Ngày 20-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm vui là đặt hy vọng vào Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:55 20/01/2019
Chúa Nhật III THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 1,1-4;4,14-21

Nhiều người sống trên trần gian, sống trên thế giới không tìm được niềm vui, dường như cuộc đời của họ luôn gặp đầy rẫy đau khổ, gian nan, thử thách, vất vả. Họ hầu như không bao giờ tìm được hạnh phúc. Vậy đâu là chỗ dựa, đâu là Tin Mừng cho những người đang gặp thử thách, khắc khoải, gian nan, đau khổ ?

Đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay cho chúng ta lời giải đáp ấy! Tin Mừng ở đây nói lên niềm vui, sự hy vọng của con người bởi vì qua đoạn Phúc Âm này Chúa đã áp dụng lời tiên tri Isaia để nói về chính mình. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đến trần gian để mang lại hạnh phúc, đem niềm vui, sự hy vọng và ơn cứu độ cho con người. Cuộc đời này theo Đức Giêsu luôn có ý nghĩa, luôn có giá trị. Bởi vì, cuộc đời, con người rồi có lúc phải qua đi.Đó là định luật, là sự công bằng tuyệt đối của Thiên Chúa. Đời con người không phải chỉ lệ thuộc vào của cải, địa vị, thành công, lợi lộc của trần gian, nhưng con người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa. Chúng ta được dựng nên vì tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu như thánh Gioan định nghĩa. Nên, Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương con người, nhân loại vv…Đây là niềm hy vọng và là niềm tin của người tín hữu. Niềm hy vọng được đặt trên nền tảng là Đức Kitô. Người được xức dầu, được tràn đầy Thánh Thần và được sai đi rao giảng Tin Mừng. Người đã hoàn tất sứ mạng của một vị đại tiên tri. Chính vì vậy, Người đã đem Tin Mừng cho người nghèo khó. Người đã chữa lành cho người mù,làm cho người điếc nghe được, kẻ câm nói được, trả lại tự do cho những người tù tội, những kẻ bị ức hiếp, công bố Năm Hồng Ân vv…vv…Người là Đấng giầu Lòng Thương Xót.

Người Kitô cũng được xức dầu, được tràn đầy Thánh Thần, và cũng được sai đi để rao giảng Tin Mừng. Nếu Đức Kitô đã được xức dầu, được tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa Cha sai đi khai mở Năm Toàn Xá, Năm Hồng Ân. Nếu Chúa Thánh Thần đã chi phối lời nói, việc làm của Chúa Giêsu thì Chúa Thánh Thần cũng làm cho người tín hữu như vậy, vì người Kitô hữu thuộc về Chúa, là hình ảnh của Chúa, nên người tín hữu phải hoàn tất sứ mạng của mình bằng việc tích cực cộng tác với Chúa trong đời sống chứng nhân của mình. Nếu thế giới đang sống trong cảnh lo âu, buồn phiền, người Kitô hữu phải là chứng nhân cho tình yêu và là nhân chứng cho niềm hy vọng của con người. Nếu thế giới đang ngụp lặn trong bóng tối, trong văn minh sự chết, người tín hữu phải là ánh sáng, là chứng nhân cho niềm tin. Do đó, chúng ta là môn đệ của Chúa, là nhân chứng cho sứ điệp Tin Mừng của Tình Yêu, của Ơn Cứu Độ, nếu chúng ta không có Lòng Xót Thương, không biết tỏ lòng nhân từ mà bịt tai trước những sự lầm than, vất vả của người khác, làm ngơ trước những người nghèo, không biết chia sẻ, không quảng đại thì quả thực Lời Chúa không sinh hoa kết quả, không ứng nghiệm trong đời sống chúng ta. Nếu chúng ta không bám chặt lấy Chúa, không để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động thì cuộc đời của chúng ta không thể trôi chảy,không suôn sẻ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống quảng đại, biết cảm thông, chia sẻ hầu làm chứng cho Ngài là Đấng giầu Lòng Thương xót.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao con người lại sống lầm than, vất vả ?
2.Chúa Giêsu đã áp dụng lời tiên tri Isaia để nói về ai trong đoạn Tin Mừng này ?
3.Niềm hy vọng của người tín hữu đặt ở đâu ?
4.Ai sai Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng ?
5.Vai trò của Chúa THánh Thần trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn từ của ĐTC trong giờ kinh Truyền Tin vào trưa Chúa nhật 20/1/2019: Cầu nguyện cho các nạn nhân Columbia và Địa Trung Hải
Thanh Quảng sdb
22:16 20/01/2019
Huấn từ của ĐTC trong giờ kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 20/1/2019: Cầu nguyện cho các nạn nhân Columbia và Địa Trung Hải
Trong giờ kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố ở Columbia, và chia sẻ nỗi buồn với những nạn nhân của vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải. Ngài cũng mời gọi tất cả cầu nguyện cho chuyến tông du Panama sắp tới.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Cha đang nhớ tới 170 nạn nhân bị đắm tàu ở Địa Trung Hải. Họ mong muốn tìm kiếm một tương lai sáng lạn hơn cho cuộc sống. Các nạn nhân, có thể bao gồm cả những kẻ buôn bán người. Chúng ta cầu nguyện cho họ và cho những người đang lãnh trách nhiệm lo cho các nạn nhân." Liên Hiệp Quốc cho hay về hai vụ đắm tàu tại Địa Trung Hải: Chiếc tầu đầu tiên được báo cáo đã bị chìm mang theo 53 sinh mạng con người trên tàu ở về phía tây Địa Trung Hải, trong khi chiếc thứ hai bị đắm ngoài khơi Libya với 117 người trên tàu. Cho tới nay theo Liên Hiệp Quốc cho hay đã có hơn 2.200 người thiệt mạng khi cố vượt qua Địa Trung Hải để tìm kiếm một cuộc sống tươi sáng hơn trong năm 2018.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gửi những lời chia buồn tới nhân dân Colombia trước vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng diễn ra vào thứ Năm tuần trước tại Đại học Cảnh sát Quốc gia. ĐTC nói Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và Ngài cũng cầu nguyện cho nền hòa bình của đất nước này.
Tông du Panama

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các khách hành hương đang qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô hãy cầu nguyện cho chuyến Tông du đi Panama, cho Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng 1 này. Cha kêu mời anh chị hãy cầu nguyện cho biến cố quan trọng này của hành trình của Giáo hội.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Anh Chị Em Cursillista - Xuân Lộc mừng Bổn Mạng Phong trào Cursillo.
Nữ Tu Teresa Ngọc Lễ, O.P.
12:22 20/01/2019
Sáng thứ Sáu 18/1/2019, các anh chị em Cursillista của Phong trào Cursillo Xuân Lộc đã quy tụ lại tại Giáo xứ Bùi Chu, Giáo hạt Phú Thịnh, để mừng kính bổn mạng Phong trào Cursillo: Thánh Phaolô Tông đồ trở lại.

Có đến 400 các anh chị em Cursillista của Xuân Lộc, cùng với Cha Giuse Đinh Nam Hưng- Linh Hướng Phong trào Cursillo Xuân Lộc- quý cha và quý dì linh hướng đã hiện diện trong ngày mừng này. Vì thế, Cha Chánh Giuse Giáo phận đã chia sẻ rằng ngài rất vui, hạnh phúc khi nhìn thấy trong Giáo phận có rất đông các cursillistas, những tông đồ nhiệt thành đang cố gắng trở nên “muối” giữa các nhóm, giáo xứ,…đi ra những vùng ngoại biên để đem sự an bình, và niềm vui thực cho người khác. Ngoài các cursillistas Xuân Lộc, còn có sự hiện diện của quý khách Đại diện Văn Phòng Điều hành PT Cursillo Việt Nam, PT Cursillo Sài Gòn, Long Xuyên, Bà Rịa và Phú Cường.

Xem Hình

Và thật đặc biệt khi Chương trình mừng Bổn Mạng của Phong trào Cursillo Xuân Lộc ngày hôm đó được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận đến huấn đức, và chủ sự Thánh Lễ mừng Bổn mạng.

7g00 sáng, chương trình sinh hoạt bắt đầu với phần đón tiếp quý khách và anh chị em Cursillistas trong bầu khí thân tình và chan hòa, như bao lần gặp gỡ vốn có của PT Cursillo.

8g00: Sau phần đón tiếp, quý cha -quý dì linh hướng và các Cursillistas đã bắt đầu Đại Hội Ultreya với chủ đề “Hãy là dấu chỉ Lòng Thương xót của Chúa” với nền tảng Lời Chúa “Anh chị em hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).

Trước khi bước vào phần chia sẻ chứng nhân, các Cursillistas đã có khoảng 15 phút để “Hội nhóm” với nhóm nhỏ từ 4-5 người. Mục đích của việc Hội nhóm là để nhận thức bản thân và tình yêu Chúa. Vì thế, trong phần Hội nhóm, các Cursillistas chia sẻ với nhau các câu hỏi gợi ý dựa trên ba phương diện “Sùng đạo, Học đạo, và Hành đạo” như: Những phương thức nào giúp tôi tăng trưởng về đời sống thiêng liêng (Sùng đạo); Điều gì khiến tôi thay đổi thành người Ki tô hữu tốt lành hơn? (Học đạo); hoặc Điều gì tôi đã cố thực hiện để cải thiện gia đình, khu xóm…của tôi? ( Hành đạo)… Những bàn tay nắm lấy nhau để cùng lắng đọng cầu nguyện sau giờ chia sẻ toát lên được những ý nghĩa quý giá từ tinh thần của anh chị em trong PT Cursillo vì sự chân thành, sẻ chia và cũng chất chứa tính hiệp thông và hiệp nhất cùng nhau.

Tiếp sau phần Hội nhóm, Đại Hội Ultreya tiếp tục với phần chia sẻ chứng nhân của Anh Vinh Sơn Nguyễn Đức Thắng- thuộc liên nhóm Gia Kiệm. Anh đã chia sẻ về hành trình Sống Ngày thứ Tư của anh qua chủ đề “Người Cursillista sống chứng nhân Lòng Thương Xót của Chúa, và đồng hành với những gia đình gặp khó khăn”. Tiếp sau chia sẻ chứng nhân, chị Maria Nguyễn Thị Bạch Huệ- liên nhóm Hòa Thanh, và Anh Augustino Hà Ngọc Trai- liên nhóm Biên Hòa- đã tiếp liền phần chia sẻ đáp ứng. Trước khi kết thúc phần chia sẻ, cha Giuse Trần Văn Hùng đã tóm tắt ý chính của bài chia sẻ chứng nhân và hai chia sẻ đáp ứng.

9g30: Đức Cha Chánh Giáo phận huấn từ, và giải đáp những câu hỏi, suy tư của các anh chị em Cursillista. Trước khi huấn đức, Đức Cha Chánh Giuse đã mời gọi mọi người đọc Kinh Lạy Cha, vì nơi kinh nguyện đặc biệt này, Lòng Thương xót của Chúa đã đến với con người, để rồi từ anh chị em lại truyền lan đến người khác.

Phần huấn đức của Đức Cha Giáo phận với hai ý lớn: Lòng Thương xót Chúa, hồn sống của chương trình Mục vụ của Giáo phận năm 2018-2019 và giải đáp thắc mắc của anh chị em xoay quanh Tân Phúc m Hóa.

Đề cập đến chương trình Mục vụ Giáo phận, Đức Cha Giuse giải thích lý do tại sao Giáo phận lại vẫn tiếp tục kéo dài chủ đề xoáy vào lòng thương xót của Chúa. Nếu Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đã mở ra và kết thúc ở nhiều nơi trên thế giới hay trong lòng nhiều tín hữu, thì nơi Giáo phận Xuân Lộc này, chương trình Mục vụ muốn kéo dài việc sống lòng thương xót của Chúa trên toàn Giáo phận và nơi mỗi gia đình, mỗi người. Đức Cha Chánh cho biết, việc tiếp tục chương trình Mục vụ xoay quanh trục chính là “Lòng thương xót của Chúa”, không phải là một sinh hoạt, nhưng là “hồn sống” trong các sinh hoạt của Giáo phận, Giáo xứ và của mỗi con cái Giáo phận Xuân Lộc. Lòng thương xót phải trở nên nguồn, là trục chính, là hồn sống cho mọi hoạt động mục vụ vì “Lòng thương xót của Thiên Chúa tràn ngập trong Kinh Thánh, …bởi lòng thương xót phát xuất từ Chúa Cha, Đấng là nguồn cội của lòng thương xót.”

Trưng dẫn lại kinh nghiệm mục vụ và thiêng liêng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong những giai đoạn thăng trầm của Giáo Hội với biết bao nhiêu sóng gió…, Đức Cha Giuse nhấn mạnh rằng, chính Thánh Giáo Hoàng đã chỉ biết trông cậy vào lòng thương xót của Chúa trên Giáo Hội, khi mà biết bao sự dữ đang hoành hành trong Giáo Hội, trên con cái của Giáo Hội.

