Ngày 06-01-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngôi sao dẫn đường
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
12:30 06/01/2012
Ngôi sao dẫn đường

Hằng năm vào ngày 06. 01. người Công Giáo mừng lễ ngôi sao chiếu tỏa ánh sáng dẫn đường cho Ba Vua tìm đến hang đá Chúa Giêsu ở Berthlehem.

Nhưng đâu là ý nghĩa ngày lễ này trong đời sống đức tin của chúng ta?

1. Chiếc máy Navigation

Ngày nay hầu như bên xã hội các nước Âu Mỹ, Úc châu và cả một số nước ở Á Châu, chiếc máy Navigation chỉ đường gắn trong xe hơi hay cầm tay là vật dụng phổ thông, nhất là khi phải đến nơi xa lạ khó tìm đường.

Chiếc máy Navigation chỉ đường dẫn lối qua hình bản đồ hiện lên cùng tiếng nói phát ra giúp cho người lái xe hay đi bộ đến đúng địa chỉ muốn tới.

Kỹ thuật tân tiến điều khiển từ vệ tinh bay trong không gian nền trời giúp con người tiết kiệm công sức cùng thời giờ tìm hướng đường đi tới đích điểm!

Nhưng dẫu sao, kỹ thuật cũng vẫn có mặt trái của nó. Vì không phải luôn luôn Navigation chỉ đúng đường, có khi còn sai lạc lối nữa!

Ngày nay thì thế. Nhưng ngày xưa con người căn cứ nhìn vào ánh sáng ngôi sao trên nền trời như dấu hiệu chỉ tìm đường.

2. Ngôi sao chỉ đường

Lễ Chúa Hiển Linh mà xưa nay quen gọi là lễ Ba Vua, thuật lại việc dẫn lối chỉ đường theo cách lối khác cho ba nhà Thiên văn từ Phương Đông xa lạ tìm đến thăm viếng hài Nhi Giêsu ở Bethlehem.

Ba Vua thời đó không có Navigation như ngày hôm nay. Nhưng có ngôi sao đã dẫn đường chỉ lối cho họ đi đúng hướng cùng đến đúng địa chỉ họ muốn tới.

Ngôi sao không do kỹ thuật con người làm biến chế ra. Nhưng là hành tinh sáng tạo trên nền trời trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.

Trong nền văn minh nhân loại ngày xưa, con người thường nhìn sao trời ban đêm tìm phương hướng, nhất là cho những người di chuyển bằng tầu thuyền trên biển cả, đi trong rừng rậm thung lũng đồi núi.

Ánh sáng ngôi sao chiếu tỏa sứ điệp còn bí ẩn mà xưa nay con người hằng suy nghĩ khảo nghiệm nghiên cứu đoán tìm. Trong lịch sử văn hóa khoa học từ xưa nay khoa thiên văn chuyên nghiên cứu tìm hiểu về các ngôi sao trên nền trời từ thời trước Chúa giáng sinh với những nhà đại sư môn triết học như Platon, Aristoteles... Khoa học này trở thanh nổi tiếng với nhà bác học Galileo từ đầu thế kỷ thứ 17. sau Chúa Giáng sinh với việc Ông phát minh làm ra Ống viễn vọng kính để quan sát các hành tinh trên trời, trong đó có các ngôi sao.

Ba Vua là những nhà Thiên Văn nhìn sao trời suy hiểu tìm ra sứ điệp ẩn dấu nơi ngôi sao và họ đã đi đến quyết định: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người" ( Mt 2, 2).

Ba nhà Thiên văn tìm đến thăm viếng bái lạy Vua hài nhi Giêsu, và họ còn mang theo món qùa tặng cho hài nhi Giêsu nữa.

3. Món qùa tặng

Ánh sáng ngôi sao đã chỉ đường dẫn lối cho họ tìm đến nơi họ muốn tới. Tìm đến nơi chỗ Hài Nhi Giêsu, vị Vua hòa bình sinh ra, ba nhà Thiên văn mang lễ vật dâng kính hài nhi Giêsu ba qùa tặng: vàng, nhũ hương và mộc dược:

Vàng là kim loại quý giá và đắt tiền. Xưa nay hầu như đâu đâu người ta thường dùng vàng làm bản vị cho tiền bạc và làm đồ trang sức. Và trong dân gian hễ khi nói đến vua chúa là liên tưởng ngay đến ngai vàng. Ngai của vua được làm bằng vàng hay dát mạ vàng, điều này không có gì chứng minh chắc chắn. Nhưng ý muốn nói đến sự cao quý sang trọng của vua.

Chúa Giêsu sau này từng khẳng định cùng quan Tổng trấn Philatô: Phải, ông nói đúng, tôi là vua ( Lc 23, 3). Ngài là Vua của những tâm hồn khao khát ngưỡng vọng nước Thiên Chúa, những người đó ngài soi đường dẫn lối cho họ trên đường về cùng nước đó.

Nhũ hương là một loại hương thơm thường dùng trong các lễ nghi phượng tự. Hương khói của nhũ hương toả ra hương vị thơm dịu làm tăng vẻ trang trọng sốt sắng của nghi lễ kính thờ Thiên Chúa. Tặng nhũ hương cho Chúa Giêsu ba nhà Thiên văn muốn nói đến lòng khoan dung độ lượng, lòng nhân lành bác ái đối với con người nhất là với người xấu số cùng khổ bệnh tật và những người tội lỗi bị bỏ rơi của Chúa Giêsu. Điều này là đặc điểm sứ mạng tình yêu của ngài 33 năm trên trần gian.

Mộc dược là loại dầu chữa bệnh. Ba nhà thiên văn khi tặng hài nhi Giêsu tặng vật mộc dược, không biết các ông có nghĩ đến sứ mạng chữa lành vết thương của Chúa Giêsu sau này không ? Điều này không có gì minh chứng rõ ràng. Nhưng trong đêm chúa sinh ra các Thiên Thần loan báo cho các mục đồng: Hôm nay đấng cứu thế muôn dân sinh ra giữa các ngươi! Đấng cứu thế là người cứu dân độ thế, người chữa lành vết thương thể xác cho người khác, người mang niềm vui cho tâm hồn con người. Sau này ba năm dong duổi đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu hằng quan tâm đến những người cùng khổ, bệnh tật. Ngài thường ra tay cứu nhân độ thế chữa họ lành mạnh trở lại, ngài mang laị cho họ niềm vui, niềm hy vọng và niềm tin cho cuộc sống.

Ba qùa tặng nói lên ý nghĩa đời sống của Hài Nhi Giêsu là Vua tình yêu cho con người. Nhưng con đường mà họ đã đi vượt qua đi tìm Chúa Giêsu còn mang sâu đậm nhiều ý nghĩa hơn nữa cho đời sống làm người cùng đức tin.

4. Con đường Thiên Chúa dẫn lối

Ba Vua theo ánh sáng ngôi sao chỉ dẫn đường tìm đến hài nhi Giêsu mới sinh. Họ là những người đi tìm kiếm Chúa với lòng đầy tin tưởng phó thác trên đường vừa xa lạ vừa hiểm nghèo. Họ ra đi tìm với tâm hồn tin tưởng, can đảm đầy mạo hiểm nữa.

Con người chúng ta ngày nay đặt tin tưởng vào kỹ thuật vào máy Navigation chỉ đường, kể như chắc ăn. Nhưng nếu dựa vào đó để đi tìm Thiên Chúa, liệu có thể tìm kiếm thấy Chúa qua con đường ngắn nhất, chắc chắn được không?

Ba nhà Thiên Văn ngày xưa đã trải qua đường dài đi trong sa mạc có những bất trắc nguy hiểm xảy ra giữa đường. Nhưng họ đã kiên trì đi tới đích tìm được Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa tình yêu sinh ra làm người.

Trong suốt dọc đời sống, chúng ta hằng luôn gặp phải những khó khăn hiểm nghèo, những thử thách trong đời sống, có kiên trì hướng tới đích điểm trên đường đi tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống cùng bến bờ bình an không ?

Con đường Thiên Chúa dẫn dắt con người, như ngày xưa Người đã dẫn dân Israel về quê hương Do Thái, không là con đường bằng phẳng. Trái lại con đường đó đi vượt ngang qua sa mạc hoang vu đầy nguy hiểm thử thách chao đảo. Nhưng Thiên Chúa luôn ở bên cạnh họ.

Con đường Thiên Chúa chỉ dẫn con người đi không bằng những hình ảnh bản đồ rõ ràng, những tiếng nói dịu dàng dễ nghe, như tiếng của người phụ nữ đã ghi sẵn nói phát trong máy Navigation. Nhưng trong đời sống con người thường đụng chạm gặp phải những vướng trở khó khăn, sai lạc, những điều đầy bí ẩn, những xa lạ, khiến con người phải cố gắng chiến đấu vượt qua, và luôn làm mới lại từ đầu.

Đây là đời sống, là sự đào tạo giáo dục Thiên Chúa đã khắc ghi trong đời sống con người.

******************

Trong gia đình, cha mẹ yêu thương con cái hằng mong muốn cùng làm điều gì tốt đẹp nhất cho con cái mình hôm nay cùng ngày mai. Nhưng tình yêu thương của họ cũng luôn luôn gắn liền với việc đào tạo giáo dục từ lúc con còn thơ ấu tấm bé, và trong suốt dọc đời sống của người con.

Chính sự đào tạo giáo dục đó rất nhiều khi gây khó chịu bực dọc trái ý muốn của người con. Nhưng lại là điều cần thiết mang lại hữu ích cho đời sống người con trong tương lai.

Thiên Chúa tạo dựng, nuôi dưõng con người cùng dẫn dắt con người theo con đường đào tạo gíao dục, thử thách rèn luyện.

Con đường đào tạo giáo dục thúc đẩy tâm trí con người cố gắng vươn lên phát minh xây dựng đời sống thể xác cũng như tinh thần cho bản thân cũng như cho xã hội.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:44 06/01/2012
DIÊM VƯƠNG NHƯỜNG NGÔI
N2T

Ngày xưa có một người thường hay làm việc thiện, sau khi chết thì đương nhiên được đổi kiếp khác. Khi đến trước diêm vương, diêm vương hỏi anh ta có nguyện vọng nào, anh ta suy nghĩ một hồi rồi nói:
- “Nguyện vọng của con là kiếp sau xin được làm con của thượng thư, có con trai đỗ trạng nguyên, trong nhà có ngàn mẫu ruộng tốt, bên trong vườn có hòn non bộ và hồ cá, các loại hoa nổi tiếng, loại nào cũng có, thiếp đẹp vợ xinh ai ai cũng hiền lành phúc hậu, lại còn suốt đời hưởng thụ bất tận vàng bạc châu báu, gạo lúa ăn không hết, lụa là gấm vóc mặc không hết !....Còn nữa, con muốn địa vị cao là vương công nhất phẩm, bình an hưởng thụ vinh hoa phú quý trên trăm năm”.
Diêm vương nghe xong ngớ ra, nói:
- “Thế gian có đẳng cấp tốt như vậy sao, thôi để ta tự đi, cái ngôi diêm vương này ta nhường lại cho ngươi đó.”

Suy tư:
Có nhiều người hỏi: trên thiên đàng có ăn uống, có nhạc hát đàn ca, có trò chơi điện tử và các thứ khác như ở trần gian không ? Lại có người hỏi dưới hỏa ngục có nhậu nhẹt, có đánh nhau, có chưởi bới, có được lấy vợ bé chồng nhí và các thứ khoái lạc khác không ?
Đức Chúa Giê-su đã trả lời cho những người Do Thái ngày xưa và cho con người ngày nay như sau:”Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. (Lc 20, 34-35)
Con người ta có hồn và có xác, hồn và xác sẽ cũng chia sẻ những vui buồn với nhau, chia sẻ những việc lành và sự ác với nhau, cho nên hể thân xác hưởng thụ vật chất cách bất chính thì chắc chắn linh hồn cũng sẽ bị ảnh hưởng; nếu thân xác làm lành lánh dữ, tuân theo Lời Chúa và thực hành Lời Chúa dạy thì chắc chắn sẽ hưởng hạnh phúc thiên đàng mai sau.
Diêm vương vì muốn làm quan lớn, muốn nhiều vợ, muốn nhiều tiền.v.v…ở trần gian mà bỏ chức vụ của mình, thì có ngày diêm vương cũng sẽ xuống địa ngục (quê cũ của mình) để bị phạt càng ghê rợn hơn nữa.
Diêm vương hởi diêm vương, đừng có nghe người ta tả cảnh trần gian mà ham. Ha ha ha, ai hiểu thì hiểu !
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Chúa Hiển Linh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:45 06/01/2012
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Tin mừng : Mt 2, 1-12.
“Từ phương đông chúng tôi đến bái lạy Ngài”.


Anh chị em thân mến,
Lễ Hiển Linh, theo truyền thống của Giáo Hội là ngày lễ Đức Chúa Giê-su tỏ mình cho dân ngoại, mà đại diện chính là ba hiền sĩ từ phương đông đến thờ lạy Ngài trong hang đá ở Bê-lem. Trong tâm tình này, tôi xin chia sẻ với anh chị em -rất ngắn- về vai trò của người giáo dân :

Đức Chúa Giê-su là ánh sao lạ của thế giới.
Ánh sao lạ đã dẫn đường cho ba nhà hiền sĩ đến bái lạy Đức Chúa Giê-su mới sinh, nhưng đó chỉ là ánh sao của ba nhà hiền sĩ, ánh sao là điềm báo cho họ biết có vị vua mới sinh ra. Ánh sao lạ đã dừng lại nơi hang đá Bê-lem để xác định cho ba nhà hiền sĩ biết: em bé nằm trong máng lừa ăn ấy chính là vị vua mới sinh ra, và rồi ngôi sao lạ biến mất.

Đức Chúa Giê-su chính là ánh sao dẫn đường của nhân loại, không biến mất và không dừng lại một nơi nào trên vũ trụ này, nhưng sẽ dừng lại và soi sáng tâm hồn những kẻ tin vào Ngài, đó chính là cốt lõi của câu chuyện ánh sao lạ.

Nhân loại đang đi trong bóng tối của tội lỗi đã nhìn thấy ánh sao là Đức Chúa Giê-su, chính Ngài đã làm cho nhân loại thấy rõ đâu là tình yêu thương chân thật khi Ngài dạy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em ; chính Ngài cũng đã dạy cho nhận loại biết chấp nhận và phục vụ nhau khi Ngài nói: anh em là con cái của một Cha trên trời ; chính Ngài đã nâng cao phẩm giá con người, dù là con người tội lỗi, khi Ngài nói với các kinh sư và người Pha-ri-siêu: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi ...

Ngài chính là ánh sao lạ dẫn đường khi mà người ta đều sống trong hưởng thụ, chỉ ích kỷ biết mình mà không biết đến người khác. Ánh sao lạ, là vì Ngài giảng dạy những điều mà từ trước đến nay người ta chưa hề nghe đến.

Và ánh sao lạ này –Đức Chúa Giê-su- vẫn mãi mãi là ánh sao chiếu soi tâm hồn những người thành tâm thiện chí tìm kiếm sự thiện hảo trong cuộc sống của mình.

Mỗi người Kitô hữu là một ánh sao lạ.
Đức Chúa Giê-su là ánh sao lạ cho nhân loại, cho chúng ta, thì chúng ta -người Ki-tô hữu- cũng sẽ là ánh sao lạ cho mọi người, ít nữa là những người mà hằng ngày chúng ta cùng tiếp xúc, làm việc, học hành, để qua lời nói và việc làm của mình, họ nhận ra Thiên Chúa đang ở trong chúng ta.

Chúng ta là ánh sao lạ không ở trên bầu trời nhưng ở nơi công sở, chợ búa, trường học mà chúng ta đang sống và làm việc; không ở nơi mùa đông lạnh giá nhưng ở những nơi mà sự hưởng thụ xác thịt, xa hoa, tội lỗi làm lạnh cóng tâm hồn của những anh chị em sống không còn hy vọng, không còn niềm tin, không còn tình người...

Chúng ta là ánh sao lạ tỏa sáng bằng lời nói dễ nghe mát lòng người bực bội, là nụ cười tươi khi bị người khác chửi mắng hiểu lầm, là thái độ khiêm tốn khi thành công cũng như khi thất bại, là thái độ hiền hòa không gắt gỏng khi người khác làm trái ý, là đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa khi phục vụ tha nhân... Đó chính là ánh sáng phát xuất từ tấm lòng chân thật của ngôi sao lạ là chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Thời nay ánh đèn màu nơi các cửa hàng ka-ra-ô-kê, nơi những khách sạn năm sao và các tụ điểm ăn chơi sáng rực, thu hút rất nhiều người đến đó để hưởng thụ và để giải trí, nhưng rồi họ vẫn cứ chán chường thất vọng sau những cuộc vui chơi ấy.

Chúng ta là những người Ki-tô hữu được ánh sao sáng là Đức Chúa Giê-su soi đường, để đi trên đường chân thiện mỹ, ánh sáng này cũng đang chiếu sáng trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chúng ta dùng các việc lành để chiếu soi tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Hãy là ánh sao nhỏ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
12:29 06/01/2012
LỄ HIỂN LINH B
+++
A. DẪN NHẬP

Lễ Giáng Sinh và lễ Hiển Linh có những điểm giống nhau : lễ Giáng sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do thái qua các mục đồng ; còn lễ Hiển Linh Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua các vị đạo sĩ là đại diện. Thánh Phaolô cho tín hữu Êphêsô biết rằng Thiên Chúa mới mạc khải “mầu nhiệm” được giữ kín từ lâu. Mầu nhiệm ấy là hết mọi dân tộc trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

Những bài học của ngày lễ hôm nay thôi thúc chúng ta hãy trở thành những người nhiệt tâm thâu họp muôn dân về với Đức Kitô, không phân biệt mầu da, chủng tộc hay văn hóa, hầu tạo thành dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là “Thân Thể của Chúa”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 60,1-6

Dân Israel phải đi lưu đầy ở Babylon 70 năm. Mặc dầu đang sống trong cảnh lưu đầy, tiên tri Isaia đã mơ thấy ngày hồi hương. Thành Thánh được tái thiết, Đền thờ được xây dựng lại, mọi dân tộc từng đoàn lũ tiến về ánh sáng rực rỡ trên thành. Trong khi cả trái đất chìm ngập trong tăm tối, thì Giêrusalem lại bừng sáng, nơi thu hút muôn dân, vì có Chúa là ánh sáng đang ngự đó.

Đây là mơ ước của tiên tri Isaia, nhưng Giêrusalem đâu có được đúng như Isaia mơ ước. Giêrusalem đích thực, chính là Hội thánh được Đức Giêsu thiết lập. Mọi dân tộc trên địa cầu sẽ thâu họp lại bởi Hội thánh và trong Hội thánh để trở thành Dân Thiên Chúa.

+ Bài đọc 2 : Ep 3,2-6

Trong đoạn thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô, Ngài cho biết Thiên Chúa ủy thác cho Ngài loan báo cho họ biết một mầu nhiệm đã được giữ kín từ lâu mà nay Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mạc khải cho các Tông đồ và ngôn sứ của Ngài. Mầu nhiệm đó là : hết mọi dân trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

Chính Đức Kitô đã mặc khải mầu nhiệm sâu kín đó cho các môn đệ và trao cho các ông loan báo cho toàn thế giới biết. Kể từ đó, mọi dân nước đều được mời gọi trở thành Dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là :”Thân thể của Chúa”.

+ Bài Tin mừng : Mt 2,1-12

Thánh Matthêu cho chúng ta biết : Khi Đức Giêsu sinh ra tại Belem, miền Giuđê, có mấy vị chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế qua sự xuất hiện của ngôi sao lạ. Nhiều người gọi những nhà chiêm tinh này là những “đạo sĩ”. Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon, phía đông xứ Palestine. Họ tin tưởng rằng, ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng Cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao chỉ dẫn và tìm đến Đấng Cứu thế mà dân Do thái đang mong chờ.
Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi họ không khỏi gặp những gian lao thử thách, nhất là lúc ngôi sao vụt tắt khi các ông đến Giêrusalem. Nhưng nhờ sợ kiên trì và can đảm, ánh sao đã xuất hiện lại và đã dẫn họ đến chiêm bái Chúa Cứu thế.

