Ngày 05-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu không biết đến sợ hãi
Lm. Minh Anh
04:45 05/01/2022

TÌNH YÊU KHÔNG BIẾT ĐẾN SỢ HÃI
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

Các nhà nghiên cứu của Đại Học Johns Hopkins cho biết, 30 năm trước, nỗi sợ hãi lớn nhất của học sinh tiểu học là: động vật, ở trong phòng tối, độ cao, người lạ, và tiếng ồn lớn; ngày nay, trẻ em sợ nhất là: ly hôn, chiến tranh, ô nhiễm và bị trấn lột!

Kính thưa Anh Chị em,

Tựu trung, các nhà nghiên cứu của Johns Hopkins cho thấy, ngày nay, các em sợ một điều gì đó vốn vắng bóng tình yêu! Trong thư thứ nhất hôm nay, Gioan nói, “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi!”. Với bài Tin Mừng, cùng một chủ đề, Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ khi các môn đệ đang gặp sóng gió; Ngài nói, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

Sự vắng mặt của tình yêu luôn khơi dậy nỗi sợ hãi! Với những người yêu thương bằng một tình yêu thuần khiết, đích thực, sẽ không có sợ hãi. Vậy nếu “Thiên Chúa là tình yêu”, thì ở đây, không thể có chỗ cho sợ hãi. Thánh Kinh nói đến việc ‘kính sợ Chúa’, là nói đến cảm giác uý kính và ngạc nhiên trước những khác biệt của Ngài, hơn là ‘sợ hãi’ theo nghĩa phải trốn chạy Ngài. Ai biết “Thiên Chúa là tình yêu”; ai tin Chúa Giêsu là hiện thân tình yêu Thiên Chúa, người ấy sẽ xác tín ‘tình yêu không biết đến sợ hãi’. Vì thế, bàng bạc trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Đừng sợ!”.

Một chi tiết Marcô tinh tế ghi lại là, đang khi các môn đệ chống chọi với bão tố giữa biển hồ, chính lúc ấy, Chúa Giêsu đang đi cầu nguyện. Việc cầu nguyện không làm Ngài quên họ, trái lại, khiến cho tình yêu Ngài thôi thúc Ngài gần họ hơn! Tin Mừng nói, “Ngài thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió”. Bất cứ khi nào các môn đệ bị đẩy ra trên mặt nước, đó là thời gian họ học hỏi. Nước tượng trưng cho sự sống, sóng tượng trưng cho thử thách! Và mọi sự gần như muốn dẫn đến một kết cục tồi tệ; thế nhưng, Chúa Giêsu luôn canh chừng họ. Ngài muốn đào tạo một niềm tin sâu sắc hơn nơi những người Ngài yêu thương. Rối loạn không bao giờ vắng mặt, đã có Ngài ở đó! Đúng hơn, đôi khi rối loạn có thể tăng lên, vì chúng là nơi đào tạo một vị thánh và một tông đồ. Chúa Giêsu thấy trước các khó khăn, Ngài không để họ đơn độc; ánh mắt Ngài không rời họ!

Chiêm niệm trình thuật này, thánh Augustinô viết, “Ngài đã giẫm lên những con sóng; vì vậy, Ngài đặt tất cả những xáo trộn phù nề của cuộc sống dưới chân mình. Kitô hữu, tại sao phải sợ?”. “Con thuyền Giáo Hội đang rung chuyển giữa bão tố của cám dỗ khi cuồng phong bất lợi đang hoành hành. Giữa những thăng trầm, Ngài đến, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta không bị xô đẩy trong thuyền và lật úp. Nó vẫn là một con thuyền! Một con thuyền chỉ chở các môn đệ và đón Chúa Giêsu. Nó đang nguy biến trên nước, và chắc chắn, cái chết sẽ đến nếu không có nó. Vậy, hãy ở yên trong thuyền và kêu cầu Thiên Chúa. Khi mọi lời khuyên đều thất bại, bánh lái là vô dụng và sự trải rộng của những cánh buồm mang đến nhiều hiểm nguy hơn là lợi thế; khi tất cả trợ giúp nhân loại đã rơi rụng, cách duy nhất còn lại cho các thủy thủ là kêu cầu Chúa. Ngài sẽ đưa con thuyền vào cảng an toàn; không lẽ Ngài bỏ rơi Giáo Hội và ngăn không cho nó cập bến bình an?

Anh Chị em,

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Chúa Giêsu không những là Đấng bước trên sóng, mà còn là Chúa của mọi bước sóng yêu thương; ở đâu có yêu thương, dù chỉ một chút, đều có bóng dáng Ngài. Ngài là nguồn mạch tình yêu, là Đấng đã chết vì yêu và hiện đang sống cho tình yêu. Như đã luôn nhìn đến các môn đệ; ngày nay, ánh mắt Ngài cũng không bao giờ rời xa chúng ta. Ngài chăm bẵm chúng ta, và vì thế, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Vấn đề là chúng ta phải có đức tin để nhận ra tình yêu của Ngài, dẫu đôi khi, rất khó để chúng ta nhìn thấy điều đó. Ngài luôn có mặt bên chúng ta từng ngày, thì còn lý do gì để chúng ta sợ hãi. Một năm mới mở ra, hứa hẹn nhiều điều, nhưng không ai dám chắc thế giới sẽ ổn định hơn hoặc chinh phục được sự tác oai tác quái của chết chóc, dịch bệnh. Thế nhưng, với chúng ta, Chúa Giêsu vẫn đang vỗ về, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Tình yêu toàn thắng của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, ‘tình yêu không biết đến sợ hãi’; với Ngài, chúng ta tìm thấy nền tảng vững chắc giữa cát lún!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn sống trong tình yêu Chúa, luôn sống đẹp lòng Chúa, để không một nỗi sợ nào có thể trấn áp được con, vì ‘tình yêu không biết đến sợ hãi!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:49 05/01/2022

Lễ Chúa Chịu Phép Rửa
“Xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”

Tin mừng hôm nay kể chuyện: tiếp nhận đoàn người lũ lượt đến xin chịu Phép Rửa, bày tỏ lòng sám hối, thánh Gioan được nghe những lời bàn tán của dân chúng phỏng đoán ông chính là đấng Mêsia. Thánh nhân đã trả lời:“Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Câu trả lời của Gioan vừa bác bỏ tin đồn vừa cũng cố niềm hy vọng của dân chúng về Đấng Mesia đang đến.Gioan làm Phép Rửa trong dòng nước sông Giođan, còn Đấng Mêsia làm Phép Rửa trong Thánh Thần.Vậy Phép Rửa của Gioan và Phép Rửa của Chúa Giêsu khác nhau thế nào?

1. Phép Rửa sám hối

Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan: "Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối ". Ai chịu Phép Rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phép Rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.

Phép Rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Gioan làm Phép Rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Như vậy gắn với hành động sám hối phải là niềm hy vọng được nuôi dưỡng bền chặt trong lòng. Sám hối vì hy vọng được tha thứ và được giải thoát.Sám hối để xứng đáng với niềm hy vọng.Thánh Gioan ngoài sứ mạng kêu gọi mọi người sám hối còn đảm nhận trọng trách đồng hành với dân chúng hướng về Đấng Mêsia đang đến.

Vai trò của Gioan đã kết thúc, nhưng trước khi Chúa Giêsu chính thức đảm nhận sứ mạng, Người đã xếp hàng đứng chung với hàng ngũ dân chúng, hiệp thông trọn vẹn với họ về niềm mong đợi thiết tha được Chúa đến cứu. Thật lạ lùng! Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối nay xin chịu phép rửa sám hối của Gioan. Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” đang đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy. Một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Đức Kitô được công khai tấn phong làm Đấng Mêsia.Thánh Thần ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận: “Con là con của cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Đó là lời phong vương trong Thánh Vịnh 2,7. Chúa Giêsu đã được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần.

2. Phép Rửa tái sinh

Phép rửa của Gioan là Phép rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: "Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô" (Cl 2, 12-13).

Phép rửa của Chúa Giêsu là Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tội riêng chúng ta phạm. Đây là sự Thanh tẩy nội tại của Bí tích Thanh tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Nước có ý nói về nghi thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Mêsia thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Người thánh hóa các tâm hồn. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cvtđ 2,1-4), khi các Tông đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài và biến đổi các ngài trở nên những con người mới, những Tông đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các ngài rao giảng cho dân chúng.

Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở nên thành viên trong dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.

Bí Tích Thánh Tẩy chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.

Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).

Bí Tích Thánh Tẩy tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Thánh Tẩy cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí Tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí Tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).

3.Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo Hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên là Mùa Phụng Vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.

Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.

Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Người Kitô hữu được hai hồng ân lớn nhất là được ơn sự sống và ơn làm con Chúa. Nhờ cha mẹ, mỗi người được sinh ra và hiện hữu trên đời này. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí Tích Thánh Tẩy để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
 
Cách Ly !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:46 05/01/2022
Cách Ly !

(Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh – 1Ga 5,5-13; Lc 5,12-16)

Một hiện tượng đáng buồn trong tình cảnh dịch bệnh Côvid -19 đang xảy ra đó là sự “cách ly”. Hình như nhiều nước trên thế giới đều có dùng biện pháp cách ly những ai nhiễm virus mà Việt Nam đặt tên là F0, nhất là khi có biểu hiện bệnh lý. Có vài quốc gia trong đó có Việt Nam lại mạnh tay hơn với cả những người không nhiễm bệnh mà chỉ là có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Những người này được gọi là F1 và cũng bị cách ly tập trung bắt buộc. Thậm chí đã có lúc số người bị liệt vào hạng F2 là có tiếp xúc với người diện F1 cũng bị cách ly tại nhà!

Nỗi khổ của những người bị cách ly dù có nhiễm virus hay không bị nhiễm không dừng lại ở mặt thể lý mà nhất là về tinh thần. Họ hoang mang, lo sợ và nhất là bị tha nhân nhìn là người phung hủi cần xa lánh. Đã có lúc người ta nhìn những người này như là tội phạm và kết án họ cách bất công.

Tin mừng ngày thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phung cùi. Thay vì chỉ phán một lời thì Chúa Giêsu lại giơ tay chạm vào người bệnh nhân để chữa lành. Cách thức chữa lành của Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho thấy việc bị cách ly là nỗi đau khổ hơn cả bệnh tật thể lý. Khi bị tha nhân hay Chính quyền cách ly thì người bị cách ly bị xem như chưa xứng với phận vị là một con người.

Chúa Giêsu giơ tay chạm lấy người phung cùi không chỉ để chữa cho người phung được sạch mà còn khẳng định rằng anh ấy dù trong hoàn cảnh tật bệnh nan y dễ lây truyền thì vẫn là người anh chị em của Người, không bao giờ bị bỏ rơi, bị cách ly. Chúng ta nhận ra sự thật này vì tiếp liền sau đó Người bảo anh ta là hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê đã truyền, để minh chứng cho người ta biết mình đã được lành sạch. Dĩ nhiên khi đã được minh chứng là khỏi bệnh phung cùi thì người bệnh được gia nhập cộng đoàn, hết bị cách ly. (x.Lv 14).

Một thực tế đáng buồn và có thể đáng trách đó là đã và đang có đó nhiều người bị cách ly cách bất công. Rất có thể sau khi dịch bệnh Côvid – 19 qua đi thì sẽ có nhiều người phải trả lẽ trước công luận và cả trước Pháp Luật về các chính sách và biện pháp quá khích và thiếu nhân tính. Là Kitô hữu, chúng ta không được phép loại ra khỏi lòng mình bất cứ ai vì bất cứ lý do gì. Chúa Giêsu đã từng khẳng định rằng nếu chúng ta nguyền rủa anh em mình là khùng, là ngốc, là quân phản đạo, nghĩa là loại bỏ họ ra khỏi tâm trí của mình thì cũng là một hình thức “giết người” thì phải chịu đoán phạt bởi “lửa hỏa ngục” (x. Mt 5,21-22).

Là đoàn tín hữu của tôn giáo với lời Kinh duy nhất được Đấng sáng lập truyền dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” mong sao chúng ta nỗ lực hết sức có thể giúp cho tha nhân vừa ý thức vừa cảm nhận họ là một con người như mọi người. Giang rộng cánh tay, mở rộng tấm lòng để đón nhận nhau trong tình anh chị em một nhà là điều chúng ta hướng đến. Tuy nhiên thiển nghĩ rằng rất cần phải lên tiếng vạch rõ sự sai trái của các quyết sách mà cách nào đó vô tình hay hữu ý xem người dân chưa xứng như là con người qua các hình thức “cách ly” vừa thiếu khoa học vừa thiếu tình người. Và mong sao Giáo hội bỏ dần các hình thức “tuyệt thông” mà lịch sử cho thấy là gây ra nhiều hậu quả thật đáng tiếc, có khi là đáng trách vì rất khó khắc phục, dù cho có xin lỗi nhiều lần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tính Cục Bộ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:48 05/01/2022
Tính Cục Bộ

(Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh – Ga 3,22-30)

Vài chuyện thật như bịa, cười ra nước mắt: Mở đầu Thánh Lễ, cha xứ: “Anh chị em, sáng nay chúng ta dâng lễ tạ ơn Chúa vì đã che chở chúng ta bình an. Đêm qua đạn pháo kích rơi lạc qua xóm bên lương hết, không rơi vào xóm đạo ta trái nào”. Một chuyện khác: Một bà “đạo đức”: “Cha ơi, Côrôna tùm lum tà la xứ đó đó. Xứ mình chưa can chi, chắc là Chúa gìn giữ”. Một chuyện khác mang dáng thần học hơn: Đã từng nghe bài giảng lễ online và đọc một vài chia sẻ Lời Chúa nội dung như sau: “Qua thông tin chúng ta xao xuyến lo âu về nhiều dữ kiện không hay trong Giáo Hội Công Giáo. Nhiều gương mù gương xấu không chỉ ở hàng tín hữu giáo dân mà còn ở tận hàng giáo sĩ, kể cả những vị cao cấp như Giám Mục, Hồng Y. Nhưng chúng ta phải vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái Chúa, là dân riêng của Chúa nên Chúa phải gìn giữ chúng ta. Giáo hội là con thuyền của Chúa Kitô nên Người phải bảo vệ Giáo hội.

Tính cục bộ luôn có và còn đó dưới nhiều hình thức. Nhưng đáng quan ngại hơn khi nó mặc lấy hình thức địa phương tính, dân tộc tính, tôn giáo tính, giáo hội tính… Tính cục bộ nó khiến chúng ta không chỉ bảo vệ mà còn luôn đề cao tập thể của mình và đặt lợi ích tập thể mình lên trên tập thể khác. Tin mừng ngày thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh tường thuật chuyện tranh luận xảy ra giữa các môn đệ ông Gioan với một người Do Thái về việc Chúa Giêsu cũng làm phép thanh tẩy “và thiên hạ đều đến với Người” (Ga 3,22-26).

Chắc hẳn nhiều môn đệ của Gioan cũng cảm thấy “sao sao đó” khi thấy thầy Gioan của mình đang bị thua kém sức ảnh hưởng so với vị thầy Giêsu. Và tính cục bộ đã làm nảy sinh sự tranh luận và hẳn có chút nào đó sự ganh tương. Dù Tin mừng không tường thuật cách mình nhiên nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán rằng các môn đệ Gioan không chỉ bảo vệ mà còn đề cao vai trò, vị thế của thầy mình mà chưa thể làm hài lòng người tranh luận, vì thế họ đến gặp trực tiếp Gioan.

Các môn đệ của Gioan Tẩy Giả kinh ngạc trước câu giải thích của thầy mình. “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ sai đi trước mặt Người…Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28-30). Xác định đúng vị trí, vai trò của mình là một trong những cách thế tránh khỏi chước cám dỗ của tính cục bộ. Chúng ta là ai trong toàn thể nhân loại từ cổ chí kim? Giáo hội giáo là gì trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa? Tôi là ai trong tập thể đoàn dân Thiên Chúa?

Chúng ta chỉ là một tập thể bé nhỏ trong toàn thể nhân loại vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái và tất cả mọi người đều là con cái của Người. Người không muốn bất cứ ai phải hư mất, nhưng tìm mọi cách thế để mọi người được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã nói rằng: “Thiên hạ từ Đông chí Tây sẽ vào dự tiệc Nước Trời cùng với Abraham, Isaác, Giacob, nhưng con cái trong nhà lại bị loại ra chỗ tối tăm” (x.Mt 8,11).

