Ngày 12-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:31 12/01/2015
CẬU BÉ THÔNG MINH
N2T

Có một chiếc xe chở hàng, vì tài xế sơ suất không để ý nên bị mắc kẹt dưới gầm cầu, tới không được mà lùi lại cũng không xong, rất nhiều người đứng chung quanh nhìn coi.
Công trình sư, cảnh sát và chủ hãng xe đều đến, nhưng mọi người đều bó tay hết cách và đường bên cạnh vì thế mà kẹt xe ngoài ý muốn, xe kẹt nối đuôi nhau dài như con rồng, giao thông hoàn toàn kẹt cứng.
Lúc ấy có một cậu bé chen vào hiện trường, lớn tiếng nói với tài xế:
- “Bác tài, cháu chỉ cho bác một cách, chỉ cần bác thả xì bớt hơi mấy bánh xe, thì có thể lùi lại.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Chuyện thả xì hơi bánh xe để cho chiếc xe thấp xuống là một phương pháp đơn giản, nhưng trong lúc bối rối nên ai cũng nghĩ không ra, chỉ có em bé nghĩ đến mà thôi.
Em bé nghĩ được cách làm cho xe khỏi bị kẹt dưới gầm cầu là vì tâm hồn của em không băn khoăn về chuyện hư xe, không lo lắng về chuyện bị cảnh sát phạt, không bồn chồn vì làm ăn lổ lã, không hiếu kỳ chỉ chỏ bình luận.v.v...
Khi đời sống tâm linh của chúng ta bị xáo trộn bởi ngoại cảnh bên ngoài, thì chắc chắn sẽ rất khó mà bình tĩnh nhìn lại cuộc sống tu trì của mình để “xả xì hơi” đang no căng vì bon chen sự đời:
- Xả xì hơi kiêu ngạo, để tiến lên phía trước.
- Xả xì hơi tham lam, để thanh thoát cuộc sống.
- Xả xì hơi ghen ghét, để thấy được lòng anh em.
- Xả xì hơi tư lợi, để thấy nhu cầu của tha nhân.
- Xả xì hơi phe cánh, để thấy mình không tài cán gì.
- Xả xì hơi hưởng thụ, để thấy mình quá trần truồng...
Khi “chiếc xe” thân xác chở tâm hồn của chúng ta bị kẹt giữa đường đời, thì hãy bình tĩnh và xả xì hơi bằng sự cầu nguyện, bằng không thì sẽ bị kẹt trong hỏa ngục đấy. Ha ha ha...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 12/01/2015
N2T

4. Phàm là nơi tâm hồn có sự đồng tình và đức ái, thì sẽ không lưu lại nhiều của cải, cũng không quá quắc vô tình vô nghĩa.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến viếng thăm Á Châu ngày mai của Đức Phanxicô
Vũ Van An
09:45 12/01/2015
Ngày mai, Thứ Hai, Đức GH Phanxicô sẽ rời Rôma lên đường tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân. Đây là chuyến tông du ngoại quốc lần thứ bẩy, và tông du Á Châu lần thứ hai sau khi viếng Nam Hàn tháng Tám năm ngoái.

Giống việc cử nhiệm 15 vị tân Hồng Y có quyền bỏ phiếu gần đây, trong đó hết 10 vị không xuất thân từ Tây Phương, chuyến tông du này càng củng cố hơn nữa hình ảnh “Giáo Hoàng của Làng Hoàn Cầu” nơi ngài.

Để hiểu phần nào tính chất phức tạp của chuyến đi, ta nên chú ý tới 5 loại xe mà Đức Giáo Hoàng sẽ được sử dụng: 2 tại Sri Lanka và 3 tại Phi Luật Tân trong đó có chiếc xe jeep biến cải, một hình thức xe tải dành cho người nghèo Phi Luật Tân.

Tại Sri Lanka, chủ điểm của Đức Phanxicô chắc chắn là sự hoà hợp giữa các tôn giáo, trong đó, có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Đây là một chủ điểm nên có trong một quốc gia hiện đang có chia rẽ giữa người Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo và là nơi ký ức cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 30 năm, mới chỉ chấm dứt vào năm 2009, hiện vẫn còn đậm nét trong tâm thức người dân.

Các liên hệ liên tôn luôn là vấn đề có nhiều đột biến trong một xã hội vốn được cuộc thăm dò năm 2008 của Viện Gallup xếp hạng ba trên thế giới về tôn giáo, nghĩa là các dị biệt về tôn giáo rất dễ bị lạm dụng.

Đức Phanxicô tới đó sau các cuộc bầu cử đầy gay cấn giữa ông Maithripala Sirisena và TT đương nhiệm Mahinda Rajapaksa. Kết quả: TT đương nhiệm đã mất ghế.

Dù được nhóm sắc tộc đa số Sinhalese, phần đông theo Phật Giáo, tán thành, ông Sirisena chủ yếu dựa vào nhóm thiểu số Tamil theo Ấn Giáo và các căng thẳng của chiến dịch bầu cử khiến nhiều người Sri Lanka lo ngại.

Người Công Giáo chỉ chiếm từ 7 tới 8 phần trăm dân số, nhưng nhiều người tin rằng họ có sứ mệnh hòa giải, vì đây là tín ngưỡng duy nhất được cả người Sinhalese lẫn người Tamil tin theo.

Về phương diện chính trị, rất có thể Đức Phanxicô sẽ đề cập tới chủ đề gai góc là “hội nhập văn hóa” nghĩa là phải làm sao để thích ứng biểu tượng và việc thờ phượng của Kitô Giáo vào nền văn hóa Sri Lanka.

Vấn đề trên từng gây ra nhiều căng thẳng rất gay gắt giữa mẫn cảm tôn giáo và chủ nghĩa tương đối tôn giáo. Trong hai thập niên 1990 và 2000, nhiều thần học gia cấp tiến Công Giáo, trong đó có Tissa Balasuriya của Sri Lanka, từng bị Vatican ra kỷ luật vì đã đi quá xa trong việc pha trộn các thực hành và quan niệm Đông Phương vào Đạo Công Giáo.

Nói chung, Đức Phanxicô hiện được coi là khá mềm dẻo trong địa hạt này, dù Thứ Sáu vừa qua, ngài có cảnh cáo nên tự chế. Trong một thánh lễ buổi sáng tại Vatican gần đây, ngài cho rằng: “một buổi yoga không thể dạy tâm hồn ta cảm nhận được tình phụ tử của Thiên Chúa, và một lớp linh đạo Thiền không thể làm ta tự do hơn để yêu thương”.

Trong khi ấy, theo tờ Sunday Times tại Sri Lanka, Đức Phanxicô sẽ được tân tổng thống vừa đắc cử là Maithripala Sirisena tiếp đón khi ngài đặt chân xuống Phi Trường Quốc Tế Bandaranaike. Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe cho cựu TT Mahinda Rajapaksa hay: ông ta cũng được mời có mặt tại Phi Trường để tiếp đón Đức GH vì chính ông là người đã mời ngài qua viếng thăm.

Tình huống trên không phải là lần đầu tiên xẩy ra. Tờ Sunday Times cho hay: nó đã xẩy ra nhiều lần trước đây. Năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Sri Lanka để phong chân phúc cho Cha Joseph Vaz, ngài vốn được chính phủ UNP tiền nhiệm mời, và được tân TT Chandrika Bandaranaike Kumaratunga tiếp đón.

Đức Phaolô VI cũng vậy, được chính phủ UNP mời viếng thăm Sri Lanka, nhưng đã được tân Thủ Tướng Sirima Bandaranaike của Đảng SLFP tiếp đón.

Phi Luật Tân

Tại Phi Luật Tân, trong các ngày từ 16 tới 19 tháng Giêng, Đức Phanxicô sẽ viếng thăm các cộng đồng Phi Luật Tân lớn nhất và năng động nhất trên thế giới.

Có thể nói người Phi Luật Tân ngày nay là những người Ái Nhĩ Lan mới, tạo xương sống cho Giáo Hội Công Giáo tại nhiều nơi trên thế giới, nơi đức tin Công Giáo đang đi xuống. Giống các di dân và các nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan trước đây trong thế kỷ 19.

