Theo Wikipedia, quan tâm và công trình của Maritain bao trùm nhiều khía cạnh của triết học; thẩm mỹ học, lý thuyết chính trị, triết lý về khoa học, siêu hình học, bản chất giáo dục, phụng vụ và giáo hội học.

Tiểu sử

Về cuộc đời ông, chúng tôi xin dựa vào New Catholic Encyclopedia để trình bầy một số khía cạnh. Ông sinh tại Paris ngày 18 tháng 11 năm 1882, qua đời tại Toulouse ngày 28 tháng 4 năm 1973, thọ 90 tuổi.

Maritain là con trai của Paul Maritain, một luật sư, và Geneviève Favre, con gái của Jules Favre (một trong những người thành lập nền Đệ tam Cộng hòa Pháp). Ông lớn lên trong một môi trường Thệ phản cấp tiến, và được giáo dục tại Lycée Henri IV (1898–99) và tại Sorbonne, nơi ông chuẩn bị lấy bằng cử nhân về triết học (1900–01) và các khoa học tự nhiên (1901–02). Thoạt đầu, lưu ý tới triết lý của Spinoza, nhưng không lâu sau đó, sớm chịu ảnh hưởng của các giáo sư xác tín rằng chỉ có khoa học mới có thể cung cấp câu trả lời cho tất cả các vấn nạn về thân phận con người.



Tại Sorbonne, Maritain gặp một nữ sinh viên người Nga gốc Do Thái, Raïssa Oumansoff, người sẽ chia sẻ cuộc sống và cuộc tìm kiếm sự thật của ông. (Hơn 50 năm sau, vào năm 1954, Jacques viết: “sự trợ giúp và gợi hứng của Raïssa yêu quý của tôi đã thâm nhập trọn cuộc sống của tôi và tất cả công việc của tôi. Nếu có một điều tốt nào trong đó mà tôi đã làm được, thì đó là công lao của nàng, sau Thiên Chúa.'') Jacques và Raïssa đính hôn vào năm 1902.

Ngay sau đó ít lâu, vì chủ nghĩa duy khoa học của các giáo sư đã để lại cho họ một cảm thức sâu xa về sự vô nghĩa của đời sống, họ đã trải qua giai đoạn trầm cảm. Nhờ sự thúc giục của một người bạn, Charles Péguy, Jacques và Raïssa tham dự các giảng khóa của Henri Bergson tại Collège de France (1903–04); Triết lý của Bergson đưa ra một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa duy vật khoa học và trong một thời gian, Jacques đã bị thu hút bởi chủ nghĩa Bergson. Năm 1904 Jacques và Raïssa kết hôn và nhờ ảnh hưởng của một người bạn khác, Léon Bloy, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo ngày 11 tháng 6 năm 1906. Vài tháng sau, vào tháng 8, vợ chồng Maritain di chuyển đến Heidelberg, nơi Jacques học sinh học dưới sự dìu dắt của Hans Driesch (1906–08).

Năm 1908, Jacques và Raïssa, cùng với em gái Véra của Raïssa, trở về Pháp. Véra đã sống với vợ chồng Maritain liên tục cho đến khi cô qua đời. Trong một vài tháng sau đó, theo gợi ý của Raïssa, Jacques bắt đầu đọc một số tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô; trước đó, trong thời gian dưỡng bệnh, chính Raïssa đã được Cha Humbert Clérissac, một cha Dòng Đa Minh, dẫn nhập vào các công trình của Thánh Tôma. Jacques mô tả hiệu quả của việc đọc cuốn Summa Theologiae (Tổng luận Thần học) của Thánh Tôma như một “cơn lũ sáng láng” và dứt khoát từ bỏ học thuyết Bergson.

Năm 1912, Maritain bắt đầu giảng dạy tại Lycée Stanislaus. Trong tác phẩm triết học ban đầu của ông (thí dụ: ‘‘Khoa học Hiện đại và lý trí’’ 1910, và “triết học Bergson”, 1913), ông đã tìm cách bênh vực triết học của Thánh Tôma chống các đối thủ Bergson và thế tục của nó. Ông sớm được bổ nhiệm làm Trợ lý Giáo sư tại Học Viện Công Giáo Paris (gắn liền với Ghế Lịch sử Triết học Hiện đại), trở thành Giáo sư đầy đủ vào năm 1921 và, vào năm 1928, được bổ nhiệm giữ Ghế Luận lý học và Vũ trụ học, ghế mà ông nắm giữ cho đến năm 1939.

Bắt đầu từ giữa những năm 1920, Maritain đã khai triển mối quan tâm mạnh mẽ đối với việc áp dụng triết học vào các mối quan tâm xã hội.

Thoạt đầu bị thu hút bởi phong trào xã hội L’ACTION FRANÇAISE, ông đã rời bỏ nó khi Giáo Hội Công Giáo kết án nó. Các ý tưởng của Maritain đặc biệt gây ảnh hưởng ở châu Mỹ Latinh và phần lớn do nền triết lý chính trị của ông, ông đã bị tấn công từ cả cánh tả lẫn cánh hữu, ở Pháp và ở nước ngoài. Các giảng khóa ở Châu Mỹ Latinh vào năm 1936 dẫn đến việc ông được bổ nhiệm làm thành viên hàm thụ của Hàn lâm viện Văn chương Brazil, nhưng cũng đã trở thành đối tượng cho một chiến dịch gièm pha.

Bắt đầu từ tháng 12 năm 1932, Maritain đi du lịch hàng năm qua Bắc Mỹ, thường dạy ở Toronto tại Viện (sau này là Viện Giáo hoàng) Trung cổ Học. Sau các giảng khóa của ông ở Toronto lúc đầu năm 1940, ông chuyển đến Hoa Kỳ và đến tháng 6, quyết định ở lại đây. Trong Thế Chiến thứ hai, ông đã dạy tại Princeton (1941–42) và tại Đại học Columbia (1941–44). Ông đã có công trong việc thành lập một trường đại học Pháp lưu vong ở New York — École Libre des Hautes Études — và tích cực trong nỗ lực chiến tranh, ghi âm các chương trình phát sóng dành cho nước Pháp bị chiếm đóng.

Tháng 12 năm 1944, Maritain được bổ nhiệm làm đại sứ Pháp tại Vatican, và đã tham gia vào các cuộc thảo luận dẫn đến việc soạn thảo Tuyên ngôn chung của Liên hiệp quốc về Nhân quyền. Sau khi hoàn thành việc bổ nhiệm này vào năm 1948, Maritain trở lại Princeton với tư cách giáo sư ưu trí, nơi ông giảng dạy hàng năm về các chủ đề trong triết học đạo đức và chính trị, mặc dù trong mùa hè ông thường xuyên trở lại Pháp để trình bầy các khóa học ngắn về triết học — nhất là là tại L’Eau vive. Một vài tháng sau cái chết của Véra, vào ngày 1 tháng 1 năm 1960, Jacques và Raïssa trở về Pháp. Nhưng chính Raïssa nhanh chóng lâm bệnh, và qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 1960. Jacques chuyển đến Toulouse, sống với một dòng tu, Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu. Ông vẫn yêu mến các Tiểu Đệ từ lâu, những người theo đuổi một cuộc sống về cơ bản có tính chiêm niệm giữa trần thế và ''ở cốt lõi quần chúng''; ông đã tham dự thánh lễ thành lập của họ ở Vương cung thánh đường Sacré-Coeur vào năm 1933, và ngay từ đầu đã có ảnh hưởng lớn đến việc đào tạo trí thức và tâm linh của họ.

Chính trong ‘‘tình huynh đệ’’ ở Toulouse này mà Maritain đã viết cuốn sách nổi tiếng và gây tranh cãi của mình “Người nông dân Garonne” về những gì ông coi như một số các bối rối trong thế giới hậu Công đồng Vatican II. Ông đã hoàn thành một số cuốn sách khác— Thiên Chúa và Việc Cho phép điều ác, Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu, và Về Giáo hội của Chúa Kitô: Ngôi vị của Giáo hội và Nhân viên của Giáo hội.

Năm 1970, ông xin gia nhập dòng này, và qua đời tại Toulouse ngày 28 tháng 4 năm 1973. Ông được chôn cất cùng với Raïssa ở Kolbsheim, Alsace, Pháp.

