Ngày 09-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chiên Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:20 09/01/2017
Chiên Thiên Chúa

Chúa Nhật II Thường Niên, năm A
Is 49, 3.5-6 I Co 1, 1-3 Ga 1, 29-34

Chiên Thiên Chúa

Dân Do Thái là dân được Thiên Chúa chọn, nhưng họ luôn bất trung và phản nghịch lại Thiên Chúa. Tội của họ thật đáng chết. Thế nhưng, Thiên Chúa nhân lành, từ bi thương xót, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Thiên Chúa nhân hậu đã cho dân lấy chiên làm của lễ dâng lên Ngài để Ngài tha mạng sống cho dân…

Hôm nay, khi thánh Gioan Tẩy Giả chỉ vào Chúa Giêsu, giới thiệu với các môn đệ và với mọi người :” Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian “. Thánh Gioan Tẩy Giả chính thức khai mạc sứ mạng tiền hô của Ngài. Bởi vì để khai mạc sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đến với Gioan và xin Ông làm phép rửa cho Ngài ở dòng sông Giođăng. Thánh Gioan đã cho mọi người thấy Đấng Cứu Thế đã xuất hiện bằng xương bằng thịt giữa mọi người. Từ ‘ Con Chiên ‘ đối với nhiều tôn giáo, có một ý nghĩa thiêng liêng vì Con Chiên là con vật hiền lành, dễ thương, thường được các tôn giáo dùng làm lễ vật hiến tế. Đồng thời, người ta cho rằng Con Chiên có năng lực hòa giải tội nhân với Thượng Đế. Đối với dân Do Thái, Con Chiên ngoài ý nghĩa chung như vừa nói, nó còn là lễ vật giao ước, được sát tế để dâng cho Thiên Chúa, xin Thiên Chúa cứu chuộc dân.Chúng ta hãy đọc lại Cựu Ước để thấy ý nghĩa ‘ Con Chiên ‘ thật rõ và thật ấn tượng như thế nào ! Khi Chúa quyết định giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Ai Cập, Ngài đã nói với Ông Môsê :” Truyền cho mỗi gia đình hãy bắt một Con Chiên đực một tuổi, còn tinh tuyền, không tì vết,sát tế nó để làm của lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa. Ngài truyền nướng Con Chiên đó, máu bôi lên thành cửa, còn thịt thì gia đình phải ăn hết. Thiên thần đi qua nhà nào thấy máu chiên được bôi trên cửa làm dấu, ngài không giết con trai đầu lòng. Chính nhờ máu Con Chiên được bôi lên cửa làm dấu, dân Do Thái được thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập và tất cả con trai đầu lòng của họ được cứu sống. Do đó, khi thánh Gioan Tẩy Giả nói Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội lỗi trần gian, Ngài đã gợi lên trong tâm trí mọi người Do Thái hình ảnh Con Chiên chịu chết để đền thay tội lỗi cho mọi người.Con Chiên hiền lành, dễ thương, vô tì tích đã đổ máu ra chuộc tội cho dân Do Thái từ khi họ bị đưa đi làm nô lệ cho Ai Cập và từ thời Ông Môsê dẫn họ vào Đất Hứa.

Việc thánh Gioan gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian cho chúng ta hay Chúa Giêsu chính là Con Chiên vô tội, đáng thương, nhưng phải kê vai gánh tội trần gian, gánh tội cho con người, cho mỗi người, cho chúng ta để cứu độ tất cả nhân loại này. Con Chiên chính là Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt mặc dầu vô tội, nhưng Ngài đã chấp nhận ý Chúa Cha, chịu chết, không một lời than vãn, luôn im lặng như một Con Chiên hiến tế để cứu chuộc loài người.

Ngày nay, Chính Chúa Giêsu là Con Chiên vô tội, là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế vẫn tiếp tục chịu hiến tế trên bàn thờ hằng ngày để cứu chuộc nhân loại. Nên, mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang hiến tế vì tội nhân loại, vì tội chúng ta. Mỗi lần, Chủ tế giơ cao Bánh Thánh và đọc “ Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.Phúc cho ai được mời tới dự tiệc Thiên Chúa “. Chúng ta hiểu ngay, Chúa đang chịu chết, đổ máu mình để cứu chuộc chúng ta.Chúng ta hãy hết lòng cung kính, dọn lòng trong sạch để rước Chúa vào lòng chúng ta. Nhờ đó, ơn cứu rỗi và phước lành từ Thiên Chúa sẽ đổ tràn vào lòng chúng ta.Chúa cứu chuộc dân Do Thái nói riêng và cứu độ tất cả nhân loại nhờ cái chết tự nguyện trên Thập giá của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng lúc càng hiểu rõ lời của Chúa :” Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì Tôi ở trong kẻ ấy, kẻ ấy ở trong Tôi và sẽ được sống đời đời “ . Lạy Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, xin ban bình an cho chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Con Chiên đối với các tôn giáo có nghĩa gì ?
2.Đối với dân Do Thái, Con Chiên có nghĩa gì ?
3.Tại sao lại gọi Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa ?
4.Mỗi lần rước Chúa chúng ta phải có thái độ nào ?
 
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên – Năm A
Lm Anthony Trung Thành
09:18 09/01/2017
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên – Năm A

Tin mừng Chúa Nhật hôm nay nói về sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả là giới thiệu và làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Qua đó, mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta phải là những Gioan Tẩy Giả của thời đại, đó là luôn biết giới thiệu và làm chứng cho Đức Giêsu ở mọi nơi mọi lúc.

1. Thánh Gioan Tẩy Giả có biết Đức Giêsu không?

Thánh Gioan Tẩy Giả còn được gọi là Thánh Gioan Tiền Hô vì Ngài có sứ mạng đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài là con ông Gioakim và Bà Isave, có họ hàng với Đức Giêsu. Vì những liên hệ đó, nên trước khi Đức Giêsu chịu phép rửa, chắc chắn Gioan đã biết về Người nhưng có lẽ Ngài chỉ biết về con người của Đức Giêsu chứ chưa biết về Thần tính của Người, nghĩa là Ngài biết chưa đầy đủ. Vì thế, Ngài không dám nhận bừa là đã biết, cho nên Ngài mới nói rằng “Tôi không biết Người.”(x. Ga 1,31).

Nhưng sau khi Thánh Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu, thì Thánh Nhân đã biết Người một cách đầy đủ, tường tận: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.”(x. Ga 1,33). Vì thế, Ngài đã khẳng định rằng: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.” (x. Ga 1,34).

2. Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng về Đức Giêsu như thế nào?

Với nhiệm vụ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, Thánh Gioan Tẩy Giả đã dùng lời nói và việc làm của mình để làm chứng cho Đức Kitô. Nhưng đáng kể nhất là những lời chứng sau đây:

Lời chứng thứ nhất: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” (x. Ga 1,29).

