Ngày 04-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 05/01: Gặp Chúa qua trung gian – Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:04 04/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói : “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” Đức Giê-su đáp : “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nó: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Đó là lời Chúa
 
Buông bỏ, lẫn lộn buồn vui
Lm Minh Anh
04:41 04/01/2023

BUÔNG BỎ, LẪN LỘN BUỒN VUI
Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan lên tiếng nói, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ngài!”.

Cecil Rhodes, người có công mở mang và thiết lập một đế chế ở châu Phi. Thế nhưng, đây là lời trăn trối của ông khi hấp hối: “Tôi đã làm quá ít, còn quá nhiều việc phải làm! Và cuối cùng, phải ‘buông bỏ, lẫn lộn buồn vui!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không như Cecil Rhodes, “Tôi đã làm quá ít, còn quá nhiều việc phải làm!”, Tin Mừng hôm nay cho thấy, Gioan đã làm ‘việc phải làm’ một cách tuyệt vời! Vào một thời điểm thích hợp, Gioan dẫn những môn đệ đầu tiên của mình đến với Chúa Giêsu, “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan lên tiếng nói, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ngài!”. Gioan đã ‘buông bỏ, lẫn lộn buồn vui!’”.

Hãy tưởng tượng nếu Gioan yêu thích sự hâm mộ từ phía mọi người, đến nỗi giữ nó cho riêng mình! Hãy tưởng tượng nếu Gioan quyết định làm “vua” theo quân bài đã sắp! Hãy tưởng tượng nếu Gioan không hướng người khác đến với Chúa Giêsu! Tất nhiên, đó không phải là những gì đã xảy ra! Điều xảy ra là Gioan đã hoàn thành vai trò tuyệt vời khi đùn đẩy những người này đến với Chúa Giêsu vào một thời điểm chín muồi, mặc dù phải ‘buông bỏ, lẫn lộn buồn vui!’”.

Ở một mức độ nào đó, Gioan cảm thấy mất mát khi những môn đệ bỏ đi. Thế nhưng, bất kỳ một trải nghiệm mất mát nào vì Chúa, rồi cũng được đền bù, biến đổi và được xoa dịu bởi một niềm vui lớn hơn; bởi lẽ, chúng ta đang hoàn thành mục đích đời mình. Đó cũng là ơn gọi của bạn và tôi, ‘được gọi để hướng người khác đến với Chúa!’. Thật dễ dàng để cống hiến, dễ dàng để ‘hút’ mọi uy tín về phía mình; nhưng một khi thoả mãn với điều đó, thật khó để chúng ta buông bỏ! Đang khi tình yêu đích thực của người môn đệ Giêsu thì luôn vị tha; luôn tập trung và hướng người khác về Ngài. Vì thế, khi kín đáo dun giủi hai môn đệ giỏi nhất đến với Chúa Giêsu, sự khiêm nhường của Gioan ngời sáng. Gioan chấp nhận một sự thật rằng, với Ngài, bản thân Gioan phải bước sang chặng thứ hai, chặng ‘buông bỏ, lẫn lộn buồn vui!’”.

Thật thú vị, bài đọc thứ nhất hôm nay bắt đầu với một đề nghị, “Đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường”. Chúng ta có nguy cơ làm cho người khác đi lạc khi giữ họ lại cho mình. Gioan không làm điều đó; trái lại, đẩy họ về phía trước, phía Chúa Giêsu, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Và chính cuộc gặp gỡ cá nhân của họ với Chúa Giêsu đã biến họ nên môn đệ của Ngài; chúng ta đừng quên, “Hãy đến mà xem!”, Chúa Giêsu đã đích thân gọi họ.

Anh Chị em,

“Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng Xoá Tội Trần Gian!”. Con Thiên Chúa đã buông bỏ thiên đàng để nên Chiên Xoá Tội và Ngài đã được cả thế giới và Ngài đã trở nên tấm gương ngời sáng cho con người mọi thời. Phần chúng ta, có thể sẽ rất khó nếu chúng ta chỉ tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa và lợi ích cho tha nhân; vì lẽ, trái tim chúng ta dễ dàng gắn bó với người, với vật, với các lĩnh vực, với sự chú ý mà chúng ta có thể nhận được từ những gì chúng ta làm - dù đó là trong nghề nghiệp, trong cuộc sống riêng tư, trong giáo xứ hay trong một tổ chức đạo đức tình nguyện. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn làm theo ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta phải biết khi nào thì nên buông tay. Như Gioan, điều duy nhất chúng ta nên hoàn toàn tập trung vào là “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘ôm lấy’ một cái gì đó, một số người nào đó thì luôn luôn dễ chịu; xin giúp con hiểu rằng, con chỉ trở nên vĩ đại một khi biết buông bỏ, cho dù ‘buông bỏ, lẫn lộn buồn vui!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thành ánh sao dẫn đường cho tha nhân
Lm Đan Vinh
05:30 04/01/2023

CN LỄ HIỂN LINH
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
THÀNH ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 2,1-12
(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem (2) và hỏi : “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu? (5) Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng : (6) “Phần ngươi hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa. Vì ngươi là nơi Vị Lãnh Tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin qúi ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho Trẫm, để Trẫm cũng đến bái lạy Người”. (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại xuất hiện dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

2. Ý CHÍNH: NHỜ ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG, DÂN NGOẠI ĐÃ TÌM THẤY CHÚA.
Khi Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem, có mấy đạo sĩ từ phương Đông đã theo ngôi sao lạ đi tìm Đấng Cứu Thế. Nhờ ánh sao dẫn đường và sau khi vượt qua nhiều trở ngại, cuối cùng các ông đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế. Các ông đã biểu lộ đức tin bằng thái độ sụp lạy và tiến dâng lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Sau đó, các ông vâng lời thiên thần để theo con đường khác trở về quê hương.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-2 : +Vua Hê-rô-đê : Đây là Hê-rô-đê Đại Vương, một con người đa nghi, độc ác và tham quyền cố vị, băng hà vào năm 4 sau Công Nguyên (x. Mt 2,15). Phân biệt với Hê-rô-đê An-ti-pa hay Hê-rô-đê Con, kế vị vua cha cai trị xứ Ga-li-lê. Hê-rô-đê Con cũng độc ác không kém vua cha. Chính ông đã ra lệnh chém đầu Gio-an Tẩy Giả và có lần đã xét xử Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn của Người. +Mấy nhà chiêm tinh : Cũng gọi là đạo sĩ, đến từ phương Đông (x. Ds 23-24). Đây là những nhà thông thái, am tường khoa chiêm tinh. Dựa vào 3 lễ vật họ dâng mà người ta quả quyết có 3 vị. Truyền thuyết dân gian còn kể tên 3 vị ấy: Melchior da trắng; Gaspar da vàng; Balthaza da đen để nói lên rằng: Ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc, màu da hay tiếng nói, không chỉ riêng cho dân Do Thái.
- C 5-6 : +Họ trả lời : “Tại Bê-lem.”.. : Có một sự đối nghịch về thái độ đối với Đấng Cứu Thế giữa dân Do Thái và lương dân: Các thượng tế và kinh sư là những người dựa vào Kinh Thánh biết rõ nơi sinh của Hài Nhi Cứu Thế là Bê-lem, nhưng lại thờ ơ. Đang khi dân ngoại vất vả đi tìm Người. +Thành Bê-lem : Là một thị trấn nhỏ thuộc miền núi xứ Giu-đê, cách Giê-ru-sa-lem 10 cây số về phía Nam. Bê-lem này là quê hương của vua Đa-vít (x. 1 Sm 16,1 tt).
- C 7-8 : +Hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện : Vì Hê-rô-đê muốn biết đích xác tuổi của Hài Nhi Cứu Thế và đã ra lệnh cho quân lính giết các trẻ nam tại Bê-lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống.
- C 9-10 : +Ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại xuất hiện dẫn đường cho họ : Đây là một ngôi sao có những đặc tính khác thường như: Lúc ẩn lúc hiện, lúc đi trước dẫn đường và lúc thì dừng lại... do Thiên Chúa ban, để trợ giúp các nhà chiêm tinh đi tìm Hài Nhi Cứu Thế.
- C 11-12 : +Họ vào nhà : Chắc chắn sau đêm Chúa giáng sinh, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a không tiếp tục cư ngụ tại cánh đồng Bê-lem vì thiếu các tiện nghi tối thiểu mà đã vào thị trấn Bê-lem thuê một căn nhà ở tạm.+ Sấp mình bái lạy Người : Các đạo sĩ biểu lộ đức tin Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. + Lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến : Các nhà chiêm tinh dâng lên Hài Nhi ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, là đặc sản của quê hương các ông. Vàng tượng trưng đức tin, nhũ hương tượng trưng đức cậy và mộc dược tượng trưng đức mến. Theo các giáo phụ thì Vàng ám chỉ tước vị Vua, nhũ hương chỉ tước vị Tư Tế, mộc dược ám chỉ cuộc tử nạn và mai táng bằng dầu thơm sau này. + Đi lối khác về xứ mình : Hê-rô-đê không thể chống lại quyền năng, tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Những ai chống lại Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ thất bại và chuốc lấy hậu quả tai hại cho mình mà thôi.

4. CÂU HỎI :
1) Phân biệt Hê-rô-đê Đại Vương khác với vua Hê-ro-đê An-ti-pa thế nào trong sự đối xử với Đức Giê-su và về sự gian ác quỷ quyệt?
2) Các nhà chiêm tin trong Tin Mừng có phải là vua không? Vì sao người ta gọi là 3 vua và theo truyền thuyết thì tên ba vị là gì và mang ý nghĩa như thế nào?
3) Các thượng tế và kinh sư Do thái dựa vào đâu mà nói nơi sinh của Đấng Cứu Thế là Bê-lem? So sánh giữa thái độ của các nhà thông thái của dân Do thái và của các đạo sĩ ngoại giáo trước việc Đấng Cứu Thế ra đời như thế nào?
4) Hê-rô-đê hỏi về ngày giờ ngôi sao xuất hiện để làm gì?
5) Các đạo sĩ biều lộ đức tin thế nào khi gặp Hài Nhi Cứu Thế?
6) Ý nghĩa tượng trưng của ba lễ vật các đạo sĩ dâng là gì? Các giáo phụ giải thích ba lễ vật như thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MÓN QUÀ CỦA VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ :
Chuyện kể rằng, khi ba đạo sĩ là Gaspar, Melchior, Balthazar và đoàn tùy tùng vừa đi khỏi làng Be-lem, thì vị đạo sĩ thứ tư cũng vội chạy đến. Ông cũng đã nhìn thấy ngôi sao lạ và cũng như ba ông kia, ông dắt vào lưng ba viên ngọc quí là gia sản quí nhất của ông và vội vã lên đường. Nhưng sau cùng, ông đã đến trễ vì gặp nhiều sự cố phải giải quyết trên đường : ba vị kia đã gặp Chúa rồi và đã trở về nhà rồi !… Còn ông vừa đến trễ và nhất là lại chỉ đến với hai bàn tay trắng… vì không còn viên ngọc quí nào làm lễ vật dâng cho Hài Nhi Cứu Thế…
Đến nơi, ông nhẹ tay mở cửa chuồng bò để vào thăm bé Giê-su, Mẹ người và người cha nuôi của Người. Trời tối, ông thấy Giu-se đang nằm nghỉ trên đống rơm, bé Giê-su thì đang say ngủ trong lòng Mẹ.
Rón rén, vị đạo sĩ thứ tư tiến lại gần, phục mình dưới chân bé Giê-su và Mẹ Người và bắt đầu thưa với Người qua dòng nước mắt :
– Lạy Chúa, con đến để dâng lên ngài lễ vật giống như các vị đạo sĩ kia, đó là ba viên ngọc quý to như trứng bồ câu. Nhưng giờ đây con lại không còn viên nào nữa… Con thấy ba vị kia đi trước con ngồi trên lạc đà, con định tiến nhanh lên để đi chung với họ. Nhưng rồi rượu ngon, tiếng chim hót làm con say mê. Tối hôm đó con đã ngủ lại trong một quán trọ. Khi bước vào quán, con thấy một cụ già đau nặng đang lên cơn sốt rét nằm co quắp run rẩy bên lò sưởi. Ngày mai, ông sẽ bị chủ quán đuổi ra ngoài đường nếu không trả tiền ở trọ. Lạy Chúa, xin tha cho con, con đã lấy một viên ngọc trong túi ra và đưa cho chủ quán để nhờ ông này tìm thầy chạy thuốc chữa bệnh và nếu ông lão có bị chết, thì cũng có đủ tiền trả chi phí an táng cho ông.
Ngày hôm sau, con ra đi, giục con lừa của con chạy đuổi theo ba vị kia, vì họ đi bằng lạc đà chậm hơn con. Con đường con đi qua thật vắng vẻ và nhiều cây cối. Một hôm, đang đi thì con nghe thấy có tiếng kêu cứu phát ra từ một bụi rậm. Con nhảy xuống lừa và thấy mấy tên lính đang hãm hiếp một thiếu phụ trẻ. Họ đông quá, con không đủ sức chống lại. Lạy Chúa, xin tha cho con : Một lần nữa con lại đưa tay vào túi lấy ra viên ngọc thứ hai để xin chuộc lại người thiếu phụ. Cô ta hôn tay con rồi vội vã chạy như bay vào con đường dẫn lên núi.
Giờ đây chỉ còn lại một viên ngọc duy nhất trong túi. Con tiếp tục lên đường. Ít ngày sau, con đã tới gần thị trấn Be-lem. Lúc đó đã quá trưa, con nghĩ mình sẽ cố đến nơi trước khi trời tối. Nhưng kìa một bọn lính đang hung hăng đốt phá một ngôi làng nhỏ. Con hỏi thăm người đi đường thì biết bọn lính đang thi hành lệnh vua Hê-rô-đê là giết tất cả các con trẻ từ hai tuổi trở xuống tại Be-lem và vùng phụ cận. Bấy giờ một tên lính đang nắm trên tay một em bé trần truồng, đưa qua đưa lại trước mặt. Đứa bé dãy dụa khóc thét vì sợ. Tên lính nói với mẹ đứa trẻ : ”Bây giờ tao sẽ cho con mày vào đống lửa và nó sẽ bị thiêu cháy như một con heo sữa !” Người mẹ thì đang quì lạy và gào khóc dưới chân tên lính. Không chịu nổi cảnh ấy, một lần nữa, con lấy ra viên ngọc cuối cùng trao cho tên lính để yêu cầu trả con cho bà mẹ. Mẹ nó ôm chặt lấy con, vội chạy trốn đi không kịp nói lời cám ơn. Lạy Chúa, thế là cuối cùng con đã đến đây với hai bàn tay trắng. Xin Chúa tha cho con…
Nói xong ông sấp mặt sát đất hồi lâu. Thinh lặng bao trùm chuồng bò. Rồi ông từ từ ngước nhìn lên thì thấy ông Giu-se đã thức dậy, bé Giê-su vẫn nằm trong tay Mẹ Ma-ri-a. Bé quay mặt về phía ông, chìa đôi tay tí hon ra trước mặt ông. Hai mẹ con đều nhìn ông mỉm cười như gián tiếp tiếp nhận các món quà bác ái yêu thương ông đã quảng đại thực hiện cho các người bệnh tật nghèo khổ trước đó…

2) ĐỨC TIN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG BẰNG VIỆC TẶNG QUÀ CHO THA NHÂN :
Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chủ tịch Liên Xô Gorbachov đã trao tặng và nhận quà. Nhà lãnh đạo của Liên Xô đã tặng cho Đức Thánh Cha một tập Kinh Thánh, Thánh Vịnh in vào thế kỷ 13 và 14. Món quà là cuốn Kinh Thánh có ý khẳng định rằng giá trị đạo đức và luân lý Kitô giáo là những nhân tố cần thiết để xây dựng xã hội tốt đẹp.
Đáp lại Đức Thánh Cha đã tặng cho nhà lãnh đạo Liên Xô một quyển Tân Ước có ghi hàng chữ : “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và toàn thể Giáo Hội muốn trao tặng Đức Kitô cho một xã hội đã từ lâu quên lãng Thiên Chúa.
Riêng bà Raissa, phu nhân chủ tịch Gorbachov, Đức Thánh Cha đã tặng cho bà một cổ tràng hạt. Mẹ Ma-ri-a là nữ vương hòa bình. Do đó, đây là món quà rất cao quý mà một vị giáo hoàng muốn tặng cho một vị phu nhân chủ tịch hay những ai đang mưu tìm hòa bình cho nhân loại.

3) ĐỨC TIN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG BẰNG VIỆC CẢM THÔNG VỚI THA NHÂN :
Có một bé gái cùng với mẹ đi viếng hang đá. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà Đạo Sĩ dâng tiến của lễ cho Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ một cách cung kính rồi quay sang hỏi mẹ: “Tại sao các đạo sĩ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ, mà để Chúa phải nằm trong máng rơm lạnh lẽo như vậy hả mẹ?”
Một tấm lòng và một sự quan tâm thực sự đến nhu cầu của tha nhân. Cô bé cảm nhận được nhu cầu của cuộc sống thực tế đời thường. Sự kiện Chúa Giê-su sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ đã khơi dậy được tâm tư và sự cảm thông của lòng em gái này. Chúa đến trong nghèo nàn để mời gọi chúng ta cùng chia sẻ tâm tình với những người cùng khổ nghèo đói chung quanh chúng ta. Nhu cầu thực tế của cuộc sống là miếng cơm manh áo và một chỗ để nương thân. Hài Nhi Giê-su đã chạm đến cái cùng cực nghèo khó của thân phận con người. Từ đó, Chúa mời gọi chúng ta: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."(Mt 25, 40).

4) ĐỨC TIN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG BẰNG VIỆC CÔNG KHAI CẦU NGUYỆN :
ARTHUR JONES gia nhập không lực Hoàng gia, anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định : “Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không?”. Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ : “Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao?”
Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người mới biết anh là người Công Giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công Giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm, và sau đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi hàng giờ.
Cuối khóa huấn luyện, có người đến nói với anh :
– Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại:
– Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Có thể tôi là người Công Giáo dám công khai biểu lộ đức tin.
Ánh sáng Đức Tin của người lính đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực hoàn gia. Đúng như lời Đức Giê-su đã nói: “Các con là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-16). Như ánh sao lạ đã mọc lên để dẫn đường cho các đạo sĩ, ngôi sao Tin Mừng cũng đã xuất hiện để soi dọi vào tâm hồn tăm tối của chúng ta. Để từ đây, ánh sáng đức tin luôn tỏa rạng ngời.

3. SUY NIỆM :

1) XIN THÌ SẼ ĐƯỢC; TÌM THÌ SẼ GẶP; GÕ THÌ SẼ MỞ :
Khi hay tin Đấng Cứu Thế mới ra đời, thái độ của các người liên quan như thế nào?
- Các mục đồng nghèo khó : đang chăn giữ đoàn chiên ở vùng phụ cận Be-lem đã mau lên đường đi tìm kiếm Hài Nhi Cứu Thế dựa theo dấu chỉ mà sứ thần đã cho họ biết. Vua Hê-rô-đê và hoàng cung nghe tin đã đi tìm nhưng không phải để triều bái Người như vua đã nói với các đạo sĩ, nhưng là để tìm giết Người. Còn dân thành Giê-ru-sa-lem thì hoảng hốt, thay vì vui mừng trước tin Đấng Cứu Thế đã ra đời. Riêng các thượng tế và luật sĩ có sự hiểu biết Lời Chúa trong Kinh Thánh, đã có thể chỉ đường cho các đạo sĩ hãy tìm Đấng Cứu Thế tại Be-lem, nhưng chính họ lại không thiết tha đi tìm. Chỉ có các vị đạo sĩ khi nhìn thấy ngôi sao lạ bên trời Đông, đã vội vã chuẩn bị lễ vật và lên đường tìm kiếm. Các ngài đã trải qua nhiều nỗi vất vả và trắc trở và cuối cùng đã tìm thấy Hài Nhi Cứu Thế. Họ đã sụp lạy, dâng tiến lễ vật và nghe lời sứ thần mộng báo, họ đã chọn đi theo con đường khác trở về quê hương mà không quay lại với con đường gian ác của vua Hê-rô-đê muốn tìm giết Hài Nhi mới sinh.
- Các vị đạo sĩ : chỉ có một dấu hiệu mơ hồ là ánh sao lạ trên bầu trời, nhưng họ đã can đảm ra đi và kiên trì tìm kiếm, nên đã được Chúa trợ giúp vượt qua những gian nan để tìm thấy Hài Nhi Cứu Thế, rồi tin thờ Người và được hưởng ơn cứu độ Người ban cho. Ngày nay cũng có rất đông anh chị em lương dân đang miệt mài nghiên cứu tìm kiếm sự thật trong các lãnh vực : khoa học kỹ thuật, triết lý, nghệ thuật..., đang cố gắng tu tập để nên tốt hơn dựa theo ánh sáng giới hạn là các điều thiện hảo nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo, hay đang tận tâm lo bảo về môi trường trái đất ngày một an toàn tốt đẹp hơn. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa vẫn đang đồng hành với họ mà họ không hay biết. Xin cho họ sớm nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong trật tự lạ lùng nơi vũ trụ, và giúp họ sớm nhận biết Chúa Giê-su là “sự thật toàn vẹn, sự sống đời đời và là đường duy nhất dẫn đưa loài người lên trời gặp Thiên Chúa”.
- Các thượng tế và kinh sư : Khi được hỏi Đức Kitô sinh ra ở đâu, thì họ đã trả lời vanh vách: Tại Be-lem, miền đất Giuđa, vì trong sách tiên tri có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”. Sự hiểu biết của họ thật chính xác, nhưng mới chỉ là hiểu biết theo sách vở, nên đã không đủ mạnh để thúc đẩy họ hành động dấn thân đi tìm Chúa.
- Mỗi người tín hữu hôm nay : Nguyên việc tin thờ Chúa tại nhà thờ, nghe Lời Chúa giáo huấn là điều cần, nhưng chưa đủ để giúp chúng ta đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa đòi chúng ta còn phải luôn đi tìm Chúa và thực thi thánh ý của Ngài qua việc học sống Lời Chúa trong Thánh Kinh, và thánh lễ và qua các dấu chỉ của thời đại. Rồi khi đã tìm gặp Chúa, chúng ta còn phải chu toàn sứ vụ làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúa đến để ban ơn cứu độ cho mọi người, nhưng không phải hết mọi người đều được ơn cứu độ, mà chỉ những ai tin và đi theo con đường của Chúa Giê-su.

2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ TÌM GẶP ĐƯỢC CHÚA :
- Muốn tìm thấy Chúa đòi phải hy sinh : Các đạo sĩ đã phải rời khỏi nhà, sẵn sàng đón nhận bất ngờ trong cuộc sống : Họ nghĩ Đấng Cứu Thế phải là con của nhà vua, phải sinh ra tại kinh thành hoa lệ, nên họ đã đến thủ đô Giê-ru-sa-lem rồi vào hoàng cung hỏi : “Vua Do thái mới sinh hiện ở đâu?” Nhưng Hài Nhi Cứu Thế lại không sinh ở nơi giàu sang, mà tại hang chiên bò hôi tanh, trong hình hài một trẻ thơ mới sinh yếu đuối « bọc trong tã và nằm trong máng cỏ » nghèo hèn.
- Muốn tìm thấy Chúa đòi phải dấn thân đi tìm : Các Thượng tế và kinh sư biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế là thành Bê-lem, nhưng lại không đi tìm, đang khi các đạo sĩ dù chỉ suy đóan mơ hồ, nhưng họ lại quyết tâm lên đường tìm kiếm, nên cuối cùng họ đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế.
- Muốn đi tìm Chúa cần phải chuẩn bị hành trang : Khi đi tìm Chúa, các đạo sĩ đã chuẩn bị lễ vật mang theo là các đặc sản của quê hương như : vàng, nhũ hương và mộc dược làm lễ vật dâng tiến Hài Nhi. Những lễ vật này chỉ là những biểu hiệu của lễ vật thiêng liêng là đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Khi dâng vàng, các đạo sĩ cũng tuyên xưng vương quyền của Hài Nhi Giê-su. Dâng nhũ hương, các ngài nhận Hài Nhi là tư tế của Giao Ước Mới; Dâng mộc dược là các ngài đề cao mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Thiên Sai sau này.
- Gặp được Chúa thực sự sẽ giúp biến đổi nên người mới : Sau khi gặp Chúa, các đạo sĩ đã nghe lời sứ thần mộng báo, để không quay lại với vua Hê-rô-đê độc ác, nhưng đã chọn đi đường khác trở về quê hương mình. Đây cũng là bài học cho chúng ta : Một khi đã gặp được Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ, chúng ta sẽ dứt khoát với tội lỗi gian ác, để quyết tâm đi theo đường tin yêu là khiêm tốn phục vụ Chúa nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo hèn.

3) SỨ MẠNG TRỞ THÀNH ÁNH SÁNG DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN :
Trong cuộc sống đời thường, có nhiều điều như ánh sao dẫn chúng ta đến với Chúa. Có thể là :
– Một câu Lời Chúa trong kinh thánh đánh động lòng ta.
– Một bài giảng hay trong thánh lễ thuyết phục ta.
– Một lời khuyên chân tình của người trên nhắc nhở ta.
– Một gương sáng khiến ta xúc động quyết tâm noi theo.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Giáo lý Năm Thánh 2000 cũng viết : “Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc “hiển linh” trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.