Người ta ước lượng hiện có 10 triệu người Phi Luật Tân sống tại ngoại quốc và họ có khuynh hướng đem đức tin tới bất cứ nơi nào họ tới. Dù sao, Phi cũng là một quốc gia mà ngay tại các khu mua bán lớn (shopping malls) vẫn có các nhà nguyện, và là nơi nhan nhản có những bảng hướng dẫn ở đường phố với những hàng chữ “Xin lưu ý: Các Thánh Lễ và Các Buổi Cầu Nguyện luôn luôn đang diễn tiến”

Tuy nhiên, không vì thế mà Giáo Hội không gặp nhiều thách đố cam go, ít nhất từ hai chiến tuyến:

1. Một là sự chuyển tiếp sang một xã hội nhiều tính thế tục hơn. Năm 2012, dự luật y tế gây nhiều tranh cãi về sinh đẻ cho phép mọi người ngừa thai dù bị Giáo Hội Công Giáo cực lực chống đối đã được thông qua và được Tối Cao Pháp Viện chấp nhận năm 2014.

2. Hai là sự hiện diện mỗi ngày một thấy rõ hơn của Tin Lành và Ngũ Tuần, mà vang vọng nhất là cuộc trở lại của Manny Pacquiao, một lực sĩ quyền Anh Công Giáo hết sức nổi tiếng. Một linh mục Phi Luật Tân gọi con số thống kê nói rằng 85 phần trăm dân Phi là người Công Giáo là “ảo giác”vì đa số có tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật đâu.

Nước này cũng vẫn đang còn bàng hoàng về cơn bão Hải Yến, tháng Mười Một năm 2013, một trong những cơn bão mạnh nhất xưa nay, từng giết hơn 6,000 người và phá hủy hơn 1 triệu 1 trăm ngàn ngôi nhà khiến cho 4 triệu 1 trăm ngàn người màn trời chiếu đất.

Vào Thứ Bẩy này, Đức Phanxicô sẽ tới thăm vùng bị bão tàn hại hơn cả để an ủi những người rời cư và làm phép một trung tâm dành cho người nghèo. Ngài sẽ dùng bữa trưa với khoảng 30 nạn nhân sống sót.

Người ta cho rằng con số người tuốn tới gặp gỡ Đức Phanxicô sẽ hết sức lớn. Một trong các cuộc thăm dò mới đây cho thấy số người “hết sức nôn nóng” trước cuộc viếng thăm của ngài lên tới 88 phần trăm người Phi, 6 phần trăm cho biết “nôn nóng” và phần còn lại cho biết “vui mừng”.

Năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II tới Manila, ngài lôi cuốn 4 tới 5 triệu người tới tham dự Thánh Lễ do ngài cử hành, một con số chưa từng xẩy ra bao giờ cho một cuộc viếng thăm của các vị giáo hoàng. Nhiều người Phi nôn nóng muốn con số ấy được vượt qua, dù cảnh sát không mấy khuyến khích vì lý do an ninh và vì địa điểm Thánh Lễ dự trù chỉ chứa được chừng 1 triệu người.

Việc Đức Phanxicô tới thăm Phi Luật Tân cũng làm sáng hơn ngôi sao sáng vốn đã sáng rực của Phi Luật Tân: Đức HY Antonio Tagle, TGM Manila, một trong các vị giáo phẩm nhiều đặc sủng và nổi tiếng trên thế giới.

Vị giáo phẩm này vốn được người ta gán cho danh hiệu “Phanxicô của Á Châu”, vì cũng biểu lộ cùng một đức khiêm nhường tương tự, và cũng như Đức Giáo Hoàng, cùng thuộc cánh ôn hòa về chính trị. Nhiều người coi ngài là một papabile (tương lai làm giáo hoàng).

Cũng như tại Nam Hàn trước đây, Đức Phanxicô sẽ đọc diễn văn bằng tiếng Anh, biến cuộc viếng thăm này thành một tuần lễ thử nghiệm ngữ học, chuẩn bị cho cuộc viếng thăm đang được nhiều người nhắc tới tại Hoa Kỳ vào tháng Chín này.

Năm điều nên biết về cuộc viếng thăm Sri Lanka

Nicole Winfield của AP liệt kê năm điều nên biết về chuyến tông du Á Châu của Đức Phanxicô:

Tới vùng Tamil

Điều đáng lưu ý đầu tiên là Đức Phanxicô sẽ tới vùng người Tamil (Bắc Sri Lanka) để cầu nguyện tại một đền thờ Công Giáo và gặp gỡ tín hữu người Tamil. Đền thờ Đức Mẹ Madhu được cả người CG Tamil và Sinhalese sùng kính, quả là bức phông thích hợp để Đức GH cổ vũ hoà giải…

Linh mục Bernado Cervellera, chủ nhiệm AsiaNews, cho hay: “đây là một cử chỉ rất mạnh. Ngài sẽ tới một vùng mà Đức Gioan Phaolô II đã không tới được vì chiến tranh”.

Giáo Hội Công Giáo tự coi mình là một lực lượng hợp nhất tại Sri Lanka vì như trên đã nói, nó có cả tín hữu người Tamil lẫn người Sinhalese. Họ cùng thờ phượng với nhau, với các buổi phụng vụ lần lượt bằng hai thứ tiếng. Linh mục Prasad Harshan, một sinh viên tiến sĩ tại Đại Học Thánh Giá ở Rôma, nhận định rằng “đây là dấu chỉ tuyệt diệu của tình liên đới”.

Việc Đức Phanxicô vừa phong hiển thánh cho chân phúc Giuseppe Vaz là một dấu hiệu hợp nhất khác: các vị thừa sai thế kỷ 17 có công làm sống lại đức tin Công Giáo tại một xứ sở đang bị bách hại bởi chủ nghĩa thực dân Hòa Lan, bằng cách chăm sóc cả người Tamil lẫn người Sinhalese.

Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo

Khi Đức Gioan Phaolô II thăm Sri Lanka năm 1995, ngài cố gắng đem tới một sứ điệp khoan dung, nhưng bị các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay. Phật Giáo chiếm tới 70% dân số, trong khi Ấn Giáo chiếm 13%, Hồi Giáo chiếm 10 % và Công Giáo chiếm khoảng 7 %.

Người ta mong các đại diện Phật Giáo tới tham dự buổi gặp gỡ liên tôn do Đức Gioan Phaolô II tổ chức, nhưng không một đại diện nào xuất hiện, để phản đối lời phê phán của Đức GH nói về học thuyết cứu rỗi của Phận Giáo.

Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo chỉ mới lớn mạnh từ 20 năm nay, với những người Phật Tử quá khích phát động các chiến dịch bạo động chống người Hồi Giáo.

Nhưng hai đại diện ôn hòa của Phật Giáo đã đự định sẽ yết kiến đức Phanxicô nhân cuộc gặp gỡ liên tôn vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm. Cha Federico Lombardi nhận định “tôi không biết liệu có những giọng nói khó nghe của người quá khích hay không. Ta hãy chờ xem”.

Đức Phanxicô từng tố cáo sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tại Sri Lanka và của những người quá khích chuyên cổ vũ “một cảm thức sai lạc về thống nhất quốc gia dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất”.

Trong cuộc gặp gỡ các giám mục Sri Lanka tháng Năm năm ngoái, Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội điạ phương phải tiếp tục tìm kiếm “những người cùng chia sẻ hoà bình và cùng đối thoại với nhau” bất chấp bạo lực và đe dọa từ phiá những người quá khích về tôn giáo.

Quan tâm về an ninh

An ninh sẽ chặt chẽ nhân chuyến viếng thăm Sri Lanka và Phi Luật Tân, nhất là tại Phi Luật Tân vì các căng thẳng hiện nay giữa chính phủ và người Hồi Giáo, hơn nữa còn vì các tiền lệ trong quá khứ nữa.