Như thế, những người ngoại quốc tức thế giới ngoại giáo đã khám phá ra Đức Kitô, trong khi những người Do thái, tuy đã được các tiên tri báo trước, vẫn có thái độ dửng dưng hiềm thù và từ chối Đấng Cứu thế. Như thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Sức mạnh của một cây nến

I. HAI NGÀY LỄ SONG SONG

Hiện nay trong nhiều quốc gia, lễ Hiển Linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng Sinh. Sở dĩ như thế là vì lễ Hiển linh là lễ Chúa Giêsu xuống thế và tỏ mình ra với dân ngoại. Sự che giấu đã được thố lộ, sự gì ẩn khuất đã được trình bầy. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh là hai lễ song song. Cũng như lễ Giáng sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt với những người Do thái, thì lễ Hiển linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại. Vì thế, lễ này được gọi là “Lễ của Chư Dân”.

Ngày xưa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, ngày nay Chúa còn hiển linh cho chúng ta không ? Chắc chắn là còn, nhưng bằng những cách khác nhau và đơn sơ hơn qua những dấu chỉ thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần có đức tin mới nhìn thấy chân lý, mới có được thái độ của ba nhà đạo sĩ là phủ phục thờ lạy và tiến dâng của lễ cho Chúa Hài Nhi.

II. CÁC ĐẠO SĨ ĐI TÌM CHÚA

1. Các “đạo sĩ” là ai ?

Người ta cho rằng các “đạo sĩ” (magi) là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Có người lại cho rằng “đạo sĩ” là tên gọi các Tư tế Ba tư, nhưng thời kỳ bị Hy lạp đô hộ, đạo sĩ là tên gọi những người Đông phương hiểu biết khoa chiêm tinh. Dựa theo lễ vật, người ta đoán có ba đạo sĩ đến gặp Hài nhi Giêsu.

Đối với chúng ta , dường như việc các đạo sĩ từ Đông phương lên đường đi tìm vua là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng, ngay lúc Chúa Giêsu Giáng sinh, trong thế giới bấy giờ cũng có những sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến. Về điều này sử gia Suetonus của La mã đã viết :”Khắp Đông phương có một niềm tin phổ thông rằng vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế gian”.

Còn Josephus, sử gia Do thái viết :”Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện các Magi đến nơi máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó đã là biến cố đã xẩy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang tha thiết trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa, sự khát khao Thiên Chúa nung nấu lòng người. Họ đã khám phá ra rằng mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến một thế gian đang khắc khoải mong đợi và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Chúa Giêsu”.

2. Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi

Nhà đại thiên văn Képler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng :”Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau. Năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng”. Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi ?

“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông”(Mt 2,2). Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do thái (Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 96).

Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Ngài cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu tinh. Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách , nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Nhưng Chúa lại thương cho ngôi sao xuất hiện để hướng dẫn các ông đi triều bái Chúa Hài nhi.

3. Lễ vật dâng Chúa Hài nhi

Khi ngôi sao dừng lại trên nhà Hài nhi “các ông vào nhà, thấy Hài nhi với Thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lậy Người. Rồi họ mở bao tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(Mt 2,11-12).

Những lễ vật này đều có ý nghĩa tượng trưng.

a) Vàng : Ông Seneca cho biết chẳng ai vào chầu vua mà không có lễ vật. Ngày xưa người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Cũng vậy, Chúa Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng không phải cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu và phục vụ.

b) Nhũ hương : Ngày xưa, người ta dùng nhũ hương trong việc phụng tự và trong việc dâng lễ vật. Hương thơm và làn khói bay lên trời cao, khiến họ liên tưởng đến thần linh, đến Thiên Chúa. Vì thế, món quà bằng nhũ hương tượng trưng cho thần tính của Đức Giêsu. Chức vụ tư tế sẽ là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa.

c) Mộc dược : ngày xưa, người ta dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi đem đi mai táng. Vì thế, món quà bằng mộc dược tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Nó nói với chúng ta rằng Đức Giêsu cũng có những yếu đuối, mỏng dòn, dễ bị thương tổn vì Ngài là người như chúng ta.

III. LỄ HIỂN LINH VÀ CHÚNG TA

1. Cuộc hành trình đức tin

Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm : có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.

Nhưng đức tin của chúng ta phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói :”Đức tin không có việc làm là một đức tin chết”. Nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ lòng tin.

Đức hồng y Fulton Sheen khẳng định :”Để trắc nghiệm đức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng trước đau khổ và thử thách, chứ không phải là lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió”.

Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục , tôn thờ.

2. Món quà dâng Chúa

Các đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi 3 lễ vật : vàng, nhũ hương và mộc dược, lễ vật chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Những lễ vật này chỉ là dấu hiệu biểu lộ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài nhi, còn phía chúng ta, Chúa cần những lễ vật cao qúi hơn, đó chính là tấm lòng chúng ta, cả con người chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả.

Truyện : Vị đạo sĩ thứ tư.
Văn sĩ Koergensen, người Đan mạch, đã nghĩ ra một câu chuyện minh hoạ cho thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài.

Bởi vì trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc qúi giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai thương lượng với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng, khi đến Belem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.

Đến khi gặp Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông :”Con đã dâng cho Ta món quà qúi giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.

3. Hãy là một ánh sao

a) Hiển linh và truyền giáo

Lễ Hiển linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu thế ; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.

Những gì được Đức Giêsu khởi sự trong thời của Ngài thì cũng phải được chúng ta tiếp tục trong thời của chúng ta. Nếu Đức Giêsu phải được rao giảng cho mọi dân mọi nước, thì việc rao giảng đó phải được thực hiện bằng chính những cố gắng của chúng ta. Chúng ta phải loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới biết “Tin Mừng” này là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác thịt và sống giữa chúng ta. Chúng ta phải nói cho họ biết rằng Đức Giêsu đã đi vào lịch sử, không phải chỉ để cứu độ người Do thái vào thời của Ngài, mà cứu độ tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia trong mọi thời đại nữa.

b) Hãy là ánh sáng trần gian.

Chúa Giêsu đã bảo chúng ta :”Các con là ánh sáng trần gian”(Mt 5,14) thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Nếu thế gian đang đi trong bóng tối của giả dối, hận thù ; chúng ta hãy là những ánh sao chân thành, phục vụ và yêu thương.
Nếu thế gian đang chìm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng ; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng : nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.

Truyện : Ánh sáng lan tỏa.
Truyện cổ của người Phi châu có một câu chuyện rất hay :
Một cụ già nọ có ba người con trai, ông yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy không xuất thân từ gia đình giầu có nhưng với sự khôn ngoan và cần cù làm việc, ông đã tậu được những mảnh đất rất phì nhiêu. Khi đã về già, biết mình đã gần đất xa trời, ông muốn để phần gia tài cho người con nào thông minh và khôn ngoan.

Một hôm, đang trên giường bệnh, ông nghĩ ra một cách thử xem ai là người thông minh và khôn ngoan nhất. Ông gọi ba người con đến trao cho mỗi người 5 đồng và bảo họ đi mua bất cứ cái gì có thể làm đầy trong phòng khách gần như trống rỗng. Mỗi người nhận tiền rồi ra đi.

Người con trưởng nghĩ là việc quá dễ dàng nên ra chợ mua ngay một bó rơm với giá 5 đồng. Người con thứ hai sau một lúc suy nghĩ liền vào tiệm mua một túi lông gà với những mầu sắc trông rất đẹp mắt. Còn người con út chậm rải đi khắp các cửa tiệm vừa đi vừa suy nghĩ đắn đo. Một lúc sau mắt cậu sáng lên, cậu đã tìm ra vật vừa rẻ tiền lại vừa đẹp ý cha mình. Cậu bước vào một tiệm nhỏ bé và hỏi mua một cây nến với một bao diêm. Cậu sung sướng trở về nhà, trong lòng phân vân không biết hai anh đã mua những gì rồi.

Ngày hôm sau, cả ba người con đến bên giường của cha, mỗi người đem theo những gì đã mua được với 5 đồng. Người con cả đem bó rơm trải trên sàn nhà, nhưng chỉ đủ phủ kín một góc phòng mà thôi. Người con thứ mở túi lông gà nhiều mầu sắc, nhưng cũng chỉ đủ rải rác qua loa. Người cha nhìn hai người con lớn với nét mặt buồn buồn, rồi ông quay sang hỏi người con út xem đã mua được cái gì khá hơn chăng ? Cậu bé rút ra cây nến với bao diêm. Bật diêm lên đốt, vừa đốt cây nến lên lập tức ánh sáng phủ đầy khắp căn phòng.

Cha với hai anh mỉm cười nhìn cậu sung sướng, cha cậu rất hài lòng với sự lựa chọn của cậu út. Ông chia phần gia tài lớn nhất cho cậu, bởi vì ông hiểu rằng cậu là người thông minh hơn cả, sẽ biết tận dụng gia tài để lại cho cậu.

Câu chuyện cổ của người Phi châu này giúp ta chúng ta nghĩ đến vai trò của ánh sáng. Chúa Giêsu là ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Đã là ánh sáng thì phải lan tỏa khắp nơi. Người tín hữu Kitô phải đem ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Hãy thắp lên một tia sáng tình thương đầy hy vọng cho những người chung quanh chúng ta.

c) Ít ra là một ngọn nến nhỏ

Nếu chúng ta thấy mình yếu đuối, kém cỏi làm sao có thể là ánh sáng chiếu toả và soi sáng cho những người chung quanh, thì ít ra chúng ta cố gắng trở thành một ngọn nến nhỏ soi sáng trong đêm tối. Ngọn nến nhỏ của chúng ta cứ việc chiếu sáng trong đêm tối, còn việc chiếu sáng đến mức nào, việc ấy ta để dành cho Chúa. Với sự trợ giúp của ơn Chúa, ngọn nến của đời ta sẽ có thể chiếu sáng rộng rãi.

Truyện : Sứ mệnh của một ngọn nến nhỏ.
Vào một đêm mưa rào, ngọn đèn hải đăng bị mất điện tắt ngúm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt lên một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên. Bấy giờ cây nến mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng :
- Ông đem tôi đi đâu vậy ?
Ông ta trả lời :
- Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.
Cây nến lại nói :
- Nhưng tôi chỉ là cây nến nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi đdược ?
Người phụ trách trả lời :
- Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.
Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể sử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an tòan.

Mỗi người chúng ta cũng là một cây nến nhỏ trong bàn tay Chúa quan phòng. Bổn phận của chúng ta là phải làm hết khả năng Chúa ban và phó thác kết quả vào trong tay Chúa định liệu.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về câu nói của L. Éliot :
Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao
Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.

Đức Gioan Phaolô II trong giáo lý năm thánh 2000 có viết :”Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thú ba, sẽ có một cuộc hiển linh trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.
 
Hành trình ''Đông Du'' của các nhà đạo sĩ
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
08:07 06/01/2012
Khi đọc tác phẩm Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân, nhiều người tỏ ra cảm phục trước ý chí vượt khó diệu kỳ của thầy trò Đường Tăng. Quả vậy, để đến được núi Tây Thi thỉnh Kinh Phật, họ đã phải trãi qua một cuộc hành trình dài với bao nhiêu chông gai thử thách. Đường xa vạn dặm, lại thêm vô vàn cạm bẫy của đủ thứ yêu ma quỉ quái khiến cho cả 4 thầy trò nhiều phen muốn bỏ cuộc. Hành trình “Tây du” đó thực sự là một cuộc thử thách của cả lý trí (biểu tượng qua nhân vật Tôn Ngộ Không) lẫn con tim (biểu tượng qua nhân vật Tam Tạng).

Đọc lại trình thuật Tin mừng Mathêu, chúng ta thấy hành trình “Đông du” của ba nhà đạo sĩ cũng không kém phần gian truân. Nhưng đó cũng là một hành trình rất đẹp. Để có thể triều yết Đấng mà họ gọi là Đại Vương, Vua Dân Dothái, họ đã phải vượt qua một chặng đường dài thăm thẳm. Dĩ nhiên đấy là một cuộc hành trình có thật, chứ không phải do tác giả hư cấu như hành trình của thầy trò Đường Tăng. Ở đây ta thấy hành trình của các đạo sĩ quả là một hành trình của lý trí, của con tim và của đức tin.

- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của lý trí khám phá.

Là những nhà Thiên văn, các nhà đạo sĩ đã biết dùng những kiến thức của mình để khám phá những dấu chỉ của điềm trời, đặt biệt là ánh sao chiếu mệnh. Họ đã biết sử dụng chất xám để nghiên cứu các hiện tượng lạ trong thiên nhiên, trong vũ trụ. Và chỉ có họ mới phát hiện ra ánh sao lạ, bởi lý trí của họ đã được dùng đúng nơi đúng chổ, nhằm phục vụ cho chân lý, chứ không phải để phục vụ cho danh lợi thú đời này như Hêrôđê, như các Luật sĩ và Biệt phái. Đặc biệt là trong thời đại ngày hôm nay, rất nhiều người sử dụng lý trí của mình không đúng mục đích. Thậm chí còn sử dụng để phục vụ cho những ý đồ đen tối, thay vì để phục cho công lý, cho sự thật và đem lại lợi ích cho đồng loại. Các đạo tặc tìm kiếm những chiêu thức nhằm lường gạt và hãm hại người khác. Các gian thương tìm cách làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; các tin tặc tạo ra các loại vi rút máy tính phá hoại các chương trình, các dữ liệu; các nhà khoa học vô lương tâm sáng chế ra các thứ vũ khí huỷ diệt hàng loạt….

Trong bối cảnh xã hội như thế, các nhà đạo sĩ là điểm son cho chúng ta noi theo trong việc sử dụng đúng đắn lý trí của mình.

- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của con tim khao khát.

Con tim khao khát tìm kiếm Chân Lý. Con tim thao thức dấn thân lên đường tìm gặp Sự Thật. Điều này không có nơi Hêrôđê và có rất ít nơi dân thành Giêrusalem và những người Luật sĩ, Biệt phái.

Vì khao khát tìm kiếm chân lý nên họ sẵn sàng bỏ lại tất cả: gia đình vợ con, quê hương xứ sở, nhà cửa sự nghiệp,… để lên đường theo ánh sao lạ. Vì khao khát kiếm tìm sự thật, nên họ bất chấp tất cả: đường xá hiểm nguy, núi rừng cách trở, thử thách đợi chờ. Thật đáng khâm phục. Họ ra đi mà không biết sẽ đi đến đâu. Họ ra đi mà không biết ngày nào trở lại, tựa như Abraham ngày xưa vậy. Chính tình yêu đối với vị “Chánh Vương” là động cơ thôi thúc họ thượng lộ khẩn trương. Đúng như lời quả quyết của thánh Phaolô sau này: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của đức tin soi dẫn.

Khi thấy sao lạ xuất hiện, đức tin đã mách bảo cho các ông biết có Đại Vương, có Đấng Cứu Tinh xuất hiện. Khi ánh sao biến mất, đức tin đã chỉ lối cho các ông tìm đến với Giêrusalem – Kinh đô của Kinh Thánh để được tham vấn. Khi đối diện với một hài nhi nghèo hèn nằm trong máng cỏ, theo lý trí tự nhiên không ai dám mạnh dạn tuyên xưng đó là Con Thiên Chúa, nhưng đức tin đã soi sáng cho các ông nhận ra đó chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Và cũng chính đức tin đã biến đổi cuộc đời họ. Họ đã trở thành những vị tông đồ đích thực của Đấng Thiên Sai Giêsu. Theo khẩu truyền, ba nhà đạo sĩ đã đi giảng đạo tới tận trời Tây, và hiện nay một ngôi mộ được coi là của ba nhà đạo sĩ ấy, vốn rất được nhiều người kính viếng ở thành Phố Cologne, bên bờ sông Rhin, nước Đức.

Như vậy, rõ ràng hành trình của các đạo sĩ không chỉ là hành trình của lý trí khám phá, của con tim khao khát, mà còn là hành trình của đức tin soi dẫn. Vì nếu không có đức tin soi dẫn thì có lẽ họ đã lạc lối, và bỏ cuộc khi gặp thử thách. Nếu không có đức tin mách bảo thì có lẽ họ đã không nhận ra một trẻ thơ nghèo hèn là một bậc Đế Vương, là một vị Cứu Chúa. Và nếu không có đức tin soi sáng, chắc chắn họ không dại gì phải sụp lạy trước một hài nhi bé bỏng yếu ớt, càng không dại gì phải uổng phí những lễ vật quí báu của mình, nếu họ không tin nhận đó là Vị Cứu Tinh của họ. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, từ ngữ “sụp lạy” ám chỉ một sự qui phục chỉ dành cho Thiên Chúa.

Phần tôi thì sao ? Tôi đang sử dụng lý trí của mình, kiến thức của mình thế nào ? Con tim của tôi đã đặt đúng chổ chưa ? Tôi thường yêu mến, thường khao khát những gì ? Có phải là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”; hay chỉ là tiền tài, danh vọng, sắc dục và những thú vui hưởng thụ đời này ? Trong hành trình dương thế của tôi, đức tin đóng vai trò nào ? Tôi có coi trọng và biết cầu xin ơn đức tin mỗi ngày, nhất là trong những lúc gặp thử thách, gặp bế tắc trong cuộc sống hay không ?

Ước gì gương của ba nhà đạo sĩ luôn được chúng ta soi nhìn. Để trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta luôn đi đúng đường, đúng hướng và đạt tới cùng đích mà chúng ta mong ước. Đó là Nước Chúa, nơi Đức Kitô đang đợi chờ chúng ta. Amen.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:47 06/01/2012
N2T

4. Cừu ăn cỏ, cỏ không thể chết mà còn lớn mạnh; người ác đau khổ đến chết trong hỏa ngục, nhưng không thể chết, gốc rễ của sự sống vẫn tồn tại.

(Thánh Bernard)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:49 06/01/2012
LÀM CHA RỒI
Nơi ngài, người ta có thể thấy cuộc đời của ngài được biến đổi như sau:
Khi còn là chủng sinh: cuộc sống khép nép, dễ thương, giáo dân ai cũng mến.
Khi còn làm phó tế: tiếng nói có hơi cao, mặt ngước cao, có khoảng cách với giáo dân.
Sau khi chịu chức linh mục: ăn nói bạt mạng, quên mất phép lịch sự căn bản, tính tình lúc nóng lúc lạnh vì kiêu ngạo, giáo dân tránh mặt ngài.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Caritas Hàn Quốc: ''Sự căng thẳng chính trị không thể ngưng viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên”
Nguyễn Trọng Đa
10:50 06/01/2012
Caritas Hàn Quốc: "Sự căng thẳng chính trị không thể ngưng viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên”

Seoul - "Chúng tôi hy vọng rằng các căng thẳng chính trị không thể ngưng việc viện trợ nhân đạo ở CHDCND Triều Tiên cho hàng triệu người bị đói", linh mục Gerard Hammond, Dòng Truyền giáo Maryknoll (MM), Giám đốc các Chương trình cho Bắc Triều Tiên trong Caritas Hàn Quốc, nói với hãng tin Fides.

Nhà truyền giáo này, đã thăm CHDCND Triều Tiên 30 lần kể từ thập niên 1990, nói: “Trong mùa này, cuộc khủng hoảng trở nên gay gắt hơn và sự viện trợ càng cấp bách hơn". Caritas Hàn Quốc đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế về hàng triệu người đau khổ ở Bắc Triều Tiên, trong khi thế giới tập trung vào các thách thức và các thay đổi có thể diễn ra ở Bắc Triều Tiên, với chính phủ mới của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un.

Trong những ngày qua, Caritas Internationalis đã đưa ra lời kêu gọi, trong đó Caritas kêu gọi cộng đồng quốc tế "đừng bỏ quên hàng triệu người bị đói ở quốc gia châu Á này". Lũ lụt, mùa đông khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng nông nghiệp kém cõi và giá lương thực tăng cao đã làm cho 2 / 3 dân số (tổng cộng 24,5 triệu người) không có đủ thức ăn.

Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Tổng thư ký Caritas Internationalis, ông Michel Roy, đã tổ chức một cuộc họp ở Seoul, để thảo luận về khủng hoảng lương thực ở Bắc Triều Tiên và vạch các chiến lược can thiệp. Ông nói: “Tình trạng suy dinh dưỡng đã làm cho nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi sa sút sức khoẻ trầm trọng, đến khi một cuộc khủng hoảng mới xảy đến, tác động của nó thậm chí còn nguy hiểm hơn. Điều bắt buộc nhân đạo là rằng người dân Bắc Triều Tiên nhận được viện trợ, và không phải làm con tin cho tình hình địa chính trị". Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), chỉ có 6% các gia đình ở miền Bắc có sự tiêu thụ thực phẩm chấp nhận được.