Theo lẽ thường tình, ai phạm tội, kẻ đó cần phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình, nhưng vì tình thương nên Thiên Chúa đã chấp nhận để cho con chiên đền tội thay cho con người. Vì thế, theo sách Xuất Hành, vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy, tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa (x. Xh 29,38-42).

Khi Gioan giới thiệu Đức Giêsu “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian,” thì Ngài muốn nói rằng Đức Giêsu đã trở thành Chiên Hy Sinh để xóa bỏ tội trần gian. Sau này, chính Thánh Phaolô cũng khẳng định điều đó khi nói rằng: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (x. 1Cr 5,7)

Lời chứng thứ hai: “Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.” (x. Ga 1,30).

Uy tín của Gioan Tẩy Giả càng ngày càng nâng cao nhờ vào đời sống và lời giảng dạy của Ngài. Vì vậy, người đương thời tưởng Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng Ngài phủ nhận điều đó và khiêm nhường nhận mình “chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.” Rồi Ngài khẳng định: “Người đến sau tôi, cao trọng hơn tôi, tôi không đáng để cởi quai dép cho Người.” (x. Ga 1, 19-28).

Lời chứng thứ ba: “Tôi làm phép rửa trong nước còn Người đến sau tôi làm phép rửa trong Thánh Thần.” (x. Ga 1, 26.33).

Đây là sự khác nhau giữa Phép Rửa của Thánh Gioan và Phép Rửa của Đức Giêsu. Phép Rửa của Gioan bằng nước, còn Phép Rửa của Đức Giêsu bằng Thánh Thần. Phép Rửa của Thánh Gioan chỉ kêu gọi người ta thống hối ăn năn tội chứ không tha tội, còn Phép Rửa của Đức Giêsu tha thứ tội lỗi: tội Tổ Tông và tội riêng (nếu có). Phép Rửa của Gioan chỉ dừng lại ở lòng thống hối, Phép Rửa của Đức Giêsu là cửa ngõ để dẫn vào các Bí tích khác, nhất là cửa ngõ để dẫn con người vào Nước trời “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”(x. Ga 3,5).

Lời Chứng thứ tư: “Chính Ngài là Con Thiên Chúa.” (x. Ga 1,34).

Chúng ta biết được Đức Giêsu là Thiên Chúa nhờ chính mạc khải của Kinh Thánh: Khi Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, chính sứ thần Chúa đã hiện ra báo tin cho các mục đồng biết rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (x. Lc 2, 8-14); khi Hài Nhi được tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền Thờ, ông Simêon và bà Anna nhận ra Hài Nhi là Đấng Cứu Thế và cả hai nói tiên tri về Người (x. Lc 2,33-38); chính bà Isave cũng nhận ra Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,43); và hôm nay Thánh Gioan nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhờ có tiếng Chúa Cha phán từ trời và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Đức Giêsu: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.” (Ga 1,33).

3. Để làm chứng cho Đức Giêsu, chúng ta phải làm gì?

Cũng như Gioan, để làm chứng cho Đức Giêsu, chúng ta cũng phải biết về Người.

Trước hết, đó là cái biết vì tri thức. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.” Vì vậy, để biết Đức Kitô chúng ta cần phải đọc, học hỏi Kinh Thánh, học hỏi giáo lý của Người. Điều này, nhắc nhở sự quan tâm của những người có trách nhiệm trong việc dạy giáo lý: Cha xứ đối với giáo dân; thầy cô giáo lý viên đối với học sinh; cha mẹ đối với con cái; người có đạo đối với những người lương dân, nhất là những người có trách nhiệm dạy đạo cho các dự tòng và tân tòng.

Thứ đến, đó là cái biết về tương quan thần linh với Thiên Chúa. Hay nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20) Điều này được thể hiện qua đời sống đạo. Người biết Thiên Chúa về điểm này thường có đời sống đạo tốt, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích. Lời nói và đời sống đạo của họ đi đôi với nhau. Nghĩa là họ đã xác tín điều họ nói. Cho nên, lời nói của họ rất có tính thuyết phục. Vì “con người thời đại thích chứng nhân hơn thầy dạy.” (Đức Phaolô VI). Đó là những con người “mang Tin Mừng, mang sức mạnh của Thiên Chúa.”

Cuối cùng, để làm chứng về Đức Giêsu, chúng ta phải “nên thánh”, trở nên Con Chiên của Ngài. Con chiên thì hiền lành. Con chiên thì khiêm nhường. Con chiên thì chấp nhận ghánh tội thay cho người khác. Tin mừng Thánh Mathêu cho chúng ta biết những ai thuộc thành phần Chiên, đó là những người: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” (x. Mt 25,35-36).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chăm chỉ học hỏi giáo lý và thực hành những gì giáo lý đòi hỏi để khi chúng con làm chứng cho Chúa thì lời chứng của chúng con có sức thuyết phục đối với mọi người. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phụ huynh: Hãy dạy con em đức tin bằng chính gương sống của mình.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:23 09/01/2017
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phụ huynh: Hãy dạy con em đức tin bằng chính gương sống của mình.

(EWTN News/VNA) Trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, ngày 8 tháng Giêng, tại nguyên đường Sistine, ĐGH đã rửa tội cho 28 em bé và nhắc nhở các phụ huynh của các em rằng món quà đức tin mà họ dành cho con em mình là trách nhiệm chăm sóc và làm cho đức tin ấy bén rễ sâu hơn.

“Đức tin là tin vào sự thật. Thiên Chúa Cha đã sai con của mình xuống trần gian và Thánh Thần Đấng ban sự sống. Nhưng đức tin cũng là tín thác vào Thiên Chúa và quý phụ huynh phải dạy con em mình bằng chính gương sống của mình.”

Thánh Giáo Hoàng John Phaolô II đã khởi đầu tập tục ĐGH rửa tội cho các em tại nguyện đường Sistine vào Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Ở Hoa Kỳ, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật Mừng Lễ Chúa Hiển Linh. ( hay còn gọi là Lễ Ba Vua)

Trong bài giảng, ĐGH nói rằng “đức tin phải là chính cuộc sống, một hành trình phải trải qua và phải là nhân chứng. Đức tin là ánh sáng: trong nghi thức rửa tội, phụ huynh được trao cho một cây nến thắp sáng như thuở ban đầu của Giáo Hội. Vì thế mà ngày xưa Bí Tích Rửa Tội được gọi là “thắp sáng”, bởi vì đức tin soi sáng con tim, làm cho mọi vật được nhìn thấy qua một luồng sáng khác.”

Trong khi ĐGH ban phép rửa tội cho 15 bé trai và 13 bé gái, có những bé cất tiếng khóc thì ĐGH lại gọi đó là “buổi hòa nhạc” bắt đầu trong nguyện đường và ngài rất thích khi nghĩ đến bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu chính là tiếng khóc chào đời nơi máng cỏ tại Belem.

Ngài cũng muốn các bà mẹ cứ tự nhiên cho con mình uống hay bú sữa nếu các bé cần uống, không có gì e ngại cả, cứ hoàn toàn tự nhiên như Mẹ Maria chăm nuôi Chúa Giêsu vậy.

Khi làm phép rửa, tới phần “các con xin đức tin,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở các phụ huynh rằng “Giáo Hội ban đức tin cho con em của các con qua Phép Rửa Tội và các con có nhiệm vụ phải làm cho đức tin ấy lớn lên, duy trì và đức tin ấy phải trở thành một minh chứng cho những người khác. Đây chính là ý nghĩa của nghi thức này.

ĐGH kết luận rằng bổn phận của phụ huynh trong việc phát triển và chăm nom đức tin nơi con cái mình là “một minh chứng cho tất cả chúng ta: kể cả các tu sĩ, linh mục, giám mục và tất cả mọi người.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Khu Kitô giáo ở Mosul được giải phóng nhưng chưa ai dám trở về.
Xavier Nguyễn Đông
09:24 09/01/2017

Mosul (09/01/2017) - Vào Chúa Nhật ngày 8 tháng 1, quân chủ lực cuả Iraq đã giành lại quyền kiểm soát khu al Sukkar, một khu vực ở phía đông Mosul là nơi sinh sống của các Kitô giáo. Khu vực này có khoảng 700 gia đình Kitô giáo sinh sống trước khi bị chiếm đóng bởi các chiến binh nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo (Daesh).

Nhiều nhà trong khu phố đã bị đánh dấu bằng chữ Ả Rập "Nun", chữ tắt của từ Nasara, có nghĩa là Kitô hữu, để chỉ ra rằng những ngôi nhà đó có thể bị tước đoạt để phân phát cho những người ủng hộ Daesh. Những ngôi nhà này bị các Kitô hữu bỏ đi từ ngày 9 tháng 6 năm 2014, khi Mosul rơi vào tay các chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo. Ngày nay hầu hết các nhà và bệnh viện nằm trong khu phố đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng.

Theo lời cha Thabit Mekko, một linh mục Canđê, hiện đang tị nạn ở Erbil cùng với các tín hữu, thì ", tình hình vẫn còn nguy hiểm, vẫn có những tay súng bắn tỉa trên đường phố và là quá sớm để nghĩ về sự trở lại của những Kitô hữu cho tới khi an ninh được đảm bảo. Nhiều gia đình vẫn chưa quyết định họ sẽ làm gì. Và không phải tất cả những người đã ở Mosul hồi trước sẽ trở lại ".
 
Tổng thống Ai Cập sẽ xây ngôi nhà thờ lớn nhất Ai Cập
Moses Trương Võ
09:26 09/01/2017

Cairo (09/01/2017) - Đây sẽ là ngôi nhà thờ cúa Giáo Hội Coptic lớn nhất Ai Cập, sẽ được khánh thành vào năm 2018 tại khu thủ đô mới đang xây dựng ớ phía ngòai Cairo, và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al Sisi là một ân nhân đóng góp. Bản tuyên bố được đưa ra nhân dịp ông tổng thống tham dự vào phụng vụ Giáng sinh tại nhà thờ Chính Thống Coptic ở Cairo, được cử hành bởi Thượng Phụ Tawadros II.

Tổng thống Ai Cập cho biết ông đã tặng 100.000 tiền Ai Cập ($5500, 125 triệu VNđ) trong dịp gây quĩ lần thứ nhất, trong đó cũng bao gồm việc xây dựng một ngôi đền Hồi giáo lớn nhất trong một dự án đô thị đầy tham vọng để tạo ra một thành phố mới, tập trung các cơ sớ chính trị và hành chánh.

Tổng thống Ai Cập cũng khẳng định sự cam kết để xây dựng lại các nhà thờ bị hư hỏng hoặc bị phá hủy trong mùa hè năm 2013, trong các cuộc bạo loạn theo sau việc hạ bệ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi.

Năm nay là năm thứ ba, Tổng thống al Sisi tham dự Thánh Lễ Giáng sinh tại nhà thờ Chính Thống Coptic. Ông là vị lãnh đạo đầu tiên cuả Ai Cập đã tham dự một lễ trọng thể cuá Kitô giáo.
 
ĐTC với phái đoàn Ngoại Giao:'Chúng ta phải đối phó với nạn sát nhân điên rồ lợi dụng tên cuả Chúa'
Biển Đức Phan Anh
09:29 09/01/2017

Roma(08/01/2017):"Chúng ta phải đối phó với nạn sát nhân điên rồ lợi dụng tên cuả Chúa để gieo rắc sự chết, mà kịch bản chỉ là nhằm mục đích thống trị và quyền lực."

Đó là chủ đề của Đức Thánh Cha Phanxicô khi gặp gỡ phái đoàn ngoại giao trong buổi tiếp kiến truyền thống hàng năm với các đại sứ tại Toà Thánh.

Nhắc lại những khổ đau đang gây ra trên thế giới, Ngài nói: "Tôi kêu gọi tất cả các vị lãnh đạo các tôn giáo tái khẳng định dứt khoát rằng chúng ta không bao giờ có thể giết người nhân danh Thiên Chúa."

"Khủng bố tôn giáo quá khích là kết quả của một tâm linh nghèo nàn sâu xa, thường liên kết với cái nghèo ngoài xã hội," Ngài nói.

Chỉ với sự đóng góp chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, ĐGH nói, thì nó mới có thể bị đánh bại hoàn toàn.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một loạt các vấn đề khác, nhưng Ngài cho biết muốn dành cuộc họp ngày hôm nay cho chủ đề an ninh và hòa bình.

"Trong bối cảnh có sự e sợ chung ở hiện tại, sự không chắc chắn và lo lắng cho tương lai, tôi cảm thấy điều quan trọng là nói lên một lời hy vọng, mà cũng có thể chỉ ra một con đường để tiến tới."

Quyền bính chính trị, ĐGH Phanxicô nhấn mạnh, "không chỉ giới hạn trong việc đảm bảo sự an toàn của công dân - một khái niệm có thể giảm xuống chỉ là "cuộc sống lặng lẽ "- nhưng cũng được kêu gọi làm việc tích cực cho sự phát triển hòa bình."

Điều này cũng có nghĩa là, ĐGH Phanxicô nhấn mạnh, "làm việc để loại bỏ việc buôn bán và tranh đua lan truyền các loại vũ khí tinh vi, tồi tệ và không bao giờ kết thúc ." Đặc biệt đáng lo ngại, Ngài nói, là những thí nghiệm đang tiến hành trên bán đảo Triều Tiên " gây bất ổn cho toàn thể khu vực và tạo ra nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới ".