Năm 1970, nhân chuyến viếng thăm Manila, Đức Phaolô VI đã bị một người giả dạng làm linh mục đâm vào cổ. Vết thương chỉ nhẹ thôi, nhưng máu cũng đã đổ và Đức GH phải vào nhà thương.

Tháng Mười vừa qua, hai chiếc áo vests đẫm máu đã được trưng bày trong thánh lễ phong chân phúc cho ngài. Một tuần trước khi Đức Gioan Phaolô II thăm Phi Luật Tân năm 1995, các nhà cầm quyền Phi cho hay đã khám phá một âm mưu của người Hồi Giáo qúa khích nhằm giết Đức GH. Các nhà cầm quyền sau đó còn nhận diện được cả người chủ mưu vụ này là Ramzi Yousef, người từng bị kết án là chủ mưu vụ đánh bom Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới năm 1993.

Kiểm soát đám đông

Tuy nhiên, cuộc viếng thăm Manila của Đức Gioan Phaolô II đã tạo được một kỷ lục mà chưa vị giáo hoàng nào vượt qua được, đó là khoảng 5 triệu người đã tới tham dự Thánh Lễ kết thúc chuyến tông du của ngài, đứng chật ních Công Viên Rizal tại Manila và kéo dài hàng hải lý sang hai bên. Đường chật người đến độ Đức Gioan Phaolô II buộc phải tới bằng trực thăng sau đó 1 tiếng đồng hồ vì đoàn tùy tùng không tới được bàn thờ.

Cha Gregory Gaston, viện trưởng Giáo Hoàng Học Viện Phi Luật Tân, tiên đoán rằng với sự nổi tiếng của Đức Phanxicô, số người tới mong được diện kiến với ngài chắc chắn sẽ đông hơn nữa, vì các nhà lãnh đạo địa phương đã cho phép nhân viên được nghỉ để tham dự các biến cố chính, trong đó có thánh lễ bế mạc cũng tại Công Viên Rizal.

Ngài vừa cười vừa nói: “bây giờ mối lo không hẳn là quân khủng bố mà chính là dân chúng, vì họ thương Đức GH quá nên họ dám đè bẹp ngài lắm!”

Môi trường

Người ta tin Đức Phanxico sẽ tập chú vào các vấn đề liên quan tới gia đình: mỗi ngày ngài đều sẽ gặp các gia đình già trẻ, gồm cả các gia đình bị phân tán vì công ăn việc làm. Nhưng một vấn đề không kém quan trọng là môi trường.

Các vị giám mục Phi vốn coi vấn đề môi trường là ưu tiên hàng đầu và Đức Phanxicô chắc chắn sẽ viếng thăm các khu vực bị trận bão Hải Yến tàn phá, một trận bão vốn bị quy cho việc thay đổi khí hậu.

Cha Lombardi cho hay Đức Phanxicô sẽ không có bài diễn văn nào dành riêng cho vấn đề môi trường, tuy nhiên, chắc chắn ngài sẽ nhắc tới nó.

Từ ngày lên ngôi giáo hoàng với danh hiệu lấy theo Thánh Phanxicô thành Assidi, vị thánh của thiên nhiên, Đức Phanxicô luôn kêu gọi phải chú tâm tới việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Người ta chưa biết Đức Phanxicô sẽ tiến bao xa trong lời kêu gọi trên qua thông điệp về môi trường sắp tới. Các nhà duy môi trường hy vọng văn kiện này sẽ đẩy mạnh chiến dịch môi trường của quốc tế hiện đang bị đình trệ.

Nhưng những người bác bỏ tính khoa học của các tiên đoán về môi trường thì lên tiếng đả kích Đức GH vì sự can thiệp của ngài vào lãnh vực này. Maureen Mullarkey của First Things, một tờ báo Công Giáo Mỹ bảo thủ, gần đây cho rằng Đức Phanxicô thiếu khôn ngoan và làm ô danh chức vụ của mình bằng cách sử dụng các công thức mị dân để dụ dỗ công chúng bước vào các hành động môi trường không hề có bất cứ phẩm chất nào ngoài việc tuyên truyền về thần học.
 
Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Trầm Thiên Thu
11:04 12/01/2015
Năm nay (2015), ngày khởi đầu “tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo” là Chúa Nhật II Thường Niên (năm B), và đặc biệt là dịp chúng ta cùng với hàng triệu Kitô hữu trên thế giới vui mừng kỷ niệm lần thứ 100 của Tuần Hiệp Nhất.

Ước muốn hiệp nhất Kitô giáo là sự thật về phong trào đại kết, sự hiệp nhất bắt nguồn từ Đức Kitô. Ngài đã bày tỏ rõ ràng trong lời cầu nguyện tại Bữa Tiệc Ly, trước khi Ngài chịu khổ nạn: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17:20-21).

Cầu nguyện là điều cần thiết trước khi làm bất cứ việc gì, như tác giả Thánh Vịnh xác định: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm. Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127:1-2). Việc xây “Nhà Hiệp Nhất Kitô Giáo” là việc chung, nhưng nếu không được Chúa Giêsu giúp đỡ thì cũng luống công vô ích. Thật vậy, chính Ngài đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo hàng năm từ ngày 18 tới 25 thánh Một, do các Tu sĩ Dòng Phanxicô Hoa Kỳ khởi xướng, họ thuộc Tân giáo (Episcopalian Communion) hoặc Anh giáo (Anglican Communion). Họ là Lm Paul Wattson và Nt Lurana White, Dòng Phanxicô Đền Tội (Franciscan Friars and Sisters of the Atonement). Nhóm này mau chóng trở thành Công Giáo Rôma.

Thánh 1-1908, tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo được cử hành tại nhà nguyện của nữ tu viện Phanxicô Tân giáo, trên ngọn đồi cách TP New York 50 dặm về phía Bắc. Lm Wattson và các tu sĩ nam nữ Phanxicô cảm thấy rằng Anh giáo nên phục hồi tính Công Giáo bằng cách tìm kiếm một dạng “hiệp nhất” nào đó với Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Các tu sĩ này thấy có sự đáp lại từ phía Rôma bằng cách hiệp thông hoàn toàn từ năm 1909.

Từ đầu, ngày 18 được chọn là ngày mở đầu Tuần Hiệp Nhất vì hồi đó ngày này là lễ Tông Tòa Thánh Phêrô tại Rôma. Thập niên 1930, Lm Paul Couturier, người Pháp, cổ vũ sự hiệp nhất Kitô giáo nên khuyên cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo như Chúa Giêsu mong muốn.

Năm 1964, Công đồng Vatican II đã ban hành sắc lệnh về đại kết, khuyến khích người Công Giáo “cầu nguyện cùng với các anh em ly khai” và nhận biết các cộng đồng Kitô giáo khác. Năm 1968, Tuần Hiệp Nhất chính thức được gọi là “Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo”. Tuần lễ này là “tám ngày suy nghĩ về sự thay đổi của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô”.

Ngày thứ nhất: Thay đổi nhờ Người Tôi Trung là Đức Kitô.
Ngày thứ nhì: Thay đổi trong sự kiên nhẫn chờ đợi Chúa Giêsu.
Ngày thứ ba: Thay đổi nhờ Người Tôi Tớ Đau Khổ.
Ngày thứ tư: Thay đổi nhờ Đức Kitô chiến thắng ma quỷ.
Ngày thứ năm: Thay đổi nhờ ơn bình an của Chúa Giêsu phục sinh.
Ngày thứ sáu: Thay đổi nhờ tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày thứ bảy: Thay đổi nhờ Chúa Chiên Lành.
Ngày thứ tám: Kết hiệp trong quyền cai trị của Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta cùng nhớ lại điều mong ước của Chúa Giêsu:

"Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17:14-26).
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Đặng Tự Do
13:03 12/01/2015
Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh diễn ra sáng ngày 12 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “nền văn hóa loại bỏ” chẳng tha điều gì và chẳng chừa một ai: thiên nhiên, con người và ngay cả Thiên Chúa.