Linh mục Hammond Fides nhận xét với hãng tin Fides: “Caritas Hàn Quốc đi theo chương trình liên quan đến viện trợ nhân đạo, an ninh lương thực, y tế, chú ý đến ba loại người dễ bị tổn thương nhất: phụ nữ, trẻ em và người già". Cha Hammond hy vọng rằng "cộng đồng quốc tế quan tâm đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền Bắc Triều Tiên", và rằng "viện trợ cho những người chịu đau khổ vì đói không thể bị chính trị hoá". Một phái bộ Caritas cho Bắc Triều Tiên sẽ được tổ chức có thể là vào mùa xuân năm 2012. (Agenzia Fides 5-1-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đã chọn ĐTGM Thomas Collins của Toronto vào Hồng Y Đoàn
Dominic David Trần
11:17 06/01/2012
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đã chọn ĐTGM Thomas Collins của Toronto vào Hồng Y Đoàn

Toronto ngày 06/01/2012 Tiếp ngay sau Thánh Lễ ban Sáng tại Điện Vatican: Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Bênedictô 16 đã tuyên bố rằng Đức Cha Thomas Christopher Collins, đương nhiệm Tổng Giám Mục TGP Toronto, sẽ được vinh thăng và tuyển chọn vào Hồng Y Đoàn của Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ, là một hội đồng quốc tế gồm những cố vấn chính của Đức Giáo Hoàng.

Phát biểu cảm tưởng về tin vui vinh phong này, ĐTGM Thomas Collins chia xẻ; " Cá nhân tôi thật cảm thấy vinh hạnh vì được Đức Thánh Cha kêu gọi và chọn tôi làm một thành viên của Hồng Y Đoàn. Xin trân trọng tri ân Đức Thánh Cha Benedicto 16 vì sự tin tưởng mà ngài đã dành cho tôi, và tôi cũng nhận thức được rằng vinh dự vào Hồng Y Đoàn lần này nhu là một dấu chỉ cho thấy Đức Thánh Cha đánh giá cao vai trò của Canada và của cách riêng Tổng Giáo Phận Toronto trong lòng Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ. Tôi tha thiết yêu cầu tất cả dân Chúa trong Tổng Giáo Phận Toronto mà tôi đang được phục vụ trong nhiệm vụ Giám Mục và cũng xin tất cả mọi công dân Canada trong Tổng Giáo Phận Toronto cầu nguyện cho tất cả các giáo sĩ tu sĩ và thừa tác viên hiện đang hầu việc nhà Chúa trong Giáo Hội. Sau cùng xin mọi người cầu nguyện cách riêng cho cá nhân tôi trong nhiệm vụ mới."

Đức tân Hồng Y Thomas Collins sanh ra và lớn lên tại thành phố Guelph, nơi hiện có khá đông cộng đồng và giáo dân Canada gốc Việt Nam sinh sống. Ngài được truyền chức Linh Mục vào năm 1973. Đức Chân phước cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ Nhị đã chọn ngài làm Giám Mục Giáo Phận St. Paul ở Alberta năm 1997 và vinh thăng Tổng Giám Mục TGP Edmonton Alberta, miền Tây Canada vào năm 1999. Sau đó Đức Giáo Hoàng Đương nhiệm đã bổ nhiệm ĐTGM Thomas Collins từ TGP Edmonton về làm Tổng Giám Mục đời thứ 10 của TGP Toronto, Ontario vào ngày 16/12/2006.

Mật Nghị chính thức (formal consistory, của Giáo Triều tức là Công nghị lập và tuyển cử Hồng Y Đoàn sẽ tiến hành trong 02 ngày 18 và 19 tháng Hai 2012 tại Giáo đô Rôma. Đức Hồng Y tân cử vừa mới được chỉ định là Đức Cha Thomas Christopher Collins, sẽ trở thành vị Hồng Y Công Giáo thứ tư trong lịch sử 110 năm của TGP Toronto và là vĩ Hồng Y thứ 16 được tuyển chọn trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Canada.

Hồng Y Đoàn Công Giáo Hoàn vũ được triệu tập theo ý của Đức Thánh Cha để thảo luận các vấn đề sinh tử quan trọng của Giáo Hội. Phần lớn các vị Hồng Y là thành viên phục vụ trong các Uỷ Ban đặc trách hay chuyên trách các vấn đề cơ mật và quan trọng của Giáo Hội. Khi ngôi vị Giáo Hoàng khuyết vị (tức là khi Đức Giáo Hoàng đương nhiệm mất đi) thì tất cả các Đức Hồng Y có tuổi đời ở dưới 80 tuổi thuộc về cử tri đoàn - sẽ vể giáo đô Rôma tham dự phiên họp đặc biệt kín và mật gọi là Mật Nghị Hồng Y Đoàn (conclave) để bầu chọn một vị Giáo Hoàng mới.

Tổng Giáo Phận Toronto là Giáo Phận Công Giáo lớn nhất của Canada, với lãnh thổ trải dài từ Vịnh Georgian ở phía Bắc Toronto đến thành phố Oshawa ở phía Đông (hiện là giáo khu của ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu) và đô thị Mississauga ở phía Tây. Tổng Giáo Phận Toronto là nhà của hơn 1,900,000.00 giáo dân Công Giáo và 225 Giáo Xứ với các Thánh Lễ hàng tuần được phụng vụ bởi hơn 30 ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Việt Nam.
 
Bài Giáo Lý của ĐTC: Mầu Nhiệm vui mừng và ánh sáng
Phaolô Phạm Xuân Khôi
07:31 06/01/2012
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý về Mùa Giáng Sinh của ĐTC Bênêđictô XVI, được ban hành trong buổi Triều Yết Chung, ngày Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012, bằng Tiếng Ý, tại Đại Sảnh Phaolô VI.

Sự ra đời của Chúa: Mầu Nhiệm vui mừng và ánh sáng


Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chào đón anh chị em trong buổi triều yết chung đầu tiên của năm mới này với tất cả tâm hồn tôi, cùng thân ái cầu chúc anh chị em và gia đình mọi sự tốt đẹp: Thiên Chúa trong sự ra đời của Đức Kitô, Con Ngài đã đổ tràn đầy thế giới với niềm vui, và những việc làm chung trong hòa bình. Chúng ta đang ở trong mùa phụng vụ Giáng Sinh, bắt đầu từ tối ngày 24 tháng 12 với Lễ Vọng Giáng Sinh và kết thúc với việc cử hành lễ Chúa Phép Rửa.

Trong những ngày ngắn ngủi ấy lại có nhiều Mầu Nhiệm và cử hành tất cả được quy tụ chung quanh hai Đại Lễ của Chúa: Lễ Giáng sinh và Lễ Hiển Linh. Chính tên của hai lễ này cho thấy các đặc tính tương ứng. Giáng Sinh kỷ niệm sự kiện lịch sử của việc Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem. Lễ Hiển Linh, được thành lập ở Đông Phương, cho thấy một thực tại, nhưng nhất là một khía cạnh của mầu nhiệm: Thiên Chúa được mặc khải trong nhân tính của Đức Kitô và đó là ý nghĩa của động từ Hy Lạp epiphaino, trở nên hữu hình. Trong viễn cảnh ấy, Lễ Hiển Linh nhắc lại một số biến cố mà đối tượng là sự tỏ mình ra của Chúa, đặc biệt là việc thờ kính của Các Đạo Sĩ, những người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng cả Phép Rửa trong sông Giođăng với việc thần hiện – tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao – và phép lạ ở tiệc cưới tại Cana, là “dấu chỉ” đầu tiên của Đức Kitô. Một điệp ca xinh đẹp của Phụng Vụ các Giờ Kinh kết hợp ba biến cố quanh chủ đề tiệc cưới giữa Đức Kitô và Hội Thánh: “Hôm nay Hội Thánh được kết hợp cùng Hiền Phu trên trời của mình, vì Đức Kitô trong sông Giođăng đã rửa sạch tội lỗi của Hội Thánh; Các Đạo Sĩ chạy đến với những quà tặng đám cưới, và quan khách vui mừng thấy nước biến thành rượu” (Điệp Ca Kinh Sáng). Chúng ta gần như có thể nói rằng Lễ Giáng Snh nhấn mạnh đến sự tàng ẩn của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ của điều kiện con người, trong Hài Nhi ở Bethlehem. Tuy nhiên, Lễ Hiển Linh cho thấy sự tỏ Mình ra của Ngài, sự xuất hiện của Thiên Chúa qua cùng một bản tính nhân loại này.

Trong bài giáo lý này, tôi muốn nhắc lại cách ngắn gọn một số chủ đề về lễ Giáng sinh để mỗi người trong chúng ta có thể uống từ các nguồn vô tận của Mầu Nhiệm này và mang lại hoa trái sự sống.

Trước hết, chúng ta hỏi: phản ứng đầu tiên về hành động phi thường này của Thiên Chúa là Đấng trở thành một Hài Nhi, trở thành một người là gì? Tôi nghĩ rằng phản ứng đầu tiên không thể là gì khác hơn niềm vui. “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra”: như thế Thánh Lễ đêm Giáng Sinh đã bắt đầu, và chúng ta vừa nghe những lời của thiên sứ nói cùng các mục đồng: “Này đây, tôi đem đến cho anh em một tin mừng cả thể” (Lc 2,10). Và đó “là chủ đề mở đầu Tin Mừng, và chủ đề kết thúc Tin Mừng bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh trách các tông đồ vì các ông buồn rầu (x. Lc 24:17) – không phù hợp với sự thể rằng Người là người mãi mãi. Nhưng chúng ta hãy bước lên một bước: niềm vui này ở đâu? Tôi phải nói rằng nó phát xuất từ sự kinh ngạc của con tim khi thấy cách thức Thiên Chúa ở gần chúng ta, như Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta, Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử thế nào, và như thế đó là một niềm vui đến từ việc chiêm ngắm khuôn mặt của Hài Nhi bé mọn bởi vì chúng ta biết rằng Hài Nhi này là Khuôn Mặt Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong nhân loại, cho chúng ta và với chúng ta. Lễ Giáng Sinh là niềm vui bởi vì chúng ta thấy và cuối cùng tin chắc rằng Thiên Chúa là sự tốt lành, sự sống và sự thật của con người, và Ngài tự hạ xuống với con người, để nâng họ lên với Ngài: Thiên Chúa trở nên rất gần mà chúng ta có thể thấy và động đến Người. Hội Thánh chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm khôn tả này và những bản văn phụng vụ của thời gian này tràn đầy sự kinh ngạc và niềm vui, cùng tất cả các bài hát Giáng Sinh bày tỏ niềm vui này. Lễ Giáng Sinh là điểm mà trời đất được kết hợp với nhau; và những lời công bố khác nhau mà chúng ta nghe những ngày này nhấn mạnh sự trọng đại của những gì đã xảy ra: khoảng cách – Thiên Chúa dường như ở rất xa – đã trở thành gần gũi. Thánh Lêo Cả nói: “Đấng không thể tiếp cận được lại có thể đến gần được, Đấng hiện hữu trước thời gian bắt đầu ở trong thời gian, Chúa Tể vũ trụ, che giấu sự cao cả của uy nghi của Ngài, đã mặc hình dạng của một tôi tớ”- (Bài giảng 2 về Giáng sinh, 2,1). Trong Hài Nhi này, cần mọi sự như tất cả những hài nhi khác, lại có những gì thuộc về Thiên Chúa là: sự vĩnh cửu, quyền năng, sự thánh thiện, sự sống và niềm vui, được kết hợp với những gì thuộc về chúng ta là: sự yếu đuối, tội lỗi, đau khổ và sự chết.

Nền thần học và linh đạo của Giáng sinh diễn tả sự kiện này bằng một thành ngữ, nói về admirable commercium, đó là một sự trao đổi kỳ diệu giữa thiên tính và nhân tính. Thánh Athanasiô thành Alexandria nói: “Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta thành Thiên Chúa” (De Incarnatio, 54, 3: 25 PG, 192), nhưng trên hết với Thánh Lêo Cả và Bài Giảng về Lễ Giáng Sinh nổi tiếng của ngài thực sự trở thành đối tượng suy niệm sâu xa. Thực ra, Vị Thánh Giáo Hoàng nói: “Nếu chúng ta nại đến việc hạ mình không thể nói ra được của lòng thương xót của Thiên Chúa là điều đưa người ta trở thành Hóa Công của con người, nó sẽ nâng chúng ta lên bản chất của Đấng mà chúng ta thờ phượng trong mình” (Bài Giảng 8 về Giáng Sinh: CCL 138,139). Hành động đầu tiên của sự trao đổi kỳ diệu ấy trong chính nhân tính là công trình của Đức Kitô. Ngôi Lời mặc lấy nhân tính của chúng ta và, đến lượt, nhân tính được nâng lên phẩm cách của Thiên Chúa. Hành động thứ nhì của việc trao đổi bao bao gồm việc thông phần thực sự và mật thiết của chúng ta vào thiên tính của Ngôi Lời. Thánh Phaolô nói: “khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, sinh ra bởi một người phụ nữ, và dưới Lề Luật, để cứu chuộc những ai sống dưới Lề Luật, cho chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4,4-5). Vì vậy, Lễ Giáng Sinh là lễ mà trong đó Thiên Chúa trở thành con người quá gần gũi để chia sẻ chính tác động được sinh ra của Mình, để mặc khải cho con người về nhân phẩm của họ một cách sâu sắc hơn: đó là phẩm giá của một người con Thiên Chúa. Và như vậy giấc mơ của nhân loại được bắt đầu ở Vườn Địa Đàng – chúng ta muốn nên giống Thiên Chúa – được thực hiện một cách bất ngờ không phải nhờ sự vĩ đại của con người, là kẻ không thể là Thiên Chúa, nhưng nhờ sự khiêm nhường của việc Thiên Chúa xuống và do đó nhập vào với chúng ta trong sự khiêm tốn của Người, và nâng chúng ta lên đến sự cao cả thật sự của Người. Công đồng Vatican II nói về điều này rằng: “Thật ra, chỉ trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm về con người mới thật sự trở nên rõ ràng” (Gaudium et Spes, 22), nếu không nó vẫn là một bí ẩn: tạo vật con người này có ý nghĩa gì? Chỉ khi thấy rằng Thiên Chúa ở với chúng ta thì chúng ta có thể thấy một ánh sáng về con người của mình, để làm người, để được hạnh phúc và sống với niềm tin và niềm vui. Và sự trao đổi cao cả này hiện diện một cách thật sự ở đâu, bởi vì nó hoạt động trong cuộc đời của chúng ta và làm cho nó thành cuộc sống con cái thật của Thiên Chúa? Nó trở nên rất cụ thể trong Bí Tích Thánh Thể. Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa những gì là của chúng ta: bánh và rượu, hoa mầu ruộng đất, bởi vì Người chấp nhận chúng và biến đổi chúng bằng cách trao ban cho chính mình Người làm lương thực cho chúng ta, để khi rước Mình và Máu Thánh Người chúng ta được thông phần sự sống thần linh của Người.

Cuối cùng, tôi muốn nói về một khía cạnh khác của Giáng Sinh. Khi các thiên sứ của Chúa hiện ra với các mục đồng trong đêm Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thánh sử Luca ghi chú rằng “vinh quang Chúa bao bọc họ” (2:9), và Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan nói về Ngôi Lời nhập thể như ánh sáng thật đến thế gian, ánh sáng có khả năng chiếu soi mọi người (x. Ga 1:9). Phụng vụ Giáng Sinh tràn đầy ánh sáng. Việc Đức Kitô đến xua tan bóng tối của thế gani, tràn ngập đêm thánh bằng ánh sáng Thiên Cung và chiếu tỏa trên gương mặt con người vinh quang của Thiên Chúa Cha. Ngay cả ngày nay. Được bao bọc bởi ánh sáng của Đức Kitô, phụng vụ Giáng sinh tha thiết mời gọi chúng ta để cho tâm trí và trái tim mình được soi sáng bởi Thiên Chúa, là Đấng đã cho thấy sự rạng ngời của dung nhan Người. Kinh Tiền Tụng của Lễ Giáng Sinh công bố: “Vì nhờ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, một luồng sáng mới từ vinh quang Chúa chiếu rọi vào tâm trí chúng con, để khi nhận biết Thiên Chúa xuất hiện hữu hình, và nhờ Người lôi cuốn, mà chúng con yêu mến Ðấng vô hình.” Trong Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, sau khi nói và can thiệp vào lịch sử qua các sứ giả và các dấu chỉ, “đã xuất hiện”, được phát sinh từ ánh sáng không thể đến gần được của Người để chiếu sáng thế gian.

Trong Lễ Hiển Linh, ngày 6 tháng Giêng, mà chúng ta sẽ cử hành trong một vài ngày nữa, Hội Thánh đề nghị một đoạn văn rất ý ghĩa của ngôn sứ Isaia: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60,1-3). Và đó là một lời mời gọi dành cho Hội Thánh, cộng đồng của Đức Kitô, nhưng cũng dành cho mỗi người chúng ta để có ý thức sống động hơn về sứ vụ và trách nhiệm đối với thế gian trong việc làm nhân chứng và đem ánh sáng mới của Tin Mừng vào thế gian. Ở đầu Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II có những lời sau: “Vì Ánh sáng muôn dân là chính Đức Kitô, nên Thánh Công Đồng, đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần, hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Hội Thánh bằng việc rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (số 1). Tin Mừng là ánh sáng không được che giấu, nhưng đặt trên giá. Hội Thánh không phải là ánh sáng, nhưng nhận được ánh sáng của Đức Kitô, đón nhận để được soi sáng, và truyền ánh sáng này ra trong tất cả sự rạng ngời của nó. Và điều này cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Một lần nữa tôi xin trích dẫn Thánh Lêo Cả là người nói rằng, Đêm Thánh, “Hỡi các Kitô hữu, nhân phẩm của anh em, và được làm người tham dự vào bản tánh Thiên Chúa, không muốn rơi trở lại tình trạng của một thời gian khốn cùng với hành vi bỉ ổi. Hãy nhớ rằng ai là Đầu, là Thân Thể mà trong anh em là chi thể. Hãy nhớ rằng, anh em đã được giật ra khỏi quyền lực của bóng tối, đã được đưa vào ánh sáng và Nước Thiên Chúa” (Bài giảng về Giáng Sinh 1, 3.2: CEC 138,88).

Anh chị em thân mến, Lễ Giáng Sinh là dừng lại và chiêm ngắm Hài Nhi ấy, là Mầu Nhiệm của Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhưng đặc biệt là tiếp đón một lần nữa trong chúng ta Hài Nhi ấy, là Đức Kitô, để sống chính sự sống của Người, để làm sao cho cảm tình, suy nghĩ và hành động của Người trở thành cảm tình, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Như vậy, mừng Lễ Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà việc Giáng Sinh này đã mang lại toàn thể cuộc sống chúng ta, ngõ hầu chúng ta cũng có thể thành sứ giả của niềm vui, sự mới mẻ thật và ánh sáng của Thiên Chúa cho người khác. Đồng thời, cấu chúc tất cả anh chị em một mùa Giáng Sinh may lành vì sự hiện diện của Thiên Chúa!
 
Bài giảng cho Giáo Triều vể nỗ lực truyền giáo: ''Đến tận củng trái đất'' (3)
LM Raniero Cantalamessa, ofm
08:11 06/01/2012
BỐN BÀI GIẢNG CỦA CHA RANIERO CANTALAMESSA, OFMCAP.
CHO GIÁO TRIỀU VATICAN MÙA VỌNG NĂM 2011,
VỀ NHỮNG NỖ LỰC TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI HÔM QUA VÀ HÔM NAY


Với mong muốn đáp ứng phần nào lời mời gọi của Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI về nỗ lực Truyền giáo và Tái truyền giáo của Giáo Hội hiện nay, xin trân trọng gửi đến quí vị độc giả bản dịch 4 bài giảng của linh mục Raniero Cantalamessa, ofmcap., giảng cho Giáo triều Vatican trong Mùa Vọng 2011 vừa qua:

BÀI III: “ĐẾN TẬN MÚT CÙNG TRÁI ĐẤT”

Lục địa châu Mỹ lần đầu tiên được loan báo tin mừng

I- Niềm tin kitô vượt qua Đại dương

Cách đây 4 ngày, ngày 12 tháng 12, lục địa châu Mỹ vừa mới long trọng cử hành lễ Đức Bà GUADALUPE, cũng là ngày lễ buộc ở Mexique. Đây là một sự trùng hợp hết sức may mắn để, trong bài suy niệm nầy, nói về đợt sóng lớn thứ ba loan báo tin mừng. Trong lịch sử của Giáo Hội, đợt sóng thứ ba nầy diễn ra tiếp theo ngay sau cuộc khám phá ra tân thế giới.