Giáo hội là đoàn dân Thiên Chúa, là một tập thể người tin vào Chúa Kitô, được Người quy tụ để qua đó tiếp tục thông ban Tin Mừng cứu độ cho nhân trần. Giáo hội là một phương thế Chúa Kitô dùng để ban hạnh phúc cho nhân loại. Như thế sự hiện hữu của Giáo hội không vì chính bản thân mình nhưng là vì ơn cứu độ của nhân trần. Như Gioan Tẩy giả, Giáo hội phải chân thành sống theo tôn chí: “Người, Chúa Kitô, cần lớn lên, còn mình thì phải nhỏ lại”. Tôi là một thành viên của Đoàn Chiên Thiên Chúa. Một người, dù là chức cao, vị trọng không là Giáo hội mà phải là tập thể. Là Giáo hoàng, là Giám mục thì cũng cần phải nhỏ lại để Giáo hội, để Giáo phận lớn lên, và dĩ nhiên là để Chúa Kitô lớn lên.

Hãy đề phòng tính cục bộ vì nó không chỉ gây ra sự chia rẽ mà còn cám dỗ chúng ta nhìn sai chỗ đứng, vai trò và phận vị của mình, đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa- Năm C
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:49 05/01/2022
Phép rửa tội - ơn gọi làm con Chúa

Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa- Năm C

(Lc 3, 15-6. 21-22)

Chúng ta vừa cử hành lễ Chúa giáng sinh : “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta”. Liền sau đó, Giáo Hội cử hành lễ Hiển linh, lễ Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại mà ba nhà đạo sĩ tư Phương Đông đại diện cho chúng ta cất bước lên đường tìm đến. “Họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11).

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Tức là sau ba mươi năm sống đời ẩn dật, nay Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với phép rửa tại sông Giordan bởi tay Gioan. Như thế, từ lễ Giáng Sinh – Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, nếu tính theo thời gian thì đúng 30 năm. Trong quãng thời gian này, chúng ta không biết nhiều về Chúa Giêsu, ngoại đời sống ẩn dật sống của Người trong gia đình, học tập và lao công, vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Câu hỏi lớn được đặt ra : Tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?

Hòa mình với phàm nhân

Khi Gioan đang làm phép rửa cho dân chúng để giúp họ sám hối và cầu xin ơn tha tội. Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám đông trong cùng dòng sông Giođan, với những con người có tội để sám hối thay cho loài người đang cần sám hối để được tha thứ.

Thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Giođan; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh -gô-ri-ô, giám mục Na-di-en).

Thánh Phê-rô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì : "Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 8). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra : " Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình " (Mc 1,10). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Ba ngôi hiển hiện

Tin Mừng mô tả,“sau khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 21-22). Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần tự hiển hiện. Chúa Giêsu được Chúa Cha tuyên phán là Con. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người cho thấy Chúa Giêsu khiêm nhường hạ mình xuống với các tội nhân và trở nên Chiên gánh tội thế gian.

Chúa Giêsu bước lên khỏi nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính Ađam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.

Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời.

Phép rửa của Chúa Giêsu và Phép rửa của chúng ta

Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: “Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần” (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Kitô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Thiết nghĩ, thực hành và sống lời hứa khi chịu phép Rửa tội là việc phải làm trong đời sống người kitô hữu chúng ta.

Sống lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha với cả nhân loại. Vì thế, mỗi ngày chúng ta hãy cố gằng thực hiện những điều đã hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ, xa lánh các dịp tội và tin vào Thiên Chúa, như thế chúng ta mới có thể đón nhận mọi ơn lành Thiên Chúa ban và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

Không phải cứ được rửa tội, cứ nói tôi tin Chúa Kitô, là được cứu rỗi để vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Rửa tội chỉ là bước đầu cần thiết cho việc cứu rỗi mà thôi. Bước tiếp theo quan trọng hơn, đó là thi hành những điều cam kết khi được rửa tội. Nếu không thi hành những lới hứa hay cam kết này thì Phép Rửa sẽ thành vô ích.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa tội trong suốt cuộc đời chúng con, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Tẩy Giả. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Trời mở ra
Lm. Thái Nguyên
13:40 05/01/2022
SUY NIEM VA CAU NGUYEN LỄ CG CHỊU PHÉP RỬA C

https://www.youtube.com/watch?v=j2zffewvJBU&t=730s

TRỜI MỞ RA

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa, năm C: Lc 3,15-16.21-22

Suy niệm

Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối thì dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Biết đâu ông này chẳng phải là Ðấng Mêsia mà toàn dân đang mong đợi? Gioan liền cho họ biết, ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, còn Đấng quyền thế đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho thấy thời đại cũ sắp qua đi, và thời đại mới đang tới, là thời đại của tình yêu và ân sủng.

Đức Giêsu đã đến và đã khai mạc sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lẽ đây là một biến cố trọng đại, gây choáng ngợp thiên hạ bằng quyền năng và oai phong của một Đấng Cứu Thế. Nhưng sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa cho ta thấy một điều lạ thường và trái ngược: Ngài là Đấng phải đến làm phép rửa mà lại xin chịu phép rửa; Ngài là Đấng ban ơn sám hối mà lại tỏ lòng sám hối; là Đấng thánh của Thiên Chúa mà lại đứng chung với hàng tội nhân; là Đấng thanh sạch vô ngần mà lại chịu dìm mình xuống dòng sông thanh tẩy. Nhưng chính trong sự tự hạ này, mà ta thấy Con Thiên Chúa đã xuống tận vũng bùn lầy của tội lỗi để cứu vớt nhân loại, đưa con người trở lại vườn địa đàng.

Ý thức mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, nên Đức Giêsu đã thể hiện trước tiên bằng thái độ liên đới với dân tộc mình: liên đới trong thân phận, trong tội lệ, trong sám hối và chờ mong ơn cứu độ. Tuy nhiên, quang cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa cũng đã hé lộ một mầu nhiệm cao cả: Trước tiên là trời mở ra, vì từ khi Ađam- Eva phạm tội thì cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Từ nay, nhờ Đức Giêsu, con người lại được sống thông hiệp với Thiên Chúa. Tiếp theo là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, cho thấy Đức Giêsu là con người mới, trong Ngài, nhân loại sẽ được tái tạo, được đổi mới. (Gl 6, 15). Lại có tiếng phán từ trời: “Con là Con của Cha…”. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Những ai tin và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc đạo đầu của bản trường ca “Yêu thương”. Để rồi vì yêu thương, mà Ngài sẽ bị người đời liệt vào "Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi" (Lc 7,34); bị người nhà coi là "kẻ mất trí"; bị xua đuổi ra khỏi thành; bị lên án như một tội nhân, và cuối cùng bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta".

Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một "phép rửa": "Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất." (Lc 12,50). Thật ra, chẳng ai muốn đau khổ nếu được chọn cách khác. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài xin Cha cất chén đắng đau thương, nhưng Ngài muốn chọn theo ý Cha để mở ra cho nhân loại một sự sống mới. Đau khổ sẽ là một phép mầu, khi nó là một phương tiện để biểu hiện tình yêu, minh chứng tình yêu, xóa tan những chia rẽ bất hòa. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người trở nên vĩ đại, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu đã dùng thập giá để cứu chuộc nhân loại. Không phải thập giá cứu chuộc mà Tình Yêu cứu chuộc.

Chúng ta cũng đã lãnh nhận phép Rửa nhờ phép rửa của Đức Giêsu trên thập giá. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi để mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người cùng khổ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã. Cha Zundel cũng đã nói lên rằng: "Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn rằng, họ chẳng gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chúng ta". Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần có thái độ khiêm hạ và hòa mình vào đám đông dân chúng, để chia sẻ, nâng đỡ, đem lại an vui và hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh. Phép Rửa đầu đời của chúng ta chỉ được được hoàn thành trong phép Rửa cuối đời nơi thập giá Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta dám hiến mạng vì yêu như Ngài, để vinh danh Thiên Chúa và ích lợi phần rỗi cho tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Trước một thế giới bạo lực và ích kỷ,

nhiều khi chúng con cũng thất chí,

vì thấy cuộc đời bất công và vô lý,

nên khép kín và tìm chỗ cách ly.

Chúng con có vẻ như đang kết nối,

nhưng thực sự là củng cố “cái tôi”,

cho dù đang phục vụ trong Giáo hội,

nhưng lại bó hẹp trong nội bộ mà thôi.

Biết rằng đức ái ở gia đình là trước hết,

nhưng đồng thời giữa cảnh đời xã hội,

phải dấn thân cho cuộc trần đang trôi nổi,

để thay đổi theo đường lối của Tin Mừng.

Chúng con cần ra ngoài nhóm bạn thân,

để xây thêm tình bạn hữu với tha nhân,

tránh mọi hình thức phân biệt và kỳ thị,

làm nên những điều cao quí cho nhau.

Xin cho chúng con có tinh thần tham gia,

đừng chết cứng trong công việc nhà,

mà biết đi ra cộng tác với mọi người,

với tinh thần khiêm nhu và trách nhiệm,

sống tình liên đới với tất cả trái tim.

Xin cho chúng con hòa mình vào xã hội,

góp phần xây dựng một thế giới tốt hơn,

thế giới văn minh công bình và huynh đệ,

chứ không sống theo chủ nghĩa “mặc kệ”,

kẻo trở nên nô lệ cho chính mình.

Xin cho con thấy Đức Kitô đang sống,

đang hiện diện và hoạt động khắp nơi,

để con đem tâm trí mà sáng tạo cho đời,

làm đẹp mới cho bầu trời nhân loại,

để chuẩn bị cho ngày mai Chúa đến,

đem an vui và hạnh phúc vững bền. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:40 05/01/2022

34. Muốn biết nội tâm tu đức của con tiến bộ bao nhiêu, thì con phải dựa vào cá nhân con có từ bỏ tự ái, ích kỷ và tư lợi mà quyết định.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:43 05/01/2022
59. KHIÊM NHƯỢNG RƠI XUỐNG NƯỚC

Có hai anh em rất chú trọng đến phép lịch sự, cả hai anh em đều cùng đi Nam Kinh để thi cử.

Đến bên bờ sông, người anh nhất định nhường cho người em lên thuyền trước, nói:

- “Mặc dù là anh cả, nhưng là một giám sinh (1) chưa có công danh; mặc dù em làm em, nhưng lại là tú tài, theo thân phận thì em phải lên thuyền trước”.

Người em cũng nhất định không dám, nói:

- “Dù cho em có chút công danh, những vẫn là vai em, tuyệt đối không được đi trước mặt anh cả”.

Hai người tranh chấp rất lâu, ai cũng không muốn cất bước lên trước, sau đó cùng nhau nhượng bộ, giao kèo là hai người cùng đồng loạt lên thuyền. Nhưng đầu thuyền quá hẹp, thân thuyền lại lắc lư, hai người cùng đâm vào nhau và cả hai rơi xuống nước.

(Lữ Viên Tùng Thoại)

Suy tư 59:

Người anh tôn trọng chức tước của em, người em tôn trọng chức anh cả nơi người anh, ai cũng có lý và ai cũng là người khiêm tốn lịch sự, chỉ có điều là cả hai anh em sử dụng sự tôn trọng không đúng chổ mà thôi.

Chức vụ là cho tập thể, tình cảm anh em là cá nhân.

Giữa cá nhân với nhau thì phải tôn trọng anh và nhường bước; giữa cộng đoàn, xã hội công khai thì tôn trọng em khi em thi hành chức vụ của mình.

Có một vài linh mục khi về thăm gia đình thấy cha mẹ, anh em, bà con kêu mình bằng cha, mà cũng không chịu bắt họ sửa cách xưng hô lại cho hợp với hoàn cảnh, các ngài không cảm thấy “nghịch tai” khi nghe cha mẹ, anh chị em ruột gọi mình là cha; có những cụ già giáo dân tôn trọng chức linh mục nơi các linh mục khi họ gọi các ngài là cha, nhưng có một vài linh mục không tôn trọng các cụ là những người đáng bậc cha ông mình, cứ chấp tay sau lưng ngó trời để nói chuyện với các cụ, thậm chí còn xưng “cha con” với các cụ...

Chức linh mục là do Thiên Chúa ban cho nên ai cũng tôn trọng, kính trọng những người lớn tuổi cũng là trật tự của Thiên Chúa ban ra, cho nên hể người có lương tri thì hiểu điều này, huống chi là linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô?

Nếu không khiêm nhượng kính trọng người già, người lớn tuổi, thì có ngày phải bị...rơi xuống hỏa ngục đó !

(1) Trường quốc lập gọi là Quốc tử giám, học sinh học trong đó gọi là giám sinh.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống theo thần khí
Lm. Minh Anh
22:49 05/01/2022


SỐNG THEO THẦN KHÍ
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi”.

Hãy tưởng tượng một que bấc được đặt trong một đĩa dầu; sau đó, được thắp sáng. Hết dầu, bấc cháy; miễn là có dầu, bấc không cháy! Cũng thế, nếu ‘sống theo Thần Khí’, trong sự lệ thuộc vào quyền năng của Thánh Thần, chúng ta không kiệt sức! Câu hỏi cần đặt ra: cái gì đang cháy?

Kính thưa Anh Chị em,

Cái gì đang cháy? Thánh Gioan hôm nay cho biết, cái đang cháy, là tình yêu! Ai sống trong tình yêu, người ấy ‘sống theo Thần Khí’; các mối liên hệ của họ không bao giờ tách rời giữa việc yêu Chúa và yêu người. Cũng thế, Tin Mừng Luca kể về Chúa Giêsu, một người ‘sống theo Thần Khí’; Ngài về quê, vào hội đường, đọc sách Isaia, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…”. Và Ngài kết luận, “Hôm nay, ứng nghiệm mọi điều tai quý vị vừa nghe!”.

Yêu Chúa trọn con người, yêu người như Chúa yêu là ‘sống theo Thần Khí’. Thật dễ dàng để yêu một Thiên Chúa vô hình, nhưng rất khó để yêu một người anh chị em hữu hình! Thật dễ dàng để tỏ ra ngoan đạo, thậm chí là ‘thánh thiện’, nhưng chúng ta lại có thể sống rất kém trong quan hệ với một số người nhất định! Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đó là những người không ‘sống theo Thần Khí’; họ sống theo tinh thần thế gian vốn gian dối và thiếu nhất quán, “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng họ không trông thấy!”. Đức Thánh Cha nói, “Tinh thần thế gian là một tinh thần phù phiếm của những thứ không có sức mạnh, không có nền tảng; vận mệnh của nó là sự huỷ diệt. Nó có thể gây ra những hố sâu ngăn cách. Khi những chia rẽ này được nhân lên, chúng mang đến chiến tranh và thù hận”.

Với bài Tin Mừng, trong quyền năng của Thánh Thần, Chúa Giêsu trở lại quê nhà; toàn bộ sứ mệnh của Ngài không gì khác hơn là hoàn thành đoạn sách Ngài vừa đọc, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng…”. Đó chính là lý do và là công việc của Giáng Sinh. Cuộc sống của Chúa Giêsu không phải là một màn trình diễn; là người và là Chúa, Ngài được sai đến, hành động yêu thương trong sự hiệp thông với Cha và Thánh Thần. Với Ngài, công trình cứu độ xót thương của Thiên Chúa được thành toàn: người nghèo được loan Tin Mừng, kẻ sầu khổ được chữa lành, người bị giam cầm được loan tin giải thoát, người mù được xem thấy, kẻ bị áp chế được tự do. Nhiều người có thể đọc đoạn sách này, nhưng chỉ một người xứng đáng để mở ra sức mạnh cứu độ của nó; nhiều người có thể thuộc lòng nó, nhưng chỉ một người có thể khiến nó bùng cháy trong lòng; và nhiều người có thể thuyết giảng nó cách say mê, nhưng chỉ một người có thể thoả mãn cơn đói trong trái tim những người đón nhận!

Thế nhưng, kỳ diệu thay! Công cuộc cứu độ yêu thương dứt khoát đã hoàn tất của Chúa Giêsu có tiếp tục cứu rỗi thế giới này hay không, lại tuỳ thuộc vào sự hợp tác của mỗi người chúng ta. Không thể tin được! Vì thế, công bố của Ngài không chỉ được nghe với tư cách chúng ta là thính giả, mà còn với tư cách người môn đệ được thách đố trước sứ mệnh lớn lao và lâu dài của Ngài. Ngài đang hỏi chúng ta, “Con có ‘sống theo Thần Khí’ như Ta đã sống không? Con tham gia vào sứ mệnh rao truyền, giải phóng, mở mắt người mù… cho xã hội, và thế giới ngày nay ở mức độ nào?”.