"Từ đầu, Đức Kitô đã bị gạt sang một bên, bị bỏ mặc trong giá lạnh, bị buộc phải sinh ra trong một chuồng gia súc vì không có phòng trọ. Nếu Con của Thiên Chúa mà còn bị đối xử tàn tệ như thế thì huống hồ gì là những anh chị em của chúng ta. "

Nguyên nhân nền văn hóa loại bỏ là vì “con người đã đánh mất tự do, họ trở thành nô lệ trong các hình thức nô lệ tân thời cho quyền lực, tiền bạc, hoặc thậm chí cho các hình thức lệch lạc về tôn giáo”. Nhiều hình thức nô lệ "được sinh ra từ một con tim băng hoại, một con tim không có khả năng nhận biết và làm điều thiện, không có khả năng theo đuổi hòa bình."

Chúng ta có một âm hưởng đau buồn về điều đó trong vụ các vụ thảm sát tàn bạo hơn 100 trẻ em bị tàn sát cách đây hơn 1 tháng tại Peshawar, Pakistan; vụ tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris; và các xung đột ở Ukraine và Thánh Địa.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến sự bách hại các tín hữu Kitô tại Iraq và Syria của “chủ nghĩa khủng bố cực đoan”. Hiện tượng này là “hậu quả của một nền văn hóa loại bỏ được áp dụng cho Thiên Chúa. Thực vậy, trào lưu tôn giáo cực đoan, trước khi nó là một sự loại bỏ con người qua những cuộc thảm sát kinh hoàng, thì nó là sự phủ nhận chính Thiên Chúa, coi Chúa chỉ là một cái cớ ý thức hệ” nhằm biện minh cho những hình thái bạo lực đáng kinh tởm.

Nhắc lại lá thư Giáng Sinh gởi cho các Cộng đồng Kitô ở Trung Đông, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Một Trung Đông không còn Kitô hữu thì sẽ là một Trung Đông bị biến dạng và què quặt”. Ngài cũng đưa ra lời thách đố “các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị, các nhà trí thức, đặc biệt là những người Hồi giáo, phải can đảm lên án bất kỳ sự giải thích tôn giáo một cách cực đoan và xuyên tạc chỉ nhắm biện minh cho những hành vi bạo lực”.

Đề cập đến nạn bắt cóc và buôn người tại Nigeria và một số nước Phi châu khác, Đức Thánh Cha tố giác hiện tượng đáng kinh tởm là nạn buôn các thiếu nữ bị bắt cóc để cưỡng bách kết hôn. Đức Thánh Cha đặc biệt tố giác sự kiện chiến tranh cũng dẫn đến một tội ác đáng kinh tởm là sự hãm hiếp. Đây là một sự vi phạm rất trầm trọng chống lại phẩm giá của phụ nữ, không những họ bị vi phạm trong thân thể, nhưng cả trong tâm hồn, với chấn thương khó có thể xóa bỏ được. Rất tiếc là nơi nào có chiến tranh thì người ta cũng thấy có quá nhiều phụ nữ phải chịu đau khổ vì tội ác này.

Đức Thánh Cha đau buồn nhắc đến những vùng đang bị sâu xé vì những cuộc nội chiến dài dẵng, gây ra những đau khổ khôn tả cho dân chúng như tại Libia và Cộng hòa Trung Phi, nơi những thiện chí hòa bình đang gặp phải sự kháng cự của những hình thức chống đối của những lợi lộc phe phái ích kỷ.

Đề cập tới bệnh dịch Ebola, Đức Thánh Cha nhận xét rằng nền văn hóa loại bỏ cũng thể hiện rõ nơi cách người ta đối xử với các bệnh nhân: họ bị cô lập và gạt ra ngoài lề như những người cùi mà Phúc Âm thường đề cập. Các nạn nhân Ebola là những người cùi trong thời đại chúng ta ngày nay, nhất là tại Liberia, Sierra Leone và Guinea, với hơn 6 ngàn người chết. Trong khi lặp lại lời cám ơn các nhân viên y tế, các tu sĩ và những người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Ebola, Đức Thánh Cha tái kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm một sự trợ giúp nhân đạo thích hợp cho các bệnh nhân và thăng tiến một sự dấn thân chung để loại trừ bệnh dịch.

"Cùng với những mạng sống bị bỏ đi vì chiến tranh và bệnh tật, là đông đảo những người tị nạn và di tản". Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến những người tị nạn và di tản đang phải đối diện với những nguy hiểm trên Địa Trung Hải và châu Mỹ.

Nền văn hóa loại bỏ cũng thể hiện trong các gia đình.

“Có rất nhiều ‘những người lưu vong thầm kín’ đang sống trong gia cư của chúng ta: những người già, người tàn tật và người trẻ không tìm được công ăn việc làm. Những người già bị gạt bỏ khi họ bị coi như gánh nặng và sự hiện diện của họ bị coi như một sự phiền phức, trong khi người trẻ bị gạt bỏ khi người ta không giúp họ có công ăn việc làm.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Không có sự nghèo đói nào tệ hơn là thứ nghèo đói không có việc làm và phẩm giá của lao công, hoặc biến lao công thành một hình thức nô lệ. Sự thất nghiệp của người trẻ, cũng như sự bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên là điều trái ngược với phẩm giá con người và xuất phát từ một não trạng đặt tiền bạc ở trung tâm và gây hại cho chính con người.”

Vào đầu năm mới, Đức Thánh Cha cho biết ngài không muốn cái nhìn của ngài có sắc thái bi quan và ngài cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân, các cuộc gặp gỡ, đối thoại và nhất là một số thành quả của hòa bình. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài trong năm qua tại Albani, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến quyết định cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nhắc đến biến cố hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki và sự khai sinh cách đây 70 năm của Liên Hiệp Quốc. Ngài nhắc đến bài diễn văn lịch sử của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ lục trong cuộc viếng thăm tổ chức này hồi năm 1965, với lời kêu gọi tha thiết: “Đừng chiến tranh nữa, đừng bao giờ gây chiến nữa”. Đức Thánh Cha Phanxicô lập lại lời kêu gọi này và nói rằng một điều kiện không thể thiếu được trong bất cứ chương trình phát triển nào của thế giới chính là hòa bình, nảy sinh từ sự hoán cải tâm hồn.
 
Đức Phanxicô lên đường tới Sri Lanka
Vũ Van An
19:22 12/01/2015
Khi tới Sri Lanka vào thứ Ba hôm nay, Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên thăm đất nước này kể từ năm 2009 lúc chấm dứt cuộc nội chiến từng khiến người Tamil, phần đông theo Ấn Giáo ở phía bắc, chống lại khối đa số Sinhala. Cuộc thăm viếng của ngài cũng trùng hợp với cuộc bầu cử mà kết quả là giai cấp lãnh đạo thời chiến đã bị đánh bại.

Theo tin Reuters, trước khi lên đường, Đức Phanxicô cho biết: chuyến đi này phản ảnh quan tâm mục vụ của ngài đối với nhân dân trong vùng. Ngài nói: “Với họ và các chính phủ của họ, tôi muốn bày tỏ một lần nữa ý nguyện của Tòa Thánh muốn đóng góp vào việc phục vụ ích chung, vào sự hoà điệu và hòa hợp xã hội” (Diễn văn với các Đại Sứ bên cạnh Tòa Thánh).

Không khí sau ngày bầu cử tại Sri Lanka là bầu khí hòa dịu, rất thuận lợi cho mục tiêu trên đây của Đức Phanxicô. Thực vậy, Tổng Thống tân cử Maithripala Sirisena, người vừa nhậm chức hôm Thứ Sáu, hứa sẽ chấm dứt thời kỳ đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số dưới thời chính phủ vừa thất cử, một chính phủ phần nào làm ngơ sự bạo động của Phật Giáo chống người Hồi Giáo.

Chế độ cai trị kéo dài 10 năm nay của cựu TT Mahinda Rajapaksa cũng cho thấy nhiều vụ tấn công lẻ tẻ do các nhà sư Phật Giáo quá khích thực hiện nhằm vào các nhà thờ và trung tâm Kitô Giáo. Người Kitô Giáo vì thế coi chính phủ của ông là đối nghịch và càng ngày càng độc đoán.