4) THỰC THI SỨ MẠNG LÀM ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG CHO LƯƠNG DÂN :
Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn giúp mọi người đến với Chúa.
- Ngôi sao cần phải chiếu sáng : Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi bản thân nó có ánh sáng. Người Ki-tô hữu cũng chỉ chiếu sáng khi cuộc sống của họ có ánh sáng, phản chiếu ánh sáng đón nhận từ ơn Chúa ban và từ việc thực hành Lời Chúa trong Thánh Kinh.
- Phải chiếu ánh sáng lạ là hành động tin yêu : Tin kính Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu để sẵn sàng tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối của chia rẽ thù hận, bất hoà bè phái. Tin yêu là ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi nhau, con người trở nên thân thiện với nhau, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng sống hơn.
- Phải chiếu ánh sáng công bình, bác ái thể hiện sự thánh thiện thực sự : Tin Chúa được biểu lộ bằng sự tôn trọng lối sống công bình trong cuộc sống. Yêu Chúa còn phải thể hiện qua lối sống bác ái yêu thương tha nhân cụ thể.
Tất cả những làn ánh sáng công bình bác ái nói trên sẽ trở thành lòng đạo đức thánh thiện thực sự. Một người chỉ mong tìm kiếm vật chất tiền bạc sẽ luôn sống trong bóng tối tuyệt vọng. Chỉ có ánh sáng của sự thánh thiện thực sự mới đủ sức phá tan bóng tối tội lỗi và làm cho thế giới ngày một chan hòa hạnh phúc bình an.
- Phải chiếu ánh sáng lạ là niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa : Niềm hy vọng một “Trời Mới Đất Mới” cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt hơn. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng đời sau giúp chúng ta ý thức về giá trị giới hạn của cải vật chất đời này, để luôn tin cậy vào ơn cứu độ của Chúa như lời Chúa phán : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

4. THẢO LUẬN :

1) Ngày nay bạn có thấy Chúa tiếp tục tỏ mình ra nơi những người lương hay không?
2) Bạn sẽ làm gì để trở thành ngôi sao lạ dẫn đường cho các bạn bè lương dân tin nhận Chúa và đi theo Người?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Biết bao lần chúng con đến nhà thờ nhưng đã không gặp được Chúa. Đạo con giữ mới chỉ gồm các thói quen đạo đức; Lễ con dâng chỉ là những lời kinh nhàm chán; Của cải con cho người nghèo chỉ là những thứ đồ hư vất bỏ… Nhưng con lại tưởng mình đang đạo đức thánh thiện và làm chứng cho Chúa. Ước gì hôm nay con nhận ra những thiếu sót của mình, để của lễ con dâng phải là thứ vàng đức tin quý giá, là nhũ hương của đức cậy khiêm nhu, là mộc dược của lòng hy sinh mến Chúa nồng nàn. Hy vọng Chúa sẽ vui nhận, và ban muôn hồng ân cho chúng con. Để khi gặp được Chúa, như các vị đạo sĩ xưa, chúng con sẽ tránh xa những thói gian ác lọc lừa, sẵn sàng làm theo Lời Chúa dạy, luôn sống hiệp nhất xin vâng và phục vụ, để sau này được về quê trời hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa.- AMEN.

 
Trong sáng như vàng ròng
Lm Minh Anh
15:00 04/01/2023

TRONG SÁNG NHƯ VÀNG RÒNG
Hãy đến mà xem!”.

Một cậu bé bấm chuông cổng nhà một phụ nữ và hỏi xem cô có mua những trái trứng cá chín mọng cậu vừa hái không. Cô ấy trả lời, “Có, cô sẽ xách xô trứng cá của cháu vào bếp và đong hai lít”. Cậu bé đứng ngoài đùa với con chó. Một lúc sau, đi ra, cô ấy nói, “Sao cháu không vào xem cô đong có đúng không? Nhỡ cô gạt cháu?”. “Cháu không sợ, vì làm thế, cô sẽ chuốc lấy điều xấu nhất”; “Cháu muốn nói gì?”, “Vì cháu chỉ mất một ít trứng cá; còn cô, biến mình thành kẻ trộm”. Cô ấy nhoẻn miệng cười và nói, “Tuyệt vời! Ôi, cháu ‘trong sáng như vàng ròng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta không gặp một cậu bé, nhưng là một biệt phái, Nathanael, một người ‘trong sáng như vàng ròng’ mà Chúa Giêsu cũng sẽ nói những lời tương tự về ông. Và nếu như Ngài đã nói với hai môn đệ của Gioan, “Hãy đến mà xem!”; thì chuyển động này trở nên sâu sắc hơn khi Philip nói với Nathanael cũng những lời tương tự, “Hãy đến mà xem!”.

Trước lời mời chơn chất đó, Nathanael vẫn bằng lòng đến và xem, cho dẫu trước đó, ông có thành kiến với gốc gác của người mà ông sẽ đến xem, “Tự Nazareth, nào có chi hay!”. Và này, ông sững sờ khi nghe con người chưa quen biết này nói về mình rằng, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối”. Trước những lời này, Nathanael nghẹt thở, “Sao Ngài biết tôi?”. Qua câu hỏi đó, toàn bộ con người Nathanael bộc lộ, ‘trong sáng như vàng ròng’. Chúa Giêsu trả lời, “Trước khi Philip gọi anh, lúc anh còn ở dưới cây vả, tôi đã biết anh!”.

Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ, dường như Ngài đã biết ông một cách cá vị, thấu đáo; và nhất là, Ngài trân trọng và yêu mến ông. Pascal nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không gặp con”; đúng hơn, “Chúa sẽ không tìm con, nếu con đã không gặp Ngài; nếu con đã không gặp Ngài nơi thâm sâu nhất của chính Ngài”. Vì thế, chúng ta hiểu lý do tại sao, với niềm kính tôn, Nathanael đã thốt lên, “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, Thầy là vua Israel”. Những lời này có nghĩa là, “Ngài đúng là người mà tôi tìm kiếm, người mà tôi chờ mong với niềm khát khao. Vâng, chính Ngài là Đấng tôi chực chờ khi tra cứu Thánh Kinh mà không biết”. Vậy mà, cuộc gặp gỡ này chỉ mới bắt đầu, nó sẽ tiếp tục và đào sâu xuyên suốt Tin Mừng Gioan; để cuối cùng, hoàn thành vào rạng sáng ngày Phục Sinh. Tuy nhiên, ánh sáng phục sinh đã toả chiếu huy hoàng trên lần gặp gỡ này, “Các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người!”.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Gioan nói đến Cain và Abel, một người ‘trong sáng như vàng ròng’ bị anh mình giết, vì lẽ, “Các việc em nó làm thì công chính”. Gioan lưu ý, “Vì thế, đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm!”.

Anh Chị em,

“Hãy đến mà xem!”. Cả chúng ta, hãy đến với Chúa một cách giản dị, không cầu kỳ, với “lòng dạ không có gì gian dối” và Chúa cũng tỏ cho chúng ta xem những gì thật dung dị nhưng cũng rất đáng kinh ngạc. “Lạy Chúa, con đuối sức, cám dỗ là một cuộc chiến không hồi kết! Lạy Chúa, dạy dỗ là phải chết mỗi ngày? Lạy Chúa, đồng sự con quá hoang dã, ‘mồ côi giáo dục!’. Lạy Chúa, đất khách quê người, con được tiếng là ‘lạc quan vô định!’. Lạy Chúa, tại sao con phải hạ mình dưới cả mức khiêm tốn?”. Và Chúa cũng nói với chúng ta, “Hãy đến mà xem! Xem Ta trong Thánh Thể, trong Lời, trong Bí Tích Hoà Giải! Này, trước khi con đến, Ta đã biết tất cả. Đừng sợ! Ta sẽ bổ sức cho. Kìa, ánh sáng phục sinh cũng sẽ rạng ngời trên cuộc sống con, miễn sao con giữ cho lòng mình không có gì gian dối và mãi ‘trong sáng như vàng ròng!’”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết Chúa một, Chúa biết con mười; Chúa biết con hơn con biết con! Cho con biết đến với Chúa trần trụi, lòng dạ không có gì gian dối, ‘trong sáng như vàng ròng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
18:29 04/01/2023
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh

(Mt 2, 1-12)

Hôm nay toàn thể Hội Thánh mừng lễ Chúa Hiển Linh. "Hiển Linh - Epiphaino", có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho ba đạo sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế.

Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự ẩn mình của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, nơi Trẻ Thơ Bêlem. Thì lễ Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân tính.

Còn hạnh phúc nào hơn khi con người được xem thấy Thiên Chúa cách tỏ tường. Các mục đồng là những người đầu tiên tận mắt được Thiên Chúa tỏ mình ra dưới hình hài bé thơ giáng sinh được mẹ bọc tã và đặt nằm trong máng cỏ. Tiếp đến là cụ già Simeon và Anna khi được cha mẹ dâng vào Đền Thánh và nhận Tên là Giêsu. Thấy Chúa nơi Đền thờ, cụ Simeon thốt lên : “Ánh Sáng chiếu soi các lương dân, và vinh Quang của Israel dân Chúa” (Lc 2, 32).

Phụng vụ hôm nay nhấn mạnh đến việc Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm của loài người chúng ta được nhìn thấy Người. Đây là niềm vui cả thể cho cả và nhân loại, bởi trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người nhìn thấy; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến và thờ lạy. Đây là sự thật nhãn tiền được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính.

Việc các đạo sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia có viết: "Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên" (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.

Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: "Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi" (Is 66,1-3).

Isai mô tả cảnh các dân tộc chìm trong u tối, thì từ Giêrusalem ánh sáng của Chúa đã bừng lên rồi tỏa xuống chiếu soi muôn dân. Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái, nào thuyền bè từ đại dương, nào lạc đà từ sa mạc, chở muôn dân tiến về Giêsusalem để thờ lạy Chúa (x.Is 60,6). Ngôi sao đã đứng lại trên nhà Hài Nhi ở; như thế, từ Giêrusalem ánh sáng đã lan tỏa khắp địa cầu, chính là Hài Nhi Giêsu mà các đạo sĩ đến thờ lạy.

Chúa Kitô chính là Nguồn Sáng thật, là “Mặt Trời mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) chiếu tỏa trần gian và lan ra theo những vòng tròn đồng tâm. Trước hết trên Ðức Maria và Thánh Giuse được chiếu sáng bởi sự hiện diện thần linh của Hài Nhi Giêsu, kế đến là các mục đồng tại Bêlem; khi được thiên sứ báo tin, các ngài mau mắn chạy đến hang đá và gặp thấy nơi đó “dấu chỉ” đã được báo trước cho họ: một con trẻ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12). Các mục đồng, cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của Dân Israel”, những người nghèo, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng.

Ánh sáng của Chúa Kitô cuối cùng chiếu toả đến các vị đạo sĩ, hoa quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11).

Thánh Gioan viết : “Thiên Chúa là sự sáng” (1Ga 1,5). Lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rằng: Ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh. Chúa Giêsu “là Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32). Ánh sáng đã đến trong thế gian. Ánh sáng này sau đó sẽ xuất hiện trên khuôn mặt của nhân loại: thần linh hóa mọi tạo vật, chiếu dọi vào tâm hồn, phản ánh vinh quang rực rỡ của Chúa Cha.

Thế giới của chúng ta đang cần những chứng nhân cho ánh sáng. Ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, những người chịu phép Rửa tội được gọi là " ánh sáng" chiếu tỏa ánh sáng Thần Linh. Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói với các linh mục rằng : "Người ta muốn thấy Chúa Giêsu qua anh em".

Còn hạnh phúc nào hơn khi chúng ta được Thiên Chúa đến chiếu tỏa vinh quang rạng ngời trên chúng ta. Chúng ta được mời gọi dõi theo ánh sao cùng ba nhà đạo sĩ đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởng và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Mừng Lễ Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đem lại với ước mong chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 04/01/2023

39. Đức ái chân chính là ở chỗ chịu đựng tất cả những sai sót của bạn bè, mãi mãi không có cảm giác trước những sai sót của họ.

(Thánh Alfonsus Maria de Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:46 04/01/2023
31. TÀO THƯƠNG ĐƯỢC XE

Tào Thương là người nước Tống được vua Tống phái đi sứ giả nơi đất Tần, Tống vương tặng cho ông mấy cỗ xe ngựa, khi đến đất Tần, thì Tần vương lại tặng cho ông một trăm cỗ xe ngựa.

Sau khi trở về nước, Tào Thương đắc ý nói với Trang Tử:

- “Năm nọ tôi ở ngõ hẽm đầu đường, đan (bện) giày độ nhật, mặt mũi hốc hác, đó là sở đoản của tôi; hôm nay tôi dựa vào tài ăn nói làm xúc động nhà vua mà có vạn cỗ xe tứ mã, được tặng thêm trăm cỗ xe tứ mã nữa, đó là sở trường của tôi”

Trang Tử cười cười, nói:

- “Tôi nghe nói lúc Tần vương bị bệnh thì để các thầy thuốc chữa bệnh, xét công mà thưởng: người ăn nhọt hút mủ thì có thể được một cỗ xe tứ mã; người liếm bệnh trĩ thì được năm cỗ xe tứ mã. Bệnh càng bẩn thỉu thì càng được nhiều xe, chắc anh đã liếm bệnh trĩ của Tần vương rồi chăng, bằng không thì làm sao anh lại được nhiều cỗ xe tứ mã như thế chứ, mau rời khỏi nơi đây ngay !”

(Trang tử)

Suy tư 31:

Thường thường có công thì thưởng có tội thì phạt, nhưng nếu không có công trạng gì mà được thưởng, lại còn thưởng rất hậu thì hãy coi chừng, nên tìm cách từ chối hoặc chạy cho xa, bởi vì đó là điều báo trước một tai họa.

Có công mà được thưởng thì người không có công phân bì, ghen tức; không có công mà được thưởng thì đó là sự thiên vị, thiếu công bằng, làm cho người có công bất bình và là mầm mống nổi loạn; còn nếu không có công trạng gì cả mà được thưởng rất hậu, thì nên kiểm tra lương tâm và dứt khoát từ chối, bởi vì: một là người ta sắp lợi dụng mình cho một âm mưu nào đó của họ, hai là người ta muốn thử mình coi có vững vàng trên lập trường hay không?

Không ai đem của cải biếu không cho mình.

Chỉ có Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương chúng ta nên Ngài đã biếu cho chúng ta Nước Trời, nghĩa là Ngài đã tha thứ cho chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân. Chúng ta phải vui mừng vì điều này chứ không phải được nhiều cỗ xe tứ mã, tức là vật chất danh vọng của thế gian.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không Biên Giới
Lm Vũđình Tường
22:41 04/01/2023
Mừng kính lễ Ba Vua chính là mừng ngày Ấu Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Ba vua được biết đến như là ba nhà thông thái từ Phương Đông đến thờ lậy Ấu Chúa. Con số 'ba' được hiểu như là số nhiều. Vua đại diện dân vì thế khi vua tìm đến bái lậy Thiên Chúa, vua đại diện dân làm công việc thờ lậy. Khi con người đến thờ lậy Thiên Chúa, mọi đẳng cấp xã hội đều giống nhau, vua quan cũng như thường dân. Thiên Chúa yêu thương mọi người như nhau, bởi tất cả đều là con Thiên Chúa. Vì thế mọi người đều bình đẳng trong mắt Thiên Chúa. Trong í nghĩa đó, việc Chúa Giáng Sinh xoá bỏ ranh giới giữa các dân tộc, không còn Đông Tây hay Nam Bắc. Con người cần phương hướng để định hướng đi, đường về. Thiên Chúa không cần sự phân biệt đó. Nhìn ngôi sao lạ trên trời cao đủ biết, ngôi sao soi sáng, dẫn đường cho mọi người, mọi dân tộc. Ngôi sao không phân biệt phương hướng, ngoài nhiệm vụ soi sáng, chỉ đường.

Cần phân biệt sự khác biệt về khôn ngoan. Người khôn là người dấn thân tìm kiếm điều tốt lành, trọn hảo. Trong trường hợp này ba vua dấn thân, không sợ gian khổ, khó nhọc, tốn kém và ngay cả hiểm nguy, ra đi trong giá lạnh tìm kiếm thờ lậy Ấu Chúa. Người có kiến thức, nhận biết Chúa Giáng Sinh nhưng không chịu dấn thân, chọn sống trong lâu đài bàn thảo, tranh luận, giải thích, bởi họ sợ khó khăn, cực khổ. Những người này yêu mến Thiên Chúa không bằng tấm lòng chân thành, mà bằng môi miệng, rao truyền về Chúa nhưng không thực hành điều họ rao giảng.

Người khôn ngoan phải kể đến mục đồng, dân nghèo khổ túng cực. Họ nghe Tin Vui do sứ thần Thiên Chúa loan báo, giữa đêm đông lạnh giá họ tung chăn ra đi tìm đến thờ lậy Thiên Chúa. Tìm gặp, họ bái thờ và chia sẻ Tin Vui đó cho những ai họ gặp. Ngoài ra phả kể đến ba vua từ Phương Đông và đoàn tuỳ tùng. Người tham quyền hành, vật chất cho là ba vua khờ dại bởi bỏ ngai vàng ra đi không thời hạn, không phương hướng, mà chỉ dựa vào ánh sao, lúc tỏ, lúc mờ; đêm trời quang mây thấy ánh sao, mây mù, trời tối không biết hướng đi. Thật là mạo hiểm cách liều lĩnh. Ba vua được coi là khôn ngoan cho những ai đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Ba vua đi tìm điều không hư nát, không ai lấy mất. Ngai vàng, của cải, chức tước, vật chất, lợi lộc, nay còn, mai mất. Tìm kiếm của cải không hư nát, của cải tồn tại vĩnh viễn trên thiên quốc, tìm kiếm thờ lậy Thiên Chúa là chọn điều khôn ngoan. Ba vị khôn ngoan bởi có nhiều kiến thức thiên nhiên, vũ trụ quanh mình. Ba vị khôn ngoan bởi không tìm vinh danh cho mình, nhưng tìm kiếm Danh Thiên Chúa. Gặp Ấu Chúa, ba vị dâng lễ vật họ cẩn trọng gìn giữ, mang theo suốt cuộc hành trình: Vàng, Nhũ Hương, Mộc Dược. Ba vị khiêm nhường, quì trước Ấu Chúa, sau đó sấp mình thờ lậy, tự nhận mình là kẻ tôi đòi trước mắt Thiên Chúa. Chính hành động này chứng tỏ ba vị thành tâm, khiêm nhường tận cõi lòng.

Lắng nghe, quan sát, nhận biết là thói quen của ba vị. Trước khi gặp Ấu Chúa, ba bị nhận biết ngôi sao lạ và theo ánh sao đến thờ lậy Chúa. Sau khi thờ lậy Ấu Chúa, ba vị lắng nghe tiếng trong tâm hồn và cả ba nhận biết tiếng đó đến từ Thiên Chúa, kêu gọi họ tránh về đường lối cũ, nhưng tìm đường mới trở về quê. Cả ba trở về quê an lành.

Khôn ngoan trong Kinh Thánh đồng nghĩa với yêu mến Thiên Chúa. Khôn ngoan theo kiểu thế gian gắn liền với kiến thức bởi kiến thức mang lại lợi nhuận, chức tước. Vua Hêrôđê, một vị vua vừa gian tham vừa tàn ác. Ông tin vào cố vân riêng, trong đó phải nhắc đến các vị Thượng Tế và Kinh Sư. Những vị này có kiến thức về Kinh Thánh. Kiến thức của họ dùng vào việc phục vụ nhà vua. Họ tôn kính Hêrôđê và làm việc phục tùng nhà vua. Không rõ họ có biết í định thầm kín của Hêrôđê là âm thầm tìm cách giết Ấu Chúa mới sinh. Điều rõ ràng là sứ thần Chúa bằng cách riêng ngầm báo cho hai ông bà Giuse- Maria biết í định giết con trẻ của Hêrôđê. Sứ thần cũng báo cho ba vua Phương Đông, kêu gọi họ đừng liên lạc với kẻ lạm quyền giết trẻ em. Hêrôđê biết âm mưu của ông bại lộ. Thay vì ăn năn, thống hối, trở về đường lành, ông làm điều cực cùng man rợ, ra lệnh giết tất cả các trẻ trai quanh Bethlehem và vùng phụ cận. Trẻ trai từ hai tuổi trở xuống, tính từ ngày ông gặp ba vua Phương Đông. Chỉ vì tham ngai vàng mà ông gây tang thương, tàn khóc, làm khổ chính thường dân ông coi sóc.

Ba vua Phương Đông giầu cả vật chất lẫn quyền hành, cả ba từ bỏ tất cả đi tìm cuộc sống tâm linh.

Học từ ba vị từ Phương Đông, Kitô hữu đặt cuộc sống tinh thần trên cuộc sống vật chất.

TiengChuong.org

Neither East Nor West

The feast of the Epiphany celebrates the revelation of God to all people. The three kings, known as the three wise men from the East who travalled from afar, came to pay homage to the infant king. The number 'three' implies plurality. People are tied to their king, and when a king acts, he does it for his nation and his people. In this context, God reveals himself to countries throughout the earth. The birth of Jesus erases all human borders.

The arrival of the poor shepherds and the three wealthy kings implied when people come before God, their social status and boundary disappear. All people are equal before God, and all are God's beloved children. The term the 'wise men from the East' serves as a geographical location, rather than the race. We need the terms, East and West, North and South, to clarify directions. For God, there are neither European nor Oriental; all are the chosen race. God loves and embraces them all. The star in the sky belongs to neither East nor West but is simply the sign which directs the wise men coming to the inn where they found the infant king and paid him homage. The contrast between the wise and the unwise is that the wise ones were people who loved and went out searching for the infant king to pay him homage, while the unwise ones were people who were not committed, but preferred to stay in their comfort zones. Their love for God was not from their hearts, but their lips.

The wise men could include the shepherds, the three kings, or wise men. The shepherds were intelligent for trusting the voice of God's messengers. Hearing the Good News, they committed themselves to go out in the middle of the night to meet the newborn king. They praised God and spread the Good News. The three kings were not wise in terms of political viewpoint because the risk of leaving a country unattended for an unspecified period would be regarded as unwise. They were praised for doing the wise thing because they placed their faith in God. They were smart for their commitment to searching for the meaning of life and for their observation and astrological knowledge. The three kings were wise for not seeking to honour themselves but to honour God. Meeting the infant king, they offered him Frankincense, Myrrh, and Gold. The gifts they carried with them, all the way on the journey, revealed the sincerity of their hearts. They were humble, on their knees before the infant king, taking the role of servants to pay him homage.

Closely and carefully observation was their habit; before meeting the infant king, they were wise for trusting the light of the guiding star. They had no idea where the star could lead them, and yet they were committed to following. After meeting the infant king, this time they observe their own mind; and recognize the inner voice of their dreams. It was not an ordinary dream but a special voice telling them what to do. They observed the voice, followed its guidance and got home safe and sound.

In the bible, 'wise' means to love God. For humans, 'wise' is often associated with knowledge because knowledge generates money and power. The tyrant king, Herod, and his advisers, the chief priests, and Scribes had much knowledge of the Scriptures. Their knowledge served king Herod. They submit themselves to him. We don't know how much insight they had into Herod's evil plan to kill Jesus. We know God revealed Herod's evil thoughts to Joseph and the three wise kings, telling them to move away from the tyrant.

Instead of repentance, Herod widened his murderous plan even further to all young boys in Bethlehem and surrounding areas, killing all boys from two years old and under, reckoning from the day Herod met the Magi. The three wise kings had a lot of wealth and power but were spiritually poor. They went in search of spiritual nourishment. We learn from them to enrich our spiritual life.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ann Glendon: Đức Bênêđictô XVI và Hoa Kỳ
Vũ Văn An
00:48 04/01/2023

Tờ Our Sunday Visitor (OSV) vừa cho đăng bài của Cha Patrick Briscoe phỏng vấn Giáo sư Trường Luật Harvard Mary Ann Glendon từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush. Trong cuộc phỏng vấn này, bà đại sứ chia sẻ những kỷ niệm đáng yêu của bà về chuyến thăm lịch sử của Đức Bênêđictô XVI tới Hoa Kỳ năm 2008 và suy tư về mối liên hệ nồng ấm của ngài với Tổng thống Bush. Đại sứ Glendon đưa ra cái nhìn sâu sắc về việc từ chức của cố giáo hoàng, thảo luận quan điểm của Đức Bênêđictô XVI về các nhà lãnh đạo phụ nữ trong Giáo hội, làm sáng tỏ bài diễn văn gây tranh cãi ở Regensburg và xem xét di sản của Đức Bênêđictô XVI.



OSV: Đâu là phản ứng của bà trước lời mời làm đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh? Khoảnh khắc đó như thế nào khi bà đảm nhận vai trò này?

Mary Ann Glendon: Chà, tôi có thể nói với cha rằng tôi không mong đợi nhận được một cuộc điện thoại từ Nhà Trắng vào mùa hè năm đó hỏi liệu tôi có muốn trở thành đại sứ hay không. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ điều tôi nên nói là, “Chà, tôi sẽ phải suy nghĩ về điều đó. Tôi sẽ phải thảo luận với chồng tôi.” Nhưng tôi nói, “Vâng, tôi rất thích điều đó.” Một mặt, tôi biết chồng tôi cũng sẽ hạnh phúc như tôi, mặt khác, cha biết đấy, tôi là một nhà học thuật, nhưng giống như nhiều khoa khác, Trường Luật Harvard thực sự thích nhìn thấy các giáo sư của mình phục vụ cộng đồng. Tôi đã từng phục vụ trong các ủy ban của chính phủ trước đây, và tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt để làm cho Giáo hội, cho đất nước của tôi và cho các sinh viên của tôi.

Cú điện thoại xẩy đến hoàn toàn bất ngờ. Tôi hoàn toàn không có một ý niệm mơ hồ nào. Tất nhiên, tôi đã từng phục vụ Tổng thống Bush với những tư cách khác và cùng với Cha [Richard John] Neuhaus và George Weigel, tôi đã thỉnh thoảng gặp ông ấy.

Viếng thăm Hoa Kỳ

OSV: Một trong những điều thú vị nhất, có thể nói, đã xảy ra trong nhiệm kỳ của bà là chào đón Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đến Hoa Kỳ. Bà cảm thấy thế nào khi làm việc để tổ chức chuyến thăm này? Những điều mà bà thực sự muốn chứng kiến có thành hiện thực không? Có khoảnh khắc nào mà bà nghĩ là dứt khoát đối với đời sống của Giáo hội Hoa Kỳ không?

Glendon: Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 2008 là chuyến viếng thăm đầu tiên và duy nhất của Đức Bênêđictô XVI trên cương vị giáo hoàng, và đó là điều đầu tiên mà tôi và nhân viên của tôi tại tòa đại sứ phải chuẩn bị. Khi tôi xuất trình thư ủy nhiệm của mình, chúng tôi chỉ còn vài tháng nữa là đến chuyến thăm.

Có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ về chuyến thăm đó bởi vì, như cha biết đấy, thật phi thường khi đã có một cuộc gặp trước đó giữa Đức Bênêđictô XVI và Tổng thống Bush chỉ vài tháng trước đó vào tháng 6 năm 2007. Đối với các nhà quan sát, rõ ràng là một mối quan hệ rất thân mật đã phát triển giữa tổng thống và Đức Giáo Hoàng. Nó khiến nhiều người bất ngờ vì tính cách của cả hai vị quá khác biệt.