Anh Chị em,

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi”. Suốt cuộc đời, Chúa Giêsu đã để cho Thần Khí dẫn dắt. Thần Khí đẩy Ngài vào hoang địa cho đến khi Ngài trút Thần Khí; rồi Ngài lại ban Thần Khí. Như Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta cũng được Thần Khí Chúa ngự, được Thần Khí sai đi. Dù ở đấng bậc nào, ơn gọi của chúng ta không gì khác hơn là hoàn thành sứ mệnh của Bí tích Rửa Tội. Vì thế, để có thể tiếp tục công việc của Ngài, mỗi người chúng ta phải thực sự gắn kết với Chúa Kitô Phục Sinh. Lời nói của chúng ta chỉ là những hơi thở trống rỗng nếu không là tiếng nói của Chúa Kitô; việc làm của chúng ta sẽ không có hồi kết và luống công, nếu không phải là việc làm của Chúa Kitô. Như vậy, chỉ với Ngài, nhờ Ngài và trong Ngài, Đấng đầy quyền năng Thánh Thần mới có khả năng thay đổi trái tim con người; và chúng ta, những người ‘sống theo Thần Khí’, môn đệ của Ngài, cũng chỉ có thể làm điều tương tự khi chính Ngài ra tay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, để quyền năng và ân sủng Chúa có thể hoạt động mạnh mẽ trong con, xin dạy con biết luôn ‘sống theo Thần Khí’, cho con ngoan nguỳ dễ bảo với Ngài mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tái Sinh Trong Đức Kitô
Lm Vũđình Tường
23:34 05/01/2022
Thánh Gioan ngại ngùng khi Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô đến xin nhận phép thanh tẩy. Gioan từ chối vì tin rằng Đức Kitô, Đấng tinh tuyền, không cần thanh tẩy, nhưng chính ông cần thanh tẩy. Gioan vâng phục làm theo điều Đức Kitô phán dậy. Điều Gioan thầm tín trở thành sự thực. Sau khi Đức Kitô nhận phép thanh tẩy từ Gioan, Thiên Chúa mặc khải cho biết căn tính thực của Đức Kitô. Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha. Đây là lần đầu tiên nhân loại nhận biết Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi tự mặc khải một cách riêng biệt. Ngôi một chính là Chúa Cha hiện diện trên không trung, vang vọng phán,

'Con yêu dấu của Cha, lòng mến Cha ở trong Con' Lc 3,22b

Đức Trinh Nữ Maria làm đẹp lòng Thiên Chúa và trở thành Mẹ Thiên Chúa. Lòng mến Thiên Chúa ở trong Đức Kitô có nghĩa sứ mạng của Đức Kitô là làm cho 'Lòng mến Thiên Chúa' tỏ lộ cho muôn dân. Sứ mạng đó chính là sứ mạng cứu chuộc nhân loại. Người nhận được 'Lòng mến Thiên Chúa' sẽ không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Chúa, luôn làm đẹp lòng Chúa và luôn thực thi í Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa chính là Thánh Thần. Ngài không lên tiếng như Chúa Cha nhưng từ trời cao xuất hiện dưới hình bóng,

'Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu' Lc 3,22a.

Khi Đức Kitô nhận Phép Thanh Tẩy, Ngôi Ba Thiên Chúa là Thánh Thần hiện xuống trên Ngài. Trường hợp Đức Kitô là trường hợp đặc biệt, mỗi chúng ta khi còn tấm bé nhận phép thanh tẩy, chờ tới khi khôn lớn chúng ta mới lãnh nhận nhận Ngôi Ba Thiên Chúa qua bí tích Thêm Sức. Trước khi từ giã môn đệ, về cùng Chúa Cha, Đức Kitô phán dậy môn đệ, nhân Danh Ba Ngôi Thiên Chúa, ban phép Thanh Tẩy cho muôn dân. 'Nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần Mt 28,19'. Đây là công thức Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ dùng chung khi ban phép thanh tẩy cho người lớn cũng như cho trẻ em. Riêng người lớn lãnh nhận bí tích thanh tẩy và bí tích thêm sức cùng lúc.

Bí tích Thanh Tẩy không phải đơn thuần mang í nghĩa người đó là thành viên trong Giáo Hội. Đây chỉ là bước đầu trong ba bí tích: Thanh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Qua bí tích Thanh Tẩy người đó trở thành thành viên của Giáo Hội, trở thành Con Thiên Chúa, thành kẻ thừa tự Nước Trời. Đây chính là bước khởi đầu trong việc liên kết, đổi đời, sống đời sống mới trong Đức Kitô.

Đức Kitô, Đấng vô tội, không cần nhận phép Thanh Tẩy. Ngài tự nguyện xin nhập phép Thanh Tẩy với mục đích. Thứ nhất, Ngài muốn đồng hoá Ngài với muôn dân, bằng cách xuống thế sống chung với muôn dân. Đấng vô tội, sống chung với tội nhân, hiến sự sống mình gánh tội, chết thay cho muôn dân, đồng thời làm cho đau khổ muôn dân oằn vai gánh chịu có một í nghĩa đặc biệt. Í nghĩa thông phần đau khổ với thập giá Đức Kitô. Thập giá Đức Kitô lại chính là triều thiên vinh hiển Đức Kitô mang lại sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Như thế đau khổ muôn dân hiện đang gánh chịu sẽ thông phần vinh quang Phục Sinh của Đức Kitô.

Thứ hai, là Con Yêu Dấu Thiên Chúa, Đức Kitô yêu tha nhân vô giới hạn. Ngài ban chính tình yêu này cho muôn dân chung hưởng 'Lòng mến Thiên Chúa'. Những ai thành tâm đón nhận Ngài là Con Thiên Chúa, người đó sẽ chung sống với Đức Kitô khi họ hoàn thành cuộc lữ hành trần thế.

Thứ ba, Đức Kitô xác định điều Gioan rao giảng bằng cách nhận phép thanh tẩy từ Gioan.

'Tôi thanh tẩy anh em bằng nước, nhưng Đấng đến sau tôi thanh tẩy anh em bằng Thánh Thần và Lửa' Lc 3,16.

Giáo hội liên kết hai phép thanh tẩy; phần thanh tẩy bằng nước của Gioan, phần thanh tẩy do Thần Khí và Lửa Tình Yêu của Đức Kitô. Vì thế chúng ta chịu thanh tẩy vừa bằng nước vừa bằng Lửa. Lửa đây chính là Ngôi Ba, Thánh Thần Chúa, Đấng ngự trên các tông đồ hình lưỡi Lửa. Lửa còn một í nghĩa nữa đó chính là Lửa Tình Yêu của chính Đức Kitô thanh tẩy con người ta biến ta thành con người mới trong Đức Kitô.

Bí tích thanh tẩy là một nghi thức cộng đoàn bởi vì qua bí tích thanh tẩy người đó chính thức a/ gia nhập cộng đoàn Kitô hữu, b/ thành viên của Giáo Hội, c/ trở thành anh chị em trong Giáo Hội, d/ trở nên con Thiên Chúa, e/ đồng thừa tự ơn Chúa ban.

Tính cộng đoàn nghĩa là người đó có trách nhiệm cùng với các Kitô hữu sống làm Sáng Danh Thiên Chúa và phục vụ các anh chị em khác trong gia đình nhân loại. Chúng ta xin ơn phục vụ Chúa qua tha nhân.

TiengChuong.org

Reborn In Christ

John felt uneasy to baptise Jesus when He made such a request. However, Jesus insisted John do it and John obeyed. Through Jesus' baptism, God the Father revealed His true identity, that He was God's only Beloved Son. This was the very first time, that all three Persons of God appeared at Jesus' baptism. Each appeared in a different, and in a mysterious form. No one saw the first Person of God, the Father, but only heard His voice which came from on high announcing, 'You are my Son, the Beloved, my favour rests on you' Lk 3,22.

Mary received God's favour, she had a mission to do, becoming the Mother of Jesus. God's favour rested on Jesus, this implied Jesus had a mission to carry out, bringing the good news of salvation to mankind. Receiving God's favour means that one is no longer live for oneself, but for God. S/he is totally united to God, doing God's will, regardless of the cost. The third Person of God, the Holy spirit, Who said not a single word, but simply presented Himself in bodily shape, 'The Holy Spirit descended on Him in bodily shape, like a dove' Lk 3,22.

The Holy Spirit came to Him straightaway at His baptism; unlike Jesus, we receive the Sacrament of Confirmation, the Holy Spirit, years later, at another ceremony. Jesus Himself, the second Person of God, before returning to the Father, He told His disciples to baptise the people in the name of the Trinity, and that becomes the universal, official baptismal formula in the Catholic Church. We are baptised in the three Persons of God:

Father, Son and Holy Spirit (Mt 28,19).

The Sacrament of the Baptism is not just celebrating a membership of the Church. It is the very first step of the Initial Sacraments, which consists of three Sacraments: Baptism, Confirmation and the Eucharist. Through baptism, the baptised person becomes a member, a child of God, and an heir of God's kingdom. It is the beginning of the process of becoming reborn in Christ.

Jesus, a sinless person, Who had no need of baptism, but for some reason, He chose to be baptised by John. He received John's baptism, first to identify Himself with each one of us. In identifying with each one of us, He an innocent, chose to live amongst sinners. He took our sins upon Himself, and gave meaning to our suffering. He chose to carry the cross for us, and died in our place.

Second, as God's only Beloved Son, Jesus in His unconditional love, shared His Divine Life for those who were baptised in God's Holy Name. Sharing God's Divine Love means to live in God's kingdom after we have finished our earthly journey.

Third, Jesus confirmed John's teaching by receiving John's baptism. John said: I baptised you with water, but the One who came after me will baptised you with Spirit and Fire' Lk 3,16. We are now baptised with both water, and God's purifying Divine Fire Love. It is the combination of the two teachings on baptism: Jesus and John the Baptist. Water represented John's baptism as a sign of repentance. Spirit and Fire represented the baptism of Jesus. We are reborn of water and the Spirit.

Baptism ceremony is a public celebration, because through baptism we are incorporated into God's Church, and become brother/ sister in Christ. This communal dimension implies we, too, follow Jesus' path to give glory to God and to provide services for others in God's Holy Name.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân Lần Thứ 30 Ngày 11 tháng 2 năm 2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
04:51 05/01/2022


Hàng năm vào ngày 11/2, Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

“Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Đức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời”.

Theo ý hướng đó, ngày thứ Sáu 11 tháng 2 tới đây, Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Sứ điệp nhân ngày này, được công bố hôm 4 tháng Giêng, 2022, có chủ đề là một câu trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 6:36) “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Đứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái

Nguyên bản tiếng Ý và bản dịch sang các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Đứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái


Anh chị em thân mến,

Cách đây 30 năm, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân để khuyến khích dân Chúa, các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự ngày càng chú ý hơn đến người bệnh và những người chăm sóc họ. [1]

Chúng ta biết ơn Chúa về những tiến bộ đạt được trong những năm qua tại các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới. Nhiều tiến bộ đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để bảo đảm rằng tất cả những bệnh nhân, cũng như những người sống trong những nơi và những hoàn cảnh nghèo khó và thiệt thòi, có thể nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần, cũng như sự chăm sóc mục vụ có thể giúp họ trải qua bệnh tật trong sự kết hợp với Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Cầu mong Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ ba mươi – mà lẽ ra thánh lễ bế mạc sẽ diễn ra ở Arequipa, Peru, nhưng vì đại dịch coronavirus sẽ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican - giúp chúng ta phát triển trong sự gần gũi và phục vụ người bệnh và những gia đình của họ.

1. Nhân từ như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ ba mươi này là “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), trước tiên khiến chúng ta hướng cái nhìn về Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2: 4); Ngài luôn dõi theo những đứa con của mình với tình yêu của một người cha, ngay cả khi chúng quay lưng lại với Ngài. Lòng thương xót là danh của Thiên Chúa tuyệt hảo; lòng thương xót, được hiểu không phải là một cảm giác ủy mị chợt đến chợt đi mà là một động lực luôn hiện hữu và tích cực, thể hiện chính bản chất của Thiên Chúa. Lòng thương xót kết hợp sức mạnh và sự dịu dàng. Vì lý do này, chúng ta có thể nói với đầy nỗi bồi hồi và biết ơn rằng lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm cả tình phụ tử và tình mẫu tử (x. Is 49:15). Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng sức mạnh của một người cha và sự dịu dàng của một người mẹ; Ngài không ngừng mong muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu, lòng nhân từ của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao về tình yêu thương xót của Chúa Cha dành cho các bệnh nhân là Con một của Thiên Chúa. Biết bao lần các sách Phúc âm đã kể lại những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người mắc nhiều loại bệnh khác nhau! Ngài “đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” (Mt 4:23). Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra quan tâm đến những người đau yếu như vậy, đến nỗi Người coi đó là điều tối quan trọng trong sứ mệnh của các tông đồ, những người được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành những người bệnh (x. Lc. 9: 2).

Một nhà triết học ở thế kỷ 20 gợi ý rằng lý do cho điều này là “Nỗi đau cô lập con người một cách tuyệt đối, và sự cô lập tuyệt đối làm nảy sinh nhu cầu thu hút người khác, kêu gọi người khác”. [2] Khi các cá nhân trải qua sự yếu đuối và đau khổ trong xương thịt của mình do bệnh tật, trái tim của họ trở nên nặng nề, nỗi sợ hãi lan rộng, sự bất định nhân lên và những câu hỏi về ý nghĩa của những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ trở nên cấp bách hơn. Về phương diện này, làm sao chúng ta có thể quên được tất cả những bệnh nhân, những người đã phải trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời dương thế trong cô đơn, trong một phòng chăm sóc đặc biệt, được hỗ trợ bởi các nhân viên y tế quảng đại, nhưng lại phải xa những người thân yêu của họ và những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ? Điều này giúp chúng ta thấy tầm quan trọng của sự hiện diện bên cạnh chúng ta của những chứng nhân cho lòng bác ái của Thiên Chúa, những người, theo gương Chúa Giêsu, là lòng thương xót của Chúa Cha, xoa dầu an ủi và đổ rượu hy vọng lên vết thương của bệnh nhân. [3]

3. Được chạm vào xác thịt đau khổ của Chúa Kitô

Lời mời gọi thương xót như Chúa Cha của Chúa Giêsu có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến tất cả những bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên hỗ trợ và người chăm sóc các bệnh nhân, cũng như rất nhiều tình nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ để hỗ trợ những người đau khổ. Các nhân viên y tế thân mến, sự phục vụ của anh chị em bên cạnh các bệnh nhân, được thực hiện bằng tình yêu và khả năng chuyên môn, vượt qua những giới hạn nghề nghiệp của anh chị em, và trở thành một sứ mệnh. Bàn tay của anh chị em, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô, có thể là dấu chỉ của bàn tay nhân từ của Chúa Cha. Hãy lưu tâm đến phẩm giá tuyệt vời của nghề nghiệp mình, cũng như các trách nhiệm gắn liền với nghề nghiệp đó.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về những tiến bộ mà khoa học y tế đã đạt được, đặc biệt là trong thời gian gần đây; các công nghệ mới đã giúp điều chế các liệu pháp điều trị giúp ích cho các bệnh nhân; các nghiên cứu tiếp tục mang đến các đóng góp có giá trị để loại bỏ các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã mở rộng chuyên môn và kỹ năng của mình rất nhiều. Tuy nhiên, không điều gì trong số những điều này có thể làm cho chúng ta quên đi tính độc đáo của mỗi bệnh nhân, phẩm giá và sự yếu đuối của họ. [4] Bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ, và vì lý do này, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn cản việc lắng nghe bệnh nhân, tiền sử, lo lắng và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, vẫn luôn có thể chăm sóc họ. Luôn có thể an ủi, luôn có thể khiến mọi người cảm thấy sự gần gũi, quan tâm đến người đó hơn là bệnh lý của người đó. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng chương trình đào tạo được cung cấp cho các nhân viên y tế có thể giúp họ phát triển khả năng lắng nghe và liên hệ với những người khác.