Ngài trích lời cuả Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII trong thông điệp Pacem in Terris: "Công lý, lẽ phải và phẩm giá con người kêu nài một chấm hết cho cuộc chạy đua vũ khí. Các kho dự trữ vũ khí ở các nước phải được giảm xuống. Vũ khí hạt nhân phải bị cấm ".
 
Băng đảng ma tuý bắt cóc một Linh Mục ở Mexicô
Nguyễn Long Thao
10:07 09/01/2017
Coahuila (Agenzia Fides) - Giáo phận Saltillo, Coahuila ở Mexicô, trong một thông báo cho biết, linh mục Joaquin Hernandez Sifuentes mất tích từ hôm thứ Ba mồng 3 tháng Giêng năm 2017 và hiện nay vẫn không có tin tức gì về vị linh mục này.

Theo bản tin gửi đến cho cơ quan thông tấn Fides, Cha Hernandez Sifuentes làm việc tại giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bạn bè gọi điện thoại cho Ngài nhưng không thấy trả lời Đến sáng thứ Ba, mồng 3 tháng Giêng, một tín hữu của giáo xứ nhìn thấy hai người đàn ông trong xe có một vị linh mục, nhưng theo tín hữu đó, vị linh mục đó không phải là Cha Joaquin.

Người ta đã kiểm soát phòng của cha Joaquin và thấy chiếc vali và quần áo của cha đã bị lục soát, tủ quần áo được mở ra. Kính đeo mắt để đọc sách của cha vẫn còn trong phòng. Do các bằng chứng này, giáo phận Saltillo đã nộp báo cáo về vụ vị linh mục mất tích cho văn phòng Chưởng Lý để yêu cầu cơ quan này tìm kiếm.

Trong những năm gần các băng đảng buôn bán ma túy ở Mexicô thường nhắm mục tiêu vào tôn giáo vì các vị chức sắc tôn giáo thường tố cáo những hành vi buôn bán ma túy của họ Coahuila luôn luôn là "vùng nóng" của việc buôn bán ma túy nên các linh mục, khi thực thi sứ vụ, thường trở thành nạn nhân của các băng đảng ma túy.
 
Đức Hồng Y Muller tuyên bố việc sửa sai Đức Phanxico sẽ không có vào lúc này
Vũ Văn An
18:21 09/01/2017
Vị đứng đầu lo về tín lý của Vatican tin rằng việc Đức Hồng Y Raymond Burke đe dọa sẽ công bố một sự "sửa sai huynh đệ" đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn lâu mới diễn ra bởi vì bất chấp những gì vị giáo phẩm Hoa Kỳ này nói, văn kiện giáo hoàng Amoris Laetitia về gia đình, trên thực tế, rất rõ ràng về tín lý.

Nói về lá thư “dubia” mà Đức Hồng Y Burke và ba vị Hồng Y khác gửi cho Đức Giáo Hoàng vào cuối năm 2016, thúc giục ngài trả lời một số câu hỏi có hoặc không liên quan đến Amoris Laetitia và các quy định của nó đối với người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự, Đức Hồng Y người Đức Gerhard Muller, người đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thừa nhận rằng mọi người "nhất là các Hồng Y" có quyền viết thư cho Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Muller nói thêm, "Tôi ngạc nhiên khi việc này trở thành công khai, cơ bản là buộc Đức Giáo Hoàng phải nói ‘có’ hoặc ‘không’. Tôi không thích việc này".

Bức thư được dự định như một việc riêng tư, nhưng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chối trả lời các câu hỏi, các vị Hồng Y đã đưa nó cho báo chí, chỉ một vài ngày trước mật nghị hội hồi tháng Mười để thiết lập các tân Hồng Y.

Về sự sửa sai chính thức có thể có mà Đức Hồng Y Burke cho biết ngài sẵn sàng làm nếu Đức Giáo Hoàng tiếp tục từ chối trả lời các câu hỏi đã được đệ trình hồi tháng Chín năm ngoái, Đức Hồng Y Muller tuyên bố rằng "vào lúc này, điều đó không thể xẩy ra, vì nó đâu có liên quan gì đến một mối nguy hiểm đối với đức tin như Thánh Tôma nói".

Đức Hồng Y Muller cho rằng: Amoris Laetitia, mà một số người tin là đưa ra một sự cơỉ mở thận trọng để người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, "hết sức rõ ràng về tín lý của nó và chúng ta có thể giải thích toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân, toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội trong 2000 năm lịch sử".

Những lời lẽ trên của vị giáo phẩm được đưa ra nhân dịp ngài nói chuyện với chương trình truyền hình Ý Tgcom24 vào ngày Chúa Nhật, hơn một tháng sau khi ngài nói với trang mạng của Đức Kathpress rằng Văn Phòng của ngài không có vai trò nào để "Tham gia vào cuộc tranh cãi ý kiến", ngoại trừ lên tiếng với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng.

Trong cuộc phỏng vấn hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Muller cũng cho biết: Đức Phanxicô "yêu cầu biện phân tình trạng của những người hiện đang sống trong các cuộc kết hợp không hợp lệ, nghĩa là, không phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, và yêu cầu giúp những người này tìm được một nẻo đường để họ được tái hội nhập vào trong Giáo Hội tùy theo các điều kiện của bí tích, sứ điệp Kitô giáo về hôn nhân".

Theo vị giáo phẩm người Đức, được bổ nhiệm làm chiến lược gia về tín lý của Vatican bởi Đức Bênêđictô XVI, không hề có sự chống chọi: "Một mặt chúng ta có giáo huấn rõ ràng về hôn nhân, và mặt khác, Giáo Hội có nghĩa vụ phải lo lắng cho những người đang sống trong các khó khăn này".

Đức Hồng Y Muller cũng trả lời nhiều câu hỏi về các vấn đề khác, như các nhận định của Đức Phanxicô đã đưa ra trước đó trong ngày, liên quan tới việc phụ nữ có quyền cho con bú ở nơi công cộng - kể cả ở trong nhà thờ, và cuốn sách mới nhất của ngài, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, Các Người Kế Vị Thánh Phêrô trong Việc Phục Vụ Giáo Hội.

Đức Hồng Y Muller nói: "Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói khá nhiều về di sản, nền thần học, việc công bố Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng [hưu trí] Bênêđictô XVI, đặc biệt khi ngài nói rằng" truyền giáo không phải là cải đạo, nó muốn thu hút người ta cho Chúa Giêsu Kitô".

Khi được hỏi về xu hướng phổ biến người ta hay so sánh Đức Phanxicô và người tiền nhiệm của ngài, Đức Hồng Y cho rằng làm thế là "đi ngược lại đức tin Công Giáo", vì cả hai vị giáo hoàng đều là "các ơn phúc dành cho Giáo Hội" mỗi vị có những kinh nghiệm khác nhau và các nền văn hóa khác nhau.
 
Quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh
Hồng Thủy
18:58 09/01/2017
Sáng 09/01/2017, theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp các đại sứ và phái đoàn ngoại giao của các nước cạnh Tòa Thánh nhân dịp đầu năm mới.

Trong số 182 quốc gia hiện có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, bao gồm Liên hiệp châu Âu và Hội Hiệp sĩ Malta, cộng hòa Hồi giáo Mauritania là quốc gia mới nhất có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, được thiết lập vào ngày 09/12/2016, ở cấp bậc sứ thần và đại sứ.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và cộng hòa Mauritana, số nước chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh đã giảm đi. Trong số các nước chưa có quan hệ ngoại giao có Trung quốc, nhưng Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với Đài loan dù là không có vị đại sứ mà chỉ có vị đại biện – xử lý thường vụ. Tiếp đến là Việt nam, từ lâu đã có các cuộc gặp gỡ song phương và các nhóm làm việc chung; hiện nay, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, sứ thần Tòa Thánh tại Singapore là đại diện không thường trú tại Việt nam. Các nước Afganistan, Ả rập Sauđi, Butan, Miến điện, Brunei, quần đảo Cômô, Bắc Triều tiên, Lào, Maldive, Oman, Somalia và Tuvalu cũng không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.

Tòa thánh hiện có 180 nhiệm sở ngoại giao ở nước ngoài, trong số này có 73 nhiệm sở không thường trú. Như vậy có 107 cơ sở, một số trong số này không chỉ phụ trách ngoại giao tại nước họ cư trú nhưng phụ trách thêm một hay nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế khác.

Số quan hệ ngoại giao của Tòa thánh gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Vào đầu triều đại của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tòa Thánh chỉ có quan hệ ngoại giao với 84 quốc gia. Vào năm 2005, khi Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức 16 được chọn, số nước có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh là 174. Dưới triều Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức 16, các nước Montenegro (2006), các Tiểu vương quốc Ả rập (2007), Botswana (2008), Nga (2009), Malaysia (2011) và Nam Sudan (2013) đã thiết lập ngoai giao với Tòa Thánh.

Có 88 tòa đại sứ cạnh Tòa Thánh đặt tại Roma, trong đó có các văn phòng của Liên minh các nước Ả rập, tổ chức quốc tế về di dân mà Tòa Thánh là thành viên từ năm 2011, và Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc. (ACI 09/01/2017)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
18:59 09/01/2017
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-1-2017 dành cho Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, ĐTC đã nói về đề tài ”an ninh và hòa bình” trên thế giới.

Ngài lên án nạn khủng bố trên thế giới, đề cao tầm quan trọng của tự do tôn giáo, loại trừ những nguyên nhân bất hòa gây ra chiến tranh, giải quyết vấn đề di dân và tị nạn, bảo vệ thiên nhiên như căn nhà chung, lên án nạn buôn bán võ khí, tái lập hòa bình tại Irak, Siria, và Yemen.

Buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi trước sự hiện diện của đại diện 182 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, và ngài hài lòng ghi nhận trong năm qua, con số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh thường trú ở Roma gia tăng, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie cách đây 1 tháng. Ngài cũng cám ơn nhiều vị Đại sứ thường trú ở Roma, con số gia tăng trong năm ngoái, và cả các Đại sứ không thường trú. Ngài cũng nhắc đến các cuộc viếng thăm của các vị Quốc trưởng và Thủ tướng tại Tòa Thánh trong năm qua, trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, cũng như việc ký kết nhiều hiệp định thư giữa Tòa Thánh và một số nước.

ĐTC nhắc đến sự kiện cách đây đúng 100 năm thế giới đang ở giữa thế chiến thứ I, năm 1917, cuộc chiến ngày càng trở nên cuộc chiến hoàn cầu. 100 năm sau, nhiều nơi trên thế giới được hưởng an bình lâu dài, tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế và những hình thức an sinh chưa từng có. Nhưng nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người vẫn đang sống giữa các cuộc xung đột vô nghĩa.

Hòa bình hồng ân của Thiên Chúa và vai trò của tôn giáo

ĐTC nói: "Vì vậy, tôi muốn dành cuộc gặp gỡ hôm nay để nói về đề tài an ninh và hòa bình, vì trong bầu không khí sợ hãi nói chung đối với hiện tại, và sự bất định, lo âu về tương lai hiện nay, tôi thấy cần nói lên một lời hy vọng, và chỉ cho thấy một viễn tượng hành trình.

Cách đây vài ngày chúng ta đã cử hành Ngày Thế Giới hòa bình lần thứ 50, ngày này đã được vị tiền nhiệm của tôi, Chân phước Phaolô 6 thiết lập [....). Đối với các tín hữu Kitô, hòa hình là một hồng ân của Chúa, được các thiên thần tung hô và ca hát khi Chúa Kitô sinh ra: ”Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dươi thế cho những người Chúa thương” (Lc 2,14). Hòa bình là một thiện ích tích cực, là ”kết quả của trật tự Thiên Chúa in vào xã hội loài người”, và không phải chỉ là sự vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không thể thu hẹp vào việc quân bình hóa các thế lực đối nghịch nhau, đúng hơn nó đòi hỏi sự dấn thân của những người thiện chí nồng nhiệt khao khát một nền công chính ngày càng hoàn hảo hơn.

Trong viễn tượng đó, tôi bày tỏ xác tín mạnh mẽ rằng mỗi biểu hiện tôn giáo đều được kêu gọi thăng tiến hòa bình. Tôi đã có thể cảm nghiệm điều đó một cách ý nghĩa trong Ngày Thế Giới cầu nguyện cho hòa bình, nhóm tại Assisi hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó các đại diện tôn giáo họp nhau cùng mang lại tiếng nói cho những người đau khổ, những ngừơi không có tiếng nói, cũng như trong cuộc viếng thăm của tôi tại Đại Hội đường Do thái ở Roma hoặc Đền thờ Hồi giáo ở thành phố Baku.

Chúng ta biết không thiếu những bạo lực vì lý do tôn giáo, đi từ chính Âu châu này, nơi mà những chia rẽ lịch sử giữa các tín hữu Kitô đã kéo dài quá lâu. Trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi ở Thụy Điển, tôi đã muốn nhắc nhở nhu cầu cấp thiết phải chữa lành những vết thương quá khứ và đồng hành tiến về những mục tiêu chung. Nơi căn bản của cuộc đồng hành như thế không thể thiếu cuộc đối thoại chân thành giữa các tôn giáo khác nhau. Đó là một cuộc đối thoại có thể thực hiện và là điều cần thiết, như tôi đã chứng tỏ trong cuộc gặp gỡ tại Cuba với Đức Thượng Phụ Kirill thành Mascơva, cũng như trong các cuộc tông du của tôi tại Armeni, Giorgia, và Azerbaigian, những nơi mà tôi nhận thấy khát vọng chính đáng của dân chúng muốn giải quyết các cuộc xung đột từ lâu đang làm thương tổn sự hòa hợp và hòa bình.