Vì thế, trong một thế giới đang tràn ngập sự dữ, Giáo phận Xuân Lộc, từng giáo xứ trong Giáo phận, mỗi thành viên của Giáo phận cần khẩn nài tha thiết hơn nữa với Thiên Chúa, để xin Chúa ban lòng thương xót của Ngài xuống trên Giáo phận, từng Giáo xứ, trong mỗi gia đình, và nơi mỗi người. Không chỉ là khẩn nài lòng thương xót của Chúa, Đức Cha Giuse mong muốn lòng thương xót của Chúa phải thấm được vào mọi cảnh vực của đời sống, trong từng ơn gọi, giáo xứ, dòng tu, hội nhóm…của toàn Giáo phận. Có như vậy mỗi gia đình, mỗi phần tử trong Giáo phận sẽ trở nên dấu chỉ của lòng thương xót của Chúa.

Đức Cha Chánh nhấn mạnh rằng “Chỉ khi nào mỗi người, mỗi nhóm, mỗi dòng tu, mỗi giáo xứ thấm đẫm lòng thương xót của Chúa…thì lòng thương xót của Chúa sẽ biến đổi lối sống của chúng ta”. Để rồi sau đó, mọi người sẽ sống lòng thương xót của Chúa với vợ, với chồng, với con cái… trong những bất toàn của nhau. Và nhờ vậy, Giáo phận sẽ trở thành thánh địa của lòng thương xót của Chúa.

Đức Cha Chánh Giuse thêm rằng, chương trình Mục vụ của Giáo phận năm 2018-2019 những gia đình hướng đến hai đối tượng rất cần đến những chứng tá, hiện thân của lòng thương xót của Chúa ở bên cạnh: (1) những người, những gia đình gặp khó khăn, đau khổ, và (2) những anh chị em lương dân, di dân. Và như thế, trong vai trò của một Cursillitas, mọi người có thể trở nên những dấu chỉ của lòng thương xót của Chúa qua việc sống Ngày Thứ Tư. Để nhờ đó, những người, gia đình gặp khó khăn, đau khổ có thể kiên nhẫn, khả năng chịu đựng được khổ đau của mình trong an bình nội tâm, và những anh chị em lương dân- chưa biết Chúa, hoặc những anh chị em di dân chưa trở thành phần tử của Giáo Hội được hưởng, được biết về lòng thương xót của Chúa qua những cursillista của PT Cursillo.

Với các câu hỏi gửi trước, Đức Cha Giuse đã giải thích về ý nghĩa, đối tượng của “Tân Phúc m hóa” cho các anh chị em Curisilista. Đồng thời, ngài cũng nêu lên tầm quan trọng, sự cần thiết của việc Tân Phúc m Hóa cho những Kitô hữu, những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng lại sống rất hời hợt đức tin, hay chẳng sống đức tin, hoặc đã lìa bỏ đức tin, lìa xa Giáo Hội. Đức Cha Giuse thừa nhận rằng, không chỉ tại Việt Nam, nhưng nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đã không dành nhiều thời gian hay hoạt động cho những Kitô hữu này, nhất là đối với những người trẻ Công Giáo hôm nay đang bị cám dỗ bởi những giá trị thế tục, và không còn muốn sống với niềm tin của mình.

Đức Cha Giuse bày tỏ nỗi ưu tư của mình về giới trẻ, khi biết còn rất nhiều người trẻ Công Giáo không tham gia sinh hoạt trong các đoàn hội, nơi các giáo xứ, chưa thực sự sống đức tin, hay sống đức tin hời hợt. Với Đức Cha, sự thả nổi đức tin của người trẻ có thể dẫn đến nguy cơ khá trầm trọng trong tương lai. “ Nếu ngày hôm nay nhiều người trẻ Công Giáo thực sự không sống đức tin, hay hời hợt trong đức tin…thì mai sau, chúng ta sẽ bị mất đi những người cha, người mẹ Công Giáo biết sống đức tin, …và rồi, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thiếu nhi Công Giáo ngoan- là con cái của những ông bố bà mẹ này”. “Phải làm sao để anh chị em mình khám phá được niềm vui có Chúa?” Đức Cha nói rằng, đây là điều quan trọng dành cho anh chị em Cursilista, hãy tự hỏi để tìm cách nào đó để tiếp cận những người Công Giáo đang sống đức tin của mình nhạt nhẽo, thờ ơ…hoặc đã xa rời đức tin. Đức Cha nhấn rằng, để cho việc Tân Phúc m hóa được cụ thể, “Anh chị em phải là những tác viên đầu tiên”, truyền đạt đức tin cho những người đã lãnh nhận đức tin nhưng rời xa và không sống đức tin, giúp họ quay trở lại và sống đức tin cách sâu sắc hơn, đến gần với niềm vui có Chúa.

Sau phần Đại Hội Ultreya, Đức Cha Giuse đã cùng với quý Cha linh hướng dâng Thánh Lễ Kính Thánh Phao lô trở lại, bổn mạng của PT Cursillo.

Một lần nữa, trong bài giảng, trích từ bài đọcTin Mừng, Đức Cha Chánh Giuse lại tiếp tục mời gọi các các anh chị em Cursillista hãy làm theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian” (Mc 16,15). Đức Cha chia sẻ rằng, các anh chị em cursillista không cần phải đi xa để rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, nhưng là giảng ngay trong địa bàn của Giáo phận nhà, nơi có khoảng 70% người chưa biết Chúa. “Họ- những anh chị em lương dân- cần được nghe Tin Mừng nơi các anh chị em..hãy nói cho họ biết “Có Chúa thì họ sẽ thế nào.” Và, Đức Cha nhấn rằng, Tin Mừng của Chúa sẽ đến với những người này khi các Cursillista Sống Ngày Thứ Tư trong từng hoàn cảnh sống. Ngài mong muốn “nơi đâu có Cursillista, nơi đó có niềm vui, sự an bình. Hãy làm sao để sự hiện diện của Cursillista là lời rao giảng của Chúa…cùng với sự chấp nhận hy sinh và sẵn sàng làm chứng cho Chúa.”

Và trước khi kết thúc Thánh Lễ, nhân dịp Xuân Kỷ Hợi sắp đến, Đức Cha Chánh Giáo phận đã cầu chúc các cursillista hãy tích cóp các phúc đức là lòng thương xót… bỏ vào trong con heo, để có một năm giàu có về phúc đức. Và thật dí dỏm khi Đức Cha nói đến một món ăn không thể thiếu trên các bàn tiệc đãi khách, hay bữa tiệc gặp mặt, qui tụ nhau của người Việt ngày xưa: các món thịt heo. Tuy nhiên, để trở thành những món ăn khoái khẩu, quan trọng…con heo đó phải “chết”. Điều này cũng sẽ là điều mà Đức Cha nhắc nhớ các cursillista cũng phải hy sinh chính mình, trở nên niềm vui có thể quy tụ mọi người lại với nhau.

Sau Thánh Lễ, chương trình mừng bổn mạng của PT Cursillo Xuân Lộc tiếp tục với bữa tiệc chia sẻ, cùng vui đón xuân qua những tiết mục văn nghệ dí dỏm, duyên dáng và cũng đầy tràn sức sống của các “diễn viên” Cursillista đã ngoài tứ tuần.

Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mười Căn Bệnh Làm Băng Hoại Người Công Giáo
Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
10:23 20/01/2019
Mười Căn Bệnh Làm Băng Hoại Người Công Giáo

Bài nói chuyện của Tôi tớ Chúa là Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khi còn làm Tổng Giám mục với giới trẻ Việt Nam hải ngoại tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)

Mười căn bệnh gồm: 1. Bệnh quá khứ cục bộ 2. Bệnh tiêu cực bi quan 3. Bệnh phô trương chiến thắng 4. Bệnh cá nhân chủ nghĩa 5. Bệnh lười biếng tránh né 6. Bệnh chuẩn mực trần tục 7. Bệnh đợi chờ phép lạ 8. Bệnh tùy hứng vô định 9. Bệnh sống vô trách nhiệm 10. Bệnh bè phái chia rẽ.

Bệnh quá khứ cục bộ

Bệnh này thể hiện qua tâm trạng chỉ nhớ và khen cái quá khứ của mình mà thôi và đóng khung lại trong đó. Ngày tôi bị đưa đi tù ra Bắc, thỉnh thoảng gặp giáo dân và ai cũng hớn hở tâm sự: “Thưa cha, chúng con thấy sung sướng nhất là thời còn Đức khâm sứ. Chúng con đi rước kiệu đầy đường phố, quanh cả bờ hồ Hoàn Kiếm, và thấy Đức khâm sứ quỳ trên chiếc xe, tay cầm Mình Thánh Chúa, mặt ngài sáng láng đỏ hồng như mặt trời. Không biết bao giờ chúng con mới trở lại được như thời kỳ có Đức khâm sứ!”. Ta không quên quá khứ, vì đó là bài học kinh nghiệm, nhưng ta không dừng lại đó, ta nhìn tương lai để xây dựng còn đẹp hơn xưa.

Bà con chỉ sống trong quá khứ, mong trở về quá khứ. Mà thời gian thì bao giờ quay trở lại !

Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều anh chị em tới một tuổi nào đó. Chén thù chén tạc bên nhau than thở: “Biết bao giờ bọn mình trở lại được thời Cộng hoà. Mọi thứ rẻ mạt. Lương tháng mấy nghìn. Một tạ gạo giá chỉ mấy trăm bạc. Sướng thiệt !”.

Ta đang ở năm 1998, làm sao mà lùi lại 1960 được!

Do vậy mà chúng ta đâm ra thiển cận. Thay vì nhìn tới thì lại nhìn lui. Giống như người lái xe, không nhìn đằng trước mà cứ chăm chăm vào kính chiếu hậu để ngắm xe sau. Vậy làm sao mà tiến được.

Mà dù thế nào thì mình vẫn phải sống. Quá khứ không bao giờ trở lại. Và thời gian thì cứ tiến mãi.

Nhìn lại gương Chúa Giêsu. Từ trời cao xuống thế, Ngài cứ nhắm tới, một mạch đi tới và cứ nói: “Thầy sẽ lên thành Giêrusalem chịu nạn”. Ngài dư biết cuộc tử nạn sẽ rất đau đớn, nhưng vẫn đi tới, chấp nhận. Bởi qua cái đau khổ đó con người được cứu độ.

Cũng vậy, nếu chúng ta muốn cho Đất nước và Giáo hội mình tiến, thì phải nhìn về tương lai. Không quên quá khứ, vì đó là bài học cho tương lai. Nhưng đừng có viễn mơ lui lại quá khứ.

Mỗi người, mỗi thời đại đều có cái hay, cái đẹp. Phải làm sao biết khai triển cái hay cái đẹp đó cho hiện tại đang sống, chứ đứng đó mà than thở tiếc nuối thì ích gì ! Nhìn quá khứ để tạ ơn Chúa, để sám hối. Nhìn hiện tại để hăng say phục vụ với trách nhiệm – Nhìn tương lai với hy vọng.

Bệnh tiêu cực bi quan

Những người mang bệnh này cứ chỉ trích kinh niên. Khi nào cũng có chuyện để chỉ trích. Một người làm cả đám phá. Một chính đảng lên thì các đảng khác xúm nhau phá. Phải đạp nó xuống thì mình mới lên được chứ !

Bệnh chỉ trích phát sinh từ lòng ích kỷ hoặc kiêu căng. Một biểu hiện song hành của bệnh này là người chỉ trích thường hay thiếu tự tin.

Người tiêu cực cái gì cũng chỉ trích. Nhưng khi được yêu cầu đưa đề nghị thì “để xem đã”, hoặc có ai đưa ra đề nghị gì thì lại lắc đầu “không làm nổi đâu” !

Người tiêu cực thì bất cứ một cơ hội nào cũng là một tai họa cho mình (for the pessimists every opportunity is a calamity). Trái lại, người lạc quan thì bất cứ tai họa nào cũng là một cơ hội cho mình (for the optimists every calamity is an opportunity).

Người ta kể câu chuyện: Một công ty lớn gởi hai đại diện sang một nước Phi châu để nghiên cứu thị trường tiêu thụ giày dép. Trở về điều trần, một vị lắc đầu: Thưa quý vị, không có cách gì tiêu thụ được; người dân ở đó chỉ đi chân đất, có ai đi giày dép đâu ! Trong khi đó vị kia lại hớn hở: Thưa quý vị, chuyến này chúng ta thắng lớn; cả một lục địa mênh mông chưa có ai có giày dép để đi cả !

Người tích cực thì lạc quan. Kẻ tiêu cực bi quan. Tùy theo cách nhìn mà vấn đề nẩy sinh. Người Pháp nói: Đừng trách rằng tối; tối là vì mình không chịu thắp đèn lên thôi ! Đức Gioan Phaolô II kêu gọi: “Đừng sợ”, vì ta tin vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, ta tin con người có thiện chí, ta tin vào mình có Chúa giúp.

Bệnh phô trương chiến thắng

Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là triomphalisme; người Mỹ cũng có từ ngữ show up.

Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về ! Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?

Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự.

Bệnh cá nhân chủ nghĩa

Các nhà phân tích cho hay người Âu châu bị bệnh này nặng hơn. Nhưng mình cũng không kém. Thời đại này đâu đâu cũng nghe người ta hô hào đoàn kết (Solidarité). Mà xem ra càng hô hào đoàn kết chừng nào, thì bệnh cá nhân lại nặng chừng nấy !