4. Các trung tâm chăm sóc như “những ngôi nhà của lòng thương xót”

Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân cũng là một dịp tốt để tập trung sự chú ý của chúng ta vào các trung tâm chăm sóc. Trong nhiều thế kỷ, việc bày tỏ lòng thương xót đối với người bệnh đã khiến cộng đồng Kitô mở ra vô số “nhà trọ của người Samaritanô nhân hậu”, nơi có thể dành tình yêu thương và sự chăm sóc cho những người mắc nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là những người không được đáp ứng nhu cầu sức khỏe vì nghèo đói hoặc vì bị xã hội loại trừ hoặc gặp những khó khăn liên quan đến việc điều trị một số bệnh lý. Trong những tình huống này, trẻ em, người già và những người ốm yếu thường phải trả giá đắt nhất. Thương xót như Chúa Cha, vô số nhà truyền giáo đã kết hợp việc rao giảng Tin Mừng với việc xây dựng bệnh viện, trạm xá và nhà chăm sóc. Đây là những phương tiện quý giá nhờ đó lòng bác ái của Kitô Hữu trở nên hữu hình và tình yêu của Chúa Kitô, qua chứng tá của các môn đệ Ngài, trở nên đáng tin hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ở những khu vực nghèo nhất trên hành tinh của chúng ta, nơi đôi khi cần phải đi một quãng đường dài để tìm các trung tâm điều trị, là những nơi mặc dù với nguồn lực hạn chế, vẫn cung cấp những gì sẵn có. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải tiến bước; ở một số quốc gia, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc đầy đủ vẫn còn là điều xa xỉ. Chúng ta thấy rõ điều này, chẳng hạn, trong sự khan hiếm vắc-xin có sẵn để chống lại Covid-19 ở các nước nghèo; nhưng thậm chí còn thiếu nhiều hơn nữa các phương pháp điều trị cho những căn bệnh cần những loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

Trong bối cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo: chúng là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ; sự hiện diện của các cơ sở này đã làm nổi bật lịch sử của Giáo Hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo Hội với những bệnh nhân và người nghèo, cũng như những tình huống bị lơ là. [5] Có bao nhiêu các vị thành lập các gia đình tôn giáo đã lắng nghe tiếng kêu của anh chị em mình, những người không được chăm sóc hoặc được chăm sóc kém, và đã hết mình phục vụ! Ngày nay, ngay cả ở những nước phát triển nhất, sự hiện diện của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo là một phúc lành, vì ngoài việc chăm sóc cơ thể bằng tất cả các chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể trao tặng món quà bác ái, tập trung vào bản thân người bệnh và gia đình của họ. Vào thời đại mà văn hóa lãng phí còn phổ biến và sự sống không phải lúc nào cũng được thừa nhận là đáng được chào đón và đáng sống, những công trình kiến trúc này, giống như “những ngôi nhà của lòng thương xót”, có thể là mẫu mực trong việc bảo vệ và chăm sóc mọi sự sống, dù là mong manh nhất, từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc tự nhiên của nó.

5. Lòng thương xót mục vụ: hiện diện và gần gũi

Trong ba mươi năm qua, việc chăm sóc sức khỏe mục vụ cũng được ngày càng được công nhận là sứ vụ không thể thiếu. Nếu sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu - kể cả các bệnh nhân, và người có sức khỏe kém - là thiếu sự quan tâm về mặt thiêng liêng, thì chúng ta không thể không cống hiến cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, lời chúc phúc và Lời Chúa, cũng như việc cử hành các bí tích và cơ hội cho một hành trình thăng tiến và trưởng thành trong đức tin. [6] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi các bệnh nhân và chăm sóc mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; đi thăm các bệnh nhân là một lời mời gọi mà Chúa Kitô ngỏ với tất cả các môn đệ của Người. Bao nhiêu người già bệnh tật đang ở nhà chờ người đến thăm! Mục vụ an ủi là một nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa tội, hãy lưu tâm đến lời Chúa Giêsu: “Ta đau yếu và các ngươi đã đến thăm Ta” (Mt 25:36).

Anh chị em thân mến, tôi xin phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Maria, Đấng là Sức Khoẻ của những ai đau yếu, tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ. Cầu xin cho họ khi kết hợp với Chúa Kitô, Đấng gánh chịu nỗi đau của thế giới, có thể tìm thấy ý nghĩa, sự an ủi và tin cậy. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp mọi nơi, để họ giàu lòng thương xót, và có thể cung cấp cho các bệnh nhân sự chăm sóc thích hợp, và đồng thời sự gần gũi huynh đệ của họ.

Với tất cả mọi người, tôi thân ái ban Phép lành Tòa Thánh.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, 10 tháng 12 năm 2021, Lễ Nhớ Đức Mẹ Loreto.



[1] Xem Thánh Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức Hồng Y Fiorenzo Angelini, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Chăm sóc Sức khỏe Nhân viên Y tế, về việc Thành lập Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân (13 tháng 5 năm 1992).

[2] E. Lévinas, «Une éthique de la souffrance», in Souffaces. Corps et âme, épreuves partagées, được biên tập bởi J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, trang 133-135.

[3] Xem Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng chung VIII, Chúa Giêsu người Samaritanô nhân hậu.

[4] Xem Phát biểu trước Liên đoàn Quốc gia về Các Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Nha khoa, ngày 20 tháng 9 năm 2019.

[5] Xem huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật từ Bệnh viện Gemelli, Rome, ngày 11 tháng 7 năm 2021.

[6] Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm (24 tháng 11 năm 2013), 200.


Source:Holy See Press Office
 
Giáo Hội Tây Ban Nha mở cuộc điều tra về tình trạng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
05:10 05/01/2022


Trên chuyến bay trở về Rôma trong chuyến tông du gần đây đến Síp và Hy Lạp, một phóng viên của tờ báo El País có trụ sở ở Madrid đã đưa cho Đức Giáo Hoàng một hồ sơ dài 385 trang về 1,237 trường hợp cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ở Tây Ban Nha kể từ năm 1942.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng đã nhận được tài liệu và gửi nó đến các “cơ quan có thẩm quyền” để điều tra, và “có thể tiến hành xét xử theo giáo luật hiện hành.”

Đây là một tham chiếu rõ ràng đến Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha và Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, là cơ quan điều tra và xét xử các cáo buộc lạm dụng tình dục.

Theo luật hiện hành của Giáo hội, các giám mục Tây Ban Nha sẽ phải thông báo cho chính quyền dân sự về các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng.

Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha trả lời: “Điều chúng tôi ước ao là những lời buộc tội trong báo cáo nói trên có tính chặt chẽ hơn, vì nội dung của nó, rất khác nhau về bản chất, khiến cho khó lòng đưa ra kết luận về tính khả thi của một cuộc điều tra đối với các cáo buộc này. Đặc biệt là trong trường hợp không có tên của người bị cáo buộc lạm dụng, ngày tháng xảy ra hành vi lạm dụng hoặc người bị cáo buộc đã qua đời”.

Tuy nhiên, để chứng tỏ thiện chí, Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha sẽ mở một cuộc điều tra về các cáo buộc này trong khoảng thời gian 80 năm mà tờ El Pais đã đưa ra.

Cuộc điều tra sẽ xem xét các cáo buộc lạm dụng đối với 251 linh mục và một số giáo dân.

Tờ báo thế tục khét tiếng bài Công Giáo cho rằng số nạn nhân ít nhất là 1,237 người nhưng có thể lên đến hàng nghìn người. Các cáo buộc liên quan đến 31 dòng tu và 31 trong số 70 giáo phận của Tây Ban Nha. Trường hợp lâu đời nhất diễn ra từ năm 1942 và gần đây nhất là vào năm 2018.

Cuộc điều tra sẽ được thực hiện bởi Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Juan Jose Omella, tổng giám mục của Barcelona, chủ tịch Hội Đồng.

Theo ước lượng vào tháng 7 năm ngoái 2021, dân số Tây Ban Nha là 47,261,000 người. Người Công Giáo chiếm 58.2%, cụ thể là 27,506,000. Trong khi đó, dân số tại Pháp là 60,656,000 người. Người Công Giáo chiếm 88% dân số, cụ thể là 53,377,000 người. Như thế, số người Công Giáo Pháp gần gấp đôi số người Công Giáo Tây Ban Nha. Tờ El Pais khét tiếng bài Công Giáo như thế chỉ dám đưa ra cáo buộc số nạn nhân là 1,237 người. Với các hoàn cảnh sống, văn hóa có nhiều điểm tương đồng, một cách hợp lý có thể cho rằng số trường hợp bị lạm dụng ở Pháp cùng lắm là 3,000 người, thế mà tay Jean-Marc Sauvé dám đưa ra một con số kinh khủng là 330,000 người, nghĩa là 110 lần nhiều hơn con số có thể tin nổi.
Source:MSN
 
Đức Cha Michiaki Nakamura trở thành Tân Tổng Giám Mục Nagasaki
Đặng Tự Do
05:10 05/01/2022


Tổng giáo phận Nagasaki, cái nôi của Công Giáo Nhật Bản và các vị tử đạo, có một tổng giám mục mới, là Đức Cha Phêrô Michiaki Nakamura (中村倫明),phiên ra tiếng Việt là Trung Thôn Luân Minh.

Hôm 29 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Nakamura, 59 tuổi, hiện đang giữ chức Giám Mục Phụ Tá của cùng một tổng giáo phận, thay thế Đức Tổng Giám Mục Giuse Mitsuaki Takami (高見三明), phiên ra tiếng Việt là Cao Hiện Tam Minh, 75 tuổi, lãnh đạo tổng giáo phận này kể từ năm 2002.

Đức Tổng Giám Mục Takami, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản từ năm 2016, chào đời 7 tháng sau vụ đánh bom nguyên tử, trong đó ngài mất bà nội, hai dì và một chú.

Trong suốt sứ vụ của mình, Đức Cha Takami liên tục kêu gọi hòa bình, mà thảm kịch ở Nagasaki đã để lại di sản cho Giáo hội của ngài. “Một quả bom nguyên tử có nghĩa là sự phủ nhận hoàn toàn phẩm giá của con người,” ngài nói trong một bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc năm 2010.

Sinh ngày 21 tháng 3 năm 1962 tại Saikai, Nagasaki, vị tân tổng giám mục cũng lớn lên với hoàn cảnh tương tự.

Thụ phong linh mục năm 1988 trong hàng giáo phẩm của giáo phận, sau đó ngài hoàn thành khóa học về thần học luân lý tại Học viện Anphongsô của Rôma.

Trở lại Nhật Bản, ngài giảng dạy tại tiểu chủng viện Nagasaki và trong các đại chủng viện ở Fukuoka và Tokyo, đồng thời cử hành các thánh lễ tại các giáo xứ Togitsu và Uematsu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Nagasaki vào tháng 5 năm 2019, vài tháng trước chuyến tông du của ngài tới Nhật Bản.

Trong một thông điệp gửi đến tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục sắp mãn nhiệm Takami đã thông báo việc bổ nhiệm Đức Cha Nakamura và ngày 23 tháng 2 năm 2022 được ấn định là ngày chính thức nhậm chức của ngài.

“Chúng ta hãy cầu xin sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và xin Chúa ban sức khỏe và chúc lành cho công việc của Đức Tổng Giám Mục Michiaki Nakamura, và nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin cho cộng đoàn Giáo hội tại Nagasaki ngày càng lớn mạnh và phát triển. Tôi sẽ rất biết ơn nếu anh chị em cũng sẽ cầu nguyện cho tôi.”
Source:Asia News
 
Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha trong Năm 2021
Đặng Tự Do
05:11 05/01/2022


Theo 5 nhà báo được thông tấn xã ECCLESIA của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha phỏng vấn, năm 2021 đối với Giáo Hội Công Giáo ở Bồ Đào Nha được đánh dấu bởi những tác động tiêu cực của đại dịch, phản ứng đối với tội lỗi lạm dụng trẻ vị thành niên, dấn thân cho thanh niên và một số bổ nhiệm giám mục.

Giám đốc của tờ báo 'Diário do Minho', thuộc Tổng giáo phận Braga, nhấn mạnh rằng “khía cạnh tiêu cực nhất” trong năm 2021, theo quan điểm tôn giáo, là đại dịch Covid-19. Nó hạn chế nghiêm trọng các hình thức của lòng đạo đức bình dân ở Minho.

Về điểm tích cực, giám đốc của 'Diário do Minho' nhấn mạnh việc bổ nhiệm và nhậm chức của Đức Cha João Lavrador làm giám mục của Giáo phận Viana do Castelo lân cận.

Đối với Olímpia Mairos, một nhà báo tại Rádio Renascença, những điểm nổi bật tích cực và tiêu cực cũng tập trung vào đại dịch, mà cô ấy coi là cơ hội để Giáo Hội Công Giáo “mở cửa, ra ngoài và gặp gỡ những người bị cô lập”

“Chúng tôi sống trong lãnh thổ Trás-os-Montes, nơi có rất nhiều người cao niên không sử dụng mạng xã hội hoặc công nghệ mới”

Nhà báo cũng nhấn mạnh “vết thương của lạm dụng tình dục trong Giáo hội” là một khía cạnh tiêu cực, mặc dù ghi nhận rằng đa số người Bồ Đào Nha đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo Giáo hội “muốn biết quy mô thực sự của vấn đề”, cụ thể là ở Bồ Đào Nha, Hội Đồng Giám Mục đã bổ nhiệm một ủy ban dành riêng cho chủ đề này.

Giám đốc của tờ báo 'Mensageiro de Bragança' chỉ ra rằng các báo cáo về những vụ lạm dụng trong Giáo hội ở Pháp đã phủ lên “một bóng đen bao trùm toàn bộ Giáo hội”.

“Điều quan trọng khác là Giáo hội sẽ đối phó với những tình huống kiểu này như thế nào. Tôi nghĩ rằng quan điểm của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha là quan trọng”

Đối với người đứng đầu tờ báo của Giáo phận Bragança-Miranda, việc bổ nhiệm Đức Cha José Cordeiro, làm Tổng Giám Mục mới của Braga là một điểm nhấn tích cực, bởi vì “điều quan trọng là Giáo hội phải có tiếng nói mới”, biết một thực tế khác và cũng đưa “Giáo hội đến với những người trẻ nhất”.

António Gonçalves Rodrigues cũng nhấn mạnh đại dịch Covid-19, do những tác động tiêu cực mà nó tiếp tục gây ra đối với nền kinh tế, đối với “niềm tin của người dân”, và mặt khác, trên con đường mà đất nước “thống nhất với nhau nhằm khắc phục tai ương này".

Cláudia Sebastião, từ tạp chí 'Família Cristiana', hy vọng rằng đại dịch có thể “mang lại những điều tốt nhất” cho con người và “những điều tốt nhất trên thế giới”. Cô cảnh báo về “chủ nghĩa cực đoan”. Như một điểm tích cực, nhà báo nêu bật “sự giúp đỡ lẫn nhau” giữa các tổ chức khác nhau và “những người bình thường” trong bối cảnh của Covid-19, trong Giáo hội và trong xã hội, và lấy làm tiếc rằng mọi người phải tham dự các thánh lễ trực tuyến vì người dân Bồ Đào Nha đã quen với việc “trở thành cộng đồng, đích thân đi đến nhà thờ, đến các thánh lễ”.

Tại Giáo phận Algarve, nhà báo Samuel Mendonça cho rằng “động lực” liên quan đến giới trẻ, trong phạm vi của Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo, ở Lisbon, là một trong những yếu tố tích cực.

Giám đốc tờ báo giáo phận 'Folha do Domingo' cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của giáo phận “trên các mạng xã hội và trong môi trường kỹ thuật số đã được tăng cường rất nhiều” vào năm 2021.


Source:agencia.ecclesia.pt
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu
Vũ Văn An
16:18 05/01/2022

Theo tin Tòa Thánh, ngày 5 tháng 1 năm 2022, tại Hội trường Phaolô VI trong điện Vatican, trong buổi yết kiến chung thường lệ, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thánh Giuse, nhấn mạnh tới khía cạnh thánh nhân là Cha nuôi của Chúa Giêsu. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa trên bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Thánh Giuse, cha của Chúa Giêsu. Các thánh sử Mátthêu và Luca trình bày ngài như cha nuôi của Chúa Giêsu, chứ không phải là cha ruột của Người. Thánh Mátthêu chỉ rõ điều này, tránh dùng công thức “cha của”, được dùng trong gia phả cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu; thay vào đó, ngài định nghĩa Thánh Giuse là “chồng của bà Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng được gọi là Chúa Kitô” (1:16). Mặt khác, Thánh Luca khẳng định điều này bằng cách nói rằng ngài là cha “được cho là” của Chúa Giêsu (3:23), tức là xem ra ngài là cha của Người.

Để hiểu được mối liên hệ cha con được cho là hay hợp pháp của Thánh Giuse, cần phải nhớ rằng vào thời cổ xưa ở phương Đông, định chế nhận con nuôi rất phổ biến, hơn ngày nay. Người ta nghĩ đến trường hợp thông thường ở Do Thái về “luật Lêvi”, như được trình bày trong Đệ nhị luật: “Nếu anh em sống với nhau, mà một trong số họ chết mà không có con trai, thì vợ của người chết sẽ không được kết hôn ngoài gia đình với một người lạ; em trai của chồng sẽ đến với cô ấy, và lấy cô ấy làm vợ, và thực hiện nghĩa vụ của một người em chồng đối với cô ấy. Và con trai đầu lòng mà cô ấy cưu mang sẽ nối nghiệp tên người anh đã chết, hầu cho tên của người đó không bị xóa khỏi Israel”(25: 5-6). Nói cách khác, cha của đứa trẻ này là em rể, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã chết, người cho đứa trẻ mới sinh tất cả các quyền di sản. Mục đích của luật này gồm hai mặt: đảm bảo dòng dõi của những người đã qua đời và bảo tồn di sản. Với tư cách là cha chính thức của Chúa Giêsu, Thánh Giuse thực hiện quyền đặt tên cho con trai mình, thừa nhận cậu về mặt pháp lý. Về mặt pháp lý, ngài là cha, nhưng không phải về mặt sinh sản; ngài đã không sinh ra Người.