Công trình và tư tưởng

Cũng theo New Catholic Encyclopedia, trong nhiều cuốn sách, bài báo và các bài giảng của mình, Maritain đã phát triển và đào sâu các lý thuyết cổ điển của triết học Tôma. Ông nhấn mạnh rằng các triết gia Công Giáo phải làm nhiều hơn, thay vì chỉ lặp lại quan điểm của Thánh Tôma và chính ông đã hết sức cố gắng giải quyết các vấn đề được triết học và văn hóa đương thời nêu lên, bằng cách trình bày các hiểu biết thông sáng của Thánh Tôma một cách độc đáo. Dù nguồn cảm hứng sâu sắc nhất cho nhiều ý tưởng của Maritain là công trình của Thánh Tôma, nhận thức luận và thẩm mỹ học của ông cho thấy nhiều ảnh hưởng khác, đặc biệt của thánh Gioan Thánh Giá. Maritain không bao giờ thay đổi niềm tin rằng người ta phải tìm trong tư tưởng của Thánh Tôma các nguyên tắc cho một nền siêu hình học thực tiễn và hiện sinh và các cơ sở của nền triết học chính trị và đạo đức biết tôn trọng phẩm giá của con người và mối quan hệ của họ với Thiên Chúa.

Trong suốt diễn trình làm việc của ông, Maritain liên tục kêu gọi sự chú ý đến việc trong mọi khía cạnh của nền văn hóa hiện đại—nghệ thuật, thi ca, khoa học, triết học, và thậm chí cả trong lĩnh vực đời sống thiêng liêng — có một prise de conscience, một sự trưởng thành trong ý thức về chính mình.

Ông thấy việc phấn đấu để được tự chủ nói trên và một bản sắc trọn vẹn hơn như nét đặc trưng của thời đại hiện đại; đồng thời, ông phàn nàn việc mất đi cảm thức hiện hữu và cảm thức yêu thương trong cuộc sống hiện đại. Mặc dù Maritain luôn đưa ra nhiều lời chỉ trích sắc cạnh đối với nền văn hóa hiện đại (thí dụ: trong cuốn Antimoderne, năm 1922), ông thừa nhận và nhấn mạnh nhiều hơn tới các đóng góp tích cực của nó. Nhiệm vụ phía trước cho Các triết gia Kitô giáo tương lai, như ông vốn hình dung, là phải ý thức được sứ mệnh của họ, các nguồn lực của họ, và phương pháp luận của họ và tầm quan trọng của việc khôi phục một nền triết lý về hữu thể và một nền triết lý xã hội và chính trị cởi mở đối với sứ điệp Tin Mừng về tình yêu.

Triết học Luân lý, Xã hội, Chính trị.

Trong cuốn Triết học Luân lý, Maritain trở về với các triết gia luân lý vĩ đại trong quá khứ và đánh giá các vấn đề được họ coi là nền tảng trong đạo đức học. Trong cuốn Neuf leçons sur la Philosophie [Chín bài học triết học] của ông, và cuốn di cảo của ông La loi naturelle ou loi non-écrite [Luậ tự nhiên hay luật bất thành văn] (các giảng khóa được trình bầy, vào năm 1949 và 1950, tại L’Eau vive, và cùng với nhau, sẽ là cơ sở cho tập dự kiến thứ hai của Triết học Luân lý), Maritain đã cung cấp một giải trình tích cực về một lý thuyết luân lý, dựa trên luật tự nhiên, nhưng vừa mang tính triết học đích thực vừa hoàn toàn phù hợp với truyền thống Kitô giáo.

Trong Chủ nghĩa Nhân bản Toàn diện, Maritain đã đưa ra một hiến chương cho nền triết học xã hội Kitô giáo. Bắt đầu với hoàn cảnh cụ thể của con người trước số phận của họ, Maritain đã hình dung ra một hình thức văn minh sẽ được đặc trưng bởi một chủ nghĩa NHÂN BẢN toàn diện qui thần đối lập với qui nhân, và cố gắng hướng tới lý tưởng của một cộng đồng đích thực bằng cách biểu lộ sự tôn trọng đối với nhân phẩm và các nhân quyền. Trong tác phẩm này và các tác phẩm khác (Tự do và Thế giới Hiện đại, Kitô giáo và Dân chủ, Các Quyền của Con người và Luật Tự nhiên), Maritain kêu gọi một chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo để đạt được mục tiêu một Thế giới Kitô giáo Mới. Trong cuốn Con người và Nhà nước, ông đã định nghĩa lại các khái niệm chính trị căn bản — thí dụ: bộ phận chính trị, nhà nước, nhân dân và chủ quyền — và bảo vệ các nguyên tắc và định chế dân chủ cho tất cả các quốc gia. Để chứng minh một số quyền căn bản đã được mọi người công nhận, ông chỉ ra thỏa thuận chung về những quyền đó được tìm thấy trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hiệp quốc năm 1948. Maritain công nhận quyền của người lao động cũng như quyền của nhân vị và quyền công dân.

Xuyên suốt đạo đức học và triết học xã hội và chính trị của Maritain, ta thấy chủ đề quán xuyến TỰ DO. Ông hiểu ''tự do'' không như phóng túng, mà là sự phát triển đầy đủ của nhân vị phù hợp với bản chất của họ— đặc biệt, đạt được sự hoàn thiện về đạo đức và tâm linh vốn là ''lợi ích chung.'' Trong các công trình như Ngôi vị và Lợi ích chung, Maritain phân biệt giữa hữu thể nhân bản như một cá nhân và như một NGÔI VỊ. Hữu thể nhân bản là những cá nhân bao lâu họ là thành phần của trật tự vật chất, xã hội, và chịu trách nhiệm đối với trật tự này. Tuy nhiên, vì họ là thành phần của trật tự tâm linh, họ cũng là các ngôi vị. Ngôi vị là một tổng thể, có phẩm giá, ‘‘phải được đối xử như một cứu cánh’’ và có số phận siêu việt. CHỦ NGHĨA NHÂN VỊ của Maritain là via media (con đường trung dung) giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, và đã có ảnh hưởng trong các tác phẩm của Edith Stein (Thánh Teresa Benedicta) và Karol Wojtyła (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).

Nhận thức.

Maritain cho rằng, vì nhân loại hướng tới tự do, nên không có gì ngạc nhiên khi mục tiêu chính của giáo dục là chinh phục tự do nội tâm (Giáo dục đang ở Ngã tư đường). Tự do như vậy là tự do hoàn thành và mở rộng và tương tự như những gì được hưởng bởi những người hợp nhất với Chúa trong PHÚC KIẾN (Beatific Vision). Đối với Maritain, theo đuổi tự do cao nhất và chiêm niệm cao nhất chỉ là là hai khía cạnh của cùng một mưu cầu (Confession de foi). Cuộc mưu cầu khôn ngoan và tự do này là mục tiêu của ông.

Trong cuốn The Degrees of Knowledge [Các mức độ nhận thức], Maritain đã khảo sát một loạt vấn đề nhằm chứng minh tính đa dạng và tương thích yếu tính của các lĩnh vực nhận thức khác nhau, từ khoa học và triết học đến đức tin và huyền nhiệm tôn giáo.

Ông lập luận rằng nhận thức có nhiều trật tự khác nhau và bên trong các trật tự này, các mức độ khác nhau được xác định bởi bản chất của đối tượng được biết và liên quan tới "mức độ trừu tượng hóa". Tuy nhiên, tất cả đều có liên quan hữu cơ. Maritain gọi quan điểm của chính ông là ''chủ nghĩa hiện thực phê phán'', và chủ trương rằng, bất chấp sự khác biệt giữa chúng, CHỦ NGHĨA KANT, CHỦ NGHĨA DUY TÂM, CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG, VÀ CHỦ NGHĨA DUY NGHIỆM tất cả đều phản ảnh ảnh hưởng của CHŨ NGHĨA DUY DANH (NOMINALISM) — mà cho rằng các khái niệm phổ quát đều do tâm trí con người sáng tạo ra và đều không có nền tảng trong thực tại.

Trong suốt các trước tác của ông về triết học lý thuyết, và đặc biệt trong cuốn Dẫn nhập vào Siêu hình học và cuốn Sự Hiện hữu và Thể Hiện hữu, có một sự nhấn mạnh tới đặc tính hiện sinh của một triết lý hiện thực về hữu thể; trong quan điểm của Maritain, nhận thức cũng như tình yêu đều dìm mình đang hiện hữu.

