. Trong 24 giờ qua, 860 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 1 xe tăng, 15 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo và một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Trong khu vực Donetsk, quân Nga tái củng cố sau các cuộc tấn công thất bại vào thành phố Bakhmut theo các hướng Krasna Hora, Pidhorodne, và Opytne. Bất chấp các nỗ lực tấn công vào hai thành phố Bakhmut và Soledar, từ hôm thứ Hai 16 Tháng Giêng cho đến nay quân Nga không đạt được thêm bất kỳ một lợi ích lãnh thổ nào.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng quân Nga đã chiếm được làng Klishchiivka, cách Bakhmut 9 km về phía nam. Chuẩn tướng Oleksii Hromov đã bác bỏ tin này. Thật ra, ngôi làng Klishchiivka chỉ là một ngôi làng rất nhỏ với dân số trong thời bình chưa đến 300 người. Việc cao rao chiến thắng này cho thấy Điện Cẩm Linh đang khao khát tin tốt lành từ các mặt trận biết là chừng nào.

Nhìn chung, tốc độ tiến công của quân đội Nga ở khu vực Bakhmut gần đây đã chậm lại trong bối cảnh ngày càng có những hạn chế gắt gao về nhân sự và đạn dược, điều này có thể sẽ ngăn cản quân đội Nga duy trì nhịp độ cao của các hoạt động tấn công trong khu vực trong thời gian tới.

Trong khu vực Luhansk, quân Ukraine có thể sẽ chiếm được thành phố Kreminna trong một một thời gian ngắn sắp tới. Theo Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai, nếu quân đội Ukraine có thể đánh bật quân Nga khỏi Kreminna, họ có thể tiến hành theo hai hướng.

“Hướng thứ nhất là đến Starobilsk, trung tâm hậu cần của vùng Luhansk. Bất cứ ai kiểm soát Starobilsk sẽ có thể kiểm soát toàn bộ hậu cần của khu vực Luhansk bằng hỏa lực. Nói cách khác, sẽ gần như không còn con đường nào mà kẻ thù có thể lặng lẽ di chuyển nhân lực hoặc thiết bị,” Hayday nói.

“Hướng thứ hai là hướng tới Rubizhne và Severodonetsk. Điều này là để phá vỡ nhóm quân Nga hiện đang liên tục, suốt ngày đêm, tiến về phía Bakhmut. Nó có thể bị cắt ngang và theo đó, giúp cho việc phòng thủ của quân đội đang bảo vệ Bakhmut trở nên dễ dàng hơn.”

Hayday cho biết hai trong số các thành phố lớn hơn ở khu vực Luhansk gần Kreminna, là Severodonetsk và Rubizhne, đã bị lực lượng Nga “phá hủy gần như hoàn toàn” trong hơn 4 tháng rưỡi xâm lược và “do đó, những thành phố này không thể là bất kỳ căn cứ phòng thủ lớn nào”.

Trong khu vực Zaporizhzhia, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Igor Konashenkov, báo cáo rằng từ hôm thứ Bẩy 21 Tháng Giêng, quân Nga đã bắt đầu các hoạt động tấn công trong khu vực và tuyên bố đã “chiếm được các tuyến và vị trí thuận lợi hơn”. Động tác loan báo “bắt đầu các hoạt động tấn công” của Konashenkov có vẻ lạ thường. Các chuyên gia cho rằng nó có tính chất tuyên truyền nhiều hơn thực chất; và là dấu chỉ cho thấy Điện Cẩm Linh đang phải chiến đấu với sự suy giảm niềm tin của dân chúng Nga.

Thống Đốc Zaporizhzhia là ông Oleksandr Starukh bác bỏ các tuyên bố lợi ích quân sự của Nga nhưng cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành hơn 160 cuộc tấn công bằng pháo kích trong đêm vào 21 thị trấn và thành phố, giết chết một phụ nữ và làm bị thương hai người khác. Ông nói: “Trong ngày qua, đạn pháo của Nga đã bao trùm 21 thị trấn và làng mạc của vùng Zaporizhzhia. Các cộng đồng của chúng tôi đã sống sót sau 166 trận pháo kích. 18 ngôi nhà bị phá hủy.”

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 21 Tháng Giêng, lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 120.160 quân xâm lược Nga, trong đó có 860 binh sĩ trong một ngày qua. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã tiêu diệt 3.140 xe tăng, 6.256 xe thiết giáp, 2.135 hệ thống pháo, 443 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 220 hệ thống phòng không, 287 máy bay, 277 máy bay trực thăng, 1.891 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 749 hỏa tiễn hành trình, 17 tàu chiến, 4.918 xe chuyển quân và nhiên liệu, 193 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov cho biết Quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng xe tăng Đức ở Ba Lan

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết các lực lượng Ukraine sẽ huấn luyện xe tăng chiến đấu Leopard 2 ở Ba Lan, bất chấp việc các đồng minh phương Tây không đạt được quyết định về việc có cung cấp xe tăng do Đức sản xuất cho Kyiv hay không.

Reznikov đã nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với Ban tiếng Ukraine của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

“Các quốc gia đã có xe tăng Leopard có thể bắt đầu các nhiệm vụ huấn luyện cho đội xe tăng của chúng ta. Chúng ta sẽ bắt đầu với điều đó, và chúng ta sẽ đi từ đó,” Bộ trưởng nói.

Reznikov nói rằng ông hy vọng rằng Đức “sẽ tuân thủ quy trình của họ, tiến hành các cuộc tham vấn nội bộ và sẽ đi đến quyết định” gửi xe tăng tới Ukraine.

“Tôi lạc quan về điều này vì bước đầu tiên đã được thực hiện. Chúng ta sẽ bắt đầu các chương trình đào tạo cho đội xe tăng của chúng ta trên Leopards 2,” Reznikov nói.

Theo ông, các thỏa thuận đã đạt được nhờ các sáng kiến của Ba Lan và Anh liên quan đến xe tăng Leopard và Challenger.

Vương quốc Anh sẽ bắt đầu huấn luyện Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng xe tăng Challenger 2 trong những ngày tới.