Tôi nghĩ một biểu tượng cho thấy mối quan hệ khó có thể có đó phi thường như thế nào là tổng thống và tôi cùng những người khác đã đến Căn cứ Không quân Andrews để gặp Đức Giáo Hoàng khi ngài đến. Đây là lần đầu tiên và duy nhất Tổng thống Bush ra ngoài gặp gỡ một nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Tôi rất thích thú với việc chúng tôi đang đứng xung quanh, đợi máy bay của Đức Giáo Hoàng hạ cánh. Có người hỏi tổng thống, “Làm sao ngài lại ra đây để gặp Đức Giáo Hoàng?” Và Tổng thống Bush trả lời: “Rất đơn giản. Ngài là nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất trên thế giới.” Thực thế, khi Đức Giáo Hoàng xuống máy bay và hai người ngồi xuống nói chuyện vài phút và uống chút nước cam, Tổng thống Bush đã nói: “Thưa Đức Thánh Cha, mọi người đã hỏi tôi tại sao tôi lại ra đây để gặp ngài, và tôi đã nói với họ rằng đó là bởi vì ngài là nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất trên toàn thế giới.” Vì vậy, điều rõ ràng với tôi là mối liên hệ đã có một khởi đầu tuyệt vời.

Nhưng quay trở lại câu hỏi của cha về những điểm nổi bật hoặc những khoảnh khắc đặc biệt trong chuyến đi… đó là một chuyến thăm như gió cuốn. Có 16 bài phát biểu của vị giáo hoàng này trong năm ngày, nhưng có hai bài thực sự in đậm trong trí nhớ của tôi. Một là buổi lễ trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng. Hôm đó là sinh nhật lần thứ 80 của Đức Giáo Hoàng, và điều thật cảm động là khi tổng thống nói rằng đây là sinh nhật của Đức Giáo Hoàng, toàn bộ cử tọa đã đồng thanh hát bài “Chúc mừng sinh nhật”. Và Đức Giáo Hoàng, mặc dù thành công rực rỡ như một nhân vật công cộng, nhưng chỉ mỉm cười một cách ngượng ngùng rồi giơ hai tay lên và nở một nụ cười thật tươi trên môi. Sau đó, khi tổng thống và Đức Giáo Hoàng trao đổi nhận xét, nó giống như một bản song ca. Cả hai nhà lãnh đạo đều có chung chủ đề: tự do là điều quý giá cần phải làm việc để duy trì cho sống động, và một xã hội tự do và tao nhã là một xã hội biết quan tâm đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Đó là một dịp đẹp đẽ, cảm động.

Biến cố thứ hai mà tôi nghĩ thực sự mang tính lịch sử là bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc. Cha biết đấy, tôi đặc biệt quan tâm đến sự kiện kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đức Giáo Hoàng bắt đầu, giống như những vị tiền nhiệm của ngài, bằng cách ca ngợi văn kiện đó như một sự kiện vĩ đại trong lịch sử nhân loại, nhưng sau đó ngài tiếp tục đưa ra lời phê bình sâu sắc nhất về sự thao túng và hiểu lầm về dự án nhân quyền trong thời gian gần đây. Căn cứ vào đó, quả hơi ngạc nhiên khi ngài nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ hội trường chật cứng người đó... Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng mặc dù nhận xét của ngài thật đáng ngạc nhiên, nhưng tôi nghĩ các nhà ngoại giao ở đó, những người trần tục đó, tôi nghĩ họ cảm thấy nhẹ nhõm khi lắng nghe ai đó nói với tư cách là nhân chứng đạo đức. Họ phải biết rằng họ đang lắng nghe một ai đó, giống như mọi đại diện của Tòa thánh, được giao nhiệm vụ nói và hành động vì lợi ích của nhân loại, không những cho thực thể có chủ quyền mà vị này đại diện và không những cho người Công Giáo. Tôi nghĩ họ cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe một ai đó nói như vậy.

Di sản

OSV: Sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, Tổng thống Bush đã đến thăm Đức Giáo Hoàng một lần nữa tại Vatican. Nó dường như còn đáng chú ý hơn vì những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh liên quan đến cuộc xâm lược Iraq do người Mỹ lãnh đạo. Các vị đã chia sẻ những chủ đề hoặc mối quan tâm nào thuộc về di sản của Đức Bênêđictô?

Glendon: Khi có liên quan đến cuộc chiến ở Iraq, đã có một mức độ căng thẳng đáng kể giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh. Nhưng vào thời điểm Đức Bênêđictô trở thành giáo hoàng, tình hình đã thay đổi. Đức Bênêđictô XVI tập trung vào việc nhìn về phía trước, thay vì xem xét lại những bất đồng đã gây ra căng thẳng trong quá khứ. Mối quan tâm chính của ngài vào thời điểm tôi trở thành đại sứ là việc Mỹ đột ngột rút quân khỏi Iraq sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn gia tăng và đàn áp các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác không những ở Iraq mà còn ở các khu vực khác của Trung Đông. Chúng tôi hoàn toàn coi điều này như các biến cố đã khai triển.

Đó là bối cảnh của mối liên hệ thân tình đã phát triển giữa Tổng thống Bush và Đức Giáo Hoàng. Một yếu tố khác là Đức Giáo Hoàng đã nhận thức được đức tin Kitô giáo sâu sắc của tổng thống. Các vị có nhiều cam kết chung, và các chủ đề chính mà các ngài thảo luận bao gồm, chẳng hạn như tăng cường sự đồng thuận về đạo đức chống khủng bố, chống việc sử dụng tôn giáo như một cái cớ cho bạo lực, thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông và quan tâm đến số phận của thiểu số Kitô giáo bị đàn áp.

OSV: Đức Bênêđictô XVI phản đối rộng rãi và trực tiếp việc loại bỏ sự thật khách quan trong xã hội, một khuynh hướng văn hóa và trí thức mà ngài gọi là “chế độ độc tài của thuyết tương đối”. Nhìn lại công việc của Đức Thánh Cha, từ quan điểm của riêng bà trong học thuật, bà nghĩ ngày nay những ý tưởng của ngài về sự thật khách quan đang được đón nhận như thế nào? Làm thế nào chúng đứng vững trong những năm tới?

Glendon: Chà, tôi nghĩ ngài sẽ luôn được công nhận, cùng với các nhà thần học như Bernard Lonergan và những người khác, là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu về chủ đề đó. Tôi nghĩ ngài có năng khiếu truyền đạt về điều đó giúp ngài tiếp cận được một cử tọa rộng lớn hơn, nhưng cuộc tranh luận sẽ luôn tiếp diễn.

OSV: Nhiều người dán nhãn hiệu giáo sư cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và phân loại ngài hoặc loại bỏ ngài vì danh hiệu đó. Bà có thấy đó là trường hợp trong kinh nghiệm của bà với Đức Bênêđictô không?

Glendon: Không hề. Đúng là nhiều người nghi ngờ liệu người mà họ biết như Joseph Ratzinger nhút nhát và uyên bác có thể giao tiếp hữu hiệu với nhiều đối tượng khác nhau ở quảng trường công cộng hay không. Nhưng tôi nghĩ ngài đã nhanh chóng và hoàn toàn xua tan ý tưởng đó bằng những bài phát biểu tuyệt vời của ngài. Tôi nghĩ một số bài viết hay nhất của ngài là những bài phát biểu tương đối ngắn mà ngài đã đưa ra trong các diễn đàn thế giới, chẳng hạn như Quốc hội Anh tại Westminster, Bundestag của Đức, cung điện Elysees, Nhà Trắng và Liên Hợp Quốc. Những bài phát biểu đó nói rõ rằng, giống như người tiền nhiệm của ngài, ngài sẽ sử dụng diễn đàn công khai của mình để trở thành nhân chứng đạo đức hoàn cầu, và ngài có thể nói về những chủ đề lớn lao về nhân quyền, tự do tôn giáo và sức mạnh tổng hợp giữa đức tin và lý trí một cách sẽ gây ấn tượng sâu sắc đối với nhiều tâm trí thế tục. Đó là những gì đã xảy ra ở Paris - chính cái nôi của chủ nghĩa thế tục. Khi đọc xong bài diễn văn ở đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy nói, “Nhưng ngài nói đúng, chúng ta phải suy nghĩ lại toàn bộ khái niệm về chủ nghĩa duy thế tục này.” Tất cả các nhà báo Anh đều cho rằng ngài sẽ được tiếp đón rất lạnh nhạt tại Quốc hội Anh ở Westminster. Nhưng kết cục, ngài đã được chào đón nồng nhiệt ở đó. Người ta thích nghe một ai đó nói rõ ràng và nhất quán về những vấn đề lớn của thời đại chúng ta.

Một trong những điều đã xảy ra khi bắt đầu bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài được coi là nhà đổi mới vĩ đại của ngôi vị giáo hoàng. Đó là cách ngài được tri nhận trên các phương tiện truyền thông chính thống. Nhưng bản thân Đức Bênêđictô là một vị giáo hoàng của nhiều điều đầu tiên. Chẳng hạn, ngay từ đầu, trên huy hiệu của ngài, ngài đã thay chiếc vương miện của giáo hoàng bằng một chiếc mũ đội đầu đơn giản. Ý tôi là, có nhiều tín hiệu nhỏ. Thí dụ, ngài đã mang theo chiếc cặp của mình sau cuộc bầu cử, giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngài muốn tưởng tượng mình như một người tôi tớ trước nhất ra sao.

OSV: Bà có ngạc nhiên về việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô không?

Glendon: Không hề. Hầu hết chúng ta đều không biết vào thời điểm đó, ngài phải đối đầu với những cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực sai trái về tình dục và tài chính. Rất ít người nhận ra gánh nặng đã được đặt lên đôi vai già yếu và già nua đó như thế nào khi ngài trở thành giáo hoàng.

Tôi nhớ lại khi tôi trình ủy nhiệm thư của tôi cho ngài khi tôi đến Rome. Có một khoảnh khắc trong buổi lễ đó lúc chỉ có Đức Giáo Hoàng và tân đại sứ nói chuyện riêng. Hầu hết những gì chúng tôi nói đến là sự khác biệt giữa đời sống học thuật và đời sống công cộng. Đây chỉ là cách giải thích của tôi, nhưng tôi cảm thấy có một chút tiếc nhớ nào đó trong giọng nói của ngài, nhưng tôi không biết lúc đó ngài đang đối đầu với điều gì.

Tôi nhớ có đủ loại giả thuyết về lý do tại sao ngài lại làm một việc như vậy, nhưng lúc đó tôi đã hiểu rõ hơn về những gì ngài đang giải quyết vì ngài đã đề nghị tôi làm chủ tịch một ủy ban, một ủy ban của Bộ Ngoại giao, về khả thể có thể xảy ra một vụ kiện chống lại Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. Từ vọng nhìn đó, tôi có một ý tưởng khá rõ về những gì ngài đang phải đối đầu. Và vì vậy tôi coi lời tuyên bố của chính ngài theo giá trị biểu kiến, tức việc ngài nhận ra rằng sức lực và gánh nặng tuổi tác của ngài không còn phù hợp để điều hành Chức vụ Phêrô nữa.

Phụ nữ trong Giáo hội

OSV: Ngày nay có nhiều câu hỏi về phụ nữ và các vị trí quyền hành mà họ nắm giữ trong Giáo Hội Công Giáo. Là một phụ nữ đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong Giáo hội, bà nghĩ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã đóng góp gì cho việc trao quyền cho phụ nữ?

Glendon: Tôi nghĩ quan điểm của ngài rất giống với quan điểm của vị tiền nhiệm, vị mà như cha biết, đã không ngần ngại bổ nhiệm phụ nữ, bao gồm cả tôi, vào các vị trí lãnh đạo. Tôi nghĩ ngài sẽ làm được nhiều hơn thế nếu ngài không phải đối đầu với quá nhiều khủng hoảng. Chẳng hạn, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, người đã nhấn mạnh rằng L’Osservatore Romano - tờ báo chưa bao giờ có nữ phóng viên cho đến năm 2012, cha có thể tưởng tượng được không? – nên dành cho phụ nữ nhiều không gian hơn trên báo. Điều này dẫn đến việc thuê nhà duy nữ Công Giáo nổi tiếng Lucetta Scott. Sau đó, cô trở thành biên tập viên của phụ trương hàng tháng cho tờ báo và mang theo một đội gồm toàn phụ nữ. Vì vậy, trong khi nhân cách của ngài ít cởi mở hơn so với Đức Gioan Phaolô II, trong vấn đề này, tôi nghĩ quan điểm của ngài rất giống nhau. Ngài chắc chắn rất thoải mái với các nhà thần học nữ. Ngài đã bổ nhiệm lại tôi, khi tôi đã hoàn thành chức vụ đại sứ của mình, làm chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Tôi nghĩ rằng ngài thực sự muốn làm nhiều hơn, nhưng chỉ đơn giản là bị choáng ngợp bởi những điều khác.

OSV: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã có một bài diễn văn gây nhiều tranh cãi ở Regensburg, vì việc ngài trích dẫn một bài phê bình lịch sử đối với Hồi giáo, đã châm ngòi cho bạo lực và chống đối khắp thế giới Hồi giáo. Bà nghĩ gì về việc tiếp tục tiếp nhận bài phát biểu đó?

Glendon: Tôi đã tham dự một cuộc họp vào tháng 11, tại đó, lần đầu tiên tại G20, có một diễn đàn cho tôn giáo được tổ chức trước cuộc họp. Tôi đã có mặt tại cuộc họp này, được gọi là R20, và tôi đã có cơ hội nghe nhiều cuộc nói chuyện của các nhà lãnh đạo của hiệp hội chính trị Hồi giáo lớn nhất thế giới. Nó được gọi là Nahdlatul Ulama và nó có 100 triệu thành viên đăng ký theo một hình thức Hồi giáo chấp nhận tự do tôn giáo và bác bỏ việc sử dụng tôn giáo như một cái cớ cho bạo lực. Thật thú vị, phong trào này coi Công đồng Vatican II như một mô hình về cách Hồi giáo có thể xem xét lại quá khứ của mình và bỏ lại đằng sau những điều không cần thiết đối với cốt lõi của đức tin và tiến lên phía trước. Tất cả những gì tôi nghe được từ các nhà lãnh đạo của Nahdlatul Ulama không chỉ nhắc tôi nhớ đến Vatican II mà còn nhớ đến bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô tại Regensburg. Vào thời điểm bài phát biểu, những người theo dõi nhận xét của ngài đã tập trung vào việc ngài trích dẫn một nhận xét chống Hồi giáo của một hoàng đế thế kỷ 14. Tuy nhiên, bản chất thông điệp của Đức Bênêđictô XVI tại Regensburg là Hồi giáo cần phải trải qua một điều gì đó giống như Công đồng Vatican II để có thể đối đầu với chủ nghĩa thế tục và tiến lên theo cách giữ được tính liên tục với bản chất của đức tin.

Đối với tôi tại R20, rõ ràng là các nhà lãnh đạo của Nahdlatul Ulama đã đọc kỹ bài diễn văn tại Regensburg và họ, không giống như hầu hết các phóng viên đã đưa tin về nó, hiểu thông điệp chính, đó là lời cảnh báo về những bệnh lý đáng lo ngại xảy ra khi tôn giáo và lý trí ly hôn, khi đức tin và lý trí bị ngăn cách. Không có việc nhắc đến diễn văn Regensburg, tuy nhiên tôi có ấn tượng mạnh mẽ rằng bài phát biểu đó thực sự được các nhà lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới này đánh giá cao.

OSV: Để kết luận, bà nghĩ những khía cạnh nào trong di sản của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ vượt qua sự phán xét của thời gian một cách tốt nhất? Bà nghĩ mọi người sẽ nhìn lại vị giáo hoàng này như thế nào?

Glendon: Tôi nghĩ rằng ngài sẽ được nhớ đến như một nhà thần học vĩ đại, và điều đó bắt nguồn từ việc ngài tham gia Vatican II. Nhiều người thích câu chuyện về Đức Bênêđictô, nói rằng ngài là một nhà thần học cấp tiến đi trước thời đại của mình, nhưng đã trở nên bảo thủ trong những năm sau đó. Tôi nghĩ điều đó chứng tỏ rằng họ chưa đọc nhiều tác phẩm của Joseph Ratzinger / Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, bởi vì thực tế là chưa từng có một vị giáo hoàng nào nói rõ ràng về sự cần thiết phải chào đón những khía cạnh tích cực của tính hiện đại. Hãy nghĩ về nhiều tài liệu tham khảo của ngài về điều mà ngài gọi là những hồng phúc tốt đẹp của Phong trào Ánh sáng, những thành tựu tốt đẹp của thời hiện đại. Ngài nhấn mạnh đến hợp lực giữa đức tin và lý trí, đến nỗi đức tin không có lý trí dễ trở thành chủ nghĩa cực đoan và lý trí mà không có đức tin dễ dẫn con người vào những chỗ rất tăm tối. Ngài sẽ được nhớ đến vì điều gì với tư cách là giáo hoàng? Ngài sẽ được nhớ đến như một nhân chứng đạo đức vĩ đại. Ngài là người đã cố gắng truyền bá tinh thần đích thực của Công đồng Vatican II. Ngài đã cố gắng duy trì tính liên tục với những chân lý luôn cổ xưa và luôn mới mẻ bằng cách mang thông điệp Tin Mừng đến thế giới hiện đại ở quảng trường công cộng.
 
Cha Raymond J. de Souza: Lịch phụng vụ đã định hình cuộc đời của Đức Bênêđictô như thế nào
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
03:59 04/01/2023
Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ National Catholic Register, ngài có bài viết nhan đề “How the Liturgical Calendar Framed Pope Benedict’s Life”, nghĩa là “Lịch phụng vụ đã định hình cuộc đời của Đức Bênêđictô như thế nào”, trong đó ngài trình bày những suy tư về câu hỏi nhiều người đang đặt ra trên các mạng xã hội: “Cuộc đời Thứ Bảy Tuần Thánh của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kết thúc vào ngày 31 tháng 12 - ngày thế tục và phụng vụ này có thể gợi ý những gì cho chúng ta về sự quan phòng của Chúa?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một cuộc đời được định hình bởi phụng vụ thánh bắt đầu từ một ngày sinh của ngài - ngày 16 tháng 4 năm 1927 - trùng với một ngày phụng vụ quan trọng, là Thứ Bảy Tuần Thánh. Sinh nhật cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI, vào năm 2022, lần thứ 95 của ngài, cũng là một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.

“Tôi luôn tràn ngập lòng biết ơn vì cuộc đời tôi đã được đắm chìm theo cách này trong mầu nhiệm Phục sinh, vì đây chỉ có thể là một dấu hiệu chúc phúc,” Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết trong hồi ký của mình năm 1998, cuốn Milestones, hay Những Chặng Đường,

“Chắc chắn, đó không phải là Chúa Nhật Phục Sinh mà là Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng càng suy nghĩ về nó, tôi càng thấy điều này dường như phù hợp với bản chất của cuộc sống con người chúng ta: Chúng ta vẫn đang chờ đợi Lễ Phục Sinh; chúng ta vẫn chưa đứng trong ánh sáng trọn vẹn, mà đang tiến về phía đó với niềm tin hoàn toàn.”

Cuộc đời Thứ Bảy Tuần Thánh của Đức Hồng Y Ratzinger, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Ngày thế tục và phụng vụ đó có thể gợi ý những gì cho chúng ta về sự quan phòng của Chúa? Tôi thấy có ba khía cạnh gợi lên một cách rõ ràng.

Dies Natalis, hay sinh nhật

Theo truyền thống Công Giáo, ngày mất của một vị thánh — thường cũng được ấn định là ngày lễ kính vị thánh ấy — được gọi là dies natalis, “ngày sinh nhật” để đánh dấu ngày ngài bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, trong đó Đức Bênêđíctô qua đời, đánh dấu sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Đấng làm cho cuộc sống vĩnh cửu là khả thi.

Tam nhật Phục sinh và Tuần Bát Nhật của ngày lễ đó, cùng với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Bát Nhật Giáng Sinh, đánh dấu những cao điểm của năm phụng vụ. Điều đáng nhắc đến là cuộc đời của Đức Bênêđíctô đã bắt đầu và kết thúc trong những ngày phụng vụ cao độ đó.

Trong những năm gần đây, bệnh tật khiến Đức Bênêđíctô XVI không thể cử hành Thánh lễ một mình được nữa, nên ngài đã đồng tế với thư ký của mình là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein. Thánh lễ cuối cùng của ngài diễn ra trong phòng của Đức Bênêđíctô khi ngài không thể đến nhà nguyện được nữa. Thánh Lễ được cho là diễn ra vào ngày thứ năm của Lễ Giáng Sinh. Nếu đúng như thế thì Đức Bênêđíctô đã nghe nói về vị thánh bảo trợ của mình, Thánh Giuse, cùng với Đức Maria, đưa Hài Nhi Giêsu vào Đền Thờ. Sau đó, ông già Simeon nói “Nunc dimittis,” là lời cầu nguyện ban đêm của Giáo hội: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa được ra đi bình an…”

Khi Đức Bênêđíctô dần dần mất khả năng viết, thính giác và thị giác, giọng nói của ngài chỉ còn là tiếng thì thầm yếu ớt, ngài bắt đầu cảm nghiệm sâu sắc hơn những gì ngài đã dạy bảo từ lâu, đó là phụng vụ cho phép con người thưa chuyện với Thiên Chúa theo cách mà nếu không có Phụng Vụ thì con người không có khả năng thực hiện.

Giao Thừa

Đức Bênêđíctô qua đời khi năm cũ sắp qua đi, một ngày của những ngày sắp kết thúc để hướng về ngưỡng cửa của tương lai, khi năm mới sắp đến. Giao thừa là ngày ngưỡng cửa, ngày mong chờ, ngày người ta đếm ngược trong nỗi chờ mong bước sang năm mới.

Trong sản phẩm thần học đồ sộ ngoài sức tưởng tượng của ngài, tác phẩm của Đức Bênêđíctô về đức tin và phụng vụ có xu hướng thu hút nhiều sự chú ý nhất, nhưng một sự đồng thuận rộng rãi là một trong những tác phẩm thần học vĩ đại nhất và đặc biệt nhất của ngài là cuốn sách thần học, Eschatology, hay Cánh Chung Luận, một nhánh thần học bàn về cái chết, sự phán xét, thiên đường và địa ngục — bốn “điều cuối cùng”. “Những điều cuối cùng” của thế giới này thực sự không phải là những điều cuối cùng, mà là những điều trường tồn nhìn xuyên qua mầu nhiệm của cái chết đến tương lai mở ra trước mắt linh hồn. Cái chết giống như một đêm giao thừa, một kết thúc nhưng thực sự lại là một khởi đầu.

Thánh Sylvestrô, Đức tin và lý trí

Ngày cuối cùng của năm là die natalis của Thánh Giáo Hoàng Sylvestrô, vị giáo hoàng đầu tiên trị vì Giáo hội hoàn toàn tự do dưới thời Đại Đế Constantinô. Sau Sắc lệnh Milan năm 313, Đức Sylvestrô trị vì từ năm 314 đến năm 335 khi Đế chế Rôma chuyển sang Kitô giáo. Ưu tiên đầu tiên trong sứ vụ của ngài, có thể nói là tìm ra giáo lý đúng đắn về Chúa Giêsu Kitô.

Điểm nổi bật trong triều đại của Thánh Giáo Hoàng Sylvestrô là Công đồng Nicê năm 325, nơi đức tin tông truyền của Giáo hội được thể hiện bằng ngôn ngữ của triết học Hy Lạp - Chúa Con “đồng bản thể” với Chúa Cha. Từ ngữ không có trong Kinh thánh đó - homoousion trong tiếng Hy Lạp - là điều cần thiết cho sự diễn đạt đức tin chính thống. Đức tin đã dùng ngôn ngữ của lý trí để diễn tả nội dung mạc khải.

Đức Bênêđíctô đã bị thuyết phục về “sự hợp lý của niềm tin vào Thiên Chúa,” mà ngài đã cống hiến cả cuộc đời học thuật lâu dài của mình. Đức tin cần lý trí, và lý trí cần niềm tin - một mệnh đề được ngài trình bày rõ ràng nhất trong Diễn từ tại Đại Học Regensburg năm 2006. Thật vậy, Đức Bênêđíctô nổi lên như một người đấu tranh cho khả năng hiểu biết sự thật của lý trí con người vượt xa hơn nhiều nhà phê bình thế tục chống lại ngài, những người đã bị nhốt kín trong cái bẫy của “chế độ độc tài của thuyết tương đối”.

Khi xác nhận các hành động của Công Đồng Nicê, Đức Sylvestrô đã thực hiện sứ mệnh tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô vào Chúa Giêsu Kitô, sử dụng ngôn ngữ triết học để thực hiện điều đó. Công thức của Nicê đã trở thành một văn bản phụng vụ - “đồng bản thể” trở thành một phần của việc thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật - khiến cho sự tổng hợp của Đức Sylvestrô về đức tin, lý trí và phụng vụ trở thành một die natalis phù hợp cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI.
Source:National Catholic Register
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: đồng hành thiêng liêng
Vũ Văn An
14:36 04/01/2023


Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Hội trường Phaolô VI, Thứ tư, ngày 4 tháng 1 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc loạt bài giáo lý nói về biện phân, nhấn mạnh tới việc đồng hành thiêng liêng. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trước khi bắt đầu bài giáo lý này, tôi muốn chúng ta cùng tham gia với những người gần chúng ta đang bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđictô XVI và hướng tâm trí của tôi đến ngài, một vị thầy dạy giáo lý vĩ đại. Suy nghĩ nhạy bén và có học thức của ngài không phải là tự hướng vào mình, mà là có tính giáo hội, bởi vì ngài luôn muốn đồng hành với chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh Phục Sinh, Đấng Hằng Sống và là Chúa, là mục tiêu mà Đức Bênêđictô XVI đã dẫn dắt chúng ta, nắm tay chúng ta. Xin giúp chúng con tái khám phá nơi Chúa Kitô niềm tin vui và niềm hy vọng sống.

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc chu trình dành riêng cho chủ đề biện phân, và chúng ta làm như vậy bằng cách hoàn tất bài giảng về những phương tiện hỗ trợ có thể và phải hỗ trợ nó: hỗ trợ tiến trình biện phân. Một trong số đó là việc đồng hành thiêng liêng, điều quan trọng trước hết và trên hết là để hiểu biết về chính mình, điều mà chúng ta đã thấy là điều kiện không thể thiếu để biện phân. Nhìn vào gương một mình không phải lúc nào cũng hữu ích, bởi vì người ta có thể thay đổi hình ảnh. Thay vào đó, hãy nhìn vào gương với sự giúp đỡ của người khác, điều này sẽ giúp ích rất nhiều vì người kia nói cho anh chị em biết sự thật - khi họ trung thực - và do đó sẽ giúp ích cho anh chị em.