Đồng thời, chúng ta cũng không nên quên nhiều công trình, lấy hứng từ tôn giáo, đang góp phần vào việc xây dựng công ích, qua việc giáo dục, từ thiện, nhất là trong những vùng khó khăn và là nơi diễn ra xung đột. Nhiều khi việc đóng góp ấy được thực hiện tới mức độ hy sinh của các vị tử đạo. Các công trình đó góp phần vào hòa bình và cho thấy cách thức người ta có thể sống cụ thể và làm việc chung với nhau, dù thuộc các dân tộc, văn hóa và truyền thống khác nhau, nếu phẩm giá con người được đặt ở trung tâm mọi hoat động của mình.

Lên án lạm dụng tôn giáo để khủng bố

ĐTC nêu nhận xét: ”Rất tiếc chúng ta thấy rằng ngày nay kinh nghiệm tôn giáo, thay vì cởi mở đối với tha nhân, nhiều khi nó có thể bị lạm dụng để khép kín, gạt ra ngoài lề và gây ra bạo lực. Tôi đặc biệt nghĩ đến nạn khủng bố do trào lưu cực đoan, trong năm qua đã đốn ngã nhiều nạn nhân trên thế giới: tại Afganistan, Bangladesh, Bỉ, Burkina Faso, Ai Cập, Pháp, Đức, Giordani, Irak, Nigeria, Pakistan, Hoa Kỳ, Tunisi và Thổ Nhĩ Kỳ. Những vụ khủng bố ấy là những hành vi hèn nhát, dùng các trẻ em để giết người, như tại Nigeria; tấn công những người đang cầu nguyện, như tại Nhà thờ chính tòa Copte ở Cairo, những người du hành hoặc làm việc, như ở Bruxelles, những người đi dạo ở đường phố như ở Nice và Berlin, hoặc những người đón mừng năm mới như ở Istanbul.

Đó là một sự sát nhân điên rồ, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo chết chóc, trong toan tính khẳng định ý muốn thống trị và quyền lực. Vì thế tôi kêu gọi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo hãy hiệp sức để mạnh mẽ tái khẳng định rằng không bao giờ có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nạn khủng bố do trào lưu cực đoan là kết quả của một sự lầm than trầm trọng về tinh thần, kèm theo đó có một sự nghèo nàn về mặt xã hội. Nó chỉ có thể hoàn toàn bị đánh bại với sự đóng góp chung của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Các vị lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ thông truyền các giá trị tôn giáo không chấp nhận sự đối nghịch giữa lòng kính sợ Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Các vị lãnh đạo chính trị có nhiệm vụ bảo đảm trong lãnh vực công cộng quyền tự do tôn giáo, nhìn nhận sự đóng góp tích cực và xây dựng mà tự do tôn giáo thi hành trong việc xây dựng xã hội dân sự, trong đó người ta không thể coi như những điều đối nghịch giữa một đàng là sự thuộc về xã hội theo nguyên tắc quyền công dân, và bên kia là chiều kích tinh thần của cuộc sống. Ngoài ra, người cai trị có trách nhiệm tránh tạo nên những hoàn cảnh bị biến thành môi trường thuận tiện cho sự lan tràn chủ nghĩa duy căn cực đoan. Điều này đòi phải có những chính sách xã hội thích hợp để bài trừ nạn nghèo đói, cùng với sự thăng tiến chân thành giá trị của gia đình, như nơi ưu tiên để con người triển nở và cần đầu tư dồi dào vào lãnh vực giáo dục và văn hóa.

Nghĩa vụ của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền

"Về vấn đề này, tôi quan tâm đón nhận sáng kiến của Hội đồng Âu Châu về chiều kích tôn giáo, đối thoại liên văn hóa, năm ngoái có chủ đề là vai trò của giáo dục trong việc phòng ngừa sự cực đoan hóa, dẫn đến nạn khủng bố và cực đoan bạo lực. Đó là một cơ hội để đào sâu sự đóng góp của hiện tượng tôn giáo và vai trò của giáo dục cho việc bình định hóa xã hội, vốn là điều cần thiết cho sự sống chung trong một xã hội đa văn hóa.

Theo nghĩa đó tôi muốn bày tỏ xác tín này: mỗi chính quyền không thể chỉ giới hạn vào việc bảo đảm an ninh cho các công dân của mình mà thôi - ý niệm này có thể dễ dàng thu hẹp vào một thứ sống yên hàn - nhưng họ còn được kêu gọi cổ võ và thi hành hòa bình. Hòa bình là một nhân đức tích cực, đòi phải có sự dấn thân và cộng tác của mỗi cá nhân cũng như của toàn thể xã hội. Như Công đồng chung Vatican II đã nhận xét, ”hòa bình không bao giờ là điều đạt được một lần cho tất cả, nhưng là một tòa nhà cần được liên tục xây dựng”, bằng cách bảo vệ thiện ích của con người, tôn trọng phẩm giá của họ. Xây dựng hòa bình trước tiên đòi phải từ bỏ bạo lực khi đòi hỏi các quyền của mình. Tôi đã dành Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới năm nay, 2017, để nói về nguyên tắc đó. Sứ điệp có tựa đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”, trước tiên kêu gọi làm sao để bất bạo động là một đường lối chính trị, dựa trên công pháp và phẩm giá của mỗi người”.

Loại trừ những nguyên nhân cản trở việc xây dựng hòa bình

"Xây dựng hòa bình cũng đòi phải loại trừ những nguyên nhân bất hòa tạo nên chiến tranh, bắt đầu từ những bất công. Thực vậy có một liên hệ mật thiết giữa công lý và hòa bình. Như Thánh Gioan Phaolô 2 đã nhận xét, vì công lý của con người luôn mong manh và bất toàn, có những giới hạn và chịu ảnh hưởng của lòng ích kỷ cá nhân và nhóm, nên công lý ấy phải được thực thi, và bổ túc bằng sự tha thứ chữa lành các vết thương và tái lập sâu xa các quan hệ giữa con người đã bị xáo trộn [...]. Tha thứ không hề trái ngịch với công lý, nhưng đúng hơn, nó nhắm đến sự sung mãn của công lý, đến sự yên hàn trong trật tự, chữa lành trong chiều sâu cho các vết thương làm tâm hồn rướm máu. Để đạt được sự chữa lành như thế, công lý và tha thứ đều là những điều thiết yếu”. Những lời này, ngày nay có tính chất thời sự hơn bao giờ hết, đã được sự sẵn sàng đón nhận của một số vị Quốc trưởng và thủ tướng chính phủ đối với lời mời gọi của tôi và đã thực hiện một cử chỉ ân xá đối với các tù nhân. [...]