Biểu hiện của bệnh này: Mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ. Mình chiếm độc quyền, ngay cả độc quyền thờ Chúa, độc quyền yêu Nước. Không muốn ai chia sẻ với mình, vì sợ người ta hơn. Người ta không tiếp tay với mình thì trách. Nhưng khi tiếp tay thì lại chỉ muốn họ đứng sau lưng mình mà thôi.

Cá nhân chủ nghĩa phát sinh từ lòng ích kỷ. Kính Chúa, yêu người thực chất là vì mình, vì lợi cho mình chứ chẳng phải vì Chúa vì người gì cả.

Người ta kể chuyện vui: Một số Hồng Y và Giám mục ngồi ăn cơm chung với Đức Thánh Cha. Có mấy vị hỏi ngài: Thưa ĐTC, nghe nói có bí mật Fatima, ĐTC có thể nói cho chúng con nghe được không. ĐTC bảo: Bí mật mà, nói sao được. Nghe thế các ngài càng tha thiết: ĐTC đừng sợ, chúng con cam đoan sẽ dấu rất kỹ, không hở miệng. Sau năm lần bảy lượt nghe năn nỉ, ĐTC mỉm cười trả lời: Đức Mẹ Fatimabảo rằng đóng cửa Đức Mẹ Lộ-Đức lại !

Câu chuyện khôi hài này muốn nói lên cái cá nhân chủ nghĩa của con người ngày nay. Đức Mẹ Fatima sợ Đức Mẹ Lộ Đức nổi tiếng hơn và do đó khách hành hương đến viếng đông hơn nên đề nghị dẹp Lộ-Đức.

Chẳng đâu xa xôi. Quanh ta cũng không thiếu thí dụ. Hai nhà thờ cạnh nhau, chuông bên này kêu thì bên kia phải làm sao để kêu hơn. Câu chuyện nầy có thật. Một giáo xứ xin Đức cha cho một quả chuông. Về đánh lên thì bà con giáo xứ bên cạnh sốt ruột khó chịu, liền cùng nhau kéo xin phép đổi một quả chuông lớn hơn. Khệ nệ mang về, đánh lên thì ai nấy thất vọng. Tưởng chuông lớn hơn thì tiếng phải hay hơn. Ai dè âm thanh của chuông thường đã được định chuẩn sẵn; theo nốt nhạc, cái chuông mới trùng một nốt nhạc với chuông cũ!

Trong Giáo hội có một điểm quan trọng, đó là tính đa diện (Pluralité). Giáo hội không đòi hỏi phải đồng bộ, nhưng trân trọng nét cá biệt của mỗi giáo hội địa phương. Khác nhau hầu bổ túc cho nhau, chứ không phải để rồi tôi đi đường tôi anh đi đường anh.

Bệnh lười biếng tránh né

Triệu chứng của bệnh này là sợ tốn sức tốn của, sợ liên lụy, a dua: ai mạnh thì hùa theo. Khi nói thì rất hăng, nhưng vào việc thì viện đủ lý do để che đậy cái hèn nhát và lười biếng của mình. Giữa đại hội thì phát biểu thật hùng hồn, lúc phân việc thì lẩn đâu mất.

Trong đội tù của tôi trước đây có một ông cũng từ miền Namra. Mỗi lần họp anh ta phát biểu ào ạt. Đụng chuyện gì cũng dơ tay phát biểu. Nói huyên thuyên mà thường lạc đề. Đến lúc chia việc thì im re. Riết anh em trong tổ ngán. Nên mỗi lần anh ta dơ tay phát biểu là anh em đồng loạt hô: Im mà nghe, đài Mát-cơ-va phát !

Chuyện kể hai nhà thông thái nọ muốn tìm hiểu xem thành phố Rôma có mấy người làm việc. Họ bắt đầu bằng một chuỗi phân tách loại trừ. Trước tiên trừ đi con số trẻ em chưa đến tuổi làm việc, đến số người bệnh tật, số người ở tù, rồi số dân biểu nghị sĩ quanh năm suốt tháng chỉ cãi nhau và dơ tay bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, số người làm nghề phê bình đá bóng… Cứ thế mà trừ, kỳ cùng chỉ còn lại hai người làm việc, đó là hai nhà thông thái. Nhưng rồi một ông lên tiếng ngay: tôi từ nãy giờ tính toán quá mệt rồi, nên chi tôi bầu anh làm việc tiếp để tôi nghỉ !

Để xây dựng cộng đoàn có trăm công ngàn việc. Việc gì cũng đáng làm. Chẳng cần phải ngồi ghế lãnh đạo mới là làm việc. Việc nào cũng có thể nên thánh, miễn là làm cho tới nơi tới chốn.

Khi ở Dublin một tháng để học hỏi về Đạo binh Đức Mẹ tôi may mắn được gặp người sáng lập, ông Frank Duff. Tôi háo hức, tưởng sẽ diện kiến một nhân vật quốc tế tiếng tăm; người mà các Hồng Y, Giám mục khắp nơi đều phải ngồi nghe. Nhưng không ngờ, ông chỉ là một cụ già đưa thư. Hàng ngày khiêm tốn đạp chiếc xe cọc cạch ra bưu điện mang thư về cơ quan, bỏ vào hộp thư của gần một ngàn chi nhánh Đạo binh ở Dublin. Ngưởi ta nói công việc của ông bây giờ chỉ có thế; có tuổi rồi không còn giữ vai trò quan trọng nào nữa; nhưng khi ai cần ý kiến thì ông sẵn sàng đóng góp và hướng dẫn giải quyết.

Đấy, công việc đưa thư hèn mọn có làm giảm tư cách con người đâu!

Bệnh chuẩn mực trần tục

Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người Công Giáo kiểu đó thường hay trở thành Công Giáo tùy thời: Thịnh thì Công Giáo, suy thì chối.

Công Giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công Giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy.

Nhiều khi chẳng phải là bản chất, chẳng tội lỗi gì, nhưng là vì mình đua đòi. Chính đua đòi này làm cho cuộc đời khổ sở. Sang đây thấy người ta có xe đẹp, nhà rộng; mình đua đòi muốn hơn người nên phải nô lệ cho công việc, cả nhà làm việc quá mức.

Và chuẩn mực trần thế thường được căn cứ theo báo chí, truyền thanh truyền hình. Báo bảo cái gì hay là hay, cái gì số đông theo là tốt…mặc dù những cái đó không hợp với lương tâm.

Năm ngoái tôi ghé Na Uy tới thăm một bà giáo sư giữ một ghế thứ trưởng trong nội các. Na Uy đa số theo Tin lành và Giáo hội này, như tại các nước Tin lành khác, phải tùy thuộc thế quyền. Bà phàn nàn: nguy quá cha ơi, Giáo hội chúng tôi đang sa lầy trong vòng kềm toả dư luận.

Chính phủ ra lệnh cho Giáo hội; Quốc hội ra lệnh (bằng đạo luật) cho chính phủ; mà đạo luật thì lại hình thành do áp lực dư luận truyền thông; vừa rồi chính phủ mới cách chức hai mục sư vì họ chống lại việc phá thai!

Một số cơ quan truyền thông chửi bới Đức Giáo Hoàng, kết ngài vào tội thiếu thực tế, thiếu tiến bộ. Nhưng khi Đức Giáo Hoàng đến với giới trẻ thì hàng triệu anh chị em trẻ lại tuôn đến với ngài. Tất cả chỉ vì ngài là người dám nói lên sự thật, bất chấp dư luận. Tuổi trẻ hôm nay đang bị chao đảo trong một thế giới khủng hoảng niềm tin và giá trị. Nên chi họ cần người tín cẩn dám nói thẳng cho họ đâu là điều đúng, đâu là sai. Cái khó và nguy hiểm của ngày hôm nay là người ta phạm tội, nhưng lại bắt cả nhà nước và Giáo hội coi đó là nhân đức. Chẳng hạn như chuyện đồng tính luyến ái. Dư luận đang bắt mọi giới phải xem đó là chuyện hợp luân thường đạo lý. Giáo hội thương cảm, nhưng Giáo hội cần nói sự thật. Đức Thánh Cha nói: “không cần ai bỏ phiếu cho sự thật” vì sự thật vẫn là sự thật.

Bệnh đợi chờ phép lạ

Cứ chờ cứ đợi người khác, mà bản thân mình chả chịu làm gì. Mình có làm thì Chúa mới giúp được chứ. Chúa sinh ra mình không cần hỏi ý mình, nhưng để cứu mình Ngài phải cần đến sự cộng tác của ta.

Có bà suốt ngày cầu với Chúa: Con bao nhiêu ngày tháng hy sinh cho cộng đoàn. Nấu cơm, nấu chè, hết việc này đến chuyện nọ. Đâu cũng có mặt. Giúp ngày không đủ tranh thủ giúp đêm giúp thêm giờ nghỉ ! Con chỉ xin Chúa có một điều, vậy mà Chúa không chịu đoái nghe. – Chứ con xin điều gì ? – Dạ xin Chúa cho con trúng vé số, chỉ cần trúng một lần độc đắc thôi! – Ừ mà Chúa cũng đang đợi bà đây! – Dạ Chúa đợi gì con đây? – Thì Ta đang đợi bà mua vé số!

Trong một vụ lụt xe cứu thương rảo khắp phố phường kêu gọi người dân rời nhà di chuyển lên nơi cao để tránh nước lũ. Ông bố của một gia đình bảo với con cháu: Tụi bây đứa nào đi thì đi, còn tao không đi; tin tưởng phó thác vào Chúa thì sao Ngài bỏ rơi được. Nước lũ tới, dâng cao. Ghe cấp cứu lại kêu gào tản cư gấp. Ông già kê bàn kê ghế leo lên rồi giục: Mẹ con bây đi thì đi nhanh lên, tao không. Nước tiếp tục dâng cao, ông già leo lên mái nhà ngồi. Máy bay trực thăng lượn qua lượn lại, thả dây kêu gọi ông di tản. Ông nhất quyết không đi, bởi tin rằng có Chúa che chở. Và nước ngập cuốn ông đi luôn.

Ông gặp thánh Phêrô. Thánh Phêrô hỏi sao lại dạt vào đây. Ông già bực bội trách cứ, tại sao con đặt hết tin tưởng vào Chúa mà Ngài không cứu sống, lại để con chết trôi chết nổi thế này và ông yêu cầu thánh Phêrô mở cửa đưa ông vào Thiên đàng cấp tốc. Thánh Phêrô ngạc nhiên đáp lại: Chúa có cứu ông chứ! Ông có nghe đài báo tin không ? – Có. Ông nghe xe cứu thương kêu gọi không? – Có. Ông có thấy ghe máy, trực thăng đến cứu không ? – Có. Tại sao ông bảo Chúa bỏ ông?

Bệnh tùy hứng vô định

Người không có lý tưởng rõ ràng. Đời vô định hướng. Ai xúi thì nhắm mắt làm theo, bất kể hay dở, khôn dại. Xong rồi phủi tay. Chẳng có dự án và chẳng có một người nào làm lý tưởng cho đời mình. Đây là loại người tùy hứng.

Người ta hay nói đời là một giấc mơ. Nhưng đời có thật là một giấc mơ không ? Mơ là chuyện mộng, không bắt buộc phải hiện thực. Nhưng đời trái lại là cuộc sống thực tế của mỗi người, bắt mình phải hoàn thành.

Thánh Kinh nói đến giấc mơ của Thánh Giuse. Ông mơ thiên thần báo phải đem Hài nhi và Mẹ người trốn sang Ai Cập. Cái đặc biệt ở đây là Giuse đã thực hiện giấc mơ đó và nhờ vậy Chúa Giêsu thoát chết.

Người trẻ cần có lý tưởng và phải thực hiện cho bằng được. Nhưng phải định hướng cho trúng. Truyện kể có người khi còn trẻ quyết tâm sẽ thay đổi cả thế giới. Khi đứng tuổi thấy mình chả thay đổi được ai, bèn chuyển mục tiêu gần hơn: sẽ thay đổi gia đình mình. Đến khi về già quay lại thấy mình cũng chả thay đổi được gia đình, mới nhận chân ra rằng muốn thay đổi gia đình hay thế giới trước hết phải thay đổi chính con người của mình đã!

Bệnh sống vô trách nhiệm

Triệu chứng: thờ ơ trước những khó khăn của Hội thánh và Quê hương, trước những đau khổ của người khác. Chả thấy mình có trách nhiệm gì cả. Hoá ra những người mắc bệnh này chẳng hiểu gì về phép Rửa, chẳng còn nhớ gì sứ mạng được trao qua phép Rửa đó. Qua phép Rửa, được làm con Chúa, đó là Hồng ân, và phép Thêm sức làm cho ta nên chiến sĩ của Chúa đó là trách nhiệm, mỗi người chúng ta được trao ban cả Nước Trời trong lòng mình, đồng thời cũng được giao phó sứ mạng phải loan báo cho mọi người về Nước Trời mình đang mang. Vì không ý thức và quan tâm nên họ giữ đạo hời hợt, sống đạo một cách vô trách nhiệm.

Ngày xưa cha Hậu (cố Olivier) ở Sàigòn thường nói với bổn đạo: Anh chị em phải biết, mình quả thật sung sướng vì được Chúa cho cả Nước Trời trong lòng. Anh chị em cũng giống như một người mang trong mình vé số độc đắc đã trúng mà chưa lãnh. Và bổn phận của anh chị em là chia sẻ ân huệ và niềm vui đó cho người khác.

Mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm riêng. Chứ không phải giáo dân thì cứ đổ cho cha xứ, linh mục thì đổ cho giám mục, giám mục lại chỉ tay về Giáo hoàng. Như thế Giáo hoàng lại đổ cho Chúa à! Thái độ phủi tay không giải quyết được gì. Mà mỗi người, tùy vị trí và hoàn cảnh riêng, trước hết phải xắn tay nắm lấy mà giải quyết nhiệm vụ của mình.

Bệnh bè phái chia rẽ

Đây là căn bệnh trầm kha nhất. Vô cùng nguy hiểm vì nó thường là căn nguyên của các bệnh khác.

Một cơ thể mà các tế bào chống nhau thì làm sao sống được. Nội bộ một cộng đoàn mà chưa hợp tác với nhau được thì đừng nên bàn chuyện đấu tranh, giải phóng. Ai ở thôn quê đều biết hoàn cảnh cấy lúa. Một mảnh ruộng cần cả chục người cấy suốt ngày. Lưng đội trời nóng cháy da, tay xé lúa nhấn xuống bùn, bẩn và mệt. Nhưng cũng miếng ruộng đó chỉ cần một người thôi là chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ là nhổ sạch. Xây khó, phá rất dễ.

Một cách hay nhất để tránh và chữa bệnh này là lắng nghe người khác, sẵn sàng chấp nhận cái khác của người. Câu chuyện tổng thống Lincoln nước Mỹ là một bài học. Trong cuộc chiến Nam Bắc, ngày nọ trước ba quân ông xuống lệnh hành quân. Một anh sĩ quan phản đối và cho rằng Lincolnđiên khi hạ lệnh đó. Có người vào báo cáo. Lincoln cả giận. Nhưng thay vì tức khắc cho thi hành kỷ luật đối với thuộc viên, ông cho mời người đó vào. Và sau khi nghe trình bày phải trái, Lincoln đổi ý, trao trách nhiệm lớn cho vị sĩ quan đó. Ông biết lắng nghe nên đã tránh được đổ vỡ lớn cho binh sĩ và quốc gia.

Trong một giáo phận, một cộng đoàn, một hiệp hội, việc làm tổn thương, mất giờ để giải quyết nhất của Giám mục, của những người có trách nhiệm, là chứng bệnh triền miên bè phái, chia rẽ – mà những người mắc bịnh thường vẫn tưởng mình đạo đức. Có nhiều người “phạm tội vì Chúa”: lấy lý do “vì Chúa” mà loại trừ kẻ khác, không thuộc phe ta. Người Pháp đã nếm kinh nghiệm cay đắng tai hại của bịnh nầy nên có câu châm ngôn: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống kẻ khác”. Chúa Giêsu biết trước điều nầy nên Ngài tha thiết cầu xin trước giờ tử nạn:

“Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để thế gian tin Cha đã sai con” (Gioan. 17, 21). Nếu ta không hiệp nhất thì thế gian không tin.

Lời ông Gandhi đáng cho ta suy nghĩ: “Tôi yêu Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu vì họ không giống Chúa Kitô”.

Tác giả: ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
 
Phụng Vụ : Trường Dạy Đức Tin
Nữ tu Maria Trần Bảo Xuyên
10:43 20/01/2019
Phụng Vụ : Trường Dạy Đức Tin

“Mặc dù Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh, nhưng cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu” (PV 33)

Dẫn nhập :

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội tại Việt Nam nóng lên trong nỗi bất an và đầy bức xúc trước tình trạng suy đồi, băng hoại trong chính môi trường giáo dục, đặc biệt trong giáo dục học đường, từ mầm non, qua tiểu học, đến trung học và cả đại học. Nạn bạo lực học đường, sinh hoạt tính dục bừa bãi của học sinh với nhau, giữa thầy với trò, gương mù gương xấu của các thầy cô, gian lận thi cử, cải cách bừa bãi thiếu định hướng… cùng bao nhiêu biểu hiện tiêu cực khác, đã khiến cho nền giáo dục Việt Nam rơi vào một tình trạng “bất an” nếu không nói đang dẫn tới nguy cơ sụp đổ.

Với một thế hệ công dân được lớn lên, được đào tạo, giáo dục trong một môi trường như thế, ai là người Việt Nam còn thao thức cho vận mệnh và tương lai dân tộc làm sao tránh khỏi băn khoăn, lo lắng !

Riêng đối với những người Công Giáo, chúng ta phải thầm tạ ơn Chúa; vì dù sao, chúng ta vẫn còn được hưởng nhờ một môi trường giáo dục đức tin, nhân bản, đạo đức của Hội Thánh…mã xã hội trần thế không thể nào có được. Bởi vì, giáo dục chính là mối quan tâm hàng đầu của Hội Thánh, và Hội Thánh luôn ý thức trách nhiệm giáo dục toàn diện đời sống con người chính là sứ mệnh mà Hội Thánh đã lãnh nhận từ Chúa Kitô.[1]

Để thể hiện mối quan tâm và sứ mệnh đặc biệt nầy, trong sinh hoạt mục vụ toàn diện của Hội Thánh, đã có rất nhiều những loại hình, những sáng kiến, những nỗ lực mang trọng tâm giáo dục từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ giảng đài trên cung thánh cho đến các bục giảng nơi muôn vạn học đường từ mầm non tới đại học; từ những nhóm chia sẻ, cầu nguyện, các lớp giáo lý tại các cộng đoàn giáo xứ cho tới những cuộc hội thảo chuyên đề mang tầm mức quốc tế…

Trong các loại hình sinh hoạt mục vụ đa diện và phong phú đó, xin được dừng lại lãnh vực PHỤNG VỤ, một “môi trường giáo dục tuyệt hảo của dân Chúa” luôn được Giáo Hội đánh giá và đề cao, như chúng ta đọc thấy trong Hiến Chế Phụng Vụ :

“Mặc dù Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh, nhưng cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu” (PV 33). (Xem thêm Tuyên ngôn giáo dục Kitô giáo số 2)[2].

Sau đây, chúng ta thử lượt qua vài điểm nhấn” trong “tiến trình giáo dục quan trọng” mà Phụng vụ mang lại cho đời sống đức tin của dân Chúa.

1. Phụng vụ : trường dạy đức tin.

Nói tới “phụng vụ”, quan niệm thông thường đều nghĩ ngay tới “lễ nghi thờ phượng”, tới việc “chiêm bái phụng thờ” đúng như Hiến chế Phụng vụ xác nhận “Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh” (PV 33). Mà cũng đúng thôi, vì bản chất của Phụng vụ chính là việc “thực thi chức Tư Tế của Chúa Kitô” : “Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu thị nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.” (PV 7; GLHTCG 1069).

Tuy nhiên, trong “môi trường phụng vụ”, cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu” (PV 33); và việc giáo dục đầu tiên mà phụng nhắm đến chính là giáo dục đức tin qua hai chiều kích sau :

a/. Phụng vụ : trường dạy giáo lý : Trong lãnh vực nầy, chúng lắng nghe lời dạy của Hội Thánh qua Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nơi hai số 1074 và 1075 :

- 1074 : “Phụng vụ là chóp đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh vươn tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh của Hội Thánh. Do đó, phụng vụ là chỗ rất đặc biệt để dạy giáo lý cho dân Thiên Chúa. “Dạy giáo lý, tự bản chất, gắn liền với mọi cử hành Phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Giêsu hành động cách sung mãn để biến đổi con người”.

- 1075 : Việc dạy giáo lý trong phụng vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Đức Kitô (mystagon), dẫn từ hữu hình đến vô hình, từ dấu chỉ đến thực tại, từ “các bí tích” tới “các mầu nhiệm…”.

Cũng chính trong “định hướng” nầy, mà chúng ta không lấy làm lạ, khi hầu hết chương trình giáo lý của Hội Thánh đều xoay quanh các bí tích; và cũng chính nhờ các dịp “trọng điểm lãnh nhận các bí tích mà người Kitô hữu đào sâu, kiện toàn giáo lý : Nhập đạo, xưng tội-rước lễ lần đầu, Thêm Sức, Hôn Phối…

Đặc biệt, trong khung cảnh mục vụ giáo xứ, chính Ngày Chúa Nhật, ngày cử hành Phụng Vụ Vượt Qua của Đức Kitô, việc học hỏi, sinh hoạt giáo lý được tiến hành (trước, trong và sau Thánh lễ).

b/. Phụng vụ : trường dạy nên thánh : Chúng ta đã biết, hai mục tiêu căn bản của Phụng vụ đó chính là : tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người.[3] Riêng việc thánh hóa con người luôn đòi hỏi một bên là nguồn ân sủng đến từ Thiên Chúa một bên là những nỗ lực của mỗi cá nhân; và cả hai chiều kích đó đều hướng tới một mục tiêu tối hậu : NÊN THÁNH.

Phụng vụ luôn cho thấy là con đường, là phương thế, là môi trường tối hảo để thực hiện được hai chiều kích cơ bản nầy như khẳng định của Hiến chế Phụng Vụ : “Từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo Hội….Nhưng để đạt được hiệu năng trọn vẹn ấy, các tín hữu cần phải đến tham dự Phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích” (PV số 10,11).

Cách riêng, trong đời sống thánh hiến, phụng vụ luôn là môi trường, là phương thế để giúp cho người tu sĩ được lớn lên trong ân sủng và sự hoàn thiện bản thân, như tông huấn “Đời Thánh Hiến” khẳng quyết :

"Để thực sự duy trì mối hiệp thông với Chúa, Phụng vụ thánh hẳn là môt phương tiện nền tảng, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và phụng vụ các giờ kinh… Hoà nhịp sâu xa với Thánh Thể, còn có sự dấn thân để liên tục hoán cải và thanh luyện mỗi khi cần : đó là điều mà những người được thánh hiến thi hành trong Bí tích Hoà giải". (ĐTH số 95).

2. Phụng vụ : trường dạy Lời Chúa :

Nếu đối tượng của đức tin chính là Thiên Chúa và cùng đích tối hậu của đức tin chính là được gặp gỡ Thiên Chúa, thì Lời Chúa, như lời dạy của Thánh Công Đồng Vatican II trong hiến chế Mạc Khải, chính là “tấm gương mà Giáo Hội lữ hành trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng”[4].

Nhưng làm sao để tiếp cận, lắng nghe và đào sâu Lời Chúa ? Chúng ta đã có sẵn câu trả lời trong Hiến chế Mặc Khải của Công Đồng Vatican II.

Thật vậy, qua Phụng vụ, Hội Thánh trao ban “bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa” cho các tín hữu : “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu” (MK 21). Chính vì thế, “Giáo Hội có lý do khi khuyến khích việc học hỏi các thánh giáo phụ và các nghi lễ Phụng vụ thánh của Đông phương cũng như Tây phương.” (MK 23)

Cũng chính vì nhận thức vai trò đặc trưng cũng như tầm quan trong trọng của Lời Chúa trong việc giáo dục đức tin và dẫn đưa con người gặp gỡ Thiên Chúa qua các cử hành Phụng vụ, nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý cách đặc biệt về “Bài giảng trong Phụng vụ” : “việc rao giảng lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong cuộc tụ họp Thánh Thể, không phải là thời gian suy niệm hay huấn giáo cho bằng một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người, một cuộc đối thoại trong đó các hành vi cứu độ vĩ đại được công bố và các đòi hỏi của giao ước được liên tục nhắc lại”[5](Xem thêm EG số 138), nhất là sự tác dụng phong phú của các bài đọc Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật : “Các bài đọc ngày Chúa Nhật sẽ vang dội với tất cả sự rạng rỡ của chúng trong tim các tín hữu nếu trước tiên chúng đã vang dội trong tim người mục tử của họ.” (EG 149)

3. Phụng vụ : trường dạy loan báo Tin Mừng :

Có một chi tiết trong cả 4 Tin Mừng đều tường thuật : Sau Tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu và các Tông đồ ra đi : “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu” (Mt 26,30; Mc 14,26; Lc 22,39; Ga 18,1).

Và chúng ta cũng đừng quên sự kiện nơi hội đường Do Thái, khi Đức Kitô đọc Sách Thánh với đoạn của ngôn sứ Isaia : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,16-19).

“Hát Thánh Vịnh trong lễ Tiệc Ly”, hay “được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong” lại không là một cử hành phụng vụ đó sao ? Tuy nhiên, từ đó, Đức Kitô đã “đi ra”, đã “đi loan báo Tin Mừng”. Quả thật, Kitô giáo không phải là một “pháo đài” để những người tin vào Đức Kitô “cố thủ bên trong” cùng với những lễ nghi Phụng vụ trang trọng của mình”; mà phải lên đường, phải “đi ra”, như định hướng mạnh mẽ của Đức đương kim Giáo hoang Phanxicô được thể hiện trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium – Viết tắt EG) :

“Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” (EG 49)

Và sau đây là vài điểm nhấn cụ thể nêu bật vai trò của phụng vụ trong công cuộc loan báo Tin Mừng được các văn kiện của Giáo Hội xác nhận :

- Sắc lệnh Truyền Giáo của Công đồng Vatican II : Phụng vụ chính là hoạt động để “cụ thể hóa” sứ vụ loan báo Tin Mừng : “Giáo Hội thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác, dẫn đưa tất cả đến với Đức Kitô, nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô” (TG 5).

- Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô : Loan báo Tin Mừng là nét đẹp của Phụng vụ : “Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan toả lòng nhân hậu. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.” (EG 24)

- Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô : Phụng vụ là cánh cửa mở ra để con người gặp thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa : “Mọi người có thể tham dự một cách nào đó vào đời sống của Hội Thánh; mọi người có thể là thành phần của cộng đoàn, và các cửa của bí tích cũng không được đóng vì bất cứ lý do gì. Điều này đặc biệt đúng đối với bí tích được gọi là “cửa”: bí tích Rửa Tội. Bí tích Thánh Thể, tuy là sự sung mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện, mà là một phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối. Các xác tín này có những hệ quả mục vụ mà chúng ta cần phải xem xét một cách thận trọng và mạnh dạn. Chúng ta nhiều khi hành động như là người ban phát ân sủng thay vì là người tạo điều kiện cho ân sủng. Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ.” (EG 47)

Qua những giáo huấn của Hội Thánh vừa nêu, chúng ta có thể nói được rằng : nếu chỉ “nhìn phụng vụ” thoáng qua mà không hội nhập sâu xa với một đức tin trưởng thành và với một tâm tình sốt mến, chúng ta có thể rơi vào một thái độ sống đạo hời hợt với một lối “nguỵ biện thiếu trách nhiệm” : “Lễ nghi, phụng vụ…chuyện trong nhà thờ í mà ! Các người cứ ở yên trong đó mà lo thờ phượng. Chuyện ngoài đời để chúng tôi lo…!”. Rồi cũng từ thái độ thiếu ý thức và kiến thức đúng đắn về phụng vụ, đời sống đạo đã chẳng sinh hoa kết trái gì và tới một lúc nào đó, cả chuyện đạo lẫn chuyện đời, cả việc phụng vụ, lãnh nhận bí tích, đến việc hiểu biết giáo lý, Lời Chúa lẫn nhiệt tình tông đồ cũng dần dần tắt ngấm.

Trái lại, những cộng đoàn nào, những tín hữu nào được thường xuyên tham dự cử hành phụng vụ sốt sắng, thường xuyên được các vị mục tử hướng dẫn giáo lý, chuyển tải sứ điệp Lời Chúa cách trung thành và thuyết phục - nói cách khác – được giáo dục thường xuyên qua môi trường phụng vụ, sẽ trở thành một cộng đoàn nhân chứng, trở thành những môn đồ đích thực làm chứng và mang Chúa đến cho nhiều người.

Tóm lại, mục tiêu giáo dục đức tin cho dân Chúa của phụng vụ là một điều không thể chối cải. Điều quan trọng còn lại đó là cách cử hành và vận dụng nhịp sống phụng vụ sao cho đúng đắn và hiệu quả; đó chính là nhờ phụng vụ để “được kiến tạo con người từ bên trong” và trở nên nhân chứng “kiên cường” đối với xã hội bên ngoài, như Hiến chế Phụng Vụ nêu rõ :

“Hằng ngày, Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần, cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô, đồng thời cũng kiện cường cách kỳ diệu nơi họ sức mạnh để rao giảng Chúa Kitô, và như thế Phụng vụ bày tỏ cho những người ở bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân, nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác được quy tụ nên một cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chiên” (PV số 2).

Nữ tu Maria Trần Bảo Xuyên

Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương

[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản dịch UBGLĐT trực thuộc HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2012, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis) : “Thánh Công Đồng chung đặc biệt quan tâm đến vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người, và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của xã hội hiện nay.(...). “Mẹ thánh Giáo Hội, vì muốn chu toàn sứ mệnh đã lãnh nhận từ nơi Đấng sáng lập, là loan truyền mầu nhiệm ơn cứu độ cho mọi người và tái lập mọi sự trong Chúa Kitô, nên đảm nhạn trách nhiệm chăm lo cho đời sống toàn diện của con người, kể cả cuộc sống trần thế trong những điều liên quan đến ơn gọi siêu nhiên, và vì thế cũng góp phần vào việc phát triển và mở rộng nền giáo dục.” (Lời mở đầu)

[2] Ibid. “Các Kitô hữu, nhờ việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, đã trở nên những tạo vật mới, được gọi là con Thiên Chúa và thật sự là thế, nên có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo. Nền giáo dục nầy không những giúp con người được trưởng thành như vừa trình bày, nhưng chính yếu còn giúp những người đã lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhờ được hướng dẫn từng bước trong việc hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi, trở nên những người ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã lãnh nhận; biết thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23) đặc biệt qua cử hành phụng vụ, được đào luyện để sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24), nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, vươn tới tầm mức viên mãn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể.” (Số 2)

[3] PV 7 : “Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức năng tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu hiện nhờ những dấu chỉ khả giác đồng thời được thực hiện cách hữu hiệu với cách thế riêng biệt của mỗi dấu chỉ, và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu cùng với các chi thể” (PV 7).

[4] MK 7 : “Bởi vậy, Thánh Truyền cùng với Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước, nên như tấm gương mà Giáo Hội lữ hành trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của tất cả những gì Giáo Hội đã nhận lãnh, cho đến khi được dẫn tới để nhìn Ngài diện đối diện, Ngài thế nào sẽ thấy được Ngài như vậy” (1 Ga 3,2).

[5] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Bản dịch : Uỷ ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc HĐGMVN, 2013. Số 137, tr. 113 (Viết tắt : EG)
 
Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ, Phần 3, Chương 1
Vũ Văn An
21:31 20/01/2019
PHẦN III: "NGAY GIỜ ẤY, HỌ LÊN ĐƯỜNG"

114. "Và họ bảo nhau: ‘Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?’ Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: ‘Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn’. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24: 32-35).

Từ việc lắng nghe Lời Chúa, chúng ta bước vào niềm vui gặp gỡ tràn ngập trái tim, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và thở vào đó một năng lực mới. Các khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên và con đường lấy lại định hướng của nó: đó là ánh sáng và sức mạnh của lời đáp trả ơn gọi tự biến thành sứ mệnh hướng tới cộng đồng và toàn thế giới. Không chậm trễ và không sợ hãi, các môn đệ trở lại bằng bước chân của mình để tham gia cùng anh em và làm chứng cho cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giêsu phục sinh.

Một Giáo Hội trẻ trung

Một hình tượng của phục sinh



115. Tiếp nối với linh hứng Phục sinh của Emmau, hình ảnh của Maria Magdalena (xem Ga 20: 1-18) chiếu sáng con đường mà Giáo hội muốn đi qua với và cho người trẻ như thành quả của Thượng hội đồng này: con đường phục sinh dẫn đến công bố và sai đi. Mang một khao khát sâu xa đối với Chúa, bất chấp bóng tối của màn đêm, Maria Magdalena chạy vội tới ông Phêrô và người môn đệ kia; chuyển động của bà kích hoạt chuyển động của họ, sự tận tụy nữ tính của bà dự ứng đường đi của các tông đồ và mở đường cho họ. Vào buổi bình minh của ngày hôm ấy, ngày đầu tiên trong tuần diễn ra sự bất ngờ của cuộc gặp gỡ: Maria tìm kiếm vì bà yêu thương, nhưng bà tìm thấy vì bà được yêu thương. Đấng Phục sinh làm cho mình được nhận ra bằng cách gọi bà đích danh và yêu cầu bà không giữ Người lại, vì Thân thể phục sinh của Người không phải là một kho báu để giam hãm, mà là một Mầu Nhiệm để chia sẻ. Bà cũng trở thành môn đệ truyền giáo đầu tiên, Tông đồ của các Tông đồ. Được chữa lành các vết thương của mình (x. Lu-ca 8, 2) và là chứng nhân của phục sinh, bà là hình ảnh của Giáo hội trẻ trung mà chúng ta hằng mơ ước.

Lên đường với người trẻ

116. Niềm đam mê tìm kiếm sự thật, sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp của Chúa, khả năng chia sẻ và niềm vui công bố ngày nay cũng hiện diện trong trái tim của nhiều người trẻ, thành viên sống động của Giáo hội. Do đó, ở đây, không chỉ là việc làm một cái gì đó "cho họ", mà là sống trong hiệp thông "với họ", bằng cách cùng nhau tiến bước trong sự thấu hiểu Tin Mừng và trong việc tìm kiếm các hình thức chân thực nhất để sống và để làm chứng. Việc tham gia có trách nhiệm của người trẻ vào đời sống của Giáo hội không phải là một lựa chọn, nhưng là một đòi hỏi của đời sống đã chịu phép rửa, cũng như một yếu tố không thể thiếu đối với cuộc sống của bất cứ cộng đồng nào. Các khó khăn và mỏng dòn của người trẻ giúp chúng ta trở nên tốt hơn, những câu hỏi của họ thách thức chúng ta, những nghi ngờ của họ thách thức chúng ta về phẩm chất đức tin của chúng ta. Những lời chỉ trích của họ cũng cần thiết đối với chúng ta, vì, thông thường, nhờ họ, chúng ta lắng nghe tiếng nói của Chúa, Đấng yêu cầu chúng ta chuyển đổi trái tim và làm mới lại các cơ cấu của chúng ta.

Mong muốn vươn tới mọi người trẻ

117. Tại Thượng hội đồng, chúng ta tự hỏi mình về người trẻ, bằng cách gợi nhớ không chỉ những người vốn là thành phần của Giáo hội và là những người tích cực trong đó, mà cả mọi người có những quan niệm khác về sự sống, tuyên xưng một đức tin khác, hoặc tự tuyên bố mình xa lạ với chân trời tôn giáo. Mọi người trẻ, không trừ ai, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa và do đó, ở trong trái tim của Giáo hội. Nhưng chúng ta thành thật nhìn nhận rằng lời khẳng định đang vang dội trên môi miệng chúng ta này không phải lúc nào cũng tìm thấy một biểu thức có thực chất trong hành động mục vụ của chúng ta: thông thường, chúng ta khép kín trong các môi trường của mình, nơi tiếng nói của họ không đến được, hoặc chúng ta tận tụy với các hoạt động ít đòi hỏi hơn nhưng làm chúng ta thoải mái hơn, bằng cách bóp nghẹt mối lo lắng mục vụ lành mạnh từng làm chúng ta thoát ra ngoài các an toàn được giả định từ trước. Tuy nhiên, Tin Mừng yêu cầu chúng ta dám làm và chúng ta muốn làm điều này mà không cần huênh hoang, không chủ trương cải đạo, chỉ làm chứng cho tình yêu của Chúa và chìa tay ra với mọi người trẻ trên thế giới.

Hồi tâm thiêng liêng, mục vụ và truyền giáo

118. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta rằng không thể nào không có con đường hồi tâm nghiêm túc. Chúng ta ý thức rằng ở đây không phải chỉ là việc tạo ra các hoạt động mới và chúng ta không muốn viết ra "các kế hoạch tông đồ, chủ trương bành trướng, tỉ mỉ và được thiết kế tốt, vốn là đặc trưng của các thất bại nói chung" (Đức Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 96 ). Chúng ta biết rằng để khả tín, chúng ta phải sống một cuộc cải tổ Giáo hội, bao hàm việc thanh tẩy tâm hồn và thay đổi phong cách. Giáo hội phải thực sự để mình theo mô hình Thánh Thể, mà mình cử hành như đỉnh cao và nguồn sống của mình: hình thức một chiếc bánh được tạo thành từ nhiều bông lúa và được bẻ ra để nuôi sống thế giới. Thành quả của Thượng hội đồng này, sự lựa chọn mà Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho chúng ta qua việc lắng nghe và biện phân, là đi đường với người trẻ, bằng cách đi về hướng mọi người, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta có thể mô tả diễn trình này bằng cách nói về tính đồng nghị của việc sai đi hay tính đồng nghị truyền giáo (synodalité missionnaire): "Đặt một Giáo hội đồng nghị vào thế hoạt động là một giả định không thể thiếu đối với một đà truyền giáo mới bao hàm toàn thể dân Thiên Chúa" [1]. Ở đây có ý nói tới lời tiên tri của Công đồng Vatican II, lời mà chúng ta chưa bao giờ xử lý trong cái chiều sâu sắc của nó và khai triển trong các hệ luận hàng ngày của nó, và trên đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn chúng ta chú ý khi khẳng định rằng: "Con đường đồng nghị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo Hội của Thiên niên kỷ thứ ba "(Đức Phanxicô, Bài phát biểu kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Chúng ta xác tín rằng sự lựa chọn này, kết quả của cầu nguyện và đối đầu, sẽ cho phép Giáo hội, nhờ ơn thánh của Thiên Chúa, sẽ và tỏ ra là "tuổi trẻ của thế giới" một cách rõ ràng hơn.

Chương I: Tính đồng nghị truyền giáo của Giáo hội

Tính năng động tạo lập (Un dynamisme constitutif)

Người trẻ yêu cầu chúng ta cùng lên đường với nhau.