Ân sủng của Thiên Chúa trong chúng ta luôn hoạt động dựa trên bản chất của chúng ta. Nghĩ đến một dụ ngôn Tin Mừng, chúng ta có thể so sánh ân sủng với hạt giống tốt và bản chất với đất (x. Mc 4:3-9). Trước hết, điều quan trọng là phải làm cho chính mình được biết đến mà không sợ chia sẻ những khía cạnh mỏng dòn mong manh nhất, nơi chúng ta thấy mình nhạy cảm hơn, yếu đuối hơn hoặc sợ bị phán xét. Làm cho bản thân được biết đến, bày tỏ bản thân với một người đồng hành với chúng ta trên hành trình của cuộc sống. Không phải họ quyết định cho chúng ta, không: nhưng họ đồng hành với chúng ta. Bởi vì trên thực tế, sự mỏng dòn là của cải thực sự của chúng ta: tất cả chúng ta đều giàu có trong sự mỏng dòn; sự giàu có đích thực, mà chúng ta phải học cách tôn trọng và chào đón, bởi vì, khi nó được dâng lên Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót và yêu thương. Khốn cho những người không cảm thấy sự mỏng dòn: họ hà khắc, độc tài. Thay vào đó, những người biết khiêm tốn thừa nhận điểm yếu của mình sẽ thấu hiểu người khác hơn. Sự mỏng dòn - tôi có thể nói - làm nên con người chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà cơn cám dỗ đầu tiên trong ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc - cơn cám dỗ liên quan đến cái đói - cố gắng cướp đi sự mỏng dòn của chúng ta, cho chúng ta thấy nó như một sự dữ cần phải loại bỏ, một trở ngại để trở nên giống Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là kho tàng quý giá nhất của chúng ta: thực ra, để làm cho chúng ta nên giống Người, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ trọn vẹn sự mỏng dòn của chúng ta. Anh chị em hãy nhìn lên Tượng Chịu Nạn: Thiên Chúa đã xuống thế thật mỏng dòn. Anh chị em hãy nhìn Cảnh Giáng Sinh, nơi Người đến trong sự mỏng dòn vĩ đại của con người. Người chia sẻ sự mỏng dòn mong manh của chúng ta.

Và việc đồng hành thiêng liêng, nếu biết ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp vạch trần những hiểu lầm thậm chí nghiêm trọng trong việc chúng ta xét mình và trong mối tương quan của chúng ta với Chúa. Tin Mừng trình bày nhiều thí dụ khác nhau về những cuộc trò chuyện làm sáng tỏ và giải phóng do Chúa Giêsu thực hiện. Chẳng hạn, anh chị em hãy nghĩ đến những cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samaria, mà chúng ta đọc đi đọc lại, và luôn luôn có sự khôn ngoan và dịu dàng của Chúa Giêsu; anh chị em hãy nghĩ đến cuộc trò chuyện với Giakêu, anh chị em hãy nghĩ đến người phụ nữ tội lỗi, anh chị em hãy nghĩ đến Nicôđêmô và các môn đệ Emmau: cách Chúa đến gần họ. Những người thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu thì không sợ mở lòng với Người, trình bày sự yếu đuối, sự kém cỏi, sự mỏng dòn mong manh của mình. Bằng cách này, việc chia sẻ chính mình của họ trở thành một kinh nghiệm về ơn cứu độ, về sự tha thứ được chấp nhận nhưng không.

Thuật lại trước mặt người khác những gì chúng ta đã sống hoặc những gì chúng ta đang tìm kiếm giúp làm sáng tỏ bản thân, làm sáng tỏ nhiều suy nghĩ đang ẩn tàng trong chúng ta và thường làm phiền chúng ta bằng những kiềm chế dai dẳng của chúng. Đã bao nhiêu lần, trong những thời khắc đen tối, những suy nghĩ đến với chúng ta như thế này: "Tôi đã làm sai mọi thứ, tôi vô dụng, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không bao giờ làm được, tôi cam chịu thất bại", biết bao lần chúng ta đã nghĩ đến những điều này. Những suy nghĩ sai lầm và độc hại, so sánh với những suy nghĩ khác giúp chúng ta lột mặt nạ, để chúng ta cảm thấy được Chúa yêu thương và quý trọng vì những điều chúng ta thực sự là, có khả năng làm những điều tốt đẹp cho Người. Chúng ta ngạc nhiên khám phá ra những cách nhìn sự vật khác nhau, những dấu hiệu tốt luôn hiện diện trong chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể chia sẻ những yếu đuối của mình với nhau, với người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, trong đời sống thiêng liêng, bất kể là bậc thầy của đời sống thiêng liêng, bất kể là giáo dân, linh mục và nói: “Hãy xem điều gì xảy ra cho tôi: Tôi là một kẻ khốn nạn, những điều này đang xảy ra với tôi. Và người đồng hành trả lời: "Vâng, tất cả chúng ta đều có những điều này", việc này giúp chúng ta làm sáng tỏ chúng và xem gốc rễ từ đâu và từ đó vượt qua chúng.

Người đồng hành nam nữ không thay thế Chúa, không làm công việc thay cho người được đồng hành, nhưng đi bên cạnh họ, khuyến khích họ giải thích những gì đánh động trong lòng họ, vốn là nơi chủ yếu để Chúa nói với chúng ta. Người hướng dẫn tâm linh, người mà chúng ta gọi là vị linh hướng – tôi không thích thuật ngữ này, tôi thích người hướng dẫn tâm linh hơn, tốt hơn – là người nói với anh chị em: "Được rồi, nhưng nhìn đây, nhìn đây", thu hút sự chú ý của anh chị em vào những điều anh chị em có thể không lưu ý; họ giúp anh chị em hiểu rõ hơn về những dấu chỉ thời đại, tiếng nói của Chúa, tiếng nói của tên cám dỗ, tiếng nói của những khó khăn mà anh chị em không thể vượt qua. Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là không hành trình một mình. Có một câu nói về sự khôn ngoan của người Châu Phi – bởi vì họ có nền huyền nhiệm bộ lạc – rằng: “Nếu bạn muốn đến đó nhanh chóng, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đến nơi an toàn, hãy đi cùng những người khác”, đi cùng, đi cùng người của anh chị em. Nó quan trọng. Trong đời sống tinh thần, tốt hơn hết là được đồng hành bởi một người biết về chúng ta và giúp đỡ chúng ta. Và đây là sự đồng hành thiêng liêng.

Việc đồng hành này có thể sinh hoa trái nếu cả hai bên đều cảm nghiệm được tình nghĩa con cái và tình họ hàng thiêng liêng. Chúng ta khám phá mình là con Thiên Chúa lúc chúng ta khám phá mình là anh em, con của cùng một Cha. Đó là lý do tại sao, điều chủ yếu là phải trở thành một phần của cộng đồng hành trình. Chúng ta không đơn độc, chúng ta là người của một dân tộc, của một quốc gia, của một thành phố đang di chuyển, của một Giáo hội, của một giáo xứ, của nhóm này… một cộng đồng đang di chuyển. Người ta không đến với Chúa một mình: điều này không tốt. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Như trong trình thuật Tin Mừng về người bại liệt, chúng ta thường được nâng đỡ và chữa lành nhờ đức tin của người khác (xem Mc 2:1-5), họ giúp chúng ta tiến bước, bởi vì tất cả chúng ta đôi khi đều bị tê liệt nội tâm và chúng ta cần ai đó giúp đỡ để vượt qua xung đột đó, với sự giúp đỡ. Người ta không đến với Chúa một mình, chúng ta hãy nhớ kỹ điều này; những lúc khác, chúng ta là những người thực hiện cam kết này vì lợi ích của một anh chị em khác, và chúng ta là những người bạn đồng hành để giúp đỡ người đó. Nếu không có cảm nghiệm tình con cái và tình họ hàng, việc đồng hành có thể làm phát sinh những kỳ vọng không thực tế, những hiểu lầm, những hình thức phụ thuộc khiến con người rơi vào tình trạng con nít. Đồng hành, nhưng với tư cách là con cái Chúa và là anh chị em giữa chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria là thầy dạy biện phân: Mẹ nói ít, nghe nhiều và ghi nhớ trong lòng (x. Lc 2:19). Ba thái độ của Đức Mẹ: nói ít, nghe nhiều và giữ trong lòng. Và một vài lần ngài nói, ngài để lại dấu ấn. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Gioan, có một câu rất ngắn do Đức Maria nói, là mệnh lệnh cho các Kitô hữu mọi thời: “Người bảo gì, anh em cứ làm” (x. 2:5). Thật lạ lùng: có lần tôi nghe nói về một bà già rất tốt, rất ngoan đạo, bà không học thần học, bà rất đơn sơ. Và bà ấy nói với tôi: “Cha có biết cử chỉ mà Đức Mẹ luôn làm là gì không?”. Tôi không biết: Ngài âu yếm bà, ngài gọi bà... "Không: cử chỉ mà Đức Mẹ làm là thế này" [bà ấy lấy tay chỉ chỉ]. Tôi không hiểu, nên tôi hỏi: "Điều ấy có nghĩa gì?". Và bà lão trả lời: "Ngài luôn hướng về Chúa Giêsu". Điều đó thật đẹp: Đức Mẹ không lấy gì cho mình, ngài chỉ về hướng Chúa Giêsu. Hãy làm những gì Chúa Giêsu nói với anh chị em: Đức Mẹ là như vậy. Đức Maria biết rằng Chúa nói với trái tim của mọi người, và yêu cầu lời nói này được chuyển thành hành động và lựa chọn. Mẹ biết cách làm điều đó hơn bất cứ ai khác, và thực sự Mẹ hiện diện trong những giây phút căn bản của cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt là trong giờ cao điểm của cái chết trên thập giá.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy kết thúc loạt bài giáo lý về biện phân này: biện phân là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể học được và có những quy tắc riêng. Nếu được học tốt, nó giúp anh chị em sống trải nghiệm tâm linh một cách đẹp đẽ và có trật tự hơn bao giờ hết. Trên hết, sự biện phân là một hồng ân từ Thiên Chúa, một hồng ân phải luôn luôn được yêu cầu, mà không bao giờ cho rằng chúng ta là chuyên gia và tự túc tự cường. Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết biện phân trong những giây phút của đời sống con phải làm gì, con phải hiểu điều gì. Xin ban cho con ơn biết biện phân, và ban cho con người giúp con biết biện phân.

Tiếng nói của Chúa luôn có thể được nhận ra, nó có một phong cách độc đáo, đó là tiếng nói xoa dịu, khuyến khích và trấn an trong các khó khăn. Tin Mừng liên tục nhắc nhở chúng ta điều này: “Đừng sợ” (Lc 1:30), lời thiên thần nói với Đức Maria sau khi Chúa Giêsu sống lại mới đẹp làm sao; “đừng sợ”, “đừng sợ”, chính là phong cách của Chúa: “đừng sợ”. “Đừng sợ!”, hôm nay Chúa cũng lặp lại với chúng ta; “Đừng sợ”: nếu chúng ta tin vào lời Người, chúng ta sẽ diễn tốt trò chơi cuộc đời, và chúng ta sẽ có thể giúp đỡ người khác. Như Thánh Vịnh đã nói, Lời của Người là ngọn đèn cho các bước chân của chúng ta và là ánh sáng trên con đường của chúng ta (xem 119:105).
 
Kỷ niệm của một vệ binh Thụy sĩ về cuộc gặp gỡ Đức Hồng Y Ratzinger một ngày trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng
Vũ Văn An
16:45 04/01/2023

“Cantucci và Vin Santo với Giáo hoàng tương lai” đó là tựa đề bài kỷ niệm của M. Enzler, Người sáng lập Dự án Borromeo Inc. và là Tác giả cuốn “Tôi đã phục vụ một vị thánh” (https://borromeoproject.org/cantucci-and-vin-santo-with-the-future-pope):



Đọc một câu chuyện trên tờ Tin tức Vatican về Đức Bênêđictô XVI và tình yêu của ngài đối với Châu Phi, tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh kèm theo của Đức Bênêđictô XVI với người bạn của ngài là Đức Hồng Y Bernardin Gantin, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám mục và nguyên Niên trưởng Hồng Y đoàn. Rất được người bạn thân của tôi là Đức Hồng Y Gantin yêu quý, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô là một giáo sư khôn ngoan, một người khiêm tốn và trung thực, ngài là một vị giáo hoàng vĩ đại và là người rất thích hợp theo chân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thừa tác vụ Phêrô.

Khi thời gian tôi làm vệ binh Thụy Sĩ bắt đầu, Đức Hồng Y Ratzinger “duy nhất” là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Tuy nhiên, ngay cả trước đây, mọi người ở Vatican đều biết Đức Hồng Y Ratzinger và đã có những cuộc gặp gỡ của riêng họ với con người rất nhỏ nhẹ, dịu dàng và hơi e lệ này. Ngài là người có thói quen, băng qua quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô mỗi ngày bốn lần khi ngài đi lại từ căn hộ của ngài ở Borgo, không bao giờ từ chối một lời dịu dàng dành cho khách hành hương.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi với Đức Hồng Y Ratzinger là một ngày trước khi mật nghị bầu chọn ngài bắt đầu. Tang lễ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được tổ chức vài ngày trước đó. Tôi đang ở Vatican ăn trưa với Đức Hồng Y Gantin, người đang ở trong thành phố để dự tang lễ. Đức Hồng Y Gantin, người đã trở thành bạn thân của tôi trong những năm tôi làm vệ binh Thụy Sĩ, đã không vào Nhà nguyện Sistine trong mật nghị năm 2005 vì tuổi tác.

Đức Hồng Y Ratzinger và Đức Hồng Y Gantin được phong làm Hồng Y trong cùng một công nghị, vào ngày 27 tháng 6 năm 1977. Đó là công nghị cuối cùng của Đức Phaolô VI. Đức Hồng Y Gantin có lần nói với tôi: “Đối với tôi, thật vinh dự khi được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vĩ đại phong làm Hồng Y cùng với những vĩ nhân như Giovani Benelli, Joseph Ratzinger, Mario Luigi Ciappi và Frantisek Tomasek".

Trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, Đức Hồng Y Gantin nói, “Tên ngài là Benedict, nhưng đối với tôi, ngài cũng là Bene-dato (có năng khiếu tốt) cho Giáo hội của Chúa Giêsu. Ngài là người có văn hóa cao. Nhưng trên hết, ngài là một người có đức tin và lòng mộ đạo cao cả; ngài là một người cầu nguyện. Đức Hồng Y tiên đoán rằng triều đại của Đức Bênêđictô XVI “sẽ là một triều đại giáo hoàng đúng mực, đơn giản, trực tiếp, tập trung vào điều cốt yếu”. Những lời tiên tri này đã giúp xác nhận nơi tôi sự vĩ đại của vị Hồng Y khiêm tốn từ Bộ Giáo lý Đức tin.

Thế là tôi ngồi đó, với Đức Hồng Y Gantin, trong phòng ăn của Preseminario ở Palazzo San Carlo. Tôi đang cho ngài xem một số bức ảnh gia đình thì có tiếng gõ cửa và Đức Hồng Y Ratzinger bước vào. Thấy chúng tôi đang ăn trưa, ngay lập tức ngài xin lỗi và nói rằng ngài sẽ quay lại sau để nói chuyện với Đức Hồng Y Gantin. Vì chúng tôi vừa mới dùng bữa xong, nên ngài mời Đức Hồng Y Ratzinger cùng tham gia với chúng tôi, và ngài đã đồng ý.

Ngài ngồi xuống và chúng tôi trao đổi vài lời trong khi ăn chiếc bánh quy “cantuccio” được Đức Hồng Y Ratzinger nhúng vào rượu vin santo [rượu lễ] của tôi. Trong khoảnh khắc thân mật đó, tôi đã tự giới thiệu bản thân và chúng tôi đã hồi tưởng lại hai cuộc trò chuyện mà chúng tôi đã chia sẻ trong thời gian tôi phục vụ tại Vatican, một về quy trình sản xuất bia độc đáo của vùng Bavaria và một về Bản hòa tấu piano số 21 của Mozart.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, chúng tôi bắt đầu nói về những phẩm chất và đức tính mà vị giáo hoàng tiếp theo cần phải có; Đức Hồng Y Gantin nói rằng, theo ngài, tân giáo hoàng phải có kỷ luật chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự tỏ lộ của Người, sự ấm áp vì ân sủng của Thiên Chúa là nguồn vui đích thực, và lòng quảng đại hiến mình một cách tự do và nhiệt tình cho Chúa Kitô và không bao giờ cân đo các nỗ lực. Đức Hồng Y Ratzinger đồng ý và nói thêm rằng tân giáo hoàng phải yêu mến Sự Thật bằng mọi giá, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đau khổ!

Khi Đức Hồng Y Ratzinger rời khỏi phòng, tôi lập tức hỏi Đức Hồng Y Gantin rằng liệu có phải tôi vừa nói chuyện với vị Giáo Hoàng tương lai không. Với một nụ cười tươi, ngài cười và chỉ lắc đầu nói, "À...Mario!" Ngài không thể nói đồng ý, bởi vì chính Chúa Thánh Thần lựa chọn, nhưng đó gần như là đồng ý!

Tôi biết Đức Hồng Y Gantin và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ tham dự hiệp thông các Thánh vào một ngày nào đó. Điều các vị dạy tôi là, khi chúng ta đối đầu với sự thất vọng, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có sức mạnh để chiến thắng tội lỗi vì chúng ta là những người nam nữ can đảm.

Và như Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI đã từng nói với tôi, chúng ta can đảm vì chúng ta có ân sủng của Chúa Kitô bên trong chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có khả năng bẩm sinh để chiến thắng, nhưng chúng ta phải đổi mới cuộc đấu tranh của mình với sự giúp đỡ của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
 
Hoài niệm của Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput về Đức Bênêđictô XVI
Vũ Văn An
17:29 04/01/2023

Viết trên First Things, Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput nói rằng:



Những người khác đã viết rất hay về di sản của Joseph Ratzinger và nhiệm kỳ của ngài trong tư cách Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Đối với tôi, hai chữ đi đôi với nhau này sẽ luôn nắm bắt được bản chất của con người: niềm tin và lý trí, hiện thực và hy vọng. Ngài hiểu rằng nếu không có kỷ luật của đức tin, lý trí sẽ biến thành một công cụ quyền lực; và nếu không có kỷ luật của lý trí, đức tin trở thành một tập hợp của những tâm tình đạo đức trống rỗng. Ngài cũng hiểu rằng lạc quan là một tâm trạng, không phải là một nhân đức. Lạc quan không phải là hy vọng. Các Kitô hữu cần một chủ nghĩa hiện thực lành mạnh và thường khó khăn về thế giới và bản chất con người, nhưng cũng cần một niềm tin tưởng tối hậu vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Đó là những suy nghĩ của tôi. Cảm xúc của tôi rối bời hơn, xen lẫn giữa đau buồn và e ngại. Tôi sẽ rất nhớ ảnh hưởng của Đức Bênêđictô trong Giáo hội, ảnh hưởng vẫn còn tồn tại ngay cả khi ngài nghỉ hưu. Sự hiện diện lặng lẽ của ngài đã cho tôi niềm tin rằng lời dạy của ngài vẫn còn sống trong thời kỳ hỗn loạn của chúng tôi. Sẽ dễ dàng hơn cho một số người phủ nhận hoặc phớt lờ những lời dạy đó khi Đức Bênêđictô đã ra đi. Vì vậy, tôi tiếc nuối niềm an ủi vì có sự hiện diện sống động của ngài trong Giáo hội.

Lần đầu tiên đích thân gặp ngài, tôi còn là một giám mục trẻ của Giáo phận Rapid City. Tôi đã tham gia tích cực vào các cuộc tranh luận của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ về các bản dịch phụng vụ. Tôi lo ngại rằng những bản dịch kém từ tiếng Latinh không những chỉ là những bản dịch kém mà còn là những nỗ lực gạt bỏ một số giáo lý khó hiểu của Giáo hội—chẳng hạn như sự đồng trinh vĩnh viễn của Đức Maria, với việc Thánh Giuse được gọi đơn giản là người phối ngẫu của ngài hơn là “chồng của trinh nữ”. Tôi đang ở Rôma để họp và xin được gặp Đức Hồng Y Ratzinger tại Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tôi nhớ mình đã rất lo lắng khi đến nơi, nhưng ngài đã chào đón tôi với sự ấm áp và khiêm nhường, đồng thời cho tôi những lời khuyên bổ ích và sự khích lệ hết lòng để tôi hiểu rằng tất cả các giám mục đều là thầy dạy đức tin như nhau, chứ không chỉ các giám mục từ các giáo phận lớn. Ngài cũng đề nghị cung cấp sự hỗ trợ nhân viên của ngài để giải quyết các vấn đề khác nhau phát sinh vào thời điểm đó.

Nhiều năm sau, trong tư cách tổng giám mục, tôi đến Milan để nghe thông báo việc Philadelphia sẽ là địa điểm tiếp theo cho Đại hội Gia đình Thế giới. Tôi có đặc ân ngồi chung bàn với Đức Bênêđictô và một gia đình quân nhân đến từ Hoa Kỳ. Ngài rất duyên dáng. Ngài nói chuyện với mọi người và rất tử tế với các trẻ em. Tôi nghe nói ngài thích soda Fanta màu cam và thấy quả đúng như thế- một bình lớn chứa nó ở trên bàn. Giống như chia sẻ bữa ăn với một thành viên trong gia đình mình. Dù e lệ nhưng Đức Giáo Hoàng luôn rất tốt bụng và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để khiến người khác được thoải mái.

Tôi cũng nhớ đến chuyến viếng thăm ad limina của tôi trong tư cách tổng giám mục dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô. Tôi đã gặp ngài cùng với bốn Giám Mục Phụ Tá của Philadelphia. Tôi đã yêu cầu các vị phụ tá chia sẻ nhiệm vụ trình bày tài liệu của chúng tôi, vì vậy mỗi người chúng tôi đã trình bày một phần báo cáo miệng. Đức Bênêđictô chăm chú lắng nghe cả năm người chúng tôi. Ngài không nói gì và không ghi chép gì. Sau khi tôi hoàn thành phần cuối cùng của báo cáo, Đức Giáo Hoàng đã trả lời bằng cách đưa ra một bản tóm tắt xuất sắc về từng phần trong số năm phần với lời bình luận và gợi ý của riêng ngài — tất cả đều từ trí nhớ, và mọi yếu tố trong câu trả lời của ngài đều sắc sảo và đúng mục tiêu mục vụ. Đó là một kinh nghiệm đáng kinh ngạc. Đức Bênêđictô đơn giản là người thông minh nhất mà tôi từng gặp—không chỉ trong sự hiểu biết mà còn trong cách diễn đạt của ngài, và rõ ràng là một ứng viên một ngày nào đó trở thành Tiến sĩ Hội thánh.

Tôi cũng nhớ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô bổ nhiệm tôi làm một trong những “khách viếng thăm” Legion of Christ [đạo binh Chúa Kitô] sau khi vụ lạm dụng của người sáng lập nó bị công khai. Sáu giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã được trao nhiệm vụ này, và khi kết thúc quá trình, chúng tôi đã tập hợp lại để gặp Đức Bênêđictô nhằm tóm tắt các báo cáo của chúng tôi và trả lời các câu hỏi. Ngài rất coi trọng các báo cáo của chúng tôi và sau đó tìm kiếm lời khuyên của chúng tôi về những gì nên làm đối với tương lai của Đạo Binh. Ngài đã không quyết định trước và hoàn toàn thân thiện trong cách tiếp cận của ngài. Việc ngài xử lý tình huống tồi tệ và đau đớn này đã minh họa cho mục vụ hợp tác giữa một giáo hoàng và các giám mục để phục vụ chân lý và phục vụ Giáo hội và các thành viên của Giáo hội.

Tiếng nói và chứng tá của Joseph Ratzinger sẽ rất được tiếc nhớ trong đời sống của Giáo hội—có lẽ đặc biệt vì phẩm chất hiện tại của đời sống trí thức của Giáo hội. Nhưng nếu ngài ở đây, ngài có thể nhắc chúng ta nhớ lại những lời ngài đã viết cách đây hơn nửa thế kỷ, những lời vẫn còn đúng ngày nay: “Đức tin trước hết không phải là một tòa nhà khổng lồ gồm nhiều sự kiện siêu nhiên... mà là sự thuận ý với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng và niềm tín thác”. Trong cốt lõi, “đức tin không phải là một hệ thống kiến thức, mà là sự tín thác”. Và Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người.
 
Một trình thuật về triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô được niêm phong trong quan tài của ngài
Đặng Tự Do
18:54 04/01/2023


Một tài liệu bằng văn bản về triều đại làm nên lịch sử của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ được đặt cạnh thi hài của ngài bên trong quan tài để mai táng, Vatican cho biết như trên, đồng thời tiết lộ kế hoạch tang lễ đầu tiên của một vị giáo hoàng từ nhiệm trong sáu thế kỉ qua.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người đã đến Đền Thờ Thánh Phêrô để kính viếng thi hài của ngài trong tình trạng nguyên vẹn.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni, cho biết khi các buổi kính viếng vào tối thứ Tư, một bản tường thuật dài một trang về triều đại giáo hoàng gần 8 năm của Đức Bênêđictô XVI sẽ được đặt trong một ống trụ kim loại và đặt bên trong quan tài, cùng với các vật phẩm khác bao gồm các đồng xu của Vatican được đúc trong thời kỳ trị vì của ngài.

Đức Bênêđictô, 95 tuổi, qua đời hôm thứ Bảy sau 10 năm nghỉ hưu bất thường, sống trong một tu viện ở Vườn Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ an táng tại Quảng trường Thánh Phêrô vào hôm thứ Năm.

Mặc dù Vatican đã nhấn mạnh rằng Đức Bênêđictô muốn “sự đơn giản” để đặc trưng cho tang lễ của mình, Bruni cho biết nghi thức phụng vụ sẽ “rất chi tiết giống như nghi thức của Đức Giáo Hoàng với một số yếu tố nguyên bản.”