Thời xưa, tên là bản tóm tắt căn tính của một người. Thay đổi tên của mình có nghĩa là thay đổi chính mình, như trong trường hợp của Ápraham, tên mà Đức Chúa Trời đã đổi thành "Ápraham", có nghĩa là "cha của nhiều người", "vì", Sách Sáng thế nói, ông sẽ là "cha của nhiều dân tộc ”(17: 5). Điều tương tự cũng đã xảy ra với Giacóp, người sẽ được gọi là “Israel”, nghĩa là “người đấu tranh với Thiên Chúa”, vì ông đã đánh nhau với Thiên Chúa để buộc Người ban phúc cho mình (xem St 32:29; 35:10).

Nhưng trên hết, đặt tên cho ai hoặc một điều gì đó có nghĩa là khẳng định quyền hạn của mình đối với những người hoặc vật được đặt tên, như Ađam đã làm khi đặt tên cho tất cả các loài vật (xem St 2: 19-20).

Thánh Giuse biết rằng, đối với con trai của bà Maria, một cái tên đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn - tên Giêsu được đặt cho Người bởi người cha thật của Người, là Thiên Chúa - “Giêsu”, có nghĩa là “Chúa cứu vớt”; như Thiên Thần giải thích, “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21). Khía cạnh đặc biệt này của Thánh Giuse giờ đây cho phép chúng ta suy gẫm về tình phụ tử và tình mẫu tử. Và tôi tin điều này rất quan trọng: nghĩ về việc làm cha ngày nay. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại có tiếng là mồ côi, phải không? Thật là lạ: nền văn minh của chúng ta là một điều gì đó của trẻ mồ côi, và người ta cảm nhận được tình trạng mồ côi này. Xin Thánh Cả Giuse, người thay thế cho người cha thật là Thiên Chúa, giúp chúng ta hiểu cách giải quyết cảm thức mồ côi đang gây hại cho chúng ta ngày nay.

Đem một đứa trẻ vào đời không đủ để trở thành cha hoặc mẹ của đứa trẻ. “Những người cha không được sinh ra, mà được tạo ra. Một người đàn ông không trở thành một người cha chỉ đơn giản bằng cách đem một đứa trẻ vào đời, mà bằng cách nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ đó. Bất cứ khi nào một người đàn ông chịu nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, thì cách nào đó, họ trở thành cha đối với người đó ”(Tông thư Patris corde). Tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những ai đang mở lòng đón nhận cuộc sống bằng cách nhận con nuôi, đây là một thái độ tốt đẹp và rộng lượng. Thánh Giuse cho chúng ta thấy rằng dây nối kết này không phải là thứ yếu; nó không phải là một hậu ý, không phải. Loại lựa chọn này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, tình phụ tử và tình mẫu tử. Có bao nhiêu trẻ em trên thế giới đang đợi ai đó chăm sóc chúng! Và biết bao nhiêu cặp vợ chồng muốn làm cha, làm mẹ nhưng không thể thực hiện được vì lý do sinh học; hoặc, mặc dù đã có con nhưng họ muốn chia sẻ tình âu yếm gia đình với những người chưa có tình cảm này. Chúng ta không nên sợ chọn con đường nhận con nuôi, chấp nhận “rủi ro” khi chào đón trẻ em. Và ngày nay, với tình trạng mồ côi, có một sự ích kỷ nào đó. Có lần, tôi đã nói về mùa đông nhân khẩu hiện có ngày nay, trong đó chúng ta thấy rằng người ta không muốn có con, hoặc chỉ có một con và không muốn thêm nữa. Và rất nhiều cặp vợ chồng không có con vì họ không muốn, hoặc họ chỉ có một con - nhưng lại có đến hai con chó, hai con mèo… Đúng vậy, chó và mèo thay thế cho những đứa trẻ. Vâng, tôi hiểu điều đó thật buồn cười, nhưng đó là thực tại. Và sự bác bỏ tình phụ tử này làm chúng ta giảm thiểu, nó lấy đi nhân tính của chúng ta. Và theo cách này, nền văn minh trở nên già cỗi và không có tình người, vì nó làm mất đi sự phong phú của tình phụ tử và mẫu tử. Và quê hương của chúng ta chịu thiệt thòi, vì nó không có trẻ em, và, như người ta đã nói một cách hài hước, "và bây giờ ai sẽ trả tiền thuế để trả lương hưu cho tôi, nếu không có con cái?": môt cách hài hước, nhưng đó là sự thật. Ai sẽ chăm sóc tôi? Tôi xin Thánh Giuse ân sủng để đánh thức các lương tâm suy nghĩ về điều này: về việc có con. Tình phụ tử và tình mẫu tử là lẽ viên mãn của đời người. Anh chị em hãy nghĩ về điều này. Đúng là, có tình phụ tử thiêng liêng của những người dâng mình cho Thiên Chúa, và tình mẫu tử thiêng liêng; nhưng những ai sống trên đời và lập gia đình, hãy nghĩ đến việc có con, trao ban sự sống mà chúng sẽ lãnh nhận từ anh chị em cho tương lai. Và ngoài ra, nếu anh chị em không thể có con, hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một rủi ro, đúng thế: có con, một cách tự nhiên hay do nhận nuôi, luôn luôn là một rủi ro. Nhưng sẽ rủi ro hơn nếu không có chúng. Sẽ rủi ro hơn nếu bác bỏ tình phụ tử, hoặc bác bỏ tình mẫu tử, dù là thực chất hay thiêng liêng. Nhưng bác bỏ, một người đàn ông hay một người đàn bà không khai triển cảm thức làm cha, làm mẹ, họ đang thiếu một điều gì đó, một điều căn bản, một điều gì đó quan trọng. Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này, xin làm ơn.

Tôi mong rằng các định chế sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ việc nhận con nuôi, bằng cách giám sát nghiêm túc nhưng cũng đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để giấc mơ của biết bao đứa trẻ cần một gia đình, và của biết bao cặp vợ chồng mong muốn hiến thân trong tình yêu, có thể trở thành sự thật. Cách đây ít lâu, tôi có nghe chứng từ của một người, một bác sĩ – một nghề quan trọng - không có con, và ông và vợ ông quyết định nhận một đứa trẻ làm con nuôi. Và khi đến lúc, họ được đề nghị một em, và họ được cho biết: “Nhưng chúng tôi không biết sức khỏe của đứa trẻ này như thế nào. Có lẽ em có bệnh”. Và ông ta nói - Tôi đã nhìn thấy em rồi - ông nói, “Nếu cô hỏi tôi điều này trước khi đến đây, có lẽ tôi đã nói không. Nhưng tôi đã nhìn thấy đứa trẻ: Tôi sẽ đưa em đi với tôi”. Đây là niềm khao khát được làm cha nuôi, được làm mẹ nuôi. Anh chị em đừng sợ điều này.

Tôi cầu nguyện để không ai cảm thấy thiếu mối dây ràng buộc tình cảm cha con. Và những người chịu ảnh hưởng của cảnh mồ côi, mong họ tiến bước mà không còn cảm giác khó chịu này. Xin Thánh Giuse che chở, và giúp đỡ cho trẻ mồ côi; và xin ngài cầu bầu cho những cặp vợ chồng muốn có con. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để được điều này:

Lạy Thánh Giuse,
ngài là người đã yêu thương Chúa Giêsu bằng tình yêu thương của người cha,
xin ngài gần gũi rất nhiều trẻ em chưa có gia đình
và hằng khao khát có bố có mẹ.

Xin ngài hỗ trợ các cặp vợ chồng không thể sinh con,
giúp họ khám phá ra, qua đau khổ này, một kế hoạch lớn hơn.

Xin ngài bảo đảm để không một ai thiếu một mái ấm, một mối dây nối kết,
một người để chăm sóc họ;
và xin ngài chữa lành lòng ích kỷ của những người khép mình đối với sự sống, xin cho họ biết mở lòng ra đối với tình yêu.


Cảm ơn anh chị em.
 
Diễn biến hi hữu: Rau mắc hơn thịt nên các giám mục cho phép người Công Giáo ăn thịt vào đêm giao thừa ở Ba Lan
Đặng Tự Do
16:47 05/01/2022


Người Công Giáo ở Ba Lan đã được phép ăn thịt vào đêm Giao thừa năm nay, rơi vào ngày thứ Sáu, là ngày theo lệ thường các tín hữu phải kiêng thịt.

Ngày 31 tháng 12 - ở Ba Lan gọi là ngày thánh Sylvester, nhiều người Ba Lan đã chào đón năm mới với các bữa tiệc có xúc xích, thịt nguội và các món thịt khác. Thông thường, người Công Giáo, chiếm hơn 90% dân số, được yêu cầu kiêng thịt vào ngày thứ Sáu.

Tuy nhiên, hầu hết các giáo phận đều chuẩn chước trong năm nay, nhưng đề nghị rằng đổi lại các tín hữu nên cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng hoặc bố thí cho người nghèo. Do các biến động liên quan đến coronavirus, việc vận chuyển khó khăn, ngày nay một bữa tiệc chay với các loại rau quả tươi có thể còn mắc hơn các bữa tiệc bằng các loại thịt khô như xúc xích, và thịt nguội.

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục của Warsaw cho biết.

“Xét đến hoàn cảnh ngày 31 tháng 12 khi anh chị em tổ chức các cuộc gặp gỡ gia đình và xã hội và những cử hành hân hoan khác, tất cả mọi người trong tổng giáo phận Warsaw được miễn tuân theo bản chất sám hối của ngày thứ Sáu và nghĩa vụ kiêng ăn thịt”

“Các tín hữu nên tận dụng thời gian này dâng lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và chọn hình thức đền bù bằng các hành động thương xót hoặc bố thí cho những người khó khăn”, ngài nói thêm.

Đức Cha Józef Kupny, Tổng Giám Mục của Wrocław, cho biết ngài hy vọng quyết định này sẽ “không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các cá nhân mà còn giúp hiểu rõ hơn về việc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu khác của cả năm”.

Theo báo cáo của Wprost, các miễn chuẩn tương tự đã được ban hành tại 31 trong số 41 giáo phận trong cả nước.

Khoản 87, Giáo luật Công Giáo cho biết:

“Mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu, Giám mục giáo phận có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi phải giữ những luật có tính cách kỷ luật, dù là luật phổ quát hay là luật địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội đã ban hành cho lãnh thổ hay cho các người thuộc quyền mình, nhưng không được miễn chuẩn những luật hình sự hoặc tố tụng, cũng như những luật mà việc miễn chuẩn được đặc biệt dành riêng cho Tông Tòa hay cho một nhà chức trách khác”.

Source:notesfrompoland.com
 
Giáo Hội tại Hoa Kỳ chờ đợi một tin vui trọng đại trong năm nay
Đặng Tự Do
16:47 05/01/2022


Dự kiến sẽ không có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đối với vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ trong 5 tháng sắp tới. Nếu những người ủng hộ sự sống chiến thắng, đây là những gì họ nên sẵn sàng trước các phản ứng từ những người ủng hộ phá thai.

Quyết định được chờ đợi từ lâu của Tòa án Tối cao về việc phá thai gần như chắc chắn là một thỏa thuận đã được quyết định. Các thẩm phán và thư ký của họ biết kết quả nhưng họ không được phép tiết lộ, chúng ta sẽ không thể biết trong năm tháng nữa.

Điều đó không có nghĩa là kết quả bây giờ là không thể thay đổi, vì các quyết định của Tòa án Tối cao không phải là chung cuộc cho đến khi tòa án công bố. Vì vậy, lời cầu nguyện cho một phán quyết ủng hộ mạng sống vẫn còn rất cần. Tòa án đã nghe Dobbs và Tổ chức Y tế Phụ nữ tranh luận vào ngày 1 tháng 12, và hai ngày sau, các thẩm phán, theo tập tục thông thường, gặp riêng để nói với nhau về quan điểm của họ và bắt đầu quá trình viết ý kiến.

Tại sao phải mất đến 5 tháng?

Có thực sự phải mất đến 5 tháng không? Thưa: thực sự phải mất đến 5 tháng. Nó liên quan đến việc nghiên cứu, soạn thảo ý kiến của khối đa số, lưu hành tài liệu đó giữa các thẩm phán khác để thêm thắt và sửa đổi, viết và lưu hành các ý kiến bất đồng chính, và viết một số lượng không xác định các ý kiến đồng tình và phản đối của từng thẩm phán.

Vì tất cả các thẩm phán có lẽ sẽ muốn cho thế giới và sử sách biết - họ đã đứng ở đâu trong vụ án này, nên quá trình này có thể mất một khoảng thời gian. Và hãy nhớ rằng trong khi đó, tòa án sẽ phải tuân theo cùng một thủ tục như thế trong tất cả các trường hợp khác sẽ được quyết định trong thời gian này.

Chuẩn bị cho phản ứng ủng hộ phá thai

Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng, như nhiều nhà quan sát nhận định, có nhiều khả năng, phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ sẽ là một chiến thắng phò sinh. Nó có thể thực hiện một trong hai hình thức sau.

Hình thức thứ nhất, và thích hợp nhất, là đảo lộn hai quyết định phò phá thai trước đó trong vụ Roe kiện Wade vào năm 1973, trong đó phát minh ra một điều chưa từng được biết đến trong hiến pháp là quyền phá thai, và vụ Planned Parenthood kiện Casey vào năm 1992, trong đó tái khẳng định phán quyết Roe kiện Wade.

Hình thức thứ hai, kém hấp dẫn hơn, cho phép các tiểu bang áp đặt giới hạn có ý nghĩa về phá thai trong khi bằng cách nào đó vẫn giữ lại khuôn khổ Roe và Casey.

Nếu Tòa án tối cao đưa ra một trong hai loại phán quyết, các lực lượng ủng hộ phá thai sẽ ngay lập tức tăng áp lực cho việc thêm bốn thẩm phán ủng hộ phá thai mới vào Tòa Án Tối Cao, thậm chí năm thẩm phán nếu Thẩm Phán Stephen Breyer nghỉ hưu, với mục đích giành lại thế thượng phong tại Tối Cao Pháp Viện. Trong trường hợp đó, những người phò phá thai tự xưng là phản đối việc chính trị hóa tòa án sẽ ủng hộ việc chính trị hóa tòa án một cách triệt để. Những người ủng hộ sự sống phải ngay lập tức cho các thượng nghị sĩ và đại diện của họ biết rằng họ không muốn thấy điều đó xảy ra.

Những người ủng hộ sự sống cũng phải quan tâm đến cuộc bầu cử vào tháng 11 giống như những đối thủ ủng hộ phá thai của họ chắc chắn sẽ làm. Hàng trăm ghế trong Quốc hội và các cơ quan lập pháp tiểu bang có thể hoán đổi giữa hai đảng.
Source:Aleteia
 
Chứng kiến Điều kỳ diệu
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
23:21 05/01/2022
CHỨNG KIẾN ĐIỀU KỲ DIỆU KHI VIẾNG TƯỢNG Đức Mẹ BỊ CHẶT TAY

Đầu tháng 12 năm 2021, khi nghe tin Tượng Đức Mẹ Fatima trong khuôn Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Washington bị kẻ xấu chặt tay, tôi rất kinh ngạc và cảm thấy đau buồn vì bức tượng này ở ngay bên cạnh trường học của tôi.

Ít ngày sau đó, tôi tiếp tục dõi theo thông tin và được biết cảnh sát thành phố đã công bố video cho thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đến dùng búa phá hủy đôi tay của Đức Mẹ. Tệ hơn thế nữa, ông ta còn đập vỡ mũi, làm rách khuôn mặt Đức Mẹ, và tháo gỡ Thánh giá trên triều thiên (VietCatholic News).

Cũng theo thông tin báo chí nhiều anh chị em giáo dân đã tập trung đọc kinh Mân Côi dưới tượng của Mẹ để phạt tạ về sự bất kính và độc ác của người đàn ông kia. Tôi rất muốn đến để cầu nguyện với họ, nhưng vì trong thời gian đó tôi còn bận việc viết bài cuối học kỳ. Đến cuối tháng tôi mới cùng một số giáo dân đến thăm viếng và cầu nguyện dưới chân tượng của Mẹ.