119. Toàn thể Giáo hội, vào lúc quyết định lưu tâm tới người trẻ trong Thượng hội đồng này, đã đưa ra một lựa chọn rất rõ ràng: Giáo Hội coi sứ mệnh này như một ưu tiên mục vụ của thời ta trong đó Giáo Hội phải đầu tư thời gian, năng lực và tài nguyên của mình. Ngay từ khi bắt đầu hành trình chuẩn bị, người trẻ đã bày tỏ mong muốn được tham gia, đánh giá và cảm thấy như những người cùng làm thợ thủ công cho đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Trong Thượng hội đồng này, chúng ta đã cảm nghiệm rằng: việc đồng trách nhiệm một cách sống động với các Kitô hữu trẻ là nguồn vui sâu sắc cho cả các giám mục. Trong cảm nghiệm này, chúng ta nhận ra một hoa trái của Chúa Thánh Thần, Đấng liên tục làm mới Giáo hội và kêu gọi Giáo Hội thực hành tính đồng nghị như một cách hiện hữu và hành động, bằng cách khuyến khích sự tham gia của mọi người đã chịu phép rửa và những người có thiện chí, mỗi người theo độ tuổi, bậc sống và ơn gọi của mình. Trong Thượng hội đồng này, chúng ta đã nhận xét rằng tính hợp đoàn, một tính vốn liên kết các giám mục cum Petro et sub Petro (vơi Phêrô và dưới Phêrô), trong sự ân cần lo lắng cho dân Chúa, được kêu gọi tự kết nối với việc thực hành tính đồng nghị ở mọi bình diện và tự làm cho mình được phong phú.

Diễn trình đồng nghị vẫn tiếp tục

120. Sự kết thúc công việc của phiên họp và tài liệu gặt hái các thành quả của nó không kết thúc diễn trình đồng nghị, nhưng chúng đánh dấu một đoạn đường. Vì các điều kiện cụ thể, các khả thể có thực chất và các nhu cầu cấp thiết của người trẻ rất khác nhau giữa các quốc gia và lục địa, mặc dù có chung một đức tin duy nhất, nên chúng ta kính mời các Hội đồng Giám mục và các Giáo hội đặc thù tiếp tục hành trình này, bằng cách dấn thân vào các diễn trình biện phân cộng đồng, một diễn trình bao gồm cả những người không phải là giám mục trong các cuộc thảo luận, như Thượng hội đồng này đã làm. Phong cách của các hành trình này trong giáo hội nên bao gồm sự lắng nghe huynh đệ và đối thoại liên thế hệ, với mục đích khai triển chi tiết các định hướng mục vụ đặc biệt chú ý đến người trẻ bị đẩy qua bên lề và những người ít tiếp xúc hoặc không tiếp xúc được với các cộng đồng giáo hội. Chúng ta muốn rằng các gia đình, các viện tu trì, các hiệp hội, các phong trào và người trẻ tham gia vào các hành trình này, sao cho "ngọn lửa" của những gì chúng ta đã trải nghiệm trong những ngày này được lan rộng.

Hình thức đồng nghị của Giáo hội

121. Kinh nghiệm sống đã làm cho các tham dự viên Thượng hội đồng ý thức được tầm quan trọng của hình thức đồng nghị nơi Giáo hội đối với việc công bố và thông truyền đức tin. Sự tham gia của giới trẻ đã góp vào việc "đánh thức" tính đồng nghị, vốn là một "chiều kích cấu thành của Giáo hội. [...] Như thánh Gioan Kim Khẩu đã nói, "Giáo hội và công nghị đồng nghĩa với nhau" - vì Giáo hội không là gì khác hơn là việc 'cùng nhau bước đi' của đoàn chiên trên các nẻo đường lịch sử để gặp gỡ Chúa Kitô» (Đức Phanxicô, Bài diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Tính đồng nghị là đặc điểm cho cả đời sống lẫn sứ mệnh của Giáo hội, vốn là dân Chúa gồm người trẻ và người già, đàn ông và đàn bà thuộc mọi nền văn hóa và mọi tầng lớp, và là Thân thể Chúa Kitô mà chúng ta là các chi thể đối với nhau, nối kết cách riêng với những người bị gạt ra ngoài lề và bị nhạo báng. Trong diễn trình trao đổi và qua các chứng từ, Thượng hội đồng đã làm phát sinh một số nét căn bản trong phong cách đồng nghị, mà chúng ta được kêu gọi hồi hướng.

122. Chính trong các mối liên hệ - với Chúa Kitô, với những người khác, trong cộng đồng – mà đức tin được thông truyền. Vì việc truyền giáo ngày nay, Giáo hội được kêu gọi mang lấy một khuôn mạo tương quan coi việc lắng nghe, chào đón, đối thoại và biện phân chung làm chính trong một hành trình có thể thay đổi được cuộc sống của những người tham gia vào đó. "Giáo hội đồng nghị là giáo hội lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe không phải chỉ là nghe". Đó là một sự lắng nghe hỗ tương, trong đó mọi người đều có một điều gì đó để học hỏi. Các tín hữu giáo dân, giám mục đoàn, Giám mục Rôma, mỗi người đều lắng nghe người khác; và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, "Thần Trí của sự thật" (Ga 14:17), để biết những gì Người "nói với các giáo hội" (Kh 2: 7) "(Đức Phanxicô, Bài Diễn văn Kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Nhờ cách này, Giáo hội tự trình bầy mình như một "cái lều" nơi bảo tồn hòm bia Giao Ước (xem Xh 25): một Giáo hội năng động và đang di hành, đồng hành trên hành trình, được tăng cường bằng nhiều đặc sủng và thừa tác vụ. Nhờ thế, Thiên Chúa tự làm Người hiện diện trong thế giới này.

Một Giáo Hội có tính tham gia và đồng trách nhiệm

123. Một nét đặc trưng của phong cách này trong Giáo hội là đặt thành giá trị các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho theo ơn gọi và vai trò của mỗi thành viên, thông qua tính năng động đồng trách nhiệm. Để kích hoạt tính này, một sự cải đổi tâm hồn là điều cần thiết, cũng như việc sẵn có đó để lắng nghe hỗ tương, một sự lắng nghe giúp ta cùng nhau nghe một cách hữu hiệu. Được sinh động bởi tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến bước về một Giáo hội có tính tham gia và đồng trách nhiệm, có thể đặt thành giá trị sự phong phú của tính đa dạng mà nó vốn bao gồm, bằng cách cũng chào đón với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là giới trẻ và phụ nữ, những người trẻ của đời sống thánh hiến nữ và nam giới, và của các nhóm, các hiệp hội và phong trào. Không được đặt ai hoặc không ai có thể tự đặt mình qua một bên. Đó là cách để tránh cả nạn giáo sĩ trị, là thứ vốn loại trừ nhiều người ra khỏi các diễn trình tạo quyết định lẫn việc giáo sĩ hóa giáo dân, là việc vốn khóa kín họ thay vì chuyển hướng họ về phía dấn thân truyền giáo trên thế giới.

Thượng hội đồng yêu cầu làm cho hữu hiệu và thông thường việc tham gia tích cực của người trẻ vào những nơi đồng trách nhiệm của các Giáo hội đặc thù, như trong các cơ quan của các Hội đồng Giám mục và của Giáo hội hoàn vũ. Đàng khác, nó cũng yêu cầu tăng cường hoạt động của Văn Phòng Người Trẻ trong Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, nhất là bằng cách thiết lập một tổ chức đại diện người trẻn ở bình diện quốc tế.

Diễn trình biện phân cộng đồng

124. Kinh nghiệm "đi đường với nhau" trong tư cách dân Chúa giúp luôn thấu hiểu rõ hơn ý nghĩa thẩm quyền trong viễn cảnh phục vụ. Các mục tử cần có khả năng làm cho sự cộng tác trong việc làm chứng và truyền giáo tiến triển, cũng như khả năng đồng hành với các diễn trình biện phân cộng đồng để giải thích các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng đức tin và dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần, với sự đóng góp của mọi thành viên của cộng đồng, bắt đầu với những người thấy mình ở bên lề nó. Các vị có trách nhiệm trong giáo hội, khi đã có các khả năng này, cần được đào tạo chuyên biệt về tính đồng nghị. Từ quan điểm này, có vẻ như hứa hẹn sẽ cơ cấu hóa được các hành trình đào tạo chung cho các giáo dân trẻ, tu sĩ và chủng sinh trẻ, nhất là liên quan đến các chủ đề như thực thi thẩm quyền hoặc làm việc theo nhóm.

Một phong cách để truyền giáo

Hiệp thông truyền giáo

125. Đời sống đồng nghị của Giáo hội chủ yếu hướng về truyền giáo: đó là "dấu hiệu và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn nhân loại" (Lumen Gentium, Số 1 ), cho đến ngày Thiên Chúa là "tất cả trong tất cả" (1 Cr 15:28). Những người trẻ nào, chịu mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, đều có thể giúp Giáo hội thực hiện được việc chuyển theo kiểu vượt qua từ cái "Tôi" được hiểu theo nghĩa cá nhân chủ nghĩa qua cái "chúng ta" theo nghĩa giáo hội, trong đó mỗi cái "tôi", nhờ mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 2:20), sống và đi đường với anh chị em mình như một chủ thể có trách nhiệm và tích cực trong sứ mệnh duy nhất của dân Chúa "(Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, ngày 2 tháng 3 2018, số 107). Sự chuyển tiếp này, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của các Mục tử, phải xẩy đến với cộng đồng Kitô giáo, vốn được mời gọi ra khỏi các uẩn khúc của "cái tôi" của mình, một cái tôi luôn tìm cách tự bảo vệ mình, để bước tới việc xây dựng một cái "chúng tôi" bao gồm cả gia đình nhân loại và toàn bộ sáng thế.

Một sứ mệnh trong đối thoại

126. Năng động lực căn bản nói trên có hậu quả rõ ràng đối với cách hoàn thành việc truyền giáo với người trẻ, một việc đòi hỏi phải thực hiện, một cách thẳng thắn và không thỏa hiệp, một cuộc đối thoại với mọi người đàn ông và đàn bà có thiện chí. Như thánh Phaolô VI đã khẳng định: "Giáo hội tự biến thành lời; Giáo hội tự biến thành sứ điệp; Giáo hội tự biến thành một cuộc đàm thoại" (Ecclesiam suam, số 67). Trong một thế giới mà đặc điểm là sự đa dạng sắc tộc và văn hóa, "đi đường với nhau" là việc nền tảng để mang lại tính khả tín và tính hữu hiệu cho các sáng kiến liên đới, hội nhập, cổ vũ công lý và cho thấy nền văn hóa gặp gỡ và cho không có nghĩa gì.

Người trẻ, chính vì họ tiếp xúc hàng ngày với những người trẻ thuộc cùng độ tuổi với họ, với các hệ phái Kitô giáo khác, với các tôn giáo, các xác tín và văn hóa khác, nên họ đã kích thích toàn bộ cộng đồng Kitô giáo sống chủ trương đại kết và đối thoại liên tôn. Điều này đòi hỏi kiểu can đảm parresia (nói sự thật với kẻ có quyền) để lên tiếng, và kiểu can đảm khiêm tốn để lắng nghe, bằng cách thực hành khổ hạnh - và đôi khi tử đạo – là điều điều này vốn ngụ ý.

Hướng về các vùng ngoại vi của thế giới

127. Thực hành đối thoại và tìm kiếm các giải pháp chung nói lên một ưu tiên rõ ràng đối với một thời kỳ trong đó, các hệ thống dân chủ đang có mức độ tham gia thấp và bị ảnh hưởng không cân xứng bởi các nhóm quyền lợi chỉ đại diện một phần nhỏ trong dân số, với nguy cơ gây ra các xu hướng duy giản lược, kỹ trị và độc đoán. Sự trung thành với Tin Mừng sẽ hướng dẫn cuộc đối thoại này để tìm cách đem lại giải đáp cho tiếng kêu kép của người nghèo và trái đất (xem Đức Phanxicô, Laudato si', số 49), những chủ thể mà người trẻ biểu lộ một sự nhạy cảm đặc biệt, bằng cách lồng vào các diễn trình xã hội sự linh hứng của các nguyên tắc trong học thuyết xã hội: phẩm giá con người, đích điểm phổ quát của của cải, ưu tiên chọn người nghèo, vị trí hàng đầu của liên đới, sự quan tâm đến tính phụ đới, sự quan tâm đến căn nhà chung. Không ơn gọi nào bên trong Giáo hội có thể tự đặt mình ra ngoài tính năng động cộng đồng, đi ra ngoài và đối thoại này, và đó là lý do tại sao mọi nỗ lực đồng hành được kêu gọi phải tự cân xứng với chân trời này, bằng cách dành sự chú ý đặc biệt cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.


Kỳ sau: Chương II: Cùng nhau bước đi trong những điều hàng ngày
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 21/01/2019: Tình hình Giáo Hội tại Venezuela
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:50 20/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy Đưa Những Người Trẻ Đến Với Tin Mừng

Đề tựa cho cuốn “Thánh Gioan Bosco, một “Tác Nhân” của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết đề tựa: Đọc cuốn Niềm Vui Tin Mừng theo tinh thần của Cha thánh Gioan Bosco, đây là một tập hợp các tiểu luận của nhiều thành viên trong Dòng Salesian, được thành lập bởi Thánh Gioan Bosco. Tác phẩm cung cấp nhiều văn bản rất hoàn chỉnh trước lời mời gọi, phân tích, cũng như những chứng từ sống động dựa trên kinh nghiệm sống của nhiều môi trường giáo dục khác nhau.