Lòng thương xót

Tôi xác tín rằng đối với nhiều người, Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót là một cơ hội đặc biệt thích hợp để khám phá ảnh hưởng to lớn và tích cực của lòng thương xót như một giá trị xã hội. Mỗi người có thể góp phần tạo nên một nền văn hóa lòng thương xót, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ tha nhân: một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác trong sự dửng dưng, và cũng không ngoái nhìn đi nơi khác để không thấy sự đau khổ của những người anh em”. Chỉ như thế chúng ta mới có thể kiến tạo những xã hội cởi mở và hiếu khách đối với người ngoại quốc và đồng thời được an ninh và hòa bình trong quốc nội. Điều này càng cần thiết ngày nay, đang lúc có những làn sóng di dân đông đảo ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người tị nạn và di tản ở một số miền ở Phi châu, Đông Nam Á, và những người chạy trốn khỏi những vùng xung đột ở Trung Đông. (...)

Vấn đề di dân

"Vấn đề di dân là một vấn đề không thể để cho một vài nước lãnh đạm dửng dưng, trong khi những nước khác phải hỗ trợ gánh nặng nhân đạo, nhiều khi với những cố gắng lo lớn và khó khăn nặng nề, để đương đầu với tình trạng cấp thiết dường như vô tận. Tất cả đều phải cảm thấy mình là những người xây dựng và góp phần vào công ích quốc tế, kể cả qua những cử chỉ nhân đạo cụ thể, như những yếu tố thiết yếu hòa bình và phát triển mà các quốc gia và hàng chiều người đang chờ đợi. Vì thế tôi biết ơn các nước quảng đại đón nhận những người ở trong tình trạng ở trong tình trạng cần được giúp đỡ, bắt đầu từ các nước Âu Châu, đặc biệt là Italia, Đức, Hy Lạp và Thụy Điển.

"Tôi vẫn còn giữ ấn tượng mạnh về cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại đảo Lesvos, cùng với những người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Barlolomaios và Đức TGM Ieronymos; tại đảo đó tôi đã thấy và động chạm đến tình trạng thê thảm của các trại tị nạn, và cũng thấy tình nhân đạo và tinh thần phục vụ của nhiều người dấn thân trợ giúp người tị nạn. Không được quên sự đón tiếp của các nước Âu Châu và Trung Đông, trong đó có Liban, Giordani, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sự dấn thân của nhiều nước Phi châu và Á châu. Cả trong cuộc viếng thăm của tôi ở Mêhicô, nơi tôi đã cảm nghiệm niềm vui của dân Mêhicô, tôi đã thấy gần gũi hàng ngàn người di dân từ Trung Mỹ, họ phải chịu những bất công kinh khủng và những nguy hiểm khi tìm cách đạt được một tương lai tốt đẹp hơn, họ là nạn nhân của những vụ bóc lột và là đối tượng buôn bán đáng lên án, một hình thức nô lệ tân thời là nạn buôn người.

Trong phần kế tiếp của bài diễn văn dài, ĐTC tố giác quan niệm thu hẹp về con người, góp phần phổ biến bất chính, sự bất bình đẳng xã hội và hiện tượng tham nhũng... Tệ nạn lạm dụng trẻ em và người trẻ bị cưỡng bách lao động, hoặc bị lạm dụng như ngài đã viết trong thư gửi các GM nhân ngày lễ các Thánh Anh hài mới đây. Ngoài ra có những ngừơi trẻ đang chịu đau khổ vì chiến tranh và xung đột, như cuộc xung đột thảm khốc tại Siria.

Chống lại tình trạng chiến tranh trên đây, ĐTC kêu gọi bài trừ nạn buôn bán ma túy cũng như sự chạy đua sản xuất và phổ biến các võ khí ngày càng tối tân. Ngài không quên vấn đề bảo vệ môi trường và nói rằng:

Chăm sóc thiên nhiên

”Xây dựng hòa bình cũng có nghĩa là tích cực hoạt động để chăm sóc thiên nhiên. Hiệp định Paris về khí hậu mới bắt đầu có hiệu lực là một dấu chỉ quan trọng về sự dấn thân chung để để lại cho những người đến sau chúng ta một thế giới đẹp đẽ và có thể sống được. Tôi cầu mong nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian gần đây để đương đầu với những thay đổi khí hậu ngày càng tìm được sự cộng tác rộng rãi của tất cả mọi người, vì trái đất là nhà chung của chúng ta, và cần để ý rằng những chọn lựa của mỗi người có ảnh hưởng trên cuộc sống của tất cả.

Động đất

"Nhưng một điều hiển nhiên là có những hiện tượng vượt quá khả năng của hoạt động con người. Tôi muốn nói đến nhiều vụ động đất xảy ra tại một số miền trên thế giới. Trước tiên tôi nghĩ đến những vụ động đất ở Ecuador, Italia, và Indonesia, gây ra nhiều nạn nhân, và nhiều người vẫn còn phải sống trong những điều kiện bấp bênh. Tôi đã đích thân viếng thăm một số vùng bị động đất ở miền trung Italia. Tại đây tôi đã nhận thấy những vết thương mà động đất gây ra cho một miền đất phong phú về nghệ thuật và văn hóa, tôi đã có thể chia sẻ đau khổ của bao nhiêu người đồng thời lòng can đảm của họ và quyết tâm tái thiết những gì đã bị phá hủy. Tôi cầu mong rằng tình liên đới đã liên kết nhân dân Italia trong những giờ sau các trận động ấy đất tiếp tục linh hoạt toàn thể đất nước, nhất là trong thời điểm khó khăn của lịch sử. Tòa Thánh và Italia đặc biệt gắn bó với nhau vì những lý do lịch sử văsn hóa và địa lý. Mối liên hệ ấy đặc biệt hiển nhiên trong Năm Thánh và tôi cám ơn tất cả các giới chức chính quyền Italia vì sự giúp đỡ trong việc tổ chức biến cố ấy, và bảo đảm an ninh cho các tín hữu hành hương từ các nơi đến đây.”
 
Quân Iraq mở mặt trận phía Bắc Mosul, đã tìm ra dấu vết trùm khủng bố Abu Bakr al Baghdadi
Đặng Tự Do
22:00 09/01/2017
Quân Iraq chiếm được Hadba
Trong một diễn biến đáng lạc quan, quân đội Iraq đã mở thêm mặt trận phía Bắc Mosul và hôm thứ Hai 9 tháng Giêng đã chiếm được quận Hadba.

Hadba là một khu dân cư nên cuộc giao tranh đã diễn ra rất ác liệt giữa quân chính phủ và bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chiến thắng Hadba khiến tinh thần binh sĩ Iraq lên rất cao đặc biệt là vì trong trận chiến này không một binh sĩ Iraq nào bị thiệt mạng.