Thật đau lòng khi chính mắt mình nhìn thấy đôi bàn tay của Mẹ đã không còn nữa, và khuôn mặt Mẹ rách nát bởi nhiều nhát búa tán vào. Đứng trước tượng Mẹ nhiều người trong chúng tôi đã rưng rưng nước mắt. Tôi tự hỏi: Tạo sao người ta lại độc ác và vô phép như thế?

Mặc dầu rất đau lòng, nhưng trong lúc cầu nguyện tôi nhớ lại lời của Đức Ông Walter Rossi, giám quản Đền thánh, nói chúng ta tiếp tục cầu xin Mẹ tha thứ tội lỗi cho nhân loại, tha thứ cho những ai xúc phạm đến lòng nhân từ của Mẹ. Tôi xin Mẹ chuyển cầu để Chúa tha thứ cho họ và cho toàn thể nhân loại.

Điều kỳ diệu chúng tôi khám phá khi đến cầu nguyện, là có người nào đó đặt dưới chân Mẹ một tấm bảng, ghi: “Let Me Be Your Hands”, tôi xin tạm dịch là “Con nguyện trở thành đôi tay của Mẹ”. Vâng, đôi tay của Đức Mẹ đã bị kẻ dấu chặt phá đi, nhưng hết thảy mỗi người chúng ta có thể trở thành những bàn tay của Mẹ, để nối dài những gì Mẹ muốn chúng ta thực hiện.

Đức Mẹ luôn muốn mang đến cho thế giới sự yêu thương và hòa bình. Khi trở thành đôi tay của Mẹ là lúc chúng ta luôn nỗ lực loan báo sự tha thứ, lòng nhân ái cũng như hy sinh vì tình yêu cho nhân loại. Cuộc sống xã hội ngày hôm nay vẫn còn có nhiều chia rẽ và hận thù, chúng ta cần phát triển văn hóa tình thương để mọi người được sống trong cảnh bình an và tôn trọng những khác biệt của nhau hơn.

Lời của Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và Tổng giám mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo và Công lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, là một minh chứng, các ngài nói: “Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng đập phá này, nhưng ở mức tối thiểu, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa” (UCAN).

Trở thành đôi tay của Đức Mẹ, có nghĩa là chúng ta không chỉ kêu gọi mọi người lên án những vụ tấn công này, nhưng có lẽ mọi tín hữu cần yêu mến Mẹ nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn, nhất là cần hiệp thông một lòng để bảo vệ Giáo hội của Mẹ. Vì theo báo cáo của các Giám mục đã có hơn 100 vụ phá hoại các tượng ảnh của các địa điểm Công Giáo ở Hoa Kỳ kể từ tháng 5/2020 cho đến nay (UCAN).

Thử hỏi, một xã hội được cho là văn minh và thượng tôn pháp luật như Hoa Kỳ còn có nhiều cuộc tấn công như vậy thì huống chi nhiều quốc gia khác, đã và đang có biết bao nhiêu cơ sở tôn giáo, bao nhiêu ảnh tượng tôn giáo bị phá hoại. Nguyện trở thành đôi bàn tay của Mẹ để bảo vệ Giáo hội và kiến tạo hoà bình nơi chúng ta đang sống.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh qùa tặng của ba nhà Chiêm Tinh.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:51 05/01/2022
Hình ảnh qùa tặng của ba nhà Chiêm Tinh.

Trong đời sống con người vào mọi thời đại, tặng qùa cho người khác là một niềm vui cùng niềm vinh dự.

Và người được tặng qùa có niềm vui cũng lớn nữa. Vì cảm thấy mình được nhớ chú ý tới, được kính trọng.

Món qùa tặng diễn tả gói ghém tâm tình lòng yêu mến của người trao tặng qùa.

Kinh Thánh thuật lại : “ Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bethlehem miền Judea, thời vua Herode trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Jerusalem, và hỏi: ” Vua dân Do Thái mới sinh ra, hiện ở đâu” Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”…..trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà thấy hài nhi Giesu với thân mẫu Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp lấy Vàng, Nhũ hương và Mộc Dược mà dâng tiến.” ( Mt 2, 1-2, 11.).

Không có sử sách bút tích nào thuật lại tên tuổi thân thế sự nghiệp của “ các nhà Chiêm Tinh” ngày xưa đã nhìn thấy và được Ngôi sao Bethlehem soi đường dẫn lối tìm đến nơi Hài nhi Giesu sinh ra.

Ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Chúa giáng sinh đã có những suy luận giả thuyết nói về họ có bao nhiêu người rồi. Thánh giáo phụ Origines (185-254) đã cho rằng nhóm họ có ba người.

Theo truyền thống suy luận dân gian cho rằng họ là ba nhân vật đại diện cho ba châu lục: Phi Châu, Á Châu và Âu Châu.

Và từ thế kỷ 06. sau Chúa giáng sinh, họ được đặt danh hiệu với tên ba người là Caspar, Melchior và Balthasar.

Họ là ai trong nếp sống xã hội? Điều này cũng không biết rõ. Có suy luận cho rằng họ là những nhà Thiên Văn học, những vị Tư Tế tôn giáo bên đất nước họ thời đó, và họ là những người công dân thuộc đất nước Ba Tư.

Theo Kinh thánh chỉ thuật lại họ là những người đã được Ngôi sao Chúa Giesu sinh ra ở thành Bethlehem soi đường dẫn lối tìm đến hang chuồng xúc vật nơi hài nhi Giesu, Con Thiên Chúa, mở mắt chào đời. Và như thế họ đã được sống trải qua “ giờ phút ánh sáng của ngôi sao” chiếu soi cho cuộc đời họ. Vì thế khi nhìn thấy ánh sáng Ngôi sao dẫn đường họ rất vui mừng.

Nhưng không phải chỉ có thế. Niềm vui mừng của họ còn thể hiện nơi món qùa tặng mà họ mang đến cho Hài nhi Giesu: Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.

Những món qùa tặng vật họ dâng tiến hài nhi Giesu thể hiện tấm lòng thành kính của họ, cùng diễn tả thâm sâu sứ điệp ngày lễ Chúa giáng sinh.

Qùa tặng chút mẩu Vàng không chỉ nói lên chức vị Hài nhi Giesu là Vua, mà còn diễn tả lòng biết ơn nữa, cho dù Vua Giesu sinh ra là một Hài nhi trong hang chuồng xúc vật ẩm thấp tối tăm, nghèo nàn cùng thiếu thốn mọi sự.

Và nó cũng càng làm nổi bật ý nghĩa dù vào hoàn cảnh nào trong đời sống, sự sống con người không bao giờ bị quên lãng đẩy sang một bên. Nhưng luôn được kính trọng. Con người là báu vật, là tác phẩm cao qúy trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Món qùa tặng Nhũ Hương nói lên Thiên Chúa qua hài nhi Giesu tỏ hiện nơi trần gian bộ mặt làm con người trần thế. Thiên Chúa sinh sống làm người cùng chia sẻ nếp sống giữa con người trần gian. Thiên Chúa làm người để con người giữ được địa vị là con Thiên Chúa.

Món qùa tặng Mộc Dược cho hài nhi Giesu diễn tả sự chữa lành vết thương nơi thân xác cùng trong tâm hồn cuộc sống. Con người từ khi Ông Bà nguyên tổ lỗi luật Thiên Chúa, bị án phạt phải chịu bệnh tật đau khổ, nên họ luôn cần đến sự an ủi chữa lành.

Hài nhi Giesu, Con Thiên Chúa, là Mộc Dược mang đến sự chữa lành các đau khổ cho con người.

Nhân loại trong đời sống, và nhất là từ hai năm nay (từ 2019) sống trong tình trạng khủng hoảng. Vì bị vi trùng bệnh đại dịch Covid 19 lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống. Vì thế luôn cần đến sự chữa lành an ủi của Thiên Chúa từ trời cao cho đời sống thể xác, nhất là cho tinh thần có được bình an, niềm vui.

Món qùa tặng của các nhà Chiêm Tinh trao tặng hài nhi Giesu, Con Thiên Chúa, loan báo hình ảnh sự cao qúy của đời sống con người, cùng ân đức bình an chữa lành cho con người do Hài nhi Giesu mang đến trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Henri de Lubac, Hồng Y Thần Học Gia, Chuyên Viên Vatican II, Bênh vực Thành công Pierre Teilhard de Chardin, 3
Vũ Văn An
03:27 05/01/2022
Lịch sử và Tín điều

Tác phẩm tạo thời đại mà cuối cùng đã khai phá cơ sở cho một cuộc gặp gỡ thực sự mới mẻ giữa Giáo Hội và thế giới là cuốn L’Action [Hành động] của Maurice Blondel (13). Ông đệ trình nghiên cứu này, được coi như một luận án khai mào, lên phân khoa triết học của Sorbonne ở Paris vào năm 1893. Nó chứng minh rằng động lực của sự thành toàn con người trong cuộc sống qua các hành vi của lý trí và ý chí là nhằm vượt quá chính nó một cách đến nỗi cuối cùng và nhất thiết nó phải tìm hiểu khả thể diễn ra mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử.

Blondel cũng bị nghi ngờ theo thuyết duy Hiện đại, và sự nghiệp nhiều đau buồn của ông cũng tương tự như sự nghiệp của de Lubac về nhiều phương diện. Thực vậy, cuốn Histoire et Dogme [Lịch sử và Tín điều] của Blondel có lẽ là khảo luận vững chắc và thấu đáo nhất về một trong những vấn đề chính của thuyết Duy Hiện đại. Trong cuộc tranh luận của mình với Harnack và Loisy, Blondel chỉ ra những giả thuyết triết học và những “thiếu sót” của nền chú giải phê bình-lịch sử vốn tự coi mình là đầy đủ.

Maurice Blondel là người mang cờ hiệu và là dấu chỉ hy vọng cho nhiều thế hệ trí thức trẻ Công Giáo. Cuốn L’Action đã được sao chép bằng tay và được lưu hành. Henri de Lubac cũng vậy, có lẽ đã tìm được nguồn cảm hứng quan trọng trong các tác phẩm của Maurice Blondel và đã tiếp tục hỗ trợ về thần học cho luận điểm căn bản của nhà triết học này (14). Ngài đã truyền vào lĩnh vực thần học sự thôi thúc do Blondel khởi đầu. Qua de Lubac, cùng với Pierre Rousselot (1878-1915) và Joseph Maréchal (1878-1944), thần học Đức cũng chịu ảnh hưởng, trước hết và quan trọng nhất là Karl Rahner (1904-1984), người mà thành tựu sẽ không thể quan niệm được nếu không có công việc chuẩn bị này ở Pháp.

Vì vậy, chúng ta đã phác thảo, một cách tổng quát, bức phông trên đó cuộc đời và công trình của de Lubac đã diễn ra. Sự nghiệp học thuật của ngài bị gián đoạn vào năm 1914 do chiến tranh.

Bị thương trong chiến tranh

Giống như hầu hết các giáo sĩ Pháp, de Lubac nhập ngũ vào năm 1914. Từ năm 1915 đến năm 1918, ngài đóng quân cùng Trung đoàn Bộ binh số 3 ở Antibes, Cagnes-sur-Mer và chủ yếu là ở Côte des Huves, les Éparges (gần Verdun), trên tiền tuyến. Vào Ngày Lễ Các Thánh năm 1917, ngài bị một vết thương nghiêm trọng ở đầu. Trong suốt quãng đời còn lại, ngài đã phải chịu đựng những hậu quả của chấn thương thời chiến này. Cho đến năm 1954, một cuộc phẫu thuật xem ra đã làm dịu đáng kể tình trạng của de Lubac, theo nghĩa nó làm giảm các cơn chóng mặt liên tục của ngài và loại bỏ mối đe dọa mắc bệnh viêm màng não (Phục Vụ Giáo Hội, trang 19).

Nguồn cảm hứng cho nhiệt tâm truyền giáo trong tác phẩm của de Lubac là một đồng đội trong quân ngũ, người tuy cởi mở về trí thức nhưng không có đức tin mà ngài từng kết bạn với, đã thúc đẩy ngài dấn thân vào hoạt động viết lách đầu tiên của ngài. Quả hế, để có một tác phẩm đặt vào tay những người hiện đại như người bạn này, de Lubac đã viết ra một số suy nghĩ của mình và thu thập từ Truyền thống thần học vĩ đại các đoạn văn vượt quá mọi kinh nghiệm cổ hủ, bụi bặm của Giáo hội và đối với ngài xem ra thích hợp để mở mắt những người đương thời thấy ý nghĩa và vẻ đẹp thực sự của niềm tin vào Thiên Chúa và của đời sống trong Giáo hội. Nhiều năm sau, những ghi chú này sẽ làm nền tảng cho tập sách De la connaissance de Dieu [về việc nhận thức Thiên Chúa] (1945) (15). Trong đó, de Lubac bác bỏ mọi cách giải thích “tâm lý” về khái niệm Thiên Chúa và về những điều được coi là sự phát triển của nó. Hai ấn bản đầu tiên mang lời đề tặng: "Cho những người bạn có đức tin của tôi, và cho những người tin rằng họ không có niềm tin".

Học triết học

Sau khi xuất ngũ năm 1919, de Lubac bước vào lãnh vực giáo dục và đào tạo vốn là thói quen của các tu sỹ. Ngài bắt đầu theo học ngành nhân văn tại Cao Đẳng Saint Mary ở Canterbury. Tuy nhiên, thay vì dành hết tâm trí cho các cổ ngữ, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, de Lubac, người “chết đói về mặt trí tuệ” do hậu quả của những năm chiến tranh, đã nghiến ngấu cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô (16) và nhiệt tình đọc ba cuốn sách sau cùng của bộ Adversus haereses [Chống Lạc Giáo] của Thánh Irênê thành Lyons (17). Một hướng dẫn không kém phần quan trọng cho các nghiên cứu sau này của ngài là việc ngài đọc luận án tiến sĩ của Pierre Rousselot về Intellectualisme de saint Thomas (Thuyết Duy Trí của thánh Tôma), cũng như bài báo dài cả một cuốn sách (250 cột!) Về “Chúa Giêsu” của Léonce de Grandmaison, S.J., trong Dictionnaire apologétique [Từ điển Hộ giáo] do d'Ales biên tập. Sau này, ngài sẽ hối tiếc đã không học tiếng Hy Lạp tốt hơn vì càng ngày ngài càng nhận thức được tầm quan trọng ưu việt của Origen; để đọc được giáo phụ này, ngài phải phụ thuộc vào các bản dịch tiếng Latinh, đặc biệt là các bản dịch của Rufinus thành Aquileia.

De Lubac đã hoàn thành ba năm học triết của mình (1920-1923) tại Jersey, Anh. Trong thời gian đó, ngài đã nhiệt tình đọc các tác phẩm của Blondel cùng với người bạn cùng dòng là Robert Hamel (mất năm 1974). Điều này chỉ có thể nhờ một số giáo sư của ngài đã bỏ qua lệnh cấm các tác phẩm của Blondel (vì nghi ngờ ông theo thuyết Duy Hiện đại) trong các cơ sở của Dòng Tên. Năm 1922, khi de Lubac được cấp trên cử đến điền trang La Felicité không xa Aix để hồi phục sau cơn đau tai, ngài đã nhân cơ hội này đến thăm nhà triết học nổi tiếng. Một người bạn thân của Blondel, Auguste Valensin (18), người mà de Lubac đã quen từ thời còn ở nhà tập, đã sắp xếp cuộc gặp gỡ. De Lubac nhận thấy các ấn tượng của chính mình được xác nhận trong một bức chân dung chưa được công bố về Blondel của Antoine Denat, trong đó mô tả chuyến thăm nhà triết học vào năm 1935:

“Trước mặt ông, ngay từ đầu, tôi đã hiểu ý nghĩa của việc coi nghề dạy học như một loại chức linh mục.... Trong giọng nói kiên nhẫn và khả năng hùng biện chừng mực của Maurice Blondel, vào thời điểm đó, có vô số biến tố (inflections) của lòng tốt, lòng bác ái và tao nhã, theo nghĩa rộng của hạn từ này, điều mà tôi hiếm khi thấy ở một mức độ phát triển và tinh luyện nơi những con người của Giáo hội. Trong cuộc trò chuyện của người được gọi là ‘người chiến đấu’ vĩ đại cho các ý niệm này, không hề có dấu vết nhỏ nhất nào của... cay đắng.... Tôi chia tay với Maurice Blondel không những được giác ngộ mà còn được thanh thản, và khi đọc những tác phẩm dài của ông, được nói nhiều hơn viết, một lần nữa tôi lại thấy rằng sự kiên nhẫn lớn lao, vừa nhẹ nhàng vừa bền bỉ, đã kết thúc bằng chiến thắng tất cả (trích trong Phục Vụ Giáo Hội, tr. 19)”.

