Ngày 02-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một hành trình không bao giờ kết thúc
Lm. Minh Anh
01:49 02/01/2022

MỘT HÀNH TRÌNH KHÔNG BAO GIỜ KẾT THÚC
“Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng!”.

Trong cuốn “My Words Will Not Pass Away”, “Những Lời Thầy Nói Chẳng Hề Qua Đâu”, Martin Hogan viết, “Gần đây tôi bắt gặp một câu trong một cuốn sách khiến tôi chú ý, ‘Chúng ta thuộc về thời đại mà bóng tối trong đêm dễ nhìn thấy hơn những điểm sáng toả chiếu giữa bóng tối!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bóng tối trong đêm dễ nhìn thấy hơn những điểm sáng toả chiếu giữa bóng tối!”. Đó là tâm lý thường tình nơi con người mọi thời. Thế nhưng, dù bầu trời phương Đông cách đây hơn 2.000 năm thật tối, ba nhà đạo sĩ vẫn nhận ra ánh sáng chói lọi của ngôi sao Bêlem. Tin Mừng ngày lễ Hiển Linh cho biết, “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng!”; và ánh sao đã dẫn họ đến tận Chúa Hài Nhi. Vậy mà, gặp gỡ Hài Nhi Giêsu vẫn mãi là ‘một hành trình không bao giờ kết thúc!’.

Đi trong bóng đêm dày đặc, nhưng ba nhà đạo sĩ đã biết hướng lên trời cao; họ không bị mê hoặc bởi bóng tối; ngược lại, họ bị cuốn hút hoàn toàn bởi sự rạng ngời của ánh sao từ trên. Sức mạnh của ánh sáng đẩy họ ra khỏi vùng đất của mình và nhất là ra khỏi lòng mình để bắt đầu một cuộc tìm kiếm vô tận. Là con cái Chúa, chúng ta luôn tìm kiếm những điểm sáng toả rạng giữa bóng tối; những điểm sáng đó như những hạt giống bí ẩn đang phát triển bên dưới các bề mặt của mọi sinh hoạt. Chúng không đi kèm với ánh sáng nhấp nháy ấn tượng; sự hiện diện của chúng đôi khi tinh vi đến mức chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng, không có chúng, hoặc bóng tối đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, những điểm sáng nhỏ dẫn đến sự hiện diện của Thiên Chúa vẫn có đó; chúng đang toả sáng, nếu chúng ta có khả năng nhìn thấy. Và một khi nhìn thấy, chúng vẫn có thể trở nên những ánh sao dẫn đường để chúng ta có thể đến tận nơi Thiên Chúa có mặt.

Ba nhà đạo sĩ đã hoà hợp với ánh sao; trong bóng tối, khi ngôi sao di chuyển, họ đi theo nó. Họ rời bỏ những gì quen thuộc chung quanh để bước vào một hành trình khá phiêu lưu nhưng đầy hy vọng. Nương theo ánh sáng, họ hy vọng gặp được một vị vua vĩ đại với khanh tướng công hầu trong một cung điện nguy nga; thế nhưng, họ lại gặp một điều vô cùng nghịch thường, một hang động tanh hôi giữa đồng vắng, trong đó, một đôi bạn trẻ bên một bé thơ nghèo hèn, tồi tệ; một mầm sống mong manh, không chút an toàn. Thế nhưng, tuyệt vời thay! Không một chút nghi ngờ; họ đã tin, đã phủ phục, dâng cho Ngài những gì quý giá nhất. Rồi họ trở về quê hương bằng một con đường khác và hành trình của họ lại tiếp tục với một khởi đầu mới, họ đem chia sẻ kho báu đã nhận được từ Hài Nhi họ vừa tôn thờ. Đúng thế, một khi gặp được Giêsu, chúng ta không thể không rẽ qua con đường khác của đời mình, hầu tiếp tục đem rọi chiếu ánh sáng của Ngài.

Anh Chị em,

“Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng!”. Thiên Chúa là ánh sáng làm vui mọi tâm hồn. Ngài đang toả sáng cho chúng ta cách này, cách khác giữa một Năm Mới đầy khó khăn bởi bóng tối của dịch bệnh. Ngài mong chúng ta nhìn thấy ánh sáng của Ngài để hân hoan bước đi trên con đường Ngài dẫn dắt. Ánh sáng ấy có tên là Giêsu, và con đường ấy cũng mang tên Giêsu! Nương theo Ánh Sáng Giêsu, đi trên Con Đường Giêsu, chúng ta sẽ hiệp hành tiến về nhà Cha. Đây cũng là ‘một hành trình không bao giờ kết thúc’ của Giáo Hội; trong đó, chúng ta và toàn thể nhân loại cất bước. Ước mong sao, chúng ta biết hướng lòng lên cao để nhìn thấy Ánh Sáng Giêsu, và cùng lôi kéo anh chị em mình hăng hái bước đi trong Ngài. Lời Chúa hôm nay giục giã chúng ta nhận ra những dấu hiệu chói sáng giữa đêm đen, theo những cách thức quan phòng của Chúa. Để rồi, như các đạo sĩ, Chúa cũng sẽ gửi chúng ta đi vào một hành trình mới, với một khởi đầu mới; hành trình ơn gọi theo đấng bậc của mỗi người, để toả rạng ánh sáng Giêsu cho anh chị em mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, xin lôi kéo con, đổ đầy ánh sáng Chúa cho con; từ đó, đẩy con đến những vùng ngoại biên, mang theo ánh sáng của Chúa. Và như thế, hành trình đời con cũng là ‘một hành trình không bao giờ kết thúc!' " Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 03/01: Ánh sáng của ơn Cứu Độ. Suy Niệm: Linh mục Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
02:55 02/01/2022

PHÚC ÂM: Mt 4, 12-17. 23-25

“Nước trời đã đến gần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”. Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:54 02/01/2022

30. Nên khắc chế dục tình, và chán ghét những ham muốn tình cảm cá nhân lệch lạc.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:57 02/01/2022
55. THƯ SINH HỌC DỐT

Có một thư sinh đọc sách trong đêm, đọc cả trăm lần mà vẫn không thuộc bài, đã đến canh tư mà anh ta vẫn cứ đọc lớn không ngừng, đọc cho đến khi trời sáng.

Lúc ấy, có tên trộm núp dưới gầm giường, rất nóng lòng sốt ruột, chịu không nổi bò dậy đánh thư sinh một tát tai nổi đom đóm, nói:

- “Mày đâu phải là do sắt thép sinh ra, sao mà ngu quá vậy, tao làm sao có thể đợi cho đến khi mày đi ngủ được chứ”,

Hắn ta vừa chửi vừa cười ha ha và bỏ đi.

(Nhĩ Thực Lục)

Suy tư 55:

Thời nay có người học dốt nhưng cố gắng vươn lên và thành công; có người thấy mình học dốt thì chuyển qua học nghề; lại có người học dốt nhưng vẫn cứ được tuyển vào lớp chuyên do tiền bạc của cha mẹ học giùm, và sự suy thoái đạo đức của một số thầy cô giáo.

Học dốt nhưng vẫn cố gắng như anh thư sinh trên thì là có hai cái lợi: là sẽ nhớ bài lâu và không bị mất trộm.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu biết mình hay phê phán người khác mà cố gắng sửa đổi, nếu biết mình có tính kiêu ngạo mà cố gắng sửa đổi, nếu biết mình hay ghen ghét mà cố gắng sửa đổi, nếu biết mình thích nói xấu người khác mà sửa đổi.v.v...thì không những có lợi cho mình, mà còn có lợi cho tha nhân, cho cộng đoàn, và nhất là rất đẹp lòng Thiên Chúa.

Học dốt không phải là cái tội đáng trách, nhưng đáng trách những ai tiếp tay cho học sinh càng dốt thêm. Biết mình tội lỗi không phải để trách mình oán người, nhưng là để thấy mình yếu đuối mỏng dòn, mà cầu xin sự tha thứ và ân sủng của Thiên Chúa, để vươn lên và tiến tới gần sự thánh thiện hơn.

Đó là phúc trong họa vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nhạy Bén
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:43 02/01/2022
Nhạy Bén

(Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh – 1Ga 4,7-10; Mc 6,45-52)

Thánh sử Maccô tường thuật Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng và khi các vị trở về kể lại những việc đã làm thì Người đã nhạy bén với nhu cầu của họ nên đã biểu họ lánh riêng ra một nơi mà nghỉ ngơi vì dân chúng đi lại quá đông khiến họ không có thời giờ ăn uống (x.Mc 6,30-31). Các ngài đã lên thuyền qua bờ bên kia thế mà dân chúng vẫn đi theo đông đảo bằng đôi chân mình. Tin Mừng ghi rằng khi ra khỏi thuyền Chúa Giêsu thấy đám rất đông dân chúng thì Người chạnh lòng thương vì họ như chiên không người chăn dắt. Và Người lại quên việc nghỉ ngơi của mình để rồi tiếp tục dạy dỗ họ.

Một tấm lòng tràn đầy tình yêu thì luôn nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân. Biết đám đông dân chúng không chỉ khát về mặt tâm linh mà còn đang đói cả về thể lý, Chúa Giêsu đã truyền các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!”. Biết bao nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của tha nhân cần đáp ứng mà nếu có chút tấm lòng nhạy bén thì hẳn chúng ta sẽ dễ nhận ra. Đoàn dân Thiên Chúa đang có nhu cầu gì các vị mục tử có thấu hiểu chăng và ngược lại? Anh chị em lương dân và bà con khác đạo quanh chúng ta đang cần đáp ứng điều gì và đâu là nhu cầu căn bản của xã hội chúng ta đang sống, quốc gia mà chúng ta là công dân? Vấn đề là chúng ta có biết thao thức để cho tâm trí mình được bén nhạy như thế nào.

Nhạy bén trước nhu cầu của nhau không phải là để đó nhưng là để bắt tay thực hiện ngay những gì có thể, dù là bé nhỏ. Có đó tình trạng biết được nhu cầu của tha nhân nhưng vì quá tính toán, quá khôn ngoan kiểu chờ đến thời cơ thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi rồi mới thực hiện và vì thế đã bỏ qua nhiều việc phải làm. Khi tường thuật “nhìn thấy đám đông dân chúng thì Chúa Giêsu hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” và Tin Mừng thánh Gioan ghi tiếp: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (x.Ga 6,5-6).

Thánh Gioan viết rằng chúng ta phải yêu thương nhau vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu cốt ở điều này là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. (x.1Ga 4,7-10). Việc Chúa Cha cho Chúa Giêsu thực thi thiên tính bằng dấu lạ hóa bánh cá ra nhiều khiến chúng ta phải xác tín rằng đã yêu thì phải làm ngay những việc cần làm và Chúa sẽ giúp thêm cho.

Những hình thức quá tính toán và biện bạch rằng “một con én không làm nên mùa xuân” có thể chỉ là cách bào chữa cho lối sống thụ động, ích kỷ, dửng dưng và có thể là nhát đảm. Cố nhạc sĩ họ Trịnh có ca từ: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..”. Khi có tấm lòng thì chúng ta sẽ biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, nhất là nhu cầu của những người kém phận. Tuy nhiên sự bén nhạy của lòng chúng ta có thể dần hóa thành xơ cứng nếu không biết bắt tay làm ngay những việc phải làm. Dù rằng trong các chương trình, kế hoạch phải biết cẩn trọng vì “dục tốc bất đạt”, nhưng xin chớ quên rằng động từ yêu (love – aimer) nếu ở thì tương lai thì nhiều khi là “vô nghĩa”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 02/01/2022

31. Vứt bỏ những ham muốn cá nhân là đẳng cấp cao nhất, và khi cố gắng thực hành ý muốn của người khác thì con sẽ không có phản ứng.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://www.facebook.com/jmtaiby
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 02/01/2022
56. YÊU QUÝ CON LỪA

Có một phú ông rất biết cho vay lãi để sinh sống, về sau vì tuổi tác đã lớn nên mua một con lừa để đi đòi nợ, nhưng tính ông ta rất bủn xỉn, lúc nào không mệt mỏi thì quyết không cưỡi lừa.

Giữa mùa hè năm nọ, ông ta đi đòi nợ ở phương xa, giữa đường ông ta bị suyễn ho sù sụ nên nhảy vội lên lưng con lừa, đi được khoảng hai ba cây số, con lừa cũng ho khặc khặc, ông ta vội vàng xuống lừa tháo cái yên lừa ra, con lừa tưởng chủ cho nghỉ nên lại tìm đường chạy về.

Lão phú ông vội vàng kêu nó, nhưng con lừa vẫn cứ chạy, đuổi thì đuổi không kịp. Lão phú ông vừa sợ con lừa chạy mất tiêu, vừa không nỡ vất bỏ cái yên lừa, nên vác cái yên lừa đuổi theo con lừa. Về tới nhà thì cảm thấy chân mỏi lưng rướm máu, lại gặp buổi trưa nắng nên bị bệnh luôn cả mấy tháng.