Chúng ta hãy nhắc lại đây những đường nét lớn của công cuộc mạo hiểm truyền giáo nầy. Nhưng, trước hết, là một ghi nhận. Khi xâm nhập vào lục địa mới nầy, trong cùng lúc châu Âu kitô vừa mang vào đấy niềm tin của mình và cả những chia rẽ của mình. Vào cuối đợt sóng lớn truyền giáo nầy, lục địa châu Mỹ cho thấy đã có cũng cùng một tình trạng chia rẽ như nó hiện đang là ở châu Âu lúc đó : một miền Nam phần lớn là công giáo và một miền Bắc phần lớn là tin lành. Ở đây, mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là hướng về nỗ lực loan báo tin mừng cho châu Mỹ Latinh, chỉ bởi một lý do là vì nó đã diễn ra trước tiên, ngay sau khi khám phá ra tân thế giới.

Kể từ khi Christophe Colomb, năm 1492, trở về từ chuyến hành trình của mình và loan tin có những vùng đất mới (mà lúc đó người ta vẫn cứ tưởng là thuộc Ấn độ), Tây ban nha công giáo đã đưa ra hai quyết định : mang niềm tin kitô đến cho các dân mới nầy, và mở rộng quyền bính chính trị của mình trên các sắc dân nầy. Để làm được điều đó, Tây ban nha cần phải có được sự chuẩn thuận của Đức Giáo hoàng Alexandre VI thừa nhận các quyền của họ trên tất cả vùng đất mới nầy, 100 dặm bên kia Açores (quần đảo thuộc Bồ đào nha), và cho Bồ đào nha các vùng đất nằm bên nầy ranh giới. Làn ranh mà sau nầy chuyển dịch có lợi cho Bồ đào nha, nhằm hợp pháp hóa quyền sở hữu Brésil cho Bồ đào nha. Những đường biên mới của lục địa châu Mỹ Latinh tương lai, cả về mặt ngôn ngữ, như vậy, kể từ đó, đã bắt đầu được định hình.

Trước cỗng vào mỗi làng, quân lính treo các mệnh lệnh ghi rõ ràng (requerimiento) là các dân cư trong làng phải gia nhập kitô-giáo và thừa nhận quyền bính tối cao của Tây ban nha.

Chỉ một vài đầu óc lớn, đứng đầu là các tu sĩ dòng Đaminh như Antonio de Montesino và Bartholomée de Las Casas, đã có can đảm lên tiếng chống lại những lạm dụng của những kẻ xâm lược nầy, và bênh vực cho quyền tự trị của các thổ dân ở đây. Sau khoảng gần hơn 50 năm một chút, vừa vì sức yếu, vừa vì có sự chia rẽ giữa các vương quốc địa phương với nhau, lục địa nầy phải cúi mình chịu ách thống trị của Tây ban nha và trở thành kitô, chí ít là trên danh nghĩa.

So với ngày xưa, các sử gia ngày nay có khuynh hướng nhìn hành động của các nhà truyền giáo ít đen tối hơn. Trước hết, người ta lưu ý rằng trái ngược với những gì xẫy ra nơi các bộ lạc “dân bản xứ” (“indiennes”) miền Bắc châu Mỹ, phần lớn các dân tộc bản xứ ở châu Mỹ Latinh, cho dù có bị tàn sát hàng loạt, vẫn còn sống sót được với ngôn ngữ và với lãnh thổ riêng của mình, cho đến lúc sau đó lấy lại được và tái khẳng định lại được căn tính và sự độc lập của mình. Nhưng cũng còn phải lưu ý đến điều kiện mà trong đó các nhà truyền giáo nầy đã phải khom mình lụy phục, đó là nền tảng thần học mà họ đã được đào tạo trước đó. Theo sát mặt chữ và theo một cách hiểu cứng nhắc, châm ngôn “Extra Ecclesiam nulla salus” (“Bên ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ”), những nhà truyền giáo nầy vốn đã xác tín rằng, để bảo đảm ơn cứu độ, cần phải rửa tội cho các sắc dân bản xứ nầy các nhiều bao nhiêu có thể và trong một thời gian càng ngắn bao nhiêu có thể.

Châm ngôn nầy vốn như một cái ách đè nặng lên trên nỗ lực loan báo tin mừng và, vì thế, đáng để chúng ta dành cho nó một khoảng thời gian tìm hiểu. Đây là một câu châm ngôn đã được định thức từ thế kỷ III bởi Origène, nhưng nhất là bởi thánh Cyprien. Lúc đầu, không can dự gì tới sự cứu độ những người ngoài kitô, mà chỉ liên quan đến những kitô-hữu mà thôi. Thật vậy, châm ngôn nầy hoàn toàn chỉ nhắm tới những người lạc giáo và những kẻ ly giáo trong thời đó mà thôi, nhằm nhắc nhỡ họ là một khi tách lìa khỏi Giáo Hội, họ đã phạm phải một lỗi rất nặng nề, khiến họ tự loại trừ mình ra khỏi ơn cứu độ. Vì thế, điều đó nhằm chống lại những ai tự mình tách ra khỏi Giáo Hội, chứ không phải chống lại những ai từ chối gia nhập vào.

Chỉ trong giai đoạn hai, khi kitô-giáo đã trở thành quốc giáo, châm ngôn nầy mới bắt đầu được đem áp dụng cho những người ngoại giáo, và cả những người Do thái, trên cơ sở xác tín chung lúc bấy giờ (cho dẫu khách quan mà nói đó là sai) rằng sứ điệp kể từ đây kể như ai cũng biết cả rồi, và rằng vì thế từ chối sứ điệp đó có nghĩa tự chuôc vào mình thân phận kẻ có tội và đáng phải bị kết án.

Chính sau khi khám phá ra tân thế giới mà các giới hạn địa lý cũ nầy, đúng vậy, mới bị phá đổ cách không thương tiếc. Việc khám phá ra toàn thể các sắc dân sống bên ngoài mọi tiếp xúc với Giáo Hội buộc phải nhìn lại lối giải thích câu châm ngôn cách quá cứng ngắc nầy. Các nhà thần học dòng Đaminh ở Salamanque và, sau đó, các tu sĩ dòng Tên, bắt đầu chọn lựa cho mình một lập trường phê phán, khi thừa nhận rằng người ta có thể ở bên ngoài Giáo Hội mà chẳng nhất thiết là có lỗi và vì thế phải bị loại ra ngoài khỏi ơn cứu độ. Còn nữa, đối diện với cách thức và những phương pháp không thể nào chấp nhận được mà Tin Mừng đôi khi đã được loan báo cho các thổ dân, lần đầu tiên, có người đã đặt vấn đề là cần tra cứu thử xem liệu có đúng hay không khi đi coi là có lỗi tất cả những ai, hoàn toàn biết đến việc loan báo tin mừng, nhưng vẫn không gia nhập đạo.

II- Các tu sĩ, những diễn viên chính

Đã hẳn, đây không phải là nơi thích hợp để đem ra một phê phán lịch sử về công cuộc loan báo tin mừng đầu tiên cho châu Mỹ Latinh. Trong dịp kỷ niệm ngũ bách chu niên, tháng 5 năm 1992, vấn đề nầy đã là đối tượng của một hội nghị chuyên đề của các sử gia, ngay tại Roma đây. Trong diễn từ ngõ với các tham dự viên, Đức Thánh Cha Jean-Paul II đã nói : “Trong công cuộc loan báo tin mừng nầy, cũng như trong bất cứ công trình nào của con người, đã hẳn, có những thành công và những sai lầm, có những bóng tối và những ánh sáng; nhưng, ánh sáng thì nhiều hơn bóng tối, khi xét đến những thành quả mà chúng ta thấy được sau 500 năm : đó là cả một Giáo Hội sống động và năng động mà ngày nay đang tiêu biểu cho một phần quan trọng của Giáo Hội toàn cầu”.

Một đàng, có một số người, nhân dịp kỷ niệm ngũ bách chu niên nầy, nói về nhu cầu cần phải có một nỗ lực “bóc gỡ đi tầng lớp văn hóa” (“déculturation”) và “giải thể đi hậu quả của nỗ lực tin mừng hóa” (“dé-évangélisation”), cho người ta có ấn tượng như vậy là so với điều đã từng xẫy ra theo cái cách thức như đã từng được biết, người ta sẽ thích hơn nếu như nỗ lực tin mừng hóa lục địa nầy đã không xẫy ra. Với tất cả niềm kính trọng đòi phải có đối với tình yêu mà các tác giả nầy đã từng có đối với các dân tộc châu Mỹ Latinh nầy, dầu vậy, tôi tin rằng một quan niệm như thế, cách mạnh mẽ, cần phải được loại bỏ.

Thay vì một thế giới vắng bóng tội lỗi nhưng không có Đức Giêsu-Kitô, thần học đã chứng tỏ cho thấy rằng thà có một thế giới với tội lỗi nhưng có Đức Giêsu-Kitô vẫn hơn. ‘Ôi ! tội hồng phúc ! Tội mà đã mang lại cho chúng ta một Đấng Cứu Chuộc vĩ đại như vậy !’, phụng vụ đêm Phục Sinh đã thốt lên như vậy. Chúng ta lại chẳng phải cũng có thể nói lên cũng cùng một điều tương tự về nỗ lực loan báo tin mừng cho hai vùng Bắc Mỹ và Nam Mỹ hay sao ? Ai lại chẳng thích hơn một lục địa với những bóng tối, nhưng lại có Đức Kitô, so với một lục địa không có “bóng tối và sai lầm”, những điều vẫn luôn có thể đi kèm theo sau những nỗ lực loan báo tin mừng, nhưng lại không có Đức Kitô kia chứ ? Người kitô-hữu nào, thuộc cánh hữu hay cánh tả (nhất là nếu đó lại là linh mục hay tu sĩ) lại có thể nói điều ngược lại, mà không áy náy như vậy là mình đang thiếu đức tin hay sao ?

Tôi đã đọc được ở đâu đó xác quyết nầy và tôi hoàn toàn đồng tình với nó : “Điều vĩ đại nhất đã xẫy ra năm 1492, không phải là chuyện Christophe Colomb đã khám phá ra châu Mỹ, mà là châu Mỹ đã khám phá ra được Đức Giêsu-Kitô”. Quả thật, đó không phải Đức Kitô trọn vẹn của Tin Mừng, Đấng mà đối với Ngài tự do mới chính là điều kiện của niềm tin, nhưng ai là kẻ có thể tự hào mình đang mang một Đức Kitô hoàn toàn không vướng víu gì đến bụi trần của lịch sử ? Những kẻ đang đề xuất một Đức Kitô cách mạng, chống lại những cơ cấu, chính họ cũng vậy, lại chẳng đang quên một điều gì đó của Đức Kitô, thí dụ như khẳng định của Ngài : “Nước Ta không thuộc về thế gian nầy” chẳng hạn ?

Nếu trong đợt sóng loan báo tin mừng đầu tiên, những diễn viên chính là các giám mục và trong đợt sóng thứ hai là các đan sĩ, thì trong đợt sóng thứ ba nầy, các diễn viên chính mà không ai có thể tranh cãi đó là các anh em, hoặc là các tu sĩ thuộc các dòng khất thực, trước tiên là anh em dòng thánh Phanxicô Assisi, các anh em dòng thánh Đaminh, các anh em dòng thánh Augustin, rồi trong thời kỳ thứ hai, các anh em dòng Tên. Các sử gia của Giáo Hội vẫn thừa nhận rằng ở châu Mỹ Latinh “các thành phần thuộc các dòng tu đã đóng một vai trò có tính quyết định trong lịch sử truyền giáo và Giáo Hội”.

Đánh giá của Đức Thánh Cha Jean-Paul II – “ánh sáng thì nhiều hơn là bóng tối” - mà chúng tôi đã có nói tới, có giá trị nhất là đối với các tu sĩ nầy. Sẽ không lương thiện nếu coi thường sự hy sinh xả kỷ và tính chất anh hùng của biết bao người trong số những nhà truyền giáo nầy. Những kẻ đi xâm lược thì được kích thích bởi tinh thần mạo hiểm và nỗi thèm khát chiến thắng, nhưng còn những vị tu sĩ nầy ? Họ có thể chờ đợi gì, khi từ bỏ quê hương và các nhà dòng của họ ? Họ không ra đi để mà chiếm đoạt, mà là để cho đi; họ muốn chinh phục các linh hồn về cho Đức Kitô, chứ không phải những tôi tớ về cho vua Tây ban nha, ngay như không phủ nhận là họ cũng có bị ảnh hưởng đôi chút tâm tình ái quốc nào đó của thời đại mình đang sống.

Khi đọc lại các lịch sử liên quan đến nỗ lực loan báo tin mừng nơi một vùng đất, người ta thấy quả thật là bất công và xa rời thực tế biết bao những đánh giá chung chung của một số tác giả. Điều đó đã đến với chính bản thân tôi, khi tôi được đọc, ngay tại chỗ, biên niên sử ghi lại buổi đầu của công cuộc truyền giáo ở Guatemala và nơi những vùng lân cận. Đó là những lịch sử về những hy sinh và về những diễn biến đột ngột không thể nào kể ra được. Trong số 20 anh em dòng Đaminh ra đi hướng về tân thế giới và Philippines, thì đã có đến 18 anh em hy sinh trong khi đang hành trình. Năm 1974, đã diễn ra Nghị hội bàn “về nỗ lực loan báo tin mừng trên thế giới hiện nay”. Trong những ghi chú viết tay, được thêm vào nơi tài liệu cuối cùng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết :

“Điều đã được nói đến trong tài liệu về các tu sĩ liệu đã đủ chưa ? Liệu chẳng phải nên thêm vào đấy một từ về đặc tính tự nguyện, dám nghĩ dám làm, đại độ trong nỗ lực loan báo tin mừng của các tu sĩ nam và nữ hay chăng ? Đã đành việc loan báo tin mừng của họ phải tùy thuộc vào thẩm quyền nhà dòng và phải làm sao phối hợp nhịp nhàng được với thẩm quyền đó, nhưng cần ca ngợi họ về tính chất độc đáo, thiên tài, lòng tận tụy, vì họ thường phải nằm trong đám quân tiền phong đầu sóng đầu gió và luôn hứng hết mọi gian nguy, thậm chí cả hy sinh tính mạng”.

Các tu sĩ đã loan báo tin mừng cho châu Mỹ Latinh hoàn toàn xứng đáng với sự thừa nhận nầy. Cũng đã đủ, khi nghĩ đến một số trong những điều mà các tu sĩ nầy đã thực hiện được ở đây, như “những khu tự trị nhỏ” (“réductions”) nỗi tiếng của các anh em dòng Tên ở Paraguay, đó là những ngôi làng mà trong đó các anh em “Thổ dân” kitô, trốn tránh khỏi sự lạm dụng của quyền bính dân sự, có thể tìm hiểu đức tin và khai thác những tài năng của mình, như là những con người.

III- Các vấn đề hiện nay

Bây giờ, như thường lệ, chúng ta hãy cố gắng quay trở về lại với thời hiện tại, và xem xem lịch sử đó nói với chúng ta điều gì, khởi đi từ kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội mà cách đại thể chúng ta vừa mới phác họa lại. Những điều kiện xã hội và tôn giáo của lục địa nầy đã thay đổi cách sâu xa, đến nỗi có lẽ tốt hơn thay vì nhấn mạnh đến điều chúng ta có thể học được hay không nên học từ thời kỳ nầy, thì nên suy tư về công việc loan báo tin mừng hiện nay trên lục địa châu Mỹ Latinh nầy.

Về vấn đề nầy, đã có và hiện vẫn luôn có vô vàn vô số những suy tư và những tài liệu đến từ Tòa Thánh, từ CELAM và từ từng mỗi Giáo Hội địa phương, đến nỗi tôi sẽ trở thành kẻ huyênh hoang, nếu như nghĩ mình có thể thêm thắt được vào đấy một cái gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng có thể đóng góp được một chút gì đó vào một vài suy tư đã có, từ chính kinh nghiệm của bản thân mình trong lĩnh vực nầy, nhờ đã có dịp thuyết giảng trong các kỳ tĩnh tâm của các hội đồng giám mục, của hàng giáo sĩ và của dân chúng trong hầu hết các nước thuộc châu Mỹ Latinh, mà trong đó có một số nước tôi đã thuyết giảng nhiều lần. Ở châu Mỹ Latinh, trong lãnh vực nầy, những vấn đề càng được đặt ra nhiều bao nhiêu thì cũng chẳng khác gì mấy nơi phần còn lại của Giáo Hội.

Một suy tư cần có về nhu cầu cần phải vượt qua một tình trạng cực đoan phải chọn lựa “hoặc cái nầy hoặc cái kia”, vốn đang hiện diện khắp nơi trong Giáo Hội, nhưng, đặc biệt gay gắt ở châu Mỹ Latinh, nhất là trong những năm vừa qua : sự phân cực cực đoan giữa tâm hồn hành động và tâm hồn chiêm niệm, giữa Giáo Hội dân thân trong lãnh vực xã hội vì những người nghèo và Giáo Hội loan báo niềm tin. Trước tình trạng phân cực đó, theo bản năng, chúng ta thường hay bị cám dỗ chọn cho mình một chiến tuyến, ca ngợi bên nầy và mạ lỵ bên kia. Giáo lý về các đặc sủng không cho phép chúng ta tạo ra một cuộc đối đầu như vậy. Ân huệ của Giáo Hội công giáo, đúng vậy, là công giáo, hay nói cách khác, là cởi mở ra với những ân huệ phong phú đa dạng khác nữa, vì vốn xuất phát từ cũng cùng một Thần Khí mà thôi.

Lịch sử các dòng tu, đã dấn thân trên những nẻo đường khác nhau, và đôi khi trái ngược nhau, chứng tỏ cho thấy điều đó : hội nhập vào trong thế gian hay trốn tránh thế gian, làm việc tông đồ giữa những người trí thức, như các anh em dòng Tên, và làm việc tông đồ giữa đám quần chúng, như các anh em dòng capucins. Luôn có chỗ cho tất cả mọi người, cả loại hình nầy, cả loại hình kia. Còn nữa, tất cả chúng ta đều cần lẫn nhau, bởi vì chẳng có ai có khả năng một mình mà có thể thực hiện được tin mừng cách trọn vẹn và có thể biểu hiện được Đức Kitô và cuộc sống của Ngài, dưới tất cả mọi hình thái mà Ngài đã biểu lộ. Vì thế, mỗi người phải vui mừng vì anh em khác đã làm được điều mà chính mình không thể nào làm được : kẻ đang vun trồng đời sống thuộc linh và loan báo Lời hãy biết rằng còn có những anh em khác đang dâng hiến đời mình để bảo vệ công lý và thăng tiến xã hội, và ngược lại. Lời cảnh báo của Tông đồ Phaolô vẫn còn nguyên giá trị của nó : “Một lần thay cho tất cả, chúng ta hãy thôi đi đừng phê phán lẫn nhau !” (x. Rm 14, 13).

Một ghi nhận thứ hai liên quan đến vấn đề những người công giáo tử bỏ Giáo Hội để đi đến với các truyên xưng kitô khác. Trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng người ta không được đánh đồng coi tất cả mọi tuyên xưng của các “giáo phái” đều như nhau. Với một vài trong số các tuyên xưng đó, ở đây phải kể các anh em “ngũ tuần”, Giáo Hội công giáo bao năm qua vẫn giữ một cuộc đối thoại đại kết chính thức với họ, và điều nầy chứng tỏ Giáo Hội không coi những tuyên xưng đó như những giáo phái tầm thường.

Sự cổ vũ đối thoại nầy, cả ở qui mô địa phương nữa, vốn có cái lợi là giải độc cho bầu khí được lành mạnh hơn, cô lập hóa được những giáo phái hiếu chiến nhất và làm nản lòng những nỗ lực muốn lôi kéo. Cách đây vài năm, ở Buenos Aires, đã diễn ra một buổi gặp gỡ đại kết, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau chia sẻ lời, trong đó có sự tham gia của Đức Tổng Giám mục công giáo và các vị lãnh đạo của các Giáo Hội khác, cùng với sự hiện diện của 7000 người. Người ta thấy rõ ràng khả năng có thể có một tương quan mới giữa các kitô-hữu, mang tính xây dựng hơn có lợi cho niềm tin và nỗ lực loan báo tin mừng.

