1. Trận pháo kích lớn nhất của Nga vào Ukraine từ đầu chiến tranh đến nay. Tất cả các nhà thờ ở Thủ đô Kyiv phải đóng cửa vào sáng Chúa Nhật 28 Tháng Năm.

Các quan chức Ukraine nhận định rằng Nga vừa tung ra cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào Kyiv kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Còi báo động không kích kéo dài đến hơn 5 tiếng đồng hồ đã khiến tất cả các nhà thờ phải đóng cửa.

Diễn biến này xảy ra khi người dân Ukraine mừng ngày sinh nhật của Thủ đô Kyiv, người Công Giáo mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và các tín hữu Chính Thống Giáo mừng lễ Chúa Lên Trời. Đó sẽ là một ngày tưng bừng nếu không có cuộc bắn phá tàn bạo của quân xâm lược.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân dự lễ trực tuyến thay vì đến nhà thờ vì quá sức nguy hiểm. Ngài kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho tổ quốc khi cuộc chiến càng lúc càng tỏ ra kinh hoàng hơn bao giờ.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 52 trong số 54 máy bay không người lái do Nga phóng, và gọi đây là cuộc tấn công kỷ lục với máy bay không người lái “kamikaze” do Iran sản xuất.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết có hơn 40 máy bay không người lái cảm tử của Nga đã bị bắn hạ trên bầu trời Thủ đô.

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Nga đã tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng ở các khu vực trung tâm của Ukraine và đặc biệt là khu vực Kyiv.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết thông tin sơ bộ cho thấy cuộc không kích sáng Chúa Nhật 28 Tháng Năm là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Ông nói thêm rằng Nga đã sử dụng máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất trong cuộc tấn công.

“Hôm nay, đối phương đã quyết định ‘chúc mừng’ người dân Kyiv vào Ngày Kyiv với sự trợ giúp của các máy bay không người lái chết người của chúng”, Tướng Popko nói.

“Cuộc tấn công được thực hiện thành nhiều đợt thành ra còi báo động cảnh báo không kích đã kéo dài đến hơn 5 giờ đồng hồ.”

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hồi đầu tuần này đã kêu gọi Iran xem xét lại việc cung cấp máy bay không người lái chết người cho Nga để ngăn họ trượt vào “mặt tối của lịch sử”. Nhưng Iran hôm thứ Bảy cho biết những bình luận của ông thực sự được thiết kế để thu hút thêm vũ khí và viện trợ tài chính từ phương Tây.

2. Phúc chiếu của Đức Thánh Cha về Tổng kiểm toán khi Tòa Thánh trống tòa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Phúc chiếu quy định rằng vị Tổng kiểm toán của Tòa Thánh vẫn tiếp tục thi hành phận sự kiểm soát, trong thời gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo hoàng.

Ngài quyết định như trên trong buổi tiếp kiến ngày 24 tháng Tư vừa qua, dành cho Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Hồng Y thông báo hôm thứ Tư, ngày 24 tháng Năm vừa rồi.

Đức Thánh Cha đưa ra quyết định trên đây để minh định điều không được nói đến trong Tông hiến mới “Praedicate Evangelium”, Các con hãy loan báo Tin mừng, công bố ngày 19 tháng Ba năm ngoái, về giáo triều Roma.

Trong thời kỳ Tòa Thánh trống tòa, tức là từ khi Đức Giáo hoàng qua đời cho đến khi Mật nghị Hồng Y bầu được Đức Giáo hoàng mới, tất cả các Bộ trưởng của Tòa Thánh đều ngưng chức, và vị Tổng thư ký điều hành công việc bình thường của mỗi bộ. Điều này cũng được áp dụng cho Viện kiểm toán của Tòa Thánh và Phúc chiếu của Đức Thánh Cha qui định vị Tổng thư ký của Viện kiểm toán sẽ hoạt động dưới quyền điều động của Đức Hồng Y nhiếp chính. Trong thời kỳ trống tòa, cùng với Đức Hồng Y Niên trưởng Hồng Y đoàn, ngài sẽ là một trong những nhân vật quan trọng nhất tại Tòa Thánh.

Phúc chiếu của Đức Thánh Cha có hiệu lực ngay từ ngày công bố, ngày 24 tháng Năm vừa qua.