4. Tư lệnh Hải quân Ukraine nói các tàu bè treo cờ Nga trong hải phận Ukraine đều là mục tiêu cho lực lượng hải quân

Mọi thứ có cờ Nga hiện là mục tiêu của Hải quân Ukraine. Điều này đã được tuyên bố bởi Phó Đô đốc Tư lệnh Hải quân Oleksiy Neizhpapa.

“Bất cứ thứ gì có cờ Liên bang Nga hiện đều là mục tiêu của Lực lượng Hải quân Ukraine. Bất kể đó là tàu tuần dương, thuyền, tàu khu trục nhỏ hay tàu ngầm”, phó đô đốc nhấn mạnh.

Ông nhắc nhớ rằng hồi tháng 3, Bộ Tổng tham mưu Nga báo cáo rằng Lực lượng Hải quân Ukraine đã không còn tồn tại. Và vào đầu tháng sau đó, soái hạm của hạm đội Hắc Hải, tàu tuần dương Moskva, đã bị đánh chìm.

Như đã đưa tin, ngày 13 tháng Tư, hỏa tiễn Neptune của Ukraine đã bắn trúng và đánh chìm tuần dương hạm Moskva trị giá 750 triệu USD. Soái hạm này đã chìm xuống lòng biển vào ngày 14 tháng Tư. Bộ Quốc phòng Nga chỉ công khai thừa nhận cái chết của 5 thành viên thủy thủ đoàn.

Theo Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, có 510 binh sĩ trên tàu Moskva, trong đó 58 người được cho là sống sót còn bao nhiêu đều chìm vào lòng biển.

Tổng cục Tình báo Ukraine lưu ý rằng gia đình của các thủy thủ buộc phải giữ im lặng về cái chết của những người thân yêu của họ.

5. Người Nga tấn công khu vực Kherson 36 lần trong ngày qua, làm hai thiếu niên bị thương

Quân đội Nga đã tiến hành 36 cuộc tấn công trên lãnh thổ vùng Kherson trong ngày qua. Bốn người, trong đó có hai thiếu niên, bị thương.

Thống Đốc Kherson, là ông Yaroslav Yanushevych, cho biết

“Quân xâm lược Nga đã nã pháo vào lãnh thổ vùng Kherson 36 lần. Các thị trấn và làng mạc yên bình bị trúng đạn pháo, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và súng cối... Bốn cư dân của vùng Kherson bị thương ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Hai người bị thương khi trúng mìn của Nga, trong số đó có một cậu bé 16 tuổi. Hai người bị thương trong các cuộc không kích của quân đội Nga, trong số đó có một cậu bé 15 tuổi”.

6. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định cả hai bên đều tập trung 'lực lượng đáng kể' ở Zaporizhzhia

Bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh ngày 21 Tháng Giêng cho biết như sau:

Trong những ngày gần đây, giao tranh ác liệt nhất tập trung ở ba khu vực. Ở phía đông bắc, gần Kremina, Ukraine có thể đã đạt được những thành tựu nhỏ và phòng thủ thành công trước một cuộc phản công của Nga.

Xung quanh tỉnh Donetsk, trong khu vực Bakhmut, các lực lượng Nga và nhóm nhiệm Wagner có thể đã tái phối trí ở thị trấn Soledar, sau khi chiếm được nó vào đầu tuần.

Ở phía nam, tại tỉnh Zaporizhzhia, cả hai bên đã tập trung lực lượng đáng kể, đã tiến hành các cuộc giao tranh và đấu pháo, nhưng đã tránh bất kỳ nỗ lực tấn công quy mô lớn nào.

Nhìn chung, cuộc xung đột đang ở trong tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, có một khả năng thực tế về những bước tiến địa phương của Nga xung quanh Bakhmut.

7. 'Sự thiếu quyết đoán đang giết chết nhiều người của chúng ta hơn', cố vấn Zelenskiy nói về sự chậm trễ giao xe tăng

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng sự thận trọng và chậm đưa ra quyết định về việc có gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine hay không đang phải trả giá bằng mạng sống.

Mykhailo Podolyak hôm thứ Bảy đã viết trên Twitter sự thất vọng của mình trước “sự do dự toàn cầu” đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ông nói: “Dù sao thì bạn cũng sẽ giúp Ukraine với những vũ khí cần thiết và nhận ra rằng không có lựa chọn nào khác để kết thúc chiến tranh ngoại trừ việc đánh bại Nga”.

“Nhưng sự do dự ngày nay đang giết chết nhiều người dân của chúng tôi hơn. Mỗi ngày chậm trễ đều dẫn đến cái chết của người Ukraine. Hãy suy nghĩ nhanh hơn.”

Diễn biến này diễn ra khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các phóng viên sau một sự kiện vào tối thứ Sáu rằng “Ukraine sẽ nhận được tất cả sự giúp đỡ mà họ cần”, để trả lời câu hỏi về việc liệu ông có ủng hộ Ba Lan gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine hay không.

8. Các nước vùng Baltic cầu xin Đức gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine

Latvia đã yêu cầu Đức gửi xe tăng Leopard 2 “ngay bây giờ” tới Ukraine sau khi nhận thấy chính phủ ở Berlin có thái độ chần chừ.

Ngoại trưởng Latvia, Edgars Rinkēvičs, nói: “Chúng tôi, các ngoại trưởng Latvia, Estonia và Lithuania, kêu gọi Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine ngay bây giờ. Điều này là cần thiết để ngăn chặn sự xâm lược của Nga, giúp đỡ Ukraine và khôi phục hòa bình ở Âu Châu một cách nhanh chóng. Đức, với tư cách là cường quốc hàng đầu Âu Châu, có trách nhiệm đặc biệt trong vấn đề này.”

Các Ngoại trưởng Estonia và Lithuania cũng đưa ra lập trường tương tự. Các quốc gia vùng Baltic có biên giới với Nga lo sợ rằng nếu Nga thành công ở Ukraine, họ có thể chuyển sự chú ý sang ba quốc gia từng là một phần của Liên Xô.