H. Mendis, 49 tuổi, một nhân viên chính phủ, nhận định rằng: “chúng tôi diễm phúc được thấy vị đại diện Thiên Chúa tới viếng thăm Sri Lanka. Đây là cơ hội tốt để chứng minh rằng Sri Lanka không phải là một quốc gia Phật Giáo cực đoan”.

Đức Phanxicô sẽ phong hiển thánh cho chân phúc Joseph Vaz, người đã tái lập Giáo Hội tại Sri Lanka trong thế kỷ 17, sau khi nó bị phe Calvin người Hòa Lan dẹp bỏ. Ngài cũng sẽ viếng Madhu, là địa điểm hành hương chính của Công Giáo tại Sri Lanka.

Madhu thuộc vùng trước đây xẩy ra những cuộc đánh nhau rất khốc liệt và hiện nay vẫn ít được các vị vọng ngoại quốc tới viếng thăm, bất chấp các tái thiết nhanh chóng đang diễn ra tại đây.

AFP khi đưa tin về chuyến viếng thăm bắt đầu từ hôm nay của Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh tới khía cạnh hòa giải trong bối cảnh nền tân văn hóa khoan dung của một xứ sở vẫn còn đang hồi phục khỏi cuộc nội chiến.

Người Công Giáo Sri Lanka chỉ chiếm khỏang 6% trong tổng dân số 20 triệu người, nhưng họ được coi là một lực lượng đoàn kết vì bao gồm người đa số Sinhalese và người thiểu số Tamil.

Đức Giáo Hoàng sẽ được nghênh đón bởi Tân TT Sri Lanka là Maithripala Sirisena, người đoan hứa sẽ bảo vệ tự do tôn giáo, trước khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật Giáo, Ấn Giáo và Hồi Giáo tại Colombo.

Hôm Thứ Tư, ngài sẽ phong hiển thánh cho chân phúc Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17 và sẽ là vị thánh đầu tiên của Sri Lanka.
Ngài cũng sẽ viếng thăm một thánh đường nhỏ trong rừng vốn là nơi xẩy ra các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và phiến quân Tamil muốn ly khai, những cuộc đụng độ đã sát hại khoảng 100,000 người và chỉ mới chấm dứt cách nay 5 năm.

Đền thờ Đức Mẹ Madhu, tọa lạc ở phía bắc thuộc vùng đa số dân là người Tamil, từng được dùng làm nơi trú ẩn trong thời chiến tranh và nay là địa điểm hành hương của Kitô hữu bất phân sắc tộc.

Cuộc viếng thăm hôm nay diễn ra chỉ sau cuộc viếng thăm Nam Hàn 5 tháng, cho người ta thấy tầm quan trọng lớn lao mà Tòa Thánh dành cho Á Châu cũng như tiềm năng lôi cuốn thêm nhiều tín hữu mới.

Vùng này luôn được Đức Phanxicô quan tâm vì thời son trẻ, ngài vốn mơ ước được qua Nhật giảng đạo.

John Allen Jr., khi đề cập tới chuyến viếng thăm hai nước Sri Lanka và Phi Luật Tân của Đức Phanxicô, đã cho rằng chính tại Sri Lanka, ngài sẽ thực hiện được nhiều việc hơn cả. Lý do dễ hiểu vì Sri Lanka hiện đang ở ngã ba đường với khả thể một là tiến tới hòa giải hai là rơi trở lại hỗn loạn. Được tiếng là người thành công trong vai trò thay đổi cuộc cờ chính trị và ngoại giao, Đức Phanxicô có cơ hội thúc đẩy nước này hướng tới hòa bình bền bỉ.

Thực vậy, Sri Lanka kinh qua một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm, bắt đầu từ năm 1983, khi “những Con Hổ Tamil” nổi lên đòi ly khai. Cuộc nội chiến này chấm dứt năm 2009, khi TT Mahinda Rajapaksa bãi bỏ chính sách đối thoại và thay vào đó đã mở cuộc tấn công ồ ạt dẹp tan phiến quân Tamil. Nhưng ông chỉ thắng cuộc chiến mà không thắng hòa bình. Người ta tố cáo ông đã không chịu phát triển các vùng phía bắc thuộc người Tamil. Nên việc Đức Phanxicô lên phía bắc hôm thứ Tư này để viếng Đền Đức Mẹ Madhu sẽ có một ý nghĩa rất lớn. Nó được nhiều người Sri Lanka coi như lời kêu gọi chính phủ phải đẩy mạnh các cố gắng nối vòng tay lớn của mình.

Tân tổng thống Sirisena, người mới đây vốn là một bộ trưởng trong nội các của ông Rajapaksa, tuy cũng là một người Sinhalese theo Phật Giáo, nhưng đã lấy người thiểu số Tamil làm viên đá nền cho chiến dịch tranh cử của mình.

Cuối tuần qua, tân chính phủ loan báo rằng việc lui tới các trang mạng truyền thông vốn bị chính phủ Rajapaksa ngăn cấm sẽ được mở lại và việc theo dõi các người bất đồng về chính trị sẽ được chấm dứt.

Dĩ nhiên, tàn dư chế độ cũ chưa chắc đã chết hẳn. Trong bối cảnh ấy, một cuộc tông du thành công của Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ giúp người dân Sri Lanka tin chắc rằng trải nghiệm mới nhất định sẽ thành công.

Nhân dịp này, Đức Phanxicô hẳn cũng sẽ khích lệ người CG Sri Lanka đẩy mạnh hơn nữa vai trò bắc cầu của họ căn cứ vào thành phần đầy hồng ân của họ về hòa hợp sắc tộc. Một điểm son của Giáo Hội Sri Lanka là các chủng sinh buộc phải thông thạo cả tiếng Sinhalese lẫn tiếng Tamil. Phần lớn các giáo xứ có thánh lễ bằng cả hai ngôn ngữ và cộng đoàn giáo xứ thường bao gồm cả hai sắc tộc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Giám Tỉnh Tỉng Dòng SalêDiêng Don Bosco Việt Nam - Phụ tỉnh Mongolia
Fx. Trần Đức Thịnh, SDB
11:01 12/01/2015
Hôm thứ bảy ngày 10 tháng 01 năm 2015, Cha Giuse Trần Hòa Hưng, SDB - Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Sa lê diêng Don Bosco Việt Nam đã loan báo cho các Cộng Đoàn Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Phụ Tỉnh Mongolia tin vui: Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Mongolia vừa nhận được tin vui từ
Nhà Mẹ Trung Ương ở Pisana - Roma - Italia cho biết, sau khi thực hiện cuộc phân định cùng với Ban Tổng Cố Vấn, Cha Angel Fernandez Artime, SDB - Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco đã bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Văn Quang, SDB làm Tân Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Mongolia cho nhiệm kỳ 2015 - 2021.

Cha Giuse Nguyễn Văn Quang sinh ngày 02 tháng 06 năm 1948 tại Nam Định - Hà Nội, năm 1968 ngài gia nhập Tập Viện Salêdiêng Don Bosco tại Trạm Hành - Đà Lạt, ngài tuyên khấn lần đầu ngày 15 tháng 08 năm 1968. Sau khi tuyên khấn lần đầu ngài được gửi đi theo học Triết học tại Hong Kong. Sau thời gian học triết ngài trở về Việt Nam và làm việc tại Don Bosco Thủ Đức. Sau thời gian thực tập ngài lên Đà Lạt học Thần học tại Học Viện Giáo Hoàng Piô X, và tuyên khấn trọn đời ngày 08 tháng 08 năm 1974 được Thụ phong Linh mục ngày 02 tháng 07 năm 1976 tại Đà Lạt.

Cha Giuse Nguyễn Văn Quang trước đây là Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Phước Lộc - Giáo Phận Bà Rịa Vũng Tàu nhiều năm. Hiện nay, Cha Giuse Nguyễn Văn Quang đang giữ chức vụ Giám Đốc Cộng Đoàn Salêdiêng Don Bosco Phước Lộc -Bà Rịa Vũng Tàu - Hiệu Trưởng Trung Tâm Dậy Nghề Phước Lộc tại Bà Rịa Vũng Tàu và cũng là Cố Vấn Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam.