(Nhĩ Thực Lục)

Suy tư 56:

Thời nay có nhiều người sắm xe để làm phương tiện di chuyển, nhưng chăm sóc chiếc xe còn hơn chăm sóc vợ con, tắm rửa lau chùi sạch sẽ, vợ quẹt chút xíu là rầy la mắng chửi, con làm ngã xe là bợp tai con. Của cải vật chất là phương tiện giúp cho cuộc sống của con người thêm thoải mái, là thứ nay còn mai mất, là vật ngoài thân, có thì dùng, mất đi thì thôi, đừng bận tâm đến.

Có một vài người Ki-tô hữu lái xe mới cáo cạnh đi lễ nhà thờ, nhưng không vào trong nhà thờ, mà ngồi trên xe vì sợ mất xe, sợ xe ngã trầy nước sơn, dù nhà thờ có chỗ gởi xe, họ coi chiếc xe “đẹp” hơn thánh lễ, quan trọng hơn thánh lễ; có những người sắm xe cộ để đi nhà thờ, nhưng khi xe bị hư, sửa chữa thì họ cũng ở nhà luôn, mặc dù trước khi chưa có xe thì họ tìm đủ mọi phương tiện để đi tham dự thánh lễ, họ đi lễ vì có xe chứ không vì có Chúa và không muốn hy sinh.

Con lừa, con ngựa, xe mô tô hay xe ô tô thì đều là phương tiện chứ không là mục đích, cho nên có phương tiện thì tốt, mà không thì cũng thế thôi, mục đích của người Ki-tô hữu là được dự thánh lễ và để kết hợp với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể...

Đừng vì con lừa, chiếc xe mà để linh hồn bệnh hoạn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hồng Ân tái sinh
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:03 02/01/2022

CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
HỒNG ÂN TÁI SINH
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Biến cố này là gạch nối giữa đời sống ẩn dật và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu bắt đầu bước vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về sự khác biệt và ý nghĩa Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả, Phép Rửa của Chúa Giêsu và Phép Rửa của chúng ta.

1- Phép Rửa Gioan

Với tư cách là người dọn đường cho Đấng Mêsia, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối và hoán cải bằng việc đón nhận Phép Rửa của ông. Nhờ gương sáng và lời nói đầy thuyết phục, Gioan đã thu hút dân chúng. Người ta lũ lượt kéo đến với Gioan để xin ông làm Phép Rửa; nhiều người nghĩ rằng, Gioan chính là Đấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Nhưng Gioan quả quyết rằng, ông không phải là Đấng Mêsia: “Phần tôi, tôi làm Phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).

Như vậy, Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước, là dấu chỉ bên ngoài để tỏ lòng sám hối và giúp quay trở về với Chúa, nhưng chưa phải là bí tích. Bởi thế, Phép Rửa này không mang lại hiệu quả ơn tha tội khi lãnh nhận. Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa dọn đường cho Phép Rửa của Chúa Giêsu sẽ được thiết lập sau này.

2- Phép Rửa của Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu đến với Gioan và xin ông làm Phép Rửa tại sông Giođan. Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan làm Phép Rửa? Tại sao Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa lại cần phải thống hối và thanh tẩy? Chắc chắn là không. Đây là ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa này:

Trước hết, việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan là một hành vi tự hạ và khiêm tốn mà Người thực hiện theo ý định của Chúa Cha. Nếu biến cố nhập thể là bước khởi đầu mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Nay, qua biến cố Phép Rửa, Chúa Giêsu đi thêm một bước nữa, đó là hạ mình xuống để hòa mình và liên đới với mọi tội nhân. Như thế, qua hành vi này, Chúa Giêsu sống tinh thần tự hạ, muốn trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Hơn nữa, theo các Giáo Phụ, việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là để thanh tẩy thay tội lỗi nhân loại. Cũng như trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã dìm mình trong bản tính nhân loại để thánh hóa bản tính ấy, nay Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước để thánh hóa dòng nước, nhờ đó mà thánh hóa nhân loại qua bí tích Rửa Tội.

Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, thánh Luca tường thuật về ba dấu hiệu xảy ra:

Dấu hiệu thứ nhất: “Trời mở ra.” Chúng ta nhớ lại: khi Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua bao thế hệ, dân Chúa cầu khẩn: “Ước chi Ngài xé các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nay đã đến lúc, nhờ Chúa Kitô, trời mở ra. Điều này nói lên rằng từ nay trời đất giao thông với nhau, con người được sống hiệp thông với Thiên Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: “Chúa Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu.” Đây là mạc khải về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Người được sai đến và cùng với Chúa Giêsu khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn cứu độ nhân loại. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Người thánh hóa và dẫn đưa mỗi người về với Thiên Chúa.

Dấu hiệu thứ ba: là lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con” (Lc 3,21-23). Đây là mạc khải về Chúa Cha. Người là Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta. Người sai Chúa Con đến trong trần gian. Chúa Cha luôn hài lòng vì Chúa Con luôn làm theo ý định cứu độ của Chúa Cha.

Như thế, qua ba dấu hiệu trên mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và vai trò mỗi ngôi vị trong chương trình cứu độ nhân loại.

3- Phép Rửa của người Kitô hữu

Nếu Phép Rửa của Gioan là dấu chỉ bằng nước, mời gọi sám hối, thì Phép Rửa của Chúa Giêsu là bí tích bằng nước và Thánh Thần. Phép Rửa này là một bí tích trong bảy bí tích vừa mời gọi hoán cải, vừa mang lại hiệu quả tha tội và thánh hóa cho những ai đón nhận.

Bí tích Rửa Tội tha thứ tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân cũng như các hình phạt do tội, ban cho chúng ta sự sống thần linh. Đồng thời, nhờ Phép Rửa, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể Chúa Kitô, được gia nhập và tham dự vào các sứ mạng của Hội Thánh (GLCG. số 1213).

Như vậy, chúng ta đón nhận Phép Rửa không phải vì danh nghĩa làm Kitô hữu, nhưng là để sống tốt đời Kitô hữu. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn ý thức những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Phép Rửa Tội. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi cố gắng mỗi ngày sống xứng đáng là con cái Chúa và biết làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện, Chúa đã cúi xuống để đón nhận Phép Rửa tại sông Giođan, Chúa cũng đã lập Phép Rửa để thanh tẩy và thánh hóa chúng con, xin cho mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng là con cái của Chúa để chúng con trở thành những người con yêu dấu và hằng đẹp lòng Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Cũng là một thông điệp
Lm. Minh Anh
23:03 02/01/2022

CŨNG LÀ MỘT THÔNG ĐIỆP
“Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!””.

Đức Ông James Vlaun nói, “Các linh mục nổi tiếng về việc mượn những câu chuyện của nhau để giảng lễ! Một lần kia, tôi có mặt tại một đám tang với tư cách một người đồng tế; hôm đó, vị linh mục giảng lễ đã kể một câu chuyện thật sâu sắc về thời thơ ấu của ngài. Thực ra, đó là câu chuyện về thời thơ ấu của tôi, và ngài không bao giờ đề cập điều đó; cũng có thể ngài không biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ một chuyện tương tự ngay từ ngày đầu tiên khi Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Chúa Giêsu cũng đã ‘mượn tạm’ thông điệp của Gioan để ‘giảng lễ mở tay’ của Ngài một cách ngon ơ! Như vậy, điều đã xảy ra với James Vlaun cũng đã xảy ra với Gioan; bởi lẽ, ‘cũng là một thông điệp’, nhưng Gioan đã rao giảng trước, khi ông vừa từ hoang địa bước ra, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”.

‘Cũng là một thông điệp’; tuy nhiên, từ môi miệng Chúa Giêsu, những lời này mang một ý nghĩa phong phú hơn nhiều. Gioan loan báo một Nước Trời sắp đến, một Nước Trời mà có lẽ, bản thân Gioan cũng rất mù mờ; đang khi Chúa Giêsu, Ngài là Đấng phải đến của chính Nước đó, Vương Quốc đó; và còn hơn thế nữa! Tuyệt vời thay, chính Chúa Giêsu là Nước Trời, là Vương Quốc! Rồi đây, Ngài sẽ xác nhận điều đó, “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông!”. Bên cạnh đó, với Ngài, “sám hối” cũng mang một ý nghĩa khác! Sám hối thường được hiểu là hối hận, đau buồn vì những điều sai trái mình đã làm; ở đây, “sám hối”, “metanoia” trong tiếng Hy Lạp, là kêu gọi một sự thay đổi hoàn toàn và triệt để bên trong về cách thức chúng ta nhìn cuộc sống. Nó không quan tâm đến quá khứ, nhưng là tương lai!

Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, “Nước Trời” ở đây không đề cập đến cuộc sống tương lai; nó không bảo tất cả chúng ta sắp rời trái đất để về thiên đàng; “Trời” là một cách nói trại để chỉ danh Thiên Chúa, mà Matthêu, viết cho Kitô hữu Do Thái, không muốn sử dụng. Với người Do Thái, tên của Thiên Chúa thánh đến nỗi con người không được phép thốt ra. “Nước Trời” đó đã đến vì nó được hiện thân trong con người Chúa Giêsu. Chính Ngài sẽ thể hiện sự hiện diện hiệu quả của quyền năng Thiên Chúa; và điều đó được Matthêu cho thấy trong phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay, “Người ta đã đem đến cho Ngài đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Ngài đã chữa lành họ”, đó là sức mạnh của tình yêu và sự hàn gắn. “Chữa lành” có nghĩa là khôi phục sự toàn vẹn cho mọi người, mọi sự; vì mục tiêu của Nước Trời là khôi phục sự toàn vẹn của toàn thế giới. Đó là lý do của Giáng Sinh, cũng là lý do tại sao Hài Nhi trong máng cỏ được sinh ra, đi liền với sứ mệnh mà Ngài phải chu toàn cho đến chết.

Anh Chị em,

“Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang nói những lời đó với mỗi người chúng ta. Ngài muốn nói, hãy thay đổi cách nhìn, cách sống, vì chính Ngài là Nước Trời đang ở giữa chúng ta. Ngài đang phập phồng hồi hộp với chúng ta trong mọi tân toan của thiếu thốn, thất nghiệp và dịch bệnh; Ngài đang muốn chữa lành, khôi phục sự toàn vẹn của mọi sự; và điều Ngài muốn nhất, là chữa lành, khôi phục chính mỗi người chúng ta. Đúng thế, mỗi ngày, mỗi biến cố xảy ra, Thiên Chúa đang gửi đến những thông điệp cho từng người, từng linh hồn qua Ngôi Lời của Ngài; thông điệp có thể khác nhau, nhưng tựu trung, chúng vẫn chuyên chở một sự thật, “Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đang thương xót chúng ta; Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta”. Hãy nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giêsu và an tâm tín thác vào Ngài. Đó ‘cũng là một thông điệp’ mà từng ngày chúng ta nhận được, vốn sẽ dẫn tới một thông điệp quan trọng gấp bội, “Hãy trở nên con người mới mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta trở thành!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con tạo nên một sự khác biệt, trước hết, nơi bản thân con, bằng một đời sống sám hối; nhờ đó, con có thể tạo nên một sự khác biệt cho Giáo Hội, cho thế giới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn dụ và lời chúc Tết của Đức Thánh Cha trong ngày đầu Năm Mới
Đặng Tự Do
05:54 02/01/2022
Ngày 1 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em. Chúc mừng năm mới!

Chúng ta hãy bắt đầu năm mới bằng phó thác cho Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay nói về Mẹ, một lần nữa đưa chúng ta trở lại với những suy tư về chiếc nôi. Những mục đồng chạy nhanh về phía chuồng gia súc và họ tìm thấy gì? Bản văn cho biết họ tìm thấy, “Đức Maria, Thánh Giuse, và trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Chúng ta hãy tạm dừng ở cảnh này và hãy tưởng tượng Đức Maria, là người, giống như một người mẹ dịu dàng và chăm sóc, vừa đặt Chúa Giêsu vào trong máng cỏ. Chúng ta có thể thấy một món quà được ban tặng cho chúng ta trong hành động đặt Người xuống: Đức Mẹ không giữ Con của mình cho riêng mình, nhưng tặng Người cho chúng ta. Mẹ không chỉ ôm Người trong vòng tay của mình, mà còn đặt Ngài xuống để mời chúng ta nhìn vào Người, chào đón Người, và tôn thờ Người. Đây là tình mẫu tử của Đức Maria: Mẹ đã hiến dâng Chúa Con vừa chào đời cho tất cả chúng ta. Mẹ luôn luôn trao ban Con của Mẹ cho tất cả chúng ta, chứ không bao giờ coi Con của Mẹ như một cái gì đó của riêng mình, không. Đức Mẹ đã hành động như vậy trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu.