Lời cầu xin từ Rinkēvičs được đưa ra một ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh quân sự tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức không đạt được cam kết gửi xe tăng từ chính phủ Đức.

Vào thứ Sáu, họ nhích lại gần hơn, yêu cầu xem xét lại nguồn dự trữ Leopard 2, nhưng bộ trưởng quốc phòng, ông Boris Pistorious, cho biết: “Chúng tôi phải cân bằng tất cả những ưu và nhược điểm trước khi quyết định những việc như vậy, vấn đề chỉ có thế thôi,” AP đưa tin.

Chính phủ của Olaf Scholz đã có một đường lối thận trọng kể từ khi chiến tranh bùng nổ, mặc dù nó đã đi xa hơn so với các cuộc xung đột trước đó và thay đổi văn hóa chính trị lâu đời vốn đã có từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

9. Cựu tướng NATO nói rằng Tư lệnh mới của Nga ở Ukraine là một tên 'Tàn nhẫn và tàn bạo'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's New Commander in Ukraine Is 'Ruthless and Brutal'—Former General”, nghĩa là “Cựu tướng nói rằng Tư lệnh mới của Nga ở Ukraine là một tên 'Tàn nhẫn và tàn bạo'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng Tư Lệnh mới của Vladimir Putin trong cuộc xâm lược Ukraine rất “tàn nhẫn” và việc bổ nhiệm cho thấy tổng thống Nga đang rất muốn chơi một “trò chơi lâu dài”, một cựu chỉ huy NATO đã nói với Newsweek.

Trong một sự thay đổi mạnh mẽ nhất ở hàng lãnh đạo kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov đã được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc xâm lược Ukraine, tiếp quản từ Sergey Surovikin, người mới chỉ giám sát cái mà Mạc Tư Khoa gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” kể từ tháng mười.

Động thái bất ngờ này là lần thứ tư Putin cải tổ bộ chỉ huy chiến tranh của mình, và trong khi Gerasimov giúp lên kế hoạch cho cuộc xâm lược, ông ta đã không xuất hiện nhiều trước công chúng, chỉ có một lần được báo cáo là đã đến thăm trung tâm chỉ huy bên trong Ukraine.

Cựu Phó Tư lệnh Tối cao Đồng minh Âu Châu trong thời gian từ 2011 đến 2014, là Sir Richard Shirreff, đã gặp Gerasimov nhiều lần và mô tả ông ta là “kiểu tướng Nga thuộc nhóm trung tâm của Liên Xô.”

Ông ấy nói với Newsweek: “Gerasimov là một kiểu người tàn nhẫn, ông ta tàn bạo, ông ta sẽ dùng búa tạ để đập vỡ một quả hạnh đào”.

“Ông ta không thông minh chút nào, mặc dù đã viết ra cái gọi là 'học thuyết Gerasimov', là thứ có lẽ được ai đó viết cho ông ấy và ông ấy ký tên vào đó thôi.”

Học thuyết chính sách đối ngoại mang tên vị tướng Nga quy định việc kiểm soát không gian thông tin, điều phối tất cả các khía cạnh của một chiến dịch, cũng như tấn công sâu vào lãnh thổ của kẻ thù và tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự quan trọng.

“Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu cho thấy Putin sẽ tham gia cuộc chơi lâu dài này,” Shirreff nói, đồng thời đề cập đến thông báo trong tuần này rằng Nga sẽ tăng quy mô lực lượng lên 1,5 triệu người như một bằng chứng về sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài.

“ Cuộc chiến trường kỳ”

Shirreff cho biết thông báo về số lượng binh sĩ này là “một dấu hiệu cho thấy Putin nhận ra đây là một cuộc chiến lâu dài – ông ấy sẽ không lùi bước và chiến lược của ông ấy là vượt lên trên Ukraine”.

Dù Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng việc tăng quân “sẽ không ảnh hưởng đến trận chiến năm nay”, nó có thể có tác động “năm tới hoặc năm sau nữa”.

“Tăng quân đội Nga lên 12 sư đoàn là một chuyện. Một chuyện khác là làm sao thực sự tạo ra năng lực cho lực lượng đó, huấn luyện họ, trang bị cho họ, bảo đảm họ có khả năng hậu cần và họ sẵn sàng chiến đấu.”

Tuy nhiên, ông nói rằng ông lo lắng về thông điệp từ một số nguồn tin cơ sở quốc phòng rằng số lượng quân đội Nga bị tổn thất và rút lui cao có nghĩa là nỗ lực chiến tranh của Putin đã thất bại.

Shirreff e rằng đánh giá như thế là chủ quan. “Nga có nguồn nhân lực vô tận cũng như một số lượng lớn thiết bị quân sự.”

Ông nói thêm: “Nga có khả năng chịu đau đớn và gần như tự hào về điều đó, vì vậy tôi nghĩ chúng ta phải cẩn thận khi đánh giá thấp Nga”
 
Mùng một Tết Quý Mão, quân Putin tháo chạy, mất 17 chiến xa. Đức thăm Ukraine trước khi trao Leopard
VietCatholic Media
15:18 22/01/2023


1. Mỹ đã báo cho Ukraine biết trước kế hoạch của Nga đánh Zaporizhzhia. Quân Nga hớt hải tháo chạy trong hai ngày đầu giao tranh.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào chiều Chúa Nhật 22 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, cho biết tình hình tại Zaporizhzhia đã bớt căng thẳng sau thất bại của quân Nga trong hai ngày thứ Bẩy và Chúa Nhật vừa qua.

Quân Nga đã tấn công tàn bạo vào thành phố Bakhmut và thành phố Soledar, nhưng một mặt khác đã điều một lượng lớn quân từ vùng Rostov-on-Don của Nga qua Mariupol để tăng quân cho vùng Zaporizhzhia. Đó là chiêu dương Đông kích Tây. Hôm thứ Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ tin tưởng vào chiêu này nên nhấn mạnh rằng chiến thắng trong cuộc xung đột là “không thể tránh khỏi”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Igor Konashenkov, báo cáo rằng từ hôm thứ Bẩy 21 Tháng Giêng, quân Nga đã bắt đầu các hoạt động tấn công trong khu vực và tuyên bố đã “chiếm được các tuyến và vị trí thuận lợi hơn”.