Được biết Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam hiện nay với con số hơn 300 Hội Viên SDB, với 20 Cộng Thể và 4 điểm hiện diện tại Việt Nam.

Ngoài ra Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam còn được Bề Trên Trung Ương trao phó cho Công cuộc Truyền tại Đất Nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ. Công cuộc truyền giáo này được nâng lên thành Phụ Tỉnh Mongolia với 6 Hội Viên Salêdiêng thuộc 6 Quốc Gia khác nhau đang làm việc tại 2 Cộng Thể Salêdiêng, một tại Thủ Đô Ulanbarto và một Cộng Thể tại Thành Phố Darkhan. Đây là vùng đất nước truyền giáo rất lớn vì được Giáo Hội cũng như Quý Bề Trên của Tu Hội Salêdiêng quan tâm rất nhiều.

Cha Tân Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam sẽ chính thức nhậm chức vụ Giám Tỉnh ngày Lễ Cộng Thể Tỉnh, Thứ Ba ngày 26 tháng 05 năm 2015.
 
Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam Atlanta hoàn thành việc chỉnh trang cơ sở
Giuse Đặng Văn Kiếm
12:23 12/01/2015
ATLANTA, Georgia - Đúng 10 giờ sáng Chúa Nhật 11/01/2015, Lễ Khánh Thành và làm phép Nhà Thờ Đức Mẹ Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Atlanta, do Ðức Tổng Giám mục Wilton D. Gregory chủ sự, với sự tham dự của hằng ngàn giáo dân và bà con đồng hương, đã diễn ra trong bầu khí vui mừng thánh thiện.

Hình ảnh

Sau khi Đức TGM tuyên đọc lời chúc lành của Đức Thánh Cha Phanxicô, và cắt băng khánh thành ngay cửa chính nhà thờ, hằng trăm quả bong bóng kéo theo băng chữ “Mừng Khánh Thành Nhà Thờ 11-01-2015” tung bay lên nền trời cao xanh, trong tiếng vỗ tay vang vọng hoà chung với từng tràng pháo nổ dòn như ngày hội mừng đầu xuân mới.

Đức TGM đã cử hành nghi thức xức dầu thánh hiến bàn thờ và toàn phần nhà thờ; cộng đoàn dân Chúa cùng với ca đoàn cất cao Kinh cầu Các thánh, sốt sắng xin Chúa xót thương lắng nghe lời khấn nguyện của đoàn con cái Chúa đang hiện diện nơi đây, tại Giáo Xứ Mẹ Việt Nam thân yêu ở vùng đất Atlanta này.

Trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay, khi kể lại câu chuyện Ðức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. .. các tầng trời mở ra. .. Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống. .. với tiếng phán từ trời: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc. 1,7-11), Đức TGM gợi lên hình ảnh tiếp nối giữa cũ và mới, giữa hôm qua và hôm nay, giữa cơ sở vật chất và nhà thờ cũ kỹ hao mòn theo thời gian nay được chỉnh trang mới mẻ, như đang mở ra một trời mới đất mới cho tiến trình sống đức tin ngày càng thêm vững mạnh của Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam.

Bài giảng của Đức TGM Wilton D. Gregory

Có lẽ chúng ta thất vọng khi tìm đến sông Giođan, không phải là sông có sức nước chảy mạnh như Colorado, Mississippi, hay Amazon, mà là con suối và cũng có thể là nơi câu cá. Điều quan trọng của sông Giođan là chính là nơi mà Chúa Giêsu đến và xin chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Gỉa và giúp cho mọi người tìm ra ý nghĩa đích thực của sự kiện này. Đây cũng là chính ngày Giáo xứ vui mừng tái thánh hiến Nhà Thờ vì đây chính là sự sống đích thực của Chúa Giêsu ban phát cho mọi người đến đây để thờ phượng Chúa.

1. Ý nghĩa quan trọng của phép rửa - Sông Giođan của sức mạnh thiêng liêng mới

Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Cựu Ước chấm dứt và Tân Ước qua sự xuất hiện của Chúa Cứu Thế, Đấng được xác nhận là "Con yêu dấu của Chúa Cha, và đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng” sẽ khai mạc một thời đại mới của sức mạnh ân sủng của Chúa Giêsu.

Chúa Cứu Thế mà hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Chịu Phép Rửa đóng một vai trò thật quan trọng thay thế qúa khứ, thay đổi trong hiện tại, và sẽ hướng con người trong tương lai.

2. Sức mạnh của Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam trong Tổng Giáo Phận

Sức mạnh của đức tin thật sống động trong truyền thống văn hóa người Việt.

Đóng góp gia tài đức tin bằng việc làm cụ thể cách quảng đại qua việc trùng tu, và xây dựng cơ sở vật chất Giáo xứ, đặc biệt là Nhà Thờ nơi Chúa hiện diện cách thực sự qua việc thờ phượng chung: chào mửng thành phần mới gia nhập trong Bí Tích Rửa Tội, gia tăng sức mạnh của những hồng ân Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức, và được nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng trong Bí Tích Thánh Thể, chứng kiến sự thành lập gia đình mới trong Bí Tích Hôn Phối, và cũng chính tại nơi đây tiễn biệt các anh chị em được Chúa gọi về bước vào hưởng sự sống đời đời v.v... Nói chung Nhà Thờ là nơi cử hành các Mầu Nhiệm Thánh.

Vẻ đẹp bên trong của Nhà Thờ theo tính cách nghệ thuật không quan trọng cho bằng sức mạnh thiêng liêng của tất cả con cái Chúa đến đây tham dự và lãnh nhận sức sống thiêng liêng, và nhất là những ai đến đây cầu nguyện để tìm gặp Chúa qua kinh nguyện.

3. Sức mạnh của thời đại mới trong Chúa Giêsu khi chính thức bước vào đời sống công khai trong Lễ Chúa chịu phép rửa

Chúa Giêsu sự thực khai mở kỷ nguyên mới của ơn cứu độ, thay thế qua khứ, thay đổi hiện tại, và hướng mở tương lai của mầu nhiệm ơn cứu rỗi.

Giáo xứ hay mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng mới trong Chúa Kitô: thay đổi đời sống quá khứ sau khi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trở thành con cái Chúa trong nước và Chúa Thánh Thần, gia tăng đời sống thiêng liêng qua đời sống lãnh nhận các Bí Tích, và chuẩn bị mọi người vào cuộc sống mới sau này cùng với Chúa.

Tái thánh hiến Nhà Thờ sau khi trùng tu, và chỉnh trang thật sự là quan trọng đối với các tín hữu vì chính là nơi làm cho chúng ta lãnh nhận sự sống mới, giúp thay đổi cuộc sống hiện tại, và chuẩn bị sự sống muôn đời. Đó cũng chính là ý nghĩa của ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đánh dấu sự thay thế trong qúa khứ, thay đổi trong hiện tại, và dẫn tới cuộc sống mới trong sức mạnh của ân sủng trong tương lai.

Vài ghi nhận

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, một lần nữa, Đức TGM diễn tả lòng cảm phục và nói lên lời khen ngợi Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Atlanta như một kho báu làm chứng tá niềm tin Kitô và tỏa sáng truyền thống yêu thương gắn bó trong đời sống gia đình giữa xã hội đất nước Hoa Kỳ này...

Ngay sau Thánh Lễ là tiệc mừng do Giáo xứ khoản đãi. Trước khi làm phép của ăn, Đức TGM ngỏ lời muốn đặc biệt giới thiệu hai người, một là Đức Ông Francis Phạm Văn Phương là người cha người ông của Giáo xứ, hai là các bạn trẻ chính là tiềm năng và là sức sống tương lai của Giáo xứ; cách riêng Đức TGM mời các bạn trẻ hiện diện đứng dậy để xin cộng đoàn dân Chúa cùng vỗ tay chúc mừng...