Và khi đặt Ngài trước mắt chúng ta, không nói một lời, Mẹ mang đến cho chúng ta một thông điệp tuyệt vời: Chúa đang ở gần, trong tầm tay của chúng ta. Ngài không đến với sức mạnh của một người muốn được người ta khiếp sợ, nhưng với sự yếu đuối của một người luôn đòi hỏi được yêu thương. Ngài không phán xét từ ngai vàng của mình trên cao, nhưng nhìn chúng ta từ bên dưới, như một người anh em, đúng hơn, như một người con trai. Ngài sinh ra nhỏ bé và thiếu thốn để không ai phải xấu hổ lần nữa. Chính khi chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối và mỏng manh của mình, chúng ta mới có thể cảm thấy Thiên Chúa đang ở gần hơn, bởi vì Người đã hiện ra với chúng ta theo cách này - yếu đuối và mỏng manh. Ngài là con Thiên Chúa được sinh ra để không loại trừ bất cứ ai. Ngài đã làm điều này để biến tất cả chúng ta trở thành anh chị em với nhau.

Và như vậy, năm mới bắt đầu với Chúa, Đấng trong vòng tay của mẹ và nằm trong máng cỏ, ban cho chúng ta lòng can đảm với sự dịu dàng. Chúng ta cần sự khích lệ này. Chúng ta vẫn đang sống trong thời kỳ bất định và khó khăn do đại dịch gây ra. Nhiều người sợ hãi về tương lai và các gánh nặng bởi các vấn đề xã hội, các vấn đề cá nhân, các mối nguy hiểm bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng sinh thái, những bất công và sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu. Nhìn Mẹ Maria với Con của Mẹ trong vòng tay, tôi nghĩ đến những bà mẹ trẻ và con cái của họ chạy trốn chiến tranh và nạn đói, hoặc đang chờ đợi trong các trại tị nạn. Có rất nhiều người trong số họ! Và khi chiêm ngưỡng Đức Maria, Đấng đã đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ, để Người sẵn sàng cho mọi người, chúng ta hãy nhớ rằng thế giới có thể thay đổi và cuộc sống của mọi người có thể được cải thiện nếu chúng ta sẵn sàng trao ban cho người khác mà không mong đợi họ hồi đáp. Nếu chúng ta trở thành những người thợ thủ công của tình huynh đệ, chúng ta sẽ có thể hàn gắn những mối dây của một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh và bạo lực.

Hôm nay, Ngày Thế giới Hòa bình được tổ chức. Hòa bình “vừa là một món quà từ trên cao vừa là hoa trái của dấn thân chia sẻ” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55, 1). Món quà từ trên cao: chúng ta cần cầu xin Chúa Giêsu điều đó vì chúng ta không có khả năng giữ gìn nó. Chúng ta có thể thực sự xây dựng hòa bình chỉ khi chúng ta có hòa bình trong tâm hồn mình, chỉ khi chúng ta nhận được nó từ Hoàng tử hòa bình. Nhưng hòa bình cũng là cam kết của chúng ta: nó yêu cầu chúng ta thực hiện bước đầu tiên, nó đòi hỏi những hành động cụ thể. Nó được xây dựng bằng cách quan tâm đến những điều tối thiểu nhất, bằng cách thúc đẩy công lý, bằng lòng can đảm để tha thứ, và qua đó dập tắt ngọn lửa hận thù. Và nó cũng cần một cái nhìn tích cực, một cái nhìn luôn luôn thấy, trong Giáo hội cũng như trong xã hội, không phải cái ác chia rẽ chúng ta, mà là cái tốt gắn kết chúng ta! Chán nản hoặc phàn nàn là vô ích. Chúng ta cần phải xắn tay áo để xây dựng hòa bình. Vào đầu năm nay, cầu xin Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa Bình, có được sự hòa hợp trong tâm hồn chúng ta và trên toàn thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Đầu năm mới, tôi cầu chúc mọi người bình an, đó là yếu tính của mọi điều tốt lành. Hòa bình! Tôi nhiệt liệt và biết ơn lời chào của Tổng thống Cộng hòa Ý, Sergio Mattarella, và tôi xin cam đoan về những lời cầu nguyện của tôi dành cho ông và cho người dân Ý.

Hôm nay là Ngày Thế giới Hòa bình, do Thánh Phaolô Đệ Lục khởi xướng năm 1968. Trong Thông điệp năm nay, tôi nhấn mạnh rằng hòa bình được xây dựng thông qua đối thoại giữa các thế hệ, thông qua giáo dục và qua việc làm. Nếu không có ba yếu tố này, các nền tảng bị thiếu.

Tôi biết ơn tất cả các sáng kiến được thúc đẩy trên khắp thế giới nhân Ngày này, phù hợp với tình hình đại dịch; và đặc biệt đối với Lễ Canh thức được tổ chức vào tối hôm qua tại Nhà thờ Savona như một biểu hiện của Giáo hội ở Ý.

Tôi chào những người tham gia cuộc biểu tình “Hòa bình trên mọi miền đất”, được tổ chức bởi Cộng đồng Thánh Egidio ở Rôma và ở nhiều nơi trên thế giới - những người thuộc Cộng đồng Thánh Egidio Egidio này tốt, họ rất tốt! - với sự cộng tác của các giáo phận và các giáo xứ. Cảm ơn sự hiện diện của anh chị em và sự dấn thân của anh chị em!

Và tôi chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương thân mến! Tôi chào những người trẻ tuổi từ Curtatone, các gia đình từ Forlimpopoli, các tín hữu của Padua và những người ở Comun Nuovo, gần Sotto il Monte - quê hương của Thánh Gioan 23, vị Giáo hoàng của Thông điệp Pacem in terris, nghĩa là Hòa Bình Tại Thế, phù hợp hơn bao giờ hết.

Chúng ta hãy về nhà và suy nghĩ: hòa bình, hòa bình, hòa bình! Chúng ta cần hòa bình. Tôi đã xem những hình ảnh trên chương trình truyền hình “A sua immagine”, ngày hôm nay, về chiến tranh, về những người phải di dời, về đói nghèo… những điều này xảy ra trên thế giới ngày nay. Chúng ta muốn hòa bình!

Những lời chúc tốt đẹp đến tất cả anh em! Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc mừng năm mới! Chúc bạn có một bữa trưa ngon miệng và hẹn đến ngày mai.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Hiển Linh 2/1/2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
07:57 02/01/2022
Chúa Nhật 2 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Hiển Linh.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Phụng vụ hôm nay đưa ra cho chúng ta một cụm từ rất hay, đó là cụm từ chúng ta luôn đọc trong kinh Truyền Tin và chính cụm từ ấy tỏ cho chúng ta thấy ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Cụm từ này là “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta. Những lời này, nếu chúng ta suy đi nghĩ lại, chúng ẩn chứa một nghịch lý. Chúng mang hai mặt đối lập: Ngôi Lời và xác phàm. “Ngôi Lời” chỉ ra rằng Chúa Giêsu là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, là Đấng vô hạn, tồn tại từ mọi thời đại, trước mọi vật được tạo dựng. Trái lại, “xác phàm” chỉ chính xác thực tại được tạo thành của chúng ta, mong manh, giới hạn, dễ chết. Trước Chúa Giêsu, có hai thế giới riêng biệt: Trời đối lập với đất, thế giới vô hạn đối lập với hữu hạn, tinh thần đối lập với vật chất. Và có một sự đối lập khác trong Lời mở đầu của Phúc âm theo thánh Gioan, một nhị phân khác: Ngôi Lời và xác phàm là một nhị phân; nhị phân còn lại là ánh sáng và bóng tối (xem câu 5). Chúa Giêsu là ánh sáng của Thiên Chúa đã đi vào bóng tối của thế gian. Ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa là ánh sáng: trong Người không có sự mờ mịt; còn trong chúng ta, thì khác, có nhiều bóng tối. Giờ đây, với Chúa Giêsu, ánh sáng và bóng tối gặp nhau: thánh thiện và tội lỗi, ân sủng và tội lỗi. Chúa Giêsu, sự nhập thể của Chúa Giêsu chính là nơi của cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại, cuộc gặp gỡ giữa ân sủng và tội lỗi.

Tin Mừng muốn loan báo điều gì với những đối cực này? Một cái gì đó tuyệt vời: đó là cách hành động của Chúa. Đối mặt với sự yếu đuối của chúng ta, Chúa không rút lui. Ngài không ở lại trong cõi vĩnh hằng diễm phúc và trong ánh sáng vô hạn của mình, mà Ngài đến gần, Ngài hóa thân, Ngài đi vào bóng tối, Ngài ở trong những vùng đất xa lạ với Ngài. Và tại sao Chúa làm điều này? Tại sao Ngài xuống thế với chúng ta? Thưa: Ngài làm điều này vì Ngài không cam chịu sự thật rằng chúng ta có thể lạc lối bằng cách đi xa Ngài, xa vĩnh cửu, xa ánh sáng. Đây là công việc của Thiên Chúa: đó là đến giữa chúng ta. Nếu chúng ta tự cho mình là không xứng đáng, điều đó không ngăn cản Ngài: Ngài vẫn đến. Nếu chúng ta từ chối Ngài, Ngài không mệt mỏi khi tìm kiếm chúng ta. Nếu chúng ta không sẵn sàng và không muốn tiếp nhận Ngài, thì dù thế nào Ngài vẫn muốn đến. Và nếu chúng ta đóng sầm cánh cửa trước mặt Ngài, Ngài sẽ đợi. Ngài thực sự là Người Mục Tử tốt lành. Và hình ảnh đẹp nhất về Người Mục Tử tốt lành là gì? Thưa: đó là Ngôi Lời trở nên xác phàm để chia sẻ cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đến tìm kiếm chúng ta ngay tại nơi chúng ta đang ở: trong những vấn đề của chúng ta, trong những đau khổ của chúng ta… Ngài đến nơi đó.

Anh chị em thân mến, chúng ta thường giữ khoảng cách với Thiên Chúa vì nghĩ rằng mình không xứng đáng với Ngài, và vì những lý do khác. Và đó là sự thật. Nhưng Giáng Sinh mời chúng ta nhìn mọi thứ theo quan điểm của Ngài. Chúa mong muốn được nhập thể. Nếu trái tim anh chị em có vẻ quá ô nhiễm bởi sự dữ, nếu nó có vẻ ngổn ngang, xin đừng khép mình lại, đừng sợ hãi: Người sẽ đến. Hãy nghĩ về chuồng gia súc ở Bethlehem. Chúa Giêsu sinh ra ở đó, trong hoàn cảnh nghèo khó đó, để nói với chúng ta rằng Ngài chắc chắn không ngại thăm viếng trái tim của anh chị em, khi nó đang ở trong một tình trạng tồi tàn. Và đây là từ chính yếu: cư ngụ. Cư ngụ là động từ được dùng trong bài Tin Mừng hôm nay để biểu thị thực tại này: nó diễn tả một sự chia sẻ hoàn toàn, một tình thân mật lớn lao. Và đây là điều Thiên Chúa muốn: Ngài muốn ở với chúng ta, Ngài muốn ở trong chúng ta, chứ không muốn xa cách.

Và tôi tự hỏi bản thân mình, anh chị em, tất cả chúng ta: còn chúng ta thì sao, chúng ta có muốn dành chỗ cho Ngài không? Trên môi miệng, sẽ không ai nói “Tôi không muốn!”; Đúng là thế. Nhưng trong thực tế? Có lẽ có những khía cạnh của cuộc sống mà chúng ta giữ cho riêng mình, đó là những không gian riêng biệt hoặc bên trong mà chúng ta sợ Tin Mừng sẽ đi vào, nơi chúng ta không muốn Thiên Chúa can dự vào. Hôm nay tôi mời anh chị em phải rõ ràng. Những điều bên trong mà tôi tin rằng Chúa không thích là gì? Đâu là không gian mà tôi tin rằng chỉ dành cho tôi, nơi tôi không muốn Chúa đến? Mỗi chúng ta hãy thẳng thắn trả lời điều này. “Vâng, vâng, tôi muốn Chúa Giêsu đến, nhưng điều này, Ngài không được chạm vào; điều này cũng không được, và điều này cũng đừng nhé”. Mọi người đều có tội lỗi của riêng mình - chúng ta hãy gọi đích danh nó. Chúa không sợ tội lỗi của chúng ta: Ngài đã đến để chữa lành chúng ta. Ít ra chúng ta hãy để Ngài thấy điều đó, hãy để Ngài thấy tội lỗi. Hãy can đảm, chúng ta hãy nói: “Nhưng lạy Chúa, con đang ở trong hoàn cảnh này nhưng con chưa muốn thay đổi. Nhưng Chúa ơi, đừng đi quá xa”. Đó là một lời cầu nguyện tốt. Hãy chân thành ngay hôm nay.