Trong một trong những tài liệu của mình, Đức Thánh Cha Jean-Paul II đã khẳng định rằng việc lan tràn các giáo phái bắt buộc người ta phải tự hỏi tại sao lại thế, cái gì đã thiếu sót trong công tác mục vụ của chúng ta. Trên cơ sở kinh nghiệm của mình – và không chỉ ở châu Mỹ Latinh – tôi xác tín rằng : điều lôi kéo người ta ra khỏi Giáo Hội chắc hẳn không phải là những hình thức đạo đức bình dân có thể xoay chiều bất cứ hướng nào mà phần lớn các Giáo Hội khác và các giáo phái, trái lại, vẫn tìm cách tống khứ và đánh bại. Cho dù phiến diện, nhưng lại mang tính dứt khoát, đó vẫn là một loan báo về ân sủng của Thiên Chúa, có thể sống Đức Giêsu như Đức Chúa và như Đấng Cứu Thế, mang hình hài một nhân vị hẳn hoi, có thể tham gia vào một nhóm quan tâm đến những nhu cầu riêng tư của bạn, cầu nguyện cho bạn trong cơn bệnh hoạn, khi mà y học đã đành chịu bó tay.

Nếu, một đàng, người ta có thể vui mừng vì những người nầy đã gặp gỡ được Đức Kitô và sám hối quay trở lại, đàng khác, điều đáng buồn là để làm điều đó những người nầy đã cảm thấy nhu cầu cần phải từ bỏ Giáo Hội của mình. Trong phần lớn các Giáo Hội mà những anh em nầy đến, tất cả đều xoay quanh cuộc trở lại thứ nhất và việc đón nhận Đức Giêsu như là Đức Chúa. Trong Giáo Hội công giáo, nhờ các bí tích, nhờ thẩm quyền Giáo hội, nhờ một nền linh đạo rất phong phú, đó là điều thuận lợi để người ta không phải chỉ dừng lại nơi giai đoạn sơ khởi ban đầu, mà còn phải đạt tới sự sống kitô viên mãn và hoàn hảo. Các vị thánh là những chứng cứ cho thấy điều đó. Nhưng, điều cần thiết là khởi đầu nầy phải thực sự phát xuất từ một hành vi có ý thức và từ nguyện vọng riêng tư của đương sự và, nơi điều đó, thách đố của các cộng đoàn tin mừng và ngũ tuần đối với chúng ta như vậy lại là liều thuốc kích thích cho chúng ta.

Nơi điều đó, hơn bao giờ hết, nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Paul VI, Phong trào Canh tân nhờ đặc sủng chứng tỏ cho thấy “là một cơ may cho Giáo Hội”. Ở châu Mỹ Latinh, các vị mục tử của Giáo Hội đang bắt đầu hiểu rằng Phong trào canh tân nhờ đặc sủng không phải (như một số người tin là thế lúc ban đầu) là “một phần của vấn đề” khiến những người công giáo ra khỏi Giáo Hội, mà đúng hơn là một phần giúp giải quyết vấn đề. Các thống kê chưa bao giờ để lộ cho thấy có bao nhiêu người vẫn trung thành với Giáo Hội, nhờ nhận thấy trong Phong trào Canh tân nhờ đặc sủng điều mà những người khác lại đi tìm kiếm ở nơi khác. Có nhiều cộng đoàn, vốn xuất thân từ Phong trào canh tân nhờ đặc sủng, mặc dầu vẫn còn một vài hạn chế nào đó và thậm chí đôi khi còn một vài lệch lạc nào đó nữa, là những đạo quân tiên phong trong nỗ lực phục vụ Giáo Hội và loan báo tin mừng.

IV- Vai trò của các tu sĩ trong nỗ lực tân tin mừng hóa

Tôi đã nói rằng tôi không muốn dừng lại nơi nỗ lực loan báo tin mừng đầu tiên trên lục địa nầy. Tuy nhiên, có một điều đáng cho chúng ta quan tâm : đó là tầm quan trọng của các dòng tu truyền thống trong nỗ lực loan báo tin mừng. Chính là dành cho họ mà Chân Phước Giáo hoàng Jean-Paul II, nhân dịp kỷ niệm 500 năm biến cố loan báo tin mừng lần đầu tiên cho lục địa nầy, đã viết Bức Tông Thư, với tựa đề nguyên gốc của nó là “Los caminos del Evangelio”. “Các tu sĩ – ngài viết – mà vốn đã là những sứ giả loan báo tin mừng đầu tiên và mà, cách hiển nhiên, đã đóng góp nhiều trong việc làm cho đức tin sống được trên lục địa nầy, hẳn không thể vắng mặt trong lời hiệu triệu nầy của Giáo Hội, nhằm tham gia vào một nỗ lực loan báo tin mừng mới. Những đặc sủng khác nhau của đời sống tận hiến sẽ giữ gìn cho sứ điệp của Đức Giêsu luôn hiện diện và hiện hành mọi thời và mọi nơi.”

Chính đời sống cộng đoàn, nhờ có một sự điều hành tập trung và những trung tâm đào tạo trình độ cao, mà ngày xưa đã cho phép các dòng tu lăn xã được vào trong một công việc truyền giáo bao la như vậy. Nhưng, ngày nay, liệu có còn được sức mạnh đó chăng ? Trong tư cách một người trong cuộc, vốn thuộc về một trong những hội dòng xưa cũ nầy, tôi có thể dám trình bày cách thoải mái hơn. Việc giảm sút ơn gọi cách nhanh chóng trong các xứ sở phương Tây đã tạo ra một tình thế nguy hiểm : đó là việc người ta dành gần như toàn bộ sức lực của mình để làm sao thỏa mãn được những nhu cầu nội bộ bên trong của gia đình dòng tu của mình (đào tạo giới trẻ, tìm cách bảo tồn các cơ cấu và các công trình), mà chẳng có mấy quan tâm và sức lực dành cho nỗ lực hòa mình vào trong quĩ đạo rộng lớn hơn của Giáo Hội. Vì thế, có tình trạng người ta chỉ co cụm lại với chính mình mà thôi. Ở châu Âu, các dòng tu truyền thống bị bắt buộc phải hợp nhất nhiều tỉnh dòng lại làm một và, đau đớn thay cả việc cứ liên tục đóng cửa hết nhà này sang nhà nọ.

Đã hẳn, sự tục hóa là một trong những nguyên nhân của tình trạng giảm sút ơn gọi nầy, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Vẫn có những cộng đoàn dòng tu mới đang cuốn hút cả một đám đông các bạn trẻ. Trong Bức Tông Thư mà tôi vừa mới nhắc tới, Đức Thánh Cha Jean-Paul II khuyên các nam nữ tu sĩ châu Mỹ Latinh hãy “loan báo tin mừng khởi đi từ chính kinh nghiệm sâu xa của mình về Thiên Chúa”. Đó mới chính là điểm trọng yếu : “Một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa”. Chính cái đó mới hấp dẫn để có được những ơn gọi và tạo ra được những hoa trái đầu mùa cho một đợt sóng loan báo tin mừng mới có hiệu quả. Trong lãnh vực nầy, câu ngạn ngữ “nemo dat quod non habet”, không ai có thể cho điều mà mình không có, tỏ ra có giá trị hơn bao giờ hết.

Bề trên giám tỉnh của các anh em dòng Capucins des Marches, vốn cũng là bề trên của tôi, nhân dịp Mùa Vọng nầy, đã viết một Bức Thư gửi tất cả anh em trong dòng. Ngài đã đưa ra một thách thức mà tôi tin là tất cả mọi cộng đoàn dòng tu truyền thống đều có thể lắng nghe được :

“Bạn, người đang đọc những giòng nầy, bạn phải tưởng tượng rằng ‘bạn là Thánh Thần’ (“tu es l’Esprit Saint”). Phải, chắc bạn hiểu rõ điều đó : rằng bạn không chỉ tràn ngập Thánh Thần, mà bạn còn là chính Thánh Thần, Ngôi Ba của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi. Và, dưới hình thức nầy, bạn hãy nghĩ rằng bạn có quyền mời gọi và sai một người trẻ đi vào con đường vốn sẽ giúp cho anh ta đạt được tình trạng hoàn hảo của Đức Ái, sống được đời sống dòng tu, nếu muốn nói cách nôm na. Liệu bạn có có can đảm để gửi anh bạn trẻ đó vào trong huynh đoàn của bạn, với niềm xác tín bảo đảm là huynh đoàn của bạn có thể là nơi chốn cách nghiêm túc sẽ giúp cho anh bạn trẻ nầy thực sự đạt đến được tình trạng hoàn hảo của Đức Ái trong mọi ngày của đời sống ? Nói cách khác : nếu như một người trẻ nào đó đến sống vài ngày hay vài tháng trong huynh đoàn của bạn, chia sẻ kinh nguyện, đời sống huynh đệ, công việc tông đồ…liệu anh ta có mê say được đời sống của chúng ta chăng ?”

Khi các dòng khất thực, đaminh và franciscains xuất hiện, vào đầu thế kỷ XIII, các dòng đan sĩ cũng đã được hưởng lợi không ít, đó là các đan sĩ được mời gọi để sống đời sống khó nghèo và có tính tin mừng hơn, trong khi mỗi bên vẫn hoàn toàn giữ được đặc sủng của riêng mình. Liệu chúng ta, các dòng tu truyền thống, ngày hôm nay, trong tương quan với các hình thức mới mẻ sống đời sống tận hiến đang được khêu gợi lên trong Giáo Hội, lại chẳng làm được như vậy hay sao ?

Ân sủng tạo ra các thực tại mới mẻ nầy thì nhiều và đa dạng, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, đó là Thánh Thần, “Lễ Ngũ Tuần mới”. Sau Công đồng, hầu như tất cả các dòng tu đã tồn tại trước đó đều đã rà soát lại và canh tân các bản hiến chương của mình, nhưng ngay từ năm 1981, Chân phước Jean-Paul II đã cảnh báo : “Mọi công việc canh tân đổi mới Giáo Hội mà Công đồng Vatican II, nhờ ơn quan phòng của Thiên Chúa, đã đề xướng và đã khởi đầu…chỉ có thể thực hiện được trong Thánh Thần, tức là với sự trợ giúp của ánh sáng của Ngài và quyền năng của Ngài mà thôi.”
“Thánh Thần – thánh Bonaventure đã nói – đi đến nơi “mà Ngài được yêu mến, nơi mà Ngài được mời, nơi mà Ngài được chờ đợi.” Chúng ta cần phải mở toang các cộng đoàn của chúng ta ra cho hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đổi mới kinh nguyện, đời sống huynh đệ, tình yêu đối với Đức Kitô, và cùng với Ngài nhiệt tình truyền giáo. Nhìn lui lại đàng sau, những cội nguồn riêng của chúng ta, đấng sáng lập riêng của chúng ta, đã hẳn, nhưng còn phải nhìn vế phía trước nữa.

Khi nhìn vào hoàn cảnh hiện nay của các dòng tu trong thế giới phương Tây, câu hỏi mà ngôn sứ Ezékiel đã nghe vang vọng lên bên trên thung lũng các bộ xương khô, cách tự nhiên lại đến với tâm trí chúng ta : “Những bộ xương khô nầy liệu có thể sống lại chăng ?” Những bộ xương cứng cỏi mà người ta nói đến trong bản văn không phải là của những người chết mà là của những người sống; chính dân Israel đang trong hoàn cảnh lưu đày đã nói : “Những bộ xương của chúng con đã khô cằn, niềm hy vọng của chúng con đã can kiệt, chúng con đã tiêu vong !” Những tâm tình nầy đôi khi cũng lộ ra nơi chúng ta, những phần tử của những dòng tu xưa cũ.

Chúng ta hẳn biết câu trả lời, tràn đầy niềm hy vọng, mà Thiên Chúa đã tỏ bày : “Ta sẽ đặt thần khí của Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ định cư các ngươi trên mãnh đất của các ngươi, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa : Ta nói và Ta sẽ làm”, đó là lời của Đức Chúa. Chúng ta cần phải tin và hy vọng rằng cũng sẽ xãy ra cho chúng ta, và cho toàn thể Giáo Hội, điều mà lời ngôn sứ đã nói : “Thần Khí đã xâm nhập vào họ; họ khôi phục lại được sự sống, và đứng vững được với đôi chân của mình : đó là một đạo quân đông vố số kể” (xem Ed 37, 1-14).

Cách đây 4 ngày, như tôi đã nói ngay từ đầu, châu Mỹ Latinh đã cử hành Lễ Đức Bà Guadalupe. Người ta đã tranh luận nhiều về tính chất lịch sử của những sự kiện vốn nằm ở nơi cội nguồn của việc sùng kính nầy. Chúng ta cần phải thống nhất với nhau về điều mà người ta hiểu là sự kiện lịch sử. Có nhiều sự kiện thực sự đã xãy ra, nhưng không tạo nên lịch sử, bởi vì điều “tạo nên lịch sử”, theo ý nghĩa đặc thù của nó, không phải là tất cả gì đã xẫy ra, mà duy chỉ có điều mà, còn hơn cả đã được xẫy ra, đã có một tầm ảnh hưởng lên trên đời sống của một dân tộc, đã tạo ra được một sự gì đó mới mẻ, đã để lại được một dấu vết nào đó bên trong lịch sử. Và dấu vết mà Đức Nữ Trinh Guadalupe đã để lại trong lịch sử của dân tộc Mexique và cả châu Mỹ Latinh quả thực sâu sắc biết bao, làm sao có thể hình dung ra được đây !

Sự kiện hình ảnh Đức Maria, ngay từ khi lục địa châu Mỹ mới bắt đầu được loan báo tin mừng, năm 1531, thấy được in ấn trên chiếc áo choàng (tilma) của thánh Diego, dưới những đường nét của một cô gái trẻ pha trộn da màu, đúng như cái tên của ngài là “Morenita”, trên đồi Tepeyac, mạn Bắc Mexico, vốn mang một ý nghĩa tượng trưng rất cao. Người ta không thể có được cách nói nào đầy gợi ý hơn thế, rằng Giáo Hội, ở châu Mỹ Latinh, như vậy là được mời gọi – và Giáo Hội ở đây vẫn muốn làm như thế - để làm người bản xứ với những người bản xứ, để làm người da trắng lai với những người da trắng lai, là tất cả cho tất cả mọi người.

[Nguyên tác Ý ngữ; Bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié); Bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung]
 
ĐTC loan báo về Công Nghị lập 22 Vị Hồng Y mới
Đồng Nhân
10:03 06/01/2012
VATICAN - Trong Kinh Truyền Tin ngày 6.1.2012 hôm nay, Đức Thánh Cha Benedictô XVI công bố vào ngày 18 tháng 2 sẽ có Công Nghị tiến hành việc lập 22 vị Hồng Y mới. Đức Thánh Cha tuyên bố như sau:

Với niềm vui lớn lao, tôi công bố ngày 18 tháng Hai sẽ tổ chức một Công Nghị trong đó tôi sẽ chỉ định 22 thành viên mới của Hồng Y Đoàn. Như được biết, các Hồng Y có nhiệm vụ giúp người Kế Vị Thánh Phêrô trong việc thực hiện sứ vụ của Ngài là củng cố anh em trong đức tin, và là nguyên lý và nền tảng của sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo Hội. Dưới đây là tên của các hồng y mới:

1. Đức TGM Fernando Filoni, 66 tuổi, Tổng Trưởng của Thánh Bộ Truyền giáo các dân tộc;
2. Đức TGM Manuel Monteiro de Castro, 74 tuổi, tân Chánh Tòa Ân giải tối cao.;
3. Đức TGM Santos Abril y Castello, 77 tuổi, Giám quản Vương Cung Thánh Đường Santa Maria Maggiore;
4. Đức TGM Antonio Maria Veglio, 74 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ người di dân và người lưu động;
5. Đức TGM Giuseppe Bertello, 70 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng quốc gia Vatican và Tổng quản trị Vatican;
6. Đức TGM Francesco Coccopalmerio, 74 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn kiện nội dung lập pháp;
7. Đức TGM João de Braz Aviz, 65 tuổi, Tổng Trưởng của Bộ các Dòng Tu;
8. Đức TGM Edwin O'Brien Frederik, 73 tuổi, Tổng quản Hiệp sĩ Mồ Thánh Giêrusalem;
9. Đức TGM Domenico Calcagno, 69 tuổi, Chủ tịch Sở Quản trị tài sản của Tòa thánh;
10. Đức TGM Giuseppe Versaldi, 69 tuổi, Chủ tịch về các vấn đề kinh tế của Tòa Thánh;
11. Đức GM George Alencherry, 67 tuổi, Tổng Giám Mục miền Ernakulam-Angamaly thuộc nghi lễ Syro-Malabar (Ấn Độ);
12. Đức TGM Thomas Christopher Collins, 65 tuổi, Tổng Giám Mục Toronto (Canada);
13. Đức TGM Dominik Duka, OP, 69 tuổi, Tổng Giám Mục Prague (Cộng hòa Séc);
14. Đức TGM Willem Jacobus Eijk, 59 tuổi, Tổng Giám Mục Utrecht (Hà Lan);
15. Đức TGM Giuseppe Betori, 65 tuổi, Tổng Giám Mục Florence (Ý);
16. Đức TGM Timothy Dolan, 62 tuổi, Tổng Giám Mục New York (Hoa Kỳ);
17. Đức TGM Rainer Maria Woelk, 56 tuổi, Tổng Giám Mục Berlin (CHLB Đức);
18. Đức GM John Tong Hon, 73 tuổi, Giám mục của Hồng Kông (Trung Quốc);

Tôi cũng đã quyết định nâng cao phẩm giá của vị giám chức lên bậc tôn kính Hồng Y, những người thực hiện sứ vụ Mục tử và là Hiền Phụ của Giáo Hội, ba giáo sĩ xứng đáng vì lòng sự dấn thân phục vụ Giáo Hội. Đó là:

1. Đức TGM Lucian Muresan, 81 tuổi, Tổng Giám Mục của Fagaras và Alba Julia thuộc Rumani (Romania);
2. Đức ông Julien Ries, 92 tuổi, linh mục của giáo phận Namur và giáo sư danh dự về lịch sử của các tôn giáo tại Đại học Công giáo Louvain;
3. LM Prospero Grech, OSA, 87 tuổi, Giáo sư danh dự của nhiều trường đại học Roma và tư vấn cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin;
4. LM Karl Becker, SJ, 84 tuổi, giáo sư danh dự của Đại học Giáo hoàng Gregorian, tư vấn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Các hồng y mới đến từ các miền khác nhau của thế giới, và thuộc các mục vụ khác nhau Tòa Thánh hoặc liên hệ trực tiếp với các tín hữu như các Giáo Phụ và Mục tử của giáo hội đặc thù.

Tôi xin tất cả mọi người cầu nguyện cho các thành viên mới Hồng Y đoàn được tuyển chọn, xin cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội để các tân chức luôn luôn làm chứng với lòng can đảm và sự cống hiến cho tình yêu của các vị đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
 
Có 2 tân hồng y thuộc Á châu
Đồng Nhân
14:16 06/01/2012
Trong số 22 tân hồng y, có 2 vị từ châu Á, vừa được Đức Thánh Cha Benedict XVI nâng lên hang hồng y vào ngày 6/1/2012, đó là Đức cha John Tong Hong, giám mục của Hồng Kông, và TGM Alencherry thuộc nghi lễ Syro-Malabarcủa Ấn độ.

Giám Mục John Tong Hong, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, phong chức Linh mục ngay sau khi kết thúc Công Đồng Vatican II, cũng vào ngày Lễ Chúa Hiển Linh ngày 6 tháng 1 năm 1966 tại Roma. Việc GM Tong được bổ nhiệm làm Hồng Y không phải là một bất ngờ, người tiền nhiệm của ngài là Hồng Y Joseph Zen vừa từ chức vì vào ngày 13.1.2012 ngài tới hạn tuổi 80, mà luật Giáo hội không còn là hồng y cử tri bầu Giáo hoàng.

Tân hồng y John Tong sinh ngày 31.7.1939 tại Hồng Kông, nhưng thời gian thờ ấu sống ở Trung Quốc đại lục, nơi gia đình ngài sơ tán vì cuộc chiến xâm lược của Nhật Bản. Sau đó theo cuộc di cư của gia đình và ngài nhập chủng viện ở Macao. Tiếp theo là được đi du học ở Roma để học thần học. Ngài được thụ phong linh mục bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1966 cho Giáo phận Hồng Kông.
Sau đó ngài trở về nước dạy thần học tại Chủng viện và tại Trung tâm Chúa Thánh Thần (HSSC). Năm 1996 ngài được bổ nhiệm làm một trong những giám mục phụ tá của Hồng Kông với danh hiệu GM thành Bossa. Ngày 30.1.2008, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phó của TGM Zen, một năm trước khi bàn giao Hồng Kông Trung Quốc. Vào ngày 15.4.2009, ngài thay thế hồng y Joseph Zen cai quản giáo phận Hồng Kông.