Sau khi các buổi kính viếng công khai kết thúc lúc 7 giờ tối ngày vào thứ Tư, “quan tài đã được đóng lại, theo một nghi thức đặc biệt,” Bruni nói. Thi hài của Đức Bênêđictô sẽ được đặt trong một chiếc quan tài đẽo từ cây bách, sau đó được đưa vào một chiếc quan tài bằng kẽm và sẽ được niêm phong trong một chiếc quan tài bằng gỗ thứ hai.

Quan tài của ngài sẽ được đưa ra khỏi Đền Thờ Thánh Phêrô và đặt ở sân quảng trường khoảng 40 phút trước tang lễ, khi đám đông tụ tập để dự buổi lần chuỗi Mân Côi cho Đức Bênêđictô, là vị giáo hoàng đã cai quản Hội Thánh từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 2 năm 2013.

An ninh Vatican ước tính khoảng 65.000 người đã xếp hàng kính viếng trong ngày thứ Hai, 70.000 người vào ngày thứ Ba, và 100.000 người vào ngày thứ Tư cũng là ngày cuối cùng. Hai vị Hồng Y cao cấp của Hoa Kỳ, là Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và Đức Hồng Y Sean Patrick O'Malley của Boston, đã tham dự Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô tại một bàn thờ ngay phía sau khu vực kính viếng vào hôm thứ hai.

Thư ký của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho biết trong số các giáo sĩ nổi tiếng đến dự tang lễ sẽ có Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng. Đức Hồng Y Quân, một giám mục 90 tuổi đã nghỉ hưu, đã bất đồng sâu sắc với Đức Phanxicô về thỏa thuận của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Đức Hồng Y Quân cho rằng thỏa thuận này phản bội những người Công Giáo thân Vatican ở Trung Quốc và các giáo sĩ đã bị đàn áp ở đó.

Được Đức Bênêđictô nâng lên hàng Hồng Y, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã bị bắt vào năm ngoái vì nghi ngờ thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù không bị buộc tội về các cáo buộc liên quan đến an ninh, nhưng ngài đã bị phạt vào tháng 11 sau khi bị kết tội không ghi danh một quỹ hiện không còn tồn tại để tìm cách giúp đỡ những người bị bắt trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán là một trong số những người có mặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô khi những cánh cửa mở ra trước bình minh. Giống như Đức Bênêđíctô, Thủ tướng Orbán đã vận động Âu Châu quay lại cội nguồn Kitô giáo của lục địa này.

Những người khác tỏ lòng kính trọng bao gồm Miriam Groppelli, một người giúp lễ trong giáo xứ của cô ở Milan, người thậm chí còn chưa được sinh ra khi Đức Bênêđictô làm giáo hoàng. Cô bé 6 tuổi đã đi tàu hỏa cùng với cha mình, Giuseppe Groppelli, 40 tuổi, cùng với ông bà và anh chị em của cô.

“Tôi đã kể cho cháu nghe câu chuyện của Đức Bênêđíctô, và cháu thực sự rất vui mừng được đến Rôma để nói lời tạm biệt,” người cha nói. “Đức Bênêđíctô rất quan trọng đối với Giáo hội, những bài phát biểu của ngài rất rõ ràng và hay. Ngài để lại một di sản tri thức vĩ đại.”

Đức Bênêđíctô, nguyên là Hồng Y Joseph Ratzinger của Đức, đã phục vụ trong nhiều thập kỷ tại Vatican với tư cách là người bảo vệ tính chính thống về giáo lý của Giáo Hội, được biết đến với kiến thức thần học cũng như những bài phát biểu hùng hồn.

Vì Đức Bênêđictô XVI không còn là người đứng đầu Quốc gia Thành phố Vatican, trái ngược với nghi thức tang lễ của các giáo hoàng qua đời khi vẫn đang trị vì, nên chỉ có hai quốc gia - Ý và Đức, quê hương của ngài - cử phái đoàn chính thức.

Nhưng các chính trị gia và hoàng gia, đặc biệt là các quốc gia chủ yếu theo Công Giáo, sẽ tham dự với tư cách cá nhân.

Không cần phải bầu giáo hoàng mới, các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến dự tang lễ của Đức Bênêđictô sẽ không phải ở lại Rôma để họp mật nghị chọn ra người lãnh đạo Giáo hội tiếp theo. Tuy nhiên, Đức Phanxicô sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi với những “hoàng tử của Giáo hội,” những người đóng vai trò là cố vấn của ngài.
Source:AP
 
Đức Hồng Y Quân nói Đức Bênêđictô XVI sẽ là ‘người chuyển cầu quyền năng trên thiên đàng’ cho Trung Quốc
Đặng Tự Do
18:55 04/01/2023


Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói ngài tin rằng Đức cố Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI sẽ là “người chuyển cầu đầy quyền năng trên thiên đàng” cho Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc.

Trong một bài phản ánh được đăng trên blog của mình vào ngày 3 tháng Giêng, Đức Hồng Y Quân nhớ đến Đức Bênêđíctô XVI như một “người bảo vệ sự thật vĩ đại”, người đã có những hành động “phi thường” để hỗ trợ Giáo hội ở Trung Quốc, bất chấp một số thất bại.

“Là một thành viên của Giáo hội Trung Quốc, tôi vô cùng biết ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô vì những điều ngài đã làm cho Giáo Hội Trung Quốc mà ngài không làm cho các Giáo hội khác,” Đức Hồng Y Quân viết.

Đức Hồng Y Hương Cảng đặc biệt nhắc lại Bức thư gửi anh chị em tín hữu Trung Quốc năm 2007 của Đức Bênêđictô XVI, mà Đức Hồng Y Quân gọi là “một kiệt tác về sự cân bằng giữa tính sáng suốt của học thuyết giáo hội học Công Giáo và sự hiểu biết khiêm tốn đối với chính quyền dân sự.”

Đức Hồng Y Quân cũng chỉ trích “những sai sót” trong bản dịch tiếng Hoa bức thư của Đức Bênêđíctô, mà ngài nói rằng ngài tin rằng có “những trích dẫn thiên vị chống lại ý nghĩa rõ ràng của bức thư”.

Đức Hồng Y nói thêm: “Một điều phi thường khác mà ngài đã làm cho Giáo hội ở Trung Quốc là thành lập một ủy ban đầy quyền lực để chăm sóc các công việc của Giáo hội ở Trung Quốc; thật không may, dưới thời chủ tịch mới của ủy ban nói trên, nó đã bị biến mất một cách lặng lẽ mà không hề có một lời từ biệt kính trọng”.
Source:Catholic News Agency
 
Hương Cảng cho phép Đức Hồng Y Quân dự tang lễ của Đức Bênêđictô
Đặng Tự Do
18:55 04/01/2023


Đức Hồng Y Công Giáo Rôma thẳng thắn Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã được phép rời thành phố phía nam Trung Quốc để tỏ lòng kính trọng với Đức cố Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI tại Thành phố Vatican, thư ký của Đức Bênêđíctô cho biết hôm thứ Ba.

Đức Hồng Y Quân, một giám mục đã nghỉ hưu 90 tuổi, sẽ tham dự Thánh lễ an táng do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế tại Quảng trường Thánh Phêrô vào thứ Năm và trở về Hương Cảng vào ngày thứ Bảy.

Đức Hồng Y Quân được Đức Bênêđictô nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2006, mà theo ngài, điều này báo hiệu sự tập trung của Đức Thánh Cha vào Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đã bất đồng gay gắt với Đức Phanxicô về thỏa thuận của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Đức Hồng Y Quân cho rằng thỏa thuận này phản bội những người Công Giáo thân Vatican ở Trung Quốc và các giáo sĩ đã bị đàn áp ở đó.

Thư ký của Đức Hồng Y cho biết ngài đã ra tòa hôm thứ Ba để xin rời khỏi thành phố. Hộ chiếu của ngài đã bị chính quyền tịch thu sau vụ bắt giữ gây tranh cãi vào năm 2022.

“Chúng ta đang ở trong một tình thế cảnh giác, lo lắng và đối mặt với khó khăn, nhưng hãy tin tưởng vào Chúa” Đức Hồng Y Quân, 90 tuổi, đã nói như trên với đàn chiên của mình tại Nhà thờ Thánh Giá như ngài đã nói vào hồi tháng 5 vừa qua. “Có rất nhiều người trong chúng ta trong suốt lịch sử đã bị bức hại vì đức tin của họ. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho họ ngày hôm nay.”

Đức Hồng Y Quân đã bị bắt vài ngày sau đó bởi các viên chức cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia của thành phố - cùng với bốn ủy viên khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hương Cảng Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))

Năm người được ủy thác, cũng như thư ký của quỹ, đã bị buộc tội vì không ghi danh quỹ này với tư cách là một hiệp hội. Tất cả đều không nhận tội.

Quỹ đã hỗ trợ hàng trăm người biểu tình trong thời kỳ bất ổn chống dự luật dẫn độ năm 2019 bằng cách cung cấp hỗ trợ pháp lý, quỹ tư vấn tâm lý, điều trị y tế và cứu trợ khẩn cấp.

Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, cũng bị phạt số tiền tương tự.

Đức Hồng Y là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng Công Giáo Rôma gồm 400,000 người ở Hương Cảng và việc bắt giữ ngài đã gây ra làn sóng chấn động cả trong thành phố và nước ngoài. Vatican bày tỏ lo ngại trong khi các nhóm nhân quyền và chính phủ nước ngoài thẳng thắn hơn trong những lời chỉ trích của họ.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi Vatican tìm cách gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cho phép các giám mục trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc được lựa chọn bởi bọn cầm quyền và sau đó được Vatican chấp thuận. Đổi lại, Trung Quốc công nhận thẩm quyền của Tòa thánh trong cộng đồng Công Giáo của mình.

Những người chỉ trích tin rằng thỏa thuận này phản bội người Công Giáo trong Giáo Hội hầm trú của Trung Quốc, là những người phải đối mặt với cái giá cá nhân rất lớn để trung thành với Tòa thánh. Việc tiếp tục thỏa thuận cũng có thể dẫn đến việc Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Chính thức là một quốc gia vô thần và Cộng sản, Trung Quốc vẫn duy trì mức độ kiểm soát cao đối với tất cả các hình thức tôn giáo có tổ chức. Năm 1957, chính phủ Trung Quốc đã thành lập Giáo Hội Công Giáo do nhà nước phê chuẩn, bổ nhiệm các giám mục của riêng mình và khẳng định ảnh hưởng của cộng sản đối với thần học của họ. Hàng triệu người Công Giáo ở đại lục, vẫn trung thành với Tòa thánh, buộc phải thờ phượng dưới sự đe dọa sách nhiễu và bỏ tù của chính quyền.

Giáo phận Công Giáo Hương Cảng hoạt động như một thực thể riêng biệt với các nhà thờ của Trung Quốc theo khuôn khổ Một quốc gia, Hai hệ thống, trong khi Vatican hiện không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Sinh năm 1932 tại Thượng Hải trong một gia đình Công Giáo, Đức Hồng Y Quân đến Hương Cảng năm 1948 với tư cách là người tị nạn trong Nội chiến Trung Quốc. Khi còn trẻ, ngài gia nhập Dòng Salêdiêng và được thụ phong linh mục năm 1961 tại Turin, bên Ý.

Đức Hồng Y Quân bắt đầu sự nghiệp của mình tại giáo phận Hương Cảng và cuối cùng trở thành giám mục sau cái chết của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung (John Wu, 胡振中). Đức Cha Trần Nhật Quân được Đức Bênêđíctô thăng Hồng Y vào năm 2006.
Source:AP
 
Tiến sĩ George Weigel: Joseph Ratzinger, Tiến Sĩ Hội Thánh
J.B. Đặng Minh An dịch
20:09 04/01/2023


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Joseph Ratzinger, Doctor of the Church?”, nghĩa là “Joseph Ratzinger, Tiến Sĩ Hội Thánh?”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sau khi ngài qua đời vào ngày 31 tháng 12, một số nhà bình luận đã bày tỏ hy vọng rằng Đức Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sau đó là Đức Giáo Hoàng Danh dự, cuối cùng sẽ được phong là Tiến Sĩ Hội Thánh. Dưới ánh sáng của những hy vọng đó, tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi xem lại cuộc trò chuyện giữa tôi với Đức Hồng Y Ratzinger, lúc bấy giờ là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, khi tôi đang chuẩn bị cho cuốn sách Chứng nhân Hy vọng, là tập đầu tiên của hai tác phẩm của tôi về tiểu sử của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đó là ngày 20 tháng 9 năm 1997, và chúng tôi nói chuyện, như thường lệ, trong văn phòng của Đức Hồng Y ở Palazzo Sant'Ufficio. Như mọi khi, Đức Hồng Y ăn mặc đơn giản trong chiếc áo chùng thâm màu đen không có thánh giá trước ngực. Sau khi thảo luận một số vấn đề khác, tôi hỏi ngài về quyết định gần đây của Đức Gioan Phaolô II phong Thánh Têrêsa thành Lisieux, Bông Hoa Nhỏ, là Tiến Sĩ Hội Thánh, sau khi đã nhận được đơn xin như vậy từ hơn hai ngàn giám mục, nếu tôi nhớ không nhầm, trong một chiến dịch do Đức Giám Mục Phụ Tá đã nghỉ hưu của New York, là Đức Cha Patrick Ahern, lãnh đạo. Quyết định này đã gây ra một số tranh cãi, vì danh hiệu hiếm hoi đó thường được trao cho các nhà thần học lỗi lạc.

Khi tôi hỏi thẳng Đức Hồng Y Ratzinger, “Tại sao Thánh Têrêsa thành Lisieux lại là Tiến Sĩ Hội Thánh,” vị Hồng Y cười (là điều mà ngài đã làm một cách dễ dàng, mặc dù có những xuyên tạc về tính cách của ngài, cho rằng ngài khó tính). Không bình luận gì về sự thẳng thừng, thậm chí là xấc xược trong câu hỏi của tôi, ngài nói và trình bày một cách hoàn chỉnh, như thói quen của ngài. Sau đây là bản chép lại trực tiếp câu trả lời của ngài, mà tôi nghĩ làm sáng tỏ quan niệm về sự thánh thiện của chính ngài và nhiều cách diễn đạt của sự thánh thiện:

Chúng ta đã có những hình thức Tiến Sĩ Hội Thánh khác nhau, thậm chí trước cả Thánh Antôn thành Padua. Một mặt, chúng ta có các Tiến sĩ kinh viện vĩ đại, như Thánh Bonaventura và Thánh Thomas Aquinas, là những giáo sư, viện sĩ và Tiến sĩ vĩ đại theo nghĩa khoa học; trong thời các giáo phụ, chúng ta có những nhà thuyết giảng vĩ đại, những người đã phát triển tín lý không phải trong cuộc thảo luận thần học mà là qua thuyết giảng, qua các bài giảng; chúng ta cũng có Ephraim, người đã phát triển thần học của mình về cơ bản là thánh ca và âm nhạc. Giờ đây, trong thời đại này, chúng ta có những hình thức Tiến sĩ mới và điều quan trọng là phải nâng cao sự phong phú của các phương tiện giảng dạy khác nhau trong Giáo hội. Chúng ta có Thánh Têrêsa thành Avila với những kinh nghiệm thần bí và những diễn giải của bà về sự hiện diện của Thiên Chúa trong kinh nghiệm thần bí. Chúng ta có Thánh Catêrina thành Siena với nền thần học kinh nghiệm. Và bây giờ chúng ta có Thánh Têrêsa thành Lisieux, người đã tạo ra theo một…cách khác một nền thần học về kinh nghiệm.

Điều quan trọng, trong xã hội có đầu óc khoa học của chúng ta, là có thông điệp về một kinh nghiệm đơn giản và sâu sắc về Thiên Chúa, và một giáo huấn về sự đơn giản trong việc trở thành một vị thánh: trong thời gian này, với cách tiếp cận cực kỳ định hướng hành động, trong đó dạy rằng để trở thành một vị thánh không nhất thiết phải là vấn đề của những hành động vĩ đại, mà là để Chúa hành động trong chúng ta.

Điều này cũng thú vị cho cuộc đối thoại đại kết. Học thuyết về sự công chính hóa của Luther đã được khơi dậy bởi sự khó hiểu của ông trong việc hiểu chính mình làm thế nào để được công chính hóa và cứu chuộc thông qua các cấu trúc phức tạp của Giáo hội thời trung cổ. Ân sủng đã không đến với tâm hồn ông ấy và chúng ta phải hiểu sự bùng nổ của 'sola fide', hay ‘công chính hóa chỉ nhờ đức tin’, trong bối cảnh này: rằng cuối cùng ông khám phá ra rằng ông chỉ cần trao phó niềm tin, tín thác cho Chúa, phó mình trong tay Chúa. —và được cứu chuộc. Tôi nghĩ theo một cách rất Công Giáo, điều này đã trở lại nơi Thánh Têrêsa thành Lisieux: Bạn không cần phải làm những điều vĩ đại. Tôi nghèo về tinh thần và vật chất; và phó mình trong tay Chúa Giêsu là đủ. Đây là một cách giải thích thực sự về ý nghĩa của việc được cứu chuộc; chúng ta không cần phải làm những điều vĩ đại, chúng ta phải tín thác, và trong tự do của sự tín thác ấy, chúng ta có thể theo Chúa Giêsu và thực hiện một đời sống Kitô hữu. Đây không chỉ là một đóng góp quan trọng cho cuộc đối thoại đại kết mà còn cho câu hỏi chung của chúng ta – làm thế nào tôi có thể được cứu chuộc, làm thế nào tôi được công chính hóa? “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa là một tái khám phá rất sâu sắc về trung tâm của đời sống Kitô hữu.

Một khái niệm khác là từ một dòng kín, cách xa thế giới, người ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới. Hiệp thông với Chúa Kitô là hiện diện với các Kitô hữu trên toàn thế giới. Mọi người đều có thể có “hiệu quả” cho Giáo hội hoàn vũ trong thời đại ngày nay. Đây cũng là một định nghĩa mới về “tính hiệu quả” trong Giáo hội. Chúng ta có rất nhiều hành động, và chúng ta phải khám phá ra rằng “hiệu quả” bắt đầu bằng sự hiệp thông với Chúa. Ý tưởng này, rằng trái tim của Giáo hội hiện diện trong tất cả các bộ phận của cơ thể, là một sự điều chỉnh tốt đối với một Giáo hội đơn thuần thực dụng, một Giáo hội “hiệu quả” theo nghĩa bên ngoài. Đó là sự tái khám phá cội nguồn của mọi hành động Kitô giáo.

Thánh Têrêsa cũng có một ý tưởng mới về thiên đường, về mối quan hệ giữa vĩnh cửu và thời gian. Có mặt trên trái đất và làm điều thiện trên trái đất này là thiên đường của tôi. Chúng ta có một mối quan hệ mới giữa vĩnh cửu và thời gian: thiên đàng không vắng mặt trên trái đất, nhưng là một sự hiện diện mới và mạnh mẽ hơn. Sự vĩnh cửu hiện diện trong thời gian, và sống cho sự vĩnh cửu là sống trong và cho thời điểm hiện tại. Bằng cách sống đời sống Kitô hữu, chúng ta hiện diện nhiều hơn trên trái đất, chúng ta đang thay đổi trái đất; chúng ta có thể nói về một cánh chung luận mới ở đây, đó là một học thuyết quan trọng.

Phép biện chứng của sự hiện diện và sự vắng mặt này là một học thuyết rất vĩ đại. Sự tinh tế của Têrêsa cũng thật tuyệt vời khi giải quyết một số đòi hỏi đối với các tín điều mới về Đức Mẹ. Thánh nữ viết, “Đừng luôn nói về những đặc ân của Đức Maria, hãy nói về Đức Mẹ như một hữu thể như chúng ta.” Có một số văn bản tuyệt vời theo đường hướng này và đây là những sửa đổi rất hữu ích chống lại những khuynh hướng siêu Thánh Mẫu Học [hyper-Marian].

Đó là Đức Joseph Ratzinger, hai mươi lăm năm trước, về ơn gọi nên thánh và nhiều hình thức và phương thức nên thánh trong Giáo hội; về thời gian và vĩnh cửu; về sự phó thác chính mình cho Chúa; về tính qui hướng về Chúa Kitô không thể giản lược của đời sống Kitô hữu. Khi nhớ lại cuộc trò chuyện cách đây một phần tư thế kỷ, tôi không thể không nghĩ rằng Đức Ratzinger đang cho tôi thoáng nhìn vào cuộc sống nội tâm sâu thẳm của chính ngài: cuộc đời của một người được Đức Hồng Y Joachim Meisner mô tả một cách khéo léo là có “tâm trí của mười hai giáo sư” và có lòng đạo đức rõ ràng của một đứa trẻ rước lễ lần đầu.
Source:First Things
 
George Weigel: Ratzinger mà tôi biết
Vũ Văn An
21:13 04/01/2023

George Weigel vừa viết trên National Catholic Register rằng : Nhân vật vĩ đại cuối cùng của Công Giáo thế kỷ 20 không giống với bức tranh biếm họa được tạo ra bởi những kẻ thù thần học và văn hóa của ngài.



Joseph Ratzinger mà tôi biết trong 35 năm — đầu tiên trong tư cách bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (CDF), sau đó là Giáo hoàng Bênêđictô XVI và sau đó là giáo hoàng hưu trí— là một người thông minh, thánh thiện, không giống với bức tranh biếm họa lần đầu tiên được tạo ra bởi những kẻ thù thần học của ngài và sau đó được đúc thành khuôn bêtông truyền thông.

Ratzinger biếm họa là một quan tòa trừng trị lạc giáo/ người chấp pháp giáo hội tàn nhẫn, không ngừng nghỉ, "Chó săn của Thiên Chúa". Người mà tôi biết là một người thanh nhã hoàn hảo với tâm hồn dịu dàng, một người hay e lệ nhưng vẫn có khiếu hài hước mạnh mẽ, và là một người yêu Mozart về căn bản là một người vui vẻ chứ không phải một người cáu kỉnh.

Ratzinger biếm họa không có khả năng hiểu hay đánh giá cao tư tưởng hiện đại. Ratzinger mà tôi biết là người uyên bác nhất trên thế giới, với kiến thức bách khoa về thần học Kitô giáo (Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành), triết học (cổ đại, trung cổ và hiện đại), nghiên cứu Kinh thánh (Do Thái giáo và Kitô giáo), và lý thuyết chính trị (cổ điển và đương thời). Tâm trí của ngài minh mẫn và có trật tự, và khi được hỏi một câu hỏi, ngài sẽ trả lời bằng cả đoạn văn — bằng ngôn ngữ thứ ba hoặc thứ tư của ngài.

Ratzinger biếm họa là một kẻ phản động chính trị, bị xáo trộn bởi các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1968 ở Đức và khao khát khôi phục lại quá khứ quân chủ; những kẻ thù độc ác hơn của ngài ám chỉ sự đồng cảm đối với Đức Quốc xã (do đó có tên Panzerkardinal bẩn thỉu). Ratzinger mà tôi biết là một người Đức, trong chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010 cấp nhà nước, đã cảm ơn người dân Vương quốc Anh vì đã giành chiến thắng trong Trận chiến nước Anh - một đảng viên Đảng Dân chủ Kitô giáo vùng Bavaria (điều này sẽ khiến ngài hơi lệch về phía tả của cánh giữa trong ngôn từ chính trị của Hoa Kỳ) mà sự coi thường chủ nghĩa Mác vừa mang tính lý thuyết (nó chẳng có ý nghĩa gì về mặt triết học) vừa mang tính thực tiễn (nó không bao giờ có hiệu quả và vốn dĩ là toàn trị và sát nhân).

Ratzinger biếm họa như kẻ thù của Công đồng Vatican II. Ratzinger mà tôi biết, ở độ tuổi ngoài 30, là một trong ba nhà thần học có ảnh hưởng và hữu hiệu nhất tại Vatican II - người, trong tư cách bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã làm việc cùng với Đức Gioan Phaolô II để đem lại một lối giải thích có thẩm quyền cho Công đồng, một lối giải thích được ngài thâm hậu hóa hơn nữa trong triều giáo hoàng của chính ngài.

Ratzinger biếm họa là một ẩn sĩ phụng vụ quyết tâm quay ngược đồng hồ cuộc cải cách phụng vụ. Ratzinger mà tôi biết đã chịu ảnh hưởng sâu xa, cả về linh đạo lẫn thần học, bởi phong trào phụng vụ thế kỷ 20. Ratzinger đã trở thành một vị giáo hoàng hào phóng hơn nhiều trong việc chấp nhận đa nguyên phụng vụ hợp pháp so với vị giáo hoàng kế nhiệm ngài, bởi vì Đức Bênêđictô XVI tin rằng, từ một đa nguyên quan trọng như vậy, các mục tiêu cao cả của phong trào phụng vụ từng đào tạo ra ngài cuối cùng sẽ được thực hiện trong một Giáo hội được sự cung kính tôn thờ lên sức lực cho sứ mệnh và sự phục vụ của mình.

Ratzinger biếm họa là câu chuyện của ngày hôm qua, một trí thức hoài cổ mà sách vở sẽ sớm phủ bụi và vỡ vụn, không để lại dấu ấn gì đối với Giáo hội hay văn hóa thế giới. Ratzinger mà tôi biết là một trong số ít các tác giả đương thời có thể chắc chắn rằng sách của ngài sẽ được đọc trong nhiều thế kỷ kể từ bây giờ. Tôi cũng ngờ rằng một số bài giảng của vị giáo hoàng giảng thuyết vĩ đại nhất kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả cuối cùng sẽ được đưa vào kinh nguyện chính thức hàng ngày của Giáo hội, Giờ kinh Phụng vụ.

Ratzinger biếm họa khao khát quyền lực. Ratzinger mà tôi biết đã ba lần cố gắng từ chức trong Giáo triều, không có ước muốn làm giáo hoàng, đã nói với các Giáo phẩm đồng nghiệp vào năm 2005 rằng ngài “không phải là governo [nhà cai trị] và chỉ chấp nhận cuộc bầu cử giáo hoàng vào năm 2005 vì vâng phục những gì ngài coi là thánh ý Thiên Chúa, biểu lộ qua lá phiếu áp đảo của các Hồng Y anh em của ngài.

Ratzinger biếm họa thờ ơ với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Ratzinger mà tôi biết cũng như bất cứ ai, trong tư cách Hồng Y trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin và sau đó là giáo hoàng, đã làm để tẩy sạch Giáo hội khỏi những gì mà ngài mô tả một cách tàn bạo và chính xác là “rác rưởi ô uế”.