Trong những ngày Giáng Sinh này, chúng ta sẽ rất tốt khi được đón Chúa chính xác ở đó. Làm thế nào? Thưa, chẳng hạn, bằng cách dừng lại trước cảnh Chúa Giáng Sinh, bởi vì nó cho thấy Chúa Giêsu đã đến ngự trong tất cả cuộc sống thực, và bình thường của chúng ta, nơi không phải mọi thứ đều suôn sẻ, nơi có nhiều vấn đề: chúng ta có lỗi trong số trường hợp; còn những trường hợp khác là lỗi của tha nhân. Và Chúa Giêsu đến: những mục đồng làm việc chăm chỉ, chúng ta thấy những mục đồng ở đó, Hêrôđê đe dọa người vô tội, nghèo khó... Nhưng ở giữa tất cả những điều này, giữa rất nhiều vấn đề - và ngay cả giữa những vấn đề của chúng ta - có Chúa, có Chúa muốn ở với chúng ta. Và Ngài đợi chúng ta trình bày với Ngài hoàn cảnh của chúng ta, những gì chúng ta đang sống. Vì vậy, trước Chúa Giáng Sinh, chúng ta hãy nói chuyện với Chúa Giêsu về những tình huống thực tế của chúng ta. Chúng ta hãy mời Ngài chính thức bước vào cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong những vùng tối: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn xem, nơi đó không có ánh sáng, điện không đến được nơi đó, nhưng xin đừng chạm vào, vì con chưa muốn rời khỏi hoàn cảnh này”. Hãy nói rõ ràng và đơn giản. Vùng tối, “chuồng gia súc bên trong” của chúng ta; mỗi người trong chúng ta đều có những thứ đó. Và chúng ta cũng đừng sợ hãi nói với Ngài về các vấn đề xã hội, và các vấn đề của Giáo Hội trong thời đại chúng ta, ngay cả những vấn đề cá nhân, thậm chí là những điều tồi tệ nhất, bởi vì Thiên Chúa thích cư ngụ ở trong chuồng gia súc của chúng ta.

Xin Mẹ Thiên Chúa, là Đấng qua Mẹ Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, giúp chúng ta vun trồng tình thân mật ngày càng thắm thiết hơn với Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em, những tín hữu của Rôma và những người hành hương từ Ý và từ các quốc gia khác: Tôi thấy có các lá cờ của Ba Lan, Brazil, Uruguay, Á Căn Đình, Paraguay, Colombia và Venezuela: chào mừng tất cả anh chị em! Tôi xin chào các gia đình, hiệp hội, và các nhóm giáo xứ, đặc biệt là các gia đình từ Postioma và Porcellengo, trong giáo phận Treviso, cũng như các thanh thiếu niên của Liên đoàn Regnum Christi và các bạn trẻ của Đức Maria Vô Nhiễm.

Vào Chúa Nhật đầu năm này, tôi xin lặp lại với tất cả anh chị em lời chúc bình an và tốt lành trong Chúa. Trong những giây phút vui vẻ và trong những lúc buồn bã, chúng ta hãy giao phó chính mình cho Người, Người là sức mạnh và niềm hy vọng của chúng ta. Và đừng quên: chúng ta hãy mời Chúa đến trong chúng ta, đến với cuộc sống thực của chúng ta, dù xấu xí, dù cho nó có thể là một chuồng gia súc: “Nhưng, lạy Chúa, con không muốn Chúa bước vào, nhưng hãy nhìn, và ở gần”. Hãy làm điều đó.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật may mắn và vui vẻ với bữa trưa của mình. Và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Để hiểu rõ về thế giới Công Giáo, bạn cần phải biết Ý
J.B. Đặng Minh An dịch
16:06 02/01/2022


John Allen, phóng viên thường trú tại Rôma của tờ Crux có bài nhận định nhan đề “To understand Catholicism, you need to get Italy”, nghĩa là để hiểu đạo Công Giáo, bạn cần biết Ý.

Anh lý giải như sau: Nếu theo dõi bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh, bạn có thể đã ngạc nhiên khi nghe ngài đề cao sự an toàn tại nơi làm việc và đưa ra lời kêu gọi, “Vào ngày của Sự sống, chúng ta hãy lặp lại: không còn cái chết nào ở nơi làm việc nữa!”

Bạn có thể đã tự hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng lại nói như thế?

Tuy nhiên, ở Ý, không ai cảm thấy ngỡ ngàng. Đêm thứ Sáu tuần trước, cả nước vẫn còn thương tiếc về cái chết của 3 công nhân đã thiệt mạng một tuần trước đó trong một vụ sập cần cẩu ở thành phố công nghiệp Turin phía bắc. Đám tang của người trẻ nhất trong số các nạn nhân, Filippo Falotico, 20 tuổi, đã được tổ chức vào hôm thứ Năm, một ngày trước đêm Giáng Sinh. Vụ việc ở Turin là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tai nạn chết người tại nơi làm việc ở Ý.

Tương tự, nếu chú ý nghe Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của ngài, bạn sẽ nghe thấy ngài than thở về “mùa đông nhân khẩu học” của Ý, về tỷ lệ sinh và quy mô gia đình giảm, là điều mà Đức Giáo Hoàng cho biết, đã được thúc đẩy một phần sau khi ngài xem một chương trình truyền hình có tên là A Sua immagine, nghĩa là “Theo Hình Ảnh Ngài”

Người Ý biết rằng A Sua immagine là chương trình sáng Chúa Nhật của đài truyền hình quốc gia RAI. Đó là một chương trình dành cho các vấn đề Công Giáo, chiếu trước và sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Những tham chiếu đến tình hình nội bộ của Ý như vừa kể minh họa, trong số những thứ khác, phong cách giáo hội học của Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi được bầu vào năm 2013, ngài đã đón nhận một cách mạnh mẽ danh hiệu “Giám mục Rôma” như thể quyền lực của ngài với tư cách là nhà lãnh đạo phổ quát của Giáo Hội Công Giáo phụ thuộc vào việc trở thành giám mục của một địa điểm cụ thể, là Thành phố vĩnh cửu.

Nhiều vấn đề của Công Giáo hầu như không thể hiểu được nếu không có một số kiến thức cơ bản về thực tại Ý. Thật vậy, bản thân Vatican là một môi trường tinh túy của Ý, bất chấp nhiều thập kỷ được cho là “quốc tế hóa” bắt đầu từ thời Thánh Phaolô Đệ Lục vào những năm 1960.

Tiếng Ý là ngôn ngữ chính thức trong công việc ở Vatican, luật dân sự Vatican được dựa chủ yếu vào luật của Ý, và thậm chí cả lịch trình làm việc hàng ngày của Vatican cũng phản ánh phong tục của Ý.

Một loạt các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới đã học ở Ý hoặc làm việc ở đây, và dù tốt hay xấu, các ngài có ấn tượng sâu sắc về kỳ vọng, phong cách quản trị và ý thức ưu tiên của người Ý.

Ý cũng là cái nôi của văn hóa Công Giáo. Tất nhiên, đó không phải là nơi đức tin được sinh ra - mùa Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô đã được sinh ra vào một thời gian và địa điểm cụ thể, tại Thánh Địa.

Tuy nhiên, Ý là nơi mà nền văn hóa mà đức tin đã được trui rèn một cách triệt để nhất qua nhiều thế kỷ, và dấu ấn đó vẫn còn rõ ràng không thể nhầm lẫn.

Tất nhiên, Công Giáo là một đức tin phổ quát vượt qua cả không gian và thời gian. Một người Công Giáo sống và chết ở Cameroon, Campuchia, hoặc Cleveland, chưa từng đặt chân đến Ý hay bất kỳ nơi nào khác, đều là một thành viên của Giáo Hội giống như một người đã nhìn thấy bốn phương của thế giới Công Giáo. Tuy nhiên, chúng ta đang nói ở đây không phải về sự thánh thiện mà là về sự hiểu biết, đó thực sự là một tính cách rất khác.
Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Bổn mạng ca đoàn Thánh Mẫu ngày 1.1.2022
Văn Minh
21:09 02/01/2022
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Bổn mạng ca đoàn Thánh Mẫu ngày 1.1.2022

“Mỗi người chúng ta hãy noi gương Đức Trinh Nữ Maria phó phác cuộc đời mình vào trong vòng tay của Thiên Chúa, và đem sự bình an đến cho mọi người”.

Trên đây là lời chia sẻ của linh mục (Lm) Antôn Nguyễn Thanh Hà trong Thánh lễ mừng kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa – Bổn mạng của ca đoàn Thánh Mẫu giáo xứ Vĩnh Hòa – diễn ra lúc 17g30 thứ Bảy ngày 1.1.2022.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do Lm Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Antôn Nguyễn Thanh Hà và Lm Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm SVD, Dòng Ngôi Lời.

Trước Thánh Lễ, các em thiếu nhi, đại diện các hội đoàn cùng các Lm cung nghinh tượng Đức Mẹ từ dưới hội trường tiến vào ngôi thánh đường hiệp dâng Thánh lễ dưới tiết trời dịu mát của ngày đầu năm.

Sau bài Tin Mừng, Lm Antôn Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: Hôm nay, Giáo hội mừng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Tại sao Đức Maria lại được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Bởi vì Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu – Đấng Cứu thế. Chính vì vậy mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ đặc ân là Mẹ Thiên Chúa”. Vì Thiên Chúa đã chọn Mẹ vào trong chương trình để cứu chuộc nhân loại. Cho dù có phải gặp biết bao khó khăn thử thách đang diễn ra ngay trước mặt, nhưng Mẹ vẫn luôn bình an và ghi nhớ suy đi nghĩ lại trong lòng “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Lm Antôn diễn giảng tiếp, mừng Đức Maria trong ngày đầu năm mới với hoàn cảnh của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, mỗi người chúng ta hãy noi gương Đức Trinh Nữ Maria phó thác cuộc đời mình vào trong vòng tay của Thiên Chúa, và đem sự bình an đến cho mọi người.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, chị Maria Ngô Thị Vân - Đoàn trưởng - đã thay mặt ca đoàn ngỏ lời cảm ơn các Lm cùng cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho các thành viên trong ca đoàn Thánh Mẫu.

Đáp từ, Lm Chánh xứ thay mặt cộng đoàn phụng vụ có lời cảm ơn các Lm và chúc mừng các thành viên trong ca đoàn được nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Các chị đã hy sinh thời gian đi tập hát để đem tiếng hát của mình làm sáng Danh Chúa. Đặc biệt là hát lễ tại gia và lễ an táng cầu nguyện cho những người qua đời trong giáo xứ.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Trước khi ra về, các thành viên trong ca đoàn cùng các Lm chụp chung tấm hình lưu niệm ngay trước thềm Cung thánh.

Được biết hiện nay, ca đoàn Thánh Mẫu có 26 ca viên, hát trong Thánh lễ sáng lúc 5g và chiều 17g30 thứ Tư, 5g sáng thứ Sáu, 17g30 thứ Bảy và 5g sáng Chúa nhật hằng tuần.
 
Giáo Đoàn LaVang tại Seattle mừng Bổn Mạng 2022.
Nguyễn An Quý
21:11 02/01/2022
Giáo Đoàn LaVang tại Seattle mừng Bổn Mạng 2022.

TUKWILA. Giáo Đoàn La Vang là một trong 5 Giáo Đoàn thuộc giáo xứ CTTĐVN Tổng Giáo Phận Seattle. Giáo Đoàn được thành lập vào ngày 15 tháng 3 năm 2015 do sự phát triển lớn mạnh của giáo xứ. Giáo Đoàn La Vang gồm các gia đình cư ngụ chung quanh nhà thờ giáo xứ gồm các thành phố: Sea-Tac, Tukwila, Burien, South West, một phần phía North Seattle, phía Nam có Des Moines, Federal Way, Auburn, Tacoma và một số gia đình thuộc thành phố Kent, Renton.

Xem Hình

Hôm nay ngày 02 tháng 1 năm 2022, Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, giáo Đoàn La Vang mừng lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa Bổn mạng của Giáo Đoàn một cách trọng thể vào lúc 9giờ 30. Đúng 9gờ30 ca đoàn Tin Yêu hát bài ca nhập lễ, quý linh mục cùng một số giáo dân của Giáo Đoàn La Vang hiện diện dưới cờ hiệu của Giáo Đoàn và nghi đoàn cung nghinh Thánh giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của ca Đoàn. Thánh lễ đồng tế do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ Tế cùng với cha Trần Hữu Lân, cha Nghiệp và cha Trung đồng tế Thánh Lễ.

Mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ ngỏ lời chào mừng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện, ngài nói: Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Hiển Linh, đặc biệt giáo đoàn LaVang mừng kính lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn Mạng của Giáo Đoàn, chào mừng quý Ông Bà Anh Chị Em trong gia đình Giáo Đoàn Lavang, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau(tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Bài Đọc I trích sách Tiên tri Isaia: Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi".

Tin Mừng Thánh Matthêu giới thiệu câu chuyện về ba vị đạo sĩ theo ánh sao lạ tìm đến nơi Hài Nhi sinh ra: "Đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta". Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình ".

Cha Trung phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh về đức tin vững mạnh của ba nhà đạo sĩ, ngài nói: "hôm nay cùng với giáo hội mừng lễ Hiển Linh là bối cảnh của câu chuyện được diễn ra dưới thời vua Hêrôđê có ba nhà đạo sĩ mỗi vị một phương đã nhìn thấy ánh sao lạ và cùng tìm về nơi Hài Nhi sinh ra. Cả ba nhà đạo sĩ đã có một niềm tin sắc son, một niềm tin vững mạnh nên khi nhìn thấy ngôi sao lạ, cả ba vị đều lên đường theo sự hướng dẫn của vì sao. Không biết Ba Vua từ nước nào một cách chính xác nên thường đuợc gọi các ngài đến từ Phương Đông. Các ngài đã nhờ ánh sao dẫn đường đến tận nơi Đấng Hài Nhi sinh ra. Ba Vị đạo sĩ đã bái lại Đấng Hài Nhi và dâng những lễ vật như vàng, nhũ hương và mộc được....

Ngài tiếp: trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao ánh sao lạ dẫn đường cho chúng ta đến gần Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta làm ngơ trước ánh sáo lạ dẫn đường như Vua Hêrôdê ngày xưa...Nhân ngày lễ Ba Vua, xin cho mỗi người chúng ta luôn được ánh sao lạ dẫn đường để chúng ta biết đi đúng đường của Chúa…”

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện kết lễ, vị chủ tịch Giáo Đoàn cám ơn quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện. Ngoài ra trong dịp này Giáo Đoàn cũng chúc mừng ông bà Nguyễn Văn Đức nhân dịp mừng 70 năm hôn phối.

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ đã có lời chúc mừng toàn thể quý gia đình Giáo Đoàn LaVang, ngài nói: “Giáo Đoàn LaVang gồm nhiều gia đình sống trên một diện rộng từ cảng Seattle trở về phía Nam gồm các thành phố Seatac, Burien, SouthWest, DesMoine, Frederal Way, Tacoma và một số Auburn, Kent, Renton.Tuy trên diện rộng giáo đoàn cũng đã biết lien kết và cùng nhau đóng góp vào các công tách trong giáo xứ, tổ chức đọc kinh Mân Côi trong các gai đình và thăm viếng, chúc mừng Giáo Đoàn trong ngày mừng Bổn Mạng” và sau cùng quý cha ban phép lành trọng thể cho toàn thể các thành viên trong Giáo Đoàn La Vang hiện diện cũng như đang trên trực tuyến.

Thánh lễ được kết thúc lúc 10 giờ 50 phút. Sau Thánh Lễ Giáo Đoàn La Vang có buổi họp mặt để bầu ban Điều Hành Giáo Đoàn nhiệm kỳ 2022-2025.Trong hoàn cảnh dịch bệnh nên không có tiệc mừng, những người tham dự họp có thức ăn nhẹ. Cha chánh xứ đã chủ sự buổi họp bầu Ban Điều Hành với thành quả tốt đẹp là đã có nhiều bạn trẻ tham gia vào việc điều hành Giáo Đoàn. Buổi họp kết thúc lúc 12 giờ, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tại sao ba miếu hiệu đầu tiên cuả các vua triều Nguyễn đều xưng là Tổ đến vua Tự Đức lại xưng Là Tông?
Nguyễn Văn Nghệ
10:42 02/01/2022
Tại sao ba miếu hiệu đầu tiên cuả các vua triều Nguyễn đều xưng là "Tổ" đến vua Tự Đức lại xưng Là “Tông”?

Miếu hiệu của vua Gia Long là Thế tổ, của vua Minh Mạng là Thánh tổ, của vua Thiệu Trị là Hiến tổ, của vua Tự Đức là Dực Tông.

Tại sao miếu hiệu của vua Tự Đức không xưng “tổ” như ba vị vua tiền nhiệm mà lại xưng “tông”?

Vua Tự Đức lên ngôi năm 1848 và mất năm 1883. Trong thời gian trị vì đất nước, vào tháng 8/1858 Liên quân Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) đã đem quân tấn công Đà Nẵng, sau đó đem quân vào đánh chiếm vùng đất Nam Kỳ.

Tháng 8 năm Đinh Mão (1867) vua Tự Đức viết bài Khiêm cung ký, trong đó có nhắc đến việc giữ không được đất Nam Kỳ nên mới cầu hòa với Pháp: “…bất đắc dĩ cầu hòa với giặc, sai sứ đi định ước, những bậc kỳ nho, thạc phụ khẳng khái xin đi, không biết vì cớ gì mà lập thành hòa ước dễ dàng để về đem tất cả thổ địa nhân dân của các triều mở mang khó nhọc bỗng chốc bỏ cho giặc hết, đối với chọn tai họa cầu nhẹ, đem cái chết cố tranh, đi sứ không nhục mệnh vua, quả như thế ư?”[1]

Trước khi tiễn đưa Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp[2] vào Gia Định nghị hòa, vua Tự Đức dụ rằng: “Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền”. Nhưng khi vào nghị hòa, do sức ép của Pháp, nên Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp đã “đem đất 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa nhường cho Pháp”[3]. Do đó vua Tự Đức đã đỗ lỗi mất Nam Kỳ cho các quan đi nghị hòa: “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Hai viên này không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy!”[4]

Người xưa nói: “Tội quy vu trưởng” (Người cầm đầu phải gánh chịu mọi tội lỗi). Nhận rõ điều này cho nên khoảng gần 10 năm sau vào tháng 6 năm Bính Tý (1876) nhìn thấy bờ cõi cũ là Nam Kỳ chưa lấy lại được, vua Tự Đức thấy có lỗi nên đem tội tự chê: “Trẫm tuổi trẻ lên ngôi, là nhờ phúc trước, nước nhà toàn thịnh, việc chính, việc đời, chưa từng để ý, mê muội lời răn ‘ở lúc yên lo lúc nguy’[5] chỉ ham vui chơi, nên trên phạm trời trách, dưới chứa dân oán, ngoài để nước láng giềng giận, trong thiếu mưu kế hay, việc dân mà lo, không cứu nổi việc gượng theo mưu bậc lão thành, bỏ đất đai nhân dân 6 tỉnh Nam Kỳ ấy, để thời chiến tranh cho yên cả nước, hơn 200 năm gây dựng khó nhọc, bỗng chốc bỏ đi, là tội của tiểu tử này, không thể nói xiết. Nếu có công đức gì, cũng không thể chuộc được, huống chi không có công đức, chỉ thẹn mặt ngồi làm vì, lâu ngày để đến già yếu, người không nỡ chê trách, ta há không lòng nào? Nay tình láng giềng càng hậu, mà bờ cõi cũ chưa trả về, xót thương, sĩ tử, như mất cha mẹ. Trẫm vốn không có tài gì khác, chỉ có lòng yêu dân, già mà càng tha thiết. Cúi, ngẩng, trông, xem sống không còn mặt nào, chết cũng không thể nhắm mắt. Còn như Sở Tử, để mất quân, xin tên thụy là Lê đế, nhà Hán bàn phép thờ ở tôn miếu, từ Hòa đế trở xuống không công có tội lỗi không đáng được tôn, trẫm há không tự biết ư? Thực không nỡ đem lòng yêu ấy để chuộc lỗi của mình. Nếu may được nước láng giềng cảm lòng thành thực, giao trả lại ngay, cho trẫm được kịp thấy, thực là nghĩa lớn, nếu chưa toại nguyện, mà trẫm không may giữ chí đến chết, dù quan dân có không nỡ bỏ, viện lệ được thờ, phụ vào Thế miếu, thì trẫm là người có tội, không đáng lạm để nhục ngôi thứ ấy, nếu miễn cưỡng mà làm, hồn phách cũng không được yên lắm. Nên truất thờ ở chỗ khác, không cho tên thụy để răn người làm vua có lỗi muôn đời, cho trẫm được cùng với bầy tôi có lỗi, chia chê cùng thẹn, đấy là chí của trẫm. Lời nói từ trong lòng ra, đừng trái, đừng lạm, báo cáo cả nước, cho đều nghe biết.”[6]

Hạ tuần tháng 4 năm Quý Mùi (1883) vua Tự Đức hơi yếu. Nhà vua đã làm sẳn tờ di chiếu đề cập đến nhiều việc, trong đó có đề cập đến việc hậu sự của nhà vua: “Lăng mộ cũng đều theo tiết kiệm không được trái ý trẫm. Trẫm có tội với tổ tiên, không dám thờ vào Thế miếu, trước đã nói rồi, chỉ có quan và dân lượng thứ cho. Miếu hiệu đều xưng tông, như phép nhà Hán, không đặt nhiều tên thụy. Trẫm không có công to, không được xưng tổ, cũng nên thế mà làm”[7]

Vua Tự Đức mất ngày 16 là ngày Giáp Tý giờ Thìn, tháng 6 năm Quý Mùi (1883). Dù cho di chiếu căn dặn miếu hiệu không được xưng tổ, nhưng vua nối ngôi là Hiệp Hòa đã làm trái di chiếu: Ngày 13 tháng 10 (ngày Canh Thân), năm Quý Mùi (1883) “kính dâng tôn thụy là Kế thiên Hanh vận Chí thành Đạt hiếu Thể kiện Đôn nhân Khiêm cung Minh lược Duệ văn Anh hoàng đế. Miếu hiệu là Thành tổ”[8]

Vua Kiến Phúc lên ngôi thay vua Hiệp Hòa đã tuân theo di chiếu của vua Tự Đức về miếu hiệu chỉ gọi là “tông” chứ không được gọi là “tổ” và bên dưới Tôn nhân phủ cùng đình thần đã bàn bạc, chuẩn cải miếu hiệu Tiên đế trước gọi là Thành tổ (nguyên do vua Phế đế[9] đặt cho) nay đổi là “Dực tông”[10]

Ngày Bính Thân tháng 11 năm Quý Mùi (1883) kính sửa Thượng hoàng khảo miếu hiệu Dực Tông[11]. Kể từ đây miếu hiệu của vua Tự Đức là Dực tông chứ không phải Thành tổ. Toàn xưng (gồm miếu hiệu và thụy hiệu) của vua Tự Đức là : Dực Tông Anh hoàng đế.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông – Diên Khánh

Chú thích:

[1][3][4]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.1072; 770; 771

[2]- Lâm Duy Thiếp: Trước đây phiên âm là Lâm Duy Hiệp

[5]- “Ở lúc yên, lo lúc nguy” là câu trích từ sách Tả truyện: “Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn” [Tương công thập nhất niên] (Ở lúc yên, nghĩ đến lúc nguy, nghĩ thì phải phòng bị, có phòng bị thì không lo vạ- Tương công năm thứ 11)

[6][7][8]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.183; 575; 576

[9]- Phế đế: Vua Hiệp Hòa sau khi lên ngôi hơn ba tháng đã bị Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường phế bỏ và ép uống thuốc độc chết. Do đó vua bị truất bỏ gọi là “Phế đế”.

[10][11]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 9, Nxb Giáo dục, tr.23; 35
 
Văn Hóa
Chút tản mạn về Covid và cuộc sống
Lê Linh Tân
00:02 02/01/2022
Happy New Year - Chúc Mừng Năm Mới

Tôi là một thành viên trong Cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Regina, thủ phủ của tỉnh bang Saskatchewan, một tỉnh bang thuộc miền Trung Tây Canada, nơi mà mùa Đông kéo dài hơn mùa Hè. Mùa Đông mà lạnh thì âm 40 tới 50 độ C, xin được nhấn mạnh là độ C (Celsius) chứ không phải độ F (Fahrenheit), là chuyện bình thường và mùa Hè mà nóng thì trên dưới 40 độ C cũng là chuyện cơm bữa!

Mấy ngày qua tôi sử dụng chút ít thời gian rảnh rỗi của những ngày cuối và đầu năm mới để nhìn lại cuộc sống, để định hướng và bây giờ xin chia sẻ chút tâm tình của tôi về dịch bệnh covid 19.