TGM Mar Alencherry của Ernakulam-Angalmy, thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Syro-Malabar của Ấn độ cũng được chọn làm Hồng y. Tân hồng y Alencherry sinh ngày 19.4.1945 tại Kerala, Ấn độ. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1972. Sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc đào tạo giáo dục đức tin của Tổng Giáo Phận Changanacherry, rồi làm thư ký của ủy ban cho giáo lý của Hội đồng Giám mục Công giáo Kerala (KCBC).
Tiếp đến LM George Alencherry được đi tu nghiệp và du học tại Đại học Sorbonne và Học viện Công giáo Paris, nơi ngài hoàn thành bằng tiến sĩ Thần học Kinh Thánh.
Khi trở về Ấn Độ vào năm 1986 ngài được bổ nhiệm giám đốc trung tâm mục vụ Palarivattom của Đông phương, sau đó giảng dạy tại chủng viện Vadavathoor, ngài tiếp tục giảng dậy tại đó ngày cả sau khi được bổ nhiệm làm vị giám mục đầu tiên của giáo phận mới là giáo phận Thuckalay. Tiếp đến ngài được chọn làm Thư ký của Thượng Hội Đồng các Giám Mục Syro-Malabar và giám đốc của Ủy ban về Giáo Lý.
Vào tháng 5, 2011, Ngài đã trở thành Tổng Giám mục tân cử đầu tiên của Giáo Hội nghi lễ Syro-Malabar. TGM Alencherry cũng là người đứng đầu Ủy ban đối với chủ nghĩa thế tục của Hội Đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CBCI).

Theo truyền thống, Giáo Hội nghi lễ Syro-Malabar,được thành lập vào thế kỷ đầu tiên bởi Thánh Tôma Tông đồ, sau này được các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha Latin hóa nghi lễ của họ vào thế kỷ mười sáu. Giáo hội truyền thống nghi lễ Syro-Malabar không giống nghi lễ Đông phương Aramaic. Bước quan trọng nhất cho Giáo hội này đã được thực hiện khi ĐGH John Paul II vào năm 1992 nâng lên cấp bậc của Giáo Hội này lên hang Tổng giáo phận, sau đó ủy quyền vào năm 2004 cho phép có chọn giám mục riêng của mình. Sau cái chết của Đức Hồng y giáo chủ Vithayathil, Giám mục Mar Alencherry được bầu chọn vào ngày 24.5. 2011 bởi Thượng Hội Đồng Syro-Malabar làm người kế vị đứng đầu. Cuộc bầu cử đầu tiên Tổng Giám Mục của Ernakulam-Angalmy của Giáo hội Syro-Malabar, đã được xác nhận bởi Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày 26 tháng 5 năm 2011.

Ngày nay, Giáo Hội Syro-Malabar có khoảng 4 triệu thành viên, 5 tổng giáo phận và 29 giáo phận được thành lập chủ yếu ở Kerala, Ấn độ. Cũng có một số giáo phận khác ở Ấn Độ và một tại Hoa Kỳ (Giáo phận Thánh Tôma thuộc nghi lễ Syro-Malabar ở Chicago).
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm 22 tân hồng y, kể cả ba vị thuộc Bắc Mỹ
Bùi Hữu Thư
16:49 06/01/2012
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI bổ nhiệm 22 tân hồng y, kể cả hai vị thuộc Hoa kỳ, và loan báo ngày lễ nhậm chức của họ vào Hồng Y Đoàn là ngày 18 tháng 12.

Trong số các vị được bổ nhiệm là Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan ở New York; Tổng Giám Mục Edwin F. O'Brien, Đại Hiệp của Đoàn Kỵ Sĩ Mộ Thánh Chúa tại Giêrusalem, vẫn còn đang quản nhiệm tổng giáo phận Baltimore; và Tổng Giám Mục Thomas C. Collins ở Toronto.

Đức Thánh Cha tuyên bố việc bổ nhiệm cho các tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô buổi trưa ngày 6 tháng 1, trước khi đọc Kinh Truyền Tin.

Hồng Y được chỉ định O'Brien, có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô lúc tên ngài được nhắc đến, nói cuộc đời linh mục của ngài "là một chuỗi những bất ngờ. Tôi tưởng được phong chức tổng giám mục là điều bất ngờ cuối cùng, nhưng tôi đã nhầm."

Ngài nói với hãng thông tấn Catholic News Service là những vai trò mục vụ ngài được chỉ định, và bây giờ việc ngài được nâng lên hàng hồng y, không phải là những gì ngài có thể "tiên liệu, xoay sở hay tự lo lấy. Đây chỉ là vấn đề cởi mở và được ở đúng chỗ và đúng lúc, thì những gì tốt đẹp sẽ xẩy ra."

Trong các lời tuyên bố khác nhau, các hồng y Bắc Mỹ nhanh chóng nhấn mạnh bản chất của tập thể thay vì cá nhân của vinh dự này.

Hồng Y New York nói: "Đây không phải là về Timothy Dolan. Đây là một vinh dự Đức Thánh Cha ban cho tổng giáo phận New York... Như là Đức Thánh Cha đã đội lên đỉnh của tòa nhà chọc trời Empire State Building, hay Tượng Thần Tự Do, hay trên bản gốc của vận động trường Yankee Stadium một cái nón đỏ."

Hồng Y được chỉ định O'Brien nói việc bổ nhiệm ngài phản ảnh "đức tin sốt mến" của các giáo dân Baltimore, và Hồng Y được chỉ định Collins nói việc ngài được làm hồng y nói lên "lòng yêu mến Đức Thánh Cha dành cho vai trò của Canada và tổng giáo phận Toronro trong giáo hội hoàn vũ."

Các bổ nhiệm mới này nâng thành phần của Hoa Kỳ và Canada trong Hồng Y Đoàn lên tới 22 vị. Hoa Kỳ là quê hương của khoảng 5,5% số giáo dân trên thế giới, sẽ cung cấp gần 10% trong số 125 hồng y dưới 80 tuổi, là những vị được phép bầu lên một giáo hoàng tương lai trong mật nghị.

Ngược lại, chỉ có một vị được bổ nhiệm, là Hồng Y được chỉ định Joao Braz de Aviz, đến từ quốc gia có đông giáo dân nhất, là Brazil. Khi các hồng y được nhậm chức vào tháng 2, chỉ có 7 vị đến từ Châu Mỹ La Tinh, được Đức Thánh Cha Benedict bổ nhiệm.

Với vụ bổ nhiệm lần này, Đức Thánh Cha Benedict đã bổ nhiệm trên 50% số hồng y được phép bầu trong mật nghị hiện tại, số còn lại đã được Chân Phước Gioan Phaolô II bổ nhiệm

Trong số các tân hồng y gồm có 16 vị từ Âu Châu, tiếp tục một chiều hướng bổ nhiệm của ngài từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2005. Bẩy vị tân hồng y là người Ý, làm cho con số hồng y được bầu của quốc gia này lên tới 30 -- hay là 24% -- nhiều hơn bất cứ quốc gia nào.

Không có hồng y nào từ Phi Châu, khu vực nơi giáo hội phát triển nhanh nhất, hay là Oceania.

Mười vị tân hồng y là các giới chức trong Giáo Triều Rôma, vai trò của họ theo truyền thống thường đòi hỏi phải là thành viên của hồng y đoàn. Đức Thánh Cha Benedict, khi còn là hồng y Joseph Ratzinger, đã trải qua trên 23 năm với chức vụ Bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, mặc dầu ngài đã được thăng chức hồng y khi còn là tổng giám mục Munich-Freising, Đức.

Bốn vị trong số các tân hồng y đã trên 80 tuổi và do đó, không được phép bầu trong mật nghị. Đức Thánh Cha dùng việc bổ nhiệm này để vinh danh các vị trong giáo hội về những đóng góp về kiến thức hay các hình thức phục vụ cho giáo hội khác. Trong số này có hồng y được chỉ định Karl Becker, một linh mục Dòng Tên và cựu giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Học Viện tại Rôma.

Dòng Tên vẫn là dòng có con số hiện diện đông nhất trong hồng y đoàn với 8 hồng y, sau đó là Dòng Salesian với 6 vị, trong số này có Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh. Có 7 vị hồng y thuộc Dòng Phanxicô, với một vị mới được bổ nhiệm là hồng y Sean P. O'Malley từ Boston.

Đây là danh sách của các tân hồng y:

-- Tổng Giám Mục người Ý Fernando Filoni, bộ trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, 65 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Bồ Đào Nha Manuel Monteiro de Castro, Chánh án Tòa Xá Giải Tối Cao, 73 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Tây Ban Nha Santos Abril Castello, Quản hạt Vương Cung Thánh Đường St. Mary Major, 76 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Ý Antonio Maria Veglio, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân và Du Mục, sẽ 74 tuổi vào ngày 3 tháng 2.

-- Tổng Giám Mục người Ý Giuseppe Bertello, Chủ tịch Uỷ Ban Điều Hành Quốc Gia Thánh Đô Vatican, 69 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Ý Francesco Coccopalmerio, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về việc duyệt xét các văn kiện luật pháp, 73 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Brazil Joao Braz de Aviz, Bộ trưởng Thánh Bộ Đời Tận Hiến và các Tu Hội Đời Sống Tông Dồ, 64 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Hoa Kỳ Edwin F. O'Brien, Đại Hiệp Đoàn Kỵ Sĩ Mộ Thánh Chúa ở Giêrusalem, 72 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Ý Domenico Calcagno, Giám đốc Điều Hành Sản Nghiệp của Toà Thánh, sẽ 69 tuổi ngày 3 tháng 2..

- Tổng Giám Mục người Ý Giuseppe Versaldi, Giám Đốc Phủ Doãn Tông Tòa về các vấn đề kinh tế của Tòa Thánh, 68 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Ấn George Alencherry of Ernakulam-Angamaly, Tổng Giám Mục Trưởng của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, 66 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Canada Thomas C. Collins từ Toronto, sẽ 65 tuổi ngày 16 tháng 1.

-- Tổng Giám Mục người Tiệp Khắc Dominik Duka từ Prague, 68 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Hòa Lan Willem J. Eijk từ Utrecht, 58 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Ý Giuseppe Betori từ Florence, 64 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Hoa Kỳ Timothy M. Dolan từ New York, sẽ 62 tuổi ngày 6 tháng 2.

-- Tổng Giám Mục người Đức Rainer Maria Woelki từ Berlin, 55 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Trung Hoa John Tong Hon từ Hong Kong, 72 tuổi.

-- Tổng Giám Mục người Romania Lucian Muresan từ Fagaras và Alba Iulia, là Tổng Giám Mục Trưởng của Giáo Hội Công Giáo Romania, 80 tuổi.

-- Linh Mục người Bỉ Julien Ries, chuyên viên về lịch sử các tôn giáo, 91 tuổi.

-- Linh Mục Malta Dòng Âu Tinh Prosper Grech, học giả Phúc Âm, 86 tuổi.

-- Linh mục người Đức đã về hưu Karl Josef Becker.
 
Top Stories
Malaisie: Les Eglises chrétiennes haussent le ton et demandent à être respectées par l’Etat
Eglises d'Asie
10:34 06/01/2012
Le 4 janvier dernier, quelques heures après avoir partagé un déjeuner de travail avec le Premier ministre de la Malaisie, les responsables de la Fédération chrétienne de Malaisie (CFM), qui réunit la plupart des Eglises et dénominations chrétiennes du pays, ont publié un communiqué au ton particulièrement tranchant. Ils demandent au Premier ministre...

... Najib Razak de se conformer au droit et de s’atteler au démantèlement de l’arsenal juridique et réglementaire qui permet à l’administration de maintenir les chrétiens dans un statut inférieur.

La CFM, qui rassemble 90 % des chrétiens de Malaisie, compte parmi ses principaux membres le Conseil des Eglises de Malaisie, la Communauté chrétienne évangélique nationale ou encore la Conférence des évêques catholiques de Malaisie. Elle demande notamment au Premier ministre de faire cesser les attaques dont ont été victimes les chrétiens en Malaisie au cours des douze derniers mois, que ces attaques aient été physiques et directes ou via les médias contrôlés par l’Etat.

Le Premier ministre Najib Razak s’est construit une image de leader musulman modéré et est connu sur la scène internationale pour son action en faveur de l’harmonie interreligieuse (1) ; or, souligne le communiqué de la CFM, cette image ne tiendra pas s’il ne se résout pas à agir pour stopper les tentatives visant à « détruire » son action en ces domaines.

« L’an passé (…), nous avons été témoins d’incidents sans précédent où les chrétiens ont été victimes d’accusations infondées et d’insultes auxquelles la police a donné crédit en acceptant d’enregistrer des plaintes. Plus encore, des organes officiels du gouvernement, dont des médias d’Etat, ont agi dans le même sens dans la plus parfaite impunité », peut-on lire dans le communiqué signé par le président de la CFM, le prélat anglican Ng Moon Hing, évêque du diocèse de West Malaysia.

Concrètement, il est demandé à l’Etat malaisien de faire respecter le jugement rendu le 31 décembre 2009 par la Haute Cour de justice et qui a autorisé l’hebdomadaire catholique The Herald à faire usage du mot ‘Allah’ pour dire ‘Dieu’ dans ses colonnes en langue malaise (2). Face aux manifestations d’hostilité de certains groupes musulmans, l’administration a renoncé à faire appliquer ce jugement et la publication catholique n’est toujours pas en mesure d’utiliser ce terme dans ses colonnes. Pour la CFM, il est urgent que le gouvernement « entame le processus de démantèlement des lois, règlements, politiques, directives et autres instructions qui restreignent, voire interdisent, aux religions autres que l’islam à utiliser le mot Allah et un certain nombre d’autres termes ».

Selon Mgr Ng, si les responsables des Eglises chrétiennes se sont résolus à hausser ainsi le ton et à exposer sur la scène publique leurs griefs à l’endroit du gouvernement, c’est que c’est là la seule manière d’obtenir des résultats. L’évêque anglican précise que les responsables chrétiens « en ont assez » des rencontres au plus haut niveau à Putrajaya, la capitale administrative du pays, qui ne débouchent que sur « de l’inertie » dans la mise en œuvre des solutions évoqués autour d’une table. « Nous constatons un écart aussi considérable qu’alarmant entre ce que vous vous attendez à voir advenir et ce qui se passe – ou plus exactement ce qui ne se passe pas – sur le terrain », a déclaré Mgr Ng, ajoutant à l’adresse du Premier ministre : « La politique de modération que vous incarnez ne semble pas s’être diffusée aux différents échelons de l’administration. »

A titre d’exemple des vexations et restrictions auxquelles font face les chrétiens en Malaisie, on peut citer qu’il y a quelques semaines, peu avant Noël, deux paroisses catholiques d’une banlieue de Kuala Lumpur ont reçu une requête de la police demandant les noms et adresses des personnes qui chanteraient des cantiques et des hymnes de Noël les 24 et 25 décembre. Selon la police, une autorisation était nécessaire pour de tels chants, qu’ils soient entonnés au domicile privé ou à la paroisse. Selon un prêtre catholique, « une telle interprétation, stricte et restrictive, de la législation en vigueur relative à l’exercice des cultes et à la liberté de religion est possible mais elle est totalement déconnectée de la réalité. Après avoir protesté auprès des autorités, les chrétiens ont obtenu du gouvernement un démenti quant à la nécessité d’une telle autorisation ».

Toujours dans le communiqué de la CFM, Mgr Ng demande au Premier ministre de créer un ministère des Affaires religieuses non musulmanes dont la tâche serait de protéger et défendre les droits et les intérêts des minorités religieuses, qu’elles soient chrétienne, bouddhiste, sikh, taoïste ou hindoue (3). La création d’un tel ministère a, semble-t-il, été évoquée lors du déjeuner à huis clos entre le Premier ministre et les responsables de la CFM, mais sa seule mise en place ne semble pas de nature à rassurer Mgr Ng, qui a déclaré que les responsables chrétiens n’étaient pas « naïfs » au point de penser qu’un tel ministère réglerait tous les problèmes sans que, dans le même temps, les autres ministères et administrations changent leur perception et manière de faire vis-à-vis des religions minoritaires.

De son côté, à l’issue du déjeuner avec la CFM, le Premier ministre a annoncé une série de mesure répondant à des demandes précises des Eglises chrétiennes. Celles-ci, et notamment l’Eglise catholique, demandant de longue date à pouvoir agir plus librement dans le secteur de l’éducation, le Premier ministre a promis que le mode de désignation des directeurs des écoles dites « de mission » serait dorénavant mené en collaboration plus étroite avec les Eglises. Il s’est également engagé à ce que la Bible figure au programme des matières optionnelles dans les examens d’Etat et puisse être enseignée dans les écoles si les parents le demandent et si cela est fait en-dehors des heures de cours normales. Il a enfin promis une exemption fiscale pour les dons faits aux Eglises et organisations chrétiennes.

D’un point de vue politique, la situation du Premier ministre Najib Razak est tendue, tout particulièrement à l’approche du 9 janvier prochain, jour où la Haute Cour de justice doit rendre sa décision concernant le deuxième procès d’Anwar Ibrahim pour sodomie. Anwar Ibrahim, leader du PKR (Parti Keadilan Rakyat), est le chef de file de la coalition d’opposition et mène son combat sur le terrain de la justice sociale et de la lutte contre la corruption ainsi que pour une approche de la politique économique qui ne tienne plus compte de l’appartenance ethnique, et incidemment donc de l’appartenance religieuse. Au cas où les juges le reconnaîtraient coupable, il encourt une peine de 20 ans de prison. Le 9 janvier, le PKR a prévu une manifestation monstre de 100 000 personnes devant la Haute Cour à Kuala Lumpur. Le pouvoir semble craindre toute mobilisation populaire en faveur d’Anwar Ibrahim et, ce vendredi 6 janvier, les mosquées avaient reçu pour consigne de délivrer des prêches mettant en garde contre « le chaos et le désordre » qui résulteraient de toute manifestation ou rassemblement illégal.

(1) Voir la dépêche EDA du 19 juillet 2011 au sujet de la visite du Premier ministre Najib Razak au Vatican : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/malaisie/la-federation-de-malaisie-et-le-saint-siege-nouent-des-relations-diplomatiques
(2) Au sujet de la controverse sur l’utilisation du mot ‘Allah’ par les non-musulmans, voir la dépêche EDA du 15 mars 2011 et les précédentes : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/malaisie/le-gouvernement-accepte-de-remettre-les-35-000-bibles-en-malais-qu2019il-avait-confisquees-en-raison-de-leur-utilisation-du-mot-2018allah2019
(3) Entre 55 et 60 % des 28 millions de Malaisiens sont d’ethnie malaise et de religion musulmane. Les minorités ethniques (Chinois : 26 %, Indiens : 8 % et autochtones) comprennent des communautés religieuses minoritaires : adeptes de la religion chinoise traditionnelle (24 %), chrétiens (8 %, dont 900 000 catholiques), hindous (7 %), bouddhistes (6 %), sikhs (2 %), animistes et autres.