Chìa khóa của Joseph Ratzinger đích thực, và của sự vĩ đại của ngài, là tình yêu sâu đậm của ngài dành cho Chúa Giêsu - một tình yêu được tinh luyện bởi một trí thông minh thần học và chú giải phi thường, được thể hiện trong bộ ba tác phẩm của ngài, Chúa Giêsu thành Nadarét, mà ngài coi là đá chốt vòm của dự án học thuật suốt đời của mình. Trong những cuốn sách đó, hơn sáu thập kỷ học hỏi đã được chắt lọc thành một câu chuyện mà ngài hy vọng sẽ giúp những người khác đến và yêu mến Chúa Giêsu như ngài đã yêu mến, vì như ngài nhấn mạnh trong rất nhiều biến thể về một chủ đề lớn, “tình bạn với Chúa Giêsu Kitô” là sự khởi đầu, điều kiện thiết yếu, của đời sống Kitô hữu. Và nuôi dưỡng tình bạn đó là toàn bộ mục đích của Giáo hội.

Nhân vật vĩ đại cuối cùng của Công Giáo thế kỷ 20 đã về với Chúa, Đấng sẽ không ngừng ban thưởng cho người đầy tớ tốt của Người.
 
ĐGH Bênêđictô XVI yêu mến Giáo hội đến mức có thể đưa ra một quyết định khó khăn và đau đớn
J.B. Đặng Minh An dịch
21:38 04/01/2023

Cha Roger J. Landry là một linh mục trong Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York. Ngài nguyên là linh mục của Giáo phận Fall River, Massachusetts, và từng là cha chính xứ của Giáo xứ St. Bernadette ở Fall River, Massachusetts, và trước đó là chính xứ St. Anthony Padua ở New Bedford, Massachusetts.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Đại học Harvard, ngài đã theo đuổi con đường tiến đến chức tư tế ở Maryland, Toronto và Rôma. Sau khi được Đức Cha Sean O'Malley, OFM Cap (nay là Hồng Y) truyền chức linh mục tại Giáo phận Fall River vào ngày 26 tháng 6 năm 1999, ngài trở lại Rôma để hoàn thành chương trình sau đại học về Thần học luân lý và đạo đức sinh học tại Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II.

Cha Landry cũng là một nhà văn. Ngài viết cho nhiều tờ báo Công Giáo, bao gồm National Catholic Register và The Anchor, là tờ báo hàng tuần của Giáo phận Fall River, mà ngài là chủ nhiệm kiêm chủ bút từ năm 2005 đến 2012. Một trong những cuốn sách nổi tiếng của ngài là cuốn “Plan of Life: Habits to Help You Grow Closer to God” – “Kế hoạch cho cuộc sống: Những thói quen giúp bạn đến gần Chúa hơn” (Pauline Books and Media 2018).

Ngài vừa có bài viết “Pope Benedict XVI Loved the Church Enough to Make a Difficult and Painful Decision”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI yêu mến Giáo hội đến mức có thể đưa ra một quyết định khó khăn và đau đớn”, trong đó, ngài lý giải rằng việc xem xét kỹ hơn các lý do dẫn đến quyết định thoái vị của Đức Bênêđictô có thể giúp chúng ta thấy tại sao đó là một quyết định can đảm chứ không phải là hèn nhát.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là nhà thần học vĩ đại nhất đảm nhiệm Ngai Tòa Thánh Phêrô kể từ thời Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, cai quản Hội Thánh từ năm 440 đến 461. Giáo Hội Công Giáo trong các thế kỷ tương lai có thể nhận thấy những đóng góp của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thậm chí còn lớn hơn cả những đóng góp của Thánh Giáo Hoàng Leô Cả, là người có các tác phẩm về Nhập thể vẫn được nhắc đến vào mỗi dịp Giáng Sinh và lá thư của ngài đã đưa các tranh luận về Kitô học của thế kỷ thứ tư và thứ năm đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, trừ khi việc thoái vị của các vị giáo hoàng trở thành thông lệ, nếu không thì các thế kỷ tương lai có thể ít nhớ đến Đức Bênêđíctô như một vị là tiến sĩ giáo hoàng của Giáo hội như Thánh Lêô và Thánh Grêgôriô Cả, cho bằng một vị Giáo Hoàng đã thoái vị như Đức Cêlestinô Đệ Ngũ và Đức Grêgôriô 12.

Danh xưng thứ nhất, tiến sĩ giáo hoàng, chắc chắn là một trong những vinh dự lớn. Danh xưng thứ hai thường được coi là một trong những điều đáng xấu hổ. Trừ khi việc thoái vị được thực hiện theo nguyên tắc phản đối cái ác, nền văn hóa của chúng ta thường coi việc thoái vị như là một sự bỏ cuộc hoặc thất bại, cả hai điều này thường đi kèm với sự xấu hổ.

Trong trường hợp của Đức Bênêđíctô, sau khi Thánh Gioan Phaolô II đã dũng cảm hoàn thành sứ vụ giáo hoàng của mình, mà như ngài nói, là được linh hứng, bởi vì Chúa Kitô không xuống khỏi thập giá; thì sự từ bỏ của Đức Bênêđictô có vẻ bất trung và hèn nhát.

Do bản chất của quan hệ cha con thiêng liêng gắn liền với chức vụ giáo hoàng, việc thoái vị cũng có vẻ giống như việc một người cha từ bỏ thiên chức và cam kết gia đình của mình một cách bất chính.

Hơn nữa, một số người Công Giáo quan tâm đến những diễn biến khác nhau trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với Đức Bênêđíctô - thậm chí đi xa đến mức đổ lỗi cho Đức Bênêđíctô; bởi vì, họ lập luận, nếu Đức Bênêđíctô đã không thoái vị, và có lẽ đã phục vụ trong khoảng thời gian hóa ra gần như là một thập kỷ nữa của cuộc đời, thì những phát triển đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Vì vậy, việc thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã trở thành một trở ngại thực sự đối với việc đánh giá di sản của ngài, cả trong số những người đã bị thuyết phục về sự thánh thiện và tầm quan trọng lịch sử của ngài trước khi xảy ra các sự kiện đầu năm 2013.

Nhưng việc xem xét sâu hơn những lý do Đức Bênêđictô đưa ra để thoái vị có thể giúp chúng ta thấy tại sao đó là sự can đảm, chứ không phải hèn nhát, trung thành chứ không phải bất trung, và là một sự xác nhận chứ không phải là mâu thuẫn về tính cách mà nhiều người đã kính trọng một cách đúng đắn.

Khi Đức Bênêđíctô gây sửng sốt cho các Hồng Y tại Hội trường của Công nghị vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, bằng cách tuyên bố bằng tiếng Latinh rằng 17 ngày sau, ngài sẽ rời Tòa thánh Phêrô, ngài nhấn mạnh: “Sau khi đã nhiều lần kiểm điểm lương tâm của mình trước mặt Chúa, tôi chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành đầy đủ thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa.”

Từ lâu, Đức Bênêđictô XVI đã gọi lương tâm là “cơ quan nhạy cảm bên trong” đối với tiếng nói của Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta biết điều gì nên làm hay nên tránh. Mặc dù sự phán xét của lương tâm có thể sai lầm, nhưng ngài đã điều chỉnh “cơ quan” của mình và chiến đấu chống lại những ý tưởng sai lầm của lương tâm trong một thời gian dài đến nỗi rất khó có khả năng ngài đã nhầm lẫn nghe Chúa phán: “hãy dừng lại” trong khi thực tế là Chúa đang nhấn mạnh rằng “hãy tiếp tục.”

Do đó, quyết định thoái vị của ngài không phải là lời nói “Không” của một người chỉ muốn trút bỏ gánh nặng của ngôi vị giáo hoàng, mà là một lời “Xin vâng” nữa trong cả cuộc đời trung thành tuân theo những gì Chúa đã yêu cầu ngài.

Đến thời điểm đó, ngài đã thấy rõ rằng mình thiếu những gì mà ngài biết rằng chức vụ giáo hoàng đòi hỏi.

Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của mình, vào ngày 27 tháng 2, một ngày trước khi lên trực thăng để đến Castel Gandolfo, ngài nói: “Trong những tháng gần đây, tôi cảm thấy sức lực của mình suy giảm, và tôi đã khẩn thiết cầu xin Chúa ban cho tôi sức mạnh của Ngài, ánh sáng và giúp tôi đưa ra quyết định đúng đắn, không phải vì lợi ích của riêng tôi, mà vì lợi ích của Giáo Hội. Tôi đã thực hiện bước này với nhận thức đầy đủ về sự nghiêm trọng của nó và thậm chí cả tính mới mẻ của nó, nhưng với sự thanh thản nội tâm sâu sắc.”

Trong cuộc phỏng vấn dài thành cuốn sách năm 2016 với Peter Seewald, ngài nói rằng ngài đã nói về điều này “một cách rộng rãi với Chúa yêu thương” bởi vì “trách nhiệm và sự nghiêm trọng của sứ vụ giáo hoàng đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng nhất, hết lần này đến lần khác phải tự kiểm điểm trước mặt Chúa và trước mặt bản thân mình.”

“Bạn phải trình bày mọi công việc của mình trước mặt Chúa càng rõ ràng càng tốt và cố gắng không chỉ nhìn mọi thứ theo khía cạnh hiệu quả hoặc các tiêu chí khác để thoái vị, mà hãy nhìn mọi việc bằng đức tin. Chính từ quan điểm này mà tôi tin chắc rằng nhiệm vụ của Thánh Phêrô đòi hỏi ở tôi những quyết định cụ thể, những hiểu biết sâu sắc. … Tôi không thể trao ra rất nhiều nữa. … Giáo hoàng không phải là Siêu nhân, và sự hiện diện đơn thuần của ngài không đủ để thực hiện vai trò của mình.”

Ngài nói với Seewald rằng bác sĩ của ngài đã thông báo với ngài sau chuyến đi Mễ Tây Cơ và Cuba năm 2012 rằng ngài không đủ sức khỏe để bay qua Đại Tây Dương một lần nữa, như ngài đã lên kế hoạch cho Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio năm 2013. Ngài cũng nói rằng “Giáo hoàng phải làm những việc cụ thể,” chẳng hạn như “tiếp các nguyên thủ quốc gia, tiếp các giám mục mà người ta phải có thể trò chuyện thân mật sâu sắc, và đưa ra các quyết định mỗi ngày. Ngay cả khi bạn nói rằng một vài trong số những điều này có thể bị loại bỏ, thì vẫn còn rất nhiều điều cần thiết, đến nỗi, nếu khả năng thực hiện chúng không còn nữa… thì bây giờ là lúc để giải phóng chiếc ghế đó cho người khác.”

Trong khi ngài vẫn còn tâm trí và trí tuệ để phục vụ, thì ngài không còn sức lực, sức chịu đựng và nghị lực nữa. Nếu hầu hết các mục tử gặp khó khăn về thể chất để quản lý một giáo xứ bận rộn vào giữa những năm 80, thì việc cai quản một Giáo hội hơn 1 tỷ người và thực hiện lịch trình phụng vụ kéo dài, các cuộc họp và bài phát biểu cấp cao liên tục của giáo hoàng còn đòi hỏi nhiều hơn thế, bên cạnh đó còn có các chuyến tông du quốc tế mệt mỏi.

Và vào thời điểm thoái vị, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã hai lần bị đột quỵ, đeo máy điều hòa nhịp tim trong 20 năm, các vấn đề về tuyến tiền liệt, bệnh thoái hóa khớp và một mắt nhìn không rõ nữa.

Vì vậy, “người làm việc giản dị và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa,” như ngài đã tự giới thiệu khi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng của mình, đã quyết định thoái vị một cách khiêm nhường và can đảm để trở thành vị giáo hoàng thoái vị đầu tiên sau 598 năm.

Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng, ngài nói : “Yêu mến Giáo hội cũng có nghĩa là can đảm đưa ra những quyết định khó khăn, đau đớn, luôn hướng tới lợi ích của Giáo hội chứ không phải của bản thân. … Tôi không từ bỏ thập tự giá, mà ở lại theo một cách mới ở bên cạnh Chúa Chịu Đóng Đinh. Tôi không còn nắm quyền điều hành Giáo hội nữa, nhưng khi phục vụ việc cầu nguyện, có thể nói, tôi vẫn ở trong vòng rào của Thánh Phêrô. … Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với hành trình của Giáo hội bằng lời cầu nguyện và suy tư, với lòng tận tụy đối với Chúa và Hiền Thê của Người mà cho đến nay tôi vẫn cố gắng thực hành hàng ngày và là điều mà tôi luôn muốn thực hành.”

Mặc dù quyết định của ngài là khó khăn và đau đớn cho ngài và cho Giáo hội, nhưng ngài phải làm điều đó và chuyển trách nhiệm của mình sang việc cầu nguyện, là điều mà ngài luôn dạy là điều quan trọng nhất mà các môn đệ có thể làm. Khi thoái vị giáo hoàng để tiếp tục phục vụ Giáo hội qua lời cầu nguyện, ngài nhắc lại rằng công việc cầu nguyện còn quan trọng hơn thừa tác vụ của giáo hoàng.

Cầu nguyện sẽ là cách ngài tiếp tục công việc của mình với tư cách là một người cha thánh thiện.

“Ngay cả vai trò của một người cha cũng có lúc phải dừng lại,” ngài nói với Seewald. “Một người cha không bao giờ ngừng là một người cha, nhưng đến một lúc nào đó, người ấy được trút bỏ trách nhiệm cụ thể. Người ấy vẫn là một người cha theo nghĩa sâu sắc, hướng nội, trong một mối quan hệ cụ thể có trách nhiệm, nhưng không phải với những công việc hàng ngày.”

Khi Seewald hỏi liệu ngài có hối hận về quyết định của mình không, Đức Bênêđíctô nói: “Không! Không! Không!” ba lần và nói thêm: “Mỗi ngày tôi đều thấy rằng điều đó là đúng. … Quyết định đã được coi là chín chắn và được thưa với Chúa.”

Đức Bênêđictô đến cùng đã bị thuyết phục rằng mình đã có một quyết định đúng đắn theo lương tâm. Những người ngưỡng mộ những ân sủng to lớn mà Chúa ban cho đức tin, sự khôn ngoan, lòng can đảm và tình yêu dành cho sự thật mà ngài đã thể hiện trong suốt 85 năm đầu tiên của mình nên tin tưởng vào cách ngài sử dụng chúng trong quyết định lớn nhất của triều đại giáo hoàng và cuộc đời ngài.

Và chúng ta hãy cầu nguyện rằng công việc quan trọng trong tình yêu của Giáo hội mà ngài đã bắt đầu lúc 8:01 tối ngày 28 tháng 2 năm 2013, vẫn tiếp tục trong nhà của Cha.
Source:National Catholic Register
 
VietCatholic TV
Putin dồn dập tin buồn: Trung tâm hậu cần Nga ở Crimea nổ suốt đêm. Ukraine bắn rơi 500 drones Nga
VietCatholic Media
02:58 04/01/2023


1. Nổ lớn thâu đêm đến sáng ở thị trấn Dzhankoy rung chuyển phía bắc bán đảo Crimea

Tối 3 tháng Giêng, các vụ nổ đã làm rung chuyển thị trấn Dzhankoy nằm ở phía bắc bán đảo Crimea bị quân Nga tạm chiếm. Thống Đốc Crimea do Nga dựng nên là Sergey Aksyonov xác nhận có các vụ nổ nhưng không cho biết thêm chi tiết, và cũng không lặp lại điệp khúc thường thấy rằng “các hệ thống phòng không đã được kích hoạt,” Trung tâm Tài nguyên Tatar cho biết như trên.

Trung tâm này nhấn mạnh rằng trong bối cảnh có những tiếng nổ quá lớn, những kẻ xâm lược đã không báo cáo liệu các hệ thống có hoạt động hiệu quả hay không.

Tối 2 tháng Giêng, một tiếng nổ lớn cũng đã vang lên ở thành phố Sevastopol.

Bối cảnh và tầm quan trọng của cuộc tấn công vào Dzhankoy.

Dzhankoy, một trung tâm đường sắt và đường bộ ở phía bắc Crimea, cách lục địa Ukraine 50 dặm về phía nam, là một nút quan trọng trong mạng lưới cung cấp của Nga trước tháng 9, khi các lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc phản công mà cuối cùng đã giải phóng phần lớn miền nam Ukraine do Nga chiếm đóng.

Giờ đây, khi quân đội Nga trên chiến trường tái định vị ở tả ngạn sông Dnipro, ngay phía nam thành phố cảng Kherson mới được giải phóng, Dzhankoy thậm chí còn quan trọng hơn đối với nỗ lực chiến tranh của Nga. Điện Cẩm Linh đang tổ chức lại mạng lưới tiếp tế cho mặt trận phía nam. Dzhankoy là trung tâm của mạng lưới mới.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine biết điều này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Dzhankoy hiện là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch phản công kéo dài của Ukraine.

Với dân số trước chiến tranh chỉ 39,000 người, Dzhankoy không phải là một thị trấn lớn. Nhưng nó nằm trên tuyến đường sắt chính chạy từ miền nam nước Nga, băng qua cây cầu bắc qua eo biển Kerch và vào miền bắc Crimea và miền nam Kherson trên bờ phiá Đông của sông Dnipro. Các đường E105 và E97 cũng giao nhau ở Dzhankoy.

Con kênh dẫn nước ngọt từ Dnipro vào Crimea chạy qua thị trấn này. Ngoài ra còn có một sân bay ở Dzhankoy.

Dzhankoy rõ ràng là một địa bàn hoạt động cho rất nhiều tiểu đoàn Nga tập hợp tại Crimea cho cuộc tấn công rộng lớn hơn vào miền nam Ukraine bắt đầu vào cuối tháng Hai. Người Nga nhanh chóng chiếm được phần lớn miền nam Ukraine, đưa Dzhankoy vượt ra ngoài tầm bắn của hầu hết các loại vũ khí của Ukraine.

Điều đó bắt đầu thay đổi vào tháng 5, khi các lực lượng Ukraine tái trang bị Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Mỹ sản xuất và các loại pháo mới nhất của Âu Châu—và bắt đầu bắn phá các tuyến tiếp tế của Nga. Chiến dịch phản công lên đến đỉnh điểm vào ngày 8 tháng 10, khi đặc công Ukraine kích hoạt một quả bom xe tải làm hư hỏng nặng cầu Kerch.

Nơi mà trước đây cây cầu có hai tuyến đường sắt công suất lớn, giờ đây nó chỉ còn một tuyến—và sức chứa của nó có thể thấp hơn. Việc sửa chữa sẽ không kết thúc cho đến tận năm 2023. Để bù đắp, người Nga đã vận chuyển thêm hàng tiếp tế đến Crimea và miền nam Ukraine bằng tàu.

Khi đã đến Crimea, những nguồn cung cấp đó vẫn được vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ—và đi qua Dzhankoy. Khi chiến dịch phản công của Ukraine leo thang vào tháng 8, các lực lượng Ukraine trang bị HIMARS hoạt động ở rìa phạm vi tấn công của HIMARS đã tấn công sân bay ở Dzhankoy, gây ra các vụ nổ phá hủy các bãi chứa đạn dược dọc theo các con đường gần đó. Người Ukraine lại tấn công Dzhankoy vào ngày 16 tháng 11.

Bẵng đi một thời gian quân Nga thấy êm lên lại sử dụng Dzhankoy như một nút hậu cần. Đó là bối cảnh của cuộc tấn công chiều thứ Ba 3 tháng Giêng.

2. Giao tranh ác liệt tại thành phố Bakhmut, quân Nga chiếm được hai làng ở phía Bắc và phía Nam thành phố.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư mùng 4 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết giao tranh dữ dội đã diễn ra tại thành phố Bakhmut trong 24 giờ qua.

Trong bản tin chiều thứ Ba, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Trung Đoàn Xe Tăng Cận Vệ số 59, và Tiểu Đoàn 148 Trinh Sát, cả hai cùng thuộc Sư Đoàn 144 súng trường cơ giới của Nga đã chiếm được Yakovlivka ở phía Bắc thành phố Bakhmut. Ông cũng nói rằng quân Wagner đã chiếm được Kurdyumivka, một ngôi làng ở phía Nam thành phố Bakhmut.

Khi được hỏi về các báo cáo này của phía Nga, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhìn nhận quân Nga quả có chiếm được hai khu vực này. Tuy nhiên, thương vong của quân Nga hết sức nặng nề. Pháo binh đã can thiệp bắn cháy 3 xe tăng và 3 xe thiết giáp để quân Ukraine rút lui. Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Ukraine đang tái tổ chức và nỗ lực tái chiếm những lãnh thổ bị mất trong ngày 3 tháng Giêng. Tình hình chung quanh thành phố Bakhmut là khó khăn nhưng ông nhấn mạnh rằng đã bớt khó khăn hơn rất nhiều so với trung tuần tháng 12. Giải thích lý do, ông cho biết ngày nay quân Nga chỉ có thể mở các cuộc tấn công cấp trung đội là cùng. Các cuộc tấn công chỉ đáng ngại khi nó được các chiến xa yểm trợ. Quân Nga hiện không còn nhiều chiến xa quanh thành phố Bakhmut.

Mặt trận quân Nga chết nhiều nhất là dọc theo xa lộ P66 từ Svatove đến Kreminna. Một đại đội trinh sát của Lữ đoàn cơ giới biệt động số 92, còn được gọi là Lữ đoàn Ivan Sirko đã phá hủy kho đạn dược của quân chiếm đóng Nga ở Svatove, vùng Luhansk.

Theo báo cáo, kho đạn này nằm ở ngoại ô Svatove. Đại đội trinh sát của Lữ đoàn 92 đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công. Họ biết đây là kho đạn và đã kiên nhẫn chờ đợi trong 2 tuần lễ liên tiếp để người Nga tiếp tục chở các khí tài chiến tranh đến kho này.

Về phía Nam của xa lộ P66, quân Nga lại một lần nữa mở cuộc tấn công vào Karmazynivka và Bilohorivka để giảm áp lực cho thành phố Kreminna. Họ lại một lần nữa bị đánh bại, rút lui, bỏ lại xác đồng đội.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, quân Nga dường như đang cố gắng thay đổi cục diện của cuộc chiến bằng các cuộc tấn công rất dữ dội ở vùng Donbas.

Trong khi đó, ở hướng Zaporizhzhia và Kherson, quân xâm lược chủ yếu dùng pháo binh bắn phá vào các cơ sở hạ tầng dân sự và các khu dân cư.

Trong cuộc họp báo, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng thừa nhận một báo cáo của các bloggers quân sự Nga cho rằng trong Đêm Giao Thừa, quân Ukraine đã dùng HIMARS tấn công vào các đơn vị của Sư Đoàn 42 Súng Trường Cơ Giới Nga đang tập trung tại Chulakivka để chờ di chuyển sang vùng Zaporizhzhia. Khoảng 500 binh sĩ Nga, trong đó có 350 người chết ngay tại chỗ và 150 người khác bị thương. Đó là con số do các bloggers quân sự Nga đưa ra. Bác bỏ ý kiến của một ký giả cho rằng Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã cố ý không đưa ra báo cáo vì cuộc tấn công này là một cuộc thảm sát quá kinh hoàng khi cả trăm người Nga chết ngay tại chỗ. Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, nếu người Nga rút quân về nước thì những chuyện bất hạnh như thế không xảy ra. Ông nói thêm rằng cuộc tấn công này chưa được đề cập đến trong các báo cáo vì lực lượng liên hợp phía Nam của quân Ukraine chưa có điều kiện kiểm đếm. Con số thực sự có thể nhiều hơn, có thể ít hơn. Quân Ukraine chưa có điều kiện để đưa ra một con số sát với thực tế.

Lý do không đưa ra báo cáo của Chuẩn tướng Oleksii Hromov là điều dễ hiểu và có thể là sự thật. Tuy nhiên, các quan sát viên cũng nhận thấy rằng trong những trường hợp kinh hoàng như vậy, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine thường miễn cưỡng báo cáo để tránh kích động thù hận nơi người Nga, gây thêm bất lợi. Cách hành động này xem ra nhân bản và khôn ngoan; và trái ngược hoàn toàn với cách hành xử của người Nga.

Nhiều quan sát viên cũng lưu ý rằng các bloggers quân sự Nga có xu hướng hạ thấp con số thương vong. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bloggers Nga, cố nhiên ủng hộ cuộc xâm lược của Putin, nhưng họ bất mãn với cách thức tiến hành cuộc chiến của phe Prigozhin–Surovikin hay phe Shoigu-Gerasimov; và trong trường hợp đó họ có thể phóng đại con số thương vong cho phù hợp chương trình nghị sự của họ.

Trong 24 giờ qua, quân Ukraine loại khỏi vòng chiến 750 binh sĩ Nga, cùng với 5 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 10 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 12 đến ngày 3 tháng Giêng, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 108.190 binh sĩ Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.036 xe tăng, 6.100 xe thiết giáp, 2.033 hệ thống pháo, 424 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 214 hệ thống phòng không, 283 máy bay chiến đấu, 270 máy bay trực thăng, 1.839 máy bay không người lái, 723 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.735 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 181 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Vào giữa tháng 12, quân đội Nga và các lực lượng ủy nhiệm của Wagner có thể đã tăng tần suất các cuộc tấn công bằng bộ binh của họ xung quanh thị trấn Bakhmut của tỉnh Donetsk. Tuy nhiên, nhiều hoạt động trong số này được hỗ trợ kém.

Trong 10 ngày qua, Ukraine đã tăng cường lực lượng đáng kể để bảo vệ khu vực này và tần suất các cuộc tấn công của Nga có thể đã giảm so với mức cao nhất vào giữa tháng 12. Cả hai bên đều có thương vong cao.

Các hoạt động tấn công của Nga trong khu vực hiện có thể chỉ được tiến hành ở cấp trung đội hoặc tiểu đội. Không có khả năng Nga sẽ đạt được một bước đột phá đáng kể gần Bakhmut trong những tuần tới.

4. Ukraine tuyên bố đã bắn hạ gần 500 máy bay không người lái của đối phương kể từ tháng 9

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư mùng 4 tháng Giêng, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết gần 500 máy bay không người lái của Nga đã bị bắn hạ kể từ tháng 9.

“Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta bắn hạ máy bay không người lái. Như các bạn có thể thấy, 84 máy bay không người lái đã bị bắn hạ trong hai ngày – vào đêm giao thừa và ngày Tết. 100% bị lực lượng phòng không bắn rơi. Kết quả như vậy chưa bao giờ đạt được trước đây. Số lượng máy bay không người lái đã lên tới 500 kể từ ngày 11 tháng 9. Tức là 500 máy bay không người lái đã bị bắn hạ.”