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu năm mới. Năm cũ, 2021 đã qua đi, hay nói đúng hơn, tính đến nay đã gần hai năm thế giới sống trong sự khống chế của dịch bệnh covid. Thật thế, năm 2020 và 2021 là những năm mà chúng ta sống trong lo lắng, bất an. Cuộc sống đầy lo âu bất ổn vì dịch bệnh covid, ai cũng có quá nhiều lo lắng về sức khoẻ, việc làm, tài chánh... Rồi dịch bệnh đã cướp đi vĩnh viễn một số người thân bạn bè của chúng ta. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng rất nhiều hay nói đúng hơn làm xáo trộn những sinh hoạt hàng ngày, gây ra nhưng ảnh hưởng xấu trong tương tác giữa người với người, trong xã hội và gia đình.

Nhưng qua biến cố này tôi lại thấy những mặt tích cực và những giá trị của cuộc sống mà thiết nghĩ nếu không có dịch bệnh thì chúng ta có thể đã quên đi hay đã bị sự hối hả của cuộc sống làm cho phai nhạt.

Vậy xin hãy cùng tôi điểm qua những giá trị mà tôi cho rằng chúng thật tích cực mà con covid ít nhiều đã giúp chúng ta nhận ra:

Thứ I: thời gian cho gia đình. Vì lệnh cấm không tụ tập hay không được “ra đường” nên mọi sinh hoạt, công việc đều phải làm hay giải quyết ở nhà: học online, làm online, shopping online, cầu nguyện online, dâng lễ online…. Ấy mà do vậy chúng ta lại có nhiều thời gian dành cho nhau. Tôi biết có nhiều gia đình trước khi dịch bệnh không có thời gian để ăn chung với nhau một bữa cơm tối nhưng nhờ dịch bệnh họ lại được quây quần bên nhau cả ba bữa ăn trong một ngày. Cha mẹ có dịp gần gũi, hướng dẫn, sinh hoạt, đồng hành cùng con cái. Vợ chồng có dịp gần gũi, ân cần chăm sóc cho nhau hơn, thế nên nhiều anh chồng (chị vợ) lên ký, tăng cân quá xá, đó cũng là điều không thể phủ nhận.

Thứ II: cơ hội để hâm nóng tình gia đình, anh em bạn bè, cộng đồng. Trước khi covid, do ai cũng quá bận rộn cuốn theo dòng đời vì chuyện “cơm áo gạo tiền”, nhưng khi gia đình chúng tôi có một người em bị nhiễm Covid, phải nằm bệnh viện hơn 10 ngày. Và trong 10 ngày đó anh chị em của chúng tôi từ Việt Nam, Canada và Mỹ đã liên tục gọi điện, email hỏi thăm nhau, và hàng ngày cùng nhau cầu nguyện. Sự hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình dù ở bất kỳ nơi nào dường như mạnh mẽ, sâu đậm hơn bội phần.

Một ví dụ khác khi có những người trong Cộng đoàn Công Giáo VN của chúng tôi tại Regina bị nhiễm Covid, Cộng đoàn đã đọc kinh Mân Côi hay lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót online hằng đêm để cầu nguyện cho họ. Cứ đúng 8:30 tối hằng đêm, các máy iphone, Ipad lại online trực tuyến không phải để chơi game hay tán gẫu giết thời giờ mà là để cầu nguyện, hát kinh, chia sẻ…. Quả thật nếu không có biến cố này, chúng ta không hay chưa hiểu được sức mạnh của lời cầu nguyện, không có cơ hội để hâm nóng tình gia đình, bạn bè hay tình cộng đoàn. Tình thân hữu dành cho nhau được vươn xa, sâu đậm hơn, nồng nàn hơn.

Thứ III: dịch bệnh Covid đã nhắc nhở tiền tài danh vọng hay cả mạng sống của con người chỉ là những thứ mong manh, phù du, mỏng giòn. Tiền bạc chỉ là phương tiện để ta sống nhưng mục đích đời sống của mỗi người mới là quan trọng. Do dịch bệnh chúng ta phải làm việc ở nhà, thu nhập có giảm đi chút xíu, cuộc sống có vẻ túng thiếu, chật vật, tằn tiện hơn trước nhưng chúng lại giúp chúng ta nhìn thấy mặt trái của việc sở hữu vật chất, tiền bạc. Tất cả là phù du vì còn nhiều giá trị thiêng liêng và siêu việt hơn tiền bạc, của cải, vật chất…

Cũng thế, đang là người khỏe mạnh vậy mà khi bị covid, chúng làm con người vật vã như ngọn đèn leo lắt trong gió. Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến việc điều trị cho các bệnh nhân covid và do vậy tôi cảm nhận được sự yếu đuối, mong manh của kiếp người. Cầu mong qua cơn dịch này mỗi người chúng ta sẽ thức tỉnh hơn và xác định được giá trị đích thực của đời mình!

Thứ IV: dịch bệnh giúp chúng ta sống chậm cho bản thân, cho gia đình để rồi qua đó có cơ hội phát triển những kỹ năng hay sở thích mà khi quá bận rộn chúng ta không có dịp để làm: nghệ thuật nấu ăn, đọc sách, nghiên cứu…. tôi quan sát thấy các websites như kênh nấu ăn của Vành khuyên, Cô Ba Bình Dương, Món ngon mỗi ngày, Bếp Nhà ta… chỉ trong thời gian ngắn đã đạt được kỷ lục triệu triệu viewers.

Hai vợ chồng chúng tôi trước khi covid ít khi có giờ ngồi hát karaoke nghêu ngao cùng nhau, nay do covid, chúng tôi ngồi bên nhau hát hò, lúc Thánh ca, khi cải lương, lúc trữ tình, khi bolero thần sầu… Con cái của chúng tôi do ở nhà nên khả năng tiếng Việt khá hơn, tiến bộ hơn trong việc phát âm chuẩn, luyện chữ viết đẹp…

Thứ V: dịch bệnh đã khơi dậy lòng từ tâm bác ái của nhiều người mà trước đây dường như vô cảm. Tôi biết có những người chưa bao giờ hay rất ít ủng hộ các công tác từ thiện nhưng khi con covid xuất hiện, họ đã mở lòng từ tâm, chạm đến lòng trắc ẩn và rộng lòng góp công, góp của, góp sức cho tha nhân. Thật tuyệt vời biết bao.

Còn, còn nhiều nhiều điều tích cực nữa… tôi chỉ lướt qua ít dòng chia sẻ vụn vặt như thế.

Không thể phủ nhận covid đã đảo lộn và gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ rằng thế giới sẽ phải sống chung với dịch bệnh thêm một vài năm nữa. Nhưng nếu chúng ta không thay đổi được chúng thì hãy biến đây là cơ hội để chúng ta nhận ra những mặt tích cực với một tinh thần lạc quan. Hãy cố gắng nhìn và nhận ra điều tích cực trong tiêu cực, “thà thắp lên ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm” (tựa của một tập sách). Người Anh có một câu ngạn ngữ rất hay: “half glass full” (thay vì “half glass empty”). Nói vậy là để động viên chúng ta sống an nhiên tự tại một cách có thể.

Thưa bạn đọc thân mến, 2022 là một con số đẹp bởi vì cái gì cũng nhân đôi. Vậy tôi xin chân thành cầu chúc mọi người:

ai độc thân thì năm nay có đôi!!!

sức khỏe thì sung mãn & hạnh phúc thì tràn đầy

tiền tài thì vừa đủ & nhân đức thì phong phú

gia đình thì luôn an khang & cuộc sống thì luôn thịnh vượng

Xin cầu chúc mọi người được bình an, hạnh phúc, may mắn. Cầu mong cho dịch bệnh mau qua để chúng ta còn “tung tăng” gặp nhau, thương nhau, yêu nhau nhiều nhiều hơn bởi “cuộc đời có bao lâu mà hửng hờ”…

Xin Chúa rộng tay chúc phúc lành cho tất cả chúng ta. Có Chúa đồng hành, xin đừng sợ hãi. Hãy thẳng tiến, đối diện để sống 365 ngày của năm mới 2022 với niềm tin, yêu, hy vọng và lạc quan.

Lê Linh Tân, Regina, Canada.

Jan 1, 2022 Lễ trọng Kính Mẹ Thiên Chúa
 
Ngài Ơi ! Con Chỉ Là Dân Ngoại
Sơn Ca Linh
10:36 02/01/2022
Ngài Ơi ! Con Chỉ Là “Dân Ngoại”

Chút cảm nhận về mầu nhiệm “Hiển Linh”

Đã bao năm rồi,
Con lang thang mệt nhoài lạc lõng,
Khô khát đi tìm,
Một vì sao, một đốm lửa cuối trời xa…
Không, giản đơn thôi,
Một bờ vai, bếp lửa ấm, một mái nhà…
Thêm ánh mắt, một bàn tay nắm chặt !

Nhưng có thấy đâu,
Chỉ con đường về mùa đông hiu hắt,
Lại căn gác mồ côi,
Đã mốc meo chuyện cơm áo gạo tiền.
Bếp ga lạnh, chai rượu trắng khô cạn thân quen,
Chiếc gối bẩn, tấm chăn gầy đơn côi xa lạ !

Ngài có biết con chăng? Một tên “dân ngoại” !
Lũ “đầu đường xó chợ”, đứa “mạt hạng giang hồ”…
Hay một gã ăn mày, “cù bất cù bơ”,
Cũng có thể, một tên mù lòa, cùi phung, câm điếc !

Làm sao con gặp được Ngài,
Khi quanh con chỉ toàn một màn đêm chết tiệc !
Chỉ nhầy nhụa tình, tiền, vật chất hôi tanh…
Chỉ có hận thù, hờn ghen, mặc cả, chiến tranh…
Chuyện “Vì sao Phương Đông”,
Đã lâu rồi người ta ậm ờ kể nhau nghe như cổ tích !

Con có thấy Ngài đâu,
Trong rồng rắn đoàn người lang thang lếch thếch,
Vẫn “lời ông Gioan, vẫn còn đó dòng Gio-đan” !
Nhưng hình như,
Ngài ngự trên kia, nơi thánh cung nạm bạc dát vàng,
Vì Đấng Thánh, lẽ nào “đi chung giữa đoàn dân ngoại” !

Ngài có biết không?
Tụi trẻ chúng con bây giờ thích yêu cuồng sống vội,
Chẳng cần chi “Tiệc cưới”, hay “rượu hết bình khô”.
Tình yêu, hôn nhân, gia đình…
Chỉ đẹp không quá một câu thơ,
Như ánh ngọn đèn, “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” !

Đã hai ngàn năm,
Mà thế giới vẫn đầy những “quán trọ Bêlem vắng ngắt” !
Và tên “dân ngoại” như con,
Con tim vẫn lặng câm cửa đóng then cài !
Ngài đã đến, đã đi qua… trên vạn nẻo đường dài…
Một lần nữa, thưa Ngài,
Xin hãy “Hiển Linh”, làm ơn “Xin một lần ở lại” !

Sơn Ca Linh (Hiển Linh 2022)
 
VietCatholic TV
Vị duy nhất được thuyết giảng cho Đức Thánh Cha giải thích tại sao Chúa đến trong thế gian
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:04 02/01/2022


Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa sinh ra tại Colli del Tronto, Ý vào ngày 22 tháng 7 năm 1934. Ngài được thụ phong linh mục dòng Phanxicô Capuchin vào năm 1958. Ngài có bằng tiến sĩ về thần học và văn học cổ điển. Trước đây, ngài từng là giáo sư lịch sử Kitô giáo cổ đại và là giám đốc của Khoa Khoa học Tôn giáo tại Đại học Cattolica del Sacro Cuore ở Milan, cho đến khi được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn là giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng vào năm 1980. Cha Cantalamessa cũng từng là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế từ năm 1975 đến năm 1981.

Năm 1980, Cantalamessa được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng. Ngài giữ vị trí này suốt 3 triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Trong chức vụ này, ngài thuyết giảng các bài suy niệm cho Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo cũng như tất cả các viên chức khác trong giáo triều Rôma vào mỗi Thứ Sáu trong Mùa Chay và Mùa Vọng, và là “người duy nhất được phép giảng cho Đức Giáo Hoàng.”

Trong buổi Phụng Vụ tưởng niệm Chúa chịu chết vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Đến thớ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng chủ sự các nghi lễ, nhưng ngài là người thuyết giảng.

Danh tiếng ngài lừng lẫy đến mức ngày 24 tháng 11, 2015 ngài đã được mời giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo.

Trong bầu khí Mùa Giáng Sinh, Túy Vân xin gởi đến quý vị và anh chị em một suy tư sâu sắc của ngài đối với câu hỏi “Tại sao Chúa đến trong thế gian?”.

Trong kinh Tin Kính có một câu mà trong Đêm Giáng Sinh khi đọc câu này chúng ta bái quỳ: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Đây là câu trả lời căn bản và có giá trị vĩnh cửu cho câu hỏi – “Tại sao Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể?”. Nhưng câu trả lời đó cần được hiểu rõ và hội nhập.