Tướng Nejm Jabouri nói binh lính của ông có lý do để tự hào: “Kể từ khi chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân vào khu vực này, chúng tôi chưa phải gánh chịu thiệt hại nào dù bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổi điên và tấn công chúng tôi bằng nhiều xe bom tự sát.”

Các sĩ quan tại mặt trận cho biết từ hôm thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã thực hiện 5 vụ đánh bom xe liều chết tại khu vực này. Nhưng các vụ tấn công này đều bị bẻ gãy.

Tại mặt trận phía Đông Mosul, quân Iraq hiện đã chiếm được Al Baladyat và bao vây bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Al Sukar. Lực lượng đặc biệt Iraq đang tìm cách chiếm trường Đại Học Mosul nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS dùng làm cơ xưởng chế tạo vũ khí và bom mìn.

Chiến dịch giải phóng Mosul bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái đã bị chựng lại trong tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, những chiến thắng liên tiếp đang khích lệ tinh thần binh sĩ.

Sau nhiều tháng mất dấu vết của tên trùm khủng bố Abu Bakr al Baghdadi, Peter Cook, phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ đã tìm lại được dấu vết của y. Giữa tháng 12 vừa qua, Hoa Kỳ đã tăng tiền thưởng từ 10 triệu Mỹ Kim lên 25 triệu Mỹ Kim cho những ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt sống hay giết chết tên cầm đầu bọn khủng bố Hồi Giáo IS này.

Chiếm được Al Baladyat, quân Iraq áp sát sông Tigris nơi được coi là ranh giới tạm thời giữa hai bên: quân chính phủ ở phía Đông con sông và quân khủng bố ở phía Tây.

Nguồn tin của Giáo Hội địa phương nhận định rằng nếu quân Iraq vượt sông Tigris đánh vào phía Tây thì thương vong của dân chúng sẽ rất cao và có nguy cơ Mosul bị tàn phá thành bình địa như Aleppo. Trong trường hợp như thế, lòng oán giận của người Hồi Giáo Sunni sống tập trung bên bờ Tây sông Tigris, sẽ là một trở ngại cho việc sống chung hòa bình với các Kitô hữu và người Hồi Giáo Shiite.

Trong bài Crack team of SAS heroes ordered to hunt down and kill monstrous ISIS leader Abu Bakr al-Baghdadi, tờ The Sun cho biết một thành phần tinh nhuệ trong lực lượng đặc biệt Iraq, gồm các tay bắn tỉa thiện xạ, được giao nhiệm vụ giết chết Abu Bakr al Baghdadi để kết thúc sớm chiến tranh.
 
Đức Thánh Cha suy tư về các chuyến tông du nước ngoài trong một cuốn sách mới
Đặng Tự Do
23:33 09/01/2017
Trong cuốn sách mới bằng tiếng Ý có nhan đề Ý Viaggio ( “Trên hành trình”), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các chuyến tông du nước ngoài mà ngài đã thực hiện kể từ khi trở thành vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Trong một trích đoạn của cuốn sách, xuất bản ở Ý trên nhật báo La Stampa, Đức Thánh Cha nói với nhà báo kỳ cựu Vatican Andrea Tornielli rằng ngài không phải là người thích du hành đây đó, nhưng ngài nghĩ rằng những chuyến tông du của ngài là quan trọng trong việc “gieo những hạt giống hy vọng” ở các quốc gia trên thế giới. Ngài cho biết các chuyến đi làm ngài kiệt sức, và muốn có thêm thời gian để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Tornielli rằng ngài không lo lắng về an ninh của riêng mình trong các chuyến tông du, và không muốn có thêm các biện pháp phòng ngừa an ninh cho riêng mình. Các nỗ lực bảo vệ an ninh nên chú ý hơn đến những người dân bình thường. Đức Thánh Cha cho biết đôi khi ngài lo lắng về sự an nguy mà người dân có thể phải đối mặt khi họ tham dự các sự kiện của giáo hoàng.

Source: Catholic World News - Pope reflects of foreign trips in new Italian book
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Lễ truyền Chức Phó Tế tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm - Kerens, Texas
Trần Trọng Long
07:25 09/01/2017
Xem hình ảnh

Ngày 7 tháng 1 vừa qua Đan viện Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm tại Karens Texas đã tổ chức lễ truyền chức Phó Tế cho Thầy Matthew Gấm Nguyễn Đình Dâng tại đan viện.

Ngoài thân nhân và quan khách xa gần, chúng tôi nhận thấy sự có mặt của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục phụ tá Tổng giáo phận Toronto, từ Canada sang để chủ sự buổi lễ.
 
Đại Hội Cursillo toàn Úc Châu lần thứ 5 tại Cộng đoàn Công giáo Việt nam Tây Úc
Sr. Therèse Mỹ Châu
22:07 09/01/2017
Từ trưa ngày mồng 6 tháng Giêng năm 2017, bầu không khí Trung tâm Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tây Úc lại một lần nữa rộn ràng vui tươi chào đón hơn 280 thành viên Phong trào Cursillo đến từ các tiểu bang lục địa Úc Châu, để tham dự Đại hội Cursillo lần thức V.

Đại hội được khai mạc với Nghi thức rước Thầy Chí Thánh vào Hội trường, tiếp theo sau là Ban Điều hành Đại hội cùng tất cả các thành viên Cursillista từ các tiểu bang.

Thánh lễ đồng khai mạc Đại hội được cử hành bởi Cha Paul Chu Văn Chi - Linh mục linh hướng của phong trào Cursillo toàn Úc Châu, Cha Micae Phạm Quang Hồng và Cha Phero Nguyễn Minh Thuý là hai Linh hướng Đặc trách Đại hội, một số Cha Linh hướng đến từ các tiểu bang và hai Cha từ Mỹ.

Với chủ đề “Chứng nhân Tin Mừng”, Đại hội Cursillo V còn là dịp mừng 50 năm Phong trào Cursillo được thiết lập tại Việt Nam, 25 năm tại Úc Châu; kỷ niệm 100 năm Sinh nhật Đấng sáng lập Phong trào Cursillo và cùng toàn thể Giáo Hội mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Đại hội Cursillo toàn quốc Úc Châu là một trong những sinh hoạt rất quan trọng của Phong trào, là cơ hội để các Cursillista được hâm nóng tình mến Chúa cùng gặp gỡ và chia sẻ lý tưởng Cursillo vói anh chị em, sống tinh thần đức tin Kito giáo trong đời sống thường nhật của các Kito hữu trong phục vụ và yêu thương.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Rằm Thiếu Nhi
Mỹ Lê
20:11 09/01/2017
TRĂNG RẰM THIẾU NHI
Ảnh của Mỹ Lê
Đêm rằm Bé ngước nhìn Trăng
Hỏi thăm chú Cuội lăng xăng đâu rồi?
Chú Cuội ở cuối chân đồi,
Ngẩn ngơ nhìn trộm Tiên Trời tắm mây .
(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)