5. Lực lượng Vũ trang Ukraine tiếp tục phản công theo hướng Donetsk – Zaluzhnyi

Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley đã thảo luận về nhu cầu của Lực lượng Phòng vệ Ukraine trong việc tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ thù.

Zaluzhnyi cho biết trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với Milley, ông đã kể về những thay đổi trong tình hình hoạt động và chiến lược ở Ukraine.

Ông lưu ý rằng các trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở biên giới Svatove-Kreminna, cũng như theo hướng Lysychansk.

“Tình hình khó khăn nhất vẫn ở khu vực Soledar-Bakhmut-Mayorsk. Ở đó, kẻ thù đang cố gắng tiến về phía trước trên xác chết của chúng, nhưng các đơn vị Lực lượng Phòng vệ đã ngăn chặn cuộc tấn công của kẻ thù với cái giá phải trả là nỗ lực nhiều hơn. Ở hướng Donetsk, chúng tôi đã giữ được các vị trí xung quanh Avdiivka và tiếp tục các hoạt động phản công. Chúng tôi chắc chắn giữ vững các tuyến phòng thủ theo hướng Zaporizhzhia và nỗ lực bảo vệ Kherson khỏi các cuộc pháo kích của kẻ thù, chủ yếu là dân thường và các cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố. Ông cho biết tình hình ở biên giới với Cộng hòa Belarus đã được kiểm soát hoàn toàn.

Theo Zaluzhnyi, từ ngày 31 tháng 12 đến sáng nay, kẻ thù đã phóng 14 hỏa tiễn hành trình và sử dụng 94 máy bay không người lái cảm tử Shahed-136.

Ngoài ra, Zaluzhnyi cảm ơn Tướng Milley vì các hệ thống hỏa tiễn phòng không được cung cấp đã cứu sống thường dân Ukraine.

“Chúng tôi cũng đã thảo luận về nhu cầu của Lực lượng Phòng vệ để tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược. Tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Tướng Milley trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Sự tin tưởng lẫn nhau và tầm nhìn chung giúp tăng cường khả năng của quân đội Ukraine trong việc bảo vệ các thành phố và làng mạc yên bình của đất nước chúng ta, đó là sự bảo đảm an ninh cho toàn Âu Châu”, Tướng Zaluzhnyi nói.

6. Nga thừa nhận 89 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc tấn công ở Makiivka

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 89 quân nhân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công ở miền đông Ukraine xảy ra vào ngày đầu năm mới.

Cuộc tấn công rõ ràng của Ukraine diễn ra ngay sau nửa đêm Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai tại một trường dạy nghề ở Makiivka thuộc vùng Donetsk, là nơi bị trưng dụng làm trại lính cho các tân binh Nga.

Hôm thứ Hai, trong một lần thừa nhận hiếm hoi, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 63 quân nhân đã thiệt mạng ở Makiivka khi Ukraine sử dụng hỏa tiễn HIMARS để tấn công một tòa nhà nơi các binh sĩ Nga đang đóng quân.

Quân đội Ukraine tuyên bố có khoảng 400 binh sĩ Nga thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương, đồng thời cho biết con số chính xác “đang được làm rõ”.

Chiều ngày thứ Ba, mùng 3 tháng Giêng, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, nhìn nhận con số binh sĩ Nga tử trận trong vụ này là 89 người. Con số này bị chính các bloggers quân sự Nga và đại diện của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk bác bỏ.

Dù ở con số 89, nó cũng tiêu biểu cho một trường hợp thương vong quá sức kinh hoàng.
 
ĐTGM Gänswein viết sách nói hết những đau khổ ĐGH Bênêđíctô phải chịu, và các thủ đoạn hạ nhục ngài
VietCatholic Media
05:09 04/01/2023


1. Đức Tổng Giám Mục Gänswein bày tỏ hy vọng Đức Bênêđíctô sớm được tuyên thánh

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký của Đức Bênêđíctô, cho biết ngài hy vọng Đức Bênêđíctô XVI sớm được tuyên thánh.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài truyền hình EWTN, của Công Giáo Hoa Kỳ, người phỏng vấn đã nhắc đến sự kiện trong lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hồi đầu tháng Tư năm 2005, có nhiều tín hữu hô to và mang biểu ngữ “Santo Subito”, nghĩa là “Tuyên Thánh Ngay”, và hỏi có thể xảy ra như vậy với Đức Bênêđíctô XVI không? Đức Tổng Giám Mục Gänswein đáp: “Tôi tin là sẽ có chiều hướng như thế!” Hiện tượng như vậy cũng có thể xảy ra với Đức Bênêđíctô XVI.

Ký giả Peter Seewald tác giả cuốn sách phỏng vấn dài với Đức Bênêđíctô, mới đây cũng đã bày tỏ xác tín tương tự.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết thách đố lớn nhất đối với Đức Bênêđíctô XVI trong triều đại giáo hoàng của ngài, là điều mà ngài gọi là “thuyết duy tương đối”: Đức tin Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo xác tín rằng trong Chúa Giêsu Kitô, sự thật đã sinh ra và đã làm người, như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Trong khi đó, những người theo thuyết tương đối thì nói: “Sự thật mà bạn công bố là điều chống lại sự bao dung. Bạn không bao dung đối với những xác tín khác, nghĩa là trong Kitô giáo, về vấn đề liên quan đến phong trào đại kết, bạn không bao dung đối với các tôn giáo khác, bạn coi nhẹ họ”.

“Nhưng dĩ nhiên nói như thế là không đúng. Bao dung có nghĩa là tôi coi trọng mỗi người trong niềm tin, trong xác tín của họ và đón nhận họ. Nhưng làm như thế không có nghĩa là tôi phải hạ giá đức tin của tôi: hủy bỏ niềm tin mà tôi xác tín, tương đối hóa đức tin mà tôi đã nhận được để thông truyền cho người khác. Hai thái độ hoàn toàn khác nhau! Thái độ như vừa nói là duy tương đối - và thế là chúng ta có vấn đề về tương quan giữa đức tin và lý trí. Đó là một trong những điểm mạnh của Đức Bênêđíctô XVI”.

2. Cuốn sách kể tất cả của phụ tá Đức Bênêđíctô sẽ vạch trần 'những thủ đoạn đen tối'

Thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã viết một cuốn sách tiết lộ tất cả mà nhà xuất bản của ngài hôm thứ Hai đã hứa rằng sẽ nói lên sự thật về “những lời vu khống trắng trợn”, “những thủ đoạn đen tối”, những bí ẩn và vụ bê bối đã làm hoen ố danh tiếng của một vị giáo hoàng nổi tiếng được biết với quyết định thoái vị lịch sử

Theo một thông cáo báo chí, nhà xuất bản khổng lồ Mondadori của Ý cho biết cuốn sách “Không có gì khác ngoài sự thật: Cuộc sống của tôi bên cạnh Giáo hoàng Bênêđictô XVI” của Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein sẽ được xuất bản trong tháng này bởi nhà xuất bản Piemme.

Đức Bênêđictô qua đời hôm thứ Bảy ở tuổi 95 và thi hài của ngài được trưng bày hôm thứ Hai tại Đền Thờ Thánh Phêrô trước tang lễ hôm thứ Năm do người kế nhiệm ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô, cử hành.

Đức Tổng Giám Mục Gaenswein, một linh mục người Đức 65 tuổi, đã sát cánh bên Đức Bênêđictô trong gần ba thập kỷ, đầu tiên với tư cách là một viên chức làm việc cho Đức Hồng Y lúc bấy giờ là Joseph Ratzinger trong Bộ Giáo lý Đức tin, sau đó bắt đầu từ năm 2003 với tư cách là thư ký riêng của Đức Ratzinger.

Ngài vẫn là người gác cổng, người bạn tâm tình và người bảo vệ của Đức Bênêđíctô trong thời gian nghỉ hưu kéo dài một thập kỷ, đồng thời phục vụ cho đến gần đây với tư cách là chủ tịch Phủ Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Đức Tổng Giám Mục Gaenswein đã cử hành nghi thức xức dầu bệnh nhân vào thứ Tư tuần trước, khi sức khỏe của Đức Bênêđictô xấu đi, và chính ngài đã gọi điện cho Đức Phanxicô vào ngày thứ Bảy để báo cho ngài biết rằng Đức Bênêđictô đã qua đời.

Theo Piemme, cuốn sách của Gaenswein chứa đựng “lời chứng cá nhân về sự vĩ đại của một người đàn ông ôn hòa, một học giả kiệt xuất, một Hồng Y và một giáo hoàng đã làm nên lịch sử của thời đại chúng ta.” Tuy nhiên, nó cho biết cuốn sách cũng chứa một bản tường thuật trực tiếp sẽ sửa chữa một số khía cạnh “bị hiểu sai” về triều đại giáo hoàng cũng như những âm mưu bôi nhọ Đức Bênêđíctô.

“Hôm nay, sau cái chết của vị giáo hoàng danh dự, đã đến lúc vị đứng đầu gia đình giáo hoàng nói ra sự thật của chính mình về những lời vu khống trắng trợn và những thủ đoạn đen tối đã cố gắng vô ích nhằm phủ bóng lên huấn quyền và hành động của vị giáo hoàng người Đức”, thông cáo báo chí cho biết.

Lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gaenswein “cuối cùng sẽ làm đưa ra diện mạo đích thật của một trong những nhân vật chính vĩ đại nhất trong những thập kỷ gần đây, người thường bị các nhà phê bình chê bai một cách vô cớ là 'Panzerkardinal' – ‘Hồng Y thiết giáp’ hoặc 'Gottes Rottweiler' – “Con chó nhà Đức Chúa Trời” tuyên bố nói, đề cập đến một số biệt danh phổ biến ám chỉ Đức Bênêđíctô trên phương tiện truyền thông của Đức.

Cụ thể, nhà xuất bản cho biết Gaenswein sẽ đề cập đến vụ ám sát nhân cách hay nói cho dễ hiểu là vụ bôi lọ Đức Bênêđíctô vào đầu năm nay từ quê hương bên Đức của ngài, vụ “Vatileaks”, trong đó quản gia riêng của Đức Bênêđictô XVI làm rò rỉ thư từ cá nhân của ngài cho một nhà báo, cũng như các vụ bê bối lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và một trong những bí ẩn dai dẳng của Vatican, vụ mất tích năm 1983 của con gái 15 tuổi của một viên chức Vatican, là cô Emanuela Orlandi.

Các phương tiện truyền thông ở Đức cho rằng nhiều người tin tưởng rằng cái chết của Đức Bênêđíctô là một dịp để Hồng Y Reinhard Marx, là người đã được chính Đức Bênêđíctô tấn phong Hồng Y, và Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đưa ra lời xin lỗi về vụ tấn công bôi lọ Đức Giáo Hoàng Danh dự. Một lời xin lỗi như thế, đến nay, vẫn chưa xảy ra.

Cuốn sách dường như chỉ là một phần của những gì được Đức Tổng Giám Mục Gaenswein định hình như một cuộc phản công nhắm vào các phương tiện truyền thông muốn tiếp tục tấn công Đức Bênêđíctô ngay sau cái chết của ngài. Cuộc phản công này có lẽ đã bắt đầu bằng việc công bố hôm thứ Hai các đoạn trích của một cuộc phỏng vấn dài mà ngài đã thực hiện trên đài truyền hình RAI của nhà nước Ý vào tháng trước sẽ được phát sóng vào thứ Năm sau tang lễ.

Theo những đoạn trích đăng trên báo La Repubblica, Đức Tổng Giám Mục Gaenswein đã kể lại việc ngài đã cố gắng can ngăn Đức Benedict từ chức sau khi vị giáo hoàng lúc bấy giờ nói với ngài vào cuối tháng 9 năm 2012 rằng ngài đã quyết định. Đó là sáu tháng sau khi Đức Bênêđíctô ngã vào ban đêm trong chuyến thăm Mễ Tây Cơ và xác định rằng mình không còn có thể đảm đương được sự khắc nghiệt của công việc.

“Ngài nói với tôi: 'Anh có thể tưởng tượng tôi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ lưỡng về điều này, tôi đã suy ngẫm, tôi đã cầu nguyện, tôi đã đấu tranh. Và bây giờ tôi thông báo với anh rằng một quyết định đã được đưa ra, nó không phải là vấn đề còn có thể thảo luận',” Đức Tổng Giám Mục Gaenswein cho biết Đức Bênêđíctô đã nói với ngài như thế.

Đức Tổng Giám Mục Gaenswein cũng đề cập đến những cuộc đấu tranh, và những vấn đề mà Đức Bênêđictô phải đối mặt trong suốt 8 năm làm giáo hoàng của mình, và nhắc lại rằng ngay từ đầu ngày đầu tiên được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, ngài đã xin những lời cầu nguyện để bảo vệ ngài khỏi “những con sói” muốn bắt ngài. Đức Tổng Giám Mục Gaenswein đặc biệt trích dẫn sự phản bội của “Vatileaks”, dẫn đến việc người quản gia bị tòa án Vatican kết án, chỉ được giáo hoàng ân xá hai tháng trước khi từ chức.

Đề cập đến các phương tiện truyền thông, Đức Tổng Giám Mục nói: “Bất cứ ai nghĩ rằng có thể có một triều giáo hoàng thanh thản thì đã chọn nhầm nghề.”

3. Một linh mục Chính thống Nga tại Ukraine bị đâm trọng thương

Một linh mục Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa đã bị một kẻ lạ mặt dùng dao đâm, tại thành phố Vinnytsia ở miền trung Ukraine và sau đó được đưa vào nhà thương điều trị trong tình trạng bị thương nặng.

Hãng tin Ria Novosti của Nga đưa tin: Linh mục trưởng Anthony Kovtonyuk, đã bị tấn công bằng dao. Kẻ hành hung đã vào nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ở Vinnytsia và bắt đầu có những hành động bất thường. Khi vị linh mục tìm cách làm cho người ấy bình tĩnh lại và tôn trọng trật tự, thì ông ta dùng dao đâm vào cổ họng của linh mục. Cuộc điều tra về vụ tấn công này đang được tiến hành.

Trong thời gian gần đây, Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa bên Nga bị các giới chức an ninh của Ukraine đặc biệt chiếu cố điều tra. Một số tin tức nói rằng các binh sĩ điều tra đã tìm được những tài liệu thân Nga. Quốc hội Ukraine cũng đang được yêu cầu soạn thảo luật cấm các cộng đồng Chính thống Ukraine thuộc Mạc Tư Khoa không được hoạt động.

4. 200 quân nhân bảo vệ sơn cước Bavaria về Roma dự lễ an táng Đức Bênêđíctô XVI

200 quân nhân bảo vệ sơn cước thuộc miền Bavaria, quê hương của Đức Bênêđíctô đang về Roma dự lễ an táng của ngài, vào sáng thứ Năm, ngày 05 tháng Giêng tới đây. Đức Cha Voderholzer, Giám mục giáo phận Regensburg, nơi Đức Bênêđíctô làm linh mục giáo sư trong 8 năm từ 1969 đến 1977, trước khi làm Tổng giám mục giáo phận Munich, đã cho biết như trên.

Theo thông báo của đoàn bảo vệ sơn cước vừa nói, một số vị sẽ đi trong phái đoàn của Thủ tướng Markus Soder, bang Bavaria về Roma bằng máy bay để dự lễ. Các quân nhân khác sẽ di chuyển bằng 5 xe bus. Trong số này, có các thành viên thuộc làng Traunstein và Tegersee, làng quê của Đức Bênêđíctô XVI và trong 20 năm trời, ngài cũng là thành viên danh dự của đoàn này.

Đoàn bảo vệ sơn cước miền Bavaria cũng có sứ mạng bảo tồn phong tục, truyền thống và văn hóa của miền này.

Nhiều giám mục Đức cũng sẽ về Roma dự lễ an táng, không kể phái đoàn chính thức của nước này, trong đó có Giám Mục Georg Bätzing, hai Đức Hồng Y Tổng giám mục Munich và Köln, Đức Cha Stefan Oster, Giám mục giáo phận Passau là nơi sinh trưởng của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

5. Đức Bênêđictô XVI sẽ được chôn cất cách Thánh Phêrô khoảng 30 mét

Vị Giáo hoàng người Đức sẽ an nghỉ trong ngôi mộ mà người tiền nhiệm người Ba Lan đã sử dụng trong sáu năm.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI sẽ được chôn cất trong Đền Thờ Thánh Phêrô, trong ngôi mộ cũ của Đức Gioan Phaolô II, Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, xác nhận ngày 2 tháng Giêng năm 2023. Vị trí này trong các hang động của Vatican, gần mộ của Thánh Phêrô, đã bị bỏ trống kể từ khi hài cốt của Đức Giáo Hoàng người Ba Lan được chuyển đến tầng trên của ngôi thánh đường vào năm 2011.

Nhà nguyện nơi chôn cất vị giáo hoàng thứ 265 đã là nơi an nghỉ của vị tiền nhiệm của ngài trong sáu năm, người đã yên nghỉ ở đó sau tang lễ của ngài vào ngày 8 tháng 4 năm 2005. Ngôi mộ nằm ở cuối phía bắc của khu hầm mộ Vatican, cách mộ của Thánh Phêrô khoảng 30 mét. Nó cũng được sử dụng cho Đức Gioan XXIII, trước khi vị giáo hoàng được chuyển đến bàn thờ của Thánh Jerome sau khi được phong chân phước vào năm 2001. Các vị giáo hoàng được phong chân phước thường được trao một vị trí danh dự trong chính Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ngôi mộ tương lai của Đức Bênêđíctô XVI đã trống từ năm 2011: hài cốt của Đức Gioan Phaolô II, sau khi được tuyên bố là Chân phước, đã được dời lên bên dưới bàn thờ của Nhà nguyện Thánh Sebastinô, ở lối đi bên phải của gian giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.

Việc di chuyển hài cốt này cho phép các tín hữu dễ dàng cầu nguyện trước các ngài, và đã xảy ra sau khi thi hài của Chân phước Innocentê thứ 11 cai quản Giáo Hội từ 1611 đến 1689 đã được di chuyển từ Nhà nguyện Thánh Sebastinô đến bàn thờ Chúa Hiển dung, ở phía bên trái của gian giữa.

Đức Bênêđictô XVI sẽ được chôn cất tại Đền Thờ Thánh Phêrô, sau tang lễ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành vào ngày 5 tháng Giêng. Vị giáo hoàng quá cố muốn tang lễ được tổ chức đơn sơ, và chỉ có hai quốc gia chính thức được mời cử phái đoàn: là Đức và Ý.

6. Chuông sẽ rung cho Đức Bênêđictô XVI trong tất cả các nhà thờ Công Giáo ở Đức

Một hồi chuông Nhà thờ sẽ vang lên trên khắp nước Đức để tang Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI vào hôm thứ Năm, ngày tang lễ của ngài.

Chuông của tất cả các nhà thờ Công Giáo thuộc 27 giáo phận của Đức dự kiến sẽ điểm vào lúc 11h theo giờ địa phương ngày 5 tháng Giêng để tỏ lòng thành kính với Đức cố Giáo Hoàng.

Các giám mục từ 27 giáo phận ở Đức dự kiến sẽ tham dự tang lễ ở Rôma.

Tất cả bảy giáo phận Bavarian sẽ được đại diện bởi các giám mục tương ứng. Đối với Tổng giáo phận Munich và Freising, nơi Đức Bênêđictô – với tư cách là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger – là tổng giám mục từ năm 1977 đến 1982, một phái đoàn do Đức Hồng Y Reinhard Marx dẫn đầu sẽ tham dự lễ tang.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ dẫn đầu phái đoàn nhà nước chính thức từ Berlin. Ông sẽ tham gia cùng với Chủ tịch miền Bavaria Markus Söder, cùng với một phái đoàn lớn của Bavaria, các nguồn tin nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA.

Tổng thống Ý, Sergio Mattarella, là một trong những người đầu tiên đến thăm nhà nguyện tang lễ của Giáo hoàng Đức Bênêđíctô XVI. Thủ tướng Giorgia Meloni, cùng với các quan chức khác trong chính phủ của bà, cũng tham dự vào sáng thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, và cầu nguyện trong vài phút trước di hài của vị Đức nguyên Giáo Hoàng.

Nhiều nguyên thủ quốc gia và hoàng gia khác đã đến để tỏ lòng thành kính — hoặc đang tham dự lễ tang với tư cách không chính thức. Những người này bao gồm tổng thống Hung Gia Lợi, Katalin Novak; tổng thống Ba Lan Andrzej Duda; Vua Philip của Bỉ; và Nữ hoàng Sofia của Tây Ban Nha, trong số những người khác.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, Matteo Bruni, nói với các phóng viên: “Theo nguyện vọng của Đức Giáo Hoàng danh dự, tang lễ sẽ được tổ chức đơn giản”. Bruni nhấn mạnh rằng đó sẽ là một “đám tang trang trọng nhưng đơn sơ.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời vào ngày 31 tháng 12 lúc 9:34 sáng theo giờ Rôma. Theo xác nhận của thư ký riêng của ngài là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, những lời cuối cùng của ngài là bằng tiếng Ý: “Signore, ti amo!” (Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!).
 
Một cuộc tấn công kinh hoàng khác vào quân Nga. Ukraine rình một kho đạn của Putin 2 tuần mới ra tay
VietCatholic Media
16:14 04/01/2023


1. Quân đội Ukraine thừa nhận một cuộc tấn công tàn khốc khác vào quân đội Nga

Trong cuộc họp báo qua truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Tư mùng 4 tháng Giêng, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine nhìn nhận khoảng 500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong một cuộc tấn công gần Chulakivka, một thị trấn ở vùng Kherson phía nam Ukraine, vào đêm giao thừa.

Natalia Humeniuk, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Ukraine ở miền nam, nói với truyền hình Ukraine: “Đây là một trong những thành tựu của chúng ta trên hướng mặt trận này”.

“Sẽ có nhiều hơn nữa vì chúng ta xác định được vị trí của kẻ thù,” cô ấy nói về vụ tấn công.

Mạc Tư Khoa đã không bình luận công khai về tuyên bố liên quan đến Chulakivka.

Tuy nhiên, một blogger chiến tranh Nga có tên là “Chiến dịch Z” cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba rằng “không thể phủ nhận” rằng Ukraine hiện đang tấn công vào các doanh trại và các thành trì quân sự khác của Nga bằng HIMARS, ám chỉ đến Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao. Anh ta đã đưa Chulakivka vào danh sách các cuộc tấn công vào quân đội Nga mà anh ta nói đã diễn ra vào tháng 12.

Vụ việc xảy ra sau khi cả chính quyền Nga và Ukraine thừa nhận một cuộc tấn công diễn ra tại một trường dạy nghề ở Makiivka, vùng Donetsk.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Hai đã thừa nhận vụ tấn công Makiivka và tuyên bố rằng 63 quân nhân Nga đã thiệt mạng, sau đó họ đã tăng con số này lên 89.

Trong cuộc họp báo, trước đó vào buổi sáng Thứ Tư mùng 4 tháng Giêng, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng thừa nhận một báo cáo của các bloggers quân sự Nga cho rằng trong Đêm Giao Thừa, quân Ukraine đã dùng HIMARS tấn công vào các đơn vị của Sư Đoàn 42 Súng Trường Cơ Giới Nga đang tập trung tại Chulakivka để chờ di chuyển sang vùng Zaporizhzhia.

2. Thống Đốc Luhansk nói về vụ tấn công kho đạn ở Svatove và hệ quả của cuộc tấn công này

Quân đội Ukraine đã chia sẻ một đoạn video mà họ tuyên bố cho thấy việc phá hủy một kho đạn dược của Nga ở Svatove thuộc vùng Luhansk phía đông.

Serhiy Hayday, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Luhansk của Ukraine, cho biết trên Telegram rằng các lực lượng Nga đã mang đạn dược đến Svatove trong hai tuần liên tiếp.

Ông Hayday nói: “Lực lượng Vũ trang Ukraine đã theo dõi, ghi nhận số lượng xe Ural đã đến căn cứ... và đợi... cho đến khi 'BAM' - và không còn nhà kho của kẻ thù nữa.”

Một số thông tin cơ bản: Svatove là một trung tâm chiến lược ở Luhansk, là khu vực Ukraine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người Nga.

Đoạn video do Cục Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine chia sẻ hôm thứ Ba cho thấy một tòa nhà có hai xe tải bên ngoài, thời điểm tấn công xảy ra vào ban đêm và nhà kho bị phá hủy sau đó.

Theo Ông Hayday, mặt trận nóng nhất hiện nay là dọc theo xa lộ P66 từ Svatove đến Kreminna. Việc phá hủy kho đạn ở Svatove và việc quân Ukraine cắt đứt xa lộ P66 sẽ có tác động rất lớn đối với chiến trường tại thành phố Kreminna.

Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh ghi nhận như sau:

Trong 5 ngày qua, các lực lượng Nga và Ukraine có lẽ đã giao tranh để giành quyền kiểm soát xa lộ P66, phía bắc thị trấn Kremina thuộc tỉnh Luhansk do Nga kiểm soát.

P66 là tuyến đường cung cấp chính cho khu vực phía bắc mặt trận Donbas của Nga từ khu vực Belgorod bên Nga. Việc sử dụng nó đã bị pháo binh Ukraine làm gián đoạn kể từ tháng 10, nhưng nếu Ukraine có thể bảo đảm tuyến đường này, họ rất có thể sẽ làm suy yếu thêm khả năng phòng thủ của Nga ở Kremina.

3. Ngoại trưởng Kuleba nói chúng tôi mong đợi việc triển khai các hệ thống Patriot càng sớm càng tốt

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư mùng 4 tháng Giêng, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết “Công tác chuẩn bị cho việc chuyển giao các hệ thống phòng không Patriot đã bắt đầu và Ukraine mong đợi việc triển khai chúng càng sớm càng tốt.”

“Năm vừa qua đã kết thúc với một quyết định mang tính cách mạng là cung cấp cho Ukraine các hệ thống Patriot của Mỹ, được các nhà lãnh đạo của Ukraine và Hoa Kỳ, Volodymyr Zelensky và Joe Biden nhất trí. Chúng tôi đánh giá cao bước đi này của Mỹ. Chúng tôi mong đợi việc triển khai Patriot càng sớm càng tốt. Việc chuẩn bị cho việc chuyển giao các hệ thống này đã bắt đầu,” ông tuyên bố.