Câu hỏi thực ra có thể nêu ra một cách khác là: “Tại sao Ngài xuống thế làm người ‘để cứu rỗi chúng ta?’”. Có phải chỉ vì chúng ta đã phạm tội và cần được cứu rỗi?

Có một bức màn trong Thần Học đã được vén lên bởi Chân Phước Duns Scotus, một thần học gia dòng Phanxicô, trong đó nới lỏng liên hệ quá độc quyền giữa tội lỗi con người và mầu nhiệm nhập thể; đồng thời xem vinh quang Thiên Chúa như là lý do chính cho mầu nhiệm này. “Thiên Chúa đã đề ra mầu nhiệm nhập thể của Con Ngài để có một người bên ngoài Ngài yêu thương Ngài trong một cách thế cao nhất, một cách thế xứng đáng với Thiên Chúa”.

Câu trả lời này, tuy đẹp, nhưng vẫn không phải là chung cuộc. Đối với Thánh Kinh, điều quan trọng không phải là Thiên Chúa được yêu, như suy tư của các triết gia Hy Lạp; nhưng là Thiên Chúa “yêu” và yêu trước (x 1 Ga 4:10,19). Thiên Chúa muốn có sự nhập thể của Ngôi Con không phải để có một người bên ngoài Ba Ngôi yêu Ngài cách xứng đáng nhưng để có người cho Ngài yêu một cách xứng đáng với Ngài, nghĩa là yêu vô hạn!

Trong ngày Giáng Sinh, khi hài nhi Giêsu giáng trần, Chúa Cha có người để yêu trong một cách thế vô hạn bởi vì Chúa Giêsu gồm cả con người và Thiên Chúa. Nhưng không chỉ Chúa Giêsu mà thôi, nhưng là tất cả chúng ta cùng với Ngài. Chúng ta được bao gồm trong tình yêu này, khi trở thành những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô, “con trong Con”. Lời tựa trong sách Phúc Âm của Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta: “Những ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa”.

Do đó, Đức Kitô thực đã từ trời xuống thế “để cứu rỗi” chúng ta, nhưng điều khiến Ngài bỏ trời mà xuống thế gian để cứu rỗi chúng ta là tình yêu, không gì khác hơn là tình yêu.

Lễ Giáng Sinh là bằng chứng tột đỉnh của “lòng nhân hậu” (philanthropy) Chúa như Thánh Kinh đã gọi: (Titô 3:4), nghĩa là, bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa (philea) cho con người (anthropos). Thánh Gioan cũng đã trả lời về lý do của mầu nhiệm nhập thể như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)

Vì thế, đáp trả của chúng ta trước sứ điệp Giáng Sinh là gì? Bài hát đón mừng Giáng Sinh “Adeste Fideles” (Hãy đến hỡi mọi tín hữu - Oh come, all ye faithful) có câu: “Sao chúng ta có thể không yêu mến Đấng đã quá yêu chúng ta?”

Có nhiều điều chúng ta có thể làm để long trọng hóa ngày lễ Giáng Sinh, nhưng điều đúng nhất và sâu sắc nhất là điều đã được những lời này đề nghị. Một ý nghĩ chân thành biết ơn, một cảm giác yêu thương dành cho Đấng đã đến sống giữa chúng ta là món quà tốt nhất chúng ta có thể trao cho hài nhi Giêsu, là trang hoàng đẹp nhất trong máng cỏ.

Tuy nhiên, để thành thật, tình yêu cần phải được chuyển dịch thành những cử chỉ cụ thể. Cử chỉ đơn giản nhất và phổ quát nhất – khi nó thuần khuyết và trong sáng – là nụ hôn.

Chúng ta hãy hôn Chúa Giêsu, như chúng ta muốn hôn tất cả những hài nhi mới sinh. Nhưng chúng ta đừng chỉ hôn bức tượng bằng thạch cao hay đất sét, nhưng hãy hôn hài nhi Giêsu bằng xương bằng thịt. Khi chúng ta hôn những ai tan nát và đau khổ, chúng ta đã hôn chính Ngài!

Để hôn một người theo nghĩa này, là giúp họ trong một cách thế thật sự, nhưng cũng gồm cả việc nói những lời hay để khích lệ, thăm viếng, mỉm cười và đôi khi – tại sao không – trao cho họ một chiếc hôn thật sự. Đó là những ánh nến đẹp nhất chúng ta có thể thắp sáng trong hang đá của chúng ta.
 
Aleteia: Khi nào có tân Hồng Y trong năm 2022? Thời sự Vatican và 9 con số tiêu biểu cho năm 2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:09 02/01/2022


Năm 2021 tại Vatican với các con số

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho rằng có 9 con số tiêu biểu liên quan đến Vatican trong năm qua.

Không có Tân Hồng Y

Trong năm đầu tiên kể từ năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y, bất kể cử tri đoàn đã đạt đến giới hạn 120 Hồng Y kể từ ngày sinh nhật thứ 80 của Đức Hồng Y Angelo Scola vào ngày 7 tháng 11. Năm 1975, Đức Phaolô Đệ Lục đã đề ra con số 120 vị Hồng Y cử tri là giới hạn tối đa của cử tri đoàn, ngưỡng này cuối cùng đã trở thành mức tối thiểu trong hai mươi năm qua.

Do đó, nhiều khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y vào đầu năm 2022 để tăng số lượng Hồng Y cử tri. Một cách hợp lý, công nghị này có thể diễn ra trước Mùa Chay năm nay bắt đầu vào ngày 2 tháng 3. Nếu không có sự bổ sung, cử tri đoàn sẽ tự động giảm xuống còn 110 Hồng Y vào cuối năm 2022, với mười Hồng Y sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 trong năm nay.

Một vị được Tuyên Thánh

Tốc độ tuyên thánh và tuyên chân phước đã chậm lại đáng kể sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, và trong năm 2021 vẫn chưa lấy lại được mức bình thường trước đây. Năm 2020 là năm đầu tiên sau 27 năm không có lễ tuyên thánh: năm nay, chỉ có Chân phước người Ý Margherita di Città di Castello sinh năm 1287 và qua đời năm 1320 được tuyên thánh theo thể thức “tương đương”. Tuyên thánh theo thể thức “tương đương” là một thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là trong một số trường hợp - thường vì vị thánh đã sống cách đây quá lâu - Đức Giáo Hoàng ngay lập tức công nhận sự sùng bái thánh nhân đã có từ trước và do đó không cử hành lễ tuyên thánh.

Tuy nhiên, hàng dài “các vị thánh đang chờ đợi” dự kiến sẽ thu hẹp lại vào năm 2022. Thật vậy, bảy Chân phước sẽ chính thức được tuyên thánh vào ngày 15 tháng 5. Những vị này bao gồm hai linh mục người Pháp là Cha Caesar de Bus và Cha Charles de Foucauld. Các vị thánh tương lai khác bao gồm một vị người Ấn Độ và bốn vị người Ý.

Ba chuyến tông du bên ngoài Italia của Đức Giáo Hoàng

Sau khi ở lại Vatican trong suốt năm 2020 do đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vượt biên giới Ý ba lần vào năm 2021, đi đến 5 quốc gia: Iraq, Hung Gia Lợi, Slovakia, Síp và Hy Lạp.

Bay đến Iraq vào ngày 5 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên đất nước đó. Chuyến đi kéo dài 4 ngày của ngài được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với một trong những nhà lãnh đạo Shiite nổi tiếng nhất, là Ayatollah Ali al-Sistani. Sáu tháng sau, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã đến Budapest vào ngày 12 tháng 9 để bế mạc Đại hội Thánh Thể và sau đó đến Slovakia vào ngày 15 tháng 9. Ngài đã thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến 6 tháng 12. Chuyến đi tập trung vào vấn đề di cư và quan hệ với Chính thống giáo.

Bổ nhiệm 6 phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong Giáo triều Rôma

Năm 2021 là năm Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm nhiều phụ nữ nhất vào các vị trí cao ở Vatican trong triều đại giáo hoàng của ngài. Đầu tiên, ngài bổ nhiệm Sơ Nathalie Becquart làm thư ký Thượng hội đồng Giám mục, và như thế cho một phụ nữ có cơ hội bỏ phiếu lần đầu tiên trong Thượng hội đồng. Cũng có sự bổ nhiệm lịch sử đối với nữ tổng thư ký đầu tiên của một bộ trong giáo triều Rôma là Sơ Alessandra Smerilli trong Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Vào tháng 11, việc bổ nhiệm Sơ Raffaella Petrini làm Tổng thư ký của Chính quyền Thành phố Vatican vào tháng 11 năm 2021 đã khiến sơ ấy trở thành nhân vật nữ “số hai” đầu tiên trong cơ quan hành chính nhà nước, một vị trí thường do một giám mục nắm giữ. Các bổ nhiệm quan trọng khác bao gồm Catia Summaria với tư cách Công tố viên của Tòa phúc thẩm Thành phố Vatican, Sơ Nuria Calduch-Benages làm Thư ký Ủy ban Giáo Hoàng về Kinh thánh và Charlotte Kreuter-Kirchhof làm Phó Điều phối viên của Hội đồng Kinh tế.

Tám Tự Sắc

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành 8 Tự Sắc về nhiều chủ đề, từ tài chính đến tâm linh. Theo dữ liệu từ I.MEDIA, Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình đã ban hành trung bình khoảng 5 Tự Sắc mỗi năm kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Nếu tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng đưa ra nhiều Tự Sắc nhất.

Một trong những Tự Sắc quan trọng nhất được Đức Giáo Hoàng ban hành trong năm nay là Tự Sắc Traditionis Custodes, được ban hành vào ngày 16 tháng 7. Để bảo đảm sự thống nhất của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng giới hạn khả năng cử hành thánh lễ theo Hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma. Một Tự Sắc quan trọng khác được công bố ngày 30 tháng 4, cho phép hệ thống tư pháp giáo dân của Vatican xét xử các Hồng Y và giám mục, mở đầu cho phiên tòa xét xử Hồng Y Angelo Becciu, người có liên quan đến việc mua tòa nhà London. Cuối cùng, Quyển IV của Giáo luật - đề cập đến các hình phạt - đã được viết lại và bây giờ tính đến các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên.

10 ngày nằm bệnh viện

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành 10 ngày tại bệnh viện Đa khoa Gemelli ở Rome để thực hiện một cuộc phẫu thuật đại tràng theo kế hoạch. Được mổ vào ngày 4/7 vì có triệu chứng hẹp đại tràng, ngài được ra viện vào ngày 14/7, sau 10 ngày dưỡng bệnh. Ca phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê toàn thân và như Đức Giáo Hoàng đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha, bao gồm việc cắt bỏ “33 cm ruột”.

Mặc dù đã trở thành giáo hoàng lớn tuổi thứ mười hai trong lịch sử vào năm nay, nhưng vị giáo hoàng người Á Căn Đình đã có hai chuyến công du nước ngoài kể từ sau khi phẫu thuật. Bác sĩ và nhà báo người Á Căn Đình Nelson Castro, người đã viết một cuốn sách về sức khỏe của các giáo hoàng, bảo đảm rằng đồng hương của ông có thể chất rất tốt khi họ gặp nhau vào tháng 10 năm ngoái.

10 người bị cáo buộc

Sau 4 năm điều tra, Tòa án Thành phố Vatican đã mở phiên tòa xét xử lớn vào tháng 7 về vụ án tòa nhà ở London, một vụ án liên quan đến các khoản đầu tư tài chính bất thường do Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thực hiện. Tổng cộng, mười người đã bị tòa án triệu tập vì bị cáo buộc dính líu đến vụ việc, bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu, cánh tay phải trước đây của Đức Giáo Hoàng tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y bị hệ thống tư pháp dân sự của Vatican xét xử.

Các bị cáo khác là các thành viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, các chủ ngân hàng, và các thành viên của Cơ quan Thông tin Tài chính, cũng có cả một phụ nữ, là cô Cecilia Marogna. Cho đến nay đã có 5 phiên xét xử nhưng phiên tòa vẫn đang ở giai đoạn loay hoay với các thủ tục tố tụng. Trên thực tế, bốn trong số mười bị cáo đã được miễn tố. Tuy nhiên, họ có thể bị truy tố trong các phiên tòa trong năm 2022 này.

13 vị Hồng Y nhiễm coronavirus

Covid-19 đã tấn công một số lượng lớn các giáo sĩ cao cấp của Giáo hội vào năm 2021. Ít nhất 13 Hồng Y đã nhiễm Covid-19 trong năm 2021, nâng số Hồng Y bị nhiễm coronavirus lên 22 vị kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong số 13 vị, 11 vị là Hồng Y cử tri. Ba vị đã chết vì căn bệnh này, trong đó có một Hồng Y cử tri. Đó là Hồng Y người Brazil Eusebio Oscar Scheid, Hồng Y người Venezuela Jorge Urosa Savino và Hồng Y người Brazil José Freire Falcao. Trong suốt năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần ủng hộ và khuyến khích việc tiêm vắc-xin Covid-19, thậm chí còn tuyên bố rằng việc chủng ngừa là một “hành động của tình yêu”.