Trong lời giới thiệu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tu sĩ Salesian rằng họ thật may mắn có một Vị sáng lập với khuôn mặt phản ánh niềm vui của ngày Chúa Nhật Phục sinh, thay vì khuôn mặt ủ dột của Thứ Sáu Tuần Thánh. Thánh Gioan Bosco, luôn vui tươi, Ngài đón nhận hàng ngàn những nhân công trẻ và đang gặp khó khăn sống lây lất tìm đến với Ngài mỗi ngày.

Một thông điệp mang tính cách mạng

Đức Thánh Cha đã mô tả sứ mệnh của Don Bosco, là một cuộc cách mạng của Tôn giáo thời ấy khi mà nhiều linh mục sống một cuộc sống, tách rời khỏi dân chúng thì Cha Bosco lại mang niềm vui và sự ân cần chăm sóc của một nhà giáo dục chân chính cho giới trẻ mà Ngài cứu vớt trên những đường phố thành Torino vào đầu thế kỷ 19.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư từ chính cảm nghiệm riêng của ngài khi theo học tại một trường Salesian khi còn nhỏ, ở đó, Ngài nói, Ngài đã tìm thầy cùng một bầu khí tươi vui gia đình và Ngài nói điểm này, chính là ơn gọi của các con.

“Tình yêu Tinh ròng” của Don Bosco

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở cho các Salesian về tình yêu tinh ròng của Đấng sáng lập của Tu hội là Lòng yêu mến dành cho Đức Mẹ Maria, lòng sùng mộ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và tình mến dành cho Đức Thánh Cha. Và Đức Thánh Cha khuyến khích họ trở thành nền tảng vững chắc như Cha Thánh Gioan Bosco - một Đấng sáng lập tài ba biết trông xa nhìn rộng, can đảm đối diện với vấn đề hầu can đảm dấn thân…

Đức Thánh Cha giải thích rằng làm việc cho những người trẻ, các con phải là những người mang Tin mừng Chúa Kitô phục sinh, chúng con phải trở thành một nhân chứng cho Tin mừng, một Tin mừng đơn thuần thanh khiết của nó dù có phải đối đầu với văn hóa phức tạp tại mỗi quốc gia.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách xác tín rằng qua những trang tác phẩm này sẽ mang lại ích lợi cho tất cả mọi người trẻ của Cha thánh Gioan Bosco trên toàn thế giới và cho tất cả những ai đang sống và chia sẻ ơn đoàn sủng giáo dục của Tu hội Salesian.

2. Cảm tưởng của Đức Hồng Y Lucian Mureșan sau khi Tòa Thánh loan tin về chuyến tông du Rumani của Đức Thánh Cha

“Hân hoan và tri ân”, đó là những cảm xúc các giám mục Rumani đã bày tỏ trước tin tức về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Rumani từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6.

Trong một thông cáo báo chí, các giám mục Rumani đã mời gọi các tín hữu và tất cả những người thiện chí hãy cầu nguyện để sự kiện này có thể mang lại nhiều hoa trái trong đời sống tinh thần của các Kitô hữu vì thiện ích và sự hiệp nhất của toàn xã hội Rumani.

“Cầu xin cho sự hiện diện của Người kế vị Thánh Phêrô truyền cảm hứng cho người dân Rumani biết theo đuổi tất cả những gì là tốt đẹp và có giá trị cho đất nước và cho thiện ích chung. Chúng ta có thể tái khám phá mong muốn đối thoại giữa các Giáo hội Kitô dựa trên sự tôn trọng người khác, truyền cảm hứng cho các Kitô hữu tham gia vào việc đề cao sự sống và các giá trị tự nhiên của Sáng Tạo được Chúa giao phó cho chúng ta,” Đức Hồng Y Lucian Mureșan viết như trên trong bản thông cáo. Đức Hồng Y Mureșan là tổng giám mục trưởng của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Rumani hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Ngài cũng chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Rumani.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm Rumani sau Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã thăm Rumani vào tháng 5 năm 1999.

Trong thông cáo hôm 11 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết:

“Để đáp lại lời mời của Tổng thống, chính quyền và Giáo Hội Công Giáo Rumani, Đức Giáo Hoàng sẽ thực hiện một chuyến tông du đến quốc gia này từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 năm 2019. Ngài sẽ đến thăm các thành phố Bucharest, Iaşi và Blaj, và Đền Thánh Đức Mẹ Șumuleu Ciuc.”

Chương trình của chuyến tông du – theo ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh - sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.

Ông Gisotti cho biết thêm “Să mergem împreună” (Hãy tiến bước bên nhau) sẽ là khẩu hiệu của chuyến tông du. Logo của chuyến tông du, được giới thiệu tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mô tả dân Chúa đang tiến bước dưới sự hộ trì của Đức Mẹ. Thật vậy, Rumani thường được gọi là “khu vườn của Mẹ Thiên Chúa”, một thành ngữ đã được tất cả các tín hữu hò reo trong chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm năm 1999.

3. Các giám mục Venezuela: Việc tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai của Nicolas Maduro là bất hợp pháp.

Trong thông cáo hôm 9 tháng Giêng, Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định việc tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của Nicolas Maduro hôm thứ Năm 10 tháng Giêng là bất hợp pháp.

“Tuyên bố khởi đầu một nhiệm kỳ mới vào ngày 11 tháng Giêng tự bản chất của nó là bất hợp pháp và mở ra cánh cửa cho việc không công nhận chính quyền, vì nó thiếu sự ủng hộ dân chủ về công lý và luật pháp,” các Giám Mục đã viết như trên trong một thông cáo đưa ra sau phiên khóang đại của Hội Đồng Giám Mục Venezuela.

Các vị nhắc lại rằng trong tuyên bố hôm 11 tháng 7 năm 2018, các ngài đã khẳng định rằng cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào tháng Năm là “bất hợp pháp, cả Quốc hội Lập hiến được thành lập bởi cơ quan hành pháp cũng là bất hợp pháp. Chúng ta đang phải đối mặt với một sự cai trị độc đoán, không quan tâm đến các nền tảng được quy định trong Hiến pháp và cũng chẳng đoái hoài đến các nguyên tắc cao nhất về phẩm giá của người dân.”

Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài sáu năm vào ngày 10 tháng Giêng trước Tòa án Tối cao, do y khống chế, thay vì trước Quốc Hội do phe đối lập kiểm soát. Quốc hội Venezuela đã bị thay thế bởi Quốc hội Lập hiến, được thành lập vào năm 2017 sau một trò hề bầu cử bị các đảng đối lập tẩy chay.

Các Giám Mục viết tiếp rằng “Trong cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay, Quốc hội, được người dân Venezuela bầu theo thể thức bầu cử tự do và dân chủ, hiện là cơ quan công quyền duy nhất hợp pháp có thể thực thi quyền lực hợp hiến của mình.”

Trong khi nhắc lại lời của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi khôi phục Quốc hội, các Giám Mục Venezuela nhấn mạnh rằng: “Người dân Venezuela đã bỏ phiếu tín nhiệm Quốc Hội. Điều này phải được công nhận ngõ hầu các vị dân cử có thể hoàn thành nghĩa vụ đại biểu của mình trong việc đưa ra và ban hành các luật lệ mà đất nước cần phải có để tái lập nền dân chủ và trở lại sự liêm chính và trung thực trong việc quản lý nền kinh tế quốc gia.”

Quốc hội, bị bọn cầm quyền Maduro giải tán, tuyên bố sẽ không công nhận nhiệm kỳ thứ hai của Maduro. Hoa Kỳ và 13 quốc gia Mỹ Châu khác cũng tuyên bố không công nhận bọn cầm quyền Maduro.

Trong số những người tham dự lễ nhậm chức có Daniel Ortega và Evo Morales, tổng thống Nicaragua và Bolivia. Chính phủ Salvador và Cuba, những đồng minh thân cận trước đây của Venezuela đã tuyên bố chấm dứt sự ủng hộ đối với Maduro.

4. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới: Một cơ hội cho thế giới biết tới những gương mặt trẻ của vùng Amazon

Theo Thông tấn xã Fides từ Manaus cho hay thì những ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) từ ngày 22 đến 27 tháng 1 năm 2019 tại Panama sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho những người trẻ của Manaus được biết tới. Cô Aylla Emanuele Silveira, một phụ nữ trẻ 21 tuổi, sẽ đại diện cho cơ sở Magis House tại Manaus tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới. Hai năm qua cô đã tham gia các hoạt động của tổ chức này. Cô là sinh viên ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị tại Đại học Liên bang Amazonia, và là cộng sự viên nghiên cứu về môi trường xã hội của Dòng Tên, thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, dựa trên Tông huấn Laudato Si và trên những học hỏi của Thượng Hội đồng Giám mục Vùng Amazon.

Cô Aylla Silveira cho Thông tấn xã Fides hay cô sẽ cùng với 30 người trẻ Ba Tây khác là những thành viên của tổ chức Magis Brazil, sẽ tham dự cuộc họp với các thành viên khác của tổ chức Magis House khác sẽ diễn ra ở Guatemala, vào những ngày trước WYD.

Cô đã tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, năm 2013, lúc đó cô đại diện cho Thanh niên của Tổng giáo phận Manaus, cô cho hay “Dù tôi còn rất trẻ, nhưng đó là một biến cố rất lớn cho cuộc sống của tôi được cùng với nhiều người trẻ, khác nhau về ngôn ngữ chủng tộc nhưng biểu hiện cùng một niềm tin.

Kỳ vọng của cô về WYD 2019 còn to lớn hơn là vượt lên trên “ngôn ngữ văn hóa và phong tục tập quán để làm quen với người khác, để trải nghiệm những ngày sống tuyệt vời này”. Cô sẽ mang bản sắc Amazon của mình đến với WYD, nỗ lực chia sẻ và trình bày “cho người khác biết về nếp sống của người bản địa Amazon, hầu người khác biết và tìm hiểu, khám phá ra vùng đất bao la này”. Sau WYD cô hy vọng sẽ báo cáo lại “tất cả những gì cô nghe và thấy từ những người trẻ khắp năm châu, những huấn từ sẻ chia của Đức Thánh Cha, một nhân vật mang tính chất biểu tượng và diệu kỳ đối với cô, Ngài mời gọi chúng ta hãy là một Giáo hội rộng mở, đi ra khỏi cái tôi của mình, để đến với những người khác, như thánh Ignatio đã dạy... “Bên cạnh đó, cô mong đợi “nhìn thấy những người khác, thuộc về các nền văn hóa khác, cũng sẽ tìm hiểu thêm về sự đa dạng và tôn trọng những gì mà người trẻ Brazil đang sống”.

“Amazon đã được nhiều người nghe biết đến – đặc biệt những người trẻ - nhưng cần phải có cái nhìn rõ hơn về các vấn nạn đang xảy ra ở đây, để thấy rằng Amazon, đang bị đe dọa như thế nào? Vì đối với mọi người trên thế giới, đây thật là một di sản cao quí cần phải được bảo tồn”.

Theo cô Aylla Emanuele Silveira “chúng tôi chỉ giải quyết những gì chúng tôi biết, và nhiều người chỉ biết Amazon là một địa điểm du lịch tuyệt vời, là lá phổi của thế giới, nhưng không biết đến những thực tại mà những người trẻ và nhiều sắc dân bản địa như người Cabocla Ba Tây với nhiều phong tục tập quán lễ hội đang sinh sống ở đây; mà quan trọng hơn là tìm hiểu bộ mặt thật của những sắc dân già trẻ địa phương khác nhau đang chung sống và đối diện với nhiều vấn nạn tại Vùng đất Amazon mênh mông này”.

5. 7 Mối Phúc Thật của Gia đình Salediêng

Valdocco, Ý, ngày 13 tháng 1 năm 2019 - Sau ba ngày Đại hội Gia đình Salediêng, hôm Chúa Nhật 13/1/2019 Đại hội kết thúc vào đúng Lễ Chúa chịu phép rửa. Đại hội đã đúc kết những tài liệu suy tư, chia sẻ và hội thảo làm thành những thành quả của ba ngày Đại hội.

Trong Thánh lễ bế mạc vào lúc 9.30 sáng Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu, Cha Bề trên cả, người kế vị thứ 10 của Thánh Gioan Bosco, Cha Angel F. Artime, đã chủ sự và thuyết giảng, Ngài đã làm nổi bật lên món quà phổ quát của Chúa Giêsu và của Cha thánh trước sự hiện diện của 16 đấng sáng lập các Tu hội mới theo ơn đoàn sủng của cha thánh Bosco như là một dấu hiệu biểu tượng hùng hồn mạnh mẽ của sự hiệp nhất!

Cha bề trên cả Angel kết thúc bằng công bố các 'Mối Phúc Thật của Gia đình Salediêng’, một thành quả tuyệt vời được đúc kết từ những cuộc hội thảo hỗn hợp các ngôn ngữ trong ngày thứ hai của Đại hội.

Sau đây là những mối phúc của Gia đình Salediêng

1. Phúc thay cho Gia đình Salêdiêng tìm được niềm vui trong sự đơn nghèo, thấm nhuần ân sủng của Chúa Thánh Thần hầu làm việc cho giới trẻ nghèo khổ và bị bỏ rơi - đây là sự thánh thiện!

2. Phúc thay cho gia đình Salêdiêng luôn biết rập khuôn theo sự khôn ngoan và tình yêu mến nồng nàn của vị Mục tử nhân lành. Nhờ đó, mỗi thành viên chào đón và đồng hành cùng giới trẻ với tình yêu mến, trong sự đối thoại tương kính và chào đón nhau trong những nét đa dạng - đây là sự thánh thiện!

3. Phúc thay cho gia đình Salêdiêng biết đồng hành với người khác, chữa lành những vết thương cho những người nghèo khổ và nhóm lên hy vọng cho những người tuyệt vọng, nhờ đó mang lại niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh - đây là sự thánh thiện!

4. Hạnh phúc thay cho Gia đình Salediêng luôn khao khát lẽ công chính và đồng hành cùng tuổi trẻ trong sứ mệnh hiện thực hóa những dự án cuộc đời với họ trong gia đình, tại nơi làm việc, qua những mối giây cam kết chính trị và xã hội - đây là sự thánh thiện!

5. Hạnh phúc thay cho gia đình Salediêng được cảm nghiệm sống trong lòng thương xót, biết rộng mở đôi mắt và trái tim để lắng nghe một cách tinh tế hầu cảm thông với nhau. Đó chính là một ngôi nhà rộng mởi đón chào tha nhân - đây là sự thánh thiện!

6. Hạnh phúc thay cho gia đình Salêdiêng biết tìm kiếm chân lý toàn vẹn và minh bạch trong khi nuôi dưỡng một ánh nhìn yêu thương siêu vượt lên mọi sự hầu nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trong mỗi người - đây là sự thánh thiện!

7. Phúc cho gia đình Salêdiêng, rút ra từ sự thật của Tin mừng và vẫn trung thành với đặc sủng của Cha thánh Bosco. Do đó, chúng ta trở thành men cho một nhân loại mới và vui mừng đón nhận niềm vui của Thập giá vì Nước Thiên Chúa - đây là sự thánh thiện!

Trước khi kết thúc, Cha bề trên cả đã cám ơn tới tất cả những người đã đóng góp cho sự thành công của Đại hội này tại Valdocco, và mời tất cả các thành viên của Gia đình Salediêng tham gia ý lực của năm nay trở thành nhũng nhà giáo dục và mục tử tốt lành trên 136 quốc gia mà Tu hội đang hoạt động trên thế giới.

6. Đức Giáo Hoàng bất ngờ đến thăm các nữ tu dòng kín ở Umbria.

Hôm thứ Sáu 11 tháng 1 năm 2019 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bất ngờ đến tu viện của các nữ tu dòng kín Poor Clare ở vùng Umbria miền trung nước Ý.

Giáo phận Foligno phổ biến bản tin cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm các nữ tu của Tu viện Vallegloria ở Spell. Các nữ tu này đã được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến tại Vatican vào tháng 8 năm 2016.

Dịp đó, Đức Giáo Hoàng đã trao cho các nữ tu Tông Hiến Vultum Dei quaerere nói về đời sống chiêm niệm của các nữ tu – Việc trao Tông Hiến này Đức Giáo Hoàng muốn gửi tới tất cả các dòng tu kín trên thế giới về ý nghiã đời sống chiêm niệm.

Tại tu viện Vallegloria ở Spell, Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ cùng với Đức Giám Mục Gualtiero Sigismondi của giáo phận Foligno. Ngài nói chuyện thân mật với các nữ tu và dùng cơm trưa với họ.

Chuyến hành trình từ Vatican đến tu viện phải mất 2 tiếng lái xe và buổi chiều Đức Giáo Hoàng đã trở về Vatican.

Đức cha Sigismondi cho biết các nữ tu rất vui mừng và kinh ngạc khi thấy Đức Giáo Hoàng đột nhiên đến trước cổng tu viện.

Đức Cha cũng cho biết Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng ngưỡng mộ về ơn gọi và đặc sủng của các nữ tu dòng chiêm niệm ở Spello.

Đức Giáo Hoàng đã ban phép làn cho toàn Giáo phận Foligno trong lúc giáo phận đang chuẩn bị mừng lễ bổn mạng.

7. 200,000 bạn trẻ ngoài Panama Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019

2 trăm ngàn người trẻ, trong đó, có 1 ngàn người bản địa sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama. Những người trẻ này đến từ 155 quốc gia trên thế giới. Một ngàn người trẻ bản địa xuất phát từ 5 châu lục sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới đặc biệt dành cho họ 3 ngày trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới chính thức.

Theo Giancarlo Candanedo, phát ngôn viên của Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama, con số trên còn đang thay đổi.

Nhóm tham dự đông đảo đến từ nước ngoài sẽ là nhóm người Ý. Cha Michele Falabretti, đứng đầu văn phòng toàn quốc lo thừa tác vụ tuổi trẻ của Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết: dù gặp nhiều khó khăn, con số của chúng tôi đã vượt quá lòng mong đợi: gần 1,300 người trẻ sẽ tham dự. Đây là một con số đáng kể vì đi đến tận cùng phía bên kia thề giới trong mùa này là điều không dễ dàng”.

Về việc Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama chuẩn bị ra sao, Giancarlo cho hay: trước nhất bằng lời cầu nguyện. “Chúng ta không nên quên đây là một thách thức rất lớn đối với một quốc gia nhỏ bé như quốc gia của chúng tôi. Đức Thánh Cha muốn trao trách nhiệm này không những cho Panama mà thôi mà cho cả Trung Mỹ và mọi hàng giám mục của Trung Mỹ”.

“Chúa Nhật trước, chúng tôi đã triển lãm giáo hoàng xa nơi công cộng, do một nhóm người Panama trong thành phố thực hiện”.

Một mới lạ khác là cỗ tràng hạt mân côi do các gia đình nghèo Bêlem thực hiện và sẽ được bao gồm trong gói hành hương. Một triệu rưỡi cỗ đã được chế tạo.

Chính phủ Panama đã góp một phần rất quan trọng để chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Giancarlo cho hay: “Lần đầu tiên trong lịch sử các Ngày Giới Trẻ Thế Giới, chính phủ đã thiết lập một cơ cấu hành chánh riêng, có khả năng giúp chúng tôi trong việc tổ chức biến cố này. Họ đã làm mọi việc ra dễ dàng hơn. Quả là một sự trợ giúp đối với với Giáo Hội”.

Tại nhiều giáo phận, như ở Bologna, họ tổ chức các buổi gặp gỡ song song với Ngày Giới Trẻ Thế Giới để người trẻ có thể cử hành và cùng nhau suy niệm và cầu nguyện.

8. Video khiêu vũ Đại Hội

Tưởng cũng nên biết, trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama một tháng, các người trẻ Ấn Độ tại các Tiểu Vương Quốc Thống Nhất Ả Rập (UAE) đã thực hiện một cuốn video khiêu vũ bằng tiếng Anh, dựa trên bài hát của Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama.

Bài hát chính thức của Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama bằng tiếng Tây Ban Nha, tựa đề là “Hágase en mi Según tu Palabra' (Xin làm theo lời ngài) do Abdiel Jiménez, một giáo lý viên và một thánh vịnh ca ở giáo xứ Cristo Resucitado thuộc vùng San Miguelito, Panamá, sáng tác.

Ban nhạc MasterPlan đặt trụ sở ở UAE có bản dịch tiếng Anh riêng. Họ thực hiện cuốn video với điệu múa của nhóm tuổi trẻ địa phương. Ban nhạc này vốn là thành viên của phong Trào Jesus Youth (JY) quốc tế được Tòa Thánh nhìn nhận, một phong trào khởi đầu từ Ấn Độ.

Họ cũng đã thực hiện một cuốn video tương tự nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới mới đây tại Krakow, Poland, năm 2016.

Ban nhạc cho hay phần lớn các sắp xếp về nhạc cụ thực hiện tại chỗ, với một ít ghita thường (không dùng điện), ghita ha-oai và âm thanh thực hiện tại phòng thu. Một số ngoại cảnh được thu tại các cơ sở của Nhà Thờ Công Giáo St Mary ở Dubai và dẫy núi Fujairah.

MasterPlan tìm sự hợp tác của đội múa của Thừa Tác Vụ Tuổi Trẻ Dubai ở Nhà Thờ St Mary trong việc biên đạo múa bài hát, với sự tham dự của tuổi trẻ địa phương thuôc Nhóm Thiếu Niên Jesus Youth và các thừa tác vụ tuổi trẻ.

Cuốn video cuối cùng, được Truyền Thông Ngày Giới Trẻ Thế Giới đăng trên FaceBook và Youtube, đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội.

9. Khuôn mặt bản địa trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Trong khi đó, cũng tin Zenit ngày 10 tháng 1, 2019 cho hay: lần đầu tiên tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới, các người bản địa sẽ trình bầy “khuôn mặt bản địa” của họ.

Thực vậy, hàng trăm người bản địa khắp thế giới sẽ gặp nhau từ ngày 17 tới ngày 21 trong Ngày Gặp Mặt Tuổi Trẻ Bản Địa Thế Giới (WMIY) trước thềm Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama năm 2019.

Từ các kho tàng phong phú trong nền văn hóa của họ, các thành viên của một số cộng đồng bản địa sẽ đáp lời mời của Đức GH Phanxicô tỏ lòng biết ơn lịch sử của dân tộc họ và tỏ lòng can đảm khi phải đối diện với các thách thức đang xuất hiện.

Ngày Gặp Mặt Tuổi Trẻ Bản Địa Thế Giới phát xuất như một sáng kiến của Ủy Ban Quốc Gia Chăm Sóc Mục Vụ Người Bản Địa (CONAPI) năm 2016. Trong một hội nghị mục vụ bản địa tại Chiapas, Mexico, thành viên các cộng đồng Amazon thắc mắc làm thế nào họ có thể trình bầy khuôn mặt bản địa của họ cho tuổi trẻ thế giới.

Đề nghị của họ đã được sự chúc lành của các giám mục lo chăm sóc mục vụ cho người bản địa ở một số quốc gia; các vị này hết sức thuận tình với hội nghị lần đầu tiên được người bản địa tổ chức.

Alexis Mendez Santo, người bản địa nói với một cơ quan truyền thông Công Giáo, rằng “Cuộc gặp gỡ [trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới] giữa các nền văn hóa này sẽ giúp chúng tôi liên đới với nhau, và khuyến khích chúng tôi dấn thân nhiều hơn cho Giáo Hội”.

Nó sẽ được tổ chức ở Soloy, vùng Ngabe-Bugle, thuộc giáo phận David; cộng đồng này thuận đường tới cho các khách hành hương thuộc Trung Mỹ, trên đường đi Panama City. Sau cuộc gặp gỡ này, người trẻ bản địa sẽ cùng nhau tới Panam dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới chính thức.

Còn nhớ, trong lần viếng thăm Chile và Peru hồi tháng 1 năm 2018, lúc gặp người bản địa ở Puerto Maldonado, Đức Phanxicô nói với họ:

“Cha trông mong khả năng thích ứng của các dân tộc và phản ứng của họ trước các khoảnh khắc khó khăn họ đang trải qua”.

Lòng trông mong ấy nay đang trở thành thực tại chỉ một năm sau.

10. Năm Quốc Tế Các Ngôn Ngữ Bản Địa

Theo Chủ Tịch Ủy Ban Tổ Chức Ngày Gặp Mặt Tuổi Trẻ Bản Địa Thế Giới, Cha Jose Fitzgerald, cuộc gặp gỡ cổ vũ việc xây dựng một thế giới khả hữu, củng cố niềm hy vọng của tuổi trẻ. Vị linh mục Tổng Thư Ký của Ủy Ban Phối Hợp Toàn Quốc Chăm Sóc Mục Vụ Người Bản Địa (CONAPI) này cho hay: khẩu hiệu của cuộc gặp gỡ là “chúng tôi mang ký ức quá khứ để can đảm xây dựng hy vọng”.

Tháng 1 năm 2018, trong lần viếng thăm Peru, Đức Phanxicô từng nói với người bản địa: “Chúng ta cần các dân tộc Amazon lên khuôn các giáo hội địa phương về phương diện văn hóa để một giáo hội có thể được lên khuôn với khuôn mặt Amazon”.

Thực ra, nhà truyền giáo Dòng Salesian, Diego Clavijo Illescas, từng đồng hành với người Achuar thuộc vùng biên giới giữa Peru và Ecuador, để truyền giảng Tin Mừng cho họ bằng văn hóa riêng, nhất là ngôn ngữ riêng, của họ. Cha Clavijo là học trò của Cha Luis Bolla, một linh mục người Ý vốn sống cả nửa thế kỷ với cộng đoàn Achuar để hội nhập văn hóa họ theo viễn kiến đức tin của chính họ.

Theo cái nhìn thông sáng của Đức Phanxicô trong Laudato Si’, việc mất văn hóa còn có thể nguy hiểm hơn việc mất một chủng loài vật rất nhiều. Và trong khuôn khổ Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngài công bố tên năm nay trên bình diện quốc tế sẽ là “Năm Quốc Tế Các Ngôn Ngữ Bản Địa”. Từ Panama, người trẻ bản địa sẽ được thế giới nghe tiếng.