Giống như Thánh Tôma, Maritain cho rằng không có xung đột giữa đức tin và lý trí đích thực, niềm tin tôn giáo cởi mở đối với việc thảo luận thuận lý và sự hiện hữu của Thiên Chúa và một số niềm tin tôn giáo căn bản có thể được chứng minh về mặt triết học. Maritain cho hay, có nhiều cách để con người tiếp cận Thiên Chúa, nhưng trong cuốn Các Phương pháp Tiếp cận với Thiên Chúa, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẳng định lại năm con đường của Thánh Tôma cho tâm trí hiện đại và của việc khám phá các phương pháp tiếp cận mới dựa trên các kinh nghiệm thi ca và cụ thể khác. Ngoài việc phát triển ‘con đường thứ sáu’, Maritain lập luận rằng các hữu thể nhân bản cũng có một nhận thức tiền triết học hoặc trực giác về Thiên Chúa, một nhận thức, dù hữu lý, nhưng không thể diễn đạt thành lời.

Nghệ thuật và Thi ca.

Trong các lĩnh vực nghệ thuật và thi ca được ông suy tư trong suốt cuộc đời của ông, công trình chính của Maritain chắc chắn là cuốn Trực giác Sáng tạo trong Nghệ thuật và Thi ca.

Ở đây, ông đã tìm cách làm sáng tỏ bản chất ‘‘mầu nhiệm của thi ca'' và diễn trình sáng tạo bằng các nguồn của nó trong ''vô thức tâm linh''. Trong cuốn sách này, và trong cuốn Nghệ thuật và Chủ nghĩa Kinh viện, Maritain thường xuyên dựa vào ý kiến nghệ thuật và thi ca của Raïssa, bà vốn là một nghệ sĩ và thi sĩ.

Ảnh hưởng.

Vào thời điểm ông qua đời, Maritain đã có thể là triết gia Công Giáo nổi tiếng nhất trên thế giới.

Bề rộng công trình triết học của ông, ảnh hưởng của ông đối với các giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và sự hăng hái của ông bảo vệ nhân quyền khiến ông trở thành một trong những nhân vật chính của thời đại ông.

Triết lý của Maritain được đánh dấu bằng một thúc đẩy tôn giáo sâu sắc và đôi khi mang một chiều hướng thần học và thậm chí chiêm niệm. Như Yves Simon đã chỉ ra, ơn gọi của ông là ơn gọi của một triết gia Kitô giáo nhằm khảo sát các vấn đề triết học mà không mất tầm nhìn về mối liên hệ của chúng với đức tin và thần học. Maritain ''ít bị mê hoặc'' bởi kiểu nói ''triết học Kitô giáo,'' nhưng chấp nhận khái niệm này là hợp pháp bao lâu nó chỉ một triết lý hiện hữu trong bầu khí đức tin minh nhiên. Tuy thế - và đây là một điểm mà bản thân Maritain nhấn mạnh trong các tác phẩm sau này của ông — tác phẩm của chính ông có tính triết học, không phải thần học; nó theo đuổi cùng đích triết học bằng phương tiện của các phương pháp triết học chặt chẽ. Công trình của ông nhằm làm chứng nhân danh quyền tự trị của triết học và điều tra "mầu nhiệm của hiện sinh tạo dựng.” Đồng thời, ông nói, triết học không thể đứng cô lập khỏi cuộc sống và đức tin cụ thể. Nó đạt được các mục tiêu của nó chỉ khi nào hoàn toàn kết hợp với mọi nguồn ánh sáng và kinh nghiệm trong tâm trí con người. Chỉ nền triết lý Kitô giáo nào quan niệm và theo đuổi một lý tưởng như vậy mới có khả năng của ‘‘cứu chuộc được thời gian và cứu chuộc được mọi cuộc tìm kiếm sự thật con người.''

Công trình triết học của Maritain đã được dịch sang khoảng 20 ngôn ngữ. Sự nổi tiếng của nó một phần, do nó được viết cho một độc giả tổng quát, hơn là học thuật. Một số trước tác của Maritain mang tính bút chiến và vì mối quan tâm của ông thường là giải quyết các vấn đề chuyên biệt thuộc thời đại ông, nên thỉnh thoảng chúng có giọng điệu của thời đại ấy. Trong thời đại của ông, người ta tranh cãi xoay quanh các chủ đề sau đây một cách đặc biệt: sự khác biệt giữa tính ngôi vị [personality] và tính cá nhân [individuality] trong mối tương quan với lợi ích chung (thí dụ: Charles de Koninck), sự phân biệt giữa luận lý kinh nghiệm học và bản thể học trong mức độ trừu tượng đầu tiên (xem cuốn TRIẾT HỌC VÀ KHOA HỌC), tính độc lập của triết học luân lý đối với thần học, và chính khái niệm triết học Kitô giáo (thí dụ: Étienne GILSON). Chủ đề khác mà Maritain đã có những đóng góp có giá trị bao gồm thẩm quyền và tự do trong một xã hội đa nguyên, bản chất và việc thực hiện ý chí tự do, trực giác hiện sinh về tính chủ quan, hữu thể có ý hướng tình yêu, và loại suy của hữu thể và các hoàn hảo của nó — điều mà Maritain coi như một nguyên tắc hoạt động trong các khu vực đa dạng nhất của thực tại và tư tưởng. Bản thân Ông hy vọng sẽ đóng góp phần nào vào việc hiểu sâu hơn về mầu nhiệm của điều ác (Thiên Chúa và Việc Cho phép Điều ác).

Tuy nhiên, không dễ đặt tư tưởng Maritain bên trong lịch sử triết học thế kỷ 20. Rõ ràng, tác động công trình của ông là mạnh nhất trong những quốc gia mà Đạo Công Giáo có ảnh hưởng. Mặc dù triết lý chính trị của ông đã dẫn ông, ít nhất là trong thời ông, đến chỗ được coi là một người tự do và thậm chí là một nhà dân chủ xã hội, ông đã tránh xa chủ nghĩa xã hội và, trong The Peasant of the Garonne [Người nông dân Miền Garonne], ông là nhà phê bình rất sớm về nhiều cải cách tôn giáo theo sau Công đồng Vatican II. Do đó, ông thường bị những người theo chủ nghĩa tự do đương thời coi là quá bảo thủ, và bị nhiều người bảo thủ coi là quá tự do.

Một lần nữa, mặc dù thường được coi là một người theo chủ nghĩa Tôma, nhưng theo Gilson, ‘‘chủ nghĩa Tôma’’ của Maritain thực sự là một NHẬN THỨC LUẬN và do đó, hoàn toàn không phải là một chủ nghĩa Tôma thực sự.

Từ năm 1958, Trung tâm Jacques Maritain đã hoạt động tại Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ; Cercle d’Études Jacques et Raïssa Maritain, ở Kolbsheim, Pháp, cũng lưu giữ một bộ sưu tập phong phú các bản thảo và đã tích cực xuất bản cả sách lẫn các bài viết về công trình của Maritain và bộ Oeuvres de Jacques et Raïssa Maritain, 15 quyển. (Fribourg, Thụy Sĩ: Éditions Universalitaires, 1982-95). Có một số tạp chí học thuật dành cho công trình của Maritain, chẳng hạn như Études maritainiennes / Maritain Studies, the Cahiers Jacques Maritain (được biên tập bởi Cercle d’Études ở Kolbsheim), và các Notes et documents (trong các ấn bản quốc tế và Brasil). Ngoài Institut International Jacques Maritain (Rome), hiện có một số hai mươi hiệp hội quốc gia họp thường xuyên để thảo luận Công trình của Maritain. Mối quan tâm liên tục tới tư tưởng của Maritain trong thế giới nói tiếng Anh đã dẫn đến việc xuất bản bộ sách gồm 20 tập, bằng tiếng Anh, tựa là The Collected Works of Jacques Maritain (Các tác phẩm được sưu tầm của Jacques Maritain) dưới sự bảo trợ của Nhà xuất bản Đại học Notre Dame.

Kỳ tới: Các đóng góp lớn lao của Jacques Maritain