41 Bài Giáo lý Thứ Tư hàng tuần

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành 41 bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư của ngài. Những buổi tiếp kiến chung này đã bao gồm một số bất ngờ: ví dụ, vào tháng 6 năm 2021, khi Người nhện đến gặp Đức Giáo Hoàng; hoặc vào tháng 10 năm 2021, khi một cậu bé khuyết tật lên sân khấu để lấy chiếc zucchetto mà Đức Giáo Hoàng đội trên đầu.

Các bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô, được thực hiện trước hàng ngàn người hành hương tại Vatican hoặc trực tuyến.

Buổi Tiếp kiến Chung đầu năm 2021 đã diễn ra vào Thứ Tư ngày 13 tháng Giêng, trong đó Đức Thánh Cha trình bày bài thứ 21 trong loạt bài về Cầu nguyện mà Đức Thánh Cha đã bắt đầu vào năm 2020. Sau 38 bài, Đức Phanxicô đã kết thúc những suy tư về cầu nguyện vào ngày 16 tháng Sáu và tuần sau đó, Thứ Tư 23 tháng Sáu, ngài bắt đầu các bài giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Ngày 10 tháng Mười Một, sau 15 bài, ngài đã kết thúc chủ đề này. Chủ đề hiện đang được thực hiện, từ ngày 17 tháng 11 đến nay, tập trung vào hình ảnh của Thánh Giuse.
Source:Aleteia
 
NASA tuyển 24 thần học gia, để tiếp xúc với người ngoài trái đất. Các ca viên Ngôi Sao
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:04 02/01/2022


1. NASA tuyển dụng 24 nhà thần học, bao gồm cả linh mục để tiếp xúc với người ngoài hành tinh

Cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã tuyển dụng một linh mục người Anh để tìm hiểu xem việc phát hiện ra người ngoài trái đất sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn vũ trụ ra sao. Theo Daily Mail, Tiến sĩ Andrew Davidson, một linh mục và nhà thần học tại Đại học Cambridge, nằm trong số 24 nhà thần học đã tham gia một chương trình do NASA tài trợ tại Trung tâm Điều tra Công nghệ, gọi tắt là CTI, tại Princeton, Hoa Kỳ. Chương trình nhằm mục đích đánh giá cách thức các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ phản ứng như thế nào trước tin tức theo đó sự sống tồn tại ngay cả trong những thế giới khác với trái đất của chúng ta.

Theo các phương tiện truyền thông, CTI đã mô tả chương trình này như là một cách để xây dựng “những nhịp cầu thấu hiểu bằng cách triệu tập các nhà thần học, các nhà khoa học, các học giả và các nhà hoạch định chính sách để cùng suy nghĩ - và thông báo cho công chúng - về các mối quan tâm toàn cầu”. Nó nhằm mục đích trả lời những câu hỏi như 'Chúng ta vẽ ranh giới giữa con người và người ngoài hành tinh ở đâu? Và khả năng sống của các sinh linh ở những nơi khác là gì? '

Trong một bài đăng trên blog, Linh mục Tiến sĩ Andrew Davison nói rằng truyền thống tôn giáo sẽ là một đặc điểm quan trọng trong cách nhân loại hoạt động thông qua bất kỳ việc xác nhận nào như vậy về cuộc sống ở nơi khác. “Do đó, nó là một phần trong mục tiêu liên tục của NASA nhằm hỗ trợ công việc về 'những tác động xã hội của sinh vật học thiên văn', làm việc với các tổ chức đối tác khác nhau, bao gồm cả Trung tâm Điều tra Thần học tại Princeton”. Vị linh mục người Anh tiết lộ rằng ngài đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách vào năm tới, có tựa đề 'Sinh vật học thiên văn và tín lý Kitô Giáo', trong đó lưu ý rằng thế giới đang tiến gần hơn đến việc tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác.

Trong một diễn biến khác, Carl Pilcher, người đứng đầu Viện Sinh vật học Vũ trụ của NASA cho đến năm 2016, nói rằng chương trình đang xem xét các tác động của việc áp dụng các công cụ của khoa học cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 cho các câu hỏi đã được xem xét trong truyền thống tôn giáo hàng trăm năm. Pilcher cho biết thêm, khả năng phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh là rất cao, vì có hơn 100 tỷ thiên hà trong vũ trụ. Ông Carl Pilcher là một tín hữu Tin Lành tin rằng việc phát hiện ra người ngoài trái đất không mâu thuẫn với các trình thuật Kinh Thánh trong Sáng Thế Ký.
Source:Republic World

2. Chiến dịch lạc quyên lễ Ba Vua tại Ðức

Như mọi năm, chiến dịch lễ Ba Vua tại Ðức nhằm gây quỹ tài trợ cho các dự án tại Á Châu, Phi Châu, Mỹ La tinh, Ðông Âu và Châu Ðại Dương đã được khai mạc hôm 30 tháng 12 và kéo dài cho đến ngày lễ Chúa Hiển Linh, 06 tháng Giêng, với sự tham dự của 300 ngàn thiếu nhi Công Giáo thuộc các giáo xứ trên toàn quốc.

Tham gia trong chiến dịch này, các em thiếu nhi đi tới các gia đình, hát các bài thánh ca, chúc lành và lạc quyên để tài trợ các dự án cứu trợ, đặc biệt tại những nước đang bị cuộc khủng hoảng người tị nạn. Các thiếu nhi tham gia trong chiến dịch này tiếng Đức gọi là “Sternsinger” hay “Các Ca Viên Ngôi Sao”.

Trong chiến dịch lễ Ba Vua năm ngoái, “Các Ca Viên Ngôi Sao” đã quyên góp được một ngân khoản kỷ lục lên đến 50 triệu và 200 ngàn Euro.

Nếu tính kể từ khi được thành lập vào năm 1959 đến nay, chiến dịch này đã góp được hơn 1 tỷ 340 triệu Euro để tài trợ hơn 74 ngàn dự án tại Á, Phi, Mỹ La tinh, Ðông Âu và Châu Ðại Dương.

Chiến dịch lễ Ba Vua, với các tham dự viên được gọi là “Các Ca Viên Ngôi Sao” không chỉ được tiến hành tại Đức, nhưng còn được tiến hành tại 6 nước Âu Châu khác là Áo, Thụy Sĩ, Rumani, Hung Gia Lợi, Italia và Slovak.

Dirk Bingener, giám đốc Hội nhi đồng truyền giáo của Đức cho biết, năm nay, do tình hình đại dịch vẫn còn phức tạp, chiến dịch của các “Ca viên Ngôi sao” sẽ có những hạn chế. Vì thế, tuỳ từng thời điểm, ban tổ chức sẽ quyết định xem chiến dịch sẽ được thực hiện với các cuộc thăm viếng tại nhà theo truyền thống hay bằng các hình thức khác, như kỹ thuật số hoặc từ xa. Đối với ban tổ chức, sức khỏe của các em thiếu nhi, những người đi cùng các em và những người được thăm viếng cần phải được ưu tiên. Vì thế chiến dịch đòi hỏi sự linh hoạt của tất cả mọi người.

Giám đốc Hội nhi đồng truyền giáo nói thêm: “Khẩu hiệu của chiến dịch lần thứ 64: ‘Bạn muốn có sức khỏe - Hãy sống khỏe mạnh. Quyền của trẻ em trên toàn thế giới’, nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi người đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Phi Châu.

Sáng kiến các “Ca viên Ngôi sao” ra đời từ thế kỷ 16 tại Đức và được phổ biến ở một số nước châu Âu, trở thành một truyền thống trong mùa Giáng Sinh. Các nhóm thiếu nhi hóa trang thành các vị vua, thiên thần và các mục đồng, mang gậy có hình ngôi sao, đi từ nhà này sang nhà khác, hát những bài thánh ca Giáng Sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu. Các em viết trên cửa mỗi nhà 3 chữ viết tắt: C+M+B (Christus Mansionem Benedicat), nghĩa là Chúa Kitô chúc lành cho nhà này. Các em viếng thăm các gia đình và lạc quyên giúp đỡ các trẻ em nghèo đau khổ trên thế giới.
Source:Bistum Essen

3. Để hiểu rõ về thế giới Công Giáo, bạn cần phải biết Ý

John Allen, phóng viên thường trú tại Rôma của tờ Crux có bài nhận định nhan đề “To understand Catholicism, you need to get Italy”, nghĩa là để hiểu đạo Công Giáo, bạn cần biết Ý.

Anh lý giải như sau: Nếu theo dõi bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh, bạn có thể đã ngạc nhiên khi nghe ngài đề cao sự an toàn tại nơi làm việc và đưa ra lời kêu gọi, “Vào ngày của Sự sống, chúng ta hãy lặp lại: không còn cái chết nào ở nơi làm việc nữa!”

Bạn có thể đã tự hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng lại nói như thế?

Tuy nhiên, ở Ý, không ai cảm thấy ngỡ ngàng. Đêm thứ Sáu tuần trước, cả nước vẫn còn thương tiếc về cái chết của 3 công nhân đã thiệt mạng một tuần trước đó trong một vụ sập cần cẩu ở thành phố công nghiệp Turin phía bắc. Đám tang của người trẻ nhất trong số các nạn nhân, Filippo Falotico, 20 tuổi, đã được tổ chức vào hôm thứ Năm, một ngày trước đêm Giáng Sinh. Vụ việc ở Turin là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tai nạn chết người tại nơi làm việc ở Ý.

Tương tự, nếu chú ý nghe Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của ngài, bạn sẽ nghe thấy ngài than thở về “mùa đông nhân khẩu học” của Ý, về tỷ lệ sinh và quy mô gia đình giảm, là điều mà Đức Giáo Hoàng cho biết, đã được thúc đẩy một phần sau khi ngài xem một chương trình truyền hình có tên là A Sua immagine, nghĩa là “Theo Hình Ảnh Ngài”

Người Ý biết rằng A Sua immagine là chương trình sáng Chúa Nhật của đài truyền hình quốc gia RAI. Đó là một chương trình dành cho các vấn đề Công Giáo, chiếu trước và sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Những tham chiếu đến tình hình nội bộ của Ý như vừa kể minh họa, trong số những thứ khác, phong cách giáo hội học của Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi được bầu vào năm 2013, ngài đã đón nhận một cách mạnh mẽ danh hiệu “Giám mục Rôma” như thể quyền lực của ngài với tư cách là nhà lãnh đạo phổ quát của Giáo Hội Công Giáo phụ thuộc vào việc trở thành giám mục của một địa điểm cụ thể, là Thành phố vĩnh cửu.

Nhiều vấn đề của Công Giáo hầu như không thể hiểu được nếu không có một số kiến thức cơ bản về thực tại Ý. Thật vậy, bản thân Vatican là một môi trường tinh túy của Ý, bất chấp nhiều thập kỷ được cho là “quốc tế hóa” bắt đầu từ thời Thánh Phaolô Đệ Lục vào những năm 1960.

Tiếng Ý là ngôn ngữ chính thức trong công việc ở Vatican, luật dân sự Vatican được dựa chủ yếu vào luật của Ý, và thậm chí cả lịch trình làm việc hàng ngày của Vatican cũng phản ánh phong tục của Ý.

Một loạt các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới đã học ở Ý hoặc làm việc ở đây, và dù tốt hay xấu, các ngài có ấn tượng sâu sắc về kỳ vọng, phong cách quản trị và ý thức ưu tiên của người Ý.

Ý cũng là cái nôi của văn hóa Công Giáo. Tất nhiên, đó không phải là nơi đức tin được sinh ra - mùa Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô đã được sinh ra vào một thời gian và địa điểm cụ thể, tại Thánh Địa.

Tuy nhiên, Ý là nơi mà nền văn hóa mà đức tin đã được trui rèn một cách triệt để nhất qua nhiều thế kỷ, và dấu ấn đó vẫn còn rõ ràng không thể nhầm lẫn.

Tất nhiên, Công Giáo là một đức tin phổ quát vượt qua cả không gian và thời gian. Một người Công Giáo sống và chết ở Cameroon, Campuchia, hoặc Cleveland, chưa từng đặt chân đến Ý hay bất kỳ nơi nào khác, đều là một thành viên của Giáo Hội giống như một người đã nhìn thấy bốn phương của thế giới Công Giáo. Tuy nhiên, chúng ta đang nói ở đây không phải về sự thánh thiện mà là về sự hiểu biết, đó thực sự là một tính cách rất khác.
Source:Crux