Một chương trình văn nghệ sinh động liên tục suốt mấy giờ đồng hồ do chính anh chị em giới trẻ, thiếu nhi, các ca đoàn, hội đoàn, ban ngành trong Giáo xứ và bạn hữu cùng thực hiện thật tuyệt vời đến nỗi nhiều người không muốn ra về...

Là một Giêsu hữu trong xứ đạo, người viết chứng kiến sự lớn lên cả về lượng lẫn phẩm từ nhiều năm qua. Năm 1976 nơi đây vỏn vẹn có 12 gia đình. Mới chỉ trong vòng 4-5 năm qua đã có thêm khoảng 100 gia đình xin gia nhập giáo xứ, nay tăng lên 850 gia đình với chừng 3,500 thành viên, cùng nhau sinh hoạt tích cực trong hơn 40 hội đoàn, ban ngành và các nhóm căn bản khác nhau, khích lệ nhau học hỏi giáo lý, sống Lời Chúa và thực hành các giáo huấn của Hội Thánh.

Thành quả chỉnh trang cơ sở

Nhân ngày Khánh Thành Nhà Thờ hôm nay, xin ghi lại đôi nét về tiến trình chỉnh trang cơ sở Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam TGP Atlanta. Qua bản “Báo Cáo Tổng Quát Dự Án Trùng Tu & Xây Dựng 2010-2014” do Cha Phó Phêrô Vũ Ngọc Đức thực hiện, cho thấy các kết quả sau đây:

Dự án trùng tu toàn bộ cơ sở trong khuôn viên 17 mẫu đất thuộc Giáo xứ được Hội Đồng Mục Vu cùng với cộng đồng dân Chúa bàn thảo và nghiên cứu một cách cẩn trọng từ năm 2010; dần dần đề án được đánh gía, thẩm định, điều hành thi công và chia ra thành từng giai đoạn thích hợp trong thời gian phần lớn giữa hai năm 2012-2014, nay được hoàn thành như sau:

• Trùng tu nhà thể thao gần 10,000 SF và xây dựng nới rộng thêm 8,500 SF chỗ ra phía ngoài và nhà bếp lớn, và thay đổi tòa nhà này thành Hội Trường Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Một phần nữa bên cạnh Hội Trường, xây dựng nhà chơi Pavilion 10,000 SF cho các sinh hoạt giới trẻ và thanh thiếu nhi.

• Lợp lại mái nhà của Cafeteria cũ, Văn Phòng, và Tòa Nhà Giáo Dục phía cuối Hội Trường và phía dưới tầng hầm Nhà Thờ với 25 phòng học, và xây gạch mới các toà nhà này, cũng như thay thế hệ thống máy lạnh và sưởi mới khoảng gần 20,500 SF.

• Lợp lại mái Nhà Thờ hiện nay, thay thế hệ thống máy lạnh và sưởi mới, trùng tu và chỉnh trang bên trong bao gồm trần, nền nhà, gian cung thánh, cung cấp các đồ đạc phụng tự mới, tượng ảnh, kiếng mầu, ghế ngồi, bàn qùi, ánh sáng, âm thanh v.v… khoảng gần 6,050 SF; đa phần các vật dụng từ quê nhà Việt Nam.

• Sửa lại những chỗ nứt nẻ chỗ đậu xe, tráng thêm một lớp chất lỏng sealant, vẽ lại các khoảng rộng đậu xe 350 chỗ chung quanh toàn bộ cơ sở Giáo xứ, và cũng tu sửa lại nền của Tượng Ðài Ðức Mẹ La Vang.

Một cách ngắn gọn, toàn bộ diện tích cơ sở có trang bị máy lạnh và sưởi vào khoảng 45,000 SF, không bao gồm nhà chơi Pavilion 10,000 SF vì chỉ có máy sưởi trong mùa đông và sử dụng cửa kéo lên xuống để lấy gío mát trong mùa hè. Toàn bộ tài chánh được để riêng ra cho chi tiêu của bốn phần giai đoạn công việc nói trên tốn kém khoảng 4.3 triệu đôla. Tuy vậy, chiến dịch gây qũi xây dựng chỉ đạt được 3.4 triệu đôla mà thôi, và số tiền này do các giáo dân hứa dâng hiến thu được, cũng như do các nhà hảo tâm đóng góp. Vì thế, số tiền mượn nợ cần thiết để hoàn tất dự án được chấp thuận của Tổng Giáo Phận là 870,000 đôla.

Ngoài số tiền chi tiêu dự án phải trả cho các nhà thầu khoán xây dựng, giáo dân đóng góp công sức lao động và thiện nguyện trong nhiều cách như dọn dẹp, sơn, làm các hàng rào an toàn, làm nền nhà, và nhiều công việc khác nữa để cắt giảm tốn kém chi tiêu. Nếu tính ra số giờ giáo dân tình nguyện thi công chắc phải lên đến hằng trăm ngàn giờ chung sức.

Trong tâm tình cảm tạ và tri ân hôm nay, Đức Ông Chánh xứ Francis Phạm Văn Phương nói rằng “Giáo xứ sẽ vui hưởng toàn bộ cơ sở và đáp ứng tất cả nhu cầu phòng ốc và các sinh hoạt khác nhau kể cả bên trong lẫn bên ngoài trong tương lai sau khi đã trùng tu, chỉnh trang, xây dựng..., và khi cùng nhau góp phần trả hết số nợ còn lại, chúng ta sẽ không phải quan tâm nhiều đến cơ sở vật chất ít là trong 10 năm tới, mà đồng tâm chăm lo đời sống thiêng liêng cho mỗi người, mỗi gia đình để Giáo xứ luôn là một cộng đoàn gắn bó với Chúa Giêsu và Mẹ Việt Nam, nâng đỡ yêu thương nhau và phục vụ mọi người chung quanh”. Tốt đẹp biết bao!
 
Ngày bế mạc Tuần Lễ Di Dân tổng giáo phận Saigon
Nữ Tu Nguyễn Thị Minh Du
21:41 12/01/2015
Ngày bế mạc tuần lễ Di Dân TGP. Saigon

2g30 chiều 11 tháng 1 năm 2015, Saigon dọa “ nhẹ” các anh chị em di dân bằng những hạt mưa li ti… nhưng không làm chồn chân các anh chị em từ Xuân Hiệp, Tam Hải, Bình Thuận, Long Thạnh Mỹ, Bùi Môn, Mỹ Hội các nhà lưu xá sinh viên của Don Bosco, Đaminh và Đức Bà, sinh viên giáo phận Vinh đến với giáo xứ Phaolo Bình Tân…mọi người cùng làm quen và cất tiếng hát vang.. mệt nhọc của quãng đường xua tan nhanh chóng.

Xem Hình

3g chiều 250 thầy đại chủng sinh từ Đại chủng viện thánh Giuse Saigon cùng chia sẻ với các bạn về những hành trang các bạn chuẩn bị về Saigon lập nghiệp và những khó khăn các bạn gặp trong cuộc sống? Bạn cảm nhận gì về giáo xứ nơi bạn cư ngụ và bạn mong muốn điều gì nơi Giáo Hội địa phương mà bạn đang cư ngụ và lập nghiệp? bầu khí nóng dần lên khi các thầy biến thành các quản trò cho 30 nhóm quy tụ chia sẻ để phá tan những phút giây đầu gặp gỡ, những ngại ngần xóa mờ.

4g 15 phút, Đức tổng Giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc tiến vào trong lòng nhà thờ cùng quý cha trong ban Di dân tổng giáo phận, quý cha hạt trưởng, quý cha đặc trách anh chị em xa quê các giáo xứ giữa một rừng bong bóng và những tiếng hát chào mừng ấm cúng. Dứt lời bài hát cũng là lúc những trái bong bóng biến thành những viên pháo nổ vang chào mừng quý cha.