Năm 1938, cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ được tiếp nối bằng nhiều chuyến viếng thăm tiếp theo, và thậm chí bằng các thư từ cho thấy sự nhất trí nội tâm sâu sắc của de Lubac với Blondel về vấn đề có tính quyết định đối với xu hướng siêu nhiên của bản tính trí tuệ tạo dựng. Trong một bức thư ngày 3 tháng 4 năm 1932, de Lubac thừa nhận một cách minh nhiên rằng 11 năm trước, khi ngài bắt đầu nghiên cứu triết học, việc đọc Blondel đã truyền cảm hứng cho ngài suy gẫm về vấn đề của cuốn Surnaturel (Siêu nhiên).

Một câu trong bức thư do Valensin viết cho Blondel có thể minh họa vai trò quan trọng đặc biệt của nhà triết học này đối với các sinh viên triết lý đạo [scholastics] (tức là các sinh viên Dòng Tên ở đó): “Ông đang chỉ đạo [!] Học viện ở Ore từ [nơi ở của ông] Aix. Ngày qua ngày, ông đang gây ảnh hưởng.... Khiến cho Cha Bề Trên cả không yên lòng” (19).

Sau các nghiên cứu triết học, việc đào tạo Dòng Tên bao gồm một thời gian hoạt động thực tế trong một cơ sở của Dòng. Đây không chỉ là thời gian để tiếp xúc với điều kiện sống của người ta và thế giới lao động mà còn là cơ hội để thử nghiệm các kỹ năng và kiến thức mà ứng viên đã thủ đắc cho đến nay. Vào thời điểm này, de Lubac đã trở lại ngôi trường mà chính ngài đã gặp được các ảnh hưởng đào tạo sẽ quan trọng đối với sự nghiệp trí thức của ngài: tại Cao đẳng Notre-Dame de Mongré của Dòng Tên, ở Villefranche, ngài làm trợ lý cho vị giám học.

Tính đến năm 1924, các sinh viên Dòng Tên vẫn phải trở lại Anh để học thần học sau đó.

Học thần học

Sau khi các trường dòng Tên bị đuổi khỏi Pháp, ban đầu các sinh viên thần học đến Canterbury. Tuy nhiên, vào năm 1907, viện thần học đã được chuyển đến một khu phức hợp mới - Ore Place - được xây dựng trên một ngọn đồi nhìn xuống Hastings. Chỉ đến năm 1926, người ta mới trả chương trình học lại cho Lyons-Fourvière. Và do đó, de Lubac đã học đầu tiên trong hai năm tại Ore Place. Khi nhớ lại, ngài nói với lòng biết ơn về khoảng thời gian đó và ca ngợi những giáo sư mà ngài gặp ở đó: “Bất cứ ai không sống ở Ore Place không biết trọn vẹn niềm hạnh phúc được là một học viên [Dòng Tên]. Ở đó chúng tôi thực sự lánh xa thế giới, lánh xa gần như mọi trách nhiệm tông đồ; một mình giữa chúng tôi, như thể ở trên một con tàu lớn đang ra khơi, không có radio, giữa lòng đại dương. Nhưng quả là một cuộc sống mãnh liệt xiết bao bên trong con tàu đó, và thật là một cuộc vượt biên kỳ diệu!” (Phục Vụ Giáo Hội,, tr. 15). Cùng với Cha Emile Delhaye, trong thời gian đó, Cha Joseph Huby đã đặc biệt huấn luyện các sinh viên “khám phá theo mọi nghĩa [tức theo mọi hướng] các không gian vô tận của nền thần học tín lý, miệt mài mà không lạc hướng, đi vào các chiều sâu của mầu nhiệm!” (Sđd, tr. 16). De Lubac đọc các tác phẩm thần học cổ điển, nhất là của Thánh Augustinô, của Thánh Bonaventura và nhất là của Thánh Tôma Aquinô, tác giả duy nhất (ngoài các tác giả Tin Mừng) mà ngài thường xuyên sao chép các trích đoạn vào thẻ hồ sơ trong thời sinh viên của mình (đến độ nhiều giáo sư ở Jersey gọi ngài là một người theo trường phái Tôma hoặc trường phái Tân Tôma).

Trong cuốn hồi ký At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội] của ngài, de Lubac đề cập đến một định chế đặc biệt hữu hiệu và kích thích về phương diện trí thức tại Ore Place: “các hội nghiên cứu tự do”, một loại diễn đàn bổ sung vượt ra ngoài các khóa học tập thông thường, trong đó các chủ đề được tự do chọn lựa. Trong số đó, có ba hội mà mỗi sinh viên phải tham gia một hội: một hội dành cho sư phạm [giáo dục], một hội cho khoa học xã hội và một hội dành cho thần học. De Lubac chọn hội thần học, một nhóm gồm mười sinh viên thường xuyên gặp nhau vào các Chúa Nhật dưới sự hướng dẫn của Cha Huby để thảo luận về một chủ đề đã chọn mà một trong những người tham gia đã chuẩn bị bài thuyết trình. Khuôn khổ của các hội này đã giúp de Lubac cơ hội theo đuổi chủ đề siêu nhiên, mà ngài, trong quá trình nghiên cứu triết học, vốn đã nhận ra là chủ yếu. Vì vậy, trong thời gian này, ngài đã soạn bản thảo đầu tiên cho cuốn sách sẽ được in vào năm 1946 và sau đó đã gây ra một chấn động lớn.

“[Chủ đề này] vốn là tâm điểm của nhiều suy tư nơi các bậc thầy mà tôi đã nói về: Rousselot, Blondel, Maréchal; chúng tôi đã khám phá ra nó nằm ở trung tâm của mọi tư tưởng Kitô giáo vĩ đại, bất kể là của Thánh Augustinô, Thánh Tôma hay Thánh Bonaventura (vì đây là những tác phẩm cổ điển của chúng ta); chúng tôi nhận thấy chính vì nằm ở tận đáy các cuộc thảo luận với giới không tin hiện thời, nên nó đã tạo nên mấu chốt cho vấn đề chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo. Cha Huby, theo dòng suy tư do Rousselot khai mở cho chúng tôi, đã nhiệt liệt thúc giục tôi xác minh xem liệu học thuyết của Thánh Tôma về điểm quan trọng này có thực sự là điều đã được trường phái Tôma tuyên bố vào khoảng thế kỷ XVI, được hệ thống hóa vào thế kỷ XVII và được khẳng định một cách nhấn mạnh hơn bao giờ hết trong thế kỷ XX hay không (sđd, tr. 35)”.

Thụ phong linh mục và Năm ba nhà tập

Năm 1926, không khí trong liên hệ Giáo Hội – Nhà nước đã được cải thiện đến mức trường cao đẳng Dòng Tên có thể trở về Pháp. De Lubac được thụ phong linh mục vào ngày 22 tháng 8 năm 1927. Một năm sau, ngài hoàn thành khóa học thần học tại Fourvière (20) và sau đó được gửi đi dự Năm ba nhà tập [tertianship], tức năm thử thứ ba, tại Paray-le-Monial, nơi cha Auguste Bulot, là người hướng dẫn của ngài. Không có bất cứ sự chuẩn bị nào, tháng 9 năm 1929, de Lubac được đề cử kế nhiệm Cha Albert Valensin trong ghế thần học căn bản tại Khoa Thần học tại Đại học Công Giáo Lyons. Cha Albert Valensin (1873-1944), anh trai của Auguste Valensin, chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng cha đã xin được miễn nhiệm để chuyên tâm hoàn toàn vào mục vụ làm người chủ trì giảng tĩnh tâm.

Cần phân biệt Khoa Thần học tại Đại học Công Giáo Lyons (thành lập năm 1875), mà de Lubac tiếp tục là một thành viên suốt quãng đời còn lại của ngài, với trường dự bị và cao đẳng của Dòng Tên trên đồi Fourvière. Sự kiện de Lubac cư trú “ở trên” tại Fourvière, trong khi vẫn tiếp tục giảng dạy với tư cách là giáo sư “ở dưới”, lúc đầu gây nhiều ngô nhận, và không những chỉ đối với người ngoài: thậm chí nhiều cấp trên của de Lubac ở Rôma đôi khi cũng nhầm lẫn về việc bổ nhiệm ngài.

__________________________________________________________________________________________________________

Ghi chú

1 Georges Chantraine và cộng sự, chủ biên, Henri de Lubac: Mémoire sur mes vingt premières années [Ký ức về 20 năm đầu của tôi], tr. 15, số 16. Tác phẩm này đã được xuất bản sau khi Mémoire sur l’occasion des mes écrits [Hồi ký về Hoàn cảnh đưa đến các Trước tác của tôi] (Paris: Éditions du Cerf, 2006).

2 Xem Henri de Lubac và Jean Bastaire, Claudel et Péguy {Claudel và Péguy] (1974).

3 Tập viện đóng vai trò như một dẫn nhập vào linh đạo của một dòng tu và là thời điểm để biện phân ơn gọi của mỗi người trong cuộc sống.

4 Dòng Tên thực sự có tên là Hội Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu), viết tắt là S.J. Nó được thành lập bởi thánh Inhaxiô thành Loyola (1491-1556) và nhận được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng vào năm 1540. Bên cạnh ba lời thề khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, các thành viên còn có lời thề thứ tư: đi bất cứ nơi nào được Đức Giáo Hoàng gửi họ đi để cứu rỗi các linh hồn.

5 Xem Henri de Lubac, Le Mystère du surnaturel [Mâu nhiệm Siêu nhiên] (1965), Bản tiếng Anh, Mystery of the Supernatural của Rosemary Sheed (New York: Herder and Herder, 1967), trang 239-40. Ân sủng là một khái niệm căn bản trong thần học. Ân sủng trước hết là chính Thiên Chúa, Đấng tự do và không đòi công phúc tự hiến mình cho các tạo vật của Người vì yêu thương (ân sủng phi tạo [uncreated]). Chúng ta nói về ân sủng tạo dựng [created] theo nghĩa Thiên Chúa thiết lập nơi tạo vật những điều kiện để chấp nhận ơn phúc thần linh. Liên quan đến cuốn Le Mystère du surnaturel [Mâu nhiệm Siêu nhiên], xem thêm tr. 93, số 16, dưới đây.

6 Thánh Tôma Aquinô (1225-1274), nhà thần học quan trọng nhất của thời kỳ Kinh viện, là một tu sĩ dòng Đa Minh và đã được tuyên bố là Tiến sĩ Giáo hội. Các trước tác triết học và thần học của ngài được đánh giá cao và hơn mọi tác phẩm khác, được giới thiệu cho những ai nghiên cứu thần học Công Giáo.

7 Karl Rahner, SJ. (1904-1984), là giáo sư thần học. Về cuộc sống và công việc của ngài, xin xem Michael Schulz, Karl Rahner begegnen [Gặp gỡ Karl Rahner] (Sankt Ulrich Verlag, 1999). Cuốn Hörer des Wortes [Những người nghe của Lời Chúa] của ngài đã được xuất bản thành cuốn 4 của bộ Sämtliche Werke [Toàn tập] của Karl Rahner.

8 Xem Henri de Lubac, Augustinianism and Modern Theology [Học thuyết Thánh Augustinô và Thần học Hiện đại], trang 293-96. Ban đầu được xuất bản với tên gọi Augustinisme et Théologie moderne [Chủ thuyết Augustinô và Thần học hiện đại] (1965).

9 Xem Eugen Maier, Einigung der Welt in Gott: Das Katholische bei Henri de Lubac [Sự thống nhất hóa thế giới trong Thiên Chúa: khái niệm Đạo Công Giáo trong Henri de Lubac] (1983).

10 Thuyết bất khả tri [Agnosticism] cho rằng lý trí của con người không có khả năng nâng mình lên tới Thiên Chúa và nhìn nhận sự hiện hữu của Người từ những vật được tạo dựng.

11 Thuyết duy nội tại [Immanentism] cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ một ý nghĩa “bên trong” (nội tại). Theo quan điểm này, cả mạc khải cũng không đến với con người “từ bên ngoài” (từ Thiên Chúa).

12 Khoa chú giải phê bình lịch sử là việc khảo sát Sách Thánh bằng các phương pháp nghiên cứu lịch sử và văn học. Nguồn gốc của nó trong thế kỷ XVII đã bị cản trở bởi sự phủ nhận mạc khải của phe duy thần (deistic). Sự phản bác này liên quan đến các nền tảng triết học và các kết luận không có cơ sở của cách tiếp cận, nhưng không liên quan đến chính phương pháp. Xem tr. 197 ở bên dưới. Về chủ nghĩa duy thần [deism], xem tr. 161, số 1 ở bên dưới.

13 Maurice Blondel (1861-1949) là một nhà triết học Công Giáo đã giảng dạy ở Aix-en-Provence. Luận án tiến sĩ của ông mang tên L’Action [Hành động] (1893). Năm 1904, ông xuất bản cuốn Histoire et Dogme (Lịch sử và Tín điều].

14 Về Blondel và mối liên hệ của ông với Henri de Lubac, xem Antonio Russo, Teologia e dogma nella stria [Lịch sử Thần học và Tín lý](1990).

15 Henri de Lubac, De la connaissance de Dieu (Về việc nhận thức Thiên Chúa] (1945), sửa lại và tái bản thành Sur les chemins de Dieu [Trên Các Nẻo đường của Thiên Chúa] (1956). Bản tiếng Anh: The Discovery of God, của Alexander Dru (New York: Kenedy & Sons, 1960; Grand Rapids, Mich: Eerdmans, 1996). Các trích dẫn ở đây là từ ấn bản năm 1996. Được trích dẫn là DG.

16 Thánh Augustinô, sinh năm 354 tại Bắc Phi, rửa tội năm 387, thụ phong linh mục năm 391, được bổ nhiệm làm Giám mục Hippo năm 396. Ngài là Tiến sĩ Giáo hội. Những lời thú tội của ngài mô tả con đường khúc khuỷu của ngài đến với đức tin Kitô giáo.

17 Thánh Irênê thành Lyons (mất năm 202), Giám mục của Lyons, đã hiểu rõ thuyết Ngộ đạo trong năm cuốn sách có tựa đề Adversus haereses [Chống lại lạc giáo]. Việc trình bầy của ngài là việc trình bày có hệ thống đầu tiên về đức tin Kitô giáo.

18 Auguste Valensin, S.J. (1879-1953), là giáo sư triết học tại Đại học Công Giáo Lyons từ năm 1920 trở đi. Ngài là đồng nghiệp, bạn bè và trong những năm đầu, là hàng xóm của de Lubac và là bạn của Teilhard de Chardin và Blondel. De Lubac đã xuất bản thư từ của họ: Maurice Blondel et Auguste Valensin: Correspondance , 3 vols.[Maurice Blondel và Auguste Valensin: Thư từ, 3 cuốn] (1957 và 1965), và trong Textes et Documents Inédits [Bản văn và Tài liệu Chưa Công bố] (1961).

19 Trích dẫn trong Albert Raffelt, “Maurice Blondel und die katholische Theologie in Deutschland” [Maurice Blondel và Thần học Công Giáo ở Đức] trong Albert Raffelt và cộng sự, Das Tun, Der Glaube, Die Vernunft: Studien zur Philosophie Maurice Blondels [Hành động, Tin, Lý lẽ: Các Nghiên cứu về Triết học của Maurice Blondel] (1995), tr. 186.

20 Fourvière (chữ Latinh forum vetus, “diễn đàn cũ”) là khu định cư cổ kính nhất của Lyons, nơi tọa lạc Vương cung thánh đường Đức Bà (1872-1896), địa điểm nổi tiếng của thành phố và là một trong các nơi hành hương kính Đức Mẹ quan trọng nhất ở Pháp. Từ giữa thế kỷ 19, nó cũng là địa điểm của Trường dự bị Đại Học của Dòng Tên (Collegium Maximum Lugdunense), mà vào năm 1902 bị đặt ngoài vòng pháp luật và phải chuyển đến Anh; trường quay trở lại vào năm 1926 và đóng cửa vào năm 1974.

Kỳ sau: Làm Giáo sư ở Lyons
 
VietCatholic TV
Tin Vui cho Giáo Hội tại Nhật Bản. Giáo Hội tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trước thềm Năm Mới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:08 05/01/2022


1. Giáo Hội Tây Ban Nha mở cuộc điều tra về tình trạng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ

Trên chuyến bay trở về Rôma trong chuyến tông du gần đây đến Síp và Hy Lạp, một phóng viên của tờ báo El País có trụ sở ở Madrid đã đưa cho Đức Giáo Hoàng một hồ sơ dài 385 trang về 1,237 trường hợp cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ở Tây Ban Nha kể từ năm 1942.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng đã nhận được tài liệu và gửi nó đến các “cơ quan có thẩm quyền” để điều tra, và “có thể tiến hành xét xử theo giáo luật hiện hành.”

Đây là một tham chiếu rõ ràng đến Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha và Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, là cơ quan điều tra và xét xử các cáo buộc lạm dụng tình dục.

Theo luật hiện hành của Giáo hội, các giám mục Tây Ban Nha sẽ phải thông báo cho chính quyền dân sự về các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng.

Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha trả lời: “Điều chúng tôi ước ao là những lời buộc tội trong báo cáo nói trên có tính chặt chẽ hơn, vì nội dung của nó, rất khác nhau về bản chất, khiến cho khó lòng đưa ra kết luận về tính khả thi của một cuộc điều tra đối với các cáo buộc này. Đặc biệt là trong trường hợp không có tên của người bị cáo buộc lạm dụng, ngày tháng xảy ra hành vi lạm dụng hoặc người bị cáo buộc đã qua đời”.

Tuy nhiên, để chứng tỏ thiện chí, Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha sẽ mở một cuộc điều tra về các cáo buộc này trong khoảng thời gian 80 năm mà tờ El Pais đã đưa ra.

Cuộc điều tra sẽ xem xét các cáo buộc lạm dụng đối với 251 linh mục và một số giáo dân.

Tờ báo thế tục khét tiếng bài Công Giáo cho rằng số nạn nhân ít nhất là 1,237 người nhưng có thể lên đến hàng nghìn người. Các cáo buộc liên quan đến 31 dòng tu và 31 trong số 70 giáo phận của Tây Ban Nha. Trường hợp lâu đời nhất diễn ra từ năm 1942 và gần đây nhất là vào năm 2018.

Cuộc điều tra sẽ được thực hiện bởi Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Juan Jose Omella, tổng giám mục của Barcelona, chủ tịch Hội Đồng.

Theo ước lượng vào tháng 7 năm ngoái 2021, dân số Tây Ban Nha là 47,261,000 người. Người Công Giáo chiếm 58.2%, cụ thể là 27,506,000. Trong khi đó, dân số tại Pháp là 60,656,000 người. Người Công Giáo chiếm 88% dân số, cụ thể là 53,377,000 người. Như thế, số người Công Giáo Pháp gần gấp đôi số người Công Giáo Tây Ban Nha. Tờ El Pais khét tiếng bài Công Giáo như thế chỉ dám đưa ra cáo buộc số nạn nhân là 1,237 người. Với các hoàn cảnh sống, văn hóa có nhiều điểm tương đồng, một cách hợp lý có thể cho rằng số trường hợp bị lạm dụng ở Pháp cùng lắm là 3,000 người, thế mà tay Jean-Marc Sauvé dám đưa ra một con số kinh khủng là 330,000 người, nghĩa là 110 lần nhiều hơn con số có thể tin nổi.
Source:MSN

2. Đức Cha Michiaki Nakamura trở thành Tân Tổng Giám Mục Nagasaki

Tổng giáo phận Nagasaki, cái nôi của Công Giáo Nhật Bản và các vị tử đạo, có một tổng giám mục mới, là Đức Cha Phêrô Michiaki Nakamura (中村倫明),phiên ra tiếng Việt là Trung Thôn Luân Minh.

Hôm 29 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Nakamura, 59 tuổi, hiện đang giữ chức Giám Mục Phụ Tá của cùng một tổng giáo phận, thay thế Đức Tổng Giám Mục Giuse Mitsuaki Takami (高見三明), phiên ra tiếng Việt là Cao Hiện Tam Minh, 75 tuổi, lãnh đạo tổng giáo phận này kể từ năm 2002.

Đức Tổng Giám Mục Takami, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản từ năm 2016, chào đời 7 tháng sau vụ đánh bom nguyên tử, trong đó ngài mất bà nội, hai dì và một chú.

Trong suốt sứ vụ của mình, Đức Cha Takami liên tục kêu gọi hòa bình, mà thảm kịch ở Nagasaki đã để lại di sản cho Giáo hội của ngài. “Một quả bom nguyên tử có nghĩa là sự phủ nhận hoàn toàn phẩm giá của con người,” ngài nói trong một bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc năm 2010.

Sinh ngày 21 tháng 3 năm 1962 tại Saikai, Nagasaki, vị tân tổng giám mục cũng lớn lên với hoàn cảnh tương tự.

Thụ phong linh mục năm 1988 trong hàng giáo phẩm của giáo phận, sau đó ngài hoàn thành khóa học về thần học luân lý tại Học viện Anphongsô của Rôma.

Trở lại Nhật Bản, ngài giảng dạy tại tiểu chủng viện Nagasaki và trong các đại chủng viện ở Fukuoka và Tokyo, đồng thời cử hành các thánh lễ tại các giáo xứ Togitsu và Uematsu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Nagasaki vào tháng 5 năm 2019, vài tháng trước chuyến tông du của ngài tới Nhật Bản.

Trong một thông điệp gửi đến tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục sắp mãn nhiệm Takami đã thông báo việc bổ nhiệm Đức Cha Nakamura và ngày 23 tháng 2 năm 2022 được ấn định là ngày chính thức nhậm chức của ngài.

“Chúng ta hãy cầu xin sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và xin Chúa ban sức khỏe và chúc lành cho công việc của Đức Tổng Giám Mục Michiaki Nakamura, và nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin cho cộng đoàn Giáo hội tại Nagasaki ngày càng lớn mạnh và phát triển. Tôi sẽ rất biết ơn nếu anh chị em cũng sẽ cầu nguyện cho tôi.”
Source:Asia News

3. Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha trong Năm 2021

Theo 5 nhà báo được thông tấn xã ECCLESIA của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha phỏng vấn, năm 2021 đối với Giáo Hội Công Giáo ở Bồ Đào Nha được đánh dấu bởi những tác động tiêu cực của đại dịch, phản ứng đối với tội lỗi lạm dụng trẻ vị thành niên, dấn thân cho thanh niên và một số bổ nhiệm giám mục.

Giám đốc của tờ báo 'Diário do Minho', thuộc Tổng giáo phận Braga, nhấn mạnh rằng “khía cạnh tiêu cực nhất” trong năm 2021, theo quan điểm tôn giáo, là đại dịch Covid-19. Nó hạn chế nghiêm trọng các hình thức của lòng đạo đức bình dân ở Minho.

Về điểm tích cực, giám đốc của 'Diário do Minho' nhấn mạnh việc bổ nhiệm và nhậm chức của Đức Cha João Lavrador làm giám mục của Giáo phận Viana do Castelo lân cận.

Đối với Olímpia Mairos, một nhà báo tại Rádio Renascença, những điểm nổi bật tích cực và tiêu cực cũng tập trung vào đại dịch, mà cô ấy coi là cơ hội để Giáo Hội Công Giáo “mở cửa, ra ngoài và gặp gỡ những người bị cô lập”

“Chúng tôi sống trong lãnh thổ Trás-os-Montes, nơi có rất nhiều người cao niên không sử dụng mạng xã hội hoặc công nghệ mới”

Nhà báo cũng nhấn mạnh “vết thương của lạm dụng tình dục trong Giáo hội” là một khía cạnh tiêu cực, mặc dù ghi nhận rằng đa số người Bồ Đào Nha đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo Giáo hội “muốn biết quy mô thực sự của vấn đề”, cụ thể là ở Bồ Đào Nha, Hội Đồng Giám Mục đã bổ nhiệm một ủy ban dành riêng cho chủ đề này.

Giám đốc của tờ báo 'Mensageiro de Bragança' chỉ ra rằng các báo cáo về những vụ lạm dụng trong Giáo hội ở Pháp đã phủ lên “một bóng đen bao trùm toàn bộ Giáo hội”.

“Điều quan trọng khác là Giáo hội sẽ đối phó với những tình huống kiểu này như thế nào. Tôi nghĩ rằng quan điểm của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha là quan trọng”

Đối với người đứng đầu tờ báo của Giáo phận Bragança-Miranda, việc bổ nhiệm Đức Cha José Cordeiro, làm Tổng Giám Mục mới của Braga là một điểm nhấn tích cực, bởi vì “điều quan trọng là Giáo hội phải có tiếng nói mới”, biết một thực tế khác và cũng đưa “Giáo hội đến với những người trẻ nhất”.

António Gonçalves Rodrigues cũng nhấn mạnh đại dịch Covid-19, do những tác động tiêu cực mà nó tiếp tục gây ra đối với nền kinh tế, đối với “niềm tin của người dân”, và mặt khác, trên con đường mà đất nước “thống nhất với nhau nhằm khắc phục tai ương này “.

Cláudia Sebastião, từ tạp chí 'Família Cristiana', hy vọng rằng đại dịch có thể “mang lại những điều tốt nhất” cho con người và “những điều tốt nhất trên thế giới”. Cô cảnh báo về “chủ nghĩa cực đoan”. Như một điểm tích cực, nhà báo nêu bật “sự giúp đỡ lẫn nhau” giữa các tổ chức khác nhau và “những người bình thường” trong bối cảnh của Covid-19, trong Giáo hội và trong xã hội, và lấy làm tiếc rằng mọi người phải tham dự các thánh lễ trực tuyến vì người dân Bồ Đào Nha đã quen với việc “trở thành cộng đồng, đích thân đi đến nhà thờ, đến các thánh lễ”.

Tại Giáo phận Algarve, nhà báo Samuel Mendonça cho rằng “động lực” liên quan đến giới trẻ, trong phạm vi của Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo, ở Lisbon, là một trong những yếu tố tích cực.

Giám đốc tờ báo giáo phận 'Folha do Domingo' cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của giáo phận “trên các mạng xã hội và trong môi trường kỹ thuật số đã được tăng cường rất nhiều” vào năm 2021.


Source:agencia.ecclesia.pt
 
Ham rẻ: Hậu quả khi mang Kinh Thánh sang Tầu in. Họa phúc khôn lường. Tin vui GH tại Mỹ đang chờ đợi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:45 05/01/2022


1. Diễn biến hi hữu: Rau mắc hơn thịt nên các giám mục cho phép người Công Giáo ăn thịt vào đêm giao thừa ở Ba Lan

Người Công Giáo ở Ba Lan đã được phép ăn thịt vào đêm Giao thừa năm nay, rơi vào ngày thứ Sáu, là ngày theo lệ thường các tín hữu phải kiêng thịt.

Ngày 31 tháng 12 - ở Ba Lan gọi là ngày thánh Sylvester, nhiều người Ba Lan đã chào đón năm mới với các bữa tiệc có xúc xích, thịt nguội và các món thịt khác. Thông thường, người Công Giáo, chiếm hơn 90% dân số, được yêu cầu kiêng thịt vào ngày thứ Sáu.

Tuy nhiên, hầu hết các giáo phận đều chuẩn chước trong năm nay, nhưng đề nghị rằng đổi lại các tín hữu nên cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng hoặc bố thí cho người nghèo. Do các biến động liên quan đến coronavirus, việc vận chuyển khó khăn, ngày nay một bữa tiệc chay với các loại rau quả tươi có thể còn mắc hơn các bữa tiệc bằng các loại thịt khô như xúc xích, và thịt nguội.

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục của Warsaw cho biết.

“Xét đến hoàn cảnh ngày 31 tháng 12 khi anh chị em tổ chức các cuộc gặp gỡ gia đình và xã hội và những cử hành hân hoan khác, tất cả mọi người trong tổng giáo phận Warsaw được miễn tuân theo bản chất sám hối của ngày thứ Sáu và nghĩa vụ kiêng ăn thịt”

“Các tín hữu nên tận dụng thời gian này dâng lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và chọn hình thức đền bù bằng các hành động thương xót hoặc bố thí cho những người khó khăn”, ngài nói thêm.

Đức Cha Józef Kupny, Tổng Giám Mục của Wrocław, cho biết ngài hy vọng quyết định này sẽ “không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các cá nhân mà còn giúp hiểu rõ hơn về việc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu khác của cả năm”.

Theo báo cáo của Wprost, các miễn chuẩn tương tự đã được ban hành tại 31 trong số 41 giáo phận trong cả nước.

Khoản 87, Giáo luật Công Giáo cho biết:

“Mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu, Giám mục giáo phận có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi phải giữ những luật có tính cách kỷ luật, dù là luật phổ quát hay là luật địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội đã ban hành cho lãnh thổ hay cho các người thuộc quyền mình, nhưng không được miễn chuẩn những luật hình sự hoặc tố tụng, cũng như những luật mà việc miễn chuẩn được đặc biệt dành riêng cho Tông Tòa hay cho một nhà chức trách khác”.


Source:notesfrompoland.com

2. Giáo Hội tại Hoa Kỳ chờ đợi một tin vui trọng đại trong năm nay

Dự kiến sẽ không có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đối với vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ trong 5 tháng sắp tới. Nếu những người ủng hộ sự sống chiến thắng, đây là những gì họ nên sẵn sàng trước các phản ứng từ những người ủng hộ phá thai.

Quyết định được chờ đợi từ lâu của Tòa án Tối cao về việc phá thai gần như chắc chắn là một thỏa thuận đã được quyết định. Các thẩm phán và thư ký của họ biết kết quả nhưng họ không được phép tiết lộ, chúng ta sẽ không thể biết trong năm tháng nữa.

Điều đó không có nghĩa là kết quả bây giờ là không thể thay đổi, vì các quyết định của Tòa án Tối cao không phải là chung cuộc cho đến khi tòa án công bố. Vì vậy, lời cầu nguyện cho một phán quyết ủng hộ mạng sống vẫn còn rất cần. Tòa án đã nghe Dobbs và Tổ chức Y tế Phụ nữ tranh luận vào ngày 1 tháng 12, và hai ngày sau, các thẩm phán, theo tập tục thông thường, gặp riêng để nói với nhau về quan điểm của họ và bắt đầu quá trình viết ý kiến.

Tại sao phải mất đến 5 tháng?

Có thực sự phải mất đến 5 tháng không? Thưa: thực sự phải mất đến 5 tháng. Nó liên quan đến việc nghiên cứu, soạn thảo ý kiến của khối đa số, lưu hành tài liệu đó giữa các thẩm phán khác để thêm thắt và sửa đổi, viết và lưu hành các ý kiến bất đồng chính, và viết một số lượng không xác định các ý kiến đồng tình và phản đối của từng thẩm phán.

Vì tất cả các thẩm phán có lẽ sẽ muốn cho thế giới và sử sách biết - họ đã đứng ở đâu trong vụ án này, nên quá trình này có thể mất một khoảng thời gian. Và hãy nhớ rằng trong khi đó, tòa án sẽ phải tuân theo cùng một thủ tục như thế trong tất cả các trường hợp khác sẽ được quyết định trong thời gian này.

Chuẩn bị cho phản ứng ủng hộ phá thai

Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng, như nhiều nhà quan sát nhận định, có nhiều khả năng, phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ sẽ là một chiến thắng phò sinh. Nó có thể thực hiện một trong hai hình thức sau.

Hình thức thứ nhất, và thích hợp nhất, là đảo lộn hai quyết định phò phá thai trước đó trong vụ Roe kiện Wade vào năm 1973, trong đó phát minh ra một điều chưa từng được biết đến trong hiến pháp là quyền phá thai, và vụ Planned Parenthood kiện Casey vào năm 1992, trong đó tái khẳng định phán quyết Roe kiện Wade.

Hình thức thứ hai, kém hấp dẫn hơn, cho phép các tiểu bang áp đặt giới hạn có ý nghĩa về phá thai trong khi bằng cách nào đó vẫn giữ lại khuôn khổ Roe và Casey.

Nếu Tòa án tối cao đưa ra một trong hai loại phán quyết, các lực lượng ủng hộ phá thai sẽ ngay lập tức tăng áp lực cho việc thêm bốn thẩm phán ủng hộ phá thai mới vào Tòa Án Tối Cao, thậm chí năm thẩm phán nếu Thẩm Phán Stephen Breyer nghỉ hưu, với mục đích giành lại thế thượng phong tại Tối Cao Pháp Viện. Trong trường hợp đó, những người phò phá thai tự xưng là phản đối việc chính trị hóa tòa án sẽ ủng hộ việc chính trị hóa tòa án một cách triệt để. Những người ủng hộ sự sống phải ngay lập tức cho các thượng nghị sĩ và đại diện của họ biết rằng họ không muốn thấy điều đó xảy ra.

Những người ủng hộ sự sống cũng phải quan tâm đến cuộc bầu cử vào tháng 11 giống như những đối thủ ủng hộ phá thai của họ chắc chắn sẽ làm. Hàng trăm ghế trong Quốc hội và các cơ quan lập pháp tiểu bang có thể hoán đổi giữa hai đảng.
Source:Aleteia