Viện Tổng kiểm toán được Đức Thánh Cha Phanxicô điều chỉnh lại hồi năm 2014 và từ năm 2017, do ông Alessandro Cassinis Righini, một chuyên gia người Ý về kinh tế và tài chánh, đảm trách. Viện này kiểm điểm kế toán, kết toán chi thu ngân sách của mọi cơ quan của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, và nếu thấy những gì sai trái sẽ báo cho Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh và nhà chức trách tư pháp của Tòa Thánh.

Viện Tổng kiểm toán cũng tiếp tục thi hành nhiệm vụ là cơ quan chống tham nhũng, theo hiệp ước Mérida, có hiệu lực tại Vatican từ ngày 19 tháng Mười năm 2016.

Là người Công Giáo chúng ta cũng nên biết qua về những gì sẽ diễn ra trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, từ chuyên môn gọi là ‘Sede Vacante’, sẽ bắt đầu khi một vị Giáo Hoàng qua đời hay thoái vị, và kết thúc khi một vị Tân Giáo Hoàng được bầu lên.

Ngay sau khi bắt đầu thời gian trống ngôi Giáo Hoàng tất cả các vị đang giữ các chức vụ trong giáo triều Rôma đều bị mất chức trừ ra ba vị là Đức Hồng Y Nhiếp Chính, Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao và Đức Hồng Y Giám Quản Rôma.

Trong thời gian chuyển tiếp này, vị Hồng Y Nhiếp Chính sẽ điều hành các công việc của Giáo Hội. Hiện nay vị Hồng Y Nhiếp Chính là Đức Hồng Y Kevin Farrell, người Ái Nhĩ Lan có quốc tịch Mỹ, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.

Khi bắt đầu công việc Nhiếp Chính của mình, thủ tục đầu tiên sẽ bao gồm việc dùng một chiếc búa nhỏ để đập nát chiếc nhẫn Ngư Phủ của vị Giáo Hoàng vừa qua đời hay thoái vị để tránh việc giả mạo.

Nơi cư ngụ của Đức Giáo Hoàng, thường là Phủ Giáo Hoàng, trong trường hợp của Đức Thánh Cha Phanxicô, là một căn phòng trong nhà trọ Thánh Matta, sẽ được Đức Hồng Y Nhiếp Chính niêm phong để bảo vệ những hồ sơ chính thức. Đức Hồng Y Nhiếp Chính cũng sẽ chịu trách nhiệm triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu Tân Giáo Hoàng.

Trong thời gian Mật Nghị Hồng Y, Đức Hồng Y Nhiếp Chính cũng chịu trách nhiệm điều hành các công việc thiết yếu của Giáo Hội, với những hạn chế nhất định theo giáo luật, cho đến khi một vị Tân Giáo Hoàng được bầu lên tức là khi có làn khói trắng bốc lên từ ống khói của Nhà Nguyện Sistina.

3. Công giáo Ba Lan cử hành ngày cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc

Các tín hữu Công giáo Ba Lan cử hành cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc, theo truyền thống từ mười hai năm nay, như Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI kêu gọi hồi năm 2007, trùng vào ngày 24 tháng Năm mỗi năm, là lễ kính Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu Kitô, được tôn kính đặc biệt tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải.

Thánh lễ được cử hành lúc 6 giờ chiều, thứ Tư 24 tháng Năm, tại Vương cung thánh đường Thánh Giá ở thủ đô Warsaw và do cha Jacek Gniadek, Dòng Ngôi Lời, Chủ tịch Hội Sinicum tổ chức. Hội này chuyên cổ võ cộng tác giữa Giáo hội tại Trung Quốc và Ba Lan, thăng tiến tình liên đới với dân tộc Trung Quốc, đặc biệt trong lãnh vực văn hóa, tôn giáo và giáo dục.

Sau thánh lễ, đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi về hoạt động của hội Sinicum.

Tưởng cũng nên biết thêm: Ngày 24 tháng 5 hàng năm là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.

4. Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới cầu cho việc bảo toàn thiên nhiên

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi Kitô hữu hãy thay đổi tâm thức, lối sống và các chính quyền hãy cải tiến các chính sách để bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.

Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong Sứ điệp công bố sáng ngày 25 tháng Năm vừa qua, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên, sẽ được cử hành vào ngày 01 tháng Chín năm nay, với chủ đề: “Hãy để cho công lý và hòa bình tuôn chảy”, một câu lấy hứng từ lời ngôn sứ Amos: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5,24).

Sứ điệp được trình bày trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, do Đức Hồng Y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản, chủ tọa, cùng ba vị thuộc phong trào “Laudato sì”.

Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc đến thảm trạng môi trường hiện nay trên thế giới: “quá nhiều người không được uống nơi dòng sông ‘công lý và hòa bình’. Nhiều người là nạn nhân của những bất công về môi trường và khí hậu. Vì thế, cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh điên rồ chống lại thiên nhiên. “Những sa mạc bên ngoài gia tăng trên thế giới, vì những sa mạc nội tâm trở nên quá rộng lớn” (Bênêđíctô 16, bài giảng khai mạc sứ vụ Phêrô 24-4-2005). Trào lưu duy tiêu thụ tham lam, được nuôi dưỡng bằng những con tim ích kỷ, đang đảo lộn chu kỳ nước trên trái đất. Việc sử dụng vô độ các nguyên liệu phiến thạch và phá rừng cây đang làm cho nhiệt độ gia tăng và tạo nên hạn hán trầm trọng. Tình trạng thiếu nước kinh khủng ngày càng ảnh hưởng đến các gia cư của chúng ta, từ các cộng đoàn bé nhỏ ở nông thôn đến các thành phố lớn. Ngoài ra, công nghệ săn mồi đang làm tiêu hao và ô nhiễm các nguồn nước uống của chúng ta, vì các hoạt động cực đoan, như sự ngăn chặn các nguồn nước để khai thác dầu khí, chăn nuôi thâm canh.

Trong Sứ điệp, nhắc đến “Mùa Thiên nhiên” được cử hành trong các Giáo hội Kitô, từ ngày 01 tháng Chín đến ngày 04 tháng Mười, lễ thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể góp phần vào con sông lớn công lý và hòa bình trong “Mùa Thiên nhiên” này thế nào? Chúng ta, nhất là các Giáo hội Kitô, chúng ta có thể làm gì để chữa lành căn nhà chung của chúng ta, làm sao để sự sống được sung túc? Thưa, chúng ta phải quyết định biến đổi con tim, lối sống của chúng ta, và những chính sách công cộng điều hành các xã hội chúng ta”.

Và Đức Thánh Cha lần lượt trình bày ba điểm đó. Trước tiên là phải thay đổi tâm thức, canh tân tương quan của chúng ta với thiên nhiên, để không coi nó như một đối tượng để khai thác bóc lột, trái lại, chúng ta gìn giữ thiên nhiên như một hồng ân thánh thiêng của Đấng Tạo Hóa”.

Thứ hai là “thay đổi lối sống của chúng ta. Đi từ sự ngưỡng mộ biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa và thiên nhiên, chúng ta thống hối những “tội lỗi sinh thái” của chúng ta. Những tội này gây hại cho thế giới thiên nhiên và cả các anh chị em chúng ta. Với sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta chấp nhận lối sống bớt phung phí, bớt tiêu thụ vô ích, nhất là những tiến trình sản xuất độc hại và không bền vững. Chúng ta cố gắng hết sức chú ý đến những tập quán và chọn lựa kinh tế của chúng ta, để tất cả mọi người có thể tốt hơn: cho đồng loại của chúng ta, bất luận họ ở đâu, và cho con cháu chúng ta”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi các chính sách công cộng điều hành các xã hội chúng ta và uốn nắn cuộc sống của người trẻ ngày nay và tương lai. Thay đổi những chính sách kinh tế chỉ dành cho thiểu số những người giàu sang gây gương mù và để cho nhiều người phải chịu những điều kiện sống suy thoái, chấm dứt hòa bình và công lý. Hiển nhiên là các nước giàu hơn đã tích lũy “một món nợ sinh thái” (Laudato sì, 51). Các vị lãnh đạo thế giới hiện diện tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 sẽ nhóm tại Dubai, từ ngày 30 tháng Chín đến ngày 12 tháng Mười Hai năm nay, phải lắng nghe khoa học và bắt đầu một tiến trình thay đổi mau lẹ và công bằng để chấm dứt kỷ nguyên các nhiên liệu phiến thạch”.