Sau khi giới thiệu với Đức tổng về các anh chị em đang hiện diện trong lòng nhà thờ và cả ở ngoài sân vì đã hết chỗ. Cha F.X Nguyễn Minh Thiệu đã mời hai chứng nhân chia sẻ với Đức tổng và cộng đoàn cùng nghe về đời sống xa quê. Anh Vũ Đức Chiến đến từ giáo xứ Bùi Môn thao thức có được một vị chủ chăn lo về di dân. Chị Anna Nguyễn Thị Định ở Phaolo thì thao thức những mục vụ di dân tại giáo xứ. Sau đó là những đúc kết về những khó nhăn mà anh chị em xa quê thường gặp trong giờ chia sẻ được các Thầy ghi nhanh. Tuy nhiên điều nổi cộm là sao cho có một sự thống nhất về hôn nhân của giáo xứ anh chị em đang sinh hoạt và giáo xứ nơi quê nhà.

Đức Tổng Phaolo đáp lại những câu chuyện chia sẻ của anh chị em bằng câu hỏi: Các con có khát vọng tương lai tốt đẹp cho mình và xã hội không ? Các con có tin rằng chỉ có Chúa là niềm hy vọng đích thức của chúng ta không? Có là câu trả lời của mọi người đang hiện diện. Các con có những khó khăn, Giáo Hội là Mẹ sẽ lo cho các con. Các con xa quê, sẽ cô đơn nhưng các con đừng tự cô lập mình, sẽ có người an ủi. có những tôn giáo khác tỏ ra chăm sóc cho các con, đừng chạy theo. Trong bài trình bày trước HĐGM tại Thượng HĐGM về Gia đình vừa qua, cha chia sẻ Việt Nam đứng đầu vùng Nam Á về việc phá thai, nếu có ai đây trong các con đã lỡ một lần thì sám hối đừng làm nữa và xin các con đừng phạm vào tội này… những chia sẻ của Đức Tổng như những lời khích lệ và những hướng dẫn cụ thể cho đời sống anh chị em xa quê. Đây là biểu lộ tình yêu của Giáo Hội với anh chị em di dân một cách gần gũi và sống động.

Sau đó là thánh lễ với khoảng 30 cha đồng tế và 250 thầy đại chủng sinh hát lễ. trong bài giảng, Đức tổng chia sẻ với cộng đoàn: “ Cha vui mừng vì ở giữa các con, cùng các con cử hành thánh lễ bế mạc tần lễ di dân, một tuần lễ trong vòng tay của nhau, của quý cha hướng dẫn, quý thầy và quý sơ đồng hành và trong tay cộng đoàn những người sẵn sang đồng hành với chúng con.. Di dân sẽ gặp khó khan, nhưng đừng nản chí và buông xuôi hãy vươn lên cả về vật chất lẫn nhân bản, sống tốt với tha nhân, chơi đẹp với mọi người, hãy vươn lên về văn hóa, nhất là các bạn trẻ, tương lai của đất nước, của Giáo Hội trong tay của các con. Nhưng quan trọng hơn hãy vươn lên trong đời sống đức tin, đời sống đạo. các con hãy nên muối cho đời, ánh sang cho trần gian và Chúa thánh Thần sẽ giúp chúng ta vượt qua những đau khổ thử thách như phải xa gia đình, bị bỏ rơi hay như không có phuowng tiện sống. Hãy tin vào Giáo Hội, tin vào tương lai. Giáo Hội là Mẹ sẽ hướng dẫn bằng cách này hay cách khác”.

Sau thánh lễ là lời cảm ơn của cha Phaolo Phạm Trung Dong, trưởng ban Di dân Gp. Saigon: Con cảm nghiệm sâu xa về đời sống đức tin, về xã hội và về nhân bản bài giảng của Đức tổng trong ngày hôm nay đã cho anh chị em di dân chúng con định hướng trong đời sống xa quê. Cha cũng cảm ơn Cha giám đốc ĐCV. Thánh Giuse Saigon và quý cha giáo quanh năm đã gửi quý thầy đến giúp và mỗi năm lại cho tất cả các thầy về Phaolo này, và quả thực ngày hôm nay cả một đại chủng viện như được mang về đây. Chúng con thấy đây là sự quan tâm của Giáo Hội là Mẹ dành cho chúng con và đặc biệt đây cũng là những bài học sống động cho quý thầy được đụng chạm với những khắc khoải và cuộc sống của người xa quê để làm hành trang chuẩn bị phục vụ trong tương lai. Cha trưởng ban cũng không quên cảm ơn quý Cha, Quý Dòng tu đã đồng hành cùng anh chị em di dân, đặc biệt cảm ơn các bạn xa quê đã nhiệt tình hiện diện nơi đây. Và một điểm đặc biệt, cha trưởng ban Di Dân xin Đức tổng một đặc ân: xin Đức tổng thấy nơi nào có đông đông anh chị em xa quê thì “ nhắc” cha xứ hoặc nếu ngài bận thì có cha phó lo. Đức tổng đã đáp lại: Cha Dong xin là hợp lý, tôi sẽ cố gắng. Tôi thấy Bình Thuận là giáo xứ lớn gần 20 ngàn mà hôm nay đi có ít xịt à… tôi sẽ nhắc và nếu không có đủ người thì sẽ cho thêm cha nữa để lo chăm sóc di dân…và tiếng vỗ tay vỡ òa nhà thờ. Đức tổng khuyên thêm anh chị em di dân: Các con hãy nương tựa nhau. Hãy coi xem tôi có quan tâm người khác không, đừng quan tâm người ta kỳ thị tôi. Hãy ra đi và tạo nền văn hóa gặp gỡ.

Thánh lễ kết thúc với nghi thức sai đi và phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng đầy hào hứng của các diễn viên và những tràng pháo tay khích lệ nhiệt tình của khán giả. Tiết mục múa của thiếu nhi di dân Phaolo và ảo thuật của quý thầy dòng Scalabrini là “ăn khách” nhất. Ca sĩ Nguyễn Hồng Ân hát cho đến cuối cùng.

Tạ ơn Chúa đã hoàn tất mọi việc thật tốt đẹp. Xin chúc anh chị em lên đường trong niềm vui thắp sáng Tin Mừng như trong câu băng reo của nghi thức sai đi với một lòng vững tin: “Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người”

Saigon 12/1/2015

Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
 
Thông Báo
Thông báo về giải viết văn đường trường 2015 : Bản tin số 2
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
21:46 12/01/2015
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 02

Bước vào Năm Mới 2015, Ban tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường xin kính chúc quý Ban Biên Tập các trang Truyền Thông Công Giáo, quý tác giả và độc giả bốn phương một cái Tết vui tươi đầm ấm và một Năm Mới an bình hạnh phúc trong Chúa.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các trang truyền thông Công Giáo, cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường lần thứ 3 (2015) được mọi người biết đến khá rộng rãi, hứa hẹn sẽ có nhiều tác giả ở khắp các Giáo phận trong nước tham gia. Trong bản tin số 1 chúng tôi giới thiệu 7 truyện đã qua vòng sơ loại được chọn trong số 15 tác phẩm dự thi đợt đầu tiên. Hôm nay chúng tôi hân hạnh giới thiệu tiếp 7 truyện mới được chọn trong số các bài dự thi có số thứ tự từ 016 đến 027. Với tỉ lệ bài được chọn gia tăng này, cuộc thi hứa hẹn sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm giá trị.

Nhằm tìm kiếm và xây dựng các tài năng văn xuôi cho văn học Công Giáo, Giải Viết Văn Đường Trường được tổ chức liên tục từng năm và tổng kết trao giải trong 6 năm liền (2013-2018) dành cho những truyện ngắn có nội dung Kitô giáo, đồng thời sẽ tập hợp ấn hành các tuyển tập truyện ngắn cho các tác phẩm đạt giải. Sau tuyển tập Chuông Chiều của cuộc thi lần thứ 1, tuyển tập của cuộc thi lần thứ 2 tựa đề Nắng Mùa Đông vừa phát hành, hiện đang có bán tại các nhà sách.

Hiện nay cuộc thi lần thứ 3 (2015) vẫn đang tiếp tục nhận bài dự thi. Ước mong quý vị và các bạn giúp giới thiệu chương trình này thật rộng rãi.

Xin mời xem thể lệ cuộc thi này và các thông tin khác về cuộc thi tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/