Tuy nhiên, quân Ukraine hoàn toàn không hề bất ngờ. Trong bản tin tình báo hôm thứ Bẩy, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết cả hai bên đều tập trung một số lượng đông đảo quân đội trong vùng Zaporizhzhia. Sau 48 giờ giao tranh, trên thực địa quân Nga đã tháo chạy khỏi Dorozhnyanka; và bị truy kích đến Polohy cách đó 17.6 km về phía Nam.

Sơ khởi, khoảng 400 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 5 xe tăng, 12 xe thiết giáp và 14 xe chuyển quân bị bắn cháy dọc theo xa lộ T0401. Quân Ukraine vừa tịch thu vừa phá hủy của quân Nga 9 hệ thống pháo và 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Tàn quân chạy bộ về Polohy. Giao tranh đang diễn ra tại đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Giám đốc CIA William J. Burns đã bí mật tới thủ đô Kyiv của Ukraine vào cuối tuần thứ nhất của Tháng Giêng để báo cáo với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về những tin tức tình báo của ông đối với những gì Nga đang lên kế hoạch quân sự trong những tuần và tháng tới.

Khi ván bài đã lật ngửa, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Giám đốc Burns đã tới Kyiv, nơi ông gặp gỡ các đối tác tình báo Ukraine cũng như Tổng thống Zelenskiy và củng cố sự hỗ trợ liên tục của chúng ta dành cho Ukraine trong việc bảo vệ nước này trước sự xâm lược của Nga”.

2. Tổng Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ nhận định rằng thương vong hàng loạt của Nga ở Ukraine là một 'thảm họa tuyệt đối'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Massive Deaths in Ukraine Are 'Absolute Catastrophe': U.S. General”, nghĩa là “Tổng Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ nhận định rằng những cái chết hàng loạt của Nga ở Ukraine là một 'thảm họa tuyệt đối'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Tổng Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ Mark Milley cho biết cuộc chiến ở Ukraine “đang biến thành một thảm họa tuyệt đối đối với Nga” bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng chiến thắng trong cuộc xung đột là “không thể tránh khỏi”.

“Tôi thực sự nghĩ rằng cuối cùng cuộc chiến này, giống như nhiều cuộc chiến trong quá khứ, sẽ kết thúc tại một bàn đàm phán nào đó, và điều đó sẽ được quyết định về mặt thời gian bởi các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia, cả Nga và Ukraine.” Tướng Milley, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

“Tổng thống Putin có thể kết thúc cuộc chiến này ngay hôm nay... đó là cuộc chiến do ông ấy lựa chọn, và ông ấy có thể kết thúc nó ngay hôm nay bởi vì nó đang trở thành một thảm họa tuyệt đối đối với nước Nga: số lượng lớn thương vong, rất nhiều thiệt hại khác cho quân đội Nga, v.v. ông ấy nên và có thể kết thúc cuộc chiến này ngay bây giờ, ngay hôm nay.”

Lực lượng vũ trang Ukraine gần đây cho biết khoảng 117.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến kể từ khi nó được phát động vào tháng 2 năm ngoái. Mặc dù Nga không thường xuyên công bố số liệu thương vong, nhưng Mạc Tư Khoa khăng khăng cho biết chưa đến 6.000 binh sĩ chính quy của họ thiệt mạng, cùng với chưa đến 4.000 chiến binh bổ sung từ cái gọi là các nước cộng hòa nhân dân của Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine bị tạm chiếm.

Các số liệu của Nga không bao gồm các chiến binh đánh thuê như những người từ Tập đoàn Wagner. Newsweek không thể xác minh độc lập số liệu từ cả hai bên.

Tuy nhiên, Putin dường như chắc chắn rằng ông có thể đạt được chiến thắng ở Ukraine trong bối cảnh quân đội của ông ta đạt được những thành tựu quân sự nhỏ nhoi gần đây tại thành phố Soledar của Ukraine. Ông nói hôm thứ Tư rằng ông “không nghi ngờ gì” về việc Nga chiến thắng trong cuộc chiến.

“Tất cả những gì chúng ta đang làm hôm nay, bao gồm cả hoạt động quân sự đặc biệt, là một nỗ lực để ngăn chặn cuộc chiến này,” Tổng thống Nga cho biết trước đó cùng ngày. “Đây là mục đích chính trong hoạt động của chúng ta: đó là bảo vệ những người dân của chúng ta sống ở đó, trên những vùng lãnh thổ này,” ông nói thêm, theo một bài báo của phương tiện truyền thông nhà nước.

Hôm thứ Ba, Tướng Milley đã gặp trực tiếp chỉ huy quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhnyi, tại một địa điểm không được tiết lộ gần biên giới Ukraine-Ba Lan. Tại đó, tướng Mỹ và người đồng cấp Ukraine đã thảo luận về nhu cầu quân sự của Ukraine, hãng tin AP đưa tin.

Phát ngôn viên của Tướng Milley, Đại tá Dave Butler, nói rằng cả hai nhà lãnh đạo quân sự đã thường xuyên nói chuyện với nhau trong khoảng một năm nay.

“Họ đã nói chi tiết về cách phòng thủ mà Ukraine đang cố gắng thực hiện để chống lại sự gây hấn của Nga. Và điều quan trọng là: Khi bạn có hai chuyên gia quân sự nhìn thẳng vào mắt nhau và nói về những chủ đề rất, rất quan trọng, sẽ có một sự khác biệt,” Butler nói.

Khi cuộc chiến Ukraine tiếp tục bước sang tháng thứ 11, một số nhà phê bình chỉ trích Putin đang trở nên thẳng thắn hơn chống lại cuộc xung đột và nó có thể ảnh hưởng đến Nga như thế nào. Cựu chỉ huy Nga Igor Ivanovich Strelkov, còn được gọi là Igor Girkin, đã cảnh báo vào hôm Chúa Nhật về một “cuộc nội chiến” ở Nga có thể dẫn đến “hàng triệu thương vong”.