(Source: Eglises d'Asie, 6 janvier 2012)
 
Annuncio di Consistoro per la creazione di nuovi Cardinali
Vatican Press
10:39 06/01/2012
VATICAN - Nel corso dell’Angelus di oggi, il Santo Padre Benedetto XVI ha annunciato per il prossimo 18 febbraio un Concistoro nel quale procederà alla nomina di ventidue nuovi Cardinali.
Queste le parole del Papa:

PAROLE DEL SANTO PADRE

Ed ora, con grande gioia, annuncio che il prossimo 18 febbraio terrò un Concistoro nel quale nominerò 22 nuovi Membri del Collegio Cardinalizio. Come è noto, i Cardinali hanno il compito di aiutare il Successore di Pietro nello svolgimento del suo Ministero di confermare i fratelli nella fede e di essere principio e fondamento dell’unità e della comunione della Chiesa. Ecco i nomi dei nuovi Porporati:

1. Mons. FERNANDO FILONI, Prefetto della Congregazione per l'Evangelizzazione dei Popoli;
2. Mons. MANUEL MONTEIRO DE CASTRO, Penitenziere Maggiore;
3. Mons. SANTOS ABRIL Y CASTELLÓ, Arciprete della Basilica Papale di Santa Maria Maggiore;
4. Mons. ANTONIO MARIA VEGLIÒ, Presidente del Pontificio Consiglio della Pastorale per i Migranti e gli Itineranti;
5. Mons. GIUSEPPE BERTELLO, Presidente della Pontificia Commissione per lo Stato della Città del Vaticano e Presidente del Governatorato del medesimo Stato;

6. Mons. FRANCESCO COCCOPALMERIO, Presidente del Pontificio Consiglio per i Testi Legislativi;
7. Mons. JOÃO BRAZ DE AVIZ, Prefetto della Congregazione per gli Istituti di Vita Consacrata e le Società di Vita Apostolica;
8. Mons. EDWIN FREDERIK O'BRIEN, Pro-Gran Maestro dell'Ordine Equestre del Santo Sepolcro di Gerusalemme;
9. Mons. DOMENICO CALCAGNO, Presidente dell'Amministrazione del Patrimonio della Sede Apostolica;
10. Mons. GIUSEPPE VERSALDI, Presidente della Prefettura degli Affari Economici della Santa Sede;
11. Sua Beatitudine GEORGE ALENCHERRY, Arcivescovo Maggiore di Ernakulam-Angamaly dei Siro-Malabaresi (India);
12. Mons. THOMAS CHRISTOPHER COLLINS, Arcivescovo di Toronto (Canada);
13. Mons. DOMINIK DUKA, O.P., Arcivescovo di Praha (Repubblica Ceca);
14. Mons. WILLEM JACOBUS EIJK, Arcivescovo di Utrecht (Paesi Bassi);
15. Mons. GIUSEPPE BETORI, Arcivescovo di Firenze (Italia);
16. Mons. TIMOTHY MICHAEL DOLAN, Arcivescovo di New York (Stati Uniti d'America);
17. Mons. RAINER MARIA WOELKI, Arcivescovo di Berlin (Repubblica Federale di Germania);
18. Mons. JOHN TONG HON, Vescovo di Hong Kong (Repubblica Popolare Cinese);

Ho deciso, inoltre, di elevare alla dignità cardinalizia un venerato Presule, che svolge il suo ministero di Pastore e Padre di una Chiesa, e tre benemeriti Ecclesiastici, che si sono distinti per il loro impegno a servizio della Chiesa.
Essi sono:

1. Sua Beatitudine LUCIAN MUREŞAN, Arcivescovo Maggiore di Făgăraş e Alba Iulia dei Romeni (Romania);
2. Mons. JULIEN RIES, Sacerdote della Diocesi di Namur e Professore emerito di storia delle religioni presso l'Università Cattolica di Louvain;
3. P. PROSPER GRECH, O.S.A., Docente emerito di varie Università romane e Consultore presso la Congregazione per la Dottrina della Fede;
4. P. KARL BECKER, S.I, Docente emerito della Pontificia Università Gregoriana, Consultore della Congregazione per la Dottrina della Fede.

I nuovi Cardinali provengono da varie parti del mondo, come avete sentito, e svolgono diversi ministeri a servizio della Santa Sede o a contatto diretto con i fedeli quali Padri e Pastori di Chiese particolari.

Vorrei invitare tutti a pregare per i nuovi eletti, chiedendo l’intercessione della Beata Vergine Maria, Madre della Chiesa, affinché sappiano testimoniare sempre con coraggio e dedizione il loro amore per Cristo e per la sua Chiesa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Thanh Hóa mổ mắt miễn phí cho người nghèo
Vân Sơn
08:25 06/01/2012
Hội Caritas Thanh Hóa Mổ Mắt Miễn Phí: Khi Ánh Sáng Về Với Người Nghèo

Giáng sinh vừa mới khép lại một mùa hồng ân, mùa an vui, thì năm mới chào đón một mùa hạnh phúc. Khắp thế giới muôn ngàn bông hoa bung nở trên bầu trời. Hàng ngàn ánh sáng rắc lên không trung và lấp lánh soi sáng cho một khởi đầu năm rực rỡ. Thế nhưng cái tết đến gần, cái mùa mà ai cũng mừng vui đó, có những mảnh đời trên quê Thanh, có những con người, có những cánh cửa bị ánh sáng đóng lại. Trên những đôi mắt đó, ánh sáng nhân gian, chút nắng đông yếu ớt cũng trở thành những viên ngọc đẹp nhất, kỳ ảo nhất… Và những đôi mắt đó không ngừng ước mơ, những mơ ước giản dị nhất…Ước mơ được nhìn thấy…

Ước tính có gần 400 bệnh nhân được mổ mắt miễn phí

Ba ngày đối với tôi – một sinh viên mới ra trường những trải nghiệm thú vị và sâu sắc. Tôi vẫn biết rằng trên quê hương của tôi – mảnh đất lửng lơ giữa miền bắc và miền trung, mảnh đất với những trận gió Lào bỏng lửa, những cơn bão hoành hành, người nghèo nhiều lắm. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, dường như cuộc sống còn quá đơn giản. Bước ra đời, đi tới nhiều nơi, tôi mới thực sự biết rằng, tôi là người hạnh phúc. Bố mẹ sinh ra tôi, Thiên Chúa ban cho tôi một cuộc
sống bình thường và đặc biệt là đôi mắt khỏe mạnh để tôi nhìn thấy nhân gian. Và hôm nay tôi nhìn thấy vạn cảnh đời trước mắt. Có cái gì cay cay rơi trên khóe lệ. Tôi biết rằng đó là sự cảm thông, là tiếc nuối, là nỗi đau khổ khi nhìn những đôi mắt nheo lại cố nhìn ra tôi. Những đôi mắt ấy hoặc vì tuổi già, hoặc vì cái nghèo, hoặc do bẩm sinh, hoặc do hóa chất… đã lấy đi một phần thiên chức cao cả của nó. Và tôi cũng biết, giọt lệ cay cay mà tôi đang có đây cũng chính là niềm hạnh phúc mà tôi đọc được trên những người bệnh được mổ mắt trong ba ngày 31/12/2011 – 2/1/2012 tại bệnh viện Thành Phố.

Đa số người bệnh mổ mắt lần này là các cụ ông, cụ bà tuổi từ 50 – 90

Mổ mắt là chương trình từ thiện, bác ái mà Hội Caritas Thanh Hóa triển khai một vài năm gần đây. Nhờ những tấm lòng hảo tâm của quý ân nhân xa gần, những trái tim nhiệt huyết của các y bác sĩ, khát vọng được cống hiến của các bạn sinh viên. Đặc biệt dịp khám chữa mắt, phát thuốc lần này do chị Huyên (việt kiều Úc) tài trợ… mà chương trình đã đi vào thực tế một cách thành công. Trên chiếc xe nhỏ, các bác sĩ, các bạn sinh viên – các cộng tác viên, đã đến với những vùng thôn quê xa xôi nhất của đất Thanh Hóa. Từ vùng núi Phong Ý cheo leo trên những ngọn đồi, ngọn núi, đến xứ Kiến An vùng sâu, từ đồng bằng đến miền biển… đâu có những đôi mắt trông chờ, nơi ấy sẽ có đoàn khám mắt đến với bà con. Những bữa cơm vội vã, tạm bợ, đoàn khám mắt có khi phải đi hai, ba xứ trong một ngày. Có bác sĩ tuổi đã cao như bác sĩ Kim ở Tam Tổng, đi nhiều thế mà chưa bao giờ thấy ông nói mệt. Ông vẫn luôn sẵn sàng mỗi khi được gọi…

Sau những chuyến khám mắt tại các giáo xứ, những bệnh nhân mổ mắt được tập hợp lại tại bệnh viện Thành Phố - nơi mà Hội Caritas thuê để toàn tâm phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ Mẫn và bác sĩ Phi từ đất Sài Gòn xa xôi, lạ lẫm với cái lạnh của quê Bắc là người chịu trách nhiệm mổ mắt cho bệnh nhân.

Có nhiều cụ bà lần đầu xa nhà, lần đầu lên thành phố, cái gì cũng khiến bà sợ, cái gì cũng khiến bà lo...

Hàng trăm người đổ dồn về bệnh viện trong ba ngày. Ước tính sơ sơ cũng phải có đến gần 400 bệnh nhân. Đó là chưa kể đến những bệnh nhân đến xin khám thêm, những bệnh nhân bên lương nghe nói có mổ mắt miễn phí cùng xin được khám mắt.

Đa số người bệnh mổ mắt lần này là các cụ ông, cụ bà tuổi từ 50 – 90, cũng có một số các bệnh nhân trẻ tuổi hơn, nhưng con số đó nhỏ hơn rất nhiều.

Có nhiều cụ bà lần đầu xa nhà, lần đầu lên thành phố, cái gì cũng khiến bà sợ, cái gì cũng khiến bà lo. Có nhiều ông lại chỉ mong mổ nhanh nhanh để “tôi về nhà với bà, để bà ở nhà một mình, bà buồn lắm”. Bà Lê Thị Phúc 66 tuổi đến từ Giáo xứ Hữu Lễ đi từ sáng sớm, chờ đến cuối ngày vẫn chưa đến lượt mình thì sốt ruột. Bà nói: “Cả làng có mình tôi là chưa mổ, mọi người mổ xong về hết rồi. Tôi lại đi có một mình, biết làm răng bây giờ”…

Chị Nhung đến từ xứ Kẻ Vàng tuổi trẻ hơn, nhìn chị tôi không nghĩ là phải mổ mắt. Trông chị rất khỏe mạnh, lại hay nói, hay cười. Thế nhưng mắt chị cũng bị mờ đã lâu, nhà nghèo nên cũng ngại lui tới bác sĩ. Nghe có đợt mổ mắt miễn phí cho người nghèo, chị vui lắm. Chị hạnh phúc chia sẻ với tôi “Chị đi một mình thôi, chị khỏe mà. Mơ ước mãi mới được đi mổ mắt đó. Vui lắm, thế là tết này được nhìn ngắm thoải mái rồi”. Khác với các cụ khi bước vào phòng mổ thì lo lắng, chị bước vào phòng mổ với nụ cười tươi tắn, chị còn quay lại cười và vẫy tôi, “chờ một tẹo chị mổ xong ra nói chuyện tiếp nhé”.

Những niềm vui giản dị mà lớn lao là như thế.

Nhưng bên cạnh đó, có những lúc, có những bệnh nhân khiến cả gian phòng phải nín lặng. Vì quá xúc động tôi đã quên không hỏi tên của anh. Anh đến từ giáo xứ Hoài Yên, anh còn khá trẻ, khoảng 30 tuổi. Anh có khuôn mặt hiền, hiền lắm. Chỉ duy có đôi mắt đã chỉ còn một nửa. Một mắt của anh đã mất đi chức năng khi anh chào đời được một tháng tuổi. Con mắt còn lại cũng chỉ thấy mờ mờ. Cuộc đời bé thơ của anh đã không được vẹn tròn với những trò chơi, những trận đuổi bắt… Anh lập gia đình, và tôi nghe kể, vợ anh cũng có hoàn cảnh tương tự, có khi còn nặng hơn anh. Hai vợ chồng anh chị đã có một đứa con. Thiên Chúa đã cất lên vai anh chị cái gánh quá nặng, anh chị đã vác Thánh Giá đau khổ theo chân Chúa. Và hạnh phúc đã mỉm cười khi đứa con của anh chị may mắn có đôi mắt khỏe. Con là đôi mắt của bố mẹ. Anh cũng đã ngỡ rằng anh cũng có thể thêm chút sáng cho con mắt khi được thông báo đi mổ mắt tại bệnh viện Thành phố. Dù cho có tàn tật nhưng anh đến từ rất sớm. Anh nói rằng anh đi từ lúc 4 giờ sáng cùng với người chú. Anh nhường mọi người đến sau mình, cho đến cuối ngày, anh mới bước vào phòng mổ. Hi vọng mong manh của anh cũng vụt tắt khi bác sĩ nói rằng trường hợp của anh không thể mổ…

Đã làm bác ái, nào có ai nghĩ đến thiệt hơn. Hơn nữa lại là làm cho cộng đoàn Công giáo, cùng là con Mẹ Maria, cùng là con chiên của Chúa.

Mọi người đều thương anh, đều tiếc cho anh. Nhưng anh thì không. Có lẽ anh chấp nhận. Khuôn mặt hiền từ ấy không biểu lộ sự thất vọng. Mà cũng có thể anh đã quá quen với những nỗi đau như vậy. Nhìn anh ngồi ăn cháo, bình thản mà lặng lẽ khiến ai cũng phải suy nghĩ. Nhiều bạn sinh viên còn nói rằng, nhìn anh như thế mới biết mình may mắn và hạnh phúc biết bao nhiêu.

Anh mạnh mẽ lắm, anh đã đi được nửa chặng đường với hoàn cảnh như thế. Nửa cuộc đời còn lại anh sẽ sống và sống tốt hơn. Bởi anh có được rất nhiều những tấm lòng chia sẻ, quan tâm và đồng cảm. Cầu chúc anh luôn bình an là những gì tôi có thể làm cho anh…

Một ngày kết thúc, lại một ngày mới mở ra. Sau một đêm nghỉ ngơi, các bác sĩ và các bạn sinh viên lại bắt đầu công việc của mình, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, từ 13 giờ đến 18 giờ chiều. Ông Ngôn ở giáo xứ Chính Tòa phục vụ miễn phí cháo cho bệnh nhân và người nhà. Những bệnh nhân phải ở lại đêm cũng được phát chăn gối, người nào không quen đường, giáo xứ không có đoàn xe sẽ có các tình nguyện viên đưa ra tận bến xe… Thuốc cũng được phát miễn phí kèm hướng dẫn sử dụng. Tôi còn nhớ có một chị đã nói với tôi, ở đây người ta phục vụ tận tình quá, cứ như ở nhà vậy.

Thêm một đôi mắt sáng là thêm một cánh cửa mở ra, thêm một cái tết trọn vẹn

Đã làm bác ái, nào có ai nghĩ đến thiệt hơn. Hơn nữa lại là làm cho cộng đoàn Công giáo, cùng là con Mẹ Maria, cùng là con chiên của Chúa.

Thêm một đôi mắt sáng là thêm một cánh cửa mở ra, thêm một cái tết trọn vẹn. Vâng, giao thừa ở Tây Phương đã điểm, còn chúng ta, chúng ta chờ đón một cái tết chỉ chưa tròn một tháng nữa. Hãy cùng cầu chúc một năm mới bình anh, hạnh phúc cho toàn thể mọi người, và đặc biệt hơn là những người nghèo bất hạnh. Cầu chúc cho năm mới, Hội Caritas sẽ được quan tâm, ủng hộ hơn nữa, để hội tiếp tục mang ánh sáng đến với những bệnh nhân nghèo xứ Thanh yêu thương…

 
Tuần tĩnh tâm Linh mục giáo phận Mỹ Tho
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
08:18 06/01/2012
MỸ THO - Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo phận Mỹ Tho năm 2012 đã diễn ra từ chiều Thứ Hai ngày 2 tháng 1 đến sáng Thứ Sáu ngày 6 tháng 1, tại Trung Tâm Mục Vụ, số 23 Lý Thường Kiệt, P.6, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang. Chủ đề tĩnh tâm năm nay là “CỦNG CỐ VÀ CANH TÂN TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC TRONG GIÁO PHẬN.” Nhận lời mời của Đức Cha Phaolô Giáo phận Mỹ Tho, nên Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi – Giám mục phó Giáo phận Quy Nhơn, Chủ Tịch Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – đã thu xếp nhiều công việc mục vụ để đến Mỹ Tho giảng tuần tĩnh tâm cho quí Cha trong Giáo phận.

Xem hình ảnh

Tham dự Tuần Tĩnh Tâm có sự hiện diện của hầu hết các linh mục trong Giáo phận, một số các Cha đã nghỉ hưu hay đau bệnh có thể đến được cũng đã cố gắng về tham dự; ngoài ra còn có sự tham dự của 2 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và 2 linh mục Dòng Don Bosco đang phục vụ tại Giáo phận Mỹ Tho.

Theo chương trình đã định trước, sáng Thứ Hai ngày 02.01.2012, quí Cha trong Giáo phận ở 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã tập trung về Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận gần như đầy đủ. Đúng 11g30 quí Cha dùng cơm trưa chung với Đức Cha Phaolô và Đức Cha giảng tĩnh tâm Matthêu Nguyễn Văn Khôi. Quí Cha vui mừng vỗ tay giòn giã để chào mừng hai Đức Cha và chào nhau. Trước khi hát cầu nguyện cho bữa ăn, Đức Cha Phaolô đã nói đôi lời giới thiệu Đức Cha Matthêu cho quí Cha, và cũng nói một vài điều về linh mục trong Giáo phận với Đức Cha Matthêu. Khi Đức Cha Phaolô vừa dứt lời thì thêm một tràng pháo tay nữa vang lên chào mừng Đức Cha Matthêu. Ngoài ra, Đức Cha Phaolô cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì thấy các cha về dùng cơm trưa khá đông đủ mặc dù tới 14g30 mới khai mạc tĩnh tâm. Sau cơm trưa thì hai Đức Cha và quí Cha về phòng riêng nghỉ trưa.

Vào buổi chiều cùng ngày, đúng 14g30 Đức Cha Phaolô khai mạc Tuần Tĩnh Tâm dành cho các linh mục trong Giáo phận. Mở đầu lời khai mạc, Đức Cha Phaolô nói với Đức Cha Matthêu rằng, mặc dù linh mục đoàn còn có những hạn chế nhưng rất muốn vươn lên, do đó ngài xin Đức Cha Matthêu giúp anh em linh mục trong những ngày tĩnh tâm này. Đức Cha Phaolô cũng cho biết sáng Thứ Năm 5.1.2012, cả hai Đức Cha phải lên đường đi Huế để mừng 50 năm linh mục của Đức Tổng Giám mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, nên chương trình tĩnh tâm năm nay được rút ngắn hơn nửa ngày so với các năm trước.

Khi ngỏ lời với quí Cha, Đức Cha Phaolô bày tỏ sự cảm kích đối với những cha đau bệnh mới mổ gần đây, nhưng rất thiện chí cố gắng về tham dự tĩnh tâm. Đức Cha nhắn gởi quí Cha trong tuần tĩnh tâm rằng: 1) Cần lắng nghe Chúa Thánh Thần trong thinh lặng; 2) Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta bằng nhiều cách nên đừng lãng phí ơn Chúa Thánh Thần; 3) Khi suy nghĩ và phản tĩnh đời sống linh mục dưới ánh sáng của Chúa, chắc chắn sẽ được Chúa soi sáng; 4) Khi cử hành phụng vụ cần sốt sắng và cố gắng hơn bình thường, vì phụng vụ là nơi Chúa Thánh Thần lên tiếng và giáo dục chúng ta; 5) Chúa Thánh Thần còn nói với chúng ta qua các bài giảng, nên cần cố gắng lắng nghe chăm chú các bài giảng; 6) Cần lắng nghe Chúa Thánh Thần qua giám mục và các anh em linh mục.

Tiếp theo lời khai mạc của Đức Cha Phaolô, Đức Cha Matthêu bắt đầu bài giảng đầu tiên cho các ngày tĩnh tâm của quí Cha. Trước khi đi vào bài giảng, Đức Cha Matthêu nói rằng, có lẽ Giáo phận Mỹ Tho là Giáo phận đầu tiên trong toàn nước Việt Nam tĩnh tâm linh mục trong năm mới 2012. Đức Cha còn nói rằng, địa danh Mỹ Tho có nghĩa là vừa đẹp vừa thơm tho, nên Đức Cha hy vọng sẽ cảm nhận được điều đó qua những ngày ở đây. Sau đó, Đức Cha đề cập đến chủ đề của Tuần Tĩnh Tâm “Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong Giáo phận”. Đức Cha Matthêu cũng giới thiệu các đề tài được khai triển trong các ngày tĩnh tâm như sau:

1. Tình huynh đệ linh mục trong bối cảnh văn hóa hiện nay tại Việt Nam: một thoáng nhìn qua;
2. Tìm về nguồn mạch của tình huynh đệ linh mục;
3. Xác định lộ trình của tình huynh đệ linh mục;
4. Khám phá ý nghĩa và tầm quan trọng của tình huynh đệ linh mục;
5. Phác họa lược đồ xây dựng tình huynh đệ linh mục;
6. Điểm nhấn thực hành 1: sửa lỗi, tha thứ và nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ linh mục;
7. Điểm nhấn thực hành 2: xây dựng tình huynh đệ linh mục bằng niềm vui và nụ cười.