Kuleba nói thêm rằng Tổng thống Zelensky và toàn bộ đội ngũ ngoại giao đang tích cực nghiên cứu các giải pháp mới liên quan đến việc cung cấp các loại vũ khí phương Tây mới, đặc biệt là xe tăng và các phương tiện bọc thép khác.

Như đã đưa tin, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot như một phần trong gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 1,85 tỷ USD.

Nga trông đợi việc Hoa Kỳ chuyển giao các hệ thống Patriot cho Ukraine sớm nhất là vào tháng 6 vì cần ít nhất là 6 tháng huấn luyện. Tuyên bố của Ngoại trưởng Kuleba gây ngỡ ngàng cho họ. Một nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh cáo buộc rằng có thể quân tình nguyện Ba Lan đã qua đào tạo việc sử dụng các hệ thống Patriot sẽ điều khiển các hệ thống này trong mấy tháng đầu.

4. Pháo binh Ukraine tấn công hai sở chỉ huy và 4 cụm tập trung quân

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Tư mùng 4 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh của Quân đội Ukraine trong suốt cả ngày đã tấn công hai sở chỉ huy và bốn cụm quân địch.

“Quân xâm lược Nga tiếp tục thực hiện cuộc xâm lược vũ trang toàn diện chống lại nhà nước của chúng ta. Kẻ thù không từ bỏ kế hoạch tiến tới biên giới hành chính của vùng Donetsk. Những nỗ lực chính tập trung vào việc duy trì tiềm năng tấn công và bổ sung tổn thất”

Để gây áp lực lên người dân Ukraine, kẻ thù tiến hành các cuộc không kích và hỏa tiễn. Ngoài ra, quân xâm lược nã pháo vào cơ sở hạ tầng quan trọng và các trung tâm dân cư trên toàn lãnh thổ Ukraine, vi phạm các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, luật và tập quán chiến tranh.

Trong 24 giờ qua, người Nga đã thực hiện 8 cuộc không kích và phát động 18 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và không kích của kẻ thù vào cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn tồn tại trên khắp Ukraine.

Cố gắng kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của các vùng Donetsk và Luhansk, kẻ thù đang tập trung nỗ lực tiến hành các hành động tấn công theo hướng Bakhmut. Những kẻ xâm lược Nga đang cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của họ theo hướng Lyman và Avdiivka; họ đang củng cố các nhóm theo hướng Novopavlivka với chi phí là các đơn vị được chuyển đến từ khu vực Kherson.

Ngoài ra, quân đội Nga không ngừng pháo kích vào cơ sở hạ tầng dân sự của các thành phố và thị trấn dọc theo hữu ngạn sông Dnipro.

Trong ngày, Lực lượng Không quân Ukraine đã thực hiện bốn cuộc tấn công vào các khu vực tập trung binh sĩ, vũ khí và thiết bị quân sự của Nga.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đã giáng hỏa lực vào hai cứ điểm kiểm soát và bốn cụm nhân lực và thiết bị.

5. Tình báo Ukraine nhận định rằng Nga không định kết thúc chiến tranh, tiếp tục hoạt động tấn công vào năm 2023

Nga không có kế hoạch kết thúc chiến tranh và sẽ tiếp tục các hoạt động tấn công trên mặt trận vào năm 2023. Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết như trên.

“Theo tình báo quân đội Ukraine, người Nga sẽ cố gắng tiếp tục các hành động tấn công trong năm nay. Họ đã không đạt được mục tiêu của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào. Họ hiểu rằng họ sẽ thua, nhưng họ không có kế hoạch kết thúc chiến tranh. Chúng ta đang xem xét khả năng họ có thể tấn công đồng thời từ phía bắc hoặc phía đông. Những hành động như vậy của kẻ thù đã được lường trước, quân đội của chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó”, ông nói.

Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, người Nga sẽ cố gắng giữ một hành lang đất liền tới Crimea và chiếm toàn bộ khu vực Donetsk. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông, họ sẽ không thể vượt sông Dnipro để chiếm Kherson một lần nữa.

“Theo tình báo quân đội Ukraine, quân đội Nga có thể mất tới 70.000 người trong vòng 4 đến 5 tháng tới. Và giới lãnh đạo của quốc gia xâm lược đã sẵn sàng cho những tổn thất như vậy”

Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 3 tháng 1 năm 2023, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 108.190 binh sĩ Nga, bao gồm 750 binh sĩ Nga trong 24 giờ qua.

6. Cựu chỉ huy Nga cảnh báo NATO có thể ngăn chặn mọi cuộc tấn công bí mật ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Can Thwart Secret Offensive in Ukraine, Ex-Russian Commander Warns”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga cảnh báo NATO có thể ngăn chặn mọi cuộc tấn công bí mật ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Cựu chỉ huy quân đội Nga Igor Girkin hôm thứ Ba cảnh báo rằng liên minh quân sự NATO có khả năng ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công “bí mật” nào của Nga ở Ukraine.

Người dùng Twitter Dmitri, từ nhóm War Translated, một dự án độc lập dịch các tài liệu về chiến tranh, đã chia sẻ nhận xét của Girkin, trên kênh Telegram của mình.

Girkin, còn được gọi là Igor Strelkov, là một blogger quân sự nổi tiếng và theo chủ nghĩa dân tộc Nga được biết đến với vai trò của ông trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc xung đột ở khu vực Donbas phía đông Ukraine.

Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Girkin đã công khai đưa ra các bài bình luận chỉ trích chiến lược quân sự của Nga và những thất bại.

Trong những nhận xét gay gắt hôm thứ Ba, ông đã chỉ trích Andrey Gurulyov, một phó chủ tịch của Duma Quốc gia Nga, vì đã gợi ý rằng nếu quân đội Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới, thì “sẽ không ai biết về điều đó”.

Chính trị gia Nga nói với các nhà báo hôm thứ Ba rằng Nga sẽ có thể giữ thông tin chi tiết về một cuộc tấn công mới ở Ukraine tuyệt mật khỏi sự dòm ngó của radar.

Girkin đáp lại bằng cách gọi Gurulyov là “thằng ngốc” và gợi ý rằng một cuộc tấn công “bí mật” của Nga sẽ bị tình báo phương Tây biết được dễ dàng.

“Đại tá Gurulev đã nghỉ hưu thể hiện rõ mức độ ngu xuẩn nói chung của các tướng lĩnh hàng đầu của chúng ta, những người mà ông ấy gần đây vẫn còn đứng trong hàng ngũ,” Girkin nói trên kênh Telegram của mình.

“Có lẽ, vị đại tá đã quên, hoặc có thể ông ấy chưa bao giờ biết, rằng NATO có một nhóm trinh sát không gian lớn và các hệ thống trinh sát trên không hiện đại và hiệu quả. Ngoài ra còn có chức năng đánh chặn radio và định vị radio. Và có sự hiện diện của những bộ não trong bộ chỉ huy và các trung tâm phân tích. Gurulev chắc chắn không biết điều này vì hắn ta chưa từng điều đó trong dịch vụ của mình,” Girkin viết.

Girkin lưu ý rằng phương Tây và Ukraine đã biết về một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Nga trước ngày 24 tháng 2 năm ngoái.

“Hãy để tôi nhắc bạn rằng kẻ thù đã dự đoán trước cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Nga một năm trước và thậm chí đã đăng thông tin trên các phương tiện truyền thông với độ chính xác tới vài ngày”

Girkin cũng nói rằng trong giới của ông, mọi người tin rằng Nga đang bị mắc kẹt và không có đường tiến hay lùi trong tình hình hiện tại.

“Trong một cuộc trò chuyện nội bộ nơi tôi có mặt, theo đúng nghĩa đen, hôm nay câu hỏi đã được thảo luận: 'phải làm gì?'. Và ở đó, những người thông minh đã đi đến kết luận rằng trong tình hình hiện tại, Liên bang Nga hoàn toàn là 'Zugzwang',” ông nói, sử dụng một thuật ngữ cờ vua của Đức cho tình huống mà bất kỳ nước đi nào của người chơi sẽ chỉ làm cho tình hình của họ xấu đi.

“Không thể đứng ở thế phòng thủ, vì điều này nhanh chóng làm xấu đi vị trí chiến lược của Nga, và không thể tấn công vì điều này có nguy cơ dẫn đến một thảm họa quân sự nhanh chóng — hiệu quả chiến đấu và tinh thần của quân đội gợi nhớ mạnh mẽ đến điều đó trước cuộc tấn công vào tháng Bảy năm 1917 hay còn được gọi là cuộc tấn công Kerensky,” ông viết, đề cập đến cuộc tấn công thảm khốc cuối cùng của Nga trong Thế chiến thứ nhất.

“Còn về việc Điện Kremlin vẫn sẽ tiến hành bổ sung nhân sự chủ yếu và những cải cách cần thiết khác, nếu tình hình ở phía trước tương đối mong manh và chỉ có một ít thời gian để thực hiện chúng, thì miễn bàn cãi, không còn ai tin vào điều này nữa.”

Hơn 10 tháng sau cuộc chiến, quân đội của Putin, mặc dù có quy mô lớn, đã phải vật lộn để đạt được những mục tiêu quan trọng ở Ukraine. Trong suốt mùa thu và mùa đông năm 2022, Ukraine đã tái chiếm các khu vực quan trọng mà Nga đã chiếm giữ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Girkin cũng đã lên án chỉ huy quân sự của Nga vào tháng trước.

“Tôi phải khẳng định một lần nữa rằng chỉ huy quân sự của chúng ta - xét về mức độ ngoan cố ngu ngốc và hoàn toàn không có khả năng sáng tạo - xứng đáng được so sánh với các loại cừu non có rất ít điểm chung với các loài linh trưởng, nói chi đến con người”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để bình luận.

7. Tổng thống nhận xét rằng pháo kích vào đấu trường băng ở Druzhkivka là một lời thú nhận khác của nhà nước khủng bố

Vụ pháo kích của Nga vào đấu trường băng Altair ở Druzhkivka đã trở thành một lời thú nhận khác về lý do tại sao Nga đến Donbas.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu video hàng ngày trước quốc dân đồng bào.

“Hỏa tiễn của Nga nhằm vào Altair ở Druzhkivka là một lời thú nhận khác của nhà nước khủng bố. Đó là lời thú nhận về những gì nó đến với Donbas và những gì chúng ta chắc chắn sẽ hất cẳng khỏi đó. Cái chết sẽ không bao giờ thắng thế ở Donbas, và chúng ta phải làm mọi cách để loại bỏ ba màu của nó khỏi Donbas và các vùng đất khác của Ukraine”, ông Zelenskiy nói.

Ông nhắc rằng đấu trường băng - Altair - bắt đầu hoạt động trước chiến tranh, khi Donbas có cuộc sống bình thường trước khi Nga đến. Trẻ em được đào tạo ở đó. Có một trường thể thao dành cho trẻ em.

“Mọi người chơi thể thao ở đó, ăn mừng và tận hưởng cuộc sống. Kramatorsk, Slovyansk, Kostyantynivka, Bakhmut, Pokrovsk, Donetsk, Toretsk và các thành phố và làng mạc khác của Donbas - mọi người đều biết đó là loại đấu trường nào và nhiều người đã đến thăm nó. Năm ngoái, nó được sử dụng để thu thập và phân phối viện trợ nhân đạo,” Zelenskiy nói.

Theo báo cáo của Ukrinform, đấu trường băng Altair đã bị phá hủy, một bến xe buýt, một nhà thờ và các tòa nhà của khách sạn MAN bị hư hại trong cuộc tấn công của Nga vào Druzhkivka.

8. Zelenskiy nhận xét rằng Nga sẽ làm mọi thứ có thể để xoay chuyển tình thế chiến tranh

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng giới lãnh đạo Nga sẽ làm mọi thứ có thể để cố gắng xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Ông Zelenskiy đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu trước quốc dân đồng bào,

“ Chúng ta không nghi ngờ gì rằng các bậc thầy hiện tại của Nga sẽ ném tất cả những gì họ còn lại và tất cả những gì họ có thể tập hợp được để cố gắng xoay chuyển tình thế của cuộc chiến và ít nhất là trì hoãn thất bại của họ. Chúng ta phải phá vỡ kịch bản này của Nga. Chúng ta đang chuẩn bị cho việc này. Bọn khủng bố phải thua. Bất kỳ nỗ lực nào trong cuộc tấn công mới của họ đều phải thất bại,” Zelenskiy nói.

Ông lưu ý rằng ông đã nói chuyện với Thủ tướng Canada, đây là cuộc điện đàm quốc tế thứ tư trong ngày hôm nay. Trước đó, ông đã có những cuộc điện đàm với những người đứng đầu chính phủ Hà Lan, Anh và Na Uy.

“Chúng ta đã bắt đầu năm nay với những gì Ukraine cần nhất ngay bây giờ - trước thềm các quy trình huy động mới đang được nhà nước khủng bố chuẩn bị. Bây giờ là lúc cùng với các đối tác của mình, chúng ta phải tăng cường khả năng phòng thủ,” Tổng thống nói.

Theo ông, nhà nước khủng bố sẽ bị đánh bại. “Tôi cảm ơn tất cả các đối tác đã hiểu điều này. Nga huy động những người mà họ muốn bỏ mặc cho đến chết, chúng ta huy động cả thế giới văn minh. Vì lợi ích của cuộc sống,” Zelenskiy nói.

Như đã đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp khác của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine vào hôm thứ Ba. Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã báo cáo về tình hình tại các khu vực chính của mặt trận.
 
Những thứ sẽ được bỏ vào quan tài của ĐGH Bênêđíctô. ĐHY Quân: GH tại TQ biết ơn ĐGH Bênêđíctô
VietCatholic Media
18:53 04/01/2023


1. Một trình thuật về triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô được niêm phong trong quan tài của ngài

Một tài liệu bằng văn bản về triều đại làm nên lịch sử của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ được đặt cạnh thi hài của ngài bên trong quan tài để mai táng, Vatican cho biết như trên, đồng thời tiết lộ kế hoạch tang lễ đầu tiên của một vị giáo hoàng từ nhiệm trong sáu thế kỉ qua.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người đã đến Đền Thờ Thánh Phêrô để kính viếng thi hài của ngài trong tình trạng nguyên vẹn.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni, cho biết khi các buổi kính viếng vào tối thứ Tư, một bản tường thuật dài một trang về triều đại giáo hoàng gần 8 năm của Đức Bênêđictô XVI sẽ được đặt trong một ống trụ kim loại và đặt bên trong quan tài, cùng với các vật phẩm khác bao gồm các đồng xu của Vatican được đúc trong thời kỳ trị vì của ngài.

Đức Bênêđictô, 95 tuổi, qua đời hôm thứ Bảy sau 10 năm nghỉ hưu bất thường, sống trong một tu viện ở Vườn Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ an táng tại Quảng trường Thánh Phêrô vào hôm thứ Năm.

Mặc dù Vatican đã nhấn mạnh rằng Đức Bênêđictô muốn “sự đơn giản” để đặc trưng cho tang lễ của mình, Bruni cho biết nghi thức phụng vụ sẽ “rất chi tiết giống như nghi thức của Đức Giáo Hoàng với một số yếu tố nguyên bản.”

Sau khi các buổi kính viếng công khai kết thúc lúc 7 giờ tối ngày vào thứ Tư, “quan tài đã được đóng lại, theo một nghi thức đặc biệt,” Bruni nói. Thi hài của Đức Bênêđictô sẽ được đặt trong một chiếc quan tài đẽo từ cây bách, sau đó được đưa vào một chiếc quan tài bằng kẽm và sẽ được niêm phong trong một chiếc quan tài bằng gỗ thứ hai.

Quan tài của ngài sẽ được đưa ra khỏi Đền Thờ Thánh Phêrô và đặt ở sân quảng trường khoảng 40 phút trước tang lễ, khi đám đông tụ tập để dự buổi lần chuỗi Mân Côi cho Đức Bênêđictô, là vị giáo hoàng đã cai quản Hội Thánh từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 2 năm 2013.

An ninh Vatican ước tính khoảng 65.000 người đã xếp hàng kính viếng trong ngày thứ Hai, 70.000 người vào ngày thứ Ba, và 100.000 người vào ngày thứ Tư cũng là ngày cuối cùng. Hai vị Hồng Y cao cấp của Hoa Kỳ, là Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và Đức Hồng Y Sean Patrick O'Malley của Boston, đã tham dự Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô tại một bàn thờ ngay phía sau khu vực kính viếng vào hôm thứ hai.

Thư ký của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho biết trong số các giáo sĩ nổi tiếng đến dự tang lễ sẽ có Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng. Đức Hồng Y Quân, một giám mục 90 tuổi đã nghỉ hưu, đã bất đồng sâu sắc với Đức Phanxicô về thỏa thuận của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Đức Hồng Y Quân cho rằng thỏa thuận này phản bội những người Công Giáo thân Vatican ở Trung Quốc và các giáo sĩ đã bị đàn áp ở đó.

Được Đức Bênêđictô nâng lên hàng Hồng Y, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã bị bắt vào năm ngoái vì nghi ngờ thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù không bị buộc tội về các cáo buộc liên quan đến an ninh, nhưng ngài đã bị phạt vào tháng 11 sau khi bị kết tội không ghi danh một quỹ hiện không còn tồn tại để tìm cách giúp đỡ những người bị bắt trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán là một trong số những người có mặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô khi những cánh cửa mở ra trước bình minh. Giống như Đức Bênêđíctô, Thủ tướng Orbán đã vận động Âu Châu quay lại cội nguồn Kitô giáo của lục địa này.

Những người khác tỏ lòng kính trọng bao gồm Miriam Groppelli, một người giúp lễ trong giáo xứ của cô ở Milan, người thậm chí còn chưa được sinh ra khi Đức Bênêđictô làm giáo hoàng. Cô bé 6 tuổi đã đi tàu hỏa cùng với cha mình, Giuseppe Groppelli, 40 tuổi, cùng với ông bà và anh chị em của cô.

“Tôi đã kể cho cháu nghe câu chuyện của Đức Bênêđíctô, và cháu thực sự rất vui mừng được đến Rôma để nói lời tạm biệt,” người cha nói. “Đức Bênêđíctô rất quan trọng đối với Giáo hội, những bài phát biểu của ngài rất rõ ràng và hay. Ngài để lại một di sản tri thức vĩ đại.”

Đức Bênêđíctô, nguyên là Hồng Y Joseph Ratzinger của Đức, đã phục vụ trong nhiều thập kỷ tại Vatican với tư cách là người bảo vệ tính chính thống về giáo lý của Giáo Hội, được biết đến với kiến thức thần học cũng như những bài phát biểu hùng hồn.

Vì Đức Bênêđictô XVI không còn là người đứng đầu Quốc gia Thành phố Vatican, trái ngược với nghi thức tang lễ của các giáo hoàng qua đời khi vẫn đang trị vì, nên chỉ có hai quốc gia - Ý và Đức, quê hương của ngài - cử phái đoàn chính thức.

Nhưng các chính trị gia và hoàng gia, đặc biệt là các quốc gia chủ yếu theo Công Giáo, sẽ tham dự với tư cách cá nhân.

Không cần phải bầu giáo hoàng mới, các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến dự tang lễ của Đức Bênêđictô sẽ không phải ở lại Rôma để họp mật nghị chọn ra người lãnh đạo Giáo hội tiếp theo. Tuy nhiên, Đức Phanxicô sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi với những “hoàng tử của Giáo hội,” những người đóng vai trò là cố vấn của ngài.
Source:AP

2. Đức Hồng Y Quân nói Đức Bênêđictô XVI sẽ là ‘người chuyển cầu quyền năng trên thiên đàng’ cho Trung Quốc

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói ngài tin rằng Đức cố Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI sẽ là “người chuyển cầu đầy quyền năng trên thiên đàng” cho Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc.

Trong một bài phản ánh được đăng trên blog của mình vào ngày 3 tháng Giêng, Đức Hồng Y Quân nhớ đến Đức Bênêđíctô XVI như một “người bảo vệ sự thật vĩ đại”, người đã có những hành động “phi thường” để hỗ trợ Giáo hội ở Trung Quốc, bất chấp một số thất bại.

“Là một thành viên của Giáo hội Trung Quốc, tôi vô cùng biết ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô vì những điều ngài đã làm cho Giáo Hội Trung Quốc mà ngài không làm cho các Giáo hội khác,” Đức Hồng Y Quân viết.

Đức Hồng Y Hương Cảng đặc biệt nhắc lại Bức thư gửi anh chị em tín hữu Trung Quốc năm 2007 của Đức Bênêđictô XVI, mà Đức Hồng Y Quân gọi là “một kiệt tác về sự cân bằng giữa tính sáng suốt của học thuyết giáo hội học Công Giáo và sự hiểu biết khiêm tốn đối với chính quyền dân sự.”

Đức Hồng Y Quân cũng chỉ trích “những sai sót” trong bản dịch tiếng Hoa bức thư của Đức Bênêđíctô, mà ngài nói rằng ngài tin rằng có “những trích dẫn thiên vị chống lại ý nghĩa rõ ràng của bức thư”.

Đức Hồng Y nói thêm: “Một điều phi thường khác mà ngài đã làm cho Giáo hội ở Trung Quốc là thành lập một ủy ban đầy quyền lực để chăm sóc các công việc của Giáo hội ở Trung Quốc; thật không may, dưới thời chủ tịch mới của ủy ban nói trên, nó đã bị biến mất một cách lặng lẽ mà không hề có một lời từ biệt kính trọng”.


Source:Catholic News Agency

3. Hương Cảng cho phép Đức Hồng Y Quân dự tang lễ của Đức Bênêđictô

Đức Hồng Y Công Giáo Rôma thẳng thắn Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã được phép rời thành phố phía nam Trung Quốc để tỏ lòng kính trọng với Đức cố Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI tại Thành phố Vatican, thư ký của Đức Bênêđíctô cho biết hôm thứ Ba.

Đức Hồng Y Quân, một giám mục đã nghỉ hưu 90 tuổi, sẽ tham dự Thánh lễ an táng do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế tại Quảng trường Thánh Phêrô vào thứ Năm và trở về Hương Cảng vào ngày thứ Bảy.

Đức Hồng Y Quân được Đức Bênêđictô nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2006, mà theo ngài, điều này báo hiệu sự tập trung của Đức Thánh Cha vào Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đã bất đồng gay gắt với Đức Phanxicô về thỏa thuận của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Đức Hồng Y Quân cho rằng thỏa thuận này phản bội những người Công Giáo thân Vatican ở Trung Quốc và các giáo sĩ đã bị đàn áp ở đó.

Thư ký của Đức Hồng Y cho biết ngài đã ra tòa hôm thứ Ba để xin rời khỏi thành phố. Hộ chiếu của ngài đã bị chính quyền tịch thu sau vụ bắt giữ gây tranh cãi vào năm 2022.

“Chúng ta đang ở trong một tình thế cảnh giác, lo lắng và đối mặt với khó khăn, nhưng hãy tin tưởng vào Chúa” Đức Hồng Y Quân, 90 tuổi, đã nói như trên với đàn chiên của mình tại Nhà thờ Thánh Giá như ngài đã nói vào hồi tháng 5 vừa qua. “Có rất nhiều người trong chúng ta trong suốt lịch sử đã bị bức hại vì đức tin của họ. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho họ ngày hôm nay.”

Đức Hồng Y Quân đã bị bắt vài ngày sau đó bởi các viên chức cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia của thành phố - cùng với bốn ủy viên khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hương Cảng Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))

Năm người được ủy thác, cũng như thư ký của quỹ, đã bị buộc tội vì không ghi danh quỹ này với tư cách là một hiệp hội. Tất cả đều không nhận tội.

Quỹ đã hỗ trợ hàng trăm người biểu tình trong thời kỳ bất ổn chống dự luật dẫn độ năm 2019 bằng cách cung cấp hỗ trợ pháp lý, quỹ tư vấn tâm lý, điều trị y tế và cứu trợ khẩn cấp.

Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, cũng bị phạt số tiền tương tự.

Đức Hồng Y là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng Công Giáo Rôma gồm 400,000 người ở Hương Cảng và việc bắt giữ ngài đã gây ra làn sóng chấn động cả trong thành phố và nước ngoài. Vatican bày tỏ lo ngại trong khi các nhóm nhân quyền và chính phủ nước ngoài thẳng thắn hơn trong những lời chỉ trích của họ.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi Vatican tìm cách gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cho phép các giám mục trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc được lựa chọn bởi bọn cầm quyền và sau đó được Vatican chấp thuận. Đổi lại, Trung Quốc công nhận thẩm quyền của Tòa thánh trong cộng đồng Công Giáo của mình.

Những người chỉ trích tin rằng thỏa thuận này phản bội người Công Giáo trong Giáo Hội hầm trú của Trung Quốc, là những người phải đối mặt với cái giá cá nhân rất lớn để trung thành với Tòa thánh. Việc tiếp tục thỏa thuận cũng có thể dẫn đến việc Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Chính thức là một quốc gia vô thần và Cộng sản, Trung Quốc vẫn duy trì mức độ kiểm soát cao đối với tất cả các hình thức tôn giáo có tổ chức. Năm 1957, chính phủ Trung Quốc đã thành lập Giáo Hội Công Giáo do nhà nước phê chuẩn, bổ nhiệm các giám mục của riêng mình và khẳng định ảnh hưởng của cộng sản đối với thần học của họ. Hàng triệu người Công Giáo ở đại lục, vẫn trung thành với Tòa thánh, buộc phải thờ phượng dưới sự đe dọa sách nhiễu và bỏ tù của chính quyền.

Giáo phận Công Giáo Hương Cảng hoạt động như một thực thể riêng biệt với các nhà thờ của Trung Quốc theo khuôn khổ Một quốc gia, Hai hệ thống, trong khi Vatican hiện không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Sinh năm 1932 tại Thượng Hải trong một gia đình Công Giáo, Đức Hồng Y Quân đến Hương Cảng năm 1948 với tư cách là người tị nạn trong Nội chiến Trung Quốc. Khi còn trẻ, ngài gia nhập Dòng Salêdiêng và được thụ phong linh mục năm 1961 tại Turin, bên Ý.

Đức Hồng Y Quân bắt đầu sự nghiệp của mình tại giáo phận Hương Cảng và cuối cùng trở thành giám mục sau cái chết của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung (John Wu, 胡振中). Đức Cha Trần Nhật Quân được Đức Bênêđíctô thăng Hồng Y vào năm 2006.
Source:AP