“ Có đủ loại nội chiến. Có những cuộc nội chiến sẽ giết chết đất nước chúng ta trong ba ngày vào mùa đông. Và nó sẽ kết thúc sau ba ngày nữa, nhưng nó sẽ giết chết đất nước,” Girkin nói trong một clip có phụ đề được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine đăng lên Twitter.

Strelkov cũng cho rằng Mạc Tư Khoa có thể “rơi vào một cuộc nội chiến với hàng triệu người thương vong, với sự sụp đổ và tan rã hoàn toàn”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga, văn phòng truyền thông của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để xin bình luận.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius có thể thăm Ukraine trong vài tuần tới

Bộ trưởng Quốc phòng Đức mới được bổ nhiệm, ông Boris Pistorius, có thể sẽ sớm đến thăm Ukraine, thậm chí có thể trong vòng 4 tuần tới.

Trong một bài bình luận cho Bild và Sonntag, Pistorius nói: “Điều chắc chắn là tôi sẽ tới Ukraine nhanh chóng. Có lẽ thậm chí chỉ trong vòng bốn tuần tới.”

Về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine, ông Pistorius lưu ý rằng Đức “đang đối thoại rất chặt chẽ với các đối tác quốc tế của chúng ta, trước hết là với Mỹ, về vấn đề này”.

Theo Pistorius, Bộ đã được chỉ đạo kiểm tra mọi thứ để không lãng phí thời gian.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 19 Tháng Giêng, Boris Pistorius đã tuyên thệ nhậm chức tại Bundestag với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Đức.

4. Phát ngôn nhân an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc giải thích quan điểm của Đức về xe tăng Leopard

Đức đang làm việc thông qua quy trình riêng của họ đối với xe tăng Leopard. Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết như trên khi bình luận về kết quả cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Ramstein, Đức.

“Chúng ta biết rằng Đức đang làm việc thông qua quy trình của riêng họ đối với Leopards. Leopards là những chiếc xe tăng tuyệt vời, rất có khả năng, sẽ không yêu cầu người Ukraine huấn luyện quá nhiều, nếu Đức muốn đi theo hướng đó. Đó là quyết định riêng của nước Đức, “ ông nói.

Kirby cũng giải thích rằng các đối tác không ở ngoài đó “khoang tay, xô đẩy và dỗ ngọt nhau”. Ông nói: “Chúng ta muốn các quốc gia cống hiến những gì họ có thể, đóng góp những gì họ có thể, vào thời gian và địa điểm họ có thể, cũng như chiều kích, quy mô và phạm vi mà họ cảm thấy thoải mái.

Kirby nói thêm rằng Đức đã tăng cường đóng góp của họ - ngay từ rất sớm trong cuộc chiến, họ đã là “một trong những nhà đóng góp tài chính hàng đầu thế giới cho Ukraine, xét về mặt viện trợ và hỗ trợ tài chính”, và điều đó được mọi người đánh giá cao.

“Chúng ta tin rằng điều quan trọng là mọi quốc gia có thể hỗ trợ Ukraine và nhu cầu quốc phòng của họ, và ngay bây giờ, Tổng thống Zelenskiy đã nói về điều này, một trong những nhu cầu quan trọng đối với lực lượng vũ trang Ukraine trong mùa đông này và có thể là vào mùa xuân sẽ được đáp ứng về thiết giáp, vì các kiểu chiến đấu mà họ đang thực hiện ở Donbas. Điều đó có thể bao gồm xe tăng, và người Ukraine thực sự có nhu cầu bổ sung xe tăng,” Kirby nói.

Như Ukrinform đã đưa tin, các nhà lãnh đạo quốc phòng của hơn 50 quốc gia tại cuộc họp lần thứ tám của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ở Ramstein đã không thông qua quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết trong cuộc họp, họ đã thảo luận về khả năng cung cấp xe tăng Leopard. Ông phủ nhận việc Đức đơn phương ngăn chặn việc vận chuyển xe tăng Leopard tới Ukraine, nhưng cho biết chính phủ sẵn sàng nhanh chóng gửi chúng nếu có sự đồng thuận giữa các đồng minh.

5. Ba Lan bác bỏ thông tin sai sự thật về “Các đội điều khiển xe tăng Leopard 2 của Ba Lan được gửi tới Ukraine”

Tuyên truyền của Nga đang lan truyền một cáo buộc rằng các binh sĩ lái xe tăng Ba Lan đang bị sa thải vì từ chối chiến đấu ở Ukraine

Các phương tiện truyền thông của điện Cẩm Linh, các kênh Telegram ủng hộ chiến tranh và các tài khoản Twitter đang phát tán một đoạn video trong đó một “blogger quân sự Ba Lan” bị cáo buộc nói rằng các binh sĩ lái xe tăng Ba Lan đang bị sa thải hàng loạt do từ chối tham chiến ở Ukraine.

Cụ thể, “blogger” này nói rằng 14 xe tăng Leopard 2 mà Ba Lan sắp gửi cho Ukraine sẽ được bàn giao cùng với các kíp lái Ba Lan. Người này cáo buộc rằng vì điều này, quân đội Ba Lan dường như đang sa thải các binh sĩ lái xe tăng.

Thông tin này đã bị cựu chỉ huy lực lượng mặt đất Ba Lan, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tướng Waldemar Skrzypczak phủ nhận.

“Tất nhiên đó là tin giả. Điều này là vô nghĩa, vì chính phủ Ba Lan chưa bao giờ có ý định chuyển giao cho Ukraine xe tăng Leopard 2 cùng với các kíp lái Ba Lan. Họ thậm chí sẽ không thể làm điều đó, vì luật pháp cấm điều đó,” vị tướng Ba Lan, một lính xe tăng chuyên nghiệp, nói.

Theo ông, “kịch bản của trò giả mạo này được thiết kế ở Mạc Tư Khoa, và tác giả của nó có lẽ là Peskov, phát ngôn nhân của Putin, hoặc Zakharova là phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga”, nhưng không ai ở Ba Lan phát minh ra một thứ như vậy, bởi vì nó rõ ràng là vi phạm luật pháp của đất nước.