Tất cả các đề tài được Đức Cha Matthêu khai triển sâu rộng, nhưng rất nền tảng về tình huynh đệ linh mục; từ những ảnh hưởng tự nhiên đến siêu nhiên của người linh mục; những ảnh hưởng bởi các nền văn hóa, khoa học, những phương tiện hiện đại,… Từ đó, Đức Cha đưa người nghe tìm về nguồn mạch của tình huynh đệ linh mục là Thiên Chúa qua mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh,… Đức Cha trích dẫn nguồn từ Kinh Thánh và các văn kiện của Giáo hội để nhấn mạnh cho các ý tưởng được nêu ra. Trong phần “Xác định lộ trình của tình huynh đệ linh mục”, Đức Cha dẫn chứng và diễn giải các số trong “Chỉ nam linh mục”. Để minh họa phong phú cho các bài giảng, Đức Cha đã kể những câu chuyện có thật trong cuộc sống, những câu chuyện có được từ kinh nghiệm mục vụ của Đức Cha, và những câu chuyện sưu tầm,… làm các Cha chăm chú lắng nghe, có khi cùng phá lên cười vì những câu chuyện tiếu lâm nhưng cũng là những bài học đầy ý nghĩa và sâu sắc.

Đức Cha Phaolô cùng tham dự tĩnh tâm với quí Cha, nên Đức Cha đã tham dự đầy đủ các giờ giảng tĩnh tâm của Đức Cha Matthêu. Đó là sự khích lệ lớn và nhất là gương sáng cho các Cha trong Giáo phận. Đức Cha Phaolô cũng đồng hành và tham dự các giờ đạo đức, kinh nguyện, suy gẫm, viếng Thánh Thể và dâng Thánh Lễ với quí Cha. Sau các bữa ăn, Đức Cha còn gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe, trao đổi và giải quyết các nhu cầu mục vụ của quí Cha.

Trong Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục, ngoài việc nghe Đức Cha Matthêu giảng, quí Cha còn có các giờ đạo đức, kinh nguyện, suy gẫm, viếng Thánh Thể và dâng Thánh Lễ chung với nhau. Thánh Lễ khai mạc sáng Thứ Ba ngày 03.01 và Thánh lễ sáng Thứ Năm ngày 05.01 do Đức Cha Matthêu chủ sự. Khi giảng trong Thánh lễ, Đức Cha mời gọi quí Cha chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng sinh và khám phá căn tính của Hài Nhi Giêsu. Ngài là sự sống và ánh sáng chiếu soi trần gian, là nguồn mạch của mọi ân sủng. Đức Cha đã diễn giải các bài đọc Kinh Thánh theo chiều kích thần học, tu đức và đưa ra những áp dụng thực hành mục vụ cho đời sống linh mục. Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Hội Thánh là cộng đoàn dân thánh, dân tư tế của Thiên Chúa, được qui tụ và thánh hiến nhờ máu của Chiên Con tinh tuyền là Đức Kitô, trong đó các linh mục thừa tác là những người được thánh hiến cách đặc biệt do ân sủng của bí tích truyền chức thánh, có nhiệm vụ vừa làm chứng cho Đức Kitô như Gioan Tẩy Giả, lại vừa tham dự vào chính hy tế của Đức Kitô như con chiên.” Đức Cha cũng mời gọi các linh mục hãy noi gương Gioan Tẩy Giả sống thánh thiện, hy sinh, từ bỏ và tự xóa chính mình để có thể giới thiệu Chúa cho tha nhân. Cuối cùng, Đức Cha nhắn gởi các linh mục không đòi hỏi quyền lợi hay địa vị, luôn hiền lành và khiêm tốn, vui lòng chấp nhận gánh nặng đau khổ, và có thể nói là chết đi mỗi ngày để Chúa lớn lên, cũng như để cho đoàn chiên được sống và được sống dồi dào. Sau Thánh lễ sáng Thứ Ba, hai Đức Cha và quí Cha ra trước Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình để chụp hình lưu niệm chung với nhau.

Thánh Lễ sáng Thứ Tư ngày 04.01 do Đức Cha Phaolô chủ sự. Mặc dù trong Tuần Thường Huấn Linh Mục vào tháng 11 năm 2011 vừa qua có Thánh lễ dành riêng để cầu nguyện cho Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Đức Cha Anrê Nguyễn Văn Nam, và tất cả các linh mục trong Giáo phận đã qua đời; nhưng Đức Cha Phaolô cũng mời gọi quí Cha nhớ đến và cầu nguyện cho Đức Cha Giuse, Đức Cha Anrê và các linh mục đã qua đời, nhất là các linh mục mới vừa qua đời trong năm ngoái. Trong phần giảng lễ dựa vào đoạn Tin Mừng của Ga 1,35-42 nói về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu hai môn đệ của mình cho Chúa Giêsu, Đức Cha Phaolô vừa diễn giải Thánh Kinh, vừa trao gởi tâm tình đến quí Cha để giúp thăng tiến đời sống linh mục trong ơn sủng Chúa. Những điểm nhấn của Đức Cha gồm có: 1) Chúa dùng nhiều cách để giới thiệu Chúa cho chúng ta: nhiều người và bằng nhiều cách khác nhau mà đôi khi chúng ta không nhận ra; 2) Hãy nhanh chóng khởi đầu và khởi hành như hai môn đệ của Gioan đã mau mắn theo Chúa; 3) Hãy đến với Chúa, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa; 3) Hãy ở lại với Chúa để tìm hiểu Chúa, càng hiểu Chúa càng muốn ở lại với Chúa; 4) Sau cùng có thể giới thiệu Chúa cho người khác, đó cũng là ra đi truyền giáo.

Vào sáng Thứ Năm ngày 05.01, sau khi Đức Cha Matthêu giảng tĩnh tâm xong, Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh đã đại diện quí Cha, bày tỏ tâm tình tri ân Đức Cha đã giúp tĩnh tâm cho quí Cha trong Giáo phận Mỹ Tho. Cám ơn các bài giảng của Đức Cha thật súc tích và sâu sắc, xen vào đó là những câu chuyện hài hước, những kinh nghiệm quí báu đã giúp ích cho quí Cha rất nhiều. Sau khi Cha Tổng Đại Diện cám ơn xong, một linh mục trẻ tiến đến tặng hoa và quà cho Đức Cha. Trong phần đáp từ, Đức Cha Matthêu khiêm tốn nói rằng, về phương diện thần học thì Đức Cha Phaolô là bậc thầy và ngài cũng viết nhiều sách về thần học. Đức Cha Matthêu cũng nói, đi giảng tĩnh tâm thì xem ra là “cho” nhưng thực ra cũng có “nhận”, vì không ai cho không ai một cái gì; ngài nói ngài cũng học hỏi được nhiều điều khi đến Mỹ Tho, một giáo phận miền tây dễ mến, từ sự vui vẻ, hài hước và thân tình của anh em linh mục đến sự hăng say hoạt động mục vụ cho Giáo hội, các văn phòng của các ban ở đây làm việc rất tốt là kinh nghiệm thực tế sống động giúp Đức Cha có ý tưởng để áp dụng cho Giáo phận nơi ngài đang coi sóc và phục vụ.

Trưa ngày Thứ Năm 05.01, trước khi ăn trưa tại phòng ăn thì Cha Gioan Trần Phước Cương, Chủ Tịch Hội Đồng Linh mục, đã thay mặt Linh Mục Đoàn trong Giáo phận phát biểu tâm tình để chúc mừng năm mới 2012 đến hai Đức Cha. Quí Cha cùng nhau vỗ tay vang dội bày tỏ niềm hân haon chan chứa dành cho hai Đức Cha nhân dịp xuân về. Sau đó, hai linh mục trẻ đã tặng hoa chúc mừng hai Đức Cha. Ăn trưa xong, hai Đức Cha chia tay với quí Cha và chuẩn bị rời Trung Tâm Mục Vụ để kịp chuyến bay đến Huế vào buổi chiều.

Chiều ngày Thứ Năm 05.01, các Cha nghe quí Cha Hạt Trưởng và quí Cha Trưởng Ban báo cáo sinh hoạt mục vụ trong năm qua, và những dự kiến sinh hoạt cho năm mới 2012. Buổi tối quí Cha cùng tham dự buổi cầu nguyện Đông Phương tại Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình.

Sáng Thứ Sáu ngày 06.01, Thánh lễ bế mạc do Cha Tổng Đại Diện chủ sự. Sau Thánh lễ, quí Cha ăn sáng và ra về; kết thúc Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục năm 2012. Trong những ngày tĩnh tâm, quí Cha đã gặp gỡ Chúa, sống thân tình với nhau trong tình huynh đệ linh mục và trong ân sủng Chúa. Cầu chúc quí Cha trở về nhiệm sở được nhiều sức khỏe, niềm vui, lòng nhiệt thành, và những hăng say mới để phục vụ đàn chiên giúp họ luôn sống dồi dào trong tình yêu Chúa.
 
Thánh lễ tiễn biệt Đức Ông Đaminh Vũ Văn Thiện tại Roma
CTV tại Roma
11:34 06/01/2012
ROMA - Sau hơn một tuần chờ đợi các thủ tục thực thi ước nguyện cuối cùng cho người quá cố, là được đưa về an nghỉ ở Việt nam, ngày 04 /01/2012, hồi 11 giờ, Thánh Lễ Tiễn Biệt Đức ông Đaminh Vũ Văn Thiện đã được cử hành cách long trọng do cha Gioan Trần Mạnh Duyệt, đại diện gia đình Foyer Phát Diệm Roma làm chủ tế.

Xem hình ảnh

Hiện diện trong Thánh Lễ Tiễn Biệt có đông đủ mọi thành phần linh tông, huyết tộc và thân bằng quyến thuộc. Phía đại gia đình Liên Tu Sĩ Roma, có Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, niên trưởng giảng lễ, cha Giuse Nguyễn Tất Thắng, chủ tịch đọc Tiểu sử người quá cố, quý Đức Ông đang làm việc tại Roma, quý cha, quý nam nữ tu sĩ tu học, cũng như một số anh chị em giáo dân Việt Kiều. Về phía chính quyền, đáng ghi nhận có ngài tham tán Đại Sứ Quán Việt Nam tại Italia cùng phu nhân đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm hương hồn Đức ông Đaminh trước giờ lễ.

Tiết trời từ mấy ngày hôm trước buồn lất phất mưa bay, như muốn cùng tang quyến và mọi người hiện diện lưu luyến tiễn đưa người quá cố thân yêu. Nhưng hôm nay, tạ ơn Chúa, trời tạnh ráo, thi thoảng có áng mây nhẹ bay qua, rồi ánh nắng chan hòa lại đổ xuống sưởi ấm tất cả mọi người hiện diện trong sân tang bao quanh linh cữu Đức ông Đaminh.

Đôi dòng tiểu sử

Trước khi cử hành thánh lễ, cha Giuse Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Liên Tu Sĩ Roma đọc Tiểu Sử Đức ông Đaminh. Những mốc lịch sử quan trọng của người quá cố thân yêu hiện lên sống động: từ khi Ngài chào đời cách đây hơn ¾ thế kỉ (20/10/1935) trên mảnh đất giáo xứ Dưỡng Điềm, giáo phận Phát Diệm, đến thời gian trở thành thầy chủng sinh (1950-1962), rồi từ hình ảnh linh mục Đaminh (1962) với những tháng ngày rong ruổi nơi đất khách quê người, đến hình ảnh Đức ông Đaminh đáng kính (1989) cũng như nguyên Chủ tịch Liên Tu Sĩ nơi Giáo đô Roma này.

Qua đó, “Những người từng quen biết và gặp gỡ Đức ông Đaminh có thể dễ dàng nhận ra các đức tính nổi bật nơi Ngài như sự tốt lành, giản dị, hiền từ và khiêm tốn, đặc biệt Ngài đã âm thầm chấp nhận và chịu đựng nhiều bệnh tật của tuổi già một cách vui vẻ và lạc quan” (Trích đoạn trong phần Tiểu Sử về Đức ông Đaminh Vũ Văn Thiện).

Để rồi đến giờ Chúa gọi, 4 giờ sáng (Roma) ngày 26 tháng 12 năm 2011, Ngài đã ra đi cách nhẹ nhàng bởi Ngài đã đặt trọn niềm tin yêu nơi Chúa, đúng như câu khẩu hiệu đời linh mục của Ngài: “Hãy cùng tôi ngợi khen Thiên Chúa” (Tv 33,4).

Bài Giảng trong Thánh Lễ Tiễn Biệt

Trước tiên Đức ông Barnaba Phương gợi nhớ về hình ảnh người quá cố thân yêu, một người bạn, một linh mục luôn quảng đại phục vụ Giáo Hội qua những chặng đường đời. Ngài nêu một ví dụ, sau biến cố năm 1975, Đức ông Đaminh cùng Đức ông Nguyễn Văn Hoài trong thời gian dài đã tình nguyện theo hạm đội của Italia lênh đênh trên biển Thái Bình Dương để cứu vớt đồng bào Việt Nam chạy tị nạn. Đức ông Đaminh cũng từng nhiều khóa làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Liên Tu Sĩ Roma. Luôn âm thầm và nhiệt thành phục vụ, Ngài tận dụng chuyên môn Giáo luật, cùng với một số anh em linh mục dịch Bộ Giáo Luật 1983 để phục vụ Giáo Hội. Ngài tiếp nối truyền thống tốt đẹp của linh mục miền Bắc là nuôi con thiêng liêng, trong đó có bốn người trở thành linh mục và một vài nữ tu. Nhất là, trong suốt 26 năm âm thầm phục vụ Gia đình Foyer Phát Diệm, Ngài đã làm cho nơi đây trở nên cây cầu nối, một Việt Nam thu nhỏ, để đón tiếp các Đức Giám Mục Việt Nam mỗi dịp các Ngài về Giáo đô Roma.

Phần thứ hai của bài giảng, Đức ông Barnaba đã quảng diễn nội dung các bài đọc, và làm nổi bật, Đức Kitô là niềm Hi Vọng của chúng ta. Thiên Chúa sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần, bởi vì Đức Kitô đã chết và phục sinh: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, ai tin vào Thầy, dù có chết cũng sẽ được sống. Cũng trong niềm tin đó, trong bài đọc thứ hai, vị giảng thuyết tiếp tục diễn tả tư tưởng của thánh Phaolô: “tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người”.

Bài Tin Mừng (Mt 25, 31-46)nói về cảnh ngày phán xét. Đức ông Phương mời gọi cộng đoàn phụng vụ hãy vui mừng vì ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ phân xử theo đức bác ái, mà tôi tới Chúa là Đức ông Đaminh đã cố gắng sống trọn vẹn trong suốt 49 năm linh mục của Ngài. Ngài mời gọi mọi người hãy vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, đúng như khẩu hiệu Ngài lựa chọn: “Hãy cùng tôi ngợi khen Thiên Chúa” (Tv 33,4).

Lời cảm ơn của cha Gioan Trần Mạnh Duyệt

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, cha chủ sự Gioan Trần Mạnh Duyệt, đại diện gia đình Foyer Phát Diệm bày tỏ lòng tri ân tới tất cả mọi người. Trước tiên, Ngài cảm tạ Quý Đức ông và Quý Cha đã tới thăm hoặc gửi lời phân ưu và đặc biệt hôm nay đã hy sinh bỏ mọi công việc để tới đây dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức ông Đaminh và hiệp thông với tang quyến trong giờ phút đau thương này.

Tiếp đến Ngài bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban điều hành và Quý nam nữ tu sĩ trong gia đình liên tu sĩ Roma đã chia sẻ nỗi mất mát, và nhiệt tình giúp đỡ tổ chức Thánh Lễ Tiễn Biệt được sốt sắng.

Ngài cũng không quên, thay mặt cộng đoàn Foyer Phát Diệm gửi tới Đại Sứ Quán Việt Nam tại Roma lời cảm ơn đã tới phân ưu cũng như đã giúp đỡ hoàn tất các thủ tục để thực hiện nguyện vọng của người đã khuất là được an nghỉ tại quê hương Việt Nam.

Cha Gioan cũng không quên cảm ơn các y bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Gemelli, rồi Công ty mai táng la Cattolica San Pietro cũng như gửi lời cảm ơn chân thành tới quý Đức Cha và quý vị bạn hữu gần xa, đã chia sẻ với gia đình Foyer Phát Diệm những lời phân ưu chân thành và đặc biệt đã cầu nguyện cho Đức ông Đaminh.

Cuối cùng, Ngài cũng xin mọi người thứ lỗi cho những thiếu sót trong lúc tang gia bối rối, cũng như xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Đức Ông Đaminh kính yêu.

Giờ phút tiễn biệt

Cha Gioan Đỗ Văn Khoa, người từng sát cánh bên Đức ông thời gian gần đây, chủ trì nghi thức tiễn đưa. Ngài rảy nước phép, xông hương, và đọc lời nguyện phó dâng thi hài người quá cố trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Sau đó, Ca đoàn Liên tu sĩ hát lên bài Hy Lễ Cuối Cùng trong tiếng khóc thương tiễn biệt Đức ông Đaminh ra phi trường trở về an giấc ngàn thu trên quê hương Việt Nam thân yêu: “Lạy Chúa trọn đời con đã dâng cho Ngài, trọn đời con bước chân theo Ngài. Con muốn Chúa ở đâu, thì cho con ở đó, để trọn đời con dâng làm hy tế, để trọn niềm vui trong Chúa muôn đời…”.

Và rồi giây phút tiễn biệt đã đến. Bầu trời bất chợt có lắc rắc hạt mưa, như những giọt hồng ân tưới trên mọi người vây quanh xe tang luyến tiếc vĩnh biệt người thân yêu trong tiếng hát như lời cầu dâng lên Đấng Tối Cao càng lúc càng tha thiết: “Nơi Ngài con đặt hi vọng, nơi Ngài con dâng xác hồn, lạy Thiên Chúa Đấng Cứu độ con!”. Cũng khi ấy, bài thơ của một người con Phát Diệm, cảm hứng từ câu khẩu hiệu của Đức ông, lại nhẹ nhàng điểm xuyết qua không gian, du dương mà tha thiết, như an ủi, như mời gọi, như nhắn nhủ, và nhất là như lời vĩnh biệt của người quá cố:

“Tôi đi trước…Xin hẹn ngày gặp lại!
Xin hẹn ngày Chúa tới trong vinh quang
Xin hẹn ngày mọi người về Thiên Đàng
Hợp thần thánh hòa chung lời cảm tạ»
 
Văn Hóa
Hành Trình Tìm Chúa...
Thanh Sơn
10:55 06/01/2012
HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA...
Lễ Chúa Hiển Linh (Mt.2,1-12)


HÀNH trình tìm chúa gian nan
HƯƠNG lòng của lễ vượt ngàn khó nguy
TÌM cho bằng được chỉ vì
CHÚA là trên hết không chi sánh bằng
GIAN nguy đêm tối bủa giăng
NAN nào chặn nổi công bằng Chúa ta

BA nhà Đạo Sỹ vượt qua
NHÀ vua thâm độc để mà đến nơi
ĐẠO ngay dấu chỉ Ngôi Lời
SỸ nhân theo ánh sao trời mà theo
HÂN hoan gặp Chúa khó nghèo
HOAN ca của lễ mang theo dâng Ngài
TÌM vào bái lậy Ngôi Hai
NGÀI là Thiên Tử tên Ngài Giê-su

TRÁNH tên bạo chúa trả thù
VUA Hê-rô đã dự trù xấu xa
BẠO vương lòng đã gian tà
CHÚA nào cũng giết, mình là chúa đây
ĐỘC tài bạo chúa ngất ngầy
TÀI lộc danh vọng bủa vây lút hồn

ÁNH quang vừa xuống hoàng hôn
SAO kia dẫn lối tinh khôn trở về
DẪN đường vòng thoát nhiêu khê
LỐI này tránh khỏi bến mê cuộc đời
GẶP rồi "Ấu Chúa Con Trời"
NGÀI là "Thiên Tử" xuống đời cứu ta
ĐÊM đông mừng hát hoan ca
ĐÔNG tàn xuân đến gần xa khắp cùng.

Thanh Sơn 06.01.2012
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chứng Nhân Đức Tin
Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
22:12 06/01/2012
CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
Mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Dòng máu đào đổ ra tô thắm
Cây đức tin ngát xanh ngàn dặm
Quê hương Việt toả bóng Phúc Âm.
(Trích thơ của J.B. Nguyễn Quốc Tuấn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền