1. Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bị quân Nga bắt

Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tại miền Donetsk, mạn đông Ukraine đã bị quân Nga bắt giam và cáo buộc về tội có những hành động khuynh đảo chống lại các lực lượng Nga chiếm đóng miền này.

Đó là cha Ivan Levystky và Bohdan Geleta, cha sở và cha phó giáo xứ Sinh Nhật Đức Mẹ ở Mariupol, bên bờ biển Azov. Quân Nga bắt hai linh mục và nói rằng hai cha có võ khí đạn dược và những sách về lịch sử Ukraine.

Tòa giám mục giáo phận Donetsk thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương mau lẹ phủ nhận những lời buộc tội này. Trong thông cáo, Đức Cha Maksim Ryabukha, Giám Mục Phụ Tá giáo phận sở tại, kêu gọi trả tự do ngay cho hai linh mục và gọi hành động bắt giam hai vị là một sự phủ nhận hoàn toàn các nhân quyền căn bản của con người; hai linh mục thi hành sứ vụ hoàn toàn hợp pháp từ ba năm nay. “Hai vị bị bắt, rồi nhà dòng và nhà thờ của các vị bị khám xét, sau đó để biện minh, quân Nga bịa ra chuyện các sách lịch sử và các võ khí giấu ở dưới hầm”.

Đức Cha Maksim cũng nói rằng: “Trong chiến tranh kinh khủng hiện nay, hai linh mục vẫn luôn giúp đỡ dân chúng, bày tỏ mối quan tâm hiền phụ và từ mẫu của Giáo hội đối với mọi tín hữu ở trong tình trạng bị chiếm đóng thê thảm này do quân Nga trên lãnh thổ Ukraine”.

Giáo xứ Sinh Nhật Đức Mẹ từ nay bị đóng cửa đối với các tín hữu, vì thế việc tụ họpcác tín hữu trở nên khó khăn tại Berdyansk. Đức Cha Maksim kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hai linh mục.

Ngoài ra, trong những ngày qua, một linh mục khác đã bị quân Nga bắt tới Melitopol và trả tự do vài giờ sau đó ở Zaporizhzhia.

2. Đức Thánh Cha giải thích tại sao không truyền chức thánh cho phụ nữ

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban biên tập Tạp chí “America” của dòng Tên ở Mỹ, phổ biến hôm 28 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích tại sao không truyền chức thánh cho phụ nữ.

Trả lời câu hỏi của ký giả: “Ngài nói gì với một phụ nữ đang phục vụ trong đời sống Giáo hội, nhưng họ cảm thấy được kêu gọi trở thành linh mục?”, Đức Thánh Cha đáp:

“Đây là một vấn đề có bản chất thần học. Tôi nghĩ rằng chúng ta cắt xén yếu tính của Giáo hội, nếu chúng ta chỉ xét con đường chiều kích thừa tác vụ trong đời sống Giáo hội. Con đường không phải chỉ có chiều kích thừa tác vụ thánh chức. Giáo hội là phụ nữ. Giáo hội là một hiền thê. Chúng ta đã không khai triển một nền thần học phụ nữ suy tư về điều đó. Chúng ta có thể nói chiều kích thừa tác vụ là chiều kích của Giáo hội Phêrô. Nguyên lý Phêrô là nguyên lý thừa tác vụ. Nhưng có một nguyên lý khác còn quan trọng hơn nữa mà chúng ta không nói, và đó là nguyên lý Maria là nguyên lý nữ trong Giáo hội, phụ nữ trong Giáo hội, trong đó Giáo hội thấy mình được phản ảnh vì là phụ nữ và là hiền thê. Một Giáo hội chỉ có nguyên lý Phêrô sẽ là một Giáo hội mà người ta thu hẹp vào chiều kích thừa tác vụ, và không có gì hơn nữa. Trái lại, Giáo hội rộng lớn hơn là một thừa tác vụ. Giáo hội là hiền thê, vì thế phẩm giá phụ nữ được phản ánh trong con đường này. Và có một con đường thứ ba là con đường hành chánh, con đường Giáo hội. Chúng ta có thể nói là có đặc tính Maria, không phải là con đường thần học, nhưng là một hành chánh bình thường. Trong lãnh vực này, tôi nghĩ chúng ta phải dành chỗ nhiều hơn cho phụ nữ”.

Chính với xác tín trên đây, Đức Thánh Cha đang bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí quản trị hành chánh của Giáo hội, như trong Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh...

3. Nga phản đối bình luận của Đức Giáo Hoàng khi Vatican tìm cách hòa giải

Nga đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Vatican về những lời lên án mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các hành động tàn bạo ở Ukraine, trong đó Đức Giáo Hoàng đổ lỗi phần lớn sự tàn ác cho người Chechnya và các nhóm thiểu số khác trong một nỗ lực rõ ràng là để giải thoát cho quân đội sắc tộc Nga khỏi bị chỉ trích.

Đại sứ của Điện Cẩm Linh tại Tòa thánh, Alexander Avdeev, nói với cơ quan RIA Novosti rằng ông đã gặp một quan chức Vatican hôm thứ Hai để bày tỏ “sự phẫn nộ” của mình về những bình luận của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên America được xuất bản hôm thứ Hai.

Trong các bình luận của mình, Đức Phanxicô bảo vệ sự miễn cưỡng thường thấy của ngài không muốn gọi đích danh Tổng thống Vladimir Putin, nhưng nói rằng rõ ràng Ukraine là nạn nhân “tử vì đạo” trong cuộc chiến. Ngài cũng nói rằng, trong khi chính nhà nước Nga xâm lược Ukraine, “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, v.v.”.

Sự phân biệt rõ ràng của Đức Giáo Hoàng giữa một bên là người Chechnya phần lớn theo đạo Hồi và người Buryat theo đạo Phật, và bên kia là những chiến binh sắc tộc Nga, đã khiến Mạc Tư Khoa khó chịu, là một điều khá bất ngờ đối với các quan sát viên.

“Tôi bày tỏ sự phẫn nộ trước những lời bóng gió như vậy và lưu ý rằng không gì có thể lay chuyển được sự gắn kết và thống nhất của người dân Nga đa quốc gia,” Avdeev nói theo báo cáo của RIA Novosti.

Trong suốt cuộc chiến kéo dài 9 tháng, Đức Phanxicô đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Mạc Tư Khoa vì sợ gây phản cảm với Giáo hội Chính thống Nga, vốn đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược của Putin trên cơ sở tôn giáo. Đức Phanxicô trước đây đã đổ lỗi cho “lính đánh thuê” vì những hành động tàn bạo đã xảy ra ở Ukraine, khiến chính phủ Kyiv chỉ trích.

Trong các bình luận mới, Đức Phanxicô rõ ràng đang cố vạch ra một ranh giới giữa những người theo “truyền thống Nga” và những người Chechnya và Buryat bị cho là tàn bạo hơn, trong khi thực tế quân đội Nga đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh bất kể sắc tộc của họ. Khó khăn trong quan điểm của Đức Thánh Cha là không có số liệu thống kê nào ủng hộ luận điểm cho rằng người Chechnya và người Buryats tàn bạo hơn người Nga. Nói chung, trong bất cứ sắc dân nào cũng đều có người tốt kẻ xấu. Quy chụp tính chất tàn bạo cho cả một sắc dân là điều khó thuyết phục. Trong thực tế, nhiều người Hồi Giáo Chechnya, và nhiều Phật tử Buryat bị bắt lính trái với ý muốn của họ. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa trong trường hợp người Chechnya. Dân tộc này đã từng chiến đấu chống lại Nga trong 2 cuộc chiến. Ramzan Kadyrov được sự ủng hộ của Putin, được người Chechnya coi là tên phản bội quê hương. Người Chechnya hiện nay có mặt trên chiến trường Ukraine ở cả hai phía.

Mặc dù không hoàn toàn rõ ràng ý nghĩa của Đức Phanxicô đối với những người theo “truyền thống Nga”, nhưng nó có thể ám chỉ nguồn gốc Kitô giáo Chính thống của người Nga chiếm khoảng 68% dân số.

Báo cáo của RIA cũng trích dẫn lãnh đạo khu vực Buryatia, Alexey Tsydenov, mô tả nhận xét của Đức Thánh Cha “ít nhất là kỳ lạ”. Buryatia, một nước cộng hòa ở Siberia tạo thành một phần của Nga, là quê hương của người Mông Cổ Buryat bản địa, những người được báo cáo là mục tiêu không cân xứng trong các nỗ lực động viên của Mạc Tư Khoa cùng với các nhóm thiểu số khác.

Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo được Cẩm Linh hậu thuẫn của Chechnya chủ yếu theo đạo Hồi, là một trong những người ủng hộ thẳng thắn nhất cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa, mặc dù các chiến binh từ nước cộng hòa miền nam Nga đã tham gia cả hai bên trong cuộc chiến. Ví dụ, các tình nguyện viên ủng hộ Kyiv đã đặt tên cho nhóm của họ theo tên của một nhà lãnh đạo quá cố, người đã lãnh đạo Chechnya giành độc lập khỏi Mạc Tư Khoa.

Vụ ồn áo mới nhất về những bình luận của Đức Phanxicô diễn ra khi Tòa thánh cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột. Đức Phanxicô và bộ ngoại giao Vatican đã nhiều lần đưa ra đề nghị cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng không có kết quả.

Khi được hỏi hôm thứ Hai về đề nghị mới nhất, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa đánh giá cao cử chỉ này nhưng ông lưu ý rằng Ukraine đã từ chối tổ chức đàm phán.

Vatican có truyền thống không đứng về bên nào trong các cuộc xung đột, tin rằng họ có thể là một nhà hòa giải hiệu quả hơn bằng chính sách ngoại giao hậu trường. Và Đức Phanxicô đã cố gắng cân bằng các phát biểu của mình, bày tỏ tình đoàn kết với những người dân Ukraine “tử vì đạo” trong khi dường như cũng thừa nhận những lời phàn nàn của Điện Cẩm Linh về việc NATO “sủa trước cổng” bằng cách mở rộng về phía đông.

Một ngày sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một cử chỉ rất công khai bằng cách đến đại sứ quán Nga tại Tòa thánh để đích thân kêu gọi hòa bình.
Source:AP