Người Ba Lan được tuyên truyền Nga trích dẫn có tên là Marcin Kubicki. Waldemar Skrzypczak lưu ý rằng đây là lần đầu tiên ông nghe nói về một người như vậy.

Vị tướng này cũng bác bỏ thông tin sai lệch rằng kíp lái 14 xe tăng Leopard 2 của Ba Lan mà chính phủ Ba Lan dự định chuyển giao cho Ukraine được cho là đã xuất ngũ.

Skrzypczak lưu ý rằng Ba Lan có đội xe tăng Leopard 2 riêng. Họ cũng sẽ học cách phục vụ xe tăng Abrams của Mỹ và K2 Black Panther của Hàn Quốc, những loại xe đã bắt đầu được chấp nhận phục vụ trong quân đội Ba Lan.

Xe tăng trong quân đội Ba Lan sẽ là một trong những chuyên ngành quân sự được tuyển mộ nhiều nhất trong những năm tới, vì năm ngoái Ba Lan đã mua 366 xe tăng Abrams (mới và đã qua sử dụng) từ Mỹ và khoảng một nghìn xe tăng K2 Black Panther từ Hàn Quốc. Vì vậy, quân đội Ba Lan sẽ cần nhiều lính xe tăng kinh nghiệm hơn.

Trước đó, trong khuôn khổ viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thông báo chuyển giao một đại đội gồm 14 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Thủ tướng nước này, Mateusz Morawiecki, nói rằng những chiếc xe tăng này cuối cùng sẽ được bàn giao cho Ukraine ngay cả khi Đức không cho phép.

6. Ngoại trưởng Anh: Anh muốn Ukraine được trang bị xe tăng Leopard 2

Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly cho biết: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng người Ukraine sẽ thắng thế. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng điều đó được thực hiện nhanh chóng bởi vì đó là cách tốt nhất để cứu càng nhiều mạng sống càng tốt.”

“Vương quốc Anh đã đi đầu trong việc hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ trước khi cuộc xâm lược bắt đầu. Và chúng tôi tiếp tục làm như vậy với việc công bố viện trợ cho Ukraine những xe tăng Challenger cũng như một loạt các khoản đóng góp quân sự khác”.

Nói về rào cản khiến Berlin từ chối cung cấp và cho phép gửi xe tăng tới Ukraine, Cleverly cho biết Vương quốc Anh sẽ “tiếp tục liên lạc với các đối tác quốc tế của chúng ta”.

Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy mọi người tiến xa nhất có thể, nhưng mỗi quốc gia sẽ hỗ trợ Ukraine theo cách phù hợp nhất với họ.”

“Tất nhiên, tôi đã nói trên trường quốc tế về tầm nhìn của các phương tiện bọc thép bao gồm cả xe tăng tới Ukraine, bởi vì đó là những gì họ đang nói với chúng ta rằng họ cần phải đánh bại Nga ở miền đông nam của đất nước họ.”

“Khi được hỏi liệu có đúng là Đức đã làm chưa đủ hay không, Cleverly cho biết Đức đã làm rất nhiều rồi.”

“Đức đã chi một số tiền rất lớn rồi. Và điều đáng ghi nhớ là họ đến từ một xuất phát điểm rất khác về thế trận phòng ngự.”

“Tôi đã nói chuyện với các đối tác quốc tế của mình về việc cung cấp thiết bị quân sự, đặc biệt là xe tăng Leopard 2, một thiết bị cực kỳ hiệu quả.”

“Tất nhiên, tôi muốn thấy người Ukraine được trang bị những thứ như Leopard 2, cũng như các hệ thống pháo mà chúng ta và những người khác cung cấp cho họ.”

“Tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với các đồng minh NATO và bạn bè của chúng ta, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tặng các thiết bị quân sự tốt nhất cho Ukraine để giúp họ tự bảo vệ mình trước cuộc xâm lược tàn bạo này.”

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh.

Trong bản tin tình báo mới nhất đề ngày 22 Tháng Giêng, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Vào ngày 17 Tháng Giêng năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công bố kế hoạch cho những thay đổi lớn đối với cấu trúc của lực lượng vũ trang, sẽ được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026.

Điều này bao gồm việc tăng lên 1,5 triệu nhân sự – tức là tăng 11% so với mức mở rộng đã được công bố trước đó là 1,35 triệu.

Shoigu cũng tuyên bố tái lập các quân khu Mạc Tư Khoa và Leningrad, một phần trở lại tổ chức lực lượng thời Liên Xô ở miền Tây nước Nga. Một quân đoàn mới sẽ được thành lập ở Karelia, gần biên giới Phần Lan.

Các kế hoạch của Shoigu báo hiệu rằng giới lãnh đạo Nga rất có thể đánh giá rằng một mối đe dọa quân sự thông thường được tăng cường sẽ tồn tại trong nhiều năm sau cuộc chiến Ukraine hiện tại. Tuy nhiên, Nga rất có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự và trang bị cho kế hoạch mở rộng.

8. Các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ thăm Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv, thảo luận về tình hình an ninh

Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv đã tổ chức một cuộc họp với các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ. Những người tham gia đã xem xét tình hình an ninh ở khu vực Kharkiv. Thống Đốc Kharkiv là ông Oleh Syniehubov đã cho biết như trên.

“Hôm nay chúng tôi đã thảo luận về tình hình an ninh của khu vực Kharkiv tại cuộc gặp gỡ với Trung tướng Quân đội Hoa Kỳ Keith Kellogg, Chuyên gia Tình báo và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert McCreary, cùng các sĩ quan và chuyên gia quân sự Hoa Kỳ khác. Chúng tôi có niềm tin chung rằng điều duy nhất có thể ngăn chặn các hành động khủng bố của Nga và bảo đảm hòa bình ổn định ở khu vực Kharkiv là chiến thắng của Ukraine và giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ do người Nga xâm lược. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được nếu Lực lượng vũ trang Ukraine có đủ vũ khí hạng nặng tiên tiến”, Syniehubov nói.

Syniehubov đã thông báo cho các đối tác Mỹ về tình hình trong các khu vực không bị xâm lược và nỗi kinh hoàng do quân xâm lược Nga gây ra đối với thường dân, cũng như các tội ác khác của quân đội Nga. Các bên cũng thảo luận về tình hình nhân đạo và sự hỗ trợ mà người dân khu vực Kharkiv cần.

Ngoài ra, Syniehubov cảm ơn các đối tác Mỹ vì tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ mà khu vực Kharkiv nhận được.

9. Đồng minh của Putin nói rằng phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn đến 'thảm họa toàn cầu'

Một đồng minh thân cận của ông Vladimir Putin đã cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với một “thảm họa toàn cầu” nếu Washington và các nước NATO cung cấp vũ khí đe dọa các lãnh thổ của Nga.

Vyacheslav Volodin, phát ngôn nhân của Duma tức là Hạ viện Nga, cho biết hành động như vậy cũng sẽ khiến lập luận chống lại việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trở nên “không thể đứng vững”.

Volodin nói rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và NATO đối với Ukraine đang dẫn thế giới đến một “cuộc chiến khủng khiếp”.

Ông ta nói: “Nếu Washington và các nước NATO cung cấp vũ khí sẽ được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng chiếm giữ các lãnh thổ của chúng ta, như họ đe dọa, thì điều này sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn.”

“Lập luận rằng các cường quốc hạt nhân trước đây không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các cuộc xung đột địa phương là không thể chấp nhận được.”

Ông nói thêm rằng điều này là do Mỹ và NATO “không phải đối mặt với tình huống có mối đe dọa đối với an ninh của công dân họ và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước họ”.

Hôm thứ Sáu, 50 quốc gia đã đồng ý cung cấp cho Kyiv khí tài quân sự trị giá hàng tỷ đô la, bao gồm xe bọc thép và đạn dược cần thiết để đẩy lùi lực lượng Nga.

Tuy nhiên, Đức đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các đồng minh về việc nước này miễn cưỡng cung cấp xe tăng Leopard 2 để tăng cường năng lực chiến đấu cho Ukraine.

Trong một tuyên bố chung, ngoại trưởng ba nước vùng Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania cho biết họ “kêu gọi Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine ngay bây giờ”. Số xe tăng này do một số quốc gia NATO nắm giữ, nhưng để vận chuyển chúng đến Ukraine, các nước này cần có sự chấp thuận của Berlin.
 
Ngậm ngùi: ĐGM xin cầu nguyện cho 11 anh chị em bị khủng bố chặt đầu. Sách mới của Đức Bênêđíctô
VietCatholic Media
17:05 22/01/2023


1. Linh mục mô tả cuộc tấn công mới 'khủng khiếp' vào người Công Giáo ở Nigeria khiến ít nhất 11 người bị thiệt mạng và bị chặt đầu

Cha Aondover cho biết các cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 9 giờ tối thứ Năm tại một ngôi làng gần Makurdi, thủ phủ của Bang Benue, nơi có một trại tị nạn.

Một số nạn nhân của vụ tấn công đang phải nằm bệnh viện ở Agan và Makurdi, bang Benue, Nigeria.

Ít nhất 11 người, hầu hết là người Công Giáo, đã thiệt mạng vào ngày 19 Tháng Giêng khi những người chăn gia súc Fulani tấn công một ngôi làng gần trại tị nạn ở Giáo phận Makurdi của Nigeria, một quan chức giáo phận cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Phi Châu, Cha Moses Aondover Iorapuu, tổng đại diện của giáo phận, đã kể lại cuộc bách hại “khủng khiếp” mà người Công Giáo phải chịu trong cuộc tấn công.

“Những hình ảnh về vụ tấn công thật kinh hoàng, và tôi luôn nói rằng ngay cả IS cũng không thể thực hiện hành vi tàn bạo như vậy. Sau khi giết người, những kẻ này đã chặt đầu một số người và lấy các bộ phận đó đi để làm bằng chứng trình cho những người đã sai họ đến đó.”

“Tính đến tối nay, 11 người đã thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, và nhiều người bị thương trong bệnh viện.”

“Hầu như tất cả các nạn nhân” của cuộc tấn công đều là người Công Giáo, ngài nói thêm: “Những kẻ tấn công là người Fulani, những kẻ đã xâm lược một số ngôi làng và đốt phá trong các cuộc đột kích trước đó.”

Cha Aondover chỉ trích phản ứng chậm trễ của các binh sĩ an ninh. Ngài nói: “Phản ứng của cảnh sát và quân đội như mọi khi: đến hiện trường quá muộn là bình thường, và những kẻ tấn công vẫn chưa được xác định danh tính.”

Nigeria rơi vào tình trạng mất an ninh kể từ năm 2009 khi cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt đầu với mục đích biến đất nước này thành một quốc gia Hồi giáo.

Kể từ đó, nhóm này, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Phi Châu, đã tung ra các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi vào nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị cũng như dân thường.

Tình hình mất an ninh ở quốc gia Tây Phi càng trở nên phức tạp hơn do có sự tham gia của những người chăn gia súc Fulani chủ yếu theo đạo Hồi, còn được gọi là Dân quân Fulani, những người thường xuyên xung đột với nông dân theo Kitô Giáo để tranh giành đất chăn thả gia súc.

Cha Aondover cho biết cuộc tấn công vào ngôi làng vào ngày 19 Tháng Giêng đã chứng kiến cư dân “bị những người chăn gia súc này đuổi ra khỏi nhà một cách mtàn bạo,” Cha Aondover nói, đồng thời than thở về “các cuộc tấn công không ngừng mà không có một vụ bắt giữ nào và chẳng có một phản ứng có ý nghĩa từ chính phủ.”

Ngài nói: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và bị bỏ rơi bởi chính phủ của chúng tôi và cộng đồng quốc tế.
Source:National Catholic Register

2. Nhà xuất bản Ý phát hành tập tiểu luận của Đức Thánh Cha Bênêđictô

Trong khi Công đồng Vatican II trao cho Giáo Hội Công Giáo một tài liệu “tuyệt đẹp” về chức tư tế, “Công Đồng đã không đề cập đến vấn đề cơ bản” về sự khác biệt giữa cách hiểu của người Công Giáo và Tin lành về thừa tác vụ được phong chức, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết như trên trong một bài tiểu luận xuất bản sau khi ngài qua đời.

Một lời giải thích về các khía cạnh của “của lễ hy sinh và đền tội” trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể và do đó, trong vai trò của linh mục Công Giáo là trọng tâm của hai trong số các tiểu luận mới có trong cuốn sách “Kitô giáo là gì?” -- một cuốn sách chỉ mới được phát hành bằng tiếng Ý vào cuối tháng Giêng bởi nhà xuất bản Mondadori.

Đức Bênêđíctô ghi ngày cho lời nói đầu của cuốn sách là ngày 1 tháng 5 năm 2022, và kèm theo lệnh không được xuất bản nó cho đến sau khi ngài qua đời.

Chỉ mới có bốn trong số 16 tiểu luận được xuất bản trong cuốn đầu tiên. Tất cả chúng đều được viết từ năm 2014 đến tháng 3 năm 2022.

Bài tiểu luận về “Chức vụ Linh mục Công Giáo” là bản sửa đổi hoàn chỉnh và mở rộng đóng góp mà Đức Bênêđíctô đã gửi cho Đức Hồng Y Robert Sarah để đưa vào cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” xuất bản năm 2020. Mục đích chính của cuốn sách là bảo vệ luật độc thân linh mục, nhưng Đức Bênêđíctô không muốn được liệt kê như là đồng tác giả của cuốn sách và khẳng định ngài chỉ đóng góp những ghi chú để mở rộng thành một chương.

Elio Guerriero, người đã giúp Đức Bênêđíctô biên soạn các tiểu luận trong cuốn “Kitô giáo là gì?” cho biết cuộc tranh cãi về cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” là nguyên nhân khiến Đức Bênêđíctô quyết liệt chỉ cho phép xuất bản tuyển tập các bài luận cho đến sau khi ngài qua đời.

“Tôi không muốn công bố bất cứ điều gì khác trong đời mình,” Đức Bênêđíctô đã nói với Guerriero. “Sự giận dữ của những nhóm chống lại tôi ở Đức mạnh đến mức chỉ cần tôi nói bất kỳ lời nào là lập tức kích động một cuộc hỗn chiến từ phía họ. Tôi muốn tha cho bản thân mình và cho Kitô Giáo không phải chịu điều này”.

Phiên bản mới của bài tiểu luận bảo vệ sự độc thân của linh mục như là cách diễn tả thích hợp nhất về sự hiến dâng hoàn toàn của một linh mục cho Thiên Chúa và như một điều kiện để có được sự trong sạch theo nghi thức phù hợp với chức tư tế của người Israel. Nhưng phiên bản mới tập trung nhiều hơn vào mối liên hệ với chức tư tế cổ xưa và việc dâng lễ vật hy sinh hơn là tình trạng độc thân.

Bài tiểu luận trong cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” và các bài luận trong cuốn sách mới được xuất bản đều không đề cập đến việc tiếp tục phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cũng như các trường hợp ngoại lệ được Thánh Gioan Phaolô II và chính Đức Bênêđictô ban cho đối với các cựu mục sư của Anh giáo đã kết hôn, và các thừa tác viên của các giáo phái Kitô giáo khác khi họ gia nhập Công Giáo.

Một tiểu luận mới về “Ý nghĩa của việc rước lễ,” đã nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa cách hiểu của người Công Giáo về chức tư tế và cách hiểu của người Luther về thừa tác vụ; cũng như giữa cách hiểu của người Công Giáo về Thánh lễ và cách hiểu của người Luther về Bữa Tiệc Ly của Chúa.

Ngài viết, sự khác biệt “không phải là hời hợt và ngẫu nhiên mà cho thấy sự khác biệt cơ bản trong việc hiểu mệnh lệnh của Chúa Kitô” trong bữa tiệc ly khi ngài nói với các môn đệ của mình, “Hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy.”

Đức Bênêđíctô viết, sự khác biệt đó phải được tính đến khi các nhà lãnh đạo Công Giáo xem xét việc mở rộng lòng hiếu khách Thánh Thể đối với người Luther ngoài những dịp đặc biệt được giáo luật cho phép.
Source:National Catholic Register

3. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tĩnh tâm Mùa Chay riêng vào năm 2023

Giống như hai năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma sẽ lại thực hiện kỳ tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm của Vatican trên cơ sở cá nhân.

Vatican cho biết hôm thứ Sáu rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các Hồng Y sống ở Rôma và những người đứng đầu các bộ tham gia các cuộc linh thao “một cách cá nhân” trong suốt tuần đầu tiên của Mùa Chay từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 3 tháng 3.

Trong tuần đó, tất cả các cuộc hẹn của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bị hủy bỏ, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 1 tháng Ba.

Đức Thánh Cha yêu cầu các bề trên của Giáo triều Rôma đình chỉ các hoạt động công việc của họ và sử dụng năm ngày để cầu nguyện.

Đây là năm thứ ba các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay, trước đây được tổ chức như một khóa tĩnh tâm theo nhóm, sẽ diễn ra một cách riêng tư.

Vào năm 2021 và 2022, Vatican viện dẫn đại dịch COVID-19 là lý do cho sự thay đổi.

Vào năm 2020, một đợt cảm lạnh đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tham gia cùng các Hồng Y và các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma tại một nhà tĩnh tâm bên ngoài Rome.

Thông lệ Đức Thánh Cha đi tĩnh tâm Mùa Chay với các vị đứng đầu các thánh bộ của Vatican đã bắt đầu từ khoảng 90 năm trước dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XI. Các cuộc tĩnh tâm được tổ chức tại Vatican, nhưng bắt đầu từ Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn tổ chức tĩnh tâm tại Ariccia, cách Rôma khoảng 16 dặm về phía đông nam.
Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Tâm sự Mùa Xuân – Sáng tác: Thiên Lý – Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy - Hòa âm: Đỗ Tùng
Kim Thúy
16:37 22/01/2023